Năm 2012, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đưa ra xét xử vụ bạo hành người giúp việc gây phẫn nộ trong dư luận tại phường Kim Mã. Bà chủ Trần Thị Tuyết M. đã thường xuyên chửi mắng, đánh vào người vào mặt người giúp việc tên Phạm thị P., đấm đá, ghè đầu người giúp việc lớn tuổi này vào tường nhà. Khi bắt gặp bà P ăn vụng bánh trên bàn thờ, bà M.đã bắt bà P. phải bới thùng rác tìm phân cháu ngoại của bà M. để… ăn ; cho rằng bà P. lười tắm bà M. đã ép bà P, vào phòng tắm, xối nước nóng vào bụng, mông, vùng kín khiến bà P. bị bỏng, rồi nào bắt nạn nhân ăn 2 lạng ớt cay v.v... Phiên tòa đã xử bà M. 18 tháng tù giam.
Chủ nhà bạo hành Trần Thị Tuyết Minh tại tòa sáng 16/5/2017
Mấy ngày nay dư luận lại xôn xao, phẫn nộ nhưng lần này lại là chuyện một người phụ nữ giúp việc ở Hà Nam bạo hành bé gái chỉ mới có 1 tháng mười mấy ngày tuổi, hết đánh vào mặt vào đầu lại rung lắc, tung hứng bé lên cao mặt cho bé khóc thét, chỉ vì bé khóc dỗ không nín. Người phụ nữ tên là Nguyễn Thị H. đã bị công an huyện Phủ Lý, Hà Nam bắt giam.
Đây chỉ là 2 trong nhiều câu chuyện gây sốc có liên quan đến người giúp việc ở Việt Nam. Bài viết này không muốn nói thêm về sự độc ác của hai nhân vật người chủ và người giúp việc kể trên, mà chỉ muốn nói về cái công việc ở Việt Nam chúng ta vẫn thường hay gọi là nghề giúp việc, ôsin (xuất phát từ bộ phim truyền hình nhiều tập Osin của Nhật Bản được chiếu ở Việt Nam nhiều năm trước), thậm chí tệ hơn : con ở, đi ở đợ, người hầu v.v...
Trước hết phải nói rằng giúp việc nhà là một cái nghề khá phổ biến ở Việt Nam. Nhất là trong thời buổi hiện tại, khi tầng lớp trung lưu cho tới khá giả ở Việt Nam tăng lên, thêm vào đó, phần lớn trong các gia đình Việt Nam bây giờ cả vợ cả chồng đều đi làm, công việc bận rộn khiến họ không có thì giờ vừa đi làm, vừa chăm lo coi sóc con cái cơm nước giặt giũ chợ búa...thế là đành phải thuê người giúp việc. Mà lương của người giúp việc ở Việt Nam thì rẻ, thuê người làm việc nhà vì vậy không có gì là ngoài tầm tay của các gia đình từ trung lưu trở lên. Mười nhà ở các thành phố lớn thì có đến 3, 4 nhà có người giúp việc, nhà có tiền còn thuê tài xế riêng, thuê gia sư về nhà kèm cặp cho con học, thuê người đến tận nhà massage, làm đẹp, hư cái gì là kêu thợ...
Chả bù cho ở các nước phát triển, gia đình giàu có cũng không dám thuê người giúp việc hoặc sang lắm thì thuê theo giờ, một ngày chừng 2,3 giờ vì trả lương cho người giúp việc không nổi, vợ chồng con cái đành phải chia nhau mà làm cho hết việc nhà.
Nói lan man một chút để thấy rằng việc thuê người giúp việc khá là phổ biến ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Đa phần người Việt muốn thuê người ăn ở luôn trong nhà, chuyện thuê theo giờ ít hơn, vì họ muốn người giúp việc có sẵn đó, lúc nào cần việc gì cũng có. Phổ biến nhưng cái nghề này lại không được tôn trọng và không phải lúc nào cũng được người thuê đối xử tử tế. Công việc thì bất cứ việc gì người thuê cần, giờ giấc bất kể giờ nào, hết việc trong nhà thì thôi, thứ Bảy Chủ Nhật ngày lễ gì cũng vậy. Có người sống với nhà chủ gần như cả cuộc đời, mỗi năm chỉ về nhà thăm gia đình vào dịp Tết, mà nếu không có gia đình thì coi nhà chủ như nhà mình.
Giờ giấc công việc như vậy, nhưng điều đáng nói hơn là cái nhìn của xã hội đối với công việc này vẫn là cái nhìn coi rẻ, gọi là người giúp việc còn đỡ, như đã nói ở trên, nhiều người còn gọi là nghề đi ở, ở đợ, người hầu kẻ hạ trong nhà...Cho nên chẳng mấy ai có học một chút hoặc có gia đình đàng hoàng lại chịu đi làm người giúp việc, đa phần là những người phụ nữ nội trợ, thất nghiệp ở nông thôn ra thành phố đi làm giúp việc để có thu nhập nuôi gia đình ở quê, và nghĩ rằng mình đi làm xa nhà nên họ hàng, xóm giềng cũng không biết mình ra thành phố làm nghề gì.
Chính vì người giúp việc đa phần là người ở nông thôn, ít học nên người thuê cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề như phải "huấn luyện" họ quen với đời sống ở thành thị, với cách sử dụng các loại phương tiện, máy móc, thói quen ăn uống nấu nướng trong nhà, nếu để họ chăm sóc con cái thì con cái vốn sống với người giúp việc nhiều thời gian hơn với cha mẹ sẽ ảnh hưởng một số thói quen, nếp sống, cho tới ngôn ngữ rặt tiếng địa phương của người giúp việc v.v... Chuyện giữa người thuê và người giúp việc hài lòng nhau, tin tưởng lẫn nhau, người thuê đối xử tử tế mà người giúp việc tận tâm hết lòng... được xem như chuyện may rủi, còn lại bao nhiêu gia đình thuê người giúp việc thì toàn thấy than phiền chuyện này chuyện kia, được dăm ba tháng một năm lại thấy đổi người...
Đó là chưa nói đến những mặt trái của cái nghề này, về phía người giúp việc, vì thường là tìm người thông qua người quen giới thiệu hay đăng báo nên không biết được thân nhân người giúp việc ra sao, có khi bị người giúp việc "khoắng" hết tiền vàng bạc rồi biến mất không một lời từ giã, có người vợ thuê cô giúp việc trẻ xinh xắn một thời gian mất luôn cả chồng vì đi làm suốt, ở nhà cô ôsin chăm chồng giỏi hơn mình. Ngược lại, người giúp việc nhiều khi cũng gặp nhiều bi kịch cay đắng, nào nhà chủ đối xử quá tệ, hay ông chủ quấy rối tình dục, thậm chí cưỡng bức có thai...
Ở Việt Nam sau này có nhiều gia đình người nước ngoài đến sinh sống làm việc lâu dài và họ cũng cần người giúp việc. Nhưng cách đối xử của những gia đình người nước ngoài này đối với người giúp việc khác hẳn. Thường thì họ chỉ thuê theo giờ, ít khi nào ăn ở toàn thời gian như người Việt. Công việc được thỏa thuận rất cụ thể, nếu làm thêm việc là tính thêm tiền, làm ngoài giờ, làm vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày lễ... là tính lương kiểu khác. Hai bện đối xử tôn trọng nhau. Những người giúp việc cho các gia đình người nước ngoài tất nhiên phải biết ngoại ngữ, nên có khi các cô sinh viên hay một số người có công việc cũng chịu đi làm thêm, có người mỗi tháng đi làm cho 3 gia đình người nước ngoài là thu nhập hơn cả công nhân viên chức.
Từ ví dụ này và từ thực tế ở các nước phát triển, có lẽ xã hội Việt Nam cần phải có cái nhìn thay đổi về nghề giúp việc. Phải xem đó là một công việc, một nghề như bao nhiêu nghề khác và phải được đối xử đàng hoàng chứ không phải là người hầu. Lương, giờ làm việc, công việc như thế nào phải cụ thể, rõ ràng. Hoặc chỉ nấu cơm dọn dẹp hoặc đưa đón lũ trẻ, chăm sóc trẻ em, hoặc chăm sóc người già. Nếu chăm sóc trẻ em hoặc chăm sóc người già thì phải được học qua những lớp huấn luyện, nhà nước phải tính đến chuyện mở những khóa đào tạo chăm sóc trẻ, hộ lý, chăm sóc người già...
Ở nước ngoài người đi làm những công việc này phải đăng ký với các cơ quan tìm việc-tìm người, phải có giấy tờ chứng minh thân nhân, khi người thuê đến các cơ quan này thì đã được bảo đảm về lý lịch, nhân thân của người giúp việc, không thể có chuyện người giúp việc một ngày biến mất cùng với tài sản của mình mà không sao tìm ra chẳng hạn. Ngược lại, cơ quan cũng biết được ai thuê người giúp việc để lỡ có chuyện bạo hành, đối xử không tử tế với người giúp việc thì người ta còn biết.
Những chuyện đó có lẽ chưa thực hiện được ở Việt Nam. Trước mắt, chỉ cần thay đổi cái nhìn của xã hội, coi đó là một nghề, phải có huấn luyện tùy theo từng nhóm công việc cụ thể. Như vậy sẽ bớt đi những trường hợp không yêu trẻ, không biết chăm sóc trẻ nhưng vẫn làm công việc giữ trẻ hoặc không thích mà vẫn phải chăm người già, như câu chuyện người phụ nữ bạo hành trẻ kể trên có thể vì không quen chăm trẻ con, vì tính cách không phù hợp với công việc này. Khi đã được xẻm là một nghề đàng hoàng, thậm chí sẽ có những cô sinh viên, những cô giáo về hưu đi làm thêm, và người thuê sẽ yên tâm hơn khi giao nhà cửa, con cái cho họ. Ngược lại, khi đã là một nghề thì phải được đối xử đàng hoàng, bình đẳng, không có chuyện bắt người giúp việc phải ăn cơm thừa canh cặn, hở chút thì mắng chửi, đánh đập.
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/11/2017 (songchi's blog)
"Tại phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhằm chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thất nghiệp tăng, riêng năm nay có 20.000 cử nhân thất nghiệp.
Ông cho biết thêm, thực tế, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab".
("80% tài xế xe ôm Grab, Uber là sinh viên, cử nhân thất nghiệp", VTC News)
Các sinh viên chụp hình kỷ niệm lễ tốt nghiệp ở Văn Miếu Hà Nội hôm 18/11/2014 - AFP
Nếu dự án chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục mà thành hiện thực, thì mai mốt đi chăn lợn, chạy xe ôm cũng phải có bằng tiến sĩ chứ nếu không thừa tiến sĩ quá biết dùng làm gì ?
Lâu nay chúng ta đã nói nhiều về sự lãng phí tiền bạc, phung phí các tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong cách điều hành lãnh đạo đất nước suốt mấy chục năm qua của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam. Đất nước còn nghèo, đa số người dân còn sống hết sức chật vật, chạy ăn từng bữa, nhưng sự phung phí của nhà cầm quyền vào những dự án vô bổ, những công trình "khủng" về mặt kinh phí nhưng chất lượng thì tồi, thấp, chưa hoạt động được bao lâu đã xuống cấp, hư hỏng, phải đổ tiền ra sửa chữa, những vụ tham nhũng, thất thoát với những con số lên đến hàng trăm triệu đô la… cứ diễn ra trong mọi lĩnh vực, từ địa phương tới trung ương, với mức độ ngày càng lớn.
Một kết luận ngắn gọn về nhà cầm quyền Việt Nam : Làm thì ít, thì dở, mà phá hoại thì nhiều, hoặc nói như bà Cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan : "Người ta ăn của dân không từ cái gì".
Do vậy, ngay từ khi Bộ Giáo dục đề cập đến dự án sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, dư luận nhìn chung đã không có chút tin tưởng nào vào sự chính đáng hay sự thành công của dự án. Mặc cho ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã trình bày lý do, rằng :
"Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của đề án 911 là phải đạt 35%. Với 9.000 tiến sĩ như trong đề án này thì cũng mới đạt được 30%. Bên cạnh đó, 9.000 tiến sĩ này cũng không phải là đào tạo mới và đề án này cũng không phải là đề án mới. Đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài. Rồi cơ chế, chính sách làm sao để cho các tiến sĩ làm việc tốt, đặc biệt là với các tiến sĩ kiêm nhiệm. Chúng ta phải tạo điều kiện cho các nhà khoa học về các trường Đại học để cống hiến…".
("12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ : Bộ trưởng Giáo dục nói gì ?", Tiền Phong)
Lại "âm mưu" vẽ chuyện để kiếm chác từ tiền thuế của nhân dân đây, hoặc, lại một dự án phung phí tiền bạc nữa-nhiều người lên tiếng trên các trang mạng xã hội.
Trong bài phỏng vấn trên đài RFA, "Thêm 9000 tiến sĩ : "Một dự án sớm thất bại !", Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng và Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cũng tỏ ra không tin tưởng, không đồng tình. Vì một thực tế ai cũng thấy, Việt Nam không phải đang có tỷ lệ tiến sĩ quá thấp như ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói mà ngược lại, Việt Nam có quá nhiều tiến sĩ có "chất lượng" chẳng ra sao, và vấn đề không phải là "số lượng" mà là "chất lượng".
Ở đây không chỉ là lãng phí tiền bạc mà còn là lãng phí về con người đối với xã hội khi đào tạo mà không hiệu qủa, và đối với bản thân chính người đó, là lãng phí thời gian trong đời, khi bỏ ra mấy năm học mà cuối cùng lại không làm được việc. Trường hợp hàng ngàn Cử nhân ra trường rồi thất nghiệp, ra trường chạy xe ôm, taxi hay về quê chăn lợn như vừa nói ở trên là thực tế đang diễn ra. Tiến sĩ cũng vậy, tiến sĩ nhiều nhưng từ đề tài, luận văn tốt nghiệp cho tới những công trình khoa học thực sự có giá trị thì ít.
Thực sự Việt Nam đang cần thợ cho ra thợ, thợ giỏi tay nghề trong nhiều lĩnh vực chứ không cần nhiều tiến sĩ "giấy", ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục ạ.
Thay vì chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ có lẽ nên nghiên cứu lại mấy trường dạy nghề ở Việt Nam, làm sao có những khóa/ngành đào tạo thợ trong nhiều lĩnh vực cho tốt, có tay nghề hẳn hoi, từ điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, nấu ăn, nhà hàng, bảo mẫu, hộ lý, chăm sóc người già v.v… Học xong vừa kiếm sống được mà nếu có xin đi lạo động ở nước ngoài, có tay nghề giỏi nước người ta còn chuộng hơn là có mấy cái bằng với mớ kiến thức nặng lý thuyết, sách vở !
Hãy lấy ví dụ từ các nước Bắc Âu, như Na Uy chẳng hạn, họ đã làm rất giỏi trong việc cân bằng giữa tỷ lệ "thầy" và "thợ".
Chương trình trung học ở Na Uy được chia như sau :
Barneskole, Ungdomsskole và Videregående.
- Barneskole, tức bậc tiểu học là 7 năm, từ lớp 1 đến lớp 7,
- Ungdomsskole, tức bậc trung học cơ sở (theo cách gọi ở Việt Nam bây giờ) hay trung học đệ nhất cấp (theo cách gọi thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa) là 3 năm.
Videregående, tức trung học phổ thông (theo cách gọi ở Việt Nam bây giờ) hay trung học đệ nhị cấp (theo cách gọi thời chế độ Việt Nam Cộng Hòa).
Ở bậc videregåendehọc sinh có thể chọn lựa giữa chương trình học kiến thức tổng hợp hoặc chương trình học nghề. Những học sinh chọn học kiến thức tổng hợp sẽ học thêm 3 năm, tổng cộng 13 năm để hoàn tất chương trình trung học, sau đó tiếp tục theo học đại học hoặc cao đẳng.
Những học sinh chọn chương trình học nghề sẽ phải mất 4 năm : 2 năm lý thuyết ở trường và 2 năm thực tập. Chương trình dạy nghề có nhiều ngành khác nhau để các em lựa chọn theo thiên hướng, sở thích, ví dụ : kỹ thuật và công nghiệp, điện tử, xây dựng, nhà hàng và phục vụ, y tế và chăm sóc xã hội v.v… Với những em không có khả năng học lên cao, sẽ chọn học nghề.
Lý do khiến cho tỷ lệ chọn học lên cao và chọn học trường nghề ở Na Uy không quá chênh lệch, tạo ra sự cân bằng giữa các ngành nghề, vị trí trong xã hội, là do chế độ lương bổng, đãi ngộ, an sinh xã hội rất tốt dành cho mọi nghành nghề, dù học cao, là kỹ sư bác sĩ, tiến sĩ hay chỉ là người lái xe, người bán hảng trong siêu thị. Thậm chí, càng học nhiều, lương càng cao thì càng phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn, ví dụ người lương ít thì thuế khoảng 20%, lương cao thuế 30%, 36%, thậm chí trên 40%. Điều đó giúp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không quá chênh lệch. Điều quan trọng hơn là cái nhìn của xã hội. Người dân ở các nước Bắc Âu không bị sức ép về bằng cấp, sức ép phải là ông này bà kia, có nhà to, có xe đẹp ; người giàu người không giàu, người học cao người học thấp đều cảm thấy nhẹ nhàng, không đến nỗi phải khổ sở vì mặc cảm thua sút, mình là người thất bại, như ở một số quốc gia khác.
Trong khi đó, ở Việt Nam, sở dĩ có tình trạng mất cân đối giữa thầy và thợ, tình trạng cố chen vào đại học, tình trạng chạy bằng, mua bằng, bằng cấp giả tràn lan... là do những nguyên nhân sau :
Một là, văn hóa Việt Nam từ xưa đến giờ vốn trọng bằng cấp, tâm lý nhiều người Việt cũng vậy, chuộng cái bằng, ham làm thầy hơn làm thợ, nhà nghèo, cực khổ đến đâu cũng ráng chạy vạy cho con vào được đại học dù sau này học xong cũng thất nghiệp, nhưng vẫn là "thất nghiệp có chữ, có học" ! Rốt cuộc "thầy chẳng ra thầy, thợ chẳng ra thợ", dở dang, chỉ khổ thêm cho mình và cho cha mẹ, gia đình.
Hai là, chế độ công sản đã làm nảy sinh thêm những "căn bệnh" thành tích, hình thức, chạy theo bề ngoài. Học không phải để có kiến thức thực sự mà để có bằng, bằng cấp càng cao thì càng tìm được những cái "ghế" ngon lành ngồi trên đầu trên cổ thiên hạ v.v...
Ba là, mức lương bổng, đãi ngộ giữa những người có bằng cấp và những người chỉ làm thợ, làm lao động chênh lệch rất xa, nên không mấy ai muốn đi làm những công việc bình thường.
Chừng nào những điều này còn chưa thay đổi, thì chừng đó "căn bệnh" chuộng bằng cấp vẫn còn và những dự án kiểu như đào tạo hàng nghìn tiến sĩ với suy nghĩ "tỷ lệ tiến sĩ ở Việt Nam vẫn còn quá thấp" của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục vẫn sẽ được triển khai. Lo đào tạo tiến sĩ làm gì khi đời sống của đa số giáo viên, người thầy giáo còn quá vất vả, lương không đủ sống, dẫn đến chuyện dạy thêm, "phong bì", làm mất đi hình ảnh được tôn trọng của người thầy trong mắt xã hội. Hoặc lo đào tạo Tiến sĩ làm gì khi từ sách giáo khoa ở bậc Tiểu học cho đến băng rôn, biểu ngữ trên đường, ngay trên TV, báo đài quốc gia...còn viết sai chính tả, nói ngọng tùm lum ? Mà ngay bản thân người đứng đầu ngành Giáo dục là ông Bộ trưởng cũng không thèm chỉnh sửa cái tật nói ngọng, lẫn lộn l, n của mình ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 21/11/2017
Trong những năm qua, chúng ta đã nói quá nhiều đến sự vô cảm trong xã hội Việt Nam. Vô cảm đã trở thành một trong những "căn bệnh mãn tính", cũng như tham nhũng, sự dối trá, bệnh hình thức… Nhưng dường như càng ngày "căn bệnh" này càng nặng hơn, "lây lan" đến rất nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Thủy điện xả lũ đúng quy trình, biển nước nhấn chìm cả khu vực dân cư - Ảnh minh họa
Đám lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản cho tới hầu hết các quan chức từ trên xuống dưới thì vô cảm là chuyện thường thấy, không có gì phải ngạc nhiên. Điều đó khởi nguồn từ bản chất của Đảng cộng sản Việt Nam, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích của quốc gia, dân tộc. Những con người đang nằm trong cái đảng phái chính trị đó, cái guồng máy đó, do vậy, chẳng hề quan tâm gì đến đất nước, nhân dân. Họ chỉ quan tâm đến sự tồn tại của đảng vì nó gắn chặt với quyền lợi của họ, "còn đảng còn mình".
Song cứ mỗi khi có một chuyện gì đó, như thiên tai ập xuống (mà trong đó thiên tai chỉ chiếm một phần, nhân tai mới là chín phần), sự vô cảm của họ càng bộc lộ rõ ràng đến nhức nhối trước mắt mọi người.
Trong tháng 9 vừa qua, mưa lũ cộng cơn bão Doksuri, tức cơn bão số 10, tràn vào Việt Nam làm chết và mất tích trên dưới trăm người, tang thương khôn xiết, nước mắt người dân ở nhiều khu vực miền Trung còn chưa kịp khô thì nay bão Damrey, tức cơn bão số 12 lại kéo đến, lại thêm vài chục người chết, còn thiêt hại về nhà cửa, tài sản, mùa màng, thì chưa có con số nào thống kê cho kịp. Ấy vậy mà thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam như thế nào ?
Thời điểm xảy ra bão số 10, đám lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam còn đang bận tổ chức hội nghị trung ương 6 (khóa 12). Không một ngày quốc tang, không mảy may động lòng, từ đám "tứ trụ", Bộ chính trị cho tới các đảng viên, cán bộ, quan chức Việt Nam ngồi trong những phòng họp sang trọng, êm ấm, an toàn, bàn chuyện "quốc gia đại sự" trong lúc trên thực tế người dân đang vật lộn với bão, lũ, với cái chết. Báo chí, trên các trang mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh thương tâm : hai mẹ con ôm nhau chết vùi trong đất lở, một bà cụ chết nằm ngửa trện mặt nước hai tay còn giơ lên chới với như cầu cứu, mấy đứa trẻ trần truồng nằm sấp nằm ngửa tím tái, những chiếc quan tài được đặt đó và người thân đang mòn mỏi chờ vớt được xác người chết…
Ai cũng biết, lũ lụt ở Việt Nam một phần là do thiên tai, nhưng cái chính là do nạn phá rừng bừa bãi vô tội vạ, việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện làm ảnh hưởng tới dòng chảy của nước, làm mất thêm diện tích rừng, thêm vào đó, thủy điện xả lũ khiến lũ chồng lũ, tai họa càng lớn. Cứ mỗi năm lũ lụt càng nghiêm trọng hơn, thiệt hại càng nặng nề hơn.
Người dân phẫn nộ vì năm nào cũng có bão lũ, xả lũ, nhưng không có ai chịu trách nhiệm gì, mà các quan chức lãnh đạo thì mở miệng ra là tránh né, đổ thừa : "Xả lũ đúng quy trình, không biết trước hậu quả", "Vỡ đê theo kế hoạch", "Rút kinh nghiệm sâu sắc"…Bao nhiêu năm sống chung với bão lũ, nhưng công tác phòng chống, cứu hộ vẫn không sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, năm nào cũng có người chết, hàng chục, hàng trăm người !
Và bây giờ, bão Damrey, lại tiếp tục những con số thương vong lạnh lùng, lại tiếp tục nhà cửa tài sản tan hoang… Nhưng giữa Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và dàn lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam thì bận bịu tổ chức trọng thể 100 năm cách mạng tháng Mười Nga ! Buổi lễ ngập tràn màu cờ đỏ như máu, hình ảnh búa liềm, hình ảnh "cuộc cách mạng tháng 10 Nga" và bài diễn văn dài dòng ca ngợi cuộc cách mạng vĩ đại với những từ ngữ cũ rích như từ cả thế kỷ trước của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng ngày 5/11, tại Công viên Lenin (Hà Nội), báo chí đưa tin, chụp hình đoàn đại biểu Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đến dâng hoa tưởng niệm tại tượng đài V.I. Lenin ! Cả bộ sậu nghiêm trang kính cẩn cúi đầu tri ân trước tượng đài !
Cái cuộc cách mạng mà ngay ở nước Nga bây giờ người ta cũng chẳng muốn nhớ tới, còn trong mắt nhân loại thì cách mạng tháng Mười Nga, thời kỳ Xô Viết, chủ nghĩa cộng sản, những cái tên như Lênin, Stalin v.v…chỉ gợi lên những ký ức kinh hoàng của một thứ chủ nghĩa đã giết chết 100 triệu con người tại những quốc gia đi theo con đường này, gấp mấy lần chủ nghĩa phát xít ! Và gợi lại một thời kỳ thoái trào của sự tự do, dân chủ, nhường chỗ cho sự độc tài toàn trị và cái ác lên ngôi !
Song, sự vô cảm, vô đạo đức, mông muội ở nước này đâu chỉ dành riêng cho giới quan chức !
Ngay trong đêm 4/11, bất chấp công văn yêu cầu hoãn lại của UBND tỉnh Khánh Hòa, BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 vẫn tổ chức cho thí sinh thi vòng bán kết ngay trên vùng đất tâm bão là Nha Trang, thuộc tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão vừa mới đi qua, cảnh tan hoang bày ra khắp nơi, VTV vẫn tiếp tục phát sóng, các em thí sinh vẫn tiếp tục cười tươi, phô diễn những đường cong thân thể…
Khoan hãy nói đến những cuộc thi Hoa hậu được tổ chức tràn lan trong những năm qua, tốn kém bao nhiêu tiển của nhưng thực tế chả đem lại lợi lộc gì cho một quốc gia còn nghèo, kinh tế đang trong giai đoạn khủng hoảng, nợ công ngày càng cao, và một xã hội còn đang có quá nhiều vấn đề bất công, phi lý phải lo giải quyết ; chỉ nói đến chuyện họ cứ tổ chức cho bằng được chỉ vì hoãn một ngày là tốn kém bao nhiêu tiền ! Cái tư duy chỉ biết có tiền !
Một thành viên trong Ban Giám khảo, MC Phan Anh còn viết trên facebook trả lời một ý kiến cho rằng nên dừng/hủy cuộc thì trong thời điểm này : Hủy thì được gì hả bạn ? Một thành viên khác trong Ban Giám khảo, một cô Á hậu thì viết trên facebook, so sánh : "Bão Damrey đến rồi đi trong đêm, không nhằm gì so với thiệt hại của những cơn bão không hồi kết cho đương kim hoa hậu đâu em ạ… Những bàn tay nõn nà của tôi, đừng bị trầy xước gì nhé'.
Họ tự bào chữa rằng cuộc thi có dừng lại thì cũng có giúp ích gì cho bão lũ đâu, chúng tôi cứ tổ chức nhưng chúng tôi sẽ cho các người đẹp mang một số quà đi ủy lạo cho bà con bị bão lũ, như vậy là chúng tôi cũng có tinh thần tương thân tương trợ với bà con !
Đúng là cuộc thi có dừng thì cũng không giúp ích gì cho bão lũ, nhưng đó là sự chia sẻ, là cái đạo đức làm người tối thiểu ! Và đừng so sánh việc phải dừng một cuộc thi với chuyện "Ví dụ như nhà này có đám ma, nhà bên cạnh có đám cưới, thì một bên bớt vui đi một chút cho hợp đạo chứ phải dừng ngày cưới lại mới hài lòng ư ?" (MC Phan Anh), hoặc so sánh nỗi đau mất nhà, mất người thân với "bão" dư luận mà các Hoa hậu, Á hậu phải chịu.
Những phát ngôn "hồn nhiên" hay việc cứ tổ chức chương trình, bộc lộ nếp suy nghĩ được hình thành từ trong một xã hội mà con người đã quen với sự vô cảm, điều không tử tế. Cũng giống như các quan chức Việt Nam hay thản nhiên dùng những cụm từ "đúng quy trình", "có kế hoạch"…đều là những suy nghĩ đã thành nếp trong tư duy.
Khi bị dư luận phản ứng, những người đã có những câu phát ngôn phản cảm liền chống chế, xin lỗi, Ban tổ chức thì cho rằng bán kết sau bão nên không ảnh hưởng gì, rằng đã tổ chức cho thí sinh đi thăm hỏi, chia sẻ với bà con và sẽ dành toàn bộ tiền bán vé đêm bán kết để hỗ trợ tiếp, nhưng rõ ràng đó chỉ là những hành động nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận. Còn tấm lòng thực sự hay cái đạo đức tối thiểu đã không có được từ trong những kẻ tổ chức cuộc thi, dàn Giám khảo cho tới toàn bộ đài truyền hình quốc gia, đám biên tập viên thực hiện việc thu hình, phát sóng chương trình này.
Không muốn kể ra hàng loạt những ví dụ về chuyện các nước khác, từ quan chức chính khách cho tới người dân sẽ ứng xử như thế nào khi trong nước có thảm họa, thiên tai.
Chỉ muốn nói rằng khi sự vô cảm đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", lan tràn trong mọi tầng lớp của xã hội, thì dân tộc đó thật sự bất hạnh. Để xây lại từ đầu một mô hình thể chế chính trị, để vực dậy một nền kinh tế, dẫu khó, nhưng vẫn còn ít tốn thời gian hơn xây dựng lại một xã hội mà đạo đức bị suy thoái đến tận cùng, con người không còn có những cảm xúc nhân văn, những tình cảm hướng thiện đối với cuộc đời và với đồng loại !
Song Chi
Nguồn : RFA, 08/11/017 (songchi's blog)
Đại hội lần thứ 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc đã kết thúc cùng với việc vị thế của Tâp Cận Bình được nâng lên ngang với Mao Trạch Đông và hơn cả Đặng Tiểu Bình, khi tư tưởng của Tập, "Tư tưởng xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình" được đưa vào điều lệ đảng (trước đây, chỉ có Mao là lãnh đạo còn đương quyền khi tư tưởng của Mao được đưa vào văn bản. "Lý luận Đặng Tiểu Bình" chỉ được nêu trong điều lệ Đảng sau khi Đặng qua đời năm 1997). Đồng thời, Trung Quốc cũng rủ bỏ chính sách "náu mình chờ thời" của họ Đặng, công khai bộc lộ ý đồ muốn vươn lên thành một siêu cường, muốn tham gia nhiều hơn vào công việc của thế giới.
Chân dung Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và cố Chủ tịch Mao Trạch Đông tại một chợ ở Bắc Kinh. Hình chụp hôm 19/9/2017 - AFP
Cùng là hai đảng cộng sản, cùng đi theo mô hình độc đảng độc tài có pha chất phong kiến lạc hậu cộng chất tư bản thời kỳ man rợ, nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua những nhân vật lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược hàng trăm năm và có tham vọng rất lớn cho đất nước, nên Trung Quốc phát triển trở thành một cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, một quốc gia có sức mạnh quân sự đáng gờm, và đang có tham vọng sẽ lãnh đạo toàn thế giới kể từ năm 2050 (tất nhiên vì là một nước độc tài chuyên chế nên trong nội bộ Trung Quốc vẫn chứa đựng rất nhiểu khiếm khuyết, mâu thuẫn, bất ổn… có khả năng sẽ làm sụp đổ quốc gia khổng lồ này, như đã từng xảy ra với những quốc gia độc tài chuyên chế khác trong lịch sử, khi người dân không có tự do, dân chủ, nhân quyền bị chà đạp, khoảng cách giàu nghèo quá lớn và xã hội đầy rẫy những bất công).
Trong khi đó, đảng cộng sản Việt Nam, qua bao nhiêu đời lãnh đạo, không có ai thực sự có tầm nhìn xa, có tham vọng lớn, nên chỉ toàn đóng vai trò đàn em, phụ thuộc. Suốt hai cuộc chiến tranh chống Mỹ chống Pháp thì tồn tại và "chiến thắng" nhờ vào sự viện trợ mọi mặt của Liên Xô, Trung Quốc ; về kinh tế, mô hình thể chế chính trị, thì hết sao chép mô hình của Liên Xô thời bao cấp lại copy mô hình "kinh tế thị trường có sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cộng sản" của Tàu… Nhưng là những phiên bản copy kém cỏi hơn hẳn !
Có thể hiểu được tại sao nhiều người Trung Quốc, nhất là thế hệ sinh ra khi quốc gia này đã phát triển về kinh tế, vẫn cảm thấy tin tưởng vào Đảng cộng sản Trung Quốc, và không quan tâm nhiều đến những khái niệm như quyền tự do, dân chủ, đa đảng, tam quyền pháp trị… Trong mắt họ, dù sao đảng cộng sản cũng đã làm cho Trung Quốc trở nên giàu mạnh, có vị thế trên thế giới, còn những khái niệm xa xỉ kia họ không cần, khi họ có thể thoải mái kiếm tiền, xài tiền, đi du lịch khắp thế giới còn con cái họ thì đang học tại những trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Còn người Việt ? Chúng ta không có bất cứ lý do gì để còn tin tưởng, tự hào vào đảng cộng sản cả. Chiến thắng hai đế quốc, thực dân mạnh nhất thế giới kia để làm gì khi đất nước ngày nay tụt hậu quá xa, ngay cả so với các nước láng giềng trong khu vực, đại đa số người dân vẫn còn quá khốn khổ ? Chiến thắng với cái giá quá đắt, thắng trong cuộc chiến, nhưng đại bại trong hòa bình. Thống nhất để làm gì khi không thống nhất được lòng dân, dù đã hơn 4 thập niên sau khi chiến tranh kết thúc ? Có khi cứ để hai quốc gia như trước, rồi thống nhất bằng một con đường hòa bình và lại có sẵn một nửa nước phát triển, phồn thịnh để vực nửa kia lên, như nước Đức và tương lại của bán đảo Triều Tiên còn hay hơn.
Nguyên nhân là do đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ biết đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trện quyền lợi của đảng, nên phải cưỡng chiếm miền Nam, giành quyền lãnh đạo trên toàn quốc bằng mọi giá, và giờ đây đang sống chết bảo vệ quyền độc tôn lãnh đạo ấy, bất chấp mọi thiệt thòi, tai hại cho đất nước, dân tộc. Trung Quốc, ngược lại, thâm độc khi xúi bẩy Bắc Việt tiếp tục tiến hành chiến tranh, để Trung Quốc thủ lợi, "đánh Mỹ bằng máu của người Việt Nam", còn đối với nước họ, họ không tìm cách giành lại Đài Loan bằng chiến tranh bởi vì "người Hoa không đánh người Hoa".
Hoặc khi thu nhận lại Hong Kong từ tay Anh Quốc, Trung Quốc chấp nhận chính sách "một quốc gia hai chế độ" vì họ biết rằng nếu cứ để cho Hong Kong phát triển theo mô hình cũ thêm một thời gian thì bản thân nước mẹ Trung Hoa sẽ học được rất nhiều cái hay, được nhiều cái lợi từ Hong Kong. Và họ cũng bắn tiếng như thế để "dụ dỗ" Đài Loan trở về với đại lục !
Giá mà những người cộng sản Việt Nam cũng nghĩ được như vậy, sau ngày 30/4/1975, thay vì đánh sập, tiêu diệt mọi mặt từ kinh tế cho đến văn hóa, xã hội… ở miền Nam để rồi hơn mười năm sau, cả nước đứng trên bờ vực sụp đổ về kinh tế và họ phải buộc "đổi mới", thực chất là "đổi lại một phần như cũ" mô hình kinh tế thị trường, tự do ở miền Nam !
Người dân Việt càng không có bất cứ lý do gì để tin tưởng, tự hào vào sự lãnh đạo của đảng cộng sản khi sau hơn 40 năm, vị trí của Việt Nam và người Việt Nam trên thế giới nó tệ hại, nhỏ nhoi đến mức nào. Cuối cùng, điều khác biệt quan trọng nhất, đó là nếu Đảng cộng sản Trung Quốc có tồn tại thêm vài ba thập niên nữa thì Trung Quốc cũng chả mất đi một tấc lãnh thổ lãnh hải nào, thậm chí còn được thêm do lấn biển, chiếm đảo của các nước láng giềng, nhưng đảng cộng sản Việt Nam mà tồn tại thêm chừng một thập niên nữa thôi, thì Việt Nam nhiều phần chỉ còn là một khu tự trị của Tàu ! Và đất nước này chả còn lại gì, mọi thứ tài nguyên cho đến đất đai đã bị khai thác, đem cho vay cho thuê, đem bán sạch… Chỉ còn lại một đống nợ !
Một cái đảng cầm quyền không đem lại được lợi lộc gì cho nước cho dân, chỉ toàn phá hoại, thì có lý do gì để vẫn tồn tại trên đầu trên cổ nhân dân, làm mất đi thêm bao nhiêu cơ hội và làm chậm thêm thời gian làm lại từ đầu của đất nước ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/10/2017
Nhân chuyện ông Hoàng Khải, một doanh nhân lẫy lừng với thương hiệu Khaisilk phải lên tiếng xin lỗi khách hàng vì bán lụa Tàu suốt gần 30 năm qua, nhớ lại miền Nam trước năm 1975 từng có hàng loạt doanh nhân làm ăn tử tế với những thương hiệu Việt lừng lẫy một thời như xà bông Cô Ba, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín, dầu cù là Mac Phsu, dầu gió Nhị Thiên Đường, bột ngọt Vị Hương Tố, bia la-de Con Cọp, kem đánh răng Hynos, xe hơi La Dalat v.v…
Cửa hàng Khaisilk bán hàng 'made in China' chiều 26/10
Cái làm nên tên tuổi, thương hiệu thời đó là từ đạo đức kinh doanh của các doanh nhân. Họ làm ăn đàng hoàng, tôn trọng khách hàng, trân trọng sản phẩm của chính mình và hết sức giữ chữ tín. Nhưng sâu xa hơn, sở dĩ họ làm được như vậy là vì họ có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, họ muốn tạo ra những sản phẩm Việt Nam chứ không muốn người Việt phải dùng hàng ngoại.
Còn bây giờ, đốt đuốc tìm không ra một doanh nghiêp chân chính, mà toàn là những cung cách làm ăn chụp giựt, thất nhân tâm, không cần biết chữ tín nhan nhản khắp nơi. Tại sao vậy ? Vì bây giờ thiên hạ chỉ muốn làm giàu, làm giàu thật nhanh, vơ vét cho nhiều. Cái thương hiệu lắm khi chỉ là cái bình phong để họ làm chuyện khác, ví dụ như Khaisilk, mảng lụa tơ tằm đâu phải là nguồn thu nhập chính của đại gia này, khi bên cạnh đó ông Hoàng Khải còn kinh doanh bất động sản, nhà hàng, resort, văn phòng cho thuê… Ông Hoàng Khải không sống chết vì lụa.
Nguyên nhân sâu xa hơn là xã hội bây giờ sự dối trá, lừa lọc quá nhiều, con người ta đã quen với chuyện đó và chuyện sống tử tế, làm ăn đàng hoàng trở nên vô cùng hiếm hoi. Thứ hai, người ta không còn yêu nước nữa. Nếu thực sự yêu nước, có lòng tự hào dân tộc, cỡ ông Hoàng Khải thừa sức xây dựng cả một làng sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam, vừ a tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hàng ngàn con người, vừa bảo tồn ngành lụa tơ tằm Việt Nam và đưa lụa Việt ra với thế giới…Nhưng làm thế cực công lắm, làm nhà hàng, resort, buôn bán bất động sản mau giàu hơn nhiều… Chả phải riêng gì một cá nhân ông Hoàng Khải.
Cho nên, trong một xã hội đàng hoàng, ngay như ở MN trước năm 1975, một doanh nhân giàu lên sẽ tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn hàng triệu con người, sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị, làm nên thương hiệu cho đất nước, thậm chí xuất khẩu và đem ngoại tệ về cho đất nước. Còn bây giờ, khi một đại gia giàu lên là bao nhiêu dân oan mất đất, bao nhiêu rừng bị phá, tài nguyên bị khai thác, vơ vét, bao nhiêu đất nông nghiệp bị cướp và chuyển đổi thành đất tư, đất kinh doanh…
Ở nước ta bây giờ, đạo đức trong môi trường chính trị đã không có, đạo đức trong môi trường kinh doanh, thậm chí trong văn hóa nghệ thuật cũng không.
Song Chi
Nguồn : RFA, 26/10/2017 (songchi's blog)
Báo chí, dư luận Việt Nam trong suốt những năm qua đã chỉ trích nhiều đến lời ăn tiếng nói, việc làm của các quan chức chính khách, đảng viên đảng cộng sản. Trước hết là những phát ngôn của quý vị quan chức. Không mở mồm thì thôi, cứ mở mồm là bị dân "ném đá".
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến : "Tăng viện phí là… thành tựu y tế"
Có phải họ dốt nát, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức ? Cũng có một phần. Nhưng chủ yếu là những "căn bệnh" khác.
1. Sự vô cảm, quan liêu
Đây là "căn bệnh" mà ai cũng thấy rõ nhất, ở các cán bộ, quan chức, chính khách Việt. Sự vô cảm bộc lộ từ lời nói cho tới hành động. Vô cảm trước nỗi khổ của nhân dân, trước thực trạng nhìn vào đâu cũng nát bét của xã hội, trước vận mệnh và tương lai của đất nước. Không thể kể hết những phát ngôn "đỉnh cao" của sự vô cảm này, chỉ xin đưa ra vài ví dụ :
"Tăng viện phí là… thành tựu y tế", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012.
"Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trả lời báo chí về vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vaccine, năm 2013.
"Tù nhân Việt Nam còn sướng hơn sinh viên thời xưa", Đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương (nguồn : Pháp luật VN) (Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2015, blog Một góc nhìn khác).
"Theo điều tra của chúng tôi thì tỉ lệ thất nghiệp (do Formosa xả thải giết biển miền Trung) không cao.
"Bởi vì người Việt Nam thì không bao giờ ngồi một chỗ để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm".
…. Qua đánh giá này chúng tôi cũng thấy thu nhập của người dân bị ảnh hưởng cũng vừa phải", bà Nguyễn Thị Hải Vân, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, phát ngôn năm 2016 (nguồn : Một Thế Giới).
Còn hành động ? Chỉ một ví dụ, năm nào Việt Nam cũng có bão lũ, không phải là chuyện mới mẻ gì, nhưng năm nào cũng có người chết, mất tích, và càng năm số người chết càng cao hơn, thiệt hại càng nặng nề hơn. Như năm nay chẳng hạn, con số người chết lên tới cả trăm người. Có hai việc mà nhà cầm quyền phải làm cho được vì đó là trách nhiệm của họ : rút kinh nghiệm những năm trước để tìm cách tổ chức công tác phòng chống bão lũ và cứu hộ được tốt hơn. Thứ hai, tìm hiểu nguyên nhân tận gốc rễ của lũ lụt để xử lý.
Ai cũng biết, ở nước ta, thiên tai chỉ là một phần, nhân họa mới là chin, mười phần. Nạn phá rừng vô tội vạ, thủy điện xả lũ khiến lũ chồng lũ, rồi những tác động phá hoại môi trường khác của con người… Nếu không trừng trị thật nghiêm khắc những kẻ phá rừng, truy tố trách nhiệm những ai xả lũ làm chết dân, đóng cửa các đập thủy điện và thay thế nguồn thủy điện bằng nguồn điện từ năng lượng gió, năng lượng mặt trời…thì tình trạng lũ lụt, lở đất sẽ cứ tiếp tục xảy ra, càng năm càng nghiêm trọng hơn. Nhưng họ không làm.
Trong những ngày cao điểm xảy ra bão lũ, khi hình ảnh những cái chết thương tâm, tức tưởi của người dân được đăng đầy trên báo chí, trên mạng xã hội, thì không ai trong "tứ trụ" của đảng cộng sản Việt Nam có một lời nói chia sẻ với nhân dân hay cho tổ chức dù chỉ một ngày quốc tang. Ông Tổng Bí thư, ông Chủ tịch nước còn đang đi gặp cử tri, nói kết quả đại hội VI của đảng, nói về chuyện chống tham nhũng, "đốt lò", bà Chủ tịch Quốc hội cũng chả thấy mặt đâu… Thế nhưng khi Fidel Castro chết thì nhà nước này để quốc tang, không có trực thăng để công tác cứu hộ dân được nhanh hơn nhưng khi máy bay của Malaysia mất tích thì nhà nước này huy động một số lượng lớn tàu, máy bay, trực thăng cứu hộ để thực hiện công tác tìm kiếm suốt mấy ngày liền v.v…Thậm chí, còn dùng trực thăng đưa ông Chủ tịch Thành phố Cần Thơ đi phẫu thuật "Huy động trực thăng đưa Chủ tịch Thành phố Cần Thơ đi phẫu thuật", báo Tuổi Trẻ năm 2013.
Đó chỉ là một trong vô vàn ví dụ về thói vô cảm của quan chức Việt Nam.
2. "Căn bệnh" chủ quan, hoang tưởng, xa rời thực tế hoặc thói mị dân
Lắm khi quan chức Việt Nam phát ngôn, người dân cứ tự hỏi họ có thật sự nghĩ như vậy không bởi vì những phát ngôn của họ rất chủ quan, xa rời, thậm chí trái ngược với thực tế, thực trạng của đất nước.
Ví dụ :
"Thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (nguồn : VOV) (Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2015, blog Một góc nhìn khác).
"Nhìn tổng quát, đất nước ta có bao giờ được thế này không ?" – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phát biểu tại ngày hội đại đoàn kết thôn Phật Tích (Tiên Du, Bắc Ninh), 13/11/2016-(Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2016, blog Một góc nhìn khác).
"Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, biết kế thừa những tinh hoa dân chủ của các Nhà nước pháp quyền trong lịch sử và đã, đang phát triển lên tầm cao mới, khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản…" Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong bài viết trên báo Nhân dân điện tử vào ngày 5/11/2011.
"Tư tưởng kinh tế của Bác Hồ là tư tưởng hàng đầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, không hề thua kém kinh tế thị trường của Harvard hay các trường đại học nào khác !" – Chủ tịch Phòng thương mại- công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (nguồn : Infonet) ("Top ten phát ngôn ấn tượng năm 2015, blog Một góc nhìn khác)
Rồi nào ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn làm thủ đô Hà Nội đẹp như Paris, ông Đinh La Thăng, Cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố Thành phố Hồ Chí Minh phải giành lại vị trí số 1 trong khu vực, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh lại muốn "biến khu trung tâm Sài Gòn "thành Singgapore thu nhỏ" v.v…
Có thể với một số quan chức Việt, họ phát biểu chỉ để mị dân, còn nếu đó là những suy nghĩ thật của họ, thì hoặc là họ bị hoang tưởng, hoặc là đầu óc họ "có vấn đề" !
3. Né tránh trách nhiệm, không chịu thừa nhận cái sai, cái tội của mình
Quan chức Việt không có văn hóa nhận trách nhiệm, nhận lỗi. Khi xảy ra bất cứ chuyện gì thuộc phạm vi trách nhiệm của họ thì họ đổ lỗi cho bất cứ cái gì khác, nào do nguyên nhân khách quan, do "lỗi hệ thống", do cấp dưới, do người dân hoặc ngay cả lỗi do nạn nhân. Họ cù nhầy, cãi cùn, ngụy biện, đánh tráo khái niệm, hay thậm chí "sáng tạo" ra những khái niệm, những cụm từ mới để tránh né sự thật.
Ví dụ :
"Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh : không có "ùn tắc", chỉ có "ùn ứ giao thông", phát ngôn năm 2015 (nguồn : Kinh tế Sài Gòn)
"Chúng tôi đã xuống xác minh, thấy gà ăn quá no nên chết, nhưng người dân lại phao tin là do ăn cá biển. Thú y cũng lên kiểm tra rồi, nguyên nhân không phải do ăn cá". Trương Việt, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng, phát ngôn năm 2016 (nguồn : VnExpress)
Trung tướng Võ Văn Liêm, nguyên Phó Chính ủy Quân khu 9, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương (Bộ Quốc phòng) trả lời về vụ lăng mạ Cảnh sát giao thông, đòi cách chức Giám đốc Công an Thành phố Cần Thơ : "Có thể là tôi nhầm lưỡi cái gì thôi", phát ngôn tháng 7/2017 (nguồn : Người Lao Động)
"Giám đốc Sở Văn hóa Bắc Kạn : Tượng đài tiền tỷ bị trượt đổ là do cháu bé đu bám" (nguồn : Sohanews, tháng 8/2017)
Một cụm từ rất hay được dùng là "đúng quy trình". Bất cứ cái gì cũng là "đúng quy trình".
"Lãnh đạo Thủy điện Hòa Bình : Mở 8 cửa xả là đúng quy trình, người chết không phải do xả lũ" (nguồn : kênh 14).
"Bổ nhiệm Thượng tá Võ Đình Thường là đúng quy trình", thông báo chính thức của Công an tỉnh Đồng Nai về việc điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Võ Đình Thường, người bị dư luận phát hiện là đã bị kỷ luật cách chức, không cho làm Cảnh sát giao thông từ 14 năm trước, hiện đang làm phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Đồng Nai (nguồn : Tuổi Trẻ).
Rồi thì "có kế hoạch" :
"Dân nhìn vào nói vỡ đê Hữu Bùi, nhưng chúng ta có thể nói là có vỡ nhưng vỡ có kế hoạch, chứ không phải bất ngờ", ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và phòng chống lụt bão Thành phố Hà Nội, tháng 10/2017 (nguồn : Người Lao Động).
4. Dối trá, không trung thực
Sự dối trá, không trung thực thể hiện dưới vô số những lời nói, hành vi, hành động khác nhau. Có thể nói phần lớn quan chức Việt là như vậy, nhưng chỉ khi có vị nào bị "lộ", bị "túm gáy" thì báo chí mới có cơ hội nêu lên và người dân mới biết. Người thì nói dối về bằng cấp, chạy bằng, mua bằng, người thì khai gian tuổi để tiếp tục tại vị (ngay ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng thế), người thì nói dối về tài sản.
Những năm gần đây với sự phát triển của internet và mạng xã hội ở VN, rất nhiều vụ gian dối, khuất tất của quan chức là do người dân phát hiện ra trước, đưa lên mạng, sau đó báo chí mới vào cuộc, nếu được "bật đèn xanh". "Vụ biệt phủ Yên Bái" của Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý chẳng hạn, là do người dân đưa hình ảnh dinh cơ lộng lẫy, hoành tráng của ông Phạm Sỹ Quý lên mạng, rồi báo chí nhà nước vào cuộc, rồi thanh tra lên thanh tra xuống suốt mấy tháng trời. Cuối cùng mới kết luận ông Phạm Sỹ Quý có nhiều vi phạm, trong đó có việc ba lần kê khai tài sản không đầy đủ, lạm dụng quyền lực để chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở hơn 1,3 ha, chiếm hơn 93% kế hoạch mà UBND tỉnh phê duyệt tại phường Minh Tân ; xây dựng nhiều công trình không phép trên khu đất này v.v…
Nhưng tất nhiên, ông Phạm Sỹ Quý chỉ là một ví dụ. Hầu hết quan chức Việt đều có của chìm của nổi, có tài sản "khủng" mà với đồng lương của họ thì cả đời cũng không bao giờ có thể sắm sửa được một phần ngàn, một phần triệu cái tài sản ấy. Khi bị "lộ" họ luôn luôn nói tài sản đó là do "lao động đến thối móng tay", do chạy xe ôm, nuôi lợn, buôn chổi đót… suốt thời tuổi trẻ…Và tất nhiên chả ai tin.
5. Luôn coi mình ở trên dân, thậm chí khinh dân như cỏ rác
Ở các quốc gia dân chủ từ Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng cho tới các cấp nhỏ hơn đều biết rằng họ chỉ là những người được dân bầu lên để làm việc cho dân cho nước, đồng lương của họ là từ tiền thuế của dân, dân bầu họ lên thì dân cũng có quyển giám sát, phê bình, đòi họ phải từ chức hoặc sử dụng lá phiếu để "tống cổ" họ đi, thay người khác có năng lực hơn, làm việc đàng hoàng hơn.
Ngược lại ở những quốc gia độc tài lại từng có một thời gian dài là một quốc gia phong kiến như Việt Nam hay Trung Quốc, quan chức chính khách vẫn có cái lối suy nghĩ quan ở trên dân, nhìn xuống dân, thậm chí quan là cha là mẹ dân là con.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU) và tại Bỉ, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, phát biểu tại buổi họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 2004 :
"Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi".
Tương tự, tại buổi gặp các cơ quan báo chí vào tháng 7.2017 Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói về vấn đề dân chủ :
"Về nề nếp dân chủ, trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì rồi con cái cũng không tôn trọng người khác... Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên".
Chỉ trích người dân :
"Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước ? Chưa làm gì cả, chỉ có nói, kích động các phần tử để làm rối tình hình".
Câu hỏi "đã làm được gì cho đất nước" này của bà Chủ tịch Quốc hội đã bị nhiều ý kiến phản đối trên mạng xã hội, khi họ đặt ngược vấn đề là người dân đã đóng đủ loại thuế để nuôi bộ máy nhà nước nhưng ngược lại nhà nước này, trong đó có bà Chủ tịch Quốc hội đã làm được gì cho dân (nguồn : VnExpress).
Cái nếp suy nghĩ coi mình ở trên dân, nên nếu người dân có phê bình, góp ý thì không hài lòng và kết tội ngay, vụ xử phạt tiền và kiểm điểm một bác sĩ công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vì tội "bôi nhọ" bà Bộ trưởng Y tế trên facebook chẳng hạn, là do vậy. Nếu dư luận không lên tiếng thì chắc chắn chẳng bao giờ có chuyện Sở Y tế rút phạt, công khai xin lỗi vị bác sĩ này. Nhưng còn bao nhiêu vụ "trừng phạt" hoặc "đì" nhân viên vì dám chỉ trích sếp khác mà không được công luận biết đến ?
6. Không nghĩ đến dân đến nước, chỉ biết "còn đảng còn mình", chỉ biết nghĩ đến quyền lợi của mình
Nếu trước đây, thời đánh Pháp đánh Mỹ, những người cộng sản dù bao giờ cũng đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc, nhưng có lẽ đa số họ cũng còn có chút lý tưởng nào đó, cái lý tưởng sẽ xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngàn lần công bằng, dân chủ, tốt đẹp hơn các nước tư bản phương Tây. Nhưng cái lý tưởng đó đã chết từ lâu, sau những cú sốc quá mạnh của thực tế. Cú sốc đầu tiên có lẽ là khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, những người của "bên thắng cuộc" chợt nhận ra là miền Nam có đời sống sung túc, tự do dân chủ văn minh hơn miền Bắc, miền Nam không cần được "giải phóng" ; cú sốc thứ hai là khi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa cũ đứng đầu là Liên Xô tan rã ; và rồi tiếp theo là thực trạng đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản ngày càng trở nên tụt hậu, tồi tệ. Con đường mà đảng cộng sản đã và đang đi trái ngược với tất cả những gì họ từng cam kết với nhân dân, tất cả những gì mà họ từng lên án thì họ đang làm với mức độ còn tệ hại hơn gấp nhiều lần.
Đánh mất lý tưởng, các quan chức đảng viên cộng sản bây giờ chỉ còn bíu lấy đảng vì quyền lợi và họ chỉ lo vơ vét làm giàu. Làm giàu bằng cách nào ? Bằng cách bóc lột người dân qua đủ loại sưu cao thuế nặng, khai thác đến cạn kiệt tài nguyên của đất nước, bán tất cả những gì có thể bán được kể cả… cát, mở cửa rước Trung Quốc vào khai thác, đầu tư, cho vay cho thuê lãnh thổ… Làm giàu để làm gì ? Thực tế chua chát trớ trêu là đa số họ hùng hục làm giàu để lo cho tương lai con cái đi học ở nước ngoài, để sống cuối đời ở một quốc gia tự do dân chủ văn minh nào đó.
7. Không có lòng tự trọng, không có "văn hóa" từ chức :
Từ chức là khái niệm vô cùng xa lạ đối với quan chức Việt. Còn nhớ ông Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm mà dư luận cả nước đều bất bình vì những yếu kém trong điều hành quản lý đất nước khiến nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng, chưa kể ông Dũng còn bị mang tiếng lạm dụng quyền lực, bè phái, tham nhũng nặng nề… Thế nhưng tại phiên họp phần chất vấn và trả lời chất vấn người đứng đầu Chính phủ sáng 14/11/2012 trước Quốc hội, khi bị đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn đặt vấn đề có nghĩ đến chuyện từ chức, ông Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời :
"Đảng đã phân công tôi tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội cũng chấp thuận tôi làm Thủ tướng Chính phủ nên tôi cũng sẽ chấp hành, chấp nhận nhiệm vụ giao phó. Trong sự nghiệp của mình, tôi không có chạy, không có xin, không thoái thác, từ chối nhiệm vụ nào Đảng phân công. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện công việc mà Đảng và nhà nước giao phó" (nguồn : Người Lao Động).
Hoặc bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong nhiệm kỳ thứ nhất 2011-2016 của bà, ngành Y đã xảy ra rất nhiều vụ scandal đình đám, rất nhiều cái chết oan ức tức tưởi của trẻ sơ sinh do tiêm vaccine, hàng chục sản phụ tử vong do sự làm ăn cẩu thả, thiếu lương tâm của y bác sĩ, hàng chục người lớn trẻ em chết vì dịch sởi, dịch "tay chân miệng" một phần do ngành Y tránh né không công bố dịch sớm, rồi bao nhiêu vụ tai tiếng khác. Dư luận phẫn nộ đòi bà Tiến từ chức. Nhưng bà Bộ trưởng Bộ Y tế không những không từ chức, không bị cách chức mà còn ngồi thêm một nhiệm kỳ. Mới đây, khi vụ án công ty Việt Nam Pharma bán thuốc chữa ung thư giả vừa có liên quan đến bà Tiến trên cương vị người đứng đầu ngành Y, vừa người nhà của bà có chức vụ, có cổ phẩn trong công ty này, dư luận lại nhắc lại vụ từ chức. Và bà Bộ trưởng Bộ Y tế vẫn không từ chức !
Đó chỉ là hai ví dụ cho thấy quan chức Việt không có lòng tự trọng đến thế nào.
8. Hèn hạ, bạc nhược trước kẻ thù Trung Quốc
Nếu như trước kia thời đánh Mỹ đánh Pháp, những người cộng sản nói chung và quan chức chính khách Việt Cộng nói riêng dù có bị kẻ thù lên án là tàn ác nhưng không bị cho là hèn, thì bây giờ phần lớn họ hèn hạ, bạc nhược trước kẻ thù Trung Quốc. Nói cho đúng ra, trong thâm tâm họ có lẽ cũng căm ghét, căm giận Trung Quốc nhưng những người dám lên tiếng thì đều bị cho ra rìa, hoặc chuyển qua những chức vụ không quan trọng, còn những kẻ ra mặt thân Tàu thì được leo cao, mà trong cương vị cao nhất, từ Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho tới Nguyễn Phú Trọng bây giờ đều thế. Cái chính sách ngoại giao quỵ lụy, bám chặt vào Trung Quốc từ bao nhiêu năm nay của các lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản đã khiến Việt Nam ngày càng bị lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc từ kinh tế cho tới quốc phòng, ngoại giao, văn hóa…
Người ở trên đã thế, cấp dưới cũng thế để giữ ghế, giữ tài sản, bây giờ quan chức bây giờ người nào cũng giàu "khủng", có quá nhiều thứ để mất có phải vô sản như hồi đánh Pháp đánh Mỹ đâu nên càng hèn.
"Không lẽ bây giờ bà con bảo là đánh nhau ? Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi. Ta như thế này thì có ăn thua với họ được không ? Ai tài giỏi thì thử chỉ huy ra đó coi có thắng không, đánh được rồi nhưng có giữ được không ?"- Thượng tướng, Phó chủ tịch quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (nguồn : Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và Boxitvn).
"Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc. Chúng ta bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước nhưng vẫn phải bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị, thành quả cách mạng và giữ quan hệ hữu nghị Trung Quốc, tăng cường phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đất nước". Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phát biểu năm 2014 (nguồn : Thanh Tra).
Chính cái mô hình thể độc đảng độc tài đã tạo nên những quan chức với những thói hư tật xấu trên, với sự khiếm khuyết về nền tảng đạo đức lẫn văn hóa ứng xử. Và những thói hư tật xấu hay còn gọi là những "căn bệnh" mãn tính đó là không thể "giáo dục", sửa đổi được khi nào cái thể chế này còn tồn tại.
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/10/2017 (songchi's blog)
Lập Viện Đạo đức học để dạy đạo đức cho cán bộ, quan chức, đảng viên đảng cộng sản ?
Báo Tiền Phong ngày 18/10 có bài "Đề xuất thành lập Viện Đạo đức để huấn luyện cán bộ" đưa ra ý kiến của "Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng".
Lập Viện Đạo Đức Học để làm gì ? - Ảnh minh họa (Dân Trí)
Trích bài báo :
"Phó Giáo sư Phúc cũng nhấn mạnh, Hồ Chủ tịch từng căn dặn "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Đảng phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Trong xây dựng tổ chức Đảng, Người coi công tác cán bộ có ý nghĩa quyết định : "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc", "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng". Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây gỗ quý báu.
Ông cũng đề nghị lập Viện Đạo đức học trong Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó dạy đạo đức học và những chuẩn mực đạo đức trong Đảng. Cán bộ là gốc, nhưng huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng. Trên cơ sở đó, tuyển chọn những người mẫu mực về đạo đức lên giảng. Dạy về đạo đức cũng là công việc của Ban Tuyên giáo trung ương. Theo ông, lo mảng xây dựng Đảng về đạo đức nên giao cho 2 cơ quan Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo trung ương.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao đề xuất của Phó Giáo sư Phúc. Ông cho biết, hiện các lớp bồi dưỡng. Phần lớn đảng viên rất tốt, một số chưa bỏ thói hư tư lợi, kiêu ngạo, xa hoa, bè phái và có nguy cơ lây lan. Việc quan trọng là phải nhận ra, có cơ chế, chế tài để tự gột rửa, như Tổng bí thư nói nếu đã nhúng chàm phải tự gột rửa."
Đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận thông qua báo chí bên ngoài và mạng xã hội facebook. Nhiều người tỏ thái độ châm biếm, hoài nghi. Người thì so sánh : sao các nước có mô hình thể chế chính trị tự do dân chủ pháp trị như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Pháp, Đức, Thụy Điển, Na Uy v.v…họ chẳng cần đảng nào "nuôi dạy, huấn luyện" mà từ tinh thần làm việc cho tới tư cách, đạo đức của công chức và cả quan chức lại khá thế nhỉ. Còn cán bộ, đảng viên của đảng ta thì cứ càng ngày càng tệ, "tự gột rửa" cỡ nào cho sạch, mà làm sao "tự gột rửa" nổi khi chính cơ chế độc tài độc đảng này là môi trường cho mọi cái xấu nảy sinh và phát triển tràn lan như cỏ dại, như tế bào bệnh ung thư ?
Người thì dẫn chứng suốt thời gian qua nhà nước Việt Nam đã tổ chức bao nhiêu đợt, "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" rầm rộ từ Bắc vào Nam, từ cấp trung ương đến địa phương, từ thành phố đến làng xã… tốn kém không biết bao nhiêu tiền thuế của nhân dân, nhưng kết quả là đạo đức của cán bộ quan chức Việt có khá lên được chút nào đâu.
Mà cái chuyện "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong Đảng và xã hội nào có phải mới mẻ gì, mà đã có quá trình liên tục, lâu dài, qua rất nhiều đại hội đảng, với rất nhiều chỉ thị này chỉ thị kia. Đọc bài "Nội dung cơ bản của học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Tuyên giáo) thì rõ.
Trong chương trình bàn tròn điểm tin tuần (15-21/10/2017) của đài BBC, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A có nói rằng cá nhân ông ủng hộ nên lập nhiều Viện Đạo đức để dạy đạo đức cho những người cộng sản. Theo ông, việc mà ông Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc đề xuất rằng đảng cộng sản Việt Nam phải có một cái viện để dạy đạo đức, chứng tỏ họ không có đạo đức gì cả. Ai dạy, dạy cái gì hay dạy đạo đức Hồ Chí Minh, điều đó còn cần phải tranh cãi nhưng đây là một vấn đề hệ trọng và rất là cấp thiết, bởi vì cái nền tảng đạo đức rất quan trọng. Đạo đức là cái nền sâu nhất, căn bản nhất, trên cái nền đạo đức ấy cái tầng văn hóa mới được xây nên. Và cấp thiết bởi vì đạo đức hiện nay đã băng hoại đến như thế thì cần có một nhu cầu phải làm lại. Còn làm như thế nào là một chuyện khác và có nhiều cách. Người dân cũng có thể tham gia vào chuyện giáo dục họ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng nói thêm rằng, theo ông, các chế độ ở các nơi bị tan rã, xét cho cùng cũng là do nền tảng đạo đức không ổn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nói đúng rằng đạo đức là cốt lõi của con người và của cả một xã hội. Đạo đức của cán bộ, quan chức Việt dưới chế độ cộng sản đã sa sút, băng hoại một cách khủng khiếp, thực tế đã phơi bày hàng ngày hàng giờ, người dân ai cũng có thể chứng kiến hoặc đọc, nghe, nhìn thấy trên báo chí, truyền thanh truyền hình.
Nhưng cũng giống như việc chống tham nhũng hay tinh giản bộ máy, việc chấn chỉnh đạo đức, phong cách của cán bộ quan chức Việt là những chuyện không thể giải quyết tận gốc rễ được. Bởi chính cái cơ chế độc tài độc đảng này là nguyên nhân, là môi trường sản sinh ra nạn tham nhũng, sự phình to của bộ máy hay những thói hư tật xấu của cán bộ, quan chức Việt : nào dối trá, quan liêu, thực lực không có vì đi lên bằng các mối quan hệ, con ông cháu cha hoặc do "chạy" tiền, "chạy" ghế, vô cảm, coi dân như cỏ rác, chỉ biết có tiền, chỉ biết "còn đảng còn mình", nhắm mắt bưng tai làm ngơ trước nỗi khổ của nhân dân, vận mệnh của đất nước, hèn hạ, quỵ lụy bợ đỡ cấp trên, "thượng đội hạ đạp", tham lam…
Trở lại việc lập Viện đao đức, ai sẽ dạy, ai có đủ tư cách gương mẫu đạo đức liêm chính cần kiệm chí công vô tư… để đứng lớp ? Dạy cái gì ? Dạy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh ? Nhưng Hồ Chí Minh thì làm gì có tư tưởng, và những sự thật được bạch hóa phần nào về nhân vật này cũng cho thấy ông ta hoàn toàn không phải là một ông thánh, một người xứng đáng được gọi là "cha già của dân tộc" như đảng cộng sản cố công tô vẽ bao nhiêu năm qua, nếu không muốn nói ngược lại. Và làm sao mà họ học được, thực hành đạo đức được khi chung quanh, từ trên xuống dưới cả một bộ máy, cả một hệ thống đều vô đạo đức đến tận cùng ?
Vấn đề cốt lõi nằm ở cơ chế, ở mô hình thể chế chính trị. Chỉ khi nào Việt Nam có một thể chế tự do dân chủ, đa nguyên đa đảng, pháp trị, tam quyền phân lập thì mọi thứ sẽ khác. Cơ chế tam quyền phân lập giúp kiểm soát, hạn chế quyền lực lẫn nhau giữa ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, không một đảng phái chính trị nào có thể ôm trùm cả ba được. Đa đảng tạo nên sự cạnh tranh, và có bầu cử công khai giúp tìm ra những con người có năng lực thực sự ngồi vào những vị trí xứng đáng. Pháp luật nghiêm minh sẽ trừng phạt những ai vi phạm, bất kể họ là ai.
Trong một môi trường, thể chế như vậy, con người buộc phải tự thân vận động, tự lực vươn lên bằng khả năng, nếu làm quan chức, họ sẽ bị các đối thủ chính trị của các đảng đối lập cho tới dân chúng và một nền báo chí tự do, dân chủ soi từng hành vi nhỏ nhặt, họ sẽ phải cẩn thận từng lời ăn tiếng nói hành động và nếu vi phạm pháp luật, họ sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc. Vấn đề tác phong, đạo đức của họ do đó sẽ khá lên. Không cần đảng nào "nuôi dạy" cả.
Song Chi
Nguồn : RFA, 22/10/2017 (songchi's blog)
Nạn xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng ngày càng gia tăng, phức tạp, nghiêm trọng
Những năm gần đây, những vụ án dâm ô, hiếp dâm trẻ em không còn xa lạ với xã hội Việt Nam nữa. Cứ thỉnh thoảng lại thấy báo chí đưa tin vụ này, vụ kia, ở tỉnh A, thành phố B, C…
Mức độ trẻ em bị xâm hại tình dục đã đến mức báo động - Ảnh minh họa
Dưới đây chỉ là một vài ví dụ, xảy ra trong năm 2017 :
- Bình Thuận : "Bắt khẩn cấp đối tượng ấu dâm trẻ em" (An ninh Thủ đô) trong đó thủ phạm sinh năm 1996- 21 tuổi, nạn nhân sinh năm 2012- 5 tuổi.
- Phú Yên : "Thêm một nghi án ấu dâm chấn động : Lôi bé gái vào nghĩa địa xâm hại rồi dọa giết" (Pháp Luật Việt Nam), thủ phạm 25 tuổi, nạn nhân 8 tuổi.
- Hà Nội : "Được nhờ trông con, nhiều lần dâm ô bé gái" (Người Lao Động), thủ phạm sinh năm 1958-59 tuổi, nạn nhân 6 tuổi.
- Lào Cai "Nhiều lần hiếp dâm bé gái 12 tuổi đi lấy củi"…
Có những vụ khiến dư luận chấn động vì thủ phạm là người thân, ruột thịt, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như làm trẻ có thai, trẻ bị thương tích trầm trọng, trẻ bị giết hay vì đau đớn tủi hổ mà tự vẫn…
Một vài ví dụ, xảy ra trong năm 2017 :
- Cà Mau : "Bé gái 13 tuổi tự tử nghi do bị xâm hại tình dục" (Ngôi Sao), thủ phạm là hàng xóm, đã bị khởi tố và bắt tạm giam, 7 tháng sau khi cô bé qua đời.
- Thành phố Hồ Chí Minh : "Xâm hại bé gái tật nguyền đến mang thai 9 tuần, "yêu râu xanh" lãnh án" (Kênh 14), vụ án đã hơn 2 năm nay mới đem ra xử, khi xảy ra sự việc, nạn nhân mới 13 tuổi, bị tâm thần, câm điếc bẩm sinh.
- Đắk Lắk : "Nam thanh niên hiếp dâm, sát hại bé gái 7 tuổi lãnh án tử hình" (VietnamNet).
- Gia Lai : "Bắt nghi phạm giết, hiếp bé gái đi chăn bò tại Gia Lai" (Sài Gòn Giải Phóng), thủ phạm 19 tuổi, nạn nhân 14 tuổi.
- Vĩnh Long : "Về nhà vợ thăm con gái 4 tuổi, nửa đêm bố giở trò đồi bại" (Pháp Luật Việt Nam), thủ phạm sau đó bị kết án 20 năm tù.
- Vĩnh Long "Nỗi ám ảnh của bé gái 11 tuổi bị cha và ông nội xâm hại" (Xã Luận), cả hai thủ phạm cha và ông nội nạn nhân sau đó đều bị tòa kết án chung thân…
Mức độ trẻ em bị xâm hại tình dục đã đến mức báo động. Trích bài "Cứ 8 giờ có 1 trẻ bị xâm hại tình dục nhưng khó điều tra", báo Tuổi Trẻ :
"Số vụ xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng. Trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục.
Trẻ bị xâm hại tình dục đang chiếm tới trên 70% trẻ bị xâm hại nói chung và đang ở mức báo động…".
Bài "Nhức nhối nạn xâm hại trẻ" (Người Lao Động) :
"Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, trong 5 năm 2012-2016, cả nước xảy ra 6.686 vụ xâm hại trẻ em.
Tại 15 tỉnh, thành phố thuộc Đông - Tây Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2014-2016 ghi nhận xấp xỉ 1.000 vụ. Trong đó, 78 nạn nhân là trẻ dưới 10 tuổi, 306 trẻ 10-13 tuổi và 632 nạn nhân từ 13 đến 16 tuổi".
Tuy nhiên, báo chí trích dẫn lời của các nhà chuyên môn cũng cho hay đây chỉ là con số thống kê, con số thực chắc chắn còn cao hơn nhiều, do nhiều vụ cha mẹ không biết hoặc không tố cáo, hoặc giữa hai bên, thủ phạm và gia đình nạn nhân chủ động thương lượng với nhau. Và rất nhiều vụ bị "chìm xuồng" do không đủ chứng cớ hoặc chứng cớ yếu, hay do các cơ quan điều tra không làm đến nơi đến chốn. Trẻ em nam cũng bị lạm dụng tình dục dù người ta ít biết hơn.
Báo Thanh Niên từng có cả một loạt bài phóng sự điều tra công phu về đề tài xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có riêng bài về xâm hại tình dục trẻ nam "Xâm hại tình dục trẻ em - Kỳ 5 : Trẻ em nam, phần chìm bị quên lãng".
Báo chí, dư luận đã nói nhiều về những tổn thương lâu dài đối với các nạn nhân bé bỏng, cũng như thử phân tích nguyên nhân vì sao nạn ấu dâm càng ngày càng có khuynh hướng gia tăng trong xã hội Việt Nam-do đạo đức xã hội suy đồi ; sự thiếu cảnh giác, thậm chí "vô tư" của nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam so với các ông bố bà mẹ ở phương Tây vốn rất cảnh giác vể loại tội phạm này và rất có ý thức bảo vệ con, bảo vệ sự riêng tư của con ngay từ khi còn rất nhỏ ; do trẻ em Việt Nam đa số chưa được dạy cách tự bảo vệ mình từ khi còn bé như trẻ em phương Tây ; sự dốt nát, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc coi thường pháp luật của thủ phạm ; cuối cùng là mức độ trừng phạt của pháp luật chưa đủ nghiêm để răn đe, thậm chí nhiều vụ còn bị "chìm xuồng" vì lý do này lý do khác…
Bài viết này do vậy, chỉ muốn đề cập đến thủ phạm của loại tội phạm này. Họ là ai, tại sao họ lại phạm phải một trong những tội ác đáng khinh bỉ nhất như vậy ?
Thủ phạm có thể là bất kỳ ai !
Nhìn qua hàng loạt vụ án xâm hại, lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam, chúng ta thấy thủ phạm có thể là bất cứ ai, nhưng hơn 90% là những người có quen biết với nạn nhân từ đó mới có cơ hội tiếp xúc với gia đình và chính nạn nhân. Kinh tởm hơn là những người có quan hệ thân thiết, ruột thịt với nạn nhân, kể cả anh ruột, cha ruột, ông nội, ông ngoại…
Thủ phạm có thể là những kẻ ít học, sống ở những tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa như Vĩnh Long, Đắk Lắk, Gia Lai, Lào Cai… nhưng cũng có thể là những kẻ có học, có bằng cấp, có nghề nghiệp, sống ngay tại những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng… Như vụ Cao Mạnh Hùng, bị can trong vụ án dâm ô bé gái 8 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội vừa bị kết án 2 năm tù, từng là cán bộ một ngân hàng TMCP ; Tạ Quang Bình, nhân viên kỹ thuật tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe ở Thành phố Hồ Chí Minh lãnh 17 năm tù vì hiếp dâm một bé gái 3 tuổi "Nhân viên y tế hiếp dâm bé gái tại phòng khám" (VietnamNet)…
Kể cả thầy giáo là thành phần được các bậc cha mẹ và học sinh tôn trọng, tin tưởng : Nghệ An : "Thầy giáo dạy Tin học ở Nghệ An bị tố dâm ô hàng loạt nữ sinh lớp 3" (VOV), Thành phố Hồ Chí Minh : "15 năm tù cho thầy giáo giở trò đồi bại với học trò" (VOV), Quảng Nam : "Rúng động vụ thầy giáo dâm ô học sinh ở Quảng Nam" (Tiền Phong), nạn nhân là các em học sinh, trong suốt một thời gian dài, từ khoảng đầu năm học 2015 đến tháng 4/2016…
Ngoại trừ một số ít trường hợp, phần lớn không phải là những kẻ có tiền sử lạm dụng tình dục trẻ em hay mắc chứng "ái nhi" (pedophilia), tức là chỉ cảm thấy bị thu hút hoặc có ham muốn tình dục với trẻ con, mà là những con người có đời sống tình dục "bình thường" hay ít nhất, chưa có tiền án vì tội danh này cho đến khi vụ việc xảy ra, thậm chí nhiều người có vợ con đàng hoàng.
Thêm một điều đáng nói hơn, gần đây có khá nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em do những cụ ông lớn tuổi gây ra. Tuổi của thủ phạm càng ngày càng cao trong lúc tuổi của nạn nhân cũng ngày càng nhỏ.
Một trong những vụ án gây phẫn nộ trong dư luận như có đề cập ở trên, cha và ông nội hiếp dâm con, cháu mình : "Ông nội hiếp dâm cháu 11 tuổi nhiều lần, bắt uống thuốc tránh thai vẫn tỏ ra ngây ngô, không biết gì tại tòa" (Báo Mới), trong đó ông nội 62 tuổi, cháu gái 11 tuổi. Quảng Nam : "Bé gái mang thai vì bị cụ ông 77 tuổi hiếp dâm" không chỉ một mà nhiều lần (Lao Động), nạn nhân 14 tuổi, thủ phạm sau đó bị kết án 20 năm tù. Vũng Tàu : "Truy tố Nguyễn Khắc Thủy tội dâm ô nhiều trẻ em" (Pháp Luật) nạn nhân là các bé gái từ 6 đến 10 tuổi. "Xét xử vụ cụ ông hiếp dâm bé gái 3 tuổi ở Hà Nội" (Lao Động), thủ phạm Nguyễn Danh Vĩnh 79 tuổi, bị kết án 8 năm tù nhưng lại cho tại ngoại vì "sức khỏe yếu, vợ bị cáo là người có công với cách mạng". "Quảng Ninh : Ông lão 81 tuổi xâm hại bé gái 1 tuổi" (Gia Đình) !
Trong những vụ án này bản án có vẻ rất… tùy hứng, có địa phương thì phạt nặng, có địa phương lại xử nhẹ và cho tại ngoại khiến dư luận bất bình, như vụ cụ ông 79 tuổi hiếp dâm bé gái 3 tuổi kể trên. "Nguyện vọng của gia đình tôi là kẻ gây tội ác phải trả giá chứ không thể lấy lý do già cả, bệnh tật mà nhởn nhơ bên ngoài", bố nạn nhân tâm sự" ("Vì sao cụ ông 79 tuổi hãm hiếp bé gái 3 tuổi được... về nhà sau khi tòa tuyên án ?", báo Gia Đình). Nguyễn Khắc Thủy cũng được cho tại ngoại trong suốt quá trình điều tra, khởi tố. Bị can Nguyễn Văn Kim 81 tuổi cũng vậy : "Tuy nhiên, do đối tượng là người già yếu, có nơi cư trú rõ ràng nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không tiến hành biện pháp ngăn chặn "tạm giam" mà áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" ("Quảng Ninh : Ông lão 81 tuổi xâm hại bé gái 1 tuổi", Gia Đình).
Vì sao họ lại phạm một trong những tội ác đáng khinh bỉ nhất như vậy ?
Có rất nhiều lý giải nhưng điều thứ nhất, có lẽ từ sự thiếu cảnh giác của nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam nên thủ phạm có cơ hội gần gũi, tiếp xúc với trẻ, trong đó có những trường hợp là hàng xóm, người quen, thậm chí thầy giáo, nhân viên y tế như đã kể, khiến gia đình không nghi ngờ. Với những "ông cụ" hàng xóm lớn tuổi gia đình lại càng nghĩ là không sao khi nhờ trông con giùm hoặc để con chơi gần tầm mắt các ông cụ này. Đau đớn hơn là những trường hợp cha ruột, ông nội ông ngoại, anh ruột… cảnh giác với người ngoài đã đành, có ai ngờ đến cả những con người như vậy lại đang tâm hãm hiếp con, cháu, em ruột mình ?
Với thủ phạm, ngoài việc cơ hội tiếp xúc với trẻ dễ hơn, có thể họ còn nghĩ rằng trẻ em yếu ớt, khó bề kháng cự nên việc cưỡng hiếp dễ thành, với trẻ nhỏ dưới 10 tuổi thì ngây thơ dễ "dụ" bằng quà bánh, dễ khống chế, chỉ cần dọa sẽ giết hoặc làm gì đó là trẻ sợ không dám tố cáo suốt một thời gian dài, với trẻ quá nhỏ thì không biết gì nên không thể tố cáo. Tuy nhiên, đây cũng là điểm dễ bại lộ vì trẻ con thường không biết nói dối, không biết che giấu nỗi đau hoặc sự tổn thương nên không sớm thì muộn người nhà nạn nhân cũng khám phá ra.
Như đã phân tích, thủ phạm có khi là những kẻ ít học, không hiểu biết về pháp luật nhưng cũng có khi là những kẻ có ăn có học, có vị trí trong xã hội, họ thừa biết lạm dụng tình dục hay xâm hại trẻ em là phạm pháp, là sẽ bị pháp luật trừng phạt, chưa kể khi bị phanh phui ra thì đây là một trong những loại tội danh nhục nhã nhất, bị xã hội khinh bỉ và căm ghét nhất. Người phạm tội này dù đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, nhưng còn bị xã hội lên án, gia đình họ hàng bạn bè coi khinh, suốt đời không cất mặt lên nổi.
Ở các quốc gia có một hệ thống pháp luật nghiêm khắc như ở Mỹ chẳng hạn, những người phạm tội này dù chỉ một lần cũng sẽ bị cho vào danh sách theo dõi cả đời, cứ mỗi khi có vụ ấu dâm nào xảy ra trong vùng là cảnh sát lại "hỏi thăm" ; bị cấm làm những nghề nghiệp có cơ hội tiếp xúc với trẻ em, cấm mua nhà hoặc đến gần các nhà trẻ, trường học, nơi vui chơi của trẻ trong vòng bán kính bao nhiêu mét, nếu là nghệ sĩ thì cấm sáng tác, biểu diễn trong những môi trường có trẻ con v.v... và danh tiếng vĩnh viễn bị vấy bẩn vì những tội danh này.
Chúng ta còn nhớ trường hợp đạo diễn lừng danh người Mỹ gốc Ba Lan Roman Polanski năm 1977 bị cáo buộc quan hệ tình dục bất hợp pháp với trẻ vị thành niên là một cô bé 13 tuổi, và khi biết rằng mình có thể đối mặt với hình phạt tù và trục xuất, Roman Polanski đã trốn sang Anh rồi sang Pháp từ năm 1978 và suốt đời phải sống lưu vong, chủ yếu ở Pháp và tránh đến thăm các quốc gia có khả năng dẫn độ ông sang Hoa Kỳ.
Năm 2009 ông từng bị bị cảnh sát Thụy Sĩ bắt tại Sân bay Zurich khi cố gắng vào Thụy Sĩ, tham dự Liên hoan phim Zurich để nhận giải Thành tựu trọn đời. Khi Polanski bị bắt giam, có hơn 100 người trong giới làm phim ở Mỹ, bao gồm Woody Allen, Martin Scorsese, Darren Aronofsky và David Lynch đã ký một thỉnh nguyện thư/kiến nghị (petition) yêu cầu thả Polanski. Cuối cùng thì tòa án Thụy Sĩ đã bác bỏ yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ và thả Roman Polanski.
Dù sau này chính Samantha Geimer, nạn nhân của Polanski, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2003 đã lên tiếng nói đỡ cho ông, rằng bà nghĩ rằng ông đã phạm phải một sai lầm khủng khiếp nhưng ông đã trả giá và không đáng bị "giam cầm" (locked up) mãi mãi nhưng bản án vẫn còn nguyên hiệu lực với Roman Polanski và ông không thể quay trở về Mỹ, ngay cả khi ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất (Best Director) cho bộ phim "The Pianist" tại Oscars 2002.
Câu chuyện của Roman Polanski chỉ là một trong vô số ví dụ cho thấy tội danh cưỡng hiếp, lạm dụng tình dục trẻ em có thể gây ra những hệ quả nặng nề cho danh tiếng, cuộc sống của một con người.
Trở lại câu hỏi vậy thì tại sao người ta vẫn phạm tội ? Trong môi trường xã hội Việt Nam, có một phần do sự thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc ngược lại, biết nhưng coi thường pháp luật. Để cho bản năng lấn át lý trí, lương tâm. Có hai trường hợp mà người ngoài không sao hiểu nổi là những vụ hãm hiếp chính con ruột, cháu ruột của mình và vụ những ông cụ U70, U80, U90 xâm hại những đứa trẻ mới 6, 7 tuổi, 3 tuổi và… hơn 1 tuổi ! Họ nghĩ gì mà lại hành động như vậy ?
Điều đáng nói là hầu hết trước đó đều không có tiền án tiền sự nói chung cũng như đối với loại tội danh này nói riêng. Đối với những trường hợp lạm dụng, cưỡng bức chính con cháu ruột thịt, chỉ có một từ : mất lý trí và bản án lương tâm mới là bản án sẽ theo đuổi, hành hạ họ suốt cuộc đời. Còn những ông cụ già phạm tội kia, nhìn vào từng trường hợp, chúng ta thấy đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu thì rõ ràng hành vi dâm ô trẻ em xảy ra một thời gian dài, với nhiều trẻ khác nhau, nếu không bị phát hiện có lẽ nhân vật này vẫn còn tiếp tục với những em bé khác. Còn bị cáo Nguyễn Danh Vĩnh ở Hà Nội hay Nguyễn Văn Kim (Quảng Ninh) thì bị phát hiện khi vừa phạm tội xong, nên có lẽ... chưa kịp phạm tội tiếp !
Bị cáo Nguyễn Danh Vĩnh thú nhận : "do nhu cầu tình dục cao nhưng lâu không quan hệ nên khi nhìn thấy cháu N. trong nhà đã nảy sinh ý đồ". Phải chăng đó là nguyên nhân của những trường hợp này, mặc dù tuổi đã cao nhưng nhu cầu sinh lý vẫn còn mà lại không được đáp ứng (do mất vợ, hoặc vợ đã lớn tuổi không còn ham muốn), lại xấu hổ không dám đi chơi gái nên các bị cáo này mới làm liều như vậy ? Trong một xã hội vẫn còn chưa thật thoáng về quan niệm tình dục xét ở nhiều khía cạnh, trong đó có tình dục ở tuổi già, các ông cụ già này chắc không dám mở mồm chia sẻ với con cháu hay với ai nhu cầu của mình. Hậu quả là gây tổn thương nặng nề cho đứa trẻ thơ vô tội, còn bản thân mình thì đánh mất tất cả, mà nặng nề nhất là sự coi khinh của gia đình, con cháu và mặc cảm, sự day dứt với lương tâm.
Những bài báo đánh động dư luận xã hội không có lẽ cũng chưa đủ, các nhà xã hội học, các nhà chuyên môn nên đi sâu tìm hiểu nguyên nhân, động cơ phạm tội cũng như tâm lý thủ phạm để từ đó giúp đề ra những hướng giải quyết hiệu quả hơn, bằng không nạn xâm hại tình dục trẻ em cứ tiếp tục gia tăng với tuổi của nạn nhân ngày càng nhỏ đến mức không thể tin nổi !
Xã hội nào thì cũng có tội ác, kể cả tội xâm hại, cưỡng hiếp trẻ em, nhưng không phải xã hội nào, quốc gia nào cũng cứ cách 8 giờ lại có một đứa trẻ bị xâm hại, và thủ phạm là bất kỳ ai !
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/09/2017 (songchi's blog)
"The Vietnam War", bộ phim tài liệu truyền hình 10 tập, dài 18 giờ của 2 tác giả Ken Burns và Lynn Novick, được công chiếu lần đầu tiên trên Public Broadcasting Service, Hoa Kỳ, ngày 17/9 vừa qua là bộ phim mới nhất của Mỹ về chiến tranh Việt Nam.
Ảnh chụp vào ngày 30 tháng 4 năm 1975 tại Sài Gòn cho thấy xe tăng của Quân đội Bắc Việt phá cổng Dinh Độc Lập, căn cứ cuối cùng của chính phủ miền Nam Việt Nam. AFP
Được biết, các nhà làm phim đã phải mất 10 năm để thực hiện bộ phim, phỏng vấn 79 người Mỹ từng chiến đấu hay phản đối cuộc chiến, các chiến binh Việt Nam và thường dân ở cả hai miền Nam Bắc, và đã phải xử lý một khối lượng hình ảnh, tư liệu khổng lồ mà khi xem chúng ta cũng có thể hình dung được.
Như vậy, 42 năm sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc, người Mỹ và người Việt lại một lần nữa phải nhìn lại cuộc chiến với những hình ảnh sống động, tàn bạo, đẫm máu, nhức nhối.
Cảm nhận chung đầu tiên của người viết đây vẫn là một bộ phim của người Mỹ làm về chiến tranh Việt Nam, đã mổ xẻ được những sai lầm và tội ác của người Mỹ, nhất là của chính phủ Mỹ, khai thác tâm trạng của các vị chính khách, Tổng thống, cho tới những người Mỹ từng tham gia hay phản đối chiến tranh, đã phơi bày được sự chia rẽ sâu sắc trong lòng nước Mỹ trong suốt cuộc chiến cũng như tất cả hậu quả mà cuộc chiến đã gây ra cho nước Mỹ. Nhưng bộ phim lại chưa làm được như thế về phía Việt Nam, cả với Việt Nam Cộng Hòa hay Việt Cộng.
Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu quỳ gối cầu nguyện trong một nhà thờ bị bom đạn phá hủy trong trận Tết Mậu Thân Sài Gòn (1968)
Hình ảnh Việt Nam Cộng Hòa được thể hiện mờ nhạt, được đánh giá không đúng mức, thậm chí bị coi thường, từ lãnh đạo cho tới người lính, trong lúc hình ảnh Việt Cộng và Bắc Việt (hai từ được sử dụng để chỉ quân đội miền Bắc và lực lượng Mặt trận giải phóng miền Nam, sau đây sẽ chỉ dùng chung một từ Việt Cộng cho cả hai) có phần được đề cao nhưng cũng chỉ mới nhìn thấy trên bề mặt, còn bao nhiêu sự thật về những người cộng sản trong cuộc chiến chưa được khai thác.
Không rõ các thế hệ người Mỹ trước đây hay bây giờ, khi xem phim có cảm thấy bộ phim đã giải đáp được cho mình những câu hỏi hay giải tỏa được những tâm tư về cuộc chiến hay không ; nhưng với người Việt Nam dù thuộc bên thắng cuộc hay bên thua cuộc và con cháu họ, chắc chắn đều có những có lý do để không đồng ý với bộ phim.
Với người miền Nam, như vừa nói, là vì hình ảnh của chế độ Việt Nam Cộng Hòa không được đánh giá công bằng.
Trong suốt phần lớn chiều dài của bộ phim, chỉ thấy người Mỹ chiến đấu đánh Việt Cộng, những trận giao tranh, tâm tư của người lính Mỹ, những tổn thất… trong khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa không thấy đâu. Còn giai đoạn sau khi đã bước vào thời kỳ "Việt Nam hóa chiến tranh", tức là người Việt đánh người Việt, thì phim lại chuyển qua chủ yếu tập trung khai thác những mâu thuẫn, những chia rẽ đã trở nên gay gắt trong lòng nước Mỹ. Bộ phim dành rất nhiều lời khen cho ý chí sắt đá của giới lãnh đạo Hà Nội, tinh thần kỷ luật, quyết tâm chiến đấu, sự thiện chiến của những người cộng sản, ngược lại, rất ít khi có những lời khen dành cho chế độ hay quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Hiếm hoi lắm mới có những câu như : "Nhiều đơn vị Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu giỏi, hồi Mậu Thân họ đánh là chủ yếu, và tính đến giữa năm 1969, đã có 90.000 người tử trận".
Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm Cổ thành Quảng Trị trong Mùa hè đỏ lửa (1972)
Hay công nhận những trận đánh An Lộc, tái chiếm Quảng Trị của Việt Nam Cộng Hòa vào mùa hè đỏ lửa 1972 v.v… "Người Mỹ ít khi nhìn nhận sự dũng cảm của họ. Chúng ta khinh thường họ, phóng đại sự yếu kém của họ, vì muốn khoe khoang tài năng của ta" (trích phỏng vấn Tom Vallery-thủy quân lục chiến).
Nhưng thật ra, việc phóng đại sự yếu kém của chế độ hay quân đội Việt Nam Cộng Hòa còn nhằm để biện minh cho người Mỹ. Chẳng hạn, để biện minh cho lý do Mỹ đổ quân vào Việt Nam là vì Sài Gòn có thể đổ sụp từ những năm 60, hay đánh giá tiêu cực về Tổng thống Ngô Đình Diệm là để biện minh cho việc Mỹ đã làm lơ, thậm chí khuyến khích, đảo chính Ngô Đình Diệm.
Không khác gì những người khuynh tả hay phản chiến trước kia, những mặt yếu kém của chế độ Việt Nam Cộng Hòa hay những sai lầm của chính phủ Mỹ được mổ xẻ, phơi bày nhưng những sự thật, sai lầm hay tội ác của Việt Cộng thì được cho qua. Cả một vụ thảm sát Mậu Thân cũng chỉ nói qua loa, bao nhiêu vụ ám sát, đánh bom, khủng bố của Việt Cộng diễn ra tại Sài Gòn, đô thị lớn ở miền Nam cho tới thôn quê suốt thập niên 60-70 của thế kỷ XX cũng không hề được nhắc đến.
Và có rất nhiều câu chuyện mà sự thật đã được bộc lộ từ lâu, nhưng bộ phim vẫn không đưa vào. Ví dụ như vì sao tướng Nguyễn Ngọc Loan, tư lệnh Cảnh sát quốc gia Việt Nam Cộng Hòa lúc đó, xử tử đặc công Việt Cộng Nguyễn Văn Lém ngay trên đường phố Sài Gòn (sau này chính tác giả của bức ảnh gây chấn động thế giới, phóng viên Eddie Adams, đã công khai xin lỗi Nguyễn Ngọc Loan và bày tỏ sự ân hận vì những tác động của bức hình lên cuộc sống của vị tướng này) ; hay nhân vật Kim Phúc trong bức ảnh nổi tiếng "Em bé Napalm" được nhà nước Việt Nam sử dụng như một "nhân chứng chiến tranh" và được đưa sang Cuba học nhưng sau đó lại tìm cách xin tỵ nạn ở Canada chứ không đơn giản chỉ là rời Việt Nam, định cư ở Canada…
Một nửa sự thật thì không phải là sự thật. Trong cuộc chiến Việt Nam, có rất nhiều điều mà thế giới chỉ biết được "một nửa" ấy. Đáng tiếc rằng sau hơn 40 năm, một bộ phim tài liệu công phu như "The Vietnam War" lại không làm rõ những điều ấy để chứng tỏ sự khách quan của những người làm phim.
Về phía Đảng cộng sản Việt Nam, họ cũng có nhiều lý do để không thích bộ phim. Cho dù những thông tin trong phim đưa ra nhiều người dân đã biết nhờ vào thời đại internet, Hà Nội vẫn không muốn những gì mà họ tuyên truyền bao lâu nay, qua bao thế hệ người dân Việt Nam bị phơi bày. Từ những vụ thanh trừng của đảng cộng sản thời kỳ đầu đối với tất cả những cá nhân, tổ chức không cộng sản, những trận giao tranh với con số thương vong thường cao hơn gấp bội kẻ thù, vụ thảm sát Mậu Thân, sai lầm và chủ quan trong vụ "tổng tiến công" Mậu Thân làm chết hàng chục ngàn lính, chưa kể dân thường và hai lần tổng tiến công sau đó cũng thất bại, cho tới những chính sách sai lầm sau chiến tranh…
Đối với những người Việt được tuyên truyền, giáo dục về "cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam" sẽ có thể hiểu được vì sao người Mỹ thua, Việt Nam Cộng Hòa thua và những người cộng sản thắng. Trong một cuộc chiến, khi một bên luôn băn khoăn, luôn đặt ra quá nhiều câu hỏi, luôn bị tác động bởi phản ứng của người dân (phong trào phản chiến ở Mỹ hay những cuộc biểu tình chống Mỹ ở Sài Gòn), còn một bên chỉ có một mục tiêu duy nhất là đánh tới cùng, chỉ được phép nói đến sự lạc quan, chiến thắng, còn những thất bại, con số thương vong, số người tử trận không bao giờ công bố… thì bên đó chắc chắn phải thắng.
Người cộng sản không quan tâm đến cái giá của máu xương hay thời gian, thời gian thuộc về họ, trong khi đó là những điều mà người dân Mỹ, dư luận Mỹ không bao giờ cho phép chính phủ của họ. Khi người Mỹ muốn, họ nhảy vào Việt Nam cho bằng được rồi khi phải rút, họ tìm mọi cách, kể cả đi đêm với Bắc Việt, bắt tay với Trung Cộng, bán đứng đồng minh.
Xem xong bộ phim, tin rằng có lẽ chỉ trừ nhà cầm quyền Việt Nam, những ai còn say sưa với những hào quang chiến thắng trong quá khứ, hay còn mê muội vì thiếu thông tin, hầu hết người Việt Nam dù thuộc phe thắng cuộc hay thua cuộc, dù từng đi qua cuộc chiến tranh hay sinh ra và lớn lên thời hậu chiến, đều cảm thấy buồn, ngậm ngùi, cay đắng. Cay đắng vì số phận nghiệt ngã của Việt Nam. Dân tộc này đã phải trải qua những năm tháng chiến tranh liên miên, trong đó cuộc chiến này là một bi kịch không gì bù đắp nổi, không chỉ đã tàn phá đất nước trong suốt bao nhiêu năm mà còn để lại những vết thương, sự chia rẽ đến tận bây giờ do những chính sách sai lầm của bên thắng cuộc. Cay đắng hơn nữa là cái giá quá đắt phải trả ấy để cuối cùng được gì, Việt Nam hiện tại đang đứng ở đâu trên bản đồ sắp hạng của thế giới, từ độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải cho tới tự do, hạnh phúc của nhân dân đều không đạt được.
Sẽ có nhiều cái "nếu" được đặt ra, nhưng có thể tóm gọn lại, nếu đảng cộng sản không giành được chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945 thì toàn bộ con đường đi của đất nước này, dân tộc này đã khác. Và cuộc chiến tranh này cũng như những cuộc chiến với Khơ Me Đỏ, với Trung Cộng đã không xảy ra.
Nhưng lịch sử thì không bao giờ có chữ "nếu"…
Điều đáng nói hơn đó là nhìn vào hiện tại và tương lai. Người Mỹ đã mổ xẻ khá đầy đủ về cuộc chiến tranh Việt Nam, không che giấu những sai lầm, kể cả những tội ác, họ cũng đã sám hối (cả những người từng tham gia cuộc chiến cho tới những người phản đối chiến tranh từng dùng những từ ngữ nặng nề để gọi những người lính), họ cũng đã dựng cả bức tường khắc đầy đủ tên hơn 58.000 người lính Mỹ hy sinh để tưởng nhớ những người đã ngã xuống và răn mình không bao giờ được phép có một Việt Nam thứ hai nữa.
Còn người Việt Nam ? Đảng cộng sản chưa bao giờ dám nhìn lại quá khứ, lịch sử với họ là một thứ lịch sử được viết theo ý họ, bất chấp sự thật. Cho dù đã hơn 4 thập niên trôi qua.
Không dám nhìn lại quá khứ, không nhìn thẳng vào thực tại thì không học được gì và không bao giờ thoát khỏi những bóng ma của quá khứ.
Câu hỏi là đảng cộng sản, với quá nhiều sai lầm và tội ác, tất nhiên không đủ dũng khí và cả sự sáng suốt để sám hối, tỉnh thức đã đành, nhưng còn người Việt Nam dù thuộc phe nào đi nữa, liệu chúng ta có dám mổ xẻ đến tận cùng những trang sử đau đớn đã qua và trong hiện tại, để giành lấy quyền quyết định vận mệnh, tương lai của đất nước vào tay nhân dân ?
Song Chi
Nguồn : RFA, 25/09/2017 (songchi's blog)
Viết nhân ngày 2/9
Khi nào thì một dân tộc xem như đã mất nước ?
Khi độc lập về chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải bị xâm phạm thường xuyên mà nhà cầm quyền của nước đó chả dám phản ứng gì.
Thế giới sửng sốt trước vụ tàu cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc đâm chìm mà chính quyền Việt Nam không dám có phản ứng
Khi những người lãnh đạo cao nhất quỵ lụy, coi kẻ thù là thầy, là bạn, còn nhân dân lả kẻ thù.
Khi các quan chức từ trên xuống dưới bắt tay hợp tác với giặc, mở toang cửa cho giặc vào thuê đất dài hạn khắp nơi từ Nam ra Bắc, rước giặc vào nhà làm ăn, xả rác, gây ô nhiễm môi trường và gây ra đủ mọi tác hại lâu dài cho đất nước, dân tộc.
Khi các quan chức từ trên xuống dưới chỉ biết chạy theo chức tước và tiền, chỉ biết vơ vét, chụp giựt cho đầy túi tham, bất chấp hậu quả gây ra cho đất nước, nhân dân.
Khi người dân chỉ biết chịu đựng, và chỉ biết lo làm ăn để vun vén cho bản thân và gia đình, chuyện chính trị, chuyện lớn đã có nhà nước lo, chính phủ lo.
Khi những người có tài có tâm thật sự với nước với dân thì không được sử dụng hoặc tệ hơn, bị xách nhiễu, tống giam vào tù với những bản án bất công, man rợ chỉ vì dám lên tiếng nói sự thật, còn những kẻ bất tài, cơ hội, bán nước buôn dân thì lại chiếm lấy những chỗ ngồi cao nhất để tiếp tục vơ vét và phá hoại.
Khi trí thức, nghệ sĩ cũng chỉ lo kèn cựa nhau cái danh hão, cái bổng lộc, hoặc khúm núm xum xoe dùng ngòi bút, tiếng hát, nét vẽ… để phục vụ nhà cầm quyền, còn giới trẻ thì mãi ăn chơi, hưởng thụ, khóc cười với những "thần tượng" showbiz, bóng đá hay chuyện đời tư của giới biểu diễn…
Khi nỗi đau về mọi chuyện bất công, phi lý, trái tai gai mắt xảy ra hàng ngày chỉ còn đủ sức làm cho người ta xúc động trong giây lát rồi quên ; khi nỗi nhục đất nước bị tụt hậu, thua kém xa các nước khác, hình ảnh đất nước cho tới người dân trong mắt thế giới chỉ toàn là tiêu cực, xấu xa, nhưng cũng chỉ đủ làm cho người ta phẫn nộ, tủi hổ trong giây lát rồi quên…
Khi đối với tất cả, Tổ Quốc không còn là giang sơn phải gìn giữ nâng niu, quê hương không còn là ngôi nhà chung phải vun đắp cho một tương lai chung. Trái lại, quê hương chỉ là cái quán trọ, là nơi ở tạm, còn tương lai lâu dài lại nằm ở một đất nước khác.
Thì quốc gia ấy xem như đã mất, chỉ còn lại cái "vỏ" bên ngoài. Dân tộc ấy xem như đã lưu vong ngay trên chính quê hương mình.
Và đó chính là thành quả của đảng và nhà nước cộng sản sau 72 năm ngày 2/9 (2/9/1945-2/9/2017), ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Song Chi
Nguồn : RFA, 01/09/2017 (songchi's blog)