Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

22. Đảng cộng sản Việt Nam tồn vong ra sao trong thế giới toàn cầu hóa mới

Một tương lai bất định đang ở phía trước – ngay sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.

dcsvn1

Kinh tế hậu covid

Một tương lai bất định đang ở phía trước – ngay sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt. Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu), khi thế giới bị khủng hoảng thì Việt Nam sẽ bị vạ lây, kể cả nếu không bị đại dịch. Khi bị phụ thuộc quá nhiều vào các nước bên ngoài thì Việt Nam phải chịu những tai họa không phải do mình gây ra. Tai họa đó đang đến : 

1. Đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam đang giảm sút so với 2 năm vừa qua, theo các con số thống kê do Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố hôm 27/07/2020 ; 

2. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao những năm qua nhờ được giới tư bản nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam để xuất cảng, lợi dụng khối nhân công rẻ mạt trong nước ; 

3. Có đến 70% trị giá hàng xuất cảng của Việt Nam là từ khu vực các công ty ngoại quốc đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là điện thoại của hãng Samsung.

Ba sự kiện nói trên rất bất lợi cho kinh tế Việt Nam trong trật tự thế giới mới kể từ 2020 trở đi. Hàng triệu người Việt Nam sẽ bị thất nghiệp vì hàng hóa Việt Nam làm ra sẽ không ai mua hoặc chưa mua. Những thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam do Covid-19 gây ra là vô cùng lớn vì kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu). 

Trong một nền kinh tế bình thường thì xuất nhập khẩu bằng 50% GDP là an toàn. Chỉ số đó của Việt Nam hiện nay là từ 200% đến 250% của ngưỡng an toàn (xuất nhập khẩu Việt Nam trong năm 2019 là 517 tỉ USD trên GDP hơn 200 tỉ USD). 

Khi nền kinh tế phụ thuộc quá nặng vào bên ngoài như vậy thì Việt Nam phải gánh chịu những tai họa và rủi ro không do mình gây ra. Tai họa đó là Covid-19. Các kế hoạch và mục tiêu kinh tế của Việt Nam hoàn toàn bị đảo lộn.

Hoang tưởng là căn bệnh không thuốc chữa của Đảng cộng sản Việt Nam. Đúng là trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì Việt Nam có mọi triển vọng là một quốc gia phát triển mạnh nhất trong năm 2020. Lý do là thế giới bắt đầu rút lui và tiến tới ngừng hợp tác với Trung Quốc vì Trung Quốc là một quốc gia độc tài và là một mối nguy cho hòa bình thế giới. 

Các công ty, nhà máy sẽ rút khỏi Trung Quốc và sẽ chuyển sang các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Sỡ dĩ thế giới ưu ái cho Việt Nam là vì muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo của Trung Quốc. Sự ly dị giữa thế giới và Trung Quốc là dứt khoát và không thể đảo ngược. Đảng cộng sản Việt Nam không hiểu điều đó và cũng có thể họ toan tính rằng thế giới sẽ còn phải đối đầu lâu dài với Trung Quốc nên sẽ o bế, chiều chuộng Việt Nam. 

Covid-19 làm thay đổi tất cả. Thế giới sẽ triệt thoái khỏi Trung Quốc nhanh hơn và Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế sớm hơn. Đảng cộng sản Việt Nam tính không bằng quốc tế suy tính, nên dù đã hơi "xoay trục" sang Mỹ và các nước dân chủ nhưng vẫn không chịu thay đổi đất nước về hướng dân chủ và vẫn ngoan cố duy trì chế độ độc tài bằng cách tăng cường đàn áp, bắt bớ các tiếng nói bất đồng chính kiến, hậu quả là nền kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào suy thoái sớm hơn. 

Tính đến cuối tháng 6/2020 đã có đến 7,8 triệu người lao động mất việc, 40 triệu người bị ảnh hưởng do Covid-19, 35.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường (đóng cửa) và 75% doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô sản xuất trong quí 1 năm 2020. 

Trên 12 tỉnh thành tăng trưởng âm, trong đó có Đà Nẵng, thủ phủ miền Trung. Một báo hiệu xấu là công ty PouYuen, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu ở Sài Gòn có quy mô lên tới 62.000 công nhân đã cắt giảm 2.800 lao động và sẽ tiếp tục cho nghỉ việc khoảng 6.000 lao động từ ngày 1/7/2020 do không còn việc làm.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã bắt đầu nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Hôm 02/07/2020, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo : Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết. 

Liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thay đổi được tình thế nguy nan của nền kinh tế Việt Nam hay không ? Câu trả lời được cho là không, vì bản chất của các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa luôn mâu thuẫn với dân chủ và phát triển kinh tế lành mạnh. 

Sẽ không có chuyện vừa hợp tác và làm ăn với các nước dân chủ vừa có thể duy trì chế độ độc tài mà Trung Quốc là một minh chứng. Thế giới đã thu được rất nhiều lợi ích trong việc hợp tác làm ăn với Trung Quốc trước đây nhưng cuộc tình "đồng sàng dị mộng" này cũng đã đến lúc phải kết thúc. 

Cuộc ly dị lần này giữa các nước dân chủ với Trung Quốc là dứt khoát và không thể đảo ngược. Cuộc thư hùng giữa phương Tây và Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt với sự co cụm lại của Trung Quốc trước khi tan vỡ. 

Không có lý do gì để thế giới hợp tác chặt chẽ với một "tiểu Trung Quốc" là Việt Nam. Sự hứa hẹn và giúp đỡ của thế giới dành cho Việt Nam chỉ được thực hiện với một điều kiện là Việt Nam phải dân chủ hóa và Việt Nam phải khác Trung Quốc. 

Thế giới đã cho Việt Nam rất nhiều thời gian và cơ hội nhưng Đảng cộng sản Việt Nam Nam đã nhắm mắt làm ngơ không thèm nắm bắt lấy cơ hội ngàn năm có một đó. Tháng 8/2020 vừa qua, 27 công ty lớn của Mỹ tại Trung Quốc đã di chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam là một báo hiệu xấu cho nền kinh tế Việt Nam. 

Khi các công ty lớn của Mỹ và thế giới không đến Việt Nam thì các công ty từ Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam mang theo công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế cao khi vào Mỹ và EU nên họ sẽ tìm cách bắt tay với các doanh nghiệp Việt Nam để gian lận xuất xứ (hàng Trung Quốc gắn mác Made in Vietnam). Việc này sớm muộn cũng bại lộ và hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng theo. Cuối năm 2019 Mỹ đã áp thuế 456% lên thép Việt Nam là một ví dụ.

Cuộc chiến thông tin im ắng

Có rất ít thông tin tuyệt mật trong nội bộ cấp cao Đảng cộng sản Việt Nam lọt ra ngoài trừ khi chính họ đưa ra để đấu tố lẫn nhau. Tuy nhiên có thể suy luận và tìm kiếm một phần sự thật về những bí mật đang diễn ra trong Đảng cộng sản Việt Nam để tiên liệu kết cục bằng những thông tin đã công khai hoặc bị lộ. 

Việc tiên liệu và dự đoán về hiện tình Đảng cộng sản Việt Nam và tương lai chết sống của đảng nầy quan trọng đối với sự chuẩn bị cho tương lai nước Việt. Trước thềm Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam một lượng thông tin lớn và liên tục từ các cấp cao nhất của đảng tiết lộ ra để đánh phá lẫn nhau. 

Các Blogs như Chân Dung Quyền Lực và Quan Làm Báo được họ dựng lên, đăng những thông tin mà chỉ có các ‘đồng chí’ với nhau mới có thể biết về gia đình, tài sản riêng, con đường quan lộ, chiêu thức triệt phá nhau và các phe nhóm trong đảng… 

Cuộc hỗn chiến lúc đó được nhìn nhận như màn giao tranh sống mái của ‘phe’ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phần còn lại. Phần còn lại đó là khi hạ màn đại hội 12, Nguyễn Tấn Dũng thoái vị, Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như là thủ lĩnh của "phe thắng cuộc". 

Ông Trọng độc chiếm quyền lực trong Đảng cộng sản (sau khi ông Trần Đại Quang chết rất bí ẩn) với vai trò Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước. Sau đại hội 12, dư luận bắt đầu chứng kiến một cuộc thanh trừng nội bộ lớn chưa từng có do sự kiện các mắt xích trong ‘phe’ Nguyễn Tấn Dũng lần lượt bị bắt hoặc đang bị treo một cái án lơ lửng trên đầu. 

Trước thềm đại hội 13 lần này, cuộc chiến ‘thông tin’ không như 5 năm trước. Có thể thấy quyền lực bao trùm của ông Nguyễn Phú Trọng, khi ở ngôi vị không còn ‘đối thủ’ nặng ký, đã đưa Đảng cộng sản về trạng thái phòng thủ thông tin. Lượng thông tin đem ra ‘giao đấu’ ở thượng tầng ít hẳn so với kỳ đại hội trước làm cho Đảng cộng sản có vẻ êm xuôi trong nội bộ. 

Tuy vậy, vụ Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội bị ‘đánh’ vì một tội lạ lùng là ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’ cho thấy nội bộ đảng cộng sản đang đánh nhau bằng những vũ khí cuối cùng. Họ đã phải dùng ‘bom hạt nhân’ để tiêu diệt nhau. 

Chiêu bài chống tham nhũng, được xem như là công cụ nặng ký để thanh trừng nhau trong nội bộ Đảng giờ đây phải lồng thêm một cái án rất chính trị là ‘chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước’ mới đủ sức thuyết phục. Chúng ta có thể suy luận, chế độ đang rất lúng túng và đang suy tàn vì vũ khí ‘chống tham nhũng’ không còn thuyết phục trong nhiều trường hợp. 

Nguyễn Đức Chung là một ví dụ. Vì sao lại như vậy ? Đơn giản là không thể xây dựng và chấn chỉnh Đảng bằng cách chống tham nhũng trong chế độ chuyên chế. Bản chất của chế độ chuyên chế luôn luôn gắn liền với tham nhũng để tồn tại khi lý tưởng cộng sản chỉ là giáo điều đã suy tàn và bộc lộ sự bịp bợm.

Việc tiên liệu sự tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam và đưa ra mô thức phát triển cho đất nước cần dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn đang diễn ra trong nội bộ đảng nầy cũng như những yếu tố lịch sử của đất nước và bối cảnh hiện tại của thế giới toàn cầu hóa mới từ năm 2020. 

Việt Nam vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào thế giới vì vậy cần hình dung và hiểu được chỗ đứng của dân tộc mình trong dòng chảy của thời đại để từ đó có những khái niệm và định nghĩa đúng đắn về một nước "Việt Nam mới" trong tương lai. 

Chỉ còn vài tháng nữa là Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội 13. Đáng lẽ ra đây là thời điểm rất sôi động trước mỗi kỳ đại hội. Về phía đảng cộng sản, họ sẽ đưa ra nhiều chương trình, mục tiêu – dù là bánh vẽ – cho 5 năm tới và kêu gọi người dân đóng góp ý kiến, thảo luận. 

Về phía dư luận, đây là "thời vụ" của các đơn từ kiến nghị đảng thay đổi cái nọ cái kia, hoặc tố cáo người này người khác. Các nhân sĩ thì tùy theo nhân vật "mến mộ" mà họ sẽ nâng người này lên tận mây xanh hoặc dìm người kia xuống tận bùn đen như hồi Đại hội 12. 

Nhưng Đại hội 13 này lại hoàn toàn im lặng, một sự im lặng bất thường. Đảng cộng sản không nói gì nhiều về đại hội đã đành mà ngay cả dư luận cũng hầu như không ai quan tâm. Đơn từ kiến nghị cũng không thấy, phe nọ đánh phe kia cũng không và đặc biệt nhất là không thấy các trí thức nhân sĩ lên tiếng ngoài một vài người ủng hộ ông Nguyễn Xuân Phúc lên làm tổng thống. 

Dân chủ hóa

Trong không khí ảm đạm đó thì sự xuất hiện của tập tài liệu với tên gọi "Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho đảng" thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/17935-nguy-co-gi-i-phap-c-u-nguy-cho-d-ng của một nhóm đảng viên là rất đáng chú ý. Điều đặc biệt nhất của tài liệu này là nó kêu gọi sự thay đổi gần như là toàn diện và triệt để về hướng dân chủ chứ không vuốt ve hoặc đề nghị cải cách lặt vặt như trước đây.

Điều thiếu vắng trong tài liệu này là không đề cập gì đến vai trò của đối lập dân chủ Việt Nam. Họ chỉ muốn đảng cộng sản tự dân chủ hóa đất nước một mình. Nhiệm vụ (sứ mệnh) quan trọng nhất, cần làm nhất của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay là "tổ chức sự thất bại cho chính họ". Điều này có nghĩa là Đảng cộng sản cần tìm cách rút lui thế nào để có thể "hạ cánh an toàn". 

Đảng cộng sản đang trong hoàn cảnh như vậy. Họ không còn bất cứ giải pháp hay sự đồng thuận nào. Họ không thể đồng hành cùng dân tộc tiến về tương lai vì họ không có dự án nào cho đất nước. Việc quan trọng nhất của họ bây giờ là tổ chức sự rút lui sao cho an toàn. 

Nhưng chuyện này lại không hề dễ dàng chút nào. Tổ chức sự thất bại cho chính mình là công việc vô cùng khó khăn đối với những con người quá nhỏ bé, về trí tuệ lẫn uy tín như ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Một việc dễ nhất mà đảng cộng sản cũng phải bó tay là việc "kỷ luật" các quan chức của mình. Chỉ vì bị "cảnh cáo" mà cả chủ tịch lẫn bí thư tỉnh Quảng Ngãi đều viết đơn xin "nghỉ việc". 

Điều này không hề bình thường chút nào. Nó phản ánh sự bất ổn và bất phục tùng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Có hai lý do, thứ nhất đảng cộng sản không có nhu cầu cải tiến hoặc cạnh tranh với các đảng đối lập vì họ đã tiêu diệt tất cả các tổ chức đối lập từ trong trứng nước. Thứ hai là cơ chế bầu chọn trong nội bộ đảng với tiêu chí "hồng hơn chuyên" đã loại bỏ hết những người tài giỏi và có bản lĩnh. 

Ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng cộng sản, ngay cả trước khi bị bệnh cũng không phải là người có trí tuệ và viễn kiến. Đảng cộng sản cũng giống như các triều đại phong kiến trong lịch sử, chỉ có những người theo vua dựng nước thời kỳ đầu là có bản lĩnh và tài giỏi còn sau khi đã giành được chính quyền thì chỉ biết hưởng thụ, tranh giành và đấu đá lẫn nhau khiến triều đại bị diệt vong. 

Một dẫn chứng cho thấy sự tăm tối của Đảng cộng sản là họ đã không ý thức được những tác hại kinh khủng do Covid-19 gây ra đối với Việt Nam. Họ vẫn huênh hoang về tài chống dịch của Đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng Covid-19 sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển chậm lại trong nhiều năm. Trong 8 tháng đầu năm 2020, Việt Nam có hơn 24.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động đang chờ làm thủ tục giải thể. 

dcsvn01

Truyền thông nhà nước, vào ngày 11/09/2020, cho biết thông tin vừa nêu. Cụ thể, gần 34,5 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn làm tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm 2019. Và, số doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể là 24,5 ngàn, giảm xấp xỉ 6%. 

Trong khi đó, đã có 10,5 ngàn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục phá sản trong 8 tháng vừa qua. Tin cho biết Việt Nam trong 8 tháng năm 2020 còn có 30,6 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2019. 

Lý do cũng dễ hiểu là các nước lớn mua nhiều hàng hóa và đầu tư nhiều vào Việt Nam đang gặp khó khăn vì phải đối phó với Covid-19 tại bản quốc. Việt Nam có thể đánh mất cơ hội phát triển vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong những năm tới. Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ họp vào đầu năm 2021, từ nay đến cuối năm họ phải chuẩn bị xong hai công việc quan trọng là báo cáo chính trị, đề ra phương hướng cho 5 năm tới và sắp xếp công tác nhân sự đại hội. 

Nhưng ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo thì cho biết "thế lực thù địch" đáng sợ nhất và khó đấu tranh nhất chính là các cán bộ, đảng viên thoái hóa, tự chuyển hóa, tự chuyển biến, trong đó có nhiều người giữ chức vụ cao. 

Những người "tự chuyển biến, tự chuyển hóa" nguy hiểm đến đâu thì chưa thấy nhưng những đảng viên thoái hóa thì đã quá rõ. Họ lợi dụng chức quyền, để vơ vét cho bản thân và đồng đảng bất chấp quyền lợi người dân. 

Chính những người này sẽ phá nát và làm sụp đổ chế độ chứ không phải ai khác. Họ rất đông và cấu kết với nhau chặt chẽ nên không ai làm gì được họ. Như vậy chúng ta có thể thấy được là Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn bế tắc và tuyệt vọng. Họ không có bất cứ giải pháp nào cho đất nước và nếu có thì cũng không thể nào thực hiện được vì nó là xã hội chủ nghĩa.

Thế giới đang đứng trước những thay đổi rất sâu sắc, một trật tự dân chủ mới sắp hình thành, hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại. Một liên minh dân chủ đa cực sẽ ra đời để thay thế cho vai trò lãnh đạo thế giới mà Mỹ đã từ nhiệm. 

Trong trật tự dân chủ mới đó không có chỗ cho những nước độc tài dù đó là Trung Quốc hay Nga đi chăng nữa. Chủ nghĩa dân túy đang tàn lụi sau những lời lẽ "đao to búa lớn" nhưng không có kết quả. Thế giới sẽ phải xét lại mô hình chính trị – xã hội bằng cách tăng cường sự liên đới và bình đẳng để dân chủ và nhân quyền có hiệu quả thực hành nhiều hơn là nội dung lý thuyết trên giấy tờ hay trên ngôn từ của các chính trị gia. 

Nếu Đảng cộng sản Việt Nam có viễn kiến thì họ phải hiểu rằng chuyển đổi toàn diện về phía dân chủ là lối thoát duy nhất cho họ. Muốn chuyển đổi mà không gây ra hỗn loạn thì đòi hỏi phải có những con người thật sự có bản lĩnh, tài giỏi, quyết tâm và đồng thuận. Di sản của Đảng cộng sản Việt Nam sản quá cồng kềnh và nặng nề khiến sự chuyển đổi của họ càng khó khăn. 

Không khó để nhận thấy là ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không có ý định và khả năng đó mà chỉ có những người cấp tiến trong đảng, là những người thật sự có tinh thần dân chủ mới có thể làm được việc đó. 

 

*********************

 

23. Đảng cộng sản Việt Nam tồn vong ra sao trong thế giới toàn cầu hóa mới 

Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội 13 trong tình trạng không khác gì bao nhiêu Đảng cộng sản Liên Xô trước ngày 19/8/1991.

dcsvn2

Liên Xô đã thành công trong việc tổ chức sự tan rã của chủ nghĩa Mác-Lê trong hòa bình. Nobel Hòa Bình (1990) cho Gorbachev là xứng đáng. Trung Quốc hiện nay có nhiều khả năng là không làm được như vậy. Họ sẽ tan rã trong đổ vỡ và hỗn loạn, Hồng Kông là một ví dụ. 

Tầm nhìn hạn chế

Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ có những con người quá nhỏ bé về tư tưởng chính trị và tầm nhìn cho nên không phù hợp với những đòi hỏi cấp bách của thời cuộc và họ cũng không có giải pháp riêng cho chính họ. 

Muốn hay không thì lực lượng dân chủ và cấp tiến trong đảng nầy cũng phải đứng dậy để nhận lãnh trách nhiệm của mình. Lực lượng này phải có quyết tâm và đội ngũ để tạo ra sự thay đổi. Muốn có dân chủ thật sự cho Việt Nam thì lực lượng dân chủ trong đảng nầy phải đối thoại với các tổ chức đối lập dân chủ nhằm hình thành một liên minh dân chủ hùng mạnh để áp đặt sự thay đổi. Chỉ có một liên minh như vậy mới đoàn kết được mọi thành phần trong xã hội Việt Nam. 

Tinh thần bao dung, hòa giải và hòa hợp toàn dân của liên minh dân chủ sẽ tạo ra được một xã hội thanh bình để mọi người Việt Nam có thể tiếp tục chung sống với nhau trong nhân ái. Một cuộc cách mạng diễn ra trong trật tự như đề nghị của tài liệu "Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho đảng" là cần thiết để đất nước không đổ vỡ và đây cũng là điều kiện cần để xây dựng một thể chế dân chủ cho Việt Nam. 

Những đảng viên cấp tiến trong đảng nên ủng hộ cho "giải pháp cứu nguy" nói trên vì đó cũng là giải pháp duy nhất cứu nguy cho chính mình và giúp đảng cộng sản hạ cánh an toàn. Nếu lực lượng cấp tiến trong Đảng cộng sản Việt Nam không đứng lên thì Đảng cộng sản Việt Nam không còn một cơ hội nào để hạ cánh an toàn, mà còn phải đối diện với mối nguy tan rã trong hỗn loạn. 

Chuyển đổi về phía dân chủ

Chuyển đổi về phía dân chủ là lối thoát duy nhất cho Đảng cộng sản Việt Nam. Ban lãnh đạo đảng nầy hiện nay không có ý định lẫn khả năng đó. Chỉ một kết hợp của những đảng viên thật sự có bản lĩnh và viễn kiến mới có thể thay đổi tình thế. Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi và lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào vì họ không còn đồng thuận để làm bất cứ việc gì. 

Thế giới đã thất vọng khi Việt Nam "kiên quyết giữ vững chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên xã hội xã hội chủ nghĩa". Việt Nam không thể nào hòa cùng dòng chảy của thời đại. Một trật tự dân chủ mới đã hình thành với sự ly dị dứt khoát giữa các nước dân chủ và độc tài. 

Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và vươn lên nếu có dân chủ. Chỉ có một Việt Nam dân chủ mới có thể làm bạn với các nước dân chủ và hội nhập được với thế giới mới sau đại dịch Covid-19. 

Đảng cộng sản Việt Nam không muốn và cũng không có khả năng dân chủ hóa đất nước. Chế độ này phải thay đổi để đất nước có tương lai. Chỉ có một kết hợp mới, một lực lượng chính trị mới với một giải pháp mới mới có thể cứu nguy cho đất nước.

Chế độ cộng sản, một mô thức cầm quyền cải tiến của chế độ phong kiến dựa trên tư tưởng Khổng giáo đang tiến dần đến hồi kết theo đúng qui luật "thịnh-suy" trong lịch sử, sẽ quyết định số phận và tương lai của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Ổn định chính trị

Sự ruỗng nát của Đảng cộng sản Việt Nam đã quá lớn đến mức những tiểu tiết cũng trở thành rõ ràng và cụ thể. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rõ điều đó : "Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội… làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự". 

Đàn áp và bắt bớ khởi tố trước đại hội 13 đang gia tăng đối với đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam cũng như các bloggers xã hội dân sự và dân oan. Đáng chú ý là tin Bộ Công an muốn tăng cường bộ máy đàn áp bằng việc nâng cấp lên chính qui 750.000 dân phòng, bảo vệ tổ dân phố, công an xã… thành "lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở". 

Như vậy, cộng với hơn 1,2 triệu công an chính qui, Việt Nam có khoảng 2 triệu công an cho 95 triệu dân, tức 1 công an/47 dân. Một tỉ lệ quá lớn so với thế giới và cũng quá lớn so với một nước vừa chớm phát triển như Việt Nam. 

Tỷ lệ đảng viên và người dân tại Việt Nam là 1/25. Khi số lượng đảng viên và công an quá đông sẽ làm suy yếu đảng cộng sản thay vì làm cho nó mạnh lên. Số đông này sẽ biến đảng cộng sản thành một đám ô hợp. Nhiều đảng viên không biết gì về chính trị nhưng lại đòi hỏi nhiều đặc quyền, đặc lợi nhân danh cái mác đảng viên đảng cộng sản. 

Nhiều tội phạm nghiêm trọng là đảng viên khiến hình ảnh Đảng cộng sản Việt Nam ngày càng hoen ố. Đám kiêu binh này ngày càng lộng hành và Đảng cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ lúng túng trong việc xử lý. Chiều chuộng quá cũng không được mà mạnh tay quá cũng không xong. 

Việc thượng tá, chủ nhiệm bộ môn chủ nghĩa xã hội khoa học trường Sĩ quan Công binh Bùi Tiến Lợi bị xóa đảng tịch, đuổi ra khỏi lực lượng Dư luận viên 47 sau khi "có những bài viết, phát ngôn trên mạng xã hội trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa, để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước", là một ví dụ. 

"Đội quân" bất mãn trong nội bộ đảng sẽ ngày càng gia tăng vì chính bản chất hung ác và khủng bố của Đảng cộng sản Việt Nam đối với chính đảng viên của họ. Chế độ bất công tạo ra nhiều người bất mãn, người hài lòng với Đảng cộng sản Việt Nam rất ít, ngay cả trong giới lãnh đạo cao cấp. 

Một ví dụ là "tình đồng chí" giữa Lê Duẩn và Lê Đức Thọ trong hồi ký "Làm người là khó" của Đoàn Duy Thành. Theo lời ông Thành thì trước lúc chết 4-5 tháng, Lê Duẩn từng đuổi Lê Đức Thọ ra khỏi nhà vì thế sau khi chết các con cháu Lê Duẩn đều lo sợ cả nhà bị giết. Rất may là điều đó đã không xảy ra. 

Mối quan hệ giữa cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đương kim Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì giống như kẻ thù hơn là "đồng chí". Không nhất thiết phải ở trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam thì mới có thể biết rằng đảng nầy đang rất phân hóa và chia rẽ. 

Một tổ chức chính trị chỉ có thể đoàn kết và đồng thuận với nhau khi cùng chia sẻ một tư tưởng chính trị và một dự án chính trị. Đảng cộng sản không còn cả hai thứ đó cho nên đội quân khổng lồ của họ chỉ có thể xác và số lượng chứ không có tâm hồn và trí tuệ. Do đó Đảng cộng sản Việt Nam sẽ phân hóa thành 3 khuynh hướng :

1. Nhóm bỏ cuộc và bỏ chạy. Nhóm này đông nhất và cách bỏ cuộc của họ dễ thấy nhất là gom góp tiền bạc và chạy ra nước ngoài. Nhiều đại biểu quốc hội và quan chức cao cấp có hộ chiếu nước ngoài. Họ đã gửi con cái và tài sản sang các nước tư bản và sẵn sàng ra đi khi có biến. Nhóm này không còn quan tâm đến đất nước, họ không ủng hộ hay chống đối chế độ lẫn phong trào dân chủ. Họ chỉ làm "mất máu" cho đảng cộng sản và đất nước khi đem tiền của vơ vét và tham nhũng ra nước ngoài.

2. Nhóm tranh luận và đòi thay đổi. Đây là nhóm các đảng viên trung cấp trong đảng. Nhóm này chưa đông nhưng sẽ là mạnh nhất và có khả năng tạo ra thay đổi nhất vì họ có hiểu biết, quyết tâm và ý chí. Đại diện cho nhóm này là những người tham gia viết tài liệu "Nguy cơ và giải pháp cứu nguy cho Đảng".

Nhóm nầy chỉ là thành phần trung cấp trong đảng vì giới lãnh đạo chóp bu không thể phát biểu như vậy. Nếu ông Trọng hay ông Phúc mà phát biểu như vậy thì Đảng cộng sản sẽ tan ngay lập tức. Đảng cộng sản càng phân hóa và rã rượi thì nhóm này càng mạnh lên và có tiếng nói. Có lẽ nhiều đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã hiểu rằng chỉ có một lối thoát duy nhất là "chuyển đổi dứt khoát về dân chủ" mới có thể cứu được họ. 

Trung Quốc đang khủng hoảng và không còn là chỗ dựa cho Đảng cộng sản Việt Nam. Việt Nam có muốn đu dây cũng không được vì cuộc ly dị giữa Trung Quốc và các nước dân chủ là dứt khoát và không thể đảo ngược. 

Cuộc ly dị này không chỉ mỗi Mỹ và các nước dân chủ mong muốn mà ngay cả khối ASEAN cũng mong đợi. Dù vậy chuyện "thoát Trung" cũng khiến nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam chia rẽ và phân hóa nặng nề. Muốn "theo Mỹ" thì Việt Nam phải bơi qua con sông ngăn cách giữa hai thể chế chính trị độc tài và dân chủ. Đảng cộng sản Việt Nam sẽ chết đuối vì không biết bơi.

3. Nhóm bảo thủ. Đây là những người trung thành với chế độ đến cùng đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng. Nhóm này không đông nhưng là nhóm "cầm lái", là những người có nhiều quyền lợi và chức vụ gắn bó với sự tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam. Sở dĩ Đảng cộng sản Việt Nam không thể cải tổ vì vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhối cho ban lãnh đạo cộng sản hiện nay.

Tăng trưởng kinh tế biện minh cho sự ổn định chính trị

Tình hình kinh tế của Việt Nam thời hậu Covid-19 sẽ rất khó khăn vì quá phụ thuộc vào xuất khẩu nên mọi kế hoạch có thể bị ảnh hưởng do các tác động từ bên ngoài. Muốn cứu nguy nền kinh tế và dọn đường để thu hút các công ty nước ngoài đang rút khỏi Trung Quốc thì chính quyền cộng sản Việt Nam phải tiến hành cải cách rất mạnh tay như xóa bỏ độc quyền các doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực then chốt như hàng không, điện lực, xăng dầu, giao thông (xóa bỏ toàn bộ các trạm BOT trên quốc lộ 1A).

Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trước một tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Họ đã có mong muốn lựa chọn ‘thoát Trung’ nhưng họ lại không dứt khoát với việc lựa chọn mô hình tổ chức xã hội dân chủ để đi theo. Lịch sử ghi nhận việc họ từng hạ mình khúm núm với Trung Quốc sau khi Liên Xô sụp đổ. 

Lịch sử cũng ghi nhận rằng năng lực và nhận thức của họ cũng chỉ luôn đi theo mô hình chuyên chế dù họ có thay đổi quan thầy và chính sách. Có thể hình dung được ý định hiện nay của họ là dù ‘thoát Trung’ bằng cách giảm thiểu bị chi phối quyền lực từ Bắc Kinh nhưng ý thức hệ độc tài thì không thay đổi. 

Đảng cộng sản Việt Nam nhìn về mô hình Trung Quốc thời kỳ Đặng Tiểu Bình và đang cố học theo cung cách "Thịnh vượng đảm bảo cho tính chính danh của Đảng và bạo lực là công cụ duy trì chế độ khi cần". Có thể Nga là một mô hình được Đảng cộng sản Việt Nam tính đến việc ‘lựa chọn’ vì đảm bảo được sự hòa nhập với Phương Tây mà vẫn duy trì được chế độ độc tài dựa trên chế độ tổng thống. 

Đảng cộng sản Việt Nam vẫn cố gắng giữ nguyên hiện trạng với một thỏa ước ngầm giản dị : "Tăng trưởng kinh tế biện minh cho sự ổn định chính trị". Nhưng Covid-19 như một cơn lốc, cuốn bay đi thỏa ước đó, Việt Nam đang từ một nước chuẩn bị đón nhận những nguồn đầu tư dồi dào từ Phương Tây – sau khi Trung Quốc bị cô lập về mặt kinh tế – bỗng chốc hóa trơ trọi. 

Covid-19 khiến các quốc gia phát triển phải lo tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh trong nội bộ trước nên chưa thể triển khai các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài. Đây là một tình thế hiểm nghèo cho sự tồn vong của chế độ vì nó làm phá sản ‘thỏa ước’ giữa Đảng cộng sản Việt Nam và người dân Việt Nam. Kinh tế gặp khó, xây dựng và chỉnh đốn Đảng thất bại. Kết cục của Đảng cộng sản Việt Nam tất yếu là phân hóa và tan rã và sẽ kết thúc sự tồn tại vì không còn lý tưởng. 

Liên Xô – Bài học Lịch sử từ Gorbachev

Bài học lịch sử vẫn còn đó : Đất nước Việt Nam đã trải qua hàng ngàn năm chiến tranh và thay đổi các triều đại bằng bạo lực và chết chóc. Vì vậy, cần kết thúc vĩnh viễn lịch sử đau thương đó bằng cách mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước : Kỷ nguyên của hòa bình, tự do, dân chủ, bao dung và liên đới trong tình anh em tìm lại với nhau.

Vào thời điểm 1991 Liên Xô đã chín muồi cho một cuộc chuyển hóa về dân chủ. Người dân đã chán ghét chế độ và muốn thay đổi, đảng cộng sản đã mất lý tưởng và phân rã nghiêm trọng, người dân không chỉ muốn thay đổi chế độ mà còn biết mình muốn gì, nghĩa là một chế độ dân chủ. 

Gorbachev và các lãnh tụ Liên Xô lúc đó tin rằng Đảng cộng sản Liên Xô có thể dần dần thay đổi để thích nghi với tình huống mới mà vẫn giữ được chính quyền. Nhưng họ đã lầm to. Một chế độ không còn lý do tồn tại thì trước sau cũng phải sụp đổ dù có hay không có một giải pháp thay thế. Và đó là điều sau cùng đã xảy ra cho Liên Xô vào ngày 19/8/1991. 

dcsvn3

Gorbachev, có lẽ vì được tâng bốc và quá tự tin, đã không nhìn thấy những dấu hiệu thực ra khá rõ ràng của một sự sụp đổ đã gần kề như sau :

1. Ý thức hệ Mác-Lênin đã sụp đổ và trở thành trò đùa dân gian, đảng cầm quyền không còn một lý tưởng chung nào làm chất keo gắn bó các đảng viên với nhau nữa nên nhanh chóng trở thành một đảng cướp.

2. Tham nhũng đã tràn ngập bộ máy chính quyền và những đợt thanh trừng chống tham nhũng chỉ gây hận thù nội bộ chứ không làm sạch được một bộ máy chính quyền đã quá ung thối.

3. Pháp luật trở thành bất lực, hung bạo và tùy tiện như trong mọi chế độ sắp sụp đổ. Những người bị bỏ tù về tội tham nhũng cũng không tham nhũng hơn những người bỏ tù họ ; họ chỉ không may thuộc phe thua.

4. Sau cùng đảng cầm quyền đã phải tập trung quyền lực về một người vì không còn khả năng để đi đến đồng thuận trong một quyết định chung nào cả. Độc tài đảng trị nhường chỗ cho độc tài cá nhân.

Tuy vậy, Gorbachev đã để lại một câu nói quan trọng đã trở thành quy luật chính trị học : "chế độ cộng sản chỉ có thế xóa bỏ chứ không thể cải tổ". Câu nói này cũng được Boris Yeltsin, đồng chí trở thành đối thủ của ông, tán thành.

Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị Đại hội 13 trong tình trạng không khác bao nhiêu Đảng cộng sản Liên Xô trước ngày 19/8/1991. Cả bốn dấu hiệu sụp đổ của Liên Xô nói trên đều hiện thực rõ ràng cho Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 2020 nầy.

Điều khác biệt là Việt Nam không có được một con người đầy uy tín và có sức thuyết phục như Gorbachev. Đảng cộng sản Việt Nam có biết rút ra bài học đúng từ Liên Xô không ? Có xác suất lớn là không. Không phải ai cũng rút ra được những bài học lịch sử. Cho đến nay các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam chỉ biết rút ra những kết luận thiển cận và sai lầm từ những biến cố lớn.

Họ đang bị bắt buộc phải tách rời khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và đứng hẳn về phía các nước dân chủ với hậu quả tất nhiên là phải dân chủ hóa càng nhanh càng tốt, chậm ngày nào nguy ngày đó. Tuy vậy họ vẫn tìm mọi cách để bóp nghẹt mọi tiếng nói dân chủ mà không hiểu rằng bài học lớn nhất từ Liên Xô là không thể có chuyển hóa thành công nếu không theo con đường dân chủ.

Đảng cộng sản Việt Nam đang cầm quyền không còn tư tưởng chính trị làm hạt nhân gắn kết nên chế độ cầm quyền vá víu không theo một mô thức chính thức nào hết. Quân đội và công an rã rời lo vun quén & tham nhũng, toàn dân thờ ơ lo đời sống riêng tư trong một xã hội rã rời. Mác-lê là hư cấu đã bộc lộ rõ và định hướng xã hội chủ nghĩa là một ảo tưởng phi khoa học.

Theo định nghĩa của Hegel, lịch sử kết thúc khi con người hiểu biết hoàn hảo về bản thân và khả năng làm chủ bản thân, khi cuộc sống hợp lý và minh bạch. Hợp lý và minh bạch là giá trị của chủ nghĩa tự do cổ điển (classical liberalism), và là hai yếu tố không thể thiếu của thị trường tự do và thể chế dân chủ. Hai yếu tố đó giúp người dân hiểu cách xã hội hoạt động và cho phép họ đưa ra những lựa chọn hợp lý.

 

************************

 

24. Sự ra đời của hệ thống xã hội dân sự độc lập tạo ra cân bằng xã hội

Thước đo chính xác về ổn định quốc gia là sự hoạt động của hệ thống xã hội dân sự độc lập, song song với chính quyền và hỗ trợ chính quyền tạo ra cân bằng xã hội.

947901070

Sau đại dịch Covid-19 này xã hội sẽ thay đổi sang thông thoáng và cởi mở hơn, những người nghèo nhất xã hội sẽ được tăng lợi tức gấp nhiều lần so với trước đó. Chưa ai có thể biết và hình dung được khi nào Covid-19 sẽ kết thúc và hậu quả mà nó để lại sẽ ra sao, tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta có thể biết chắc chắn một điều là hậu quả mà nó để lại sẽ rất kinh khủng và thế giới sẽ thay đổi sâu sắc sau khi đại dịch kết thúc.

Khủng hoảng kinh tế thế giới là không thể tránh khỏi sau khi 40 thị trường chứng khoán lớn đã "bốc hơi" khoảng chừng 30.000 tỉ USD. Thiệt hại trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều. Giải pháp duy nhất và cũng quan trọng nhất để bảo vệ sự trường tồn của Đảng cộng sản Việt Nam là sự chung lưng kề vai của toàn thể dân tộc Việt Nam, bao gồm mọi thành phần xã hội, chính trị, tôn giáo… Nhưng kỳ vọng rất chính đáng và cực kỳ cần thiết này đã và đang bị những nhóm lợi ích "Quyền & Tiền" trong và ngoài đảng cấu kết với nhau để phá hủy nội lực và sự đoàn kết của dân tộc !

Những cán bộ có máu mặt, quyền thế từ trung ương tới địa phương đang cấu kết với nhau thành các nhóm lợi ích "Quyền & Tiền" chiếm đoạt và chia chác đất đai sai trái, bòn rút tài sản và tham nhũng cực kỳ bất chính, khiến nhân dân rất căm phẫn ! Căm phẫn vì các nhóm lợi ích đó đục khoét tài nguyên đất nước, phá hủy kỷ cương xã hội và đàn áp nhân dân ! Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19, những gì đã từng không thể tưởng tượng được có thể đột nhiên trở thành tất yếu.

Chúng ta đang ở tâm điểm của một cuộc cải tổ xã hội toàn cầu lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Vì vậy, từ việc đánh thuế cao hơn đối với người giàu cho đến một chính phủ minh bạch hơn đã dần dần được hiện thực tại các quốc gia đang phát triển. Và tất cả điều này chỉ là quãng thời gian chuẩn bị cho thay đổi lớn nhất của thế kỷ này.

Bây giờ, một không gian mới đã mở ra cho một cái nhìn khác, thực tế hơn về bản chất con người, đó là loài người đã tiến hóa để cùng hợp tác. Từ niềm tin đó, nhân dân có thể làm theo một chính phủ dựa trên niềm tin, một hệ thống thuế bắt nguồn từ sự ổn định quốc gia, và các khoản đầu tư bền vững cần thiết để đảm bảo cho tương lai của chúng ta.

Thước đo chính xác về ổn định quốc gia là sự hoạt động của hệ thống xã hội dân sự độc lập, song song với chính quyền và hỗ trợ chính quyền tạo ra cân bằng xã hội. Các tổ chức xã hội dân sự trong các lĩnh vực chính trị, giáo dục, tôn giáo, khoa học, lao động có được tự do thành lập và hoạt động độc lập hay không ; các nhân sĩ, trí thức, chuyên viên, tu sĩ, văn nghệ sĩ có được quyền phản biện và phát biểu theo kiến thức khoa học và lương tâm đạo đức hay không sau đại dịch nầy. Nếu trả lời là KHÔNG thì những nguy cơ nói trên của Đảng cộng sản Việt Nam không có lối thoát.

Việt Nam đã chín muồi cho sự thay đổi. Chuyển hóa về dân chủ là lựa chọn tất yếu và duy nhất cho Việt Nam. Dù vậy cách thức thiết lập chế độ dân chủ cho Việt Nam trong tương lai như thế nào thì lại rất phụ thuộc vào sự cố gắng và nỗ lực của đối lập dân chủ và các đảng viên đảng cộng sản còn ưu tư với đất nước. Nếu không chuẩn bị và bàn thảo về một giải pháp đúng đắn và khả thi cho đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp về dân chủ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Nội bộ kín bưng của Đảng cộng sản Việt Nam đã hé lộ cho thấy có Nhóm bỏ cuộc (hay bỏ chạy) khỏi Việt Nam của các quan chức cộng sản cao và trung cấp như Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc vừa bị tố cáo bỏ 2,5 triệu USD mua quốc tịch đảo Chypre… và họ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm của "nhóm bò chạy".

Đa số đảng viên cấp thấp của Đảng cộng sản Việt Nam chiếm đến 90% thì đều gắn chặt cuộc đời và số phận với đất nước Việt Nam vì vậy cần phải có giải pháp chung cho cả dân tộc chứ không thể luồn lách bằng các giải pháp cá nhân như các đảng viên cao & trung cấp bất hảo đó. Tình thế nội ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam cho phép các nhà quan sát nhận định được sự tồn vong của Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Vũ Bình, cựu biên tập viên Tạp chí Cộng Sản, thì : "Bài học có ý nghĩa quan trọng nhất cần rút ra đối với nhà nước và đảng cộng sản đang cầm quyền là, ở đâu có áp bức, bất công là ở đó có đấu tranh. Ở đâu chưa có tự do, dân chủ là người dân sẽ đòi hỏi tự do dân chủ. Người dân sẽ đòi hỏi tự do dân chủ cho đến khi nào đạt được mới thôi, vì đó là khát vọng, nguyện vọng ngàn đời của con người nói chung, và của người Việt Nam hiện nay nói riêng.

Một kinh nghiệm nữa cần lưu ý, nếu chuyển đổi, thay đổi từ độc tài sang dân chủ, cần thực hiện nghiêm túc, bằng các giải pháp đích thực để đưa tới tự do dân chủ cho người dân. Tất cả những thay đổi hình thức, giả dối hoặc nửa vời đều không đưa tới tự do dân chủ đích thực cho người dân. Và như vậy, người dân sẽ lại tiếp tục cuộc đấu tranh của mình để đòi hỏi tự do cho cá nhân và dân chủ cho toàn xã hội." Người Việt từ xưa đến nay vẫn có câu "tức nước vỡ bờ".

Những người văn vẻ hơn thì hay trích Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với di ngôn "khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc", hoặc Nguyễn Trãi với mệnh đề nổi tiếng "đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân. Cùng là người Việt, chắc chắn các đảng viên cộng sản Việt Nam không ai không hiểu điều đó. Vấn đề chỉ là liệu họ có ý thức để hướng đến sự thay đổi cho "nước đỡ tức" và "sức dân được khoan thư" hơn hay không mà thôi.

Tôi e rằng, với một nền giáo dục lỗi thời và lạc điệu, một hệ thống truyền thông luôn cung cấp "một nửa sự thật" như hiện nay, những bài học mà Đảng cộng sản Việt Nam rút ra trong lịch sử cũng như mới học được trong thời gian gần đây sẽ chỉ được vận dụng theo một cách nào đó để "giữ vững chế độ" hơn là cải cách dân chủ.

Nhưng việc giữ vững chế độ cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh toàn diện giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và các nước giàu mạnh như Nhật, Úc, Ấn, Mỹ, Liên Âu, Canada, Anh từ nay trở đi không thể do Đảng cộng sản Việt Nam chủ động dưới 2 gọng kìm là lôi kéo từ Mỹ và áp lực từ Đảng cộng sản Trung Quốc. Giữa 2 gọng kìm nầy Đảng cộng sản Việt Nam giả bộ trung lập, nhưng thực chất là theo Đảng cộng sản Trung Quốc đồng chí anh em răng môi với 4 tốt & 16 chữ vàng. Đây là nguy cơ lớn nhất của chế độ cộng sản Việt Nam, già néo đứt dây chứ không lợi gì khi Mỹ cố lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc. Thế trung lập giả tạo của Việt Nam đứng giữa Tàu-Mỹ chỉ là hình thức. Hình thức nầy sẽ đẩy nhanh tốc độ tan rã của Đảng cộng sản Việt Nam trước trào lưu quốc tế quyết tâm tiêu diệt Đảng cộng sản Trung Quốc, bởi vì :

Thứ nhất là, do ảnh hưởng rất sâu, rộng, nhanh chóng và hiệu quả rộng lớn của truyền thông mạng và ngành du lịch ra nước ngoài. Trước đây chỉ được phép nghe một chiều qua 800 tờ báo và hàng chục kênh truyền hình của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ đầu thiên kỷ II đến nay nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn dùng đến con mắt thứ ba & lỗ tai thứ ba là Internet để nhận định sự thật. 

– Thứ hai là, nhận thức của người dân Việt Nam đã vượt trội hơn thời điểm 30 năm qua rất nhiều. Họ biết phân tích trái, phải, tà, chính và ý nghĩa cuộc đời của một con người. Họ không muốn thân mình thành "giá áo, túi cơm" đơn giản như ngày xưa. Họ đã có nhu cầu về tinh thần, biết giá trị của Tự do, Dân chủ. Không muốn làm con cừu hay con bò, được ăn no, gặm cỏ và sống bầy đàn trong một cái cũi vô hình. 

– Thứ ba là, làm quan ở thể chế độc tài đã bị người đời khinh rẻ. Dù người làm quan to mấy đi nữa thì dưới con mắt phần nhiều dân chúng thì họ cũng chỉ là kẻ bất tài, vô đức. May ra chọn tách ra được một vài vị có đức thì lại bất tài. Dạng này cũng chả làm nên công trạng gì cho Nước, cho Dân, ngoài việc nghĩ ra các thủ đoạn tham nhũng. Còn loại cán bộ đảng đang làm Quan để đục khoét thì bị dân chúng khinh miệt kể cả các vị lãnh đạo từ chóp bu cho tới địa phương, với nhiều sự kiện chứng minh được tại sao họ bị nhân dân coi thường ! Thêm vào đó là cái danh oai của họ cũng đã mất, bởi Dân nhận ra là cái chức, cái quyền mà họ có được không phải do Dân bầu lên, mà do họ tự dựng ra chính quyền, rồi ngồi tụm lại với nhau chia chác quyền lực. 

– Thứ tư là, để củng cố độc tài, mị dân và lấy lại thanh danh, niềm tin của dân, Đảng cộng sản Việt Nam đã tạo ra chiến dịch đốt lò (chống tham nhũng) nhưng củi quá nhiều, vì tích tụ nhiều năm và trong số đó củi to cũng rất nhiều. Từ đó mà sinh ra nội bộ đảng đấu đá giữa các phe cánh lẫn nhau rất quyết liệt. Bên ngoài có vẻ êm ả, các đồng chí với nhau, nhìn lên tượng "Bác và cờ đỏ búa liềm" bắt tay nhau rất chặt, nhưng tay kia thủ con dao bầu ở sau lưng.

Đồng chí này muốn diệt đồng chí kia mà không dám nói, sợ bị trả thù, vì bản thân mình cũng thối tha nên đành ném đá giấu tay bằng cách làm lộ tin mật ra cho thông tin ngoài luồng phổ biến trên mạng xã hội. Chính từ đó mà lộ ra những thông tin thâm cung bí sử tối mật ra ngoài cho dân biết. Thông tin này nhiều khi rất chính xác và cụ thể. Niềm tin vào đảng của dân bị mất. Lại nực cười và trớ trêu là do đảng tự đào mồ chôn mình. Đồng chí chôn đồng chí !

– Thứ năm là xu hướng của thời đại. Thế cái cọc để con ốc "phận mỏng cánh chuồn" bám vào là Trung Quốc không còn là nơi yên thân mà gửi gắm nữa, dù có muốn cố tình nhờ nó, thông qua nó để giữ đảng bằng mọi giá.

– Thứ sáu là khối người bất đồng chính kiến ngày một tăng và dũng cảm lên so với trước rất nhiều. Sự kiện nầy làm ảnh hưởng không nhỏ tới dư luận và bang giao của Nhà nước & Đảng cộng sản Việt Nam trên trường Quốc tế. 

Mở đường đi vào cuộc cải cách chính trị đổi đời sang văn minh, tiến bộ, dân chủ và nhân quyền là phuơng thức duy nhất để thoát nguy cho Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng họ vẫn kiên định quyết liệt Mác-Lê-Mao-Hồ thì nguy cơ diệt vong chính trị bắt buộc phải xảy ra cho họ. Bởi vì thể chế chính trị toàn trị xã hội chủ nghĩa của họ đã triệt tiêu hủy hoại hoặc vô hiệu hóa nhân tố trí thức trong suốt 70 năm qua.

Nước Việt Nam cộng sản ngày hôm nay chưa nhận thức sâu sắc được những yếu kém của mình, chưa có đủ trí tuệ và ý chí khắc phục những yếu kém này, nhất là những yếu kém cố hữu nằm sâu trong sự lạc hậu và tụt hậu của chế độ xã hội chủ nghĩa. Không ít giá trị cao quý và vốn liếng quốc gia đã bị hủy hoại trong quá trình phát triển bệnh hoạn hơn bốn thập kỷ vừa qua, cái giá phải trả đắt quá, nhất là đến nay vẫn chưa khắc phục được vết thương dân tộc, đất nước bị tiêm nhiễm không ít nọc độc chết người theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trong mối tương quan với thế giới hôm nay, Đảng cộng sản Việt Nam không đủ trí tuệ để nhận thức thấu đáo về những nguồn lực rất lớn từ hơn 4 triệu người Việt hải ngoại mà không phải nước đang phát triển nào cũng có thể có được. Cho nên đảng nầy đã dùng não trạng xơ cứng của mình nặn ra Nghị Quyết 36 nhằm chiêu dụ nguồn lực đó, nhưng hàng chục năm qua chỉ chiêu dụ được bọn người cơ hội, luồn lách & quỳ lụy quyền & tiền từ hải ngọai.

Trù dập, hủy hoại, mạ lỵ và cô lập giới tinh hoa và trí thức của đất nước suốt 70 năm qua thì làm sao có người đi đầu trong giác ngộ thấu đáo tình hình mới, nhiệm vụ mới và những vấn đề đặt ra cho quốc gia trong thế giới toàn cầu hóa mới từ nay, để qua đó trở thành người truyền đạt, người đánh thức nhân dân cả nước cùng giác ngộ chính bản thân mình và những đòi hỏi của đất nước trong trật tự thế giới sau đại dịch Covid-19.

Do đó, Đảng cộng sản Việt Nam với chính sách chà đạp trí thức như vậy nên đang gặp phải nguy cơ mất hết khả năng thực hiện được một thể chế chính trị phát huy được những quyền tự do dân chủ của nhân dân, để giải phóng con người, vừa thực hiện quần tụ được dân tộc, vừa phát huy được sức mạnh của dân tộc.

Về phần Đảng cộng sản Việt Nam với tính cách là lực lượng chính trị độc tôn độc quyền nắm mọi quyền lực quốc gia lại kiên định xã hội chủ nghĩa thì làm sao huy động được trí tuệ trong cả nước đánh giá và nhận thức thấu đáo cục diện quốc tế mới hôm nay, thực trạng đất nước, những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, những quyết định phải lựa chọn ? Một câu hỏi hệ trọng liên quan đến sự mất/còn của Đảng cộng sản Việt Nam không thể tránh né, nghĩa là "tồn tại hay không tồn tại ?" (to be or not to be ?). Đứng trước những đòi hỏi của quốc gia và những thách thức của thế giới hôm nay, Đảng cộng sản Việt Nam nên hay không nên lựa chọn cho mình trách nhiệm thực hiện "điều kiện cần" là tự thay đổi chính mình trở thành đảng của dân tộc và dân chủ. 

Về phía những người tham gia vào cuộc đấu tranh Dân chủ cho Việt Nam hiện nay, họ là những người đáng quý nhất của một dân tộc, thay vì chọn con đường công danh cho mình, họ đã chọn tham gia vào cuộc đấu tranh cho đất nước, dù biết sẽ phải trả giá đắt. Họ có thừa sự dũng cảm và nhiệt huyết, họ sẵn sàng chết cho đất nước và nhiều người thực sự đã chết cho đất nước. Các cuộc cách mạng đều có mục đích đưa xã hội tiến tới một trình độ phát triển mới.

Yếu tố quyết định làm nên bước tiến của một xã hội chính là tư tưởng chính trị. Tư tưởng chính trị là khái niệm đặt ra để trả lời câu hỏi một quốc gia nên được tổ chức và sinh hoạt như thế nào. Nó là yếu tố quyết định sức sống của một quốc gia hay một phong trào, một chế độ chính trị. Nhận định này cho phép nhà đấu tranh nhìn rõ tình trạng hiện nay của đất nước và của chế độ cộng sản. Sức mạnh của một chế độ đến từ tư tưởng nền tảng của chế độ đó. Suốt 50 năm qua bộ máy cai trị Đảng cộng sản Việt Nam rất mạnh và gắn kết nhờ sự cuồng tín vào lý tưởng cộng sản.

Tình hình ngày nay đã khác hẳn. Xã hội Việt Nam đã mạnh lên nhiều, và sẽ tiếp tục mạnh lên, nhờ sự cải thiện về mức sống, sự tiến bộ về công nghệ và truyền thông, sự gia tăng của thương mại và du lịch, nhiều đòi hỏi, suy tư mới đã xuất hiện. Trong khi đó bộ máy cai trị lại yếu đi nhiều, và ngày một yếu thêm, do các đảng viên đã mất hết niềm tin vào lý tưởng cộng sản, thay vì đoàn kết với nhau trong một lý tưởng chung thì các đảng viên lại quay ra tiêu diệt lẫn nhau để tranh giành quyền lợi và quyền lực (Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Phạm Quý Ngọ…).

Tương quan sức mạnh giữa bộ máy cai trị và xã hội Việt Nam đã thay đổi hẳn và ngày một nghiêng dần về phía xã hội, tới một lúc nào đó nó sẽ nghiêng hẳn về phía xã hội và sự thay đổi chắc chắn sẽ đến. Vấn đề chỉ là khi nào và như thế nào. Trong chiều sâu, chính việc lý tưởng cộng sản mất hết nội dung đã là nguyên nhân đưa chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đi tới đoạn cuối của tiến trình sụp đổ. 

 Đó là điều tất yếu của lịch sử, mọi cuộc cách mạng là để đưa xã hội tiến tới một trình độ phát triển mới, và muốn vậy, thì các lực lượng cách mạng phải có tư tưởng chính trị, nếu không, chỉ có thể thất bại. Thảm kịch nằm ở chỗ tư tưởng cộng sản không phải là một bước tiến mà là một bước lùi so với chế độ thuộc địa trong thế kỷ trước. Bước lùi về tư tưởng chính trị này đã đưa Việt Nam từ một trong những nước có tiềm năng vươn lên nhất thành một nước chậm tiến và tụt hậu nhất. Suốt 70 năm qua, cộng sản Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi bước lùi này.

May mắn là thế hệ người Việt đầu thế kỷ 21 không xuất phát từ con số không. Nhìn thấy nguyên nhân khiến đất nước Việt Nam đã phải trải qua hết thảm kịch này tới thảm kịch khác là do sự thiếu hụt về tư tưởng chính trị, thế hệ mới vào đầu thế kỷ 21 đã kết hợp được những người còn ý chí và niềm tin vào đất nước để thay đổi hướng đi của dân tộc bằng những giá trị nền tảng và những định hướng lớn cho một nước Việt Nam tương lai, bằng những cách tổ chức xã hội hợp lý cho một nước Việt Nam mới, và chắc chắn không thể thiếu là tiến trình để đánh bại chế độ độc tài và chuyển hóa thành công về dân chủ.

"Thế giới sau dịch Covid-19 buộc các nước dân túy sẽ phải chuyển đổi từ một hệ thống nhất nguyên, tập trung và chuyên quyền sang một chế độ đa nguyên, tản quyền và phân quyền và thay thế nền kinh tế hoạch định đặt nền tảng trên các xí nghiệp quốc doanh bằng một kinh tế thị trường lấy các xí nghiệp tư làm sức mạnh.

Thêm nữa, là chuyển đổi một guồng máy chính quyền tham nhũng, quan liêu, bàn giấy, công cụ của một đảng thành một nhà nước hữu hiệu, trách nhiệm, lành mạnh, phục vụ cho công ích và phải chấm dứt lối quản lý tùy tiện bằng nghị quyết và chỉ thị để thiết lập một nhà nước dân chủ pháp trị đúng nghĩa. Bộ máy công an sẽ phải trở thành một bộ máy công an bảo vệ trật tự an ninh và dân quyền.

Các tòa án nhân dân được coi như cánh tay nối dài của công an phải được thay bằng những tòa án độc lập chỉ có sứ mạng bảo vệ & thể hiện công lý luật pháp. Phải thay thế một nền giáo dục tuyên truyền, nhồi sọ và thiếu phẩm chất bằng một nền giáo dục khách quan, khai phóng và phẩm chất cao, giáo dục và đào tạo là cuộc chiến đấu sống còn của đất nước".

Di sản của Đảng cộng sản Việt Nam để lại cho đất nước sau 75 năm cầm quyền quá là kinh khủng và nặng nề, chỉ có một liều thuốc duy nhất để chữa lành vết thương là tinh thần khoan dung dân tộc của một chế độ dân chủ trong tương lai.

Khó khăn lớn nhất là Việt Nam hậu cộng sản phải kế thừa một đất nước chồng chất hận thù, chia rẽ và thất vọng do chiến tranh và các chính sách phân biệt đối xử để lại. Sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ cũ mà không gây ra những đổ vỡ mới. Sẽ phải hòa giải người Việt Nam với nhau và với đất nước Việt Nam để cùng bắt tay nhau xây dựng và chia sẻ một tương lai chung trong một đất nước Việt Nam đáng sống, đáng yêu và đáng tự hào.

Muốn thế phải có một chính quyền dân chủ, lương thiện, trí tuệ và trách nhiệm để có thể nhận diện những vấn đề của đất nước và đề ra các giải pháp. Chỉ có một chính quyền như vậy mới có thể tạo ra được sự đồng thuận và đoàn kết dân tộc để cùng nắm tay nhau tiến vào tương lai. Đảng cộng sản Việt Nam không có khả năng đó.

Chủ nghĩa Mác-Lê đã mang lại cho Đảng cộng sản Việt Nam một khả năng động viên ghê gớm từ 1930 đến 1975. Nhưng chính nó cũng lý giải cho tình trạng rệu rã của Đảng cộng sản Việt Nam sản hiện nay vì họ không còn giấc mơ hay lý tưởng chung gì nữa khi Mác-Lê đã suy đồi thảm bại tại Việt Nam và trên thế giới.

dcsvn5

Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát.

Vậy thì đã đến lúc cần có một giấc mơ mới, một giấc mơ chung để động viên người Việt Nam tham gia vào một dự án xây dựng tương lai mới. Đó là một giấc mơ chung để động viên mọi trái tim, mọi khối óc, mọi bàn tay tham gia vào sự nghiệp xây dựng tương lai chung thay thế cho dự án cộng sản độc hại và đã phá sản. Làm người Việt Nam cho tới nay đã là một điều bất hạnh thì làm người Việt Nam trong một tương lai gần sẽ phải là một niềm vui, một may mắn và một nguồn hãnh diện.

Thế giới đã biết đến Việt Nam như là nạn nhân của hận thù và chia rẽ, của óc độc quyền lẽ phải thì thế giới sẽ phải biết đến Việt Nam sau này như là vùng đất của sự bao dung, như là một mẫu mực thành công của tình anh em tìm lại, của sự hồi sinh từ điêu tàn và đổ nát. Với giấc mơ này Việt Nam sẽ dân chủ hóa đất nước. Rồi chúng ta sẽ thấy đất nước này thay da đổi thịt, rồi chúng ta sẽ thấy dân tộc này vùng dậy chồm tới chinh phục tương lai.

Chúng ta sẽ khám phá ra sự mầu nhiệm của những giá trị rất đơn giản như tự do dân chủ, thanh bình & khoan dung dân tộc. Chúng ta sẽ thấy là một chế độ dân chủ pháp trị thành công ngay cả trong những điều kiện kỹ thuật, văn hóa, xã hội và nhân sự khó khăn vì có khả năng tự điều chỉnh và cải tiến. Đất nước nhất định sẽ đứng dậy, đi tới và tiến lên rất mạnh mẽ.

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 07/11/2020

Published in Tư liệu

19. Sự kiện bất ngờ Covid-19 xuất hiện đúng thời điểm của quy luật Thucydides 

Biện pháp nặng nề nhất nhằm nhằm chấm dứt sự phụ thuộc ‘chuỗi cung ứng’ vào Trung Quốc là "Buộc Đảng cộng sản Trung Quốc chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cho phép virus lây lan khắp thế giới".

chuoicungung1

Một cảng container tại Việt Nam. (Ảnh : Igor Grochev / Shutterstock)

Tình hình thế giới đang có nhiều biến động mà nhiều người cho là bất ngờ. Nhưng sự bất ngờ ghê gớm nhất đang ở rất gần phía trước. Bởi lẽ khi tiến trình chuyển biến – theo quy luật tự nhiên – tiến tới giai đoạn quyết định thì tiềm năng khổng lồ của tiến trình sẽ tạo nên những sự kiện mà không ai có thể ngờ được. 

Những sự kiện này sẽ thay đổi rất nhiều thói quen cố hữu của con người và làm cho cấu trúc của xã hội nhân loại dịch chuyển cho phù hợp với tiến trình tự nhiên đó. Theo lịch sử, tất cả những chuyển đổi thời đại thế giới trước đây đều luôn có những sự kiện bất ngờ đi trước và tiến trình biến chuyển hiện nay cũng không khác mấy. 

Người ta có thể nhìn thấy được tiến trình phát triển theo quy luật phát triển xã hội nhưng sẽ còn rất lâu để hiểu được nguyên nhân hay nguồn gốc vì sao quy luật đó vận hành theo tiến trình như vậy. Trong tiến trình phát triển của xã hội nhân loại, đã có những sự kiện đột ngột xuất hiện làm thay đổi nhanh chóng tận gốc rễ các trạng thái cũ để thay đổi tâm lý sống của con người làm cho con người tự sáng lập ra một xu hướng mới để tạo bối cảnh phát triển mới. Xu hướng này sẽ biến đổi thế giới theo một tốc độ rất nhanh chóng trong thời hiện đại. 

Học thuyết Nhân mãn của Malthus đã phù hợp với đại dịch "Cái chết đen" ở Châu Âu vào thế kỷ 14, làm thay đổi xã hội Châu Âu bớt phần độc đoán, kết thúc chế độ nông nô và lao động cưỡng bức, và từ đó tăng hiệu suất lao động kéo theo sự hiệu quả của vận động xã hội. Sự kiện tiếp theo là nhờ khả năng cải thiện hiệu suất lao động ngày càng tốt hơn khi khoa học kỹ thuật (cơ khí) bùng nổ trong thế kỷ 18. 

Tuy vậy, hiệu quả của sự kiện nầy đã dẫn đến phong trào thuộc địa hóa rộng khắp mà đỉnh cao là chủ nghĩa diệt chủng của phát xít quân phiệt trong Thế Chiến I & II (1924-1945). Sau Thế chiến I & II thế giới đã phát triển nhanh và tốt đẹp hơn trước khá nhiều và bước vào trạng thái toàn cầu hóa từ 1990. 

Nhưng trạng thái toàn cầu hóa trong suốt 30 năm qua nầy đã đi tới đoạn cuối – giai đoạn với đủ thứ trục trặc làm cho hiệu quả vận động xã hội không đáp ứng được nhu cầu phát triển, buộc phải thay đổi rất nhiều cấu trúc xã hội để tiếp tục phát triển, vượt qua những bất ổn. 

Một sự kiện bất ngờ nữa là dịch bệnh Vũ Hán 2019 kéo theo phong trào bất tín nhiệm Trung Quốc trong năm 2020 nầy và làm tăng tốc sự thay đổi thế giới thành một nền "toàn cầu hóa mới". Sự phát sinh dịch bệnh nầy & sự bộc lộ rõ rệt những hành xử nguy hiểm của Đảng cộng sản Trung Quốc không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả thuần túy theo quy luật khoa học chính trị "thế giới phải thay đổi khi thế lực mạnh thứ hai – Trung Quốc – muốn đứng lên lật đổ trật tự thế giới đang do thế lực mạnh nhất – Mỹ – lãnh đạo". 

Thế giới cũng đang hợp lại để truy tìm nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán, một khi sự việc được làm rõ, các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các tội danh ‘tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người’. Dư luận quốc tế cũng đã nhắc đến đợt bùng phát virus thứ hai tại chợ bán buôn Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. 

Các chuyên gia đều chế giễu Đảng cộng sản Trung Quốc bằng cách tuyên bố rằng, dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát và đã khống chế được, nhưng các khu vực có nguy cơ cao và trung bình ở Bắc Kinh vẫn không ngừng gia tăng và dịch bệnh đã lan ra 10 quận trong thành phố nầy. Gần đây, trình tự 3 bộ gen virus do chính phủ Trung Quốc công bố đều được phát hiện có mang chủng đột biến D614G. Về vấn đề này, kênh truyền thông đại lục Caixin đã trích dẫn quan điểm của các nhà nghiên cứu, cho rằng virus corona Vũ Hán đã bị đột biến. 

Tính đến tháng 5 năm nay, 70% số virus Corona mới đều là các chủng có chứa D614G, nó đã trở thành "chủng virus xu thế đột biến" trên toàn cầu. Đột biến D614G có thể làm khả năng lây nhiễm của virus tăng gấp đôi, hoặc cũng có thể làm tăng lượng virus trong cơ thể bệnh nhân và tăng nguy cơ tử vong. Lần này Bắc Kinh trở thành trung tâm của đợt bùng phát thứ hai, chính là hậu quả của việc Đảng cộng sản Trung Quốc gấp rút mở "Lưỡng hội" nhằm khoe khoang thành tích điều hành quốc gia và che giấu dịch bệnh. 

Dòng chảy thời đại đã và đang sử dụng chính sức mạnh của nước Mỹ để tăng tốc thế giới nhằm vượt qua những rào chắn độc tài toàn trị đang ngăn cản dòng chảy nầy từ nhiều năm qua. Nhờ vậy tổ chức WTO sẽ hiệu quả hơn vì chỉ có Mỹ mới đủ sức đơn phương tác động lên các định chế đa phương để đưa đến những sự cải tổ cần thiết làm cho những cấu trúc đa phương hiệu quả hơn, giúp thế giới vượt qua được những trục trặc nguy hiểm trong sự vận hành toàn cầu hóa cũ vốn đã bị Trung Quốc thao túng trong suốt thời gian 30 năm qua. 

Chưa nói đến những cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc lợi dụng những yếu kém của tổ chức WTO để tạo lợi thế nguy hại, chỉ cần nhìn vào thực tế của việc thực hiện phương châm của Tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này là mở ra cơ hội gia nhập thương mại toàn cầu cho các quốc gia để các quốc gia này thúc đẩy thịnh vượng, dân chủ, phát triển con người không chỉ cho chính mình mà cho cả thế giới, thì sẽ thấy sự thất bại đến mức thất vọng của WTO. 

Rất nhiều nước sau khi gia nhập WTO đã dùng nó để gia tăng quyền lực kinh tế cho chính quyền, từ đó củng cố vị thế chính trị của mình để thui chột sự phát triển dân chủ, thậm chí là xâm phạm Nhân quyền nặng nề hơn. Điển hình vẫn là Trung Quốc và những quốc gia ủng hộ đường lối chính trị độc đoán của Trung Quốc. Một định chế quốc tế khổng lồ mà chỉ có hiệu quả trên thực tế là làm gia tăng phát triển nghiêng lệch về phía kinh tế, không hoàn thành vai trò đối với dân chủ và con người thì nó không chỉ là thiếu hiệu quả mà còn nguy hiểm vì vô tình thúc đẩy cho chiến tranh. Mỹ đã rung lắc WTO rất dữ, đòi hỏi những cải tổ mạnh mẽ và cũng nhận được những sự ủng hộ quan trọng từ EU, G7. 

Nhưng tiến trình cải tổ này vẫn rất chậm chạp trước năm 2020. Ngày nay tốc độ này sẽ nhanh hơn nhờ nạn dịch Covid-19. Mỹ đã rút khỏi tổ chức Y Tế Quốc Tế WHO và ngừng tài trợ cho tổ chức này vì nghi rằng nó đang hỗ trợ sai trái cho Trung Quốc. Những bê bối của WHO sắp tới đây sẽ hiển lộ rõ ràng không thể chối cãi. 

Từ đó thế giới cũng dễ dàng thấy tính cấp thiết của việc cải tổ tận gốc không chỉ WHO mà cả WTO, loại trừ những cách can thiệp sai trái từ những quốc gia như Trung Quốc. Thẳng thắn mà nhìn nhận thì sẽ thấy rằng nhiều tổ chức quốc tế của Liên Hiệp Quốc chẳng làm được gì mấy so với tôn chỉ của mình. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chẳng hạn, khoảng 20 năm qua chẳng thúc đẩy được bao nhiêu sự tôn trọng Nhân quyền, hầu hết là thất bại ở những nơi có sự xâm phạm rõ rệt Nhân quyền. 

Nhiều năm qua Hội đồng này còn trở thành nơi của nhiều quốc gia xâm phạm Nhân quyền nặng nề nhảy vào để chứng minh thành tích "vì Nhân quyền" của mình, là nơi để các quốc gia và khu vực chia chác ghế với nhau theo nhiệm kỳ. Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một lời cảnh báo cần thiết. Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng sẽ phải cải tổ để có thể thực sự bảo vệ hiệu quả Nhân quyền cho thế giới. 

Những tổ chức khác có liên quan đến trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy và bảo vệ Nhân quyền cũng sẽ phải thay đổi để đảm bảo hiệu quả trách nhiệm này. Sau đó là cả Liên Hiệp Quốc cũng phải được cải tổ. Những đóng góp to lớn của Liên Hiệp Quốc từ sau Thế chiến II thì không thể phủ nhận, nhưng nhiều cách vận hành của Tổ chức này đã quá lỗi thời, nhất là cơ chế quyết định của Hội đồng Bảo An với quyền phủ quyết của 5 nước thành viên thường trực và nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ" ghi trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Sau cuộc chuyển đổi thời đại đang xảy ra hiện nay thì sự sụp đổ của những nhà nước độc tài không tôn trọng quyền con người sẽ hiện ra nhanh chóng. Hơn nữa, các thiết chế độc tài là nguồn gốc quan trọng của những yếu kém làm cho thế giới vận động trục trặc, kém hiệu quả trong hơn 30 năm qua (1990-2020). Covid-19 và Đảng cộng sản Trung Quốc là 2 tác nhân đang thay đổi cấu trúc và trật tự cũ đó. 

Trong tháng 8/2020 nầy truyền thông quốc tế có thêm sự kiện rò rỉ xác nhận Bắc Kinh đã sửa đổi & thanh lọc số liệu Coronavirus trong phòng thí nghiệm vi sinh học Vũ Hán (The Wuhan Institute of Virology) từ cuối năm 2019 để che giấu thế giới về dịch bệnh, gây cho hơn 1 triệu người chết trên toàn cầu trong số 25 triệu người nhiễm Covid-19 hiện tại, theo chuyên gia Robert Potter. 

Ông Robert Potter là chuyên gia an ninh mạng (The Sun – Sky News Australia) cho biết kết quả phân tích dữ liệu rò rỉ cho thấy "sự khác biệt to lớn" với dữ liệu được Trung Quốc cung cấp cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Nó cho thấy cơ sở dữ liệu này đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc "thanh lọc" và thay đổi số liệu thực tế về Covid-19 tại Trung Quốc. Đây là cũng là kết luận của Giáo sư Christopher Balding từ Đại học Fulbright Việt Nam, khi cho biết vụ rò rỉ dữ liệu cho thấy Trung Quốc đang "ngụy tạo số liệu của chính họ". 

Hiện giờ, dịch bệnh đã lây nhiễm cho gần 25 triệu người và sát hại hơn 1 triệu người trên thế giới. Ông Potter còn cho biết các dữ liệu không ăn khớp lọt ra sau khi một chuỗi mật khẩu có liên kết với Viện Vi-rút học Vũ Hán (WIV) bị rò rỉ trên mạng, và giải thích rằng phần lớn cơ sở dữ liệu gồm 640.000 mục đăng nhập dường như đã bị xóa trước một ngày nhất định, và số ca nhiễm "qua từng ngày" đã bị bóp méo. 

Trong khi đó, Giáo sư Balding từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng "Việc giả mạo số liệu phục vụ cho mục đích riêng cũng như các mục đích bên ngoài của Bắc Kinh". Ông Potter thừa nhận hiện có một nhóm đang nghiên cứu để tìm cách trích xuất "số liệu thực" từ độ sâu của cơ sở dữ liệu đã bị Trung Quốc thanh lọc. Ý đồ che giấu dịch bệnh, chậm công bố thông tin để đầu cơ vật tư y tế nhằm trục lợi, ngăn chặn WHO công bố đại dịch và cảnh báo đi lại, nhằm làm cho thế giới phải suy yếu trước "Trung Quốc mộng" của Trung Quốc. 

Và bây giờ Trung Quốc lại bất chấp Đại hội đồng y tế thế giới đã thông qua nghị quyết điều tra độc lập và toàn diện về dịch Covid-19 – nghị quyết được bảo trợ bởi EU và 100 nước khác – có lẽ Trung Quốc vẫn không nghĩ ra rằng từ cuộc điều tra này, cả thế giới sẽ dấy lên phong trào tìm hiểu và đào xới lên rất nhiều sự thật nguy hiểm khác về định chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Sự mê muội của "chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc" của Đảng cộng sản Trung Quốc và "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của Đảng cộng sản Việt Nam là mảnh đất tốt cho các chính trị gia độc tài, giả dối, đạo đức giả, gieo rắc những thứ xấu xa làm cho thế giới gặp phải nhiều trục trặc và kém hiệu quả. Do đó chính nó sẽ phải bị thảm bại và bị loại trừ hầu hết sau năm bản lề đang chuyển đổi 2020 nầy, để nhân loại đi vào kỷ nguyên toàn cầu hóa mới hòa bình, thịnh vượng và dân chủ hơn so với thế giới toàn cầu hóa cũ trước năm 2020. 

Tốc độ thay đổi nhanh chóng của các bản lề thời đại trước đây là thập kỷ, nhưng trong thế giới hiện đại bây giờ thì chỉ khoảng một vài năm thôi. Covid-19 đã chứng minh một cách vững chắc rằng tính chất của toàn cầu hóa mới là khi vấn đề nảy sinh ở đầu này của bán cầu có thể tác động tức thì đến đầu kia của nửa bán cầu, tương tự như những tác nhân khoa học về khí hậu và môi trường sống. 

Chuyện giấu giếm sự thật về virus và xâm phạm nhân quyền đối với bác sĩ Lý Văn Lượng không thể xem là chuyện nội bộ của Trung Quốc được nữa. Nếu thế giới có những cơ chế để can thiệp nhằm đảm bảo thông tin và bảo vệ hiệu quả nhân quyền thì có lẽ đại dịch Covid-19 đã không xảy ra mà sẽ được cả thế giới chung tay dập tắt nó từ trong trứng nước. Hiện nay đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường cho đến khi có vắc-xin. 

Mặc dù mùa hè nắng nóng nhưng coronavirus không hề biến mất mà vẫn lây lan mạnh trong các cộng đồng dân cư. Tính đến hôm nay đã có gần 25 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới với hơn 1 triệu người tử vong. Mỹ vẫn đứng đầu với gần 5 triệu ca nhiễm và hơn 200.000 người chết. Nhiều chuyên gia cảnh báo một làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ xuất hiện với hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với hồi đầu năm. Thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho thế giới là rất lớn và chưa dừng lại. 

Cuộc khủng hoảng Covid-19 này là vô cùng nghiêm trọng đối với thế giới, đặc biệt là các nước nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc như Mỹ, Châu Âu (EU), Nhật… Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới sẽ giảm mạnh vì khó khăn kinh tế và sự thay đổi về tâm lý. Người dân sẽ sống chậm lại thay vì mua sắm và chi tiêu tràn lan như trước Covid-19. Các ngành nghề về dịch vụ sẽ rất khốn đốn. Hàng trăm triệu lao động trên khắp thế giới bị mất việc. 

Sẽ không có thuốc chữa cho nền kinh tế thế giới dù có bơm bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Thế giới chỉ có thể hồi phục dần dần sau những cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Hôm 23/08/ 2020, Tổng thống Trump & nhóm chuyên gia ủng hộ đưa ra một chương trình hoạt động hết sức ngặt nghèo cho Trung Quốc dưới tên "Fighting for You" nhằm chấm dứt sự phụ thuộc ‘chuỗi cung ứng’ vào Trung Quốc, bằng nhiều biện pháp. Nhưng biện pháp nặng nề nhất lại là "Buộc Đảng cộng sản Trung Quốc chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc cho phép virus lây lan khắp thế giới".

***********************

20. Đặc tính của Thế giới Toàn cầu hóa mới từ năm 2020

Các nước văn minh đang lấy "Hệ sinh thái Internet và Trí tuệ nhân tạo mới" cho công việc và cuộc sống làm phương tiện để thực hiện "Kinh tế Trọng tâm vì con người" chứ không phải vì sự tồn tại của thể chế hay đảng phái. 

chuoicungung2

Theo tác giả Đoàn Hưng Quốc của VNTB thì trong vòng 4 năm cuối 2015-2019 của kỷ nguyên toàn cấu hóa cũ, trào lưu dân tộc chủ nghĩa và dân túy cánh hữu đồng loạt nở rộ nắm các chính quyền dân cử từ Đông sang Tây, do bởi :

 1. Toàn cầu hóa cũ và điện toán hóa dây chuyền sản xuất đã tạo ra hố sâu giàu nghèo giữa một bên là giới trung lưu cấp thấp và công nhân thợ thuyền đánh mất công ăn việc làm khi công ăn việc làm được tự động hóa hay các nhà máy hãng xưởng di dời sang Á Châu. Và bên kia gồm những chuyên viên sống trong các đô thị lớn miền duyên hải cùng giới tinh hoa ưu tú (elite) hưởng lợi lộc nhờ vào kiến thức chuyên môn và thương mại toàn cầu. 

2. Trật tự thế giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo từ sau Chiến Tranh Lạnh bị hai lần tổn thương khi Hoa Kỳ sa lầy thảm hại trong cuộc chiến Việt Nam và cuộc chiến Iraq, rồi sau đó mô hình phát triển kiểu Mỹ (Washington consensus) làm bùng nổ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 do thiếu kiểm soát thị trường tự do.

Đương kiêm Tổng thống Mỹ, Donald Trump và một số đông dân chúng Mỹ ngày nay phản đối khuynh hướng quốc tế hóa (internationalism), chống lại việc Mỹ làm sen đầm quốc tế (interventionalism) trước đây, và chống các hợp tác quốc tế như NATO, WTO và TPP nếu bất lợi cho Hoa Kỳ. Trump cũng còn ủng hộ Brexit của Anh và cùng Đông Âu chống EU và Brussel độc đoán. Các phong trào dân túy ở Nam Âu giận dữ đòi tách ly ra khỏi khu vực Eurozone để không bị nước Đức chèn ép.

3. Đại chúng hóa thông tin nhờ điện thoại cầm tay và mạng xã hội đã làm thay đổi sinh hoạt của nhân loại. Những nước như Hoa Kỳ trước đây tự do nhưng sự chọn lựa được gạn lọc chỉ trong hai hay ba quan điểm bởi giới tinh hoa như chống hay theo Walter Cronkite (đài CBS) trong chiến tranh Việt Nam và chống hay ủng hộ Martin Luther King về phong trào Dân Quyền (Civil Rights). Ngày nay ai ghét Trump thì nghe CNN ; thân Trump cứ theo dõi Fox News ; không thích xem Tivi lại lấy tin tức từ Facebook hay YouTube ; không muốn đọc báo Mỹ cứ chọn The Economist (Anh) hay Sputnik News (Nga).

Nền dân chủ thật khó sinh hoạt trong khung cảnh ồn ào hỗn loạn (cacophony) khi đám đông tụ họp lại theo nền chính trị bản sắc (identity politics – bản sắc nơi đây không giới hạn vào màu da, giới tính mà gồm những người cùng chia xẻ một quan điểm bảo thủ hay cấp tiến) để loại trừ (cancel culture) lẫn nhau mà không thể nào đạt đến sự tương nhượng và đồng thuận.

Cách mạng công nghệ 4.0

Sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0 và AI đang mở ra những khả năng phát triển hoàn toàn mới, cho phép giải quyết ngày càng hiệu quả hơn những mâu thuẫn hay những vấn đề (dù là do con người hay do thiên tai, hoặc do các yếu tố trong tự nhiên khác) đang thách thức cuộc sống của con người nói chung và của mỗi quốc gia nói riêng.

Trong thế giới hôm nay, một quốc gia có thể chế chính trị và có con người làm chủ được những tiến bộ và thành tựu mới này của văn minh nhân loại, sẽ luôn luôn giành được những thành tựu phát triển mới, sẽ có khả năng tốt hơn để thăng tiến và đồng thời có thể dấn thân cao hơn cho sự tiến bộ chung của cộng đồng các quốc gia.

Đảng cộng sản Việt Nam không có khả năng thích ứng với tiến bộ nầy, bằng chứng là 30 năm qua họ đã làm cho Việt Nam phát triển không bền vững (unsustainable development), nếu không muốn nói là "phát triển bệnh hoạn" (ill development). Chính vì lý do đó mà Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu thêm nguy cơ tụt hậu nầy. 

Cấu trúc tổng thể và toàn diện cho quá trình toàn cầu hóa mới về kinh tế thế giới hiện nay đang đặt ra cho mọi quốc gia những thách thức hoàn toàn mới, đòi hỏi mỗi quốc gia và mọi công dân của nó phải thay đổi toàn diện để tạo ra cho mình khả năng thích nghi mới và khả năng phát triển mới trong thế giới thời hậu dịch bệnh Covid-19.

Hơn nữa, Thực tế này đòi hỏi mỗi quốc gia phải tăng cường hơn bao giờ hết sức mạnh nội trị làm nền tảng gốc trên cơ sở ra sức phát huy sức mạnh của thể chế chính trị dân chủ – và đặc biệt là phát huy vai trò con người của quốc gia mình, để quốc gia có đủ trí tuệ, khả năng, bản lĩnh và thực lực ứng phó có hiệu quả với mọi tác động của những yếu tố bên ngoài chẳng hạn như đại dịch Covid-19.

Vì vậy phát huy thể chế chính trị dân chủ để phát huy được ở mức cao nhất vai trò con người (bao gồm 2 vế là thực thi quyền con người – human right, và nâng cao quyền năng của con người – people empowerment) là con đường tạo ra sức mạnh cốt lõi của mỗi quốc gia, nhưng lại là nguy cơ lớn lao cho thể chế độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa.

Giới tinh hoa hồng hơn chuyên

Trách nhiệm nặng nề xây dựng nên một thể chế chính trị như vậy cho quốc gia trước hết đặt lên vai giới tinh hoa và giới trí thức của quốc gia, thông qua những cuộc vận động xã hội khai dân trí và những cải cách chính trị – kinh tế phù hợp. Trong toàn bộ quá trình vận động này, lấy phát triển kinh tế bền vững và những tiến bộ đạt được trong cải thiện và nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của đông đảo các tầng lớp nhân dân làm động lực thực hiện công cuộc cải cách để phát triển.

Cụ thể hơn, đây là quá trình vận dụng những kiến thức và khả năng mới nhất của thành tựu văn minh nhân loại hôm nay cho xây dựng và phát triển hệ thống rường cột quốc gia – bao gồm kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự – thích nghi được và theo kịp những đòi hỏi mới của thế giới thời hậu đại dịch Covid-19. Lấy thực hiện công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình làm nguyên tắc cho mọi hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội của đời sống đất nước.

Quán tính của cộng sản nói chung và Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng không đủ điều kiện trí tuệ, tầm nhìn, tư duy và nhân sự để thực hiện chiến lược nầy, bởi lẻ sách lược xã hội chủ nghĩa cứng ngắt và không thể thay đổi, kèm theo là việc Đảng cộng sản Việt Nam xem cải cách là chướng ngại của xã hội chủ nghĩa. Trong thế giới mở của thời đại thông tin hôm nay, các nước đang phát triển có nhiều điều kiện hơn bao giờ hết để thực hiện sự thay đổi mang tính đổi đời cho quốc gia mình, để tạo ra sức mạnh cốt lõi như vừa trình bầy trên.

Nhưng điều kiện đầu tiên là giới tinh hoa và trí thức của quốc gia phải ý thức được sức mạnh cốt lõi nhất thiết phải xây dựng này và có ý chí theo đuổi và thực hiện. Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam lại không thể đáp ứng điều kiện nầy vì suốt 70 năm qua họ đã điều kiện hóa đảng viên và bộ máy công quyền thành tập đoàn "hồng hơn chuyên" !

Covid-19

Đại dịch Vũ Hán 2019 đã làm cho mặt nạ của Đảng cộng sản Trung Quốc rách nát và làm lộ ra rất nhiều yếu kém của tất cả mọi quốc gia, của những cách thức thế giới vận hành theo toàn cầu hóa cũ, của những định chế và tổ chức quốc tế vốn đã lỗi thời và kém hiệu quả trong một thế giới toàn ngày càng minh bạch và hổ tương nhau nhiều hơn. Minh chứng là virus Covid-19 (Sars-Cov-2) đã lan tỏa ra khắp thế giới trong thời gian cực ngắn từ một chấm nhỏ không được xử lý tốt ở Vũ Hán tại Trung Quốc.

Trong lịch sử mà con người ghi nhận được trên thế giới, chưa từng có một trận dịch nào hoặc sự lây lan vấn đề nào đó có tốc độ khủng khiếp như dịch Covid-19. Virus không quan tâm đến ý muốn chủ quan của con người, nó chỉ dựa vào thực tế môi trường liên kết của con người đã phẳng và ngày càng phẳng hơn để thúc đẩy sự tiến hóa hiệu quả cho chính con virus.

Đại dịch Covid-19 đã dạy cho các nhà lãnh đạo thế giới bài học về tinh thần hợp tác quốc tế để tránh những tai họa chung của loài người. Những trường hợp khẩn cấp xảy ra trên thế giới trong tương lai có thể được thu xếp, quản lý khéo léo, dễ dàng hơn cho mục tiêu toàn cầu hóa mới. Toàn cầu hóa mới là một xu thế theo quy luật phát triển xã hội tự nhiên nên sẽ không phụ thuộc vào ý muốn của người này người kia, quốc gia này hay quốc gia nọ.

Nước Mỹ đang đi đầu trong việc thúc đẩy những cách thức để giải quyết các trục trặc của thế giới, làm cho sự vận hành toàn cầu hóa mới tốt hơn 30 năm toàn cầu hóa cũ trước đây. Rút bớt chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chuyển đến Mỹ hoặc các nước khác là một cách đúng đắn và lành mạnh để làm cho thế giới toàn cầu hóa bớt lệ thuộc nguy hiểm vào Trung Quốc để chuỗi cung ứng của thế giới cân bằng và công bằng hơn.

Trung Quốc đã khai thác quá nhiều yếu kém của các định chế toàn cầu hóa cũ để tạo ra lợi thế cho mình và sử dụng lợi thế đó một cách nguy hiểm cho hòa bình thế giới, cho sự tôn trọng và bảo vệ Nhân quyền kể cả quyền con người cho nhân dân Trung Quốc. Tinh thần bài Trung đúng đắn là không phải nhằm vào người Trung Quốc hay nước Trung Quốc, mà là bài bác cách hành xử không thượng tôn trọng Nhân quyền, đạo đức giả, nói một đàng làm một nẻo, chủ nghĩa dân tộc cực đoan thúc đẩy tham vọng bá quyền, bắt nạt nước nhỏ, độc tài giả dối và bưng bít sự thật của Đảng cộng sản Trung Quốc – những thứ mà nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc không chỉ nuôi dưỡng trong nước mình mà còn nỗ lực "xuất khẩu" chúng ra khắp thế giới để có được một môi trường toàn cầu hóa theo ý muốn của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Đáng sợ là họ đã phần nào làm được như vậy nhờ vào tiềm lực kinh tế khổng lồ và từ sự lao động miệt mài của hơn 1 tỷ dân Trung Quốc mấy mươi năm qua. Các "giá trị" mà họ cổ súy không chỉ ảnh hưởng đến các nước nghèo, độc tài và tham nhũng mà còn len lỏi đến một số nơi ở Châu Âu và cả ở Mỹ.

Nếu không có sự đi đầu dũng cảm của Mỹ khi quay ngược chiều chính sách Nixon-Kissinger đối với Đảng cộng sản Trung Quốc kể từ năm 2020 nầy thì có lẽ sự lây lan của "dịch độc tài" đã lan rộng hơn rất nhiều do Đảng cộng sản Trung Quốc khai thác hệ thống toàn cầu hóa cũ. Giờ thì nạn dịch "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc" này bị dịch Covid-19 giáng cho một đòn chí tử.

Cuộc điều tra quốc tế độc lập về Covid-19 sẽ còn mất nhiều thời gian, sẽ dẫn đến cáo buộc chính thức của nhiều chính phủ sẽ đủ để thế giới "giãn cách thương mại" với Trung Quốc, không chỉ cấp quốc gia mà cả ở cấp độ cá nhân. Người ta trên khắp thế giới sẽ giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc. Khi mức độ giảm chỉ cần đến 20% thôi thì người dân Trung Quốc sẽ có thái độ chống đối Đảng cộng sản Trung Quốc mạnh mẽ hơn. Đây là cách sử dụng phương tiện hòa bình để tháo ngòi nổ chiến tranh theo quy luật hòa bình. 

Đọ sức giữa tự do và độc tài

Một đặc tính nữa của kỷ nguyên toàn cầu hóa mới từ năm 2020 nầy là cuộc đọ sức giữa tự do và độc tài mà quân đội Mỹ đã sẵn sàng đọ sức giữa hai thể chế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ngày 24/08/2020, trong một bài viết của mình đăng trên Wall Street Journal,

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper bày tỏ, thế giới đã bước vào kỷ nguyên mới của cuộc chạy đua vũ trang của hai thể chế, một bên là trật tự quốc tế tự do và cởi mở của phương Tây, một bên là thể chế độc tài của chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (tiêu đề tiếng Anh : The Pentagon Is Prepared for China. The PLA serves Beijing’s authoritarian goals. The U.S. and our allies are ready to defend every front).

Ông Esper viết rằng, ngày 01/08/2020, khi Đảng cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 93 năm ngày thành lập "giải phóng quân", ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, một lần nữa kêu gọi phát triển quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới và có khả năng thúc đẩy hơn nữa các chương trình nghị sự của Đảng cộng sản Trung Quốc ở nước ngoài. Quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc tuyên bố công khai rằng đến năm 2035 họ sẽ hoàn thành hiện đại hóa quân đội, đến năm 2049 xây dựng thành công quân đội đứng đầu thế giới.

Kế hoạch hiện đại hóa toàn diện của nó bao gồm một kho súng ống đạn dược cùng tên lửa đạn đạo lớn mạnh, một tập hợp các năng lực tác chiến điện tử, không gian và mạng lưới internet tiên tiến. Nó cũng bao gồm việc triển khai trí thông minh nhân tạo để tăng cường kiểm soát độc tài đối với người dân Trung Quốc. "Bài phát biểu của ông ấy (Tập Cận Bình) đã nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa một trật tự quốc tế tự do và cởi mở với thể chế độc tài của Bắc Kinh", ông Esper viết.

Bài báo nói rằng quân đội Đảng cộng sản Trung Quốc không phụng sự đất nước giống như quân đội Hoa Kỳ, càng không nói đến chuyện phục vụ Hiến pháp, mà nó chỉ chuyên phục vụ Đảng cộng sản Trung Quốc. Một đội quân hùng mạnh sẽ giúp Đảng cộng sản Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng đẩy hệ thống quốc tế ngả về phía Trung Quốc. Đó là một hệ thống quốc tế với các chính sách kinh tế và ngoại giao bất lợi đối với lợi ích của Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Mỹ.

Bài viết nói rằng, thế giới (phương Tây) phải bắt tay nghiên cứu về việc hiện đại hóa quân đội của Đảng cộng sản Trung Quốc và làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó và kiềm chế nó — giống như Hoa Kỳ và phương Tây đã nghiên cứu và ứng phó với các lực lượng vũ trang của Liên Xô trong nửa sau của thế kỷ 20. Vì vậy, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ phải đưa ra phản ứng toàn diện với Đảng cộng sản Trung Quốc. Bài viết nói rằng việc Đảng cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh vào việc tiến hành nhồi sọ tư tưởng, hiện đại hóa và tăng cường kiểm soát đối với quân đội cho thấy rằng người lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc coi quân đội là cốt lõi để thực hiện mục tiêu của họ.

Mục tiêu quan trọng nhất trong số những mục tiêu này là định hình lại trật tự quốc tế, phá hoại các quy tắc đã được thừa nhận trên toàn cầu, đồng thời bình thường hóa chủ nghĩa độc tài, và giúp Đảng cộng sản Trung Quốc ép buộc các nước khác phải đáp ứng điều kiện của Trung Quốc và phá hoại chủ quyền của các nước khác. Những hành động này của Đảng cộng sản Trung Quốc đã thúc đẩy Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra phản ứng toàn diện và đẩy nhanh việc thực hiện "Báo cáo Chiến lược Quốc phòng".

"Báo cáo Chiến lược Quốc phòng" hướng dẫn Hoa Kỳ điều chỉnh và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của mình, trong đó Đảng cộng sản Trung Quốc là mục tiêu chính trong cuộc chạy đua vũ trang của Hoa Kỳ. Ông Esper đã phân tích và trình bày 3 phương cách để quân đội Hoa Kỳ áp chế Đảng cộng sản Trung Quốc như sau :

- Trước hết là có một lực lượng có khả năng cạnh tranh, uy hiếp và giành chiến thắng trong tất cả các lĩnh vực trên biển, trên bộ, trên không cũng như trên tất cả không gian mạng. Ngũ Giác Đài hiện đang đầu tư vào các năng lực quy mô tiên tiến và các công nghệ thay đổi cuộc chơi, chẳng hạn như vũ khí siêu thanh, liên lạc 5G, phòng không và chống tên lửa tích hợp, và trí tuệ nhân tạo – tất cả đều vô cùng trọng yếu để Hoa Kỳ duy trì ưu thế của mình trong những thập kỷ tới.

- Thứ hai là mở rộng và củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác làm ăn của Mỹ, điều này mang lại cho Mỹ một lợi thế mà các đối thủ không sao bằng được.

- Thứ ba là thiết lập một mạng lưới rộng lớn hơn gồm các đối tác có năng lực và cùng chí hướng. Ví dụ, Hoa Kỳ đã cung cấp khoảng 394 triệu đô-la Mỹ viện trợ để tăng cường khả năng hàng hải với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Cuối cùng, ông Esper nói rằng, trái ngược với chính quyền độc tại Trung Quốc, Hoa Kỳ ủng hộ một hệ thống toàn cầu tự do và cởi mở, trong đó tất cả các quốc gia có thể đạt được thịnh vượng dựa trên các giá trị chung cùng các quy tắc và chuẩn mực lâu đời. Cuối cùng, ông Esper đặc biệt kêu gọi các quốc gia coi trọng tự do, Nhân quyền và pháp trị, và cần phải gắn kết lại với nhau để đối đầu với các hành động gây hấn phá hoại chủ quyền của các quốc gia từ phía Đảng cộng sản Trung Quốc.

Thêm nữa, theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper hôm 26/08/2020 cho biết Hoa Kỳ có trách nhiệm với khu vực Thái Bình Dương và sẽ "không nhượng bộ một tấc" lãnh thổ nào của khu vực này cho quốc gia khác. Phát biểu trong chuyến thăm Hawaii, ông Esper nói rằng Trung Quốc đã không thực hiện những lời hứa tuân thủ luật pháp, quy tắc và chuẩn mực quốc tế, đồng thời muốn phô trương sức mạnh của mình ra toàn cầu.

"Để thúc đẩy chương trình nghị sự của Đảng cộng sản Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp tục tích cực theo đuổi kế hoạch hiện đại hóa để vươn tới quân đội đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ này", ông Esper phát biểu. "Điều này chắc chắn sẽ liên quan đến hành vi khiêu khích của PLA ở Biển Đông, Hoa Đông và bất kỳ nơi nào khác mà chính phủ Trung Quốc cho là quan trọng đối với lợi ích của họ Mỹ có trách nhiệm dẫn đầu.

Chúng tôi là một quốc gia ở Thái Bình Dương, ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong một thời gian khá dài", ông Esper nói tiếp : "Chúng tôi sẽ không nhượng bộ ở khu vực này, kể cả một tấc đất, cho bất kỳ quốc gia nào khác nghĩ rằng thể chế chính trị của họ, quan điểm của họ về Nhân quyền, chủ quyền, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tất cả những điều này ở một mức độ nào đó, vượt trội hơn cả những giá trị mà nhiều nước chúng tôi chia sẻ".

Như vậy thế giới toàn cầu hóa mới vẫn do Mỹ dẫn đầu nhưng với những đặc tính khác nhiều so với 30 năm toàn cầu hóa trước cột mốc 2020. Rõ ràng nhất là Trung Quốc không đủ trí lực và vật lực để ngoi lên làm chủ vận mệnh thế giới như Đảng cộng sản Trung Quốc mong muốn. Riêng Cộng hòa Nga thì kinh tế chỉ ngang hàng Tây Ban Nha nên khó có cơ hội nắm giữ vận mệnh của thế giới trong thế kỷ 21 nầy. Vì vậy địa vị lãnh đạo thế giới toàn cầu hóa mới sau 2020 không phải Mỹ thì còn nước nào khác nữa đâu.

Điều đáng tủi hổ là ở Việt Nam, Chính phủ và Đảng cộng sản Việt Nam vẫn bám lấy cương lĩnh của các đại hội Đảng cộng sản Việt Nam cũ rích và đang loay hoay làm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng kinh tế triết học Mác-Lê, trong khi các nước văn minh đang lấy "Hệ sinh thái Internet và Trí tuệ nhân tạo mới cho công việc và cuộc sống" làm phương tiện để thực hiện "Kinh tế trọng tâm vì con người". Xin nhấn mạnh "Vì con người" chứ không phải vì sự tồn tại của thể chế hay đảng phái.

***********************

21.Đặc tính của Thế giới Toàn cầu hóa mới hậu Covid-19 

Nguồn chính của xung đột trong thế giới mới sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế mà còn có thêm vấn đề lạc hậu

chuoicungung3

Thế giới toàn cầu hóa mới từ nay đang cố gắng tiến đến tạo dựng bầu không khí cảm thông, trong đó tương lai và hạnh phúc con người trên toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau, để các nước giàu sẵn lòng vui vẻ chia sớt và các nước nghèo bình tâm cố gắng hết sức, bắt kịp bước tiến chung. Khi xã hội phục sinh sau Covid-19, con người được nhân bản hóa nhiều hơn. Đông và Tây không đối kháng nhau và trở thành hai mặt của một nền văn minh mới.

Bỏ qua những tác hại thì thấy ngay chính Covid-19 là chất xúc tác và đẩy nhanh mọi chuyện lên cao trào có tính toàn cầu. Một đặc tính quan trọng của cao trào nầy là hệ thống năng lượng của thế kỷ 21 hứa hẹn sẽ tốt hơn thời đại dầu mỏ – tốt hơn cho sức khỏe con người, ổn định hơn về mặt chính trị và ít biến động hơn về kinh tế. Trung Quốc muốn làm cho sự thay đổi này có rủi ro lớn, mất trật tự và làm tăng thêm bất ổn chính trị và kinh tế tại các quốc gia dầu lửa và tập trung quyền kiểm soát chuỗi cung ứng xanh vào tay Trung Quốc.

Tuy nhiên Trung Quốc không đủ sức kèm hãm trào lưu năng lượng sạch nầy. Một bức tranh về hệ thống năng lượng mới đang xuất hiện. Với hành động táo bạo, điện tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió có thể tăng từ 5% nguồn cung hiện nay lên 30% vào năm 2035 và gần 50% vào năm 2050.

Bảo vệ nhân quyền

Trung Quốc là nước phản đối "can thiệp vào công việc nội bộ" dữ dội nhất nhưng cũng là chính phủ sử dụng việc can thiệp nội bộ các nước khác dữ dằn nhất. Nhưng họ thực hiện không công khai, tinh vi và ném đá giấu tay. Những gì trốn tránh sự minh bạch đều dẫn đến sai trái, thậm chí là tội ác.

Thế giới toàn cầu hóa phải thừa nhận can dự/can thiệp từ nước này vào nước kia là cần thiết và xây dựng luật cùng với các thiết chế quốc tế cần thiết để đảm bảo sự can dự là công khai, minh bạch và đảm bảo tiêu chuẩn và giới hạn sự can thiệp chỉ dựa trên nền tảng của việc thăng tiến Nhân quyền. Cơ chế xã hội khoa học đã nêu ra tiêu chuẩn và giới hạn không được vượt qua để bảo vệ và thúc đẩy Nhân quyền, can dự gì cũng phải bảo đảm bình đẳng – thuộc tính quan trọng nhất của Nhân quyền.

Hiến chương và Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cần phải thay đổi để đảm bảo cho những quyết định can dự hiệu quả như trên. Nếu Liên Hiệp Quốc cứ tiếp tục như hiện nay thì Trung Quốc sẵn sàng phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào nhằm thúc đẩy, can dự để bảo vệ Nhân quyền mà bất lợi cho Trung Quốc. Trật tự mới của thế giới tới đây sẽ được xác lập dựa trên những cơ chế can dự mạnh mẽ. Cơ chế xã hội khoa học sẽ được áp dụng rộng rãi để can thiệp, giúp cho thế giới toàn cầu hóa mới vận động thuận quy luật.

Trong trật tự thế giới mới Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng mức độ sẽ giảm hơn trước nhiều, tạo cơ hội cho các quốc gia và các "liên minh từng nhóm quốc gia" – chẳng hạn như ASEAN – vươn lên đóng góp nhiều hơn và dẫn dắt xu thế phát triển ổn định của thế giới. Đây là điều mà nước Mỹ muốn và được thể hiện qua chính sách Mỹ từ hơn 3 năm qua và đây là sự thay đổi lành mạnh và hợp quy luật của nước Mỹ.

Vì người Mỹ rất rõ ràng và thẳng thắn, nên quốc tế xem đây là một cơ hội cho toàn cầu hóa mới kể từ đại dịch Covid-19. Chừng nào mà Mỹ vẫn còn là thành trì của dân chủ và QUYỀN CON NGƯỜI thì vẫn chưa có sự thay đổi vai trò dẫn dắt chủ đạo trên thế giới. Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của Nhân quyền hơn bao giờ hết. Virus đã bùng phát được vì Nhân quyền đã bị chà đạp, bị bịt miệng để phục vụ cho lợi ích nhỏ nhen của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Chỉ một trục trặc trong bảo vệ Nhân quyền như vậy cũng đủ để tấn công đến lợi ích của hàng tỷ người trên thế giới. Sẽ phải có đến hàng chục triệu người nhiễm bệnh và cả triệu người chết vì nó. Lợi ích kinh tế thì tổn hại ghê gớm, không thể đo đếm hết được. Thực ra lâu nay, từ lúc toàn cầu hóa cũ trở nên sâu rộng, những tác hại của sự xâm phạm Nhân quyền xảy ra ở nước này lại tác động đến nước khác đã trở nên phổ biến. Nhưng ít người nhìn thấy được, và nó cũng dễ dàng bị lấp liếm bởi các chính phủ độc tài. Covid-19 đã giúp phơi bày vấn đề này một cách rõ ràng hơn.

Sẽ không chỉ là thiếu sót mà còn là sai lầm chiến lược khi chỉ nhìn đại dịch Covid-19 như một vấn đề y tế và tập trung mọi giá vào đó để chứng minh năng lực cầm quyền bất chấp cái giá xâm phạm nghiêm trọng Nhân quyền. Virus tấn công vào tất cả các nước, các thể chế khác nhau và cũng chẳng vì bất cứ ý thức hệ nào. Nó giúp các quốc gia bị nạn dịch nhìn nhận những yếu kém thực tế đã bộc lộ để điều chỉnh hệ thống pháp lý và đạo lý để bảo vệ Nhân quyền hiệu quả hơn.

Chẳng hạn những nơi nào con người tự do quá trớn thì cần có cách hạn chế bớt lại, cần có luật cho phép chính phủ thực hiện những giới hạn cần thiết trong tình trạng khẩn cấp đối phó với dịch bệnh. Cần nỗ lực tìm ra cách thức chống dịch để thế giới không bị hỗn loạn và tổn hại quá lớn như lần nầy.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo những cơ chế minh bạch thông tin toàn cầu và đặc biệt là làm sao bảo vệ được quyền ngôn luận cho từng cá nhân trên khắp thế giới không bị đe dọa, bịt miệng và trù dập khi nói ra sự thật. Covid-19 đã cho thấy tính cấp thiết của biện pháp phòng ngừa hiệu quả này. Lấy cớ "giữ ổn định, tránh gây hoang mang xã hội" mà lại tạo ra sự rối loạn và tang tóc như Covid-19 đang diễn ra tại Trung Quốc là một tội ác chống nhân loại.

Xâm phạm nghiêm trọng Nhân quyền hoặc cấm đoán tùy tiện không theo luật thì sẽ làm xói mòn niềm tin của con người vào luật pháp và sẽ nhận những hậu quả trái ngược với mong muốn. Chính quyền Trung Quốc đã phải nhận ngay gáo nước lạnh từ những cáo buộc về giả dối ngay trong lúc họ ra sức tự ca ngợi năng lực y tế và lãnh đạo vượt trội của mình. Nhưng nguy hại hơn, nếu không tìm ra kịp vaccine thì những xã hội bị cách ly độc đoán như ở Trung Quốc có thể sẽ lãnh những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng nếu xảy ra làn sóng Sars-Cov-2 thứ hai, thứ ba, hoặc là 1 biến thể mới nào đó của virus Corona.

Tốc độ ứng biến để tiến hóa của virus bây giờ là nhanh khủng khiếp so với trước đây. Tốc độ nghiên cứu vaccine không thể chạy kịp chúng. Những xã hội bị cách ly độc đoán sẽ không có khả năng miễn nhiễm cộng đồng – một cách tiêm ngừa tự nhiên rất hiệu quả. Có khi vaccine cho Sars-Cov-2 vừa tìm ra thì nó đã biến thể, tiến hóa sang chủng mới rồi. Vào thời gian này của Covid-19 – giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại chính là cơ hội dành cho những ai hướng theo tiến trình toàn cầu hóa mới để tiến tới thượng tôn Nhân quyền ngang bằng với nguyên lý "thượng tôn luật pháp" trong các xã hội dân chủ.

Những nhà độc tài chính trị của Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam chưa ý thức rõ rệt tiến trình nầy, vì tiến trình nầy đang bước vào thời đại Nhân quyền mà họ luôn luôn dị ứng. Đặc trưng "Nhân quyền" của thời đại mới này ngày càng rõ nét. Sự kiện chấn động nhất thế giới ngay đầu năm Canh Tý chính là Covid-19 – tác nhân mạnh mẽ thúc đẩy thế giới dân chủ hơn dựa trên nền tảng thượng tôn Nhân quyền.

Còn nguy cơ thì sẽ dành cho những nhà lãnh đạo quốc gia nào ráng lội ngược lại dòng chảy này để chống lại Nhân quyền, với hậu quả đến mức có thể sụp đổ hoặc bị thế giới cô lập. Năng lượng nhân loại của dòng chảy nầy thúc đẩy chính sách thượng tôn Nhân quyền không chỉ thông qua lý cớ Covid-19, mà còn có lý cớ chuyển biến tâm lý toàn cầu. Trung Quốc càng hung hăng thì sẽ càng tạo tâm lý chính trị chính nghĩa cho Mỹ và thế giới hòa bình triển khai quân lực kiềm chế Trung Quốc.

Tâm lý chính trị chính nghĩa

Lợi dụng Covid-19 Trung Quốc rầm rộ triển khai quân lực ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, nhất là thấy cơ hội tàu sân bay USS Theodore Rosevelt phải neo tại Guam để xử lý dịch Covid-19. Nhưng họ không ngờ Mỹ lại có thể linh hoạt và nhanh chóng triển khai hàng loạt máy bay, tàu chiến, tàu ngầm khác hoàn toàn lấn lướt tiềm lực của Trung Quốc.

Từ nay đến cuối năm Mỹ sẽ còn triển khai quân lực ghê gớm hơn nữa, theo kiểu "không cần xài tới", để làm lệch hẳn cán cân quân sự về phía Mỹ và đồng minh. Nhật, Úc, Ấn (Tứ giác an ninh cùng với Mỹ) ; Anh, Pháp, Úc và Indonesia đều sẽ phối hợp với Mỹ gia tăng quân lực. Thêm một thất bại trước thách thức của Mỹ ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan nữa thì biến động chính trị ghê gớm có thể xảy ra ở Trung Quốc.

Cuối những năm 1980s ít ai ngờ được biến động chính trị long trời lở đất lại xảy ra ở Liên Xô vào đầu thập niên 1990s. Thúc đẩy chạy đua vũ trang để gia tăng sức mạnh cho mình đồng thời làm suy yếu và sụp đổ đối thủ là một chuyên môn mà chỉ có Mỹ làm được. Cách này vừa giúp duy trì hòa bình thế giới vừa làm lợi cho tiềm lực kinh tế, quốc phòng của Mỹ. Vì vậy mà dù bất cứ Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ tiếp tục đường lối như vậy với Trung Quốc.

Không chỉ với Trung Quốc, cả ASEAN và những quốc gia thuộc khối này cũng sẽ phải thay đổi trước cơn sóng thần dòng chảy Nhân quyền của giai đoạn toàn cầu hóa mới nầy. Không chỉ bởi sức mạnh quân sự, kinh tế, chính trị của Mỹ đổ vào khu vực này mà sẽ còn những nguồn năng lượng khác của dòng chảy bất ngờ ập đến. Châu Á Thái Bình Dương là hướng chảy chính của dòng chảy và ASEAN lại là trung tâm chính mà dòng chảy đó đổ vào.

Điều kỳ lạ là dòng chảy sẽ không đổ vào chỗ có tự do mà nhắm thẳng vào chỗ thiếu tự do mà Hồng Kông, Thái Lan, Belarus đang là những dấu hiệu khởi đầu. Dòng chảy nầy sẽ là chuyện "bất ngờ ghê gớm nhất còn đang ở phía trước". Nhưng có lẽ nhìn vào thực tế, những gì đang được che đậy bên ngoài chắc nhiều người không khỏi lo lắng, nhưng sau bức màn đen tối là ánh sáng. Cuộc chuyển mình vĩ đại bứt phá từ trong bóng tối, vào những giờ phút đen tối nhất. Năng lực nắm bắt sự thật của người Việt cũng đã mạnh lên rồi, dù Đảng cộng sản Việt Nam muốn điều ngược lại. Dân trí đã thay đổi thì thượng tầng ắt đổi, không thì sẽ bị lật nhào.

Đứng trước giai đoạn chuyển đổi bản lề thời đại hiện nay, để tiến tới kỷ nguyên toàn cầu hóa mới, cả thế giới cũng cần được khai dân trí mới. Con người cần được hiểu về bản chất và sự vận hành trong thời đại Nhân quyền mới như thế nào, hành xử của mình ảnh hưởng đến chính mình và người khác ra sao, đạo lý gì, pháp lý gì là cần thiết để tự do và quyền của mình không tác động xấu đến mình và người khác, tương tự như hành xử về môi sinh trên tầm vóc vĩ mô.

Cơ chế xã hội khoa học vận hành như thế nào trong thời đại nầy cũng phải được quảng bá rộng rãi trên toàn cầu để khai dân trí. Ngay cả Mỹ cũng cần dấy lên những phong trào khai dân trí như vậy. Nước Mỹ trước 2020 mất quá nhiều thời gian công sức cho những tranh cãi ý thức hệ giữa Thuyết tiến hóa (đảng Dân chủ đại diện) và Thuyết kiến trúc (đảng Cộng hòa đại diện) không ích lợi gì nhiều cho nhân loại.

Nhưng hiện nay đang có một xu hướng thứ ba hình thành sẽ thống nhất được cả hai xu hướng (hai Thuyết nói trên) để tạo ra một tầm nhìn chung cho một giai đoạn mới sắp đến. Đó là khi con người được khai mở để nhận thức được những mối tương quan sâu xa giữa vũ trụ và loài người – thời tiết và khí hậu là một ví dụ đơn giản nhất.

Biến đổi khí hậu

Thêm một ví dụ nữa là hôm 03/09/2020, quan chức ngoại giao cấp cao Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell nói Trung Quốc đã "thao túng" dòng chảy sông Mekong 25 năm và gọi đây là thách thức ngay trước mắt cho ASEAN.

Phát biểu tại hội thảo trực tuyến do Viện Hòa bình Mỹ và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Singapore đồng tổ chức hôm 03/09/2020, ông David Stilwell nói vấn đề dòng nước là một trong những "xu hướng đáng lo ngại" ở khu vực sông Mekong : "Một thách thức đặc biệt cấp bách là việc Trung Quốc thao túng dòng chảy của sông Mekong vì lợi nhuận của chính họ với cái giá phải trả rất lớn", Stilwell nói, đồng thời dẫn báo cáo gần đây "ghi lại rằng Trung Quốc đã thao túng dòng nước dọc sông Mekong trong 25 năm, với sự gián đoạn lớn nhất về dòng chảy tự nhiên trùng với quá trình xây dựng và vận hành đập lớn".

Theo trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cuộc khủng hoảng đã "tàn phá mùa màng, đe dọa an ninh lương thực và lượng nước trong toàn khu vực". Hơn nữa, theo Giáo sư Paul Beckwith tiểu bang California của Mỹ có thể bị nhấn chìm do các cơn đại hồng thủy xảy ra bởi hiện tượng "Dòng sông Khí quyển" (Atmospheric Rivers). Cụ thể, "hiện tượng này đã từng xảy ra vào tháng 11/1861, khi trời bắt đầu mưa xối xả (torrential rain) trong vòng 45 ngày, nước dâng ngập tràn Central Valley, nhấn chìm các thành phố – ví dụ như Sacramento – dưới 4 – 6 mét nước lũ".

Quốc gia nào không chú trọng giáo dục khai dân trí về Nhân quyền phù hợp với dòng chảy thời đại mới kể từ 2020 thì sẽ đánh mất cơ hội, không có được lợi thế trong cuộc tranh đua tiến bộ toàn cầu sắp tới. Xu hướng thương mại toàn cầu cũng sẽ thay đổi nhiều trong vòng năm sáu năm tới.

Chuỗi cung ứng toàn cầu

Chuỗi cung ứng, lợi thế cạnh tranh sản xuất sẽ không còn là đột phá chiến lược để một quốc gia có thể tấn công bứt phá các quốc gia khác. Chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu sẽ là đa phương hóa cấp toàn cầu và địa phương hóa ở cấp vùng. Kể từ tháng Tư/2020, chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu toàn cầu đang tự thoát ra khỏi tình trạng độc cực khi nền sản xuất hàng hóa thiết yếu đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để đến các nơi phát triển bền vững hơn.

Chỉ vài năm sau 2020, chuỗi sản xuất toàn cầu sẽ bắt đầu cân bằng hơn và ổn định. Hơn 3 năm qua, thương mại toàn cầu bị dao động dữ dội và được cho là do Mỹ châm ngòi. Nhưng thực ra thì chính phủ Mỹ chỉ là người thực hiện, sử dụng sức mạnh khổng lồ của dòng chảy thời đại thông qua các thiết chế dựa trên Nhân quyền của nhà nước Mỹ để thúc đẩy thương mại quốc tế đi đến một trạng thái mới phù hợp với thời đại toàn cầu hóa mới.

Sau những bỡ ngỡ nhân loại sẽ nhận ra và tuôn theo dòng thương mại mới của giai đoạn toàn cầu hóa mới nầy. Nó sẽ rất mới nên bây giờ hầu hết đều chưa nhìn thấy sự định hình của nó. Quốc gia nào hiểu được quy luật để nắm bắt được nó trước nhiều nước, rồi đi trước để mở đường đón dòng thương mại mới này thì quốc gia đó vượt lên tới mức ổn định và thịnh vượng, thay vì bấp bênh trong thể chế độc tài toàn trị như Trung Quốc hay Việt Nam.

Xã hội ổn định nhờ vào sự hài hòa của các thể chế chính trị và thể chế kinh tế mà chính trị là quyết định. Trung Quốc tốn rất nhiều công sức để đảm bảo kinh tế, xã hội không đi chệch hướng khỏi ý muốn của lãnh đạo. Nhưng tới đây sẽ thấy nỗ lực của họ vô vọng thế nào. Dòng thương mại mới sẽ đẩy nền kinh tế của họ đi xa khỏi định hướng chủ quan của họ, không chỉ là việc các chuỗi sản xuất bị rút ra khỏi Trung Quốc mà còn là sự đòi hỏi của dòng chảy thời đại buộc thương mại phải dung hợp và công bằng hơn.

Vì vậy mà những can thiệp định hướng bằng các quyết định chính trị độc đoán sẽ giảm dần sức mạnh, tiến tới bị loại bỏ. Sức kiềm chế xã hội theo một định hướng nào đó vì vậy sẽ bị phản tác dụng.

Thế giới đang thay đổi ngay từ nạn dịch Covid-19 và tới đây sẽ còn thay đổi mạnh hơn. Những khuôn mẫu cũ của giai đoạn toàn cầu hóa cũ sẽ không còn và nếu cố níu kéo chúng thì sẽ không đủ sức để theo kịp trào lưu hiện đại. Trào lưu hiện đại nầy đang tiến nhanh nhờ tốc độ Internet.

Đó là trào lưu mềm và là dòng chảy của các dòng tư tưởng đặc căn bản trên trách nhiệm hổ tương giữa quốc gia với quốc gia theo kết quả vận động tự do của con người dựa trên sự tôn trọng Nhân quyền. Dùng nguồn lực nhà nước để đảm bảo định hướng thì không chỉ thất bại mà còn đẩy quốc gia vào sụp đổ. Các nguồn lực đó chỉ nên dùng cho giáo dục khai dân trí để người dân hiểu được nền toàn cầu hóa mới, hiểu được dòng chảy thời đại dẫn đến chuẩn mực Nhân quyền cao cấp và cơ chế xã hội khoa học vận hành bởi Nhân quyền ra sao.

Nhân loại sẽ hiểu rõ hơn QUYỀN của mình là gì và phải tôn trọng QUYỀN của người khác như thế nào, thế giới đang ở đâu và sẽ đi về đâu, các giá trị nào là cần thiết để cá nhân và dân tộc vươn lên trên thế giới, các giá trị nào là cần giữ để khẳng định bản sắc dân tộc và giao hòa với thế giới. Từ trên nền tảng Nhân quyền như vậy, sự vận động tự do của người dân sẽ xác lập xu hướng phát triển. Xu hướng đó không chỉ hợp lòng dân mà còn thuận quy luật – thuận dòng chảy. Vì vậy mà dân tộc phát triển bền vững, rồi dần vươn lên góp phần phát triển thế giới.

Trật tự thế giới mới

Trật tự thế giới mới tới đây sẽ nhiều cực hơn. Nếu thượng tôn Nhân quyền, thuận dòng chảy thì sẽ nhanh chóng vươn lên và trở thành một trục của vùng Đông Nam Á, vì dòng chảy thời đại đang chảy từ Tây sang Đông. Hoa Kỳ xoay trục về Đông Nam Á là một sự kiện rõ rệt của dòng chảy nầy. Rất nhiều các giá trị giao thoa văn hóa Đông – Tây sẽ được xác lập. Nếu là một trục của Đông Nam Á, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để lan tỏa, giao thoa giá trị tốt đẹp của mình ra thế giới cũng như để đào thải những giá trị đã lỗi thời như xã hội chủ nghĩa. Qua Covid-19 vừa rồi, thế giới cũng thấy được rõ hơn những giá trị văn hóa phương Đông thể hiện ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật giúp ứng phó tốt hơn với dịch bệnh so với văn hóa phương Tây.

Sẽ có nhiều văn hóa khác từ phương Đông sẽ nổi bật lên trong thời đại mới toàn cầu hóa mới, bao gồm nhiều văn hóa của Trung Hoa – không phải Trung Quốc. Nhưng chắc chắn những cái đó không bao gồm độc tài, giả dối hay cái hệ thống giám sát và chấm điểm tín nhiệm người dân của Trung Quốc. Chấm điểm tín nhiệm người dân như Trung Quốc đang làm là một con quái vật tạo nên định chuẩn đạo đức quốc gia, khống chế cả một dân tộc trong những khuôn mẫu chẳng khác gì các nhà tù khổng lồ.

Nước Anh sẽ trở thành một cực quan trọng trong trật tự thế giới toàn cầu hóa mới. Nhiều người cho rằng Brexit là một minh chứng cho sự thất bại của toàn cầu hóa cũ. Nó chỉ cho thấy những trục trặc trong vận hành toàn cầu hóa mà người ta phải giải quyết. Người Anh chọn cách giải quyết bằng ra đi. Đó là một quyết định dựa trên Nhân quyền nên đúng cách và sẽ đưa nước Anh lên một tầm mức mới.

Đây cũng là một minh chứng cho quy luật hòa bình và giá trị của thượng tôn Nhân quyền đối với hòa bình. Nếu còn ở vào nửa đầu của thế kỷ XX, những mâu thuẫn giữa Anh và các nước Châu Âu trong sự kiện Brexit thì chúng sẽ dẫn đến chiến tranh đẫm máu như cách mà Châu Âu vẫn dùng trước khi Thế chiến II kết thúc.

Hiện giờ người Anh đang thúc đẩy toàn cầu hóa mới còn mạnh hơn khi vẫn còn nằm trong EU. Họ đang muốn tham gia vào kinh tế sâu rộng hơn với Đông Á, và cũng đang can dự quân sự cùng Mỹ vào Biển Đông. Mọi người sẽ thấy tới đây Anh sẽ tăng cường vai trò chính trị như thế nào ở khu vực này. Châu Âu sẽ có 2 cực : EU và Anh, đều là những sức mạnh thúc đẩy Nhân quyền.

Thế giới sẽ dân chủ thêm một mức nữa, mạnh hơn nhiều sau chuyển đổi bản lề thời đại trong vài năm tới. Chắc chắn như vậy, nhưng mức độ tới đâu là tùy thuộc vào mức độ hành động của các nước đã phát triển và những công dân của thế giới toàn cầu hóa mới nầy.

Con người sẽ bớt đi một ít sự quan tâm của mình dành cho giải trí thể thao, nghệ thuật để quan tâm hơn đến y bác sĩ, những người làm y tế, giáo dục, Nhân quyền, bớt đi những hành động thường ngày làm tác hại đến môi trường sống, làm biến đổi khí hậu và gây dịch bệnh, quan tâm nhiều hơn việc bảo vệ sự thật và đời sống tinh thần.

Trong trật tự thế giới mới (về toàn cầu hóa mới kể từ 2020) do Mỹ lãnh đạo để tấn công toàn diện vào Đảng cộng sản Trung Quốc tương quan lực lượng rất cụ thể như sau :

– Hoa Kỳ, Anh, Châu Âu, Canada, Úc, Ấn, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Tân Tây Lan và Do Thái đang liên kết trong tinh thần đồng minh chiến lược toàn diện. 

– Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Lào, Campuchia là liên minh duy nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc.

– Các quốc gia còn lại không đứng về phe nào và cũng không đáng kể.

– Đặc biệt là cộng sản Việt Nam đang giữ vai trò đu dây hình thức giữa Mỹ và Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng nội dung cốt lõi lại là tình đồng chí anh em 4 tốt 16 chữ vàng gắn bó với Đảng cộng sản Trung Quốc . 

Theo Samuel Phillips Huntington trong sách "The Clash of Civilisations" thì chính trị thế giới đang bước vào một giai đoạn mới. Sự cáo chung của lịch sử độc tài tòan trị là hiện thực đang hình thành. Theo ông, nguồn chính của xung đột trong thế giới mới sẽ không chỉ tập trung vào vấn đề hệ tư tưởng hay kinh tế mà còn có thêm vấn đề lạc hậu. "Tình huống do chủ nghĩa tư bản toàn cầu đem lại giúp giải thích một vài hiện tượng vốn đã trở nên rõ ràng trong hai hoặc ba thập kỷ vừa qua, đặc biệt là từ những năm 1980".

Sự di chuyển trên phạm vi toàn cầu của các dân tộc (và do đó, các nền văn hoá), sự suy yếu của các đường biên giới (giữa các xã hội cũng như giữa các phạm trù xã hội), sự gia tăng bất bình đảng trong lòng các xã hội và những bất đồng cục bộ, sự phân cực và sự đồng nhất hoá diễn ra đồng thời ở trong lòng các xã hội, sự xuyên thấm lẫn nhau của cái toàn cầu và cái địa phương, sự rối loạn của một thế giới được hình dung theo cái trật tự ba thế giới hoặc theo các tiêu chí quốc gia hay dân tộc, chính là những điểm đặc thù của nền toàn cầu hóa cũ.

Một số các hiện tượng đó cũng đã góp phần tạo ra một sự ló dạng của quá trình bình đẳng hoá các khác biệt cũng như tiến trình dân chủ hoá trong lòng và xuyên qua các xã hội.

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 04/11/2020

Published in Tư liệu

16. Nguy cơ do 8 trong 9 sự kiện đang làm sụp đổ Đảng cộng sản Trung Quốc

Đan Tâm, VNTB, 01/11/2020

Sao chép y nguyên chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc để áp dụng cho Việt Nam trong 30 năm qua là tự chui vào nguy cơ sụp đổ.

nguyco1

Chín sự kiện nội tại, cụ thể và thực tế tại Trung Quốc đang làm cho Đảng cộng sản Trung Quốc tiến nhanh đến sụp đổ trong vài năm đầu của kỷ nguyên toàn cầu hóa mới sau đại dịch Covid-19, đã từng được các nhà chiến lược quốc tế xem xét như sau :

1. Uy tín của chế độ Trung Quốc đã bị mất hoàn toàn 

Khi một chế độ mất đi uy tín, nó ở cách sự diệt vong không còn xa. Đảng cộng sản Trung Quốc từ lâu đã lợi dụng mọi phương tiện truyền thông để lừa dối công chúng, làm sai lệch số liệu, đảo ngược trắng đen. Người dân Trung Quốc từ lâu đã đánh mất niềm tin cơ bản nhất vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Trên bình diện quốc tế, Đảng cộng sản Trung Quốc đã lừa dối cộng đồng quốc tế bằng những tuyên truyền đối ngoại quy mô lớn, không thực hiện các cam kết với WTO và đơn phương xé bỏ Tuyên bố chung Trung-Anh, gây ra cuộc khủng hoảng lòng tin đối với Đảng cộng sản Trung Quốc. 

2. Tranh đoạt lợi ích với người dân làm cho dẫn đến chênh lệch giàu nghèo vượt quá giới hạn của quốc tế 

Quy luật cơ bản của kinh tế thị trường là cạnh tranh bình đẳng và đòi hỏi "công khai, công bằng và công chính". Truyền thống lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc luôn luôn là tranh giành quyền lợi với nhân dân. Đảng cộng sản Trung Quốc đầu tiên triệt triệt hạ giới địa chủ và chia ruộng của họ cho nông dân, sau đó lại lấy đất của nông dân biến thành sở 

hữu của riêng nó và tự thân Đảng cộng sản Trung Quốc trở thành địa chủ duy nhất và khổng lồ tại Trung Quốc (nhà nước quản lý đất đai). Không chỉ vậy, Đảng cộng sản Trung Quốc sau đó đã hóa phép các doanh nghiệp nhà nước thành tài sản tư nhân hùng mạnh của đảng, và biến tất cả máy móc, tài sản hữu hình và vô hình của nhà nước, bao gồm quân đội, truyền thông, cảnh sát và tòa án, được nuôi bởi người nộp thuế, thành tài sản của Đảng cộng sản Trung Quốc. Hệ số chênh lệch giàu nghèo của Trung Quốc vượt xa giới hạn của quốc tế. Theo Hệ số Gini đánh giá về khoảng cách giàu nghèo của Liên Hiệp Quốc, do 

một báo cáo từ Trường Khoa học Xã hội của Đại học Bắc Kinh, thì tài sản ròng của hộ gia đình Trung Quốc đạt 0,73 vào năm 2012, và 1% hộ gia đình hàng đầu chiếm hơn một phần ba tài sản của cả nước. Nó cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc lớn như thế nào.

3. Nền kinh tế đang đối mặt với sự sụp đổ và giá cả gia tăng chóng mặt

Giá cả tăng chóng mặt, tiền tệ mất giá, một số lượng lớn doanh nghiệp tư nhân phải đóng cửa, và các doanh nghiệp nước ngoài phải bỏ chạy. Cùng với tác động của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà sụp đổ.

Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, Đảng cộng sản Trung Quốc đã phát hành tiền tệ quá mức nên trực tiếp làm giá cả tăng vọt. Sau đó, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến giá thịt trên thị trường tăng cao. Trước làn sóng thất nghiệp và lạm phát giá cả, sức chi tiêu của người dân bất ngờ rơi xuống đáy. Số liệu do Đảng cộng sản Trung Quốc công bố gần đây cho thấy lạm phát của Trung Quốc đang tăng lên từng ngày.

Một số chuyên gia tin rằng một khi nền kinh tế Trung-Mỹ hoàn toàn tách rời, đồng tiền của Trung Quốc sẽ mất giá hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần trong một đêm, giống như đồng rúp của Liên Xô cũ vào thập niên 1980.

Thêm nữa là hôm 16/09/2020, Dân biểu Hoa Kỳ Tom Tiffany đã giới thiệu dự luật kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt chính sách "một Trung Quốc", nối lại quan hệ chính thức với Đài Loan và bắt đầu đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ – Đài Loan. Kinh tế Trung Quốc sẽ suy sụp nhanh khi dự luật này được quốc hội Mỹ thông qua nay mai. 

4. Dân Trung Quốc bị kết tội vì phát ngôn, lãnh đạo Trung Quốc thành trò hề

Ngày nay, những người nắm quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn muốn tập trung quyền lực, dẫn đến tôn sùng cá nhân, lạm dụng bạo lực và rải tiền ra nước ngoài, nên nhân gian gọi ông Tập Cận Bình là "chủ tịch vạn năng", "đại ca rải tiền"…

Số lượng các biệt danh mà ông Tập ‘giành’ được là chưa từng có. Để ngăn chặn dư luận trái chiều, Đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ giám sát mạng Internet mà còn chặn nhiều từ khóa trực tuyến khác nhau liên quan đến lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này làm cho rất nhiều người đã bị kết tội và nền kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh hơn. 

5. Chi phí duy trì ổn định vượt quá chi tiêu quân sự 

Một số người nói rằng Trung Quốc ngày nay giống như một nhà tù lớn, một thùng thuốc súng sẽ được kích nổ bất cứ lúc nào. Khoản đầu tư hàng năm của Đảng cộng sản Trung Quốc vào việc duy trì sự ổn định có thể giải thích cho vấn đề này. Kể từ thời đại của Giang Trạch Dân, Đảng cộng sản Trung Quốc đã đưa ra chính sách quốc gia "Ổn định áp đảo hết thảy". Theo Báo cáo kinh tế thế kỷ 21 của Business Herald vào ngày 11/03/2019, ngân sách của Đảng cộng sản Trung Quốc dành cho an ninh công cộng, nhằm duy trì ổn định chính trị, trong năm 2019 chiếm 5,9% ngân sách công cho cả năm, tức là 1.387,9 tỷ nhân dân tệ, cao hơn ngân sách quân sự gần 200 tỷ.

So với 5 năm trước, kinh phí của Đảng cộng sản Trung Quốc để duy trì sự ổn định đã tăng gấp đôi, chưa bao gồm chi tiêu tài chính địa phương để duy trì sự ổn định. Nếu tính theo tỷ lệ chi tiêu 1 :1 giữa trung ương và địa phương, chính phủ Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ chi gần 3 nghìn tỷ nhân dân tệ để duy trì sự ổn định trong năm nay. Điều này cho thấy tình hình duy trì sự ổn định của Đảng cộng sản Trung Quốc nghiêm trọng như thế nào. 

6. Kẻ quyền thế bỏ thuyền đào tẩu, lòng dân nổi sóng

Quan chức bỏ thuyền đào tẩu, đây là bằng chứng mạnh nhất cho thấy cơ đồ của Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ. Cựu Chủ tịch Báo chí Học viện Quân sự Trung Quốc Tân Tử Lăng từng tiết lộ với giới truyền thông rằng : Trước thềm Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, quan chức cấp cao Đảng cộng sản Trung Quốc là Lý Nguyên Xương đã tiến hành một cuộc điều tra, thân nhân và con cái các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã định cư, mua nhà ở nước ngoài, trên 85% sẵn sàng từ bỏ chức vụ và trốn chạy. 

Truyền thông Hồng Kông dẫn số liệu thống kê từ cơ quan nội chính Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 cho thấy 90% thân nhân của các ủy viên Trung ương đã di cư ra nước ngoài. Lâm Triết, một giáo sư tại Trường Đảng của Đảng cộng sản Trung Quốc, tiết lộ tại "Lưỡng Hội" của Đảng cộng sản Trung Quốc trong mười năm từ 1995 đến 2005, Đảng cộng sản Trung Quốc có 1,18 triệu công chức có vợ/chồng và con cái đã định cư ở nước ngoài hoặc đã nhập quốc tịch nước ngoài.

Một số học giả tiết lộ rằng các quan chức cấp cao và quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc đang che giấu một "kế hoạch đắm thuyền", và Trung Nam Hải vô cùng lo lắng về kế hoạch này. Để ngăn chặn tình trạng quan chức bỏ trốn, bắt đầu từ năm 2018, chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc đã tăng cường công tác kiểm soát xuất nhập cảnh đối với các quan chức đảng và chính quyền các cấp.

Theo quy định do Văn phòng Truy đuổi Đào tẩu Bắc Kinh ban hành, các giấy phép ra nước ngoài vì mục đích riêng phải được ủy ban thị trấn kiểm tra nghiêm ngặt và chấp thuận. Các chứng chỉ, giấy phép đã xin đi nước ngoài với mục đích riêng phải được giao cho phòng tổ chức cán bộ thị trấn để lưu trữ tập trung. Trước chuyến đi, thị trấn sẽ giáo dục và nhận lại giấy tờ kịp thời sau khi về nước.

Các quan chức đảng và chính phủ của thành phố, miễn là họ nhập cảnh hoặc rời khỏi biên giới quốc gia với lý do riêng mà không tuân theo các thủ tục thông thường, phải báo cáo ngay cho Văn phòng Truy đuổi Đào tẩu của thành phố.

Tuy nhiên, Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn rất khó để phòng ngừa phong trào đào tẩu nầy. Tờ Vision Times tiếng Hoa, 03/08/2020, nêu tỉ mỉ những hình thức di chuyển tài sản ra nước ngoài của tầng lớp quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc bao gồm các nhóm quan liêu đặc quyền, thế hệ đỏ thứ hai (hồng nhị đại), thế hệ quan chức thứ hai (quan nhị đại), thương gia đỏ (doanh nghiệp nhà nước), một số doanh nghiệp tư nhân hạng sao, các tầng lớp trong vòng tròn lợi ích nhóm, v.v.

Của cải di dời gồm có tiền mặt, tiền gửi bằng nhân dân tệ, trái phiếu, cổ phần, bất động sản, vàng và đồ trang sức, vốn và tài sản trong nước khác bằng đồng nhân dân tệ. Nơi đến của những tài sản bất minh nầy gồm Châu Âu, Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, New Zealand, v.v., bao gồm cả vốn và nhân sự. 

Sau đó, chuyển đổi tài sản và vốn bằng nhân dân tệ sang đô la Mỹ hoặc euro, bảng Anh, Yen… và đầu tư "thẻ xanh" – một dạng đầu tư vốn ra nước ngoài để đổi lấy quy chế thường trú nhân chờ nhập tịch vào các nước nhận tài sản. Các kênh và phương thức được sử dụng để thực hiện việc "di dời" nói trên giúp họ rửa sạch tiền bẩn và bảo hiểm rủi ro nguồn vốn, bảo mật và tái phân bổ tài sản của giới cao tầng trên phạm vi toàn cầu.

Quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc và các đại gia sân sau của họ cũng còn dùng kênh "Ngân hàng ngầm" và tài khoản của các kênh thương mại xuất nhập khẩu. Các tài khoản như vậy thường được rửa tương đối sạch sẽ. Ngoài ra kênh ngân hàng trong nước Trung Quốc và nước ngoài như chẳng hạn như HSBC, Standard Chartered và Citibank cũng được sử dụng.

Thêm nữa là họ cũng còn dùng cả các kênh đầu tư ra nước ngoài và mua bán sáp nhập của nhà nước Trung Quốc. Các kênh nói trên, với các cấp độ khác nhau được cho là những cách chính để tầng lớp quyền thế di dời của cải khỏi Trung Quốc.

Điều gì sẽ xảy ra nếu việc di dời của cải của giới quyền thế về cơ bản hoàn tất ? Có kịch bản là, sau khi các quỹ quy mô lớn rút khỏi Trung Quốc thì tỷ giá nhân dân tệ sẽ mất giá mạnh, lúc này vốn chuyển ra nước ngoài chuyển thành đô la Mỹ sẽ quay vòng đổi lại sang nhân dân tệ để vào Trung Quốc, tài sản nhân dân tệ trong tay giới quyền thế sẽ tăng vọt.

Đặc biệt trong khoảng thời gian phá giá tiền nếu mua lại tài sản bằng đồng nhân dân tệ thì sẽ là cơ hội thu được lợi nhuận khổng lồ. Trước đây, các tập đoàn An Bang, Vạn Đạt, Tiền Hải, Hằng Đại và các ông trùm đội mũ doanh nhân đỏ khác đều đã thực hiện các thương vụ đầu tư quy mô lớn ở nước ngoài. Quy mô và phương thức vận hành vốn của họ không phải thứ mà người bình thường có thể làm được - những điều này nằm ở bên trong tầng nước sâu tại Trung Quốc.

Theo bản tin ngày 21/09/2020 của NBC News : "Giám đốc Ma Xiaohong và Tập đoàn Dandong Hongxiang đã chuyển tiền đến Triều Tiên qua Trung Quốc, Singapore, Campuchia, Mỹ và các nơi khác, sử dụng một loạt các công ty vỏ bọc để chuyển hàng chục triệu USD thông qua các ngân hàng của Mỹ ở New York". 

7. Đốt sách diệt trí thức và diệt chủng hàng loạt 

Kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, các vụ đốt sách diệt trí thức đối kháng, diệt chủng hàng loạt chưa bao giờ dừng lại. Kể từ thời Mao Trạch Đông, Đảng cộng sản Trung Quốc đã cấm sách, cấm ngôn luận, đấu tố, giết địa chủ, tư bản, cánh hữu và phá hủy đền thờ tổ tiên. Vào thời đại của Đặng Tiểu Bình, những sinh viên tham gia Phong trào Dân chủ đã bị thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 04/06/1989.

Vào thời đại của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, các nhóm tôn giáo như Tân Cương, Tây Tạng và Pháp Luân Công đã bị bức hại và tiêu diệt. Hiện tại, Đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ công khai đốt sách diệt trí thức đối kháng, mà còn phá bỏ các nhà thờ, bắt các nhà sư và mục sư, linh mục hát các bài hát nhạc đỏ, xây dựng trại tập trung ở Tân Cương để giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ và bắt giữ hơn 9000 người biểu tình ở Hồng Kông, thậm chí cả trẻ em dưới 18 tuổi.

Chính vì các cuộc đàn áp nhân quyền tàn bạo và vô nhân đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc trong nước, đã gây ra sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế. Năm 2018, Tổ chức Nhân quyền Liên hợp quốc đã liệt Trung Quốc dưới thời Đảng cộng sản Trung Quốc là "quốc gia đáng xấu hổ nhất trên thế giới". Từ năm 2016 đến nay, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đã liên tiếp ban hành "Đạo luật trách nhiệm giải trình nhân quyền Magnitsky toàn cầu", "Đạo luật dân chủ và nhân quyền Hồng Kông" và "Tuyên ngôn nhân quyền Tân Cương" nhằm ngăn chặn cuộc đàn áp nhân quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Với sự bắt đầu của "cuộc chiến bảo vệ nhân quyền" toàn cầu, một số lượng lớn "những kẻ phản bội nhân quyền" của Đảng cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu nhận các lệnh trừng phạt quốc tế. Điều này cũng chỉ ra rằng ngày tàn của Đảng cộng sản Trung Quốc đã đến. 

8. Xem nền văn minh là kẻ thù, và liên minh với các tổ chức khủng bố

Đảng cộng sản Trung Quốc coi Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác là kẻ thù, và liên minh với các chế độ độc tài và các nước Hồi giáo dính dáng đến khủng bố. Đây là chính sách đối ngoại hiện tại của Đảng cộng sản Trung Quốc. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình chủ trương đường lối ngoại giao nước lớn.

Trong khi thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ, ông ta cũng tham gia vào việc mở rộng quân sự và xâm nhập chính trị trên toàn cầu, xuất khẩu tham nhũng sang các nước phát triển, và xuất khẩu sự cai trị độc đoán của Đảng cộng sản Trung Quốc sang một số nước lạc hậu.

Ngoài miệng ông Tập thì nói rằng để khai phóng phát triển nhân loại, ông ta đưa ra một cộng đồng Trung Quốc với tương lai chung cho nhân loại, biến Trung Quốc thành kẻ thù của các nước văn minh, và liên minh với các quốc gia lạc hậu và tổ chức khủng bố như Iran, Taliban và Al-Qaeda là những quốc gia và tổ chức khủng bố đã bị cộng đồng quốc tế lên án.

Đây cũng là mục tiêu tấn công và trừng phạt trọng điểm của Mỹ. Do đó, không một quốc gia dân chủ nào trên thế giới dám liên kết với Taliban, Al-Qaeda và Iran, vì không muốn trở thành kẻ thù của Hoa Kỳ và nền văn minh thế giới. Tuy nhiên, Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm ngược lại. Đối với các quốc gia mà Hoa Kỳ muốn áp chế và trừng phạt thì Trung Quốc coi là trọng điểm kết giao và ủng hộ mạnh mẽ.

Chẳng hạn như : Nga, Iran, Venezuela, Triều Tiên và Taliban. Trung Quốc dùng các hành động đó để cho thế giới thấy rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc phải là kẻ thù của Hoa Kỳ và thế giới văn minh. Trước những gì mà Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm trên phạm vi quốc tế, Hoa Kỳ đã bắt đầu một cuộc phản công toàn diện.

Vào ngày 10/12/2019 (Ngày Nhân quyền Quốc tế), Quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành 72 "Lệnh trừng phạt Magnitsky toàn cầu" chỉ trong một ngày. Tại cuộc họp báo ngày hôm đó, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo nói với giới truyền thông rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc biến Trung Quốc thành "quốc gia thủ ác" toàn cầu. Có thể thấy, hoàn cảnh ngoại giao của Trung Quốc đã ác hóa đến mức độ nào. 

9. Mô hình quản trị nhà nước lỗi thời 

Đảng cộng sản Trung Quốc để duy trì chế độ độc tài của mình, tại Đại hội 19 diễn ra vào năm 2018, Đảng cộng sản Trung Quốc đã xây dựng mô hình mới "Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Tập Cận Bình với thời đại mới". Nhưng dù thay đổi thế nào, mô hình lạc hậu chính là lý do chính khiến Đảng cộng sản Trung Quốc lúng túng khi hội nhập vào thế giới văn minh hiện đại. 

Chín sự kiện trên chắc chắn là 9 trọng điểm báo trước sự sụp đổ cận kề của Đảng cộng sản Trung Quốc. Do đó, Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ còn cách rút lui khỏi vũ đài lịch sử thế giới văn minh. Dù Đảng cộng sản Trung Quốc có dùng bất kể lý thuyết nào để đo lường thì 9 sự kiện trên cũng đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện để sụp đổ. Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn còn tồn tại cho đến nay là do chính sách sai lầm của Nixon-Kissinger đưa tay Mỹ cứu vớt một nước Trung Quốc bế tắt từ 1972 đến 2016.

Bây giờ Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ còn có lửa Internet như chiếc phao cứu sinh. Tuy nhiên, trong thời buổi toàn cầu hóa thông tin ngày nay, có thể thấy trước rằng, bức tường lửa dù có mạnh đến đâu cũng không thể ngăn được làn sóng trào dâng của thời đại. Bất kể những người nắm quyền lực của Đảng cộng sản Trung Quốc xoay trở như thế nào cũng không thể thay đổi được vận mệnh sắp tới của Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Từ năm 1990 Đảng cộng sản Việt Nam tự nguyện sao chép y nguyên chính sách của Đảng cộng sản Trung Quốc để áp dụng cho Việt Nam trong suốt 30 năm qua, nên Đảng cộng sản Việt Nam đã tự mình chui vào nguy cơ sụp đổ do 9 sự kiện nói trên, trừ sự kiện số 8.

********************

17. Nguy cơ do quốc tế trừng phạt về tài sản phi pháp và nhân quyền

Việc phương Tây dùng Luật Magnitsky để chế tài có thể lan rộng từ Trung Quốc sang cho Đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai.

nguyco2

Nguy cơ này trước mắt chưa xảy ra cho các thành viên nhóm lợi ích "Quyền & Tiền" của Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng đang xảy ra cho Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Theo ước tính của truyền thông quốc tế, tài sản của các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc chuyển ra nước ngoài tính sơ cũng phải lên tới 10 nghìn tỷ đô-la Mỹ, gấp 4 lần dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc (2 nghìn rưởi tỷ USD) ! Đó là "tài sản phi pháp" của giới chức Đảng cộng sản Trung Quốc đang cất giấu tại nước ngoài. 

Tuy chưa có con số thống kê chính xác về "tài sản phi pháp" của các giới chức đương nhiệm và cựu quan chức Đảng cộng sản Việt Nam đang cất giấu tại các nước phương Tây như Châu Âu, Úc, Nhật, Canada và Hoa Kỳ từ hơn 20 năm qua, nhưng giới xã hội dân sự trong & ngoài Việt Nam ước tính khoảng 200 tỷ USD kể từ 1998 đến nay (22 năm). 

Riêng tiền chuyển ra nước ngoài để cất giấu của Nguyễn Tấn Dũng, các tướng công an như Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Đức Chung… và các quan chức cộng sản Việt Nam có con cái du học nước ngoài cũng đã lên đến hàng chục tỷ đô la Mỹ. Tài sản phi pháp nói ở đây chưa bao gồm "bất động sản" mua hợp pháp tại các nước phương Tây như Châu Âu, Úc, Nhật, Canada và Hoa Kỳ. 

Tuy những bất động sản nầy đã được mua bán hợp pháp, nhưng nguồn tiền mua của sở hữu chủ lại là tiền bất hợp pháp chiếu theo công ước minh bạch quốc tế & công ước chống tham nhũng quốc tế (tiếng Anh : United Nations Convention against Corruption ; viết tắt : UNCAC, đã được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 31/10/2003 : Nghị quyết 58/4).

Theo các công ước nầy thì nguồn gốc tiền mua các bất động sản đó đều không minh bạch, không thể giải trình được, nếu không nói là tiền bẩn (dirty money), chưa kể đến cách mua sắm là rửa tiền. Chính quyền Mỹ đang truy tầm các "tài sản phi pháp" của các giới chức Đảng cộng sản Trung Quốc, nhưng chưa đụng tới vấn đề nầy của Đảng cộng sản Việt Nam trong hiện tại.

Tuy nhiên nó vẫn là một nguy cơ lây lan từ nguy cơ của Trung Quốc đang treo lơ lửng trên đầu Đảng cộng sản Việt Nam. Hơn nữa, trong số các nguyên lão chính trị và chóp bu hiện tại của Đảng cộng sản Trung Quốc, hỏi có ai không có người thân con cái di cư sang nước ngoài ? Theo số liệu thống kê của cơ quan quyền uy bên trong chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc, tính đến cuối tháng 3/2012 có 187 Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương khóa 17 Đảng cộng sản Trung Quốc có người nhà trực tiếp cư trú, sinh sống, làm việc tại các nước phương Tây như Châu Âu và Hoa Kỳ, thậm chí đã nhập quốc tịch của nước sở tại.

Tỷ lệ này chiếm đến 91% ! Trong số 127 thành viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc thì có đến 113 người có người thân đã di cư sang nước ngoài ! Thực trạng người nhà lập đầu cầu để hạ cánh an toàn ở phương Tây thì Đảng cộng sản Việt Nam giống y như Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Trung Quốc cũng đang gặp nguy cơ từ các đạo luật chế tài Magnitsky của Hoa Kỳ, Canada, Anh, EU và Úc Châu. Ngày 9/7/2020, Hoa Kỳ đã chế tài Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc, Bí thư Khu Tự trị Tân Cương, bởi những chiến tích dày đặc về hành vi vi phạm Nhân Quyền.

Điều này cho thấy mức chế tài của Mỹ đối với giới quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc đã nâng lên cấp phó quốc gia. Ngày 7/8/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ lại bất ngờ tung ra một đòn nặng, tuyên bố trừng phạt 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm : Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), Cục trưởng Cục An ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu, Giám đốc Sở Tư pháp Hồng Kông Trịnh Nhược Hoa, Giám đốc Văn phòng các vấn đề Đại lục và Hiến pháp Hồng Kông Tăng Quốc Vỹ, Phó Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Trương Hiểu Minh, Giám đốc Văn phòng Liên lạc của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông Lạc Huệ Ninh, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Ma Cao Hạ Bảo Long…

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã công bố số hộ chiếu, địa chỉ chỗ ở và nguyên nhân chế tài họ. Đối mặt với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ như bị hủy thẻ xanh, bị từ chối nhập cảnh, bị đóng băng khối tài sản khổng lồ, các nguyên lão chính trị đó liệu có thể không hoang mang không ?

Việc Hoa Kỳ trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài đã gây ra một hiệu ứng domino.

Giữa tháng 8/2020, chính phủ Thụy Sĩ đã thông báo về một cuộc trưng cầu dân ý nhằm đưa ra quyết định Thụy Sĩ có nên làm ăn với các quốc gia vi phạm Nhân Quyền hay không, đặc biệt là việc xử lý khối tài sản kếch xù đến từ Trung Quốc. Nếu cuộc trưng cầu dân ý được thông qua, khối tài sản hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong ngân hàng UBS Thụy Sĩ có thể sẽ bị đóng băng toàn bộ.

Theo phân tích của nhà bình luận độc lập ở hải ngoại cho biết, một khi cuộc trưng cầu dân ý của Thụy Sĩ được thông qua, nó sẽ dẫn đến hai hậu quả : 

Thứ nhất, những gã khổng lồ tài chính tầm cỡ thế giới như Credit Suisse và UBS có thể sẽ rút khỏi Trung Quốc và Hồng Kông, đồng thời đình chỉ việc cung cấp các dịch vụ như gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền, đầu tư v.v. cho những kẻ vi phạm Nhân Quyền.

Một hậu quả khác thậm chí còn nguy hiểm hơn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, đó là Thụy Sĩ có thể sẽ đóng băng số tiền đã gửi của các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc hoặc công bố chúng ra toàn thế giới.

Ngay từ tháng 8/2019, giáo sư Cổ Khang – Ủy viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị, cựu Giám đốc Học viện Tài chính của Bộ Tài chính và là chuyên gia kinh tế trưởng của Học viện Kinh tế Nguồn cung mới Trung Quốc, đã chuyển đi một thông báo cho biết vào ngày 17/4/2019, ngân hàng UBS đã thông báo rằng có khoảng 100 khách hàng Trung Quốc với số tiền gửi lên đến 7,8 nghìn tỷ nhân dân tệ vào UBS.

Theo một báo cáo khác, vào ngày 26/10/2018, tập đoàn UBS (UBS Group AG) và PricewaterhouseCoopers (PwC) đã cùng nhau phát hành báo cáo "Tiết lộ về tỷ phú năm 2018". Báo cáo cho thấy có 373 tỷ phú ở Trung Quốc vào năm 2018 với số tài sản lên đến 1,12 nghìn tỷ USD, tương đương 7,8 nghìn tỷ CNY.

Nếu nói như vậy thì, trong báo cáo do UBS đưa ra, quả thực có tồn tại số tài sản 7,8 nghìn tỷ USD, tuy nhiên con số tỷ phú không phải là 100 mà là 373 người. WikiLeaks từng tiết lộ rằng, các quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc có khoảng 5.000 tài khoản trong các ngân hàng ở Thụy Sĩ và 2/3 trong số đó là của các quan chức trung ương.

Từ cấp phó thủ tướng Đảng cộng sản Trung Quốc, chủ tịch ngân hàng, bộ trưởng, cho đến Ủy viên Trung ương, hầu như ai ai cũng có ít nhất 1 tài khoản. Có nguồn tin tiết lộ, Giang Trạch Dân có một khối tài sản "kếch xù" trong ngân hàng Thụy Sĩ, và dòng tộc họ Giang được mệnh danh là "Tham nhũng số 1 Trung Quốc".

Vào ngày 14/2/2018, tỷ phú lưu vong ở Mỹ là Quách Văn Quý đã tiết lộ với ngoại giới rằng ông đã thuê một đội điều tra chuyên nghiệp và họ đã xác nhận rằng gia tộc Giang Trạch Dân là một trong những người giàu nhất thế giới và khối tài sản "cướp được" do gia tộc này kiểm soát lên tới 500 tỷ đô la Mỹ (khoảng 4 nghìn tỷ nhân dân tệ).

Ngoài ra, vào ngày 6/5/2014, 47 quốc gia bao gồm Thụy Sĩ và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận mới về "Tiêu chuẩn trao đổi thông tin tự động toàn cầu" được tổ chức tại Pháp. Theo như thỏa thuận, tài khoản ngân hàng được sở hữu bởi người nước ngoài tại 47 quốc gia này sẽ không còn là thông tin bí mật nữa.

Đến ngày 5/10/2018, Cơ quan Quản lý Thuế Liên bang Thụy Sĩ (FTA) đã ban hành một thông báo cho biết dựa theo Tiêu chuẩn trao đổi thông tin tự động liên quan đến Thuế (AEOI) đối với các tài khoản tài chính, Cơ quan quản lý thuế liên bang Thụy Sĩ đã trao đổi thông tin tài khoản tài chính với cơ quan thuế ở một số quốc gia (hoặc khu vực) khác vào cuối tháng 9.

Điều này có nghĩa là Ngân hàng Thụy Sĩ thông báo chấm dứt chế độ bảo mật đối với tài khoản nước ngoài đã được áp dụng hàng trăm năm nay. Hiện nay, Thụy Sĩ đã bắt đầu tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc. Một khi Thụy Sĩ cùng với Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ hợp sức lại để trừng phạt các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc và đóng băng hoặc công bố tài sản của các quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc vi phạm Nhân Quyền, cũng chính là đánh trúng yếu huyệt của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Truyền thông Châu Âu bình luận rằng, động thái này của Thụy Sĩ còn ghê gớm hơn gấp 10.000 lần so với lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông. Các quan chức của Đảng cộng sản Trung Quốc đang run rẩy. Vào đầu tháng 11/2016, học giả Trần Vĩnh Miêu ở Bắc Kinh đã đăng một bài báo trên phương tiện truyền thông Hồng Kông, nói rằng các quan chức cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc đang ấp ủ một "Kế hoạch đắm tàu".

Theo kế hoạch, tầng lớp thượng lưu sẽ vắt kiệt giá trị thặng dư xã hội, dùng tiền của người dân để mở một đường lui cho mình rồi nhanh chóng bỏ trốn. Tuy nhiên, hiện tại Đảng cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bao vây trên toàn cầu và không có cách nào có thể trốn thoát được.

Nguy cơ hiện đang bị phương Tây dùng Luật Magnitsky nầy để chế tài có thể lan rộng từ Trung Quốc sang cho Đảng cộng sản Việt Nam trong tương lai.

*******************

18. Đảng cộng sản Việt Nam trong quy luật vận hành tất yếu của quốc tế từ 2020 – Quy luật Thucydides

Phong trào bài Trung Quốc – đúng ra là bài Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phát triển đến mức mà người Trung Quốc sẽ phải tỉnh ngộ để có được một chế độ đúng đắn và phù hợp hơn cho mình.

nguyco3

Đảng cộng sản Việt Nam trong quy luật vận hành tất yếu của quốc tế từ 2020 – Quy luật Thucydides

Ngày nay quốc tế đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa dân túy tại nước Nga (thời Putin) hay Philippines (thời Duterte). Sau khi các chế độ dân túy và vài chế độ cộng sản cuối mùa sụp đổ, chắc chắn các nước nầy sẽ có dân chủ vì các chính trị gia dân túy không còn đất sống. 

Một chế độ Mafia như Nga hay dân túy như Philippines hiện nay sẽ không thể xuất hiện và tồn tại được trong thế giới toàn cầu hóa mới. Chính trị học quan niệm rằng : "điều quan trọng không phải là một quốc gia sai như thế nào, mà là quốc gia đó có nhận ra sai lầm hay không, vì khi họ nhận ra sai lầm là lúc họ đã đúng".

Một trật tự quốc tế mới hoặc có thể tạm gọi là "một thế giới toàn cầu hóa mới" đang được hình thành từ năm 2020 nầy là một thế giới dân chủ hơn, nhân văn hơn, các quyền con người sẽ được nâng lên cao hơn. 

Sự thật về Trung Quốc do Đảng cộng sản Trung Quốc cai trị bên trong và bành trướng ra bên ngoài buộc các nước dân chủ phải thay đổi và xét lại mô hình xã hội để ngăn chặn sự kỳ thị, giảm thiểu sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn và thực hiện công bằng xã hội nhiều hơn. 

Dân chủ sẽ tiến một bước tiến lớn, không chỉ thực thi những quyền căn bản tối thiểu như : "Không bị xâm phạm tới cơ thể, tư hữu tài sản, phát biểu lập trường, thu nhận và phổ biến thông tin, tự do thành lập và tham gia các tổ chức, tự do ứng cử và bầu cử, v.v.". Đó là những quyền tự do căn bản. 

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền sẽ phải thực thi nhiều hơn trước, nhất là những điều khoản 23, 24, 25 & 26. Theo đó, nhà nước phải bảo đảm "quyền được có lợi tức bảo đảm một mức sống xứng đáng về thực phẩm, sức khỏe, nhà ở, được hưởng giáo dục miễn phí, được trợ cấp sinh đẻ và nuôi con, được có công ăn việc làm và được hưởng một số ngày nghỉ có trả lương, v.v." Trong thế giới toàn cầu hóa mới nầy không có chỗ cho những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga, Việt Nam…

Thế giới sẽ rút lui và chỉ duy trì một quan hệ ở mức tối thiểu với Trung Quốc cho đến khi họ phải dân chủ hóa. Tuy nhiên có thể thấy được là Trung Quốc, dù không còn thích hợp với mô hình cũ nhưng lại không có ý định dân chủ hóa vì thế tan vỡ là điều không thể tránh khỏi. 

Liệu cộng sản Việt Nam có thể còn gắn kết với mô hình "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc" nữa không ? Nguy cơ thảm bại của Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn do tự thân đảng nầy tạo ra do bởi tự trói chính mình vào chiếc gông "xã hội chủ nghĩa" mà quy luật chính trị tất yếu đã thể hiện sự kết thúc của nó tại Liên Xô và Đông Âu trong thập niên 80 của thế kỷ trước. 

Vì vậy, ngày nay có vượt thoát được nguy cơ thảm bại để Đảng cộng sản Việt Nam được tồn tại bình đẳng với các thành phần khác hay không chỉ tùy thuộc vào chính đảng cộng sản Việt Nam có dám lấy quyết định tự tháo gỡ gông xiềng xã hội chủ nghĩa của họ hay không mà thôi. Nếu không tự tháo gỡ thì tất yếu là toàn dân sẽ tháo gỡ cho đảng cộng sản Việt Nam tương tự như dân chúng Liên Xô & Đông Âu đã làm trước đây và Đảng cộng sản Việt Nam phải giống hệt như các đảng cộng sản anh em của họ sau khi xã hội chủ nghĩa thảm bại tại Đông Âu.

Di sản của chế độ cộng sản rất nặng nề. Văn hóa độc tài toàn trị ăn sâu vào tâm hồn những người lãnh đạo cộng sản và đa số đảng viên nên rất khó gột rửa. Điều chắc chắn là các chế độ độc tài sẽ sụp đổ khi không còn lý do tồn tại dù có hay không đối lập dân chủ. 

Mác-Lê-Mao-Hồ thì đã vỡ nát tứ cuối thế kỷ 20 khi ông Gorbachev tin rằng Đảng cộng sản Liên Xô có thể tự chuyển hóa về dân chủ (dân chủ hóa một mình). Ông ta đã thất bại bẽ bàng và rơi vào quên lãng dù từng được xem là tổng bí thư trẻ, thông minh và có trí tuệ nhất trong Đảng cộng sản Liên Xô. Cuối đời ông ta đã phải cay đắng thốt lên rằng "chế độ cộng sản chỉ có thể xóa bỏ chứ không thể cải tổ". 

Từ đó đến nay, các chế độ độc tài không còn tư tưởng và dự án chính trị nên hậu quả tất yếu là họ phải dân túy (mị dân). Cách mị dân dễ nhất, hiệu quả nhất là bỏ tù các đồng chí của mình nhân danh chống tham nhũng. Người dân mặc dù biết đấy chỉ là đấu đá phe nhóm nhưng họ luôn vỗ tay mỗi khi có quan chức nào đó bị tống vào tù. 

Như vậy, kẻ thù nguy hiểm nhất của các đảng viên cộng sản Việt Nam hay Trung Quốc chính là các đồng chí của họ chứ không phải các "thế lực thù địch". Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ không ý thức được điều đó nên đang đi vào vết xe đổ của Gorbachev khi xem đối lập dân chủ ôn hòa là kẻ thù. Họ vẫn đang tìm cách trấn áp các tiếng nói bất đồng với hy vọng tự chuyển hóa một mình về dân chủ theo kiểu Gorbachev. 

Đó là điều không tưởng. Đối lập dân chủ ôn hòa chính là chiếc phao cứu sinh của họ, là sự đảm bảo an toàn cho chính các đảng viên cộng sản. Các nước Đông Âu sau khi dân chủ hóa đã không có bất cứ một sự trừng phạt hay phân biệt đối xử nào với các cựu đảng viên cộng sản.

Quy luật Thucydides khó tránh

Năng lực bưng bít sự thật để tuyên truyền của Trung Quốc trong thời đại Internet vẫn được xếp hàng đầu thế giới, trong đó có cả Bắc Hàn & Việt Nam. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2020 khi Virus Vũ Hán lây lan toàn cầu thì năng lực bưng bít sự thật đối với hơn 1 tỷ dân Trung Quốc và quốc tế trong mấy chục năm qua của Đảng cộng sản Trung Quốc đã hoàn toàn bị tê liệt làm cho phong trào bất tín nhiệm Trung Quốc và chiến lược đánh bại tham vọng Trung Quốc – muốn làm bá chủ thế giới thay thế Mỹ – đã xuất hiện xãy ra và tiến nhanh gần đến đỉnh. 

Tham vọng "bá chủ thế giới" của Trung Quốc đã hiện ra rõ nét trước mắt nhân loại và các chính trị gia quốc tế kể từ giữa năm 2020 nầy. Bởi vì quy luật vận động xã hội con người luôn luôn làm cho bất cứ một chế độ nào tồn tại nhờ dối trá cũng bị sụp đổ ngay khi năng lực nắm bắt sự thật của con người vượt qua năng lực bưng bít & dối trá.

Trong thời gian Mỹ và rất nhiều nước G7 đang chật vật đối phó với dịch Covid-19 thì Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự theo thời chiến với mức độ chưa từng có trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Một khi Trung Quốc củng cố được lợi thế quân sự vượt trội ở khu vực này thì họ sẽ "tiên hạ thủ vi cường" và chiến tranh sẽ nổ ra. 

Những nước nào còn tin vào sự trỗi dậy hòa bình và những hứa hẹn hấp dẫn của chính quyền Trung Quốc lâu nay thì sẽ phải trả giá đắt và Đảng cộng sản Việt Nam sẽ khó tránh sự trả giá cho niềm tin vào Đảng cộng sản Trung Quốc bấy lâu nay. Cuộc chiến như vậy dù được châm ngòi bởi ý muốn chủ quan của nhà độc tài nhưng kỳ thực ý muốn đó chỉ là sự thể hiện cuối cùng của một chuỗi các biến cố theo tiến trình của quy luật dẫn đến chiến tranh. 

Đó là quy luật Thucydides, xuất hiện từ thời cổ đại Hy Lạp theo Học thuyết Thucydides – tên một người Hy Lạp đã chỉ ra quy luật này. Quy luật nầy khởi động khi một thế lực quốc gia nổi lên muốn sắp đặt lại trật tự thế giới thì chiến tranh lớn sẽ nổ ra. 

Điều này đã đúng trong hầu hết lịch sử của các cuộc chiến khốc liệt trước đây trên thế giới. Những gì Trung Quốc đã làm trong mấy chục năm qua với tuyên bố "trỗi dậy hòa bình" là hoàn toàn bị thúc đẩy bởi động lực của quy luật chiến tranh nói trên. 

Tư duy lãnh đạo của Trung Quốc chưa bao giờ thoát khỏi những tham vọng của động lực đó. Và chính nó sẽ điều khiển họ đến sự thể hiện cuối cùng là phát nổ chiến tranh, họ không thể làm gì khác với sức mạnh khổng lồ đã được tập trung từ vài chục năm nay. 

Sức mạnh đó sẽ chỉ phục vụ cho quy luật chiến tranh mà thôi. Trong tháng 8/2020 các tổ chức đối lập Trung Quốc như Mặt Trận Dân Tộc Trung Quốc Toàn Cầu, Đảng Dân Chủ Trung Quốc cũng như chính phủ Nhật & Đài Loan đang có nhiều hoạt động sôi nổi là do tác động khó lường của quy luật Thucydides. 

Song song với các nỗ lực chống Covid-19, các quốc gia mạnh về quân sự & kinh tế như Mỹ, Ấn, Nhật, Úc, Anh & Pháp cũng đang triển khai lực lượng quân sự ghê gớm nhất đến Châu Á (Ấn Độ-Thái Bình Dương) theo một mức leo thang quân sự hàng tháng. 

ASEAN chưa biết sẽ ngả theo ai khi quy luật Thucydides bùng nổ, nhưng Việt Nam thì khó được quốc tế xem như trung lập hoặc đứng về phía chống Đảng cộng sản Trung Quốc anh em. Cũng theo quy luật nầy thì chư hầu của một phe chắc chắn sẽ bị phe đối thủ tìm cách tiêu diệt. Đó là cái thế tồn vong của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, mối đe dọa hạt nhân của Đảng cộng sản Trung Quốc đối với nhân loại lớn hơn nhiều so với Liên Xô cũ. Nguyên do không phải vì Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều đầu đạn hạt nhân hơn Liên Xô cũ, mà bởi vì Đảng cộng sản Trung Quốc coi thường luật lệ quốc tế và Trung Quốc lại là một chế độ hoàn toàn không thể tin được. Theo lịch sử của Đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông từng phát biểu tại Moscow (Nga) rằng, người Trung Quốc nhiều, đánh chiến tranh hạt nhân thì dù có chết một nửa cũng không sợ thua. 

Chính vì thế, trong cuộc phỏng vấn với Yonhap trước chuyến công du Châu Á hôm 30/09/2020, Đặc phái viên tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea nói mục đích chuyến đi của ông là thảo luận "sự tăng cường nhanh chóng kho vũ khí hạt nhân và các tên lửa đạn đạo và quy ước của Trung Quốc". 

Ông cũng nói ông có "thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với các đồng minh liên quan đến các chương trình của Trung Quốc". Trước đó vào trung tuần tháng 8/2020, ông Billingslea đã có sự lưu tâm nhất định đến vị trí của Việt Nam, thể hiện qua câu trả lời cho một nhà báo Việt Nam tại cuộc họp báo ở Brussels.

"Những gì chúng tôi đang giải quyết ở đây là mối đe dọa cấp bách và ngày càng gia tăng đối với Châu Á – Thái Bình Dương, đó là sự tăng cường vũ trang hạt nhân bí mật và không bị kìm chế của Trung Quốc. Đó là mối đe dọa không chỉ riêng cho Hoa Kỳ mà chung cho tất cả các nước Châu Á. 

Việt Nam có lẻ biết rõ hơn ai hết là Trung Quốc cố gắng dùng vũ lực để vẻ là biên giới và ranh giới. Người ta sẽ nhớ rằng Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam và chiếm đóng một số nơi ở phía Bắc. Thêm nữa là chúng ta không thể đồng ý với thực trạng Trung Quốc tăng cường hạt nhân để sử dụng những vũ khí hạt nhân đó làm áp lực tống tiền và áp bức".

Ngày 30/09/2020, Đặc phái viên tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea cùng đi với Phó chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Thomas A. Bussiere đã đến Hà Nội sau khi lần lượt thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 27 đến 30/09/2020. 

Việc ông Billingslea thăm ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam đáng chú ý bởi vì đây là ba nước nằm gần Trung Quốc và đều là cựu thù của Bắc Kinh. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ còn Việt Nam hiện được xem như là đối tác chiến lược trên thực tế. 

Cho nên chuyến công du của ông Billingslea không nằm ngoài mục đích phục vụ cho việc kiềm chế và bao vây Trung Quốc giữa lúc cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Giới quan sát cho rằng ông Billingslea đang nỗ lực thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản hợp tác với việc triển khai tên lửa Mỹ ở Châu Á. 

Đặc biệt cũng trong cùng ngày 30/09/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4 đến 08/10/2020. Về mặt chiến lược, Mông Cổ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam là bốn cái tên thường được nhắc đến trong thế trận bao vây Trung Quốc của Mỹ. 

Tại Nhật Bản, ông Pompeo sẽ tham dự hội nghị ngoại trưởng các nước thuộc Bộ tứ Kim Cương (Quad) với những người đồng cấp Nhật, Ấn Độ và Úc trong ngày 06/10/2020. Những biến cố nầy rất phù hợp với quy luật khơi mào chiến tranh Thucydides.

Trao đổi với Fox News hôm 17/8/2020, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ John Ratcliffe cho rằng Trung Quốc đặt ra "mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất" đối với Mỹ, "lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác", đồng thời nêu chi tiết một loạt các mối đe dọa bao gồm "gây ảnh hưởng và can thiệp bầu cử". 

"Trung Quốc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất đối với Hoa Kỳ, hơn bất kỳ quốc gia nào khác – về cả kinh tế, quân sự và công nghệ. Điều đó bao gồm các mối đe dọa về việc gây ảnh hưởng và can thiệp bầu cử", Giám đốc tình báo Ratcliffe chia sẻ trên đài Fox News. 

Về phía FBI, Giám đốc Christopher Wray đã cảnh báo về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến quan điểm của Mỹ và hoạt động gián điệp kinh tế trong nhiều tháng. 

Giám đốc Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia Bill Evanina, người dẫn đầu công tác đảm bảo an ninh bầu cử của cộng đồng tình báo Mỹ, cảnh báo Trung Quốc đang cố gắng tác động đến chính sách và cuộc bầu cử Mỹ 2020 theo nhiều cách khác nhau vì Bắc Kinh "không muốn Tổng thống Trump – người mà Bắc Kinh coi là khó lường – tái đắc cử". 

Giám đốc FBI Christopher Wray gần đây tiết lộ cơ quan này hiện có hơn 2000 cuộc điều tra mở có thể truy nguồn trở lại Đảng cộng sản Trung Quốc, đánh dấu sự gia tăng khoảng 1300% các vụ điều tra gián điệp kinh tế có liên quan đến Bắc Kinh. Ông cũng cho biết văn phòng đã phải mở "một cuộc điều tra phản gián mới liên quan đến Trung Quốc cứ sau 10 giờ". 

Truyền thông tự do của Trung Quốc ở hải ngoại cùng chung nhận định như nhau kể từ cuối tháng 8/2020 : "Tất cả các biện pháp trừng phạt mà nhóm Trump áp đặt lên Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ nhằm chống lại chế độ độc tài của Đảng cộng sản Trung Quốc. Các biện pháp trừng phạt như vậy không phải là ngắn hạn, càng không phải chỉ là khẩu hiệu tranh cử, mà đại diện cho sự nhận thức ra bản chất của Đảng cộng sản Trung Quốc từng bước một của toàn bộ giới học thuật và chính trị Hoa Kỳ. Để khắc phục bản chất bất hảo của Đảng cộng sản Trung Quốc, Trump đang điều chỉnh chính sách sai lầm của Hoa Kỳ đối với Đảng cộng sản Trung Quốc đã kéo dài trong 30 năm qua". 

Họ tin rằng nếu Hoa Kỳ muốn vĩ đại trở lại thì phải đối phó với Đảng cộng sản Trung Quốc, nếu không Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp tục đe dọa Hoa Kỳ. Mối quan hệ giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Hoa Kỳ đã xuống mức thấp nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Hoa Kỳ bắt đầu đoàn kết các đồng minh của mình để bao vây và chế tài Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Ngoài ra, quan hệ Trung-Ấn tiếp tục căng thẳng, tranh chấp ở Biển Đông leo thang, dẫn đến những xu thế khó lường ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và nguy cơ chiến tranh bùng phát. Trong bối cảnh bị quốc tế phong bế, nhà cầm quyền Đảng cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến "tuần hoàn nội địa" kinh tế Trung Quốc.

Hôm Thứ tư 26/08/2020, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Biển Đông leo thang ngay khi chính phủ Hoa Kỳ lần đầu tiên áp đặt các biện pháp trừng phạt và đưa vào danh sách đen 24 công ty Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này. 

Danh sách 24 công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt gồm Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), Cục kỹ thuật điều hướng thuộc CCCC và các công ty con của CCCC ở Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân ; 4 công ty con của Tập đoàn công nghệ điện tử Trung Quốc (China Electronics Technology Group Corporation) ; Công ty kỹ thuật cáp đại dương Thượng Hải ; Viện nghiên cứu 722 thuộc Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc ; Công ty viễn thông Beijing Huanjia ; Công ty phát triển công nghệ Chongxin Bada ; Công ty thiết bị liên lạc Guangzhou Guangyou ; Tập đoàn Guangzhou Haige ; Công ty phát triển Guilin Changhai ; Công ty công nghệ liên lạc Hubei Guangxing ; Công ty công nghệ điện tử Shaanxi Changling ; Công ty công nghệ điện tử Telixin ; Công ty thiết bị phát sóng Thiên Tân ; Công ty Công nghệ hàng không Thiên Tân 764 ; Công ty Công nghệ điều hướng và liên lạc Thiên Tân 764 ; Công ty liên lạc Wuhan Mailite. 

Các công ty bị Mỹ trừng phạt do bởi hành vi chịu trách nhiệm hoặc tham gia vào hoạt động cải tạo quy mô lớn trên các đảo ở Biển Đông, xây dựng các tiền đồn (quân sự) hoặc quân sự hóa chúng. Một số giám đốc điều hành của các doanh nghiệp nhà nước ở (các đảo nhân tạo) hoặc những người liên quan đến việc cưỡng ép, hạn chế quyền của các nước Đông Nam Á tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi của họ". 

Greg Poling, chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói với Reuters : "Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ áp đặt hình thức trừng phạt kinh tế đối với hành động của thực thể Trung Quốc ở Biển Đông". Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố trong hội nghị trực tuyến hôm Thứ Tư 26/08/2020 rằng các hạn chế về thị thực chỉ là "khởi đầu" cho nhiều hành động của Hoa Kỳ nhằm trừng phạt Đảng cộng sản Trung Quốc vì các dự án cải tạo ở Biển Đông. 

Ngũ Giác Đài hôm 28/08/2020 cho biết Mỹ nhận diện thêm 11 công ty do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, trong đó có Tập đoàn Tam Hiệp, theo Reuters. Trong số 11 công ty mới được bổ sung vào danh sách trừng phạt có tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, tập đoàn Sinochem và China Spacesat. 

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng khuyến khích các nước liên quan khác theo dõi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và có thể xem xét áp dụng các biện pháp tương tự. Lưỡng viện Hoa Kỳ cho rằng việc trừng phạt sẽ ngay lập tức có ảnh hưởng, đồng thời theo thời gian ảnh hưởng sẽ càng lúc càng lớn, trừ phi Bắc Kinh bắt đầu lựa chọn tôn trọng nước láng giềng, bắt đầu cân nhắc tới lợi ích của các quốc gia khác.

Nhịp độ Hoa Kỳ tấn công vào Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng ngày càng gia tăng kể từ giữa năm 2020. Trong cuộc phỏng vấn với chương trình Hugh Hewitt Show hôm Thứ Sáu (04/09/2020), 

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Michael Pompeo đã chỉ trích nặng nề Đảng cộng sản Trung Quốc về mưu đồ thống trị toàn cầu, về đối nội thì vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản của người dân Trung Quốc, còn đối ngoại thì gắng sức nuốt chửng hoặc bắt nạt các nước khác. 

Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo nói rằng dưới sự cai trị của ông Tập Cận Bình, các quyền con người cơ bản của người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và thậm chí cả người Mông Cổ đều đã xuống cấp một cách nghiêm trọng. Về đối ngoại, Đảng cộng sản Trung Quốc cũng có biểu hiện tồi tệ tương tự. 

nguyco4

Về đối ngoại, Đảng cộng sản Trung Quốc không chỉ tham gia vào các hoạt động kinh tế mang tính cướp bóc, mà còn vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Ông nói thêm rằng mô hình hiện tại của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng giống như kiến lập các nước chư hầu, buộc các nước khác phải cống nạp cho vương triều Trung ương Bắc Kinh hệt như trong lịch sử. 

Nhưng sự khác biệt là dã tâm của Đảng cộng sản Trung Quốc đã mang đến rủi ro lớn cho cả thế giới. Ông Pompeo nói rằng Tổng thống Trump đã ý thức được về những rủi ro thực sự mà Đảng cộng sản Trung Quốc mang đến cho Hoa Kỳ, và hiện ông Trump đang chống lại Đảng cộng sản Trung Quốc về mọi mặt. Dù là ngoại giao hay kinh tế, Hoa Kỳ đều sẽ có động thái đáp trả mạnh mẽ. Ông bày tỏ : "Chúng tôi sẽ yêu cầu Đảng cộng sản Trung Quốc phải hành động theo cách thức mà chúng tôi yêu cầu tất cả các nước khác". 

Đây là những thay đổi lớn trên toàn cầu. Trong thời gian chấp chính 3 năm rưỡi của mình, Tổng thống Trump vẫn luôn chỉ đạo công việc này. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Michael Pompeo đến Cộng hòa Séc ngày 12/08/2020, trong bài phát biểu của mình tại Thượng viện Czech, ông đã chỉ trích các mối đe dọa từ Đảng cộng sản Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn cả Liên Xô cũ ! 

Ông nói rằng những gì đang diễn ra bây giờ không phải là Chiến tranh Lạnh 2.0, mà ở một khía cạnh nào đó thì thách thức ngăn chặn các mối đe dọa từ Đảng cộng sản Trung Quốc còn khó khăn hơn nhiều so với Liên Xô trước đây. Nguyên nhân là bởi Đảng cộng sản Trung Quốc đã thâm nhập vào nền kinh tế, chính trị và xã hội của chúng ta ở mức độ mà Liên Xô chưa từng làm được. 

Đồng thời, ông Pompeo cũng nhấn mạnh rằng dã tâm thống trị thế giới của Đảng cộng sản Trung Quốc không phải là điều chúng ta không thể tránh được. Trước đó hôm 23/07/2020, ông Michael Pompeo đã có bài phát biểu với tiêu đề "Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tương lai của Thế giới Tự do", kêu gọi đồng minh và người dân Trung Quốc cùng chung tay và rằng nếu muốn thay đổi đất nước Trung Quốc, thế giới tự do ắt phải chiến thắng chính quyền bạo ngược Đảng cộng sản Trung Quốc.

Thế giới có quy luật chiến tranh Thucydides thì cũng có quy luật hòa bình. Để hóa giải được ngòi nổ chiến tranh thì cần phải hiểu được quy luật hòa bình nhằm giải quyết những trục trặc của thế giới bằng những cuộc đấu tranh không dùng đến dao súng để giúp thế giới tiến triển theo quy luật phát triển xã hội thuận với chiều theo dòng chảy của thời đại toàn cầu hóa mới nầy. 

Nhưng sẽ là vô vọng và ảo vọng nếu trông đợi vào sự thay đổi tham vọng của những kẻ độc tài đầy tham vọng và tin vào những cam kết đạo đức giả của họ. Người Mỹ cũng như EU giờ đây đã hiểu được quy luật hòa bình và đã triển khai quân lực để kiềm chế Trung Quốc với mức độ ngày càng tăng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. 

Quả thực là chỉ có Mỹ mới thừa sức giữ cho Trung Quốc không thể liều lĩnh trong lúc Anh, Pháp, Ấn Độ, Úc, Nhật, Hàn Quốc dần gia tăng sự hiện diện quân sự vào khu vực này. Nhiều người đang lo ngại cho hòa bình thế giới khi Mỹ gần đây rút ra khỏi nhiều hiệp ước về hạn chế vũ khí, nhưng rõ ràng là người Mỹ đang bảo vệ hòa bình. Khi tranh cử Tổng thống Mỹ ông Trump đã nói rằng Mỹ sẽ gia tăng sức mạnh quân sự nhiều đến mức để không cần phải xài đến nó. 

Rất nhiều thiết chế quốc tế đã lỗi thời làm cho thế giới vận hành trục trặc, không chỉ là các định chế khổng lồ như WHO, WTO, thậm chí là LHQ, và cả những hiệp ước song phương, đa phương về giải trừ quân bị. Hầu hết các hiệp ước này đều không ràng buộc được Trung Quốc, chẳng hạn như Hiệp ước về tên lửa tầm trung INF. Nó giúp Trung Quốc hiện giờ đã có những loại tên lửa bắn được tới lãnh thổ Mỹ, trong khi Mỹ thì không thể làm thế vì INF. 

Mỹ rút khỏi INF là muốn để kiềm chế Trung Quốc hơn là Nga. Kiềm chế Trung Quốc đang là đích nhắm thiết yếu để ngăn chặn chiến tranh trong ngắn hạn. Sắp tới đây Mỹ sẽ tung ra nhiều loại vũ khí mới rất ghê gớm và triển khai chúng ở Ấn Độ Thái Bình Dương. Bài Trung Quốc (không bài Trung Hoa) hiện nay không còn là "đặc sản" riêng của Mỹ mà đã trở thành xu thế toàn cầu nhân đại dịch Covid-19. 

Tổng thống Mỹ nào thì cũng không thể đi khác xu thế này được. Phong trào bài Trung Quốc – đúng ra là bài Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ phát triển đến mức mà người Trung Quốc sẽ phải tỉnh ngộ để có được một chế độ đúng đắn và phù hợp hơn cho mình. Đây cũng là cách dùng quy luật hòa bình để hóa giải tận gốc ngòi nổ chiến tranh, là giải pháp dài hạn, căn cơ và bền vững. 

Thế giới đã hiểu biết và sáng tạo hơn trước nhiều, không cần chờ cho Nhật, Đức thảm bại sau chiến tranh đẫm máu để dân chủ hóa hai nước này, dẫn đến những chế độ thượng tôn Nhân Quyền. Thực tế đã chứng minh giờ đây Đức và Nhật không còn là mầm mống gây ra chiến tranh mà còn là nhân tố quan trọng để bảo vệ hòa bình thế giới. Họ cũng thịnh vượng hơn nhiều so với thời ngông cuồng gây chiến, giờ còn góp phần mạnh mẽ giúp thịnh vượng của thế giới.

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 01/11/2020

Published in Tư liệu

Đuổi việc cán bộ che giấu tài sản có thể là cách diệt trừ tham nhũng ?

Diễm Thi, RFA, 02/11/2020

Hôm 30 tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Việt Nam ký ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 12 năm 2020.

duoi1

Ảnh minh họa - AFP

Kèm theo Nghị định là mẫu bản kê khai và hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, kê khai hằng năm, kê khai phục vụ công tác cán bộ. Những người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, đơn vị, tại doanh nghiệp nhà nước phải công khai bản kê khai tài sản này. Việc công khai được thực hiện bằng hình thức công bố tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nhận xét :

"Trong luật cán bộ công chức cũng có chuyện kê khai tài sản. Trong việc chống tham nhũng cũng có nói chuyện kê khai tài sản, thậm chí là không kê khai trung thực còn bị đánh thuế, bị tịch thu tài sản…

Nhưng ở Việt Nam nó rất khó, bởi vì cứ làm căng như thế thì ai sẽ xử ai ? Người ta cứ nói vui là một ông cán bộ sau 75 trong chiến khu ra chỉ có một cái ba lô mang trên lưng. Bây giờ tới mấy cái nhà mang trên lưng. Ai xử ai bây giờ !

Nếu làm mạnh mẽ, rộng rãi và làm được thì công khai tài sản ra cho dân biết. Còn mức trong phạm vi hẹp thì công khai trong nội bộ đảng. Mà trong nội bộ đảng phải có tranh cử, ứng cử, bầu cử thì mọi chuyện mới được phơi bày. Chỉ nhìn vào khẩu hiệu, chữ nghĩa thì nó vô cùng hay. Nhưng thiếu cơ chế, thiếu thể chế thích hợp nên việc thực hiện không đi về đâu cả".

Theo ông Trần Quốc Thuận, việc cho dân bầu cử, ứng cử tự do là chuyện mà ông gọi là "trong mơ". Bây giờ chỉ cần làm bước cơ bản là bầu cử, ứng cử tự do trong nội bộ đảng. Bởi khi chưa ai có chức có quyền mà tranh cử với nhau thì tự nhiên người ta sẽ nói toạc ra hết, công khai hết mọi chuyện.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Lê Văn Triết thì cho rằng, chủ trương về việc kê khai tài sản thì cũng là bình thường nếu như việc kê khai đó để làm rõ tính minh bạch, tính xác thực của tài sản họ có. Vấn đề ở đây là kê khai thì bước tiếp theo sẽ là gì. Ông bày tỏ quan điểm của mình :

"Cái việc kê khai đó Nhà nước tiến hành bằng luật gì. Nó có phù hợp với quy định, tập quán chung của xã hội hay không ? Có phù hợp với cái quy định nhà nước định ra cho những người có quyền làm ăn, thu nhập chính đáng hay không ? Còn thu nhập không chính đáng thì lại là chuyện khác.

Tui nghe nói ở một số cơ quan lớn như ở Bộ chính trị hay một số những cơ quan cao cấp khác thì có quy định cán bộ phải kê khai tài sản hết. Tui nghe chứ tui không thấy văn bản. Và người ta cũng có thi hành, có kê khai. Vấn đề là kê khai rồi để đó chứ không có ai thẩm tra, xem xét coi kê khai đúng hay không".

Việc kê khai tài sản, quan chức được nói đến nhiều mấy năm gần đây khi nhiều dinh cơ đồ sộ của các quan chức bị phơi bày trên mặt báo. Chẳng hạn như biệt phủ của Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý, hay biệt phủ của ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La. Cuối năm 2014, hai quần thể biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân, Đà Nẵng bị phát hiện. Chủ nhân là ông Phan Như Thạch - một thiếu tướng công an vừa về hưu và đại gia vàng tên Ngô Văn Quang.

Cuối năm 2019, chánh thanh tra thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy đã trình UBND thành phố Hà Nội kế hoạch thanh tra năm 2020, và kế hoạch này đã được chủ tịch UBND thành phố Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Đức Chung phê duyệt. Kế hoạch này có thêm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra việc kê khai tài sản của các đối tượng thuộc diện kê khai tài sản theo quy định và chỉ đạo của trung ương, thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP được ban hành nêu rõ mức kỷ luật dành cho những người kê khai sai quy định hoặc tẩu tán tài sản.

Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Ông Lê Văn Triết nhận xét về hình thức kỷ luật trong Nghị định mới ban hành :

"Tôi nghĩ nếu kê khai mà tài sản bị tẩu tán hay che giấu không khai sự thật thì sẽ phạm với quy định, nghị định về kê khai tài sản. Nếu kê khai thì phải kê khai rõ ràng, không tẩu tán. Có tẩu tán là tài sản không minh bạch rồi. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai, nếu kê khai không đúng sự thật, có 10 mà chỉ khai 1, thì người ta có quyền xem xét để xử lý. Phải như vậy nó mới công bằng trong xã hội, mới nghiêm minh trong việc kê khai tài sản, mới minh bạch trong việc sở hữu tài sản".

Theo nhận định của những người quan tâm, thì muốn kỷ luật người kê khai không trung thực thì trước hết phải chứng minh người này khai không đúng. Đó là điều rất khó trong thể chế Việt Nam hiện nay.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng, rất khó kỷ luật người vi phạm bởi theo thể chế ở Việt Nam hiện nay, những người lãnh đạo được chỉ định chứ không qua bầu cử. Họ có quyền sinh sát trong tay. Khó ai có thể yêu cầu họ phải kê khai tài sản của họ một cách trung thực.

Tuy vậy, để cho công bằng thì họ vẫn có những hình thức kỷ luật theo kiểu "đem vài con dê ra tế thần".

Cuối năm 2019, hai cán bộ ở tỉnh Khánh Hòa đã bị kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.

Người thứ nhất là ông Đinh Sỹ Hiệp - ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, trưởng Ban dân vận Thành ủy Cam Ranh. Ông Hiệp bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do ông không kê khai nợ tiền sử dụng đất 67,6 triệu đồng vào năm 2014 và mảnh đất tại thị trấn Cam Đức vào các năm 2016, 2017. Ông cũng không kê khai khoản nợ 600 triệu đồng vào các năm 2016, 2017.

Người thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nam - chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Ông Nam không kê khai tài sản là chiếc ôtô mà ông nhận ủy quyền từ một Việt kiều Mỹ, chiếm giữ 48 triệu đồng tiền thanh lý 2 hợp đồng thuê mặt bằng tại đảo Điệp Sơn của 2 cá nhân… Ông Nam đã bị Tỉnh ủy Khánh Hòa kỷ luật với hình thức cách chức.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 02/11/2020

*********************

Cần cơ chế giám sát đại biểu Quốc hội như công chức !

RFA, 02/11/2020

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bài trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí đăng tải ngày 2/11, cho rằng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức.

duoi2

Đại biểu dự Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 28/1/2016 – AFP - Hình minh hoạ.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho biết hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc như ông vừa nêu.

Từng là nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Văn Cuông bày tỏ quan điểm :

"Trong quá trình hoạt động của đại biểu quốc hội phải có sự giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động cũng như sự nghiêm túc chứ không thể như lâu nay, không có theo dõi, giám sát đánh giá nên có nhiều đại biểu không tự giác hoạt động tốt. Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu là nên có hình thức giám sát, đánh giá chất lượng đại biểu để góp ý, có biện pháp nhắc nhở, quản lý tốt hơn, tránh việc vi phạm xảy ra làm ảnh hưởng uy tín đại biểu quốc hội".

Giải thích rõ hơn về những điều luật định đối với đại biểu Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực văn phòng Quốc hội đang ở Sài Gòn nói với RFA tối 2/11 như sau :

"Về nguyên tắc theo luật thì người đại biểu quốc hội sẽ chịu sự giám sát của cử tri nơi bầu ra người đó, người đại biểu quốc hội không chỉ đại diện nơi bình bầu ra mình mà còn đại diện cho cử tri cả nước. Như vậy có nghĩa là ông đại biểu quốc hội sẽ bị giám sát bởi cử tri nơi bầu ra mình và cử tri cả nước. Đó là luật nhưng luật thiếu cơ chế. Khi người ta lên tiếng giám sát, đòi hỏi ông đại biểu trả lời thì ông đại biểu đó không phải trả lời cũng không sao. Cho nên ở Việt Nam thiếu cơ chế có đi có lại nên không có tính hiệu quả".

Đưa ra câu trả lời cho câu hỏi ai giám sát và giám sát thế nào, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng ngoài chịu sự giám sát bởi người dân thì đại biểu Quốc hội phải chịu thêm giám sát từ phía cơ quan vì :

"Đại biểu quốc hội Việt Nam cũng là công chức vì đại biểu kiêm nhiệm và đại biểu chuyên trách đều ăn lương nhà nước, là công chứcLà công chức thì không những bị giám sát bởi cử tri và những lãnh đao của đơn vị đó".

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự lại cho rằng câu chuyện đánh giá đại biểu Quốc hội trong thực tế không đúng như lý thuyết mà Luật sư Thuận đưa ra.

"Việc đánh giá đại biểu quốc hội một cách chính xác là người dân dùng lá phiếu để bầu và truất, các vị phải thường xuyên tiếp xúc với cử tri của mình, là người đã bầu cho họ. Hai điểm đấy không được thực hiện nên việc kiểm tra mà ông ấy nói chỉ là sự kiểm tra của đảng cộng sản Việt Nam mà thôi. Là để siết chặt sự kiểm soát của đảng đối với đại biểu quốc hội. Còn người dân kiểm tra kiểu gì ? Trừ trường hợp người ta lên tiếng chê trên mạng xã hội. May bây giờ có mạng xã hội nên người dân có thể nói bâng quơ trên đấy, có tác động nhất định để người ta kiểm tra lẫn nhau. Cái quan trọng nhất là người dân làm chủ thì phải kiểm tra bằng lá phiếu của mình, kiểm tra bằng tiếng nói của mình đến tận tai ông ấy".

Ông Nguyễn Tuấn Anh trong trả lời Báo Dân Trí đăng ngày 2/11 cho rằng nếu có quá trình đánh giá đại biểu hàng năm, việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch đã được xác định từ năm 2018 và đã phải chịu bãi nhiệm, miễn nhiệm từ khi đó. Không như hiện nay, quốc hội phải xem xét thông qua báo chí.

Đồng thời ông Tuấn Anh cho rằng vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.

Vào ngày 23/8 vừa qua, hãng tin Al Jazeera công bố một báo cáo điều tra cho thấy, ông Quốc là người đã được nhập quốc tịch Síp vào năm 2018 khi ông đang là đại biểu quốc hội.

Theo điều tra, Síp là nước cung cấp những "hộ chiếu vàng" cho nhiều quan chức nước ngoài có tình nghi dính líu đến tham nhũng hoặc gây ảnh hưởng chính trị. Mỗi tấm hộ chiếu như vậy được bán với giá 2,5 triệu đô la, theo chương trình đầu tư nước ngoài vào Síp.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết chuyện lựa chọn đại biểu cho Quốc hội Việt Nam được làm rất kỹ, qua tổ chức, qua công an, an ninh phối hợp rồi thẩm tra lý lịch, thẩm tra đời sống riêng tư…

Tuy nhiên, qua chuyện ông Phạm Phú Quốc cũng cho thấy một vài trường hợp ngoại lê như lời ông Lê Văn Cuông :

"Sự giám sát của cơ quan chức năng ở mức độ tương đối chứ không thể giám sát hết hành vi hay hoạt động của mọi người vì còn đụng chạm đến quyền công dân hoặc đại biểu, không có lực lượng nào có thể giám sát đại biểu chặt chẽ trong nước và các hoạt động động ngầm ở nước ngoài. Trước khi bầu thì mọi việc không có vấn đề gì, nhưng khi bầu xong họ mới bộc lộ vi phạm, thuộc về sau này, lúc đó mọi việc đã xong thì đành phải xử lý theo quy định của pháp luật là bãi nhiệm".

Tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam trong phiên họp vào chiều 2 tháng 11 của các đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến, thảo luận về việc bãi nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc do mua hộ chiếu vàng đảo Síp cho biết từ đầu nhiệm kỳ Khóa 14 đến nay, Quốc hội Việt nam có hơn 10 đại biểu bị ‘rơi rụng’ ; trong đó có những trường hợp vi phạm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những quyết định đối với đại biểu quốc hội ở Việt Nam lâu nay đã vi phạm cơ chế. Ông giải thích :

"Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có chức năng gì để phết truất một đại biểu quốc hội, nhưng bởi vì ở đây là Quốc hội của đảng cộng sản Việt Nam nên Quốc hội chịu sự giám sát của đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản Việt Nam thấy người nào không xứng đáng đối với họ hoặc thấy làm những việc kì quá đối với dân chúng thì đảng cộng sản Việt Nam ra lệnh cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đuổi những người đó ra khỏi Quốc hội. Cái lạ ở Việt Nam là có những chuyện như vậy".

Ông Nguyễn Quang A cho rằng lẽ ra có những chuyện chỉ có người dân mới được làm thì người dân không làm được gì vì đó là Quốc hội của đảng cộng sản, các đại biểu quốc hội cũng là đại biểu của đảng cộng sản nên đảng cộng sản muốn làm gì thì làm.

Nguồn : RFA, 02/11/2020

**********************

Vào Đảng để ăn cắp – Mác Lê dùng bịp dân

Thu Thủy, Thoibao.de, 01/11/2020

Hôm 29 tháng 10 vừa qua, một số báo mạng nhà nước Việt Nam có đăng bài viết cảnh báo tình trạng đảng viên nghỉ hưu, thôi việc là nghỉ hẳn sinh hoạt đảng đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi Tây Bắc.

vaodang1

Khi đương quyền, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn từng chủ biên cuốn sách với tên gọi "Phòng, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên sau đó ông đã nhận 14 năm tù vì hai tội danh tham nhũng trong vụ AVG

Trong bài viết có dẫn lời ông Đỗ Trường Sơn, Bí thư Thành ủy Lào Cai rằng : "Nếu đồng chí nào khi nghỉ hưu nghỉ luôn sinh hoạt đảng đó là người cơ hội, vào Đảng chỉ vì chức vụ quyền hạn, chỉ phục vụ công việc của mình".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chuyện bỏ sinh hoạt đảng sau khi về hưu hay nghỉ việc xảy ra với rất nhiều đảng viên. Ông phân tích :

"Cái chuyện người ta về hưu người ta bỏ sinh hoạt đảng thì nó rất phổ biến, trừ những người phải làm chức gì đấy như tổ trưởng dân phố hay chức gì đấy thì họ còn sinh hoạt thôi. Còn đa số thì cứ lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng. Số ấy đông lắm.

Có người chán Đảng, bỏ Đảng một cách đường hoàng. Có thể công khai, có thể không công khai. Mỗi người có một hoàn cảnh. Người ta lặng lẽ bỏ. Cũng có những người thì về hưu rồi không còn có gì ‘chấm mút’ được nữa thì thôi, không sinh hoạt đảng nữa. Đấy cũng là một kiểu bỏ đảng. Thực sự có rất nhiều kiểu bỏ Đảng".

Trong sáu năm qua, người ta nhận thấy có hai đợt bỏ Đảng. Đợt thứ nhất vào năm 2014. Những người bỏ Đảng lúc đó có một viên chức ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ là ông Đặng Xương Hùng ; một đảng viên Cộng sản lão thành là ông Lê Hiếu Đằng ; một người từng làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ; một Trung tá Quân đội là Tiến sĩ- Bác sĩ Đinh Đức Long.

Đến năm 2018, 14 đảng viên tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam chỉ trong 10 ngày sau khi ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng cộng sản đề nghị kỷ luật.

Nghệ sĩ Kim Chi là một người trong số đó. Bà chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản vào ngày 4 tháng 11 năm 2018.

Bà cho biết đã quyết định bỏ Đảng một cách lặng lẽ từ năm 2013. Nhưng cũng như Giáo sư Mạc Văn Trang, bà thấy rằng sự kiện Chu Hảo là giọt nước tràn ly. Bà không thể khi nhắm mắt mà vẫn còn mang danh hiệu đảng viên Cộng sản. Bà kể :

"Tôi rất thân với anh Lê Hiếu Đằng. Lúc ngồi nói chuyện với ảnh tôi có nói chắc là đã đến lúc anh em mình ra khỏi Đảng. Anh Đằng nói rằng chuyện này phải tính toán kỹ. Ít lâu sau thì anh Đằng mất. Tôi không thể lỗi hẹn với người đã mất. Tôi nói chuyện với anh Chu Hảo, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, tôi đã viết tuyên bố, nhưng mọi người khuyên là ở lại có thể làm được điều gì đó. Tôi cũng nghĩ thế, vì trong Đảng cũng có những người tốt, không phải ai là đảng viên đều khốn nạn cả".

Theo ông Nguyễn Quang A, việc bỏ Đảng hay bỏ sinh hoạt đảng là quyền của đảng viên. Nếu không sinh hoạt ba tháng thì về nguyên tắc là sẽ bị loại trừ ra khỏi Đảng. Nhưng vì Đảng thích con số nên vẫn để nguyên để cho thấy vẫn có nhiều đảng viên.

Theo con số được đưa ra tại kỳ Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 1 năm 2016 thì toàn Đảng có hơn 4,5 triệu đảng viên.

vaodang2

Ông Lê Hiếu Đằng với lá thư tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản Việt nam. Tính tới 2013, ông đã có 45 năm là Đảng viên Đảng cộng sản việt nam, ông Lê Hiếu Đằng nguyên Tổng thư ký Ủy ban nhân dân Cách mạng khu Sài Gòn Gia Định, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều chức vụ quan trọng khác. Sau khi ông bỏ Đảng đã kéo theo hàng loạt đảng viên lão làng khác cũng tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam và cùng nhau thành lập Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng hiện nay vẫn còn hoạt động đều đặn và mạnh mẽ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Đặng Hùng Võ, một đảng viên Đảng cộng sản cho rằng, điều lệ Đảng cho phép khi về hưu hoặc là ở trong trạng thái không còn hoạt động gì nữa thì có thể làm đơn xin không sinh hoạt. Tuy vậy, cũng có người lơ luôn chuyện làm đơn. Ông nói :

"Nói chung là khi về hưu rồi hoặc khi không còn hoạt động gì nữa thì về mặt quy định là phải có đơn xin thôi sinh hoạt đảng. Còn nếu ai không có đơn mà cứ lờ đi không sinh hoạt đảng là không thực hiện đúng quy định.

Thường thì ai mà còn hoạt động cho xã hội thì vẫn buộc phải sinh hoạt đảng. Còn những người về hưu rồi thì họ có thể làm đơn xin miễn sinh hoạt đảng.

Tôi cũng biết có mấy người làm cho Ngân hàng Thế giới lơ sinh hoạt đảng sau khi về hưu. Họ cho rằng về hưu rồi thì không làm gì nữa cho nên sinh hoạt đảng cũng không thiết thực lắm. Cũng có những người về hưu rồi nhưng vẫn rất hăng hái sinh hoạt với phường, sinh hoạt với địa phương".

vaodang3

Các đảng viên biểu quyết bằng cách giơ cao thẻ Đảng

Ông Đặng Hùng Võ cho biết ông vẫn tham gia sinh hoạt đảng bình thường, nhưng vì không còn làm cho nhà nước nữa nên nội dung sinh hoạt cũng chỉ là phổ biến chủ trương, đường lối bây giờ. Thế thôi. Ông giải thích thêm chuyện sinh hoạt đảng của ông sau khi về hưu :

"Thường thì chi bộ họp mỗi tháng một lần. Trong lần họp đó thường là thỏa luận về chủ trương, đường lối của Đảng, thảo luận về công việc ; ai làm tốt ai làm chưa tốt ; công việc có vướng mắc gì chẳng hạn…

Theo tôi thì những sinh hoạt đảng có khoảng 60% là giống như chính quyền. Còn 40% là có các nghị quyết của Đảng hoặc chủ trương, đường lối. Rồi đến kỳ kiểm điểm cuối năm thì có phần phê bình và tự phê bình. Khi không sinh hoạt nữa thì thôi".

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam, được đảm bảo bằng Điều 4 Hiến pháp 1980. Đảng lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Ông Hồ Chí Minh từng khẳng định : "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của tổ quốc, của giai cấp" ; "Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác.

Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân".

Dư luận cho rằng, không phải đảng viên nào cũng có lý tưởng như rao giảng của ông Hồ Chí Minh. Họ vào Đảng vì nhiều đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng. Cũng từ đó mà nhiều đảng viên bị kỷ luật. Tính đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cấp ủy các cấp đã xử lý gần 2.850 đảng viên trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó 270 người bị khai trừ đảng.

Nhiều đảng viên cấp cao bị kỷ luật hoặc bị truy tố hình sự, vào tù. Chẳng hạn như Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự TƯ, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân bị xác định trong thời gian từ tháng 11/2005 đến tháng 1/2008, chịu trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 – 2010. Ông Nguyễn Văn Tình bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến – nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên ủy viên Đảng ủy Quân sự TƯ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân được xác định mắc vi phạm trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng. Ông Nguyễn Văn Hiến bị 4 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tòa án nào xét xử Đảng cộng sản Việt Nam khi vi phạm Hiến pháp và pháp luật ?

vaodang5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vào hôm 28/10, phát biểu tại trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, thành phố Hà Nội, và được truyền thông Nhà nước Việt Nam trích dẫn nguyên văn :

"Thẩm phán phải là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận đấu tranh bảo vệ pháp chế, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật ; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện trách nhiệm nêu gương. Các tòa án phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng ; rèn luyện phẩm chất đạo đức để mỗi cán bộ, thẩm phán luôn nhận thức đầy đủ, rõ ràng trách nhiệm trong thực thi công vụ. Hoạt động trong môi trường xét xử, phán quyết tính đúng sai của các sự kiện pháp lý, cán bộ, thẩm phán thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hệ thống tòa án càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng ; tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán".

Lời phát biểu này đã được Báo Tuổi Trẻ Online, trong cùng ngày đăng tải và chạy tít với câu nói của bà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân "Tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán".

Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang, trên trang Facebook cá nhân đã nêu câu hỏi vì sao lại "tuyệt đối không để người dân nghi ngờ về đức thanh liêm của thẩm phán" ?

"Không có một cái gì là tuyệt đối cả. Bởi vì con vật biết nghi ngờ. Khi một người lạ cho con vật ăn cái gì đó thì nhiều lúc nó không ăn. Con chó, chẳng hạn, còn nghi ngờ, ngửi và nhìn người cho nó đồ ăn. Thế cho nên nghi ngờ là một phản xạ tự nhiên của động vật. Còn đối với con người thì không những có phản xạ mà còn có tư duy. Con người luôn luôn phải biết nghi ngờ, mà nhờ vào đó thì mới có tò mò, khám phá và mới có phản biện, tiến bộ, khoa học, mới tìm tòi chân lý. Cho nên khi nói "tuyệt đối không để dân nghi ngờ" thì lời phát biểu đó rất là không hiểu gì cả. Có thể nói là rất ấu trĩ và ngu. Điểm thứ hai là không nghi ngờ sự thanh liêm của thẩm phán. Về vế đầu ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ’ thì đã là một cái sai. Thêm vế thứ hai là ‘tuyệt đối không để dân nghi ngờ về sự thanh liêm của thẩm phán’ thì trở thành hài hước. Bởi vì, tòa án và thẩm phán tại Việt Nam có thanh liêm hay không thì người dân ai cũng biết rồi. Bao nhiêu vụ án oan, án sai được người dân biết rất rõ, nhất là vụ án Hồ Duy Hải, vụ án của ông Thanh Chấn và đặc biệt là vụ đại án Đồng Tâm".

Không ít cư dân mạng cho rằng bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu như vậy cho thấy một sự áp đặt độc đoán lên người dân Việt Nam.

vaodang6

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cùng 17/17 vị thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao biểu quyết tuyên y án tử hình Hồ Duy Hải

Cựu tù nhân lương tâm-thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung đăng tải ý kiến của anh rằng "Dân nghi ngờ thẩm phán thì cứ vu cho là ‘thế lực thù địch’ rồi bắt nhốt thôi. Thế là không còn ai dám nói tôi nghi ngờ nữa".

Bên cạnh lời phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lời phát biểu của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình càng gây chú ý trong công luận nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình khi đề cập đến những bài học thành công của hệ thống tòa án Việt Nam suốt 75 năm qua, đã nói rằng trước hết tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, tuân thủ sự lãnh đạo và toàn diện của Đảng ; tổ chức thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng ; thượng tôn pháp luật và tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc tư pháp đã được hiến định.

Tiến sĩ Giáo dục Mạc Văn Trang có lời nhận xét với RFA rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu rất trung thực về hệ thống tòa án Việt Nam xét xử theo chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Đài, xác nhận :

"Điều đó chắc chắn nói đến có sự can thiệp từ bên Đảng. Bởi vì theo nguyên tắc của Hiến pháp quy định rằng thẩm phán chỉ tuân theo sự thật khách quan của pháp luật thôi. Tuân thủ luật thì không được chấp nhận mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Thế nhưng khi ông Bình nói đến vấn đề trung thành với Đảng hay tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng thì rõ ràng đã khác rồi. Bởi vì trong một số vấn đề giữa đường lối, chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam với một số vụ án rất khác nhau, đặc biệt trong vụ án chính trị. Bởi vì người dân đấu tranh dân chủ thì họ chỉ thể hiện khát khao quyền tự do dân chủ của họ thôi, nhưng khi Đảng can thiệp và đưa quan điểm chính trị của họ vào thì rõ ràng sẽ làm cho những thẩm phán không còn khách quan, công bằng trong xử lý những vụ án như vậy nữa".

Luật sư Nguyễn Văn Đài nhấn mạnh thêm rằng bản chất củng cố hệ thống chính trị Cộng sản thì không có tam quyền phân lập mà Đảng lãnh đạo Việt Nam coi ngành công an, viện kiểm sát và tòa án chỉ là công cụ để bảo vệ quyền lực và lợi ích của Đảng cộng sản Việt Nam, chứ không phải là ngành độc lập.

Một số ý kiến trong dư luận bày tỏ trên mạng xã hội rằng "Tòa án Nhân dân" nên đổi tên thành "Tòa án Đảng cộng sản Việt Nam".

Cựu tù nhân lương tâm, anh Nguyễn Tiến Trung lập luận rằng "Đảng cộng sản Việt Nam vi phạm Hiến pháp và luật pháp trong việc tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân thì đâu có tòa án nào dám xét xử Đảng".

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 01/11/2020

***********************

Đảng che giấu tài sản – Dân tan vỡ lòng tin

Thu Thủy, Thoibao.de, 31/10/2020

Quốc hội Việt Nam dành nhiều thời gian hôm 26/10 để bàn giải pháp đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội cho biết.

vaodang7

Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, người phát ngôn rằng ông Lê Đình Kình là "Cường hào địa chủ mới" đã bị dân mạng soi thấy sợi dây nịt mà ông đeo là của nhãn hiệu HERMES với giá 5000 USD một chiếc, tức hơn 100 triệu đồng, trong khi mức lương của ông chỉ hơn 10 triệu đồng một tháng

Các đại biểu nêu ra các biện pháp từ triển khai thêm hạ tầng công nghệ thông tin trong dịch vụ hành chính công ; tăng công khai, minh bạch trong đấu thầu, mua sắm công… cho đến nâng cao, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, theo bản tin trên trang quochoi.vn.

Tuy nhiên, một cựu quan chức thuộc quốc hội, ông Trần Quốc Thuận, nói với VOA rằng trong điều kiện chính trị của Việt Nam, mấu chốt của vấn đề là cần có ứng cử, bầu cử tự do trong nội bộ Đảng cộng sản cầm quyền.

Trang web chính thức của quốc hội Việt Nam trích lời Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, tỉnh Hậu Giang, đánh giá cao các cơ quan nhà nước quyết liệt điều tra, truy tố, và xét xử tội phạm về kinh tế và tham nhũng.

Nhưng Đại biểu Thủy chỉ ra rằng số lượng tiền, tài sản thu hồi từ các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt trên 43%, khoảng 15.000 tỷ đồng. Nữ đại biểu đề nghị nhà chức trách kiên quyết thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.

Bà Thủy cũng đề xuất một loạt biện pháp nhằm chống tham nhũng hiệu quả hơn. Trong đó, bà nhấn mạnh rằng chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công ; tăng cường công khai, minh bạch trong lĩnh vực mua sắm công, đấu thầu liên quan đến nhà nước.

Một đại biểu khác, ông Nguyễn Minh Sơn, đại diện tỉnh Tiền Giang, đề nghị phải chú trọng đến việc thực hiện hiệu quả các quy định về kê khai, giải trình và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phạm vi đối tượng phải kê khai, công khai, Cổng Thông tin của Quốc hội tường thuật.

Bản tin cũng cho biết một số đại biểu đề nghị chính phủ Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhận xét với VOA rằng có một vướng mắc cơ bản là quốc hội và Đảng cộng sản cầm quyền không công khai thông tin đầy đủ về mức độ tín nhiệm và tài sản của các quan chức trong chính quyền để người dân giám sát, có ý kiến.

Sâu xa hơn, bản chất của vấn đề nằm ở chỗ Đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo duy nhất, toàn diện và trực tiếp ở Việt Nam, ông Thuận nói, vì vậy, người dân không thể tạo ra một lực lượng chính trị khác hay các hội, đoàn độc lập để giám sát, phản biện về chống tham nhũng.

"Ở Việt Nam, lập đảng khác hoặc các hội, đoàn độc lập là vi phạm pháp luật, bị nhà nước xử lý. Vì vậy, không có hy vọng có ứng cử, bầu cử tự do ở quy mô toàn xã hội. Chỉ mong là trong nội bộ Đảng cộng sản sẽ có ứng cử, bầu cử tự do. Khi đó, các ứng cử viên tranh cử sẽ nói lên sự thật về tài sản hoặc các công việc kinh doanh của con, cháu. Nhưng đó là mong ước, còn chưa biết bao giờ mới thực hiện được", nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nói với VOA.

Ông Thuận nói thêm rằng là người có hơn 50 năm tuổi đảng, ông nhận thấy khi các vấn đề chính trị, xã hội, mà nổi lên và tham nhũng, trở nên ngày càng nhức nhối, gây bất bình trong nhân dân, sẽ dẫn đến việc đảng phải tự đổi mới để không mất tính chính danh.

Việt Nam trong những năm qua đã có tiến bộ về phòng, chống tham nhũng và được các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Như VOA đã đưa tin, Tổ chức Minh bạch Thế giới cho biết Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng của Việt Nam từ năm 2012 đến 2019 đã tăng lên đáng kể.

Năm 2012, chỉ số này của Việt Nam đạt 31/100 điểm, với xếp hạng thứ 123/198 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng toàn cầu. Đến năm 2019, chỉ số tăng lên 37/100 điểm, đưa Việt Nam đứng thứ 96/198. Đây là mức điểm cao nhất mà Tổ chức Minh bạch Thế giới đánh giá về Việt Nam và là năm có mức tăng điểm cao nhất từ trước đến nay.

Ủy ban tư pháp Quốc hội : "Tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng !"

vaodang8

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nêu bật tình trạng tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng của Việt Nam trong Báo cáo Thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

"Vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật", VTV dẫn lời bà Nga cho biết.

Theo báo cáo thẩm tra qua công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện "nhóm lợi ích", móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp ; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn "bảo kê", bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra…

Báo cáo cũng cho hay tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng sơ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Hậu đề nghị cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí đó chính là chủ nghĩa quan liêu.

Theo ông Hậu, chủ nghĩa quan liêu sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm… Đó là mảnh đất đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí.

"Xử lý vụ án này vụ án khác chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chừng nào chưa đặt vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu thì chúng ta còn vất vả chống tham nhũng", "Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động… mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý", ông Hậu nêu.

Ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho rằng trong công tác phòng chống tham nhũng có 2 giải pháp cần phải làm tốt hơn là kiểm soát kê khai tài sản và thu hồi tài sản tham nhũng.

Ông Lý đề nghị cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, mỗi người cần có một tài khoản ngân hàng và tất cả các giao dịch trên 5 triệu đồng đều phải thực hiện qua ngân hàng.

Không siết cán bộ kê khai tài sản thì không thể chống tham nhũng !

vaodang9

Căn nhà dùng 80 m3 gỗ quý của ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị trên khu đất diện tích hơn 2.000m2, được xây dựng theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, gồm hệ thống cột gỗ, mái lợp ngói, tường xây gạch, cùng hệ thống sân vườn, cây kiểng…được ông Trung khai báo tất cả gỗ đều hợp pháp từ nguồn tiền tiết kiệm mà ra

Đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, hạn chế ; vẫn còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý".

Đó là trình bày của ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khi báo cáo Quốc hội về ý kiến cử tri trong công tác chống tham nhũng, hôm 20 tháng 10 năm 2020.

Thực trạng tham nhũng

Theo ông Mẫn, dù công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được tăng cường, cơ quan chức năng cũng đã xử lý được nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội… Tuy nhiên số tài sản tham nhũng thu hồi quá khiêm tốn, vì những kẻ phạm tội đã tẩu tán hay bỏ trốn.

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình :

 "Có cơ chế gì mà chống tham nhũng, mà đã thực hiện được đâu mà hết tham nhũng được. Nhiều lắm, tràn lan, tham nhũng đàng hoàng trên đường phố, công an đón người ta kêu có tội rồi phạt, tiền đưa vào túi chứ có đưa vào ngân sách đâu ? Còn chuyện tham nhũng bên trong thì đủ thứ tham nhũng, tham nhũng đất đai… Chưa có giải pháp, chưa có chế tài nào để trị tham nhũng đến nơi đến chốn".

Chính Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long hôm 14/09/2020, khi gởi báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi hành án năm 2020 của Chính phủ, cũng cho biết trong số 75 ngàn tỷ đồng tham nhũng phải thu hồi, đã xác định được gần 49 ngàn tỷ đồng có điều kiện thi hành án… nhưng chỉ thu hồi được 11 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 23%…

Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, mặc dù việc thi hành án trong các vụ án hình sự về tham nhũng không nhiều nhưng số tiền phải thi hành án trong từng vụ việc là rất lớn… Trong khi đó các bị cáo này, không có tài sản hoặc có rất ít tài sản để thi hành án.

vaodang10

Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc (bên phải) với cả gia đình có quốc tịch đảo Síp từ năm 2018, chỉ riêng ông Quốc đã chi 60 tỷ đồng (2,5 triệu USD) cho tấm hộ chiếu đảo Síp. Thế nhưng ông Phan Nguyễn Như Khuê (bên trái), Trưởng ban tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh, lại xua tay bảo rằng không nên đặt câu hỏi rằng tiền ông Quốc có từ đâu

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, hiện là thành viên nhóm Lập quyền dân, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận định :

"Bất cứ một lãnh đạo của bất cứ bộ ngành nào, bất cứ địa phương nào, không chứng minh được tài sản lớn, nhà cao cửa rộng, biệt phủ thênh thang.v.v… thì người ta có quyền nghi vấn và kiểm tra. Nếu không chứng minh được thì tức là tài sản bất minh… khi đó nhà nước phải tịch thu. Nhưng bây giờ luật bày của Việt Nam đưa ra Quốc hội nhưng không quyết được, có nghĩa là họ dung dưỡng cho một thái độ bất minh. Và rút cuộc tiền tham nhũng vẫn nằm trong túi vợ con, bà con thân thuộc của những người phạm tội, họ chuyển ra nước ngoài, đánh mất tài sản của dân của nước".

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, tham nhũng ở Việt Nam là một điều ai cũng thấy, nhưng đảng công sản sẽ vẫn không giải quyết được vấn nạn này, nếu vẫn giữ cung cách đảng lãnh đạo như hiện nay, mà không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có phản biện xã hội… Và ai công kích phê phán thì coi là chống đối nhà nước, bỏ tù… nên cũng không thể dựa vào dân để đẩy lùi tệ nạn này.

Vì sao không công khai tài sản cán bộ ?

Khi trả lời Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Nhà hoạt động Trần Bang nói :

"Bởi vì do không được minh bạch, thể chế độc đảng cái gì cũng bí mật, sức khỏe cán bộ cũng bí mật, tài sản cán bộ cũng bí mật, quá trình công tác cũng bí mật, dân chẳng biết để soi.

Vì vậy người ta trượt dài trong bí mật ấy, chỉ khi nào trong đảng đấu đá đưa ra thì dân mới biết người đó có tội".

vaodang11

Ông Lê Thanh Hải kẻ gây ra cơn bão Thủ Thiêm đã cưỡng chế 15.583 căn nhà, công sở, trường học, nhà nguyện, cư xá công nhân, trại phong, khiến 6 vạn dân ly tán, khổ đau, uất hận. Họ đã khóc hết nước mắt suốt 20 năm qua vẫn chưa có kết quả gì, vậy mà ông ta chỉ bị khiển trách và cách đi chức vụ đã nghỉ hưu từ lâu không còn làm nữa. Thật là khôi hài và đau xót

Trong khi cần công khai minh bạch tài sản để có thể xác minh, thu hồi khi có vi phạm tham nhũng, thì vào đầu tháng 6 năm 2020, Bộ Tư pháp lại đưa ra dự thảo quy định số liệu thu hồi tài sản tham nhũng là ‘danh mục tối mật’. Theo Bộ này giải thích, dự thảo căn cứ theo quy định tại khoản 14 Điều 7 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018. Trong đó, nội dung về thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, nhận định :

"Tôi thấy về vấn đề kê khai tài sản, cần phải sửa lại những quy định của pháp luật. Trước khi một người được bổ nhiệm chức vị, có liên quan người có chức vụ và quyền hạn, thì phải kê khi tài sản một cách trung thực. Ví dụ tài sản bất minh, thì người ta sẽ xử lý người cán bộ công chức đó. Cán bộ phải kê khai trung thực, và nếu không trung thực thì người ta sẽ ‘nhìn’ chức vị của cán bộ đó ngay lập tức".

Có nhiều ý kiến nghi ngờ cho rằng, vì chỉ có quan chức là đảng viên Đảng cộng sản mới tham nhũng, do đó nếu công khai sẽ làm cho người dân mất tin tưởng. Tuy nhiên, càng không công khai, lại càng chứng tỏ không minh bạch. Điều này làm dư luận nêu câu hỏi, liệu chính quyền có thật lòng muốn chống tham nhũng, khi không quyết liệt trong việc bắt cán bộ kê khai tài sản ?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A khi trả lời Đài Á Châu Tự Do, giải thích :

"Có quy định kê khai tài sản nhưng họ chỉ giữ với nhau hoặc có thể trong nội bộ lúc họ đánh nhau có thể lôi ra. Nhưng nếu thông tin minh bạch đã làm quan chức nhà nước có thể không cần phải công khai ở mức đăng trên báo, nhưng phải để cho bất kể một công dân nào có quyền tiếp cận thông tin ấy và nó phải có quy định rõ ràng là sử dụng thông tin ấy thế nào ?"

Giáo sư Nguyễn Đình Cống, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do trước đây cho rằng, bản chất của cán bộ Đảng cộng sản là khó giữ liêm khiết, vì cơ chế độc quyền, độc đảng, độc trị… Cơ chế ấy theo ông dễ tạo ra những kẻ tham nhũng, những kẻ hối lộ. Chẳng qua là họ nằm ở phe cánh nào và đã lộ ra hay chưa mà thôi.

Còn theo ông Nguyễn Khắc Mai, khi một nhà nước toàn trị do một đảng cầm quyền và không có ai kiểm soát thì tất yếu là các cơ quan trực thuộc nhà nước sẽ lủng đoạn. Bởi vì theo ông, không có đảng đối lập để kiểm tra, kiểm soát được họ. Cho nên tình trạng tham nhũng gần như là quy luật và không thể nào giải quyết được.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 31/10/2020

**********************

Mục tiêu tối hậu : vào Đảng cộng sản để thăng quan tiến chức ?

Diễm Thi, RFA, 30/10/2020

Hôm 29/10 vừa qua, một số báo mạng nhà nước Việt Nam có đăng bài viết cảnh báo tình trạng đảng viên nghỉ hưu, thôi việc là nghỉ hẳn sinh hoạt đảng đang diễn ra tại một số tỉnh miền núi Tây Bắc. Trong bài viết có dẫn lời ông Đỗ Trường Sơn, Bí thư Thành ủy Lào Cai rằng [v1] : Nếu đồng chí nào khi nghỉ hưu nghỉ luôn sinh hoạt đảng đó là người cơ hội, vào Đảng chỉ vì chức vụ quyền hạn, chỉ phục vụ công việc của mình.

Mục tiêu tối hậu: vào Đảng Cộng sản để thăng quan tiến chức?

Một công nhân đi ngang qua tấm biển có cờ Đảng cộng sản ở Hà Nội vào ngày 5/10/2020. AFP

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, chuyện bỏ sinh hoạt đảng sau khi về hưu hay nghỉ việc xảy ra với rất nhiều đảng viên. Ông phân tích :

"Cái chuyện người ta về hưu người ta bỏ sinh hoạt đảng thì nó rất phổ biến, trừ những người phải làm chức gì đấy như tổ trưởng dân phố hay chức gì đấy thì họ còn sinh hoạt thôi. Còn đa số thì cứ lặng lẽ bỏ sinh hoạt đảng. Số ấy đông lắm.

Có người chán Đảng, bỏ Đảng một cách đường hoàng. Có thể công khai, có thể không công khai. Mỗi người có một hoàn cảnh. Người ta lặng lẽ bỏ. Cũng có những người thì về hưu rồi không còn có gì ‘chấm mút’ được nữa thì thôi, không sinh hoạt đảng nữa. Đấy cũng là một kiểu bỏ đảng. Thực sự có rất nhiều kiểu bỏ Đảng".

Trong sáu năm qua, người ta nhận thấy có hai đợt bỏ Đảng. Đợt thứ nhất vào năm 2014. Những người bỏ Đảng lúc đó có một viên chức ngoại giao Việt Nam tại Thụy Sĩ là ông Đặng Xương Hùng ; một đảng viên Cộng sản lão thành là ông Lê Hiếu Đằng ; một người từng làm việc cho cơ quan an ninh Việt Nam là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ; một Trung tá Quân đội là Tiến sĩ- Bác sĩ Đinh Đức Long.

Đến năm 2018, 14 đảng viên tuyên bố ra khỏi Đảng cộng sản Việt Nam chỉ trong 10 ngày sau khi ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ, Giám đốc kiêm Tổng Biên Tập Nhà xuất bản Tri thức bị Ban Kiểm Tra Trung ương Đảng cộng sản đề nghị kỷ luật.

Nghệ sĩ Kim Chi là một người trong số đó. Bà chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản vào ngày 4 tháng 11 năm 2018. Bà cho biết đã quyết định bỏ Đảng một cách lặng lẽ từ năm 2013. Nhưng cũng như Giáo sư Mạc Văn Trang, bà thấy rằng sự kiện Chu Hảo là giọt nước tràn ly. Bà không thể khi nhắm mắt mà vẫn còn mang danh hiệu đảng viên Cộng sản. Bà kể :

"Tôi rất thân với anh Lê Hiếu Đằng. Lúc ngồi nói chuyện với ảnh tôi có nói chắc là đã đến lúc anh em mình ra khỏi Đảng. Anh Đằng nói rằng chuyện này phải tính toán kỹ. Ít lâu sau thì anh Đằng mất. Tôi không thể lỗi hẹn với người đã mất. Tôi nói chuyện với anh Chu Hảo, cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, tôi đã viết tuyên bố, nhưng mọi người khuyên là ở lại có thể làm được điều gì đó. Tôi cũng nghĩ thế, vì trong Đảng cũng có những người tốt, không phải ai là đảng viên đều khốn nạn cả".

Theo ông Nguyễn Quang A, việc bỏ Đảng hay bỏ sinh hoạt đảng là quyền của đảng viên. Nếu không sinh hoạt ba tháng thì về nguyên tắc là sẽ bị loại trừ ra khỏi Đảng. Nhưng vì Đảng thích con số nên vẫn để nguyên để cho thấy vẫn có nhiều đảng viên.

Theo con số được đưa ra tại kỳ Đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 1 năm 2016 thì toàn Đảng có hơn 4,5 triệu đảng viên.

Ông Đặng Hùng Võ, một đảng viên Đảng cộng sản cho rằng, điều lệ Đảng cho phép khi về hưu hoặc là ở trong trạng thái không còn hoạt động gì nữa thì có thể làm đơn xin không sinh hoạt. Tuy vậy, cũng có người lơ luôn chuyện làm đơn. Ông nói :

"Nói chung là khi về hưu rồi hoặc khi không còn hoạt động gì nữa thì về mặt quy định là phải có đơn xin thôi sinh hoạt đảng. Còn nếu ai không có đơn mà cứ lờ đi không sinh hoạt đảng là không thực hiện đúng quy định.

Thường thì ai mà còn hoạt động cho xã hội thì vẫn buộc phải sinh hoạt đảng. Còn những người về hưu rồi thì họ có thể làm đơn xin miễn sinh hoạt đảng. Tôi cũng biết có mấy người làm cho Ngân hàng Thế giới lơ sinh hoạt đảng sau khi về hưu. Họ cho rằng về hưu rồi thì không làm gì nữa cho nên sinh hoạt đảng cũng không thiết thực lắm. Cũng có những người về hưu rồi nhưng vẫn rất hăng hái sinh hoạt với phường, sinh hoạt với địa phương".

Ông Đặng Hùng Võ cho biết ông vẫn tham gia sinh hoạt đảng bình thường, nhưng vì không còn làm cho nhà nước nữa nên nội dung sinh hoạt cũng chỉ là phổ biến chủ trương, đường lối bây giờ. Thế thôi. Ông giải thích thêm chuyện sinh hoạt đảng của ông sau khi về hưu :

"Thường thì chi bộ họp mỗi tháng một lần. Trong lần họp đó thường là thỏa luận về chủ trương, đường lối của Đảng, thảo luận về công việc ; ai làm tốt ai làm chưa tốt ; công việc có vướng mắc gì chẳng hạn…

Theo tôi thì những sinh hoạt đảng có khoảng 60% là giống như chính quyền. Còn 40% là có các nghị quyết của Đảng hoặc chủ trương, đường lối. Rồi đến kỳ kiểm điểm cuối năm thì có phần phê bình và tự phê bình. Khi không sinh hoạt nữa thì thôi".

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam, được đảm bảo bằng Điều 4 Hiến pháp 1980. Đảng lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Ông Hồ Chí Minh từng khẳng định : "Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của tổ quốc, của giai cấp" ; "Đảng ta là đảng lãnh đạo cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân Đảng ta không có lợi ích nào khác. Vì vậy, cán bộ và đảng viên phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải là người đầy tớ hết sức trung thành của nhân dân".

Dư luận cho rằng, không phải đảng viên nào cũng có lý tưởng như rao giảng của ông Hồ Chí Minh. Họ vào Đảng vì nhiều đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng. Cũng từ đó mà nhiều đảng viên bị kỷ luật. Tính đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và cấp ủy các cấp đã xử lý gần 2.850 đảng viên trong nhiệm kỳ 2015/2020, trong đó 270 người bị khai trừ đảng.

Nhiều đảng viên cấp cao bị kỷ luật hoặc bị truy tố hình sự, vào tù. Chẳng hạn như Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân bị xác định trong thời gian từ tháng 11/2005 đến tháng 1/2008, chịu trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân nhiệm kỳ 2005 - 2010. Ông Nguyễn Văn Tình bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến - nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên ủy viên Đảng ủy Quân sự TƯ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân được xác định mắc vi phạm trong quản lý và sử dụng đất quốc phòng. Ông Nguyễn Văn Hiến bị 4 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 30/10/2020

Published in Diễn đàn

12 : Nguy cơ do quốc tế đang có chiến tranh toàn diện với Đảng cộng sản Trung Quốc, dù chiến tranh quân sự chưa xảy ra

Không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam, ngoài 95 triệu người Việt phải tự cố gắng cứu giúp nhau và tự cứu lấy chính mình !

tq1

Lối thoát nào cho nhân loại bước ra khỏi cuộc chiến tranh phi bạo lực mang tên Toàn cầu hóa mà Đảng cộng sản Trung Quốc sắp thành công ? (Ảnh : NTD Việt Nam tổng hợp)

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận ra từ rất sớm, có lẽ trước khi ông ấy tranh cử tổng thống Mỹ, rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang thực hiện việc thống trị toàn thế giới dưới vỏ bọc mỹ miều của toàn cầu hóa, tự do thương mại, kinh tế phát triển… Sự kiện đơn giản và quan trọng nhất đã được làm rõ như pha lê là quốc tế đang có chiến tranh toàn diện với Đảng cộng sản Trung Quốc, dù chiến tranh quân sự chưa xảy ra, nhưng không loại trừ khi tình hình mất kiểm soát từ hai phía.

Đó là điều mà dư luận chiến lược quốc tế đang bàn đến. Không phải là về nước Trung Quốc, và càng không phải là về người dân Trung Quốc. Trên thực tế, người dân Trung Quốc lại chính là nạn nhân lớn nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc hơn 70 năm qua. Mục tiêu tấn công từ quốc tế là Đảng cộng sản Trung Quốc - một đảng tàn bạo lạnh lùng, lừa lọc, bất nhân và thiếu tôn trọng các giá trị phổ quát.

Những điều này đã lộ rõ như ban ngày, vì đại dịch Vũ Hán đã phơi bày điều đó. Nó đã cho thế giới thấy được rõ ràng rằng chế độ Trung Quốc là gì, họ muốn gì và họ sẽ làm gì để đạt được các mục đích của mình. Hiển nhiên họ muốn trở thành siêu cường của thế giới, với một kiểu quyền lực độc tôn. Những chư hầu của Trung Quốc thì bị phơi bày như là những tay sai, thằng hề, đồng hành và chó săn của họ.

Kể từ năm 2017, Tổng thống thứ 45 của Mỹ là Donald Trump đã xem Đảng cộng sản Trung Quốc là một trong những đối thủ xảo quyệt nhất cần phải loại bỏ, với niềm tin rằng "Bản chất Đảng cộng sản Trung Quốc không bao giờ thay đổi và chính là tà ác". Theo Reuters, 08/07/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray tuyên bố : "Đảng cộng sản Trung Quốc là ‘mối đe dọa lớn nhất’ đối với Mỹ" và mô tả một chiến dịch đa hướng do chính phủ Trung Quốc thực hiện để phá hoại đời sống người Mỹ.

Theo Ngọai trưởng Mỹ ông Michael Pompeo thì thế giới đang thức tỉnh trước một Trung Quốc đã lộ nguyên hình là một thực thể lưu manh, ưa chuộng bạo lực và chà đạp Nhân Quyền. Ngày 23/07/2020, ông Pompeo đã chọn Thư Viện cố Tổng thống Richard Nixon (The Richard Nixon Presidential Library and Museum) để đọc bài phát biểu tuyên bố chính thức chiến lược ngọai giao 21 điểm với tiêu đề "Trung Hoa Cộng sản và Tương lai Thế giới Tự do"(Communist China and the Free World’s Future), ngược chiều 180 so với chiến lược Nixon-Kissinger đã nuôi cho Trung Quốc lớn mạnh suốt 50 năm qua kể từ 1972.

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo, có tiêu đề "Trung Quốc Cộng sản và Tương lai Thế giới Tự do" - là bài cuối cùng trong chuỗi 4 bài phát biểu về Trung Quốc của các "chiến tướng" trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump, gồm Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien nói về ý thức hệ, Giám đốc FBI Chris Wray nói về gián điệp, và Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói về kinh tế. Bài phát biểu nầy nhấn mạnh đến 21 điểm chính yếu sau đây :

1. Sai lầm cốt lõi của Hoa Kỳ - do Nixon-Kissinger tạo dựng - là đã mở cửa phương Tây suốt 45 năm qua (1972-2017) cho Đảng cộng sản Trung Quốc lớn mạnh và trở thành con quái vật Frankeinstein.

2.  Phá bỏ di sản nguy hại của Nixon-Kissinger về hợp tác với Trung Quốc và quyết tâm không được quay lại mô hình nầy vì Hoa Kỳ muốn một thế kỷ 21 Tự Do.

3. Trung Quốc là kẻ phản trắc luôn tấn công và khai thác xã hội tự do & minh bạch của các nước phương Tây. 

4. Hoa Kỳ và phương Tây đã sai lầm khi liên tiếp nhân nhượng chính quyền Trung Quốc để đổi lại thị trường tiêu thụ Trung Quốc.

5. Trung Quốc cướp bóc tài sản trí tuệ, bí mật thương mại và đột kích Hoa Kỳ để lôi kéo chuổi cung ứng hàng hóa ra khỏi Mỹ.

6. Trung Quốc ngày càng độc đoán ở trong nước và hung hăng thù địch với Tự Do trên thế giới.

7. Đối thoại vơi Trung Quốc là vô ích vì không đem lại thay đổi xứng đáng nào.

8. Tham vọng bá chủ tòan cầu của Tập Cận Bình là thống trị thế giới bằng tư tưởng Mác-Lê tòan trị.

9. Không được tin Trung Quốc mà phải xác minh và làm thay đổi Trung Quốc bằng hành động không dựa trên những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, mà là cách họ hành xử.

10. Giao dịch với Trung Quốc không giống như giao dịch với một quốc gia bình thường tôn trọng luật pháp mà phải có cách hành xử khác.

11. Sinh viên Trung Quốc đến Mỹ để làm gián điệp và để ăn cắp sáng chế

12. Quân đội Trung Quốc là quân đội không bình thường và phải đối phó theo cách khác.

13. Hoa Kỳ chống đối Đảng cộng sản Trung Quốc chứ không chống nhân dân Trung Quốc vì họ cũng là nạn nhân trực tiếp của Đảng cộng sản Trung Quốc.

14. Đảng cộng sản Trung Quốc luôn nói dối, không đại diện chu 1,4 tỉ dân Trung Quốc, và sợ lời nói thật của nhân dân Trung Quốc.

15. Hoa Kỳ ủng hộ những thành phần bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.

16. Đảng cộng sản Trung Quốc lặp lại các sai lầm của Liên Xô là không thừa nhận sở hữu tư nhân.

17. Trung Quốc phụ thuộc vào thế giới nhiều hơn thế giới phụ thuộc vào Trung Quốc.

18. Không thay đổi Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới.

19. Mỹ không cho phép Tập Cận Bình độc trị trong và ngoài Trung Quốc.

20. Khuyến khích các nước lớn nhỏ liên minh chống lại Đản g cộng sản Trung Quốc.

21. Thế giới tự do đã thức tỉnh về nguy hiểm của Trung Quốc và phải liên minh lại để chống đối Đảng cộng sản Trung Quốc.

Bài phát biểumang tính bước ngoặt của Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo dưới tựa đề "Trung Quốc cộng sản và Thế giới tự do"là dự báo của "sự khởi đầu một kỷ nguyên mới" trong các vấn đề toàn cầu và sự thay đổi bước ngoặc trong chính sách đối ngoại chống đối Đảng cộng sản Trung Quốc.

Ngoài ra, Đảng cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới toàn cầu gồm ít nhất 600 trạm tuyển dụng trên khắp thế giới nhằm chiêu mộ những chuyên gia và nhà khoa học hải ngoại để thu thập các công nghệ tối tân. Việc chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng dự án "Nghìn nhân tài" để đánh cắp tài sản trí tuệ và công nghệ kinh doanh của Mỹ không phải là điều bí mật.

Tuy nhiên, mộtbáo cáocủa Viện chính sách Chiến thuật Australia (ASPI) gần đây đã tiết lộ, chương trình "Nghìn nhân tài" chỉ là một trong số hơn 200 dự án tuyển dụng nhân tài của Đảng cộng sản Trung Quốc. Để chiêu mộ nhân tài khoa học và công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển, Đảng cộng sản Trung Quốc đã xây dựng một mạng lưới tinh vi gồm ít nhất 600 trạm tuyển dụng nhân tài trên khắp thế giới, và hiện quy mô vẫn đang được tiếp tục mở rộng.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) ngày 20/08/2020 cho hay các trạm tuyển dụng này được phân bổ nhiều nhất ở Hoa Kỳ với 146 trạm, tiếp theo là Đức và Úc với 57 trạm mỗi nước, Anh là 49 trạm, Canada 47 trạm, Nhật Bản 46 trạm, Pháp 46 trạm. Ngoài ra, các trạm này cũng xuất hiện ở các quốc gia xa xôi như New Zealand và Thụy Điển.

Nghị sĩ Anh Tom Tugendhat chỉ ra rằng, giống như tất cả các chế độ độc tài, Chính phủ Trung Quốc rất xảo trá, họ bất chấp tất cả để duy trì quyền lực và kiểm soát người dân, vì vậy họ phải che đậy sự thật về Virus Vũ Hán vì có thể gây ảnh hưởng đến uy quyền của họ. Ủy ban Ngoại giao của Hạ Viện Anh quốc do ông Tugendhat làm chủ tịch tuyên bố rằng Trung Quốc đang quyết tâm xây dựng một trật tự toàn cầu mới do họ lãnh đạo.

Toàn cầu hóa bắt đầu từ phương Tây, là con đường mà chủ nghĩa tư bản mở rộng trên toàn cầu. Toàn cầu hóa về hình thức khiến cho kinh tế thâm nhập lẫn nhau, làm cho các quốc gia liên kết, hợp tác và phụ thuộc vào nhau trong một chuỗi cung ứng sản xuất & tiêu thụ. Điều bất hạnh là, Đảng cộng sản Trung Quốc với bản tính ma mãnh đã nhận ra toàn cầu hóa chính là cơ hội vàng để thao túng thế giới, làm các nước mất đi chủ quyền quốc gia, phá hoại cơ sở kinh tế dân tộc, nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là làm bá chủ thế giới. Khi đại dịch bùng nổ, cả thế giới chao đảo vì nguồn cung cấp y tế và dược phẩm cũng như 90% hàng hóa phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các quốc gia tiếp tục phải nhập khẩu từ Trung Quốc và nhận được bài học cay đắng khi trong cơn khủng hoảng, Trung Quốc dùng chính thảm họa để trục lợi họ bằng việc đầu cơ hàng tỷ khẩu trang của thế giới rồi bán lại các thiết bị y tế như máy thở với giá cắt cổ và các bộ xét nghiệm cho kết quả sai 80%, còn khẩu trang y tế thì được làm từ đồ lót. Ngày nay cả thế giới chìm ngập trong sản phẩm hàng hóa "made in China", và nó đã trở thành thương hiệu của toàn cầu hóa khi một mình Trung Quốc thao túng mọi nguồn lực. Thông qua toàn cầu hóa, Đảng cộng sản Trung Quốc xâm nhập vào các ngành nghề, các tầng diện trong xã hội trên mọi phương diện về chính trị, kinh tế, pháp luật, giáo dục, truyền thông, nghệ thuật và xã hội, văn hóa.

Với chế độ cộng sản Việt Nam, mưu đồ của Trung Quốc là khống chế toàn diện Việt Nam về chính trị - tư tưởng, về kinh tế, văn hóa - xã hội, về quan hệ đối ngoại, cô lập, lấn chiếm gây sức ép từ phía biển và trên đất liền… để cưỡng chế Việt Nam phải thuận theo chiến lược của họ, thực chất là biến Việt Nam thành chư hầu, phụ thuộc, không bao giờ ngóc đầu lên được. Đây là điều không thể mơ hồ. Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện được phần lớn những bước đi trong một chiến lược toàn diện cho mục tiêu của họ.

Đảng cộng sản Việt Nam đối phó rất bị động, nói chung là không thành công mà nguyên nhân cơ bản là nhiều người có trách nhiệm vẫn không dựa vào dân, vẫn mơ hồ, không đánh giá đầy đủ nguy cơ Trung Quốc và vẫn có tâm lý "sợ" họ làm căng. Chính sự mơ hồ đó, cộng với sự kém cỏi về kinh tế mà lòng tham của nhiều chủ đầu tư của các nhóm lợi ích tay sai Trung Quốc không được ngăn chặn và đã gây ra những "nguy hại" trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Nó rất dễ bị đội ngũ chiến tranh tâm lý của chính Trung Quốc khai thác cũng như những "thế lực khác" lợi dụng. Trung Quốc biết rất rõ Đảng cộng sản Việt Nam chỉ muốn được yên thân để giữ vững quyền cai trị độc tôn tại Việt Nam nên đã buộc chế độ cộng sản Việt Nam thần phục Đảng cộng sản Trung Quốc và biến hình trở thành một bản sao nhỏ của "mô hình Trung Quốc" y hệt như 900 năm Bắc thuộc trong thiên kỷ thứ I của lịch sử (Hội nghị Thành Đô 1990 đã đóng dấu mốc cho sự kiện cụ thể nầy).

Theo giám đốc nghiên cứu Benoît de Tréglodé thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) thì căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đã được quốc tế ghi nhận từ khi bản báo cáo chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được Bộ trưởng quốc phòng Mỹ trình bày vào tháng 06/2019 nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nêu rõ Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh trong khu vực. Mặc dù Quốc hội Việt Nam, vào tháng 06/2012, đã thông qua Luật Biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa, hôm 17/4/2020, Trung Quốc đã "chơi trò vừa ăn cướp vừa la làng" bằng cách đệ trình lên Liên Hiệp Quốc một tài liệu cáo buộc Việt Nam "đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc hòng tạo ra tranh chấp".

Trên Biển Đông, lợi dụng khi cả thế giới đang đối phó với Virus Vũ Hán nhà cầm quyền Trung Quốc "thừa nước đục thả câu" bằng việc tăng cường quân sự, gia tăng các biện pháp dọa dẫm và bành trướng lãnh thổ. Ngày 18/4/2020, Trung Quốc đã ngang ngược lập chính quyền quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trụ sở của cái gọi là "huyện đảo Tây Sa" đặt tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, của cái gọi là "Nam Sa" đặt tại đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa - cả hai quần đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam. Một ngày sau, ngày 19/4/2020, Trung Quốc lại tiếp tục có hành động bành trướng mới qua việc công bố cái gọi là "danh xưng tiêu chuẩn" của hàng chục hòn đảo, bãi đá và thực thể địa lý trên Biển Đông. Trong số này có những điểm nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các "danh xưng tiêu chuẩn" này bao gồm "25 đảo đá, rạng san hô và 55 thực thể địa lý dưới biển ở Biển Đông", đồng thời Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng. Trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Giới quan sát nhận định hành động của chính phủ Trung Quốc một lần nữa cho thấy họ sẽ không từ bỏ các âm mưu củng cố chủ quyền vô lý tự vẽ ra trên Biển Đông. Bất chấp các phản ứng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục phổ biến các yêu sách chủ quyền vô căn cứ và lập luận như thể mình là nạn nhân của tình trạng không tuân thủ luật quốc tế. Mới đây, truyền thông thế giới dậy sóng với kế hoạch Mỹ xây dựng một "mạng lưới kinh tế thịnh vượng" (Economic Prosperity Network), mục đích được cho là sẽ chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt ngay khi đại dịch cho thấy vai trò then chốt của Bắc Kinh trong nền kinh tế thế giới.

Sáng kiến mang tên Mạng lưới Thịnh vượng Kinh tế nhằm đưa các quốc gia và doanh nghiệp xích lại gần nhau để "vận hành theo một hệ giá trị chung". Không chỉ Mỹ, hôm 29/05/2020, Anh cho biết nước này đang hối thúc Mỹ hình thành một câu lạc bộ gồm 10 quốc gia có thể tự phát triển công nghệ 5G và giảm sự phụ thuộc vào tập đoàn Huawei của Trung Quốc. Mạng lưới thịnh vượng nầy không thấy đề cập gì đến chế độ cộng sản Việt Nam.

Hôm thứ Ba 15/09/2020, tại Hội nghị Online của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo khi đàm luận về quan hệ Mỹ-Trung đã vạch trần mục đích thật sự của cái gọi là "chấn hưng dân tộc" của Bắc Kinh.

Ông Pompeo tiết lộ rằng mượn chiêu bài "chấn hưng dân tộc", kỳ thực đây là một sự dối trá. Mục đích thực sự của nó chính là dã tâm thống trị thế giới và Đảng cộng sản Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự phá hủy trật tự quốc tế vốn có hiện nay, mà trật tự quốc tế này không chỉ mang lại lợi ích cho người dân Mỹ mà còn cả những người yêu tự do trên toàn cầu.

"Những gì chúng tôi tìm kiếm là một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ. Đây sẽ là sức mạnh chủ đạo trong thế kỷ tới, hệ thống này không chỉ có lợi cho Hoa Kỳ, mà còn có lợi cho những người yêu tự do trên khắp thế giới. Khi tôi nói về sự thèm khát quyền bá chủ thế giới của Đảng cộng sản Trung Quốc, đây chính là điều mà Đảng cộng sản Trung Quốc đang nhắm đến, đây chính là điều mà nó muốn phá hủy, và chúng ta nên nhớ những gì họ nói", Ngoại trưởng Mỹ cho hay.

Ông Pompeo cũng nói rằng, mục tiêu "chấn hưng dân tộc" mà Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến thực ra là "chủ nghĩa dân tộc lấy Mác-Lê làm hệ tư tưởng cốt lõi" và "ông Tập Cận Bình tận sức vì điều này và đã bỏ ra rất nhiều nguồn lực để đạt được mục đích đó. Mô hình của Đảng cộng sản Trung Quốc là mô hình phát triển tòan trị dung hợp giữa doanh nghiệp và quân đội một cách cao độ do nhà nước cộng sản Trung Quốc hỗ trợ".

Đảng cộng sản Trung Quốc đã sử dụng những lời nói dối của cái gọi là "chấn hưng dân tộc" để thực hiện hành vi cướp bóc. Gần đây, truyền thông nước ngoài tiết lộ rằng công ty Zhenhua Data ở Thâm Quyến được quân đội cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn đã thu thập thông tin cá nhân của hàng triệu người trên khắp thế giới, công ty này từng tuyên bố rằng họ có sứ mệnh giúp đỡ "chấn hưng sự vĩ đại của dân tộc Trung Hoa".

Ông Mike Pompeo cũng nói rằng chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã thay đổi : "Quyết sách đối với Trung Quốc trong những năm 1970 là có ý nghĩa vào thời điểm đó (chính sách về Trung Quốc của Nixon-Kissinger thời đó). Giờ đây, đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ mà nói thì lại hoàn toàn vô nghĩa. Điều này không chỉ là vấn đề an ninh, mà là vấn đề về cách thức tăng trưởng kinh tế Mỹ cho đến duy trì việc làm, sự giàu có và thịnh vượng".

Ông Pompeo cũng nói rằng chính sách cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Đảng cộng sản Trung Quốc "không chỉ là chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, mà là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ trong nhiều năm tới". Một nhà ngoại giao và chính trị học của Pháp trước đây từng nói, (đại ý) sức mạnh Mỹ không phải là quân sự, kinh tế, khoa học kỹ thuật hay công nghệ, dù đó là những lãnh vực họ đang đẫn đầu.

Sức mạnh Mỹ chính là khả năng tự sửa sai. Tướng Trung Quốc, Lưu Á Châu cũng đã từng nhận định, (đại ý) chế độ chính trị Mỹ ưu thế hơn Trung Quốc ở chỗ sửa sai. Theo ông tướng này thì nếu một ông tổng thống Mỹ phạm sai lầm, Quốc hội Mỹ có thể phế truất, hoặc nhân dân Mỹ có thể dùng lá phiếu chọn tổng thống khác trong kỳ bầu cử kế tiếp để sửa sai. Còn Trung Quốc khi gặp sai lầm rất khó và rất chậm sửa sai.

Mới đây tướng Đới Húc của Trung Quốc, từng là một tướng diều hâu, vừa công bố một đề xuất "bốn điều không ngờ tới và mười điều nhận thức mới về nước Mỹ", được xem là có giá trị định hình lại quan hệ Trung Mỹ của Bắc Kinh. Trong điều nhận thức lại thứ hai Đới Húc cho rằng Mỹ có một cơ chế sửa sai hoàn hảo, và rằng khi nhận ra sai lầm của tổng thống cũ, tổng thống mới của Mỹ thay đổi 180 độ, nhanh như lật trang sách. Vậy thực hư thế nào ?

Ông Trump nhận ra sai lầm nghiêm trọng của ba đời tổng thống trước trong chính sách hợp tác với Trung Quốc, bắt đầu từ tổng thống Bill Clinton, Busch con, và sau cùng là tổng thống Obama. Theo ông Trump thì ba ông tổng thống tiền nhiệm đã để cho Trung Quốc ăn cắp việc làm của người Mỹ, thao túng tỷ giá, gian lận thương mại, trộm cắp công nghệ, bắt ép chuyển giao sản phẩm trí tuệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước để chiếm ưu thế cạnh tranh, thao túng WTO… dẫn đến việc hàng năm Trung Quốc lấy đi hàng trăm tỷ USD của người Mỹ vì thâm hụt mậu dịch quá lớn với Trung Quốc, nếu không ngăn chặn thì Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.

Từ đó chương trình tranh cử của ông Trump là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, và đó cũng chính là lý do cử tri Mỹ bầu chọn Donald Trump làm tổng thống để sửa sai lầm của Obama. Khi ông Trump nhận chức tổng thống, ngay lập tức ông thực hiện lời hứa với cử tri, thay đổi gần như đảo ngược 180 độ mọi thành quả của tổng thống mãn nhiệm Barack Obama. Dù bị phe đối lập đối đầu một mất một còn, ông Trump vẫn thực hiện lời hứa với cử tri là làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại bằng cách bao vây đánh phá Trung Quốc toàn diện, tước bỏ mọi lợi thế mà ba tổng thống tiền nhiệm đã trao cho Trung Quốc, làm Trung Quốc bao phen lên bờ xuống ruộng, và hiện không ngóc đầu lên nổi.

Bởi khi chuỗi cung ứng rút khỏi Trung Quốc, thì không chỉ Trung Quốc mất công cụ ép các nước khác vì hầu hết doanh nghiệp các nước phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đặt tại Trung Quốc, không chỉ mất nguồn thu thuế khổng lồ, không chỉ hàng triệu lao động mất việc gây bất ổn xã hội, không chỉ hàng ngàn doanh nghiệp phụ trợ cho chuỗi cung ứng phải đóng cửa.

Điều tệ hại nhất chính là gần ba ngàn tỷ USD theo chuỗi cung ứng rút ra khỏi Trung Quốc thì dự trữ ngoại hối của Trung Quốc gần như chẳng còn mấy, kinh tế vĩ mô sẽ bị rối loạn, tiền tệ sẽ bất ổn, chứng khoán sẽ tuột dốc, lạm phát sẽ nặng nề. Đó cũng là lý do các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu bất ổn khiến ông Tập Cận Bình phải thắt chặt không cho nhân dân Trung Quốc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng. Cú đánh chưa đến hiệp chót mà hai ông tướng diều hâu Trung Quốc nói trên đã khuyên lãnh đạo Trung Quốc quay về chước giấu mình chờ thời, không nên tranh bá nữa.

Nói cách khác, Trung Quốc đã nhận ra sức mạnh Mỹ, nhận ra cơ chế sửa sai hoàn hảo của Mỹ nên rất khó mua chuộc và phỉnh gạt, nhận ra Trung Quốc chưa đủ sức đối đầu với Mỹ… Ông tướng diều hâu Đới Húc còn cho rằng Nhật đã khôn ngoan chấp nhận đứng sau Mỹ nên cứ rỉ rả hốt bạc (giả ngơ vơ đồ Mỹ). Có lẽ ông tướng này muốn Trung Quốc cam phận đứng sau Mỹ như Nhật cho lành, tranh bá làm gì khi Trung Quốc chưa tự lực cánh sinh được, còn phải dựa vào nền tảng và các giá trị Mỹ để phát triển, nên giấc mơ Trung Hoa chưa thấy đâu mà đã xuống ruộng lên bờ. Nhưng có vẻ như ông Tập Cận Bình chưa muốn dừng tay.

Đảng cộng sản Việt Nam biết rõ âm mưu bành trướng và những cách tiến hành cuộc xâm lược của Trung Quốc, nhưng lâm vào cái thế "mở miệng mắc quai" chỉ vì họ là bạn vàng, là đồng văn, đồng chí anh em và là chỗ dựa cho Đảng, là nơi bảo đảm cho sự tồn tại ở vị trí cai trị của Đảng. Sự kiện nầy cho thấy Trung Quốc đã đặt Đảng cộng sản Việt Nam vào một vị thế hết sức bất lợi trước nhân dân Việt Nam và mất hết sự ủng hộ của quần chúng Việt Nam.

Đó là cái thế bị Trung Quốc bao vây làm cho "Tứ bề thọ địch", có nghĩa là tình thế đã lâm vào bước đường cùng khó bề vùng vẫy ra khỏi mật ước Thành Đô 1990. Hơn nữa, chế độ cộng sản Việt Nam càng nhún nhường thì Trung Quốc càng lấn tới. Đó chính là bàn tay bá quyền nước lớn của Trung Quốc - điều mà người Việt từ công chức đến dân thường phải nhận thức và có hành động thống nhất.

Thảm họa bị ảnh hưởng bởi nguy cơ tự thân của Trung Quốc đã ở trước mắt, do bởi chiến lược gắn kết Việt Nam vào Trung Quốc suốt 30 năm qua, khiến cho không ai có thể cứu được dân tộc Việt Nam khỏi thảm họa này, ngoài 95 triệu người Việt phải tự cố gắng cứu giúp nhau và tự cứu lấy chính mình ! Mỗi người cần nhìn thấy cái chết đang đến với chính mình và con cháu mình !

********************

13 : Nguy cơ do vụ quốc tế kiện Trung Quốc đã gây ra đại dịch Covid 19 trên toàn thế giới

Dù có đánh nhau tàn độc trong cuộc chiến đẫm máu ở biên giới phía Bắc năm 1979 hay ở quần đảo Trường Sa năm 1988, nhưng sau đó hai bên vẫn "cộng sinh" để tồn tại giữa một thế giới ngày càng tự do hóa và dân chủ hoá.

tq2

Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng (Yan Li Meng) đã cung cấp chứng cứ đầu tiên về nguồn gốc nhân tạo của virus viêm phổi Vũ Hán kèm theo nghiên cứu của mình

Từ tháng 12/2019 đến đầu năm 2020, Đảng cộng sản Trung Quốc đã che giấu tình hình dịch bệnh khiến cho dịch bệnh Covid-19 từ thành phố Vũ Hán lây lan khắp thế giới. Ngày 14 & 15/09/2020 Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng - nhà virus học người Trung Quốc từng tham gia chương trình chế tạo Virus Vũ Hán đào tỵ sang Hoa Kỳ sau đại dịch Covid-19 - đã cung cấp chứng cứ đầu tiên về nguồn gốc nhân tạo của virus viêm phổi Vũ Hán kèm theo nghiên cứu của mình. Bản báo cáo nghiên cứu của Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng trực tiếp chỉ ra rằng virus viêm phổi Vũ Hán khác với bệnh truyền nhiễm tự nhiên từ người sang người.

Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng cũng kêu gọi thế giới điều tra dòng tiền giữa phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán, Hồ Bắc và Viện Y tế Quốc gia Trung Quốc (NIH). Nghiên cứu của Tiến sĩ Diêm cho rằng, virus SARS-CoV-2 là một sản phẩm của phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách sử dụng virus corona ZC45 và ZXC21 ở dơi làm mô hình để chế tạo. Các thông tin nghiên cứu của cô có thể xem ở đây.

Nữ tiến sĩ Diêm Lệ Mộng của Trung Quốc đã phải chạy trốn sang Mỹ vào tháng 4 vì lo ngại tính mạng bị đe dọa khi cô nắm giữ nhiều bí mật về virus Vũ Hán. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 15/09/2020, Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng cho biết : "Loại virus này thực ra không phải từ tự nhiên, nó là một loại virus được con người tạo ra ở phòng thí nghiệm dựa trên loại virus corona ở dơi, không gây hại cho con người, nhưng sau khi sửa đổi gene sẽ trở thành một loại virus rất độc hại".

Tiến sĩ Diêm nói rằng có những tính chất rất bất thường trong bộ gene của virus. Theo Tự Do Thời Báo (Liberty Times), Diêm Lệ Mộng đã đăng tải bài luận văn nghiên cứu đầu tiên vào tối ngày 14/09/2020, do cô và 3 nhà khoa học khác là đồng tác giả. Nội dung bài luận văn bao gồm : bộ gene, cấu trúc, bằng chứng y học và tài liệu lịch sử.

Nghiên cứu nầy cho rằng, virus SARS-CoV-2 là một sản phẩm của phòng thí nghiệm được tạo ra bằng cách sử dụng virus corona ZC45 và ZXC21 ở dơi làm mô hình để chế tạo. Tiến sĩ Diêm nói với Fox News rằng cô có bằng chứng khoa học cho thấy virus corona chủng mới khởi phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và sẽ sớm tiết lộ trong báo cáo tiếp theo của cô. Vị nữ tiến sĩ nấy nói thêm : "Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, tôi đã bí mật điều tra kỹ lưỡng. Tôi nắm được tin tức vì tôi cũng có mạng lưới của riêng mình ở Trung Quốc, làm việc trong bệnh viện… tôi cũng làm việc với nhà nghiên cứu virus corona hàng đầu trên thế giới".

"Tôi có thể nói với bạn, virus này được tạo ra từ phòng thí nghiệm… và nó cũng lây lan ra thế giới để gây ra thiệt hại như vậy", tiến sĩ Diêm cho biết. Khi người dẫn chương trình Fox News hỏi liệu cô có cho rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đã phát tán virus "có chủ đích" hay không, cô Diêm đáp : "Tất nhiên là có chủ ý".

Nữ tiến sĩ khẳng định Đảng cộng sản Trung Quốc đã cố gắng bưng bít về nguồn gốc của virus corona mới ngay từ đầu. Sau khi đào tỵ sang Hoa Kỳ, tiến sĩ Diêm đã nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông quốc tế để tiết lộ những bí mật về virus corona mà cô biết, đồng thời tố cáo tội ác của chính quyền Bắc Kinh trong đại dịch. Mới đây, vào hôm 11/09/2020, tiến sĩ Diêm xuất hiện trên chương trình Loose Women của Vương Quốc Anh từ một địa điểm bí mật, và cho biết tất cả các báo cáo viết rằng Covid-19 có nguồn gốc từ chợ hải sản ở Vũ Hán đều không đúng.

Nữ tiến sĩ cũng cho biết trước khi đào thoát khỏi đất nước của mình, thông tin về cô đã bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu của chính phủ và các đồng nghiệp của cô "được yêu cầu tung tin đồn sai lệch về cô". Cả thế giới bị dịch bệnh nầy tàn phá về nhân mạng, y tế, kinh tế & xã hội nên Đảng cộng sản Trung Quốc trở thành mục tiêu bao vây tiêu diệt của quốc tế. Nạn dịch Covid-19 toàn cầu đang tạo ra thay đổi lớn về kinh tế, tài chính, xã hội, chính trị, quân sự từ nay và nguyên trạng thế giới sẽ không còn giống như trước năm 2020. Việt Nam không là ngoại lệ. Liên Hiệp Quốc bất lực và không có hành động nào về nạn dịch là một dấu chỉ cho sự rối loạn của thế giới. 

Thế giới đang phải chuyển mình thay đổi và sẽ thay đổi nguyên trạng hiện nay rất nhanh chóng sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Đứng đầu là Bắc Mỹ đang ráo riết chuẩn bị thực hiện tiến trình hội nhập của Hoa Kỳ vào kỷ nguyên toàn cầu mới kể từ năm 2021 tới đây. Chính phủ Hoa Kỳ, Úc, Anh, Cộng hòa liên bang Đức cùng các chính trị gia các đảng phái chính trị của những quốc gia này, đồng hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ Hoa Kỳ, yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh mở cửa cho các chuyên gia sinh học tiếp cận phòng nghiên cứu sinh học P4, là nơi thế giới nghi ngờ rò rỉ virus viêm phổi gây đại dịch toàn cầu.

Cùng lúc với việc điều tra nguồn gốc virus gây đại dịch toàn cầu, còn có các lãnh đạo một số quốc gia gửi hóa đơn (bills) chi tiêu yêu cầu đảng cộng sản Trung Quốc thanh toán do viêm phổi Vũ Hán gây ra. Bên cạnh đó, là các đơn khởi kiện tập thể của công dân Hoa Kỳ và hàng chục nước nạn nhân của Virus Vũ Hán đã được gửi đến tòa án liên bang Mỹ và các định chế tư pháp quốc tế. Ngày 17/09/2020, Ủy ban điều tra độc lập quốc tế do gồm 13 thành viên do cựu thủ tướng New Zealand, Helen Clark, làm chủ tịch bắt đầu cuộc điều tra chi tiết về đại dịch Covid-19 khiến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ bị nhiểm và hơn 1 triệu người đã chết. 

Đặc biệt của sự việc kiện Trung Quốc, là các nhà lập pháp Hoa Kỳ không muốn cho nhà cầm quyền Bắc Kinh chạy thoát lần này nên Thượng nghị sĩ Tom Cotton đang nghiên cứu một đạo luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mở ra cho tất cả các nạn nhân virus Vũ Hán có thể kiện các quan chức Trung Quốc ở các tòa án Hoa Kỳ.

Đạo luật kiện Tàu trong khuôn khổ quốc gia do ông Cotton đề xướng, là hình mẩu cho các quốc gia khác áp dụng làm vũ khí pháp lý đánh Trung Quốc, một khi tòa án quốc tế, các cơ cấu pháp lý quốc tế bị Trung Quốc mua chuộc, thao túng để tránh né. Sử dụng vũ khí pháp lý kiện Trung Quốc đòi bồi thường thiệt hại là giải pháp kinh tế hiệu quả nhất để làm tê liệt và tan rã bộ máy bá quyền Trung Quốc, là giải pháp không phải hao tốn núi xương sông máu của cộng đồng nhân loại.

Trước viễn cảnh Trung Quốc bị liên minh thế giới quyết tâm tính sổ sau đại dịch toàn cầu bằng giải pháp "pháp lý kinh tế" (công pháp quốc tế) thì Trung Quốc chạy trời cũngkhông khỏi nắng. Riêng một địa phương rất nhỏ bé trên toàn cầu là Little Sài Gòn tại Mỹ, mà đã có 3 doanh nghiệp nộp đơn kiện đòi Trung Quốc đền bù hàng chục tỷ đô-la Mỹ vì Covid-19. Chính giới và giới trí thức ở Mỹ, Úc, New Zealand và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng gay gắt vạch trần sự lũng đoạn nghiêm trọng của Trung Quốc từ hàng thập kỷ nay vào nội bộ nước họ dưới mọi hình thức của quyền lực mềm và ăn cắp "know how", quyền sở hữu trí tuệ gây ra nhiều hệ lụy khác rất nghiêm trọng. 

Việt Nam không từ chối đầu tư và hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Việt Nam nhưng lại chấp nhận những nhà đầu tư không những thiếu năng lực & trình độ mà chỉ muốn gây hại cho Việt Nam, thậm chí điều này đậm nét hơn là "kiếm chác" ! Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng vốn vay và nhà thầu Trung Quốc, liên tục đội vốn, hoãn ngày khánh thành, nay vẫn trơ gan như một tượng đài "tiền mất, tật mang" giữa Hà Nội là một bằng chứng.

Ví dụ khác là thí điểm khu kinh tế Vần Đồn có yếu tố Trung Quốc làm người dân càng nặng trĩu khôn nguôi, nỗi âu lo về bàn tay ma qủy của Trung Quốc đã thò vào mọi lĩnh vực của Việt Nam. Giữa lúc này, Trung Quốc lại đang leo thang trên Biển Đông bằng hành động kiểm soát khai thác tài nguyên biển, và lời lẽ hăm dọa chiến tranh trực tiếp uy hiếp Việt Nam. 

Đại dịch Covid-19 phơi bày bản chất thật của Đảng cộng sản Trung Quốc, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đi tới chỗ đổ vỡ, khó mà hàn gắn được, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Đích nhắm của Hoa Kỳ từ nay không phải là nhân dân Trung Quốc hay nước Trung Quốc mà là Đảng cộng sản Trung Quốc. Chưa bao giờ chính phủ Hoa Kỳ quyết tâm "thoát Trung" như hiện nay, từ cắt nguồn cung cấp linh kiện bán dẫn và nhu liệu điện toán cho tập đoàn Hoa Vi (Huawei) đến dự tính lập "quỹ hồi hương" 25 tỷ đô-la để khuyến khích các công ty Mỹ chuyển sản xuất về nước hoặc sang các nước khác, nhằm tránh lệ thuộc vào hệ thống cung ứng hàng hóa của Trung Quốc từ 1990 đến nay.

Hôm 26/05/2020 ông Larry Kudlow, cố vấn trưởng về kinh tế của Tòa Bạch Ốc cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump sẵn lòng trả tiền phí tổn cho công ty Mỹ nào dời nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ. Hoa Kỳ không làm chuyện này một mình. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung từ một năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 và sự thiếu hụt bất ngờ những mặt hàng thiết yếu như khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, đang làm nhiều quốc gia nhận ra rủi ro của việc phụ thuộc vào chuỗi cung ứng & dây chuyền sản xuất của Trung Quốc. Vì thế, nhiều nước sẽ đi theo con đường thoát Trung do Mỹ dẫn dắt. Vương quốc Anh là một ví dụ : Sau khi ra khỏi Liên Âu, Anh chủ trương mềm mỏng với Trung Quốc để khai thác thị trường rộng lớn hơn 1,4 tỷ dân cho nền kinh tế Anh.

Bất chấp sự phản đối của Washington, London vẫn quyết chấp nhận cho Hoa Vi tham gia xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) của nước này, đến mức trong cuộc điện đàm hồi tháng Hai - 2020, Tổng thống Donald Trump phải to tiếng với Thủ tướng Anh Boris Johnson. Nhưng sau đó, khi bản thân ông Boris Johnson phải vô bệnh viện, suýt chết vì Covid-19 thì thủ tướng Anh đã suy nghĩ lại và cánh cửa cho Hoa Vi vào thị trường Anh xem chừng đã đóng lại vĩnh viễn.

Nhật là một ví dụ khác : Cay đắng với Trung Quốc, Nhật quyết định dành 2,2 tỷ đô-la trong kế hoạch khuyến khích các công ty Nhật chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Muốn đối đầu với Trung Quốc, bản thân Hoa Kỳ cũng đã lôi kéo đồng minh và xây dựng quan hệ đối tác kinh tế.

Ý tưởng lập Mạng Lưới Thịnh Vượng Kinh Tế quy tụ bảy quốc gia (Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, và Việt Nam) để ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa bên ngoài Trung Quốc do Ngoại trưởng Michael Pompeo đưa ra mới đây đang được các chính trị gia của cả hai đảng quan tâm và đã sớm biến thành hiện thực. Liệu chế độ cộng sản Việt Nam có dám thoát Trung toàn diện để tham gia Mạng Lưới không ? 

"Thoát Trung" của thế giới đang là xu thế cấp bách hiện nay và đó cũng là hướng đi khó cưỡng của thế giới thời "toàn cầu hóa mới". Lịch sử vận động theo đường xoáy trôn ốc, loanh quanh rồi cũng trở về tình trạng đối đầu vĩnh cửu giữa hai cực của nền văn minh, giữa tự do và độc tài, giữa dân chủ và chuyên chế - thay cho cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô thời trước sẽ là cuộc chiến tranh lạnh phiên bản 2.0 giữa thế giới dân chủ và trục độc tài bá quyền do Trung Quốc làm trung tâm.

"Thoát Trung" cũng là đề tài được giới trí thức ở Việt Nam bàn tán từ lâu, khi nhận ra rủi ro của sự lệ thuộc toàn diện vào Trung Quốc. Bàn luận rất sôi nổi nhưng chỉ trên bàn phím, còn thực tế thì vẫn còn hơi mơ hồ làm cho Việt Nam chẳng những không thoát mà ngày càng lệ thuộc nặng nề hơn vào người láng giềng to xác mà tham lam cùng cực ở phía Bắc. Thời trước đại dịch Virus Vũ Hán, hầu hết nhân loại còn mơ hồ về tham vọng thống trị toàn diện thế giới của Tập Cận Bình.

Bây giờ, gió đã đổi chiều. Nhiều quốc gia bắt đầu hoặc đã tiến hành các biện pháp từng bước chống lại sự thống trị của Trung Quốc trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa để duy trì một nền hòa bình vĩnh cữu, phát triển hỗ tương và bền vững cho cộng đồng nhân loại. Bây giờ, làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc đang thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những người còn ưu tư với thời cuộc.

Trong bài viết cho báo Tuổi Trẻ trong nước nhan đề "Không để mất thời cơ lần thứ ba", Giáo sư Trần Văn Thọ, một nhà khoa bảng về kinh tế học ở Nhật, nhận định : "Do đó, để phòng rủi ro đứt gãy mạng lưới cung ứng, làn sóng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác sẽ mạnh hơn nữa. Ta nhân cơ hội này tích cực tiếp nhận có chọn lọc các dự án FDI mới để đưa công nghiệp Việt Nam lên cao trong chuỗi giá trị sản phẩm và từng bước giảm phụ thuộc vào Trung Quốc". 

Hòa nhập với lập luận của Giáo sư Thọ, nhất là từ sau tuyên bố về Mạng Thịnh Vượng Kinh Tế của ngoại trưởng Mỹ Pompeo, nhiều trí thức Việt Nam ca ngợi "thời cơ trăm năm có một" cho Việt Nam khi Mỹ chuyển hệ thống cung ứng hàng hóa ra khỏi Trung Quốc. Đây là niềm hy vọng để Việt Nam KHÔNG còn là một bản sao thu nhỏ của Trung Quốc. Cả hai nước đều theo ý thức hệ và mô hình quản trị xã hội chủ nghĩa, đều có cùng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, đều có nạn tham nhũng từ trên xuống dưới, đều coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo, và đều có hệ thống tư pháp do luật đảng lãnh đạo.

Nhưng chế độ cộng sản Việt Nam lại kém xa Trung Quốc về phẩm chất nguồn nhân lực và tình trạng hạ tầng giao thông. Những khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt ở Trung Quốc đều có ở Việt Nam với mức độ tệ hại hơn. Thế thì, có bao nhiêu công ty sẽ chuyển tới Việt Nam làm ăn khi quyết định rời Trung Quốc ? Tránh vỏ dưa để gặp vỏ dừa hay sao ?

Thực tế trong nước cho thấy, phần lớn các "nhà đầu tư nước ngoài" làm ăn ở Việt Nam - tuy không phải tất cả - là những tay buôn bất động sản và buôn mồ hôi người lao động, lợi dụng nạn tham nhũng, cấu kết với các nhóm lợi ích ở sân sau quyền lực để trục lợi mà không mang lại sự thăng tiến bền vững cần thiết cho nền kinh tế, công nghệ hay khoa học kỹ thuật của đất nước - chuyện này thì chế độ cộng sản Việt Nam khác hẳn với Trung Quốc. 

Sự lệ thuộc của chế độ cộng sản Việt Nam vào Trung Quốc có nguồn gốc rất sâu xa, từ 90 năm trước. Dù có đánh nhau tàn độc trong cuộc chiến đẫm máu ở biên giới phía Bắc năm 1979, hay ở quần đảo Trường Sa năm 1988, nhưng sau đó hai bên vẫn "cộng sinh" để tồn tại giữa một thế giới ngày càng tự do hóa và dân chủ hóa. Vì thế "thoát Trung" với người Mỹ, người Anh, người Nhật có thể có khó khăn ban đầu nhưng sẽ sớm vượt qua. 

Còn đối với người Việt Nam thì tùy thuộc vào quyết tâm "thoát Trung" của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam. Nhưng đối với quần chúng nhân dân thì quyết tâm đó đã có trong 99% toàn dân ta như một vận động tự nhiên của lịch sử giúp Việt Nam thoát được nguy cơ đến từ Trung Quốc. 

***********************

14 : Nguy cơ bành trướng từ Trung Quốc 

Lực lượng chính trị toàn dân không nhất trí toàn diện với Đảng cộng sản Việt Nam trong tư duy thế kỷ 21, đặc biệt là chính sách bảo vệ chủ quyền Biển Đông 

tq3

Nguy cơ do Trung Quốc gây hấn tại vùng biển chiến lược BiểnĐông từ đầu năm 2020 đến nay và tại khắp nơi trên thế giới

Nhưng tại sao chúng ta lại quan tâm đến "nguy cơ" do Trung Quốc gây ra cho Việt Nam mà không phải là Mỹ, Nhật, Cộng hòa Nga hay Liên Âu ? Câu trả lời nằm trong các sự kiện Trung Quốc gây hấn tại vùng biển chiến lược Biển Đông từ đầu năm 2020 đến nay và tại khắp nơi trên thế giới, như sau : 

- Giữa tháng 2/2020, Trung Quốc đã cho máy bay chiến đấu và chiến hạm khiêu khích chiến hạm Mỹ trong Biển Đông ; 

- Ngày 17/04/2020, Trung Quốc gửi công hàm về Biển Đông lên Liên Hợp Quốc, khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của họ bị Việt Nam chiếm giữ bất hợp pháp và đe dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần thiết ; 

- Tướng Trung Quốc, Kiều Lương tuyên bố : "Trung Quốc muốn chiếm Đài Loan và khẳng định thế bá quyền của mình với thế giới"

- Báo chí Trung Quốc cũng cho rằng hai nước Trung Á là Kyrgyzstan và Kazakhstan từng thuộc về Trung Quốc ; 

- Trung Quốc bị Nepal phản đối khi cho rằng đỉnh Everest thuộc về Tây Tạng của Trung Quốc ;

- Ngày 05/05/2020 đã xảy ra một cuộc đụng độ giữa lính Trung Quốc và lính Ấn tại biên giới Trung Quốc - Ấn Độ. Để phản ứng lại, Ấn kéo nhiều tiểu đoàn bộ binh đóng gần đó đến đối diện và điều động thêm quân vào vùng. Đã có hai cuộc đụng độ nhỏ xảy ra hôm 5 và 09/05/2020 dọc biên giới Pangong Lake và North Sikkim ở Ladakh làm hơn 100 binh sĩ của hai bên bị thương vong và căng thẳng còn đang tiếp tục ; 

- Các đại sứ Trung Quốc trở thành các "chiến binh sói" khi "gây hấn" công khai với nhiều nước như Pháp, Úc, Thụy Điển, Đức, Cộng hòa Czech, Mỹ… nhân vụ dịch bệnh Covid-19, tuy vậy, đến nay đã có hơn 120 quốc gia lên tiếng ủng hộ tiến hành điều tra độc lập về đại dịch Virus Vũ Hán này ; 

- Trung Quốc gây hấn với Mỹ từ vài năm nay và làm cho quan hệ Trung Quốc - Mỹ ngày càng xấu đi so với hơn 30 năm qua, do đó Tổng thống Mỹ Trump đe dọa là có thể cắt quan hệ hoàn toàn với Trung Quốc ; 

- Cài đặt gián điệp tại Bruxelles (thủ đô Liên Âu), Úc & Mỹ đã bị khám phá ;

- Tập đoàn China Datang Corporation do Đảng cộng sản Trung Quốc điều khiển đã sửa soạn xây đập thủy điện lớn nhất Sanakham trên sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào, vào năm nay (Khởi sự 2020, hoàn thành 2028) nhằm giết chết nguồn lợi nông nghiệp & thủy sản của đồng bằng Nam Bộ Việt Nam. 

Những sự kiện nói trên cho thấy quan hệ giữa Trung Quốc và các nước trên khắp năm châu đang xấu đi, kể cả Việt Nam. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy và để làm gì ? Phải chăng để xác lập vai trò bá chủ thế giới thay thế Mỹ sau đại dịch Covid-19 ?

Trả lời được 3 câu hỏi này thì chúng ta biết thế giới sẽ đi đâu và về đâu, Trung Quốc nghĩ gì và sẽ làm những gì, trong hiện tại lẫn tương lai. Chỉ khi hiểu rõ và dự đoán đúng hướng đi của thế giới thì Việt Nam mới có được những chính sách và hoạch định đúng đắn cho các kế hoạch phát triển đất nước.

Chúng ta đã nhìn thấy tình trạng nguy cấp của nền kinh tế Trung Quốc từ nhiều năm trước, đặc biệt là "Dự án Vành đai và Con đường" đang thất bại sau khi mang lại cho Trung Quốc một đống nợ không thể đòi. Sự thực đang diễn ra là không ai còn nhắc gì đến "dự án Vành đai và con đường" từ mấy năm nay. Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì các chiến lược gia độc lập của các think tank lừng danh phương Tây đã nhận định rằng Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại thay vì bành trướng ra thế giới, và Trung Quốc chỉ khiêu khích và gây rối ở Biển Đông chứ không dám gây xung đột vũ trang như nhiều người Việt Nam lo lắng vì Trung Quốc là một đế quốc, họ chỉ bành trướng khi mạnh và thường co cụm lại khi yếu, khi có nhiều vấn đề nội bộ và đối ngoại không thể giải quyết được.

Giờ này, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như Trung Quốc và thế giới chỉ có thể xấu đi và dù muốn hay không thì các công ty Mỹ và Châu Âu cũng phải rút khỏi thị trường Trung Quốc và Trung Quốc sẽ bị thế giới bao vây, cô lập. Lý do cũng dễ hiểu. Trung Quốc đã mạnh lên và có tham vọng trở thành cường quốc số một thế giới trong khi vẫn duy trì chế độ ngược ngạo so với tiến trình tự nhiên của lịch sử loài người.

Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2012 đã xác định một tham vọng, qua lời của Tập Cận Bình là đến năm 2049, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới về quân sự. Đây là một đe dọa công khai đối với Mỹ. Một ngày sau Tuyên bố "Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng" được các lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 26/06/2020, Hoa Kỳ là một trong những cường quốc đầu tiên đã lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước Đông Nam Á về Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo viết trên Twitter ngày 27/06/2020 : "Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này".

Theo qui luật Thucydides thì sự tranh hùng giữa hai cường quốc Mỹ-Trung là điều không thể tránh khỏi. Chính quyền Mỹ dưới thời Obama đã nhận ra điều đó. Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ra đời nhằm mục đích đó. Các cuộc thăm viếng giữa Mỹ và Việt Nam trở nên dồn dập và đỉnh điểm là cuộc viếng thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7/2015 và sau đó là của Tổng thống Obama đến Việt Nam đáp lễ vào tháng 5/2016. Tại Hà Nội, Obama đã tuyên bố rất rõ là Mỹ sẽ luôn ở bên cạnh Việt Nam.

Kế hoạch "bỏ Tàu theo Mỹ" đã manh nha từ đó. Đảng chế độ cộng sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác, ngoài việc đi "song hành" với Mỹ và các nước dân chủ khác. Nếu trong những ngày sắp tới Việt Nam có kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc về Biển Đông thì cũng không có gì lạ. Nhiều chuyển biến trong quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc và Mỹ đang có và sẽ phải có trong thời gian tới đây. 

Trở lại với câu hỏi vì sao Trung Quốc lại gây hấn với cả thế giới và để làm gì ? Nếu thực sự cần đến thế giới để giao thương như trước đây thì Trung Quốc có làm như vậy không ? Tất nhiên là không. Trung Quốc không còn cần đến thế giới nữa. Trung Quốc đã lấy quyết định rút lui và co cụm lại. Covid-19 khiến Trung Quốc có lý do để đẩy nhanh quá trình co cụm này.

Với lãnh thổ rộng lớn và dân số 1,4 tỉ người như hiện nay, Trung Quốc có thể tự cô lập và sống khép kín như Bắc Triều Tiên. Đó là toan tính của chủ tịch Tập Cận Bình. Toan tính co cụm đó chỉ kéo dài thời gian sụp đổ của Trung Quốc được thêm vài năm chứ không thể ngăn chặn. Liên Xô cũ cũng đã rút lui và co cụm lại nhưng chỉ 3 năm sau thì tan rã. Trung Quốc đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới và người dân Trung Quốc đi ra nước ngoài làm ăn, du lịch rất nhiều. Họ càng ngày càng hiểu biết và có sự so sánh giữa Trung Quốc và thế giới.

Hơn nữa, đã có một văn bản bất thành văn là Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền lãnh đạo nhưng phải tăng trưởng kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế chấm dứt thì khủng hoảng xã hội sẽ nổ ra và sẽ lan sang chính trị. Trung Quốc là một thùng thuốc súng sắp nổ. Điều đáng kể nhất là chế độ cộng sản Việt Nam đang sống cạnh thùng thuốc nổ đó.

Nếu đất nước không được quản lý bởi một chính phủ có hiểu biết và có viễn kiến thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ đám cháy Trung Quốc. Một chính phủ không có bất cứ viễn kiến gì mà chỉ lo liệu cầm chừng đến đâu hay đến đấy, với mong muốn tồn tại được ngày nào hay ngày đấy. 

Thế giới thay đổi nhanh chóng, từng ngày, từng tháng trong khi đó lực lượng chính trị toàn dân không nhất trí toàn diện với Đảng cộng sản Việt Nam trong tư duy của thế kỷ 21, đặc biệt là chính sách bảo vệ chủ quyền Biển Đông. Đó là một nguy cơ khá lớn lao.

Nguy cơ từ sự kiện đại dự án "Một vành đai, Một con đường" đangthảm bại và bị hủy hoại

tq4

Đại dự án "Một vành đai, Một con đường" (Belt and Road Initiative-BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ 2013 đang bị hủy hoại một cách tàn nhẫn do Đại dịch Covid-19 khiến cho nhiều dự án xây dựng giá trị hàng trăm triệu đô la đã bị đình chỉ.

Gần 120 nước tham gia đại dự án đang phải vật lộn để trả các khoản vay từ Bắc Kinh, thậm chí đứng trước nguy cơ không có khả năng trả nợ, còn bản thân kinh tế Trung Quốc thì đang đối mặt với suy thoái và mắc nợ trầm trọng. Nhiều khoản vay đáo hạn sắp lâm vào tình trạng không khả năng thanh toán, và các nước con nợ BRI, bị Covid-19 đánh quỵ, đang tìm cách khất nợ đến hạn vì nhiều dự án lớn của BRI bị đóng băng.

Những hạn chế về tiếp nhận lao động, nhân công, nguồn cung thiết bị, hàng hóa từ Trung Quốc được xem là những tác nhân chính khiến một loạt các dự án BRI phải dừng hoặc giãn tiến độ tại Pakistan, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Italia, Ai Cập, Bangladesh, Tanzania, Nigeria, Sri Lanka và gần 120 nước ở Châu Âu, Châu Phi, Mỹ Latinh, Trung Á & Đông Nam Á. 

Truyền thông quốc tế The Economist nhận định các thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho BRI đã tạo ra nhiều vấn đề nguy nan cho Trung Quốc về mặt kinh tế, ngoại giao và chính trị, vì BRI gắn chặt với uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhiều quốc gia dùng tiền thu được nhờ xuất khẩu hàng hóa để chi cho các đề án BRI, nhưng dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể nhu cầu về các hàng hóa này khiến các quốc gia này mất đi nguồn thu chủ yếu để trả nợ cho Trung Quốc.

Nợ xấu khác đến từ các thỏa thuận cấp tín dụng đổi dầu lửa được Trung Quốc áp dụng thì đã bị Ngân hàng Thế giới chỉ trích là thiếu minh bạch về số tiền vay. Thứ nhất, do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, nên các nước nợ phải sản xuất nhiều hơn để trả cho Trung Quốc, song lại không đạt đủ chỉ tiêu sản lượng do dịch Covid-19. Thứ hai là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tạm giảm trong thời gian dịch bệnh.

Đối với các chuyên gia quốc tế thì việc không trả được nợ cho Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Trên nguyên tắc một quốc gia trong BRI chỉ có thể được hoãn nợ khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát một khu mỏ, một cái cảng hay khoản tiền đã thế chấp. vì như vậy Trung Quốc có phương tiện gây áp lực để chọn cách xử lý có lợi cho mình. Tức là các cuộc tái đàm phán về nợ có thể sẽ kèm theo những trao đổi về chính trị. Theo chuyên gia Scott Morris, thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Centre for Global Development), một cơ quan tham vấn tại Washington, thì nếu Trung Quốc tịch thu các tài sản mà các quốc gia con nợ BRI đã thế chấp, phản ứng ngược lại sẽ rất nghiêm trọng và bộ mặt thật của Trung Quốc sẽ bị lật tẩy. Âm mưu bắt chẹt các nước con nợ và qua đó giành quyền kiểm soát hạ tầng cơ sở phục vụ Trung Quốc trên mặt chiến lược sẽ bị phơi bày. Và hệ lụy của nó sẽ là một hiệu ứng bài Trung trên toàn cầu vượt ngoài tầm kiểm soát của Đảng cộng sản Trung Quốc.

Dự đoán được việc Covid-19 sẽ khiến Trung Quốc phải gánh khối nợ xấu khổng lồ từ hơn 130 nước tham gia sáng kiến Vành đai con đường-BRI, từ trung tuần tháng 3, Mỹ đã nỗ lực can thiệp để hai tổ chức tiền tệ thế giới là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ không trả nợ cho BRI Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hồi tháng 3/2020 cho biết Bộ này đang làm việc với IMF và WB nhằm đạt được sự minh bạch về các khoản nợ mà các nước đã gánh từ sáng kiến BRI. Đồng thời, ông Mnuchin khẳng định muốn đảm bảo các khoản tiền của IMF và WB không được bất cứ nước nào sử dụng để trả nợ cho Trung Quốc, bởi vì Mỹ lâu nay đã cáo buộc Vành đai con đường-BRI là một dạng "bẫy nợ" của Trung Quốc, theo đó các quốc gia tham gia sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng này sẽ mắc nợ chính phủ Trung Quốc. 

Con đường Tơ lụa Mới, với giá trị hơn 3.800 tỉ đô la của Trung Quốc với những công sức của cả hệ thống chính trị bỏ ra trong suốt 7 năm qua đang bị phá sản, là một nguy cơ khó gỡ cho Đảng chế độ cộng sản Việt Nam vì Việt Nam đã không dám đứng ngoài BRI ngay từ đầu. 

*********************

15 : Nguy cơ từ chế độ toàn trị Trung Quốc song hành với một Nhà nước tư bản thân hữu

Chế độ chính trị là sản phẩm của con người, nếu phù hợp với thị trường sẽ thúc đẩy xã hội phát triển và ngược lại.

tq5

Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi trật tự thế giới, làm căng thẳng sự đối đầu chế độ chính trị khác biệt ý thức hệ: Trung Quốc và Phương Tây. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, mặc dù sự lựa chọn sẽ là một khó khăn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ đã đưa ra một nhận định về khả năng xoay "mô hình chính trị" cho Việt Nam trước tình hình hậu Covid-19 tạo ra nhiều thay đổi cơ bản của cục diện chính trị và kinh tế.

Mô hình đó tránh được một công thức thực tế đã dẫn đến sự sụp đổ như Liên Xô cũ, do bởi nhà nước đã suy thoái, quyền lực tập trung bị tha hóa và động lực làm việc bị triệt tiêu khi nhân dân tự xem mình là người ngoài cuộc.

Đảng cộng sản Trung Quốc đã thực thi chính sách ‘cải cách và mở cửa’ từ cuối những năm 1970 với chiến lược thực dụng  mèo đen, mèo trắng không quan trọng miễn bắt được chuột’. Chính sách này đã thích nghi trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi điều kiện để đón và hấp thu có hiệu quả làn sóng đầu tư tư bản nước ngoài được chuẩn bị tốt. Nhờ đó, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng cao suốt hơn 30 năm, với quy mô GDP hiện tại khoảng 14 nghìn tỷ đô la Mỹ, khiến Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới…

Do đó, suốt 30 năm qua mô hình Trung Quốc đã là ‘biểu tượng’ cho một số nước đang phát triển, trong đó cộng sản Việt Nam với sự tương đồng ý thức hệ, noi theo cho đến nay. Mô hình này cũng đã dần dần suy thoái trong quá trình vận hành, tham nhũng nặng nề, chênh lệch giàu nghèo, quá tải đô thị, ô nhiễm môi trường… Kết quả là một nhà nước ‘tư bản thân hữu’ với đặc điểm là quan chức thoái hóa trong bộ máy đặc quyền cấu kết với các doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản công và chia chác đặc lợi dưới nhiều hình thức.

Một giáo sư Trung Quốc là ông Minxin Pei, mô tả tình trạng này trong cuốn sách xuất bản năm 2016: Tư bản thân hữu Trung Quốc’, đã được xuất bản ở Việt Nam. Thực tế vận hành mô hình Trung Quốc có thể được khái quát như sau : Chế độ đảng cộng sản toàn trị song hành một Nhà nước tư bản thân hữu. Công thức này diễn tả hiệu ứng tất yếu của sự ghép nối tình thế, chứ không theo quy luật vận động tự nhiên.

Thị trường tạo nên sức mạnh kinh tế chứ không phải từ bản chất chế độ. Mâu thuẫn giữa thị trường và chế độ chính trị Trung Quốc này ngày càng trở nên gay gắt. Và hậu quả là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng đồng thời với xu hướng tập trung hóa quyền lực. Tỷ lệ tăng GDP của Trung Quốc giảm liên tục từ trên 10% xuống dưới 6% diễn ra đồng thời với việc chủ tịch Tập thâu tóm quyền lực vào tay cá nhân.

Ông ta thanh trừng phe phái trong chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hổ, diệt ruồi’, tự cho mình là ‘hạt nhân lãnh đạo’, sửa đổi điều lệ Đảng và hiến pháp, loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ để có thể kéo dài ngôi vị cá nhân lâu dài. Tương lai ‘xã hội chủ nghĩa mang bản sắc Trung Quốc  đang đi vào bế tắt công khai từ năm 2020 này trở đi. Chế độ cộng sản Việt Nam đã cải cách theo mô hình Trung Quốc sau khoảng 15 năm kể từ thời chủ tịch Giang Trạch Dân.

Hậu quả của mô hình Trung Quốc tại Việt Nam là khu vực tư bản tư nhân chiếm khoảng 40% GDP, nhưng thực trạng ’tư bản thân hữu’/Lợi ích nhóm đã rất nghiêm trọng. Đảng cộng sản Việt Nam đã tự nhận thấy ‘một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên’ đã suy thoái nặng nề về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Nguyên trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương là Vũ Ngọc Hoàng đã từng lên tiếng cảnh báo sự suy thoái này gắn với ‘lợi ích nhóm’ và ‘nhóm lợi ích’ từ nhiều năm trước. 

Các nước phương Tây đã nhận rõ bản chất hung hăng của chế độ chuyên quyền toàn trị từ Trung Quốc. Đối đầu ý thức hệ trong mọi vấn đề quốc tế có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến tranh lạnh lần 2, trong đó thay vì làm sụp đổ chế độ ở Trung Quốc thì sự chiếm đoạt chính trị sẽ là tâm điểm trong trật tự thế giới mới.

Tham vọng địa chính trị của chính quyền Bắc Kinh và việc chiếm đoạt Biển Đông đe dọa sự toàn vẹn lãnh hải của Việt Nam, Phillipines & Malaysia đang tạo một lực đẩy lớn hơn về phía Mỹ để bảo vệ chủ quyền và tham gia ‘Tứ giác kim cương plus’, bao gồm Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zeland và Việt Nam, và chuẩn bị điều kiện đón nhận sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi Trung Quốc.

Dù trong nước có mưa lũ, động đất, thời tiết thất thường: mưa đá, vòi rồng, lũ dâng cao dẫn đến nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, tái bùng phát dịch Vũ Hán; thêm nhiều chỉ trích từ các nước về luật an ninh Hongkong, đàn áp, triệt sản người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc vẫn còn đang cố gượng gạo chống chọi một cách vô vọng. Và nhất là cái nhìn của thế giới về Trung Quốc giờ đây đã khác xưa, cho thấy Trung Quốc chưa tự lực cánh sinh được, còn phải dựa vào nền tảng và các giá trị Mỹ để phát triển, nên giấc mơ Trung Hoa chưa thấy đâu mà Trung Quốc đã xuống ruộng lên bờ. 

Chuyển giao quyền lực lãnh đạo đang gặp khó khăn trong thể chế bất ổn theo mô hình Trung Quốc. Quyền tự do kinh doanh được nới rộng làm tăng các nhu cầu của dân quyền & dân sinh, đặc biệt là quyền tham gia chính trị như giám sát quyền lực đảng và nhà nước.

Khi mô hình Xô Viết sụp đổ, mô hình Trung Quốc thể hiện như một biến thể, có bản chất tình thế để duy trì chế độ, thay vì là lộ trình cải cách hướng tới chế độ chính trị và kinh tế ổn vững. Thị trường là sản phẩm tự nhiên, tất yếu trong quá trình phát triển loài người, đã sản sinh thời kỳ khai sáng và các cuộc cách mạng công nghiệp, tăng trưởng kinh tế song hành với chế độ dân chủ là minh chứng trong thực tế.

Chế độ chính trị là sản phẩm của con người, nếu phù hợp với thị trường thì sẽ thúc đẩy xã hội phát triển và ngược lại. Thực tế cho thấy, sự giảm tốc kinh tế toàn cầu hiện nay do Trung Quốc chứ không phải do Mỹ gây ra như trước kia. Ngoài ra, cơ chế kiểm soát của mô hình Trung Quốc có thể là cơ hội cho những kẻ ‘giấu mình chờ thời’, ‘một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái’ chưa bị lộ và những kẻ bảo thủ nhân danh bảo vệ ý thức hệ. 

Mô hình Trung Quốc là một tai họa lớn nhất cho Đảng cộng sản Việt Nam suốt từ 30 năm qua, bởi vì không cần nó Việt Nam vẫn tạo được thành quả kinh tế như ngày nay (hoặc có thể hơn) nếu chọn mô hình Đài Loan, Hàn Quốc hay Singapore, v.v…, từ năm 1990 để khỏi vướng mắc vào các nguy cơ từ Trung Quốc. 

Nguy cơ do Trung Quốc xem quan hệ với Việt Nam nằm ở hàng thứ yếu

Việt Nam là một trong 14 quốc gia có chung biên giới trên đất liền với Trung Quốc. Việt Nam cũng là quốc gia nằm trong khu vực Biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang muốn độc chiếm để tạo ảnh hưởng. Chính vì vậy, có thể nói Việt Nam là một quốc gia nằm ở "vùng lõi" trong chính sách vùng đệm của Bắc Kinh. Nhưng với Trung Quốc, quan hệ với Việt Nam nằm ở hàng thứ yếu. Điều đó thể hiện sự bất bình đẳng trong quan hệ Việt-Trung.

Trong chính sách vùng đệm của mình, Trung Quốc muốn giữ cộng sản Việt Nam ở địa vị như một "chư hầu" cho vai trò "bá quyền" của mình. Chính vì vậy, Trung Quốc đã tìm mọi cách để lôi kéo kết hợp với đe dọa để giữ cộng sản Việt Nam nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc với tham vọng thực hiện giấc mộng "đế vương" của mình, luôn luôn muốn chiếm đoạt Biển Đông, nơi Việt Nam có những quyền lợi thiết thân.

Chính vì vậy, các yếu tố trên đã đẩy mối quan hệ Việt - Trung vào những "nan đề" khó giải quyết. Nhiều học giả ca ngợi chính sách đối ngoại "cân bằng" của Việt Nam trong việc xử lý vai trò của Mỹ và Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam. Tuy nhiên, "sự cân bằng" này phản ánh sự yếu kém và không bền vững trong chính sách đối ngoại của cộng sản Việt Nam. Bộ máy chính trị thiếu động lực phát triển, chủ yếu là phe nhóm đấu đá, giành giật quyền lực, khiến cho chính trị trong nước cộng sản Việt Nam hỗn loạn, các tiềm năng phát triển bị hạn chế.

Những vấn đề chính trị nội bộ gần đây của cộng sản Việt Nam cho thấy sự bộc lộ các điểm yếu này. Các nhà phân tích chiến lược quốc tế và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn nghi ngờ về khả năng cộng sản Việt Nam thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì lý do kinh tế, chính trị và ý thức hệ, tư tưởng. Ngoài ra, những đe dọa về an ninh quốc gia, bao gồm cả an ninh kinh tế và an ninh quốc phòng trước các cá nhân và doanh nghiệp từ Trung Quốc tác động lên Việt Nam vẫn đang hiện hữu rõ ràng. 

Chính vì vậy, nguy cơ do Trung Quốc gây ra nầy là một trong những nguy cơ lớn lao cho đảng cộng sản Việt Nam. 

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 29/10/2020

Published in Tư liệu

1. Donald Trump First

Bằng sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và sức mạnh của xã hội dân chủ lâu đời, nước Mỹ thực sự có vai trò lớn chi phối, ảnh hưởng đến chính trị cả thế giới. Với tiềm lực kinh tế lớn, nước Mỹ cũng là nước đóng góp tiền bạc lớn nhất cho các tổ chức quốc tế, từ tổ chức Liên Hợp Quốc, từ liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO, đến Tổ chức Y Tế thế giới, WHO. Chi nhiều tiền để giữ vai trò chủ đạo. Như cổ đông nắm năm mươi mốt phần trăm cố phần công ty để nắm quyền quyết định. Mỹ có vai trò lãnh đạo thế giới bằng thực lực chứ không phải là danh hão.

usa1

Bằng sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự và sức mạnh của xã hội dân chủ lâu đời, nước Mỹ thực sự có vai trò lớn chi phối, ảnh hưởng đến chính trị cả thế giới.

Sức mạnh Mỹ đã cho nước Mỹ một tư thế cả loài người phải ngoái nhìn, cho nước Mỹ một vóc dáng trùm bóng lên thế giới. Không phải chỉ tạo cho nước Mỹ một xã hội dân chủ, tiến bộ mà nền dân chủ Mỹ còn là hình mẫu của xã hội loài người hướng tới, là niềm tin và hi vọng của người dân các nước còn phải sống trong chế độ độc tài. Vì vậy nền chính trị Mỹ cũng là nền chính trị lớn nhất thế giới, tác động đến chính trị cả thế giới và Tổng thống Mỹ là nhà chính trị số một, người có quyền lực chính trị lớn nhất thế giới. Nhưng khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì Trump lại là nhà chính trị vô chính trị nhất thế giới.

Tùy hứng. Bất chợt. Gặp gì làm nấy. Lúc nói xuôi, lúc nói ngược. Trump không có đường hướng rõ ràng về sách lược, chiến lược chính trị của nước Mỹ với thế giới. Trên chính trường quốc tế, Trump chỉ như một diễn viên trong chương trình truyền hình thực tế. Trump hẹn gặp Kim Jong-un liền hai cuộc rềnh rang, ồn ào ở Singapore, ở Việt Nam chỉ để Trump vào vai diễn truyền hình thực tế trước thế giới.

Với chính khách thế giới, Un như chú bé hiếu động, có máu anh hùng rơm, thích chơi dao. Con dao sắc lẻm trong tay Un không những nguy hiểm với Un mà với máu anh hùng rơm, Un còn đe dọa sự sống của nhiều người. Thế giới trông đợi Trump sẽ mang túi bim bim, mang cánh diều mơ ước đến gặp Un, Un sẽ bỏ con dao sắc lẻm, nhận túi bánh, nhận cánh diều. Nhưng gặp Trump rồi, Un lại hai tay hai dao ! Còn Trump thì nổi tiếng thế giới hơn cả ngôi sao Hollywood có thân hình bốc lửa Marilyn Monroe.

usa2

Khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ thì Trump lại là nhà chính trị vô chính trị nhất thế giới. Ảnh minh họa Tổng thống Donald Trump chế nhạo quyền tự do báo chí

Mị dân bằng những tiêu chí hào nhoáng Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lai và Nước Mỹ Trên Hết (Make America Great Again & America First) nhưng vô chính trị như Trump thì làm gì có nước Mỹ. Chỉ có Trump mà thôi. Mọi chính sách của nước Mỹ thời Trump, mọi hoạt động của Trump chỉ nhằm đề cao Trump. America First, thực ra là Trump First, Trump trên hết. 

Không có tư duy chính trị, không có tầm vóc thế giới mà nước Mỹ đảm trách, chỉ đơn thuần là nhà kinh doanh nhiều tai tiếng, chỉ biết có tiền và Trump thấy đồng tiền mà nước Mỹ phải chi cho các tổ chức quốc tế quá lớn là quá bất công với nước Mỹ, quá oan uổng cho túi tiền của nước Mỹ, quá thiệt thòi, thâm hụt đồng vốn nền kinh tế Mỹ. Không có tư duy chính trị, Trump nông cạn tưởng rằng chỉ cần dồn tiền làm kinh tế, đưa kinh tế Mỹ lên hàng đầu thế giới là làm cho nước Mỹ vĩ đại.

Để có thêm tiền làm kinh tế, để khỏi mất tiền bất công, oan uổng, thiệt thòi, Trump rút ra khỏi nhiều tổ chức quốc tế. Với sự vô chính trị của Trump, nước Mỹ co lại trong tính toán của miếng ăn, trong sự co bóp của dạ dày, chỉ còn sự sinh tồn của con người sinh vật nhỏ nhen, tầm thường, không còn biết đến những giá trị nhân văn, không còn tấm lòng bao dung con người, không còn sự bao dung cao cả của nước Mỹ với những con người bị tước đoạt những giá trị làm người đang khẩn cầu nhìn về nước Mỹ, không còn bóng mát nền dân chủ Mỹ rợp bóng thế giới.

Rình rập từ lâu, thời cơ ngàn vàng đến, nơi nào Mỹ rút ra, vai trò của Mỹ bỏ trống, Trung Quốc liền nhảy vào, ném tiền ra, thay thế vai trò của Mỹ. Nhỏ nhen, vô chính trị, với chiêu bài mị dân Nước Mỹ Trên Hết, thời Trump nước Mỹ co lại trong America First cũng là thời Trung Quốc bành trướng vươn ra thế giới mạnh mẽ nhất.

Là nước có truyền thống dân chủ lâu đời, có lịch sử bằng máu về quyền con người, thấm thía giá trị quyền con người, giá trị dân chủ, trước thời Trump, nước Mỹ không chỉ bo bo cho nước Mỹ. Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra ở Châu Âu. Cách lò lửa chiến tranh cả đại dương, nhưng từ bên kia Đại Tây Dương, Mỹ vẫn đưa quân tham chiến. Chặn đứng họa phát xít, 325 ngàn lính Mỹ đã chết. Họa cộng sản đang đe dọa cả Châu Á và lò lửa chiến tranh cộng sản đã cháy rực ở Việt Nam. Một lần nữa quân đội Mỹ lại phải vượt Thái Bình Dương và 58 ngàn lính Mỹ đã chết trong cuộc chiến ngăn chặn họa cộng sản đang như vết dầu loang, loang ra cả vùng biển Tây Thái Bình Dương.

Nước Mỹ vĩ đại không phải vì đồng dollars Mỹ đã chinh phuc cả thế giới. Nước Mỹ vĩ đại vì máu của người Mỹ đã đổ ra cứu thế giới khỏi họa phát xít, cứu loài người khỏi họa cộng sản. Cũng vì lẽ đó, ngày nay quân đội Mỹ đang có mặt ở Châu Âu, đang có mặt ở Hàn Quốc. Cũng vì lẽ đó, trong hòa bình, nhiều đàn ông Mỹ vẫn phải sống xa nhà, xa vợ con, quanh năm sống trong trại lính. Vô chính trị, Trump đã đòi Châu Âu, đòi Hàn Quốc phải trả tiền cho sự có mặt của lính Mỹ để Trump mang tiền đó về Mỹ làm kinh tế. Trump đã biến người lính Mỹ làm sứ mệnh cao cả bảo vệ hòa bình thế giới thành tên lính đánh thuê tầm thường. Trump đã bán máu lính Mỹ lấy tiền phát triển kinh tế Mỹ. Đó là sự sỉ nhục quân đội Mỹ, sỉ nhục nước Mỹ.

Là Tổng thống của đất nước tập hợp, hội tụ tất cả các chủng tộc, các sắc dân có mặt trên trái đất nhưng vô chính trị, Trump ra mặt đế cao chủng tộc da trắng thượng đẳng của mình, kích thích xung đột chủng tộc vốn là vấn nạn nhức nhối của nước Mỹ, gây chia rẽ sâu sắc nước Mỹ. Vô chính trị nhưng có quyền lực chính trị trong tay, Trump càng bộc lô thói hợm hĩnh, ngạo mạn của trọc phú giầu sổi, gọi các nhà báo viết sự thật là kẻ thù của nhân dân. Nhân cách thấp kém, Trump không sử dụng được những nhân cách lớn của nước Mỹ. Văn hóa thấp, Trump không sử dụng được các nhà khoa học lớn của nước Mỹ. Nhà khoa học bị gạt ra khỏi công việc khoa học làm cho nước Mỹ mất phương hướng trong cuộc chiến chống cúm Tàu dẫn đến cái chết vô lí, oan uổng của hơn hai trăm ngàn người Mỹ.

Donald Trump là thảm họa chính trường lớn nhất trong lịch sử hơn hai trăm năm nước Mỹ.

2.  Đảng cộng sản Việt Nam trên hết

Cũng giống như Trump, Đảng cộng sản Việt Nam cũng có nhiều tiêu chí mị dân mùi mẫn như tiêu chí Nước Mỹ Trên Hết của Trump. Còn gì mùi mẫn hơn khi ông Võ Văn Thưởng, trùm tuyên giáo của đảng véo von : Đảng cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Cũng giống như Trump, làm gì có nước Mỹ, chỉ có Trump mà thôi. Với Đảng cộng sản Việt Nam, làm gì có nhân dân, chỉ có đảng mà thôi.

usa3

Đảng cộng sản Việt Nam không vì lợi ích người dân mà chỉ để cướp quyền lực của dân, dùng quyền lực cướp được vơ vét lợi quyền cho đảng, cai trị dân bằng bạo lực cthì đó là đảng vô chính trị.

Đảng chính trị nào cũng ra đời từ đòi hỏi của cuộc sống, vì lợi ích của nhân dân. Hướng tới dân, hoạt động vì lợi ích của dân, của nước là nội dung chính trị của đảng. Đảng chính trị không vì lợi ích người dân mà chỉ để cướp quyền lực của dân, dùng quyền lực cướp được vơ vét lợi quyền cho đảng, "bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình", thiết lập lên vương triều phong kiến độc tài cộng sản, cai trị dân bằng bạo lực công an – tòa án – nhà tù thì đó là đảng vô chính trị. Giống như Trump sử dụng dày đặc từ America, Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng dày đặc từ "nhân dân" nhưng bốn ngàn năm lịch sử, chưa có thời nào vị trí người dân lại thấp kém, người dân bị khinh bỉ, đàn áp, oan khiên, điêu linh, lầm than như trong thời cộng sản.

Đảng cộng sản Việt Nam còn tệ hơn Trump ở chỗ. Trump vô chính trị nhưng Trump còn có chính danh. Trump nắm quyền lực nước Mỹ bằng lá phiếu của người dân trao quyền lực cho Trump. Đảng cộng sản Việt Nam không có một móng tay chính danh khi cầm quyền không bằng lá phiếu của người dân mà đảng cướp quyền dân rồi tự viết vào Hiến pháp điều 4 về quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội đương nhiên và vĩnh viễn của đảng. Ngoài đảng cộng sản, trên thế giới không có một đảng tử tế, lương thiện nào lại sống sượng, trơ tráo cầm quyền không do lá phiếu bầu chọn của người dân mà đảng tự trao quyền cho đảng.

Không do lá phiếu của người dân bầu chọn, đảng đâu cần được lòng dân, đâu cần nội dung chính trị vì lợi ích người dân. Không cần nhắc đến vô vàn sự kiện tắm máu dân rất vô chính trị trong quá khứ như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cải cách ruộng đất, nội chiến Nam Bắc. Rất vô chính trị, đảng coi dân chỉ là kho máu, kho sức người, sức của vô tận để đảng sử dụng áp đặt ách cai trị của đảng lên cả đất nước, lên cả giống nòi Việt Nam.

Đảng chính trị dù tồn tại không do ý chí và nguyện vọng của dân cũng phải hiểu rằng sự bất an, nhức nhối, phẫn nộ của lòng dân là là nấm mồ số phận của đảng. Đảng phải nhớ rằng lòng dân quyết định số phận của đảng chính trị chứ không phải sức mạnh bạo lực công an – tòa án – nhà tù. Vô chính trị, quá ỷ vào sức mạnh bạo lực công an – tòa án – nhà tù, đảng thản nhiên dồn nén, chồng chất nỗi bất an, nhức nhối, phẫn nộ trong lòng dân hết vụ việc này đến vụ việc khác. Xin chỉ nêu hai vụ việc đang diển ra.

2.1.  Vụ việc Đồng Tâm chỉ là tranh chấp dân sự giữa người dân và chính quyền địa phương về một thẻo đất con con 59 ha cánh Đồng Sênh. Tranh chấp dân sự thì đưa nhau ra tòa án phân xử và chỉ có tòa án mới có quyền phân xử. Việc quá nhỏ bé, giản đơn. Vô chính trị, coi dúm dân giữ đất Đồng Tâm như kẻ thù đe dọa quyền cai trị của đảng, nhà nước của đảng ầm ầm kéo binh hùng, tướng bự đến dìm một chòm xóm nhỏ bé, bình yên vào chết chóc đau thương. Bộ Công an tung cả một trung đoàn cảnh sát cơ động của bộ, lực lượng cơ động chiến lươc quốc gia, đánh úp một dúm mấy chục người dân gồm người già, phụ nữ, trẻ sơ sinh. Xin nhắc lại trung đoàn cảnh sát cơ động của bộ Công an chứ không phải của địa phương. Công an cấp tỉnh thành không gian hẹp không cần lực lương cơ động, không có đơn vị cảnh sát chiến đấu cấp trung đoàn.

Ứng xử với dân như kẻ thù, đương nhiên với sức mạnh bạo lực nhà nước, chính quyền phải thắng dân. Nhưng lâu dài đó là hành động tự sát của chính quyền, là hành động vô chính trị đến mức tăm tối, mất trí.

Cảnh sát chiến đấu đang đêm phá cửa xông vào tận giường ngủ, kề súng tận ngực người già xả đạn thì những băng tội phạm mafia con cháu đám cướp biển đảo Sicilia giết người không ghê tay cũng không dám hành xử man rợ như vậy. Công an xông vào nhà dân, giết dân, phanh thây dân, bắn thủng ruột, bắn bay mảnh hộp sọ dân lương thiện thì pháp luật không dám đụng đến. Người dân chỉ có quả lựu đạn thối trong tay tư vệ chính đáng thì bị tử hình, bị tù chung thân. Càng dung túng cho những tên tội phạm mặc áo công vụ nhà nước giết dân, càng tuyên những bản án tử hình, chung thân cho người dân vô tội thì càng dồn nén, chồng chất nỗi uất hận trong lòng dân. Không phải nỗi uất hận chỉ dồn nén trong lòng dân Đồng Tâm. Nỗi uất hận Đồng Tâm còn dồn nén trong lòng hơn chín mươi triệu người dân Việt Nam lương thiện.

Giám đốc kiểm lâm Yên Bái nổ súng giết bí thư tỉnh ủy, giết chủ tịch hội động nhân dân tỉnh ngay trong cơ quan tỉnh ủy cũng chỉ vì uất hận. Chỉ một người uất hận, cơ quan tỉnh ủy Yên Bái đã lênh láng máu. Dân Đồng Tâm vô tội bị công an giết phi pháp và man rợ. Tòa án xử dân Đồng Tâm vô tội còn phi pháp và man rợ hơn. Người dân cả xã Đồng Tâm nén nỗi uất hận trong lòng. Người dân cả nước chia sẻ nỗi uất hận với dân Đồng Tâm. Lịch sử chín mươi năm Đảng cộng sản Việt Nam không có hành xử nào vô chính trị như hành xử của Đảng cộng sản Việt Nam trong vụ Đồng Tâm.

2.2.  Nhà khoa học dựa vào luật khiếu nại, tố cáo, đứng tên đàng hoàng trong đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường, bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk đạo văn trong luận văn tiến sĩ là sự việc dân sự bình thường, là việc làm đúng pháp luật và rất chính trị, đầy trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà khoa học, bảo vệ khoa học, bảo vệ thanh danh cho đảng và làm trong sạch đội ngũ cán bộ cấp cao của đảng.

usa4

Đương chức đương quyền, lại được tổ chức đảng bao che, nuông chiều, ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường lại vênh váo thắng nhà khoa hoc trong vụ đạo văn luận án tiến sĩ.

Tố cáo chính danh, đàng hoàng, hợp pháp nhưng ông bí thư tỉnh ủy bị tố cáo liền lệnh cho công an tỉnh lấy ô tô công vụ từ cao nguyên Đắk Lắk ầm ầm chạy hơn 300 cây số xuống Sài Gòn, xông vào quán ăn tối, bắt người tố cáo hợp pháp. Hiện nguyên hình là một đại ca lục lâm thảo khấu, không cần biết đến pháp luật, ông bí thư tỉnh ủy đã vô chính trị. Cơ quan trung ương đảng có tên Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương còn vô chính trị hơn khi mang danh một cơ quan trung ương đảng ra bảo vệ hành vi yêng hùng phạm pháp của ông bí thư tỉnh ủy.

Chỉ là cơ quan hoàn toàn thuộc nội bộ tổ chức đảng, chỉ có quyền hạn với nội bộ đảng, không phải là cơ quan nhà nước, càng không phải cơ quan khoa học, không phải hội đồng thẩm định khoa học nhưng coi đảng là trên tất cả, tiểu ban nhỏ xíu trong nội bộ tổ chức đảng tự tin khẳng định : Đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo luận án tiến sĩ !

Ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường có đạo luận án tiến sĩ hay không phải do hội đồng khoa học chuyên ngành thẩm định. Chuyện đó xét sau. Nhà khoa học tố cáo đúng sai cũng phải do phiên tòa dân sự phân xử. Chuyện đó cũng chưa diễn ra. Nhưng hành vi lạm quyền mang tính côn đồ của ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường là quá rõ. Ông bí thư tỉnh ủy hiện nguyên hình là một đại ca giang hồ là điều rất nghiêm trọng, là báo động đỏ về sa sút đạo đức của cán bộ đảng cao cấp. Bóng cá nhân yêng hùng lồng lộng của ông bí thư tỉnh ủy là sự khinh bỉ, phỉ báng pháp luật của chính nhà nước cộng sản. Ông đại ca giang hồ, ông sa sút đạo đức như vậy nhưng vẫn thu được trăm phần trăm phiếu bầu tái cử bí thư tỉnh ủy cho thấy đảng trí của đại hội đảng Đắk Lắk thấp kém như thế nào và đại hội đàng Đắk Lắk vô chính trị như thế nào. Trăm phần trăm bỏ phiếu cho ông lồng lộng cá nhân chủ nghĩa, gầm gừ thói độc tài khinh thường pháp luật cho thấy đảng bộ Đắk Lắk không có con người chính trị, không có chính kiến chính trị mà chỉ có những con người chấp hành, những rô bốt.

Hầu như đại hội đảng của tỉnh nào cũng có một ủy viên bộ chính trị ngồi lù lù chỉ đạo đại hội. Công việc chỉ đạo là bắt nhịp cho đại hội hát đồng ca để khi bỏ phiếu có được con số đẹp trăm phần trăm. Trăm phần trăm tưởng là rất chính trị nhưng thực ra rất vô chính trị. Để có trăm phần trăm, đại biểu chỉ còn là cái máy bỏ phiếu theo chỉ đạo, không còn chính kiến cá nhân.

Dù là bí thư tỉnh ủy nhưng tổ chức đảng vẫn là nơi giáo dục ông bí thư Cường, nơi cứu vớt ông bí thư Cường ra khỏi vũng bùn chủ nghĩa cá nhân, vũng bùn độc tài quân phiệt. Bao che bảo vệ sai trái của ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường không những làm hại ông Cường mà còn làm hại tổ chức đảng, làm suy yếu đảng, làm người dân thêm thất vọng, thêm mất lòng tin vào đảng

Đương chức đương quyền, lại được tổ chức đảng bao che, nuông chiều rồi ông bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Cường sẽ vênh váo thắng nhà khoa hoc trong vụ đạo văn luận án tiến sĩ. Nhà khoa học chân chính tố cáo hợp pháp sẽ phải nhận bản án nặng nề. Nhưng từ đây nỗi oán hận cộng sản không phải chỉ chứa chất trong lòng người dân mất nhà mất đất mà còn chứa chất, nhức nhối trong tim những nhà khoa học, những trí thức của đất nước.

3.  Món nợ lịch sử

Yên dân là nội dung chính trị hàng đầu, là sức mạnh chính trị lớn nhất của một nhà chính trị, của một đảng chính trị. Trần Hưng Đạo là nhà quân sự lớn nhất và Nguyễn Trãi là nhà chính trị lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhà chính trị Nguyễn Trãi đã đúc kết việc trị nước ở thời nào và ở đâu cũng là Yên dân. Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Dân trên hết chứ không phải đảng trên hết. Đảng chỉ là chốc lát lịch sử. Dân mới là mãi mãi. 

Vô chính trị, Trump đã làm nước Mỹ trở thành nhỏ bé, tầm thường, làm cho dân Mỹ bất an và chia rẽ sâu săc. Lá phiếu của người dân Mỹ sẽ ném Trump ra khỏi Nhà Trắng. Như ném một cái chổi cùn. Như ném xác một con chuột chết.

Vô chính trị, Đảng cộng sản Việt Nam đã dồn nén, chồng chất oán hờn trong lòng dân. Dân Việt Nam không được cầm lá phiếu định đoạt số phận đảng cộng sản. Nhưng đảng cộng sản cứ vô chính trị đi, cứ dồn nén, chồng chất oán hờn trong lòng dân đi. Oán hận trong lòng dân là món nợ lịch sử đảng cộng sản vay của dân. Nợ thì phải trả. Sớm muộn cũng phải trả. Đến lúc oán hận đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của người dân thì lòng uất hận của người dân sẽ thành dung nham núi lửa phun trào chôn vùi thứ quyền lực cướp quyền dân, gây tang tóc, đau khổ, oan trái cho dân. Cái chết nhục nhã của vợ chồng người đứng đầu đảng cộng sản Romania Nicolae Ceausescu là người dân Romania mới đòi một phần món nợ mà đảng cộng sãn Romania đã nợ dân đấy.

Phạm Đình Trọng

25/10/2020

Published in Diễn đàn

9.  Nguy cơ đến từ Trung Quốc 

Về đối ngọai hiện tại thì rõ ràng là Trung Quốc đang siết chặt bao vây Việt Nam bằng 4 gọng kìm : Lào, Campuchia, đất liền biên giới và Biển Đông

dcsvn1

Kể từ lúc "Giấc Mộng Trung Hoa" xuất hiện và nhất là khi xảy ra nạn dịch Covid-19 toàn cầu, thì EU và Mỹ bắt đầu xem Trung Quốc như là một đối tác thù địch. Hoa Kỳ và các cường quốc ở Châu Âu như Anh, Pháp, Đức, và các khu vực khác như Nhật, Canada, Úc đang và sẽ có những thay đổi căn bản trong quan hệ với Trung Quốc.

Điều này diễn ra trước hết do bởi cách hành xử của Trung Quốc theo một sách lược quá chủ quan, rủi ro cao và nguy hiểm của chủ tịch Tập Cận Bình. Dù vậy, trong quá khứ Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã từng có nhiều kinh nghiệm đắng cay với Trung Quốc - người đồng chí khổng lồ phương Bắc, kinh qua các sự cố do Trung Quốc gây ra vào các thời điểm và thời kỳ : 1954, 1975-1988 và chính sách độc chiếm Biển Đông hiện nay.

Về nội tại, Đảng cộng sản Trung Quốc từ 2017 đã lâm nguy tứ phía, trong ngoài không yên do nhiều áp lực nặng nề như dịch bệnh hoành hành, lũ lụt lan rộng, kinh tế lao dốc, ngoại giao thất bại, lực lượng công lý quốc tế bao vây nhằm tiêu diệt. Mặc dù vậy, các cuộc đấu đá thanh trừng nội bộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trái lại ngày càng diễn biến ác liệt hơn. Về đối ngọai hiện tại thì rõ ràng là Trung Quốc đang siết chặt bao vây Việt Nam bằng 4 gọng kìm : Lào, Campuchia, đất liền biên giới và Biển Đông. Loại nguy cơ do Đảng cộng sản Trung Quốc gây ra cho Đảng cộng sản Việt Nam có thể thấy rõ như sau : 

Nguy cơ do chiêu thức thâu tóm đất vàng của Trung Quốc

Để sở hữu các lô đất vàng khắp nơi tại Việt Nam, Trung Quốc đã nghiên cứu và lợi dụng các kẽ hở của Luật Đầu Tư 2014 về việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai. Bộ Quốc phòng Việt Nam đã mô tả chiêu thức thâu tóm đất vàng được thực hiện theo hai hình thức, qua doanh nghiệp và qua cá nhân.

Thứ nhất, người Trung Quốc thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam (bên góp vốn chủ yếu bằng mặt bằng đất đai) và dần dần nắm các khu đất vàng thông qua việc tăng vốn sở hữu để giành quyền điều hành doanh nghiệp. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (đa phần là người Việt gốc Hoa) để mua đất vàng.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, 83% doanh nghiệp "có yếu tố" Trung Quốc đang hoạt động tại khu vực biên giới biển (5.393,7 ha) và 17% còn lại tại khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, tổng cộng hơn 6.300 ha đất biên giới. Đáng chú ý tổng số vốn đầu tư cho khu vực biên giới biển là 29,235 tỉ đô-la so với 1,637 tỉ đô-la tại khu vực biên giới đất liền.

Địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhất là Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Hà Tĩnh, Bình Thuận… Một ví dụ khác là công ty China Policy Limited (CPL, đăng ký tại thiên đường trốn thuế British Virgin Islands) lừa đảo công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát của Việt Nam để chiếm đoạt 500 ha đất vàng tại Long An mà cho đến nay cơ quan trọng tài quốc tế VIAC cũng chưa giải quyết xong việc kiện cáo kéo dài từ năm 2007 đến nay.

Theo báo Tuổi Trẻ : "Người Trung Quốc đang sử dụng hơn 12.000 ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất. Đây là thông tin được Bộ Quốc phòng đưa ra trong báo cáo trả lời chất vấn của cử tri được gửi tới Quốc hội mới đây. Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong lãnh vực phòng thủ" (trích Tuổi Trẻ, 17/5/2020). 

Ngoài Biển Đông thì Trung Quốc dùng vũ lực chiếm biển đảo, trong đất liền thì dùng chiến dịch "tằm ăn dâu" qua các chiêu bài mở hàng loạt doanh nghiệp tại Việt Nam, thâu tóm trên 3.000 dự án kéo theo hàng trăm ngàn lao động Trung Quốc vào Việt Nam lấy vợ sinh con đẻ cái, mua đất xây nhà lén lút từ Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh… 

Sự kiện mới đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu đích danh các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm doanh nghiệp và đất đai quốc phòng là vấn đề đáng lưu tâm. Với sự quản trị không rõ ràng về trách nhiệm và thiếu một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

Trung Quốc vốn rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng các "biện pháp kinh tế cưỡng đoạt" cùng với các đe dọa về sử dụng sức mạnh để can thiệp vào chính trường Việt Nam. Và điều này vẫn đang xảy ra hàng ngày. Tất cả đã dần dần tỏ rõ âm mưu của Trung Quốc muốn nuốt trọn Việt Nam trong một ngày không xa. 

Đây chính là nguy cơ xâm lăng mềm do Trung Quốc chủ động gây ra và cấu kết với các nhóm lợi ích trong và ngoài Đảng cộng sản Việt Nam để mưu toan khống chế Đảng nầy.

dcsvn2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thực hiện nghi thức trao chìa khóa tượng trưng Cung Hữu nghị Việt -Trung.

Nguy cơ do bức tường bao bọc xung quanh Đảng cộng sản Trung Quốc không kiên cố và không bất khả xuyên thủng

Những biến cố xảy ra mấy tháng đầu năm 2020 quanh đại dịch Covid-19 cho thấy bức tường bao bọc xung quanh Đảng cộng sản Trung Quốc không kiên cố, không bất khả xuyên thủng, như người ta vẫn lầm tưởng xưa nay. Đà phát triển kinh tế dựa trên công nghiệp hóa có chu kỳ khoảng 30 năm, khoảng thời gian mà các yếu tố nhân công giá rẻ, chi phí đất đai, nguyên liệu và năng lượng thấp được khai thác hết.

Ở Trung Quốc, chu kỳ này đã tới hạn. Kinh tế phát triển chậm lại sẽ kéo theo các nguy cơ về tài chính. Ảnh hưởng cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến đầu tư nước ngoài sụt giảm và thất nghiệp gia tăng, làm cho bất ổn xã hội có nguy cơ xuất hiện thường xuyên. Mới đây, hôm 24/06/2020, Lữ Nguyệt (Lu Yue), một phóng viên thâm niên của Hong Kong đã viết một bài chính luận và thu hút được sự chú ý của chính giới phương Tây.

Bài chính luận có tiêu đề "Làm thế nào Chủ tịch Tập tăng tốc chiếc ôtô hết xăng" đã được xuất bản trên tờ Apple Daily của Hong Kong hôm 24/06/2020. Mở đầu bài viết, tác giả đã chỉ ra rằng sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, chiếc xe điên rồ Trung Quốc đang đạp mạnh chân ga và "lao ra ngoài", "hơn nữa ngày càng mất kiểm soát".

Bài viết này ví Trung Quốc sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX như một chiếc xe hơi mất phương hướng nhưng lại đang lao nhanh về phía trước. Bài báo chỉ ra rằng chiếc xe mất lái này không những phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng do dịch bệnh viêm phổi, lũ lụt và Luật an ninh quốc gia gây ra, mà hiện giờ nó còn "hết sạch xăng rồi", và vì để bóc lột thêm nhiều thuế hơn, Đảng cộng sản Trung Quốc sắp "tạo ra lượng lớn các công ty/cá thể phá sản". 

Đảng cộng sản Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với một "con thiên nga đen" khác, đó là việc "chiếc xe mất kiểm soát" Trung Quốc cũng đã hết nhiên liệu. Nói cách khác, Đảng cộng sản Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng mà không có kinh tế và tài chính để hỗ trợ và chèo chống… Bài báo nói rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc đã dành hai năm để đánh cuộc chiến thương mại với chính phủ Hoa Kỳ, và sau đó dành một năm để đàn áp phong trào "chống Dự luật dẫn độ" của người Hong Kong.

Bài báo còn chỉ ra rằng Luật An ninh Quốc gia Hong Kong là "con thiên nga đen" lớn nhất và Đảng cộng sản Trung Quốc hiện tại đang phải đối mặt với một "con thiên nga đen" khác, đó là việc "chiếc xe mất kiểm soát" Trung Quốc cũng đã hết nhiên liệu. Bây giờ, nó lại che giấu dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và quyết định thông qua Luật an ninh quốc gia phiên bản Hong Kong trong kỳ họp "Lưỡng hội" năm nay.

Sau một loạt những cuộc vật lộn này, chính quyền Trung Quốc cảm thấy rằng "thế giới mà họ từng nhìn bằng nửa con mắt nay đã thay đổi", bởi vì xã hội tự do do Hoa Kỳ đứng đầu "đang bao vây Đảng cộng sản Trung Quốc trên mọi phương diện". Ở phần kết của bài viết, một câu hỏi được đặt ra là : Chiếc xe hết nhiên liệu mang tên Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ đi về đâu ? .

Tình trạng đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền cũng khiến các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trầm trọng hơn bao giờ hết. Trong nước, hơn 1,5 triệu quan chức đã bị phát hiện tham nhũng, thoái hóa biến chất và bị đưa ra xét xử, trong đó có cả những thành viên trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc đang cầm quyền. Vì là hai đảng anh em và "4 Tốt, 16 chữ Vàng" nên sự vụ nầy lây lan sang Việt Nam làm hai thành viên trong Bộ Chính trị đảng đã bị kỷ luật, có người bị kết án tù, có ủy viên trung ương bị cách chức, hàng loạt quan chức lãnh đạo hàm bộ trưởng dính án tham nhũng.

Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán gây thiệt hại lớn cho nhiều quốc gia sẽ càng tạo nhiều sức ép quốc tế lên Trung Quốc. Ngay cả bản thân Bắc Kinh cũng ý thức được nước này đang chịu sức ép quốc tế lớn nhất trong vòng 30 năm qua, kể từ cuộc thảm sát Thiên An Môn. Giấc mơ Trung Hoa của những người cộng sản Trung Quốc rốt cuộc có lẽ mãi mãi là một lâu đài trên cát.

Nhận thức như thế, có xác suất cao là sách lược của Mỹ và Tây Âu đã, đang và sẽ tạo ra áp lực chính trị, kinh tế và quân sự kéo dài và lớn lao nhằm thúc đẩy một đổi thay nội chính triệt để tại Trung Quốc. Washington chắc chắn sẽ gắng giữ cường độ áp lực ở vị trí hiện tại, bởi họ trông thấy xác suất thành công mỗi lúc mỗi gia tăng.

Tổng thống Trump từ lâu cam kết đưa hoạt động sản xuất ở nước ngoài về Mỹ. Giờ đây, theo giới chức cấp cao và một số quan chức Mỹ, thiệt hại kinh tế và số người tử vong cao do dịch Covid-19 tại Mỹ đang thúc đẩy chính phủ nước này chuyển sự phụ thuộc về sản xuất và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đã khẳng định rằng : "Chúng tôi vẫn đang nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc các chuỗi cung ứng vào Trung Quốc từ vài năm qua và hiện chúng tôi đang đẩy mạnh sáng kiến này". Ông Krach nhấn mạnh đây là vấn đề then chốt cho an ninh Mỹ và chính phủ sẽ sớm thông báo bước đi mới về chiến lược nầy.

Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan khác của Mỹ đang tìm kiếm biện pháp nhằm thúc đẩy các công ty đưa hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Trong số những biện pháp đang được Mỹ cân nhắc có ưu đãi về thuế và các khoản trợ cấp. Một nguồn tin cho biết các cơ quan đang tìm hiểu xem lĩnh vực sản xuất nào nên được xem là "thiết yếu" và cách thức sản xuất những sản phẩm này bên ngoài Trung Quốc.

Đây chính là nguy nan của Trung Quốc, nhưng lại là cơ hội cho Việt Nam tiếp nhận thêm đầu tư mới nếu Việt Nam không còn "định hướng xã hội chủ nghĩa". Từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền Tổng thống Hoa Kỳ, điều tốt nhất là ông từng bước rút xương con rồng đỏ Trung Quốc, điều mà mãi đến khi đại dịch Coronavirus bùng phát và đẩy hàng trăm ngàn sinh mệnh, đẩy nền kinh tế thế giới vào chỗ chết thì Tây Âu mới thức tỉnh (Đến cuối tháng 9/2020 con số tử vong toàn cầu đã vượt mức 1 triệu).

************************

10. Nguy cơ từ Đảng cộng sản Trung Quốc

Kinh tế, xã hội, nội và ngoại chính Trung Quốc lâm vào thế nguy nan thì Việt Nam cũng khó tránh khỏi mối nguy dây chuyền từ Trung Quốc lan sang.

dcsvn3

Bà Thái Hà, một cựu giáo sư Trường Đảng tại phiên họp của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc (ảnh chụp màn hình video). Photo source : Đại Kỷ Nguyên

Trong nước, Trung Quốc đang đối diện với nạn "thiên nga đen" có khả năng đẩy nhanh tiêu vong của chế độ, bởi vì việc làm và tăng trưởng kinh tế đang trên đà suy giảm là mối đe dọa lớn lao cho sự tại vị của Đảng cộng sản Trung Quốc (Trung Quốc đang có mức tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990 và đang tiếp tục suy giảm).

Hôm 16/09/2020, Cựu giáo sư trường Đảng Trung ương, bà Thái Hà, một "thái tử đỏ" thế hệ 2 của Đảng cộng sản Trung Quốc dự đoán viễn cảnh Đảng cộng sản Trung Quốc sụp đổ theo 1 trong 3 tình huống. Bà nói : "Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung".

Làn sóng chống Đảng cộng sản Trung Quốc ngày càng lan rộng cả trong lẫn ngoài thể chế. Bà Thái Hà, gần đây đã chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc duy trì một hệ thống toàn trị dựa trên bạo lực, dối trá và quản chế nghiêm ngặt, nó không thua kém chủ nghĩa phát xít của Adolf Hitler.

Bà cũng phân tích 3 cách thức dẫn đến sự sụp đổ của Đảng cộng sản Trung Quốc, cách thức có khả năng nhất là áp lực nội bộ quá lớn, cuối cùng gánh nặng lớn quá không chịu được khiến nó đột nhiên sụp đổ. Ngày 09/09/2020, một đoạn ghi âm của bà Thái Hà đã được truyền rộng trên mạng, theo đó bà đã phân tích chi tiết tình thế của Đảng cộng sản Trung Quốc cũng như tình cảnh trong nước Trung Quốc hiện nay, đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến cục diện hiện tại chính là do bản chất của cái chế độ này quyết định.

Bà nói rằng, thực tế thứ nhất là bản chất của chế độ này kể từ sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, cho đến hiện nay là một hệ thống tập trung quyền lực theo chế độ Stalin và xem tất cả người dân Trung Quốc đều là nô lệ của nó. "Đó là một chế độ tàn ác cùng cực. Bản chất tàn bạo của chế độ này ít nhất cũng không thua kém chủ nghĩa phát xít của Hitler", bà Thái Hà nói "Kỳ thực, sự thống trị của nó chính là được duy trì dựa trên bạo lực và khủng bố".

Thứ hai là nó phong tỏa sự thật, phong tỏa tin tức, bóp méo thông tin và dựa vào dối trá lừa gạt để duy trì sự thống trị. Thứ ba là Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền tất cả các nguồn lực sâu xa. Ngay cả khi một ai đó ở ngoài thể chế, với tư cách là một nhà doanh nghiệp tư nhân, cá nhân đó được tự do về tài chính, có được không gian cá nhân rộng rãi và có thể độc lập về kinh tế, nhưng chỉ cần Đảng cộng sản Trung Quốc tùy tiện gán cho họ một tội danh nào đó, thì nó có thể bắt nhốt cá nhân đó ngay.

Bà Thái Hà nhấn mạnh thêm : "Nghĩa là nó độc chiếm tất cả mọi nguồn lực và bóp nghẹt cổ họng của tất cả mọi người", khiến họ không thể sống nếu không có nó. Trong đoạn ghi âm nầy, bà Thái Hà cũng phân tích ba cách thức có thể khiến Đảng cộng sản Trung Quốc rốt cục sẽ sụp đổ.

– Thứ nhất, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài, các chế độ độc tài như Hitler và Gaddafi đều được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài.

– Thứ hai là việc dựa vào cải cách nội bộ đảng, như cải cách làm nội bộ của Gorbachev đã mang đến sự thay đổi của cả chế độ, sự thay đổi này chính là từ bỏ chế độ, từ bỏ đảng chính trị và đưa toàn bộ xã hội chuyển tiếp một cách hòa bình. Nếu được vậy, thì điều cơ bản nhất là an toàn của mọi người có thể được đảm bảo. Hiện không một ai ở Trung Quốc có thể được coi là an toàn, chỉ là Đảng cộng sản Trung Quốc chưa động đến họ mà thôi, một khi nó muốn bắt ai, người đó sẽ bị bắt chỉ trong vài phút. Vậy nên, mọi người đều không có cảm giác an toàn. Xã hội Trung Quốc hiện giờ là không có giới hạn, Đảng cộng sản Trung Quốc làm việc gì cũng đều không có giới hạn.

 Thứ ba là bởi chế độ này thống trị dựa trên khủng bố và bạo lực, nó không ngừng tạo ra các mâu thuẫn bên trong, cuối cùng dưới áp lực cao độ theo dây chuyền từ trên xuống, mọi người đều không chịu đựng thêm nữa, và nó sẽ sụp đổ từ bên trong.

Bà Thái Hà xác quyết : "Chính là nói cuối cùng nó cũng sụp đổ. Sự sụp đổ này là một sự kiện diễn ra một cách ngẫu nhiên. Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung. Có tình huống như vậy hay không ? Tôi cảm thấy rất có khả năng".

Vị giáo sư trường Đảng Trung ương nầy có nhấn mạnh thêm rằng khả năng hai giả định đầu tiên xảy ra là rất nhỏ. Bởi trong xã hội văn minh hiện nay, muốn thế giới bên ngoài tiêu diệt Đảng cộng sản Trung Quốc điều đó dường như không khả thi. Cách thức thứ hai, tình thế hiện nay là lực lượng cải cách trong đảng không dám manh động, bởi Tập Cận Bình hiện đang nắm giữ nòng súng và con dao đồ tể trong tay, vậy nên mọi người chẳng thể làm gì được. 

Một sự kiện ví dụ là ông Nhậm Chí Cường, trùm địa ốc nổi tiếng Trung Quốc và là "thế hệ đỏ thứ hai", đã dám nói lên sự thật, nhưng chưa đến chục ngày sau thì ông ấy đã mất tích, còn bà Thái Hà thì bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản Trung Quốc và hủy bỏ lương hưu cũng như khóa tài khoản ngân hàng. Vì vậy, lực lượng cải cách trong đảng đang ẩn náu, đều không thể hành động. Mọi người ai ai cũng muốn thay đổi, nhưng không ai có thể xoay chuyển được cục diện, chỉ đợi nó tự sụp đổ, đợi bản thân ông Tập Cận Bình không chống đỡ thêm được nữa, từ đó mất kiểm soát.

Nhưng bà Thái Hà tin rằng kiểu sụp đổ thứ ba có khả năng cao nhất. Bởi bây giờ chính phủ trong nước đã không có tiền, Tập Cận Bình muốn dùng tiền kỹ thuật số, điều này có thể giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của việc in tiền mặt, nhưng tiền in sẽ dẫn đến lạm phát, thất nghiệp và nạn đói trên quy mô lớn ở Trung Quốc.

Bà Thái Hà phân tích thêm : "Rồi ba cỗ xe ngựa ‘đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu’ của nền kinh tế Trung Quốc toàn bộ đều bị đình trệ. Và nó bị tê liệt trong một thời gian dài. Một khi nó không hoạt động nữa, chỉnh thể xã hội sẽ bị tê liệt". Trong một đoạn ghi âm được phát hành vào đầu tháng 6 năm 2020, bà Thái từng chỉ trích Đảng cộng sản Trung Quốc là "thây ma chính trị" và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là "trùm băng đảng xã hội đen".

Thể chế Đảng cộng sản Trung Quốc này đã không có lối thoát, dẫu có cải cách thế nào cũng vô dụng, vậy nên cách duy nhất chính là phải vứt bỏ nó. Bà Thái Hà kết luận : "Mọi người sẽ không bao giờ tưởng tượng được Đảng cộng sản Trung Quốc tà ác đến mức nào".

dcsvn00

"Ba cỗ xe ngựa ‘đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu’ của nền kinh tế Trung Quốc toàn bộ đều bị đình trệ. Và nó bị tê liệt trong một thời gian dài. Một khi nó không hoạt động nữa, chỉnh thể xã hội sẽ bị tê liệt" - Ảnh minh họa Con rồng Trung Quốc không còn đủ sức mạnh kinh tế và quân sự như trước sau đại dịch Covid-19 để có thể hù dọa thế giới

Trong dự đoán của mình, học giả Bùi Mẫn Hân, tác giả của tác phẩm nổi tiếng "Tư bản thân hữu Trung Quốc" cho thấy chế độ chính trị Trung Quốc sẽ sụp đổ sớm hơn nếu như không chịu cải cách. Bên ngoài, Trung Quốc đang đối diện với làn sóng tẩy chay, cảnh giác và phản ứng cứng rắn từ các nước đã phát triển. Điều quan trọng nhất mà Trung Quốc đối mặt là xu hướng cứng rắn đang lên của chính quyền Tổng thống Trump.

Nhưng nếu không phải ông Donald Trump, thì ứng cử viên Tổng thống Mỹ kỳ tới cũng sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Jake Sullivan, một cố vấn cấp cao của ứng viên Joe Biden, đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters mới đây. Theo VOA, bà Nadege Rolland, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Văn phòng Nghiên cứu Châu Á tại Washington DC cho rằng Bắc Kinh đang gặp phải thách thức lớn nhất kể từ khi thành lập.

Bà nói : "Như chính ông Tập Cận Bình thừa nhận, đây là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Bắc Kinh và là một thách thức chưa từng có. Kể từ khi thành lập, đây là một cuộc khủng hoảng chưa từng có". Bắc Kinh đang rơi vào một vòng xoáy của thảm họa và áp lực lớn do chính mình gây ra.

Vào ngày 20/05/2020, Policy Times của Mỹ cho biết 27 công ty của Mỹ đang rút khỏi Trung Quốc để chuyển qua Indonesia, vì Bắc Kinh đã lợi dụng chuỗi cung ứng toàn cầu để tạo sức ép với Mỹ và các quốc gia EU trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhưng tại sao Việt Nam không được 27 công ty nầy chọn ? Phải chăng Việt Nam bị bỏ lại phía sau rất xa so với Indonesia ?

Ông Christopher Francis Patten, (tiếng Trung 彭定康), là một chính trị gia người Anh, từng là Thống đốc cuối cùng của Hồng Kông từ năm 1992 đến 1997, hiện nay là Chưởng Ấn của Đại học Oxford, mới đây có nêu rõ "Chủ nghĩa cộng sản – như luôn được duy trì bởi bí mật và dối trá. Kẻ giết người nầy (Coronavirus) không phải là một số gen văn hóa hoặc thể chất của Trung Quốc, mà chính là Đảng cộng sản Trung Quốc… Chúng ta không thể đơn giản quay lại giao dịch với Đảng cộng sản Trung Quốc và làm kinh doanh như trước đây"

Một trong 2 tử huyệt mà Đảng cộng sản Trung Quốc tự tạo ra cho chính mình đập Tam Hiệp – tử huyệt kia là virus Vũ Hán (theo sách Between State Power, Technical Immensity, and Regional Implications", của tác giả Thierry Sanjuan.

dcsvn4

Thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc hôm 12/08/2020. Ảnh AFP/Getty Images.

Để đối phó với sự xâm nhập nghiêm trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc vào các tổ chức Liên Hiệp Quốc, hôm thứ Sáu 07/08/2020, Dân biểu Michael McCaul, thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Chủ tịch Nhóm Công tác Trung Quốc của Hạ viện Mỹ, đã đề xuất "Đạo luật Minh bạch và Trách nhiệm giải trình năm 2020 về Liên Hiệp Quốc (United Nations Transparency and Accountability Act of 2020)".

Dự luật yêu cầu Ngoại trưởng Mỹ chỉ đích danh các quốc gia thành viên được xác định có hành vi gây ảnh hưởng xấu và vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và ủy quyền cho Tổng thống Mỹ chỉ định các quốc gia thành viên này là "tác nhân gây độc hại toàn cầu", nhằm chống lại các hành vi xấu trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, đi ngược lại tiêu chí và hoạt động của tổ chức toàn cầu này. Dự luật nầy còn có mục đích tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ trong tổ chức quốc tế này.

Trước đây, hai thượng nghị sĩ của Thượng viện Hoa Kỳ cũng đã từng đề xuất một dự luật đánh giá các hoạt động của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác. Ngòai ra, các nhà trí thức có ảnh hưởng của Trung Quốc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc nổi tiếng và thậm chí các đảng viên lão thành có đầu óc tự do lại tin rằng đây đang là những ngày cùng tháng tận trong kỷ nguyên cầm quyền của Đảng cộng sản Trung Quốc và đảng nầy sẽ bị xóa sổ nếu không chịu sớm tiến hành những cải cách chính trị nghiêm túc.

Trong cuốn sách năm 1992 tựa đề Sự cáo chung của lịch sử và con người cuối cùng (The End of History and The Last Man), Francis Fukuyama đã lập luận rằng dân chủ tự do phương Tây đại diện cho thể thức cuối cùng của sự cai trị con người và là điểm tận cùng trong sự tiến hóa của ý thức hệ.

Fukuyama, bây giờ là một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Stanford, nói ông tin rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường của hầu hết các quốc gia, có thể thông qua một quá trình tự do hóa dần dần vốn rốt cuộc dẫn tới dân chủ. Nhưng nếu điều đó không xảy ra, ông cho rằng các cuộc nổi dậy của người dân dưới dạng Mùa xuân Ả Rập cũng là một khả năng.

Thế hệ mới của Trung Quốc rất khác so với thế hệ đã từ bỏ nông nghiệp và thúc đẩy làn sóng công nghiệp hóa thứ nhất – thế hệ mới nầy được giáo dục tốt hơn, giàu có hơn nhiều và có những đòi hỏi mới, những đòi hỏi như không khí sạch, nước sạch, thực phẩm an toàn và những vấn đề khác vốn không thể được giải quyết chỉ bằng tăng trưởng kinh tế nhanh.

Cho tới vài năm trước đây, David Shambaugh, giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington và là chuyên gia hàng đầu về hệ thống chính trị Trung Quốc, vẫn là một người ủng hộ mạnh mẽ quan điểm này. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm và giờ đây tin rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đang ở trong một trạng thái suy thoái và phản ảnh những ngày hấp hối của các triều đại Trung Quốc trong lịch sử trước đây.

Các dấu hiệu cho điều này bao gồm một ý thức hệ nhà nước trống rỗng mà xã hội không còn tin tưởng, chỉ phục tùng mang tính lấy lệ ; tình trạng tham nhũng ngày càng tồi tệ, thiếu khả năng cung cấp cho người dân một hệ thống phúc lợi xã hội đầy đủ và một cảm giác mất an ninh và thất vọng lan tràn trong dân chúng.

Các dấu hiệu khác bao gồm tình trạng bất ổn sắc tộc và xã hội gia tăng, nạn bè phái trong giới lãnh đạo, sưu cao thuế nặng với lợi nhuận chủ yếu chui vào túi các quan chức, tình trạng bất bình đẳng về thu nhập nghiêm trọng và càng ngày càng tăng, cùng với nền pháp trị không đáng tin cậy. Shambaugh nói rằng một chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy niềm tin vào hệ thống rất ít ỏi chính là số lượng những người giàu Trung Quốc có tài sản và nhà đất ở nước ngoài, tài khoản ngân hàng và số con em đang theo học tại các trường đại học phương Tây.

"Những cá nhân này đã sẵn sàng tháo chạy ngay lập tức, ngay khi chế độ chính trị lâm vào cảnh hấp hối – nhưng họ sẽ vẫn tiếp tục ở lại Trung Quốc để vơ vét tới tận đồng nhân dân tệ cuối cùng trước lúc thời khắc đó xảy tới", ông nói, "Hành vi phòng bị nước đôi của họ nói lên nhiều điều về sự ổn định mong manh của nhà nước độc đảng ở Trung Quốc ngày nay".

Perry Link, một giáo sư tại Đại học California Riverside và là một trong những chuyên gia phương Tây về Trung Quốc được kính trọng nhất nói thêm : "Ngày nay người ta vào đảng chỉ để tạo quan hệ và trục lợi hơn là vì các lý tưởng xã hội chủ nghĩa". Giáo sư Link cho rằng "Trung Quốc có nhiều sức mạnh quân sự, ngoại giao và kinh tế hơn so với trước đây rất nhiều và nó có thể yêu cầu những nước khác như Mỹ và Anh thoái lui theo cách mà trước đây nó không thể. Nhưng dù có rất nhiều sức mạnh đối ngoại mới như vậy thì ở trong nước họ dường như lại yếu đuối hơn rất nhiều, quan ngại hơn rất nhiều về việc họ còn có thể trụ lại được trên chảo dầu đang sôi này bao lâu nữa". 

"Tài liệu số chín", một văn bản mật được phân phát cho các cán bộ hồi tháng 4/2020 và bị rò rỉ ra báo chí hải ngoại, đã cho thấy ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc bất an đến thế nào về những mối đe dọa được nhận thấy đối với sự cai trị của đảng. "Các thế lực thù địch phương Tây và những kẻ bất đồng chính kiến trong nước đang thường xuyên thâm nhập vào lãnh địa tư tưởng", tài liệu cho biết, "Nhằm bảo vệ sự cầm quyền của đảng, cần phải chú ý đến những cách nghĩ, lập trường và hành động sai lầm".

Theo tài liệu này, đảng đã tham gia vào một cuộc đấu tranh "khốc liệt" liên quan đến bảy mối đe dọa nghiêm trọng mà bây giờ thường được nhắc đến trong giới học giả Trung Quốc là "bảy điều không được bàn đến". Đứng đầu danh sách này là "dân chủ lập hiến phương Tây", theo sau đó là những điều cấm kỵ khác như ủng hộ nhân quyền, tư pháp độc lập, báo chí truyền thông độc lập và việc chỉ trích quá khứ của Đảng.

Theo Giáo sư Link "Nếu đúng như vậy thì Trung Quốc không có hi vọng gì và cuối cùng sự giận dữ trong xã hội sẽ bùng nổ trở thành các cuộc nổi dậy của dân chúng". Theo logic chính trị kinh tế, khả năng mang lại tăng trưởng nhanh chóng và nâng cao mức sống – nguồn mang lại tính chính danh chính của Đảng cộng sản Trung Quốc từ khi đoạn tuyệt chủ nghĩa Mao – lại chính là điều rốt cuộc sẽ dẫn tới việc Đảng mất quyền kiểm soát tuyệt đối về chính trị.

Tính theo cách nào đi nữa thì Trung Quốc cộng sản giờ đây là một trong những xã hội bất bình đẳng nhất trên thế giới, với phần lớn của cải tập trung vào tay một giới tinh hoa nhỏ có các mối quan hệ với chính quyền. 

Mao Yushi, một nhà kinh tế 84 tuổi được coi là cha đẻ của kinh tế học vĩ mô hiện đại của Trung Quốc, cho rằng : "Trong vòng hai thế kỷ qua 30 năm vừa rồi là giai đoạn kéo dài duy nhất không có chiến tranh, nạn đói hay hành quyết tập thể, một giai đoạn mà cuộc sống mọi người dân đều khá giả hơn. Tính chính danh của chế độ chủ yếu đến từ thành công trong cải cách kinh tế nhưng vấn đề nghiêm trọng là các kỳ vọng giờ đây là quá lớn".

Mao dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính "không thể tránh khỏi" trong vòng từ một đến ba năm tới do khối lượng nợ xấu khổng lồ đang tích tụ và một bong bóng tài sản khổng lồ, nhưng ông nghĩ rằng điều này sẽ đẩy đất nước đến với dân chủ. "Tôi nghĩ một cuộc khủng hoảng tài chính thực ra lại tốt cho Trung Quốc vì nó sẽ buộc chính phủ phải thực thi các cải cách kinh tế và chính trị", Mao nói. "Đó là kịch bản tốt nhất nhưng kịch bản xấu nhất sẽ là một cuộc nổi dậy bạo lực và theo sau đó là một thời kỳ dài của bất ổn và suy thoái kinh tế, giống như tình hình ở Ai Cập".

Bằng cách vay nợ và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc đạt được nhiều thành tích kinh tế ngắn hạn, nhưng đi kèm với nó là sự tha hóa của toàn bộ đội ngũ cầm quyền. Tập Cận Bình khá thực lòng khi phát biểu công khai trong một hội nghị cấp cao của Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012 : "Chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ tội phạm để cai trị đất nước".

Đất nước Trung Quốc quá lớn, quá đông dân và quá phức tạp. Trong nhiều thiên niên kỷ, người Trung Quốc tồn tại bằng các cuộc chiến tranh xâm lược nối tiếp nhau. Văn hóa của họ được xây dựng trên nền tảng của lối tư duy nô dịch. Nếu biến động xã hội xảy ra ở Trung Quốc, nó sẽ khiến đất nước này bị chia nhỏ làm nhiều phần.

Đó sẽ là câu chuyện trong một tương lai xa. Còn hiện tại, với tư cách là một đại cường, Đảng cộng sản Trung Quốc có nhiều giải pháp để duy trì sự tồn tại của mình hơn là Việt Nam. Nguy cơ Trung Quốc tiến hành các cuộc chiến tranh quy mô nhỏ trong khoảng 10 năm tới là rất cao, và nó sẽ là một công cụ mà Đảng cộng sản Trung Quốc vận dụng thường xuyên để đánh lạc hướng và xoa dịu các bất ổn chính trị trong nước. Có thể thấy rõ điều đó qua các phát ngôn ngày càng kiên quyết của Tập Cận Bình về các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Đó không phải là vấn đề quyền lợi quốc gia, nó giống một chiếc phao cứu sinh của Đảng cộng sản Trung Quốc trong bối cảnh ngày một mất dần tính chính danh trước xu thế thời đại. Chế độ cộng sản ở Trung Quốc rồi sẽ kết thúc, nhưng nó sẽ không chết một mình trước khi gây ra những tổn thương sâu sắc cho phần còn lại của thế giới kể cả nước cộng sản Việt Nam và cho chính người dân Trung Quốc.

Nguy cơ nầy của Đảng cộng sản Việt Nam do chính sách gắn chặt nền kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc suốt 30 năm qua, nay kinh tế, xã hội, nội và ngoại chính Trung Quốc lâm vào thế nguy nan thì Việt Nam cũng khó tránh khỏi mối nguy dây chuyền từ Trung Quốc lan sang. 

*************************

11. Nguy cơ do các nước trong khối tự do đang đoàn kết để đối đầu với hiểm họa Trung Quốc  

 

"Việt Nam là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ" chính là một nguy cơ cho dân vận, quan hệ quốc tế, giao thương kinh tế và ổn định chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ năm 2020.

dcsvn8

Việt Nam chỉ là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ - Ảnh minh họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cụng lý cùng Tổng bí thư Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 

Mới đây, Washington Post nêu ý kiến của Nikki Haley (cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc) như sau : "Đây không phải là thử thách riêng đối với Hoa Kỳ mà thôi, nhưng các nước trong khối tự do phải đoàn kết để đối đầu với hiểm họa Trung Quốc. Ở khu vực Thái Bình Dương, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đã nhận ra mối nguy hiểm của Trung Quốc. Những người bạn Châu Âu thì nhận ra bộ mặt thật của Trung Quốc chậm hơn, nhưng nhờ con vi khuẩn Corona xuất phát từ Trung Quốc mà các nước Châu Âu này đang dần dần thức tỉnh.

Các quốc gia đang phát triển đã lọt bẫy hào phóng giả tạo của Trung Quốc giờ đây đang nhìn vấn đề qua một lăng kính rõ ràng hơn. Chú tâm vào các hành động ngang tàng của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch này thật sự cần thiết, nhưng con vi khuẩn chỉ là một phần nhỏ trong các mối đe dọa do Trung Quốc sắp đặt. Thế giới càng sớm nhận ra điều đó, thì sự chuẩn bị càng tốt hơn để ngăn chặn hiểm họa Trung Quốc".

Hôm thứ Hai, 31/08/2020, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ cùng lên tiếng về ý định thành lập liên minh tương tự như NATO để đối phó với Trung Quốc. Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một "Bộ Tứ" – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo SCMP.

Mục tiêu của chính phủ Mỹ là hợp tác với nhóm bốn quốc gia này cùng một số quốc gia khác trong khu vực để tạo nên một bức tường thành chống lại thách thức từ Trung Quốc, đồng thời "tạo ra một khối sức mạnh chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, từ đó thu hút được nhiều quốc gia hơn tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và thậm chí từ khắp nơi trên thế giới tham dự… để liên kết lại theo một cách thức có cấu trúc hơn", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun cho biết như vậy.

Ông nói : "Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thực sự đang thiếu các cấu trúc đa phương mạnh mẽ. Nơi này chưa có bất cứ điều gì có sức mạnh như NATO hoặc Liên Hiệp Châu Âu. Tôi nghĩ, các khối liên kết mạnh nhất ở Châu Á chưa mang tính bao quát. Vì vậy… cần đặt vấn đề là đến một thời điểm nào đó sẽ cần chính thức hóa một cấu trúc như vậy". Ông cũng lưu ý Washington thật sự mong muốn thiết lập một NATO phiên bản Thái Bình Dương.

Ông nói rằng một liên minh chính thức như vậy "sẽ chỉ xảy ra nếu các quốc gia khác có sự cam kết như Hoa Kỳ". Nhận xét của ông Biegun nối tiếp những bình luận của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, người gần đây đã gọi những yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là "lố bịch".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo hôm 01/09/2020 nói rằng cả thế giới đang bắt đầu đoàn kết chống lại các hành vi không công bằng của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 1/9 đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pomeo đã phát biểu : "Tôi nghĩ rằng mọi người đang thấy toàn thế giới bắt đầu đoàn kết với nhau xoay quanh nhận thức cốt yếu rằng Đảng cộng sản Trung Quốc đơn giản là sẽ từ chối cạnh tranh một cách công bằng, có đi có lại và minh bạch".

Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nầy khẳng định, Tổng thống Trump sẽ đẩy lùi Trung Quốc trên mọi mặt trận, kể cả việc Trung Quốc dùng quyền lực mềm mưu toan bá chủ thế giới. Có thể nói mà không sợ mang tiếng cường điệu rằng Trung Quốc không thể sử dụng quyền lực mềm (ở bất cứ nơi đâu) giản dị chỉ vì Trung Quốc không hề thủ đắc thứ quyền lực đó.

Điều may mắn trong cơn đại dịch Virus Vũ Hán chính là các quốc gia phát triển đã nhận thức được sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều và đang làm giảm sự phụ thuộc này bằng cách đưa doanh nghiệp của họ từ Trung Quốc trở về nước, hoặc phân tán ra nhiều nước. Đây không chỉ việc giải quyết việc làm trong nước, mà còn là an ninh và tự chủ hàng hóa, kỹ thuật & công nghệ của các quốc gia. 

Ngay trong lúc người Nhật phải vật vã chống chọi với cơn đại dịch Virus Vũ Hán, Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe, đã kêu gọi doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc. Chính phủ Nhật còn cụ thể hơn, dành hơn hai tỷ đô la Mỹ trong gói gần 1.000 tỷ đô-la kích thích kinh tế trong thời gian có đại dịch Virus Vũ Hán để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi Trung Quốc.

Liên Hiệp Châu Âu từng cổ vũ rất nhiều cho việc đầu tư & làm ăn với Trung Quốc để đi tìm thị trường xuất khẩu cho các quốc gia trong khối nay đang nhận trái đắng khi nhiều quốc gia phát triển ở châu lục này đang quá lệ thuộc vào Trung Quốc. Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Kinh tế – Tài chính Pháp từng nói trên đài phát thanh France Internationale hồi tháng 3/2020 : "Cần phải giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu một số sản phẩm từ nước ngoài. Đặc biệt là từ Trung Quốc". 

Không như Mỹ hay Nhật Bản, Châu Âu đang còn kín tiếng trong việc giao thương với Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, việc Liên Hiệp Châu Âu (EU), hay các quốc gia trong khối này công bố kế hoạch giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong thời gian sắp đến sẽ không lạ. Bởi chiến lược "Made in China 2025" nếu thành công, không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc, Bắc Mỹ, mà Châu Âu sẽ cùng chịu chung tổn hại nặng nề.

Truyền thông quốc tế cho biết tại cuộc họp báo hôm 16/04/2020 ở Phủ Thủ Tướng tại Downing Street, London, khi được hỏi về mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai, Ngoại trưởng Anh Quốc Raab nói : "Hiện chúng tôi phải xem xét tất cả những khía cạnh trong mối quan hệ với Trung Quốc và thực hiện một cách thức cân bằng, nhưng chắc chắn rằng nước Anh không thể làm ăn với Trung Quốc như bình thường sau cuộc khủng hoảng Coronavirus này". 

Một yếu tố quan trọng trong cuộc đối đầu chiến lược của Washington với Bắc Kinh là việc tách rời kinh tế, một sự giảm thiểu đáng kể trong các mối quan hệ thương mại rộng lớn mà Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xây dựng được trong bốn thập niên qua. Những người ủng hộ cho việc tách biệt như vậy là Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã phát động một cuộc thương chiến với Trung Quốc vào năm 2018 và các nghị sĩ Thượng Viện Mỹ.

Ông Trump tin rằng, bằng cách cắt Trung Quốc ra khỏi thị trường rộng lớn và công nghệ tinh vi của Hoa Kỳ, Washington có thể làm giảm đi tiềm năng tăng trưởng của sức mạnh Trung Quốc một cách đáng kể. Bất chấp việc thỏa thuận đình chiến trong cuộc thương chiến, sau thỏa thuận tạm thời mà Trump đã ký với Tập Cận Bình vào tháng 1/2020, việc tách rời kinh tế Mỹ-Trung gần như chắc chắn sẽ tiếp tục trong những năm tới, bất kể ai sẽ vào Tòa Bạch Ốc từ 2021, bởi vì làm giảm sự phụ thuộc kinh tế của Hoa Kỳ vào Trung Quốc là quốc sách hiện nay của chính giới Mỹ. Chiến lược kìm hãm sự phát triển sức mạnh của Trung Quốc hiện đang là mục tiêu của hai đảng Cộng hòa & Dân chủ Mỹ. 

dcsvn6

Trong cơn đại dịch Virus Vũ Hán, các quốc gia phát triển đã nhận thức được sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá nhiều và đang làm giảm sự phụ thuộc

Qua vụ việc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch bệnh Covid-19 dẫn đến các thiệt hại vô cùng to lớn cho đất nước Việt Nam & nhiều nước khác, giờ đây Đảng cộng sản Việt Nam cần có biện pháp đề phòng ngay chính người đồng chí đến từ phương Bắc. Trung Quốc sẽ rút lui và con cụm lại dù có hay không có nạn dịch Covid-19. Sự kiện Covid-19 này chỉ khiến Trung Quốc rút lui và co cụm lại nhanh hơn.

Từ giờ đến cuối năm chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Trái với lo ngại của nhiều người là Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng sau Covid-19, quan hệ giữa các nước phát triển và Trung Quốc sẽ thay đổi hoàn toàn sau đại dịch. Cô lập và phong tỏa Trung Quốc bằng cách rút các công ty đầu tư ra khỏi Trung Quốc là điều mà thế giới phải làm cho dù có tốn kém đến đâu đi nữa. Đây cũng là sự thay đổi bắt buộc của phong trào toàn cầu hóa. Thay vì bỏ hết trứng vào cái giỏ của Trung Quốc thì thế giới sẽ "khu vực hóa" chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa ra khắp năm châu…

Hơn nữa, nền kinh tế Trung Quốc đã suy giảm lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ phát triển : trong quý đầu tiên của năm 2020, dịch Covid-19 đã buộc nhiều nhà máy và doanh nghiệp phải đóng cửa. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới suy giảm 6,8% theo dữ liệu chính thức được công bố hôm thứ Sáu 16/04/2020.

Mối nguy lớn nhất là từ nay Bắc Kinh không còn khả năng đảo nợ – nghĩa là vay nợ mới để trả nợ cũ, trong khi khối nợ tổng cộng của họ đã lên tới mức kinh khủng là 40.000 tỷ đô-la, hay 350% GDP, và các quỹ đầu tư cũng không còn tiền để cho vay nữa. Nhiều đại công ty Trung Quốc sẽ phá sản. Khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc là chắc chắn, và hệ luỵ gây ra suy trầm kinh tế toàn cầu sẽ tương tự như khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009.

Hơn nữa, Liên minh tình báo "Ngũ Nhãn" (5 Eyes) gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand đang lo kết nạp thêm thành viên Nhật Bản để mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược nhằm đối phó với Trung Quốc, theo bản tin ngày 29/7/20 của The Guardian. Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Anh, Trung tướng Jim Hockenhull nói với truyền thông Anh Quốc vào hôm Chủ nhật 13/09/2020 rằng "chế độ Trung Quốc là "mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới".

Ông nói : "Trung Quốc ngày càng độc tài và quyết đoán, Trung Quốc gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với trật tự thế giới, tìm cách áp đặt các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Trung Quốc và sử dụng sức mạnh kinh tế để gây ảnh hưởng và lật đổ, được hỗ trợ bằng đầu tư lớn vào hiện đại hóa các lực lượng vũ trang".

Vào ngày 22/07/2020, Bộ trưởng Ngoại giao Vương cuốc Anh, Dominic Raab cho biết ông "quan ngại sâu sắc" về bằng chứng cho thấy "Trung Quốc đang tham gia vào các cuộc tấn công mạng độc hại nhằm vào các tổ chức thương mại, y tế và học thuật, bao gồm cả những tổ chức đang ứng phó với đại dịch corona".

Trước đó một ngày, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thông báo rằng hai tin tặc Trung Quốc đã bị truy tố vì đã tấn công vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ở một số quốc gia như Anh, Bỉ, Đức, Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản và  đánh cắp bí mật thương mại và thông tin nhạy cảm khác có giá trị hàng triệu đô la đồng thời  cố gắng đánh cắp nghiên cứu về Covid-19.

dcsvn07

Ông Nguyễn Phú Trọng và nguyên thủ Trung Quốc trong buổi tiệc trà hôm 13/11/2019.

Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của phương Tây vào nguồn cung từ Trung Quốc liên quan tới các khoáng sản quan trọng và nguồn cung thiết bị y tế. Vì thế, "Ngũ Nhãn" đang lên các kế hoạch nhằm gia tăng sản xuất các kim loại hiếm và bán hiếm từ một số quốc gia khác để giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Nghị sĩ Úc Andrew Hastie, một người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng về việc thiết lập một khối thương mại tự do "Ngũ nhãn". Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono đã ngỏ lời về đề xuất trở thành thành viên thứ 6 của nhóm tình báo Ngũ Nhãn nầy. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Anh Tom Tugendhat đã bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất nói trên.

Tình hình càng nguy hiểm vì các dấu hiệu bất phục tùng đã xuất hiện khắp nơi và ngay trong nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc làm cho uy tín của chủ tịch Tập Cận Bình bắt đầu bị thách thức. Lối thoát duy nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc là co cụm lại và dùng bạo lực để cố duy trì sự thống nhất, ít nhất trên danh nghĩa.

Nếu thành công, giải pháp này sẽ biến Trung Quốc thành một thế giới riêng, một đế quốc biệt lập với thế giới bên ngoài, tuy nghèo nhưng mức sống cũng đã cao hơn nhiều so với 40 năm về trước khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu chính sách kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (hay còn gọi là "đặc thù Trung Quốc"). Giải pháp này cùng lắm chỉ giúp chế độ chính trị Trung Quốc kéo dài thêm được một thời gian ngắn.

Mặt khác, sự suy sụp nhanh chóng sắp tới của Trung Quốc sẽ khiến rất nhiều đảng viên cộng sản hiểu rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là một thây ma đã mục rữa mà họ phải khẩn cấp tránh xa. Các sự kiện trong quý 1/2020 vừa qua đã cho thấy sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc dễ vỡ hơn nhiều so với nhiều hình thức phô trương bề ngoài của chính nó. 

Sự kiện "dễ vỡ của Đảng cộng sản Trung Quốc" và "chiến lược kinh tế rời khỏi Trung Quốc của quốc tế" là một nguy cơ thiết tử cho Đảng cộng sản Việt Nam, vì thế giới vẫn còn nghi ngại là chế độ cộng sản Việt Nam chưa hoàn toàn "thoát Trung" và vẫn còn đến 90% là một bản sao nhỏ của mô hình Trung Quốc. "Việt Nam là bản sao mô hình Trung Quốc thu nhỏ" chính là một nguy cơ cho dân vận, quan hệ quốc tế, giao thương kinh tế và ổn định chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam kể từ năm 2020 nầy.

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 24/10/2020

Published in Tư liệu

Hai Dự thảo "Báo cáo chính trị" và "Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII", gọi ngắn là "Xây dựng, chỉnh đốn đảng", dành cho Đại hội đảng XIII vào đầu tháng Giêng năm 2021, đã bộc lộ bản tính tham quyền cố vị và tư duy giáo điều, chậm tiến và lạc hậu của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

ga01

Phiên họp thứ nhất Tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của Đảng 07/01/2019 - Ảnh minh họa

Hội đồng Lý luận trung ương đã bỏ ra ra ít nhất 3 năm để soạn thảo 4 Văn kiện, được ông Nguyễn Phú Trọng, Trưởng tiểu ban Văn kiện, tự khoe là "văn bia, còn để lại đời sau". Ông Trọng còn là Trưởng tiểu ban Nhân sự để chọn các Ủy viên trung ương khóa XIII.

ga02

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp thứ 4 Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 23/12/2017. (Ảnh : VOV)

Chủ tịch Hội đồng 44 thành viên hiện nay là Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư trung ương Đảng khóa XII, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hội đồng Lý luận trung ương được quy định là "cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, về những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng" (1).

Nhưng Bộ Chính trị, dù chỉ có 17 người do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã nhiều lần họp thảo luận và chấp thuận các văn kiện trước khi cho phép phổ biến lấy ý kiến.

ga03

Bốn văn kiện, được được phổ biên thu ý kiến từ 20/10 đến 10/11/2020, gồm :

1) Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng.

2) Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

3) Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

4) Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Nhưng, kinh nghiệm quá khứ đã chứng minh, việc lấy ý kiến nhân dân chỉ là hình thức dân chủ giả hiệu, vì đảng không bao giờ chấp nhận những ý kiến trái chiều, chưa nói đến chống lại quan điểm bảo thủ và giáo điều của Hội đồng Lý luận trung ương và Bộ Chính trị.

Bài viết này đặt trọng phân tích về hai văn kiện quan trọng là Báo cáo chính trị và Xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trước hết, ông Nguyễn Phú Trọng đã đặt cái cầy trước con trâu khi khẳng định :

"Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động" (2).

Khăng khăng như thế vì ông Trọng, người cầm quyền độc tài và độc tôn về tư tưởng, đã buộc người dân phải chấp nhận chủ nghĩa cộng sản dù muốn hay không.

Vì vậy mà Hội đồng Lý luận trung ương đã khẳng định phải : "Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Báo cáo Chính trị còn viết : "Khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại ; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Nhưng thế nào là "thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại" ? Định nghĩa mơ hồ "cả vú lấp miệng em" này không mảy may phản ảnh một Nhà nước Việt Nam cho phép người dân có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí, không những thế mà còn tiếp tục phủ nhận các quyền tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn và tư do biểu tình đã được quy định trong Hiến pháp như Điều 25 đã ghi : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Do đó, khi Đảng tự khoác cho mình cái áo "lãnh đạo đúng đắn" là tự "vạch áo cho người xem lưng" để phơi ra cái mặt trái của chế độ, vì hơn 30 năm qua, từ khi có Đổi mới năm 1986, đã không thực hiện được lời hứa làm cho "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Vậy mà Báo cáo chính trị vẫn tiếp tục ba hoa rằng : "Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hộiĐất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".

Vậy những tệ nạn sau đây, không "của Đảng, do Đảng và vì Đảng" đã tạo ra thì ai vào đây ?

Tư tưởng xuống dốc

Đứng đầu và quan trọng nhất là vấn đề "suy thoái tư tưởng" trong cán bộ, đảng viên. Báo cáo Chính trị viết :

"Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

"Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, "lợi ích nhóm", bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi". 

"Một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ; một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin ; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng".

"Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu ; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi còn hình thức. Thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu chưa lan toả sâu rộng".

Xây dựng - phát triển Đảng hụt hơi

"Vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm ; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ, chưa nêu cao ý thức và trách nhiệm trước nhân dân".

"Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức ; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi ; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao. Giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên còn thụ động, hiệu quả thấp".

"Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở".

"Công tác xây dựng, phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn lúng túng, hạn chế ; công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo còn nhiều khó khăn. Sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi vẫn còn hình thức, sinh hoạt chuyên đề chưa được coi trọng, tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu".

"Việc thi hành kỷ luật đảng ở một số nơi chưa nghiêm, còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, có nơi còn né tránh".

Tham nhũng vẫn thăng hoa

"Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí vẫn còn hạn chế ; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu ; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được đẩy lùi".

"Thể chế về quản lý kinh tế - xã hội góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn nhiều bất cập ; cơ chế kiểm soát quyền lực đối với tổ chức và người có chức vụ, quyền hạn chưa đủ mạnh ; việc kiểm soát tài sản, thu nhập chưa chặt chẽ. Tham nhũng trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội".

"Công tác phòng, chống lãng phí chưa được chú trọng đúng mức ; quy định và chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân khi để xảy ra lãng phí chưa đầy đủ, đồng bộ. Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ".

Bốn nguy cơ

Thêm vào đó, một lần nữa Đảng nhìn nhận : "Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn".

Từ năm 2017 rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng báo động : "Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là :

1. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới ;

2. Nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta ;

3. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ;

4 Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và tệ nạn xã hội vẫn còn có những diễn biến phức tạp" (3).

An ninh – Biển Đông

Bước sang lĩnh vực an ninh, vẹn toàn lãnh thổ, cà hai văn kiện Báo cáo chính trị và Xây dựng, chỉnh đốn Đảng đều nhìn nhận : "Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn".

Nhưng có nước nào trong khu vực đã và đang tranh chấp gay gắt và đe dọa trực tiếp Việt Nam ở Biển Đông bằng nước đàn anh Trung Quốc mà Đảng cộng sản Việt Nam vẫn oang oang cái mồm tung hô "vừa là đồng chí vừa là anh em" ?

Văn kiện đảng đã không dám động đến lỗ chân lông Bắc Kinh để chỉ đích danh, mà chỉ dám hô hoán khơi khơi để lừa dân với tuyên bố ba phải : "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Cũng với giọng điệu mơ hồ, chung chung, văn kiện đảng còn phô trương rằng : "Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch".

Ngoài ra, đảng còn phải đối phó với những tệ nạn khác như :

"Tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn xã hội... chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Giảm nghèo chưa bền vững".

"Công tác quản lý, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn hạn chế".

"Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao ; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời".

Tái cơ cấu kinh tế

Bước qua lĩnh vực kinh tế, văn kiện đảng tái khẳng định tiếp tục "thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", những "còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ".

Bởi vì, Đảng nhìn nhận :

"Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao ; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỉ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế ; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại ; chất lượng nhiều dịch vụ thấp. Nhiều doanh nghiệp nhà nước thực hiện tái cơ cấu và đổi mới cơ chế quản trị còn chậm ; thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn gặp vướng mắc cả về thể chế và tổ chức thực hiện ; hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp ; tình trạng nợ, thua lỗ, lãng phí còn lớn".

"Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược 2011 - 2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra".

Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam đã cam kết "tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện nền kinh tế", theo thứ tự ưu tiên : "Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Cơ cấu lại thị trường tài chính - tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao".

Thêm vào đó, cũng sẽ tái cơ cấu : "Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh cao trong hội nhập quốc tế. Cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng".

Như vậy, xem ra sau 10 năm cầm quyền, Tổng bí thư, Chủ nước Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Ban lãnh đạo 2 Khóa đảng XI và XII, kể cả Quân đội và lực lượng Công an vẫn còn nhiều vướng mắc chưa khắc phục được, không khác gì đám Gà mắc dây thun.

ga04

Phạm Trần

(22/10/2020)

(1) Quyết định số 28-QĐ/TW, ngày 25/7/2016

(2) Bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới", 31/08/2020

(3) Phát biểu tại Đại hội Cựu chiến binh Việt Nam tại Hà Nội ngày 14/12/2017

Published in Diễn đàn

6. Mafia chính trị kết hợp với kinh tế "định hướng xã hội chủ nghĩa"

Để thoát khỏi những nguy cơ đó phần lớn tùy thuộc vào thể chế chính trị ở Việt Nam có thay đổi được gì không theo hướng văn minh tiến bộ. 

dcsvn1

Khối Doanh nghiệp nhà nước là ổ tham nhũng phá hoại đất nước và phản bội sức lao động của dân lớn nhất

Tình trạng mafia chính trị kết hợp với kinh tế "định hướng xã hội chủ nghĩa" làm cho tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam bị lung lay và lòng tin của dân chúng dành cho Đảng đã không còn. Kết hợp nầy gây ra một hệ quả kinh tế có xác suất 90% là tăng trưởng âm sau nạn dịch Covid-19, trong khi Trung Quốc cố sức ngăn cản việc đồng vốn FDI di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là nguy nan tăng trưởng âm không có lối thoát.

Tình trạng mafia chính trị kết hợp với kinh tế "định hướng xã hội chủ nghĩa" làm phát sinh ra những việc làm mập mờ, giành giật, tranh chấp, trên bảo dưới không nghe và chứng minh cho thấy tình trạng nguy ngập hầu như vô luật pháp, vô chính phủ giúp sức cho các nhóm lợi ích lũng đoạn biến các cơ quan nhà nước thành các sân sau phục vụ các quyền lợi đen tối của họ :

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 24/9/2019 : "Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát". "Lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để tham nhũng và cướp cơm của người dân và để bảo vệ quyền cai trị độc tôn cho đảng.

Khối Doanh nghiệp nhà nước là ổ tham nhũng phá hoại đất nước và phản bội sức lao động của dân lớn nhất nhưng không bị trừng phạt mà còn được bảo vệ bởi các "Nhóm lợi ích" trong cơ quan đảng và bộ ngành nhà nước. Con số trên 100 cán bộ, đảng viên ở cấp cao đã bị bắt tù, bị truy tố, bắt đền bù tiền thu bất chính kể từ đầu nhiệm kỳ Trung ương đảng Khóa XII (2016) chỉ là một phần nổi của nhiều tảng băng chìm của Đảng cộng sản Việt Nam.

Hiện nay, trước thềm Đại hội Đảng XIII, dự trù diễn ra đầu năm 2021, một làn sóng "Nhóm lợi ích" của các phe phái trong đảng đang bung ra để "chạy chức", "chạy quyền" và "chạy vào Trung ương". Việc này cho thấy tình trạng "Lợi ích nhóm" vẫn sinh sôi nẩy nở như ong vỡ tổ khắp nơi, khắp chốn và trong mọi lĩnh vực, mọi cửa ngõ ra vào của hệ thống đảng, nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh. 

Chi tiết hơn, theo tài liệu của Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam thì các ngõ ngách ăn bẩn và làm giầu của các "Nhóm lợi ích", hay "Lợi ích nhóm" đã diễn ra như sau :

1) "Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế – xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực".

2) "Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…".

3) "Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích…" (theo Tài Liệu "Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống "lợi ích nhóm" ở nước ta hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, H, 2015, tr.42.)

Đây chính là nguy cơ lớn nhất thuộc phạm trù ổn định chính trị và kinh tế của Đảng cộng sản Việt Nam.

Ba chiến lược đối ngoại hiểm nghèo

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng quốc tế Derek Grossman thuộc RAND Corporation và đại học University of Southern California, thì nguy cơ của Nhà nước cộng sản Việt Nam đến từ 3 chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam :

1) Tự nhận mình là nước hữu nghị và cũng là một đồng minh ý thức hệ với Trung Quốc (Trung Quốc),

2) Giữ chặt quan hệ ngoại giao "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" với Trung Quốc, và

3) Tham gia vào sáng kiến "một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, một dự án mà giờ đây đang bị quốc tế tẩy chay và các nước đã tham gia tích cực như Pakistan, Burma, Sri Lanka, Lào và Campuchia đều nghị kỵ và đang tìm cách để thoát khỏi dự án nầy. 

Khả năng và cơ hội xoay sở để thoát nguy của Việt Nam lúc này ngày càng co lại và rất bấp bênh, vì đang rơi vào thế "nước xa lửa gần", do bởi kẻ thù sát nách đang từng bước chiếm các đảo, chiếm tài nguyên trên biển, đánh giết ngư dân và phá hoại các tàu đánh cá của Việt Nam và đang xây dựng các pháo đài trên các đảo đã chiếm để đe dọa trực tiếp an ninh và chủ quyền của Việt Nam. Tuy vậy, ngày 23/08/2020, ngoại trưởng Việt Nam là Phạm Bình Minh và ngoại trưởng Trung Quốc là Vương Nghị họp nhau trên biên giới Việt-Trung đã tái khẳng định : "Việt Nam, Trung Quốc nhấn mạnh việc đưa quan hệ đối tác chiến lược đi vào chiều sâu hơn nữa", cho thấy 3 sách lược nói trên vẫn là chính sách cốt lõi của Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhưng ngược lại trong cuộc phỏng vấn của The Epoch Times hôm 18/09/2020, Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz nói rõ : "Đảng cộng sản Trung Quốc là "đế chế tà ác mới", muốn đánh bại Hoa Kỳ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới" (nguyên văn "Communist China Is ‘New Evil Empire’ That Seeks to ‘Utterly Defeat’ the US"). Tiếc thay ‘New Evil Empire’ đó lại có quan hệ đối tác chiến lược với cộng sản Việt Nam.

Ba sách lược nói ở đây vốn là nguy nan tự thân của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vì không chịu tách rời ra khỏi chính sách hiểm độc của bá quyền nước lớn Trung Quốc – một nước cộng sản đang bị quốc tế đánh giá là nguy hiểm cho toàn thế giới.

"Ta lại hại mình"

Một người Pháp đã từng cắm "cờ giải phóng" của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trước Hạ nghị viện của Việt Nam Cộng hòa vào năm 1970, ông André Menras (tức Hồ Cương Quyết) nói với nhà báo Khánh An tại Mỹ hôm 30/04/2020 rằng những năm tháng dài sinh sống và đồng hành cùng người dân Việt Nam đã giúp ông nhìn thấy rõ chế độ cộng sản mà ông từng nhiệt thành ủng hộ nay đã trở thành một hệ thống mafia chính trị kết hợp với kinh tế, đầy tham nhũng và chà đạp quyền con người, "không xứng đáng" và không phù hợp với quan niệm sống của ông "về con người và nhân quyền". 

"Có một đảng là Đảng cộng sản đã không tôn trọng người dân và tham nhũng. Không phải tham nhũng ít mà là tham nhũng khổng lồ, là một hệ thống mafia chính trị cấu kết với kinh doanh, lưu manh, và hơn nữa là tôi thấy họ hèn với Trung Quốc", ông André Menras nói. Sau đó, ông André Menras công bố 1 bộ phim có tên là "Việt Nam : Tiếng gào thét từ bên trong" mà nội dung quy tụ nhiều tiếng nói phản kháng từ những "công thần" của chế độ như cố thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm nguyên Phó Bí thư thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, cựu tù chính trị Lê Công Giàu, nhà văn Nguyên Ngọc, nghệ sĩ ưu tú Kim Chi… và nhiều trí thức khác như gáo sư tiến sĩ Chu Hảo, nhà giáo Phạm Toàn, giám mục Nguyễn Thái Hợp, luật sư Đặng Đình Mạnh…

(Video của bộ phim "Tiếng gào thét từ bên trong)

Ông André Menras nói bộ phim mà ông đã âm thầm thực hiện một mình suốt hai tháng nhằm để ghi lại "những tiếng gào thét" về sự thật bên trong một xã hội "không thực sự hòa bình" như trên bề mặt của nó.

Giống như trường hợp của André Menras, một người đồng chí quốc tế khác của Đảng cộng sản Việt Nam là chủ tịch Tập Cận Bình cũng gây rất nhiều nguy nan cho Đảng cộng sản Việt Nam.

Thật vậy Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hiệp hội Châu Á tại Mỹ Kỳ đã đăng trên tạp chí Foreign Policy, hôm 03/04/2020 một báo cáo về "Cái kết buồn của cặp Mỹ-Trung" (The Ugly End of Chimerica) đã nêu rõ sự độc hại của người đồng chí lớn nầy như sau : Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 đã thay thế khẩu hiệu "Trỗi dậy hòa bình" của người tiền nhiệm bằng ý tưởng "Giấc mộng Trung Hoa" và "Sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa" mang tính hiếu chiến hơn.

"Giấc mộng Trung Hoa" và chính sách ngoại giao bá quyền sẽ có những tác động mạnh mẽ đối với Việt Nam. Các tác động này mang lại các nguy cơ mà nguy cơ lớn nhất và đặc biệt nhất là nguy cơ về an ninh chủ quyền quốc gia về biển đảo, thách thức về sự phụ thuộc về kinh tế, tạo ra sự phụ thuộc về chính trị. Tham vọng của Tập Cận Bình về một Trung Quốc (Trung Quốc) bá quyền nước lớn thể hiện rõ qua việc chiếm đóng và sau đó quân sự hóa Biển Đông ; gây hiềm khích với Nhật Bản về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku từ lâu vốn thuộc quyền quản lý của nước này ở biển Hoa Đông ; đe dọa Đài Loan trắng trợn đến mức khiến ngay cả Quốc dân đảng vốn thân Bắc Kinh cũng trở nên xa lánh.

Hậu quả là một lập trường chính thức gay gắt hơn nhiều, với sự quyết liệt của một trong những liên minh bất ngờ nhất trong chính trị Mỹ : Một mặt trận thống nhất gồm các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vốn hiếm khi nhất trí với nhau thì giờ đây đồng lòng chống Trung Quốc.

Những số liệu ban đầu trong giai đoạn tháng 1 và 2/2020 do Trung Quốc công bố cho thấy sự sụt giảm 20,5% về tiêu dùng và 13,5% về hoạt động sản xuất so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay khi Trung Quốc đang vật lộn tìm cách hồi phục kinh tế, thì các thị trường ở những nơi khác trên thế giới, kể cả Việt Nam đang lâm vào vào tình trạng phong tỏa do nạn dịch Covid-19.

Và đó là lúc Trump xuất hiện cùng đội ngũ gồm những nhân vật có thái độ thù địch với Đảng cộng sản Trung Quốc (như Peter Navarro, Steve Bannon, Michael Pillsbury, Michael Pompeo, Chris Wray, Robert O’Brien, William Barr …), những người từ lâu đã cảnh báo rằng một Trung Quốc ngày càng hung hăng, độc đoán và được vũ trang đầy đủ vừa là điều không thể tránh khỏi, vừa là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ, kể cả VN và thế giới văn minh. 

Nguy cơ nầy do bởi tư duy về bạn bè quốc tế của Đảng cộng sản Việt Nam không còn phù hợp với trào lưu văn minh quốc tế của thế kỷ 21 và tư duy "Ta-Bạn-Thù" rất cực đoan của Đảng. 

 

Tóm lại, để thoát khỏi những nguy cơ đó phần lớn tùy thuộc vào thể chế chính trị ở Việt Nam có thay đổi được gì không theo hướng văn minh tiến bộ. Tuy nhiên, Đảng cộng sản Việt Nam có lẽ không dám từ bỏ con đường độc tôn nắm giữ quyền cai trị.

********************

7. Nguy cơ cho Đảng cộng sản Việt Nam do sự kiện tự nhiên đến từ quốc tế

Đối đầu "dữ dội" giữa Mỹ và Đảng cộng sản Trung Quốc, giữa quốc tế và Đảng cộng sản Trung Quốc là một nguy cơ cho Đảng cộng sản Việt Nam vì Đảng cộng sản Việt Nam có cùng ý thức hệ tư tưởng và gắn bó với Đảng cộng sản Trung Quốc.

dcsvn3

Nguy cơ do đối đầu chính trị và ý thức hệ giữa Mỹ & Trung Quốc

Giữa năm 2020, thương chiến Mỹ – Trung đã chuyển sang đối đầu chính trị và ý thức hệ (Tự do đối đầu Cộng sản) để đạt được đích nhắm là vị trí đứng đầu thế giới.

Tờ báo La Croix của Pháp ghi nhận từ khi Mỹ và Liên Xô hòa hoãn với nhau, chưa từng có một cuộc đấu tranh dữ dội nào giữa các cường quốc như cuộc đối đầu Mỹ-Trung lần nầy. Truyền thông quốc tế hừng hực tấn công liên tục vào những điều "dối trá" của Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc).

Tại Liên Hiệp Quốc, nhiều nghị quyết bị bế tắc vì đối đầu ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Trên tờ Foreign Policy, ngày 22/5 có bài viết về hai con đường Trung Quốc đang đi đến tham vọng bá chủ thế giới do hai chuyên gia về quan hệ quốc tế là Hal Brands – Giáo sư nổi tiếng đang làm việc tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế Tiên tiến thuộc Đại học Johns Hopkins – và ông Jake Sullivan, nghiên cứu sinh cấp cao tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie. Hai tác giả cho rằng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thể hiện rõ ý định bá chủ thế giới từ năm 2017 khi ông tuyên bố Trung Quốc đang bước vào "kỷ nguyên mới" và "cần phải đứng ở trung tâm thế giới".

Hôm 24/06/2020, Cố vấn An ninh Quốc Gia Mỹ Robert O’Brien phát biểu tại Thành phố Phoenix, Arizona, Hòa Kỳ về vấn đề "Ý thức hệ của Đảng cộng sản Trung Quốc và Tham vọng toàn cầu" (The Chinese Communist Party’s Ideology and Global Ambitions) xác định rõ nước Mỹ cuối cùng đã thức tỉnh trước mối đe dọa từ các hành động của Đảng cộng sản Trung Quốc như sau : 

– Xâm nhập vào nền kinh tế Mỹ để ăn cắp công nghệ.

– Tạo ra một "Cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại" (Community of Common Destiny for Mankind), và định hình lại thế giới theo lý tưởng của Đảng cộng sản Trung Quốc. 

– Ăn cắp tài sản trí tuệ, bí mật kinh doanh của các công ty Hoa Kỳ, bí mật quốc phòng của Mỹ, dữ liệu cá nhân của hàng trăm triệu ngừơi Mỹ và công dân các nước giàu mạnh, khống chế cơ quan WHO và Human Rights Council của Liên Hiệp Quốc, v.v. để khai thác cho mục tiêu tuyên truyền giấc mộng bá chủ thế giới, v.v… 

Cuối cùng Ông khẳng định, giờ đây cùng với các đồng minh và đối tác, Hoa Kỳ sẽ chống lại các nỗ lực của Đảng cộng sản Trung Quốc đang thao túng người dân và chính phủ Mỹ, gây thiệt hại cho nền kinh tế của và làm suy yếu chủ quyền của Hoa Kỳ. Nhưng Hoa Kỳ không chống lại nhân dân Trung Quốc vì lý do Đảng cộng sản Trung Quốc không phải là quốc gia Trung Quốc hay người dân của nó.

Theo Reuters hôm 15/09/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố : "Chúng ta sẽ phải làm gì đó với WTO vì họ đã để Trung Quốc thoát tội.Chúng tôi sẽ xem xét điều đó. Tôi không phải người hâm mộ của WTO, đó là điều tôi có thể nói ngay bây giờ" (nguyên văn "Then we’ll have to do something about the WTO because they’ve let China get away with murder").

Tiếp theo, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer cho biết : "WTO hoàn toàn không đủ khả năng để ngăn chặn các hoạt động công nghệ có hại của Trung Quốc".

Ý đồ của Bắc Kinh

Con đường thứ nhất mà Trung Quốc có thể đi để hiện thực hóa tham vọng bá chủ là đi qua khu vực, vốn được Bắc Kinh coi là "sân nhà" của mình, là Tây Thái Bình Dương. Khi đó Trung Quốc phải tập trung vào việc xây dựng Tây Thái Bình Dương trở thành bàn đạp cho sức mạnh toàn cầu bằng cách thiết lập quyền bá chủ trong khu vực này một cách vững chắc. Đây là chiến lược làm gây nguy hại cho Việt Nam.

Con đường thứ hai là đánh thẳng vào hệ thống liên minh của Mỹ cũng như tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc trong hệ thống đó bằng cách phát triển sức ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao và kinh tế của Trung Quốc trên quy mô toàn cầu. Ưu tiên trọng tâm trong cách tiếp cận này sẽ là coi sức mạnh kinh tế và kỹ thuật quan trọng hơn sức mạnh quân sự truyền thống trong việc lãnh đạo thế giới.

Với logic đó, Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản giữ cân bằng quân sự ở khu vực Tây Thái Bình Dương nhưng thống trị toàn cầu trên các quyền lực khác là chính trị, ngoại giao và kinh tế. Hai chuyên gia nói trên đã nhận định rõ chiến lược của Trung Quốc hiện nay là kết hợp cả hai cách tiếp cận nói trên.

Bắc Kinh không ngừng vừa củng cố phương tiện, vừa tìm kiếm những ảnh hưởng địa chính trị để đối đầu với Mỹ trên vùng Tây Thái Bình Dương. Alice Ekman, chuyên gia về Châu Á thuộc Viện nghiên cứu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu cho rằng : "Chính quyền Trung Quốc củng cố ảnh hưởng trong các định chế đã tồn tại, nhất là trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, hoặc tạo ra các định chế mới như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á, tự cho mình vai trò đề xuất những thay đổi luật lệ quốc tế đã có". Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy sơ bộ kịch bản đó qua các chiến dịch thôn tính doanh nghiệp Châu Âu và dự án con đường tơ lụa mới. 

Mỹ ra tay về kinh tế

Giờ đây đến khủng hoảng Covid-19, cuộc cạnh tranh chiến lược lại tiếp tục diễn ra dữ dội. Trước tham vọng khổng lồ của Trung Quốc, tất nhiên Mỹ không thế ngồi yên. Vào cuối tháng 05/2020 Mỹ đã đề xuất cấm công dân Trung Quốc đến Mỹ học về công nghệ cao do lo ngại bị "ăn cắp ý tưởng". Nghị sĩ Mỹ là ông Cotton cho rằng các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ để được hưởng nền giáo dục nước này, sau đó trở về Trung Quốc để "cạnh tranh với công việc của chúng ta, ăn cắp ý tưởng sáng tạo của Mỹ".

Ông Cotton nói vì lý do này, sinh viên Trung Quốc phải bị cấm đến Mỹ nghiên cứu khoa học tại các trường đại học và cao đẳng. Học giả Nghiêm Thuần Câu từ Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông nhận định rằng Đảng cộng sản Trung Quốc không thể chống đỡ nổi các vũ khí kinh tế, chính trị & ngoại giao đang tấn công vào Trung Quốc.

Học giả này phân tích : "Chiêu này trước tiên là trấn định thế trận các nước đồng minh của Mỹ, giống như biểu thị quyết tâm không chắc chắn với Liên Hiệp Châu Âu, Liên minh Ngũ Nhãn, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, trong chiến lược đối kháng Đảng cộng sản Trung Quốc, từ đó không có ai nghi ngờ quyết tâm lớn lao nầy của người Mỹ". Dựa vào điểm này, thì thấy ngay Chính phủ Mỹ đã không tiếc mọi giá, muốn đối phó với Đảng cộng sản Trung Quốc cho đến cuối cùng cuộc chiến.

Trước đó, Chính phủ Mỹ khuyến cáo công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc và cam kết bồi thường tổn thất và hiện tại, do vậy những công ty này không dám lưu luyến Trung Quốc, bởi vì tranh chấp Mỹ – Trung đến cực điểm sẽ có rủi ro chiến tranh : Khi chiến tranh nổ ra, doanh nghiệp của nước địch thủ sẽ không có khả năng sinh tồn. Đòn kinh tế này của Mỹ cũng còn có hiệu quả tấn công vào ý chí chiến đấu của quan chức Đảng cộng sản Trung Quốc.

Những người chấp chính hiện nay tại Trung Quốc thực sự muốn đối kháng tiếp tục với Mỹ, bởi vì họ không thể lùi, lùi lại sẽ dẫn đến bản thân rớt đài, còn trong quan trường họ đã đắc tội với quá nhiều người, bản thân rớt đài xong chắc chắn bị thanh toán, không còn đường sống, cho nên nhất định phải chống đỡ đến cùng. Tuy nhiên, những người các phe phái khác tại Trung Quốc cũng không nhất thiết phải sinh tồn cùng Đảng cộng sản Trung Quốc, ngược lại đều muốn nhanh chóng tự bảo vệ bản thân, cho nên nội bộ Đảng cộng sản Trung Quốc đang rung rinh là một lợi thế cho họ.

Đến bước này, việc Mỹ đối phó với Trung Quốc sẽ không phải là vấn đề thương mại, không phải là vấn đề khoa học kỹ thuật, cũng không phải là vấn đề kinh tế tài chính, mà là vấn đề chiến lược quân sự. Trước đó Mỹ đã lựa chọn một số đối sách lớn về khoa học kỹ thuật, một là yêu cầu công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC) chuyển nhà máy đến Mỹ để cắt đứt chuỗi cung ứng chip cho công ty quốc doanh Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc ; hai là ngoại trưởng Mỹ ông Michael Pompeo đã đích thân đến Israel cắt đứt giao lưu khoa học kỹ thuật giữa Israel và Đảng cộng sản Trung Quốc. Hai chiêu thức tấn công này đã cắt đứt đường đi của Đảng cộng sản Trung Quốc trong khoa học công nghệ cao, Đảng cộng sản Trung Quốc từ đó đã bị tách khỏi trào lưu khoa học công nghệ thế giới, ngọai trừ còn gắn bó với Nga & Iran.

Hành động quân sự của Mỹ

Mỹ gần đây lại có một số hành động quân sự lớn, một là để Israel phái chiến đấu cơ F35 đi thẳng vào Syria, phá hủy chiến đấu cơ Syria do Nga chế tạo, như đi vào nơi không có người ; hai là thử thành công súng laser và tiêu diệt máy bay không người lái ngay tại chỗ ; ba là cả ba đội hình hàng không mẫu hạm hiện đang vào Tây Thái Bình Dương, trên mẫu hạm USS Ronald Reagan có rất nhiều máy bay chiến đấu.

Những động tác quân sự này có ý cảnh cáo Đảng cộng sản Trung Quốc rằng nếu so cao thấp trên chiến trường, thì Mỹ đã có sự chuẩn bị đầy đủ. Tuy chiến tranh Trung-Mỹ chưa xảy ra, nhưng Hoa Kỳ đã giăng thiên la địa võng về quân sự để bao vây Trung Quốc, bủa kín các phía, từ trên trời, dưới đất & dưới nước đều không có lối thoát. 

Một vành đai từ căn cứ hỏa tiễn chiến lược ở Alaska xuống đến Hạm đội 3, Hạm đội 7, Nhật Bản, Hàn Quốc, căn cứ Mỹ ở Okinawa, Hawaii đến Úc Châu, Singapore và lực lượng quân sự Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Trên trời thì có tàu không gian con thoi không người lái X-37B, vận hành bằng năng lượng mặt trời qua hai tấm pin, với thời gian bay kỷ lục là 677 ngày, tốc độ 28.044 km/giờ. X-37B đã được hỏa tiễn Atlas-5 đưa vào quỹ đạo cách mặt đất 300Km và đáp xuống như máy bay bình thường trên đường băng.

Những khả năng đặc biệt của X-37B là có thể thay đổi quỹ đạo bay để tránh hỏa tiễn dưới đất bắn lên, bắt cóc vệ tinh của đối phương, và đặc biệt là có khả năng phóng hỏa tiễn đánh vào các mục tiêu trên mặt đất. Hiện tại, X-37B đang làm chủ không gian và không có đối thủ.

Ngoài ra còn có vũ khí gây kinh hoàng cho tàu sân bay Trung Quốc, đó là vũ khí X-47B tức máy bay tàng hình công nghệ cao, không người lái, tiếp nhiên liệu trên không, với tầm hoạt động 4000 km. Máy bay này chứa 2000kg bom và hỏa tiễn. Công nghệ tàng hình tối cao cho phép máy bay nầy xâm nhập vào lãnh thỗ đối phương. Máy bay X-47B được chế tạo cho tàu sân bay nên có thế cất cánh và đáp xuống trên sàn tàu sân bay.

X-47B là sát thủ vô hình gây kinh hoàng cho tàu sân bay Trung Quốc. Ở đáy biển, "vạn lý trường thành dưới nước" của Trung Quốc là hệ thống tàu ngầm và những thiết bị bảo vệ con đường dưới nước từ căn cứ tàu ngầm Du Lâm ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, để tàu ngầm Trung Quốc ra biển lớn, nhưng Vạn Lý Trường Thành nầy bị phá vỡ bởi các loại tàu ngầm không người lái hiện đại nhất của Hoa Kỳ. Đó là tàu ngầm không người lái và tàu nổi không người lái săn tàu ngầm có tên là Sea Hunter.

Tàu ngầm không người lái (UUV=Unmanned Undersea Vehicle) thế hệ mới, kích cỡ nhỏ, từ 3m đến 15m. Điểm thuận lợi và nổi bật nhất của Sea Hunter là hoạt động ở vùng nước cạn rộng lớn ở Biển Đông, chỉ sâu có 100m nên các loại tàu ngầm thông thường không hoạt động được.

Ngoài việc tìm diệt tàu ngầm của Trung Quốc, tàu ngầm nhỏ bé Sea Hunter nầy còn có khả năng rà phá mìn, thu thập tin tức tình báo. Tham dự việc tiêu diệt Vạn Lý Trường Thành dưới nước của Trung Quốc còn có tàu nổi không người lái diệt tàu ngầm loại Sea Hunter mới, có khả năng diệt tàu ngầm, trinh sát, quét thủy lôi và giải mã những thông điệp được mã hóa của đối phương. Hiện không phải là lúc người Hồng Kông đấu đến cùng với Đảng cộng sản Trung Quốc, mà là Trung-Mỹ đấu đến cùng, là toàn thế giới đấu đến cùng với Đảng cộng sản Trung Quốc. 

Sáng thứ hai, 24/08/2020 Viện Athenai Institute, trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, trách nhiệm soạn thảo mô hình dự luật "Hành động chống sự bành trướng ảnh hưởng của chủ nghĩa độc tài ("The Action to Halt the Expansion of Neo-Authoritarian Influence Act" (ATHENAI) ra thông cáo báo chí cho biết sau nhiều nỗ lực vận động và soạn thảo, mô hình dự luật Athenai Act đã hoàn tất, giúp Hoa Kỳ tiến gần thêm 1 bước nữa trong việc đóng cửa 75 Viện Khổng Học (Confucius Institutes) do Đảng cộng sản Trung Quốc tài trợ hoạt động trên 44 tiểu bang của Hoa Kỳ.

dcsvn4

Mục tiêu của Dự Luật A.T.H.E.N.A.I là triệt tiêu "Tiền Đồn" của cộng sản Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Chút "credit" (Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín) của Đại sứ văn hóa Khổng Phu Tử, cùng toàn bộ Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho Giáo, không sao che lấp được những hành vi vô văn hóa mà hàng triệu người Tàu đi du lịch vẫn phô diễn hàng ngày ở khắp mọi nơi hiện nay. Trung Quốc không phải là Trung Hoa. Cố đánh tráo Văn minh Trung Hoa bằng Văn minh Trung Quốc là một cố gắng vô vọng. Ép Khổng Tử phải làm cán bộ tuyên truyền cho cái thứ "văn hóa cộng sản" thì rõ ràng là đã biến ông thành một kẻ lố bịch và rất đáng thương. Hôm Chủ Nhật 23/08/2020, TT Mỹ Donald Trump tuyên bố thêm trên đài Fox News :

"Không có quốc gia nào gây hại đối với chúng ta hơn Trung Quốc. Chúng ta đã mất hàng tỷ, hàng trăm tỷ USD cho họ. Chúng ta không nhận được gì từ Trung Quốc. Tất cả những gì chúng ta làm là mất tiền. Khi tôi áp mức thuế 25% lên hàng hóa Trung Quốc, chúng ta đã có được rất nhiều doanh nghiệp hồi sinh". 

Đối đầu "dữ dội" giữa Mỹ và Đảng cộng sản Trung Quốc, giữa quốc tế và Đảng cộng sản Trung Quốc là một nguy cơ cho Đảng cộng sản Việt Nam vì Đảng cộng sản Việt Nam có cùng ý thức hệ tư tưởng và gắn bó với Đảng cộng sản Trung Quốc.

**************************

8 : Nguy cơ do sự kiện tự nhiên đến từ quốc tế

Đứng trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc là một nguy cơ quốc tế khá lớn cho Đảng và nhà nước Việt Nam

dcsvn5

Thế giới biến đổi lớn lao sau nạn dịch Covid-19

Ngày 11/04/2020, Tổng thống Đức Frank – Walter Steinmeier, người giữ chức vụ cao nhất Cộng hòa liên bang Đức, phát biểu trước toàn quốc về sự phát triển của xã hội Đức sau cuộc khủng hoảng Corona : "Thế giới sau sự kiện Covid-19 này sẽ khác đi nhiều. Nó sẽ như thế nào, điều đó do chúng ta quyết định !".

Trước đó toàn cầu hóa và chủ nghĩa phóng khoáng bùng lên sau khi Liên Xô sụp đổ, đã đặt quyền lợi kinh tế lên trên tất cả khiến Mỹ và thế giới đã bỏ hết trứng vào cái giỏ Trung Quốc. Covid-19 làm cho thế giới chao đảo và trả giá đắt vì sự lệ thuộc đó. Do đó, việc phong tỏa và cô lập Trung Quốc kể từ nay là một quyết tâm cao, có sự chuẩn bị chu đáo và phối hợp đồng bộ giữa các nước đang có nền kinh tế thị trường.

Quá trình xét lại toàn cầu hóa không thể đảo ngược mà chỉ có thể điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Nhiều ngành nghề như sản xuất và gia công cần nhiều lao động đã chuyển dịch hoàn toàn sang các nước đang phát triển. Toàn cầu hóa bằng cách bỏ hết trứng vào giỏ Trung Quốc sẽ kết thúc sau đại dịch Covid-19 và chuyển sang hình thái "khu vực hóa", tức là chia nhỏ các nhà máy và chia đều ra năm châu. Châu Á sẽ phục vụ cho thị trường Châu Á, Châu Âu sẽ phục vụ cho thị trường Châu Âu.

Kế hoạch rời Trung Quốc đang được các cường quốc kinh tế G7 và G19 bắt đầu thực hiện ngay năm 2020 nầy. Nhật Bản đã chi 2,2 tỉ USD để hỗ trợ các công ty Nhật chuyển nhà máy từ Trung Quốc về trong nước hoặc chuyển sang Đông Nam Á. Gần đây nhất, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 17/7/20 đã tiết lộ 87 công ty Nhật Bản đầu tiên được nhận trợ cấp để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc về Nhật Bản.

Tuần báo Politico ngày 21/04/2020 đưa tin, Cao ủy Thương mại Liên Hiệp Châu Âu Phil Hogan cho biết khối này sẽ tìm cách "giảm sự lệ thuộc thương mại" vào Trung Quốc sau đại dịch. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam không dám thay đổi cơ bản và từ bỏ "định hướng xã hội chủ nghĩa" để có được một nền kinh tế thị trường toàn vẹn thì nhiều công xưởng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của các nước Anh, Pháp, Đức, Canada, Mỹ và Úc từ Trung Quốc sẽ không được di chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, vì 2 nước nầy đều cùng nhau "định hướng xã hội chủ nghĩa".

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ Larry Kudlow nói Hoa Kỳ nên trả chi phí để các công ty Mỹ đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc về lại Hoa Kỳ. Vì vậy, Trung Quốc sẽ là một trong những nước khốn đốn nhất về kinh tế hiện nay và sau đại dịch Covid-19 này. Nếu Hoa Kỳ và Nhật Bản, các nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới lần lượt rời khỏi Trung Quốc, thì điều này sẽ có tác động rất lớn đến nền "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của những chế độ xã hội chủ nghĩa tương tự như Trung Quốc.

Nền kinh tế của Trung Quốc bắt đầu rơi vào khủng hoảng khiến chủ tịch Tập Cận Bình bắt buộc phải rút lui và co cụm lại và Covid-19 sẽ làm cho quá trình đó diễn ra nhanh hơn. Trật tự thế giới sẽ thay đổi sau Covid-19. Trung Quốc sẽ rút lui và co cụm lại trước khi tan vỡ làm cho tất cả các chuyên gia về Trung Quốc đều sững sờ, kinh ngạc. Cả thế giới cũng vậy, từ giới tinh hoa cho đến dư luận quần chúng. Họ bất ngờ khám phá bộ mặt thật của một siêu cường đầy đe dọa, thủ đoạn, ngạo mạn, khác hẳn với hình ảnh một đất nước cần cù, ít phô trương. Con virus corona đã làm người ta mở mắt và xóa đi mọi ảo tưởng.

Theo Asian Nikkei Review, hôm 02/09/2020, CHLB Đức vừa thông qua chính sách mới về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, giảm nhẹ liên hệ với Trung Quốc, tăng cường hợp tác với các nước Nhật, Hàn, Ấn và ASEAN. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết chính sách nầy gồm : "Chúng tôi muốn giúp định hình trật tự toàn cầu trong tương lai dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, không dựa trên luật lệ của kẻ mạnh. Đó là lý do tại sao chúng tôi tăng cường hợp tác với những nước có chung các giá trị dân chủ và tự do".

Các công ty Đức hoạt động ở Trung Quốc đã bị chính quyền Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ. Các công ty Đức cũng lo ngại về việc kinh doanh và bảo vệ tài sản trí tuệ của họ ở Trung Quốc, đặc biệt sau khi nhà sản xuất thiết bị Trung Quốc là Midea Group mua nhà sản xuất robot Kuka của Đức vào cuối năm 2016.

Giáo sư Patrick Koellner thuộc Viện Nghiên cứu Khu vực và Toàn cầu của Đức cho biết Châu Âu nói chung đang đánh giá lại mối quan hệ của mình với Trung Quốc. Ông nói, sự chuyển hướng sang một chiến lược tỉnh táo hơn đối với Bắc Kinh đã diễn ra. Có thể nói, Châu Âu đang học theo quan điểm và chính sách của chính phủ Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Giáo sư Francis Fukuyama từng tuyên bố về "Sự cáo chung của lịch sử", cho rằng, theo cách tư duy của Hegel, chế độ dân chủ sẽ là "cuối cùng" của lịch sử tiến hóa văn minh nhân loại. Trong những công trình gần đây, ông đã giải thích cho nhận định của mình bằng hiện tượng "tính chính danh" của các quốc gia và các chế độ trong một thế giới đầy những biến động phức tạp. Chính sách "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của Tổng thổng đời thứ 45 nước Mỹ Donald Trump báo hiệu "trật tự thế giới" bắt đầu thay đổi mạnh.

Quan hệ quốc tế đa phương hóa đang được xem xét lại và thay thế bởi chính sách song phương theo dân chủ và kinh tế thị trường. Nhiều nhà phân tích chiến lược chính trị, kinh tế trên thế giới có nhận định chính xác rằng sau đại dịch Covid-19 này thế giới sẽ không thể quay về với "trật tự cũ". Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thế giới nên phải biết và hiểu rõ tình hình thế giới mới để có những hoạch định đúng về các chính sách. Việt Nam không thể một mình một con đường riêng kiểu "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà phải hòa mình vào dòng chảy chung của thế giới và của thời đại. Hơn nữa, Làn sóng dân chủ thứ tư đã bắt đầu từ năm 2010 nhằm vào các nước độc tài đang mở cửa về mặt kinh tế. Bản chất của các chế độ này đơn thuần là cướp bóc chứ không hề có tư tưởng hay một dự án chính trị nào. Chúng tồn tại dựa trên sự đàn áp vì thế không thể tiếp tục.

Đây là một nguy nan lớn của Đảng cộng sản Việt Nam do bối cảnh mới trên toàn cầu kể từ năm 2020. 

Nguy cơ từ "Liên minh vòng cung Biển Đông"

Từ năm 2015, một liên minh quân sự và chính trị âm thầm do Mỹ, Nhật và Ấn Độ chủ xướng đã hình thành, lớn mạnh và không chính thức nêu tên cho đến nay (có thể tạm gọi là "liên minh vòng cung Biển Đông") nhằm bao vây Trung Quốc từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương để bảo vệ Biển Đông).

dcsvn6

"Liên minh" nầy đã có sự tham gia tích cực của Úc, Pháp, Anh, Singapore, Malaysia và Indonesia mà người ta có thể nhận ra qua các hành động hải quân của các nước nầy trên Biển Đông từ 2016 cho đến nay. Úc và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận về việc cùng sử dụng chung căn cứ quân sự của hai nước vào ngày 04/06/2020 cho phép hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau.

Hai bên đồng thời đồng ý tăng cường hợp tác ở vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương trong bối cảnh quan hệ của hai nước với Trung Quốc đang có dấu hiệu căng thẳng. Thông cáo công bố sau khi ký kết nêu rõ : "Hai bên đồng ý tiếp tục thắt chặt và mở rộng hợp tác quốc phòng qua việc tăng cường quy mô và tính phức tạp các cuộc tập trận song phương và các hoạt động khác nhằm phát triển những hướng mới đối phó với những thách thức về an ninh mà hai bên cùng chia sẻ".

Theo South China Morning Post  BBC Services thì một liên minh lập pháp (quốc hội) của 9 quốc gia và quốc hội Châu Âu hôm 05/06/2020 đã công bố việc thành lập Liên Minh Nghị Viện Đa Quốc (IPAC) để "có lập trường cứng rắn hơn đối với Đảng cộng sản Trung Quốc thông qua các chiến lược tập thể" và để đối đầu với sức mạnh bành trướng địa lý chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Liên Minh lập pháp nầy gồm Quốc hội các nước Úc, Canada, Quốc hội Châu Âu (EP/EPP), Cộng hòa liên bang Đức, Nhật, Na-Uy, Thuỵ Sĩ, Anh Quốc, Mỹ và Lithuania.

Trước đó thì toàn văn bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 29/05/2020 đã nêu rõ nguyên nhân chiến pháp của Mỹ đối với Trung Quốc : "Mô hình hoạt động sai trái của Trung Quốc vốn đã nhiều tai tiếng. Trong nhiều thập niên qua, họ đã xé toang Hoa Kỳ, điều mà chưa có quốc gia nào đã từng làm trước đây. Trung Quốc cũng đã tuyên bố quyền lãnh hải một cách bất hợp pháp tại Thái Bình Dương, đe dọa tự do hàng hải và thương mại quốc tế.

Thế giới hiện đang bị tổn thương do sự bất minh của chính phủ Trung Quốc. Hoa Kỳ cũng sẽ thực hiện các bước cần thiết để xử phạt Cộng hòa nhân dân Trung Quốc (PRC). Hành động của chúng ta sẽ mạnh mẽ, hành động của chúng ta sẽ mang lại nhiều ý nghĩa".

Đầu năm 2020, thế giới biết được rằng một nhóm kinh tế khá mạnh, gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ dưới tên "Bộ Tứ Kim Cương" (Nhóm QUAD) đã hình thành từ 2007 và hiện nay đang lôi kéo thêm Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam để thay đổi danh xưng chính thức thành "Mạng Lưới Kinh Tế Thịnh Vượng".

Bộ Ngoại giao các nước Anh, Pháp, Đức (còn gọi là nhóm E3) hôm 16/09/2020 đã chính thức gửi công hàm lên Liên HiệpQuốc (UN), phản đối yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời khẳng định tự do hàng hải và hàng không qua khu vực này.

Đây là công hàm mới nhất gửi lên UN phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông sau một loạt các công hàm tương tự được gửi đi từ các nước Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Australia, tính từ lúc công hàm của Malaysia gửi UN hồi tháng 12 năm 2019 để đăng ký phần thềm lục địa mở rộng ở khu vực phía Bắc Biển Đông. Trong công hàm mới, nhóm E3 khẳng định việc các quốc gia tuân thủ Công ước về luật biển của UN (UNCLOS), bác bỏ yêu sách đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.

Nhóm E3 cũng nhấn mạnh "các đòi hỏi (về chủ quyền) liên quan đến quyền lịch sử ở Biển Đông là không đúng với luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS", đồng thời khẳng định điều này trong phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm 2016 bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra trên biển.

Biến cố nầy gia tăng sức mạnh cho "Liên Minh vòng cung Biển Đông" nhắm bao vây Trung Quốc, một đối tác chiến lược toàn diện của cộng sản Việt Nam. Ngày 15/09/2020, các đại biểu quốc hội Hoa Kỳ đã hội nghị trực tuyến với 86 tổ chức từ khắp nơi trên thế giới để bàn về kết quả cuộc trưng cầu ý kiến của người dân Việt Nam về hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Hơn 1,1 triệu người Việt đã tham gia, với 95% ủng hộ việc khởi kiện Trung Quốc tại các tòa án quốc tế.

Hoan nghênh nỗ lực của tất cả các tổ chức liên quan, Dân biểu Alan Lowenthal tuyên bố tại hội nghị : "Chúng ta phải quy trách nhiệm cho Trung Quốc và buộc họ phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế. Tôi sẽ cùng các bạn đứng lên chống lại sự xâm lăng của Trung cộng trên Biển Đông". Nữ Dân Biểu Stephanie Murphy phát biểu trước hội nghị về sự cần thiết phải đứng lên vì lợi ích của Mỹ trước sự xâm lược từ Trung Quốc. Dân biểu Ted Yoho bày tỏ quan ngại về cái gọi là "đường chín đoạn" và nhắc nhở cử tọa rằng "Hoa Kỳ luôn sát cánh cùng các bạn và ủng hộ một khu vực hàng hải tự do và rộng mở ở Biển Đông Nam Á và Biển Đông".

Trong diễn văn của mình, Thượng Nghị Sĩ John Cornyn nhấn mạnh : "Giờ đây, điều quan trọng hơn bao giờ hết là người dân phải đứng lên chống lại Trung Quốc xâm lăng Biển Đông". Ông hứa sẽ "tiếp tục tranh đấu chống lại toan tính của Trung Quốc áp đặt yêu sách phi pháp ở Biển Đông. Điều tối quan trọng cho nền an ninh và sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế là Biển Đông không bị Trung Quốc cưỡng chiếm". Thượng Nghị Sĩ Mark Warner lưu ý : "Đảng cộng sản Trung Quốc đang có khuynh hướng bành trướng khổng lồ. Đây phải là mối quan tâm cho tất cả mọi người ở Đông Nam Á".

Hội Nghị cũng có sự tham gia của các văn phòng đại biểu khác, đặc biệt là của Dân biểu Ron Wright, Dân biểu Ro Khanna và bốn văn phòng khác. Theo ban tổ chức, hội nghị nầy "không ảo tưởng rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ lưu tâm đến nguyện vọng của người dân và kiện Trung Quốc.

Trên thực tế, chúng ta đã chứng tỏ với thế giới điều ngược lại là 95% người Việt muốn chủ quyền lãnh hải và hành hoạt trong một khuôn khổ luật pháp quốc tế". Từ chối viễn ảnh về một tương lai do Đảng cộng sản Trung Quốc thống lãnh qua những hình ảnh đen tối của Tây Tạng, Tân Cương, Hồng Kông và Biển Đông, Hội nghị chức kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các chính phủ trên thế giới tuyên bố Đảng cộng sản Trung Quốc là một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Ngày 01/06/2020, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc là Kelly Craft đã chuyển một công hàm ngoại giao của Mỹ cho Tồng thư ký Liên Hiệp Quốc Antónios Guterres để khẳn quyết : "Mỹ bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông" và yêu cầu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thông báo khẳn quyết nầy đến tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc. Sau đó, vào ngày 13/07/2020, Washington đã chính thức tuyên bố một sự thay đổi lớn về lập trường của mình đối với tình trạng pháp lý của yêu sách đường dài chín đoạn của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông.

Tuyên bố nầy của Mỹ đã chính thức bác bỏ giá trị pháp lý quốc tế của tất cả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông. Nước Úc, mười ngày sau đó, đã theo gương bằng một tuyên bố chính thức gởi cho Liên Hiệp Quốc. Sau cuộc hội đàm cấp cao ở thủ đô Washington hôm 28/07/2020, Mỹ-Úc đã đi đến thống nhất trong một tuyên bố chung rằng hai nước sẽ tăng cường hợp tác quân sự để chống lại các mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc.

Nhiều nước như Anh, Úc dường như đã thấy Bắc Kinh không phải là một thực thể "vừa hợp tác vừa cạnh tranh" mà thực sự là một hiểm họa đối với nhân loại. Bên cạnh các ‘cú ra đòn’ liên tiếp, không khoan nhượng của Hoa Kỳ vào tham vọng đen tối của chính quyền Trung Quốc, các xã hội dân chủ khác cũng liên tục có động thái nhằm ngăn chặn lực lượng này gây thêm tai họa đối với thế giới.

Những sự kiện nầy đánh dấu nấc thang tột đỉnh của của cuộc đối đầu Mỹ-Trung trên Biển Đông đã tiến gần đến rủi ro chiến tranh. Theo giáo sư Minxin Pei (a Chinese-American political scientist and expert on governance in the People’s Republic of China, U.S.-Asia relations, and democratization in developing nations), cách tư duy của lãnh đạo Trung Quốc làm cho họ mắc phải một loạt "sai lầm chiến lược tai hại".

Không có lãnh đạo Trung Quốc nào dự đoán được Mỹ "sẵn sàng hy sinh thị trường Trung Quốc để theo đuổi các mục tiêu địa chiến lược rộng lớn hơn. Vì vậy, chiến lược "tách đôi" (decoupling) đã làm cho họ "hoàn toàn bị bất ngờ".

Ngày 01/08/2020, EU kêu gọi đoàn kết chống lại Trung Quốc ‘hung hăng’ qua lời tuyên bố của Đại diện Ngoại giao và An ninh Cấp cao kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell về đề nghị một cách tiếp cận thống nhất hơn từ 27 quốc gia thành viên EU đối với chính quyền Trung Quốc độc đoán và hung hang : "Trung Quốc đang ngày càng cương quyết trên trường quốc tế… đại dịch virus corona đã làm nổi bật điều này. Trung Quốc đã cản trở nên cương quyết hơn, thậm chí là hung hăng hơn trong khu vực, đặc biệt là tại Biển Đông và tại biên giới giáp ranh Ấn Độ. Ngoài ra, giới lãnh đạo Bắc Kinh không ngần ngại phớt lờ các cam kết quốc tế khi áp đặt Luật An ninh Quốc gia đối với Hồng Kông".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Tư (16/09/2020) vừa công bố kế hoạch bổ sung lực lượng Hải quân Mỹ bằng một loạt tàu chiến, tàu ngầm và máy bay tự hành và không người lái để đối đầu thách thức hàng hải ngày càng gia tăng từ Trung Quốc, theo SCMP. Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm ngày 11/09/2020 thường niên lần thứ 19 tại Ngủ Giác Đài, ông Esper nhắt lại rằng Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu của Mỹ, và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là "khu vực trọng tâm" của quân đội Mỹ.

Ông nói : "Khu vực này không chỉ quan trọng vì là trung tâm giao thương và thương mại toàn cầu, mà còn là tâm điểm của cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc". Theo tin Reuters, Hoa Kỳ đang hợp tác với 6 nước Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam để đẩy nền kinh tế toàn cầu tiến lên, trong đó có chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng để không bị lệ thuộc vào nguồn cung ứng của Trung Quốc giống như hiện nay.

Bảy quốc gia này sẽ hợp thành một "mạng lưới thịnh vượng kinh tế" và một trong những chuyện họ sẽ làm là đưa các công ty của Mỹ đang có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc hoặc trở về Mỹ hoặc chạy sang các nước trong mạng lưới, bởi vì các nước này là những "đối tác đáng tin cậy" của Mỹ. Nguy cơ của đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam là cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" ngăn cản hoàn toàn việc tham gia vào "mạng lưới thịnh vượng kinh tế" nầy, dù họ đã cho phép cộng sản Việt Nam gia nhập mạng lưới. 

Nguy cơ nầy do bởi "định hướng xã hội chủ nghĩa" vốn rất lạc hậu từ 30 năm qua nên đã không giúp gì cho cộng sản Việt Nam hội nhập để có được vai trò tích cực trong mạng lưới thịnh vượng và liên minh quốc tế bảo vệ Biển Đông nói trên trong một thế giới "toàn cầu hóa mới" sau nạn dịch Covid-19.

Nguy cơ do cuộc đối đầu Mỹ-Trung tiến gần đến rủi ro chiến tranh

Rõ ràng, xét trên mọi phương diện, nước Trung Quốc dưới thời Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo yếu thế hơn nhiều so với Hoa Kỳ, quốc gia được xem là ‘thủ lĩnh’ của thế giới tự do. Điều này càng được phản ánh rõ hơn khi Hoa Kỳ, dưới thời Trump, đã nhận thức đầy đủ hơn về mối nguy hại Bắc Kinh và không ngừng gia tăng các hành động nhằm đẩy lùi tham vọng của lực lượng đang nắm quyền cai trị Trung Quốc.

Những diễn biến nầy cho thấy Hoa Kỳ đang tiếp tục ở thế thượng phong trong cuộc "chiến tranh đa diện mới" với Trung Quốc. Tiếp tục các động thái "vạch mặt" Bắc Kinh, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Tom Cotton, hôm 28/07/2020, đã khuyến cáo rằng không nên tin bất kỳ điều gì từ chính quyền Trung Quốc, và nói rằng Washington cuối cùng đã đứng lên chống lại hành vi hung hăng lâu dài chống Mỹ của Đảng cộng sản Trung Quốc. The Guardian, hôm thứ Tư (29/7/2020), đưa tin,

Liên minh tình báo "Ngũ nhãn" (gồm Mỹ, Úc, Anh, Canada và New Zealand) có thể sẽ kết nạp thêm thành viên Nhật Bản và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược để đẩy lùi các hành vi sai trái của chính quyền Trung Quốc. Theo bản tin hôm thứ Năm (30/07/2020) của SCMP, bà Lisa Curtis, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực Nam và Trung Á của Hội đồng Bảo an Quốc gia Hoa Kỳ, tiết lộ rằng, Tổng thống Trump "sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn nữa" trong mối quan hệ với Bắc Kinh để chống lại các tham vọng bành trướng của chính quyền Trung Quốc. 

Vì thế những liên minh chống Trung Quốc đang được hình thành để đẩy lực lượng của Đảng cộng sản Trung Quốc vào nơi mà nó không thể làm hại nhân loại. "Muốn bảo vệ tự do cho nước Mỹ và tự do cho Thế giới thì Trung Quốc phải có tự do" chính là tóm tắt chiến lược "tấn công Đảng cộng sản Trung Quốc" được giải thích qua 4 bài phát biểu, từ 24/06/2020 đến 23/07/2020, của 4 vị lãnh đạo chính trị Mỹ là Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien nói về chống ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, Giám đốc FBI Chris Wray nói về chống gián điệp Trung Quốc, Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói về chống kinh tế xã hội chủ nghĩa và Ngoại trưởng Michael Pompeo nói về chiến lược chống Trung Quốc của Thế giới Tự do.

Thêm nữa, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 22/09/2020 đã phát biểu trực tuyến hơn 7 phút tại phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trích nguyên văn các đoạn ngắn lên án Trung Quốc mạnh mẽ nhất như sau : "…Chúng ta đã phát động một cuộc chiến khốc liệt chống lại kẻ thù vô hình – virus Trung Quốc – thứ đã cướp đi sinh mạng của vô số sinh mạng ở 188 quốc gia… Chúng tôi sẽ phân phối vắc-xin, chúng tôi sẽ đánh bại virus, chấm dứt đại dịch, và bước vào một kỷ nguyên mới của sự thịnh vượng, hợp tác và hòa bình chưa từng có.

Khi chúng ta theo đuổi tương lai tươi sáng này, chúng ta phải buộc quốc gia phát tán dịch bệnh cho thế giới chịu trách nhiệm : Trung Quốc… Liên Hợp Quốc phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho các hành vi của họ… Chúng tôi đã chống lại hai thập kỷ Trung Quốc lạm dụng thương mại… Chúng tôi đang sát cánh cùng người dân Cuba, Nicaragua và Venezuela trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì tự do của họ… Trên cương vị Tổng thống, tôi đã bác bỏ những cách tiếp cận thất bại trong quá khứ và tôi tự hào đặt nước Mỹ lên trên hết, và các vị cũng nên làm điều tương tự với đất nước của mình. Đó là điều các vị nên làm… (Remarks by President Trump to the 75th Session of the United Nations General Assembly – Foreign Policy , Issued on : September 22, 2020).

Đứng trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc là một nguy cơ quốc tế khá lớn cho Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, vì Đcộng sản Việt Nam và Trung Quốc gắn bó với nhau bằng "4 Tốt và 16 Chữ Vàng trong tình đồng chí xã hội chủ nghĩa anh em" thì khó có quốc gia nào khác tin rằng VN sẽ thiên về phía Mỹ trong cuộc đấu tranh Trung-Mỹ triệt để nầy. 

Đan Tâm

Nguồn : VNTB, 20/10/2020

Published in Tư liệu

Lời tòa soạn : Chúng tôi mạn phép đăng lại loạt bài viết về những nguy cơ đe dọa Đảng cộng sản Việt Nam của tác giả Đan Tâm, đăng trên trang mạng Việt Nam Thời Báo từ 14/10/2020 đến 11/11/2020. Tác giả Đan Tâm đã phân tích một cách khách quan vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam trước những diễn biến và diễn tiến chính trị, kinh tế và quân sự quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.

Đan Tâm có lẽ là bút hiệu của một nhóm đảng viên, cán bộ trẻ trung cấp trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam có trình độ lý luận cao, nắm bắt rất rõ tình hình thế giới và trong nước, và trình bày lại những sự kiện dưới một khía cạnh khác với nguồn thông tin của Ban tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông. Điều này cho thấy trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam có sự rạn nứt giữa những thế hệ lãnh đạo, đúng hơn có một khuynh hướng muốn tách rời khỏi sự lãnh đạo tập trung của Trung ương đảng. Quan điểm chính trị của Đan Tâm cũng rất gần với lập trường và dự án chính trị dân chủ đa nguyên mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phổ biến từ gần 40 năm qua, nghĩa là xây dựng một chế độ dân chủ đa nguyên trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc và bằng những biện pháp bất bạo động. Đây là một dấu hiệu tốt cho đất nước và dân tộc vì Tập Hợp, cũng như đại đa số người Việt Nam trong và ngoài nước, rất lo sợ tình trạng hỗn loạn xảy ra nếu Đảng cộng sản Việt Nam quyết tâm giải quyết bằng bạo lực những đòi hỏi chính đáng về những quyền tự do cơ bản và quyền sống của người dân Việt Nam trong những ngày sắp tới.

Trái với những khoe khoang của chính quyền cộng sản, tình hình kinh tế và an ninh ở Việt Nam hiện nay đang rất báo động. Chỉ riêng việc cứu trợ nạn nhân bão lụt ở miền Trung hiện nay cho thấy chính quyền cộng sản Việt Nam đã tỏ ra lúng túng vì không có tiền và không ai thực tâm muốn ra tay cứu giúp. Liên đới xã hội, sứ mạng đầu tiên của một chính quyền tự xưng là của dân, vì dân và cho dân, đã hoàn toàn vắng mặt.

Trân trọng cảm ơn VNTB và giới thiệu cùng quý bạn đọc 27 bài viết của Đan Tâm.

Nguyễn Văn Huy 

---------------------------

Hiện trạng của Đảng cộng sản Việt Nam

Không thu hút được nhân tài trong và ngoài đảng cũng như trong và ngoài nước là một nguy cơ lớn của Đảng cộng sản Việt Nam.

dcsvn1

Khảo sát chính xác về "Hiện trạng nước Việt Nam" bằng "Kỹ năng tầm nhìn sự kiện" là một công việc phức tạp. Tuy nhiên nếu xác định cho thật đúng về "hiện trạng thực tế của Đảng cộng sản Việt Nam" thì sẽ dễ dàng nhận ra hiện trạng đất nước, bởi vì Đảng này đã và đang kiểm soát và chi phối toàn diện về kinh tế, xã hội và chính trị của Việt Nam từ 45 năm qua.

Do đó, biết chính xác hiện trạng của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay sẽ nhìn ra thực trạng của nước Việt Nam trong tương lai trước mắt ngay sau đại dịch Virus Vũ Hán (Covid-19).

Nắm bắt được hiện trạng của đất nước thật rõ ràng và cụ thể, sẽ nhìn ra hướng biến chuyển tất yếu của quốc gia Việt Nam theo quy luật tất yếu của xã hội, kinh tế và chính trị vào thời kỳ đầu của Thế Kỷ 21. Thế giới đã sang trang để đi vào một thời kỳ phát triển mới và sẽ hình thành một trật tự quốc tế khác trong khuôn khổ những thể chế mới sẽ đến trong vài năm trước mặt.

Đại dịch Covid-19 lay động tất cả, bắt buộc tất cả các quốc gia và từng con người phải thay đổi đến tột cùng, càng làm rõ thêm những đặc trưng mới của thời kỳ sang trang này. Như vậy Việt Nam có sang trang sớm sủa trong bối cảnh toàn cầu hóa mới kể từ năm 2020 này hay không ? 

Trước hết cần xem xét rõ hiện trạng của Đảng cộng sản Việt Nam :

I. Nguy cơ sống còn của Đảng cộng sản Việt Nam

Kể từ biến cố Đồng Tâm và nạn dịch toàn cầu Covid-19 đến nay mọi người ai ai cũng đều thấy rõ là các vấn nạn sống chết của Đảng cộng sản Việt Nam từ ba mươi năm trước (1990-2020) đã và đang dồn dập xảy ra theo một cường độ đáng kể. 

1. Nguy cơ tự thân và nội tại của Đảng cộng sản Việt Nam :

Đảng cộng sản Việt Nam tự biết rõ những nguy cơ cốt lõi và thiết tử nầy hơn ai hết, vì nó xãy ra từ bên trong và do chính đảng viên của họ tạo ra (Trung tướng công an Bùi Quốc Huy, Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Sơn, Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Hồ Thị Kim Thoa, Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Hiến, Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Tất Thành Cang, v.v… là một số nhỏ các ví dụ nổi bật). Những nguy cơ nội tại lớn nhất và nguy hiểm nhất nầy là những sự kiện cụ thể mà trong hay ngoài Đảng cộng sản Việt Nam đều biết và thấy rất rõ, có thể được liệt kê chi tiết như sau : 

1.1. Nguy cơ do "dân bất an" và đảng viên cũng bất an

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 09/06/2017, Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) phát biểu trước Quốc hội Việt Nam : "Dân bất an khi tham nhũng nhiều, rừng sắp hết, biển gần chết"... và báo cáo liệt kê chi tiết 6 mối bất an của xã hội cộng sản Việt Nam như sau : 

Bất an thứ nhất là "Tại sao chỉ có một mình Chính phủ hành động kiến tạo và liêm chính, còn hệ thống chính trị thì không" ? 

Bất an thứ hai là "Nạn tham nhũng và lãng phí quá lớn, chưa bị chặn đứng, là vấn nạn đưa quốc gia tới bờ vực sa sút niềm tin". Theo trang transparency.org thì 61% người sử dụng dịch vụ công từng hối lộ cho quan chức trong 12 tháng qua. Năm 2019, Việt Nam đứng hạng 96 (trên 180 quốc gia) về tham nhũng, và chỉ số minh bạch chỉ 37 trên 100. 

Bất an thứ ba là "Sự xuất hiện của dấu hiệu mất cân đối ngân sách, sự ổn định của kinh tế vĩ mô chuyển biến chậm, đặc biệt là hiệu quả đầu tư thấp, nợ công tăng cao, các yếu tố tăng trưởng chưa tận dụng hết, hiệu quả chú trọng đầu tư thấp, mức bội chi gấp 3 lần tăng trưởng". Theo trang tradingeconomics.com thì tính đến năm 2019, Việt Nam nợ nước ngoài 108, 1 tỉ USD, nhưng theo phân tích chính xác của Đại biểu quốc hội Đặng Thuần Phong thì Việt Nam nợ hơn 200 tỉ USD. 

Bất an thứ tư là thương mại hóa các quan hệ xã hội : "Đồng tiền đã chi phối mỗi hoạt động và làm phai nhạt tính công tâm của các cơ quan công quyền" và "Đáng ngại hơn là đồng tiền đã làm suy thoái đạo đức, dẫn dắt chính sách, minh chứng cho vấn đề này là tình trạng ‘chạy’ ở Việt Nam", mà Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội đã chỉ ra : "Thực tế rất đau lòng, trong bụng mẹ đã chạy chỗ sinh đẻ. Học phổ thông các cấp, vào đại học cũng phải chạy trường chạy lớp. Rồi chạy chỗ, chạy chức, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển. Vi phạm pháp luật thì chạy điều tra, truy tố, chạy án thậm chí chạy khỏi Tổ quốc đến nơi Việt Nam chưa ký kết về dẫn độ tội phạm để an thân". Mới đây, các nhà phân tích chính trị đã chỉ ra một bộ phận rất lớn đảng viên thủ đắc "quyền và tiền" đã và đang chuẩn bị chạy ra khỏi Việt Nam để hạ cánh an toàn dù có hay không có biến chuyển lớn lao tại Việt Nam. 

Bất an thứ năm là rừng sắp hết, biển gần chết, tài nguyên khoáng sản quốc gia cho các đời sau cạn kiệt dần : "Nông lâm trường hoạt động kém hiệu quả, chính sách rải thảm và sử dụng lao động giá rẻ, kêu gọi đầu tư thiếu trách nhiệm, biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ lạc hậu", và nêu rõ : "Đừng vì tâm tưởng tức thì mà buông bỏ tương lai dân tộc, tiền có nhiều đến đâu đi nữa cũng không mua được môi trường tươi đẹp đã mất và đang mất". 

Bất an thứ sáu, không kém phần nghiêm trọng, là vấn đề an toàn cuộc sống : "Bữa cơm trong nhà cũng lo vì an toàn vệ sinh thực phẩm. Ra đường thì sợ an toàn giao thông, gặp chuyện bất bình thì không dám can thiệp vì sợ vạ lây" và "Mọi thứ đều do người Việt hại người Việt và từng bước biến sự vô cảm thành vấn đề đạo đức ứng xử giữa người với người". Đại biểu quốc hội Đặng Thuần Phong (Bến Tre) kết bài phát biểu cho thấy ngay toàn Đảng cộng sản Việt Nam đang sống chung trong thảm cảnh bất an nầy cùng toàn thể nhân dân. 

Nhờ vào 6 mối "bất an" mà Đại biểu Đặng Thuần Phong nêu ra mà chúng ta thấy ngay là 6 nguy cơ bất ổn đó trong chính quyền và toàn xã hội, chỉ chực chờ bùng nổ bất cứ khi nào có mồi lửa châm ngòi. 

1.2. Nguy cơ do đi vào ngõ cụt theo bản sao "Mô hình Trung Quốc"

Từ 1930 đến 1990, sách lược cai trị dân của Đảng cộng sản Việt Nam đã mô phỏng gần như 100% chiến lược cai trị của Lê Nin, Stalin và Mao, đặt căn bản trên 2 yếu tố "tuyên truyền thường trực" (dối trá) và "bạo lực trấn áp" để tẩy não và gieo rắt kinh hãi cho người dân nhằm triệt tiêu những suy tư độc lập và những hành động đối kháng. Từ 1990 đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam sao chép nguyên vẹn mô hình cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc làm sách lược cơ bản cho Việt Nam.

Sách lược đầu đã hoàn toàn bị phá sản và tan rã kể từ khi thế giới đi vào toàn cầu hóa và Internet xuất hiện. Còn sách lược sao chép từ Trung Quốc đang đi vào ngõ cụt vì Trung Quốc đang gặp rất nhiều khó khăn và bị thế giới tẩy chay bởi chính những lối hành xử của nước này với thế giới, cụ thể là những vấn đề độc chiếm Biển Đông, Đài Loan, Hồng Kông, dịch cúm Covid-19, thực chất quan hệ kinh tế với Mỹ suốt 50 năm qua, kế hoạch vành đai con đường cho các nước vay tiền và thế chấp bằng tài nguyên quốc gia, làm ăn bất chấp tiêu chuẩn giá trị về môi trường và nhân quyền, và vi phạm trật tự bền vững của thế giới. Rất giống như chế độ "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc", bộ máy công quyền cộng sản Việt Nam bị chiếm dụng làm của riêng cho đảng viên với thực trạng cả nhà làm quan và cả họ làm quan.

Người dân có tài không sao lọt vào được. Ở đó, họp cơ quan nhà nước xong thì họp gia đình luôn. Một bộ máy như thế thì sự quan liêu và tham những là điều hiển nhiên. Tham những quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam hỗ trợ hoàn hảo cho quan chức cộng sản tham nhũng tiền bạc. Người dân có năng lực nếu muốn có việc làm thì phải "chạy". Họ bị "lùn" hóa, "gù" hóa từ đó, rồi khi bước vào cái hệ thống ấy, họ sẽ bị "cải tạo" thêm để tất cả thành những "người câm", "người điếc", "người mù" sống lâu ở đó có thể trở nên tham lam, ti tiện, lưu manh. Nói chung là phá hủy con người. Dĩ nhiên, nguy cơ này không riêng cho quần chúng Việt Nam mà chung cho hơn 5 triệu đảng viên cộng sản đang sống chung nhau trong môi trường xã hội đang rửa nát đầy băng hoại đó. 

Do đó, bản sao "Mô hình Trung Quốc" là một mối nguy sống chết của Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng hiện tại đảng này không dám thay đổi và cũng không tìm được một phương cách thay đổi nào để có thể sống còn vì lý do họ cương quyết giữ "kiên định lập trường xã hội chủ nghĩa" trên hình thức, nhưng nội dung và thực tế vận hành thì đúng là một chế độ độc đảng toàn trị theo kiểu phát xít và mafia Trung Quốc. 

1.3. Nguy cơ do không thủ đắc được nhân sự tài đức vượt trội

Nhân sự tài đức vượt trội hầu như không thấy xuất hiện trong hàng ngũ cao cấp (trung ương) và trung cấp (cấp tỉnh, thành phố), chỉ vì cơ chế vận hành của Đảng cộng sản Việt Nam không cho phép nhân tài suy nghĩ và sáng tạo một cách độc lập. Những nhân tài trong hay ngoài đảng từng du học tại các đại học hàng đầu trên thế giới đã trở về phục vụ tại Việt Nam không thi thố được tài năng và làm việc an phận theo cung cách hạ cánh an toàn và cầu an tiêu cực.

Nguyên do là vì cơ chế quản trị vĩ mô của Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam trái ngược với cơ chế của các quốc gia văn minh và hùng mạnh trên thế giới. Với các đảng cộng sản nói chung, lòng trung thành chính trị và sự vâng lời là đặc quyền và điều này duy trì sự ổn định chính trị. Nhưng điều này hạn chế nghiêm trọng khả năng minh bạch và trung thực của các quan chức trung ương và địa phương. Họ có xu hướng bảo thủ vì quan tâm đến sự sống còn chính trị, và hạ thấp mức độ nghiêm trọng của các vấn đề có thể khiến họ không đủ năng lực hoặc không trung thành với chế độ.

Chân dung quá rõ là tất cả các cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên trong công an và quân đội và từ cấp phó phòng trở lên trong bộ máy nhà nước, dù là hành chính, kinh tế, y tế, giáo dục văn hóa, khoa học hay kỹ thuật đều chỉ dành riêng cho khoảng ba, bốn triệu đảng viên chưa về hưu. Hơn 90 triệu người Việt Nam còn lại không được quyền có vai trò và tiếng nói nào.

Đảng thống trị đó mạnh như thế nào thì chính ông Nguyễn Phú Trọng, người cầm đầu Đảng và Nhà nước, trong một bài viết mới đây đã trả lời rõ : "chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…".

Ông Nguyễn Phú Trọng quên một môn chạy thịnh hành từ mấy năm gần đây là chạy trốn ra nước ngoài. Chạy trốn ra nước ngoài như các đảng viên tiêu biểu cho phần nổi của tảng băng chìm : Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường vượt biên sang Malta, Hồ Thị Kim Thoa thứ trưởng Bộ Công thương vượt biên và biến mất tại Châu Âu, Võ Kim Cự bay sang Canada sau khi tàn phá Vũng Áng, rồi mới đây nhất là ba nhân vật được cơ quan truyền thông Al Jazeera của Qatar công khai hồ sơ vượt biên sang Cyprus và được cấp quốc tịch của đảo quốc này gồm ba người : thứ nhất là Phạm Nhật Vũ, em ruột tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, cùng với hai vợ chồng Nguyễn Phan Diệu Phương và Phạm Phú Quốc.

Vũ đang bị giam giữ 3 năm với mức án đưa hối lộ, Phạm Phú Quốc thì đang là đương kim Đại biểu quốc hội thuộc đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh. Vì là thành viên của quốc hội nên Quốc bị dư luận soi từng hành vi trong quá khứ và lý do khiến y phải vượt biên sang Cyprus được cho là đang chuẩn bị chạy trốn vì vụ tham nhũng đất Thủ Thiêm Sài Gòn.

Một đảng như vậy thì làm sao có thể mạnh ? Có lý tưởng chung nào để đoàn kết các đảng viên ? Sau khi ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương đảng bị tống giam ngày 28/08/2020, đa số đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam tin rằng "tại Việt Nam không có đúng với sai, chỉ có thắng hay thua".

Hiện giờ phe ông Nguyễn Xuân Phúc đang thắng thế trong nhiều vụ việc, trong đó có vụ Đồng Tâm hồi đầu năm 2020. Với tình hình hiện nay câu "phe nào thắng thì nhân dân đều bại" của nhà văn Nguyễn Duy ứng nghiệm đúng và chính xác đúng.

Từ lâu Đảng cộng sản Việt Nam coi đất nước như là của riêng của đảng, đối xử với dân như bầy tôi trong chế độ phong kiến Khổng Giáo, để độc quyền cai trị và nhũng lạm đặc quyền đặc lợi, nhưng lại vênh váo bảo đó là "lựa chọn tất yếu của lịch sử", hay "là ý nguyện của nhân dân Việt Nam".

Luật sư Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến tại Hà Nội chỉ ra rằng "Đúng là không một nền kinh tế nào có đủ sức để nuôi "ký sinh trùng" khi ông đọc số liệu "trung bình cứ 9 người dân phải nuôi 1 cán bộ nhà nước". Tiến sĩ Nguyễn Quang A của xã hội dân sự thì nói rằng : "Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là xã hội chủ nghĩa cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ xã hội chủ nghĩa để lừa mị thôi !".

Có những cá nhân tài giỏi, tử tế sẽ có một chính quyền tài giỏi, tử tế. Có chính quyền thực sự tử tế "của dân, do dân, vì dân" sẽ có tất cả. Thực tế này đã diễn ra tại nước Mỹ ba trăm năm qua chứng tỏ cho điều này và Mỹ chính là một chế độ chính trị như vậy, chỉ khác là họ chọn giá trị "tự do" còn Đảng cộng sản Việt Nam chọn giá trị "định hướng xã hội chủ nghĩa".

Nhiều trí thức Việt kiều sống xa Việt Nam nhiều năm cho nên không hiểu rằng những lý thuyết giáo điều, những tuyên truyền dối trá khiến cho đời sống tinh thần của những người tự trọng trong nước hết sức ngột ngạt. Đồng thời chúng cũng cản trở giáo dục nhân cách cho các thế hệ tương lai. Từ khi cầm quyền, Đảng cộng sản Việt Nam luôn luôn ấn định tuyển dụng cán bộ phải "vừa Hồng vừa Chuyên" – Hồng là cộng sản, Chuyên là chuyên môn. Thực tế ở Việt Nam là "hễ Hồng thì không Chuyên, hễ Chuyên thì không Hồng". Thực tế là kết quả của lý thuyết – Lý thuyết phải phản ánh thực tế. 

Không thu hút được nhân tài trong và ngoài Đảng cộng sản Việt Nam cũng như trong và ngoài nước là một nguy cơ lớn của Đảng cộng sản Việt Nam.

dcsvn2

II. Nguy cơ do duy trì an ninh chính trị bằng bạo lực

Công an hầu như không cần biết đến Điều 167 trong "Bộ luật hình sự 2015" quy định : "Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân sẽ bị xử tù từ 3 tháng, một năm, 3 năm đến 5 năm" nên đã liên tục truy lùng ráo riết những người cầm bút trong & ngoài Đảng, làm cho trí thức xa lánh Đảng và Nhà nước và nhất quyết không muốn xếp hàng đáp ứng công tác cầu hiền của Đảng và Nhà nước (Công tác nầy đã có phần nào thành công dưới thời ông Võ Văn Kiệt làm thủ tướng nên Đảng cộng sản Việt Nam đã thoát khỏi chính sách "Bao Cấp" để chuyển sang "Đổi Mới" từ năm 1986). 

Trong lịch sử Việt Nam, có lẽ chưa bao giờ mà quyền được viết, quyền được đọc của người dân lại bị Đảng cộng sản Việt Nam trấn áp nhiều như vậy ! 

Nhìn vào bối cảnh bức hại đó, chúng ta khó có thể nghĩ rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang sống trong thời đại 4.0, thời đại rất cần trí thức có tầm nhìn và trí tuệ để họach định chiến lược cho quốc gia phát triển ! Mất đi tình cảm gắn bó của dân đối với Đảng như thời 1930-1954 (tình cảm nầy do tuyên truyền bưng bít và dối trá mà gặt hái được), bộ phận an ninh của Đảng đang dựa vào mafia trong và ngoài Đảng để thi hành các chính sách vì Đảng cộng sản Việt Nam biết rõ dân không ủng hộ cho họ.

Trong nhiều năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam tuyên truyền về công lao của họ trong phát triển kinh tế quốc gia. Họ lờ đi thực tế là tài nguyên đất nước & môi trường sống, vốn là những của cải cần được sử dụng dè xẻn và để lại cho đời sau, thì nay đã bị họ đốt hầu hết cho hiện tại, mà phần lớn trong số đó đã rơi vào túi những đảng viên tham nhũng.

Và số nợ mà chế độ này đã vay thì đã vượt quá khả năng cân bằng tài chính của họ. Tất nhiên chế độ này khi kết thúc sẽ không trả nợ, người trả chính là người dân Việt Nam. Tình trạng nợ công của Việt Nam đến nay đã cực kỳ nguy ngập. Từ năm 2016 trở về trước, người ta nói về số liệu nợ công đã vượt ngưỡng trần tính trên tỷ lệ GDP và năng lực cân đối dòng tiền của ngân sách.

Từ lúc ông Nguyễn Xuân Phúc nắm quyền cho đến khoảng tháng 9/2016, chính phủ của ông ta đã vay nợ ròng thêm trên dưới 8 tỷ USD. Cái gọi là giới hạn hay trần an toàn giờ là thứ không còn ai nhắc tới. Trong vòng vài năm tới, khả năng rất cao là cộng sản Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ quốc gia, khi chính phủ không thể trả nổi các khoản nợ đáo hạn. Tình trạng của Venezuela sẽ là một viễn cảnh của Việt Nam.

Tuy nhiên chế độ hiện nay có thể trì hoãn cái chết bằng cách dựa dẫm vào nguồn tiền từ Trung Quốc kể từ "mật ước Thành Đô 1990" và đi kèm với nó sẽ là những cuộc mặc cả đen tối mà chủ quyền đất nước bị bán rẻ. Tất nhiên, khi sự thật lộ ra thì đất nước Việt Nam sẽ chìm vào một biển máu mà sự phẫn nộ của người dân sẽ tàn phá tất cả và trong tình huống không ai mong muốn đó, thì đất nước sẽ bị kéo lùi lịch sử trên dưới 20 năm.

Bất cứ người Việt Nam nào, bao gồm cả những người cộng sản, đều mong muốn tránh cái viễn cảnh bi đát ấy. Đơn giản là bất cứ ai cũng sợ chết, đặc biệt là những người giàu, trong khi đó các hậu duệ cộng sản và gia đình họ thì đã quá giàu.

Thực trạng nhân sự hiện nay có thể thấy là trong số khoảng 5 triệu đảng viên (con số trên giấy tờ), thì chỉ có hơn hai trăm ngàn có vị thế quyền lực từ Trung ương đến làng xã. Còn lại 4,8 triệu đảng viên hoàn toàn đóng vai những kẻ "MacKeNo" tức là không quan tâm đến sự sống chết của Đảng, vì họ nghĩ rằng có làm gì cho lắm cũng chỉ đem lại thêm lợi ích cho nhóm "gần 200 nghìn đảng viên có vị thế quyền lực" đó thôi.

Đó là lý do mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói đến nguy cơ ‘nhạt Đảng, khô Đoàn’ khi ông nhận định về chí hướng phấn đấu của thanh niên ngày nay. Khi Đảng cộng sản Việt Nam lựa chọn nền kinh tế thị trường nhưng vẫn cố bám víu nền cai trị độc tài xã hội chủ nghĩa từ thâp niên 90 của thế kỳ 20, họ đã vi phạm mọi nguyên tắc căn bản nhất để tạo ra một xã hội minh bạch và công bằng về mặt cơ hội phát triển cho con người.

Chính sách kìm kẹp và tiêu diệt mọi tư tưởng độc lập của nhân dân Việt Nam kể cả giới trí thức đã tạo ra một xã hội cúi đầu. Họ không còn một chút lý tưởng cộng sản nào vì thực tại đã cho thấy lý thuyết của Marx chỉ là ảo tưởng. Khi một đám người không còn lý tưởng nắm quyền lực tuyệt đối trong tay thì nhanh chóng tha hóa và biến thành tội phạm.

Hiện nay bộ máy của chế độ cộng sản Việt Nam gồm hầu như toàn bộ là những kẻ vô đạo đức, tham nhũng cả về vật chất lẫn quyền lực. Sự lưu manh hóa của họ lớn dần theo thời gian và gây ra những bức xúc ngày một lớn trong xã hội. Theo Võ Văn Quản (Những cuộc khủng bố không còn ai nhớ, 19/04/2020) chỉ trong giai đoạn 1954 – 1958, có hơn 25.000 ngàn nhân viên công vụ, giáo viên, trưởng thôn và trưởng làng cũng như các nhân sĩ có uy tín tại nông thôn miền Nam Việt Nam bị bắt cóc, sát hại, thủ tiêu vì họ… "phản động" và "thiếu hợp tác" với cách mạng cộng sản. 

Đảng cộng sản Việt Nam cũng đã quen sử dụng bạo lực giết chóc ngay cả đối với đảng viên của họ vào thời kỳ Cải Cách Ruộng Đất 1955-1956. Ngày 10/09/2020, Giáo sư Ngô Vĩnh Long công bố một "văn thư đề cươngcủa ông Chu Đình Xương (đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam có chức vụ Trưởng Phòng 4 – Bộ Nội Vụ cộng sản Việt Nam từ 1950 đến 1954) gởi cho Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 3/1983. Văn thư nầy dài đến 20 trang A4 (hình chụp nguyên bản văn thư), nêu rõ nợ máu của Đảng cộng sản Việt Nam đối với chính đảng viên của họ & người dân, trong chiến dịch cải cách ruộng đất, như sau :

a) Ba vạn đảng viên cơ sở bị bắn,

b) Ba vạn đảng viên tự sát,

c) Từ 3 đến 4 vạn vừa người lớn vừa trẻ con chết đói,

d) 182.000 người dân vô tội bị giết và bị quy chụp là địa chủ và cường hào (Tài liệu và số liệu ở đây do đảng viên Nguyễn Tạo lúc bấy giờ làm Vụ trưởng Vụ chấp pháp thuộc Bộ Công an Việt Nam cung cấp). Một dẫn chứng là Hà Tĩnh có 210 bí thư chi bộ của Đảng cộng sản Việt Nam thì 200 bí thư bị Đảng đấu tố và xử bắn, còn sót 10 người ở miền núi vì ở đây chưa tiến hành cải cách ruộng đất (Theo trang 12 – Tài liệu của ông Chu Đính Xương).

dcsvn3

Chỉ có đối thoại chân thành giữa Đảng cộng sản và xã hội dân sự Việt Nam mới tìm ra được lối thoát để tránh một kết cục bi đát cho tất cả. Chế độ rồi sẽ đi đến điểm kết, nhưng đó có thể là một điểm kết đau đớn hoặc một sự chuyển biến sang văn minh trong hòa bình tùy theo sự lựa chọn của Đảng cộng sản Việt Nam.

Người Myanmar đã làm được điều đó, khi chính phủ độc tài của tổng thống Theinsein đứng về phe dân tộc. Họ cũng đã từng đi theo con đường chủ nghĩa xã hội trong trên dưới 25 năm (1963 đến những năm 1990), họ cũng là những kẻ độc tài bị thế giới cô lập và lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Họ cũng có hơn 1000 km đường biên giới với Trung Quốc và có những phe nhóm lý khai gốc Hoa đang cầm súng chống lại chính quyền. Nhưng với con đường hòa giải và hợp tác, hiện nay họ đã đi trên đúng lộ trình để văn minh hóa đất nước.

Con đường của Myanmar không dễ đi, nhưng họ đã tìm được lối thoát khỏi màn đêm đen tối. Sẽ chỉ có hai con đường với chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay : Hoặc tiếp tục cố níu kéo quyền lực, vay nợ mọi thứ, bán rẻ mọi thứ cho đến ngày tàn để dìm đất nước và chính chế độ cộng sản này vào lò lửa chiến tranh, hoặc bắt đầu thay đổi, để tạo cơ sở cho đất nước này hướng tới tương lai trong đó bao gồm tương lai của chính Đảng cộng sản Việt Nam. Tất cả tùy thuộc vào con người cộng sản tại Việt Nam hôm nay.

Cho nên đa số nhân dân đang oán hận công an, dân phòng, an ninh, tuyên giáo và oán hận nầy là một mối nguy thêm nữa cho Đảng cộng sản vì Đảng cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo toàn diện các lực lượng nầy.

dcsvn4

III. Nguy cơ do chống tham nhũng không có được cái kết quả "diệt trừ tận gốc"

Thực trạng về hành xử của đảng viên các cấp đang phản ảnh cho nhân dân & quốc tế nhìn thấy rõ vấn nạn tham nhũng, uy tín của lãnh đạo và Đảng cộng sản Việt Nam. 

Từ 4 – 5 năm qua chống tham nhũng chỉ có kết quả nhỏ nhoi là trừng trị những vụ việc mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn phát giác và có thể phát giác ra được. Các nhóm lợi ích bên trong và bên ngoài Đảng cấu kết chặt chẽ thành một tập đoàn quyền lực lớn lao làm cho các đảng viên tử tế & có tài đâm ra sợ hãi và co rút lại cho an toàn, hoặc thờ ơ việc đảng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thanh trừng được đối thủ chính trị lớn nhất của mình tại đại hội XII có vẻ cũng muốn thừa thắng xông lên với một chiến dịch chống tham nhũng học theo Tập Cận Bình của Trung Quốc. Nhưng tự thân của mục đích chống tham nhũng nầy mâu thuẫn ngay từ đầu với nền chính trị độc tài cần ban phát "tiền & quyền" để mua lấy sự trung thành. Mọi chủ trương, mọi định hướng, mọi chính sách phát triển quốc gia đều bị bộ máy tham nhũng bóp méo thành những thứ đem lại lợi ích cá nhân.

Các khoản đầu tư công và các dự án phát triển hầu như đều trở thành nguồn tham nhũng của bộ máy công quyền. Bộ máy ấy khiến hiệu suất vận hành của nhà nước càng ngày càng giảm, càng ngày càng tệ hại, càng ngày càng khiến những nguồn lực của quốc gia bị teo tóp. Những cơ hội phát triển nối nhau bị bỏ lỡ. Tất cả họ đều nhúng chàm, tất cả họ đều là tội phạm.Mức độ thì ngày một tệ hại hơn theo thời gian cho đến khi nào quyền lực độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam bị tước bỏ. Sự tồn tại của chế độ độc tài tham nhũng ở nước Việt Nam cộng sản đang là thứ tạo ra hầu hết bất công và làm băng hoại đạo đức xã hội.

Thế hệ trẻ giờ đây lớn lên không còn có niềm tin, khi họ chứng kiến những kẻ nắm vị trí cao trong xã hội lại là những kẻ vô đạo đức nhất, giả dối nhất. Chưa bao giờ đất nước mất phương hướng và mất niềm tin như hiện nay. Nạn tham nhũng và bộ máy trì trệ đang tàn phá hầu hết nguồn lực và cơ hội phát triển quốc gia. Bộ máy tham nhũng và vô đạo đức hiện nay không những cản trở xã hội đi lên, mà nó còn tiếp tay cho cái xấu và gây ra tàn phá.

Thảm họa Formosa, có thể nói bản chất là sự cấu kết giữa đám quan chức tham nhũng với những nhà tư bản bất lương. Mới đây người dân hầu như đã biết trước cả tháng là tướng công an Nguyễn Đức Chung sẽ vào tù vì chức vụ càng cao thì phạm tội càng nhiều. Có bao nhiêu tướng tá công an quân đội đã sa vào trại giam và còn bao nhiêu nữa đang nằm trên danh sách chờ ?

Không phải chỉ gói gọn trong lĩnh vực công an, những người có luật pháp riêng và có súng bảo vệ, những cán bộ cao cấp chủ chốt trong guồng máy cũng không hề kém cạnh bởi vì họ có tấm chắn hiệu quả là những đồng liêu, đồng chí trong Đảng cộng sản Việt Nam. Những Vinashin, Vinaline, Mobifone… những ngân hàng quốc doanh vỡ nợ, những đại án tham nhũng trong các năm gần đây đều mang bộ mặt của đảng và chính phủ cộng sản Việt Nam.

Không những vô địch về tội phạm, chế độ cộng sản Việt Nam còn vô địch về hệ thống công quyền khi nội các của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đến 131 Thứ trưởng. Nhiều Thứ trưởng như thế để làm gì nếu không phải là tiếp sức cho nỗ lực "ăn không chừa một thứ gì" như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã xác định.

Thêm nữa, việc băm nát các khu đất rừng, vườn quốc gia, đất nông nghiệp trên đảo Phú Quốc, bán đảo Sơn Trà tại Quảng Nam, đất nông nghiệp, v.v…, để biến thành đất vàng cho các nhóm lợi ích & "tư bản thân hữu" thuộc về sân sau của các đảng viên "quyền & tiền" là một ví dụ nhỏ nhất trong số hàng nghìn địa phương tương tự.

Ngoài xã hội cũng như bên trong Đảng đang có vô số những thứ "bệnh tật kinh niên" như : chèn ép, hiếp đáp, trù dập, phe cánh, chạy chọt, luồn lọt, lươn lẹo, lừa lọc, tham lam, gian xảo, trộm cắp, rình rập, soi mói, ti tiện, hèn hạ, huênh hoang, hợm hĩnh, hung bạo, khoác lác, tục tằn, trơ trẽn, tráo trở, ích kỷ, dối trá, vô trách nhiệm, vô văn hóa, vô giáo dục, vô liêm sỉ. Liệu 5 triệu đảng viên cộng sản và con cháu của họ có thể sống an ninh & yên bình trong một xã hội như vậy hay không ?

Vấn nạn tham nhũng và tha hóa con người này sẽ tiếp tục tạo ra hết bi kịch nầy sang bi kịch khác cho Đảng cộng sản Việt Nam và cho toàn xã hội, khiến cho những trí thức trong và ngoài nước, trong và ngoài Đảng sẽ cảm thấy e ngại khi tham gia góp sức cho nước nhà. Những "bệnh tật kinh niên" nói trên đã đưa phần lớn quần chúng nhân dân tới chỗ tan rã tinh thần, tàn phá con người khi bị áp chế, vì lợi ích và tiền tài đã ác hóa con người và xã hội.

Giờ đây dối trá, hung hãn và tội ác đã trở thành phổ biến và đang tác động ngày càng tăng đối với mục tiêu ổn định chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam. Chưa bao giờ con người Việt Nam có thế ứng xử giả dối đến như vậy và không rõ sau này lịch sử và con cháu soi chiếu, xem xét lại giai đoạn và triều đại này thì sẽ nói gì, nghĩ gì ? Nhưng hiện tại thì quần chúng nghĩ rằng chính Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu gương ứng xử như thế đó.

Hậu quả đang xảy ra là nhân dân mất niềm tin vào con người và xã hội, sống bất an và khinh thường lãnh đạo Đảng từ thấp đến cao. Trong số các dấu hiệu suy vong của Đảng cộng sản Việt Nam, 2 sự kiện "Tham nhũng tràn lan trong và ngoài đảng không thể kiểm soát" và "Tư tưởng và mô hình xã hội chủ nghĩađã bị phá sản toàn diện" là 2 dấu hiệu thông dụng mà quần chúng nhân dân và quần chúng đảng viên đều mắt thấy tai nghe và đưa tay sờ mó được.

Trong thời gian 4- 5 năm qua đã có hơn trăm cán bộ đảng viên cao cấp và tướng lĩnh đảng viên bị kỷ luật hoặc truy tố mà mới nhất là Phó chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến và chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung bị kỷ luật. Danh sách này sẽ ngày càng dài hơn sau đại hội 13 khi "phe thắng cuộc" của ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chiến dịch "đốt lò". 

Theo AFP, trong vài năm qua, đã có 9 ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 2016 – 2021 bị kỷ luật, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị. Chín đảng viên chóp bu nầy gồm : Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, Tất Thành Cang, nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Triệu Tài Vinh, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương, Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng Chính phủ, Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trần Quốc Cường, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Nguyễn ĐứcChung, Chủ tịch Thành phố Hà Nội.

Kỷ luật là chiêu trò che giấu hiện tượng đấu đá & chia bè kết nhóm không khoan nhượng nhau trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam. Ngày 28/08/2020, báo Người Lao Động nêu câu hỏi : "Đằng sau "quốc tịch đảo Síp" của ông Phạm Phú Quốc là gì" ?  và nhấn mạnh : "Vụ việc Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc trở thành công dân Cộng hòa Cyprus (Síp) không chỉ là chuyện cá nhân, mà quan trọng hơn là nhận diện ra "phần chìm của tảng băng".

"Phần chìm của tảng băng" chính là một cuộc tháo chạy, bề ngoài thì âm thầm kín đáo, nhưng rất quyết liệt của rất nhiều quan chức Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng tờ báo ấy không dám nêu ra (1).

Thực trạng về hành xử của đảng viên các cấp đang phản ảnh cho nhân dân & quốc tế nhìn thấy rõ vấn nạn tham nhũng, uy tín của Ban lãnh đạo và Đảng cộng sản Việt Nam chính là một nguy cơ lớn cho đảng nầy.

dcsvn5

Đại hội XII của Đảng ban hành nhiều quy định, chỉ thị nhằm chấn chỉnh công tác tổ chức - cán bộ, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bước đầu kiểm soát, ngăn chặn được "nhóm lợi ích" - Ảnh : TTXVN

IV. Nhóm lợi ích trong ngoài đảng và Tuyên giáo & Tuyên truyền đã hoàn toàn thất bại

Dường như bắt đầu từ lúc Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận cuộc chơi với phương Tây làm cho hầu hết các viên chức được đi đây đi đó trở nên "nhạt đảng phai đoàn".

Nhóm lợi ích trong ngoài đảng

Trước thềm Đại hội 13, tình hình thực sự của chế độ và Đảng cộng sản Việt Nam đã được chuyên gia nội chính của họ phổ biến ngay trên báo điện tử Tạp chí Cộng sản, dưới tựa đề "Kiểm soát, ngăn chặn "nhóm lợi ích" ở Việt Nam hiện nay" ngày 12/4/2020, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm "Giải phóng" !, chính thức như sau : 

"…đã xuất hiện ngày càng nhiều "nhóm lợi ích" tiêu cực, đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là ở những ngành, lĩnh vực quan trọng, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, như quản lý đất đai, tài chính – ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên. Thậm chí, "nhóm lợi ích" tiêu cực còn xuất hiện ở một số ngành, lĩnh vực vốn vẫn được coi là tôn nghiêm, liên quan đến an ninh quốc gia, như công tác tổ chức – cán bộ, phòng, chống tội phạm… Một loạt vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian gần đây liên quan đến nhiều tổ chức đảng, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cao cấp cho thấy "nhóm lợi ích" đã leo cao, luồn sâu vào trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ".

Những vụ việc bị lộ mới đây như vụ ‘Đường-Nhuệ’ ở Thái Bình xãy ra dưới thời Bí thư Thái Bình là Trần Cẩm Tú, vụ Nguyễn Quang Thuấn và vụ Bộ trưởng Kế hoạch & đầu tư Nguyễn Chí Dũng đi Ấn Độ & Anh Quốc trở về bị lộ ngay trong thời dịch Covid-19 đã đẩy mạnh nguy cơNhóm Lợi Ích / Tư Bản Thân Hữu của Đảng cộng sản Việt Nam lên gần đỉnh điểm.

Bởi vì tình trạng chung hiện nay là những người có quyền lực đều tìm cách củng cố quyền lực riêng bằng cách xây dựng các nhóm lợi ích làm sân sau cho mình. Họ rình rập nhau, khi thì thỏa hiệp giai đoạn, khi cần lại thanh toán nhau. Uy tín họ không cao, thế lực riêng của mỗi nhân vật không đủ mạnh để áp đảo các phe nhóm đối thủ nên kèn cựa vẫn tiếp diễn.

Những người sống ở các xã hội mở phương Tây, có dịp tiếp xúc với các viên chức Việt Nam, thường nhận xét rằng những người "cộng sản" này không bao giờ thích khi người ta gọi họ là cộng sản, hay hỏi họ về sự vận hành của guồng máy cộng sản thành công ra sao. Không rõ sự ái ngại này của những viên chức cộng sản Việt Nam bắt đầu từ lúc nào, nhưng dường như nó bắt đầu từ lúc Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận cuộc chơi với phương Tây làm cho hầu hết các viên chức được đi đây đi đó trở nên"nhạt đảng phai đoàn".

Đây là một mối nguy lớn của Đảng cộng sản Việt Nam, phát sinh từ thực tế là tư tưởng Mác-Lê đã bị lịch sử nhân loại vượt qua kể từ đầu thế kỳ 21 & mất hết sức sống nên tất cả các đảng theo Mác-Lê đều phát sinh vi trùng chính trị kinh tế "nhóm lợi ích" bên trong đảng và bên ngoài xã hội. 

Tuyên giáo & Tuyên truyền đã hoàn toàn thất bại

Lĩnh vực Tuyên giáo & Tuyên truyền suốt hơn 30 năm qua, từ thời kỳ đổi mới 1986 đến năm 2020 nầy hầu như hoàn toàn thất bại do đặc tính thế giới mở và thông thoáng toàn cầu hóa mà tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam đã không theo kịp, vì họ vẫn loay hoay theo lối mòn cũ của thời kỳ "bao cấp" suốt 50 năm trước 1990.

Nhiều nhà báo của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi làm cho uy tín của Tuyên Giáo sút giảm thậm tệ. Tuyên truyền thất bại vì người dân không nghe theo tuyên giáo Đảng, chỉ làm theo khi nào bị buộc phải làm theo mệnh lệnh vì sợ hãi quyền lực của công an. Một sự kiện đáng quan tâm là Đảng cộng sản Việt Nam đã huyền thoại hóa ông Hồ thành bậc Thánh, thay vì là một nhà chính trị rất "Người" và rất "nổi tiếng" của Việt Nam, bởi vì Internet phổ biến toàn cầu đã phổ thông tại Việt Nam làm cho thông tin đa chiều tác động mạnh vào mức độ chính xác của tuyên giáo.

Ví dụ như chế độ cộng sản Việt Nam đã bịa đặt sự kiện "Bác Hồ đã đóng góp quý báu vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới", nhưng thật sự thì có dân tộc nào trên thế giới đã áp dụng phương pháp của "Bác Hồ" vào nước họ đâu !

Hô hào của tuyên giáo ta kiểu như "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản" thật là chủ quan & duy ý chí rất tai hại, vì lẽ các nước không có "cách mạng vô sản" nhưng đang giàu mạnh & văn minh chính là sự phản bác tự nhiên đánh vào tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam một đòn nặng & rất khó gỡ. Nó có tác động ngược lại với những gì tuyên giáo cộng sản cố gắng tuyên truyền.

Nếu phong trào học tập và làm theo gương "đạo đức của Bác Hồ" suốt 20 năm nay là thiết thực và hiệu quả thì tình trạng tham nhũng, cửa quyền, vi phạm kỷ luật Đảng, phạm tội hình sự trong đội ngũ cán bộ đảng viên cộng sản đã không ngày một trầm trọng như người dân đang chứng kiến. Xã hội Việt Nam ngày nay đã khác nhiều so với thời "bao cấp". Người ta không thể muốn nói gì cũng được.

Mạng xã hội đem lại một khối lượng tin tức đa chiều, phong phú. Dân chúng và cả cán bộ đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam có thể dễ dàng nhận được loại tin mà lãnh đạo không muốn họ biết. Ca ngợi quá lố, thần thánh hóa và tuyên truyền quá lố đúng là gián tiếp gây ra tác dụng trái ngược và tương phản rất bất lợi cho chính mình, chẳng thà khéo léo và không làm như thế còn có lợi hơn.

Thêm nữa là Chỉ thị 23 của Ban Bí thư (Khóa IX) về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh hoặc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã bị sách lược chống tham nhũng của Đảng gây phản ứng ngược & phơi bày trước quần chúng (Bí thư Hồ Xuân Mãn ở Huế là một trong vô số ví dụ điển hình, song song với Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Sơn, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Đức Chung, v.v…).

Ngược là vì từ đầu Thế Kỷ 21 đến nay truyền thông công chúng xâm nhập mọi ngõ ngách trên quy mô toàn cầu nên sự thật khó bị che giấu và xuyên tạc. Cuộc cách mạng Internet hiện nay và 5G trong vài năm tới đây khiến vòng kiềm tỏa của Đảng cộng sản Việt Nam về mặt thông tin tuyên truyền hoàn toàn thất bại. Họ đã cố gắng hạn chế và ngăn chặn mạng xã hội nhưng thất bại.

Trong những nỗ lực tuyệt vọng, họ thậm chí đã dùng tới giải pháp hạn chế băng thông giao lưu quốc tế khi có những sự kiện nhạy cảm diễn ra. Thuật ngữ "Cá mập cắn cáp viễn thông quốc tế" là một thực tế được sáng tạo ra bởi cơ quan kiểm duyệt tư tưởng của Đảng (Tuyên giáo).

Chế độ của Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không thể chặn được việc giao lưu thương mại, đầu tư, văn hóa của Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Họ cũng không thể chặn lại sự giao lưu về tư tưởng và khao khát ngày một lớn về tự do, về quyền con người và về quyền công bằng giữa người với người trong việc có cơ hội đồng đều nhau để mưu cầu thăng tiến. Tất cả những bất cập trên đều sẽ là những thứ khiến chế độ cộng sản hiện nay rồi sẽ phải chấm dứt.

Nguy cơ nầy có thể tóm gọn là Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam đang tuyên truyền ngược vì dân trí đã vượt qua sự mù quáng nhờ truyền thông đa chiều trong và ngoài nước. 

Ghi chú :

(1)Đằng sau "quốc tịch đảo Síp" của ông Phạm Phú Quốc là gì ?

--------------

V. Hai sự kiện nhỏ thành nguy nan lớn 

dcsvn6

Cuối tháng 10/2019, 39 thanh niên Việt Nam chết ngạt trong một xe đông lạnh tại Anh quốc trên đường nhập cảnh bất hợp pháp.

 

Có hai sự kiện tưởng nhỏ nhưng đủ để khẳng định thêm một nguy nan lớn cho đảng cộng sản Việt Nam

Một là, cuối tháng 10/2019, 39 thanh niên Việt Nam chết ngạt trong một xe đông lạnh tại Anh quốc trên đường nhập cảnh bất hợp pháp. 

Họ đã bỏ ra một số tiền tương đương với tài sản của nhiều gia đình trung lưu Việt Nam cho một cuộc phiêu lưu rất hiểm nghèo mà nếu thành công chỉ cho phép họ rời bỏ đất nước Việt Nam để sống cuộc đời của những "người rơm", nghĩa là những người không có một giá trị gì, kể cả sự hiện hữu hợp pháp, tại một nước khác. Vụ nầy làm cho "cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đối với quốc tế ngày nay xuống thấp nhất, nếu không muốn nói là tiêu tan". Đất nước lộng lẫy đến nỗi thanh niên phải liều mạng bỏ đi !

Hai là, năm 2020 đã bắt đầu với vụ Đồng Tâm. 

dcsvn7

Năm 2020 đã bắt đầu với vụ Đồng Tâm. 

Sự kiện Đồng Tâm xảy ra đêm 09/01/2020 đang phản ảnh tất cả các vấn nạn nội bộ của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam về cơ chế vận hành chính sách và bộ máy nhân sự đầy bệnh tật, độc ác, vô trách nhiệm và bất tài. Hậu quả vụ việc Đồng Tâm đang làm cho tuyệt đại đa số đảng viên nhạt đảng phai đoàn, còn quần chúng ngoài đảng thì sôi sục lòng oán hận

Sự cố này nói lên hiện tình của đất nước và chân dung của chế độ. Chế độ cộng sản Việt Nam này tuy vẫn còn tiếp tục nhưng đã mất hết ý chí, lý tưởng và đạo đức, hơn nữa đã rã rời và kiệt quệ. Nguy cơ thực tế nầy ngày càng tác động sâu rộng lên toàn thể khối đảng viên của Đảng và Nhà Nước cộng sản Việt Nam. 

Vụ việc Đồng Tâm in đậm biểu tượng giữa tội ác và lương tâm trong lịch sử và chất vấn mọi người từ trong Đảng cộng sản Việt Nam đến ngoài xã hội, tương tự như vụ án ‘cánh đồng Nọc Nạn’ dưới thời thực dân Pháp. Đại bộ phận đảng viên tử tế của Đảng vì vậy mà nhạt đảng xa đoàn. Hơn nữa, khi Đảng cộng sản Việt Nam đem lực lượng công an lén lút ban đêm đến giết hại một đảng viên lão thành (cụ Lê Đình Kình, 58 tuổi đảng) hết lòng tin tưởng vào Đảng thì rõ ràng Đảng nầy đã xử sự y như Mafia. 

Luật pháp của các chế độ độc tài toàn trị chỉ có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ tính chính danh cho chế độ, bằng mọi giá. Công lý của chế độ toàn trị cũng bằng mọi phương thức nhằm "duy trì trật tự của xã hội" để tầng lớp cai trị tự do lộng hành. Nguyên tắc tồn tại của mọi chính thể toàn trị là dựa trên sự sợ hãi của dân chúng. Cai trị bằng bạo lực là cách duy nhất mà chế độ chuyên chế cộng sản Việt Nam áp dụng. 

Đảng cộng sản Việt Nam xét xử vụ án Đồng Tâm từ 07/09/2020 đến 10/09/2020 theo đúng bản chất đấu tố trước "tòa án nhân dân". Không cần chờ đến hết phiên tòa xét xử với đủ thứ kịch tính giả tạo, bản án vụ Đồng Tâm đã được soạn thảo từ trước. 

Phiên xử 29 nông dân Đồng Tâm trước tòa án Nhân Dân tại Hà Nội từ ngày 07 tới 10/09/2020 là một trò hề giả mạo công lý (travesty of justice) bằng công cụ khủng bố "Toà án Nhân dân" của Đảng cộng sản Việt Nam không hơn không kém so với trò khủng bố trong "cải cách ruộng đất" hồi năm 1956. 

Kẻ giết người là công an cộng sản Việt Nam đã lấy chiếc nón của mình đội lên đầu nạn nhân và xử nạn nhân về tội giết người ! Bộ Công an đã lên kế hoạch 419A tấn công xã Đồng Tâm lúc 3 giờ sáng ngày 09/01/2020 có phối hợp qui mô với nhiều đơn vị chuyên ngành nhưng lại xét xử vu cáo cho 29 nạn nhân tội chuẩn bị kế hoạch tấn công lực lượng công an. 

Tội do chính các lực lượng công an gây ra nhưng nạn nhân phải chịu trách nhiệm ! 

Một cách vô liêm sỉ, cái gọi là "Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội" của nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa lại tuyên xử hoàn toàn dựa vào những lời cáo buộc của công an, chứ không dựa trên cơ sở chứng cứ và thực nghiệm hiện trường, để tuyên 2 án tử hình cho 2 người con trai cụ Lê Đình Kình, một án chung thân và nhiều án tù cho người dân xã Đồng Tâm – Hà Nội. 

Vụ tấn công vào dân và khủng bố bằng "tòa án nhân dân" nầy gây chấn động quốc tế và đang được ghi vào lịch sử như một vết nhơ của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Chỉ trong chế độ công an trị của Đảng cộng sản Việt Nam, tòa án mới có thể ngồi xổm lên các thủ tục tố tụng và ung dung dùng lời cáo buộc của kẻ giết người là công an làm chứng cứ tử hình nạn nhân. Nó thể hiện sự trâng tráo đến độ trơ trẽn của một chế độ "mạnh vì xạo, bạo vì xiềng". Với các chế độ chuyên chế thì bạo lực là độc quyền và là cách mà nó duy trì sự tồn tại. 

Vụ án Đồng Tâm đã chứng minh việc chế độ chuyên dùng bạo lực để hành xử với đảng viên trong nội bộ như một sự vụ nghiêm trọng với số lượng "bị cáo" rất đông và có sự đồng thuận có tổ chức. Con người có thể vì sợ hãi mà phải chạy trốn, nhưng cũng có thể vì sợ hãi mà liên kết với nhau để tự vệ, nhất là trước bạo quyền. Và sự liên kết đó là điều mọi chế độ chuyên chế rất sợ hãi. 

Những ai còn hy vọng có thể tham gia cải thiện chế độ cộng sản Việt Nam và chuyển hoá chế độ nầy thành dân chủ, cần xem xét vụ thảm sát Đồng Tâm lúc 3 giờ sáng ngày 09/01/2020 và phiên xử của "tòa án nhân dân" từ ngày 07 đến 10/09/2020 tại Hà Nội để có thể đoạn tuyệt với suy nghĩ đó. 

Bản chất của các chế độ chuyên chế và toàn trị là không ngừng sa đọa bởi vì quyền lực đã bị tha hoá. Vụ án Đồng Tâm chỉ rõ Đảng ám sát một đảng viên lão thành với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và hết lòng tin tưởng vào Đảng. 

Hôm 16/09/2020, các tổ chức nhân quyền quốc tế và báo chí nước ngoài vừa lên tiếng chỉ trích chính quyền Hà Nội về bản án nặng nề đối với các nông dân tranh đấu vì quyền đất đai ở Đồng Tâm, đồng thời cảnh báo những bất ổn từ chính sách đất đai gây tranh cãi của Việt Nam. 

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), cho biết phiên tòa kết thúc hôm 14/9 không mang tính độc lập : "Nhà cầm quyền của Việt Nam đang dốc mọi nỗ lực để thể hiện bộ mặt cứng rắn nhất có thể. Bởi vì họ lo sợ rằng phản ứng bất chấp của cộng đồng Đồng Tâm có thể lây lan". 

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Ming Yu Hah, Phó Giám đốc Đông Nam Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi đây là "một phiên tòa bất công trắng trợn". Tòa sơ thẩm ở Hà Nội ngày 14/9 đã tuyên hai án tử hình đối với hai bị cáo về tội "giết người" và các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân đối với 27 người khác bị quy chụp là phạm tội "chống người thi hành công vụ" hoặc "giết người". 

Bài báo trên trang The Diplomat hôm 15/09/2020 của tác giả Sebastian Strangio nêu rõ "Nhà cầm quyền Việt Nam đã sử dụng phiên tòa Đồng Tâm để gửi đi một thông điệp cứng rắn".

Nhận định rằng vụ án Đồng Tâm cho thấy những căng thẳng ngày càng gia tăng xung quanh vấn đề đất đai ở Việt Nam, ông Strangio viết : "Bản án cho thấy quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc dập tắt bất kỳ sự khuấy động nào của tình trạng bất ổn nông dân". 

Tác giả Strangio lý giải : "Phần lớn vấn nạn này xuất phát từ sự mờ nhạt của lợi ích công và tư trong hệ thống hỗn hợp "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam, nơi mà đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng nhà nước được quyền thu hồi hoặc tịch thu để phục vụ cho "mục đích chung". 

Theo ông, sự gia tăng các tranh chấp đất đai gần đây đặt ra một thách thức đặc biệt gai góc đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn từng được nông dân ủng hộ đáng kể trong chặng đường cách mạng dài để cướp chính quyền 1930-1945. 

Ông Strangio nhận định : "Trong khi đang chờ những cải cách đáng kể về hệ thống quản lý đất đai phức tạp của Việt Nam, tình hình có thể gây ra nhiều lo lắng và tuyệt vọng hơn : đó chính là sự phản kháng mạnh mẽ mà chính nghĩa cộng sản từng khơi dậy trước đây, sẽ quay đầu chống lại Đảng cầm quyền". 

Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ và là một chuyên gia về Việt Nam, hôm 14/09/2020 viết trên trang Asia Sentinel cho rằng phản ứng tàn nhẫn của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với các cuộc đụng độ ở Đồng Tâm là "một nỗ lực để làm sạch" những vấn đề xảy ra vào tháng Giêng 2020, mà theo ông lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã "đồng tình trong việc che đậy những tội ác của công an khi cuộc đụng độ nổ ra khiến ba công an thiệt mạng" và phiên tòa vừa qua "chỉ là một phiên tòa trình diễn". 

Trong bài Vietnam’s Dong Tam Incident : the Curtain Falls (tạm dịch Vén bức màn vụ án Đồng Tâm), ông David Brown viết : "Ở Việt Nam ngày nay, những cuộc biểu tình phản đối bất công của nông dân là một câu chuyện quen thuộc. Ông Lê Đình Kình dường như đã thuyết phục chính mình, các con trai của ông, bạn bè và những người hàng xóm rằng công lý, chứ không phải là văn bản của pháp luật, luôn đứng về phía họ, dù với hậu quả bi thảm". 

Ông David Brown viết tiếp : "Trong học thuyết của Đảng cộng sản Việt Nam và luật pháp cộng sản Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước nhân danh họ quản lý. Nếu nông dân kiên trì khẳng định quyền của họ đối với các mảnh đất khi Đảng/Nhà nước đã ra lệnh sử dụng nó vào mục đích khác, ngay cả khi họ chỉ khăng khăng đòi được trả những gì xứng đáng, họ có nguy cơ bị gắn mác "bạo loạn và khủng bố", buộc phải bị loại bỏ, và trong những trường hợp muốn răn đe nêu gương, họ bị truy tố". 

Vì vậy, Việt Nam cần một cuộc "cách mạng tư tưởng" bắt đầu từ trí thức và những người có hiểu biết."Chế độ cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể sửa chữa" là đúc kết cuối đời của cựu tổng thống đầu tiên và cuối cùng của Liên bang Xô Viết Mikhail Gorbachev.

Hai sự cố nhỏ này nói lên hiện tình lớn của đất nước và chân dung của chế độ.

Đan Tâm

Nguồn : VNTB 18/10/2020

Published in Tư liệu