Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đối với lãnh đạo Việt Nam thì những ai đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì người đó là "thế lực thù địch, chống đảng và chống lại nhân dân".

Do đó, bằng mọi cách, đảng đã ra lệnh cho mọi cấp cán bộ, đảng viên và các tổ chức chính trị, xã hội và báo chí phải kiên quyết và kiên trì đấu tranh "bảo vệ nền tảng tư tưởng đảng".

thanhnien1

Đất nước đã có một thế hệ thanh niên anh hùng, cống hiến cả tuổi xuân, hy sinh một phần thân thể và cả máu xương của mình cho đất nước để cho quan tham ngày nay hưởng lợ .

Vậy cái nền tảng tự biên, tự diễn này là gì ?

Đảng viết : "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước" (Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018).

Khi đảng đưa lên hàng đầu việc bảo vệ đảng là nhằm bảo đảm quyền cai trị độc tôn và độc quyền cho đảng. Bảo vệ "Cương lĩnh chính trị" là kiên trì và trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được quy định lần đầu tại Đại hội đảng VII (từ 24 đến ngày 27/6/1991) trong "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội". Điểm then chốt trong Cương lĩnh viết : "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản".

Tuy nhiên, Cương lĩnh lại tự khoác áo cầm quyền cho đảng khi bảo : "Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy".

Rõ ràng là đảng đã tự tung tự tác, một mình một chợ, múa gậy vườn hoang như đi vào chỗ không người, vô pháp luật.

Nhưng đâu chỉ có vậy. Đảng còn thêu dệt trong Cương lĩnh rằng : "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta" , trong khi nhân dân chẳng biết mô tê gì mà vẫn bị nhét chữ vào mồm từ bấy lâu nay.

Do đó, khi bi nhân dân chống thì đảng quay ra tức tối để quy chụp mọi thứ mũ lên đầu dân như "phản động, phản cách mạng, tay sai thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, cơ hội chính trị, bất mãn, thoái hóa, biến chất v.v.".

Vì vậy, đảng đã quyết : "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng, của chế độ" (Tài liệu Viện Chính trị khu vực II, ngày 26/04/2020).

Nhưng "kẻ thù" của tư tưởng đảng là những ai ?

Tuyên giáo tiết lộ : "Đối tượng đấu tranh, phản bác, phê phán gồm : Chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch trong các nước tư bản chủ nghĩa, giới nghiên cứu lý luận phục vụ chính giới của các nước này ; các phần tử phản động chống đối Đảng, chống đối chế độ, người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài có hận thù với cách mạng Việt Nam ; các phần tử cơ hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân trong đó có một số nhà văn, nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ có nhận thức sai lệch về chủ nghĩa Mác -Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình đất nước hiện nay cũng như lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng" (Tuyên giáo, ngày 3/5/2021).

Như vậy xem ra đảng có khá nhiều "kẻ thù" và nhiều thành phần cả trong và ngoài nước. Nhưng hàng đầu, đảng đã chĩa mũi tấn công vào các tổ chức nước ngoài.

Tuyên giáo cho hay : "Ở nước ta hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang thực hiện giai đoạn thâm nhập với những bước cụ thể như : 

1) Thông qua các quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo,… tăng cường lôi kéo, mua chuộc đội ngũ cán bộ chủ chốt.Thủ đoạn này được gọi là "làm xanh hóa những cái đầu đỏ". 

2) Triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục - đào tạo trên diện rộng, trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo ra một lớp người "thân" phương Tây, sùng bái chủ nghĩa tư bản, lớp người này dần dần thay thế lớp cán bộ mà phương Tây cho là "bảo thủ" ở Việt Nam. 

3) Ra sức truyền bá tư tưởng, lối sống, văn hóa tư sản, đề cao chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tạo ra một thế hệ mới lai căng, mất gốc, đua đòi, phủ nhận các giá trị truyền thống dân tộc… Có thể nói, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động xây dựng chiến lược và có lộ trình cụ thể để phá hoại sự nghiệp cách mạng của nước ta".

Rõ ràng trong lập luận "chụp mũ" này có tiềm ẩn một thái độ bất tín và vô ơn đối với các nguồn viện trợ từ nước ngoài mà Viêt Nam đã được hưởng từ lâu của các nước dân chủ Tây phương, trong đó có Hoa Kỳ là nước dẫn đầu.

Về phần những "kẻ thù" là người Việt, cần lưu ý đến các thành phần như "các phần tử cơ hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân trong đó có một số nhà văn, nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ…" là những ngưới trong nước hay đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa", không còn muốn có "liên hê máu thịt" với đảng nữa.

Đảng cộng sản Việt Nam từng coi những người này là "nội thù" như đảng đã gọi những kẻ "tham nhũng" trong hàng ngũ mình.

Chống mãi - chống hoài

Để đối phó, đảng đã vất vả trăm chiều mà chưa làm nên cơm cháo gì. Bằng chứng như Tuyên giáo nhìn nhận :

"Hiện nay trong nhận thức cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ "bảo vệ" và "đấu tranh", có lúc, có nơi,chúng ta chưa phân biệt tường minh các nhóm đối tượng khác nhau, chưa có phương pháp, nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, xử lý khác nhau, phù hợp. Do đó, phương pháp, nhiệm vụ, giải pháp chưa có những đặc thù phù hợp các nhóm đối tượng đặc thù, tương ứng với mục tiêu đặt ra trong các nhóm đối tượng ấy".

Sự lúng túng của đảng trong công tác bảo vệ tư tưởng không chỉ thu gọn trong một số người đã chán đảng mà còn trên mặt rận tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, người dân, đặc biệt trong hàng ngũ trẻ, đội ngũ dự bị của đảng.

Nên biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng gay gắt nói "không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động" khi ông nói về nan đề "xây dựng chỉnh đốn đảng" hồi cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Ông nói : "Xác định rõ tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới và những nguyên tắc xây dựng Ðảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Ðảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động" (báo Chính phủ, ngày 28/12/2020).

Lần thứ hai, trong Diễn văn "Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII" sáng ngày 26/01 (2021), ông Trọng đã lập lại chỉ đạo : " Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động (báo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam).

Do đó, báo Tuyên giáo đã nhắc nhở : "Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc, chung tay của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Một trong những trọng tâm đấu tranh là trên không gian mạng, tuy diễn ra thầm lặng nhưng ngày càng khốc liệt hơn. Đối phó, đấu tranh, ngăn chặn các quan điểm sai trái, xuyên tác trên mạng xã hội là quá trình lâu dài, phức tạp. Bởi vậy, mỗi công dân cần có thái độ khách quan, nhìn nhận trách nhiệm này theo hướng chủ động, tăng cường đối phó, đấu tranh, ngăn chặn để giảm thiểu tác hại, ảnh hưởng tiêu cực chứ không thể tiêu diệt nó một cách triệt để. Chỉ khi nhận thức được như vậy, sẽ có được thái độ và hành vi ứng xử phù hợp trong môi trường thông tin số, thích ứng với nó và có giải pháp căn cơ, bền vững, lâu dài" (Tuyên giáo, ngày 1/5/2021).

Giới trẻ nghĩ gì ?

Nhưng giới thanh niên Việt Nam, với tổng số khoảng 23,6 triệu người (từ 16 - 30 tuổi) đã có những suy tư khác với đảng cộng sản Việt Nam. Rất nhiều người không muốn gia nhập các Tổ chức của đảng, tiêu biếu như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, mặc dù có cơ hội được hưởng bổng lộc.

Do đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trong diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ngày 11/12/2017 : "Đặc biệt, Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên giữ vững bản lĩnh cách mạng, có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội ; tránh tình trạng "nhạt Đảng", "khô Đoàn", "xa rời chính trị".

Người đứng đầu đảng còn cảnh giác : "Hiện nay xã hội không khỏi băn khoăn trước thực trạng có một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ; thậm chí có một số thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch tác động, lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại bản chất, truyền thống vẻ vang của Đoàn và trái với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng và dân tộc" (báo Giao Thông Việt Nam).

Bốn năm sau, Tuyên giáo Đảng cho hay : "Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin và ít quan tâm đến tình hình đất nước, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động trái pháp luật ; sống thực dụng, quá coi trọng vật chất. Một bộ phận thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số có trình độ học vấn còn thấp ; nhiều thanh niên thiếu kiến thức, kỹ năng trong lao động và hội nhập quốc tế. Tính độc lập, chủ động, sáng tạo, năng lực thực hành sau đào tạo của thanh niên còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm có chiều hướng gia tăng" (Tuyên giáo, ngày 24/03/2021).

Tuyên giáo còn chê trách : "Một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo công tác thanh niên ; Ðổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Ðoàn Thanh niên chưa theo kịp với sự phát triển của tình hình thanh niên ; khả năng chi phối và ảnh hưởng của Ðoàn trong thanh niên chưa sâu rộng ; tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ đoàn, đoàn viên chưa cao ; chưa thực sự coi trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ trẻ. Việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Ðảng về công tác thanh niên còn chậm ; thiếu những chính sách nhất quán, đồng bộ, lâu dài đối với công tác thanh niên... đánh giá thanh niên còn theo kinh nghiệm, cảm tính, gia trưởng, thiếu tin tưởng vào thanh niên ; một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống không là tấm gương để thanh niên học tập và noi theo ; một bộ phận gia đình bỏ mặc con cái, thiếu giáo dục và nêu gương…".

Chuyển hóa và diễn biến

Như vậy thì chuyện gọi là "đảng lãnh đạo" và "nhà nước quản lý" thanh niên đã và đang đi về hướng nào trong công tác bảo vê tư tưởng đảng hiện nay ?

Hỏi chơi vậy thôi chứ ai không biết Thanh niên cũng đang "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" rất hân hoan sau lưng đảng.

Sự kiện này được báo Quân đội nhân dân cho biết : "Trong khi chúng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh tư tưởng với các thế lực chống phá cách mạng, phải đồng thời triển khai quyết liệt nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ và các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận giới trẻ hiện nay" (Quân đội nhân dân, 25/03/2021).

Quân đội nhân dân lên án : "Điều đáng bàn và đáng buồn ở đây chính là sự cổ xúy, a dua... một cách mù quáng của không ít bạn trẻ trên không gian mạng xã hội. Dù chưa biết rõ trắng-đen, đúng-sai về thông tin bài viết, một số bạn trẻ vẫn tích cực ủng hộ, comment, chia sẻ. Một số bạn đã "bày tỏ tâm huyết" trước quan điểm, nội dung các bài viết, cho rằng : Tuổi trẻ ở Việt Nam hiện không được cơ cấu vào bất kỳ vị trí công tác quan trọng nào trong hệ thống chính trị. Do đó, các bạn ủng hộ việc phát đi thông điệp, kêu gọi giới trẻ không nên để tâm, quan tâm đến chính trị, mà chỉ nên hướng vào một việc duy nhất là tự chăm lo, vun vén cho lợi ích bản thân. Các bạn hồn nhiên và mặc nhiên bày tỏ quan điểm cá nhân, hùa theo tư tưởng phản động, nói xấu chế độ... mà không hề biết đã mắc bẫy các thế lực thù địch. Hậu quả là, vì phút nông nổi, kém hiểu biết lại bỗng trở thành những kẻ tội đồ-"nối giáo cho giặc".

Tổ tiên ta có câu : "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" nên khi báo Quân đội nhân dân mắng trách thanh niên như thế thì ai đã lên án đảng đã để cho thanh niên chệch hướng như thế ?

Nhưng sự thật luôn luôn là sự thất nên Quân đội nhân dân đành nhìn nhận : "Thực tế trên cho thấy, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã hình thành khá rõ nét trong một bộ phận giới trẻ. Đây là dấu hiệu và mầm móng của nhiều căn bệnh tư tưởng, tâm lý đặc biệt nguy hiểm. Nó như những luồng khí độc lan tỏa ; từng bước nhồi nhét vào đầu không ít bạn trẻ những nghĩ suy lệch chuẩn về vai trò, vị trí của bản thân và thế hệ trẻ đối với công việc chung của Đảng, Nhà nước, dân tộc".

Đó là lý do tại sao đã có : "Một số thanh niên không muốn vào Đảng hoặc động cơ vào Đảng thiếu lành mạnh, đúng đắn ; một số thanh niên còn chối bỏ trách nhiệm công dân với Tổ quốc, dân tộc, bằng mọi giá trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Lại có một số thanh niên chưa thực sự vững tin vào tương lai phát triển của đất nước, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại khó khăn, gian khổ, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động".

Cuối cùng, Quân đội nhân dân két luận : " Rất đáng lo ngại khi một số bạn trẻ bị ảnh hưởng lối sống thực dụng, khơi dậy ham muốn bản năng, không chịu học tập, làm việc, cống hiến. Căn bệnh "nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị" đang là hiện trạng có thật ở một số ít người trẻ tuổi" (Quân đội nhân dân, 25/03/2021).

Như vậy, từ hiện tượng đảng viên "quay lưng" lại với đảng đến chuyện dân bỏ mặc mọi việc cho nhà nước lo cho tới chuyện thanh niên, rường cột của Tổ quốc, cũng "khô đoàn" và "nhạt đảng" thì điều được gọi là "nền tảng Tư tưởng đảng" có còn gốc rễ gì không, hay trốc hết rồi ?

Phạm Trần

(06/05/2021)

Published in Diễn đàn

Hàn lâm hóa nội các Chính phủ Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn, boxitvn, 23/04/2021

Nội các Chính phủ Phạm Minh Chính có một điểm nổi bật nhất là trình độ học vấn rất cao, cao hơn các bộ trưởng trong chính phủ Úc và Mĩ.

Chúng ta biết rằng nội các Chính phủ mới có 28 thành viên [1], nhưng có đến 5 phó thủ tướng ! Chính phủ Úc [2] hồi nào đến giờ chỉ có 1 phó thủ tướng. Chính phủ Mĩ cũng vậy, chỉ có 1 phó tổng thống [3]. Không hiểu sao Việt Nam có nhiều phó thủ tướng thế.

hanlam1

Điểm thứ hai là nam giới ‘thống trị’ nội các Phạm Minh Chính. Thật vậy, trong số 28 người chỉ có 1 người duy nhất 1 nữ : Phạm Thị Thanh Trà. Trong khi đó thời đại mới là tạo điều kiện và xiển dương vai trò của phụ nữ. Do đó, nội các Morrison (Úc) có đến 23% là nữ, còn nội các Biden bên Mĩ thì có đến 46% là nữ giới.

Nhưng điểm nổi bật trong nội các mới là trình độ học vấn của các thành viên rất cao. Điểm tuyệt vời ở đây là có 14 người có bằng tiến sĩ [4], tức chiếm 50% tổng số thành viên trong nội các. Con số này rất cao nếu so sánh với Úc, nơi không có bộ trưởng nào có bằng tiến sĩ, hay so sánh với Mĩ, nơi chỉ có 4 người có bằng tiến sĩ.

hanlam2

Thật ra, trình độ học vấn cao của các bộ trưởng Việt Nam không phải là điều gì mới mẻ. Chừng 10 năm trước (2010), nội các Chính phủ lúc đó có 26 người, thì 13 người có bằng tiến sĩ, tức cũng chiếm tỉ trọng 50%. Rồi nội các Nguyễn Xuân Phúc cũng thế : số người có bằng tiến sĩ xấp xỉ 52%.

Ngay cả trong Bộ chánh trị cũng có nhiều tiến sĩ. Thật vậy, số liệu năm 2021 cho thấy trong số 18 thành viên Bộ Chánh trị, có đến 10 người (56%) có bằng tiến sĩ [5]. Nói cách khác, tỉ trọng tiến sĩ trong Bộ Chánh trị còn cao hơn trong nội các Chính phủ.

Ở nước ngoài, Đức là nơi có nhiều tiến sĩ trong nội các, nhưng tỉ trọng tiến sĩ cũng chỉ 20% trong tổng số bộ trưởng, và tình trạng này đã được xem là một ‘hiện tượng’. Tuy nhiên, con số 20% đó chẳng thấm gì so với 50% của Việt Nam. Có thể nói rằng chính phủ Việt Nam ngày nay đã trở nên hàn lâm hóa.

Những dữ liệu thực tế trên có thể hiểu nhiều cách. Hiểu tích cực là trình độ các bộ trưởng Việt Nam ngày nay đã cao hơn nhiều so với các vị tiền nhiệm trong thời chiến tranh hay mới sau chiến tranh. Một cách hiểu khác là nó phản ảnh tính hiếu học của người Việt, và điều này thể hiện qua trình độ của các bộ trưởng.

Hiểu theo nghĩa kém tích cực thì những dữ liệu này nói lên rằng người Việt chưa chắc là hiếu học mà chỉ hiếu danh thôi. Ông Lương Đức Thiệp, trong "Việt Nam tiến hóa sử" (1944), viết rằng người Việt học không phải để hiểu biết mà để có được chức quyền vì miếng cơm manh áo : "[…] cho nên người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết mà chỉ vì mong một địa vị ưu thắng trong xã hội : Học đối với người Việt không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh". Nếu hiểu theo nghĩa này thì bằng cấp như tiến sĩ ngày nay ở Việt Nam đã mất cái uy danh của nó và đã bị lạm dụng.

Một cách hiểu khác nữa là tình trạng ‘hàn lâm hoá’ chỉ là hậu quả của chính sách ‘người ngành nào phụ trách ngành đó’ (ví dụ như bộ trưởng quốc phòng thì phải là tướng lãnh, bộ trưởng y tế phải là người của ngành y, bộ trưởng giáo dục phải là người của ngành giáo dục và đào tạo, v.v.) Trong khi đó ở các thể chế dân chủ và dân sự thì người ta thường cho người ngoài ngành lãnh đạo ngành chuyên môn. Thành ra, chúng ta thấy ở Mĩ hay Úc có khi bộ trưởng quốc phòng là luật sư, bộ trưởng y tế là người từng học về văn chương.

Tiến sĩ (PhD) là văn bằng thuộc loại ‘prestigious hay ‘elite‘ (tinh hoa), là văn bằng cao nhất trong một số nước trên thế giới. Văn bằng PhD là viết tắt từ chữ ‘Doctor of Philosophy’. Chữ ‘philosophy’ ở đây không có nghĩa hẹp là triết học, mà có nghĩa rộng hơn. Trong tiếng Hi Lạp, ‘Philo’ có nghĩa là ‘thương’ (sau này trại ra ‘philia’) và ‘sophia’ có nghĩa là ‘tư tưởng’ (hay sáng suốt, hay thông thái). Như vậy, chữ ‘philosophy’ ở đây có nghĩa nghĩa rộng là ‘yêu tư tưởng’. Bản chất của văn bằng PhD, theo nghĩa nguyên thủy của nó, mang tính lí thuyết hơn là thực hành. Sau này thì nhiều trường cho ra đời loại bằng tiến sĩ thực hành mà họ gọi là ‘professional doctorate’.

Còn chữ ‘doctor’ ở đây xuất phát từ tiếng Latin ‘docere’ có nghĩa là ‘giảng dạy’. Nhưng ngày nay, giảng dạy phải đi liền với nghiên cứu khoa học. Do đó, văn bằng PhD bản chất là một chứng chỉ của người hành nghề giảng dạy và nghiên cứu. Cho đến nay, văn bằng PhD được xem là ‘giấy thông hành’ của nhà khoa học. Cũng giống như một người muốn hành nghề thầy thuốc thì phải có bằng MD, còn muốn hành nghề nghiên cứu và giảng dạy thì phải có PhD.

Thế nhưng, ở Việt Nam thì ý nghĩa của văn bằng PhD có vẻ trở nên lệch lạc. Nhiều cơ quan trong hệ thống công quyền ở Việt Nam có qui định rằng ứng viên phải có bằng PhD để đáp ứng tiêu chuẩn cho một chức vụ nào đó. Và, theo thời gian, những người đạt được những chức vụ đó được thăng tiến trong hệ thống chánh trị và có mặt trong nội các hay Bộ Chính trị. Do đó, có thể nói rằng sự hàn lâm hóa chánh phủ ở Việt Nam ngày nay đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước, và nó có thể xuất phát từ cách hiểu lệch lạc về văn bằng tiến sĩ.

Cách đây chừng 10 năm, Báo SGGP có đi một loạt bài về vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trong loạt bài đó, có một tác giả viết như sau : "Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ Tiến sĩ rất cao ! […] Trên các nước, Tiến sĩ nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít". Nhận định này cho đến nay vẫn còn thích hợp.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn : boxitvn, 23/04/2021

[1] http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/chinhphu/chinhphuduongnhiem

[2] https://www.aph.gov.au/Senators_and_Members/Parliamentarian?MPID=HWO

[3] https://www.whitehouse.gov/administration/cabinet

[4] Thành viên Nội các mới có bằng tiến sĩ : Phạm Minh Chính, Nguyễn Hồng Diên, Nguyễn Chí Dũng, Vũ Đức Đam, Huỳnh Thành Đạt, Phan Văn Giang, Trần Hồng Hà,

Tô Lâm, Lê Thành Long, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thanh Nghị, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Văn Thể.

[5] Các ủy viên Bộ Chánh Trị có bằng tiến sĩ : Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hòa Bình, Phạm Minh Chính, Phan Văn Giang, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Phú Trọng, và Trần Cẩm Tú.

********************

Bằng cấp của các bộ trưởng Việt Nam, China, Mỹ và Úc

Nguyễn Văn Tuấn, VietInfo, 24/03/2014

Khoảng 2 năm trước, khi đếm số thành viên nội các Việt Nam, Mĩ và Úc, và so sánh trình độ học vấn qua bằng cấp của họ. Kết quả cho thấy 13/26 người có bằng tiến sĩ.

hanlam3

Nhân dịp thấy một danh sách thành viên Nội các mới, tôi đếm lại và so sánh với các nước China, Mĩ và Úc. Kết quả tóm lược trong bảng dưới đây cho thấy vài xu hướng thú vị.

 
Nước Tiến sĩ Cao học (thạc sĩ) Cử nhân Không có bằng cấp đại học hay không biết
Việt Nam (27) 12 5 10 0
China (25) * 5 8 12 0
USA (22) 2 4 16 0
Canada (37) 1 5 26 5
Úc (18) 0 3 12 3

(*) Chỉ tính 25 người trong Bộ Chính trị.

Việt Nam : Nội các 2011-2016 có 27 thành viên, kể luôn 5 phó thủ tướng. Trong số này, có 12 (44%) người có bằng tiến sĩ, 5 thạc sĩ, và 10 người là cử nhân. Sẵn dịp, tôi có đếm phân bố bằng cấp của 16 thành viên Bộ Chính trị. Thật thú vị, trong số 16 vị, 8 vị (tức 50%) có bằng tiến sĩ. Tính tương đối, trình độ học vấn của Bộ Chính trị còn cao hơn cả Nội các Chính phủ !

China : Tôi chỉ đếm được phân bố bằng cấp của 25 vị trong Bộ Chính trị Tàu. Trong số này, 5 người có bằng tiến sĩ, 8 người có bằng thạc sĩ, và 12 với bằng cử nhân.

: Nội các có 22 người (tính luôn cả những người 7 người có hàm/chức vụ tương đương bộ trưởng). Trong số này chỉ có 2 người có bằng tiến sĩ, 4 người thạc sĩ, và 16 cử nhân. Chú ý, tôi tính bằng cấp loại JD trong nhóm cử nhân.

Canada : Một thông tin từ internet cho biết Nội các Canada có 37 thành viên ; trong số đó, chỉ có 1 người là tiến sĩ, 5 thạc sĩ, và 26 cử nhân. Có 5 người chưa tốt nghiệp đại học.

Úc : Trong số 18 bộ trưởng và thủ tướng trong Nội các Tony Abbott, 3 người có bằng cao học, 12 người có bằng cử nhân (đặc biệt là cử nhân luật, LLB). Không có ai có bằng tiến sĩ, nhưng có 3 người chưa tốt nghiệp đại học.

Qua bảng so sánh trên, và nếu lấy tỉ lệ bằng tiến sĩ là một thước đo học vấn, thì Việt Nam rõ ràng Nội các Chính phủ và Bộ Chính trị Việt Nam có học vấn cao hơn Mĩ, Canada, Úc, và nước láng giềng là Tàu. Với tỉ lệ 44% bộ trưởng có bằng tiến sĩ, tôi đoán rất có thể Nội các Việt Nam có nhiều tiến sĩ nhất thế giới (nhưng cần phải kiểm chứng).

Nhiều người phàn nàn rằng Việt Nam có quá nhiều tiến sĩ, mà phần lớn họ không giảng dạy hay nghiên cứu. Những số liệu này cho thấy quả thật trong Nội các cũng có nhiều tiến sĩ. Chú ý rằng số bộ trưởng có bằng tiến sĩ cao gấp 2 lần số bộ trưởng có bằng cử nhân, và có thể nói đó là một phân bố bất bình thường.

====

Danh sách thành viên nội các và trình độ học vấn (tôi chú thích BS = cử nhân, MS = cao học / thạc sĩ, PhD = tiến sĩ)

  1. 1.     Nguyễn Tấn Dũng : BS

    2.     Nguyễn Xuân Phúc : BS

    3.     Hoàng Trung Hải : MS

    4.     Vũ Văn Ninh : MS

    5.     Phạm Bình Minh : MS

    6.     Vũ Đức Đam : PhD

    7.     Phùng Quang Thanh : BS

    8.     Trần Đại Quang : PhD

    9.     Hoàng Tuấn Anh : BS

    10.   Nguyễn Thái Bình : BS

    11.   Nguyễn Văn Bình : PhD

    12.   Phạm Hải Chuyền : BS

    13.   Hà Hùng Cường : PhD

    14.   Trịnh Đình Dũng : MS

    15.   Nguyễn Văn Nên : PhD

    16.   Vũ Huy Hoàng : PhD

    17.   Phạm Vũ Luận : PhD

    18.   Cao Đức Phát : PhD

    19.   Giàng Seo Phử : BS

    20.   Nguyễn Minh Quang : BS

    21.   Nguyễn Quân : PhD

    22.   Nguyễn Bắc Son : PhD

    23.   Đinh La Thăng : PhD

    24.   Nguyễn Thị Kim Tiến : PhD

    25.   Huỳnh Phong Tranh : BS

    26.   Bùi Quang Vinh : BS

    27.   Đinh Tiến Dũng : MS

    Danh sách ủy viên Bộ Chính trị

    1.     Nguyễn Phú Trọng : PhD

    2.     Trương Tấn Sang : BS

    3.     Nguyễn Tấn Dũng : BS

    4.     Nguyễn Sinh Hùng : PhD

    5.     Lê Hồng Anh : BS

    6.     Phùng Quang Thanh : BS

    7.     Lê Thanh Hải : PhD

    8.     Tô Huy Rứa : PhD

    9.     Phạm Quang Nghị : PhD

    10.   Trần Đại Quang : PhD

    11.   Tòng Thị Phóng : BS

    12.   Ngô Văn Dụ : BS

    13.   Đinh Thế Huynh : PhD

    14.   Nguyễn Xuân Phúc : BS

    15.   Nguyễn Thị Kim Ngân : MS

    16.   Nguyễn Thiện Nhân : PhD

  2. China : Danh sách ủy viên Bộ Chính trị

 1. Xi Jinping : PhD (Institute of Humanities and Social Sciences at Tsinghua University)

 2. Ma Kai : MS

 3. Wang Qishan : BS [BVN bổ sung]

 4. Wang Huning : PhD, Professor

 5. Liu Yunshan : MS

 6. Liu Yandong : MS

 7. Liu Qibao : MS

 8. Xu Qiliang : BS

 9. Sun Chunlan : MS [BVN bổ sung]

10. Sun Zhengcai : PhD

11. Li Keqiang : PhD

12. Li Jianguo : BS

13. Li Yuanchao : PhD

14. Wang Yang : BS

15. Zhang Chunxian : MS

16. Zhang Gaoli : BS

17. Zhang Dejiang : BS

18. Fan Changlong : BS

19. Meng Jianzhu : MS

20. Zhao Leji : MS

21. Hu Chunhua : BS

22. Yu Zhengsheng : BS

23. Li Zhanshu : MBA

24. Guo Jinlong : BS

25. Han Zheng : BS

USA : Nội các

  1.  John Forbes Kerry : BA
  2.  Jacob Joseph "Jack" Lew : BA
  3.  Charles Timothy "Chuck" Hagel : BA
  4.  Eric Himpton Holder : JD
  5.  Sarah Margaret Roffey Jewell : BE
  6.  Thomas James "Tom" Vilsack : JD
  7.  Penny Sue Pritzker : JD
  8.  Thomas Edward Perez : MPA
  9.  Kathleen Sebelius : MPA
  10.  Shaun L. S. Donovan : MArch
  11.  Anthony Renard Foxx : BA
  12.  Ernest Jeffrey Moniz : PhD
  13.  Arne Duncan : BA
  14.  Eric Ken Shinseki : MA
  15.  Jeh Charles Johnson : JD

Những người mang hàm tương đương bộ trưởng

  1.  Joseph Robinette "Joe" Biden : BA
  2.  Denis Richard McDonough : BA
  3.  Sylvia Mary Mathews Burwell : BA
  4.  Regina "Gina" McCarthy : MS
  5.  Michael B. Froman : DPhil
  6.  Samantha Power : JD
  7.  Jason Furman : PhD

 

Australia : Nội các

  1.  Tony Abbott : MS
  2.  Warren Truss : NA
  3.  Julie Bishop : LLB
  4.  Eric Abetz : LLB
  5.  George Brandis : LLB
  6.  Joe Hockey : LLB
  7.  Barnaby Joyce : BS
  8.  Christopher Pyne : LLB
  9.  Nigel Scullion : NA
  10. Kevin Andrews : LLM
  11. Malcolm Turnbull : LLB
  12. Peter Dutton : Bbus
  13. Bruce Billson : BBus
  14. Andrew Robb : BEc
  15. David Johnston : LLB
  16. Greg Hunt : MA
  17. Scott Morrison : BS
  18. Mathias Cormann : NA

 

  1. Nguyễn Văn Tuấn (nguyenvantuan.org)

Nguồn : VietInfo, 24/03/2014

Published in Diễn đàn

Đi tìm một công thức giúp chính quyền cộng sản tại Việt Nam... tự lật đổ 

Bài 3 :

Có ý chí là có đường đi

Bài học lịch sử cho thấy những chế độ độc tài cộng sản Đông Âu và cả những chế độ độc tài hữu phái ở Indonesia, Philippines, Tunisia, Lybia hôm trước trông rất hùng mạnh hôm sau đã sụp đổ. Chẳng có ngoại quốc nào đến xâm lăng. Cũng không phải là phép lạ. Chỉ là sự ruỗng nát từ bên trong. Khổng lồ nhưng chân đất sét. To xác nhưng bệnh hoạn. Ung thư đi vào lục phủ ngũ tạng. Bịp bợm nhưng không còn lừa gạt được ai. Tuyên truyền dối trá hết tác dụng. Bạo lực không còn gây khiếp sợ. 

caotuan1

Bài học lịch sử cho thấy những chế độ độc tài hôm trước trông rất hùng mạnh hôm sau đã sụp đổ. Khổng lồ nhưng chân đất sét.

Chế độ độc tài cộng sản ở Việt Nam không khác. Mạnh bề ngoài - 5 triệu đảng viên. Lực Lượng quân đội, công an trên dưới hai triệu người. Ngân sách suýt soát một trăm tỉ đô la. Bộ máy tuyên truyền vĩ đại. Hơn 75 năm kinh nghiệm cướp và giữ chính quyền. Bên trong, nó thực sự rất yếu vì kềnh càng, tốn phí, phù thủng, đã ruỗng, đã nát, đã vô lý, đã phi nghĩa, đã phản động tới mức đang nhanh chóng... tự lật đổ.

Lẽ tất nhiên nói chế độ này đang tự lật đổ không có nghĩa đảng cộng sản tự nguyện từ bỏ quyền lực. Cố bám là đằng khác vì, đối với đám quan chức đang có đặc quyền đặc lợi, mất quyền lực như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, là... "mất tất cả" ! Tự lật đổ chỉ có nghĩa đảng cộng sản đang đi vào ngõ cụt, đang làm những lầm lỗi chết người. Như giết cụ Lê Đình Kình và đàn áp dân làng Đồng Tâm một cách tàn bạo để răn đe các đảng viên khác. Như trắng trợn bắt quân đội, công an phải thề "tận trung" với Đảng chống lại nhân dân. Như tham nhũng thuộc phe Nguyễn Tấn Dũng thì bị vào "lò", tham nhũng thuộc phe Nguyễn Phú Trọng thì được thăng quan, tiến chức... Như trị bệnh bằng thuốc độc.

Lãnh đạo Đảng cộng sản không ngu nhưng họ không thể làm khác. 

Vì những lý do thuộc về bản chất, hệ thống, cơ chế. 

Vì những nhược điểm không còn che giấu được và cũng không sửa chữa được, hoặc càng sửa càng hư hỏng thêm.

Vì lý do, như lịch sử đã chứng minh, Các Mác, ông tổ cộng sản, là trường hợp "kẻ muốn làm thiên thần, trở thành ác quỷ" hay đúng hơn "kẻ muốn làm thiên thần, chỉ tạo ra ác quỷ".

Tuy nhiên người Việt Nam yêu nước không thể ngồi chờ "sung rụng". Phải tạo nên áp lực đủ mạnh "giúp" chính quyền độc tài cộng sản tự lật đổ sớm hơn. 

Chế độ yếu mà người chống nó còn yếu hơn thì nó vẫn tồn tại, vẫn dây dưa, vẫn tác hại, dù tiếp tục tự lật đổ mà vẫn không đổ. Hoặc nếu có đổ nhưng lại đứng dậy được tiếp tục một mình một chợ. Hoặc đến khi cái chế độ chính trị bất nhân này chết hẳn thì nước Việt Nam cũng kiệt quệ không còn sức sống và cuối cùng có thể tan biến không còn dấu vết như dân tộc Mãn Châu bên trong nước Tầu mênh mông. 

(Cần nhấn mạnh thêm rằng thời điểm là chuyện hết sức quan trọng. Một giải pháp toàn bộ cho Việt Nam - vùng đất chiến lược quốc tế - chỉ có thể thành công khi hai đại cường quốc Tầu và Mỹ còn ở thế giằng co ở Đông Á-Tây Thái Bình Dương như hiện nay. Tuy nhiên, nếu Mỹ không trụ nổi và bắt buộc phải chịu "mất" Đài Loan, chịu "nhường" Biển Đông đồng nghĩa chấp nhận Đông Nam Á là "sân sau" của Tầu để đổi lấy hòa bình như Henry Kissinger từng "gợi ý" thì có thể mọi đường thoát của Việt Nam như một quốc gia độc lập đã bị bịt kín !)

Vậy, đúng lúc đang còn có thời cơ, người Việt Nam nên nghĩ gì, làm gì để tự cứu và cứu đất nước ? Tranh đấu thế nào về cả lý tưởng và sách lược ?

caotuan2

Người Việt Nam nên nghĩ gì, làm gì để tự cứu và cứu đất nước ? 

Những điều tâm niệm

Cuộc tranh đấu phải có chính nghĩa cao cả, trong sáng, hợp tình, hợp lý, gây được cảm hứng, tin tưởng và hưởng ứng của người Việt, cả ngoài nước và trong nước. Nhất là người trong nước.

Phải giữ gìn chính nghĩa thật cẩn thận. Từ đầu đến cuối. Trước sau như một. Để bạo quyền muốn bôi bẩn, xuyên tạc cũng không làm được. Nói như nhà giáo Lê Hữu Khóa : "Mưu hèn, kế bẩn, chém sau lưng" cũng không dễ thi hành.

(Những ai muốn phiêu lưu đi tìm lợi, tìm danh, danh hão hay danh thực, cho cá nhân mình rất không nên làm chính trị vì chính trị là chuyện tranh giyành bẩn thỉu - như đám quan chức cộng sản đang làm chính trị sát phạt nhau kiểu chandungquyenluc.blogspot.com hoặc khi gọi nhau là "đồng chí" (đồng chí X, chẳng hạn) là lúc họ sắp sửa giết nhau hay cho nhau "vào lò". Hãy nhường chỗ cho người thành thực tin rằng làm chính trị là thực lòng muốn phục vụ công ích, là làm việc nước một cách ngay thẳng, đúng theo nguyên nghĩa của danh từ CHÍNH TRỊ.

Mục đích của cuộc tranh đấu là chấm dứt chế độ độc tài đảng trị ở Việt Nam và thay thế nó bằng một chế độ dân chủ tự do đích thực : đa nguyên, đa đảng, thượng tôn hiến pháp, luật pháp. Tất cả mọi hình thái độc tài cộng sản, tả phái, hữu phái, cá nhân hay tập thể đều phải cương quyết loại bỏ.

Phải có sách lược đúng, phù hợp với chính nghĩa đã tuyên dương và phải làm đúng sách lược. Điều này đòi hỏi tranh đấu có tổ chức và theo kỷ luật.

Phải tập hợp được đủ người có phẩm chất chịu dấn thân làm nòng cốt cho cuộc tranh đấu. 

Không cần tới 5 triệu "đảng viên". Không cần tói 20 ngàn "quan chức". Không cần thêm 5 trăm hay 7 trăm "ông tướng". 

Trong điều kiện hiện tại, chỉ cần tập hợp được một ngàn người, cả trong nước lẫn ngoài nước, có khả năng và có quyết tâm là có thể thay đổi được cuộc diện chính trị, là có thể cứu được quê hương, đất nước.

Lý do căn bản là chế độ độc tài ngạt thở ở Việt Nam hiện nay đang giống như một cánh rừng mà cây cối đã khô rang, một ngọn lửa đốt lên có thể lan tràn biến thành biển lửa trong khoảnh khắc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản Việt Nam biết rõ điều này và những người muốn chấm dứt chế độ này cũng nên nhìn đúng tử huyệt của nó.

Sách lược căn bản là phát động phong trào toàn dân chống độc tài tham nhũng, đòi hỏi Dân Chủ Tự Do, Công Bằng Xã Hội bằng các phương cách bất bạo động, bất tuân dân sự. Tranh đấu BẤT BẠO ĐỘNG, BẤT TUÂN DÂN SỰ trên căn bản SỰ THẬT chính là sách lược DIỄN BIẾN HÒA BÌNH bất khả thất bại. 

Bất Tuân Dân Sự có thể gồm nhiều biện pháp khác nhau như tẩy chay bầu cử tiền chế kiểu "Đảng cử, dân bầu", không đóng thuế, trì hoãn việc gửi kiều hối về nước, không đọc báo Đảng, không nghe tuyên truyền, đình công, lãng công, bãi khóa, bãi thi, bãi thị, tọa kháng, thuyết pháp, tuyệt thực, cầu nguyện, đêm không ngủ, phát hành tài liệu kêu gọi quân đội, công an đứng về phía nhân dân. Và, hàng hàng lớp lớp, ào ạt xuống đường vào giờ chót, hay khi cần thiết...

Các nước Đông Âu, Tunisia, Lybia, Philippines, Indonesia thay đổi được chế độ chính trị thì nước Việt Nam cũng sẽ làm được. Không cần ai bật đèn xanh hay đèn đỏ. Chỉ cần chủ động tranh đấu, trông cậy vào sức mình là chính, không cầu ngoại viện, không tạo lý do cho cường lân can thiệp. Giải quyết vấn đề nội bộ mà trông chờ ngoại quốc vừa không thực tế, vừa không hợp đạo lý, vừa rắc rối, vừa nguy hiểm khi bị "quốc tế hóa". Cuộc tranh đấu dân chủ hóa Việt Nam căn bản sẽ được giải quyết giữa đại khối nhân dân và một thiểu số phản động là bọn đầu sỏ của chế độ độc tài đảng trị đương thời. 

Đất nước đã thống nhất và thống nhất vĩnh viễn

Mặc dù phải trả giá quá đắt, nước Việt Nam đã thống nhất và vĩnh viễn thống nhất. 

Tranh đấu để loại bỏ chế độ độc tài và cả danh xưng dối trá Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nhưng KHÔNG tranh đấu để tái lập tình trạng chia cắt Bắc Nam và nối tiếp cuộc chiến tranh 20 năm "nồi da xáo thịt". "Hai mươi năm nội chiến từng ngày" đã có quá nhiều nước mắt :

Bà mẹ già chống gậy

Nước mắt chẩy hai hàng

Này đây người Cộng Sản

Này đây người Quốc Gia

Này con chung một mẹ

Này tóc đen máu đỏ

Này mũi tẹt da vàng

Này súng đạn ngoại bang

...

Ngoài khu vườn đã cháy

Lũ trẻ đi đào khoai

Như những con chó đói

Mắt đã mờ tương lai...

(tác giả : Vô Danh)

Không tranh đấu để phục hồi hiệp định Paris. 

Không tranh đấu để phục hoạt chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

Làm "tiền đồn của Thế Giới Tự Do" cũng dại dột chẳng kém làm "bộ phận tiền phong của "Cách Mạng Vô Sản Thế Giới".

Tranh đấu Bất Bạo Động đồng nghĩa từ chối bạo lực, khủng bố, mọi hình thức chiến tranh. Tuyệt đối không nội chiến.

Người ta không thay đổi được lịch sử nhưng có thể rút ra được những bài học để không lầm lỗi nữa. 

Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc

Cố thi sĩ Bùi Giáng, con người vô sản đích thực cùng với chiếc bị rách lang thang giữa cuộc đời nhưng lời thơ lại là tiếng kêu trầm thống, bi phẫn của cả một dân tộc bị dồn vào bước đường cùng bởi một tập đoàn bản xứ độc ác, hung bạo :

Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào,

Đánh cho chết mẹ đồng bào miền Nam.

Đánh cho khoai sắn thành vàng

Đánh cho dép lốp phải mang thế giầy.

Đánh cho Bắc đọa Nam đày,

Đánh cho thù hận giờ này chưa tan.

Đánh cho cả nước Việt Nam,

Áo ôm khố rách xếp hàng xin cho.

Đánh cho hết muốn tự do,

Hết mơ dân chủ hết lo quyền người.

Đánh cho dở khóc dở cười,

Hai miền thống nhất kiếp người ngựa trâu.

...

Đánh cho dòng giống Tiên rồng,

Osin, nô lệ, lao công xứ người.

Đánh cho chín chục triệu người,

Thành dân vô sản thành người lưu vong.

Đánh cho non nước Lạc Hồng,

Tiến lên thời đại mang gông mang cùm.

Đánh cho cả nước chết chùm,

Đánh cho con cháu khốn cùng mai sau.

Đánh cho Bác Đảng Nga Tầu,

Triệu dân nô lệ ngàn sau căm hờn.

caotuan3

Đánh cho non nước Lạc Hồng, Tiến lên thời đại mang gông mang cùm. Ảnh minh họa : Thác Bản Giốc bây giờ do Ta hay Tàu khai thác ?

Tài liệu Cơ sở tư tưởng của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, từ 35 năm trước, kết tinh ý tưởng của những người trí thức nặng lòng với đất nước như các ông Trần Thanh Hiệp, Lê Văn Đồng, Nguyễn Gia Kiểng, Lê Văn Đằng, Dương Kích Nhưỡng, Tôn Thất Thiện, Ngô Đình Luyện v.v. (mà đa số nay đã thành người thiên cổ) cũng nhận định không khác ông Bùi Giáng bao nhiêu. Nhận định đúng trước đây và càng đúng bây giờ : Xã Hội Việt Nam căn bản chỉ có 3 thành phần chính : thành phần bịp bợm, thành phần thua bại và thành phần bị lừa.

Thành phần bịp bợm là bọn đầu sỏ đã và đang cầm quyền. 

Thành phần thua bại là quân, dân của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. 

Thành phần bị lừa là quân, dân và cả đại bộ phận đảng viên trong chế độ cộng sản đã bị gạt gẫm ủng hộ, chiến đấu, hy sinh cho lý tưởng độc lập, thống nhất, tự do, hạnh phúc rồi đau đớn vỡ mộng. Bọn đầu sỏ càng ngày càng cư xử như những chúa đảng Mafia, bóc lột công sức của họ và coi họ như nô lệ, như kẻ thù... Tiêu biểu là gia đình người đảng viên già Lê Đình Kình, gia đình người công nhân, nông dân chân chính Đoàn Văn Vươn, Cấn Thị Thêu và hàng triệu người khác nữa. 

Tài liệu học tập nội bộ này của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ những năm tháng xa xưa ấy đã khẳng định :

"Người bị thua và người bị lừa đều là nạn nhân của sự bịp bợm. Sứ mạng lịch sử của họ là phải tin tưởng nhau, thương yêu nhau, bắt tay nhau để cứu nước và cứu mình. Đó là căn bản của một tập hợp dân tộc mới.

Trong một tập hợp dân tộc mới không có ai chiêu hồi ai, không ai phải quy thuận ai. Tất cả đều bình đẳng, mọi người đều là anh em ruột thịt.

Chúng ta muốn chấm dứt những đau khổ mà đồng bào cả nước đang phải chịu đựng và thay đổi dòng lịch sử đang rất bất lợi cho dân tộc.

Cuộc tranh đấu của chúng ta vì vậy phải vượt hẳn lên trên những thù hận, luyến tiếc quá khứ, những tham vọng cá nhân. Nó hoàn toàn được thúc đẩy bởi những tình cảm cao thượng. Nó hoàn toàn hướng về tương lai".

Nói cho thật rõ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc không phải hòa hợp hòa giải với bọn cầm quyền đại bịp, đại ác nói trên. Bọn này dùng mọi thủ đoạn chia để trị. Ngược lại, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chủ trương đoàn kết tức là TẬP HỢP sức mạnh toàn dân để bắt buộc chúng phải chọn giữa cải cách thực sự hoặc bị sụp đổ.

Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc là vô điều kiện, bất kể quá khứ, bất kể đội mũ "cộng sản" hay "quốc gia" do tự nguyện hay hoàn cảnh, bất kể "Nam" hay "Bắc", "trong nước" hay "ngoài nước", bất kể "già" hay "trẻ", bất kể tôn giáo, bất kể sắc tộc...

"Nó không thể là một lập trường thỏa mãn một thành phần dân tộc này và thiếu công bình với một thành phần dân tộc khác. Nó không thể ve vãn người này và gây sự bất bình nơi người khác".

Đừng để bị bạo quyền chia rẽ và duy trì thù hận lẫn nhau trong nhân dân bằng bất cứ thủ đoạn hay âm mưu đen tối nào, kể cả chiêu trò ngụy tạo những bọn "đóng vai quá khích" gieo rắc nọc độc ở phía tả, phía hữu và ở tất cả mọi phía (kể luôn cả chuyện yêu hay ghét ông cựu tổng thống Mỹ Donald Trump chẳng mấy liên quan đến cuộc tranh đấu Dân Chủ Hóa Việt Nam).

Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc là hòa giải và hòa hợp giữa những người Việt yêu nước Việt Nam độc lập, yêu nước Việt Nam thống nhất, yêu dân chủ tự do, yêu công bằng xã hội, uất hận vì bị chà đạp, lường gạt, bóc lột quá lâu, muốn tự cứu và cứu nước.

Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc không những là một sách lược căn bản nhằm cô lập bạo quyền phản động, thúc đẩy nó tự lật đổ sớm hơn mà còn là một lý tưởng cao cả, xứng đáng để theo đuổi nếu muốn xây dựng một nước Việt Nam Dân Chủ, Tự Do, Hòa Bình, Thịnh Vượng, Hạnh Phúc - Một nước Việt Nam độc lập và có tương lai tươi sáng.

caotuan4

Chủ nghĩa Mác đã chết. Vì nó không tưởng, hoang tưởng. Sai lầm cả trong lý thuyết lẫn thực tế.

"Lý Thôi, Quách Dĩ"

Đấu tranh tư tưởng với bạo quyền cộng sản không thực sự là vấn đề.

Chủ nghĩa Mác đã chết. Vì nó không tưởng, hoang tưởng. Sai lầm cả trong lý thuyết lẫn thực tế. Và đã bị nhân loại ruồng bỏ sau khi làm chết oan trên dưới 100 triệu người trong đó có mấy triệu người Việt.

Không giống như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn là những người cộng sản "giáo điều"- tưởng lầm chủ nghĩa Mác là chân lý, Nguyễn Phú Trọng và đám lãnh đạo đảng cộng sản hiện nay thực tế, mỉa mai thay, đã ném chủ nghĩa Mác (Marxism) vào sọt rác. 

Không còn một quan chức cộng sản nào ở Việt Nam hiện nay còn tin vào "vô sản chuyên chính" khi chuyên chính của chúng là chuyên chính của các triệu phú, tỉ phú đô la Mỹ.

Không còn một quan chức cộng sản nào còn tin vào "biện chứng pháp duy vật", "duy vật sử quan", "đấu tranh giai cấp", "thế giới đại đồng", "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu", "mình vì mọi người, mọi người vì mình", "không ai bóc lột ai", "bình đẳng xã hội"... khi chính chúng là siêu giai cấp sống như vua chúa kẻ hầu, người hạ hoàn toàn cách biệt với đại khối nhân dân gồm cả 5 triệu đảng viên của đảng cộng sản. 

Nếu như bọn đầu sỏ này còn duy trì một vài nguyên tắc mác xít như "tập thể hóa các phương tiện sản xuất", "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" thì thuần túy chỉ là để thay phiên lũng đoạn, bòn rút các công ty quốc doanh to xác nhưng lỗ lã kinh niên, chỉ là lý cớ để tiếp tục hợp pháp hóa việc cướp đất của dân rồi phù phép thành đô la, thành vàng bỏ túi.

Nguyễn Phú Trọng và các quan chức cộng sản đồng hội đồng thuyền không phải là đệ tử của Mác, mà là đệ tử của Lê Nin. Nghĩa là đệ tử của tuyên truyền, khủng bố, đảng trị, công an trị. Lý tưởng cộng sản chỉ là đầu môi chót lưỡi, nói như vẹt mà chẳng đọc, chẳng hiểu, chẳng tin. Tất cả chỉ là nhân danh Mác để có thể tiếp tục đè đầu cỡi cổ nhân dân và mặc tình vơ vét. Chúng là một lũ quyền gian, đại bịp, siêu lừa đảo, còn tệ hại hơn bọn người cộng sản "giáo điều".

Bởi vì lý do đó, không cần thiết mất phải mất thì giờ "đấu tranh tư tưởng" với bọn "Lý Thôi, Quách Dĩ" thời đại mới - "nhân danh thiên tử để tác oai, tác quái và sai khiến chư hầu". Chỉ cần vạch trần bản chất bịp bợm, dối trá, phản bội của chúng. Bịp bợm, dối trá, phản bội không những đối với nhân dân, đối với đảng viên, đối với tổ sư cộng sản Các Mác mà còn bịp bợm, dối trá, phản bội đối với ngay cả... Hồ Chí Minh. 

caotuan05

Paul Kos — "Have Not, Have Not, Have Not" (Ne pas avoir...), 1989 - Courtesy Galerie G.-P. & N. Vallois, Paris

(Hãy nghe chuyên viên tuyên truyền Tố Hữu làm tuyên giáo động viên cả nước :

...

Ôi Bác Hồ ơi những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu... !

Yêu Bác, nhớ Bác thì tất nhiên phải ra sức bảo vệ... Đảng bởi vì Đảng là kiệt tác của Bác, do Bác sáng lập, rèn luyện. Mà bảo vệ Đảng thì ưu tiên số 1 là bảo vệ các lãnh tụ, các quan chức của Đảng. Bởi thế, bất chấp di chúc của Bác căn dặn phải thiêu, tro trải trên các miền đất nước các lãnh tụ thuộc loại "trung thành nhất" của Bác, trước sau đều "nhất trí" quyết định thi hài của Bác còn có chỗ dùng nên không cho thiêu, không cho chôn cất như ý nguyện của người chết - mà bắt phải nằm mãi đấy trong Lăng Bác làm "bùa tuyên giáo" bảo vệ và giúp các lãnh tụ nối tiếp nhau "giữ chùa thờ Phật thì ăn oản".

caotuan7 (3)

Rồi năm này qua năm khác nhân dân cả nước cứ phải xem trên TV các vở kịch Tuyên Giáo trình diễn rất tồi tàn bởi... các ông vua tập thể - các triệu phú, tỉ phú đô la Mỹ - đi vào Lăng Bác dâng hương tế lễ, sụt sịt nước mắt ngắn dài nguyện theo gương Bác "trung với nước, hiếu với dân", "cần kiệm, liêm, chính"…

(Người ta kể rằng trong một bài giảng ở đại học Hà Nội, phân khoa Sử, về thời đại đồ đá, đồ đồng một sinh viên đứng lên hỏi giáo sư sử gia Trần Quốc Vượng : "Thưa thầy, thời đại của chúng ta là thời đại đồ gì ?". Ông thầy già trả lời rất thản nhiên : "Thời đại Đồ Đểu chứ còn đồ gì nữa !".

Có ai nghe câu chuyện tiếu lâm này mà không lấy làm tâm đắc, dù có thật hay chỉ là hư cấu ?)

Đối phó guồng máy tuyên truyền dối trá của bọn quyền gian "Lý Thôi, Quách Dĩ" bản xứ, như vậy, chỉ cần mang thông tin trung thực đến với mọi người. Về điểm này, thông điệp rất giản dị của Blogger Đồng Phụng Việt mang một ý nghĩ có tầm quan trọng chiến lược rất nên phổ biến rộng.

caotuan7 (2)

 Thông điệp rất giản dị của Blogger Đồng Phụng Việt

Hoặc một bài nói chuyện bình thường trên youtube của người tù bất khuất Nguyễn Chí Thiện mà có tác dụng nghiền nát tất cả các lý luận ngụy biện, dối trá của "cái gọi là" Hội đồng Lý luận Trung ương hay của mấy chục ngàn "dư luận viên" làm việc cho Tuyên giáo của đảng cộng sản.

Một bài nói chuyện bình thường trên youtube của người tù bất khuất Nguyễn Chí Thiện

Hay những bài viết tâm huyết, rất thuyết phục của những người nặng lòng với đất nước như Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Văn Bông, Hà Sĩ Phu, Lê Hữu Khóa, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Trung, Tô Hải, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Văn Huy, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Từ Huy, Hoàng Xuân Phú, Ngô Bảo Châu, Mai Thái Lĩnh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Minh Cần, Bùi Tín, Đinh Hoàng Thắng, Hồ Bạch Thảo, Nguyễn Ngọc Giao, Cao Huy Thuần, Nam Giao, Alexander Vuving, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Đình Trọng, Phạm Toàn, Phùng Liên Đoàn, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Khắc Mai, Việt Hoàng, Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Nguyễn Văn Hải, Song Chi, Vũ Quang Việt, Thụy Khuê, Trần Đỉnh, Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái, Giao Chỉ, Lữ Giang, Đoàn Viết Hoạt, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Quốc Khải, Huỳnh Thục Vi và nhiều tác giả khác nữa...

Từ Miến Điện (Myanmar) đến Việt Nam

Bất Bạo Động/Bất Tuân Dân Sự là sách lược tranh đấu chủ xướng bởi Gandhi đã buộc Đế Quốc Anh phải trả lại độc lập cho dân tộc Ấn Độ rất sớm - ngay từ tháng 8/1947. 

Bất Bạo Động/Bất Tuân Dân Sự cũng là sách lược chính của nhân dân Việt Nam để tự cứu và cứu nước.

caotuan6

Từng bước một, phong trào toàn dân tranh đấu ở Việt Nam sẽ áp lực bọn đầu sỏ đảng cộng sản phải chấp nhận một cuộc Tổng Tuyển Cử với giám sát quốc tế để quyết định thể chế chính trị tương lai cho quốc gia Việt Nam. Một cuộc Tổng Tuyển Cử Dân Chủ Tự Do đúng nghĩa trong đó mọi công dân Việt Nam đều được tự do ứng cử, tự do chọn người đại diện để soạn thảo một Hiến Pháp mới, mở đầu một giai đoạn lịch sử hoàn toàn mới.

Trong tinh thần Dân Chủ Đa Nguyên, đảng cộng sản có quyền tham dự cuộc Tổng Tuyển Cử như các đảng chính trị khác, không hơn và không kém. Tuy nhiên chắc chắn nó sẽ bị đánh bại và không còn là đảng cầm quyền.

Trong trường hợp bọn đầu sỏ đảng cộng sản ngoan cố từ chối một cuộc chuyển hóa ôn hòa/Diễn Biến Hòa Bình bằng Tổng Tuyển Cử, phong trào toàn dân tranh đấu có đủ sức mạnh để đối phó. Hàng triệu người xuống đường trong khi quân đội, công an có thể chĩa súng bắn lên trời hay đã đứng hẳn về phía nhân dân. Bạo quyền có thể nhanh chóng bị lật đổ.

Bất Bạo Động/Bất Tuân Dân Sự cũng đang được nhân dân Miến Điện sử dụng để bảo vệ nền dân chủ chống lại tập đoàn độc tài quân phiệt. Hiển nhiên bạo quyền cộng sản Việt Nam đang hết sức cảnh giác về những diễn tiến tại Miến Điện. Người Việt Nam càng có lý do để quan tâm. Việt Nam và Miến Điện là hai nước láng giềng gần gũi, lại có nhiều điểm tương đồng. 

Cùng bị tai họa độc tài khốn đốn quá lâu. Tranh đấu dân chủ hóa đều là chuyện sinh tử của hai dân tộc. Nếu chưa giúp được nhau thiết thực, ít nhất cũng tìm thấy ở nhau những kinh nghiệm hay nguồn cổ vũ tinh thần. 

Nhưng hơn thế rất nhiều, cuộc tranh đấu chống độc tài vì dân chủ của hai dân tộc Việt Nam - Miến Điện tiến hành song song với cùng một cường độ, cùng một chính nghĩa, cùng ở một vị trí chiến lược quan trọng trên thế giới chắc chắn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, ít nhất về mặt tinh thần của cộng đồng quốc tế và của Liên Hiệp Quốc. Người ta không thể chỉ lưu tâm đến Miến Điện mà quên Việt Nam. Bạo quyền muốn đàn áp, bắn giết cũng phải chùn tay. 

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa đang có đủ để phát động phong trào toàn dân chống độc tài tham nhũng, đòi dân chủ đa nguyên bằng tranh đấu Bất Bạo Động, Bất Tuân Dân Sự.

Đoàn Kết nhất định thành công !

Cao Tuấn

(08/04/2021)

Tham khảo :

Đi tìm một công thức giúp Chính quyền cộng sản tại Việt Nam... tự lật đổ :

Bài 1 : Nói gần, nói xa không qua nói thật

Bài 2 : "Sĩ phu Bắc Hà Nguyễn Phú Trọng" và con số 99,9%

Published in Quan điểm

Chính phủ mới với toàn là người cũ

Khánh Hòa, VNTB, 07/04/2021

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội của Việt Nam, một chính phủ mới được thành lập với toàn người cũ của Quốc hội khóa đương nhiệm.

Gọi là toàn người cũ, vì đó là dàn ‘tứ trụ’ với các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ.

tuyenthe1

Các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ tuyên thệ trước Quốc hội - Ảnh minh họa

Trong lời tuyên thệ đọc khi nhậm chức ngay sau khi được bầu chọn hôm 5/4, ông Phúc nói : "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ : Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Đảng ở đây không ai khác chính là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã ngồi liên tiếp ở vị trí lãnh tụ Đảng suốt 3 nhiệm kỳ.

Hiện tại thì báo chí Việt Nam tiếp tục dùng những lời thoạt nghe giống như tán tụng về cái gọi là "Chính phủ mới".

Báo Tuổi Trẻ có loạt bài mà nếu phân tích về câu – từ, cho thấy có vẻ chê nhiều hơn khen : "Kỳ vọng lãnh đạo mới có quyết sách thúc đẩy dám nghĩ, dám làm" – "Kỳ vọng Chính phủ mới : Tạo đột phá, đưa đất nước phát triển bền vững" – "Kỳ vọng Chính phủ mới làm cho cán bộ sống được bằng lương" – "Đề nghị Chính phủ dành thời gian rà soát chính sách sử dụng nhân tài"…

Với cách đặt tựa bài báo kể trên, có thể hiểu tuần tự như sau : "Vì lãnh đạo cũ chỉ biết nói hay mà không biết làm cũng hay như đã nói" – "Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng ở Việt Nam, thật ra là ảo cả thôi vì phát triển vẫn chông chênh" – "Việt Nam vẫn đầy tham nhũng vì chẳng mấy ai sống được bằng lương" – "Chính sách nhân tài lâu nay là theo ý Đảng, nên thay đổi bằng chọn lựa từ lá phiếu của dân, bởi khó trăm lần dân liệu cũng xong"…

Có chăng về yếu tố mới ở đây ít nhiều là ông Phạm Minh Chính, một cựu Trung tướng Công an, Bí thư Quảng Ninh, người lo vụ đặc khu kinh tế hành chính Vân Đồn, và sau cùng là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng – lên làm tân Thủ tướng.

Ông Phạm Minh Chính xuất thân là một đặc vụ tình báo kinh tế của Việt Nam tại Đông Âu. Ông kín tiếng, kiệm lời, và trên cương vị là tân Thủ tướng, đưa đến cảm giác khi so sánh về ‘nghiệm vụ chuyên môn’ rất có thể đây là một Putin phiên bản Việt Nam.

Nếu ghi nhận bài viết này bằng giọng văn thuần tuyên giáo, sẽ biên tiếp theo kiểu vầy : Một Chính phủ nhiệm kỳ mới được đặt nhiều kỳ vọng mới. Nhưng kỳ vọng có đạt được hay không phải bằng hành động từ những quyết sách sáng suốt. Nhân dân đang kỳ vọng, nhưng nhân dân cũng chính là những người thầy nghiêm khắc từ thực tiễn – cụ thể, người dân đòi hỏi hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao nhất của mỗi thiết chế trong bộ máy nhà nước ngày càng cao.

Cơ chế, chính sách rõ ràng, thiết thực. Pháp luật phải quy định ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện gắn với tổ chức thi hành hiệu quả.

Nếu bài viết với nội dung xoay quanh ‘bình mới – rượu cũ’ được ghi nhận bằng ngôn ngữ chốn giang hồ không ngán ngại thị phi chính trị hóa, thì thách thức Đảng trả lời một thắc mắc chẳng hề ‘tự diễn biến’ chút nào, đó là lúc thử nhìn giác độ là một Quốc hội lập pháp, liệu người ta cần phải biện giải ra sao khi phải đến Chủ nhật 23/5 cử tri toàn quốc mới đi bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15, thế nhưng dàn nội các chính phủ của Quốc hội khóa 15 đã đâu vào đấy ngay từ hôm nay !

Rồi cũng chính tân nội các này giữ luôn vai trò điều hành cuộc bầu cử ngày Chủ nhật 23/5. Vừa là cầu thủ, vừa là trọng tài và cũng ấn định trước luôn các tỷ số trước luôn tiếng còi khai trận…

Còn nói kiểu huỵch toẹt, chẳng thèm úp mở, thì tin kín, tin mật nhưng lại được xì ra có chủ đích, có lựa chọn để thăm dò dư luận cho dân chúng làm quen trước và khi chính thức thì là chuyện đã rồi, không có gì mà sốc hoặc mất ổn định ; có trường hợp khác là rung chà cá nhảy. Một số được chọn làm cây bút tín hiệu để phát những tin này.

Chẳng có Thánh nào ở đây cả. Tất cả đã trở thành trò chơi của họ mà thôi. Xứ An Nam dân chúng là chúa thích hóng chứ không có khả năng nhìn thấy bản chất của vấn đề, nên cái tệ nạn lừa đảo, bịp bợm rất thịnh hành, phát đạt.

Đen – Đỏ cộng sinh, đây không phải là cái thứ dân chủ nào cả.

Khánh Hòa

Nguồn : VNTB, 07/04/2021

************************

Trên cương vị mới Phạm Minh Chính sẽ chiến hay hòa với Nguyễn Phú Trọng ?

Khi mới về trung ương bất ngờ lên nắm chức trưởng ban tổ chức trung ương thì lúc đó Phạm Minh Chính là nhân tố mới, là một ẩn số trên chính trường. Đó bước đầu tiên, từ vô danh thành hữu danh. Tuy nhiên bước ngoặt ấn tượng nhất của ông Chính là đại hội XIII khi mà ông là người đầu tiên tiến lên ghế thủ tướng từ vị trí trưởng ban tổ chức. Trong lịch sử, ngay cả chức thường trực ban bí thư trên chức thủ tướng một bậc thì cũng chưa có ai chiếm được ghế thủ tướng.

tuyenthe2

Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính tại một phiên họp. Nguồn : CP

Theo thông lệ từ xưa tới nay, thủ tướng là người đi lên từ chính phủ. Tuy nhiên việc xuất hiện nhân vật Phạm Minh Chính đã làm thay đổi luật chơi. Đây là việc làm mà ông Nguyễn Phú Trọng có thể nhận ra là bất thường. Người phá luật chơi được là người có thực lực mạnh.

Chức vụ lớn tạo quyền lực lớn đó là lẽ thông thường. Chức vụ lớn quyền nhỏ đó là con người yếu kém, mà cụ thể đó là Nông Đức Mạnh. Con người ngồi 10 năm ở ghế Tổng bí thư nhưng quyền lực trong tay đã bị Nguyễn Tấn Dũng bào mòn làm ông ta lép vế trước thủ tướng thời đó.

Những con người mà ghế có quyền lực nhỏ nhưng tạo được quyền lực lớn cho mình thì thế nào những con người này có ngày cũng làm trùm cuối của hệ thống quyền lực Đảng cộng sản.

Có thể nói ông Nguyễn Phú Trọng là một con người như vậy. Chính ông ta tiếp nhận ghế Tổng bí thư từ Nông Đức Mạnh, trong lúc mà chiếc ghế này đã mất quyền lực về tay Nguyễn Tấn Dũng. Trong thế yếu, vậy mà chỉ cần 4 năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã lấy lại được quyền lực vốn có cho ghế Tổng bí thư. Và đến đầu năm 2016, ông Trọng đã loại ông Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường.

Có tin cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng lợi dụng chức Tổng bí thư mà cấu kết với người đứng đầu đảng và đứng đầu nhà nước ở Bắc Kinh để đảo chiều sức mạnh cho mình. Đấy là điều không có lợi cho đất nước. Tuy nhiên, nếu so sánh ông Trọng với đối thủ chính trị của ông như Nguyễn Tấn Dũng hay so với đồng minh của ông như Trương Tấn Sang thì ông Trọng vẫn giỏi tranh đoạt quyền lực hơn. Điều đó không thể phủ nhận.

Sau Nguyễn Phú Trọng là ai ?

Ông Nguyễn Phú Trọng đã lập nên cái lò khá lợi hại, nhờ cái lò mà ông làm nhiều đối thủ chính trị phải e sợ. Đến như Nguyễn Tấn Dũng thì bây giờ vẫn chưa yên tâm là con trai cả của ông có vào hay không thì nói gì đến những người khác. Để có được công cụ lợi hại như thế, ông Nguyễn Phú Trọng đã nổ lực từ 10 năm trước khi ông mới nắm ghế Tổng bí thư. Hiện nay có một nhân vật mới nổi có thể so sánh với Nguyễn Phú Trọng, người đó chính là Phạm Minh Chính.

Nếu so sánh những việc làm trong quá khứ thì cho thấy, ông Phạm Minh Chính đã chuẩn bị từ khi làm bí thư tỉnh chứ không đợi đến khi lên chiếc ghế cao nhất trong đảng rồi mới thực hiện những toan tính về sau.

Đa mưu túc kế là bản chất của ông Nguyễn Phú Trọng, tuy nhiên đó không phải là phẩm chất nổi trội của chính ông Trọng mà nó cũng là một phẩm chất nổi trội của con người khác. Đó chính là phẩm chất của ông Phạm Minh Chính, người sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vào ngày 5/4 tới đây, mặc dầu có một số ý kiến phản đối từ các bô lão trong Đảng.

Thực tế cho thấy, ông Phạm Minh Chính tiến thân nhanh như tên lửa, và chính ông cũng vượt qua sếp mình là tướng công an Hoàng Ngọc Nhất ranh nhanh. Năm 2002 ông Hoàng Ngọc Nhất bị phế truất nhưng Chính thì vẫn cứ tiến những bước thật vững chắc. Từ vị trí thư ký Văn phòng để trở thành một Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ vỏn vẹn có 19 năm. Một con số kỷ lục, điều đó chứng tỏ ông Chính là một con người đa mưu túc kế bậc nhất trong Đảng cộng sản hiện nay.

Như đã nói trong nhiều bình luận trước đó của Thoibao.de thì hiện nay trong Đảng cộng sản chỉ có Trọng và ông Chính là hai người kết nối với Trung Quốc tốt nhất. Không phải ngẫu nhiên mà ông Chính lại có thể từ Ban bí thư nhảy ngang qua Chính phủ, đánh bại 2 ứng viên nặng ký là Trương Hòa Bình và Vương Đình Huệ. Nhảy trái tuyến mà đánh bại 2 kẻ đi đúng tuyến thì ắt phải ủ mưu và được trợ lực rất lớn.

tuyenthe3

Phạm Minh Chính ngôi sao đang lên

Như vậy thì có thể nói, giữa Phạm Minh Chính và Nguyễn Phú Trọng là kẻ tám lạng người nửa cân. Ông Nguyễn Phú Trọng lợi thế hơn là ở chức vụ cao hơn và có kinh nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, Phạm Minh Chính thì trẻ hơn và còn quỹ thời gian nhiều hơn để củng cố quyền lực cho mình. Quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng không thể mạnh hơn nữa mà chỉ có thể giảm, trong đó quyền lực của Phạm Minh Chính hứa hẹn sẽ lên cao hơn nữa.

Sư tử gặp hổ có sống chung được không ?

Suốt nhiệm kỳ 2011-2016, trên chính trường Việt Nam nổi nhất là Nguyễn Tấn Dũng và sau đó là Nguyễn Phú Trọng. Nếu nói ông Trọng là hổ thì ông Dũng cũng là sư tử chứ không kém cạnh. Năng lực đấu đá ai cũng vượt trội so với phần còn lại. Tuy nhiên, hai người này lại không ưa nhau, đó là thực tế. Và chính họ đã đấu nhau và cho đến hôm nay, Nguyễn Tấn Dũng đã rời chính trường rồi nhưng những đường đánh vẫn nhắm vào nhau chứ chưa ai buông.

Ngày nay ông Nguyễn Phú Trọng là hổ thì ông vẫn là hổ chứ chưa là mèo được. Uy quyền ông Trọng vẫn rất lớn, và với cái lò trong tay ông làm khiếp sợ không biết bao nhiêu người.

Trước đây ông Dũng ngồi ghế thủ tướng thì ngày nay ông Phạm Minh Chính cũng ngồi ghế thủ tướng. Nếu nói ông Nguyễn Tấn Dũng là sư tử thì ông Phạm Minh Chính cũng chẳng kém cạnh, cũng là sư tử mà lại là sư tử trẻ hơn nên hứa hẹn sức chiến đấu tốt hơn là sư tử già Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Phạm Minh Chính là con người thâm trầm, nói ít làm nhiều không khác gì ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu nói ông Nguyễn Xuân Phúc là thùng rỗng kêu to hay nổ mỗi khi có dịp xuất hiện trước công chúng, tuy nhiên ông Phạm Minh Chính là thùng đặc, không kêu to nhưng rất nặng ký. Đó là điểm khác biệt giữa ông Chính và ông Phúc.

Chính sẽ không "nổ" như ông Phúc. Ông Chính sẽ có 5 Phó Thủ tướng giúp việc và một dàn Bộ trưởng để chia sẻ trách nhiệm.

Thực tế qua 5 năm làm thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc không thể, và cũng không dám đối đầu với ông Trọng. Ông Phúc chỉ muốn an phận thủ thường ở chiếc ghế quyền lực thứ hai. Tuy nhiên nếu nói ông Nguyễn Tấn Dũng không an phận thì ông lại ở ghế thủ tướng hai nhiệm kỳ, còn an phận như Nguyễn Xuân Phúc thì ở ghế thủ tướng chỉ có một nhiệm kỳ, điều này chắc ông Phạm Minh Chính nhìn ra. Vì vậy có thể dự đoán ông Phạm Minh Chính sẽ không an phận thủ thường, tuy nhiên chiến bằng cách nào thì chưa thể phán đoán được vì nó còn đang ở thì tương lai khá xa.

Khi nào có thể chiến ?

Liệu với chức Thủ tướng ông Phạm Minh Chính có dừng lại ở ghế thủ tướng hay ông có tham vọng trở thành một "Hoàng đế" như Tập Cận Bình bên Tàu. Với cọ người được cho là "an phận thủ thường" như Nguyễn Xuân Phúc còn ham ghế Tổng bí thư huống hồ chi con người đầy tham vọng như Phạm Minh Chính ?

Không khó để nhận ra, ông Chính chỉ chọn ghế Thủ tướng như một giai đoạn chuyển tiếp để đạt được tham vọng cao hơn về quyền lực chính trị, thì việc ông sẽ hướng tới cái ghế Tổng bí thư là điều đương nhiên. Và muốn thâu tóm 2 chức vụ vào tay mình như Tập Cận Bình bên Trung Quốc hay như ông Nguyễn Phú Trọng trước đây thì trước hết phải đoạt được ghế Tổng bí thư đã. Và một khi ông Chính nhắm vào ghế Tổng bí thư thì cuộc chiến cung đình sẽ trở nên sôi động hơn trong những năm sắp tới.

Trạng thái sức khoẻ của của ông Trọng hiện giờ là điểm yếu dễ thấy nhất. Người ta không chắc ông Nguyễn Phú Trọng có thể ngồi ghế Tổng bí thư đến hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nếu chỉ ngồi giữa nhiệm kỳ thì sao, mà nếu ngồi đến hết nhiệm kỳ thì sao ? Với con người đa mưu túc kế như Phạm Minh Chính, ắt ông ta phải tính đến hai tình huống đó.

Với vai trò làm đứng đầu một nhóm lợi ích ở cung đình đang tranh giành ảnh hưởng với nhóm lợi ích Nguyễn Phú Trọng thì có lẽ ông Phạm Minh Chính khó có cơ hội "thừa kế ngai vàng" nếu ông Nguyễn Phú Trọng ra đi hay rút lui khỏi chính trường vì bệnh. Mà người thừa hưởng ghế Tổng bí thư trên danh nghĩa là thường trực ban bí thư Võ Văn Thưởng, còn người thực tế mà ông Trọng đang chọn thì không ai khác là Vương Đình Huệ. Vì vậy nếu tính cho trường hợp ông Trọng nghỉ giữa nhiệm kỳ thì ông Phạm Minh Chính phải kiểm soát được ông Huệ và ông Thưởng. Còn nếu tính cho tính huống thay ông Trọng cuối nhiệm kỳ thì ông Phạm Minh Chính cần cạnh tranh sức mạnh với thế lực của ông Trọng làm sao đến năm 2025, thế lực ông vượt qua được thế lực ông Trọng thì Phạm Minh Chính sẽ ngồi vào ghế quyền lực số một ấy.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 06/04/2021

*********************

Ngồi vào ghế của Trần Đại Quang, liệu Nguyễn Xuân Phúc có bi thảm như Trần Đại Quang không ?

Thông thường ghế chủ tịch nước là ghế được người ta gọi là ghế dùng để ngồi chơi xơi nước. Trên danh nghĩa ghế này xếp thứ nhì sau ghế Tổng bí thư, thế nhưng thực chất không ai trong tứ trụ muốn vào ghế này. Họ thà vào chiếc ghế xếp thứ tư là ghế chủ tịch quốc hội chứ không muốn vào chiếc ghế vô dụng này. Ông Vương Đình Huệ sau khi thất thế trước Phạm Minh chính trong cuộc chay đua giành ghế thủ tướng thì cũng chọn ghế chủ tịch quốc hội làm bến đỗ chứ không thèm làm chủ tịch nước.

tuyenthe4

Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang và tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Như vậy thì ghế chủ tịch nước là không ai thèm lấy, nó vô thưởng vô phạt ? Chưa chắc như vậy. Với con người đầy tham vọng quyền lực như ông Nguyễn Phú Trọng thì không thể nói trước được điều gì. Được biết, để nhả được ghế chủ tịch nước ra cho ông Nguyễn Xuân Phúc thì ông Nguyễn Phú Trọng đã đàm phán với thế lực khác để sắp xếp ghế lại chứ không không chắc gì ông muốn nhả. Bởi ông đã tốn không biết bao nhiêu công sức và trí lực, ủ mưu rồi lên kế hoạch và phải mất đến 3 năm kế mới thành thì không lý do gì ông nhường một cách dễ dàng.

Vậy nên không loại trừ khả năng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ giành lại chiếc ghế này trong những năm tới đây. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng là một con người làm chính trị có hạng trong đảng cộng sản, tuy nhiên nếu so sánh ông Phúc với ông Trọng thì ông Phúc còn thua xa lắm, mà trong khi đó ông Trọng lại nắm quyền lực lớn hơn ông Phúc rất nhiều. Vì thế, không hẳn số phận của ông Nguyễn Xâun Phúc đã yên bình như những ông chủ tịch nước trước đây như Trương Tấn Sang, Nguyễn Minh Triết, Trần Đức Lương vv… Ngồi cạnh con cọp dữ thì rất bất an.

Nguyễn Phú Trọng là người vừa bản lĩnh vừa tham quyền, ông Trọng sẽ là nỗi bất an của ông Phúc

Ông Nguyễn Phú Trọng đã loại được ông Trần Đại Quang một tướng công an khét tiếng, ông điểu khiển được Tô Lâm cũng là một tướng công an khét tiếng, và ông triệt hạ Nguyễn Đức Chung như lấy kẹo trong túi, Nguyễn Đức Chung cũng là một tướng công can có hạng. Đấy là những thành tích vượt trội của ông Nguyễn Phú Trọng so với Nguyễn Xuân Phúc.

tuyenthe5

So với Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc còn "non và xanh" lắm

Chưa hề có tiền lệ Tổng bí thư kiêm thủ tướng, nhưng Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước là mô hình mà Trung Quốc đã áp dụng từ thời Giang Trạch Dân mới lên ngôi, và tại Việt Nam cũng chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã kiêm nhiệm cả hai chức này trong hơn 2 năm trước khi trả nó về cho người khác.

Quanh ông Trọng có 2 người rời khỏi chính trường rất khó hiểu, thứ nhất là ông Đinh Thế Huynh – người được cho là đã bị mất trí và lui về ở ẩn, người thứ nhì là ông Trần Đại Quang, cả 2 người này đều có dính đến quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng.

Được biết, năm 2016 khi mà thiết kế suất đặc biệt cho mình và giới thạo tin cho rằng, ông Trọng sẽ nghỉ giữa nhiệm kỳ và giao ghế Tổng bí thư lại cho Đinh Thế Huynh. Tuy nhiên, đến giữa nhiệm kỳ thì ông Nguyễn Phú Trọng không hề nhường ghế mà thay vào đó là ông Đinh Thế Huynh bị bệnh phải đi Nhật chữa bệnh và rút lui khỏi chính trường nhường ghế thường trực ban bí thư lại cho Trần Quốc Vượng. Còn Trần Đại Quang thì đã bị nhiễm virus lạ chết và để lại chiếc ghế cho ông Nguyễn Phú Trọng ngồi.

Năm 2018 khi mà Trần Đại Quang mới chết thì không ai nghĩ ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước, vì khi đó có rất nhiều ứng viên cho chiếc ghế này. Vì ai cũng nghĩ rằng, với ghế quyền lực nhất trong tay không đời nào ông Trọng lại tham ghế chủ tịch nước. Tuy nhiên sau đó cho thấy những gì mà nhiều người nghĩ đều sai hết. Ông Nguyễn Phú Trọng đã chiếm chiếc ghế mà ông Trần Đại Quang để lại. Lúc đó người dân mới hiểu về cái sự tham vọng quyền lực của ông Trọng nó lớn như thế nào.

Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế chủ tịch nước, lành ít dữ nhiều

Ngày 2/4 báo chí đồng loạt giật tít "Ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu làm Chủ tịch nước". Giật tít như thế thì ông Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn là tân chủ tịch nước rồi. Ông Nguyễn Xuân Phúc – ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ – được giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Về hình thức thì tiến lên vị trí cao hơn, nhưng thực quyền thì xem như ông Phúc bị tước hết quyền lực.

Ông Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn Thủ tướng đến khi bầu được Thủ tướng mới khi Quốc hội miễn nhiệm ông. Đây là lần đầu tiên Quốc hội sẽ bầu một đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước. Ngay trước đó, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Miễn nhiệm hay còn gọi là bãi chức là hình thức sau khi luận tội các quan chức dân cử ở các nước dân chủ. Tại các nước này, nếu tổng thống không làm gì có tội thì cứ theo hiến pháp, đến ngày đó giờ đó là tổng thống sẽ thành thường dân và người kế nhiệm sẽ là tổng thống chứ không ai bãi nhiệm tổng thống cả. Tuy nhiên ở các nước dân chủ là bầu cử thật, quốc hội thật. Còn ở Việt Nam bầu cử chỉ là giả tạo, nghĩa là chuyện bầu cử như là vở kịch, và tất nhiên họ sẽ làm trò miễn nhiệm mang tính chiếu lệ như là một thủ tục trong vở kịch đó, vậy nên họ đã diễn trò miễn nhiễm rất buồn cười như thế.

Dù chiếc ghế chủ tịch nước không có thực quyền, nhưng nếu kết hợp giữa chức chủ Tổng bí thư và chức chủ tịch nước thì tạo ra một tổ hợp quyền lực rất lớn. Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước nó là ông Nguyễn Phú Trọng như là hổ mọc thêm cánh. Hổ vốn dùng chân đã đáng sợ mà hổ còn có thể bay như chim thì đáng sợ hơn bội phần, mặc dù chỉ riêng đôi cánh ấy thì không đáng sợ.

Sau khi ông Trần Đại Quang từ trần ngày 21-9-2018, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9 đến ngày 23/10/2018. Đến ngày 23/10/2018, Quốc hội khóa XIV bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Như vậy, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV có 4 người giữ cương vị Chủ tịch nước gồm: Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, quyền Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và vào ngày 5/4 sẽ có thêm một Chủ tịch nước. Trong đó, ngoài bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, ba Chủ tịch nước còn lại đều tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Nhiệm kỳ 2021-2016, Nguyễn Xuân Phúc đã lấy đôi cánh của ông Trọng làm cho sức mạnh của ông Trọng giảm đi đáng kể, trong khi đó thực quyền của ông Phúc cũng không còn, xem ra ông Phúc lành ít dữ nhiều.

Liệu ông Phúc có khả năng xảy ra Trần Đại Quang thứ hai ?

Công tác đốt lò của ông Trọng sẽ tiếp tục, tuy nhiên nhiệm kỳ 3 này ông Trọng gánh vác nhiệm vụ nặng nề hơn khi mà trước mắt ông có Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải. Nếu đốn được 2 nhân vật này thì ông Trọng sẽ được thừa nhận là thế lực mạnh tuyệt đối bất kể Phạm Minh Chính có lớn mạnh thế nào. Tuy nhiên, vấn đề khó là hiện giờ ông Trọng đã là "hổ không cánh". Khi ông là "hổ mọc thêm cánh" mà ông còn không làm gì được hai nhân vật này thì khi ông bị tước đôi cánh, liệu ông có làm được chuyện động trời này không ? Câu trả lời là rất khó.

Khi mà ông Nguyễn Phú Trọng giữ 2 chức vụ cao trong đảng và trong nhà nước thì ông cũng chỉ bắt được Tất Thành Cang là con cá gộc nhất chứ chưa bắt được ai to hơn ông này.

Hiện ông Nguyễn Phú Trọng cho đem vụ án sai phạm ở SAGRI của em trai ông Lê Thanh Hải soi xét để làm rụt chí Lê Thanh Hải. Tuy nhiên theo đánh giá của thoibao.de chúng tôi thì việc này cho thấy rằng, ông Nguyễn Phú Trọng đang bế tắc trong vấn đề cáo buộc ông Lê Thanh Hải chứ nó chẳng mang được ông Lê Thanh Hải đến gần hơn với vành móng ngựa. Sai phạm khủng của Lê Thanh Hải là sai phạm ở Thủ Thiêm chứ không phải là việc bổ nhiệm em trai vào tổng giám đốc SAGRI. Vì vậy muốn khui được Hải phải bắt đầu từ Tất Thành Cang.

Nếu giả sử như trong nửa nhiệm kỳ đầu ông Nguyễn Phú Trọng tóm được Lê Thanh Hải thì ông sẽ không cần thêm chức chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc làm gì, còn nếu trong nửa nhiệm kỳ đầu mà ông Nguyễn Phú Trọng cứ loay hoay không hạ được ông Hải thì rất có thể lúc đó ông Trọng cần thêm đôi cánh của Nguyễn Xuân Phúc để gia tăng thêm quyền lực. Vậy thì lúc đó, cái ghế chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc không yên và rất có thể ông Phúc lại thành Trần Đại Quang thứ hai thì sao ? Không biết được, mọi khả năng đều có thể xảy ra, hãy chờ xem ? !

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 06/04/2021

Published in Diễn đàn

Hệ thống chính trị của Việt Nam sẽ trải qua một cuộc cải tổ lớn

thayngua1

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội ngày 1/2/2021. Ảnh : AFP / Manan Vatsyayana

Ngày 28 tháng 3 năm 2021

Hệ thống chính trị của Việt Nam dự kiến sẽ trải qua một cuộc cải tổ lớn toàn diện, như bộ máy Đảng, Quốc hội và Chính phủ theo quyết định từ Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng trước.

Cuộc họp kéo dài 5 ngày của Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 đã bầu ra 200 thành viên mới Ủy ban Trung ương, sau đó tại phiên họp toàn thể đầu tiên đã chỉ định Bộ Chính trị gồm 18 thành viên và Ban Bí thư gồm 5 thành viên.

Theo dự đoán, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nổi tiếng trong và ngoài nước với chiến dịch chống tham nhũng hay đốt lò, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tái đắc cử.

Ông Trọng, cũng đã đảm nhận chức Chủ tịch nước từ cuối năm 2018 sau cái chết đột ngột của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hiện đang làm Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, một trường hợp chưa từng có kể từ khi Việt Nam bắt tay vào kế hoach đổi mới vào cuối những năm 1980.

Ở tầng cao nhất của cơ cấu quyền lực Việt Nam có 4 vị trí chủ chốt được mệnh danh là "tứ trụ", đó là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội. Hiện tại, hai vị trí đầu tiên do Nguyễn Phú Trọng nắm giữ, vị trí thứ ba thuộc về Nguyễn Xuân Phúc và vị trí thứ tư do bà Nguyễn Thị Kim Ngân đảm nhiệm.

Theo nguyên tắc chung, "tứ trụ" này phải là ủy viên Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định quyền lực nhất của đảng. Do bà Ngân không tái đắc cử tại Đại hội 13, bà được cho là sẽ từ chức và chuyển giao ghế Chủ tịch quốc hội cho một trong 17 thành viên còn lại của cơ quan, ngoại trừ ông Trọng. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì cuộc chuyển giao quyền lực này sẽ diễn ra ?

Vào ngày 8/3, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị toàn thể 2 ngày thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam để thảo luận về những vấn đề khác ai sẽ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt trong bộ máy nhà nước của đất nước, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trọng cho biết "tại phiên họp này, Bộ Chính trị sẽ xin ý kiến chấp thuận của Ban Chấp hành Trung ương về việc giới thiệu người ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch quốc hội. Đây là những chức vụ và vị trí cao nhất ở nước".

"Ngoài ra, đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu, đề người được giới thiệu ứng cử để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn giữ chức vụ khác".

Một ngày sau, ông Trọng tuyên bố trong bài phát biểu bế mạc của mình rằng Ủy ban đã ghi lại một "cuộc bỏ phiếu tập trung cao cho các ứng cử viên được đề nghị giữ ba vị trí này".

Trước phiên họp toàn thể này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch quốc hội đã phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ cơ quan lập pháp rằng kỳ họp cuối nhiệm kỳ của Quốc hội (khóa 14), dự kiến bắt đầu từ ngày 24 tháng 3, sẽ dành thời gian kiện toàn bộ máy nhà nước. Rõ ràng, bà Ngân đang ám chỉ ba vị trí trên. Đáng tiếc, chính bà Ngân đã tạo ra một trong những khoảng trống đó.

Các nguồn tin chưa được xác nhận cho đến nay cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành chủ tịch nước ; Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính sẽ làm Thủ tướng chính phủ ; và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sẽ làm Chủ tịch quốc hội.

Những người am hiểu văn hóa chính trị Việt Nam sẽ nhận ra rằng cách bố trí ghế trong đoàn chủ tịch của hai hội nghị Trung ương Đảng vừa qua và việc bố trí ảnh trong danh sách của Bộ Chính trị ngụ ý quyền lực của họ và củng cố nguồn tin đồn thành sự thật. Theo đó, ngồi cạnh ông Trọng là các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, tương đương chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội.

Có ba lý do giải thích tại sao Tổng bí thư Trọng sẽ không tiếp tục giữ chức chủ tịch nước. Đầu tiên là do sức khỏe.

Chủ tịch nước theo quy định trong hiến pháp 2013 là nguyên thủ quốc gia và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Là nguyên thủ quốc gia, chủ tịch nước được kỳ vọng sẽ đại diện cho đất nước trong các hoạt động đối ngoại, như tiếp đón các vị khách nước ngoài và thực hiện các chuyến đi nước ngoài để thăm cấp nhà nước hoặc tham dự các cuộc họp quốc tế quan trọng. Tuy nhiên, sức khỏe ốm yếu của ông Trọng sau một cơn đột quỵ nhẹ vào tháng 4 năm 2019 đã không cho phép ông ta đi nước ngoài.

Là Tổng tư lệnh, ông Trọng cần tham dự tối thiểu và chỉ đạo các hội nghị của lực lượng vũ trang hai lần một năm. Tuy nhiên, nhiệm vụ này chủ yếu do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đảm nhận kể từ khi ông Trọng đột quỵ.

Ngoài ra, chủ tịch nước cũng là chủ tịch của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, tổ chức hai cuộc họp hàng năm. Tuy nhiên, ông Trọng vẫn chưa chủ trì bất kỳ cuộc họp nào của Ủy ban kể từ khi nắm quyền chủ tịch.

Thứ hai, chính ông Trọng đã bác bỏ việc kết hợp chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước, coi nhiệm kỳ chủ tịch nước của ông là "một tình huống không may" và một giải pháp tạm thời sau cái chết đột ngột của ông Trần Đại Quang.

Thứ ba, Đại hội 13 không sửa đổi quy chế của đảng, hiện chỉ quy định chức danh tổng bí thư. Trong khi đó, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa có kế hoạch sửa đổi hiến pháp. Như vậy, không có lý do chính đáng nào để ông Trọng tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch nước.

Việc bầu các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ vào các chức vụ Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội sẽ ảnh hưởng đến sự dịch chuyển của các vị trí khác trong bộ máy quản lý.

Trong phía đảng, đã có một số chuyển động trong hệ thống cấp bậc. Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, nay là Thường trực Ban Bí thư. Người thay ông Thưởng giữ chức Chủ nhiệm Ban Tuyên giáo Trung ương là Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội. Ông Nghĩa được đề bạt làm Bí thư tại Đại hội 13.

Một sự bổ nhiệm khác là tân Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Trung ương, hiện do ông Trần Tuấn Anh, người đã được bầu vào Bộ Chính trị vào tháng trước và đồng thời là Bộ trưởng Bộ Công Thương đảm nhiệm. Người tiền nhiệm của ông Ánh, Nguyễn Văn Bình, đã bị kỷ luật năm ngoái vì những sai phạm trước đây khi giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và do đó đã bị khai trừ khỏi Ủy ban Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, nguyên đại sứ tại Liên hợp quốc và là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, được bổ nhiệm làm Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.

Khi ông Phạm Minh Chính được thăng chức Thủ tướng, ghế trưởng Ban Tổ chức trung ương bỏ trống. Theo dự đoán, bà Trương Thị Mai, nữ Ủy viên duy nhất trong Bộ Chính trị gồm 18 thành viên và hiện là Trưởng ban Dân vận Trung ương, sẽ trở thành trưởng Ban Tổ chức trung ương.

Trong ngành lập pháp, sẽ có một sự thay đổi lớn từ cấp cao nhất đến cấp ủy ban chức năng trong bộ máy Quốc hội. Ngoài Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, 4 Phó Chủ tịch cơ quan lập pháp không được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa mới. Đó là bà Tòng Thị Phóng và các ông Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tị, Phùng Quốc Hiển. Nói như vậy, tất cả các thành viên Đoàn Chủ tịch quốc hội sẽ từ chức. Tuy nhiên, hai phó chủ tịch Đỗ Bá Tị và Phùng Quốc Hiển sẽ ở lại cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử toàn quốc vào tháng 5 tới.

Cơ quan hành pháp dự kiến cũng sẽ trải qua một cuộc cải tổ lớn. Một loạt các Bộ như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương, Giáo dục và đào tạo, Xây dựng, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch dự kiến sẽ chứng kiến sự thay đổi ở cấp cao nhất.

Tương tự như nhánh lập pháp, việc thay thế sắp tới chỉ diễn ra ở cấp cao nhất, còn cấp bộ sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử vào tháng Năm.

Đây không phải là lần đầu tiên Đảng cộng sản Việt Nam đổi ngựa giữa dòng. Năm 1997, Lê Khả Phiêu được bầu làm Tổng thư ký trong một kỳ họp giữa nhiệm kỳ thay Đỗ Mười. Nhưng sự thay thế của Phiêu không gây ra thay đổi thực sự trong hệ thống. Hiệu ứng này rõ ràng hơn vào năm 2001 sau khi Nông Đức Mạnh được chọn làm Tổng thư ký khi đang là Chủ tịch quốc hội.

Năm 2016, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay thế thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lên thay ông Nguyễn Sinh Hùng làm chủ tịch sau khi cả ông Dũng và ông Hùng đều bị loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương.

Cuộc cải tổ lớn trong bộ máy đảng, các cơ quan lập pháp và hành pháp của Việt Nam diễn ra do kết quả của Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Sự thay đổi này không gây ngạc nhiên nhưng có thể dự đoán được và là hoạt động bình thường như nhà nước độc đảng Việt Nam.

Dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam, như một người Việt Nam, chuyên gia về Trung Quốc và Việt Nam, giấu tên nói rằng việc thay đổi nhân sự giữa chừng như thế này chứng tỏ rõ ràng Việt Nam không phải là một nhà nước dựa trên pháp quyền mà là một nhà nước dựa trên đảng trị. Những công dân bình thường có thể không quan tâm đến hình thức của nhà nước, nhưng đối với họ, việc vận hành bộ máy nhà nước là điều quan trọng và biện minh cho tính hợp pháp của chế độ này.

Hải Hồng Nguyễn

Nguyên tác : Vietnam’s Communist Party changes horses in midstream, Asia Times, 28/03/2021

Nguồn : VNTB, 01/04/2021

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải là cộng tác viên nghiên cứu tại Trung tâm Tương lai Chính sách, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Queensland. 

Published in Diễn đàn
mercredi, 31 mars 2021 20:59

Nguy cơ chồng chất muôn năm

Đố ai biết có bao nhiêu kẻ ăn cơm dân lại đá nồi dân ở Việt Nam ? Cũng đố ai biết tại sao "nguy cơ" cứ lớn nhanh và sống mạnh trong xã hội Việt Nam ?

nguyco0

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chủ trì Hội thảo Khoa học. Ảnh T. Vương

Lực lượng "ăn cháo đá bát" rất đông và lan nhanh như bệnh dịch, nhưng chưa bao giờ được công khai cho dân biết để dân bàn, dân kiểm tra. Ngược lại, dân lại là nạn nhân của đám ong nuôi trong tay áo từ bao năm nay. Chúng nằm trong ngành Tuyên giáo, trước đây gọi là Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương. Sau lưng đảng còn có đội ngũ chuyên nghề nói thuê và viết mướn gồm Báo cáo viên và Dư luận viên được trả lương bằng tiền thuế của dân.

Từ tuyên giáo đến nguy cơ

Thành lập từ ngày 1/8/1930 với cái tên Ban Cổ động và Tuyên truyền, đội ngũ cán bộ tuyên giáo có nhiệm vụ bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh và tuyên truyền đường lối lãnh đạo độc quyền của đảng.

Theo lời ông Võ Văn Thưởng, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo khóa đảng XII (từ 4/2/2016 đến 19/2/2021) thì Tuyên giáo có vai trò : "Là một trong những bộ phận cơ bản quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là vũ khí sắc bén trong toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng, công tác tuyên giáo góp phần xây dựng nền tảng chính trị của chế độ, nền tảng tinh thần của xã hội… đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân và những thành quả của cách mạng Việt Nam" (trích Diễn văn Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, 1/8/1930 – 1/8/2020).

Báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam nói rõ hơn : "Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ các hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức, góp phần quan trọng vào việc hình thành Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động cách mạng một cách tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, tạo thành các cao trào cách mạng, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"
(báo điện tử dcsvn.vn, 04/08/2020)
.

Nói lung tung như thế nhưng tình hình thực tế không sáng lạn như vậy.

Từ năm 1994, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhìn nhận : "Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch là "4 nguy cơ trước mắt" của Đảng".

Nhưng "tới nay, nhiều người cho rằng, cả 4 nguy cơ đã được Đảng chỉ ra vẫn đang tồn tại, thậm chí có phần gay gắt, phức tạp hơn" (Thanh Niên Online, 03/02/2021).

Như vậy thì trong 27 năm qua, Tuyên giáo đã làm gì để chống 4 nguy cơ, hay không chống nổi vì tuyên truyền mị dân không hiệu quả ?

Bằng chứng như báo Thanh Niên đã dẫn lời của Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng (nay là Thường trực Ban Bí thư) nói tại cuộc họp báo quốc tế sau Đại hội XIII Đảng cộng sản Việt Nam : "Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII tháng 1/1994 chỉ ra thì những năm vừa qua Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo tích cực đấu tranh, ngăn ngừa. Tuy nhiên, hiện nay các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có thể còn có một số mặt diễn biến phức tạp hơn".

Ông Thưởng, 51 tuổi, người chỉ đứng sau Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về mặt Đảng, không nói thêm chi tiết, nhưng Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đồng ý rằng, "4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn".

Báo Thanh Niên thuật lại : "Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng : "Đất nước đang đứng trước 3 thách thức lớn đe dọa trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ". Cụ thể, theo ông Lâm, thách thức đầu tiên là âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch, phản động ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn. Thứ hai là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông, gắn với thách thức trong xử lý quan hệ với các nước lớn và giữ vững uy tín của Đảng, chế độ trước nhân dân ngày càng gia tăng. Thách thức thứ ba là nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của nhân dân diễn biến phức tạp.

"Trong 3 thách thức nêu trên", tướng Lâm lưu ý, "nguy cơ mất an ninh chính trị nội bộ, suy giảm thế trận lòng dân, làm suy yếu sức chiến đấu của Đảng, của chế độ ta từ gốc, từ bên trong là nguy hiểm nhất".

Như vậy rõ ràng, những "kẻ nội thù" trong lòng chế độ nguy hiểm hơn cả, nhưng chúng mọc ra từ đâu, ngoài hàng ngũ đảng ? Vì vậy, tướng Tô Lâm đã chứng minh "thù trong" đã lớn và nguy hiểm hơn "giặc ngoài" thế mà không thấy Tuyên giáo cho dân biết họ đã đối phó ra sao. Hay đó là vấn đề "nhậy cảm", sợ bứt dây động rừng nên không dám nhúc nhích ?

Do đó, báo của Trung ương đảng phải thừa nhận căn bệnh kinh niên "4 nguy cơ" nay đã thành "5 nguy cơ" và nhiều hơn nữa.

Báo này viết : "Bốn nguy cơ mà Đảng ta nêu ra từ Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa VII : Chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tụt hậu xa hơn về kinh tế, tham nhũng và "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch vẫn còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn, lại xuất hiện thêm một nguy cơ mới là nền kinh tế nước ta nếu không phát triển nhanh hơn, sẽ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" vẫn là thách thức lớn" (báo điện tử dcsvn.vn, 04/08/2020)

Suy thoái chồng chất

Nhưng không chỉ có thế mà tình hình còn phức tạp hơn. Vẫn theo báo của Trung ương đảng thì : "Thêm vào đó, bốn vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay : an toàn an ninh mạng, an toàn môi trường, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm đang hằng ngày, hằng giờ tác động, ảnh hưởng đến tư tưởng, chất lượng cuộc sống và sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng ra. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ rõ".

Một đoạn trong Nghị quyết 4/XII, ban hành ngày 30/10/2016, đã kể rằng : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn ; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc".

Năm năm sau/2021 tình hình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, nhất là trong hàng ngũ Lực lượng võ trang gồm Quân đội, Công an và Dân phòng vẫn là mối lo hàng đầu của Lãnh đạo đảng và nhà nước.

Bằng chứng là công tác "giáo dục chính trị, tư tưởng" cho cán bộ và đảng viên đã được đặc biệt quan tâm từ nhiệm kỳ khóa đảng XIII (2021-2026).

Càng chống càng xiêu

Điển hình là vào ngày 25/3/2021 Ban Tổ chức Trung ương đảng đã phải ban hành "Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021".

Nội dung tập trung vào :

- Tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

- Tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII. Tích cực đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" ; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

- Xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên ; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, "lợi ích nhóm".

- Xây dựng đội ngũ dư luận viên để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống "diễn biến hòa bình" trên mạng xã hội.

- Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Đáng chú ý là những nhiệm vụ sống còn của năm 2021 trong công tác "xây dựng đảng" cũng không khác những chuyện "suy thoái" cần phải sửa đổi của năm 2019.

Hồi đó Tuyên giáo viết : "Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, sức mạnh tổng hợp, thế và lực của nước ta tăng lên rõ rệt, vị thế, uy tín quốc tế không ngừng được nâng cao ; uy tín của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những yếu kém trong quản lý kinh tế, sự phân hóa giầu nghèo, tồn tại một số điểm nóng, bức xúc xã hội, khiếu kiện về đất đai, môi trường chậm được giải quyết, tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp; sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là sử dụng mạng xã hội, facebook, tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những diễn biến phức tạp về tình hình biển Đông… đòi hỏi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên trong điều kiện mới phải được quan tâm hơn nữa, đổi mới cả về nội dung, phương thức thực hiện" (Tạp chí Tuyên giáo, 10/4/2019).

Báo – đài – mõ làng

Lệnh chống "các thế lực thù địch" của Tuyên giáo còn được lan tỏa sang 859 cơ quan báo chí, trong đó có "199 tạp chí (trung ương 86 ; địa phương 113) ; 660 báo (trung ương 523 ; địa phương 137).

Ngoài ra, Tuyên giáo còn sử dụng 135 báo, tạp chí điện tử và hơn 300 kênh phát thanh và truyền hình phát sóng hàng ngày để bảo vệ và xây dựng đảng.

Riêng Quân đội, ngày 08/01/2016, Tổng cục Chính trị đã ra Chỉ thị số 47-CT/TCCT "Về tổ chức lực lượng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng trong quân đội" (gọi tắt là lực lượng 47).

Lực lượng 47 có 10.000 quân nhân, có mặt ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền, mọi lĩnh vực của quân đội. Họ được đào tạo chuyên môn để "chống các luận điệu xuyên tạc đường lối quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách và luật pháp Nhà nước Việt Nam".

Theo Bách khoa toàn thư mở thì Lực lượng 47 được đào tạo các kỹ năng :

- Sử dụng máy ảo thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng cá nhân của mỗi thành viên.

- Đăng ký tài khoản email (Gmail, Yahoo,...), tài khoản trên các mạng xã hội (Facebook, Zalo...) và báo cáo bài viết vi phạm trên mạng xã hội.

- Viết tin bài đấu tranh dưới hình thức được mô tả là "viết bình luận" và "báo cáo lại cho cấp trên" để "tập trung đấu tranh phản bác" làm tăng số lượt bình luận ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Các cơ quan báo, đài được Tuyên giáo, Lực lượng 47 và các dư luận viên được thuê mướn sử dụng nhiều nhất ở Trung ương gồm báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Tuyên giáo, Tạp chí Xây dựng Đảng, Công an Nhân dân Tạp chí Quốc phòng Toàn dân.

Sau đó, đến lượt các cơ quan tuyên giáo và công an Tỉnh tiếp tay đăng lại các bài phản biện ở địa phương.

Cuối cùng là nhiệm vụ của đội ngũ Báo cáo viên là những cán bộ tuyên truyền đưa thông tin đến người dân ở xã, phường, thị trấn, kể cả những tin không đúng sự thật để lừa dân.

Nhưng với hệ thống kiểm soát và phản biện thông tin từ Trung ương về địa phương chặt chẽ như thế mà Tuyên giáo Đảng và Tổng cục Chính trị Quân đội vẫn bị "thua trắng" trên mặt trận tuyên truyền bảo vệ Đảng. Bằng chứng là tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong đảng đang ngày một giãn ra, năm sau cao hơn năm trước. Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng và chống lãng phí, tham nhũng vẫn chỉ "tiến một bước", mặc dù Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hứa "không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm" (tuyên bố ngày 1/2/2021 tại Hà Nội).

Tất cả những chứng hư tật xấu của đảng đều do cán bộ đảng viên "đẻ" ra chứ có do thế lực thù địch nào dâu. Vì vậy, thực tế hơn, sáng 28/3/2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ngại cho biết : "Sau 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên ; có nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro ; trình độ khoa học công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp ; tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu".

Ông Phúc nói vậy vì Việt Nam đã kỳ vọng : "Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao".

Theo World Bank : "Các quốc gia có thu nhập cao theo cách xác định của Nhóm Ngân hàng Thế giới là những quốc gia và lãnh thổ có tổng thu nhập quốc gia trên đầu người hàng năm từ 12.535 USD trở lên".

Nhưng muốn thoát bị bỏ lại phía sau, nhà nước cộng sản Việt Nam không chỉ phải vượt qua "tụt hậu về kinh tê" mà còn phải nhìn lại xem chủ nghĩa cộng sản có còn thích hợp với dân tộc không ?

Phạm Trần

(31/03/2021)

Published in Diễn đàn

Trọng, Chính giành nhau – Nguyễn Hòa Bình chưa chọn được chủ ?

Nguyễn Hòa Bình là một tên tuổi mà người dân Việt Nam không thể nào quên. Tên tuổi ông ta gắn liền với vụ án Hồ Duy Hải. Hình ảnh ông ta gắn với việc chà đạp lên luật tố tụng hình sự, vi phạm nghiêm trọng quy tắc suy đoán vô tội.

trongchinh1

Ông Nguyễn Hòa Bình trong bộ áo thẩm phán xử giám đốc thẩm Hồ Duy Hải

Ông Nguyễn Hòa Bình là chủ toạ phiên giám đốc thẩm cũng chính là người từng quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Hải. Ông đóng vai trò là người buộc tội Hồ Duy Hải với chức vụ là viện trưởng viện kiểm sát hồi năm 2011. Kể từ năm 2016 tới nay ông Nguyễn Hoà Bình là Chánh án Toà án nhân dân tối cao và là người chủ trì trong ba ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải hồi đầu tháng 5/2020. Các luật sư đã nói luật pháp không cho phép làm vậy vì điều ông Bình bác hồi năm 2011 lại vẫn là cùng vấn đề mà ông đứng ra chủ trì quyết định trong phiên giám đốc thẩm.

Ông Nguyễn Hòa Bình đã đóng 2 vai, vừa vai trò buộc tội vừa vai trò kết án là một hành động vi phạm luật pháp và cả vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điều này không đảm bảo tính độc lập của ngành tòa án. Sự nhập vai 2 lần này được ví như là vừa đá bóng vừa thổi còi.

Điều đáng nói là việc kết luận sai trái trong phiên tòa giám đốc thẩm ấy, ông đã lôi kéo cả hội đồng thẩm phán 16 người cũng gật theo ông. Sai trái mười mươi như vậy nhưng không một ai phản đối, nó cho thấy phiên tòa lúc đó mang một hình ảnh của vở kịch với các diễn viên diễn rất đồng lòng. Nếu là tòa án độc lập thì không bao giờ xảy ra 100% đồng tình với cái sai như thế.

Sau vụ xét xử, người dân cứ nghĩ rằng, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ bị khiển trách nặng, nhưng hoàn toàn không phải vậy. Cả bộ máy tuyên truyền báo chí bênh vực cho ông thì đủ biết, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ không sao cả. Điều này làm cho người dân yêu công lí rất thất vọng.

Với giới am hiểu thì người ta biết rằng, việc xét xử trái luật, vô đạo đức của ông Nguyễn Hòa Bình là vì mục đích chính trị. Nghĩa là ông Nguyễn Hòa Bình trắng trợn chà đạp lên luật pháp là để bảo vệ cái sai của hệ thống tư pháp. Cái sai ngay từ người công an điều tra, rồi nối tiếp cái sai của tòa án 2 cấp. Luật pháp qua tay ông Nguyễn Hòa Bình thì người ta chỉ thấy nổi lên một nguyên tắc, đó là nhà nước luôn luôn đúng. Oan sai cũng từ nguyên tắc đó mà ra, sự an toàn cho chế độ cũng từ nguyên tắc đó mà ra, và sự an toàn cho lãnh đạo cũng từ nguyên tắc đó mà ra.

Nguyễn Hòa Bình quảng bá thương hiệu với sếp

Trong phiên tòa xét xử, không phải chỉ một mình ông Nguyễn Hòa Bình quyết đạp lên luật ép chết Hồ Duy Hải mà toàn bộ 16 thẩm phán khác cũng đều giơ tay ủng hộ khiến toà án thắng áp đảo viện kiểm sát. Đây là một dấu chỉ cho thấy, không hề có tính độc lập trong phiên tòa giám đốc thẩm này, và tệ hại hơn, nó cho thấy ông Nguyễn Hòa Bình có khả năng điều khiển 16 vị thẩm phán kia để răm rắp làm theo lệnh ông. Nghĩa là khả năng điều hành thuộc cấp dám làm điều sai trái. Phải nói đây là một phẩm chất mà người mà lãnh đạo nào cũng cần đến ông. Vấn đề khó nhất của nhóm lợi ích là sự đồng thuận của những thuộc hạ cấp dưới. Nếu nhóm lợi ích nào kéo ông Nguyễn Hòa Bình về phe mình thì phe đó có lợi thế quân tướng đồng lòng.

Hành xử đúng mực và đúng quy trình pháp luật làm mọi người nghe theo, làm mọi người ủng hộ là chuyện bình thường. Hành động sai trái, trắng trợn chà đạp luật pháp mà khiến mọi người răm rắp nghe theo thì đó mới cho thấy năng lực mua chuộc, đe dọa của người đó. Giữa các nhóm lợi ích thì người ta sẽ không đối xử công bằng, đúng đạo đức và đúng luật với nhau đâu. Nếu làm vậy thì không gọi là cấu kết nữa mà là sống chuẩn mực.

Được biết, thời kỳ xử vụ án Hồ Duy Hải là lúc mà bộ chính trị đang tranh đấu nhau gay gắt để chọn người cơ cấu cho đại hội 13. Vấn đề của ông Nguyễn Hòa Bình là thể hiện bản thân như thế nào để các sếp bên trên nhận thấy rằng, họ cần có một con người nhưng Nguyễn Hòa Bình phụ tá cho họ trong những vấn đề gai góc.

trongchinh2

Nguyễn Hòa Bình và Nguyễn Phú Trọng

Ông Nguyễn Phú Trọng nhân danh công lý để đốt lò, tuy nhiên bản thân ông Trọng lại đang tín nhiệm Tô Lâm một con người xem thường pháp luật làm cánh tay mặc thì ông Nguyễn Hòa Bình ắt nhận ra điều đó. Làm sao mà khi cần bắt Trịnh Xuân Thanh thì Tô Lâm ra tay ngay và luôn dù biết biết bắt cóc là phạm pháp trên đất nước người ta mà vẫn làm. Đấy ! Làm sai được trọng dụng chứ có phải làm đúng mà được trọng dụng đâu ? Làm sai mà mang lại lợi ích cho đảng, mang lại lợi ích cho sếp thì trong quan hệ cung đình, nó còn giá trị hơn những con người ngây thơ "làm theo hiến pháp và pháp luật".

Tô Lâm đã thể hiện, thì tại sao Nguyễn Hòa Bình không thể hiện tương tự để quảng bá hình ảnh bản thân ? Nguyễn Hòa Bình hoàn toàn có thể.

Thành quả

Cũng giống như cầu thủ bóng đá, khi thể hiện xuất sắc trên sân cỏ thì các ông chủ lớn sẽ săn đón và cầu thủ đó trở nên đắc hàng. Nguyễn Hòa Bình cũng vậy, chỉ trong một phiên tòa xét xử giám đốc thẩm mà ông đã cho Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính thấy rằng họ cần ông. Mà khi người ta cần ông thì người ta sẽ o bế, nâng đỡ để ông đồng ý về đầu quân cho họ. Trong chính trường Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay, có thể tạm chia ra 2 thế lực mạnh, một thế lực cũ và một thế lực đang lên. Thế lực cũ là thế lực Nguyễn Phú Trọng, thế lực đang lên là thế lực Phạm Minh Chính. Các kỳ đại hội trung ương trước thềm đại hội XIII là các cuộc bàn bạc, chọn nhân sự cho nhóm, tranh chấp nhân sự và ngã giá với nhau để có người này hay người kia về phe mình. Nói chung hầu hết những cuộc ngã giá đều là vấn đề của 2 thế lực này thôi.

Vụ giám đốc thẩm chưa làm xã hội hết bất bình thì hôm ngày 31/1/2021, Trong danh sách Bộ Chính trị và Ban Bí Thư khóa XIII, công bố chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình được một ghế vào Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một hôn quan được tưởng thưởng bằng một chức vụ rất cao trong hệ thống cấp bậc của Đảng cộng sản. Kết quả này làm cho mạng xã hội dậy sóng vì quá thất vọng. Nhiều người mất niềm tin vào công lí.

Tại phiên giám đốc thẩm, ông Nguyễn Hòa Bình bác bỏ đề nghị lật lại hồ sơ Hồ Duy Hải, nói rằng không có tình tiết oan sai trong quá trình điều tra xét xử vụ án này, bất chấp nhiều tình tiết sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra đã bị các luật sư chỉ ra.

Đến ngày 12/1/2021, khi báo cáo về công tác của các Toà Án trong nhiệm kỳ Quốc Hội khoá XIV, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình còn khẳng định "Trong nhiệm kỳ không xảy ra án oan hình sự", rằng ‘Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội’.

Muốn dùng vụ án Hồ Duy Hải để chứng minh mình là một hôn quan thực thụ đã dẫn tới thành công mĩ mãn cho Nguyễn Hòa Bình. Được vào Bộ Chính trị là thêm quyền lực, với phẩm chất như thế, ông Nguyễn Hòa Bình là mục tiêu chèo kéo của phe ông Nguyễn Phú Trọng và phe ông Phạm Minh Chính.

Vì quá đắc hàng nên ai cũng giành, mà ai cũng giành thì Nguyễn Hòa Bình tới giờ vẫn chưa có bến đỗ.

Hiện nay ông Nguyễn Hòa Bình có 3 nơi để đầu quân, nơi thứ nhất là ban bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, nơi thứ nhì là chính phủ của ông Phạm Minh Chính, và nơi thứ ba là tòa án nhân dân tối cao. Trong đó, Ban Bí Thư và Chính Phủ đều là bộ máy khổng lồ, còn tòa án nhân dân tối cao chỉ là một cơ quan chứ không phải là bộ máy. Nếu muốn có tương lai, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ vào một trong hai nơi trên chứ không thể ngồi lại ghế chánh Án tòa án nhân dân tối cao được. Ghế chánh án tòa án nhân dân tối cao lâu nay chỉ dành cho ủy viên trung ương đảng, còn ông Nguyễn Hòa Bình là Ủy Viên Bộ Chính trị, chức này quá lớn so với chiếc ghế chánh án. Vì thế ông Nguyễn Hòa Bình nếu ngồi lại ghế chánh án thì trước sau gì ông cũng sẽ về đầu quân cho một trong 2 bộ máy kia.

Thực ra vào ban bí thư dễ tiến thân hơn so với vào chính phủ, nhưng hiện giờ ban bí thư không còn ghế ngon nữa rồi. Ghế trưởng ban tổ chức, trưởng ban tuyên giáo, trưởng ban nội chính, trưởng ban kinh tế đã có chủ, còn lại các ghế khác là không giá trị lắm so với chức ủy viên bộ chính trị của ông Bình. Có lẽ vì thế mà ông Nguyễn Hòa Bình phải phân vân ?

Nếu ông Nguyễn Hòa Bình mà vào chính phủ thì chức của ông sẽ là phó thủ tướng. Chức này rất ngon ăn, vì nó chỉ còn cách chức thủ tướng của Phạm Minh Chính một bước chân thôi. Bản thân ông Phạm Minh Chính thì cũng muốn ông Nguyễn Hòa Bình về phe ông để bên chính phủ có 5 ủy viên bộ chính trị, gần bằng số ủy viên bộ chính trị bên ban bí thư. Tuy nhiên, hiện giờ ông Phạm Minh Chính vẫn chưa phải là thế lực vượt trội ông Trọng để mà ông Nguyễn Hòa Bình dứt bỏ ông Trọng ra đi. Hành động ứng cử đại biểu quốc hội duy nhất cho cơ quan tòa án nhân dân tối cao của ông Nguyễn Hòa Bình cho thấy, ông chưa biết chọn ai nên ngồi tạm ở tòa án. Cuối cùng, người tưởng đắt hàng lại trở thành "kẻ ế" khi chưa tìm được bến đỗ.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 22/03/2021

**************************

Chưa an tọa nhưng Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính đã "choảng nhau tơi bời" ?

Ngọc Thảo, Thoibao.de, 22/03/2021

Khi quyền lực chênh lệch thì người ta có thể kết bè để bổ trợ cho nhau, khi đến đỉnh cao quyền lực thì kẻ mới nổi tách ra làm ăn riêng ấy là chuyện bình thường.

trongchinh3

Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính.

Bố trí vị trí tứ trụ đã ngã ngũ từ hội nghị trung ương 15 của khóa XII vào ngày 16 và ngày 17/1 vừa qua. Tuy nhiên để diễn cho trót đại hội XIII cũng diễn ra và ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục làm tổng bí thư. Còn 3 trụ còn lại thì dân biết cả rồi, nhưng đảng vẫn đợi đến kỳ họp quốc hội cuối cùng của khóa XIV thì chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội mới chính thức công bố.

Chuyện phân chia quyền lực trong Đảng cộng sản đã xảy ra thời gian dài trước đây mới đưa đến những kỳ họp để công bố. Chuyện bầu bán ở bên trong Đảng cộng sản và cả bên ngoài xã hội khi bầu đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cũng vậy. Dân vẫn bỏ phiếu, nhưng kết quả luôn trùng khớp với danh sách được đảng chọn trước đó. Chính vì vậy nên người dân mới gọi nó là vở kịch.

Chuyện bầu cử ở nước tự do là chuyện rượt đuổi nghẹt thở như là trận chung kết túc cầu thế giới vậy. Khi chưa kiểm phiếu xong thì không biết ai chiến thắng, tuy nhiên bên trong Đảng cộng sản thì những lần bầu cử không bao giờ có sự hồi hộp như vậy. Bầu cử chỉ là hợp thức hóa những gì đảng đã chọn mà thôi.

Nếu người xem phim khó tính nhì thấy điều phi lí trong kịch bản của vở kịch hay một bộ phim, thì người quan sát khó tính họ cũng sẽ nhìn thấy những điều phi lí trong vở kịch bầu cử. Vì là vở kịch nên kịch bản thường có sai sót, đấy là điều cũng không khó nhận ra.

Được biết tại phiên họp thứ 54 ngày 15/3, phiên họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành phần lớn thời gian để bàn về công tác nhân sự khóa XIII của trung ương đảng. Nên nhớ, khóa XIII của trung ương đảng là khóa mới.

Trong kì họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét các ứng viên quốc hội khóa mới, tức ứng viên cho Quốc hội khóa XV. Được biết ngày 18/3, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở khối Chính phủ.

Điều đáng nói là theo dự kiến ngày 5/4 ông Phạm Minh Chính mới là thủ tướng, nhưng mới ngày 18/3 ông Chính lại ứng cử đại biểu quốc hội đại diện cho chính phủ. Từ bây giờ cho tới ngày 5/4 ông Phạm Minh Chính vẫn là bí thư trung ương đảng – trưởng ban tổ chức trung ương. Ấy vậy mà ông Chính lại đại diện cho khối chính phủ khi mà ông còn là thành viên của khối ban bí thư. Đây là cách lắp ghép ngược ngạo, nó biến vở kịch bầu cử quốc hội thành vở kịch tồi.

trongchinh4

Phạm Minh Chính, đứng đầu khối chính phủ

Thành viên chính phủ gồm những ai ?

Được biết ngay từ sáng 18/3, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Danh sách những người được giới thiệu khối Chính phủ gồm 15 ứng viên, trong đó có :

1. Ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ;

2. Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

3. Ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội ;

4. Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư

5. Ông Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng ;

6. Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ;

7. Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch ;

8. Ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Đại tướng, Bộ trưởng Công an ;

9. Ông Lê Thành Long Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Tư pháp ;

10. Ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Y tế ;

11. Ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao ;

12. Ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước ;

13. Ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao ;

14. Ông Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ;

15. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Nội vụ.

Như vậy khối chính phủ thiếu vắng Nguyễn Hòa Bình, nhân vật mà cả Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính đều cần. Tuy nhiên theo tin rò rỉ cách đây khoảng 20 ngày thì được biết, Phạm Minh Chính đã kéo được Nguyễn Hòa Bình về chính phủ để giao chức phó thủ tướng. Nếu đây là sự thật thì ghế này rất ngon, ông Nguyễn Hòa Bình chỉ còn cách ghế thủ tướng của ông Phạm Minh Chính một bước rất ngắn. Rất tiện chi con đường quan lộ.

Bên khối trung ương đảng ứng cử đại biểu quốc hội gồm có những ai ?

Nếu đại diện cho khối đảng ủy trung ương ứng cử đại biểu quốc hội thì chắc chắn người đó sẽ là lãnh đạo ban ngành thuộc ban bí thư, còn nếu không có trong danh sách thì chưa chắc thuộc ban bí thư. Số thành viên ban bí thưnhiệm kỳ XIII này ứng cử đại biểu quốc hội gồm 11 người sau :

1. Nguyễn Phú Trọng Tổng bí thư, Chủ tịch nước ;

2. Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ;

3. Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ;

4. Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng ;

5. Ông Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương ;

6. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương ;

7. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ;

8. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch hội đồng Lý luận Trung ương ;

9. Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ;

10. Ông Lê Hoài Trung , Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Thứ trưởng Ngoại giao ;

11. Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Vẫn không thấy ông Nguyễn Hòa Bình trong danh sách đại diện cho đảng ủy trung ương. Nghĩa là cho đến hôm nay, vẫn chưa thể khẳng định là ông Nguyễn Hòa Bình sẽ thuộc về tay ông Nguyễn Phú Trọng hay về tay ông Phạm Minh Chính.

Nguyễn Hòa Bình có thể đầu quân cho ai ?

Hiện nay ông Nguyễn Hòa Bình vẫn đang là đại diện duy nhất của khối tòa án ứng cử đại biểu quốc hội. Như vậy thì ông Nguyễn Hòa Bình lại ở lại vị trí cũ, ông không thuộc khối chính phủ và cũng chưa hẳn thuộc ban bí thư.

Chưa biết sau khi vào Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ được đưa về cơ quan nào. Tuy nhiên nếu ông Nguyễn Hòa Bình vẫn ngồi ghế tòa án thì đây là một điều xưa nay hiếm. Ghế chánh án tòa an nhân dân tối cao là ghế dành cho ủy viên trung ương đảng chứ chưa ban giờ dành cho ủy viên Bộ Chính trị.

Vào được Bộ Chính trị là thăng chức, như vậy ngồi lại ghế chánh án thì điều này cũng có nghĩa là Nguyễn Hòa Bình đang ngồi chờ xếp ghế. Như vậy là từ khi sau đại hội XIII cho đến nay, ông Nguyễn Hòa Bình là con người lúc thì ông Nguyễn Phú Trọng chèo kéo, lúc thì Phạm Minh Chính chèo kéo. Tuy nhiên cho đến bây giờ vẫn chưa ngã ngũ.

Ban đầu ông Nguyễn Phú Trọng dự định đưa Nguyễn Hòa Bình vào ghế trưởng ban nội chính trung ương thay cho Phan Đình Trạc. Tuy nhiên một tháng sau, ông Phạm Minh Chính lại kéo ông Trương Hòa Bình về giao chức phó thủ tướng. Trong 2 chiếc ghế, ghế phó thủ tướng có cơ hội vào tứ trụ cao hơn ghế trưởng ban tổ chức trung ương.

Hiện nay quan việc giới thiệu ứng viên đại biểu quốc hội cho thấy, ông Nguyễn Hòa Bình chưa theo ông nào rõ ràng. Ông đang là con bài chiến lược mà đã háng nay, 2 nhân vật mạnh nhất chính trường đang giành lấy.

Nguyễn Hòa Bình nhân tố quyết định cán cân quyền lực

Hiẹn nay trừ Nguyễn Hòa Bình ra thì Phạm Minh Chính đang sở hữu 4 Ủy Viên Bộ Chính trị trong chính phủ mới, kể cả ông. Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Trọng đang sở hữu 6 ủy viên Bộ Chính trị, kể cả ông. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị mỗi bên rất quan trọng, chính nó quyết định cán cân quyền lực nghiêng về ai, nghiêng về văn phòng trung ương đảng hay nghiêng về phủ thủ tướng.

Được biết, ban bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng chỉ có 11 cơ quan trực thuộc nhưng nó lại mạnh hơn chính phủ với 33 cơ quan trực thuộc là lí do tại sao ? Lý do là số ủy viên bộ chính trị ở mỗi bên khác nhau. Số Ủy Viên Bộ Chính trị của ban bí thư luôn nhiều hơn số ủy viên bộ chính trị bên chính phủ.

Phạm Minh Chính là thế lực đang lên, còn Nguyễn Phú Trọng là thế lực cũ muốn giữ thế độc tôn. Nếu Phạm Minh Chính giành được Nguyễn Hòa Bình về tay mình thì tỷ số giữa chính phủ và văn ban bí thư là 5-6, chính phủ không yếu hơn bao nhiêu so với ban bí thư. Tuy nhiên nếu để Nguyễn Hòa Bình gia nhập ban bí thư thì tỷ số là 4-7 nghiêng hẳn về phía ban bí thư.

Nếu chọn bên có lợi hơn, có tương lai hơn để đầu quân thì ắt ông Nguyễn Hòa Bình sẽ chọn chính phủ. Tuy nhiên trong tình thế 2 cũng giành thì có lẽ Nguyễn Hòa Bình ngồi lại ghế cũ một thời gian rồi quyết định, xem ai thực sự vượt trội thì chọn sau cũng chưa muộn. Nguyễn Hòa Bình sẽ chọn phe nào ? Trọng, Chính hay trung dung ? Hãy chờ xem, tháng sau sẽ có kết quả.

Ngọc Thảo (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 22/03/2021

*************************

Việt Nam tiết lộ danh tính ‘tam trụ’ như dự báo

Hôm 18/3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ cho người của các cơ quan trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có tiết lộ các ứng viên cho vị trí cho chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, và chủ tịch quốc hội.

trongchinh5

Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 - Ảnh minh họa

Báo Tuổi Trẻ loan báo rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử Đại biểu quốc hội khối Chủ tịch nước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ứng cử khối Quốc hội.

Với cách loan tin như thế thì giới quan sát và cả người dân thưòng đều có thể biết rằng ai sẽ nắm giữ các chiếc ghế "tam trụ" dù chưa diễn ra một cuộc bỏ phiếu chính thức tại hội trường Diên Hồng ở Hà Nội.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các nêu nhận định với VOA :

"Với cách báo chí trong nước đưa tin như vậy cho thấy một thực tế rằng hầu như những dự đoán của giới quan sát là hoàn toàn chính xác, ai nắm chức vị nào, dù cuộc bỏ phiếu chưa diễn ra.

"Việc này cho thấy việc QH bầu cử các chức danh chủ chốt là cuộc bầu cử giả hiệu, vì những điều này người ta đã biết trước rồi.

"Đó chỉ là một sự sắp xếp để chia ghế, chia quyền, chứ không đúng nghĩa bầu cử".

Trước đó, Quốc hội khóa XIV thông báo rằng sẽ "kiện toàn" các vị trị này tại kỳ họp 11 khai mạc vào ngày 24/3, hai tháng trước khi diễn ra ngày bầu cử QH khóa XV, ngày 23/5.

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc có thể trở thành Chủ tịch nước, và ông Phạm Minh Chính có thể trở thành tân Thủ tướng đã được giới quan sát tình hình Việt Nam dự đoán từ lâu, mặc dù chính quyền Việt Nam quy định phương án nhân sự cho các vị trí này là thông tin "tuyệt mật".

Ngày 16/2, Vụ Khảo cứu Quốc hội (CRS) Mỹ đăng phúc trình về quan hệ Việt – Mỹ của Tiến sĩ Mark Manyin và Tiến sĩ Michael Martin, chuyên gia cao cấp về Châu Á của CRS, trong đó có đánh giá cả kết quả Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam vừa kết thúc vào tháng trước đó..

CRS dự báo rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể được chọn để trở thành Chủ tịch nước Việt Nam vào tháng 5 năm nay, và Phạm Minh Chính – Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng – cũng có thể được chọn trở thành Thủ tướng Việt Nam thay thế cho ông Phúc.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho biết ý kiến về việc Quốc hội Việt Nam bầu nhân sự thay thế vào cuối nhiệm kỳ :

"Theo đúng ra việc bầu lãnh đạo mới phải do quốc hội mới bầu. Chứ quốc hội đang gần hết nhiệm kỳ bầu ra lãnh đạo mới là trái với nguyên tắc.

"Những người sắp hết nhiệm kỳ mà bầu hay bổ nhiệm thường xảy ra tiêu cực".

Tại kỳ hiệp thương lần thứ 2, Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua danh sách 205 người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Lý giải trên báo Thanh Niên hôm 18/3 về việc đại biểu đang ở khối này lại được giới thiệu ở khối khác, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết : "Đối với những nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có thông báo cụ thể".

"Danh sách nhân sự giới thiệu ứng cử ở các khối được lập theo thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư", ông Lềnh cho biết thêm.

Việt Nam công bố lịch trình bầu ba lãnh đạo chủ chốt nhà nước

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra trong 12 ngày, bắt đầu từ 24/3.

Theo chương trình dự kiến được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác nhân sự sẽ được Quốc hội tiến hành từ ngày 30/3, bắt đầu từ việc miễn nhiệm Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngay sau đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch hội đồng Bầu cử quốc gia.

Việc bầu Chủ tịch quốc hội, Chủ tịch hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả bầu Chủ tịch quốc hội mới dự kiến được công bố ngày 31/3. Tân Chủ tịch quốc hội tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Cùng với quy trình này, Quốc hội cũng miễn nhiệm, bầu một số phó chủ tịch quốc hội.

Sau khi kiện toàn xong chức danh Chủ tịch và một số phó chủ tịch quốc hội, Quốc hội bắt đầu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và tiếp tục nghe Ủy ban thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào ngày 1/4.

Dự kiến sáng 2/4, các đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tiếp đó, tân Chủ tịch nước ra mắt, tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Chức danh tiếp theo được kiện toàn ngay sau đó là Thủ tướng. Cũng trong ngày hôm đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nghe tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 5/4, Quốc hội bỏ phiếu bầu người đứng đầu Chính phủ mới. Tân Thủ tướng Chính phủ cũng thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức sau đó.

Kiện toàn xong chức danh người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội bắt đầu quy trình miễn nhiệm, bầu

Các chức danh Phó chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội sẽ được trình miễn nhiệm và bầu mới. Dự kiến chánh án Tòa án nhân dân tối cao tuyên thệ nhậm chức trong ngày 6/4.

Như vậy, các chức danh chủ chốt lãnh đạo Nhà nước, đại diện cho cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều được kiện toàn tại kỳ họp 11 của Quốc hội, trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới.

Trước đó, ngày 9/3, trao đổi với BBC về đề nhân sự chính phủ, quốc hội, một nhà báo tại Sài Gòn, không muốn nêu tên, nói :

"Ở Việt Nam, do đặc thù của hệ thống chính trị, người dân hầu như không có tiếng nói gì trong việc sắp xếp nhân sự các cấp và các nhánh (ngoại trừ một vài kênh góp ý đầy hình thức và các kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, quốc hội vốn cũng không có giám sát độc lập), nên việc ai lên, ai xuống là quyết định thuần túy theo tính toán của đảng, theo sự phân chia quyền lực, thỏa hiệp, nhượng bộ… mà ít người dân nào biết được".

"Đảng lãnh đạo toàn diện, nên nhân sự từ tư pháp cho đến hành pháp, lập pháp họ cũng quyết định bằng cách này hay cách kia. Nhưng từ sự sắp xếp đó, qua việc cơ cấu cho ai làm gì, thì chúng ta cũng có thể đoán được một số đường hướng của đảng. Ví dụ đảng đợt này có sử dụng người kỹ trị hay không, có thực sự loại bỏ những người có vấn đề hay không… để hiêm nghiệm, để có một cái nhìn rõ hơn về không gian, về thực tại mình đang sống".

trongchinh6

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội XIII

Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nói với BBC hôm 8/3 :

"Từ khi đại hội đảng cùng năm với bầu cử Quốc hội, thì có kiện toàn như bây giờ – từ các chức vụ cao nhất của nhà nước, đến các thành viên chính phủ, tư pháp, hệ thống chính trị. Làm như thế, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước", ông Hợp nói.

Đề xuất lập thêm hàng loạt Bộ : cảm tính của người đương nhiệm

Cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo…là đề xuất do Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV đưa ra khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 16 tháng 3 năm 2021.

Bộ Thanh niên

Đối với việc lập Bộ Thanh niên, Ông Lê Văn Triết nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 17/3, nêu ý kiến rằng :

"Đã có các đoàn Thanh niên, từ thanh niên bình thường đến Đoàn Thanh niên cộng sản đều có cơ quan.

Thế bây giờ các Đoàn Thanh niên đó làm ăn thế nào mà phải lập Bộ Thanh niên làm gì ? Không phải mục đích làm cho hoạt động của xã hội phát triển mạnh lên mà thường thường nền tảng đó dựa theo suy nghĩ cá nhân. Họ không nghiên cứu sâu nên lúc thì giải tán, lúc thì lập nên… mà mỗi khi lập nên tốn kém biết bao nhiêu, mỗi khi giải tán cũng lãng phí không biết bao nhiêu".

Trong khi đó, bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đoàn Thanh niên không được ra thông tư, quyết định, không được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, cũng chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ. Do đó, bà đề nghị thành lập Bộ Thanh niên, nâng cấp từ Đoàn, có chức năng quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.

Bộ Biển đảo

Vào năm 2015, khi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo đã đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển.

Các đại biểu dẫn chứng Việt Nam có trên 3.200km bờ biển, có nhiều tiềm năng dầu, khoáng sản chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa… Kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng theo các đại biểu trong thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả… Vì vậy, Chính phủ cần thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách.

Và đến nay, vấn đề liên quan đã một lần nữa được Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu lên bằng đề nghị lập Bộ Biển đảo.

Ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho RFA biết hôm 17/3 nhận định của ông về việc thành lập Bộ Biển đảo :

"Ở Việt Nam hiện nay thì tình hình biển đảo là một vấn đề hết sức phức tạp. Nhưng phải giải quyết vấn đề biển đảo và bảo vệ biển đảo của Việt Nam trong một chính sách chung bao gồm từ ngoại giao, quốc phòng, kinh tế… cho nên có một cơ quan phụ trách về biển đảo để giúp Chính phủ có những chuyên môn hơn là tốt. Tuy nhiên, nó có phải là một Bộ hay cơ quan ngang Bộ hay không thì tôi thấy không cần thiết. Bởi vì quốc gia Việt Nam thì không lớn, mà bộ máy tương đối cồng kềnh so với các nước khác, nên việc thành lập Bộ Biển đảo là không nên. Theo tôi nó cũng không đúng chủ trương của đảng và nhà nước là giảm nhẹ chi tiêu ngân sách".

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 22/03/2021

Published in Diễn đàn

Đi tìm một công thức giúp chính quyền cộng sản tại Việt Nam...tự lật đổ 

Bài 2 :

"Sĩ phu Bắc Hà Nguyễn Phú Trọng" và con số 99,9%

Trở lại câu nói nổi tiếng ngày 25/12/2019 của ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư của Đảng cộng sản Việt Nam : "Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi"... "Thành trì xã hội chủ nghĩa cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu, có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu".

Nói rất đúng, làm tốt thì không ai lật đổ được. Làm không tốt là tự lật đổ.

Vậy, Đảng cộng sản Việt Nam có đang làm tốt không ? Mấy chục ngàn cán bộ cộng sản cao cấp nhất đang điều hành chính quyền, điều khiển chế độ có làm tốt không ? Câu trả lời hiển nhiên là không.

Vậy, chính quyền cộng sản tại Việt Nam có đang tự lật đổ không ? Câu hỏi này ông Trần Quốc Vượng đã trả lời rồi.

Một khi đảng cộng sản đã bị loại ra khỏi chính quyền, như cua mất càng, nó sẽ tự tiêu vong hoặc không còn tác hại được nữa như trường hợp các đảng cộng sản tại các nước Đông Âu hiện nay.

 

npt2

 

Không phải cứu tinh, không phải "lú" !

Về đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cộng sản, cần dài dòng hơn một chút vì ông Trọng tự trình bầy như là cứu tinh của đảng cộng sản và cũng có người tin hay cố tin như vậy. Ngược lại, có nhiều người khác đánh giá sai ông Trọng, tặng biệt danh Trọng "lú", vì họ đánh giá thấp cái bề ngoài của Nguyễn Phú Trọng - lù đù, nhỏ nhẹ, chậm chạp giống như một ông giáo làng chỉ bận tâm đến thơ văn, triết lý lẩm cẩm. Ngoài ra ông Trọng lại tốt nghiệp tiến sĩ về... "xây dựng đảng" tại Liên Xô, nơi mà chính nhân dân ở đấy đã vùng dậy lật đổ chính quyền, chấm dứt cái chế độ cộng sản đã thống trị hơn 70 năm. 

Thực tế, ông Trọng là người thủ đoạn, thâm hiểm, giấu mình rất kỹ, âm thầm củng cố thế lực từng bước một bằng cách liên kết với người này, loại trừ người khác, bố trí, "cài cắm" đầy đủ đồng minh hay tay chân tại các cơ quan trọng yếu như ở Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban tuyên giáo, Bộ công an, Bộ quốc phòng, Hội đồng lý luận trung ương... Cuối cùng, theo chân Tập Cận Bình bên Tầu, bằng chiêu bài và sách lược diệt tham nhũng đi kèm thông điệp "theo ta thì sống, chống ta thì vào lò" - rất lợi hại trong thực trạng hầu như tất cả quan chức cộng sản đều dính chàm tham nhũng - ông Trọng loại được các địch thủ quan trọng để trở thành Tổng bí thư quyền lực nhất trong đảng cộng sản kể từ thời Lê Duẩn đến nay. Phải nói đó là một thành công ngoạn mục của cá nhân Nguyễn Phú Trọng. 

Mặt khác, sự thành công của cá nhân Nguyễn Phú Trọng không ích lợi gì cho Đảng cộng sản Việt Nam, mà ngược lại.

Vụ giết và mổ bụng cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng, tru di luôn cả gia đình người đảng viên kỳ cựu ở xã Đồng Tâm mới đây và các bản án tù tàn bạo giáng lên hàng trăm người bất đồng chính kiến khác là bằng cớ chứng tỏ Nguyễn Phú Trọng "sắt máu" bằng hay còn có phần vượt trội các tổng bí thư tiền nhiệm.

Ông Trọng cũng lờ việc kê khai tài sản khi bị công luận đòi hỏi nhưng bật đèn xanh cho tay chân tô vẽ hình ảnh một lãnh tụ giản dị liêm khiết chỉ biết đến nhiệm vụ. Ông thanh minh rằng mặc dù già yếu, bệnh hoạn chỉ muốn được nghỉ ngơi nhưng bị các đồng chí ép uổng tha thiết quá nên đành phải... hy sinh đảm đương thêm một nhiệm kỳ nữa cả 2 chức vụ Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước !

Sự "tận tuỵ" của ông Trọng khiến người ta nhớ tới nhận xét của "người trong cuộc" là ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên cán bộ lãnh đạo Ban tuyên giáo trung ương : "Quyền lực là "ma túy" gây nghiện, là "ma quỷ" xui khiến. Có quyền lực là có thể có gần như tất cả, nếu muốn. Vì vậy, quyền lực hấp dẫn hơn các thứ hấp dẫn khác cộng lại. Người có tham vọng quyền lực suốt ngày nghĩ về nó, dùng mọi thủ đoạn để giành và giữ lấy nó, dù phải mất nhân cách, dù phải làm việc ác. Có quyền lực rồi thì muốn có quyền lực lớn hơn, lớn rồi vẫn chưa đủ lại muốn lớn hơn nữa. Cứ thế, gần như không có điểm dừng, thậm chí không cần biết có nhiều quyền lực để làm gì. Quyền lực làm tha hóa con người một cách nhanh nhất".

Ông JB Nguyễn Hữu Vinh, cũng từng là "người trong cuộc", với kinh nghiệm làm việc trong guồng máy chính quyền, kể cả ngành công an, một blogger bất đồng chính kiến, một cựu tù nhân chính trị nổi tiếng ở Việt Nam trong bài "khi người lãnh đạo nêu gương xấu" trên RFA Vietnam.com ngày 20/02/2021 nói cụ thể hơn về trường hợp ông Trọng :

"Người ta thấy trước Đại hội 12 của đảng, Nguyễn Phú Trọng chính là người đã hô hào to nhất, mạnh miệng nhất rằng : "Kiên quyết loại ra khỏi Trung ương những kẻ tham quyền cố vị và cơ hội". Thế nhưng, ở đại hội đó, chính ông ta đã bằng mọi cách, kể cả phá vỡ Điều lệ Đảng, là Kinh Thánh, là cẩm nang của đảng để tự đặt mình vào "trường hợp đặc biệt" ngồi ghế Tổng bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa. Người dân đã đặt câu hỏi rằng : Vậy thì ai là kẻ tham quyền cố vị và cơ hội ở đây ?

Kế đó, khi người ta đặt vấn đề rằng : Thôi thì để luôn chức Bí thư và Chủ tịch huyện cho một người làm, đỡ… tốn cơm dân, thì chính miệng ông ta đã nói rằng : "Chủ tịch và bí thư là một thì to quá, ai kiểm soát nổi ông". Thế nhưng sau đó, chính ông ta lại ôm luôn một lúc hai ghế cả ghế Tổng bí thư lẫn Chủ tịch nước. Lúc này, ông chẳng cần quan tâm đến điều ông đã nói : Ai kiểm soát nổi ông ?

Cứ tưởng đại nạn của đất nước có một Tổng bí thư được mệnh danh là Trọng Lú chỉ đến mức đó là cùng. Ngờ đâu, tại Đại hội 13, một lần nữa ông quyết xé luôn điều lệ đảng mà tự đặt mình vào trường hợp "đặc biệt của đặc biệt" lại ngồi lỳ thêm một khóa tiếp theo trước sự ngỡ ngàng của cả đất nước".

 

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng ôm một lúc hai ghế, cả Tổng bí thư lẫn Chủ tịch nước. Cơ chế nào kiểm soát nổi ông ? 

Xuất thân là cán bộ tuyên truyền trong một thời gian dài, hiểu rõ sức mạnh của ngôn từ, ông Trọng đã "chỉ đạo" Tuyên giáo trung ương tạo dựng hình ảnh ông thật kỹ. Tuy nhiên, khôn quá hóa dại nên khi đưa "Sĩ phu Bắc Hà Nguyễn Phú Trọng" lên mây xanh thì lại phải dìm đảng cộng sản xuống tận đất đen.

Bài viết ngày 07/08/2017 của tác giả "dư luận viên" Phan Đăng trên "trang mạng Mõ Làng/Blogger chính trị xã hội phản biện với tin chính thống đầy hấp dẫn", là một thí dụ rất điển hình :

"Nếu không phải là một người "đốt lò" đầy lý tưởng và tâm huyết như Ngài Trọng thì cả "củi khô" lẫn "củi tươi" cũng đều đang phải cháy lên rừng rực như bây giờ hay không ? Trong bối cảnh mà gần như 99,9% giới quan chức Việt Nam trở thành tín đồ trung thành cho cái "triết thuyết tôn giáo" giống như một cái vòng kim cô quấn chặt lên đầu óc họ và nền văn hóa của họ : "Một người làm quan cả họ được nhờ", cái bối cảnh mà các quan chức không ngừng tận dụng vị thế của mình để đục khoét của công, làm giàu bất chính thì riêng Ngài Trọng lại tiêu biểu cho mẫu quan chức liêm chính 0,1% còn lại".

Tuyên giáo như thế chỉ khiến người ta mỉm cười tội nghiệp : nào ai khảo mà xưng ! ? Sao phải vội "lạy ông, tôi ở bụi này" !

Đúng thế, trong bấy nhiêu năm ông Trọng làm Tổng bí thư "cầm cân nẩy mực", nêu gương "cần, kiệm, liêm, chính" mà sao tổng số quan chức tham nhũng lại... vươn cao tới con số khủng khiếp 99,9% ? Cần, kiệm, liêm, chính chỉ là cái vỏ hay câu cách ngôn "dột từ nóc dột xuống" không còn đúng nữa ?

Khi chính mình đạo đức giả thì còn bắt buộc được ai phải đạo đức thật ?

Hơn thế nữa, nếu 99,9% quan chức trong đảng của ông Trọng đều tận dụng vị thế của mình để đục khoét của công, làm giầu bất chính - thì phải giấu bớt chứ "thành thật khai báo" đến thế, hay đến mức ông Trương Tấn Sang, bà Nguyễn Thị Doan "tố cáo" : "một bầy sâu làm "chết" cái đất nước này", "ăn của dân không chừa một thứ gì"... có ích lợi gì đâu ! 

Bởi vì cái đảng cầm quyền quá hư hỏng ấy chỉ có thể đem đi chôn chứ cải tạo làm sao được nữa ! ?

Và từ đây, làm sao còn lý sự (cùn) : "bọn phản động nói xấu Cách Mạng, chúng chỉ thấy cây mà không thấy rừng" ? 

Làm sao cãi ngược 99,9% là "hiện tượng" còn 0,1% là "bản chất" ? 

Làm sao giải thích 99,9% quan chức cộng sản tham nhũng nhất, cao cấp nhất đang ngồi đầy đặc trong Ban chấp hành trung ương đảng kia lại "hăng say cách mạng" bầu Ngài Trọng vào chức Tổng bí thư khi biết chắc đồng chí Tổng bí thư sẽ đút tất cả bọn họ vào lò và đốt thành than vì tội tham nhũng hối mại quyền thế ? 

Không lẽ 99,9% các quan chức này đã phát điên, phát rồ hay muốn tự sát ?

Hay đồng chí Tổng bí thư đang làm một màn kịch "diễu dở" ? 

Cùng tham sân si, cùng "cá mè một lứa", ông Trọng khác 99,9% các quan chức "đồng chí" của ông ở chỗ nào ? !

Khi lãnh đạo Đảng coi nhân dân là kẻ thù, coi đảng viên cũng là kẻ thù

Trong 10 năm làm Tổng bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng hiểu rõ đe dọa lớn nhất mà Đảng cộng sản Việt Nam phải đối phó chính là người dân Việt. Người dân Việt nói ở đây gồm cả luôn cả hàng triệu đảng viên thấp cổ, bé miệng của đảng cộng sản đã hết ảo tưởng về cái đảng của họ. Như trường hợp cụ Lê Đình Kình và con cháu cụ. Như hằng hà sa số đảng viên có chút lương hưu đắp đổi qua ngày hay trên dưới một mẫu đất làm kế sinh nhai - không bằng cái móng tay của mấy chục ngàn quan chức triệu phú hay tỉ phú đô la.

Người ta vẫn hay nói : dân giống như nước. Nước nâng thuyền nhưng nước cũng lật thuyền. Biến động chính trị ở Đông Âu năm 1990-1991 hay gần hơn, ở Indonesia, Philippines, Tunisia, Libya là ám ảnh thường trực của ông Nguyễn Phú Trọng và tất cả các lãnh tụ cộng sản khác. Cái ám ảnh đó có tên là Diễn Biến Hòa Bình.

Vận dụng các kỹ thuật tuyên truyền và khủng bố để giữ chặt chính quyền - những thủ đoạn học được từ chủ nghĩa Lênin (Leninism) khi nghiên cứu làm luận án tiến sĩ về "xây dựng Đảng" tại Liên Xô ? - ông Trọng quả thực đã có những cống hiến đáng kể cho đảng của ông liên quan đến cả củ "cà rốt" và cây "gậy", cả tuyên truyền và khủng bố. Chẳng hạn như :

- Đưa Tuyên truyền Giáo dục, gọi tắt là Tuyên Giáo lên một... "tầm cao mới". Hội đồng Lý luận trung ương với mấy chục ông tiến sĩ. Mấy trăm tờ báo, mấy chục đài TV, radio với 1 Tổng biên tập. Mấy chục ngàn dư luận viên trong mọi ngóc ngách của đời sống... Một thứ chiến tranh tâm lý chống "thế lực thù địch" trong thời đại Internet. Định hướng dư luận. Xuyên tạc sự thật. Xuyên tạc lịch sử. Vo tròn, bóp méo. Tô hồng, bôi đen. Chia để trị. Lừa dối. Ru ngủ. Gieo rắc ngờ vực, phát tán các thuyết âm mưu, tin đồn vô căn cứ. Gieo rắc các nọc độc trong dân, trong Đảng để làm yếu các ý chí chống đối : cầu an, cầu nhàn, tự khí, chủ bại, bi quan, yếm thế, an phận, vị kỷ, mê tín, khuyến khích ăn nhậu, ăn chơi, thi hoa hậu, khuyến khích thèm khát hưởng thụ vật chất : nhà đẹp, chân dài... 

Tuy nhiên đội ngũ Tuyên Giáo càng phình to, càng đông đảo, càng bận rộn bao nhiêu càng chứng tỏ đảng cộng sản càng thất thế, càng vô hiệu quả, càng bất lực, càng bị khinh ghét bấy nhiêu. 

Tại sao như thế ?

Lý do rất giản dị : nhân dân Việt Nam đã nhìn thấy mặt thật độc ác, bịp bợm, tham lam của đám quan chức cộng sản nên mọi tuyên truyền của Đảng thường được hiểu ngược lại. 

Đấy là chưa phải vì phong trào chống đối đã có tổ chức hữu hiệu. Chưa phải vì những người tranh đấu đã đoàn kết sau một dự án chính trị đứng đắn, hợp lý, khả thi. Chưa phải vì người dân Việt đã hình dung đầy đủ được một xã hội HẬU cộng sản dân chủ, tự do, thịnh vượng, công bằng, nhân ái, hòa giải, hòa hợp dân tộc...

- 10 năm ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư, cả 2 lực lượng quân đội và công an đều bị buộc phải tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Đảng. Bù lại, quân đội cũng như công an có thêm hàng trăm sĩ quan được phong quân hàm cấp Tướng, có thêm rất nhiều quyền hành và quyền lợi. Lẽ tất nhiên người ta phải thắc mắc : quân đội nhân dân với nửa triệu chiến sĩ, mấy trăm tướng lĩnh lo bảo vệ bờ cõi chống xâm lăng phải thề nguyền tuyệt đối trung thành với Tổ Quốc là đúng nhưng buộc phải thề tuyệt đối phải trung thành với Đảng cộng sản, ngay cả trước khi thề trung thành với Tổ Quốc thì nhằm mục đích gì ? Bảo vệ Đảng, đúng hơn là bảo vệ một dúm quan chức nhưng chống lại ai nếu không phải là chống lại chính nhân dân ? Chống lại chính Tổ Quốc ? Mà lời thề cưỡng bách vô lý, vô luân sẽ ràng buộc được ai khi hữu sự ?

- Sách vở tuyên truyền của đảng cộng sản cáo giác chính quyền Việt Nam Cộng Hòa của ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu độc tài, tham nhũng nên xứng đáng bị đánh đổ. Nhìn lại kỹ, về chuyện tham nhũng, người ta thấy ngôi nhà ở quê hương Phan Rang của ông Thiệu còn khiêm tốn hơn nhà của một ông bí thư huyện ủy thời nay. 16 tấn vàng đổ cho ông Thiệu ăn cắp năm 1975 thực sự đã biến mất trong túi của ai ? Về chuyện độc tài, toàn bộ lực lượng công an cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa, trong thời chiến, chỉ có một sĩ quan cấp Thiếu tướng đứng đầu với khoảng chừng vài chục ngàn nhân viên so với lực lượng công an của nước Việt Nam Mới, trong thời bình, lên tới trên một triệu công an viên "còn Đảng còn mình" và hơn 2 trăm thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, đại tướng. Sự khác biệt giải thích thế nào ? 

Những con số khủng khiếp liên quan tới ngành công an cộng sản thật khó hiểu. Gấp mấy chục lần các quốc gia có cùng dân số. Chỉ để rình mò, răn đe, kìm kẹp, khủng bố, đàn áp và sẵn sàng đàn áp dân theo đúng sách vở công an trị nay là "chuyên chính của các triệu phú, tỉ phú... đô la Mỹ". Và rất nhiều câu hỏi : Ngân sách quốc gia nào chịu cho nổi ? Tiền đâu nuôi những người này và mua lòng trung thành của họ ? Mà có mua được không ? Còn tiền đâu cho nhà thương, trường học, y tế, giáo dục ? Cho phát triển kinh tế ? Một chế độ dựa trên bạo lực coi nhân dân như nô lệ, như trâu, ngựa, như kẻ thù... là mạnh hay yếu ? Một chế độ bất lương như thế kéo dài được bao lâu nữa khi người dân đã hết sợ và biết cách tranh đấu ?

Ông Nguyễn Phú Trọng không "lú" nhưng không cứu được chính quyền cộng sản khỏi... tự lật đổ. Riêng về phần mình, để tự cứu và cứu nước, người Việt Nam phải "giúp" cái chính quyền ấy... tự lật đổ sớm hơn.

Sớm bao nhiêu, tốt bấy nhiêu !

Cao Tuấn

21/03/2021

Tham khảo :

Đi tìm một công thức giúp Chính quyền cộng sản tại Việt Nam... tự lật đổ :

Bài 1 : Nói gần, nói xa không qua nói thật

Bài 3 : Có ý chí là có đường đi

 

Published in Quan điểm

H thng truyn thông Vit Nam tiếp tc qung bá n lcgii cu nông sn ca dân chúng nhiu vùng, min ti Vit Nam. T Tui Tr va gii thiu mt s tm gương, chng hnbà Trương Th Út, ng Cn Thơ, c ngày bán bánh ướt li được 50.000 đã dành 20.000 mua rau, c ca Hi Dương (1).

nongdan1

Mt c bà viếng chùa thành ph Chí Linh sau khi tnh Hi Dương d b 34 ngày phong ta, ngày 3/3/2021. Hình minh ha.

Vit Nam đã và đang là mt trong s rt ít quc gia mà dân chúng phi nuôi c h thng công quyn ln h thng chính tr (đng, quc hi, hi đng nhân dân, mt trn t quc và vô s hi đoàn dành cho tt c các gii, thuc đ mi đ tui đ dn dt đng bào đi theolá c v vang ca đng) tt c các cp t trung ương đến đa phương. Vit Nam cũng là mt trong s rt ít các quc gia mà nông dân sng sót nh cácchiến dch gii cu đ loi nông sn vn là hoa li t trng trt, chăn nuôi. Tuy qui mô ca h thng chính tr và h thng công quyn Vit Nam thuc loi hiếm có nhưng cácchiến dch gii cu nông sn thường do dân chúng Vit Nam vì mun đùm bc nhau mà thc hin.

Trước, nông sn đng, hư thi vì con đường xut cng sang Trung Quc b tc bi lý do nào đó, gn đây, nông sn rơi vào tình trngbán không ai mua, cho không ai ly còn vì chính quyn nhiu đa phương mun bo v thành tích chng dch nên nghiêm cm lưu thông, k c phân phi nông sn t vùng có dch và Hi Dương chính là ví d minh ha rõ nht. Thm chí đ bo v th din, ngăn chn nhng ch trích v năng lc qun tr, điu hành mà bt chp thc tế (giá bán ba ký hành lá không đ đ thanh toán mt ly trà đá, không có người mua, nông dân phi nh rau, cà chua, c ci, đ xung sông), đi din chính quyn thành ph Hà Ni mnh ming khng đnh :Không cn gii cu (2) !

Nông sn không ch liên quan đến "cơm no, áo m" ca 70% lc lượng lao đng ti Vit Nam mà còn là yếu t bo đm s n đnh cho kinh tế - xã hi Vit Nam c hin ti ln tương lai nhưng t h thng chính tr đến h thng công quyn Vit Nam cùng b thí th trường nông sn. Đó là lý dogii cu nông sntr thành đip khúc ngân vang mi lúc, mi nơi (3) khiến nông thôn xơ xác, tiêu điu, nông dân lún sâu hơn vào bế tc, bn cùng. Chưa k b thí th trường nông sn còn góp phn đy nông nghip nói riêng và nn kinh tế nói chung ph thuc nhanh hơn, nhiu hơn c vào th trường Trung Quc ln chính sách ca Trung Quc.

***

Ngày 26 tháng 2 va qua, Trung Quc tuyên b, t đu tháng ba s đóng ca không nhp cng da (thơm) và các sn phm chế biến t da ca Đài Loan vì có côn trùng gây hi. Nông dân Đài Loan sng s bi Trung Quc vn là nơi tiêu th hơn 90% sn lượng da mà h thu hoch.

Ngày 28 tháng 2 - hai ngày sau khi Trung Quc đưa ra tuyên b va k, Tng thng Đài Loan t chc hp báo, công b kế hoch "Chính ph ng h, nông dân yên tâm" (4). Theo đó, chính ph Đài Loan s làm tt c mi cách đthu nhp ca nông dân trng da n đnh, không st gim.Đó không phi là cam kết suông. Bn ngày sau, các doanh nghip chế biến da c trong ln ngoài Đài Loan và h thng phân phi thc phm Đài Loan đã đt mua 41.687 tn da, cao hơn tng lượng da mà Trung Quc nhp cng trong c năm ngoái (41.661 tn). Chưa k, h thng công quyn ca Đài Loan còn vn đng viên chc ngoi giao các quc gia khác lên tiếng ng h "da Đài Loan" (5).

Da không đơn thun là "cơm, áo" và quyn li ca nông dân Đài Loan. N lc bo v người trng da ca c chính quyn, doanh gii ln dân chúng Đài Loan chng minh vi thiên h thêm mt ln na, rng tt c nhng chiêu, trò mà Trung Quc áp dng nhm gây sc ép trên Đài Loan đ duy trì chính sách "Mt Trung Quc", không th làm gim nhu khí ca Đài Loan, không th khiến Đài Loan chùn bước trên con đường khng đnh tư thế đc lp ca h trước Trung Quc.

***

Tuy dt khoát không buông b tham vng lãnh đo toàn din, tuyt đi nhưng các nhân vt lãnh đo h thng chính tr, h thng công quyn Vit Nam chưa bao gi màng ti thc trng ca th trường nông sn, hin ti tương lai ca nông dân Vit Nam. Đến gi, chương trình "Xây dng nông thôn mi" đã ngn ngót nghét 200.000 t nhưng làm sao đ nông dân có th sng bng hoa li t nông nghip (trng trt, chăn nuôi gia súc, gia cm, thy sn, hi sn) mt cách n đnh vn là câu hi dù đã được nêu ra cách nay vài thp niên vn không có câu tr li. 84% nông dân nm trong nhóm "ăn ba nay, lo ba mai", không có tích lũy (6).

Trong khi h thng chính tr, h thng công quyn Vit Nam son phê duyt đ th d án, kế hoch có "tm nhìn" đến gia thế k này thì h thng chính tr, h thng công quyn Đài Loan hành x khác. Nông nghip Đài Loan nói riêng và kinh tế Đài Loan nói chung không th đ Trung Quc nm gi như con tin. B Kinh tế Đài Loan đang thc hin hàng lot kế hoch đ m "th trường hướng Nam" (n Đ, Indonesia, Malaysia, Campuchia,...) cho c đu tư ln xut cng đ loi sn phm. Ch trong vài năm, kim ngch xut cng vào "th trường hướng Nam" đã chiếm 20% tng kim ngch xut cng ca Đài Loan (7).

Tình trng b thí th trường nông sn, mc k nông dân, đ h t xoay s vi nhng bt trc t thiên tai, dch bnh, cũng như t đi phó vi bt n bi vô s ri ro rt khó lượng đnh trong quan h thương mi nng v tiu ngch vi Trung Quc, rõ ràng là nguyên nhân khiến nông dân Vit Nam thiếu nn tng đ vng đ h tr h sng chng chc. Đã có rt nhiu người, rt nhiu ln trong nhiu thp niên tng nêu thc mc : Làm gì đ nông dân không cn trông ch vào cácchiến dch gii cu ? Thc tế cho thy, trăn tr đy thiên chí y dường như là sai. Đi tượng thc s cn gii cu v nhn thc, v ý thc trách nhim không phi là nông dân.

Trân Văn

Nguồn : VOA, 15/03/2021

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/tui-ban-banh-uot-loi-duoc-5-chuc-tui-danh-ra-2-chuc-mua-rau-cu-cua-hai-duong-20210313160720447.htm

(2) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dan-cho-ca-oto-rau-cu-do-song-lanh-dao-noi-khong-can-giai-cuu-883772.ldo

(3) https://baodantoc.vn/kich-ban-nao-sau-nhung-cuoc-giai-cuu-nong-san-tu-thien-1615100637335.htm

(4) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=195274&unitname=Xã-hi&postname=Tng-thng-tham-d-bui-hp-báo-"Chính-ph-ng-h%2C-nông-dân-yên-tâm"

(5) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=458&post=195396&unitname=Chính-tr&postname=Cơ-quan-đi-din-M-và-Canada-ti-Đài-Loan-ng-h-trái-da-Đài-Loan

(6) https://tiasang.com.vn/-quan-ly-khoa-hoc/Nong-nghiep-Viet-Nam-Nhung-van-de-ton-tai-26635

(7) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=459&post=193935&unitname=Kinh-tế&postname=B-Kinh-tế-h-tr-doanh-nghip-tiến-vào-th-trường-hướng-Nam-mi

Published in Diễn đàn

Kỳ vọng gì từ lãnh đạo Đảng cộng sản và Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới ?

Việt Nam được cho là đã thu được nhiều thành tích tích cực trong kiểm soát đại dịch Covid-19 trong thời gian qua

kyvong0

Các nhân sự cấp cao được Hội nghị Trung ương 2 vừa bế mạc của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 bỏ phiếu giới thiệu ứng cử vào các vị trí lãnh đạo nhà nước với số phiếu tập trung đều là những người có kinh nghiệm và năng lực, theo một nhà quan sát và nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Nga.

Tuy nhiên tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều chuyển động mới, dàn lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới của đảng và nhà nước Việt Nam có nhiều việc phải làm và được kỳ vọng tiếp tục những chính sách tích cực đã phát huy hiệu quả trên thực tế, trong đó có chống tham nhũng và đổi mới đối ngoại.

Hôm 09/3/2021 nhân Hội nghị Trung ương 2 vừa bế mạc, bình luận với BBC Tiếng Việt về các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ, những người được Đảng cộng sản Việt Nam dự kiến tới đây đưa vào nắm các chức vụ lần lượt là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, từ Đại học Tổng hợp Quốc gia St. Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov nói :

"Ba nhân sự cấp cao được bỏ phiếu giới thiệu với số phiếu tập trung tại Hội nghị Trung ương 2 và nếu ba vị này tới đây đều đảm lãnh các vị trí lãnh đạo nhà nước như dự kiến, theo tôi đây là một điều rất tốt cho Việt Nam.

"Bởi vì đó đều là ba người có kinh nghiệm quản lý và có uy tín ở trong đảng, và chính vì thế Đại hội 13 vừa qua của Đảng cộng sản Việt Nam đã ủng hộ các vị này, bởi vì trong thời gian này họ làm việc rất thành công, nhất là trong lĩnh vực quản lý vĩ mô nền kinh tế, công tác tổ chức cán bộ đảng, bên cạnh Tổng Bí thư của đảng người đã lãnh đạo tốt công cuộc chống tham nhũng, tạo nên ba điểm mạnh của Việt Nam hiện nay. Trong đó chống tham nhũng rất thành công, đó là một vấn đề rất quan trọng mà nó có rủi ro ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và sự sống còn của chế độ.

"Đây là những điểm tích cực nếu để ý rằng tình hình thế giới và khu vực hiện đang trở nên càng ngày càng phức tạp, và trong bối cảnh đó Việt Nam chứng minh được là có thể phát triển một cách ổn định và đấy là điều theo tôi là rất tốt đối với Việt Nam.

"Trước đây, trong lĩnh vực xây dựng đảng, người ta đã nói rằng công tác nhân sự, cán bộ là hết sức quan trọng, việc chọn được đúng người ra làm việc là then chốt, do vậy Đảng cộng sản Việt Nam từ khi được thành lập cho đến nay đã luôn lưu ý vấn đề này do đó đã làm việc thành công và đấy cũng là điểm mạnh mang tính đặc thù của hệ thống chính trị hiện nay của Việt Nam."

Kỳ vọng gì ở dàn lãnh đạo mới của Việt Nam ?

Về kỳ vọng với dàn lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam hậu Đại hội 13 và trong thời gian tới đây ở nhiệm kỳ mới, Giáo sư Vladimir Kolotov nói với BBC :

"Tất nhiên, trên đây là những điểm tích cực, thành công, nhưng trong tương lai và thời gian tới đây, tình hình quốc tế, khu vực có thể còn nhiều chuyển động, biến đổi và tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam ở nhiệm kỳ mới còn có nhiều việc phải làm, nhất là cần lưu ý một số vấn đề và thách thức trong đối nội và đối ngoại.

"Trước hết, phải thừa nhận Việt Nam có những điều rất tốt và Việt Nam cần tiếp tục đường lối vừa qua, một đường lối rất thành công, mặc dù Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lớn tuổi và phải nói thêm là ông đã nói là ông xin nghỉ, nhưng Đại hội tín nhiệm và đề nghị ông tiếp tục làm việc, vì ông đã làm việc thành công, để đào tạo thế hệ mới mà tôi gọi là thế hệ 3, hay thế hệ 4+.

"Nhưng vấn đề giữ được sự ổn định trong phát triển là rất quan trọng, với tình hình ở Việt Nam nhiều người e ngại là đường lối có thể bất ngờ thay đổi hoàn toàn, việc giữ cho được tính ổn định có thể dự đoán được trong đường lối, chính sách theo tôi là điều rất tốt và cần cho các nhà đầu tư, cho người dân và thế giới bên ngoài.

"Tình hình thế giới và khu vực bên ngoài vẫn có thể còn nhiều biến động, quan hệ Mỹ và Trung Quốc còn rất phức tạp, trong ảnh hưởng của nó, đối với quan hệ Việt - Trung, Việt Nam cần khéo léo phát huy được những điểm tích cực, điểm mạnh, đồng thời vô hiệu hóa được những điểm yếu mà khi nào có điều kiện tôi sẽ phân tích thêm.

"Nhân đây, tôi muốn bình luận về ông Phạm Bình Minh, nhà lãnh đạo của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong hai nhiệm kỳ tới nay, qua những gì quan sát được, tôi đánh giá rất cao và rất tốt kết quả làm việc của ông Phạm Bình Minh.

"Ở Việt Nam, chủ trương quyết sách cấp cao nhất số một về đối ngoại là Bộ Chính trị, nhưng vị trí quan trọng về mặt chính phủ thực thi kế sách, chính sách đối ngoại là Bộ Ngoại giao, vừa qua Việt Nam thêm bạn, bớt thù nhiều, về kinh tế đối ngoại và kinh tế nói chung tăng trưởng tốt, thực hiện chính sách hợp lý có vai trò của Bộ Ngoại giao.

"Việt Nam trong thời gian qua đã ngày càng nâng cao vị thế của mình trên thế giới và khu vực, Bộ Ngoại giao là một trong những bộ chủ chốt của Việt Nam, cho nên người lãnh đạo ngành ngoại giao này là hết sức quan trọng.

"Và ông Phạm Bình Minh đã làm việc hết sức thành công và tôi hy vọng người sắp tới đây thay thế ông Minh cũng sẽ làm việc thành công không kém, mặc dù tình hình quốc tế còn rất phức tạp.

"Nhân đây, tôi xin có một điều chia sẻ thêm rằng nhìn lại lịch sử, Liên Xô trước đây và nước Nga hiện nay không bao giờ xâm lược Việt Nam, trong khi đó hai đối tác kinh tế mạnh nhất của Việt Nam bây giờ là Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc đang cạnh tranh chiến lược ở quốc tế và khu vực hiện nay, đều đã từng xâm lược và có thể xâm lược hoặc tham gia can thiệp vào nội bộ Việt Nam trong việc lật đổ chế độ.

"Cả hai cường quốc này đều là như thế, dù bên ngoài họ là những 'người bạn mới' hay 'đối tác lâu đời' của Việt Nam, nhưng đều là những đối tác rất phức tạp. Trong khi đó, Nga là một thành viên rất uy tín của cộng đồng thế giới và Nga có chủ trương không can thiệp vào nội bộ của các nước, Nga chỉ muốn phát triển quan hệ về mặt kinh tế, văn hóa, khoa học v.v.

"Chính vì thế duy trì tốt quan hệ với Nga là điều rất tốt đối với Việt Nam và hiệu quả từ quan hệ này cũng sẽ tốt đối với cả khu vực, kể cả Trung Quốc và Mỹ.

"Còn trở lại chính sách chung và đường lối của đảng và nhà nước Việt Nam vừa qua, kể cả đối nội, trong đó có chống tham nhũng và đối ngoại, trong nhiệm kỳ mới của ban lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, tôi cho rằng với những chính sách, đường lối mà đã chứng tỏ là thành công trên thực tiễn, thì Việt Nam cần tiếp tục," Chủ nhiệm Khoa Lịch sử các nước Viễn Đông, nhà nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg nói với BBC từ Nga.

Theo Vladimir Kolotov

Nguồn : BBC, 09/03/2021

Published in Diễn đàn