"Nhà Sản" – biệt danh mang tính châm biếm của dân gian đặt cho chính quyền cộng sản ở Việt Nam – vừa "kiến tạo" thêm một sắc thuế, nhưng cũng đồng thời để lộ ra tình trạng ngân sách năm 2018 tiếp tục bội chi lớn, hụt thu đáng kể và chẳng biết tương lai đi về đâu.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – một "đầu sai" của đảng, và "chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy." Ảnh : Cali Today
Bộ Tài chính của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng – một "đầu sai" của đảng dùng riêng cho nhiệm vụ "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" – đang vội vã xây dựng Luật Thuế tài sản, dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.
Nhà có giá trị 700 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị đánh thuế tài sản ở mức 0,4%. Như vậy, giá trị nhà càng cao, thì số tiền thuế phải nộp sẽ càng nhiều.
Đến lúc này, ngay cả tờ báo Lao Động của chính quyền cũng phải giật một cái tít hiếm thấy : "Động não kiếm tiền quá khó, đánh vào túi dân rất dễ", cho biết "dư luận phản ứng dữ dội khi báo chí đưa tin, trong dự luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đưa ra phương án toàn bộ nhà ở trị giá hơn 700 triệu đồng phải nộp thuế 0,4%… Dân chưa kịp thở để lấy sức trước chính sách thuế này, đã phải thất kinh vì chính sách khác. Tăng thuế VAT, tăng thuế môi trường chưa đủ nên tiếp tục nghĩ cách tăng khác".
Nếu Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đang bị dư luận xã hội cáo buộc về liên đới trách nhiệm với vụ nhập hàng triệu viên thuốc ung thư giả mà có thể đã khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải chết đến hai lần, hậu quả mà Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng gây ra khi đề xuất tăng thuế VAT (giá trị gia tăng) từ 10% lên 12% từ năm 2019, cùng hàng loạt sắc thuế đè đầu dân khác, cũng có thể gây tác hại ghê gớm không kém tính độc dược của thuốc ung thư giả.
Mưu đồ tăng thuế VAT lại xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ 10 liên tiếp, một xã hội bị acid đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện "bóp cổ bóp họng" và "không có tiền thì chỉ có chết," sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Thói vô tâm, vô cảm và vô trách nhiệm của giới quan chức Bộ tài chính đã tích tụ từ nhiều năm qua và mang tính hệ thống.
Ngay trước mưu đồ tăng thuế VAT, Bộ tài chính đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Nếu kế hoạch đánh thuế tài sản đối với nhà ở và xe hơi đạt "thành công", ngân sách chính quyền sẽ có thêm số thu từ 20.000 – 30.000 tỷ đồng hàng năm, bù đắp cho khoảng trống toang hoác.
2017 là năm đầu tiên mà ngân sách bị hụt thu đến hơn 3% so với sụ toán đầu năm, nếu không tính đến khoản "bán mình" – tức 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco (Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát).
Kết quả thu ngân sách chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 sẽ có thể còn tồi tệ hơn, nếu không tính tới phần "bán mình".
Kết quả 96,8% thu ngân sách trên không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Trong năm 2017, ngay cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua – cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến hơn 20%, còn khối doanh nghiệp nhà nước còn tồi tệ hơn cả thế – đã quá đủ để phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7,46% trong quý 3 và 6,7% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần, khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.
Trong khi đó, một nguồn thu lớn của ngân sách Việt Nam là dầu khí thì lại bị "đồng chí tốt" Trung Quốc siết bức. Trong hai năm 2017 và 2018, lần lượt hai mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ và Cá Voi Xanh đã bị Bắc Kinh gây sức ép khiến Bộ chính trị Hà Nội phải "cắm mặt" rút giàn khoan thăm dò mà không dám có phản ứng gì.
Trong tình cảnh hết sức bĩ cực ấy, tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt. Sự tồn vong của đảng cầm quyền cũng lệ thuộc không khác hơn, nếu xét trên phương diện những thiệt hại về chính trị trên trường quốc tế và ngay trong lòng dân.
Xã hội cùng dân chúng lâm vào cảnh thảm thương đọa đày – chẳng khác gì bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hồ Chí Minh cách đây 72 năm đã mô tả về thực dân Pháp : "chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy."
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 15/04/2018
Vụ chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng ở Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) bị phát hiện chỉ mới đây đã phát ra một dấu hiệu về triển vọng bục rách ghê gớm của hệ thống ngân hàng ở Việt Nam – bao gồm nhiều ngân hàng thương mại 100% vốn tư nhân và cả những ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước.
Ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình không những không bị hề hấn gì trong vụ xử đại án OceanBank, mà còn đang được một số dư luận đồn đoán sẽ được Tổng bí thư Trọng điều chuyển sang chỗ khác "ngon hơn" sau Hội nghị trung ương 7. Ảnh : Zing News
Nhưng cho đến nay và sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở nhiều ngân hàng thương mại, vẫn chẳng có một cuộc "đại phẫu" hay "thay máu" nào đặc cách dành cho khối ngân hàng và cơ quan quản lý của nó là Ngân hàng nhà nước. Vẫn chỉ là lý do mang đậm đặc ngụy biện như "do lỗ hổng quản trị rủi ro".
Vậy có thể giải thích thế nào về hiện tượng 5 năm trước khi xảy ra hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng, Eximbank đã từng "vinh dự nhận giải thưởng "Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2013"’ ?
Nhưng lại có một bằng chứng không thể chối cãi về "thành tích điều hành" của Ngân hàng nhà nước : vào tháng Ba năm 2018, một cựu phó thống đốc của Ngân hàng nhà nước là Đặng Thanh Bình đã chính thức bị truy tố. Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình, ông Đặng Thanh Bình phụ trách công tác giảm sát kiểm tra. Đó cũng là thời của vô số khuất tất về chính công tác này mà đã khiến 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng và một số ngân hàng thương mại khác, chẳng hạn như DongABank, được "chui qua lỗ kim", để đến giờ này Đặng Thanh Bình bị truy tố với ít nhất một vụ việc đã "giúp" Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây Dựng làm thất thoát đến 9.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, một phó thống đốc khác của Ngân hàng nhà nước là bà Nguyễn Thị Hồng đã khiến dư luận xã hội phẫn nộ khi bà nêu ra "giải pháp chấn chỉnh" sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng : "người dân phải kiểm tra thường xuyên khi gửi tiền ngân hàng", mà không có một sự thừa nhận nào về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan Ngân hàng nhà nước.
Những năm gần đây, mật độ vụ việc chiếm đoạt tiền gửi khách hàng đã lan từ khối ngân hàng thương mại nhỏ 100% vốn tư nhân sang cả những ngân hàng thương mại lớn có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước. Agribank, Vietcombank, Eximbank, BIDV đều là những ngân hàng nằm trong "top 5" của hệ thống ngân hàng Việt Nam và từng được chính thống đốc Ngân hàng nhà nước thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Văn Bình hứa hẹn như đinh đóng cột "không để ngân hàng nào bị phá sản".
Cho tới nay và khi đã trở thành ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Văn Bình vẫn giữ được lời hứa trên : vẫn chưa có ngân hàng nào phải phá sản.
Nhưng thay cho cảnh phá sản đáng lẽ đã phải xảy ra vào cuối năm 2014, có ít nhất 3 ngân hàng là Đại Dương, Xây Dựng và Dầu Khí Toàn Cầu đã được Ngân hàng nhà nước thời Nguyễn Văn Bình giang tay ôm vào lòng với giá 0 đồng, bất chấp tình trạng nợ xấu và rất xấu của 3 ngân hàng này lên đến 20.000 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ tổng cộng của cả 3 ngân hàng chỉ có 10.000 tỷ đồng.
Và cho đến nay, vẫn không ai biết Ngân hàng nhà nước đã làm cách nào để đạo diễn mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng. Tất cả vẫn là một tấm màn bí ẩn và dường như được cả cấp trên của Ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình tìm cách che khuất, bất chấp rất nhiều dư luận đã nghi ngờ về việc vào thời còn là thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo lấy tiền ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – để "cứu" 3 ngân hàng trên.
"Cái sảy nảy cái ung" – lối quản lý của người bị Tạp chí quốc tế Global Finance liệt vào "một trong 20 thống đốc có thành tích điều hành tệ nhất thế giới" vào năm 2012, tức Nguyễn Văn Bình – đã kéo theo vô số hậu quả coi thường pháp luật ở nhiều ngân hàng, trong đó phải kể đến "ngân hàng quốc doanh lớn nhất" Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng.
Trong bối cảnh nhập nhoạng và đầy rẫy tham nhũng như thế, hội chứng "hốt cú chót" cũng hình thành trong não trạng tội phạm – quan chức ngân hàng – như thế. Hình thành vào lúc hiện ra ngày càng nhiều thông tin về tương lai phá sản không thể tránh khỏi của một số ngân hàng đang cõng trên mình số nợ xấu rất lớn mà không cách gì xử lý được.
Nếu vào những năm trước cũng đã có một số vụ việc chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ – từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, thì quy mô chiếm đoạt gần đây đã lên tới từ 50 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng trong thời gian gần đây cho thấy tâm lý kẻ phạm tội là nhân viên và quan chức ngân hàng đã gần giống với tâm lý của những tên cướp và trộm "đã làm thì làm cho đáng, đằng nào cũng một lần đi tù"…
Nhưng cho tới nay, trừ trường hợp cựu Phó thống đốc Đặng Thanh Bình bị truy tố theo vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây Dựng, vẫn còn nhiều quan chức ngân hàng khác bình yên vô sự.
Ngay cả Ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình không những không bị hề hấn gì trong vụ xử đại án OceanBank, mà còn đang được một số dư luận đồn đoán sẽ được Tổng bí thư Trọng điều chuyển sang chỗ khác "ngon hơn" sau Hội nghị trung ương 7.
Sau dấu hiệu đầu tiên về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị "đánh hội đồng" vào nửa cuối năm 2017, vụ "Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng" là dấu hiệu thứ hai và rõ hơn hẳn về một vòng vây không còn là vô hình đang dần siết lấy cựu ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh – ông Lê Thanh Hải.
Lê Thanh Hải, hàng sau bên trái, trong một đại hội năm 2011, Hà Nội. Ảnh : VOA
Từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết trên báo nhà nước mang tựa đề "Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì ?", cho rằng "Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để "trùm mền", động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc Thành phố Hồ Chí Minh đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm".
Sau đó, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ "đặc biệt" giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự "bảo kê" của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.
Còn Lê Tấn Hùng – Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn MTV (SAGRI) – lại là em ruột của ông Lê Thanh Hải.
Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, ông Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh.
Lực lượng Thanh niên xung phong lại là "cái nôi cách mạng" để từ đó "đi lên" của ông Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được "bảo kê 100%" bởi ông Lê Thanh Hải.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, báo chí nhà nước bất chợt thông tin "Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Tấn Hùng, thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Quyết định kỷ luật có hiệu lực kể từ ngày 5/3… Theo văn bản của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Tấn Hùng đã có hành vi vi phạm về nguyên tắc kế toán được quy định tại Khoản 4, Điều 6, luật Kế toán năm 2003…".
Tuy nhiên, các tờ báo nhà nước không cho cho biết, hoặc đã không được biết về "hành vi vi phạm về nguyên tắc kế toán" là hành vi gì.
Nhưng không hiếm người hiểu là cựu bí thư Lê Thanh Hải đã chính thức bị "sờ gáy", cho dù hình thức kỷ luật đối với ông Lê Tấn Hùng chỉ là "khiển trách" – một mức độ mà có thể cho phép ông Hùng vẫn tiếp tục tại vị hoặc "hạ cánh an toàn".
Song đến giữa tháng Tư năm 2018, độ rủi ro đối với người em trai của cựu bí thư Lê Thanh Hải đã tăng đột biến.
Ngày 13/4/2018, một số tờ báo nhà nước giật tít "Ông Lê Tấn Hùng ký và chi khống 13,3 tỉ đồng bằng cách nào ?".
Theo đó, nội dung quan trọng nhất của Kết luận Thanh tra đã được "bật đèn xanh" để phổ biến :
"Chỉ trong vòng 1 tháng (từ tháng 10/2016 đến 11/2016), ông lê Tấn Hùng đã ký 10 hợp đồng tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài (Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đức, Nga, Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Nam Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…) có tổng giá trị hơn 13,3 tỉ đồng với Công ty thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty du lịch Thanh niên xung phong.
Các hợp đồng trên đã được 2 công ty du lịch tổ chức thực hiện và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng, xuất hóa đơn tài chính và tất toán công nợ.
Tuy nhiên, điều đáng nói là kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh – Công an Thành phố xác nhận 40/70 người có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do Tổng công ty tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.
Thanh tra Thành phố kết luận việc SAGRI không thực hiện các chuyến đi học tập nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13,3 tỉ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Kế toán năm 2003.
Thanh tra Thành phố cũng nhận thấy SAGRI có dấu hiệu cấu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật. Trách nhiệm này thuộc về Tổng Giám đốc và Kế toán trưởng SAGRI.
Thanh tra Thành phố kiến nghị giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên của tổng công ty này với hai đơn vị du lịch liên quan".
Vụ việc "Lê Tấn Hùng chi khống 13,3 tỉ đồng" đang có triển vọng sang thẳng cơ quan điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh. Khi đó, số phận của ông Lê Tấn Hùng có thể coi như "xong" và chỉ còn chờ ngày bị truy tố và ra tòa lãnh án.
Sau "đánh vòng ngoài" sẽ là "đánh vòng trong". Nếu đến nay đã có 2 trong số 3 người con của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang bị "lên thớt", thì "thòng lọng" siết cựu bí thư Lê Thanh Hải có lẽ cũng chẳng khác mấy.
Chiến thuật trên đang khá tương hợp với đồn đoán trước tết nguyên đán 2018 về "từ sau Tết đến Hội nghị trung ương 7, Lê Thanh Hải sẽ bị "đánh".
Ông Lê Thanh Hải từng được một số dư luận đồn đoán là "một trong những người giàu nhất Việt Nam".
Nhưng ai "đánh" ? Và "đánh" để làm gì ?
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 13/04/2018
"Cảnh sát biển Việt Nam sẽ chiến đấu bảo vệ ngư dân" là tựa đề được đặt trong trạng thái có vẻ quá hưng phấn và mang tính cường điệu cao của một tờ báo nhà nước khi xuất hiện dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Namvào tháng Tư năm 2018.
Tàu vỏ sắt Trung Quốc to lớn đang cố tình đâm tàu cá ngư dân Việt Nam, còn Cảnh sát biển Việt Nam… biến mất (Ảnh do ngư dân cung cấp-RFA)
Theo bản dự thảo này, "Cảnh sát biển Việt Nam có thể nổ súng để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển ; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên".
Cũng theo bản dự thảo trên, Cảnh sát biển có thể nổ súng cảnh cáo các tàu hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển của Việt Nam nếu các tàu này không chấp hành hiệu lệnh chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp. Cảnh sát biển nổ súng chỉ khi tính mạng và sự an toàn của họ bị đe dọa, hoặc trong khi truy đuổi những người và tàu thuyền vi phạm trên biển, hoặc để bảo vệ người dân mà tính mạng bị đe dọa…
Vậy từ năm 2013 đến nay và khi đã được phong hàm "tướng" ngang với cấp quân khu và quân đoàn, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã làm gì để bảo vệ ngư dân Việt trước vô số hành động khủng bố của "đồng chí tốt" ?
Trong vụ Hải Dương 981, bằng chứng rõ ràng nhất là bất chấp nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc do giới đấu tranh nhân quyền và dân chúng tổ chức nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh thành khác, Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam vẫn kiên định tâm thế nín lặng. Từ năm 2014 đến nay, đã không có tối thiểu một bản nghị quyết nào của Bộ Chính trị hay của Quốc hội lên án về vụ Hải Dương 981 hay chí ít để "rửa mặt" trước những câu chuyện "nhục quốc thể" tương tự ở Bãi Tư Chính vào năm 2017 và 2018.
Đó cũng là nguồn cơn khiến căn bệnh "hải quân bám bờ" ngày càng nan y, còn lực lượng cảnh sát biển thì gần như… biến mất.
Trong tình cảnh "văn dốt võ dát" và giới quan chức Việt thân ai kẻ đó lo như thế, hải quân và tàu cá Trung Quốc có vẻ muốn làm gì thì làm.
Nếu trước đây, tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc chỉ dừng ở mức độ áp sát, ngăn cản, hoặc tấn công đánh đập ngư dân Việt, húc lật thuyền Việt… chứ không trực tiếp bắn thẳng vào ngư dân Việt, thì từ cuối năm 2015, "đám người lạ" đã nhảy thẳng sang tàu cá Việt Nam để bắn chết ngư dân. Vụ ngư dân Trương Đình Bảy bị "tàu lạ" dùng súng AK bắn chết vào tháng 11/2015 là một minh chứng quá đau đớn.
Đến năm 2017, quan hệ Việt - Trung được "cải thiện" thấy rõ. Ngư dân nhiều địa phương lâm vào cảnh "tuẫn tiết". Trong đó, Quảng Ngãi là địa phương phải chịu áp lực gây hấn nặng nề nhất. Rất nhiều tàu cá và ngư dân Việt đã bị một số lực lượng của Trung Quốc tấn công, trong đó ba tàu cá bị tông va, đập phá dẫn đến chìm.
Từ năm 2011, 2012 đến nay, đã chẳng có một cái chết nào của ngư dân Việt được nhà chức trách Việt Nam điều tra làm rõ và công bố cho người dân biết. Hầu hết đều "chìm xuồng".
Vào đầu tháng Tư năm 2018, thêm một tàu ngư dân ở Nghệ An đã bị "tàu lạ" đâm chìm khiến 21 thuyền viên suýt chết. Nhưng một lần nữa trong vô số lần, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã không có một động tác rõ ràng và minh bạch nào để điều tra thủ phạm bách hại ngư dân nước mình.
Một phóng sự của đài RFA Việt ngữ vào tháng Tư năm 2018 cho biết không ít ngư dân nói rằng họ cứ mặc cho sự may rủi trong mỗi lần ra khơi kiếm sống, do hiện tại họ phải chịu cảnh "một cổ hai tròng", vì ngư dân Việt bị uy hiếp, bị cướp bóc và đánh đập trên ngư trường Việt Nam là chuyện xảy ra như cơm bữa, nhưng Cảnh sát biển Việt Nam chẳng làm gì để bảo vệ được cho họ ; còn tàu Hải cảnh Việt Nam thì thỉnh thoảng cặp theo tàu cá để xin tiền và hải sản ăn nhậu, chứ hiếm khi xuất hiện vào lúc tàu cá đánh tín hiệu cầu cứu, như một ngư dân chia sẻ : "Ảnh hưởng nói chung là mọi mặt. Bây giờ dân không biết nói sao hết. Đường nào ngư dân cũng phải gánh hết"…
Còn "Hải quân nhân dân Việt Nam" của một quan đội tiêu xài đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đóng thuế hàng năm của dân thì sao ?
Về mặt lực lượng, Hải quân Việt Nam không phải là "nghèo". Trong vài năm qua, Mỹ đã trao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra để giúp Việt Nam củng cố năng lực giám sát và bảo vệ hàng hải của mình. Nhật Bản cũng đã cung cấp sáu tàu tuần tra đã qua sử dụng và hứa cấp thêm sáu tàu mới.
Nhưng vào năm 2015, một trong số những đơn vị bảo vệ hải phận là Hải Đội hai - Bộ Chỉ Huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Trị còn được "nổi tiếng" trên mặt báo chí bằng động tác tuần tra khống trên biển để rút ruột ngân sách ít nhất hàng tỷ đồng. Dù vụ việc này mau chóng được "rút kinh nghiệm", nhưng chẳng ai tin nổi chỉ có riêng Quảng Trị mới tuần tra khống như thế.
Vậy vì sao trong tình cảnh rệu rã quân sự như thế, chính thể Việt Nam lại muốn cho cảnh sát biển có "quyền được nổ súng bảo vệ chủ quyền" ?
Vì ngư dân chăng ?
Thực trạng từ nhiều năm qua đã không một cái chết nào của ngư dân, cũng không một vụ ngư dân bị hành hung nào được "điều tra làm rõ" đã cho thấy Bộ Quốc phòng, Hải quân và lực lượng cảnh sát biển đã cực kỳ vô trách nhiệm trước đồng bào mình.
Cho dù vào cuối năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam có được chính thức thông qua chăng nữa, chẳng mấy người dân dám tin rằng với "truyền thống bám bờ" trong quá nhiều năm qua, lực lượng cảnh sát biển sẽ có một hành động thực chất nào để cứu vớt cảnh bị hành hung và bị bắn giết của ngư dân Việt.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 12/04/2018
Đã có những bằng chứng đáng thuyết phục cho thấy tổ chức mạng Facebook đã và đang "tiếp tay" cho chính quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận - được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982 và Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước này.
Bức thư ngỏ của 50 nhà hoạt động,tổ chức nhân quyền và nhà báo độc lập của Việt Nam gửi ông Mark Zuckerberg ngày 9/4/2018. Ảnh : RFA
Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Có thể xem bức thư trên là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report" của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và "lực lượng 47" của Bộ Quốc phòng.
Nhà báo và cũng là nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Thiện Nhân, hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, đã ký tên trong thư ngỏ gửi nhà lãnh đạo Facebook, xá nhận với VOA : "Chính tôi cũng là một nạn nhân bị Facebook gỡ bài và có những lần bị phạt treo Facebook 1 tuần, rồi sau đó là 1 tháng. Một ví dụ là tôi đưa clip cảnh sát lái một chiếc xe đặc chủng cán lên xe máy của hai người công nhân thì bị ‘report,’ rồi bị gỡ bài, phạt treo Facebook của tôi. Chính sách phạt của Facebook khi bị ‘report’ như vậy là không thỏa đáng, cho nên tôi ký tên vào thư phản đối để Facebook xem xét lại".
Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy - Phó chủ tịch Hội Nhà báo độc lập Việt Nam cho rằng dường như có sự thỏa hiệp giữa Facebook và chính quyền Việt Nam trong việc ngăn chặn và kiểm duyệt thông tin trên Facebook : "Họ thỏa hiệp với nhà cầm quyền Việt Nam để ngăn chặn Facebook. Việc này làm mất uy tín đối với người sử dụng. Tôi không hiểu tại sao họ lại bị sức ép như thế. Họ đã ngăn chặn và xóa bài hết sức tùy tiện. Rất nhiều bạn bè của tôi đã kêu ca và bản thân tôi cũng bị như thế. Điều này thật khó hiểu".
Còn theo nhà hoạt động Đinh Quang Tuyến : "Bất luận là từ phía nào, việc ngăn chặn thông tin là xem như đã vi phạm nhân quyền, quyền biểu đạt, tự do thông tin và tư tưởng. Việc Việt Nam vi phạm nhân quyền là thấy rõ rồi. Còn Facebook có thật sự đã thỏa hiệp đến mức độ nào thì tôi chưa rõ nhưng các hoạt động có biểu hiện bị ngăn chặn. Rõ ràng là Facebook đã mất thiện cảm với người dùng. Nếu đúng là Facebook đã thỏa hiệp với Cộng sản thì đó là điều rất đáng tiếc cho chính Facebook".
Rất có thể, câu chuyện cấm đoán trên facebook bắt đầu từ tháng Tư năm 2017, khi người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn và đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung. Kể từ sau buổi gặp mặt giữa hai bên, tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là "vi phạm tiêu chuẩn".
Trước đó, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là "nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước" trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert - Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa.
Sau cuộc gặp trên, báo Vietnamnet đã đăng tin : "Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thiện chí hợp tác của Facebook…"
Việt Nam là quốc gia bị Tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở ở Pháp, cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế, liệt vào hạng 175/180 về tự do báo chí trên thế giới. Chắc hẳn "học tập knh nghiệm" của chế độ độc đảng ở Trung Quốc trong việc "siết" và "đẩy đuổi" Google và chỉ cho các mạng xã hội boạt động tại đất nước này nếu chịu "nghe lời" nhà cầm quyền Bắc Kinh, chính quyền Việt Nam cũng muốn tạo ra một hành động "tác động mang tính răn đe" đối với mạng Facebook.
Nhưng có một dấu hỏi lớn : vì sao Facebook - một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc "xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Cần chú ý là trong ít tháng sau cuộc gặp của Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn với đại diện Facebook, kết quả "xóa tin xấu dộc" vẫn không đạt như mong muốn của chính thể Việt Nam. Vào gần cuối năm 2017, ông Trương Minh Tuấn đã trở thành một trong những quan chức đi tiên phong, cùng với các quan chức của Bộ Công an và Bộ Tài chính, đòi hỏi các tổ chức mạng Facebook, Google… phải đặt máy chủ ở Việt Nam để "dễ quản lý", đồng thời tung ra một kế hoạch thu thuế đối với hoạt động của các tổ chức mạng này.
Cũng từ cuối năm 2017 đến nay, hiện tượng facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị gỡ nội dung và bị khóa đã trở thành số nhiều và liên tục.
Một số dư luận đang đặt câu hỏi : Phải chăng Facebook đã bắt đầu "thành khẩn hợp tác" với chính quyền Việt Nam từ cuối năm 2017?
Và phải chăng mối quan hệ "thành khẩn hợp tác" trên là để đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam, vào tháng Tư năm 2018, đã gỡ quy định bắt các tổ chức mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam khỏi dự thảo Luật An ninh mạng? Và khỏi đánh thuế Facebook?
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 11/04/2018
Trùng với thời gian kỷ niệm hai năm phát tác hậu quả kinh hoàng của thảm họa xả thải Formosa ở 4 tỉnh miền Trung, nhóm phóng viên điều tra của tờ báo điện tử Infonet thuộc nhà nước đã làm một việc có ý nghĩa : phát hiện tiền hỗ trợ công tác kiểm đếm, thống kê sự cố Formosa cho Hội đồng và cán bộ thôn ủy ban nhân dân xã Xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) nhận về, nhưng không chi trả đầy đủ cho các thôn, mà chính quyền xã này giữ lại một phần lớn số tiền để đi du lịch, may quần áo, trang trí và sửa máy móc trong ủy ban.
Quyết định số 2560 của UBND huyện Quảng Trạch ban hành ngày 20/10/2017 Ảnh : Infonet
Theo một quyết định của huyện Quảng Trạch mang số 2560, huyện hỗ trợ mỗi xã 264 triệu đồng/xã, hỗ trợ mỗi thôn 51 triệu đồng/thôn, ngoài ra có hỗ trợ tăng thêm ngoài định mức theo đối tượng. Tổng kinh phí hỗ trợ cho xã Cảnh Dương theo Quyết định 2560 là 1.470 tỉ đồng ; trong đó kinh phí đã cấp đợt 1 năm 2016 tại Quyết định 5366/QĐ-UBND là 70 triệu đồng, kinh phí cấp đợt 2 ngày 20/10/2017 là 1.400 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi nhận tiền về, chính quyền xã Cảnh Dương không công khai minh bạch các thông tin để cán bộ thôn được rõ. Công tác chi trả tiền hỗ trợ không đầy đủ, làm cho nhiều người dân trong xã bất bình.
Sau khi đảm bảo không đưa thông tin cá nhân lên báo, một đảng viên đã cung cấp thông tin cho phóng viên.
Người này bức xúc cho biết : "Lúc đầu xã nói chi trả tiền cho cán bộ thống kê, kiểm đếm là 25 triệu/thôn thôi. Tiền chi trả thêm thì bí thư thôn được xã may tặng một bộ quần áo. UBND xã dùng tiền chi trả liên quan sự cố môi trường của các thôn vào việc trang trí cổng làng hơn 50 triệu, sửa máy photocopy, và dành hơn 100 triệu để đi du lịch".
"Chúng tôi làm ở thôn, nhưng đâu có thiếu áo quần gì đâu mà xã phải đi may tặng, nên chúng tôi không nhận quần áo. Sau đó chúng tôi nhờ người quen xem thông tin chi trả trên huyện thì được biết về Quyết định 2560, lúc đó mới té ngửa là bấy lâu nay xã chi trả không đủ cho thôn, còn sử dụng sai mục đích số tiền trên. Trong các cuộc họp nhiều người phản ánh, nhưng đến nay xã vẫn không chịu trả" – ông Bí thư chi bộ nói.
Mới tính sơ sơ, Ủy ban nhân dân xã Cảnh Dương đã "nuốt" đến 50% số tiền phải chi.
Tỷ lệ 50% bị thất thoát cũng rất tương đồng với tình trạng tiền và quà từ thiện xã hội được chuyển về một số địa phương miền Trung vào những mùa bão lũ mà đã bí chính quyền "ăn" hết phân nửa. Thậm chí có trường hợp người dân bị tốc mái nhà nhận được phần tặng 500.000 đồng của một nhóm từ thiện xã hội, nhưng sau đó bị xã đến nhà thu đến 400.000 đồng.
Tỷ lệ trên cũng hiện hình trong bối cảnh ngay sau khi xảy ra thảm họa Formosa, một đoàn do "đảng trưởng" Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã đến thăm Formosa và được báo đài quốc doanh đưa tin đậm – hành động được hiểu như một cách "dằn mặt" những tờ báo nào có ý muốn làm tung tóe thảm họa Formosa.
Trong khi đó, chính phủ của Thủ tướng Phúc cũng vướng vào một vụ bê bối khác : quá nhiều dư luận đã nghi ngờ và phản ứng dữ dội khi ông Phúc tự thỏa thuận về Formosa về khoản bồi thường 500 triệu USD của doanh nghiệp này mà không thèm hỏi ý dân. Nhiều ý kiến đã cho rằng Thủ tướng Phúc đã "đi đêm" với Formosa.
Nhưng vẫn chưa hết. Số tiền 500 triệu USD bồi thường đã được Formosa chuyển hai lần, mỗi lần 250 triệu USD, vào tài khoản của Bộ Tài nguyên và môi trường – một trong những "thủ phạm" gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển kinh hoàng trên. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Bộ Tài nguyên và môi trường "ngâm" số tiền 500 triệu USD trong tài khoản ngân hàng quá lâu mà không chuyển ngay cho các địa phương nhằm hưởng lãi ngân hàng. Đây có thể là một hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng, tuy nhiên cơ quan bộ này đã không bị hề hấn gì.
Vào cuối năm 2016 khi xảy ra tình trạng tiền Formosa bồi thường cho dân bị quá chậm chuyển giao, Quảng Bình bất chợt trở thành tỉnh phát tiền bồi thường cho dân sớm nhất trong 4 tỉnh miền Trung – theo một báo cáo của bộ ngành cấp trung ương. Một số báo cáo còn cho biết chính phủ đã hoàn tất gần 100% của con số 500 triệu USD việc bồi thường cho dân.
Nhưng tất cả vẫn chỉ là con số báo cáo. Cũng như những báo cáo của chính quyền các địa phương về việc đã hỗ trợ gạo cho bà con ngư dân nhưng ngay sau đó bị chính ngư dân phát hiện một phần gạo đã bị mốc xanh đếtn nỗi vịt còn không chịu ăn, cho tới nay nhiều hộ dân vẫn khẳng định chưa nhận được tiền bồi thường Formosa.
"Báo cáo láo" của chính quyền chính là một trong nguồn cơn khiến phong trào biểu tình phản đối Formosa và phản đối chính quyền đã bùng nổ không ngớt trong hai năm qua, bất chấp cơ chế đàn áp thô bạo và dã man của chính quyền ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.
Vụ tòa án mới đây đã xử đến 66 năm tù đối với một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ – một tổ chức xã hội dân sự độc lập – cho thấy chính quyền đã tìm ra cách để "trả thù" những nhà hoạt động nhân quyền chỉ chuyên giúp đỡ các nạn nhân Formosa.
Bài báo trên Infonet điều tra vụ thâm lạm, mà thực chất là tham nhũng tiền bồi thường ở xã Cảnh Dương, được xem là quá hiếm hoi trong việc phát hiện ra bản chất thật của một chính quyền vẫn tuyên rao "của dân, do dân và vì dân", cũng là tiếng nói rất hiếm hoi trong số hơn 800 tờ báo quốc doanh đang tồn tại hiện nay.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 09/04/2018
Đến giờ thì đã rõ là không phải bỗng dưng mà từ cuối năm 2016 và đặc biệt trong năm 2017 lại từ lao xao đến xôn xao tin tức về công an địa phương này địa phương nọ "tinh giản biên chế", thậm chí có nơi được cho là phải cắt giảm đến 30% quân số, chủ yếu ở cấp xã và thị trấn.
Điều an ủi trong cơn "lạm phát tướng" ở Việt Nam là số sĩ quan cấp tướng vẫn còn thua con số lên đến 5000 ở "nước bạn" Campuchia… Ảnh : TTTĐ
Đầu tháng Tư năm 2018, Đề án 106 của Đảng ủy Công an Trung ương về "một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã chính thức được thông qua bởi một nghị quyết của Bộ Chính trị – cơ quan tối cao của đảng cầm quyền ở Việt Nam. Theo đó, bộ máy này sẽ giảm triệt để tầng nấc trung gian trong lực lượng mà cao nhất là sẽ không còn cấp tổng cục nữa. Về bộ máy, từ 126 đơn vị cấp cục và tương đương sẽ giải thể, sáp nhập chỉ còn khoảng 60, tức giảm hơn phân nửa.
Vào năm 2017, báo Thanh Niên dẫn lời Đại tá Lê Tôi Sủng, Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết trong 7 tháng đầu năm 2017, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 60 trường hợp công an xã, công an ấp nghỉ việc để ra ngoài làm công nhân, bảo vệ, phụ việc nhà giúp gia đình.
Tuy báo chí nhà nước ít khi đưa tin, hoặc hạn chế thông tin về sự thật chưa từng có trên, song tình trạng công an xã và trên cấp xã nghỉ việc không chỉ xảy ra ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn là hiện tượng khá phổ biến ở nhiều tỉnh và kể cả thành phố khác.
Một con số từ công an Bà Rịa – Vũng tàu đã chứng thực cho tình trạng khốn khó của công an xã : mức phụ cấp của giới này đã rớt xuống chỉ còn 1,6 – 1,7 triệu đồng/người/tháng, tức giảm đến phân nửa so với những năm trước.
Một nhà hoạt động nhân quyền ở Đăk Lăk cũng kể một câu chuyện bi hài xen kẽ : bẵng đi một thời gian không thấy "đuôi" – một nhân viên an ninh trẻ thường theo dõi mình, bỗng một hôm anh gặp tay an ninh này trong bộ đồ cảnh sát trật tự. Cậu an ninh có vẻ ngượng nghịu thổ lộ rằng cậu ta phải "chuyển nghề" từ an ninh sang trật tự vì thu nhập của an ninh nghèo quá, lại không có thu nhập thêm, trong khi làm cảnh sát trật tự thì ít nhiều còn có "màu".
Nhà hoạt động nhân quyền trên còn cho biết không chỉ công an viên cấp xã mà cả công an thành phố Ban Mê Thuột cũng có hiện tượng bị sa thải và nghỉ việc nhiều, tổng cộng có thể lên tới 30%.
Nhưng đến lúc này, thân phận "ra đường" không chỉ là công an viên cấp phường xã, mà đã lên đến cấp tướng của các tổng cục và cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an.
Ngay trước mắt, việc xóa bỏ các tổng cục sẽ làm mất ghế của rất nhiều tướng thuộc các cơ quan sau : Tổng cục An ninh (Tổng cục I), Tổng cục Cảnh sát (Tổng cục II), Tổng cục Chính trị (Tổng cục III), Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV), Tổng cục Tình báo (Tổng cục V), Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII).
Tại các tổng cục trên, không chỉ các Tổng cục trưởng mang hàm trung tướng bị "cách chức", mà cả các tổng cục phó – thiếu tướng cũng không còn ghế ngồi. Đó là chưa kể hai cơ quan khác là Bộ Tư lệnh cảnh vệ (K10) và Bộ tư lệnh cảnh sát cơ động (K20) tuy không bị giải thể nhưng sẽ bị "hạ cấp" và do đó số cấp tướng trong hai cơ quan này sẽ ít đi.
Cùng với quân đội, công an là ngành mà từ nhiều năm qua bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì "lạm phát tướng". Số lượng tướng lĩnh trong quân đội được cho là gần 500, còn với công an thì khoảng 300 – 400.
Một số người hoạt nhân quyền từng phải nằm trong nhà tù chế độ cho biết có nơi cán bộ quản giáo mang hàm đến trung tá. Hỏi ra mới biết những sĩ quan cao cấp này được "biệt phái" đến trại giam canh giữ tù vì ở các cục, vụ khác đều dư thừa biên chế.
Một tính toán vào năm 2017 của ông Tiến sĩ Vũ Quang Việt – cựu chuyên viên tài chính của Liên hiệp quốc – đã cho biết phần chi thường xuyên cho đội ngũ công an ở Việt Nam lên tới 12% trong tổng chi ngân sách hàng năm, tức còn cao hơn cả phần kinh phí gần 5 tỷ USD dành cho giới quân sự.
Hệ lụy của ngân sách tồi tệ rõ ràng đang gây tác động tiêu cực ngay với giới công chức, giới công an trị và khiến xảy ra xu hướng khó cưỡng lại là một bộ phận trong giới này phải "ra đi tìm đường cứu thân", đồng thời phác ra triển vọng không chỉ công chức, công an cấp xã, mà sắp tới còn cả công chức, công an cấp quận huyện, cấp tỉnh thành và cả cấp bộ có thể rơi vào tình trạng "bán thất nghiệp", "thu không đủ chi" và do đó có thể kéo nhau xin nghỉ việc.
Tuy thế, một tương lai không mấy mong đợi dành cho giới công an trị là tìm việc sẽ không mấy dễ dàng. Trong lúc tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở Việt Nam lên đến ít ra 20% – gấp hàng chục lần con số báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nhiều cử nhân đại học còn phải chạy xe ôm hoặc làm công nhân…, những người có xuất thân công an ít chuyên môn, kỹ năng, lại là giới bị người dân và doanh nghiệp ít ưa nhất, sẽ rất khó để tìm được nhữn công việc "màu mỡ" hay có mức thù lao cao. May ra chỉ có thể đi làm bảo vệ như một số công an xã sau khi xin nghỉ công việc "bảo vệ đảng".
Nhưng xét cho cùng, điều an ủi trong cơn "lạm phát tướng" ở Việt Nam là số sĩ quan cấp tướng vẫn còn thua con số lên đến 5000 ở "nước bạn" Campuchia – xứ sở của Hun Sen mà đến cả báo chí quốc tế cũng biết về thực tế "hàm tướng cứ mua là được".
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 08/04/2018
Đây là một tin không hề đáng vui mừng dành cho đội ngũ "cánh tay nối dài của đảng", vô tích sự và chỉ chăm chăm ăn tiền thuế của dân.
Quan chức Mai Văn Chính, Phó trưởng ban tổ chức trung ương, công bố 4 phương án về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội". Ảnh : VietNam Finance
Vào đầu tháng Tư năm 2018, Ban tổ chức trung ương đã công khai 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".
Có 4 phương án được đề xuất trong đề tài trên, bao gồm :
Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức ; nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án hai, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này ; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội gồm Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã.
Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân vận và Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Người đang nắm giữ chức vụ Trưởng ban tổ chức trung ương là ông Phạm Minh Chính - ủy viên Bộ chính trị "thường" nhưng lại được xem là "sủng thần" của Tổng bí thư Trọng, thậm chí gần đây còn có dư luận cho rằng ông Chính về thực chất đã nằm trong "tứ trụ mới" của Bộ chính trị.
Phạm Minh Chính có nguồn gốc là Bí thư Quảng Ninh - địa danh không chỉ nổi tiếng về nạn hủy hoại môi trường tự nhiên và làn sóng du khách Trung Quốc đang biến địa phương này thành "Phố Tàu", mà còn có thành tích là nơi đi đầu trong hệ thống chính trí về thí điểm và sau này là triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa" - tức nhập hai chức danh bí thư và chủ tịch chính quyền cấp huyện làm một.
Với bề dày thành tích như vậy và khi được đưa về làm Trưởng ban tổ chức trung ương, ông Phạm Minh Chính có thể được xem là một nhân vật "có trọng lượng" trong những đề xuất của ông.
Đề tài nghiên cứu "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" diễn ra trong bối cảnh chủ trương "tinh gọn biên chế" và "giảm 10% biên chế" của Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 đang được triển khai một cách chậm chạp trước đây và gia tốc tăng dần về sau này.
Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người - chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức.
Một trong những đối tượng sẽ bị tinh giản là các hội đoàn chính trị - xã hội.
Trong tình hình ngân sách xuất hiện nhiều dấu hiệu cạn kiệt từ cuối năm 2015 và kéo dài liên tục trong hai năm 2017 và 2018, đã rộ lên nhiều chỉ trích trong nội bộ đảng đối với hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội lớn, bao gồm các nhân tố Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Nếu trước đây kinh phí dành cho các tổ chức chính trị - xã hội trên thường không được lôi ra bình phẩm, thì nay ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích. Chỉ riêng 6 tổ chức chính trị - xã hội trên đã "ngốn" hơn 1 nghìn tỷ ngân sách mỗi năm.
Không phải "chỉ có" 14.000 tỷ đồng được ngân sách vung cho các tổ chức chính trị - xã hội như một số báo đài đưa tin, mà một đánh giá của Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) còn cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương với hơn 71.000 tỷ đồng.
Nhiều người đánh giá rằng so với nguồn kinh phí rất lớn nhận được hàng năm từ bầu sữa nhà nước, công sức và hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trên bỏ ra là hoàn toàn bất tương xứng. Còn nếu nhìn từ góc độ ngân sách được cấu tạo bằng tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn nước ngoài mà các đời dân chúng phải nai lưng gánh chịu, sự thể còn trở nên tàn nhẫn hơn nhiều.
Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam bức bối : đã đến lúc các tổ chức chính trị - xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam - còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Nhưng dĩ nhiên, sẽ không có chuyện đảng để cho Mặt trận tổ quốc Việt Nam phải giải tán, mà sẽ lặp lại cơ chế "tái sắp xếp" như nhiều năm trước, tức "gom" một số cơ quan làm một. Vào lúc này, cơ chế đó càng có tính thời thượng khi đáp ứng chủ trương "nhất thể hóa".
Trong hai năm 2016 và 2017, kinh phí ngân sách cấp cho nhiều hội đoàn nhà nước đã giảm đến một nửa hoặc đến 60% so với trước đây. Chẳng hạn Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2017 đã phải than vãn bị cắt một nửa kinh phí và có nguy cơ phải giải thể.
Trong bối cảnh đó, những "cánh tay nối dài của đảng" như Mặt trận tổ quốc Việt Nam cũng nằm trong diện bị cắt giảm ngân sách như một phương cách không thể nào khác hơn.
Rất có thể đề tài nghiên cứu về "đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội" của Ban tổ chức trung ương sẽ được Tổng bí thư Trọng ưu ái cho "ứng dụng kết quả" sớm. Theo đó và cũng giống như chiến dịch "cải tổ" Bộ công an đang diễn ra, khối đoàn thể chính trị - xã hội sẽ lâm vào cảnh "ghế rất ít, đít rất nhiều", kéo theo yêu cầu bắt buộc phải sáp nhập nhiều ghế vào một ghế, dẫn đến cảnh tượng nhiều quan chức hội đoàn sẽ phải hưu non hoặc bị hạ cấp, thậm chí phải "ra đường" - một dạng thân phận hoàn toàn trái ngược với cảnh trước đây ung dung ăn thuế của dân nhưng chỉ biết "hót" theo đảng.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 07/04/2018
Một số nhà quan sát cho rằng chính quyền Việt Nam đã làm một việc xuẩn ngốc khi kết án nặng nề các lãnh đạo của Hội Anh Em Dân Chủ trong phiên tòa xử ngày 5/4/2018.
Hãy nhìn kỹ : ai mới là BỊ CÁO ? Ảnh : VOV
Hội Anh Em Dân Chủ là một tổ chức xã hội dân sự này đã làm được nhiều hơn bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào khác, và hơn hẳn toàn bộ khối tổ chức hội đoàn nhà nước như Mặt trận Tổ quốc, Tổng liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản… trong mục tiêu hỗ trợ ngư dân và giáo dân 4 tỉnh miền Trung đòi lại công lý và tiền đền bù sau thảm họa xả thải ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra vào hai năm 2016 và 2017.
Nếu Formosa đã trở thành một chủ đề quốc tế và được nhiều tổ chức môi trường lẫn chính phủ một số nước và báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm, số phận những lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ bị công an Việt Nam tống giam cũng bởi thế được quốc tế quan tâm không kém – theo tiêu chí các giá trị dân chủ và nhân quyền trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.
Hoàn toàn dễ hiểu là phiên tòa của chính quyền Việt Nam xử "Luật sư Nguyễn Văn Đài và các đồng phạm" trong Hội Anh Em Dân Chủ được chính phủ nhiều nước chú tâm đến thế nào. Trước khi phiên tòa này diễn ra vào ngày 5/4, nhiều đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, bao gồm EU, Mỹ, Đức và Australia đã liên tiếp đề nghị chính quyền Việt Nam để đại diện chính phủ của những nước này tham dự phiên tòa.
Vậy EU đã phản ứng ra sao sau khi Hội đồng xét xử của phiên tòa trên – dù không đủ chứng cứ nên phải suy diễn theo hướng quy chụp có tội – giáng một bản án đến 66 năm đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, trong đó riêng Luật sư Nguyễn Văn Đài bị giáng án đến 15 năm tù ?
"Những bản án mà Tòa Hà Nội tuyên cho 6 nhà hoạt động dân chủ Việt Nam vào ngày 5 tháng tư là sự vi phạm trực tiếp những nghĩa vụ quốc tế mà chính Hà Nội cam kết ; cũng như Liên Minh Châu Âu mong muốn được tôn trọng đầy đủ. Liên Minh Châu Âu mạnh mẽ cam kết bảo vệ những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát và làm việc với các cơ quan chức năng và những đối tác liên quan nhằm cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam" – tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles.
Bruxelles lại là thủ phủ của EU – nơi mà các quan chức cao cấp của Việt Nam như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh liên tục đến để "vận động EU linh hoạt sớm phê chuẩn EVFTA" trong năm 2017 và đầu năm 2018.
Chi tiết ngoại giao đáng chú ý là trong tuyên bố của Phát ngôn nhân Maja Kocijancic của EU phát đi từ Bruxelles đã không còn những từ ngữ "lo ngại" hay "quan ngại" như một cách biểu lộ phản ứng nhẹ nhàng hoặc vừa phải, mà là lời lẽ cứng rắn – thậm chí còn cứng rắn hơn cả mức độ cứng rắn trong bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam – mang số hiệu 2016/2755 (RSP) mà Nghị viện châu Âu tung ravào tháng 6/2016, vào lúc chính quyền Việt Nam bắt đầu một chiến dịch đàn áp khốc liệt kéo dài 17 tháng liên tiếp đối với giới đấu tranh nhân quyền ở quốc gia này.
Sau nhiều năm giữ ôn hòa với chính quyền Việt Nam và thậm chí còn bị cho là khá mềm yếu trước quá nhiều vi phạm nhân quyền, từ giữa năm 2016 đến nay EU ngày càng quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền cho Việt Nam và nói thẳng đây là một trong những điều kiện bắt buộc, để nếu Việt Nam không chịu cải thiện nhân quyền thì sẽ không có cơ hội nào có được EVFTA.
Trước khi phiên tòa xử Hội Anh Em Dân Chủ diễn ra, báo đảng Việt Nam đã ồn ào khoa trương về việc Việt Nam đang đôn đốc vận động Ủy ban châu Âu hoàn tất bản thảo của EVFTA vào cuối tháng 3/2018 để trình Hội đồng châu Âu và sau đó trình Nghị viện châu Âu với hy vọng "sẽ thông qua vào mùa thu năm 2018". Tuy nhiên đã hết tháng Ba và sang tháng Tư mà vẫn không có bất kỳ tin tức nào về "hoàn tất bản thảo".
Cú giáng án bất công và quá nặng nề đối với Hội Anh Em Dân Chủ không chỉ cho thấy chuyến công du Pháp của Nguyễn Phú Trọng hầu như không đạt được kết quả nào về "vận động EVFTA sớm thông qua" mà đã dẫn đến động tác "giận cá chém thớt" những người hoạt động nhân quyền, mà còn khiến cánh cửa mới hé của hiệp định này đóng sập trước mũi Hà Nội và còn lâu mới trở thành "cứu cánh" cho nền kinh tế lẫn chân đứng chế độ độc đảng đang nhanh chóng ruỗng mục ở Việt Nam.
Cũng không thể không nói đến khí tiết của những người đấu tranh nhân quyền trước tòa án cộng sản. Hoàn toàn không giống hình ảnh một Đinh La Thăng sụt sùi rên rỉ "xin lỗi tổng bí thư", dưới đây là lời nói cuối cùng của những người lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ, được luật sư Lê Luân ghi lại :
Luật sư Nguyễn Văn Đài khẳng khái : Khoan dung cho những người bất đồng chính kiến chính là khoan dung với chính mình ngày mai.
Ông Trương Minh Đức : Tôi không có gì hối tiếc cả. Hôm nay các vị xét xử tôi nhưng ngày mai có thể là các vị. Bất công nó xoay vòng không chừa một ai.
Ông Nguyễn Bắc Truyển : Tôi sẽ luôn đấu tranh và nếu phải ngồi tù thì những người khác ngoài kia vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh cho tôi mà sẽ không bao giờ họ dừng lại.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 06/04/2018
Tháng Ba năm 2018, "nỗi nhục quốc thể" mang tên Bãi Tư Chính, lại thêm một lần nữa được lý giải "lùi một bước để tiến ba bước".
"Bản lĩnh Việt Nam" đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình ! Ảnh : TTXVN
Nhưng khác với bi kịch tháng Bảy năm 2017 khi phải "giương cờ trắng" ở mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam, lý do việc hãng Repsol – một công ty Tây Ban Nha liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực mà Bộ ngoại giao Việt Nam chỉ chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam" – phải câm lặng rút khỏi dự án này lại đang được một thế lực chính trị nào đó quy kết vào chính Repsol.
Tháng Ba năm 2018, khoảng một tuần sau vụ Repsol phải ngừng khai thác mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lại xuất hiện ở Hà Nội như một cách dằn mặt giới chóp bu Việt Nam.
Cùng lúc, một ý kiến xuất hiện trên đài BBC Việt ngữ về "Có nguồn tin nói rằng là phía đối tác Repsol chịu tác động của Trung Quốc và có đề nghị phía Việt Nam cho tạm dừng dự án khoan dầu lại. Về phía Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam, người ta cũng đồng ý thôi. Thế nhưng trước khi đồng ý, người ta cũng có ý kiến xin phép ở đâu đó, cấp trên nữa thì bảo rằng đó là việc của doanh nghiệp. Người ta đồng ý cho tạm dừng, nhấn mạnh tạm dừng, không phải dừng toàn bộ hay là hủy, chứ không thể hủy được".
Ý kiến trên là của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp ở Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp lại không nói rõ về "nguồn tin" ở trên là nguồn nào, hoặc ít nhất là nguồn tin này có độ khả tín đến mức độ nào.
Trong khi đó, chính một phóng viên của BBC News là Bill Hayton – người đầu tiên phát đi tin tức về vụ Repsol phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, cho tới nay vẫn không nêu ra bất kỳ một dấu hiệu hay biểu nào cho thấy Repsol đã bị áp lực bởi Trung Quốc để phải rút lui như vậy.
Vụ rút lui thứ hai liên tiếp trong vòng 9 tháng của Repsol khỏi Bãi Tư Chính đã khiến báo giới và dư luận quốc tế bắt đầu quan tâm – tò mò hoặc chờ đợi về cách xử thế của Hà Nội trước sức ép ngày càng lộ liễu và hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, để xem rốt cuộc Hà Nội sẽ vẫn ôm chặt "bạn vàng" và để ngư dân của mình bị bắn giết bởi "tàu lạ", hay sẽ phải đưa ra lời mời mọc cụ thể hơn với lực lượng hải quân Mỹ để Việt Nam có thể khai thác dầu mà không quá lo sợ Trung Quốc. Nhưng đến nay vẫn không có một tờ báo quốc tế nào đưa tin về việc Repsol bị Trung Quốc gây sức ép.
Trong khi không có bằng chứng nào cho thấy Repsol bị Trung Quốc gây sức ép, một số tờ báo quốc tế lại đã đăng tin về việc có đến 200 tàu chiến và tàu hải giám Trung Quốc bao vây khu vực Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017 như một chiến thuật khủng bố tâm lý chính thể Việt Nam. Khi đó, còn có thông tin về việc Trung Quốc đe dọa sẽ tấn công quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam tiếp tục khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính.
Trong thực tế, đã rất rõ là không phải Repsol, mà chính giới chóp bu Việt Nam mới là đối tượng bị "bạn vàng" gây áp lực về chính trị và quân sự để phải mang nỗi nhục "giương cờ trắng" đến hai lần vào năm 2017 và 2018.
Cần nhắc lại, trước nỗi nhục đầu tiên ở Bãi Tư Chính vào năm 2017, đã không một tờ báo nhà nước nào dám lên tiếng, mà nguyên nhân đủ sâu xa là Bộ Chính trị Việt Nam đã không muốn hoặc không dám có một phản ứng nào trên mặt truyền thông về vụ việc đáng xấu hổ đó.
Nhưng cũng vào thời gian trên, một số dư luận viên – những kẻ ăn lương của đảng và của công an – lại tung ra lý lẽ "đảng ta luôn lãnh đạo sáng suốt và tài tình" để "lùi một bước để tiến nhiều bước"…
Kết quả của lý lẽ trên cho tới nay đã chứng nghiệm quá rõ về nhân quả. Hèn nhát bao giờ cũng chỉ là hèn nhát không hơn không kém. Cái hậu của vụ Bãi Tư Chính lần đầu đã dẫn đến hậu quả Bãi Tư Chính lần 2, và có thể còn nhiều lần nữa.
"Lùi một bước để lùi thêm bước nữa".
"Lùi một bước để lùi thêm nhiều bước".
"Bản lĩnh Việt Nam" đã hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng chủ quyền của mình !
Năm 2017, "đối tác chiến lược toàn diện" Trung Quốc đã thêm một lần nữa khiến giới chính trị "Bốn tốt, mười sáu chữ vàng" trắng mắt. Trong nhiều nỗi nhục trên đời, có lẽ nỗi nhục thuộc loại tận cùng nhất là bị kẻ thù cầm tù ngay trong nhà mình.
Với hai lần nỗi nhục Bãi Tư Chính năm 2017 và 2018, chính sách cùng chiến thuật "đu dây" của Việt Nam với Trung Quốc lẫn phương Tây đã chính thức phá sản. Sẽ chỉ còn lại một chút may mắn nếu Trung Quốc không tấn công Việt Nam trên Biển Đông trong tương lai gần.
Vì nếu xung đột quân sự nổ ra, không hiểu trong cám cảnh "ngư dân bám biển, hải quân bám bờ", một "quân đội nhân dân Việt Nam" tiêu xài đến hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền đóng thuế của dân sẽ đánh chác ra sao, hay sẽ rùng rùng một đám quan chức lớn nhỏ đua nhau ôm vàng và kim cương nhảy lên máy bay "ra đi tìm đường cứu nước", bỏ mặc một tổ quốc tan hoang bởi nạn tham nhũng, đầy rẫy thân phận người nghèo khốn khó và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên…
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 04/04/2018