Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay do thám đến đá Chữ Thập, phản đối Lào xúc tiến xây thêm đập trên Sông Mê kong (RFA, 14/05/2020)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê thị Thu Hằng vào ngày 14 tháng 5 lên tiếng phản đối Trung Quốc về việc các máy bay của Hoa lục xuất hiện tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.

ngangnguoc1

Không ảnh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa - AMTI. Hình minh họa.

Phản đối vừa nêu được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội khi báo giới nêu câu hỏi về việc hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel vào ngày 13 tháng 5 cho công bố những ảnh chụp ngày 9 tháng 5 cho thấy máy bay cảnh báo sớm KJ-500, KQ-200 và máy bay trực thăng Z-8 của Trung Quốc xuất hiện tại Đá Chữ Thập.

Theo ISI những máy bay vừa nêu được đưa ra khỏi kho chứa và đậu ở bên ngoài. Điều này cho thấy Đá Chữ Thập là nơi Trung Quốc dùng làm căn cứ cho hoạt động do thám máy bay trong khu vực.

Cũng tại cuộc họp báo thường kỳ vào chiều ngày 14 tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phản đối Lào về kế hoạch xây dựng thêm đập thủy điện thứ 6 trên dòng chính Sông Mê kong. Đó là đập Sanakham.

Tin vừa đưa ra trong tuần này cho biết chính phủ Lào đã lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện Sanakham trên dòng chính Mê kong và dự kiến khởi công vào cuối năm nay.

Reuters dẫn nguồn từ Ủy Hội Sông Mê Kong cho biết kinh phí xây dựng nhà máy thủy điện Sanakham khoảng hơn 2 tỷ đô la. Công ty xây dựng đập thủy điện này có tên Datang Sanakham là một công ty con của Công ty Sản xuất điện Quốc tế Datang, Trung Quốc.

Công suất dự kiến của nhà máy thủy điện Sanakham được nói khoảng 684 MW và theo kế hoạch có thể bắt đầu vận hành từ năm 2028. Nhà máy này nằm giữa tỉnh Xayaburi và Vientaine của Lào, cách biên giới Thái Lan chừng 2 kilomet về phía thượng lưu ở tỉnh Loei.

*******************

Báo mạng Trung Quốc đòi cả chủ quyền Kyrgyzstan và Kazakhstan (RFI, 14/05/2020)

Trang web của đài WION (Ấn Độ) cho biết, sau khi yêu sách chủ quyền phần lớn Biển Đông) và đỉnh núi cao nhất thế giới Everest, nay hai tờ báo mạng Trung Quốc còn cho rằng các quốc gia Trung Á như Kyrgyzstan và Kazakhstan từng thuộc về Trung Quốc, và Kazakhstan "mong muốn" quay về với đất mẹ Trung Hoa.

ngangnguoc2

Bản đồ các quốc gia Hồi giáo Trung Á và Trung Quốc

Trang tuotiao.com có trụ sở tại Bắc Kinh gần đây đăng bài "Tại sao Kyrgyzstan không quay về với Trung Quốc sau khi giành được độc lập ?". Tờ báo nói rằng dưới thời Thành Cát Tư Hãn, Kyrgyzstan với diện tích 510.000 kilomet vuông hoàn toàn thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhưng sau đó lại lọt vào tay đế quốc Nga.

Trang web này có 750 triệu độc giả, và là nền tảng di động phổ biến nhất Trung Quốc.

Trong khi đó trang sohu.com, thuộc một công ty internet có trụ sở tại Bắc Kinh cũng đăng một bài báo mang tựa đề "Kazakhstan nằm trên một vùng đất thuộc về Trung Quốc về mặt lịch sử". Bài này đã làm đại sứ Trung Quốc tại Kazakhstan là Trương Tiêu (Zhang Xiao) lập tức bị triệu tập ngày 14/04/2020.

Các quốc gia Trung Á nhận được rất nhiều đầu tư từ Trung Quốc, nhưng điều này cũng làm các nước này "dễ tổn thương về tài chính" trước Bắc Kinh. Kyrgyzstan đã vay 1,7 tỉ đô la từ ngân hàng Eximbank của Trung Quốc, được cho là chiếm 43% tổng nợ công quốc gia. Còn đối với Kazakhstan, Trung Quốc đóng một vai trò quá lớn trong lãnh vực năng lượng.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh vào cuối tuần trước, đài truyền hình Trung Quốc CGTN đăng trên Twitter một tấm ảnh núi Everest, viết rằng "đỉnh núi cao nhất thế giới nằm tại khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc". Bị dư luận Nepal phản đối, tweet này sau đó bị xóa, viết lại rằng "đỉnh núi cao nhất thế giới nằm tại biên giới Trung Quốc-Nepal".

"Quyền lịch sử" từng được Bắc Kinh nhấn mạnh nhằm chiếm hữu Biển Đông, nhưng đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 cho là "vô căn cứ".

Trang WION nhắc lại, tháng trước, Trung Quốc loan báo thành lập hai "quận" mới là "Tây Sa" đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa – cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974 ; và "Nam Sa" tại Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa – nơi Bắc Kinh ra sức bồi đắp nhiều đảo nhân tạo trong thời gian gần đây. Cả hai trực thuộc cái gọi là "thành phố Tam Sa", để "quản lý" các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Hành động này không chỉ gây phẫn nộ cho các nước láng giềng, mà còn khiến Hoa Kỳ và Úc phản ứng mạnh mẽ.

Trước đó, Bắc Kinh còn tự ý đặt tên cho 25 đảo, rạn san hô và 55 thực thể địa lý dưới nước tại Biển Đông, nhằm "tái khẳng định" chủ quyền, khiến các nước láng giềng tức giận. Đặc biệt Việt Nam cực lực phản đối vì trong số đó có những đảo, thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hà Nội tuyên bố hành vi này vi phạm chủ quyền của Việt Nam và không có giá trị, Philippines trao kháng thư cho đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, còn ngoại trưởng Úc Marise Payne lên án hành động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thụy My

****************

Indonesia tố tàu cá Trung Quốc ngược đãi ngư dân lên Liên Hiệp Quốc (RFA, 13/05/2020)

Indonesia hôm 12/5 đã đưa vấn đề Trung Quốc ngược đãi người lao động Indonesia trong ngành đánh bắt cá tại cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

ngangnguoc3

Ngư dân Indonesia tại Banda, Aceh hôm 27/2/2020. AFP - Ảnh minh họa

Mạng báo Asian Review loan tin vừa nói hôm 13/5 và cho biết, tại cuộc họp trực tuyến với Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có chủ đề "Tác động của đại dịch Covid-19 với nhân quyền", phái đoàn Indonesia tại Liên Hợp Quốc đã đưa ra vụ việc các ngư dân Indonesia bị ngược đãi trên tàu cá Trung Quốc dẫn đến tử vong.

Indonesia đã kêu gọi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cảnh giác với các hành vi lạm dụng trong ngành thủy sản, sau khi xác của ba ngư dân Indonesia bị chủ tàu cá Trung Quốc ném xuống biển trong thời gian những tháng gần đây.

"Indonesia nhấn mạnh yêu cầu cấp bách của hội đồng để bảo vệ quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, cụ thể là quyền của người làm việc trong ngành thủy sản", ông Hasan Kleib, đại sứ Indonesia tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, cho biết.

Trước đó, Ngoại trưởng Indonesia trong cuộc họp báo ngày 10/5 cho biết, có ít nhất 4 ngư dân của Indonesia trong số 46 ngư dân bị ngược đãi trên 4 tàu cá Trung Quốc đã thiệt mạng. Trong đó, thi thể của 3 ngư dân bị ném xuống biển.

Các ngư dân cho biết, họ phải làm việc trong điều kiện sinh hoạt tồi tệ, 18 giờ một ngày, không được trả công hoặc nhận tiền công không như hợp đồng đã ký kết. Indonesia đã thành lập một nhóm điều tra nội bộ và phối hợp với cảnh sát để bảo vệ quyền lợi các ngư dân Indonesia. Đồng thời, yêu cầu Trung Quốc phối hợp điều tra vụ việc.

Tại buổi họp báo ngày 11/5, Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên cho biết, Trung Quốc sẽ nghiêm túc xem xét vụ việc theo báo cáo của phía Indonesia. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng, các cáo buộc do truyền thông đưa ra không dựa trên sự thật và phía Trung Quốc sẽ xử lý vấn đề dựa trên sự thật và luật pháp.

"Chôn cất thi thể các ngư dân trên biển, để bảo vệ sức khoẻ cho các thuyền viên khác là phù hợp với thông lệ hàng hải quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế", Phát Ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh tại buổi họp báo.

*******************

Vấn đề nhân quyền trong mùa đại dịch ở Châu Á-Thái Bình Dương ! (RFA, 14/05/2020)

Buổi họp báo trực tuyến được điều hành bởi bà Loretta Hieber Girardet, Chánh Văn phòng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (UNDRR) tại Bangkok, Thái Lan. Bà này cho biết, chuỗi hội thảo của UNDRR đã được bắt đầu 7 tuần trước và nhấn mạnh tính quan trọng của nhân quyền và tác động của Covid-19 :

ngangnguoc4

Tấm biển cảnh báo dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội hôm 29/4/2020 - Ảnh minh họa - AFP

"Nhân quyền là một chủ đề quan trọng được nhắc đến trong suốt các buổi hội thảo này. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, chúng tôi biết rằng nhân quyền là một vấn đề quan trọng trong mọi thảm họa và đại dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ. Tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân quyền ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương".

Buổi hội thảo trực tuyến này xoay quanh 4 vấn đề quan trọng về nhân quyền vốn đã được quốc tế quan tâm từ rất lâu trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đã được đưa lên hàng đầu trong các cuộc tham vấn trong mùa dịch Covid-19. Bà Loretta liệt kê 4 vấn đề gồm các biện pháp khẩn cấp và tác động đại dịch đến quyền tự do ngôn luận ; thách thức trước sự phân biệt chủng tộc gia tăng ; nhân quyền cho người di cư ; những người bị tước đoạt quyền tự do.

Bà Loretta cho rằng nhiều quốc gia đã lợi dụng đại dịch này để hạn chế quyền của người dân và tống giam những người lên tiếng nói :

"Một số quốc gia có thể đang sử dụng đại dịch như một cái cớ để nhắm vào các nhà phê bình và để hạn chế các quyền dân sự và chính trị, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận".

ngangnguoc5

Bà Loretta Hieber Girardet, Chánh Văn phòng Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương UNDRR, điều hành buổi hội thảo trực tuyến. Chụp màn hình từ Zoom

Ông Ricky Gunawan, một luật sư về nhân quyền từ Indonesia và là cựu Giám đốc Viện Trợ giúp Pháp lý Cộng đồng (LBHM), nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự mất bình đẳng trong hệ thống pháp lý hình sự. Ông Ricky cho rằng cơ cấu nhà tù của các quốc gia trong khu vực cần được xem xét và cải cách lại, vì ngoài việc tước quyền tự do công dân, các trại giam hiện là điểm nóng cho sự lây nhiễm của coronavirus :

"Trong bối cảnh ‘bình thường mới’, chúng ta nên tập trung vào cải cách hệ thống nhà tù. Coronavirus đã cho chúng ta một bài học để giảm bớt tình trạng quá đông tù nhân và thúc đẩy các biện pháp thay thế cho việc tống giam. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng giãn cách trong các trại giam quá đông ? Các tội nhẹ và không bạo lực không nên bị bỏ tù. Ngoài ra, vào những thời điểm như hiện nay, chính phủ nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với tù nhân cao tuổi, phụ nữ mang thai và các tù nhân chính trị".

Theo ông Ricky Gunawan, các chính quyền cần tăng cường hệ thống y tế gồm nâng cao điều kiện vệ sinh trong nhà tù, vì hiện nay có nhiều báo cáo về tình trạng không đủ nước sạch trong các trại giam, gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao cho các tù nhân và quản tù.

Về vấn đề mạng xã hội, bà Loretta Girardet cho rằng đây là phương tiện rất phổ biến để truyền tải thông tin trong mùa đại dịch và có hai mặt—vừa là công cụ lan truyền thông tin thất thiệt và cũng để đính chính, truyền tải những thông tin chính thống, hữu dụng.

Trước vấn đề này, bà Ambika Satkunanathan, một nghiên cứu sinh của tổ chức có tên Open Society và là cựu Ủy viên Ủy ban Nhân quyền Sri Lanka cho rằng rất khó để có thể ra quy định hợp lý đối với mạng truyền thông xã hội, vì có nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương có nhiều phản ứng và ra quy định kiểm soát thái quá đối với mạng truyền thông xã hội. Dù vậy, bà Ambika cho rằng mạng xã hội vẫn là công cụ phổ biến cho các mặt tích cực của xã hội :

"Sử dụng công cụ truyền thông xã hội vẫn là vấn đề đáng quan tâm, nhưng nó cũng có thể là một nguyên nhân tốt. Chúng tôi đã thấy nhiều tiếng nói chính trị được vang lên, thúc đẩy nhanh chóng các cuộc vận động ; nó làm tăng khả năng hiển thị đại chúng và giúp mọi người tạo kết nối với nhau. Đó là những mặt tích cực".

Tuy nhiên, bà Ambika cho rằng các nhà mạng truyền thông xã hội hiện nay đã có xu hướng liên kết với các chính quyền và điều đó sẽ không giúp ích trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang xảy ra. Bà kêu gọi các công ty, tập đoàn mạng xã hội nên xem xét các trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin do người dùng đăng tải. Ngoài ra, họ cần lắng nghe các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề dân sự và nhân quyền.

Bà Mami Mizutori, Trưởng Văn phòng LHQ về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, nhận định để giảm thiểu rủi ro và nâng cao quyền con người trong mùa đại dịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn của các công dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Bà cho rằng cần có nhiều phản ánh lớn hơn trong truyền thông, xã hội dân sự, LHQ và cả các tập đoàn, công ty tư nhân dành cho vấn đề nhân quyền. Ngoài ra, chính phủ các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần xem xét thế nào để trở thành một chính phủ tốt, nhân đạo và lấy người dân làm trung tâm cho các chính sách đề ra.

Bà Pia Oberoi, Cố vấn Cấp cao về Di cư và Nhân quyền thuộc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) nhấn mạnh các hoạt động công tác nhằm ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đại dịch của Liên Hiệp Quốc cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Liên Hiệp Quốc đang làm việc cùng các quốc gia trong khu vực với các khuyến nghị cho chính sách quốc gia trong mùa đại dịch :

"Chính sách phải đảm bảo rằng các biện pháp khắc phục thảm họa được bao gồm, lấy người dân làm trung tâm và phù hợp với khuôn khổ của chúng tôi với việc thúc đẩy và bảo vệ mọi quyền con người. Một chủ đề chính trong khuôn khổ chính sách là trách nhiệm. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro thiên tai được tích hợp vào chính sách công, để các quyền cơ bản của con người được bảo vệ khi công việc quản lý rủi ro vẫn còn tiếp diễn".

Ngoài ra, bà Pia Oberoi nhận định rằng các tổ chức hoạt động nhân quyền cần xem những người có nguy cơ đều có quyền bình đẳng và không phải là những người được hưởng lợi từ các hành động nhân đạo. Bà cho rằng các quốc gia cần lên kế hoạch phục hồi tốt hơn sau khi đại dịch đi qua với một cuộc sống ‘bình thường mới’ bình đẳng hơn.

Nguồn : RFA, 14/05/2020

Published in Châu Á

Các nền dân chủ dư sức đối đầu Trung Quốc như với Liên Xô cũ

Thụy My, RFI, 14/05/2020

Theo nhà báo, nhà sử học Thierry Wolton, cũng giống như Liên Xô cũ trong thời kỳ giảm căng thẳng, Trung Quốc thủ lợi từ những trao đổi thương mại với phương Tây và phô bày tham vọng thống trị thế giới. Thời trước, phương Tây đáp trả bằng việc chận đứng sự bành trướng của Liên Xô ; và nay vẫn có đủ phương tiện để chống lại người khổng lồ Châu Á nếu muốn.

tq1

Chân dung Tập Cận Bình tại quảng trường Thiên An Môn trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, ngày 01/10/2019. © Reuters/Thomas Peter/File Photo

Đối với Trung Quốc, đại dịch virus corona đã trở thành một thứ vũ khí chính trị, được sử dụng theo nhiều cách. Chẳng hạn "ngoại giao khẩu trang", các biện pháp phòng chống được nêu cao như hình mẫu cho toàn thế giới, gởi các nhân viên y tế đến các nước, đặc biệt là Châu Phi, tuyên truyền dồn dập, huy động mạng lưới ngoại giao lên án phương Tây là xuất xứ của thảm nạn…

Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ngưng đóng góp tài chính cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ Ngoại Giao Pháp triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Paris để phản đối các bài viết vu khống, xúc phạm trên trang web của đại sứ quán. Tổng thống Emmanuel Macron công khai bày tỏ sự nghi ngờ về các tuyên bố của Bắc Kinh vào thời kỳ đầu cuộc khủng hoảng…Tất cả cho thấy các nền dân chủ không hề bị hoa mắt trước những trò múa may của Bắc Kinh.

Ngất ngây với vị thế mới

Thái độ này của Trung Quốc có thể gây ngạc nhiên, vì trọng lượng kinh tế và vị trí trên trường quốc tế hiện nay đủ để Bắc Kinh có thể tự hài lòng về tham vọng đại cường thành hiện thực, sau 20 năm tăng trưởng ngoạn mục. Nhưng ngược lại, chính quyền Bắc Kinh dường như đang trong trạng thái ngây ngất, và lợi dụng lúc các nước tư bản đang bận rộn chống dịch để ra tay.

Chính sách này khiến người ta nhớ lại thái độ của Moskva trong thời kỳ tan băng thập niên 70, Liên Xô cảm thấy chưa bao giờ mạnh như thế. Vào thời đó, trao đổi thương mại Đông-Tây tăng nhanh. Người ta nói về "vũ khí hòa bình", sự hào hiệp, hội tụ các hệ thống dưới một nền kinh tế thị trường mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Nhờ chính sách này, ảnh hưởng Liên Xô tăng tiến chưa từng thấy : tại Châu Á (Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Afghanistan), Châu Phi (Somalia, Bénin, Ethiopia, Angola, Mozambique, Zimbabwe), Trung Đông (Nam Yemen), Châu Mỹ la-tinh (Nicaragua).

Trong nước, chủ yếu bộ máy kỹ nghệ của giới quân sự được hưởng lợi qua việc buôn bán với phương Tây. Nền kinh tế xô-viết được cấu tạo theo một cách mà các công nghệ tư bản, được mua về hoặc đánh cắp, được ưu tiên dành cho Hồng quân.

Nhưng "Vũ khí hòa bình" nhằm chuẩn bị chiến tranh. Khi ý thức được tình hình này với việc Liên Xô đưa quân sang Afghanistan năm 1979, các nền dân chủ đã cứng rắn hơn trong các quy chế thương mại. Sự tỉnh thức này sau đó đã gây thiệt hại nặng nề cho Moskva, khi ông Gorbatchev đang hy vọng được các nước tư bản viện trợ tài chính để cứu vãn chế độ. Sự hoài nghi của Âu-Mỹ trước perestroika là một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ cuối năm 1991.

Nhảy lên hàng đại cường nhờ đầu tư và công nghệ của tư bản

Tác giả Thierry Wolton cho rằng nhắc nhở này là cần thiết. Đã hẳn vị trí Trung Quốc ngày nay trong nền kinh tế toàn cầu hóa giúp Bắc Kinh tránh được những đòn trả đũa trong thương mại, vốn đã làm Liên Xô yếu đi trước đây. Nhưng ngược lại, rõ ràng Trung Quốc leo lên được vị trí này là nhờ mở cửa cho chủ nghĩa tư bản, như Liên Xô mạnh lên một phần nhờ trao đổi với phương Tây.

Hàng trăm tỉ đô la mà phương Tây đầu tư vào Trung Quốc trong hơn 20 năm qua, việc chuyển giao hàng loạt công nghệ thông qua các liên doanh, đã giúp chế độ cộng sản hiện đại hóa quân đội, hoàn thiện bộ máy công an, tăng cường sự kiểm soát của đảng đối với dân chúng. Tương tự như Liên Xô cũ, kỹ nghệ quốc phòng được ưu tiên trong nền kinh tế Trung Quốc.

Khi đã bước lên hàng cường quốc, Trung Quốc bèn tiến hành chính sách đối ngoại hiếu chiến : bành trướng trên Biển Đông, vận động đưa người nắm quyền các tổ chức quốc tế, quyền lực mềm, con đường tơ lụa mới…Bắc Kinh muốn áp đặt các quan điểm của mình cho toàn thế giới, và đại dịch xuất phát từ Vũ Hán đã mang lại cho họ thêm một cơ hội.

Tiểu nhân đắc chí

Các nước dân chủ đang quay cuồng chống dịch, Bắc Kinh nhân đó lấn xa hơn. Trong thời kỳ tan băng, Liên Xô nghĩ rằng có thể lợi dụng tình hình mà không có rủi ro nào vì điện Kremlin tin là đến một lúc nào đó chủ nghĩa tư bản sẽ kết thúc. Tự tin vào sức mạnh, không lường đến phản ứng phương Tây, Moskva lao vào lò lửa Afghanistan, khiến cho giọt nước tràn ly.

Phải chăng Trung Quốc đang phạm phải cùng một sai lầm, khi khai thác quá mức đại dịch ? Trong chế độ cộng sản, nhân tố ý thức hệ là cốt yếu, là lý do tồn tại. Tập Cận Bình có thể có cùng lý lẽ với các đồng nhiệm Kremlin ngày xưa. Dưới sự lãnh đạo của ông ta, tin rằng chủ nghĩa tư bản đang suy tàn, Trung Quốc dấn mạnh những con cờ để trả thù lịch sử. Hoàn Cầu Thời Báo ngạo mạn cho rằng thời cơ đã đến cho "toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc", trong lúc phương Tây suy sụp.

Hai sự kiện gần đây là minh chứng. Tại Hồng Kông, Bắc Kinh lợi dụng thế giới đang tập trung vào dịch virus corona, để bắt giữ các nhà lãnh đạo phong trào dân chủ. Tại Anh, tranh thủ lúc thủ tướng Boris Johnson phải nhập viện, Trung Quốc âm mưu thâu tóm một nhà sản xuất chip điện tử có giá trị công nghệ cao của Anh.

Theo tác giả Thierry Wolton, Trung Quốc phải là mối quan tâm lớn nhất của thế giới. Chỉ có sự cứng rắn của các nước dân chủ phương Tây mới chặn đứng được tham vọng của Tập Cận Bình, như đã chặn Brejnev trước đây.

Sau cuộc khủng hoảng dịch tễ này, Trung Quốc cũng bị yếu đi, Bắc Kinh cũng lệ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu qua các thị trường tư bản, như các nước này cần sản phẩm Trung Quốc. Chưa hẳn đã "mèo nào cắn mỉu nào" như Bắc Kinh vẫn nghĩ.

Thụy My

Nguồn : RFI, 14/05/2020

*******************

Trung Quốc "đánh mất" Châu Âu

Hoàng Trung, Thoibao.de, 14/05/2020

Năm 2020 được dự kiến là năm ngoại giao Châu Âu – Trung Quốc với một loạt Hội nghị Thượng đỉnh cấp cao được lên kế hoạch trong chuyến thăm Đức vào mùa thu này của Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả khi Châu Âu đã có dịp được tận mắt chứng kiến bộ mặt trần trụi của Trung Quốc.

tq2

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đề xuất tiến hành điều tra về hoạt động của WHO và nguồn gốc của virus Corona mới

Cách xử lý dịch của Trung Quốc đã làm mất lòng tin của Châu Âu. Nhiều quốc gia phương Tây đặt câu hỏi về số ca mắc cũng như số ca tử vong chính thức vì Covid-19 ở Trung Quốc, đồng thời cáo buộc nước này thiếu minh bạch và không cảnh báo sớm về dịch bệnh.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã tuyên bố Vương quốc Anh sẽ không còn "làm ăn bình thường" với Trung Quốc nữa sau đại dịch Covid-19. Quan điểm này đã được hưởng ứng sau khi các chính trị gia cấp cao trong Đảng Bảo thủ viết một thư ngỏ gửi tới Thủ tướng Boris Johnson kêu gọi "suy nghĩ lại" về quan hệ Anh – Trung Quốc.

Tháng 4/2020, Thụy Điển đóng cửa tất cả Học viện Khổng Tử – các trung tâm văn hóa và ngôn ngữ của Trung Quốc tại nước này và là quốc gia đầu tiên tại Châu Âu có động thái như vậy. Trong khi đó, một số thành phố Thụy Điển cũng đã chấm dứt các thỏa thuận "thành phố kết nghĩa" với các thành phố của Trung Quốc, trong đó bao gồm cả mối quan hệ giữa thành phố lớn thứ hai nước này là Gothenburg với Thượng Hải.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire (B-ruy-nô Lơ Me-rờ) cho biết đầu tháng 4/2020 rằng sẽ có một sự phân chia giữa thời điểm "trước khi" và "sau khi" đại dịch Covid-19 diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu. Ông khẳng định : "Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào một số đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc về việc cung cấp một số sản phẩm nhất định" và "tăng cường khả năng độc lập tối đa của chúng ta trong chuỗi giá trị chiến lược".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times rằng "rõ ràng có những điều đã xảy ra mà chúng tôi không biết" về Trung Quốc.

Giám đốc Chương trình Châu Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế Erik Brattberg nhận định với Newsweek rằng : "Cuộc khủng hoảng Covid-19 sẽ ngày càng thúc đầy thái độ hoài nghi với Trung Quốc. Mối quan hệ ngày càng gia tăng căng thẳng giữa EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp".

Thêm vào đó, bắt đầu từ giữa tháng Ba, Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch "ngoại giao khẩu trang" tại Châu Âu với các lô hàng lớn bao gồm khẩu trang, thiết bị y tế, được tô điểm với lá cờ Trung Quốc. Nhưng chiến dịch thất bại nặng nề do chất lượng sản phẩm của Trung Quốc quá kém đến mức một số quốc gia Châu Âu phải thu hồi trang thiết bị sản xuất tại Trung Quốc.

Hàng ngàn bộ xét nghiệm và khẩu trang y tế của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn hay bị lỗi, theo giới chức ở Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan.

Hà Lan đã phải thu hồi 600.000 khẩu trang y tế trong số 1,3 triệu chiếc từ Trung Quốc chuyển đến hôm 21/3, và đã được phân phát cho nhân viên y tế tuyến đầu chống virus corona. Lý do thu hồi là cho dù được gắn chứng chỉ chất lượng KN95 tương ứng với tiêu chuẩn FFP2 của Châu Âu, giới y tế Hà Lan đã phát hiện ra nhiều chiếc khẩu trang không che kín được phần mặt cần che, hoặc là bộ lọc không hoạt động đúng cách. "Phần còn lại của chuyến hàng ngay lập tức bị ngưng và chưa được phân phối", một thông cáo của chính phủ Hà Lan nói. "Hiện chính phủ đã quyết định không dùng bất cứ đồ gì trên phần còn lại của chuyến hàng này".

Chính quyền Tây Ban Nha cũng gặp phải các vấn đề tương tự với các bộ thử đặt từ một công ty Trung Quốc. Tây Ban Nha đã mua hàng trăm ngàn bộ thử để chống dịch, nhưng sau đó cho hay 60.000 bộ xét nghiệm đã không xác định được kết quả là bệnh nhân từng có virus hay là không.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố họ đã phát hiện một số bộ thử đặt của các hãng Trung Quốc không đủ độ chính xác, mặc dù khoảng 350.000 bộ thử hoạt động tốt.

tq3

Khẩu trang Pháp đặt mua tại Trung Quốc được phi cơ vận tải của Pháp đến chở tại nới nước vào hạ tuần tháng Ba 2020

Các cáo buộc về chất lượng kém cỏi của bộ xét nghiệm và khẩu trang Trung Quốc dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh bực tức.

Một cách chính thức thì chính quyền Trung Quốc cam kết sẽ điều tra và khắc phục những thiếu sót trong sản phẩm của họ, nhưng bên cạnh đó cũng có những phản ứng lạ lùng là đổ lỗi cho bên mua.

Hoàn Cầu Thời Báo của chính quyền Trung Quốc, ngày 28/3, đã thản nhiên cho rằng các sự cố liên quan đến một số bộ xét nghiệm virus corona của Trung Quốc bắt nguồn từ "sự hiểu biết không đầy đủ của một số quốc gia về các phương pháp thử nghiệm khác nhau".

Tờ báo L’Opinion (Lô-pi-ni-ông) của Pháp bình luận hiển nhiên là uy tín của Bắc Kinh đang bị thử thách trong lĩnh vực này và họ không nên để xảy ra quá nhiều vấn đề về chất lượng sản phẩm, bằng không mọi nỗ lực để khôi phục hình ảnh bị hoen ố của họ có thể trở thành vô ích.

Một số quan chức Châu Âu đã tỏ ý bất bình trước thái độ khoa trương của chính quyền Trung Quốc liên quan đến hoạt động hợp tác. Những quan chức này đã có lý khi nhắc lại rằng vào cuối tháng 1, khi Bắc Kinh yêu cầu sự giúp đỡ từ Ủy Ban Châu Âu, Bruxelles đã gửi 56 tấn vật tư y tế qua Trung Quốc mà không quảng bá việc này để giữ thể diện cho đối tác.

Chính sách "ngoại giao khẩu trang" cũng như viện trợ y tế mà Trung Quốc quảng bá rộng rãi được thực hiện một cách có chủ ý tùy thuộc theo từng quốc gia.

Các chuyên gia nhận thấy "mối tương quan giữa các công ty Trung Quốc có những lợi ích thương mại trong nước với những khoản quyên góp từ các công ty này" tại nhưng nước như : Hy Lạp, Hungary, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Trung Quốc đã ưu tiên vận chuyển khẩu trang và máy thở cho các nước như Italy và Hungary, những nước hưởng ứng Dự án "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, đồng thời tránh hỗ trợ các quốc gia đã né tránh dự án này của Trung Quốc.

Một nghiên cứu dựa trên phân tích vai trò của Trung Quốc đối với việc xử lý khủng hoảng Covid-19 tại 19 nước Châu Âu nhận định : "Trong khi chiến lược ngoại giao công khai ngày càng chủ động của Trung Quốc diễn ra rộng khắp thì dường như có một mức độ nhất quán tương đối trong việc truyền đi thông điệp, có sự đa dạng trong các phương thức từ mức độ thấp (chẳng hạn với Latvia hoặc Romania) cho tới "tấn công quyến rũ" (với Ba Lan, Bồ Đào Nha, Italy hoặc Tây Ban Nha) và khiêu khích hoặc gây hấn (như với Thụy Điển, Đức và Pháp)".

Đội ngũ các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tận dụng đại dịch để thể hiện phong cách ngoại giao chiến lang nhằm ghi điểm với chính quyền cộng sản bất chấp việc vi phạm nguyên tắc ngoại giao cũng như làm hoen ố hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế.

Các thuộc hạ của chế độ bắt đầu loan tin thất thiệt, nhằm mô tả các nền dân chủ Châu Âu như là đã suy yếu, bất lực, so với chế độ toàn trị của Trung Quốc.

Tại Pháp, đại sứ quán Trung Quốc cho đăng trên trang web của mình những thông tin như nhà dưỡng lão Pháp bỏ mặc cho người già chết.

Tại Ý thì họ cho loan truyền tin đồn là nguồn gốc Covid-19 thực ra xuất xứ từ Châu Âu, hay phát tán một clip video được ngụy tạo, cố ý chỉnh sửa để cho thấy người dân Roma chơi quốc ca của Trung Quốc để tỏ lòng biết ơn.

Tại Đức, các nhà ngoại giao Trung Quốc cố thúc giục chính quyền Berlin công khai ca ngợi Trung Quốc nhưng đã không thành công.

Phản ứng trước những sự kiện nêu trên, bộ phận ngoại giao Châu Âu đã tập hợp trong một báo cáo những thông tin thất thiệt mà Trung Quốc và một kẻ tình nghi thông thường khác là Nga loan truyền. Trung Quốc đã phản ứng ngay, gây sức ép với các tác giả để họ hạ giọng, tuy nhiên điều này đã làm cho sự vụ xấu đi hơn. Các nghị sĩ Châu Âu đã tức giận thêm và đòi lãnh đạo Châu Âu phải cam đoan là không tự kiểm duyệt trước sức ép của Trung Quốc.

Với động cơ lợi dụng tối đa đại dịch thông qua một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ và trắng trợn, Trung Quốc đã vô tình để cho Châu Âu thấy rõ bộ mặt trục lợi "bất cần đạo lý" của mình.

Chính phủ các quốc gia Châu Âu đã cẩn trọng hơn với Trung Quốc trong 2 năm qua khi sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện khắp lục địa, tham gia vào các công ty robot, cảng biển, doanh nghiệp lớn từ Địa Trung Hải cho tới Biển Baltic.

Một số quốc gia Châu Âu còn quan ngại về chương trình "Made in China 2025" với kỳ vọng của Bắc Kinh trở thành đầu tàu thế giới về công nghệ then chốt. Nhiều nước cho rằng đây là mối đe dọa với công nghiệp Châu Âu.

Khi giá cổ phiếu chao đảo vì khủng hoảng dịch Covid-19, các quốc gia như Đức đã thắt chặt quy định do lo ngại rằng Trung Quốc có thể nhân cơ hội kiểm soát cổ phiếu ở những công ty yếu thế do dịch.

Ủy viên Châu Âu phụ trách lĩnh vực cạnh tranh Margrethe Vestager chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Financial Times rằng các chính phủ cần mạnh tay và mua cổ phiếu của các công ty yếu thế để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng.

Không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc nhưng các bộ trưởng thương mại EU vào ngày 16/4 đều thống nhất về tầm quan trọng của việc đa dạng hóa để "giảm phụ thuộc vào quốc gia khác về nguồn cung". Bước đầu tiên là Đức dự kiến dùng ngân sách quốc gia để khởi động sản xuất hàng triệu khẩu trang tính đến cuối mùa hè. Trung Quốc hiện xuất khẩu 25% khẩu trang trên toàn thế giới.

Ông Joerg Wuttke cho biết thảo luận về chuỗi cung ứng hình thành kể từ khi Bắc Kinh đóng cửa các cảng biển vào đầu năm nay, gây lo ngại dược liệu tại Trung Quốc không thể đến Châu Âu. Cũng từ đây, các nghị sĩ nhận thấy rằng cần phải đảm bảo các sản phẩm chiến lược.

Tại Anh quốc, đất nước mới chính thức rời EU, cũng có những lo ngại tương tự với Trung Quốc. Nghị sĩ đảng Bảo thủ Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh ngày 15/4 chỉ trích Trung Quốc đang lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để thâu tóm quyền kiểm soát các công ty tại Châu Âu, trong đó có Công ty Imagination Technologies chuyên về công nghệ của Anh. Ngày 14/4, các nghị sĩ Anh triệu tập lãnh đạo Imagination để chất vấn về lo ngại công ty này đang tính chuyển giao quyền sở hữu phần mềm an ninh nhạy cảm cho công ty do Trung Quốc sở hữu.

Nhà bình luận Đức Andreas Kluth nhận định uy tín của Trung Quốc càng lúc càng lụn bại tại Châu Âu cho dù về mặt kinh tế, cường quốc Châu Á vẫn rất hấp dẫn.

Tác giả cho rằng Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình trước các phản ứng nghi kỵ nói trên. Các viên chức Trung Quốc đã tạo nên một nỗi tức giận chung đối với Bắc Kinh trên một lục địa gồm những nước hầu như luôn bất đồng với nhau trên mọi việc. Vào đầu năm, khi chưa có dịch, chương trình hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu đầy ắp những thượng đỉnh Châu Âu – Trung Quốc nhằm chào mừng quan hệ song phương. Thế nhưng, may mắn cho Châu Âu là đại dịch đã giúp Châu Âu nhận ra bộ mặt thật của nhà cầm quyền cộng sản ở Bắc Kinh và bắt đầu tự giải thoát ra khỏi những mối quan hệ tồi tệ.

Hoàng Trung

Nguồn : Thoibao.de, 14/05/2020

Published in Diễn đàn

Trung Quốc thực sự có "quyền lực mềm" ?

Như thường lệ, Le Monde giới thiệu với độc giả tình hình dịch bệnh ở nhiều quốc gia : "nghịch lý giải tỏa" tại Đức, "hiệu quả đáng gờm của các đạo quân chống virus corona tại Áo". Nhìn sang Châu Á, Le Monde dự báo nguy cơ "nô lệ hóa lao động" tại Ấn Độ do nhiều bang quyết định kéo dài thời gian làm việc của người lao động lên thành 72g/tuần. Còn về Châu Phi, Le Monde đề cập tới "tình trạng hỗn loạn" do giá dầu thô giảm.

softpower1

Nghi vấn virus corona lây lan ra thế giới từ Đại hội thể thao quân đội thế giới. Vũ Hán vẫn đang để ngỏ. (Ảnh minh họa) –

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde phân tích "Những điều bí ẩn ở Đại hội thể thao quân đội thế giới Vũ Hán" hồi tháng 10/2019, với sự tham gia của 10.000 vận động viên quân đội từ nhiều nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Ý, Thụy Điển… Le Monde dẫn lại một số vận động viên các nước, theo đó nhiều người có các biểu hiện mệt mỏi, sốt khác thường khi ở Vũ Hán hay sau khi về nước. Điều lạ là họ được lệnh không cung cấp thông tin cho báo chí. Nghi vấn virus corona lây lan ra thế giới từ Đại hội thể thao quân đội thế giới. Vũ Hán vẫn đang để ngỏ.

Le Monde cũng có một bài viết đáng chú ý khác : "Quyền lực mềm của Trung Quốc thất bại". Tờ báo nhận định các nỗ lực của Bắc Kinh để phát triển "ngoại giao khẩu trang" không đủ để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc trong mắt quốc tế. Trong khi Bắc Kinh tự cao tự đại là cứu thế giới với việc xuất 28 tỉ khẩu trang đến 130 nước, hình ảnh của Trung Quốc không những không được cải thiện mà còn xấu đi.

Một bài viết mới đây của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc có tiêu đề "Làm thế nào để đáp trả lại tốt hơn những đòn tấn công chống Trung Quốc" đã nhắc đến thái độ "thù địch" mà Bắc Kinh đã gây ra ở Châu Âu. Thậm chí một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu an ninh nhà nước Trung Quốc còn đánh giá thái độ bài Trung Quốc chưa bao giờ dâng cao đến như vậy trên thế giới, kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn hồi năm 1989. Reuters tiết lộ báo cáo gửi đến Tập Cận Bình không loại trừ khả năng nổ ra một cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới Mỹ - Trung.

Ngay cả tại Châu Phi, vốn rất được ngành ngoại giao Trung Quốc chú ý, Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị chỉ trích, nhất là tại Nigeria, vì người dân nước họ bị kỳ thị ở Trung Hoa đại lục. Theo Le Monde, một dấu hiệu khác đáng lo ngại đối với Bắc Kinh là nhiều chuyên gia người Bắc Triều Tiên và Châu Âu chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và đã dành một phần tuổi trẻ để học tiếng Trung vì bị đất nước và nền văn hóa Trung Hoa mê hoặc, nay lại là những nhà phê bình Bắc Kinh mạnh nhất trên các mạng xã hội, cho dù hiếm khi bối cảnh thế giới thuận lợi cho Trung Quốc như trước khi xảy ra bệnh dịch : Tổng thống Hoa Kỳ không quan tâm đến vai trò quốc tế, Ấn Độ cũng thu mình, Châu Âu đang phải vật lộn với chính mình, còn Nga không còn đủ lực thực hiện các tham vọng.

Thành công mạnh mẽ về kinh tế, Trung Quốc có một mô hình phát triển có thể đề xuất ra thế giới. Bắc Kinh cũng có một "hộp công cụ" - chương trình đầu tư "Con đường tơ lụa mới" với phương tiện tài chính dồi dào. Tuy nhiên, như đại sứ Úc tại Bắc Kinh giai đoạn 2007-2011, Geoff Raby, tóm lược thì "Trung Quốc không có quyền lực mềm", chính xác hơn là Bắc Kinh không thể khiến họ có được thiện cảm hơn. Mọi người có thể ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng lại không muốn theo lối sống ở Trung Quốc và nhất là không ai muốn sống ở quốc gia này.

Theo điều tra năm 2019 của Viện Pew Research, trong số 30 quốc gia, Mỹ có cái nhìn tốt hơn về Trung Quốc so với 21 quốc gia khác. Tại Châu Á và Châu Thái Bình Dương, Trung Quốc bị xem là một mối đe dọa hơn là một đồng minh. Việc Donald Trump không được lòng người dân các nước cũng không giúp gì thêm cho Tập Cận Bình. Chỉ có người dân Nga mới đánh giá ông Tập cao hơn ông Trump. Đối với Geoff Raby, hàng tỉ đô la Bắc Kinh chi ra để cải thiện hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài là một trong những sự lãng phí của công lớn nhất ở đất nước này. Các nước không thể không sợ một đất nước mà các nhà ngoại giao bị coi là những "chiến binh sói".

Điều sâu xa hơn, như chuyên gia về Trung Quốc, Nadège Rolland, thuộc Văn phòng quốc gia về nghiên cứu Châu Á, đã phát biểu trước Quốc hội Mỹ, là việc Bắc Kinh quảng bá Trung Quốc là một nền văn hóa, lịch sử và dân tộc duy nhất trên thế giới cho thấy quan điểm của họ là không có nước nào phù hợp hơn Trung Quốc để làm hình mẫu phát triển kinh tế và chính trị cho thế giới, và chỉ có Đảng cộng sản Trung Quốc mới có thể chỉ ra con đường thế giới cần đi.

Bà Anne Cheng, giáo sư Viện khoa học có uy tín của Pháp Collège de France, tác giả bài phân tích "Đại dịch và toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc" đã nhấn mạnh là trong vòng 4 thập kỷ qua, Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm, từ "Trung Quốc trong thế giới", đến "Trung Quốc và thế giới", và nay thì "Trung Quốc là thế giới". Bắc Kinh coi là dưới bầu trời này chỉ có duy nhất Trung Quốc. Le Monde kết luận : Khi mơ về một "thế giới Trung Hoa", Tập Cận Bình không thể điều chỉnh chế độ thích nghi với phần còn lại của thế giới.

Covid-19 – Pháp khủng hoảng kinh tế nặng nhất Châu Âu : Không phải điều tình cờ

Khác với Le Monde, báo Le Figaro hôm nay tập trung vào gánh nặng khủng hoảng mà nước Pháp phải chịu đựng.

Le Figaro chạy tựa trang nhất "Khủng hoảng kinh tế : Nước Pháp bị tác động nhiều hơn các nước khác". Do tác động của dịch bệnh, tăng trưởng quý 1/2020 của Pháp giảm 5,8%, mức giảm nhiều nhất Liên Âu, nhiều hơn so với Đức (5,2%), Ý (4,7%) và Tây Ban Nha (2%). Liên Âu dự báo kinh tế Pháp năm nay sẽ sụt giảm khoảng 8%. Theo Le Figaro, điều này chủ yếu là do các biện pháp phong tỏa chống dịch nghiêm ngặt mà chính phủ ban hành, các quy định vệ sinh y tế khi giải tỏa lại không rõ ràng khiến việc tái khởi động của các doanh nghiệp bị chậm, trợ cấp thất nghiệp bán phần lại quá hào phóng. Giới chủ doanh nghiệp Pháp hiện giờ đang lo ngại sự chậm chạp của các công ty Pháp sẽ tạo lợi thế cho các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Con sóng thần Covid-19 đã quét sạch mọi thứ trên đường nó qua, đại dịch Covid-19 cũng như cú sét khủng khiếp đánh xuống cả hành tinh, để lại những hậu quả nặng nề kéo dài cho mỗi nước. Theo những ước tính ban đầu, Pháp sẽ lâm vào suy thoái kinh tế mạnh hơn, với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn và ngân sách Nhà nước sẽ thâm thủng hơn nhiều so với các quốc gia khác. Trong bài xã luận "Đâu phải tình cờ …", Le Figaro đi tìm lý do sâu xa giải thích những vấn đề của nước Pháp. Những viễn cảnh ảm đạm không phải tình cờ mà có, chủ yếu là do đất nước đã bị gặm nhấm bởi những điều đặc biệt : trước khi xảy ra khủng hoảng Covid-19, các cuộc xung đột xã hội đã kéo dài suốt nhiều tháng, điển hình là phong trào đấu tranh Áo Vàng trong hơn 1 năm, hai đợt đình công lớn của ngành giao thông công cộng. Nước Pháp bước vào khủng hoảng trong cảnh thiếu thốn, nhưng theo Le Figaro, nước Pháp là nạn nhân của chính mình : thiếu khẩu trang, xét nghiệm, giường bệnh, máy trợ thở.

Phong tỏa đất nước, chính phủ đã áp dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần mà Le Figaro coi là "không giống ai". Nhà nước hiện giờ đang góp phần chi trả lương cho 12 triệu lao động thuộc lĩnh vực tư nhân. Người lao động và các doanh nghiệp dĩ nhiên là thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng hoạt động kinh tế đang bị chậm lại. Từ hai ngày nay, chính quyền mới nới lỏng các biện pháp phong tỏa, trong khi các đối thủ của Pháp đã tái khởi động ở tốc độ tối đa. Nước Pháp bước vào khủng hoảng Covid-19 trong cảnh "cạn tiền, cháy túi", và sau giai đoạn phong tỏa, nước Pháp hoàn toàn kiệt sức, với tỷ lệ nợ cao gấp rưỡi so với láng giềng Đức.

Một số người cho rằng Pháp sẽ phải trả giá cho chủ nghĩa tự do thái quá. Tuy nhiên, virus corona cũng chứng minh điều hoàn toàn ngược lại : Quốc gia "chi tiêu phóng tay" nhất và "Nhà nước hóa" mạnh nhất trong số các nền dân chủ lớn trên thế giới cũng là nước dễ bị tổn thương nhất.

Châu Á giãn cách kinh tế với Trung Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos nói về "Hồi hương sản xuất : Giấc mơ mới của Pháp". Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã mở ra những tranh luận về việc hồi hương các dây chuyền sản xuất công nghiệp về Pháp. Có rất nhiều đường hướng, nhưng Les Echos lưu ý là các khó khăn, hạn chế cũng không ít. Nhìn ra Châu Âu, Les Echos cho biết Bruxelles đang tính đến phương án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp chiến lược của Liên Hiệp : thành lập các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng và nguy cơ bị nước ngoài "thôn tính".

Liên quan đến Trung Quốc, Les Echos nhận định "Các doanh nhân nước ngoài khó quay trở lại Trung Quốc". Để hạn chế các ca nhiễm bệnh mà Bắc Kinh coi là "nhập khẩu" từ ngước ngoài, ngày 28/03 Trung Quốc ra lệnh cấm người ngoại quốc đến nước này, kể cả người có giấy phép cư trú, doanh nhân, chủ doanh nghiệp có cơ sở tại Trung Quốc … Nhưng hiện giờ, để tái kích hoạt nền kinh tế, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng biện pháp nói trên, thảo luận với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… hay bí mật thương lượng với từng doanh nghiệp đối tác lớn như Volkswagen của Đức, PSA của Pháp để các lãnh đạo và nhân viên của các tập đoàn sớm được quay trở lại Trung Quốc làm việc.

Les Echos cũng chú ý đến "Ý định của các nước Châu Á về giãn cách kinh tế với Trung Quốc". Tranh thủ cuộc khủng hoảng dịch bệnh, chính quyền nhiều nước Châu Á hy vọng thuyết phục được các doanh nghiệp ngưng phụ thuộc vào hàng "Made in China". Những nước này đã nhận thấy Trung Quốc dễ bị tổn thương và thiếu minh bạch như thế nào !

Trong số đó, Nhật Bản là nước đầu tiên đề xuất gói hỗ trợ 248 tỉ yen (2,2 tỉ euro) cho các doanh nghiệp muốn đưa các dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc về nước. New Delhi khuyến khích các nhóm công tác kinh tế tăng cường liên hệ với các tập đoàn Mỹ đặt tại Trung Quốc để đề xuất họ chuyển sang Ấn Độ với những điều kiện ưu đãi hơn. Chính quyền Seoul cũng thành lập một nhóm công tác đặc biệt với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc để tạo thuận lợi cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất về nước.

Trong khi một số tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan còn do dự trong việc hồi hương sản xuất vì nhiều lý do kinh tế, một số doanh nghiệp đã hướng tới việc mở rộng sản xuất ở các nước Châu Á khác, nhất là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Từ "Ngày xưa có con virus" đến "One Sea" : Bắc Kinh nhận quả đắng ! (RFI, Đăng ngày 12/05/2020)

Sau khi đại sứ Trung Quốc tại Paris Lô Sa Dã (Lu Shaye) bị Bộ Ngoại giao Pháp triệu tập (mà theo báo chí đây là lần thứ hai) vì đăng bài vu khống Pháp để người già chết đói, chết bệnh trong các viện dưỡng lão, cứ ngỡ rằng đây hẳn là một bài học đích đáng cho những con diều hâu Trung Quốc. Tuy nhiên cơ quan ngoại giao này vẫn "ngựa quen đường cũ".

virus1

Ngày xửa ngày xưa có con virus" (Once Upon a Virus) của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp trên YouTube. © Ảnh chụp màn hình video

"Ngày xửa ngày xưa có con virus…"

Chỉ vài ngày sau, trên tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp xuất hiện một video mang tựa đề "Once Upon a Virus" (Ngày xửa ngày xưa có con virus), lần này thì nhằm khiêu khích Mỹ.

Đoạn video hoạt hình ngắn này có hai nhân vật chính được trình bày theo dạng trò chơi Lego. Bên trái là một chiến binh Trung Quốc thời xưa có mang khẩu trang, bên phải là tượng Nữ thần Tự Do.

Nội dung có thể gói gọn trong một câu : Trung Quốc đã cảnh báo cho thế giới về sự trầm trọng của tình hình, và đã thành công trong việc ngăn chận đại dịch. Trong khi đó Hoa Kỳ không muốn lắng nghe, và giờ đây phải lúng túng đối phó.

Sau đây là một số đối đáp :

Trung Quốc : Chúng tôi đã phát hiện một con virus mới

Hoa Kỳ : Thì sao ?

  • Nguy hiểm
  • Chỉ là cúm thôi
  • Hãy đeo khẩu trang
  • Không đeo khẩu trang
  • Hãy ở trong nhà
  • Đó là vi phạm nhân quyền
  • Hãy xây dựng các bệnh viện dã chiến
  • Đó là các trại tập trung

(…)

Một đại sứ quán châm biếm sỗ sàng một quốc gia khác là sự kiện hiếm thấy trong ngành ngoại giao, nhưng nay dường như Bắc Kinh muốn biến thành chuyện bình thường. Công ty Lego vội vàng thanh minh là không dính dáng gì đến video này.

Cùng ngày, tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trước báo chí là nay ông quan tâm đến vai trò của Trung Quốc trong việc để xảy ra đại dịch virus corona, hơn cả vấn đề thương mại. Ông chủ Nhà Trắng cảnh cáo : "Tôi có thể làm rất nhiều điều". Hoa Kỳ nghi ngờ con virus độc hại đã thoát ra khỏi một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, tố cáo Trung Quốc đã giấu diếm tầm mức nguy hiểm của dịch bệnh, thông tin quá trễ cho cộng đồng quốc tế, làm hại cả thế giới.

Donald Trump muốn Bắc Kinh phải trả giá, trước mắt có thể tính đến việc tăng thuế đánh vào hàng Trung Quốc. Áp lực quốc tế đòi điều tra nguyên nhân dịch virus corona ngày càng gia tăng.

Vì sao Bắc Kinh lại tỏ ra thô lỗ đến thế trong ngoại giao ? Các chuyên gia lý giải : cách phòng thủ tốt nhất là tấn công. Nhằm phủi trách nhiệm để xảy ra đại dịch, Trung Quốc muốn "tiên hạ thủ vi cường".

"One Sea", bài hát tuyên truyền "buồn cười", "có thể gây ẩu đả"

Tuy nhiên với các "tác phẩm nghệ thuật" không mang tính khiêu khích mà nhằm khuyến dụ, Bắc Kinh cũng thất bại nặng nề do thói quen tuyên truyền thô bạo. Một trong những ví dụ gần đây nhất là video âm nhạc mang tên "One Sea" dành cho người Philippines, ca ngợi "láng giềng hữu nghị trên biển", với đầy các hình ảnh viện trợ y tế của Trung Quốc.

Lời của bài hát "One Sea" do đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Hoàng Tích Liên (Huang Xilian) viết, được trình bày bởi nhà ngoại giao Xia Wenxin và nghệ sĩ Vu Bân (Yu Bin) của Trung Quốc, ca sĩ gốc Hoa Jhonvid Bangayan và ca sĩ Imelda Papin của Philippines.

Sau khi đưa lên YouTube, bài hát này nhận được 2.000 like (thích) nhưng có đến 146.000 dislike (không thích). Hầu hết trong số 20.000 lời bình tố cáo "tuyên truyền của Trung Quốc", một kiến nghị với 8.000 chữ ký trên change.org đòi rút bài này xuống. Đến hôm nay 12/05/2020 "One Sea" vẫn còn trên YouTube, nhưng con số dislike lên đến 214.000, trong khi chỉ có 3.800 like.

"Vừa buồn cười vừa thâm hiểm", tờ South China Morning Post trích nhận định của người dân Philippines. Được cho là nhằm siết chặt quan hệ hai nước, bài hát lại bị coi như nỗ lực của Bắc Kinh hầu đánh lạc hướng hành vi bành trướng trên Biển Đông.

Những kiện hàng được trao gồm khẩu trang, bộ kit xét nghiệm…với những hàng chữ tiếng Hoa được zoom cận cảnh, các y bác sĩ Trung Quốc đến hỗ trợ, những lá cờ đỏ phất cao, lời cảm ơn của các viên chức Philippines trong đó có cả tổng thống Rodrigo Duterte và ngoại trưởng Teodoro Locsin... Những hình ảnh Trung Quốc viện trợ cho Philippines chống dịch virus corona xuất hiện đầy dẫy, liên tục khiến người xem bị bội thực.

Video bắt đầu bằng cảnh một ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ lướt trên vịnh Manila. The Diplomat cho rằng cùng với tựa đề bài hát, không thể không liên tưởng đến việc các nhà ngoại giao Trung Quốc tìm cách làm quên đi sự kiện Bắc Kinh lấn lướt trên biển, qua việc nhấn mạnh đến sự "đoàn kết" của hai chính phủ nhằm đối phó với con virus xuất phát từ Vũ Hán.

Bài hát bằng hai thứ tiếng Hoa và Philippines có câu : "Vì tình yêu của bạn dâng trào như làn sóng, tay trong tay, chúng ta tiến đến một tương lai tươi sáng, bạn và tôi trên cùng một vùng biển". Và "Ánh dương mang lại 'pagasa' (hy vọng) cho mỗi nước". Báo South China Morning Post không quên lưu ý, Pagasa còn là tên của một hòn đảo đang do Philippines chiếm đóng nhưng Trung Quốc yêu sách chủ quyền.

Trong bài "Những nốt nhạc lạc điệu", tờ Philippine Daily Inquier phẫn nộ viết : "Bài hát này có thể gây ẩu đả ở bất kỳ nơi nào khi nó được hát lên ! Các quan chức Trung Quốc này nghĩ gì ? Rằng người Philippines có thể bỗng chốc bị mất trí nhớ khi nghe khúc ca nàng tiên cá quyến rũ của họ chăng ?"

Tờ báo nhắc lại, chỉ hai ngày trước khi nhạc phẩm trên được tung ra, ngoại trưởng Locsin tiết lộ Philippines đã đưa ra hai kháng thư trước Trung Quốc.

Tuyên truyền thô thiển không làm quên bành trướng trên Biển Đông

Kháng thư thứ nhất phản đối việc một tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu radar vào một tàu hải quân Philippines đang tuần tra tại vùng biển gần giếng dầu Malampaya của Manila. Sự cố được cựu thẩm phán tòa án tối cao Antonio Carpio đánh giá là "đe dọa trắng trợn".

Trong kháng thư thứ hai, Philippines đả kích việc Trung Quốc tự tiện đặt tên cho 80 thực thể trên Biển Đông, và lập ra hai quận trực thuộc "thành phố Tam Sa" của tỉnh Hải Nam. Theo ngoại trưởng Teodoro Locsin, cả hai sự kiện trên đây là "vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Philippines".

Philippine Daily Inquier nhận định, Bắc Kinh vẫn không ngừng khiêu khích trong lúc thế giới đang chú tâm đối phó với đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán. Sau khi "One Sea" xuất hiện, Trung Quốc lại tiếp tục bị bêu trên báo chí địa phương với các vụ bắt giữ 44 người Hoa tổ chức đánh bạc trực tuyến, ngang nhiên buôn lậu dược phẩm… trong lúc hàng triệu người Philippines đang chấp hành lệnh phong tỏa.

Những lời ca ngợi tình hữu nghị và liên đới đi ngược lại với những hành động bành trướng trên Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 khẳng định đưỡng lưỡi bò tự vẽ của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Và trong lúc đại sứ Trung Quốc viết lên những lời ca đẹp đẽ, thì các tàu chiến của nước ông ta quấy nhiễu ngư dân cũng như hải quân Philippines, Bắc Kinh không ngừng quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Tờ báo kết luận, có lẽ bây giờ đã đến lúc Manila bắt đầu một giai điệu khác, thay vì bài ca muôn thuở "Best Friends Forever" (bạn tốt mãi mãi) mà phát ngôn viên chính phủ Harry Roche thường dành cho Trung Quốc. Nếu không, chính quyền Duterte có thể đi vào lịch sử vì đã bán nước lấy một bài hát !

Một điều thú vị là khi tẩy chay bài ca tuyên truyền "One Sea" của Trung Quốc, cư dân mạng Philippines đồng thời lăng-xê một nhạc phẩm khác mang tên "Save Our Seas" (Hãy cứu lấy biển của chúng ta) do hai rapper Tu P của Việt Nam, Marx Sickmind của Philippines và ca sĩ Mei Lee của Malaysia trình bày bằng tiếng Anh trên YouTube.

"Save Our Seas" ra đời từ cuối năm 2019, nói về cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông trước Trung Quốc, nay được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội. Các lời bình dưới video "One Sea" kêu gọi tốt nhất nên nghe "Save Our Seas". Bài hát này đến hôm nay nhận được trên 10.000 like, và chỉ có vỏn vẹn 36 dislike, khác hẳn với số phận bài ca tuyên truyền rất công phu của Trung Quốc !

Thụy My

****************

Covid-19: Ca nhiễm tăng trở lại, Trung Quốc phong tỏa cả một thành phố 700.000 dân (RFI, 11/05/2020)

Việc dỡ bỏ phong tỏa đang gây lo ngại về một làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Trung Quốc. Vào hôm 11/05/2020, giới chức y tế nước này ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, với 10 trường hợp lây lan trong cộng đồng. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới vượt mức 10 ca, sau 14 trường hợp ghi nhận vào hôm qua.

virus2

Hàng rào chắn một khu dân cư tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trước khi được dỡ bỏ ngày 14/04/2020. Reuters - ALY SONG

Tình hình có dấu hiệu đặc biệt nghiêm trọng ở tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc, buộc chính quyền địa phương phải ra lệnh phong tỏa toàn bộ thành phố Thư Lan (Shulan). Gần 700.000 dân bị cấm ra khỏi nhà.

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde phụ trách khu vực ghi nhận :

"Sau Vũ Hán, đến lượt Thư Lan. Kể từ hôm qua Chủ Nhật, toàn bộ hệ thống chuyên chở công cộng của thành phố thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị đình chỉ hoạt động, không còn ai được phép ra vào thành phố, mọi loại xe cộ đều bị chặn lại ở lối vào thành phố, xe lửa phải đậu ở ga cho đến ngày 31/05.

Quyết định phong tỏa nghiêm ngặt được ban hành sau khi chính quyền phát hiện một trường hợp giống như một ổ dịch mới. Các ủy ban khu phố được lệnh phong tỏa toàn bộ các khu dân cư và làng xã trong địa phương của mình. 700.000 cư dân Thư Lan phải ở trong nhà. Tương tự như những gì diễn ra tại các thành phố lớn ở Hồ Bắc và Chiết Giang hồi đầu mùa dịch ở Trung Quốc, mỗi hộ chỉ có một người được quyền đi ra ngoài để mua hàng cần thiết.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, đầu mối gây lây nhiễm mới tại nơi này dường như là một phụ nữ 45 tuổi, nhân viên giặt ủi làm việc ở sở Công An thành phố. Bà đã lây bệnh cho người chồng, 3 chị em trong nhà và nhiều người thân khác. Giới y tế lo ngại trước sự kiện bệnh nhân này không hề đi đâu xa và cũng không hề tiếp xúc với người nhiễm virus.Để đề phòng lây lan, các trung tâm thể thao và tụ điểm giải trí như rạp chiếu bóng, quán karaoke đều bị đóng cửa, học sinh các lớp 9 và 12 vừa trở lại trường cũng phải nghỉ tiếp.

Không chỉ ở Thư Lan, mà tại Vũ Hán, nơi xuất phát của dịch Covid-19, nỗi lo ngại cũng tăng cao vì thành phố ghi nhận thêm 5 ca nhiễm mới vào hôm 11/05, sau khi có một người được xác nhận nhiễm bệnh ngày hôm qua. Tình hình đặc biệt gây lo ngại vì từ hơn một tháng nay, địa phương này không ghi nhận một trường hợp lây nhiễm mới nào".

Trọng Nghĩa

*********************

Covid-19 - Trung Quốc : Ca nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán từ hơn một tháng (RFI, 10/05/2020)

Giới chức y tế Trung Quốc hôm nay, 10/05/2020 cho biết nước này vừa bị thêm 14 ca nhiễm mới vào hôm qua, một con số cao nhất từ ngày 28/04 đến nay. Đặc biệt trong số này có một trường hợp tại Vũ Hán, lần đầu tiên kể từ hơn một tháng nay.

virus3

Canh gác một khu phố ở Vũ Hán sau dỡ bỏ phong tỏa, ngày 10/04/2020. Reuters - ALY SONG

Trong buổi họp báo hàng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nói rõ là trường hợp ghi nhận ở Vũ Hán là một ca nhiễm không có triệu chứng. Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc, là nơi xuất phát của đại dịch Covid-19 đang gây hại trên thế giới.

Theo giới chức y tế Trung Quốc, trong số các ca nhiễm mới còn lại, có hai trường hợp ngoại nhập, và 11 ca khác ở tỉnh Cát Lâm, miền đông bắc Trung Quốc. Lãnh đạo tỉnh này đã phải nâng cấp báo động lên mức cao ở thành phố Thư Lan, 700 000 dân.

Tuy nhiên, không có ca tử vong mới nào được ghi nhận. Tính tới hôm qua, 09/05, như vậy Trung Quốc đã bị tổng cộng 82.901 ca nhiễm, với 4.633 trường hợp tử vong, những con số bị nghi ngờ là không xác thực, vì thấp hơn rất nhiều so với thảm kịch cũng do virus này tại Mỹ và nhiều nước Châu Âu.

Bắc Kinh chấp nhận phải cải tổ hệ thống kiểm soát dịch

Trong bối cảnh đó, vào hôm 09/05, một viên chức y tế cao cấp Trung Quốc cho biết là Bắc Kinh sẽ cải tố hệ thống phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh để khắc phục các chỗ yếu mà dịch Covid-19 đã phơi bày.

Trung Quốc đã bị chỉ trích, cả trong nước lẫn ngoài nước, là đã phản ứng quá chậm khi dịch bệnh bùng lên ở Vũ Hán, rồi lan ra cả thế giới. Theo nguồn tin trên, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc có ý định xây dựng một hệ thống chỉ huy "tập trung và hiệu quả", cải tổ và hiện đại hóa hệ thống phòng chống, kiểm soát bệnh dịch, sử dụng tốt hơn hệ thống dữ liệu, trí thông minh nhân tạo để phân tích tốt về dịch bệnh, lần theo dấu vết virus, phân bổ nguồn lực chống bệnh.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước : từ thận trọng và phòng vệ sang bất mãn với những nhận định về nguồn gốc của virus.

chong1

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 đã thay đổi rõ rệt theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước

Tóm tắt

* Luận điệu của Bắc Kinh về cuộc chiến Covid-19 trong những tháng vừa qua đã có sự thay đổi theo hướng tập trung hơn vào công chúng bên ngoài thay vì trong nước Trung Quốc.

* Khi Trung Quốc đang ở trong giai đoạn cam go của cuộc chiến chống Covid-19, luận điệu tuyên truyền của nước này tập trung phản ánh sự hỗ trợ từ bên ngoài, bao gồm các nước thành viên ASEAN, đối với những gì Trung Quốc đang thực hiện ở trong nước.

* Ban đầu, giới chức Trung Quốc dường như chấp nhận rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán. Tuy nhiên, sau khi nỗ lực kiềm chế sự lây lan của virus trong nước, cùng với việc Mỹ quy mối đe doạ virus cho Trung Quốc, nước này đã bắt đầu đặt những câu hỏi và thậm chí là tham gia cuộc khẩu chiến với Mỹ xung quanh vấn đề này.

* Các nước thành viên ASEAN lại xuất hiện trong danh sách các quốc gia nhận được viện trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của Trung Quốc. Điều này được xem là hành động báo đáp của Trung Quốc đối với những nước này sau khi nhận được sự giúp đỡ của họ trước đó.

* Quan trọng hơn, Trung Quốc mong muốn được đánh giá là một đối tác đáng tin cậy, luôn sẵn sàng hỗ trợ và đang phối hợp với các nước khác trong cuộc đối đầu với một mối đe doạ toàn cầu. Thông qua việc này, Trung Quốc cố gắng vớt vát lại những thiệt hại về hình ảnh mà nước này phải hứng chịu do những phản ứng chậm chạp ban đầu.

Giới thiệu

Phản ứng ban đầu chậm chạp của Trung Quốc trước đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán đã nhanh chóng nhường chỗ cho các biện pháp hà khắc và khẩn trương, đặc biệt là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai đưa ra chỉ thị vào ngày 20/1/2020 kêu gọi "nỗ lực bằng mọi giá" nhằm kiểm soát sự lây lan của virus. Gần hai tháng sau, vào tháng 3/2020, chuyến thăm được mong đợi từ lâu của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Vũ Hán đã diễn ra, một dấu hiệu cho thấy các biện pháp được đưa ra trước đó đã mang lại hiệu quả.

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 đã được điều chỉnh phù hợp với những chuyển biến trong việc kiềm chế dịch bệnh. Trong giai đoạn đầu, những phát ngôn chính thức của nước này tập trung vào việc kiềm chế sự lây lan của virus bên trong Trung Quốc và nguồn khởi phát được khẳng định là một địa điểm cụ thể, đó là chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán. Trong giai đoạn sau, khi Trung Quốc kiểm soát được tình hình, các ca bệnh bên ngoài nước này bắt đầu tăng lên, Bắc Kinh đã tỏ ra nghi ngờ về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

Theo Bắc Kinh, tất cả các nước Đông Nam Á đã sát cánh cùng họ trong cuộc chiến chống lại virus ở Trung Quốc. Khi Trung Quốc bắt đầu mở rộng gói viện trợ của mình đến các nước khác nhằm chống lại sự lay lan toàn cầu của virus, Đông Nam Á lại một lần nữa được mô tả là một phần quan trọng trong nỗ lực đó. Bài viết này sẽ nghiên cứu sự thay đổi luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 trong mối tương quan với góc nhìn từ bên ngoài cũng như vai trò của Đông Nam Á trong tiến trình đó.

Sự thay đổi tuyên truyền của Trung Quốc theo góc nhìn từ bên ngoài

a) Luận điệu trong giai đoạn đầu (tháng 1/2020 - giữa tháng 2/2020)

Trung Quốc ban đầu phải tập trung vào kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong lãnh thổ nước này. Ngày 20/1/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) và chính phủ nước này "nỗ lực bằng mọi giá" để kiềm chế dịch bệnh. Sau lời kêu gọi của Tập Cận Bình, các biện pháp đối phó với dịch bệnh đã được tăng cường. Thành phố Vũ Hán bị phong toả toàn bộ vào ngày 23/1. Hai ngày sau đó, tức là ngày 25/1, cũng là ngày mùng Một Tết âm lịch, Tập Cận Bình đã triệu tập Ban thường vụ Bộ Chính trị để họp bàn về tình hình trên. Cũng tại hội nghị đó, Tập Cận Bình đã tuyên bố thành lập ban chỉ đạo trung ương phòng chống Covid-19 do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì theo chỉ đạo của Tổng bí thư. Cũng sau ngày 20/1, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc bắt đầu cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày về số các ca được xác nhận nhiễm và nghi nhiễm trên khắp cả nước.

Vào thời điểm đó, luận điệu của Trung Quốc có phần thận trọng và mang tính phòng vệ ở mức độ nào đó, nhất là liên quan đến những chỉ trích nhằm vào các nhà chức trách đã chậm trễ trong phản ứng với dịch bệnh. Ngày 20/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc - đã đưa tin rằng có "một vài người" nghi ngờ chính phủ không cung cấp thông tin liên quan "một cách kịp thời". Tiếp đó, Thời báo Hoàn Cầu giải thích rằng ở thời điểm đó, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng và nước này vẫn chưa bước vào giai đoạn tổng động viên, do vậy chính phủ đã đưa ra thông tin với mục đích đảm bảo "sự ổn định và chính xác" thay vì "đưa ra những dự đoán có thể gây hoảng loạn". Lời giải thích này ngầm thú nhận rằng chính phủ đã không muốn công bố thông tin sớm hơn.

Tuy nhiên, ở cấp độ chính thức, giới chức Trung Quốc phủ nhận việc bưng bít thông tin và hạn chế phạm vi nội dung báo cáo về tình hình dịch bệnh. Ngày 22/1, tại một cuộc họp báo của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện, một phóng viên nước ngoài hỏi về lý do đằng sau sự gia tăng của số ca không được ghi nhận và liệu chính phủ có bưng bít thông tin hay không. Né tránh câu trả lời trực tiếp, Từ Thọ Cường - Chánh văn phòng Văn phòng Quản lý tình huống khẩn cấp thuộc Ủy ban Y tế quốc gia cho biết Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc cung cấp thông tin. Ở một diễn biến khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết nước này đã thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các quốc gia và tổ chức liên quan về dịch bệnh "một cách kịp thời" và duy trì "kênh liên lạc chặt chẽ" với các chủ thể trên.

Trung Quốc đã nhấn mạnh những đánh giá tích cực của các nước về phản ứng nhanh chóng và mạnh mẽ của nước này đối với dịch bệnh. Điều này phản ánh sự ủng hộ rộng khắp từ bên ngoài đối với những biện pháp chống dịch của nước này. Một cách gián tiếp, Trung Quốc đã thể hiện sự bất an ở mức độ nhất định khi phải cần đến sự ủng hộ của bên ngoài đối với cuộc chiến chống đại dịch ở trong nước.

Một khía cạnh khác trong phản ứng ban đầu của Trung Quốc là nước này thừa nhận rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán. Chợ đầu mối hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, vốn là nơi buôn bán và giết mổ động vật hoang dã, đã bị đóng cửa và được vệ sinh. Ngày 20/1, Chung Nam Sơn, người từng đi đầu trong cuộc chiến chống SARS năm 2003 của Trung Quốc và đang tham gia tích cực trong cuộc chống dịch Covid-19 hiện tại, phát biểu trên kênh truyền hình trung ương Trung Quốc rằng quá trình truy vết cho thấy rất nhiều ca bệnh có thể bắt nguồn từ hai địa điểm cụ thể ở Vũ Hán liên quan đến hoạt động mua bán động vật hoang dã. Ông khẳng định chắc chắn rằng virus ban đầu lây từ động vật hoang dã sang con người, nhưng sau đó đã tiến hóa để có khả năng lây từ người sang người.

Trung Quốc cũng nhanh chóng phủ nhận suy đoán cho rằng virus SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ cơ sở công nghệ sinh học thuộc Viện nghiên cứu virus Vũ Hán. Một quan chức cấp cao thuộc cơ sở công nghệ sinh học trên được cho là đã ra sức bác bỏ thuyết âm mưu này. Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh một tuyên bố của các chuyên gia y tế hàng đầu ở nước ngoài trên tạp chí y học uy tín Lancet, trong đó lên án mạnh mẽ những thuyết âm mưu và khẳng định kết luận được nhiều chuyên gia y tế thừa nhận, đó là virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Những phân tích trên chỉ ra rằng Trung Quốc đã thừa nhận virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Vũ Hán.

b) Những luận điệu trong giai đoạn sau (từ giữa tháng 2/2020 trở đi)

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 2/2020, khi số ca nhiễm mới được xác nhận sụt giảm mạnh ở Trung Quốc nhưng lại tăng nhanh ở các nước khác như Hàn Quốc, Ý và Iran, luận điệu tuyên truyền của Trung Quốc đã thay đổi. Lập trường của nước này đã được thúc đẩy và trong một số trường hợp cụ thể đã trở nên gay gắt hơn sau chuyến thăm được chờ đợi của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Vũ Hán ngày 10/3.

Một góc nhìn mới đã được đưa ra, trong đó Trung Quốc đã triển khai các biện pháp cứng rắn nhưng hiệu quả trong lãnh thổ nước này để làm chậm sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ở ngoài nước. Trung Quốc tiếp tục khẳng định việc liên lạc chặt chẽ và chia sẻ thông tin với WHO cũng như các nước và khu vực khác đã hỗ trợ họ phản ứng tốt hơn với đại dịch. Hiện nay, Trung Quốc cho rằng những nỗ lực của nước này đã đem lại khoảng thời gian quý giá cho thế giới.

Trung Quốc cũng khẳng định rằng nước này là một đối tác đáng tin cậy và sẵn sàng hỗ trợ các nước khác trong cuộc chiến chống Covid-19. Đây chính là một thay đổi trong tầm nhìn của Trung Quốc về một tương lai chung, trong đó, bên cạnh việc hợp tác trong những sáng kiến mang lại lợi ích cho các bên, các nước cần đoàn kết với nhau để đối mặt với những mối đe dọa chung. Cho đến nay, Trung Quốc đã mở rộng các hình thức viện trợ khác nhau, bao gồm cả đội ngũ chuyên gia y tế, các bộ xét nghiệm và trang thiết bị y tế đến nhiều nước bị ảnh hưởng ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất và nhân lực, Trung Quốc cũng đã chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 thông qua các hội nghị trực tuyến.

Trung Quốc hiện nay đã bắt đầu nghi ngờ và thậm chí dứt khoát phủ nhận quan điểm cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sự phủ nhận này bắt đầu từ việc Chung Nam Sơn phát biểu trong một cuộc họp báo rằng mặc dù virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chung Nam Sơn cho biết hiện nay chưa rõ virus có nguồn gốc từ đâu và chưa thể chắc chắn rằng loại virus này có vật chủ là con tê tê (vốn được bán ở chợ đầu mối hải sản Hoa Nam). Các nguồn khác ngay lập tức rộ lên thành một chiến dịch rầm rộ hơn nhằm thúc đẩy góc nhìn này, cho thấy sự ủng hộ của các lãnh đạo cấp cao đối với nỗ lực nói trên :

- Ngày 29/2, một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn Cầu thừa nhận rằng dịch bệnh Covid-19 khởi phát ở Trung Quốc, nhưng khẳng định cho đến thời điểm đó chưa có kết luận của cộng đồng khoa học về xuất xứ của virus.

- Ngày 4/3, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định trong một cuộc họp báo thường kỳ rằng "chưa có kết luận nào được đưa ra về nguồn gốc của virus, công tác truy tìm nguồn gốc vẫn đang được tiến hành".

- Ngày 8/3, Lâm Tùng Thiên, Đại sứ Trung Quốc tại Nam Phi đăng trên trang Twitter : "Dù dịch bệnh bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, chứ chưa nói đến là 'do Trung Quốc tạo ra'".

- Ngày 12/3, Triệu Lập Kiên tỏ ra gay gắt hơn trên Twitter khi ám chỉ rằng "bệnh nhân số 0" xuất phát từ Mỹ. Ông thậm chí đã phỏng đoán rằng "quân đội Mỹ có lẽ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán". Triệu Lập Kiên kêu gọi Mỹ tỏ ra "minh bạch", "công bố dữ liệu của mình" và khẳng định rằng "nước Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích".

Đợt phản công của Trung Quốc có lẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự thành công của chính Bắc Kinh trong việc kiềm chế virus SARS-CoV-2, phản ứng của nước này trước những nỗ lực của Mỹ trong việc tái khẳng định rằng virus có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng như những gì mà nước này xem là nỗ lực của Mỹ nhằm chuyển hướng dư luận khỏi phản ứng nửa vời của Mỹ trong cuộc chiến chống virus. Trung Quốc tỏ ra đặc biệt gay gắt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo hay các nghị sĩ Mỹ gọi SARS-CoV-2 là "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán", và khăng khăng rằng họ phải sử dụng thuật ngữ trung lập của WHO. Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã phát động cuộc chiến đổ lỗi nhằm vào họ.

Vai trò của ASEAN và các nước thành viên

Trong luận điệu biến đổi của mình, Bắc Kinh theo định hướng mang tính toàn cầu nói chung và quan tâm nhiều tới phát ngôn và hành động của Mỹ nói riêng. Điều này hoàn toàn không đáng ngạc nhiên, vì Mỹ vẫn là chủ thể chiến lược quan trọng nhất trong con mắt của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, ASEAN và các nước thành viên không thực sự nổi bật, nhưng cũng có những khía cạnh nhất định cần được nhấn mạnh.

Trong suốt quá trình chống Covid-19 của Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn đầu, tầm quan trọng của ASEAN và các nước thành viên trong luận điệu của Trung Quốc được thể hiện trên hai khía cạnh chính. Thứ nhất, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng những nước này đã hoàn toàn ủng hộ nỗ lực chống dịch của Trung Quốc. Truyền thông chính thức của Trung Quốc trích dẫn phát biểu của các nhà lãnh đạo Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Brunei, Philippines, Thái Lan và Singapore bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với Trung Quốc. Một bài báo của Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Lý Hiển Long kêu gọi các nước hợp tác với nhau và kiềm chế tâm lý bài Trung Quốc. Cụ thể, bài báo trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Singapore : "Virus có thể đã bắt đầu từ Vũ Hán nhưng nó không loại trừ quốc tịch hay chủng tộc. Nó không kiểm tra hộ chiếu của bạn trước khi nó xâm nhập vào cơ thể của bạn và bất kỳ ai cũng có thế bị nhiễm bệnh".

Trong số các nước thành viên ASEAN, Campuchia là đất nước được nhắc đến nhiều nhất, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Hun Sen trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Trung Quốc vào ngày 5/2/2020, sau khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan. Chủ tịch Tập Cận Bình miêu tả chuyến thăm trên là bằng chứng về tinh thần đoàn kết và phản ánh mối quan hệ tốt đẹp ngay cả trong hoạn nạn giữa hai nước. Campuchia tiếp tục trì hoãn việc áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và hàng không đối với Trung Quốc, thậm chí cả việc di tản công dân của mình từ Trung Quốc. Hun Sen thậm chí đã chuẩn bị đi thăm các sinh viên Campuchia ở Vũ Hán nhân chuyến thăm Bắc Kinh.

Thứ hai, Trung Quốc nhấn mạnh cam kết hợp tác với ASEAN cũng như sự ủng hộ của ASEAN đối với Trung Quốc trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngoại trưởng Vương Nghị đã hội kiến những người đồng cấp ASEAN tại một hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc về Covid-19 tại Viêng Chăn vào ngày 20/2. Các kênh thông tin chính thức của Trung Quốc cho biết hội nghị bắt đầu bằng một đoạn phim về "sự đoàn kết của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống dịch bệnh" và "sự bày tỏ cảm thông và ủng hộ của lãnh đạo 10 nước ASEAN". Các nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng sau hội nghị, Vương Nghị và những người đồng cấp ASEAN đã nắm tay nhau theo phong cách truyền thống của ASEAN để "cổ vũ cho Vũ Hán và Trung Quốc".

Bắc Kinh tiếp tục tán thành sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Trung Quốc và ASEAN trong cuộc chiến chống Covid-19. Tại hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị Trung Quốc và ASEAN tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan y tế, cách ly, vận tải và kiểm soát biên giới của hai bên. Ông cũng đề xuất thành lập các trung tâm dự trữ ASEAN-Trung Quốc để tập hợp nguồn lực cho công tác kiểm soát dịch. Ông dường như ủng hộ lời đề nghị của những người đồng cấp ASEAN về việc tổ chức một hội nghị đặc biệt giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc-ASEAN vào thời điểm thích hợp để nâng cấp quan hệ hợp tác. Điều này có lẽ là nhằm phủ đầu trước những chỉ trích rằng hội nghị ngoại trưởng đặc biệt ASEAN-Trung Quốc đã không được tổ chức ở cấp độ cao như trong năm 2003 khi các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc đã gặp nhau gần như ngay lập tức để thảo luận về phản ứng chung với dịch SARS.

Trong hoạt động viện trợ của Trung Quốc, các nước thành viên ASEAN được mô tả là những nước được hưởng lợi chủ yếu từ sự hỗ trợ của Trung Quốc mặc dù phần lớn viện trợ dường như đã được chuyển đến Châu Âu khi khu vực này trở thành tâm dịch mới. Tuy vậy, Philippines và Campuchia vẫn nằm trong số những nước đầu tiên nhận được tài trợ của Trung Quốc. Đầu tháng 2/2020, khi vẫn đang nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh, Trung Quốc đã tài trợ 200.000 khẩu trang và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ thông tin y tế cũng như kết quả nghiên cứu về virus SARS-CoV-2 với Philippines. Tháng 3/2020, Trung Quốc cung cấp cho Campuchia một lượng không xác định chất xét nghiệm, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế và các vật tư liên quan khác.

Việc Trung Quốc viện trợ cho Philippines và Campuchia đầu tiên một phần là vì đây là hai đồng minh gần gũi về mặt chiến lược với nước này. Một lý do quan trọng khác đây là hai nước thành viên ASEAN đầu tiên hỗ trợ Trung Quốc. Ngày 26/1, Philippines đã tài trợ 3,16 triệu khẩu trang cho Trung Quốc (con số này không hề nhỏ), trong khi Campuchia gửi hỗ trợ 5.000 khẩu trang vào ngày 5/2, chủ yếu là từ những gia đình có con em được hưởng lợi từ hoạt động chữa bệnh miễn phí tại Trung Quốc. Ngoài những nỗ lực này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã thể hiện sự ủng hộ của cá nhân ông đối với cuộc chiến chống Covid-19 của Trung Quốc qua chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 2/2020. Campuchia và Trung Quốc thậm chí đã tiến hành cuộc tập trận chung lần thứ tư có tên gọi "Rồng Vàng 2020" ở tỉnh Kampot vào tháng 3/2020.

Trung Quốc đã không ngừng mở rộng sự hỗ trợ của mình đến các nước thành viên ASEAN khác mà trước đó cũng đã viện trợ cho họ :

- Tháng 3/2020, Malaysia tiếp nhận gói trang thiết bị y tế đầu tiên, gồm 5.000 khẩu trang thường và 10.000 khẩu trang y tế, được chuyển đến bệnh viện Sungai Buloh, một bệnh việc chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19. Nước này còn tiếp nhận thêm 10.000 khẩu trang từ Hiệp hội Phát triển kinh tế Trung Quốc-Châu Á.

- Tháng 2/2020, các chuyên gia y tế Thái Lan được cho là đã liên hệ với Chung Nam Sơn để được hỗ trợ về điều trị lâm sàng cho bệnh nhân Covid-19, đồng thời các bộ xét nghiệm cũng đã được gửi đến nước này. Trung Quốc cũng đã viện trợ quần áo bảo hộ và mặt nạ chống giọt bắn cho Thái Lan.

- Indonesia đã nhận 800.000 bộ xét nghiệm, hàng chục nghìn đôi găng tay y tế và 17 tấn trang thiết bị phòng chống dịch khác.

- Myanmar, Lào và Brunei cũng đã nhận nhiều hình thức hỗ trợ từ Trung Quốc (1).

Tuy nhiên, đã có lúc Trung Quốc không hài lòng về việc một số nước thành viên ASEAN đã áp dụng biện pháp hạn chế đi lại đối với du khách từ Trung Quốc. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các phát biểu của Vương Nghị tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc khi ông kêu gọi các nước thành viên ASEAN sớm "nối lại các hoạt động giao lưu nhân dân và hợp tác, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi nước".

Sức ép của Trung Quốc đối với các nước thành viên ASEAN nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những chỉ trích nhằm vào Mỹ, vốn bị Trung Quốc cáo buộc là nước đầu tiên sơ tán nhân viên lãnh sự ở Vũ Hán và cũng là nước đầu tiên áp dụng lệnh cấm đi lại đối với du khách Trung Quốc. Sau đó, khi Covid-19 lây lan tới các khu vực khác của thế giới và Trung Quốc phải đối mặt với mối đe dọa mới từ các ca bệnh "nhập khẩu", nước này đã hạ giọng về vấn đề này. Trung Quốc đã thừa nhận rằng các biện pháp hạn chế mà các nước khác áp dụng là nhằm bảo vệ sức khỏe, an ninh của công dân mỗi nước và bảo vệ an ninh sức khỏe cộng đồng trong khu vực và trên toàn cầu. Về phần mình, nước này trên thực tế cũng đã dừng nhập cảnh tất cả người nước ngoài và giảm đáng kể số chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc.

Kết luận

Luận điệu của Trung Quốc về cuộc chiến chống Covid-19 thay đổi theo sự chuyển biến của tiến trình chống dịch trong nước. Nhìn chung, luận điệu của họ đã thay đổi rõ rệt từ thận trọng và phòng ngừa sang sắc thái khác, trong đó nước này tỏ ra bất mãn với nhận định cho rằng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong sự thay đổi này, Trung Quốc tập trung vào Mỹ. ASEAN và các nước thành viên không được nhắc đến trên khía cạnh này.

Vai trò của ASEAN và các nước thành viên được thể hiện rõ nhất trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm mô tả các nước này là những đối tác của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống Covid-19 ; sự thúc đẩy này rõ ràng nhất là trong giai đoạn đầu tiên. Sau đó, khi Trung Quốc đạt được bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch bệnh và bắt đầu mở rộng hoạt động viện trợ tới nước ngoài, các nước thành viên ASEAN đã trở thành tâm điểm như là một phần trong đóng góp của Trung Quốc vào các nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trung Quốc sẽ cung cấp nhiều sự hỗ trợ hơn nữa cho các nước thành viên ASEAN trong tương lai gần, nhất quán với luận điệu tuyên truyền của Bắc Kinh, trong đó coi trọng mối quan hệ không chỉ với các nước thành viên mà còn với toàn thể khối ASEAN. Thông điệp này nhiều khả năng sẽ được thực thi trong năm 2020, khi Trung Quốc kỷ niệm các cột mốc quan trọng trong quan hệ với Myanmar, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Singapore. Bước đi đầu tiên đã được thực hiện thông qua chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm 2020 của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Myanmar. Mặc dù sự tương tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN đã bị gián đoạn tạm thời do Covid-19, nhưng Bắc Kinh đã đặt nền tảng cho việc thúc đẩy quan hệ thông qua các gói hỗ trợ đối với các nước này trong cuộc chiến chống Covid-19.

Lye Liang Fook

Nguyên tác : The Fight Against Covid-19 : China's Shifting Narrative and Southeast Asia, ISEAS, 07/04/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 11/05/2020

Lye Liang Fook là Điều phối viên của Chương trình Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Khu vực, Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại ISEAS - Viện Yusof Ishak. Bài viết được đăng trên ISEAS.

Ghi chú :

(1) Tất cả các nước thành viên ASEAN đều hỗ trợ Trung Quốc dưới hình thức nào đó, bao gồm cả Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, Việt Nam và Singapore vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ vật chất nào từ Trung Quốc bởi vì những nước này vẫn có thể tự mình tiến hành cuộc chiến chống dịch bệnh

Published in Diễn đàn

Kịch bản tồi tệ nhất là đối đầu vũ trang ?

Anh Tú, VNTB, 12/05/2020

"Kịch bản tồi tệ nhất của cuộc đối đầu vũ trang" được nêu bật trong báo cáo của Bộ an ninh Trung Quốc gửi đến ông Chủ tịch Tập Cận Bình.

hunghang4

Tranh cãi thời Chiến tranh Lạnh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nguy cơ đóng băng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn trên thế giới, gây ra nguy cơ xung đột quân sự.

Trong ba tháng qua, các tranh chấp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã đóng băng bầu không khí ngoại giao hai bên trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Thậm chí còn có lo ngại trong chính quyền của Tập Cận Bình rằng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo sẽ thách thức quyền cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. Một nghiên cứu nội bộ của Bộ An ninh Nhà nước, được trích dẫn bởi Reuters, cảnh báo Trung Quốc phải chuẩn bị cho "kịch bản tồi tệ nhất về cuộc đối đầu vũ trang".

"Báo cáo, được trình bày vào đầu tháng trước cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình, kết luận rằng xu hướng chống Trung Quốc toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ khi xóa Quảng trường Thiên An Môn năm 1989", Reuters đưa tin hôm thứ Hai (4/5).

"Do đó, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với làn sóng chống Trung Quốc do Hoa Kỳ dẫn đầu sau đại dịch virus corona và cần chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất cho cuộc đối đầu vũ trang giữa hai nước", báo cáo cho biết.

Cho đến nay, hơn 3,6 triệu người đã bị nhiễm loại corona mới này trên toàn cầu với số người chết là 252.000. Tại Hoa Kỳ, hơn 1,2 triệu người đã bị nhiễm gần 70.000 ca tử vong.

Số liệu chính thức của Trung Quốc rất nhỏ khi so sánh với số liệu của Mỹ. Tính đến ngày 4 tháng 5, số ca mắc bệnh là 82.881 người với 4.633 người chết trong dân số 1,39 tỷ người. Ngoài tâm chấn ban đầu của Covid-19 tại thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc, chỉ khoảng 15.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra các cáo buộc tại Trung Quốc.

Tuần trước, Trump tuyên bố ông đã nhìn thấy bằng chứng khiến ông "rất tin tưởng" rằng Covid-19 đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, một cáo buộc mà Trung Quốc đã kiên quyết bác bỏ.

Trước đó, ông Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc gây ra "một số lượng tổn thất lớn" và "tử vong" vì đã che đậy sự lây lan ban đầu của virus corona.

"Tôi vẫn lo lắng rằng có những điều chúng ta không biết, "ông nói tháng trước, được trích dẫn bởi Asia Times.

"Đây là một thách thức đang diễn ra trong đó Đảng cộng sản Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã không thực hiện được những việc thuộc trách nhiệm của họ khi có đại dịch", ông Pompeo nói thêm.

Một lần nữa, Trung Quốc phủ nhận tuyên bố đó.

Nhưng về mặt chính trị, đây là một cơn ác mộng trong quan hệ người dân đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, mặc dù họ đã đưa ra cái gọi là "ngoại giao khẩu trang". Các cáo buộc về sự bất tài đã được dùng chống lại chính phủ Trung Quốc do sự chậm trễ trong phản ứng ban đầu đối với cuộc khủng hoảng. Cũng có báo cáo rằng virus đã được các quan chức ở Vũ Hán "che đậy" vào tháng 12.

"Với cái chết của Lý Văn Lượng, một bác sĩ bị chính quyền nhà nước khiển trách vì đã cảnh báo người khác về virus corona mới", Yuen Ang, từ Đại học Michigan, viết trong bài bình luận của mình cho Project Syndicate.

Vào thứ Hai (4/5), trọng tâm đã quay trở lại Hoa Kỳ khi Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Matthew Pottinger nói rõ, những nỗ lực của Trung Quốc để đàn áp những chỉ trích nội bộ sẽ gây tác dụng ngược.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Quan thoại, ông đã nói chuyện trực tiếp với người dân Trung Quốc bằng cách gợi lên những ký ức về phong trào khởi nghĩa dân túy vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 do sinh viên lãnh đạo sau Thế chiến 1.

"Khi những hành động nhỏ của lòng can đảm bị chính phủ loại bỏ, những hành động dũng cảm lớn hơn sẽ xuất hiện. Trung Quốc sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ chủ nghĩa dân túy hơn là chủ nghĩa dân tộc" ông nói, theo bài viết của Asia Times.

"Với một số người, họ cần sự chấp thuận của nhiều người để cai trị. Khi một số người đặc quyền quá mức và trở nên ích kỷ, chủ nghĩa dân túy sẽ kéo họ trở lại hoặc ném họ xuống biển", ông nói thêm, những bình luận dường như được nhắm vào Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bonnie Glaser, giám đốc Dự án quyền lực Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, gọi đó là "bài phát biểu lạ thường nhất mà chúng tôi từng thấy" từ chính quyền Trump.

"Nếu là thành viên của Đảng cộng sản Trung Quốc, sẽ coi (tái hiện phong trào ngày 4 tháng 5) như một sự khích lệ để mọi người thách thức các bộ phận trong hệ thống chính trị của mình. Điều đó không phải lúc nào cũng có nghĩa là lật đổ các nhà lãnh đạo, nhưng nó chắc chắn khuyến khích sự phát triển của quần chúng", ông nói với The Guardian.

Bạn đã có thể cảm thấy gió chiến tranh lạnh quét qua các hành lang quyền lực ở Trung Quốc và Hoa Kỳ vào mùa hè này chưa ?

Anh Tú

Nguồn : VNTB, 12/05/2020

*******************

Trung Quốc cùng lúc gây gổ với Ấn Độ và Nhật Bản

Hải Yến, Thoibao.de, 12/05/2020

Không chỉ hung hăng trên Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục gây sự với hai quốc gia láng giềng khác là Ấn Độ và Nhật Bản.

hunghang1

Quân đội Ấn Độ hôm 10/5 cho biết một số binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đã ẩu đả và ném đá vào nhau tại khu vực biên giới hẻo lánh giữa 2 nước gần Tây Tạng.

Theo AFP, quân đội Ấn Độ tiết lộ một số binh sĩ nước này đã có các vụ ẩu đả trong hai ngày 09-10/5 với các binh sĩ Trung Quốc ở khu vực hẻo lánh trên biên giới hai nước, tại vị trí chiến lược gần Tây Tạng.

Người phát ngôn Bộ Tư lệnh phía Đông của Ấn Độ, ông Mandeep Hooda nói : "Hành động hung hăng của cả hai bên khiến cho các binh sĩ bị thương nhẹ. Đó là tranh cãi từ việc ném đá dẫn tới ẩu đả".

Sự kiện diễn ra hôm 09/5 tại khu vực Naku La, gần cửa khẩu Nathu La, cao 4.572 mét ở bang Sikkim phía đông bắc Ấn Độ, khu vực tiếp giáp với cả Bhutan, Nepal và Trung Quốc.

Hơn 100 binh sĩ của Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vụ đụng độ dọc biên giới hai nước và một số binh sĩ ở cả hai bên bị thương. Một sĩ quan quân đội Ấn Độ cho hay bảy lính Trung Quốc và bốn lính Ấn Độ bị thương.

Sự việc sau đó đã được giải quyết bằng "đối thoại và tương tác" ở cấp địa phương, theo ông Hooda.

Ông Hooda nói thêm : "Cuộc đụng độ ngắn và bộc phát giữa các binh sĩ biên phòng diễn ra do ranh giới chưa được xác định".

Một vụ đụng độ khác giữa binh sĩ hai bên diễn ra sáng 10/5 tại Ladakh

New Indian Express đưa tin : "Người Trung Quốc đã động chạm với người Ấn Độ và các binh sĩ Ấn Độ đã can thiệp, dẫn tới ẩu đả".

Vụ việc diễn ra bên phía Ấn Độ gần thị trấn Nallah. Vụ việc đã được giải quyết nhưng binh lính cả hai bên vẫn đang hiện diện ở khu vực này.

Các nguồn tin khác cho biết binh sĩ Trung Quốc đã hung hăng hơn kể từ cuối tháng 4, và từng đỗ xe bên phía đường kiểm soát thực tế (LAC) của Ấn Độ hôm 27/4. Binh sĩ Ấn Độ đã trao đổi với lính biên phòng Trung Quốc và sự việc đã được giải quyết.

Một sĩ quan quân đội Ấn Độ cho biết hàng năm các hoạt động quân sự dọc theo đường LAC đều sẽ ngừng lại do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, và các tần suất va chạm giữa hai bên cũng giảm xuống trong vòng từ 6 đến 7 tháng.

Người này cũng nói rằng số lần phía Trung Quốc vượt qua đường LAC sang phần do Ấn Độ kiểm soát đã tăng lên trong thời gian gần đây, và có nhiều địa điểm diễn ra va chạm giữa hai bên.

Trung Quốc và Ấn Độ có những tranh cãi về đường biên giới chung kéo dài 3.400 km

hunghang2

Biên giới tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo dài và đôi khi vẫn có các cuộc đụng độ nhỏ giữa binh sĩ hai nước. Hai quốc gia láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân và từng có cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962 để tranh giành lãnh thổ ở khu vực dãy Himalaya tại bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Sự kiện hôm 09/5 là lần đầu tiên binh sĩ hai nước đụng độ kể từ năm 2017, khi lính biên phòng hai bên cãi lộn ở khu vực tây bắc Ladakh.

Cùng năm đó, có một cuộc chạm trán khác diễn ra khi Ấn Độ gửi quân tới vùng Doklam của Bhutan để ngăn chặn Trung Quốc xây dựng một con đường ở đó.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với khoảng 90.000 km vuông ở khu vực – vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của New Delhi.

Tuy cả hai nước đều gửi quân tới tuần tra và các nhóm này thường xảy ra các đụng độ ở hình thức xô đẩy, va chạm thân thể, nhưng chưa có viên đạn nào được khai hỏa ở đường biên trong suốt bốn thập niên qua.

Trong đại dịch Covid-19, mối quan hệ của hai nước cũng có không ít sóng gió. Ngày 18/4, Ấn Độ đã thực hiện một thay đổi lớn trong chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nước này, bằng việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế các nước có chung đường biên giới thừa cơ thâu tóm các doanh nghiệp Ấn Độ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Đây được coi là động thái nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc tận dụng cơ hội trong dịch Covid-19.

Tiếp đó, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, cơ quan hàng đầu đối phó với dịch Covid-19, hôm 27/4 cho biết đã lên kế hoạch trả lại bộ dụng cụ xét nghiệm được mua từ hai công ty Trung Quốc vì độ chính xác kém, theo Reuters.

Đại sứ quán Trung Quốc lập tức chỉ trích Ấn Độ về việc ngừng sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 được sản xuất bởi hai công ty là Guangzhou Wondfo Biotech và công ty Zhuhai Livzon Diagnostics của Trung Quốc vì vấn đề chất lượng, cho rằng điều này là không công bằng và vô trách nhiệm.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Nhật Bản hôm 09/5/2020 cho biết : Lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản đã triển khai tàu tuần tra để cảnh cáo một nhóm tàu Hải cảnh Trung Quốc bị phát hiện đang truy đuổi một tàu đánh cá Nhật Bản ở vùng Biển Hoa Đông.

Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết là bốn chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 16 giờ ngày 08/5.

Trích tin từ hãng thông tấn Nhật Jiji Press, tờ báo Hồng Kông cho biết là khoảng 50 phút sau đó, hai chiếc tàu Trung Quốc bắt đầu đuổi theo một tàu cá Nhật Bản tại khu vực cách Uotsuri, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khoảng 12 km về phía tây nam.

Sau khi JCG điều động tàu tuần tra đến hiện trường, cảnh báo qua bộ đàm, các tàu Trung Quốc mới rời khỏi khu vực.

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, bốn chiếc tàu Trung Quốc đã ở trong khu vực này khoảng hai giờ đồng hồ.

Vào thời điểm xảy ra vụ truy đuổi, có ba thuyền viên trên tàu cá Nhật Bản và không ai bị thương, JCG xác nhận.

Một quan chức của JCG cho biết : "Chúng tôi không thể nghĩ rằng một vụ việc nguy hiểm đã xảy ra".

Trước đó, vào sáng 08/5, trên mạng xã hội Weibo, Cảnh sát biển Trung Quốc thông báo một đội tàu hải cảnh tuần tra quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

hunghang2

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vốn là điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ Nhật Bản – Trung Quốc kéo dài nhiều thập niên qua

Hôm 17/4, các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xuất hiện quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Chính quyền Trung Quốc còn tìm cách khẳng định chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư bằng cách áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè hàng năm ở biển Hoa Đông, bao gồm cả vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Năm nay, lệnh cấm đánh bắt đơn phương của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 1/5 đến 16/8.

Quần đảo trên biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, do Nhật Bản kiểm soát trên thực tế với tên gọi Senkaku. Các hòn đảo không có người ở nhưng giàu tài nguyên cùng rạn san hô ở Biển Hoa Đông trở thành điểm nóng trong tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc – Nhật Bản kéo dài nhiều thập niên qua, bất chấp mối quan hệ giữa hai bên dần được cải thiện trong những năm gần đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có hai chuyến thăm Trung Quốc kể từ năm 2018. Các quan chức hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản đã được lên kế hoạch vào tháng trước nhưng phải hoãn lại vì đại dịch Covid-19.

Sự việc hôm 08/5 đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2008, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để truy bắt tàu cá Nhật Bản.

Động thái này được cho là diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Hoa Đông, Biển Đông, Bột Hải và Hoàng Hải.

Năm 2012, sau khi Chính phủ Nhật Bản mua lại quần đảo này từ tư nhân, tần suất các vụ xâm nhập của tàu công vụ Trung Quốc tăng liên tục.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, Nhật đã ghi nhận tổng cộng 1.097 vụ xâm nhập vùng nước xung quanh Senkaku của tàu Trung Quốc, trong đó có 126 lần các tàu này tiến vào vùng nước 12 hải lý xung quanh Senkaku. Theo báo Asahi của Nhật Bản, đây là tần suất cao thứ hai chỉ sau năm 2013.

Chưa dừng lại đó, Bắc Kinh cũng điều thêm các tàu hải cảnh cỡ lớn, thế hệ mới và một số tàu được hoán cải từ tàu chiến cũ đến Senkaku. Điểm đáng chú ý là lượng giãn nước của những tàu này luôn lớn hơn tàu Nhật Bản gấp đôi, có khi gấp ba.

Liên tục xâm nhập, Trung Quốc chỉ sử dụng tàu hải cảnh. Hải quân Trung Quốc hầu như không can dự các hoạt động ở Senkaku, cá biệt chỉ có năm 2016 một tàu chiến Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải.

Giới quan sát nhận xét mục đích của Trung Quốc chủ yếu để quấy rối, tạo sự bình thường mới và tuyên bố Nhật Bản không có năng lực quản lý nếu không cử tàu ra ngăn cản.

Theo nhà nghiên cứu Adam P. Liff thuộc Đại học Indiana (Mỹ), Bắc Kinh đã cố gắng tránh tạo cớ để Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản can thiệp bởi họ hiểu đằng sau đó có thể là hải quân Mỹ.

Sự thận trọng này được nâng lên vào năm 2014, sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama rằng Washington sẽ đứng về phía Tokyo và bảo vệ Senkaku là một nghĩa vụ trong Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật.

Về phía Nhật Bản, theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, Nhật Bản đã hoàn tất việc bố phòng cho Senkaku với các căn cứ của tuần duyên và Lực lượng phòng vệ biển trải dài từ đảo Yonaguni tới Amamioshima.

Các hòn đảo nằm trong chuỗi này vừa là căn cứ hậu cần cho các tàu tuần duyên chuyên tuần tra Senkaku vừa là "tai mắt" phát hiện các hoạt động của máy bay, tàu chiến và tàu công vụ Trung Quốc trong khu vực.

Trong bài viết trên Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế hồi tháng 4 rồi, chuyên gia Michael Perry cho biết Trung Quốc không dám sử dụng tàu hải cảnh quấy rối và bắt giữ ngư dân Nhật như đã làm trên Biển Đông bởi Tokyo sở hữu sức mạnh tuần duyên tương đương với Trung Quốc.

Trước sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết định thành lập lực lượng cảnh sát tuần tra đảo trực chiến Senkaku. Nhiệm vụ của lực lượng này là phá vỡ kịch bản các tàu cá ngụy trang của Trung Quốc có thể bất ngờ tiếp cận và đổ bộ các toán vũ trang lên Senkaku hòng tạo sự đã rồi.

Với ngân sách năm đầu tiên khoảng 66 triệu USD, lực lượng này sẽ được trang bị các máy bay trực thăng cỡ lớn cho phép triển khai quân nhanh chóng tới những địa điểm nghi ngờ có đổ bộ bất hợp pháp.

Là một đất nước rộng lớn có chung biên giới với nhiều quốc gia. Nhưng cho đến những ngày đây, Trung Quốc dường như gây hấn ở khắp nơi từ Biển Đông, Biển Hoa Đông nay lại là biên giới với Ấn Độ trong khi đó biên giới với Nga cũng chưa yên ổn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đây cũng có thể là dấu hiệu của một đại cường đang quằn quại trước thời điểm sụp đổ, bởi đủ thứ áp lực dồn lên từ các vụ điều tra nguồn gốc của virus, các vụ kiện đòi chịu trách nhiệm về sự bùng phát của đại dịch trên toàn cầu, làn sóng bài Trung lan ra khắp năm châu, cho đến sự lục đục trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc, sự đánh mất tính chính danh của Đảng trong đại dịch và ngọn lửa chống đối trong dân chúng đang được thổi bùng sau ba thập kỷ, kể từ sự kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh gây ra vụ thảm sát dã man người dân nước này tại quảng trường Thiên An Môn.

Hải Yến

Nguồn : Thoibao.de, 12/05/2020

**********************

ASEAN lúng túng trong tranh chấp Biển Đông

Kazi Mahmood, VNTB, 12/05/2020

Vào buổi trưa tháng 4, tại khu vực cao độ của West Capella trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, tàu khoan Petronas đã bị tàu khảo sát Trung Quốc, Hải Dương 8 quấy rối.

200428-N-ED929-1002

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry, (DDG 52) đang tiến hành các hoạt động ở Biển Đông gần đây -AFP

Để thể hiện sức mạnh siêu cường hàng hải, Mỹ đã điều tàu tấn công đổ bộ USS America cùng tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill đến Biển Đông, thách thức Trung Quốc.

Theo dữ liệu từ Marine Traffic, một trang web theo dõi tàu, "Hải Dương 8" đã vào vùng biển gần Malaysia vào ngày 18 tháng Tư. Cảm giác tạo ra một "cuộc xâm lược" từ Trung Quốc vì Hải Dương 8 dẫn dắt một hạm đội theo.

Nhóm tàu Trung Quốc đã tiếp cận West Capella và ý định ngăn cản Malaysia thăm dò và khai thác dầu khí.

Các nhà quan sát nhìn nhận, Mỹ sẽ không đơn độc trong việc hỗ trợ người Malaysia. Tàu chiến Mỹ ở đó để hỗ trợ các quốc gia yêu sách khác trong khu vực. Việt Nam, Philippines, Indonesia, và có lẽ cả Brunei, gần đây đã gặp phải vấn đề với tàu tuần tra hoặc tàu chiến Trung Quốc, và các nhóm tàu ​​đánh cá Trung Quốc được coi là lực lượng dân quân biển Trung Quốc.

Nhưng đối với nhiều người, họ không hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ vì nó đã làm tăng căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Trong khi một số thành viên của ASEAN muốn người Mỹ hiện diện tại Biển Đông. Hải Dương 8 đi cùng với tàu hải cảnh và tàu đánh cá mà các nhà phân tích cho rằng đây là một phần của lực lượng dân quân biển của Trung Quốc.

Không có nghi ngờ rằng Trung Quốc rất tích cực trong vùng biển mà họ coi là lãnh thổ của mình, bỏ qua luật pháp quốc tế trong khi trốn tránh sự toàn vẹn lãnh thổ của các bên yêu sách khác.

Kể từ khi có phán quyết của tòa trọng tài về Trung Quốc năm 2016, Bắc Kinh đã không ngần ngại trong các hành động của mình ở Biển Đông, tấn công các tàu cá Việt Nam, gây sốc cho người Indonesia, làm dấy lên mối lo ngại của Manila và đánh dấu tàu thăm dò dầu khí Malaysia.

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố vào ngày 28 tháng 4 rằng họ đã trục xuất tàu khu trục Barry (DDG-52) ra khỏi quần đảo Hoàng Sa. Các quan chức quân đội Trung Quốc gọi sự hiện diện của Mỹ trong khu vực này là một hành động khiêu khích vi phạm chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ cố tình tạo ra căng thẳng trong Biển Đông và gây ra những rủi ro an ninh khu vực có thể gây ra những sự cố bất ngờ.

Sự chia rẽ của ASEAN đã có tác động tiêu cực đến cuộc xung đột với Trung Quốc

Từ năm 2012 đến 2016, đã có những vết nứt trong ASEAN và Campuchia liên quan đến chặn dự thảo nghị quyết cuối cùng về cuộc xung đột ở Biển Đông.

Trong bối cảnh ASEAN, sự đồng thuận có nghĩa là nếu một trong 10 quốc gia thành viên phản đối đề xuất hoặc ý tưởng, bất kỳ kết quả nào đưa ra cũng sẽ thất bại.

Trong mười năm, ASEAN đã không đạt được sự đồng thuận về cách tiếp cận Trung Quốc trên biển.

Trung Quốc đã tự áp đặt và dần dần chinh phục nhiều không gian trong vùng biển hơn, chủ yếu là do sự khác biệt giữa các thành viên ASEAN.

Để giải quyết xung đột với Trung Quốc, ASEAN phải quyết định có nên từ bỏ sự đồng thuận trong cuộc khủng hoảng rất hỗn loạn và lớn này hay phải nhượng bộ Trung Quốc.

ASEAN nên bắt đầu chú ý đến các công cụ giải quyết xung đột vĩnh viễn được cả Bắc Kinh và Washington chấp nhận.

ASEAN nên ngừng là một thực thể dư thừa. Nếu Trung Quốc hoặc Mỹ trở nên hung hăng hơn, họ sẽ không thể tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột có thể nổ ra.

Kazi Mahmood 

Nguyên tác : Asean floundering in sea dispute, New Straits Times, 10/05/2020

Diễm My dịch

Nguồn : VNTB, 12/05/2020

Published in Diễn đàn

Cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong mối quan hệ với Trung Quốc là tăng sức ép lên quốc gia cộng sản lớn nhất thế giới thông qua một cuộc chiến tranh thương mại chưa từng có. Thương chiến Mỹ – Trung đã tác động tiêu cực tới thiện cảm của người dân Mỹ đối với Trung Quốc. Nhưng đại dịch Covid-19 đã đổ thêm dầu vào lửa khiến Trung Quốc đã hoàn toàn mất điểm trong mắt người dân Mỹ bởi sự che giấu về nguồn gốc của virus cũng như quy mô dịch bệnh của Bắc Kinh khiến đại dịch lây lan ra toàn cầu.

ban1

Kết quả khảo sát về thiện cảm của người Mỹ đối với Trung Quốc thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew giai đoạn 2005-2020

Khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở ở Washington DC cho thấy 2/3 số người dân Mỹ, 66%, có cái nhìn không thiện cảm đối với Trung Quốc.

Con số này tăng hơn so với 47% người Mỹ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc trong khảo sát cách đây 2 năm, một thời gian sau khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017.

Đây được coi là một con số tồi tệ nhất được ghi nhận về quan điểm của người Mỹ đối với Trung Quốc kể từ khi Trung tâm Nghiên cứu Pew bắt đầu thực hiện khảo sát về vấn đề này vào năm 2005, bất chấp những nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới của Bắc Kinh với những kế hoạch chiến lược như "Một vành đai, Một con đường" hay chiêu bài "ngoại giao khẩu trang" trong dịp Covid-19 này.

Khảo sát được thực hiện qua điện thoại với 1.000 người trên toàn Hoa Kỳ từ ngày 3 đến 29/3 cũng cho kết quả chỉ 25% vẫn giữ cái nhìn tốt về Trung Quốc trong khi chỉ số này của khảo sát năm 2017 là 44%.

Mặc dù người dân Mỹ thuộc các đảng khác nhau có sự chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề, nhưng theo khảo sát của Pew, được công bố hôm 21/4 – là thời điểm các quan chức Mỹ và Trung Quốc tranh cãi về nguồn gốc của virus corona, xu hướng nhìn Trung Quốc một cách tiêu cực mang tính lưỡng đảng ở Mỹ. 72% số người theo Đảng Cộng hoà lo ngại về Trung Quốc và 62% số người theo Đảng Dân chủ có tâm lý tương tự.

Khảo sát cũng cho biết 90% số người được hỏi coi cường quốc Trung Hoa như là mối đe dọa.

Trong đó 62% người tham gia khảo sát nói họ coi Trung Quốc là một mối nguy lớn, tăng từ 48% cách đây hai năm.

Khảo sát mới nhất của Pew còn tiết lộ số lượng người dân Mỹ không tin tưởng vào ông Tập Cận Bình tăng mạnh, từ 50% lên 71%, sau một năm.

Theo các chuyên gia thì đây là một biến chuyển mới vì từ trước tới giờ chủ yếu giới chính trị mới có quan điểm chỉ trích Trung Quốc còn dư luận Mỹ không mấy có thái độ như vậy.

Không chỉ những người lớn tuổi, mà những người trẻ có độ tuổi từ 18-29 cũng dần có ấn tượng xấu về quốc gia Đông Á với 53% không ủng hộ Bắc Kinh, chỉ số này tăng lên 67% ở độ tuổi 30-49 và 71% ở độ tuổi trên 50.

Đứng đầu danh sách những vấn đề mà người Mỹ không có thiện cảm với Trung Quốc trong cuộc khảo sát mới nhất của Pew là ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với môi trường toàn cầu. Các vấn đề khác là vai trò của Bắc Kinh trong các vụ tấn công mạng, thâm hụt thương mại, mất việc làm, đối đầu quân sự, cạnh tranh công nghệ.

Cuộc khảo sát này được thực hiện vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang hoành hành và gây thiệt hại vô cùng lớn trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và hành động bành trướng thế lực, coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên các vùng biển, lãnh thổ của các nước khác cũng là những nguyên do để ấn tượng xấu của người dân Mỹ về Trung Quốc ngày một tăng.

Người dân Mỹ đã có xu hướng nhìn Trung Quốc không mấy thiện cảm kể từ năm 2013, theo các khảo sát trước đó của Pew.

Nhưng tâm lý này tăng mạnh trong hai năm qua khi chính quyền Trump tiến hành thương chiến với Trung Quốc và gần đây nhất là sự lây lan của đại dịch Covid-19. Trong hai năm đó, số lượng người Mỹ rất thiếu thiện cảm với Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 15% lên 33%.

Tác giả của cuộc khảo sát cho rằng : "Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức năm 2017, cách tiếp cận của ông ấy với quan hệ Mỹ – Trung bao gồm gia tăng áp lực thông qua thuế quan và đấu khẩu chiến tranh thương mại. Còn bây giờ, trước sự tấn công của một đại dịch chưa từng thấy, cả hai bên vu khống lẫn nhau".

Chuyên gia Xiaoyu Pu, từ Đại học Nevada, nhận định : "Sự chỉ trích của ông Trump có thể làm gia tăng tâm lý phản đối Trung Quốc trong số một số cử tri Cộng hòa hoặc những người ủng hộ ông Trump. Nhưng tôi không nghĩ rằng ông Trump đã thay đổi toàn bộ thái độ của công chúng Mỹ đối với Trung Quốc".

Ông Pu nói thêm : "Trung Quốc giờ đây mạnh hơn nhiều và cũng có nhiều vấn đề lớn gây tranh cãi giữa hai nước".

Khi được yêu cầu bình luận về kết quả của cuộc khảo sát nhất là khi những thành viên trong cả hai đảng Cộng Hoà và đảng Dân Chủ đều không ưa Trung Quốc, ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm về quan hệ Mỹ – Trung tại Hội Châu Á, cho rằng : "Điều đó không gây bất giờ. Điều duy nhất mà Đảng Cộng hòa và Dân chủ có chung quan điểm tại Washington hiện nay là, chúng ta nên có quan điểm hoài nghi hơn nhiều đối các ý định của Trung Quốc".

Ước tính, có hơn 250 dự luật hiện đang được trình tại quốc hội liên quan tới Trung Quốc, phần lớn ủng hộ gia tăng các hạn chế và các chính sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Douglas Paal, một cựu thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nói : "Điều đó cho thấy có bao nhiêu thành viên của quốc hội từ cả 2 đảng cảm thấy cần thiết phải chỉ trích Trung Quốc để tái đắc cử. Đó là một thước đo cho thấy vấn đề nghiêm trọng và rộng lớn thế nào".

Giới chuyên gia lưu ý rằng chỉ số niềm tin hiện tại của người Mỹ đối với Trung Quốc thấp hơn ngay cả sau khi xảy ra các sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh.

ban2

Truyền thông Trung Quốc chia sẻ video cháu ngoại của Tổng thống Trump hát và đọc thơ bằng tiếng Trung trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tập Cận Bình năm 2017

Xin được nhắc lại, vào mùa xuân năm 1989, giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc bằng vũ lực, sử dụng xe tăng, đã giải tán cuộc biểu tình của sinh viên trên quảng trường chính của thủ đô Bắc Kinh. Phương Tây sau đó cáo buộc chính quyền Trung Quốc vi phạm nhân quyền và giảm hợp tác với Bắc Kinh. Hình ảnh Bắc Kinh trong mắt nhân dân thế giới nói chung và người dân Mỹ nói riêng đã giảm sút chưa từng có qua sự kiện này.

Ngày nay ở Hoa Kỳ có nhiều người cũng tin rằng Bắc Kinh vi phạm nhân quyền, ví dụ, ở Hồng Kông và Tân Cương. Trên các phương tiện truyền thông Mỹ có đầy đủ nhiều tin tức về các trại cải tạo, nơi người dân bản địa Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ, bị cầm tù.

Ngoài ra, các báo cáo về việc người Trung Quốc sử dụng bất hợp pháp sở hữu trí tuệ của Mỹ ảnh hưởng đến thái độ của công dân Mỹ đối với Trung Quốc. "Chiến tranh thương mại" lại đổ thêm dầu vào lửa.

Mặc dù thương chiến đã được Tổng thống Mỹ Trump "khai ngòi" nhưng thường dân có khuynh hướng đổ lỗi cho người Trung Quốc vì những khó khăn phát sinh mà một số nông dân Mỹ phải gánh chịu do phá vỡ quan hệ thương mại trước đây giữa hai nước.

Sự bùng phát của coronavirus ở Trung Quốc như một sự kiện Thiên An Môn thứ hai đã đánh thức làn sóng sinophobia (chủ nghĩa bài Trung Quốc) ở Hoa Kỳ, cũng như ở các nước khác trên thế giới.

Thật khó để buộc tội Tổng thống Donald Trump về chứng sinophobia, mặc dù chính ông là người đã mở ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và rất nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đã để đại dịch bùng phát ra toàn cầu. Bởi Trump luôn tỏ ra rất tôn trọng Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông thích cách Chủ tịch Tập điều hành hiệu quả một đất nước rộng lớn. Còn nhớ cháu ngoại của ông Trump là Arabella Kushner đang học tiếng Trung Quốc, và vào năm 2017, khi Tập Cận Bình đến thăm Hoa Kỳ, cô bé đọc thơ và hát các bài hát bằng tiếng Trung cho các vị khách từ Trung Quốc. Thực tế này có thể được coi là sự thiện cảm của gia đình Trump đối với Trung Quốc.

Ngay từ khi dịch bệnh khởi phát tại Vũ Hán khiến chính quyền Trung Quốc phải phong tỏa cả thành phố rộng lớn này cùng nhiều địa phương khác, hàng loạt câu hỏi về sự thiếu vắng tình đồng cảm của thế giới với Trung Quốc được đặt ra như : Vì sao thế giới chia sẻ xúc động với Paris khi Nhà Thờ Đức Bà bị cháy mà không một chút tình tương thân với người dân Vũ Hán ? Vì sao dân Hồng Kông, hào phóng giúp Trung Quốc tái thiết Tứ Xuyên sau trận động đất năm 2008, bây giờ đòi đóng cửa biên giới với đại lục ?

Theo bài xã luận của tờ báo Pháp Le Monde (Lơ Mông-đ), Bắc Kinh thất bại trên mọi mặt trận vì xem tình người nhẹ hơn quyền lực.

Từ khi dịch corona chủng mới khởi phát, tâm lý bài Trung Quốc hiện rõ qua những bình luận kiểu "trời trả báo kẻ ăn thịt dơi" hay qua tuyên bố của bộ trưởng Thương Mại Hoa Kỳ "khuyến khích doanh nghiệp bỏ Trung Quốc về đầu tư tại Mỹ".

Theo Le Monde (Lơ Mông-đ), Trung Quốc bị rơi vào thế thủ vì thất bại trên mọi mặt trận. Trước hết về khắc phục nhân tâm trong lẫn ngoài nước. Năm 2008, dân Hồng Kông hào phóng giúp Tứ Xuyên tái thiết sau động đất. Năm 2020, giới y tế xứ Cảng Thơm đình công đòi đóng biên giới. Ngay những nước như Kazakhstan, Philippines, nằm trong chiến lược "Một vành đai Một con đường" của Tập Cận Bình cũng đóng cửa không nhận du khách Trung Quốc.

Nước Nga của Putin cũng đóng biên giới với Trung Quốc, một biện pháp mà Matxcơva không làm trong vụ khủng hoảng dịch SARS 2003.

Những nước bạn của Trung Quốc chỉ áp dụng phương pháp của Bắc Kinh đối với dân Trung Quốc mà thôi : Phong tỏa Hồ Bắc, cách ly hơn 50 triệu dân trong một tỉnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Trung Quốc không chỉ để mất thiện cảm với người Mỹ và cũng không phải chỉ vì đại dịch Covid-19 mà người dân thế giới mới không ưa Trung Quốc.

Vào lúc Bắc Kinh rầm rộ phô trương thanh thế nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một cuộc khảo sát quan điểm về Trung Quốc của người dân thuộc 32 quốc gia, công bố hôm 30/9/2019 cho thấy tỷ lệ người thiếu thiện cảm với Trung Quốc gia tăng đáng kể, đặc biệt là tại các láng giềng ở Châu Á, từ Nhật Bản cho đến Indonesia.

Theo kết quả cuộc khảo sát dư luận thế giới mới nhất Global Attitudes Survey, cũng do Trung tâm Nghiên cứu Mỹ Pew thực hiện từ ngày 13/5/2019 cho đến ngày 29/8/2019, nhìn chung có bình quân 37% cư dân thuộc 32 nước trên thế giới có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc.

Đi vào chi tiết, có thể thấy là tâm lý ghét Trung Quốc đang càng lúc càng gia tăng tại các nước, khi so sánh với những kết quả thăm dò trong những năm trước đây. Theo cuộc thăm dò vừa công bố, hiện có đến 60% người được hỏi tại Mỹ, và 67% tại Canada coi Trung Quốc là đất nước "không được ưa thích", một kết quả xấu nhất đối với Trung Quốc từ năm 2007 đến nay.

Tâm lý chung của người dân Tây Âu cũng rất tiêu cực đối với Trung Quốc, với tỷ lệ không có thiện cảm lên đến 70% tại Thụy Điển, hay 53% tại Tây Ban Nha. So với năm ngoái 2018, thiện cảm đối với Trung Quốc đã giảm mạnh ở Thụy Điển với tỷ lệ giảm 17%, cũng như tại Anh Quốc, hay Hà Lan, giảm đi 11%.

Điều đáng ghi nhận nhất có lẽ là việc Trung Quốc không hề được các láng giềng ưu ái chút nào. Bản khảo sát của Pew Research Center đã tập trung tại năm nước vùng Châu Á Thái Bình Dương là Nhật Bản, Hàn Quốc, ở Đông Bắc Á, Philippines, Indonesia ở Đông Nam Á, và Úc ở Châu Đại Dương.

Tại hầu như toàn bộ 5 quốc gia này, đa số người được hỏi đều xác nhận là họ không thích Trung Quốc, cao nhất là Nhật Bản với 85%, kế đến là Hàn Quốc, 63%, Úc 57%, Philippines 54%.

Riêng Indonesia thì không rõ ràng, với tỷ lệ người yêu và người ghét ngang nhau là 36%, nhưng tỷ lệ người thích Trung Quốc từ năm ngoái đến năm nay đã giảm 17%.

Theo giới quan sát, nếu tại Châu Mỹ và Châu Âu, những hành vị bị tố cáo là không hay của Trung Quốc bị vạch trần trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra là một trong những lý do khiến người dân mất đi thiện cảm với Trung Quốc, thì tại Châu Á, các hành vi bức hiếp láng giềng đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc là nguyên do khiến người dân các nước không còn thích Trung Quốc.

Giáo sư Diêu Thụ Khiết, Viện trưởng Viện Trung Quốc học đương đại, Đại học Nottingham, Anh đã từng có bài viết vào đầu những năm 2010 với nhan đề "Vì sao Trung Quốc bị thế giới oán ghét ?"

Ông nói : "Trung Quốc đã là nước lớn nhưng luôn trong tình trạng bị bao vây kìm kẹp, thậm chí bị người khác "oán hận". Nguyên nhân chính : Chính sách ngoại giao thiếu mưu trí ; Giới quan chức ngạo mạn, không biết cách học hỏi, luôn tự cho bản thân họ là đúng, khí phách thiên triều".

Sau gần một thập kỷ những điều này vẫn đúng và thế giới còn phát hiện ra thêm nhiều ‘tật xấu’ khác của Trung Quốc đặc biệt là thói che giấu, bưng bít những điều không có lợi cho mình bất chấp cho hậu quả ảnh hưởng đến cả toàn cầu trên mọi lĩnh vực y tế, kinh tế, an ninh xã hội như dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Nếu Trung Quốc không sớm thức tỉnh thì tình trạng "Trung Quốc thiếu bạn, chứ không hề thiếu kẻ thù" như suốt thời gian qua sẽ ngày càng trầm trọng dẫn đến sụp đổ của chế độ độc tài toàn trị tại Bắc Kinh.

Trung Kiên

Nguồn : Thoibao.de, 05/05/2020

Published in Diễn đàn

Từ Châu Á tới Châu Phi, từ London sang Berlin, các đại diện của Trung Quốc đã gây ra một loạt cơn bão ngoại giao với thái độ khiêu khích, hiếu thắng, bất cứ lúc nào mà nước họ bị tố cáo là không minh bạch, hay không hành động kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của virus Sars CoV2 để dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu.

nuoclon1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh, ngày 18/3/2020. Ít nhất 13 nhà báo Mỹ sắp bị trục xuất khỏi Trung Quốc để đáp trả hành động của TT Mỹ, hạn chế thị thực cho truyền thông nhà nước Trung Quốc ở Hoa Kỳ.

Bản tin AP nói về thế hệ mới các nhà ngoại giao của Trung Quốc dựa theo hình ảnh "Chiến binh Sói" - theo tựa đề phim ‘Wolf Warrior’ rất ăn khách ở Trung Quốc, với nhân vật chính trong phim là một người hùng Trung Quốc, tay không diệt bạo tàn ở Châu Phi và Đông Nam Á - tương tự như người hùng Rambo của Mỹ, nhưng những kẻ gian trong phim lẽ dĩ nhiên là người Mỹ.

Chính sách ngoại giao hung hăng hơn của Trung Quốc đã được xây dựng trong nhiều năm dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, khi ông Tập gạt sang một bên cách tiếp cận của cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, khuyên Trung Quốc nên giấu tham vọng của mình để chờ thời.

Ngược lại, ông Tập hối thúc thế hệ mới các nhà ngoại giao Trung Quốc nên theo đuổi "nền ngoại giao nước lớn với đặc điểm Trung Hoa".

Qua đó, ông Tập kêu gọi Trung Quốc giành lại "vị trí lịch sử" của minh trong cương vị một cường quốc thế giới.

"Thời kỳ Trung Quốc phải phục tòng các nước khác đã qua từ lâu", tờ Hoàn cầu Thời báo viết, "Nhân dân Trung Quốc không còn hài lòng với giọng điệu ngoại giao yếu đuối nữa". Tại Thụy điển, một nhà báo viết về tác động của hệ thống chính trị độc đảng Trung Quốc với cách nước này đáp ứng trước cuộc khủng hoảng do virus Cúm Vũ Hán gây ra, đã bị chỉ trích trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Gui Congyou tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối với các nhà báo Thụy Điển, so sánh họ như một "võ sĩ hạng nhẹ đang tìm cách gây hấn với võ sĩ hạng nặng Trung Quốc".

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã phát động các nỗ lực có phối hợp để uốn nắn hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài. Bắt chước nước Nga, Bắc Kinh sử dụng hàng ngàn bot để tải thông điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo Twitter. Đồng thời, Trung Quốc bơm tiền vào truyền thông nhà nước với những chương trình phát đi bằng hàng chục ngôn ngữ.

Tại Thái Lan, đại sứ Trung Quốc đã dùng Facebook mô tả những người chỉ trích Trung Quốc là "thiếu tôn trọng trong cuộc tranh cãi về nguồn gốc virus Cúm Vũ Hán, và "phản bội lịch sử" khi nói tới tình trạng ở Hong Kong và Đài Loan.

Ông Xi Minzner, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trường Luật Fordham, New York, nói ông Tập rõ ràng ưu tiên tiến cử các nhà ngoại giao "chiến binh sói".

Những nhà ngoại giao Trung Quốc thế hệ mới này là người không ngần ngại dùng những ngôn ngữ không mấy ngoại giao như một công cụ để thu hút sự chú ý của những người ở trong nước, bất kể tác động đối với hình ảnh của Trung Quốc ở nước sở tại.

Nhưng ở nước ngoài, thái độ nghênh ngang và những phát biểu hung hăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc bị lên án nặng nề.

Ngoại trưởng Pháp triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau khi sứ quán Trung Quốc ra tuyên bố chỉ trích các nhân viên làm việc tại các viện dưởng lão Pháp đã "chạy trốn, để mặc cho những người già chết vì đói và bệnh tật".

Hoa Kỳ phản đối sau khi đại diện Trung Quốc đưa lên Twitter những tố cáo không có cơ sở hay chứng cớ vu vạ cho quân đội Mỹ "có thể đã mang virus tới Vũ Hán".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt nghi vấn về cách đáp ứng của Bắc Kinh, nói rằng "rõ ràng là có những điều xảy ra mà chúng ta không biết tới". Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh thì nói "không có chuyện mọi sự như cũ với Trung Quốc" sau đại dịch.

Các quan chức Trung Quốc giận dữ về điều mà họ cho là tính đạo đức giả của các nước phương Tây. Họ nói Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo tây phương khác đã làm ngơ khi dịch bệnh sắp trở thành đại dịch, để rồi sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc khi virus lan tới nước họ.

Le Point tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề : "Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông".

nuoclon2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/03/2020 lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện Vũ Hán, gần 2 tháng sau khi chính thức công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán.

Bài viết so sánh đại dịch Cúm Vũ Hán, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008. Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu "làn sóng dân túy bùng lên" sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc "có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới". 

Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã "xử lý một cách mẫu mực", cho thấy rõ "bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực". Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng "dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng". Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại : Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Cúm Vũ Hán tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Cúm Vũ Hán, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Cúm Vũ Hán. 

Đại dịch Cúm Vũ Hán cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc.

Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các "hộ chiếu y tế" cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý. Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt). 

Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng "phương Tây hoá", các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bất tính chất tương phản sâu xa, đằng sau "thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc", một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử "rất cổ hủ". Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.

Quan hệ với Trung Quốc xấu đi vì Cúm Vũ Hán, Thụy Điển đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng.

Thụy Điển đã thông báo đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng, trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên đóng cửa tất cả các trung tâm đầy tai tiếng này.

Trang tin Guancha của Trung Quốc ngày 24/4 dẫn tin của báo Anh The Times ngày 21/4, cho biết Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên đóng cửa hoàn toàn mọi Viện Khổng Tử.

Viện Khổng Tử được sáng lập năm 2004 và là một tổ chức được thành lập bởi Văn phòng quốc gia Trung Quốc lãnh đạo quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc trên khắp thế giới (gọi tắt là Hán Biện) để quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc.

Năm 2005, Trung Quốc đã đặt Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển và là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu. Học viện này đã đóng cửa vào năm 2015.

Vào thời điểm đó, trang web của Đại học Stockholm đã giải thích rằng tình hình hiện nay đã khác với 10 năm trước. Vào thời điểm đó, việc nhà trường giao tiếp với Trung Quốc là rất quan trọng. "Bây giờ chúng tôi có các cấp độ trao đổi học thuật hoàn toàn khác với Trung Quốc. Sự hợp tác như vậy là không cần thiết nữa" - Ông Astid Soderbergh Widding, Phó Hiệu trưởng trường, nói với nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter : "Nói chung, việc đặt một học viện được tài trợ bởi một quốc gia khác trong khuôn khổ một trường đại học là một cách làm có vấn đề".

Trong 6 tháng qua, việc đóng cửa Học viện Khổng Tử của Thụy Điển đã được đẩy nhanh. Vào tháng 12 năm ngoái, Thụy Điển đã đóng cửa toàn bộ 4 Viện Khổng Tử ở nước này, chỉ giữ lại lớp học của một Viện Khổng Tử ở thành phố phía nam Falkenberg. Nhưng bắt đầu từ tuần trước, lớp học này cũng đã bị đóng cửa nốt.

Ông Bjorn Jerden, người phụ trách các dự án Châu Á của Swedish Institute of International Affairs (Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thụy Điển), cho biết điều này cho thấy sự thay đổi trong thái độ của Thụy Điển đối với Trung Quốc.

Trang web National Review của Hoa Kỳ ngày 23/4 đã phân tích, sau khi dịch bệnh Cúm Vũ Hánbùng phát, quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Trong hoàn cảnh như vậy, Thụy Điển đã chọn cách đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng.

Hồi tháng 2/2019, Lục Khảng, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói, hoạt động và quản lý hàng ngày của Viện Khổng Tử ở Thụy Điển là "hợp pháp, hợp quy, công khai và minh bạch, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy trao đổi văn hóa". Ông ta chỉ trích : "Việc chính trị hóa chương trình trao đổi giáo dục bình thường này cho thấy tư duy Chiến tranh Lạnh điển hình và cũng phản ánh sự thiếu tự tin của họ ở một mức độ nhất định".

National Review cũng lưu ý rằng mối quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc đã xấu đi từ trước khi xuất hiện dịch bệnh Cúm Vũ Hán. Vào tháng 11/2019, Trung Quốc đã bắt giữ Quế Dân Hải (Gui Minhai), một người kinh doanh sách ở Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển. Hiệp hội PEN (Văn bút quốc tế) Thụy Điển sau đó đã trao cho Quế Dân Hải giải thưởng Tuchollsky Prize 2019. Trung Quốc sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Thụy Điển. Một số chuyên gia nhận xét rằng h

Từ năm 2004, chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều Viện Khổng Tử ở nhiều trường đại học ở nước ngoài. Lý do được họ đưa ra là để thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Nhưng các quan chức chính phủ Mỹ và một số quốc gia đã chỉ ra rằng các Viện Khổng Tử này là công cụ tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.

Giám đốc FBI Christopher Ray nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái rằng Viện Khổng Tử "có một mô thức gián điệp đáng kể" và là một phần của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy quyền lực mềm và mở rộng ảnh hưởng. Ông nói rằng các dự án của Viện Khổng Tử cũng cho phép chính phủ Trung Quốc hạn chế tự do học thuật và tiến hành kiểm duyệt.

Một báo cáo điều tra năm 2019 của Ủy ban Điều tra Thượng viện Hoa Kỳ cho biết, từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2018, tổng cộng 15 trường học của Mỹ đã nhận được 15,47 triệu USD từ Hán Biện, nhưng kết quả rà soát hồ sơ tài chính của ủy ban này đối với 100 trường đại học có Viện Khổng Tử, cho thấy Hán Biện trực tiếp cung cấp cho các trường ở Mỹ hơn 110 triệu USD tiền quỹ, vượt xa báo cáo của trường.

Gần đây, nhiều trường đại học Mỹ đã liên tiếp chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử Trung Quốc, trong đó có Đại học Maryland, nơi mở Viện Khổng Tử đầu tiên ở Bắc Mỹ.

Từ khắp nơi trên thế giới, phong trào xóa bỏ Viện Khổng Tử của Trung Quốc đang diễn ra, qua đây nhà cầm quyền tại Hà Nội sẽ có một bài học sâu sắc, để đối xử thích hợp hơn với cuộc xâm lăng văn hóa từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam.

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 27/04/2020

Published in Diễn đàn

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang phải tập trung đối phó với đại dịch coronavirus bùng phát với hệ quả khó lường, thì Trung Quốc tranh thủ thời cơ mở chiến dịch tuyên truyền với "ngoại giao khẩu trang", và tiếp tục "ngoại giao pháo hạm" tại Biển Đông. Đó là nước cờ mạo hiểm của Trung Quốc nhằm "đục nước béo cò" và "ngư ông đắc lợi".

maohiem1

Tuyên truyền phản tác dụng

Chiến dịch tuyên truyền và "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc nhằm ba mục đích chính. Một là để đánh lạc hướng dư luận về coronavirus xuất xứ từ Vũ Hán mà họ đã phủ nhận. Hai là ca ngợi mô hình chống dịch của họ đã thành công. Ba là tuyên truyền cho "quyền lực mềm" của Trung Quốc đã đối phó thắng lợi với đại dịch, nay đang giúp các nước.

Theo các chuyên gia, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc theo kiểu Liên Xô cũ trong chiến tranh lạnh, tuy "hùng hổ nhưng vụng về" (aggressive but clumsy), nên có thể "phản tác dụng" (backfiring). Bắc Kinh muốn đánh bóng và đánh tráo hình ảnh Trung Quốc (đang xấu đi), để lấy lòng dân trong nước (đang bất bình) và dư luận quốc tế (ngày càng bất lợi).

Có mấy lý do chiến dịch tuyên truyền của họ sẽ phản tác dụng. Một là sau bước đầu chập chững, các nước EU bắt đầu đoàn kết để chống đại dịch. Về lâu dài,Trung Quốc không thể lợi dụng tình trạng mất đoàn kết của Châu Âu để tuyên truyền rằng "chỉ có Trung Quốc giúp". EU vừa tuyên bố là "Pháp và Đức đã giúp Ý số khẩu trang còn nhiều hơn Trung Quốc".

Hai là EU bắt đầu phản công lại chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc. Josep Borrell (phụ trách đối ngoại của EU) đã lên án thông tin thất thiệt của Trung Quốc, làm Hoa Vi cắt giảm chương trình tài trợ khẩu trang cho EU. Ngày 26/3, EC kêu gọi Châu Âu phải tham gia "trận chiến truyền thông" để chống lại tuyên truyền thất thiệt của Trung Quốc.

Ba là các thiết bị y tế chất lượng kém của Trung quốc đã làm dư luận Châu Âu phản ứng mạnh. Một số nước như Tây Ban Nha, Hà Lan, Cộng hòa Czech, đã trả lại các bộ xét nghiệm (test kits) do Trung Quốc sản xuất, trong khi một số nước khác cũng trả lại khẩu trang Trung Quốc. EC vừa đưa ra các chỉ đạo mới để kiểm soát chất lượng hàng hóa y tế thiết yếu.

Bốn là tâm trạng nghi ngờ Trung Quốc của người Châu Âu không giảm vì những lo ngại sâu sắc về ảnh hưởng kinh tế và chính trị do Trung Quốc trỗi dậy. Điều đó phản ánh quan điểm cứng rắn trong các nước EU mà cách đây một năm, tài liệu "Chiến lược của EU đối với Trung Quốc" (EU Strategy paper on China) đã đề cập tới "như là đối thủ" (systemic rival).

Tóm lại, trước mắt Trung Quốc có thể ghi điểm với một số chính phủ dân túy, nhưng về lâu dài, chiến dịch tuyên truyền của họ không thay đổi được hình ảnh. Nếu Bắc Kinh muốn cải thiện quan hệ với Châu Âu, họ phải minh bạch về cách đối phó với coronavirus, không tuyên truyền thất thiệt và chính trị hóa tài trợ y tế (1).

Biển Đông lại nổi sóng

Theo Reuters, từ 16/4/2020, tàu khảo sát HD-8 và các tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã bám theo và quấy rối tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia) đang thăm dò dầu khí trên thềm lục địa kéo dài về phía nam quần đảo Trường Sa. Theo MarineTraffic (23/4) tàu HD-8 vẫn đang trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, cách Borneo khoảng 336km.

Trong khi tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan đang bảo trì và cách ly tại cảng (Guam và Nhật) vì nhiều thủy thủy bị lây nhiễm coronavirus, nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đang hoạt động gần bãi cạn Macclesfield. Trung Quốc định bắt nạt Malaysia như họ đã bắt nạt Việt Nam tại bãi Tư Chính (năm 2019).

Theo Greg Poling (AMTI director/CSIS) ngày 20/4, các tàu tuần dương USS Bunker Hill, tàu đổ bộ USS America, tàu khu trục USS Barry (của Mỹ) và tàu khu trục HMAS Parramatta (của Úc) đã tập trận tại vùng biển tranh chấp giữa Malaysia và Trung Quốc, gần nơi tàu khoan West Capella của Petronas (Malaysia) và tàu HD-8 của Trung Quốc đang hoạt động.

Ngày 23/4, Malaysia đã tuyên bố cam kết bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông. Ngoại trưởng Hishammuddin Hussein của Malaysia nói, "Trong khi luật pháp quốc tế đảm bảo quyền tự do hàng hải, sự hiện diện của tàu chiến và tàu cảnh sát biển ở Biển Đông có khả năng làm gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực".

Trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ điều tàu sân bay USS Harry Truman từ Trung Đông sang vùng Indo-Pacific để tăng cường cho hạm đội Thái Bình Dương, thì Không quân Mỹ lại dừng hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược tầm xa tại Guam, vì dịch coronavirus. Các lỗ hổng chiến lược của Mỹ ở khu vực là cơ hội để Trung Quốc bành trướng (2). 

Theo Nicole Schwegman (spokeswoman, US Indo-Pacific Command), với sự có mặt và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, "chúng ta đang phối hợp với các đồng minh và đối tác để đảm bảo tự do hàng hải và hàng không, cũng như các nguyên tắc quốc tế về an ninh và thịnh vượng ở Indo-Pacific… Mỹ ủng hộ đồng minh và đối tác vì lợi ích kinh tế của họ".

Nhưng có một nghịch lý là chính phủ các nước khu vực vẫn lo ngại về "thói quen của Mỹ" là tuy họ xuất hiện tại các điểm nóng nhưng rồi lại rút, để các nước khu vực tự đối phó với Trung Quốc ngày càng mạnh (3). 

Peter Jenning (Director, Australian Strategic Policy Institute) cho rằng trong khi phải đối phó với dịch coronavirus, Trung Quốc vẫn không giảm mà còn tăng cường hoạt động quân sự tại Biển Đông. Theo Jennings, "Ý đồ chiến lược của Trung Quốc là phải tranh thủ tối đa cơ hội khi Mỹ đang bị phân tâm và mất khả năng gây sức ép với các nước khu vực".

Theo Alexander Vuving (APCS, Honolulu), tuy Trung Quốc phải chống dịch bùng phát, nhưng họ vẫn tư duy theo các mục tiêu chiến lược lâu dài của mình. Trung Quốc muốn tạo ra tình huống "bình thường mới" (new normal) ở Biển Đông nơi họ đang làm chủ. Và để làm điều đó, họ trở nên "ngày càng hung hăng hơn" (more and more aggressive). 

Joshua Kurlantzick  (CFR) cho rằng Trung Quốc lợi dụng lúc Mỹ và đồng minh phương Tây đang lo đối phó với đại dịch, để bắt nạt các nước khu vực vì lợi ích trước mắt, sẽ làm phương hại cho mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là phải lấy lòng các nước. Nhưng việc Mỹ bị phân tâm và mất khả năng đối phó là cơ hội quá hấp dẫn với Trung Quốc (4). 

Tam chủng chiến pháp

Chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông là chờ thời cơ, dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa (1974) và một phần Trường Sa (1988). Sau đó, họ "thay đổi thực địa" (changing facts on the ground) bằng cách bồi đắp các đảo nhân tạo vả quân sự hóa thành các "cứ điểm" (outposts). Họ từng bước lấn chiến như "tầm ăn dâu" để thành "chuyện đã rồi" (fait accompli).

Trung Quốc áp dụng "Tam chủng Chiến pháp" (tâm lý, pháp lý, tuyên truyền). Về tâm lý, họ hành xử kiểu "nước lớn" bắt nạt "nước bé", gây tâm lý lo sợ bị trừng phạt. Về pháp lý, họ dựa vào sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế. Về tuyên truyền, họ áp đặt những gì có lợi cho mình, sẵn sàng "đổi trắng thay đen" và "biến không thành có", làm thật giả lẫn lộn.

Để hợp pháp hóa việc chiếm đóng và khẳng định chủ quyền (phi pháp) ở Biển Đông, năm 2012 Trung Quốc lập ra "thành phố Tam Sa" (Sansha), đặt trụ sở tại đảo Phú Lâm (Woody island tại Hoàng Sa). Họ di dân đến đó sinh sống và phát triển du lịch để có bộ mặt "dân sự". Ngày 18/4, họ lập ra quận đảo Nam Sa (Nansha) và Tây Sa (Xinsha). Ngày 19/4, họ đặt tên tiếng Trung cho 25 đảo, bãi đá và 55 thực thể địa lý dưới đáy Biển Đông (một cách phi pháp). 

Năm ngoái (7-10/2019), tàu khảo sát HD-8 và các tàu hải cảnh hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền và quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam gần Bãi Tư Chính và trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Họ đã gây ra "đối đầu" (standoff) và khủng hoảng Biển Đông (lần thứ hai) buộc các tàu cảnh sát biển của Việt Nam phải bám sát để ngăn chặn. 

Ngày 12/12/2019, sau khi Malaysia gửi Liên Hiệp Quốc hồ sơ về thềm lục địa mở rộng, thì cùng ngày 12/12, Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm phản đối Malaysia. Ngày 6/3/2020, sau khi Philippines gửi Liên Hiệp Quốc hai Công hàm trình bày quan điểm và phản đối các yêu sách của Trung Quốc, thì ngày 23/3 Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm đáp lại Philippines. Ngày 14/4/2020, Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc thêm hai Công hàm để đáp lại quan điểm của Malaysia và Philippines.

Ngày 20/03/2020, Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu trên đảo đá Chữ Thập và Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc còn tiến hành tập trận tại Biển Đông (tháng 3/2020). Ngày 02/04/2020, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu đánh cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa, và vu cáo tàu đánh cá Việt Nam đâm vào tàu hải cảnh của họ.

Ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa, và phản đối các lập luận vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông trong các Công hàm trước đó. Ngày 17/4/2020, Trung Quốc gửi Liên Hiệp Quốc Công hàm đáp trả Công hàm của Việt Nam, trong đó có những lời lẽ hàm ý đe dọa sử dụng vũ lực. Nói cách khác, "cuộc chiến công hàm" này là một phần của "Tam chủng Chiến Pháp" (Three Warfare Doctrine). 

Công hàm của Việt Nam gửi Liên Hiệp Quốc ngày 30/3/2020 nhằm (1) phản biện các yêu sách của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, (2) khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, (3) khẳng định Luật Biển 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất quy định phạm vi vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Theo các chuyên gia về luật biển, Công hàm của Trung Quốc (17/4) có lời lẽ hàm ý đe dọa sử dụng vũ lực. Vì vậy, trong bối cảnh khó lường hiện nay, Việt Nam phải cảnh giác đề phòng Trung Quốc có thể nghi binh để dùng vũ lực (tàu hải cảnh và "dân quân biển") uy hiếp các giàn DK gần Bãi Tư Chính, hoặc hạ đặt một cấu trúc nảo đó để lấn chiếm tại bãi Ba Đầu (thuộc cụm Sinh Tồn) như họ đã làm tại bãi cạn Scarborough của Philippines (2012).

Đồng thuận ASEAN

Trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc sẽ tranh thủ lợi thế so sánh ở Biển Đông để bắt nạt các nước ASEAN. Lực lượng chủ lực của Trung Quốc tại Biển Đông vẫn là tàu hải cảnh và "dân quân biển" để biến vùng không có tranh chấp thành "khu vực tranh chấp cường độ thấp" (low intensity conflict) trong vùng xám (grey area) để tránh xung đột với Mỹ.

Trong khi chính quyền Trump chủ trương "American First", bỏ rơi TPP và giảm cam kết khu vực, thì ASEAN bị phân hóa thành mấy nhóm nước có mức độ độc lập hay lệ thuộc vào Trung Quốc khác nhau. Do đó, đồng thuận ASEAN ngày càng yếu, trong đàm phán về COC cũng như trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động đến quan hệ Mỹ-ASEAN.

Sau khủng hoảng chính trị tại Kuala Lumpur, ông Mahathir Mohamed đã thất bại và ông Muhyiddin Yassin lập chính phủ mới (1/3/2020). Nếu Bắc Kinh định đảo ngược xu thế "thoát Trung" của chính phủ Mahathir, họ sẽ ép Malaysia rút tàu khoan West Capella khỏi lô ND1 như đã ép Việt Nam rút giàn khoan Hakuryu khỏi lô 06-1 gần bãi Tu Chính.

Để bù vào khoảng trống quyền lực của Mỹ ở khu vực, cần tăng cường vai trò an ninh tập thể của "Tứ cường" Mỹ, Nhật, Ấn, Úc (Quad), liên kết với các nước ASEAN có tranh chấp tại Biển Đông (như Việt Nam, Indonexia, Malaysia, Philippines). Cấu trúc an ninh này là cơ sở giúp Nhật có chính danh để tăng cường vai trò hợp tác an ninh tại Biển Đông.

Cho đến nay, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam đã bị đình trệ, nguồn thu từ dầu khí bị giảm sút nghiêm trọng do không có dự án mới. Chỉ còn vài dự án cũ của Vietsovpetro tại Nam Côn Sơn là vẫn hoạt động. Trong khi đó, ExxonMobil (Mỹ) vẫn chưa triển khai dự án khí Cá Voi Xanh (lô 118). Năm ngoái, có tin đồn ExxonMobil định rút khỏi Việt Nam do sức ép ngầm của Trung Quốc hoặc do trục trặc về thủ tục dự án và giá bán khí.

Nếu Trung Quốc phân hóa được ASEAN như tách bó đũa để bẻ từng chiếc (chỉ đàm phán song phương chứ không đa phương) và gạt được Mỹ và đồng minh ra khỏi khu vực, để họ độc chiếm Biển Đông, thì tương lai ASEAN dễ bị "Ban Căng hóa" (Balkanization). Nói cách khác, Việt Nam và các nước ASEAN dễ trở thành chư hầu lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc càng gây sức ép với Việt Nam thì họ càng xô đẩy Việt Nam gần Mỹ.

Theo Michael Green (CSIS) chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tuy hùng hổ nhưng tỏ ra vụng về, chắc sẽ không hiệu quả. Cách đề cập của Bắc Ki”nh có vẻ bất lực, chứng tỏ sự bất an, không đối phó được với sự bùng phát" (5).

Theo Minxin Pei (Claremont McKenna College), Trung Quốc bị vây hãm bởi kinh tế đình đốn và xã hội ngày càng bất an từ bên trong và cạnh tranh nước lớn với bên ngoài, nên dễ bị đổ vỡ. Trung Quốc chắc phải tìm cách tháo gỡ, nhưng đang suy thoái dần, và sẽ lan rộng nhanh chóng. (China’s Coming Upheaval, Minxin Pei , Foreign Affairs, May/June 2020 ).

***

Trung Quốc vừa chống dịch coronavirus, vừa tiếp tục bắt nạt các nước ASEAN để độc chiếm Biển Đông như cái ao của họ. Việt Nam và ASEAN cũng phải vừa chống đại dịch, vừa đối phó với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình tại Biển Đông. Nói cách khác, các nước ASEAN phải đoàn kết vì "đồng thuận ASEAN" để chống cả hai, trong khi Việt Nam phát huy vai trò tích cực của mình là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và 2021.

Nguyễn Quang Dy

Nguồn : Viet-studies, 24/04/2020

Ghi chú :

(1) No, Covid-19 Isn’t Turning Europe "Pro China", Erik Brattberg and Philippe Le Corre, Belfer Center, Harvard, April 15, 2020

(2) China lays ever larger claim to South China Sea, Richard Heydarian, Asia Times, April 21, 2020

(3) US Warships Enter Disputed Waters of South China Sea as Tensions With China Escalate, Hannah Beech, New York Times, April 21, 2020

(4) Covid-19 and the South China Sea, Joshua Kurlantzick, Council on Foreign Relations, April 22, 2020

(5) The Pandemic Won’t Make China the World’s Leader, Michael Green and Evan Medeiros, Foreign Affairs, April 15, 2020

Tham khảo :

- China’s Coming Upheaval, Minxin Pei, Foreign AffairsMay/June 2020).

- How China Sees the World, H.R. McMasters, Atlantic, May 2020

- The New Normal : Thoughts about the Shape of Things to Come in the Post-Pandemic World, Nicholas Eberstadt, NBR, April 18, 2020

- Thế giới hậu Covid-19, Hoàng Anh Tuấn, Tuần Việt Nam, 20/04/2020

- China could soon sink US in South China Sea, Grant Newsham, Asia Times, April 23, 2020

Published in Diễn đàn

Covid-19 : Trung Quốc cần trả giá vì để dịch bệnh lan ra toàn cầu

Theo cây bút thời luận Edouard Tétreau của báo kinh tế Les Echos, Trung Quốc cần phải trả giá vì làm lây lan dịch bệnh Covid-19 ra toàn thế giới. Cũng giống như thảm họa Chernobyl hồi năm 1986, cuối cùng đã khiến chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, việc để virus corona lây lan nghiêm trọng là do sự im lặng, dối trá và hoạt động tuyên truyền của chế độ Trung Quốc toàn trị.

tragia1

ình ảnh đồ họa virus corona được Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 27/02/2020. Centers for Disease Control and Prevention/AFP/Archivos

Đối với nhà báo Tétreau, chỉ có một cuộc điều tra quốc tế trên thực địa, từ Vũ Hán đến Bắc Kinh, với sự bảo trợ của một tổ chức quốc tế không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, mới cho phép tìm ra đáp án và đánh giá trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để đại dịch lan truyền. Nhưng trong khi chờ có kết luận điều tra, trách nhiệm của chính quyền các nước lớn trên thế giới trước hết là tự bảo vệ đất nước khỏi mối nguy hiểm từ chế độ Trung Quốc ; sau đó là bắt Bắc Kinh trả giá cho đại dịch mà họ đã để lây lan, thậm chí là đã gây ra.

Trước hết, cần vô hiệu hóa vai trò quá lớn của Trung Quốc trong ban lãnh đạo của một số tổ chức chiến lược toàn cầu, và trong khi chờ kết luận điều tra quốc tế thì việc đầu tiên là tạm đình chỉ công tác của các nhà lãnh đạo người Trung Quốc đứng đầu các tổ chức quốc tế này. Về kinh tế, mặc dù không thể cấm Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp nước ngoài và quyền nhận cổ tức, nhưng đã đến lúc phải xem xét lại quyền biểu quyết của họ, do "tính nguy hiểm" của chế độ Bắc Kinh, hiện đang kiểm soát mọi hoạt động đầu tư, dù là nhỏ nhất, bên ngoài Trung Quốc.

Cũng trên tinh thần bảo vệ lợi ích sống còn và chủ quyền của Châu Âu, việc để các cá nhân và doanh nghiệp sử dụng các công nghệ quan trọng của Trung Quốc không còn phù hợp. Cuộc khủng hoảng này buộc Châu Âu tái đầu tư ồ ạt vào các ngành và lĩnh vực quan trọng, di dời sản xuất về gần Châu Âu, xa Trung Quốc nhất có thể, việc này cũng là cần thiết, nhìn từ góc độ sinh thái.

Chi phí thế giới bỏ ra để đối phó với virus corona là vô cùng lớn, nên cần có sự đóng góp tài chính quan trọng và dài hạn. Vì thế, nhà báo Tétreau đề xuất nhóm G20 (trừ Trung Quốc) áp thuế 20% hàng năm và trong vòng 5 năm đối với tất cả hàng xuất khẩu từ Trung Quốc (2.500 tỷ đô la/năm). Số tiền này sẽ dành cho nỗ lực phục hồi và tái thiết của các nước, là nạn nhân "bất đắc dĩ" của virus corona. Việc tăng thuế 20% như trên cũng sẽ khuyến khích các nước "hồi hương" các ngành sản xuất chiến lược, mà họ đã từng tin tưởng giao phó cho Trung Quốc. Không muốn "nhiễm virus kép" (virus corona và "virus của chế độ độc tài Bắc Kinh"), các quốc gia trên thế giới phải tạo cán cân quyền lực mới với Trung Quốc và các chế độ chư hầu của Bắc Kinh.

Cũng liên quan đến dịch virus corona, báo Le Monde có bài "Cuộc tổng tiến công mùa xuân thành công của Việt Nam chống lại Covid-19", coi đây là trường hợp "ngoại lệ". Mặc dù ở sát Trung Quốc, nhưng Việt Nam có số người nhiễm virus rất thấp và cho tới nay, (20/04) không có ca tử vong nào. RFI dịch và đăng bài viết này với tiêu đề "Cuộc tiến công mùa xuân của Việt Nam trước virus corona".

Covid-19 : Giới trẻ là nạn nhân đầu tiên của suy thoái kinh tế

Cũng liên quan đến Covid-19, trong lĩnh vực xã hội, Le Monde quan tâm đến giới trẻ 18-25 tuổi mà họ gọi là "những nạn nhân đầu tiên của nạn suy thoái kinh tế" do biện pháp phong tỏa chống Covid-19, mặc dù thanh niên là nhóm đối tượng ít bị tác hại nhất về sức khỏe.

Giới trẻ là nhóm lao động đông đảo trong các lĩnh vực bị đóng cửa nhiều nhất trong đợt phong tỏa : nhà hàng, khu thương mại, trung tâm vui chơi giải trí… Chẳng hạn, tại Anh Quốc, theo khảo sát của Viện Nghiên Cứu Về Thuế (IFS), 30% lực lượng người làm công ăn lương trong các lĩnh vực nói trên là thanh niên dưới 25 tuổi. Tỉ lệ này là 13% đối với nhóm lao động trên 25 tuổi. Theo tác giả công trình nghiên cứu của IFS, nếu cuộc khủng hoảng 2008 tác động chủ yếu đến giới tài chính, thì lần này tác động của lệnh phong tỏa chủ yếu nhắm đến nhóm người có trình độ học vấn thấp nhất, lương thấp nhất và trẻ tuổi nhất.

Tác động tiêu cực thứ hai đối với những sinh viên sắp hoặc mới ra trường và đang trong giai đoạn tìm việc làm là họ tham gia vào thị trường lao động vào đúng thời điểm tồi tệ nhất. Theo bà Camille Landais, trường Kinh Tế Luân Đôn, khi các doanh nghiệp gặp cú sốc, họ sẽ giữ lại các nhân viên có trình độ cao, hạn chế tuyển dụng nhân lực mới. Các công ty cũng có xu hướng không gia hạn hợp đồng ngắn hạn, trong khi các loại hợp đồng ngắn hạn liên quan nhiều nhất đến giới trẻ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 18-25 đã tăng gấp đôi, đạt mức kỷ lục 26,2%.

Nhiều nghiên cứu dài hạn cũng chỉ ra rằng trong thời khủng hoảng, thời gian thất nghiệp của thanh niên sẽ kéo dài hơn và họ cũng mất nhiều thời gian hơn để tìm được việc làm có hợp đồng dài hạn, nhất là những người có bằng cấp thấp.

Cuộc khủng hoảng dầu lửa đáng kinh ngạc

Một đề tài được báo chí đặc biệt quan tâm là "Thị trường dầu lửa đang trải qua một cuộc khủng hoảng đáng kinh ngạc". Theo La Croix, đối với người bình thường, điều này không mấy dễ hiểu. Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đều nghe nói dầu hỏa là một nguồn tài nguyên đang cạn kiệt. Thế mà giờ đây dầu lửa dồi dào đến mức một số người sẵn sàng trả tiền để thoát khỏi nó. Hôm qua ở New York, giá niêm yết một thùng dầu chất lượng WTI là -37,63 đô la so với mức giá 18,27 đô la vào thứ Sáu tuần trước. Điều này tất nhiên có thể được giải thích qua nhiều yếu tố. Trước tiên là vào tháng 3, Nga và Saudi Arabia đã tăng sản lượng dầu để giảm giá, giành thị phần. Sau đó, lệnh phong tỏa quy mô lớn chống dịch Covid-19 khiến nhu cầu thế giới sụt giảm mạnh.

Cuộc khủng hoảng lần này làm nổi bật sự mong manh của thế giới đương đại, cả về địa chính trị và kinh tế. Khi có một yếu tố không lường trước như đại dịch Covid-19 xảy ra, sẽ có một cái kết bất ngờ. Hậu quả tiềm tàng sẽ rất thảm khốc cho các nước sản xuất dầu lửa dễ bị tổn thương xã hội nhất, chẳng như Algeria. Bài xã luận của La Croix kết luận : Hành tinh chúng ta đã có nhiều thập kỷ để mặc cho cạnh tranh kinh tế thoát khỏi mọi điều tiết, vốn được cho là động lực tạo ra sự giàu có, và giờ đây chúng ta đang phải trả giá !

Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa

Libération cũng dành nhiều bài viết phân tích cuộc khủng hoảng dầu lửa, nhất là về tác hại đối với các nước khai thác và xuất khẩu dầu. Trong bài "Thời kỳ đen tối của các nước sản xuất dầu lửa", Libération lo ngại là nếu "các nền quân chủ dầu lửa" ở Trung Đông phải xem xét lại các mục tiêu kinh tế thì nhiều nước khác như Algeria, Nigeria có nguy cơ "bùng nổ xã hội".

Quả thực, từ các nước quân chủ sản xuất dầu lửa giàu có nhất vùng Vịnh cho đến các nước Châu Phi, Ả Rập hay Nam Mỹ vốn ít giàu có và đông dân hơn, tất cả đều dựa chủ yếu vào thu nhập từ nguồn dầu lửa và giờ đang bị dồn vào chân tường. Trang tin Algérie-Eco ngay từ hôm Chủ Nhật đã lo ngại về "Một thời kỳ phá sản đang mở ra cho ngành công nghiệp dầu lửa thế giới".

Libération đặc biệt lo ngại cho các nước Algeria, Iraq, nơi khủng hoảng xã hội sẽ còn lan rộng hơn nữa nếu thu nhập giảm sút. Các mối đe dọa cũng đè nặng lên Venezuela và Iran, những nước đang chịu lệnh trừng phạt của quốc tế. Còn đối với các nước giàu có vùng Vịnh, cho dù có tránh được tình trạng bất ổn xã hội nhờ có dự trữ tài chính đáng kể, thì các chế độ quân chủ sẽ khó lòng thực hiện các tham vọng kinh tế và chính trị, đặc biệt là các chiến lược đa dạng hóa để chuẩn bị cho thời kỳ hậu dầu lửa. Cuối cùng, sự sụt giảm doanh thu của các quốc gia dầu lửa giàu có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế thế giới.

Hồng Kông : Áp lực của Bắc Kinh

Nhìn sang Châu Á, Le Monde hướng về Hồng Kông qua bài xã luận mang tựa đề "Hồng Kông : Những áp lực của Bắc Kinh". Bắt giữ 15 nhân vật nổi bật của phong trào đấu tranh dân chủ hôm 18/04 và tuyên bố các đặc quyền mới trong việc can thiệp vào các vấn đề của khu tự trị, Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng.

Le Monde nhận định trong khi áp lực y tế về dịch bệnh Covid-19 giảm bớt ở Hồng Kông, thì đặc khu hành chính lại đối mặt với sự gia tăng căng thẳng về chính trị. Cảnh sát Hồng Kông đã thực hiện các vụ bắt giữ theo lệnh của các công tố viên, nhưng rõ ràng là phải có sự khích lệ từ chính quyền Bắc Kinh, cho dù Hồng Kông được hưởng quy chế "một quốc gia, hai chế độ", vốn đảm bảo cho đặc khu có quyền tự chủ lớn, nhất là về tư pháp. Hiến pháp Hồng Kông còn ghi rõ "không có cơ quan nào của chính quyền trung ương, không một tỉnh, khu tự trị, đô thị nào dưới quyền trực tiếp của chính quyền trung ương (có thể) can thiệp vào các vấn đề của đặc khu hành chính Hồng Kông, vốn chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề theo luật lệ riêng".

Trong số những người Hồng Kông bị bắt, có hai cựu dân biểu Martin Lee và Albert Ho. Họ bị tố cáo đã tham gia các cuộc biểu tình trái phép làm rung chuyển lãnh thổ giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11/2019. Vào ngày 19/05/2020, họ sẽ biết hình phạt dành cho họ là gì. Các thủ tục pháp lý này sẽ hạn chế sự tham gia của hai cựu dân biểu vào đời sống chính trị, trong bối cảnh cuộc bầu cử lập pháp sẽ được tổ chức vào tháng Chín.

Tuy nhiên, Le Monde không loại trừ khả năng phe đối lập sẽ chiếm đa số trong Nghị Viện, nhờ chiến thắng vang dội trong kỳ bầu cử địa phương hồi tháng 11/2019 và do người dân Hồng Kông ngày càng mất lòng tin vào Bắc Kinh.

Trang nhất các báo Pháp

Trên trang nhất, Le Monde lo ngại về tình trạng "Hành tinh chao đảo, mất thăng bằng trong cơn khủng hoảng xã hội". Hồ sơ 2 trang bài của Le Monde được tóm lược trên trang nhất qua 5 điểm quan trọng :

1. Việc phong tỏa vài tỉ người đã gây ra cú sốc xã hội vô cùng lớn cho những người không có nguồn tài chính dự phòng ;

2. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ước tính GDP thế giới sẽ giảm 3% trong năm 2020, mức giảm cao gấp đôi so với trong cuộc khủng hoảng 2009 ;

3. Các kế hoạch hỗ trợ ồ ạt giới doanh nghiệp mà Liên Hiệp Châu Âu tung ra sẽ không giúp tránh khỏi tình trạng nhiều triệu người mất việc làm ;

4. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Anh Quốc, cứ 1% số công ăn việc làm mất đi thì kéo theo nguy cơ các bệnh kinh niên tăng 2% ;

5. Đại dịch có thể đẩy gần 500 triệu người ở những nước có thu nhập thấp nhất vào cảnh đói nghèo.

Le Figaro lại chú ý đến các em học sinh qua hàng tựa trang nhất : "Trường tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông : Các thách thức sau ngày 11/05". Hôm qua, bộ trưởng Giáo dục Pháp dự kiến trường học các cấp sẽ mở cửa trở lại dần dần theo 3 giai đoạn trong vòng 3 tuần. Tuy nhiên, thông báo của bộ trưởng Blanquer ngay lập tức đã gây nhiều thắc mắc và chia rẽ, nhất là đối với các giáo viên và phụ huynh học sinh. Giáo viên rất muốn các em trở lại trường nhưng cũng cần có sự đảm bảo về an toàn vệ sinh. Các bậc phụ huynh thì vừa thở phào nhẹ nhõm thấy con em được đi học lại, nhưng đồng thời rất lo ngại cho sự an toàn sức khỏe của các em. Còn báo công giáo La Croix đưa độc giả đến với "Wihr-au-Val, ngôi làng bị tổn thương đau đớn" do dịch Covid-19 tàn phá nặng nề.

Về kinh tế, trong khi Libération dự báo : "Sự sụt giảm giá dầu lửa sẽ còn mạnh hơn nữa", thì báo kinh tế Les Echos tìm hiểu "Những lý do khiến ngành dầu lửa rơi vào hỗn loạn chưa từng có".

Thùy Dương

Published in Châu Á