Chính sách kinh tế sai lầm của Tập Cận Bình chọc giận thế giới
The Economist phân tích "Sự tái khởi động đầy rủi ro của Trung Quốc". Kế hoạch của Tập Cận Bình nhằm tránh trì trệ kinh tế đã gây thất vọng cho người dân Hoa lục, và làm thế giới giận dữ.
Công nhân tại một trạm điện mặt trời ở thị trấn Đồng Xuyên (Tongchuan), tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi), Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 11/12/2019 – Reuters - Muyu Xu
Kinh tế xuống dốc, Bắc Kinh đầu tư ồ ạt vào các lãnh vực mới
Đây là thách thức lớn nhất của Trung Quốc kể từ thập niên 90. Lực lượng lao động giảm, địa ốc khủng hoảng, hệ thống tự do thương mại mà nhờ vào đó Trung Quốc làm giàu nay co lại. Tập Cận Bình giải quyết bằng cách nỗ lực tái cấu trúc - một sự trộn lẫn giữa công nghệ và không tưởng, kế hoạch hóa trung tâm và ám ảnh an ninh. Nhưng dù sản xuất có tăng lên trong tháng 3, tiêu thụ vẫn thấp, nạn giảm phát đe dọa, nhiều doanh nhân không còn ảo tưởng.
Phía sau là những lo âu sâu sắc hơn. Từ nay đến 2050, Trung Quốc sẽ mất 20% số người làm việc, cần phải nhiều năm nữa mới hy vọng vực dậy được lãnh vực bất động sản vốn chiếm 1/5 GDP. Quan hệ với Hoa Kỳ vẫn mong manh. Các quan chức Bắc Kinh tin rằng Mỹ sẽ tiếp tục hạn chế hàng Trung Quốc nhập khẩu và trừng phạt các doanh nghiệp Hoa lục, dù ông chủ Nhà Trắng sắp tới là ai đi nữa.
Bắc Kinh bèn xây dựng chiến lược "lực lượng sản xuất mới", để tránh con đường cổ điển là thúc đẩy tiêu thụ mà phương Tây "đang suy tàn" vẫn dùng. Đó là đẩy mạnh những kỹ nghệ mũi nhọn, từ đó tạo ra những việc làm năng suất cao giúp Trung Quốc tự cung tự cấp. Từ thép, nhà chọc trời, nay chuyển sang sản xuất ồ ạt xe hơi chạy điện, bình điện, sản phẩm sinh thái… Đầu tư vào "lực lượng sản xuất mới" lên đến 1.600 tỉ đô la, tương đương 43% tất cả các món đầu tư vào Hoa Kỳ năm 2023, năng lực một số nhà máy sẽ tăng 75%.
Hàng sản xuất thừa của Trung Quốc sẽ tràn ngập các nước
Tuy nhiên The Economist cho rằng, kế hoạch của ông Tập căn bản là sai lầm, đặc biệt là không quan tâm đến người tiêu dùng. Để tái lập lòng tin trong bối cảnh khủng hoảng, cần cải thiện hệ thống phúc lợi, y tế, mở rộng dịch vụ công cho người lao động ngoại tỉnh. Nhưng ông Tập không ưa việc tặng quà cho công dân, năm ngoái ông từng tuyên bố lớp trẻ phải sẵn sàng "chịu đựng đắng cay".
Một nhược điểm khác là nhu cầu nội địa yếu sẽ dẫn đến phải xuất khẩu sản phẩm, tuy nhiên thế giới đã rời khỏi khung cảnh tự do mậu dịch những năm 2000, một phần do chính sách thương mại hung hăng của Bắc Kinh. Chắc chắn Washington sẽ chận lại những hàng hóa xuất sang ồ ạt, Châu Âu thì đang lo sợ xe Trung Quốc sẽ hủy diệt các nhà sản xuất xe hơi của mình. Bắc Kinh nói rằng sẽ tái định hướng xuất khẩu sang các nước phương Nam, nhưng những nước này cũng đang cảnh giác. Le Figaro số cuối tuần nhấn mạnh, hàng Trung Quốc giá rẻ nhờ cơ sở hạ tầng tốt và trợ giá tinh vi, sẽ tràn ngập thị trường thế giới.
Nhược điểm cuối cùng là tầm nhìn phi thực tế của Tập Cận Bình đối với giới doanh nhân, động lực của 30 năm qua. Nhiều người phàn nàn về những quy định thất thường, và sợ bị trừng phạt thậm chí bị bắt. Chứng khoán thấp nhất từ 25 năm qua, nhà đầu tư ngoại quốc nghi ngại, đại gia di cư ra nước ngoài mang theo vốn liếng. Trung Quốc có thể trở nên giống Nhật Bản thập niên 90, bị giảm phát và khủng hoảng địa ốc. Hoa Kỳ và các đồng minh không vui gì trước viễn cảnh này, có thể gây căng thẳng địa chính trị : gặp khó khăn, Bắc Kinh có thể hiếu chiến hơn.
Nếu những điểm yếu này rõ ràng như vậy, tại sao Trung Quốc không thay đổi phương hướng ? Một trong những lý do là ông Tập chẳng nghe ai cả. Trước đây Trung Quốc cởi mở với bên ngoài, các nhà kỹ trị nghiên cứu các phương thức tốt nhất trên thế giới và sẵn sàng tranh luận. Nay dưới chế độ Tập Cận Bình, các chuyên gia kinh tế bị gạt ra ngoài, những lời bình mà các nhà lãnh đạo nhận được toàn là nịnh bợ. Lý do nữa là Tập Cận Bình đặt an ninh quốc gia lên trên thịnh vượng.
Tương lai Hoa lục trong tay các "thái tử đảng"
Về đối nội, The Economist nói về "Quyền lực của các thái tử đảng". Con cháu những đồng đội của Mao đóng vai trò quan trọng cho tương lai Trung Quốc. Bộ máy tuyên truyền của chế độ không bỏ lỡ dịp nào để nhắc đến "dòng dõi cách mạng" của Tập Cận Bình. Mỗi lần ông Tập đọc lời chúc tết trên truyền hình, ảnh của người cha Tập Trọng Huân có thể thấy rõ ở phía sau.
Khi mới lên cầm quyền năm 2012, có bốn "thái tử đảng" trong bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị, nhưng sau khi thay đổi nội các năm 2022, Tập Cận Bình là người duy nhất và dường như không hề muốn chia sẻ uy quyền với các "hạt giống đỏ" khác. Nhưng các "thái tử" vẫn có thể đóng vai trò quan trọng, họ nắm quyền lãnh đạo các tập đoàn quốc doanh, công ty tài chánh, trong quân đội. Một khi ông Tập rời chính trường, các gia tộc này sẽ chia nhau những miếng bánh. Nhà lãnh đạo sắp tới có thể không là "thái tử đỏ", nhưng các phe phái sẽ quyết định ai là "vua".
Rất ít "thái tử đỏ" bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng, nhưng họ đều sợ Tập Cận Bình và tìm cách che giấu tài sản hoặc chuyển ra nước ngoài. Một số trước đây ủng hộ ông Tập nay bất mãn vì cung cách độc đoán của ông. Tuần báo nhắc lại, người cạnh tranh đáng nể nhất của Tập Cận Bình là Bạc Hy Lai (Bo Xilai), con của nhà cách mạng lão thành Bạc Nhất Ba (Bo Yibo), được rất nhiều người yêu mến. Bạc Hy Lai bị ông Tập kết tội tham nhũng, âm mưu tiếm quyền và đã lãnh án chung thân, được cho là đang trong nhà tù Tần Thành (Qincheng) ở ngoại ô Bắc Kinh chuyên giam giữ những quan chức cao cấp, được hưởng nhiều ưu đãi. Theo South China Morning Post, Bạc Hy Lai ở tù nhưng vẫn được mặc đồ vét.
Israel-Iran : Cuộc chiến trong bóng tối bước ra ánh sáng
Tại Trung Đông, sau vụ oanh kích vào cơ sở ngoại giao của Tehran ở Syria giết chết nhân vật số hai của Vệ binh Cách mạng, L’Express đặt câu hỏi "Israel-Iran : Từ cuộc chiến trong bóng tối trở thành đối đầu trực diện ?".
Đối với Tel Aviv, nhất định Tehran có liên can đến vụ khủng bố ngày 07/10, "sự kiện ngày 11 tháng Chín" của Israel. Phương trình mà Israel phải giải là : Làm thế nào đánh vào Iran mà không tấn công Iran ? Cách tốt nhất là nhắm vào Syria, nơi chế độ Bachar Al Assad lệ thuộc vào Tehran, để cho dân quân Shia tung hoành. Israel đã oanh kích hàng trăm lần từ sau 07/10, để trả đũa việc Iran mở rộng xung đột thông qua mạng lưới tay sai Houthi, Hezbollah… Còn vài tháng nữa đến bầu cử tổng thống Mỹ, Israel còn muốn buộc người Mỹ ở lại.
Nhà nghiên cứu Abbas Milani của đại học Standford cho rằng không bên nào muốn đối đầu trực tiếp "nhưng mỗi bên đều muốn chứng tỏ mình có thể làm được điều gì đó". Iran có thể nhắm vào các lợi ích của Israel ở nước ngoài như các đại sứ quán, ám sát… "Vũ khí" đơn giản nhất là kích hoạt mạnh thêm Hezbollah. Vai trò của Nga cũng được đặt ra, phải chăng Vladimir Putin đã bật đèn xanh vì không muốn mất đi 30 năm quan hệ với Israel khi đang cô đơn ? Trong lúc hy vọng ngưng bắn ở Gaza ít tiến triển, cuộc chiến trong bóng tối từ nhiều năm qua giữa Tel Aviv và Tehran đang dần bước ra ánh sáng.
Israel-Hamas : Chiến tranh bẩn hay sạch ?
Le Point nêu vấn đề "Israel, chiến tranh bẩn hay sạch ?". Tuần báo cho rằng Nhà nước Do Thái đã thua trong cuộc chiến tranh hình ảnh ở Gaza, tuy đã thận trọng chưa từng thấy. Chiến dịch của quân đội Israel tại bệnh viện Al-Shifa ở Gaza kết thúc ngày 01/04 đã thu lượm được nhiều kết quả. Khoảng 200 tay súng Hamas bị tiêu diệt, bắt gần 500 nghi can. Tuy cơ sở này hoàn toàn bị phá hủy, nhưng không có nhân viên y tế Palestine nào chết hoặc bị thương trong hai tuần lễ đụng độ.
Sự kiện này làm nổi bật một thực tế mà nhiều chính khách quốc tế và nhà bình luận không biết hoặc không muốn hiểu : trong cuộc chiến này, quân đội Israel nỗ lực nhiều hơn so với nhiều quân đội khác nhằm hạn chế thiệt hại nơi thường dân. Dù vậy cũng không tránh khỏi một số sự cố như vụ các nhân viên tổ chức phi chính phủ World Central Kitchen thiệt mạng hôm 02/04.
Đây cũng là bằng chứng cho thấy Jerusalem đã thua trong cuộc chiến thông tin từ sáu tháng qua. Cả thế giới quy trách nhiệm thảm họa nhân đạo cho Israel chứ không phải Hamas – phe đã gây ra vụ khủng bố hôm 07/10, trà trộn trong dân thường để chiến đấu, giành dự trữ thực phẩm cho các chiến binh chứ không phải cho dân. Nhà nước Do Thái bị cô lập, Hoa Kỳ vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an đòi ngưng bắn lập tức ở Gaza. Trốn trong hầm sâu, các nhà chiến lược Hamas sắp sửa thắng cuộc : họ đặt cược không phải vào chiến thắng quân sự mà tin rằng áp lực quốc tế sẽ buộc Israel lùi bước.
Không thể buông tay khi mới dập tắt 70% hỏa hoạn
Sẽ là ảo tưởng nếu cho rằng thường dân được vô sự trong chiến tranh đô thị. Năm 1945 việc giải phóng Manila ở Philippines diễn ra trong những điều kiện tương tự như Gaza. Khoảng 17.000 lính Nhật cố thủ trong thủ đô 1 triệu dân, dùng các con tin làm bia đỡ đạn. Sau một tháng chiến đấu, quân đội Mỹ tiêu diệt được hầu hết quân Nhật, nhưng 100.000 thường dân bị thiệt mạng và đa số con tin cùng chung số phận.
Tại Gaza sau sáu tháng, Hamas nói rằng 33.000 người Palestine đã chết, phía Israel khẳng định 13.000 trong số đó là các tay súng Hamas. Như vậy khử được một địch quân thì hai dân thường bị chết. Theo tính toán của Liên Hiệp Quốc, trong chiến tranh hiện đại tỉ lệ này cao hơn nhiều : giết được một kẻ địch thì chín thường dân bị vạ lây. Như vậy ở Gaza quân đội Israel tiến hành một cuộc chiến ít "bẩn" hơn bình thường, và thật ra chiến tranh "sạch" chỉ có trong trí tưởng tượng của những chiến lược gia ngồi trong phòng kín.
Tuần báo thiên hữu cho rằng Tsahal có lý khi muốn trừ khử hẳn mối đe dọa, vì Hamas không ngần ngại tái diễn vụ thảm sát khi có cơ hội. Trong số 34 tiểu đoàn Hamas, chỉ còn 4 hay 5 cần phải tiêu diệt, hiện đang ẩn nấp tại Rafah ở phía nam Dải Gaza, xung quanh là 1 triệu dân sơ tán. Như Benny Gantz - cựu tổng tham mưu trưởng nay là thành viên văn phòng chiến tranh, địch thủ của Netanyahou - đã nói, một lính cứu hỏa không thể tự hài lòng khi dập tắt được 70% trận hỏa hoạn, nếu không muốn ngọn lửa lại bốc lên.
Rwanda, 30 năm sau nạn diệt chủng
Nhân kỷ niệm 30 năm vụ diệt chủng ở Rwanda ngày 07/04/1994 làm gần 1 triệu người Tutsi thiệt mạng, các tuần báo có những bài viết kể lại câu chuyện của những nạn nhân sống sót, sự thay đổi của Rwanda ngày nay, và những vấn đề còn tồn tại như một số thủ phạm vẫn sống yên ổn ở nước ngoài trong đó có Pháp.
Trong bài "Nhân danh công lý", L’Obs cho biết trong số nhiều kẻ sát nhân đang tị nạn ở Pháp, có khoảng 30 hồ sơ được tư pháp thụ lý, nhưng chỉ có 7 bản án được tuyên. Nhiều người Tutsi sống sót đã thu thập nhiều bằng chứng, đang tranh đấu để đẩy nhanh tốc độ. La Croix Hebdo chạy tít trang bìa "Rwanda, bí ẩn Agathe H, bị cáo buộc diệt chủng". Bà Agathe Habyarimana từ 30 năm qua vẫn sống tại Evry, ngoại ô Paris. Theo nhiều nhà sử học và tổ chức phi chính phủ, người vợ góa của tổng thống Juvénal Habyarimana là thủ lãnh của Akazu, bộ phận đã tổ chức vụ thảm sát năm 1994.
Courrier International chạy tít "Rwanda : Câu chuyện về sự hồi sinh", và trong hồ sơ nêu ra những thành tựu của Rwanda sau ba thập niên : tổng sản phẩm nội địa tăng 8% mỗi năm, tuổi thọ từ 49 lên 66. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất bình đẳng, và không có chỗ cho những nhà ly khai hay tiếng nói phản biện. Tháng 7 tới, tổng thống Paul Kagame chắc chắn sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ tư, để nắm quyền đến tận 2034. Độc tài nhưng thực dụng, Kagame biến Rwanda thành "hiến binh" của Châu Phi nhưng cũng là nhân tố gây bất ổn.
Hồ sơ trong tuần : Depardieu, nạn buôn ma túy, nô lệ tình dục Daesh
Nouvel Obs tuần này mổ xẻ sự xuống dốc của Gérard Depardieu, ngôi sao điện ảnh Pháp. Trong nhiều thập niên, tài tử này ngự trị trong nghệ thuật thứ bảy với nhiều vai diễn kinh điển, trở thành biểu tượng của nước Pháp. Hiện đang bị điều tra về tội cưỡng hiếp, thần tượng đã rơi đài tuy vẫn còn được nhiều người bênh vực.
L’Express dành hồ sơ cho "Những khu phố do bọn buôn ma túy làm chủ". Tại Pháp, doanh số từ ma túy ước tính khoảng 3,5 tỉ euro một năm, con số này được cho là quá thấp so với thực tế. Có ít nhất 200.000 tay buôn ma túy chuyên nghiệp. Nhiều cảnh sát và thẩm phán ví von chính quyền đang "dùng muỗng nhỏ để vét cạn đại dương", có người còn cho rằng đang thua cuộc ở Marseille.
Le Point nói về "Những nô lệ tình dục của Daesh". Trong một phim tài liệu công phu, kênh Al-Arabiya của Saudi Arabia tìm gặp những nhân chứng là nạn nhân của Abu Bakr Al-Baghdadi, thủ lãnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo, kể cả vợ con hắn ta. Kẻ bị Mỹ truy lùng chỉ sau Bin Laden có bốn vợ, nhiều nô lệ tình dục, mỗi ngày cưỡng hiếp ba phụ nữ. Các nô lệ chủ yếu là người Yezidi bị bán sang tay như súc vật trong những phiên chợ, những bé gái thì có người "mua sỉ" để bán sang những nước khác. Hiện vẫn còn 2.800 phụ nữ và bé gái Yezidi mất tích.
Thụy My
Thông tin về vị cựu ngoại trưởng và Nhật Bản đã không được nhắc đến tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
Tập Cận Bình, Tần Cương và Vương Nghị. Đội ngũ lãnh đạo của Tập Cận Bình có thể vẫn chưa quyết định phải làm gì với Tần, cựu ngoại trưởng đã biến mất khỏi dư luận và được thay thế bởi Vương. (Nikkei/Mizuho Miyazaki và Yusuke Hinata)
Trong chính trị Trung Quốc, những điều không được nói ra thường ám chỉ một sự thật phũ phàng.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại) năm nay, kết thúc vào ngày 11/03 vừa qua, nhưng để lại một loạt câu hỏi chưa được trả lời.
Đứng đầu danh sách những điều cấm kỵ mà các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước không dám nhắc đến tại kỳ họp Quốc hội thường niên là những bí ẩn xoay quanh việc cựu ngoại trưởng Tần Cương bất ngờ bị sa thải vào năm ngoái và những thay đổi nhân sự ngoại giao theo sau.
Nhiều quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc và Bộ Ngoại giao nước này đã kỳ vọng một bộ trưởng mới sẽ được bổ nhiệm tại kỳ họp lần này. Vương Nghị, thành viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của đảng, và là người tiền nhiệm trực tiếp của Tần, hiện đang đảm nhận vị trí này, nhưng đây được cho là một nhiệm vụ tạm thời.
Tuy nhiên, nhận thức đó bắt đầu thay đổi kể từ thời điểm Tết Nguyên đán vào giữa tháng 2. Đó là lúc những bình luận đầy ngờ vực bắt đầu râm ran trong nội bộ chính giới Bắc Kinh. "Có thể ghế ngoại trưởng sẽ không thay đổi trong một thời gian".
Ngay trước khi Nhân đại toàn quốc khai mạc vào ngày 5/3, đã có thông báo rằng Tần Cương không có tên trong danh sách đại biểu tham dự, nhưng đó là toàn bộ tin tức về ông, ngoài ra, không có ngoại trưởng mới nào được nêu tên.
Tần Cương tổ chức một cuộc họp báo ở Bắc Kinh vào ngày 07/03/2023. Ông không có tên trong danh sách đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc năm nay. © Reuters
Kể từ năm ngoái, truyền thông nước ngoài đã đưa tin về chuyện Tần ngoại tình với một người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc và họ đã có một đứa con với sự giúp đỡ của một người đẻ thuê ở Mỹ. Ngoài ra còn có các thông tin rò rỉ từ bên trong nội bộ Trung Quốc, rằng một cuộc điều tra về "lối sống" của Tần đang được tiến hành, một động thái có thể hiểu là Bắc Kinh ngầm xác nhận vụ bê bối được báo cáo.
Gần đây, các quan chức đã công khai bàn tán về "các vấn đề liên quan đến phụ nữ" xoay quanh vị cựu ngoại trưởng. Tuy nhiên, vẫn chưa có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra.
Nhiều khả năng, đội ngũ lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa thể quyết định sẽ giải quyết vấn đề như thế nào.
Tập Cận Bình tham dự Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 8/3. (Ảnh của Mizuho Miyazaki)
Tần được cho là người được Tập yêu thích.
Vụ bê bối có thể sẽ trở nên phức tạp hơn nếu người ta phát hiện ra rằng các hành động của người dẫn chương trình truyền hình, vốn có lịch trình làm việc dày đặc ở nước ngoài, có thể đã gây tổn hại đến ngoại giao hoặc an ninh của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Tập còn một vấn đề phức tạp khác cần giải quyết – cuộc tranh giành quyền lực giữa các trợ lý thân cận của ông, nhiều người trong số họ đã thể hiện lòng trung thành với chủ tịch nước, nhưng họ lại chưa đoàn kết với nhau. Tập cần cẩn thận phân tích xem điều gì đang thực sự diễn ra. Những người được ông bảo trợ này đang tuyệt vọng tìm cách tồn tại trong một hệ thống đơn cực mang lại cho Tập quyền lực vô song ; họ sẽ làm bất cứ điều gì để hạ bệ đối thủ.
Những vụ "mách nước" theo kiểu Trung Quốc đã xảy ra thường xuyên hơn dưới thời Tập, bằng chứng là sự biến mất đột ngột của nhiều lãnh đạo đảng và cán bộ sau cuộc chiến chống tham nhũng của chủ tịch nước.
Trong bầu không khí này, tung tích của Tần đã trở thành chủ đề cấm kỵ tại phiên họp thường niên của Nhân đại, vốn được rút ngắn xuống còn bảy ngày.
Vương Nghị không hề đề cập đến vấn đề này khi gặp các phóng viên vào ngày 7/3. Ông hiểu rằng việc thảo luận về Tần trước khi lãnh đạo tối cao đưa ra quyết định cuối cùng là hành động vô cùng nguy hiểm về mặt chính trị.
Vai trò ngoại trưởng của Vương Nghị có lẽ sẽ kéo dài hơn so với suy nghĩ ban đầu. (Ảnh của Mizuho Miyazaki)
Một vấn đề khác mà Vương không đề cập đến trong cuộc họp báo kéo dài một tiếng rưỡi là quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Nhật Bản.
Ông đã nhận câu hỏi từ 21 nhà báo trong và ngoài nước, nhưng không có nhà báo nào từ Nhật Bản, và điều này rất bất thường.
Từ Châu Á, các nhà báo Hàn Quốc và Indonesia đã đặt câu hỏi cho Vương. Các phóng viên Châu Phi, Mỹ, và Châu Âu cũng được mời đến. Nhưng chẳng một ai đề cập đến các vấn đề liên quan đến Nhật Bản.
Quan hệ Trung-Nhật đã trở thành một chủ đề nhạy cảm đối với Trung Quốc và Vương Nghị.
Cuộc họp báo diễn ra chỉ bốn ngày trước lễ kỷ niệm 13 năm trận động đất kinh hoàng tấn công Nhật Bản vào ngày 11/03/2011, gây ra trận sóng thần tàn khốc và làm hỏng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Nếu Vương có những phát biểu mạnh mẽ về lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản do Trung Quốc áp đặt nhằm đáp trả việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, hậu quả sẽ ra sao ? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông đưa ra những nhận xét cứng rắn liên quan đến việc Trung Quốc bắt giữ giám đốc điều hành hãng dược phẩm Astellas Pharma của Nhật Bản ?
Rất có thể Nhật Bản sẽ phản ứng dữ dội, gây ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của Trung Quốc với nước láng giềng. Đây là điều Trung Quốc không mong muốn khi quan hệ của nước này với Mỹ không có dấu hiệu cải thiện, và nền kinh tế của nước này vẫn sa lầy trong tình trạng ảm đạm.
Vương biết rất rõ hậu quả có thể xảy ra.
Tại cuộc họp báo, ông đã bắt đầu nói về đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Ông thậm chí còn đề cập đến tầm quan trọng của "ngoại giao kinh tế", dường như là do nhận thức được sự sụt giảm gần đây của đầu tư trong nước.
Trong khi đó, phiên họp năm nay của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp), cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của đất nước, chỉ toàn những lời sáo rỗng. Phiên họp thường niên, được tổ chức song song với kỳ họp Quốc hội, đã tìm cách tung hô một "tương lai tươi sáng" nhờ "hiện đại hóa kiểu Trung Quốc" dưới sự lãnh đạo của đảng.
Những lời này cộng hưởng với bầu không khí chính trị hiện tại, trong đó mọi người được khuyến khích chỉ nói những điều tốt đẹp về Trung Quốc. Trong khi các vấn đề nghiêm trọng như thanh niên thất nghiệp chạy sang Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản lại không được thảo luận.
Bất chấp bầu không khí đó, một bài viết bất thường trên mạng đã tiết lộ một sự thật quan trọng, gây chấn động giới giáo dục và ngoại giao Trung Quốc.
Đó là bài viết của một nhân vật có thẩm quyền : Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo), giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng, đồng thời là thành viên của Chính hiệp.
Bài viết này, được đăng trên một trang liên quan đến Đại học Bắc Kinh, đã tiết lộ một đề xuất mà Giả đã đệ trình lên cơ quan cố vấn chính trị.
Cụ thể, ông viết "Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên nước ngoài từ các nước phát triển đến học tại Trung Quốc đã giảm mạnh. Theo dữ liệu công khai, số lượng sinh viên Mỹ học tập tại Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 350 người vào năm 2023, từ mức đỉnh khoảng 15.000 hồi một thập niên trước".
Giả tiết lộ số lượng sinh viên Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng giảm mạnh, gần 80% so với mức đỉnh vào năm 2017.
Tình hình hiện tại thậm chí còn tồi tệ hơn sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, khi hàng loạt sinh viên nước ngoài rời Trung Quốc. Người Mỹ hồi đó đã lũ lượt rời khỏi Trung Quốc, nhưng số người ở lại chắc chắn vẫn nhiều hơn 350, đặc biệt là tại các trường đại học ở các thành phố nhỏ hơn, với tình hình an ninh ổn định hơn.
Quan trọng hơn là phần sau của bài viết, trong đó vị giáo sư phân tích lý do tại sao số lượng sinh viên nước ngoài ở Trung Quốc lại giảm mạnh và đề xuất các biện pháp đối phó với xu hướng này.
"Hướng dẫn chi tiết về việc triển khai các luật như luật chống gián điệp cần được sớm ban hành để giải thích những điểm còn mơ hồ trong luật", ông viết. "Làm thế mới giúp bảo vệ và khuyến khích nghiên cứu học thuật hợp pháp".
Ông nói rằng sự mơ hồ về các khái niệm và phạm vi của các luật liên quan đến an ninh quốc gia mà Trung Quốc ban hành trong những năm gần đây đang khiến các sinh viên Mỹ và nhiều nước khác rời khỏi Trung Quốc vì lo sợ.
Thẳng thắn chỉ trích những sai sót trong chính sách của bộ máy an ninh quốc gia – hiện đang ở đỉnh cao quyền lực – là một hành động dũng cảm ở Trung Quốc ngày nay.
Các hoạt động trao đổi quốc tế ở các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, và các tổ chức khác đã gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng. Nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa theo cách này, họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì năng lực khoa học và công nghệ hiện tại.
Không rõ liệu Chính hiệp có nghiêm túc xem xét đề xuất của Giả hay không. Nhưng chí ít có một điều chắc chắn : Bài viết này đã gây xôn xao khắp xã hội Trung Quốc.
Nhân đại năm nay bế mạc mà không có cuộc họp báo của thủ tướng như truyền thống. Và nhiều chủ đề quan trọng đã bị bỏ qua trong phiên họp – hoàn toàn trái ngược với khung cảnh 26 năm trước.
Tháng 3/1998, Chu Dung Cơ có tư tưởng cải cách, người được bầu làm thủ tướng trong phiên họp quốc hội cùng năm, đã trò chuyện với các nhà báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Đội ngũ lãnh đạo ngày nay dường như đang đi ngược lại chính sách mở cửa và cải cách mà Trung Quốc đã áp dụng dưới thời Thủ tướng Chu Dung Cơ. © Kyodo
"Tôi muốn nói rõ rằng tôi hoan nghênh mọi câu hỏi từ tất cả các vị, không có giới hạn nào ở đây cả", ông nói với họ. "Tôi sẽ rất vui lòng trả lời".
Quả thực, ông đã làm điều đó một cách lạc quan và vui vẻ.
Nhờ các sáng kiến của Chu, Trung Quốc đã bắt tay thực hiện một loạt các cải cách và khiến thế giới ngạc nhiên khi tiến vào kỷ nguyên tăng trưởng nhảy vọt. Tuy nhiên, ngày nay không có người kế nhiệm nào của Chu dám "hoan nghênh mọi câu hỏi".
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "The story behind Chinese leaders’ unspoken words", Nikkei
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/03/2024
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Lý Cường hiểu rõ tâm lý Tập Thủy Hoàng Đế. Tuyên bố trong ba năm sẽ không họp báo sau phiên họp quốc hội là biết phận mình, chấp nhận rằng dân chúng không cần biết mặt ngang mũi dọc ông thủ tướng ; cũng không cần biết ông thủ tướng đang làm công việc gì.
Hiện nay, chân dung Tập Cận Bình được trưng bày khắp nước, tại những địa điểm quan trọng nhất, trên những chỗ cao nhất, không khác Mao Trạch Đông.
Tần Thủy Hoàng đi thăm cung Lương Sơn, nhìn thấy xe ngựa, cờ quạt dưới chân núi ; hỏi tả hữu ai đi mà đông vậy. Chúng thưa đó là Thừa tướng Lý Tư. Ngày hôm sau, Lý Tư vẫn đi qua núi nhưng không thấy ngựa xe tấp nập nữa. Thủy Hoàng nổi giận hỏi ai đã kể chuyện với Lý Tư ; chúng đều chối. Bèn giết hết những kẻ có mặt ngày hôm trước ; và từ đó cấm không cho ai biết hoàng đế đang ở chỗ nào ; Tư Mã Thiên kể trongSử Ký. Hai ngàn năm sau, đời nhà Thanh, ông vua cùng tam cung lục viện sống trong Cấm Thành.
Giới lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc cũng sống riêng biệt trong khu Trung Nam Hải, một thứ cấm thành mới. Nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình còn tạo nên một "Cấm Thành Ảo" không cho ai biết bên trong cấm thành đó ông quyết định vận mạng hơn một tỷ người Trung Hoa như thế nào.
Tập Cận Bình trị dân Trung Quốc không khác các vị hoàng đế. Một mình ông quyết định, không chấp nhận một lời phê bình, chỉ trích, và sẽ tiếp tục lãnh đạo đến hết đời. Ông Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng, kiêm Tổng bí thư còn mạnh hơn các vị hoàng đế đời xưa, họ vẫn còn hội họp và tham khảo ý kiến với triều đình. Ông Tổng bí thư đời nay chỉ cần hô các khẩu hiệu thật lớn lao và mơ hồ, không cần cho ai biết các chuyện quốc gia đại sự đã được mình tính toán ra sao và có bàn với ai không.
Ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang) bị cất chức hơn nửa năm nhưng vẫn chưa có ai thay ; ủy viên Trung ương Đảng Vương Nghị phải kiêm nhiệm. Bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và nhiều tướng lãnh cầm đầu lực lượng hỏa tiễn và bom nguyên tử bị cách chức. Lệnh ban ra chỉ nói mơ hồ những người này phạm tội tham nhũng nhưng không đưa bằng cớ và cũng không biết bao giờ sẽ đem xử trước tòa. Bình không thấy có trách nhiệm phải giải thích. Cương và Phúc chỉ mới bị công khai tước mất vai trò đại biểu quốc hội, mấy tuần trước khi cơ quan lập pháp họp thường niên.
Trước đây, sau mỗi phiên họp quốc hội, ông thủ tướng đều mở một cuộc họp báo để công bố các chính sách, trả lời các câu hỏi của nhà báo trong nước và quốc tế. Từ năm 1993, các cuộc họp báo được truyền hình cho cả nước coi. Đó là một thông lệ, tạo cơ hội cho dân chúng thấy có một "Nhà nước" làm công việc cai trị, bên cạnh "Đảng" lãnh đạo. Vị thủ tướng đóng vai trò một chuyên gia, thường đưa ra các chỉ tiêu kinh tế sẽ phải đạt được trong thời gian tới, các biện pháp nâng cao sản xuất, lôi kéo giới đầu tư, vân vân.
Năm nay, Thủ tướng Lý Cường bất ngờ cho biết sẽ không tổ chức họp báo ; còn nói trước rằng sang năm, sang năm nữa cũng sẽ không. Nhiều nhà báo đang muốn đặt câu hỏi vì trong bản báo cáo ông thủ tướng không nêu ra những chính sách và biện pháp cụ thể để vực dậy nền kinh tế đang trì trệ. Giới truyền thông sẽ phải chờ đến năm 2027 mới hy vọng được hỏi.
Lý Cường chắc chắn không thể tự mình quyết định bãi bỏ các cuộc họp báo đã có từ 30 năm. Đây phải là lệnh do Tập Cận Bình ban ra. Bãi bỏ cuộc họp báo thường lệ trong ba năm liền chứng tỏ Tập Cận Bình cũng không cần cho dân nhìn thấy có một nhà nước, do một ông thủ tướng đứng đầu.
Chính Tập Cận Bình cũng không thấy cần phải giải thích cho dân chúng về các quyết định của Đảng, của Nhà nước, tức là của chính mình. Công việc quan trọng nhất của các nhà lãnh đạo cộng sản là hô khẩu hiệu. Mỗi lần Mao Trạch Đông tung ra một khẩu hiệu mới là nước Trung Hoa sắp đảo lộn từ trên xuống dưới : Đánh Phái Hữu ! Bước nhảy vọt ! Tấn công Bộ tư lệnh ! Cách mạng Văn Hóa ! Vân vân.
Một khẩu hiệu vừa được Bắc Kinh đưa ra là "Lực lượng Sản xuất mới !" Đó là một từ ngữ trong lý thuyết kinh tế của Karl Marx, được mở tủ lạnh lấy ra đem hâm lại. Thời Karl Marx ông muốn nói đến các máy móc và giới lao động dùng máy móc. Bây giờ, Tập Cận Bình ám chỉ sức mạnh kinh tế của các máy vi tính, hệ thống internet, và đặc biệt mới nhất là Trí khôn Nhân tạo, gọi tắt là AI, tất cả đang thay đổi cuộc sống kinh tế, thúc đẩy tiến bộ khắp thế giới.
Dân chúng Trung Quốc đang cần được nghe hô khẩu hiệu mới để chữa trị bịnh ù lì, bởi vì trong thực tế họ chỉ lo dành dụm, không chịu tiêu tiền, khiến đà phát triển ngày càng chậm lại. Nhà báo kinh tế Gordon G. Chang mới viết trên báo Newsweek : Tỷ lệ tăng trưởng không lên tới 5.2 phần trăm như nhà nước nói. Thực tế, chỉ tăng 1.5%, theo nhóm Rhodium Group ước tính. Các triệu chứng cho thấy kinh tế đang đi xuống là : giá nhà cửa sa sút, các công ty địa ốc phá sản, tiền vốn rút ra nước ngoài, giảm phát, giá cả xuống vì dân bớt tiêu thụ. Và, từ năm 2021 dân số đang giảm dần.
Trong ba chục năm qua, Cộng sản Trung Quốc chú trọng đến đầu tư, không quan tâm đến sức dân tiêu thụ - so với hơn hai phần ba kinh tế Mỹ dựa vào người tiêu thụ. Nhưng các cuộc đầu tư ở Trung Quốc không đạt hiệu năng, bằng chứng rõ ràng nhất là ngành địa ốc. Một nửa số tiền đầu tư đổ vào các doanh nghiệp nhà nước, như nước đổ xuống biển.
Căn bịnh kinh tế khó chữa nhất là chính sách "cải cách nửa vời." Đặng Tiểu Bình đã mở cho tư doanh hoạt động, nhưng không dám mở hết các cửa. Tập Cận Bình còn đổi chiều, đóng bớt nhiều cánh cửa. Tập không tin tư doanh, nhất là các ngành kỹ thuật cao như tin học, nên tìm cách kiềm chế từ mấy năm qua. Cả những ngành hoạt động "ngây thơ vô tội" như y tế, giáo dục cũng bị kiểm soát chặt trẽ hơn ; muốn loan tin bệnh dịch tái phát phải chờ lệnh trung ương, các lớp học tư trên mạng bị ngăn cấm.
Tư doanh chính là "Lực lượng Sản xuất mới" trong kinh tế Trung Quốc. Muốn các lực lượng sản xuất mới này được triển khai, cần phải cải tổ từ cơ cấu. Nói vậy nghe có vẻ trừu tượng. Nhưng trong thực tế đó là các điều cần thể hiện : Tư doanh hay quốc doanh được đối sử công bằng, tất cả tuân theo cùng một hệ thống luật pháp. Các chính sách của nhà nước, phương pháp điều hành các xí nghiệp, hệ thống kế toán và kiểm tra tài chánh, phải rõ ràng và minh bạch, công khai. Đó là những định chế giúp kinh tế các nước tư bản phát triển. Thiếu một trong những cột trụ này thì kinh tế khó đi lên.
Những người hoạt động kinh tế trong nước Trung Hoa, trong chính quyền cũng như ngoài dân chúng, đều biết những điều kiện trên có thể giúp tháo gỡ cho tình trạng trì trệ. Nhưng tại sao họ không thay đổi ? Bởi vì thay đổi thì đảng Cộng sản sẽ mất độc quyền thống trị ; không còn "chuyên chính vô sản" nữa. Tập Cận Bình chuyên chế hơn tất cả các đời Tổng bí thư trước.
Hiện nay, chân dung Tập Cận Bình được trưng bày khắp nước, tại những địa điểm quan trọng nhất, trên những chỗ cao nhất, không khác Mao Trạch Đông. Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào chưa bao giờ được suy tôn, sùng bái như vậy. Đời xưa, Tần Thủy Hoàng mang tiếng "đốt sách, chôn học trò" nhưng trong thực tế chỉ có một vụ đốt sách theo lệnh của Thương Ưởng. Tập Cận Bình còn mạnh tay hơn. Bức tường lửa kiểm duyệt tất cả các nguồn thông tin, coi như mỗi giờ đốt sạch hàng triệu chữ viết trên mạng.
Lý Cường hiểu rõ tâm lý Tập Thủy Hoàng Đế. Tuyên bố trong ba năm sẽ không họp báo sau phiên họp quốc hội là biết phận mình, chấp nhận rằng dân chúng không cần biết mặt ngang mũi dọc ông thủ tướng ; cũng không cần biết ông thủ tướng đang làm công việc gì. Lý Cường chắc chắn không bao giờ phạm sai lầm như Lý Tư, người tiền nhiệm hai ngàn năm trước.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 13/03/2024
Sửa đổi luật tổ chức Hội đồng Nhà nước : Tập Cận Bình muốn kiểm soát cả Đảng lẫn Nhà nước
Minh Anh, RFI, 11/03/2024
Ngày 11/03/2024, Quốc Hội Trung Quốc bế mạc kỳ họp thường niên với việc thông qua Luật Tổ chức Hội Đồng Nhà Nước sửa đổi. Theo giới quan sát, điều này cho thấy Đảng cộng sản Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát cơ quan hành pháp, hay đúng hơn là ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc thâu tóm quyền lực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự phiên họp của Chính Hiệp tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2024. AP - Ng Han Guan
Phiên họp bế mạc năm nay thiếu cuộc họp báo kết thúc thường lệ của thủ tướng, nhân vật số hai của đảng Cộng sản. Bắt đầu từ năm 1988, cuộc họp báo này là dịp duy nhất để các nhà báo chất vấn trực tiếp một nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc.
Theo hãng tin Mỹ AP, việc hủy bỏ cuộc họp báo sau ba thập kỷ tồn tại cho thấy vị thế tương đối yếu kém của thủ tướng Lý Cường, trong khi những người tiền nhiệm của ông đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc lãnh đạo các chính sách kinh tế quan trọng, như hiện đại hóa các công ty nhà nước, đối phó với khủng hoảng kinh tế và cải cách lĩnh vực nhà ở…
Không những thế, trong ngày kết thúc kỳ họp, gần 3.000 đại biểu Quốc Hội đã thông qua luật Tổ chức Hội đồng Nhà nước sửa đổi, với 2.883 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 9 phiếu trắng, yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải tuân theo tầm nhìn của ông Tập Cận Bình.
Neil Thomas, một nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc, thuộc Viện Chính sách Xã hội Châu Á, trả lời AP bằng thư điện tử, nhắc lại rằng những nhà lãnh đạo đảng điều hành Hội đồng Nhà nước từng có nhiều quyền tự do hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1982, Trung Quốc sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng Nhà nước. Biện pháp mới nằm trong số các chính sách được ban hành những năm gần đây đã làm xói mòn dần quyền hành pháp của Hội đồng Nhà nước. Điều này khẳng định xu thế chuyển giao nhiều quyền lực hơn từ nhà nước vào tay Đảng, buộc chính phủ phải thực hiện đầy đủ các chỉ thị từ Đảng.
Tập Cận Bình củng cố quyền lực cá nhân
Trả lời hãng tin Reuters của Anh, Thomas Kellogg, giáo sư luật Châu Á tại đại học Georgetown ở Washington nhận định đây là một dấu hiệu cho thấy Đảng vừa tăng cường kiểm soát "công khai" đối với các cơ quan nhà nước, vừa tự coi là bên chịu trách nhiệm.
Theo ông, "chính trị nắm quyền chỉ huy, và tất cả các cán bộ Đảng cũng như quan chức chính phủ hơn bao giờ hết phải chú ý đến các mệnh lệnh và chỉ thị của Đảng như là kim chỉ nam chính cho việc ra quyết định hàng ngày".
Các phát ngôn gần đây tại Trung Quốc cũng thường xuyên nhắc lại rằng hệ tư tưởng chủ đạo của đảng bao gồm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông và đỉnh cao là triết lý Tập Cận Bình về "Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".
Có thể nói, ông Tập Cận Bình đã thành công một cách "đáng kinh ngạc" trong việc củng cố quyền lực cá nhân trong đảng, trở thành người ra quyết định trong tất cả các chính sách, từ phát triển công nghệ, kinh tế, văn hóa, giáo dục, cho đến quản lý doanh nghiệp và lập kế hoạch kinh tế.
Tuy nhiên, trong thư trả lời AP, ông Neil Thomas lưu ý : "Việc tập trung quá nhiều quyền lực tuy có thể giúp ông Tập cải thiện tính hiệu quả của chính quyền trung ương, nhưng lợi ích có nhiều rủi ro bị lu mờ do cái giá phải trả cho việc ngăn chặn thảo luận chính trị, không khuyến khích sự đổi mới ở địa phương và cho những thay đổi chính sách đột ngột hơn".
Ông Alfred Wu, chuyên gia về quản trị Trung Quốc, trường đại học Quốc gia Singapore, có cùng nhận định : Việc sửa đổi này đã thể chế hóa những thay đổi đã được thực hiện trước đó, khiến việc đảo ngược chúng sẽ trở nên khó khăn hơn. Nhà nghiên cứu này ví kỳ họp Quốc Hội năm nay như là "một màn độc diễn", thể hiện quyết tâm của Tập Cận Bình trong việc tạo ra một hệ thống trong đó đảng lãnh đạo về chính sách, giảm bớt vai trò của Hội đồng Nhà nước và cơ quan lập pháp.
Minh Anh
*****************************
Trung Quốc qua luật tăng quyền kiểm soát của Đảng cộng sản đối với chính phủ
BBC, 11/03/2024
Quốc hội Trung Quốc hôm thứ Hai đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc vụ viện sửa đổi, qua đó trao cho Đảng cộng sản thêm quyền kiểm soát đối với Quốc vụ viện, tức chính phủ của nước này. Trước đó, lần đầu tiên sau ba thập kỷ, Trung Quốc tuyên bố sẽ không tổ chức họp báo sau kỳ họp quốc hội như mọi năm.
Theo Luật Tổ chức sửa đổi, Quốc vụ viện của Thủ tướng Lý Cường sẽ phải chia bớt quyền lực cho Đảng cộng sản
Luật được thông qua trong phiên bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh , với 2.883 phiếu thuận, 8 phiếu chống và 9 phiếu trắng, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc sửa luật này sau hơn 40 năm.
Đây là bước đi mới nhất trong một loạt các động thái trong vài năm trở lại đây nhằm làm suy yếu quyền hành pháp của Quốc vụ viện, do Thủ tướng Lý Cường đứng đầu. Trên danh nghĩa, Quốc vụ viện, hay chính phủ Trung Quốc, có vai trò giám sát đối với 21 bộ trực thuộc và chính quyền địa phương.
Các chuyên gia luật đánh giá việc Trung Quốc sửa Luật Tổ chức Quốc vụ viện lần đầu tiên kể từ năm 1982 là sự tiếp nối tiến trình chuyển giao ngày một nhiều quyền lực nhà nước vào tay Đảng cộng sản, khiến cho chính phủ giờ đây chỉ biết răm rắp nghe theo chỉ đạo của đảng.
Các điều luật mới được sửa đổi bổ sung nhấn mạnh rằng Quốc vụ viện phải "kiên quyết duy trì bảo vệ quyền lực của Trung ương Đảng cũng như sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Trung ương Đảng", đồng thời làm theo Tư tưởng Tập Cận Bình, tên chính thức của đảng cho học thuyết chính trị của ông Tập, trong đó trình bày chi tiết các nội dung từ ngoại giao cho đến văn hóa.
"Đây là một sự dịch chuyển quan trọng trong việc tái cơ cấu cơ quan hành pháp ở Trung Quốc", Ryan Mitchell, giáo sư luật tại Đại học Hong Kong, nhận định. "Mặc dù ai cũng biết người đứng đầu đảng là nhân vật có quyền uy nhất trong toàn thể hệ thống, nhưng việc phân công rạch ròi, cụ thể chức năng nhiệm vụ trong công tác hoạch định chính sách, đặc biệt là khâu giám sát thực thi chính sách, có khi còn chưa rõ ràng".
Phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc Lý Hồng Trung nói trong một bài phát biểu trước quốc hội vào tuần trước rằng việc sửa đổi này nhằm "làm sâu sắc thêm quá trình cải cách cơ cấu của đảng và nhà nước" cũng như "quán triệt thực thi hiến pháp". Trung Quốc sửa hiến pháp năm 2018, trong đó tái khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng.
"Đây là một minh chứng khác cho thấy đảng đang vừa tăng cường kiểm soát một cách công khai đối với các cơ quan nhà nước, vừa muốn thể hiện ra rằng mình nắm toàn quyền trong tay", Thomas Kellogg, giáo sư luật Châu Á tại Đại học Georgetown ở Washington, D.C., đánh giá.
"Chính trị có quyền tối cao, giờ đây, hơn bao giờ hết, cả cán bộ đảng lẫn các quan chức chính phủ đều sẽ phải để tâm đến các chỉ đạo về mặt tư tưởng cũng như các mệnh lệnh của đảng, lấy đó làm kim chỉ nam cho việc ra quyết định hàng ngày", ông nói thêm.
Làm theo Tư tưởng Tập Cận Bình là một trong những điểm được nhấn mạnh trong số 20 điều được sửa đổi bổ sung của Luật Tổ chức Quốc vụ viện mới
Theo thông lệ mọi năm, cuộc họp báo sau kỳ họp Lưỡng hội do thủ tướng chủ trì là một trong những sự kiện được quan tâm nhất, đặc biệt đối với các vấn đề như hoạch định kinh tế và chính sách của Bắc Kinh. Tuy nhiên, năm nay nó đã bị lược bỏ.
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã thành lập mới một số ủy ban trung ương của đảng với nhiệm vụ giám sát các bộ và báo cáo trực tiếp cho ông. Một số trong đó thậm chí còn nhúng tay vào quá trình làm chính sách kinh tế và tài chính, vốn thường được coi là thẩm quyền của thủ tướng.
Năm ngoái, Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách cơ cấu chính phủ, trong đó lập ra một cơ quan mới của đảng để giám sát một số bộ. Ngay sau đó, Quốc vụ viện đã điều chỉnh quy tắc làm việc để làm rõ rằng quyền ra quyết định hành pháp thuộc về đảng.
Kể từ khi quy chế làm việc mới được ban hành, Quốc vụ viện cũng không còn tổ chức họp hàng tuần nữa mà chỉ họp hai, ba lần một tháng.
Kellogg cũng dẫn việc hủy cuộc họp báo của thủ tướng là "một ví dụ khác về việc các thể chế quản lý nhà nước đang đi chệch hướng" theo chiều có lợi cho đảng.
Ông nói : "Chúng ta vẫn đang ở trong quá trình cải cách cơ cấu đảng - nhà nước kéo dài nhiều năm này, tương lai có thể sẽ còn thấy nhiều thay đổi tương tự nữa".
Nguồn : BBC, 11/03/2024
Tập Cận Bình kiểm soát chặt xã hội, Trung Quốc liệu có đạt mục tiêu tăng trưởng?
Báo chí Pháp ngày 06/03/2024 cho rằng Trung Quốc quá lạc quan khi đặt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm 2024, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay, nhất là khi Tập Cận Bình lãnh đạo bằng bàn tay sắt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ khai mạc kỳ họp Chính Hiệp tại Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2024. Reuters - Florence Lo
Việt Nam : Phiên tòa xử tham nhũng vô tiền khoáng hậu
Liên quan đến Việt Nam, Les Echos lưu ý đến việc chính quyền mở ra phiên tòa tham nhũng lớn nhất lịch sử nước này, bắt đầu từ hôm qua. Trong nhiều năm, tài xế của Trương Mỹ Lan đã giao những bao đựng tiền lấy từ ngân hàng SCB (Saigon Joint Stock Commercial Bank) đến biệt thự của bà, hoặc tại văn phòng ở tầng 39 tòa nhà Times Square, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ.
Mỗi lần rút tiền như vậy, bà chủ tập đoàn địa ốc Vạn Thịnh Phát lại buộc ban giám đốc ngân hàng do bà kiểm soát lập hồ sơ cho vay dưới các tên giả. Tổng cộng tòa án Việt Nam cáo buộc Trương Mỹ Lan đã biển thủ 12,5 tỉ đô la, điều hành mạng lưới tham nhũng quy mô chưa từng thấy từ trước đến nay.
Sau nhiều tháng điều tra gây lo sợ cho giới kinh doanh, tư pháp dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, đã truy tố 85 bị cáo, trong đó có mấy chục quan chức cao cấp từ nhiều bộ, kể cả Ngân hàng Trung ương. Tất cả bị nghi ngờ đã bao che hay thủ lợi từ một mạng lưới khổng lồ các công ty ma của Vạn Thịnh Phát để mua bán bất động sản hay làm giàu cá nhân. Theo Les Echos, Trương Mỹ Lan có nguy cơ lãnh án tử hình, còn những cộng sự thân cận nhất chịu những bản án có thể đến chung thân, trong phiên tòa kéo dài đến tháng 4.
Quan chức sợ thành "củi", hoạt động kinh tế chậm lại
Les Echos nhận xét, báo chí nhà nước đưa tin rộng rãi vụ án này, cho thấy quyết tâm của chính quyền trung ương và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến đại quy mô chống tham nhũng. Trong khuôn khổ chiến dịch được mệnh danh là "đốt lò" của đảng, hàng ngàn quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đã bị điều tra, liên quan đến nhiều vụ xì-căng-đan. Từ đầu 2023, chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng đã bị buộc từ chức vì những hồ sơ khác có liên quan đến các vụ biển thủ trong thời kỳ đại dịch Covid.
Theo các chuyên gia, vô số các vụ bắt giữ này về lâu về dài sẽ trấn an được các nhà đầu tư ngoại quốc đang lo ngại về "văn hóa hối lộ" ở Việt Nam, nhưng trong giai đoạn đầu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang trong báo cáo cho Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore giải thích, dù chiến dịch chống tham nhũng rất thành công, cách tiến hành nhanh chóng và quyết liệt đã tạo ra hậu quả tiêu cực cho kinh tế, chẳng hạn làm chậm hẳn lại các thủ tục hành chánh. Đó là do các viên chức lo sợ bị điều tra, nên thoái thác trách nhiệm.
Các dự án đầu tư công của trung ương và địa phương đã giảm sút trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023, vì nhiều quan chức không dám phê duyệt, dẫn đến hoạt động kinh doanh đình trệ nhất là địa ốc. Nhiều viên chức đã từ chức vì lo ngại bị liên lụy. Trong bối cảnh nhu cầu Trung Quốc giảm sút, tâm lý lo âu này góp phần làm giảm tăng trưởng kinh tế : từ 8% năm 2022 còn 5% trong năm ngoái, nhưng có thể tăng lên 6% năm nay.
Mục tiêu tăng trưởng 5% cho 2024 : Trung Quốc quá lạc quan !
Về kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Les Echos đưa tin "Bắc Kinh ấn định mục tiêu đầy tham vọng là tăng trưởng 5% trong năm 2024". Le Monde nhận xét "Lý Cường muốn trấn an về khả năng Trung Quốc đối phó với các thách thức kinh tế", còn Le Figaro nhìn thấy "Tập Cận Bình tăng cường kiểm soát xã hội Trung Quốc".
Thủ tướng Lý Cường (Li Qiang) hôm qua đã công bố lộ trình của nền kinh tế thứ nhì thế giới trong năm nay. Những thách thức là rất lớn. Về kinh tế, thanh niên thất nghiệp lên đến 20% nhưng nhờ bất ngờ đổi lại cách tính nên xuống còn 14,9%, khủng hoảng địa ốc, áp lực giảm phát. Về thương mại, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ lo ngại xe hơi điện ồ ạt đổ vào : Trung Quốc chiếm 60% sản lượng xe hơi chạy bằng điện trên toàn thế giới. Về chính trị, người dân vẫn không biết tại sao hai bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng bỗng bị cách chức, nên cần phải trấn an.
Các nhà quan sát cho rằng mục tiêu tăng trưởng 5% là quá lạc quan. Để kích thích nền kinh tế, ông Lý Cường hứa hẹn 2024 là "Năm tiêu thụ" và chiến dịch "Tiêu dùng không lo lắng", nhưng không cho biết chi tiết. Trên thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất ngần ngại trước các biện pháp thúc đẩy như Hoa Kỳ và Châu Âu đã làm trong thời kỳ đại dịch, cho rằng trực tiếp chuyển tiền trợ cấp sẽ làm người dân lười biếng. Hơn nữa, Lý Cường còn nhấn mạnh "cần phải tăng cường kiểm soát toàn bộ về trật tự công".
Thủ tướng chỉ còn là người thi hành lệnh của Tập Cận Bình
Các báo đều chú ý đến việc Bắc Kinh đặt vấn đề an ninh lên trên tất cả. Les Echos đếm được trong bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ, ông Lý Cường nhắc đi nhắc lại chữ "an ninh" đến 28 lần, còn "tăng trưởng" chỉ 20 lần. Một cái tên được nhắc đến rất nhiều, đó là Tập Cận Bình. Thủ tướng 18 lần nhấn mạnh "bàn tay chắc chắn của tổng bí thư Tập Cận Bình trong việc quản lý đất nước", "ánh sáng từ tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa trong kỷ nguyên mới", cho rằng "nhất thiết phải áp dụng sâu sắc tư tưởng Tập Cận Bình vào nền kinh tế".
Sự kiện ông Lý Cường không tổ chức họp báo vào cuối kỳ họp như truyền thống từ 30 năm qua rất được quan tâm. Le Monde nhấn mạnh, đó là dịp hiếm hoi mà các nhà báo kể cả phóng viên ngoại quốc có thể đặt những câu hỏi quan trọng, dù nhà nước đã chuẩn bị một số "cò mồi". Hồi năm 2012, ông Ôn Gia Bảo (Wen Jia Bao) đã trả lời về làn sóng tự thiêu của các nhà sư Tây Tạng, và đả kích tham vọng của Bạc Hy Lai (Bo Xi Lai), người mà ngay hôm sau đã bị thất sủng. Năm 2020, tuy đảng nhấn mạnh thành công trong việc xóa đói giảm nghèo, ông Lý Khắc Cường (Li Ke Qiang) nhắc nhở hãy còn 600 triệu người Trung Quốc sống với không đầy 1.000 nhân dân tệ (128 euro) mỗi tháng.
Việc hủy bỏ cuộc họp báo này không chỉ trong năm nay mà nhiều năm sau nữa, chứng tỏ vai trò thủ tướng đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, chỉ là người thi hành lệnh của một Tập Cận Bình nắm trọn quyền lực. Một ví dụ nữa là khi ra nước ngoài, ông Lý Cường không được sử dụng phi cơ riêng như Tập Cận Bình và thủ tướng tiền nhiệm, trong khi ông nằm trong số những quan chức trung thành nhất, vốn là chánh văn phòng của Tập Cận Bình khi ông Tập làm bí thư Chiết Giang. Hồi 2022 để làm hài lòng nhân vật số 1 Trung Quốc, Lý Cường đã áp đặt phong tỏa khắc nghiệt thành phố Thượng Hải suốt hai tháng, cho rào chắn các khu nhà và phân phối thực phẩm thông qua ủy ban khu phố, gây chấn thương sâu sắc cho cư dân.
Thành lập dân quân, tăng cao ngân sách quốc phòng : Bắc Kinh muốn gì ?
Le Figaro quan tâm đến việc Tập Cận Bình dựng dậy lực lượng "dân quân" thời Mao. Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế u ám, chủ tịch Trung Quốc lại quân sự hóa người dân để chuẩn bị cho xung đột. Những dân quân trang bị khiên chống bạo động được huấn luyện ở Thâm Quyến để chống lại những người biểu tình tưởng tượng, rà mìn, cứu hỏa, cứu lụt. Song song đó là những buổi học chính trị.
Tại Vũ Hán, 9 công ty quốc doanh lập đơn vị dân quân riêng trong năm 2023, ở Quý Châu, bệnh viện số 1 tập trung cho "đấu tranh vũ trang trong tình hình mới". Ngay cả công ty sữa tư nhân Yili ở Nội Mông cũng khoe có "20 đơn vị dân quân". Theo ông Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), cựu giáo sư đại học Thượng Hải, Bắc Kinh muốn kiểm soát tối đa, tránh rối loạn xã hội, và những đơn vị này cũng có ích trong trường hợp chiến tranh với Đài Loan.
Bên cạnh đó, Lý Cường loan báo ngân sách quân sự tăng 7,2% trong năm 2024. Đối với Les Echos, điều đáng chú ý là ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã tăng gấp đôi kể từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. Ngân sách hiện nay là 1.666 tỉ nhân dân tệ (213 tỉ euro), đứng nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ. Bắc Kinh nói rằng ngân sách này chỉ tương đương chưa đến 2% GDP, nhưng con số chính thức chỉ nói lên một phần tham vọng Trung Quốc. Một phần lớn nghiên cứu quân sự như hỏa tiễn, an ninh mạng v.v… không được tính vào chi quân sự mà được coi là nghiên cứu dân sự.
Việc Trung Quốc đầu tư lớn cho quân đội khiến Hoa Kỳ và các nước láng giềng lo ngại. Mới hôm qua, tuần duyên Philippines tố cáo tàu Trung Quốc chủ động tông vào hai tàu của họ, làm bị thương bốn người. Sự cố này xảy ra ngay sau hôm tổng thống Philippines Ferdinand Marcos một lần nữa tỏ ra cứng rắn, tuyên bố "không nhường lại một centimet lãnh thổ nào".
Châu Âu trong bước đầu tái vũ trang
Quốc phòng Châu Âu cũng là một chủ đề lớn trên báo chí Pháp. Ủy Ban Châu Âu hôm qua đã công bố một kế hoạch quy mô để đẩy nhanh việc sản xuất vũ khí và tài trợ cho các dự án quân sự chung. Để khởi đầu, ngân sách khá là khiêm tốn, chỉ mới có 1,5 tỉ euro.
Cuộc xâm lăng Ukraine cho thấy tính chất lệ thuộc các nước khác của Châu Âu trong việc cung ứng vũ khí và năng lực quốc phòng. Đại diện ngoại giao Châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh kho vũ khí đang cạn kiệt, tuy Châu Âu đã tăng được 50% khả năng sản xuất đạn dược kể từ đầu cuộc chiến. Bà Ursula von der Leyen trong kế hoạch ứng cử nhiệm kỳ hai đã đưa quốc phòng thành ưu tiên hàng đầu. Liên Hiệp Châu Âu (EU) đặt mục tiêu "mua chung ít nhất 40% vũ khí từ nay đến 2030", so với 18% hiện nay.
Ủy viên Thierry Breton cho biết nếu tất cả thành viên cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng, EU có được 380 tỉ euro, gấp ba so với Nga. Để bổ sung cho ngân sách ban đầu 1,5 tỉ, Bruxelles muốn sử dụng thu nhập từ tài sản bị phong tỏa của Nga, nhưng các thành viên vẫn chia rẽ về vấn đề này. Cách đây vài ngày, ông Thierry Breton ước tính cần phải đầu tư 100 tỉ euro cho quốc phòng Châu Âu. Nhiều nước như Pháp muốn vay nợ chung, như hồi hậu Covid Châu Âu đã cùng vay 800 tỉ euro, nhưng Đức, Hà Lan, Bắc Âu chưa sẵn sàng. Les Echos đặt câu hỏi, liệu có cần một cú sốc lớn như Ukraine bại trận, hay Donald Trump tái đắc cử để những nước này đổi ý hay không ?
Chỉ có giải pháp chính trị khi nào Ukraine có ưu thế quân sự
Trong bài xã luận, Les Echos cho rằng khi thế giới thay đổi thì đôi khi phải chấp nhận đổi thay, dù lòng không muốn và cũng chẳng dễ dàng. Một ngày nào đó cần xây dựng những "Airbus" về xe tăng, tiêm kích, drone… giao cho mỗi nước lớn một mặt trận. Để sản xuất nhiều hơn, phải đặt những đơn hàng lớn và lâu dài thì nhà máy mới dám đầu tư.
Ông Camille Grand, cựu phó tổng thư ký NATO, trên Le Monde nhấn mạnh : "Sau 30 năm hòa bình, Châu Âu cần học lại văn phạm về tương quan sức mạnh". Cuộc tranh luận do tổng thống Emmanuel Macron mở ra đã nhắc nhở các nhà lãnh đạo và công chúng tầm quan trọng của tình hình : Những gì diễn ra ở Ukraine là cấp thiết cho an ninh châu lục. Theo thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas, chỉ cần chưa đầy 100 euro một năm tính trên đầu người ở Châu Âu là đủ để hỗ trợ mạnh mẽ cho Kiev, ít tốn kém hơn rất nhiều so với việc đối đầu, hay chạy đua vũ trang với Nga.
Đối với Alexandra de Hoop Scheffer, phó chủ tịch think tank German Marshall Fund of the United States, "Chỉ có thể có giải pháp chính trị cho cuộc chiến khi nào Kiev có lợi thế về quân sự". Chuyên gia này ngay từ tháng Giêng 2022, tức là trước cuộc xâm lăng, đã cổ vũ cho thái độ cứng rắn đối với Moskva. Vào lúc đó, tuyên bố của ông Joe Biden công khai loại trừ khả năng Mỹ gởi quân sang trong khi quân Nga ồ ạt tiến sát biên giới Ukraine, ngay từ đầu đã làm hỏng tác dụng răn đe Vladimir Putin.
Liên Hiệp Quốc : Hãm hiếp, vũ khí chiến tranh của Hamas
Libération chạy tựa trang nhất "Ngày 07/10 : Hãm hiếp, vũ khí chiến tranh". Mấy chục cuộc phỏng vấn, 5.000 tấm ảnh, 50 giờ video khủng khiếp, và một bản báo cáo 23 trang của Liên Hiệp Quốc kết luận bạo hành tình dục "kể cả hãm hiếp và hiếp dâm tập thể" đã diễn ra tại nhiều địa điểm trong vụ khủng bố của Hamas ở Israel hôm 07/10/2023. Một số con tin cũng bị bạo hành kể cả tra tấn tình dục, và có lý do để tin rằng tình trạng này vẫn đang diễn ra. Các điều tra viên gặp nhiều khó khăn vì đa số nạn nhân bị xâm hại đã chết, được chôn cất nhanh theo nghi thức Do Thái, dấu vết tại hiện trường không nhiều do đội ngũ cứu hộ ưu tiên cấp cứu những người sống sót.
Thụy My
Ông Tập Cận Bình đang hối thúc dân Trung Hoa gia tăng tiêu thụ để kích thích kinh tế và tránh nạn giảm phát. Chính sách mới của ông sẽ gây kết quả ngược lại. Đúng là tự mình trói tay mình !
Một công trình lớn đang được xây dựng ở ngoại ô Bắc Kinh. Hình minh hoạ.
Trung Quốc đang trải qua một cuộc khủng hoảng địa ốc : Xây cất nhiều quá, bán không được ; hàng triệu ngôi nhà hay cao ốc bỏ trống. Nhiều người mua các căn hộ đang xây đã ngừng không trả góp nữa. Nhà xây cất hết tiền, các món nợ tồn đọng từ nhiều năm trước không trả được. Từ năm 2021, hàng trăm công ty xây dựng đã giảm bớt công việc ; cuối năm 2023 công ty xây dựng lớn nhất, Hằng Đại, đã phá sản ; công ty Bích Nhai đang theo gót.
Hậu quả là cả nền kinh tế gặp khó khăn vì giá nhà cửa xuống khiến nhiều người cảm thấy mình nghèo hơn ; họ giảm bớt tiêu thụ, các nhà sản xuất cắt giảm giá hàng hóa. Gần 80% dân Trung Hoa lục địa làm chủ căn hộ hay nhà mình ở ; Mỹ chỉ có 66%. Trung Quốc hiện là nước duy nhất bị "giảm phát" trong số các nền kinh tế lớn.
Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi biết ông Tập Cận Bình đang lo cứu ngành địa ốc. Tạp chí Forbes ngày 1 tháng Ba, 2024 cho biết kế hoạch của đảng Cộng sản Trung Quốc mới bị tiết lộ, với các phương thuốc rất mạnh mang tên gọi màu mè là "mô hình mới."
Mô hình "cũ" của Trung Cộng là khuyến khích tư nhân xây dựng nhà cửa bằng cách trợ cấp nhưng không thả cho thị trường quyết định như ở các nước tư bản. Bắt đầu từ việc cung cấp đất xây nhà. Đất đai thuộc quyền "nhà nước quản lý" cho nên từ 30 năm trước chính quyền các địa phương gây quỹ, thu các món tiền lớn bằng cách nhường "quyền sử dụng" cho các công ty xây dựng. Các ngân hàng của nhà nước cho các công ty đó vay tiền theo chế độ dễ dãi ; sau đó lại cho người mua nhà vay với lãi suất thấp để các công ty dễ bán nhà. Tóm lại, nhà nước nhúng tay vào từ việc xây nhà đến việc dân tiêu thụ mua nhà. Chính quyền các địa phương hồ hởi thực hiện chính sách này để đạt chỉ tiêu số nhà được xây thêm, số công nhân có việc làm, và thừa dịp tăng ngân sách để tiêu pha – và bòn rút. Không những vay tiền của các ngân hàng trong nước, các công ty xây dựng vay đô la trong thị trường quốc tế. Số trái phiếu vay và trả bằng mỹ kim tăng từ $675 triệ u năm 2009 lên $64.7 tỷ năm 2020.
Hậu quả của chính sách trên là hoạt động đầu cơ bùng nổ : Các công ty chạy đua xây cất kiếm lời vì vay tiền dễ dàng và bán dễ dàng. Nhiều người có tiền đặt mua nhà trước để hy vọng bán lại vì thấy giá nhà lên cao trong mấy chục năm liền khi 280 triệu dân miền quê kéo lên thành phố kiếm việc. Năm 1988 chỉ có một phần ba dân Trung Hoa sống ở các đô thị ; hiện nay đã lên tới hai phần ba ; mua nhà ở Thẩm Quyến khó hơn ở London hay New York, theo báoForbes. Công việc xây cất nhà ở chiếm 30% Tổng Sản Lượng Nội Địa cả nước.
Năm 2020, Tập Cận Bình thay đổi ; không dễ dãi với các công ty xây cất cũng như người mua nhà nữa. Chính sách đưa ra gấp quá và mạnh quá, người xây nhà lúng túng vì cạn tiền ; giới mua nhà để đầu tư không kịp bán lại trước khi giá nhà xuống thấp mà vẫn phải đóng tiền trả góp. Cuộc khủng hoảng bắt đầu và càng ngày càng nặng khiến nhà nước phải nhúng tay lần nữa, đưa ra một "mô hình mới."
Theo "mô hình can thiệp mới" này, các chi tiết chưa được thảo luận đầy đủ, chính phủ sẽ dành một ngân khoản, tương đương với $280 tỷ mỹ kim để đứng ra mua, rồi đem cho thuê, những ngôi nhà đang xây nửa chừng thì bị ngưng vì các công ty thiếu tiền. Khi thực hiện xong mô hình mới trong vòng 5 năm, chính phủ sẽ làm chủ 30 phần trăm số đơn vị gia cư dân chúng đang ở. Hiện nay nhà nước chỉ làm chủ 5 phần trăm.
Tuy gọi là "mô hình mới" nhưng hậu quả là sẽ đưa thị trường địa ốc Trung Quốc trở lại rất giống thời Mao Trạch Đông, khi Đảng và Nhà nước làm chủ hầu hết các công trình xây dựng mới. Chỉ có một điều khác là thời Mao các căn hộ được cung cấp cho công nhân viên các xí nghiệp, còn bây giờ họ sẽ đóng vai "ABC không có nhà đi ở thuê" và phải trả tiền.
Trong thời gian 5 năm thực hiện kế hoạch, nhà nước sẽ tự đóng vai một công ty xây cất, dự trù sẽ xây 6 triệu căn hộ mới trong 35 thành phố. Sẽ có kế hoạch "trợ cấp" cho người thuê nhà nếu không đủ tiền. Để bảo đảm công bằng, sẽ ấn định các điều kiện lợi tức cho những người được phép thuê nhà. Sau đó, những ai muốn được trợ cấp phải hội đủ các điều kiện khác.
Theo ông Hà Lập Phong (He Lifeng, 何立峰), phó tổng lý quốc vụ viện (phó thủ tướng), thì kế hoạch mới sẽ có hai hệ quả tốt. Thứ nhất, chính phủ sẽ kiểm soát được số lượng nhà cửa cung ứng cho thị trường, tránh cảnh xây nhiều quá bán không kịp như hiện nay. Thứ hai, nhà nước sẽ quyết định giá nhà tối thiểu phải là bao nhiêu, không lo khi bán hay cho thuê sẽ bị lỗ lã.
Nhưng hiện nay Trung Quốc đang có ít nhất 7 triệu đơn vị gia cư không ai ở, xây thêm 6 triệu căn hộ mới thì làm cách nào đẻ ra thêm người mua hoặc thuê nhà, trong khi dân số Trung Quốc đã bắt đầu đi xuống từ hai năm qua và sẽ còn giảm nữa ? Làm cách nào chính phủ có thể ấn định giá tối thiểu khi bán hoặc cho thuê trong lúc số cung vẫn cao hơn số cầu ?
Kế hoạch trên đây cho thấy Trung Cộng sẽ quay ngược chiều hướng phát triển ; nhà nước phải gánh vác một hoạt động kinh doanh quan trọng mà trước đó vẫn giao cho thị trường tư nhân.
Để thực hiện kế hoạch 5 năm này, sẽ phải lập các công ty mới chuyên lo xây dựng nhà ở, tăng số doanh nghiệp nhà nước. Các viên chức chính phủ sẽ đóng vai chủ nhà quyết định ai được thuê căn hộ hay ngôi nhà nào, với giá bao nhiêu và các điều kiện gì. Tất nhiên, công việc sửa chữa, bảo trì các ngôi nhà, việc cung cấp điện, nước cho cư dân đều đặn, cũng sẽ do các cán bộ, công chức phụ trách. Có thể coi là một hình thức "quốc hữu hóa" một phần ngành địa ốc.
Mọi người đã có kinh nghiệm đều biết guồng máy nhà nước cộng sản làm việc quản lý kinh tế như thế nào. Tất cả sẽ tạo thêm cơ hội tham nhũng. Nhà cửa được các công ty quốc doanh xây lên sẽ không đủ tiện nghi cho người đến ở. Muốn thay cái ống nước, muốn bắt thêm đường dây điện cũng phải quà cáp cho cán bộ. Ai muốn được hưởng trợ cấp tiền thuê sẽ phải "trợ cấp" trước cho các đồng chí phụ trách.
Kế hoạch mới cũng dự trù sẽ cấm những người mua các căn hộ không được đem bán lại kiếm lời. Chính sách này khiến người mua ngôi nhà hay căn hộ mất luôn quyền làm chủ, trong đó quyền sử dụng và quyền chuyển nhượng quan trọng như nhau. Dù trả tiền mua nhà, họ sẽ chỉ đóng vai một "người ở thuê dài hạn." Trước đây, khi giá nhà lên cao, người chủ có thể cảm thấy mình giàu có hơn, vì nhà cửa chiếm 70% tài sản của một gia đình trung bình. Cảm thấy mình "khá giả hơn," họ có thể sẽ tiêu tiền dễ dàng. Bây giờ, vì không được bán lại, họ thấy mình chẳng giàu thêm đồng nào, sẽ tiếp tục lo tiết kiệm, bớt tiêu xài ! Ông Tập Cận Bình đang hối thúc dân Trung Hoa gia tăng tiêu thụ để kích thích kinh tế và tránh nạn giảm phát. Chính sách mới của ông sẽ gây kết quả ngược lại. Đúng là tự mình trói tay mình !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA 06/03/2024
Khi giai đoạn mới nhất trong chiến dịch trấn áp tham nhũng của Tập Cận Bình càn quét tới các ngân hàng lớn và lực lượng tên lửa hạt nhân ưu tú, một số người đã đặt câu hỏi khi nào nó sẽ kết thúc.
Một số người cho rằng ông Tập Cận Bình đã dùng cuộc chiến chống tham nhũng để đạt được lợi thế chính trị
Câu trả lời ngắn gọn : Nó sẽ không kết thúc.
Chiến dịch này đã trở thành một phần quan trọng trong hệ thống quản trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Và, bởi vì nỗ lực chống tham nhũng đã được sử dụng để loại bỏ bất kỳ ai có dấu hiệu, dù nhỏ nhất, đi chệch khỏi quỹ đạo của mình, ông Tập đôi khi được mô tả là một nhân vật mất kiểm soát kiểu Stalin đang thanh trừng cả tả lẫn hữu mà không vì một mục đích chính đáng nào cả.
Nhưng có những người không nhìn sự việc theo cách đó.
Andrew Wedeman, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học bang Georgia, đánh giá : "Ông Tập có thể hoang tưởng về nạn tham nhũng cấp cao, nhưng nỗi sợ hãi của ông ta không phải là ảo tưởng".
"Tình trạng tham nhũng mà ông ta lo ngại chắc chắn là có thật. Tất nhiên, cũng có khả năng đúng là ông Tập đã lợi dụng cuộc đàn áp để đạt được lợi thế chính trị".
Dưới thời Chủ tịch Mao, có triết lý là tham nhũng có thể được kiểm soát bằng cách nuôi dưỡng lòng yêu Đảng.
Sau đó, vào thời Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, có quan điểm cho rằng nếu bạn mang lại cho họ một cuộc sống tốt hơn, họ sẽ có ít động cơ để tham nhũng hơn.
Vào giai đoạn Hồ Cẩm Đào lãnh đạo, hầu hết người dân Trung Quốc đã có cuộc sống tốt hơn nhiều nhưng có những người muốn nhiều hơn và sẵn sàng sử dụng những phương tiện vô đạo đức để đạt được điều đó, tiếp tục khiến tham nhũng lan tràn trên diện rộng.
Bây giờ có cảm giác như Chủ tịch Tập quay trở lại cách làm của Mao, nhấn mạnh vào lòng trung thành với Đảng để giải quyết vấn đề.
Và thông qua Đảng mà các chiến dịch này được phát động, với các cuộc điều tra xoay quanh cáo buộc vi phạm quy định của Đảng. Đó thực sự là một vấn đề thuộc về chính trị có tổ chức với việc Đảng điều hành các cuộc điều tra theo cách họ muốn.
'Người ta cứ thế biến mất'
Đảng cộng sản Trung Quốc có thể làm được điều này bởi vì hầu hết những người có chức vụ cao trong xã hội Trung Quốc đều là đảng viên Đảng cộng sản - cho dù họ ở các tổ chức tài chính, thể thao, cơ quan chính phủ hay trường đại học.
Nhưng một khi đã là đảng viên, người ta có nguy cơ bị cáo buộc vi phạm kỷ luật của Đảng, những thứ có khi rất mơ hồ, thậm chí liên quan đến vấn đề đạo đức cá nhân và làm mất uy tín của Đảng.
Trong quá trình này, các đội từ Ủy ban Chống Tham nhũng khét tiếng chỉ việc làm cho người ta biến mất.
Về lý thuyết, gia đình của họ phải được thông báo trước khi họ bị đưa đi thẩm vấn tại những địa điểm bí mật, nhưng không có gì đảm bảo điều này sẽ được thực hiện.
Hầu hết những người có chức vụ cao trong xã hội Trung Quốc đều là đảng viên Đảng cộng sản
Một ngày đột nhiên bạn không xuất hiện nữa và ngày tiếp theo người ta cho rằng bạn đang bị thẩm vấn trong một khoảng thời gian không xác định, không có đại diện pháp lý hoặc trách nhiệm giải trình bên ngoài.
Và mặc dù chiến dịch truy quét tham nhũng được cho là sẽ giúp các hoạt động kinh tế trở nên hiệu quả hơn, việc đàn áp cũng có thể có tác dụng trái ngược.
Nhà khoa học chính trị Lynette Ong từ Đại học Toronto nói với BBC : "Nó làm giảm động lực sáng tạo và kinh doanh, cũng như khiến người ta không dám mạo hiểm, những xung lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế [của Trung Quốc] kể từ năm 1979".
Bạn sẽ nghe thấy cụm từ "nằm yên" được sử dụng rất nhiều ở Trung Quốc ngày nay. Đôi khi khái niệm này dùng để chỉ những người ở độ tuổi 20 bỏ "cuộc đua không hồi kết" để sống ở nhà cha mẹ và chơi trò chơi điện tử hàng giờ liền mà không có tham vọng lớn trong đời vì họ không thể nhìn thấy một tương lai tươi sáng.
Nhưng nó cũng được dùng để mô tả các quan chức trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc khu vực tư nhân, những người chỉ làm cầm chừng đủ để giữ việc, không hơn, không kém. Họ cho rằng việc trở nên nổi bật bằng cách thúc đẩy đổi mới hoặc tỏ ra quá tham vọng là quá mạo hiểm.
Đặng Duật Văn, từng là biên tập viên tờ báo có ảnh hưởng lớn của Đảng cộng sản, The Study Times (Học tập Thời báo), nói : "Ông Tập muốn các quan chức phải trong sạch và chăm chỉ".
"Nhưng với việc ông Tập đang tập trung vào tham nhũng, họ sẽ 'nằm yên'. Tất nhiên, ông Tập không muốn cho phép điều này và yêu cầu họ phải làm việc chăm chỉ không thì sẽ bị phơi bày tham nhũng. Nhưng cuộc đàn áp vẫn tiếp tục diễn ra hơn 10 năm qua và các quan chức cũng đã quen với việc này. Nếu ông ép tôi làm, tôi sẽ cố làm chăm hơn chút xíu. Nếu ông ngừng ép tôi, tôi sẽ thư giãn một chút và ‘nằm yên’.
Tiền nhiều, hối lộ lớn
Nhưng những vụ cách chức đình đám trong những tháng gần đây trong lĩnh vực tài chính lại là một vấn đề khác, nhắm vào các giám đốc điều hành cấp cao, những người bị cáo buộc "làm chuyện sai trái" rất hăng. Trong số những người bị cáo buộc nhận hối lộ lớn có cựu chủ tịch của các ngân hàng lớn và từng là quan chức của cơ quan quản lý nhà nước. Hơn 100 quan chức ngành tài chính đã bị thanh trừng trong năm qua.
Ông Đặng nói : "Quá nhiều quan chức dính líu đến tham nhũng tài chính trong nhiều thập kỷ. Không thể làm sạch chuyện này trong một hoặc hai năm. Ngân hàng là mục tiêu lớn năm ngoái. Năm nay cũng vậy và năm tới cũng vậy".
Theo Giáo sư Wedeman, "Thật dễ dự đoán là sẽ có rất nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng bởi vì xét cho cùng, các ngân hàng là nơi giữ những khoản tiền lớn".
Không có lời giải thích nào về việc ông Lý Thượng Phúc đột ngột bị cách chức
Tuy nhiên, nếu ngân hàng là nơi chứa tiền ở Trung Quốc thì quân đội mới là nơi có quyền lực tối thượng.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không phải là quân đội của đất nước, mà là quân đội của Đảng và nắm quyền kiểm soát tuyệt đối.
Vì vậy, cuộc thanh trừng các tướng lĩnh điều hành lực lượng tên lửa hạt nhân và Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng đến mức nào - với các quy trình mua sắm gian lận, vô đạo đức, được cho là đã đẩy các thiết bị lỗi vào tận kho vũ khí hạt nhân.
Alex Payette, Giám đốc điều hành công ty tư vấn địa chính trị có trụ sở tại Montréal, Cercius, chia sẻ : "Không chỉ là chuyện tham ô ngân quỹ hoặc nhận tiền lại quả mà còn là việc các thiết bị quân sự kém chất lượng được Quân Giải phóng Nhân dân mua và có thể đã sử dụng".
Giáo sư Alfred Wu từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nói rằng nạn tham nhũng trong lực lượng tên lửa sẽ ảnh hưởng nặng nề đến ông Tập.
Giáo sư Wu nói với BBC : "Ông ta đặt hy vọng rất cao vào lực lượng tên lửa. Nếu tôi có một lực lượng tên lửa rất mạnh thì trong tương lai, nếu nổ ra chiến tranh với Đài Loan, đây hoàn toàn có thể là lực lượng chủ đạo".
Liệu ông Tập có nghĩ rằng việc sắp xếp lại bộ phận quan trọng này của Quân Giải phóng Nhân dân có thể dẫn tới sự trì hoãn bất kỳ động thái nào nhằm chiếm Đài Loan bằng vũ lực ?
"Tất nhiên rồi !"
Tuy nhiên, các nhà phân tích quan sát cuộc thanh trừng tham nhũng ở Trung Quốc đã xác định được một lỗ hổng lớn trong cách tiếp cận của ông Tập, đó là việc hoàn toàn không có bất kỳ thay đổi mang tính hệ thống nào để có thể giải quyết những vấn đề này về lâu dài.
Giáo sư Payette nhận định : "Đảng dù nỗ lực phát triển bộ máy quản lý và các quy định kiểm tra kỷ luật,v.v. nhưng vẫn không kiềm chế được tham nhũng".
Một số quốc gia khác đã thành lập các cơ quan chống tham nhũng thực sự độc lập, tăng cường tính minh bạch, cải thiện nhà nước pháp quyền và trao quyền cho cơ quan truyền thông độc lập đưa tin về tham nhũng. Trung Quốc đã không làm những điều đó.
Thay vào đó, Đảng cộng sản tự quản lý chính mình. Những gì còn lại là cuộc tìm kiếm không hồi kết những ‘quả táo hỏng’ mà không có chiến lược để ngăn chặn chúng ra quả ngay từ đầu.
Ngoài ra, theo Giáo sư Wedeman, quan điểm xã hội cũng cần phải thay đổi mạnh mẽ : "Giảm thiểu và kiểm soát tham nhũng không chỉ đòi hỏi những thay đổi về luật pháp, quy định và giám sát mà còn là những thay đổi sâu sắc hơn trong văn hóa quan chức và sự hòa nhập xã hội của các thế hệ mới mà đối với họ, tham nhũng và việc bẻ cong luật pháp không còn là những hành vi tiêu chuẩn có thể chấp nhận được nữa".
Chính sách không Covid của Trung Quốc là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất thế giới
Chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng của ông Tập cũng có khả năng khiến một số quan chức ngại lên tiếng, đặc biệt là những người thân cận với ông, những người được cho là sẽ đưa ra lời khuyên thẳng thắn và dũng cảm cho ông.
Đối với nhiều người, điều này trở nên rõ ràng sau ba năm xảy ra cuộc khủng hoảng Covid, khi phần còn lại của thế giới đã mở cửa trở lại nhưng Trung Quốc vẫn đóng cửa và hạn chế nghiêm ngặt ngay cả khi nền kinh tế đang suy thoái.
Giáo sư Ong nói thêm : "Chắc chắn có những cố vấn thông minh xung quanh ông ta, nhưng việc ông ta tập trung vào chính sách không Covid cho đến khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra cho tôi thấy rằng ông ta không thực sự lắng nghe những người am hiểu kinh tế".
Các nhà quan sát Trung Quốc khác lo ngại rằng ông Tập đã tập hợp xung quanh ông ta toàn những người chỉ biết "dạ vâng".
Giáo sư Payette nói : "Tại thời điểm này, ông Tập không tìm kiếm lời khuyên thẳng thắn. Ông ta đang tìm kiếm lòng trung thành".
"Ông Tập dường như đã trở thành nạn nhân của việc những cán bộ muốn thăng quan tiến chức liên tục ca ngợi ông. Nhìn vào lịch sử Đảng thời kỳ đầu, lẽ ra ông ta phải biết rằng các cán bộ của Đảng thường nịnh nọt để tránh bị thanh trừng và được tiếp cận với các cấp cao hơn trong bộ máy Đảng-nhà nước".
Stephen McDonell
Nguồn : BBC, 12/02/2024
Chính sách đóng cửa toàn diện để chống Covid 19 đã khiến kinh tế ngưng đọng. Nhưng khi bệnh dịch đi qua, nền kinh tế vẫn tiếp tục xuống vì mô hình phát triển lỗi thời và chính sách sai lầm.
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp mặt năm mới, do Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh ngày 29/12 (Tân Hoa Xã). Mối lo của Tập Cận Bình trong năm mới là không vực lại được nền kinh tế. Hình minh họa.
Sang năm, tổng thống Mỹ, thủ tướng Anh, thủ tướng Ấn Độ sẽ lo phải tranh cử lại. Ai cũng có thể bị dân chúng cho về hưu sớm. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không bận tâm đến mối lo lắng tầm thường đó. Từ năm ngoái ông đã biết sẽ giữ chức vụ của mình suốt đời.
Tập Cận Bình giữ ba chức quan trọng. Mạnh nhất là chức Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc. Thứ nhì, là chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Chức vụ "quốc gia chủ tịch", tức chủ tịch nhà nước, mặc dù người đầu tiên giữ chức này là Mao Trạch Đông, bây giờ là ngôi vị ít quyền nhất, giống như ông vua nước Anh hay Nhật hoàng. Thời 1960, 70, sau khi hạ bệ chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, Mao đã bỏ trống cái ghế đó hàng chục năm chẳng cần ai ngồi ; năm 1975 đã xóa bỏ luôn, đầu thập niên 1980 mới tái lập.
Mối lo của Tập Cận Bình trong năm mới là không vực lại được nền kinh tế.
Một tín hiệu kinh tế mạnh hay yếu là thị trường chứng khoán. Trong tháng 12, chỉ số S&P 500 của Thị trường New York tăng 4,7%, chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ tăng hơn 14%, cả hai báo hiệu kinh tế hai nước này vẫn vững chắc trong năm tới. Chỉ số CSI 300 của thị trường chứng khoán Trung Quốc tụt giảm hơn 3%.
Tín hiệu quan trọng nhất là số tiền người ngoại quốc mua cổ phiếu các công ty Trung Quốc đã giảm bớt gần 90%. Trong một năm họ đã rút ra 29 tỷ đô la. Nhật báoFinancial Times cho biết kể từ tháng 8, tiền đầu tư quốc tế đã tụt xuống từ 235 tỷ nguyên xuống chỉ còn dưới 31 tỷ ; bắt đầu vào lúc công ty địa ốc Bích Nhai sắp phá sản.
Chính sách đóng cửa toàn diện để chống Covid 19 đã khiến kinh tế ngưng đọng. Nhưng khi bệnh dịch đi qua, nền kinh tế vẫn tiếp tục xuống vì mô hình phát triển lỗi thời và chính sách sai lầm.
Trung Quốc đang trải qua ba nỗi khó khăn : dân chúng mất lòng tin nên giảm bớt tiêu thụ ; cuộc khủng hoảng địa ốc nặng nề hơn ; và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên cao đến độ chính phủ phải ngừng công bố các số thống kê để dư luận đỡ bi quan.
Kể từ khi Đặng Tiểu Bình mở cửa năm 1978, kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng. Từ năm 1991 đến 2011, mỗi năm Tổng sản lượng nội địa tăng thêm trung bình 10,5%/năm ; nhờ bắt đầu từ một mức rất thấp. Từ năm 2012, khi Tập Cận Bình nắm quyền, tỷ lệ phát triển thấp hơn nhưng vẫn ở mức trung bình 6,7%, cho tới năm 2021.
Tháng 11, Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) ước tính trong năm 2023 kinh tế Trung Quốc chỉ tăng được 5,4% và sẽ xuống, năm 2028 chỉ còn 3,5%. IMF báo động : khi hơn một tỷ người Trung Hoa bớt chi tiêu, kinh tế thế giới sẽ bị kéo xuống theo.
Số người trong tuổi làm việc giảm bớt, số người già cần cấp dưỡng tăng lên ; cả hai sẽ đưa tới cảnh ngân sách khiếm hụt và nợ nần tăng lên. Vì số dân lao động xuống thấp nên số tiền tiết kiệm cũng giảm, số đầu tư cho tương lai giảm theo, một hậu quả là nhà cửa đã bắt đầu khó bán. Những biện pháp nhất thời không chấm dứt được những trở ngại lâu dài, nằm trong mô hình kinh tế bắt đầu từ thời Hồ Cẩm Đào, căn bản là cho các công ty địa ốc vay tiền để xây cất.
Năm 2009, Mỹ và các nước Âu Châu bị khủng hoảng tín dụng vì ngành địa ốc phá sản, các ngân hàng không đòi được nợ đã ngưng cho vay. Bắc Kinh làm ngược lại, thả lỏng cho các công ty địa ốc vay tiền để xây cất, tạo thêm công việc làm. Vì các ngân hàng đều nằm trong tay nhà nước nên họ muốn làm gì cũng được. Một hậu quả là số tiền nợ trên toàn quốc cứ thế gia tăng, không ngừng lại được.
Mô hình kinh tế này tiếp tục đến mức số nhà cửa xây thêm không có người vào ở. Hàng chục triệu căn hộ bỏ trống dù trong số đó nhiều căn đã có người mua ; họ mua để đầu tư chứ không phải để ở vì tin tưởng giá nhà cửa còn tăng lên mãi mãi.
Trong cùng thời gian đó, chính quyền các địa phương cũng khuyến khích công nghiệp xây dựng. Họ bán đất công, hoặc chuyển quyền sử dụng đất cho các nhà địa ốc, vì đó là nguồn tài chánh dễ vận dụng nhất trong quyền hạn của họ, nếu không tăng thuế. Phong trào vay nợ để đầu tư vào việc xây dựng lên cao trên toàn quốc, đẩy các con số thống kê lên cao. Đến năm 2023, cả mô hình phát triển dựa trên các công trường xây cất bị "chết đứng". Vì nhà cửa xây lên rồi không có người mua như trước nữa ! Các địa phương không còn đất công để bán, mà các công ty xây dựng cũng không muốn mua đất khi không bán được nhà. Không đủ tiền trả nợ, chính quyền nhiều nơi đã phải ngưng các dịch vụ săn sóc người già cả, như tiền khám bệnh và mua thuốc.
Mô hình kinh tế đến lúc hết hiệu lực, chính quyền Trung Quốc lại tạo thêm những khó khăn vì chính sách bạc đãi tư doanh và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước. Giới doanh nhân tư vốn là động lực mạnh nhất thúc đẩy kinh tế phát triển, khi họ bị chèn ép thì sức đẩy cũng giảm. Dân chúng mất tin tưởng đã giảm bớt chi tiêu, các nhả sản xuất phải giảm giá bán. Trung Quốc đang bị nạn "giảm phát" đe dọa, như Nhật Bản thời 1990. Điều khác biệt giữa hai trường hợp là nước Nhật lâm nạn giảm phát sau khi đã phát triển, dân chúng giàu có hơn ; còn dân Trung Hoa phải mất hàng chục năm nữa mới giàu bằng dân Nhật.
Giới đầu tư ngoại quốc đã nhìn thấy viễn tượng đó, đã ngưng không bỏ thêm tiền vào. Ba chục năm trước, kinh tế Trung Quốc lên được nhờ đầu tư từ nước ngoài, bắt đầu từ nhà tư bản Đài Loan, rồi đến các các công ty ở Nhật, Mỹ, Nam Hàn. Tình trạng bây giờ đảo ngược. Trong quý thứ ba năm 2023, số đầu tư trực tiếp (FDI) vào Trung Quốc không những ngưng lại mà còn giảm bớt, tức là người ta bán bớt các cơ xưởng để rút tiền ra. Đây là chuyện bất ngờ, xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 1998.
Bên trên nỗi khó khăn trước mắt này, kinh tế Trung Quốc còn phải đương đầu với một vấn đề lâu dài, là lực lượng lao động, sản xuất cũng giảm dần khi dân số đi xuống. Năm 2022, sinh suất của một phụ nữ Trung Quốc trung bình là sanh 1,18 đứa con, thấp hơn cả phụ nữ Nhật và rất thấp so với sinh suất tối thiểu 2,1 đứa con để số dân giữ cân bằng.
Theo tiên đoán của Liên Hiệp Quốc, dân số Trung Quốc sẽ giảm từ 1,426 tỷ năm 2022 xuống 1,313 tỷ người vào năm 2050 và đến cuối thế kỷ 21 sẽ chỉ còn dưới 800 triệu. Các cuộc kiểm tra mới cho thấy năm ngoái là lần đầu tiên dân số giảm bớt, xuống 1,411 tỷ người. Có thể so sánh với dân số Mỹ, đang tăng từ 337 triệu vào năm 2021 sẽ lên tới 394 triệu vào năm 2100. Trong mười năm tới, số người trong lớp tuổi làm việc ở Trung Quốc sẽ giảm bớt trong khi số người về hưu tăng lên.
Ông Tập Cận Bình có thể vượt qua các chướng ngại trên để đạt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn 5,4% hay không ? Trong năm 2024, ông vẫn còn hy vọng, vì có thể cho các công ty vay thêm nợ và tiếp tục hoạt động. Nhưng về lâu dài sẽ càng ngày càng khó. Vì tình trạng kinh tế tụt giảm không phải do các chính sách ngắn hạn mà nằm trong cơ cấu. Thứ nhất là giới tiêu thụ mất niềm tin, các nhà sản xuất không bán được hàng sẽ phải bớt hoạt động và giảm giá khiến tình trạng giảm phát trầm trọng hơn. Thứ hai là lợi tức cá nhân không tăng lên vì từ trước đến nay nhà nước chỉ chú trọng thúc đẩy ngành sản xuất. Đứng trước tình trạng kinh tế trì trệ vì Covid-19 cũng như sau khi hết bệnh dịch,
Trung Quốc không bao giờ nói tới việc trợ cấp tiền cho tất cả dân chúng để thúc đẩy họ chi tiêu, như Mỹ và các nước Âu Châu đã làm.
Trong năm 2024, ông Tập Cận Bình có thể lại "kích thích" kinh tế bằng cách bắt các ngân hàng cho vay nợ nhiều hơn. Đó chỉ là một phương thuốc giảm đau, có thể gây hiệu quả một thời gian ngắn, nhưng không thể chữa được gốc của căn bệnh. Căn bệnh gốc là do Đảng cộng sản nhất định kiểm soát cả nền kinh tế, để củng cố quyền hành.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 30/12/2023
Chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình đã được báo chí của hai bên tung hô dữ dội. Ngoài việc ra Tuyên bố chung đồng ý xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai", báo chí cũng cho biết hai bên Việt - Trung đã cùng nhau ký kết 36 văn kiện.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 12/12/2023 - AP
Có nhiều đánh giá trái chiều về kết quả của chuyến thăm Hà Nội lần này của Tập Cận Bình.
Chúng ta có thể so sánh với Tuyên bố chung và các văn kiện ký kết năm 2022 trong chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh với Tuyên bố chung và các văn kiện ký kết lần này để xem có sự khác biệt nào, từ đó có thể rút ra các ý nghĩa của sự thay đổi này.
Mục đích ưu tiên của mỗi bên
Trong cuộc gặp gỡ và làm việc giữa Chủ tịch Tập và Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã đưa ra các phương hướng (thể hiện mục đích ưu tiên của mỗi bên).
Phía Việt Nam tập trung vào mục đích lớn nhất là tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc : "…nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực ; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam, triển khai thuận lợi cửa khẩu thông minh ; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư tại Việt Nam…" [1].
Còn Trung Quốc nhượng bộ việc mở cửa thị trường cho Việt Nam : "cùng nhau hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi kinh tế-thương mại, trong đó có thương mại nông sản ; Trung Quốc sẵn sàng mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông sản chất lượng cao của Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp có thực lực của Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam…" Tuy nhiên Trung Quốc yêu cầu : "tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, cùng nhau thúc đẩy xây dựng trật tự quốc tế công bằng, cởi mở" và "thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, cùng nhau duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới" [2] .
Các văn kiện được ký kết
So với 13 văn kiện ký kết năm 2022, thì con số 36 văn kiện ký kết lần này lớn hơn rất nhiều.
Các văn kiện ký kết năm 2022 gồm 10 Bản ghi nhớ, 1 Thoả thuận giữa Ban Đối ngoại Trung ương của hai bên, 1 Kế hoạch hợp tác của Bộ Văn hóa hai bên và 1 Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi [3] .
Còn lần ký kết mới đây, bao gồm : 18 Bản ghi nhớ và Biên bản ghi nhớ, 7 Thoả thuận (của các cơ quan Đảng và Bộ ngành trong Chính phủ hai bên), 5 Kế hoạch hợp tác, 2 Nghị định thư và 1 Chương trình hợp tác [4] .
Như vậy, số lượng thì nhiều, nhưng trong cả hai lần ký kết thì chiếm số lượng chủ yếu vẫn là các Bản ghi nhớ và Biên bản ghi nhớ, cho nên từ năm 2022, hai bên đã tuyên bố tăng cường hoạt động thực chất, đến năm nay cũng lặp lại như vậy [5] , điều đó thể hiện rõ, sự thực chất trong hoạt động hợp tác của hai bên vẫn còn đang rất hạn chế.
Chính vì vậy, Tờ Straits Times cho rằng trong 36 văn kiện ký kết phần nhiều không mang tính ràng buộc mà chỉ mang tính chất biểu tượng mà thôi [6] .
Thay đổi trong Tuyên bố chung năm 2023
Trong Tuyên bố chung năm 2023 [7] đã có một số thay đổi so với Tuyên bố chung năm 2022 [8].
Cả hai Tuyên bố chung năm 2022 và năm 2023 đều rất dài, ngoại trừ phần lớn những ngôn từ sáo rỗng mà hai bên ưa thích sử dụng, thì có một số nội dung chúng ta cần chú ý :
Vấn đề Đài Loan
Trong Tuyên bố chung năm 2022 có nhắc : "Phía Việt Nam tái khẳng định kiên trì chính sách "Một Trung Quốc", ủng hộ quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình và sự nghiệp lớn thống nhất Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ "Đài Loan độc lập" dưới mọi hình thức và nhất quán ủng hộ nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của các nước. Việt Nam không phát triển quan hệ cấp Nhà nước nào với Đài Loan".
Trong Tuyên bố chung năm 2023, ngoài việc nhắc lại cụm từ trên, còn thêm một đoạn : "Phía Việt Nam cho rằng các vấn đề Hồng Công, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc…".
Vấn đề Trung Quốc gia nhập CPTPP
Tuyên bố chung năm 2022 chỉ ghi nhận : "Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)". Còn Tuyên bố chung năm 2023 làm rõ hơn : "Phía Việt Nam ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn và trình tự của Hiệp định".
Sáng kiến An ninh Toàn cầu
"Cộng đồng chia sẻ tương lai" hay "Cộng đồng chung vận mệnh" là một chiến lược của Trung Quốc nhằm xây dựng nên một trật tự mới với vai trò thống trị của Trung Quốc nhằm thay thế "trật tự thế giới dựa trên luật lệ" của Mỹ và Phương Tây chi phối. "Cộng đồng chia sẻ tương lai" gắn liền với Vành đai Con đường (BRI) và bộ 3 Sáng kiến, bao gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), trong đó đáng chú ý nhất là Sáng kiến An ninh Toàn cầu.
GSI là gì ? GSI do Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 4/2022, được coi là bước tiến chiến lược tiếp theo của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng, khẳng định vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế [9] .
GSI khiến dư luận quốc tế lo ngại vì đã công khai ủng hộ nguyên tắc "an ninh không thể chia cắt", vốn được Nga sử dụng để giải thích cho hành động của Nga tại Ukraine.
Khái niệm này thể hiện rằng an ninh của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể tách rời khỏi các quốc gia khác trong khu vực và không một quốc gia nào có thể gây tổn hại đến an ninh của quốc gia khác.
Khái niệm này đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin viện dẫn để chỉ trích việc mở rộng NATO và cái cớ cho hành động gây hấn của ông chống lại Ukraine kể từ năm 2014 [10] .
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ đón ở Hà Nội hôm 12/11/2017. Ảnh AFP
Hai tác giả Tạ Phú Vinh và Nguyễn Xuân Cường, trong một nghiên cứu năm 2022 đã thể hiện : "…mối lo ngại lớn nhất xuất phát từ việc, Trung Quốc sử dụng GSI như một phương thức biện minh cho việc liên kết hàng loạt những cơ cấu, tổ chức do Trung Quốc thành lập, đứng sau hoặc đóng vai trò chính tham gia vào quản lý các sự vụ toàn cầu dưới cái mũ "bảo vệ an ninh". Với sự ra đời của GSI, không loại trừ khả năng, đến một thời điểm thích hợp, Trung Quốc có thể tuyên bố, để đảm bảo an ninh tài chính, an ninh tiền tệ trong bối cảnh mới thế giới, khu vực có thể hợp nhất các tổ chức, cơ cấu tài chính lớn trong khu vực vốn nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc như ADB, CRA... từ đó nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng và khả năng thao túng của Trung Quốc, từng bước cạnh tranh ảnh hưởng của Mỹ đối với lĩnh vực tài chính, tiền tệ"…
… Trung Quốc tuyên bố thúc đẩy việc giải quyết khác biệt và tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhưng Trung Quốc không tuyên bố từ bỏ những tư duy hay quan niệm an ninh mà Trung Quốc đưa ra trong các giai đoạn trước. Do đó, việc thúc đẩy GSI có thể tạo ra nhiều không gian cho Trung Quốc sử dụng đa dạng và linh hoạt các biện pháp và công cụ (bao gồm cả biện pháp sử dụng vũ lực) để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ" [11] .
Có lẽ vì những lo ngại như vậy, cho nên Tuyên bố chung năm 2022 chỉ thể hiện việc ghi nhận nhưng không tham gia : "Việt Nam ghi nhận tích cực Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc trên cơ sở mục tiêu, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc".
Nhưng đến Tuyên bố chung năm 2023 thì thể hiện rõ việc sẽ tham gia : "Phía Việt Nam ủng hộ Sáng kiến Văn minh toàn cầu, vì hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa và tiến bộ của nhân loại, sẵn sàng nghiên cứu triển khai hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến này".
Kết luận
Mặc dù với 36 văn kiện được ký kết lần này, nhưng với 18 văn kiện là các Bản ghi nhớ hoặc Biên bản ghi nhớ, đã cho thấy tính thiếu thực chất trong các cam kết của hai bên. Có lẽ vì vậy mà phía Việt Nam luôn nhắc tới chữ "thực chất" như một lời nhắc nhở ngầm với phía Trung Quốc rằng Việt Nam đang cần quan hệ thể hiện thực chất hơn chứ không chỉ là những cam kết sáo rỗng.
Đã có một số sự nhượng bộ đáng kể trong Tuyên bố chung năm 2023, đặc biệt trong vấn đề Trung Quốc gia nhập CPTPP, và vấn đề Việt Nam tham gia GSI, mặc dù trước đó Việt Nam đã từ chối tham gia Sáng kiến này.
Sự thay đổi trong Tuyên bố chung lần này cho thấy việc Trung Quốc đã dùng nhiều sức ép, đặc biệt sử dụng việc tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc để đổi lấy các nhượng bộ của Việt Nam. Thêm nữa, Việt Nam dù cố gắng kháng cự, nhưng chỉ có thể kháng cự bằng cách kéo dài thời gian, nhưng cuối cùng vẫn không thể từ chối các đề xuất của Bắc Kinh. Điều này thể hiện sự kiên nhẫn chiến lược rất hiệu quả của Bắc Kinh, họ cứ tiến dần từng bước, sẵn sàng đánh đổi các lợi ích kinh tế để đạt được các mục tiêu về an ninh và chính trị của họ.
Chính vì vậy, Giáo sư Alexander Vuving đã viết trên tài khoản trang X của ông ta : "Cây tre Việt Nam đang bị gấu trúc Trung Quốc gặm dần từng miếng". Đây quả thực là một sự ví von tuyệt vời. Và nhận định "Tập Cận Bình trắng tay trên đất Việt Nam" là thể hiện sự thiếu hiểu biết sâu sắc về sự khôn ngoan của Bắc Kinh.
Hà Lệ Chi
Nguồn : RFA, 21/12/2023
Tham khảo :
[1] https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-thuc-chat-tren-cac-linh-vuc-giua-viet-nam-trung-quoc-post787341.html
[2] https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-thuc-chat-tren-cac-linh-vuc-giua-viet-nam-trung-quoc-post787341.html
[3] https://nhandan.vn/viet-nam-trung-quoc-ky-ket-13-van-kien-hop-tac-giua-hai-dang-hai-nuoc-post722595.html
[4] https://nhandan.vn/thuc-day-quan-he-viet-nam-trung-quoc-len-tam-cao-moi-tao-cuc-dien-doi-ngoai-thuan-loi-cho-phat-trien-dat-nuoc-post787899.html
[5] https://nhandan.vn/nang-cao-hieu-qua-hop-tac-thuc-chat-tren-cac-linh-vuc-giua-viet-nam-trung-quoc-post787341.html
[6] https://www.straitstimes.com/asia/pacts-signed-by-vietnam-china-during-xis-hanoi-trip
[7] https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-nuoc-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-viet-nam-va-nuoc-cong-hoa-nhan-dan-trung-hoa-ve-viec-tiep-tuc-lam-sau-sac-va-nang-tam-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-xay-dung-cong-dong-chia-se-tuong-lai-viet-nam-trung-quoc-co-y-nghia-chien-luoc-post787318.html
[8] https://nhandan.vn/tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-ve-viec-tiep-tuc-day-manh-va-lam-sau-sac-hon-nua-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc-post722756.html
[9] https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/wjbxw/202302/t20230221_11028348.html#:~:text=Chinese President Xi Jinping has,with a win-win mindset.
[10] https://www.geostrategy.org.uk/research/what-is-chinas-global-security-initiative/
[11] https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/view/76123/64825
Về chính trị thì hai đảng chia sẻ cùng một lý tưởng, kinh tế thì càng ngày càng lệ thuộc, tương lai thì "Chia sẻ chung" như vậy để thấy rằng nỗ lực thoát Trung là rất khó khăn.
Nếu đặt an ninh quốc gia và chủ quyền biển đảo lên trên hết, có lẽ Đảng cộng sản không cần phải đề cập đến khái niệm "cộng đồng chia sẻ tương lai chung" và không có cuộc "Tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em" với Trung Quốc.
Vậy là Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên - người từng hát cổ vũ cho binh lính xâm lược Việt Nam vào năm 1979 - đã rời khỏi Việt Nam.
Chuyến đi chỉ 2 ngày nhưng để lại một dư âm lâu dài. Di sản của nó không chỉ thể hiện ở nghi lễ đón tiếp và tuyên bố về "chia sẻ tương lai" mà còn cụ thể bằng36 văn kiện trên hầu hết các lĩnh vực.
Cho dù không có những cam kết lớn làm phát sinh nghĩa vụ quốc gia và quốc tế lâu dài, nhưng tên của các văn bản đã thể hiện sự giao thoa sâu rộng trong đời sống Việt Nam – Trung Quốc, đặc biệt là vùng biên giới.
Trong 16 văn bản đó thì có 2 văn bản quan trọng cần lưu ý : một là "Thỏa thuận hợp tác giữa ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Ban tuyên truyền TW của Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2024-2028", hai là "Bản ghi nhớ giữa Bộ quốc phòng VN và Bộ quốc phòng Trung Quốc về tuần tra liên hợp trên vùng biển Bắc Bộ". Hai văn bản này liên quan trực tiếp đến tư tưởng và chủ quyền quốc gia.
Nếu như mong ước của ông Tập là thấy một Việt Nam trongcác bức tranh của Trung Quốc, thì ông đã đạt được.
"Chốt hạ" năm ngoại giao sôi động
Phải nói năm 2023 là một năm cực kỳ sôi động về ngoại giao của Việt Nam. Đầu tiên là những bước xuất chiêu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sang Lào vào tháng 4, sau đó là dự lễ đăng quang của nhà vua Anh Charles Đệ Tam tại London, thăm Ý, gặpGiáo hoàng Francis, cho đến chuyến đi Trung Quốc tham dự diễn đàn Vành đai và con đường vào tháng 9, dự Hội nghị APEC tại Mỹ và cuối cùng đến Nhật Bản vào tháng 11 để tuyên bố nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tích cực "đổ mồ hôi" bằng chuyến đi dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, tham dự Hội nghị G7 mở rộng tại Nhật vào tháng 5 và chuyến thăm tới Trung Quốc gặp gỡ các quan chức cao cấp nhất. Ông chắc chắn cũng dọn đường cho chuyến đi của ông Tập vừa qua.
Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ, dù đang trở nên mờ nhạt trên hầu hết diễn đàn, cũng không muốn bị bỏ lại sau lưng bằng nỗ lực ghi lại dấu ấn qua chuyến thăm các nước Cuba, Argentina và đông Uruguay với gần80 hoạt động và 30 thỏa thuận được ký kết với Châu Mỹ La Tinh.
Còn nhân vật quan trọng nhất của Tứ Trụ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, như cây tre bonsai có hai cành "vểnh" ra hai bên, ngồi ở nhà và đón liền một lúc 2 lãnh lãnh đạo quan trọng nhất của 2 cường quốc đến từ Đông và Tây bán cầu.
Nếu như không có cú "chốt hạ" bằng chuyến đi của ông Tập thì 2023 là một năm thành công cho quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và cởi mở của Việt Nam.
Chưa tận dụng được thế mạnh của nước nhỏ
Mặc dù là một nước nhỏ hơn Trung Quốc nhưng sứcmạnh mềm của Việt Nam đang lên và Việt Nam đã không tận dụng được cơ hội này trước sức ép của Trung Quốc. Sự lo lắng quá về nền kinh tế đã buộc Việt Nam không thể chần chừ hơn nữa trong các hoạt động xây dựng và kết nối hạ tầng với sáng kiến Vành đai và Con đường vốn đã "thờ ơ" bấy lâu.
Thực tế, Trung Quốc là một nước lớn nhưng cũng đang có những vấn đề rất lớn của họ, ví dụ như sự phân hóa giàu nghèo, mâu thuẫn xã hội, khan hiếm tài nguyên và môi trường ô nhiễm nặng nề… Đặc biệt, nền kinh tế của Trung Quốc gần đây bộc lộ những yếu kém mang tính hệ thống làm cho cả chi tiêu và sản xuất đều giảm, các nhà đầu tư nước ngoài đang rút đi để tìm kiếm địa chỉ mới.
Quan trọng nhất, theo trung tâm Nghiên cứu Pew của Mỹ được Thanh Niêndẫn lời thì các nước phát triển ngày càng thiếu thiện cảm với Trung Quốc. Mặc dù sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang tăng lên trong những năm qua, sức mạnh "mềm" của Trung Quốc dường như đã giảm đi đáng kể và dự báo sẽ tiếp tục giảm nếu như Trung Quốc tiếp tục đường lối đối ngoại "hung hăng" của mình đối với khu vực và trên thế giới.
Chính vì vậy, Trung Quốc bằng mọi giá có được Việt Nam trong vòng cương tỏa của mình để hình thành nên một "phe". Nếu chưa được nhiều nước tham gia thì ít nhất cũng có những láng giềng thân thiết đứng chung. Trước mắt ta đã thấy nỗ lực của Trung Quốc là phải đặt 3 nước Đông Dương vào trong vòng tay ôm của mình, trong đó Việt Nam là mục tiêu quan trọng nhất.
Hàng chục năm qua, Trung Quốc đã cố gắng triển khai sâu rộng ý đồ "chinh phục" Việt Nam trên nhiều hướng và dịp này họ có vẻ như đã đạt được một chiến thắng. Đảng cộng sản Việt Nam đã thực sự ưu tiên về ổn định chế độ chính trị mà chấp nhận cùng chia sẻ tương lai, công khai xác nhận với thế giới rằng quan hệ với Trung Quốc là đặc biệt nhất.
Cam-Việt-Trung-Triều và Mỹ-Phi-Nhật-Hàn
Vào cuối đầu những năm 1930, Nhật Bản bắt đầu đề cập đến việc xây dựng một"Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á" để thực hiện tham vọng tạo ra một khối các quốc gia Châu Á do Nhật lãnh đạo mà không phụ thuộc vào Phương Tây. Khẩu hiệu này sau đó đã trở thành tư tưởng biện minh, làm tấm bình phong cho chính sách xâm lược của Nhật trong suốt thế chiến thứ 2.
Ngày nay khi xu hướng hội nhập quốc tế tăng lên, trái đất dường như "nhỏ lại" và Trung Quốc đã sử dụng khái niệm "Chung vận mệnh cho toàn nhân loại" với một ngôn ngữ nhân văn và mềm mại hơn. Nhưng ý đồ tạo phe, cùng chia sẻ tương lai chung nhằm độc lập và đối đầu với phương tây là rõ ràng.
Nhìn thấy một vòng cung Mỹ - Phi - Nhật – Hàn trước mặt, Trung Quốc không khỏi lo lắng về khả năng bị cô lập của mình khi xảy ra sự biến, nên bằng mọi giá hình thành nên được một : Cam - Việt – Trung - Triều ở phía đông để ít nhất còn có đường đi ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong đó Việt Nam là quan trọng nhất, có khả năng đặt Trung Quốc vào một vị thế hoàn toàn bất lợi nếu như đứng ngoài vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.
Vào thời điểm ông Tập đang đến Hà Nội, Tàu tuần duyên của Trung Quốctấn công vào 3 tàu hậu cần của Phillipines đang tiếp tế cho một căn cứ của họ tại Đảo Cỏ Mây ở Biển Đông. Thế giới hiện đang có 2 điểm nóng và nếu như có một xung đột nổ ra ở Biển Đông, chúng ta có thể hình dung được sức ảnh hưởng của nó như thế nào đối với Việt Nam và Trung quốc.
Ý nghĩa "yết hầu" của Việt Nam có thể vô hiệu hóa toàn bộ những nỗ lực bành trướng của Trung Quốc và người thiệt hại nhiều nhất sẽ là Trung Quốc, nhưng mặc cảm về "người anh khổng lồ" có vẻ đang đè nặng tiềm thức của những nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Sẽ lệ thuộc nhiều hơn
Tất cả các bên đều nhận thấy tầm quan trọng về địa chính trị của Việt Nam nhưng Việt Nam đã thể hiện sự lệ thuộc ngày càng cao hơn đối với Trung Quốc. Vấn đề là khi Trung Quốc đã tạo ra được một "phe đủ lớn" thì sự tự tin và tính hung hăng ngày càng cao lên. Khi đó chúng ta lại càng ngày càng khó thoát khỏi vòng kiềm tỏa của họ.
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng chậm, nguồn đóng góp của Trung Quốc sẽ dần dần chiếm một vị trí quan trọng và sức ảnh hưởng càng lớn.Trung Quốc đang đầu tư cao nhất vào Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Về chính trị thì hai đảng chia sẻ cùng một lý tưởng, kinh tế thì càng ngày càng lệ thuộc, tương lai thì "chia sẻ chung" như vậy để thấy rằng nỗ lực thoát Trung là rất khó khăn.
Nếu đặt an ninh quốc gia và chủ quyền biển đảo lên trên hết, có lẽ Đảng cộng sản không cần phải đề cập đến khái niệm "cộng đồng chia sẻ tương lai chung" và không có cuộc "tiếp đón đặc biệt, thắm tình hữu nghị, đồng chí anh em" với Trung Quốc.
Vẫn biết rằng chuyến đi của ông Tập là cần thiết nhưng nếu Việt Nam có thể tận dụng được vị thế đang lên của mình để đàm phán thì chắc chắn vẫn đứng xa hơn ngoài vòng tay của của họ.
Khi đó Việt Nam thực sự ghi thêm điểm với Phương Tây và càng dễ dàng trong việc đảm bảo sự độc lập của mình.
Lê Quốc Quân
Nguồn : VOA, 18/12/2023