Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 8/1 tuyên bố nước ông sẽ nộp đơn khiếu nại chính thức đối với Trung Quốc, nếu xác minh được rằng cơ sở vật chất trên đá Chữ Thập đã được "quân sự hóa".
Một hình ảnh vệ tinh về đá Chữ Thập, công bố hồi tháng 12/2017
Truyền thông Philippines trong tuần qua đã bày tỏ quan ngại qua các bài báo nói rằng đá Chữ Thập (tên tiếng Anh là Fiery Cross), một phần trong quần đảo Trường Sa, đã được trang bị để đóng chức năng là một căn cứ không quân ở Biển Đông.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Trường Sa và nắm giữ nhiều đảo ở đó.
Một chương trình cuối năm do một đài nhà nước Trung Quốc phát sóng chiếu cảnh quay đảo đá từ trên không, gây ra lo lắng. Sau đó, một trang tin ở Hồng Kông cho hay đường băng dài 3.125 mét trên đảo đã được nâng cấp để phục vụ máy bay ném bom chiến lược H-6K.
Ông Lorenzana được Thời báo Manila trích lời nói rằng chính phủ Trung Quốc đã đồng ý một cách cụ thể về không quân sự hóa các hòn đảo khi chúng được Philippines bàn giao.
"Nếu họ đã đưa binh lính lên đó và thậm chí cả vũ khí có thể tăng cường phòng thủ của họ ở đó... đó sẽ là một sự vi phạm những gì họ đã nói", ông Lorenzana nói.
Khi được hỏi trước đây, Trung Quốc đã phủ nhận rằng đá Chữ Thập đã được quân sự hoá. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy các cơ sở được thiết lập hiện đang có chức năng là một trung tâm hậu cần để Trung Quốc thực hiện việc đòi chủ quyền đối với Biển Đông.
(South China Morning Post, Taiwan News)
Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng hôm 8/1 nói rằng không để xảy ra sự cố như Formosa và xem sự cố môi trường biển này như "một bài học lớn".
Báo VietnamNet cho biết tại một Hội nghị Tổng kế công tác năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ, ông Dũng nói : ''Không để xảy ra sự cố môi trường đáng tiếc như Formosa, đồng thời nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường..".
Báo Zing trích lời ông Dũng nói : "Từ sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, chúng ta phải coi Formosa là một bài học".
Tuy nhiên, cũng trong dịp này, ông Dũng còn khen gợi, "đánh giá cao" về công tác quản lý tài nguyên môi trường của Bộ trong năm 2017 có nhiều "chuyển biến tính cực". Ông Dũng nói : "Thực tế cho thấy thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực đất đai, ô nhiễm môi trường...đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường chú tâm chỉ đạo giải quyết".
Trong khi đó hàng trăm hộ dân tại các tỉnh miền trung bị ảnh hưởng môi trường biển vẫn bất bình trước việc đền bù thiệt hại không thỏa đáng của chính quyền sau khi xảy sự cố Formosa vào tháng 4 năm 2016.
Linh mục Đặng Hữu Nam, nhà hoạt động vì môi trường ở Nghệ An, trước đây nói với VOA rằng : "các ngư dân rất phẫn nộ với cách hành xử của chính quyền và nhà máy Formosa".
Tập Cận Bình kêu gọi binh sĩ Trung Quốc ‘đừng sợ chết’ (VOA, 08/01/2018)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thẳng thừng kêu gọi quân đội Trung Quốc sẵn sàng chiến đấu và ‘đừng sợ chết’ vì nước.
Chủ tịch Tập Cận Bình và binh sĩ Trung Quốc hôm 3/1/2018. (Photo : South China Morning Post)
Hãng tin AFP trích lời kêu gọi của ông Tập với quân đội lớn nhất thế giới hôm thứ Năm 4/1.
Phát biểu trước cuộc tập họp của hơn 7.000 quân nhân nam nữ tại tỉnh Hồ Bắc hôm 3/1, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình kêu gọi các binh sĩ đừng sợ chết cũng như gian khó hiểm nguy khi làm nhiệm vụ của đảng Cộng sản giao cho.
Ông Tập cũng nói Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) phải là "một lực lượng hùng mạnh, tinh nhuệ, sẵn sàng chiến đấu, có khả năng chiến đấu và bảo đảm thắng trận, nhằm hoàn thành các nhiệm vụ mà đảng và nhân dân giao trong thời đại mới".
Tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Ðảng Cộng sản Trung Quốc, đưa tin trên trang nhất, kèm ảnh ông Tập mặc quân phục ngụy trang và đeo găng tay da đen : "Khi đồng chí Tập Cận Bình phát biểu chỉ đạo, tràng pháo tay của lực lượng quân sự rền vang như sấm".
Truyền thông Trung Quốc loan tải hình ảnh các binh sĩ hướng về quân kỳ, thề rằng : "tuyệt đối tuân lệnh của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình".
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập quyết tâm thúc đẩy sức mạnh quân sự của Trung Quốc, bao gồm cả lời kêu gọi vào tháng 10 nhằm phát triển quân đội "đẳng cấp thế giới" trước năm 2050.
(Nguồn : The Guardian, AFP)
******************
Đài Loan : Trung Quốc ‘vô trách nhiệm’ khi mở đường bay mới (VOA, 08/01/2018)
Chính phủ Đài Loan nói việc Trung Quốc mở rộng các tuyến hàng không dân dụng ở eo biển Đài Loan gần đây là một hành động vô trách nhiệm, đe dọa đến an ninh khu vực, theo Reuters.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Trung Quốc đã mở nhiều tuyến hàng không gây tranh cãi vào tuần trước, trong đó có tuyến bay về phía Bắc M503 ở eo biển Đài Loan, mà không hề thông báo cho Đài Loan, vi phạm điều mà chính phủ dân chủ ở Đài Bắc nói là thỏa thuận năm 2015 về việc thảo luận trước đối với những sự việc như mở đường bay.
Sau cuộc gặp với các bộ trưởng để đánh giá tình hình hôm Chủ nhật (7/1), Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói hành động của Trung Quốc "không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hàng không, mà còn gây hại cho tình hình hiện nay ở eo biển Đài Loan".
Bà Thái nói thêm rằng : "Đơn phương thay đổi tình hình, lối hành xử này gây hại cho sự ổn định của khu vực, không phải là điều mà cộng đồng quốc tế có thiện cảm".
Trong cuộc gặp với các quan chức của mình, bà Thái nói rằng các hoạt động quân sự đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực đang đe dọa sự ổn định và kêu gọi Bắc Kinh dành ưu tiên để tái lập các cuộc thảo luận về các đường bay này.
Hành động của Bắc Kinh diễn ra khi Trung Quốc đẩy mạnh chương trình hiện đại hóa quân sự, bao gồm chế tạo hàng không mẫu hạm và chiến đấu cơ tàng hình, cho phép nước này có khả năng triển khai sức mạnh từ ngoài khơi xa bờ biển và đẩy nhanh "các cuộc tuần tra bao vây đảo" gần Đài Loan.
Thứ Năm tuần trước, cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc thông báo các tuyến bay mới "sẽ nghiêm túc tuân theo đường bay đã thông báo".
10 nước bị lọt vào danh sách ‘Đặc biệt quan ngại’ của Hoa Kỳ (VOA, 05/01/2018)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định 10 quốc gia, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên vào danh sách các "Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt"( CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vì đã tham gia hoặc dung túng các vi phạm tự do tôn giáo.
Ngoại trưởng Rex Tillerson phát biểu khi công bố phúc trình tự do tôn giáo quốc tế thường niên.
Các nước Eritrea, Sudan, Ả-rập Xê-út, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cũng đã bị liệt vào danh sách này, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng Pakistan đã bị bổ sung vào danh sách "Cần Theo dõi Đặc biệt" vì vi phạm nghiêm về tự do tôn giáo.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết : "Việc bảo vệ tự do tôn giáo là rất quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Việc chỉ định này nhằm mục đích nâng cao sự tôn trọng tự do tôn giáo ở các nước. Chúng tôi hoan nghênh những sáng kiến này và mong muốn tiếp tục đối thoại".
******************
Bộ Ngoại giao Mỹ bị chỉ trích vì CPC không có tên Việt Nam (VOA, 04/01/2018)
Bộ Ngoại giao Mỹ tái liệt kê 10 nước vào danh sách ‘cần đặc biệt quan tâm’ chiếu theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vì dính líu hoặc dung chấp các vi phạm về tự do tôn giáo, trong số này có 3 nước Châu Á.
Một buổi cử hành thánh lễ Công giáo ở Việt Nam - Ảnh minh họa
Trung Quốc, Myanmar, Triều Tiên bị liệt kê vào danh sách cùng với Iran, Eritrea, Sudan, Ả Rập Xê Út, Tajikistan, Turkmenistan, và Uzbekistan.
Pakistan bị đưa vào ‘Danh sách Theo dõi đặc biệt’ vì các vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo.
"Bảo vệ tự do tôn giáo hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, và thịnh vượng. Việc liệt kê các nước vào danh sách ‘cần đặc biệt quan tâm’ về tự do tôn giáo nhằm cải thiện sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo tại các nước đó," thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
"Chúng tôi nhận thấy một số nước bị liệt kê đang nỗ lực cải thiện tôn trọng tự do tôn giáo, chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến đó và mong đợi các cuộc đối thoại tiếp diễn," thông cáo viết tiếp.
Ủy hội của Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) có trụ sở tại thủ đô Washington DC cho rằng danh sách này chưa đủ vì thiếu tên Việt Nam.
Chủ tịch USCIRF, ông Daniel Mark, nói "Đưa các nước này vào danh sách CPC là bước quan trọng để đảm bảo rằng Mỹ tiếp tục ủng hộ tự do tôn giáo quốc tế. Dù USCIRF nhất trí về việc liệt kê 10 nước trong danh sách của Bộ Ngoại giao, nhưng danh sách này chưa đủ. Ngoại trưởng Mỹ Tillerson lẽ ra cũng nên liệt kê Cộng hòa Trung Phi, Nigeria, Pakistan, Nga, Syria, và Việt Nam vào danh sách này".
Cùng ngày 4/1, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dân biểu Ed Royce, ra thông cáo bày tỏ bất bình vì Việt Nam một lần nữa thoát khỏi danh sách CPC.
Thông cáo của ông Royce nhấn mạnh : "Tự do tôn giáo là nhân quyền cơ bản, nhưng vẫn còn rất nhiều người trên khắp thế giới bị đàn áp, tù đày và giết hại chỉ vì niềm tin tín ngưỡng của mình. Là người Mỹ, nhiệm vụ của chúng ta là phải lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Chính quyền Mỹ đã làm đúng khi đưa việc này lên làm ưu tiên. Việc tái liệt kê Burma (Myanmar) là quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo là đặc biệt thỏa đáng vì nạn thanh trừng sắc tộc của quân đội nước này đối với người Hồi giáo Rohingya. Tuy nhiên, tôi bất bình khi thấy rằng một lần nữa Việt Nam lại không bị đưa trở lại danh sách này. Người dân Việt Nam tiếp tục bị vi phạm quyền tự do tôn giáo và các nhân quyền khác. Hoa Kỳ chớ nên e dè chỉ ra các nước vi phạm như thế".
Việt Nam từng bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách CPC từ tháng 9/2004 đến tháng 11/2006.
Kể từ khi Việt Nam được xoá tên khỏi CPC từ 2006 đến nay, mỗi năm Ủy hội USCIRF đều đề nghị đưa Việt Nam trở lại CPC vì các vi phạm về tự do tôn giáo.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ed Royce là một trong những chính khách mạnh mẽ thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách này.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tại một hội nghị của chính phủ hôm 28/12 tại Hà Nội, rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng "được đẩy mạnh hơn bao giờ hết".
Cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) được ví như là chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải).
Truyền thông trong nướcnói đây là lần đầu tiên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đến dự một hội nghị trực tuyến của chính phủ.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng nói sự có mặt của ông Trọng tại cuộc họp chính phủ cho thấy chủ trương "Đảng lãnh đạo toàn diện và chỉ đạo toàn diện" và "nhất thể hóa các chức danh Đảng và Nhà nước".
"Ông Trọng lần đầu tiên tham dự một cuộc họp của chính phủ và thực hiện một việc mà các đời tổng bí thư trước đây cũng như các đời chủ tịch nước trước đây chưa hề làm được", nhà báo Dũng nhận định. "Điều đó cho thấy ông Trọng ngày càng tự tin và rất tự tin và có thể nói, không những thể hiện vai trò lãnh đạo độc tôn không những của Đảng mà của cả cá nhân ông Trọng".
Theo chủ tịch Hội nhà báo độc lập, ông Trọng trở nên tự tin sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí bị cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng, về Việt Nam và "tự tin hơn nữa" sau khi bắt Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính trị. Cả ông Thăng và Thanh đều từng làm lãnh đạo trong tập đoàn dầu khí PetroVietnam (PVN) và sẽ bị đưa ra tòa xử vào tháng sau.
Ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng là 2 trong số những lãnh đạo ngành dầu khí Việt Nam sẽ bị đưa ra xét xử trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh chụp từ VTV)
Trong bài phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Trọng ca ngợi các nỗ lực chống tham nhũng, ông nói cuộc "đấu tranh phòng chống tham nhũng bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ".
Cuộc chiến chống tham nhũng mà Tổng bí thư Trọng phát động, theo nhận định của nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Trần Quốc Thuận với VOA, đã "đến hồi quyết liệt", đến giai đoạn "sống còn" nên cần được ủng hộ rộng rãi.
"Tổng bí thư đến họp chính phủ không những nhấn mạnh ý chí lãnh đạo của Đảng quyết đấu tranh chống tham nhũng mà cũng cần có sự tập hợp ủng hộ cả từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương và tất cả các bộ ngành hữu quan", theo ông Thuận.
Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến "những nơi nhạy cảm" từng được coi là "vùng cấm" với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực.
Lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị tống giam và truy tố trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là "đốt lò".
ZingNews trích lời ông Trọng nói tại hội nghị hôm 28/12 : "Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu".
Hơn 20 lãnh đạo của PVN bị điều tra, trong đó có ông Thanh, người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin. Ông Thăng, Thanh và các lãnh đạo khác của PVN sẽ được đưa ra xét xử bắt đầu từ ngày 8/1/2018.
Cũng trong cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hồi tháng 9 nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình, trong khi cựu chủ tịch Hà Văn Thắm lãnh án tù chung thân.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hồi năm ngoái từng thừa nhận rằng đạo đức trong Đảng đang xuống cấp, làm mất lòng tin của dân, và đe dọa sự tồn vong của Đảng.
Nói với VnExpress, một nhà quan sát chính tình Việt Nam, giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales nói mỗi vụ án tham nhũng được xử không những dựa trên thất thoát về tài chính, mà còn dựa trên mức độ ảnh hưởng tới sự ổn định về chính trị. Theo nhận định của giáo sư Thayer trên tờ Asia Times, các vụ đại án được tiến hành và những mức án nặng được đưa ra là nhằm xoa dịu sự phẫn nộ của công chúng đối với nạn tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam.
Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International, Việt Nam đứng thứ 113 trên 176 quốc gia được khảo sát.
VOA tiếng Việt, 28/12/2017
Mỹ hôm thứ Năm đã áp đặt chế tài lên 13 "đối tượng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và những tác nhân tham nhũng" bao gồm tướng Maung Maung Soe của Myanmar, người cầm đầu cuộc đàn áp tàn bạo trong năm nay nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya.
Tướng Maung Maung Soe cầm đầu cuộc đàn áp tàn bạo trong năm nay nhắm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine của Myanmar.
Chính phủ Mỹ, áp dụng những hình phạt này lần đầu tiên theo một luật thông qua vào năm ngoái, cũng nhắm mục tiêu vào 39 cá nhân và thực thể khác bằng những chế tài phong tỏa tài sản của họ thuộc thẩm quyền pháp lý của Mỹ, cấm hầu hết người Mỹ giao dịch với họ và phần lớn cô lập họ khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết những người bị chế tài bao gồm Benjamin Bol Mel, người từng làm cố vấn cho Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và bị nghi là được biệt đãi trong các hợp đồng chính phủ. Danh sách này cũng bao gồm cựu lãnh đạo Gambia Yahya Jammeh, bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và tham nhũng, và tỉ phú Israel Dan Gertler, bị cáo buộc sử dụng mối quan hệ bằng hữu của ông ta với Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Joseph Kabila để giành những những thỏa thuận khai khoáng được ưu đãi.
"Chúng ta phải lãnh đạo bằng hành động của chính mình, và loan báo chế tài hôm nay chứng tỏ Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi những hậu quả hữu hình và đáng kể đối với những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và dính líu tới tham nhũng", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói trong một tuyên bố.
Đây là những chế tài đầu tiên được áp đặt theo luật của Mỹ gọi là Đạo luật Giải trình Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu.
Reuters cho biết phát ngôn viên của chính phủ Myanmar không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về chế tài của Mỹ nhắm vào ông Maung Maung Soe.
Quân đội Myanmar trấn áp người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine sau những vụ tấn công ngày 25 tháng 8 của những phần tử chủ chiến người Rohingya nhắm vào một căn cứ quân sự và các đồn cảnh sát. Ông Maung Maung Soe phụ trách một chiến dịch quân sự đã khiến hơn 650.000 người Rohingya tháo chạy sang Bangladesh.
Ngày 22 tháng 11, Mỹ gọi chiến dịch quân sự của Myanmar nhắm vào người Rohingya là "thanh lọc sắc tộc" và đe dọa áp đặt những chế tài nhắm mục tiêu vào những người chịu trách nhiệm.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói Mỹ đã "kiểm tra các bằng chứng đáng tin cậy về các hoạt động của Maung Maung Soe, bao gồm các cáo buộc đối với lực lượng an ninh Miến Điện về các vụ giết người ngoài vòng pháp luật, bạo lực tình dục và bắt giữ tùy tiện cũng như việc phóng hỏa làng mạc ở khắp nơi".
Quân đội Myanmar tháng trước công bố một báo cáo phủ nhận mọi cáo buộc hãm hiếp và giết người do lực lượng an ninh gây ra. Ông Maung Maung Soe được thuyên chuyển công tác vài ngày trước đó và không có lý do nào được đưa ra.
Tòa Bạch Ốc nhắm xóa sổ diện bảo lãnh thân nhân (VOA, 15/12/2017)
Chính quyền : Đề nghị-Chuẩn bị-Hành động
Tòa Bạch Ốc đang tiến hành chiến dịch vận động công luận chống lại chính sách cho phép bảo lãnh thân nhân sang Mỹ định cư trước khi tiến hành ‘cú đẩy toàn lực’ vào năm sau hướng tới một thể thức di trú dựa vào năng lực xứng đáng.
Người biểu tình chống lại các đề nghị cải tổ di trú của Tổng thống Trump.
Trước vụ tấn công khủng bố đầu tuần này tại New York do một di dân gốc Bangladesh thực hiện, chính quyền của Tổng thống Trump đã bắt đầu chuẩn bị cho cuộc vận động này bằng cách thu thập dữ liệu để củng cố lập luận rằng hệ thống di trú hiện hành không những có nhiều kẽ hở, mà còn nguy hiểm và gây hại cho người lao động Mỹ.
Tuần này, các giới chức Tòa Bạch Ốc cho AP biết dữ liệu cho thấy cần phải thay đổi hệ thống di trú ngay lập tức.
Vấn đề di trú dự kiến sẽ được nhấn mạnh trong bài phát biểu về Tình trạng Liên bang của Tổng thống vào ngày 30/1 tới đây.
Tòa Bạch Ốc cũng lên kế hoạch cho các bài diễn văn khác của Tổng thống và thúc đẩy nhấn mạnh vấn đề này trên mạng lưới truyền thông bảo thủ.
Chính quyền Trump bắt đầu chiến dịch này từ thứ năm, đăng lên truyền thông xã hội, nhấn mạnh các số liệu như dữ kiện Bộ An ninh Nội địa cho thấy gần 9,3 triệu trong số gần 13 triệu di dân tới Mỹ từ 2005 tới 2016 là diện bảo lãnh thân nhân. Trong thập niên qua, cứ 15 di dân chỉ có 1 người nhập cư Mỹ nhờ kỹ năng.
Lực lượng thực thi di trú Mỹ bắt một di dân bất hợp pháp ở Los Angeles.
Trong khuôn khổ chiến dịch thu hút đồng thuận từ công chúng, sắp tới, hành pháp Mỹ dự định sẽ công bố báo cáo nêu bật số di dân phạm tội tại Mỹ đang bị giam giữ trong các nhà tù, đánh giá những hồ sơ tòa án tồn đọng về di trú và những trì trệ trong tiến trình xét duyệt các đơn xin tị nạn, cùng phúc trình về điều mà chính quyền Trump gọi là sự liên hệ giữa di dân và khủng bố.
Những người chỉ trích từng chất vấn về việc trước đây chính quyền dựa vào những số liệu đôi khi gây ngộ nhận.
Đề nghị gạt bỏ chương trình di trú diện bảo lãnh thân nhân là một thay đổi quan trọng nhất đối với hệ thống di trú Mỹ trong 30 năm nay.
Đề nghị này có thể xóa bỏ các diện bảo lãnh ‘ăn theo’ như anh chị em, ba mẹ, hay con cái trên 21 tuổi, luật sư Khanh Phạm từ Texas, người có chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú, cho VOA Việt ngữ biết.
Thay vào đó, dân nhập cư Mỹ được đánh giá, tuyển chọn theo một hệ thống thang điểm dựa trên khả năng học vấn và chuyên môn. Bbiện pháp này ngày càng được các nước ứng dụng nhiều hơn, kể cả Anh quốc.
Công luận : Ủng hộ vs Phản đối
Công chúng Mỹ hiện chia rẽ sâu sắc về các kiểu cải cách mà Tổng thống Trump đang cổ súy.
Cuộc thăm dò của đại học Quinnipiac hồi tháng 8 cho thấy 48% cử tri phản đối đề xuất mà Tổng thống Trump ủng hộ : cắt giảm số di dân bất hợp pháp trong tương lai xuống còn phân nửa và ưu tiên cho các di dân có kỹ năng nghề nghiệp hơn là những người có bà con thân nhân ở Mỹ. 44% những người được hỏi ủng hộ ý kiến này.
Tòa Bạch Ốc hy vọng Quốc hội bắt tay vào vấn đề di trú vào đầu năm 2018.
Ông Trump đã đề ra những tiêu chí tổng quát về những gì ông trông đợi trong dự luật cải cách di trú để đổi lấy việc cấp quy chế hợp pháp cho hơn 700 ngàn di dân được cha mẹ mang sang Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ. Các nội dung ông Trump mong muốn cải cách bao gồm xây tường biên giới chặn di dân lậu, tăng cường thực thi luật nghiêm hơn, và tiến tới hệ thống di trú dựa trên thang điểm xứng đáng.
Người biểu tình chống lại các biện pháp liên bang nhắm vào các thành phố 'chứa chấp' di dân bất hợp pháp.
Liên đoàn Cải cách Di trú Mỹ, FAIR, tổ chức vận động hạ bớt tỷ lệ dân nhập cư, vừa khởi sự chiến dịch vận động trên truyền thông cảnh báo về điều mà họ gọi là mối nguy của chương trình nhập cư theo diện bảo lãnh thân nhân và chương trình xổ số visa định cư Mỹ. Trong 1 tháng rưỡi qua, tổ chức này đã chi gần 1 triệu đô la cho chiến dịch vận động của mình.
Tuy nhiên, ông Guillermo Cantor, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Di trú Mỹ, cho rằng chính quyền Trump phớt lờ những lợi ích của hệ thống di dân theo diện bảo lãnh thân nhân.
Ông nói nghiên cứu cho thấy các thân nhân được bảo lãnh mang tới Mỹ kỹ năng, sự hỗ trợ cùng các lợi ích khác chẳng hạn như phụ giúp trông trẻ.
"Xã hội này được thành lập trên các giá trị gia đình", ông Cantor lập luận rằng chuyện đoàn tụ với cha mẹ, anh chị em, đối với nhiều người đã trở thành thường trú nhân hay công dân Mỹ, là hết sức hệ trọng.
Luật sư Khanh Phạm nói dù những đề nghị của ông Trump chưa thành luật nhưng các nỗ lực vận động giới lập pháp chớ xóa bỏ chương trình định cư ‘ăn theo’ nên bắt đầu từ bây giờ, từ cách gửi gắm nguyện vọng qua những tiếng nói đại diện cho dân tại Quốc hội, vốn là cách vận hành lâu nay của hệ thống dân chủ Mỹ.
Trà Mi
***********************
Indonesia trục xuất người Việt xin tị nạn (VOA, 15/12/2017)
Binh sĩ Indonesia canh giữ nhóm một nhóm ngư dân Việt đánh cá lậu ở biển Natuna. Nhóm 4 người bị trục xuất ngày 13/12 nói họ đang trên đường đi sang Úc.
Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Indonesia vừa trục xuất 4 người xin tị nạn Việt Nam hôm 13/12, bất chấp phản kháng của một nhóm bênh vực nhân quyền rằng những người này đang phải đối mặt với nguy cơ bị bức hại tại quê nhà.
Phát ngôn viên của Cơ quan Nhập cư thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia xác nhận với báo Jakarta Globe rằng 4 người Việt Nam xin tị nạn đã bị trục xuất vào chiều thứ Tư (13/12).
Chính phủ Indonesia đã sắp xếp và chi trả tất cả mọi chi phí để đưa họ về Việt Nam.
Trước đó một ngày, trong thư ngỏ gửi Tổng thống Joko Widodo, Mạng lưới quyền Người tị nạn Châu Á-Thái Bình Dương (APRRN) yêu cầu Tổng thống Indonesia bảo vệ những người xin tị nạn và chặn các cơ quan di trú trục xuất họ về Việt Nam.
Điều phối viên Chương trình của APRRN Evan Jones trích dẫn báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch nói tình trạng bức hại các nhà hoạt động chính trị ở Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Nhưng ông không giải thích với Jakarta Globe về lý do vì sao những người Việt bị trục xuất lại xin tị nạn ở Indonesia.
Theo lời phát ngôn viên Agung, một đơn vị tuần duyên Indonesia đã cứu được chiếc tàu chở 40 người đàn ông và phụ nữ nước ngoài trong vùng biển ngoài khơi Nusa Tenggara hồi cuối tháng 10. Những người trên thuyền nói họ đang trên đường tới Úc.
Cảnh sát Indonesia đã giao các thành viên trên tàu cho cơ quan nhập cư.
Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) đã giúp cho 36 người trên tàu trở về nhà bằng tiền của họ.
Phát ngôn viên Agung nói :
"Chúng tôi quyết định trục xuất bốn người này vì dựa trên cuộc điều tra của chúng tôi, họ là những người nhập cư bất hợp pháp chứ không phải là những người xin tị nạn thực sự".
Indonesia chưa ký kết Công ước năm 1951 của UNHCR liên quan đến tình trạng người tị nạn.
Công an yêu cầu tháo dỡ hang đá Giáng sinh ở Nghệ An ? (VOA, 15/12/2017)
Một linh mục ở Nghệ An cho VOA biết hơn một chục cán bộ, công an địa phương đã đến nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, yêu cầu giáo dân tháo dỡ hang đá Giáng sinh, viện lý do nơi trang trí nằm trên phần đất "đang có tranh chấp".
Chính quyền địa phương yêu cầu giáo dân tháo dỡ hang đá Giáng sinh tại giáo xứ Đông Kiều. (Ảnh : Facebook Thanh niên Công giáo)
Linh mục Đặng Hữu Nam thuộc giáo phận Vinh tối ngày 15/12 cho biết vào buổi chiều cùng ngày, chính quyền xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, do ông chủ tịch xã dẫn đầu, đã đến trước khuôn viên nhà thờ giáo xứ Đông Kiều, nơi nhiều người đang dựng hang đá đón Giáng sinh, yêu cầu phải dừng việc trang trí.
Linh mục và giáo dân tại giáo xứ Đông Kiều (Photo : Facebook Thanh nien Cong giao)
Trang Thanh niên Công giáo cho biết giáo dân và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Đông Kiều đã từ chối yêu cầu này bởi vì "hang đá được làm trên đất đã được người dân hiến tặng cho giáo xứ".
Trong một video lưu truyền trên mạng xã hội, một người mặc sắc phục an ninh nói ông sẽ cử cán bộ tới trực tại các chốt ở khu vực quanh nhà thờ giáo xứ Đông Kiều trong những ngày tới để "đảm bảo an ninh trật tự".
Trang Thanh niên Công giáo còn cho biết hiện nay giáo dân đã lập hàng rào để bảo vệ dân làng và giáo xứ vì họ sợ "côn đồ và Hội Cờ Đỏ sẽ vào làng quậy phá".
"Hội Cờ Đỏ" ở Nghệ An, tháng 10/2017.
Trang này dẫn lời linh mục Antôn Nguyễn Văn Thanh phát biểu trong một buổi lễ vào tối ngày 14/12 nói : "Giáng Sinh không chỉ của người Công Giáo mà là tất cả mọi người, thế nhưng chính quyền huyện Diễn Châu lại ngăn cấm Giáo xứ Đông Kiều dựng hang đá làm bằng những cái bạt theo kiểu tạm bợ, và trang trí những bóng đèn cho đẹp mà vẫn cho côn đồ đến…"
Linh mục Nam cho biết trước đó, vào sáng ngày 13/12, chính quyền xã Diễn Mỹ cũng đã yêu cầu nhà thời tháo dỡ hang đá nội trong 24 tiếng đồng hồ.
**********************
Ít nhất ba luật sư sẽ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh (VOA, 15/12/2017)
Luật sư Lê Văn Thiệp, thành viên của Đoàn Luật sư Hà Nội, cùng ít nhất hai luật sư khác sẽ bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí PVC, trong một phiên tòa dự kiến diễn ra vào tháng 1/2018.
Truyền thông trong nước trích lời luật sư Thiệp, Văn phòng Luật sư Toàn cầu, hôm 15/12 nói rằng ông đã được cấp chứng nhận bào chữa cho ông Thanh vào ngày 8/12.
"Trong quá trình làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa cho ông Thanh tôi được cơ quan an ninh điều tra tạo điều kiện thuận lợi", ông Thiệp nói báo Tuổi Trẻ Online.
Ông nói các giấy tờ thủ tục đều được thực hiện trước hạn, theo trang mạng Zing cho biết. Luật sư Thiệp nói ông đã được cấp giấy chứng nhận bào chữa theo đơn mời của ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó, vào ngày 9/8, báo Tuổi trẻ nói Cơ quan An ninh điều tra đã cấp giấy chứng nhận cho 2 luật sư thuộc Văn Phòng Luật sư Nguyễn Chiến để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trịnh Xuân Thanh từ giai đoạn hỏi cung.
Hôm 17/10, nữ luật sư người Đức Petra Schlagenhauf cho VOA biết là một luật sư cộng sự của bà ở Việt Nam đã vào trại giam tiếp xúc với ông Thanh trước đó vài ngày và cho biết "tình hình sức khỏe của ông Thanh bình thường".
Nữ luật sư này còn nói thân chủ của bà "bị chính quyền Việt Nam thẩm vấn", tại một nhà tù ở Hà Nội.
Chính quyền Việt Nam nói ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch tỉnh Hậu Giang, được xác định là người chịu trách nhiệm chính về các vi phạm và thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng ở Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong giai đoạn từ 2011- 2013, đã ra "đầu thú" tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017, sau khi bị truy nã quốc tế từ tháng 9/2016 về "tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự".
Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ xét xử vụ án Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1/2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, hôm 25/11 đã yêu cầu "khẩn trương" đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh" ra xét xử.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra "đầu thú" tại Hà Nội, VTV đưa tin vào đầu tháng 8/2017.
Bộ Ngoại giao Đức trước đó ra thông báo nói Việt Nam đã bắt cóc ông Thanh hôm 23/7 tại Berlin và yêu cầu cho phép ông trở lại Đức "ngay lập tức" để nhà chức trách Đức xem xét việc dẫn độ theo yêu cầu của Việt Nam, cũng như xem xét đơn xin tị nạn ở Đức của ông Thanh.
Nhưng sau đó phía Đức dường như đã thay đổi yêu cầu Hà Nội "trả" ông Trịnh Xuân Thanh.
Tuyên bố bằng tiếng Anh hôm 22/9, thông báo về việc Đức tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như trục xuất nhân viên ngoại giao thứ hai của Hà Nội, có đoạn viết :
"Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, kể cả phiên xử ông ấy phải được tiến hành theo pháp quyền, và phải mở cửa cho các quan sát viên quốc tế".
Lộ thông tin khách hàng đi máy bay ở Việt Nam, lỗi do ai ? (VOA, 15/12/2017)
Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam vừa ra kết luận thanh tra việc lộ thông tin hành khách đi máy bay, chủ yếu là do nhân viên hàng không và các đại lý bán vé máy bay.
Hành khách làm thủ tục lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất. (VOA/Reasey Poch)
Truyền thông trong nước dẫn lời lãnh đạo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam nói thông tin hành khách bị lộ là từ cán bộ, nhân viên của hãng hàng không, nhân viên phòng bán vé hoặc nhân viên phục vụ mặt đất.
Hành khách tại sân bay Nội Bài, Hà Nội.
Tuy nhiên, Báo Tuổi trẻ trích lời ông Lê Đăng Bắc, Chánh Thanh tra Cục Hàng không vào chiều 15/12 cho biết :
"Kết luận thanh tra chỉ đánh giá về chuyên môn, nguy cơ thông tin của hành khách đi máy bay bị lộ. Để điều tra, xác minh cụ thể, xác định trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức có liên quan thì lực lượng công an mới có đủ thẩm quyền".
Ông Bắc cho biết thêm : "Quá trình thanh tra cho thấy các hãng hàng không đều có các giải pháp giám sát chặt chẽ tuy nhiên lộ thông tin vẫn diễn ra. Sau khi có kết luật chúng tôi đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, báo cáo Thủ tướng".
Thanh tra Cục Hàng không nói thông tin của hành khách được chuyển cho các trung tâm môi giới taxi trên mạng internet do doanh nghiệp Việt Nam thiết lập và điều hành.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam phát đi thông cáo thừa nhận thông tin hành khách trong hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không bị lộ gồm các nội dung : tên hành khách, giới tính, lịch bay, hành trình, số hiệu chuyến bay, giờ cất cánh, hạ cánh dự kiến, kể cả số điện thoại liên lạc.
Gần đây thông tin cá nhân của hành khách đi máy bay bị lộ xảy ra thường xuyên hơn. Các hãng taxi nắm trong tay các thông tin về hành trình, kể cả số điện thoại của hành khách để tiếp thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ xe taxi đi và đến sân bay Nội Bài, Cam Ranh, Liên Khương.
Nhà chức trách đã nhận được một số thông tin phản ánh của hành khách về việc hãng taxi tiếp thị đón khách khi máy bay của họ vừa hạ cánh xuống sân bay.
Đề cập tới việc bảo mật thông tin hành khách, theo Cục Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines sử dụng hệ thống đặt, giữ chỗ, bán vé do Sabre Airlines Solution của Mỹ cung cấp. Tuy nhiên, Cục Hàng Không thừa nhận rằng, dù đã có chương trình giám sát người sử dụng, Vietnam Airlines vẫn chưa ngăn ngừa được triệt để nạn lộ thông tin hành khách.
Một máy bay của hãng hàng không VietJet.
Thông báo của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam về việc lộ thông tin hành khách được đưa ra không lâu sau khi hãng Vietnam Airlines được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards – WTA) trao hai giải thưởng "uy tín 2017" vềHãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa và Hãng hàng không hàng đầu thế giới về hạng Phổ thông đặc biệt".
Tháng 7 năm ngoái, một gói dữ liệu được cho là của 400.000 hội viên Bông Sen Vàng (Golden Lotus) của Vietnam Airlines, đi kèm với các thông tin cá nhân cũng bị rò rỉ, sau một sự cố khác khi trang web của hãng này bị thay đổi giao diện.
**********************
Sếp nữ Việt Nam vượt xa tỷ lệ chung Châu Á (VOA, 15/12/2017)
Một phần tư trong số các CEO và thành viên Ban Giám đốc ở Việt Nam là phụ nữ, Bloomberg dẫn một báo cáo gần đây của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho biết hôm 14/12.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air, nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam.
Với con số này, Việt Nam có tỷ lệ "nữ tướng" vượt xa Malaysia (14%), Singapore (10%) và Indonesia (6%).
"Phụ nữ ở Việt Nam lãnh đạo hoặc sở hữu nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp lớn, tạo ra một hình mẫu về vai trò tích cực, rõ ràng và đa dạng cho phụ nữ", ông Ian Grundy của công ty tuyển dụng Adecco Group AG có trụ sở ở Thụy Sĩ, một nhà cung cấp lao động tạm thời lớn nhất thế giới, nói với Bloomberg.
Vẫn theo phúc trình của BCG khảo sát trên 2.000 nhân viên thì so với Singapore và Malaysia, Việt Nam có nhiều phụ nữ mong muốn được cất nhắc hơn,
Malaysia là nước có tỷ lệ nữ giới cao nhất có ý định giữ nguyên vai trò hiện tại của họ.
Phúc trình này cho rằng những điều cản trở sự đa dạng về giới tính tại các công ty Á châu, kể cả quan niệm sai lầm rằng thúc đẩy vai trò của phụ nữ đi đôi với một cái giá phải trả cho sự công bằng, và tăng trưởng cũng như đà phát triển của công ty, là những ưu tiên cấp bách hơn.
Bloomberg trích dẫn một cuộc khảo sát của Deloitte trên 50 công ty Việt Nam hồi tháng 6 năm nay cho biết 17,6% thành viên hội đồng quản trị là phụ nữ. Con số này gấp đôi tỷ lệ chung của Châu Á là 7,8%, gồm một số quốc gia phát triển như Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc bị xếp hạng thấp nhất trong khu vực. Trong báo cáo này, phụ nữ chiếm 13,7% và 10,7% thành viên hội đồng quản trị tại Malaysia và Singapore.
Theo ông Grundy, tại Châu Á, các nước đang phát triển lại vượt trội so với các nước phát triển về vai trò đại diện của phụ nữ trong các hội đồng quản trị. Ông Grundy cho rằng tiến bộ của Việt một phần là do các biện pháp của chính phủ và các doanh nghiệp trong việc duy trì và phát triển tài năng của nữ giới.
Tuy nhiên, ông Grundy cũng lưu ý rằng Đông Nam Á vẫn "lạc hậu" so với Châu Âu và Bắc Mỹ. "Và trên toàn cầu, chúng ta vẫn có một số cách để đạt được sự đa dạng về giới tính tối đa, điều đó có nghĩa là cần phải có sự nỗ lực của tất cả các bên liên quan trong khu vực".
Việt Nam phát hiện thêm 58 hang động mới tại Phong Nha (VOA, 13/12/2017)
Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, một di sản văn hóa được UNESCO công nhận, vừa phát hiện thêm 58 hang động mới tại các xã vùng đệm thuộc huyện Minh Hóa. Số hang động này được tìm thấy trong một cuộc khảo sát dựa trên thông tin do người dân địa phương cung cấp.
Hang Thiên Đường, một trong số hàng trăm hang động ở tỉnh Quảng Bình.
Trong số 58 hang động mới phát hiện, có nhiều hang lớn và có giá trị. Một số hang phải đi đường rừng từ 2-3 ngày mới tới được. Một số hang có thể đã được bộ đội sử dụng trong thời chiến vì các nhân viên khảo sát phát hiện những hộp mực trong các hang này. Hiện vẫn còn một số hang mới chưa được khảo sát.
Danh sách các hang động mới phát hiện sẽ được chuyển cho Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh để có thêm các cuộc khảo sát chuyên môn khác.
Năm ngoái, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh cũng đã công bố 57 hang động mới tại Quảng Bình.
Đây được xem là "vương quốc" của các hang động, trong đó có hang Sơn Đoòng được khám phá vào năm 2009 và trở thành hang động lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 5 km, cao 200m và rộng 150m.
Năm ngoái, hang Sơn Đoòng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Hollywood "King : Skull Island" (Đảo đầu lâu), giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch quốc tế tới đây.
Trước khi hang Sơn Đoòng được phát hiện, Phong Nha Kẻ Bàng cũng đã là nơi giữ nhiều kỷ lục thế giới, trong đó có sông ngầm dài nhất thế giới và cụm hang động có lối đi lớn nhất thế giới.
*******************
Việt Nam đối diện nguy cơ tụt hậu (RFA, 13/12/2017)
Việt Nam có thể bị tụt hậu nếu không thay đổi hô hình phát triển hiện nay.
Đó là nhận xét của các chuyên gia tại Diễn Đàn phát triển Việt Nam 2017 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cùng tổ chức với Ngân hàng Thế giới, diễn ra vào sáng nay 13 tháng 12, tại Hà Nội.
Hình chụp hôm 16/6/2017 : các container hàng tại cảng Đà Nẵng - AFP
Theo những người tham dự diễn đàn, trong đó có Bộ trường Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, thì những năm qua Việt Nam phát triển dựa trên vốn đầu tư, giá công nhân rẻ, và khai thác tài nguyên thiên nhiên,…
Mô hình này được nhận định là không còn phù hợp nữa.
Các con số thống kê được đưa ra cho thấy tốc độ tăng trường của Việt Nam dù năm nay vẫn còn cao ở mức 6,7%, nhưng đã giảm khá nhiều nếu so với trước đây là 7,3% trong những năm 1990-2000.
Theo ông Ousmane Dione thì cần phải cải cách để tạo nên một cơ chế thị trường có hiệu quả, tăng năng suất lao động, trong đó có việc đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo rằng nguồn vốn vay với những điều kiện ưu đãi sẽ ít dần trong những năm tới.
Tham gia Diễn đàn phát triển Việt Nam 2017 còn có Thủ tướng Việt Nam ông Nguyễn Xuân Phúc, đến dự phiên họp thứ hai và đọc diễn văn bế mạc.
Thủ tướng Phúc đã đưa ra năm giải pháp để làm tăng năng suất lao động nói riêng và giúp Việt Nam phát triển nói chung trong những năm tới đây, đó là cải cách hệ thống để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đầu tư cho giáo dục, cải cách thể chế pháp luật, hội nhập toàn diện vào các tổ chức kinh tế quốc tế, và cuối cùng là phải giữ vững ổn định chính trị xã hội.
********************
Ngân hàng Thế giới nói kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng (RFA, 13/12/2017)
Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế ở mức 6,7% trong năm nay.
Đó là thông tin trong một báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố ngày hôm qua. Báo cáo này cũng dự báo rằng về trung hạn, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình ở mức 6,5% mỗi năm.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (bên phải) và bà Kristalina Georgieva, Gám đốc Ngân hàng Thế giới, tại một buổi họp bao ở Hà Nội, tháng Ba, 2017. AFP
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra những lý do sau đây để giải thích cho mức độ tăng trưởng khá cao của Việt Nam trong năm nay :
Thứ nhất là thu nhập của người dân tăng lên, tỉ lệ nghèo giảm xuống. Điều đó làm cho tiêu dùng tăng lên.
Thứ hai là kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu đã làm cho Việt Nam có thêm nhiều việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm mới trong ngành chế tạo trong ba năm qua, và 700 ngàn việc làm mới trong các nhành xây dựng, bán lẻ, và dịch vụ.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới cũng ghi nhận từ năm 2014 đến năm 2016, mức lương của công nhân Việt Nam đã tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên báo cáo cũng cảnh báo rằng nợ xấu vẫn còn cao, mặc dù đã có những cố gắng để giải quyết.
Về mặt chi tiêu công, báo cáo nói rằng đã được cắt giảm trong năm 2017, làm cho bội chi ngân sách được giảm. Tuy vậy báo cáo nói rằng tình hình này chưa chắc đã kéo dài vì Việt Nam còn cần đầu tư nhiều tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng trong tương lai.
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra lời khuyên là Việt Nam nên cải cách cơ cấu kinh tế nhanh hơn, với trọng tâm là kỹ năng của lực lượng lao động, phát triển cơ sở hạ tầng, cải cách môi trường kinh doanh, ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu kinh tế vì sắp tới đây tốc độ đầu tư sẽ giảm.