Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 26/08/2020 vừa qua, Mỹ ban hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc, đưa thêm 24 tâp đoàn Trung Quốc vào Danh sách các thực thể (Entity List), một danh sách đen bao gồm các công ty bị cấm giao dịch với doanh nghiệp Mỹ. Lý do được Bộ Thương mại Mỹ chính thức đưa ra là các tập đoàn này đã có "vai trò hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà quốc tế lên án".

bri1

Sri Lanka chuyển nhượng 85% cảng Hambantota cho tập đoàn Trung Quốc, China Merchants Port Holdings. Ảnh minh họa.  AFP/File

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đã thấy rằng động thái của Washington sẽ có tác động vượt ra ngoài Biển Đông vì sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn Trung Quốc có vai trò thiết yếu trong việc đẩy mạnh sáng kiến Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh.

Trong bài phân tích ngày 27/08/2020 mang tựa đề rất hình tượng : "Với những biện pháp trừng phạt mới nhất, Mỹ đang phủ bóng trên Vành đai và Con đường Trung Quốc", chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã nêu bật ví dụ của đại tập đoàn Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc (CCCC), một tác nhân chủ chốt trong các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa, nhưng cũng có một vai trò thiết yếu trong đề án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Con Đường tơ lụa mới trong tầm nhắm của Mỹ

Theo nhận định của The Diplomat, nếu Bộ Thương mại Mỹ chỉ tập trung trên mục tiêu trừng phạt các thực thể và cá nhân Trung Quốc dính líu đến các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, thì giới chức ngoại giao Mỹ không ngần ngại gợi lên mục tiêu thứ hai là đánh vào dự án Một vành đai Một con đường của Bắc Kinh.

Khi loan báo quyết định đưa 24 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross chẳng hạn đã nhấn mạnh rằng : "Các đơn vị bị nhận dạng đã đóng một vai trò đáng kể trong việc giúp Trung Quốc xây dựng một cách khiêu khích các đảo nhân tạo đó (ở Biển Đông) và phải gánh chịu trách nhiêm".

Nhật báo Mỹ The Washington Post, đã ghi nhận rằng tác hại cụ thể của các biện pháp trừng phạt được loan báo đối với các công ty Trung Quốc bị đưa vào sổ đen sẽ không cao vì nhìn chung họ không làm ăn nhiều với các công ty Mỹ. Một viên chức chính quyền Hoa Kỳ đã gợi lên doanh số vỏn vẹn 5 triệu đô la trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, mục tiêu của biện pháp không đơn thuần là trừng phạt các công ty Trung Quốc bị liệt vào sổ đen, mà là để răn đe các nước có nhiều giao dịch với các thực thể đó. Một viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định rằng lệnh trừng phạt có nhiều mục tiêu khác nhau, và ngoài việc "buộc kẻ xấu phải trả giá", còn có việc "khuyến khích tất cả các bên và định chế cũng như chính phủ trên thế giới nhận thức rõ rủi ro và xem xét lại việc kinh doanh, giao dịch" với các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc bị nêu tên.

Theo The Diplomat, chính vì mục tiêu răn đe đó mà Tập Đoàn Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc - China Communications Construction Company (CCCC) bị đưa vào danh sách và được chính ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu đích danh.

Trong thông cáo về quyết định đưa 24 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, ngoại trưởng Mỹ đã mô tả tập đoàn Trung Quốc như sau : "CCCC dẫn đầu việc nạo vét đáy biển để xây dựng các tiền đồn Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là một trong những nhà thầu hàng đầu mà Bắc Kinh sử dụng cho chiến lược chung Một Vành Đai Một Con Đường. Tập đoàn này và các chi nhánh đã can dự vào việc tham nhũng, tài trợ kiểu ăn cướp, hủy hoại môi trường và các hoạt động tàn phá khác trên toàn thế giới. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được phép dùng CCCC và những tập đoàn Nhà nước khác làm vũ khí để áp đặt một lịch trình bành trướng".

Tóm lại, đối với The Diplomat, bên cạnh mục tiêu được công bố là trừng phạt về tội xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, các viên chức ngoại giao Mỹ đã ám chỉ một mục tiêu khác : đánh vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bằng cách chĩa mũi dùi vào một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc ở vị trí trung tâm của đề án.

CCCC là một doanh nghiệp khổng lồ trong số các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc. Theo trang web của tập đoàn thì họ là một đại tập đoàn trong ngành xây dựng và thiết kế cảng ở Trung Quốc, công ty hàng đầu về đường sắt, về nạo vét, đứng hàng thứ nhì thế giới về khối lượng nạo vét. Do đó, không có gì là lạ khi CCCC hiện diện trong nhiều đề án tại hải ngoại trong khuôn khổ sáng kiến Một vành đai Một con đường.

Mở rộng răn đe

Theo The Diplomat, ý định tấn công vào Con đường tơ lụa mới còn thể hiện qua việc Mỹ đưa thêm 5 trong số 34 công ty con (hay chi nhánh) của CCCC vào sổ đen mà đa số đều trực tiếp tham gia vào đề án BRI ở hải ngoại. Ví dụ, Công ty nạo vét CCCC Dredging vào năm 2016 đã ký hợp đồng 328 triệu đô la cho công trình nạo vét, xây dựng ở Philippines cho Cebu International và Bulk Terminal Project.

Nhưng nhìn rộng hơn thì Washington hy vọng tạo hệ quả gây ớn lạnh đối với những chi nhánh không bị đưa vào danh sách, như tập đoàn cảng China Harbor Engineering Company (CHEC).

CHEC đang chịu trách nhiệm hai đề án cực lớn tại Sri Lanka, thường được xem là tấm quảng cáo cho BRI. CHEC đứng sau hợp đồng 1,4 tỷ đô la để xây cảng Colombo New Port City và cũng dính đến đề án trị giá 1,5 tỷ đô la về cảng Hambantota, sau đó chuyển lại cho một tập đoàn Trung Quốc khác, China Merchants Port Holdings, để gán nợ. CHEC cũng tham gia vào nhóm CITIC Consortium trong đề án cảng sâu ở Kyaukpyu, Miến Điện (5,4 tỷ đô la).

Các công trình tại Sri Lanka cũng như tại Miến Điện đã làm Ấn Độ và Hoa Kỳ lo ngại trước việc Trung Quốc tài trợ cho hạ tầng cơ sở cảng ở Ấn Độ Dương, thiết lập "chuỗi trân châu" của Trung Quốc bằng cách sử dụng hạ tầng cơ sở dân sự ở các quốc gia khác quanh Ấn Độ Dương cho mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh.

Không chỉ cảng, CCCC còn dấn thân vào những công trình lớn nhất nhằm xây dựng đường xe lửa và đường bộ trong đề án BRI.

Ở Đông Nam Á, đề án đường xe lửa phía đông của Malaysia - East Coast Rail Link - được xem là quan trọng nhất của BRI tại đây. Đó là chưa kể đến các dự án của CCCC tại Châu Phi, như đề án tuyến xe lửa Mombasa-Nairobi-Naivasha của Standard Gauge Railway ở Kenya và đường vành đai Addis Ababa ở Ethiopia, hay xa lộ nối liền Ethiopia và láng giềng Djibouti cùng hải cảng chiến lược tại đây.

Tập đoàn cũng vươn đến Châu Âu. Tại Ý, nước đã tham gia BRI từ tháng 3/2019, CCCC sẽ giúp nâng cấp hạ tầng cơ sở các hải cảng Genoa và Trieste. Tập đoàn Trung Quốc cũng xây một phần đường xe lửa Budapest-Belgrade, mà Trung Quốc muốn qua đó phô trương công nghệ hỏa xa của mình ở Châu Âu.

Rõ ràng, với việc CCCC hiện diện mọi nơi, vấn đề răn đe các quốc gia giao dịch với tập đoàn không dễ. Nhưng với chính quyền Trump nghiêng về việc trừng phạt từng tập đoàn Trung Quốc cá thể, để đạt kết mục tiêu chiến lươc trong cuộc tranh đua Mỹ -Trung, thì cũng nên chờ đợi xem công ty con nào khác của CCCC sẽ bị đưa vào danh sách Entity List trong tương lai.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 02/09/2020

Additional Info

  • Author Mai Vân
Published in Diễn đàn

Trung Quốc, quốc gia đánh cá lậu số 1 thế giới : Quốc tế làm gì để đối phó ?

Trọng Thành, RFI, 19/08/2020

Lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông và biển Hoa Đông năm 2020 hết hiệu lực hôm thứ Hai, 16/08. Việt Nam, Philippines và một số quốc gia láng giềng khác lo ngại tàu cá Trung Quốc tràn ngập các khu vực khai thác hải sản truyền thống của mình. Tuy nhiên, hạm đội tàu cá của Trung Quốc, với các hoạt động đánh cá lậu được coi là đứng đầu thế giới, cũng đang ngày càng trở thành mối đe dọa đối với nhiều nơi. 

danhca1

Một bãi biển thuộc quần đảo Galapagos (Ecuador), khu bảo tồn được UNESCO xếp hạng "di sản nhân loại", nơi hàng trăm tàu cá Trung Quốc áp sát, tháng 7/2020. ©

Các hoạt động đánh cá lậu của Trung Quốc có quy mô thế nào ? Quốc tế làm gì để đối phó với Trung Quốc ? Chuyên mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin báo chí về vấn đề này. 

***

1. Tại sao nói Trung Quốc là quốc gia đánh cá bất hợp pháp số 1 thế giới ? 

Theo tổ chức WWF (Quỹ Thiên Nhiên Hoang Dã Thế Giới), hơn 800 triệu người trên thế giới sống dựa vào nghề khai thác hải sản. Thế nhưng nguồn lợi hải sản hiện nay đang bị đe dọa nghiêm trọng, do các hoạt động "khai thác không bền vững", các hoạt động đánh cá lậu, không được công bố, không được điều chỉnh bằng các quy định (illegal, unreported and unregulated / IUU). Các hoạt động khai thác hải sản lậu chiếm khoảng từ "12 đến 18% sản lượng khai thác toàn cầu, và góp phần vào việc khai thác cạn kiệt các đại dương, phá hủy các hệ sinh thái". Tổng thiệt hại chỉ riêng do đánh cá lậu mang lại ước chừng từ 8 đến 19 tỉ euro.

Trong một bài viết trên trang mạng của Học viện Hải quân Hoa Kỳ, tiến sĩ Claude Berube, giảng viên Học viện Hải Quân Mỹ, cũng nêu ra con số 20% sản lượng hải sản khai thác trên thế giới là do các hoạt động đánh bắt lậu (riêng tại Hoa Kỳ, số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp ước tính cũng khoảng 20 đến 30%, và số lượng hải sản đánh bắt bất hợp pháp tại nhiều nơi khác còn cao hơn). Giảng viên Học viện Hải quân Mỹ cũng lưu ý đến con số 30% số tàu đánh cá trên thế giới là của Trung Quốc. Hiệp hội ODI, chuyên theo dõi lĩnh vực này, trong một báo cáo chi tiết hồi 2016, đã cho biết lực lượng tàu cá đánh bắt biển xa (DWF) của Trung Quốc có "quy mô lớn nhất thế giới", với khoảng 17.000 tàu cá, cao hơn gấp từ 5 đến 8 lần so với các ước tính trước đó (1). Khoảng 1.000 tàu Trung Quốc đánh bắt biển xa được đăng ký với cờ hiệu của các nước khác. Ít nhất, gần 200 tàu cá Trung Quốc bị nghi ngờ tham gia vào các hoạt động đánh cá lậu. Để so sánh, chúng ta biết lực lượng đánh cá biển xa của Mỹ chỉ có khoảng 300 tàu (theo trang mạng chuyên về môi trường Yale). 

Theo bảng xếp hạng Index IUU (illegal, unreported and unregulated / IUU), về đánh bắt cá lậu, khai thác bừa bãi, của cơ quan chống các hoạt động tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Global Initiative Against Transnational Organized Crime), có trụ sở tại Genève, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng 152 nước. 

Một trong các ví dụ tiêu biểu ví dụ tiêu biểu cho các hoạt động đánh cá lậu quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là việc chính quyền Peru bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc Damanzaihao, vì khai thác cá lậu, và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho vùng biển Peru. Tàu Damanzaihao được coi là "tàu đánh cá - xưởng chế biến hải sản trên biển lớn nhất thế giới", có khả năng xử lý đến 547.000 tấn cá một năm. Năm 2016, tàu bị chính quyền Peru phạt nhiều triệu đô la, vì đánh cá lậu. 

Phóng viên điều tra Ian Urbina, trong một bài viết trên mạng Yale Environment 360, cho biết Trung Quốc không chỉ là "nhà xuất khẩu hải sản số một thế giới", mà bản thân Trung Quốc cũng là quốc gia tiêu thụ đến "hơn một phần ba lượng hải sản toàn cầu" hàng năm. Sau khi đánh bắt hải sản cạn kiệt tại các vùng biển gần Trung Quốc, trong những năm gần đây, hạm đội tàu cá Trung Quốc đã vươn xa hơn, đặc biệt là tại vùng biển tây Châu Phi và Nam Mỹ, là nơi các quốc gia ven bờ ít có phương tiện kiểm soát vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế quốc gia mình. Tàu cá Trung Quốc đánh bắt xa thường có trọng tải rất lớn, một tuần đánh cá của tàu Trung Quốc tại các vùng biển Senegal hay Mêhicô bằng thuyền bè địa phương đánh bắt trong cả năm. Theo nhà báo Ian Urbina, chỉ riêng lượng mực Trung Quốc khai thác tại các vùng biển quốc tế chiếm từ 50 đến 70% lượng mực thế giới khai thác tại vùng biển này.

Hoạt động đánh bắt lậu hải sản của Trung Quốc ắt hẳn có quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã biết. Hồi cuối tháng trước (tháng 7/2020), truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi thông tin về các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp của Trung Quốc tại vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Bắc Triều Tiên. Tổ chức báo chí điều tra phi lợi nhuận Outlaw Ocean Project, có trụ sở tại Washington, dựa trên các dữ liệu vệ tinh trong hai năm gần đây, đã vén lộ hoạt động của tàu cá công nghiệp Trung Quốc quy mô lớn, tại một khu vực ít ngờ cho đến này. Năm ngoái, có ít nhất gần 800 tàu cá Trung Quốc hoạt động tại vùng biển này, khu vực vốn bị Liên Hiệp Quốc cấm, trong khuôn khổ các trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Các dữ liệu vệ tinh nói trên cũng được cơ quan theo dõi nghề cá Global Fishing Watch và nhiều chuyên gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản phân tích, được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances. 

2. Thế giới đối phó ra sao với hiện tượng tàu của Trung Quốc khai thác hải sản bất hợp pháp ? 

Trước hết về mặt truyền thông, việc các tổ chức điều tra, quan sát theo dõi sát các hoạt động khai thác hải sản của Trung Quốc cũng buộc Trung Quốc phải dè chừng. Một ví dụ mới nhất : Giữa tháng 7/2020, việc một hạm đội tàu cá hơn 280 chiếc của Trung Quốc áp sát vùng bảo tồn biển thuộc quần đảo Galapagos trên Thái Bình Dương (của Ecuador), một khu bảo tồn biển được UNESCO xếp hạng, cách bờ tây của Ecuador khoảng 1.000 km, đã được các tổ chức quan sát biển theo sát, truyền thông loan tải rộng rãi. Việc đội tàu cá Trung Quốc hiện diện đông đảo tại khu vực bảo tồn biển hết sức quý giá này, bị đông đảo giới bảo vệ môi trường coi là một hành động khiêu khích. 

Ông Tony Long, chủ tịch của Global Fishing Watch, cho đài France 24 biết là "nhiều tàu trong số đội tàu trên đã từng tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá lậu (IUU)". Lần này, các tàu Trung Quốc hoạt động sát vùng ranh giới của vùng bảo tồn biển Galapagos. Mặc dù, không xâm nhập vào khu vực bảo tồn biển, nhưng theo các nhà hoạt động môi trường, hoạt động của tàu cá Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng các loài sinh vật biển trong khu bảo tồn, bởi nhiều loài trong đó, bao gồm các loài cá mập quý hiếm, vốn là các loài cá di cư, và chúng thường xuyên rời khỏi khu vực bảo tồn để ra vùng biển khơi, nơi chúng dễ dàng trở thành mồi ngon cho các tàu cá Trung Quốc. 

Năm 2017, chính quyền Ecuador từng bắt giữ tàu cá Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999, với 300 tấn hải sản, ngay trong khu vực bảo tồn, trong số hải sản trên tàu bị thu giữ có nhiều cá mập nằm trong danh sách các giống loài có nguy cơ tuyệt chủng. Lần này, trên thực tế, tàu Trung Quốc chưa thâm nhập vào khu bảo tồn, có thể là do sự theo dõi sát sao của giới bảo vệ môi trường, thế nhưng chỉ riêng việc các tàu cá Trung Quốc khai thác quy mô lớn trên vùng biển quốc tế đã có thể để lại các thiệt hại khó vãn hồi. Một số ngư dân Ecuador cho biết đã chứng kiến các tàu cá Trung Quốc với dây câu dài đến 100 km (2).

Phát biểu đầu tháng 8/2020, đại sứ Trung Quốc tại Ecuador khẳng định các hoạt động đánh bắt của tàu Trung Quốc trên vùng biển quốc tế, bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos, của Ecuador, là "hoàn toàn hợp pháp", và "không đe dọa bất cứ ai". Trước đó, ngày 02/08, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Bắc Kinh về vấn đề này, và khẳng định sẵn sàng trợ giúp Ecuador cũng như tất cả các quốc gia bị đe dọa bởi "các tàu đánh cá Trung Quốc, hoạt động phi pháp và sử dụng các kỹ thuật đánh cá vô trách nhiệm". 

3. Phải chăng quốc tế gần như cơ bản là bất lực trước các hoạt động đánh bắt lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi của Trung Quốc ? 

Như chúng ta thấy, hoạt động của nhiều tổ chức bảo vệ nghề cá, bảo vệ môi trường phi chính phủ, và truyền thông quốc tế trong thời gian qua, đã có một số tác dụng nhất định. Và nạn đánh bắt cá lậu, đánh bắt hải sản bừa bãi cũng liên quan đến nhiều quốc gia khác trên thế giới, chứ không chỉ Trung Quốc, cho dù Trung Quốc là quốc gia đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này. 

Trên thực tế, gần đây, đã ra đời một công cụ pháp lý quốc tế quan trọng (Port State Measures Agreement - PSMA), được coi là thoả thuận pháp lý quốc tế mang tính cưỡng chế đầu tiên nhằm chống nạn khai thác cá lậu, khai thác bừa bãi (IUU). Nguyên tắc chính của Thỏa thuận này, là ngăn chặn không để các tàu tham gia vào các hoạt động khai thác cá lậu (IUU) cập cảng các nước, trên toàn thế giới. 

Thoả thuận PSMA, ra đời năm 2016 và đã bắt đầu có hiệu lực, có khả năng cưỡng chế rất lớn so với các quy định trước đó. Theo đại diện của Greenpeace ở Bắc Kinh, trước đây các doanh nghiệp vi phạm chỉ phải trả tiền phạt, kể từ giờ thuyền trưởng các tàu đánh bắt lậu sẽ bị tước quyền hoạt động 5 năm, chủ doanh nghiệp bị cấm đảm nhiệm chức vụ 3 năm. Nếu Bắc Kinh gia nhập Thỏa thuận này, ngoài chuyện cấm tàu vi phạm cập cảng, chính quyền Trung Quốc cũng sẽ phải có trách nhiệm điều tra các tàu cá vi phạm, theo luật Trung Quốc, và theo các hiệp ước quốc tế, mà Bắc Kinh tham gia. Hồi năm 2017, Bắc Kinh hứa sẽ tham gia Thỏa thuận quốc tế này (3). 

Bên cạnh việc quốc tế gây áp lực để Trung Quốc sớm tham gia Thỏa thuận PSMA, các quốc gia liên quan cũng cần có các biện pháp tự vệ phù hợp. Cụ thể như trong trường hợp Ecuador, theo nhà hoạt động môi trường Inty Grønneberg , chính quyền Ecuador cần "tuyên bố quyền chủ quyền đối với khu vực coil lang trên biển dài 200 hải lý, nối liền vùng đặc quyền kinh tế ven bờ biển Ecuador với vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Galapagos", với lý do bảo vệ luồng di cư của các loài hải sản quý giữa lục địa và quần đảo được UNESCO xếp hạng, nhằm ngăn chặn hoạt động của các tàu cá nước ngoài trong khu vực. Ecuador cần khẩn trương hoàn tất hồ sơ này. 

Sự phối hợp giữa các cường quốc biển, như Hoa Kỳ, với các quốc gia ven bờ, cũng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy việc đẩy lùi nạn đánh bắt cá trộm. Trong Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2020 (National Defense Authorization Act), việc chống đánh bắt cá trộm, khai thác hải sản bừa bãi (IUU) cũng được coil à một vấn đề an ninh quốc gia

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 19/08/2020

(1) ODI - Overseas Development Institute, có trụ sở tại Luân Đôn, là một hiệp hội phi chính phủ có uy tín trong lĩnh vực này

(2) "Une flotte géante de navires chinois pêche en bordure des Galapagos, ONG et habitants lancent l’alerte ", France 24, 6/8/2020

(3) "China is key to closing ports to illegally caught fish", Savingseafood.org, 28/10/2019

********************

Trung Quốc : Tập Cận Bình bị phản đối rộng rãi ngay trong nội bộ Đảng cộng sản ?

Một cựu giáo sư Trường Đảng Trung Ương của Trung Quốc vừa đưa ra những tiết lộ hiếm hoi về việc nhân vật số 1 tại Bắc Kinh là Tập Cận Bình đang phải đối mặt với một sự phản đối rộng rãi ngay nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Anh The Guardian được công bố vào hôm qua, 18/08/2020, người trong cuộc này còn cho rằng "quyền lực độc tôn" của ông Tập đã biến Trung Quốc thành "kẻ thù của thế giới".

tq1

Tại một khu phố thương mại ở Bắc Kinh, ngày 31/07/2020. Trên màn hình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố khai trương hệ thống định vị vệ tinh Beidou.  Reuters - Tingshu Wang

Theo nhật báo Anh, người đưa ra những tiết lộ và cáo buộc nặng nề nhắm vào chủ tịch Trung Quốc, là bà Thái Hà (Cai Xia), nguyên là một giáo sư tên tuổi, từng giảng dạy tại trường Đảng Trung Ương, nơi đào tạo các quan chức hàng đầu của Trung Quốc.

Bà Thái Hà đã bị khai trừ Đảng hôm thứ Hai 17/08 vừa qua sau khi một đoạn ghi âm những lời chỉ trích của bà nhắm vào ông Tập Cận Bình bị rò rỉ trên mạng vào tháng Sáu. Trong một thông báo, trường Đảng Trung Ương Trung Quốc giải thích là vị giáo sư giảng dạy tại trường từ năm 1992, đã đưa ra những nhận xét "làm tổn hại thanh danh của đất nước" và đầy rẫy "những vấn đề chính trị nghiêm trọng".

Từ năm ngoái, bà Thái Hà đã sang Mỹ sinh sống. Trong bài phỏng vấn đầu tiên, hôm thứ Ba, ngày 18/08, sau khi bị khai trừ Đảng, bà khẳng định rằng bà rất "vui khi được khai trừ" vì "dưới chế độ của Tập Cận Bình, Đảng cộng sản Trung Quốc không còn lực lượng thúc đẩy đất nước đi lên, mà là một trở ngại đối với sự tiến bộ của Trung Quốc".

Vị cựu giáo sư cho rằng bà "không phải là người duy nhất muốn rời khỏi Đảng mà còn nhiều người khác cũng muốn rút lui hoặc bỏ Đảng này". Về phần mình, bà đã có ý định từ bỏ Đảng nhiều năm trước đây khi thấy rằng không còn chỗ để lên tiếng và tiếng nói của bà bị bóp nghẹt hoàn toàn".

Trong bài phỏng vấn, bà Thái Hà nhắc lại lời cáo buộc ông Tập Cận Bình là đã "giết cả một đất nước". Theo bà, hiện đã có một sự phản đối rộng rãi trong nội bộ Đảng, nhưng ít người dám lên tiếng vì sợ bị trả thù chính trị, bằng hình thức kỷ luật nội bộ và cáo buộc tham nhũng. Trong một môi trường như vậy, bà Thái Hà cho rằng việc ông Tập Cận Bình có "quyền lực không được ai kiểm soát" và nắm trong tay mọi quyền quyết định quan trọng đã dẫn đến những sai lầm không thể tránh khỏi như sự bùng phát của dịch Covid-19.

Theo The Guardian, những nhận xét trên đây, từ một người từng ở thượng tầng của chế độ - một số lãnh đạo Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Hồ Cẩm Đào cũng như Tập Cận Bình đều là người đứng đầu Trường Đảng Trung Ương - rất đáng chú ý và có khả năng gây nguy hiểm cho giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay. Những nhận định của bà Thái Hà, sẽ vang dội trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như trên toàn quốc, vì những lời chỉ trích công khai như vậy từ trong nội bộ Đảng là một điều cực kỳ hiếm.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 19/08/2020

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Trọng Nghĩa
Published in Diễn đàn

Trung Quốc tăng cường chiến thuật dân quân biển

Năm 2009, một nhóm tàu cá của Trung Quốc đã bao vây và quấy rối tàu khảo sát USS Impeccable của Mỹ. Năm 2016, một tàu bảo vệ bờ biển của lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc đã bị đâm chìm trong khi cố gắng trục xuất một nhóm tàu cá Trung Quốc ra khỏi vùng biển của nước này. Vào tháng 6/2019, một nhóm thủy thủ của một tàu cá Philippines đã bị bỏ rơi trên biển sau khi tàu này bị một tàu đánh cá Trung Quốc đâm chìm vào ban đêm. Vào tháng 6/2020, một tàu bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã đâm một tàu đánh cá Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông. Một sự cố tương tự vào tháng 4/2020 đã khiến một tàu cá Việt Nam bị chìm.

danquan1

Tàu cá Trung Quốc và tàu hải cảnh của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough hôm 5/4/2017 -Reuters

Bắc Kinh đang ngày càng quyết đóa n khẳng định những yêu sách biển đơn phương của mình đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đầu năm 2020, yêu sách đó đã vươn tới phía cực Nam Biển Đông đến tận Indonesia khi một đội tàu đánh cá Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh do hải quân kiểm soát xâm nhập vào khu vực quần đảo Natuna của Indonesia.

Và Trung Quốc cũng không quan tâm đến các phản đối của quốc tế. Vào năm 2016, Tòa Trọng tài về luật biển xác định các tàu Trung Quốc đã ngăn cản bất hợp pháp ngư dân Philippines hoạt động tại khu vực đánh cá truyền thống của họ tại bãi cạn Scarborough. Tòa án này cũng cáo buộc Trung Quốc thực hiện các phương pháp đánh bắt mang tính hủy hoại, phá hủy môi trường sống của lòa i ngao khổng lồ và những bãi san hô quan trọng. Nhiều môi trường sinh thái quan trọng nhất của khu vực đã bị nạo vét và chôn vùi dưới lượng bê tông để tạo thành các pháo đài đảo bất hợp pháp của Bắc Kinh.

Một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được thực hiện từ năm 2019 cũng phát hiện lực lượng tàu của Trung Quốc hoạt động không công khai ở Biển Đông. Báo cáo viết : "Khi họ tranh giành để đánh bắt những con cá cuối cùng từ Biển Đông, ngư dân Trung Quốc ít nhất có nhiều khả năng để gây ra một cuộc đụng độ dữ dội tương tự như các lực lượng vũ trang trong khu vực".

Tuy nhiên, báo cáo cũng xác định được một thói hành xử đáng quan ngại hơn. Nhiều tàu trong số đội tàu cá này không thực hiện hoạt động đánh bắt cá mà muốn khẳng định quyền kiểm soát. Nghiên cứu của CSIS chỉ rõ : "Một loại đội tàu đánh cá khác có tham gia vào hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì thực hiện hoạt động đánh cá thương mại đã nổi lên như một lực lượng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Các hoạt động của dân quân được ghi chép rõ ràng - họ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế và thực hiện các nhiệm vụ khác để tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và biển Nhật Bản. Bắc Kinh không giấu giếm sự tồn tại của lực lượng này và một số ngư dân được đào tạo và trang bị tốt nhất đã tham gia vào các hoạt động bán quân sự như quấy rối các tàu nước ngoài".

danquan2

Tàu cá Trung Quốc bên cạnh các tàu cá Philippines ở bãi cạn Scarborough hôm 6/4/2017 Reuters

Những tàu cá không đánh cá này thường tập trung quanh các rạn san hô và tại các ngư trường mà Trung Quốc cho là đang có tranh chấp. Sự hiện diện của họ buộc lực lượng ngư dân không phải của Trung Quốc phải di chuyển sang các khu vực khác. Và hàng loạt các vụ va chạm và "sự cố" gần đây ở Biển Đông cho thấy họ ngày càng quyết đóa n và hung hăng hơn.

Năm 2019, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ khi đó là Đô đốc John Richards đã cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc, phó Đô đốc Thẩm Kim Long rằng Mỹ đã biết việc Trung Quốc sử dụng một đội tàu cá dân quân để thúc đẩy các yêu sách phi pháp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ông Richards cảnh báo rằng Hải quân Mỹ sẽ đáp trả các hành động gây hấn của những tàu đó vì chúng được coi là một phần của lực lượng vũ trang. Nhiều tàu cá loại này không thể phân biệt được với tàu cá thông thường của Trung Quốc, vì họ tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau trong thời bình và được huấn luyện quân sự để tiến hành các hoạt động khi có giao tranh.

Trong trường hợp xảy ra xung đột trên biển ở khu vực, các tàu thuộc lực lượng dân quân biển này có thể được sử dụng để hỗ trợ cho một số nhiệm vụ quân sự của Trung Quốc. Trong số này có các tàu cá ven biển mà sẽ không bị bắt giữ trong cuộc xung đột vũ trang nhưng có thể bị tấn công nếu hỗ trợ cho Hải quân Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) dưới bất kỳ hình thức nào. Đa số các tàu dân quân biển hoạt động ngoài biển khơi và thường đánh bắt cá vì mục đích thương mại, nhưng đôi khi huy động để hỗ trợ PLAN hay lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG). Loại tàu này có thể bị bắt giữ làm chiến lợi phẩm hợp pháp trong xung đột vũ trang và cũng có thể bị tấn công khi hỗ trợ PLAN trong giao tranh. Cuối cùng, loại tàu cá thứ ba đóng vai trò quân phụ trợ trên biển trên thực tế và phối hợp cùng với PLAN và CCG. Không có một định nghĩa chung nào về quân phụ trợ trên biển, nhưng các tàu như vậy được coi như tàu chiến và trong lúc giao tranh có thể bị đánh chìm khi nằm ngoài vùng biển trung lập. Những tàu này đưa vào các hoạt động của PLAN một cách chính thức hơn. Việc phân biệt giữa các đơn vị dân quân biển khác nhau và hiểu được khả năng bị nhắm mục tiêu của các đơn vị này trong các cuộc chiến trên biển là thách thức đối với việc thu thập thông tin tình báo trên biển và cũng như việc phân tích nhằm phân biệt bản chất, xác định cấu trúc chỉ huy và kiểm soát của các tàu này.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc

Trung tâm nghiên cứu hàng hải Trung Quốc (CMSI) thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân đã có phát hiện quan trọng rằng ở Trung Quốc không chỉ có một lực lượng dân quân biển, mà là một loạt lực lượng ở các địa phương và thuộc chính quyền tỉnh hỗ trợ cho các nỗ lực quốc phòng. Ở cấp nhà nước, Quân ủy trung ương do Tập Cận Bình lãnh đạo quy định các chính sách về dân quân, tuy nhiên các lực lượng dân quân lại thuộc sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Bộ chỉ huy PLA ở địa phương đứng ra tổ chức và huấn luyện các lực lượng này, đôi khi phối hợp với CCG và Cục an toàn hàng hải. Về dân sự, lực lượng này bao gồm bộ máy hành chính đảng-nhà nước, còn về cơ cấu quân sự thì thuộc các khu quân sự cấp tỉnh. Hiểu rộng hơn, những lực lượng này được gọi là Dân quân biển thuộc Lực lượng vũ trang nhân dân (PAFMM) và hoạt động với tư cách lực lượng trên biển thứ ba của Trung Quốc.

danquan3

Giàn khoa dầu HD 981 của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 14/5/2014, cùng các tàu hộ tống khác Reuters

Khó khăn trong việc phân tích vị thế pháp lý của các lực lượng này phát sinh từ bản chất khác biệt của PAFMM. Nhiều nhóm ngư dân thuộc PAFMM là các tổ chức đánh bắt cá thông thường, hoạt động như một cơ sở đánh bắt cá thương mại, và chỉ thỉnh thoảng tiến hành các hoạt động cho PLAN. Các thành phần khác chuyên nghiệp hơn và được trang bị tốt hơn cho các nhiệm vụ hành động trực tiếp, đóng vai trò tiên phong cho quân phụ trợ trên biển để "bảo vệ các quyền" theo những tuyên bố chủ quyền trên biển, thay vì đánh bắt cá. Các hoạt động cũng do chính quyền địa phương khởi xướng, nhưng phải có sự chấp thuận của PLA. Sự khác biệt về nhiệm vụ của các thành phần khác nhau trong PAFMM trong thời bình và trong xung đột vũ trang càng làm phức tạp thêm cách tư duy về những lực lượng này. Tính đa dạng của PAFMM đã hỗ trợ cho nỗ lực của chế độ Trung Quốc nhằm cố ý che giấu tình trạng của PAFMM : Khi ngụy trang họ đủ điều kiện làm binh sĩ, khi cởi bỏ ngụy trang họ là ngư dân tuân thủ luật pháp. Chính sách của Trung Quốc là che giấu lực lượng dân quân biển bằng cách vận hành lực lượng này theo kiểu "hạm đội ngầm".

PAFMM dường như là động lực thúc đẩy Trung Quốc mở rộng đội tàu cá trong suốt một thập kỷ qua. Các đội tàu cá trên thế giới quá hùng hậu. Số lượng tàu đánh bắt quá lớn, trong khi nguồn cá lại quá ít ỏi, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và khiến tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trở nên trầm trọng hơn. Trung Quốc có đội tàu cá lớn nhất thế giới. Năm 2015, Trung Quốc có khoảng 370.000 tàu cá thô sơ và 672.000 tàu cá trang bị động cơ. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc là nước vi phạm nghiêm trọng nhất các quy định về khai thác hải sản. Trung Quốc đã giảm năng suất đánh bắt cá cho tới năm 2008, khi họ đảo ngược tiến trình và tiến hành mở rộng đội tàu kể từ đó. Việc này có liên quan tới vai trò ngày càng nổi bật của PAFMM : Lực lượng này đã được nhận các tàu thân thép mới, hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu của Trung Quốc, mà có thể theo dõi và gửi tin nhắn về vị trí các nhóm tàu nổi khác, và được huấn luyện bán quân sự. Các tàu của họ tham gia tập trận quân sự với PLAN và CCG, đồng thời nhận các khoản bồi thường, bao gồm các khoản trợ cấp, phúc lợi xã hội và lương hưu từ chính quyền các địa phương. Tuy nhiên, vì không trực thuộc PLA, nên PAFMM tỏ ra linh hoạt hơn trong hành động cũng như trong việc thúc đẩy các lợi ích và yêu sách biển mà không gây ảnh hưởng đến uy tín của PLA, đồng thời giảm bớt nguy cơ bị cản trở.

Vai trò của dân quân biển trong thời bình

Trong thời bình, PAFMM đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các yêu sách và lập trường trên biển của Trung Quốc thông qua các hành động ép buộc, theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc huy động các lực lượng dân sự tham gia các hoạt động quân sự. Lực lượng dự bị này hỗ trợ hoạt động tìm kiếm và cứu nạn, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng như các cảng biển và giàn khoan dầu, tiến hành các nhiệm vụ hiện diện và các chiến dịch "bảo vệ quyền" nhằm khẳng định các yêu sách phi pháp trên biển của Trung Quốc, quấy nhiễu và đánh đuổi các tàu dân sự và tàu của chính phủ nước ngoài, bao gồm tàu chiến, ra khỏi vùng biển Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Các tàu PAFMM cũng tham gia các chiến dịch trực tiếp và đặc biệt để hỗ trợ cho PLAN và CCG trong các cuộc chạm trán với tàu hải quân của Mỹ và các nước khu vực trên biển Đông và biển Hoa Đông.

Chẳng hạn, trong năm 2009, lực lượng dân quân biển đã bao vây tàu USNS Impeccable khi tàu này tiến hành các cuộc khảo sát quân sự ở vùng biển ngoài EEZ của Trung Quốc. Các tàu Trung Quốc bao gồm một lực lượng hỗn hợp gồm tàu đánh cá bằng lưới rà thuộc lực lượng dân quân biển và các tàu của Chính phủ Trung Quốc tìm cách quấy rầy các hoạt động của Hải quân Mỹ khi đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ trên vùng biển quốc tế. Vào năm 2012, các tàu cá của Trung Quốc phối hợp với CCG là đội tiên phong chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough - một hòn đảo nhỏ ở biển Đông. Năm 2016, Tòa Trọng tài xác định rằng các tàu của Trung Quốc đã ngăn chặn bất hợp pháp hoạt động đánh bắt cá truyền thống của ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough (đoạn 814). Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng các tàu cá của Trung Quốc đã khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định mang tính phá hoại, trong đó có việc đánh bắt các lòa i trai sò, san hô và rùa biển có nguy cơ tuyệt chủng theo đoạn 764 trong phán quyết của Tòa.

Tháng 5/2014, các tàu của PAFMM hỗ trợ cho hoạt động lắp đặt giàn khoan dầu Hải Dương 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn trong các khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, châm ngòi cho một cuộc đụng độ có sự tham gia của hơn 100 tàu ở cả hai bên. Tổ chức Ngư nghiệp Phúc Cảng đã cử lực lượng tàu cá dân quân gồm 29 tàu đánh bắt cá bằng lưới rà tới bảo vệ giàn khoan dầu, hỗ trợ cho khu quân sự Quảng Châu và khu quân sự Hải Nam. Trong hơn 2 tháng, lực lượng tàu cá dân quân được bố trí thành các vòng bảo vệ quanh giàn khoan dầu của Trung Quốc - một chiến lược "bắp cải nhiều lớp" xua đuổi các tàu của Việt Nam đang tìm cách thực thi đặc quyền kinh tế và đánh chìm 3 tàu trong số này.

Tháng 5/2015, tiểu khu quân sự Giang Môn ở tỉnh Quảng Đông đã tổ chức tập trận cho các lực lượng dân quân biển, tập trung vào các nhiệm vụ thời chiến. Nội dung tập trận bao gồm tập hợp và huy động, bảo vệ các quyền trên biển, tuần tra, hậu cần và sửa chữa khẩn cấp các cầu tàu bị hư hại trong giao tranh. Vào tháng 3/2016, khoảng 100 tàu đánh bắt cá của Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Laconia của Malaysia nằm ngoài khơi Sarawak và trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Những tàu này không treo cờ, không có dấu hiệu đăng ký và đi cùng với 2 tàu của CCG. Năm 2019, các tàu của PAFMM đã tiến vào phạm vi nửa hải lý từ tiền đồn của Philippines trên đảo Loaita thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines đã điều một tàu đổ bộ xe tăng lớp LST-542 trước đây của Hải quân Mỹ theo dõi hai tàu cá Trung Quốc.

Điều tương tự cũng diễn ra ở biển Hoa Đông. Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 đảo thuộc quần đảo Senkaku từ một công dân nước này vào năm 2010 để ngăn không cho các đảo này bị chiếm đóng, các tàu cá của Trung Quốc và tàu của CCG thường xuyên xâm nhập lãnh hải và vùng tiếp giáp như một cách để quấy rối Nhật Bản và làm xáo trộn nguyên trạng. Vào năm 2020, Trung Quốc đã gia tăng các chiến dịch hiện diện như vậy gần quần đảo Senkaku để gây sức ép với Tokyo. Trung Quốc tuyên bố quần đảo Senkaku đang bị tranh chấp, mặc dù nó thuộc quyền kiểm soát quân sự của Mỹ trong thời gian Mỹ chiếm đóng Okinawa cho tới năm 1971 và được trao trả lại cho Nhật Bản theo tuyên bố năm 1895 khi quần đảo này chưa bị chiếm đóng và là lãnh thổ vô chủ.

Vai trò của dân quân biển trong xung đột vũ trang

Tàu cá của dân quân là công cụ chính để thay đổi tình hình thực địa trong thời bình, chẳng hạn như việc xây dựng các đảo nhân tạo trên biển Đông, đồng thời huấn luyện một lực lượng hải quân bán quân sự có thể được triển khai khi nổ ra cuộc xung đột vũ trang. Cấu trúc lưỡng dụng của PAFMM đặt ra cho các đối thủ của Trung Quốc những thách thức trong hoạt động. Trong lần ra mắt đầu tiên tại một cuộc giao tranh vũ trang, lực lượng dân quân biển đã tham gia cuộc đánh chiếm vùng phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974. Bắc Kinh hiểu rằng việc sử dụng tàu cá để theo đuổi hành động xâm lược sẽ ít có khả năng lôi kéo Mỹ vào xung đột, thậm chí ngay cả khi các tàu này đe dọa một đồng minh của Mỹ.

Hiện nay, các đơn vị tinh nhuệ nhất của PAFMM đã được chuẩn bị cho việc tiến hành cuộc chiến tranh du kích được gọi là "Chiến tranh nhân dân trên biển", được trang bị thủy lôi, pháo phòng không và tên lửa. Các tàu cũng được huấn luyện để thực hiện hoạt động tình báo, giám sát và do thám (ISR) và có khả năng chuyển dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho chuỗi tấn công tiêu diệt của PLAN. Mạng lưới này, ước tính bao gồm 20.000 tàu và hàng trăm nghìn dân quân, tạo thành một "mạng lưới trinh sát trên biển" gây khó khăn cho đối thủ tiềm năng trong việc lên kế hoạch lực lượng.

Trước khi xảy ra xung đột, lực lượng dân quân biển có thể sử dụng các chiến thuật ép buộc, như đâm vào tàu đối thủ để khiêu khích đối thủ đáp trả, trong lúc CCG và thậm chí cả các lực lượng PLAN từ xa lao tới hiện trường để "dạy cho một bài học". Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đều từng phải đối đầu với dân quân biển của Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ leo thang. Tuy nhiên, việc tránh đối đầu với PAFMM sẽ giúp bình thường hóa sự hiện diện của Bắc Kinh ở vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Kịch bản này minh họa cho chiến lược bất đối xứng sử dụng chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông, và chiến tranh pháp lý gây mất phương hướng nhằm phá vỡ các khái niệm truyền thống, nhất là của phương Tây, về xung đột vũ trang.

Tôn Thạch Sơn

Nguồn : RFA, 14/08/2020

Additional Info

  • Author Tôn Thạch Sơn
Published in Diễn đàn

Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu lương thực do hạn hán, lũ lụt và sâu bệnh tàn phá mùa màng

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa gần đây đã yêu cầu chủ tịch các tỉnh ở Trung Quốc đảm bảo diện tích gieo trồng cây nông nghiệp không bị thu hẹp và năng suất cây trồng sẽ không giảm trong năm nay.

china1

Nông dân Wang Jianjun đứng bên ngoài trang trại bò sữa của mình trong khi lo lắng về thị trường ở Hulunbuir, Nội Mông, Trung Quốc ngày 1/5/2019. (Betsy Joles / Getty Images)

Tại một cuộc họp về an ninh lương thực được tổ chức ở Bắc Kinh vào ngày 27/7, ông cảnh báo rằng các chủ tịch tỉnh sẽ bị trừng phạt hoặc sa thải nếu họ không giữ cam kết.

Và khi Tập Cận Bình đến thăm tỉnh Cát Lâm ở vùng Đông Bắc vào ngày 22/7, ông đã nói với chính quyền địa phương rằng hãy coi sản xuất ngũ cốc là nhiệm vụ ưu tiên.

Việc các quan chức hàng đầu nhấn mạnh vào nguồn cung cấp lương thực đã đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng trong năm nay hay không.

Vào đầu tháng 7, Trung tâm Thông tin Ngũ cốc và Dầu Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra ước tính rằng lượng bắp thiếu hụt trong năm tài chính 2020-2021 sẽ là 25 triệu tấn – cao hơn gấp đôi so với ước tính 12 triệu tấn trước đó.

Vào ngày 5/8, Trung tâm này ước tính rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu sáu triệu tấn lúa mì trong 12 tháng từ tháng 6/2020 đến tháng 5/2021, đây sẽ là số lượng cao nhất trong bảy năm qua.

Trung tâm cho biết lúa mì có thể đến từ Pháp, Nga, Lithuania và Kazakhstan.

Vào cuối tháng 1, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu người dân kể cả nông dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Vào khoảng tháng 3, các hạn chế được nới lỏng và hầu hết nông dân được phép ra ngoài trở lại.

Nhưng không lâu sau, thời tiết khắc nghiệt ở khắp Trung Quốc khiến mùa màng bị thiệt hại. Kể từ đầu tháng 6, mưa lớn đã tràn xuống phía nam, cùng trung và phía đông Trung Quốc. Trong khi đó, các khu vực phía tây bắc và đông bắc đang bị hạn hán.

Côn trùng như cào cào và sâu bọ cũng tấn vào mùa màng.

Nông dân nói với Đại Kỷ Nguyên rằng họ sợ sẽ mất mùa trong năm nay.

Ngập lụt

Nông dân Trung Quốc trồng lúa ở 13 tỉnh, bao gồm Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây, An Huy, Giang Tô, Chiết Giang, Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Phúc Kiến. Tất cả các tỉnh này đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt vào tháng 6 và tháng 7.

china2

Một khu phố ở Quảng Đông bị ngập

Nông dân trồng lúa ba vụ trong năm. Vụ sớm trồng cuối tháng 3, thu hoạch cuối tháng 6. Vụ giữa trồng vào đầu tháng 5, thu hoạch vào cuối tháng 9. Vụ muộn trồng cuối tháng 6, thu hoạch giữa tháng 10. Đợt mưa lũ vào tháng 6 và tháng 7 đã ảnh hưởng đến cả ba vụ gieo cấy lúa.

Ông Li ở huyện Poyang, tỉnh Giang Tây nói với Đại Kỷ Nguyên tiếng Hoa ngày 18/7 : "Lúa sớm ở tỉnh chúng tôi đã bị úng trước khi thu hoạch. Vụ lúa giữa mùa bị lũ phá. Bây giờ đã quá muộn để trồng vụ cuối".

Ông Chen đến từ tỉnh Hồ Nam nghẹn ngào cho biết qua điện thoại nông dân trong khu vực của ông không có thu hoạch năm nay. Ông và những người dân làng lo rằng họ có thể không có đủ lương thực để ăn, vì lũ lụt liên tục ập đến khu vực này.

Hạn hán

Lúa mì chủ yếu được trồng ở miền Trung và miền Bắc Trung Quốc. Nông dân chỉ thu hoạch mỗi năm một lần vào cuối tháng Năm đến đầu tháng Sáu.

Sản xuất lúa mì ở tỉnh Hà Nam đóng góp vào khoảng một phần tư tổng sản lượng nông nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, hạn hán đã gây mất mùa ở Hà Nam, Nội Mông, Cam Túc, Tân Cương, Cát Lâm và các tỉnh phía bắc khác.

Nhân viên sàn giao dịch ngũ cốc và dầu tư nhân của Trung Quốc CCTIN đã đến thăm các khu vực sản xuất lúa mì của các tỉnh Hà Nam, An Huy và Giang Tô và báo cáo rằng chất lượng lúa mì năm 2020 kém hơn năm 2019 và sản lượng thấp hơn các năm trước từ 15 đến 30%.

Tình hình ở Nội Mông, Cam Túc và Tân Cương còn tồi tệ hơn.

Phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa xã đưa tin vào ngày 16/6 rằng 50,7% đất của Nội Mông đã bị hạn hán nặng trong năm nay. Khu vực này chủ yếu trồng lúa mì, cũng như đậu nành và ngô. Hoa màu, cỏ dại không thể phát triển, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của địa phương.

Tờ Tin tức Nhà nước Trung Quốc đưa tin vào ngày 3/6 rằng đợt khô hạn dẫn đến hầu như không có thu hoạch ở tỉnh Cam Túc trong năm nay. "Tôi 50 tuổi. Tôi chưa bao giờ thấy hạn hán như năm nay", một nông dân ở thành phố Yuzhong, Cam Túc cho biết trong báo cáo.

Một phụ nữ ở Tân Cương đã chia sẻ một đoạn video trên mạng xã hội vào ngày 17/7, cho thấy những cánh đồng lúa mì lớn đã khô héo.

"Bạn nghĩ màu vàng này là [lúa mì] đã thu hoạch ? Lúa chết hết rồi. Nông dân của chúng tôi không có thu hoạch gì cả trong năm nay", cô nói.

Báo chí Trung Quốc cũng lưu ý rằng do hạn hán kéo dài hai tháng, hai phần ba diện tích ngô ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc tỉnh này đã bị chết khô.

Sâu bọ

Trong khi đó, các tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang gần đó báo cáo dịch Châu chấu xuất phát tại địa phương vào tháng Sáu. Vào cuối tháng 6, một cuộc xâm lược Châu chấu nước ngoài đã xâm nhập vào tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ở phía tây nam, từ Lào, và tiếp tục di chuyển đến các vùng khác.

Vào ngày 27/7, Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc đã tổ chức một cuộc diễn tập để quét sạch châu chấu ở Vân Nam và ước tính rằng sẽ có nhiều châu chấu hơn xâm nhập vào Trung Quốc từ Lào trước cuối tháng 8.

Nông dân ở các tỉnh phía nam Quảng Tây và Hồ Nam cũng đã báo cáo về dịch châu chấu bản địa vào tháng 6.

Và loài sâu bọ mùa thu, thích ăn ngô, được cho là đã phá hoại mùa màng ở Sơn Đông, An Huy, Giang Tô, Hà Nam và các tỉnh khác vào tháng Bảy.

Các dấu hiệu khác

Xu hướng gần đây trên thị trường Trung Quốc cũng cho thấy tình trạng thiếu lương thực.

Nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chế biến hàng đầu của Trung Quốc, China Agri-Industries Holdings do nhà nước điều hành, ngày 3/8 đã thông báo rằng chính phủ trung ương đã xuất kho 3,6 triệu tấn gạo dự trữ nhà nước ra thị trường gần đây, được thu hoạch từ năm 2014 đến năm 2019.

Trung Quốc có một hệ thống dự trữ ngũ cốc quốc gia để duy trì an ninh lương thực, nhưng thực tế nước này sở hữu bao nhiêu trong kho dự trữ vẫn còn là một dấu hỏi.

Trong khi đó, tất cả giá ngũ cốc trong nước đều tăng trong tuần đầu tiên của tháng 8, so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Orient Securities và Huatai Securities công bố.

Đặc biệt, giá đậu nành tăng 37,83%, từ 3.454 nhân dân tệ (484,85 USD) / tấn vào tháng 8/2019 lên 4.761 nhân dân tệ (682,1 USD) / tấn vào tháng 8/2020.

Trung Quốc gần đây cũng đã mua nông sản của Mỹ một cách kỷ lục. Vào ngày 29/7, Trung Quốc đã đặt hàng bắp Mỹ lớn nhất từ ​​trước đến nay, 1,937 triu tn, s được giao trong năm tiếp th 2020-21 bt đầu vào ngày 1/9, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).

Các đơn đặt hàng trong tháng 7 cũng tăng vượt kỷ lục trước đó. Vào ngày 14/7, USDA báo cáo rằng Trung Quốc đã mua 1,762 triệu tấn ngô và 129.000 tấn đậu nành.

Vào ngày 10/7, Trung Quốc đã đặt hàng 1,365 triệu tấn bắp, 130.000 tấn lúa mì đông và 190.000 tấn lúa mì xuân đỏ cứng của Mỹ.

Một nhà nghiên cứu nông nghiệp ở Trung Quốc, họ Quin mà không tiết lộ tên vì không được phép nói chuyện với các phương tiện truyền thông nước ngoài, giải thích rằng ngũ cốc sử dụng ở Trung Quốc có 3 mục đích chính, đó là : thực phẩm cho con người, thức ăn cho gia súc và nguyên liệu thô để nấu rượu và các sản phẩm công nghiệp khác.

Ông cho biết tình trạng thiếu hụt hiện nay "sẽ không nghiêm trọng đến mức người không có thức ăn… Điều cốt yếu là không có thức ăn cho gia súc và gia cầm. Sau đó, mọi người không có đủ thịt để ăn", Qin nói.

Nicole Hao

Nguyên tác : China Faces Food Shortage as Droughts, Flooding, and Pests Ruin Harvest, The Epochtimes, 09/08/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 12/08/2020

Additional Info

  • Author Nicole Hao
Published in Diễn đàn

Trong thương mại quốc tế không chỉ nói đến sự trao đổi hàng hóa mà còn bàn luận về sự tín nhiệm và các giá trị.

1133003665
Thượng Hải trong suốt một thời gian dài có niềm tin cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lặp lại ở Trung Quốc - Ảnh: Xiaodong Qiu / Getty Images

Trong thương mại quốc tế không chỉ nói đến sự trao đổi hàng hóa mà còn bàn luận về sự tín nhiệm và các giá trị.

Lịch sử toàn cầu hóa đặc biệt cho đến nay là một lịch sử về Trung Quốc và giờ đây câu chuyện lịch sử này có lẽ đã kết thúc – vì Trung Quốc.

Trong vòng ba thập kỷ, Nước Cộng hòa Nhân dân đã biến từ một quốc gia kém phát triển trở thành một cường quốc thế giới. Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa kỹ nghệ lớn nhất và là nhà nhập khẩu lớn thứ ba trên thế giới. Năm 1990, sản lượng kinh tế bình quân đầu người tương đương 1.600 Mỹ kim, nay là 18.000 Mỹ kim, ngang bằng với Mễ Tây Cơ.

Một mặt, đây là một câu chuyện thành công vĩ đại.

Mặt khác, xét theo quan điểm của phương Tây,sự việc có vấn đề : Trung Quốc không có dân chủ và không phải là một quốc gia pháp quyền. Điều này đặt ra những vấn nạn cho trật tự kinh tế thế giới bởi vì sự mậu dịch quốc tế không chỉ đơn thuần là trao đổi sản phẩm, mà còn liên hệ đến tri ​​thc và thông tin nghĩa là sự tín nhiệm và giá trị.

Giầu có và phi tự do 

Từ lâu,có một quan niệm ngự trị cho rằng một mô hình lịch sử sẽ lập lại ở Trung Quốc : Phát triển kinh tế sẽ dẫn đến Tự do hóa chính trị. Từ thứ dân sẽ trở thành công dân có quyền tham dự biểu quyết vể vận mệnh của đất nước , phát biểu ý kiến ​​và phn biện. Các định chế độc lập vững mạnh sẽ đảm bảo sự thực thi luật pháp cho người dân nội điạ và người ngọai quốc sinh hoạt trong nước.

Cơ hội doanh lợi tốt với một lương tâm rõ ràng

Lợi nhuận, may rủi, thanh khoản. Nay có thêm nhiều ngân hàng triển khai cách tiếp cận đầu tư vốn thuần túy này với tiêu chí thứ tư : bền vững.

Chẳng hạn, Hàn Quốc đã thực hiện bước nhảy vọt từ độc tài sang dân chủ và pháp quyền vào cuối thập niên 1980.Sản lượng kinh tế bình quân đầu người vào lúc đó chưa được 10.000 Mỹ kim, thấp hơn nhiều so với mức phồn vinh của Trung Quốc hiện nay.

Với hy vọng về một sự phát triển như vậy, phương Tây đã hướng tới Trung Quốc : Vương quốc Anh chuyển giao Hồng Kông vào năm 1997. Bắc Kinh cam kết theo thỏa thuận là thuộc địa cũ được duy trì hệ thống chính trị của mình trong 50 năm, bao gồm cả tư pháp độc lập và các quyền tự do dân sự.

Cũng như các quốc gia khác, Trung Quốc trong những năm qua sẽ trở thành một quốc gia bình thường theo nghĩa phương Tây. Sự hội nhập kinh tế khởi động một sự chuyển hoá xã hội sẽ làm cho quá trình tự do hóa chính trị không thể tránh khỏi.

Trong tinh thần này, Hoa Kỳ đã mời Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và mở đường cho việc gia nhập vào năm 2001. Đó là một thời gian lạc quan. Lúc bấy giời báo chí , truyền thông liên tục tường thuật về kỳ vọng và đánh giá đây là một bước chiến thắng kế tiếp của hệ thống tự do, như chúng tôi đã trình bầy trong một nghiên cứu cho Quỹ Bertelsmann. Vào thời điểm đó, "cải cách" và "hy vọng" thường được đề cập – những cơ hội mà Trung Quốc sẽ mang lại cho các công ty phương Tây qua sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Nhưng rồi loạt tường thuật đã đi vào lịch sử. Trung Quốc vẫn là trường hợp ngoại lệ lớn : Đất nước ngày càng giàu có hơn nhưng lại kém tự do hơn. Trong những năm gần đây, đường lối chính trị dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, thậm chí còn trấn áp mạnh bạo hơn ở trong nước và nhiều hung hăng,hiếu chiến về mặt đối ngoại. Giới lãnh đạo đã từ bỏ sự khiêm nhượng trước đây của mình trên trường quốc tế. Điển hình, diễn biến ở Hồng Kông cho thấy Bắc Kinh không quan tâm nhiều đến các thỏa thuận quốc tế nữa : Thay vì tôn trọng thoả thuận chuyển giao,Trung Quốc đã mở rộng bộ máy đàn áp của mình sang thuộc địa cũ của Anh .

Tỉnh ngộ rồi lại lo sợ

Rõ ràng là nền kinh tế chủ yếu quốc doanh của Trung Quốc không phù hợp với những tư tưởng cạnh tranh công bằng của phương Tây. Từ lâu trước khi Donald Trump bước vào Toà Bạch Ốc, một làn sóng tố tụng chống bán phá giá đã bắt đầu vì các nhà cung cấp được bao cấp của Trung Quốc làm tràn ngập thế giới với thép, nhôm giá rẻ và nhiều loại hàng hóa khác.

Năm ngoái, Hiệp hội liên bang các ngành kỹ nghệ Đức (BDI) công bố một tài liệu lên án các hành vi không công bằng của Trung Quốc và kêu gọi "đảm bảo trật tự kinh tế thị trường ở Đức và Châu Âu". Sự công kích này cho thấy nhiều tập đoàn Đức đầu tư mạnh vào Trung Quốc với kỳ vọng về sự chuyển hoá chính trị xã hội dần dần – đã tỉnh ngộ lâu rồi và nay đang lo sợ.

Có còn một căn bản để tiếp tục tăng cường toàn cầu hóa hay không ?

Cuộc chiến thương mại của Trump chống Trung Quốc, mà Tổng thống Mỹ phát động vào năm 2018 nhằm buộc Trung Quốc mở cửa thị trường và chơi công bằng, đã dẫn đến nhiều vòng thương thuyết tăng thuế khác nhau, nhưng ngoài ra đã không mang lại tác động xây dựng nào khác cả. Không giống như những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ không nỗ lực tìm một hành động chung của phương Tây mà thay vào đó đã lăng mạ các đối tác phương Tây. Bằng động thái này, ảnh hưởng phi dân chủ của Trung Quốc rất khó bị kìm chế.

From things to thoughts

Nhà kinh tế học Richard Baldwin, giảng dậy ở Geneva nói chủ nghĩa tư bản toàn cầu phát triển "from things to thoughts". Tuy nhiên, hệ thống thương mại quốc tế đã không kiến tạo theo hướng này. Từ những năm 1990, cộng đồng các quốc gia đã không thống nhất về việc cập nhật hoá các quy tắc của WTO và bây giờ phải nhìn hậu qủa.

Chỉ vài năm trước, toàn cầu hóa bao gồm các thương vụ trao đổi đơn giản : xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa. Sau khi giao hàng và thanh toán, thương vụ xem như đã được thực hiện. Xe hơi hoặc chuyên chờ dầu có thể được sử dụng và tiêu thụ. Sau khi thực hiện cuộc buôn bán, các nhà sản xuất và người mua hầu như chẳng còn liên hệ đến nhau.

Lý luận của toàn cầu hóa 1.0 : Sản xuất diễn ra nơi có các điều kiện tốt nhất và thường có nghĩa là nơi chi phí thấp nhất. Với biên giới mở, mọi nền kinh tế sẽ chuyên môn hoá những gì mà mình thực hiện tốt nhất. Phân công lao động quốc tế sẽ nâng cao năng suất, trong khi giá giảm và lựa chọn nhiều.Chủ nghĩa bảo hộ – bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước cạnh tranh nước ngoài – Kịch bản này tác động cực kỳ hại.

Nhưng thương mại quốc tế không còn giới hạn nữa trong việc trao đổi đơn giản sản phẩm mà còn triển khai sang các luồng dữ liệu, tức là thông tin. Máy móc, hệ thống thiết bị và ngày cả lượng xe hơi gia tăng sẻ truyền những dữ liệu, được theo dõi, kiểm soát, bảo dưỡng và cập nhật từ xa.Trong thời đaị toàn cầu hóa 2.0 cũng là những vấn đề liên quan đến việc kiểm soát và truy cập cấu trúc hạ tầng thông tin, tìm dữ liệu tiềm tàng trên điện toán đám mây , thực hiện dịch vụ dữ liệu. 

Dữ liệu là sức mạnh và nó không chỉ dựa trên lợi thế quy mô kinh tế mà các công ty như Google hay Amazon truyền cho khách hàng dưới dạng chi phí thấp và chất lượng cao, mà còn dựa trên ý chí của các cơ quan nhà nước để kiềm chế các công ty thu thập dữ liệu cho mục đích của họ. Lợi thế chi phí được bù đắp bởi rủi ro bảo mật. Cuộc đấu tranh cho nhà cung cấp mạng Trung Quốc Huawei và vai trò của nó trong việc mở rộng mạng vô tuyến di động 5G phương Tây cho thấy cuộc xung đột này là một ví dụ.

Phương Tây là gì ? Và nó có giá trị gì ?

Thương mại tự do trong những điều kiện này có còn là sự lựa chọn tốt nhất không ? Câu hỏi cơ bản về toàn cầu hóa này không thể được trả lời đơn giản bằng có. So với trước đây, các giá trị cơ bản – pháp quyền, nhân quyền và các quyền tự do – nay được gắn kết trực tiếp với các vấn đề thương mại. Để bảo vệ các quyền này, cần phải có một bộ quy tắc quốc tế mới – một WTO cho thế kỷ 21. Các thỏa thuận của các quốc gia thương mại lớn ký kết riêng biệt với Trung Quốc sẽ không thể đạt được mục địch nhiều. Trung Quốc hiện lớn và mạnh đến mức có thể khai thác các quốc gia chống lại nhau.

Sự lưạ chọn : Hoặc là phương Tây – và có nghĩa là Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Gia Nã Đại, Úc, và nhìn xa cũng là Ấn Độ, Nam Dương, Ba Tây, Mễ Tây Cơ – cùng nhau thiết lập những tiêu chuẩn chung và bảo vệ chống lại những người không tuân thủ , ngay cả khi họ có sự chống lưng của tân cường quốc thế giới Trung Quốc.

Hoặc các biện pháp quốc gia không tổ chức gia tăng sẽ đe dọa tình trạng các vấn đề an ninh, môi trường và an sinh xã hội bị pha trộn với vận động hành lang theo hướng bảo hộ cổ điển của từng công ty và tập đoàn. Vì sợ trước các cuộc tấn công của Trung Quốc, phương Tây, sẽ rút về các căn cứ tự vệ của quốc gia, cũng như của Châu Âu-EU.

Trong trường hợp đầu tiên, phương Tây sẽ tiếp tục toàn cầu hóa với một lập trường rõ ràng nhưng vẫn mở cho các nước khác. Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác hiện đang bị độc tài cai trị, có thể trở thành một phần của những thỏa thuận – miễn là họ tuân thủ các quy tắc của phương Tây. Trong trường hợp thứ hai, toàn cầu hóa như chúng ta đang biết sẽ kết thúc. Thiệt hại sẽ rất lớn. Đối với các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ và EU thì sự thiệt hại phỏng đoán không nhiều. Trong khi các quốc gia nhỏ không có tiềm năng chống trả sẽ trở thành những quả banh của trò chơi quyền lực không phối hợp này.

Cuối cùng, một câu hỏi lớn được nêu ra : Phương Tây có còn không – và nếu có, nó có giá trị gì ?

Nếu người không trả lời câu hỏi này được, thì coi như thất bại rồi…

Henrik Müller

Nguyên tác : Wie China die Globalisierung beenden könnte, Der Spiegel, 26/07/2020

Vũ Ngọc Yên biên dịch

Nguồn : VNTB, 29/07/2020

 

Tiến sĩ kinh tế Henrik Müller là giáo sư nghành báo chí kinh tế tại Đại học Kỹ thuật Dortmund và đã từng làm phó chủ biên tạp chí mannager magazin.Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều cuốn sách về các chính sách kinh tế và tiền tệ. Cho tuần báo Spiegel, Müller viết bình luận mỗi tuần về các sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong tuần.

Additional Info

  • Author Henrik Müller
Published in Diễn đàn
mardi, 28 juillet 2020 21:00

Trung Quốc đang tự cô lập mình

Giấc mộng Trung Hoa hay tham vọng bá chủ

Trung Quốc muốn trở thành một "cường quốc biển", một thuật ngữ mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng như một phần trong luận điệu về công cuộc phục hưng dân tộc. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đang xây dựng một lực lượng hải quân nước sâu có khả năng kiểm soát các vùng biển gần, tác chiến và giành chiến thắng trong các cuộc chiến khu vực, cũng như bảo vệ các tuyến đường biển sống còn cùng nhiều lợi ích kinh tế và chính trị của nước này bên ngoài khu vực Đông Á.

tucolap0

Người biểu tình đốt cờ Trung Quốc và bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn mà Bắc Kinh tự vẽ ra trên biển tại một cuộc biểu tình ở Manila, Philippines hôm 12/6/2019 - AFP

Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đã từ bỏ đường lối "giấu mình chờ thời" dưới thời Đặng Tiểu Bình để chuyển sang chính sách ngoại giao nước lớn đề cao vai trò của Trung Quốc. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho Trung Quốc ngày càng bị cộng đồng quốc tế nghi ngại, tuy nhiên thay vì có chính sách cải thiện quan hệ với các nước thì chính quyền Bắc Kinh lại tiếp tục thúc đẩy chính sách "tự cho mình là đúng" và chú trọng vào đối nội hơn kể từ sau khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 trên toàn cầu.

Trong một cuộc họp với giới doanh nghiệp nước này hôm 21/7, Tập Cận Bình đã phát biểu rằng Trung Quốc là một nước có thị trường với quy mô khổng lồ, do vậy cần phát huy ưu thế này và phải xây dựng cơ cấu phát triển mới lấy nền kinh tế trong nước làm chủ thể. Điều này thể hiện quan điểm rằng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ cần kinh tế nội địa của Trung Quốc phục hồi là nước ngoài sẽ tự động bị Trung Quốc thu hút, chinh phục.

"Gây thù chuốc oán" khắp nơi

Mặc dù đang bị cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ và Châu Âu, quy lỗi trách nhiệm về việc để bùng phát Covid-19 nhưng Trung Quốc không có hành động tích cực để cải thiện quan hệ quốc tế. Ngược lại, Trung Quốc cho thấy một cách lộ liễu rằng họ coi sự hỗn loạn do Covid-19 gây ra là "cơ hội" để đạt được lợi ích cho bản thân. 

Trên thực tế, Trung Quốc liên tục lợi dụng tình thế dịch bệnh hiện nay để có các hành động gia tăng hoạt động trên biển. Tàu chấp pháp Trung Quốc đã đâm va và làm chìm tàu cá Việt Nam hồi tháng 4/2020 trên Biển Đông, Phần lớn những gì Trung Quốc đã làm trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 – trong đó có việc truy đuổi các tàu cá của Việt Nam ra khỏi những vùng biển có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Việt Nam, cử các tàu giám sát hoặc tàu cảnh sát biển đi hộ tống các tàu cá của nước này xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác như Indonesia, đe dọa các hoạt động khai thác dầu và khí đốt của các bên tuyên bố chủ quyền khác ở biển Đông, cử các tàu cảnh sát biển xâm nhập vùng biển của đảo Điếu Ngư/Senkaku, cử các tàu và máy bay quân sự vào eo biển Đài Loan – đều đã được họ thực hiện từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, cường độ của những hành động này đã gia tăng khi các nước trong khu vực – trong đó có cả Trung Quốc – đang vật lộn với đại dịch, kèm theo ảnh hưởng về kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra. Sau đó Bắc Kinh tự mình thiết lập khu vực hành chính mới trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Những động thái này khiến các nước Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, ngày càng lo ngại và cảnh giác.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, bởi vì phải đối mặt với sức ép ở trong nước và sự chỉ trích từ bên ngoài, Trung Quốc muốn phô diễn sức mạnh. Các quan chức Trung Quốc lo lắng rằng hành động ôn hòa và kiềm chế có thể là dấu hiệu thể hiện sự kém cỏi trong mắt giới tinh hoa trong nước và các nước bên ngoài.

tq

Hình tàu hải cảnh của Trung Quốc / Legaldaily

Trên Biển Hoa Đông, tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện trên 105 ngày liên tục xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư và cũng đòi hỏi chủ quyền, mức thời gian kỷ lục từ trước tới nay. Tàu hải cảnh Trung Quốc cũng nhiều lần xâm phạm vùng lãnh hải của Nhật Bản, truy đuổi tàu cá Nhật Bản trong vùng biển này. Trong khi đó, tàu khảo sát hải dương Trung Quốc cũng tiến hành khảo sát mà chưa có sự chấp thuận của Tokyo trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Khi có sự can thiệp của tàu chấp pháp Nhật Bản, các tàu Trung Quốc đều không có thái độ hợp tác. Đáng chú ý, tàu Trung Quốc được triển khai tại vùng biển này ngày càng có tải trọng lớn hơn, phần lớn là loại trên 3.000 tấn, và một số còn được trang bị cả súng máy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper ngày 21/7 cũng đã phải lên tiếng cảnh báo việc tàu công vụ Trung Quốc đang gia tăng hoạt động cả về số lượng lẫn thời gian xâm phạm vùng biển của Nhật Bản. Điều này cho thấy Bắc Kinh đã chuyển sang giai đoạn mới trong chính sách khiêu khích Tokyo. Còn tại khu vực biên giới giáp với Ấn Độ, hai bên cũng xảy ra đụng độ khiến nhiều binh sĩ hai nước thương vong.

Việc giới chức Trung Quốc đẩy mạnh chính sách ngoại giao cứng rắn là nhằm thúc đẩy tinh thần ái quốc trong dư luận nước này, tuy nhiên chính sách này cũng không tạo được sự đồng thuận trong nội bộ chính quyền Bắc Kinh. Một quan chức ngoại giao Trung Quốc chỉ ra rằng người dân nước này ngày càng nhận thức rõ về việc Bắc Kinh bằng những chính sách của mình đã tạo ra kẻ địch ở "bốn phương, tám hướng", đặc biệt là giới doanh nghiệp nước này ngày càng bất mãn với chính sách hiếu chiến của các quan chức ngoại giao.

Chính giới chức Bắc Kinh cũng đang thể hiện thái độ sốt ruột hơn trước các nguy cơ mà Trung Quốc phải đối mặt. Tờ Thời báo Hoàn Cầu thuộc Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận hôm 27/7 cũng đã thừa nhận rằng việc chính quyền Tổng thống Donald Trump ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là phản ứng ngoài sức tưởng tượng của Bắc Kinh, đồng thời cảnh báo rằng cần chuẩn bị tâm thế cho cuộc Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 21 có thể nghiêm trọng hơn Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20.

Cả thế giới đứng lên chống lại Trung Quốc

Sự tập hợp lực lượng để chia sẻ mối quan ngại ngày càng tăng đối với sự vươn lên về quân sự, tranh chấp lãnh thổ và chiến lược ngoại giao "Chiến Lang" của Trung Quốc dẫn đến sự hồi sinh của nhóm đối thoại an ninh Bộ Tứ (Quad) bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia. Bốn quốc gia này chia sẻ đánh giá chiến lược rằng Trung Quốc là một lực lượng gây rối ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác định Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ. Nhật Bản cũng đang cố gắng hết sức để thích nghi với bối cảnh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở Châu Á.

tq3

Tàu USS Wayne E. Meyer của Hải quân Mỹ đi qua Biển Đông hôm 11/4/2017 Reuters

Vào ngày 13/7 vừa qua, sau khi phái 2 tàu sân bay tham gia một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong những năm gần đây ở Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi hành vi của Trung Quốc là bất hợp pháp. Trong một tuyên bố thách thức trực tiếp hiếm hoi đối với Bắc Kinh, ông nói : "Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế biển của riêng mình".

Việc Trung Quốc một lần nữa nổi lên như một cường quốc toàn diện làm gia tăng nhiều lo ngại, khiến nhiều quốc gia quay trở lại quan tâm tới Bộ Tứ phiên bản 2.0, trong đó có Ấn Độ. Ấn Độ cảm thấy lo lắng trước Trung Quốc đã thay đổi từ bản sắc lịch sử đất nước như một cường quốc lục địa để hướng tới trở thành một cường quốc biển hiện đại với khả năng triển khai sức mạnh trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng. Quốc gia này đã theo đuổi chiến lược "chuỗi ngọc trai" ở Ấn Độ Dương, được hỗ trợ bởi năng lực hải quân ngày càng lớn mạnh nhằm bóp nghẹt vùng duyên hải xung quanh Ấn Độ và kiểm soát Ấn Độ trên đất liền bằng cách thu hút sự ủng hộ của Nepal và đồng minh thân cận Pakistan.

Mới đây, ngày 23/7, Chính phủ Australia đã gửi Công hàm phản đối các yêu sách biển của Trung Quốc ở biển Đông. Với Công hàm này, Australia đã chọn cách đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại tham vọng của Trung Quốc, cho dù Trung Quốc đe doạ trả đũa Australia về kinh tế.

Cựu Đại sứ Australia tại Trung Quốc, Geoff Raby, lưu ý : "Một loạt thông báo quan trọng đã thể hiện rõ rằng Chính phủ Australia hiện tại coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và là một cường quốc xét lại phải chống lại".

Ngày 30/6, sau khi Trung Quốc bắt đầu áp dụng Luật An ninh quốc gia mới đối với Hong Kong, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã gọi động thái này của Bắc Kinh là "ikan" (đáng tiếc)- từ này chỉ xếp ngay sau từ ngữ chỉ trích mạnh mẽ nhất trong từ điển ngoại giao của Nhật Bản là "hinan" (đáng lên án). Trong bối cảnh tình hình ở Hong Kong dần xấu đi, giới chức Nhật Bản đã sử dụng các từ ngữ ngày càng mạnh mẽ- từ chūshi (theo dõi chặt chẽ) tới yūryo (hết sức lo ngại).

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên cũng đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn khác thường đối với Trung Quốc vào ngày 27/6, tái khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là cơ sở đúng đắn của các quyền và quyền chủ quyền ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Nguyễn Hoài Phong

Nguồn : RFA, 28/07/2020

Additional Info

  • Author Nguyễn Hoài Phong
Published in Diễn đàn

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kín đáo bắn tiếng muốn Mỹ nhảy vào giải quyết xung đột ở Biển Đông, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc đã cảnh giác Việt Nam "không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài".
Đề nghị bán chính thức của Việt Nam đưa ra ngày 17/07/2020, bốn ngày sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo gọi hành động đe dọa các nước nhỏ để chiếm đoạt và mưu toan cướp chủ quyền nguồn tài nguyên ở phần lớn Biển Đông của Trung Quốc là "phi pháp".

tq1

Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc cảnh giác Việt Nam "không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài".

Dưới tiêu đề "Quan hệ Việt-Mỹ và vấn đề Biển Đông", Tiến sĩ Lại Thái Bình của Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị 2 khả năng hợp tác, chưa từng được nêu lên trước đây giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Đó là :

1. "Việt Nam và Mỹ cũng có thể cùng các quốc gia khu vực và trên thế giới tạo dựng một diễn đàn an ninh cấp cao thường niên để thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan Biển Đông".

2. "Hai nước cũng có thể thúc đẩy những hợp tác liên quan việc tăng cường năng lực cho mỗi bên về đào tạo, huấn luyện, diễn tập chung, trao đổi thông tin liên quan sự phát triển của Biển Đông, hợp tác kinh tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, phòng chống khủng bố, cướp biển, cứu trợ thiên tai…".

Về đề nghị thứ nhất, có vẻ như Việt Nam muốn "quốc tế hóa" vấn đề Biển Đông, điều mà phía Trung Quốc không tán thành. Lập trường của Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp biển đảo "song phương" với từng nước có xung đột với Trung Quốc gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai và Brunei.

Trung Quốc cũng không muốn nói chuyện Biển Đông với ASEAN như một khối 10 quốc gia vì có 5 nước không có quyền lợi ở Biển Đông và không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc gồm Thái Lan, Tân Gia Ba, Miến Điện, Lào và Cao Miên.

Đây là nguyên nhân tại sao ASEAN không thể đoàn kết và thống nhất quan điểm trong khi thảo luận tìm giải pháp cho xung đột Biển Đông với Trung Quốc.

Nhưng liệu Mỹ có sẵn sàng đứng mũi chịu sào đứng ra làm đầu tầu để tổ chức "một diễn đàn an ninh cấp cao thường niên" với khối ASEAN và các nước lớn khác để giải quyết vấn đề Biển Đông ?

Hay liệu Trung Quốc có từ bỏ lập trường "chỉ thảo luận song phương với nước nào có tranh chấp" để tham gia một diễn đàn quốc tế về Biển Đông ?

Đề nghị thứ 2 của Tiến sĩ Lại Thái Bình có vẽ táo bạo vì ông muốn Mỹ không chỉ "tăng cường năng lực cho mỗi bên liên quan đào tạo, huấn luyện" mà còn muốn hai nước "diễn tập chung" và " trao đổi thông tin liên quan sự phát triển của Biển Đông".

Rõ ràng sáng kiến này liên quan đến chính sách quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ. Nhưng sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam đã minh thị "4 không", thay đổi từ "3 không" trước đây.

Sách trắng viết rằng : "Việt Nam chủ trương :

1. không tham gia liên minh quân sự ;

2. không liên kết với nước này để chống nước kia ;

3. không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác ;

4. không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Nhưng "điểm 4 mới" nên được hiểu như thế nào trong hoàn cảnh của Việt Nam ? Phải chăng lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam muốn bắn tiếng với đàn anh Trung Quốc rằng "chúng em sẽ không gây chiến với bất kỳ nước nào, vì chúng em chỉ muốn được yên thân" ?

Nhưng nếu Bắc Kinh hành quân xâm lược Việt Nam cả trên bộ lẫn ngoài khơi thì Việt Nam làm gì ?

Chắc chắn chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không được Mỹ "tự động yểm trợ và bảo vệ" như Mỹ hứa sẽ bảo vệ Phi Luật Tân khi bị nước ngoài tấn công. Thỏa hiệp quốc phòng Mỹ-Phi ký ngày 30/08/1951 tại Hoa Thịnh Đốn gồm 8 điều đã minh thị rằng : "Hai nước sẽ yểm trợ nhau nếu Phi Luật Tân hay Hoa Kỳ bị tấn công bởi lực lượng bên ngoài" (1).

Trung Quốc cảnh cáo Việt Nam

Cũng đáng chú ý là bốn ngày sau khi bài viết của Tiến sĩ Lại Thái Bình xuất hiện trên báo Thế giới & Việt Nam của Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trường Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có Hội nghị trực tuyến lần thứ 12 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, ngày 21/07/2020, với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị của Trung Quốc.

Tại diễn đàn này, theo tin Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Minh "đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây ; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc ; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 ; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất ; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC ; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất".

Tuy nhiên, phía Việt Nam đã giấu nhẹm phát biểu lên lớp Việt Nam của Vương Nghị.

Đài Phát thanh quốc tế Trung Hoa (CRI, China Radio International) đưa tin trong bản tiếng Việt ngày 22/07/2020 : "Về vấn đề Nam Hải, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết, Nam Hải là quê nhà chung của chúng ta, Trung Quốc và ASEAN vĩnh viễn là láng giềng, tìm kiếm hòa bình, thúc đẩy phát triển là nguyện vọng chung của chúng ta. Chính sách Nam Hải của Trung Quốc không thay đổi, giữ bền vững".

Sau khi giáo đầu như thế, họ Vương lên án Mỹ : "Xuất phát từ nhu cầu địa chiến lược, Mỹ châm ngòi thổi gió ở khắp nơi, liên tục cử tàu chiến và máy bay diễu võ dương oai tại Nam Hải, mục đích là nhằm gây ra sự bấp bênh căng thẳng trên Nam Hải, phá hoại đoàn kết giữa các nước trong khu vực, làm hỏng triển vọng phát triển của các nước và khu vực, các nước trong khu vực cần nêu cao cảnh giác".

Vương Nghị nói với ông Phạm Bình Minh : "Trung Quốc và Việt Nam cần kiên trì kiểm soát bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương song phương theo nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo tối cao hai đảng và hai nước, tìm kiếm giải pháp công bằng và hợp lý theo một loạt thỏa thuận ký giữa hai bên. Trung Quốc và Việt Nam còn cần cùng các nước ASEAN, tuân thủ "Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Nam Hải" (DOC, Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea), thúc đẩy tham vấn về "Bộ Quy tắc ứng xử trên Nam Hải" (COC, Code of Conduct), không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài".

Vương Nghị nói đến COC, nhưng sự thật là Trung Quốc đã tìm mọi cách trì hoãn thảo luận nghiệm chỉnh để hoàn tất văn kiện có tính ràng buộc pháp lý đối với các bên vi phạm.

Nhưng tại sao cuộc thương thảo giữa khối ASEAN và Trung Quốc đã kéo dài gần 4 năm mà chưa đi đến đâu ?

Theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, một học giả về bang giao quốc tế, thì : "Trở ngại chính là các nước ASEAN không đoàn kết và nhất trí vì quyền lợi bất đồng và bị Trung Quốc chi phối, trong khi đó Trung Quốc muốn kéo dài việc ký kết để có thời gian thực hiện các "việc đã rồi" hầu có thế thượng phong trong việc thương thuyết. Ngoài ra trong khi ASEAN muốn bộ Quy tắc Ứng xử có tính cách ràng buộc thì Trung Quốc không muốn thế. Việt Nam muốn bộ Quy tắc Ứng xử áp dụng cho cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, điều mà Trung Quốc không muốn. Đó là chưa kể những bất đồng về cơ chế giải quyết tranh chấp và cách tiếp cận trong việc xử lý tranh chấp".

Vậy ông Minh đã nói gì với Vương Nghị ? CRI viết : "Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giới thiệu lập trường của Việt Nam trong vấn đề trên biển, cho biết sẵn sàng cùng Trung Quốc giữ gìn hòa bình và ổn định của Nam Hải, thúc đẩy sự hợp tác cùng phát triển trên biển, điều này phù hợp lợi ích của Việt Nam và Trung Quốc, cũng là nguyện vọng phổ biến của các nước trong và ngoài khu vực".

Rõ ràng trong tuyên bố của Vượng Nghị, ông ta đã cảnh giác khối ASEAN và riêng Việt Nam phải tỉnh táo trước các hành động của Mỹ ở Biển Đông, và "không dành bất cứ cơ hội nào cho sự quấy rối và phá hoại của thế lực bên ngoài".

Phía Trung Quốc cũng cố ý không nói đến việc ông Phạm Bình Minh đã "quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây" với Vương Nghị.

Nên biết Trung Quốc đã chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974 và sau đó từ 1988 đến 1995, chính thức chiếm thêm 7 đá gồm Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi và Vành Khăn trong Quần đảo Trường Sa.

Sau Vành Khăn bị mất năm 1995, Việt Nam coi như mất luôn quyền kiểm soát bãi Cỏ Mây, một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn. Hiện bãi Cỏ Mây đang bị tranh chấp giữa Phi Luât Tân và Trung Quốc.

Ngoài ra, Đài Loan cũng đã chiếm đảo Ba Bình (Itu Aba Island), lớn nhất ở Trường Sa từ sau năm 1956. Đảo này có diện tích tối đa 0,4896 cây số vuông với chiều dài 1.400 mét, rộng 379 mét. Có tài liệu nói Đài Loan đã chính thức đem quân đội và dân cư đến sống và bảo vệ đảo từ năm 1971.

Như vậy, cho đến nay, Trung Quốc và Đài Loan đã chiếm 9 đảo và đá của Việt Nam thuộc Trường Sa.

Mất quyền dầu khí

Trong khi đó, theo tài liệu của Bách khoa toàn thư mở thì Việt Nam đang thực thi chủ quyền hợp pháp tại 21 điểm đảo. Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, đã chia thành thành 2 nhóm đảo, tuyến Bắc Trường Sa và Nam Trường Sa.

Ông nói : "Các đảo phía Bắc Trường Sa mà Việt Nam đang canh giữ, thực thi chủ quyền gồm 10 đảo, đá : Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Đá Lớn. Các đảo phía Nam Trường Sa mà Việt Nam đang bảo vệ gồm 11 đảo, đá : Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Tây, Đá Đông, Đá Lát" (theo Infonet).

Tuy kiểm soát nhiều vị trí nhưng quân đội Việt Nam vẫn không có sức mạnh quân sự như Trung Quốc ở Biển Đông. Ngược lại Trung Quốc đã bồi đắp, tân tạo và xây dựng các vị trí ở Trường Sa thành căn cứ quân sự với bến cảng và sân bay. Ít nhất Bắc Kinh đã biến các đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thành căn cứ quân sự với sân bay và doanh trại kiên cố để đe dọa trực tiếp vào quân trú phòng Việt Nam.

Riêng đảo Gạc Ma, nơi đã xẩy ra cuộc thảm sát đẫm máu ngày 14/03/1988 khiến 64 binh sĩ cộng sản Việt Nam bởi hải quân Trung Quốc. Được biết, chính cố Đại tướng Lê Đức Anh, khi ấy là Bộ trưởng Quốc phòng, đã ra lệnh cho bộ đội Việt Nam không được nổ súng.

Ngày nay, Gạc Ma đã được Trung Quốc tân tạo và xây dựng thành căn cứ quân sự kiên cố với sân bay, doanh trại 6 tầng và hệ thống radar tối tân. Gạc Ma sẽ là nút thắt cắt đường liên lạc và tiếp vận từ đất liền với binh sĩ Việt Nam đồn trú ở Trường Sa, nếu xẩy ra chiến tranh.

Trung Quốc cũng đã áp lực Việt Nam phải hủy bỏ một số dự án tìm kiếm dầu khí ở khu vục nam Hoàng Sa và ở Trường Sa, trong số này có nhiều đại công ty đã bỏ Việt Nam gồm BP (Anh, 2008), ConocoPhillips (2012), Chevron (Mỹ, 2015), Repsol (Tây Ban Nha, 2018).

Mới đây, ngày 9/7/2020, liên doanh dầu khí Rosneft PetroVietnam đã hủy hợp đồng khoan dầu với công ty Noble Corporation tại Lô 06-01 vì bị áp lực từ Trung Quốc.

Vị trí Lô 06-01 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cách bờ biển Vũng Tầu 160 hải lý (370 cây số) hướng Đông-Nam. Trung Quốc tự coi bãi Tư Chính nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn, hay Đường lưỡi bò do Bắc Kinh tự vẽ để giành quyền chủ quyền.

Với tình hình vừa kể, liệu bài viết của Tiến sĩ Lại Thái Bình muốn Mỹ nhảy vào giúp giải quyết xung đột Biển Đông với Trung Quốc có nên được coi là Việt Nam muốn Mỹ cứu nguy, hay Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã vượt qua nỗi sợ Trung Quốc ?

Phạm Trần

(27/07/2020)

(1) "The overall accord contains eight articles and dictates that both nations would support each other if either the Philippines or the United States are attacked by an external party"

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn

Trung Quốc: Cái nôi dịch bệnh của thế giới

Trung Quốc vẫn là đối tượng được các báo Pháp chú ý nhiều. Le Figaro tiếp tục loạt bài trong hồ sơ lớn : "Trung Quốc đối mặt với thế giới", điểm lại những mối quan hệ phức tạp giữa nước này với thế giới bên ngoài từ xa xưa cho đến giờ, với cú sốc lớn đại dịch Covid 19. Bài viết trong số báo hôm nay mang tiêu đề: "Lịch sử của các virus có nguồn gốc ở Trung Quốc".

Dịch hạch năm 1348 à Firenze (Florence, Ý), Bản khực dựa theo một b trc tranh của Luigi Sabatelli (1772-1850). Đại dịch xuất phát từ Trung Quốc, được chuyển đến Châu Âu theo con đường tơ lụa làm 25 triệu người ở lục địa này thiệt mạng trong khoảng thời gian từ năm 1352.images Getty 

Le Figaro ngược dòng thời gian cho biết từ thời Trung cổ đến giờ, Trung Quốc nợ thế giới này 2 đại dịch hạch và bốn đại dịch cúm, trong đó gần đây nhất d là hai tr virus. Lớn nhất là đại dịch hạch từ thế kỷ thứ 14, phát tích từ Trung Quốc, lan đến Châu Âu theo con đường tơ lụa làm 25 triệu người ở lục địa này thiệt mạng trong kho2.

Không chỉ là chuyện lịch sử mà khoa học đã chứng minh " đại đa số các đại dịch do virus, cúm hay virus corona đều có nguồn gốc từ Trung Quốc ", như khẳng định hc hêhh Brunoư bệnh viện CHU của Lyon, Pháp, được Le Figaro trích dẫn.

Trung Quốc đang cố công vô ích viết lại lịch sử để mọi người quên đi đất nước này là nguồn gốc trận đại dịch đầu tiên làm đình trệ hoạt động à. Thế nhưng Le Figaro nhấn mạnh, không chỉ có Covid-19, nếu trở ngược lại lịch sử dịch tễ thế giới thì ta sẽ thấy Trung Quốc luôn là một trong những điểm chín cháh dh. Nếu như thế giới đã trải qua 4 đại dịch hạch kinh hoàng, lần đầu tiên được xác định có nguồn gốc từ Ai Cập cổ đại ở thà kỷ thứ VI, Trung Quốt th thà kỷ thứ VI, Trung Quốt th th th thứ VI, Trung Quốt th th th th vi vào năm 1855 từ Vân Nam. Năm 1894 dịch lan tới Hồng Kông, thuộc địa của Anh, trước khi được truyền đến các cảng biển khắp thế giới; trận đại dịch hạch gần đây nhất xuất hiện ở Châu Âu vào năm 1920.

Chưa hết, Le Figaro đánh giá Trung Quốc còn là một trong những nơi chủ yếu của thế giới cho ra đời các trận dịch cúm quy mô lớn cũng toàn cầu.

Dù Trung Quốc không dính dáng gì đến đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, nhưng trước đó từ năm 1890, đã có một trân dịch cúm H2N2, có thể bắt nguồn từ Thượng Hải trước khi lan sang Nga rồi lây khắp Châu Âu.

Đến năm 1957, một "bệnh cúm Châu Á" đã xuất phát từ tỉnh Quý Châu (tây nam Trung Quốc) rồi lan sang Úc và nhanh chóng phủ khắp Bắc Bán Cầu. Trận dịch này đã gieo rắc cái chết cho 3 triệu người trên hành tinh. Năm 1968, một trận dịch cúm gia cầm lại xuất hiện từ Hồng Kông tàn phá thế giới, cướp đi hơn một triệu sinh mạng, trong đó có 30 nghìn người Pháp, tương đương với con số thiệt mạng hiện nay vì Covid 19 tại Pháp.

Đến năm 1997, dịch cúm A với virus H5N1 lại xuất phát từ Hồng Kông. Một biến thể của H5N1 đã gây ra trận đại dịch SARS 2003-2006. Le Figaro cho biết, trong dịch viêm phổi cấp SARS, virus lần đầu được xác định ở bệnh viện Pháp tại Hà Nội tháng 2/2003, nhưng nó đã xuất hiện từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, từ 11/2002. Virus corona gây ra dịch SARS đã làm hàng ngàn người chết trong đó 80% nạn nhân ở Hồng Kông và Hoa Lục.

Vào thời điểm đó Bắc Kinh cũng đã cố che giấu nguồn gốc virus từ Quảng Đông. Nhà virus học Bruno Lina giải thích : "Ban đầu dịch được lây truyền từ một bác sĩ bị nhiễm virus ở Hoa Lục. Ông đã lây virus sang các khách của khách sạn Métropole Hồng Kông cuối tháng 2/2003. Nhưng chính quyền Trung Quốc giấu việc dịch đã bùng lên trong tỉnh Quảng Đông từ 4 tháng trước đó".

Đến dịch Covid-19 lần này, theo các chuyên gia, chắc hẳn chính quyền Trung Quốc cũng đã tiến hành các điều tra dịch tễ để tìm nguyên nhân, nguồn gốc từ động vật, con người hay môi trường. Nhưng đáng tiếc là họ không công bố các kết quả điều tra.

Hồng Kông : Trung Quốc không còn đáng tin

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, Libération chú ý đến một thời sự chính trị ở Hồng Kông, vùng đất đang rất nóng với bộ luật an ninh quốc gia, qua tiếng nói của một người đã chứng kiến sự thay đổi vận mệnh của Hồng Kông.

Tờ báo trích dẫn nhận định của cựu toàn quyền Anh tại Hồng Kông, Chris Patten, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các tờ báo lớn của Pháp, Tây Ban Nha và Đức : "Tình hình ở Hồng Kông chứng minh rằng Trung Quốc không đáng tin cậy".

Chris Patten là đại diện cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, là người chứng kiến trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn, cựu toàn quyền Anh khẳng định khi rời khỏi Hồng Kông, Anh và Trung Quốc đã đàm phán rất kỹ về quy chế "Một quốc gia, hai chế độ", theo đó vùng đất này vẫn tiếp tục được hưởng các di sản tự do của Anh để lại trong vòng 50 năm. Điều này đã được ghi trong hiệp ước quốc tế là Tuyên Bố Chung Anh- Trung.

Ông nhớ lại, một quan chức cao cấp Trung Quốc tham gia đàm phán khi đó khẳng định "Trung Quốc là nước độc tài, nhưng người Trung Quốc biết tôn trọng lời nói". Chris Patten  nói : "Tình hình hiện nay chứng minh rằng Trung Quốc không đáng tin cậy. Và điều này cũng không phải là mới. Tôi cho rằng việc áp đặt bộ luật an ninh không chỉ là sự tấn công vào đầu mối tài chính sống còn mà tất cả chúng ta đều có lợi ích. Đây là thí dụ điển hình về cuộc đấu tranh trong thế kỷ 21 giữa nền dân chủ và chế độ toàn trị.

Theo cựu toàn quyền Anh, "không một ai trong chúng ta tìm cách đối đầu với Đảng cộng sản Trung Quốc, dù đó là ở Ấn Độ, trên Biển Đông, tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Canada. Chính Đảng cộng sản Trung Quốc tìm kiếm sự đối đầu. Tôi ủng hộ đối thoại, nhưng phải là một cuộc đối thoại mà trong đó bên ứng xử xấu phải chịu hậu quả".

Người Duy Ngô Nhĩ : Không thể đưa lãnh đạo Trung Quốc ra CPI

Chuyển qua nhật báo La Croix, nhật báo công giáo chú ý đến một thời sự của Trung Quốc đang được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt liên quan đến cách hành xử ngược đãi của chính quyền Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Trên trang tranh luận, tờ báo đặt vấn đề : Liệu Trung Quốc có thể bị đưa ra tòa án quốc tế ? Bài phân tích của luật sư Clémence Bectarte, lãnh đạo nhóm hành động pháp lý của Liên Đoàn Quốc Tế Nhân quyền (FIDH).

Tác giả cho rằng, liên quan đến chuyện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương Trung Quốc, người ta đang nói đến tội ác chống nhân loại và diệt chủng. Đó là những tội có thể đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) để xét xử. Một quốc gia không thể bị đưa ra xử trước tòa án này mà chỉ có thể là các nhân vật chịu trách nhiệm về tội ác này. Đó có thể là các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia hay các bộ trưởng…. trực tiếp phạm phải hoặc ra lệnh phạm các tội ác đó. 

Để CPI can thiệp, trước đó phải có vụ kiện được mở ở Trung Quốc. Trong trường hợp này là không có. Mặt khác, Trung Quốc cũng giống như Hoa Kỳ, Israel hay Nga, không phê chuẩn Quy Chế  Roma, thừa nhận CPI. Chỉ có Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong trường hợp đặc biệt quyết định như đã làm với các nước Sudan hay Libya. Thế nhưng trong trường hợp Trung Quốc, nước này là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, giữ quyền phủ quyết. Theo tác giả bài viết, nếu CPI có định đưa ra xét xử lãnh đạo Trung Quốc vì tội ác với người Duy Ngô Nhĩ thì trong cơ chế hiện tại, cơ may một lãnh đạo Trung Quốc như Tập Cận Bình ra trước tòa là hoàn toàn không có. Cho đến giờ hệ thống pháp chế quốc tế vẫn bất lực với các nước lớn dù luật pháp quốc tế rất đa dạng.

Sống chung với Covid-19 là có thể

Tiếp tục với nhật báo La Croix, nhưng về thời sự đại dịch Covid-19. Tờ báo ghi nhận, những ngày qua, mặc dù tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, virus corona vẫn không ngừng gây thêm các nạn nhân, nhiều chỉ số cho thấy tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trong tổng thể có xu hướng giảm.

Điều này cho thấy thế giới đã chống chọi tốt hơn với loại virus nguy hiểm này. "Chúng ta đã hiểu thêm nhiều điều trong những tháng chung sống với đại dịch. Đây là điều giúp chúng không phải sống trong sợ hãi". Dây chuyền lây lan được giám sát tốt hơn so với đầu dịch, tránh không phải trở lại phong tỏa hoàn toàn. Các bệnh viện cũng đã biết cách chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, giúp giảm số tử vong và nhất là mọi người đã ý thức được tầm quan trọng của các hành vi phòng dịch, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh, giữ giãn cách…

La Croix kết Luan:  "chung ta không Côn trong Giai Đoàn Cuc Kỳ Nguy cấp, Tham chí HOANG PRêt như Hồi đầu mùa Xuân Nhung Trọng chu không thần Phai Vô lo điều quan Trọng là" .  Chung sống với virus corona sẽ còn lâu dài và hoàn toàn có thể được.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Làm thế nào để ngăn chặn Trung Quốc hoàn thành việc chiếm đoạt Biển Đông

Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch kiểm soát Biển Đông và Quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Điều này càng tạo thêm những bất lợi cho các yêu sách mang bản chất mơ hồ của Trung Quốc trong khu vực. Đường lưỡi bò chín đoạn vốn bị lên án bởi quốc tế đã thể hiện qua những vu nhận của Bắc Kinh đối với những hòn đảo nằm trong khu vực. Đáng ngại hơn, Bắc Kinh đôi khi còn ám chỉ đường chín đoạn như là một phân định hàng hải, xác định sự kiểm soát chủ quyền của Trung Quốc trên biển cũng như không phận của vùng biển đó.

stop1

Trung Quốc biến những rạn san hô và đá trong quần đảo Trường Sa thành những căn cứ quân sự - Ảnh minh họa

Nỗ lực của Trung Quốc trong việc tiếp tục quân sự hóa các cơ sở nhân tạo ở vùng biển tranh chấp đã được thế giới biết đến. Tuy nhiên, một điều ít được biết đến nhưng có hệ quả rất lớn của việc quân sự hóa này là khả năng gia tăng mạnh mẽ sức mạnh của Trung Quốc, không chỉ để kiểm soát các rạn san hô và đá của Biển Đông, mà trong tương lai sẽ khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh trên biển và không phận của Biển Đông. Bắc Kinh đã rất ồn ào phản đối những phê phán của thế giới đối với những chuyển động hải quân mà Bắc Kinh cho là vô tội cũng như các hoạt động quân sự khác của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Bắc Kinh đã nỗ lực để những giải quyết tranh chấp tập trung vào các cuộc đàm phán song phương nhằm phá vỡ một phản ứng thống nhất của ASEAN. Sự chống lại của các quốc gia trong khu vực chỉ mới bắt đầu. Các vu nhận của Trung Quốc cũng tác động đến nhiều quốc gia nằm ngoài khu vực Biển Đông. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và nhiều nước khác trên thế giới có cùng lợi ích quan trọng trong việc sử dụng biển Đông cho các mục đích kinh tế, khoa học và quân sự. Khẩn cấp hơn là nhu cầu duy trì một hệ thống giao thông hàng hài mở, tự do và trong tương lai ở ngoài vũ trụ rất là quan trọng.

Việc Tòa án Hình sự Quốc tế phủ quyết các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2016 chỉ thúc đẩy Bắc Kinh tiếp tục những nỗ lực phi lý như xây dựng các tính năng, quân sự hóa và mở rộng kiểm soát hành chính đối với sự hiện diện và hoạt động của các quốc gia khác nhằm với xa hơn trong đường chín đoạn. Trên thực tế, phán quyết của tòa đã bác bỏ cả hai yêu sách của Trung Quốc đối với nhiều bãi đá và căn cứ hàng hải cũng như khái niệm cho rằng những hòn đảo nhân tạo có thể tạo ra lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.

Những chiến lược mơ hồ của Trung Quốc (cũng được phơi bày trên các mặt trận khác) phải là yếu tố thúc đẩy cộng đồng quốc tế đối mặt với sự lựa chọn và cùng nhau tìm lời giải cho hành vi của Bắc Kinh đang xây dựng lực lượng và vị trí trong khu vực để khẳng định chủ quyền trên Biển Đông trên đường dài.

Cách giải thích này về các hành động của Trung Quốc, mặc dù khó chấp nhận nhưng cần được xem là một trong các nỗ lực hoạch định chiến lược và quân sự trên toàn thế giới nhằm tránh kết cục tồi tệ nhất có thể xảy ra. Điều quan trọng cần nhớ là phạm vi và quy mô của các yêu sách của Trung Quốc là chưa từng có trong luật pháp quốc tế và không xảy ra tương tự ở bất kỳ nơi nào khác trên trái đất. Thái độ không sẵn sàng đối đầu với kịch bản này sẽ dẫn đến nguy cơ Bắc Kinh kiểm soát vĩnh viễn các hoạt động kinh tế và quân sự đối với một khu vực rộng lớn và quan trọng của thế giới Đại Dương.

Biển Đông có diện tích lớn hơn Địa Trung Hải một phần ba và gấp đôi Vịnh Mexico. Việc thừa nhận các vu nhận trải rộng của Trung Quốc trên biển sẽ làm tăng khả năng những môi trường quốc tế lớn hơn sẽ bị cắt đứt và bị kiểm soát bởi các quốc gia riêng lẻ trong tương lai.

Cộng đồng quốc tế hoặc là tin tưởng vào việc duy trì một cộng đồng toàn cầu tự do, cởi mở và bảo vệ luật pháp quốc tế hay là không. Nếu không, thì việc sáp nhập tiềm năng của Trung Quốc trong không gian rộng lớn này sẽ bảo đảm cho các yêu sách tương tự đối với các đại dương khác trên thế giới. Để ngăn ngừa viễn ảnh đó đòi hỏi một phản ứng tích cực bằng việc mở rộng tối đa sự liên kết giữa các quốc gia. Bất kể các khiếu nại riêng lẽ đối với chủ quyền ở Biển Đông sẽ được giải quyết như thế nào, toàn bộ thế giới đều có phần trong tự do hàng hải của khu vực.

Vì lý do này, Hoa Kỳ, cùng với tất cả các đồng minh và đối tác cần kết nối hành vi của Bắc Kinh tại Biển Đông với việc tiếp cận của Trung Quốc vào cộng đồng thế giới. Thông báo của Washington từ chối các yêu sách hàng hải của Bắc Kinh, được nhấn mạnh bởi các cuộc tập trận của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực, là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, các hoạt động ở Biển Đông sẽ vô hình chung rơi vào thế mạnh của Trung Quốc. Hoa Kỳ và các đồng minh cũng như đối tác trong cộng đồng quốc tế cần bắt đầu áp dụng và gia tăng các hạn chế lên Trung Quốc trong lãnh vực hành chính và kỹ thuật trên toàn cầu đối với vận chuyển, du lịch hàng không và vận tải hàng không trong các khu vực kinh tế trên thế giới của các nước tham gia.

Hạn chế về vận chuyển kinh tế, quân sự và thăm dò khoa học nên được lên kế hoạch trước và có thể mở rộng để chúng tương tự như các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Bản đồ dưới đây minh họa các hoạt động đối đầu của các đồng minh sẽ đem lại vấn đề như thế nào đối với Bắc Kinh; Nó sẽ tăng cao chi phí và sự phức tạp cho việc Trung Quốc tiếp cận khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và hơn xa hơn. Ví dụ, các khu vực liền kề của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Philippines hạn chế giao thông trực tiếp của Trung Quốc vào Tây Thái Bình Dương. Khả năng này nên được thông báo cho Bắc Kinh nếu Bắc Kinh khẳng định quyền kiểm soát chủ quyền ở Biển Đông thông qua vũ lực.

Bảo đảm mức độ tự do và quyền giao thương trên khắp thế giới sẽ là mục tiêu cuối cùng của nỗ lực quốc tế này. Các biện pháp đối phó với Trung Quốc tại các vùng đặc quyền kinh tế trên thế giới cần được đi kèm với cam kết rằng những vùng đặc quyền này vẫn được rộng mở cho tất cả các quốc gia tham gia. Hơn nữa, những hạn chế đối với Trung Quốc cần có thể được đảo ngược dễ dàng và nhanh chóng. Khi Bắc Kinh nhận thức được những sai trái của họ tại Biển Đông, việc tiếp cận các tuyến hàng hải toàn cầu của Trung Quốc cần được khôi phục và khuyến khích.

Mặc dù cách tiếp cận chiến lược này để chống lại các hoạt động hung hăng nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông có vẻ khá quyết liệt, các quốc gia có cùng chí hướng trên thế giới nên sẵn sàng gây ra một cú sốc quyết định đối với các tính toán của Bắc Kinh về bất kỳ lợi ích nào mà Bắc Kinh có thể đạt được bằng cách hạn chế quyền đi qua Biển Đông và ngăn chận tự do hàng hải chung của thế giới. Ngay cả việc chỉ cần gợi ý về một phản ứng toàn cầu ở quy mô này là có thể làm cho Bắc Kinh phải tập trung tâm trí vào sự phụ thuộc ngày càng tăng của Trung Quốc vào cộng đồng thế giới nếu Trung Quốc muốn đạt được các mục tiêu thế kỷ đã đề ra. Cùng nhau, các quốc gia đồng minh nên khuyến khích Trung Quốc hỗ trợ một cộng đồng toàn cầu mở và tự do ở Biển Đông.

Jeff Becker

Nguyên tác : How to stop China completing its takeover of the South China Sea, ASPI The Strategic, 21/07/2020

Annette Nguyen lược dịch

Nguồn : Danlambao, 20/07/2020

Jeff Becker là một nhà tư vấn quốc phòng làm việc về các khái niệm và tương lai của quân đội Hoa Kỳ.

Additional Info

  • Author Jeff Becker, Annette Nguyen
Published in Diễn đàn

Trung Quốc : Bên trong toàn trị, bên ngoài đế quốc

Mở đầu bài xã luận, Le Point ghi nhận là trận đại dịch Covid-19 đã làm phát lộ và đẩy nhanh tốc độ chuyển biến của thế kỷ 21, làm tan rã trật tự thế giới hình thành sau 1945 và góp phần xóa đi vai trò thủ lĩnh thế giới của Hoa Kỳ, đang tê liệt bởi trận "Trân Châu Cảng y tế", kinh tế suy thoái tồi tệ nhất kể từ 1930 cùng làn sóng thất nghiệp 48 triệu người".

tq1 - Copie

Người biểu tình Philippines dẫm đạp lên cờ Trung Quốc nhân một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Manila (Philippines) ngày 21/06/2019. AP - Aaron Favila

Thế nhưng trong cơn hoạn nạn đó của thế giới, Trung Quốc lại nổi lên. Theo Le Point, "trận đại dịch mà trong đó Trung Quốc phải có trách nhiệm đã tạo cho ông Tập Cận Bình cơ hội kiểm soát hệ tư tưởng và giám sát người dân". Bên trong thì củng cố chế độ toàn trị, bên ngoài Bắc Kinh thực thi chiến lược ngoại giao "cực kỳ hung hăng" theo kiểu đế quốc.

Bài báo liệt kê ra một danh sách dài các hành động ỷ vào sức mạnh và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc : Ban hành luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, kéo theo một loạt vụ bắt bớ trấn áp; đòi Google, Facebook, WhatsApp hay Twitter phải cung cấp cho an ninh Trung Quốc thông tin người sử dụng ; gia tăng áp lực chính trị và quân sự với Đài Loan ; gây đụng độ với Ấn Độ ở vùng biên giới đang có tranh chấp Ladakh ; trả đũa Úc bằng cấm vận thương mại vì nước này yêu cầu mở điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch virus corona ; đẩy mạnh nắm quyền kiểm soát các công ty chiến lược và hạ tầng cơ sở trọng yếu bằng cách gán nợ cho các nước, trong đó có cả Châu Âu; tấn công mạng, thao túng dư luận ở các nền dân chủ giữa đại dịch….

Tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình

Le Point nhận định : Hành vi như vậy nằm trong chiến lược dài hạn nhằm chiếm lĩnh vai trò thủ lĩnh thế giới như Tập Cận Bình đề ra từ đại hội đảng thứ 19.

"Tham vọng của Bắc Kinh được cổ vũ thêm bởi sự tan rã vai trò thủ lĩnh của Hoa Kỳ, chính quyền Trump là một quà đẹp chưa từng thấy cho chế độ toàn trị Trung Quốc". Tuy nhiên theo Le Point, chính sách của Tập Cận Bình đang vấp phải ngày càng nhiều sự phản kháng. Từ Châu Âu cho đến Châu Á, các quốc gia ý thức được mối đe dọa, đã hành động để ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc.

Le Point chỉ thẳng : "Trung Quốc giờ đây là mối đe dọa hàng đầu về tự do và hòa bình thế giới" với tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình là "một thế giới, một chế độ".

Bài xã luận kêu gọi, "đã đến lúc các nền dân chủ phải chống lại Trung Quốc như đã từng làm với Liên Xô sau Thế Chiến Thứ 2. Tờ báo đưa ra chiến lược ngăn chặn Trung Quốc theo 5 trục chính :

"Hình thành một liên minh các nền dân chủ bao gồm các quốc gia tự do Châu Á, trong đó Châu Âu phải tham gia. Phá thế bao vây nhờ chính sách cùng phát triển với các quốc gia đang trỗi dậy và đầu tư mạnh trở lại cho các định chế đa phương. Tái lập lại cân bằng kinh tế bằng việc quy hồi các hoạt động sản xuất chiến lược. Cần có qua có lại trong trao đổi buôn bán. Khôi phục mạnh hơn cạnh tranh công nghệ. Đấu tranh tư tưởng bằng việc khẳng định lại các giá trị phổ quát về tự do chính trị và nhân quyền".

Hồng Kông : Hậu quả thấy ngay của luật an ninh quốc gia

Liên quan đến chính sách dùng vũ lực của Trung Quốc, tuần san L’Express trở lại Hồng Kông những ngày từ khi có luật an ninh quốc gia với bài phóng sự "Nỗi sợ hãi trong thành phố".

Bài báo ghi nhận những ngày đầu tháng 7 này, nhịp sống ở Hồng Kông đang trở lại như thường thấy. Thế nhưng "dưới bóng các tòa nhà chọc trời, lan tỏa một nỗi sợ hãi, bất an nặng nề" từ khi Bắc Kinh áp đặt bộ luật an ninh quốc gia tại vùng đất bán tự trị này.  Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi luật có hiệu lực, cảnh sát đã tiến hành hàng loạt vụ bắt bớ. Một người đàn ông 24 tuổi đã bị buộc tội "lật đổ" chính quyền vì đã trương lá cờ "Hồng Kông tự do" và đang chờ tháng 10 ra tòa lĩnh án.

Một phụ nữ Hồng Kông 39 tuổi nói với phóng viên của L’Express : "Chúng tôi tôi đã bước vào thời kỳ mới, dưới sự kiểm soát hoàn toàn của đảng Cộng sản Trung Quốc". Bà cho biết không còn dám đăng gì trên facebook nữa vì sợ bị bắt. Bà đang mong bán được cửa hàng của mình để đi định cư ở Canada.

Bài phóng sự cho biết, các hoạt động kiểm duyệt sách báo, tư tưởng của người dân diễn ra từng ngày từ các hiệu sách đến trường học. Hơn một chục các tổ chức chính trị, công đoàn dân chủ đã phải tự giải thể vì ý thức được mối đe dọa của luật mới, một số nhà hoạt động đã chọn đường ra nước ngoài tị nạn. Họ biết mình sẽ là mục tiêu của luật an ninh quốc gia và sẽ có nhiều nguy cơ ngồi tù suốt đời. Các tiếng nói phản kháng biến dần.

Với bộ luật mới, cảnh sát Hồng Kông được trang bị quyền lực chưa từng có. Họ có thể khám xét không cần lệnh, lục lọi điện thoại, máy tính và cấm các nội dung trên internet. Nhiều công ty được chỉ thị phải yêu cầu các nhân viên chấm dứt bình luận chính trị trên mạng.  TikTok, một ứng ụng chia sẻ vidéo, do một công ty Trung Quốc nắm giữ đã thông báo rút khỏi Hồng Kông để tránh rủi ro phạm vào bộ luật của Bắc Kinh. Google, Facebook, Twitter không biết có thể ở lại Hồng Kông hay không khi không chấp nhận cung cấp thông tin người sử dụng theo yêu cầu của chính quyền.

Giám sát dân bằng công nghệ di truyền

Vẫn liên quan đến chuyện giám sát dân chúng nhưng ở Hoa Lục. Courrier International đăng lại phóng sự điều tra của nhật báo Mỹ New York Times : "Tại Trung Quốc, sắp tới 700 triệu người được lập phiếu ADN".

Bài phóng sự cho biết, Bắc Kinh đang triển khai lập danh mục ADN của nam giới nước này nhằm mục đích có thể giúp tìm nhưng đối tượng tội phạm. Cảnh sát Trung Quốc hiện đã bắt đầu lấy mẫu máu của tất cả đàn ông trong cả nước, từ vị thanh niên cũng như trưởng thành, để lập hệ thống dữ liệu ADN. Chương trình được thực hiện với sự trợ giúp của phương tiện kỹ thuật mua của công ty Mỹ Thermo Fisher.

Theo Courrier Internationnal, "với dự án này, Trung Quốc đã vượt qua một bước lớn trong việc sử dụng dữ liệu di truyền để kiểm soát dân chúng". Dù chính quyền nhấn mạnh việc chia sẻ dữ liệu ADN này dựa trên cơ sở tình nguyện. Nhưng một số quan chức tại Trung Quốc và hiệp hội bảo vệ nhân quyền ở nước ngoài đã cảnh báo việc làm trên quy mô toàn quốc như vậy là hành động xâm phạm đời tư và tạo điều kiện cho chính quyền trừng phạt người thân của những nhà ly khai hay hoạt động tranh đấu.

Đây là công cụ bổ sung thêm vào mạng lưới giám sát tinh vi đang ngày càng được công an triển khai rộng rãi trong cả nước, như hệ thống nhận diện và trí thông minh nhân tạo. Công an Trung Quốc khẳng định cần có cơ sở dữ liệu đó để ngăn chặn các đối tượng phạm pháp.  Việc chỉ lập phiếu ADN của năm giới được giải thích rất đơn giản : Đàn ông có xu hướng phạm tội nhiều hơn phụ nữ, theo các thống kê.

Thổ Nhĩ Kỳ : Đế chế Ottoman trở lại

Trở lại Le Point với hồ sơ chính mối đe dọa bành trướng của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần báo chạy tựa lớn trang nhất : "Erdogan, chiến tranh đang ở cửa nhà chúng ta"

Gần đây báo chí đã tốn không ít giấy mực cho Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Erdogan đầy tham vọng. Le Point dành nhiều bài viết trong số ra tuần này để cho thấy một nước Thổ Nhĩ Kỹ của tổng thống Tayipp Erdogan đang muốn nổi lên thành cường quốc trong khu vực, trở lại thời hoàng kim của đế chế Ottoman.

Hàng loạt các hành động của chính quyền Erdogan tại Syria, Libya, Chyprus, Địa Trung Hải hay thái độ ngang ngược với các đồng minh NATO, bắt bí các nước Châu Âu… cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng tỏ rõ tham vọng bành trướng từ quân sự, chính trị đến văn hóa lịch sử. Hành động gần đây nhất của Ankara là việc quyết định chuyển thành nhà thờ Hồi giáo công trình thánh đường cổ của đạo Thiên Chúa Hagia Sophia (Sainte-Sophie), được xây dựng từ thế kỷ thứ IV, từ 1934 là bảo tàng quốc gia. Quyết định này của tổng thống Erdogan nhằm xóa đi những dấu vết lịch sử bất lợi cho việc khôi phục hình ảnh một Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh của thời đế chế Ottoman.

Giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ không sợ phải đối đầu với các nước lớn, dù là phương Tây hay Nga, để giành ảnh hưởng tại Libya, trên Địa Trung Hải, như vụ đòi quyền khai thác các mỏ khí đốt mới phát hiện ngoài khơi đảo Chyprus. Để làm được điều đó Ankara sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự.

Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại đối đầu về chính trị cũng như quân sự với Pháp, một khi lợi ích của họ trong khu vực Trung Cận Đông bị cản trở, như sự cố trên Địa Trung Hải hồi tháng trước với tàu chiến Pháp Courbet, được tờ báo trích dẫn. Ankara cũng sẵn sàng lấy làn sóng người nhập cư để gây sức ép, bắt bí Liên Hiệp Châu Âu. 

Ẩm thực : Trở lại vạch xuất phát

Về hồ sơ chính, "Ẩm thực, điểm xuất phát mới", Courrier International đề cập đến thực trạng lĩnh vực nhà hàng ăn uống tiêu điều vì khủng hoảng dịch Covid 19 nay đang cố gượng dậy.

Các nhà hàng ăn uống là một trong những nạn nhân đầu tiên của đại dịch virus corona. Ở Pháp cũng như các nơi khác, từ Châu Mỹ sang Châu Âu, hàng ngàn nhà hàng từ nổi tiếng cho đến bình dân trong các góc phố đã phải đóng cửa trong đợt phong tỏa giãn cách xã hội. Giờ đây khi đã được giải tỏa, rất đông các nhà hàng không thể mở cửa lại, số khác mở cửa trở lại nhưng phải thay đổi hoàn toàn cách thức kinh doanh. Mô hình quán ăn đang thay đổi căn bản, có thể nói là gần như trở lại từ đầu.

Hồ sơ của Courrier International về chủ đề ẩm thực phác họa những nét chính của bức tranh ngành ẩm thực trên toàn thế giới sau phong tỏa vì khủng hoảng dịch Covid-19 cùng những nỗ lực sáng tạo cứu ngành kinh tế có doanh thu tới 900 tỷ đô la mỗi năm và sử dụng 15 triệu nhân công này của thế giới.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Châu Á