Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 23 février 2024 15:43

Văn hóa, văn minh như vậy sao ?

Đúng ngày 17/2/2024 kỉ niệm hàng chục ngàn người đã hi sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 45 năm trước, Tô Lâm lại vui mừng tổ chức "Đại tiệc", "Đại hội" âm nhạc. Văn minh, văn hóa như vậy sao ?

*************************

I. Từ lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tại sao và ai đã không cho tổ chức kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ?

II. Nhưng ai đã tổ chức và tham dự "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và đậm sắc xuân" đúng vào ngày kỉ niệm 45 năm Trung Quốc mở chiến tranh xâm lược ở biên giới ?

III. Vai trò trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng trong việc này

IV. Ngọa long hoàng đế Nguyễn Phú Trọng đang ở trong hoàn cảnh vừa làm Ông Phỗng Đá và Ông Bình Vôi !

adt1

Lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của Hồ Chí Minh ngày nay còn giá trị gì không ?

*************************

I. Từ lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tại sao và ai đã không cho tổ chức kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ?

Ngày 17/2/2024 là ngày kỉ niệm 45 năm chiến tranh biên giới (17/2/1979) do đồng chí "Đại bá" cộng sản Trung Quốc đem đại quân đánh đồng chí "Tiểu bá" cộng sản Việt Nam, phá toàn bộ các tỉnh biên giới phía Bắc trên 1000 km. Khi ấy Đặng Tiểu Bình kiêu ngạo tuyên bố là, cho "các đồng chí cộng sản Việt Nam một bài học". Chỉ trong ít tuần lễ đã có hàng chục ngàn bộ đội và thường dân đã bị giết hại và bị thương, trở thành cô nhị quả phụ, nhà cửa bị tàn phá (1).

Mục tiêu chính của Đặng Tiểu Bình là để cho "Việt Nam phải chẩy máu kiệt sức" nên đã sử dụng chiến lược nham hiểm tìm cách cầm chân các sư đoàn chính quy của cộng sản Việt Nam cùng lúc bị sa lầy ở cả hai chiến trường lớn ở Kampuchia chống Pol Pot do Trung Quốc đỡ đầu và ở biên giới phía Bắc do Trung Quốc chủ trương. Đồng thời bị Hoa Kỳ cùng phương Tây phong tỏa, cấm vận, tẩy chay trong suốt 10 năm. Bắc Kinh tiếp tục áp lực quân sự ở biên giới phía Bắc trong nhiều năm ở mức độ khác nhau và chỉ thực sự chấm dứt mãi cho tới sau Hội nghị bí mật ở Thành Đô (Trung Quốc) đầu tháng 9.1990, đúng vào dịp kỉ niệm 45 năm quốc khánh của chế độ cộng sản Việt Nam (1945-1990). Khi ấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng phải bí mật âm thầm qua sự môi giới của tướng Lê Đức Anh (Chủ tịch nước) gặp Giang Trạch Dân Tổng bí thư và Chủ tịch nước Trung Quốc tại nhà khách Kim Ngưu (Trâu Vàng) để khấu đầu chịu tội làm Câu Tiễn, chịu rút lui khỏi Kampuchia và phải khép lại quá khứ, tức là không được phép tổ chức lễ kỉ niệm tố cáo Trung Quốc xâm lược ! Đổi lại sau đó hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau. Khi ấy cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã tố cáo là từ nay khởi đầu lại thời kì Bắc thuộc (2).

Chính vì thế từ đầu thập niên 90 tới nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã không dám công khai tổ chức kỉ niệm hàng năm các chiến sĩ và nhân dân đã bị hi sinh cho cuộc chống xâm lược của phương Bắc từ vào ngày 17/2 mỗi năm. Chẳng những thế, những người cầm đầu chế độ toàn trị còn cấm nhân dân tổ chức thăm viếng các nghĩa trang chôn cất các bộ đội và thường dân đã hi sinh ! Mặc dầu trong thời gian chiến tranh Tổng bí thư Lê Duẩn và nhóm cầm đầu cộng sản Việt Nam đã thề thốt với nhân dân Việt Nam và đặc biệt với thân nhân các chiến sĩ và thường dân đã hi sinh trong chiến tranh biên giới chống lại sự xâm lược tàn bạo của Trung Quốc là "Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ" ! Tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang nơi chôn cất gần 2000 bộ đội và thường dân vị hi sinh trong cuộc chiến tranh này đã trân trọng ghi hàng chữ : "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (3).

Đối với thù ngoài thì họ ngoan ngoãn khép lại quá khứ, cố tình bỏ quên những đồng chí, đồng bào đã hi sinh ! Nhưng trái lại họ vẫn tổ chức hàng năm kỉ niệm ngày 30.4, họ gọi là ngày "Giải phóng dân tộc", mặc dù trong cuộc nội chiến trên 20 năm đã làm mấy triệu đồng bào ruột thịt từ Nam chí Bắc đã bị hi sinh, thương tật ! Chính cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi qua đời đã nói thẳng lòng đau sót với đồng bào ruột thị và sự bất mãn với các "đồng chí" đã nhẫn tâm, vô cảm, thất đức, phản văn hóa, văn minh ! "Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu" (4).

Ông Kiệt còn nêu câu hỏi rất chính đáng đối với nhóm cầm đầu toàn trị hiện tại, là tại sao đối với các kẻ thù thì họ "khép lại quá khứ", nhưng với chính đồng bào mình thì họ vẫn khoét sâu hận thù ? :

"Vì kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mĩ sau này, kẻ thù của Việt Nam là Trung Quốc trong thời đánh biên giới Việt Bắc. Chúng ta cũng khép lại quá khứ được thì tại sao chúng ta với chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy, mà chúng ta cứ đối kỵ với nhau, rồi có những sự chống đối nhau ? Tôi cho rằng bây giờ thì càng có điều kiện để chúng ta làm điều đó" (5).

Trong những ngày vừa qua một số tổ chức xã hội dân sự và nhiều nhân sĩ tên tuổi trong và ngoài nước công khai kêu gọi tổ chức kỉ niệm ngày 17/2/2024 và phải ghi lại trung thực cuộc chiến tranh xâm lược này của Trung Quốc trong các sách giáo khoa để các thế hệ sau biết rõ (6).

Nhiều đảng viên tiến bộ và biết quí tự trọng đã không biết sợ nên đã tới thăm các nghĩa trang và viết các bài trên một số báo ngành và địa phương thuật lại cuộc chiến tranh biên giới và những thiệt hại sinh mạng và tài sản cho hàng triệu nhân dân biên giới do quân xâm lược Trung Quốc gây ra. Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tới thăm nghĩa trang Vị Xuyên tuy nhiên ông không dám nhắc một lần tới Trung Quốc là kẻ xâm lược (7).

Nhưng từ Bộ chính trị, Ban bí th), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và thậm chí cả hai Bộ Quốc phòng và Công an hoàn toàn im lặng không dám công khai tổ chức kỉ niệm tưởng nhớ các đồng đội, đồng chí và đồng bào đã bị hi sinh do cuộc chiến xâm lược của phương Bắc. Vì áp lực rất mạnh ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nên họ đã cố quên lời thề 45 năm trước ! Cụ thể nhất khi gặp lại Nguyễn Phú Trọng cách đây mới hơn hai tháng (12-13/12/2023) Tập Cận Bình bề ngoài đã vuốt ve xoa đầu, nhưng thực sự là ép Nguyễn Phú Trọng phải tham gia vào "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc". Dịp này họ Tập đã nói như ra lệnh :

"Hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam đều kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác, đều kiên định bất di bất dịch đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đều lãnh đạo nước mình xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng nên nắm bắt ý nghĩa chiến lược đặc biệt của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam từ độ cao làm lớn mạnh lực lượng xã hội chủ nghĩa trên thế giới và đảm bảo sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mỗi nước đi vững đi xa" (8).

adt2

Ngày 17/2/2024 kỉ niệm 45 năm Trung Quốc xâm lấn, Đại tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm lại làm "Đại tiệc", "Đại hội âm nhạc" !

II. Nhưng ai đã tổ chức và tham dự "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và đậm sắc xuân" đúng vào ngày kỉ niệm 45 năm Trung Quốc mở chiến tranh xâm lược ở biên giới ?

Trong khi ấy, đúng vào tối ngày 17/2/2024, Bộ công an dưới quyền của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung ương Bộ công an Tô Lâm đã không chỉ long trọng mà còn rất vui mừng "Hòa nhạc chào xuân 2024 : Tinh tế, sang trọng và đậm sắc xuân". Với tựa lớn này tờ Công an Nhân dân điện tử trực tiếp dưới quyền của Bộ công an đã trang trọng và hân hoan giới thiệu : "Đây là năm đầu tiên, chương trình được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm – Nhà hát đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Công an Nhân dân" "Một "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và đậm sắc xuân" (9).

Bộ công an dưới quyền của Tô Lâm đã chọn đúng vào ngày đại tang lễ của dân tộc tưởng nhớ tới hàng chục ngàn thân nhân, đồng đội, thân hữu đã hi sinh trong cuộc chiến xâm lăng của Trung Quốc 45 năm trước để làm "Đại tiệc âm nhạc" "dậm sắc xuân" !

Không chỉ như thế, tờ Công an Nhân dân còn cho biết, các nhân vật tham dự buổi "đại tiệc" vào đúng ngày tang thương của dân tộc là ba Ủy viên Bộ chính trị đang giữ những trọng trách rất quan trọng trong bộ máy cai trị của chế độ toàn trị là "Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Nguyên văn :

"Dự chương trình có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng dự chương trình còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương" (10).

Đây là ba nhân vật giữ những vai trò rất quan trọng trong Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ toàn trị. Tô Lâm đứng đầu lãnh vực an ninh. Từ nhiều năm nay cầm đầu bộ máy công an mật vụ có tới hàng triệu công an nổi và chìm, cho tới cả các "vận động viên" côn đồ du đãng từ các thành phố, tỉnh, quận huyện và nông thôn. Nhờ vậy họ đã thiết lập một chế độ công an trị hà khắc như Trung Quốc để kìm kẹp nhân dân và đàn áp các người dân chủ, các giới trẻ, văn nghệ sĩ. Từ nhiều năm nay Bộ công an trở thành thanh bảo kiếm, cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng trong việc thanh lọc, đàn áp các đảng viên tiến bộ và biết quí lòng tự trọng. Đồng thời dưới danh nghĩa chống tham nhũng bộ máy công an đã được độc quyền trong các công tác tạo dựng, điều tra, giam giữ và hành hạ các cán bộ đảng viên các cấp liên lụy tới tham nhũng. Các điển hình mới nhất là các vụ tham nhũng Việt-Á, Chuyến bay giải cứu (11), hiện nay là vụ án Vạn Thịnh Phát (12). Kết tội, chạy tội hay tha bổng tùy thuộc lòng trung thành, cùng phe cánh giữa các nhóm lợi ích kình chống nhau.

Trong khi ấy Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình, còn kiêm cả Bí thư Trung ương Đảng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tức là người thường xuyên cố vấn, cùng với Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm bàn thảo khởi tố hay bỏ qua các vụ án tham nhũng trong cán bộ trung và cao cấp và các nhóm lợi ích trong đảng, chính quyền và thẳng tay đàn áp các nhân sĩ và tổ chức dân chủ.

Còn Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là người phụ trách lãnh vực tư tưởng, ý thức hệ, đào tạo tầng lớp cán bộ trung cấp và nhất là cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị đưa vào Trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban bí thư để nắm giữ các chức vụ then chốt trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội… theo vây cánh của Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm… Học viện này không chỉ đào tạo về tư tưởng mà còn cả rèn luyện đạo đức cán bộ cao cấp. Nhưng cái lò này từ trước tới nay chỉ đào tạo ra đa số cán bộ cấp chiến lược chỉ biết gật đầu, nịnh trên nạt dưới, tham nhũng và phủi trách nhiệm !

Trong khi lực lượng công an ngày càng lấn sân, giành giật ưu đãi, mở rộng lực lượng và vây cánh để gây thanh thế cực mạnh như quốc gia trong một quốc gia thì Quân đội đang bị thất thế trong những năm gần đây. Mặc dù bộ đội là thành phần bị hi sinh nhiều nhất trong cuộc chiến biên giới do Trung Quốc xâm lăng, nhưng trong dịp 17/2 vừa qua Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang đã không dám tổ chức kỉ niệm tưởng nhớ đồng đội hi sinh, lại chỉ đi "Trồng cây trong ngày Tết nhớ ơn Bác Hồ" (13).

adt3

Bộ trưởng Tô Lâm động viên các nghệ sĩ sau buổi tập.

III. Vai trò trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng trong việc này

Tại sao ba Ủy viên Bộ chính trị đang giữ những chức vụ rất quan trọng trong bộ máy toàn trị vẫn hống hách lên tiếng dạy bảo đảng viên là phải biết tôn trọng gìn giữ văn hóa đạo lí dân tộc, nhưng ở đây họ đã hoàn toàn không cân nhắc để chọn một thời gian thích hợp tổ chức buổi hòa tấu, vì họ có thừa thì giờ để làm việc này ? Trái lại, họ không thèm để ý tới dư luận trong Đảng và ngoài xã hội, nên đã dám tổ chức và tham dự "Đại tiệc âm nhạc" vào đúng ngày đau buồn chung của nhân dân kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược của Trung Quốc !

Tô Lâm đã cho biết rõ ràng như sau : Buổi đại tiệc hòa tấu này là "Chương trình do Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo thực hiện" và đã "Được chuẩn bị từ hơn 2 tháng trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024" (14). Tiết lộ này cho thấy, Bộ công an dưới quyền Tô Lâm đã được phép tổ chức và toàn quyền chuẩn bị cho buổi Đại tiệc, "Hòa tấu" và cũng từ lâu đã quyết định chọn đúng ngày 17/2/2024 tổ chức đại hội ca nhạc. Vì thế chỉ một ngày trước đó chính Tô Lâm đã đích thân tham dự và cổ động các nghệ sĩ trong dịp "Tổng duyệt Hòa nhạc chào xuân 2024" vào ngày 16/2/2024 (15).

Theo qui chế làm việc ở các bộ phận đầu não của chế độ toàn trị thì những tiết lộ trên của Tô Lâm cho thấy, ông đã hỏi ý và được Nguyễn Phú Trọng cho phép để cho Bộ công an đứng ra tổ chức buổi hóa tấu lớn đầu tiên khai mạc cho Nhà hát Hồ Gươm vừa mới hoàn thành (7/2023) tốn hàng chục ngàn tỉ vào dịp Xuân Giáp Thìn (16). Vì Nguyễn Phú Trọng là "Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương". Có nghĩa là những dự tính quan trọng của Bộ công an phải hỏi và được Nguyễn Phú Trọng thông qua.

Điều này có thể cắt nghĩa là, trong chuyến thăm của Tập Cận Bình 12-13/12/2023 Nguyễn Phú Trọng đã ngoan ngoãn theo yêu cầu của họ Tập là để Việt Nam tham gia " Cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam ". Nghĩa là tuân theo quyết định "khép lại quá khứ" với Bắc Kinh, nên năm nay các cơ quan Đảng và Nhà nước của cộng sản Việt Nam vào ngày 17/2/2024 cũng không tố chức kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược biên giới của Trung Quốc ! Cho nên Tô Lâm không ngại ngùng dám chọn ngày 17/2 -ngày kỉ niệm 45 năm Trung Quốc đem quân đánh phá các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam - mở Đại tiệc âm nhạc !

Tính toán trên của Tô Lâm lại càng thế hiện rõ hơn khi ông tỏ lập trường với Thứ trưởng Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên vào ngày 10/1/2024 tại Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất giữa Bộ công an hai nước Việt Nam - Trung Quốc" ở Hà nội để thực hiện quyết định chung "xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam". Tô Lâm đã khép nép nói với Thứ trưởng công an Trung Quốc, "Với Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam coi trọng cao độ phát triển quan hệ với Trung Quốc, đặt Trung Quốc ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình", và "Hai bên nhất quán sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao ; tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý ; chống tham nhũng ; kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xã hội, qua đó, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa". Tô Lâm còn đi xa hơn nữa hứa "Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với hoạt động của các tổ chức lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống Đảng, Nhà nước, phá hoại đoàn kết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc" (17).

Những tuyên bố trên cho thấy Tô Lâm đã theo đúng bước chân của Nguyễn Phú Trọng đã làm với Tập Cận Bình. Trong những năm gần đây Nguyễn Phú Trọng ngày càng tin cậy Tô Lâm. Cho nên mặc dù tướng Tô Lâm đã gây ra tai tiếng rất lớn bị báo chí quốc tế phanh phui về việc ông "ăn thịt bò dát vàng" rất đắt tiền trong một nhà hàng ở London khi ông tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Châu Âu đầu tháng 11/2021 (18). Nhưng việc này vẫn không lọt vào tai Tổng bí thư, hay không muốn nghe hoặc không dám nghe, cho nên Tô Lâm vẫn bình chân như vại ! Chẳng những thế vì sức khỏe ngày càng yếu nên Nguyễn Phú Trọng đã để thả cửa cho Tô Lâm tổ chức Đại tiệc Hòa tấu.

Văn hóa nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Á Đông và Việt Nam, thường tuyệt đối tránh dùng những ngày tang lễ, giỗ chạp người thân lại tổ chức hội hè ca nhạc vui chơi đình đám. Đây là tập tục văn minh, đạo đức cao của các nền văn hóa biết quí trọng nhân tính. Chính Nguyễn Phú Trọng thường hay đề cao xây dựng một xã hội văn minh, nhân tính. Nhưng tại sao ông Trọng lại để cho Tô Lâm chọn đúng ngày 17/2/2024 dịp kỉ niệm 45 năm hàng chục ngàn bộ đội, đảng viên và nhân dân đã hi sinh trong cuộc chiến chống xâm lăng của Trung Quốc. Đây là ngày đại tang thương đau buồn của cả dân tộc. Nhưng tại sao lại để Tô Lâm tổ chức "đại tiệc âm nhạc sang trọng, tinh tế" !

Tại sao lại có thể để một việc làm cực kì trái với đạo đức, luân lí và phản văn minh như vậy được ? Nguyễn Phú Trọng còn đủ khả năng, tâm trí và sức lực nghe và hiểu những gì xẩy ra trong đảng và xã hội không ? Ông có biết dư luận nhân dân và đảng viên tiến bộ nghĩ gì không ?

binhvoi

Nguyễn Phú Trọng tự diễn biến thành Ông Phỗng Đá, Ông Bình Vôi !

IV. Ngọa long hoàng đế Nguyễn Phú Trọng đang ở trong hoàn cảnh vừa làm Ông Phỗng Đá và Ông Bình Vôi !

Xét về phương diện hệ thống vận hành quyền lực của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam thì Tổng bí thư là người có quyền lực cao nhất, có thẩm quyền và thực quyền cao nhất trong việc hoạch định và điều hành các công tác Đảng và Nhà nước. Nhưng trong thực tế phải xem xét con người thực của Nguyễn Phú Trọng ra sao. Người ta thường nói con người là sản phẩm của xã hội, nhưng nếu là xã hội độc tài và người cầm đầu đã nắm độc quyền lâu rồi thì cá tính, tư cách và khả năng của họ lại ảnh hưởng trực tiếp lên cả hệ thống Đảng, chính quyền và xã hội !

Theo dõi các họat động chính trị suốt ba thập kỉ qua từ khi ông trở thành Ủy viên Bộ chính trị (1997) và từng bước nắm các chức cao cấp từ Bí thư Thành ủy Hà nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Xét về mặt tư tưởng, ông Trọng là người cực kì bảo thủ và độc tài chỉ biết tôn sùng Marx-Lenin, giống hệt như Hồ Chí Minh ; tài năng không cao, nhưng tham vọng quyền lực thì vô hạn, đạo đức tư cách rất thấp, rất thích tự thần thánh hóa mình , rất ưa xu nịnh và tài lươn lẹo thì các đồng liêu của ông không ai bì kịp. Mẫu người này rất phù hợp với chế độ cộng sản độc tài như Lenin, Stalin, Mao, Tập Cận Bình… Để xây dựng quyền lực, danh vọng cho cá nhân mình, Nguyễn Phú Trọng không từ các thủ đoạn nào, kể cả những biện pháp tàn bạo, bất kể tới đạo đức và lương tâm, mặc dầu lúc nào và ở đâu ông Trọng cũng thốt lên những lời tuyệt đẹp tuyệt hay, như ai cũng biết từ khi ông làm Tổng bí thư từ 2011 !

Nhờ tài lươn lẹo và khả năng viết lách, nên ngay từ đầu thập niên 90 Nguyễn Phú Trọng đã chạy theo Đỗ Mười, người có quyền lực nhất khi ấy nhưng hầu như thất học, lại bị bệnh tâm thần, mặt khác bảo thủ và tham quyền chẳng khác Nguyễn Phú Trọng. Nhờ thế ông Trọng đã đạt tới quyền lực tột đỉnh làm Tổng bí thư suốt từ 2011 và đã sử dụng mọi mánh lới thủ đoạn lươn lẹo để độc diễn để trở thành "Ông đặc biệt", đạp lên cả Điều lệ đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ để trở thành ông vua trong chế độ độc tài tự mệnh là chống phong kiến cho tới nay (19).

Nhưng hiện nay Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm cả trong đối ngoại lẫn đối nội. Về mặt đối ngoại, quốc phòng và ngoại giao, Nguyễn Phú Trọng vẫn tự đề cao "Ngoại giao cây tre". Nhưng trong thực tế đây là loại tre mà ngọn tre đã bị cột chặt về phương Bắc từ suốt gần 80 năm qua. Từ khi Hồ Chí Minh cầm quyền tới Nguyễn Phú Trọng hiện nay, họ chỉ biết thần phục Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình. Từ sau khi Liên xô tan rã, những người cầm đầu cộng sản Việt Nam, đặc biệt thời Nguyễn Phú Trọng chỉ còn biết cúi đầu bám chặt vào Bắc Kinh, vì tin rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc trụ được thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng trụ được ! Cao điểm nhất là từ chuyến thăm của Tập Cận Bình giữa tháng 12/2023 Nguyễn Phú Trọng đã phải nghe lời họ Tập đẩy tương lai Việt Nam rơi vào cái rọ "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc". Trong đó thâm ý trước mắt của họ Tập là ép một số nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Kampuchia, thành một khu vực ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc, như các nước cộng sản Đông Âu dưới quyền của Đảng cộng sản Liên xô trước đây. Đây là giấc mộng thực hiện bá quyền của Trung Quốc như Tập Cận Bình đang theo đuổi (20).

Quyết định này của Nguyễn Phú Trọng đang gây quan ngại rất lớn không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả nhiều nước trong khu vực và các nước dân chủ tiến bộ. Vì thế nhiều thành phần nhân dân, các trí thức, nhân sĩ, thanh niên và nhiều đảng viên tiến bộ đã lên tiếng chống đối.

Còn trong đối nội, thói tham quyền vô độ trong bộ máy chế độ độc tài và thái độ vô trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng đã đưa đến tệ trạng tham nhũng cửa quyền của cán bộ các cấp ngày càng bùng ra. Sự tranh giành quyền lực và tiền bạc giữa các phe cánh và các nhóm lợi ích ngay ở cả trung ương ngày gia tăng, gần đây phải triệu tập nhiều Hội nghị Trung ương bất thường, Quốc hội họp bất thường để hạ Chủ trảm tướng, để tự cứu mình, không ai bảo được ai. Mới ít ngày trước Hội nghị Trung ương họp để đưa Ủy viên Bộ chính trị Trần Tuấn Anh ra khỏi Bộ chính trị và cách chức một số Ủy viên Trung ương và Ban bí thư họp đầu năm, nhưng không thấy nhắc tới Nguyễn Phú Trọng (21). Uy tín của Nguyễn Phú Trọng ngày càng bị tiêu tan. Nhất là trong những năm gần đây sức khỏe ngày càng yếu, đi không vững, trí nhớ rất kém không thể quán xuyến công việc của Đảng. Nhưng ông vẫn rất tham quyền. Trong hoàn cảnh đó thì sẵn sàng nhắm mắt cho các tay em tung hoành, nên bọn cận thần đỏ đang qua mặt Nguyễn Phú Trọng.

Cụ thể mới nhất là ba Ủy viên Bộ chính trị đã dám đứng tổ chức Đại tiệc âm nhạc vào đúng ngày tang thương của cả dân tộc 17/2/24 bất chấp lương tâm, đạo đức, coi thường những lời kêu gọi giả nhân giả nghĩa của Nguyễn Phú Trọng. Sau nhiều lần vắng mặt trong những dịp họp quan trọng vì sức khỏe ngày càng suy yếu, vài lần xuất hiện mới đây hay bài viết kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng không được tôn trọng và đón nhận vì chỉ nhai lại những điều nhàm chán (22). Nguyễn Phú Trọng đang trở thành Ngọa long Hoàng đế chung quanh giường đang bị bao vây của những chó đói quyền-tiền đang chuẩn bị ra tay động thủ !

Nguyễn Phú Trọng đang trở thành nạn nhân của chính mình : Tham vọng quá lớn vẫn muốn giữ quyền lâu, nhưng khả năng rất giới hạn, tư cách đạo đức ngày càng tồi tệ và sức khỏe ngày càng suy liệt. Trong hoàn cảnh và tình trạng như vậy, Nguyễn Phú Trọng phải thỏa hiệp vô điều kiện với cả thù ngoài (Trung Quốc), còn bên trong phải nhắm mắt cho vây cánh tự do thao túng, lợi dụng. Đây là nguy cơ trước mắt rất lớn không chỉ cho Đảng mà nhất là cho dân tộc ta.

Cho nên vị thế đối ngoại và uy tín đối nội trong Đảng và xã hội của Nguyễn Phú Trọng hiện nay đang suy sụp nhanh. Có lẽ hoàn cảnh và tâm trạng hiện nay của Nguyễn Phú Trọng rất giống như "Ông Bình Vôi" và "Ông Phỗng Đá" ! Ông Trọng rất thích thơ, như thế ông sẽ cảm nhận nhanh ý nghĩa của hai bài thơ rất độc đáo này và mong rằng trong ngày đầu Xuân, ông sẽ tỉnh ngộ tìm ra con đường thích hợp cho cá nhân mình !

adt4

Có lẽ hoàn cảnh và tâm trạng hiện nay của Nguyễn Phú Trọng rất giống như "Ông Bình Vôi" và "Ông Phỗng Đá" !

Trước sự suy nhược của Triều đình nhà Nguyễn nên Pháp đã coi thường vua quan Việt Nam khi ấy và mở rộng xâm lược, nên nhà thơ Nguyễn Khuyến rất đau lòng viết bài thơ :

Ông Phỗng Đá

Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?

Trơ trơ như đá, vững như đồng.

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó ?

Non nước đầy vơi có biết không ?

Còn dưới thời Hồ Chí Minh khi tiếp thu miền Bắc, thấy rõ giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ khi cầm quyền đã mau chóng quan liêu, độc tài, hủ hóa cho nên nhà thơ Lê Đạt, từng là cán bộ Tuyên huấn, nhưng đã can đảm tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm chống văn hóa độc tài và đã viết bài thơ "Ông bình vôi" để tố cáo những người lãnh đạo càng cầm quyền lâu càng tồi, giống như cái bình vôi cũ "càng lớn càng đặc" .[i]

Ông Bình Vôi

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại...

Âu Dương Thệ

(23/02/2024)

Ghi chú :

1. Âu Dương Thệ, Die politische Entwicklung in Gesamt vietnam 1975 bis 1982 : Anpruch und Wirklichkeit, Tuduv Studie 1987, Die Intervention in Kambodscha und der Grenzkrieg mit China, tr. 148-154 

2. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập I (lulu.com), Tập I, Chương 3, Hội nghị Thành Đô – Cầu hòa với Bắc Kinh ở thế "Kim Ngưu" !, tr. 80-87 

3. Văn Duẩn, "Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên", Người Lao Động oline, 17/02/2024 

4. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt : 'Chúng ta đừng ru ngủ mình', VnExpress, 15/4/2005

5. Phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (phát thanh ngày 30/4/2007), Phần 1, BBC tiếng Việt Youtube, 10/2007) 

6. "Tuyên bố : 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17/2/1979)", Tiếng Dân, 15/02/2024 

8. Tập Cận Bình, "Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về quan hệ Việt – Trung", VoV.vn, 12/12/2023

Âu Dương Thệ, "Tương lai lại tự chui vào rọ !", Thông Luận, 18/12/2023 

8. Hoa Nguyễn - Phong Sơn, "Hòa nhạc chào xuân 2024 : Tinh tế, sang trọng và đậm sắc xuân", Công an nhân dân online, 17/02/2024 

10. Như trên

11. Âu Dương Thệ, "Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng", Thông Luận, 20/01/2023 

12. Vụ Vạn Thịnh Phát : Những điều chấn động về phiên tòa và bà Trương Mỹ Lan , BBC News tiếng Việt, 22/02/2024 

13. Bản tin Quân sự - Quốc phòng ngày 17/2 : Bộ Quốc phòng phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", Quân đội Nhân dân Online, 17/02/2024

14. Hoa Nguyễn, "Hòa nhạc chào xuân 2024", niềm tự hào của các nghệ sĩ - chiến sĩ", Công an Nhân dân online, 16/02/2024

15. Hoa Nguyễn, "Tổng duyệt Hòa nhạc chào xuân 2024", Công an Nhân dân điện tử, 16/02/2024 16. Hoàng Hà,

16. "Nhà hát Hồ Gươm hiện đại nhất Việt Nam", VoV.vn, 09/04/2023 (vov.vn)

17. Khổng Hà, "Thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc", Công an Nhân dân điện tử, 1001/2024 (cand.com.vn)

18. Bộ trưởng công an Tô Lâm ăn bò dát vàng bằng tiền của ai ?, RFA tiếng Việt, 05/11/2021 : "món bò dát vàng phục vụ cho Bộ trưởng công an Tô Lâm, người phát ngôn Bộ Công An Tô Ân Xô và một người nữa trong đoàn tuỳ tùng của ngài Bộ trưởng, tại một nhà hàng sang trọng. Được biết giá tiền mỗi phần ăn như vậy lên đến 45 triệu đồng Việt Nam. Tổng cộng ba phần là 135 triệu đồng".

Việt Nam : Hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận, BBC News tiếng Việt, 05/11/2021 

19. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ? ! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập I (lulu.com), Tập II. Chương kết, IV. Nhà dột từ nóc - Ai chịu trách nhiệm ?, tr. 264-269 

20. Như 8

21. Chính phủ 31/1 ; Chính phủ, 16/2

22. Chính phủ 31/1 : Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng (dangcongsan.vn)

23. Lê Đạt 

Published in Diễn đàn

Tình hình quốc tế năm nay ở cả Á lẫn Âu đều nóng bỏng như một vạc dầu sôi. NATO đang tái thẩm định cục diện toàn cầu. Đông Á xốc lại các cấu trúc an ninh. Nhật Bản tăng cường hỗ trợ ASEAN về hợp tác an ninh hàng hải. Trong khi đó, Hà Nội vẫn loại các cuộc chiến chống xâm lược của Trung Quốc ra khỏi các ngày tưởng niệm quốc gia. 

caesar1

Các nhà hoạt động phản đối Trung Quốc tưởng niệm cuộc chiến biên giới với Trung Quốc nhân kỷ niệm 39 năm ở Hà Nội hôm 17/2/2016 - AFP

--------------------------- 

Trước nay, "tinh thần ngày 17/2 bất tử" được thể hiện rất rõ trong các cột mốc 19/1, 17/2 và 14/3. Riêng kỳ này, mặc dầu có vài dấu hiệu tích cực nhưng chính quyền vẫn để "những khoảng lặng, những e dè" với Trung Quốc (1). Hà Nội mở xu-páp cho truyền thông và không quá gay gắt đối với Tuyên bố của các tổ chức dân sự, nhân dịp 45 năm tưởng niệm cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc tại sáu tỉnh biên giới phía Bắc (1979 – 2024). Nhưng như thường lệ, các báo trung ương : Nhân dân, Quân đội Nhân dân vẫn phớt lờ việc tưởng niệm. Dù Truyền hình có ấn phẩm riêng : "Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc – Không thể lãng quên", nhưng bài viết 2.000 chữ ấy vẫn "cứ quên" nêu đích danh Trung Quốc. Các báo hội đoàn, báo ngành và địa phương vẫn còn tình trạng đăng bài lên rồi hạ bài xuống. Một số trang mạng có viết về chiến tranh biên giới, kể lại các mẩu chuyện của các cựu chiến binh, từ thân nhân liệt sĩ, hoặc phản ánh những đổi thay tại các địa danh trước đây 45 năm từng là "những cối xay thịt" trong cuộc chiến giữa "những người anh em thù địch" (2).

Tưởng niệm cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ 20 này của Trung Quốc tấn công Việt Nam, diễn ra trong những hoàn cảnh khá đặc biệt so với trước đây. Đặc biệt lớn nhất là, cuộc tưởng niệm kỳ này diễn ra sau khi Việt Nam và Trung Quốc vừa ký Tuyên bố chung, cam kết hai bên nhất trí xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai". 

Ngay thời điểm Tuyên bố ấy được ký kết, dư luận Việt Nam cũng như thế giới đã phản ứng rất nhanh nhậy (3). Dư luận cho rằng, với "Cộng đồng chia sẻ tương lai" vừa cam kết, thực chất là Hà Nội đã chấp thuận xây dựng "Cộng đồng chung vận mệnh" (CCD) với Trung Quốc. Nghĩa của chữ "vận" là thời điểm, còn "mệnh" là thiên định trước cho một cộng đồng hay một quốc gia. Đối với Việt Nam, điều này phải chăng là sự trở lại với quy chế "phiên thuộc" ? Và từ nay, Việt Nam đang đặt một chân vào thế trận Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy để thay thế "trật tự thế giới" dựa trên luật pháp ? CCD sẽ thay thế trật tự ấy thông qua "Vành đai Con đường" (BRI) và một loạt sáng kiến khác như "Phát triển Toàn cầu" (GDI), "An ninh toàn cầu" (GSI) và "Văn minh Toàn cầu" (GCI) (4). 

Theo thống kê của chính Đài tiếng nói Việt Nam, chưa từng có quốc gia nào đem quân đi xâm lược láng giềng của mình với tần suất dày đặc như Trung Quốc đối với Việt Nam. Vậy nếu ràng buộc vận mệnh của dân tộc với Trung Quốc như trên có thể dẫn đến những hệ lụy nào ? Trong tổng số 20 cuộc xâm lăng suốt chiều dài lịch sử, chỉ riêng từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam tất cả là bốn lần (1956, 1974, 1979 và 1988) (5). Trên nền lịch sử tươi rói như vậy, con thuyền "Cộng đồng chung vận mệnh" đích thân do ông Tập Cận Bình đứng đầu Đảng cộng sản Trung Quốc thiết kế và chèo lái sẽ dẫn dắt gần cả trăm triệu con dân nước Việt về đâu ? Người dân Việt Nam thực sự có cơ hội nào để "cùng chung vận mệnh" với Đảng cộng sản Trung Quốc ? Trả lời những câu hỏi này, phần nào có thể hình dung cách thức Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong "bức tranh toàn cảnh" của trật tự Trung Hoa (6). 

Một đặc biệt lớn thứ hai là, cục diện quốc tế năm nay ở cả Á lẫn Âu hiện đang như một vạc dầu sôi. Tại Hội nghị An ninh ở Munich lần thứ 60 diễn ra từ 16 – 18/2, Phó Tổng thống Mỹ Harris vẫn cam kết với Tổng thống Ukraine Zelensky : "Tổng thống Biden và tôi sẽ tiếp tục giành những nguồn lực và vũ khí các bạn cần để thành công. Chúng tôi sẽ ở bên các bạn chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn". Cũng dịp này Tổng thống Ukraine đã ký được hai Hiệp ước an ninh dài hạn với Pháp và Đức. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố hôm 16/2 : "Bằng cách giúp đỡ Ukraine, chúng tôi đang đầu tư vào an ninh của chính mình" (7).

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng khi nào thì thế giới coi sự nghiệp bảo vệ an ninh hàng hải trên Biển Đông mà Việt Nam đang gánh vác, cũng là vì lợi ích của cả chính họ ? Nếu muốn vậy, Hà Nội phải lưu tâm tới lời khuyên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz khi ông này nhắc Việt Nam "nên có lập trường rõ ràng" đối với cuộc xâm lược Ukraine của Moskva. Ông Scholz tuyên bố : "Vấn đề đặt ra là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là vi phạm luật pháp quốc tế với tiền lệ nguy hiểm. Các nước nhỏ không thể an toàn trước hành vi của các nước láng giềng lớn hơn, mạnh hơn... Chuyện này cũng liên quan đến Trung Quốc… Bắc Kinh tuyên bố lãnh thổ ở cách xa hơn 800 km – Mặc dù Tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye đã bác bỏ các tuyên bố này vì nó trái pháp luật. Sức mạnh của luật pháp phải được áp dụng cả ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chứ không thể là, lẽ phải thuộc về kẻ mạnh hơn" (8). 

Cũng trên tinh thần ấy, lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Nhật Bản coi ASEAN là một trong ưu tiên chính sách đối ngoại nói chung và chiến lược "Ấn Thái Dương tự do và rộng mở" (FOIP) nói riêng ; cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực. Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mới đây cho biết, Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida có kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải cho bốn quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia và Philippines, Malaysia và Việt Nam. Đây là sự hỗ trợ mang tính dài hạn đối với lực lượng an ninh trên biển của bốn quốc gia thành viên ASEAN có bờ biển ở Biển Đông. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) được Chính phủ nước này giao xây dựng kế hoạch 10 năm nhằm hỗ trợ 4 quốc gia Đông Nam Á. Theo đó, hoạt động tìm hiểu nhu cầu thực tế đã bắt đầu từ tháng 1/2024 tại Philippines và Indonesia và từ tháng 4 tới là tại Việt Nam và Malaysia (9). 

Liên quan lễ tưởng niệm bi tráng năm nay, xin ôn lại bài bình luận của Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng trên trang mạng "Viet-sudies" về "Những cái nhất" của ngày 17/2/1979. Nhân đây, xin được phép nhắc lại một kỷ lục nổi bật từ "năm cái nhất" ấy : Chưa có một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử Việt Nam được cả chính quyền lẫn các sử quan "lãng quên nhanh nhất và bỏ chạy một cách kỹ lưỡng nhất" (từ của Giáo sư Trần Ngọc Vương). Bộ Lịch sử quốc gia 15 tập, dày hơn 10.000 trang, với khoảng 290.000 dòng, trong đó dành cả chục ngàn dòng về cuộc chiến ý thức hệ từ 1954 đến 1975 – cuộc chiến mà Trung Quốc đã "tận tình giúp" để ta "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng" – trong khi ấy, chỉ chép vẻn vẹn có mười một dòng về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, có giai đoạn, chính quyền cố tình tung hoả mù lên tính chính danh của cuộc chiến. Không dám chỉ đích danh kẻ xâm lược, các chiến sĩ ta hy sinh thì khó khăn lắm mới được tôn vinh là liệt sĩ... Quả là một kỷ lục về "sự nhập nhằng ý thức hệ !" (10) 

Chính quyền Hà Nội đừng bao giờ quên rằng, "nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn lại anh bằng đại bác !" 

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 20/02/2024

Tham khảo :

(1) Chiến tranh biên giới Việt-Trung : Vẫn còn những khoảng lặng, những e dè

(2) https://lamgiautrithuc4.blogspot.com/2016/02/gioi-thieu-sach-brother-enemy-war-after.html 

(3) https://www.voatiengviet.com/a/lay-da-ghe-chan-minh-ong-tap-co-duoc-cong-dong-chung-van-menh-voi-ha-noi/7396663.html 

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/substance-of-shared-future-community-12182023132659.html 

(5) https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/mai-me-voi-tham-vong-trung-quoc-tu-bay-chinh-minh-339173.vov (Trong lịch sử gần hàng ngàn năm của dân tộc Việt, các triều đại Trung Quốc đã đem quân xâm lược Việt Nam tất cả 20 lần : nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa 4 lần ; tức với tần suất trung bình 150 năm một lần xâm lược). Từ khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam đến 4 lần : năm 1956 chiếm phía nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, năm 1979 xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, năm 1988 chiếm đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa). 

(6) Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong "bức tranh" của trật tự Trung Hoa

(7) https://securityconference.org/en/publications/munich-security-report-2024/executive-summary/

(8) https://www.tagesschau.de/ausland/asien/scholz-vietnam-ukraine-krieg-101.html?fbclid=IwAR1RJZ9b7AAHJL6k8Upmv4ShsXVwcdZZ9Xw2L8mHmDsNYGtjDyew_GVCXxM 

(9) https://www.voatiengviet.com/a/nhk-nhat-giup-viet-nam-lau-dai-tang-an-ninh-hang-hai-ung-pho-voi-tq/7486686.html

(10) https://www.viet-studies.net/kinhte/DinhHoangThang_Ngay17_02_79.html

Published in Diễn đàn

Một chín bảy chín

Tre, RFA, 18/02/2019

Năm tôi 11 tuổi, trong một buổi sáng chào cờ đầu tuần ở trường, cô giáo chủ nhiệm lùa hết học sinh ra sân, không mặc kệ lớp trưởng quản sĩ số chúng tôi như mọi lần. Các thầy cô trong trường cũng ngồi ngay ngắn không thiếu một ai trên hàng ghế gần cột cờ. Chúng tôi không đứa nào biết chuyện gì, nhưng đều cảm nhận được không khí căng thẳng khác mọi khi.

40nam1

Hình minh hoạ. Những người dân phản đối Trung Quốc cầm biểu ngữ ngày 17/2/1979 - nhân dân sẽ không quên trong một buổi kỷ niệm 27 năm cuộc chiến biên giới Việt Trung ở Hà Nội hôm 17/2/2016 - AFP

Buổi chào cờ hôm đó chỉ thoáng qua chuyện học hành, kỷ luật và thi đua giữa các lớp một ít, rồi thầy hiệu trưởng hắng giọng… và chúng tôi lần đầu được nghe những khái niệm xa lạ.

Chúng tôi được thông báo quân Trung Quốc đang đánh chiếm biên giới phía Bắc và Tây Nam, nhà trường sẽ chuẩn bị cho học sinh những tình huống báo động để toàn trường tập dượt, sắp tới học sinh các lớp lớn sẽ phải tập quân sự…

Thầy nói chậm, rất lâu, và mặt thầy đầy lo âu.

Đó là một buổi sáng năm 1979.

Tôi nhớ lại những quyển sách trong tủ sách gia đình, nơi tôi đọc tất cả các quyển sách của ba, má, các anh chị lọt vào tay tôi. Có những quyển mang cái tên rất hấp dẫn như Chiến tranh Việt Nam và sự đổi màu da xác chết mà tôi đọc say sưa nhưng chả hiểu được mấy phần, chỉ nhớ là tác giả bảo quân Mỹ cố thay đổi chiến tranh Việt Nam như đổi màu da xác chết, và có những thứ rất gây tò mò như hàng rào điện tử Mc Namara. Có những tiểu thuyết đánh nhau và yêu đương dễ hiểu hơn như Hòn Đất, Gia đình má Bảy. Nhiều hơn cả là tủsách Tuổi hoa : Hoa tím dành cho tuổi mới lớn, bắt đầu có rung động đầu đời, Hoa đỏ phần nhiều là trinh thám đánh nhau cho tuổi choai choai nhỡ nhỡ, và Hoa xanh cho các em bé nhi đồng. Tuổi hoa thì không có báo động, hầm cá nhân, bom đạn và tập quân sự, nhưng các cuốn của các anh chị và ba má tôi thì đều có. Tôi biết báo động nghĩa là gì.

Trong khi thầy hiệu trưởng vẫn đang dặn tập dượt khi có báo động, tôi bắt đầu tưởng tượng hôm nào đó tôi đang ở trường thì có báo động. Còi hú vang trời, loa phóng thanh thúc giục đồng bào chú ý, máy bay địch đang ở cách 10 cây số…, trên đường phố các hầm cá nhân mở ra như những miệng lỗ, chúng tôi chạy tan tác như bầy gà con mà trên trời đàn diều hâu đang lượn vòng, mạnh đứa nào đứa nấy la hét và chui xuống hố. Súng bắn pằng pằng. Rồi đến khi tan học, tôi chạy về nhà thì không thấy ba má đâu nữa. Cả thành phố toàn người chạy nháo nhác. Ba má tôi cũng chạy nháo nhác đâu đó, má tôi sẽ khóc gọi con ơi con ơi, ba tôi thì nghiêm mặt lại như những khi có chuyện nghiêm trọng. Nhưng tôi không thể nào tìm thấy ba má tôi nữa.

Không hiểu sao tôi lại tưởng tượng ra như vậy.

40nam2

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 25/8/1978 : một người lính Việt Nam bị thiệt mạng trong một trận tấn công của Trung Quốc vào Đồng Đăng, Lạng Sơn AFP

Có lẽ tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều từ những cuốn sách thuật lại chiến tranh, cuộc chiến tranh vừa mới chấm dứt cách đó 4 năm, chứ ở lứa tuổi đó tôi chưa từng biết chiến tranh là gì.

Khi ba má tôi phải chia hai gia đình ra sống cách nhau mấy trăm cây số để lỡ mất người này thì còn người kia, tôi còn quá nhỏ. Khi một quả bom rơi xuống sát cạnh chung cư gia đình tôi đang ở, ba má tôi đều đang ở sở, còn cậu tôi thì vừa ôm, vừa bế, vừa đẩy các cháu nhỏ chạy theo dòng người đi lánh dưới những kiến trúc đổnát, tuyệt nhiên tôi không nhớ được chút gì.

Sau khi bom ngừng, ba má tôi chạy xe như điên về nhà, nước mắt đầm đìa trên má vì nghĩ rằng mấy cậu cháu đã chết hết. Khi cậu tôi níu má tôi lại không cho đi làm nữa, để lỡ bị bom đạn chết thì cũng không ai phải chết một mình mà cả nhà cùng chết với nhau. Vâng, tôi cũng không nhớ.

Nhưng mặc dù tôi không nhớ thì câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại trong gia đình tôi, những lúc cả nhà sum vầy. Còn ba má và cậu tôi thì vừa kể vừa nghiêng đầu ngắm nghía kỹ từng đứa con đứa cháu, như đến giờ vẫn còn ngạc nhiên không tin nổi cả nhà vẫn còn sống với nhau đây, không mẻ chút da thịt sau những phen kinh hồn. Là chúng tôi không mẻ, nhưng những người lớn đều phải trả giá. Sức ép bom đạn đã làm hại đến mắt và tai của ba má chúng tôi, cũng đã cướp đi một người cậu họ của tôi lúc cậu mới 17 tuổi. Cậu tôi rất đẹp trai. Hàng bốn chục năm sau, có năm ngay trưa mùng 1 Tết, mới vừa xong bữa cơm sum vầy cả gia đình, má tôi chợt nhớ cậu rồi cứ thế òa khóc mếu máo, vừa khóc vừa kể.

40nam3

Hình minh hoạ. Những người lính Việt Nam ở đồi Chậu Cảnh, Lạng Sơn hôm 21/2/1979 AFP

Cũng cái năm 1979 đó, có những người bạn của anh chị tôi đã nhập ngũ. Có những người cắt tay lấy máu viết thư xin đi bộ đội. Anh chịtôi toàn đầu to mắt cận nên không trúng nghĩa vụ quân sự, ba má tôi cũng dặn ngầm không cho đứa nào đi bộ đội cả. Trong bữa cơm chiều, các chị tôi bắt đầu kể hôm nay trong lớp có bạn này đi bộ đội, bạn kia đi bộ đội, hầu như lớp cấp 3 nào cũng có người đi bộ đội. Nhà trường cấp hai của tôi bắt đầu phát động phong trào viết thư cho chiến sĩ. Chúng tôi được giao chỉ tiêu mỗi đứa viết một lá thư, tính vào xếp loại lao động. Cô chủ nhiệm gom lại, đếm rồi chuyển lên trường. Trường nào cũng có phong trào này nên số thư chuyển ra biên giới chắc là lớn lắm. Hiềm nỗi toàn con nít, vốn ham chơi hơn ham làm, đã vậy còn ở vào cái thời đói khổ nên trí óc hướng về xoong thịt kho hơn là hướng ra chiến trường, tuyệt đại đa số thư nào cũng như thư nào, em chào anh bộ đội, chúc anh vững tay súng… cuối thư em xin gửi lời chúc anh sức khỏe. Nét mực tím vụng dại, buổi sáng trước ngày nộp thư, bọn con trai mượn thư mấy đứa giỏi văn trong lớp ngồi bặm miệng ngoẹo cả đầu ra chép lại.

Các anh chị lớn đi bộ đội được ít lâu thì có người bị thương, cụt chân, cụt tay trở về. Có người chết, được phong liệt sĩ hay tử sĩ. Cả lớp mặc áo trắng xếp hàng thắp hương trước bàn thờ bạn. Cha mẹ ngất xỉu thẫn thờ. Một hai năm sau, có người xuất ngũ, quay về trường học, học muộn hơn các bạn một hai năm, rồi cũng vào đại học hoặc đi học nghề.

Tôi đã đọc đi đọc lại Giải khăn sô cho Huế của nhà văn Nhã Ca. Tôi nghĩ rằng những cảnh người dân quẩn quanh chạy loạn trong thành Huế giữa hai làn đạn khốc liệt, gia đình chia lìa, chịu cảnh đói khát vì bom đạn làm tan tành tất cả, gục xuống chết âm thầm trong một xó vườn xa lạ trên đường trốn chạy… chưa kịp phai mờ trong trí nhớ của nhiều người.

Thì mới có hòa bình được 40 năm thôi. Mới có 40 năm ngắn ngủi, quá ngắn ngủi cho một đất nước.

Ông bà dạy "an cư lạc nghiệp". Cho đến giờ, nghiệp của Việt Nam chưa thể gọi là "lạc", vẫn là nước nghèo trên thế giới, ngay trong ASEAN cũng đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Campuchia và Lào. Điều hành tồi tệ, tham nhũng là một nguyên nhân chính, nguyên nhân còn lại vẫn là chưa đủ thời gian "an cư". Ngay bây giờ, bom mìn trên cánh đồng, núi rừng, sông suối vẫn chưa gỡ hết. Ngay trong thành phố, lâu lâu đào móng xây nhà lại đào được một quả bom. Dường như mùi thuốc súng chưa bao giờ thực sự nhạt hẳn trong không khí Việt Nam.

Nhiều ngày nay báo chí Việt Nam nói rất nhiều đến cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc năm 1979. Trên mạng xã hội facebook, ngoài những nhận định tỉnh táo, cũng phảng phất mùi thuốc súng từ những tay chơi mạnh miệng. Trên trang nhà, Facebooker Bùi Hoàng Tám nói nếu như chiến tranh xảy ra thì ông sẽ làm chiến sĩ trên mặt trận thông tin, viết báo làm thơ động viên chiến sĩ. Ông nói chắc chắn sẽ động viên con cháu ra trận.

Nhiều người cũng tâm đắc nghe lại bài hát nổi tiếng thời chiến tranh biên giới. Tôi cũng nhớ nó, gần như thuộc lòng :

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Quân xâm lược bành trướng dã man đã giày xéo mảnh đất Việt Nam

Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải non sông

Đất nước của ngàn chiến công vẫn sục sôi khí thế hào hùng

Những Chi Lăng Bạch Đằng Đống Đa đang gọi tiếp theo những bản hùng ca

Việt Nam ôi nước Việt yêu thương

Lịch sử đã trao cho người một sứ mạng thiêng liêng

Mang trên mình còn lắm vết thương, người vẫn hiên ngang ra chiến trường (…)

Việt Nam, nước Việt yêu thương ư ? Tôi nghĩ trong văn cảnh của bài hát, phải đổi lại là "nước Việt đau thương" mới chuẩn xác. Một nước Việt đau thương rách rưới, đầy mình vết thương vẫn không được yên lành để chữa trị, mà phải tiếp tục đứng lên chiến đấu. Hiên ngang lẫm liệt cũng có đấy, nhưng chữ liệt ấy tính ra gần với "liệt sĩ" làm sao !

Những bản hùng ca đâu có làm màu mỡ đất đai, đâu có trả lại chân tay cụt mất, đâu có mang lại người yêu chồng vợ về cho nhau. Chiến tranh không phải trò đùa, chiến tranh là tang thương và chết chóc, là khi và chỉ khi không thể còn cách nào khác mới buộc phải cầm súng lên để giữ mạng sống, là thế dựa lưng vào tường, là thế sống tao chết mi. Tuổi xuân, sức trẻ và trí tuệ của hàng triệu người lẽ ra vun bồi cho gia đình xã hội giàu có văn minh thì thay nhau vùi chôn vào đất vĩnh viễn, kéo lùi phát triển đến hàng chục hàng trăm năm, là ngồi dưới hố trơ mắt nhìn người ta đi dạo trên mặt trăng. Dân tộc ta có tội tình gì mà phải gánh lấy một "sứ mạng (thiêng liêng)" thiệt thòi đến thế ?

Chiến tranh chỉ lãng mạn, chỉ "sục sôi hào hùng" trong văn thơ nhạc họa được "sản xuất" đểphục vụ cho ý đồ của người cầm trịch. Mà theo lịch sử Việt Nam thì phần lớn những người say mê ca ngợi khía cạnh hùng ca của cuộc chiến thường lại chưa ngửi thấy khói súng bao giờ.

Cho nên, ông Bùi Hoàng Tám nói thiệt hay nói đùa tôi không rõ lắm, nhưng tôi chúc cho ông không phải bao giờ phải động viên con cháu ông ra trận, dĩ nhiên càng không bao giờ được động viên con cháu người khác ra trận, chỉ để thỏa cái khát khao của những chàng thi sĩ tâm hồn treo ngược lên cành cây mơ được làm anh hùng, được "lịch sử chọn làm điểm tựa". 

Tôi mong cầu cho nước nhà hòa bình, cầu cho dân tôi yêu một lòng yêu nước dày đặc tếbào não để mỗi sáng lại được thức dậy trong bình yên, không ai phải đi giết ai để giành sựsống, không người mẹ nào phải nhìn những đứa con mình lần lượt chết hết, chết sạch trong khi tóc còn xanh. Tất cả đều cần mẫn lao động cho nền văn minh giàu có và nhân bản. Đó mới là thắng lợi thật sự của Việt Nam.

Tre

Nguồn : RFA, 18/02/2019

*****************

40 năm sau cuộc chiến biên giới Việt-Trung-tiếp tục những sai lầm

Song Chi, RFA, 18/02/2019

40 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung xảy ra vào ngày 17/2/1979. Cuộc chiến tuy chỉ kéo dài có 1 tháng, nhưng trên thực tế thì xung đột giữa 2 bên vẫn tiếp tục đến tận 10 năm sau.

Điều đáng nói hơn là sau 40 năm nhìn lại, đảng cộng sản Việt Nam đã chứng tỏ họ không học được gì từ bài học lịch sử qua cuộc chiến này. Trái lại, họ lại càng mắc nhiều sai lầm hơn.

40nam4

New York Times: Cựu binh Trung Quốc 'vỡ mộng' về cuộc xâm lược : Nghĩa trang tử sĩ chết trong cuộc chiến 1979

1. Vội vàng bắt tay với cựu thù trong tư thế yếu

Đó là sai lầm nghiêm trọng nhất. Sau khi Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, quá lo sợ trước sự tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa trên thế giới nói chung và tương lai của đảng cộng sản Việt Nam nói riêng, Hà Nội đã nhanh chóng quay trở lại làm thân với Bắc Kinh trong tư thế quỵ lụy. Xuất phát điểm của quyết định này, cũng tương tự như trong mọi quyết định lớn có liên quan đến vận mệnh đất nước, dân tộc khác của đảng cộng sản Việt Nam, đó là luôn luôn đặt quyền lợi của đảng lên trên lợi ích của đất nước, dân tộc.

Cho tới nay người dân Việt Nam vẫn chưa hề được biết nội dung Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) ngày 3-4/9/1990 về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là như thế nào, nhưng rõ ràng những điều kiện, thỏa thuận trong đó đã dẫn tới sự thay đổi trong đối nội và đối ngoại, không chỉ giữa Việt Nam với Trung Quốc, mà còn giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các nước trong khu vực, đồng thời cũng dẫn tới những hệ lụy lâu dài mà cho tới nay chúng ta có thể cảm nhận được.

Sau khi bắt tay với kẻ thù xong, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam lại tiếp tục mất cảnh giác, mở rộng cửa đối với Trung Quốc trong mọi lĩnh vực. Và sau 40 năm thì chúng ta có thể nhìn thấy sự hiện diện cũng như mức kiểm soát, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam trên cả hai nghĩa bóng và nghĩa đen, từ trên khắp lãnh thổ lãnh hải cho tới hậu trường chính trị ở Ba Đình, từ ngoại giao, chính trị, kinh tế cho tới an ninh, tình báo, văn hóa, tinh thần.

2. "Muốn có hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh"

Pháp đến rồi đi, Mỹ đến rồi đi, Pháp hay Mỹ chẳng lấy của Việt Nam một rẻo đất, ngược lại với Pháp, với Mỹ, Việt Nam có mất mà có được- mất bao nhiêu xương máu không tính nổi nhưng cũng nhận ở khía cạnh văn hóa, văn minh. Còn Trung Quốc thì mãi mãi ở bên cạnh, là kẻ thù từ nghìn năm trước, cho tới bây giờ vẫn luôn luôn là mối đe dọa lớn nhất, và dù chơi với Tàu hay đối đầu với Tàu thì Việt Nam cũng chỉ mất và mất. Mất đất, mất đảo, biển, kể cả môi trường sống bị đầu độc cũng là những cái thấy được, nhưng mất về mặt chủ quyền, độc lập cho tới văn hóa, tâm linh mới là cái nguy hiểm hơn nhiều. Đáng tiếc là đối với Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam thay vì cảnh giác, thoát ra thì lại càng lún sâu vào vòng lệ thuộc với Tàu. Muốn có hòa bình thì phải chuẩn bị cho chiến tranh và họ đã không làm được như thế.

Về phía Trung Quốc đã kịp rút ra bài học về sự yếu kém, lạc hậu của quân đội, vũ khí và kinh nghiệm chiến đấu của quân lính họ qua cuộc chiến tranh biên giới với Việt Nam, từ đó ra sức đầu tư cho quân sự, quốc phòng. Bắc Kinh đã tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2 con số trong một thập kỷ, sau đó giảm xuống còn một con số và giờ đây lại tăng trở lại. Hiện nay ngân sách đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc chỉ thua có Hoa Kỳ (1).

VN tất nhiên không thể so sánh vì đất nước ta nghèo hơn nhiều, nhưng nếu không bị mất một số tiền đáng kể hàng năm vì nạn tham nhũng, làm ăn lãng phí, kém hiệu quả thì cũng có thể tập trung đầu tư nhiều hơn vào một vài lĩnh vực mũi nhọn, nhất là hải quân.

Quan trọng hơn là xây dựng tinh thần chiến đấu cho quân đội. So với thời đánh Mỹ đánh Pháp, tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam bây giờ chắc chắn thua xa vì nhiều lý do : không còn lý tưởng, việc quân đội được phép làm kinh tế khiến ai cũng có tài sản và sợ mất, nhất là tầng lớp tướng tá, quan chức cấp cao, có quá nhiều thứ để họ không muốn mất và do đó, khiến họ bạc nhược, sợ hãi chiến tranh.

40 năm trước Trung Quốc tuy đông hơn gấp bội mà không dễ gì thắng được Việt Nam, nhưng bây giờ thì người viết bài này hoàn toàn không còn chắc về điều đó nữa.

3. Tự làm yếu mình về mặt tinh thần

Trong hai cuộc chiến tranh đánh Pháp, đánh Mỹ, người cộng sản lúc đó có thể bị xem là sắt máu nhưng không ai nói họ hèn, họ dường như không biết sợ là gì. Còn bây giờ trước Trung Quốc, chính họ luôn luôn tự hù dọa mình với những suy nghĩ, lập luận kiểu như Trung Quốc mạnh như thế, làm sao đánh nổi, hoặc định mệnh buộc Việt Nam là hàng xóm láng giềng của Trung Quốc, không thể bê nước mình đi chỗ khác thì phải sống hòa thuận với Trung Quốc thôi v.v… Đó là với chính quan chức, những người lãnh đạo trong bộ máy cầm quyền từ trung ương đến địa phương.

Còn đối với người dân, việc không dám nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới trong suốt một thời gian dài khiến cho giới trẻ Việt Nam không thực sự hiểu được chuyện gì đã xảy ra, việc ngăn chặn người dân quan tâm đến chính trị nói chung và đàn áp, sách nhiễu không cho người dân được phép bộc lộ lòng yêu nước…mỗi khi có "yếu tố Trung Quốc" nói riêng, đã vô hình chung làm nhụt đi lòng yêu nước, tinh thần bất khuất quật cường của nhân dân-một vũ khí lợi hại của bất cứ nhà cầm quyền nào nếu muốn đương đầu với thế lực ngoại bang.

Đó là chưa nói đến chuyện cần phải tích cực hòa giải, hòa hợp với người miền Nam, hàn gắn lại những vết thương chiến tranh vẫn chưa lành do cuộc chiến Việt Nam và do những chính sách hẹp hòi, thiển cận của "bên thắng cuộc" đã gây nên, xóa bỏ những chính sách có phần phân biệt vùng miền, để tạo nên khối đoàn kết dân tộc vững mạnh hơn thì càng có thêm sức mạnh đối phó bên ngoài.

4. Bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội "thoát Trung", bao nhiêu cơ hội kết bạn với các nước dân chủ, tiến bộ, giàu mạnh trên thế giới để có bạn bè, đồng minh hỗ trợ khi cần thiết

Chính sách "ba không" trong quốc phòng của Việt Nam (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia) tưởng là khôn ngoan, thật ra lại có hại cho Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh, ngày càng có sức ảnh hưởng trên thế giới cũng như là mối đe dọa thường trực đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Việt Nam là một nước nghèo và cần các nước giàu mạnh hơn là họ cần Việt Nam, nếu Việt Nam tỏ ra "không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào’ thì cũng chẳng nước nào buộc phải liên kết với Việt Nam cả.

5. Không nên giải quyết mọi chuyện với Trung Quốc theo kiểu song phương

Trung Quốc luôn luôn muốn ép Việt Nam giải quyết mọi mâu thuẫn, bất đồng giữa 2 bên theo kiểu song phương để dễ bắt nạt. Điều phải làm là quốc tế hoá để giải quyết các mối xung đột, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế. Nhưng Việt Nam lại không làm như vậy.

6. Muốn có một nền độc lập lâu dài, muốn không bị láng giềng to mạnh ức hiếp thì phải tự lực xây dựng đất nước giàu mạnh

Sau 40 năm, nói gì thì nói, đảng cộng sản Trung Quốc đã xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, vị trí và tiếng nói của Trung Quốc đã khác xưa nhiều, trong khi đó thì Việt Nam, dưới sự lãnh đạo bất tài của đảng cộng sản vẫn cứ là một nước nghèo, chẳng để lại được gì cho các thế hệ tương lại ngoài những món nợ chồng chất, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề…

Câu hỏi cuối cùng là bao giờ thì những sai lầm này sẽ được khắc phục ?

Song Chi

Nguồn : 18/02/2019 (songchi's blog)

(1) "US, China and Saudi Arabia top list of military spending", Aljazeera, "US remains top military spender, SIPRI reports", Defense News

***********************

Kỷ niệm rầm rộ 40 năm chiến tranh với Trung Quốc trên mặt báo nhưng chặn tưởng niệm trong thực tế (RFA, 17/02/2019)

Ngày 17/02/2019, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã không thể tổ chức tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc đem quân đánh các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam như thường lệ.

40nam5

Nhà thơ Hoàng Hưng và nhà báo Kha Lương Ngãi phải tưởng niệm ở nhà. Courtesy of FB Kha Lương Ngai

Trong khi ở Thành phố Hồ Chí Minh, những người mặc đồ công nhân vệ sinh đặt các xe thu gom rác chắn tượng đài Đức Thánh Trần tại bến Bạch Đằng và cẩu cả lư hương đem đi nơi khác, thì ở Hà Nội chỉ có một số ít người ra được tượng đài vua Lý Thái Tổ để thắp hương trong vòng vây của lực lượng an ninh.

Sài Gòn xuất hiện công văn "mật" chỉ đạo chặn tưởng niệm

Hôm 16/2, xuất hiện văn bản đóng dấu MẬT của đảng ủy Cộng sản khối cơ sở bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn trên trang Facebook của các nhà hoạt động cho biết về cuộc tưởng niệm ngày 17/2 tại tượng đài Trần Hưng Đạo, tuy nhiên công văn này lại gọi những người chuẩn bị việc này là "một số đối tượng trong câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng" và việc dâng hương là "lợi dụng sự kiện Chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 02 năm 1979".

40nam6

Công văn được lan truyền trên mạng xã hội - Courtesy of FB Lê Công Định

Công văn số 695 ban hành ngày 15/02/2019 chưa được kiểm chứng về độ xác thực, nhưng có đóng dấu đỏ và ký tên của Phó Bí thư thường trực Ban thường vụ đảng ủy Nguyễn Duy Vũ được nhạc sĩ Tuấn Khanh và luật sư Lê Công Định đăng tải trên Facebook cá nhân.

Theo văn bản này thì Ban Thường vụ Đảng ủy khối yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn "vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên, người lao động và người thân không tham gia tụ tập, biểu tình, gây rối an ninh trật tự tại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo trong ngày Chủ nhật, 17 tháng 02 năm 2019 ; đồng thời kịp thời phát hiện, thu gom, giao chính quyền, cơ quan chức năng các tờ tiền có viết, vẽ kêu gọi biểu tỉnh, các băng rôn, khâu hiệu có nội dung xấu về chính trị".

Ông Trần Bang, một cựu binh trong chiến tranh biên giới phía Bắc với Trung Quốc cho hay, không thể khẳng định tính xác thực của công văn này nhưng nó trùng hợp với việc ông và một số người bạn bị an ninh mặc thường phục canh nhà, và chính quyền mang xe rác chắn tường đài, cẩu lư hương đi đúng vào ngày 17/2.

Cũng theo thành viên câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thì chính ông và một số người mà ông biết như nhà báo Sương Quỳnh, Lê Phú Khải, Phạm Đình Trọng… đều bị lực lượng an ninh canh nhà.

Có 3 người sáng nay đến được tượng đài Trần Hưng Đạo để thắp hương tưởng niệm như các ông Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Hoàng Hưng đều bị xua đuổi hoặc bắt đưa về đồn công an nơi cư trú.

Nhận xét về việc báo chí nhà nước được "cởi trói" để thoải mái nói về cuộc chiến với Trung Quốc trên mặt báo, nhưng lại chặn những người dân đi tưởng niệm, ông Trần Bang khẳng định :

"Việc này chứng tỏ nó vẫn sợ thằng cộng sản Trung Quốc và vẫn sợ mất quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam này nên họ muốn dựa vào Đảng cộng sản Trung Quốc để giữ quyền lực và phản bội nhân dân, vi phạm quyền tự do của người dân và vô ơn, bội nghĩa với những người đã hy sinh", ông Trần Bang nói qua ứng dụng Messenger.

Cô Võ Hồng Ly cũng đăng tải trên Facebook cá nhân việc dâng vòng hoa và thắp nhang tưởng niệm tại tượng đài Trần Hưng Đạo vào chiều 16/1/2019 một cách bình thường.

Hà Nội : Cựu chiến binh bị "xốc nách đưa đi" khi đang khấn vái

Tình hình tại thủ đô Hà Nội không khác gì trong Thành phố Hồ Chí Minh khi những nhà hoạt động quen mặt đều bị lực lượng an ninh thường phục canh giữ từ nhiều hôm trước.

Theo nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, sáng 17/02/2019 có ít nhất 5 người khi ra tượng đài vua Lý Thái Tổ và tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn bị chặn bắt đưa về công an phường hoặc ép về nhà như cựu chiến binh Phan Khang, bà Ngọc Anh, Hoàng Hà, Lê Hồng Hạnh và Đặng Bích Phượng.

Cựu chiến binh Phan Trí Đỉnh đăng tải những hình ảnh trên Facebook cá nhân kể lại việc đến tượng đài vua Lý Thái Tổ ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào sáng 17/02/2019 để thắp hương tưởng niệm cuộc chiến biên giới Việt Trung và bị "một số người trẻ khỏe đẹp trai kẹp hai bên như là xốc nách đưa ra khỏi khu vực" khi đang khấn vái.

40nam7

Người dân tưởng niệm những liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới năm 1979, Hà Nội ngày 17/02/2019 Photo : RFA

Nhà hoạt động Lê Hoàng từ Hà Nội chia sẻ, việc ngăn cản tưởng niệm dịp 40 năm ngày quân và dân Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược là một điều vô lý.

"Thực ra báo chí đưa tin rầm rộ cả tuần nay, đưa hình ảnh các thứ rất là mạnh mẽ, mọi người ai cũng đều nghĩ là đưa tin như thế này thì chính quyền chắc đã đổi chiều một chút rồi và họ đã có chiều hướng vì nhân dân rồi, thế nhưng mà hôm nay lại như thế này.

Tôi nghĩ hay là họ lừa bịp quốc tế để có cái gì đó, ví dụ như là với Trung Quốc thì Việt Nam cũng phân biệt rõ chứ không phải giấu giếm. Nhưng mà họ nói một đằng nhưng lại làm một nẻo chả hiểu rằng như thế nào nữa, hay là họ không cần nhân dân để chống Trung Quốc nữa ? " - ông Lê Hoàng nói qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do.

Hôm 14/02/2019, khoảng 20 người Hà Nội đi theo đoàn của Trung tâm Minh Triết của Giáo sư Nguyễn Khắc Mai đến nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979 ở Vị Xuyên, Hà Giang để thắp hương tưởng niệm cho những người nằm xuống.

Một số người mặc áo "nói không với đường lưỡi bò" như các ông Lê Hoàng, Hoàng Công Cường… lên đây đều bị lực lượng an ninh của quân đội cho là nhạy cảm và bắt thay áo.

Trong đoạn clip của nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh, ông Hoàng Công Cường thậm chí phải cởi chiếc áo "NO-U" duy nhất của mình trước đòi hỏi của phía quân đội.

Đây không phải là lần đầu tiên những người hoạt động ở Việt Nam bị ngăn chặn tưởng niệm các cuộc chiến với Trung Quốc.

Vào ngày 17/02/2017, hàng chục người ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bị bắt giữ và câu lưu khi đến các nơi đã hẹn trước để thắp nhang cho những người đã mất trong cuộc chiến. Hay 6 người ở Hà Nội phải bất ngờ tưởng niệm vào ngày 15/02/2018 để tránh bị phá rối như mọi năm.

*****************

Vẫn còn nguyên nỗi sợ hãi

Nguyễn Tường Thụy, RFA, 18/02/2019

Sau khi thấy báo chí được "mở miệng" dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam (Việt Nam), nhiều người nghĩ rằng việc cấm đoán các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược năm nay sẽ được nới lỏng nhưng cũng có nhiều người đầy cảnh giác. Thực tế những gì xảy ra vào ngày 17/2/2019 cho thấy những người cảnh giác đã đúng. 

40nam8

Công văn được cho là của đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh Internet

Chưa bao giờ, hoạt động tưởng niệm liệt sĩ chống Trung Quốc bị ngăn chặn ráo riết quyết liệt như dịp 40 năm chiến tranh biên giới 17/2. 

Hà Nội đã huy động một lực lượng khổng lồ công an, từ thành phố đến quận/huyện, phường/xã để ngăn chặn. Rất nhiều người bị canh chặn tại nhà. Riêng tôi cũng đã "tiêu tốn" trên dưới 10 cán bộ chiến sĩ công an. Ai thoát ra được chỉ cần mon men đến các nơi có thể đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ, lập tức bị tóm gọn đưa về câu lưu ở các đồn. Câu chuyện cảm động nhất và cũng phẫn nộ nhất là chuyện của ba chị Đặng Bích Phượng, Hoàng Thị Hà và Nguyễn Hồng Hạnh. Suốt đêm trằn trọc không ngủ, vừa hồi hộp nghĩ đến giờ phút thiêng liêng bày tỏ lòng tri ân đến các liệt sĩ, vừa lo lắng cho công việc ngày mai. Các chị dậy từ lúc "gà chưa gáy sáng" bí mật liên lạc với nhau, lên tận Quảng Bá chọn mua 100 bông hoa đẹp nhất để gửi tới các liệt sĩ. Tuy nhiên, mọi sự chuẩn bị từ nhiều hôm trước bị phá trong tích tắc. Ba chị mới mon men đến đài Liệt sĩ Bắc Sơn, chưa kịp đặt hoa thì bị tóm gọn. Công an khá hào phóng tiền thuế của dân, bố trí mỗi chị một xe riêng đưa về các đồn giam giữ. 

Tại thành Hồ, cũng vẫn là chuyện canh chặn nhà riêng của từng người. Một công văn được cho là của đảng bộ thành phố này chỉ đạo việc ngăn chặn mọi hoạt động tưởng niệm ngày 17/02. Công văn này nêu đích danh Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, gọi họ là "đối tượng" và hồ đồ cho là Câu lạc bộ này "lợi dụng sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc ngày 17 tháng 2 năm 1979". Đây là một lối ăn nói bừa bãi, tùy tiện của những kẻ quen chụp mũ và coi thường quyền con người. Táo tợn hơn, chúng (gián điệp hoặc tay sai Trung Quốc) cho xe chở rác xếp quanh Tượng đài Đức Thánh Trần nhằm cản trở và gây ra mùi khó chịu cho những ai đến tưởng niệm. Chưa hết, chúng còn đưa xe cẩu, cẩu lư hương ở tượng đài đi nơi khác. Thế là người yêu nước hết chỗ thắp hương. Phải chăng chúng căm thù Trần Hưng Đạo đã đánh cho tổ tiên chúng tháo chạy tơi bời cách đây hơn 7 trăm năm ? 

Đây là hành động vô cùng hỗn láo, xấc xược với tiền nhân, sẽ bị muôn đời nguyền rủa. Chắc chắn bọn này sẽ bị quả báo bởi luật nhân quả. Danh sách những kẻ gây tội ác với dân, xúc phạm Chúa, Phật, Thánh bị quả báo, do giới xã hội dân sự thống kê ngày càng dài thêm. 

40nam9

Cẩu lư hương ở tượng đài Trần Hưng Đạo (Sài Gòn) -Ảnh Internet

Kể từ năm 2011, mọi hoạt động tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc đều được cố gắng tổ chức hàng năm. Mỗi năm có 3 lần vào các dịp 19/1 (Trung Quốc cướp Hoàng Sa), 17/2 (Trung Quốc xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc) và 14/3 (Trung Quốc cướp đảo Gạc Ma). Tất cả những hoạt động tưởng niệm này đều bị nhà cầm quyền tìm mọi cách cản phá, nhưng dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam bị ngăn chặn ráo riết, triệt để nhất. 

Tại sao tưởng niệm liệt sĩ bảo vệ Tổ quốc bị cấm, không cho người dân tôn vinh những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" ? 

Tại sao không dám gọi Trung Quốc là kẻ thù xâm lược ? 

Tại sao lại gọi những người chống kẻ thù là phản động. Tại sao lại theo dõi, ngăn cản và cho họ là "đối tượng", ghi vào "sổ đen" ? Họ vi phạm điều khoản pháp luật nào ? 

Đảng cộng sản Việt Nam trả lời ra sao về những câu hỏi này ? 

Càng cấm đoán bao nhiêu, người dân càng nghi ngờ lòng trung thành với Tổ quốc của họ (đảng cộng sản Việt Nam) bấy nhiêu ? 

Không bao giờ họ hỏi, tại sao người dân Việt Nam căm thù Trung Quốc nhưng không căm thù Pháp và Mỹ. Thậm chí chế độ Pol Pot người dân cũng không nhắc đến nữa. 

Vì Trung Quốc vẫn còn nguyên dã tâm xâm lược Việt Nam. Chúng luôn luôn dòm ngó, chỉ chờ cơ hội là thôn tính tiếp lãnh thổ còn lại của người Việt Nam, lăm le đồng hóa người Việt Nam. Vì chúng luôn chơi bẩn, tìm mọi cách hại người Việt Nam bằng các con đường du lịch, thương mại, và nguy hiểm hơn là chúng đã cài cắm rất nhiều gián điệp vào bộ máy điều hành ở Việt Nam. Điều này người dân không tưởng tượng ra mà hãy hỏi ông Trương Giang Long, nguyên thiếu tướng Giám đốc Học viện chính trị công an thì biết. 

Đảng cộng sản Việt Nam có thể nhớ ơn Trung Quốc đã giúp họ chiến thắng Pháp, Mỹ và chiến thắng đồng bào miền Nam nhưng việc nào ra việc đó. Không phải vì ân huệ mà đem giang sơn đi cầm cố. Còn người Việt Nam chẳng việc gì phải nhớ ơn chúng. Ơn đối với Đảng cộng sản mà bắt người dân phải nhớ là sao ? Nếu Trung Quốc không can thiệp vào Việt Nam thì đất nước và số phận người dân Việt Nam bây giờ đã khác. Với Trung Quốc, người Việt Nam chỉ có sự căm ghét. Ghi nhớ tội ác mà Trung Quốc đã gây ra cho nhân dân Việt Nam không phải là để khơi lại hận thù, kích động chiến tranh mà là để nhắc nhở nhau hãy cảnh giác. Người dân Việt Nam biết phân biệt tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh với nhân dân Trung Quốc. 

Ai sợ thì cứ việc sợ, nhưng người Việt Nam không hề sợ Trung Quốc. Nếu sợ thì đã không có hàng vạn quân xâm lược Trung Quốc phơi thây ở chiến trường Việt Nam cách đây 40 năm. 

Giới lãnh đạo hiện nay có bao giờ biết xấu hổ với giới lãnh đạo thời Lê Duẩn và xa hơn là tiền nhân thời phong kiến về tinh thần chống Trung Quốc ? 

Chưa bao giờ, lòng dân và ý nhà cầm quyền khác biệt tới mức như bây giờ. 

Nếu Trung Quốc đem quân xâm lược Việt Nam lần nữa, có thể họ không dám kháng cự, có thể có một hòa ước nào đó đáp ứng tham vọng lãnh thổ của kẻ thù nhưng chắc chắn sẽ có những cuộc khởi nghĩa trong nhân dân nổ ra. Đó là tinh thần Trương Công Định : "Triều đình hòa nghị thì cứ hòa nghị, còn việc của Định thì Định cứ làm. Định thà đắc tội với Triều đình chứ không nỡ ngồi nhìn giang san này chìm đắm" 

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 18/2/2019 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Ngày 17/2/2019 là dịp tròn 40 năm nổ ra cuộc chiến tranh do Trung Quốc đưa quân xâm lấn biên giới phía bắc Việt Nam.

pvd1

Một cuộc tưởng niệm của người dân Việt Nam về cuộc chiến Biên giới Việt - Trung nổ ra ngày 17/2/1979

Từ quãng 1992-2014, tự nhiên báo chí Việt Nam im bặt về sự kiện này.

Vào tháng 5/ 2014 sau sự kiện Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 981 vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, tại Hà Nội đã nổ ra một cuộc biểu tình lớn, có tổ chức từ phía chính quyền.

Từ đó, một số báo bắt đầu đăng, đưa tin lẻ tẻ về sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, Gạc Ma, các trận đánh chống lại sự lấn chiếm biên giới phía bắc trong đó có chiến sự tại Vị Xuyên.

Nhưng năm nay, trước dịp kỷ niệm cuộc chiến tranh này, ngày 17/12/2018, Ban Tuyên giáo Trung ương đã soạn "Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc".

Tại Hà Nội 4/01/2019 đã tổ chức mít tinh, có sự tham dự của các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Quốc Vượng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đọc diễn văn tại buổi lễ.

Với cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc, Ban Tuyên giáo Trung ương không có đề cương, chỉ thấy báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin về một cuộc giao ban ngày 17/1/2019.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW đã yêu cầu các báo cáo viên cần tập trung tuyên truyền nội dung "Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019)".

Thứ tư ngày 6/2/2019 tức mồng Hai Tết Nguyên đán, báo Nhân Dân điện tử đưa tin :

"Bộ Tư lệnh Biên phòng thăm, chúc Tết quân và dân xã Hải Sơn… Ngày 6/2, (mùng 2 Tết), Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và tỉnh Quảng Ninh do Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tới dâng hương tại Thành phố Móng Cái".

pvd2

Một phần tin bài đánh dấu 40 năm cuộc chiến trên báo mạng VietnamNet

Pò Hèn là nơi xảy ra vụ thảm sát 86 cán bộ chiến sĩ và cán bộ nông trường do Trung Quốc gây ra trong những ngày đầu sau 17/2/1979 tại khu vực đồn Biên phòng Pò Hèn.

Như vậy, sau khi có chỉ thị của Ban Tuyên giáo và mở đầu bằng "phát súng hiệu" trên Nhân Dân điện tử mồng hai Tết, báo chí Việt Nam đã rầm rộ viết bài về cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược 1979.

Nguyên nhân của sự "bật lò xo" của báo chí là do bấy lâu nay bị kìm nén :

- Các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn tin vào thiện chí của các nhà lãnh đạo Trung Quốc : hai nước có thể hòa thuận với nhau để làm ăn, buôn bán và giữ trật tự an ninh chung, củng cố tình hữu nghị để cùng giữ chế độ Cộng sản. Có thể xuất phát từ niềm tin này, khiến cho các nhà lãnh đạo Việt Nam cố nhẫn nhịn, do đó nên báo chí buộc phải bị kiềm chế…

- Phía Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ép, khiến các nhà lãnh đạo Việt Nam phải "tự giác ngộ" vì họ tự hiểu rằng : Nếu cứ tự mình xoay xở, để cho "Đảng và nhà nước lo" thì ngày càng bị Trung Quốc lấn lướt, đẩy vào tình thế kẹt không chỉ trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, chính trị và quan hệ ngoại giao quốc tế…và cái chính là đi ngược với lòng dân, một việc vô cùng nguy hiểm.

- Hàng loạt các dự án đầu tư-kinh doanh thua lỗ, tổn hại môi trường, mất trật tự an ninh…có nguồn gốc do hợp tác với Trung Quốc ; Trung Quốc ngày càng tỏ ra trắng trợn gây sức ép trên Biển Đông, phá, chặn túi tiền từ nguồn khai thác dầu của Việt Nam trên Biển Đông, việc đánh bắt cá của ngư dân…

"Dễ muôn lần không dân cũng chịu ; Khó vạn lần dân liệu cũng xong"- khẩu hiệu được dân Quảng Bình thường hô hào nhau trong chiến tranh ác liệt với không quân Mỹ, có vẻ như nay được giới tuyên giáo Việt Nam viện tới trong việc giải quyết quan hệ với Trung Quốc.

Một số binh chủng 'thông tin chiến lược' bị tuột xích ?

Trong thời kỳ chiến tranh hai 'binh chủng' âm nhạc, văn thơ được coi là những món ăn tinh thần không thể thiếu đối với bộ đội và nhân dân. Nó có sức động viên rất lớn. Thế nhưng dịp kỷ niệm 40 năm về cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược này, hai binh chủng này lại có vẻ như đang bị tê cứng, bị rỉ sét, tụt xích ? Chúng ta thử lướt qua các tờ báo của giới văn chương trong cuộc ra quân ồ ạt này :

Đọc năm tờ báo chuyên về văn học đó là Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân đội, Tạp Chí Nhà văn, Hồn Việt, Tạp chí Thơ… những số báo ra dịp Tết, đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến tranh chống Pol Pot ở biên giới Tây Nam, 40 năm cuộc chiến chống 60 vạn quân Trung Quốc tại phía bắc ; những cuộc chiến tranh đã khiến cho hàng vạn bộ đội và nhân dân đã đổ máu, không có một dòng nào đề cập tới hai sự kiện này.

Còn âm nhạc thì đã rõ, mở ti vi chỉ thấy tràn ngập trò chơi âm nhạc có thưởng, tràn ngập những bài hát 'không tải' về nội dung mà chỉ sướt mướt chuyện em anh, chuyện tình tan vỡ và gần đây là nhạc Bolero (nhạc vàng) có thời bị kiểm soát gắt gao.

pvd3

Một phần thuộc trang Chuyên đề đánh dấu 40 năm cuộc chiến trên báo mạng Đất Việt, Diễn đàn thuộc các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

Xảy ra tình trạng này là do các văn nghệ sĩ lớp lớn tuổi thì đã cùn mòn cảm xúc, văn nghệ sĩ lớp trẻ thì phần lớn họ không hề biết một chút thông tin gì về cuộc Chiến tranh Biên giới 2/1979.

Họ càng không hề biết tại Vị Xuyên, Hà Giang từng xảy ra những trận đánh ác liệt kéo dài gần một chục năm vì thông tin bị bưng bít.

Họ không được cung cấp thông tin mà thậm chí trước đây đề tài chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược bị coi là "húy kỵ".

Thực ra cũng khó lòng trách giới văn chương, ngay đối với các cựu chiến binh, nhiều người rất dũng cảm trong chiến tranh, được phong anh hùng, thế nhưng khi tôi gặp họ, đề nghị cung cấp tài liệu để viết về cuộc chiến với Trung Quốc, họ đều tìm cớ thoái thác.

Tôi gặp phải tình cảnh này khi liên hệ qua điện thoại xin được gặp với một số sĩ quan cao cấp, có những ông tôi đề nghị Hội Nhà văn liên hệ giúp đều từ chối cung cấp thông tin.

Trước tết Nguyên Đán, tôi có liên hệ với một gia đình tại Hà Nội có con được phong anh hùng trong cuộc chiến Trung Quốc tại khu vực pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Người anh hùng này, thuộc lính của sư đoàn 3 Sao Vàng và trang Tri ân liệt sĩ đã viết :

"Đồng chí chiến đấu rất dũng cảm, mưu trí, biết cơ động, nghi binh lừa địch, chờ quân địch đến gần mới nổ súng, khi dùng lựu đạn, khi dùng tiểu liên bắn. Đồng chí bị thương vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu, đến khi chỉ còn một quả lựu đạn, đồng chí dũng cảm chờ địch đến gần mới ném vào giữa đội hình địch. Trận này đồng chí đã diệt 70 tên địch và anh dũng hy sinh…"

Đọc những dòng tin trên trang mạng này, tôi bán tín bán nghi về chiến công của người anh hùng Hà Nội. Cách đây mấy năm, tôi đến nhà tìm gặp bố mẹ người anh để tìm hiểu, nhà ở quận Hai Bà Trưng.

Ông bố kể cho tôi : "Cháu được phát 25 viên AK và mấy quả lựu đạn. Sở dĩ cháu lập được thành tích bắn hạ 70 lính Trung Quốc là do trước đây nhà ở Hàng Buồm, liệt sĩ này biết tiếng Trung Quốc nên binh vận thêm được một số vũ khí…".

Hiện nay bố mẹ của liệt sĩ này không còn và có khi sang bên kia may ra hai ông bà mới biệt được chiến công đích thực của con ông bà.

pvd4

Tác giả Phạm Viết Đào (đầu tiên từ trái sang) tham dự lễ ra mắt Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 356 của Việt Nam, một đơn vị từng tham gia cuộc chiến.

Tôi gặp ông chú, một anh hùng trong chiến tranh chống Mỹ, ông cho biết :

"Trong trận đó, quân Trung Quốc tràn sang, quân ta rút lui không kịp mang theo một kho vũ khí hiện đại. Kho vũ khí này nếu bị rơi vào tay Trung Quốc rất nguy hiểm. Đơn vị lấy tinh thần, ai xung phong quay lại phá hủy kho vũ khí này. Người anh hùng này mới binh nhất, nhập ngũ 8 tháng mặc dù là y tá, anh đã xung phong quay lại. Anh đã dụ địch tới gần mới cho nổ kho vũ khí… kết quả anh hy sinh cùng 70 lính Trung Quốc".

Tôi tin vào thông tin của ông chú, thế nhưng tôi lấy làm buồn. Tại sao một chiến công anh hùng như vậy mà không được công khai, đến bố mẹ sinh ra anh ta cũng không biết. Hiện dân Hà Nội, nhất là lớp trẻ có ai biết về chiến công của thanh niên Hà Nội 21 tuổi này không ?

Cho đến thời điểm hiện tại, người anh hùng này tiếp tục mai danh ẩn tích vì không một tờ báo nào đưa tin.

Tôi dự định đưa vụ này lên trang Facebook và blog của tôi trong dịp tháng 2/2019, kiến nghị với chính quyền Hà Nội chọn một đường phố đặt tên cho anh, một thanh niên Hà Nội.

Khi tôi gọi điện liên lạc với người thân anh hùng- liệt sĩ, nêu ý định này lên và hẹn lịch xin gặp bàn. Gia đình lúc đầu rất phấn khởi, sắp xếp lịch nhưng rồi sau đó thoái thác, không muốn gặp tôi.

Các cựu chiến binh từng chống Trung Quốc xâm lược

Ngày 26/12/2018 vừa qua, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh sư đoàn 356, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Vị Xuyên đã tổ chức họp, ra mắt tại Hà Nội. Có hơn 600 cựu chiến binh từ Hà Tĩnh trở ra đã tham dự bằng kinh phí đi lại, ăn ở tự lo.

Tôi với tư cách thân nhân cũng liệt sĩ cũng đã được mời tham gia.

pvd5

Thiếu Tướng Nguyễn Đức Huy nguyên Phó Tư lệnh Quân Khu 2, phát biểu tại buổi ra mắt Ban Liên Lạc Cựu Chiến Binh Sư đoàn 356 ngày 26/12/2018 (hình do tác giả cung cấp)

Tại đây, sau khi ôn lại những chiến công của Sư đoàn 356, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Nguyên Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên toàn quốc cho biết rằng Ban liên lạc đang kiến nghị với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước cho phép thành lập Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên, cho phép Hội có pháp nhân, tài khoản, con dấu…để động viên, huy động nguồn lực trong dân để tham gia giải quyết các vấn đề hậu chiến.

Ngoài ra Tướng Nguyễn Đức Huy cũng nói, cùng Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban liên lạc Cựu chiến binh Vị Xuyên đề nghị Nhà nước sớm tuyên dương các danh hiệu cao quý cho các đơn vị, cá nhân từng lập nhiều công trạng trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Theo Tướng Nguyễn Đức Huy, kiến nghị này đang được xem xét nhưng không rõ có được ủng hộ không.

Vị tướng năm nay đã gần 90 đã phải thốt lên tại diễn đàn này :

"Chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược đã xảy ra cách đây 30-40 năm rồi mà không chịu ghi công cho các anh hùng liệt sĩ ; Đợi tất cả chúng ta cùng xuống âm ty rồi thì tuyên dương cho ai ? Trong khi đó Trung Quốc vừa tuyên tặng 10 danh hiệu cao cho binh sĩ của họ từng tham chiến ở Lão Sơn".

pvd6

Bản thảo tác phẩm liên quan cuộc chiến của nhà văn Phạm Viết Đào mà tác giả cho hay chưa tìm được nơi cho xuất bản chính thức ở Việt Nam.

Là người đầu tiên, sớm phát hiện và xới các thông tin về chiến trường Vị Xuyên để đưa lên mạng xã hội từ sau năm 2010 cùng với Đài BBC, tôi đã dồn nhiều công sức tâm huyết cho tập Bút ký-Tiểu luận-Điều tra về cuộc chiến Vị Xuyên.

Bản thảo dày 400 trang A4 gồm trên 80 bài viết của tôi và của một vài cựu chiến binh nhưng chưa có một nhà xuất bản nào cấp phép xuất bản.

Điều này cho thấy dư luận nhân dân rất quan tâm tới cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược tại các tỉnh biên giới phía Bắc giai đoạn sau 1975.

Đây là một đề tài lớn, lôi cuốn người đọc nhưng giới văn chương chưa được quyền tự do công bố tác phẩm của mình.

Cửa cho đề tài này mới chỉ được mở hé !

Phạm Viết Đào (Hà Nội)

Nguồn : BBC, 16/02/2019

*****************

'Phải khẳng định đánh Việt Nam, Trung Quốc được lợi rất nhiều' (BBC, 15/02/2019)

Không thể nói là không có ai được lợi trong cuộc chiến Biên giới Việt - Trung bốn mươi năm trước, mà phải khẳng định cho rõ rằng 'đánh Việt Nam, Trung Quốc được lợi rất nhiều', ý kiến một sử gia từ Hoa Kỳ bình luận với BBC trong dịp đánh dấu tròn bốn thập niên sự kiện.

pvd7

Ông Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Jimmy Carter ở Nhà Trắng năm 1979

Ngoài ra, cần phải rút ra bài học về cách mà Trung Quốc chuẩn bị các chính sách rất 'lâu dài' như 'đi những nước cờ xa' trong chiến lược của nước này, nhà nghiên cứu sử học, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt.

Các ý kiến khác của các nhà nghiên cứu chính trị từ Việt Nam và Mỹ trong dịp này cũng so sánh bang giao quốc tế giữa Việt Nam và các cựu thù là Mỹ và Trung Quốc, và đề cập một số lưu ý mà Việt Nam cần quan tâm khi 'ôn cố tri tân' về cuộc chiến sau 40 năm chẵn.

Hôm 14/2/2019, sử gia thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ nêu quan điểm với Bàn tròn thứ Năm từ London :

"Cuộc chiến tranh 1979 không phải là chỉ bắt đầu vào năm 1978, 1979, nhưng mà có vấn đề lịch sử ở trong đó. Tại sao lại nhắc đến vấn đề đó ? Là vì Trung Quốc có những chính sách rất lâu dài. Cái bốn hiện đại mà Mao đưa ra, Chu Ân Lai đưa ra, rồi sau đó Đặng Tiểu Bình đưa ra năm 1975 là cần phải có sự giúp đỡ của Mỹ về mặt đầu tư, về mặt kỹ thuật, về vấn đề quân sự.

"Chúng ta nên nhớ Nixon đã bình thường hóa với [quan hệ của Mỹ] với Trung Quốc vào năm 1972, nhưng tại sao đến năm 1979 mới hoàn tất ? Năm 1979 mới hoàn tất vì hai bên mới đồng ý đánh Việt Nam như một cuộc chiến tranh quy ước chống Liên Xô.

"Mà Trung Quốc muốn chứng minh Trung Quốc bấy giờ thực sự là đồng minh của Mỹ, thành ra nó [cuộc chiến] mới giúp cho Mỹ tin tưởng vào Trung Quốc. Cho nên cứ nói chiến tranh 'không ai có lợi' thì không đúng. Trung Quốc đánh Việt Nam là được lợi rất nhiều và mở cửa ra với Mỹ, với các nước khác, kể cả với Nhật Bản. Bởi vì Mỹ bắt Nhật đưa nhiêu viện trợ sang Trung Quốc, thì Trung Quốc mới được có ngày nay.

"Chúng ta là những người nghiên cứu phải nhìn lại vấn đề này và như BBC đặt câu hỏi về bài học gì rút ra, thì bài học là chúng ta phải thấy Trung Quốc đi những nước cờ xa như thế nào để chúng ta chuẩn bị, chứ không nên xem thường", sử gia từ Đại học Maine nhấn mạnh.

'Nước nhỏ cần luôn cảnh giác'

pvd8

Ông Đặng Tiểu Bình, ở vị trí Phó Thủ tướng, tiếp đại sứ George Bush và Tổng thống Gerald Ford ở Bắc Kinh tháng 12/1975

Từ góc nhìn của mình, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp về chính trị thuộc Viện Đông Nam Á (Iseas-Singapore) nói với Bàn tròn :

"Đã qua 40 năm rồi, nhưng nhìn kỹ ra hơn chút nữa, thì phải nhìn lại mấy nghìn năm lịch sử có những chuyện người ta cứ đánh mình [Việt Nam], người ta cứ xâm lược mình, người ta to, mình bé, người ta cứ bắt nạt.

"Thế thì bài học đầu tiên từ nay trở đi là gì ? Là đừng bao giờ quên rằng ở Trung Quốc, có những nhóm lãnh đạo, không phải là tất cả, họ luôn theo chủ nghĩa bá quyền, kể cả lúc họ yếu. Họ yếu nhất vào lúc năm 1940 - 1945, khi mà họ bị chia cắt đất nước, họ bị đủ thứ.

"Từ khi họ sang Việt Nam giải giáp quân đội Nhật, thì họ đã bày đặt ra bao nhiêu chuyện. Rồi cuối cùng là rất phiền cho đất nước này [Việt Nam].

"Năm 1954 họ rất yếu, nhưng họ can thiệp Hội nghị Geneva về Việt Nam, là Hội nghị Hòa bình, rồi đến tất cả những sự kiện như các năm 1972, 1974, 1979, 1984, 1988 và hiện nay nữa.

"Thì tất cả những điều này, về bài học, tôi chỉ nhắc lại là đứng cạnh một anh to như thế, và ở trong ấy lại có những bộ phận người lãnh đạo của họ [Trung Quốc] là theo chủ nghĩa bá quyền, thì đất nước nhỏ như Việt Nam phải luôn cảnh giác. Đấy là bài học thứ nhất.

"Thứ hai, đường lối của Việt Nam từ bấy lâu nay tôi nghĩ rằng họ rất là đúng - là cái gì hợp tác được thì hợp tác. Thế còn những gì phải bàn với nhau, có tính chất đấu tranh, thì người ta đấu tranh. Đấy là cái mà tôi thấy là người ta [Việt Nam] tổng kết và người ta cũng đang thực hiện và nó phù hợp, đúng đắn.

"Thế còn lúc này, giữa Việt Nam và Trung Quốc, về mặt lợi ích quốc gia mà nói, Trung Quốc cứ khẳng định về đảo, biển hơn 90% Biển Đông là của họ, còn Việt Nam cũng như một số nước khác ở Đông Nam Á cũng nói rằng chỗ nọ, chỗ kia là của mình, tức là có tranh chấp.

"Những cái này có lẽ còn lâu lâu nữa mới xử lý được và xử lý không chỉ là Trung Quốc xử lý Việt Nam, hay là mấy nước ở trong khu vực, mà còn phải có sự tham gia của các nước khác, đặc biệt là những nước lớn như là Mỹ.

"Đấy là vấn đề phải rút kinh nghiệm ở trong tương lai, còn những gì hợp tác được, thì vẫn tiếp tục, sẽ làm sao cho bình đẳng mà thôi", Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận.

Ba vấn đề khi ôn cố, tri tân

pvd9

Quân Trung Quốc khi đánh Việt Nam tháng 2/1979

Từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra mấy luận điểm trước Bàn tròn khi nhìn lại cuộc chiến nổ ra bốn thập niên trước, ông nói :

"Vấn đề này, tôi xin nói ba điểm chính. Điểm thứ nhất, cuộc chiến tranh Biên giới là một biến cố lịch sử rất quan trọng, vì vậy cần có sự nghiên cứu, nghiên cứu lịch sử, đặt vấn đề cho đúng. Tôi thấy xét lại việc nghiên cứu là điều cần thiết.

"Điểm thứ hai là yếu tố quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam trên cả chiều dài lịch sử, tôi thấy có hai yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến bang giao giữa hai nước. Thứ nhất là địa lý : Việt Nam ở gần Trung Quốc, Việt Nam nhỏ, Trung Quốc lớn.

"Thứ hai là lịch sử, trong lịch sử với Trung Quốc, Việt Nam chịu nhiều vấn đề gọi là bá quyền và chủ trương mà Việt Nam gọi là chủ trương Đại Hán. Chủ trương Đại Hán này là một yếu tố lịch sử mà chúng ta [Việt Nam] đã trải qua, chúng ta biết.

"Còn yếu tố bá quyền, là một nước lớn bao giờ cũng ép nước nhỏ. Cái đó là một thực tế chính trị trong bang giao quốc tế. Thành ra lịch sử có thể thay đổi, có thể chuyển động khác đi, nhưng địa chính trị không có thay đổi gì cả.

"Điểm thứ ba, ông Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có nói chuyện Việt Nam với Mỹ có thù nghịch, cuộc chiến tranh rồi cũng hòa giải, thì tôi thấy trong cái này hơi có điểm phải để ý.

"Đó là Việt Nam với Mỹ trong chiến tranh cũng đã từng thù nghịch, sau chiến tranh dần dần hàn gắn những vết thương đó, Mỹ không ở lại Việt Nam nữa, Mỹ hiện nay không đe dọa gì cho Việt Nam cả.

"Trong khi quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, sau chiến tranh rồi, lại hòa hoãn với nhau, rồi tìm cách sống chung hòa bình với nhau, nhưng với điều mà ông Hà Hoàng Hợp mới nói ra về việc Biển Đông, thì yếu tố Biển Đông là một đe dọa thường xuyên cho chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

"Gần đây yếu tố Biển Đông luôn luôn làm cho người dân Việt chống Trung Quốc, thành ra gây nhiều áp lực đối với chính sách của chính quyền Việt Nam", nhà nghiên cứu bang giao quốc tế nói với BBC.

Published in Diễn đàn

Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã chu toàn nghĩa vụ bề tôi trung thành với Trung Quốc sau 40 năm chiến tranh biên giới 1979-2019.

baove1

Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 trong sách giáo khoa Lịch sử : Để sự thật không bị bóp méo, lãng quên - Báo VTC News

Bằng chứng này được thể hiện qua 3 hành động :

Thứ nhất, Tuyên giáo của đảng không lên lịch, ra đề cương tuyên truyền và chỉ thị tổ chức kỷ niệm cấp nhà nước như đã làm đối với "kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (07/01/1979 - 07/01/2019)".

Cũng không thấy có các bài viết nghiên cứu của giới học giả cộng sản, hay bình luận trên các kênh báo chí-truyền thông chính thức như Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam về cuộc chiến 1979 như họ đã làm đối với cuộc chiến biên giới Tây Nam và ở Campuchia (1975-1989).

Hơn nữa, khi kỷ niệm 40 năm chiến tranh Campuchia, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bài xã luận ngày 07/01/2019 gọi là : "Biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia".

Bài viết tự khen chiến thuật đánh bại quân Pol Pot-Khmer đỏ : "Thắng lợi to lớn đó là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam ; sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân thế giới, trước hết là của nhân dân và các lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia".

Ngược lại, trong lần kỷ niệm 40 năm chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược năm 1979, báo-đài Việt Nam đã im hơi lặng tiếng không dám hé răng, dù công khai ca tụng dân-quân Việt Nam đã đánh bại cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ của 600.000 quân Trung Quốc.

Tên húy Trung Quốc

Thứ hai, trong khi sách Sử mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát hành ngày 18/08/2017 và nhiều báo, từ năm 2018 đã được Ban Tuyên giáo cho phép viết về cuộc chiến và gọi cuộc tấn công của quân Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới 1979 gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu là "cuộc chiến tranh xâm lược" thì trong chính thức, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chỉ dám gọi đó là "cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc".

Tuy vậy Trung Quốc, thủ phạm đã xâm lược Việt Nam từ ngày 17/02 đến 05/03/1979, sau đó tiếp tục bắn phá lẻ tẻ và nã pháo mở đường cho cuộc tấn công chiếm đất lần 2 từ năm 1984 đến 1989 nhắm thẳng vào Vị Xuyên (Hà Giang), đã không hề được nói tới trong buổi lễ gọi là "cuộc gặp mặt đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc".

Bài tường thuật ngày 23/01/2019 của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan thông tin của Mặt trận Tổ quốc cho biết Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Ủy ban trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức buổi lễ nhỏ này tại Hà Nội.

Buổi lễ được tổ chức trong phạm vị bộ, ngành và ít được quan tâm trong dư luận, nhưng đây là lần đầu tiên trong 40 năm, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam mới dám làm việc này. Liệu từ nay, việc làm tương tự có lan ra trong cả nước và được tiếp tục hay không thì chưa biết.

Chỉ thấy trong phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã không nhắc đến Trung Quốc là nước đã chủ động đem quân tấn công Việt Nam trước. Ngược lại, ông Mẫn đã : "Bày tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc và khẳng định : Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam".

Nếu không phải là người Việt Nam, không ai biết ông Mẫn muốn nói đến "cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc" đã chống lại quân thù nào ?

baove00

Chương trình và sách giáo khoa cần nhắc đầy đủ về Chiến tranh bảo vệ biên giới... VTC News

Việc ông Trần Thanh Mẫn cố ý tránh né không lên án Trung Quốc đã xâm lăng, không chỉ đích danh nước láng giềng là thủ phạm gây chiến và đã để lại thảm họa cho hàng trăm ngàn dân Việt Nam của 6 tỉnh biên giới, thực ra không mới mà chỉ nhắc lại cho mọi người thấy dù nay hòa bình biên giới Việt-Trung đã vãn hồi, nhưng phía cộng sản Việt Nam rất sợ bị Trung Quốc lên án chỉ biết nuôi hận thù mỗi khi nhắc đến cuộc chiến đẫm máu biên giới 40 năm về trước.

Vậy tại sao phía cộng sản Việt Nam lo bị Trung Quốc lên án, đổ tội trong khi Việt Nam là nạn nhân của Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ chủ chiến hận thù Việt Nam đã đem quân đánh Pol Pot-Khmer đỏ, đàn em của Trung Hoa thời bấy giờ ?

Việt Nam sợ vì Trung Quốc là nước lớn, đông người và nhiều quân, vũ khí đạn dược hơn Việt Nam. Trung Quốc cũng từng là ân nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp giành độc lập và xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, nhưng gọi là "chống Mỹ cứu nước" !

Mật ước Thành Đô

Thứ ba, quan trọng hơn, vì tại Hội nghị nối lại bang giao Việt-Trung tại Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990, theo các tin loan truyền trên Internet chưa bị bên nào cải chính, thì Việt Nam đã phải chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc không được khơi lại cuộc chiến biên giới 1979 để ổn định bang giao.

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ cộng sản Việt Nam tại Trung Quốc, đã có lần tiết lộ điều cam kết này của Phái đoàn Việt Nam.

Tuy vậy Bách khoa Toàn thư mở không viết gì về thỏa hiệp này mà chỉ cho biết :

"Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.

Thành phần tham dự :

- Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng,

- Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc".

Vậy liệu phía cộng sản Việt Nam còn có những thỏa hiệp bí mật bất lợi nào với Trung Quốc tại Thành Đô mà người dân chưa biết ? Chỉ thấy rõ một điều là từ năm 1999 lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc nhiều về biên giới, lãnh thổ và ở Biển Đông đã khiến người ta tin vào lời của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 103 tuổi, vẫn thường cảnh giác âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.

Bằng chứng trong suốt 40 năm qua, những việc tổ chức kỷ niệm Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới tháng 2/1979, hay các lần kỷ niệm quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974 và đánh chiếm Gạc Ma và 6 Bãi, Đá khác của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3/1988, đã không được nhà nước khuyến khích và thường bị ngăn chặn hay phá đám ở Hà Nội và Sài Gòn.

Thay vào đó, chỉ có các cuộc thăm viếng lẻ tẻ của thân nhân, của các cựu chiến binh hay đồng đội cũ tại các địa phương dành cho người quá cố và các chiến sĩ vô danh đã bỏ mình vì Tổ quốc.

Đặc biệt, trong khi cho phép một số báo-đài viết về trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) chống quân Trung Quốc đánh chiếm và ca tụng hy sinh của 64 tử sĩ của Quân đội Nhân dân thì đảng và nhà nước đã lạnh nhạt với cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc đẫm máu và can trường của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa năm 1974. Hy sinh của 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị Đảng lãng quên hèn hạ.

Quốc sử của ai ?

Giờ đây, sau 44 năm đảng cộng sản cai trị cả nước, nhà nước khoe sẽ tập hợp các nhà khoa học để hoàn thành 5 đề án gồm : Bộ Lịch sử Việt Nam ; Bách khoa toàn thư ; Địa chí quốc gia ; Hệ tri thức Việt số hóa ; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.

Theo VnExpress ngày 12/02/2019, Bộ Lịch sử Việt Nam, hay Quốc sử sẽ có hơn "300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn" :

"Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, Phó Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử ; 5 tập biên niên sự kiện ; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam. 

Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại ; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học...

Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện ; được Đảng lãnh đạo, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố Giáo sư Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm" như cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân…".

Tuy nhiên, nếu viết lại lịch sử mà chỉ dựa trên tư duy, quan điểm, tài liệu và phân tích của một bên, nhất là "bên thắng cuộc" thì "Quốc sử" chỉ còn là "Cuốc sử".

Và liệu cuộc chiến mà người cộng sản đặt tên là "chống Mỹ cứu nước", hay "giải phóng miền Nam" có cần được minh bạch với cuộc xâm lăng miền Nam của bộ đội miền Bắc, cũng như Cuộc thảm sát đồng bào Huế của quân cộng sản trong vụ Tết Mậu Thân 1968 sẽ có chỗ đứng nào trong lịch sử hay không ?

Cũng như nếu chỉ nghe ông Hồ Chí Minh nói : "Mối tình thắm thiết Việt-Trung : vừa là đồng chí, vừa là anh em" mà quên đi tính chính danh và sự thật của cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược đẫm máu tháng 2/1979 và sau đó thì vết nhơ Quốc sử sẽ tồn tại muôn đời.

Bởi vì, như Thiếu tướng Lê Mã Lương (anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) đã nói :

"Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ tổ quốc như hồi năm 1979-1988. Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình suốt dọc biên giới phía Bắc hồi năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này" (Tuần Việt Nam, 27/07/2017)

Cũng y như thế, nếu ta suy rộng ra Cuộc chiến huynh đệ tương tàn do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động và lãnh đạo trong 30 năm sẽ có chân nào trong Quốc sử ?

Phạm Trần

(14/02/2019)

Published in Diễn đàn

Đúng tháng 2, cách đây 40 năm cuộc chiến tranh giữa hai người anh em cộng sản Việt Nam, Trung Quốc diễn ra ngắn ngủi nhưng đẫm máu.

40nam1

Tù binh Trung Quốc bị Việt Nam bắt giữ. 2/1979. AFP

Chủ đề này thường bị giới chỉ trích tại Việt Nam nói rằng báo chí nhà nước đã né tránh suốt một thời gian dài vừa qua.

Nhưng tháng 2/2019, các bài viết về cuộc chiến tranh này rất khác so với những năm trước đây.

Báo Tuổi Trẻ, một trong những tờ báo có lượng phát hành lớn nhất nước, thực hiện một loạt bài mang tên 40 năm cuộc chiến vệ quốc, 1979. Tựa đề này được đưa lên trang nhất trong những bản in trên giấy trong những ngày trước 17/2/2019, ngày mà đúng 40 năm về trước Trung Quốc xua quân tấn công biên giới phía bắc của Việt Nam.

Loạt bài này kể lại những câu chuyện các cựu chiến binh trong trận chiến 40 năm trước đây. Trong loạt bài phóng sự này cụm từ Trung Quốc xâm lược được dùng rất rõ ràng.

Báo Thanh Niên, một nhật báo lớn khác, cũng phát hành trong cả nước cho đăng bài kể về một trận đánh ở Lào Cai, trong đó gọi lính Trung Quốc là ‘tên’ lính Trung Quốc (Tổ thám báo Trung Quốc gồm 8 tên.)

Báo mạng Vietnamnet đăng bài phỏng vấn một nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ, mang tên Biên giới tháng 2/1979 : Sòng phẳng với lịch sử. Trong bài phỏng vấn này người được phỏng vấn là ông Vũ Minh Hoàng nói rõ Việt Nam đã không học được bài học từ cuộc chiến 1979 với Trung Quốc.

Bài phỏng vấn này năm trong loạt bài gọi là Chuyên đề cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc 1979. Loạt bài này bắt đầu bằng một bài viết tổng hợp diễn tiến của cuộc chiến tranh biên giới 1979, có sử dụng nhiều tài liệu nước ngoài, đặt cuộc chiến tranh này trong bối cảnh xung đột và bình thường hóa quan hệ Trung Quốc và Liên Xô.

Trên tờ báo mạng VnExpress, có đăng bài phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, trong đó vị tướng này cho biết trong cuộc chiến 1979, Trung Quốc dự đoán đúng rằng Liên Xô sẽ không can thiệp dù đã ký hiệp định liên minh quân sự với Việt Nam trước đó. Đây là điều lần đầu tiên được báo chí Việt Nam đưa ra.

Nhà báo Mai Phan Lợi, từng làm ở báo Thanh Niên nói với RFA rằng ông thấy ngôn ngữ thẳng thắn mà báo chí Việt Nam dùng khi viết về cuộc chiến 40 năm trước :

"Tôi quan sát thấy đưa tin rất ồ ạt, các cơ quan có chuẩn bị kỹ càng, các cơ quan lớn như VTV cũng đều có đưa cả. Ngôn ngữ rất thẳng, tố cáo mạnh mẽ, nêu đích danh luôn. Thì đây cũng là điều đặc biệt, là một hiện tượng có thể nói là mới so với mọi năm".

Tuy nhiên ông Lợi cũng nói rằng do không còn làm việc trong hệ thống báo chí chính thống, ông không biết là loạt bài kỷ niệm 40 năm cuộc chiến 1979 này đã được định hướng như thế nào, hay là không có định hướng như mọi năm.

Một nhà báo hiện vẫn làm việc trong hệ thống báo chí chính thống nói với RFA rằng trong loạt bài kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh với Trung Quốc, vẫn có sự kiểm duyệt cẩn thận của cấp trên, được hiểu là Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan nắm toàn bộ giới báo chí Việt Nam. Nhà báo này cũng nói với RFA là loạt bài kỷ niệm cuộc chiến 40 năm này đã chuẩn bị rất kỹ càng từ vài tháng trước đây.

Quan hệ Việt Nam Trung Quốc vốn được báo Việt Nam trước đây đưa tin với từ ngữ rất thận trọng, đôi khi không nêu cả đích danh Trung Quốc.

Giáo sư Hoàng Dũng, Đại học Sư phạm Sài Gòn, trích nguồn riêng của ông, nói với RFA :

"Theo thông tin của bạn bè làm báo của tôi thì Ban Tuyên giáo đã dỡ barrier ra để cho bà con có thể nói được. Ở Việt Nam ai cũng biết là những chuyện nhạy cảm như thế này thì báo chí không thể tự quyết định được".

Chuyện nhạy cảm là từ ngữ mà báo chí Việt Nam hay dùng để nói đến những việc không được bàn tán nhiều một cách công khai. Theo cách hiểu như vậy, thì quan hệ với Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao, quân sự, Biển Đông, cắm cột mốc biên giới, hàng hóa nhập siêu,… từng là những chuyện nhạy cảm ít được báo chí chính thống của nhà nước nhắc tới.

Nhưng những chuyện nhạy cảm trong quan hệ với Trung Quốc dường như đã được nới lỏng rất nhiều trong thời gian qua.

Một trong những người có nhận xét đó là kỹ sư Phạm Ngọc Hưng, chuyên viên nghiên cứu thị trường, sống tại Sài Gòn. Ông Hưng nói với RFA :

"Trong năm vừa rồi Trung Quốc tập trận ở biên giới, Hà Nội có quan điểm cứng rắn trong đàm phán COC ở Biển Đông, rồi bây giờ báo chí lại được nói về chiến tranh biên giới, tất cả những cái đó nó tạo thành một chuỗi, làm mình suy luận rằng có một sự thay đổi về thái độ của Hà Nội với Bắc Kinh".

COC là tên viết tắt cho Bộ Qui tắc Ứng xử trên Biển Đông mà các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam đang cố gắng đưa Trung Quốc tham gia vào bằng một hình thức có ràng buộc về luật pháp, điều mà giới quan sát cho rằng Bắc Kinh không muốn để có thể tận dụng thế mạnh quân sự của mình.

Kỹ sư Phạm Ngọc Hưng cho biết thêm là theo ông những gì báo chí Việt Nam viết thì người Trung Quốc đều theo dõi kỹ càng, cho nên việc đưa ra những loạt bài về chiến tranh biên giới 1979 với ngôn ngữ mạnh mẽ, chứng tỏ Hà Nội không còn ngại Bắc Kinh như trước.

Giáo sư Hoàng Dũng nói với RFA rằng ông cũng có cảm nhận giống như kỹ sư Phạm Ngọc Hưng. Ông nói tiếp khi đã cho phép ồ ạt như vậy thì khó có thể thay đổi ngược trở lại về thời kỳ tránh né như xưa. Nhưng bên cạnh đó ông cho rằng từ việc cho phép báo chí đưa bài viết thẳng thắn về Trung Quốc, cho đến thoát hẳn ảnh hưởng của Trung Quốc lên Việt Nam là một chặng đường còn xa.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 13/02/2019

Published in Diễn đàn

Từ 1 tháng 2 đến 5 tháng 2, ông Vũ Mão (cu y viên Ban Chp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam - bầu cử trung ương Đảng cộng sản Việt Nam - sut t khóa 5 ti khóa 9, cu y viên y ban Thường v Quc hi Vit Nam liên tc trong ba khóa 9, 10 và 11) đưa lên trang facebook ca ông năm bài trong lot bài có ta là "Mt thi Đông Bc" (1).

quan1

Tưởng nim chiến tranh biên gii 1979 - 2016.

Ông Mão giải thích, ông viết "Mt thi Đông Bc" vì đã cn k 17 tháng 2, thi đim mà cách nay đúng 40 năm, Trung Quc xua đi quân tràn sang Vit Nam đ "dy cho Vit Nam mt bài hc". Tuy không nhiu nhưng "Mt thi Đông Bc" có không ít chi tiết cho thy, Trung Quc chưa bao gi t tế, k c khi đang giúp Vit Nam đánh M.

Từ khi Vit Nam "bình thường hóa quan h vi Trung Quc" hi đu thp niên 1990, đây có l là ln đu tiên, mt y viên bầu cử trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, tường thut công khai v cuc chiến v quc, ca ngợi nhng cá nhân hu công trong vic kháng c cuc xâm lược ca Trung Quc.

***

Cũng thời đim này, ông Nguyn Đình Bin (mt cu y viên khác ca bầu cử trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đng thi tng là Th trưởng Thường trc B Ngoi giao Vit Nam), cũng dùng trang facebook của mình đ "K nim 40 năm Trung Quc xâm lược biên gii phía Bc".

Khác với ông Mão, ông Bin không k nhiu, bình nhiu mà trích dn hai bài phát biu ca Fidel Castro. Mt vào ngày 26/7/1978 – by tháng trước khi Trung Quc xua quân xâm lược Vit Nam. Một vào ngày 21/2/1979 – lúc quân đi Trung Quc đang phá sch, đt sch mi th, giết sch nhng người Vit cư trú sát biên gii, không kp chy trn.

Trước khi quân đi Trung Quc tràn sang Vit Nam, ông Castro đã nhn mnh : Chng ai không biết, phía sau chủ nghĩa cc đoan Campuchia là ch nghĩa Maoist và bè lũ cm quyn Trung Quc. Không ai không biết bè lũ cm quyn y đng sau các cuc khiêu khích chng phá Vit Nam.

Sau đó, lúc quân đội Trung Quc đang gieo rc đau thương trên lãnh th Vit Nam, ông Castro nhấn mnh, n lc "dy cho Vit Nam mt bài hc" y ca Trung Quc là mt trong nhng hành vi đáng tm nhất, hèn h nhất, khn nn nht mà chúng ta chưa tng chng kiến và nó s khó lòng b k khác vượt qua…

***

Đã có không ít người hoan nghênh ông Mão, ông Bin. Một s người khác thì tin rng, h thng… đèn ca Ban Tuyên giáo thuc bầu cử trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vn còn… xanh, chưa chuyn sang… đ. Trung tun tháng trước, tng có rt nhiu cơ quan truyn thông chính thc lên án Trung Quc cưỡng đot qun đo Hoàng Sa của Vit Nam cách nay 45 năm.

quan2

Thị xã Lạng Sơn bị quân xâm lược Trung Quốc tàn phá. Nguồn ảnh: Vietnamdefence

Vit Nam, ch trích Trung Quc, khng đnh ch quyn ca Vit Nam đi vi hai qun đo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài bin Đông, không ph thuc vào yếu t có ái quc hay không mà l thuc hoàn toàn vào h thng… đèn tín hiệu ca gii lãnh đo Đảng cộng sản Việt Nam. Không chu nhìn… đèn là… v mt.

Cũng bởi như thế, cách nay năm năm, ông Đoàn Văn Thun, nhân viên Đi Trt t giao thông và gi xe ca Công ty Dch v công ích Thanh niên xung phong, mi được Ch tch Thành phố Hồ Chí Minh tng bng khen vì "xuất sc trong công tác đu tranh phòng, chng biu tình phn đi Trung Quc h, đt giàn khoan trái phép trong vùng đc quyn kinh tế và thm lc đa ca Vit Nam, góp phn gi vng n đnh chính tr, trt t an toàn xã hi trên đa bàn thành ph tháng 5 năm 2014" (3).

Hệ thng… đèn tín hiu lúc xanh, lúc đ trong vic đng đến Trung Quc, khng đnh ch quyn ca Vit Nam ti bin Đông, chưa phi là yếu t duy nht khiến dân chúng Vit Nam thp phn hoang mang, không biết đường nào mà ln. Thc tế cho thấy, s… "tài tình" ca gii lãnh đo Đảng cộng sản Việt Nam nm ch, ngay c khi đèn đang… xanh, mun đi ti cũng phi nhìn trước, ngó sau.

***

Trung tuần tháng trước, gia lúc mng xã hi và h thng truyn thông chính thc cùng nhau tưởng nim, bày t s tri ân 75 người Vit hi sinh tính mng khi bo v ch quyn ca Vit Nam ti Hoàng Sa, cách nay đúng 40 năm (19/01/1974 – 19/01/2019), mt s sĩ quan Quân đi nhân dân Vit Nam như ông Hoàng Kin, Thiếu tướng, cu Tư lnh Công binh ca Quân đi nhân dân Vit Nam, một trong các Anh hùng Lc lượng vũ trang, đăng đàn, khng đnh, "cn lên án mnh m, vch trn ti li" ca c chính quyn ln quân đi… "ngy Sài Gòn" và "ghi vào quc s" vì đã đ mt qun đo Hoàng Sa.

Ông Kiền phê phán mnh m mt s nhà s hc, nhà báo, cựu chiến binh Quân đi nhân dân Vit Nam, không chu tìm hiu k, nhn thc chưa đúng nên "hùa theo ging điu" các đi tượng chng đi Đảng cộng sản Việt Nam. Vic ca ngi nhng t sĩ b mình cách này 40 năm là "sai lm nghiêm trng, cn bác b", thm chí "ai đòi vinh danh ‘chúng’ là phản bi t quc" (4).

Năm ngoái, "Gạc Ma – Vòng tròn bt t", n phm đu tiên h thng hóa nhng d kin liên quan ti chuyn Trung Quc cưỡng đot các bãi đá ngm thuc ch quyn ca Vit Nam ti qun đo Trường Sa hi đu năm 1988, được… in - xut bn – phát hành mt cách… hp pháp trên… lãnh th Cng hòa Xã hi ch nghĩa Vit Nam, b thu hi cũng vì phn ng d di ca mt s ông tướng quân đi như ông Hoàng Kin.

Cho dù chính quyền Vit Nam tng thành lp mt hi đng cp quc gia để thm đnh ni dung ca riêng "Gc Ma – Vòng tròn bt t". Sau khi nâng lên, đt xung nhiu ln, hi đng này mi gt đu, giy phép xut bn mi được cp cho nhà xut bn th 14 (Nhà Xut bn Văn hc) nhưng ch cn mt s ông tướng quân đi cáo buc, "Gc Ma – Vòng tròn bt t"… tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò M, lt s, dng c vàng, thay chế đ’ ca các thế lc thù đch, tiến hành ‘din biến hòa bình’ chng phá chế đ ta" thì bt k ai thm đnh, thm đnh k lưỡng c nào cũng… vô giá tr.

***

Kể v "Mt thi Đông Bc", ông Mão nhn đnh, du Trung Quc h tr Vit Nam c khi chng Pháp ln lúc chng M nhưng "nhìn sâu vào vn đ, có th thy h không mun các thế lc đế quc đánh thng Vit Nam đ áp sát biên gii phía Nam ca Trung Quc (6)".

Rõ ràng không thể bo mt người như ông Mão thiếu vng vàng v... tư tưởng và thiếu kiên đnh v… lp trường, song nếu ông Mão đúng và nhìn li quá kh, đúng là ông Mão không sai thì phi xếp nhng cá nhân thuc gii lãnh đo Đảng cộng sản Việt Nam, liên tc bày t sự biết ơn vô hn vi Trung Quc vì đã giúp đ Vit Nam tn tình trong s nghip gii phóng dân tc vào loi nào ?

Tại sao gii lãnh đo Đảng cộng sản Việt Nam luôn ca tng Fideo Castro nhưng li b ngoài tai nhng cnh báo ca Castro v Trung Quc cách nay 40 năm. Thm chí hết ông tướng quân đi này đến ông tướng quân đi khác, đng thanh minh đnh, s tương đng ý thc h (mt đng lãnh đo) là "di sn quý báu ca c Vit Nam ln Trung Quc" như tướng Nguyn Chí Vnh.

Những ông tướng như ông Vnh còn không ngng nhc đi, nhắc li, "đim tương đng đó đã to ra mi quan h đc bit gia Vit Nam và Trung Quc", "chi phi cách ng x ca hai nước" bi "nếu có được mt người bn xã hi ch nghĩa rt ln bên cnh ng h và hp tác cùng có li thì s vô cùng thun li cho sự nghiệp xây dng ch nghĩa xã hi Vit Nam". Nhng tuyên b kiu đó khác gì chi cha Fidel Castro ?

***

Người Vit gi chng l gì hai ch "quán trit" nhưng cách nhìn, li hành x vi Trung Quc đy mâu thun, phc tp và khó hiu như vy thì phi "quán" thế nào mi không b "trit" ?

Trân Văn

Nguồn : VOA, 09/02/2019

Chú thích

(1) https://www.facebook.com/mao.vu.98

(2) https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841/posts/2189146294481024

(3) https://nghiepdoanbaochi.org/2018/10/14/tang-bang-khen-cho-nguoi-co-thanh-tich-xuat-sac-dan-ap-nguoi-bieu-tinh-chong-trung-quoc-xam-luoc/

(4) https://www.facebook.com/photo.php ?fbid=681480635582194&set=a.134555203608076&type=3&theater

(5) https://thienhasu2018.com/2018/08/27/gac-ma-vong-tron-bat-tu-chong-lai-the-luc-doi-thieu-huy/

(6) https://www.facebook.com/mao.vu.98/posts/1192081874278658

Published in Diễn đàn

Như thông lệ, vào trung tuần tháng hai hàng năm, báo chí Việt Nam thường đăng tải những bài viết về chiến tranh Việt-Trung 17 tháng hai năm 1979.

vietrung1

Bia ghi nhớ cuộc thảm sát 43 phụ nữ và trẻ em tại tổng Húp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An do quan Trung Quốc gây ra trong cuộc chiến tranh Việt-Trung 17/02/1979

Trên BBC có đăng lại bài viết của tác giả người Hung, Tiến sĩ Balazs Szalontai, tựa đề "Đàm phán biên giới Việt Trung 1974-1978". Tác giả cho biết nguyên nhân chính đưa đến xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc là vấn đề "tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa" :

"Tài liệu từ văn khố Hungary đã hé lộ cho thấy nguyên nhân chính gây ra cuộc xung đột Việt Trung là một vấn đề mà Liên Bang Xô Viết chẳng có dính dáng gì tới : đó là cuộc tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa."

Dữ kiện này (nếu có thật) thì là chuyện ngạc nhiên. Vì nó trái ngược với tất cả các tài liệu (đã được giải mã) của các bên, từ phía Trung Quốc, Việt Nam hay Hoa Kỳ…

Trung Quốc đã mở đầu cuộc chiến khi xua quân tràn qua biên giới ngày 17 tháng hai năm 1979. Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm từ tháng giêng 1974. Dĩ nhiên Trung Quốc không thể vịn vào "tranh chấp Hoàng Sa" để biện hộ cho hành vi xâm lược. Bởi vì quần đảo này đã yên ổn trong tay họ.

Về phía Việt Nam (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa), nếu xét sâu xa ở phương diện lịch sử thành hình biên giới Việt-Trung, vấn đề Hoàng Sa cũng là chuyện "đã rồi", ít ra trong khoản thời gian từ năm 1958 cho đến đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngay cả lúc sau này Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thay đổi lập trường, thì kết luận "tranh chấp Hoàng Sa" là nguyên nhân đưa đến cuộc chiến cũng là điều khó thuyết phục.

Các học giả quốc tế, không ngoại lệ, đều cho rằng nguyên nhân chủ yếu đưa đến cuộc chiến "Đông Dương lần thứ ba" là yếu tố Liên Xô mà Tiến sĩ Balazs Szalontai đã loại trừ.

Cuộc chiến nhìn từ phía Trung Quốc

Tác giả King C. Chen trong "China’s War Against Vietnam" kể lại buổi họp ngày 16 tháng hai 1979 tại Bắc Kinh do Hoa Quốc Phong chủ trì, 17 tiếng đồng hồ trước khi lệnh nổ súng ban ra. Đặng Tiểu Bình có bài thuyết trình cho các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc về bản chất và mục tiêu cuộc chiến.

Theo họ Đặng bản chất cuộc chiến là "hoàn kích tự vệ". Cuộc chiến được "giới hạn" về thời gian, không gian cũng như về qui mô. Mục tiêu là dạy cho Việt Nam một "bài học".

Gọi "hoàn kích tự vệ chiến", tức đánh trả để tự vệ, bởi vì Việt Nam đã "trục xuất kiều dân người Hoa" cũng như bộ đội Việt Nam nhiều lần mở các cuộc tấn công vào lãnh thổ Trung Quốc, chiếm đất của Trung Quốc cũng như gây nhiều thiệt hại về nhân mạng.

Mục tiêu "cho Việt Nam một bài học", bởi vì "Việt Nam cực kỳ ngạo mạn", xâm lược Campuchia, khoa trương thế lực là "cường quốc thứ ba trên thế giới".

Học giả Trung Quốc, Xiaoming Zhang, trong "China’s 1979 War with Vietnam : A Reassessment", dẫn Nayan Chanda của Tạp Chí Kinh Tế Viễn Đông, rằng cấp lãnh đạo Trung Quốc, trong một cuộc họp Bộ Chính Trị hàng tuần vào đầu tháng Bảy năm 1978, đã ra quyết định "dạy cho Việt Nam bài học" vì thái độ "vô ơn và ngạo mạn".

Theo tác giả này, trong 20 năm Trung Quốc đã viện trợ cho Hà Nội trên 20 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng sau 1975 Việt Nam buộc người Hoa hồi cư đồng thời gia tăng chiến sự trên biên giới. Rõ ràng đây là thái độ phủi ơn và hống hách. Ngoài ra còn có vấn đề can thiệp quân sự vào Campuchia.

Tác giả cũng dẫn ý kiến của Châu Đức Lễ (Zhou Deli), tham mưu trưởng quân khu Quảng Châu, trong một cuộc họp được tổ chức trong bộ tổng tham mưu QGPND tháng 9 năm 1978. Nội dung nói về "làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam".

Ý kiến của Châu Đức Lễ (về việc Việt Nam chiếm đất của Trung Quốc) được củng cố nếu ta xét tài liệu "mật" của CIA Mỹ về cuộc chiến 1979 đã được bạch hóa. Theo tài liệu này thì Việt Nam chiếm khoảng 60km² đất của Trung Quốc.

Nhưng ý nghĩa của cuộc "phản công tự vệ chiến" (vì Việt Nam chiếm 60km² đất của Trung Quốc) là không có căn cứ. Theo nghiên cứu của cá nhân, chuyện Việt Nam chiếm 60km² đất của Trung Quốc là chuyện "bịa đặt" để Trung Quốc "lấy cớ" đánh Việt Nam.

Cuộc chiến đã xảy ra đúng như họ Đặng đã nói. Thời gian xung đột chỉ trong một tháng (quân Trung Quốc hoàn tất việc rút quân vào ngày 17 tháng 3 năm 1979). Địa bàn chiến tranh chỉ ở các tỉnh biên giới. Về "qui mô", Trung Quốc cũng giới hạn không sử dụng hải quân và không quân.

Không có một dòng nào để ta có thể nghĩ rằng cuộc chiến biên giới 1979 có mối liên quan với vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Cuộc chiến nhìn từ học giả nước ngoài

Theo cái nhìn của cá nhân tôi, thuyết phục hơn hết là "nguyên nhân chiến lược", dẫn từ tham luận "Security Issues in Southeast Asia : The Third Indochina War" của học giả Carlyle Thayer, đọc tại Hội Nghị "An Ninh và Kiểm Soát Vũ Khí tại Bắc Thái Bình Dương", Đại học Quốc gia Úc (Canberra) tháng tám 1987.

Theo học giả Carlyle Thayer, Trung Quốc (và cả khối ASEAN) lo ngại sự thành hình của "liên minh chiến lược Đông dương" mà liên minh này thân Liên Xô. Quan niệm của Việt Nam "Đông dương là một đơn vị chiến lược duy nhứt, một chiến trường duy nhứt". Quan niệm này đã thể hiện qua hai cuộc "chiến tranh Đông dương", lần thứ nhứt giữa Bắc Việt với "thực dân Pháp" và lần hai giữa Bắc Việt với "đế quốc Mỹ". Cuộc chiến 1979 được gọi là "cuộc chiến Đông dương lần thứ ba", Việt Nam gọi Trung Quốc là "bọn bành trướng bá quyền".

Nếu khảo sát sơ lược các diễn tiến lịch sử đã qua, ta thấy lý thuyết của học giả Carlyle Thayer được chứng minh. Điều này cũng "ăn khớp" với cái nhìn từ Trung Quốc.

Khúc quanh làm sụp đổ quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ năm 1976, khi Liên Xô hứa hẹn viện trợ cho Việt Nam 3 tỉ đô la. Số tiền này bằng số tiền mà Mỹ hứa sẽ viện trợ, (nếu Việt Nam tôn trọng hiệp định Paris). Việt Nam trở thành "vệ tinh" của Liên Xô từ lúc này.

Từ năm 1965 đến 1975, Liên Xô đã trở thành nhà cung cấp chính yếu các nhu cầu kinh tế và quốc phòng để Việt Nam tiếp tục chiến tranh với Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đã có những thỏa thuận quan trọng từ năm 1972. Năm 1973 Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Tất cả những nỗ lực của Trung Quốc giúp cho Việt Nam, trong 20 năm (từ 1950 đến 1970) là 20 tỉ đô la, nhằm mục đích phòng thủ về phía nam. Sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc hạn chế mọi viện trợ kinh tế và quốc phòng cho Việt Nam.

Nhưng sau đó Liên Xô ảnh hưởng lên Việt Nam, đồng thời với Afghanistan cũng như Mông cổ và Bắc Hàn. Rốt cục Trung Quốc bị bao vây chặt chẽ từ bốn hướng bởi một kẻ thù chiến lược khác, nguy hiểm hơn cả Mỹ, vì Liên Xô có tham vọng về lãnh thổ còn Hoa Kỳ thì không.

Cũng năm 1976, những nhân vật thân Trung Quốc, như Hoàng Văn Hoan, bị loại khỏi Bộ Chính trị và mất hết các chức vụ trong đảng.

Tháng bảy năm 1977 Việt Nam ký kết "Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác" với Lào có nội dung hỗ tương "tăng cường năng lực phòng thủ… chống lại mọi ý đồ và các hành vi phá hoại của đế quốc chủ nghĩa và các lược lượng phản động ngoại lai…".

"Đông dương là đơn vị chiến lược duy nhứt" theo quan điểm của Việt Nam đang được thành hình. Vấn đề là "đơn vị chiến lược" này thân Liên Xô.

Phản ứng của Trung Quốc qua Ngoại trưởng Hoàng Hoa là lên án "chủ nghĩa xét lại Xô Viết" đồng thời công khai cảnh cáo trước Việt Nam về hậu quả của một cuộc xâm lấn Campuchia.

Tiếp tục theo đuổi sách lược (bài Hoa thân Liên Xô) của mình, Việt Nam làm đơn xin gia nhập khối COMECON, là khối tương trợ về kinh tế do Liên Xô đứng đầu.

Hội nghị đảng tháng hai năm 1978, Hà Nội quyết định phát động chiến dịch "đánh tư sản mại bản" ở miền Nam. Có đến 30.000 doanh nghiệp tư nhân ở miền Nam bị "quốc hữu hóa" mà đa số do người Hoa làm chủ. Chiến dịch thanh lọc mà Trung Quốc gọi là "nạn kiều" cũng được phát động cùng thời kỳ. Hàng trăm ngàn người Việt gốc Hoa, phần lớn đã sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, không biết tiếng Hoa, cũng bị "trục xuất". Việc này tạo thành một cuộc "vượt biên" vĩ đại, bán chính thức, vì do chính công an Việt Nam đứng ra tổ chức. Hàng triệu người Việt Nam dùng vàng mua "vé" (trung bình 7 lượng vàng một đầu người) để lên những chiếc tàu đánh cá mong manh với hy vọng thoát thân. Trong khi hàng chục ngàn người Hoa sống ở miền Bắc thì theo đường bộ "vượt biên" trở về lục địa.

Đến thời điểm này nội bộ đảng Trung Quốc đã lên kế hoạch "cho Việt Nam một bài học".

Tháng sáu 1978, Trung Quốc cho đóng cửa hàng loạt tòa lãnh sự ở Việt Nam. Cùng lúc Việt Nam chính thức gia nhập khối COMECON. Tháng 11 hai bên Việt Nam và Liên Xô ký kết hiệp ước an ninh hỗ tương.

Để đối phó, Trung Quốc thiết lập những quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Nhật cũng như các nước ASEAN. Hiệp ước "Hòa bình và hữu nghị" giữa Trung Quốc và Nhật cũng được ký kết (tháng tám 1978).

Hai bên Nhật và Trung Quốc (lục địa cộng sản) không hề tuyên bố chiến tranh trong Thế chiến Thứ II. Không có chiến tranh sao lại ký hiệp định "hòa bình" ? Lợi ích chiến lược có đủ lý lẽ để giải thích. Qua cuộc chiến với Việt Nam, Trung Quốc lấy được niềm tin với khối tư bản Mỹ, Nhật… Cũng từ lúc này Trung Quốc "cất cánh" thành công, qua các kế hoạch "tứ hiện đại", nhờ vào tư bản và kỹ thuật của Mỹ, Nhật.

Một tháng sau khi ký hiệp ước hỗ tương với Liên Xô, ngày 25 tháng chạp 1978 Việt Nam xua quân tiến vào lãnh thổ Campuchia.

Tức nước vỡ bờ, cuộc chiến 17 tháng hai 1979 là điều tất yếu phải đến.

Vấn đề là ta không hề thấy yếu tố Hoàng Sa "là nguyên nhân chính đưa đến cuộc chiến" trong bất kỳ lập luận nào của các học giả nước ngoài.

Yếu tố hoàng Sa trong quá trình đàm phán về biên giới

Lịch sử thành hình đường biên giới hai nước Việt Trung có nhiều uẩn khúc. "Đường biên giới lịch sử" giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thành hình từ thời xa xưa "Nam quốc sơn hà nam đế cư". Nếu chỉ tính đường biên giới "qui ước", tức đường biên giới được tập quán quốc tế nhìn nhận, thì biên giới hai nước đã được phân định theo các công ước Pháp-Thanh 1887 và 1895. Vấn đề là các công ước này đã nhượng nhiều ngàn cây số vuông đất của Việt Nam cho Trung Quốc.

Theo tài liệu "Sự thật về quan hệ Việt Trung", Nhà xuất bản Sự Thật, tháng 10-1979, đường hướng giải quyết tranh chấp về biên giới giữa hai nước Việt-Trung của Việt Nam được ghi lại khá cụ thể. Tháng 11 năm 1957, lãnh đạo cộng sản Việt Nam đề nghị với Trung Quốc : "hai bên giữ nguyên trạng 2 đường biên giới do lịch sử để lại. Các tranh chấp về biên giới, nếu có, sẽ giải quyết bằng thuơng lượng, theo luật pháp quốc tế".

Cũng theo tài liệu này, tháng 4 năm 1958, phía Trung Quốc trả lời đồng ý đề nghị của Việt Nam.

"Hai đường biên giới do lịch sử để lại" ở đây, dĩ nhiên, một là đường biên giới trên bộ, hai là đường biên giới trên biển (trong Vịnh bắc Việt - Golfe du Tonkin), do Pháp và nhà Thanh phân định năm 1887 (và năm 1895).

Vấn đề Hoàng Sa (và Trường sa) được hai bên đề cập nhân Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 Trung Quốc về hải phận và chủ quyền lãnh thổ của Cộng Hòa nhân dân Trung Quốc. Nội dung Tuyên bố gồm 4 điểm, tóm lược như sau :

Điểm 1 tuyên bố hải phận 12 hải lý áp dụng trên toàn lãnh thổ, kể cả các quần đảo Tây sa và Nam sa (tức Hoàng sa và Trường sa). Điểm 2 tuyên bố hệ thống đường cơ bản trên đất liền và các quần đảo ngoài khơi. Điểm 3 tuyên bố về vùng cấm không phận và hải phận đối với phi cơ và tàu bè quân sự nước ngoài. Điểm 4 khẳng định nội dung các điều 2 và 3 cũng được áp dụng cho các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…

Ngày 14 tháng 9 năm 1958 Thủ tướng Phạm văn Đồng ký công hàm tuyên bố Việt Nam "ghi nhận" và "tán thành" Tuyên bố đơn phương của Trung Quốc.

Công hàm cam kết : "Chính phủ nước Việt-nam dân chủ cộng hoà tôn trọng quyết định ấy và chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách  Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà nhân dân Trung-hoa trên mặt biển."

Tức là, đến thời điểm này Việt Nam nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lập trường của Liên Xô (và khối xã hội chủ nghĩa) về chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện qua Hội nghị San Francisco 1951. Theo đó Liên Xô và các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Cả hai bên Trung Quốc, Mao và Tưởng, đều không tham dự hội nghị. Liên Xô là quốc gia "đại diện quyền lợi" cho Trung Quốc tại Hội nghị này.

Trong khi đó đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại Hội nghị là ông Trần Văn Hữu, nhân dịp này đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Quan điểm của Liên Xô không thay đổi, cho đến tháng giêng năm 1974. Liên Xô lên án Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Quân lực Hoa Kỳ không can thiệp vì đã bị các điều ước của Hiệp định Paris 1973 ràng buộc. Trong khi miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) thì "im lặng" còn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ khước ký vào bản lên án Trung Quốc xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng theo tài liệu dẫn trên, quan điểm của Việt Nam về biên giới trong Vịnh Bắc Việt, cho đến tháng 12 năm 1973 :

"Công ước Pháp-Thanh 1887, điều 2, đã nói rõ kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich) là đường biên giới giữa hai nước trong vịnh Bắc bộ. Phía Việt Nam sẵn sàng bàn với phía Trung Quốc để xác định về cửa vịnh Bắc bộ, từ đó đi đến xác định chính thức đường biên giới trong vịnh."

Yêu sách của phía Việt Nam như vậy là hợp lý vì phù hợp với lịch sử và pháp lý.

Nhưng quan niệm của Trung Quốc, năm 1974, sau khi xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam : "trong vịnh Bắc bộ xưa nay không hề có đường biên giới, nay hai nước phải bàn bạc phân chia."

Tức là phía Trung Quốc, trong chừng mực, đã "bội ước".

Hai công ước Pháp-Thanh về biên giới 1887 và 1895 đã nhượng cho Trung Quốc các vùng đất quan trọng về kinh tế và chiến lược. Gồm :

Bán đảo Bạch Long, tức khu vực phía đông-bắc Móng Cái, diện tích khoảng 300 cây số vuông. Khu vực này hiện nay vẫn còn có một nhóm "dân tộc Kinh" sinh sống (gọi là Kinh đảo, ngày xưa gồm ba đảo Sơn Tâm, Hà Vĩ và Vu Đầu).

Đất thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Tràng thuộc tỉnh Hải Ninh.

Tổng Tụ long, thuộc Vị xuyên (Hà Giang hiện nay) diện tích khoảng 700km², là một vùng đất phong phú về quặng mỏ.

Trên lý thuyết Việt Nam có thể "đặt lại" hiệu lực các công ước 1887-1895, vì nhà nước bảo hộ Pháp đã "bội ước" (Dol), lấy đất của Việt Nam nhượng cho Trung Quốc để được lợi ích về kinh tế.

VN đã chấp nhận những thiệt thòi này trên đất liền vì (hy vọng) phía Trung Quốc cũng làm tương tự ở biên giới trong Vịnh Bắc Việt.

Nhưng sau khi Trung Quốc chiếm được Hoàng Sa, lập tức Trung Quốc "phủi sạch" mọi hứa hẹn trước kia (về hai đường biên giới) với Việt Nam.

Dĩ nhiên, thái độ của Việt Nam, sau 1975, là "lật ngược" lại những cam kết của mình trước kia đối với Trung Quốc, như vấn đề Hoàng Sa.

Vì vậy, kết luận của Tiến sĩ Balazs Szalontai, cho rằng "tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa" là "nguyên nhân chính" đưa đến xung đột Việt-Trung năm 1979 là không thuyết phục.

Có thể vấn đề "bội ước" của Trung Quốc là "giọt nước làm tràn ly". Nhưng lý do chính vẫn là Trung Quốc từ khuớc giúp miền Bắc "giải phóng miền Nam" (từ năm 1965), mà điều này mới là mấu chốt khiến Việt Nam "trở áo" với Trung Quốc để "đi" với Liên Xô.

Rốt cục Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến 1979. Quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam mà quân Việt Nam vẫn còn ở Campuchia cho đến mười năm sau.

Còn Việt Nam thì "học" được Trung Quốc một bài học để đời. Hội nghị Thành đô 1991 nói gì đến nay vẫn chưa ai biết. Kết quả thấy được là sau đó Việt Nam chấp nhận tất cả những yêu sách của Trung Quốc về biên giới.

VN mất đất trên biên giới (do các công ước Pháp-Thanh). Việt Nam ký kết Hiệp định biên giới trên đất liền tháng 12 năm 1999 với Trung Quốc, chấp nhận "mất thêm" một số vùng lãnh thổ khác (do cuộc chiến biên giới 1979). Tháng 12 năm 2000 Việt Nam ký kết với Trung Quốc Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, đường biên giới mới được xác định. Việt Nam chịu lép vế không tính hiệu lực các đảo Bạch Long vĩ và Cồn cỏ đồng thời chấp nhận thiệt hại hàng chục ngàn cây số vuông biển (so với biên giới là đường kinh tuyến 108°3’13’’).

Riêng quần đảo Hoàng Sa thì không có gì để nói. Trung Quốc không chấp nhận bất kỳ đàm phán nào về quần đảo này. Ngoài ra Trung Quốc còn quân sự hóa, biến các đảo "chim ỉa" (nói theo ông Hồ khi nhượng quần đảo này cho Trung Quốc) trở thành những địa điểm trọng yếu về kinh tế và chiến lược. 

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : nhantuantruong.blogspot.fr, 25/02/2017

Published in Diễn đàn

38 năm đã qua, kể t ngày cuc Chiến tranh Biên gii phía Bc n ra, mt cuc chiến tranh chng ngoi xâm ác lit kéo dài gn 10 năm, cho đến nay vn chưa tht s chm dt. Chính quyn "hèn với gic, ác vi dân" không mun nhc đến, còn ngăn cn vic nhân dân tưởng nim các lit sĩ và nn nhân b mình hi y. My ngày qua các cuc l tưởng nim trước tượng Lý Thái T (Hà Ni) và trước tượng Trn Hưng Đo (Sài Gòn) đu b cn phá bi lc lượng Công an theo lệnh chính quyn. Mi tm lòng yêu nước thương dân li càng phi cùng nhau tưởng nim sâu rng các lit sĩ, rút ra cho mình nhng bài hc thiết thc v cuc chiến tranh này.

niem2

Người dân t tp trước tượng đài vua Lý Thái T Hà Ni đ tưởng nim cuc chiến tranh biên gii vi Trung Quc 38 năm trước, ngày 17/2/2017.

Qua bài này tôi xin góp vài ý kiến riêng v ngun gc ca cuc chiến tranh, diễn biến, hu qu ca nó và li thoát đ giành li đc lp trn vn và xây dng dân ch, t do cho đt nước ta.

Trước hết là s khác bit gia lý lun, hc thuyết chính tr ca 2 đng Cng sn Vit Nam và Trung Quc. C 2 đng đu t nhn là theo học thuyết Mác - Lênin, nhưng tht ra s tiếp thu các lun đim ca hc thuyết y ngay t khi đu có nhng khác bit khá rõ. Karl Marx đ ra hc thuyết ca mình sau khi tng kết phong trào công nhân trong các nước Âu M phát trin rt cao trong các trung tâm có hàng triệu dân vô sn công nghip. Trung Quc và Vit Nam hoàn toàn chưa có các trung tâm công nghip ; giai cp vô sn công nghip chưa thành hình, ch có giai cp nông dân đông đo vi tng lp vô sn bn c nông tht hc mù ch, bên cnh mt tng lớp tiu tư sn trung lưu thành th.

Do đó sự trc trc không ăn khp xy ra. Trung Quc các cuc khi nghĩa ca nông dân liên tiếp n ra và nhng nhà lãnh đo nông dân trong thế k 18 đã hc được từ phương Tây công nghip mt s quan đim v đu tranh giai cấp, gn bó nông dân vào vi c xe ca công nhân. Do đó nó vn mang bn cht vô sn nông thôn, t phát, rt nghèo nàn v tri thc, v lp lun khoa hc. Bn cht gia trưởng, phong kiến còn khá nng. Bn cht hung d, tr thù, có khi khát máu, mông muội, hn lon là ph biến. Vit Nam, phong trào Xô Viết Ngh Tĩnh là phong trào nông dân do đng cng sn lãnh đo cũng mang bn cht nông dân vô hc quá khích cc đoan, vi các khu hiu tiêu biu "dit trí phú đa hào, đào tn gc, trc tn r", kiểu gần như "chu di tam tc" thi phong kiến.

Chính vì vậy mà Mao luôn t nhn là thay mt cho nông dân, cho bn c nông ca châu Á, vi cuc "cách mng văn hóa vô sn" tàn bo, truy lùng trí thc. Chính vì vy mà trong vài chc năm nay đng Cng Sn Trung Quốc không còn rêu rao nhiều v ch nghĩa Mác - Lênin, không còn trưng nh 2 ông này trước Đi hi đng, cũng không nêu Ch nghĩa xã hi kiu Mác-xít, thay bng "ch nghĩa xã hi mang màu sc Trung Quc".

Cũng chính do bản cht nông dân sâu đậm mà Mao đã ra sc ng h bn Khơ-me Đng Cng sn Campuchia), mt quái thai khác ca ch nghĩa Mác - Lênin, mang đm bn cht vô sn nông dân, còn hơn ch nghĩa xã hi Mao-ít, khi chúng ch trương giết hết dân loi 2 bao gm tư bn, tiu tư sn, trí thc, dân thành thị có hc, đa ch, phú nông, trung nông.

Việt Nam tiến quân vào Campuchia gia cơn dit chng là mt hành đng nhân đo cao quý, nhưng đã chm nc bn bành trướng Trung Quc coi Khơ-me Đ là bn đ đ cc kỳ hiếm hoi, cùng chung mt hc thuyết nông dân thuần túy đi lt vô sn và cng sn. Thế là Đng Tiu Bình công khai bênh bn dit chng, ra lnh đng binh đ "dy cho Vit Nam mt bài hc" là không được hiếp đáp mt nước láng ging nh bé.

Đặng Tiu Bình sang Hoa Kỳ đu năm 1979, đến bang Texas, cưỡi nga đi mũ da bò, tuyên b s mang quân vào Vit Nam trong mt cuc "hành quân sư phm" có hạn chế trong không gian và thi gian. Vì thiếu quân, Trung Quc huy đng c lực lượng Đông Bc xung. Đây là mt âm mưu rt thâm độc ca Đng, k nổi tiếng là đánh bài tây bridge rt sành sõi, gii la gt đi phương. Ở Washington nhiu người bị mc by. C Tng thng Jimmy Carter, và Henry Kissinger (cựu ngoại trưởng thời Tổng thống Richard Nixon) đu khuyến khích Đng vì vn còn cay là Hoa Kỳ phải rút khi Vit Nam, coi việc Trung Quc đánh Vit Nam còn là một hành động ra hn giúp cho Hoa Kỳ. Ngay sau đó Bc Kinh được Hoa Kỳ ng h vào Liên Hip Quc cui năm 1979, thay thế Đài Loan theo quan đim "mt Trung Quc". Cái gio hot ca Đng còn ch ln tiếng phê phán Quân Gii phóng Nhân dân Trung Quc v s kém ci, lc hu, tht bi trong cuc chiến tranh biên gii, đánh trn thường tp trung s quân gp 3, 4 ln, nhưng thương vong thường gp 2, gp 3 đi phương, đến mc không kp tải thương theo. Đng Tiu Bình đã tn dng các báo cáo trung thực y đ nhn mnh yêu cu cp bách v hin đi hóa quân đi và quc phòng, tăng mạnh ngân sách quân s và tranh th đến mc cao nht s tiếp sc ca Hoa Kỳ.

Một điu không th không nhn mnh là Đặng Tiu Bình, do tht bi nng n, nên t ra cay cú và tàn bo không kém gì bn phát-xít Hitler, khi đích thân ra nghiêm lnh ngày 5/3/1979 là trước khi rút lui, quân lính chúng phi tàn phá cho tan nát đ dân Vit Nam tr li vùng chúng tng chiếm đóng không sao sống ni. Chúng bn chết hết trâu bò, la nga, dê, ln, gà vt, tàn phá các chung tri, đng rung, phá nát các cu cng, cht đt đường xe la, đt hết các nhà ga, trường hc, thư vin.

Tôi từng d mt s cuc tng kết chiến tranh biên gii ti Quân khu I Thái Nguyên, nghe tướng Nguyn Hu An và tướng Hoàng Đan báo cáo trước hi trường và tâm s riêng. Được biết ngay t quý 4 năm 1978 B Quc phòng đã phân phi rng rãi vũ khí mi đng lat cho các sư đoàn và b đi đa phương 6 tnh biên giới phía Bc, chuyn vài chc vn khu súng cho dân quân gi ti nhà, kiểm tra các kho đn dược.

Phần ln chiến công dit bành trướng Trung Quc là thuc v 3 sư đoàn chính quy, các b đi biên phòng, b đi đa phương tnh, huyn, qun, các dân quân xã, trong khi gần 10 sư đoàn chính quy - là phn ln quân ch lc ca Quân đi Nhân dân - vn còn đang chiến đu trên đt Campuchia.

Trên đây tôi thuật li đ toàn dân ta ghi nh, coi như mt th hương thiêng thp lên tưởng nim hơn 20 vn lit sĩ và nn nhân đồng bào ta đã nm xung, đ t cáo thêm ti bán nước ca 5 đi Tng Bí thư ĐCSVit Nam, c th là Nguyn Văn Linh, đã khiếp s bc nhược sau khi phe xã hi ch nghĩa và Liên Xô sp đ ; là Lê Đc Anh, người đã ra lnh cho hi quân dù b tn công cũng không được n súng kháng c ; là Nông Đc Mnh, người đã ém nhm bn báo cáo đu tiên ca Ban điu tra liên ngành do Đi hi X c ra v V án siêu nghiêm trng ca Tng cc II do các Đi tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Nguyn Quyết, các Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và Phùng Thế Tài, Thiếu tướng Huỳnh Đc Hương… cùng vài chc đi tá, thượng tá nêu ra, đến nay vn còn là vn đ thi s nóng hi trong đng và trong xã hi, không th nào chôn vùi mãi được.

Mong rằng anh linh các lit sĩ chng bành trướng linh thiêng phù hộ cho nhân dân ta dành li được công lý, trng pht tht đích đáng, công minh mi ti ác bán nước cu vinh, giúp nhân dân ta dành li t do và quyn sng làm người trong phn vinh và hnh phúc.

Bùi Tín

Nguồn : VOA, 23/02/2017

Published in Diễn đàn

Nhân dịp 35 năm chiến tranh biên giới Việt-Trung, BBC đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam từ Học viên Quốc phòng Úc, để tìm hiểu nguyên nhân vì sao Bắc Kinh lại muốn lãng quên cuộc chiến nước này gọi là 'chiến tranh tự vệ' mà Trung Quốc đã 'chiến thắng'.

Haut du formulaire

Bas du formulaire

19791

Trung Quốc vẫn xem cuộc chiến năm 1979 với Việt Nam là một 'chiến thắng'

BBC : Trung Quốc đã tuyên bố cuộc chiến năm 1979 là nhằm mục đích "dạy cho Việt Nam một bài học", và một số nguồn nói quyết định giới hạn cuộc chiến trong vòng hai tuần đã được đưa ra nhiều tháng trước khi nó chính thức bùng nổ. Xét những yếu tố trên, ông đánh giá thế nào về mức độ thành công của Trung Quốc trong cuộc chiến với Việt Nam ?

Carl Thayer : Căng thẳng dọc biên giới Việt-Trung đã bắt đầu leo thang từ năm 1976 và dẫn đến kết cục là việc Trung Quốc chuẩn bị cho chiến tranh với Việt Nam.

Bắc Kinh đã lên kế hoạch đánh Việt Nam từ năm 1978 nhưng sau đó đến tận giữa tháng Hai năm 1979, quyết định cuối cùng mới được đưa ra.

Đặng Tiểu Bình đã có cuộc họp với các quan chức cấp cao vào ngày 16/2, một ngày trước khi nổ ra chiến tranh biên giới. Ông tuyên bố cuộc chiến sẽ được giới hạn về cả phạm vi lẫn thời gian, và lực lượng tham chiến chỉ bao gồm các lực lượng trên bộ.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta nghĩ rằng họ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra chỉ trong vài ngày. Điều này đã không xảy ra.

Trung Quốc đã sử dụng việc chiếm được Lạng Sơn ba tuần sau khi tiến quân qua biên giới để tuyên bố chiến thắng và đơn phương rút quân.

Những mục tiêu mà Trung Quốc đề ra, trong đó có việc buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia nhằm giảm sức ép cho đồng minh Khmer Đỏ của họ, đã không thể đạt được. Việt Nam đã tiếp tục tấn công Khmer Đỏ và không rút quân khỏi Campuchia để tiếp viện cho biên giới phía Bắc.

Trung Quốc cũng muốn tiêu diệt các lực lượng chính của Việt Nam ở cấp sư đoàn đang đóng gần khu vực biên giới. Tuy nhiên Việt Nam đã giữ các lực lượng chính lại phía sau và Trung Quốc đã không thể loại các đơn vị này ra khỏi vòng chiến. Việt Nam chủ yếu chỉ sử dụng dân quân và bộ đội địa phương trong suốt cuộc chiến với Trung Quốc.

Một trong các mục tiêu khác của Trung Quốc là chiếm các tỉnh lớn như Lào Cai, Cao Bằng và Lạng Sơn, và phá hủy hệ thống phòng thủ cũng như cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam. Trung Quốc đã đạt được mục tiêu này, nhưng không phải chỉ sau vài ngày, mà là sau nhiều tuần giao tranh ác liệt và phải chịu thiệt hại nặng nề.

19792

Vũ khí quân Trung Quốc sử dụng trong chiến tranh năm 1979 không được cho là hiện đại

Không ngờ được thất bại

BBC : Một số ý kiến cho rằng Đặng Tiểu Bình phát động chiến tranh với Việt Nam vì ông ta muốn giữ cho quân đội bận bịu để rảnh tay giải quyết mâu thuẫn nội bộ. Ông có đồng ý với điều này ?

Carl Thayer : Trước Hội nghị Trung ương 3 khóa 11 vào tháng 11-12 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã được phục chức và có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ đa số trong giới lãnh đạo Trung Quốc thời bấy giờ.

Đặng là người có quan điểm cứng rắn chống lại Việt Nam kể từ khi hai nước bắt đầu có xung đột về vấn đề Hoa kiều. Việc Việt Nam đưa quân vượt biên giới Tây Nam để tiến vào Campuchia tháng 12 năm 1978 có lẽ là một giọt nước tràn ly.

Khi Đặng Tiểu Bình đã có thể ra lệnh Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) "dạy cho Việt Nam một bài học", điều đó cho thấy ông ta là một lãnh đạo không có đối thủ.

Bên cạnh đó, Đặng Tiểu Bình cũng cho rằng Trung Quốc có thể thu về những kinh nghiệm chiến trường cần thiết từ cuộc chiến với Việt Nam.

BBC : Nhiều sử gia cho rằng cuộc chiến là cách Đặng Tiểu Bình thử khả năng chiến đấu của quân PLA và nó phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội của ông ta, bởi nó làm bộc lộ nhiều điểm yếu của quân đội PLA thời bấy giờ. Ông nghĩ gì về điều này ?

Carl Thayer : Trung Quốc đã thực hiện 'Bốn hiện đại hóa' một năm trước khi phát động chiến tranh với Việt Nam, trong đó hiện đại hóa quân sự được ưu tiên cuối cùng.

Việc thử khả năng chiến đấu của quân PLA không phải là điều Đặng Tiểu Bình muốn ưu tiên hàng đầu, mà thay vào đó, ông ta muốn có một chiến thắng vang dội trước Việt Nam, và cùng một lúc, thu về những kinh nghiệm quý giá trên chiến trường.

Đặng Tiểu Bình và các tướng lĩnh của ông ta không ngờ rằng quân PLA đã không đủ khả năng thực hiện 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại'.

19793

Các lực lượng tham chiến của Việt Nam năm 1979 chủ yếu là dân quân và bộ đội địa phương

Vì sao muốn lãng quên ?

BBC : Theo ông thì vì sao Trung Quốc lại muốn lãng quên một cuộc chiến mà họ gọi là 'chiến tranh tự vệ', nhất là khi họ đã tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến đó ?

Carl Thayer : Ít có quốc gia nào muốn nhớ đến thất bại của mình trong chiến tranh. Trung Quốc cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Cái khó của Trung Quốc là làm sao có thể tưởng niệm chiến tranh biên giới mà không làm dấy lên nghi vấn về tuyên bố chiến thắng của Đặng Tiểu Bình.

Một mặt khác, nếu nhìn lại cuộc chiến biên giới năm 1979 thì có thể thấy là chính Trung Quốc, không phải Việt Nam, là nước đi xâm lược.

BBC : Cuộc chiến đã thay đổi những chính sách ngoại giao và quân sự của Trung Quốc như thế nào, thưa ông ?

Carl Thayer : Cuộc chiến biên giới là hồi chuông cảnh tỉnh đối với Bắc Kinh, buộc họ phải hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa quân PLA.

Trong cuộc chiến năm 1979, Trung Quốc đã sử dụng những đợt tiến công với quân số đông đảo như thời Chiến tranh Triều Tiên.

'Chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' là chiến lược dùng để bảo vệ Trung Quốc trước một kẻ thù hiện đại hơn. Đó là một 'chiến tranh nhân dân' được sửa đổi để sử dụng cho việc xâm lược một nước khác.

Trong 'chiến tranh nhân dân trong những điều kiện hiện đại' vào năm 1979, quân PLA đã không sử dụng những loại vũ khí đặc biệt hiện đại.

Yếu tố duy nhất của 'chiến tranh nhân dân' trong cuộc chiến năm 1979 đó là việc huy động dân quân cho công tác hậu cần vào bảo vệ hậu phương. Tuy nhiên ngay cả khi đó, các đơn vị của Việt Nam cũng vẫn có thể tiến qua biên giới của Trung Quốc nhằm "phản công để tự vệ", dù họ không gây ra thiệt hại nặng nề.

Quan hệ Việt-Trung đã đóng băng hơn 10 năm và trong thời gian này, Trung Quốc vẫn tiếp tục viện trợ quân sự cho Khmer Đỏ.

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc chỉ bắt đầu thay đổi sau sự sụp đổ của Liên Xô dưới thời Gorbachev. Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam cũng chỉ thay đổi đáng kể sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 và sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia năm 1989.

Nguồn : BBC, 20/02/2017

*******************

Cuộc chiến Việt-Trung năm 1979 qua các con số (BBC, 20/02/2017)

Sau cuộc chiến đẫm máu năm 1979 cho đến nay hai nước Trung Quốc và Việt Nam vẫn chưa công bố toàn bộ các con số thương vong, theo giới quan sát quốc tế.

Bas du formulaire

19794

Đội khiêng cáng của dân quân Quảng Tây ngày 22/02/1979 chờ vượt biên giới sang Việt Nam đưa thương binh về

Tuy nhiên, nhiều tài liệu của các học giả Phương Tây đã đề cập đến độ tàn khốc của cuộc chiến ngắn ngày này, gồm cả số quân tham chiến, số thương vong trong binh sỹ và thường dân Việt Nam bị giết.

BBC Tiếng Việt giới thiệu các số liệu khác nhau :

Số quân tham chiến

Peter Tsouras viết trên Military History Magazine :

Trung Quốc đã tập trung 200 nghìn quân thuộc 20 sư đoàn, cùng 400 xe tăng và 1.500 khẩu pháo. Lực lượng của Quân Giải phóng (PLA) lên tới 70 nghìn quân chỉ ở vùng giáp Lạng Sơn.

Sư đoàn Sao Vàng của Việt Nam bảo vệ Lạng Sơn bị Trung Quốc đẩy lui. Trong vòng vài ngày sau, quân Trung Quốc bao vây, xóa sổ sư đoàn này và biến Lạnh Sơn thành bình địa.

David Dreyer trong bài 'The 1979-Sino-Vietnamese-Conflict' :

PLA chuẩn bị cho cuộc tấn công với 300-400 nghìn quân và khoảng 1.200 xe tăng cùng pháo binh, hỏa tiễn và các loại vũ khí hỗ trợ.

Ngày 17/02/1979, vào lúc 5 giờ sáng, chừng 100 nghìn quân Trung Quốc vượt biên giới vào Việt Nam sau các đợt pháo kích cấp tập.

Đối mặt với quân Trung Quốc ban đầu chỉ là 75-80 nghìn bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Việt Nam.

Có kinh nghiệm của gần 30 năm chiến tranh, phía Việt Nam chống trả dữ dội và chia thành các đơn vị nhỏ, cấp tiểu đội, tiểu tổ để dùng cách đánh du kích chống lại quân xâm lăng.

Đồi núi được biến thành pháo đài với đường hầm, hố chông. Phía Trung Quốc không tiến nhanh như họ muốn và phải trì hoãn kế hoạch đánh chiếm Cao Bằng.

Số thương vong

Không bên nào công bố số thương vong chi tiết.

Peter Tsouras viết :

Trung Quốc chỉ thừa nhận có 7.000 quân tử vong và 15 nghìn bị thương nhưng các nguồn Phương Tây ước tính có 28 nghìn quân Trung Quốc bị giết và 43 nghìn bị thương.

Phía Việt Nam không nói số thương vong trong quân đội nhưng nói nhiều về số 100 nghìn thường dân bị thiệt mạng.

Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica :

Quân Trung Quốc chiến đấu vô cùng tồi tệ chống lại dân quân tiền tuyến của Việt Nam.

Sau ba tuần giao tranh với con số thương vong 45 nghìn (Việt Nam nói là gây ra cho phía Trung Quốc) Quân Giải phóng đã phải rút về.

19794

Nghĩa trang quân đội Trung Quốc sau cuộc chiến với Việt Nam 1979

Sam Brothers trong bài 'The Enemy of My Enemy : The Sino-Vietnamese War of 1979 and the Evolution of the Sino-American Covert Relationship' viết :

Phía Trung Quốc, theo một ước tính, có từ 20 nghìn đến 62.500 thương vong trong khi phía Việt Nam, dù số liệu còn mù mờ, là khoảng từ 35 nghìn đến 50 nghìn.

Nhưng cuộc xung đột chỉ xảy ra trong 27 ngày, với đúng 17 ngày giao tranh, mà đã tạo ra con số thương vong như vậy cho thấy sự man rợ (savage) của nó.

Liên Xô đã làm gì ?

Sam Brothers :

Liên Xô có các chuyến bay TU-95D từ Vladivostok về phía Nam để theo dõi tình hình.

Một tàu tuần dương lớp Sverdlov và một tàu khu trục lớp Krivak cũng được cử đến tham gia đơn vị hải quân gồm 17 tàu đã có mặt tại bờ biển Việt Nam.

Moscow cũng cử sáu chiếc phi cơ vận tải Antonov-22 đến Hà Nội ngày 23/02, và có hai chuyến bay Liên Xô và Bulgraia từ Calcutta tới Hà Nội ngày 26/02/1979.

Tuy thế, Liên Xô không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến dù đã ký hiệp ước phòng thủ với Hà Nội.

Căng thẳng hậu chiến

Trang GlobalSecurity.org :

Cho đến cuối thập niên 1980, phía Việt Nam biến vùng biên giới thành các 'pháo đài thép' và dùng các đơn vị dân quân được huấn luyện tốt để phòng thủ trước Trung Quốc.

Ước tính 600 nghìn người được điều động vào các chiến dịch sẵn sàng chiến đấu để ngăn ngừa Trung Quốc tiến sang lần nữa...gây phí tổn tiền bạc lớn cho Việt Nam.

Giới quan sát nước ngoài cũng đánh giá rằng "các cuộc va chạm ở biên giới tiếp tục xảy ra trong suốt thập niên 1980, nổi bật là trận tháng 4/1984, khi quân Trung Quốc lần đầu tiên dùng vũ khí mới, súng Type 81 (AK-47 của Trung Quốc).

Hai nước phải đến 2007 mới hoàn tất việc ký kết xong hiệp định biên giới trên bộ, theo các bản tin quốc tế.

Dù cuộc chiến 'phản kích tự vệ' của Đặng Tiểu Bình nhắm vào Việt Nam là thất bại quân sự, Sam Brothers trong bài viết cũng trích lời ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore bày tỏ cái nhìn khác :

"Báo chí Trung Quốc coi hành động trừng phạt Việt Nam của người Trung Quốc là một thất bại nhưng tôi lại tin rằng nó đã thay đổi lịch sử vùng Đông Á".

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 2