Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tháng 01/2020, siêu vi gây dịch Covid-19 làm rung chuyển Trung Quốc. Ít tuần sau đến lượt toàn thế giới. Nhiều người tìm căn nguyên trong việc Bắc Kinh giấu dịch khiến quốc tế bị động. Không ít người phê phán phương Tây chủ quan. Tuy nhiên giới khoa học về sinh thái chỉ ra cội rễ sâu xa của đại dịch chưa từng có. Đó là nền văn minh công nghiệp đương đại lấy khai thác triệt để thiên nhiên làm mục tiêu. 

pha1

Mô hình virus corona SARS-CoV-2, do Trinity College Dublin, xây dựng. via Reuters - Social Media

Khi rừng già bị hủy hoại, thú hoang bị tận diệt, virus bành trướng tấn công con người là điều "không tránh khỏi". Mục "Theo dòng thời sự" của RFI xin tổng hợp nhận định của một số chuyên gia, nhà nghiên cứu Pháp trong lĩnh vực sinh thái học, về chủ đề "Cội rễ của đại dịch Covid-19".

Vì sao phá hủy rừng già, tận diệt thú hoang là cội nguồn dẫn đến đại dịch ? 

Cho đến nay, vẫn còn nhiều bí ẩn bao trùm xung quanh sự xuất hiện của virus corona mới gây bệnh Covid-19, tên khoa học là SARS-CoV-2, đang khiến toàn thế giới chao đảo, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh không tạo điều kiện cho giới khoa học quốc tế đến thành phố Vũ Hán, nơi dịch bùng phát, tiếp cận hiện trường. Không ít người đặt giả thiết loài virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm đặc biệt ở Vũ Hán, chuyên nghiên cứu về các virus nguy hiểm. Thậm chí có người còn cho virus SARS-CoV-2 là một vũ khí sinh học bí mật. Không đi vào các nhận định, suy luận khó kiểm chứng này, về đại dịch Covid-19, giới sinh thái nhìn chung đều thống nhất ở một điểm : virus SARS-CoV-2, gây dịch Covid-19 có nguồn gốc động vật hoang dã, cũng giống như khoảng một nửa số loài virus tấn công con người, từ gần một thế kỷ nay. 

Từ virus gây bệnh Sida (được cho là truyền từ loài vượn), đến Ebola ở Tây Phi (truyền qua dơi), hay virus H5N1 (truyền qua chim), hay bệnh sốt rét, sốt xuất huyết hay Zika tại Châu Mỹ (truyền qua muỗi)… virus SARS xuất hiện tại Châu Á năm 2002 (được truyền từ cầy hương)… Việc phá hủy rừng, để trồng trọt, xây dựng thành phố, khiến các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống làm gia tăng nguy cơ động vật hoang tiếp xúc với động vật nhà, với con người, khiến virus dễ dàng bành trướng. 

Trong một bài trả lởi phỏng vấn báo Libération, ông Serge Morand, giám đốc nghiên cứu CNRS, chuyên gia về sinh thái học y tế, nhấn mạnh đến tình trạng, kể từ những năm 1960 đến nay (tương đương với thời kỳ công nghiệp hoá mãnh liệt trên quy mô toàn cầu), "ngày càng có nhiều bệnh dịch trong năm hơn, dịch bệnh lan rộng hơn…", tỉ lệ các dịch bệnh được gọi là ở quy mô ‘lịch sử" nhiều hơn (1). 

Theo nhà sinh thái học Serge Morand, có ba nhân tố đồng thời khiến dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật nói chung, động vật hoang dã nói riêng, bùng phát. Ba nhân tố đều liên quan đến vấn đề đa dạng sinh học. 

Thứ nhất là sự suy giảm ngày một nghiêm trọng của đa dạng sinh học, nói cách khác, tốc độ tuyệt chủng các giống loài gia tăng. 

Thứ hai là nông nghiệp ngày càng biến thành một ngành công nghiệp, nhân tố góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm đa dạng sinh học. 

Thứ ba là sự phát triển đột biến của ngành giao thông hàng hoá và vận tải người. Sự phát triển về giao thông này vừa là nhân tố khiến dịch bệnh dễ dàng lan rộng, do các tiếp xúc gia tăng giữa người với người, về tần số, về số lượng, vừa là yếu tố kích thích sự phát triển của các ngành sản xuất coi khai thác "tài nguyên" thiên nhiên hoang dã là mục tiêu. Giao thông tăng trưởng gắn liền với kinh tế tăng trưởng, nhưng cũng là con đường giúp dịch bệnh tăng trưởng đột biến, dễ dàng di chuyển từ vùng này đến vùng khác. 

Một vài con số minh hoạ : Thế giới hiện nay có 1,5 tỉ bò nuôi, 25 tỉ gà nuôi, hàng tỉ con heo… Tất cả thường được nuôi bằng các loại hạt được trồng theo phương thức công nghiệp hoá, như đậu tương. Để có diện tích nuôi gia súc, gia cầm, đất trồng cây làm thức ăn cho chúng, các diện tích rừng khổng lồ đã bị hủy diệt… Các loài động vật hoang dã, bị dồn đuổi, ngày càng đến gần hơn, nhiều hơn với thế giới con người… Vận tải hàng không, tăng gấp 12 lần giữa năm 1960 đến 2018, giao thông hàng hải cũng tương tự… Tất cả những yếu tố này quá đủ làm nguyên liệu cho "những trái bom" dịch bệnh, sẵn sàng phát nổ. 

Những con đường đưa các sinh vật "nguy hiểm" đến với thế giới con người

Nhà sinh thái học Rodolphe Golza, giám đốc nghiên cứu IRD, trong bài trả lời tuần báo L’Obs, lưu ý đến tập quán buôn bán động vật hoang dã, làm thực phẩm hay vì các mục tiêu khác, trở nên hết sức phổ biến, với quy mô lớn tại Trung Quốc, tạo nên một không gian lý tưởng cho sự tăng trưởng của nhiều loài siêu vi, kênh truyền virus dễ dàng từ động vật sang người (2). 

Giám đốc nghiên cứu sinh thái học, Viện IRD, nhấn mạnh đến việc khi không gian sinh sống truyền thống của các loài sinh vật hoang dã bị phá hủy, do con người hay do thiên tai, các mầm bệnh được truyền đi khắp nơi, trong quá trình này, trong một số điều kiện nhất định, chúng có thể tìm được các vật trung gian phù hợp hơn, trở thành các phương tiện truyền bệnh hiệu quả hơn. Ông đặc biệt chú ý đến việc một số không gian sinh sống bị phá hủy dẫn đến sự diệt vong của một số giống loài tuy mang các bệnh truyền nhiễm, nhưng khả năng lây lan không cao, việc chúng bị hủy diệt khiến virus bành trướng, phát triển theo nhiều con đường bất thường. Đây là điều mà ông gọi là "hiệu ứng lan toả". 

Để virus từ một động vật hoang dã truyền được đến con người và trở thành yếu tố gây dịch bệnh, virus thường phải sự đột biến về gen, mới có thể xâm nhập vào tế bào người. Cụ thể về dịch Covid-19, theo giáo sư Serge Morand, virus corona mới xuất phát từ loại dơi ("khả năng chắc chắn đến 98%"), việc biến đổi về gen để thích ứng với cơ thể người xảy ra trong quá trình chúng sống ký sinh trên một động vật trung gian (có thể là qua loài tê tê hoặc một loài khác). Và loài vật trung gian này thường là một loại vật hoang dã có nhiều tiếp xúc với con người.

Thuần hóa các động vật hoang : Một kênh truyền bệnh chính

Theo các nhà sinh thái học, việc thuần hóa các động vật hoang dã đã từng là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh truyền nhiễm hiện nay, như cúm, sởi, sởi Đức, bệnh đậu mùa hay quai bị… Loại người chúng ta cùng với chó, bò hay lợn, có nhiều căn bệnh chung hơn là so với giữa người với thỏ, bởi với ba loài trên, thời gian thuần hoá diễn ra vào khoảng 17.000 đến 10.000 năm trước, loài thỏ mới chỉ được thuần hóa từ 2.000 năm nay. Bệnh truyền nhiễm cũng đến từ loài chuột (sống cạnh loài người từ khoảng 10.000 năm). Loài chuột làm trung gian truyền các bệnh từ các loại gặm nhấm hoang dã sang người, loài chó truyền các bệnh từ chồn hay sói. Về phía các loài chim, vịt nhà là nơi trung gian truyền các virus gây cúm từ vịt hoang… Việc thuần hóa một số giống loài mới đây, ví dụ như nuôi chồn tại nhiều nước Đông Nam Á, để phục vụ cho ngành sản xuất "cà phê chồn", có thể là các kênh truyền bệnh mới. 

Triệt phá môi trường nuôi dưỡng các siêu vi có phải là giải pháp ? 

Một số người muốn tận diệt một số giống loài được coi là mang bệnh để huỷ bỏ hết nơi trú ẩn của virus, giúp loài người không còn bị dịch bệnh quấy rối. Giấc mơ này cũng tựa như việc tiêu huỷ hết rừng để không còn bị cháy rừng. Theo các nhà sinh thái học, thì cần phải làm điều ngược lại. Có một thực tế là số lượng bệnh truyền nhiễm càng tăng khi các giống loài càng bị tiêu diệt, siêu vi sẽ tản đi khắp nơi để tìm đường sống. Chuyên gia Serge Morand lưu ý là chính việc bảo vệ các môi trường tự nhiên, phong phú về hệ sinh thái, khiến các loài virus có thể gây bệnh, tuy hiện diện nhiều, nhưng chúng sống gắn liền và phụ thuộc vào một số địa bàn cụ thể, hay nói cách khác ăn ở yên lành tại đấy, không thể di chuyển dễ dàng sang nơi khác, để gây các dịch lớn. 

Về dịch bệnh và chăn nuôi, nhà sinh thái học Serge Morand tố cáo phương pháp dập dịch gia cầm bằng cách tiêu diệt ồ ạt các giống gia cầm địa phương, để thay thế bằng các giống công nghiệp, được cho là thích hợp với "chăn nuôi lớn", như trong dịch H5N1 tại Thái Lan (năm 2004), dịch cúm gia cầm H5N8 ở Hàn Quốc (năm 2016)... Chính Tổ Chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã khuyến khích cách làm này, trong khi bản thân FAO cũng thừa nhận kể từ đầu thế kỷ XX, nhân loại đã mất đi khoảng 30% giống gà, 20% giống heo…, vốn là sản phẩm của quá trình tiến hoá, lai tạo hàng trăm, hàng nghìn năm. Điều căn bản mà nhiều người không hiểu là, chính sự đa dạng về di truyền của các vật nuôi, khiến cho các bệnh truyền nhiễm không dễ lây lan, biến thành đại dịch. Nhiều giống vật nuôi lâu đời, sống gắn với một địa bàn cụ thể, thường có khả năng kháng cự rất tốt với dịch bệnh. Tính đa dạng sinh học cũng cản trở virus tác oai, tác quái. 

Nhìn chung, theo giáo sư Rodolphe Golza, trong kỷ Nhân Sinh (Anthropocène), thuật ngữ địa chất học dùng để chỉ thời kỳ con người trở thành thế lưc có khả năng làm biến đổi sâu sắc toàn bộ hành tinh, thì rất có nguy cơ nhiều bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới xuất hiện. Do sự huỷ hoại các không gian sống tự nhiên của các loài sinh vật hoang dã, do tính siêu kết nối của nhân loại hiện nay (như đã nêu), nhưng đặc biệt cũng do Biến đổi khí hậu, có khả năng tác động rất lớn đến thế giới sinh vật hoang dã (đặc biệt do sự thay đổi của nơi cư trú), đến quan hệ giữa con người với các động vật hoang dã. 

Học thiên nhiên để sống với thiên nhiên 

Bên cạnh việc bảo vệ thiên nhiên hoang dã, chuyên gia sinh thái Serge Morand đề xuất phát triển mạnh các hình thức nông nghiệp thuận tự nhiên, trồng rừng thuận tự nhiên, chăn nuôi thuận tự nhiên…, để góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, điều kiện để các loài virus nguy hiểm không dễ dàng trực tiếp đến với con người. Trên thực tế, vấn đề dịch bệnh từ các loài động vật hoang dã truyền sang người là một lĩnh vực còn đầy bí ẩn, cần phải có sự phối hợp nghiên cứu giữa giới y khoa, thú y, sinh thái học, cũng như những nhà nghiên cứu xã hội, chính trị, để có các chính sách phù hợp "tránh cho các bệnh dịch không biến thành khủng hoảng y tế". 

Để có một chiến lược phù hợp trong vấn đề mang tính sống còn này, xã hội con người cần thay đổi triệt để cách tiếp cận. Nhà nghiên cứu Aleksandar Rankovic, Viện tư vấn về Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế (IDRRI), nhấn mạnh là cần thay thế lối suy nghĩ theo kiểu con người khai thác, thống trị thiên nhiên lâu nay, bằng một cách nghĩ thật sự khiêm nhường, để con người có cơ hội hiểu được sự kỳ diệu của tự nhiên, để biết học cách chung sống với tự nhiên (theo nhà sinh thái Rodolphe Golza, cùng đối mặt với khủng hoảng nhưng một số quốc gia, đặc biệt là các nước Châu Á, như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, và kể cả Trung Quốc, đã có truyền thống đối phó với dịch bệnh thường xuyên, nên có một số phản ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn). 

Khủng hoảng Covid-19 là một khủng hoảng sinh thái, "khủng hoảng mang tính hệ thống", một cuộc đại khủng hoảng. Một bộ phận giới chính trị dường như đã bắt đầu thừa nhận điều này. Chỉ có các phối hợp tập thể trên quy mô toàn cầu mới có khả năng giúp nhân loại tìm được lối thoát cho cuộc đại khủng hoảng hiện nay. 

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 31/03/2020

(1) La crise du coronavirus est une crise écologique (Khủng hoảng virus corona là một cuộc khủng hoảng sinh thái), ngày 26/03/2020

(2) ‘Le Covid-19 était inévitable, et même prévisible’ du fait de notre impact écologique  (‘Covid - 19 là không thể tránh khỏi thậm chí có thể báo trước’) do tác động sinh thái của xã hội con người", ngày 17/03/2020

Published in Diễn đàn

Tập Cận Bình bị kêu gọi từ chức vì xử lý tệ hại khủng hoảng corona

Thụy My, RFI, 31/03/2020

Đài truyền hình Sun TV tại Hồng Kông cho biết các "thái tử đỏ" đề nghị lập ra một "nhóm lãnh đạo khẩn cấp" do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn hoặc Uông Dương, ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.

xi1

Quyền uy Tập Cận Bình bao trùm Trung Quốc, nhưng nay người dân phẫn nộ vì đại dịch ở Vũ Hán đã dám lên tiếng phản đối. Ảnh mang tính minh họa. Reuters/Aly Song

Theo tác giả Jayadeva Ranade, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược Trung Quốc trên tờ The Tribune*, ông Tập Cận Bình đang bị những người chỉ trích đòi hỏi từ chức, do đã xử lý một cách tệ hại đại dịch virus corona xuất phát từ Vũ Hán.

Những biểu hiện bất mãn, vốn hiếm thấy ở Trung Quốc vì nguy cơ bị trừng phạt, đang ngày càng tăng lên, gây áp lực lớn đối với chủ tịch Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc.

Sự phẫn nộ lan rộng trong xã hội công dân Trung Quốc trước tình trạng thiếu minh bạch, giấu giếm thông tin khi nạn dịch virus corona nổ ra, đã thổi bùng sự bất mãn ngấm ngầm lâu nay khi Tập Cận Bình xóa bỏ giới hạn không được tại vị quá hai nhiệm kỳ, trong Đại hội Đảng thứ 19 vào tháng 10/2017.

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), bệnh viện Vũ Hán, càng làm người dân thêm giận dữ. Một số nhân vật nổi tiếng, kể cả các quan chức đảng hoặc đảng viên bình thường, và có ít nhất là một cựu thành viên trong số 350 ủy viên trung ương đầy quyền lực, đã thẳng thừng đả kích Tập Cận Bình và chính sách của hoàng đế đỏ.

Các chỉ trích nhắm vào việc đảng ngày càng tăng cường kiểm soát và tập trung quyền lực. Việc siết chặt giám sát thể hiện qua ngân sách an ninh hàng năm đều tăng lên kể từ năm 2013, trùng hợp với thời điểm Tập Cận Bình lên làm tổng bí thư kiêm chủ tịch Quân ủy Trung ương và chủ tịch nước. Bên cạnh đó việc theo dõi người dân trở nên phổ biến thông qua hệ thống camera giám sát, công nghệ nhận diện và trí tuệ nhân tạo.

Sự vắng mặt khó hiểu của Tập Cận Bình từ ngày 29/1 đến 10/2/2020, lúc dịch bệnh hoành hành, trong khi lâu nay ông luôn xuất hiện trên trang nhất các báo và đài truyền hình nhà nước, cũng gây ra luồng ý kiến bất lợi cho ông Tập.

Vào ngày 2/3 và trước đó vào ngày 23/2, ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin), giáo sư về hưu của trường đại học Dân tộc Trung ương (Minzu), ủy viên trung ương đảng, đã gởi hai lá thư cho ông Tập Cận Bình, cả hai đều mang giọng điệu đả kích kịch liệt. 

Trong thư đề ngày 23/2, Triệu Sĩ Lâm khẳng định Trung Quốc đã bỏ lỡ "thời gian vàng" vào dịp Tết, khiến cho "nạn dịch lan tràn vô cùng dữ dội". Ông nhận định cái giá phải trả là "khủng khiếp" và "đau thương không kể xiết". Nhắc lại lời của Tập Cận Bình, cuộc chiến chống virus corona là "thử nghiệm lớn lao về khả năng của hệ thống điều hành đất nước", vị giáo sư thẳng thừng tuyên bố : "Rất tiếc là tôi phải nói rằng tỉ số của đồng chí đến nay bằng 0 !".

Giáo sư Triệu chỉ ra năm yếu tố, trong đó có việc siết chặt an ninh, bảo đảm hình ảnh ưu việt của đảng, tập trung mọi quyền hành vào tay một người. Tình trạng này ngăn trở các cán bộ đảng và viên chức thực hiện phần việc của mình, phát huy sáng kiến. Tuyên bố "những người trong và ngoài hệ thống đều kêu gọi cải cách chính trị", ông Triệu Sĩ Lâm nhấn mạnh cần bao gồm việc áp dụng "những giá trị xã hội cốt lõi : tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp quyền", bảo đảm các quyền chính trị của công dân như tự do ngôn luận.

Trong lá thư thứ hai ngày 2/3, ông tái khẳng định : "Trong một xã hội lành mạnh, cần phải có nhiều hơn là một tiếng nói để đòi hỏi tự do ngôn luận".

Nhiều người khác cũng đã đăng những bài viết chỉ trích, khiến một số có nguy cơ bị đàn áp.

Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), cựu giáo sư trường đại học Bưu điện và Viễn thông Bắc Kinh, kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức vì "không có khả năng xử lý những cuộc khủng hoảng lớn". Giáo sư gọi tư tưởng chính trị của Tập Cận Bình là "rối rắm", mô hình cai trị "lỗi thời", tuyên bố ông Tập đã làm Trung Quốc suy sụp với "những biện pháp quá lố nhằm duy trì ổn định xã hội" của ông ta. Hứa Chí Vĩnh kết luận : "Tôi không nghĩ rằng ông là một người độc ác, ông chỉ không mấy thông minh thôi. Vì lợi ích cộng đồng, một lần nữa tôi yêu cầu ông : hãy từ chức đi, ông Tập Cận Bình !".

Tiểu luận của giáo sư Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun), trường đại học Thanh Hoa (Tsinghua) mang tên "Những người phẫn nộ không còn sợ hãi nữa" được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Nhà nghiên cứu cáo buộc các nhà lãnh đạo, và đặc biệt là Tập Cận Bình, đã xa rời nhu cầu của người dân, muốn duy trì vĩnh viễn sự cai trị của "một nhóm nhỏ lãnh đạo" và lao vào "chủ nghĩa khủng bố dữ liệu". Giáo sư tố cáo việc "bóp nghẹt các tranh luận công khai và truyền thông xã hội, cơ chế cảnh báo sớm đã tồn tại ban đầu", đổ lỗi cho chính quyền Hồ Bắc. Bài viết đánh giá Tập Cận Bình là "bạo chúa chính trị", và khẳng định "cuối cùng vầng thái dương cũng sẽ đến trên mảnh đất tự do này".

Cơn phẫn nộ của cư dân Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc và là tâm dịch đương nhiên nổ ra khi dịch bệnh hoành hành. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán hôm 14/2, họ đã phản đối việc "chính quyền cộng sản hủy bỏ tự do ngôn luận và giấu giếm thông tin". Cư dân hô lớn "Đừng tin họ", "Họ toàn nói láo"…

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra những chỉ trích liên tục này. Để xoa dịu cơn giận của người dân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (do Tập Cận Bình làm chủ tịch) điều tra về vụ trấn áp bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) - người đã đưa ra lời cảnh báo và bị công an bắt giữ, sau đó chết vì virus corona - hôm 19/3 báo cáo rằng công an và an ninh Vũ Hán đã rút lại biện pháp trừng phạt, xin lỗi gia đình vị bác sĩ trẻ và kỷ luật hai công an viên.

Dấu hiệu cho thấy quy mô bất bình trong dân chúng hiện rõ vào tuần trước, với thông tin các "thái tử đỏ" kêu gọi họp khẩn để thảo luận về việc thay thế ông Tập Cận Bình. Đài truyền hình Sun TV có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên tập trung vào giới tinh hoa Trung Quốc và cộng đồng người Hoa, cho biết các "thái tử đỏ" đề nghị lập ra một "nhóm lãnh đạo khẩn cấp" do phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) hoặc Uông Dương (Wang Yang), ủy viên thường trực Bộ Chính trị đứng đầu. Sự kiện một thông tin như vậy xuất hiện cho thấy đang có đấu đá dữ dội trong nội bộ Trung Quốc.

Thụy My

Nguồn : RFI, 31/03/2020

* The Tribune Inia là tờ báo tiếng Anh độc lập được đọc nhiều nhất ở bắc Ấn Độ. Nguyện tác : It’s getting worse for Xi Jinping, 28/03/202020

***********************

Virus corona : Trung Quốc mừng dập dịch quá sớm ?

Thu Hằng, RFI, 29/03/2020

Từ giữa tháng 03/2020, Trung Quốc liên tục đưa ra những tín hiệu cho thấy dịch Covid-19 đang rời khỏi nước này, đặc biệt là vài chục triệu người dân tỉnh Hồ Bắc, trừ thủ phủ Vũ Hán, ùa ra đường khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ. Hoạt động sản xuất dần được khởi động trở lại. Thế nhưng, dường như Trung Quốc đã vội tuyên bố chiến thắng dịch Covid-19.

xi2

Vũ Hán, tâm dịch virus corona, hết cách ly ngày 28/03/2020. Reuters/Aly Song

Trang Sputnik cho biết một nhật báo Trung Quốc viết ngày 24/03 về "Chiến thắng dịch Covid-19 của Trung Quốc". Đây là thông điệp được Bắc Kinh khuyến khích phổ biến rộng rãi để trấn an người dân. Ngoài ra, chính phủ còn phát phiếu mua sắm có thể dùng để mua hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm kích cầu các hộ gia đình bị giam chân trong nhiều ngày. Tuần trước, phó chủ tịch thành phố Thượng Hải thậm chí tỏ ra rất lạc quan khi tuyên bố : "Chúng ta có thể truyền niềm tin cho cả thành phố và thậm chí cho cả thế giới bằng cách tháo khẩu trang".

Đợt dịch hai do "lây nhiễm thầm lặng" ?

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Benjamin Cowling, đại học Hồng Kông, nhận định với trang Sputnik rằng Trung Quốc đã tuyên bố chiến thắng quá sớm, trong khi chưa giải quyết xong đợt một của dịch, mà có rất nhiều khả năng đợt hai sắp đến và có thể khiến Trung Quốc trả giá đắt.

Nhà dịch tễ học phân tích : "Do phần lớn Trung Quốc có ít dân bị nhiễm virus trong đợt một, nên người dân rất dễ bị nhiễm và có thể bị một đợt dịch lớn tác động. Sớm hay muộn cũng không tránh được đợt dịch thứ hai. Chắc chắn thế".

Chỉ tỉnh Hồ Bắc là tâm dịch virus corna của Trung Quốc. Các địa phương khác cũng bị tác động nhưng số lượng không cao bằng. Chính quyền Bắc Kinh thì trấn an sẽ không có đợt dịch thứ hai trên quy mô lớn, đồng thời tăng cường mọi biện pháp cách ly đối với bất kỳ ai từ nước ngoài vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhà dịch tễ học Benjamin Cowling lại lo ngại đến "sự lây nhiễm thầm lặng". Có nghĩa là "một số cá nhân không có triệu chứng, di chuyển sang các tỉnh khác ít bị tác động hơn và như vậy tạo ra các ổ dịch và gây nên đợt dịch thứ hai trên quy mô quốc gia". Ngoài ra, có thể sẽ có những công dân Trung Quốc từ nước ngoài về chỉ phát triệu chứng sau thời gian cách ly theo quy định.

Ông Ma Jin, giám đốc trường Y tế Cộng đồng, đai học Jiaotong ở Thượng Hải, tỏ ra tin tưởng vào kinh nghiệm chống dịch đợt 1 để kềm hãm quy mô đợt 2, nếu xảy ra. Ông cũng cho rằng "cuộc chiến chống virus corna sẽ là một cuộc chiến dài hơi. Chúng tôi phải luôn chuẩn bị không chỉ cho đợt 2 mà phải sẵn sàng hàng ngày, hàng tháng cho đến khi tìm ra được một vác-xin có hiệu quả".

Thu Hằng

Nguồn : RFI, 30/03/2020

Published in Diễn đàn

Quốc hội và Hành pháp Hoa Kỳ thông qua một gói cứu trợ khẩn cấp 2 ngàn tỷ USD (10% GDP Mỹ) vào tuần rồi. Cộng thêm vào các biện pháp cấp thời của Ngân hàng Trung ương nhằm ổn định thị trường USD thì tổng số đã lên đến 4 ngàn tỷ USD kể từ ngày dịch Vũ Hán bùng phát hồi đầu tháng 03/2020

dollar1

Câu hỏi đầu tiên là tiền đâu khi Mỹ đang gánh nợ như chúa chổm chớ không phải rủng rỉnh dư thừa tiền bạc ?

Câu trả lời – mà người viết thú thật không biết cách nào giải thích trọn vẹn cho nghịch lý này – nơi Hoa Kỳ là nước duy nhất phát hành nợ rồi lại in tiền thu mua nợ, vậy mà thế giới không ai chê đô-la Mỹ.

Nếu nhà nước Việt Nam in tiền thì dân chúng sẽ "chê" VND khiến đồng bạc mất giá và lạm phát tăng nhanh. Trái lại, Hoa Kỳ từ 2008 đến nay in thêm không biết bao nhiêu ngàn tỷ USD thế mà đô-la Mỹ lại lên giá, lạm phát trong nước tiếp tục dưới ngưỡng 2% trong khi lãi suất nợ công xuống gần 0%, tức là thế giới năng nỉ cho Hoa Kỳ vay nợ không lấy lời ! Nói cách khác chẳng ai chê đô-la Mỹ.

Nợ công của Mỹ được xem là nơi dự trữ tiền an toàn nhất thế giới, lý do thường được mang ra giải thích vì chính phủ Hoa Kỳ có quyền tăng thuế để trả nợ. Nhưng năm nào nhà nước Mỹ dù thu thuế mà vẫn lạm chi (deficit) thì đừng nói gì đến trả nợ ! Chính quyền có quyền tăng thuế nhưng lãi suất thấp gần 0%, tức là thế giới sẵn sàng cho mượn tiền không lời để tiêu xài và thúc đẩy kinh tế dại gì không mượn ? 

Quốc hội và Hành pháp tung gói cứu trợ 2 ngàn tỷ USD, tức là nhà nước Mỹ sẽ mượn thêm 2 ngàn tỷ USD nợ. Ai sẽ cho vay 2 ngàn tỷ USD nợ này ? Trước đây Trung Quốc và các nước Đông Nam Á thặng dự nhờ xuất cảng, Trung Đông và Nga nhờ bán dầu hỏa nhưng nay các nguồn cầu đều cạn kiệt còn ai có tiền mua nợ công ? Nếu ít người mua thì lãi suất nợ công Hoa Kỳ lẽ ra phải tăng nhưng ngược lại không tăng, tức là vẫn còn người cho vay nợ, phần khác do Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẵn sàng mua lại nợ công khi các nhà đầu tư cần bán ; nói cách khác tay trái phát hành nợ trong khi tay phải in tiền thu mua nợ làm ảo thuật bơm 2 ngàn tỷ USD vào kinh tế nhưng đô-la không hề mất giá.

Ai không muốn USD thì có thể đổi sang dùng Euro, Yen hay tiền Thụy Sĩ. Nhưng lưu lượng của Yen và tiền Thụy Sĩ quá ít để đáp ứng nhu cầu thương mại toàn cầu. Còn lại đồng Euro chưa biết khi nào sụp đổ, giả sử Ý và Tây Ban Nha vỡ nợ vì dịch Vũ Hán. Đổi sang dùng đồng Nhân dân tệ (China Yuan-CNY) thì phải chịu sự giám sát mờ ám của Đảng cộng sản Trung Quốc trong lúc chính Bắc Kinh cũng e mất kiểm soát một khi vai trò của CNY tăng quá nhanh trên thị trường quốc tế. Rốt cục trong đám mù kẻ chột làm vua, Mỹ in tiền rải ngập toàn cầu vậy mà thế giới vẫn đòi có thêm đô-la (liquidity problem) để tích trữ hay dùng trao đổi hàng hóa.

Dù vậy, phù phép USD cũng không thể kéo dài mãi mãi dưới ánh sáng mặt trời. Một ngày nào đó thế giới sẽ bừng tỉnh nhận ra rằng đô-la Mỹ chỉ là tiền hơi lúc đó sự thống trị của USD chấm dứt và kỷ nguyên hậu Hoa Kỳ (post American world) bắt đầu. Nước Mỹ sẽ rơi vào lạm phát phi mã (hyper-inflation) hay lạm phát trong khi thất nghiệp cao (stagflation). Chỉ có điều rất nhiều chuyên viên từng tiên đoán việc này hàng chục năm trước đây nhưng đều sai trật vì USD ngày càng mạnh, cho nên người viết cũng không dám đoán trước do sợ bị lầm lẫn.

Giả sử trong trường hợp xấu nhất độc vật Vũ Hán khiến thất nghiệp tại Mỹ tăng lên 20-30%, giống như cuộc Đại Khủng Hoảng 1929, thì Hoa Kỳ có còn là nơi an toàn nhất để gởi tiền hay không ? Tuy nhiên ảnh hưởng dây chuyền sẽ lại tác động ngược đến Trung Quốc, Âu Châu, Nhật và các nước Đông Nam Á thì biết đâu được trong đám mù anh chột vẫn làm vua ? 

Thử xem con tạo xoay vần đến đâu. Có điều nơi đây khác với vần thơ vì là bi kịch hiện thực trả giá bằng hàng triệu công ăn việc làm bị đánh mất với bao nhiêu mảnh đời đổ vỡ. 

Đoàn Hưng Quốc

Nguồn : VNTB, 31/03/2020

Published in Diễn đàn
dimanche, 29 mars 2020 23:42

Vương triều hỗn loạn của Trump

Quá tập trung vào mục tiêu tái đắc cử, ngài Tổng thống Hoa Kỳ đã thất bại trong việc kiểm soát đại dịch trên đất nước mình.

chaotic1

Covid-19 : Tổng thống nói "Một ngày nào đó, nó sẽ biến mất, như một phép màu".

Mới bốn tuần trước, Donald Trump còn ngập tràn tự tin, rằng con virus đang khiến cả thế giới lao đao kia chẳng thể làm Hoa Kỳ suy suyển. "Rồi nó sẽ biến mất", ngài Tổng thống phát biểu tại Nhà Trắng hôm 28/2. "Một ngày nào đó, nó sẽ biến mất, như một phép màu".

Đến hôm nay, ta biết dự đoán ấy đã sai bét và Donald Trump đã trở thành một "Pele trong làng chính khách".

Hôm thứ Năm, có ba con số đã đánh sập tự bình tĩnh của Trump.

Một : Mỹ đã chính thức vượt mặt Trung Quốc lên dẫn đầu bảng xếp hạng những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Hoa Kỳ đang có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới, với hơn 1.300 người chết. Mấy tháng trước, Trung Quốc còn tiến hành xây bệnh viện dã chiến. Bây giờ, New York đã buộc phải dựng lên những nhà xác dã chiến.

Hai : Thông số chính thức từ chính phủ : đã có 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong tuần trước. Đấy là một kỷ lục mới trong lịch sử Hoa Kỳ, gấp năm lần kỷ lục cũ, khi lệnh phong tỏa khiến các hoạt động kinh tế phải đình lại.

Ba : Tại New York, một trong những ổ dịch lớn nhất thế giới, lực lượng khẩn cấp thành phố mỗi ngày đều phải nhận số cuộc gọi y tế nhiều hơn cả sự kiện 11/9.

Đấy là những con số không biết nói dối. Trên khắp nước Mỹ, các Thống đốc và Thị trưởng liên tục cầu cứu sự giúp đỡ từ Washington, từ máy thở cho đến các vật tư y tế khác. Họ cũng kêu gọi cư dân ở nhà để ngăn chặn đà lây lan của virus.

Thế nhưng phản ứng của Trump trong khung cảnh báo động ấy, vẫn là cố mở cửa lại nền kinh tế vào dịp lễ Phục sinh (giữa tháng Tư). "Các nhà thờ trên cả nước rồi sẽ đông đảo trở lại", ông nói trên Fox News vào ngày 24/3. "Đấy sẽ là một thời gian tươi đẹp".

Người Mỹ đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng song hành. Trên truyền thông và mạng xã hội là cơ man những con số và câu chuyện đối nghịch nhau trong cách chính quyền liên bang ứng xử với đại dịch, được lồng trong bối cảnh của một nền kinh tế đang lao đao và cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ đến vào tháng 11. Mặt khác là cơn lũ tin dữ ập đến khi dịch bệnh tràn qua những thành phố của Hoa Kỳ. Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York và là người theo phe Dân chủ, cảnh báo : "Chúng ta đang nhìn vào một con tàu cao tốc. Bởi vì con số vừa kịp nhìn thấy đã thay đổi mất rồi".

Nhưng góc nhìn từ Nhà Trắng lại hoàn toàn khác biệt. Quá chú trọng vào mục tiêu tái đắc cử, Donald Trump đã nhiều phen hạ thấp sự nghiêm trọng của đại dịch trong những cuộc họp thường nhật. Ở những cuộc họp ấy, người đau khổ nhất có lẽ là bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và các Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, được Trump chọn vào lực lượng ứng phó với virus Corona. Khi được hỏi làm sao ông có thể đứng giữa Nhà Trắng trên vai trò "đại diện cho những con số và sự thật" trong lúc Tổng thống liên tục đưa ra những thông tin sai lệch, ông Fauci đã đáp :

chaotic2

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci phản ứng khi Donald Trump rời đi sau cuộc họp báo về đại dịch hôm thứ Năm © Yuri Gripas / EPA

"Tôi không thể nhảy vào micro và đẩy ông ấy ra. OK, ông ấy đã lỡ nói thì thôi, mình sẽ tìm cách đính chính trong những lần tới".

Thật vậy. Chưa có một nguyên thủ quốc gia nào vẫn duy trì thói quen phát ngôn bừa bãi như Trump dẫu đang trong một tình huống nguy cấp thế này. Đầu tháng này, Trump tuyên bố sẽ có vắc xin ngừa SARS-CoV-2 trong 3-4 tháng nữa. Bác sĩ Anthony Fauci liền phải đính chính : đâu mà sớm thế. "Chúng ta chỉ mới thử nghiệm. Tôi đã nói với ngài Tổng thống phải mất từ một năm đến một năm rưỡi trước khi phân phối được một loại vắc xin hiệu quả và an toàn", Fauci nói.

Ngày 7/3, ông tuyên bố dịch bệnh rất khó lây lan vì "chúng ta đang làm công việc của mình một cách tuyệt vời". Ông cũng bảo cúm mùa giết người còn ghê hơn con virus, nên hãy suy nghĩ về về điều đó. Chỉ chưa một tuần sau, ông phải công bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Không dừng lại ở đó, ông bảo mình vốn đã biết trước sự nguy hiểm của đại dịch, trước khi nó trở thành… đại dịch.

Chừng chục ngày trước, ông nói Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã thông qua việc sử dụng thuốc chống sốt rét để chữa trị bệnh nhân virus corona. Ngày 22/3, tại bang Arizona (miền tây nước Mỹ) có một người đàn ông tử vong sau khi uống một loại thuốc dùng lau chùi hồ cá và chất này cũng có trong loại thuốc mà ông Trump nhắc tới.

Trump biết mỗi phát ngôn của mình trên Twitter đều được cả thế giới theo dõi sát sao, nhưng ông vẫn thích gì nói đấy. Và dù tiền hậu bất chất, ông vẫn không… xóa tweet cũ. Sau khi gây tranh cãi với việc gọi tên "virus Trung Quốc", hôm qua Trump đã gọi Tập Cận Bình là "bằng hữu" và tin hai quốc gia sẽ dìu nhau qua cơn khủng hoảng.

David Axelrod - nguyên cố vấn cho Tổng thống Barack Obama, phát biểu trên AFP : "Chúng ta có một thách thức rất lớn và một tổng thống rất tầm thường".

David Gergen, giáo sư trường Harvard Kennedy, có thâm niên cố vấn cho bốn đời Tổng thống Hoa Kỳ từ Richard Nixon đến Bill Clinton, phát biểu : "Sự thất thường, khó hiểu, lộn xộn, tự coi mình là trung tâm và kiêu ngạo của Trump đã kéo theo một làn sóng chỉ trích từ các nhà khoa học, các chuyên gia sức khỏe, báo chí và những ngành nghề khác. Ông ấy luôn nghĩ mình và cộng sự đang làm một công việc phi thường, nhưng những nhà phê bình thì tin Trump đã trở nên thực sự nguy hiểm cho nước Mỹ".

Mặc dù chính thức thông qua gói cứu trợ kỷ lục 2.200 tỷ USD để đối phó với tình hình virus, Trump vẫn phải nhận vô vàn những lời chỉ trích, không chỉ từ phe Dân chủ và ngay chính trong phe Cộng hòa của mình vì phản ứng quá chậm của Liên bang trong việc kiểm tra, giải quyết đại dịch mà chỉ tập trung vào giải cứu nền kinh tế, cũng chính là cứu chiếc ghế Tổng thống trong cuộc tái tranh cử vào cuối năm. Và có lẽ Trump đang dần cảm thấy cô độc hơn, vì những đồng minh thân thiết, trong đó có nữ nghị sĩ bang Wyoming, Liz Cheney, cũng đang chống lại mình. Bà nói : "Nền kinh tế làm sao có thể vận hành bình thường nếu bệnh viện của ta quá tải và hàng ngàn người Mỹ ở mọi độ tuổi, kể cả bác sĩ và y tá, nằm chờ chết vì ta từ chối làm những việc cần thiết để ngăn chặn lây lan".

chaotic3

Andrew Cuomo nói chuyện với giới truyền thông khi đến Trung tâm Javits, nơi sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện dành cho bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi coronavirus, ở Manhattan, vào Thứ Hai © Mike Segar / Reuters

Một thống kê gần đây do Morning Consult tiến hành cho thấy 80% người Mỹ trưởng thành tin là cần phải tiếp tục cách ly xã hội, ngay cả khi điều đó khiến cho nền kinh tế bị thương tổn.

Hôm thứ Năm, Trump viết cho các thống đốc bang ở Mỹ một phác thảo kế hoạch, phân loại nguy cơ ở các hạt từ thấp, trung bình cho đến cao để cho phép kinh tế hoạt động trở lại ở một số khu vực.

chaotic4

Donald Trump họp báo về coronavirus tại Nhà Trắng © Mandel Ngan / AFP

Nhưng Larry Hogan, Thống đốc phe Cộng hòa của Maryland, cho Financial Times hay là Trump không hề nói gì về kế hoạch này với các thống đốc bang, dù gặp họ ít lâu trước khi gửi thư đi. Ngoài ra, ông Hogan cũng dội gáo nước lạnh và bản phác thảo ấy khi dùng từ "phi thực tế" để nói về nó.

Hogan nói : "Vì chúng ta chưa làm đủ xét nghiệm, làm sao có thể cam kết chỗ nào của quốc gia là nguy cơ thấp, trung bình hay cao". Ông cũng khẳng định các thống đốc bang đều đang có "rất nhiều mối lo".

Ông Hogan ca ngợi Nhà Trắng tuần trước đã yêu cầu cơ quan Quản lý Khẩn Cấp Liên bang nhận nhiệm vụ giúp các bang trang bị khẩu trang và máy thở. Nhưng số lượng cung cấp hiện vẫn quá nhỏ bé so với nhu cầu. Rõ ràng Mỹ đang ở vào một tình thế hết sức bị động và đang cố hết sức để giải quyết những thiệt hại do sự chủ quan gây ra.

New York đã vượt mặt Washington để trở thành bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Scott Gottlieb, cựu lãnh đạo của Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm, cho biết 11 bang tại Mỹ đã có số ca nhiễm nhiều hơn bất kỳ tỉnh thành nào của Trung Quốc ngoại trừ Hồ Bắc (nơi có thành phố Vũ Hán), nơi phát sinh dịch bệnh. Đây tất nhiên là một cuộc khủng hoảng mang tầm quốc gia.

Ở New York, hơn 37.000 người đã có kết quả dương tính, 5.000 đang trong bệnh viện và gần 400 người chết. Xác chết đang phải tạm thời để trong các khoang đông lạnh của xe tải vì các nhà xác đã quá tải. New York đang tiến hành xây dựng những nhà xác dã chiến.

chaotic5

Một đường phố ở Manhattan yên tĩnh vào thứ năm. Andrew Cuomo đã ban hành lệnh cách ly tại nhà cho mọi người ngoài các nhân viên chủ chốt © Mark Lennihan / AP

Các bệnh viện cũng đang đối diện với vấn đề lớn. Họ không có đủ đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế. Hôm thứ Năm, một bệnh viện ở Manhattan là Mount Sinai West có một y tá qua đời vì nhiễm virus. Để chuẩn bị cho những tình huống tệ hơn, Cuomo đã ra lệnh biến Trung tâm Javits, một địa điểm tổ chức sự kiện, thành bệnh viện dã chiến, trong khi một tàu quân sự sẽ cung cấp thêm 1.000 giường bệnh mới. Ông cũng yêu cầu các bệnh viện trong toàn bang phải lập tức tăng công suất lên ít nhất 50%, với mục tiêu phải đạt con số 140.000 giường bệnh.

Nhưng những nỗ lực như thế vẫn như muối bỏ bể, Theodora Hatziioannou - một nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Rockefeller ở New York cho biết. Cô ước tính số người New York cần nhập viện săn sóc phải tầm 240.000 người. "Chúng ta cần chuẩn bị tới đó", cô nói.

Trump đã làm những người chỉ trích phẫn nộ thêm khi không dùng một đạo luật thời chiến tranh Hàn Quốc đẻ buộc các công ty trên toàn nước Mỹ sản xuất nhu yếu phẩm y tế. "Máy thở, máy thở và máy thở", ông Cuomo nói về nhu cầu lớn nhất của quốc gia hiện tại. Hôm thứ Sáu, rốt cục Trump cũng chịu yêu cầu General Motors mở "nhà máy bị bỏ rơi một cách ngu ngốc ở Lordstown" để làm máy thở thật nhanh.

Những người bảo vệ Trump thì ca ngợi hành động cấm các chuyến bay từ Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ hồi tháng Giêng, đồng thời xiết chặt quy định xuất nhập cảnh từ châu Âu.

Nhưng các chuyên gia về sức khỏe rất lo âu về việc Trump nhất quyết mở lại nền kinh tế trong hai tuần nữa. Bà Hatziioannou nói : "Điên rồ ! Ông định giết dân ư ?".

chaotic6

Các Vệ binh quốc gia Hoa Kỳ với các chuyến hàng đầu tiên tại Trung tâm Javits tại Thành phố New York © Sean Madden / AFP

Trump phủ nhận thông tin ông đang ưu tiên tái đắc cử hơn là sức khỏe của công chúng. Ông nói : "Có vài người cứ nhất định phải làm cho tình hình tài chính tồi tệ đi, vì họ tin làm thế sẽ đánh bại tôi trong cuộc bầu cử".

Có một sự thật đối lập : trong lúc các chuyên gia chỉ trích Trump tơi bời, uy tín của ông trong công chúng lại tăng. Theo Gallup, 49% tin ông đang điều hành tốt quốc gia, tăng 5% so với đầu tháng. 60% tin ông đã phản ứng tốt với khủng hoảng, theo một trưng cầu khác cũng của Gallup đầu tuần.

Gergen nói : "Người ta ít khi nhìn thấy sự chia rẽ như thế trong lòng nước Mỹ", đồng thời nói thêm Trump có thể tận dụng tinh thần "cất cao ngọn cờ" từng giúp George W Bush sau vụ 9/11. Hôm thứ Năm, Trum tuyên bố muốn "hành động nhanh chóng" trong việc mở lại nền kinh tế ở một số vùng rộng lớn của nước Mỹ vẫn chưa bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng.

Nhưng bất chấp việc Trump tha thiết muốn ngưng việc cách ly xã hội, quyết định giảm phong tỏa các thành phô lại thuộc về các thống đốc bang. Ông Hogan nói Hoa Kỳ còn lâu mới có thể thư giãn và ngưng cảnh giác. Ông nhấn mạnh : các thống đống sẽ nghe các chuyên gia y tế nhiều hơn là Nhà Trắng. Hogan nói : "Chúng ta không thể ấn định một thời gian mong muốn nào vào lúc này và chờ đợi nó sẽ tốt hơn để toại ý. Chúng ta đang phải ra những quyết định không phải vì mình, vì lợi ích ủa ai mà vì mạng sống của hàng ngàn con người". 

Và giữa những lộn xộn khó khăn ấy, Trump vẫn tự tin như thường thấy. Ông vẫn xuất hiện trước công chúng, ra chỉ thị đều, gây tranh luận đều và… tweet đều. Gói 2.200 tỷ đô chỉ là một trong số nhiều quyết sách mà Trump sẽ đưa ra trong vài ngày tới. Và không ai có thể dự báo được điều gì. Trump đã lên Tổng thống theo cách không giống ai, vận hành đất nước kiểu không giống ai nên xử lý khủng hoảng cũng không giống ai.

Hôm qua Trump gọi Tập Cận Bình là "bằng hữu" đó, kêu gọi cùng nhau băng qua đại dịch đó, nhưng ngay ngày mai ông có thể đổi ý, như hàng nghìn status tiền hậu bất nhất của ông từ thuở còn chưa làm Tổng thống đến bây giờ. Mọi quyết định của ông đều chỉ phản ánh tư duy của ông ở chính thời điểm đó. Một phút sau có khi ông đã nghĩ khác.

Người ta vẫn nghĩ chính trị gia phải kiên định, phải vạch ra những kế hoạch cụ thể cho tương lai. Nhưng Trump có một cách nghĩ khác. Ông đang làm hero với cái đầu của một villian.

Demetri Sevastopulo (Washington) và Hannah Kuchler  (New York)

Nguyên tác : Donald Trump’s chaotic coronavirus crisis, Financial Times, March 27, 2020

Binh Bong Bot dịch

Published in Diễn đàn
samedi, 28 mars 2020 20:00

Vừa hợp tác vừa đấu tranh

Nếu ai từng đam mê đi phượt Tây Bắc chắc các bạn cũng biết một địa danh khá nổi tiếng, là sống khủng long Tà Xùa hùng vĩ. Nhưng trái ngược với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp thì ở đây lại là một vùng rất nghèo khó. Đó là Háng Đồng, một xã nghèo nằm cách thị trấn Bắc Yên - Sơn La khoảng 50 km đường núi hiểm trở. Năm 2013, theo sự giới thiệu của một số thầy giáo ở trên này, chúng tôi đã có mặt ở Háng Đồng để tìm cách giúp đỡ xây dựng một vài phòng học cho trẻ em địa phương. 

Nhưng rồi khi lên đến nơi tình cờ, chúng tôi tìm thấy ở đây có một dự án dang dở vô cùng lãng phí, bị bỏ mặc đã bao năm qua. Đó chính là dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho các xã đặc biệt khó khăn chương trình 135 ở Tây Bắc. Sau những phanh phui của chúng tôi trên mạng xã hội thì ngay trong năm 2013 báo Tuổi Trẻ đã vào cuộc và họ cho ra một phóng sự để vạch trần vụ bê bối này. Các bạn có thể theo dõi theo trình tự thời gian sau :

Lật tẩy một bản báo cáo đẹp

nlt1

Ngày 11/5, những thiết bị của dự án điện mặt trời nằm im lìm trong kho của xã Chiềng Nơi - Ảnh : N.V.Hải

Làm xong, bỏ đó

nlt2

Trạm thu năng lượng mặt trời ở xã Tra Ka (Bắc Trà My, Quảng Nam) bị bỏ hoang - Ảnh : TẤN VŨ

"Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm"

nlt3

Ông Nguyễn Văn Thanh - Ảnh : MINH QUANG

Lãng phí, thiếu trách nhiệm

nlt4

Những thiết bị của dự án điện năng lượng mặt trời nằm “đắp chiếu” tại UBND xã Chiềng Nơi từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được lắp đặt (ảnh chụp ngày 11/5/2013) - Ảnh : MINH QUANG

Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ "tiền tỉ phơi mưa nắng"

Ban quản lý dự án báo cáo không đúng sự thật

Thế rồi đến năm 2014, bài báo cuối cùng mà tôi được biết của báo Tuổi Trẻ là 3 câu hỏi dành cho ông Giàng Seo Phử, bộ trưởng - chủ nhiệm uỷ ban dân tộc miền núi :

3 câu hỏi gửi ông bộ trưởng

untitled

Hình ảnh sai phạm ở dự án điện mặt trời cho 70 xã miền núi do Tuổi Trẻ ghi nhận

Đó là những việc hết sức đáng tiếc trên đất nước chúng ta mà rồi sau này tôi cũng không rõ giải quyết thế nào. Chỉ biết rằng mùa hè năm đó chúng tôi đã kêu gọi và xây dựng xong trên Háng Đồng 2 phòng học xinh xắn để phục vụ các em nhỏ ngay trước năm học mới.

Làm từ thiện, thực ra bao nhiêu năm qua tôi đã làm rất nhiều chương trình. Nhưng có đôi khi những việc như vậy làm tôi cũng áy náy, băn khoăn rất nhiều. Trong đầu tôi luôn có những câu hỏi kiểu như : chúng ta làm vậy tốt rồi, nhưng phải làm đến bao lâu nữa ? Giúp bao nhiêu là đủ ? Chúng ta làm vậy, nhưng liệu có đủ để bù đắp cho những thiệt hại của ai đó đang phá từng ngày không ? Bao giờ thì người dân có thể tự biết, tự đòi hỏi, và tự đứng lên bảo vệ những quyền lợi của mình ?

Thế rồi khi tìm hiểu sâu hơn về chính trị, tôi chợt bừng tỉnh khi phát hiện ra những trăn trở này không chỉ ở riêng trong lòng mình. Ở tầm mức quốc gia, các nhà chính trị trên toàn thế giới cũng bị giằng xé để lựa chọn ra điều cần phải làm. 

Có một khái niệm gọi là dải phổ chính trị. 

nlt6

Dải phổ chính trị phân loại theo quyền lực chính phủ

Dải phổ chính trị thường được phân loại dựa theo tiêu chí chính phủ sử dụng quyền lực ra sao. Ở bên phải, chính phủ nắm càng ít quyền lực đến mức không còn chính phủ (chủ nghĩa vô chính phủ), càng về phía trái, chính phủ càng nắm nhiều quyền, đến mức độc tài. Và đó chính là đặc điểm mà người ta phân chia thành cánh tả hay cánh hữu trong khuynh hướng chính trị.

Nhìn vào biểu đồ này, chúng ta thấy cánh tả thường có khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay nhà nước nhằm giải quyết những vấn đề về công bằng xã hội. Họ phản đối bất công, bất bình đẳng và phân tầng xã hội. Họ có thiên hướng tập trung vào kết quả của sự công bằng.

Ở chiều ngược lại, phe cánh hữu cổ xuý cho các khuynh hướng tự do phát triển, tự do cạnh tranh, tự do thương mại. Họ giảm an sinh xã hội, duy trì sự can thiệp của nhà nước vào xã hội ở mức thấp nhất có thể. Họ coi trọng sự công bằng ở điểm khởi đầu.

Chính sự khác biệt này làm nổ ra các cuộc tranh cãi, các cuộc vận động... thậm chí là cả các cuộc cách mạng trong thế giới loài người.

Trong bối cảnh dịch bệnh cúm Trung Quốc đang hoành hành hiện nay, chúng ta có thể thấy các xã hội có thể chế quyền lực tập trung vào nhà nước đang có vẻ thắng thế. Việc tập trung quyền lực này cho phép nhà nước nhanh chóng đưa ra các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn và phong tỏa đại dịch. Người dân ở các nước đó cũng dễ chấp nhận các biện pháp kỷ luật hà khắc hơn. Ở chiều ngược lại, các xã hội mà quyền tự do cá nhân được đề cao thì có vẻ như tình hình dịch bệnh lại lan tỏa ở mức độ khủng khiếp.

Vậy thì, trong tư cách là một cá nhân, chúng ta nên lựa chọn thái độ như thế nào ? Hợp tác hay bất hợp tác với nhà nước ? Hy sinh lợi ích cá nhân hay bảo vệ quyền được đi lang thang bất cứ đâu, làm bất cứ điều gì mình thích ?

Tôi cho rằng, trong giai đoạn này cần phải hợp tác với nhà nước, cho dù đó là nhà nước độc tài. Chúng ta phải sống trước đã. Sống thì mới có cơ hội làm gì tiếp trong tương lai. Tôi rất thích một câu nói của Charles Darwin : "Kẻ thắng không phải kẻ khỏe nhất, càng không phải là kẻ thông minh nhất. Kẻ thắng là kẻ giỏi thích nghi nhất".

Nhưng cũng xin nhắc nhở với mọi người rằng, chuyện đó nên chỉ là tạm thời thôi. Nhìn xa hơn, chúng ta cần hiểu rằng xã hội Việt Nam vẫn đang bị cai trị bởi chế độ độc tài. Hệ luỵ của nó, mất mát do nó gây ra cho đất nước còn lớn hơn nhiều những gì mà dịch bệnh đang tác động lên xã hội chúng ta. Hãy luôn ghi nhớ mấy từ này : Cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp, thuyền nhân vượt biển... để tỉnh táo lựa chọn thái độ của mình với nhà nước.

Dịch bệnh ghê gớm đến đâu rồi nó cũng sẽ qua đi. Dù hiện tại đang chọn một thái độ hợp tác, nhưng tôi vẫn mong muốn rằng Việt Nam sau này sẽ trở thành một quốc gia dân chủ, nơi mọi khuynh hướng chính trị được tự do cạnh tranh nhau, nơi quyền con người, quyền tự do ngôn luận được tôn trọng.

Và trên hết, đó là quốc gia phải có người lãnh đạo lựa chọn được điều đúng đắn để bảo vệ và phát triển đất nước này. Tôi đặt tiêu đề bài viết Vừa hợp tác, vừa đấu tranh là có ý như vậy.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 28/03/2020 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn

Kinh tế thế giới trong cơn đại dịch Covid 19

Tạ Dzu, VNTB, 30/03/2020

Bộ mặt kinh tế thế giới vài thập niên trước mắt chắc chắn sẽ thay đổi sau vụ coronavirus ngang tàng làm ngưng trệ nguồn cung ứng toàn cầu và thương chiến Mỹ-Trung chưa chấm dứt.

kinhte1

Tình trạng coronavirus gây xáo trộn kinh tế là ‘thiên nga đen’ (black swan).

Nhân mùa đại dịch Convid 19 – kinh tế thế giới nghiêng ngả, chuỗi dây cung ứng quốc tế bị ngưng trệ hoàn toàn, thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ trồi sụt bất thường, có lúc lên hay xuống cả ngàn điểm (khi chạm vào giới hạn lên xuống 7% nên phải ‘đóng cầu giao’, hoặc trước lúc thị trường mở cửa hay ngay trong ngày, không cho trao đổi chứng khoán trong vòng 15 phút hay hơn, tùy mức độ lên xuống và vào lúc nào, để giới hạn thiệt hại), cuối ngày lại xuống hai, ba ngàn điểm – chúng ta nên có một cuộc duyệt xét lại tình hình kinh tế thế giới để hiểu phần nào, tại sao chỉ vì dịch corona virus mà thị trường chứng khoán toàn cầu lại chao đảo kinh hoàng như vậy ? 

Nhiều người gọi tình trạng coronavirus gây xáo trộn kinh tế là ‘thiên nga đen’ (black swan). Thiên nga đen là một sự kiện vượt quá những gì thường được dự kiến về một tình huống nào đó và có những hậu quả nghiêm trọng. Hy vọng qua cuộc duyệt xét tạm gọi là tổng quan ngắn gọn này, chúng ta, đặc biệt là các kinh tế gia người Việt quan tâm đến tình hình đất nước sẽ học được những kinh nghiệm quý báu của thế giới, góp phần vào việc xây dựng một hệ thống kinh tế phù hợp với đất nước và con người Việt Nam mai sau.

Kể từ thập niên 1980 trở về trước, Hoa Kỳ đã để bàn tay vô hình (invisible hand) thúc đẩy sự cạnh tranh với quy luật đào thải của kinh tế thị trường mà nhà nước không can thiệp gì nhiều.

Sang thập niên 1990, qua Đồng thuận Washington (Washington Consensus), Mỹ đã dẫn đầu thế giới trong việc toàn cầu hóa bằng cách thúc đẩy việc hạ thấp hay huỷ bỏ hàng rào quan thuế, hối thúc các ngân hàng thế giới mở rộng cánh cửa tài chánh hỗ trợ cho đầu tư và thương mại quốc tế. Những cố gắng này đã khiến những nguồn tiền khổng lồ luân lưu xuyên quốc gia theo làn sóng tự do hóa tài chánh (financial liberalization) mà không bị cơ quan quốc tế nào thanh tra, tuy dẫn đến phát triển nhưng cũng dễ làm bùng vỡ những bong bóng kinh tế thế giới trong nhiều năm qua : từ Mexico (1994), Đông Á (1997), Nga (1998), Nam Mỹ (2000), đến Mỹ (2007-2009), Châu Âu (2010-2012).

Cuộc đại khủng hoảng tài chánh 2008-2009 (Great Financial Crisis) đã làm lung lay hình ảnh tốt đẹp của toàn cầu hoá. Nhiều kinh tế gia tài ba cũng không thể dự tính được rằng kinh tế thị trường trao đổi tự do cũng không thể tự điều tiết giá cả cho hợp lý và đào thải những thành phần hám lợi gây thiệt hại to lớn ra khỏi thị trường. Mặc dù được đào tạo chuyên nghiệp, nhiều chuyên viên tài chánh xuất thân từ những ngôi trường danh tiếng như MIT, Havard… của Mỹ, cùng hàng loạt những ngân hàng quốc tế có đến cả trăm năm kinh nghiệm, vì tham lam, đều… nhắm mắt đưa chân, lao vào những loại đầu tư đầy rủi ro (risky assets) như chứng khoán, trái khoán trả lãi cao (high-yield bonds) và thị trường bong bóng địa ốc như những con thiêu thân.

Thị trường địa ốc Mỹ tan vỡ cuối 2007, khởi đi từ bọt bong bóng bể của Lehman Brothers, lan rộng ra toàn cầu vì tình trạng dây chuyền trong mậu dịch quốc tế. Chính phủ Mỹ đã vội phải nhảy vào can thiệp, chứ nếu để mặc cho thị trường tự điều tiết, tự đào thải sẽ khiến hàng loạt ngân hàng sụp đổ, dẫn đến hàng vạn công ty đóng cửa và cả chục triệu người mất việc. 

Ta thấy rằng toàn cầu hóa tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng trở thành trở ngại nếu không được bàn định kỹ lưỡng giữa các quốc gia, ít nhất là từ những cường quốc kinh tế nhằm thiết lập một tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội toàn cầu (social responsibility). Qua cuộc khủng hoảng địa ốc đó, con người cần thiết lập được một ‘cộng đồng nhân loại’ – human community – sinh sống hòa hài bên nhau, thay vì tiếp tục cạnh tranh khốc liệt, mạnh ai nấy sống, tạo ra nhiều bong bóng các loại rồi cùng bể với nhau.

Các ngân hàng trung ương thế giới từ 2008, hoặc tự quyết định, hoặc cùng với hệ thống chính trị đã đồng loạt đưa ra những gói kích cầu khổng lồ (Mỹ là TARF, QE1, 2, 3…) nhằm cứu vãn kinh tế. Cứu vãn kinh tế thì đương nhiên phải thực hiện rồi, nhưng cùng lúc, các ngân hàng trung ương cũng phải hiểu rằng họ đã tạo ra hiện tượng ‘ngập lụt tiền tệ’ thế giới. Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) giữ lãi suất thấp quá lâu để chính phủ dễ có khả năng trả nợ (hiện nợ quốc gia đã lên đến 23 ngàn tỉ), nhưng lại là nguyên nhân cho các công ty mượn nợ rẻ, nhưng thay vì dùng tiền đó phát triển công ty, nhiều hãng đi mua lại cổ phiếu của chính mình vào để giá cổ phiếu tăng nhanh ngoài thị trường (stock buybacks). Cổ phiếu tăng thì các nhà đầu tư lẫn giới lãnh đạo công ty đều hưởng lợi lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thực chất của kinh tế hồi phục (recovery) từ 2008 đa phần là do các hãng xưởng mượn nợ xài, chứ GDP cả chục năm qua không tăng bao nhiêu. 

Tình trạng rất nhiều hãng xưởng lẫn chính phủ nợ nần ngập đầu và ngân hàng trung ương giữ lãi suất thấp khá lâu, có thể là những nguyên nhân chính yếu giải thích cho tình trạng kinh tế hôm nay, mà các chú vi rút Corona ‘ngang tàng’ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nền kinh tế mà ai cũng lo thủ lợi cho mình phần nhiều hơn người khác. Kinh tế suy trầm, hãng xưởng không trả được nợ, đành phải nhờ chính phủ cứu vớt (bailout).

Với lãi suất xuống đến 0%, các ngân hàng trung ương quốc tế không còn cách nào khác hơn là tiếp tục in tiền cứu nguy kinh tế, một giải pháp đã không tạo hiệu quả tích cực cho kinh tế thế giới, lại được tiếp tục thực hiện.

Ngoài ra, với tư duy chính trị thế giới ngày nay, gần như tất cả các chính trị gia đều có chung một điểm là đều muốn được tái đắc cử. Họ dễ có khuynh hướng làm nhiều điều ngoài khuôn khổ nguyên tắc bình thường để đạt được mục tiêu. Khái niệm đắc cử để phục vụ công chúng (public service) dường như đã trở thành xa xỉ. Đó không phải là khuôn mẫu chính trị mà ta muốn xây dựng cho quê hương mai sau.

Tình trạng bể bong bóng địa ốc 2008 khiến nhiều nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề, nổi lên tâm lý chống phương Tây, nhất là tại Nam Mỹ. Các quốc gia tầm trung (Brazil, Russia, India, China – BRIC) cho rằng phải tiến lên lãnh đạo kinh tế thế giới thay thế cho sự lụn bại của phương Tây. Bắc Kinh tung ra những gói kích cầu khổng lồ (tuy sau này bị bể tín dụng) nhưng cũng đã giúp Tàu vươn lên, soán ngôi đệ nhị cường quốc kinh tế thế giới thay Nhật, và đang đe dọa soán đoạt luôn ngôi vị bá chủ của Mỹ.

Trong khi đó tại Hoa Kỳ, khủng hoảng 2008 làm nổi bật những nỗi bất mãn lâu năm của giới công nhân trung lưu : 30 năm qua lương không tăng bao nhiêu mà còn nơm nớp lo âu mất việc. Toàn cầu hóa gây khốn đốn cho tầng lớp trung lưu phương Tây nhưng lại ưu đãi giới thượng lưu ít ỏi, lớp người đã vật đổ kinh tế Mỹ 2008 nhưng được nhà nước rộng tay cứu vớt, không ai đi tù ; dân thì mất nhà, mất American dream qua nhiều năm khổ công tích góp.

Bàn tay vô hình năm nào đã trở thành què quặt, không còn đủ dài để điều chỉnh thị trường lao động, giá cả hợp lý và làm cán cân mậu dịch thế giới mất cân đối.

Nhiều người đồng ý kinh tế không thể để cho bàn tay vô hình quyết định nữa, phải có nhà nước can thiệp vào. Nhưng can thiệp tới mức độ nào, và là nhà nước nào, có thực sự là nhà nước của dân hay của các đảng phái ?

Khủng hoảng 2008 khiến dân mất nhà, trắng tay, nhưng dù có phẫn uất đến mấy chăng nữa cũng chỉ đến độ tràn vào tòa nhà quốc hội ăn vạ và trương bảng "We are 99%" biểu tình. Còn quyền quyết định kế hoạch, chính sách ra sao thì vẫn là quyền của 1% giới thượng lưu (elites) mặc cả, giằng qua kéo lại với nhau. Thể chế tuy mang tiếng là dân chủ, nhưng nhân dân không có quyền quyết định lấy vận mệnh chính trị của mình, vẫn là một quyền riêng thuộc về các chính đảng. Nếu họ quyết sai thì dân cũng ráng mà chịu.

Trước tình hình kinh tế nghiêng ngả đó, lương công nhân không tăng mà cứ thom thóp lo nếu mất việc, không khéo sẽ bị nhà băng kéo mất nhà, nên trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ, ông Trump tuy ăn nói bạt mạng, nhưng hứa hẹn sẽ đem công ăn việc làm về cho người dân, cộng thêm lời hứa bùi tai quyết tâm ‘drain the swamp’ (tát cạn vũng lầy thượng lưu độc hại) nên đã thắng bà Clinton tiến vào Nhà Trắng.

Vậy Việt tộc có nên suy nghĩ đến một nền dân chủ mang tính toàn dân (như thời Lý-Trần và Lê Thánh Tông) – không chỉ là sân chơi của các đảng – để dân tự quyết lấy hay chăng, và một nền chính trị thực sự do nhân dân đảm nhiệm, nhà nước chỉ giữ vai trò điều hợp, tạo điều kiện cho dân tổ chức đời sống xã hội của họ, chứ không phải chính trị dân tuý, mị dân để kiếm phiếu và tái đắc cử ?

Bộ mặt kinh tế thế giới vài thập niên trước mắt chắc chắn sẽ thay đổi sau vụ coronavirus ngang tàng làm ngưng trệ nguồn cung ứng toàn cầu và thương chiến Mỹ-Trung chưa chấm dứt. Thế giới sẽ thay đổi thế nào, for better or worse (sáng sủa hay u tối hơn) ? Nhân loại có học được bài học đắt giá nào không, sau những vụ ‘dot com bubble 2000’, ‘mortgage bubble 2008’, ‘black swan Covid-19 2019’ ?

Chờ hồi sau sẽ rõ.

Tạ Dzu

Nguồn : VNTB, 30/03/2020

****************

Virus corona : Thế giới khủng hoảng, cứu trợ tiền bạc bao nhiêu mới đủ ?

Phạm Đỗ Chí, BBC, 30/03/2020

Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), đã tuyên bố hôm thứ sáu ở Washington D.C. 27/3 rằng kinh tế thế giới đã ở vào cơn suy thoái và hiện có 81 quốc gia đang cầu cứu khẩn cấp cứu trợ tài chính của định chế quốc tế quan trọng này.

kinhte2

Tổng thống Donald Trump phát biểu ngày 29/3

Bà thêm rằng IMF đã sẵn sàng can thiệp với một gói tài chính là 1.000 tỷ đô la Mỹ để cứu trợ các nước hội viên ứng phó với hiểm họa suy thoái đó, phát xuất từ cơn đại dịch Covid 19.

Lời xác nhận trên cho thấy cơn đại dịch cúm Coronavirus đã đưa đến cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu và vai trò quan trọng có thể gọi tới sự can thiệp của 2 định chế tài chính quốc tế lớn nhất là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Funds-IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB).

Nhưng điều quan trọng phải nói ngay là IMF và WB không thể dùng khả năng tài chính khổng lồ của mình để cung ứng gói cứu trợ tài chính thông thường đi kèm các biện pháp kinh tế kích cầu theo mô hình Hoa kỳ-Anh quốc để chống suy thoái mới đây.

Sống tại Hoa Kỳ, tôi nhận thấy, đành rằng một phần lớn gói cứu trợ dùng để trợ cấp các cá nhân qua cơn khủng hoảng vì mất việc và các doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động phải dính vào nợ nần, nhưng nhận xét kỹ có thể thấy ngay rằng đồng đô la hay bảng Anh vứt vào đời sống kinh tế hàng ngày chưa chắc đã có hiệu quả chặn được con virus quái ác hoành hành không ngừng nghỉ và gây ra bệnh tật và thương vong tăng theo cấp số nhân hàng tuần.

Việc Hoa Kỳ và các nước Tây Âu ra lệnh phong tỏa (lockdown) và cách ly chính là nguyên nhân gây ra tê liệt sự đi lại và các hoạt động kinh tế.

Không chặn được cơn dịch hiệu quả thì kinh tế càng đi sâu vào suy thoái tiếp và nặng thêm. Do đó đã có dự đoán cho rằng với đà tăng lây nhiễm khủng khiếp của dịch bệnh ở Mỹ, gói cứu trợ khổng lồ 2,200 tỷ đô chỉ là bước đầu, HK còn cần thêm các gói vài nghìn tỷ kế tiếp trong vài tháng tới.

Nhìn lại nhanh các thời điểm chính của cơn dịch Covid 19, Trung Quốc (Trung Quốc) đã để lỡ cơ hội phòng chống qui mô cơn dịch từ khoảng đầu tháng 12/2019 xuất phát từ Vũ Hán. Và đã chịu hậu quả nặng nề khi cơn đại dịch bùng phát ở Trung Quốc và kéo theo sự phong tỏa đi lại của 600-700 triệu người ở đa số các tỉnh lớn, sau đó là sự sụp đổ của toàn nền kinh tế cho đến nay.

kinhte3

Người Mỹ được cảnh báo virus corona có thể làm 200.000 người chết

Nhận định sai tình hình ban đầu

Bài học từ Trung Quốc và các lời tuyên bố xem nhẹ lúc bắt đầu cơn dịch nêu trên cho đến giữa tháng 1/2020 đã bị lập lại bởi chính Hoa kỳ từ cuối tháng 1/2020 lúc có bệnh nhân lây nhiễm đầu tiên ở tiểu bang Washington bên bờ Tây nước Mỹ. Bên bờ Đông, chính phủ trung ương liên bang đã nhận định sai tình hình trong suốt 5-6 tuần, do thiếu các phương tiện xét nghiệm trên cả nước để không biết rằng cơn lây nhiễm đã lan rất rộng, và đã không kịp ra lệnh phong tỏa kịp thời.

Từ đầu/3 lúc có thêm các dụng cụ xét nghiệm, cũng là lúc nắm bắt được thực trạng của cơn dịch thì lại thành quá muộn để ngăn chặn hiệu quả cơn lây lan đó. Từ thiếu dụng cụ xét nghiệm, tình trạng "vỡ trận" ở vài tiểu bang lớn Hoa kỳ, nhất là bang New York và điển hình là thành phố New York (NYC), đã cho thấy Hoa Kỳ đang thiếu toàn diện các thứ khác : dụng cụ bảo hộ như khẩu trang và quần áo phòng bị thích hợp cho nhân viên y tế, các trung tâm xét nghiệm, các dụng cụ xét nghiệm nhanh, các nhà thương hay khu chữa bệnh Covid 19 chuyên biệt, các máy thở, và nhất là các thuốc chữa trị vẫn còn đang thời kỳ thử nghiệm thô sơ ; chưa nói gì đến các thuốc chủng ngừa ("vaccines") còn cần 12-18 tháng nữa mới cho các kết quả khoa học chính xác đầu tiên.

Nay đại dịch đã thành đại họa cho Mỹ, suy thoái kinh tế Hoa Kỳ có thể trở thành đại suy thoái cho cả thế giới, và cơn dịch cúm sẽ lan ngược ra lại khắp thế giới nếu Mỹ không có chính sách chữa trị quyết liệt và nhất là hiệu quả trong vài tháng tới đây ! Và đó là lý do thị trường chứng khoán sụp đổ tan tành mà người viết chưa muốn nhắc tới trong bài này !

Người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh tới hai chọn lựa lúc này cho nước Mỹ :

1. Chính phủ trung ương phải dùng tới các người chỉ huy phải là các chuyên gia y tế nhiều kinh nghiệm về bệnh truyền nhiễm, và trao quyền cho các Thống đốc phối hợp trong từng tiểu bang, thống nhất các việc như tuyên bố phong toả, lập nhà thương hay khu điều trị chuyên trách, đặt mua khẩu trang loại tốt và các dụng cụ phòng hộ cho nhân viên y tế, lập khu xét nghiệm và đặt mua thêm thật nhiều dụng cụ xét nghiệm từ khu vực tư nhân trong nước (thay vì làm bởi CDC) và nhất là nhập cảng lập tức từ nước ngoài (Hàn Quốc, Nhật bản).

Còn về chữa trị sẽ cần chế tạo thêm máy thở và lập kho thuốc dự trữ chiến lược gồm vài thứ đã dùng có hiệu quả bên Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc...

2. Chính phủ trung ương chỉ đưa ra các chiến lược tổng quát, trao quyền rộng rãi cho các tiểu bang thực hiện các kế hoạch chống dịch chi tiết nêu trên, và nhất là lên tiếng kêu gọi các tổ chức từ thiện tư nhân lớn hay các đóng góp tư nhân tài trợ các chương trình chống dịch ở từng tiểu bang.

Người viết nghiêng về đề nghị này vì còn có thể huy động nhiều sáng kiến tư nhân và các đóng góp tài chính tự nguyện rộng rãi, cùng sự tổ chức phân quyền rộng rãi thích hợp với các điều kiện địa phương vì thời gian đã quá gấp rút.

kinhte4

Bệnh viện dã chiến tại Central Park, New York

Cần kết nối cả thế giới, gồm Việt Nam :

Trong tiến trình này, IMF và WB còn giúp được ngay chính các cường quốc như Mỹ, Tây Âu, Nhật có phương tiện ngăn chặn được cơn dịch nhanh hơn, nhờ cách tổ chức phòng chống dịch chi tiết nêu dưới đây, nhấn mạnh vào nguyên tắc phân công trong các nước hội viên, về việc tổ chức sản xuất và phân phối các dụng cụ phòng và chữa bệnh, hay thuốc chủng ngừa.

IMF sẽ giữ vai trò cung cấp và tư vấn tài chính. WB ngoài cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển còn có thể tư vấn và giám sát kỹ thuật.

Cho cơn đại dịch Covid 19 và ngăn ngừa cơn Đại Suy Thoái Thế giới có thể xảy ra vào cuối năm 2020 hay sang đầu năm 2021, IMF và WB có thể cung cấp tài chính và phối hợp với các nước trong nhóm OECD để tổ chức việc sản xuất và phân phối các dụng cụ và thuốc men liên hệ đến việc chống dịch như sau :

- thiết lập một tổ chức nhỏ quốc tế mới ("Oversight Organization") để thiết lập và thanh sát các việc sau, được giao cho các nước chuyên biệt.

- sản xuất khẩu trang, y phục phòng hộ và nước tẩy trùng : Trung Quốc và các nước Đông Nam Á trong đó gồm Việt Nam vốn có giá lao động thấp ;

- sản xuất các dụng cụ xét nghiệm : Hàn Quốc và Nhật bản đã có kinh nghiệm và trình độ khoa học cao ;

- sản xuất máy thở : Nhật, Mỹ và các nước Tây Âu ;

- nghiên cứu thêm và sản xuất vài thứ thuốc chữa trị có sẵn : Pháp (Plaquenil) ; Mỹ (Remdevisir ; Hydroxychloroquine...) ;

- nghiên cứu và sản xuất các thứ vaccines trong vòng 12-18 tháng : Mỹ , Nhật , Tây Âu, Trung Quốc...

Các hoạt động này sẽ tạo ra một nền kinh tế - y tế mới hỗ trợ cho tất cả các nước tham gia, vừa chống dịch bệnh, vừa tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu.

kinhte5

Quốc hội Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ khủng hoảng lớn nhất lịch sử Mỹ hôom 27/3

Bệnh tật, tử vong và tâm lý xấu

Cho sự can thiệp sắp tới của IMF và WB, nếu có, các biện pháp tiền tệ và tài khóa kiểu Mỹ và Anh không thể đáp ứng với tình hình bệnh tật và tâm lý đang làm tê liệt mọi nền kinh tế thế giới.

IMF dù có nghìn tỷ đô không thể gửi phái đoàn đi giải cứu 81 nước một lúc và đưa ra các biện pháp stimulus mong mỏi, vì điều quan trọng là liệu pháp cần thiết : giúp các nước hội viên chặn sớm được cơn dịch Covid 19.

Tất cả phải tùy theo đầu tàu là Mỹ và Tây Âu chặn được bệnh và tái lập sinh hoạt kinh tế để tái tạo mức "tổng cầu" cho các nước khác trên thế giới trong giai đoạn phục hồi : đó mới là stimulus thật sự trong tương lai, còn chính sách kích cầu của IMF lúc này không làm được gì cho 81 nước đó.

Tiền của IMF và World Bank nếu có đủ chỉ là để cứu trợ khẩn cấp và tạm thời, chứ không phải là để kích thích các nền kinh tế, nên các giải pháp khác nữa như nêu trên mới có thể góp phần giúp thế giới chống lại dịch bệnh và tạo nền tảng cho các hợp tác toàn cầu về sau, khi nhân loại đối mặt với các thách thức khác.

Phạm Đỗ Chí

Nguồn : BBC, 30/03/2020

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí từ Florida.

******************

Trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy "tiếc" TPP của Obama...

Trương Nhân Tuấn, 30/03/2020

Khủng hoảng Covid-19 bùng phát cho thấy các quốc gia tiên tiến không phải "liên thuộc" kinh tế với Trung Quốc mà là "lệ thuộc". Tất cả dụng cụ y tế, từ khẩu trang cho tới máy móc, dụng cụ... đồ dổm hay đồ tốt, mắc hay rẻ... tất cả đều đến từ Trung Quốc. Đến nay thế giới vẫn phải nhập cảng những bộ "thử nghiệm" Covid-19 từ Trung Quốc, mặc dầu nhiều lô hàng nhập vô Tây ban nha, Phi... cho thấy độ chính xác chỉ ở 40%. Các quốc gia này vẫn phải tiếp tục nhập từ Trung Quốc các bộ thử nghiệm mới, từ những viện bào chế "uy tín" hơn, nhưng tất cả vẫn sản xuất từ Trung Quốc.

kinhte6

Vấn đề "liên thuộc" kinh tế giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới từ lâu các chính trị gia Mỹ và Châu Âu đã nhìn thấy. Trung Quốc đã hưởng lợi lớn lao từ sự "liên thuộc" này, từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Trung Quốc một "quốc gia nghèo" thuộc "thế giới thứ ba", Trung Quốc lần hồi "thay da đổi thịt", hàng trăm triệu người Trung Quốc được "thoát nghèo".

Vấn đề là quá trình phát triển của Trung Quốc không đơn thuần đến từ thành quả "mồ hôi" và "trí tuệ" của dân Trung Quốc. Nếu Trung Quốc "đi lên" bằng phương cách như vậy thì không ai thắc mắc, yêu cầu đặt lại "luật chơi". Ngoài những "kẻ hở" về luật lệ của WTO, sự "thiếu thiện chí" của nhà nước Trung Quốc về vấn đề sở hữu trí tuệ hay sự hiện diện của nhà nước trong lãnh vực kinh tế khiến cho sự liên thuộc về kinh tế "đôi bên cùng hưởng lợi" trở thành Trung Quốc là phía hưởng lợi nhiều hơn, bằng một phương pháp "bất chánh".

Tình hình lý ra không trầm trọng, vì các quốc gia có thể lấy lại cân bằng qua các biện pháp pháp lý.

Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc đã để lộ nanh vuốt của một đế quốc vừa phát xít vừa cộng sản, sử dụng sức răn đe của vũ lực quốc phòng cùng với sức ép kinh tế lẫn ngoại giao, nhằm áp chế các quốc gia yếu chung quanh đồng thời thách thức các đại cường. Tham vọng xây dựng trật tự quốc tế mới, theo cái cách của Trung Quốc, thấy được qua các việc khuynh đảo các định chế quốc tế, như LHQ, bằng cách "gài" người thân vào vị trí lãnh đạo. Luật lệ quốc tế cũng bị Trung Quốc "diễn giải" lại, trường hợp thách thức UNCLOS để áp đặt đường chữ U chín đoạn. Trung Quốc cũng "vãi tiền" mua chuộc các lãnh đạo tham những các quốc gia Á, Phi.. ngay cả Châu Âu, để thược hiện tham vọng bành trướng kinh tế qua các chương trình "vành đại con đường" hay "made in china 2025".

Hiển nhiên "trật tự thế giới" được thiết lập từ sau Thế chiến II đã bị Trung Quốc thách thức.

Chính quyền Obama và phe Dân chủ Mỹ đã thấy tất cả các "âm mưu" của Trung Quốc. Vì tham vọng của Trung Quốc vừa lộ liễu, vừa "sống sượng", nếu nói theo cách bình dân. Nhưng sự liên thuộc về kinh tế đã khiến mọi hành động đơn phương của Mỹ và Châu Âu (nhằm ngăn cản tham vọng của Trung Quốc) đều gây "hệ quả ngược", đem lại thiệt hại cho mình nhiều hơn Trung Quốc.

Yếu tố đầu tiên mà Mỹ có thể yêu sách Trung Quốc "ngồi vào lại" vị trí của Trung Quốc, là Mỹ, Châu Âu và phần còn lại của thế giới không còn, hay bớt, "liên thuộc kinh tế" với Trung Quốc.

Dĩ nhiên có nhiều phương cách để chấm dứt sự liên thuộc về kinh tế với Trung Quốc.

Đến nay nhìn lại, ta thấy cái cách của phe Dân chủ, thể hiện qua chính quyền Obama, ở các kết ước về kinh tế với các đối tác mới, như Hiệp định TPP (đối tác xuyên Thai bình dương), mục đích không để Trung Quốc "độc tôn" trên các mặt hàng "chiến lược". Ngoài ra ta còn có thể nói tới Hiệp ước Paris COP 21 về Biến đổi khí hậu…

"Sức mạnh mềm" của Nước Mỹ thời Obama thể hiện qua các việc nước Mỹ luôn đứng ở vai trò lãnh đạo, trên bất kỳ các vấn đề liên quan đến con người ở quả địa cầu này. Không có bất kỳ tiếng nói nào, ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc và Nga, lên tiếng phản bác tính "chính đáng" của Mỹ, vị thế "ngọn đuốc soi đường" của thế giới.

Sang thời Trump lãnh đạo nước Mỹ ta thấy phương pháp "thoát Trung", tức ra khỏi sự liên thuộc bất lợi của Mỹ đối với Trung Quốc, không đơn thuần là vấn đề lợi ích (chiến lược) quốc gia, mà là một vấn đề cá nhân và lợi ích phe đảng, cá nhân.

Trump đã tạo cho nước Mỹ một bộ mặt mới, một nước Mỹ có đầy đủ các hiện tượng "tân phát xít" như kỳ thị chủng tộc, thù hận chủng tộc, đơn phương chủ nghĩa, tôn sùng lãnh tụ…

Trump lãnh đạo nước Mỹ như kẻ mới biết đánh cờ, chỉ chú trọng việc "ăn quân". Trump không có tầm nhìn chiến lược. Mở ra mặt trận "đánh Trung Quốc" về kinh tế nhưng cả thế giới cũng đều "sặc máu mũi" vì Trump.

Bây giờ, trong cơn đại dịch Covid-19 mới thấy "tiếc" TPP của Obama.

Lãnh đạo các phòng thí nghiệm, các cơ sở sản xuất công kỹ nghệ của Mỹ, mặc dầu Trump ban bố luật về sản xuất trong tình trạng chiến tranh, những người này lên tiếng cho biết Mỹ đã thiếu trầm trọng các thứ vật liệu cần thiết.

Chính sách của Trump, trong chừng mực, là "duy ý chí". Mỹ có thể "thoát Trung", không lệ thuộc Trung Quốc về knih tế, nhưng cái giá phải trả cho dân Mỹ, cũng như phần còn lại của thế giới, là quá đắt.

Chương trình truyền hình của CNN phỏng vấn thủ tướng Singapour Lý Hiển Long hôm qua cho thấy "sức mạnh mềm" của Mỹ đã mất. Theo ông Long, lý ra Mỹ phải là quốc gia dẫn đầu thế giới chống lại Covid-19. Ông Long "tố khổ", lý ra thế giới phải tham vấn Mỹ, như ở bất kỳ tình thế nào, vì sự ưu việt của Mỹ thể hiện ở khắp các lãnh vực. Thì bây giờ các quốc gia Châu Âu phải tham vấn Nam Hàn, Đài Loan, Singapore… trong vấn đề phòng dịch. Ông Long cùng nói Mỹ và Trung Quốc nên chấm dứt việc đổ lỗi cho nhau về Coronavirus. Vấn đề là các bên phải tìm phương án chống dịch chớ không phải lên án chống nhau…

Ông Trump chủ trương "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", thực tế là chủ trương "lợi ích gia đình Trump trên hết", còn lại "sống chết mặc bây". Nước Mỹ có bao giờ không vĩ đại ?

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 30/03/2020

Published in Diễn đàn
lundi, 30 mars 2020 17:03

Covid-19 và bầu cử Mỹ

Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của cuộc bầu cử đối với cuộc chiến chống lại dịch bệnh này sẽ cần được quan trọng và tập trung hơn.

covi1

Sự bùng phát của dịch Covid-19 trong năm bầu cử 2020 đang gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. 

Ngày 13/3, sau gần 8 tuần Mỹ công bố có ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên, Chính quyền Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và đây là lần thứ 6 Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ khi lên nắm quyền đến nay. Ngày 14/3, Tổng thống Trump, người được cho là một tuần trước đó đã tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago xác nhận hôm 13/3 đã làm xét nghiệm và kết quả sẽ được công bố sau một đến hai ngày. Tuy nhiên, ngay sau đó Nhà Trắng công bố kết quả xét nghiệm là âm tính. Từ việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đến việc Trump có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, về cơ bản cho thấy Chính quyền Trump đã buộc phải có những phản ứng tích cực trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang tiếp tục lây lan tại Mỹ.

Câu hỏi mà mọi người thường nghe thấy thời gian gần đây là liệu dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ hiện nay không ? Nếu nói rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump hơn 3 năm qua giống như "hồ Thiên nga đen", thì sự bùng phát của dịch bệnh trong năm bầu cử 2020 chỉ đơn giản là sự việc xảy ra bất ngờ nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động mạnh đến việc cầm quyền của Tổng thống Trump.

Dịch bệnh sẽ tác động đến tình hình bầu cử ?

Thông thường, tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử Mỹ ít nhất sẽ thể hiện theo hai hướng : Một là làm giảm tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu ; hai là khiến cử tri quan tâm nhiều đến các vấn đề chính sách liên quan đến dịch bệnh. Tuy nhiên, quy luật cơ bản này không hoàn toàn đúng trong một số trường hợp, bởi lẽ vấn đề này còn có một điều kiện tiên quyết đó là phạm vi và thời gian của dịch Covid-19 tại Mỹ có đủ để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử vào ngày 3/11 hay không. Liệu điều kiện tiên quyết đó có diễn ra hay không, hoặc tình trạng khẩn cấp mà Chính quyền Trump ban bố có hiệu quả hay không, điều đó cần thời gian hoặc các chuyên gia y tế thẩm định. Trong trường hợp chưa có đánh giá chuyên môn rõ ràng, việc dự đoán tác động của dịch Covid-19 đối với bầu cử Mỹ chỉ có thể dựa trên một số giả thuyết khác nhau.

Chẳng hạn như, dịch Covid-19 tiếp tục lây lan ở Mỹ nhưng có dấu hiệu giảm trước cuộc bầu cử, tức là vào khoảng tháng 7/2020, khi đó ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến bầu cử Mỹ không lớn. Giai đoạn này cũng trùng với thời điểm bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hiện nay, nên có thể sẽ có sự thay đổi nào đó trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Chẳng hạn, Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ đã hủy việc khán giả xem trực tiếp phiên tranh luận giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Bernie Sanders ở thành phố Phoenix, bang Arizona ngày 15/3 ; hai bang Louisiana và Georgia cũng tuyên bố lùi thời gian tổ chức bầu cử sơ bộ đến tháng 5 và 6 thay vì vào/3 và 4 như dự kiến.

Tuy nhiên, sự thay đổi trình tự này có thể sẽ không gây ra bất kỳ tác động nào đáng kể. Việc không có khán giả tham dự phiên tranh luận hay sự điều chỉnh của hai bang Louisiana và Georgia trên thực tế cũng không ảnh hưởng nhiều đến tình hình bầu cử. Tuy lượng cử tri của hai bang ít (Louisiana 54 phiếu, Georgia 105 phiếu) nhưng cũng không thể thiếu số cử tri này ; thì cũng không loại trừ khả năng các bang áp dụng các phương pháp khác để tiến hành bầu cử sơ bộ như thông qua Internet, và chỉ cần hoàn thành trước thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ vào ngày 13/7.

Đồng thời, nếu dịch Covid-19 khiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm, thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến cử tri trẻ tuổi. Hiện tại do bùng phát dịch Covid-19, cử tri trong đảng Dân chủ lại quan tâm hơn đến việc mở rộng hệ thống bảo hiểm y tế. Sự thay đổi theo hướng này có lợi cho Bernie Sanders, ứng cử viên đang được thanh niên ủng hộ, hơn nữa ông còn chủ trương đẩy mạnh chương trình "bảo hiểm y tế toàn dân". Tuy nhiên, liệu điều đó có đủ mạnh để giúp Bernie Sanders phá bỏ sự đồng thuận cao của đảng Dân chủ hiện nay rằng Joe Biden có thể đánh bại Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hay không ? Hiện xem ra xác suất này không cao. Kết quả cuối cùng có thể là Joe Biden sẽ tăng cường diễn thuyết hơn về chính sách y tế, thậm chí chấp nhận một số ý tưởng của Bernie Sanders.

Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây lan tại Mỹ, thậm chí đến ngày bầu cử vẫn không thể khống chế được, khi đó, sự ứng phó với tình trạng khẩn cấp của Chính quyền Trump là không hiệu quả, thậm chí còn tác động mạnh đến việc tái đắc cử của Trump và cuộc bầu cử. Tình hình trên rõ ràng là không có lợi cho Trump và đảng Cộng hòa. Dự kiến số ý kiến không hài lòng sẽ phá vỡ tỷ lệ 45-55% mà Trump đã duy trì hơn 3 năm qua. Đồng thời, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm lại có lợi cho các ứng cử viên đảng Dân chủ đang nhận được sự ủng hộ của các cử tri trẻ, thậm chí số này còn sử dụng Internet rất thành thạo, và điều này không có lợi cho Trump.

Ngoài ra, sự thay đổi trên cũng sẽ dẫn đến hai kết quả : Một là những lo ngại về triển vọng kinh tế sẽ làm giảm độ tin cậy đối với thành tích cầm quyền của Trump ; hai là những quan tâm của cử tri đối với hệ thống y tế đã cho thấy rõ những thiệt hại mà đảng Cộng hòa gây ra cho Đạo luật cải cách y tế Obamacare. Những nhân tố đó sẽ tạo thành những trở ngại khó có thể dự đoán đối với khả năng tái đắc cử của Trump, cũng không loại trừ khả năng tác động đến tình hình bầu cử của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng vẫn còn hơn 7 tháng nữa bầu cử mới diễn ra, liệu tình hình dịch bệnh liên tục thay đổi có tác động đến tình hình bầu cử cũng liên tục thay đổi hay không. Nhưng, có thể khẳng định rằng Chính quyền Trump vẫn chiếm ưu thế do đang kiểm soát phần lớn vấn đề và quyền đối phó với tình hình dịch bệnh. Nếu có thể khống chế được dịch bệnh, thì có thể khống chế được tác động của nó đối với bầu cử. Xét về mặt số liệu, mặc dù hiện có đến 49% dân chúng không hài lòng đối với các biện pháp chống dịch của Chính quyền Trump, nhưng về cơ bản chỉ ở mức tương đương với sự không hài lòng đối với Tổng thống Trump trong hơn 3 năm qua. Điều này cũng có nghĩa là Trump vẫn còn có khả năng xoay chuyển được tình hình.

Một chỉ số quan trọng khác là ít nhất tính đến đầu tháng 3, khi chỉ có 43% người Mỹ hài lòng với phản ứng của Chính quyền Trump, 87% thành viên trong đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ Trump. Điều khó hiểu ở chỗ là các thành viên của đảng Cộng hòa còn chia sẻ quan điểm về virus SARS-CoV-2 với Trump : Trái ngược với với 68% đảng Dân chủ lo lắng về dịch bệnh, 63% thành viên đảng Cộng hòa lại không lo lắng về dịch bệnh này. Sự phân cực giữa hai đảng về dịch Covid-19 ít nhất cũng cho thấy sự phát triển của dịch Covid-19 hiện nay không làm thay đổi xu thế cơ bản "Trump hóa" của đảng Cộng hòa.

Do đó, biến số quan trọng nhất là liệu biện pháp ban bố tình trạng khẩn cấp hiện nay của Chính quyền Trump có thể phát huy hiệu quả hay không, nếu có, tình hình bầu cử sẽ có hy vọng ; nếu không, thì cũng có thể đoán trước được tình hình.

Dịch Covid-19 dưới tác động của bầu cử

Mặc dù vấn đề quan trọng nhất quyết định xu hướng bầu cử phụ thuộc vào hiệu quả của công tác phòng chống dịch, nhưng điều này không có nghĩa phải đẩy mạnh công tác phòng chống dịch gắn với bầu cử, vì như vậy nhiều khả năng sẽ phản tác dụng. Trong lịch sử bầu cử Mỹ, ví dụ điển hình nhất là công tác phòng chống dịch cúm lợn trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 1976.

Trong cuộc bầu cử năm 1976, tổng thống đương nhiệm cũng tìm cách tái tranh cử, nhưng cuộc bầu cử này có ý nghĩa đặc biệt vì Gerald Ford là Tổng thống Mỹ duy nhất không trải qua bầu cử. Vào thời điểm đó, Gerald Ford không chỉ đối mặt với sự cạnh tranh của Ronald Reagan trong đảng, mà còn phải đối mặt với những tranh cãi do Richard Nixon gây ra, đảng Dân chủ chỉ cần tập trung vào những vấn đề đó mà không cần phải chú ý tới những vấn đề khác. Gerald Ford vì muốn chứng minh khả năng của bản thân thông qua một cuộc bầu cử chính thức nên đã gặp phải rắc rối ngay đầu năm bầu cử.

Ngày 4/2/1976, một người lính 19 tuổi tại căn cứ Fort Dix thuộc bang New Jersey đã thiệt mạng do nhiễm chủng cúm mới, khi đó Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã tiến hành xét nghiệm cho 19 người và sau đó 13 người phải nhập viện. CDC cho rằng đây là một chủng của bệnh cúm lợn, nhiều khả năng sẽ phát triển thành đại dịch toàn cầu giống như đại dịch năm 1918 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng. CDC cho biết ít nhất 80% người Mỹ phải tiêm phòng vắc-xin.

Giữa tháng 2/1976, Bộ trưởng Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi Mỹ David Mathews tuyên bố bệnh cúm lợn cũng giống như đại dịch năm 1918 sẽ bùng phát vào mua Thu năm đó. Ngày 15/3, Tổng thống Gerald Ford tuyên bố ủng hộ chương trình miễn dịch toàn dân, và ngày 4/5 ông đã giành được khoản tài trợ 135 triệu USD từ Quốc hội. Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng dịch bệnh ở Mỹ chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ bùng phát mạnh, nhưng Chính quyền Ford vẫn tổ chức chương trình tiêm chủng toàn dân vào tháng 10 năm đó.

Theo thống kê, khoảng 40/45 triệu người Mỹ đã được tiêm vắc-xin (chiếm 1/3 dân số của Mỹ thời điểm đó). Tổng thống Gerald Ford đã được tiêm vắc-xin tại Nhà Trắng vào ngày 14/10. Tuy nhiên, cũng trong tháng đó, tại một phòng khám ở Pittsburgh đã có 3 người bị tử vong sau khi tiêm chủng do có tiền sử bệnh tim. Hai tháng sau, trên toàn nước Mỹ có khoảng 500 người bị bệnh nặng và biến chứng sau khi tiêm vắc-xin, trong đó có 30 người chết, do đó chương trình tiêm chủng vắc-xin bị dừng lại. Đến thời điểm dừng tiêm vắc-xin, dịch cúm năm 1976 đã khiến 1 người thiệt mạng, 13 người nhập viện và 240 người nhiễm bệnh. Nghiên cứu về vắc-xin sau đó cho biết do thời gian gấp, nhà sản xuất vắc-xin đã sử dụng virus sống giảm động lực chứ không phải virus bất hoạt, đã dẫn đến những phản ứng nguy kịch thậm chí có thể chết người và biến chứng sau khi tiêm chủng.

Vào thời điểm Mỹ kêu gọi dừng chương trình tiêm chủng vắc-xin cúm lợn, Gerald Ford đang là Tổng thống tạm quyền. Rất khó xác định kết quả thất bại của Gerald Ford trước Jimmy Carter năm đó với 240 so với 297 phiếu đại cử tri và 48% so với 51% phiếu phổ thông có phải là do khả năng ứng phó yếu kém của ông đối với dịch cúm lợn hay không. Nhưng mặt khác, nếu không phải là năm bầu cử, hoặc không phải trong tình thế được mất của Gerald Ford thì liệu Chính phủ Mỹ có đi ngược lại quy luật khoa học như vậy để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin và chương trình tiêm chủng vắc-xin hay không ? Lịch sử không thể đưa ra giả thuyết nhưng có lẽ là không phải.

Ford của năm 1976 chính là hình ảnh của Trump hiện nay. Sự "nôn nóng" của Ford giống như sự "chậm rãi" của Trump, cũng đều là sự tính toán để đảm bảo có thể tái đắc cử. Ví dụ của Gerald Ford đã đưa ra một bài học lịch sử đó là logic bầu cử không thể bao trùm quy luật khoa học và hiện thực khách quan. Trước tình hình đại dịch Covid-19 toàn cầu như hiện nay, vấn đề mấu chốt giúp Chính quyền Trump có thể ứng phó hiệu quả dịch bệnh nằm ở chỗ họ có thái độ và hành động tôn trọng khoa học, cùng với thế giới chung tay chống dịch hay không.

Diao Daming

Nguyên tác :
联邦明察局㉗|当选情遇上疫情:选举逻辑与科学规律孰先孰后 (Cục Kiểm tra Liên bang Bầu cử gặp phải dịch bệnh : logic bầu cử và luật khoa học), The Paper, 16/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 30/03/2020

Diao Daming là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc gia của Đại học Nhân dân Trung Quốc và tổng thư ký của Trung tâm nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân Trung Quốc. Bài viết được đăng trên The Paper

Published in Diễn đàn

Các sự kiện như đại dịch Covid-19, vụ sụp đổ thị trường nhà ở tại Mỹ năm 2007-2009 và các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/092001 thường được gọi là sự kiện "thiên nga đen". Thuật ngữ này có nghĩa là không ai có thể đoán trước chúng sẽ xảy ra. Nhưng, trên thực tế, những sự kiện này đều liên quan đến những ẩn số đã biết (known unknowns), hơn là những gì cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Donald Rumsfeld từng gọi là "ẩn số chưa biết" (unknown unknowns).

hoaky1

Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng - Ảnh minh họa

Rốt cuộc, trong mỗi trường hợp, các nhà phân tích am hiểu đều biết được không chỉ điều đó có thể xảy ra, mà còn cả khả năng nó sẽ xảy ra trên thực tế nữa. Mặc dù tính chất và thời điểm chính xác của những sự kiện này không thể dự đoán được với độ chính xác cao, nhưng mức độ nghiêm trọng của hậu quả là có thể đoán được. Nếu các nhà hoạch định chính sách đã xem xét các rủi ro và thực hiện các bước phòng ngừa trước, họ có thể đã ngăn chặn hoặc giảm nhẹ được thiệt hại do thảm họa.

Trong trường hợp Covid-19, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia y tế khác đã cảnh báo về sự nguy hiểm của một đại dịch virus trong nhiều thập kỷ qua, bao gồm gần đây nhất là năm ngoái. Nhưng điều đó đã không ngăn được Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng là "không lường trước được", rằng đó là "một vấn đề mà không ai từng nghĩ sẽ là vấn đề". Tương tự như vậy, sau các cuộc tấn công ngày 11/09/2001, Tổng thống George W. Bush đã khẳng định sai rằng, "ít nhất, không có ai trong chính phủ của chúng tôi, và tôi không nghĩ rằng cả chính phủ tiền nhiệm, có thể hình dung được việc máy bay đâm vào các tòa nhà với một quy mô lớn như vậy".

Trước những tuyên bố như vậy, người ta thường dễ quy kết những thảm họa này chỉ là do sự bất tài của chính phủ điều hành. Nhưng lỗi của các lãnh đạo phía trên khó có thể là một lời giải thích đẩy đủ, nếu ta thấy rằng thị trường tài chính và công chúng nói chung cũng thường bị bất ngờ. Thị trường chứng khoán đã đạt mức đỉnh lịch sử ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 2008, và một lần nữa trước vụ sụp đổ mới nhất bắt đầu vào cuối tháng Hai năm nay. Trong cả hai trường hợp, có rất nhiều rủi ro có thể thấy trước mà đáng lẽ ra đã phải làm giảm sự hưng phấn vô lý đó.

Trong cả hai lần, các nhà đầu tư không chỉ theo dõi các dự báo cơ bản quá lạc quan. Họ còn gần như không nhìn thấy rủi ro nào. VIX – thước đo mức độ biến động của thị trường tài chính (đôi khi được gọi là chỉ số sợ hãi) – ở gần mức thấp kỷ lục trước cả hai năm 2007-2009 và 2020.

Một số yếu tố giúp giải thích tại sao các sự kiện cực đoan thường khiến chúng ta bất ngờ. Thứ nhất, ngay cả các chuyên gia kỹ thuật cũng có thể không nhìn thấy bức tranh lớn nếu họ không phân tích đủ dữ liệu. Đôi khi họ chỉ nhìn vào các tập dữ liệu gần đây, cho rằng trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các sự kiện từ 100 năm trước là không liên quan. Người Mỹ thường có một yếu tố gây hạn chế tầm nhìn khác: tập trung quá mức vào Hoa Kỳ. Không quan tâm đến phần còn lại của thế giới là một trong những rủi ro của chủ nghĩa biệt lệ Mỹ.

Ví dụ, vào năm 2006, các chuyên gia tài chính đã định giá chứng khoán có thế chấp bảo đảm ở Mỹ chủ yếu dựa vào lịch sử giá nhà ở gần đây của Mỹ, về cơ bản cho rằng giá nhà đất không bao giờ giảm theo giá trị danh nghĩa. Nhưng quy tắc đó chỉ đơn thuần phản ánh thực tế rằng chính các nhà phân tích chưa bao giờ chứng kiến ​​giá nhà đất danh nghĩa giảm trong đời họ. Giá nhà đất thực sự đã giảm ở Mỹ vào những năm 1930 và ở Nhật Bản lần gần đây là vào những năm 1990. Nhưng những giai đoạn đó không trùng khớp với kinh nghiệm sống của các nhà phân tích tài chính ở Hoa Kỳ.

Nếu các nhà phân tích đó tham khảo một bộ dữ liệu lớn hơn, các ước tính thống kê của họ sẽ cho phép xác suất giá nhà đất cuối cùng sẽ giảm và do đó các chứng khoán có thế chấp bảo đảm cũng sẽ sụp đổ theo. Các nhà phân tích tài chính chỉ phân tích dữ liệu nước họ và trong một khoảng thời gian hạn chế thì cũng giống như các nhà triết học người Anh ở thế kỷ 19 đã kết luận từ quan sát cá nhân rằng tất cả thiên nga đều màu trắng. Họ chưa bao giờ đến Úc, nơi người ta phát hiện ra những con thiên nga đen từ một thế kỷ trước, và họ cũng không tham khảo ý kiến các nhà điểu học.

Hơn nữa, ngay cả khi các chuyên gia đúng, thì các lãnh đạo chính trị vẫn thường không nghe lời họ. Ở đây, vấn đề là các hệ thống chính trị có xu hướng không phản ứng trước các cảnh báo mà ước tính khả năng xảy ra thảm họa ở mức thấp chỉ khoảng 5% mỗi năm, ngay cả khi thiệt hại nếu bỏ qua xác suất như vậy là rất lớn. Các chuyên gia cảnh báo về một đại dịch nghiêm trọng đã đánh giá đúng rủi ro. Tương tự là Bill Gates cũng như nhiều nhà quan sát sắc sảo khác làm việc trong các lĩnh vực từ sức khỏe cộng đồng tới kinh doanh điện ảnh. Nhưng chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã không chuẩn bị cho điều đó.

Tồi tệ hơn, năm 2018, chính quyền Trump đã giải tán bộ phận thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia do Tổng thống Barack Obama thành lập để đối phó với nguy cơ dịch bệnh; và chính quyền này cũng thường xuyên cố gắng cắt giảm ngân sách dành cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh và các cơ quan y tế công cộng khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi khả năng xử lý đại dịch của Mỹ – như tỉ lệ xét nghiệm thấp và thiếu hụt trầm trọng các trang thiết bị y tế quan trọng – đã thua xa các nền kinh tế tiên tiến khác, không chỉ Singapore và Hàn Quốc.

Nhưng, ngoài việc làm giảm khả năng ứng phó đại dịch của Mỹ, Nhà Trắng đơn giản là không có kế hoạch nào, cũng như không nhận ra rằng họ cần một kế hoạch ngay cả sau khi rõ ràng là sự bùng phát virus ở Trung Quốc sẽ lan rộng ra toàn cầu. Thay vào đó, chính quyền đã thiếu quyết đoán và đổ lỗi cho người khác, không chịu tăng cường năng lực xét nghiệm, và do đó khiến cho số lượng các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận thấp một cách giả tạo, có lẽ là nhằm hỗ trợ giá cổ phiếu.

Còn đối với tuyên bố của Trump rằng "Không ai từng nhìn thấy bất cứ điều gì như thế trước đây", người ta chỉ cần nhìn lại bốn năm trước khi dịch Ebola giết chết 11.000 người. Nhưng họ ở rất xa, tận Tây Phi. Đại dịch cúm 1918-19 đã giết chết 675.000 người Mỹ (cùng với khoảng 50 triệu người trên toàn thế giới), nhưng đó là 100 năm trước.

Rõ ràng, các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta chỉ bị ấn tượng khi một thảm họa giết chết một số lượng lớn công dân trong chính đất nước họ và trong ký ức gần đây mà họ còn nhớ. Nếu bạn chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy một con thiên nga đen, chúng chắc chắn không tồn tại.

Thế giới hiện đang phải trả một mức học phí quá đắt cho các bài học về đại dịch. Chúng ta chỉ biết hy vọng rằng thiệt hại nhân mạng không quá cao – và người ta sẽ học được những bài học phù hợp.

Jeffrey Frankel

Nguyên tác :  "Foreseeable Unforeseeables", Project Syndicate, 27/03/2020.

Trần Hùng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 30/03/2020

Jeffrey Frankel, giáo sư Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, nguyên là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông điều hành Chương trình Tài chính Quốc tế và Kinh tế Vĩ mô tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Hoa Kỳ, nơi ông là thành viên của Ủy ban Xác định Chu kỳ Kinh tế, cơ quan chính thức của Hoa Kỳ chuyên xác định thời điểm suy thoái và phục hồi của nền kinh tế.

Published in Diễn đàn

Lá thư từ Mỹ

Hai tuần qua ở nhà suốt, vì trường tôi đóng cửa sớm nhất trong vùng, từ ngày 11/3. Những ngày qua chỉ ra sân khi trời nắng và một lần đi chợ mua thực phẩm.

bvp1

Xếp hàng trước siêu thị Berkeley Bowl (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Hôm đó trước cửa siêu thị có người xếp hàng dài ra đến bãi đậu xe, đúng tiêu chuẩn Cô Vi, mỗi người cách nhau 2 mét. Rồi loa phát thanh thông báo ai trên 60 tuổi không phải xếp hàng, được vào chợ ngay. Tôi không còn ở tuổi U60, nên mau lẹ vào mua bánh mì, patê, phô-ma, ít cây trái và rau.

Hôm qua 26/3, sau mấy hôm trời âm u và mưa, có nắng lên nên tôi quyết định lái xe một vòng qua San Francisco xem tình hình thế nào với lệnh cấm ra khỏi nhà.

Trên xa lộ xe chạy với vận tốc tối đa vì lưu lượng rất thưa. Nhiều bảng điện tử trước đây ghi số phút từ nơi này đến nơi kia, hôm nay chạy hàng chữ nhắc nhở rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách để tránh lây nhiễm Covid-19.

bvp2

Trên cầu Bay Brigde dẫn vào thành phố San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Trạm thu phí qua cầu không còn người làm việc. Lệ phí thanh toán bằng máy có trong xe, còn không giấy tính tiền sẽ được gửi về nhà. Cơ quan thu phí muốn tránh giao tiếp với người lái xe, tránh chạm vào những đồng tiền có thể làm lây lan bệnh dịch.

Lưu thông vắng hơn cả chiều Chủ nhật hôm đầu tháng trước, khi có trận Super Bowl. Chạy trên xa lộ đoạn đường 20 dặm mà không phải dừng chỗ nào, cho đến khi vào thành phố có đèn xanh đỏ.

Chưa bao giờ San Francisco vắng vẻ như hôm nay, kể cả sau trận động đất tháng 10/1989 hay trong thời gian khủng hoảng tài chánh năm 2008.

bvp3

Một người trên đường phố San Francisco hôm 26/3/2020 (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Trưa thứ Năm, trước tòa thị chính có vài người tản bộ như đang tập thể dục, dăm bảy người không nhà nằm phơi nắng trên thảm cỏ xanh.

bvp7

Khu phố thương mại Little Saigon, San Francisco (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Đường Larkin nơi khu Little Saigon vắng lặng. Hầu hết cửa hàng dịch vụ và thức ăn Việt đóng cửa. Chỉ có bánh mì Lee’s bán cho khách mang về. Trong tiệm quầy hàng cũng hết chỉ còn ít thức ăn nhanh. Giá cả, như ruốc cũng tăng lên.

bvp5

Tiệm bánh mì Lee’s mở cửa bán thức ăn cho khách đem về (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Con đường Embarcadero dọc theo bờ vịnh từ bến phà tới Pier 39 lác đác vài khách bộ hành và xe chạy. Có cặp tình nhân vẫn nắm tay nhau dung dăng dưới bầu trời nắng đẹp.

bvp6

Bến cảng San Francisco là trung tâm du lịch nay vắng vẻ (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Phố Tầu vắng lặng, không một bóng người. Như Vũ Hán hôm tết vừa qua. Lồng đèn đong đưa cùng cờ Trung Quốc phất phơ theo gió.

bvp4

Phố Tầu San Francisco không một bóng người (Ảnh : Bùi Văn Phú)

Khu tài chính thương mại yên lặng như chưa bao giờ thấy, dù thị trường chứng khoán vẫn mở cửa giao dịch.

Trung tâm mua sắm Union Square lác đác vài người đứng ngồi nơi quảng trường. Mấy cửa hàng bị trộm đập cửa kính đãcó ván ép bao bọc.

San Francisco yên lặng. Cùng nước Mỹ và cả thế giới âm thầm chiến đấu với một kẻ thù vô hình.

Từ khi bệnh dịch Covid-19 bùng lên tại thành phố Vũ Hánbên Trung Quốc vào cuối tháng 11 năm ngoái, đến nay nó đã làm cho thế giới đảo điên vì chưa biết cách ngăn ngừa hay chữa trị.

Cô Vi đã lan đến gần như mọi quốc gia. Vào nước Mỹ từ đầu năm nay, nhưng trong ba tuần qua cô mới bùng phát khiến cả trăm nghìn người Mỹ bị nhiễm, gần hai nghìn tử vong.Mà con số vẫn chưa dừng ở đó, ngày càng tăng lên.

Nhiều nơi có lệnh cấm ra đường khi không cần thiết. Các đại học đóng cửa, sinh viên chuyển qua học trực tuyến. Hơn 30 triệu học sinh phổ thông hiện nghỉ học dài hạn trong những ngày qua, nhiều nơi như California sẽ kéo dài cho đến đầu tháng 5 và có thể đến hết niên học.

Tình hình diễn biến liên tục từ ngày 13/3, khi Tổng thống Donald Trump thừa nhận đó là đại dịch. Từ đó, ông và ban tham mưu lo phòng chống bệnh dịch đã có họp báo mỗi ngày, kể cả cuối tuần, để trình bày hiện tình với quốc dân.

Tổng thống Trump lúc nào cũng tỏ vẻ lạc quan. Ông nói sẽ vượt qua khó khăn này và kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mau chóng. Có thể đến Lễ Phục Sinh 12/4 nhiều nơi sẽ sinh hoạt bình thường trở lại.

Giới chức y tế không tin thế. Các cơ quan truyền thông như CNN, MSNBC thường chỉ trích tổng thống trong ba năm qua thì dự đoán tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, nếu chính quyền không cấm đi lại trên toàn quốc để tránh lây lan.

Nhiều hãng xưởng, dịch vụ đóng cửa. Mọi thứ đình trệ. Chứng khoán đã rớt vài nghìn điểm trong hai tuần qua.

Quốc hội gấp rút soạn thảo ba luật phòng chống Cô Vi, giúp dân và cứu nguy kinh tế Mỹ.

Chiều 27/3 Tổng thống Trump ký ban hành luật trợ giúp dân và các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi nạn dịch, tổng chi 2 nghìn 200 tỉ đôla.

Giới tiểu thương, các hãng hàng không, chủ khách sạn và người thất nghiệp sẽ được trợ giúp tài chánh.

Dân cũng được giúp. Một gia đình với vợ chồng và hai con nhỏ, nếu tổng số lương năm ngoái hay năm trước nữa là dưới 150 nghìn đô, sẽ nhận được 3.400 đô trợ cấp. Những gia đình có thu nhập cao hơn 198 nghìn đô không được nhận trợ cấp.

Với ba luật vừa ban hành, phục hồi kinh tế lâu hay mau thời gian sẽ trả lời. Về y tế thì khẩn cấp nhất là tìm ra thuốc chữa bệnh. Cùng lúc đi tìm thuốc chủng ngừa cho tương lai.

Tổng thống Trump đã nhắc đến liều thuốc Chloroquine chung với thuốc kháng sinh Azithromycin có thể chữa được bệnh là "một món quà Trời cho" sẽ làm thay đổi cuộc chơi – game changer. Ông Trump lạc quan tin tưởng nếu dùng chung hai loại thuốc này sẽ chữa khỏi bệnh, nên không mất gì nếu thử dùng nó lúc này.

Nhiều người phản đối, chỉ trích ông đóng vai thày thuốc kiểu sơn đông mãi võ.

Chloroquine là thuốc trị bệnh sốt rét đã được dùng từ nhiều năm qua, nhưng phải theo toa bác sĩ.

Bác sĩ Anthony Fauci, tiếng nói có thẩm quyền nhất về phòng chống bệnh dịch tại Hoa Kỳ và thường xuất hiện bên cạnh tổng thống và phó tổng thống trong những ngày qua thì lại cẩn trọng hơn. Ông nói là chưa có đủ số liệu để đưa tới kết luận là thuốc trị sốt rét có hiệu quả trong việc trị cúm Cô Vi.

Cho đến nay nhiều nơi trên thế giới đang thử nghiệm có đến trên 50 loại thuốc khác nhau. Phương pháp trị liệu mà ông Trump đề cập tới và đang được thử nghiệm cho nhiều bệnh nhân ở New York chỉ là một trong số đó.

Phát biểu của Tổng thống Trump đã làm sôi nổi lên những chỉ trích cho rằng ông ăn nói cẩu thả trong lĩnh vực không phải chuyên môn của mình. Những chỉ trích đó hoàn toàn đúng, ông nên để giới chức chuyên môn trả lời những câu hỏi liên quan đến phương pháp trị liệu.

Nhưng Trump vẫn là Trump từ khi tranh cử cho đến nay, với những phát biểu bạt mạng trong nhiều vấn đề chứ không riêng gì y tế, sức khỏe của toàn dân.

Ngay cả việc ông gọi tên "Chinese Virus" cũng là điều không nên vì sẽ gây ra những sự kì thị với người Châu Á.

Tôi không đồng ý với Tổng thống Trump trong cách gọi đó, vì ra đường mấy ai phân biệt được người Hoa hay Việt, Hàn, Phi, Thái, Miên, Lào, Nhật.

Bạn nào ủng hộ Tổng thống Trump trong cách gọi tên như thế, hãy tìm xem phim "Who killed Vincent Chen ?" về một kỹ sư người Hoa bị giết chết hồi thập niên 1980, vì kẻ giết người lầm tưởng nạn nhân là người Nhật, trong thời điểm có khuynh hướng bài chống Nhật, khi xe Nhật được nhập cảng ào ạt vào Mỹ làm cho nhiều công nhân hãng xưởng ôtô Mỹ mất việc.

Trở lại với việc tìm thuốc trị, bên Pháp có bác sĩ Didier Raoult, một nhà chuyên môn danh tiếng về các bệnh nhiễm trùng, đã thử dùng chloroquine với kháng sinh và có kết quả khả quan cho bệnh nhân. Nhưng vì số liệu chỉ dựa trên một mẫu tập hợp nhỏ, với 36 bệnh nhân nên chưa thể đưa đến kết luận đúng với chuẩn mực khoa học.

Tiểu bang Florida có bệnh nhân Giardinieri, 52 tuổi, được chữa khỏi nhờ thuốc sốt rét, tuy nhiên ông cảnh giác mọi người không nên dùng thuốc đó một cách bừa bãi mà phải tham khảo với bác sĩ.

Một y tá gốc Việt làm việc tại bệnh viện ở thành phố Dallas tiểu bang Texas cho phóng viên Nửa Vòng Trái Đất TV (Nhật báo Người Việt 25/3/2020) biết nhiều trường hợp bác sĩ cho dùng thuốc sốt rét cùng với thuốc kháng sinh để chữa trị và có nhiều người hồi phục hơn.

Bên Trung Quốc cũng đã cho dùng thuốc chống sốt rét để chữa bệnh Cô Vi, nhưng số liệu và kết quả chưa được công bố.

Nhắc đến thuốc Chloroquine, khi bà Đồ U U của Trung Quốc đạt giải Nobel Y học năm 2015 do những nghiên cứu chiết xuất để sản xuất thuốc này thì đã có tranh cãi với Việt Nam.

Trung Quốc nói đã dùng thuốc để chữa bệnh sốt rét cho nhiều bộ đội cộng sản miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ qua Dự án 523 do Mao đề xướng.

Việt Nam phản bác lại. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng chính bố ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã khởi động nghiên cứu tìm thuốc chữa sốt rét cho bộ đội, không phải từ những cố vấn Trung Quốc.

Bệnh dịch Cô Vi đang lây lan ngày một nhiều với số người chết ngày một tăng, hiện tại là hơn nửa triệu ca nhiễm và 22 nghìn tử vong. Mỹ có số người bị nhiễm cao nhất, hơn 100 nghìn với 1.600 tử vong và New York hiện là tâm điểm bùng phát.

Vùng Vịnh San Francisco là khu vực đầu tiên tại Mỹ áp dụng các biện pháp giới hạn ra đường và giao tiếp xã hội sau khi có một ca tử vong ở San Jose trong ngày 9/3, là một phụ nữ 68 tuổi, khỏe mạnh, vui vẻ, không du lịch nhưng vẫn bị lây và qua đời một tuần sau khi có triệu chứng bệnh.

Hai ngày sau, 11/3 nhiều trường học trong khu vực đóng cửa. Ngày 16/3 có lệnh cấm cư dân vùng vịnh ra đường và đến ngày 19/3 Thống đốc ra lệnh cho toàn tiểu bang California cấm túc.

Các biện pháp mạnh mẽ và cấp thời của California giúp cho số ca nhiễm và tử vong không tăng nhanh như New York.

Cô Vi xuất hiện và đã làm đảo lộn cuộc sống từ Á sang Âu, từ rừng Amazon Nam Mỹ lên đến thành phố hoa lệ New York.

Như tiếng sét tử thần nên mọi người lo sợ khi cô đến. Giới nghiên cứu lúc đầu cho rằng cô thích các bạn già, nhưng không hẳn như thế. Già hay trẻ, nam hay nữ, dân thường hay người quyền cao chức trọng, giòng dõi vua chúa đều đã có cơ hội gặp cô.

Phó đại sứ Anh tại Hungary mới 37 tuổi bị cô cướp đi mạng sống. Một nữ sinh Pháp 17 tuổi đã qua đời vì cô.

Cô Vi đã lây lan từ Thái tử Charles, Thủ tướng Boris Johnson của nước Anh đến Thượng nghị sĩ Rand Paul, Tổng Giám mục Gregory Aymond thuộc Giáo phận New Orleans của Hoa Kỳ.

Chính phủ các cấp đang làm nhiều việc để giúp dân Mỹ bớt lo, giúp kinh tế khỏi suy sụp. Chính sách của Tổng thống Trump đưa ra có người đồng ý, có người mạnh mẽ lên tiếng phản bác.

Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh phát biểu ý kiến chê lãnh đạo Mỹ, chê nước Mỹ cũng là quyền tự do biểu đạt của cô. Đó là điều rất bình thường trong một đất nước tự do dân chủ. Vậy mà nhiều người Việt vẫn nhất định chỉ có quan điểm, tầm nhìn của mình là đúng, là chân lý. Ai không đồng ý là ném đá, qui chụp, còn đòi đuổi Mẹ Nấm về nước. Như thế có khác gì những phát biểu của Tổng thống Trump trước đây với những người bất đồng quan điểm với ông.

Chỉ trích lãnh đạo Mỹ không có nghĩa là không yêu nước Mỹ. Có yêu nước, quan tâm tới hưng thịnh của quốc gia người dân mới lên tiếng phê bình những việc làm của chính phủ.

Bùi Văn Phú

(30/03/2020)

Published in Diễn đàn

Thế giới khởi đầu một thập niên mới với cơn ác mộng mang tên đại dịch Covid-19. Khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc con virus dần lan rộng đến toàn thế giới, làm xáo trộn và hốt hoảng từ chính quyền đến người dân. Các hoạt động kinh tế bị đình trệ, các hoạt động di chuyển bị giới hạn, các sàn chứng khoán đỏ lửa và sự quá tải của hệ thống y tế... Tất cả dường như nhuốm một màu bi quan lên cả những người lạc quan nhất.

Chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa trước khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn với những thống kê nghiêm chỉnh những con số thiệt hại về mặt kinh tế, xã hội… thì mới có thể biết được nó đã tác động lên toàn cầu ra sao. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng cơn đại dịch này không khác nào một bước ngoặt để thế giới xét lại vấn đề "toàn cầu hoá" và "phát triển kinh tế" trong tương lai. Táo bạo hơn, đã có những ý kiến nêu ra việc xét lại các nền "Dân Chủ" và "Toàn Trị" trên thế giới. Người ta so sánh tính hiệu quả khi phải đương đầu với những vấn đề cấp bách và ảnh hưởng lên toàn xã hội như vậy, phải chăng công dân sẽ an toàn và dịch bệnh sẽ được đẩy lùi nhanh chóng hơn khi hạn chế quyền tự do cá nhân, người dân "được" cai trị và giám sát bởi những chế độ toàn trị, độc tài ?

cov1

Một tác phẩm nổi tiếng bàn về các chế độ độc tài kiểm soát công dân

Vậy phải hiểu như thế nào ? Thế giới đã thay đổi so với trước khi phải đối mặt với cơn đại dịch Covid-19 này. Nhưng chúng ta có cần hoảng sợ không, vì một lần nữa, cơn ác mộng của thời chủ nghĩa quốc gia sô-vanh đã tạo ra những chế độ phát-xít, hay những tranh cãi về dân chủ hoặc toàn trị diễn ra cao điểm ở Châu Âu suốt thời kì chiến tranh lạnh hiển hiện ra trước mắt ? Liệu giữa cơn hoảng loạn của đại dịch, sẽ xảy ra kịch bản các thể chế dân chủ ổn vững nhất sẽ dõi mắt và học theo theo những nước độc tài toàn trị với đại diện là Trung Quốc, Nga, hay Việt Nam… bắt đầu từ cách giám sát công dân, cho đến những bước tiếp theo để làm tê liệt hoàn toàn nền dân chủ ?

Câu trả lời là không. Vì sao ?

Đầu tiên, để trả lời câu hỏi này tôi xin dẫn lại hai ý chính của Yuvah Noah Harari trong bài viết gần đây. Harari là một nhà sử học, một học giả uyên bác, tác giả của những tác phẩm xuất sắc như Homo Sapiens, Homo Deus hay Những bài học cho thế giới trong thế kỉ 21 được đông đảo người dân đón nhận. Theo tác giả, có hai ý kiến cần được làm cho sáng tỏ giữa cơn đại dịch lan rộng đến toàn thế giới vào lúc này :

- Đầu tiên là chọn lựa giữa an toàn cá nhân và tự do cá nhân, giữa một nhà nước toàn trị áp dụng mọi biện pháp giám sát công dân từ hơi thở cho đến giấc ngủ hay một nhà nước tự do dân chủ tôn trọng quyền tự do cá nhân.

- Hai là trước sự chao đảo của thế giới vì con virus Covid-19, khởi nguồn từ thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc, rồi lan rộng ra toàn thế giới. Liệu chúng ta phải chọn lựa giữa một sự cố thủ rút lui về biên giới quốc gia hay tăng thêm sự liên đới toàn cầu.

cov2

Tác phẩm của Yuvah Noah Harari

Chọn lựa nhà nước toàn trị hay một nhà nước dân chủ ?

Nếu bạn là độc giả nhiệt thành của Harari, ắt hẳn ý kiến này bạn đã đọc được trong những bài viết, tác phẩm của ông ngay trước khi có sự bùng phát cơn đại dịch này rồi đúng không ? Từ trước khi có đại dịch Covid-19, các chế độ độc tài toàn trị, tiêu biểu nhất là Trung Quốc đã bị tố giác với hàng loạt biện pháp giám sát công dân của họ như lắp đặt camera ở khắp mọi ngóc ngách, kiểm soát những ứng dụng mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, hay theo dõi lược sử thanh toán, chi tiêu của người dân bằng nhưng ứng dụng We-Chat… Họ đưa ra một hệ thống phân loại và đánh giá công dân tốt, công dân xấu bằng việc sàng lọc dữ liệu online của người dân. Những hành động đàn áp, tẩy não người dân ở Tân Cương thông qua những trại cải tạo, những tuyên truyền sai trái về lịch sử Trung Quốc vốn đã bị các tổ chức nhân quyền, báo chí… lên án từ nhiều năm qua rồi.

cov3

Trung Quốc giám sát chặt chẽ công dân của mình

Giữa lúc dịch bệnh hoành hành và làm chao đảo các nước dân chủ, lập luận cần một nhà nước toàn trị để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả chắc chắn lại được chế độ cộng sản Trung Quốc và bộ máy tuyên truyền của nó ra sức khuếch trương thêm. Nhưng trong một thế giới ngày càng nhỏ lại bởi những tiến bộ về truyền thông, người ta chỉ có thể bối rối khi chưa tìm ra được một lập luận sáng tỏ giữa dân chủ và độc tài, chứ không ai có thể cổ suý cho những hành động nhẫn tâm mà chế độ cộng sản Trung Quốc đã áp dụng triệt để lên người dân Vũ Hán. Trong đó, người ta thấy sự phẫn nộ của người dân, sự phơi bày yếu kém về hệ thống y tế, cũng như những hành động cưỡng chế người nghi nhiễm bệnh mà cứ tưởng như đang diễn ra ở thời Trung Cổ. Trung Quốc đã đi qua đỉnh dịch và chuẩn bị tuyên bố thắng lợi, nhưng cả thế giới vẫn nhìn họ với con mắt dè dặt và nghi ngại, khi những số liệu thực bị vốn thường xuyên bị nhào nặn tùy thích ở những chế độ độc tài.

Ngược lại, các quốc gia dân chủ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hongkong, Singapore… Châu Âu, Mỹ sau thời gian đầu bối rối đã dần dần kiểm soát được dịch hiệu quả. Không nước nào đặt ra vấn đề phải hạn chế quyền tự do cá nhân, hay tăng cường việc giám sát công dân để ưu tiên cho sự an toàn về mặt sức khỏe và tư duy chính trị của người dân. Những biện pháp hạn chế đi lại, cách ly toàn thành phố đều là những hành động được người dân hưởng ứng và tuân thủ một cách kỉ luật trong thời gian này, vì họ hiểu điều này làm giảm thiểu rủi ro tối đa lây nhiễm cộng đồng cũng như chính quyền có được sự tín nhiệm của người dân.

Từ trước khi đại dịch diễn ra, đã có rất nhiều cuộc thảo luận về sự suy yếu của nền dân chủ hay nền dân chủ đã bị thao túng như thế nào, vì sao chủ nghĩa dân tuý lên ngôi… Nhưng đã không một học giả nào phản bác dân chủ, phản bác quyền con người để cổ súy cho một thể chế độc tài toàn trị. Câu hỏi về quyền tự do cá nhân trên không gian mạng cũng đã ngã ngũ. Các thể chế dân chủ phương Tây đã ban hành các biện pháp để đảm bảo quyền tự do cá nhân đối với những đại công ty như Google, Facebook, Amazon… Bên cạnh đó, trong cơn đại dịch này, nếu nhìn ở mặt tích cực, chúng ta càng có cơ sở vững chắc để tin vào quyền con người. Những thảo luận về sự nguy hại lên nền kinh tế nếu đóng cửa hay áp dụng những biện pháp hạn chế quá lâu đã không được thực thi. Trước một lựa chọn ưu tiên về việc duy trì tăng trưởng kinh tế 3% nhưng hy sinh 1% dân số vì đại dịch đã không được đặt ra, con người phải là cứu cánh trước tiên. Ngay cả các chế độ độc tài, trong sự túng quẫn kinh tế của nó, cũng không dám phản bác lập luận này. Thế giới đã tiến tới một trình độ văn minh hơn mà ở đó quyền con người phải là giá trị cao quý nhất chứ không thể bị khước từ nhân danh bởi một chủ thuyết, chủ thể nào cả. Không có gì quý hơn sinh mạng con người. Chủ nghĩa phúc lợi, hiểu giản dị là lấy quyết định mang lại phúc lợi tối đa cho mọi người, bị phủ quyết bởi quyền con người. Một chính quyền phải làm trong mọi khả năng để bảo vệ quyền con người trước khi bàn về những vấn đề như tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng sàn chứng khoán…

Chọn lựa cố thủ về biên giới quốc gia hay tăng cường thêm sự liên đới toàn cầu ?

Những phong trào dân tuý bùng phát lên trong những năm gần đây, được ủng hộ bởi những tiếng nói hẹp hòi theo chủ nghĩa dân tộc quá khích, bởi những người bị bỏ lại và đứng bên lề lợi ích của toàn cầu hoá và cơn đại dịch toàn cầu này càng là một lý cớ để nhiều người đả phá toàn cầu hoá và đòi rút lại, cố thủ trong biên giới quốc gia của dân tộc mình. Thế giới dần chia làm hai phe, ủng hộ toàn cầu hoá và những người theo chủ nghĩa quốc gia (nationalism).

Liệu chúng ta có cần chọn giữa chủ nghĩa quốc gia và toàn cầu hóa ?

Làm sao để có một kế hoạch toàn cầu theo lời tác giả Harari nếu như quốc gia vẫn được xem như một biên giới, một vùng lãnh thổ riêng biệt của một cộng đồng những người sống chung với nhau, chia sẻ một văn hóa, một ngôn ngữ và một lịch sử. Quốc gia là cứu cánh duy nhất, là không gian trách nhiệm duy nhất, như lời Donald Trump nói : America First ? Liệu chúng ta có thể tìm ra được một đồng thuận chung, một kế hoạch toàn cầu giữa những nước, những thế chế khác biệt nhau hoàn toàn như Trung Quốc, Nga, Việt Nam, Triều Tiên với các thể chế dân chủ Mỹ, Tây Âu, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… ?

Câu trả lời là không chừng nào chúng ta còn quan niệm quốc gia như một không gian riêng biệt, như những người theo chủ nghĩa quốc gia nationalism. Trong quyển Tổ Quốc Ăn Năn, tác giả Nguyễn Gia Kiểng đã đưa ra một tóm lược như sau, những nhận định đã được viết ra từ những năm đầu thập niên 2000s :

"Những nhà nước đầu tiên ra đời đã là những nhà nước-quốc gia. Nhưng từ nửa sau thế kỷ 19 trở đi đã bùng ra một cuộc tranh cãi sôi nổi về các ý niệm quốc gia và nhà nước. Karl Marx tỏ ra đặc biệt tích cực trong cuộc tranh luận này. Một trong những sai lầm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản là đã không đánh giá đúng vai trò của các nhà nước-quốc gia. Sự tập trung quyền lực trên toàn thế giới không những là điều không thể thực hiện được mà còn là điều không nên thực hiện vì nặng nề và trói buộc. Ngay cả những nước lớn cũng còn phải tản quyền thành những địa phương tự quản với một chính quyền trung ương làm công tác điều hợp. Thế giới đại đồng trong tương lai sẽ là thế giới của sự phối hợp giữa những quốc gia chung sống và hợp tác với nhau, cùng chia sẻ với nhau một số giá trị phổ cập và cùng chấp nhận một số qui ước chung chứ không phải thế giới trong đó các quốc gia bị xóa bỏ. Sự ra đời của những nhà nước-quốc gia thay thế cho những nhà nước quân chủ đã là là một biến cố trọng đại thúc đẩy tiến bộ. Các nhà nước-quốc gia đầu tiên đã hình thành tại phương Tây và đã đem lại cho các dân tộc phương Tây một sức mạnh hơn hẳn.

Ý niệm quốc gia, như một thực thể của chung thay vì của một người hay một nhóm người, đã động viên được sinh lực và sáng kiến của mọi người và đã khai sinh ra tổ chức nhà nước hiện đại. Khi đi chinh phục thế giới vào thế kỷ 18 và 19, sức mạnh chính của người phương Tây không phải là vũ khí và kỹ thuật hiện đại mà là tổ chức nhà nước hiện đại phục vụ cho một quốc gia được quan niệm như là không gian liên đới của một tập thể người có nhiều điểm chung và cùng xây dựng một tương lai chung. Quan niệm này khiến quốc gia vừa có ích vừa cần thiết, nó cũng đem lại cho nhà nước sự chính đáng và, do đó, sức mạnh.

Một chú thích. Cũng như tất cả mọi ý niệm mới, ý niệm quốc gia đã không tránh khỏi những tật bệnh trong quá trình hình thành và trưởng thành ; mà tật bệnh độc hại nhất là chủ nghĩa quốc gia [nationalisme] coi quốc gia như là cứu cánh duy nhất và không gian trách nhiệm duy nhất. Chủ nghĩa quốc gia đồng hóa sự thù ghét các dân tộc khác với sự quí mến dân tộc mình. Nó lẫn lộn tinh thần bài ngoại với lòng yêu nước, nó là một quan niệm hẹp hòi về dân tộc. Nhưng tật bệnh này ngày càng được nhận diện và điều trị, và một khi đã được điều trị xong, ý niệm quốc gia sẽ lấy lại được ý nghĩa thực sự của nó, sẽ đẹp hơn, mạnh hơn chứ không yếu đi".

Trong dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ 2, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã đưa ra một định nghĩa về ý niệm quốc gia. Trong bối cảnh toàn cầu hoá, thế giới dần nhỏ lại và trở thành một mái nhà chung của nhân loại, quốc gia phải được quan niệm như một tình cảm, một đồng thuận, một dự án tương lai chung và một không gian liên đới. Một quốc gia không đảm bảo an ninh và nhân phẩm, không đem lại phúc lợi và niềm tự hào cho người dân chắc chắn sẽ tan rã, càng tan rã nhanh hơn và bi đát hơn nếu biên giới quốc gia được coi như tường thành ngăn cản các giá trị tiến bộ và quy định một vùng lộng hành an toàn của các tập đoàn bạo ngược. Trong thời đại mới này, chúng ta cần ý thức rằng các tập đoàn cầm quyền thiếu văn hóa và thiếu tầm nhìn là những tai họa cho sự tồn vong của các quốc gia. Các chế độ độc tài bạo ngược giết chết các quốc gia, càng tồi dở và độc ác bao nhiêu chúng càng giết chết nhanh chóng các quốc gia bấy nhiêu. Những tiếng nói khơi gợi chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, gây chia rẽ giữa các thành phần người dân trong quốc gia bởi những lãnh đạo dân tuý cũng sẽ bị chìm dần vào quên lãng.

Như vậy, để có một kế hoạch toàn cầu như Harari đề nghị, trước tiên ý niệm quốc gia cần phải được xét lại triệt để. Chủ nghĩa tự do phóng khoáng, chủ nghĩa thực tiễn vốn lấy lợi nhuận làm kim chỉ nam vốn là nguyên nhân chính, chứ không phải toàn cầu hoá, đã tạo ra sự bất bình đẳng giai cấp giữa những tầng lớp trong quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với nhau, và giữa con người với chính môi trường mà chúng ta đang sống… Chúng ta sẽ tạo ra được một hợp tác quốc tế mà ở đó chúng ta cũng không mất đi quốc gia. Câu trả lời không phải lựa chọn giữa quốc gia và toàn cầu hoá, câu trả lời nên là một khái niệm mới để tạo sinh khí cho quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Các chế độ độc tài không tôn trọng quyền con người, không được hiểu như là một đồng thuận và một dự án tương lai chung sẽ bị đào thải.

Lựa chọn nào cho Việt Nam ?

Thế giới đang vất vả chống đại dịch, thì tình hình Việt Nam càng đau nhức gấp bội. Nền kinh tế Việt Nam, với tổng ngoại thương hơn 500 tỷ đô gấp đôi GDP cả nước. Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô của Trung Quốc khoảng 70 tỷ đô la, để gia công xuất khẩu sang nhiều nước dân chủ, với phần chính là Mỹ và Tây Âu. Nền kinh tế vốn tập trung vào kỹ nghệ du lịch, bất động sản càng phơi bày ra những nhược điểm, tổn thương chí mạng giữa lúc cơn đại dịch vẫn được kiểm soát tốt theo thông tin của bộ máy truyền thông Đảng cộng sản. Tổng nợ quốc gia, nếu tính cả khối doanh nghiệp nhà nước tương đương hơn 200% GDP. Tiền thu thuế dùng để chi ngân sách thường xuyên, trả lương cho bộ máy Đảng, Đoàn, chính quyền tới hơn 70% tổng thu ngân sách. Chế độ cộng sản trong suốt nhiều năm cầm quyền của họ, đã thả nổi sự dễ dãi vào các hoạt động du lịch, nhà đất và gia công hàng hoá giá rẻ mà không tập trung nâng đỡ thị trường nội địa. Nhưng đó là điều họ không thể làm, vì để phát triển thị trường nội địa thì đất nước cần dân chủ, quyền con người cần được bảo đảm, luật pháp cần được tôn trọng để sinh lực và tiềm lực của mọi thành tố trong xã hội được giải tỏa.

Layout 2

Việc thị trường EU và Mỹ tạm ngưng nhập hàng dệt may từ Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp khó tiếp tục chồng khó - Nguồn : Tổng cục Hải quan - Đồ họa : Hồng Sơn - Ảnh : Ngọc Thắng

Cứ giả thử như chúng ta kiểm soát được dịch bệnh tốt, điều mà chúng ta cần hết sức thận trọng trước những số liệu thống kê của Đảng cộng sản Việt Nam, thì chúng ta vẫn lệ thuộc nặng nề vào bối cảnh thế giới. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu khối lượng lớn người dân, người lao động, thậm chí bộ máy cán bộ công chức rơi vào tình trạng thất nghiệp, túng quẫn trong khi chế độ cộng sản, dù ý thức được tính hệ trọng của nó, cũng lực bất tòng tâm vì hết tiền và cũng không phải là giải đáp cho mọi vấn đề của đất nước ta.

Đảng cộng sản Việt Nam đã phơi bày bản chất đạo tặc của họ khi dùng bộ máy công an để khủng bố, cướp đất người dân Đồng Tâm. Mọi việc tạm thời ít bị chú ý hơn giữa tâm dịch này. Nhưng Covid-19 càng làm lộ rõ sự yếu kém về y tế khi một nền kinh tế vốn quá lệ thuộc vào ngoại thương và phải dành một khoản ngân sách quá lớn để chi thường xuyên, để trả nợ…Họ cũng nhận ra họ không phải là giải đáp cho Việt Nam. Ước mơ của nhiều đảng viên cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam, của những ông lớn, bà lớn hiện tại chỉ là làm sao để hạ cánh an toàn, tẩu tán tài sản, của cải tích luỹ được trong thời gian nắm giữ quyền lực ra nước ngoài càng sớm càng tốt. Một đảng phái chính trị được xem là chết lâm sàng là khi nó không đưa ra được một dự án chính trị nào cho tương lai nữa. Phát biểu của ông Trần Quốc Vượng, một ứng viên Tổng bí thư khóa mới, về sự tất yếu của kinh tế tập thể, hợp tác xã càng phơi bày thêm sự tuyệt vọng về nhân sự của bộ máy Đảng, bị sàng lọc bởi chính hệ thống độc đoán của nó, trước nhiều vấn đề nhức nhối của đất nước.

cov5

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành kết luận về tiếp tục phát triển kinh tế tập thể - Ảnh Ngọc Thắng

Vào lúc này, giữa sự chú ý của mọi người dân vào công tác chống dịch, chúng ta - Những người tranh đấu cho dân chủ, tự do cho Việt Nam, cần phải bình tĩnh suy nghĩ lại đâu là giải pháp để dân chủ hoá cho Việt Nam? Chúng ta cần ủng hộ cho những tổ chức chính trị nghiêm chỉnh và có một dự án chính trị làm điểm hẹn tương lai cho đất nước. Dự án Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai của chúng tôi ở trong một nỗ lực như vậy :

"Nước Việt Nam sẽ là một nước lớn. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện. Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát".

Việt Dân

(29/3/2020)

Published in Quan điểm