Nữ Thủ tướng New Zealand trong ‘ngày đen tối nhất của đất nước’ (VOA, 16/03/2019)
Chỉ vài giờ sau vụ xả súng gây nhiều chết chóc nhất trong lịch sử New Zealand, trong lúc hiện trường còn bị phong tỏa, Nữ Thủ tướng của nước này, Jacinda Ardern, đã mở họp báo để phổ biến cho dân chúng, và thế giới, biết những thông tin mà bà đã đúc kết sau khi lắng nghe báo cáo của các quan chức cảnh sát và tình báo về những gì đang diễn ra tại hai đền thờ Hồi giáo ở Christchurch.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tại cuộc họp báo ở Wellington, ngay sau hai vụ xả súng ở Chrischurch, New Zealand, ngày 15/3/2019. (TVNZ via AP)
"Điều đã xảy ra ở Christchurch là một hành động bạo lực chưa từng xảy ra. Hành vi đó không có chỗ đứng ở New Zealand. Rất nhiều nạn nhân sẽ là thành viên của các cộng đồng di dân của chúng ta. New Zealand là quê hương của họ- họ là chúng ta", nữ Thủ tướng đầu tiên của New Zealand và cũng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này, phân tích tình hình với những lời lẽ khúc chiết, và những nhận định rõ ràng về bản chất của tội ác, cho thấy bà hoàn toàn làm chủ tình hình.
Quốc kỳ New Zealand treo rủ tại trụ sở quốc hội ở Wellington ngày 15/3/2019, sau vụ xả súng vào 2 đền thờ Hồi giáo ở Christchurch, giết 49 người ngày 15/3/2019
Trong cuộc họp báo, Jacinda Ardern miêu tả cuộc tấn công nhắm vào hai đền thờ Hồi giáo là một "hành động khủng bố, đã giết chết hơn 40 người và làm bị thương nhiều người khác tại một thị trấn đã trải qua nhiều đau thương" sau trận động đất gần đây nhất.
Ngoài những thông tin về số tử vong, bao nhiêu người bị bắt, những bước hành động mà chính phủ đã xúc tiến để đảm bảo an toàn cho dân…, nhà lãnh đạo trẻ tuổi còn mạnh mẽ lên án hành động bạo lực phi lý của những kẻ "đầy hận thù". Bà nói đây là "một trong những ngày đen tối nhất" của New Zealand.
"Hiện đã rõ là sự cố này chỉ có thể được miêu tả là một cuộc tấn công khủng bố. Dựa trên những gì chúng ta biết được, thì vụ việc có vẻ như đã được lên kế hoạch cẩn thận".
Bà miêu tả những kẻ thực hiện cuộc tấn công là "những kẻ có quan điểm cực đoan, không có chỗ đứng ở New Zealand, và không có chỗ đứng trên thế giới".
Thủ tướng Ardern lên án "bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất ý thức hệ của những kẻ đứng sau hành vi bạo động này", và không quên khen ngợi cảnh sát đã hành động chuyên nghiệp để nhanh chóng khống chế những kẻ tấn công hầu có thể tránh đổ máu hơn nữa.
Bà giành những lời lẽ đầy cảm xúc khi ngỏ lời với các nạn nhân, trong đó có nhiều người đã chọn tới New Zealand định cư trong mấy năm gần đây, một số trong tư cách những người tị nạn đã chọn đất nước New Zealand thanh bình vì muốn tránh xa bạo động và chiến tranh.
Bà nói :
"Chúng ta, New Zealand, không bị nhắm tấn công bởi vì New Zealand là một nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đầy hận thù. Chúng ta không được chọn làm địa điểm cho hành vị bạo lực này bởi vì chúng ta bao che kỳ thị chủng tộc, hay bởi vì chúng ta là một cứ địa của chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta bị nhắm tấn công là bởi vì chúng ta không phải là những gì vừa được nêu lên".
Bà kết luận :
. Một quê hương cho những người chia sẻ những giá trị chung của chúng ta. Một nơi trú ẩn cho những người cần nơi ẩn trú. Những giá trị đó sẽ không bao giờ, và không thể, lung lay vì cuộc tấn công này".
Nhà lãnh đạo trẻ nói New Zealand là một quốc gia tự hào là nơi chung sống của hơn 200 sắc tộc khác nhau, nói 160 ngôn ngữ. Bà nói tiếp :
"Trong cái đa dạng đó, chúng ta chia sẻ những giá trị chung. Và một giá trị mà chúng ta đang dựa vào trong giờ phút này là lòng trắc ẩn, và tinh thần tương thân tương trợ cho cộng đồng đã bị tác động trực tiếp trong thảm họa này".
"Điều thứ nhì mà chúng ta chia sẻ, là lên án bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhất cái ý thức hệ của những kẻ đã thực hiện cuộc tấn công".
"Các người có thể đã chọn chúng tôi (để tấn công), nhưng chúng tôi tuyệt đối bác bỏ và lên án các người".
Thông điệp của Thủ tướng Jacinda Ardern gửi những kẻ cực đoan xả súng vào các đền thờ Hồi giáo
Nhìn thẳng vào ống kinh như để trực tiếp nói với các hung thủ, Thủ tướng Ardern tuyên bố :
"Các người có thể đã chọn chúng tôi (để tấn công), nhưng chúng tôi tuyệt đối bác bỏ và lên án các người".
Nhiều người dân New Zealand và thế giới đã nhiệt liệt hoan nghênh Thủ tướng New Zealand về những quan điểm nhân bản của bà, cũng như những lời lẽ quyết liệt lên án chủ nghĩa cực đoan và tinh thần bất khoan dung.
Jacinda Ardern là nhà lãnh đạo trẻ tuổi nhất của Đảng Lao động New Zealand, bà trở thành Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử 150 năm của New Zealand hồi năm ngoái, 2018. Trong gần 200 quốc gia trên thế giới hiện nay, chỉ có 11 quốc gia là do một phụ nữ lãnh đạo.
Hoài Hương
*****************
New Zealand quyết thay đổi luật súng ống sau vụ xả súng Christchurch (VOA, 17/03/2019)
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern hứa sẽ thay đổi luật kiểm soát súng ở nước bà sau khi một tay súng bắn chết 49 người trong hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.
Người dân đến đặt hoa tỏ lòng thương tiếc tại một địa điểm tưởng niệm gần nhà thờ Hồi giáo Masjid Al Noor ở Christchurch, New Zealand, ngày 16 tháng 3, 2019.
New Zealand nổi tiếng là một quốc gia nhàn hạ và thanh bình, nơi mà thậm chí cảnh sát phần lớn không mang vũ khí. Nhưng nơi này có tỉ lệ sở hữu súng tư nhân thuộc hàng cao nhất thế giới và việc tiếp cận vũ khí khá dễ dàng.
Bà Ardern nói kẻ tấn công nhà thờ Hồi giáo là một người sở hữu súng có giấy phép và rằng năm khẩu súng được sử dụng trong vụ thảm sát, bao gồm hai khẩu súng bán tự động và hai khẩu súng bắn đạn ghém (shotgun).
"Tôi có thể nói với bạn một điều ngay bây giờ, luật súng ống của chúng ta sẽ thay đổi", bà nói với các phóng viên hôm thứ Bảy, nói thêm rằng một lệnh cấm súng bán tự động sẽ được cân nhắc.
Những khẩu súng mà nghi phạm sử dụng dường như cũng đã được cải biến, bà cho biết.
"Đó là thách thức mà chúng tôi sẽ giải quyết trong việc thay đổi luật súng ống của chúng ta", bà nói thêm.
New Zealand trong quá khứ đã cố gắng thắt chặt luật súng ống, nhưng giới vận động súng ống đầy quyền lực và văn hóa săn bắn đã cản trở những nỗ lực đó. Ước tính có khoảng 1,5 triệu khẩu súng tại New Zealand, nơi mà dân số chỉ có năm triệu người, nhưng quốc gia này có tỉ lệ bạo lực súng ống thấp.
Luật súng ống của New Zealand không thay đổi nhiều kể từ năm 1992, mặc dù các thẩm định của chính phủ sau đó đã kêu gọi cải cách.
Ở New Zealand, cảnh sát không thường mang theo súng. Đất nước này xưa nay có tỉ lệ giết người thấp.
Cảnh sát New Zealand cho biết vào năm ngoái rằng tỉ lệ giết người đã giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm qua, với 48 vụ trong năm 2017.
*******************
Nghi phạm thượng đẳng da trắng bị khởi tố sau vụ xả súng ở New Zealand (VOA, 16/03/2019)
Brenton Harrison Tarrant, người Úc 28 tuổi, kẻ tình nghi có chủ trương thượng đẳng da trắng, bị buộc tội giết người hôm thứ Bảy sau khi 49 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ xả súng hàng loạt tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand.
Brenton Tarrant được dẫn ra trước Tòa án Khu vực Christchurch, New Zealand, ngày 16 tháng 3, 2019. Khuôn mặt của nghi phạm được làm mờ.
Tarrant, bị còng tay và mặc một bộ đồ tù màu trắng, đứng lặng lẽ tại Tòa án Khu vực Christchurch, Reuters cho biết. Anh ta không đưa ra tuyên bố nào. Anh ta sẽ trở lại tòa án vào ngày 5 tháng 4 và cảnh sát nói anh ta có thể phải đối mặt với thêm các cáo buộc nữa.
Vụ tấn công vào ngày thứ Sáu, mà Thủ tướng Jacinda Ardern gọi là khủng bố, là vụ giết người hàng loạt nghiêm trọng nhất thời bình ở New Zealand và nước này đã nâng mức độ đe dọa an ninh lên mức cao nhất.
Tarrant được mô tả là một kẻ tình nghi có chủ trương thượng đẳng da trắng, dựa trên hoạt động trên mạng xã hội của anh ta.
Đoạn phim ghi lại vụ tấn công nhắm vào một trong những nhà thờ Hồi giáo được phát trực tiếp trên Facebook và một "bản tuyên ngôn" bài xích người Hồi giáo là "những kẻ xâm lược" cũng được đăng lên mạng thông qua các đường dẫn đến các tài khoản mạng xã hội liên quan.
Đoạn video cho thấy một người đàn ông lái xe đến nhà thờ Hồi giáo Al Noor, bước vào đó và ngẫu nhiên chĩa súng trường bán tự động công năng cao vào mọi người. Video cho thấy những người thờ phượng, có thể đã chết hoặc bị thương, nằm trên sàn nhà.
Sau đó, tay súng quay trở lại xe hơi của mình, đổi vũ khí, vào lại trong nhà thờ Hồi giáo và lại bắt đầu nổ súng. Camera gắn trên đầu anh ta ghi lại vụ thảm sát theo hướng nòng súng, giống như một số trò chơi điện tử bắn giết.
41 người bị giết chết tại nhà thờ Hồi giáo Al Noor.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói chuyện với một người phụ nữ khi bà đến thăm Trung tâm Người tị nạn Canterbury ở Christchurch, ngày 16 tháng 3, 2019.
Cảnh sát nói tay súng tình nghi mất bảy phút để đi đến nhà thờ Hồi giáo thứ hai ở khu ngoại ô Linwood, nơi bảy người bị sát hại. Chưa có hình ảnh nào từ nhà thờ Hồi giáo thứ hai được công bố.
Tarrant bị bắt trong một chiếc xe hơi 36 phút sau khi cảnh sát được gọi báo lần đầu tiên. Cảnh sát cho hay xe có chứa các thiết bị nổ tự chế.
"Hung thủ di chuyển từ nơi này sang nơi khác, có hai khẩu súng khác trong xe mà hung thủ sử dụng, và anh ta hoàn toàn có ý định tiếp tục cuộc tấn công của mình", Thủ tướng Ardern nói với các phóng viên ở Christchurch hôm thứ Bảy.
Văn phòng của bà Ardern nói nghi phạm đã gửi "bản tuyên ngôn" trong một email hàng loạt bao gồm địa chỉ email chung cho Thủ tướng, lãnh đạo phe đối lập, chủ tịch nghị viện và khoảng 70 cơ quan truyền thông vài phút trước cuộc tấn công.
Một phát ngôn viên cho biết email không mô tả vụ việc cụ thể và "không có gì trong nội dung hoặc thời điểm mà lẽ ra có thể ngăn chặn được vụ tấn công".
Hai người khác đang bị câu lưu và cảnh sát cho biết họ đang tìm hiểu liệu họ có dính líu trong bất kì khía cạnh nào hay không.
Không ai trong số những người bị bắt có tiền án hình sự hoặc nằm trong danh sách theo dõi ở New Zealand hoặc Úc.
Trong khi đó, hàng chục người đã đặt hoa tại các địa điểm gần cả hai nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch, nơi vẫn đang xây cất lại sau trận động đất gây tàn phá vào năm 2011 khiến gần 200 người thiệt mạng.
Đội khăn đen trên đầu, bà Ardern ôm các thành viên của cộng đồng người Hồi giáo tại một trung tâm tị nạn ở thành phố Christchurch, nói rằng bà sẽ đảm bảo tự do cho tôn giáo ở New Zealand.
"Tôi truyền đạt thông điệp về tình yêu và sự ủng hộ của New Zealand tới tất cả các bạn", bà nói.
Phần lớn các nạn nhân là di dân hoặc người tị nạn từ các quốc gia như Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Somalia và Afghanistan. Người Hồi giáo chỉ chiếm hơn 1 phần trăm dân số New Zealand.
*******************
Nghi can khủng bố ở New Zealand không phải cư dân thường trực (VOA, 16/03/2019)
Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, cho biết nghi can vụ nổ súng vào đền thờ Hồi giáo ở Christchurch đã du hành khắp nơi trên thế giới và không phải là một cư dân lâu dài ở New Zealand.
Các nạn nhân vụ xả súng hôm 15/3 được cấp cứu.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Wellington, bà Ardern nói nghi can nổ súng là một công dân Australia thỉnh thoảng tới New Zealand và lưu lại một thời gian.
Bà nói người này không nằm trong danh sách bị theo dõi ở New Zealand hay Australia.
Hung thủ bắn chết 49 người, làm bị thương hơn 40 người khác tại hai đền thờ ở New Zealand hôm 15/3.
Bà cho hay sau vụ việc này, luật súng ống của New Zealand sẽ phải thay đổi.
Nạn nhân trong vụ tấn công bao gồm các công dân Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Indonesia và Malaysia.
Trong số các di sản cộng sản tương đồng giữa Việt Nam và Triều Tiên được nêu bật trong chuyến thăm hữu nghị của ông Kim Jong-un tới Việt Nam có lẽ không có gì ‘độc đáo’ hơn là các xác ướp của các cố lãnh tụ được trưng bày ở thủ đô Hà Nội và Bình Nhưỡng và toán kỹ thuật viên ‘mật’ người Nga, những chuyên gia giúp cho các thi thể này ‘trẻ mãi không già.’
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt vòng hoa tại lăng Hồ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 2/3/19.
Ông Kim đã đặt vòng hoa tưởng niệm bên ngoài lăng Hồ Chủ tịch ở Hà Nội hôm thứ bảy, sau khi cuộc họp thượng đỉnh giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cắt ngắn.
Trong không gian nội thất sẫm màu bên trong lăng, xác ướp của ông Hồ được trưng bày trong một quan tài bằng kính giữa dòng khách viếng lặng lẽ.
Tại Bình Nhưỡng, xác ướp của cha và ông nội ông Kim Jong-un cũng được trưng bày như thế trong Cung điện Mặt trời.
Thi thể cả ba nhà lãnh đạo này thoạt đầu đều được bảo quản bởi một nhóm chuyên gia từ ‘Phòng Thí nghiệm Lenin’ ở Moscow, những người đã ướp xác lãnh tụ Vladimir Lenin vào năm 1924.
Liên Xô đã sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở cả Việt Nam và Triều Tiên đã biến dạng đến nỗi cha đẻ của học thuyết này khó mà nhận ra, nhưng ‘Phòng Thí nghiệm Lenin’ vẫn hàng năm đều đặn bảo dưỡng thi thể ông Hồ, và theo một nhà nghiên cứu cho biết, vẫn giúp Triều Tiên giữ cho thi thể Kim ông và Kim cha trông tươi tắn.
"Công tác ướp xác ban đầu và bảo dưỡng định kỳ luôn được thực hiện bởi nhóm khoa học gia của phòng thí nghiệm ở Moscow", ông Alexei Yurchak, giáo sư môn nhân loại học thuộc Đại học California, Berkeley, người đang viết một quyển sách về các xác ướp lãnh tụ cộng sản, cho biết.
"Theo năm tháng, họ huấn luyện các khoa học gia địa phương một số kỹ thuật nhưng không đầy đủ tất cả, giữ lại bí quyết cốt lõi".
Công tác ướp xác
Không giống các quy trình bảo dưỡng xác trước đây như ướp xác theo kiểu Ai Cập, kỹ thuật ướp xác vĩnh viễn khởi xướng bởi các khoa học gia Liên Xô giữ cho thi thể được uyển chuyển, làn da trông như người còn sống không bị hư hại.
Vẫn theo giáo sư Yurchak, khi ông Hồ qua đời vào năm 1969, miền Bắc Việt Nam thường xuyên bị máy bay Mỹ tấn công, phía Liên Xô phải không vận hóa chất và thiết bị đến một hang động bên ngoài Hà Nội và các chuyên gia Liên Xô biến nơi đây thành một phòng thí nghiệm vô trùng.
Khi Liên Xô sụp đổ trong thập niên 90, phòng thí nghiệm của nhà nước bị khủng hoảng tài chính và họ phụ thuộc chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ cho các khách hàng nước ngoài, ông Yurchak cho biết.
Trong số các khách hàng này có Triều Tiên, nơi mà các chuyên gia Nga đã ướp xác cho cả ông Kim Il Sung và ông Kim Jong Il tại phòng thí nghiệm xây bên trong lăng của hai ông ở Bình Nhưỡng.
Quá trình ướp xác nguyên thủy mất vài tháng và xác ướp cần được bảo dưỡng thường xuyên.
"Cứ 1 năm rưỡi tới 2 năm, các thi thể này lại được bảo dưỡng bởi các khoa học gia từ Moscow", giáo sư Yurchak nói, viện dẫn các cuộc phỏng vấn ông đã thực hiện với các khoa học gia phòng thí nghiệm và các cuộc nghiên cứu thực địa.
Trang web của ủy ban quản lý lăng Hồ Chủ tịch nói Nga bắt đầu tính tiền các chất ướp xác sau khi Liên Xô sụp đổ, khiến Hà Nội yêu cầu sản xuất các hóa chất cung ứng tại Việt Nam. Việt Nam cũng gửi kỹ thuật viên sang học ở Nga và hiện có thể tự quản lý các hoạt động của lăng Hồ Chủ tịch, trang web này nói.
Tuy nhiên, một nguồn tin từ ủy ban vừa kể tiết lộ với Reuters rằng lăng mỗi năm đóng cửa khoảng 2 tháng và rằng các kỹ thuật viên người Nga giúp bảo dưỡng thi thể ông Hồ hàng năm.
Khi Reuters liên lạc, phòng thí nghiệm ở Moscow mà kể từ 1992 được biết đến với tên gọi là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giảng dạy Kỹ thuật hóa sinh từ chối bình luận về bất kỳ khía cạnh nào trong công việc của họ.
Phái đoàn Triều Tiên tại Liên hiệp quốc cũng không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Nhà nghiên cứu Tom Fowdy, người thành lập một nhóm cổ súy du lịch và giao tiếp văn hóa ở Triều Tiên, nói ông thấy Cung điện Mặt trời đóng cửa cho công tác ‘trùng tu’ không được giải thích, nhưng việc bảo dưỡng thi thể lãnh tụ là một bí mật.
"Dù rõ ràng là phương pháp này xuất xứ từ Nga, nó vẫn là một bí mật được giữ kín", ông nói.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc, nước dựa vào đội ngũ khoa học gia của riêng mình trong việc ướp xác lãnh tụ Mao Trạch Đông do căng thẳng giữa Bắc Kinh với Moscow thời bấy giờ, có thể đã giúp đỡ hoặc dạy cho Triều Tiên cách ướp xác.
Thay đổi biểu tượng
Du khách tới Cung điện Mặt trời ở Bình Nhưỡng đi ngang qua các khu trưng bày bao gồm chiếc thuyền buồm cá nhân của ông Kim Jong-il và một chiếc máy tính Apple mà nhà độc tài này từng sở hữu. Sau đó, họ phải kính cẩn nghiêng mình cuối chào 3 lần trước thi thể của cha con nhà họ Kim.
Không rõ quốc gia đói nghèo Triều Tiên phải chi trả bao nhiêu cho việc duy trì xác ướp của hai lãnh tụ này. Khi Moscow lần đầu tiên tiết lộ chi phí bảo dưỡng xác ướp vào năm 2016, họ báo cáo chi gần 200 ngàn đô la trong năm đó để duy trì xác ướp Lenin.
Thoạt đầu việc ướp xác lãnh tụ được xem như một cách cùng với các nước khác hòa vào chủ nghĩa cộng sản quốc tế.
Tuy nhiên, Việt Nam và Triều Tiên phát triển theo các cách chính trị khác nhau thì ý nghĩa đi kèm với việc bảo quản thi thể lãnh tụ cũng khác nhau.
"Ngày nay, ý nghĩa nguyên thủy của việc ướp xác các lãnh tụ này đã thay đổi – ở Việt Nam, thi thể ông Hồ tượng trưng cho các cuộc đấu tranh chống thực dân đòi độc lập và thậm chí là tượng trưng cho chủ nghĩa dân tộc mới, hơn là tượng trưng cho chủ nghĩa cộng sản", giáo sư Yurchak nhận định.
"Ở Triều Tiên, thi thể cha con nhà họ Kim tượng trưng cho một đất nước tự cung tự cấp được tổ chức xung quanh một nhà lãnh đạo và tồn tại mặc dù ‘bị bao quanh bởi chủ nghĩa đế quốc’".
Nguồn : VOA, 07/03/2019
Lần đầu tiên một nghệ sĩ Việt Nam được Google vinh danh khi Google thay đổi doodles trên trang chủ tiếng Việt với hỉnh ảnh của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đúng vào ngày sinh nhật thứ 80 của ông.
Hình ảnh Trịnh Công Sơn trên Google Doodle nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông hôm 28/2.
Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho âm nhạc Việt Nam hơn 600 bài hát, là người Việt Nam đầu tiên được Google vinh danh, theo truyền thông trong nước.
Trang chủ Google tiếng Việt trước đây cũng có nhiều ‘doodle’ đánh dấu những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, ngày Quốc khánh, ngày Nhà giáo Việt Nam hay Tết Trung thu, nhưng đây là lần đầu tiên một cá nhân, một người Việt, nhận được vinh dự này.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh : Báo Mới
"Đây là một món quà sinh nhật thật ý nghĩa cho anh Sơn và gia đình chúng tôi, một niềm vui cho cộng đồng yêu nhạc Trịnh", bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, được truyền thông trong nước trích lời nói.
Google Doodles là những biểu tượng đặc biệt, thay thế tạm thời cho biểu tượng Google trên trang chủ Google nhằm chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện, những thành tựu và những nhân vật có đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực cho cộng đồng ở đất nước mình, hay cho nhân loại.
Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam có ảnh hưởng rộng rãi trên trường quốc tế, theo truyền thông trong nước. Ông được báo chí và cộng đồng quốc tế gọi là "Bob Dylan của Việt Nam" (theo BBC) vì những ca khúc nhạc phản chiến. The Washington Post, một trong những tờ báo có uy tín nhất tại Hoa Kỳ, gọi Trịnh Công Sơn là "Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam".
Trên trang blog của mình tại Việt Nam, Google đã dành nhiều điều để chia sẻ về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo Google, 18 năm kể từ ngày ông ‘trở về với cát bụi', những bài hát của nhạc sĩ vẫn là một phần đặc trưng không thể không nhắc đến khi nói tới âm nhạc và văn hoá Việt Nam.
Theo VietnamNet, âm nhạc của Trịnh Công Sơn đóng góp và có tầm ảnh hưởng đối với văn hóa đại chúng Việt Nam và cộng đồng quốc tế.
Âm nhạc của Trịnh Công Sơn còn ghi dấu ấn đặc biệt tại Nhật Bản. Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên phát hành album với doanh số hơn 2 triệu bản, theo ZingNews.
Các ca khúc của ông cũng được dịch ra tiếng Nhật và được biểu diễn, thu âm bởi những nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản như Tokiko Kato, Yoshimi Tendo, Aya Shimazu và thường xuyên được hát trong chương trình Âm nhạc Đêm giao thừa thường niên của đài truyền hình quốc gia Nhật Bản NHK.
Trịnh Công Sơn sinh ra tại Dak Lak năm 1939 và mất ngày 1/4 /2001. Trong số hơn 600 ca khúc mà ông để lại, hơn 230 ca khúc được phổ biến rộng rãi và được công chúng đón nhận và yêu mến, như Diễm Xưa, Cát Bụi, Như Cánh Vạc Bay và Phôi Pha.
Tuy nhiên trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhiều người tị nạn cộng sản cho tới bây giờ vẫn tẩy chay những nhạc phẩm mà một thời họ đã từng yêu thích, vì hành động của ông trong ngày 30/4/1975, khi ông lên đài phát thanh Sài gòn hát bài "Nối Vòng Tay Lớn" và có mặt trong nhóm các sinh viên "chào mừng thắng lợi vĩ đại của dân tộc", kêu gọi trí thức, nghệ sĩ "hợp tác với chính quyền cách mạng".
Dưới con mắt của nhiều người tị nạn cộng sản, người nhạc sĩ tài hoa từng được các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hoà ưu ái, sau ngày 30/4/1975 đã trở thành "một kẻ phản bội chính nghĩa Quốc gia".
Nguồn : VOA, 28/02/2019
Chiều ngày 26/2, Chủ tịch Triều Tiên đến thăm Tòa đại sứ Triều Tiên tại Hà Nội, bắt đầu chuyến công du chính thức Việt Nam, theo hãng tin Reuters.
Lãnh tụ Triều Tiên đã rời khách sạn bằng xe limousine và tiến vào Tòa đại sứ khoảng 5 giờ chiều giờ Hà Nội.
Các video phát trực tiếp trên Facebook cho thấy đoàn xe của ông Kim rời khách sạn Melia trên đường Lý Thường Kiệt và tiến đến Tòa đại sứ Triều Tiên trên đường Cao Bá Quát.
Báo VNExpress cho biết ông Kim được đội cận vệ hộ tống đưa vào Tòa đại sứ trong tiếng vỗ tay của nhân viên ngoại giao. Sau khoảng 2 phút chào hỏi, Chủ tịch Triều Tiên lên thẳng tầng hai tòa nhà.
Theo nguồn tin của VnExpress, tối 26/2 Chủ tịch Kim Jong-un sẽ họp và ăn tối với các nhân viên Đại sứ quán.
Đại sứ Việt Nam tại Bình Nhưỡng Lê Bá Vinh cho VOA biết "lịch trình chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un không được tiết lộ".
Tàu chở Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un tới ga Đồng Đăng tại biên giới Việt - Trung sáng 26/2 và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã lên xe đi Hà Nội trong sự bảo vệ dày đặc của các cận vệ.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng là người đầu tiên bắt tay ông Kim khi ông bước ra khỏi đoàn tàu.
Còn có thể thấy một số quan chức cấp cao khác của Việt Nam hiện diện tại ga Đồng Đăng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Theo các đoạn video phát trực tiếp đăng trên mạng xã hội, ông Kim đã được nhiều người cầm quốc kỳ Việt Nam và Triều Tiên chào đón.
Theo truyền thông Việt Nam, ông Kim đến khách sạn Melia vào trưa hôm 26/2 và được Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến chào.
Ngay sau khi ông Kim đến Hà Nội, Đại sứ Lê Bá Vinh viết trên Facebook : "Ước mơ của tôi từ khi bắt đầu làm Đại sứ tại Triều Tiên vào tháng 10/2018 hôm nay đã thành hiện thực... Đồng chí Kim Jong-un đã đến !"
An Hải
*******************
Báo chí Tòa Bạch Ốc buộc phải ‘nhường’ khách sạn Melia cho Kim Jong-un (VOA, 27/02/2019)
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 đang diễn ra tại Việt Nam thu hút đông đảo phóng viên nước ngoài tới Hà nội đưa tin về sự kiện quan trọng này, trong số đó có nhiều phóng viên Mỹ.
Cảnh sát canh gác bên ngoài khách sạn Melia - Hà Nội, ngày 25/2/2019 trước hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim. (AP Photo/Vincent Yu)
Như các Tổng thống tiền nhiệm khi công du ra nước ngoài, Tổng thống Trump cũng có một đoàn báo chí gồm 13 người tháp tùng, thông thường đoàn báo chí ở cùng khách sạn của Tổng thống, nhưng trung tâm báo chí thông thường được đặt tại một địa điểm khác.
Tới Hà nội nhiều ngày trước hai nhân vật chính, đoàn báo chí của Tòa Bạch Ốc đã chọn khách sạn Melia làm trung tâm báo chí, nơi làm việc của hàng trăm ký giả Mỹ, cùng với các phóng viên nhiếp ảnh, quay phim, trong thời gian diễn ra thượng đỉnh.
Từ tuần trước, nhiều nguồn tin đã cho Reuters biết nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ ở tại khách sạn Melia, nơi mà Ngoại Trưởng Ri Hong Ho, và phụ tá thân tín của ông Kim, Kim Chang Son, cũng lưu trú để chuẩn bị cho hội nghị.
Hôm thứ Hai 25/2, khi an ninh được siết chặt tại khách sạn Melia, nhiều phóng viên đã kinh ngạc vì truyền thông phương Tây có thể tụ tập và làm việc tại cùng khách sạn với nhà lãnh đạo độc tài của Triều Tiên, vì ông Kim Jong-un khét tiêng là người vô cùng quan tâm tới an toàn cá nhân và sự riêng tư của mình.
Một số chuyên gia phân tích rằng đây là một nước cờ cao về mặt ngoại giao của ông Kim, thể hiện thái độ cởi mở hơn của ông với báo chí Mỹ. Truyền thông Hàn Quốc ca ngợi động thái mà họ cho là có chủ ý này là "can đảm", và có tính "chiến lược".
Một chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên ông Cheong Seong-chang, thuộc Viện Sejong, nhận định : "Khi tỏ thái độ sẵn sàng đối mặt với báo chí Mỹ theo sát từng động tác của mình, ông Kim Jong-un có thể đánh đi thông điệp bày tỏ quyết tâm của mình muốn cải thiện các quan hệ với Mỹ.
Nhưng vài phút sau khi chiếc tàu bọc thép của lãnh tụ họ Kim tiến vào ga Đồng Đăng hôm thứ Ba 26/2, Bộ Ngoại giao Việt Nam loan báo khách sạn Melia-Hà nội sẽ không tiếp hàng trăm ký giả Mỹ được phái sang Việt Nam để đưa tin về thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Thế là chưa đầy 24 giờ sau khi được thông báo, trung tâm báo chí của Mỹ phải dời sang một địa điểm dành cho các phóng viên quốc tế khác tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô, một tòa nhà thời Sô-Viết, cách khách sạn Melia 7 phút đi bộ.
Báo chí Mỹ đều tường thuật về câu chuyện bên lề hội nghị thượng đỉnh này.
Trong bài báo đăng ngày 26/2, báo USA Today viết "một khách sạn không đủ lớn để chứa trung tâm báo chí Mỹ và ông Kim Jong-un".
Tờ báo tường thuật rằng các phóng viên, nhà báo Mỹ phải ra khỏi khách sạn Melia vài tiếng đồng hồ trước khi trung tâm báo chí Mỹ chính thức mở cửa trên tầng 3 của khách sạn như đã định.
Tờ báo dẫn lời những người chứng kiến nói rằng toán an ninh của ông Kim đã lớn tiếng với mọi người có mặt, gay gắt buộc họ phải ra khỏi sảnh chính trước khi ông Kim tới nơi.
Các đoàn quay phim đã bỏ nhiều tuần lễ để chuẩn bị sẵn thiết bị, giờ phải vất làm lại từ đầu, vài giờ trước khi chuyên cơ của Tổng thống Mỹ đáp xuống phi trường ở Hà nội đêm thứ Ba.
Báo Washington Post dẫn lời nhà báo Margaret Talev của hãng tin Bloomberg, một nhà báo lão thành tại Nhà Trắng, chia sẻ trên trang Twitter : "Lực lượng an ninh cấm chúng tôi chụp ảnh bên trong khách sạn. Lính gác lớn tiếng cấm chúng tôi chụp ảnh, quay phim".
Chính phủ Việt Nam sau đó loan báo cho Tòa Bạch Ốc yêu cầu dời trung tâm báo chí ra khỏi khách sạn Melia. Tờ Washington Post đặt câu hỏi vì sao ban tổ chức không tiên liệu được những rắc rối đó để tránh tình huống đáng tiếc vào giờ chót ?
Nhà báo Peter Alexander của đài NBC nói ông và nhiều nhà báo khác bị ‘đuổi’ ra khỏi sảnh khách sạn trước khi ông Kim đến, và bị cấm dùng thang máy để tránh bước lên thảm đỏ vừa được trải xuống để đón lãnh tụ Triều Tiên. Ông Alexander cho biết an ninh Triều Tiên gay gắt đòi ông phải xóa tất cả những tấm ảnh trong điện thoại cầm tay chụp quang cảnh trong sảnh của khách sạn.
Tờ báo nhắc lại rằng trong cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore hồi năm ngoái, các phóng viên bị tập hợp lại và hạ lệnh phải bỏ vào túi điện thoại di động, và không được quay phim khi ông Kim di chuyển trong khách sạn. Một số người chụp ảnh đều được yêu cầu phải xóa sạch.
Tác giả bài báo bình luận rằng ông Kim khét tiếng là người lo âu về sự an toàn của bản thân ‘tới mức gần như bệnh hoạn’.
Chuyên gia về Triều Tiên Cheong Seong-chang nói : "Thật là không hiểu nổi. Chẳng biết tại sao lại để sự thể này xảy ra ?".
1. Nhất thể hóa tổng bí thư-chủ tịch nước sau khi ông Trần Đại Quang qua đời
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ để nắm thêm cả chức Chủ tịch nước, 23/10/2018
Sau khoảng 4 thập niên, Việt Nam lại có một lãnh tụ nắm cả hai vị trí cao nhất của đảng và nhà nước cùng một lúc.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 23/10, ngay sau cuộc bỏ phiếu mang tính chất thủ tục của quốc hội để hợp thức hóa đề cử do Ban Chấp hành Trung ương đưa ra trước đó 20 ngày.
Việc Tổng bí thư Trọng nắm thêm cả chức chủ tịch nước sau khi người tiền nhiệm Trần Đại Quang qua đời vì trọng bệnh được giới phân tích cho rằng sẽ giúp ông Trọng củng cố kiểm soát quyền lực, chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2021.
Thông tin từ các nguồn khác nhau trong và ngoài nước nói ông Trần Đại Quang dính líu đến một số tiêu cực nghiêm trọng, bao gồm cả việc bổ nhiệm hàng loạt các tướng tá. Ngoài ra, ông Quang cũng bị xem là một "đối thủ" của ông Trọng.
Trong hệ thống chính trị Việt Nam, người đứng đầu Đảng cộng sản có thực quyền lãnh đạo lớn nhất. Do vậy, theo giới phân tích, khi Tổng bí thư Trọng giờ đây cũng giữ chức chủ tịch nước, điều đó cũng đồng nghĩa rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng do ông Trọng đứng đầu càng được đẩy mạnh.
Trên báo chí thống, nhiều người bày tỏ họ "rất kỳ vọng" là sau khi ông Trọng đã tập trung được quyền lực, nhà lãnh đạo này sẽ có thể làm cho tình hình kinh tế xãhội, an ninh quốc phòng của Việt Nam "ngày càng tốt, ổn định hơn".
2. ‘Chiến dịch đốt lò’ tăng nhiệt, hàng loạt quan chức ‘ngã ngựa’
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Photo : VietnamNet
Một năm sau khi ông Đinh La Thăng, nhân vật từng được mệnh danh là "ngôi sao đang lên" và người được coi là "đàn em", ông Trịnh Xuân Thanh, "ngã ngựa" vì sai phạm thời còn làm trong ngành dầu khí Việt Nam, một loạt quan chức, cả hồi hưu lẫn đương chức, cũng đi theo vết xe đổ.
2018 đánh dấu việc nhiều tướng công an, quân đội bị kỷ luật, và thậm chí vướng vào vòng lao lý như án tù 9 năm của cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh vì dính líu tới "vụ đánh bạc triệu đô".
Mới nhất, ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng và Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hôm 26/12 đã bị cách chức vì các "khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng" quanh việc xây dựng 4 con đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong một diễn biến cho thấy việc xử lý các sai phạm, mà nhiều người gọi là "chiến dịch đốt lò", do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, vốn giống với chính sách "đả hổ diệt ruồi" của Chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ còn nóng lên trong năm 2019, người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam được dẫn lời cho rằng vụ ông Cang là "bài học sâu sắc" và rằng việc xử lý sẽ không có "vùng cấm".
Hồi giữa năm, hàng chục người, trong đó có các đảng viên và học giả, đã công bố thư ngỏ, yêu cầu ông Trọng "công khai tài sản" để "làm gương". Nhưng tới nay, vẫn chưa thấy động tĩnh nào từ nhà lãnh đạo 74 tuổi.
3. Phản đối dự luật đặc khu dẫn đến bạo động lớn, hàng chục người bị bỏ tù
Cảnh sát và người biểu tình đối mặt nhau trên quốc lộ 1 ở Bình Thuận, 11/6/2018
Quốc hội Việt Nam gác lại dường như vô thời hạn dự luật đặc khu sau khi nổ ra sự phản đối quyết liệt và kéo dài từ công chúng cả trên mạng lẫn ngoài đời thực đối với dự luật.
Có tên đầy đủ là Luật Đơn vị hành chính và kinh tế Đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, dự luật đã trở thành tâm điểm của cơn bão chỉ trích, lên án hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6, vì nó chứa đựng các điều khoản cho người nước ngoài thuê đất gần một thế kỷ.
Nhiều người phẫn nộ cho rằng làm như vậy không khác gì hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến. Họ cũng cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Đỉnh điểm của làn sóng phản đối là các cuộc biểu tình ở nhiều địa phương, kể cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 10/6. Riêng tại tỉnh Bình Thuận, biểu tình đã trở thành bạo loạn trong hai ngày, làm tê liệt một tuyến quốc lộ và một số trụ sở chính quyền bị đốt phá.
Ngoài phản đối dự luật đặc khu, nhiều người cũng phản đối dự luật an ninh mạng sắp thông qua ở thời điểm đó.
Hơn 100 người đã bị bắt trong sự kiện này. Đến tháng 11, hơn 60 người bị tòa án tỉnh kết án tù từ 2 đến 3,5 năm tù mỗi người cho hành vi "gây rối trật tự công cộng".
4. Bất chấp vô số phản đối, Luật An ninh mạng vẫn được thông qua
Các trí thức Việt Nam phản đối Luật An ninh mạng. Photo Goc nhin Thoi dai
Bất chấp phản đối của người dân trong nước và ở hải ngoại, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng ngày 12/6 với sự ủng hộ của hầu hết các đại biểu tham gia biểu quyết.
Bộ luật, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, được cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang ban hành hôm 28/6 và bắt đầu có hiệu lực ngày 1/1/2019.
Bộ luật mới, được coi là một bản sao không có sự thay đổi nào từ Luật An ninh mạng của Trung Quốc, đã và đang bị phê phán rộng rãi ở cả trong và ngoài nước Việt Nam.
Gần 70.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trên mạng đề nghị chính phủ Việt Nam hoãn thi hành và sửa đổi. Nhiều chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế lên tiếng chỉ trích bộ luật này khi cho rằng nó là công cụ giúp nhà cầm hạn chế quyền tự do biểu đạt trên mạng.
Hồi tháng 6, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ở nhiều thành phố để phản đối Luật An ninh mạng và dự thảo luật đặc khu. Đến tháng 11, có ít nhất là 127 người bị xử có tội vì tham gia biểu tình. Các mức án dao động từ vài tháng tù treo cho đến năm năm tù giam.
5. Giới hoạt động chịu các mức án nặng hơn ; một số tù nhân lương tâm bị trục xuất
Nhà hoạt động Lê Đình Lượng tại phiên tòa ở Nghệ An ngày 16/8/2018. Photo : Báo Nghệ An
Năm 2018 chứng kiến nhiều vụ xử án tù nặng hơn trước đối với các nhà hoạt động ở Việt Nam, cùng lúc, trong số họ, một số được quốc tế vinh danh.
The 88 Project, tổ chức ở Mỹ, cho biết 103 nhà hoạt động bị bắt, 120 nhà hoạt động bị xử án tù trong năm. Trong đó, 11 người bị án tù từ 10 đến 14 năm, có hai người bị kết án 15 đến 19 năm tù, riêng ông Lê Đình Lượng ở Nghệ An bị 20 năm tù.
Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền, Việt Nam kết án 39 nhà hoạt động, với tổng mức án lên đến 294,5 năm tù.
Tuy nhiên, trong năm, 3 nhà hoạt động được trả tự do với điều kiện phải sống lưu vong ở nước ngoài, là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm ; luật sư Nguyễn Văn Đài, và công sự Lê Thu Hà.
Mẹ Nấm đến định cư tại bang Texas, Mỹ, và được Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) trao giải Tự do Báo chí Quốc tế. Nữ blogger nói rằng "sẽ không lặng thinh" mà sẽ tiếp tục lên tiếng để thế giới biết đến nhiều hơn tình trạng vi phạm nhân quyền, tự do báo chí tại Việt Nam.
6. Khiếu kiện ở Thủ Thiêm : Ánh sáng cuối đường hầm
Vụ Thủ Thiêm : Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân
Vụ khiếu kiện kéo dài hơn 10 năm của người dân bị cưỡng chế thu hồi đất ở bán đảo Thủ Thiêm cuối cùng cũng được hồi đáp phần nào, với bản kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai sót trong việc thực thi dự án Khu đô thị Mới, cùng với việc ông Tất Thành Cang, một trong những nhân vật chủ chốt chỉ đạo dự án, bị khai trừ ra khỏi Trung ương Đảng và bị cách chức phó bí thư thường trực Thành ủy.
Sau khi có kết luận của Thanh tra, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh, từ cấp cao nhất là Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, đã có các cuộc tiếp xúc với người dân bị ảnh hưởng và đưa ra lời xin lỗi công khai.
Kết luận của Thanh tra cho rằng phần 4,3 ha đất thuộc Phường Bình An, Quận 2, không nằm trong phạm vi quy hoạch đã được thủ tướng phê duyệt, do đó việc cưỡng chế thu hồi đất ở đây là ‘chưa đủ cơ sở pháp lý’. Đây là một trong những vấn đề bức xúc nhất của người dân khiếu kiện ở Thủ Thiêm.
Kết quả này quy trách nhiệm cho chính quyền thành phố (quy hoạch Thủ Thiêm được thông qua dưới thời Bí thư Lê Thanh Hải) và yêu cầu ‘xử lý nghiêm’ những cá nhân có liên quan.
Kể từ khi được thông qua, dự án Thủ Thiêm đã đẩy hàng ngàn hộ mất nhà cửa, hàng ngàn gia đình tan nát, ly tán, con cái dở dang chuyện học hành, thậm chí dẫn đến một số vụ tự tử và hàng loạt vụ khiếu kiện kéo dài từ địa phương ra tới trung ương.
7. Đối mặt kỷ luật, Giáo sư Chu Hảo tuyên bố tự bỏ đảng, được nhiều người hưởng ứng
Từ trái sang, Nhà văn Nguyên Ngọc, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, giáo sư Chu Hảo. Photo Facebook Nguyen Xuan Dien
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ xuất hiện làn sóng thoái đảng như vụ Giáo sư Chu Hảo tự tuyên bố bỏ đảng và sau đó ông bị Trung ương Đảng khai trừ.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói việc khai trừ ông Hảo là biện pháp cần thiết để chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" gây nguy hại cho an ninh chính trị đất nước, và hình thức kỉ luật này là để "cứu muôn người".
Hồi tháng 10, sau khi vị giáo sư từng là Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ bị đề nghị kỷ luật, hàng chục các trí thức, cựu quan chức chính quyền khác đã tuyên bố thoái đảng để phản đối.
Ông Hảo tố rằng chính đảng mà ông từng là thành viên "không có tính chính danh, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại".
Trong một thư ngỏ gửi cho ông Trọng, một nhóm 81 học giả và các nhà nghiên cứu từ 10 quốc gia đã lên tiếng ủng hộ ông Chu Hảo, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức, và bày tỏ lo ngại về việc nhà chức trách Việt Nam ngăn cấm xuất bản những tác phẩm học thuật mà họ nói là "nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn".
8. Hiệp định TPP hồi sinh, CPTPP sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019
Đại diện 11 thành viên CPTPP tại một buổi lễ hồi tháng 3/2018
Việt Nam là một trong số 11 thành viên ký kết CPTPP, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, vào tháng 3/2018, và là nước thứ 7 phê chuẩn hiệp định này vào tháng 11 cùng năm. Hiệp định còn được gọi là TPP-11 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi TPP ban đầu gồm 12 thành viên vào tháng 11/2017.
Viện Nghiên cứu Kinh tế quốc tế Peterson dự báo CPTPP sẽ giúp các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP trước năm 2030. GDP của Nhật, New Zealand, Úc, Canada, Mexico và Chile sẽ tăng khoảng 1%.
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP với thế mạnh về xuất khẩu hàng dệt may, giày dép, hải sản và các sản phẩm nông nghiệp.
Trên bình diện thế giới, CPTPP mang ý nghĩa quan trọng vì hiệp định này hối thúc đầu tư và cổ vũ cho tự do thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng gia tăng.
CPTPP còn quan trọng về mặt địa-chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách tăng phạm vi ảnh hưởng trong khu vực.
Một khi có hiệu lực và chứng minh được tiềm năng của nó, CPTPP có thể được mở rộng để đón nhận thành viên mới. Các nước thành viên cũng nuôi ý định thuyết phục Hoa Kỳ trở lại gia nhập CPTPP.
9. Hàng nghìn người gốc Việt ở Mỹ đối mặt nguy cơ trục xuất
Nhiều người gốc Việt đang "chờ" bị trục xuất trong các trung tâm tạm giam của Mỹ
Ít lâu sau khi nói "vui" và "tự hào" vì chính quyền của Tổng thống Donald Trump "âm thầm ngưng trục xuất người tị nạn gốc Việt tới Hoa Kỳ trước năm 1995", cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius, tuyên bố đồng tình với ý kiến của cựu Ngoại trưởng John Kerry, coi kế hoạch đưa hàng nghìn người Việt sống ở Mỹ về nước là hành động "đáng khinh".
Một hiệp định nhận trở lại công dân Việt được Hà Nội và Washington ký năm 2008 "không áp dụng đối với những công dân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995", ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trao đổi với VOA tiếng Việt, cựu quan chức ngoại giao có nhiều duyên nợ với Việt Nam "vẫn tin rằng người dân Mỹ không ủng hộ việc trục xuất những người tị nạn từng chiến đấu cạnh các binh sĩ Hoa Kỳ trong những năm 60 và 70 ở Việt Nam, cũng như con cái của các lính Mỹ".
Trong khi đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ xác nhận rằng "5.000 người gốc Việt phạm pháp hình sự ở Mỹ, không phải là công dân Hoa Kỳ, đã nhận được quyết định bị trục xuất cuối cùng".
Ông Osius cho rằng bước đi của chính quyền của ông Trump "sẽ gây tổn hại lòng tin đã dày công gây dựng với Việt Nam".
Hiện chưa rõ Washington sắp tới sẽ xúc tiến kế hoạch ra sao, sau khi vấp phải phản đối của nhiều nhà lập pháp Mỹ cũng như các cuộc biểu tình của cộng đồng người gốc Việt.
10. Việt Nam đạt ngôi Á quân AFC, giành chức vô địch AFF cup
Các cầu thủ mừng việc giành chức vô địch với HLV Park Hang Seo
Năm 2018 được coi là một năm thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam khi đội tuyển trẻ quốc gia lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á và sau đó đội tuyển quốc gia giành cúp vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên sau 10 năm.
Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Hàn Quốc, Park Hang-seo, đội tuyển bóng đá Việt Nam được coi là "mạnh hơn bao giờ hết" so với những đội tuyển từng được các huấn luyện viên ngoại dẫn dắt trước đây.
Với thành tích vô địch AFF Cup 2018 sau khi đánh bại Malaysia 3-2 ở hai trận chung kết lượt đi và về, đội Việt Nam đã lập kỷ lục chuỗi bất bại dài nhất thế giới. Với 16 trận không thua trong gần 2 năm qua, Việt Nam vượt qua đương kim vô địch World Cup Pháp để sở hữu danh hiệu này.
Cũng với thành tích vô địch giải Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục đứng vững trong Top 100 của bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA, trên tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác.
VOA tiếng Việt 28/12/2018
2018 là năm đầy ắp sự kiện về Biển Đông đối với Việt Nam với các chuyến cập cảng dồn dập của chiến hạm các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ấn, Úc, Nhật, Canada, New Zealand và Hàn Quốc. Cũng trong năm 2018, Mỹ liên tục thực thi các chiến dịch tự do hàng hải (FRONOP) ở Biển Đông dẫn đến những vụ chạm trán chưa từng thấy với hải quân Trung Quốc như chuyến đi của tàu khu trục Decatur đến Trường Sa vào tháng 9. Về phía mình, Trung Quốc cũng có những bước leo thang lớn như lần đầu tiên triển khai tên lửa, máy bay ném bom ra các thực thể mà họ chiếm đóng ở Trường Sa. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu đấu dịu, là khi Bắc Kinh và Manila tuyên bố cùng hợp tác khai thác dầu khí trên Biển Đông hay Trung Quốc đặt ra thời hạn ba năm để hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử (COC).
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng hồi tháng Ba
Hãy cùng VOA Việt ngữ nhìn lại những diễn biến quan trọng trong năm qua trên Biển Đông :
Tháng 1
Tàu khu trục mang tên lửa USS Hopper của Mỹ di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần bãi cạn Scarborough. Trung Quốc yêu cầu Mỹ ‘dừng tiến hành các động thái khiêu khích, tránh làm tổn hại tới quan hệ Trung - Mỹ’.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thăm Việt Nam, tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước và chia sẻ những ‘quan ngại về tự do hàng hải’ và kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng luật pháp quốc tế.
Tháng 2
Chiến đấu cơ Su-35 được Trung Quốc điều tới Biển Đông ‘tuần tra tăng cường khả năng chiến đấu’ nhưng không rõ thời gian, địa điểm cụ thể và số lượng tham gia. Lần đầu tiên Bắc Kinh công khai thông báo đưa máy bay chiến đấu đến Biển Đông.
Trung Quốc và Philippines đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để bàn về hợp tác cùng khai thác dầu khí tại khu vực có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông
Tháng 3
Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhận USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng – lần đầu tiên một hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam trong vòng 60 năm. Sự kiện gửi tín hiệu đến Bắc Kinh về cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với an ninh trên Biển Đông.
Tàu khu trục USS Mustin đi vào phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc có các hoạt động bồi đắp, trong một chiến dịch ủng hộ quyền tự do hàng hải.
Hải quân Trung Quốc thông báo tiến hành tập trận trên Biển Đông với sự tham gia của hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này nhưng không cho biết chi tiết về thời gian, địa điểm.
Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tuần tra sẵn sàng oanh kích trên Biển Đông với sự tham gia của chiến đấu cơ Su-30 và Su-35 ‘nhằm chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh’.
Việt Nam buộc phải tạm ngừng dự án khoan dầu ở lô Cá Rồng Đỏ với tập đoàn Repsol, Tây Ban Nha dưới áp lực của Trung Quốc
Tháng 4
Trung Quốc lắp đặt các thiết bị phá sóng vô tuyến viễn thông và sóng radar trên hai hòn đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở quần đảo Trường Sa.
Tàu sân bay Mỹ USS Roosevelt đi qua Biển Đông trên đường đến Philippines.
Trung Quốc tập trận ngoài khơi phía nam đảo Hải Nam với sự tham gia của 43 tàu chiến và hàng không mẫu hạm Liêu Ninh
Ba chiến hạm của Úc, bao gồm HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success, bị Trung Quốc thách thức trên Biển Đông khi đang trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến thăm thiện chí.
Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, điều trần với Thượng viện Mỹ rằng ‘Trung Quốc đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi trường hợp chỉ trừ trường hợp có chiến tranh với Mỹ’.
Tháng 5
Chiến hạm Tonnerre của Hải quân Pháp cập cảng Cam Ranh trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày.
Úc và Nhật cùng tham gia cuộc tập trận Balikatan thường niên giữa Mỹ và Philippines trên Biển Đông.
Trung Quốc lần đầu tiên lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên các thực thể Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc đáp máy bay quân sự Shannxi Y-8 xuống đường băng mà họ xây dựng ở bãi đá Subi thuộc Trường Sa, đánh dấu khả năng có thể đưa máy bay quân sự ra tất cả ba đường băng mà họ xây dựng ở Trường Sa.
Máy bay ném bom của Trung Quốc H-6K vốn có khả năng mang tên lửa hành trình siêu âm lần đầu tiên đáp xuống Biển Đông trong khuôn khổ diễn tập tại khu vực tranh chấp nhằm ‘cải thiện khả năng vươn ra mọi vùng lãnh thổ và thực hiện các cuộc tấn công vào bất cứ lúc nào’.
Ba chiến hạm Ấn Độ, do khu trục hạm INS Sahyadri dẫn đầu, cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm bốn ngày do Tư lệnh Hạm đội miền đông Ấn chỉ huy.
Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC ở Hawaii để đáp trả việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông.
Mỹ đưa hai chiến hạm được trang bị tên lửa là Higgins và Antietam tiến vào phạm vi 12 hải lý của các đảo Tri Tôn và Phú Lâm của Quần đảo Hoàng Sa để thể hiện quyền tự do hàng hải.
Philippines nêu ba ‘lằn ranh đỏ’ đối với hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc xây dựng trên bãi cạn Scarborough, dỡ bỏ tàu hải quân của Philippines ở Bãi Cỏ Mây và không được tự tiện khai thác tài nguyên ở những khu vực này.
Trung Quốc hòa lưới điện trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, dọn đường cho việc cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà họ xây dựng trên Biển Đông.
Mỹ mời Việt Nam tham gia tập trận RIMPAC lần đầu tiên.
Tháng 6
Hai tàu chiến lớp La Fayette Surcouf của Pháp cập cảng Sài Gòn trong năm thứ ba liên tiếp.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và nêu ra chiến lược của Mỹ về ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ tại Đối thoại Shangri-la.
Anh, Pháp tuyên bố tại Đối thoại Shangri-la sẽ đưa tàu chiến vào Biển Đông, thách thức sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.
Mỹ đưa hai máy bay ném bom B-52 bay gần bãi cạn Scarborough do Trung Quốc kiểm soát.
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phản đối các hành động tăng cường sự hiện diện quân sự trên Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ cập cảng trong Vịnh Manila của Philippines.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ở Bắc Kinh rằng ‘Trung Quốc sẽ không nhượng bộ một tấc đất nào của tổ tiên để lại’, trong đó có Biển Đông.
Tháng 7
Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu tìm kiếm cứu hộ Nan Hai Jiu 115 neo đậu lâu dài ở Đá Subi thuộc Trường Sa.
Tháng 8
ASEAN và Trung Quốc đạt được bản dự thảo về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông ở Singapore.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói nước này quân sự hóa Biển Đông là ‘để tự vệ’ trước sức ép quân sự từ Mỹ.
Tháng 9
Tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh ghé thăm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tàu HMS Albion của Anh tiến gần đến quần đảo Hoàng Sa và bị hải quân Trung Quốc cảnh báo phải rời đi.
Nhật triển khai tàu chở sân bay trực thăng Kaga tới Biển Đông năm thứ hai liên tiếp.
Tàu ngầm Nhật Kuroshio cập cảng Cam Ranh sau khi lần đầu tiên tham gia diễn tập quân sự của Hải quân Nhật trên Biển Đông.
Mỹ tiếp tục cho B-52 bay ngang qua Biển Đông.
Tàu khu trục Decatur của Mỹ thực hiện chiến dịch tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của bãi đá Gạc Ma và Ga ven thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc điều tàu hải quân Luyang ra xua đuổi và tàu Trung Quốc đã áp sát tàu Mỹ trong khoảng cách 40 mét.
Tàu hải quân The Mana F77 của New Zealand cập cảng Sài Gòn.
Tháng 10
Chiến hạm HMCS Calgary của Canada cập cảng Đà Nẵng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trở lại thăm Việt Nam.
Trung Quốc tập trận ở Eo biển Malacca với Malaysia và Thái Lan để ‘xây dựng lòng tin’.
Lần đầu tiên ASEAN và Trung Quốc diễn tập hải quân chung (ACMEX) ngoài khơi quân cảng Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc, với sự tham gia của 8 tàu chiến, trong đó có tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo của Hải quân Việt Nam.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu Bộ Chỉ huy Nam Hải ‘tăng khả năng chiến đấu để đối phó với mọi tình huống khẩn cấp, trong đó có chiến tranh’.
Tháng 11
Trung Quốc đưa vào hoạt động các trạm quan trắc khí tượng trên quần đảo Trường Sa nhằm dự báo thời tiết cho ngư dân đánh bắt trên Biển Đông.
Đài Loan diễn tập bắn đạn thật trong ba ngày trên đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa là Ba Bình.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với các nước ASEAN rằng nước này muốn hoàn tất COC trong vòng ba năm.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các bên đẩy nhanh tiến độ đàm phán để cho ra đời bộ COC mang tính ràng buộc về pháp lý.
Trung Quốc bị phát hiện xây dựng cấu trúc có gắn thiết bị radar và các tấm pin năng lượng mặt trời trên đá Bông Bay của Hoàng Sa.
Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông, mở đường cho hợp tác cùng khai thác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah đồng ý ‘hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên dầu khí trên biển’.
Tháng 12
Tàu tuần dương USS Chancellorsville đi gần quần đảo Hoàng Sa để thách thức tuyên bố chủ quyền quá đáng của Trung Quốc. Trung Quốc điều tàu và máy bay ra để yêu cầu tàu Mỹ rời đi.
Sự can thiệp của Nga trên mạng xã hội vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 diễn ra ở quy mô rộng hơn những gì mọi người nghĩ trước đây và bao gồm các nỗ lực chia rẽ người Mỹ về sắc tộc và lý tưởng cực đoan, hai phúc trình của các chuyên gia độc lập được các thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ công bố hôm 17/12 cho biết.
Tổng thống Nga Vladimir Putin được xem là đã chỉ đạo chiến dịch thông tin nhằm thao túng dư luận Mỹ
Cơ quan Nghiên cứu Internet của Chính phủ Nga có trụ sở ở St. Petersburg đã cố gắng tìm cách thao túng chính trị Mỹ, các phúc trình cho biết. Một phúc trình trong số này do các phân tích gia mạng xã hội New Knowledge thực hiện và một phúc trình khác do một nhóm các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford làm việc với công ty phân tích Graphika.
Hai bản phúc trình này phần lớn đã xác nhận những phát hiện trước đó của cơ quan tình báo Mỹ nhưng cung cấp nhiều chi tiết hơn về các hoạt động của Nga đã diễn ra trong nhiều năm trước và vẫn tiếp diễn cho đến nay, bản phúc trình và các thượng nghị sĩ cho biết.
Chẳng hạn, một tổ chức dư luận viên tìm cách khuyến khích các ‘phong trào ly khai’ ở tiểu bang California và Texas, bản phúc trình của New Knowledge cho biết.
"Dữ liệu mới được công bố này đã chứng tỏ Nga đã quyết liệt tìm cách chia rẽ người Mỹ về sắc tộc, tôn giáo và lý tưởng, " ông Richard Burr, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện và là người Đảng Cộng hòa, cho biết trong một thông cáo.
Nga đã tìm cách làm xói mòn lòng tin vào các thể chế dân chủ Mỹ và các hoạt động của họ vẫn chưa dừng lại. Ủy ban này đã thu thập dữ liệu từ các công ty mạng xã hội để cho các nhà phân tích độc lập sử dụng trong các nghiên cứu của họ.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên cao cấp của Đảng Dân chủ trong ủy ban, nói rằng : "Những phúc trình này chứng tỏ phạm vi mà người Nga lợi dụng những sự chia rẽ trong xã hội để chia rẽ người Mỹ trong nỗ lực phá hoại và thao túng nền dân chủ của chúng ta".
"Những hành vi tấn công này… là toàn diện, có tính toán và lan rộng hơn nhiều hơn nhiều người suy nghĩ trước đây", ông nói.
Phúc trình của Oxford/Graphika nói rằng người Nga đã lan truyền những ‘thông tin sai lệch, những giải thiết âm mưu, những thông tin rẻ tiền và những dạng tin tức chính trị rác rưởi đến với các cử tri thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau’.
Phúc trình của New Knowledge cho biết người Nga ‘đã thực hiện những chiến dịch chống Hillary Clinton toàn diện’ chẳng hạn như nỗ lực tổ chức người Hồi giáo tuần hành phản đối bà Clinton.
Theo bản phúc trình này cho biết các tin tặc Nga cũng nhắm vào các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Ted Cruz, Marco Rubio, Lindsey Graham và cố thượng nghị sĩ John McCain, và cựu giám đốc FBI James Comey và công tố viên đặc biệt Robert Mueller và nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.
Một bản phúc trình tình báo hồi tháng Giêng năm 2017 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị một chiến dịch gây ảnh hưởng tinh vi để phỉ báng ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ủng hộ cho ông Donald Trump.
Chính quyền tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, đã bắt 10 người liên quan tới cuộc biểu tình của các cựu chiến binh hồi đầu tháng Mười năm nay.
Reuters dẫn lại tin của truyền thông nhà nước đưa tin như vậy hôm 9/12.
Hãng tin Anh nói rằng những bất bình về lương hưu và các chế độ đãi ngộ khác lâu nay là các vấn đề dẫn tới nhiều cuộc biểu tình có tổ chức trong những năm gần đây.
Hồi đầu năm ngoái, hàng trăm cựu chiến binh đã biểu tình ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh trong vòng hai ngày, yêu cầu nhà nước chi trả các khoản đãi ngộ hưu bổng chưa nhận được.
Truyền hình nhà nước đưa tin rằng từ ngày 4 tới 7/10, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở thành phố Bình Độ thuộc tỉnh Sơn Đông với sự tham dự của khoảng 300 người từ nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc.
Reuters dẫn lại thông tin của truyền thông Trung Quốc nói rằng người biểu tình mang theo biểu ngữ cho biết rằng họ là "cựu chiến binh" trong cuộc xuống đường mà truyền hình nói là trái pháp luật.
Báo chí nhà nước cũng trích tin từ Bộ Công an nói rằng người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và phá hoại xe cộ.
Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cam kết đối xử tốt hơn với các cựu chiến binh, và năm nay đã lập Bộ Các vấn đề Cựu chiến binh trong một phần nỗ lực cải tổ các cơ quan cấp bộ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo hồi năm 2015 rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân của nước này sẽ cắt giảm 300 nghìn binh sĩ vào cuối năm 2017 và chính phủ sau đó cho biết đã phần lớn đạt được điều đó.