Hong Kong và bảy điều về chế độ cộng sản
Nguyễn Hùng, VOA, 22/08/2019
Mười tuần biểu tình ở Hong Kong đã cho thấy người dân ở đây đã chán ngấy với kiểu treo đầu dê ‘một nước hai chế độ’ nhưng bán món thịt chó độc tài toàn trị của Bắc Kinh.
Một sinh viên giương tấm bảng vinh danh thiếu nữ bị bắn vào mắt trong một cuộc biểu tình ở Hong Kong.
Để hiểu được mức độ phẫn nộ của người dân Hong Kong, hãy thử tưởng tượng gần một phần tư dân Việt Nam xuống đường như người Hong Kong đã làm khi có lúc 1,7 triệu người tham gia biểu tình. Con số tương tự với phần trăm dân số ở Việt Nam sẽ tương đương với gần 25 triệu người.
Các cuộc biểu tình kéo dài suốt từ ngày 9/6 tới nay để phản đối dự luật dẫn độ người Hong Kong về Trung Quốc được đưa ra hồi đầu tháng Tư đã cho thấy nhiều điều về chế độ toàn trị cộng sản mà người Hong Kong, nhất là giới trẻ, ngày càng tỏ thái độ không thể chấp nhận.
1. Người Hong Kong muốn tự do bằng cái mâm nhưng Trung Quốc chỉ cho họ cái chén.
Câu này tôi mượn ý của một linh mục mô tả tình trạng ở Việt Nam nhưng nó cũng hoàn toàn hợp với hoàn cảnh hiện nay của người Hong Kong. Khi nhận lại Hong Kong từ Anh hồi năm 1997, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hứa sẽ giữ nguyên cách vận hành ở Hong Kong trong vòng 50 năm nhưng họ luôn tìm cách tước đi quyền tự do của người dân nơi đây. Từ chiếm quyền sở hữu báo chí tới bắt cóc những người xuất bản sách, tự do ngôn luận ở Hong Kong bị đe doạ nghiêm trọng. Về tư pháp, Bắc Kinh đã nêu cao tiêu chí các quan tòa phải yêu nước thay vì đảm bảo việc thực thi công lý. Về cách quản trị, Trung Quốc từ chối cho người dân được bầu trực tiếp người lãnh đạo Hong Kong, điều đã dẫn tớicuộc biểu tình kéo dài 79 ngày hồi năm 2014.
2. Lãnh đạo Trung Quốc luôn muốn hoạn bằng được các quyền tự do của người dân, nhất là các quyền chính trị.
Thoả thuận ngầm giữa chính quyền Trung Quốc và người dân là dân có thể làm kinh tế nhưng không bao giờ được làm chính trị, dù đó là lập hội, biểu tình hay xuất bản. Trước các triều đình Trung Quốc có hoạn quan, giờ cả tỷ người Trung Quốc thành hoạn dân và người Hong Kong cũng đang trong tầm ngắm.
3. Tự do ở Trung Quốc chỉ là sự đánh tráo khái niệm.
Những cuộc xuống đường ở Hong Kong cho thấy điều mà vài triệu người dân ở đây vẫn có mà hơn một tỷ người ở đại lục lại không. Người Hong Kong có thể yêu cầu chính quyền cho họ biểu tình và nhiều người giờ cũng chẳng còn cần sự cho phép của cảnh sát nữa. Hong Kong cũng là nơi mà người ta có thể thoải mái lướt Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác thay vì phải trèo tường mới vào được như ở Trung Quốc. Ngay trước khi diễn ra cuộc biểu tình đầu tiên hôm 9/6, đông đảo người Hong Kong cũng tụ họp để ghi nhớ 30 năm biến cố Thiên An Môn,điều không thể xảy ra ở bất cứ đâu khác tại Trung Quốc.
4. Các quan chức cộng sản Trung Quốc luôn có cách hành xử nước đôi.
Trong khi họ không cho người dân trong nước biểu tình nhưng lại sẵn sàng xúi những người Trung Quốc ở nước ngoài như ở Anh, Australia hay Hoa Kỳ xuống đường để chạm trán với những người biểu tình ủng hộ Hong Kong ở các nơi này. Và một mặt họ cấm Facebook và Twitter ở Trung Quốc nhưng mặt khác lại tích cực dùng các mạng xã hội này để bôi xấu người biểu tình khiếnhai mạng xã hội phải ra tay.
5. Lãnh đạo Bắc Kinh chuyên nghề đổ lỗi.
Cái gốc của những cuộc biểu tình trong mười tuần qua là chuyện Trung Quốc muốn dẫn độ người Hong Kong về đại lục để xét xử. Có lẽ bắt cóc mãi thấy cũng phiền nên giới lãnh đạo Trung Quốc muốn chính thức hóa việc này. Đây là nguồn cơn của sự phẫn nộ được thể hiện trên đường phố Hong Kong từ đầu tháng Sáu. Chẳng ai muốn bị biệt giam và bị tra tấn về tinh thần và thể xác khi mà người ta mới chỉ là đối tượng bị điều tra chứ chưa hề bị kết án. Và cũng không ai muốn bị một bản án theo chỉ thị miệng từ các quan chức cộng sản ngay cả khi họ có tội.
6. Người thiểu số ở Trung Quốc chẳng có nghĩa lý gì.
Dân số ở Hong Kong chưa tới tám triệu so với con số hơn 1,4 tỷ dân trên toàn Trung Quốc. Người thiểu số ở Tây Tạng, Tân Cương và cả Hong Kong đều không được làm người nếu họ dám thách thức sự cai trị của đa số người Hán ở Bắc Kinh.
7. Lãnh đạo Trung Quốc cai trị bằng cách reo rắc nỗi sợ.
Trong những ngày diễn ra biểu tình tại Hong Kong, Trung Quốc hết tập trận gần biên giới với Hong Kong lại đe doạ họ sẽ "không ngồi yên" nhìn những bất ổn ở Hong Kong. Dù lên án bạo lực từ phía người biểu tình nhưng họ im lặng trước bạo lực của cảnh sát Hong Kong, những người đã dùng hơi cay và đạn cao su ngay từ những ngày đầu của các cuộc biểu tình. Khi những người thân chính quyền đánh đập người biểu tình, Bắc Kinh cũng nhắm mắt làm ngơ. Nhưng người Hong Kong đã cho Bắc Kinh thấy họ muốn làm người chứ không muốn làm những con cừu đầy sợ hãi. Nhiều người trong số họ thậm chí cũng không coi mình là người Trung Quốc mà chỉ đơn giản là người Hong Kong. Họ thật dũng cảm và thức thời khi không đổi cái mâm tự do mà họ đòi lấy những chén cơm hẩm của Bắc Kinh.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VOA, 22/08/2019
*******************
‘Hong Kong is not China’
Mặc Lâm, VOA, 22/08/2019
Đó là câu khẳng định của người Hong Kong mà cả thế giới thấy xuất hiện trong những cuộc biểu tình hiện nay. Nó nằm trên những tấm biểu ngữ, trên những tờ giấy cầm tay, trên hàng vạn tiếng hô đồng thanh, trên những bức tường, những phát biểu của người trẻ tuổi : "Hong Kong is not China".
"Hong Kong is not China" là sự khẳng định của người Hong Kong mà cả thế giới thấy xuất hiện trong những cuộc biểu tình hiện nay.
Thế giới giật mình nhận ra một thực tế mà từ rất lâu họ không để ý tới. Với đại đa số người nước ngoài khi tiếp cận với một người hay một nhóm nói tiếng Trung, có lẽ ngay lập tức họ nghĩ rằng những người này đến từ đại lục, từ một quốc gia rộng lớn cộng sản, quốc gia mà không ít thì nhiều họ từng nghe qua. Không ít thì nhiều họ cũng từng có thành kiến với cách ứng xử thiếu văn hóa đang tràn lan trên mọi ngõ ngách của các thành phố khắp thế giới khi họ du lịch hay học tập, công tác. Thành kiến ấy bồi đắp thêm câu chuyện "Người Trung Hoa xấu xí" của Bá Dương từng gây chấn động thế giới người Hoa kể cả tại đại lục. Thành kiến ấy cộng với chính sách bá đạo của nhà nước Trung Quốc góp phần giúp thế giới thấy rõ hơn một Trung Quốc vừa giàu có lại vừa thiếu văn hóa, vừa mạnh mẽ lại vừa tham vọng, và quan trọng nhất là sự tàn nhẫn của chính quyền không giới hạn.
Người dân Đài Loan và Hong Kong rất giống nhau ở điểm cùng sống trong môi trường dân chủ, cùng bị đe dọa bởi bóng ma đại lục nhưng cái khác nhau lớn nhất là chính phủ Đài Loan không phụ thuộc vào Bắc Kinh như Hong Kong. Đây là lý cớ để xảy ra những cuộc biểu tình tập trung hàng triệu người, một hình ảnh làm chấn động thế giới trong vài tháng nay. Hong Kong lo sợ sẽ bị Bắc Kinh trói tay qua Luật Dẫn độ và từ đó cơn hồng thủy tràn xuống đường kéo theo các yêu sách khác.
"Hong Kong is not China" có lẽ là câu slogan khiến Bắc Kinh lo ngại nhất. Nó dẫn dắt Hong Kong tránh xa đại lục và vì vậy không thể là "Một quốc gia hai chế độ" được nữa. Thật ra câu nói này không phải chỉ mới xuất hiện khi các cuộc biểu tình hiện tại xảy ra mà nó đã có từ năm 2015 sau khi phong trào dù vàng nổ ra tại Hong Kong. Trên websiteQuazt đăng một bộ sưu tập mang tên "Hong Kong is not China" gồm 24 hình minh họa mô tả sự khác biệt giữa Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, bao gồm các chủ đề : thói quen văn hóa, kỷ luật, ngôn ngữ và các vấn đề chính trị - xã hội như cấu trúc tư pháp, an toàn thực phẩm kể cả sự kiểm duyệt.
Những khác biệt về chính thể, tự do thông tin và truyền thông có lẽ mọi người đều biết nhưng yếu tố văn hóa khác biệt đã làm cho người Hong Kong khác rất xa người Trung Quốc đại lục. Trong bảng minh họa tác giả đã vẽ một cặp hình ảnh đối chọi nhau về cách ứng xử nơi công cộng của hai cộng đồng. Hình ảnh thứ nhất mô tả một chiếc ghế dài dành riêng cho người tàn tật và người già, trong khi bức ảnh thứ nhất một người Trung Quốc tháo giày nằm ngủ trên đó thì bức ảnh thứ hai một người Hong Kong đứng cạnh chiếc ghế mặc dù không có ai ngồi. Bức ảnh kế là một một bồn cầu công cộng, cái có ghi chữ Trung Quốc thì có dấu chân đạp trên miệng bồn cầu còn cái ghi của Hong Kong thì sạch trơn.
Một điều thú vị nữa mà họa sĩ nhấn mạnh, trong tất cả các yếu tố giữa Trung Quốc và Hong Kong chỉ duy nhất một thứ giống nhau đó là công an Trung Quốc và cảnh sát Hong Kong. Mặc dù công an thì được minh họa rất "phản cảm" đứng nghiêm theo hình chữ "S" trong khi cảnh sát Hong Kong rất thẳng thớm trong tư thế chào kính. Hai chữ "giống nhau" miêu tả cả hai được chỉ huy từ đại lục và vì vậy anh cảnh sát Hong Kong có nghiêm chỉnh thế nào thì cũng là tay chân của Bắc Kinh mà thôi.
Người Hong Kong không những tuyên bố ý nguyện của mình bằng lời nói mà họ còn hành động. Những cuộc biểu tình từ năm 2014 của phong trào dù vàng được báo chí cả thế giới nể phục vì sự nghiêm túc của người dân trước tài sản chung của Hong Kong. Ý thức giữ vệ sinh chung và trật tự khi xuống đường đã khiến họ khác hẳn với hình ảnh xô bồ, chụp giật của du khách Trung Quốc khi ra nước ngoài trong tư thế du lịch.
Hình ảnh gần đây nhất của hàng trăm ngàn người tự động giãn ra khi một chiếc xe cứu thương cần mở đường khiến cả thế giới Tây phương sững sờ. Những cái cúi đầu của người biểu tình trước hành khách trong phi trường quốc tế Hong Kong xin lỗi vì đã gây ra phiền toái cho hành khách, những toán sinh viên thức suốt đêm dọn rác sau khi đoàn người biểu tình về nhà đã làm thành kiến của thế giới về "Người Trung Hoa xấu xí" tan biến.
Trong khi đó cùng một hành động biểu tình để chống lại người dân Hong Kong thì Trung Quốc lại tỏ ra vẫn tiếp tục xấu xí như hàng chục năm qua. Những du học sinh Trung Quốc tại Úc tràn xuống đường biểu tình với hành vi thô lỗ khiến cư dân của Úc lắc đầu chán nản. Hai tập thể cùng nói tiếng Hoa nhưng khác nhau một trời một vực, nhưng cũng nhờ vậy thế giới biết thêm về người Hong Kong, một cộng đồng bé nhỏ nhưng có quá nhiều con người tài năng lẫn phẩm hạnh đã đứng lên đòi lại căn cước của mình đã bị chính quyền Trung Quốc làm cho ô uế.
Dĩ nhiên Hong Kong cũng có những người than phiền nồi cơm của mình bị người biểu tình phá vỡ như "thầy giáo" Vũ Khắc Ngọc tại Việt Nam, nhưng xem ra những than vãn ấy nhanh chóng được người Hong Kong vỗ về và an ủi bằng những hành động thuyết phục qua sự hy sinh dấn thân của những người trẻ và các thầy cô giáo của họ.
Người Hong Kong thật sự vĩ đại nói theo cách mà người Cộng sản thường dùng. Cái vĩ đại ấy phát sinh không phải vì một chủ thuyết hay một vĩ nhân nào mà nó vĩ đại bởi sự sợ hãi chế độ cộng sản đã trở thành ám ảnh.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 22/08/2018
*******************
Hong Kong : Tại sao họ không sợ hãi ?
Mặc Lâm, VOA, 21/08/2019
Gần ba tháng trôi qua trên vùng đất đang thấm đẫm không ngừng những câu chuyện vừa đáng ngạc nhiên lẫn thán phục về sự minh mẫn, sáng tạo lẫn kiên trì và không hề sợ hãi của người Hong Kong đang làm cho cả thế giới tròn mắt thán phục. Hong Kong đang trực diện với sức mạnh lớn gấp ngàn lần từ đại lục, nơi hoàng đế cộng sản Tập Cận Bình đang trị vì với chủ trương không bao giờ nhượng bộ trước bất cứ thử thách nào xâm hại quyền lợi của chế độ.
Người Hong Kong đang làm cho cả thế giới tròn mắt thán phục.
Hong Kong bé nhỏ nhưng không tầm thường, bởi mỗi lần xuống đường nó tập trung được hầu như toàn thể người dân trên phần đất nhỏ bé này. Họ lần lượt thay nhau lên tiếng cho mơ ước chung : thoát ra khỏi quy chế một quốc gia hai chế độ, thứ lý thuyết chỉ có trên giấy tờ và thực tế tuy chưa tới 50 năm nhưng đại lục đã thọc bàn tay thô bạo vào vùng đất này, vốn thừa hưởng thứ tự do thật sự chứ không phải từ bùa chú mà Đảng Cộng sản Trung Quốc ban phát cho nhân dân trong nhiều chục năm qua.
Xuống đường biểu tình là sinh hoạt chỉ xảy ra trong các nước có một nền dân chủ thực sự. Hong Kong tuy bị trả lại cho Trung Quốc nhưng vẫn được sinh hoạt dân chủ như khi chưa trao trả. Nó được quyền duy trì hệ thống kinh tế - chính trị của chủ nghĩa tư bản trong khi phần còn lại là Trung Quốc đại lục nằm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Theo đề nghị này của Đặng Tiểu Bình, Hong Kong có thể tiếp tục hệ thống chính trị riêng, các vấn đề pháp lý, kinh tế và tài chính, bao gồm cả các hiệp định thương mại và văn hóa với nước ngoài.
Cuộc xuống đường chống lại Luật Dẫn độ là mồi lửa châm vào sự sợ hãi sẽ bị đối xử như con dân của một nước cộng sản khiến người Hong Kong quên hết những nỗi sợ khác nằm ngay trong thực tại. Họ có thể bị đàn áp khốc liệt, bị đánh đập, giam cầm thậm chí mất mạng trong đám đông mà họ là một thành viên… tuy nhiên tất cả những nỗi sợ ấy nếu so với phải bị sống dưới chế độ cộng sản thì cái sợ thứ hai đáng suy nghĩ hơn. Hong Kong thừa hưởng văn minh, tiện nghi và tư duy của thế giới dân chủ. Người dân được mở mắt hàng ngày và sự so sánh giữa hai chế độ cộng sản và dân chủ không còn gì nghi ngờ đối với họ nữa.
Những chàng trai, cô gái vừa bước vào đại học được những người rất trẻ đi trước dẫn dắt vào cuộc chiến trường kỳ này với niềm tin sắt đá vào kết quả cuối cùng. Có xem những video clip từ các cuộc họp báo của sinh viên Hong Kong mới thấy hết tầm cỡ thật sự của họ. Vững vàng, hiểu biết rộng rãi về quyền hạn của người dân, không khoan nhượng trước những áp lực từ phía chính quyền đặc khu hay từ đại lục. Họ không có cử chỉ, lời nói đao to búa lớn không hề lên giọng chỉ có ta là chân lý nhưng qua biện giải của họ người ta thấy toát lên hửng hực lòng tin vào sức mạnh của nhân dân, thứ duy nhất có thề chống lại cường quyền dù đó là cường quyền cộng sản.
Nhưng nếu chỉ một mình họ thì câu chuyện sẽ không thể tiếp diễn như ngày đầu tiên, khi ít nhất 1 triệu người cùng nhau kề vai hô vang một tiếng nói chung. Bên cạnh họ là cả xã hội Hong Kong, ngoại trừ cảnh sát và chính quyền đang nhận chỉ thị từ đại lục.
Ngày 14 tháng 6 khoảng 6.000 bà mẹ đã tham gia cuộc biểu tình ngồi trong ba giờ tại Vườn Chater ở Trung tâm. Các bà mẹ kêu gọi Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức và chính phủ phải rút lại dự luật Dẫn độ. Họ giương cao những tấm bảng lên án sự tàn bạo của cảnh sát, như "đừng bắn những đứa trẻ của chúng tôi".
Ba tuần sau ngày 15 tháng 7 hơn 8.000 người cao tuổi lại tập trung tại chỗ cũ làm cuộc tuần hành lần thứ hai nhằm ủng hộ con cháu của họ tiếp tục xuống đường chống lại dự luật Dẫn độ với những biểu ngữ có nội dung "Hãy ủng hộ những người trẻ tuổi. Hãy bảo vệ Hồng Kong".
Ngày 26 tháng 7 hàng trăm người tổ chức biểu tình ngồi tại phi trường quốc tế Hong Kong trong đó đa số là nhân viên của các hãng hàng không và Hiệp hội tiếp viên hàng không Cathay Pacific. Cảng vụ hàng không đã loại bỏ một số ghế để cung cấp thêm không gian cho người biểu tình.
Vào đêm 1 tháng 8, hàng trăm nhân viên từ 80 tổ chức tài chính khác nhau đã tham gia vào một cuộc biểu tình tại Chater Garden ở Kim Chung về các vụ việc được cho là cảnh sát thông đồng với các băng đảng xã hội đen và yêu cầu tôn trọng luật pháp. Ít nhất 700 công nhân ngành tài chính đã đăng tải hình ảnh thẻ nhân viên để ủng hộ cuộc tổng đình công toàn thành phố.
Ngày 2 tháng 8, khoảng 1.000 chuyên gia y tế đã tổ chức một cuộc mít tinh tại Edinburgh Place, Trung Hoàn. Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Hong Kong chỉ trích các vụ bắt giữ đồng thời lên tiếng về việc cảnh sát sử dụng quá nhiều hơi cay đối với các nhà hoạt động dân chủ. Trong cùng ngày, hàng ngàn công chức Hong Kong tập hợp để ủng hộ những người biểu tình.
Ngày 7 tháng 8, các luật sư Hong Kong tổ chức một cuộc tuần hành trong im lặng để ủng hộ những người biểu tình phản đối chính quyền.
Tối ngày 8 tháng 8, khoảng 1.200 người công giáo đã tổ chức một cuộc diễu hành dưới ánh nến qua Trung Hoàn trước khi kết thúc bên ngoài Tòa án phúc thẩm. Cuộc tuần hành do bốn tổ chức Kitô giáo tổ chức,
Ngày 12 tháng 8, khoảng 100 chuyên gia y tế tại Bệnh viện Đông Pamela Youde Nethersole ở Chai Wan biểu tình chống lại sự lạm quyền của cảnh sát khi một người phụ nữ bị bắn vào mắt và bị thương nặng. Nhân viên y tế giơ biểu ngữ có dòng chữ "Cảnh sát Hong Kong đang cố giết người dân Hong Kong"
Ngày 16 tháng 8, cuộc biểu tình được đặt tên "Ủng hộ Hồng Kông, quyền lực cho nhân dân" do nhóm đại diện sinh viên từ 12 trường đại học tổ chức diễn ra tại công viên Chater Garden ở khu vực trung tâm Hong Kong
Ngày 17 tháng 8, hàng ngàn giáo viên, nhân viên ngành giáo dục xuống đường bày tỏ quan ngại về sự an toàn của học sinh. Theo hãng tin Aljazeera, họ tràn xuống cao tốc, vào trung tâm Hong Kong, vừa đi vừa hô vang : "Hãy bảo vệ thế hệ học sinh tiếp theo của Hong Kong" !
Tất cả những cộng hưởng ấy làm cho Hong Kong sinh động và rực sáng. Thế giới của 7 triệu con người ấy lan tỏa khắp nơi và làm cho người trẻ Hong Kong thêm niềm tin vào sự tranh đấu của họ. Hong Kong là một ngoại lệ hiếm hoi khi biểu tình không phải là những đám đông hỗn loạn và thiếu kiểm soát, mặc dù đại lục cố gắng mang những thành phần bất hảo vào phá rối nhưng tai mắt của người biểu tình đã nhanh chóng phát hiện và cô lập chúng.
Theo South China Morning Post cho biết ngày 18 tháng 8 cuộc tuần hành của 1 triệu 700 ngàn người dưới những chiếc dù đầy mà sắc của người dân Hong Kong đã làm cho thế giới thấy rằng chí có sự kinh hoàng khi nghĩ tới phải sống trong thế giới cộng sản mới đủ khả năng làm cho người dân Hong Kong sợ hãi tới mức phải chấp nhận hy sinh những gì họ hiện có. Dĩ nhiên cái giá phải trả cho một nền tự do dân chủ thật sự không hề nhỏ nhưng hiện tượng Hong Kong không những đánh động người cộng sản phải xem xét lại chính mình mà nó còn là tiếng chuông cảnh tỉnh thế giới Tây phương về sự nguy hiểm vô hình của Cộng sản chỉ phát hiện ra nó khi phải sống cùng chứ không phải nhìn từ xa như các tòa đại sứ từng làm.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 21/08/2019
Hậu quả nghiêm trọng' nếu Trung Quốc nuốt lời hứa bảo vệ các quyền tự do ở Hồng Kông : Anh (VOA, 03/07/2019)
Nước Anh cảnh báo Trung Quốc hôm 2/7 về những hậu quả nghiêm trọng nếu Bắc Kinh nuốt lời hứa sẽ bảo vệ các quyền tự do ở Hồng Kông, sau khi cảnh sát xịt hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình.
Cảnh sát canh gác bên ngoài Hội Đồng Lập pháp Hong Kong ngày 2/7/2019.
Cảnh sát ập tới sau khi đám đông xông vào và phá hoại tòa nhà lập pháp Hong Kong hôm thứ Hai 1/7, kỷ niệm ngày cựu thuộc địa của Anh được trao trả lại cho Trung Quốc cai trị. Trước đó hàng triệu người Hong Kong đã xuống đường để phản đối dự luật dẫn độ, cho phép dẫn độ một số nghi phạm sang Trung Quốc để bị xét xử.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt lên án bạo lực từ cả hai phía, nhưng ông cho rằng Trung Quốc phải tuân thủ các cam kết mà họ đã đưa ra khi lấy lại quyền kiểm soát Hồng Kông, và cho phép cư dân đặc khu này được hưởng các quyền tự do, kể cả quyền tự do biểu tình, không hề có tại Hoa lục.
Ông Jeremy Hunt, một trong những ứng viên có thể thay thế bà Theresa May trong chức vụ Thủ tướng Anh, cảnh báo : "Sẽ có những hậu quả nghiêm trọng nếu Trung Quốc không tôn trọng thỏa thuận có tính cách ràng buộc pháp lý trước quốc tế".
Ông Hunt nói với với đài BBC : "Vương quốc Anh đã ký một thỏa thuận pháp lý có tính cách ràng buộc quốc tế ..., cam kết bảo vệ nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", bao gồm các quyền tự do cơ bản của dân Hồng Kông. Chúng tôi triệt để hậu thuẫn thỏa thuận đó, và sát cánh với người dân Hồng Kong".
Hôm thứ Hai 1/7, Trung Quốc nhắc nhở rằng vương quốc Anh không còn bất cứ trách nhiệm nào đối với Hồng Kông, và hãy ngưng "khoa tay múa mép" về đặc khu này.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc là họ can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, mặc dù những người biểu tình nói dự luật dẫn độ là một bước nữa của Hoa Lục không ngừng tiến tới chỗ nắm trọn quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này.
Ông Jeremy Hunt nói rất nhiều ủng hộ viên của những người biểu tình ở Hồng Kông không khỏi bị chấn động khi chứng kiến những cảnh tượng được thu hình về các cuộc biểu tình hôm thứ Hai.
Ông nói :
"Chúng tôi kêu gọi chính quyền chớ nên lợi dụng những gì đã diễn ra như một cái cớ để đàn áp, mà hãy tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn tới những diễn biến đó, là quan tâm sâu sắc của người dân Hồng Kông rằng các quyền tự do cơ bản của họ đang bị tấn công".
Các cuộc biểu tình đã gây ra một cuộc khủng hoảng mới đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn đang phải đối phó với cuộc xung đột thương mại với Washington, một nền kinh tế đang chững lại, và tình hình căng thẳng ở Biển Đông.
********************
Trung Quốc : Biểu tình ở Hồng Kông là ‘thách thức trắng trợn đối với quyền cai trị’ Trung Quốc (VOA, 02/07/2019)
Trung Quốc hôm thứ Ba 2/7 lên án các cuộc biểu tình bạo lực ở Hồng Kông, nói rằng đây là một sự thách thức trắng trợn đối với nguyên tắc cai trị đặc khu này. Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra vài giờ sau khi cảnh sát bắn đạn hơi cay giải tán hàng trăm người biểu tình đã xông vào đập phá tòa nhà lập pháp.
Cảnh sát Hồng Kông dẹp đường bên ngoài tòa nhà Hội đồng Lập pháp
Một đại diện của văn phòng chuyên trách về Hồng Kông của Trung Quốc lên án những người biểu tình, giận dữ về dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc. Viên chức này nói thêm rằng Bắc Kinh ủng hộ việc buộc những kẻ tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của họ, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết.
Hồng Kông, cựu thuộc địa của Anh, đã được trao trả cho Trung Quốc vào ngày 1/7/1997 theo công thức "một quốc gia hai chế độ", cho phép cư dân thành phố Hồng Kông được hưởng các quyền tự do, bao gồm cả tự do biểu tình và tư pháp độc lập, điều mà ở Trung Quốc đại lục không được hưởng..
Thứ Hai 1/7 là kỷ niệm 22 năm Hông Kông được trao lại cho Trung Quốc cai trị.
Bắc Kinh phủ nhận họ có ý đồ can thiệp, nhưng đối với nhiều người dân Hồng Kông, dự luật dẫn độ là bước đi mới nhất của Trung Quốc trên con đường hướng tới việc nắm trọn quyền kiểm soát Hồng Kông.
"Vi phạm luật pháp nghiêm trọng, hành động này chà đạp lên luật pháp ở Hồng Kông, phá hoại trật tự xã hội và lợi ích cơ bản của Hồng Kông, và là một thách thức thẳng thừng đối với nguyên tắc mấu chốt ‘một quốc gia, hai chế độ’. Chúng tôi mạnh mẽ lên án hành động này", Tân Hoa Xã dẫn lời một phát ngôn viên của văn phòng Hồng Kông cho biết.
Cảnh sát đã thông đường gần trung tâm tài chính, giúp cho hoạt động kinh doanh trở lại bình thường.
Tuy nhiên, các văn phòng chính quyền đều bị đóng cửa. Đó là nơi mà những người biểu tình đã đập phá máy tính và phun sơn lên tường dòng chữ "chống dẫn độ" và các khẩu hiệu khác để phản đối cảnh sát và chính quyền.
Cuộc họp của hội đồng hành pháp Hong Kong dự kiến sẽ được tổ chức tại Tòa nhà Chính phủ, các quan chức cho biết ; trong khi đó, cơ quan lập pháp sẽ đóng cửa trong hai tuần tới.
Hàng triệu người đã xuống đường trong vài tuần qua để phản đối dự luật dẫn độ hiện đang bị đình chỉ có nội dung cho phép người dân bị giao cho Trung Quốc đại lục để bị xét xử trước tòa án do Đảng Cộng sản kiểm soát.
Theo Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý tăng cường đối thoại với người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Osaka, Nhật Bản, hãng tin Interfax dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 30/6.
Theo Reuters, ông Trump và ông Putin gặp nhau một tiếng rưỡi hôm 28/6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên hai ông gặp lại nhau kể từ cuộc gặp chính thức đầu tiên ở Helsinki một năm trước.
Hãng tin Anh nói rằng có ít thông tin về cuôc thảo luận ở Osaka được công bố. Ông Peskov nói hôm 28/6 rằng ông Trump tỏ ra sẵn sàng bắt đầu đối thoại với Nga về vấn đề ổn định chiến lược và giải trừ vũ khí. Ngoài ra, hai ông cũng thảo luận về việc các thủy thủ Ukraine bị Nga bắt vào cuối năm 2018.
"Tổng thống Mỹ rõ ràng cho thấy ý định tăng cường đối thoại. Còn về phía ông Putin, lâu nay ông đã nói về mong muốn theo đuổi việc bình thường hóa quan hệ [với Mỹ]", ông Peskov nói, theo Interfax.
Ông Peskov cũng nói rằng ông Trump dường như không vui về quy mô kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Nga, đồng thời tại cuộc gặp, chỉ đạo trực tiếp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin làm việc với người đồng nhiệm Nga Anton Siluanov nhằm vượt qua các rào cản thương mại.
****************
Putin nói Nga sẽ làm mọi điều có thể để cải thiện quan hệ với Mỹ (VOA, 30/06/2019)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Bảy nói rằng Moscow sẽ làm mọi điều có thể để cải thiện quan hệ với Mỹ hiện đang bị căng thẳng vì nhiều năm xung đột ngoại giao liên quan tới Ukraine và cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc hội đàm song phương bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28/09/2019.
Ông Putin phát biểu như vậy tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, nơi ông hội kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận các vấn đề từ thương mại đến giải trừ vũ khí. Ông cũng mời ông Trump đến thăm Moscow vào tháng 5 năm sau.
Ông Trump xác nhận ông Putin mời ông đến dự buổi lễ kỉ niệm 75 năm Nga đánh bại Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai.
"Ông ấy mời tôi và tôi nói tôi sẽ cân nhắc rất nghiêm túc", ông Trump nói trong một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh.
Ông Putin mô tả các cuộc hội đàm ở Osaka là một "cuộc gặp tốt đẹp, đâu ra đấy, thực dụng" và nói rằng hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng quan hệ kinh tế hai chiều cần phải cải thiện.
"Tôi nghĩ cả hai chúng tôi đều hiểu rằng bằng cách nào đó chúng tôi cần phải giải quyết tình hình hiện tại", ông Putin nói, và nói thêm rằng hai nước "bằng cách nào đó cần dốc sức để sang trang mới và tiến về phía trước".
Khi được hỏi trong một cuộc họp báo tại hội nghị thượng đỉnh về khả năng có thêm chế tài của Mỹ nhắm vào Nga hay không, ông Putin nói rằng tùy thuộc vào Washington quyết định cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ với Moscow.
Ông Putin nói ông và ông Trump đã thảo luận về các cáo buộc can thiệp bầu cử và tình hình ở Venezuela. Nhưng ông không đưa ra chi tiết.
Phát ngôn mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh Việt Nam đang gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng cựu quân nhân và công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hiện đang sống ở Mỹ : có người thông cảm, nhưng cũng có người phản đối.
Ông Trump và người đồng nhiệm Pháp Macron tham gia lễ tưởng niệm 75 năm ngày đổ bộ của quân đồng minh lên bờ biển Normandy
Xuất hiện trong chương trình truyền hình ‘Chào nước Anh’ hôm 5/6 khi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này, người đứng đầu nước Mỹ đã nói về chiến tranh Việt Nam như sau : "Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại".
Thế hệ của ông Trump là thế hệ đối mặt với cuộc chiến Việt Nam mà khi đó những người đồng trang lứa với ông đã tòng quân để lên đường đi chiến đấu ở quốc gia cách nước Mỹ hơn nửa vòng Trái đất.
"Tôi đã cho rằng đó là một đất nước rất xa xôi và vào lúc đó không có ai từng nghe đến đất nước đó cả", ông giải thích. "Bởi vậy nhiều người đã chết, điều gì đang xảy ra ở đó vậy ?"
"Do đó tôi chẳng bao giờ hâm mộ (cuộc chiến Việt Nam) cả - kiểu như (tôi sẽ hâm mộ) chúng ta chiến đấu chống lại Đức Quốc xã, chúng ta chiến đấu chống lại Hitler".
"Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia", ông nói và cho biết mặc dù lúc đó ông không xuống đường phản chiến như nhiều người, nhưng ông không hề ủng hộ cuộc chiến Việt Nam.
Đoạn trao đổi này xảy ra khi ông Trump được người dẫn chương trình Piers Morgan hỏi rằng liệu ông có ‘ước muốn’ phục vụ trong quân đội, nhất là ở chiến trường Việt Nam hay không. Ông Trump không phải đi chiến đấu ở Việt Nam vì được miễn quân dịch bốn lần do đang học đại học và một lần vì được cấp giấy chứng nhận ‘bị gai xương gót chân’. Các đối thủ của ông đã chỉ trích việc ông trốn lính là ‘gian trá’ và giấy tờ ông đưa ra là ‘giả tạo’. Hồi tháng Hai năm nay, ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, đã khai trước Quốc hội rằng ông Trump ‘đã dựng lên chuyện thương tật đó’ để trốn quân dịch.
‘Cuộc chiến chính nghĩa’
Trao đổi với VOA, ông Lê Văn Quan, người từng là phó Quận trưởng Quận Gò Công dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và hiện đang sống ở tiểu bang Virginia, nói rằng ông không đồng ý việc cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là điều tồi tệ.
"Cuộc chiến của Việt Nam Cộng Hòa là để bảo vệ sự sinh tồn của miền Nam Việt Nam. Tôi không đồng ý với bất kỳ lập luận nào cho đó là cuộc chiến tồi tệ", ông nói khi được hỏi về phản ứng với phát biểu của ông Trump và cho rằng ‘binh sỹ miền Nam đã chiến đấu hết mình để bảo vệ miền Nam’.
"Khi quân Mỹ rút quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn chiến đấu hết mình. Miền Nam mất không phải vì sự hèn yếu của Việt Nam Cộng Hòa mà là do sự bức tử của Chính phủ Hoa Kỳ cắt hết mọi viện trợ", ông nói.
Ông Quan nói phong trào phản chiến ở Mỹ thời bấy giờ ‘là chuyện không tốt’.
"Đám phản chiến ở Mỹ làm cho người dân Mỹ hiểu lầm về cuộc chiến ở Việt Nam dẫn tới việc rút quân", ông nói. "Tôi vẫn coi những kẻ phản chiến đó là tiếp tay với cộng sản là tội đồ của dân tộc (Việt Nam)".
Tuy nhiên, ông Quan nói rằng về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam thì ‘nhìn về khía cạnh chính nghĩa là điều không nên’ vì sự tham chiến của người Mỹ ‘làm mất chính nghĩa cuộc chiến của chúng tôi’. Cho nên, ông đồng ý với ông Trump rằng ‘lẽ ra Mỹ không nên tham chiến’.
"Mỹ tham gia là cần thiết, nhưng không nên bằng hình thức đổ quân mà bằng viện trợ thật dồi dào cho Việt Nam Cộng Hòa", ông giải thích.
‘Biện minh cho việc không đi lính’
Một vị cựu quan chức khác và cũng là cựu chiến binh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Đinh Hùng Cường, cựu Quận trưởng Thủ Thừa, nói phát ngôn của ông Trump ‘chỉ là lời chạy tội của ông Trump cho việc ông không tham gia cuộc chiến mà thôi’.
"Không ai khen một cuộc chiến đó là chính nghĩa mà tôi lại đứng ở ngoài", ông Cường giải thích. "Ông ấy nói vậy để biện minh rằng việc ông không tham gia cuộc chiến đó là có lý".
Ông Cường cho rằng phát ngôn của ông Trump ‘không đúng sự thật’ nên ông ‘không có gì bị tổn thương’ và nói Mỹ phải tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam ‘để giữ lại miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng sản’.
"Nếu là chuyện tồi tệ thì nước Mỹ đâu có bỏ ra 58.000 sinh mạng con người và mấy trăm ngàn người bị thương và tốn bao nhiêu tỷ đô la như vậy ?" ông Cường lập luận.
Về việc ông Trump ‘trốn quân dịch’, ông Cường cũng có cái nhìn thông cảm. Ông cho rằng người Mỹ ‘có cái nhìn không quá khắt khe như người Việt về vấn đề này’ và đưa ra ví dụ cựu Thượng nghị sỹ John Kerry có lập trường chống chiến tranh Việt Nam (mà ông gọi là ‘chống nước Mỹ’) nhưng vẫn được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống.
Cũng giống như ông Quan, ông Cường lên án mạnh mẽ lực lượng phản chiến của nước Mỹ mà ông Trump nói mình cũng là một phần mặc dù ông không xuống đường phản đối.
"Tôi ở bên Mỹ thời điểm đó. Tôi thấy có những tin tức thì đúng nhưng cách bình luận lại sai lạc khiến cuộc chiến Việt Nam mất đi chính nghĩa đối với người Mỹ", ông cho biết.
"Tôi đã nhìn thấy người Mỹ bị đầu độc bởi thông tin. Họ chỉ được thông báo một chiều những gì Việt Nam Cộng Hòa làm (chỉ toàn cái xấu). Cộng sản có nhiều cái xấu hơn mà người Mỹ (lúc đó) không biết".
Ông giải thích tâm lý phản chiến của người Mỹ là do ‘tổn thất xương máu nhiều quá nên họ không muốn cuộc chiến kéo dài’ và cũng một phần vì ‘người Mỹ muốn giải quyết vấn đề một cách mau lẹ’ trong khi phía Bắc Việt tiến hành cuộc chiến du kích kéo dài và ‘nước Mỹ tự do dân chủ quá’ nên các chính quyền không thể theo đuổi mục tiêu quá mức chịu đựng của người dân.
‘Nên đàm phán, đừng chiến tranh’
Khác với hai ông Quan và ông Cường vốn là cựu sỹ quan từng đi chiến đấu, ông Tommy Lưu, 46 tuổi, hiện đang sống ở bang Virginia, là một người trẻ không có bất cứ trải nghiệm trực tiếp gì về cuộc chiến ở Việt Nam. Ông Lưu nói với VOA ông ‘đồng ý với phát biểu của ông Trump’.
Ông Lưu thông cảm với việc ông Trump ‘trốn lính’ và cho rằng những vị Tổng thống khác trong thế hệ của ông Trump như ông George W. Bush và ông Bill Clinton ‘đều tìm cách trốn lính’ ở Việt Nam bằng cách này hay cách khác.
Theo ông Lưu, những người Mỹ bước vào chiến trường Việt Nam khi đó là ‘không có đường lựa chọn nên buộc phải gia nhập quân ngũ’.
"Nếu gia đình nào có thể rẽ được cho con cái họ qua hướng khác để không phải nhập ngũ ở Việt Nam, những gia đình giàu có, quyền thế (như gia tộc Bush hay Trump) thì họ sẽ làm", ông Lưu chia sẻ quan điểm.
"Cuộc chiến nào cũng tồi tệ, cũng có sự hy sinh xương máu của hai bên", ông Lưu cho biết lý do tại sao ông đồng ý với phát biểu của ông Trump. "Cho nên nếu chính quyền Mỹ thời đó biết đàm phán ngay từ đầu và rút ra từ đầu, không tham gia vào cuộc chiến đó thì sẽ dễ dàng hơn".
"Đó là ý của ông Trump vì ông ấy là người rất giỏi về đàm phán", ông nói thêm và cho biết nếu cuộc chiến thuế quan của Mỹ hiện nay nếu đàm phán được để tránh ngay từ đầu thì ‘rất hay’.
Khi được hỏi với suy nghĩ như vậy thì có phải cuộc chiến của miền Nam Việt Nam là không cần thiết, ông Lưu nói : "Do sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản nên người Mỹ phải kéo quân qua. Nhưng nếu như giải quyết được trên bàn hội nghị thì đỡ hơn nhiều, chẳng hạn như nhờ Liên Hiệp Quốc đứng ra giám sát hai miền bên nào ở yên bên đó không xâm phạm nhau".
Trả lời câu hỏi nếu như cuộc chiến là không cần thiết thì liệu xương máu của rất nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa và cả của Mỹ liệu có vô nghĩa, ông Lưu nói : "Cha mẹ có con cái nuôi lớn lên bây giờ tham gia vào quân đội và bỏ xương máu thì cha mẹ cũng rất là buồn, rất là tiếc".
"Phải hiểu là họ phải đi quân dịch – họ không còn con đường lựa chọn", ông Lưu nói thêm.
Trước câu hỏi những người đi lính ở Việt Nam vì tự nguyện và vì tin rằng họ chiến đấu vì chính nghĩa chứ không phải là ‘không còn lựa chọn’ thì sự mất mát của họ có là vô nghĩa ? Ông Lưu cho rằng : "Có những người thanh niên bị cuốn hút bởi phong trào. Họ đi lính và bị chết. Điều đó là oan nghiệt cho họ. Nhưng nên quy tội cho chính quyền (vì đã chọn con đường chiến tranh) là đúng hơn".
"Lúc tôi ra trường thì có cuộc chiến của (cựu tổng thống George W.) Bush ở Afghanistan, tôi không tham gia nhưng bạn bè tôi tham gia vì tôi nghĩ là không đáng (it’s not worth it)".
"Nếu thanh niên Mỹ có lý tưởng thì sau khi họ chiến đấu ở Việt Nam về, họ sẽ nói tốt về cuộc chiến ở Việt Nam vì đã hy sinh một phần thân thể, máu xương", ông Lưu nói.
"Tôi hiểu được cái ý của ông Trump. Nếu hiểu sâu sắc lời phát biểu của ông Trump thì sẽ thông cảm với ông ấy", ông giải thích. "Nếu có thể thoát khỏi chiến tranh thì đừng dùng đến chiến tranh vì chiến tranh không bao giờ đem lại lợi ích gì cả".
Nguồn : VOA, 12/06/2019
Trung Quốc triệu tập các hãng công nghệ nước ngoài sau lệnh cấm Huawei (VOA, 09/06/2019)
Trung Quốc tuần trước đã triệu tập các công ty công nghệ tới để trao đổi sau quyết định cấm của Mỹ về việc bán công nghệ cho tập đoàn Huawei của Trung Quốc, hai nguồn thạo tin nói với Reuters hôm 9/6.
Nhân viên tại một gian hàng triển lãm của Huawei ở Thái Lan tháng trước.
Việc đưa Huawei vào danh sách đen đồng nghĩa với chuyện cấm các công ty của Mỹ cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cho tập đoàn sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới, vì mối quan ngại về an ninh quốc gia của Washington.
Huawei đã bác bỏ cáo buộc nói rằng thiết bị của hãng gây ra mối đe dọa về an ninh.
Ngay sau đó, theo Reuters, Bắc Kinh thông báo rằng Trung Quốc sẽ công bố danh sách của nước này về các công ty nước ngoài "thiếu tin cậy". Trung Quốc cũng ám chỉ sẽ giới hạn việc cung cấp đất hiếm cho Mỹ.
Một nguồn tin tại tập đoàn phần mềm Microsoft của Mỹ nói rằng việc trao đổi với quan chức Trung Quốc không phải là một cảnh báo trực tiếp, nhưng họ đã được nói rõ rằng việc tuân thủ với lệnh cấm của Mỹ nhiều khả năng sẽ dẫn tới sự phức tạp thêm nữa đối với tất cả mọi bên.
Theo Reuters, Microsoft cũng được yêu cầu không có các bước đi vội vàng và thiếu cân nhắc trước khi hiểu rõ tình hình. Nguồn tin cũng nói rằng giọng điệu của phía Trung Quốc mang tính hòa giải.
Tờ New York Times đưa tin đầu tiên về cuộc gặp mà các công ty công nghệ lớn của nước ngoài bị cảnh báo về việc tuân thủ lệnh cấm của Mỹ về việc bán công nghệ của Hoa Kỳ cho các công ty Trung Quốc hoặc phải đối mặt với điều tờ báo này nói là các hệ quả thảm khốc.
*******************
Người Hong Kong tuần hành phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc (VOA, 09/06/2019)
Hàng trăm nghìn người hôm 9/6 đã đổ ra các đường phố ở Hong Kong trong nỗ lực cuối cùng nhằm phản đối một dự luật dẫn độ các nghi can sang Trung Quốc để đối mặt với việc bị xét xử.
Người biểu tình cầm dù vàng, biểu tượng của phong trào Chiếm Trung, hôm 9/6
Reuters đưa tin rằng đây là cuộc tuần hành lớn nhất ở Hong Kong trong vòng 15 năm qua và cảnh sát đã phải huy động hơn 2 nghìn nhân viên để xử lý cuộc phản đối dự kiến thu hút hơn nửa triệu người.
Hội đồng Lập pháp Hong Kong tuần trước đã bắt đầu các cuộc thảo luận về việc sửa đổi về dự luật. Theo Reuters, nó có thể được thông qua vào cuối tháng này.
Người biểu tình hô vang "không dẫn độ sang Trung Quốc, không có luật lệ xấu xa".
Trong khi đó, nhiều người cũng kêu gọi Trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức.
Theo Reuters, những người phản đối dự luật lo ngại việc xói mòn thêm nữa các quyền của người dân và sự bảo vệ luật pháp tại trung tâm tài chính, vốn được bảo đảm theo thỏa thuận trao trả đặc khu từ Anh cho Trung Quốc năm 1997.
Một nhà hoạt động kỳ cựu và là cựu dân biểu Leung Kwok-hung nói rằng động thái của chính quyền sẽ khiến "người dân Hong Kong và các du khách tới Hong Kong sẽ bị mất đi quyền không bị trục xuất sang Trung Quốc đại lục".
"Họ sẽ phải đối mặt với một hệ thống pháp luật không công bằng ở đại lục", ông Leung nói.
****************
Hong Kong : Hàng vạn người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ (BBC, 09/06/2019)
Hàng chục ngàn người xuống đường ở Hong Kong hôm 9/6 để tạo áp lực buộc chính quyền hủy bỏ đạo luật dẫn độ cho phép nghi phạm được dẫn giải đến đại lục để đối mặt với phiên tòa.
Cuộc tuần hành hôm 9/6.
Hơn 2.000 cảnh sát được huy động để giữ trật tự cho sự kiện quy tụ hơn 500.000 người.
Theo Reuters, một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ ước tính đây có thể là cuộc biểu tình một ngày lớn nhất kể từ năm 2003, khi đông đảo người biểu tình buộc chính quyền phải từ bỏ luật siết chặt an ninh quốc gia.
Các sinh viên tự xích họ lại với nhau khi yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ tại Hong Kong ngày 8/6
Cuộc biểu tình sẽ kết thúc tại Hội đồng Lập pháp, nơi các cuộc tranh luận bắt đầu vào hôm 12/6 để tiến hành sửa đổi các sắc lệnh về nghi phạm bỏ trốn. Dự luật dẫn độ dự kiến được thông qua vào cuối tháng này.
Sau nhiều tuần gia tăng sức ép của địa phương và quốc tế, cuộc biểu tình dự kiến sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng rãi đối với dự luật. Nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản là không thể tin tưởng vào hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của đại lục.
Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong được bảo đảm theo luật quản trị việc trung tâm tài chính này được Anh trao trả cho Trung Quốc 22 năm trước, và được các cộng đồng ngoại giao và kinh doanh xem là tài sản còn sót lại và chưa bị Bắc Kinh xâm phạm.
Mối lo ngại đã lan rộng từ các nhóm dân chủ và nhân quyền đến các học sinh trung học, các nhóm nhà thờ và các tổ chức truyền thông cũng như các luật sư của công ty và các doanh nhân vốn thường không muốn có mâu thuẫn với chính phủ.
Nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Dân chủ James To nói với Reuters rằng ông tin rằng lượng người biểu tình đông đảo hôm 9/6 "có thể buộc chính quyền phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về đạo luật và người dân cảm thấy đây là bước ngoặt đối với Hong Kong".
*****************
Dự kiến biểu tình lớn ở Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ với Trung Quốc (VOA, 09/06/2019)
Ít nhất nửa triệu người ở Hong Kong dự kiến sẽ đổ ra đường vào Chủ nhật để biểu tình đòi chính phủ hủy bỏ một đạo luật dẫn độ được đề xuất cho phép nghi phạm được gửi tới Trung Quốc để đưa ra xét xử, những người tổ chức cuộc tuần hành nói.
Học sinh xiềng tay nhau biểu tình đòi nhà chức trách bãi bỏ luật dẫn độ được đề xuất với Trung Quốc, ở Hong Kong, ngày 8 tháng 6, 2019.
Một ủy ban của các nhóm ủng hộ dân chủ nâng ước tính số người tham gia và hiện đang dự kiến một cuộc tập hợp lớn nhất trong một ngày kể từ năm 2003, khi một số lượng người biểu tình tương tự buộc chính phủ phải từ bỏ luật an ninh quốc gia nghiêm ngặt hơn, Reuters đưa tin.
Cuộc tuần hành sẽ dừng lại tại Hội đồng Lập pháp của thành phố, nơi các cuộc tranh luận sẽ bắt đầu vào thứ Tư về những sửa đổi lớn đối với Sắc lệnh Đào phạm. Dự luật dẫn độ theo lịch trình sẽ được thông qua vào cuối tháng.
Sau nhiều tuần với sức ép địa phương và quốc tế gia tăng, cuộc biểu tình dự kiến sẽ phản ánh phạm vi phản đối rộng lớn đối với dự luật, với nhiều người nói rằng họ chỉ đơn giản không tin tưởng hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của Trung Quốc.
Hệ thống pháp lí độc lập của thành phố được bảo đảm theo các luật quản trị việc Hong Kong được Anh trao lại cho Trung Quốc cai trị 22 năm trước, và được các cộng đồng kinh doanh và ngoại giao của trung tâm tài chính này xem là tài sản vững mạnh còn lại của nó chưa bị Bắc Kinh xâm phạm, theo Reuters.
Mối lo ngại đã lan ra từ các nhóm dân chủ và nhân quyền của thành phố đến các học sinh cấp hai, các nhóm tôn giáo và các tổ chức vận động truyền thông cũng như các luật sư công ty và các nhân vật kinh doanh ủng hộ giới chính thống đương quyền, một số thường không thích mâu thuẫn với chính phủ.
Cuộc tuần hành sẽ khép lại một tuần lễ đậm màu sắc chính trị cho thành phố, với ước tính 180.000 người thắp nến vào ngày thứ Ba đánh dấu 30 năm kể từ vụ đàn áp Quảng trường Thiên An Môn và một cuộc biểu tình hiếm hoi của các luật sư của thành phố hôm thứ Năm.
Nó theo sau một cuộc biểu tình trước đó của hơn 100.000 người vào cuối tháng Năm.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các ngoại trưởng Anh và Đức đã lên tiếng phản đối dự luật, trong khi 11 đặc sứ của Liên minh Châu Âu đã gặp Trưởng quan Hành chính Hong Kong Carrie Lam để chính thức phản đối.
Ngày thứ bảy, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nhắc lại lo ngại của Mỹ.
"Hoa Kỳ đang theo dõi sát và lo ngại về những sửa đổi được đề xuất của chính phủ Hong Kong đối với luật này", bà nói. "Sự xói mòn liên tục khuôn khổ ‘Một quốc gia, Hai chế độ’ đề ra nguy cơ cho tư cách đặc biệt lâu nay của Hong Kong trong các sự vụ quốc tế".
Facebook đã gỡ bỏ những nội dung liên quan tới hoạt động buôn bán động vật gặp nguy cấp và quảng cáo cờ bạc trái với những điều lệ của họ trong khi hạn chế một số nội dung "vi phạm luật" của Việt Nam, một phát ngôn viên của đại công ty công nghệ này nói với VOA.
Việt Nam xem nhiều nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội là "xấu độc" vì chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ cũng như cá nhân các nhà lãnh đạo.
Bước đi này được thực hiện giữa lúc Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch gây áp lực với các nền tảng mạng xã hội nhằm loại bỏ những nội dung bị cho là gây tổn hại đến an ninh quốc gia kể từ khi Luật An ninh mạng gây nhiều tranh cãi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm nay.
Việt Nam trước đó đã cáo buộc Facebook - một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất Việt Nam - vi phạm luật này vì nhiều lần không hồi đáp những yêu cầu gỡ bỏ những fanpage bị cáo buộc kích động hoạt động ‘chống phá nhà nước’.
Truyền thông Việt Nam tuần trước cho hay Facebook đã gỡ bỏ "208/211 tài khoản giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc".
Trong khi đó Google được nói là đã ngăn chặn "hơn 7.000 video clip, gỡ nguyên 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội YouTube, đã gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play," và Apple gỡ bỏ "9/15 trò chơi điện tử vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên AppStore" theo yêu cầu của Việt Nam.
Đây là kết quả của điều được mô tả là "các biện pháp đấu tranh an ninh chính trị, kinh tế, kĩ thuật" nhằm buộc các công ty công nghệ tuân thủ luật pháp Việt Nam, theo một bản tin của VietNamNet.
Google và Apple không hồi đáp yêu cầu bình luận của VOA nhưng Facebook xác nhận những nội dung bị gỡ bỏ là "tài khoản giả mạo, việc buôn bán động vật gặp nguy cấp, hoặc việc quảng cáo cờ bạc không được cho phép," vốn là những nội dung mà Facebook nói trái với Tiêu chuẩn Cộng đồng và Chính sách Quảng cáo của mình.
"Và chúng tôi sẽ loại bỏ những nội dung này ngay khi chúng tôi biết về chúng, bất kể là ai báo cáo với chúng tôi," một phát ngôn viên của Facebook hồi đáp qua email khi VOA hỏi yêu cầu gỡ bỏ nội dung được Việt Nam đưa ra khi nào.
"Cũng có những lần chúng tôi có thể phải hạn chế tiếp cận nội dung bởi vì nó vi phạm luật ở một nước cụ thể, mặc dù nó không vi phạm Tiêu chuẩn Cộng đồng của chúng tôi".
Với những nội dung rơi vào trường hợp này, Facebook giải thích rằng các đội ngũ pháp lí của họ sẽ "điều tra thấu đáo" để xác định tính chất thỏa đáng về mặt pháp lí của yêu cầu gỡ bỏ. Nếu nội dung được xét thấy có vi phạm luật địa phương, Facebook "có thể" hạn chế tiếp cận nội dung ở nước mà nội dung đó là bất hợp pháp. Điều này có nghĩa là nội dung đó vẫn có thể được tiếp cận ở những nơi khác trên thế giới.
"Chúng tôi kháng cự và chúng tôi thách thức những yêu cầu dường như vô lí hoặc quá rộng," phát ngôn viên Facebook nói.
Facebook không cho biết cụ thể trong phản hồi cho VOA những nội dung nào bị hạn chế tiếp cận vì vi phạm luật địa phương ngoài những tài khoản giả mạo và quảng cáo trái quy định, mà thay vào đó, chỉ ra Báo cáo Minh Bạch của họ thống kê số lượng những trường hợp hạn chế.
Báo cáo cho thấy trong khoảng thời gian nửa năm từ tháng 1 tới tháng 6 năm 2018, có tổng cộng 265 trường hợp bị hạn chế tiếp cận, tăng mạnh so với khoảng sáu tháng nửa sau của năm 2017 với chỉ 22 trường hợp. Không có số liệu thống kê được báo cáo cho những năm trước đó.
Việt Nam xem nhiều nội dung đăng tải trên các trang mạng xã hội là "xấu độc" vì chỉ trích Đảng Cộng sản cầm quyền và chính phủ cũng như cá nhân các nhà lãnh đạo. Luật An ninh mạng hình sự hóa những nội dung như vậy trong khi cũng yêu cầu các công ty công nghệ mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân người dùng tại Việt Nam.
Việt Nam nói luật này không nhằm mục đích kiểm soát hay làm lộ thông tin của công dân mà chỉ phục vụ điều tra, xử lí hành vi vi phạm về an ninh mạng. Nhưng các tổ chức vận động nhân quyền quốc tế chỉ trích nó là công cụ nhằm hỗ trợ lực lượng an ninh mở rộng do thám để phát hiện những người chỉ trích, nghĩa là xâm hại quyền riêng tư của người dùng internet.
Sự phổ biến của Facebook ở Việt Nam đã khiến nhiều người dùng lo ngại về những dàn xếp khả dĩ giữa nền tảng mạng xã hội này và chính phủ Hà Nội. Lo ngại này càng gia tăng khi Facebook bị săm soi về một loạt những vụbê bối về dữ liệu người dùng trong năm qua khiến công ty này bị điều tra ở Mỹ và một số nước khác trên thế giới.
Facebook hiện vẫn chưa mở văn phòng chính thức tại Việt Nam. Không rõ công ty này có kế hoạch mở văn phòng trong tương lai gần hay không.
Trong một bài viết đăng vào tháng 3, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg, trình bày viễn kiến của ông cho một nền tảng mà ông nói đề cao việc kết nối một cách riêng tư và an toàn. Một trong những nguyên tắc mà ông đúc kết là lưu trữ dữ liệu an ninh.
"Mọi người nên kì vọng rằng chúng tôi sẽ không lưu trữ dữ liệu nhạy cảm ở những nước với thành tích nhân quyền kém như quyền riêng tư và quyền tự do biểu đạt nhằm bảo vệ dữ liệu khỏi bị tiếp cận một cách không thỏa đáng," ông cam kết.
Nguồn : VOA tiếng Việt, 17/05/2019
Nhật Bản đang giúp Việt Nam xây dựng hệ thống phòng thủ chống lại sự bá quyền của Trung Quốc về mặt quân sự trong bối cảnh Hà Nội nói rằng lực lượng Bắc Kinh đang chiếm nhiều hải đảo hơn trên Biển Đông.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh : Văn Điệp/TTXVN
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và người đồng cấp Việt Nam, ông Ngô Xuân Lịch, đã gặp nhau hôm 2/5 ở Hà Nội để "tăng cường hợp tác" về vấn đề an ninh hàng hải, đài truyền hình Nhật NHK cho biết.
Các chuyên gia quốc tế nhận định với VOA rằng động thái này có thể cho thấy dấu hiệu hợp tác quân sự, quốc phòng Nhật – Việt sẽ thắt chặt hơn trong tương lai.
Ông Jeffrey Kingston, giảng viên lịch sử tại Đại học Temple, Nhật Bản nhận định với VOA : "Có thể thấy một ‘vòng cung lo ngại’ chạy dài từ New Delhi đến Canberra, Jakarta, rồi đến Hà Nội và cả Tokyo".
Ông nói thêm : "Do đó, tôi nghĩ rằng có lẽ phát biểu này có mục đích báo hiệu những mối quan ngại chung, đang hướng đến một phản ứng tập thể".
Đài NHK loan tin rằng một thỏa thuận giữa hai nước đã mở đường cho nhiều tàu hải quân Nhật Bản đến thăm Việt Nam, cũng như hợp tác kỹ thuật về thiết bị quốc phòng trong giám sát hàng hải của Việt Nam.
Ông Murray Hiebert, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, nói : "Nhật Bản có thể thiết lập các cuộc trao đổi quân sự, tổ chức đối thoại chiến lược và cung cấp các thiết bị phòng thủ hải quân".
"Việt Nam đang hướng tới Nhật Bản như một bờ dậu che chắn giữa lúc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, gây thêm áp lực cho Việt Nam, và ép Hà Nội từ bỏ các hoạt động thăm dò dầu khí, ngay kể cả trên thềm lục địa của Việt Nam", ông Hiebert cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Stephen Nagy, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Christian Quốc tế ở Tokyo, nói : "Phía Nhật muốn hậu thuẫn các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam, nhưng họ không muốn thực hiện điều đó bằng quân sự".
"Thay vào đó, họ sẽ gầy dựng năng lực, xây dựng khả năng tương tác và xây dựng một liên minh các quốc gia sát cánh cùng nhau và cố gắng thực thi luật quốc tế ở Biển Đông", ông Nagy nói.
Ông Tai Wan-ping, giáo sư kinh doanh quốc tế chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học Cheng Shiu, Đài Loan, nói với VOA : "Tôi nghĩ việc hợp tác (quân sự) Nhật – Việt sẽ mở rộng, từ hợp tác ban đầu trong lĩnh vực kinh tế chuyển sang lĩnh vực chính trị. Vì lẽ rằng các hoạt động quân sự của Nhật Bản tại khu vực Đông Nam Á từ trước đến nay chưa thật mạnh".
Giám đốc tài chính Huawei sẽ xin hoãn dẫn độ, dẫn ra phát biểu của Trump (VOA, 10/05/2019)
Giám đốc tài chính Huawei dự định sẽ tìm cách xin hoãn các thủ tục dẫn độ một phần vì các phát biểu của Tổng thống Donald Trump về vụ việc, điều mà các luật sư của bà lập luận là khiến Mỹ không đủ tư cách theo đuổi vấn đề này ở Canada.
Giám đốc tài chính của Huawei, Mạnh Vãn Chu (giữa), rời nhà riêng cùng với vệ sĩ riêng ở Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 8 tháng 5, 2019.
Bà Mạnh Vãn Chu, 47 tuổi, con gái của tỉ phú sáng lập Huawei Technologies, Nhậm Chính Phi, bị bắt tại sân bay Vancouver vào tháng 12 theo lệnh của Mỹ và đang chống lại việc dẫn độ theo các cáo buộc nói bà âm mưu lừa đảo các ngân hàng toàn cầu về mối quan hệ của Huawei với một công ty hoạt động ở Iran.
Sau vụ bắt giữ, ông Trump nói với Reuters rằng ông sẽ can thiệp vào vụ án ở Mỹ chống lại bà Mạnh nếu chuyện đó giúp đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Các luật sư bào chữa của bà Mạnh cho biết trong một tài liệu trình lên Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia hôm thứ Tư rằng họ định nộp đơn xin hoãn các thủ tục dẫn độ dựa trên các hành vi ngược đãi vượt ra ngoài các phát biểu của ông Trump.
Các luật sư cũng khẳng định bà Mạnh đã bị câu lưu, lục soát và thẩm vấn bất hợp pháp tại sân bay, với việc bắt giữ bà được trì hoãn dưới vỏ bọc của một cuộc kiểm tra di trú thông thường.
Ngoài ra, các luật sư của bà Mạnh lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy bà nói sai với một ngân hàng về mối quan hệ của Huawei với một công ty hoạt động ở Iran tên là Skycom, do đó khiến ngân hàng có nguy cơ vi phạm luật chế tài của Mỹ, hoặc ngân hàng đã dựa vào những phát biểu của bà gây phương hại cho chính họ.
Các luật sư khẳng định ngân hàng có biết về mối quan hệ giữa Huawei và Skycom.
Người phát ngôn của HSBC, được xác định là ngân hàng đó, từ chối bình luận, theo Reuters.
Huawei trước đây đã nói rằng Skycom là một đối tác kinh doanh địa phương ở Iran. Mỹ khẳng định đây là một công ty con không chính thức được sử dụng để che giấu hoạt động kinh doanh của Huawei ở Iran.
Luật sư bào chữa cho bà Mạnh Scott Fenton nói với tòa án rằng trong thời gian bà bị câu lưu ba giờ tại sân bay vào tháng 12, các quyền của bà Mạnh "bị đình chỉ hoàn toàn".
Phát biểu ở Bắc Kinh hôm thứ Năm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng một lần nữa yêu cầu phóng thích bà Mạnh và để bà trở về Trung Quốc.
"Mỹ và Canada đã lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương của họ và thực hiện các biện pháp cưỡng chế vô lí đối với một công dân Trung Quốc, đó là một sự vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc này", ông nói.
"Đây là một sự cố chính trị nghiêm trọng".
Các luật sư cũng cho rằng bà Mạnh không thể bị dẫn độ vì hành vi được xem xét không phải là tội hình sự ở Canada.
Các cáo buộc gian lận ngân hàng và viễn thông đáp ứng tiêu chí đó bởi vì bà Mạnh bị cáo buộc nói sai với HSBC để thực hiện các giao dịch vi phạm luật chế tài của Mỹ, các luật sư nói. Họ cũng lưu ý rằng, theo luật chế tài của Canada năm 2019, sẽ không có rủi ro bị phạt hoặc bị tịch thu tài sản đối với bất kì ngân hàng nào ở Canada.
*********************
Công dân Trung Quốc bị buộc tội tấn công tin tặc doanh nghiệp Mỹ (VOA, 10/05/2019)
Một đại bồi thẩm đoàn liên bang buộc tội một công dân Trung Quốc tham gia một chiến dịch tin tặc làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp Mỹ vào năm 2015 trong đó có hãng bảo hiểm Anthem, khi các tin tặc xâm nhập hệ thống máy tính chứa dữ liệu của 80 triệu người.
Một cao ốc văn phòng của công ty bảo hiểm sức khỏe Anthem tại Los Angeles, bang California.
Bị cáo Fujie Wang, 32 tuổi, và đồng phạm đã xâm nhập vào hệ thống máy tính hãng bảo hiểm Anthem cùng 3 doanh nghiệp Mỹ khác, theo cáo trạng tại tòa án liên bang ở Indianapolis, nơi công ty Anthem đặt trụ sở.
Các tin tặc dùng những kỹ thuật tinh vi xâm nhập vào hệ thống máy tính các công ty và cài đặt mã độc rồi nhận dạng những thông tin họ cần kể cả thông tin của các cá nhân và thông tin doanh nghiệp.
Các thông tin bị truy cập bao gồm tên tuổi, ngày tháng năm sinh, số an sinh xã hội, địa chỉ nhà, địa chỉ email, thông tin việc làm, thu nhập…
Wang và đồng phạm bị truy tố tội âm mưu gian lận liên quan đến máy tính và ăn cắp thông tin cá nhân, âm mưu gian lận điện tử và cố ý gây tổn hại cho máy tính đã được bảo vệ, theo Bộ Tư pháp Mỹ.
Người Việt hải ngoại phản ứng trước lời kêu gọi ‘đóng góp ý kiến mang tính xây dựng’
Người Việt hải ngoại bức xúc với việc chính quyền Việt Nam hoan nghênh các đóng góp ý kiến "mang tính xây dựng", còn nêu ý kiến trái chiều thì bị xem là "chống phá". VOA Tiếng Việt có dịp trao đổi với một vài người Mỹ gốc Việt để tìm hiểu thêm về nhận định của họ sau khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khen ngợi sự lớn mạnh của cộng đồng hải ngoại ở Hoa Kỳ, và nhắc lại lời kêu gọi "đóng góp ý kiến xây dựng" cho đất nước cùng chủ trương "hòa hợp hòa giải dân tộc".
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Photo Quehuongonline
Trả lời phỏng vấn trên kênh BolsaTV hôm 6/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói chính phủ Việt Nam hoan nghênh các "ý kiến mang tính xây dựng".
"Không chỉ cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có một số người có quan điểm khác với chính phủ tại Việt Nam hiện nay, mà ngay trong nước, hay bất cứ chỗ nào khác, cũng thế thôi, ngay cả trong gia đình, có ý kiến khác nhau cũng là việc rất bình thường.
"Nhưng quan trọng là ý kiến khác nhau về vấn đề gì ? Là ý kiến xây dựng hay ý kiến để chống phá ? Nếu là ý kiến xây dựng thì đều tốt cả. Nếu chúng ta cùng nghĩ là cái lớn – đại đoàn kết dân tộc – thì bỏ qua những hiềm thù quá khích trong quá khứ, chúng ta có thể ngày càng xích lại gần nhau hơn để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp dân tộc".
Từ bang New Hampshire, ông Cao Xuân Khải, đồng Chủ tịch Hội đồng Liên kết Quốc nội Hải ngoại Việt Nam tại Hoa Kỳ, chia sẻ :
"Tôi nghĩ phát biểu của ông Nguyễn Quốc Cường cũng chỉ lặp lại những điều đã được Bộ Ngoại giao và các lãnh đạo Việt Nam nói từ nhiều năm trước. Họ nói một đằng làm một nẻo. Gần 45 năm qua, người dân hải ngoại không tin những lời nói như vậy và không muốn bị cộng sản lừa".
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, hiện là Đặc phía viên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nói với đài BolsaTV, khi ông dẫn đoàn Việt kiều thăm đảo Trường Sa vào tháng trước.
Ông nói :
"Hiện nay cộng đồng Việt Nam trên toàn thế giới có khoảng 4,5 triệu người, riêng ở Hoa Kỳ có 2,2-2,5 triệu người. Tôi nhận xét rằng đây là cộng đồng (người gốc Việt) mạnh nhất trên thế giới, chiếm một nửa, và có nhiều người thành công, thành đạt, và ngày càng có tiếng tăm hơn. Các thế hệ người Việt tiếp nối với nhau đang ngày càng có tiếng nói khẳng định tiếng nói của mình tại xã hội Mỹ. Tôi nghĩ đây là cộng đồng rất mạnh".
Ông Cao Xuân Khải nhận định :
"Họ ve vuốt như vậy với mục đích kêu gọi góp đôla, chứ chẳng có ý muốn hòa hợp hòa giải gì cả. Nếu họ thật sự muốn thay đổi và muốn đất nước tiến lên thì phải chấp nhận tiếng nói đối lập, chấp nhận sự chỉ trích, phê bình, còn đằng này họ không dám nhìn vào sự thật".
Từ bang Oklahoma, bà Cao Tuyết Vân, nhận định với VOA :
"Họ nói hòa hợp hòa giải nhưng tôi thấy rất khó lắm vì họ không thành thật. Một ý kiến xây dựng của tôi là họ đừng đàn áp người dân. Muốn hòa hợp hòa giải thì phải thật lòng, phải như những người bạn của nhau, ai có lỗi thì phải nhận lỗi. Nếu một người phạm lỗi mà không sửa đổi thì người khác làm sao muốn hòa giải được".
Bà Cao Tuyết Vân chia sẻ rằng bà và gia đình sang Mỹ một tuần trước biến cố 30/4/1975 khi bà mới lên 13 tuổi. Bà cho biết trong một vài năm gần đây, bà quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề ở quê nhà như chủ quyền lãnh hải, dân oan, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và mong muốn sẽ có dịp về thăm quê hương khi đất nước không còn bất công.
"Tôi được tự do ở Mỹ thì cũng mong muốn người dân của mình cũng được như vậy. Những người cộng sản làm cho tôi bực mình, nhưng không hẳn là hằng thù hay căm ghét họ, nhưng tôi có cảm giác rằng mình không muốn chơi hay tiếp xúc với họ. Khi nào đất nước không còn bất công thì tôi có thể về thăm".
Ông Cao Xuân Khải nói thêm rằng trong cộng đồng người Việt tại Mỹ cũng có quan điểm khác nhau về việc đóng góp ý kiến cho đất nước, nhưng nhìn chung nhiều năm qua đa số đã bất mãn do chính quyền Hà Nội "chưa thật tâm" muốn hòa hợp, hòa giải.
"Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận đúng là có nhiều người nghĩ rằng chúng ta nên về nước để hòa hợp hòa giải dân tộc, chung tay xây dựng đất nước. Chúng tôi hoan nghênh thiện ý của họ - muốn Việt Nam có được sự phục hưng, hồi sinh – nhưng chúng ta khó có thể hòa hợp hòa giải được vì những đau thương đã kinh qua.
"Ngay bây giờ đây chính quyền Việt Nam phải hòa hợp hòa giải ngay với người dân, đồng bào trong nước đi, chứ đừng gây đau khổ cho hơn 90 triệu dân – giá điện tăng, cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng, nhiều người nói lên sự thật vì lòng yêu nước thì bị bắt, đày đọ trong tù… thì thử hỏi họ có hòa hợp được không ? Có thật tâm hòa hợp không ? Hay chúng ta chỉ về đó để làm con rối cho họ, chỉ có lợi cho họ ? Họ thu vén tiền của từ hải ngoại về túi của họ mà đất nước thì càng ngày càng bệ rạc, nghèo nàn đi".
Christina Cao, một dược sĩ gốc Việt ở bang California, người trưởng thành sau Chiến tranh Việt Nam, nói với VOA trong cuộc phỏng vấn trước đây rằng các thế hệ người Việt cần đồng lòng và các cộng đồng gốc Việt nên đoàn kết để gây áp lực nhiều buộc chính quyền Việt Nam phải thay đổi, trước khi tiến tới hòa hợp hòa giải.
"Tôi nghĩ nên có sự đoàn kết giữa các cộng đồng khác nhau thì tiếng nói của chúng ta đối với chính quyền Việt Nam sẽ mạnh hơn".
Bàn về vấn đề hòa hợp hòa giải dân tộc, tác giả Phạm Phú Khải từ Úc châu, viết cho VOA dịp 30/4/2019 : "Hòa giải là một mục tiêu chính đáng, cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam vì không thể xây dựng sức mạnh và phát huy tiềm năng của dân tộc để đối phó với những thử thách lớn lao bằng tinh thần rã rời và mục nát như hiện nay".
Ông Khải đề xuất thành lập "một ủy ban hòa giải độc lập quy tụ những người uy tín được nhà nước Việt Nam do dân bầu lên trong tương lai ủy quyền, đặt mục tiêu và chuẩn mực hoạt động để thực hiện nhiệm vụ cao cả này".
Nguồn : VOA, 10/05/2019