Bà Aung San Suu Kyi chính thức thăm Việt Nam (BBC, 20/04/2018)
Chuyến thăm chính thức của Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi theo lời mời của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra từ 19-20/4.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi tại Hà Nội chiều 19/4
Chiều 19/4, bà Suu Kyi hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của bà Suu Kyi trên cương vị cố vấn nhà nước Myanmar, trong bối cảnh hai bên vừa thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện vào tháng 8/2017, theo truyền thông Việt Nam.
Trong buổi hội đàm, hai bên đã đề cập tới nhiều lĩnh vực hợp tác như thương mại, đầu tư, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống tội phạm, v.v…
Tiến sĩ Trần Việt Thái, chuyên gia nghiên cứu chiến lược của Học viện Quan hệ Quốc tế, thuộc Bộ ngoại giao Việt Nam nói với VOV rằng bên cạnh "sự tin cậy chính trị và những cơ chế hợp tác mà hai nước đã xây dựng được, lợi ích song trùng chính là nhân tố quan trọng nhất gắn kết hai quốc gia".
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar.
Myanmar có quan hệ rất sớm với Việt Nam. Năm 1947, Việt Nam đặt Cơ quan thông tin tại Yangon. Năm 2015, hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Bà Suu Kyi từng đến Việt Nam tháng 11/2017 để dự Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng.
Bà Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San - anh hùng độc lập của Myanmar.
Bà từng học Đại học Oxford ở Anh chuyên ngành triết, chính trị và kinh tế học.
Trong thời kỳ từ năm 1989 đến năm 2010, bà từng bị chính quyền quân đội Myanmar giam lỏng tại gia.
Năm 1991, bà được trao Giải Nobel Hòa bình.
Tháng 11/2015, bà Suu Kyi lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử cạnh tranh công khai đầu tiên ở Myanmar trong 25 năm.
Tuy nhiên, hiện bà Suu Kyi phải đối mặt với nhiều chỉ trích của quốc tế liên quan đến việc việc quân đội và an ninh Myanmar đàn áp đối với người thiểu số Hồi Giáo Rohingya ở bang Rakhine từ tháng 8/2017.
*******************
Chủ tịch Trần Đại Quang vắng mặt dịp đón bà Suu Kyi (BBC, 20/04/2018)
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang dường như đang không có mặt ở Việt Nam với việc không xuất hiện tiếp phái đoàn Myanmar.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Theo thông lệ, ba trong bốn "tứ trụ" Việt Nam - Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội - đã tiếp bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn nhà nước Myanmar, thăm Hà Nội từ 19 đến 20/4.
Nhưng truyền thông Việt Nam không đưa tin về Chủ tịch nước, mà chỉ cho hay theo lịch trình, bà Suu Kyi có thăm khu nhà sàn của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội.
Chiều 19/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ đón tại Phủ Chủ tịch dành cho Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar Aung San Suu Kyi, theo báo chí Việt Nam.
Sang ngày 20/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lần lượt tiếp bà Suu Kyi.
Sức khoẻ và thủ tục
Việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang vắng mặt dường như làm tăng sức nặng cho tin không chính thức nói ông đã sang Nhật Bản khám bệnh từ đầu tháng Tư.
Truyền thông nhà nước những ngày qua cũng nhắc tên Chủ tịch nước qua một số động thái ngoại giao như việc ông gửi điện mừng ngày 19/4 tới Tổng thống nhà nước Israel nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Độc lập của Nhà nước Israel (1948 - 2018).
Hôm 20/4, truyền thông Việt Nam đưa tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng ông Miguel Diaz-Canel được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.
Tuy nhiên, trang web Văn phòng Chủ tịch nước (vpctn.gov.vn) trong mấy ngày qua chỉ có ảnh và bài về hoạt động của Phó Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Dù không phải là Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi được coi là nhà chính trị quyền lực nhất Myanmar và theo thủ tục ngoại giao uôn được đón như nguyên thủ quốc gia khi xuất ngoại.
Trong hai lần đến Trung Quốc năm 2017, bà Suu Kyi đều được Chủ tịch nước Tập Cận Bình đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Vào tháng Tám 2017, Giáo sư Phạm Gia Khải, cố vấn chăm sóc sức khỏe cho cán bộ cấp cao, từng nói với BBC rằng Chủ tịch Trần Đại Quang đã "sang Nhật điều trị bệnh".
"Dân chúng rất muốn biết sức khỏe của lãnh đạo thế nào, nhưng ở Việt Nam thì có vẻ người ta không có chủ trương cho biết," giáo sư Khải nói khi đó.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sắp thăm Việt Nam (VOA, 16/04/2018)
Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đài Tiếng nói Việt Nam cho hay. Bà Aung San Suu Kyi còn kiêm các chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (ảnh tư liệu, tháng 7/2017)
Hồi tháng 11 năm ngoái, bà Suu Kyi đã dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, theo tin của Tân Hoa Xã.
Trước đó, hồi tháng 8 cùng năm, Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện nhân dịp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Myanmar.
Tân Hoa Xã dẫn thông tin của Bộ Thương mại Myanmar cho hay thương mại song phương giữa nước này và Việt Nam đạt 592 triệu đôla, trong đó giá trị xuất khẩu của Myanmar là 103 triệu đôla trong khi nhập khẩu 489 triệu đôla Mỹ, tính đến tháng 1 của tài khóa 2017-2018 hiện nay.
Thương mại hai chiều Myanmar-Việt Nam đạt hơn 494 triệu đôla trong tài khóa 2016-2017 trước đó.
Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1975.
(VOA, Tân Hoa Xã)
**********************
Miến Điện : chính phủ thông báo gia đình Rohingya đầu tiên hồi hương (RFI, 15/04/2018)
Qua mạng xã hội Facebook, ngày hôm qua, 14/04/2018, chính phủ Miến Điện thông báo, gia đình người Hồi giáo Rohingya đầu tiên đã hồi hương. Để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện, từ tháng 08/2017, khoảng 700 ngàn người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh tị nạn.
Người tị nạn Rohingyas đợi quân đội Bangladesh cho phép đến các trại tị nạn sau khi vượt biên giới. Ảnh chụp ngày 25/10/2017 Reuters/Hannah McKay
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cho rằng chưa có đầy đủ các điều kiện để bảo đảm việc hồi hương tự nguyện và bền vững.
Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt gửi về bài tường trình :
"Theo chính phủ Miến Điện, năm thành viên trong một gia đình người Rohingya đã được đón tiếp và tạm trú tại nhà những người thân ở bang Arakan. Chính quyền còn cho biết là sẽ tìm hiểu xem những khó khăn mà người Rohingya gặp phải để cải thiện tiến trình hồi hương. Thế nhưng, chính phủ không cho biết là có thêm những gia đình hồi hương trong thời gian tới hay không.
Tiến trình hồi hương không được khởi động từ nhiều tháng qua. Phía Miến Điện nói rằng sẵn sàng đón tiếp người tị nạn. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội của Miến Điện đã đến các trại tị ở Bangladesh để gặp người Rohingya và ông đã hứa cho xây dựng các khu làng mới, bệnh viện và trường học.
Đây là một trong những vấn đề được đặt ra liên quan đến điều kiện hồi hương của người Rohingya. Cộng đồng thiểu số Hồi giáo này lo ngại sẽ phải ở lâu dài trong các trại tạm thời ở Miến Điện, bởi vì nhà cửa làng mạc của họ bị phá trụi từ hồi tháng Tám năm ngoái. Một ẩn số khác, đó là việc cấp quốc tịch cho cộng đồng vô tổ quốc này và cũng chính vì lý do này mà họ bị hạn chế đi lại tại bang Arakan.
Liên Hiệp Quốc cho rằng chưa hội tụ đầy đủ điều kiện bảo đảm an ninh cho việc hồi hương người Rohingya. Ngày 13/04, Liên Hiệp Quốc đã ký với Bangladesh một thỏa thuận hợp tác về việc hồi hương nhưng lại chưa ký với Miến Điện".
Minh Anh
******************
Người Rohingya hồi hương : Bangladesh bác bỏ thông tin của Miến Điện (RFI, 16/04/2018)
Chính quyền Bangladesh vào hôm 16/04/2018 đã bác bỏ thông tin của Miến Điện là đã có một nhóm đầu tiên gồm 5 người trong số 700.000 người tị nạn ở Bangladesh, hồi hương.
Người Rohingya tại trại tị nạn Balukhali, Bangladesh, ngày 12/01/2018. Reuters/Tyrone Siu
Thứ Bảy 14/04 vừa qua, chính quyền Miến Điện thông báo là có một gia đình gồm 5 người đã trở về bang Rakhine và tạm thời ở Maungdaw, gần vùng biên giới, với thân nhân. Tin trên được loan trong một thông cáo trên Facebook, với ảnh chụp gia đình Rohingya nói trên làm thủ tục với viên chức chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Nội Vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan vào hôm nay đã cho rằng thông báo của Miến Điện về gia đình hồi hương là một thông tin "thất thiệt", và gia đình Rohingya đó chưa bao giờ đến Bangladesh.
Đối với ông Khan, hành động của Miến Điện là một "trò hề" và ông hy vọng Miến Điện cho toàn bộ người tị nạn Rohingya hồi hương càng sớm càng tốt.
Trả lời hãng tin Mỹ AP bằng điện thoại, ông Abul Kalam, ủy viên đặc trách vấn đề trợ giúp và hồi hương người Rohingya của Bangladesh cũng khẳng định là gia đình mà chính quyền Miến Điện gọi là người tị nạn đó chưa bao giờ băng qua biên giới Bangladesh.
Trong thông cáo loan tải hôm qua, Miến Điện còn cho biết sẽ kiểm tra xem có đúng là gia đình Rohingya nói trên đã sống ở Miến Điện hay không và nếu đúng thì sẽ cấp giấy tờ cho họ. Theo bộ trưởng bộ Xã Hội Miến Điện Win Myat Aye, hôm nay gia đình hồi hương đã được cấp những giấy tờ cần thiết.
Theo ghi nhận của AP, khi loan tin về nhóm hồi hương đầu tiên, chính quyền Miến Điện đã không cho biết cụ thể là sẽ có các nhóm hồi hương tiếp theo hay không, trong khi Bangladesh đã trao một danh sách hơn 8.000 người có thể bắt đầu hồi hương, nhưng tiến trình bị đình trệ do thủ tục kiểm tra rất phức tạp của phía Miến Điện.
Trả lời hãng tin Mỹ, một chuyên gia độc lập về vấn đề người Rohingya tại Bangladesh tố cáo một thủ đoạn tuyên truyền thường thấy của chính quyền Miến Điện.
Mai Vân
Miến Điện-Bangladesh dự trù hồi hương người Rohingya trong 2 năm (RFI, 16/01/2018)
Hôm 16/01/2018, sau các cuộc thảo luận ở cấp ngoại trưởng từ đầu tuần tại Naypyidaw, Bangladesh và Miến Điện đã nhất trí trong 2 năm sẽ hồi hương khoảng 650 nghìn người Rohingya đã chạy sang Bangladesh, để tránh các đợt trấn áp của quân đội Miến Điện từ hồi cuối tháng 8 năm ngoái.
Một trại tị nạn cho người Rohingya ở Bangladesh, ngày 14/01/2018. Reuters/Tyrone Siu TPX IMAGES OF THE DAY
Thông tín viên RFI tại Rangoon Eliza Hunt cho biết thêm chi tiết :
"Việc hồi hương người tị nạn về Miến Điện bình thường sẽ phải được bắt đầu vào tuần tới. Nhưng thời điểm trên không thể thực hiện được, theo như thông báo từ phía Bangladesh, đồng thời Dacca không cho biết khi nào việc hồi hương sẽ bắt đầu.
Điều có thể thực hiện trong những ngày tới đó là tiến hành đăng ký những người tị nạn muốn trở về quê cũ. Trong cuộc gặp tại thủ đô Miến Điện, hai nước đã cùng nhau ấn định hồ sơ giấy tờ để người tị nạn khai. Phía Bangladesh cũng cho biết họ sẽ cho dựng 5 trại chuyển tiếp người Rohingya cũng như hai trại đón tiếp tại Miến Điện. Những trại trên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Hiện tại, chính quyền Miến Điện không bình luận gì về các cuộc thảo luận diễn ra từ đầu tuần này. Điều chắc chắn là còn một số vấn đề xung quanh việc hồi hương người tị nạn Rohingya : Có bao nhiêu người sẽ muốn trở lại đất nước mà họ đã bị kỳ thị ? Họ có thể thực sự rời các trại đón tiếp để trở về làng cũ của mình ? Cuối cùng, Liên Hiệp Quốc có thể giám sát điều kiện các chuyến hồi hương đó ?
Theo kênh truyền hình Anh BBC, Liên Hiệp Quốc đã đề nghị được tham gia các cuộc đàm phán hôm qua tại Miến Điện, nhưng không nhận được câu trả lời".
Anh Vũ
******************
Miến Điện : Bà Suu Kyi khen quân đội vì thú nhận 1 vụ giết dân Rohingya (RFI, 14/01/2018)
Cách đây vài ngày, quân đội Miến Điện đã thừa nhận trách nhiệm về một vụ thảm sát 10 người Rohingya, thi thể bị vùi trong một hố chôn tập thể ở bang Arakan. Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi hôm thứ Sáu 12/01/2018 đã đề cập đến vụ thảm sát và coi những lời thú nhận của quân đội là một "tín hiệu tích cực".
Ảnh minh họa : Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo ngày 12/01/2018, tại Naypyidaw. Reuters/Stringer
Từ Rangun, thông tín viên RFI Eliza Hunt giải thích :
"Đất nước đã bước sang một giai đoạn mới". Đây là những lời phát biểu hôm thứ Sáu của lãnh đạo Miến Điện, sau khi có kết quả điều tra của quân đội. Theo bà Aung San Suu Kyi, "đó là một tín hiệu tích cực" cho thấy đất nước nhìn nhận trách nhiệm về những việc đã xảy ra. Bà cũng nhấn mạnh là vụ sát hại xảy ra từ tháng 09/2017 chứ không phải mới xảy ra.
Vì thế, theo nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, không có gì cản trở người Rohingya tị nạn hồi hương về Miến Điện. Theo thỏa thuận chính quyền Miến Điện ký với Bangladesh, việc hồi hương người Rohingya dự kiến bắt đầu trong những tuần tới đây.
Hôm thứ Tư tuần vừa qua, quân đội đã thừa nhận có một hố chôn tập thể và đảm bảo là những người có liên quan đến vụ thảm sát sẽ bị xét xử, nhưng họ cho rằng 10 người Rohingya bị giết là khủng bố, thủ phạm tấn công lực lượng an ninh Miến Điện.
Sáng hôm nay, trên mạng xã hội Twitter, phe nổi dậy ARSA Quân Đội Cứu Giúp người Rohingya Arakan cho rằng thông tin trên là sai. Họ khẳng định 10 người Rohingya bị sát hại là thường dân chứ không phải chiến binh.
Phát ngôn viên chính phủ Miến Điện đáp lại : "Rất khó để phân biệt ai là khủng bố, ai là dân làng vô tội", nhất là khi họ thường liên kết với nhau. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng tuyên bố sẽ cho điều tra để xác định liệu 10 người Rohingya trên có phải là thành viên của Quân Đội Cứu Giúp người Rohingya Arakan hay không.
Thùy Dương
*******************
Quân đội Miến Điện thừa nhận dính líu đến một vụ giết người Rohingya (RFI, 11/01/2018)
Ngày 10/01/2018, quân đội Miến Điện đã thừa nhận có dính líu đến vụ thảm sát 10 người Rohingya. Đồng thời, lần đầu tiên, quân đội cũng thừa nhận là có một hố chôn tập thể các nạn nhân của cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi, tại bang Arakan, phía bắc Miến Điện.
Một binh sĩ Miến Điện đứng gác gần Maungdaw, phía bắc bang Arakan, ngày 27/09/2017. Reuters/Soe Zeya Tun
Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt cho biết thêm thông tin :
"Theo thông báo của quân đội Miến Điện, ngày 01/09/2017, có 10 người Rohingya bị quân đội bắt giữ trong một chiến dịch truy lùng tại làng Inn Din những tên khủng bố có dính líu đến các vụ tấn công của Quân Đội Cứu Giúp người Rohingya Arakan.
Phải bận lo quá nhiều việc, lực lượng an ninh không thể dẫn giải những người này đến trạm cảnh sát và do vậy, đã quyết định hành quyết những người này. Bản thông cáo nói rõ là ba người dân làng và bốn quân nhân đã làm việc này. Những người dân làng nói trên muốn trả thù cho người cha của họ bị người Rohingya giết hại.
Hôm qua, quân đội Miến Điện thông báo là những người phải chịu trách nhiệm trong vụ này sẽ bị xét xử theo luật pháp. Đồng thời, lần đầu tiên, quân đội cũng thừa nhận sự tồn tại một hố chôn tập thể được phát hiện trong cuộc điều tra do chính quân đội tiến hành.
Tuy nhiên, quân đội không thay đổi lập trường trong việc trả thù nhắm vào thường dân, theo đó, không một thường dân vô tội nào bị binh lính Miến Điện giết chết. Đó cũng là kết luận của cuộc điều tra nội bộ quân đội và được công bố hồi tháng 11 năm ngoái.
Từ tháng 08/2017 đến nay, để tránh bạo lực tại bang Arakan, hơn 650 ngàn người đã phải chạy sang Bangladesh. Hai nước đã đạt thỏa thuận về việc hồi hương những người đang tị nạn tại Bangladesh. Bình thường ra, việc hồi hương sẽ được bắt đầu trong khoảng 10 ngày tới".
RFI tiếng Việt
Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, quyết tâm đưa những kẻ gây thảm họa cho người Rohingya ra đối mặt trước pháp luật.
Ông là người đứng đầu cơ quan theo dõi về nhân quyền trên toàn thế giới của Liên Hiệp Quốc, nên ý kiến của ông có trọng lượng.
Điều này có thể dẫn tới những lãnh đạo cao nhất - ông không loại trừ khả năng lãnh đạo dân sự bà Aung San Suu Kyi và người đứng đầu quân đội Myanmar Tướng Aung Min Hlaing có thể phải đối mặt với bản án về tội diệt chủng một ngày trong tương lai.
Hồi đầu tháng 12, ông Zeid nói trước Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) rằng việc người Rohingya ở Myanmar bị ngược đãi một cách có hệ thống và trên diện rộng có nghĩa tội diệt chủng không thể được loại trừ.
Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc
"Vì mức độ lớn của hoạt động quân sự, rõ ràng đây là các quyết định được đưa ra ở cấp cao", vị cao ủy UNHRC nói, khi chúng tôi gặp gỡ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva trong chương trình BBC Panorama.
Tuy vậy, diệt chủng là một từ được bàn cãi rất nhiều. Từ 'diệt chủng' nghe thật khủng khiếp - có thể coi là "mẹ của các tội ác". Rất ít người bị kết tội này.
Tội diệt chủng được hình thành sau thảm họa Diệt chủng người Do Thái (Holocaust).
Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc mới ra đời lúc đó đã ký một quy ước định nghĩa tội diệt chủng là những hành vi được gây ra với mục đích tiêu diệt cả một tộc người.
Chứng minh rằng hành vi diệt chủng đã diễn ra ở Myanmar không phải là việc của ông Zeid Ra'ad Al Hussein - chỉ có tòa án mới làm được việc đó. Nhưng ông đã kêu gọi một cuộc điều tra tội phạm quốc tế đối với những người gây ra cái mà ông gọi là "tấn công tàn bạo gây sốc" chống lại nhóm Hồi giáo thiểu số từ tỉnh Rakhine ở phía Bắc Myanmar.
Nhưng ông Zeid biết rằng đây là một trường hợp khó kết án : "Vì những lý do ai cũng biết, nếu bạn lên kế hoạch có hành động diệt chủng, bạn không viết vào văn bản và bạn không đưa ra chỉ dẫn".
"Khả năng có bằng chứng là thấp", ông nói. 'Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên trong tương lai nếu tòa án đưa ra kết luận như vậy dựa trên những gì chúng ta chứng kiến".
Cho đến đầu tháng 12, gần 650.000 người Rohingya - khoảng hai phần ba toàn bộ dân số cộng đồng này - đã rời Myanmar sau làn sóng tấn công do quân đội gây ra, bắt đầu từ cuối tháng Tám.
Hàng trăm ngôi làng bị đốt và hàng ngàn người được cho là đã bị giết hại.
Có biểu hiện đã diễn ra những tội ác kinh hoàng : thảm sát, giết người và cưỡng hiếp hàng loạt - những điều chính tôi được nghe khi tôi tới các trại tỵ nạn khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu.
Điều khiến vị đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc day dứt là ông đã thúc giục bà Suu Kyi, vị lãnh đạo mặc nhiên của Myanmar, có hành động để bảo vệ người Rohingya sáu tháng trước khi bạo lực bùng nổ hồi tháng Tám.
Ông kể ông nói chuyện với bà qua điện thoại khi văn phòng của ông xuất bản một báo cáo vào tháng 2/2017, trong đó ghi lại những hành động tàn ác trong một đợt bạo lực bắt đầu hồi tháng 10/2016.
"Tôi kêu gọi bà ấy làm chấm dứt các hoạt động quân sự này", ông Zeid kể với tôi. "Tôi kêu gọi tình cảm của bà ấy... làm những gì bà có thể để chấm dứt tình trạng này, và tôi rất lấy làm tiếc là điều đó dường như đã không xảy ra".
Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu lực lượng quân đội Myanmar
Quyền lực của bà Suu Kyi đối với quân đội là có hạn, nhưng ông Zeid Ra'ad Al Hussein tin rằng đáng lẽ ra bà phải làm nhiều hơn để cố dừng chiến dịch của quân đội.
Ông chỉ trích bà đã không dùng từ "Rohingya". "Tước bỏ tên của [cộng đồng] họ là làm mất nhân tính, đến mức bạn bắt đầu tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra", ông nói, dùng ngôn ngữ mạnh đối với một quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc.
Ông cho rằng quân đội Myanmar bạo dạn lên khi cộng đồng quốc tế không có hành động nào sau khi họ gây bạo lực hồi 2016. "Tôi tin rằng lúc đó họ kết luận là họ có thể tiếp tục [gây bạo lực] mà không phải sợ gì", ông nói.
"Điều mà chúng ta cảm nhận được là bạo lực họ gây ra được suy tính và lên kế hoạch kỹ", ông nói với tôi.
Người tị nạn Rohingya 'sống trong điều kiện khắc nghiệt'
Chính phủ Myanmar nói hành động quân sự là đáp trả các vụ tấn công khủng bố hồi tháng Tám khiến 12 nhân viên an ninh bị thiệt mạng.
Nhưng BBC Panarama đã thu được bằng chứng cho thấy công việc chuẩn bị cho các đợt tấn công người Rohingya đã bắt đầu trước thời điểm đó từ lâu.
Chúng tôi thấy Myanmar đã huấn luyện và cấp vũ trang cho người Phật giáo địa phương từ trước đó. Chỉ vài tuần sau khi xảy ra bạo lực, chính phủ đưa ra lời kêu gọi : "Bất kỳ người Rakhine nào muốn bảo vệ bang của mình sẽ có cơ hội gia nhập lực lượng cảnh sát vũ trang địa phương".
"Đây là quyết định được đưa ra để gây ra tội ác chống lại những người dân thường", ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức nhân quyền Fortify Rights, tổ chức điều tra tình hình dẫn tới tình trạng bạo lực năm nay, nói.
Đây cũng là quan điểm của người tỵ nạn trong các trại tỵ nạn lớn ở Myanmar, những người chứng kiến dân Rakhine tình nguyện tham gia lực lượng cảnh sát đã tấn công hàng xóm và đốt nhà của họ.
BBC liên hệ với bà Aung San Suu Kyi và người đứng đầu quân đội để lấy phản ứng của họ. Nhưng cả hai người đều không có phản hồi.
Đã gần sáu tháng kể từ khi các vụ tấn công diễn ra và ông Zeid Ra'ad Al Hussein lo ngại rằng hệ lụy của bạo lực còn chưa chấm dứt. Ông sợ rằng đây "chỉ là giai đoạn khởi đầu của điều tồi tệ hơn nhiều".
Ông lo rằng các nhóm jihadi có thể sẽ hình thành trong các trại tỵ nạn khổng lồ ở Bangladesh và gây các cuộc tấn công vào Myanmar, có lẽ nhắm vào các đền thờ Phật giáo. Kết quả có thể là cái mà ông gọi là "đối đầu mang tính xưng tội" - giữa những người Phật giáo và Hồi giáo.
Đây là một viễn cảnh thật đáng sợ, như vị cao ủy chỉ ra, nhưng là một viễn cảnh mà Myanmar không tính đến một cách nghiêm túc.
"Tôi muốn nói là hậu quả có thể vô cùng to lớn", ông nói. "Việc họ đáp lại những quan ngại nghiêm trọng của cộng đồng quốc tế một cách thiếu nghiêm túc là thật đáng báo động".
Nguồn : BBC, 19/12/2017
Khôi nguyên Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi vừa chính thức bị tước Giải thưởng Tự do của thành phố Oxford vì đã làm ngơ vụ đàn áp người Hồi giáo Rohingya.
Nguồn : VOA, 29/11/2017
Quân đội Miến Điện bị tố cáo phạm ''tội ác chống nhân loại'' (RFI, 13/11/2017)
Quân đội Miến Điện bị tố cáo hãm hiếp tập thể, làm nhục một cách có hệ thống phụ nữ và bé gái thuộc sắc dân thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo. Nhiều hành động tàn bạo của quân đội Miến Điện "có thể bị coi là tội ác chống nhân loại", theo báo cáo ngày 12/11/2017 của bà Pramila Patten, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, sau khi thu thập các bằng chứng tại Cox's Bazar, Bangladesh, nơi có khoảng 610.000 người Rohingya tị nạn.
Người Rohingya tiếp tục tìm đường tị nạn sang Bangladesh. Ảnh chụp một chiếc bè đơn sơ đưa người tị nạn vượt sông Naf, ngày 12/11/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Hiện đang tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 (12-14/11) tại Philippines, cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi tìm cách tránh đưa cuộc khủng hoảng người Rohingya vào thông cáo chung của khối.
Bẩy năm sau ngày được trả tự do, nhà đấu tranh ly khai, chủ nhân giải Nobel Hòa Bình, vẫn rất được người dân Miến Điện ủng hộ. Tuy nhiên, trong số những người từng ủng hộ bà, bắt đầu xuất hiện những lời chỉ trích. Thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou tường trình từ Rangun :
"Trong vòng nhiều năm, Bo Bo, một nhà hoạt động Miến Điện công khai bảo vệ giải Nobel Hòa Bình khi bà bị giam lỏng tại nhà và khi bà bắt đầu vào Quốc Hội. Nhưng ngày nay, ông lên án bà Aung San Suu Kyi đã cắt đứt với xã hội dân sự.
Ông nói : "Trước đây, bà ấy là người dễ gần, giờ bà không đối thoại với xã hội dân sự nữa. Để xây dựng hòa bình tại nước tôi, người ta cần xã hội dân sự. Hiện tại có rất nhiều đạo luật trấn áp tại đất nước chúng tôi, và từ khi đảng NLD lên nắm quyền, bà Aung San Suu Kyi vẫn sử dụng những đạo luật trấn áp đó, thậm chí bà ấy còn lập ra thêm nhiều đạo luật khác để hạn chế tự do ngôn luận.
Ông Bo Bo thừa nhận là thách thức vẫn còn nhiều. Tầm hoạt động của cố vấn nhà nước Miến Điện bị hạn chế. Nhưng đối với Khin Sandar, một nhà đấu tranh người gốc bang Rakhine, giải Nobel Hòa Bình đã thay đổi từ khi bà lên nắm quyền.
Ông cho biết : Trước đây, tôi rất yêu quý bà ấy, hiện giờ thì tôi nghi ngờ quan điểm xây dựng đất nước của bà. Ví dụ, bà Aung San Suu Kyi từng nói sẽ thay đổi Hiến pháp, thế nhưng từ đó là sự im lặng. Bà ấy đã trở thành một nhà chính trị, thỏa hiệp với phe quân đội và tham gia trò chơi chính trị. Tôi không còn coi bà là một biểu tượng hòa bình nữa.
Quân đội vẫn nắm nhiều quyền lực tại Miến Điện. Họ đứng đầu 3 bộ chủ đạo trong chính phủ và nghiễm nhiên chiếm 25% số ghế tại Nghị Viện".
Thu Hằng
***************
Miến Điện : Aung San Suu Kyi cố tăng cường hợp tác với Đông Nam Á (RFI, 12/11/2017)
Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn nhà nước kiêm ngoại trưởng Miến Điện, đã đến Philippines ngày 11/11/2017 và sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Trước đó, bà đã tham dự thượng đỉnh APEC tại Việt Nam. Đây là những chuyến công du đầu tiên của cố vấn nhà nước Miến Điện kể từ đầu cuộc khủng hoảng sắc dân thiểu số Rohingya khiến hơn 600.000 người phải chạy sang Bangladesh.
Cố vấn nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi duyệt đội quân danh dự Philippines trước thềm hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Clark, Pampanga, ngày 11/11/2017. Reuteurs/Erik De Castro
Từ Rangun, thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou cho biết thêm chi tiết :
"Tháng 9 vừa qua, bà Aung San Su Kyi đã không tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, diễn ra hai tuần sau khi các cuộc bạo động tái bùng phát tại bang Rakhine.
Hiện nay, đối với Miến Điện, hai hội nghị quốc tế này (APEC và ASEAN) chủ yếu mang mục đích kinh tế, tăng cường hợp tác tại Đông Nam Á. Đó chính là điều mà chủ nhân giải Nobel Hòa Bình nhấn mạnh trong bản thông cáo ngày 11/11. Chuyến công du của bà Aung San Suu Kyi cũng diễn ra chỉ một tuần sau khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đến Rangun. IMF nhấn mạnh không can thiệp vào tình hình chính trị, nhưng rất chú ý đến các hậu quả chính trị đối với kinh tế.
Dù tin vào sự hỗ trợ của Trung Quốc, nhưng bà Aung San Suu Kyi có lẽ vẫn khó tránh khỏi vấn đề người Rohingya trong các cuộc gặp song phương, như Indonesia và Malaysia đã lên án cách quản lý cuộc khủng hoảng của chính quyền Miến Điện. Giải Nobel Hòa Bình cũng đã đề cập vấn đề này với thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Việt Nam. Đây là cơ hội để cố vấn nhà nước Miến Điện trấn an về các mục tiêu của bà trước mối đe dọa trừng phạt quốc tế, trong khi chỉ còn vài ngày nữa, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ công du Miến Điện, vào ngày 15/11, và sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi".
RFI tiếng Việt
*************************
Myanmar kết án tù nhóm làm phim nước ngoài (RFA, 10/11/2017)
Miến Điện bỏ tù bốn người với bản án hai tháng tù giam vì đã dùng flycam bay trên tòa nhà Quốc Hội Myanmar, khi họ đang thực hiện một bộ phim cho một hãng tin nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Phóng viên người Myanmar Aung Naing Soe (trái) và người tài xế Hla Tin trong xe chở tù nhân sau khi họ bị tòa ở Naypyidaw kết án hôm 10/11/2017 vì dùng flycam quay phim tại tòa nhà quốc hội Myanmar. AFP
Họ gồm một người Singapore, một người Malaysia, hai người Miến Điện, trong đó có một nhà báo và một người lái xe. Tất cả bị bắt vào tháng qua.
Hãng tin AFP vào ngày 10 tháng 11 loan tin vừa nêu dẫn lời luật sư của bốn người này rằng họ rất sửng sốt vì bị án tù bởi theo họ chỉ có thể bị phạt tiền mà thôi. Luật sư còn nói thêm rằng một phiên tòa xử vụ này sẽ được tổ chức vào ngày 16 tháng 11 tới đây và những bị cáo đối diện với mức án đến 3 năm vì nhập vào Myanmar những sản phẩm bị cấm hoặc giới hạn mà không có phép.
Phía công tố thì nói rằng những người này đã đem vào Miến Điện một dụng cụ cần phải có giấy phép đặc biệt, nhưng họ lại không có giấy phép nào cả.
Hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ thuê bốn người này nói rằng họ đã thông báo cho Bộ thông tin Miến Điện về việc này trước khi thực hiện bộ phim. Và cũng theo hãng tin này thì cảnh sát cũng đã khám xét nhà của nhà báo người Miến Điện bị bắt giữ, tịch thu các ổ đĩa cứng và máy tính.
Người ta cho rằng căng thẳng đã tăng lên giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Miến Điện khi Ankara tố cáo Miến Điện thực hiện một thứ chủ nghĩa khủng bố Phật giáo để đàn áp người Hồi giáo thiểu số.
Ủy ban Bảo vệ Ký giả cũng lên tiếng nói rằng vụ bắt bớ biểu hiện cho việc gia tăng đàn áp tự do báo chí tại Miến.
***************
Miến Điện : Áp lực Liên Hiệp Quốc bất lợi cho việc hồi hương người Rohingya (RFI, 08/11/2017)
Áp lực của Liên Hiệp Quốc lên Miến Điện trong cuộc khủng hoảng Rohingya có thể làm phương hại đến việc hồi hương hàng trăm ngàn người thiểu số theo đạo Hồi đang tị nạn tại Bangladesh. Chính phủ của bà Aung San Suu Kyi hôm nay, 08/11/2017, cảnh báo như trên.
Khu trại tị nạn của người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 8/11/2017. Reuters/Navesh Chitrakar
Hôm thứ Hai 6/11, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Miến Điện ngưng chiến dịch quân sự tại bang Rakhine ở miền tây, nơi người Rohingya sinh sống, và cho phép hàng trăm ngàn người tị nạn được quay về.
Trong một thông cáo, chính quyền do giải Nobel Hòa bình lãnh đạo (dù trên danh nghĩa bà Aung San Suu Kyi chỉ là ngoại trưởng) nói rằng lời kêu gọi trên "đã bỏ qua sự kiện là các vấn đề mà Miến Điện và Bangladesh phải đối đầu hiện nay chỉ có thể được giải quyết theo cách song phương". Tuyên bố của Hội Đồng Bảo An "có thể gây thiệt hại nặng nề cho việc thương thảo giữa hai nước" về việc hồi hương người tị nạn.
Tuy nhiên, các cuộc thương lượng giữa Răngun và Dacca từ nhiều tuần qua vẫn dậm chân tại chỗ. Trong khi đó 900.000 người Rohingya tị nạn đang phải chen chúc trong các lều trại bẩn thỉu ở miền nam Bangladesh. Cuộc di tản ồ ạt của 600.000 người Rohingya vào cuối tháng Tám được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một cuộc "thanh lọc chủng tộc".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ thăm Miến Điện vào ngày 15/11, gặp bà Aung San Suu Kyi và tổng tham mưu trưởng quân đội Min Aung Hlaing. Trước đó, một nhóm dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ đã đệ trình một dự luật trừng phạt quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh.
Thụy My
Quốc Hội Mỹ chuẩn bị trừng phạt quân đội Miến Điện (RFI, 04/11/2017)
Một nhóm dân biểu Hạ Viện Mỹ hôm 03/11/2017 đã trình lên một dự luật trừng phạt quân đội Miến Điện và nhiều tướng lãnh, cho thấy Quốc Hội Hoa Kỳ đã cứng rắn hơn trong vấn đề người Rohingya.
Quân đội Miến Điện bị tố cáo là thủ phạm các hành động tàn ác nhắm vào cộng đồng Rohingya. Trong ảnh, một cảnh tượng ở làng Tin May, sau một cuộc tấn công của quân đội, ngày 14/07/2017. Reuters
Dự luật này hạn chế các hoạt động hợp tác quân sự với Miến Điện, và đòi chính quyền Trump cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với các tướng tá có liên can đến những vụ bạo động người thiểu số Rohingya. Nhiều dân biểu cả hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ đều ủng hộ, nên dự luật có nhiều khả năng được thông qua tại Hạ Viện.
Ở Thượng Viện, một dự luật tương tự đã được đệ trình bởi thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, thượng nghị sĩ Dân Chủ phụ trách đối ngoại Ben Cardin, và các nghị sĩ khác của cả hai đảng. Dự thảo này đề nghị cấm trở lại việc nhập khẩu hồng ngọc và cẩm thạch của Miến Điện.
Thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố : "Luật pháp của chúng ta phải buộc các lãnh đạo quân sự cao cấp phải trả giá – những kẻ chịu trách nhiệm về các vụ thảm sát người vô tội, khiến người dân phải di tản". Còn thượng nghị sĩ Ben Cardin cảnh báo : "Họ sẽ phải chịu hậu quả về tội ác chống nhân loại".
Quốc Hội Hoa Kỳ muốn gởi đi một thông điệp rõ ràng, tăng sức ép lên quân đội Miến Điện, mà Liên Hiệp Quốc từng tố cáo là "thanh lọc chủng tộc".
Hôm 24/10, Washington đã loan báo một số biện pháp trừng phạt như ngưng xét cấp visa cho các tướng tá Miến Điện, hủy lời mời các quan chức cao cấp trong lực lượng an ninh Miến Điện tham dự các sự kiện tại Hoa Kỳ. Nhưng chính quyền Mỹ tránh chỉ trích bà Aung San Suu Kyi, phân biệt rõ chính quyền dân sự với phe quân sự.
Thụy My
******************
Liên Hiệp Quốc : Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya (RFI, 03/11/2017)
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, ngày 02/11/2017, đã yêu cầu Miến Điện phải trao quốc tịch cho người Rohingya tị nạn tại Bangladesh và cho phép họ hồi hương.
Ảnh một trại tỵ nạn người Rohingya gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 20/10/2017.Reuters/Jorge Silva
Người phụ trách Phủ Cao Ủy Tị Nạn nhấn mạnh : "Không thể để những người này mãi không có quốc tịch vì tình trạng này còn khiến họ bị phân biệt và lạm dụng, như từng xảy ra trong quá khứ".
Bị quân đội Miến Điện trấn áp, hơn 600.000 người Rohingya đã phải trốn sang Bangladesh từ cuối tháng 08/2017. "Để những người này có thể hồi hương và ổn định cuộc sống, cần phải giải quyết vấn đề quyền công dân của họ, được đánh giá là rất phức tạp", theo phát biểu của ông Grandi trước báo giới tại Hội Đồng Bảo An.
Vẫn theo ông, ngoài việc công nhận quyền công dân, chính phủ Miến Điện còn phải thông qua một chương trình phát triển cho bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất nước này.
Ngoại trưởng Mỹ thăm Miến Điện
Hãng tin AFP cho biết vấn đề người tị nạn Rohingya sẽ là một trong số các chủ đề nghị sự trong chuyến công du Miến Điện của ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, bắt đầu từ ngày 15/11. Theo một bản thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, ông Tillerson sẽ gặp gỡ "các nhà lãnh đạo cao cấp" Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw để bàn về "các hoạt động trước cuộc khủng hoảng nhân đạo tại bang Rakhine và sự hỗ trợ của Mỹ trong tiến trình quá độ dân chủ tại Miến Điện".
Trước khi đến Miến Điện, ngoại trưởng Mỹ tháp tùng tổng thống Donald Trump trong chuyến công du Châu Á đầu tiên nhân hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng và sẽ đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Khoảng 600.000 người Rohingya vô tổ quốc nằm trong số ít nhất 3 triệu người không có quốc tịch trên toàn thế giới được thống kê trong bản báo cáo công bố ngày 03/11/2017 của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Bản báo cáo ghi nhận một số tiến bộ trong thời gian qua, như tại Thái Lan, khoảng 30.000 người đã được chính phủ cấp quốc tịch từ năm 2012. Còn tại Châu Phi, người Makondés đã được công nhận là một bộ tộc tại Kenya vào năm 2016.
Thu Hằng
****************Lãnh đạo Miến Điện Suu Kyi lần đầu tiên đi thăm bang Rakhine (RFI, 02/11/2017)
Bà Aung San Suu Kyi ngày 02/11/2017 lần đầu tiên đến thăm bang Rakhine trong tư cách nhân vật lãnh đạo Miến Điện. Đây là khu vực có đa số cư dân là người Hồi giáo Rohingya mà hơn nửa triệu người trong thời gian qua đã phải bỏ chay qua tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh do các chiến dịch bố ráp của Quân Đội Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi đến Sittwe, Rakhine, ngày 02/11/2017. Reuters/Stringer
Bà Aung Sann Suu Kyi đã đến Sittwe, thủ phủ bang Rakhine vào buổi sáng, rồi sau đó đi ngay đến vùng phía Bắc của bang, nơi có nhiều ngôi làng của sắc dân Rohingya.
Ông Tin Maung Swe, một lãnh đạo trong chính quyền bang Rakhine, cho biết : "Bà Cố Vấn Quốc Gia vừa đến nhưng bà ấy đang đi lên Maungdaw, ở miền bắc Rakhine, cùng với các quan chức của bang". Cố Vấn Quốc Gia là chức danh chính thức của bà Aung San Suu Kyi từ khi lên cầm quyền.
Phát ngôn viên của chính phủ Zaw Htay thì từ chối tiết lộ chương trình làm việc của bà Suu Kyi, viện dẫn lý do an ninh.
Đây không phải là lần đầu tiên mà bà Aung San Suu Kyi đến thăm bang Rakhine. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2015, bà đã đến miền Nam Rakhine, nơi không xẩy ra nhiều xung đột. Nhưng hôm nay, là lần đầu tiên bà đến Rakhine, và đến miền Bắc, nơi đang bị khủng hoảng gay gắt.
Chuyến thăm này diễn ra sau khi nhân vật số một trong chính quyền dân sự tại Miến Điện bị quốc tế chỉ trích về phản ứng quá thụ động trước trong làn sóng di cư của người Rohingya chạy qua Bangladesh để tránh các chiến dịch của quân đội Miến Điện, bị chính Liên Hiệp Quốc gọi là một cuộc thanh lọc sắc tộc.
Từ ngày 25 tháng Tám đến nay, đã có hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya trốn sang Bangladesh, khi các lực lượng an ninh ở Miến Điện, nước có đa số theo Phật giáo, bắt đầu những hoạt động được gọi là chiến dịch dẹp loạn nhằm đối phó với những cuộc tấn công đẫm máu của quân nổi dậy vào các đồn cảnh sát.
Chiến dịch này bị tố cáo là bao gồm cả việc đốt cháy các ngôi làng của người Rohingya và các vụ vi phạm nhân quyền trên bình diện rộng như hãm hiếp phụ nữ, nổ súng giết người do binh lính Miến Điện hay đám đông người Phật giáo tiến hành.
Làn sóng di cư qua Bangladesh đã chậm lại ở một số điểm nhưng chưa dừng hẳn. Vào sáng nay, vẫn có ít nhất 2000 người Rohingya trong tình trạng hoảng hốt và đói khát, bám trụ tại các ruộng lúa gần một đường biên giới băng qua sông Naf. Họ đã đợi hơn 24 giờ để được phép vào Bangladesh.
Trọng Nghĩa
*****************
Miến Điện trách Bangladesh chậm cho hồi hương người Rohingya (RFA, 01/11/2017)
Người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hôm 01/11/2017. AFP
Miến Điện lên tiếng đổ lỗi cho Bangladesh đã làm trì hoãn tiến độ hồi hương của người Hồi giáo Rohingya đang ở trong các trại tị nạn trở về Myanmar, trong lúc Liên Hiệp Quốc cáo buộc Chính phủ Miến thực hiện cuộc thanh tảo sắc tộc khiến hơn 600.000 người thiểu số ở bang Rakhine phải chạy sang nước này lánh nạn.
Phát ngôn nhân Zaw Htay của Chính phủ Miến, vào ngày 1 tháng 11 nói với AFP rằng Myanmar sẵn sàng nhận về số người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh bất cứ lúc nào nhưng Dhaka vẫn cứ xem xét thỏa thuận giữa hai quốc gia và vẫn chưa gửi danh sách liệt kê cụ thể những người đã rời Miến kể từ ngày 25 tháng 8 cho đến nay.
Phát ngôn nhân của Chính phủ Miến nói thêm rằng Dhaka đã nhận gần 400 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho những người tị nạn Rohingya ở Bangladesh nên Miến Điện e rằng Bangladesh đang trì hoãn chương trình hồi hương cho những người tị nạn này.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Bangladesh phủ nhận cáo buộc của Chính phủ Miến. Giới chức ngoại giao này nói với AFP hai nước đang làm việc để vượt qua những khác biệt trong hiệp định về thoả thuận hồi hương cho người tị nạn Rohingya.
Trọng Nghĩa
Thái tử Charles gạt Miến Điện khỏi hành trình công du Châu Á (RFI, 05/10/2017)
Áp lực lên Miến Điện trong cuộc khủng hoảng người Rohingya ngày càng lớn. Sau việc đại học Oxford rút ảnh bà Aung San Suu Kyi, giờ đến lượt hoàng gia Anh gạt Miến Điện khỏi lộ trình công du Châu Á của thái tử Charles, bắt đầu vào cuối tháng 10 này.
Thái tử Charles và công nương Camilla trên hàng không mẫu hạm HMS Prince of Wales tại Scotland ngày 08/09/2017. Reuters/Russell Cheyne
Theo AFP, thái tử Charles và công nương Camilla sẽ bắt đầu chuyến công du Châu Á vào ngày 30/10/2017. Trong vòng 11 ngày, thái tử Charles sẽ lần lượt đến thăm các nước Singapore, Malaysia và Ấn Độ. Thông cáo của Clarence House (dinh thự của thái tử Charles) khẳng định mục đích của chuyến công du là nhằm thắt chặt quan hệ với các quốc gia nói trên trước thượng đỉnh Khối Thịnh Vượng Chung Commonwealth, diễn ra tại Vương Quốc Anh vào mùa xuân năm 2018.
Không như những gì giới truyền thông Anh thông báo vào tháng 9 vừa qua, chương trình chính thức được công bố hôm qua, 04/10/2017 không đưa Miến Điện vào lộ trình công du.
Theo giải thích của phát ngôn viên Bộ ngoại giao Anh, "Các điểm viếng thăm trong chuyến công du hoàng gia đã được quyết định dựa trên những khuyến nghị của ủy ban công du hoàng gia, vốn dĩ đã xem xét cẩn trọng các ý kiến từ Bộ ngoại giao".
Như vậy là sau đại học Oxford, Anh Quốc đã gây thêm một áp lực ngoại giao với Naypyidaw trong cuộc khủng hoảng người tị nạn Rohingya. Về phần mình, các tổ chức phi chính phủ hôm qua ước tính cần đến hơn 400 triệu đô la để đáp ứng các nhu cầu cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn Rohingya trong vòng 6 tháng tới.
Minh Anh
******************
Đại học Oxford gỡ bỏ ảnh bà Suu Kyi (BBC, 02/10/2017)
Đại học Oxford, nơi bà Aung San Suu Kyi từng là sinh viên, đã gỡ bỏ bức chân dung của bà khỏi một trường (college), theo sau chỉ trích quốc tế về vai trò của bà trong khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar.
Bà Aung San Suu Kyi đối mặt với chỉ trích quốc tế
Bạo lực tại Myanmar đã khiến hơn 400 nghìn người Hồi giáo Rohingya vượt biên sang quốc gia láng giềng Bangladesh.
Nữ lãnh đạo thực quyền của Myanmar bị chỉ trích là đã bác bỏ cáo buộc thanh trừng sắc tộc của Liên Hiệp Quốc.
Trường St. Hugh's College nói rằng bức chân dung của bà đã bị thay thế bằng một bức họa của Nhật Bản.
Trường này đã thay bức họa được treo trước đó bởi một tác phẩm của họa sỹ Nhật Bản Yoshihiro Takada. Lý do gỡ bỏ bức chân dung không được đưa ra rõ ràng.
Quản lý truyền thông Benjamin Jones cho biết bức chân dung đã được chuyển tới một "địa điểm an toàn" trong thời gian bức tranh của Takada được trưng bày.
Bức họa mới được giới thiệu tại trường vào đầu tháng này và hiện đang được trưng tại sảnh tòa nhà chính của trường St. Hugh's.
Bà Suu Kyi, một cựu tù nhân chính trị đã trở thành lãnh đạo thường dân Myanmar từ sau khi thắng cử năm 2015, đang chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Bà Aung San Suu Kyi gặp lại bạn bè cũ tại đại học Oxford năm 2012
Trong một diễn văn tuần trước, người chiến tháng giải Nobel lên án việc xâm phạm quyền con người nhưng không khiển trách quân đội hay nhắc tới việc thanh trừng sắc tộc.
Bà tốt nghiệp từ trường St Hugh's thuộc đại học Oxford năm 1967 và được trao bằng danh dự vào tháng 6/2012.
Đại học Oxford cho biết sẽ không tước bằng danh dự của bà.
Thành lập năm 1886, St Hugh's là một trong những college lớn nhất của đại học Oxford với khoảng 800 sinh viên.
Mảng tối của Aung San Suu Kyi
Sau trưng cầu dân ý Catalunya, e rằng Tây Ban Nha sẽ đi vào con đường đẫm máu. Thủ tướng Anh có nguy cơ "ra đi" trước Brexit. Vì sao lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi vô cảm với thảm nạn của người Rohingya ? Trên đây là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp ngày 02/10/2017.
Bà Aung San Suu Kyi, với các dân biểu quân đội Miến Điện, tháng 3/2016. Reuters/Ye Aung Thu
"Tôi không phải là Margaret Thacher (người đàn bà thép) nhưng tôi cũng không phải là Mẹ Theresa. Tôi cũng không phải là thần tượng, tôi là nhà chính trị".
Khôi nguyên Nobel Hòa bình 1991, nay là người nắm thực quyền dân sự ở Miến Điện, đã dùng lời đanh thép này để giải thích vì sao bà không lên tiếng bênh vực cộng đồng Rohingya đã làm cho nhiều người từng mến mộ Aung San Suu Kyi thất vọng não nề. Đặc phái viên Bruno Philip của Le Monde nhắc lại tuyên bố này không phải để chỉ trích nhân vật "có quyền cao hơn tổng thống", nhưng để giúp độc giả tìm hiểu "phần tối" của nhà lãnh đạo, một thời được thế giới xem là "thần tượng".
"Nobel hòa Bình 1991 : trước sau như một ?"
Vào lúc công luận quốc tế bất bình bà Aung San Suu Kyi, tại Rangun nhiều người cho rằng Tây phương hiểu lầm. Ko Jimmy, cựu phát ngôn viên phong trào sinh viên "Thế hệ 88", cựu tù chính trị trong chế độ quân phiệt khẳng định : "Aung San Suu kyi không hề thay lòng đổi dạ. Bà làm hết sức mình để bảo vệ nhân quyền và dân chủ".
Thế thì tại sao hơn nửa triệu người Rohingya phải bỏ nước ra đi ? Nhà báo Sit Thu Aung Mynt, trước đây là chiến binh của Đảng cộng sản Miến Điện, nay đã giải thể, phân tích : Tây phương không hiểu là ở Miến Điện có hai chính phủ : chính phủ Aung San Suu Kyi và chính phủ của... quân đội. Bà ấy không thể công khai lên án quân đội mà phải chỉ trích một cách tế nhị. Trong thông điệp ngày 19/09 vừa qua, khi tuyên bố "những ai phạm tội chà đạp nhân quyền thì dù ở chức vụ nào, theo tôn giáo nào" cũng sẽ bị trừng phạt đích đáng. Aung San Suu Kyi đã đi tới mức giới hạn có thể, vì quân đội nắm hết các bộ then chốt – nội vụ, quốc phòng và biên giới và nắm quyền phủ quyết ở hai viện Quốc hội.
Còn theo Tin Maung Than, tổng thư ký Hội đồng Hồi giáo, thì cho dù bà Aung San Suu Kyi có phê phán hành động cực đoan của giới Phật tử kỳ thị tôn giáo, đồng minh của quân đội, thì phe quân đội cũng bất chấp.
"Chính trị gia thiền sinh"
Tuy nhiên, theo Le Monde, nguyên nhân sâu xa làm giới trí thức ở Rangun bất bình và thất vọng là bà Aung San Suu Kyi "đã chọn chính trị thay vì đạo lý" làm kim chỉ nam.
Câu hỏi mà Le Monde đặt ra là "quyền lực đã làm cho người cựu sinh viên đại học Oxford, từng can đảm hy sinh hạnh phúc riêng tư để thực hiện hoài bảo của người cha mất sớm, thay đổi đến mức độ nào ?".
Theo Le Monde, "mảng tối" của Aung San Suu Kyi, một phần là do liên hệ huyết thống với người cha anh hùng dân tộc Aung San, bị đối thủ chính trị ám sát vài tháng trước khi Miến Điện được Anh Quốc trao trả độc lập. Làm thế nào bà có thể bài bác quân đội do chính thân phụ thành lập ? Bà chỉ dành "sấm sét" cho những tướng lãnh thiếu trách nhiệm.
Aung San Suu Kyi, theo lời kể của Leon de Riedmatten, một nhà họat động Thụy Sĩ trong Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế, là một người vừa cứng cỏi vừa vui tính. Năm 2002, bà từ chối đề nghị thỏa hiệp với quân đội đổi lấy tự do mà không có đối thoại chính trị. Thuyết phục mãi, sau cùng bà nhận lời với một điều kiện là "ấm lòng" một người Thụy Sĩ : nếu tôi đồng ý, bạn làm cho tôi món pho mát "nướng".
Trên thực tế, Aung San Suu Kyi không phải là con người tình cảm vụn vặt. Bà cảm thấy có một sứ mệnh linh thiêng phải theo đuổi. Thiên hướng này được bà giải thích vào năm 2013 tại Tokyo : Tôi cảm thấy ái ngại khi được khen là đã chịu nhiều hy sinh. Tôi không cảm thấy hi sinh gì cả. Tôi chọn con đường phải đi và đi đến cùng với sự tỉnh thức.
Theo Le Monde, Aung San Suu Kyi chỉ có một cuộc tranh đấu : tranh đấu cho một nước Miến Điện dân chủ. Danh tiếng ở nước ngoài chỉ là thứ yếu. Kết quả nhiều năm dài thiền quán theo pháp môn Vipassana, bà thấu rõ cũng như biết giữ khoảng cách với thăng trầm của cuộc đời.
Catalunya : cạm bẫy nội chiến
Tây Ban Nha trong ngõ cụt. Bạo lực đào thêm hố chia rẽ giữa Madrid và Catalunya. Nhìn chung báo chí Pháp lo ngại quốc gia láng giềng rơi vào vòng nội chiến máu lửa.
Trong bài xã luận "Dưới chân tường", nhật báo Công giáo La Croix tiếc rẻ : Thoát khỏi chế độ độc tài của Franco (1978), Tây Ban Nha theo sáng kiến một nước tản quyền. Một số cộng đồng tự trị được Madrid cho thêm thẩm quyền nhiều hơn cộng đồng khác.
Thế nhưng người dân Catalunya đã không ý thức là họ bị một nhóm thiểu số yêu sách phi lý khuynh đảo, các kết quả thăm dò ý kiến xác nhận điều này. Chính thái độ cực đoan này đã tạo ra phản ứng mạnh từ chính quyền trung ương có bổn phận bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Tại sao dân Catalunya lại muốn ly khai với một nước dân chủ ? Tây Ban Nha có áp bức họ đâu ?
Về phần chính quyền trung ương, La Croix kêu gọi Madrid phải biết sáng tạo một chính sách mới, như liên bang chẳng hạn.
Libération trách chính quyền cánh hữu hiện nay là thiếu mềm dẻo trong một thế giới có xu hướng "chọn một phe" khi thấy tình hình phức tạp. Thủ tướng Rajoy đã chọn bạo lực nhà nước để đối phó với Catalunya bất tuân dân sự. Dùng đạn cao su và cảnh sát đàn áp chỉ tạo ra thêm một phong trào đối lập cực đoan. Cả nước Tây Ban Nha không nên theo con đường nội chiến đẫm máu mà họ đã nếm trải trong thập niên 1930.
Liên Hiệp Châu Âu nhiều rối ren
Nếu Le Monde tập trung vào lý do địa chính trị và kinh tế khiến Madrid không để cho Barcelona ly khai, Libération dành nhiều trang báo để phân tích thái độ tắc trách, thiếu tầm nhìn của giới chính trị Tây Ban Nha từ nhiều chục năm nay. Nhật báo cánh tả kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu nhắc nhở thủ tướng Tây Ban Nha nền tảng của Liên Hiệp Châu Âu là "hòa bình, thịnh vượng và tiến bộ". Vấn đề là trong một bài phân tích "Châu Âu bối rối, giữ im lặng", Libération cho rằng Bruxelles khoanh tay đứng ngoài, vì Berlin ủng hộ Madrid, để cho Tây Ban Nha tự lo, theo nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ của nhau. Nguyên tắc này có giá trị đến bao giờ ? Libération tự trả lời : cho đến khi có máu đổ.
Đối với Les Echos, Tây Ban Nha khó có thể quay lui. Thủ tướng Mariano Rajoy rơi vào chiến bẫy Catalunya. Chủ tịch vùng tự trị này chơi đòn cân não với lời đe dọa "tuyên bố nước cộng hòa Catalunya độc lập". Giải pháp tương đối khả thi, do phe tả đề nghị, là tu chính hiến pháp.
Nội tình nước Đức cũng rối ren vì phong trào cực hữu. Đối với Les Echos, nét son thống nhất đất nước đã bị đảng AfD làm nhơ nhuốc. Trong phần lãnh thổ Đông Đức cũ, có vài nơi đảng bài ngoại chiếm được 32% phiếu bầu. Kết quả này buộc nước Đức phải xem xét lại con đường trải qua từ năm 1990. Một trong những điểm đen làm người dân phàn nàn là thu nhập bên phía đông thấp hơn phía tây. Tiền hưu trí cũng thế cho dù Berlin đã nhiều lần gia tăng phụ cấp.
Theresa May bị nội bộ đe dọa
Trong bối cảnh phe cực hữu Đức muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Catalunya muốn độc lập với Tây Ban Nha, Luân Đôn thương lượng ly hôn với Bruxelles, thì đảng bảo thủ của Anh đứng trước cơn bão chính trị : Thủ tướng Theresa May, vị thế đang suy yếu vì kinh tế Anh trì trệ, vì thái độ khiêu khích của ngoại trưởng Boris Johnson, có nguy cơ "ra đi" trước "Brexit", tựa của Libération.
Tin xấu đến hàng loạt : Kinh tế Anh bị cơ quan thẩm định tài chính Moody"s hạ điểm, tỷ lệ tăng trưởng rơi xuống mức thấp nhất so với các nước G7. Trong khi đó, ngoại trưởng Boris Johnson công khai ngắm chiếc ghế thủ tướng Anh.
Cuối cùng, nhìn từ Moskva, Le Monde mượn tựa câu chuyện cổ tích "Alibaba và 40 tên cướp" để nói về một trong những chuẩn bị tái tranh cử của tổng thống Nga : Vladimir Putin và 40 đại gia. 40 tỷ phú và triệu phú doanh nhân của Nga được triệu mời vào điện Kremlin ngày 21/09 vừa qua. Cuộc gặp gỡ mang danh nghĩa tổng kết tình hình kinh tế "phấn khởi" theo chủ nhân điện Kremlin, nhưng có thể xem là chiến dịch tái tránh cử vào tháng 03/2018 đã khai màn.
Y tế : tin xấu, tin vui
Về y tế, Le Monde đưa một tin xấu. Tin xấu là giới chuyên gia bị phân hóa, không kết luận dứt khoát có cần cấm triệt để hay không hóa chất phtalates cho dù có nhiều nghiên cứu nghi ngờ hóa chất diệt cỏ sử dụng đại trà trong nông nghiệp có phương hại cho hệ thống thần kinh và nội tiết của trẻ em trai.
Le Figaro thì đưa tin vui : giới y khoa đã nhận diện ra nguyên nhân chính gây ung thư bàng quang : đó là thuốc lá, và tìm ra một phương cách trị liệu ung thư bàng quang đáng khích lệ bằng liệu pháp miễn dịch.
Tú Anh
Thay vì tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, lãnh đạo Myanmar là bà Aung San Suu Kyi phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng về sắc tộc và sáng Thứ Ba 18, bà đã lần đầu tiên đọc bài diễn văn chính thức về vụ khủng hoảng, bùng nổ từ ngày 25 tháng trước khiến hơn 40 vạn người Rohingya theo Hồi giáo phải lánh nạn qua xứ khác. Bài diễn văn vẫn không thỏa mãn nhiều người và các tổ chức quốc tế kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….
Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn toàn quốc ở Naypyidaw hôm 19/9/2017. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ khủng hoảng về sắc tộc tại Myanmar kéo dài gần một tháng và gây xúc động cho dư luận thế giới khi mấy chục vạn dân Rohingya phải lánh nạn sau khi mấy ngàn ngôi làng của họ bị đốt cháy. Một số tổ chức quốc tế khiển trách người lãnh đạo là bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế xứ này. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng sự xúc động khiến nhiều người đặt sai bài toán, trút trách nhiệm lên một vị nữ lưu và càng gây thêm khó khăn cho xứ Mymanmar, mà ngày xưa ta gọi là Miến Điện. Muốn hiểu tại sao thì ta cần trở ngược lên bối cảnh gần xa của vấn đề.
Thứ nhất, dù có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, Myanmar là một quốc gia khó cai trị nhất thế giới. Nằm giữa hai cường quốc có ảnh hưởng văn hóa chính trị của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ, Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc, nation-state. Lãnh thổ xứ này là một thách đố cho lãnh đạo vì bị địa dư chia cắt thành hai vùng rừng núi hiểm trở của nhiều sắc tộc và tôn giáo từ hai ngả Đông Tây nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu của sông Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây, Trung Quốc ở mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía Đông đều tìm cách khai thác tình trạng bất thường ấy qua các sắc tộc thiểu số và góp phần gây thêm xung đột. Vì vậy, sau khi có độc lập từ 70 năm trước, lãnh đạo Miến mới cần quân đội mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương và đối ngoại thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa ảnh hưởng ngoại bang. Thời Chiến tranh lạnh, từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại bang còn là các nhóm dân quân cộng sản do Trung Quốc đào tạo và huấn luyện. Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ là do hoạt động của các tổ chức cộng sản đó.
Nguyên Lam : Ông,vừa nêu một nghịch lý trong bối cảnh địa dư và lịch sử của Myanmar. Nhưng thưa ông, vì sao ông nói là xứ này chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là về kinh tế chính trị, Miến Điện còn lãnh một di sản dã man khác của Đế quốc Anh : trăm năm trước, nước Anh đưa dân Ấn vào phụ trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa số là người Miến một ít quyền hạn chính trị và hành chánh, nhưng lại dùng các sắc dân thiểu số vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quân sự. Chỉ sau khi Anh bị Nhật đánh bại trong Thế chiến II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lĩnh vực quân sự và từ đó mới dần dần xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh lên cầm quyền sau này. Ách độc tài quân phiệt là hiện tượng đáng chê trách, nhưng có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử và dẫn tới hậu quả là càng bị quốc tế cô lập vì nạn độc tài thì xứ này càng lệ thuộc vào một cường quốc có tham vọng bành trướng là Trung Quốc !
Nguyên Lam : Tức là giới tướng lãnh phải chấp nhận dân chủ hóa để khỏi bị quốc tế tẩy chay mà càng trôi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, nhưng phải chăng là họ vẫn không muốn bị mất quyền và vẫn giữ quân đội trong tay ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, từ 1962 đến 2011, Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa chế độ quân phiệt và lực lượng võ trang của các sắc tộc đòi ly khai. Sau đấy, giới tướng lãnh nhượng bộ dần và đề nghị ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính trị cho các sắc tộc thiểu số. Nhưng tiến trình ấy còn nhiều bất trắc và sau khi Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (National League for Democracy) của mình đại thắng vào năm 2015, bà Aung San Suu Kyi phải làm một lúc hai việc : thỏa hiệp với quân đội để từng bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng nền móng chính trị bền vững hơn cho quốc gia qua việc hội nhập sắc tộc.
Lãnh thổ xứ này có hơn hai chục nhóm thiểu số võ trang, với vài trăm tới vài vạn tay súng, đang hùng cứ các vùng biên giới và coi đó là chủ quyền chính đáng của họ. Từ cuối năm 2015, chế độ quân phiệt đề nghị một tạm ước ngưng bắn với tám tổ chức, mà có bảy tổ chức vẫn từ chối tham gia, chưa kể nhiều lực lượng mạnh nhất tại vùng biên giới Hoa-Miến thì không được mời vào vòng đàm phán vì họ đang chiếm đóng các khu vực trọng yếu và rộng lớn nhất.
Đa số các nhóm võ trang này đều có đặc tính sơn cước, giỏi du kích chiến, được trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ còn có ưu thế địa dư là có thể vượt biên giới để bảo toàn lực lượng khi bị tấn công và lợi thế kinh tế là kinh doanh ma túy để tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, một số lực lượng võ trang này chưa thấy sự nhượng bộ của Chính quyền trung ương, từ các tướng lãnh hay từ bà Aung San Suu Kyi, là đủ hấp dẫn. Khi so sánh các tướng lãnh thì đảng đa số hiện nay là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tương đối đáng tin cậy hơn trong đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu số đang suy tính lợi hại. Họ có thể tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng giải pháp bạo động quân sự.
Nguyên Lam : Bây giờ lại bùng nổ vụ khủng hoảng vì dân Rohingya và bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế khiển trách. Thưa ông, đầu đuôi của vụ khủng hoảng này là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Miến Điện có 135 sắc dân, gom thành tám nhóm lớn, theo các tôn giáo khác nhau, như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và cả Thiên Chúa giáo. Đa số dân Miến thì theo Phật giáo Nguyên thủy, bên trong nhiều người cực đoan chủ trương là chỉ Phật giáo mới có tinh thần dân tộc và biết bảo vệ bản sắc quốc gia. Trong các sắc dân, người Rohingya có vài triệu, đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng theo tôn giáo khác, và sống tập trung trong tỉnh Rachine tại vùng Tây-Bắc bên cạnh xứ Bangladesh nhìn ra Vịnh Bengal. Nghịch lý ở đây là họ không được luật pháp coi là công dân Miến Điện như các sắc dân kia.
Từ thành phần này mới có lực lượng xưng danh là "Giải phóng quân Rohingya tại Arakan", viết tắt là ARSA, họ đấu tranh võ trang để được công nhận quy chế công dân. Lực lượng ấy chỉ có chừng 500 tay súng, nhưng cuối Tháng Tám lại tấn công 30 đồn binh của Miến nên gặp sự trả đũa dữ dội của quân đội. Xã hội Miến có nhiều người không ưa và thậm chí kỳ thị dân Rohingya, nhưng họ có quyền bỏ phiếu. Bà Aung San Suu Kyi lâm thế kẹt là nếu đả kích tinh thần cuồng tín này thì họ dồn phiếu cho tổ chức chính trị của giới tướng lãnh là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USDP), gọi là để bảo vệ quyền lợi và bản sắc dân tộc khiến cho tiến trình dân chủ hóa chính trị rồi tư nhân hóa kinh tế theo đuổi từ 25 năm nay sẽ gặp trở ngại.
Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao ông nghĩ rằng việc trừng phạt kinh tế Miến Điện chưa chắc là đã có lợi. Ông kết luận thế nào về chuyện rắc rối này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ biện pháp trừng phạt kinh tế ít công hiệu khi có quá nhiều kẽ hở và rốt cuộc nạn nhân sau cùng vẫn là người dân thấp cổ bé miệng. Thứ hai, nhiều lãnh đạo Hồi giáo nhảy vào đả kích Miến Điện do nhu cầu chính trị ở nhà chứ cũng chưa có giải pháp cụ thể nào cho dân Rohingya. Trong khi đó, có ba cường quốc lại tỏ vẻ bênh vực Miến Điện là Liên bang Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là do an ninh và quyền lợi của họ. Nga thì sợ nạn Hồi giáo ly khai ngay bên trong lãnh thổ. Trung Quốc thì muốn kéo Miến Điện vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của họ, trong khi Ấn Độ muốn tranh thủ Miến Điện để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Kết luận của tôi là sự bi quan dành cho dân Rohingya trong thời gian tới.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 20/09/2017