Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 8/11 khẳng định Trịnh Xuân Thanh đang thi hành án sau khi có thông tin Hà Nội và Berlin đang đàm phán việc trao trả ông Thanh về Đức.
Tại buổi họp báo ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), đã "bị xét xử công khai minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam, và hiện đang trong quá trình thi hành án theo phán quyết của tòa án".
Đầu tháng này, một phái đoàn ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đã có cuộc gặp với phía Đức tại Bộ Ngoại giao nước này ở Berlin để thương lượng việc trả lại ông Thanh về Đức, theo nhật báo TAZ. Trước khi bị bắt cóc, ông Thanh đang trong quá trình xin tị nạn ở Đức.
Một nguồn tin ngoại giao Đức xác nhận với VOA về cuộc gặp cấp cao này nhưng không xác nhận hoặc bác bỏ thông tin trên. Tại các cuộc thương thảo, Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis một lần nữa nhấn mạnh với Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam rằng vụ bắt cóc ông Thanh là một "hành động vi phạm luật pháp quốc tế không thể chấp nhận được và gây tổn hại tới lòng tin".
Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam tiến hành vụ bắt cóc nhưng Hà Nội khăng khăng cho rằng ông Thanh đã trở về và tự ra đầu thú.
Nguồn tin ngoại giao cho biết Đức lên tiếng ủng hộ ông Thanh và vẫn đang tiếp tục thảo luận với phía Việt Nam.
Tại buổi họp báo hôm 8/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định "thời gian qua hai bên đã có những trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước".
"Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước", bà Hằng nói với các phóng viên.
Cũng trong ngày 8/11, nhật báo TAZ của Đức đưa tin rằng mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đã được nối lại. Tháng 9 năm ngoái, Đức tuyên bố tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi xảy ra vụ bắt cóc ông Thanh ở Berlin.
Báo TAZ trích dẫn nguồn tin từ người đứng đầu bộ phận Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao Đức, nói rằng việc nối lại quan hệ đối tác chiến lược đã xóa bỏ những hạn chế về các mối quan hệ song phương.
Việt Nam đang theo đuổi hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có Đức và Slovakia, một nước khác cũng có liên quan tới vụ bắt cóc ông Thanh. Hiệp định thương mại tự do với EU được cho là sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 3,2 tỷ USD vào năm 2020, và khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2030.
Hôm 17/10, Ủy ban Châu Âu ở Brussels đã phê duyệt hiệp định này. Nhưng trước khi chính thức thông qua hiệp định, cần phải có sự phê chuẩn của các nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu.
*******************
Việt Nam có đưa Trịnh Xuân Thanh sang Đức hay không ? (RFA, 07/11/2018)
Khủng hoảng ngoại giao Việt Nam và Đức tiếp tục là vấn đề được nhiều người quan tâm ; đặc biệt mới đây tin từ Đức cho hay Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn sang gặp người đồng nhiệm ở Berlin để bàn về việc Việt Nam đưa trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức, sau khi đã bắt cóc ông này ở Berlin vào cuối tháng 7 năm 2017, rồi đưa về Việt Nam kết án chung thân về tội tham nhũng.
Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa tại Hà Nội, đầu năm 2018. AFP
Người đưa tin này ra công chúng là nhà báo Lê Trung Khoa, của tờ báo Việt ngữ Thời báo tại Thủ đô Berlin. Ông Lê Trung Khoa đã được Bộ Ngoại giao Đức trả lời rằng :
"Họ khẳng định với phía Việt Nam những yêu cầu mà Bộ Ngoại giao Đức đã đưa ra trước đó về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là phải trả lại nguyên trạng, tức là đưa ông Thanh sang Đức. Thứ hai là phải xin lỗi bằng cách nào đó, và thứ ba là hứa không tái phạm".
Chúng tôi có liên lạc với Tòa Đại sứ Việt Nam tại Berlin để xác nhận nguồn tin này nhưng không liên lạc được.
Ông Lê Trung Khoa cũng có nói là đã nói chuyện với luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh, và được bà này cho biết là bà hy vọng rằng thân chủ của bà sẽ sang Đức, mặc dù không tiết lộ thêm chi tiết.
Câu hỏi liệu Việt Nam có đưa Trịnh Xuân Thanh về lại Đức hay không đã được giới quan sát tình hình chính trị và ngoại giao của Việt Nam chú ý đến từ ngay sau khi có cáo buộc về vụ bắt cóc hồi năm 2017.
Vấn đề càng được chú ý hơn khi Việt Nam bắt đầu đàm phán với Cộng đồng Châu Âu về hiệp định tự do thương mại.
Tháng sáu năm 2018, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập tại Sài Gòn trích dẫn báo chí từ Đức cho rằng :
"Các nguồn tin từ báo chí Đức thì có thể xác tín được. Và còn một chuyện nữa là chuyện luật sư Nguyễn Văn Đài. Đây là người mà chính quyền Việt Nam sợ nhất mà họ còn thả ra cho phía Đức, tức là họ xuống nước lắm rồi, cho nên thả Trịnh Xuân Thanh chỉ là vấn đề thời gian thôi".
Luật sư Nguyễn Văn Đài là người thành lập tổ chức Hội Anh em Dân chủ, chủ trương đấu tranh bất bạo động, tiến tới cạnh tranh chính trị trong một xã hội đa đảng tại Việt Nam. Tổ chức của ông bị bắt bớ rất nhiều trong thời gian qua, và bản thân ông bị kết án 15 năm tù giam, với cáo buộc âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Ông được trả tự do và tống xuất sang Đức vào tháng sáu năm 2018.
Vào tháng 9/2018 Luật sư Đài cho chúng tôi biết nhận xét của ông về khả năng trả Trịnh Xuân Thanh sang Đức, dựa trên tình tiết là mặc dù khi bị xử án ông Thanh rất hăng hái tranh cãi, nhưng sau đó lại rút lại đơn kháng án :
"Việc đó chứng tỏ họ có thỏa thuận gì với nhau rồi, nhưng vấn đề là cho ông Thanh sang Đức bây giờ thì không tránh khỏi bị truyền thông phương Tây lẫn tiếng Việt chú ý và việc đó rất bất lợi cho Việt Nam. Có thể họ sẽ thả bằng một cách nào đấy".
Tháng tám năm 2018, Giáo sư Vũ Tường, giảng dạy chính trị tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, nói với đài RFA rằng :
"Họ có thể trả tự do sớm cho Trịnh Xuân Thanh rồi để ông ta đi Đức".
Những ý kiến thiên về phía Việt Nam sẽ cho ông Thanh đi Đức có chung một lý do là Việt Nam đang rất cần hiệp định thương mại tự do với Châu Âu, mà nước Đức là một quốc gia quan trọng nhất trong khối kinh tế này.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam sẽ không đưa ông Thanh sang Đức, như ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, chuyên viên kinh tế đang sống tại Na Uy. Ông cho rằng làm như vậy là mất mặt lẫn nhau.
Hiệp định thương mại với Châu Âu của Việt Nam được Ủy ban Châu Âu chấp nhận vào ngày 17/10/2018, để đệ trình lên Quốc hội Châu Âu phê chuẩn.
Khi việc này xảy ra, chúng tôi có hỏi chuyện ông Lê Trung Khoa rằng có phải Châu Âu nói chung và nước Đức nói riêng bỏ qua chuyện ông Trịnh Xuân Thanh để ký kết hiệp định vì những mối lợi kinh tế hay không ?
Ông Khoa trả lời rằng việc chính quyền những nước Châu Âu có thể ưu tiên cho các mục tiêu kinh tế không có nghĩa là ngành tư pháp của họ sẽ bỏ qua chuyện này, vì họ độc lập.
Sau khi tin tức về phái đoàn ngoại giao của Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn sang Đức được đưa ra, có tin lan ra trên mạng xã hội là nội bộ những người cầm quyền ở Việt Nam đang tranh cãi nhau, Bộ Ngoại giao và Bộ Công thương muốn giao ông Thanh sang Đức, nhưng người đứng đầu Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Phú Trọng không đồng ý.
Chúng tôi không có nguồn tin nào để phối kiểm chuyện này.
Cho tới hiện nay, tin tức chính thức của nhà nước Việt Nam chỉ khẳng định một cách nhất quán rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú vào tháng 7/2017. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì bình luận với đài RFA rằng nếu Trịnh Xuân Thanh được trao cho phía Đức thì đây là một câu chuyện rất trớ trêu, một nhân vật bị cáo buộc tham nhũng lại được đưa sang nước ngoài, thoát khỏi nhà tù Việt Nam, ăn theo việc cải thiện nhân quyền, mà có thể có khi lại được bên ngoài Việt Nam xem như một trường hợp tị nạn chính trị vì ông Thanh từng viết thư tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam khi đang trốn ở Đức.
Kính Hòa
**********************
Đức ‘giữ quan điểm về Trịnh Xuân Thanh’ (BBC, 08/11/2018)
Chính phủ Đức vẫn chưa xác nhận có phải nước này đã phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam hay chưa.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis trong cuộc gặp ngày 1/11/2018
Bản tin của trang Taz.de hôm 8/11 nói họ có nội dung email nội bộ của trưởng ban Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao Đức nói Đức và Việt Nam đã khôi phục quan hệ đối tác chiến lược.
"Việc này dỡ bỏ hạn chế về quan hệ song phương", trang Taz.de dẫn lại lời trong email.
Chưa có thông tin chính thức từ hai chính phủ Đức và Việt Nam.
'Giữ quan điểm'
Trả lời BBC ngày 8/11, một nhà ngoại giao Đức từ chối bình luận về tin của trang Taz.de.
Nhưng người này cho biết thêm chi tiết về cuộc gặp ở Berlin ngày 1/11 giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn với Quốc Vụ khanh đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Đức Andreas Michaelis.
"Ông Michaelis một lần nữa nhấn mạnh khi gặp Thứ trưởng Việt Nam rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là sự xâm phạm luật quốc tế và xâm phạm niềm tin không thể chấp nhận".
"Chính phủ Đức giữ nguyên quan điểm về vụ Trịnh Xuân Thanh và vẫn còn đang thảo luận với phía Việt Nam", nhà ngoại giao Đức tiết lộ cho BBC.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lê Thu Hằng
Petra Isabel Schlagenhauf, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức, nói với BBC hôm 8/11 rằng bà còn đang chờ "thông tin cụ thể hơn" về thân chủ người Việt.
Trong khi đó ở Hà Nội chiều 8/11, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam nhận được câu hỏi có phải đang diễn ra đàm phán song phương để đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Đức.
Bà Lê Thu Hằng trả lời : "Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật ở Việt Nam đã được đưa ra xét xử một cách công khai theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và hiện đang trong quá trình thi hành án".
Bà Hằng nói thời gian vừa qua hai bên đã có những cuộc trao đổi và tiếp xúc để thúc đẩy quan hệ hai nước và Việt Nam "luôn coi trọng củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước".
Đại sứ quan Việt Nam ở Berlin, Đức. AFP
Quan hệ Đức - Việt gặp khủng hoảng sau vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh mà phía Đức nói là bị mật vụ Việt Nam "bắt cóc tại Berlin" hè 2017 rồi chuyển về Hà Nội đưa ra tòa.
Berlin đã tạm ngưng đối tác chiến lược với Hà Nội sau đó.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã nhận hai án chung thân trong hai vụ án riêng rẽ ở Việt Nam.
Ngày 22 tháng 9 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo mới cho biết sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vì Việt Nam đã không đáp ứng được yêu cầu của Đức sau khi bắt cóc cựu quan chức Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7 vừa qua. Đức đồng thời cũng trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao mới của Việt Nam vì có liên quan đến vụ việc. Hành động mới từ phía chính phủ Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và câu hỏi đặt ra là Việt Nam có thể trao trả Trịnh Xuân Thanh hay không và nếu có thì bằng cách nào ?
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017- AFP
Vụ chính phủ Việt Nam cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một quan chức chính phủ bị truy nã vì cáo buộc tội tham nhũng, tại ngay trên đất Đức đang khiến cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng mà đỉnh điểm gần đây nhất là thông báo tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước được Bộ Ngoại giao Đức đưa ra hôm 22 tháng 9.
Trong thông báo này, Bộ Ngoại giao Đức ghi rõ ‘vì lý do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo’. Thông báo viết rõ phía Đức đã thông báo cho phía Việt Nam quyết định tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược và trục xuất thêm một cán bộ thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.
Ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra hôm 23 tháng 7 tại thủ đô Berlin, ngày 2/8 Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo lên án hành động này, gọi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc này.
Phía Việt Nam sau đó vào hôm 3/8 đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính phủ Đức và cho biết Trịnh Xuân Thanh đã tự ra đầu thú theo thông báo của Bộ Công an hôm 31 tháng 7.
Về tuyên bố mới của chính phủ Đức, nhà ngoại giao kỳ cựu đã từng có thời ở Việt Nam, David Brown nhận xét với đài Á Châu Tự Do qua email như sau :
Việc chính phủ Đức thông báo tạm ngưng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chỉ mang tính hình thức. Đức vẫn nói là tiếp tục duy trì quan hệ bình thường với Việt Nam nhưng chỉ không trao cho Việt Nam các đối xử đặc biệt. Nếu nước Đức nói rõ là sẽ trì hoãn thanh toán các khoản tiền đã hứa cho Việt Nam thì hành động này của Đức sẽ còn hơn cả tính biểu tượng.
Việt Nam và Đức đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011. Hợp tác giữa hai nước được triển khai trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội…. Đức hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ đô la.
Đức hiện cũng là nhà viện trợ ODA lớn và thương xuyên cho Việt nam. Từ năm 1990 đến nay Đức đã dành cho Việt Nam khoảng 2 tỷ đô la viện trợ ODA. Đức cũng cam kết dành cho Việt Nam 600 triệu euro ODA trong giai đoạn từ 2015 đến 2017.
Nhận định về quyết định mới của chính phủ Đức để trừng phạt Việt Nam, giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc cho rằng động thái này còn hơn cả tính biểu tượng.
Tôi không nghĩ nó chỉ mang tính biểu tượng…. sắp tới sẽ có một loạt những thời hạn cho một loạt các chương trình trợ giúp giữa chính phủ Đức với Việt Nam và những trao đổi. Việt Nam đã được cảnh báo bởi phía Đức và được yêu cầu là phải gửi trả lại Trịnh Xuân Thanh và nếu Việt Nam từ chối thì trong danh sách của Đức có những thỏa thuận và trao đổi đến lúc phải ký tiếp thì những chương trình đó có thể bị ảnh hưởng, và thậm chí là cả Hiệp định tự do thương mại FTA nữa mặc dù hiệp định này phải có sự đồng ý của quốc hội của tất cả các nước EU.
Ngoài ra theo giáo sư Carl Thayer, việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu từ phía Đức cũng ảnh hưởng đến cơ hội dành được chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 vì sẽ không dành được sự ủng hộ của Đức.
Tuy nhiên giáo sư Carl Thayer cũng cho rằng phía Đức sẽ không làm quá mức để chấm dứt toàn bộ quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Tôi nghĩ chiến lược của là Đức sẽ làm không có gì quá lớn và quá nhanh ngay lập tức để sau đó họ không thể rút lại được hay xoay sở được. Nhưng rõ ràng là trong toàn bộ quan hệ hai nước thì có nhiều những thỏa thuận sẽ sắp hết hạn hoặc cần ký tiếp hoặc có những chương trình đã định trong tương lai thì Đức có thể xóa. Nhưng phía Đức sẽ phải cân nhắc từng cái một để cho phía Việt Nam thấy được cái giá phải trả. Tất nhiên là họ không chấm dứt quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Sau khi vụ bắt cóc xảy ra, phía Đức đã tiến hành điều tra và sau đó bắt giữ một nghi phạm người Đức gốc Việt được cho là thuê và lái chiếc xe chở nhóm mật vụ Việt Nam đến bắt Trịnh Xuân Thanh.
Phía Đức cũng đưa ra các yêu cầu về áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
Tuy nhiên theo thông báo của Bộ Ngoại giao Đức hôm 22 tháng 9, cho đến lúc này phía Việt Nam vẫn không xác nhận là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và cũng không xin lỗi hay cam kết sẽ không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng việc Việt Nam không đáp ứng yêu cầu của Đức đang đặt Việt Nam vào một tình thế khó trong việc giải quyết vụ Trịnh Xuân Thanh, vì trả Trịnh Xuân Thanh về Đức thì mất mặt mà không trả thì cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong giai đoạn này nếu Việt Nam không có phản ứng tích cực thì những giới hạn mà Đức đưa ra sẽ tiếp tục cho đến khi trường hợp Trịnh Xuân Thanh được giải quyết. Tôi không biết là họ sẽ giải quyết thế nào nhưng có những ám chỉ rằng ông ta (Trịnh Xuân Thanh) sẽ khai ra những quan chức khác và sau đó ông ta sẽ không bị trừng phạt nặng nề vì đã hợp tác. Đó là một cách. Và một khi ông ta không còn chịu các cáo buộc hình sự thì Việt Nam có thể cho ông ta rời đất nước và họ có thể báo với Đức. Nhưng vào lúc này thì quá khó để Việt Nam đưa ông ta lên máy bay trở về Đức và thừa nhận mình sai.
Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Đức, phía Đức cũng nói đến yêu cầu Việt Nam phải khẳng định sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ bắt cóc. Tuy nhiên đến giờ phút này Việt Nam chưa có thông tin chính thức đã hay sẽ xử lý bất cứ người nào có liên quan vì Việt Nam vẫn công khai nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú. Vì vậy, theo giáo sư Carl Thayer, khả năng Việt Nam trừng phạt bất cứ ai liên quan đến vụ bắt cóc như yêu cầu của Đức là rất khó xảy ra. Mặt khác điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt nam phải tự nguyện trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức, điều mà Việt Nam hiện không muốn.
Đêm 22 tháng Chín năm 2017 có thể lại là một đêm dài tê tái trong cơn mất ngủ mãn tính của giới chóp bu Việt Nam, sau đêm đầu cuống cuồng vì bị người Đức phát hiện âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin hai tháng trước.
Quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt - Ảnh minh họa
Lại một đêm mất ngủ
Rốt cuộc, quan điểm "trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội" của não trạng quan chức Việt đã phải trả giá đắt, quá đắt. Người Đức còn trừng phạt hơn nhiều so với những đầu óc tưởng tượng nông cạn như chỉ đến mức trục xuất nhân viên ngoại giao : tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Động thái bất ngờ trên có thể ví như một cơn động đất chính trị ngay tại Hà Nội.
Cơn động đất này lại thình lình hiện ra chỉ vài tuần trước thời điểm diễn ra Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền tại Việt Nam - một kỳ họp Ban chấp hành trung ương được cho rằng mang mục tiêu "thanh trừng" đối với một số quan chức cao cấp mà ông Nguyễn Phú Trọng liệt vào dạng "chống tham nhũng thời kỳ trước".
Trong vòng một chục năm qua, chính thể cộng sản Việt Nam luôn tự hào đã ký được đến một chục thỏa thuận đối tác chiến lược với một chục quốc gia. Đối tác chiến lược Việt - Đức là thỏa thuận đầu tiên bị hủy bỏ giữa chừng, và cho dù mới chỉ mang tính "tạm thời" nhưng ai cũng hiểu cơ sự còn có thể khốn khổ hơn nữa trong thời gian tới.
Mộng du duy ý chí
Vài tuần sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Đức- Việt, đã xuất hiện những ý kiến bên lề nội bộ đảng ở Việt Nam về khả năng "xét cho cùng thì Đức cũng còn nhiều cái lợi trong quan hệ với Việt Nam. Do đó rất ít khả năng Đức sẽ làm căng với Việt Nam, mà chỉ cần Việt Nam uyển chuyển khôn khéo, tiến hành đàm phán với Đức và có thể nhân nhượng một vài vấn đề gì đó về thương mại thì câu chuyện Trịnh Xuân Thanh sẽ chìm dần theo thời gian. Đến cuối năm nay hoặc sang năm 2018 thì quan hệ giữa Việt Nam và Đức sẽ bình thường trở lại…".
Nhưng rốt cuộc, dự báo với não trạng một chiều trên đã phá sản. Cũng như đã cơ bản phá sản những dự báo của các cơ quan ngoại giao, công an về tính hậu quả có thể nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị người Đức phát hiện và làm rùm beng. Nguyên nhân chủ yếu của dự báo sai lầm là căn bệnh thành tích trầm kha trong nội bộ đảng, cùng não trạng vào thói quen thiên về báo cáo thành tựu trong khi làm giảm bớt rủi ro và tính hậu quả. Có thể, phía Việt Nam đã đặc biệt duy ý chí để tự tin đưa ra giả thiết là nếu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh bị lôi ra ánh sáng, chính phủ Đức cùng lắm cũng chỉ gửi công hàm phản đối và việc này có thể làm chậm lại tiến trình viện trợ 260 triệu euro năm 2017 - 2018 của Đức cho Việt Nam…
Và có thể đó chính là lý do để mật vụ Việt Nam, được đôn đốc chỉ đạo từ một cấp rất cao, đã vừa quá vội vàng lại vừa tự tin đến mức còn không thèm quan tâm chuyện xóa những vết máu cùng tang vật là bình xịt hơi cay trên chiếc xe hơi được thuê từ Séc để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Dự báo sai về quá khứ lại là cơ sở của sai dự báo thời hiện tại. Dàn tham mưu của Nguyễn Phú Trọng quá tệ !
"Không có gì phải vội vàng cả"
Trong thực tế, cấp độ quan hệ đối tác chiến lược còn cao hơn và bao trùm hơn so với quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Dù chỉ tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược, đây là lời cảnh báo rất trực tiếp về khả năng người Đức có thể tiến tới chính sách tạm cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam trong một tương lai không xa, nếu Hà Nội vẫn không có bất kỳ một lời xin lỗi nào về vụ mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng Bảy năm 20167, không chịu xin lỗi và cũng chẳng chịu cam kết "sẽ không tái phạm"…
Giờ đây, có lẽ nhiều người cần nhớ lại thái độ và cách biểu cảm của người Đức vào đầu tháng 8/2017 sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố về vụ Trịnh Xuân Thanh. Sau yêu cầu "phải để ông Trịnh Xuân Thanh quay trở lại Đức ngay lập tức để hồ sơ đề nghị dẫn độ và đơn xin tị nạn được xem xét theo đúng trình tự pháp lý", Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer đã khẳng định : "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển."
Toàn bộ nội hàm "chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển" lại chính là nội dung của quan hệ đối tác chiến lược Đức - Việt.
Người Đức chưa bao giờ giận dữ đến thế trong suốt chiều dài quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Với Quốc vụ khanh Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức, ông Markus Ederer, đó còn là từ ngữ "bội tín". Cái từ thiên về bản chất dưới đáy của chính trị này lại càng khiến công luận xã hội ở Việt Nam không thể nào quên được nhân vật ủy viên trung ương đảng, chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đối xử với người dân Đồng Tâm ra sao - ký sống, lăn tay điềm chỉ nhưng sau đó xổ toẹt tất cả.
"Không có gì phải vội vàng cả" - cũng cần nhớ lại cụm từ này với mọi hàm ý của nó.
Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, đã có một buổi Họp báo Liên bang ngày 9/8/2017. Phó Phát ngôn viên của Chính phủ Liên bang, Bà Ulrike Demmer và Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ông Schäfer đã trả lời các câu hỏi liên quan đến mối quan hệ Đức - Việt, trong đó có nội dung : "Tuy nhiên, khi vụ việc như vậy xảy ra thì chắc chắn ở đâu đó còn thiếu sự tôn trọng và lưu tâm. Vì vậy, như đã nói, chúng tôi không thể để vụ việc dừng lại tại đây. Chúng tôi sẽ bình tĩnh phân tích. Không có gì phải vội vàng cả. Chúng tôi sẽ cân nhắc và bàn thảo kỹ lưỡng rồi sau đó sẽ thông tin tới các đối tác Việt Nam của chúng tôi".
Một số ý kiến cho rằng câu "Không có gì phải vội vàng cả" có vẻ dư thừa hoặc không rõ nghĩa. Nhưng một số ý kiến khác lại suy ngẫm về câu nói này với một ẩn ý rõ rệt nào đó.
Cuối cùng, người Đức đã hành động !
Một hành động thích đáng và không hề cho thấy "Đức cần Việt Nam hơn Việt Nam cần Đức" như một lối tuyên truyền của giới dư luận viên tuyên giáo và công an Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng có "vô can" ?
Tình hình giờ đây như thể bãi hoang địa sau cơn động đất phạm vi rộng. Nếu sau bản tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức vào đầu tháng 8/2017, nguy cơ tan vỡ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) là lớn chưa từng có, thì nay là cả tương lai sụp đổ của Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức.
Nguyễn Phú Trọng trong một lần tiếp Tập Cận Bình.
Tương lai ấy lại "ăn" cả vào đời sống của hơn chín chục triệu người dân Việt - hầu như không khác ấy cảnh đám quan lại "ăn của dân không chừa thứ gì". Giới quan chức Bộ chính trị và các ủy viên trung ương đảng no mập có thể chẳng mấy quan tâm đến số phận của EVFTA, nhưng nếu không có hiệp định này, doanh nghiệp Việt sẽ càng bế tắc đầu ra xuất khẩu, còn người sản xuất trong nước, đặc biệt là hàng triệu nông dân, có thể sẽ phải chuyển bữa ăn từ cơm sang cháo.
Những cơ quan nào và những ai trong nội bộ đảng phải chịu trách nhiệm về hai cú tan vỡ và sụp đổ trên ?
Hậu quả đã khủng khiếp đến mức ngang bằng với tội "phá hoại". Phải có ít nhất một ai đó, một cơ quan nào đó chịu trách nhiệm và bị xử lý.
Với tư cách là người đứng đầu đảng, người từng chỉ đạo "bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh" và có thể là người hưởng lợi nhất trong cuộc chiến phe phái khi nắm giữ được Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Phú Trọng có "vô can" khi để xảy ra những hậu quả khủng khiếp trong quan hệ Việt - Đức ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/09/2017
Đức vừa tuyên bố trục xuất thêm một viên chức ngoại giao Việt Nam, để trả đũa cho thái độ "làm lơ" của Việt Nam trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Bài báo trên nhật báo TAZ số ra ngày hôm nay 05/08/2017. Ảnh: internet
Ngày 17 tháng tám tôi đã viết cảnh báo, chuyện Trịnh Xuân Thanh "càng để lâu càng khó". Tôi đồng thời cũng đề nghị ông Tô Lâm giải trình trước quốc hội, sau đó đưa một lời xin lỗi chính thức đến với nước Đức. Tôi cũng từng viết cảnh cáo, không dễ làm lơ chuyện này với người Đức, một dân tộc tinh anh có khả năng đội đá vá trời.
Chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một sai lầm trầm trọng của ông Trọng. Khi ông này "bỏ nhỏ tin tức" cho nhà báo Huy Đức, làm lộ chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trước báo chí, ông Trọng vi phạm qui định của đảng. Việc tiết lộ bí mật Trịnh Xuân Thanh làm hại đến uy tín quốc gia, thuơng tổn đến lợi ích của dân tộc. Trong khi ông Huy Đức thì phạm vào việc "tiết lộ bí mật nhà nước".
Đức cũng ngưng "quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam. Điều này cho thấy hiệp ước thuơng mãi giữa Việt Nam và khối Châu Âu sẽ "đông lạnh" lâu dài. Những khoản viện trợ của Đức cho Việt Nam, và có thể của các nước Châu Âu khác, cũng sẽ ngưng lại. Các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền của Việt Nam nhân dịp này cần lên tiếng, khoản viện trợ (cho Việt Nam) đã hoạch định trong ngân sách, không thể đơn thuần "hủy bỏ", do đó có thể sẽ chi để giúp đỡ các tổ chức này để họ hoạt động hữu hiệu hơn.
Đến nước này, theo tôi, lời xin lỗi của Việt Nam cũng sẽ không đủ, nếu ông Trịnh Xuân Thanh không được trả về Đức.
Status ngắn của tôi sáng 22/09/2017 nói về ông Tô Lâm nên nhanh chóng "giải trình" vấn đề Trịnh Xuân Thanh trước Quốc hội thì có tiếng nói phản biện rằng "điệp vụ" Trịnh Xuân Thanh còn có thể do Tổng cục 2 thực hiện. Tổng Cục 2 là Tổng cục tình báo quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy lý do gì ông Tô Lâm, không phải chuyện của ông này, tại sao phải giải trình ?
Theo tôi, vụ Trịnh Xuân Thanh "càng để lâu càng khó". Không phải khó cho Đảng cộng sản Việt Nam mà khó cho quốc gia Việt Nam. Quyền lợi dân tộc Việt Nam bị tổn hại. Tiếng nói trên trường quốc tế của Việt Nam không còn uy tín. Từ lâu Việt Nam đã sử dụng vũ khí "luật quốc tế" để bảo vệ mình trước những gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Không ngoại lệ, các "nước nhỏ" ngày hôm nay, ngoài "luật quốc tế", thì không có cách nào để tự bảo vệ mình trước các cường quốc khác.
Mật thám của Việt Nam qua Đức bắt Trịnh Xuân Thanh, hành vi vừa xúc phạm chủ quyền nước Đức, vừa vi phạm luật quốc tế.
Việt Nam không tôn trọng luật quốc tế, thì từ nay Việt Nam lấy cái gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của quốc gia ở Biển Đông ?
Trong bất kỳ vụ "gián điệp" của cường quốc nào, xảy ra ở bất kỳ nước nào, các "điệp viên" thường không được pháp luật bảo vệ.
Một điệp viên bị bắt vì một điệp vụ nào đó, thời chiến tranh lạnh, số phận của người này là chết 100%. Vì vậy các điệp viên thường gắn một liều thuốc độc trong răng. Lỡ có gì thì cắn bể ra, tự sát, chớ không để phía địch bắt, tra khảo khai thác tin tức.
Hiện nay, tin tức từ báo chí Đức, cho biết là Europol (cảnh sát Châu Âu) đã nhập cuộc để truy nã những "điệp viên" của Việt Nam tham gia vào vụ bắt cóc.
Dưới thời bình, những điệp viên bị bắt ít khi bị giết chết như dưới thời chiến tranh lạnh. Số phận của họ thường như "trái chanh" để phía đối tượng "vắt" hết những tin tức, sau đó thì đưa ra tòa, xử tù, hoặc trục xuất.
Nhiều người thường gộp "quyền lợi" của đất nước với quyền lợi của Đảng cộng sản Việt Nam. Chống cộng sản Việt Nam, phá hoại quyền lợi của cộng sản Việt Nam thành ra chống cả quyền lợi của đất nước.
Các việc bảo vệ chủ quyền thổ, hay như trường hợp này, là bảo vệ "quyền lợi của đất nước và dân tộc".
Trước tình cảnh quyền lợi đất nước bị đe dọa như vậy, ta phải có cách nào để cứu vãn ?
Theo tôi, cách tốt nhứt, là ông Tô Lâm ra Quốc hội giải trình. Cần phải nhận lỗi rằng "cảnh sát" của Việt Nam đã hiểu lầm, vì đã "diễn giải sai cách nhìn về pháp lý của Đức và Việt Nam" trong vụ dẫn độ Trịnh Xuân Thanh.
Vấn đề "điệp viên" hay "tình báo quân sự" cần loại bỏ.
Cuộc khủng hoảng hai bên, có thể là khủng hoảng "militaro-politique" (quân sự-chính trị), lại giảm xuống thành khủng hoảng về "pháp lý-chính trị".
Pháp lý ở đây là "quyền tài phán" của Việt Nam dẫn độ Trịnh Xuân Thanh, do hiểu lầm, nên đã vô ý xúc phạm đến đất nước và dân tộc Đức.
Ông Tô Lâm nên làm… Lê Lai cứu nước. Một lời xin lỗi không có gì. Nhưng giá trị ở chỗ là nó xoa dịu sự bất bình của quốc gia Đức, sau đó là bảo vệ quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Một Huy Đức "xì" một chuyện xếp vào "bí mật quốc gia", cả nước đã đủ "khổ" rồi. Đừng dại dột xúi Tổng Cục 2 ra giải trình. Chỉ có trời cứu.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 22/09/2017
Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức ngày 22/9 nói "không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức".
"Vì thế chúng tôi đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao", Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố.
Thông báo bằng tiếng Đức của Bộ Ngoại giao nước này gửi cho báo chí cũng nói hiện Berlin đã "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam.
Đây là nhà ngoại giao thứ hai từ Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị Đức trục xuất sau cáo buộc của Đức rằng Việt Nam đã tiến hành vụ "bắt cóc" và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Ngày 22/9, Bộ Ngoại giao Đức ra thông cáo toàn văn :
''Ngay sau khi nắm được thông tin về vụ việc chúng tôi đã khẳng định rõ rằng việc bắt cóc người trên lãnh thổ Đức là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi có các bằng chứng rõ ràng về vụ bắt cóc này và sẽ công bố chúng vào thời điểm thích hợp. Ngày 10 tháng 8, Tổng Công tố Liên bang đã tiếp nhận điều tra vụ việc. Hiện quá trình này vẫn chưa kết thúc.
Vụ bắt cóc đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế, điều mà chúng tôi không bao giờ dung thứ.
Bằng việc trục xuất trưởng phòng tình báo của Đại sứ quán Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện những biện pháp thẳng thắn đầu tiên. Chúng tôi đã nhiều lần thông báo rõ với Chính phủ Việt Nam về các yêu cầu của phía Đức và thể hiện rõ rằng chúng tôi bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác.
Cho tới nay, yêu cầu xin lỗi của chúng tôi kèm theo cam kết không vi phạm pháp luật tương tự trong tương lai đã không được Chính phủ Việt Nam đáp ứng. Phía Việt Nam cũng không khẳng định rõ rằng sẽ xử lý những người có trách nhiệm trong vụ việc.
Chúng tôi đã đưa ra các yêu cầu liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc áp dụng quy trình tố tụng theo nguyên tắc pháp quyền đối với ông Trịnh Xuân Thanh và có sự tham dự của các quan sát viên quốc tế.
Vì lí do cho tới nay phía Việt Nam hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi cũng như không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin nên chúng tôi buộc phải áp dụng các biện pháp tiếp theo. Vì vậy, ngày hôm qua, trong buổi làm việc với Đại sứ Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại giao chúng tôi đã thông báo với phía Việt Nam về việc sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng tôi đã quyết định trục xuất thêm một cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam. Người này có 4 tuần để cùng gia đình rời khỏi nước Đức.
Chúng tôi mong đợi rằng phía Việt Nam sẽ thực hiện các yêu cầu của phía Đức.
Phía Việt Nam biết làm thế nào để có thể khôi phục lại mối quan hệ song phương và khắc phục việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin.''
**********************
Đức trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam thứ hai (RFI, 22/09/2017)
Chính phủ Đức hôm nay 22/09/2017 thông báo trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam thứ hai tại đại sứ quán ở Berlin, để phản đối vụ ông Trịnh Xuân Thanh, mà phía Đức cho là tình báo của Hà Nội đã bắt cóc trên lãnh thổ Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức. Ảnh chụp ngày 20/10/2016.Ảnh : Bui Thanh Hieu (Nguoi Buon Gio)/via Reuters
Phát ngôn viên chính phủ Đức, ông Steffen Seibert, trong cuộc họp báo nói rằng "vụ bắt cóc này là vi phạm luật quốc tế, và hoàn toàn không thể chấp nhận được". Nhà ngoại giao liên quan cùng với gia đình có bốn tuần lễ để rời lãnh thổ Đức.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức, ông Rainer Breul cho biết : "Nhân vật này không nằm trong ban lãnh đạo đại sứ quán, nhưng chúng tôi có được những yếu tố cho thấy ông có liên can trong sự cố trên", cũng như "nhiều người" trong số các thành viên ngoại giao đoàn Việt Nam tại Đức. Ông Breul cảnh báo : "Chúng tôi không có ý định giữ im lặng để vụ này bị rơi vào quên lãng", khẳng định cho đến nay Hà Nội vẫn từ chối nói lời xin lỗi về vụ bắt cóc và cam đoan rằng sẽ không tái diễn tương tự.
Tháng trước, Đức đã trục xuất đại diện chính thức của cơ quan tình báo Việt Nam tại Berlin, trong khuôn khổ vụ này. Vào cuối tháng Tám, tư pháp Đức cũng đã tạm giam một người Việt bị nghi ngờ là có tham gia vụ bắt cóc, vừa bị Cộng hòa Séc trục xuất sang Đức.
Về phía mình, Hà Nội bác bỏ cáo buộc bắt cóc, khẳng định ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đã tự quay về nước đầu thú. Ông này đã xuất hiện trên truyền hình Việt Nam vào đầu tháng Tám để xác nhận lời của chính quyền, ngồi sau bàn giấy nói với một giọng yếu ớt.
Theo báo chí Đức, ông Thanh bị những người vũ trang bắt cóc hôm 23/7 trong một công viên ở Berlin, nơi ông nộp đơn xin tị nạn. Ông Trịnh Xuân Thanh từng lãnh đạo công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam cho đến năm 2013, trước khi được điều về Hậu Giang. Mới đây báo chí Việt Nam mô tả ông là biểu tượng cho các quan chức cao cấp tham nhũng, đã biển thủ 120 triệu euro của tập đoàn dầu khí.
********************
Đức trục xuất nhà ngoại giao thứ 2 Việt Nam vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh (RFA, 22/09/2047)
Một viên chức ngoại giao thứ hai của Việt Nam bị Đức ra lệnh trục xuất vì bị cho có dính líu đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin hôm 23 tháng 7 vừa qua.
Màn hình TV chiếu hình ông Trịnh Xuân Thanh trên VTV ở Hà Nội hôm 4/8/2017 - AFP
Hãng tin AP loan tin và được nhiều kênh thông tin thế giới khác cùng đưa vào ngày 22 tháng 9. Bản tin dẫn lời phát ngôn nhân Steffen Seibert của chính phủ Đức nói với báo giới là hành động bắt cóc không thể chấp nhận được của phía Việt Nam là sự vi phạm mạnh mẽ luật pháp quốc tế.
Tên của viên chức ngoại giao này không được nêu ra ; tuy nhiên theo lệnh của phía Đức thì người này cùng gia đình có 4 tuần lễ để rời khỏi nước Đức.
Trong khi đó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Đức, Rainer Breul, nói thêm viên chức thứ hai bị lệnh trục xuất không nằm trong lớp quan chức hàng đầu của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Dẫu thế phía Đức có những chỉ dấu cho thấy người này dính líu đến vụ bắt cóc cùng với một số viên chức khác trong ngoại giao đoàn của Việt Nam tại Berlin.
Bộ Ngoại giao Đức cho biết Hà Nội không đáp ứng đủ cho phía Đức sau khi viên chức phụ trách mật vụ của Việt Nam tại Berlin bị trục xuất vào tháng qua. Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đức đưa ra hôm 22 tháng 9 cũng cho biết phía Đức đã thông báo với Đại sứ Việt Nam tại Đức vào ngày hôm qua là quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phải tạm định chỉ vì phía Đức chưa thấy Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của Đức cũng như chưa nhìn nhận sự vi phạm pháp luật của mình khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức.
Vào cuối tháng 8 vừa qua, cơ quan chức năng Đức cũng cho bắt giữ một người Việt Nam bị tình nghi dính líu đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Người bị bắt giữ trước đó vị dẫn độ từ Cộng Hòa Czech sang Đức.
Ông Trịnh Xuân Thanh, 51, tuổi là một cựu quan chức Việt Nam bị kỷ luật. Ông này trốn sang Đức và tìm qui chế tỵ nạn. Tuy nhiên, trong khi còn ở Berlin, lực lượng chức năng tiến hành bắt cóc ông này đưa về Việt Nam. Sau đó ông xuất hiện trên truyền hình Nhà Nước và nhận tội.
Vụ bắt cóc được cho là chưa có tiền lệ khiến chính phủ Đức nổi giận. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, đại sứ Việt Nam tại Đức bị triệu đến chất vấn. Và tin nói trong tuần này, đại sứ Việt Nam lại bị triệu đến lần thứ hai.
Phát ngôn nhân Rainer Breul nói rằng sẽ không để vụ việc bị ‘chìm xuồng’ mà Đức từng kỳ vọng Việt Nam chính thức xin lổi và bảo đảm không để xảy ra một ‘chiến dịch’ khác như thế trên đất Đức.
***********************
Đức trục xuất thêm ngoại giao VN, dừng đối tác chiến lược (VOA, 22/09/2017)
Chính phủ Đức hôm 22/9 nói họ trục xuất nhà ngoại giao thứ nhì của Việt Nam bị tình nghi tham gia vào vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, theo tin AP và Channel News Asia.
Đại sứ quán Việt Nam ở Đức (ảnh tư liệu, 8/2017)
Phát ngôn viên Chính phủ Đức Steffen Seibert nói với các phóng viên rằng vụ bắt cóc cựu giám đốc một doanh nghiệp dầu khí Việt Nam là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Vụ việc trắng trợn này là "sự vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế", ông Seibert nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao Việt Nam có 4 tuần để rời Đức cùng gia đình ông ta. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho hay đại sứ Việt Nam tại Đức đã được thông báo về việc này.
Ông Breul nói người bị trục xuất lần này không phải là quan chức hàng đầu trong đại sứ quán Việt Nam, nhưng phía Đức thấy có những dấu hiệu cho thấy "ông tay dính líu đến vụ việc" cùng với "một số" nhân viên khác trong phái Bộ Ngoại giao của Việt Nam ở Berlin.
VOA đã liên lạc qua điện thoại với một vụ trưởng của Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi 7g tối ngày 22/9, giờ Hà Nội, và được vị vụ trưởng trả lời rằng chưa có thông tin về vụ trục xuất hay tên của nhà ngoại giao liên quan. Cán bộ của Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị VOA gửi câu hỏi bằng văn bản qua email tới Vụ Thông tin Báo chí của bộ.
Bộ Ngoại giao Đức nói Hà Nội đã không hồi đáp "phù hợp" sau vụ trục xuất người phụ trách hoạt động tình báo của Việt Nam ở Đức do liên quan đến vụ việc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul khẳng định : "Chúng tôi sẽ không bỏ qua vụ này". Ông nói thêm rằng Đức trông đợi một lời xin lỗi chính thức và cam kết sẽ không có những điệp vụ tương tự như vậy trên đất Đức.
Trang web của phái Bộ Ngoại giao Đức ở Việt Nam cho biết thêm phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đức đã nói rằng cho tới nay Việt Nam "hoàn toàn không đáp ứng các yêu cầu" của Đức, cũng như "không thừa nhận việc vi phạm pháp luật và phá vỡ lòng tin".
Vì điều này, người phát ngôn Đức cho hay trong buổi làm việc hôm 21/9 với Đại sứ Việt Nam tại trụ sở Bộ Ngoại giao Đức, nước này đã thông báo với phía Việt Nam về việc "sẽ tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam".
Vụ việc làm Đức nổi giận và gây sóng gió ngoại giao giữa hai nước Việt, Đức liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi.
Ông bị Việt Nam buộc tội mắc sai phạm trong quản lý khi ông đứng đầu một công ty thành viên thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam, gây thiệt hại tới 150 triệu đôla. Ngoài ra ông còn chịu các cáo buộc khác về tham ô.
Trước nguy cơ phải chịu án tử hình nếu bị kết tội, ông Thanh đã lặng lẽ biến mất từ tháng 7 năm ngoái. Người ta tin rằng ông đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Cuối tháng 7 vừa qua, nhà chức trách Đức cáo buộc rằng một nhóm người có vũ trang đã bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, khi ông đang ở Đức và xin tị nạn, rồi đưa ông về Việt Nam.
Ít ngày sau vụ việc, ông Thanh đã xuất hiện trong một video được công bố trên truyền hình nhà nước Việt Nam, trong đó, ông nói đã tự về nước để tự thú.
Ngoài việc trục xuất các nhà ngoại giao Việt Nam, nhà chức trách Đức hồi cuối tháng 8 cũng đã tạm giam một người Việt Nam bị tình nghi dính líu đến vụ bắt cóc. Người đàn ông mang tên Nguyễn Hải Long, 46 tuổi, đã bị dẫn độ từ Cộng hòa Séc sang Đức.
(AP, Channel News Asia, VOA)
*******************
Đức trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam (BBC, 22/09/2017)
Ông Steffen Seibert, Phát ngôn viên chính phủ Đức vừa trả lời các nhà báo sau giờ trưa hôm 22/09/2017 tại Berlin về hệ quả của vụ Trịnh Xuân Thanh cho quan hệ với Việt Nam và nói nói hành vi 'bắt cóc trắng trợn' tại Đức của an ninh Việt Nam là "không thể chấp nhận được".
Phát ngôn viên Steffen Siebert nói hành vi 'bắt cóc trắng trợn' tại Đức của an ninh Việt Nam là "không thể chấp nhận được".
Trước đó, Bộ Ngoại giao Đức công bố trên mạng xã hội họ trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam để trả đũa Hà Nội vì vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh.
Twitter chính thức của Bộ Ngoại giao Đức ngày 22/9 nói "không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc ở Đức".
"Vì thế chúng tôi đã trục xuất thêm một nhà ngoại giao", Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố.
Thông báo bằng tiếng Đức của Bộ Ngoại giao nước này gửi cho báo chí cũng nói hiện Berlin đã "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" với Việt Nam.
Đây là nhà ngoại giao thứ hai từ Sứ quán Việt Nam ở Berlin bị Đức trục xuất sau cáo buộc của Đức rằng Việt Nam đã tiến hành vụ "bắt cóc" và đưa ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Người này cùng gia đình sẽ có bốn tuần để rời khỏi Đức, AFP tường thuật.
Được biết, Công tố viện Liên bang Đức vẫn chưa hoàn tất cuộc điều tra liên quan đến vụ ông Trịnh Xuân Thanh "bị bắt cóc" khỏi Berlin, theo Bộ Ngoại giao Đức.
'Bằng chứng liên quan'
Người phát ngôn ngoại giao Đức Rainer Breul nói Đại sứ Việt Nam hôm thứ Năm đã được thông báo rằng một nhà ngoại giao thứ hai buộc phải rời khỏi Đức vì "có bằng chứng ông này liên quan vụ việc".
"Người này không phải là cấp quản lý cao cấp tại Tòa Đại sứ" nhưng "chúng tôi có bằng chứng cho thấy ông ta đã tham gia vụ việc" cùng với "một số" nhân viên ngoại giao khác của Việt Nam tại Tòa Đại sứ, hãng tin AFP dẫn lời ông Rainer Breul nói.
"Chúng tôi không định im lặng và để cho vụ việc rơi vào quên lãng", người phát ngôn cảnh báo, và cho biết thêm cho đến nay Hà Nội đã không chịu xin lỗi về vụ bắt cóc, cũng không chịu cam kết là những hành vi tương tự sẽ không diễn ra trên lãnh thổ Đức.
Cảnh sát Đức trả lại cho ông Bùi Quang Hiếu chiếc xe mang biển Cộng hòa Czech bị thuê để "bắt cóc" ông Trịnh Xuân Thanh. Trên xe còn nguyên các dấu vết cuộc điều tra
Việt Nam cần làm gì ?
Bình luận với BBC ngay sau khi xuất hiện diễn biến mới trong quan hệ Đức - Việt liên quan vụ ông Trịnh Xuân Thanh, trả lời câu hỏi vụ việc có ý nghĩa, tầm mức hệ trọng thế nào và phía Việt Nam cần làm gì để xử lý điều được cho là một cuộc 'khủng hoảng' đang diễn ra, một cựu quan chức ngành ngoại giao của Việt Nam,ông Đặng Xương Hùng, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ, nói :
"Vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh rõ ràng là một vụ việc rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng không những trong quan hệ Việt Nam với Đức, mà còn nghiêm trọng cả trong tiền lệ đối với quan hệ quốc tế. Rõ ràng câu chuyện này hết sức thú vị bởi vì nó đã đưa ra hình ảnh thật của phía Việt Nam - hình ảnh của một quốc gia do một Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
"Và họ coi thường luật pháp quốc tế, của các nước khác và họ có hành động như là hành động khủng bố quốc tế, vi phạm vào chủ quyền của các nước và đến hẳn nước người ta để có những hành động bắt cóc công dân trên đất nước người ta...
"Tôi thấy rằng cách hành xử này là một chuỗi, là kết quả của một chính sách đối ngoại của Việt Nam và nó là hậu quả của... chiều hướng xử lý vấn đề của phía Việt Nam và nó cho thấy phía Việt Nam hết sức vô trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và vô trách nhiệm đối với dân tộc của mình nữa.
"Tôi cũng hy vọng phía Đức, tuy họ coi sự việc hết sức nghiêm trọng, nhưng họ cũng có hướng mở cho phía Việt Nam, để phía Việt Nam có thể có những xử lý thích hợp để họ có thể có đối xử một cách không làm tổn hại, căng thẳng quan hệ hai nước giữa Đức và Việt Nam...
"Tôi cũng hy vọng rằng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng coi đây là một bài học có thể rút ra để có cách xử lý, mà cách xử lý theo tôi như trong một thư ngỏ tôi viết gửi cho các bạn ở Bộ Ngoại giao Việt Nam đó là cách xử lý khôn ngoan nhất của phía Việt Nam hiện nay trong câu chuyện Trịnh Xuân Thanh là hãy dũng cảm xin lỗi phía Đức", ông Đặng Xương Hùng nói với BBC hôm 22/9.
Trong một diễn biến từ trước, hôm 9/8, Đức tuyên bố đang cân nhắc các bước đi cần thiết sau khi Việt Nam không hồi đáp yêu cầu của Berlin, muốn Hà Nội trao trả ông Trịnh Xuân Thanh.
Berlin nói ông Trịnh Xuân Thanh 'đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc' hồi cuối tháng Bảy.
Hôm 4/8, Ngoại trưởng Đức cáo buộc Việt Nam đã thực hiện vụ việc theo cách thức "chỉ có trong các phim ly kỳ thời Chiến tranh Lạnh" và đó là hành vi mà Đức thấy là "không thể chấp nhận".
Sau vụ việc, phía Đức đã giữ chiếc xe 'nghi là phương tiện gây án' từ CH Czech, thu thập mọi chứng cứ liên quan rồi trả lại xe cho chủ là một doanh nhân Việt Nam tại Prague.
Thông cáo nói nghi can đã lái một chiếc xe thuê từ Prague đến Berlin vào ngày 20/7, 3 ngày trước khi có thông tin ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Twitter bằng tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Đức nêu lý do 'Không có câu trả lời thỏa đáng từ Việt Nam, nên chúng tôi trục xuất thêm một nhà ngoại giao Việt Nam nữa khỏi Đức'.
Cũng theo các nguồn tin từ Berlin, Cục An ninh Liên bang Đức đã hỏi chuyện nhiều người Việt ở Berlin về vụ Trịnh Xuân Thanh và cách thức hoạt động của những nhóm người Việt tại Đức, liên kết bên trong và bên ngoài của họ và quan hệ với các cơ quan của Việt Nam tại Đức.
Giới chức Đức hồi cuối tháng 8 cũng đã bắt giữ một nghi phạm người Việt từ Cộng hòa Czech, bị nghi là có liên quan tới vụ bắt cóc.
Luật sư tại Đức của ông Thanh nói thân chủ của mình đã bị lôi lên xe hơi, cưỡng bức đưa về Việt Nam chứ không phải tự nguyện quay về.
Trả lời phỏng vấn của báo chí Đức hôm 7/8, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel nói rằng ông thấy việc Việt Nam "chấp nhận mạo hiểm" trong việc đánh đổi các thành quả trong quan hệ song phương trong vụ Trịnh Xuân Thanh là điều "khó hiểu".
"Vụ việc xảy ra vào cuối tháng Bảy vừa qua đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến quan hệ Đức - Việt", ông ngoại trưởng được trang tin Stuttgart dẫn lời. "Chuyện giới doanh nghiệp Đức cảm thấy bất an là điều hoàn toàn dễ hiểu, vì rõ ràng là một số người có chức trách tại Việt Nam đã thiếu tôn trọng mối quan hệ đối tác với Đức và các quy định pháp luật".
Phía Việt Nam nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện 'ra đầu thú', và công bố đoạn video trong đó ông Thanh dáng điệu mệt mỏi nói rằng ông "đành phải về để đối diện sự thật".
Tại Việt Nam cũng có một luồng dư luận chủ yếu trên các trang mạng xã hội cho rằng Đức "không nên bao che cho người tham nhũng" mà nên hỗ trợ Việt Nam thì hơn là trừng phạt.
Ngoại trưởng Đức tuyên bố 'không thể chấp nhận' việc Việt Nam bắt cóc người
Đoạn video được phát trong chương trình thời sự của Việt Nam cũng công bố hình ảnh "đơn xin tự thú" được cho là của ông Thanh viết tay.
Tương lai quan hệ ?
Trong năm 2015, Đức cam kết trợ giúp Việt Nam 220 triệu euro (257,8 triệu đôla Mỹ) viện trợ phát triển trong vòng hai năm.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên hiệp Âu Châu ; các thành viên của khối này đang chuẩn bị xem xét việc phê chuẩn thỏa thuận tự do thương mại với Việt Nam.
Tuy nhiên, vào thời điểm này, sau khi chính quyền Đức liên tiếp công khai các tuyên bố trừng phạt Việt Nam, gồm cả việc "tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược" thì tương lai của hiệp định thương mại EU - Việt Nam bị đặt câu hỏi.
Lý do là cùng quá trình Brexit khi Anh ra khỏi EU, Đức là nước có nền kinh tế lớn nhất và sức mạnh chính trị áp đảo duy nhất còn tại ở EU.
Hai nước Đức - Việt ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược khi bà Thủ tướng Angela Merkel thăm Việt Nam năm 2011.
Các quan chức cao cấp của Đức đã liên tiếp sang thăm Việt Nam như Chủ tịch Quốc hội Nobert Lammert (2015), và Bộ trưởng Ngoại giao Frank-Walter Steinmeier (2016).
Từ phía Việt Nam, các lãnh đạo cấp cao nhất nhiệm kỳ trước cũng sang thăm Đức liên tục : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm năm 2013 ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2014, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân năm 2015 và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2015.
Ông Trịnh Xuân Thanh "xin lỗi" trong đoạn phim chiếu trong chương trình thời sự của VTV tối 3/8
Nhân vật cao cấp nhất của nhiệm kỳ này tại Việt Nam sang thăm Đức dự hội nghị G20 là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhưng khủng hoảng quan hệ hai bên nổ ra không lâu ngay sau chuyến thăm của ông trong tháng 7 vừa qua.
Chính quyền Berlin, ngày 09/08/2017, cho biết đang xem xét các hành động tiếp theo, sau khi Việt Nam đã không đáp ứng đòi hỏi để cho ông Trịnh Xuân Thanh quay lại Đức.
Trịnh Xuân Thanh đứng chụp hình phía sau một chuyến xe buýt chứng minh ông ta đang ở Âu Châu hồi tháng 11/2016. (Hình: Bùi Thanh Hiếu Blogspot)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức, ngày 09/08, nói lấy làm tiếc là đề nghị của Berlin cho ông Thanh quay lại Đức đã không được chính quyền Hà Nội đáp ứng.
Đại diện Bộ Ngoại giao Đức, được Reuters trích dẫn, tuyên bố : "Chúng tôi đã hy vọng đó là cơ hội sửa chữa mọi việc sau khi xẩy ra hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đức và quốc tế", "thật đáng tiếc, điều này không xẩy ra, do vậy, chúng tôi đang xem xét có thể làm gì để cho các đối tác Việt Nam hiểu rõ rằng chúng tôi không thể chấp nhận việc này".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức không cho biết các hành động tiếp theo là gì, mà chỉ nói là đang xem xét mọi khả năng và nhấn mạnh rằng Việt Nam đã nhận được một khối lượng viện trợ cho phát triển rất lớn từ Đức. Năm 2015, Đức cam kết tài trợ hơn 257 triệu đô la cho Việt Nam trong vòng hai năm.
Theo một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Đức, thì đại diện chính phủ hai nước đã có các cuộc thảo luận về hồ sơ này.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Đức đã tố cáo Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đang xin quy chế tị nạn tại nước này. Trong khi đó, ông Thanh, nguyên là một trong những lãnh đạo của tập đoàn dầu khí PetroVietnam, bị Việt Nam truy nã với tội danh quản lý kém, làm thất thoát 150 triệu đô la.
Berlin đã có phản ứng mạnh về vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức, sau khi chính quyền Hà Nội loan tin người này ra đầu thú tại Việt Nam.
Bộ Ngoại Giao Đức đã yêu cầu cho ông Thanh quay lại nước này và tuyên bố trục xuất một điệp viên Việt Nam làm việc trong sứ quán Việt Nam tại Berlin vì có dính líu tới vụ bắt cóc.
RFI tiếng Việt
Vụ Trịnh Xuân Thanh có vẻ không chìm lắng đi như suy nghĩ, đánh giá có phần chủ quan của nhà cầm quyền Việt Nam và đám dư luận viên ủng hộ vụ "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức.
Bên ngoài Đại sứ quán Việt Nam tại Đức hôm 2/8/2017. AFP
Ngược lại, báo chí Đức đưa tin "Viện Công tố liên bang Đức ở Karlsruhe nhập cuộc điều tra vụ một người Việt bị bắt cóc tại Berlin. Tổng Biện lý Liên bang mở cuộc điều tra" (Verschleppung eines VietnamesenGeneralbundesanwalt übernimmt Ermittlungen, Spiegel online, ngày 10/8).
Như vậy vụ việc đã được chính phủ Đức đưa lên tầm có tính cách nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như các trường hợp gián điệp, khủng bố, các tội phạm chính trị cực đoan và xâm phạm công pháp quốc tế. Bên cạnh đó, thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam càng làm phía Đức bực tức thêm khi không trả lời các câu hỏi của họ, không có một nhân vật cấp cao nào chính thức lên tiếng ngoại trừ người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ nói vỏn vẹn một câu "Chúng tôi rất tiếc".
TV Đức cũng loan tin Tổng biện lý Đức điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh. Tin của Đài Truyền hình Đức ARD ngày 10/8 : "Bundesanwaltschaft ermittelt Vietnamese verschwunden - Geheimdienst im Spiel ?".
Tin của Đài truyền hình Đức ZDF : "Verschwundener Vietnamese Ein Fall für die Bundesanwaltschaft" (nguồn : www.vietnam21.info).
Không những thế, có một chi tiết rất đáng chú ý là một nhân vật có tên việt là Hồ Ngọc T., làm việc tại sở Liên bang Di dân và tỵ nạn của Đức (BAMF-Bundesamt für Migration und Flüchtlinge) đã bị ban giám đốc sở Liên bang Di dân và tỵ nạn đình chỉ công việc để điều tra xem ông ta có liên quan gì đến vụ Trịnh Xuân Thanh hay không. Lý do xuất phát từ những bài viết của ông Hồ Ngọc T. chỉ trích phản ứng, hành động của chính phủ Đức và đứng về phía nhà nước cộng sản Việt Nam trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Các facebooker đã nhanh chóng tìm ra facebook của vị này và đọc bài thì thấy rất rõ quan điểm của nhân vật "đồng chí" T. (gọi theo cách gọi của nhà văn Phạm Thị Hoài).
Hóa ra, đồng chí T. là là đảng viên đảng cộng sản, cựu chiến binh, dũng sĩ chống Mỹ… Sau này sống ở Đức, làm việc tại một cơ quan rất "nhạy cảm" là BAMF (BundesAmf für Migration und Flüchtlinge - Cơ quan xét duyệt tỵ nạn cho người nước ngoài của Đức) nhưng đầu óc, tư duy vẫn "đỏ rực một màu cờ cách mạng", thường xuyên viết bài cho báo Nhân Dân với quan điểm đứng về phía nhà cầm quyền Việt Nam, viết facebook ra vẻ khách quan nhưng thực chất là khéo léo định hướng mọi người theo quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam. Dù sống ở một quốc gia tự do, dân chủ, văn minh nhưng vẫn có những quan điểm căm ghét nền dân chủ phương Tây, đặc biệt thù ghét chế độ Việt Nam Cộng Hòa, căm thù các hoạt động đấu tranh của người Việt trong nước v.v…
Cảnh sát Đức tiết lộ trước khi bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gọi điện thoại cho Đại tá Nguyễn Đức Thoa nói gì ?
Dựa trên những bài viết trên facebook của nhân vật và đặc thù công việc của "đồng chí" T. (là nhân viên cơ quan BAMF, có quyền truy cập vào các tập hồ sơ của người xin tỵ nạn và còn xem xét được sổ bộ đăng ký người nước ngoài trong đó có đủ địa chỉ của người xin tỵ nạn), cảnh sát, an ninh Đức nghi rằng ông này nhẹ nhất là đã để lộ nơi ở của Trịnh Xuân Thanh, đã tiết lộ những thông tin trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình trên facebook, hoặc nặng hơn có thể là cộng tác với nhà cầm quyền Việt Nam trong vụ tìm bắt con mồi Trịnh Xuân Thanh.
Một thực tế là cho đến giờ phút này, có thể nói rằng ở bất cứ nơi nào trên trái đất mà có cộng đồng người Việt sinh sống, thì chắc chắn sẽ có những kẻ do nhà cầm quyền Việt Nam gài vào, làm tay sai, gián điệp, nằm vùng ; hoặc nếu không thì cũng là một dạng sống ở nước người, được nước sở tại cưu mang nhưng vẫn mang tư tưởng, suy nghĩ không khác với đám dư luận viên trong nước bao nhiêu. Không phải an ninh tình báo các nước người ta không biết hoặc không có cách để biết, nhưng khi anh chưa làm gì có hại đến nước người ta thì không sao, còn khi có chuyện họ sẽ sờ đến thôi.
Có khi từ vụ Trịnh Xuân Thanh mà lắm nhân vật như Nguyễn Đức T., Bí thư thứ nhất Đại sứ quán cộng sản Việt Nam tại Đức đồng thời là cán bộ Tổng cục Tình báo Việt Nam ở Berlin đã bị Chính phủ Đức trục xuất, tiếp theo là Hồ Ngọc T. có thể bị đuổi việc, và có thể là một ổ nữa… Biết đâu trong đó có cả những kẻ mà nhà nước Việt Nam nuôi bao năm, giấu kín thân phận để chờ khi có dịp là dùng đến !
Ông tổng Trọng thường tỏ ra tâm đắc với cái phương pháp "đánh chuột đừng để vỡ bình" nhưng xem ra chuyến này đổ bể tùm lum, phiền phức thật đấy, ông Tổng nhỉ !
Thực sự mà nói, tôi không thích nhưng tôi có thể hiểu được vì sao bọn công an, an ninh chìm nổi, dư luận viên, đám bồi bút văn nô cho tới quan chức trong nước ra sức bênh vực chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo ở Việt Nam và chống lại tất cả những ai muốn thay đổi chế độ. Bởi vì đó là cuộc sống, là quyền lợi của họ, chế độ này đã cho họ quá nhiều thứ, họ phải ca tụng, bảo vệ, chưa kể họ sống trong nước, bị tuyên truyền nhồi sọ bao nhiêu năm mà lại không có đủ ngoại ngữ, kiến thức để tìm hiểu sự thật.
Những chiếc xe đậu trong khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức chụp hôm 2/8/2017. AFP
Tôi khó chịu, có thể nói là khinh hơn nhiều những loại người sau :
1. Sống ở nước ngoài lâu năm nhưng không tiếp thu, ảnh hưởng được bất cứ cái gì hay ho, tiến bộ trong xã hội của người ta, vẫn giữ nguyên những quan điểm bảo thủ, "đỏ rực" còn hơn bọn dư luận viên trong nước, vẫn ra sức bênh vực chế độ cộng sản, chống lại mọi sự thay đổi.
2. Sống ở nước người ta, được nước sở tại cưu mang nhưng lại cộng tác, làm việc cho nhà nước Việt Nam, làm gián điệp, tay sai cho cộng sản, làm dư luận viên cao cấp viết những bài viết làm ra vẻ khách quan nhưng thực chất là khéo léo tuyên truyền, định hướng theo đường lối, quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam.
Bọn này nguy hiểm hơn bọn dư luận viên trong nước là vì có ngoại ngữ, am hiểu tình hình xã hội, luật pháp nước sở tại, lại có bằng cấp, có "mác" Việt kiều nên nhiều người tin, tưởng rằng họ khách quan, mà không biết rằng đa phần cũng là dân cộng sản hoặc có gia đình thân nhân là cộng sản. Như đồng chí T. ở Đức hay đồng chí Beo H. ở Mỹ. Điểm dễ nhận ra là tuy ra sức khen nước sở tại nhưng cực kỳ căm ghét chế độ Việt Nam Cộng Hòa và phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ cho Việt Nam. Đám này có khi chỉ là dư luận viên cao cấp, nhưng cũng có khi là gián điệp, nằm vùng, tai mắt của nhà cầm quyền Việt Nam gài vào cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
3. Những người từng sống ở miền Nam Việt Nam trước kia, nhưng lại thân Cộng, thuộc thành phần thứ ba, mà người miền Nam hay gọi là "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản" hay "đâm sau lưng các chiến sĩ", sau này sống ở nước ngoài nhưng đầu óc vẫn không thay đổi. Thật lạ lùng là hồi xưa thì có thể nói là họ không hiểu gì về cộng sản nên "mê" cộng sản, quay sang phá hoại chế độ Việt Nam Cộng Hòa từ trong lòng phá ra, nhưng bây giờ sau nhiều năm, chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo đã bộc lộ hết tất cả sự tồi tệ, bản chất dối trá, buôn dân bán nước, hèn với giặc ác với dân, mà vẫn có những người thuộc thành phần này bênh vực.
Bọn này nguy hiểm hơn bọn dư luận viên trong nước là vì có ngoại ngữ, am hiểu tình hình xã hội, luật pháp nước sở tại, lại có bằng cấp, có "mác" Việt kiều nên nhiều người tin
Không ít người trong số này là trí thức, có học, thậm chí tự xưng là nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu nọ kia, sống ở nước người hưởng không khí tự do, dân chủ, hưởng đủ mọi quyền lợi, nhưng vẫn đi về Việt Nam, và nếu được gặp gỡ, bắt tay quan này quan kia hay được nhà nước Việt Nam chiếu cố cho in một quyển sách, cho ngồi trong Hội Việt kiều yêu nước, hạ cố hỏi ý kiến nọ kia… thì lấy làm vinh dự, hãnh diện, càng ra sức ngợi khen chế độ. Loại này theo thiển ý của tôi là đáng khinh nhất !
Chợt nghĩ, bà con mình sống ở nước ngoài nếu có đấu tranh về những vấn đề trong nước thì không sao bằng được người trong nước, nhưng thế mạnh của bà con lại là chỗ này đây : phát hiện ra cái đám dư luận viên cao cấp, đám gián điệp nằm vùng, tai mắt của nhà cầm quyền, hay đám "ăn cơm xứ tư bản thờ ma xứ thiên đường", tố cáo họ với nước sở tại đề làm trong sạch bớt cộng đồng, bớt đi những kẻ phá hoại ngầm này.
Có một điều an ủi là chỉ trừ khi bạn/anh không viết lách bất cứ thứ gì, giấu mình rất kỹ, rất kín tiếng, đúng theo kiểu "điệp viên" thực sự, thì không ai biết/hiểu được bạn. Còn nếu bạn có viết lách, có sử dụng mạng xã hội thì không chóng thì muộn người khác cũng nhận ra bạn là ai, đứng ở vị trí nào, phe nào qua những bài viết, những comment, hoặc những gì bạn bấm like. Facebook "lột mặt" hết, không dấu mãi được.
Câu hỏi không phải chỉ là chúng ta sống ở đời, phải sống cho minh bạch, rõ ràng, "không thờ hai chủ, không đi hai hàng", mà còn là bạn đứng về phía nào ?
Về phía kẻ bị trị hay về phía người dân, phe nước mắt ? Bạn ủng hộ mặt trời hay bóng đêm, ủng hộ một thể chế tự do, dân chủ, tiến bộ, tôn trọng con người, thượng tôn pháp luật ? Hay ủng hộ một thể chế độc tài, lạc hậu, phản động, chà đạp lên quyền con người, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của đám người cai trị lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc ? Hay ủng hộ một thể chế đã và đang dẫn đất nước này, dân tộc này trở thành một quốc gia nghèo đói, tụt hậu, thua xa các nước khác và càng ngày càng lệ thuộc nặng nề, thậm chí có nguy cơ đánh mất chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ vào tay giặc phương Bắc ?
Chọn thế đứng nào là tùy bạn, chỉ có điều đừng nghĩ là những gì bạn viết, bạn làm ngày hôm nay, ngày mai có thể xóa sạch dấu tích, trong thời đại internet và toàn cầu hóa này.
Song Chi
Nguồn : RFA, 11/08/2017 (songchi's blog)
Các nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức thương mại thế giới từ lâu đã mong ước một điều cho Việt Nam : cải cách sự kém hiệu quả và tham nhũng của doanh nghiệp nhà nước. Năng lực, sự minh bạch và thước đo của cạnh tranh thực sự, sẽ giúp nền kinh tế quốc gia và các mối quan hệ kinh doanh và thương mại một cách đáng kể. Đây là một trong những lý do tại sao Việt Nam ủng hộ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với sự tín nhiệm của mình, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ, và năm ngoái, tại kỳ họp Quốc hội khóa XII lần thứ 12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách.
Vụ bắt cóc cựu chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, tại công viên Tiergarten, Berlin ngày 23 tháng 7 đã làm suy giảm lòng tin của chính quyền Đức về Việt Nam
Tuy nhiên, vụ bắt cóc cựu giám đốc dầu khí đang xin tị nạn ở Đức đã làm suy giảm lòng tin vào cải cách pháp quyền. Vào ngày 23 tháng 7, cựu chủ tịch Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, bị bắt cóc tại công viên Tiergarten của Berlin và nhanh chóng đưa về Hà Nội thông qua "một đất nước Đông Âu chưa được biết đến". Ông Thanh đã xuất hiện trên truyền hình Việt Nam, và nói ông lựa chọn quay trở về.
Cuộc đấu tranh lâu dài của Việt Nam với tham nhũng đã dẫn đến nhiều vụ bắt giữ khác, mặc dù hiếm khi có chức vụ cao như ông Thanh, người đạt danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Nhiều nhà phân tích cũng tự hỏi, liệu những cáo buộc chống lại ông Thanh, có phải là một phần trong nỗ lực của ông Trọng, trong việc đánh tan tác tất cả các đồng minh của ông cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ? Việc "đuổi cổ" đồng chí Đinh La Thăng ra khỏi Bộ Chính trị hồi đầu năm nay, vì quản lý kém từ các chức vụ trong quá khứ, có thể phản ánh cam kết nghiêm túc đối với cả hai mục tiêu. Đáng buồn thay, tham nhũng ở Việt Nam luôn là một vấn đề "xanh tươi".
Ngoài ra, còn có các sự phát triển về đối ngoại, bao gồm cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Sự mất mát của TPP khiến Việt Nam phải tập trung đảm bảo nhiều thị trường hơn, để giảm bớt sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, một mục tiêu có thể vượt quá tầm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Về phần mình, EU nhìn thấy ở Việt Nam là một thị trường mạnh mẽ, với sự gia tăng tầng lớp trung lưu và mong muốn thay thế hàng hóa Trung Quốc, thường được cho là có chất lượng kém hơn. Những vật chướng ngại bao gồm, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã được nêu ra bởi các thành viên EU. Các cuộc đàn áp đang diễn ra đối với các blogger dường như đã được đưa ra để tranh luận tại Nghị viện EU ; và vụ bắt cóc trên đất nuớc Đức sẽ không giúp được gì.
Cho đến nay, Đức là một trong những người bạn tốt nhất của Việt Nam ở Châu Âu cũng như là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thủ tướng Đức, Angela Merkel, đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược trong năm 2011. Các đối tác không ràng buộc này được điều chỉnh cho từng mối quan hệ song phương. An ninh và quốc phòng ngày càng trở nên quan trọng đối với các mối quan hệ như vậy đối với Việt Nam. Nhưng trọng tâm của hiệp định Việt-Đức là điều gì ? Ngoài giáo dục và môi trường, còn có vấn đề pháp quyền, là những nỗ lực của Đức nhằm hỗ trợ cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam, và theo Bộ Ngoại giao Đức, "tư vấn về việc thực hiện các công ước và quy định quốc tế ... đẩy mạnh nhân quyền và trợ giúp pháp lý cũng như các vấn đề khác".
Điều này không phù hợp với tuyên bố của Bộ Ngoại giao về vụ bắt cóc : "Việc bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ Đức là hành động vi phạm luật pháp Đức và luật pháp quốc tế một cách trắng trợn và chưa từng có tiền lệ".
Việt Nam mong muốn trở thành một phần của cộng đồng quốc tế. Việt Nam trân trọng chủ nghĩa đa phương và các chương trình nghị sự dựa trên quy tắc của các quốc gia dân chủ như Mỹ và Nhật Bản. Việt Nam ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông và muốn xem luật pháp quốc tế đưa vào sử dụng trong các tranh chấp về biển ra sao.
Để giúp thúc đẩy những lợi ích đó, Việt Nam đã và đang tìm kiếm một vai trò quốc tế mạnh mẽ hơn trong một khoảng thời gian, từ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tới hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, và một chiếc ghế ở Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc cách đây vài năm. Trong bối cảnh này, cuộc bắt cóc như trong thời Chiến tranh Lạnh, đang tạo ra xung đột và sự khó chịu đáng kể. Nó đã làm gián đoạn quá trình pháp lý của Đức, vi phạm luật pháp quốc tế, và không phù hợp với địa vị của quốc gia có trách nhiệm. Chính trị nội bộ có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nếu ông Trịnh Xuân Thanh có tội, Đức chắc chắn sẽ cho phép Việt Nam đưa ông trở về, trừ khi ông phải đối mặt với án tử hình (có thể xảy ra). Vì thế, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh sẽ được ghi nhớ kĩ bởi các nhà chỉ trích nhân quyền của Việt Nam tại Châu Âu, là những người có quyền tham gia tranh luận về Hiệp Định quan trọng, Hiệp Định Thương mại Tự Do FTA.
Helen Clark
Chuyển dịch : Mai V. Phạm
Nguồn : Vietnam : Kidnapping undermines efforts to seek friends and influence, 13/08/2017
https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/vietnam-kidnapping-undermines-efforts-seek-friends-and-influence
Câu chuyện Trịnh Xuân Thanh xuất hiện ở Hà Nội, "bị bắt cóc" hay "tự ra đầu thú" đang làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước.
TV nhà nước đưa tin về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Một đằng phía Nhà nước Liên bang Đức khẳng định ông ta bị mật vụ của Sứ quán Việt Nam ở Berlin bắt cóc sàng 23/7 tại vườn hoa trung tâm Berlin.
Phía Việt Nam khẳng định không có chuyện bắt cóc, mà ông Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú để "nhận tội, xin lỗi và để được khoan hồng".
Dư luận trong và ngoài nước hầu hết đều tin ở phía Đức, vì họ đưa ra nhiều chứng cứ, hình ảnh, nhân chứng rõ ràng, minh bạch, và trục xuất đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa về nước.
Phía Việt Nam lúng túng, đành đưa cô gái Thu Hằng ra chịu trận thay, nhân danh Người phát ngôn Bộ ngoại giao tuyên bố "lấy làm tiếc" về chính kiến của phía Đức, một sự phủ định yếu ớt, không dám nói thẳng ra là phía Đức đã bịa đặt, dựng đứng chuyện này và không dám "cực lực phản đối và bác bỏ".
Điều rất không bình thường là chưa có một quan chức chóp bu nào của chính quyền Việt Nam lên tiếng.
Bộ trưởng công an Tô Lâm lẽ ra biết tỏng chuyện này, ngày 30/7 còn giả vờ "tôi chưa biết gì".
Bộ Ngọai giao, từ Bộ trưởng Phạm Bình Minh đến các thứ trưởng cũng đều ngậm tăm, im thin thít. Nằm trong Bộ chính trị, ông có ý kiến gì khi cả Bộ chính trị có quyết định hệ trọng này, vì thường các chuyện lớn như vậy đều được đưa ra Bộ chính trị quyết định.
Ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng im thin thít, không thấy tăm hơi đâu khi chuyện này liên quan đến lĩnh vực đối ngọai, uy tín quốc gia, mà ông là người có trách nhiệm chính yếu.
Quan trọng hơn nữa là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vốn hay nói, hay khoe, cũng biệt tăm, không nói lên một lời, tỏ ra "vui mừng, hoan ngênh Trịnh Xuân Thanh về đầu thú, xin lỗi, xin khoan hồng", coi đây là một thắng lợi quan trọng trong công cuộc chống tham nhũng mang dấu ấn của ông. Ông ốm ư ?
Và cả Bộ chính trị, theo chức năng riêng từng người, cũng như đều mắc bệnh câm điếc, không một ai lên tiếng về chuyện này, từ Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch, cho đến trưởng Ban tuyên huấn, thường trực Ban bí thư, Chủ nhiệm Ban kiểm tra trung ương… cũng đều câm lặng tuyệt đối. Bộ chính trị mắc bệnh dịch ư ?
Theo như vậy, gần 500 vị đại biểu Quốc hội cũng im thin thít, kể cả những vị hay nói, hay phát biểu, hay chất vấn, như Dương Trung Quốc, … cũng cứ như bị hóc xương, cấm khẩu.
Vì sao vậy ? Và đến bao giờ các vị mới chịu mở mồm, nói rõ cho nhân dân biết sự thật là ở đâu, và sẽ xử lý ra sao vụ án Trịnh Xuân Thanh ? tạm giam hay cho về nhà, sẽ xét xử ra sao và ăn nói, trả lời với chính quyền Liên bang Đức ra sao ?
Điều rất đặc biệt là tất cả các báo lề phải đều im thin thít, đưa tin theo chỉ đạo của Tuyên huấn, lắp lại y nguyên lời của người phát ngôn Bộ ngoại giao, không thêm không bớt, không dám có chính kiến riêng. Thật đáng thương và đáng chê trách cho thân phận kẻ tôi đòi chuyên nói theo của chế độ.
Xin mọi người hãy chờ xem là ai trong số trên đây sẽ mở miệng trước, và họ sẽ nói gì với dân, với phía Đức, với công luận toàn thế giới.
Chỉ hy vọng một điều là nhân chuyện xuất khẩu bạo cực phi pháp kiểu côn đồ này của Công an Cộng Sản sang phương Tây và bị chộp quả tang phạm pháp, chế độ sẽ tỉnh ngộ đôi chút và trả ngay tự do cho chiến sỹ dân chủ Mẹ Nấm, Trần Thị Nga cùng hơn 30 chiến sỹ dân chủ khác, nạn nhân của chính sách bạo lực phi pháp mà họ đã xuất khẩu, biểu diễn và thất bại nhục nhã tại Cộng hòa liên bang Đức vừa qua.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 07/08/2017
Không khó để nhận ra rằng có một điểm chung quan trọng nhất đã không hề hiện ra trong hai sự kiện "phản ứng nhanh" cấp tập diễn ra vào cùng ngày 3/8/2017 : không có bất kỳ từ ngữ "bắt cóc" nào được nói đến trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao vào chiều ngày 3/8 và trong đoạn "tự thú" kèm hình ảnh của Trịnh Xuân Thanh trên Đài truyền hình Việt Nam vào buổi tối cùng ngày.
Một nhà báo đứng quay phim trước tòa đại sứ Việt Nam tại Berlin, Đức, hôm 2 tháng Tám.
Điểm chung quan trọng nhất
Đối diện với rất nhiều câu hỏi về tin tức nói rằng ông Trịnh Xuân Thanh bị "bắt cóc" lẫn quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức sau những thông tin này, Bộ Ngoại giao chỉ dẫn lại "Thông báo ngày 31/7/2017 của Bộ Công an đã được báo chí đăng tải, theo đó, ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh đã ra trình diện, đầu thú", và "Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức".
Đến tối cùng ngày, người ta thấy Trịnh Xuân Thanh xuất hiện trên Truyền hình Việt Nam với gương mặt phờ phạc, hệt như khuôn mặt như thể bằng sáp của Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh lúc hiện ra ở Hà Nội vào tháng 6/2015 sau quá nhiều tin đồn về việc ông này đã "biến mất" ở Paris.
Toàn bộ lời "tự thú" của Trịnh Xuân Thanh vào tối 3/8, cùng "đơn tự thú" không được đăng nguyên văn mà chỉ trích dẫn vài đoạn ngắn, lại được ông Thanh "đọc" theo một cách mà tất cả những người đã từng là tù nhân lương tâm của chế độ đều biết rõ sở thích và sở trường "dàn dựng" của cơ quan an ninh điều tra.
Nhưng quan trọng nhất, trong toàn bộ phần "đọc" cũng như một phần bản viết tay "tự thú" của Trịnh Xuân Thanh được đưa lên truyền hình, đã không có bất kỳ từ ngữ "bắt cóc" nào, cũng không hiện ra nội dung nào mà Trịnh Xuân Thanh phủ nhận cáo buộc ông đã bị bắt cóc ở Đức.
Chỉ một ngày trước những sự kiện trên, Bộ Ngoại giao Đức đã ra bản tuyên bố phản đối chính quyền Việt Nam và cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc thô bạo, trắng trợn Trịnh Xuân Thanh ngay trên lãnh thổ Đức. Giới quan chức ngoại giao Đức còn dùng cả cụm từ "bội ước lòng tin vô cùng lớn" trong trường hợp này. Thậm chí sang ngày 3/8, có tin một bộ phận của Đại sứ quán Đức ở Hà Nội đã đóng cửa bộ phận lãnh sự và phòng pháp lý, còn cảnh sát Berlin đã thẳng tay trục xuất cán bộ tình báo Nguyễn Đức Thoa - được biết như "quan chức ngoại giao" của Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức - ra khỏi lãnh thổ nước này, cấm quan chức này vĩnh viễn không bao giờ được trở lại Đức và có thể cả Châu Âu …
Câu hỏi cần đặt ra là vì sao "đảng và nhà nước ta" lại trở nên "nhu mì" đến thế trước phản ứng của người Đức mà đang bị giới dư luận viên của đảng gào thét là "can thiệp trắng trợn vào nội bộ Việt Nam", "Đức muốn làm diễn biến hòa bình ở Việt Nam" ?
Phải chăng vì quá "mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức" như cách nói lặp đi lặp lại không biết chán của Bộ Ngoại giao Việt Nam ?
Hay còn bởi những nguyên nhân khác, trong đó có thể một nguyên nhân nào đó sâu xa hoặc quá nhạy cảm về mặt "chính trị nội bộ" ?
"Đức có đủ bằng chứng"
Chỉ biết rằng, ngay khi tung ra bản tuyên bố phản đối Việt Nam vào ngày 2/8, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức đã nói rõ với báo giới xung quanh ông là "Đức có đủ bằng chứng về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Hôm sau, ngày 3/8, một quan chức Đức vẫn cho báo chí biết rằng "Đức có bằng chứng". Một trong những bằng chứng như thế có thể chính là "cán bộ ngoại giao" Nguyễn Đức Thoa có mặt ngay tại địa điểm, ngay vào thời điểm Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mà camera cảnh sát Đức đã ghi hình được.
Thậm chí phía Đức còn không e ngại khi lặp lại yêu cầu Việt Nam phải "trả ngay" Trịnh Xuân Thanh để Đức xem xét khả năng dẫn độ và thủ tục tị nạn.
Vậy khi nào các cơ quan an ninh và ngoại giao của Đức sẽ trưng ra bằng chứng về vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin ?
Chưa có thời điểm cho câu trả lời. Nhưng dường như thời điểm nào và cách thức, mức độ quyết liệt như thế nào trong nội dung trả lời còn tùy thuộc vào… Bộ Công an Việt Nam.
Trong khi đó ở Việt Nam, diễn biến truyền thông nhà nước trong những ngày qua đã vạch ra một giới tuyến rất rõ : trong khi giới dư luận viên dùng nhiều lý lẽ và xảo biện để phản bác, công kích cáo buộc "Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc" của chính phủ Đức, hầu hết báo nhà nước, kể cả báo đảng, đều chỉ đưa tin bài về "Trịnh Xuân Thanh đầu thú" theo bản thông báo ngày 31/7 của Bộ Công an, hoặc tỏ ý nghi ngờ về việc làm sao Trịnh Xuân Thanh "đi không ai biết, về chẳng ai hay".., mà hoàn toàn không phản bác cáo buộc của Bộ Ngoại giao Đức.
Ngay cả Bộ Ngoại giao của Ủy viên bộ chính trị Phạm Bình Minh cũng như thể "đá" trách nhiệm cho Bộ Công an theo phương kế "hồn ai đó giữ, thân ai người đó lo" trong lúc "tang gia bối rối".
Cái cách thể hiện của Bộ Ngoại giao Việt Nam càng phác ra bức tranh tổng quát : vào chính lúc này, hình như không một cơ quan nào muốn "dây" đến vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" và cơn khủng hoảng ngoại giao Việt - Đức.
Chỉ còn lại Bộ Công an - cơ quan phải "đứng mũi chịu sào".
"Trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội"
Cùng ngày 3/8, bắt đầu xuất hiện một luồng dư luận trên mạng xã hội về "chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng Đức và Châu Âu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), trong khi rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hy vọng và trông đợi hiệp định này". Đáng chú ý, luồng dư luận này khởi phát từ vài gương mặt facebooker khá đậm dấu ấn "phe phái nội bộ".
Cũng vào ngày 3/8 đã xuất hiện một luồng dư luận khác về "trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội", từ bài viết của một nhà báo thuộc Truyền hình Công an nhân dân, trong đó có những đoạn đáng chú ý :
"Để bắt được Trịnh Xuân Thanh là vấn đề không dễ và Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cũng thừa biết những vấn đề phức tạp sẽ xảy ra sau khi bắt Trịnh Xuân Thanh ở Đức. Nếu đúng như báo chí Đức đưa tin là Trịnh Xuân Thanh bị "bắt cóc" thì cũng không có giải pháp nào tốt hơn là phải chịu trả giá về mặt đối ngoại để giải quyết vấn đề đối nội".
"Thực ra "bắt cóc" hay "đầu thú" không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam – một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
"Cũng có thể có một thế lực nào đó đang lo sợ hoặc không muốn chúng ta yên ổn, không muốn bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh, toàn Đảng, toàn dân đoàn kết nhất trí mà lấy con bài Trịnh Xuân Thanh trong việc che chắn cho bọn tham nhũng".
"Nếu không "đánh rắn dập đầu" thì bọn tham nhũng sẽ phản đòn và tiếp tục ngóc đầu dậy chống đối quyết liệt hơn".
Cần lưu ý, những nội dung trên không đơn thuần là cách nhìn của một tác giả trong một bài báo, mà còn có thể chứa đựng một phần hay toàn bộ quan điểm và cách thức phòng bị của "đảng ta". Điều này lại khá logic với một số phát ngôn và hành xử của một số quan chức "có trách nhiệm" trong thời gian gần đây về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Nếu những nội dung trên có "cơ sở thực tiễn", sẽ không đời nào có chuyện Việt Nam "trả" Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức ngay hiện thời, mà có trả thì ít ra cũng sau khi Thanh đã hoàn thành trách nhiệm "nhân chứng vàng" trong một phiên tòa có lẽ mang tính lịch sử trong triều đại đảng Cộng sản.
Quả là ""bắt cóc" hay "đầu thú" không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam". Có mất EVFTA mà kinh tế bị xấu đi thì cũng "chơi luôn".
Và nếu những nội dung trên có cơ sở, hẳn EVFTA đang trở thành một trọng tâm tranh đấu mới trong nội bộ đảng, chẳng hạn theo cách "ai phải chịu trách nhiệm làm đổ vỡ EVFTA ?", ngay vào lúc này và còn có thể kéo dài đến Hội nghị trung ương 6 - dự kiến sẽ diễn ra vào quý tư năm 2017. Đó cũng là lúc mà Tổng bí thư Trọng có thể muốn "thanh lý sạch sẽ" những đường dây của "anh Ba X", và muốn hơn nữa là "mọi nẻo đường đều dẫn đến anh Ba".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 07/08/2017