Nguyễn Phú Trọng bị chơi khăm ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 21/06/2019
Sau khi đã vắng mặt một cách đầy nghi ngờ và nghi ngại trong trọn vẹn kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2019, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ‘mất tích’ vào ngày 19/6/2019 - thời điểm mà chỉ một ngày trước một số tờ báo nhà nước đã đưa tin như đinh đóng cột : "Ngày mai, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội".
Ông Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện ngày 21 tháng Sáu (Hình : Trích xuất từ VnExpress.net)
"Hai tay gìn giữ một sơn hà"
Nhưng ngày 19/6 lặng trôi qua mà vẫn không có bất cứ thông tin nào về việc ông Trọng ‘tái xuất’ theo cách mà ông ta đã thình lình hiện ra vào đầu tháng 5 năm 2019 tại sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên; sau đó là ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ và chủ trì Hội nghị trung ương 10.
Trám vào tình trạng biệt tích của Trọng là "Tổng bí thư, Chủ tịch nước xin phép vắng mặt tiếp xúc cử tri do bận công tác" và "Cử tri chúc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sức khỏe, xử lý nghiêm các vi phạm" - một cách rút tít của báo nhà nước, nhưng không hề nhấn mạnh ‘chúc/mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mau chóng hồi phục sức khỏe’ như trước đây.
Hiện tượng trên là khá tương đồng với vụ ông Trọng ‘biến mất’ tại cuộc gặp cử tri Hà Nội vào đầu tháng 5 năm 2019 mà đã khiến cử tri Trần Viết Hoàn, được xem là một trong những "gà đảng" cứ mỗi khi diễn ra cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng - tha thiết trông mong Tổng bí thư, Chủ tịch nước "hai tay gìn giữ một sơn hà".
Nhưng vào lần này còn đáng quan ngại hơn bởi toàn bộ các bản tin trên báo nhà nước về "Ngày mai, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội" hoặc tin tức na ná như thế đã bị bóc gỡ không còn vết tích nào.
Tin tức trên là do báo nhà nước đăng tự phát hay do ai chỉ đạo ?
Có thế lực muốn chơi xấu Trọng ?
Cho tới nay, khả năng đăng tin tự phát về sức khỏe lãnh đạo trên báo nhà nước là gần như không thể, bởi vấn đề này không chỉ là ‘bí mật quốc gia’, mà tình trạng bệnh tật bị dư luận đồn đoán đến mức ‘liệt giường liệt chiếu’ của cấp lãnh đạo cao nhất Nguyễn Phú Trọng là yếu tố nhạy cảm chính trị bậc nhất.
Vậy ai đã chỉ đạo cho báo nhà nước đăng tin "Ngày mai, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội" ? Và ai đã chỉ đạo gỡ bỏ tin tức này ?
Việc hệ thống lại và mổ xẻ những động thái đưa tin bài của truyền thông quốc doanh xung quanh các vụ scandal nổi tiếng nhưng không thiếu tai tiếng trong những năm gần đây như cái chết của Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh vào đầu năm 2015, quan chức bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh bị xem là ‘suýt chết’ nhưng đã chết thật trong chính trường Việt Nam ngay sau Đại hội 12, quan chức chưa chết nhưng đã biến mất từ cuối năm 2017 đến nay nhưng vẫn giữ trọn một ghế trong Bộ Chính trị là Đinh Thế Huynh, và đương nhiên phải tính cả cú lìa trần đột ngột và đáng nghi ngờ của viên cựu bộ trưởng công an trên ghế chủ tịch nước là Trần Đại Quang… đã cho thấy cấp chỉ đạo báo chí quốc doanh đăng hoặc gỡ bỏ tin bài về ‘sức khỏe lãnh đạo’ không hề thuộc diện ủy viên trung ương hoặc bộ trưởng ‘thường’, mà phải là cấp Ban bí thư, ủy viên bộ chính trị hoặc bộ trưởng có chân trong Bộ Chính trị.
Liệu quan chức chỉ đạo đăng tin "Ngày mai, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại Hà Nội" và nhân vật chỉ đao gỡ tin này có phải là một người ? Hay là hai người khác nhau ? Các cơ quan Ban Tuyên giáo trung ương, Ban bí thư, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông có vai trò gì trong vụ đăng - gỡ này ?
Phải chăng tin tức trên được tung ra chỉ do não trạng số sắng của cấp dưới để lấy lòng cấp trên, do sơ suất nghề nghiệp và ‘lỗi thằng đánh máy’ ? Hay xuất phát từ một động cơ ẩn giấu nào khác ?
Kể từ khi Nguyễn Phú Trọng suýt gục ngã tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’ vào tháng 4 năm 2019 và thoắt ẩn thoắt hiện một cách bất thường trong những ngày sau đó, đã dần hiện ra một luồng dư luận đề cập về một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng, thế lực không muốn tình trạng bệnh tật của ông Trọng bị giấu nhẹm mà muốn vấn nạn này được công khai trên mặt báo chí cho bàn dân thiên hạ đều biết.
Nhưng thế lực chính trị đó không thuộc về trường phái phản biện xã hội muốn minh bạch hóa những chủ đề quốc gia đại sự, mà có thể là những quan chức không thích Trọng hoặc căm ghét và muốn lật đổ ông ta càng sớm càng tốt, nhất là khi Nguyễn Phú Trọng đang rơi vào tình cảnh ‘gần đất xa trời’ như lúc này.
Nếu dư luận trên không phải là thuyết âm mưu mà đúng sự thật, những cú ra đòn trên mặt truyền thông nhà nước vào tháng 5 và tháng 6 năm 2019 về việc Trọng ‘sẽ xuất hiện’ nhưng ngay sau đó là ‘bận công tác’ đã và đang khiến cho dân tình được cung cấp một loại thông tin mang tính định hướng về thực trạng căn bệnh của ‘Tổng tịch’ không hề nhẹ nhàng, thậm chí còn có thể hiểu là bệnh nguy kịch, đẩy nhanh tâm lý hoang mang trong dân chúng và trong nội bộ đảng, từ đó dần dẫn tới nhu cầu tìm người thay thế cho ông ta với lý do ‘nước không thể một ngày thiếu vua’.
Việc Nguyễn Phú Trọng vắng mặt trọn vẹn trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng ngày càng bất lợi đối với ông ta.
Và cho dù ông Trọng đã ‘tái xuất’ vào ngày 21/6 để chủ trì họp Bộ Chính trị, cái lối thoắt ẩn thoắt hiện của ông ta không thể khiến người ta bớt hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ, và có thể cả Canada, một cách hoàn hảo bằng chính đôi chân của ông ta vào tháng Tám tới.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/06/2019
********************
Thiếu minh bạch về thông tin ông Nguyễn Phú Trọng
Diễm Thi, RFA, 19/06/2019
Vào ngày 18/6/2019 báo chí trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp xúc cử tri Quận Hoàn Kiếm vào ngày 19/6/2019. Tuy nhiên sau khi tin vừa loan chẳng bao lâu thì bị gỡ xuống. Đến ngày hôm sau truyền thông Nhà nước loan tin ông Trọng "bận công tác" nên không thể tham dự cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội như đã thông báo.
Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 9 tháng 4 năm 2019. AFP
Thiếu tính chuyên nghiệp
Đây không phải là lần đầu tiên báo chí trong nước đưa tin về việc ông Trọng trở lại làm việc, kể từ sau ngày 14/4/2019 lúc ông Trọng được cho là bị đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang.
Hồi tháng 5/2019, truyền thông trong nước loan tin ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra trước Quốc hội đọc tờ trình tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế -ILO vào ngày 29 tháng 5; tuy nhiên đến thời điểm đó, ông Trọng không xuất hiện mà người đọc tờ trình là bà phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Chuyện báo chí chính thống đưa những bản tin rồi lại rút xuống hoặc những bản tin phải đưa lại như vậy khiến dư luận xã hội thắc mắc và có những suy đoán khác nhau.
Nhà báo Tôn Phi giải thích quy trình loan một bản tin liên quan đến một nhân vật quan trọng như ông Nguyễn Phú Trọng :
"Thường thường một người như ông Trọng chuẩn bị đi làm việc ở đâu đó thì kế hoạch làm việc sẽ được báo trước cho nơi tổ chức hội họp hay nơi tiếp xúc cử tri. Những nơi này sẽ nhận được một giấy báo ngày, giờ sẽ có đoàn của trung ương xuống, có bác Tổng xuống làm việc. Họ chỉ biết tới đó và họ sẽ loan tin, rồi tin này sẽ được đưa lên truyền thông".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhận xét rằng truyền thông, báo chí nhà nước đã phạm những sai lầm không thể tha thứ, nhất là trong thời điểm hiện nay khi đưa tin về ông Nguyễn Phú Trọng như thế. Ông giải thích :
"Thứ nhất là vừa rồi ông Võ Văn thưởng vừa có bài viết rất dài rằng mạng xã hội không đáng tin cậy mà chỉ có báo chí nhà nước mới đáng tin cậy. Trong khi đó thì tin tức họ đưa lên, rút xuống rồi cải chính. Điều đó vô hình chung họ cho người dân thấy rằng mạng xã hội đáng tin cậy hơn.
Sai lầm thứ hai là họ nói ông Trọng "bận công tác". Điều này không thuyết phục người dân vì ông Trọng là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, bất cứ công tác gì đều có lịch trình và có sự sắp đặt sẵn hết nên điều này lại vô hình chung xác nhận ông Trọng có vấn đề về sức khỏe.
Sai lầm thứ ba là họ hiểu lầm truyền thông là kỹ thuật. Thực chất truyền thông là nghệ thuật, và làm nghệ thuật thì phải có năng khiếu.
Sai lầm thứ tư là giới truyền thông, báo chí ở Việt Nam tự bộc lộ ra rằng họ hoàn toàn mù thông tin về sức khỏe của ông Trọng".
Ông Nguyễn Ngọc Già cho rằng cần phải xử lý hai lãnh đạo trong ngành truyền thông, báo chí trong nước, đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bối cảnh ông Thưởng vừa viết một bài rất dài bôi xấu mạng xã hội là các thế lực âm binh hắc ám; Ông Hùng thì vừa mới trao quyết định Tổng Biên tập Vietnamnet cho ông Phạm Anh Tuấn và ‘dặn dò’ báo cũng cần đi đầu một cách thông minh, truyền tải thông điệp đất nước một cách hiện đại.
Có đấu đá nội bộ ?
Theo ghi nhận của RFA qua các trang mạng xã hội thì nhiều người dân cho rằng việc báo chí nhà nước đưa tin rồi lấy xuống là chuyện thường xảy ra, nhất là những bài báo ‘nhạy cảm’ về kinh tế, xã hội, chính trị vì báo chí là công cụ tuyên truyền của đảng nên phải đưa tin phục vụ cho đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội nêu suy nghĩ của mình :
"Tôi nghĩ rằng chuyện mà người ta bảo rằng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng sẽ gặp mặt cử tri Hà Nội thì chắc ông nào muốn chọc cho Trọng một cú vì ai cũng thừa biết là chuyện đó không xảy ra, nhưng người ta cứ đưa tin để chọc ngoáy nhau thì tôi nghĩ rằng trong lúc đang chuẩn bị cho đại hội đảng sắp tới thì phe này tố phe kia đánh phe nọ là chuyện bình thường".
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già tin rằng việc đưa tin mà theo ông là ‘vặt vẹo’ và thiếu hẳn tính chuyên nghiệp như vậy vừa có sự cố tình vừa có sự vô tình :
"Cố tình là phe đang chống đối ông Trọng đang bày ra một hình ảnh chệch choạc, yếu kém, phi chuyên nghiệp như vậy trong vấn đề chính trị. Vô tình (nếu có thể nói như vậy) là họ hoàn toàn mù thông tin và tình trạng sức khỏe của ông Trọng bị bưng bít toàn bộ".
Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được Quốc hội chính thức thông qua hôm 15/11/2018, quy định thông tin cá nhân và bảo vệ sức khỏe lãnh đạo đảng, Nhà nước thuộc bí mật nhà nước.
Việc ‘đột quỵ’ và tình hình sức khỏe của ông Trọng từng khiến dư luận quan ngại công cuộc chống tham nhũng do ông phát động lâu nay sẽ bị tác động bất lợi. Nhiều suy đoán cũng cho rằng tình trạng bệnh tật của ông Nguyễn Phú Trọng khiến các phe phái khác trong đảng nổi dậy.
Nhà báo Tôn Phi có nhận định liên quan :
"Nhà nước CHxã hội chủ nghĩaVN họ cũng đã thấy kinh nghiệm của những nhà nước theo chủ nghĩa Marx nên họ tản quyền lực ra, không tập trung vào một người. Nếu người này ốm thì có người khác thay. Họ đã tính hết cả rồi cho nên chuyện ốm đau, sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng không ảnh hưởng đến việc tranh giành đấu đá, tranh quyền tranh chức bằng việc khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng chân lý trong hệ thống từ trên xuống dưới của mấy triệu đảng viên".
Hệ thống chính trị của Việt Nam thiếu minh bạch, ngay cả đến sức khỏe của lãnh đạo. Đây là một điểm yếu mà những người cổ xúy cho dân chủ nhân quyền luôn đề nghị phải thay đổi.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 19/06/2019
Ở tuổi 75 và vẫn còn phải tập đi đứng cho vững để tiếp khách, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn Việt Nam ôm chặt Chủ nghĩa cộng sản để tiếp tục độc tài, độc đảng vô thời hạn.
Ở tuổi 75, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn Việt Nam ôm chặt Chủ nghĩa cộng sản để tiếp tục độc tài, độc đảng vô thời hạn.
Quan điểm cứng nhắc, cũ rích, giáo điều và bảo thủ này đã được ông Trọng gói trong bài viết "Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phổ biến ngày 30/05/2019.
Chuyện cũ và người mới
Trước hết về cơ bản, ông buộc lãnh đạo đảng địa phương nhiệm kỳ 2021-2016 phải : "Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng".
Điều này có nghĩa Chủ nghĩa Cộng sản vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng, và đảng phải cầm quyền và lãnh đạo toàn xã hội. Cương lĩnh "xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa Xã hội" (bổ sung và phát triển năm 2011), Điều lệ Đảng (từ Khóa đảng XI năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đều nói cùng một giọng. Chuyện cũ được ông Trọng xới lại chỉ có mục đích bảo địa phương không được chệch hướng mà phải xếp hàng sau lưng Trung ương.
Sở dĩ ông Trọng phải rào đón như thế vì tại Hội nghị Trung ương 10 (15-18/05/2019), ông đã nói đến nhóm chữ "đổi mới chính trị" khiến một số người nghĩ rằng ông có cái đầu mới muốn gợi ý thảo luận thay đổi thể chế, sau cơn đột qụy nhẹ ở Kiên Giang ngày 14/04/2019. Nhưng ông Trọng nói vậy mà không phải vậy.
Từ Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI ông đã nói rằng : "Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".
Đó là nội dung rút ra từ phương châm "đổi mới nhưng không đổi mầu", "hội nhập mà không hòa tan" từ thời ông Nguyễn Đức Bình, một người cộng sản cực kỳ giáo điều làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (1996-2001). Sau đó, đến phiên ông Trọng thay ông Bình nắm ghế Chủ tịch từ ngày 10 tháng 11 năm 2001 đến 15 tháng 3 năm 2007 thì quan điểm một chiều này được tiếp tục cho đến bây giờ (2019).
Vì vậy mà ta chẳng ngạc nhiên khi thấy ông Trọng không có ý gì mới trong bài viết. Ông chỉ biết lập lại điều ông đã nói nhiều lần khi yêu cầu địa phương phải : "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị".
Nhưng cũng chính ông Trọng là người đã than phiền trong qúa khứ về tình trạng buông lỏng lãnh đạo, đã có lãnh đạo làm sai và thậm chí làm ngược với chủ trương, đường lối của Trung ương. Ông gọi tình trạng này là "trên nóng dưới lạnh", hay "trên bảo dưới không nghe" vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi, kể cả công tác phòng và chống tham nhũng mà ông Trọng tự khoe, với quyết tâm "đốt lò" đã đem lại kết qủa và tạo được niềm tin trong dân.
Nhưng lòng tin vào đảng của dân lại không đo hay đếm được vì chỉ thấy lãnh đạo nói, trong khi dân lại than van tham nhũng khắp nơi, nhất là "tham nhũng vặt".
Bằng chứng đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng nói ra : "Các vụ án tham nhũng vặt lâu nay đã nói rồi, nhưng bây giờ cũng cần chọn một vài điểm tiêu biểu, xử một vài vụ. Nó như "ghẻ ruồi" rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin, đặc biệt là các cơ quan hành chính, xin giấy tờ, cảnh sát giao thông phạt tiền có đáng phạt hay không, dấm dấm giúi giúi, tham nhũng vặt gây mất lòng tin, giấy tờ ngâm lại, hẹn người ta bắt đi lại nhiều lần khó chịu. Một điểm nữa là chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo, cũng phải xử một vài chỗ nào hẹn thời gian không làm được bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp" (Voice of Vietnam, ngày 10/11/2018)
Vì vậy, ông Trọng mới thừa nhận trong bài viết : "Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn một số yếu kém, bất cập ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế".
Phát huy hay thanh trừng ?
Nói thế nhưng ông Trọng lại giấu tiệt những "yếu kém, bất cập". Ông cũng không dám cho dân biết các tổ chức đảng và đảng viên đã "thiếu khả năng lãnh đạo" và "mất sức chiến đấu" đến mức độ nào ?
Nhưng ông lại hồ hởi hô hào : "Phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội ; củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng".
Nói "dân chủ" mà dân "không được làm chủ" , hay khoe đảng có "trí tuệ" mà dân lại không đồng tình với đảng như nhà nước tuyên truyền bấy lâu nay thì những điều ông Trọng nói chỉ giá như cái xác không hồn.
Vì vậy, khi nghe ông Trọng ra lệnh : "Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải xác định đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của đại hội" là ta đã thấy rõ ông đã vẽ đường cho hươu chạy.
Kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội đảng, địa phương và trung ương, đều đã có những màn chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu nhan nhản ra đấy. Những chuyện trao đổi, giằng co tại Đại hội đảng kỳ X dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là một tỷ dụ điển hình khi có hàng loạt con ông cháu cha được vào Trung ương.
Do đó, từ năm 2018, ông Trọng đã cảnh giác việc mua quan bán tước và lời ích nhóm đang lao xao đó đây.
Một lần nữa ông bảo các đảng bộ địa phương phải : "Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, " "tự chuyển hóa, " quan liêu, tham nhũng ; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm ; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính".
Quan trọng hơn, ông Trọng còn ra lệnh : "Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ ; những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy. Phương án nhân sự cấp ủy phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh, thành phố".
Nhưng thế nào là "có vấn đề chính trị" ? Phải chăng đó là những người từng công khai phê bình, chỉ trích lãnh đạo cấp cao ; hay họ là thành phần cán bộ, đảng viên đã mạnh dạn chỉ trích việc đảng tiếp tục sai lầm đi theo Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh ; hoặc là thành phần đòi phải "đổi mới chính trị" để dân được tự do bầu ra một chính phủ thật sự là của dân, do dân và vì dân.
Hay là, có cả những người đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo độc quyền của đảng trong Điều 4 Hiến pháp ?
Cái khó trước mắt
Nghi vấn thì nhiều, nhưng khó mà biết được thâm ý của ông Nguyễn Phú Trọng khi ông đặt ra tiêu chuẩn "có vấn đề chính trị", ngay cả với cấp địa phương. Vậy đối với cấp Trung ương thì sao ?
Hãy đọc những dòng sau đây của ông để đoán xem ông định "vặn cổ" những ai trong đảng : "Thực tế thời gian qua, nhiều cấp ủy đã thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực đổi mới, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn cấp ủy chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân ; có biểu hiện "trên nóng dưới lạnh, " "trên có chính sách, dưới có đối sách ;" dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật".
Nói mạnh như thấy, nhưng người cầm đầu đảng và nhà nước CSVN lại không quên chơi bài đổ tội để che cái yếu kém của chính mình mà không cần bằng chứng.
Ông Trọng viết : "Kinh nghiệm cho thấy quá trình chuẩn bị đại hội cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự.
Báo chí và các cơ quan chức năng phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, Internet, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tích cực, có hiệu quả vào thành công của đại hội".
Tóm lại, chỉ thị và lập luận của ông Trọng dành cho các Đại hội đảng địa phương cũng chẳng mới mẻ gì. Toàn là những chuyện của bản cũ sao lại từ một lãnh đạo có tư duy đất sét ở thế kỷ 21.
Vậy viễn ảnh của thành phần nhân sự đảng khóa XIII có hy vọng tốt hơn các khóa trước không, hay cũng chỉ cá đối bằng đầu mà thôi ?
Phạm Trần
(13/06/2019)
Ông Nguyễn Phú Trọng đã xuất hiện trở lại sau đúng một tháng "mất tích". Dù lời nói và thần sắc của ông có vẻ bình thường nhưng việc ông ốm là có thật khi buổi họp đầu tiên ông phải đeo đai giữ cho khỏi ngã và phải đeo máy trợ tim, đo tim… Nhiều người đón nhận sự trở lại này với tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Vui là những người có suy nghĩ "còn đảng còn mình" và buồn là những quan chức lãnh đạo cấp cao, những người có thể trở thành củi để ông Trọng ném vào lò. Với đa số người dân Việt Nam thì ông Trọng hay ai thay ông thì cũng thế thôi, ách cai trị của đảng cộng sản không hề thay đổi.
Sau Nguyễn Phú Trọng lài ai ? - Ảnh minh họa
Có một điều mà ai cũng có thể thấy đó là sự sống chết của ông Trọng vô cùng quan trọng đối với đảng cộng sản. Nếu ông Trọng có mệnh hệ gì thì nội bộ đảng cộng sản sẽ xáo trộn và đổ vỡ nghiêm trọng. Vì sao một ông già 75 tuổi lại quan trọng như thế với đảng cộng sản ? Có thực sự là ông Trọng giỏi đến mức không thể thay thế không ?
Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã nhận định trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, việc đảng cộng sản chuyển hóa từ chế độ độc tài đảng trị sang độc tài cá nhân trị là bắt buộc và đây là chặng đường tất yếu trên con đường đào thải. Một điều thú vị mà chúng ta cần biết là đảng cộng sản luôn chống "chủ nghĩa cá nhân" và chống độc tài cá nhân trị, họ ủng hộ mô hình đảng trị, đề cao "ý kiến tập thể", ví dụ ý kiến Bộ chính trị. Nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản là chủ nghĩa Mác-Lênin, tuy nhiên hệ tư tưởng này đã trở thành nhảm nhí và đã bị nhân loại vứt vào sọt rác. Khi một tổ chức chính trị hoặc một chính đảng đánh mất sự đồng thuận trên những nền tảng tư tưởng chung thì bắt buộc phải chọn giải pháp "độc tài cá nhân trị" để cá nhân đó lấy quyết định thay cho tập thể.
Sự tham nhũng của quan chức lãnh đạo đảng đã quá nghiêm trọng và lộ liễu nhưng ban lãnh đạo đảng cộng sản không thể lấy quyết định trừng phạt bất cứ ai vì gặp phải sự chống đối ngay trong nội bộ, không ai đồng thuận và đồng ý với ai vì vậy họ phải tập trung quyền lực cho một người duy nhất để người đó lấy quyết định thay cho họ. Ông Trọng trở thành "nhà độc tài" là vì vậy.
Ông Trọng là nhà độc tài đầu tiên và có lẽ cũng là cuối cùng của đảng cộng sản. Ông là một khuôn mặt mờ nhạt, hiền lành, ba phải, không có tài năng và tư chất của một nhà độc tài. Suốt quá trình làm việc của ông từ Tạp chí Cộng sản, đến Bí thư thành ủy Hà Nội rồi chủ tịch Quốc hội, ông không hề có một ý kiến gì rõ ràng và sâu sắc. Có lẽ vì thế mà dân Hà Nội đặt cho ông bí danh "Trọng Lú". Giải thích điều này cũng khá thú vị. Kẻ được chọn để trở thành nhà độc tài trong các chế độ cộng sản trong gia đoạn chuyển tiếp thường là người thiếu cá tính, trung dung, không quá bản lĩnh và hung bạo… Tóm lại là không có bản lĩnh của một nhà độc tài, tức là một nhà độc tài dở. Nếu chọn một kẻ hung bạo và bản lĩnh thì sẽ rất nguy hiểm cho chính mình và đồng đảng. Ông Trọng hội đủ các "tiêu chuẩn" đó nên được chọn. Số phận đảng cộng sản không thể khác khi cuối cùng lại đặt vào một người có biệt danh là "lú". Với tình trạng tư duy và sức khỏe như hiện nay ông Trọng khó có khả năng làm được điều gì tốt đẹp cho đảng cộng sản mà chỉ làm mọi việc rối tung hơn.
Sau ông Trọng, đảng cộng sản rất khó chọn được một nhà độc tài kế vị vì bộ máy sàng lọc của đảng đã loại bỏ hết những người có tư chất và khả năng. Không một khuôn mặt nào trong ban lãnh đạo hiện nay là sáng giá để thay thế ông Trọng mà không bị các phe nhóm trong nội bộ phản đối. Như chúng tôi đã nhiều lần phân tích, nếu tiền bạc và quyền lực có thể thay thế cho tư tưởng chính trị thì các băng đảng maphia đã lên cầm quyền từ lâu rồi.
Chiến dịch "đốt lò" nói lên điều gì ? Vì sao trước đây đảng cộng sản không làm được mà giờ ông Trọng làm được ? Như đã phân tích ở trên, đảng cộng sản đã mất đồng thuận trên những tư tưởng nền tảng. Họ không còn lấy được bất cứ quyết định chung nào dù là một việc cấp thiết như loại bỏ đi vài đảng viên tham nhũng quá đáng và lộ liễu để bảo vệ sự tồn vong của đảng. Chính vì lý do đó mà họ phải bầu lên một nhà độc tài như ông Trọng để lấy các quyết định cần thiết đó. Ông Trọng từng nói là phải hy sinh vài người để cứu muôn người, "muôn người" ở đây tức là đảng cộng sản chứ không phải dân tộc Việt Nam. Ông Trọng được đa số trong đảng miễn cưỡng ủng hộ chiến dịch "đốt lò" là vì thế.
Tuy nhiên ông Trọng và đảng cộng sản không ý thức được việc "đốt lò" của họ là nguy hiểm như thế nào. Chính ông Trọng từng nói "việc chống tham nhũng là rất khó vì ta chống ta" nhưng rồi vẫn phải làm, việc này giống như khi một bộ phận nào đó trong cơ thể đã bị hoại tử, phải cắt bỏ để bảo toàn mạng sống thì cũng phải làm dù muốn hay không. Thực tế, cơ thể của đảng cộng sản đã bị ung thư di căn giai đoạn cuối. Khi bộ não của nó, tức là hệ "tư tưởng chính trị" đã chết thì mọi hành động cứu chữa đều vô ích. Chống tham nhũng chỉ làm đảng cộng sản tan nát và phơi bày sự mục ruỗng trước con mắt người dân và đằng nào cũng không thể chống tham nhũng được vì nói như ông cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "nếu cách chức hết thì lấy ai làm việc".
Đảng cộng sản đã đánh mất hết sự chính đáng và sự đồng thuận khi tồn tại và vận hành theo tư tưởng Mác-Lênin. Nhưng một chính đảng bắt buộc phải có "tư tưởng chính trị", điều này đảng cộng sản hiểu rất rõ và vì thế họ không thể nào từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin dù biết đó là nhảm nhí. Không có tư tưởng chính trị thì không một tổ chức chính trị nào có lý do để tồn tại. Đáng buồn là những người hoạt động dân chủ cho Việt Nam lại không hiểu điều này. Đừng quên ông Trọng là một con mọt sách, suốt ngày ngồi tụng kinh Mác-Lê.
Việc ông Trọng xuất hiện và phát biểu khai mạc trong hội nghị Trung ương 10 nói lên một điều là đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc và hoang mang. Mấy câu hỏi mà ông Trọng nêu ra như thay đổi chính trị có phải là thay đổi chế độ hay không ? Có nên loại bỏ kinh tế quốc doanh hay không ? Việt Nam sẽ ra sao vào năm 2030, 2045 ?... nói lên sự bế tắc đó. Khi nêu ra những câu hỏi này ông Trọng chứng tỏ là đảng cộng sản không hề thảo luận về những câu hỏi mang tính nền tảng của chế độ. Tất nhiên là như vậy vì nếu thảo luận một cách rõ ràng và nghiêm túc thì chỉ có cách giải tán đảng cộng sản. Ông Trọng và đảng cộng sản biết vậy nên họ cố tình không thảo luận và xem đó là điều húy kỵ. Chính vì không đồng thuận với nhau trên những vấn đề nền tảng nên họ không thể nào đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể.
Số phận đảng cộng sản có lẽ sẽ kết thúc cùng với sự ra đi của ông Trọng. Điều đó đã an bài nhưng câu hỏi cấp bách cần đặt ra trong lúc này là phong trào dân chủ Việt Nam còn lại những ai và họ đang ở đâu ? Họ sẽ tham gia như thế nào trong giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang dân chủ ? Đáng buồn là lực lượng đó không còn nhiều. Những người hoạt động nhân sĩ, phản biện hay chửi bới đảng cộng sản không nên tính đến vì sự đóng góp của họ không đáng kể.
Đấu tranh chính trị bắt buộc phải tham gia hoặc ủng hộ cho một tổ chức vì sự đóng góp cho phong trào dân chủ phải dựa trên hai tiêu chí : Thứ nhất, đưa ra những ý kiến đúng và thứ hai, xây dựng được lực lượng cho phong trào dân chủ. Khả năng cao nhất và cần nhất ở mỗi người tranh đấu là khả năng làm việc có tổ chức (trong một tổ chức) và sau đó là học hỏi để có kiến thức thật sự về chính trị. Nếu không tham gia vào tổ chức thì không thể nào có được những khả năng và đức tính đó. Lãnh đạo chính trị cũng từ tổ chức mà ra chứ không thể từ trên trời rơi xuống. Chỉ có tổ chức mới nhận ra và đánh giá đúng khả năng và tư chất của mỗi người. Khả năng cao nhất của một dân tộc và cũng là của loài người đó là khả năng làm việc có tổ chức, có phân công, có ý kiến và sáng kiến.
Khi tham gia vào tổ chức, chia sẻ và đồng ý với nhau trên những giá trị nền tảng về tư tưởng chính trị thì mới có thể đồng thuận với nhau trong những vấn đề cụ thể. Người ta không thể (và không bao giờ) đồng ý với nhau trên những vấn đề cụ thể nếu không đồng ý với nhau trên những vấn đề nền tảng. Bài viết "Bài học chính trị lớn từ nước Pháp" của ông Nguyễn Gia Kiểng và hiện tình chính trị nước Pháp là một ví dụ.
Thời gian qua phong trào dân chủ Việt Nam có vẻ như trầm xuống. Thay vì hoang mang lo lắng thì chúng ta nên nhìn nhận sự việc này như là một hy vọng. Sau những ồn ào, những tiếng vang chỉ có tính khoa trương bề nổi thì phong trào dân chủ bắt buộc phải thay đổi để đi vào chiều sâu và có thực chất. Đã đến lúc người Việt cần bình tĩnh đánh giá lại chặng đường đã đi qua và chuẩn bị hành trang cho một hành trình mới, một khúc rẽ mới. Phải dứt khoát nói với nhau rằng đấu tranh chính trị phải luôn là đấu tranh có tổ chức.
Những đảng viên có trí tuệ trong đảng cộng sản thừa hiểu rằng số phận của họ không thể nào gắn bó với đảng cộng sản được nữa vì đảng cộng sản không có tương lai. Họ bắt buộc phải lựa chọn một giải pháp khác, một tổ chức chính trị khác để có một tương lai khác cho chính họ và đất nước.
Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh quan trọng, hạn kỳ dân chủ có thể đến rất nhanh hơn là chúng ta tưởng. Nỗi lo lớn nhất hiện nay đó là phong trào dân chủ chưa kịp chuẩn bị để nhận lãnh trách nhiệm với lịch sử và dân tộc.
Việt Hoàng
(02/06/2019)
Phần 1
Việt Nam rộ tin đồn : Ông Trọng chậm bình phục vì ''trúng độc''
Trong dư luận trong nước có nhiều lo ngại về khả năng sức khỏe kém sẽ không cho phép ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục điều hành đất nước, dù chủ tịch nước Việt Nam đã xuất hiện một số lần, trực tiếp điều hành Hội nghị trung ương 10 của Đảng cộng sản giữa tháng 5/2019, sau thời gian nhiều tuần dưỡng bệnh. Cuộc chiến chống tham nhũng, hay "đốt lò", có nguy cơ đổ bể.
Ông Nguyễn Phú Trọng họp với các lãnh đạo cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 14/05/2019. Chụp màn hình : @Soha.vn
Ngày 29/05/2019, theo kế hoạch, lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đọc tờ trình trước Quốc hội, về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Trọng có "tái xuất" ? Và nếu có thì sẽ như thế nào.
Sau đây là một số nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) về vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
***
RFI : Thưa nhà báo Võ Văn Tạo, theo những nguồn tin ông có, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay thực chất ra sao ?
Võ Văn Tạo : Sức khỏe của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phần hồi phục, rất là khá so với cách đây hơn một tháng. Nhưng mà chưa thật khỏe. Khả năng làm việc bình thường tôi nghĩ là có thể được. Căn cứ vào cuộc họp Tứ trụ (ngày 15/05) đúng một tháng sau tính từ 14/04, ông bị tai biến nhẹ. Sau đó là cuộc khai mạc, rồi bế mạc của Hội nghị trung ương 10 (từ ngày 14 đến 16/05/2019). Ông ấy đều xuất hiện và đều phát biểu. Tôi thấy rằng cái cách ông ấy phát biểu, cái phong thái và giọng nói của ông ấy thì tương đối được. Dĩ nhiên không khỏe như trước.
Về việc giải thích chuyện tại sao ông ấy chưa thật khỏe, tôi cũng có một số nguồn tin riêng, có thể để tham khảo. Không biết có đúng hay không. Người ta nói rằng ông Trọng bị tai biến không nặng. Trưa 14/04 bị tai biến ở Kiên Giang, trong lúc làm việc với tỉnh ủy Kiên Giang. Rồi ngay chiều hôm đó phải vào cấp cứu bệnh viện Kiên Giang để cấp cứu. Sau đó, đến chiều chỉ vài tiếng thì cấp tốc ra máy bay, để đưa về Sài Gòn để chạy chữa ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện hàng đầu về phẫu thuật ngoại thần kinh, tức là mổ não. Thế nhưng, sau hơn một ngày lại đi máy bay về Hà Nội được ngay.
Ai mà có kiến thức sơ bộ về y khoa, thì cũng biết rằng, nếu tai biến mạch máu não và xuất huyết não, mà cho đi máy bay ngay như thế, thì có nghĩa là anh giết bệnh nhân, nếu như việc xuất huyết não là nặng nề. Thế mà ông ấy vẫn về được Hà Nội một cách an toàn. Về bệnh viện 108 ngày 16/05. Điều này chứng tỏ việc xuất huyết não cũng rất nhẹ.
Thế thì nếu nhẹ như thế thì chỉ một tuần, cùng lắm là hai tuần là xuất viện tốt. Thế nhưng ông ấy phải nằm một tháng mới xuất hiện trên tivi. Bữa ấy (ngày 14/05), tôi thấy cái phông của phòng họp với mấy người chóp bu của Đảng, thì tôi thấy đó không phải là cái văn phòng của Trung ương Đảng. Có khả năng đấy là một hội trường của Quân y Viện 108, rất là đơn sơ. Rõ ràng là tình trạng sức khỏe của ông ấy chưa thật tốt.
Giải thích về điều này, theo nguồn tin rò rỉ - để tham khảo thôi, chứ còn để tin thì phải có bằng chứng -, ông ấy bị uống một loại thuốc có chất độc lạ.
RFI : Xin ông cho biết cụ thể ?
Võ Văn Tạo : Theo nguồn tin này, ông ấy bị đầu độc. Thậm chí còn nói là mẫu bệnh phẩm đã được chuyển sang Nhật, người ta nói là cùng một nhóm virus lạ, hay hóa chất lạ, giống như trường hợp của ông Trần Đại Quang. Tình thế lúc đó là nguy ngập. Tin đó tôi nhớ là đã có vào cuối tháng 4, hoặc đầu tháng 5, trước khi ông xuất hiện trở lại trên truyền thông. Nhờ Quân y Viện 108, có quan hệ với Quân đội Nga, nên nhập về được thuốc giải được cái đó.
RFI : Dường như trong nước, trong dư luận rất nhiều người đặc biệt lo ngại cho sức khỏe của ông chủ tịch nước, kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?
Võ Văn Tạo : Sức khỏe của ông Trọng là mối quan tâm của một tỉ lệ không nhỏ người dân Việt Nam, trong đó có cả dân thường, lẫn cán bộ, đảng viên, đặc biệt sau khi ông ấy phát động chiến dịch thanh trừng những vụ đảng viên cao cấp tiêu cực, tham nhũng. Điển hình là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị, bị đưa ra tòa, và đang ngồi tù.
Có một sự náo nức nhất định, vì cái thực trạng tham nhũng, thối nát đã quá phổ biến, thành Quốc nạn. Người ta đã kêu gào công khai ở các diễn đàn, từ 15, 20 năm trở lại. Rõ ràng tình hình là quá tệ. Ông ấy cũng làm được một số việc, gọi là gỡ gạc. Mang lại phần nào sự hào hứng nhất định cho cán bộ, đảng viên, người dân ở Việt Nam. Trường hợp xấu nhất là ông ấy qua đời chẳng hạn, thì họ lo ngại "tắt lò" mất.
RFI : Cũng có một kịch bản khác, được nhiều người nêu ra. Đó là sức khỏe ông Trọng yếu đến mức phải ngồi xe lăn chẳng hạn. Một lãnh đạo quốc gia ngồi xe lăn điều hành đất nước : Ông nhận định ra sao về viễn cảnh này ?
Võ Văn Tạo : Theo tôi, việc ngồi xe lăn cũng không ảnh hưởng lắm đối với việc điều hành đất nước. Mình thấy rằng ngay trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, tổng thống Mỹ Roosevelt cũng ngồi xe lăn, nhưng điều hành được Quân đội của ông, điều khiển chiến cục, chiến thắng phát xít Đức, cùng với Hồng quân Liên Xô. Đối với lãnh đạo tối cao thì họ không phải làm việc bằng cơ bắp, mà thần kinh họ tỉnh táo là được rồi. Chuyện họ đảm đương công việc, thì tôi nghĩ có thể được.
Về trường hợp ông Trọng, tôi nghĩ thế này : ở các Nhà nước cộng sản nói chung, Nhà nước Việt Nam nói riêng, từ lâu đã hình thành một cơ chế làm việc cơ bản là dựa vào tập thể. Những việc quan trọng họ ra nghị quyết, người đứng đầu hoặc người kế cận cứ theo nghị quyết đó mà phân công nhiệm vụ, kiểm tra đôn đốc. Không giống như tổng thống Mỹ chẳng hạn, có quyền lực và trách nhiệm nhiều hơn rất nhiều so với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vai trò của người đứng đầu ở Việt Nam mờ hơn. Thế nên, tôi nghĩ rằng nếu ông Trọng yếu sức khỏe chăng nữa, thì còn có các trợ lý của ông.
****************
Phần 2
"Đột phá" Hội nghị 10 : Ông Trọng hé mở, rồi khép lại ?
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 của Đảng cộng sản Việt Nam (14 đến 16/05/2019), ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa trở lại sau một tháng dưỡng bệnh, đã có một số tuyên bố làm dấy lên hy vọng trong một số người quan tâm, về khả năng ban lãnh đạo Đảng xem xét thay đổi đường lối độc quyền lãnh đạo xưa nay, vốn bị nhiều chỉ trích là nguồn gốc của "quốc nạn" tham nhũng, bị coi là nhân tố chủ yếu kìm hãm xã hội. Thực hư ra sao ?
Ông Nguyễn Phú Trọng (thứ hai phải sang) tại phiên bế mạc Hội nghị trung ương 10, Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019. Copy d'écran vietnamnet.vn
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị, về việc chuẩn bị đề cương cho các văn kiện của Đại hội thứ XIII tới, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra hàng loạt vấn đề cho Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thảo luận, trong đó có các câu hỏi như "đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không", "vừa qua kinh tế thị trường phát triển như thế được chưa ? Có bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa không ? Có lệch về phía nào không ?"... Hội nghị Trung ương 10 như vậy đã không chỉ tập trung vào vấn đề nhân sự, như một số dự đoán trước đó.
Vấn đề "chế độ chính trị" vốn được coi là thuộc loại húy kỵ lâu nay đã được người đứng đầu của Đảng chính thức nêu ra. Một số nhà quan sát cho rằng, việc nhiều vấn đề húy kỵ được ông Trọng nêu ra thảo luận là do áp lực nội bộ hoặc do tình trạng bế tắc về đường lối. Cũng có ý kiến phỏng đoán đây không phải là hành động thực tâm, mà chỉ là một thủ thuật nhằm thao túng dư luận.
Trả lời RFI, nhà báo Võ Văn Tạo (từ Nha Trang), tuy ghi nhận thay đổi "gợi mở" rất đáng chú ý nói trên, nhưng nhận xét là phát biểu bế mạc sau đó của ông tổng bí thư cho thấy cánh cửa hé mở đã nhanh chóng khép lại. Nhà báo Võ Văn Tạo một mặt lên án "sự độc quyền cai trị" của Đảng cộng sản Việt Nam, "sự xơ cứng", "giáo điều" của thế lực cầm quyền, nhưng mặt khác cũng chỉ ra tính nguy hại của thái độ thờ ơ ở khá đông đảo người dân, trong và ngoài nước, đối với những gì diễn ra trên thượng tầng của hệ thống chính trị Việt Nam, đang trong quá trình biến chuyển. Dù sao, ông Võ Văn Tạo cũng khẳng định "sự vận động của xã hội không lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam", chỉ có điều "những tác dụng từ dưới lên cũng góp phần cho sự thay đổi, nhưng nó chậm chạp hơn", nhiều cơ hội của đất nước "sẽ bị bỏ lỡ".
Sau đây mời quý vị theo dõi các nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo.
***
RFI : Trong thời gian vừa qua, tại Việt Nam diễn ra sự kiện Hội nghị trung ương 10 của Đảng cộng sản Việt Nam được đánh giá là quan trọng. Xin ông cho biết nhận định của ông.
Võ Văn Tạo : Sự kiện Hội nghị Trung ương 10 khá quan trọng. Ở Việt Nam có nhiều người phát biểu như thế này : Họ không quan tâm đến việc của Đảng. Lâu nay nó trì trệ, đó là việc riêng của Đảng. Tôi cho rằng cái quan điểm đó không đúng đâu !
Bởi vì anh thích hay không thích, đó là chuyện của anh, nhưng mà rõ ràng đất nước này do những người cộng sản đang cai trị. Những quyết sách của họ ảnh hưởng đến tất cả. Dù anh là ai, anh vẫn phải chịu tác động của nó. Cả Việt kiều bên nước ngoài cũng thế. Nếu như những người lãnh đạo Ba Đình họ vẫn cứ độc tài, cứ cố thủ, thì nguyện vọng tối thiểu của bà con Việt kiều muốn về thăm quê hương đất nước, với gia đình cũng khó khăn. Dù muốn hay không, mình cũng phải quan tâm !
Vừa rồi một tỉ lệ không nhỏ người dân, cũng như cán bộ, đảng viên trong nước, người ta rất quan tâm đến Hội nghị trung ương 10. Vì sao ? Vì sau các chiến dịch "đốt lò", họ dấy lên hy vọng mong manh nào đó. Thậm chí, trên báo chí, trên mạng, có những bài viết ca tụng ông Trọng như một "thánh nhân" xuất hiện để cứu tinh cho dân tộc. Và trong số những trí thức lâu nay làm việc phản biện, góp ý nhiều lúc đến gay gắt, bị quy là chống đối, mà đến mức có những người cũng rất là bênh vực ông Trọng, tin tưởng ông Trọng, hy vọng ông Trọng sẽ là một Gorbachev của Việt Nam, có những đổi mới rất mạnh, đưa Đảng cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam thoát khỏi bế tắc hiện nay về hướng đi về chính trị.
Tôi thấy rất khác, với trước đó, cách đây ít năm, các Hội nghị Trung ương gần về cuối (tức trước kỳ Đại hội mới) chủ yếu chỉ nói về nhân sự. Nhưng lần này, tôi thấy ông ấy cũng nhắc trong phát biểu hôm khai mạc, ông ấy nhấn mạnh đến công tác lý luận, định hướng. Ông ấy nhắc đi nhắc lại là không chỉ có vấn đề về nhân sự, mà là vấn đề đường lối. Những điều này làm cho rất nhiều người, nếu có ý thức chính trị, thì đều quan tâm. Bản thân tôi cũng rất lưu ý, và tôi đã phát hiện ra những cái mới nhất định nào đó trong lập trường của ông Trọng cũng như đại diện của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể như thế nào xin ông cho biết.
Võ Văn Tạo : Để nói cái mới này, cần liên hệ với cái cũ một chút. Đầu năm 2012, hôm đó sau Tết nguyên đán một chút, trong cuộc gặp các lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trọng gay gắt với cái gọi là Kiến nghị 61, của 61 đảng viên tương đối có danh tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam. Họ gửi một kiến nghị đến Ban chấp hành Trung ương để đòi thay đổi dự thảo Hiến pháp 2013. Trong đó có nêu vấn đề đổi tên Đảng, tên Nước, triển khai cái gọi là đa nguyên chính trị, cho phép đa đảng, thực hiện xã hội dân sự, hay cần phải thiết lập cơ chế tam quyền phân lập… Có nhiều yêu cầu rất mới, rất hay. Hồi ấy, ông Trọng đã nhắc lại những điều ấy với thái độ rất gay gắt. Thậm chí kể cả những đảng viên tham gia khiếu kiện, ông cũng nhấn mạnh là "suy thoái".
Tuy nhiên, kỳ này, trong cái hôm ông phát biểu khai mạc, tôi thấy có một số câu hỏi ông ấy nêu ra có vẻ như gợi mở. Ví dụ như kỳ này sẽ phải bàn đến các vấn đề kinh tế thị trường, rồi định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường vừa rồi làm như thế trúng chưa, có cần phải kết hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa hay không ? Có trúng định hướng hay không, hay đi trệch ? Thế rồi một số cái như ông nói là : Có cần thay đổi Điều lệ Đảng không ? Một nội dung nữa là : Có nên xem xét lại các thành phần kinh tế hay chế độ sở hữu như thế nào không ?...
Ông ấy nhắc đến một ý tôi cho rằng hay. Đó là đừng nên kỳ thị kinh tế tư nhân nữa [*].
Hôm khai mạc, tôi nghe cái này, thì tôi nghĩ rằng là cái niềm hy vọng mong manh của một số người bạn của tôi, trong số các trí thức phản biện, có phần nào có cơ sở. Ấy thế nhưng mà hôm bế mạc, ông ấy cũng phát biểu, thì những ý ông ấy đưa ra làm cho mình thấy khả năng triển vọng mở ra cái đổi mới, đột phá, thì hầu như không có.
Ai theo dõi đời sống chính trị ở Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ, đều biết rằng vào năm 1986, đã xảy ra một biến đổi mạnh mẽ. Thời kỳ đó ông Trường Chinh làm tổng bí thư, sau khi ông Lê Duẩn chết. Giai đoạn đó tổng bí thư Trường Chinh đưa ra những tư tưởng rất mới, rất táo bạo (1).
Cái gì hiện nay nó đang giữ đất nước này lại, kìm hãm lại ? Theo tôi nghĩ, và cũng có nhiều người đồng ý với tôi, đó là do chủ nghĩa Mác, cái lý luận Mác và Lênin, mà Hà Nội đang giảng dạy cho cán bộ, đảng viên, sinh viên. Nó kìm hãm rất nặng nề nền kinh tế đất nước.
Tôi nói ví dụ đơn cử như chuyện Kinh tế Nhà nước là chủ đạo, đến giờ này họ vẫn khăng khăng lập trường như thế, trong khi các doanh nghiệp Nhà nước hễ cứ động tới là thua lỗ. Doanh nghiệp nào cũng thế, trừ một vài "thằng" độc quyền, như kiểu Viettel, kinh doanh độc quyền nhóm, và có nhập nhằng chuyện ngân sách quốc phòng… là có lãi… Các doanh nghiệp chỉ chuyên đào tài nguyên khoáng sản lên bán…. cũng lỗ ầm ầm. Cái gọi là kinh tế Nhà nước ăn chung, làm chung chắc chắn dẫn nhau vào ngõ cụt… (2).
Thế nhưng bế mạc Hội nghị Trung ương 10, ông Trọng cứ nhắc đi nhắc lại cái đó, nghĩa là luôn luôn bám lấy chủ nghĩa xã hội. Tôi thấy rất là gay.
RFI : Vì sao lại có sự thay đổi đột ngột như vậy chỉ trong ba ngày Hội nghị trung ương 10 ?
Võ Văn Tạo : Tôi nghĩ rằng có hai lý do quan trọng thế này. Thứ nhất là bản thân ông Trọng, chúng tôi theo dõi từ nhiều năm rồi, từ khi ông ấy còn là chủ tịch Quốc Hội, mười mấy năm nay rồi. Thì thấy rằng ông ấy không phải là người có tư tưởng táo bạo, có tư duy sắc nét. Thứ hai, trong số những người thân cận của ông ấy, cũng cho tôi biết, là ông ấy không biết gì về internet hết. Tất cả những thông tin trái chiều là ông ấy không có, mặc dù có thể là trong cảm nhận của tôi, và không ít người nữa, là ông Trọng cũng là một người cũng "sạch sẽ", cũng tử tế. Cái tâm ông ấy tốt thôi, rất tốt, nhưng mà vì ông ấy không có thông tin, nên ông ấy nhận thức rất giáo điều.
Đấy là về phía ông Trọng. Còn ngoài ra, trong ba ngày Hội nghị Trung ương, rất tiếc là vì không có tường thuật tại chỗ các ý nghĩa tranh luận, phát biểu thế nào. Cho nên là mình không thể biết được là tại sao lại có sự thay đổi như thế. Thế nhưng, qua đó, tôi nghĩ rằng, ngoài việc ông Trọng là người xơ cứng, bảo thủ đã đành, nhưng trong ba ngày này, (chắc chắn là) những câu hỏi này đã được tranh luận ở mức độ nào đó. Và cuối cùng là đa phần ý kiến nghiêng về phía co cụm bảo thủ, chứ không mạnh dạn, đột phá. Cho nên ông Trọng khi phát biểu bế mạc có tính chất khép lại như thế. Làm cho tất cả những ai có hào hứng hy vọng vào một bước chuyển gọi là đột phá cho đất nước để đi lên, tiến kịp với nhân loại tiến bộ đều thất vọng.
RFI : Như vậy, vấn đề không phải nằm ở bản thân cá nhân lãnh đạo tối cao Nguyễn Phú Trọng, và những người ủng hộ ông trong hàng ngũ lãnh đạo, mà phụ thuộc vào toàn bộ bộ máy chính trị tại Việt Nam ?
Võ Văn Tạo : Về cái thiết chế chính trị tại Việt Nam, những người hiểu sâu sắc thì đều đánh giá là : Hiện nay ở Việt Nam họ làm chính trị bằng những con người cụ thể, chứ không phải bằng thiết chế vững bền. Thế cho nên cái việc, là tả hay hữu, lúc dao động sang bên này, lúc dao động sang bên kia, vụt một cái như con lắc đơn, chứ không bền.
Để so sánh cho dễ hiểu, tôi lấy ví dụ của Mỹ chẳng hạn. Do thiết chế có đa nguyên chính trị, có đa đảng hoạt động, rồi có tam quyền phân lập rất vững chắc, rồi có phân ra quyền lực, như cụ thể tổng thống là thế nào… Tối Cao Pháp Viện, rồi Hạ Viện, Thượng Viện ra sao… Các định chế này ràng buộc lẫn nhau, khống chế lẫn nhau, chế ước lẫn nhau, để không cho ai lạm quyền cả. Thế thì khó lòng mà đất nước đó bị lệch lạc đường đi của họ. Họ ổn định rất vững.
Ở Việt Nam thì khác, cách đây hơn chục năm, tôi đã viết bài trên báo Nhà nước (tờ Tuổi Trẻ) phê phán việc thành lập Ủy Ban phòng chống Tham Nhũng, trong khi đó ở trung ương giao cho thủ tướng, ở tỉnh giao cho chủ tịch tỉnh. Hai ông đó là chuyên môn ký dự án, mà đây là việc dễ gây tham nhũng nhất. Tham nhũng đất đai, tài sản của dân… Thế mà, tay phải thì ký dự án, tay trái ký quyết định của Ủy Ban phòng chống Tham Nhũng.
Đến tháng 10/2012, Hội nghị Trung ương 6 (Đại hội XII), ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó làm trong Bộ Chính Trị thông qua nghị quyết về việc bản thân Bộ Chính Trị sẽ nhận khuyết điểm, nhưng đề nghị đưa ra Trung ương xét kỷ luật thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bởi làm ăn bết bát quá, làm thất thoát rất nhiều. Nhưng Trung ương không đồng ý, ông Trọng đã phải bật khóc trong Hội nghị này. Sau đó thấy cá nhân ông Dũng là người không trong sạch, nên phải lôi chức vụ trưởng Ban chống Tham Nhũng về cho ông Trọng.
Bây giờ, nếu có thiết chế vững bền như Hoa Kỳ, thì dù cá nhân con người có thể này, thế khác, thì có thể thay anh rất dễ dàng. Tôi cho rằng cái cấu trúc chính trị ở Việt Nam không bền vững.
Khi nào họ vẫn còn kiên trì Mác-Lê, vẫn còn là Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền cai trị, không chấp nhận chia sẻ quyền lực, giám sát quyền lực, thì đất nước vẫn thế thôi, tình hình không có gì đổi mới đâu.
RFI : Ông có thêm chia sẻ gì chuyển đến thính độc giả ?
Võ Văn Tạo : Tôi nghĩ rằng, nếu nhìn về lịch sử của nhân loại trong khoảng 100 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi có sự hình thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa 70, 80 năm về trước, Liên Xô ra đời từ một thế kỷ trước, thì phải thấy thế này : Khi các quốc gia rơi vào các thiết chế chính trị do Đảng cộng sản, đảng Công Nhân theo chủ nghĩa Mác-Lênin lên nắm quyền, họ luôn giữ một cái nguyên tắc bất di bất dịch. Đó là nguyên tắc độc quyền lãnh đạo của đảng đó. Họ bóp nghẹt tất cả tự do báo chí, tự do ngôn luận… Thì rất khó mà thay đổi thể chế đó.
Đối với một số nước khác không phải là cộng sản, mà là độc tài, thì việc thay đổi thế chế chính trị từ độc tài sang dân chủ, đỡ khó khăn hơn. Ở trường hợp các nước cộng sản thì rất khó, trừ trường hợp mâu thuẫn nội tại của những người lãnh đạo chóp bu của các Đảng cộng sản đó, ở cấp cao nhất,… thì thuận lợi hơn, việc chuyển biến từ bên trên dễ dàng hơn, tránh bớt được chuyện đổ máu. Việt Nam tôi nghĩ cũng không ra ngoài được quy luật đó đâu. Cho nên mọi người vẫn hy vọng rằng những người lãnh đạo cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam họ nhận thức ra được. Có những giai đoạn nào đó, có những nhân tố nào đó, bột phát nào đó gây nên những biến động tốt, cho xã hội Việt Nam đi theo hướng tiến bộ, hòa nhập với văn minh của nhân loại, giải phóng được các tiềm năng của đất nước.
Mặt khác, tôi cũng nghĩ là sự vận động của xã hội không lệ thuộc hoàn toàn vào lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam. Còn là do nhận thức của người dân, của "trí thức trung thành", rồi "trí thức đối lập". Tôi thấy vai trò của "trí thức trung thành" trong thời gian vừa rồi có phát huy được phần nào, chứ không phải vô ích đâu, như một số người cực đoan họ phê phán. Họ bài xích hoàn toàn, tôi nghĩ không đúng.
Có những trí thức như vậy họ nhận ra được những bất hợp lý trong quản lý kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay, và họ góp ý rất xây dựng. Họ không ghét, không căm thù gì những người đương chức, nhưng họ thấy bất hợp lý thì họ góp ý. Và chừng mực nào đó, ban lãnh đạo Việt Nam cũng nghe lời. Ví dụ như Luật Đầu Tư (tức luật liên quan đến các đặc khu kinh tế) định thông qua rồi, Bộ Chính Trị đồng ý rồi,… nhưng luật đó động đến chuyện rất nhạy cảm là sự bành trướng và âm mưu thâm độc của Trung Quốc, thì lập tức nhân dân cũng phản ứng. Có các cuộc biểu tình rất dữ dội hồi tháng 6/2018. Nhưng biểu tình như thế cũng không đáng kể, vì họ dùng quân đội, công an trấn áp được hết.
Nhưng tôi biết, có những bức thư, những ý kiến của trí thức trung thành, thân với ban lãnh đạo Đảng, với bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, họ góp ý rất chân thành. Các ông ấy nhìn ra, các ông ấy ra lệnh hoãn. Coi như chưa thông qua Luật Đầu Tư đó. Như vậy, cũng có những tác dụng nhất định. Tất nhiên là những tác dụng từ dưới lên cũng góp phần cho sự thay đổi, nhưng nó chậm chạp hơn, đòi hỏi kéo rất dài, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội của đất nước.
Nếu như sắp tới, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ, hoặc những người mà ông ấy nhường cho vị trí thay thế hoặc kế cận, mà vẫn bám đường lối đó (chủ nghĩa Mác-Lênin), thì tôi nghĩ là đất nước không có cơ phát triển một cách nhanh được đâu. Chỉ như hiện nay là may rồi.
Tôi nghĩ đây là thời điểm. Nếu như ông Trọng và những người đồng chí thân cận của ông ấy mà biết hy sinh một phần cái đặc quyền đặc lợi vô lý lâu nay của nhóm chóp bu độc quyền của Đảng cộng sản Việt Nam, vì quyền lợi của dân tộc, thì đây là thời cơ. Dù cũng đã chậm rồi. Để hy vọng đến Đại hội XIII, có những thay đổi cơ bản về chính trị thì đất nước Việt Nam mới khá lên được.
RFI : Xin cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo.
Trọng Thành thực hiện
Nguồn : RFI, 30/05/2019
---
[*] Nhưng riêng ý này, có lẽ là do ông Trọng lâu nay chỉ làm "công tác Đảng", chứ không làm công tác chính quyền, cho nên ông không thật rõ lắm cái tệ nạn ưu ái cho các doanh nghiệp tư nhân một cách quá đáng của các quan chức chính phủ… Cái này không phải là mới. Nếu chúng ta quan sát Liên Xô và Đông Âu, sau khi từ bỏ "chủ nghĩa xã hội", cuối thập niên 80, đầu 90. Có làn sóng ồ ạt tư nhân hóa. Cướp đoạt tài nguyên quốc gia, rơi vào tay tư nhân. Nhiều tay tỉ phú phất lên rất nhanh nhờ có giới chức của Nhà nước, để móc ruột ngân sách… Đáng lẽ khi đề cập đến vấn đề này, ông Trọng phải đề cập đến vấn đề khi chuyển đổi sở hữu, để giảm bớt doanh nghiệp Nhà nước, thì phải hết sức tránh thất thoát tài nguyên quốc gia].
Một số ý kiến bổ sung
(1) Thời gian đó tôi nhớ là đã đọc một bài rất nổi tiếng của ông Trường Chinh, nhan đề "Bài học giương cao 4 ngọn cờ" trên trang nhất báo Nhân Dân. Có một hàng tít rất lớn. Đọc xong tôi hoàn toàn bất ngờ. Có những luận điểm rất hay, như "Khi Đảng ta chủ trương phát triển đồng thời nhiều thành phần kinh tế, có nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên cao cấp lo ngại là chủ trương như vậy thì có lẽ vật tư, chất xám, tiền vốn chuyển ra khối phi quốc doanh tức ngoài quốc doanh, thì sao ?". Ông Trường Chinh đặt câu hỏi thế này : "Lo ngại như thế chẳng hóa ra ta phải kìm hãm lại sản xuất hay sao ?". Đó phải nói là một tư tưởng rất sắc bén, quay ngược 180° so với lý luận Mác-Lê mà chúng tôi đã được trang bị trong nhà trường đại học ở Việt Nam (nhà báo Võ Văn Tạo cho biết ông đã theo học chương trình chính trị trung cấp tại Đại học Ngoại thương, ngoài ra ông cũng nghiên cứu thêm chương trình chính trị Mác-Lê cao cấp do ban Tuyên Giáo Trung ương thời đó ấn hành).
(2) Về cái chuyện "đốt lò", trước mắt vì cái tiêu cực nó quá nhiều, phát hiện dễ lắm. Bên cạnh việc một số người bị đưa ra ánh sáng, còn vô số trường hợp khác, là khá lớn, khá rõ, người ta gọi là "những quả đậm", vẫn chưa bị lôi ra. Rất nhiều ! Thôi cái đó mình cứ gác sang một bên. Nếu như chưa chấp nhận cho đa nguyên chính trị, cho đa đảng hoạt động, hoặc không thiết kế được cơ chế tam quyền phân lập, thì không có cách nào trị hết được các tham nhũng, thối nát, tiêu cực. Mà ai có kiến thức về kinh tế, thì cũng hiểu rằng, tham nhũng không chỉ là tham nhũng,… mà cái chính là nó phá cái sản xuất. Không còn niềm tin trong sản xuất, kinh doanh, không bình đẳng nữa thì hiệu suất sử dụng tài nguyên của xã hội, kể cả lao động, giảm đi rất nhiều.
Rốt cuộc, phép thử 29/5 trình Công ước 98 đã không mang lại may mắn cho Nguyễn Phú Trọng. Việc ông ta phải ủy quyền cho Đặng Thị Ngọc Thịnh, dù trước đó Trọng đã cho báo đảng loan báo rộng rãi và chắc chắn về sự xuất hiện của ông ta vào thời điểm đó, cho thấy đã xảy ra một sự cố nào đó khiến ông ta phải cam chịu một lần nữa ‘biến mất’, bất chấp vô số phản ứng dư luận thật sự bất lợi.
Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trước khi bị đột quỵ hôm 14/04/2019 tại Kiên Giang - Tranh minh họa
"Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận sự ủy nhiệm của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày tờ trình của Chủ tịch nước về việc gia nhập Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế" - như báo đảng đưa tin đúng vào ngày 29/5.
Ít hôm trước lần ‘tái xuất’ đầu tiên vào ngày 14/5 kể từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh quật đổ ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, báo đảng đã vội vã thông tin về việc ‘Chủ tịch nước sẽ trình Công ước 98 ra Quốc hội vào ngày 29/5’, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của ông ta.
Sau đó, Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp xuất hiện tại vài sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên ; đặc biệt là ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ - là hai cuộc họp mà về nguyên tắc là tuyệt đối bảo mật, nhưng trong thực tế lại được Đài truyền hình Việt Nam dẫn thẳng lên sóng về phát hình và phát âm, khiến dậy lên dư luận về việc Trọng và Bộ Chính trị đảng đã nặng về ‘trình diễn’ trong những cuộc họp đó.
Nhưng đến phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào ngày 20/05/2019 thì Nguyễn Phú Trọng lại… biến mất. Dấu ấn của phiên khai mạc này là đã không có bất cứ hình ảnh nào về Trọng, và trong lời giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp cũng không có thể loại ‘kính thưa đồng chí…’ như thường thấy trong những kỳ họp trước. Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.
Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.
Trước đó, đã ba lần đảng tìm cách định hướng cho dư luận về ‘sức khỏe đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đang phục hồi nhanh chóng’ qua các kênh Bộ Ngoại giao và hai ủy viên bộ chính trị là Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Thiện Nhân.
Khi đó Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời cử tri quận 3 : "Sức khỏe Tổng bí thư đang ngày càng tốt lên. Về sức khỏe thì mỗi người có một mức độ khác nhau, chúng ta không thể tự đưa ra một thời hạn nhất định nào được. Nhưng tôi tin rằng cử tri sẽ sớm thấy Tổng bí thư xuất hiện làm việc".
Cách nói mập mờ của Nhân không chỉ thêm một lần nữa xác nhận Nguyễn Phú Trọng bị bệnh thật, mà còn gián tiếp khiến cho người ta hiểu rằng không biết đến khi nào Trọng mới hồi phục.
Cho đến lúc này, việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ nào na ná như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 29/05/2019
*******************
Phó chủ tịch nước thay ông Trọng trình Quốc hội về Công ước số 98 (RFA, 29/05/2019)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày trước Quốc hội tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) sáng 29/05/2019. Báo trong nước đưa tin cùng ngày.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh - Courtesy of VnExpress
Như vậy thực tế không như truyền thông Việt Nam loan tin hồi ngày 11/5 là ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, sẽ ra trước Quốc hội trình bày tờ trình về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của ILO.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đến Kiên Giang làm việc trong hai ngày 13 và 14/4, có tin ông bị bệnh nặng phải đưa về Sài Gòn rồi ra Hà Nội chữa trị.
Mãi đến cả tháng sau ông này mới xuất hiện trở lại trong cuộc họp với 4 lãnh đạo cấp cao của đảng và chính phủ, và tiếp đến là cuộc họp Ban Bí thư và Bộ Chính trị.
Trở lại với Công ước số 98 với 3 nội dung cơ bản : người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm ; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, cơ bản quy định pháp luật Việt Nam tương thích với quy định của Công ước. Tuy nhiên nếu Việt Nam gia nhập và thực thi các tiêu chuẩn của Công ước số 98 thì cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012.
Truyền thông trong nước dẫn trình bày của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộiLao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trước Quốc hội rằng việc gia nhập Công ước 98 là để thực hiện cam kết của Việt Nam nhằm hỗ trợ cho việc ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên Hiệp Châu Âu (EVFTA).
Hiệp định EVFTA yêu cầu các bên tham gia Hiệp định tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản ; đồng thời yêu cầu các bên thực hiện các nỗ lực một cách liên tục và chắc chắn tiến tới gia nhập các công ước cơ bản còn lại của ILO.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12/11/2018, có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019) yêu cầu các nước thành viên cam kết thông qua và duy trì trong luật và trên thực tế những tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản theo Tuyên bố năm 1998 của ILO.
*****************
Nguyễn Phú Trọng tiếp tục vắng mặt khi phải trình "Công ước 98" (Người Việt, 29/05/2019)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. (Hình : VietnamNet)
Hôm 29/05/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại Quốc hội và ủy nhiệm cho Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình "Công ước 98".
Đây là sự kiện quan trọng mà việc "tái xuất" của ông đã được các báo công bố từ vài tuần trước.
Báo Thanh Niên hôm 10/5 đã khẳng định ông Trọng sẽ đảm nhận việc này vì "việc gia nhập Công ước 98 và các công ước còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng thông qua việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA)".
Nay thì các báo nhà nước đồng loạt đăng tin ông Trọng ủy nhiệm cho bà Thịnh trình Công ước 98 mà không nói rõ lý do. Hành động này càng củng cố suy đoán rằng sức khỏe của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam chưa thật sự hồi phục sau khi ông này bị đột quỵ hồi Tháng Tư.
Thậm chí, có tin lan truyền trên mạng xã hội rằng ông Trọng "vẫn đang phải ngồi xe lăn", và hai lần xuất hiện "họp hội nghị cán bộ chủ chốt" và phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (hôm 16/5) là ông được bố trí ngồi sẵn trên ghế trước khi những người khác được vào khán phòng.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10. (Hình : Zing)
Một trong những nguyên tắc cơ bản của việc trình Công ước 98 là người trình phải đứng đọc văn bản, trong lúc hai lần xuất hiện gần nhất, ông Trọng được thấy ngồi trên ghế, thậm chí có dây đeo an toàn (seatbelt) như đang ngồi trên phi cơ.
VietnamNet hôm 29/5 tường thuật : "Người hưởng lợi chủ yếu của Công ước 98 là người lao động vì giới này sẽ được hưởng lợi về tiền lương và điều kiện lao động tốt hơn thông qua thương lượng tập thể được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả".
Tờ báo trích lời bà Thịnh : "Việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe doạ dử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Việc này cũng sẽ trợ giúp việc thực hiện tốt hơn một số công ước khác mà Việt Nam là thành viên, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mới đòi hỏi quốc gia thành viên phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện có hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản".
Tuy vậy, nhà báo tự do Phạm Chí Dũng bình luận trên Đài VOA Việt Ngữ hôm 29/5 : "Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn".
"Công ước 98 mà phía Việt Nam dự kiến sẽ ký và phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội được xem là công ước ‘nhẹ’ nhất về những điều kiện cải thiện nhân quyền, trong lúc hai công ước quốc tế còn lại về lao động vẫn kiên định mất tích. Một trong hai cái là Công ước 87 là văn bản quan trọng nhất về lợi ích người lao động và nhân quyền, đề cập đến quyền tự do thành lập công đoàn độc lập của người lao động", ông Dũng viết.
Luật sư Lê Công Định từ Sài Gòn dẫn link bài về Công ước 98 và bình luận trên trang cá nhân : "Vấn đề thành lập các công đoàn độc lập của người lao động sao không thấy nhắc đến ? Công đoàn độc lập là yêu cầu then chốt của các hiệp định thương mại quốc tế".
Đến nay, vẫn chưa rõ thời điểm ký kết EVFTA, trong lúc báo Lao Động hôm 10/5 úp mở : "Việt Nam và EU thúc đẩy ký chính thức EVFTA, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) trong những tuần tới". (T.K.)
Ông Nguyễn Phú Trọng chưa bước qua được yếu tố "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng"
Ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố "về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế", nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (Cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã "cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế".
Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
"Việt Nam : Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt ?", bài viết của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (nguyên Chủ nhiệm khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển).
Có hai quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, mà tác giả bài viết (An Viên) cho rằng, đáng lưu tâm.
Một là, ‘lồng thể chế’ để nhốt quyền lực chưa rõ hình hài. Cuộc chiến này phụ thuộc vào gương sáng của lãnh đạo và sự tập trung quyền lực tuyệt đối.
Hai là, đổi mới chế độ chính trị sẽ là tất yếu nhưng không phải ở Đại hội 13 tới đây, nhưng mỗi sự thay đổi đột phá, tiến bộ theo hướng dân chủ đáp ứng đòi hỏi của nhân dân đều được ghi nhận.
Cũng như quan điểm của Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, tôi cho rằng, hiện thực của cái "lồng thể chế" là chưa rõ hình hài, thậm chí, nó đã chính thức bị ép chết non từ thời điểm Đảng cộng sản Việt Nam ra Quy định 102 về cấm những gì mà Đảng viên không được làm, trong đó có hai yếu tố là thể chế xã hội dân sự và tam quyền phân lập. Cái nhìn của ông Tổng Bí thư, dù có kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch nước, hay thậm chí ông từng gợi mở về một cái "lồng" để "nhốt quyền lực", thì cái lồng đó (hay tư duy về quản lý) của ông Trọng vẫn là tư duy trong đảng, kỷ luật trong đảng và luật pháp trong đảng. Và hệ tư duy kiểu này được thiết lập trên cơ sở quy tụ quyền lực càng nhiều càng tốt hơn, để sử dụng nó như yếu tố nhằm xử lý tốt các vấn đề nằm trong tổ chức, từ đó quyền lực càng tuyệt đối, thì càng được coi là quyết định sống còn đến khâu "xử lý, kỷ luật, đốt lò". Chính điều này đã khiến cái "lồng lập pháp" (hay lồng thể chế) bị bóp chết, thay vào đó là cái "lồng kỷ luật đảng" được thành hình, mà "lồng kỷ luật đảng" chưa bao giờ được xem là đủ rộng về phạm vi, và đủ mạnh để quản lý các vấn đề phát sinh như "lồng cơ chế".
"Lồng của ông Nguyễn Phú Trọng" sau một thời gian tiến hành đốt lò đã hình thành một quy trình phụ thuộc như Tiến sĩ Phạm Quý Thọ chỉ ra, đó là "phụ thuộc vào gương sáng, và sự tập trung quyền lực tuyệt đối". Nó đồng thời cho thấy rằng, cả hai yếu tố trên sẽ không duy trì lâu dài các thành quả của cuộc chiến đốt lò, hay nói đúng hơn, đốt lò chắc chắn mang tính giai đoạn, và mầm mống tham nhũng sẽ nổi lên lại sau Đại hội 13 với phạm vi lớn hơn, tính phức tạp và tinh vi cao hơn.
Thứ hai, đổi mới chính trị là tất yếu, nhưng chính xác nó là tiến trình, xuất phát cơ bản từ "đòi hỏi của nhân dân". Nếu không phải là từ Đại hội 13 như Tiến sĩ Thọ nhận định, thì nó buộc phải là Đại hội 14. Cơ sở để nhận định như thế xuất phát từ tính hữu hạn trong chiến dịch đốt lò, và qua một nhiệm kỳ mới, tính chất "kỷ luật đảng" được thiết lập từ thời ông Nguyễn Phú Trọng sẽ bị đẩy nhanh hao mòn, xuất phát từ chính những lợi ích nhóm len lỏi trở lại, tinh vi và đối phó với các quy định trong đảng mà ông Nguyễn Phú Trọng kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tham nhũng và sự thoái hóa – biến chất trong đảng. Cao hơn nữa, yếu tố "tấm gương sáng" dường như là một câu trả lời khó cho đội ngũ kế cận vào Đại hội 14, khi mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể đã mất đi, và không còn điều hướng được đội ngũ của mình, và trên gương mặt chính trị có thể tiệm cận vào đội hình Bộ Chính trị, vẫn chưa thấy ai đủ sáng và đủ gương mẫu.
Ngoài ra, thực tiễn cũng cho thấy, những thành phần từng được coi là "sáng, trẻ, gương mẫu", từng đạt vị trí ủy viên Bộ Chính trị trong kỳ Đại hội trước thì giờ đây lại là những kẻ phạm tội, có sân sau… Vấn đề của cơ chế hiện tại chính là không ai đủ sáng, chỉ có quyền lực có đủ tuyệt đối đến mức chưa đủ để lột trần vai diễn chính trị và những sai phạm liên quan hay không. Ngoài ra, yêu cầu và đòi hỏi của người dân tiếp tục gia tăng dựa trên nhận thức quyền, và những trò phi lý mang tính áp đặt từ chủ trương - chính sách nhà nước (thuế phí) đang làm gia tăng khoảng cách niềm tin của người dân đối với đảng cầm quyền cũng như tiếp tục tạo áp lực lớn trong đòi hỏi cải tổ toàn diện hệ thống chính trị của quốc gia.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề, "vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào ? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào ?"... Thực chất, đây là câu hỏi gợi mở mà chính bản thân ông Trọng còn không thể hình dung, và sẽ rất khó hình dung khi mà các lực cản mạnh nhất liên quan đến "tư duy nhiệm kỳ", "lợi ích nhóm", "san sẻ lợi ích chính trị tư" vẫn đã và đang tồn tại như một căn cốt nằm trong cơ chế. Và chính bản thân ông Nguyễn Phú Trọng, như cách ông biểu hiện từ khi nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư hiện nay, là ông thiếu cái gọi là "cảm quan chính trị", ông không hiểu được bản chất nền kinh tế trong nước liên đới trực tiếp đến khả năng cải tổ chính trị, và ngược lại, cải tổ chính trị giúp thúc đẩy thịnh vượng kinh tế.
Thiếu "cảm quan chính trị" khiến ông Trọng vẫn đặt bản thân ông vào trong sự dè dặt, ngay cả khi đề cập đối "đổi mới chính trị, cải tổ chính trị". Và thiếu yếu tố trên cũng khiến ông Trọng đưa tư duy chính trị của mình vào trong một khuôn khổ rất chật hẹp, với quan điểm bày biện rằng, chỉ cần phát động phong trào chống tham nhũng thì đó chính là đổi mới chính trị. Đặt trong bối cảnh quốc tế hiện tại – nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, thiếu "cảm quan chính trị" có thể khiến ông Nguyễn Phú Trọng tạo nên niềm tin giữa chừng, nhưng không ngăn nổi tiến trình tồi tệ hóa của thể chế, đánh mất đi cơ hội để cải tổ chính trị, và tạo ra một vết nứt cho sự sụp đổ của thể chế trong tương lai.
Hãy nhớ, ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố "về mặt chính trị, suy thoái còn nguy hiểm hơn cả kinh tế", nhưng ông Nguyễn Phú Trọng – một Giáo sư trong lĩnh vực xây dựng đảng đã quên rằng, Đông Đức (cộng sản) sụp đổ, không phải vì bức tường, mà vì nước cộng sản này đã "cải tổ tập trung vào các vụ việc chính trị, mà không để tâm đến khía cạnh kinh tế".
Ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã "cải tổ qua vụ việc chính trị" dưới hình thức "chiến dịch đốt lò", tương tự như giai đoạn cuối cùng của Đông Đức. Do vậy, dù làm tốt vai trò "chống tham nhũng" trong giai đoạn tuyệt đối hóa cầm quyền, nhưng ông Tổng Bí thư Trọng không phải là nhân tố giải quyết tốt các yếu tố mang tính lâu dài của quốc gia, dân tộc, ông chưa bước qua được yếu tố "khó, mới, nhạy cảm, hệ trọng" về cải tổ chính trị toàn diện để thúc đẩy sự cầm quyền chính đảng và nền kinh tế quốc gia đi lên.
An Viên
Nguồn : VNTB, 27/05/2019
Sau khá nhiều lần ‘mất tích’ trong vòng một tháng rưỡi qua, bệnh nhân Nguyễn Phú Trọng lại một lần nữa đánh đố dư luận về việc ông ta có chịu tái hiện vào ngày 29/5/2019 để‘trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98’ hay là không.
Nguyễn Phú Trọng đến thăm Đỗ Mười. Chẳng bao lâu sau Đỗ Mười chết.
Ít hôm trước lần ‘tái xuất’ đầu tiên vào ngày 14/5 kể từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh quật đổ ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, báo đảng đã vội vã thông tin về việc ‘Chủ tịch nước sẽ trình Công ước 98 ra Quốc hội vào ngày 29/5’, trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn và đầy thách thức của dư luận trong nước và quốc tế về tình trạng ‘mất tích’ của Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt về khả năng ‘tập nói’ và ‘tập đi’ của ông ta.
Sau đó, Nguyễn Phú Trọng đã liên tiếp xuất hiện tại vài sự kiện ‘họp lãnh đạo chủ chốt’ với Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân và Nguyễn Văn Nên ; chủ trì họp Bộ Chính trị.
Nhưng đến phiên khai mạc kỳ họp quốc hội vào ngày 20/5/2019 thì ông ta lại… biến mất. Dấu ấn của phiên khai mạc này là đã không có bất cứ hình ảnh nào về Trọng, và trong lời giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp cũng không có thể loại ‘kính thưa đồng chí…’ như thường thấy trong những kỳ họp trước. Từ đó đến nay, đại biểu quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã không một lần được báo chí đưa tin và hình ảnh về việc tham dự kỳ họp quốc hội.
Hiện tượng trống vắng Nguyễn Phú Trọng trong nghị trường quốc hội khiến dư luận xã hội và giới quan sát một lần nữa dậy lên mối ‘lo lắng’ và tò mò về bệnh tình mà chắc còn khá lâu nữa mới hồi phục thật sự của ông ta.
Điều rõ ràng và an ủi hơn cả là trong hai cuộc họp với ‘lãnh đạo chủ chốt’ và ‘chủ trì họp Bộ Chính trị’ gần đây nhất, Nguyễn Phú Trọng vẫn thể hiện phát ngôn, nói năng và trí não khá ổn định, chẳng khác mấy cái cách trước khi ông ta bị nhấn sâu trong cơn bạo bệnh.
Trong khi đó, tiến trình quan hệ Việt - Mỹ vẫn tiếp tục được đẩy lên và nhanh hơn bằng vào những chuyến đi con thoi của các quan chức hai nước, đặc biệt là chuyến tiền trạm Hoa Kỳ của Phạm Bình Minh - Bộ trưởng ngoại giao, mà có thể hiểu là Mỹ và Việt Nam đã cơ bản thống nhất về lịch trình chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng trong vài tháng tới, cũng có nghĩa là đến khi đó sức khỏe của Trọng đã hồi phục hoàn toàn.
Tuy nhiên điều kém an ủi hơn nhiều là trong lúc khả năng ‘tập nói’ đã gần như phục hồi thì việc ‘tập đi’ của Trọng lại có vẻ là một vấn đề lớn. Trong hai cuộc họp trên, người ta đã không một lần chứng kiến Nguyễn Phú Trọng di chuyển khỏi chỗ ngồi ‘chết cứng’ của ông ta.
Việc Trọng liên tiếp vắng mặt trong kỳ họp quốc hội rõ ràng không phải là kế sách ‘giả chết bắt quạ’ hay ý đồ na ná nào như thế, mà đang khiến dư luận trong xã hội và trong nội bộ đảng trở nên bất lợi đối với ông ta. Tình trạng này cũng khiến người ta hoài nghi về việc Trọng có thể thực hiện chuyến công du Mỹ một cách hoàn hảo.
Ngay trước mắt, 29/5 sẽ là thời điểm có thể mang tính quan trọng đối với ‘nguyên thủ quốc gia’. Công ước 98 là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan mật thiết đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam chây ì từ quá lâu mà chưa chịu ký kết. Nếu không chịu trình, ký kết và phê chuẩn ít nhất là công ước này, chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ mất hẳn cơ hội có được EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam).
Mặt khác, toàn bộ tương lai chuyến đi Mỹ của Trọng sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhịp độ phục hồi sức khỏe của ông ta mà không để xảy ra bất kỳ một cú ‘đột quỵ’ nào khác.
Bởi nếu Trọng không thể đi Mỹ vào mùa hè này, chắc chắn Trung Quốc là kẻ hả hê nhất khi Việt Nam sẽ không có cơ hội để bàn với Mỹ về việc hợp tác với Tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ ExxonMobil về khai thác mỏ Cá Voi Xanh, cũng chưa thể bàn sâu hơn về những nội dung ‘quan hệ đối tác chiến lược’ với Mỹ mà từ đó Việt Nam có thể chính thức tham gia vào khối liên minh quân sự Đông Bắc Á - một khối gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc đối trọng với Trung Quốc tại Biển Đông.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 27/05/2019
Tuy Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 đã kết thúc từ tuần trước nhưng trong tuần này, người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam vẫn còn đang bàn tán về nó, đặc biệt là về hàng loạt câu hỏi mà ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra hôm khai mạc (15 tháng 10) : Chiến lược ? Thế nào là đổi mới chính trị, đổi mới kinh tế ? Đổi mới chính trị có đổi mới thể chế không ? Việt Nam sẽ như thế nào vào năm 2030 (100 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam), năm 2045 (100 năm thành lập Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (1) ?
Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ở Hà Nội hôm 10/1. (Ảnh chụp màn hình Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)
***
Trần Đình Thu – một trong những facebooker đầu tiên bình luận về những câu hỏi mà ông Trọng nêu ra với các Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 – cho rằng : Hình dung Việt Nam đến 2045 sẽ như thế nào thì đúng là khó vì quá xa nhưng tới 2030, chỉ 11 năm mà than khó cho thấy ông Trong không thể đoan chắc điều gì. Ông Thu nhận định đó là điểm mới, khác hẳn với giọng điệu trước đây của giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, rằng phải kiên trì vì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo ông Thu, chuyện ông Trọng hai lần than thở không thể biết Việt Nam sẽ như thế nào là rất đáng chú ý (2).
Dựa trên phát biểu của ông Trọng, Trần Đình Thu còn khái quát một số yếu tố khác mà facebooker này cho là mới, chẳng hạn : Có nên xóa bỏ thành phần kinh tế nhà nước hay không ? Có đổi chế độ chính trị không ? Có cần sửa Điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam không ? Blogger Kim Dung/Kỳ Duyên đã dẫn lại những nhận định của facebooker Trần Đình Thu rồi bình thêm về những yếu tố "mới" mà ông Thu đã khái quát ấy. Theo đó, so với thiên hạ thì chúng chẳng có gì là "mới", ở Việt Nam chúng cũng đã được những người quan tâm đến tương lai quốc gia, vận mệnh dân tộc nhiều lần nói xa, nói gần.
Do tính "mới" chỉ nằm ở chỗ Tổng Bí thư đề cập công khai trước các Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nên blogger này nhấn mạnh, trọng tâm sẽ không nằm ở "mới" mà phụ thuộc vào chuyện những ý kiến thẳng thắn, thậm chí gai góc do khác biệt về nhận thức, tư duy thời cuộc, có bị "chụp" cho những chiếc mũ đầy… gai hay không. Bởi trí tuệ và sự sáng tạo chỉ có thể thăng hoa trong một xã hội thực sự dân chủ, vì lợi ích quốc gia, ngược lại, nó sẽ lụi tàn khi môi trường chỉ toàn định kiến, tư duy áp đặt kiểu "kẻ mạnh là chân lý", thành ra chỉ có thể… đợi (3) !
***
Một trong những status mới nhất trên facebook về những câu hỏi của ông Trọng, thu hút sự chú ý của vài ngàn người là "Ai sẽ trả lời Giáo sư Trọng ?" của facebooker Lao Ta...
Theo lời kể của bố tôi - khi ông còn là Bí thư đảng ủy, kiêm chủ tịch một xã điểm của tỉnh Hà Tây lúc ấy thì trong lần về thăm và nói chuyện tại huyện Chương Mỹ, ông Trường Chinh đưa ra dự đoán sau 18 năm kể từ kế hoạch năm năm lần thứ nhất, miền Bắc sẽ hoàn thành xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo những gì tôi được học, sau giai đoạn đó sẽ là thời kỳ đầu của Chủ nghĩa cộng sản !
Năm 1978, đúng cái mốc ông Trường Chinh đặt ra, cả nước chỉ còn thoi thóp vì đói. Đám sinh viên chúng tôi thì gần chết đói nếu không có hạt bo bo nguyên vỏ viện trợ từ nước ngoài. Loại mạch này ăn vào chỉ vài tiếng là buồn đi ỉả, vì nó quá nhiều bã.
Năm 1976, ông Lê Duẩn công bố chiến lược phát triển đất nước, với mục tiêu lớn là 21 triệu tấn lương thực (cho khoảng gần 40 triệu người dân), phấn đấu mỗi nhà có một cái ti vi và tủ lạnh. Thời điểm đó dự tính là vào năm 1980. Đó cũng là năm, nói như bố tôi, đến cái quần đùi cũng không có mà mặc. Ở Hòa Bình, tôi và ba thằng bạn học khác bắt thăm được quyền mua rẻ một cái váy của bà đầm hảo tâm nào đó. Chắc đang mặc bà tụt ra ném vào thùng của nhóm quyên đồ từ thiện cho Việt Nam khi họ đi qua, vì thế vẫn còn nguyên mùi da thịt…Tây ! Bốn thằng tôi hăm hở bán lại cho một hiệu may, được số tiền chênh lệch mua đủ một con gà. Nhưng môi chưa kịp hết nhờn mỡ gà thì cả bốn thằng bị gọi lên Ban giám hiệu, bắt nộp lại cái váy vì có đơn kiện suất váy đó quá sộp ! Kết quả chúng tôi phải lao động lấy củi một tuần đề bù thiệt hại cho những người không gặp may như chúng tôi.
Khoảng đầu những năm 1980, ông Phạm Văn Đồng đầy tự tin bảo các vị khách Mỹ vô cùng hiếm lúc ấy là năm 2000 mời các ngài trở lại đây, để chứng kiến sự ưu việt mô hình của chúng tôi. Cụ Đồng đúng là người có máu hài hước, bởi năm 2000 chúng ta đứng gần cuối bảng thế giới về thu nhập, vẫn thuộc nhóm quốc gia đói rách.
Trong Hội nghị vừa diễn ra, Giáo sư Trọng rất thẳng thắn bảo rằng, năm 2001 nghị quyết đề ra nước ta cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020 (tức là sang năm) nhưng giờ thử nhìn xem ? Ý Giáo sư (dù ngài không nói ra) là nghị quyết nói tào lao, ảo tưởng đến mức hoang tưởng ! Đến cái đinh ốc đạt chuẩn còn phải loay hoay, công nghiệp nỗi gì !
Giờ là "tập trung trí tuệ" bàn đến tầm nhìn năm 2045 ! Khi đó nước ta thành cái nước gì ? Có thể Giáo sư Trọng đã có câu trả lời nhưng rút kinh nghiệm, Ngài không nói ra, mà hỏi đám ngồi bên dưới ? Các anh trả lời đi, năm 2026, năm 2030 rồi năm 2045 nước ta hình dung nó thế nào ? Xin thưa, Ngài đang hỏi nhầm đối tượng ? Cái đám già nua cũ kĩ ngồi vờ vịt nuốt từng lời Ngài, được đào tạo không phải để lo cho tương lai, mà chỉ đủ sự khôn lỏi để tính chuyện họ sẽ chết thế nào, cất giữ tiền bạc ra sao, mồ mả nên giấu ở đâu ? Cả cái đám đang được quy hoạch là nguồn của đại hội tới cũng không phải là đối tượng để Ngài có thể trông đợi. Họ còn lại sau khi cái quy trình tuyển chọn của chế độ đã lọc hết sạch người tài từ những vòng ngoài. Ngài sẽ vô cùng khó khăn để tìm được trong số đó dù chỉ một vài người có tấm lòng lớn với xã tắc. Họ được lập trình để không còn cái phẩm giá linh thiêng ấy. Họ được đòi hỏi là chỉ cần và chỉ biết yêu đảng. Họ chỉ phải nhớ còn đảng còn họ ! Riêng năng lực cho chuyện đó thì họ có thừa, bởi vì yêu đảng thì chỉ cần hô lên là xong, sụt sịt vung tay thề bồi là xong, luôn miệng nói tuyệt đối trung thành là xong. Nhưng yêu nước cần gấp một ngàn lần những phẩm chất mà đảng của Ngài đòi hỏi ở một đảng viên. Yêu nước khó gấp một vạn lần yêu đảng. Sự dối trá đang tàn phá đất nước đến tận móng và sẽ chưa dừng lại, chừng nào vẫn còn cách thức đánh giá năng lực cán bộ như hiện nay.
Vì thế, câu trả lời cho câu hỏi của Ngài (và cũng là hy vọng của tôi) thuộc về những đứa trẻ giờ này đang học "Bức tranh của em gái tôi", trước hết để chúng biết yêu người bên cạnh mình, yêu ông bà cha mẹ anh em ruột thịt mình, hoặc ít nhất thì cũng biết yêu hoa lá trong vườn, con vật nuôi trong nhà, chứ không phải thứ tình yêu nhân loại chung chung. Đã quá đủ thời gian và sự trải nghiệm để Ngài rút ra những bài học cay đắng và đưa đất nước rẽ nhanh sang một con đường khác. Sứ mệnh đó đang được trao cho Ngài với thời gian chỉ còn rất ít ! Một sự thay đổi trong hòa bình là thượng sách cho tương lai của dân tộc này. Nếu Ngài né tránh hiện thực đó, công sức và tâm huyết của Ngài đang đổ ra sẽ chẳng khác nào dã tràng xe cát (2).
Khoảng 3.000 thân hữu của Lao Ta tán thành suy nghĩ của Lao Ta. Chừng 600 người ngỏ lời khen nhận định của Lao Ta chính xác, nhiều người cám ơn Lao Ta đã nói thay họ. Tuy nhiên chẳng ai tin ông Trọng cũng như các đồng chí của ông sẽ tìm được câu trả lời đúng mà trước nay, dân chúng Việt Nam vẫn chờ để nghe.
***
Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương (Ban chấp hành trung ương) Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 bế mạc hôm 18 tháng 10. Ngày 20 tháng 10, gần như tất cả Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 lũ lượt kéo sang trụ sở Quốc hội, tham dự Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 14. Ở vị trí đại biểu Quốc hội, khi cùng thảo luận về những vấn đề liên quan đến "quốc kế, dân sinh", không Ủy viên nào của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 thắc mắc khi nghe Ủy viên Bộ Chính trị, kiêm Phó Thủ tướng, kiêm đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ biện giải, sở dĩ tháng rồi, các hóa đơn tính tiền điện tăng đột biến là vì có những biến động ngoài dự kiến mà không chính phủ nào dự báo được như chuyện hoa sữa nở trong tháng 5 (5).
Đó là lý do khiến nhiều facebook liên tưởng đến những câu hỏi, những lời thở than mà Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra tuần trước. Chẳng hạn Ngô Nguyệt Hữu. Facebooker này nêu thắc mắc : Đã không dự đoán được hoa sữa nở vào tháng năm thì căn cứ vào đâu để dự đoán quốc gia sẽ có nhiều thành tựu vào năm 2045 ? Khá Khó (6) !
Dẫu câu trả lời chung cho các câu hỏi mà Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam nêu ra lúc phát biểu khai mạc vẫn là : Chẳng biết thế nào ! - tuần trước, Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 12 vẫn tuyên bố, Hội nghị lần thứ 10 đã "hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra" một cách "khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm" (7).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/05/2019
Chú thích :
(1) https://www.youtube.com/watch?v=ckN2uvScOrY
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2385030161552643&id=100001370467846
(4) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10216915397014778&id=1160946631
(6) https://www.facebook.com/ngonguyethuu/posts/2737286636345211
Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại phiên họp khai mạc Quốc hội kỳ 7, và trong đoàn Quốc hội viếng lăng Hồ Chí Minh ngày 20/05/2019 ?
Ông bình vôi Bát Tràng được bày bán rất nhiều ở chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng với nhiều mẫu mã, kích thước.
Thời Nhân văn Giai phẩm 1956, Cụ Phan Khôi đã viết về sự tích "Ông bình vôi" :
"…Cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông".
Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt :
"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi (1)
Càng sống càng tồi,
Càng sống càng bé lại".
("Ông bình vôi" của Lê Đạt, Phong trào Nhân văn - Giai phẩm 1956)
Đem truyện kể của cụ Phan Khôi và bài thơ về "Ông bình vôi" của nhà thơ Lê Đạt (tên khai sinh Đào Công Đạt, 1929-2008) thời Nhân văn - Giai phẩm 1956 để soi vào Đảng cộng sản Việt Nam, sau hơn 33 năm gọi là "Đổi mới" (1986-2019) thì cũng thấy có nhiều "ông Bình vôi" như thế.
Thứ nhất, Đảng vẫn tự áp đặt Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã thoái trào lên đầu dân để một mình cai trị độc tài, chống đa nguyên, đa đảng dù chưa bao giờ hỏi ý dân qua bỏ phiếu hay trưng cầu ý kiến.
Thứ hai, lãnh đạo miệng nói dân chủ nhưng chỉ "dân chủ trong đảng" còn dân chủ trong dân thì phải "xin-cho".
Thứ ba, tuyên truyền nhân dân làm chủ nhưng nhà nước quản lý mọi thứ, đặc biệt về đất đai và các quyền tự do cơ bản của công dân. Dù Hiến pháp tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, hội họp và tự do lập hội, nhưng nhà nước lại không cho tư nhân ra báo ; tiếp tục trì hoãn trình Luật biểu tình do Bộ Công an soạn thảo ra Quốc hội với lý do "vì còn nhiều ý kiến khác nhau". Dự Luật về Hội của Bộ Nội vụ cũng đã bị Chính phủ rút lại với lý do "vì việc chuẩn bị "chưa đảm bảo chất lượng" và "quá phức tạp".
Thứ bốn, đảng hô hào xây dựng, chỉnh đốn đảng ; cổ võ phong trào làm gương ; sống là làm theo phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh theo phương châm : cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư, nhưng cán bộ, đảng viên vẫn nịnh trên nạt dưới ; vẫn chạy chức chạy quyền ; vẫn sống theo phong cách "không nhúc nhích" để "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" và tham nhũng tự do.
Thứ năm, Đảng và Nhà nước, vì sợ làm mất lòng đàn anh Trung Quốc, mà đã đàn áp không nương tay các cuộc biểu tình tự phát của dân, dù để lên án các hành động xâm lược lãnh thổ và lãnh hải và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông của Trung Quốc. Thậm chí Nhà nước còn ra lệnh cho công an chìm nổi đội lốt côn đổ tấn công cả những người dân, dù mới có ý định, hay tập hợp tri ân những người lính và công dân đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ tại Hoàng Sa năm 1974, biên giới Việt-Trung từ 1979 đến 1989 và tại Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988.
Thứ sáu, ngoài miệng tuyên truyền "hòa hợp" và "hòa giải" dân tộc nhưng đảng lại hành động gây chia rẽ và gây hận thù giữa kẻ thắng và người thua sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng cộng sản Việt Nam chủ động (1945-1975).
Thứ bảy, tuy theo đuổi nền "kinh tế thị trường" và đề cao vai trò của "kinh tế tư nhân" để hội nhập với thế giới, nhưng vẫn bám lấy cái đuôi "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" để bảo vệ quyền kiểm soát của chính phủ trên nền tảng kinh tế nhà nước, hay "doanh nghiệp nhà nước" phải giữ vai chủ đạo.
Nhưng doanh nghiệp nhà nước lại là nơi quyền lợi của đảng và của các "nhóm lợi ích quyền thế" trong hệ thống cai trị được hưởng các đặc quyền đặc lợi về trụ sờ, đất đai, vay vốn và thuế đã gây ra những bất bình đẳng trong kinh doanh, và cũng là trung tâm đẻ ra tham nhũng và thua lỗ kéo dài.
Bằng chứng
Theo báo cáo trình Quốc hội của Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2018 thì "hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi", báo Tuổi trẻ online đưa tin ngày 22/05/2019).
Tuổi Trẻ viết chi tiết :
"Theo Kiểm toán nhà nước, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng ; Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỉ đồng.
Từ thua lỗ, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã âm vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỉ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam 172 tỉ đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỉ đồng.
Vì thua lỗ lớn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) phải giải thể Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải sông Sài Gòn.
Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư, góp vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thua lỗ. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 7 khoản đầu tư ngoài ngành lỗ lũy kế lớn. Công ty mẹ - PVOil đầu tư vào 11 đơn vị bị lỗ.
Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cũng đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý, kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào 1 đơn vị, lỗ lũy kế tới 286 tỉ đồng.
Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỉ đồng".
Riêng về lãng phí đất đai, theo Tuổi Trẻ, "Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một loạt những sai sót, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý và sử dụng đất công. Theo Kiểm toán nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn. Song bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chưa chặt chẽ khiến nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí".
Kiểm toán cũng báo cáo :
"Đặc biệt, nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN (Vietnam Oil and Gas Group, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) không hiệu quả. 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan - Iran và dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD), 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD)".
(Tuổi Trẻ online, 22/05/2019)
Làm ăn lỗ chổng gọng lên như thế mà ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản của đảng vẫn vênh váo bao che khi nói rằng :
"Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng 19 tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước tại sao cứ thua lỗ mãi ? Đó là chuyện phải chỉnh đốn cả về tư duy và hành động.
Song nếu vì chuyện đó mà ai đó trong chúng ta hoang mang, phủ nhận vị thế, vai trò và đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thì lại là một sự thất bại được báo trước.
Thậm chí một số người cổ xúy kinh tế tư nhân là chủ đạo, đó lại là một sai lầm, không chấp nhận được về mặt nguyên tắc. Tôi chưa thấy có quốc gia nào trên toàn cầu, ở bất cứ thể chế nào, dám vứt bỏ kinh tế nhà nước với vai trò cầm trịch hay điều tiết chủ yếu nền kinh tế quốc gia cả".
(trích Phỏng vấn của Zing.vn)
Như thế thấy rõ đảng càng kéo dài ngồi lỳ càng hỏng như nhà thơ Lê Đạt viết :
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi (1)
Càng sống càng tồi,
Càng sống càng bé lại".
Đi tiếp đường cũ
Cũng với cái ý từ những "Ông Bình vôi", ta thử lân la vào lời ăn tiếng nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 (Trong các ngày từ 15-18/05/2019) xem có gì mới không.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa : Trí Dũng/TTXVN
Theo nội dung thì :
"Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bàn về các nội dung : Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng".
Ông Trọng nói :
"Cùng với Báo cáo chính trị thì sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 - 2021) thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để chúng ta định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó".
Nhưng ý đó chẳng phải của riêng ông Trọng mà là của cả Hội đồng Lý luận trung ương, "cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc" (Bách khoa toàn thư mở).
Cơ quan này hiện có trên 44 người, do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cầm đầu từ ngày 02/03/2018, thay ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh dài hạn và thôi giữ chức Thường trực Bí thư.
Vậy những điểm cốt lõi của Cương Lĩnh 2011 viết gì ?
Trong đó có đoạn viết theo kiểu nhét chữ vào miệng dân rằng :
"Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Nhưng bằng chứng "khát vọng của nhân dân ta" ở đất nào chui lên vậy ?
Về kinh tế, Văn kiện này ghi :
"Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…
…Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất".
Về chính trị, Cương lĩnh viết rằng :
"Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản…
…Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn ; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên...".
Như đã vạch ra trong Cương Lĩnh, những điều trên đây còn được ghi lại trong Điều 4 Hiến pháp 2013, theo đó, Khoản 1 viết :
"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Như vậy, rõ ràng là đảng đã tự viết ra điều mình muốn cả trong Cương lĩnh và Hiến pháp để bắt dân phải làm theo không qua bất cứ qúa trình lựa chọn hợp pháp và dân chủ nào.
Đó là độc tài, phản dân chủ và chống lại nguyện vọng chính đáng và đúng đắn của dân.
Vì như ông Trọng đã khẳng định "Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó" thì lại có những viên chức cao cấp trong đảng không biết muối mặt để ngợi ca ông Trọng hết lời.
Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ qua lý luận của Trung ương đảng, là người nổi bật lên trong nhóm nịnh thần này.
Ông nói với báo điện tử Zing.vn :
"Tầm tư duy chiến lược của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là nhìn tận chân trời nhưng vẫn thấy được bước đi cụ thể dưới chân mình. Đó là tầm tư duy của người lãnh đạo, có thể tạo ra "thế nước, lòng dân, vận đảng".
Đổi mới chính trị là gì ?
Rất tiếc, "tầm tư duy" của một người chưa khỏe hẳn sau cơn bạo bệnh như ông Trọng, sau chuyến thăm Kiên Giang ngày 14/4/2019, đã mở ra nhiều thách đố nhưng cũng rất mơ hồ cho đảng viên.
Ông nói trong Diễn văn khai mạc :
"Như vậy, nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước.
Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào ? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào ? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó".
Có ai hình dung được không, hay ông Trọng, trước khi nghỉ hưu, dự đoán sau Đại hội XIII vào tháng 01/2021, đã đặt ra những bài toán khó giải cho mọi người. Ông đánh cuộc với Hội nghị 10 :
"Như vậy, lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình. Tôi chỉ nói một ví dụ : Thời kỳ quá độ là thế nào ? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào ? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không ? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó".
Nghe ông Trọng nói liền tù tì như thế hẳn đã có khối người chóng mặt, nhất là những ai ảo tưởng bị mê hoặc bời nhóm chữ "đổi mới chính trị".
Ông Trọng là một chuyên gia "xây dựng đảng", từng là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (sau đổi thành Ban Tuyên giáo) nên lời ăn tiếng nói của ông được chuẩn bị phải trong cái lồng quyền lực phục vụ đảng cầm quyền bất tận.
Do đó, khi giải thích "đổi mới chính trị" là đổi mới cái gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói trong Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI ngày 12/01/2015 như sau :
"Tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế". Phải nắm vững và khẳng định : Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".
Cũng với nội dung này, theo bản tin của báo VnExpress (10/04/019) thì :
"Trả lời câu hỏi phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhạt dần ? Tổng bí thư cho hay Việt Nam trước sau kiên định theo chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không đổi màu, nhiều thành phần kinh tế nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông thông tin, cách đây hai hôm Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh".
Ông Trọng, người có bằng tiến sĩ chuyên khoa "Xây dựng đảng" là một người cực kỳ bảo thủ, giáo điều, một tín đồ trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ông Trọng nói tiếp :
"Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, các thành phần kinh tế phải bình đẳng, độc lập, tự chủ nhưng hội nhập quốc tế, hội nhập nhưng không được hòa tan".
Như vậy, ông Trọng, người đã vắng mặt tại buổi họp khai mạc Quốc hội kỳ 7, Khóa XIV và cũng không có mặt trong đoàn Quốc hội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 20/05/2019, vẫn một mực muốn Việt Nam phải tiếp tục kiên định và tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa cộng sản, trong lăng kính "đổi mới chính trị" của những "ông Bình vôi", giống như thi sĩ Lê Đạt đã viết :
Càng sống càng tồi,
Càng sống càng bé lại.
Phạm Trần
(23/05/2019)
(1) Có nơi ghi "Y như một dãy bình vôi".