Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga xâm lăng Ukraine : Đông Âu lên tuyến trước, Tây Âu đau đầu tìm giải pháp

Le Monde nhận định Châu Âu thực ra vẫn luôn đoàn kết trước Nga, khi chiến tranh quay trở lại châu lục một cách thô bạo, mà kẻ xâm lược lại là cường quốc nguyên tử và ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

anh1

Những chiến binh Ukraine trên đường ra trận ở vùng Donbass, ngày 28/05/2022. Reuters – Carlos Barria

"Châu Âu già nua" và một "Châu Âu mới"

Ngoại trừ Hungary của Viktor Orban - một lần nữa lại cô độc hơn, đã lợi dụng tình hình để đòi hỏi những nhượng bộ - tất cả đều bày tỏ tình liên đới với Ukraine. Các nước dân chủ phương Tây chứng tỏ tình đoàn kết không thể lay chuyển.

Nhưng vì sao lại có lời ra tiếng vào về sự chia rẽ đối với Nga ? Đó là những khác biệt quan điểm không phải về cuộc chiến, mà về tương lai châu lục. Điều này không thể tránh khỏi. Liên Hiệp Châu Âu (EU) gồm các Nhà nước không trải qua thế kỷ 20 trên cùng một con đường. Chiến tranh Ukraine đã làm sống dậy nơi họ những vết thương và những cách tiếp cận khác nhau.

Cách đây 20 năm, Donald Rumsfeld, bộ trưởng quốc phòng thời George W. Bush đã nói rằng có một "Châu Âu già nua" đối mặt một "Châu Âu mới". Năm 2003, khi Hoa Kỳ muốn tập hợp lại cho cuộc chiến Iraq, Pháp và Đức không tham gia, nhưng ông Bush đã lôi kéo được Anh, Ý và nhất là các nền dân chủ mới ở Trung Âu cũng như vùng Baltic. Sự chia rẽ này là trầm trọng và lâu dài, vì dựa trên nguyên tắc một cuộc chiến tranh được chọn lựa, do Washington quyết định.

Soros và Kissinger, hai chủ trương đối nghịch

Nhưng lần này hoàn toàn khác. Chính là Nga đi xâm lược Ukraine, phương Tây ủng hộ quốc gia bị tấn công và giúp tự vệ chính đáng. Cuộc chiến này Ukraine buộc lòng phải lao vào chứ không hề chọn lựa, và là một cuộc chiến tranh với chính nghĩa. Tranh luận là về lối thoát cho cuộc chiến. Tại Diễn đàn Davos cuối tháng Năm, hai khuôn mặt lão làng nổi tiếng của Mỹ là George Soros và Henry Kissinger, đều là người sống sót thời Đức quốc xã, đại diện cho hai khuynh hướng khác biệt này.

Đối với ông Soros, chiến tranh Ukraine là cuộc chiến đấu sống còn của dân chủ trước toàn trị, và phải làm mọi cách cho đến cùng để chiến thắng. Còn theo Kissinger, cần phải chấp nhận rằng một nền hòa bình bền vững không thể thiếu sự thỏa thuận với Nga. Kissinger sinh ở Đức và phải chạy trốn quốc xã năm 1938, trước khi Đệ nhị Thế chiến diễn ra. Ông Soros sinh ở Budapest, thuộc phần đất Châu Âu bị Liên Xô chiếm đóng đến 1989. Ngày nay, Đức, Pháp, Ý là những nước chính có chủ trương thực tế như Kissinger, nhưng trong các cuộc tranh luận Châu Âu, phe ủng hộ đường lối như Soros lớn tiếng hơn cả.

Ba Lan và các nước Baltic lên tuyến đầu, cực lực tố cáo sự chần chừ của thủ tướng Đức Olaf Scholz trong việc chuyển giao vũ khí hạng nặng cho Ukraine ; coi việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron duy trì liên lạc điện thoại với Vladimir Putin như một sự đầu hàng sớm sủa, thậm chí còn cáo buộc Macron muốn thúc đẩy tổng thống Volodymyr Zelensky nhượng đất để đối lấy hòa bình. Marko Mihkelson, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Estonia nói : "Macron và Scholz cần phải cúp máy điện thoại, lấy vé đi Kiev".

Trọng tâm Châu Âu sẽ nghiêng về phía đông ?

Một "Châu Âu mới" ngày càng thêm tự tin : sự hoài nghi truyền thống của họ đối với Moskva đã được chứng minh qua cuộc xâm lăng hôm 24/02. Triển vọng NATO mở rộng với Phần Lan, Thụy Điển, và về lâu về dài là Ukraine, Moldova gia nhập EU, dẫn đến việc trọng tâm Châu Âu sẽ nghiêng về phía đông - đó là hy vọng của Ba Lan.

Ngược lại, "Châu Âu già cỗi" bị chao đảo vì cuộc xung đột. Quan điểm "làm thay đổi thông qua thương mại" vốn thống trị chính sách đối ngoại Đức thời hậu chiến tranh lạnh nay sụp đổ, ông Scholz vất vả tìm ra định nghĩa cho một "kỷ nguyên mới" như đã thông báo hôm 27/02. Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga cũng đánh một đòn chí tử vào tham vọng của Emmanuel Macron trong việc đàm phán với Moskva về một cấu trúc an ninh mới cho Châu Âu.

Đối với Berlin và Paris, trong cuộc chiến tranh giữa một chế độ độc tài với một nền dân chủ non trẻ, nghĩa vụ là nhất định phải giúp dân chủ chiến thắng, tuy nhiên cũng không thể quên rằng châu lục cần có sự ổn định. Nhưng làm thế nào đây ? Cuộc tranh luận còn tiếp diễn, kể cả trong phe Dân Chủ ở Hoa Kỳ, nhưng Le Monde cho rằng không nên quên chẳng phải phương Tây thiếu đoàn kết trước Nga, mà là phần còn lại của thế giới.

Trò bắt bí tồi tệ của Putin

Bài xã luận của Le Mondekêu gọi "Cần phải giải tỏa cảng Odessa". Cuộc chiến tranh diễn ra ở Châu Âu, nhưng hậu quả đã ở tầm thế giới, và sẽ là thảm họa nếu việc Nga phong tỏa cảng Odessa của Ukraine không được giải quyết trong những tuần lễ tới.

Khó thể hình dung ra điều gì tồi tệ hơn là "săng-ta" này của Vladimir Putin. Nếu phương Tây không dỡ bỏ trừng phạt – đã được đưa ra một cách hợp pháp do Nga xâm lăng Ukraine – thì Putin vẫn ngăn không cho Ukraine xuất khẩu hàng triệu tấn ngũ cốc mà nhiều nước đang rất cần. Ông chủ điện Kremlin đang dùng hàng triệu con người làm con tin. Trong khi quân Nga đã thô bạo cướp bóc nông sản tại những vùng chiếm đóng, việc phong tỏa Odessa lại càng làm trầm trọng thêm mối đe dọa : làm thị trường căng thẳng, duy trì cơn ác mộng nạn đói, đồng thời khiến vụ mùa sắp tới của Ukraine có nguy cơ bị hủy hoại vì không còn kho chứa.

Thế nên cần khẩn cấp giải tỏa, cho dù các giải pháp hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Vận chuyển bằng đường bộ chẳng được bao nhiêu và lại tốn kém. Dùng biện pháp quân sự để phá phong tỏa ? Dù chiến đấu rất dũng cảm, quân đội Ukraine không thể một mình thực hiện. Các đồng minh phương Tây thì e ngại bị coi là đồng tham chiến, dù theo Le Monde, việc này không thể tránh khỏi một khi đã quyết định đứng bên cạnh Ukraine. Dù Hoa Kỳ viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ Mark Milley hôm 31/05 đã bác phương án trên.

Một nghị quyết Liên Hiệp Quốc cho việc giải tỏa Odessa ?

Giải pháp ngoại giao cũng gặp không ít trở ngại. Những trận đánh dữ dội ở Donbass cho thấy đây không phải là lúc để thương lượng ngưng bắn và sau đó dỡ bỏ phong tỏa Odessa. Cần phải có sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ, người canh gác eo biển Bosphore và Dardanelles từ 1936, nhưng tổng thống Erdogan từ lâu vẫn là bậc thầy trong việc gây rối để thủ lợi cho riêng mình.

Sau hội nghị EU đã dẫn đến các trừng phạt mới với Nga, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề ra một triển vọng : một nghị quyết Liên Hiệp Quốc sẽ tạo thêm sức nặng cho nỗ lực mở lại con đường hàng hải. Nghị quyết này phải được ủng hộ mạnh mẽ, kể cả những nước vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu trước đây, như vậy Moskva khi phủ quyết sẽ phải trả cái giá cao hơn về chính trị. Phương Tây không nên bỏ qua một nỗ lực nào để đạt được, bên cạnh Châu Phi và Trung Đông đang lo lắng về một cuộc chiến mà ban đầu họ muốn đứng ngoài xa. Trò bắt bí của Nga, coi phong tỏa Odessa là "vũ khí hủy diệt hàng loạt", cần phải dừng lại.

Lòng căm phẫn tạo sức mạnh cho kháng chiến Ukraine

Trên thực địa, các báo đều có những bài phóng sự tại chỗ. La Croixnhận định "Tại Ukraine, sự phẫn nộ góp phần vào chiến thắng". Cuộc xâm lược của quân Nga tạo ra một làn sóng cảm xúc chưa từng thấy, khiến người dân nhanh chóng tham gia kháng chiến. Như câu chuyện của Tatiana Davidenko, bác sĩ trưởng bệnh viện Dymer, một địa phương có 10.000 dân ở cách Kiev 30 kilomet. Trước hết là nỗi sợ khi quân đội Nga chiếm đóng thành phố, mừng rỡ khi những người lính Nga cuốn gói ra đi vào cuối tháng Ba, nhưng chủ yếu là sự tức giận, dẫn đến những hành động không hình dung ra nổi lúc bình thường. Buổi sáng hôm đó, 11 chiếc xe bọc thép tiến vào sân bệnh viện, lính Nga hò hét mọi người đứng áp vào tường và đòi gặp người phụ trách. Họ buộc Tatiana phải cúi đầu khi nói chuyện, bà thẳng thừng nói không, yêu cầu người chỉ huy không để một ai mang súng vào cơ sở y tế.

Cũng như Tatiana, gần 40 triệu người Ukraine sáng sớm 24/02 thức dậy với hung tin quân Nga đã tràn sang đất nước mình. Yaroslav Hrytsak, một nhà sử học Ukraine nhớ lại những cảm xúc lẫn lộn lúc ấy, nhưng chủ yếu trong công chúng là sự phẫn nộ từ cú sốc bị xâm lăng, rồi sau đó là những vụ giết người bừa bãi. Trên sóng phát thanh truyền hình, lòng ái quốc trào dâng. Sau vụ thảm sát thường dân ở Bucha, một kênh truyền hình trong chương trình tin tức chạy dòng chữ bên dưới "Chúng ta trụ vững. Ta sẽ chiến thắng. Ta sẽ trả thù". Trên mạng xã hội, từ ngữ dùng để chỉ người Nga trở thành "rashiste", ghép "Nga" với "phát-xít".

Vừa tức giận vừa cảm thấy bất lực, hàng trăm ngàn người Ukraine tìm cách trở nên hữu dụng : tham gia lực lượng phòng vệ dân sự, lập ra những chốt kiểm soát, tổ chức những địa điểm từ thiện hay giúp di tản. Một sự phẫn nộ hữu ích, mà theo Hrytsak, "không đơn giản là kết quả hành động của Vladimir Putin. Đó cũng là vì người Ukraine biết thế nào là chiến tranh. Trong quá khứ, đa số trận đánh diễn ra không phải ở Moskva mà trên đất Ukraine. Tôi muốn nói, người Nga thích chiến tranh còn chúng tôi căm ghét".

Nhà báo Pháp tử thương ở Donbass : Điều tra tội ác chiến tranh

Cũng liên quan đến Ukraine, Libération dành hai trang báo cho Frédéric Leclerc-Imhoff, phóng viên truyền hình Pháp vừa bị tử thương trên một chuyến xe chở thường dân đi sơ tán tránh bom đạn Nga ở Donbass. Nhà báo mới 32 tuổi nhưng đã có 10 năm hành nghề, được mô tả là một người khiêm tốn, rất biết lắng nghe, vô cùng yêu nghề báo. Có bằng thạc sĩ triết, nhưng Frédéric sau đó theo ngành báo chí và không từ chối một nhiệm vụ nào. Anh bị trúng mảnh đạn cối, trong khi chiếc xe dân sự ghi rõ "hỗ trợ nhân đạo". Ngoại trưởng Pháp tố cáo Nga quân đội Nga đã sát hại anh, Ukraine mở điều tra và Viện công tố chống khủng bố Pháp cũng điều tra về "tội ác chiến tranh".

Người mẹ của nhà báo ngay hôm sau cho biết : "Tôi chia sẻ nỗi đau với tất cả những bà mẹ Ukraine phải khóc con, tất cả những trẻ em Ukraine mất cha mẹ, và tất cả những bà mẹ Nga có những người con quá trẻ đã phải trở thành lính chiến và không trở về, mà không hiểu tại sao. Tôi dù rất đau khổ, ít nhất tôi cũng biết vì sao con trai tôi chết".

Đại lễ có thể là cuối cùng của nữ hoàng Anh quốc

Chiến tranh Ukraine, lễ hội kỷ niệm 70 năm trị vì của nữ hoàng Anh Elizabeth II là hai chủ đề quốc tế nổi bật nhất trên báo Pháp hôm nay, bên cạnh những vấn đề nội bộ như thiếu giáo viên và cuộc đình công lần thứ hai trong lịch sử của ngành ngoại giao.

Nước Anh đang tưng bừng diễn ra Đại lễ Bạch Kim kể từ hôm nay cho đến Chủ nhật 05/06, Le Figaro chạy tựa "Anh quốc mừng sự trị vì lịch sử của nữ hoàng Elizabeth II", thuật lại "Mười ngày khi con gái quốc vương George VI trở thành nữ hoàng Anh". Tương tự, Libérationnói về sự chuẩn bị của người dân Anh, La Croix đề cập đến "Elizabeth II và những nhân vật ly khai của Hoàng gia".

Libération mô tả cảnh cờ xí, trang hoàng nhộn nhịp khắp nơi : trên khắp các đường phố, trước những cửa tiệm, các "pub", nhà hàng, ảnh nữ hoàng xuất hiện ở cửa sổ nhà dân, những búp bê len nho nhỏ tượng trưng cho các thành viên Hoàng gia nở rộ ở những hộp thư… Một số mặt hàng dành cho ngày lễ, vật kỷ niệm bán sạch trước khi đưa lên kệ. Trong 70 năm tại vị, nữ hoàng Elizabeth II đã làm việc với 14 thủ tướng Anh khác nhau, mà người đầu tiên là Winston Churchill, gặp gỡ 14 nguyên thủ Pháp. Đây có thể là đại lễ cuối cùng của vị nữ hoàng năm nay đã 96 tuổi.

La Croix cho biết, trong đại lễ Kim Cương năm 2012, số thành viên Hoàng gia xuất hiện trên balcon đã được hạn chế, và lần này nữ hoàng cùng với thái tử Charles quyết định chỉ có những thành viên đang có những hoạt động công chúng thay mặt nữ hoàng mới có thể hiện diện. Như vậy hoàng tử Andrew đang bị tai tiếng sẽ vắng mặt, cặp Harry-Meghan không được mời.

Thăng trầm của đồng bảng Anh

Nhật báo kinh tế Les Echos chọn góc độ "Đồng bảng Anh, 70 năm phục vụ nữ hoàng". Đồng tiền Anh quốc đã mất đi phân nửa giá trị kể từ khi Elizabeth II lên ngôi đến nay. Tờ báo cho biết nữ hoàng không khi nào giữ tiền trừ ngày Chủ nhật, bà kín đáo tặng cho từ thiện ở các nhà thờ. Giá trị thực tế của những tờ giấy bạc 5 và 10 bảng Anh mang hình ảnh Elizabeth trong chiếc túi cầm tay của bà ngày càng nhẹ hơn.

Đồng tiền lúc khai sinh vào thế kỷ thứ 10 có thể mua được 15 con bò cái, năm 2022 chỉ mua được 0,0006 con. Lạm phát đã lên đến 9% trong tháng Tư, theo HSBC. Hôm 06/02/1952, ngày bà nhận vương miện, một bảng Anh tương đương 2,8 đô la Mỹ, nay chỉ còn 1,25 đô la. Nhưng hầu hết người Anh luôn yêu mến nữ hoàng. Elizabeth II là vị nữ hoàng hiện diện nhiều nhất trên giấy bạc : tại 35 nước, từ Úc, New Zealand... cho đến 54 nước cựu thuộc địa được tập hợp trong Commonwealth (Khối Thịnh vượng chung Anh), một kỷ lục thế giới.

Không chỉ thăng trầm với những biến động trên thế giới, mà đồng bảng Anh cũng nhạy cảm với những tin tức từ Hoàng gia. Chẳng hạn hôm 08/01/2020, vụ "Megxit", tuy không bi kịch như Brexit, khi hoàng tử Harry và vợ là Meghan thông báo muốn giữ khoảng cách với Hoàng gia, đã gây bất bình trên toàn quốc, đồng tiền quốc gia liền bị sụt giá.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Ukraine : Mối đe dọa hạt nhân từ Nga

Thùy Dương, RFI, 30/05/2022

Những phát biểu mang tính đe dọa hạt nhân của Moskva có lẽ vừa là tuyên truyền, vừa nhằm làm phương Tây sợ, ngăn cản Âu-Mỹ hậu thuẫn quá nhiều cho Ukraine. Tuy nhiên, giả thuyết về một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật, có sức công phá nhỏ hơn, không phải là hoàn toàn không thể xảy ra và có gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bóng ma hạt nhân của Nga vẫn bao phủ.

ukraine1

Ảnh do cơ quan báo chí của Cơ quan Vũ trụ Roscosmos của Nga công bố ngày 20/04/2022 : Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat, có thể mang đầu đạt hạt nhân, được phóng thử từ Plesetsk, miền tây bắc nước Nga. AP

Trang France Info ngày 24/05/2022 giải thích về nguồn lực nguyên tử của Nga, nguy cơ và hậu quả nếu Putin cho sử dụng vũ khí hạt nhân. RFI Tiếng Việt giới thiệu bài viết. 

Đâu là những phát biểu của Nga về vũ khí hạt nhân ? 

Moskva không đợi đến khi xâm lược Ukraine mới khoe kho vũ khí hạt nhân. Ngày 07/02, sau cuộc gặp với đồng nhiệm Pháp Macron tại điện Kremlin, tổng thống Nga Putin nói : "Không thể so sánh sức mạnh của NATO và Nga, nhưng Nga có vũ khí hạt nhân". Chủ đề vũ khí nguyên tử lại được nhắc lại hôm 27/02, ba ngày sau khi Moskva bắt đầu cuộc chiến xâm lược Ukraine : Putin yêu cầu đặt các lực lượng răn đe của Nga trong tình trạng báo động, trong đó có kho vũ khí hạt nhân. Vài tuần sau, quân đội Nga lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu thanh Kinjal, rồi thử nghiệm tên lửa liên lục địa Sarmat, hai loại tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân. 

Kể từ đó, Nga thường chọn lối nói không rõ ràng. Hôm 24/05, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố "nguy cơ là có thật", vừa cảnh báo vừa bảo đảm Nga muốn tránh viễn cảnh chiến tranh hạt nhân. Cựu tổng thống Dmitry Medvedev trên mạng Telegram ngày 12/05 khẳng định, sự trợ giúp của phương Tây cho Ukraine "làm tăng khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và mở giữa NATO và Nga", rằng một cuộc xung đột như vậy "luôn có nguy cơ biến thành một chiến tranh hạt nhân" và đó sẽ là "một kịch bản thảm khốc cho tất cả mọi người". 

Còn trên truyền thông nhà nước Nga hồi tháng 04, một người dẫn chương trình nêu giả thuyết về thời gian cần thiết để tấn công hạt nhân Paris, Luân Đôn hoặc Berlin, trong khi một đồng nghiệp khác của ông ta nói tới một trận sóng thần đầy chất phóng xạ nhấn chìm nước Anh. 

Có lý do gì để tin rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ? 

Việc Moskva nhắc nhở về kho vũ khí hạt nhân của Nga không khiến nhà nghiên cứu Héloïse Fayet lo ngại. Điều phối viên chương trình Răn đe và Phổ biến, tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), giải thích với France Info : "Giả thuyết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược chỉ là con số 0 hoặc gần như bằng 0", bởi vì "Nga sẽ phải đối diện với sự tự hủy diệt" trong cuộc chiến tranh hạt nhân nếu nó nổ ra. Ngay cả khi cuộc xâm lược Ukraine cho thấy Vladimir Putin có thể gây bất ngờ, nhà nghiên cứu Héloïse Fayet không tin rằng ông ta đã mất hoàn toàn sự minh mẫn, sáng suốt, và rằng Putin không thể tự quyết về một hành động nghiêm trọng như vậy, mà sẽ phải thảo luận với tổng tư lệnh quân đội và bộ trưởng quốc phòng.

Giống như các cường quốc hạt nhân khác, nước Nga cũng có học thuyết hạt nhân, văn bản nêu rõ các trường hợp Nga có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân. Theo giải thích của chuyên gia Héloïse Fayet, chúng ta có thể dựa vào học thuyết này, bởi vì một trong những nguyên tắc chính của việc răn đe hạt nhân là xác định rõ ràng những lằn ranh đỏ để giảm nguy cơ hiểu lầm dẫn đến xung đột. Phiên bản mới nhất của học thuyết răn đe hạt nhân của Nga, có từ năm 2020, quy định việc sử dụng vũ khí nguyên tử chỉ được sử dụng khi Nga thành mục tiêu nhắm bắn trong một vụ tấn công hạt nhân, bằng tên lửa đạn đạo hoặc một địa điểm hạt nhân của Nga bị tấn công, hoặc trong trường hợp "có một mối đe dọa đối với chính sự tồn tại của Liên bang Nga". Trường hợp cuối cùng kể trên là rất mơ hồ, và mơ hồ cũng là một phần của sự răn đe, nhưng dường như cũng không liên quan tới khả năng quân Nga thất bại ở Ukraine. 

Tuy nhiên, sĩ quan dự bị hải quân Jean-Sylvestre Mongrenier trong môt diễn đàn của Viện Thomas More (…) đã nêu câu hỏi : "Các văn bản học thuyết được Nga công bố có nói hết về học thuyết hạt nhân không ?". Sĩ quan này nhắc lại một cuộc tranh luận giữa các chuyên gia về khả năng Nga đang xem xét một "biện pháp giảm leo thang căng thẳng bằng cách gây leo thang căng thẳng" : chủ động tấn công bằng hạt nhân để đối phó với nguy cơ thất bại trên chiến trường. Lãnh đạo CIA Mỹ, William Burns, ngày 14/04, kêu gọi "không xem nhẹ" kịch bản này nếu Vladimir Putin "chìm trong nỗi tuyệt vọng" về thất bại của quân đội Nga.

Thế nhưng, Jean-Sylvestre Mongrenier vẫn nghĩ rằng nếu xảy ra, cuộc tấn công này cũng chỉ liên quan đến vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc năng lượng hạt nhân được giải phóng thấp. Trên thực tế, có hai loại vũ khí. Vũ khí chiến lược có thể tấn công phần lớn địa cầu nên là hữu ích nhất để răn đe. Vũ khí chiến thuật có tầm bắn ngắn hơn và uy lực kém hơn. Nhà nghiên cứu Héloïse Fayet giải thích : "Những vũ khí này thường được thiết kế để giành chiến thắng trong một trận chiến hoặc tạo ra hiệu ứng chiến thuật". Ngoài sức mạnh hủy diệt đáng kể, "chúng còn có tác dụng báo hiệu, cho thấy họ đã sẵn sàng để tiến xa chừng đó". Đối với nhà nghiên cứu của Ifri, nguy cơ Nga vượt ngưỡng này vẫn chỉ ở mức "cực kỳ thấp, nhưng không phải là không có"

Vậy Nga đe dọa nhằm mục đích gì ?

Nhìn lại lịch sử, một nước dùng răn đe hạt nhân nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công vào lãnh thổ nước mình , bởi nguy cơ tấn công đáp trả mang tính tàn phá nặng nề. Nhưng ở Ukraine, chính Nga mới là nước đang tấn công và dùng mối đe dọa hạt nhân để ngăn cản phần còn lại của thế giới trợ giúp Kiev. Jean-Sylvestre Mongrenier tóm tắt : "Vũ khí hạt nhân được sử dụng như một công cụ trấn áp, thậm chí là cưỡng ép". 

Trả lời phỏng vấn L’Express hồi cuối tháng 04, Olivier Schmitt, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu cao cấp về quốc phòng, phân tích là trên hết, Moskva tìm cách "ngăn chặn việc giao vũ khí, vốn dĩ làm thay đổi đáng kể cán cân lực lượng ngoài mặt trận. (…) Mục tiêu là gây áp lực đối với các nhà lãnh đạo phương Tây thông qua việc làm tăng dư luận về nguy cơ leo thang hạt nhân". Nhưng Moskva không mấy thành công bởi dù khiến công chúng lo lắng, nhưng đã không làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine, dù Tây phương tránh đi vào xung đột trực tiếp với Nga. 

Đối với Héloïse Fayet, những tuyên bố của Nga cũng là sự thừa nhận yếu kém : "Vladimir Putin dường như không còn có thể gây ra bất kỳ mối đe dọa nào khác ngoài điều đó, bởi vì quân đội của Putin không hùng mạnh như ông ta nghĩ". Nhà nghiên cứu của Viện Ifri cũng thấy là bằng việc nêu bật sức mạnh của kho vũ khí hạt nhân, Putin muốn "nâng cao tinh thần ở Nga" và đánh lạc hướng dư luận khỏi những những khó khăn quân đội gặp phải.

Kho vũ khí hạt nhân của Nga ra sao ? 

Theo số liệu của tạp chí khoa học hạt nhân của Mỹ, Bulletin of the Atomic Sciences (BAS), Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với hơn 500 vũ khí chiến lược có thể mang tổng cộng hơn 2.500 đầu đạn hạt nhân, hơn 1.900 vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Một số vũ khí nói trên là tên lửa có thể được phóng từ hầm, một số khác có thể được phóng từ bệ phóng di động, tàu ngầm hoặc máy bay. Héloïse Fayet cho biết : "Nga đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa kho vũ khí này, đôi khi gây ảnh hưởng đến ngân sách còn lại của quân đội". Trong khi chờ đợi các tên lửa Sarmat được triển khai, Nga đã có tên lửa chiến lược có khả năng tấn công ở khoảng cách 16.000 km nếu được phóng từ mặt đất và hơn 9.000 km nếu được phóng từ tàu ngầm, với sức công phá vài trăm kiloton (bom A mà Mỹ thả xuống Hiroshima, Nhật, có sức công phá 15 kiloton). 

Vũ khí chiến thuật có tầm bắn kém hơn, nhưng theo Nga, tên lửa Iskander có thể tấn công từ khoảng cách 500 km và tên lửa Kinjal mới, 2.000 km. Đa phần những loại vũ khí này có thể được sử dụng với đầu đạn thường hoặc với đầu đạn hạt nhân và sức công phá có thể điều chỉnh được, chẳng hạn từ 10 lên thành 100 kiloton đối với tên lửa Iskander. 

Nước nào dễ thành mục tiêu tấn công của Nga nhất ?

Giới quan sát thường hình dung Nga sử dụng vũ khí chiến thuật nhiều hơn là vũ khí chiến lược. Về mặt kỹ thuật, những vũ khí này vẫn có thể có tầm bắn đến tận các thành phố như Berlin, nhưng đối với Heloïse Fayet, "điều này không có nghĩa lý gì", bởi các cuộc tấn công chiến thuật là nhằm giúp quân đội giành thắng lợi trên chiến trường. 

Điện Kremlin chưa bao giờ tiết lộ các mục tiêu mà họ nhắm tới, nhưng nhà nghiên cứu của Ifri nêu lên 3 kịch bản dễ xảy ra hơn so với việc việc phá hủy thủ đô của một nước phương Tây : "Một cuộc tấn công nhằm vào một đoàn vận chuyển vũ khí hạng nặng của NATO tại Ukraine ; cuộc tấn công vào một mục tiêu dân sự ở Ukraine để làm cư dân hoảng sợ ; hoặc tấn công vào một địa điểm ảnh hưởng tới hiệu quả răn đe của NATO tại một quốc gia thành viên". Đây chỉ là những kịch bản "mang tính giả định cực kỳ cao" và mang lại nhiều rủi ro cho Moskva nếu xảy ra.

Tạp chí khoa học hạt nhân Mỹ, trong một bài viết ngày 16/05, cũng dự đoán rằng Nga có thể nhắm trực tiếp vào các đơn vị của Ukraine "để làm thay đổi tình hình" quân sự, nhận định Nga phải tấn công vài lần mới có thể gây ra những tác động "đáng kể". Bài viết thậm chí còn hình dung ra một cuộc tấn công "phô trương" sức mạnh của Nga ở một nơi trống trải, không cướp đi sinh mạng nào nhưng khiến Kiev choáng váng và đầu hàng. 

Đâu là những thiệt hại và hậu quả của một cuộc tấn công như vậy ? 

Các mô hình như NukeMap và Outrider, được các chuyên gia coi là nghiêm túc, giúp chúng ta có thể hình dung các hiệu ứng. Tại một thành phố lớn, vũ khí chiến lược mạnh nhất có thể gây ra cái chết cho hàng triệu người, còn vũ khí chiến thuật có thể giết chết hàng trăm ngàn người. Nhà sinh vật học phóng xạ Nicolas Foray của Viện Inserm kết luận : "Một quả bom chiến lược sẽ phá hủy toàn bộ Paris, trong khi thiệt hại từ một quả bom chiến thuật sẽ phá hủy một quận". 

Emmanuelle Galichet, phụ trách giảng dạy ngành kỹ thuật hạt nhân tại Cnam, cho biết một vụ nổ vũ khí hạt nhân trước hết gây ra một quả cầu lửa, sau đó là một làn sóng áp lực mạnh. Xung quanh điểm bom nổ, sức nóng có thể lên tới hơn 5.000°C "và gây cháy khắp nơi". Bụi phóng xạ nguy hiểm nhưng không phải là nguyên nhân chính gây tử vong. 

Chuyên gia Nicolas Foray cũng nói nguy cơ nhiễm phóng xạ không cao như khi xảy ra tai nạn trong một nhà máy điện hạt nhân, nơi chứa nhiều nhiên liệu hơn. 36 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl, việc tiếp cận các khu vực này vẫn bị cấm, trong khi ở Hiroshima, hồi năm 1945, những người sống sót vẫn đi lại được trên đường phố vài ngày sau vụ thả bom. Cả hai nhà khoa học đều đồng ý rằng một cuộc tấn công hạt nhân sát thương cao của Nga vào một nơi nào đó sẽ không khiến nơi này trở thành khu vực không thể sinh sống được trong thời gian dài và sẽ không gây ra nhiều nguy cơ lớn đối với sức khỏe người dân ở những nơi còn lại của Châu Âu. 

Các nước phương Tây sẽ phản ứng ra sao ? 

Tất cả sẽ đều phụ thuộc vào mục tiêu bị Nga tấn công. Vì Ukraine không phải là thành viên của NATO, nếu nước này bị tấn công hạt nhân, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ không có "lý do chính thức để đáp trả", theo nhà nghiên cứu Héloïse Fayet. Nhưng nếu bom hạt nhân của Nga bắn vào một quốc gia thành viên, khối NATO có thể viện dẫn điều 5 của Hiệp ước Liên minh. Mỗi thành viên của NATO sau đó có nghĩa vụ tham gia đáp trả.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của Ifri giải thích : "Không có cơ chế đáp trả tự động nào" quyết định phản ứng của NATO, không nhất thiết là Liên Minh tấn công hạt nhân đáp trả. Trên tạp chí Bulletin of the Atomic Sciences, chuyên gia Jeffrey Emonds của Mỹ thậm chí còn coi lựa chọn này là không tưởng : tấn công quân Nga ở Ukraine sẽ gây nguy hiểm cho lãnh thổ mà quân Nga đang tìm cách chiếm giữ, còn tấn công vào lãnh thổ Nga sẽ gây ra xung đột hạt nhân với Moskva. Theo Jeffrey Emonds, một cuộc tấn công đáp trả Nga bằng vũ khí thông thường dễ làm giảm nguy cơ leo thang hơn, nhưng không loại trừ hoàn toàn được nguy cơ này. 

Phương Tây có lẽ sẽ không phải là những nước duy nhất đáp trả. Chuyên gia Mỹ Max Bergmann, cố vấn của cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry, khi trả lời phỏng vấn L'Express, cho rằng "Nga lập tức sẽ trở thành một Bắc Triều Tiên thứ hai, một nước bị toàn thế giới lên án, kể cả một số đồng minh", đặc biệt là Trung Quốc, nước "mà học thuyết hạt nhân trước hết là không sử dụng", theo giải thích của Heather Williams, nhà nghiên cứu tại King's College London.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 30/05/2022

***********************

Nga tung xe tăng "Kẻ hủy diệt" trên chiến trường Ukraine

Vũ Quang, Thoibao.de,

Xe tăng Terminator (Kẻ hủy diệt) được trang bị vũ khí và bọc thép lần đầu tiên của Nga được đưa vào chiến đấu khi quân đội của Putin bắt đầu cuộc phản công ở Ukraine.

ukraine2

Xe tăng Terminator của Nga.

Hình ảnh chụp được cho thấy những chiếc xe này hỗ trợ một nhóm xe tăng chiến đấu chủ lực khi quân Nga tiến về Bakhmut ở vùng Donbas.

Mặc dù đã thực hiện một chiến dịch thảm khốc khi người Nga cố gắng xông vào Kyiv và sau đó bị đẩy lùi về phía Đông bởi một sự kháng cự dũng cảm, nhưng quân đội của Putin hiện đang tiến bộ rất chậm.

Và trong khi Ukraine tuyên bố họ đã giết 30.000 binh sĩ và phá hủy hơn 1.000 xe tăng, quy mô quân sự khổng lồ của Moscow đang cho phép họ bắt đầu phản công.

Hồi đầu tháng, đã có xác nhận rằng Nga đã lần đầu tiên triển khai đơn vị xe tăng Terminator duy nhất của mình ra tiền tuyến – với khoảng 10 chiếc trong số đó đang phục vụ cho quân đội Nga.

Hình ảnh cho thấy những chiếc xe đặc biệt di chuyển qua một cánh đồng khi khói bốc lên xung quanh chúng từ hỗn hợp đạn pháo của xe tăng và hỏa lực của pháo binh Ukraine.

Xe tăng Kẻ hủy diệt được cho là một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến nhất của Nga khi Putin cố gắng miêu tả lực lượng vũ trang của mình là một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới.

Được trang bị tên lửa chống tăng siêu thanh có thể bắn trúng mục tiêu cách xa gần bốn km, hai khẩu pháo tự động 30mm và súng phóng lựu – Kẻ hủy diệt dường như là vũ khí đáng sợ.

Hai khẩu pháo tự động có thể bắn 600 phát mỗi phút – với một viên đạn xuyên giáp bắn và các viên đạn chống người khác.

Chiến xa khổng lồ nặng 53 tấn, dài 23ft, 1.000 mã lực được thiết kế để chiến đấu trong các thành phố với vai trò hỗ trợ xe tăng bên cạnh lực lượng bọc thép chính.

Và những chiếc xe tăng này có khả năng đánh các loại xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương, các loại xe tăng khác và thậm chí cả trực thăng và máy bay bay thấp.

Terminators cũng được thiết kế cho những vùng đất nguy hiểm nhất, có cabin kín bảo vệ phi hành đoàn khỏi các cuộc tấn công hóa học hoặc phóng xạ.

Nhà báo Ukraine Yuriy Butusov đã chia sẻ những bức ảnh khi những chiếc xe bọc thép phục vụ cùng với sư đoàn xe tăng và cường kích số 90 của Quân đội Nga.

Butusov cho biết : "Trong những bức ảnh này, các xe tăng và BMPT Terminator của quân Nga đã bắn phá khu vực tranh chấp, sau đó bỏ chạy, dưới sự pháo kích của pháo binh Ukraine", Butusov nói.

"Quân Nga đang tập trung nỗ lực vào việc xuyên thủng hàng phòng ngự của chúng tôi trong khu vực Bakhmut và sử dụng lực lượng dự bị hoạt động cốt lõi của họ để làm điều đó".

"Tình hình vẫn còn khó khăn, quân Nga cố gắng sử dụng binh lực để phá vỡ hệ thống phòng thủ của chúng tôi nhằm tạo ra lợi thế mới".

Ngày 30/05, nhà lãnh đạo anh hùng của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky lần đầu tiên đến thăm miền đông bị chiến tranh tàn phá của đất nước kể từ khi bị Nga xâm lược.

Ông đến Kharkiv, một trong những thành phố bị Ukraine chiếm lại khi Nga rút lui sau bước tiến thành công ban đầu.

Văn phòng của Zelensky đã đăng một đoạn video trên Telegram về việc ông mặc áo chống đạn và được cho thấy các tòa nhà bị phá hủy nặng nề ở Kharkiv và vùng phụ cận.

"2.229 tòa nhà đã bị phá hủy ở Kharkiv và khu vực. Chúng tôi sẽ khôi phục, xây dựng lại và mang lại cuộc sống. Ở Kharkiv và tất cả các thị trấn và làng mạc khác, nơi cái ác đã đến", bài đăng cho biết.

Nhà lãnh đạo Ukraine vẫn ở Kyiv kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc tấn công toàn diện vào ngày 24/2.

Zelensky nói trong một bài đăng sau đó : "Trong cuộc chiến này, quân chiếm đóng đang cố gắng giành được ít nhất một kết quả nào đó", Zelensky nói.

"Nhưng lẽ ra họ phải hiểu từ lâu rằng chúng tôi sẽ bảo vệ vùng đất của mình đến người đàn ông cuối cùng. Họ không có cơ hội. Chúng tôi sẽ chiến đấu và chắc chắn sẽ giành chiến thắng".

Ông cũng gặp các quan chức địa phương – thống đốc vùng Khariv và thị trưởng thành phố – để thảo luận về các chương trình tái thiết cho khu vực.

Ông kêu gọi họ "tìm ra những dự án tốt" để xây dựng lại những khu vực bị phá hủy.

Zelensky nói : "Đây là cơ hội để những quận như vậy có một diện mạo mới".

Theo Ukraine, Nga hiện được cho là đã mất tổng cộng 30.000 binh sĩ cùng hàng nghìn phương tiện trong cuộc chiến thảm khốc của Putin.

Quân đội Nga mong chờ ​​s được dân Ukraine vy c khi chúng ln đầu tiên vượt qua biên gii để tham gia cuc xâm lược vào tháng Hai.

Nó làm dấy lên lo ngại rằng Putin có thể sử dụng các chiến thuật tàn bạo hơn nữa – với các báo cáo rộng rãi về tội ác chiến tranh do quân đội Nga thực hiện chống lại dân thường.

Tuy nhiên, đại sứ của Putin tại Anh hôm nay khẳng định Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.

Vũ Quang (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 30/05/2022

Additional Info

  • Author Thùy Dương, Vũ Quang
Published in Diễn đàn

Viện trợ quân sự Mỹ cho Ukraine tăng vọt, kho vũ khí ở Mỹ bị nguy cơ thiếu hụt

Trọng Nghĩa, RFI, 13/05/2022

Cuộc chiến tranh tại Ukraine tiếp tục là chủ đề thu hút báo chí Pháp ra ngày 14/05/2022, được Le MondeLes Echos nêu bật trên trang nhất. Đáng chú ý nhất có lẽ là bài phân tích trên Le Monde về thách thức mà chính quyền Mỹ đang đặt ra cho ngành công nghiệp vũ khí của mình khi ồ ạt viện trợ quân sự cho Ukraine để chống Nga.

vientro1

Những binh sĩ Ukraine chất tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ cung cấp lên xe. Ảnh chụp ngày 11/02/2022 tại phi trường Boryspil, gần Kiev.  AP - Efrem Lukatsky

Bài phân tích trên Le Monde về thách thức mà cuộc chiến tranh Ukraine đặt ra cho Hoa Kỳ mang tựa đề : "Ngành công nghiệp quân sự Mỹ bị nguy cơ nóng máy". Tờ báo giải thích ngay : "Viện trợ quân sự mà Washington cung cấp cho Ukraine đang đẩy các kho dự trữ vũ khí của Quân đội Mỹ vào tình trạng căng thẳng vì phải nhanh chóng tìm nguồn thay thế số vũ khí đã gởi đi. 

Le Monde trước hết nhắc lại sự kiện Hạ Viện Mỹ, hôm 10/05/2022 đã thông qua một ngân sách trên 40 tỷ đô la để giúp Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Đây là một số tiền lớn hơn mong đợi của tổng thống Mỹ, vốn đã "chỉ" yêu cầu 33 tỷ mà thôi. 

Viện trợ vũ khí Mỹ ngang bằng ngân sách quốc phòng Ukraine

Nếu phần lớn gói viện trợ được dành cho các thiết bị dân sự hoặc viện trợ nhân đạo, thì có khoảng 6 tỷ đô la được lên kế hoạch để cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các loại xe bọc thép và hệ thống phòng không.

Đối với tờ báo Pháp, đây là một khoản tiền khổng lồ - tương đương với ngân sách quốc phòng hàng năm của Ukraine. Theo một nguồn tin quân sự Pháp, Ukraine hiện đang "tiêu thụ" trong một ngày một phần tương đương với mười ngày vũ khí được phương Tây bàn giao. 

Kho vũ khí Mỹ không phải vô hạn

Vấn đề mà Le Monde đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Ukraine đầy đủ vũ khí như đã hứa hay không, vì quy mô các kho dự trữ vũ khí của Mỹ có giới hạn và giống như các kho dự trữ của các đối tác Châu Âu, cũng đang lâm vào tình trạng căng thẳng.

Joseph Henrotin, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích và Dự báo Rủi ro Quốc tế (Capri), giải thích : "Nếu kho vũ khí đơn giản của Mỹ, đặc biệt là đạn dược, không bị thiếu hụt và được thay mới khá thường xuyên, thì những hệ thống phức tạp hơn, chẳng hạn như máy bay không người lái hoặc tên lửa dẫn đường, gặp nhiều vấn đề hơn". 

Theo số liệu được Lầu Năm Góc công bố ngày 11/05, kể từ khi cuộc chiến nổ ra, Mỹ đã chuyển cho Ukraine hơn 5.500 tên lửa vác vai chống tăng Javelin. Con số này tương đương với hơn một phần ba kho dự trữ Javelin của Mỹ. Cũng như vậy, có hơn 1.400 tên lửa phòng không Stinger được lấy từ kho của quân đội để gửi qua Ukraine, tức là một phần tư kho dự trữ Stinger tại Hoa Kỳ. 

Mỹ không thể sản xuất kịp thời nhiều loại vũ khí đã viện trợ

Vấn đề là những loại vũ khí tối tân như trên không thể được thay thế trong một sớm một chiều. Hai hãng Lockheed Martin và Raytheon, chuyên sản xuất tên lửa Javelin, chỉ có thể làm ra 2.100 chiếc mỗi năm. Họ đã cam kết tăng gấp đôi mức sản xuất, nhưng trên đài truyền hình Mỹ CBS, ông Jim Taiclet, lãnh đạo tập đoàn Lockheed Martin, đã thừa nhận : "Sẽ mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm để đạt được chỉ tiêu trên, bởi vì chúng tôi phải đảm bảo sao cho chuỗi cung ứng linh kiện đáp ứng được tốc độ đó". 

Các nhà sản xuất hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu các bộ vi xử lý sau đại dịch Covid-19. Một chiếc Javelin chẳng hạn, chứa đến 250 bộ vi xử lý. 

Đối với tên lửa Stinger, thách thức còn lớn hơn : Do thiếu đơn đặt hàng của Mỹ (mà lần đặt mua cuối cùng từ năm 2006), tập đoàn Raytheon đã giảm đáng kể việc sản xuất loại tên lửa phòng không này. Mới đây, một lời kêu gọi đấu thầu đã được đưa ra để khởi động lại công việc sản xuất, nhưng vào cuối tháng Tư vừa qua, ông Graig Hayes, tổng giám đốc Raytheon đã cảnh báo : "Hàng có thể sẽ không được giao trước năm 2023 hoặc 2024". 

Theo Le Monde, khó khăn trong việc bổ sung các kho dự trữ chiến lược bắt đầu gây ra lo ngại tại Hoa Kỳ. Trong một nghiên cứu gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS) đã ước tính rằng Washington sẽ phải mất từ 3 đến 4 năm để thay thế số tên lửa Javelin gửi qua Ukraine và hơn 5 năm đối với loại Stinger.

Châu Âu giúp lúa mì Ukraine vượt phong tỏa Nga 

Cũng về chủ đề Ukraine, một bài viết lý thú khác được thấy trên nhật báo Le Figaro mang tựa đề "Châu Âu giúp lúa mì Ukraine vượt qua sự phong tỏa của Nga".

Đối với tờ báo thiên hữu Pháp, việc cung cấp các loại ngũ cốc trước chiến tranh được xuất khẩu qua ngã Biển Đen đã trở thành một thách thức hậu cần ghê gớm. Ủy Ban Châu Âu muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển các mặt hàng này theo đường bộ và đường sắt xuyên qua các quốc gia thành viên EU. 

Công việc theo Le Figaro, rất to lớn. Adina Valean, Ủy viên Giao thông Vận tải Châu Âu cho biết : "Chúng tôi cần đưa 20 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraine trong vòng chưa đầy ba tháng".

Trước chiến tranh, 75% sản lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu chủ yếu sang Châu Âu, Trung Quốc và Châu Phi, và hàng hóa hầu như đều xuất phát từ các cảng Biển Đen của Ukraine, hiện đã bị Nga phong tỏa. Điều này gây nguy hiểm cho an ninh lương thực toàn cầu.

Bất chấp những nỗ lực ban đầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu, hàng nghìn toa xe lửa và xe tải bị ùn tắc ở biên giới. Thời gian chờ đợi trung bình là 16 ngày và có thể tăng gấp đôi để vượt qua các biên giới nhất định. 

Một khó khăn đầu tiên mang tính chất thuần túy kỹ thuật : Khổ đường rầy của Ukraine (theo chuẩn của Liên Xô trước đây) và Châu Âu khác nhau, điều này buộc tất cả hàng hóa dùng đường sắt Ukraine phải được chuyển tải khi nhập cảnh vào UE, qua các xe tải hoặc các toa xe lửa theo tiêu chuẩn Châu Âu. Tuy nhiên, các phương tiện trung chuyển đang thiếu trầm trọng.

Bruxelles cũng đề xuất thiết lập những "con đường đoàn kết" để xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, lấy cảm hứng từ "con đường xanh" được áp dụng trong thời kỳ đại dịch. Ngành vận tải hàng hóa được mời "khẩn trương" huy động thêm phương tiện, xe vận tải, container và cơ cấu trung chuyển. Cũng có ý tưởng huy động xà lan và tàu lót ly để vận chuyển trên sông Danube.

Các quốc gia thành viên còn được khuyến khích thể hiện sự linh hoạt, đẩy nhanh các thủ tục hải quan tại biên giới. Các nhà quản lý mạng lưới đường sắt được yêu cầu dành vị trí "ưu tiên" cho vận chuyển hàng hóa của Ukraine. 

Điểm đến cuối cùng của ngũ cốc Ukraine không phải là Châu Âu, do đó sẽ phải xác định các cảng Châu Âu có khả năng cho phép giao hàng đến Châu Phi và Châu Á. 

Bi kịch của phụ nữ Ukraine bị lính Nga làm nhục

Ngoài bài phân tích về hệ lụy đối với Mỹ khi ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, ngay trên trang nhất của mình, Le Monde đã giành một vị trí quan trọng cho một bi kịch mà người dân Ukraine tại một số vùng bị quân Nga tạm chiếm đã phải trải qua.

Dưới tựa đề "Ukraine, câu chuyện đau thương về những vụ hãm hiếp", tờ báo cho biết là các đặc phái viên của họ tại Ukraine đã điều tra về những vụ bạo hành tình dục do lính Nga tiến hành nhắm vào những người dân tại những khu vực bị Nga tạm chiếm vào tháng Ba vừa qua. 

Kết quả được nêu bật trong một phóng sự dài bên trong mang tựa đề "Trong một ngôi làng Ukraine bị quân Nga chiếm đóng là những nỗi đau rát bỏng của những vụ cưỡng hiếp". 

Nỗi đau đớn này đã được tờ báo Pháp rất tôn trọng, khi không nêu tên thực của ngôi làng, chỉ nói rằng đó là một địa phương ở phía đông bắc của thủ đô Kiev, bị Nga chiếm đóng từ ngày 24/02 đến 30/03. Tên của các nạn nhân và những người chứng đều được giữ kín.

Le Monde cho biết : Theo giới bảo vệ nhân quyền ở Ukraine, hiếp dâm được lính Nga sử dụng một cách có hệ thống như một vũ khí chiến tranh. 

Một bài viết thứ hai nói về một người Kazakhstan cư ngụ tại Bucha, đã giúp đỡ hàng chục nạn nhân bị lính Nga hãm hiếp và đã ghi lại nhiều bằng chứng về 173 trường hợp bạo lực tình dục vào lúc quân Nga chiếm đóng nơi này, mà nạn nhân không chỉ là phụ nữ, mà có cả đàn ông hay trẻ em.

Thương tâm nhất là trường hợp của một thiếu nữ chỉ 14 tuổi, đã bị hành hạ cho đến mức không còn có thể sinh con.

Putin siết chặt gọng kềm khí đốt trên Châu Âu

Nhật báo kinh tế Les Echos là tờ duy nhất hôm nay giành tựa đầu trang nhất cho chủ đề Ukraine, nhấn mạnh trên sự kiện "Putin siết chặt gọng kìm trên Châu Âu trên vấn đề khí đốt Nga".

Theo Les Echos, Nga đã dừng việc bơm khí vào một đường ống cung cấp khí đốt cho Đức thông qua ngã Ba Lan. Ngoài ra, Điện Kremlin còn ra biện pháp trừng phạt các công ty khí đốt Châu Âu và cho thấy là họ sẵn sang cắt đứt nguồn cung cấp loại nhiên liệu này cho Châu Âu.

Theo tờ báo, hệ quả được thấy ngay lập tức là giá khí đốt tăng cao trên thị trường trong bối cảnh Liên Hiệp Châu Âu đang đẩy nhanh tiến độ bổ sung trở lại các kho dự trữ cho mùa đông sắp tới.

Ngoài hồ sơ Ukraine, báo Pháp hôm nay cũng dành tựa lớn trang nhất cho những vấn đề thời sự khác. Không hẹn mà gặp, hai tờ Le Monde Le Figaro đều nhấn mạnh đến nỗi lo lạm phát đang gia tăng.

Lạm phát làm tăng đòi hỏi tăng lương

Trong lúc Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất về việc "Lạm phát toàn cầu làm hồi sinh đòi hỏi tăng lương", thì Le Monde nhấn mạnh trên "Lãi suất chỉ đạo, sức mua : Tổng động viên chống lạm phát".

Theo Le Figaro, Ở Hoa Kỳ cũng như ở Châu Âu, các công đoàn đang vận động trong mọi thành phần đòi tăng lương để bù đắp cho chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. 

Ở Châu Âu, nơi lạm phát ở mức 7,5% nhưng có thể tăng lên 9%, tiền lương đã tăng 2,5% trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng Ba. 

Tại Pháp, trong khi chính phủ đã tăng gần 6% mức lương tối thiểu trong một năm, nhiều công ty đã đàm phán về mức tăng vào đầu năm nay và đang chuẩn bị đưa ra mức lương mới. 

Tại Hoa Kỳ, nơi tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng, áp lực thêm mạnh mẽ trên các nhà tuyển dụng, và việc tăng lương rất ngoạn mục trong một số ngành. 

Tổng động viên chống lạm phát

Riêng Le Monde đã nêu lên việc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu đang chuẩn bị một loạt các đợt tăng lãi suất, mà đợt đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Bảy. Tờ báo ghi nhận đây là biện pháp chưa từng có trong 11 năm.

Tại Hoa Kỳ, lạm phát lên tới 8,3% trong tháng 4, giảm 0,2 điểm so với tháng 3, nhưng hiện tượng này đang lan sang lĩnh vực dịch vụ. 

Tại Pháp, chính phủ thông báo đang mở rộng và thúc đẩy gói biện pháp nhằm gia tăng sức mua của người dân. 

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế

Tại sao Châu Á không chia sẻ cùng quan điểm với Tây phương về chiến tranh Ukraine, cả về nguồn gốc và diễn biến cuộc chiến ? Đây là câu hỏi mà chuyên gia Châu Á Hubert Testard đi tìm lời giải đáp trong bài viết đăng trên trang mạng Asialyst ngày 30/04/2022.

chaua1

Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên vào đoạn đường ống đầu tiên của hệ thống "Sức mạnh Xibêri" dẫn đầu từ Nga sang Trung Quốc, ngày 01/09/2014, tại làng Khatin. Reuters/Alexei Nikolsky/RIA Novosti

Tại sao Châu Á không chia sẻ cùng quan điểm với Tây phương về chiến tranh Ukraine, cả về nguồn gốc và diễn biến cuộc chiến ? Đây là câu hỏi mà chuyên gia Châu Á Hubert Testard đi tìm lời giải đáp trong bài viết đăng trên trang mạng Asialyst ngày 30/04/2022.

Cuộc chiến Ukraine có vẻ xa vời với Châu Á và không khơi dậy được bất kỳ sự đồng thuận ngoại giao nào. Đa số các chính phủ đều có phản ứng thận trọng, do lịch sử quan hệ với Nga, nỗi ám ảnh về mối quan hệ với Trung Quốc và đôi khi là tư tưởng cơ hội về kinh tế nhằm thế chỗ các doanh nghiệp phương Tây hoặc tận dụng sự suy giảm thương mại giữa Châu Âu và Nga. Còn trong dân chúng, các luận điểm của Nga - Trung, được tuyên truyền hiệu quả trên các phương tiện truyền thông xã hội, đã kích hoạt tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc và chống chủ nghĩa thực dân đã âm ỉ trong một thời gian dài.

Châu Á thiếu sự ủng hộ ngoại giao 

Phiếu bầu của một số nước Châu Á trong hai dịp quan trọng, lên án hành động xâm lược của Nga tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 02/03/2022 và đình chỉ hoạt động của Nga tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 07/04 sau nhiều cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh tại Ukraine, cho thấy Châu Á thiếu sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền mà phương Tây dẫn dắt.

Các nhà lãnh đạo của ba hội nghị thượng đỉnh đa phương vào năm 2022, Indonesia (G20), Thái Lan (APEC) và Cam Bốt (Các Hội nghị cấp cao ASEAN và Đông Á) đều tránh đưa ra quan điểm không có lợi cho họ trong việc tổ chức thượng đỉnh, chẳng hạn Indonesia đã quyết định mời Vladimir Putin và Volodymyr Zelensky tới G20 tại Bali vào ngày 15-16/11/2022 

Châu Á tránh trừng phạt Nga về năng lượng 

Một số quốc gia Châu Á từng thông báo các biện pháp trừng phạt Nga sau này đã tránh đưa ra các quyết định ngưng nhập khẩu năng lượng của Nga, trừ Nhật Bản. Trên thực tế, cho dù xuất khẩu của Châu Á sang Nga sụt giảm vào tháng 03/2022 do tác động tích tụ từ các biện pháp trừng phạt của quốc tế, các vấn đề hậu cần và khó khăn trong thanh toán, nhưng Châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Đài Loan, đã gia tăng đáng kể nhập khẩu năng lượng từ Nga. 

Châu Á chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn trong xuất khẩu than của Nga : 58% vào năm 2021. Trung Quốc là khách nhập khẩu than đá hàng đầu của Nga (22%), Nhật Bản (12%), Hàn Quốc (10%) và Đài Loan (6%) cộng lại cũng nhập khẩu nhiều than đá của Nga hơn so với toàn bộ Liên Âu. Tuy nhiên, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 8/4 đã thông báo ngừng nhập khẩu than từ Nga trong khi Hàn Quốc thông báo ý định không gia hạn các hợp đồng hiện có.

Về dầu mỏ, Châu Á chiếm 41% lượng dầu xuất khẩu của Nga vào năm 2021, chỉ ít hơn một chút so với Châu Âu (46%), nhưng hiện Châu Á chưa đưa dầu lửa vào danh sách trừng phạt Nga. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu dầu hỏa lớn nhất của Nga tại Châu Á (31% tổng lượng xuất khẩu). Nhu cầu của Trung Quốc giảm trong tháng 03/2022 do kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng thị phần cung cấp dầu của Nga cho Trung Quốc vẫn ổn định. Nhà nhập khẩu lớn thứ hai tại Châu Á là Hàn Quốc thì không tham gia lệnh cấm vận dầu lửa do Hoa Kỳ đưa ra. Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia, những nước vốn trước đây nhập khẩu ít hoặc không mua dầu lửa của Nga nay đang đàm phán để tận dụng giá dầu rẻ mà Moskva đề xuất. Ấn Độ đang thương lượng về việc thanh toán song phương bằng đồng rúp của Nga hoặc đồng rupi của Ấn Độ. Indonesia cũng muốn điều tương tự.

Còn về khí đốt, 3/4 khí đốt của Nga là xuất sang Châu Âu, so với tỉ lệ 13% đối với Châu Á. Ngoài ra, phần lớn lượng khí đốt Nga xuất khẩu là qua các đường ống dẫn khí đốt, cách thức chuyển tải này không thể thay thế được. Tại Châu Á, khách hàng chính mua khí đốt của Nga qua đường dẫn "Power of Siberia" là Trung Quốc, nhưng Nhật Bản mới là khách hàng chính mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga, đặc biệt là qua một cảng tiếp nhận chung với công ty Gazprom trên đảo Sakhalin và thủ tướng Fumio Kishida đã nói rằng Nhật Bản sẽ không từ bỏ hợp tác với Gazprom. Nghiên cứu của các chuyên gia năng lượng Nhật Bản cho thấy thay thế nguồn khí đốt Nga giao từ Sakhalin bằng việc mua theo các hợp đồng ngắn hạn trên thị trường có thể tiêu tốn thêm của Nhật 15 tỷ đô la/năm, một mức giá quá cao.

Tóm lại, theo chuyên gia Hubert Testard, Châu Á vẫn là điểm đến ưu tiên của năng lượng Nga, một phần do Trung Quốc vẫn hợp tác tích cực với Nga, các nước khác cũng không sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để cấm vận năng lượng của Nga, cũng như do chủ nghĩa cơ hội của các nước Nam Á và Đông Nam Á.

Tầm quan trọng của hợp tác quân sự với Nga 

Một số quốc gia Châu Á có quan hệ hợp tác quân sự từ lâu và rất tích cực với Nga. Nhìn tổng thể, Châu Á chiếm 60% doanh số bán vũ khí của Nga trên toàn thế giới. Năm quốc gia Châu Á hàng đầu mua vũ khí Nga đều là những quốc gia không tham gia cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc hôm 02/03. Các nước khác ở Đông Nam Á và Nam Á - Indonesia, Malaysia, Miến Điện, Pakistan - cũng là khách hàng mua vũ khí của Nga, dù ít hơn. 

Riêng về Ấn Độ, 2/3 số vũ khí nhập khẩu của New Delhi là từ Nga. Tàu sân bay duy nhất của Ấn Độ, 71% máy bay tiêm kích của Không quân và đội xe tăng chiến đấu chủ lực của nước này đều do Nga sản xuất. Ấn Độ hiện còn đang thực hiện hợp đồng rất lớn tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa S400, một trong những thế hệ vũ khí mới nhất của Nga. Việt Nam cũng phụ thuộc rất nhiều vũ khí của Nga (80%) và hợp tác quân sự với Nga vẫn là một phương tiện chính bảo đảm cho Việt Nam khả năng đối phó với Trung Quốc. 

Nhìn chung, Châu Á không có ý định ngưng hợp tác quân sự với Nga, nguồn cung cấp các hệ thống vũ khí thường được xem là rẻ hơn và phù hợp hơn. Anh và Mỹ gợi ý Ấn Độ giảm lệ thuộc vào Nga, nhưng hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu các sáng kiến này có hiệu quả hay không. 

Nông nghiệp : Thách thức và cơ hội 

Chúng ta đều biết vai trò cần thiết của Nga và Ukraine trong việc cung cấp ngũ cốc và phân bón trên thế giới, nhưng Châu Á nhìn chung ít bị ảnh hưởng hơn so với Bắc Phi hoặc Trung Đông. Một số nước thậm chí có thể lợi dụng những căng thẳng trên thị trường nông sản để phát triển xuất khẩu.

Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO) đã công bố các số liệu phân tích mức độ các nước lệ thuộc vào ngũ cốc của Nga và Ukraine : Đa phần các nước Châu Á, hoặc ít lệ thuộc vào việc nhập khẩu ngũ cốc (Trung Quốc), hoặc về tổng thể phụ thuộc nhiều nhưng lại chủ yếu là các nhà cung cấp ở Tây phương (Nhật Bản, Hàn Quốc). Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia đặc biệt bị ảnh hưởng, như Mông Cổ và Sri Lanka, và đây chính hai quốc gia đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu phản đối cuộc chiến ở Ukraine vào ngày 02/03. 

Về cơ hội, Ấn Độ đang trở thành một nước xuất khẩu ngũ cốc lớn. Cho đến những năm 2020 vẫn chỉ ở mức thấp, xuất khẩu ngũ cốc của Ấn Độ bắt đầu phát triển trong năm 2021-2022, đạt 6 triệu tấn và có thể đạt 10 triệu tấn sau hai năm nữa. Các hợp đồng rất lớn đang được New Delhi đàm phán với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đặc biệt bị tác động khi nguồn cung ngũ cốc của Nga và Ukraine giảm sút.

Dư luận chịu ảnh hưởng từ các luận điểm thân Nga 

Doublethink Lab, một nhóm giám sát không gian mạng của Đài Loan, hồi đầu tháng 04/2022 đã công bố một báo cáo phân tích cách thức chính quyền Trung Quốc để các nội dung tuyên truyền của Nga lan truyền trên các phương tiện truyền thông Nhà nước và mạng xã hội Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh kiểm duyệt các thông tin ủng hộ Ukraine. Các luận điểm về trách nhiệm của NATO trong việc làm bùng nổ chiến tranh và sự tài trợ của phương Tây cho các phong trào tân phát xít ở Ukraine đã được truyền tải rộng rãi trong những tuần qua, trong khi tội ác chiến tranh của Nga thì lại không được nói tới. Việc truyền bá thông tin ủng hộ Nga không chỉ có ở Trung Quốc mà còn nhắm tới cộng đồng người Á gốc Hoa, đặc biệt ở Singapore, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.

Luồng quan điểm chống thực dân và đế quốc cũng bùng phát mạnh cho dù trước đây vẫn tồn tại ở đa số các nước Châu Á. Các luận điểm của phương Tây bị coi là đạo đức giả. Dư luận Ấn Độ và Indonesia đặc biệt nhạy cảm với các luận điểm về thế giới thứ ba và bài phương Tây. Theo một cuộc thăm dò của Yougov vào cuối tháng 3 tại Ấn Độ, được The Economist trích dẫn, 40% người được hỏi ủng hộ cuộc chiến xâm lược Ukraine và hơn 50% ủng hộ Vladimir Putin. Tổng thống Nga Vladimir Putin được đánh giá là một người hùng có khả năng đối phó với Mỹ.

Ngoài ra, chính phủ các nước Châu Á nhìn nhận cuộc chiến ở Ukraine về cơ bản theo hướng tác động của sự kiện này đối với tương lai mối quan hệ trong khu vực Châu Á. Nhật Bản muốn các lệnh trừng phạt phát huy tác dụng và Nga thất bại để ngăn ngừa Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Trong khi đó, Hàn Quốc muốn ngăn cản Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Ấn Độ để phương Tây ve vãn nhưng không bỏ rơi Nga, nhằm củng cố thế chiến lược trước Trung Quốc. Còn Đông Nam Á đặc biệt muốn tránh phải lựa chọn quan hệ với Trung Quốc hay với phương Tây. 

Về kinh tế, tư tưởng thực dụng và việc tìm kiếm cơ hội sẽ khiến thương mại và đầu tư trực tiếp vào Nga được dịch chuyển từ Châu Âu sang Châu Á và Trung Đông, nơi ẩn náu của giới tài phiệt. Chuyên gia Hubert Testard kết luận lục địa Á-Âu lại một lần nữa bị chia rẽ và tình thế hiện nay đẩy Nga sang Châu Á.

Thùy Dương

Nguồn : RFI, 10/05/2022

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Diễn đàn

Lính Ukraine tiến công ở Kharkov, dùng drone truy tìm quân Nga

Chi Phương, RFI, 10/05/2022

Tại Kharkov, lính Ukraine đã giải phóng được nhiều vùng. Một tiểu đoàn Azov, thuộc lực lượng Ukraine sử dụng drone để truy tìm những lính Nga cuối cùng tại những vùng vừa giải phóng. Tại những thành phố từng bị Nga chiếm đóng, nhiều thi thể lính Nga "vô chủ" được phát hiện. 

Một lính Ukraine ở Berezivka, Ukraine.© AP / Efrem Lukatsky

Chi Phương

**********************

Nga bắn tên lửa siêu thanh vào thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraine

Chi Phương, RFI, 10/05/2022

Vào tối ngày 09/05, trong khi Nga tổ chức lễ duyệt binh, mừng ngày Chiến Thắng Đức Quốc Xã trong Đệ Nhị Thế Chiến, quân đội Ukraine cho biết Nga đã bắn 3 tên lửa siêu thành vào thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraine, phá huỷ một trung tâm thương mại và hai khách sạn của thành phố. 

Lính cứu hỏa ở Odessa sau trận không kích, 09/05/2022. via Reuters – State Emergency Service of Ukraine

Chi Phương

********************

Phe ly khai thân Nga ăn mừng ngày Chiến Thắng, "giải phóng" Mariupol

Chi Phương, RFI, 10/05/2022

Lãnh đạo phe ly thai thân Nga của nước Cộng Hoà Tự Xưng Donetsk tổ chức lễ tưởng niệm ngày Chiến Thắng 09/05/2022 tại các khu phố không bị hư hại. Trong khi đó, quân đội Ukraina cho biết Nga đang tấn công ác liệt vào nhà máy Azovstal, nơi cố thủ cuối cùng của lính Ukraina ở thành phố.

Dải băng thánh Georges dài 300 mét được mang bởi những người tuần hành thân Nga ở Mariupol, 09/05/2022. © Pavel Klimov/Reuters

Chi Phương

Additional Info

  • Author Chi Phương
Published in Video

Viện trợ vũ khí : Phương Tây tin David Ukraine sẽ thắng Goliath Nga

Nga sa lầy tại Ukraine trong khi phương Tây đứng trước nguy cơ trở thành bên tham chiến, Moskva khóa van khí đốt với Ba Lan và Bulgaria gây lo ngại cho Châu Âu. Tập Cận Bình đối mặt với thất bại của chính sách zero Covid đang gây nhiều bất bình ở Trung Quốc. Tại Pháp, các đảng phái tất bật chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Đó là những vấn đề chính được quan tâm hôm 28/04/2022.

vukhi1

Những thành phố Ukraine nơi quân Nga đi qua chỉ còn là gạch vụn. Ảnh chụp từ một video ngày 27/04/2022 tại Moschun, ngoại ô Kiev  via Reuters - YouTube/Andrey Nebitov

Dội bão lửa ồ ạt, Nga vẫn không chiếm được Donbass

Về tình hình chiến trường Ukraine, Le Monde nhận thấy "Dù dội bão lửa vào Donbass, Nga vẫn không thể chiếm được toàn bộ vùng này". Tuy có ưu thế về vũ khí hiện đại và hỏa lực, từ đại pháo đến chiến đấu cơ, trực thăng, chiến tuyến vẫn không thay đổi mấy, Nga không đạt được một chiến thắng đáng kể nào. Trước sự kháng cự mãnh liệt của các chiến binh Ukraine, quân Nga bèn hủy diệt tất cả những nơi họ đi qua. Phóng viên Le Mondequan sát thấy ở hai ngôi làng nhỏ Popasna và Rubijne, nơi quân Nga bị cầm chân, những cột khói đen bốc lên nhiều ngày liên tiếp và pháo dội không ngừng.

Chiến thuật nã pháo ồ ạt rồi xe bọc thép mới tiến từ từ, khác hẳn với giai đoạn đầu. Những thành phố quan trọng hơn như Sievierodonetsk và Lyssytchansk (100.000 dân), Nga đánh mãi từ một tháng rưỡi nay vẫn không giành được, và như vậy mục tiêu chiếm Luhansk trước ngày 09/05 là không thể.

Libérationcũng nhận định "Moskva dậm chân tại chỗ ở Donbass". Không còn đòi "phi quốc xã hóa", "phi quân sự hóa" toàn bộ Ukraine, Nga tuyên bố tập trung vào miền đông, để gỡ thể diện không chiếm được Kiev. Nhưng mười ngày sau khi tung ra đợt tấn công lớn này, quân Nga dường như cũng không thành công hơn đợt trước. Theo phía Anh, Nga vẫn thiếu phương tiện hậu cần và yểm trợ, phải trả giá đắt ở Donbass chỉ để chiếm được một ít đất.

Thất bại của Kremlin ở Ukraine là bài học lớn cho những kẻ xâm lược

Lầu Năm Góc ước tính nay Moskva chỉ có được 75% trong số 122 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn (Bataillon Tactical Group, khoảng 1.000 lính mỗi cụm) được đưa sang Ukraine lúc đầu. Nhà nghiên cứu Vincent Tourret đánh giá quân Nga thiếu phối hợp và tinh thần xuống rất thấp, "Moskva đã sai lầm khi sử dụng các đơn vị xuống cấp mà không tái phối trí".

Rõ ràng người Nga không hề hình dung sẽ bị kháng cự mạnh như thế, họ không chuẩn bị trong suy nghĩ lẫn hành động. Nhưng chuyên gia cũng không tin rằng Nga sẽ phải đầu hàng, một sự lăng nhục cho Vladimir Putin. Hôm qua Putin còn đi xa hơn khi đe dọa "sử dụng tất cả những công cụ cần thiết".

Le Monde thuật lại trước đó, hôm thứ Ba 26/04, một cuộc họp chưa từng thấy đã diễn ra tại căn cứ Mỹ Ramstein ở Đức, với sự hiện diện của gần 40 nước gồm nhiều thành viên NATO và một số nước Châu Á, Trung Đông. Mục đích là cùng đánh giá nhu cầu quân sự của Ukraine. "Ukraine nghĩ rằng họ sẽ chiến thắng, và tất cả những người ngồi đây cũng vậy" - bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định. Ông kêu gọi "Giúp tăng cường kho vũ khí và nền dân chủ Ukraine", "hành động theo tốc độ của chiến tranh". 

Phía Mỹ nhấn mạnh, từ lúc ông Joe Biden thông qua đợt viện trợ mới cho đến khi Ukraine nhận được vũ khí chỉ mất có 72 giờ. Từ đầu cuộc xâm lăng, Hoa Kỳ và đồng minh đã viện trợ 5 tỉ đô la trong đó Washington đóng góp 3,7 tỉ. Một nhóm tiếp xúc sẽ họp lại mỗi tháng, hoặc trực tiếp hoặc qua video để phối hợp. Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố trước Quốc hội "Chúng ta không biết cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào, chỉ biết rằng một Ukraine có chủ quyền và độc lập sẽ tồn tại lâu hơn là Vladimir Putin". Theo ông, "thất bại chiến lược" của Kremlin sẽ là "bài học lớn cho tất cả những kẻ nào muốn đi theo con đường tương tự".

Phương Tây : Bên đồng tham chiến ?

Le Figarophân tích "Phương Tây trước nguy cơ trở thành bên đồng tham chiến". Hôm thứ Hai ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc NATO tham gia vào cuộc chiến tranh với Nga "thông qua một trung gian".

Cuộc xâm lăng đã bước vào tháng thứ ba, chiến trường từ du kích đô thị nay là vùng đồng bằng bao la Donbass. Nhu cầu vũ khí nặng - pháo, xe bọc thép - cấp thiết hơn bao giờ hết. Mỹ muốn duy trì động lực thành công của đợt đầu, những khẩu pháo được đưa đến và phương Tây cố bảo đảm đạn dược. Sự huy động này phản ánh niềm tin : David Ukraine có cơ hội thắng được Goliath Nga.

Moskva ngày càng nói nhiều đến việc giao vũ khí cho Ukraine là đồng tham chiến, và không loại trừ việc tấn công vào các đoàn công-voa. Thông thường thì chỉ có tham gia chiến đấu trên thực địa hay vạch kế hoạch mới là tham chiến, chứ không phải việc ủng hộ vật chất hay tài chính. Cũng vì vậy mà từ đầu Joe Biden không muốn áp đặt vùng cấm bay. Ý tưởng Ukraine có cơ chiến thắng đã thúc đẩy Mỹ và Châu Âu mạnh tay hơn, tiến lại gần "vùng xám", với nguy cơ bị trả đũa nếu Putin cảm thấy bị đẩy vào thất bại. CIA đưa ra giả thiết Kremlin sẽ cho "trình diễn" vũ khí nguyên tử ở Hắc Hải hay tại một khu vực ít người, như bắn một "phát súng chỉ thiên" để buộc phương Tây lùi lại. Nhưng Putin cũng phải xem lại hậu quả những hành động của chính mình. Những sự cố liên tục xảy ra ở Transnistria - vùng đất ly khai thân Nga ở Moldova - ông ta có lợi gì khi mở rộng một cuộc chiến tranh vốn đã không thắng nổi tại Ukraine ? Có nên lao vào leo thang quân sự trước Hoa Kỳ và NATO ?

Ukraine, cuộc chiến tranh tiêu hao nếu Putin vẫn ngự ở Kremlin

Nhật báo La Croixlo ngại trước "Ý định kéo dài chiến tranh của Moskva : Một cuộc chiến tiêu hao tại miền đông Ukraine", trong khi Hoa Kỳ rõ ràng đánh cược vào chiến thắng của Kiev. Nhà nghiên cứu Rob Lee cho rằng Ukraine có thể thu gọn lực lượng trên những địa điểm dễ bảo vệ hơn, hoặc tập trung cho các thành phố. Nếu bị mất đất nhưng khiến Nga bị thiệt hại nặng, đã có thể coi là thành công cho Ukraine. Giữa Kiev và Moskva bây giờ là một cuộc chiến của "các phương tiện". Phương Tây chừng như theo logic một cuộc chiến tranh kéo dài để giúp Ukraine thu hồi lại những vùng đất bị chiếm đóng từ 24/02, thậm chí cả phần đất Donbass bị quân ly khai do Nga giựt dây kiểm soát từ năm 2014.

Về phía Nga, không giành được thắng lợi quân sự, liệu Vladimir Putin có tìm kiếm một lối thoát hay muốn leo thang ? Hiện thời mọi dấu hiệu cho thấy Kremlin chuẩn bị về ngoại giao, quân sự và kinh tế cho một cuộc xung đột lâu dài ở Ukraine. Hai nhà nghiên cứu Anh Jack Watling và Nick Reynolds trong báo cáo ngày 22/04 nhận định Moskva muốn kéo dài chiến tranh. Về ngắn hạn là tấn công lớn vào Donbass và về trung hạn là một cuộc tiến công mùa hè để "đấu đến cùng" với Ukraine.

Trong những phát biểu chính thức, cuộc xâm lăng Ukraine được so sánh với "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại" giữa Liên Xô và Đức quốc xã nhằm biện minh cho những thiệt hại vừa qua và chuẩn bị dư luận cho những hy sinh sắp tới. Tiến sĩ địa chính trị Jean-Sylvestre Mongrenier nhấn mạnh "Vladimir Putin không sẵn sàng chấp nhận một thất bại sẽ làm lung lay quyền lực và tính chính danh của ông ta. Hạn chế về quân sự buộc Putin phải hạ thấp mục tiêu, nhưng ý đồ chính trị vẫn là sự biến mất của một Ukraine độc lập, có chủ quyền".

Còn với Kiev, trong bài xã luận, La Croix đặt câu hỏi liệu Ukraine có tự hài lòng với việc quay lại tình hình trước cuộc xâm lăng, hay còn muốn chiếm lại những vùng đất ly khai, thậm chí thu hồi Crimea ? Cuộc chiến có nguy cơ dai dẳng, tách biệt Nga khỏi phần còn lại của Châu Âu đang đứng sau lưng Ukraine, mà việc Moskva cúp khí đốt đối với Ba Lan, Bulgaria hôm qua chỉ là khúc dạo đầu. Xung đột còn kéo dài một khi Vladimir Putin còn ngồi tại điện Kremlin.

Phong tỏa Thượng Hải : Cư dân kêu gào, người ngoại quốc dứt áo ra đi

Nhìn sang Châu Á, chính sách zero Covid của Tập Cận Bình thật sự đáng lo. Các báo đều có những bài bình luận, phóng sự chi tiết. Libérationmô tả "tại Thượng Hải, một sự trừng phạt tập thể không có hồi kết", đối với Le Monde là "Thượng Hải, chính sách phong tỏa tối đa".

Từ cuối tuần qua, những hàng rào kim loại được dựng lên xung quanh các tòa nhà, bảo vệ trực 24/24. Người dân bị xét nghiệm liên tục, những ai từ chối vì sợ lây nhiễm bị đe dọa mã y tế từ xanh sẽ bị đổi sang vàng. Mất mã xanh sẽ chịu nhiều hậu quả, nhất là khi muốn vào bệnh viện.  Một phụ nữ kể lại với Le Monde, nửa đêm công an đến báo cho biết toàn bộ khu phố sẽ bị đưa đi cách ly. Cô phải mặc đồ bảo hộ trùm kín người, lên xe buýt cùng với nhiều hàng xóm đi tận 500 km đến tỉnh An Huy, vì Thượng Hải tuy có đến 300.000 chỗ nhưng đã đầy kín. Khu cách ly có tường bị ẩm, gián bò đầy phòng, nhà vệ sinh dơ bẩn…

Libérationnói thêm, cổng ra vào các khu nhà bị khóa, nếu hỏa hoạn khó thể thoát thân. Trên đường chỉ có những chiếc xe cấp cứu hiếm hoi di chuyển, những người giao hàng và nhân viên trong bộ đồ "phi hành gia" phun khử khuẩn những con đường vắng ngắt. Ngược với Vũ Hán năm 2019, mỗi gia đình có một người được ra ngoài đi chợ, các cơ sở thương mại đều bị đóng cửa. Chính quyền nói bảo đảm cung cấp thực phẩm, nhưng thực tế không đáp ứng nổi. Một cô gái cho biết trong 29 ngày chỉ nhận được hai gói hàng nhỏ gồm một ít rau củ, bánh khô và sữa. Một người Pháp thổ lộ đành phải ăn ngày một bữa : thực phẩm bán chui khó mua và giá trên trời : 80 euro một giỏ trái cây, 57 euro cho hai miếng sườn cốt-lết.

Khó chấp nhận nhất là việc tách rời trẻ em với cha mẹ. Khi Henri và Zoé, một cặp vợ chồng Pháp được báo hai đứa con sẽ bị đưa đi cách ly, họ chặn cửa ra vào và rốt cuộc được yên ổn sau khi lãnh sự Pháp phải thương lượng 5 tiếng đồng hồ qua điện thoại. Không ít người ngoại quốc quyết định rời Hoa lục, nhưng trước hết phải tìm được một chuyến bay, lấy lại hộ chiếu nếu bị giữ, xin giấy phép di chuyển đặc biệt, tìm được taxi - đôi khi bị đòi đến 900 euro để ra sân bay. Cặp vợ chồng trên quyết đi "một đi không trở lại", dù mất tiền cọc và nhiều tháng tiền thuê nhà đã trả trước.

Trung Quốc đang "Bắc Triều Tiên hóa"

Le Mondenhận định "Tập Cận Bình vấp phải thất bại của chiến lược zero Covid". Việc phong tỏa khắc nghiệt Thượng Hải và sắp tới là Bắc Kinh tỏ ra không hiệu quả, nhưng trước thời điểm đại hội đảng, mọi chỉ trích đều bị bóp nghẹt. Các tỉnh đang đề cử 2.300 đại biểu, Tập Cận Bình được "bầu" làm đại biểu Quảng Tây, và sẽ tiếp tục làm chủ tịch nước nhờ đã sửa đổi Hiến pháp. Những nhà lãnh đạo khác là ai, thường trực Bộ Chính trị thay đổi thế nào, ai sẽ thay Lý Khắc Cường năm 2023… ?

Chưa ai biết được, nhưng trước mắt mọi kêu rêu về tình trạng Thượng Hải đều vô ích. Ngay cả nhà dịch tễ học nổi tiếng Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), từng được tặng thưởng trong giai đoạn Vũ Hán cũng bị kiểm duyệt trên internet vì dám viết rằng zero Covid không hiệu quả. Một số người nhận xét Trung Quốc đang "Bắc Triều Tiên hóa" với nạn sùng bái cá nhân ông Tập.

Theo chuyên gia Valérie Niquet, biến thể Omicron bộc lộ hạn chế của chế độ Bắc Kinh. Trung Quốc tuy đã mua lại giấy phép phân phối Pfizer, nhưng do dân tộc chủ nghĩa, lại không muốn sản xuất dù biết rằng vac-xin nội địa kém hiệu quả. Cũng như với Nga, các nhà đầu tư bỗng ý thức được những rủi ro phía sau bộ mặt tưởng chừng chắc chắn, của một chế độ chỉ nhằm phục vụ một người hay một nhóm người. Nhưng trầm trọng nhất là giới trung lưu, xưa nay chấp nhận đổi tự do chính trị lấy thú vui tiêu thụ, đã bị đánh mạnh. Đại dịch rồi sẽ qua, nhưng "con sâu đã làm tổ trong trái cây".

"Con sói" thò chân vào đảo quốc Thái Bình Dương, Úc, Pháp, Mỹ cảnh giác

Tại Thái Bình Dương, La Croixkhông quên nhắc nhở "Trung Quốc áp đặt ảnh hưởng quân sự" ở khu vực này. Việc ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Salomon hôm 19/04 là cú sốc lớn cho tất cả láng giềng. Ian Kemish, cựu cao ủy Úc (tương đương đại sứ của khối Thịnh vượng chung) tại Papouasia-New-Guinea cho rằng đó là "chiến thắng về chiến thuật quan trọng của Bắc Kinh trong chiến lược tạo ảnh hưởng ở Thái Bình Dương". Nhà nghiên cứu Anne-Marie Brady của đại học Canterbury (New Zealand) lo ngại vì các Nhà nước Thái Bình Dương đã có những hiệp ước an ninh cần thiết, và việc quân đội Trung Quốc xâm nhập được một số khu vực quan trọng đe dọa an ninh của toàn bộ vùng này.

Quần đảo Salomon vốn nằm trên tuyến đường hàng hải chiến lược giữa Châu Á và Hoa Kỳ. Chuyên gia Alexandre Dayant cảnh báo "Nếu Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại Salomon, sẽ xáo trộn thế trận. Úc sẽ phải thay đổi toàn bộ hệ thống quốc phòng". Những tháng gần đây hải quân Trung Quốc có những hoạt động dọ thám trên biển đến tận Tân Calédonie. Paris đã phản ứng trước thỏa thuận không minh bạch này, khẳng định "Pháp hiện diện tại Nam Thái Bình Dương (Tân Calédonie, Tahiti) và phía sau là Liên Hiệp Châu Âu", cam kết duy trì "Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, tôn trọng luật pháp quốc tế". Washington tất nhiên lo ngại một căn cứ hải quân trong khu vực sẽ giúp Trung Quốc tung hoành ở rất xa biên giới.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Mỹ tuyên bố tiếp tục viện trợ quân sự Ukraine

Phan Minh, RFI, 22/04/2022

Hôm 21/04/2022, Hoa Kỳ tuyên bố cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Cụ thể, Kiev sẽ nhận được 72 lựu pháo Howitzer, 144.000 quả đạn pháo và 121 drone chiến thuật Phoenix Ghost.

ukraine01

Các quân nhân thuộc phi đội cảng không vận 436 chất vũ khí, đạn dược và các thiết bị lên máy bay để cung cấp cho quân đội Ukraine chống quân xâm lăng Nga. Căn cứ Không quân Dover, Del., ngày 21/01/2022.  AP - Mauricio Campino

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin cho biết thêm chi tiết :

Môt sự hỗ trợ ồ ạt, liên tục và không hề suy giảm. Kiev vẫn sẽ tiếp tục nhận được vũ khí và viện trợ quân sự, và như Nhà Trắng đã tuyên bố hồi tuần trước, đó là những viện trợ phù hợp với nhu cầu, để chống lại cuộc tấn công của Nga ở Donbass. Mỹ sẽ cung cấp những loại pháo mới cùng với hàng chục nghìn quả đạn. Ngoài ra còn có các drone chiến thuật.

Giống như tuần trước, khoản viện trợ này trị giá 800 triệu đô la, nâng tổng số tiền Mỹ viện trợ Ukraine lên 4 tỷ đô la kể từ mùa thu. Đồng thời, Hoa Kỳ viện trợ thêm 500 triệu đô la để giúp Ukraine ổn định nền kinh tế. Viện trợ này cũng liên quan đến những người tị nạn Ukraine muốn đến Hoa Kỳ, vì Washington đã hứa tiếp đón 100.000 người. Sẽ có một chương trình tiếp đón mới dành riêng cho người tị nạn Ukraine để họ có thể đến Mỹ trực tiếp từ Châu Âu nếu họ được gia đình định cư ở Mỹ hoặc các tổ chức phi chính phủ bảo lãnh.

Cho đến nay, họ vẫn phải nộp hồ sơ theo thủ tục chung như mọi người tị nạn và người xin tị nạn, rồi phải chờ đợi ở biên giới Hoa Kỳ, thường là ở biên giới phía nam, trong thời gian hồ sơ của họ được xem xét. Cuối cùng, Joe Biden cũng công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung nhắm vào Nga. Giống như Châu Âu, mọi tàu thuyền của Nga bị cấm cập cảng Hoa Kỳ.

Nhìn sang Anh Quốc, theo Reuters ngày 21/04, phát ngôn viên của thủ tướng Boris Johnson cho biết, một tốp nhỏ thuộc quân đội Ukraine đang được huấn luyện tại Anh, sau khi Luân Đôn cung cấp cho Kiev 120 xe bọc thép.

Về phần mình, Pháp hôm qua cũng thông báo sẽ gửi hơn 28 tấn thiết bị y tế khẩn cấp tới Ukraine, bao gồm một máy tạo oxy, hơn 50 máy thở, hơn 4,5 tấn thuốc

Phan Minh

*********************

Thông tin trái ngược về số phận thành phố Mariupol

Thanh Hà, RFI, 22/04/2022

Tổng thống Nga thông báo "thành công" trong việc "giải phóng" Mariupol nhưng nguyên thủ Ukraine khẳng định thành phố này "tiếp tục kháng chiến". Tại Washignton, tổng thống Mỹ Joe Biden đánh giá "không có bằng chứng" là Mariupol đã thất thủ và tỏ thái độ nghi ngờ tuyên bố của ông Putin.

ukraine02

Ảnh vệ tinh ngày 20/04/2022 chụp khu công nghiệp Azovstal tại Mariupol (Ukraine), nơi một lực lượng Ukraine vẫn cầm cự chống lại quân Nga.  AP

Chỉ vài giờ sau khi tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/04/2022 thông báo quân đội Nga đã "giải phóng" Mariupol, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một đoạn video quả quyết là "Mariupol vẫn tiếp tục kháng cự bất chấp những gì mà quân thù huênh hoang tuyên bố".

Cố vấn của tổng thống Zelensky, Oleksiy Arestovych, sáng nay cho biết "nguy cơ Ukraine mất thành phố cảng Mariupol được tạm thời xua tan" bởi Nga không đủ sức "bao vây" và "chiếm đóng" quần thể nhà máy luyện kim Azovstal. Đây là nơi hơn 2.000 lính Ukraine đang cố thủ, bất chấp lời kêu gọi đầu hàng từ phía Nga. Cũng tại đây còn có khoảng một ngàn thường dân, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em và hàng trăm người bị thương.

Phóng viên hãng tin AFP ghi nhận rất khó để sơ tán thường dân ra khỏi các địa điểm có giao tranh tại Mariupol. Sáng nay, thị trưởng thành phố, Vadim Boitchenko một lần nữa kêu gọi "di tản" toàn bộ khoảng 100.000 người còn kẹt lại ở Mariupol.

Cùng lúc phó thủ tướng Iryna Vereshchuk thông báo "tình hình chiến sự tại chỗ quá nguy hiểm" để có thể thiết lập "hành lang nhân đạo" đưa thường dân di tản khỏi thành phố. Chiều qua, ba chiếc xe buýt đã đưa được một số dân cư từ Mariupol đến Zaporijia.

Chiến sự tại vùng Donbass và phía nam Ukraine

Quân đội Nga khẳng định mục tiêu là "kiểm soát hoàn toàn miền nam Ukraine và vùng Donbass" để thiết lập trục lộ nối liền các khu vực này với bán đảo Crimea mà Moskva đã kiểm soát từ 2014. Tin trên do tướng Roustam Minnekaiev, phó tư lệnh lực lượng quân đội miền trung Nga đưa ra vào sáng nay 22/04/2022.

Giới quan sát cho biết thêm, trục nối liền từ miền nam Ukraine với Donbass mở miền đông và bán đảo Crimea còn là cửa ngõ dẫn đến Transnistria, vùng tự trị thân Nga ở miền đông Moldavia.

Thanh Hà

*********************

Tổng thống Zelensky báo động trưng cầu dân trá hình

Minh Anh, RFI, 22/04/2022

Tổng thống Ukraine tố cáo Nga tìm cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập dối trá tại các vùng Kherson và Zaporijjia mà Nga đang chiếm đóng ở miền nam Ukraine.

ukraine03

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong vidéo phát ngày 21/04/2022.  © AP

Trong một đoạn vidéo đăng tối hôm qua, 21/04/2022, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân tại những vùng bị chiếm đóng không nên cung cấp bất kỳ dữ liệu cá nhân nào như số hộ chiếu mà các lực lượng Nga yêu cầu. Ông cảnh báo : "Việc tiến hành một cuộc điều tra dân số này là không hợp lệ. Đấy không phải là để cung cấp cho đồng bào viện trợ nhân đạo dưới bất kỳ hình thức nào. Trên thực tế, đây chẳng qua chỉ là giả mạo cái gọi là trưng cầu dân ý trên đất của chúng ta nếu như lệnh tổ chức vở hài kịch này là đến từ Moskva"

Tổng thống Ukraine đe dọa : "Sẽ không có Cộng hòa nhân dân Kherson. Nếu bất kỳ ai muốn một cuộc sáp nhập mới, các lệnh trừng phạt mạnh hơn sẽ ập xuống nước Nga". Kherson là thành phố lớn đầu tiên đã bị quân Nga chiếm được ngay sau cuộc chiến xâm lăng được phát động vào ngày 24/02. Xa hơn một chút về phía đông-bắc, quân Nga cũng kiểm soát được một khu vực rộng lớn bao quanh thành phố Zaporijia, hiện vẫn nằm trong tay của Ukraine. 

AFP nhắc lại, hồi đầu tháng 3/2022, Ukraine đã tố cáo Nga tìm cách dàn dựng ở Kherson một cuộc "trưng cầu dân ý" tương tự như hồi năm 2014, dẫn đến việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga. Cuộc trưng cầu dân ý này đã bị Kiev và phương Tây xem như là bất hợp pháp. 

Còn theo các hãng tin AP (Mỹ) và Reuters (Anh Quốc), các hình ảnh vệ tinh do Maxar Technologies công bố ngày hôm qua dường như cho thấy có đến hơn 200 hố chôn tập thể gần thành phố cảng biển Mariupol. Các quan chức địa phương tố cáo Nga đã vùi chôn đến gần 9.000 thi thể thường dân Ukraine nhằm che giấu vụ thảm sát đã diễn ra trong quá trình bao vây thành phố.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Phan Minh, Thanh Hà, Minh Anh
Published in Quốc tế

Quân Nga rút đi, để lại những thành phố hoang tàn đổ nát quanh Kiev

Thùy Dương, RFI, 05/04/2022

Từ Trostianets, đặc phái viên Stéphane Siohan gửi về bài tường trình :

"Trostianets là một trong những thành phố đầu tiên rơi vào tay quân Nga. Thành phố được giải phóng vào ngày 26/03, nhưng các trận đánh mà quân đội Ukraine tiến hành để chiếm lại thành phố đã phá hủy hoàn toàn khu vực gần nhà ga. 

rutlui1

Cảnh tan hoang tại Trostianets, một thị trấn vùng Kiev, sau khi Nga rút quân. Ảnh chụp ngày 28/03/2022.  AP - Efrem Lukatsky

Trên đại lộ chính của thành phố, ông Yuriy, 58 tuổi, là cư dân cuối cùng vẫn ở lại trong tòa nhà 5 tầng đã từng bị cháy 2 lần. Ông kể lại : "Lần đầu tiên thì phía Nga nói rằng chính người Ukraine đã nổ súng, nhưng không hề có vết đạn. Đến lần thứ hai, tôi đã thấy ​​quân Nga bn vào tòa nhà bng súng máy hng nặng và từ xe bọc thép như thế nào, ở khoảng cách gần, tôi đã tận mắt chứng kiến điều đó". 

Trong suốt một tháng, quân đội Nga đã bố trí pháo binh ở Trostianets để nã vào các thành phố lân cận. Nhưng theo cư dân địa phương, quân Nga đã cố ý tấn công vào cơ sở hạ tầng của thành phố. Bà Nadezhda, 73 tuổi, là một y tá làm việc tại bệnh viện Trostianets.

Bà nói : "Họ đưa xe tăng đến đỗ ngay trước bệnh viện rồi bắt đầu bắn về phía cửa sổ, cứ như vậy. Nhưng trong bệnh viện không có binh lính, chẳng có vũ khí, tất cả chúng tôi đều ở dưới tầm hầm. Các bệnh nhân, bác sĩ bệnh viện trưởng và cả gia đình của ông ấy, tất cả mọi người làm việc ngày hôm đó đều ngồi trong hầm". 

Thành phố Trostianets chưa bao giờ bị tàn phá nặng nề đến như vậy, ngay cả trong Đệ nhị Thế chiến. Theo nhà chức trách địa phương, ít nhất 50 thường dân đã thiệt mạng trong thời gian thành phố bị quân Nga chiếm đóng. Con số này có thể sẽ được thống kê lại và sẽ tăng lên do trước đây nhiều thi thể được chôn cất vội vàng".

Tại nhiều vùng quanh thủ đô Kiev, lệnh giới nghiêm vẫn được áp dụng 24/24 giờ. Riêng tại Kiev, theo AFP, đô trưởng Vitali Klitschko hôm thứ Hai 04/04 kêu gọi những cư dân đã phải chạy lánh nạn đợi thêm ít nhất một tuần nữa nếu muốn quay về thành phố, bởi có thể quân Nga vẫn sẽ dội bom vào Kiev, và trong nhiều thành phố quanh Kiev, quân đội phát hiện ra nhiều vật nổ có thể gây nguy hiểm cho thường dân.

Thùy Dương

*********************

Human Rights Watch : Nga sử dụng mìn sát thương POM 3 trong chiến tranh Ukraine

Thùy Dương, RFI, 05/04/2022

Quân đội Nga bị nghi sử dụng một loại mìn sát thương mới trong chiến tranh Ukraine. Theo tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW), lần đầu tiên trong chiến tranh, Moskva đã cho sử dụng mìn sát thương POM 3. Đây được xem là một loại mìn có tính sát thương cực kỳ cao, có khả năng làm nhiều thường dân bị thương cho dù họ không giẫm lên mìn, nên đã bị quốc tế cấm sử dụng.

rutlui2

Mìn PMN1 and PMN2 của Nga.  © Wikipedia

Theo báo cáo của Human Rights Watch, lực lượng rà phá bom mìn của Ukraine đã rò được các trái mìn sát thương POM 3 mà Nga đã gài ở vùng Kharkiv, miền đông Ukraine. Đối với bà Anne Héry, giám đốc truyền thông của hiệp hội Handicap International, POM 3 là một trong những loại vũ khí dã man, tàn bạo nhất mà Nga sử dụng trong chiến tranh Ukraine.

Trên đài RFI tiếng Pháp ngày 05/04/2022, giám đốc Anne Héry giải thích :

"Quả thực, những trái mìn này có thể được thả từ xa. Chúng được phóng đi từ một thiết bị đặt trên xe, với số lượng lên tới 50 trái mìn cùng một lúc. Nói khái quát thì điều này có nghĩa là từ xa, chỉ trong 15 phút, họ có thể tạo ra một bãi mìn ở khoảng cách 5-15 km.

Những trái mìn này được lắp thiết bị cảm ứng địa chấn có khả năng phát hiện sự hiện diện của con người, khi đó mìn sẽ tự động được kích hoạt và mìn được thiết kế đặc biệt để các mảnh đạn văng ra và gây thương tổn cho các nạn nhân ở vùng mắt, bụng dưới và chân.

Đặc biệt là chúng thực sự không phân biệt nạn nhân là dân thường hay binh lính, mìn lại có khả năng được rải rất nhanh và từ xa. Quả thực là con người đã đạt một mức kỹ nghệ cao để gây sát thương thường dân".

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế

Hoàng Bách nói chuyện với Nguyễn Gia Kiểng và Đinh Xuân Quân

Nga xâm lăng Ukraine ,cuộc chiến không còn giới hạn giữa Nga và Ukraine mà trở thành cuộc chiến của thế giới giữa một bên độc tài chuyên chế, và dân chủ tự do ,giữa thiện và ác, ánh sáng và bóng tối. Qua thảm cảnh quân đội Nga tàn sát thường dân vô tội ở thị trấn Bucha của Ukraine, cả thế giới đều phẩn nộ và Nga tội phạm chiến tranh.

Nguồn : Người Việt channel, 08/04/2022

Additional Info

  • Author Nguyễn Gia Kiểng, Đinh Xuân Quân, Hoàng Bách
Published in Video

Chiến tranh Ukraine : Trẻ em gặp nguy hiểm do cuộc tháo chạy khỏi đất nước

Các nhật báo Pháp hôm 30/03/2022 đặc biệt chú ý đến cuộc đàm phán Nga-Ukraine được tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ.

treem1

Trẻ em Ukraine tại một điểm tập trung sau khi được đưa ra khỏi Mariupol, ở Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 22/03/2022.  Reuters - Stringer

Trang nhất nhật báo thiên tả Libération chạy tựa "Ảo giác hay hy vọng" khi nói về cuộc đàm phán này. Tờ báo nhấn mạnh về việc liệu Ukraine có áp dụng quy chế trung lập hay không ? 

Việc Kiev từ bỏ ý định gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) làm dấy lên sự hoài nghi của một số chuyên gia, những người đặc biệt nhớ lại việc Moskva không tuân thủ thỏa thuận Budapest năm 1994, vốn có điều khoản bảo đảm an ninh cho Ukraine. 

Khi bắt đầu vòng đàm phán thứ năm, mỗi bên đã để rò rỉ một số tín hiệu xuống thang. Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói về việc "giải phóng" Donbass chứ không còn là "phi quốc xã hóa". Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba thì cho rằng có thể đạt được các điều kiện cho một "lệnh ngừng bắn ổn định". Cuối cùng, đề xuất về một "sự trung lập" của Ukraine đã được đưa ra thảo luận như tổng thống Volodymyr Zelensky đề xuất vào cuối tuần qua. 

Một Ukraine "trung lập" sẽ như thế nào ?

Việc Ukraine từ bỏ ý định gia nhập NATO là nền tảng cho sự trung lập mà Nga yêu cầu. Trước khi chiến tranh nổ ra, Moskva đã yêu cầu NATO từ chối mọi đề nghị gia nhập khối của Ukraine. Vào giữa tháng 3, Zelensky thừa nhận rằng đất nước của ông không thể gia nhập tổ chức quân sự nữa. "Tôi rất vui vì người dân của chúng tôi đang bắt đầu hiểu điều đó và chúng ta chỉ có thể dựa vào chính bản thân. Hôm qua, các nhà đàm phán Ukraine còn đi xa hơn khi đề xuất Ukraine không nên có bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào. Các cuộc tập trận vẫn có thể được tổ chức với quân đội các nước khác, với những điều kiện nhất định". 

Nhưng nhà phân tích chính trị Maria Zolkina viết trên Twitter rằng nếu trung lập, Ukraine sẽ rơi vào tình thế tồi tệ hơn hiện nay khi mất cơ hội tự vệ, vì việc nhập vũ khí sẽ bị dừng lại trong thời bình. Jean-Sylvestre Mongrenier, thuộc viện Thomas More cũng có đồng quan điểm khi cho rằng quy chế trung lập là điều đáng lo ngại đối với Ukraine. 

Để tự bảo vệ mình, Kiev yêu cầu "có được bảo đảm an ninh tuyệt đối", giống với những gì được quy định trong điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Trong trường hợp bị tấn công, "những nước đỡ đầu" Ukraine sẽ có 3 ngày để cố gắng chấm dứt xung đột thông qua con đường ngoại giao và sau đó phải viện trợ quân sự và thậm chí có thể "đóng cửa không phận". Các nhà đàm phán Ukraine đã đưa ra một danh sách các quốc gia mà họ muốn trở thành những nước đỡ đầu bao gồm bốn thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Hoa Kỳ, Pháp, và Trung Quốc) cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Ba Lan và Israel. Điều cần thiết là những quốc gia nói trên phải chấp nhận vai trò này. 

Để có hiệu lực, "sự trung lập" này sẽ phải được thông qua bằng trưng cầu dân ý, một bước thiết yếu để sửa đổi Hiến pháp đề cập đến nguyện vọng gia nhập NATO lúc này. Kiev trước đó đã cảnh báo rằng một cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra cho đến khi binh sĩ Nga rời khỏi lãnh thổ. Ngược lại, Moskva không có ý định rút khỏi nước này cho đến khi quy chế trung lập của Ukraine được bảo đảm. 

Quay trở lại vấn đề trung lập, đầu tháng này, điện Kremlin đề nghị Kiev lấy cảm hứng từ các mô hình trung lập của Áo hoặc Thụy Điển để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, kể từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, vai trò của các quốc gia Châu Âu được coi là trung lập cũng gần như không còn. Từng là vùng đệm giữa Liên Xô và phương Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Phần Lan đã gửi vũ khí cho Ukraine và đang nghiêm túc xem xét việc gia nhập NATO. Các cuộc thăm dò dư luận ở nước này ghi nhận sự ủng hộ tăng đột biến đối với việc gia nhập Liên Minh. Nếu Phần Lan thực sự đi đến quyết định này, thì nhiều khả năng Helsinki sẽ kéo theo người hàng xóm Thụy Điển của mình vào theo sau. 

Vai trò của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì nhấn mạnh về vai trò của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. 

Tổng thống Erdogan, trước khi đáp máy bay sang thăm chính thức Uzbekistan, đã dành thời gian để chào đón các nhà đàm phán Nga và Ukraine lần đầu tiên gặp nhau tại eo biển Bosphorus, trong khuôn viên văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Trước ống kính, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã nói chuyện với các phái đoàn bằng giọng điệu của một "huấn luyện viên". "Tôi nghĩ là chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà các kết quả cụ thể cần phải đạt được từ các cuộc đàm phán. Cả thế giới đang mong chờ tin vui từ quý vị". 

Sau bốn tiếng thảo luận, phái đoàn hai nước đã thực sự có một vài "tin vui" để thông báo. Trưởng phái đoàn Nga, Vladimir Medinski, đã bảo đảm rằng các đề xuất của Ukraine sẽ được "nghiên cứu sớm nhất có thể" và trình lên tổng thống Vladimir Putin. Một dấu hiệu khác từ phía Nga cho thấy là các cuộc đàm phán đang tiến triển khi thứ trưởng bộ quốc phòng Nga, Alexander Fomin, tuyên bố rằng Moskva sẽ "giảm triệt để hoạt động quân sự ở hướng Kiev và Chernihiv" ở phía bắc Ukraine. Về phần mình, Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thận trọng về những "tiến bộ" nói trên. 

Trẻ em gặp nguy hiểm do cuộc tháo chạy

Báo Le Monde dành trang nhất cho chủ đề này. 

Đối mặt với làn sóng sơ tán, đôi khi trẻ vị thành niên không có người đi kèm, đặc biệt là ở Ba Lan, một số tổ chức quốc tế lo ngại, nêu ra rủi ro về nạn buôn người, gia đình bị ly tán hoặc mất tích. 

Từ Krakow lái xe một giờ về phía nam, đi qua những con đường quanh co leo lên những ngọn núi. Ở đó, trong một khu nghỉ, thể thao mùa đông, khoảng ba mươi trẻ em từ một trại trẻ mồ côi tư nhân ở vùng Lviv, miền tây Ukraine đã được đưa đến vào đầu tháng Ba. 

Wendy Lynn Farrell 39 tuổi là một thành viên tích cực của một cộng đồng Baptist ở Springfield, Missouri, cho biết là những đứa trẻ này từ 2 đến 17 tuổi đã phải rời xa cha mẹ của mình do cuộc chiến Nga-Ukraine. 

Một số tổ chức quốc tế đã liên tục lo ngại về điều này. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/02, mà theo Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) là nguyên nhân chính gây ra một trong những vụ di dời trẻ em có quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trẻ em chiếm khoảng một nửa trong số gần 3,9 triệu người tị nạn. 

Tasha Gill, cán bộ phụ trách Bảo vệ Trẻ em trong Khủng hoảng Nhân đạo tại UNICEF cho biết : "Chúng tôi rất lo lắng. Mối quan tâm đặc biệt liên quan đến nguy cơ gia đình bị ly tán và mất tích". 

Ba Lan, nơi phần lớn người tị nạn đến đã quyết định tiếp nhận trẻ em không có người đi kèm. Tuy nhiên, "quyết định này được đưa ra khoảng mười ngày sau khi chiến tranh bắt đầu và nhiều người trước đó đã vượt biên", Tasha Gill nhấn mạnh. 

Trước ngày 24 tháng 2, "khoảng 170.000 trẻ em đã được giao cho các cơ sở giáo dục ở Ukraine, với một phần ba trong số trẻ em này bị khuyết tật", Emilio Puccio, tổng thư ký phụ trách về quyền của trẻ em của Nghị Viện Châu Âu, cho biết. "Một số trẻ vị thành niên này đã được sơ tán khỏi đất nước, nhưng việc này không được thực hiện một cách có hệ thống", ông Puccio nói thêm. Phần lớn những đứa trẻ này không được đăng ký trong cơ sở dữ liệu sinh trắc học. Do vậy có nguy cơ mất tích cao. 

Cao ủy Châu Âu về Nội vụ Ylva Johansson hôm 23/3 bày tỏ lo ngại về "nguy cơ lớn" của nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em, sau khi cơ quan cảnh sát Châu Âu Europol đưa ra một tuyên bố nói rằng nhóm tội phạm có thể dùng các chiêu bài lừa lọc như hứa hẹn đưa đón, cấp nhà ở miễn phí, tìm việc làm hoặc các hình thức hỗ trợ tức thì khác để bắt cóc các nạn nhân. 

Ai sẽ được lợi khi các công ty Pháp rời Nga ?

Nhật báo công giáo La Croix có bài viết về chủ đề này. 

Trước Quốc hội Pháp, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc Leroy Merlin và Auchan là các "nhà tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của Nga". Hai tập đoàn Pháp này nhấn mạnh đến trách nhiệm của họ đối với các nhân viên làm việc ở Nga. Philippe Zimmermann, giám đốc điều hành của Leroy Merlin, đã ước tính trên tờ La Voix du Nord rằng việc đóng cửa cửa hàng sẽ "được coi là một vụ phá sản được lên kế hoạch trước, làm phát sinh các khoản trưng thu", và đây "sẽ là một món quà của công ty cho chế độ Nga". 

Nếu chính phủ Ukraine kiên quyết yêu cầu các tập đoàn lớn nước ngoài rời khỏi Nga, thì đó chủ yếu là vì lý do chính trị. Đó là một cách cho thấy Nga bị coi là quốc gia xâm lược và nước này phải chịu trách nhiệm về thảm họa nhân đạo này. Và nếu các công ty này tuân thủ, thì chủ yếu là để bảo toàn danh tiếng của mình. Và Ukraine sẽ được hưởng lợi từ việc này, bởi các công ty nước ngoài đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của nền kinh tế Nga. Họ cung cấp các công nghệ và phụ tùng thay thế cần thiết cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quốc phòng, và do đó có thể được sử dụng trong bối cảnh xung đột. Ngoài ra, các công ty nước ngoài chiếm 7% việc làm. Và cần lưu ý rằng mức lương mà các công ty nước ngoài trả cao gấp đôi mức lương trung bình. 

Nếu tất cả các công ty này rời khỏi Nga ngay lập tức, điều này sẽ làm GDP của Nga giảm từ 10 đến 15% trong vòng hai năm. Nhưng đây chỉ là lý thuyết vì trên thực tế, một số tập đoàn rút lui nhưng đồng thời cho biết họ sẽ tiếp tục trả lương nhân viên của mình. Ví dụ như tập đoàn ăn nhanh McDonald's, trả lương cho toàn bộ 60.000 nhân viên của mình ở Nga. Đó là cách để công ty này tạo cho mình một đường lùi và quay trở lại làm ăn ở Nga nếu chiến tranh không kéo dài quá lâu. Vì vậy, nhiều tập đoàn chỉ nói đến việc tạm ngưng hoạt động thay vì rời khỏi Nga vĩnh viễn. 

Nhưng trong mọi trường hợp, người ta dự đoán rằng GDP của Nga có thể giảm 20% vào năm 2022. Và gần một phần ba sự sụt giảm này là kết quả của các lệnh trừng phạt phương Tây. Phần còn lại là chi phí trực tiếp cho chiến tranh, buộc nhà nước Nga phải nỗ lực tài chính đáng kể vào thời điểm hoạt động giảm sút, khi thuế được thu ít hơn và khi người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Do đó, việc các công ty nước ngoài đóng cửa là một phần của "hiệu ứng quả cầu tuyết", chứng kiến sự co lại của toàn bộ nền kinh tế, cùng với sự trì trệ trong thương mại, đầu tư và sản xuất. 

Phan Minh 

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế