Trong cuộc viếng thăm quê hương sau 43 năm xa cách tôi có vài nhận xét tóm tắt sau đây.
Máy bay ghé Bangkok trước khi đến Sài Gòn. Nhà ga Bangkok huy hoàng bao nhiêu thì Tân Sơn Nhất thê thảm bấy nhiêu.
Quang cảnh hai thành phố khác hẳn nhau
Ga phi trường Bangkok
Bangkok ngăn nắp, sạch sẽ, xe gắn máy không nằm trên lề đường, vỉa hè ít khi bị chiếm để bày hàng. Nếu bị chiếm, bộ hành vẫn còn chỗ di chuyển thoải mái. Phố xá không đông nghịt người nhờ hệ thống tàu điện ngầm rất hiện đại.
Hai cao ốc ở đường Đồng Khởi
Sài Gòn khác hẳn : vỉa hè bị mọi người tự tiện chiếm để phơi bày la liệt hàng hóa. Xe gắn máy cũng để đầy trên đó. Tôi có cảm tưởng như thiên hạ đi vài bước cũng trèo lên xe gắn máy vì không thấy nhiều người đi bộ. Trên lòng đường đặc nghẹt đủ thứ loại xe chen lấn, không theo một quy luật nào cả. Lưu thông tắc nghẽn, vận chuyển hết sức chậm. Nói chung quang cảnh vô cùng lộn xộn. Hiện tượng ấy phản ảnh rõ ràng cách sinh hoạt của xã hội.
Vũng Tàu Nha Trang rất phát triển
Một nhà hàng ở Vũng Tàu
Bãi biển Nha Trang
Một vài nhận xét khác
- Chợ Bến Thành và chợ Đồng Xuân : không thay đổi.
- Đường Nguyễn Huệ : giữa hai làn xe là một quảng trường thênh thang sạch sẽ kéo dài từ trụ sở Ủy ban nhân dân (tòa Đô Chánh cũ) đến bến Bạch Đằng.
- Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) : rất nhiều cao ốc lớn và cao hơn khách sạn Caravelle.
- Trường kiến trúc : dày đặc, hiện đại hơn xưa rất nhiều.
- Hồ Con Rùa : không còn "đồng tiền" trên chóp tượng đài.
- Ở Sài Gòn tôi không thấy cyclo nữa, ở Hà Nội thì vẫn còn.
Hà Nội phát triển hơn Sài Gòn
Cao ốc nhiều và lớn hơn. Gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ hơn Sài Gòn.
Hà Nội nhìn từ phòng ăn ở thượng từng một khách sạn
Trên đường đi Vũng Tàu từ Sài Gòn cũng như đi Bắc Ninh từ Hà Nội tôi không thấy nhà tranh. Tôi nghe nói phải đi đến gần biên giới Campuchia mới thấy. Ở ngoài Bắc, ngay thôn quê có rất nhiều khu nhà chọc trời nhìn thấy xa xa từ đường cao tốc, có lẽ đó là trung tâm các huyện lỵ.
Tôi có cảm tưởng chính quyền cộng sản dành ưu tiên phát triển vật chất cho miền Bắc.
Một điểm rất lạ : Thái Lan xuất khẩu gạo nhiều hơn Việt Nam. Nhưng nhìn từ đường cao tốc tôi thấy Thái Lan ít ruộng lúa hơn ở Việt Nam.
Một cảnh ruộng ở Thái Lan
Những nhận xét trên có thể không chính xác lắm vì đó chỉ là nhận xét nhanh từ bên ngoài.
Bussy Saint Georges ngày 12 tháng 9 năm 2022
Nguyễn Trọng Kha
************************
Sau đây là bài viết bổ sung của giáo sư kiến trúc sư
Nguyễn Ngọc Sơn, 28/09/2022
Về một vài nhận xét của Thầy sau chuyến thăm Việt Nam vừa rồi thì con xin nối thêm vài thông tin.
- Chợ Bến Thành : Đúng là chợ Bến Thành không đổi, chỉ có xung quanh chợ thay đổi.
Chợ Bến Thành mái đỏ bên trái. Cao ốc Spirit of Saigon đang được xây cất phía đối diện. Trung tâm metro cũng tương tự tại đầu công viên 23/9.
- Đường Nguyễn Huệ : Đúng là đường Nguyễn Huệ cũ đã thay đổi. Nay làn xe chạy 2 bên, giữa là quảng trường dài (có người gọi là phố đi bộ) kéo từ tòa Đô chánh cũ (Ủy ban Nhân dân ngày nay) đến bến Bạch Đằng. Vào dịp Tết Nguyên Đán thì nơi đây trở thành đường hoa. Một số dịp khác thì tập trung rất đông người như tổ chức sự kiện hoặc coi đá bóng.
Đoạn trước tòa Đô chánh cũ ngày nay. Đường hoa dịp Tết Nguyên Đán.
Đông người coi đá bóng qua các màn hình lớn.
- Đường Đồng Khởi (Tự Do cũ) : Đúng là rất nhiều cao ốc, cao hơn khách sạn Caravelle trước đây rất nhiều.
Hình nhìn từ Bến Bạch Đằng nhìn ngược vào thành phố. Đường chính giữa hình là đường Đồng Khởi (Tự Do cũ). Đường bên trái hình là đường Nguyễn Huệ. Góc bên phải hình là công trường Mê Linh nay vẫn còn tượng Trần Hưng Đạo đứng chỉ tay.
- Trường Kiến Trúc : Tòa nhà cao nhất trường Kiến Trúc vẫn là tòa nhà xây cất năm 1970-1972 từ đồ án của Kiến trúc sư Trương Văn Long có sự hỗ trợ của Thầy Phạm Văn Thâng. Các dãy nhà thấp mái dốc thời Pháp không còn, thay vào đó là các khối nhà bê tông cao lớn hơn (nhưng vẫn thấp hơn tòa nhà 1970-1972).
Tổng thể Đại học Kiến Trúc trên đường Pasteur ngày nay. Ngoài cơ sở này, ngay nay Đại học Kiến Trúc còn có thêm các cơ sở tại đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng xưa) gần trường hiện tại, Thủ Đức, Cần Thơ, Đà Lạt vì quy mô mở rộng và nhiều ngành (Thầy Trần Phong Lưu có viết trong bài dấu chân kỷ niệm).
- Hồ Con Rùa : Đúng là không còn đồng tiền trên đỉnh. Tương lai có thể sẽ được quy hoạch thành phố đi bộ cho khu vực này.
Hồ Con Rùa năm 1967.
Hồ Con Rùa ngày nay, có sự thay đổi ở đỉnh tháp.
Đỉnh tháp Hồ Con Rùa ngày nay.
Kính thơ,
(Nguyễn Ngọc) Sơn
(28/09/2022)
Nếu không ta thì ai, nếu không bây giờ thì khi nào ?
Trần Quốc Việt, 10/06/2022
Nếu không ta thì ai, nếu không bây giờ thì khi nào ?
Nếu lời đáp cho câu hỏi trên là sự khẳng định ở ngay chính ta, ở ngôi thứ nhất, chứ không ở bất kỳ ai khác và thời gian là ngay bây giờ thì Việt Nam hy vọng còn có tương lai.
Mọi người vẫn chỉ là những khách qua đường tình cờ gặp nhau và nhìn nhau và để chờ lẫn nhau trên chuyến tàu Tương Lai
Nếu lời đáp là anh, chị hay những người ở ngôi thứ hai, dù bây giờ hay trong tương lai, thì Việt Nam vẫn chỉ là thực trạng ngày càng xấu hơn kéo dài bất tận từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bởi lẽ mọi người vẫn chỉ là những khách qua đường tình cờ gặp nhau và nhìn nhau và để chờ lẫn nhau trên chuyến tàu Tương Lai sẽ mãi mãi không bao giờ rời được ga Chờ.
Nếu lời đáp là họ, tức con cháu chúng ta ở ngôi thứ ba và thời gian ở tương lai thì toa tàu Việt Nam sau khi nối vào đầu máy Trung Quốc sẽ tăng tốc rời ga Số phận đến ga Bắc Thuộc rồi đến ga Đồng Hóa cuối cùng.
Nếu không ta thì ai, nếu không bây giờ thì khi nào? Câu hỏi này hiện lên trong lòng mỗi khi ta nghe những hồi trống giục giã quen hay lạ vào ngày cuối tuần kêu gọi ta hãy xuống đường đòi quyền sinh tồn. Sự hiện diện của Formosa, tương lai của giống nòi lành mạnh, và tương lai sinh tồn của Việt Nam tất cả đều phụ thuộc vào lời đáp chung nhất trong những lời đáp trên của hơn 90 triệu người Việt hiện nay.
Những lời đáp cá nhân này không chịu phán xét của bất kỳ ai ngoại trừ của chính lương tâm và lòng yêu nước. Tuy lời đáp mang tính cá nhân nhưng dù muốn hay không số phận thì chung. Cho nên trước khi trả lời ta phải nhìn thật lâu vào tận cõi lòng của mình, vào tận lương tâm mình, vào suốt chiều dài lịch sử sinh thành ra mình để chọn lời đáp đúng nhất không phải cho cá nhân mình mà cho quê hương vì Mẹ Âu Cơ luôn luôn kỳ vọng vào lời đáp rất Việt Nam của đàn con.
Mẹ Việt Nam chung của chúng ta đã khổ đau vô cùng trước cuộc nội chiến
Xuống đường dưới bóng Mẹ hiền
Có lẽ không ai viết về người mẹ hay hơn văn hào Victor Hugo. Trong kiệt tác Những người khốn khổ ông cho nhân vật Jean Valjean lúc hấp hối tiết lộ cho Cosette biết về người mẹ của cô :
"Cosette, đã đến lúc nói cho con biết tên mẹ con. Mẹ con tên Fantine. Hãy khắc sâu trong lòng tên Fantine ấy. Hãy quỳ xuống mỗi khi con nói tên mẹ con. Mẹ con khổ sở biết bao nhiêu. Và thương con vô cùng".
Mẹ Việt Nam chung của chúng ta đã khổ đau vô cùng trước cuộc nội chiến kết thúc cách đây 41 năm mà đã giết hại hàng triệu người con của Mẹ. Mẹ hôm nay còn khổ sở hơn gấp bội trước sự tồn vong của những người con, đa phần còn trẻ, trước cảnh biển chết. Hình ảnh tương lai của đàn con của Mẹ là hình ảnh những con cá chết bị nhiễm độc trôi giạt vào bờ khi Việt Nam tương lai là nơi chứa chất thải độc hại, là những làng và thành phố ung thư trên khắp nước, là dân tộc sống dở chết dở để chờ ngày bị diệt vong. Hôm nay chúng ta hãy kêu lên tên Mẹ Việt Nam và hãy quỳ xuống trong tâm tưởng và khóc khi tưởng đến người Mẹ hiền chung ấy.
Chúng ta chiến thắng chỉ khi chúng ta coi mình là con Mẹ và chỉ khi chúng ta đoàn kết lại muôn người như một để bảo vệ sự sinh tồn của Mẹ Việt Nam và của chúng ta. Chúng ta không thể nào để cho Formosa hiện diện ở Việt Nam như lưỡi dao treo lơ lửng trên đầu Mẹ và đàn con cháu dưới bóng Mẹ.
Chúng ta chiến thắng không phải khi chúng ta thắng bạo quyền nhưng khi chúng ta trung thành với mình (1). Trung thành với lương tâm, nhân phẩm thiên phú và khát vọng sinh tồn lành mạnh của con người bình thường.
Cuộc chiến sinh tồn ấy không diễn ra dưới bóng các tòa đại sứ hay trong hành lang quốc hội của các nước Phương Tây. Cuộc chiến ấy phải diễn ra trên đường phố ở đây vào mỗi ngày Chủ Nhật giữa những người con của Mẹ Việt Nam với những tên tay sai và công cụ của bạo quyền và ngoại bang. Để thắng cuộc chiến sinh tử này chúng ta phải chấp nhận cơn mưa đấm đá và dùi cui của họ. Nhưng chúng ta vững tiến lên và trào dâng như thác đổ dưới sự thúc giục và cổ vũ của người Mẹ chung vô hình-người sẽ dẫn đàn con đến bến bờ bình an và tươi sáng.
Để cho sự thật được phơi bày chúng ta không có con đường nào khác ngoại trừ xuống đường và cất cao lên tiếng hô vang phản đối. Chiến hữu chúng ta là đồng bào, vũ khí chúng ta là nhiệt huyết tràn đầy của người yêu gia đình và tổ quốc, đồng minh chung thủy chúng ta là Mẹ Việt Nam.
Chúng ta hãy cùng kêu lên tên Mẹ Việt Nam và hãy quỳ xuống trong tâm tưởng trên đường phố vào ngày Chủ Nhật này để kích hoạt niềm tin chiến thắng trước khi cùng kéo nhau xuống đường ngang qua những khuôn mặt bạo lực sát khí có đôi mắt cá chết của những kẻ đã quay lưng lại với Mẹ Việt Nam sinh thành.
Ta xuống đường vì cuộc sinh tồn của một Việt Nam đang bị tổn thương nặng nề
Quê hương và biển chờ ta trên đường phố ngày mai
Ta xuống đường vì cuộc sinh tồn đầy rủi ro của người thân, đặc biệt trẻ thơ, trước biển bị nhiễm độc. Nghĩ về họ, ta xuống đường với tấm lòng thương yêu và trách nhiệm của người đủ hiểu biết để nhận ra bao tác hại toàn diện và vô cùng lớn mà đang và sẽ gây ra đối với cuộc sống của hầu như từng cá nhân và cộng đồng.
Ta xuống đường vì cuộc sinh tồn của một Việt Nam đang bị tổn thương nặng nề khi môi trường ngày càng ô nhiễm và độc hại. Thảm họa môi trường biển chỉ là nạn nhân mới nhất nhưng chưa phải cuối cùng của biết bao nhiêu thảm họa môi trường hữu danh và vô danh khác như sông ngòi bị san lấp, bờ biển bị đào khoét nham nhở và độc hại do khai thác kim loại, núi non bị đục khoét và tàn phá, rừng bị đốn hạ, ruộng đồng khô hạn và nhiễm mặn, thực phẩm độc hại. Chưa kể đến những thảm họa hiển nhiên về văn hóa, giáo dục, y tế, và trên hết đạo đức ngày nay quá suy đồi trong thời kim tiền ngự trị khi xấu hổ biến mất, trâng tráo và tàn ác lên ngôi. Nghĩ về những điều này, ta xuống đường với lương tri và tâm hồn hiền lương truyền thống của người Việt để cố gắng chặn lại đà tiêu vong và sự biến mất chung cuộc của dân tộc và quê hương Việt Nam trên bản đồ địa lý và văn minh thế giới.
Ta xuống đường để cất lên tiếng kêu bi thương cho muôn loài dưới biển đang bị tàn sát. Ta hãy nói thay cho những con cá vô tội nằm chết lạc loài, dày dặc, và tức tưởi dọc theo bờ biển miền trung. Biết bao nhiêu chúng sanh vô tội ấy chết và giạt vào bờ biển như để làm nhân chứng cho tội ác khủng khiếp của một thiểu số người đã chết về phần hồn. Ta xuống đường vì thương xót cho những con cá bị đầu độc này. Trái tim tuổi thơ của mỗi người đều rộn ràng, hân hoan và sung sướng khi nhìn thấy cá bơi lội thì chẳng lẽ trái tim người lớn lại không đau lòng trước hình ảnh cá chết hàng loạt trên bờ và chết xếp lớp dưới biển. Biển nhiễm độc rốt cuộc sẽ tước đi bao thế hệ trẻ em và người lớn thú vui được hòa mình và nô đùa dưới biển. Tương lai ta rồi sẽ phải sống vô cảm giữa rừng bê tông và sắt thép quanh mình một khi muôn thú trên đất liền bị tận diệt và biền không còn cá. Ta hãy xuống đường để cứu lấy toàn bộ môi trường nuôi dưỡng và thanh lọc nên tâm hồn Việt Nam mình.
Nếu ta không liên tục xuống đường để đi đến tận cùng sự thật và nếu ta để cho mọi sự dần dần chìm vào quên lãng thì ngày nào đấy không xa người giàu âm thầm xếp hàng lên máy bay để bỏ nước ra đi đến nơi chốn an toàn còn người nghèo ở lại để sống mòn mỏi vô vọng giữa môi trường tự nhiên và xã hội bị nhiễm độc và băng hoại. Ta phải gìn giữ hình ảnh Việt Nam tươi đẹp cho ta, cho con cái mình và cho muôn đời sau bằng cách hãy lên tiếng phản đối mạnh mẽ tội ác môi trường của chế độ mà, xin mượn cách dùng từ của họ, khốn nạn, bất lương và vong bản đến thế là cùng.
Người xa góp lời người gần góp chân. Hãy lên tiếng không ngừng và hãy xuống đường bền bỉ và liên tục để làm tròn vai trò của những công dân trách nhiệm. Hãy lên tiếng vì tương lai sinh tồn của gia đình và tổ quốc. Biển đang hy vọng vào ta và đang chờ ta trên đường phố ngày mai.
Ta xuống đường và hình dung cảnh con cá vẩy bạc lấp lánh quăng mình cao lên trên mặt biển dưới ánh nắng hồng sớm mai-đó là hình ảnh Việt Nam tương lai. Hay ta ở nhà và hình dung cảnh con cá nằm hấp hối trên bờ biển hoang vắng dưới ánh chiều tà thoi thóp- đó là hình ảnh Việt Nam khi đa số quay lưng với số phận của mình và quê hương.
Quê hương và biển chờ ta đáp lời.
Số phận của chúng ta như con cá nằm trên thớt dưới lưỡi dao Formosa !
Hãy xuống đường bên nhau vì quê hương
Sau khi biết công ty Formosa thông đồng với các viên chức để đổ gần 3000 tấn chất thải công nghiệp có hàm lượng thủy ngân rất cao xuống bãi rác lộ thiên không có người bảo vệ ở thành phố Sihanoukville ở Cambodia dân chúng liền nổi loạn và biểu tình suốt ba ngày liền. Mười ngàn người dân địa phương sau đấy bỏ chạy về thủ đô Phnom Penh lánh nạn.
Tổ chức Y tế Thế giới phái ông Mineshi Sakamoto, chuyên gia về nhiễm độc thủy ngân, ở Viện Nghiên cứu Minamata thuộc cơ quan môi trường của chính phủ Nhật sang tận nơi. Sau đấy ông nói trước báo chí : " Đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện như thế này. Tôi rất kinh ngạc khi thấy nó, và tôi rất thương xót cho nhân dân Cambodia-thật là bất công" (2).
Mười tám năm sau Formosa gây ra tội ác môi trường còn ghê gớm gấp triệu lần tội ác họ gây ra ở nước láng giềng của Việt Nam - biển chết, cá chết, sự đe dọa đến sự sinh tồn và phát triển nòi giống của cả một dân tộc đã và đang trường tồn và đứng vững qua biết bao thăng trầm lịch sử. Khi biển cả - cội nguồn của nền văn minh và sinh tồn - chết thì sự diệt vong tất yếu chỉ là vấn đề thời gian. Đây là sự khởi đầu của quá trình suy tàn của một dân tộc.
Số phận của chúng ta như con cá nằm trên thớt dưới lưỡi dao Formosa !
Ông Mineshi Sakamoto nếu hôm nay đến đây có thể ông sẽ nói như thế này : "Tôi vô cùng thương xót cho nhân dân Việt Nam - thật là vô cùng bất công". Và ông chắc vô cùng kinh ngạc nếu như vào giờ phút này đa số chúng ta vẫn còn đứng bên lề cuộc sinh tử của gia đình và dân tộc.
Vì vậy chúng ta hãy xuống đường, hãy bước bên nhau vì quê hương, và hãy đứng bên nhau vai sát vai, chân sát chân, miệng sát miệng, lòng sát lòng, máu Việt nam chảy sát máu Việt Nam để cùng cất lên tiếng kêu xé trời xanh của biển người đang đứng mấp mé ở cửa tử - Formosa cút khỏi Việt Nam ngay !
Nhưng xuống đường hay không xuống đường là sự chọn lựa cá nhân phải được cộng đồng và xã hội tôn trọng. Tuy nhiên có sự chọn lựa chúng ta hiểu và thông cảm nhưng không bao giờ khen ngợi. Và có sự chọn lựa rất cá nhân dựa trên lương tâm, lý trí và can đảm cần nên được ca ngợi. Đó là sự chọn lựa của những người xuống đường với thái độ đưa cả hai má mình ra trước nắm đấm và dùi cui của những kẻ mà chúng ta nên tha thứ và thương hại họ vì họ không biết điều họ làm là sai đạo lý và trái với lương tri bình thường. Trách chăng là trách những kẻ chỉ huy họ ngồi trong phòng máy lạnh đang lướt mạng để tìm trước nơi tỵ nạn môi trường ở Phương Tây cho bản thân và gia đình.
Chủ Nhật này và hàng bao Chủ Nhật tới đường phố trên khắp nước Việt Nam sẽ rung chuyển không ngừng dưới những đôi chân bước theo chiều lịch sử hình chữ S ông cha ta đã chỉ ra từ ngàn xưa- chiều tiến lên để sinh tồn. Trời xanh vào những ngày ấy cũng sẽ dội vang vang không ngớt những tiếng hô xé trời từ hàng ngàn cái miệng dưới đất đồng loạt cất lên-Việt Nam trường tồn muôn năm! Biển Việt Nam muôn năm !
Có sự chọn lựa đưa ta thanh thản vào giấc ngủ với giấc mơ nô đùa với con cái trên bờ biển mùa hè trong lành thuở nào. Có sự chọn lựa nhiều năm về sau ta phải hối hận khi ngồi bên giường bệnh nhìn con cháu quằn quại với căn bệnh ung thư vì nhiễm độc hóa chất hay kim loại nặng như thủy ngân.
Nhưng quê hương không có sự chọn lựa nếu ta không đứng lên như lời kêu gọi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương "Không đòi, ai trả núi sông ta". Vì vậy có sự chọn lựa cho chính nghĩa đáng để ta hy sinh, và có sự chọn lựa mà về sau ta phải đứng trước vành móng ngựa của lương tâm và lịch sử.
Chúng ta hãy quyết tâm cùng nhau chìa hai má ra để đi qua những hàng dài đồng phục và dùi cui để mở đường cho Việt Nam tồn tại bất biến cùng với biển cả đã nuôi dưỡng nên thể chất và tâm hồn của bao thế hệ người Việt từ ngàn xưa đến nay.
Sóng biển vỗ vào bờ hoang vắng thiếu tiếng cười đùa của trẻ thơ và cha mẹ.
Tiền phúng điếu
Năm trăm triệu đô là tiền làm con đường đến địa ngục.
Hàng triệu người mất sinh kế gần như vĩnh viễn. Hàng trăm ngàn gia đình ly tán vì cha mẹ phải tha phương cầu thực. Tương lai của đa phần con cái họ là xấp vé số trên tay em bé, là những giọt lệ tuôn chảy không ngừng trong lòng thiếu nữ đương xuân trong vòng tay của bao khách làng chơi, là tủi nhục dâng trào thầm lặng theo từng giọt mồ hôi rơi trên lưng còng của người thanh niên trai tráng làm công trên xứ người.
Những bệnh viện ung thư rồi sẽ sớm bắt đầu mọc lên trên khắp nước để chữa trị vô vọng cho rất nhiều bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Hình ảnh địa ngục ở âm ty được tái hiện phần nào ở những nơi này qua hình ảnh dị dạng, khuyết tật, kinh hoàng của những người nghèo đã phải ăn cá, nước mắm, và muối bị nhiễm độc để qua cơn đói thèm. Họ nằm đấy chen chúc nhau trong các phòng và dọc theo hành lang của những địa ngục trần thế này.
Mùa hè trên biển mất vĩnh viễn. Sóng biển vỗ vào bờ hoang vắng thiếu tiếng cười đùa của trẻ thơ và cha mẹ. Biển hiền lành bình an đầy gợi tưởng và mơ mộng giờ chỉ còn trong tâm tưởng. Biển và người đã mất đi mùa hè cuối cùng.
Tâm hồn con người ngày càng vô cảm và chai sạn khi phải quay lưng lại với biển. Biển chết, sông hồ chết, rừng chết tất cả đưa đến cái chết tất yếu của tâm hồn, đạo lý và cả lương tâm con người. Cửa vào tầng đầu địa ngục bắt đầu từ đây khi xã hội chìm đắm trong mông muội đang trở về.
Đảng Ác từ lâu đã phác thảo và xây dựng nên con đường dẫn đến địa ngục này. Formosa hôm nay chỉ cấp vốn cho họ làm tiếp đoạn đường cuối cùng đến cổng địa ngục.
Sẽ còn rất nhiều Formosa môi trường và chính trị khác để giúp Đảng làm tiếp những tầng địa ngục bên trong để chờ đón những người Việt cuối cùng.
Cuộc xếp hàng đi vào số phận đã bắt đầu.
Trần Quốc Việt
(10/06/2022)
Chú thích
(1) Lời của Adam Michnik, nhà hoạt động Công đoàn Đoàn kết Ba Lan.
(2) Theo bài báo của Chhay Sophal với tựa đề "‘Dangerous’ Waste Left In Cambodia; Taiwanese Material Contains Mercury" trên báo Washington Post số ra ngày 26/12/1998.
RFA, 31/05/2022
Hàng trăm hộ dân ở xã Ea Pôk, tỉnh Đắk Lắk đang đấu tranh để đòi lại đất từ công ty lâm nghiệp sau 40 năm phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
chụp màn hình video
Từ giữa tháng 5 tới nay, người dân ở buôn Lang, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk đã phải ở vào thế đối đầu với Công ty cổ phần Cà phê Ea Pôk, để đòi lại mảnh đất canh tác rộng khoảng 40 hecta.
Đỉnh điểm của cuộc đối đầu này là vào ngày 18 tháng 5, hàng trăm người dân đã tập trung biểu tình tại mảnh đất trên, mà theo phản ánh của người dân là để phản đối việc công ty cà phê hủy hoại hoa màu do người dân trồng.
Video và hình ảnh ghi lại cuộc biểu tình trên được chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh được chia sẻ cho thấy lực lượng cảnh sát cơ động cũng có mặt ở hiện trường và xảy ra va chạm với người dân.
Đến ngày 28 tháng 5, người dân tiếp tục tổ chức biểu tình, căng biểu ngữ để yêu cầu phía công ty cà phê trả lại đất. Báo chí Nhà nước đến nay không đưa tin tức gì về vụ việc.
"Chúng tôi muốn công ty trả lại đất tổ tiên cho chúng tôi để dân sau này có đất làm ăn, dân thì càng ngày càng nhiều mà đất thì ít, nên dân phải đòi lại đất" - Một người dân địa phương nói với đài RFA dưới điều kiện giấu tên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, buôn Lang hiện có khoảng 250 hộ dân, tất cả đều là người thuộc sắc dân Êđê bản địa, và toàn bộ người dân sống dựa vào canh tác nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, người dân địa phương cho biết họ vốn dĩ đã canh tác trên mảnh đất này từ nhiều đời, tuy nhiên sau năm 1975 thì bị Nhà nước lấy và giao cho doanh nghiệp nhà nước là Nông trường cà phê Eapốk, sau đổi thành Công ty cổ phần Cà phê Ea Pôk để trồng cây cà phê.
Từ việc là chủ của khu đất người dân bỗng dưng trở thành kẻ làm thuê trên chính mảnh đất của mình.
Từ năm 1983 đến nay, người dân cho biết họ được phía công ty cho phép canh tác trên mảnh đất này, nhưng bị giao khoán sản lượng 18 tấn cà phê/1ha, hoặc đưa ra mức nộp sản lượng lên đến 80% mỗi vụ thu hoạch.
"Người dân làm vất vả những không đủ ăn vì phải nộp sản lượng cho công ty, nhiều vụ còn không có đủ sản lượng để nộp nên phải nợ, đến vụ sau phải nộp bù thế là chẳng còn gì" - Một người dân được phía công ty giao cho canh tác trên mảnh đất rộng 8.000 mét vuông cho hay.
Cũng theo người dân, đến năm 2010 thì phía công ty cho nhổ cây cà phê và để người dân trồng các cây hoa màu khác, trong đó có cây ngô, nhưng lại không hỗ trợ cây giống, phân bón, lẫn thuốc trừ sâu.
Đồng thời, công ty giữ nguyên hình thức khoán sản lượng, hoặc đánh thuế lên đến 80% sản lượng mỗi vụ.
"Người dân phải tự bỏ tiền ra, công ty không hỗ trợ một đồng nào, cũng không cho được một viên thuốc nào lúc người dân bị ốm" - Một người dân khác đang canh tác trên mảnh đất rộng 10.000 mét vuông cho hay.
Tuy nhiên, gần đây, phía công ty muốn người dân dừng trồng hoa màu và chuyển sang trồng cây sầu riêng, điều này vấp phải sự phản đối của người dân, dẫn đến sự việc công ty tiến hành phá hủy hoa màu của người dân hôm 18 tháng 5 nhằm chuẩn bị đất để trồng sầu riêng.
Năm 2019, trước việc đời sống kinh tế khó khăn lẫn thái độ mà họ cho là vô trách nhiệm của phía công ty, người dân buôn Lang đã quyết định làm đơn gửi chính quyền để đòi lại đất và quyền canh tác.
Phóng viên của đài RFA gọi điện thoại cho Công ty cổ phần Cà phê Ea Pôk để đề nghị phía công ty đưa ra quan điểm, nhưng được người trực điện thoại cho biết phía báo chí phải đăng ký với lãnh đạo công ty, và chỉ được phỏng vấn khi lãnh đạo công ty này duyệt.
Khi được hỏi về thái độ của chính quyền trước đòi hỏi của người dân, một người địa phương nói:
"Chúng tôi gửi đơn cho cho thị trấn, cho tỉnh nhưng không được phản hồi. Lần đầu thì có năm hộ ký tên, sau đó thì có thêm nhiều hộ nữa cùng ký. Chính quyền lúc nào cũng đứng về phía công ty chứ không giúp dân".
Chúng tôi đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pôk để hỏi về việc tranh chấp giữa người dân buôn Lang với công ty cà phê, thì được bà này cho biết không chấp nhận trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Khi được hỏi liệu người dân có đồng ý duy trì hình thức canh tác khoán như hiện tại nếu phía công ty Cổ phần Cà phê Ea Pôk giảm thuế và tăng hỗ trợ, người địa phương cho biết họ nhất quyết muốn đòi lại đất.
*******************
RFA, 31/05/2022
Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) bán 35% cổ phần nắm giữ trong hãng Angkor Air của Campuchia với giá 35 triệu đô la Mỹ.
- Reuters
Mạng báo RetailNews Asia loan tin ngày 31/5 và cho biết lý do của biện pháp vừa nêu là vì dịch Covid-19 dẫn đến thua lỗ cho Vietnam Airlines.
Hồi năm 2009, Vietnam Airlines mua 49% cổ phần của Angkor Air với hứa hẹn giúp phát triển hãng này. Ý định bán cổ phần trong Angkor Air của Vietnam Airlines đã có từ năm 2020.
Sau khi bán 35% cổ phần như vừa nêu, 14% còn lại sẽ được thoái vốn vào cuối năm nay.
Vào ngày 24/5 vừa qua, truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin Vietnam Airlines đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) sau khi hãng này thông báo lỗ chín quý liên tiếp, lên đến khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 104 triệu đô la).
Truyền thông Nhà nước trích lời của đại diện Vietnam Airlines cho biết, kết quả kinh doanh quý một phản ánh rõ ảnh hưởng nặng nề của đại dịch kéo dài từ 2021 sang đầu năm nay, dù thị trường hàng không Việt Nam phục hồi khá nhanh. Bên cạnh đó, thị trường quốc tế ba tháng đầu năm gần như vẫn đóng băng, ảnh hưởng tiêu cực do xung đột Nga - Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao đã khiến các hoạt động của hãng không thể khởi sắc.
Theo truyền thông Nhà nước, nếu công ty báo lỗ ròng liên tiếp trong ba năm và nếu mức lỗ lũy kế vượt quá mức vốn chủ sở hữu trong cả một năm thì công ty có thể phải đối mặt với việc hủy niêm yết trên HoSE.
Hiện Vietnam Airlines chưa đưa ra thông báo gì về khả năng bị hủy niêm yết nhưng công ty sẽ phải thảo luận vấn đề này với các giới chức thị trường chứng khoán.
***********************
RFA, 31/05/2022
Các doanh nghiệp và hiệp hội xuất khẩu sản phẩm tủ gỗ Việt Nam cần rà soát các hoạt động xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang thị trường Hoa Kỳ.
Courtesy of vneconomy
Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương đưa ra khuyến nghị trên trong ngày 31/5 sau khi đơn vị này nhận được thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vào ngày 24/5 đã khởi xướng điều tra, xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Hoa Kỳ.
Nguyên nhân được DOC đưa ra là do DOC nghi ngờ các sản phẩm tủ gỗ của Việt Nam và Malaysia sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc.
Theo Cục phòng vệ thương mại, với quy định của Hoa Kỳ, các bên có liên quan có thời hạn 30 ngày kể từ ngày khởi xướng để nộp bản bình luận và cung cấp thông tin phản biện tới cơ quan điều tra Hoa Kỳ.
Theo đó, dự kiến, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày kể từ ngày khởi xướng (có thể gia hạn thêm 180 ngày nếu có lý do hợp lý).
Cũng theo Cục phòng vệ thương mại, DOC vẫn đang tiếp tục cân nhắc việc khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm tủ gỗ của VN theo đề nghị của một số doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Trước đó, hôm 6/5, Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam có công văn gửi Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết DOC sẽ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam vào cuối tháng 5.
Theo thống kê, trong bốn tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Hoa Kỳ ước đạt 3,3 tỷ USD, chiếm tới 68,2% tỷ trọng kim ngạch hàng nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam xuất sang thị trường này.
**********************
RFA, 31/05/2022
Nhiều lô hàng cá tra từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị nói nhiễm Covid-19 nên Hải quan Hoa Lục áp dụng biện pháp đình chỉ nhập khẩu.
Reuters
Mạng báo Kinh Tế Sài Gòn loan tin ngày 30/5, dẫn nguồn từ Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp trong ngành như vừa nêu.
Cụ thể, tin cho biết, theo danh sách mà Hải quan Trung Quốc đưa ra hôm 27/5, có chín đơn vị xuất khẩu cá tra của Việt Nam bị đình chỉ xuất hàng vào Hoa Lục vì trên bao bì, sản phẩm bị cơ quan chức năng nước nhập khẩu phát hiện nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo quy định của Hải quan Trung Quốc thì cứ một lô hàng nhập bị phát hiện nhiễm Covid-19, doanh nghiệp xuất khẩu phải bị ngưng nhập một tuần.
Phía Trung Quốc còn quy định nếu có container bị phát hiện nhiễm Covid-19 và doanh nghiệp bị thông báo ngưng nhập khẩu theo thời gian tương ứng với số container có sản phẩm nhiễm; những lô hàng của cùng doanh nghiệp dù đã xuất đi cũng sẽ bị trả lại.
Doanh nghiệp cho biết một container cá tra đông lạnh xuất sang Trung Quốc có có giá từ 1,1 đến 1,2 tỷ đồng; nếu hàng được đưa lên cảng rồi mà bị trả về thì doanh nghiệp phải lỗ khoảng từ 700-800 triệu đồng.
Biện pháp của cơ quan chức năng Trung Quốc được nói nhằm thực hiện chính sách ‘Zero Covid’ của chính phủ Bắc Kinh.
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy trong tháng 4-2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ, đạt 216 triệu đô la Mỹ. Lũy kế xuất khẩu thuỷ sản đến hết tháng 4/2022 sang thị trường này đạt khoảng 578 triệu đô la Mỹ, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng mặt hàng cá tra chiếm 53% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Hoa Lục.
**********************
RFA, 31/05/2022
Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do "thời tiết cực đoan".
FB Nguyễn Đình Hà
Nhiều con đường ở thủ đô Hà Nội bị ngập sâu chiều ngày 29 tháng 5 sau một trận mưa lớn.
Hàng loạt hình ảnh do người dân đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những con phố bị biến thành sông, và khiến người đi đường, phải bì bõm dưới dòng nước đục ngầu, cả những ô tô hạng sang cũng chung số phận chết máy.
Tuy nhiên, đối với người dân sống ở thủ đô của quốc gia Đông Nam Á này thì đây không phải chuyện gì mới.
Trên thực tế, tình trạng đường phố bị ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn đã xuất hiện ở Hà Nội nhiều năm trở lại đây, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng càng gia tăng nhưng hạ tầng thoát nước lại không phát triển đồng bộ.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là người dân chấp nhận một thực tế mà nhiều người cho là đáng xấu hổ này.
Bằng chứng là khi Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà, trong một cuộc phỏng vấn với báo giới nhà nước sáng ngày 30 tháng 5, cho rằng tình trạng ngập lụt ở Hà Nội là do "thời tiết cực đoan". Ông cũng cho rằng mưa lớn và dồn lại một điểm như vậy thì đến cả những nơi có cơ sở hạ tầng tốt như Mỹ và Châu Âu cũng không tránh được việc bị ngập.
Phát biểu trên của vị quan chức cấp cao đã lập tức vấp phải nhiều chỉ trích từ phía người dân.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự do, ông Nguyễn Đình Hà, một người dân Hà Nội cho biết:
"Từ ngày xưa vẫn có một cái câu là tiên trách kỷ hậu trách nhân, tức là khi xảy ra một vấn đề thì anh phải nhìn nhận lại bản thân anh, và anh phải nhìn nhận lại cái công việc của ngành, của chính quyền các anh, chứ không phải là anh đi so sánh với nước nọ nước kia.
Bây giờ anh so sánh như vậy thì nếu cùng một logic. Cùng một kiểu suy luận như thế, thì có nghĩa rằng ở nước ngoài có tham nhũng thì Việt Nam được phép tồn tại tham nhũng hay sao? Cũng như là ở nước ngoài có ngập lụt thì ở Việt Nam cũng để ngập lụt như thế à? Thế là điều không được!"
Một cư dân Hà Nội khác là ông Nguyễn Sơn thì thậm chí gọi phát biểu của quan chức đầu ngành môi trường là "trò hề", và cho rằng ông này đang cố gắng che giấu sự yếu kém của chính quyền :
"Một quan chức mà phát biểu cảm tính, không dựa trên cơ sở nào như vậy thì giống như một trò hề thôi. Thứ hai thì nó cũng là một cách để né tránh vấn đề, né tránh sự yếu kém của chính quyền thành phố.
Những người hiểu biết thì sẽ không thể chấp nhận một lời giải thích như vậy".
Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bà Đặng Bích Phượng, 62 tuổi, cho biết theo quan sát của bà thì tình trạng ngập lụt sau mưa ở Hà Nội càng ngày càng nghiêm trọng.
Chính vì vậy mà bà không thể hiểu được phát biểu của lãnh đạo ngành, bà nói :
"Có một điều không thể hiểu được là họ không hiểu hay là họ cố tình bất chấp, chẳng nhẽ họ không có chút danh dự gì hay sao ? Thế nhưng mà cuối cùng ta vẫn phải chấp nhận một thực tế, là càng ngày các phát ngôn của quan chức rất có vấn đề về trí tuệ, ngoài ra còn vấn đề liêm sỉ nữa.
Một là họ coi thường người dân, hai là họ có một sự bất chấp mà họ không còn đếm xỉa gì đến cái logic, lý lẽ của những câu nói của họ".
Ngoài đổ cho thời tiết và khẳng định rằng các nước phát triển như Mỹ và Châu Âu cũng sẽ bị ngập nếu gặp phải trận mưa lớn như trận mưa ở Hà Nội ra, thì Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng gợi ý việc biến trường học, sân vận động, và các cánh đồng thành nơi chứa nước để "tránh ngập các nơi xung yếu".
RFA, 23/05/2022
Cách đây vài tuần, tờ VnExpress bản điện tử có bài viết "Chinese speakers in demand as factories expand". Bài báo cho hay, các nhà máy Trung Quốc đang tăng cường tuyển dụng nhân viên người Việt nói được tiếng Trung Quốc cho các dự án mở rộng tại Việt Nam, cụ thể là công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời Jinko Solar Vietnam. Theo bài báo, công ty đang tìm kiếm 5.000-8.000 lao động có kỹ năng giao tiếp tiếng Trung cơ bản. Cho đến nay, chưa đến 1.000 người được thuê.
AFP
Bên cạnh đó, một số công ty Trung Quốc khác gần đây cũng đăng tuyển nhân viên Việt Nam. Ngoài các yêu cầu về kỹ năng, tay nghề phù hợp với công việc thì các ứng viên phải sử dụng thành thạo tiếng Trung với bốn kỹ năng nghe nói đọc viết.
Luật sư Đặng Trọng Dũng, từng công tác tại Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, nêu nhận xét :
"Tôi nghĩ rằng việc đó là việc hoàn toàn mới. Trước đây không có. Tôi nghĩ, những điều mới lạ như thế đều có ý đồ, đều có tính toán của phía Trung Quốc hết. Tâm lý chống Trung Quốc, bài Hoa của người Việt Nam rất là lớn. Các công ty tuyển nhân công mà đòi hỏi những điều như thế thì tâm lý bài Trung còn lan rộng hơn nữa. Người Việt mình sẽ rất cảnh giác mà xa lánh các công ty như vậy".
Báo chí Việt Nam từng nhiều lần lên tiếng về hiện tượng khách Trung Quốc tràn ngập các điểm du lịch trong nước, hay những con phố với bảng hiệu 100% tiếng Trung Quốc. Tại Đà Nẵng và Khánh Hòa, một số người Trung Quốc nhờ một số dân Đà Nẵng đứng tên những khu đất trọng yếu khiến nhiều người Việt đặt câu hỏi về mục đích của họ liên quan chủ quyền quốc gia. Hàng hóa Trung Quốc thì theo đường tiểu ngạch, tuồn qua những cửa khẩu Việt-Trung một cách rầm rộ, khó kiểm soát.
Hình chụp hôm 4/12/2015 : khu trung tâm giải trí cho công nhân Trung Quốc ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. AFP
Trong lĩnh vực lao động, nhiều năm trước đây, hiện tượng công nhân Trung Quốc đông đảo trong các dự án do nhà thầu Trung Quốc đảm nhận cũng gây lo ngại cho người dân Việt Nam. Chẳng hạn như hai công trình thủy điện Sông Bung 4 và Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn ở Quảng Nam cách đây 10 năm.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 4, trong số 450 người đang có mặt ở dự án Sông Bung 4 lúc đó có gần 300 người là Trung Quốc. Còn tại Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, chỉ có 10 công nhân trong số 181 công nhân người Trung Quốc đang làm việc tại công trình này có đăng ký lao động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.
Có thể thấy, những gì liên quan đến Trung Quốc trong lĩnh vực lao động đều rất "nhạy cảm" với người Việt Nam. Với việc một số công ty Trung Quốc tuyển công nhân với yêu cầu biết tiếng Trung Quốc căn bản hoặc thông thạo, anh Tuấn, quản đốc xưởng giày da tại một công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất giày da ở Gò Vấp nêu quan điểm của anh qua ứng dụng Facebook Messenger với RFA sáng 23 tháng 5 :
"Tôi làm ở công ty này mười mấy năm chưa bao giờ thấy tuyển công nhân biết tiếng Trung Quốc. Cấp quản lý thì biết tiếng Hoa là lợi thế. Nếu không biết thì công ty cho đi học để nói chuyện trực tiếp với mấy ông chủ lớn người Trung Quốc hay Đài Loan. Tôi là một người trong số đó. Tôi nghĩ không phải họ đồng hóa người Việt mình hay có ý gì đâu vì người mình cảnh giác và ghét Tàu lắm. Theo tôi thì tụi nó không tin nhau nên tụi nó đối chiếu qua mình, hoặc tụi nó muốn tiết kiệm chi phí học tiếng Việt hay tiếng Anh cho người của tụi nó thôi".
Một số người cho rằng, việc chỉ tuyển công nhân Việt Nam biết tiếng Trung Quốc vào làm việc ít nhiều liên quan âm mưu đồng hóa người Việt của Trung Quốc.
Nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm của ông :
"Bọn đầu sỏ Bắc Kinh đã âm mưu thôn tính Việt Nam là chuyện đã rõ. Không phải đến bây giờ mà từ cả ngàn đời nay chúng nó đều thèm khát cái chuyện lấn hiếp lân bang. Còn chuyện tuyển công nhân biết tiếng Trung là chỉ vì thuận lợi cho nó thôi chứ không phải để nó thôn tính Việt Nam đâu. Việc này thuận lợi cho nó vì nó khỏi thuê thêm phiên dịch.
Người quản lý từ Trung Quốc sang chỉ biết nói tiếng Hoa thì phải tuyển công nhân biết tiếng Hoa thôi. Thực sự anh qua đó anh mới thấy, dù Trung Quốc đã qua cách mạng văn hóa sau bao nhiêu năm, rồi tổ chức Olympic này nọ nhưng số người Trung Quốc mà biết tiếng nước ngoài vô cùng hiếm hoi. Cũng không ai cấm đoán chuyện tuyển công nhân là phải biết tiếng Hoa. Họ thấy sao thuận tiện cho công việc của họ thì họ có quyền.
Có thể mình thấy hơi chướng chứ không ai cấm. Mình là chủ đất nước thì mình thấy chướng thôi chứ chuyện đó cũng bình thường. Các công ty của Tiệp hay Nga có quản lý không biết tiếng Việt thì họ cũng tuyển nhân công biết tiếng Nga và Tiệp thôi".
Một số ý kiến cho rằng, khi các doanh nghiệp nước ngoài mở văn phòng hay xưởng sản xuất ở Việt Nam thì ngôn ngữ chính thức cho nhân viên người Việt là tiếng Việt hoặc tiếng Anh – hiện được coi là ngôn ngữ giao tiếp quốc tế. Với công nhân, không thể bắt buộc họ phải sử dụng ngôn ngữ khác như tiếng Trung Quốc trong môi trường làm việc.
Trang Văn Việt có bài viết của tác giả Tô Văn Trường về vấn đề này, trong đó có đoạn : "Người Trung Hoa cũng tốt như người dân các nước khác, nhưng nhà cầm quyền thì không. Họ luôn luôn "đa mưu túc kế" với những mưu đồ sâu hiểm, ẩn giấu sau những việc tưởng như đơn giản, hiển nhiên, vô hại. Nhưng cơ quan có trách nhiệm phía Việt Nam cần biết rõ, đây là "sản phẩm tự phát" của doanh nhân hay là ý đồ chỉ đạo chung của họ".
************************
RFA, 23/05/2022
Nợ công bình quân đầu người của Việt Nam là 35,1 triệu đồng/người năm 2020, có xu hướng tăng qua các năm khi năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người ; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người. Đó là số liệu do cơ quan Kiểm toán Việt Nam cho truyền thông Nhà nước hay trong ngày 23/5.
Courtesy of ND, AFP-RFA edited
Theo con số trên, bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh trên 35 triệu đồng (1.500 USD) nợ công năm 2020, tăng gần hai triệu đồng/người so với năm 2019.
Cụ thể, số liệu từ báo cáo kiểm toán thể hiện, dư nợ công đến 31/12/2020 là 3,52 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP).
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, số nợ công có xu hướng tăng dần qua các năm, song nhờ kiểm soát bội chi và cơ cấu lại nợ công, tỉ lệ nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,2% GDP cuối năm 2020.
Trước đó, trong ngày 20/5, trả lời trên tờ Tuổi trẻ điện tử, Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và Phát triển Tài chính, cho rằng nợ công của Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn vì tính theo quy mô GDP mới, nợ công của Việt Nam còn cách xa ngưỡng 60% Quốc hội đề ra nhiều.
Theo ông Cường, thu ngân sách ở Việt Nam vẫn còn tương đối tốt, chưa sụt giảm, do đó nguồn trả nợ không phải là vấn đề quá thách thức.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng nợ khu vực tư trong nước mới là vấn đề. Vị chuyên gia này giải thích thống kê hiện nay cho thấy nợ khu vực tư rơi vào khoảng 138 - 140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước.
Nếu khu vực tư vẫn tiếp tục trả được nợ, không gây ra các rủi ro khác thì không vấn đề gì. Nhưng "nếu khu vực tư không trả được nợ thì rơi vào bài toán giống như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được, hay các doanh nghiệp vay nợ, dùng đòn bẩy tài chính lớn nhưng không trả được thì sẽ là câu chuyện lớn.
Được biết, tổng thu ngân sách năm năm 2016 - 2020 đạt trên 6,9 triệu tỉ đồng, bằng 100,8% kế hoạch. Có 19 địa phương đạt quy mô thu ngân sách trên 15.000 tỉ đồng, 30 địa phương thu trên 10.000 tỉ đồng và 17 địa phương thu ngân sách dưới 5.000 tỉ đồng.
**********************
RFA, 23/05/2022
Việt Nam vừa yêu cầu các doanh nghiệp có niêm yết chứng khoán phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng giảm mạnh năm phiên liên tiếp trở lên. Yêu cầu này có hợp lý ?
AFP
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội dẫn văn bản chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra yêu cầu vừa nêu hôm 21/5/2022.
Cụ thể, theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ năm phiên liên tiếp trở lên phải báo cáo, công bố thông tin liên quan đến công ty có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu.
Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 23/5, nhận định:
"Khi cổ phiếu xuống nhiều hay tăng giá mà cứ vài phiên liên tiếp là tăng kịch trần, thì rõ ràng là không bình thường. Nó không phản ánh đúng thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tất nhiên đầu tiên thì những người có trách nhiệm phải thực hiện việc phân tích hoạt động của doanh nghiệp đó, ví dụ như các công ty môi giới, các công ty xếp hạng tín nhiệm hay công ty kiểm toán… phải kiểm tra giám sát. Nếu không lý giải được thì lúc đó các cơ quan công an điều tra sẽ phải điều tra kỹ hơn, rõ ràng đó sẽ là công việc phức tạp và phiền toái hơn cho bản thân doanh nghiệp cũng như cho các nhà điều tra".
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, trên thị trường tài chính quốc tế cũng có tình trạng làm giá và được gọi là hiện tượng thao túng thị trường chứng khoán. Thực tế có thể có hai dạng :
"Một là bản thân doanh nghiệp có cổ phiếu đó họ tìm cách đẩy giá cổ phiếu lên bằng cách này hay cách khác để thu lợi, vì giá cổ phiếu càng tăng thì giá trị của doanh nghiệp càng tăng. Thứ hai có thể là do các căn nhà đầu tư thao túng giá cổ phiếu để thu lợi. Như vậy là có hai nhóm đối tượng có thể thao túng và làm giá cổ phiếu này".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh hôm 23/5 cho báo chí trong nước biết, trên thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Một nhà đầu tư chứng khoán cá nhân không muốn nêu tên vì lý do an toàn, cho biết ý kiến của mình :
"Những hành vi gian lận chứng khoán, làm giá chứng khoán, thao túng chứng khoán… ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của hàng vạn nhà đầu tư. Nguyên nhân từ khâu thanh tra giám sát thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay còn quá yếu".
Thời gian qua, nhiều doanh nhân đã bị bắt và khởi tố vì bị cho là thao túng giá cổ phiếu. Đơn cử như trường hợp tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam hôm 29/3/2022 với cáo buộc có hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra vào ngày 10/1/2022. Khi đó, ông Quyết bán ra 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch. Sau đó vào ngày 18/1/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - SSC đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trịnh Văn Quyết với mức phạt tiền 1,5 tỉ đồng. Việc này khi đó bị các luật sư cho là vi phạm nguyên tắc ‘không ai bị kết tội hai lần cho một hành vi vi phạm’. Đến ngày 6/4/2022 Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mới thông báo huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Quyết.
Một tuần sau vụ bắt giữ tỷ phú Trịnh Văn Quyết, công an Việt Nam cũng bắt Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - Đỗ Anh Dũng cùng sáu người khác với cáo buộc ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ vì đã phát hành trái phiếu trái quy định để huy động tiền của nhà đầu tư hơn 10 ngàn tỷ đồng nhưng không dùng vào mục đích kinh doanh.
Ông Trinh Văn Quyết (chủ tịch FLC) và Đỗ Anh Dũng (chủ tịch Tân Hoàng Minh). RFA edited.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả thuộc Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 5 năm 2022 liên quan vấn đề này, nhận định :
"Phải nói thẳng ở đây chính là do cơ quan quản lý, do sự thao túng, sự làm giá cũng như sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước. Chính vì vậy thời gian vừa qua sụt giảm rất nhiều và có những lúc lên rất mạnh trong một thời gian rất ngắn. Vừa qua cơ quan Nhà nước đã chỉ ra hàng loạt sai phạm lãnh đạo của cơ quan chứng khoán Nhà nước. Điều đó biểu hiện sự quản lý hoạt động thị trường chứng khoán còn rất nhiều vấn đề bất cập, điều đó đã được chứng minh rõ ràng".
Theo ông Ngô Trí Long, để quản lý tốt hơn thì dù luật Việt Nam ban hành cụ thể rõ ràng, nhưng những người lãnh đạo cơ quan chứng khoán phải công tâm khách quan, làm đúng luật… đó là điều cơ bản.
Những tuần vừa qua, truyền thông Nhà nước nhiều lần đăng bài cho biết Chính phủ Việt Nam đang có quyết tâm ‘làm trong sạch thị trường chứng khoán’…
Ngay sau đó hàng loạt quan chức lãnh đạo cơ quan chứng khoán đã bị kỷ luật, thậm chí có người bị khởi tố bắt giam. Đơn cử như trường hợp Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam, ông Trần Văn Dũng, bị Bộ Tài Chính cách chức hôm 20/5 và người thay thế hiện thời là Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi.
Trong cùng ngày, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh HoSE - Lê Hải Trà đã bị buộc thôi việc, sau khi bị kỷ luật Đảng vài hôm trước đó. Người thay thế ông Trà là bà Trần Anh Đào- Phó Tổng Giám đốc HoSE.
Hay trước đó, hôm 29/4, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán thuộc Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Hùng, cũng bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố và thực hiện lệnh bắt tạm giam với cáo buộc ‘cố ý làm lộ bí mật công tác’.
Ông Đinh Trọng Thịnh, nhận định them :
"Việc thao túng chứng khoán ở các thị trường có bề dầy phát triển rất khó, bởi vì chính phủ quản lý rất chặt, đồng thời theo dõi rất kỹ, nếu như có hiện tượng thao túng, họ sẽ xem xét ngay. Cơ quan quản lý các nước mà phát hiện ra thì mức độ xử lý rất nặng, thậm chí có thể kết án chung thân. Chỉ có những nước có thị trường chứng khoán mới hình thành, có luật pháp cũng như nhận thức của các nhà đầu tư chưa sâu, thì mới dễ thực hiện hành vi thao túng. Việt Nam hiện nay là một thị trường mà chúng ta vẫn đánh giá là non trẻ, lý do dù thành lập đã 20 năm nhưng so với các thị trường như Anh, Mỹ lên đến hàng trăm năm, thì rõ ràng chưa là gì cả".
Điều thứ hai theo ôngĐinh Trọng Thịnh, thị trường chứng khoán của Việt Nam dù đã hoạt động được 20 năm, nhưng quy định pháp lý, nhận thức của nhà đầu tư trên thị trường hiện nay chưa cao.
***********************
RFA, 23/05/2022
Giá một số mặt hàng xăng tại Việt Nam kể từ chiều ngày 23/5 tăng lên mức kỷ lục mới.
AFP
Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 680 đồng, mỗi lít xăng RON 95 tăng 670 đồng. Như vậy, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.650 đồng (1,30 USD) một lít, còn giá xăng E5 RON 92 là 29.630 đồng mỗi lít.
Ngoại trừ xăng RON 95-III, loại phổ biến trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành, trên thị trường còn có loại xăng RON 95-IV đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4 tại vùng 1 (đô thị, thành phố lớn) lên mức 30.750 đồng một lít ; ở vùng hai (nông thôn, vùng sâu, xa), giá loại xăng này là 31.360 đồng một lít.
Riêng loại xăng RON 95-V (tiêu chuẩn Euro 5) được các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thông báo giá bán mới vượt 31.000 đồng, ở mức 31.250 đồng (1,34 USD) một lít.
Lý do giá xăng tăng được Liên Bộ Công Thương - Tài chính Việt Nam nêu ra là vì thị trường xăng dầu thế giới 10 ngày qua có nhiều biến động lớn. Nguồn cung bị ảnh hưởng do cấm vận đối với các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, trong khi đó lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tiếp tục ở mức thấp.
Giá xăng tăng như vừa nêu, tuy nhiên giá một số mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này được điều chỉnh giảm 760-1.100 đồng/lít. Theo đó, giá bán đối với mặt hàng dầu diesel 25.550 đồng/lít, dầu hỏa là 24.400 đồng/kg, dầu mazut là 20.590 đồng/kg.
Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu tại Việt Nam trải qua 13 lần điều chỉnh giá, trong đó có 10 lần tăng và ba lần giảm.
********************
RFA, 23/05/2022
Tàu Cát Linh-Hà Đông vào sáng ngày 23/5 và chiều ngày 22/5 phải dừng đột ngột khi trờ đổ mưa.
Đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội dừng đột ngột khi đang chạy do mưa dông – Tiền Phong
Tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam ngày 23/5 dẫn xác nhận của ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một Thành viên Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), về thực tế vừa nêu.
Trong khi người dân sử dụng phương tiện này lo lắng về việc tàu dừng đột ngột mà không được thông báo gì, ông Vũ Hồng Trường phát biểu với báo giới là trời mưa làm đường ray trơn trượt và đó là chuyện bình thường.
Ông Trường cho biết khi xảy ra tình trạng nước mưa làm đường ray trơn trượt, Ban Quản lý Metro Hà Nội cho chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công.
Hồi đầu tháng 12 năm ngoái, tàu Cát Linh-Hà Đông được cho biết gặp sự cố về tín hiệu khiến không thể hoạt động tại ga Cát Linh hơn nữa tiếng đồng hồ.
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông được khởi công vào tháng 10/2011 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, tổng thầu là công ty của Trung Quốc theo dạng EPC, với mức đầu tư sau điều chỉnh là 868 triệu USD (khoảng hơn 20.000 tỷ đồng).
Tuyến đường sắt này đã gây nhiều bức xúc trong công luận do bị đội vốn lên quá cao (hơn 300 triệu đô la) và đã bị trì hoãn đưa vào sử dụng hơn 10 lần.
Trước năm 2019, không ai có thể hình dung được chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thế giới đã trải qua nhiều biến cố lớn dồn dập làm thay đổi trật tự và đời sống sinh hoạt ở mọi quốc gia. Những nước nghèo, trong đó có Việt Nam, đã là những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng có lẽ chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn chưa ý thức được hết những mối nguy và một tương lai đầy bất trắc cho dân tộc và cho chính họ.
Thế giới chuyển mình trước những biến cố
Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào cuối năm 2019 đã nhanh chóng lan nhanh ra toàn cầu với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử. Theo các số liệu chính thức thống kê được, đến nay đã có hơn 510 triệu người nhiễm và hơn 6 triệu người đã chết vì dịch Covid-19, còn ước tính mới đây của WHO cho thấy 60% số ca tử vong trên thế giới đã không được ghi nhận và vì thế, ngay cả với cách tính cẩn trọng nhất, thiệt hại về nhân mạng thực tế lớn hơn ghi nhận rất nhiều.
Đại dịch cũng khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại nghiêm trọng và khó có thể tính được hết bởi ảnh hưởng sâu rộng của nó trong nhiều góc độ. Theo Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu được Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm 2021 thì nền kinh tế thế giới sẽ thiệt hại ít nhất 10.300 tỷ đô la Mỹ trong 2 năm dịch nặng nhất là 2020 và 2021.
Trong 2 tuần đầu tháng 11/2021, trong khi thế giới đang có số ca nhiễm và tử vong cao kỷ lục do Covid-19 gây ra, Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về Khí Hậu lần thứ 26 (COP26) vẫn diễn ra tại Glasgow (Anh Quốc) quy tụ hơn 20.000 đại biểu đến từ chính phủ các quốc gia, định chế khoa học, tổ chức phi chính phủ, v.v. Quy mô hội nghị trong bối cảnh đại dịch cho thấy tầm quan trọng và tính chất khẩn cấp của Biến đổi khí hậu. COP26 dù kết thúc với nỗi thất vọng của các tổ chức phi chính phủ đấu tranh cho môi trường, nhưng kết quả mà nó đạt được đã là một bước tiến lớn, các nước từ nay sẽ có sự đồng thuận về việc cắt giảm sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để dần đi đến chấm dứt. Những nước lâu nay đánh đổi môi trường để đổi lấy phát triển như Việt Nam, sẽ phải có những thay đổi lớn về mô hình phát triển để có thể tận dụng hiệu quả các gói hỗ trợ tài chính có được từ kết quả của các hội nghị về khí hậu.
Cũng trong năm 2021, trong bối cảnh các nền dân chủ trên thế giới đang trải qua một giai đoạn khó khăn do gặp khủng hoảng bởi làn sóng dân túy trỗi dậy khắp nơi trên thế giới, Hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ lần đầu tiên được tổ chức với sự tham gia của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, những quốc gia độc tài như Nga, Trung Quốc và Việt Nam không được tham dự. Hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết vì từ nay, các giá trị dân chủ và nhân quyền sẽ được thảo luận nhiều hơn, qua đó, dân chủ đi vào nội dung và trở thành mối quan tâm hàng đầu. Chính quyền các nước Trung Quốc và Nga đã rất tức giận do không được góp mặt. Lý do đơn giản là vì sự kiện này đã khiến họ trở nên lố bịch trong các nỗ lực tuyên truyền về dân chủ, và áp lực từ phía người dân về nhân quyền vì thế sẽ ngày càng tăng và làm lung lay các chế độ này.
Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ đặt các nước độc tài vào thế bị cô lập
Ngày 24/02/2022, thế giới bàng hoàng khi Putin ra quyết định mở cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine -một quốc gia độc lập có chủ quyền thuộc Liên Hiệp Quốc- và ngang nhiên vi phạm công pháp quốc tế. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đã ngay lập tức lên án Putin, kêu gọi chấm dứt cuộc chiến và nhanh chóng hỗ trợ nhân đạo cũng như cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tội ác chiến tranh và sự ngoan cố của chính quyền Putin khi liên tục leo thang chiến sự đã hối thúc các quốc gia dân chủ phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có. Sự bạo ngược và mức độ tàn khốc của cuộc chiến đã làm thế giới thức tỉnh.
Tròn 1 tháng sau ngày quân Nga tiến vào Ukraine, ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức khẩn cấp bởi các tổ chức lớn là NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu để bàn về cuộc chiến Ukraine đã nhanh chóng đi đến các Tuyên bố chung lên án Nga và lộ trình chấm dứt nhập khẩu dầu khí của nước này. Các hội nghị cũng thúc đẩy sự đồng thuận giữa các nước dân chủ và các tập đoàn đa quốc về việc chấm dứt phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận bất chấp chế độ chính trị. Từ nay, các quốc gia độc tài sẽ vô cùng khốn đốn vì khối các nước dân chủ chiếm hơn 2/3 GPD toàn cầu sẽ chủ yếu hợp tác với nhau, những trao đổi với khối các nước độc tài sẽ chỉ ở mức tối thiểu.
Chấm dứt phong trào toàn cầu hóa duy lợi nhuận và bất chấp chế độ chính trị
Đất nước đang lâm nguy
Trước đại dịch, Việt Nam được xem là một nước có nhiều điều kiện thuận lợi để đón nhận các khoản đầu tư từ làn sóng rút khỏi Trung Quốc của các tập đoàn lớn, làn sóng này được tăng tốc từ năm 2020 khi đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam lại chọn cách chống dịch rập khuôn Trung Quốc làm tê liệt phần lớn hoạt động của các doanh nghiệp FDI, nhiều hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này đã rời khỏi Việt Nam, kéo theo đó nguồn vốn đầu tư mới bị ngưng lại. Trang Nikkei Asia xếp hạng Việt Nam chót bảng (121/121) trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ về chống đại dịch Covid-19 và đánh giá thấp triển vọng phục hồi kinh tế cho thấy phần nào tình cảnh bi đát của đất nước.
Bối cảnh thế giới đặt ra những thách thức mà mỗi quốc gia phải đối mặt. Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào thế giới với ngoại thương hơn 200% GDP, thách thức cho chúng ta vì vậy là rất lớn, đòi hỏi mọi quyết định phải khôn ngoan và lương thiện để tranh thủ cảm tình của thế giới. Người dân Việt Nam hiểu rõ những đau khổ và mất mát do chiến tranh gây ra, nên tiếng nói chung của nhân dân Việt Nam là phản đối cuộc chiến Ukraine. Tuy vậy, ba lá phiếu vừa qua tại Liên Hiệp Quốc cho thấy chính quyền đã chọn đứng hẳn về phe độc tài và chống lại khối các nước dân chủ, các quyết định của chính quyền cho thấy họ không đại diện cho tiếng nói của dân tộc. Trước mặt người dân Việt Nam là một tương lai tăm tối khi chính quyền cộng sản cho thấy sự thiển cận và bạo ngược của họ vượt mọi giới hạn, trong khi khối các nước văn minh đang ngày càng dứt khoát hơn trong việc cô lập các quốc gia độc tài.
Đảng cộng sản không mạnh như nhiều người hình dung thông qua các hành động hung bạo mà ngược lại rất yếu vì mất đoàn kết nội bộ và tự thanh trừng lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lợi. Những bản án nặng nề tuyên cho những con người vô tội như Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm và những tù nhân lương tâm trước đó chỉ phản ánh một chính quyền không có lẽ phải, khủng hoảng lý tưởng nên chỉ biết dùng những công cụ của bạo quyền như một cỗ máy vô tri.
Dân chủ và nhân quyền phản ảnh lẽ phải trong cuộc sống xã hội, những chế độ độc tài không có điều đó nên rất sợ và đàn áp bất cứ ai đòi hỏi. Cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Ukraine do Putin phát động, suy cho cùng là một cuộc tấn công trong tuyệt vọng của chính quyền Putin nhằm ngăn chặn làn sóng dân chủ ảnh hưởng vào Nga. Tham vọng quyền lực và sự hoang tưởng về một đế chế Đại Nga của Putin đã và đang đưa nước Nga đi nhanh hơn vào tiến trình tan vỡ. Các chế độ bạo ngược khác như Việt Nam mất dần chổ dựa và sẽ ở vào thế phòng thủ trước khi sụp đổ.
Chính quyền không có lẽ phải, khủng hoảng lý tưởng
Giải pháp nào cho đất nước ?
Thế giới đang ở trong một khúc quanh lịch sử trọng đại và, vì thế cũng là một bước ngoặc lớn cho Việt Nam, quan trọng là chúng ta lựa chọn cơ hội tiến lên hay tiếp tục bỏ lỡ chuyến tàu đi về phồn vinh.
Một cách quả quyết, lựa chọn dân chủ là một bắt buộc và là tương lai tất yếu cho Việt Nam. Một tương lai đòi hỏi những cố gắng hòa giải kiên trì với sự góp phần của mọi thành phần dân tộc, trong đó có cả những người cộng sản cấp tiến. Tương lai đó sẽ đến nhanh hơn nếu chúng ta biết tập hợp lại và cùng đứng chung với nhau trong một tổ chức dân chủ lớn để buộc Đảng cộng sản phải nhượng bộ. Không thể làm khác, vì dân chủ hóa đất nước đang là ước vọng và đồng thuận lớn của dân tộc.
Kinh nghiệm của các nước dân chủ cho thấy, một quốc gia không có các chính đảng để đưa ra các dự án chính trị viễn kiến thì trước sau gì cũng rơi vào bế tắc. Nước Việt Nam chưa bao giờ có dân chủ nên dễ có thể sa vào những sai lầm lớn nếu không có một chính đảng dân chủ làm đầu tàu.
Những di sản độc hại mà chế độ cộng sản đang để lại cho đất nước là rất nặng nề. Bối cảnh thế giới và những thách thức đặt ra cho bài toán quản trị đất nước rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải có sự chuẩn bị và sự thận trọng để tránh rơi vào hỗn loạn.
Dự án cho tương lai đất nước : Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai
Nói thêm về Tập Hợp
Cách đây hơn 40 năm, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên là tổ chức duy nhất cho đến nay đã có những dự án chính trị thích hợp với tình hình đất nước. Dự án chính trị đầu tiên mang tên Cơ Sở Tư Tưởng, đây là một tài liệu học tập nội bộ được hoàn thiện từ năm 1984. Tài liệu này đã và được tu chỉnh nhiều lần trước những thay đổi của thời cuộc. Năm 1992, tài liệu Cơ Sở Tư Tưởng đã được cập nhật và tu chính mang tên Dự án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên. Năm 1996, tài liệu Dự án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên được tái cập nhật và bổ sung thêm những đề mục mới nhằm đáp ứng những thử thách và biến chuyển chính trị đặt ra cho bài toán quản trị đất nước trong giai đoạn mới dưới tên gọi Thử Thách và Hy Vọng. Năm 2001, tài liệu Thử Thách và Hy Vọng được bổ sung và mang tên Thành Công Thế Kỷ 21. Từ sau ngày đó, tình hình chính trị trong và ngoài nước có những biến chuyển quan trọng buộc Ban lãnh đạo Tập Hợp soạn thảo lại toàn bộ nội dung bản tài liệu cơ bản. Năm 2015, tài liệu học tập nội bộ của Tập Hợp mang tên Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai. Đây là một dự án chính trị nghiêm chỉnh và khoa học chứa đựng những giá trị tiến bộ đảm bảo cho sự phát triển với hướng đi đúng đắn của đất nước ; ủng hộ và tiếp tay phổ biến dự án này là đóng góp quan trọng mang tính quyết định đưa đến một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc.
Hiện nay Ban lãnh đạo Tập Hợp đang tập trung nghiên cứu và bổ túc thêm những vấn đề mới đang đặt ra cho thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, như biến đổi khí hậu, phong trào tự do tân phóng khoáng, toàn cầu hóa hoang dại, chủ nghĩa dân túy, kỹ thuật số, an ninh khu vực và những kết hợp vùng, v.v.
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng là tổ chức chính trị có một phong cách sinh hoạt chính trị khác, nghĩa là không có chức vụ và ban ngành khi chưa cần thiết, và một chương trình đào tạo cán bộ nòng cốt về lý luận chính trị, chuẩn bị cho những sinh hoạt dân chủ tương lai.
Mong muốn của Tập Hợp hiện nay là xây dựng một kết hợp lớn quanh một dự án chính trị dân chủ đa nguyên mà những người Việt hôm nay có thể chấp nhận được và những thế hệ mai sau có thể tự hào. Đây là một kết hợp lớn để mọi người Việt Nam có thể cùng nhau đóng góp trí tuệ và tiếp tay xây dựng một Giấc mơ Việt Nam chung, trong đó mỗi người và mọi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau.
Kỷ Nguyên
"Về căn bản, Việt Nam đã ngăn chặn được Covid-19" ! Từ cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố như thế ! Lúc ấy, thấy Mỹ và Châu Âu ngụp lặn trong khó khăn, các đồng chí hí hửng, tưởng mình có thế chiến thắng đại dịch bằng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
AP
"Về căn bản, Việt Nam đã ngăn chặn được Covid-19" ! Từ cuối năm ngoái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tuyên bố như thế ! Lúc ấy, thấy Mỹ và Châu Âu ngụp lặn trong khó khăn, các đồng chí hí hửng, tưởng mình có thế chiến thắng đại dịch bằng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội.
Chả thế mà trong khi cả nước đang gồng mình trước làn sóng đại dịch thứ tư này, Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, tuy không còn tự chủ đi lại được nữa, nhưng vẫn khư khư lo bám giữ cái ghế Tổng bí thư, sợ một vị nào đấy trong "Bộ Tam" (Chính – Phúc – Huệ) sẽ giật mất. Nếu không nghĩ vậy thì Tổng bí thư đã không "lú" đến mức cặm cụi ngồi duyệt một bài "tràng giang đại hải" – nói duyệt là vì ông ta không thể đủ sức để chấp bút bài viết loằng ngoằng – đầy tính hoang tưởng về một thứ chủ nghĩa chưa bao giờ tồn tại, đó là chủ nghĩa xã hội.
Ngày 30/5 vừa rồi, ông Nguyễn Xuân Phúc đã chủ động gửi thư cho Tổng thống Mỹ Biden, nói là để trao đổi về quan hệ hai nước, nhưng nội dung chủ yếu là muốn nhờ Mỹ giúp ứng phó với đại dịch Vũ Hán. Việt Nam hiện đang chống chọi với đợt dịch thứ tư, bùng phát từ ngày 17/4 trên diện rộng và từ nhiều nguồn khác nhau. Mức độ nguy hiểm của các biến thể virus từ Anh và Ấn Độ, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, khiến chính quyền có phần rối loạn.
Bức thư nói trên, sở dĩ được gửi khẩn cấp, một phần vì sự lây lan bất thường của đại dịch, phần khác, vì trước đó, Mỹ dường như đã tỏ thiện chí sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam. Tại cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn ngày 28/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bảo đảm, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vaccine thông qua chương trình COVAX, trong đó có 80 triệu liều vaccine Mỹ sẽ cung cấp cho thế giới trong thời gian tới.
Công nhân chuẩn bị đưa một container vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca chuyển tới Việt Nam qua chương trình COVAX ở sân bay Nội Bài hôm 1/4/2021. AFP
Và không chỉ cầu cứu Mỹ, trước đó, Việt Nam cũng đã phải "vái tứ phương", thông qua các cuộc điện đàm với lãnh đạo cấp cao từ các nước như Nhật Bản, Nga và Châu Âu... Chính phủ Việt Nam đã đề nghị các nước hỗ trợ tiếp cận các nguồn vaccine, đồng thời hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine phòng chống Covid-19. Mặc dầu tại cùng thời điểm ấy, Nguyễn Phú Trọng lại vẫn "ra rả" chửi mắng và hạ nhục chủ nghĩa tư bản "giẫy chết".
Không chỉ đang chạy xuôi chạy ngược để mua vaccine, Hà Nội còn đề xuất sản xuất vaccine cho các tập đoàn quốc tế. Nếu như trước đây một năm, Chính quyền Hà Nội đã không nuôi ảo tưởng, với "tính ưu việt của chế độ", có thể đánh bại được đại dịch Vũ Hán, mà chăm lo cho khả năng miễn dịch của cộng đồng, thì nay đã không phải "tá hoả tam tinh", "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" như các tuyên bố chọi nhau giữa các quan chức trong chính quyền.
Việt Nam cũng "cầu cứu" cả "bạn vàng" Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa ai biết chắc Trung Quốc có cung cấp cho Hà Nội vaccine "Made in China" hay không ; Và kể cả khi Trung Quốc có bán thì chắc gì người dân Việt Nam đã dám dùng cái loại vaccine xuất phát từ "quê hương" mang tên Vũ Hán, nơi phát sinh virus SARS-CoV-2 làm lây lan đại dịch Covid-19.
Trung Quốc đối với Việt Nam trong đại dịch như thế nào, chẳng cần phải chờ lâu. Ngay trong những ngày này, chính truyền thông nhà nước Việt Nam, chứ không phải các "lực lượng thù địch" nào khác, loan tin cho biết, mấy tuần qua trong khi Việt Nam đang khốn đốn vì đại dịch, thì các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã dội hàng ngàn quả đạn vào các mục tiêu gần Hoàng Sa để các phi công Tàu cộng rèn luyện kỹ năng tấn công chính xác các mục tiêu trên Biển Đông, bất chấp phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Nhưng có lẽ "đòn" mà Hà Nội ngấm nhất (đang ráng chịu nhưng không dám kêu to), đó là thái độ có phần bàng quan của các nước vẫn được coi là "đối tác chiến lược" hay "đối tác toàn diện". Các nước này chẳng mấy sốt sắng đối với việc "giải cứu" Việt Nam trong cơn hoạn nạn. Ở đây hoàn toàn có thể chia sẻ với đánh giá khách quan của nhà báo Jackhammer Nguyễn vào hôm 30/5 đã nêu thẳng vấn đề không úp mở : Nếu Việt Nam muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng [1].
Nhà báo nói trên phân tích thật chí lý khi luận giải, Việt Nam kết giao với phương Tây chủ yếu vì thị trường hàng hóa, vì sự cân bằng đối trọng với kẻ thù phương Bắc. Trong ngắn hạn, phương Tây có thể bỏ qua chuyện nhân quyền, nhưng khi gặp biến cố lớn, như đại dịch và có thể là chiến tranh nữa, các nước dân chủ không đặt ưu tiên cứu giúp một kẻ không đàng hoàng về nhân quyền, không cùng chia sẻ những giá trị với họ, không giống như cách các nước này đã và đang đối xử với Hàn Quốc và Đài Loan… Cầu Chúa để ban lãnh đạo Hà Nội sớm nhận chân ra sự thật đơn giản này !
Bởi vì, theo giới quan sát, Hà Nội vẫn chưa chịu tỏ ra đàng hoàng trong nhiều chuyện đối với chính người dân của mình. Ép buộc dân đi bỏ phiếu cho cái Quốc hội không bầu vẫn biết trước những ai sẽ trúng cử, trong bối cảnh lây nhiễm hiện nay là cực kỳ nguy hiểm. Hay, so sánh sự khác nhau trong cách hành xử của Toà án cộng sản dành cho thường dân và quan chức cao cấp thì rõ nhất. Dư luận không khỏi bị "sốc" trước nhân thân của đại tá Nguyễn Duy Linh, con trai "bố già" – Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, trong vụ án "đưa hối lộ" có một không hai, khi mà kẻ đưa hối lộ thì bị khởi tố, còn kẻ nhận hàng triệu USD thì bóng chim tăm cá, tìm không ra. Hoặc giả tìm ra thì hắn chối bay, chối biến, xem luật pháp không là cái đinh rỉ gì cả [2].
Người dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Hà Nội hôm 23/5/2021 vào khi đợt dịch thứ 4 đang bùng phát mạnh từ ngày 27/4. AFP
Câu trả lời là không thể ! Không thể áp dụng phương pháp "chính trị là thống soái", chỉ hô hào suông – kêu gọi toàn bộ hệ thống vào cuộc để giải quyết vấn đề. Cuối năm 2020, thông tin vaccine phòng chống Covid-19 có thể đạt hiệu quả hơn 90% đã mang lại hy vọng chiến thắng dịch bệnh này. Thế nhưng vài tháng nay, hy vọng đó đã nhường chỗ cho một thực tế phức tạp hơn, gây hoang mang trong xã hội. Ngoài ra, còn 2 lý do quan trọng sau đây càng khiến cho việc chủ động "tấn công" đại dịch theo lời hiệu triệu của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là không thể [3].
Thứ nhất, quy luật của dịch tễ học, về cơ bản, khác với quy luật của đánh giặc (tức là quy luật chiến tranh) [4]. Riêng đối với đại dịch Vũ Hán hiện nay, các nhà dịch tễ học hầu như đều thống nhất với nhau một nhận định. Đó là, đối với các chính phủ, sự xuất hiện của các biến thể mới và sự chần chừ liên quan đến việc tiếp cận các nguồn vaccine đã gây khó khăn cho kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế và áp dụng trở lại một số quy tắc thông thường.
Thứ hai, quy luật chiến tranh lại càng khác xa với quy luật thời bình. Trong thời bình, khi làm ăn kinh tế, bao giờ doanh nghiệp cũng phải tính đến "chi phí cơ hội" (opportunity cost). Đây vốn là khái niệm chìa khoátrong kinh tế học. "Chi phí cơ hội" dựa trên cơ sở là nguồn lực khan hiếm nên buộc giới kinh doanh phải thực hiện sự lựa chọn. Như vậy, không thể hô hào chống dịch như chống giặc, vì hai lẽ ấy. Dịch bệnh có quy luật riêng. Khi đánh giặc ta có thể "đốt cháy cả dãy Trường Sơn", hy sinh sức người và sức của để giành độc lập. Nhưng khi phòng/chống dịch, các chuyên gia lại phải đặt sinh mệnh con người lên trên hết.
Có thể thấy, các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính đã đưa ra lời kêu gọi muộn màng. Theo thống kê của trang "Our World in Data", Việt Nam hiện đang là quốc gia có tỉ lệ tiêm vaccine chống Covid-19 thấp nhất trong các nước ASEAN. Tính đến ngày 26/5, cả nước mới tiêm được 1,03 triệu liều, tương đương với khoảng 1,06% dân số. Trong khi tỷ lệ này ở Singapore là 36,1%, Campuchia 14,1%, Lào : 8,45%, ngay đến Myanmar, một quốc gia đang trên bờ vực nội chiến cũng đã có tới 3,26% dân số đã được tiêm chủng. Vậy là, Việt Nam nằm trong nhóm 30 quốc gia có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine thấp nhất thế giới [5].
Nhân viên y tế xếp hàng chờ được tiêm vaccine phòng Covid-19 của hãng AstraZeneca ở Hải Dương hôm 8/3/2021. Reuters
Không đặt mua vaccine từ đầu, rõ ràng Việt Nam đã ngủ quên trên chiến thắng. Còn nhớ, khoảng tháng 10 năm ngoái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng/chống đại dịch Vũ Hán đã tuyên bố như đinh đóng cột : "Về căn bản, Việt Nam đã ngăn chặn được Covid-19". Ngay lúc bấy giờ, một bình luận gia "gạo cội" đã mỉa mai : "Nói như thế, chẳng khác gì một người rơi từ tầng 20 của một cao ốc, khi rớt đến tầng 15, anh ta vẫn hí hửng la lớn : Trọng lực là vô hại ! Và tiếp tục nói như thế cho đến tầng thứ 2 !
Bây giờ Việt Nam đang bết bát. Tin từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Covid-19 ở Việt Nam đang trở nên nguy cấp bất thường khi các nơi xét nghiệm thấy chủng mới có sự lai tạo giữa chủng từ Ấn Độ và từ Anh – một biến thể nguy hiểm mà dường như chỉ có ở Việt Nam. Báo Thanh Niên trong nước đưa tin này đầu tiên. Sau đó đến Tuổi Trẻ, nhưng chỉ trong vài giờ, tất cả các tựa đề đều bị thay đổi, chỉ còn một vài tờ báo điện tử khác giữ lại nguyên trạng.
Theo các thông tin sau đó bị tẩy xóa , chủng Ấn Độ có những đột biến gen của chủng Anh. Đặc điểm của chủng này là lây nhanh, phát tán rộng, nồng độ virus trong dịch cổ họng tăng cao và phát tán mạnh ra môi trường xung quanh. Số ca mắc tăng nhanh trong thời gian ngắn. Khi được hỏi cụ thể là loại virus vô cùng nguy hiểm này hiện có chính xác ở những vùng nào tại Việt Nam, thì ông Long thoái thác, nói sẽ sớm cập nhật mọi thứ trên bản đồ gien thế giới.
Nói cách khác, Bộ Y tế Việt Nam đang bó tay, vì không biết thật sự mọi thứ đang lây lan như thế nào. Hiện biến thể này chưa được Y tế Việt Nam đặt tên, chỉ tạm gọi đây là Covid lai giữa chủng Ấn Độ và Anh. Theo báo cáo của Bộ trưởng Long, tất cả những nguồn lây lan nguy hiểm nhất và gần như khó có thể kiểm soát được trong thời gian tới, đó sẽ là Bắc Giang, Bắc Ninh, Sài Gòn và Hà Nội. Nguồn lây lan, mà Việt Nam rất ngại tiết lộ, phần lớn xuất hiện từ các khu chế xuất, khu công nghiệp đang có từ hàng chục cho đến hàng trăm ngàn công nhân. Mỗi ngày những công nhân ở đây làm việc cật lực để duy trì sự ổn định kinh tế nhưng không hề có một quy chế gì giúp họ tránh lây nhiễm.
Lê Việt An
Nguồn : RFA, 01/06/2021
Bao giờ thì chúng ta có thể công bằng với quá khứ và khoan dung hơn với nhau ?
Đã định không viết không nói về cờ vàng-cờ đỏ, về quá khứ, về ngày 30/4, một phần vì năm nào cũng viết, năm nay cũng vậy. Nhưng trong những ngày tháng Tư năm nay lại có thêm nhiều quan điểm, xu hướng gây tranh cãi từ những nhóm người Việt khác nhau, khiến người viết bài này cảm thấy mình không thể không nói thêm một lần nữa, những suy nghĩ, trăn trở của một người Việt đã rời Việt Nam, đã trở thành công dân và có một đời sống bình yên ở nước khác, nhưng chưa bao giờ ngừng đọc, viết, suy nghĩ, quan tâm đến Việt Nam, bởi con người ta có thể có vài quốc tịch, có vài nơi khác nhau để sống, nhưng Tổ Quốc thì chỉ có một mà thôi.
Chớp mắt mà đã 46 năm kể từ biến cố ngày 30/4/1975. Gần nửa thế kỷ !
Thời gian chưa quá dài nhưng cũng đủ để có nhiều thay đổi trong cách nhìn, đánh giá cho tới tình cảm, cảm xúc về biến cố này trong người Việt.
Ở đây, tôi không muốn nói nhiều đến thành phần quan chức đảng viên cộng sản cán bộ cao cấp, những người nhận được nhiều bổng lộc từ chế độ này, hay những người cho tới bây giờ chủ yếu vẫn chỉ tiếp xúc với luồng thông tin một chiều, nặng tính tuyên truyền từ nhà nước cộng sản, cộng thêm sự giáo dục ở trường và gia đình…Những nhóm người như vậy, vì quyền lợi, hay vì thiếu thông tin, nên vẫn tự hào về "lịch sử" được viết bởi đảng cộng sản, vẫn tích cực tin tưởng, ủng hộ đảng và chế độ, họ ít khi nghĩ khác đi.
Ngay nhiều thanh niên tuổi 20, sinh ra sau chiến tranh, nhưng cũng do giáo dục, do thiếu thông tin nên vẫn đầy lòng căm ghét chế độ "Mỹ-ngụy", căm ghét cái "cộng đồng lưu vong, phản động cả lũ" ở nước ngoài, cái "cờ ba que"… như cậu thanh niên 18 tuổi đi du học ở tiểu bang New South Wales, Úc, xé, đạp lên cờ vàng, có những ngôn ngữ hằn học, thù hận, làm "nổi sóng" dư luận trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc và trên mạng những ngày gần đây.
Tôi muốn nói đến những nhóm người khác.
Thế hệ trẻ sinh ra hoặc lớn lên ở nước người, nghĩ gì ?
Với những người trẻ sinh ra hoặc lớn lên hoàn toàn ở nước người, đa phần không gắn bó gì lắm với Việt Nam trong khi cái quốc gia mà họ đang sống mới là quê hương, là đất nước của họ. Nhiều người trong số họ khá thành đạt ở nước người, và cũng nồng nhiệt tham gia vào những hoạt động xã hội, nhân quyền, đòi hỏi sự bình đẳng tại nước họ, thậm chí cũng lên tiếng trước những bất công sai trái, những chính sách vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Nhưng vì chưa, hoặc có rất ít, kinh nghiệm sống dưới chế độ độc tài độc đảng ở Việt Nam, họ cũng khó hiểu nổi tâm tư của các thế hệ đi trước, như tại sao cha mẹ ông bà họ vẫn cứ nhắc đi nhắc lại những nỗi đau, những ám ảnh của chiến tranh và thời hậu chiến, tại sao vẫn cứ gọi đó là "ngày Quốc hận", "tháng Tư đen"…Tại sao không khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, tại sao không tìm cách "hòa giải hòa hợp" với chế độ Việt Nam, cùng đóng góp xây dựng tương lai đất nước thay vì cứ ngồi đó nuối tiếc, chửi rủa, hận thù ?
Phải nói rằng đó là một thái độ hết sức ngây thơ do không hiểu gì về chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam.
Ngay sau ngày 30/4/1975, bên thắng cuộc là đảng cộng sản, lẽ ra đã có một cơ hội tuyệt vời để làm cái việc "hòa hợp hòa giải" với bên thua cuộc, với nhân dân miền Nam, nhằm thu phục nhân tâm, thu hút nhân tài, vật lực…, và nếu họ làm được như vậy thì đất nước này đã không bị rơi vào bao nhiêu bi kịch, dẫn đến hàng triệu người miền Nam phải bỏ nước ra đi, hàng trăm ngàn người chết trong tù, ngoài biển cả…, cho đến tận bây giờ lòng người vẫn chia rẽ, hận thù. Rồi bao nhiêu năm qua nhà cầm quyền cũng cứ kêu gọi "hòa giải hòa hợp" nhưng họ có làm được điều gì cụ thể không ?
Cần phải hiểu rằng bên thắng, nắm trọn quyền lực, nắm cả đất nước trong tay, mới là bên có thể tiến hành những chính sách "hòa giải hòa hợp" chứ bên thua thì làm được gì, không lẽ chạy tới xun xoe xin anh cho tôi được "hòa giải hòa hợp" ? Ai mới là bên cần phải "hòa giải hòa hợp" với quá khứ, với nhân dân ? Mà cũng chưa cần cái nhà nước cộng sản Việt Nam phải làm những việc to tát như vậy đâu, trước hết họ hãy hòa giải hòa hợp với chính người dân trong nước trước đi, họ hãy khoan dung chấp nhận những ý kiến chỉ trích, phản biện ôn hòa, hãy cho người dân được mở miệng, được phép biểu tình, được phép có những quyền tự do tối thiểu như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình v.v…đi, còn vẫn coi đất nước như tài sản riêng, coi dân như kẻ thù, hở tí là bắt, kết án hàng chục năm v.v….thì đừng nói đến chuyện họ khoan dung với bất cứ ai.
Hòa giải hòa hợp, với cái nhìn của nhà nước cộng sản, chỉ có nghĩa là chấp nhận vô điều kiện chế độ độc tài ở Việt Nam và quyền lãnh đạo duy nhất, vĩnh viễn của đảng cộng sản. Và nếu như 95, 96 triệu người dân trong nước không có quyền gì đối với nhà nước ngoài cái quyền đóng thuế, thì người Việt Nam ở hải ngoại cũng chỉ có một cái quyền duy nhất là gửi tiền về, hoặc bỏ tiền ra đầu tư làm lợi cho chế độ. Chúng ta có thể chấp nhận điều đó không ?
Người miền Nam lứa tuổi trung niên trở lên với những cái nhìn khác nhau
Một mặt, đa số vẫn giữ nỗi đau về biến cố ngày 30/4/1975, nỗi buồn khi nhớ về Việt Nam, về xã hội miền Nam trước 1975.
Nhà thơ Thận Nhiên từng nói, người Việt dù có trực tiếp dính líu đến cuộc chiến hay không, đều bị hậu chấn tâm lý (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD) mà chính Giáo sư Tiến sĩ, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng thừa nhận. Ông gọi đó là sự ám ảnh về Việt Nam.
Ông cũng nói về Ký ức tập thể :
"Biến cố 30 tháng Tư 1975, các trại cải tạo và phong trào vượt biên là ba yếu tố chính góp phần tạo nên ký ức tập thể (collective memory) của cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại… Từ ký ức tập thể ấy, nảy sinh ra một sự tưởng tượng tập thể (collective imagination), ở đó người Việt Nam lưu vong hình dung mình như các nạn nhân của chế độ độc tài và là những kẻ khao khát tự do đến độ sẵn sàng hy sinh tất cả để tìm lối thoát.
Chính ký ức tập thể và tưởng tượng tập thể ấy là những chất men nối kết giúp hàng triệu người Việt Nam rải rác khắp nơi trên thế giới có một số điểm chung để hình thành nên cộng đồng lưu vong của người Việt. Trong cái cộng đồng ấy, mỗi thành viên, dù sống cách xa nhau và dù rất khác biệt, vẫn thấy mình gần gũi và vẫn chia sẻ với nhau một số phận chung".
Mặt khác, những điều này bây giờ đã trở nên rất khó đồng cảm với một số người miền Nam khác.
Người Việt, như chúng ta thấy, là một dân tộc chia rẽ. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng vậy. Nhưng những năm vừa qua, sự khác nhau trong việc nhận định về chính trị Mỹ, trong việc ủng hộ hay chỉ trích cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến cho sự chia rẽ đó càng trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Tại Mỹ, trong khá nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Trump, người ta thường thấy có cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, được nhận ra bởi lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đặc biệt trong cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021, sự hiện diện của cộng đồng người Việt cũng được chứng minh qua hình ảnh lá cờ vàng, bên cạnh những lá cờ, biểu tượng của các nhóm phân biệt chủng tộc, cực đoan da trắng, tân Quốc xã (neo-Nazi) v.v…
Ghét một số người đâm ra ghét cả cộng đồng, cả chế độ Việt Nam Cộng Hòa, cả lá cờ vàng
Từ những hành động có phần thiếu suy xét đến hậu quả này của một nhóm người Việt Nam Cộng Hòa, những người Việt khác cảm thấy mất cảm tình với họ, từ đó đánh đồng tất cả người Việt Nam Cộng Hòa, thậm chí cả thể chế Việt Nam Cộng Hòa cũ, cả lá cờ vàng, và tuyên bố không muốn dính dáng gì đến cái cộng đồng ấy, đến lá cờ ấy.
Cần phải nói cho rõ, chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chết 46 năm rồi, những người lính Việt Nam Cộng Hòa đã ngã xuống trong cuộc chiến, hay đã tự kết liễu đời mình trong những ngày cuối cùng, hay phải chết trong trại cải tạo sau ngày 30/4/1975, cái chế độ ấy và những con người chính trực ấy hoàn toàn không có trách nhiệm gì với những việc làm, đúng hay sai, của một nhóm người "cuồng" Trump, hoặc những người nào mang danh nghĩa Việt Nam Cộng Hòa sau này.
Lại có người bảo "46 năm nay rồi than khóc chưa đủ hay sao, một đội quân thua trận, hay ho gì mà cứ nhắc đi nhắc lại mãi cái điều đó" ?!
Lâu ngày nhiều người trong chúng ta dường như quên, cuộc chiến Việt Nam kết thúc, với người miền Nam, đó không chỉ là thua một trận chiến mà là mất nước ! Trước 1975 Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là hai quốc gia độc lập, giống như Tây Đức- Đông Đức, Nam Hàn-Bắc Hàn, nước mất nhà tan, cộng thêm bao nhiêu bi kịch, thăng trầm, làm sao có thể bảo người khác hay ho gì mà than khóc mãi ? Ngay cha ông chúng ta làm dân Chiêm Thành mất nước, vương quốc Chiêm Thành vĩnh viễn bị xóa tên trên bản đồ, dù không nói ra, không dám nói ra (vì đang phải sống trên đất Việt Nam), nhưng chắc chắn đa số người Chiêm vẫn đau buồn, kể cả hận người Việt, chúng ta có quyền bảo họ thôi buồn đau, thôi hận được không ?
Cậu sinh viên du học ở Úc xé cờ vàng, chửi bới miệt thị cờ vàng và cộng đồng người Việt lưu vong tỵ nạn cộng sản vì bị "nhồi sọ", bị giáo dục một chiều từ bé đến lớn, lại sống trong một xã hội độc tài không được dạy cho lòng khoan dung, còn chúng ta phải khác.
Nếu cho rằng những ai ép buộc người khác phải tôn trọng cái họ yêu -từ chế độ cho tới màu cờ- là thiếu tinh thần dân chủ, thì ngược lại, chúng ta cũng nên có tinh thần dân chủ là tôn trọng tình cảm, niềm tin, nỗi đau của người khác.
Từ khen hết lời Việt Nam Cộng Hòa đến phủ nhận, xổ toẹt mọi thứ
Trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam, gần nửa thế kỷ đã đủ độ lùi để chúng ta thấm thía rằng đó là một cuộc chiến thực sự không cần thiết. Không cần thiết là bởi vì đa số người dân miền Nam lúc đó có muốn được "giải phóng" bởi cộng sản không ? Và rằng có nhất thiết phải thống nhất bằng con đường bạo lực, chiến tranh không ? Thử nhìn lại 3 quốc gia bị chia cắt sau chiến tranh thế giới thứ hai, nước Đức-dân chủ thắng độc tài không cần phải đổ máu, Nam Hàn-Bắc Hàn mạnh bên nào phát triển theo hướng riêng của bên đó, không kéo dài chiến tranh và sau này nếu muốn thống nhất, khôn ngoan thì có thể học theo tấm gương của người Đức, còn Việt Nam -hai mươi năm triền miên nồi da xáo thịt cuối cùng độc tài thắng dân chủ- kết quả như thế nào chúng ta đã rõ. Như vậy con đường nào là ngu xuẩn nhất ? Và ai mới là bên quyết chọn lựa con đường đó ?
Cuối cùng thắng để làm gì, ai "giải phóng" ai, Việt Nam ngày nay là một quốc gia thành công hay thất bại, một dân tộc thành công hay thất bại, chúng ta cũng đã nói quá nhiều rồi.
Đúng là có một số người đã tự huyễn hoặc mình khi nhớ về quá khứ, tôi cũng không ủng hộ quan điểm cho cái gì của Việt Nam Cộng Hòa cũng là tốt cả. Việt Nam Cộng Hòa như chúng ta biết, còn xa mới là một quốc gia hoàn hảo. Nhưng nếu nói như ông Trần Ngọc Cư trong bài "Con cá sẩy là con cá to" rằng :
"Nếu muốn mô tả Việt Nam Cộng Hòa, tôi chỉ có thể nói rằng đó chỉ là một quốc gia bán máu mà ăn, và ăn mà không phòng hậu, ăn không trừa cặn…
Một nước mà từ hộp sữa cho con nít bú đến chiếc tàu chiến đều phụ thuộc vào viện trợ Mỹ, thì khi Mỹ chấm dứt việc cung ứng rất hào sảng của mình, nước đó sụp đổ là tất yếu. Một nước không sản xuất được một con bù lon cho ra hồn v.v…" là rất không công bằng.
Ông Trần Ngọc Cư lại bảo :
"Một người ăn mày có chút trí khôn và liêm sỉ, nếu được kẻ khác cho 10 đô thì nên ăn 5 đô và để dành 5 đô để chuẩn bị cho ngày tự lập của mình. Trên cương vị quốc gia, nhiều nước nhờ viện trợ Mỹ mà hóa rồng hóa cọp, cũng trong thời Chiến tranh Lạnh như Việt Nam : tấm gương Đài Loan và Đại Hàn bây giờ ai cũng thấy. Đấy là không kể Tây Đức và Nhật Bản trước đó".
Sao có thể so sánh những quốc gia không bị chiến tranh, có thời gian để xây dựng đất nước với Việt Nam Cộng Hòa ?
Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 20 năm ngắn ngủi, chiến tranh liên miên không ngừng nghỉ một ngày, thù trong giặc ngoài, hết đám nằm vùng đánh phá, lại đến lực lượng "biệt động thành" của Việt Cộng ngày nào cũng chơi trò ám sát, đặt mìn, ném bom… toàn vào chỗ đông người như rạp hát, sân vận động, nhà hàng, khách sạn… ở thôn quê thì giựt sập cầu, pháo kích vào trường học… Khó có thể mà đòi hỏi vừa xây dựng kinh tế vừa chiến đấu vừa lo sản xuất vũ khí, đạn dược để tự lực, không phụ thuộc vào bên ngoài, như nhiều người chê trách sao không tự lực, nhất là quân sự, để khỏi phụ thuộc vào Mỹ !
Vậy mà cái chính phủ Việt Nam Cộng Hòa "tệ hại" ấy vẫn cố gắng giữ được cho đời sống của người dân được no đủ, tinh thần được thoải mái với một nền giáo dục tiến bộ, tự do, nhân bản, trẻ em học sinh được sống hồn nhiên với lứa tuổi mà không bị nhồi nhét lòng căm thù từ rất sớm, đại học thì được tự trị, âm nhạc, văn chương nghệ thuật tự do, vô cùng phong phú, suốt mấy chục năm qua dù từng bị đốt phá, từng bị cấm đoán, bỉ bôi, nhưng vẫn tồn tại trong lòng người, kinh tế vẫn có được một số thương hiệu Việt lừng danh một thời (từ kem đánh răng Hynos, xà bông Cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, nước ngọt xá xị Chương Dương, dầu cù là Mac Phsu, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín, dầu gió Nhị Thiên Đường, Pin Con Ó, hãng sơn Nam Á, Hãng sơn Đồng Nai, Nhà máy giày Bata... cho tới xe hơi La Dalat, một loại xe hơi giá rẻ do hãng chế tạo xe hơi của Pháp Citroën thông qua công ty con là Công ty xe hơi Sài Gòn sản xuất trong giai đoạn 1970-1975 với tỷ lệ các bộ phận nội địa hóa đến năm 1975 đạt 40% v.v…, các khu kỹ nghệ như Thủ Đức, Bình Dương, Long Bình, Biên Hòa v.v.
Nếu muốn so sánh thì hãy so sánh miền Nam với miền Bắc vào thời điểm đó, hoặc so sánh với các nước láng giềng để thấy chúng ta thua ai bằng ai hơn ai -trong hoàn cảnh của một nước đang có chiến tranh. Trong khi đến bây giờ sau 46 năm, khoảng cách giữa Việt Nam với Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản đã rộng ra hàng chục, thậm chí hàng trăm năm như thế nào.
Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, chúng ta cũng mất cả cơ hội để vượt qua giai đoạn chưa hoàn chỉnh, tiến đến một quốc gia tự do dân chủ cường thịnh, khẳng định mình trên bản đồ thế giới.
Các nước Châu Á trong khu vực ít nhiều đều phải đi qua những giai đoạn chưa hoàn thiện, những nền dân chủ khiếm khuyết, thậm chí có giai đoạn độc tài, để rồi vững mạnh, chứng tỏ được mình như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc v.v. Cái khác là họ không phải trải qua một cuộc chiến khốc liệt kéo dài và có thời gian, còn Việt Nam Cộng Hòa không có được, dù chỉ thêm một ngày, một tháng chứ đừng nói đến vài chục năm như vậy.
Một khi đã chọn được mô hình đúng là đa nguyên đa đảng tam quyền pháp trị, dù nhanh hay chậm, dù hơn hay kém, một quốc gia cũng sẽ phát triển đúng hướng. Còn một khi đã chọn sai đường, sai mô hình thể chế, như Việt Nam dưới sự cai trị của đảng cộng sản, thì nếu có phát triển cũng chỉ lệch lạc, méo mó, và nhân dân không bao giờ có thể tự do, hạnh phúc.
Hãy công bằng với quá khứ và hãy khoan dung với nhau
Bao nhiêu năm nay đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã bóp méo, đã viết lại lịch sử theo cái nhìn của họ, còn chúng ta, những con người không chấp nhận mọi thể chế độc tài và mong muốn Việt Nam có một tương lai tốt đẹp hơn, trước hết chúng ta phải bắt đầu từ hai điều đơn giản nhất : 1. Công bằng với quá khứ. Không tụng ca cũng không phủ nhận, xổ toẹt mọi thứ. 2. Tất cả chúng ta dù đang sống ở đâu, dù có mang quốc tịch Việt hay không, dù có muốn quên hết về lịch sử, quá khứ Việt Nam, hãy khoan dung với nhau, thương yêu nhau hơn vì chúng ta là một dân tộc đã quá bất hạnh.
Dẫm đạp lên quá khứ, bỉ bôi nỗi đau của nhau, chỉ có thể là một trong vô số những chỉ dấu về trạng thái tâm lý của một dân tộc chưa bao giờ trưởng thành.
Thật lạ lùng, cộng sản bao nhiêu năm nay luôn bao che cho mọi cái sai trái, tội ác của nhau trước lịch sử, trước nhân dân, còn người miền Nam bao nhiêu năm nay đánh nhau, mạt sát nhau, chì chiết cả nỗi đau của nhau, bao giờ thì đủ ?
Hãy khoan nói đến đảng và nhà nước cộng sản, giữa người dân với nhau, chưa sòng phẳng, công bằng với quá khứ, chưa khoan dung rộng lượng với nhau thì khó mà nói đến chuyện cùng nhau góp phần thay đổi hiện tại, hướng tới tương lai.
Song Chi
Nguồn : PhunuToday, 08/05/2021
Tháng 3/2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đệ trình báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền của hơn 200 quốc gia trong năm 2020 lên Quốc hội. Trong đó có báo cáo về tình hình Việt Nam.
Bản báo cáo hơn 40 trang giống như một bức tranh thu nhỏ về các vấn đề tồn tại trong xã hội Việt Nam. Trong đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận rằng chính quyền Việt Nam đã có những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng trong năm 2020. Các hành vi này bao gồm giết người tùy tiện hoặc bất hợp pháp ; tra tấn, bắt và giam giữ tùy tiện ; xâm phạm các quyền riêng tư ; cấm cản việc thực hành tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do Internet, trong đó có việc tùy tiện bắt giữ và xét xử những người chỉ trích chính quyền.
Báo cáo cũng ghi nhận nhiều vấn đề nghiêm trọng khác trong xã hội Việt Nam hiện tại, trong đó có nền tư pháp thiếu độc lập, bầu cử thiếu tự do và công bằng, tham nhũng, phân biệt đối xử dựa trên giới và sắc tộc, bạo hành đối với phụ nữ và trẻ em, và vấn nạn buôn người.
Ngoài ra, còn có những con số thống kê mà bạn không thường nghe đến, như có 30 nghìn người không có quốc tịch trên lãnh thổ Việt Nam, hay 22 nghìn trẻ em phải sống trên đường phố.
Hoa Kỳ đã luôn để mắt đến tình hình nhân quyền trên khắp thế giới. Khi công bố báo cáo nhân quyền năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Antony J. Blinken nêu lý do mà nước Mỹ tiếp tục làm việc này : đó là cách mà họ giữ gìn giá trị của chính mình. Ông cũng nhắc lại một nguyên tắc rằng trong vấn đề nhân quyền, chúng ta đều phụ thuộc lẫn nhau (interdependent). "Khi bất kỳ ai bị tước đoạt nhân quyền, các mắt xích liên kết con người ở khắp nơi đều bị ảnh hưởng", ông viết.
Các bạn nhỏ đang đọc Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Ảnh : Universal History Archive/ Universal Images Group/ Getty Images.
Ngay sau khi báo cáo được công bố, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng cho rằng nhiều thông tin trong bản báo cáo này là "thiếu khách quan", "dựa trên những thông tin không được kiểm chứng". Họ cũng nói rằng Việt Nam sẵn sàng trao đổi nhằm "tăng cường hiểu biết" giữa đôi bên.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố báo cáo của họ được thực hiện dựa trên nguyên tắc khách quan, đầy đủ, và công bằng. Các báo cáo này do cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ ở các nước sở tại soạn thảo, dựa trên thông tin từ nhiều nguồn (gồm quan chức chính phủ, các tổ chức quốc tế, luật gia và các chuyên gia pháp lý, nhà báo, các học giả, nhà hoạt động về quyền lao động và các báo cáo trước đó).
Sau đó, các bản dự thảo được Vụ Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (Bureau of Democracy, Human Rights, and Labor) phối hợp cùng các cơ quan khác của Bộ Ngoại giao Mỹ và các chuyên gia trong các lĩnh vực tương ứng thẩm định và biên tập lại. Thông tin được kiểm chứng độc lập dựa trên nguồn tin riêng của vụ và Sở Lao Động (Department of Labor).
Ở Việt Nam, chúng ta gặp phải vấn đề nghiêm trọng về tự do và minh bạch thông tin (đây cũng là một vấn đề được nêu trong báo cáo). Các thông tin gây bất lợi cho chính quyền đều có nguy cơ bị kiểm duyệt, những nỗ lực vượt thoát vòng kiểm duyệt đều có thể bị trừng phạt nặng nề. Những nhà nghiên cứu độc lập từ nước ngoài bị cản trở thực hiện điều tra tại những điểm nóng. Kết quả là, mọi chuyện xảy ra đều như có một lớp bụi phủ mờ.
Trong tình thế đó, những báo cáo nhân quyền bài bản và thường xuyên của Hoa Kỳ giống như những chiếc chổi lông gà giúp gạt đi những lớp bụi dày đóng trên kính. Nó giúp chúng ta nhìn rõ hơn xã hội của chính mình đang sống.
Độc giả có thể đọc toàn văn bản báo cáo bằng tiếng Anh ở đây . Trong bài viết này, Luật Khoa điểm qua một số vấn đề nổi bật về chính trị, pháp luật và các nhà hoạt động.
Báo cáo có bốn lần nhắc đến vụ việc tại Đồng Tâm vào ngày 9/1/2020 để dẫn chứng cho bốn nhóm hành vi vi phạm nhân quyền khác nhau.
Ảnh chụp từ video ghi lại cảnh cảnh sát đưa quân vào làng Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020. Ảnh : RFA.
Thứ nhất, việc một lượng lớn cảnh sát có vũ trang thuộc Bộ Công an và Công an thành phố Hà Nội đã bao vây làng Đồng Tâm và giết ông Lê Đình Kình tại tư gia được xếp vào nhóm hành vi giết người tùy tiện, bất hợp pháp hoặc vì động cơ chính trị.
Thứ hai là chuyện tra tấn. Báo cáo dẫn lời của một trong những dân làng Đồng Tâm bị bắt giam và sau đó được thả sau vụ đụng độ với cảnh sát. Người này cáo buộc rằng các điều tra viên của Bộ Công an đã tra tấn nhiều người trong số 29 bị cáo bằng cách giật điện, dí thuốc lá cháy vào các bộ phận cơ thể, trấn nước và các phương pháp không để lại dấu vết vật lý.
Thứ ba là vi phạm trong quy trình thẩm vấn. Theo đó, trong phiên xử sơ thẩm vào tháng 9/2020, công tố viên đã cho phát các đoạn video trong đó các bị cáo nhận tội. Người tư vấn pháp lý của các bị cáo cho rằng họ đã bị ép buộc. Báo cáo cho rằng đây là một hành vi sử dụng video để thao túng cách nghĩ của tòa án và công luận về vụ việc, trái với pháp luật của chính Việt Nam.
Thứ tư là vi phạm nguyên tắc xét xử công bằng và công khai. Báo cáo dẫn lời các chuyên gia pháp lý, học giả và các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng có "những sự bất thường nghiêm trọng" trong phiên tòa xét xử vụ án Đồng Tâm. Tòa đã ngăn không cho người nhà bị cáo tham dự phiên tòa, mặc dù người nhà của các sĩ quan công an bị thiệt mạng đều có mặt đông đủ.
Chính quyền bị cáo buộc bắt hoặc giam giữ những nhà hoạt động trái pháp luật hoặc dựa trên chứng cứ giả mạo. Các nhà hoạt động cũng thường xuyên bị quản thúc tại gia mặc dù họ không bị buộc tội.
Việc giam giữ mà không có lệnh bắt của công tố viên là một thực tế phổ biến, báo cáo dẫn lời của các luật sư nhân quyền cho biết.
Trong quá trình điều tra, cảnh sát hoặc công tố viên thường xuyên vi phạm các quy định về thời hạn giam giữ. Các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng trong năm 2018, có tổng cộng 230 người đã bị giam giữ hoặc tạm giữ quá thời hạn quy định.
Nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị đã bị bắt giam tùy tiện. Chính quyền cũng thường xuyên sách nhiễu những nhà hoạt động nhân quyền khi họ trở về từ nước ngoài.
Vào ngày 8/5/2020, Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ ông Phùng Thủy mà không có lệnh bắt. Theo một số nhà hoạt động, các sĩ quan công an đã sử dụng nhiều kỹ thuật thẩm vấn bạo lực để buộc ông Thủy phải khai báo mối quan hệ của ông với Nhà xuất bản Tự Do.
Báo cáo cũng ghi nhận sự sách nhiễu gia tăng của chính quyền với Nhà xuất bản Tự Do trong năm 2020. Việc nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị bắt cũng được cho là liên quan đến cuộc càn quét của chính quyền đối với đơn vị xuất bản độc lập này.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí bị chính quyền Việt Nam bắt giữ vào ngày 6/10/2020 ngay sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt lần thứ 24 vừa kết thúc. Ảnh : Phạm Đoan Trang / Facebook.
Mặc dù Hiến pháp Việt Nam nghiêm cấm tra tấn, nhưng cảnh sát, quan chức an ninh mặc thường phục và nhân viên trung tâm cai nghiện ma túy thường ngược đãi, tra tấn nghi phạm trong quá trình bắt, giam giữ và thẩm vấn.
Các nhà hoạt động cho biết các nhân viên của Bộ Công an đã hành hung các tù nhân chính trị để ép cung. Các nhóm giám sát nhân quyền đã đưa ra nhiều báo cáo về việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức trong khi làm nhiệm vụ và tra tấn những người bị giam giữ.
Minh họa của Tổ chức n xá Quốc tế về nạn tra tấn trong nhà tù Việt Nam với nội dung : "Đừng đáp lại, nếu không họ sẽ giết bạn". Ảnh : Amnesty International.
Bạo lực giữa các tù nhân không được ngăn chặn. Ngày 7/5/2020, tù nhân Lê Hoàng Quang được cho là đã dùng dùi cui đánh chết phạm nhân chung buồng giam (Nguyễn Quang Lập, 36 tuổi) ở trại tạm giam Công an huyện Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) sau một cuộc tranh cãi.
Theo báo cáo, có nguồn tin về ít nhất 8 trường hợp người chết trong khi bị giam giữ. Trong đó, theo chính quyền, có ít nhất 3 người chết do tự tử hoặc do bệnh mạn tính, và 1 người khác chết do bạn tù đánh đập.
Trong các nhà tù và trại tạm giam ở Việt Nam, tình trạng vệ sinh kém, chế độ ăn uống không đủ chất, thực phẩm không sạch, quá đông đúc và thiếu nước uống vẫn là những vấn đề nghiêm trọng.
Các tù nhân chính trị thường bị ngược đãi trong nhà tù. Họ phải chịu sự sách nhiễu của cai ngục và các tù nhân khác.
Tù nhân chính trị thường có khẩu phần ăn ít hơn so với tù nhân thông thường. Các cựu tù chính trị cho biết, khẩu phần ăn mỗi ngày mà họ nhận được là hai bát cơm nhỏ và rau, thường lẫn tạp chất như côn trùng và sỏi đá. Gia đình của các nhà hoạt động bị giam giữ cũng cho biết, điều kiện y tế trong nhà tù thiếu thốn dẫn đến các biến chứng sức khỏe lâu dài.
Chẳng hạn, vào tháng 6/2020, gia đình của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đức Độ đã đệ đơn lên trại giam Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai), cáo buộc quản giáo đã hành hung và ngược đãi ông Độ. Các hình thức ngược đãi bao gồm biệt giam, đánh đập và đưa thức ăn có trộn chất thải người.
Trong năm 2020, nhiều tù nhân lương tâm đã phải tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi trong nhà tù. Báo cáo ghi nhận rằng tòa án thường tuyên phạt rất nặng đối với các nhà hoạt động có thành tích nổi bật hay có liên hệ với các tổ chức quốc tế
Lee Nguyen
Nguồn : Luật Khoa, 20/04/2021
Hơn 9 triệu người Việt vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19
RFA, 19/04/2021
Còn 9,1 triệu người Việt Nam từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và gần 3 triệu người phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Đó là con số tính đến quý 1/2021 do Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố và được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 19/4.
Người dân Hà Nội xếp hàng chờ nhận giúp đỡ thực phẩm từ các mạnh thường quân, trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. AFP
Trong số hơn 9 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì có khoảng 540 ngàn người mới mất việc ; 2,8 triệu người tạm ngừng sản xuất kinh doanh và lực lượng lao động tuổi từ 15 tuổi trở lên giảm còn 51 triệu người.
Cũng theo thống kê, trong quý 1/2021, do tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 3 đã khiến hơn một triệu người lao động tại VN bị thất nghiệp.
Hôm đầu tháng 1/2021, Tổng cục thống kê cho biết dịch Covid-19 đã gây tác động đến 1,3 triệu người không có việc làm trong năm 2020. Riêng quý 4/2020, có khoảng 1,2 triệu người thất nghiệp, tăng gần 137 ngàn người so với cùng kỳ năm 2019.
Ba khu vực lao động bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp-xây dựng và khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ ảnh hưởng lần lượt là hơn 71%, hơn 64% và hơn 26%.
Đồng thời, thu nhập bình quân của người lao động tại Việt Nam trong năm 2020 ở mức 5,5 triệu đồng/tháng, giảm 2,3% so với năm 2019.
Cùng với đó, hôm cuối tháng 3/2021, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát thành công ba đợt dịch Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương với số lây nhiễm cao, nhưng ông lo ngại có thể xuất hiện đợt dịch thứ tư.
Tính đến thời điểm này, Bộ Y tế cho biết có trên 62 ngàn người Việt Nam tiêm vaccine ngừa Covid-19 và VN vẫn đang tích cực để đưa vaccine sản xuất trong nước vào tiêm chủng trong trễ nhất vào cuối năm 2021.
**********************
Hơn 1 triệu người thất nghiệp trong quý I do ảnh hưởng của Covid-19
RFA, 16/04/2021
Việt Nam đang có 1,1 triệu người lao động bị thất nghiệp trong quý 1 năm nay vì tác động xấu của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 3.
Rất nhiều quán hàng phải đóng cửa, dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nhất của đợt bùng phát COVID thứ 3 trong quý I/2021 - Ảnh : AFP
Thông tin trên do ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê), công bố tại buổi họp về tình hình lao động và việc làm được tổ chức ở Hà Nội sáng 16/4.
Truyền thông Nhà nước vào cùng ngày cho biết, số người bị thất nghiệp trong quý 1/2021 tăng khoảng 12.100 người so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang chịu ảnh hưởng vì Covid-19; khoảng 540.000 người mới mất việc; 2,8 triệu người tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc nghỉ luân phiên; 6,5 triệu người bị giảm thu nhập.
Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản bị ảnh hưởng với 7,5% số lao động; công nghiệp và xây dựng có 16,5% số lao động bị ảnh hưởng; lĩnh vực dịch vụ có tới 20,4% lao động bị ảnh hưởng vì Covid-19.
Ông Phạm Hoài Nam cho hay thu nhập bình quân đầu người trong quý 1/2021 là 6,3 triệu đồng/tháng.
Tổng cục Thống kê đề xuất Chính phủ, các ngành triển khai cấp hộ chiếu vaccine, xây dựng các tiêu chí để mở cửa thị trường du lịch quốc tế giúp ngành dịch vụ.
Ngoài ra, Tổng cục Thống kê đề nghị triển khai những chính sách riêng thu hút 3,5 triệu lao động sản xuất nông nghiệp theo dạng tự sản xuất, tự tiêu dùng để nâng cao năng suất, cải thiện đời sống người lao động.
*********************
Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên biên giới với Campuchia, thừa nhận khó kiểm soát dịch
RFA, 16/042021
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 16/4 lên tiếng cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ các tỉnh biên giới, đặc biệt là với Campuchia.
Phnom Penh, thủ đô Campuchia, đã bị phong tỏa trong bối cảnh số ca bệnh virus corona (Covid-19) gia tăng - Reuters
Truyền thông Nhà nước trích phát biểu của ông Long tại hội nghị trực tuyến hôm 16/4 cho biết, vùng biên giới tây nam sát Campuchia và các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện là những điểm nóng có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế thúc giục các địa phương gia tăng kiểm soát biên giới, ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.
Việt Nam và Campuchia có đường biên giới dài 1.127 km với 4 tỉnh biên giới thuộc đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Long An. Ngoài ra còn có một số tỉnh khác có đường biên giới với Campuchia là Bình Phước, Tây Ninh, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk và Đăk Nông.
Campuchia hiện đã trở thành điểm nóng của dịch bệnh trong khu vực với 344 ca nhiễm mới được công bố hôm 15/4. Thủ đô Phnom Penh hiện phải phong toả do dịch bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 16/4 cũng thừa nhận sẽ khó kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 do tình trạng chung trên thế giới, trong khi Việt Nam vẫn phải tổ chức các chuyến bay đưa người Việt về nước và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.
Năm 2020 có thể được xem là một năm thành công đối với Việt Nam khi kiểm soát hiệu quả Covid/19 và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương (2,4% theo dự báo của IMF) trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm, khiến nhiều nước phải trầm trồ.
Thanh niên ở Hà Nội trong đêm giao thừa chào đón năm mới 2021
Bên cạnh đó, Việt Nam còn giữ chức chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh 10 nước ASEAN trực tuyến (tháng 11/2020), sau đó đóng góp tích cực vào lễ ký kết trực tuyến lịch sử Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - được xem là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới.
Việt Nam rõ ràng đã có những bước tiến thuận lợi, tranh thủ được sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và môi trường kinh doanh toàn cầu, trong đó có thương chiến Mỹ - Trung. Việc nhiều tập đoàn đa quốc gia lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc để né thuế quan trừng phạt của Mỹ đang tiếp thêm nhiên liệu cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo báo cáo do IMF thực hiện, đến hết năm 2020, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ vượt qua Singapore và Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ASEAN. Ruchir Sharma, chiến lược gia trưởng của Morgan Stanley Investment Management, cũng nhận định Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế đang phát triển bật lên mạnh mẽ nhất sau đại dịch (xem bài viết "Which Developing Economies Will Rise After the Pandemic ?" trên New York Times).
Bức tranh chỉ có màu hồng ?
Tuy nhiên, bức tranh ấy chắc chắc sẽ không phải chỉ có mỗi màu hồng. Bên cạnh những điểm sáng lạc quan, hãy còn đó không ít nỗi lo.
Thứ nhất là nguy cơ "chưa giàu đã già". Trên thực tế, Việt Nam đã bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 (với tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 9,9%), sẽ trải qua giai đoạn dân số già từ 2026 - 2054 (chiếm 10 - 19,9%), và giai đoạn dân số rất già từ 2054 - 2069 (chiếm 20 - 29,9%).
Việt Nam cũng được xem là nước có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" thuộc nhóm nhanh nhất thế giới (20 năm), trong khi Nhật Bản và Trung Quốc mất 26 năm, Anh và Tây Ban Nha mất 45 năm. Một số biện pháp can thiệp nhằm duy trì mức sinh thay thế, như bỏ quy định không sinh con thứ ba, hay Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích phụ nữ sinh thêm con, … vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa thật sự tận dụng tốt cơ hội trong giai đoạn dân số vàng, khi tỷ lệ lao động được đào tạo có tăng lên nhưng năng suất vẫn thấp hơn nhiều so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, … thậm chí còn có nguy cơ bị Lào và Campuchia qua mặt.
Thứ hai, việc tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi quốc tế và ổn định chính trị trong nước để tiếp tục thành công như 5 năm qua có thể sẽ không còn dễ dàng nữa khi Việt Nam bắt đầu chịu nhiều áp lực, bao gồm cả từ phía Washington - đối tác toàn diện, thân thiện và bạn hàng lớn nhất.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2020 đã lên tới 58 tỷ USD, vượt qua Nhật Bản, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico, khiến Bộ Tài chính Mỹ "gắn nhãn" chỉ định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của chính quyền Donald Trump.
Thứ ba, tư duy phát triển của các lãnh đạo Việt Nam thật sự chưa có nhiều đột phá. Trong giai đoạn 2006 - 2016, do nóng vội, duy ý trí và quản trị kém, nhiều tổng công ty, tập đoàn nhà nước - được kỳ vọng là "quả đấm thép" của nền kinh tế Việt Nam - đã gây ra những sai phạm và hậu quả nghiêm trọng (như tham nhũng, thất thoát, thua lỗ tại Vinashin, PVN…) mà đến giờ vẫn chưa khắc phục xong.
Điều này cho thấy tính không hiệu quả của chủ trương phát triển lấy khu vực kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra hết sức chậm chạp, liên tục bị trì hoãn.
Bên cạnh chính sách gom các đầu mối về một siêu ủy ban quản lý vốn nhà nước (thay cho SCIC), dự thảo mới đây do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo còn đề cập tới khái niệm "doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn", đề xuất thí điểm chính sách riêng biệt đối với một số doanh nghiệp nhà nước đặc thù trong lĩnh vực viễn thông (Mobifone), năng lượng (EVN) và công nghiệp quốc phòng (Viettel) để đưa thành những con "sếu đầu đàn" thực thụ của nền kinh tế Việt Nam.
Cách làm này thực ra không có nhiều thay đổi về chất, chỉ là "dấu bụi dưới thảm", cho nên khó có thể đảm bảo thành công và hiệu quả quản trị rủi ro.
Có thể trì hoãn cải cách được nữa ?
Cùng nhìn lại lịch sử, bài học Đổi mới tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 (năm 1986) thực chất chỉ là trở về với những giá trị cũ (xóa bỏ độc quyền nhà nước và tự do hóa một phần nền kinh tế) khi mô hình chỉ huy bao cấp lâm vào khủng hoảng.
Để đạt được mục tiêu thịnh vượng và chí ít trở thành một cường quốc bậc trung cho xứng đáng với tiềm năng của đất nước, Việt Nam cần thiết phải tiến hành cải cách mạnh mẽ, triệt để, vĩnh viễn không được đi vào vết xe đổ của "cải cách nửa vời". Kinh nghiệm thế giới cho thấy, thịnh vượng sẽ là kết quả sau cùng của chính sách tự do hóa.
Nhà sử học Johan Norberg, người từng làm tập phim tài liệu "Thụy Điển : Một bài học cho Hoa Kỳ ?", khẳng định Thụy Điển không phải là một quốc gia xã hội chủ nghĩa bởi "nhà nước không sở hữu tư liệu sản xuất".
Trong giai đoạn tăng trưởng thần kỳ của mình, các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều duy trì vai trò dẫn dắt của nhà nước, nhưng dần nới lỏng, chấm dứt sự chi phối và nhường sân chơi cho khu vực tư nhân. Ngay đến những công ty đình đám nhất Trung Quốc hiện nay - vốn tương đồng với Việt Nam về ý thức hệ - như Alibaba, Tencent… cũng đều là do tư nhân điều hành.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp diễn ra, sẽ hoạch định lộ trình cho giai đọan 5 năm tiếp theo nhằm củng cố thành công của Việt Nam như một quốc gia trẻ đang phát triển năng động, và một thị trường hấp dẫn 100 triệu dân. Nhưng đó mới chỉ là trên khía cạnh kinh tế, còn về mặt chính trị xã hội (theo cách nói của Marx, chính là kiến trúc thượng tầng của cơ sở hạ tầng kinh tế), có lẽ Việt Nam không thể trì hoãn cải cách được nữa.
Trong bài viết Vietnam's Communists brace for next 5 years after big 2020 (tạm dịch : Việt Nam củng cố chế độ cộng sản cho 5 năm tới sau 2020) trên Nikkei Asia Review, tác giả Tomaya Onishi đã dẫn lời cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp thị Đặng Tâm Chánh, rằng các lãnh đạo Việt Nam giai đoạn tới nhất thiết phải có những chính sách hiệu quả để đảm bảo mô hình "nhà nước pháp quyền", kiến tạo không gian tự do cởi mở thực sự cho người dân, bên cạnh tầm nhìn, mục tiêu và hành động cụ thể để dẫn dắt thế hệ trẻ phát triển hết tiềm năng.
Quốc Việt
Nguồn : BBC, 02/01/2021
Tác giả là một nhà báo đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.