Hà Nội trả hết nợ Việt Nam Cộng Hòa vay Hoa Kỳ từ thời chiến tranh mang ý nghĩa gì ?
Theo tin VOA tiếng Việt, Bộ Tài chính Hoa Kỳ vừa cho biết rằng nhà đương quyền Việt Nam đã thanh toán hết số nợ 145 triệu đôla phát sinh từ khoản vay của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Đây là khoản nợ mà Hà Nội bị buộc phải kế thừa, một vấn đề lớn từng gây cản trở cho tiến trình bình thường hóa trong quan hệ Mỹ – Việt.
Vào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.
Bài viết lần lượt trình bày :
- Nguồn gốc món nợ Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ
- Ý nghĩa việc trả nợ này.
I. Nguồn gốc món nợ Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ
Theo hãng tin AP trích dẫn thông tin của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong số nợ 145 triệu đôla mà nhà đương quyền Việt Nam mới trả hết cho Hoa Kỳ, bao gồm :
(1) Khoảng 76 triệu đôla là nợ gốc từ các khoản vay phục vụ cho nông nghiệp, giao thông, nhà máy điện… mà chính quyền Sài Gòn vay của Washington từ trước khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975.
(2) Và khoảng 70 triệu đôla còn lại là tiền lời trong 24 năm.
Khu ở chuột cạnh một con kênh ô nhiễm ở Sài Gòn năm 1956, sau khi Việt Nam Cộng Hòa vừa được thành lập.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết trong món nợ vừa thanh toán, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam.
Theo báo Nhân dân cơ quan ngôn luận của nhà nước Việt Nam, số nợ gốc của chính quyền Sài Gòn là 85 triệu đôla, phần còn lại là tiền lãi, và chi phí phát sinh trượt giá.
II. Ý nghĩa việc kế thừa trả nợ
Theo nhận định của chúng tôi, việc nhà cầm quyền chế độ đương thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trả nợ thay cho chế độ Việt Nam Cộng Hòa thời chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) mang hai ý nghĩa sau đây :
1. Ý nghĩa quan hệ ngoại giao mang tính kế thừa quyền lợi và nghĩa vụ song phương hay đa phương
Theo tập quán hay thông lệ bang giao quốc tế, khi một quốc gia có thay đổi chính quyền hay thể chế chính trị bình thường (theo Hiến pháp và luật pháp quốc gia…)hay bất thường (đảo chính hay dùng bạo lực cướp chính quyền…), nếu muốn tiếp tục giữ quan hệ ngoại song phương (giữa hai quốc gia) hay đa phương (với liên minh chính trị quân sự của nhiều quốc gia hay tổ chức kinh tế tài chính quốc tế…),thì chính quyền hay chế độ mới sẽ kế thừa mọi tích sản(được thủ đắc những quyền lợi đang có với các nước bang giao…) cũng như tiêu sản(trách nhiệm thanh toán những món nợ mà chính quyền, chế độ trước đã vay…).
Nhưng nếu không muốn tiếp tục quan hệ ngoại giao vốn có trước đó với chính quyền hay chế độ cũ, chính quyền hay chế độ mới có thể từ chối thi hành trách nhiệm kế thừa chế độ mới. Các quốc gia chủ nợ có thể phản ứng bằng các biện pháp (1) cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao (2) khởi kiện trước tòa án quốc tế có thẩm quyền để đòi nợ, (3) trừng phạt bằng biện pháp quân sự.
Trường hợp Việt Nam có phức tạp hơn. Cuộc chiến tranh Quốc - Cộng giữa những người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia và những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản, lồng trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa hai phe cộng sản chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô (với sự cạnh tranh bá chủ của Trung Quốc) và phe tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Hoa Kỳ.
Sau hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam, bắc vĩ tuyến 17 theo chế độ xã hội chủ nghĩa, dưới bảng hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa(ngụy dân chủ, ngụy cộng hòa, ngụy dân tộc từ thời kháng chiến chống Pháp để che đậy bộ mặt cộng sản). Miền Bắc cộng sản trở thành tiền đồn phe xã hội chủ nghĩa, nhận viện trợ vũ khí lương thực, hậu cần của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa (viện trợ không hoàn lại hay hoàn lại), phát động chiến tranh xâm chiếm Miền Nam, cộng sản hóa cả nước, thực hiện tham vọng của cộng sản quốc tế cộng sản hóa toàn cầu.
Trong khi Nam vĩ tuyến 17 theo chế đô tự do dân chủ, quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa. Miền Nam quốc gia trở thành tiền đồn phe tư bản chủ nghĩa, đứng đầu là Hoa Kỳ, nhận viện trợ vũ khí lương thực, hậu cần của Hoa Kỳ và các nước đồng minh (viện trợ không hoàn lại hay hoàn lại), thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ nhằm ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh ngụy dân tộc, dưới ngọn cờ‘chống Mỹ cứu nước, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước’ của cộng sản Bắc Việt.
Cuộc chiến tranh giữa hai phe (xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa) bốn bên (Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, cộng sản Bắc Việt, Hoa Kỳ và các nước đồng minh,quốc gia Việt Nam) đã kết thúc vào ngày 30/4/1975, với bên thắng cuộc là cộng sản Bắc Việt đã bỏ bảng hiệu mặt nạ ngụy dân tộc ‘Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa’, lấy quốc hiệu đúng thực chất cộng sản‘Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. Bên thua cuộc là quốc gia Nam Việt, quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa bị tan rã.
Ngay sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh đã cấm vận triệt để Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Vì chế độ này đã dùng bạo lực quân sự thôn tính Miền Nam, thống nhất đất nước, vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày (quy định thống nhất đất nước hòa bình thông qua thương lượng giữa hai Miền Bắc và Miền Nam…).
Cuộc chiến Việt Nam chấm dứt sau 20 năm (1975-1995), do yêu cầu thay đổi chiến lược toàn cầu mới của các cường quốc nói chung. Hoa Kỳ khởi sự thực hiện đối sách hậu chiến tranh lạnh với Việt Nam và các quốc gia trong vùng để thành đạt ý đồ chiến lược trong khu vực của mình. Do đó, sau nhiều nỗ lực âm thầm thương thảo đôi bên để giải quyết những trở ngại cơ bản (tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích trong chiến tranh gọi tắt là POW/MIA, Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, cải thiện nhân quyền…),Hoa Kỳ đã bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 12/7/1995. Sau đó tiếp tục giải quyết những trở ngại thứ yếu khác, trong đó có vấn đề kế thừa trả món nợ Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ như trong hiện vụ. Đây là món nợ được đôi bên công nhận là chính đáng, không có khoản vay nào được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động quân sự trong chiến tranh Việt Nam (thuộc viện trợ không hoàn lại, khác các khoản vay mượn trong chiến tranh phải hoàn lại).
Vì vậy, hai năm sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, vào ngày 7/4/1997, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Robert Rubin lúc đó, đã ký thỏa thuận tại Hà Nội về việc Việt Nam trả lại khoản nợ 145 triệu đôla của chính quyền Việt Nam Cộng hòa như một điều kiện để xúc tiến ngoại giao.
Theo thông báo ngày 7/4/1997 của Bộ Tài chính Mỹ, thì Việt Nam đầu tiên đã trả ngay một khoản "downpayment" (trả trước)hơn 8,5 triệu USD tiền lời trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký thỏa thuận. Sau đó, Việt Nam trả đều đặn số nợ còn lại từ tháng 7/1997 đến năm 2019 thì hết.
2. Ý nghĩa thực tế mang tính lợi ích song phương hay đa phương, đã làm thay đổi cach nhìn và cách hành xử của giới cầm quyền một cách thích hợp, để hội nhập vào nền trật tự kinh tế quốc tế mới.
2.1. Lợi ích chiến lược song phương Mỹ-Việt và đa phương quốc tế
Việc nhà cầm quyền chế độ cộng sản Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp nhận trả món nợ quá khứ mà chính quyền quốc gia Việt Nam Cộng Hòa vay của Hoa Kỳ trong chiến tranh, còn mang ý nghĩa lợi ích song phương, đôi bên cùng có lợi nhiều mặt về lâu về dài. Đồng thời đem lại lợi ích cho chiến lược toàn cầu mới qua chấp nhận trả nợ kế thừa là Việt Nam chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế trong nền trật tự kinh tế quốc tế mới.
Đúng như Tuyên bố khi Việt Nam đồng ý thanh toán khoản nợ này vào năm 1997, Bộ Trưởng Tài chánh Mỹ Robert Rubin nói : "Đây là một bước quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước chúng tavà sự hòa nhập của Việt Nam vào hệ thống tài chính quốc tế". Đây vốn là một trong những yêu cầu của chiến lược toàn cầu mới nhằm thiết lập một nền trật tự kinh tế quốc tế mới, hay là một hệ thống kinh tế thế giới mới… mà các nước giầu và nghèo đã có nỗ lực chung cùng hướng tới trong những thập niên qua, kể từ sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh (1991-2020) trong nền trật tự kinh tế quốc tế cũ.
Những lợi ích song phương trong hiện vụ liên quan đến tài chính, thì việc Việt Nam thanh toán một món nợ nhỏ không đáng kể, thực tế đã đem lại lợi ích tài chính lớn lao hơn nhiều cho Việt Nam.
Thực tế là, từ khi thiết lập bang giao với Việt Nam vào năm 1995 cho đến nay, sau 25 năm, Hoa Kỳ liên tục tài trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu đôla cho các chương trình y tế, giáo dục, xử lý chất độc da cam dioxin, người khuyết tật, biến đổi khí hậu… nhưng Washington vẫn kiên quyết buộc Hà Nội thanh toán khoản nợ nhỏ của chính quyền Sài Gòn và từ chối xóa món nợ này để giữ vững nguyên tắc quan hệ ngoại giao quốc tế. Chính phủ Mỹ cho biết trong vòng hơn 20 năm qua, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam tổng cộng hơn 1,8 tỷ đôla, riêng trong lĩnh vực y tế có hơn 706 triệu đôla. Nếu so với trả món nợ kế thừa 145 dollar nào có đáng chi ?
2.2. Lợi ích chiến lược song phương cũng như đa phương theo thông lệ, tập quán ngoại giao quốc tế.
Chính vì những khó khăn thực tế nhà cầm quyền chế độ cộng sản Việt Nam đã nhìn ra được lợi ích chiến lược song phương cũng như đa phương để thay đổi cách hành xử phù hợp với trách nhiệm kế thừa theo thông lệ, tập quán ngoại giao quốc tế.
Thật vậy, báo Quốc tế dẫn lời Đại sứ Việt Nam Hoàng Vĩnh Thành cho biết ‘Ngay sau 1975, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố tịch thu vô điều kiện các tài sản của Mỹ ở Nam Việt Nam và không thừa nhận mọi khoản nợ của chế độ cũ...’ (Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam đều là công cụ chính trị, quân sự của cộng sản Bắc Việt trong chiến tranh thôn tính, cộng sản hóa Miền Nam)
Hãng tin AP viết : ‘Lúc đầu, Việt Nam từ chối thanh toán các khoản vay này, nhưng sau đó đã đổi ý vì muốn được Washington tạo thuận lợi để khuyến khích đầu tư nước ngoài’.
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận định trên Facebook cá nhân :"Ngay từ sau ngày 30/04/1975, nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phủ nhận nghĩa vụ thanh toán nợ vay của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, bằng cách viện dẫn học thuyết "món nợ ô nhục".
Luật sư Đặng Đình Mạnh viết thêm :"Sau những cuộc vận động bình thường hóa quan hệ ngoại giao với các quốc gia phương tây, nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phải từ bỏ quan điểm nêu trên và chấp nhận sự thừa kế quốc gia đối với các khoản nợ được vay bởi nhà nước Việt Nam Cộng Hòa".
Sự nhượng bộ này được phía Việt Nam gọi là sự "linh hoạt trên nguyên tắc" hay "vận dụng linh hoạt có nguyên tắc luật pháp quốc tế theo đúng phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" và lúc bấy giờ phía Mỹ khuyến nghị Hà Nội "không nên giữ quan điểm cứng rắn nữa mà nên nhìn vào tương lai quan hệ hai nước để đi tới giải pháp".
III. Thay lời kết
Phải chăng nhà cầm quyền cộng sản Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm theo khuyến nghị này của Hoa Kỳ ? Từ đó đã nhìn vào tương lai, sau 20 năm xây dựng thử nghiệm mô hình xã hội chủ nghĩa không tưởng bị thất bại hoàn toàn và vĩnh viễn ; để nhờ đó rút kinh nghiệm, tìm cách vượt qua mọi trở ngại, thiết lập được quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ ?
Từ đó và nhờ đó, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Hòa Kỳ, thực hiện chính sách ‘Mở cửa’ Việt Nam đã có được trình độ phát triển nhiều mặt, nhất là mặt kinh tế, để có bộ mặt phồn vinh như hôm nay. Thế nhưng tương lai Việt Nam sẽ tốt đẹp và hoàn chỉnh hơn nếu trong‘môi trường mật ngọt kinh tế thị trường’ tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sớm kết thúc. Để nhân dân Việt Nam thuộc mọi giai tầng xã hội(chứ không riêng chỉ có giai cấp có ưu quyền đặc lợi) được sống trong "Độc lập - Tự do - ấm no - hạnh phúc’ thực sự, không còn là khẩu hiệu tuyên truyền mị dân của các nhà cầm quyền như bấy lâu nay.
Houston, ngày 30/7/2020
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 04/08/2020
Khi nhận được học bổng Fullbright và đến sống tại Việt Nam, một nữ giáo sư lịch sử người Mỹ đã nhận ra ngay sự vắng bóng của "một phía quan trọng" trong cuộc chiến từng diễn ra trên chính mảnh đất của họ. Bà quyết định bắt tay nghiên cứu và cho ra đời thêm một tác phẩm về cuộc chiến Việt Nam dưới lăng kính mới – lăng kính của "người miền Nam" – những người mà bà cho là đã bị "bỏ sót" trong nghiên cứu lịch sử của cả "bên thắng cuộc" lẫn phía đồng minh Mỹ.
Hình ảnh một cuộc giao tranh tại Sài Gòn vào tháng 2 năm 1968.
"Tôi đến sống ở Việt Nam một năm và giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Đại học Quốc gia. Tôi đã đi khắp đất nước, xem nhiều đài tưởng niệm và tượng đài chiến tranh khác nhau, mà có lẽ tôi nên gọi là theo ‘lăng kính của miền Bắc’ hay ‘lăng kính của Hà Nội’ trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, nhưng hoàn toàn không thấy đề cập gì đến một thực tế là có một phe Việt Nam khác mà họ cũng đã chiến đấu chống lại", Giáo sư – Tiến sĩ Heather Marie Stur của trường đại học Southern Mississippi, Hoa Kỳ, nói với VOA về lý do khởi đầu khiến bà dành ra 6 năm để nghiên cứu và viết cuốn "Saigon at War : South Vietnam and the Global Sixties" (tạm dịch "Sài Gòn thời chiến : miền Nam Việt Nam và thập niên sáu mươi toàn cầu"), vừa được nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành.
"Có câu nói rằng ‘Lịch sử được viết bởi những kẻ chiến thắng’. Tôi hoàn toàn hiểu quan điểm đang thống trị của miền Bắc hay của Hà Nội, bởi vì họ là bên thắng cuộc. Do đó, tôi muốn đưa phía bên kia vào câu chuyện cho minh bạch hơn", Giáo sư Tiến sĩ Stur nói thêm.
Để bổ sung cho "sự vắng mặt" của một phía quan trọng này, nữ giáo sư Mỹ bắt đầu tìm hiểu câu chuyện của những nhân chứng sống tại Việt Nam, từ những gia đình có người thân từng là cựu chiến binh của Việt Nam Cộng Hoà, đến những gia đình bị chia rẽ vì có người thân chiến đấu cho cả hai bên chiến tuyến.
Giáo sư - Tiến sĩ Heather Marie Stur. Ảnh minh họa
"Tôi cố gắng để có được nhiều tiếng nói và quan điểm hơn trong cuốn sách. Vì vậy, tôi không tập trung vào chỉ một vài người lãnh đạo, nhưng tôi tìm hiểu một nhóm rộng hơn như tầng lớp sinh viên, những người Công giáo, các nhà hoạt động chính trị, các trí thức thành thị sống chủ yếu ở Sài Gòn… để có được cái nhìn bao quát hơn, thay vì chỉ nhìn từ quan điểm của một lãnh đạo hay chính phủ", Giáo sư Tiến sĩ Stur cho biết thêm.
Ngoài việc tiếp xúc với người dân, Giáo sư Tiến sĩ Stur bắt đầu nghiên cứu tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (trước đây là Thư viện Quốc gia của Việt Nam Cộng Hoà). Tại đây, bà phân tích các tài liệu của quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây, từ các báo cáo tình báo, cáp ngoại giao, báo cáo của cảnh sát và tòa án đến các bản tin chính trị, nhật báo, tạp chí hay thư từ của người dân gửi đến các văn phòng chính phủ vào thập niên 1960 và 1970.
Trở về Mỹ, nữ giáo sư chuyên viết về chiến tranh tiếp tục công việc nghiên cứu tại các Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở thủ đô Hoa Kỳ và tại các trường đại học của Mỹ, với mong muốn tìm hiểu cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu ở thập niên 1960 – vốn được xem là thập niên khởi đầu của khái niệm "toàn cầu hoá", thời điểm đan xen giữa ý tưởng được xem là không tưởng về một "tân thế giới sắp đến" và thực tế khắc nghiệt của các cuộc chiến tranh, đàn áp chính trị và khả năng xung đột hạt nhân.
"Người Mỹ chúng tôi có xu hướng nghĩ về Chiến tranh Việt Nam như là một trải nghiệm của người Mỹ và nó ảnh hưởng đến chúng tôi, ảnh hưởng đến người dân Mỹ. Nhưng những gì đã xảy ra ở Việt Nam trong những năm 1960 và đầu những năm 1970 là một phần của câu chuyện toàn cầu lớn hơn nhiều về hoạt động chính trị và sự độc lập", Giáo sư Stur nói, đồng thời cho biết bà thực sự "thích thú" khi nhìn thấy những kết nối quốc tế trong các hoạt động này.
"Các quốc gia và mọi người đều chú ý đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam và bàn về nó, xem mình đang đứng ở phe nào. Trong khắp khu vực Đông Nam Á, có những phong trào chống Cộng khác nhau và các chính trị gia rất chú ý đến những gì đang diễn ra ở miền Nam Việt Nam để rút ra bài học cho đất nước mình trong bối cảnh đụng độ giữa các phe nhóm Cộng sản và chống Cộng. Chính vì những xung đột diễn ra ở Việt Nam đã rất thu hút sự chú ý trên toàn thế giới, nên tôi cố gắng đưa bối cảnh quốc tế này vào trong cuốn sách".
Với việc phác hoạ lại cuộc chiến trong bối cảnh toàn cầu những năm 1960, nhà sử học người Mỹ còn muốn cho độc giả nhìn thấy có đến ba cuộc chiến lồng ghép vào nhau trong chiến tranh Việt Nam, đó là cuộc chiến chính trị ở Sài Gòn, cuộc chiến quân sự và cuộc chiến về mặt công luận thế giới.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Stur, nền dân chủ của miền Nam Việt Nam trước đây sở dĩ gặp thất bại là vì các áp lực chính trị lên chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chứ không phải là kết quả của việc người dân ngả theo Cộng sản.
"Hoa Kỳ, trong chừng mực nào đó, đã cố gắng phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn với Trung Quốc và Liên Xô. Và ý tưởng để cho chủ nghĩa cộng sản nắm giữ Việt Nam và thống nhất đất nước dưới một chính quyền Cộng sản vào thời điểm giữa thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960 có vẻ như không đến nỗi là một mối nguy an ninh quốc gia", Giáo sư Tiến sĩ Stur nhận định.
"Đó là lối tư duy địa chính trị của Hoa Kỳ đối với các đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc", Giáo sư Stur nói thêm, cộng với những nghi ngờ từ phía công chúng Mỹ về thành công của Hoa Kỳ tại Việt Nam vào thời điểm đó đã góp phần gây sụt giảm rất lớn đến sự ủng hộ tiếp tục tham chiến.
Tiếp xúc với nhiều người miền Nam thời hậu chiến, TS. Stur nói bà "hoàn toàn thấu hiểu" tâm trạng của nhiều người cho rằng Hoa Kỳ đã đến Việt Nam và "làm lớn thêm đống hổ lốn tại đây, leo thang chiến tranh và rồi bỏ đi mà không hoàn thành cam kết".
"Tôi nghĩ rất khó để hàn gắn vết thương đó. Đối với những người đã phải rời bỏ Việt Nam, trở thành người tị nạn ở Mỹ và không bao giờ có thể trở về, nghĩa là họ đã mất nước", Giáo sư Stur nói. "Nước Mỹ sẽ phải mất một thời gian rất dài để chữa lành vết thương cho những người đã chiến đấu cùng với người Mỹ và tin rằng Hoa Kỳ sẽ làm gì đó để giúp họ nhưng rồi lại bỏ đi".
Trước tác phẩm "Saigon at War : South Vietnam and the Global Sixties", nữ học giả Mỹ từng được biết tiếng qua tác phẩm viết về thân phận phụ nữ thời chiến trong cuốn "Beyond Combat : Women and Gender in the Vietnam War Era" và nhiều bài viết khác về chiến tranh Việt Nam.
"Đó là một đất nước xinh đẹp và hấp dẫn, và tôi muốn hiểu biết thêm về lịch sử của đất nước này trong mối quan hệ với cuộc chiến của người Mỹ tại đây", TS. Stur giải thích về lý do bà tập trung nghiên cứu và cho ra đời nhiều tác phẩm về chiến tranh Việt Nam.
Khánh An
Nguồn : VOA, 06/06/2020
‘Hòa’ thế nào khi không muốn giải !
Trân Văn, VOA, 01/05/2020
Cho dù cả giọng điệu lẫn âm lượng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức về sự kiện "Giải phóng miền Nam" đã giảm đáng kể nhưng mạng xã hội và các diễn đàn điện tử về ngày 30 tháng 4 vẫn rất nóng, thậm chí còn nóng hơn nhiều năm trước...
Một cuộc duyệt binh nhân ngày 30 tháng Tư tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.
Số người nhận thức lại về cuộc chiến "Giải phóng miền Nam", đặc biệt là những người có liên quan chặt chẽ với "bên thắng cuộc", càng lúc càng đông. Thời điểm sự kiện "Giải phóng miền Nam" tròn 45 năm, nhiều ngàn người chia sẻ và bày tỏ sự tán thành ý kiến của Abraham Lincoln được dịch ra tiếng Việt kèm chân dung của ông (1) :
Khi viên đạn găm vào môt người lính thuộc về bất kỳ bên nào thì nó cũng xuyên vào trái tim một người mẹ…
Tại sao lại ăn mừng chiến thắng ? Những kẻ bại trận chẳng phải là đồng bào của chúng ta hay sao ?
***
Tháng trước, Tho Nguyen, sau tháng 4 năm 1975 được biệt phái vào Nam tiếp quản Đài Truyền hình Huế, từng bày tỏ : Đại dịch Covid-19 đang tạo cơ hội để ngày 30 tháng 4 năm nay, 45 năm kết thúc chuyện huynh đệ tương tàn, sẽ không phải là ngày trống giong cờ mở, pháo hoa sáng trời của bên này đồng thời là ngày nuốt nước mắt của bên kia…
Tuần này, Tho Nguyen, vừa mới viết tiếp về những suy nghĩ của ông đối với cuộc chiến ấy : Trong khi cả thế giới chìm trong chiến tranh lạnh thì Việt Nam trở thành chiến trường thi thố sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta coi nhau như anh em một nhà, quyết không bắn giết nhau thì không đế quốc nào có thể nhảy vào Việt Nam. Cuộc chiến khốc liệt đã nổ ra chính vì số người Việt thích bạo lực, coi trọng đấu tranh ý thức hệ nhiều hơn số người nghĩ đến quyền lợi dân tộc. Cuộc chiến đó đã khiến chúng ta mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nếu tiếp tục chia rẽ, thù ghét nhau, sẽ mất thêm nhiều thứ khác (2)…
Trong status mới nhất, Tho Nguyen kể chuyện tướng Wojciech Jaruzelski (Ba Lan) và trung tá Harald Järger (sĩ quan an ninh Đông Đức) như những dẫn chứng.
Khi Công đoàn Đoàn kết trở thành lực lượng đe dọa sự nghiệp của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan và chính quyền cộng sản Ba Lan, tướng Jaruzelski – lúc ấy là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước đã chọn con đường đàm phán với Lech Walesa – Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết, chứ không cậy đến Liên Xô – luôn muốn kềm giữ Ba Lan trong nanh vuốt của mình. Nhờ vậy, Jaruzelski và Walesa vốn từng không đội chung Trời nhưng không vì thế mà "đốt cháy Ba Lan" đã trở thành bạn của nhau.
Tương tự, Järger đã cấm thuộc cấp nổ súng vào dân Đông Đức ùn ùn đổ tới Bức tường Berlin. Đã vậy còn tự tay nâng thanh chắn cho dân Đông Đức chạy sang Tây Đức vào đêm 9/11/1989, dù điều đó, đồng nghĩa với sự nghiệp của Jäger cũng như hàng ngàn sĩ quan an ninh Đông Đức khác sẽ tiêu tan.
Tho Nguyen tin rằng, những kết thúc có hậu như thế chính là nhờ dân Ba Lan không sùng bái bạo lực, không để khuynh hướng bạo lực thắng thế, cũng như nhờ dân trí lành mạnh mà những sĩ quan an ninh Đông Đức giữ được tính người, lý trí. Đó cũng là lý do khi nước Đức còn bị phân chia, tuy khác biệt về thể chế chính trị nhưng dân Đông Đức vẫn dán mắt vào những trấn đấu của đội tuyển bóng đá Tây Đức và vẫn thường hét vang : Nước Đức, nước Đức… Tho Nguyen kể thêm, ngày thống nhất nước Đức, Thủ tướng Đức Willy Brand tuyên bố : Giờ đây những gì thuộc về nhau, lại gắn kết với nhau. Liệu càng ngày càng nhiều người Việt sẽ nghĩ như vậy (3) ?
***
Tham gia cuộc thảo luận sôi nổi về sự kiện "Giải phóng miền Nam" trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử từ cuối tháng ba đến nay, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu của Ban Dân vận thuộc Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nhận định : 30/4/1975 là thời điểm khởi đầu của tiến trình "phi cộng" mà những người cộng sản Việt Nam không cưỡng lại được.
Ông Mai cho rằng : Sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa trong một phần tư thế kỷ đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều giá trị của một nền kinh tế thị trường thật chứ không nửa dơi nửa chuột, một xã hội dân trị tuy chưa đạt đến đỉnh cao nhưng là hiện thực, một nền văn hóa, giáo dục khá trưởng thành với nhiều giá trị và kinh nghiệm lành mạnh…
Theo ông : Đó chính là những nhân tố thúc đẩy tiến trình "phi cộng". Khi tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thất bại, phải từng bước xóa bỏ kinh tế kế hoạch hóa, tập thể hóa nền kinh tế… Tuy nhiên không vứt bỏ cái vòng kim cô giáo điều Mác – Lênin, cái ốp che mắt ngựa thì không thể có tư duy tử tế, lành mạnh để suy nghĩ.
Khi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là kinh tế tư bản hoang dã có màu đỏ nhưng không đỏ như son mà là đỏ máu dân, ông Mai dẫn lại thắc mắc mà Triết gia Nguyễn Mạnh Tường từng nêu : Chủ nghĩa anh hùng của các ông có giúp các ông dám hy sinh đảng trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân dân ? - kèm cảnh báo : Nếu tiếp tục bảo thủ, tiếp tục để các nhóm lợi ích thao túng, nhân dân sẽ "tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới" và họ sẽ hành động (4)…
***
30 tháng 4 là dịp mà Lưu Trọng Văn, một nhà báo nghỉ hưu, viết vài mẩu chuyện nhỏ về những cuộc trò chuyện với người của phía bên kia. Những mẩu chuyện tiếp tục khắc họa thêm diện mạo của phía bại trận, về một hệ thống được xây trên nền tảng giáo dục theo tiêu chí "nhân bản – dân tộc – khai phóng", khác hẳn tuyên truyền của "bên thắng cuộc". Trong những mẩu chuyện ấy, có cuộc đối thoại với một đại tá của Việt Nam Cộng hòa, từng bị "cải tạo" mười năm, còn vợ con thì mất tích khi vượt biên bị chết, rằng : Làm thế nào để thống nhất lòng người ? Vị đại tá ấy đáp rất gọn : Chính quyền cứ thật sự tử tế vì dân thì lòng dân tự khắc thống nhất (5).
"Hòa hợp, hòa giải dân tộc" đã trở thành khẩu hiệu suốt hàng chục năm nhưng chỉ trong vài tháng gần đây, tiếp tục có thêm hàng chục người bị bắt, bị kết án chỉ vì nói khác kiểu, kháng giọng với những người lớn tiếng gọi "hòa". "Hòa" như thế là hòa… thật hay hòa… giả. "Hòa" như thế thì làm sao "giải" hết cả oán hận lẫn bất đồng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 01/05/2020
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/thanhbinh.bui.520/posts/1373475022839696
(2) https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/4024534787564564
(3) https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/4032800063404703
(4) https://baotiengdan.com/2020/04/30/30-thang-4-cot-moc-dien-bien-cua-cong-san-viet-nam/
(5) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2638170569841497&id=100009457401127
*******************
Đừng khoét thêm vào nỗi đau Tháng Tư nữa !
Nguyễn Tường Thụy, RFA, 01/05/2020
Kỷ niệm 30/4 năm nay, tôi không định viết gì vì năm nào cũng viết rồi. Thế nhưng đã qua ngày 30/4, đây đó trên mạng xã hội vẫn còn những giọng miệt thị, giễu cợt đồng bào trốn chạy cộng sản đợt 30/4/1975.
Nước măt và nỗi đau của mẹ Việt Nam vẫn chưa ngừng
Có mấy lý do cần chấm dứt chỉ trích nhằm vào đồng bào phải bỏ nước ra đi :
Việt Nam Cộng hòa là bên thua cuộc nhưng họ không có lỗi và càng không có tội. Dịp 30/4 năm nay, có ý kiến gọi là bên bỏ cuộc. Cách gọi này phản ảnh khá sát bản chất của vấn đề mong mọi người suy nghĩ thêm, nhưng trong bài viết xin cứ gọi theo chữ quen dùng là bên thua cuộc đã.
Việt Nam Cộng hòa thua cuộc nhưng không thể trách được họ trước một đối phương mạnh và đông hơn hẳn. Đội quân ấy lại được sự tiếp sức tiền của và phương tiện chiến tranh khổng lồ từ khối xã hội chủ nghĩa trong đó có 2 cường quốc cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc, trong khi Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ bỏ rơi từ sau Hiệp định Pa ri.
Sau 45 năm, có nhiều học giả nhìn nhận lại bản chất cuộc chiến tranh. Về cơ bản, đó là cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do miền Bắc phát động. Hiệp định Pari bị xé bỏ thay vì thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Trong một cuộc chiến tranh, thua thắng có khi chỉ là nhất thời và tương đối. Bây giờ ý nghĩa của chiến thắng 30/4 như thế nào ? Nhìn vào thực trạng đất nước 45 năm sau đã rất nhiều người ngộ ra.
Việt Nam Cộng Hòa đã xây dựng được một nền dân chủ cộng hòa đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, giáo dục, an sinh xã hội về nhân quyền, dân chủ mà Việt Nam ngày nay còn lâu mới đạt được. Tuy chưa phải là khuôn mẫu tiên tiến nhất nhưng đó là chế độ mà đa phần nhân loại đang theo đuổi.
Và điều quan trọng nhất là Việt Nam Cộng Hòa không gây nên cuộc chiến này.
Vì vậy, bên thắng cuộc chẳng có gì phải tự hào, kiêu hãnh cả, càng không có lý do để sỉ nhục phía bên kia.
*
Điều cần nói là việc hạ nhục bên thua cuộc không chỉ là dư luận viên. Nó được phát ra cả từ những kẻ có những lời chỉ trích chế độ. Việc này, giới xã hội dân sự gọi là "vừa hợp tác, vừa đấu tranh". Giọng lưỡi từ những người này mới nguy hiểm. Thà rằng một bề bảo vệ đảng như những dư luận viên, trận tuyến truyền thông hai phía rõ ràng. Từ ngữ họ dùng để miệt thị phe thua trận thật là ghê tởm, rằng thua chạy te tua, chạy vãi cức, chạy tụt quần, không còn gì trong tay mà đòi này đòi nọ...
Thế nhưng đám dư luận viên hai mặt chưa hẳn là những người có công với chế độ. Ngày 30/4/1975 có thể họ còn bé tí hoặc chưa sinh ra nhưng cũng tự nhận mình thuộc bên thắng cuộc để lên giọng kẻ cả, phát ra những lời tanh tưởi. Nó thể hiện một tâm địa hẹp hòi, bần tiện, vô nhân bản.
Số này còn ghê gớm hơn cả nhiều lãnh đạo cộng sản có công đầu trong công cuộc gọi là "giải phóng miền Nam". Tại dinh Độc Lập ngày 2/5/1975 ông Trần Văn Trà nói với tướng Dương Văn Minh : "Đối với chúng ta, không có kẻ thua, người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam chúng ta thắng Mỹ". Còn ông Võ Văn Kiệt nói trong dịp kỷ niệm 60 năm quốc khánh : "Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.
Có thể ông Trà và ông Kiệt nói mang tính mị dân hoặc những ai nói ra được như hai ông này còn ít nhưng cũng nhằm xoa dịu bớt nỗi đau của bên thua cuộc. Vậy mà những dư luận viên hai mặt là gì mà xúc phạm bên thua cuộc như vậy ?
Đó là đám dư luận viên hai mặt. Còn về phía nhà nước thì sao ?
Cần xác nhận rằng gần đây, các hoạt động mừng ngày "giải phóng miền Nam" có giảm dần qua mỗi năm. Tuy vậy họ vẫn không bỏ được chuyện ăn mừng chiến thắng. Năm nay cũng vậy. Nhưng thông tin về hoạt động này tìm qua ở công cụ tìm kiếm cũng khoảng 80 tin bài. Điển hình là tin "Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" để "ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước". Thấy có cả Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng bay từ Hà Nội vào để dự, chắc là thay mặt đảng và nhà nước.
Bao giờ thì nhà nước thôi kỷ niệm 30/4 trong tâm thế ăn mày dĩ vãng. Bao giờ thì những từ "ngụy quân", "ngụy quyền" thôi chấm dứt trên cửa miệng những người dân vẫn đang tiếp nhận và chỉ trung thành với thông tin một chiều ? Bảo làm sao mà đến giờ vẫn chưa hòa giải, hòa hợp dân tộc được. Lòng người vẫn ly tán và chia rẽ sâu sắc.
Nếu vẫn cái kiểu tiểu nhân đắc chí như thế, chắc chắn số người vui giảm xuống, số người buồn tăng lên thậm chí tăng lên cả số người khinh bỉ, căm ghét và căm thù.
*
Nhắc đến hòa giải và hòa hợp dân tộc, người ta thường nhắc lại cách cư xử của bên thắng cuộc miền Bắc đối với bên thua cuộc miền Nam nhưng mà là chuyện của... nước Mỹ trong cuộc nội chiến 1861-1865.
Với Việt Nam, bên thắng cuộc phải cư xử sao cho nhân bản, đúng tư thế của người chiến thắng. Hãy cúi xuống mà nâng bên thua cuộc đứng dậy. Đừng làm cho nỗi đau của đồng bào miền Nam kéo dài thêm, cứa mãi, đau day dứt, dai dẳng như xẻo thịt bằng con dao cùn và lấy sự đau đớn ấy làm niềm vui, niềm tự hào, kiêu hãnh của mình.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 01/05/2020 (nguyentuongthuy's blog)
*********************
‘Mình là ván cờ thí để họ đi ván khác’
Hoàng Đức Nhã, VOA, 01/05/2020
Hoàng Đức Nhã nhìn lại biến cố 30/4
45 năm sau khi Sài Gòn thất thủ, những nhân vật từng đóng một vai trò trong giai đoạn dẫn tới biến cố lịch sử này ngày càng thưa dần… Trong những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn lại có ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Thông tin, dân vận và chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa.
Ông Nhã, cựu Bí thư và Tham vụ Báo chí của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhìn lại biến cố lịch sử 30/4/1975 trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ.
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa tại hội thảo ở trường Đại học Oregon 14-15/10/2019
Hoàng Đức Nhã : "30 tháng Tư là một tổng hợp của rất nhiều yếu tố đã được cấu kết và thi hành từ bao năm, trước khi người Mỹ muốn ra khỏi cuộc chiến Việt Nam, không phải do họ thiếu năng lực mà vì lúc đó họ đổi đường hướng, muốn có những sự dàn xếp ở cấp cao với Trung Quốc, với Nga, trên cục diện địa chính trị- geopolitics.
Ông nói khi quân đội Bắc Việt tràn vào chiếm miền Nam, thì Việt Nam Cộng Hòa không còn súng đạn mặc dù trước đó 2 năm, chính phủ miền Nam đã ký hiệp định dựa trên lời hứa của Tổng thống Nixon, cam kết sẽ giúp Việt Nam Cộng Hòa tồn tại, và sẽ cung cấp vũ khí cho miền Nam theo phương thức "thay một đổi một", nếu phía Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Thế nhưng người Mỹ không giữ lời hứa, dẫn tới tình trạng miền Nam "không còn đủ phương tiện để chiến đấu".
Hiệp định mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã vạn bất đắc dĩ ký dưới áp lực của Mỹ, vào tháng Giêng 1973 là một bước ngoặt trong chiến tranh Việt Nam. Ông Hoàng Đức Nhã nói hai năm trước đó, người Mỹ đã có ý định rút ra khỏi Việt Nam vì Mỹ muốn mang tù binh về "để ông Nixon có thể chứng tỏ với dân là ông đã giữ lời hứa sẽ đưa con em người Mỹ về nước".
Cựu Bí thư của Tổng thống Thiệu nói điều ‘vô cùng đáng tiếc’ là 30/4 xảy ra trong bối cảnh miền Nam đang đạt được nhiều tiến bộ.
"Lúc đó quân lực của mình đã bắt đầu mạnh, trong nước guồng máy hành chánh đã bắt đầu làm việc đúng mức, theo tôi nghĩ cộng sản họ thấy nếu để miền Nam có thì giờ thì ngày sẽ càng mạnh, lúc đó mình đã bắt đầu có dầu lửa, lúc đó đã sắp sửa xuất cảng được gạo trở lại, tất cả những yếu tố để phát triển, xây dựng đất nước đã có..".
Vụ tai tiếng Watergate
Nước Mỹ lúc bấy giờ phải đối phó với những vấn đề nội bộ đang làm lung lay chiếc ghế của Tổng thống Nixon, liệu vụ tai tiếng Watergate có ảnh hưởng tới quyết định của người Mỹ rút ra khỏi Việt Nam ?
Ông Hoàng Đức Nhã nói vụ Watergate ảnh hưởng tới sự khẩn trương trong chính trị nội bộ của Mỹ, ảnh hưởng dây chuyền tới miền Nam và việc Mỹ giữ cam kết hay không vì ông Nixon lúc đó hoàn toàn phải đối phó với vụ Watergate. Ông giải thích :
"Lúc đó, quốc hội Mỹ do Đảng Dân chủ Mỹ kiểm soát rồi. Hai viện thì họ thấy cơ hội để dí ông Tổng thống Nixon và họ lựa vấn đề Watergate mà tiếp tục tấn công. Ngày mà Tối cao Pháp viện buộc ông Nixon phải giao cuộn băng đó, là ngày chính tôi thấy rõ thế nào miền Nam cũng phải chịu ảnh hưởng của chuyện này".
Viết về ông Hoàng Đức Nhã, báo New York Times mô tả ông là người đàn ông quyền lực nhất tại miền Nam, chỉ đứng sau Tổng thống Thiệu. Tờ báo nói ông Nhã cùng lúc đóng vai của 3 nhân vật quan trọng chính phủ Mỹ đương thời : cố vấn Kissinger, Tham vụ báo chí Ron Spiegler và Charles G. (Bebe) Rebozo, một người bạn tín cẩn của ông Nixon.
Ông Nhã là em họ của Tổng thống Thiệu, nhưng ông nói ông được ông Thiệu tin tưởng không phải vì có liên hệ bà con mà là nhờ ông hiểu người Mỹ, và biết phân tích tình hình.
"Tôi đi Mỹ học từ nhỏ, tôi biết tánh của người Mỹ khi họ áp dụng cái gì mà thấy con đường đó không trúng là họ bỏ đi, không tình cảm gì hết, mặc dù họ đã bỏ cả tỉ đôla đầu tư, không ăn thua gì cả… Tổng thống Thiệu là một ông Trung tướng, tướng là phải nghe hết những phân tách đầy đủ rồi mới lấy quyết định. Tôi làm việc với ông ấy được ông ấy tín nhiệm ngay cả về các vấn đề không thuộc phạm vi của tôi. Là Bí thư, tôi đâu có ăn thua gì về làm ngoại giao nhưng mà tôi phân tách được, đó là lý do tại sao tôi làm một lúc 3 công việc mà tờ New York Times có nhắc đến".
Về Tiến sĩ Kissinger
...sau khi ông Kissinger đi Bắc Kinh, rồi Tổng thống Nixon đi Bắc Kinh, dàn xếp với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông… Mình là một ván cờ họ thí để họ đi một ván cờ khác".
Ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Thông tin, dân vận và chiêu hồi Việt Nam Cộng Hòa
Tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh của Tổng thống Nixon, là người đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thương lượng dẫn tới hiệp định Paris. Với các hoạt động ngoại giao ‘con thoi’ mang tính thực dụng, ông Kissinger thúc đẩy Mỹ mở cửa với Trung Quốc, làm thay đổi trật tự thế giới với những hệ quả còn kéo dài cho tới ngày nay. Có người tin rằng ông Kissinger phải chịu trách nhiệm lớn về kết cuộc của chiến tranh Việt Nam. Bí thư của Tổng thống Thiệu nhận định :
"Đồng ý ! Chính ông ấy là người thương thuyết một hiệp định rất là tai hại, ép buộc mình, không nghe, không chú ý, không quan tâm đến những ước vọng của miền Nam. Ông ấy chỉ thực thi những gì mà ông cho là trúng, mà chưa chắc gì ông Nixon đồng ý với ông ta nhưng mà vì ông Nixon bị vấn đề Watergate chi phối, ông không có thì giờ nghĩ tới. Ông Kissinger nói OK, để tôi ký cái hiệp định rồi là tôi là anh hùng rồi, tôi đem được tù binh Mỹ về rồi, chấm dứt".
Là người trực tiếp đối đầu với Kissinger để đòi các điều kiện tốt hơn cho miền Nam, ông Hoàng Đức Nhã bị coi là một cái gai trước mắt khi Kissinger sang Việt Nam hối thúc Tổng thống Thiệu chấp nhận giải pháp "chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam" mà ông ta đã điều đình với Hà nội trong các cuộc đi đêm với Lê Đức Thọ. Trong hồi ký "The White House Years", ông Kissinger mô tả Hoàng Đức Nhã là cao ngạo, bướng bỉnh, khó ưa, và dùng những từ ngữ nặng nề khác để nói về ông Hoàng Đức Nhã. Ông Nhã nói :
"Thực ra ông Kissinger không thích tôi là bởi vì tôi đi guốc trong bụng ông, ông là giáo sư danh tiếng mà ông thấy cái thằng nhóc con này mà tại sao nó dám chỉnh ông ?"
Trong hồi ký, Kissinger phản bác chỉ trích của ông Nhã cho rằng người Mỹ chỉ mặc cả để có một "decent interval"- một thời gian đủ lâu để Mỹ có thể thoái lui ‘trong danh dự’.
"Chính cái đó là điều làm cho ông Kissinger và phía Mỹ ghét tôi. Tôi là người biết phân tách tình hình, hồi đó tôi dùng danh từ ‘một thời gian thỏa đáng’ vì những tin tức sau khi ông Kissinger đi Bắc Kinh, rồi Tổng thống Nixon đi Bắc Kinh, dàn xếp với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông… Mình là một ván cờ họ thí để họ đi một ván cờ khác".
Lịch sử
Ông Hoàng Đức Nhã, Tham vụ báo chí và cố vấn của Tổng thống Thiệu, bắt tay Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn Elleworth Bunker, ngày17/8/1972, trước cuộc họp giữa Tổng thống Thiệu và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry A Kissinger
Cộng hòa Miền Nam Việt Nam giờ đã thuộc về lịch sử, mà lịch sử thường nằm trong tay của bên thắng cuộc.
"Ai viết lịch sử ? Người thắng cuộc thì viết theo họ nói là người miền Nam không chịu bảo vệ lãnh thổ, chuyện đó là chuyện sai lầm, giải thích là người đồng minh không giữ lời cam kết đối với miền Nam, đưa đến ngày 30/4".
Ông Hoàng Đức Nhã rời Sài Gòn ngày 28/4/1975 giữa lúc thành phố Sài Gòn đang bị dội bom. Ông nghĩ gì khi ngoái nhìn quê hương lần cuối từ trên máy bay đưa ông ra nước người sống lưu vong ?
"Lúc máy bay cất cánh, tôi thấy mấy quả pháo rơi vào phi trường Tân Sơn Nhứt, lúc đó tôi rất buồn, không biết ngày nào trở về… Khi tới Guam nghe ông Dương Văn Minh đầu hàng, buồn vô tận. Bấy giờ thì mình nói rằng thôi, con cái của mình lớn lên không được cái cơ hội sống như mình đã sống, không được đi những nơi, ăn những món… thành ra lúc đó rất là buồn".
Hoài Hương thực hiện
Nguồn : VOA, 01/05/2020
*****************
Nhìn lại Hiệp định Paris 45 năm sau chiến tranh Việt Nam
Hoài Hương, VOA, 30/04/2020
Chiến tranh Việt Nam kết thúc khi Sài Gòn thất thủ vào tháng Tư năm 1975, nhưng theo một số sử gia thì số phận của miền Nam Việt Nam đã được định đoạt từ hơn hai năm trước, khi các bên tham chiến đạt được hiệp định hòa bình ở Paris. Được ký kết ngày 27/1/1973 giữa 4 bên : Hoa Kỳ, hai miền Nam và Bắc Việt Nam, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam, trên thực tế ‘không chấm dứt chiến tranh mà cũng chẳng mang lại hòa bình’, theo nhận định của sử gia Larry Berman, tác giả của quyển "No Peace, No Honor : Nixon, Kissinger and the Betrayal in Vietnam" – "Không Hòa bình, Không Danh dự : Nixon, Kissinger và sự Phản bội tại Việt Nam".
Ký kết hiệp định hòa bình Paris- Ảnh Tư liệu
Khi những chiếc máy bay trực thăng di tản những nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn ngày 30/4/1975, câu hỏi được nhiều người đặt ra là : Chẳng lẽ hàng chục ngàn người Mỹ và hàng triệu người Việt Nam ở cả hai bên đã nằm xuống trong cuộc chiến, đều chết một cách vô nghĩa ?
Giáo sư Larry Berman nói khi Sài Gòn sụp đổ, câu trả lời đã rõ. Ông nói ngay cả ông Kissinger cũng biết rằng cái mà ông gọi là hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam, và cho là sẽ mang lại "hòa bình trong danh dự" cho người Mỹ, thực ra chỉ mang lại một thứ "hòa bình giả tạo- sham peace", dựng lên nhằm đánh lạc hướng dư luận Mỹ với những lời hoa mỹ về ‘danh dự của Mỹ’ (trang 261).
Giáo sư Berman gọi thỏa thuận lập lại hòa bình ở Việt Nam là một thỏa thuận phi lý- "Jabberwocky Agreement" bởi vì trên thực tế thỏa thuận này không phải là một thỏa thuận hòa bình, mà chỉ là một cách để Hoa Kỳ có thể rút ra khỏi Việt Nam mà không phải nhìn nhận rằng Mỹ đã thất bại.
Trong quyển "No Peace, No Honor", Giáo sư Larry Berman đã dùng các tài liệu mật của Mỹ sau này được giải mật, về các cuộc đàm phán bí mật giữa cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ, cố vấn cao cấp Đoàn Đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, và ông mang các thông tin đó ra đối chiếu với các tài liệu của miền Bắc, ghi chép đầy đủ các cuộc đàm phán bí mật với ông Kissinger.
Lúc bấy giờ, Tổng thống Nixon và cố vấn Kissinger quyết tâm chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam. Mỹ chỉ có hai mục tiêu chủ yếu, chính là triệt thoái lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam, và vận động thả tù binh chiến tranh Mỹ để họ được trở về đoàn tụ với gia đình.
Số phận của miền Nam Việt Nam, nguyên do mà Hoa Kỳ tham gia chiến tranh Việt Nam, không được quan tâm đúng mức, thể hiện qua những cố gắng của ông Kissinger và Tổng thống Nixon, tăng sức ép buộc Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ký hiệp định mà sử gia Berman cho là một "hiệp định tự sát", khi đồng ý cho quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, sử gia Larry Berman nói chỉ có một từ duy nhất để miêu tả hành động của Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger đối với đồng minh Việt Nam Cộng Hòa và hàng chục ngàn binh sĩ đã chiến đấu và nằm xuống trên chiến trường Việt Nam : đó là "phản bội".
Ông Lê Đức Thọ, Cố vấn cao cấp Đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ tại Hội nghị Paris
Ông nói hành động phản bội khởi sự ngay từ khi ông Kissinger quyết định đi đêm với ông Lê Đức Thọ và hoàn toàn gạt Tổng thống Thiệu sang một bên.
Giáo sư Berman nói :
"Giải pháp ông ta bí mật điều đình mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Nam Việt Nam, về cơ bản, là một ‘thỏa thuận tự sát’ đối với đất nước từng được gọi là Nam Việt Nam".
Sau cùng, ông Kissinger nhượng bộ hầu hết mọi đòi hỏi của miền Bắc, đơn phương triệt thoái lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng đồng ý để miền Bắc duy trì ước lượng 160 ngàn quân ở miền Nam. Theo Giáo sư Berman, khi phát hiện ra những nhượng bộ của ông Kissinger với miền Bắc, Tổng thống Thiệu đã hết sức giận dữ, ông Nixon rốt cuộc phải viết thư mật, bảo đảm Mỹ sẽ lập tức điều máy bay ném bom B52 ngay để bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa nếu Hiệp định Paris bị vi phạm.
Ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, nói với VOA :
"Người Mỹ hứa hẹn với miền Nam Việt Nam sẽ phản ứng một cách hết sức mạnh mẽ nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Ba-Lê, đồng thời sẽ giúp Việt Nam chống đỡ trước các cuộc tấn công của miền Bắc, thì Hoa Kỳ đã không giữ và vì vậy cho nên miền Nam mới bị đặt vào trường hợp năm 1975 : thiếu súng đạn, thiếu tất cả mọi thứ, trong khi người miền Bắc được tiếp tế bởi Liên Xô và Trung Cộng, thành thử về phương diện quân sự nó rõ ràng bị chênh lệch, thì tình trạng của Hiệp định Paris đưa đến tình trạng năm 1975, thì nó rõ ràng là như vậy".
Giáo sư Larry Berman nói ông không tin là Tổng thống Nixon có ý định nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu :
"Không có cách chi Tổng thống Nixon chấp nhận để cho lịch sử viết rằng miền Nam Việt Nam đã sụp đổ trong khi ông đang nắm quyền ở Washington. Theo tôi, ông Nixon đã thực hiện lời hứa nếu không xảy ra vụ Watergate. Nhưng ông Kissinger thì khác, ông cố vấn ông Nixon rằng người Mỹ đã làm đủ rồi. Như tôi đã viết trong cuốn ‘No Peace, No Honor,’ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mà chúng ta để cho một đồng minh rơi vào tình trạng thiếu đạn dược, giữa lúc đồng minh đang chiến đấu để bảo vệ đất nước họ".
Giáo sư Berman nói thật là oái ăm là các cuộc điều đình bí mật dẫn tới hiệp định Paris, và sau này kéo theo sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa, đã khiến ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ được Hội đồng Nobel chọn để trao Giải Nobel Hòa Bình.
Tiến sĩ Berman nói việc hai nhà ngoại giao đã ‘đi đêm’ với nhau được trao giải Nobel Hòa Bình là một điều khôi hài. Ông nói :
"Đáng chú ý là Henry Kissinger nhận Giải Nobel Hòa Binh, trong khi đối tác của ông trong các cuộc thương lượng, Lê Đức Thọ, từ chối, không nhận Giải. Bởi vì không có một giây phút hòa bình nào đã đến với Việt Nam".
Theo tài liệu của Người Kể Sử của Việt Nam, ông Lê Đức Thọ từ chối Giải Nobel Hòa bình "với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam".
Quả vậy, trước khi chữ ký trên văn kiện lịch sử này ráo mực, Hiệp định Paris đã bị vi phạm bởi cả hai bên trong cuộc chiến, với những vụ lấn đất giành dân, và chiến tranh lại tiếp diễn ngày càng dữ dội, để rốt cuộc dẫn tới biến cố 30/4/1975, khi miền Bắc xua quân thôn tính miền Nam trong hành động "vi phạm trắng trợn cuối cùng", theo sử gia Berman.
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 30/04/2020
**********************
45 năm nhìn lại : Hiệp định Paris có giúp Mỹ ‘rút lui trong danh dự’ ?
VOA, 30/04/2020
Được ký kết ngày 27/1/1973 giữa 4 bên : Hoa Kỳ, hai miền Nam và Bắc Việt Nam, và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam, trên thực tế đã ‘không chấm dứt chiến tranh mà cũng chẳng mang lại hòa bình’, theo nhận định của sử gia Larry Berman, tác giả của quyển "No Peace, No Honor : Nixon, Kissinger and the Betrayal in Vietnam" – "Không Hòa bình, Không Danh dự : Nixon, Kissinger và sự Phản bội tại Việt Nam".
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger, trái, và ông Lê Đức Thọ, phải, Cố vấn cao cấp Đoàn đại biểu miền Bắc tại Hội nghị Paris, tại Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris, ngày 23/11/1972, ngay trước các cuộc điều đình bí mật.
Ngày 30/4/1975, khi máy bay trực thăng Mỹ đưa những binh sĩ cuối cùng ra khỏi Sài Gòn, câu hỏi được đặt ra là : Chẳng lẽ hàng chục ngàn người Mỹ và hàng triệu người Việt Nam ở cả hai bên đã hy sinh trong cuộc chiến, đều chết một cách vô nghĩa ?
Giáo sư Larry Berman nói sau khi Sài Gòn sụp đổ, câu trả lời đã rõ. Ông nói ngay cả ông Kissinger cũng biết rằng cái gọi là hiệp định chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam mà ông ấy đã ký và ca ngợi là mang lại "hòa bình trong danh dự" chỉ mang lại một thứ "hòa bình giả tạo- sham peace" được dựng nên nhằm đánh lạc hướng dư luận Mỹ với những lời hoa mỹ về ‘danh dự của Mỹ’ (trang 261).
Giáo sư Berman đặt tên thỏa thuận lập lại hòa bình ở Việt Nam là "Jabberwocky Agreement", vì tính cách phi lý của nó, vì thỏa thuận này không phải là một thỏa thuận hòa bình, mà chỉ là một cách để Hoa Kỳ rút ra khỏi Việt Nam mà không phải thừa nhận đã thất bại.
Trung tâm Washington của Đại học California cho rằng trong quyển "No Peace, No Honor", Giáo sư Larry Berman tiết lộ những sự thật chôn kín trong các tài liệu mật về các cuộc thương thuyết kín dựa trên những tài liệu của Mỹ được giải mật đối chiếu với các tài liệu của miền Bắc, ghi chép đầy đủ các cuộc đàm phán bí mật với ông Kissinger.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ, GS Berman nói oái ăm thay, các cuộc đàm phán bí mật đưa đến thỏa thuận phi lý đó đã dẫn tới quyết định của Hội đồng Nobel chọn trao Giải Nobel Hòa Bình cho ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ.
Giáo sư Berman kết luận rằng chỉ có một từ duy nhất để miêu tả những hành động của Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Kissinger đối với đồng minh Việt Nam Cộng Hòa và hàng chục ngàn binh sĩ đã chiến đấu và nằm xuống trên chiến trường Việt Nam : đó là "phản bội".
Ông Berman nói hành động phản bội khởi sự ngay từ khi ông Kissinger chỉ điều đình riêng với ông Lê Đức Thọ và hoàn toàn gạt ông Thiệu sang một bên.
Giáo sư Berman nói với VOA :
"Giải pháp ông ta bí mật điều đình mà không hề tham khảo ý kiến của đồng minh Nam Việt Nam, về cơ bản, là một ‘thỏa thuận tự sát’ đối với đất nước từng được gọi là Nam Việt Nam".
Sau cùng, ông Kissinger nhượng bộ hầu hết mọi đòi hỏi của miền Bắc, đơn phương triệt thoái lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam, nhưng đồng ý để miền Bắc duy trì ước lượng 160 ngàn quân ở miền Nam. Theo Giáo sư Berman, khi phát hiện ra những nhượng bộ của ông Kissinger với miền Bắc, Tổng thống Thiệu đã hết sức giận dữ, ông Nixon rốt cuộc phải viết thư mật, bảo đảm Mỹ sẽ lập tức điều máy bay ném bom B52 ngay khi Hiệp định Paris bị vi phạm.
Ông Bùi Diễm, cựu Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, cho VOA biết thêm chi tiết :
"Người Mỹ hứa hẹn với miền Nam Việt Nam sẽ phản ứng một cách hết sức mạnh mẽ nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Ba-Lê, đồng thời sẽ giúp Việt Nam chống đỡ trước các cuộc tấn công của miền Bắc, thì Hoa Kỳ đã không giữ và vì vậy cho nên miền Nam mới bị đặt vào trường hợp năm 1975 : thiếu súng đạn, thiếu tất cả mọi thứ, trong khi người miền Bắc được tiếp tế bởi Liên Xô và Trung Cộng, thành thử về phương diện quân sự nó rõ ràng bị chênh lệch, thì tình trạng của Hiệp định Paris đưa đến tình trạng năm 1975, thì nó rõ ràng là như vậy".
Giáo sư Larry Berman nói ông không tin là Tổng thống Nixon có ý định nuốt lời hứa với Tổng thống Thiệu :
"Không có cách chi Tổng thống Nixon chấp nhận để cho lịch sử viết rằng miền Nam Việt Nam đã sụp đổ trong khi ông đang nắm quyền ở Washington. Theo tôi, ông Nixon đã thực hiện lời hứa nếu không xảy ra vụ Watergate. Nhưng ông Kissinger thì khác, ông cố vấn ông Nixon rằng người Mỹ đã làm đủ rồi. Như tôi đã viết trong cuốn ‘No Peace, No Honor,’ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ mà chúng ta để cho một đồng minh rơi vào tình trạng thiếu đạn dược, giữa lúc đồng minh đang chiến đấu để bảo vệ đất nước họ".
Tiến sĩ Berman nói việc ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ, hai nhà ngoại giao đã ‘đi đêm’ với nhau để đạt thỏa thuận dẫn tới Hiệp định Paris, được trao giải Nobel Hòa Bình là một điều khôi hài.
"Đáng chú ý là Henry Kissinger nhận Giải Nobel Hòa Binh, trong khi đối tác của ông trong các cuộc thương lượng, Lê Đức Thọ, từ chối, không nhận Giải. Bởi vì không có một giây phút hòa bình nào đã đến với Việt Nam".
Quả vậy, trước khi chữ ký trên văn kiện lịch sử này ráo mực, Hiệp định Paris đã bị vi phạm bởi cả hai bên trong cuộc chiến, với những vụ lấn đất giành dân, và chiến tranh lại tiếp diễn ngày càng dữ dội, để rốt cuộc dẫn tới biến cố 30/4/1975, khi miền Bắc xua quân thôn tính miền Nam trong hành động "vi phạm trắng trợn cuối cùng", theo sử gia Berman.
Nguồn : VOA, 30/04/2020
Từ trái, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và Đại tá Trần Văn Nhựt tại chiến trường An Lộc ngày 7/7/1972 (Hình : Flickr manhhai) - Ảnh minh họa
Trong chiến tranh thì phía lạc hậu thắng văn minh là chuyện không hiếm, ví như thế kỷ 12, 13 đế quốc Mông Cổ đã chiến thắng, tàn phá cả loạt các xã hội văn minh hơn ở Châu Á, Trung Cận Đông, Châu Âu hay Mãn Thanh chiến thắng nhà Minh…
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1965-1974) nếu nhìn vào sức mạnh vật chất, khoa học kỹ thật, trình độ văn minh thì phía miền Bắc không thể so sánh với phía miền Nam, thế nhưng Bắc Việt đã thắng, theo tôi là những nguyên nhân sau đây :
Nói miền Bắc nhưng thực chất là cả hàng chục nước cộng sản, gọi chung là phe xã hội chủ nghĩa, chiến đấu với miền Nam và Mỹ cùng sự góp sức mang tính chất biểu tượng của Nam Hàn, Australia… Trong chiến tranh cổ điển (không sử dụng vũ khí hạt nhân…) những yếu tố thắng lợi là vũ khí tinh thần, vật chất và hoàn cảnh.
1. Trong cuộc chiến này sức mạnh tinh thần của phe miền Bắc cao hơn phía miền Nam
Phe miền Bắc gồm các chế độ độc tài, nhà cầm quyền miền Bắc Việt Nam nắm tuyệt đối vũ khí tuyên truyền nên tất cả người dân Việt Nam đều hiểu nhà cầm quyền miền Bắc là chính nghĩa, đại diện cho dân tộc Việt Nam chiến tranh vì lợi ích của nhân dân, thống nhất đất nước. Đặc biệt, từ khi Mỹ đưa quân đội vào Việt Nam (1965) thì nhà cầm quyền miền Bắc giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tất cả người miền Bắc cùng một bộ phận dân chúng miền Nam thiên cộng hiểu mình chiến đấu vì độc lập cho tổ quốc, vì tự do cho nhân dân, càng tự hào "đứng mũi, chịu sào" cho phe xã hội chủ nghĩa ưu việt nên nhiệt tình tham gia tất cả những gì nhà cầm quyền miền Bắc "giao phó".
Trong khi đó phía miền Nam là chế độ dân chủ, báo chí tư nhân phản ánh thông tin theo nhiều chiều, thông tin cả những sự thật không có lợi cho Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt là phong trào thân cộng tố cáo chế độ Việt Nam Cộng Hòa là "ngụy quyền, ngụy quân" được một phần dân chúng miền Nam thiên tả ủng hộ theo, nhất là phong trào phản chiến qua văn hóa và âm nhạc đã khiến tinh thần chiến đấu như người lính miền Nam suy giảm. Từ sau năm 1965 rất nhiều thanh niên miền Nam đứng vào hàng ngũ phe cộng sản miền Bắc.
2. Toàn bộ tổ chức của nhà nước miền Bắc tập trung vào chiến tranh
Những năm diễn ra cuộc chiến tranh, toàn bộ miền Bắc Việt Nam là một trại lính, tất cả tư liệu sản suất, tài sản như ruộng, vườn, trâu bò, gia súc, gia cầm, sông, suối, rừng, nhà máy, xí nghiệp… đều của hợp tác xã, của nhà nước. Bất kể ai không theo chỉ đạo, phân công của nhà cầm quyền địa phương đều không có đất sống. Số ít những thanh niên trốn lính, bộ đội đào ngũ về địa phương bị giam cầm, chế diễu, không có bất cứ cơ sở vật chất gì để sinh sống do tất cả người dân thành phố tồn tại nhờ được phát sổ gạo, chút thực phẩm còn ở thôn quê thì nhờ phân phối của hợp tác xã.
Cuộc sống người dân quá kham khổ cũng là một động lực để huy động lính. Không ít thanh niên muốn vào bộ đội đơn giản để được ăn no nên có câu chế giễu hiện tượng đào ngũ : "Nam (Nam Định) chuồn, Hà (Hà Nam Ninh) lủi, Thái Bình bay ; Thủ đô anh dũng trốn ban ngày/Thanh Hóa mất mùa xin ở lại…"... Vì vậy, nhà cầm quyền miền Bắc hướng được toàn bộ sức người, sức của và viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa cho chiến tranh. Trong khi đó ở miền Nam là chế độ dân chủ, ruộng vườn, của cải… là chế độ tư hữu, nguồn lực vật chất bị phân tán, người dân trốn quân dịch, đào ngũ vẫn có thể tồn tại.
3. Hai chiến lược khác nhau
Mỹ, miền Nam dùng chiến tranh "vỗ mặt" trong khi miền Bắc dùng chiến tranh du kích nên sức mạnh vật chất của Mỹ, miền Nam sử dụng trong cuộc chiến là không "tương thích" với hoàn cảnh của đối phương.
Vũ khí hiện đại của Mỹ sử dụng ở Việt Nam là không hiệu quả do hạ tầng miền Bắc hầu như không có gì ngoài số ít cây cầu, nhà máy, công xưởng nhỏ, lạc hậu, số của cải vật chất sản xuất ra chỉ chiếm phần nhỏ so với viện trợ của phe xã hội chủ nghĩa trong nguồn lực cho cuộc chiến… Trong khi đó một một phi vụ, trái bom, một tên lửa của đối phương giá hàng ngàn, vạn, triệu USD chỉ để phá một cái cầu lát gỗ, cái nhà tranh vách đất, một miểng rừng, một mảnh ruộng lúa chỉ đáng vài chục trăm USD… phỏng có ăn thua gì ?
Riêng về con người, phía miền Nam và Mỹ không thể "đọ" được với phía miền Bắc : Một bộ đội miền Bắc đi lính, dân công… chính quyền không cần phải có chính sách gì tốn kém, tất cả cuộc sống tối thiểu có hợp tác xã lo, một người lính, dân quân, thanh niên đi chiến trường bị chết không làm nhà cầm quyền bận tâm. Tôi đi bộ đội chiến đấu ở chiến trường miền Bắc (1967-1969) và chiến trường 559 (1969-1975). Ở chiến trường có những tuần không hề biết đến hạt cơm chỉ kiếm những thứ trong rừng để sống, làm việc, khi giải ngũ chỉ được phát vài chục đồng lộ phí về quê, khi chuyển ngành cũng không có đồng nào, bạn tôi trung sĩ chiến đấu 5 năm ở chiến trường bị thương, khi giải ngũ được lĩnh 500 đồng. Hiện nay anh trai của người viết bài này cũng như bao nhiêu nghìn, vạn người nữa chết trong chiến tranh vẫn chỉ có thông tin duy nhất : "Hy sinh ở mặt trận phía nam". Chấm hết !
Mạng người như thế cộng với lương thực, quân nhu, đạn dược do phe xã hội chủ nghĩa cung cấp đủ dùng, cán bộ lãnh đạo ở hậu phương có nguồn cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm riêng, ở chiến trường phần lớn họ ở boongke và tiện nghi gần như ở phố… nên nhà cầm quyền miền Bắc không quá ngại chiến tranh.
Ngược lại, phía miền Nam, một người đi lính nhà nước phải nuôi cả nhà, nếu bị chết thì nhà chức trách phải tìm bằng được thi thể, hài cốt và chi trả gánh nặng cho gia đình, người thân của tử sĩ được lãnh tiền tử tuất khá lớn và lâu dài.
Đặc biệt, ưu thế về phía miền Bắc so với miền Nam là chế độ chính trị. Với miền Bắc ngoài nhà cầm quyền miền Bắc độc quyền tuyên truyền theo định hướng "ta thắng, địch thua", người dân hầu như không biết gì về thực chất cuộc chiến, do đó họ chỉ một mực tin vào lãnh đạo, tuyên truyền nên bộ tham mưu của chế độ cộng sản muốn tổ chức, kéo dài chiến tranh bao lâu tùy ý. Ngược lại, phía miền Nam, Mỹ là chế độ dân chủ tự do thông tin, người dân theo dõi được cả quang cảnh một trận đánh trên chiến trường do các hãng truyền thông tư nhân phát đii nên khi chiến tranh kéo dài, ác liệt, tổn thất… nhân dân, các đảng đối lập phản đối, biểu tình, các cơ quan quyền lực ngăn cản, cắt ngân sách… nên bộ máy chiến tranh phía dân chủ không thể chủ động trong cuộc chiến. Có thể nói, đây là "tử huyệt" của các chế độ dân chủ trong chiến tranh.
Thời gian mà Ukraine bị Nga cướp trắng Crimea là dưới chế độ độc tài nên Putin mới tự do đưa quân vào chiếm bán đảo Crimea, vì nếu là phương Tây thì ban tham mưu phải còn họp hành, bàn thảo và bỏ phiếu ở các viện quốc hội…
Các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đóng góp cho việc bảo vệ An Lộc. (Hình : Flickr manhhai)
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ngoài những khác biệt về ưu thế trên, phía miền Nam thất bại cũng từ hoàn cảnh, thế chiến lược toàn cầu của Mỹ đã thay đổi : Năm 1972 do cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài, tổn thất lớn nên nhân dân, quốc hội Mỹ phản đối mạnh, Liên Xô và Trung Quốc lại mâu thuẫn, người Mỹ muốn từ bỏ chiến tranh Việt Nam và liên kết với Trung Quốc để cô lập Liên Xô nên quyết định rút quân khỏi Việt Nam, nhường bán đảo Đông Dương cho Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng.
Từ sau Hiệp định Paris năm 1973, Mỹ rút toàn bộ quân đội, vũ khí nặng khỏi Việt Nam, cắt viện trợ cho miền Nam từ 2,5 tỷ USD xuống còn 700 triệu USD/năm trong khi miền Bắc vẫn được Liên Xô, Trung Quốc cạnh tranh ảnh hưởng cùng cung cấp vũ khí quân nhu, lương thực. Miền Bắc vẫn duy trì lực lượng lớn (theo thống kê không chính thức là 160.000) quân ở miền Nam… nên sức mạnh của miền Bắc vượt trội miền Nam. Đặc biệt, trên chiến trường không còn những cuộc oanh tạc của máy bay B52 thì quân đội miền Bắc tha hồ tung hoành. Có thể khẳng định : Nếu Mỹ chỉ rút quân đội nhưng không cắt viện trợ và máy bay B52 vẫn được sử dụng thì chưa biết cục diên cuộc chiến sẽ như thế nào.
Những năm trước đó quân miền Bắc thường dùng chiến thuật "biển người" đánh chiếm một những điểm nào muốn (như Tết Mậu thân Huế 1968, Quảng Tri 1972 chẳng hạn) chủ yếu để lung lạc tinh thần chiến đấu của lực lượng đối phương, gây thanh thế chính trị chứ không thể giữ được trận địa nào dưới sức mạnh hủy diệt của bom B52. Tôi ở chiến trường 559 phải đối diện với rất nhiều loại vũ khí như bom bi, mìn vướng, mìn lá, mìn cóc, bom từ các loại máy bay AD6, F4, B57, đạn 20, 40mm của AC130 (khi đi trên đường tuyến-đường mòn Hồ Chí Minh) nhưng chỉ sợ B52. Trong những năm 1973-1974, Việt Nam Cộng Hòa bị Mỹ bỏ rơi, không đủ ngân sách chi tiêu thiết yếu cho chiến tranh đã hoang mang tự sụp đổ chứ không phải vì không còn được B52 yểm trợ.
Cuối cùng, tư duy quân sự của lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa (tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) lúc đó yếu kém, chỉ đạo quốc phòng ngớ ngẩn… đã làm cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tự tan vỡ nhanh đến mức quân cộng sản miền Bắc không kịp chiếm lĩnh nhiều vùng lãnh thổ đã bị bỏ trống.
Lịch sử thật trớ trêu : Năm 1972, 1973 Mỹ "đi đêm" nhường cho Trung Quốc ảnh hưởng ở Đông Dương, chiếm quần đảo Hoàng Sa, rồi phần lớn Trường Sa của Việt Nam, đổ vốn, công nghệ vào Trung Quốc tưởng nước này dân chủ hóa thành đối tác khổng lồ, làm đối trọng với Liên Xô thì nay chính Trung Quốc đang làm cho Mỹ cũng như thế giới văn minh hứng họa độc tài toàn trị, lưu manh, côn đồ, độc ác…
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 30/03/2020
Thêm nỗ lực nói lên sự thật
Bộ phim The Vietnam War được trình chiếu hồi tháng 9 năm 2017 đã gây nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng bộ phim không phản ảnh đầy đủ những tiếng nói đã tham gia trong cuộc chiến Việt Nam. Do vậy, ông Nam Phạm và một số thân hữu đã thực hiện một cuốn phim khác mang tên The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của chúng tôi). Vừa qua, đoàn làm phim đã đến Paris để phỏng vấn thêm một số nhân vật cho phim. Ông Nam Phạm, người khởi xướng dự án này, cho biết lý do tại sao ông và các thân hữu quyết định phải thực hiện cuốn phim này :
Một cảnh trong phim "Chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của chúng tôi" - Photo : RFA
"Thế giới Tây Phương vẫn còn có cái nhìn rất là sai lạc về cuộc chiến Việt Nam và nhất là vai trò của người Việt Nam ở miền Nam của chúng ta. Từ sự hy sinh anh dũng của quân lực Việt Nam Cộng hòa đến những thành quả của chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho đến ngay cả nguyên nhân của cuộc chiến là do sư xâm lăng của đảng cộng sản"
Bộ phim The Vietnam War được trình chiếu hồi tháng 9 năm 2017
Qua sự giới thiệu của các cựu quân nhân Hoa Kỳ, ông Nam Phạm đã mời được đạo diễn Fred Koster tham gia. Chiến tranh Việt Nam là một câu chuyện với rất nhiều mảng tối chưa bao giờ được ghi lại với tất cả những sự trung thực nhất. Nó thường được nhìn bằng mặc cảm của bên thua cuộc hay sự tự hào của kẻ chiến thắng.
Đạo diễn Koster muốn trả lại sự thật cho lịch sử qua lời kể của các nhân chứng trong cuốn phim này, ông nói :
"Câu chuyện của người dân miền Nam là một trong những câu chuyện vĩ đại nhất của Thế Kỷ 20 mà chưa được kể lại. Lịch sử của người miền Nam Việt Nam đã bị trình bày sai lạc và không chân thật. Là một người làm phim, tôi rất hào hứng muốn kể câu chuyện bởi vì nó chưa bao giờ được kể lại. Nó giống như một điều bí ẩn"
Fred Koster là đạo diễn của cuốn phim nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam Ride The Thunder (Cỡi Ngọn Sóng). Cuốn phim nói về tình huynh đệ chi binh của trung tá Việt Nam Cộng Hòa Lê Bá Bình và Đại uý Hoa Kỳ John Ripley. Theo ông, phim Ride The Thunder chỉ nói 1 phần sự thật, cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) sẽ nói lên nhiều sự thật hơn nữa :
"Bộ phim kế tiếp này, tôi nghĩ sẽ làm nhiều người ngạc nhiên vì chính những người miền Nam sẽ biết thêm về lịch sử mà họ không biết. Có rất nhiều cơ quan truyền thông đã kể cho chúng ta rất nhiều điều dối trá đến nỗi chúng ta bắt đầu tin vào đó. Với bộ phim này chúng tôi sẽ trình bày sự thật và thế hệ người Việt Nam trẻ sau này sẽ hãnh diện về những gì bố mẹ và ông bà của mình đã phải làm. Tôi nghĩ rằng điều rất quan trọng là những người thế hệ trẻ cần phải biết sự thật và hãnh diện về nó".
Nhiều người cho rằng, bộ phim The Vietnam War của đạo diễn Ken Burn và Lynn Novic đã không phản ảnh được những tiếng nói từ nhiều phía, nó thiếu hẳn tiếng nói của phe tham chiến miền Nam là phía quân đội Việt Nam Cộng hòa. Phân tích của tác giả Lâm Vĩnh Thế trên trang namkyluctinh.org cho thấy cuốn phim The Vietnam War phỏng vấn 51 người Mỹ (64%), 20 người Việt thuộc phe tham chiến từ miền Bắc (25,3%) và chỉ có 8 người Việt thuộc phe tham chiến miền Nam (10,1%)
Nhà báo Huy Đức (blogger Osin) người cố vấn cho phim này và cũng là người đã được phỏng vấn trong phim The Vietnam War, nhận xét về phim the Vietnam War như sau : "…quy gần như mọi tội lỗi cho Washington, đánh giá cao chiến binh của miền Bắc và có lúc, tỏ thái độ xem thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa…"
Phim "Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi" Photo : RFA
Trong khi đó, ông Nam Phạm cho biết, cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam Dưới Cái Nhìn Của Chúng Tôi) sẽ có tiếng nói của những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, của những người đi từ miền Bắc Cộng sản, của những phụ nữ đã là nạn nhân của chế độ, v.v… Cuốn phim, theo ông Nam, gồm có 4 mục tiêu chính mà ông gọi là "Bốn trả".
"Mục đích căn bản chúng tôi tạm dùng là 4 trả : Thứ nhất là trả lại sự thật cho lịch sử, thứ nhì là trả lại danh dự cho người lính Việt Nam Cộng Hòa, thứ ba là trả lại sự công bằng cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và thứ tư là trả lại niềm tự hào về Cha Ông cho con em của chúng ta. Thành thử ra, tất cả những người mà chúng tôi tiếp xúc, những nhân chứng sống, cộng thêm những tài liệu lịch sử để mình nói lên được 4 điều đó"
Cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của chúng tôi) dài 2 tiếng, được thực hiện trong vòng 2 năm với một ngân khoản khá khiêm tốn (khoảng 250.000 mỹ kim) trong khi đó, bộ phim The Vietnam War của Ken Burn và Lynn Novic được thực hiện trong vòng 10 năm với một ngân khoảng dồi dào là 30 triệu mỹ kim, bộ phim dài 18 tiếng được chiếu làm 10 tập, nhưng nhà văn Nguyễn Quang Lập (blogger Bọ Lập) đã phê bình cuộn phim dài 10 tập mà không nói lên được điều gì mới thì chưa đạt yêu cầu. Và đó cũng là lý do để đạo diễn Koster quyết tâm bổ túc vào phần khiếm khuyết ấy, ông nói :
"Ken Burns có 18 tiếng để kể câu chuyện về người Việt Nam và chiến tranh Việt Nam. Ông ta có 18 tiếng mà ông ta không tìm được một giây để nói về nỗi thống khổ của thuyền nhân và 400,000 người bỏ mạng ở trên biển cả. Ông ta không nói về người tị nạn hoặc ông ta không nói về trại cải tạo. Nên nhớ là ông ta có 18 tiếng để làm việc này mà ông ta đã không làm. Đồng thời ông ta cũng không nói gì về quân đội của miền Nam, những chiến thắng mà họ đạt được và những thử thách mà họ phải đối phó. Tôi muốn nhiều người thế hệ trẻ miền Nam Việt Nam biết rằng trong thời gian đầu của cuộc chiến, Mỹ đã không cung cấp cho quân đội miền Nam những vũ khí hiện đại. Họ đã đưa những vũ khí cũ kỹ. Như vậy trong thời gian đầu quân đội miền Nam đã chiến đấu với những vũ khí cũ kỹ trong khi Việt Cộng và bộ đội miền Bắc xử dụng vũ khí hiện đại. Và đó là một trong những điều mà tôi muốn thế hệ trẻ biết về những việc làm anh hùng của bố mẹ họ".
Nghĩ về chiến tranh Việt Nam, điều người Tây Phương nghĩ đến đầu tiên là những thây người ngã xuống trong tiếng máy bay trực thăng, là cô bé bị phỏng cháy Kim Phúc, là những cuộc biểu tình phản chiến.v.v. và người Mỹ thì mang nặng một mặc cảm với 58.000 lính Mỹ đã hy sinh. Trung tá Thủy quân Lục Hiến Hoa Kỳ, Richard Botkin, tác giả và cũng là nhà sản xuất Ride The Thunder làm cuộn phim đó với mong muốn "trả sự thật lại cho lịch sử" và "thay đổi nhận thức và ký ức sai lạc của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam". Liệu cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của chúng tôi) có thay đổi được cái nhìn của Tây phương về chiến tranh Việt Nam ? Đạo diễn Fred Koster chia sẻ :
"Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi được bi kịch của chiến tranh Việt Nam, nhưng chúng ta có thể thay đổi được một bi kịch đó là việc lịch sử đã ghi nhận lại chiến tranh Việt Nam như thế nào. Đối với tôi, tôi có nhiều đau xót cho những người dân miền Nam và tôi muốn làm tất cả những gì có thể để kể câu chuyện. Tôi nghĩ rằng khi thế giới, người Mỹ biết được sự thật, họ sẽ đón nhận câu chuyện của người miền Nam và hiểu được những gì mà bạn đã phải trải qua. Một trong những chuyện mà không có trong các sách lịch sử và trong phim ảnh là câu chuyện của thuyền nhân, họ phải chịu khổ như thế nào, người tị nạn và các trai tù cải tạo. Trong những phim ảnh chính thống ở Mỹ không có những câu chuyện này. Không may, trong những sách lịch sử không được nhắc đến hoặc nếu có thì chỉ rất vắn tắt. Với bộ phim này, chúng tôi sẽ vinh danh những người này bằng cách kể lại câu chuyện của họ. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những điều to lớn mà chúng ta có thể làm được cho những người đã phải chịu khổ hoặc chết là tưởng nhớ đến họ và nói lên sự thật"
Cuốn phim được dự định trình chiếu vào mùa thu năm nay, phim cũng sẽ được làm thành DVD để đưa vào các trường trung và đại học như một tài liệu giáo khoa để giới trẻ có thể tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam một cách đúng đắn.
Nếu Ken Burn và Lynn Novick cho biết trong cuộc phim The Vietnam War những người trả lời phỏng vấn sẽ kể lại câu chuyện của họ, thì ông Nam Phạm và đạo diễn Fred Koster cũng mong muốn mọi người đến xem cuốn phim The Vietnam War Through Our Eyes (Chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của chúng tôi) để nghe câu chuyện của những người đã không có cơ hội có mặt trong cuốn phim của Ken và Lynn. Ông Nam Phạm hy vọng :
"Chúng tôi hy vọng qua cuốn phim này, chúng ta sẽ giúp cho những người cựu quân nhân Việt Nam được nói lên tiếng nói của họ, để cho họ biết rằng sự hy sinh của họ không bị quên lãng và con cháu của họ và ngay cả chúng ta rất là mang ơn sự hy sinh của họ. Nếu mà không có sự hy sinh của những người lính đó thì đã không có ngày hôm nay của chúng ta"
Tường An
Nguồn : RFA, 08/08/2019
Xuất hiện trong chương trình truyền hình ‘Chào nước Anh’ hôm 5/6 khi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này, người đứng đầu nước Mỹ đã nói về chiến tranh Việt Nam như sau : "Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại" ; và rằng "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia"…
Ông Trump tại cuộc họp báo với thủ tướng Anh, Theresa May, 4 tháng Sáu, 2019.
Phát ngôn này của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh Việt Nam gây ra những phản ứng khác nhau trong công luận, có người thông cảm, nhưng cũng có người phản đối. Sự bất đồng này mang tính chủ quan theo vị trí, cách nhìn và đánh giá của mỗi cá nhân khi bày tỏ.
Bài viết này, muốn trả lời khách quan hơn cho hai nhận định chủ quan của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, rằng :
Chiến tranh Việt Nam có là "một cuộc chiến tệ hại như nhận định của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không ?
Qua nhận định của Tổng thống Trump, rằng "Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại" dường như ông muốn nói đến sự tệ hại vì "nhiều người đã chết" trong cuộc chiến này. Nhưng có lẽ ông Trump chỉ nghĩ đến sự tệ hại đối với nước Mỹ, với cái chết của 58 ngàn chiến binh Hoa Kỳ tham chiến và hàng chục ngàn người Mỹ bị thương cách này cách khác ; mà không quan tâm, có thể đã không biết đến sự tệ hại hơn nhiều về phía các bên Việt Nam, với cái chết của hàng triệu quân và dân người Việt Nam hy sinh ở cả hai chiến tuyến đối nghịch Miền Bắc (cộng sản Bắc Việt) Miền Nam (quốc gia Nam Việt).
Có lẽ, sự tệ hại còn là vì Hoa Kỳ đã bỏ ra hàng tỷ dollar tài trợ cho một cuộc chiến ở "một đất nước rất xa xôi và vào lúc đó không có ai từng nghe đến đất nước đó cả…" như ông Trump nói, để cuối cùng phải rút chân ra khỏi cuộc chiến mà nhiều người Mỹ như ông vẫn không hiểu "điều gì đang xảy ra ở đó vậy ?". Dường như ông không quan tâm để biết rằng, một điều tệ hại hơn nữa "đã xẩy ra ở đó" là Hoa Kỳ đã thực hiện "chính sách Việt Nam hóa chiến tranh" sau bốn năm "Mỹ hóa chiến tranh" (1965-1969) bằng cách đưa quân tham chiến trực tiếp, nói là để giúp chính phủ và nhân dân Việt Nam nhanh chóng đánh bại cuộc xâm lăng của phe cộng sản Bắc Việt, bảo vệ chế độ dân chủ và Miền Nam Việt Nam tự do không bị cộng sản hóa. Thế nhưng mục tiêu này đã không thành đạt, dù Hoa Kỳ đã huy động cao độ mọi khí tài, phương tiện chiến tranh hiện đại, rốt cuộc không đem lại chiến thắng, ngoài lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn tư bản quân sự quốc phòng Hoa Kỳ và đồng minh. Nay lại tìm cách rút chân ra khỏi cuộc chiến bằng chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh", trao lại gánh nặng chiến đấu cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa (mà Việt cộng gọi là "thay màu da trên xác chết"), với những cam kết không có bảo chứng. Hậu quả tệ hại là chỉ ít năm sau phe cộng sản Bắc Việt đã dùng bạo lực cưỡng chiếm được Miền Nam, vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam ngày 27/01/1973, trước sự phủi tay của Hoa Kỳ và làm ngơ của những cam kết quốc tế.
Thực tế là như thế. Vậy mà Tổng thống đương nhiệm Hòa Kỳ đã không biết "điều gì đang xảy ra ở đó vậy ?". Sự thể này cho thấy tình trạng Tổng thống Trump cũng như nhiều người Mỹ lúc đó và cho đến bây giờ vẫn không hiểu biết gì về sự tham dự của Hoa Kỳ vào chiến tranh Việt Nam (1954-1975) dù đã kết thúc hơn 44 năm rồi (1975-2019), nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam đã được giải mật.
Phải chăng vì vậy mà Tổng thống Trump đã cho rằng "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta (người Mỹ) nên tham gia" ? Ông nói thế và cho biết mặc dù lúc đó ông không xuống đường phản chiến như nhiều người, nhưng ông không hề ủng hộ cuộc chiến Việt Nam. Nhưng cũng có người cho rằng Tổng thống Trump nói ra điều này còn là một phản ứng mặc cảm tâm lý, vì muốn biện minh cho việc trốn tránh nhập ngũ qua chiến đấu tại Việt Nam thời tuổi trẻ, kể cả bằng cách gian lận để được cấp giấy chứng nhận ‘bị gai xương gót chân’. Các đối thủ của ông đã chỉ trích việc ông trốn lính là ‘gian trá’ và giấy tờ ông đưa ra là ‘giả tạo’. Hồi tháng Hai năm nay, ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, đã khai trước Quốc hội rằng ông Trump ‘đã dựng lên chuyện thương tật đó’ để trốn quân dịch.
Vậy thì Tổng thống Hoa Kỳ nói "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia…" có đúng không ?
Theo nhận định của chúng tôi, vấn đề không phải là nên hay không nên mà do tình thế buộc Hoa Kỳ phải tham gia vào cuộc chiến Việt Nam. Vấn đề chỉ là Hoa Kỳ tham gia đến mức độ nào để đỡ tệ hại nhất mà vẫn thành đạt được mục đích tham chiến tối hậu của mình.
Bởi vì, sau khi Thế Chiến II kết thúc (1939-1945) đã hình thành một cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Liên Xô đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa, phất cao ngọn cờ"Cách mạng vô sản" để giải phóng giai cấp, chống các đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc bị áp bức, để xây dựng một "xã hội không còn cảnh người áp bức bóc lột người…". Hoa Kỳ lãnh đạo phe tư bản chủ nghĩa (còn gọi là Thế giới tự do) thì phất cao ngọn cờ "Đọc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa tự do" để lôi kéo các nước nghèo yếu đi vào quỹ đạo của mình.
Liên Xô đã thông qua các đảng cộng sản bản xứ làm lính xung kích, phát động và tiến hành các cuộc chiến tranh dưới ngọn cờ"giải phóng dân tộc" (ngụy dân tộc, vì chủ nghĩa quốc tế cộng sản không có hấp lực mà xa lạ và còn là hiểm họa gây kinh hoàng đối với người dân ở các nước) để cộng sản hóa các nước, mở mang bờ cõi cho phe xã hội chủ nghĩa. Trong tình thế này và với vai trò cường quốc lãnh đạo phe các nước tư bản chủ nghia, Hoa Kỳ buộc lòng phải tìm cách giúp các nước đang có hiểm họa bị cộng sản hóa, trong đó có Việt Nam cũng rất cần sự tham chiến của Hoa Kỳ.
Hiểm họa cộng sản hóa Việt Nam khởi sự từ năm 1930, sau khi đảng cộng sản Việt Nam được ông Hồ Chí Minh nhận lệnh từ Đệ tam quốc tế cộng sản đứng ra thành lập. Cuộc nội chiến ý thức hệ giữa những người Việt Nam mang ý thức hệ quốc gia (gọi tắt Việt Quốc) và những người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (gọi tắt Việt Cộng) khởi phát từ đây. Theo thời gian cuộc nội chiến này ngày một gia tăng mức độ, cường độ, phạm vi, mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975). Cuộc chiến tranh này là một giai đoạn của cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam (hai giai đoạn kia là "Tiền chiến tranh Quốc-Cộng" (1930-1954) và hậu chiến tranh Quốc-Cộng"(1975-nay vẫn chưa kết thúc). Vì vậy cuộc chiến tranh Việt Nam mang ý nghĩa song đôi, nội chiến giữa người Việt Nam vốn mang ý thức hệ quốc gia (nationalism) đối kháng với ý thức cộng sản (communism). Nhưng vì cuộc chiến này lồng trong khung cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, nên cả hai gọi chung là cuộc chiến Việt Nam.
Cuộc chiến Việt Nam mang hai ý nghĩa song đôi này khởi sự từ năm 1954, sau khi thực dân Pháp thất thủ trận Điện Biên Phủ, đã phải ký Hiệp định Genève 1954 chia đôi Việt Nam. Hệ quả là Pháp đã mất một nửa thuộc địa Miền Bắc Việt Nam cho phe cộng sản miền Bắc, với Đảng cộng sản Việt Nam thiết lập chế độ độc tài toàn trị cộng sản dưới bảng hiệu Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (ngụy dân chủ ngụy cộng hòa từ trong kháng chiến chống Pháp để giấu mặt cộng sản). Thực chất cũng như thực tế đảng và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Việt đã là công cụ tri tình cho Cộng sản quốc tế làm tên lính xung kích, chủ động phát động và tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm Miền Nam, cộng sản hóa cả nước, mở mang bờ cõi cho phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là hai tân đế quốc cộng sản Nga-Tàu.
Thế nhưng, để tạo chính nghĩa lôi kéo được quần chúng tham gia cuộc chiến này, phe cộng sản Bắc Việt đã ngụy trang cuộc chiến dưới ngọn cờ"Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước" để khơi động lòng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm của người Việt Nam. Vì vậy, khi khởi sự phát động chiến tranh vào tháng 12/1960, phe cộng sản Bắc Việt đã thành lập một công cụ quân sự ngụy dân tộc là "Mặt trân dân tộc giải phóng Miền Nam" và sau đó thành lập "Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam" (1967). Cuộc chiến tranh này đã được Liên Xô, Trung cộng và các nước xã hội chủ nghĩa tài trợ tối đa tài lực, nhân lực, vũ khí đạn dược và mọi phương tiên chiến tranh hiện đại để xâm chiếm cho kỳ được Miền Nam Việt Nam.
Trong khi đó, còn nửa nước Miền Nam, sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải trao trả độc lập hoàn toàn, sau khi đã trao trả độc lập từng phần cho chính quyền chính thống quốc gia của vua Bảo Đại từ 1948, qua các Thủ tướng chính phủ Nguyễn Văn Xuân, Bửu Lộc, Nguyễn Văn Tâm và sau cùng là Thủ tướng chính phủ quốc gia Ngô Đình Diệm. Cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 đã truất phế vua Bảo Đại, cáo chung chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm lịch sử, chuyển đổi qua chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa và Thủ tướng Ngô Đình Diệp được coi là vị Tổng thống đầu tiên của Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa trên nền tảng Hiến pháp ban hành ngày 26/10/1956. Hệ quả tất nhiên là chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa phải thực hiện một cuộc chiến tranh tự vệ, trước mắt là để chặn đứng cuộc chiến tranh xâm lăng của phe cộng sản Bắc Việt để bảo vệ độc lập, chủ quyền trên một nửa đất nước còn lại như di sản của tiền nhân ; để sau đó về lâu dài tìm cách thống nhất giang sơn về một mối. Thống nhất một cách hòa bình bằng sự ưu thắng của chế độ dân chủ pháp trị Việt Nam Cộng Hòa và giầu mạnh của Miền Nam, đối với chế độ độc tài toàn trị cộng sản nghèo yếu, lạc hậu đang tạm chiếm Miền Bắc Việt Nam (như thực tế nước Đức thống nhất sau Chiến tranh Lạnh, với ưu thế chế độ Tây Đức dân chủ trên chế độ Đông Đức độc tài cộng sản…).
Tất nhiên để thực hiện được mục tiêu gần xa này, trong gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa rất cần và phải được sự trợ giúp toàn diện từ ngoại viện, không chỉ từ cường quốc Hoa Kỳ mà của tất cả các quốc gia đồng minh khác trong phe thế giới tự do. Điều này cũng là hiển nhiên, để đối xứng với sự chi viện tối đa mọi mặt của Liên Xô, Trung cộng và các nước xã hội chủ nghĩa cho công cụ xâm lăng của cộng sản quốc tế là phe cộng sản Bắc Việt.
Tuy nhiên, vấn đề chỉ là Hoa Kỳ tham chiến đến mức độ nào để dỡ tệ hại nhất mà thành đạt được mục đích tối hậu của mình. Theo nhận định của chúng tôi, thì ngay từ khi phe cộng sản Bắc Việt phát động cuộc chiến, Hoa Kỳ chỉ nên tham gia đúng với vai trò một nước đồng minh, có mức độ theo yêu cầu của chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ; tôn trọng, độc lập chủ quyền của một quốc gia độc lập, không can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ của Việt Nam Cộng Hòa ; coi vai trò chống cộng chủ yếu, chủ động là của Việt Nam Cộng Hòa và chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến giữa người Việt quốc gia và người Việt cộng sản để giải quyết mâu thuẫn ý thức hệ đối kháng ; Hoa Kỳ chỉ đóng vai phụ trợ giúp, tuyệt đối không đưa quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Vì điều này sẽ (và đã) là "Mỹ hóa chiến tranh", làm mất chính nghĩa quốc gia "độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa tự do" của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, giúp đối phương phe cộng sản Bắc Việt ngụy dân tộc tạo được chính nghĩa "chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng, Miền Nam, thống nhất đất nước"… như thực tế đã xẩy ra.
Đến đây, có thể tạm kết luận là Hoa Kỳ cần phải tham gia vào cuộc chiến Việt Nam do vai trò lãnh đạo phe Thế giới tự do tư bản chủ nghĩa, để trợ giúp chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa xâm lăng của phe xã hội chủ nghĩa đứng đấu là Nga-Tàu, trong bối cảnh cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu hình thành sau Thế chiến II. Tuyệt nhiên không phải như Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump nói, rằng "Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia".
Còn chiến tranh Việt Nam vẫn luôn là tệ hại (vì chiến tranh nào cũng là điều tệ hại) chẳng ai mong muốn xẩy ra. Vì đó cũng là điều mà nhân dân Việt Nam trên cả hai miền Bắc-Nam đều không bao giờ muốn có cuộc chiến tranh "cốt nhục tương tàn" này. Tất cả chỉ là nạn nhân của lịch sử và trách nhiệm lịch sử thuộc về những kẻ cầm quyền trên hai miền Bắc Nam trong cuộc chiến Việt Nam đã chấm dứt 44 năm qua (1975-2019)
Houston, ngày 14/06/2019
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 22/06/2019
Phát ngôn mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về chiến tranh Việt Nam đang gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng cựu quân nhân và công chức của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa hiện đang sống ở Mỹ : có người thông cảm, nhưng cũng có người phản đối.
Ông Trump và người đồng nhiệm Pháp Macron tham gia lễ tưởng niệm 75 năm ngày đổ bộ của quân đồng minh lên bờ biển Normandy
Xuất hiện trong chương trình truyền hình ‘Chào nước Anh’ hôm 5/6 khi đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến nước này, người đứng đầu nước Mỹ đã nói về chiến tranh Việt Nam như sau : "Tôi đã nghĩ đó là một cuộc chiến tệ hại".
Thế hệ của ông Trump là thế hệ đối mặt với cuộc chiến Việt Nam mà khi đó những người đồng trang lứa với ông đã tòng quân để lên đường đi chiến đấu ở quốc gia cách nước Mỹ hơn nửa vòng Trái đất.
"Tôi đã cho rằng đó là một đất nước rất xa xôi và vào lúc đó không có ai từng nghe đến đất nước đó cả", ông giải thích. "Bởi vậy nhiều người đã chết, điều gì đang xảy ra ở đó vậy ?"
"Do đó tôi chẳng bao giờ hâm mộ (cuộc chiến Việt Nam) cả - kiểu như (tôi sẽ hâm mộ) chúng ta chiến đấu chống lại Đức Quốc xã, chúng ta chiến đấu chống lại Hitler".
"Cuộc chiến đó không phải là điều mà chúng ta nên tham gia", ông nói và cho biết mặc dù lúc đó ông không xuống đường phản chiến như nhiều người, nhưng ông không hề ủng hộ cuộc chiến Việt Nam.
Đoạn trao đổi này xảy ra khi ông Trump được người dẫn chương trình Piers Morgan hỏi rằng liệu ông có ‘ước muốn’ phục vụ trong quân đội, nhất là ở chiến trường Việt Nam hay không. Ông Trump không phải đi chiến đấu ở Việt Nam vì được miễn quân dịch bốn lần do đang học đại học và một lần vì được cấp giấy chứng nhận ‘bị gai xương gót chân’. Các đối thủ của ông đã chỉ trích việc ông trốn lính là ‘gian trá’ và giấy tờ ông đưa ra là ‘giả tạo’. Hồi tháng Hai năm nay, ông Michael Cohen, cựu luật sư của ông Trump, đã khai trước Quốc hội rằng ông Trump ‘đã dựng lên chuyện thương tật đó’ để trốn quân dịch.
‘Cuộc chiến chính nghĩa’
Trao đổi với VOA, ông Lê Văn Quan, người từng là phó Quận trưởng Quận Gò Công dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và hiện đang sống ở tiểu bang Virginia, nói rằng ông không đồng ý việc cho rằng cuộc chiến ở Việt Nam là điều tồi tệ.
"Cuộc chiến của Việt Nam Cộng Hòa là để bảo vệ sự sinh tồn của miền Nam Việt Nam. Tôi không đồng ý với bất kỳ lập luận nào cho đó là cuộc chiến tồi tệ", ông nói khi được hỏi về phản ứng với phát biểu của ông Trump và cho rằng ‘binh sỹ miền Nam đã chiến đấu hết mình để bảo vệ miền Nam’.
"Khi quân Mỹ rút quân Việt Nam Cộng Hòa vẫn chiến đấu hết mình. Miền Nam mất không phải vì sự hèn yếu của Việt Nam Cộng Hòa mà là do sự bức tử của Chính phủ Hoa Kỳ cắt hết mọi viện trợ", ông nói.
Ông Quan nói phong trào phản chiến ở Mỹ thời bấy giờ ‘là chuyện không tốt’.
"Đám phản chiến ở Mỹ làm cho người dân Mỹ hiểu lầm về cuộc chiến ở Việt Nam dẫn tới việc rút quân", ông nói. "Tôi vẫn coi những kẻ phản chiến đó là tiếp tay với cộng sản là tội đồ của dân tộc (Việt Nam)".
Tuy nhiên, ông Quan nói rằng về cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam thì ‘nhìn về khía cạnh chính nghĩa là điều không nên’ vì sự tham chiến của người Mỹ ‘làm mất chính nghĩa cuộc chiến của chúng tôi’. Cho nên, ông đồng ý với ông Trump rằng ‘lẽ ra Mỹ không nên tham chiến’.
"Mỹ tham gia là cần thiết, nhưng không nên bằng hình thức đổ quân mà bằng viện trợ thật dồi dào cho Việt Nam Cộng Hòa", ông giải thích.
‘Biện minh cho việc không đi lính’
Một vị cựu quan chức khác và cũng là cựu chiến binh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, ông Đinh Hùng Cường, cựu Quận trưởng Thủ Thừa, nói phát ngôn của ông Trump ‘chỉ là lời chạy tội của ông Trump cho việc ông không tham gia cuộc chiến mà thôi’.
"Không ai khen một cuộc chiến đó là chính nghĩa mà tôi lại đứng ở ngoài", ông Cường giải thích. "Ông ấy nói vậy để biện minh rằng việc ông không tham gia cuộc chiến đó là có lý".
Ông Cường cho rằng phát ngôn của ông Trump ‘không đúng sự thật’ nên ông ‘không có gì bị tổn thương’ và nói Mỹ phải tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam ‘để giữ lại miền Nam Việt Nam là tiền đồn chống Cộng sản’.
"Nếu là chuyện tồi tệ thì nước Mỹ đâu có bỏ ra 58.000 sinh mạng con người và mấy trăm ngàn người bị thương và tốn bao nhiêu tỷ đô la như vậy ?" ông Cường lập luận.
Về việc ông Trump ‘trốn quân dịch’, ông Cường cũng có cái nhìn thông cảm. Ông cho rằng người Mỹ ‘có cái nhìn không quá khắt khe như người Việt về vấn đề này’ và đưa ra ví dụ cựu Thượng nghị sỹ John Kerry có lập trường chống chiến tranh Việt Nam (mà ông gọi là ‘chống nước Mỹ’) nhưng vẫn được Đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên Tổng thống.
Cũng giống như ông Quan, ông Cường lên án mạnh mẽ lực lượng phản chiến của nước Mỹ mà ông Trump nói mình cũng là một phần mặc dù ông không xuống đường phản đối.
"Tôi ở bên Mỹ thời điểm đó. Tôi thấy có những tin tức thì đúng nhưng cách bình luận lại sai lạc khiến cuộc chiến Việt Nam mất đi chính nghĩa đối với người Mỹ", ông cho biết.
"Tôi đã nhìn thấy người Mỹ bị đầu độc bởi thông tin. Họ chỉ được thông báo một chiều những gì Việt Nam Cộng Hòa làm (chỉ toàn cái xấu). Cộng sản có nhiều cái xấu hơn mà người Mỹ (lúc đó) không biết".
Ông giải thích tâm lý phản chiến của người Mỹ là do ‘tổn thất xương máu nhiều quá nên họ không muốn cuộc chiến kéo dài’ và cũng một phần vì ‘người Mỹ muốn giải quyết vấn đề một cách mau lẹ’ trong khi phía Bắc Việt tiến hành cuộc chiến du kích kéo dài và ‘nước Mỹ tự do dân chủ quá’ nên các chính quyền không thể theo đuổi mục tiêu quá mức chịu đựng của người dân.
‘Nên đàm phán, đừng chiến tranh’
Khác với hai ông Quan và ông Cường vốn là cựu sỹ quan từng đi chiến đấu, ông Tommy Lưu, 46 tuổi, hiện đang sống ở bang Virginia, là một người trẻ không có bất cứ trải nghiệm trực tiếp gì về cuộc chiến ở Việt Nam. Ông Lưu nói với VOA ông ‘đồng ý với phát biểu của ông Trump’.
Ông Lưu thông cảm với việc ông Trump ‘trốn lính’ và cho rằng những vị Tổng thống khác trong thế hệ của ông Trump như ông George W. Bush và ông Bill Clinton ‘đều tìm cách trốn lính’ ở Việt Nam bằng cách này hay cách khác.
Theo ông Lưu, những người Mỹ bước vào chiến trường Việt Nam khi đó là ‘không có đường lựa chọn nên buộc phải gia nhập quân ngũ’.
"Nếu gia đình nào có thể rẽ được cho con cái họ qua hướng khác để không phải nhập ngũ ở Việt Nam, những gia đình giàu có, quyền thế (như gia tộc Bush hay Trump) thì họ sẽ làm", ông Lưu chia sẻ quan điểm.
"Cuộc chiến nào cũng tồi tệ, cũng có sự hy sinh xương máu của hai bên", ông Lưu cho biết lý do tại sao ông đồng ý với phát biểu của ông Trump. "Cho nên nếu chính quyền Mỹ thời đó biết đàm phán ngay từ đầu và rút ra từ đầu, không tham gia vào cuộc chiến đó thì sẽ dễ dàng hơn".
"Đó là ý của ông Trump vì ông ấy là người rất giỏi về đàm phán", ông nói thêm và cho biết nếu cuộc chiến thuế quan của Mỹ hiện nay nếu đàm phán được để tránh ngay từ đầu thì ‘rất hay’.
Khi được hỏi với suy nghĩ như vậy thì có phải cuộc chiến của miền Nam Việt Nam là không cần thiết, ông Lưu nói : "Do sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản nên người Mỹ phải kéo quân qua. Nhưng nếu như giải quyết được trên bàn hội nghị thì đỡ hơn nhiều, chẳng hạn như nhờ Liên Hiệp Quốc đứng ra giám sát hai miền bên nào ở yên bên đó không xâm phạm nhau".
Trả lời câu hỏi nếu như cuộc chiến là không cần thiết thì liệu xương máu của rất nhiều người lính Việt Nam Cộng Hòa và cả của Mỹ liệu có vô nghĩa, ông Lưu nói : "Cha mẹ có con cái nuôi lớn lên bây giờ tham gia vào quân đội và bỏ xương máu thì cha mẹ cũng rất là buồn, rất là tiếc".
"Phải hiểu là họ phải đi quân dịch – họ không còn con đường lựa chọn", ông Lưu nói thêm.
Trước câu hỏi những người đi lính ở Việt Nam vì tự nguyện và vì tin rằng họ chiến đấu vì chính nghĩa chứ không phải là ‘không còn lựa chọn’ thì sự mất mát của họ có là vô nghĩa ? Ông Lưu cho rằng : "Có những người thanh niên bị cuốn hút bởi phong trào. Họ đi lính và bị chết. Điều đó là oan nghiệt cho họ. Nhưng nên quy tội cho chính quyền (vì đã chọn con đường chiến tranh) là đúng hơn".
"Lúc tôi ra trường thì có cuộc chiến của (cựu tổng thống George W.) Bush ở Afghanistan, tôi không tham gia nhưng bạn bè tôi tham gia vì tôi nghĩ là không đáng (it’s not worth it)".
"Nếu thanh niên Mỹ có lý tưởng thì sau khi họ chiến đấu ở Việt Nam về, họ sẽ nói tốt về cuộc chiến ở Việt Nam vì đã hy sinh một phần thân thể, máu xương", ông Lưu nói.
"Tôi hiểu được cái ý của ông Trump. Nếu hiểu sâu sắc lời phát biểu của ông Trump thì sẽ thông cảm với ông ấy", ông giải thích. "Nếu có thể thoát khỏi chiến tranh thì đừng dùng đến chiến tranh vì chiến tranh không bao giờ đem lại lợi ích gì cả".
Nguồn : VOA, 12/06/2019
47 năm sau, ‘Hà nội Jane’ vẫn gây phẫn nộ (VOA, 05/04/2019)
Gần 47 năm sau khi tới thăm Hà nội vào cao điểm của chiến tranh Việt Nam, nữ minh tinh màn bạc Mỹ Jane Fonda vẫn phải trả giá cho chuyến đi định mệnh, dù trong quá khứ, bà dã nhiều lần ngỏ lời xin lỗi các cựu chiến binh Mỹ về ‘sai lầm không thể tha thứ’ của mình.
Nữ diễn viên Mỹ Jane Fonda ngồi trên nòng súng phòng không, hát một bài ca phản chiến tặng bộ đội miền Bắc gần Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam vào tháng 7/1972. Hành động phản chiến của bà bị nhiều cựu chiến binh Mỹ coi là hành động 'phản bội'
Mới đây, ‘Hà nội Jane’, biệt danh được đặt cho nữ diễn viên Jane Fonda, lại xuất hiện trên báo chí Mỹ khi Giám sát viên Greg Lazzaro của Hội đồng Giám sát thị trấn Seneca Falls, bang New York, yêu cầu ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh danh Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Hall of Fame), vì Viện này đã chọn Jane Fonda vào danh sách 10 phụ nữ được vinh danh trong năm 2019.
Đề nghị của Giám sát viên Lazzaro đã bị bác vào đêm 2/4, tuy nhiên cuộc tranh luận gay gắt về công và tội của Jane Fonda, gần 50 năm sau chuyến đi thăm Hà nội vào lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cao điểm, nêu bật một lần nữa tính cách nhạy cảm và sự chia rẽ sâu xa trong xã hội Mỹ vì chiến tranh Việt Nam, trong đó hơn 58.000 binh sĩ Mỹ đã hy sinh.
Ông Lazzaro đơn cử những hành động phản chiến của Jane Fonda trong thời chiến tranh Việt Nam để giải thích vì sao ông đề nghị ngưng tài trợ và cắt đứt quan hệ với Viện Vinh Danh Phụ nữ Quốc gia. Ông nói ông hành động vì lòng tôn trọng dành cho các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, vốn không thể tha thứ những hành động ‘phản bội’ của Jane Fonda.
Nghị quyết được giám sát viên Lazarro phổ biến tuần trước, có đoạn viết :
"Những hành động của Jane Fonda, như tiếp tế vật dụng y tế, thuốc men cho Bắc Việt trong thời chiến tranh Việt Nam, châm biếm các tù nhân chiến tranh Mỹ bị bắt ở Việt Nam… chụp ảnh với bộ đội miền Bắc trong khi ngồi trên nòng súng phòng không dùng để bắn hạ máy bay Mỹ, đã gây chia rẽ đất nước chúng ta, khiến cho các cựu chiến binh từng chiến đấu ở Việt Nam mãi cho tới bây giờ, vẫn coi là một hành động phản quốc".
Thời gian vẫn chưa xóa nhòa được hình ảnh của ‘Hanoi Jane’ mặc áo bà ba, ngồi trên nòng súng, cười tươi như hoa chụp ảnh chung với bộ đội phòng không Bắc Việt. Hình ảnh cô diễn viên sáng giá của Mỹ, đoạt giải Oscar, đứng về phe "địch" vào một ngày tháng 7 năm 1972, vẫn còn đậm nét trong ký ức của những cựu chiến binh Mỹ từng bị cầm tù, hay đổ máu trên chiến trường Việt Nam, nhưng may mắn hơn nhiều động đội, còn sống sót để trở về.
Seneca Falls là một thị trấn nhỏ nhưng đóng vai trò lịch sử vì là nơi khai sinh của phong trào Nữ quyền tại Hoa Kỳ. Hội nghị đầu tiên về quyền phụ nữ tổ chức tại đây vào năm 1898 - được coi là một bước ngoặt quan trọng, dẫn đến nước Mỹ hiện đại, trong đó phụ nữ được quyền đi bầu, và những đóng góp của phụ nữ được thừa nhận và vinh danh.
Ngoài Jane Fonda, trong 10 phụ nữ được vinh danh năm nay còn có cố dân biểu Louise Slaughter và Thẩm phán Tòa án Tối cao Sonia Sotomayor.
**********************
Tướng mở đường Trường Sơn ‘diệt Mỹ’ qua đời (VOA, 05/04/2019)
Tướng Đồng Sĩ Nguyên, người có công mở đường Trường Sơn giúp bộ đội Bắc Việt "Nam tiến" trong thời chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời ngày 4/4 ở tuổi 96.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) cùng Tư lệnh Trưởng Đồng Sĩ Nguyên (giữa) và Chính ủy Đặng Tính (phải) đến thăm bộ đội Trường Sơn vào năm 1973.
TTXVN dẫn thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho biết Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từ trần vào lúc 11g42 ngày 4/4/2019 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian dài lâm bệnh và được "Đảng, Nhà nước, tập thể giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa".
Tướng Đồng Sĩ Nguyên được nhớ đến nhiều nhất trong vai trò ‘người mở đường Trường Sơn đánh Mỹ’ trong cương vị Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn.
Từ một đường mòn nhỏ, bộ đội Bắc Việt, dưới sự chỉ huy của ông Đồng Sĩ Nguyên, đã xây dựng con đường trở thành một "trận đồ bát quái" xuyên rừng rậm qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia, theo báo chí trong nước.
Đường Trường Sơn, hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh, có 14 tuyến đường với 20.000 km đường bộ, 800 km đường kín, 1.500 km đường rải đá, 200 km đường nhựa, 1.500 km đường ống xăng dầu, 1.350 km cáp thông tin, 3.800 km đường giao liên và 500 km đường sông.
Đây cũng chính là tuyến đường huyết mạch cung cấp lương thực, binh lính và khí tài để chi viện cho bộ đội miền Nam trong suốt thời gian chiến tranh từ năm 1959-1975.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và Chính ủy Đặng Tính tại một lán rừng Trường Sơn vào tháng 3/1973.
Tướng Đồng Sĩ Nguyên tên thật là Nguyễn Hữu Vũ. Ông sinh ngày 1/3/1923 tại làng Trung Thôn, xã Quảng Trung, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Tham gia từ năm 12 tuổi và với nhiều thành tích đóng góp cho hoạt động cách mạng, ông Đồng Sĩ Nguyên là một trong hai tướng lãnh, với Lê Đức Anh, được Quân đội Nhân dân Việt Nam phong hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng.
Sau chiến tranh, Tướng Đồng Sĩ Nguyên lần lượt được bổ nhiệm vào các vị trí Thứ trưởng Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế, Bộ trưởng Xây dựng, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu thủ đô, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Ông từng là Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng chính phủ và đặc phái viên Chính phủ phụ trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Hồi tháng 2/2010, ông cùng với Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã viết thư kiến nghị gửi Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam để cảnh báo về "hiểm họa an ninh quốc gia" khi nhiều tỉnh cho nhà đầu tư nước ngoài thuê dài hạn một diện tích đất rừng lớn, trong đó có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn và ở các vị trí được xem là xung yếu.
Ông chỉ trích giới hữu trách địa phương đã có cái nhìn ngắn, chỉ thấy cái "lợi trước mắt" mà không thấy cái "hại lâu dài". Bức thư của ông và tướng Vĩnh đã được giới trí thức và dư luận ủng hộ mạnh mẽ, khiến Thủ tướng lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng, phải ra lệnh yêu cầu ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Khánh An
**************
Trung tướng, cựu ủy viên Bộ Chính trị Đồng Sĩ Nguyên qua đời (BBC, 04/04/2019)
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nổi tiếng với tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh Việt Nam, đã qua đời ở tuổi 96.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương thông báo ông qua đời hồi 11 giờ 42 phút, ngày 4/4/2019 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Ông Đồng Sĩ Nguyên là Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn từ 1/1/1967 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Từ cái nhìn của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông là đại công thần, đóng vai trò chỉ huy tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí, và hoàn thiện đường ống dẫn xăng, dầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) vào chiến trường Nam Bộ.
Sinh ra ở tỉnh Quảng Bình, họ Nguyễn, ông gia nhập đảng cộng sản năm 1939.
Ông bắt đầu trở thành lãnh đạo cao cấp của quân đội Bắc Việt với vị trị Phó Tổng Tham mưu trưởng năm 1964.
Sau đó, trong cương vị Tư lệnh của Bộ đội Trường Sơn, ông được giao trọng trách chỉ hủy việc vận chuyển đi qua mạng lưới giao thông quân sự chiến lược chạy từ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào tới lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa, đi qua miền Trung Việt Nam, hạ Lào và Campuchia.
Bộ đội làm kinh tế
Sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, tướng Đồng Sĩ Nguyên đề ra phương án chuyển phần lớn bộ đội Trường Sơn sang làm kinh tế.
Theo một bài báo chính thống, ông Nguyên, vào tháng 6/1976, báo cáo trước Bộ Chính trị về kế hoạch giảm biên chế 28 vạn quân, chuyển sang làm kinh tế.
Theo đó, Tổng cục Xây dựng Kinh tế trực thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập, lấy bộ đội Trường Sơn còn lại làm nòng cốt.
Cùng năm 1976, ông trở thành thứ trưởng quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng Kinh tế.
Không lâu sau, đến tháng 2/1977, ông được điều làm thứ trưởng xây dựng, rồi 9 tháng sau, trở thành bộ trưởng xây dựng.
Năm 1979, ông quay lại quân đội, giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô.
Ông Nguyên tiếp tục được tin tưởng với vị trí Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị năm 1982.
Cùng năm đó, ông trở thành Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Tại Đảng hội Đảng lịch sử lần thứ 6 năm 1986, khi Việt Nam quyết định đổi mới, ông Nguyên được bầu Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Vị tướng nổi tiếng nhất Việt Nam thế kỷ 20, Võ Nguyên Giáp, nhận định ông Đồng Sĩ Nguyên là người mà ông "rất tin và quý mến".
"Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên là một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đức độ và tài năng, một người học trò ưu tú của Bác Hồ", Tướng Giáp nhận định.
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt 44 năm tính đến ngày 30/04/2019 tới đây (1975-2019). Nhưng vẫn còn nhiều bất đồng giữa người Việt Nam cũng như người ngoại quốc từng tham gia cuộc chiến trong việc định danh, định hình, định tính, định lượng về cuộc chiến tranh này. Sau chiến tranh đã có nhiều bài viết, cuốn sách, một số bộ phim tài liệu và các cuộc hội thảo chuyên đề hàng năm về chiến tranh Việt Nam đó đây ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa thống nhất quan niệm Chiến tranh Việt Nam thực chất là chiến tranh gì, do ý đồ của các bên tham chiến khác nhau.
Để nhớ thương về Quảng Trị trong “Mùa Hè đỏ lửa 1972” - Ảnh minh họa
Trên lãnh vực phim ảnh, các nhà đạo diễn Hoa Kỳ đã giàn dựng lại cuộc chiến Việt Nam, mặc dầu trên danh nghĩa do tư nhân thực hiện, song thường là có chủ đích phục vụ cho các chính sách ngoại giao và mục tiêu chiến lược từng giai đoạn của Hoa Kỳ. Những nhà làm phim lại thường dựa hầu hết trên tài liệu phim ảnh của phong trào "phản chiến Hoa Kỳ" và bên "Việt Cộng" (được chọn là bên thắng cuộc) là một trong hai bên tham chiến là người Việt Nam mang ý thức hệ cộng sản (communism) thuộc phe xã hội chủ nghĩa do Nga-Tàu đứng đầu trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Vì vậy thường thiếu khách quan, sai sự thật, không công bằng với bên tham chiến thứ hai là "Việt quốc" (bị buộc là bên thua cuộc) cùng là người Việt Nam mang ý thức hệ quốc gia (nationalism), có mâu thuẫn đối kháng với ý thức hệ cộng sản (communism) thuộc phe các nước tư bản chủ nghĩa do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Chẳng hạn điển hình có bốn Bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam.
Theo nhận định của chúng tôi, hai bộ phim đầu sản xuất vào các năm 1980 và 1983 như có chủ đích biện minh cho việc Hoa Kỳ trực tiếp tham chiến (1965-1973) là cần thiết, chính đáng, phù hợp với quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ. Đồng thời, việc rút chân ra khỏi cuộc chiến (1973) đưa chiến tranh Việt Nam đi đến kết thúc là chính phủ Hoa Kỳ đã làm theo đòi hỏi của nhân dân thể hiện qua cao trào "phản chiến" lan rộng khắp nước Mỹ. Còn hai bộ phim sau sản xuất vào các năm 2014 và 2017 được hiểu như là cách biện minh cho việc Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ với chế độ cộng sản Việt Nam năm 1995, vốn là đối phương trong cuộc chiến trở thành đối tác chính danh sau 20 năm chấm dứt cuộc chiến, cũng là cần thiết, chính đáng, có lợi cho quyền lợi quốc gia Hoa Kỳ.
Chính vì vậy mà các bộ phim nói trên đã từng gây phẫn nộđối với những người Việt Nam mang ý thức hệ quốc gia, phần đông sống ở Miền Nam Việt Nam và từng tham gia một bên trong cuộc chiến Việt Nam, với chính quyền chính thống quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (gọi chung là bên Việt Quốc). Vì nội dung các bộ phim trên đều thiếu khách quan, sai sự thật, không thể hiện được thực chất chiến tranh Việt Nam một cách trung thực, công bằng cho các bên tham chiến, giúp người xem phim phân biệt được đâu là chính nghĩa, đâu là ngụy nghĩa trong cuộc chiến Việt Nam.
Chính vì vậy mà từ lâu đã có những nỗ lực đòi trả lại sự thật lịch sử cho cuộc chiến Việt Nam, của cá nhân cũng như tập thể về phía những người Việt quốc gia. Tất cả cho rằng phía những người Việt Nam cộng sản (gọi tắt : Việt Cộng) đã cố tình bóp méo lịch sử về cuộc chiến Việt Nam (1954-1975) để ngụy biện cho việc họ chủ động thực hiện cuộc chiến tranh "cốt nhục tương tàn" này, là vì ‘độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam". Trong khi sự thật lịch sử là Việt cộng đã "ngụy dân tộc" trước (trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954) cũng như trong cuộc chiến Việt Nam (1954-1975) để đánh tráo lịch sử giữa "chính nghĩa dân tộc" (Việt quốc) và "ngụy nghĩa dân tộc" (Việt cộng). Nói cách khác Việt cộng đã "ngụy dân tộc", dùng chủ nghĩa yêu nước (chống ngoại xâm) để "cướp chính quyền" thực hiện chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản).
Vì vậy, điển hình cho những nỗ lực trả lại sự thật lịch sử cho cuộc chiến Việt Nam mới nhất nhưng chưa phải là cuối cùng, là nỗ lực của một cá nhân và của một tập thể. Chúng tôi muốn nói đến cá nhân anh Alex Thái Đ. Võ, tác giả dự án Lịch sử truyền khẩu và một tập thể đang thực hiện một phim tài liệu phản bác những sai lầm của bộ phim nhiều tập The Vietnam war của hai đạo diễn người Hoa Kỳ Ken Burn và Lynn Novick.
1. Alex Thái Đ. Võ với dự án Lịch sử truyền khẩu
Phỏng vấn Alex Đ. Thái Võ tại Cornell University 19/2/2019 – Dự án Lịch sử truyền khẩu về cuộc chiến Việt Nam. SBTN DC Nam Anh
Theo tin Đài VOA mới đây, Alex Thái Đ. Võ là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đại học Cornell, Hoa Kỳ, thuộc thế hệ trẻ. Anh vừa hoàn tất bộ phim lịch sử nhan đề Con người và Lịch sử và vừa được ra mắt tại trường Đại học George Mason, Virginia hôm 02/03 vừa qua. Bộ phim có thời lượng 17 tiếng, được chia làm 15 phần, nằm trong một dự án nghiên cứu lịch sử chiến tranh Việt Nam theo thể thức truyền khẩu.
Là một dự án học thuật phi lợi nhuận, phải mất sáu năm ròng rã kể từ 2012 thì tác giả Alex Thái mới hoàn thành bộ phim và cho ra mắt khán giả.
Chiếm trọn toàn bộ thời lượng của bộ phim là lời của cựu đại sứ Bùi Diễm, kể về những điều mà ông đã "mắt thấy, tai nghe" trong suốt hàng chục năm hoạt động trong ngành ngoại giao, cũng như chính giới của Việt Nam Cộng Hòa, giữ các chức vụ như Tổng trưởng Phủ Thủ tướng, Ủy viên Ngoại giao, và Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Trả lời phỏng vấn của VOA, cựu đại sứ Bùi Diễm nói :
"Sự thực thì không có cao vọng gì về việc làm lịch sử hay viết lịch sử, chỉ là một cái mong muốn trung thực muốn góp phần vào để cho mọi người hiểu rõ hơn về những cái khía cạnh phức tạp của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đặc biệt là sự can thiệp của người Mỹ trong chiến tranh với Việt Nam".
Như nhiều người đã biết, bản thân cựu Đại sứ Bùi Diễm đã từng viết nhiều tác phẩm bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt nói về cuộc chiến Việt Nam (như Việt Nam trong Gọng kìm lịch sử…). Ông cho biết vẫn muốn tham gia dự án này bởi tự thấy mình có một sứ mệnh phản bác lại những thông tin lịch sử sai lệch về miền Nam Việt Nam cũng như sự can dự của Mỹ. Ông nói :
"Là một người Việt Nam đã có bổn phận đối với đất nước Việt Nam và đồng thời cũng đã có dịp tham gia vào những cuộc hội đàm giữa Mỹ và Việt Nam, tôi có bổn phận phải nói lên những điều mà tôi đã biết, mắt thấy tai nghe".
Trả lời phỏng vấn anh Alex Thái Đ. Võ nói :
"Khi mình gặp cựu đại sứ Bùi Diễm, ông đã 90 tuổi rồi, mình cũng không biết ông sẽ còn sống với mình được bao lâu nữa và mình là người học sử nên mình hiểu rằng nếu những người này mà không còn nữa thì lịch sử nhiều khi cũng sẽ đi chung với họ luôn. Vậy nên mình nghĩ là cần phải tận dụng thời gian còn lại của ông để giữ lại những mảnh lịch sử đó cho chính bản thân mình, và cho tương lai con em của mình"…
Vì thế tác giả dự án Lịch sử truyền khẩu tâm sự :
"Khó khăn lớn nhất là việc đi lại đường xa, cựu đại sứ ở Washington D.C còn mình ở New York, và mỗi lần phỏng vấn như vậy, và để tiết kiệm tiền, mình phải lái xe xuống ở khoảng chừng hai ngày để phỏng vấn. Vì cụ cũng lớn tuổi rồi nên cứ phải vừa làm vừa nghỉ, rồi lại phải trở lại New York, mấy tháng sau mới xuống lại"…
Một người tham dự buổi chiếu ra mắt bộ phim lịch sử nhan đề Con người và Lịch sử, chị Phạm Bích Hà, ở Virginia nói với phóng viên rằng :
"Đối với tôi thì nó quan trọng bởi vì nếu mình không làm những điều này, mình không nói thì mười năm, hai mươi năm hay năm mươi năm nữa con cháu của chúng ta sẽ không biết được cái nguồn gốc của chúng ta. Vì với cái lịch sử một chiều ở Việt Nam hiện giờ, thì tất cả những gì đã xảy ra với Việt Nam Cộng Hòa sẽ bị quên lãng…".
Còn với Alex Thai Đ. Võ, tác giả dự án lịch sử truyền khẩu, mặc dầu nỗ lực rất lớn khi một mình thực hiện bộ phim lịch sử dài như thế, song trong cuộc phỏng vấn khiêm tốn, anh nói là anh không có tham vọng bao quát hết lịch sử của cuộc chiến Việt Nam, hay đưa ra bất kì kết luận về sự kiện lịch sử nào. Tác giả của dự án chỉ mong muốn, thông qua lời kể của những nhân chứng sống, có thể phần nào vẽ lại bức tranh miền Nam Việt Nam để người xem hiểu rõ hơn về cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc. Anh sẽ tiếp tục việc làm như thế sau này.
2. Tập thể với nỗ lực thực hiện phim tài liệu phản bác những ai lầm trong bộ phim The Vietnam War
Tập thể điển hình tại Houston, tiểu bang Texas, mới đây đã hình thành một Ban tổ chức gây quỹ hỗ trợ cho một đạo diễn vốn là cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam để thực hiện một cuốn phim phản bác lại những sai lầm, thiếu khách quan, bóp méo lịch sử, xúc phạm nặng nề đến chính nghĩa, tinh thần đấu tranh vì đất nước, vì dân tộc, cho độc lập quốc gia, lý tưởng tự do, dân chủ của quân, dân, cán chính Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam hôm qua.
Ban tổ chức bao gồm các đoàn thể tôn giáo, chính trị, xã hội đã phát động cao trào yểm trợ tài chánh từ hơn một tháng qua, để thực hiện cuốn phim nhan đề tiếng anh "The Vietnam War Though Our Eyes" (Chiến tranh Việ Nam qua cái nhìn của chúng tôi) do đạo diễn Fred Koster thực hiện. Cuốn phim không dài, dự trù khoảng 1 giờ 30 phút, chi phí khiêm tốn dự trù khoảng 250 ngàn dollar, thực hiện trong khoảng một năm ; hiển nhiên là không thể so với bộ phim dài nhiều tập "The Vietnam War" dài nhiều tập, tới 18 tiếng, chi phí tới 30 triệu dolar, thực hiện trong 10 năm. Thế nhưng, đây là cuốn phim thứ hai về cuộc chiến Việt Nam, sau cuốn phim "Ride The Thunder" do đạo diễn Fred Koster và có sự cộng tác của nữ tài tử Kiều Chinh trong vai trò người đồng xản xuất. Thực hiện trong năm 2014 với kinh phí khoảng một triệu dollar, được chiếu ra mắt ngày 28/03/2015 sau đó được trình chiếu rộng rãi tại nhiều rạp khắp nước Mỹ và trên mạng internet. Tất cả nỗ lực này của đạo diễn, nhà sản xuất và hậu thuẫn của quần chúng mọi giới Việt Nam, dù khiêm tốn, nhưng ít nhiều đã góp phần cùng những nỗ lực của mọi cá nhân và tập thể người Việt Nam không cộng sản khác để "góp gió thành bão" phản bác lại những sai lầm, bất công do các bộ phim của các đạo diễn Hoa Kỳ gây ra. Và có thêm tư liệu cho các nhà viết sử chân chính sau này đối chiếu để viết đúng sự thật lịch sử về cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng tại Việt Nam (1954-1975).
Về phần mình, người viết cũng đã có nhiều bài viết và một cuốn sách (1) góp phần làm sáng tỏ sự thật lịch sử của cuộc chiến tranh Việt Nam. Trong số này đã có ba bài viết được Đài VOA cho đăng tải trên diễn đàn này ngay sau khi bộ phim nhiều tập "The Vietnam War" của hai nhà đạo diễn Kenn Burnes và Lynn Novick được khởi chiếu hôm 17/09/2017. Đó là các bài : The Vietnam War là chiến tranh gì ? – The Vietnam War là chiến tranh của ai, do ai và vì ai ? – và "The Vietnam War ai thắng ai ? (2).
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 13/03/2019
Ghi chú :
(1) Sách "Việt Nam trong thế chiến lược quốc tế mới", ấn hành lần đầu tại Hoa Kỳ năm 1995, tái bản năm 2005. Xin vào : luatkhoavietnam.com mục Diễn Đàn, tiểu mục "Tác giả-Tác phẩm" để đọc và tiểu mục "Phỏng vấn-Thuyết trình" để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả Thiện Ý tháng 5/1995 khi phát hành và ra mắt sách tại Houston, Texas, Hoa Kỳ.
Thẳm sâu bên trong cuốn sách "Việt Nam : Một bi kịch mang tính sử thi, 1945-1975" – một tác phẩm hoành tráng của Max Hastings - là một câu chuyện nhỏ nhưng đã tóm tắt được cốt lõi của cuốn sách.
"Việt Nam : Một bi kịch mang tính sử thi, 1945-1975" – một tác phẩm hoành tráng của Max Hastings về chiến tranh Việt Nam - 2018.
Hastings kể lại, vào năm 1964, khi cuộc chiến nóng lên, các cán binh Việt Cộng đã tích cực vũ trang cho một số lượng ngày càng gia tăng mạnh mẽ những người nông dân miền Nam Việt Nam thành một lực lượng du kích chiến đấu nhằm lật đổ chính phủ Sài Gòn được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Đối với nhiều người lính quân dịch trẻ tuổi, đó là một trải nghiệm tan nát tâm hồn, cũng đáng ghét như sự cưỡng bức nhập ngũ vào quân đội của chính phủ, mà đáng ra những người tuyển dụng của họ phải nếm trải trước nhất. Cha đẻ của một người bị cưỡng bức vào lính đã lên án những người cộng sản rằng "Các ông luôn luôn lên án những phần tử theo chủ nghĩa đế quốc, nhưng các ông thậm chí còn tồi tệ hơn (những phần tử theo chủ nghĩa đế quốc). Tôi muốn con trai tôi trở về".
Hastings nhìn nhận cuộc chiến tranh Việt Nam theo cách nhìn tương tự như cách nhìn của những người dân nông thôn đang đau khổ. Theo lời kể của ông, đó là một cuộc xung đột không có những người tốt, một cuộc xung đột kinh hoàng mà trong đó sự tàn bạo, sự bất chấp đạo lý và sự bất tài của Hoa Kỳ và đồng minh Nam Việt Nam không thua kém gì sự tàn bạo, gian hiểm của những kẻ thù của họ khiến cho số đông bất hạnh dân chúng Việt Nam phải gánh chịu những hậu quả. "Nếu giới lãnh đạo Mỹ trong cuộc chiến tranh này thường phô trương sự vô nhân đạo của mình, thì Bắc Việt Nam cũng không thua kém gì trên phương diện tàn bạo", Hast Hastings khẳng định như vậy.
Cuốn sách cho thấy một cách tư duy phiền muộn nhưng mới mẻ một cách đáng ngạc nhiên và phần lớn là có tính thuyết phục về cuộc chiến này. Hastings cũng chỉ ra rằng các nhà sử học quá thường xuyên nhìn nhận cuộc chiến này như một trò chơi đạo đức khi đưa các lực lượng công lý nhập cuộc chống lại các lực lượng đàn áp. Đôi khi các nhà cách mạng - những người dường như có chính nghĩa (nguyên văn : "wear the white hats") - trong khi họ đấu tranh để lật đổ một chế độ Nam Việt Nam thối nát và giải phóng dân tộc của họ khỏi những tên xâm lược Mỹ - họ đã cố gắng bảo vệ vận mệnh của mình (nguyên văn : "bent on controlling its destiny"). Theo những cách nhìn nhận khác thì Sài Gòn và đối tác của mình ở Washington đã dũng cảm bảo vệ một miền Nam Việt Nam còn có những khiếm khuyết nhưng có tư tưởng dân chủ khỏi các lực lượng cộng sản vốn quyết tâm tuân theo ách chuyên chế của Stalin.
Hastings gần như không phải là người đầu tiên đề xuất một cái gì đó phức tạp hơn. Bất chấp xu hướng mạnh mẽ nhất trong số các nhà viết sử có khuynh hướng miêu tả (cuộc chiến tranh) trong một gam màu xám xịt - loạt phim truyền hình nhiều tập phát trên mạng phát thanh truyền hình công cộng của nhà làm phim Ken Burns gần đây về cuộc chiến này là một ví dụ nổi bật (nguyên văn : "the filmmaker Ken Burns’s recent PBS series") - đã gán cho các bên tham chiến một tinh thần chiến đấu chân thành với các nguyên tắc thiêng liêng (nguyên văn : "that made sense to them") đối với họ. Hastings đã đi theo một đường hướng đen tối hơn, tức là tìm kiếm một sự tương đương về mức độ tàn bạo không phải ở tính chính nghĩa (nguyên văn : "the validity") của các mục đích mà vì nó mà các đối thủ đã giao chiến với nhau mà là ở sự vô cảm của họ đối với sự hủy diệt khủng khiếp mà họ đã tạo ra.
Với tư cách là một nhà báo và nhà sử học quân sự người Anh đã từng đưa tin nhiều, viết nhiều về cuộc chiến tranh này, Hastings đã cáo buộc Hoa Kỳ với một niềm đam mê và với những lời bình luận đầy châm chọc hấp dẫn, nhưng chủ yếu là để củng cố các phê phán đã cũ. Mặc dù các lực lượng Mỹ thường chiến đấu hiệu quả trên chiến trường, nhưng Hastings khẳng định, những thành công đó tỏ ra không liên quan vì người Mỹ đã thất bại trong nhiệm vụ quan trọng và tinh tế hơn nhiều là vun trồng, kiến tạo một nhà nước ở miền Nam Việt Nam có khả năng gây dựng được lòng trung thành của chính người dân (đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa). Theo Hastings thì việc này giống với việc Hoa Kỳ đã sử dụng "súng phun lửa để dọn sạch cỏ ở bức dậu hoa (lũy hoa)" (nguyên văn : It was as if the United States used "a flamethrower to weed a flower border").
Thông qua các miêu tả sống động về cuộc chiến và những thống khổ, Hastings cho thấy guồng máy chiến tranh của Mỹ đã tàn phá cái xã hội mà nó dự định bảo vệ, trong khi sử dụng một sức mạnh chiến tranh khổng lồ, một sức mạnh mà đã làm suy sụp tinh thần của người dân miền Nam Việt Nam hơn là đánh bại các lực lượng Cộng sản. Sức mạnh tàn phá khủng khiếp cũng đã làm tổn thương những nỗ lực chiến tranh trong sự nhìn nhận của công chúng Mỹ và quốc tế, những người mà, như Hastings đã viết, sẵn sàng ủng hộ cuộc chiến "chỉ khi có một tương quan nào đó giữa các lực lượng tham chiến, các thương vong dân sự đã xảy ra và mục tiêu nhắm tới".
Hastings cũng có ý tìm kiếm một số lượng nào đó các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự Mỹ đã phạm phải những lỗi lầm và những hành động sai trái, nhưng ông đã dành những lời chỉ trích đặc biệt cay độc cho Tổng thống Richard Nixon và trợ lý chính sách đối ngoại hàng đầu của ông là Henry Kissinger. Mặc dù cả hai người này đều hiểu rằng Hoa Kỳ không còn có thể đạt được mục đích tại Việt Nam sau năm 1968, nhưng như Hastings lập luận, các tính toán chính trị đã khiến họ phải tiếp tục cuộc chiến thêm bốn năm nữa, với cái giá phải trả là 21.000 sinh mạng Mỹ, và chỉ vào năm 1973 cả hai mới đồng ý với một thỏa thuận hòa bình mà họ biết là không có cơ hội để thực thi (nguyên văn : "a peace deal that they knew had no chance of sticking" – ý nói trước sau rồi cũng sẽ bị Hà Nội xé toạc – người dịch).
Cuốn sách cũng chỉ trích gay gắt những người miền Nam Việt Nam. Từ chối quan điểm học thuật kinh viện gần đây (nguyên văn : "recent scholarship") cho rằng các nhà lãnh đạo ở Sài Gòn có thể có tính hợp pháp hơn như thường vẫn được cho là như vậy, Hastings chỉ trích thậm tệ họ như những kẻ độc tài, chuyên quyền tham nhũng dựa dẫm, phụ thuộc vào Hoa Kỳ và không quan tâm gì đến đến an sinh phúc lợi của người dân. Một ví dụ, Nguyễn Cao Kỳ là người "xa lạ như một người sao Hỏa" trong chính đất nước mà phần lớn là nông dân của mình, khi ông này làm thủ tướng từ năm 1965 đến năm 1967. Đối với giới quân sự miền Nam Việt Nam, Hastings bày tỏ thiện cảm với những người lính bình thường và thừa nhận rằng đôi khi họ đã chiến đấu tốt. Nhưng ông chỉ trích phần lớn các sĩ quan của họ như những kẻ bất tài nhưng lại ham hố danh vọng, không đoái hoài gì đến những gian khổ, ác liệt mà các binh sỹ của họ phải đối mặt.
Đồng thời, Hastings cũng đưa ra một sự phán xét nặng nề nhất đối với cộng sản Bắc Việt. Trích dẫn những tài liệu mới từ Việt Nam và từ những nghiên cứu gần đây về việc ra các quyết định của Hà Nội, ông lên án những đối thủ của Mỹ như những người có ý thức hệ tàn nhẫn sẵn sàng đổ bất kỳ một lượng máu nào để chinh phục miền Nam. Hồ Chí Minh, thường được lãng mạn hóa như một người theo chủ nghĩa dân tộc hòa nhã, trên thực tế là một kẻ chuyên quyền tàn nhẫn, kẻ đã gây ra biết bao tội ác mang tính hệ thống đối với những người dân của chính ông ta (nguyên văn : "systemic cruelties" on his people). Tệ hơn nữa là Lê Duẩn, một người nhiệt thành ít được biết đến, người mà đã thay thế ông Hồ vào đầu những năm 1960 với tư cách là lãnh chúa Bắc Việt (nguyên văn : "as North Vietnam’s chief warlord"). và đã sẵn sàng chấp nhận cả "núi xương sống máu của chính nhân dân mình" (nguyên văn : "climbed a "mountain of his people’s corpses") để đạt tới thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến với miền Nam Việt Nam trong năm 1975.
Chiến thắng này đã chấm dứt ba thập kỷ chiến tranh nhưng cũng mang đến những làn sóng mới của sự đàn áp và thiếu thốn cho người Việt Nam. Hàng trăm ngàn người đã phải thi hành những bản án mà trật tự mới đã tuyên đối với họ, như Hastings đã ghi nhận, bằng cách mạo hiểm mạng sống của mình để chạy trốn, thường là trên những chiếc thuyền ọp ẹp. Những người ở lại, ông nói thêm, đã bộc lộ rõ ràng quan điểm của họ khi họ nhanh chóng chấp nhận phương Tây sau khi chế độ, trong khi đối mặt với những thất bại của ách cai trị sắt máu của nó, rốt cuộc, vào cuối những năm 1980, đã phải nới lỏng sự kìm kẹp của nó.
Khiếm khuyết chính trong tiêu điểm của Hastings về những thiệt hại sinh mạng trong cuộc chiến là xu hướng của ông trong việc đánh giá thấp các động cơ mà đã khiến cho các bên đối địch đi đến kết luận rằng cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh. Kết quả là đôi khi đánh đồng những người ra quyết định với những tên vô lại tàn nhẫn và những kẻ đại loại như thế, và đánh đồng tất cả, cả binh lính và thường dân, với những nạn nhân. Ví dụ, về phía Mỹ, chúng ta biết rất ít về các tính toán địa chính trị mà đã khiến các tổng thống từ Harry Truman cho đến Richard Nixon xác định một cách vững chắc nhu cầu ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Đông Nam Á. Hastings cũng không có nhiều điều để nói về chủ nghĩa chống cộng lan tràn đã khiến rất nhiều người Mỹ ủng hộ sự can thiệp.
Mặt khác, Hastings chỉ lướt qua bề mặt của những bất công kinh tế và xã hội, những bất công mà đã thúc đẩy cuộc nổi dậy chống lại chính quyền Nam Việt Nam và biến chủ nghĩa cộng sản thành một con đường đúng đắn, nếu không muốn nói là hết sức hấp dẫn, đối với sự phát triển của quốc gia. Một cách tự tin, Hastings thừa nhận rằng những người cộng sản đã "gắn kết với bản chất của xã hội nông thôn", thành công hơn so với chính quyền Sài Gòn trong việc xử lý những bất bình hàng ngày, những bất bình mà đã khiến gia tăng tình trạng bất ổn. Nhưng ông không xác định được tầm quan trọng của sự gắn kết mà ông quan sát được, thay vào đó ông lại nhấn mạnh việc Hà Nội phụ thuộc vào bạo lực, cưỡng bức và tuyên truyền để đạt được chiến thắng.
Đáng ra, Hastings đã có thể viết được một cuốn sách đầy đủ hơn bằng cách giải quyết những chủ đề này một cách chi tiết hơn. Trên thực tế, sự quan tâm sâu sắc hơn đến những ý tưởng lớn mà đã thúc đẩy mỗi bên (lao vào cuộc chiến) cần phải củng cố điểm chính yếu của mình bằng cách nhấn mạnh mức độ thiệt hại đã gây ra nhân danh những ý thức hệ đối nghịch nhau, những ý thức hệ phù hợp với nhu cầu của xã hội Việt Nam. Nhưng Hastings hầu như không sai khi đặt trọng tâm vào hậu quả hơn là vào động cơ. Trên thực tế, ông xứng đáng nhận được sự tín nhiệm to lớn vì đã giúp chúng ta, nửa thế kỷ sau đỉnh điểm của cuộc chiến, để nhìn nhận vượt thoát ra khỏi những lập luận cũ về việc phía nào là đúng, phía nào là sai. Những gì được nhìn rõ khi bức rèm được vén lên quả thật không lấy gì là đẹp đẽ lắm.
Mark Atwood Lawrence
Nguyên tác : The Disaster That Was the Vietnam War, New York Times, 30/11/2018
Mai Hưng dịch
Nguồn : VNTB, 13/01/2019
Mark Atwood Lawrence giảng dạy lịch sử tại Đại học Texas ở Austin. Ông là tác giả của cuốn sách "Cuộc chiến tranh Việt Nam : Lược sử của một sự can dự quốc tế".