Kịch bản HNA gần như chắc chắn sẽ được dùng cho nhiều tổ hợp và tổng công ty khác để Trung Quốc chạy nợ rồi sau đó co cụm lại trong một thế giới riêng khép kín, điều mà với diện tích và dân số của mình Trung Quốc có thể làm. Bắc Kinh không có giải pháp nào khác. Trên thực tế kinh tế Trung Quốc đã phá sản dù chưa nhìn nhận.
Trụ sở Trung tâm giao dịch sàn chứng khoán Thâm Quyến-Hồng Kông - Ảnh minh họa
Tôi hy vọng mình lầm. Cả thế giới đang xôn xao vì dịch cúm COVID-19, hay Coronavirus, nhưng điều nghịch lý nhất là một sự kiện chưa được các chuyên gia bình luận. Nó có thể rất quan trọng và đánh dấu một khúc quanh lớn của thế giới. Mọi thị trường chứng khoán trên thế giới đều suy sụp trong một tuần qua, các chỉ số chứng khoán trên khắp thế giới đều xuống 10%, hoặc hơn, trong khi chỉ số của Thâm Quyến đáng lẽ phải chao đảo hơn hẳn lại mạnh lên. Có một điều gì đó rất không bình thường cần được nhìn rõ.
Thực trạng như thế này : Dịch COVID-19 cho đến hôm nay, 28/02/2020, đã làm hơn 85.000 người nhiễm trùng và gần 3.000 người chết. Khoảng 95% nạn nhân, nhiễm trùng cũng như tử vong, là người Hoa tại Hoa Lục. Mọi hoạt động tại Trung Quốc đều dừng lại, các thành phố lớn vắng tanh như những thành phố chết. Dịch COVID-19 lan truyền khá nhanh, cho đến nay đã có hơn 50 nước có người mắc bệnh. Trong gần một tháng kể từ khi bệnh dịch này được Bắc Kinh chính thức công bố, các thị trường chứng khoán hình như coi nó là không nghiêm trọng và các chỉ số vẫn gia tăng đều đặn cho đến ngày 19/02. Từ ngay 21/02 tất cả đều suy giảm nhanh chóng. Hôm nay, 28/02/2020, so với ngày đầu năm 2020 chỉ số Dow Jones (Mỹ) đã mất -9,71%, Nikkei (Nhật) mất -10,63%, FTSE (Anh) mất -12,87, CAC 40 (Pháp) -11,62. Điều đáng ngạc nhiên là tại Trung Quốc, nơi phát sinh bệnh dịch và tập trung 95% nạn nhân, thay vì bị sa sút dữ dội nhất, 30% hay 40%, các chỉ số chứng khoán lại rất vững vàng, riêng chỉ số Thâm Quyến còn tăng lên ở mức khó tưởng tượng +10,60%. Chỉ số Thương Hải chỉ sụt 3% trong ngày hôm nay 28/02, khi cả thế giới hốt hoảng, trước đó không hề bị dao động. Phải giải thích thế nào tình trạng vô lý này ?
Giải thích hợp lý nhất là dịch COVID-19 đang cống hiến cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là tại Thâm Quyến, trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, một cơ hội để xóa nợ.
Kịch bản HNA
Các thị trường chứng khoán trên thế giới bắt đầu dao động khi chính quyền Trung Quốc quyết định cho phá sản tổ hợp HNA. Ngay lập tức trị giá cổ phiếu của một số công ty con của HNA tăng vọt 10% trong khi các chỉ số chứng khoán thế giới đều sụt giá và từ đó tiếp tục sụt giá, trừ Thượng Hải và nhất là Thâm Quyến . Kich bản HNA giúp ta hiểu những gì đang xảy ra.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới bắt đầu dao động khi chính quyền Trung Quốc quyết định cho phá sản tổ hợp HNA. Ảnh Trụ sở Tổ hợp HNA tại Hải Nam (Getty Images)
Từ công ty Hàng Không Hải Nam (Hainan Airlines) HNA đã được nâng lên thành một tổ hợp ít lâu sau khi Tập Cận Bình lên cầm quyền với tham vọng biến Trung Quốc thành cường quốc số 1 thế giới. Một trong những dự án lớn của Tập là biến đảo Hải Nam thành trung tâm du lịch lớn chưa từng có với tất cả những phương tiện giải trí hiện đại nhất, kể cả các sòng bài. Theo tham vọng này, Hải Nam trong một tương lai gần sẽ giầu sang ngang với Singapore nhưng lớn gấp 50 lần. Hàng trăm tỷ đô la đã được đổ vào đảo này và một trong những cột trụ của dự án vĩ cuồng này là phát triển HNA thành tổ hợp du lịch và chuyên chở lớn nhất thế giới.
HNA bành trướng một cách chóng mặt, mua vô số tích sản đủ loại, công ty hàng không, khách sạn, nhà hàng, phi trường, hải cảng, ngân hàng, địa ốc v.v. và cả IT. Vào năm 2018 Tổ hợp HNA được biết tới như là một trong những tổ hợp lớn nhất thế giới với tích sản 230 tỷ USD, gồm hơn 20 công ty hàng không, hơn 2.000 khách sạn và hàng trăm công ty con đủ loại. Nhưng lỗ nặng. Số thương vụ chỉ hơn 50 tỷ USD mà nợ gần 100 tỷ USD, hàng năm phải trả hơn 5 tỷ USD tiền lãi các món nợ. Tình trạng khó khăn đến nỗi không vay được nữa và phải bán dần tích sản để trả nợ. Tổ hợp đang bế tắc thì chủ tịch Vương Kiện (Wang Jian) chết vì ngã vách núi tại Pháp một cách khó hiểu. Tình trạng ngày càng phức tạp hơn. Rồi hai tuần trước đây chính quyền Hải Nam (thực tế là Bắc Kinh) thông báo quyết định giải thể tổ hợp hợp doanh này. Ngay lập tức cổ phần của các công ty con tăng vọt lên hơn 10%.
Tình trạng ngộ nghĩnh này thực ra không khó hiểu. Lý do giản dị là phần lớn tài sản của HNA đã được chuyển sang các công ty con và các công ty này từ nay không còn phải chịu gánh nặng của một bà mẹ hấp hối nữa, thí dụ như đóng góp để trả nợ. Các ngân hàng và quỹ đầu tư chủ nợ của HNA có thể đòi nợ nhưng thủ tục sẽ kéo dài nhiều năm và đàng nào cũng chi đòi lại được môt phần rất nhỏ vì chính quyền Trung Quốc được quyền ưu tiên sai áp.
Tổ hợp HNA đang bế tắc thì chủ tịch Vương Kiện chết vì ngã vách núi tại Pháp ngày 4/7/2018 một cách khó hiểu.
Nhưng bằng cách nào HNA đã có thể chuyển giao tài sản sang các công ty con ? Đó là phương thức "trao đổi nội bộ" mà các tổ hợp đa quốc thường dùng để chạy thuế. Thí dụ một công ty con A ở một nước X có tỷ lệ thuế 40% tiền lời được lời 100 triệu. Công ty này bình thường phải trả 40 triệu tiền thuế. Công ty A này có thể nhận lệnh của tổ hợp mẹ để mua của một công ty con B của tổ hợp, ở một nước Y nào đó mà tỷ lệ thuế trên tiền lời chỉ là 10%, một số sản phẩm hay dich vụ trị giá 50 triệu nhưng giá thực chỉ là 10 triệu. Như thế tổ hợp đa quốc đã chuyển 40 triệu từ công ty con A sang công ty con B và "chạy" được 12 triệu tiền thuế. Trao đổi nội bộ là phương thức chạy thuế mà hầu như tổ hợp đa quốc nào cũng dùng. Trong thí dụ này tổ công ty A có thể là chính tổ hợp HNA và công ty B có thể là một công ty Trung Quốc ở Thâm Quyến. Trao đổi nội bộ trong trường hợp này đồng nghĩa với tẩu tán tài sản trước khi giải tán và quỵt nợ. Đó chắc chắn là điều mà Bắc Kinh đã làm trước khi cho HNA phá sản. Số tiền nợ gần 100 tỷ USD coi như mất hết. Nếu các chủ nợ đòi lại được 10 tỷ sau nhiều năm tranh tụng cũng là rất may.
Chạy nợ rồi co cụm lại, hậu quả sẽ ra sao ?
Kịch bản HNA gần như chắc chắn sẽ được dùng cho nhiều tổ hợp và tổng công ty khác để Trung Quốc chạy nợ rồi sau đó co cụm lại trong một thế giới riêng khép kín, điều mà với diện tích và dân số của mình Trung Quốc có thể làm. Bắc Kinh không có giải pháp nào khác. Khối nợ của Trung Quốc có mọi triển vọng đã vượt quá 40.000 tỷ USD, gấp 3,5 lần GDP và không thể chịu đựng được nữa trong một nước mà thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ xấp xỉ 8.000 USD mỗi năm. Trên thực tế kinh tế Trung Quốc đã phá sản dù chưa nhìn nhận.
Trong một loạt bài trước đây (1) tôi đã nhận định rằng kinh tế Trung Quốc không tránh khỏi sụp đổ vì những sai lầm quá lớn về chính sách. Dịch COVID-19 là một lý cớ để biện minh cho sự suy sụp đồng thời cũng là một cơ hội để xóa nợ rồi co cụm lại. Người ta có thể nhận xét là Bắc Kinh đã bắt đầu co cụm lại từ hơn một năm nay. Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative) từng được khoa trương rầm rộ như là một sáng kiến thiên tài sẽ đưa Trung Quốc lên ngôi bá chủ hoàn cầu không còn được nhắc tới nữa.
Một câu hỏi có thể được đặt ra là có gì khác biệt giữa Thâm Quyến và Thượng Hải khiến chỉ số chứng khoán Thâm Quyến tăng hơn 10% trong khi Thượng Hải chỉ giữ được mức ổn định ? Câu trả lời là đáng lẽ cả hai thị trường chứng khoán này đều phải sụp ít nhất 30%, cả hai đều đã rất may mắn, nhưng Thâm Quyến còn được ưu đãi hơn. Từ một làng đánh cá nhỏ, Thâm Quyến đã được khai sinh ra cùng với chính sách Hiện Đại Hóa của Đặng Tiểu Bình năm 1980 để làm biểu tượng và niềm tự hào của sự trỗi dậy của Trung Quốc. Vì thế Thâm Quyến cũng là căn cứ tử thủ của Đảng và Chế độ cộng sản Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc là kinh tế hoạch định và Bắc Kinh có thể ra lệnh cho các tổ hợp và tổng công ty phải đặc biệt ưu đãi nhưng công ty con tại Thâm Quyến.
Trở lại với khối nợ 40.000 tỷ USD mà Trung Quốc không thể trả, chủ nhân khối nợ này là những ai ?
Không thể chỉ là các ngân hàng hay các công ty hay thường dân Trung Quốc. Trung Quốc đã khánh tận đến mức chết đói sau cuộc phiêu lưu Bước Nhảy Vọt rồi cuộc Cách Mạng Văn Hóa và chỉ bắt đầu phát triển từ 1980 nhờ chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Những gì đã làm ra và tích lũy được từ năm 1980 họ đã tiêu hao trong chính sách kinh tế chạy trốn về phía trước từ sau cuộc khủng hoảng 2008 và trong cuộc đào thoát ồ ạt ra nước ngoài của tư bản từ nhiều năm nay. Trung Quốc không đào đâu ra được 40.000 tỷ USD. Một phần lớn khối nợ này là tiền vay, một cách trực tiếp hay gián tiếp, từ những ngân hàng và quỹ đầu tư nước ngoài, đa số là Mỹ. Sự kiện nhiều quỹ đầu tư Mỹ cho Trung Quốc vay tiền là những quỹ hưu bổng cũng tạo ra nguy cơ bất ổn xã hội tại Mỹ khi Trung Quốc quỵt nợ làm các quỹ này khốn đốn.
Chúng ta có thể sắp chứng kiến một cuộc khủng hoảng rất lớn khi thực tế đã chứng tỏ một cách không thể chối cãi rằng Trung Quốc đã chọn quỵt nợ để sau đó co cụm lại. Đừng quên rằng cuộc khủng hoảng 2008 đã nổ ra khi chỉ một ngân hàng đầu tư Lehman Brothers phá sản.
Nguyễn Gia Kiểng
(28/02/2020)
(1) Hồ sơ về sự sụp đổ của Trung Quốc (Nguyễn Gia Kiểng)
Virus corona : Ca nhiễm ở Hàn Quốc vượt quá 2000 (RFI, 28/02/2020)
Theo số thống kê chính thức mới nhất vào hôm nay 28/02/2020, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 571 trường hợp lây nhiễm virus corona trong vòng 24 tiếng đồng hồ, đẩy tổng số ca nhiễm lên thành 2337.
Các nhân viên y tế tiến hành tẩy trùng tại một trạm tàu điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 28/02/2020 Reuters/Kim Hong-Ji
Số liệu do Trung Tâm Phòng Ngừa và Kiểm Soát Dịch Bệnh Hàn Quốc công bộ xác nhận thêm chiều hướng bắt đầu xuất hiện từ hôm qua : Hàn Quốc đã vượt cả Trung Quốc với số lượng ca lây nhiễm hàng ngày cao nhất thế giới. Hôm nay, Trung Quốc chỉ có thêm 327 ca lây nhiễm trong vòng 24 giờ qua.
Số ca nhiễm mới được xác nhận tại Hàn Quốc chủ yếu đến từ nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa ở thành phố Daegu phía nam nước này, kế đến là từ tỉnh Bắc Gyeongsang. Đây là hai nơi tập trung các biện pháp ngăn chặn đã được các cơ quan y tế Hàn Quốc triển khai.
Anh Trần Công, nghiên cứu sinh ngành Độc học, Đại học Khoa học Quốc gia Hàn Quốc, tại Seoul cho biết thêm tình hình tại chỗ :
Nghiên cứu sinh Trần Công, tại Seoul :
"Ngày hôm nay (28/02/2020), sau khi xét nghiệm hơn 1.000 tín đồ tại Daegu, thì có tới hơn 80% tín đồ này bị nhiễm virus corona mới. Số lượng này sẽ tăng lên liên tiếp trong những ngày tiếp theo cho đến khi xét nghiệm được 100% tín đồ của giáo phái này.
Hiện tại, những người dân sống ở đây (Daegu), tâm trạng của họ đương nhiên là rất bất ổn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tuyên bố tin tưởng vào Nhà nước Hàn Quốc và các chính sách mà chính phủ đưa ra. Hiện tại có rất nhiều chương trình phát khẩu trang miễn phí do các nhóm tình nguyện phát động.
Họ đi treo các khẩu trang miễn phí tại cửa của các gia đình. Và rất nhiều nhà máy và tập đoàn đã ủng hộ, cũng như những ca sĩ, diễn viên. Ngoài ra, rất nhiều bác sĩ ở bệnh viện tư nhân đã đồng ý đến Daegu cùng với những bác sĩ ở Daegu, hiện rất mệt mỏi, để cùng dập dịch. Đã có khoảng hơn 500 bác sĩ tình nguyện.
Theo thông tin hiện tại ở Daegu, có một bệnh nhân 75 tuổi, có những biểu hiện bệnh từ trước, ông đã nhiều lần đến thăm khám. Tuy nhiên, ông vẫn chưa được nhập viện thì ông đã chết sau khi đến bệnh viện cấp cứu được 30 phút. Điều này gây hoang mang và gây sốc cho rất nhiều người đang bị cách ly ở Daegu.
Vì vậy, nhà chức trách sẽ thay đổi phương pháp cách ly, từ cách ly tất cả bệnh nhân sang việc những bệnh nhân ở thể nhẹ sẽ được cách ly tại nhà và sẽ được y tá kiểm tra nhiệt độ và các chỉ số sống 2 đến 3 lần/ngày cùng với thuốc thang. Còn những bệnh nhân bệnh nặng và đã có những tiền sử, những bệnh như cao huyết áp, suy tim, ghép gan, ghép thận, thì sẽ được cách ly tại bệnh viện và được đội ngũ y bác sĩ chăm sóc, cho thở ô xi hay cho cấp cứu ngay lập tức nếu như có bất kỳ chuyển biến xấu nào xảy ra".
BTS : Họp báo trực tuyến và hủy bỏ biểu diễn
Trước diễn biến ngày càng nguy hiểm của dịch virus corona (Covid-19), hôm nay, 28/02, nhóm nhạc Hàn Quốc nổi tiếng nhất thế giới hiện nay là BTS đã thông báo hủy bỏ 4 buổi biểu diễn ở Seoul, dự trù vào trung tuần tháng Tư sắp tới.
Theo ban tổ chức, trong tình hình hiện nay, phải đặt ưu tiên cho vấn đề an toàn và sức khỏe của hơn 200 000 khán giả dự kiến của các show diễn đó.
Cũng hôm nay, BTS đã tổ chức "họp báo" để quảng bá album mới, nhưng chỉ trên mạng, chứ không có sự tham dự của bất kỳ nhà báo hay người hâm mộ nào.
Hàn Quốc càng lúc càng bị cô lập
Một trong những hậu quả của tình trạng dịch virus corona bùng nổ tại Hàn Quốc là nước này ngày càng bị phong tỏa dưới nhiều hình thức nặng nhẹ khác nhau.
Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, tính đến hôm nay, 28/02/2020, đã có hơn 50 nước áp dụng các biện pháp hạn chế du khách đến từ Hàn Quốc bằng các lệnh cấm nhập cảnh hoặc các thủ tục kiểm dịch chặt chẽ hơn.
Cho đến hôm nay, theo bộ Ngoại Giao Hàn Quốc, đã có 27 nước cấm nhập cảnh đối với người Hàn Quốc và những ai đã đến nước này trong vài tuần lễ qua.
Trọng Nghĩa
*****************
Virus corona : Việt Nam tạm ngừng miễn visa cho khách du lịch Hàn Quốc (RFI, 28/02/2020)
Yonhap ngày 28/02/2020, thông báo, lo ngại trước dịch bệnh gia tăng tại Hàn Quốc, chính phủ Việt Nam ngừng chế độ miễn thị thực nhập cảnh với công dân Hàn Quốc du lịch Việt Nam, kể từ ngày 01/03. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết đã nhận được thông báo từ phía chính phủ Việt Nam.
Ảnh minh họa : Du khách đeo khẩu trang tham quan phố cổ Hà Nội ngày 06/02/2020. Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Truyền thông trong nước chú ý đến việc Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC), thuộc bộ Y tế Mỹ, hôm qua, thông báo đã đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có ''có biểu hiện lây lan trong cộng đồng’’ (gồm bốn nước khác là Iran, Đài Loan, Thái Lan và Singarore).
Hôm nay, phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch, làm việc với CDC và đại diện Tổ chức Y tế Thế giới về phòng chống dịch. Đại diện CDC cho biết cơ quan này có kế hoạch thăm Việt Nam cuối trung tuần tháng 3/2020 nhằm tăng cường hợp tác y tế song phương và thúc đẩy thành lập văn phòng khu vực của CDC tại Việt Nam.
Covid-19 : Số ca nhiễm mới tại Trung Quốc tiếp tục giảm
Giới chức y tế Trung Quốc ngày 28/02/2020 xác nhận có thêm 327 ca lây nhiễm mới ở Hoa lục trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Đây là con số trường hợp nhiễm virus mới thấp nhất kể từ ngày 23/01. Hôm 27/2, số liệu hàng ngày của các ca lây nhiễm mới còn là 433.
Tổng số ca lây nhiễm, từ khi dịch bùng phát tại Trung Quốc từ tháng 12/2019, đã lên đến 78.824, theo Ủy ban Y tế Quốc gia. Số người tử vong trong một ngày qua là 44 người, trong đó có 41 trường hợp ở Hồ Bắc, tâm điểm của dịch Covid-19. Tổng số người chết vì Covid-19 tại Hoa lục như vậy đã lên thành 2.788.
Trọng Thành
*****************
Covid-19 : Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc về số ca nhiễm mới hàng ngày (RFI, 27/02/2020)
Theo thống kê mới nhất do chính quyền Hàn Quốc công bố vào hôm 27/02/2020, trong vòng 24 tiếng đồng hồ vừa qua, nước này đã ghi nhận một con số tăng kỷ lục của các ca lây nhiễm virus corona : 505 trường hợp mới được xác nhận, nâng tổng số ca bị nhiễm lên thành 1.766.
Người dân Hàn Quốc xếp hàng mua khẩu trang tại một trung tâm thương mại ở Seoul ngày 27/02/2020. Reuters/Heo Ran
Điều đáng ngại là con số người bị nhiễm thêm trong một ngày tại Hàn Quốc như vậy đã vượt qua con số tăng tại tâm dịch là Trung Quốc, "chỉ" có thêm 433 ca mới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, trong số 505 ca nhiễm mới, có đến 422 trường hợp được phát hiện tại ổ dịch quan trọng nhất là Daegu, đưa tổng số ca nhiễm riêng tại Daegu lên đến 1.132, chiếm 64% bệnh nhân covid-19 trên toàn quốc.
Song song với đà lây nhiễm, số trường hợp tử vong cũng tăng thêm một người. Nạn nhân thứ 13 này là một bệnh nhân 75 tuổi, có quan hệ với giáo phái Tân Thiên Địa và nhà thờ ở Daegu.
Trong khi đó, số ca nhiễm tại những vùng khác cũng tăng với tốc độ đáng báo động. Theo truyền thông Hàn Quốc, tại hai thành phố lớn nhất là Seoul và Busan, số ca lây nhiễm virus corona cũng tăng đáng kể, với 56 trường hợp ở Seoul, và 61 ca ở Busan.
Theo hãng tin Pháp AFP, tình hình những ngày tới đây có thể còn gay go hơn nữa, với số ca lây nhiễm mới tăng vọt với kết quả xét nghiệm hơn 210.000 thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa, bị cho là xuất phát điểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc.
Giáo phái này đã chấp nhận giao danh sách và thông tin liên lạc của toàn bộ tín đồ để chính phủ Hàn Quốc bắt đầu xét nghiệm kể từ hôm qua, 26/02. Thế nhưng chính quyền vừa lưu ý là danh sách đó còn thiếu ít nhất 70.000 tín đồ vừa kết nạp, mà giáo phái này cho rằng danh sách không thể nộp được vì đó chưa phải là tín đồ thực thụ.
Tập trận chung Mỹ-Hàn bị đình hoãn
Một trong những hệ quả về mặt an ninh quốc phòng của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc là Washington và Seoul đã quyết định hoãn vô thời hạn cuộc tập trận chung thường niên vào mùa xuân, dự trù mở ra trong tháng Ba tới đây.
Đây là lần đầu tiên hai nước đồng minh Mỹ và Hàn Quốc quyết định hoãn tập trận chung do vấn đề y tế và quyết định này được cho là chắc chắn sẽ làm cho Bắc Triều Tiên hài lòng vì Bình Nhưỡng luôn luôn đả kích các hoạt động tập trận của Mỹ và Hàn Quốc.
Trọng Nghĩa
******************
Người Hàn Quốc bị nhiễm Covid-19 sau khi về từ Việt Nam (RFA, 27/02/2020)
Một người Hàn Quốc 68 tuổi sau khi từ Việt Nam về nước đã bị xét nghiệm dương tính Covid-19, theo thông tin từ chính phủ Hàn Quốc.
Hình minh họa. Khách du lịch Hàn Quốc ở một sân bay ở Israel hôm 24/2/2020 AFP
VnExpress trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 26/2 cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc cung cấp thêm thông tin về người nhiễm bệnh này.
"Bộ Y tế Việt Nam và Hàn Quốc sẽ trao đổi thông tin về bệnh nhân này qua các kênh chính thức theo các quy định về y tế quốc tế. Bộ Ngoại giao đã thông báo cho Bộ Y tế về vấn đề này", bà Hằng cho biết.
Người Hàn Quốc có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV hôm 23/2 sau khi từ Việt Nam về nước hôm 16/2.
Hiện Việt Nam đã ngưng tiếp nhận tất cả những người đến Việt Nam từ các vùng có dịch bệnh Covid-19 ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran.
Hành khách đến từ các quốc gia có dịch phải điền bảng câu hỏi kiểm tra y tế và bị cách ly 14 ngày.
Cho đến hiện nay, Việt Nam mới ghi nhận 16 ca nhiễm Covid-19 và thông báo tất cả các ca này đã khỏi bệnh.
Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào danh sách các nước có biểu hiện virus lây lan trong cộng đồng.
*****************
Covid-19 : Hàng trăm khách từ Hàn Quốc đến, các địa phương Việt Nam lo quá tải khu cách ly (RFA, 27/02/2020)
Trước tình hình lượng người đến từ Hàn Quốc đông trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số địa phương ở Việt Nam đang lo quá tải tại các bệnh viện dã chiến.
Hình minh họa. Hành khách đến sân bay Nội Bài hôm 2/2/2020. AFP
Tiền Phong hôm 27/2 trích lời của lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở Hà Nội cho biết đang có hiện tượng ùn ứ ở sân bay Quốc tế Nội Bài vì khả năng tiếp nhận của khu cách ly tập trung ở Hà Nội có hạn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết tính đến sáng ngày 27/2 việc cách ly tập trung tại trường quân sự (Bộ Tư lệnh Thủ đô) đã lên tới 650 người từ Hàn Quốc, trong đó chủ yếu là người Việt và 7 người Hàn Quốc. Dự báo số người đăng ký về Việt Nam trong ngày 27/2 là 900 người.
Trường quân sự hiện chỉ có thể tiếp nhận khoảng 800 người.
Truyền thông trong nước trích lời ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết mỗi ngày trung bình sân bay Nội Bài có khoảng 1.500 người về từ Hàn Quốc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết Sở Y tế đang phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô trình phương án lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 600 giường mỗi bệnh viện, dự kiến tổ chức triển khai khi dịch bệnh lan ra cộng đồng, với số bệnh nhân trên 3.000 người.
Giới chức tỉnh Khánh Hòa hôm 27/2 cho biết địa phương này cũng đang đối mặt với lượng người nhập cảnh từ Hàn Quốc về sân bay Cam Ranh đang tăng lên từ ngày 23 đến 26/2 vừa qua, chủ yếu là người Việt hồi hương. Lượng người về từ Hàn Quốc ở sân bay Cam Ranh trong ngày 25 và 26 là 141 và 192 người.
Hiện sân bay Cam Ranh có 3 phòng cách ly với sức chứa tối đa 100 người. Khả năng tối đa cho một lần sàng lọc, cách ly khoảng 200 người.
Giới chức y tế Khánh Hòa lo với việc áp dụng cách ly cho toàn bộ hành khách về từ Hàn Quốc, không kể từ vùng dịch, thì việc cách ly sẽ rất khó khăn do số lượng người sẽ rất lớn.
Hàn Quốc hiện là ổ dịch Covid-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc với số ca nhiễm bệnh lên đến hơn 1.700 người và 13 ca tử vong tính đến ngày 27/2.
Hàn Quốc cũng là thị trường cung cấp khách du lịch đông cho Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc.
Thống kê của chính phủ Việt Nam cho biết hiện có khoảng 200.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc.
Chửi Hàn và Hàn chửi
Trân Văn, VOA, 28/02/2020
Sự kiện 20 công dân Nam Hàn bị cách ly khi bay từ Daegu đến Đà Nẵng hôm 24/2 (1) đã khơi dậy một cuộc tranh luận dữ dội giữa nhiều người Nam Hàn và người Việt trên Twitter. Trong khi nhiều người sử dụng mạng xã hội phía Nam Hàn chỉ trích việc hệ thống công quyền Việt Nam đối xử thiếu tử tế đối với đồng bào của họ, địa điểm cách ly thiếu vệ sinh,… thì những người sử dụng mạng xã hội phía Việt Nam phê phán thái độ ngang ngược, thiếu hiểu biết của 20 công dân Nam Hàn (kháng cự yêu cầu cách ly để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý trong chuyện ăn, ở) và tường thuật sai sự thật về cách đối xử của hệ thống công quyền Việt Nam…
Sự kiện 20 công dân Nam Hàn bị cách ly khi bay từ Daegu đến Đà Nẵng hôm 24/2 ã khơi dậy một cuộc tranh luận dữ dội giữa người Hàn và người Việt - Ảnh minh họa .
Ngoài việc công kích những người sử dụng mạng xã hội ở Nam Hàn đã chỉ trích Việt Nam khi cách ly 20 người Nam Hàn từ Daegu đến Đà Nẵng bằng nhiều hashtag trên Twitter (*)và khoe với nhau như một thành tích bảo vệ quốc gia, dân tộc (2), không ít người sử dụng mạng xã hội Việt Nam còn tham gia liệt kê các thói hư, tật xấu, thậm chí phê phán cả khả năng… quan hệ tình dục của người Nam Hàn trên một số diễn đàn điện tử (3)… Trong cuộc tranh luận qua lại vừa kể, nổi lên nhận định của một người Nam Hàn tên là Seung Li nêu ra với một người Việt tên là Trinh Trinh...
Có thể tạm tóm tắt nhận định của Seung Li như thế này : Xét ở khía cạnh lịch sử thì Việt Nam là một quốc gia thảm bại, nghèo khổ nhất thế giới. Câu chuyện 39 người Việt thảm tử khi tìm đường vào Anh làm thuê hồi cuối năm ngoái chính là ví dụ. Phải nhớ, hơn 5.000 công ty Nam Hàn đóng góp đến 30% GDP của Việt Nam. Việt Nam không chỉ làm nô lệ cho Nam Hàn mà còn làm nô lệ cho những quốc gia giàu mạnh khác. Việt Nam không thể có độc lập, tương lai nếu người Việt không chịu tỉnh ra và sửa chữa sai lầm của mình. Người Việt không hiểu thế nào là dân chủ và không biết làm thế nào để đạt được điều này thành ra tốt nhất là phải chấp nhận thực tế và đừng u mê nữa (4)…
Nhiều người Việt đã chia sẻ ảnh chụp cuộc đối thoại vừa kể. Nhận định của Li cả về Việt Nam lẫn người Việt lại dẫn tới một cuộc tranh luận nữa giữa người Việt với nhau !
***
Từ nhận định của Li, Huynh Ngoc Chenh tự vấn rồi tự trả lời : Dân Hàn chửi mình có nhục không ? Có ! Nhưng thấy đúng không ? Quá đúng ! Vậy làm sao cho hết nhục ? Cho lực lượng bò đỏ ra chửi bới lại chúng nó tục tĩu và nặng nề hơn ! Sai ! Vậy phải làm gì ? Làm cho mình giàu mạnh văn minh hơn chúng nó bằng cách canh tân và dân chủ hóa đất nước ! Ngày xưa, Âu Mỹ không chỉ chửi bới, khinh miệt mà còn vỗ thẳng vào mặt dân Nhật bằng mấy quả đại bác bắn từ tàu chiến đậu bên ngoài vịnh Tokyo. Dân Nhật thấy nhục nhưng không chửi lại, chỉ âm thầm làm cách mạng lật đổ bọn cầm quyền Mạc Phủ ngu dốt và bảo thủ, học theo chính Âu Mỹ, canh tân hóa đất nước... Ngày nay Nhật văn minh, giàu mạnh ngang bằng Âu Mỹ, không còn ai dám khinh thường dân Nhật nữa (5).
Cũng với cách nhìn vấn đề như vậy, Trần Thái Hòa bày tỏ sự không đồng tình với những cá nhân mang "logo cờ đỏ" nhảy vào nhiều diễn đàn chửi dân Hàn thậm tệ bằng tiếng Anh, tiếng Việt và cả bằng "tiếng Hàn Google Translate". Theo Hòa, tuy người Hàn phát biểu hơi thô nhưng không sai, đúng là đa phần người Việt sang Hàn đi làm thuê như đầy tớ cho dân Hàn, đúng là 30% GDP của Việt Nam là từ Nam Hàn Quốc mà ra… Nếu thật sự có tự trọng dân tộc thì đừng nên làm đầy tớ cho ngoại bang, khi có đại dịch cứ đóng cửa biên giới mà không cần phải xin phép ai, lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa,… Nếu thật sự có tự trọng dân tộc thì hãy tìm cách đưa đất nước phát triển, trở thành "top" không 5 thì 10 trên thế giới. Đừng thể hiện tự ái dân tộc bằng những lời dung tục, cứ như vậy chẳng khác gì vừa nghèo, vừa vô học.
Hòa nhắc : Ai vừa phát biểu là phải lấy tinh thần Park Hang-seo làm chủ đạo để phát triển mọi lĩnh vực ở Việt Nam, nay lại quay ra chửi người Hàn thậm tệ ? Sau đại dịch này, nếu dân Hàn không còn sang Việt Nam du lịch, họ rút Samsung về Hàn hoặc dời sang Ấn Độ thì có chửi cứ tự nghe chứ ai thèm nghe. Ai chửi bới dung tục, hành xử vô văn hóa đến mức bị xếp vào một trong những xứ thô bỉ nhất thế giới ? Ai đứng đầu đội quân hết sức hùng hậu chỉ làm hai việc : Mạt sát tất cả những ai nói ngược với "đại giáo chủ" và chuyển hóa những thứ hôi thối của "đại giáo chủ" thành thơm phức ? Theo Hòa, đại dịch Corona có một điểm hay. Đó là phơi bày nhiều chuyện xưa nay dân chúng không thấy hoặc chỉ thấy lờ mờ, giờ đã rõ như ban ngày (6).
Quốc Ấn Mai khuyên người Việt khoan tức giận khi cá nhân nào đó bảo mình là hạ đẳng. Ấn tin rằng, người Hàn sẽ không dám/không thể nói như vậy với một công dân Mỹ. Đó là tâm thế ! Ở khía cạnh tâm thế, việc những bạn trẻ hôn chiếc ghế mà sao Hàn từng đặt mông có phải là hạ đẳng không ? Thượng đẳng hay hạ đẳng là vấn đề của loài người mà cá nhân, quốc gia, chủng tộc nào đó đang mặc định đầy thiên kiến. Còn bình đẳng là tâm thế khác công bằng và khó khăn hơn nhiều. Điều cơ bản là cá nhân/quốc gia/chủng tộc muốn bình đẳng thì phải có ý thức xây dựng thực lực và có thực lực, chứ không phải tự sướng với nhau quang vinh, muôn năm, về ánh dương chiếu rọi, thời đại rực rỡ, thế nước đang lên,… Cách hành xử như đã thấy của một công dân Nam Hàn phải chăng vì người Việt/nước Việt đã cho họ "điều kiện" phát triển tâm thế "bề trên" như vậy ?
Quốc Ấn Mai đề nghị, hãy nhìn thực trạng quốc gia trước, trong và sau dịch corona để điểm lại xem người Việt/nước Việt có thực lực gì để ngẩng cao đầu ?.. Đó không thể là những trận thắng bóng đá cấp độ ao làng. Càng không phải là thứ GDP cao vút nhờ FDI, bán tài nguyên hay tăng thuế phí và huỷ hoại môi trường… Chí ít cũng phải thấy mình có sự bình đẳng trong ngoại giao, ví dụ như biển Đông. Bình đẳng thực sự chưa bao giờ là "chúng tôi cực lực phản đối" mãi thành nhàm. Kể cả chuyện tham nhũng... ổn định đều đặn tàn phá quốc gia nữa. Quốc Ấn Mai thắc mắc : Chẳng lẽ để câu "hèn với giặc, ác với dân" lưu truyền hoài trong dân gian, để những kẻ kiếm lợi từ đầu tư vào Việt Nam coi thường mãi và những biển cảnh báo ăn cắp bằng tiếng Việt xuất hiện nhiều nơi ở nước ngoài… Cứ thế thì coi sao đặng (7) ?
***
Những suy nghĩ, nhận định của Huynh Ngoc Chenh, Trần Thái Hòa, Quốc Ấn Mai có đáng ngẫm không ? Thiên Nhiên – thân hữu của Huynh Ngoc Chenh, tán thành : Đúng là chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức, phải nghĩ đến cái chung. Muốn vậy luật pháp, giáo dục phải thay đổi, quan điểm quản trị đất nước cũng phải thay đổi nhưng vấn đề là… đến bao giờ ?... Piero Ha Noi – thân hữu của Trần Thái Hòa, khen Hòa, rất đúng nhưng… rất tiếc, những người tự xấu hổ và suy nghĩ theo hướng tích cực thì không bao giờ sử dụng mạng xã hội để chửi bới ai hoặc phát ngôn theo kiểu dư luận viên, còn lại thì có đọc cũng không hiểu, có hiểu cũng không thấy nhục ! Lgalpha Dinh – ban của Quốc Ấn Mai, đồng ý với đề nghị khoan tức giận vì chúng ta đang trong cơn say cồn, say bóng đá, ngạo nghễ... Lgalpha Dinh khẩn cầu : Tỉnh dậy đi Việt Nam !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 28/02/2020
(*) #ApologizeToVietNam, #KoreansStopLying, #Vietnamdidwell,...
Chú thích :
(1) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(3) https://www.otofun.net/threads/hau-truyen-vu-khach-han-quoc.1665169/
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3095608880469431&set=p.3095608880469431&type=3&theater
(5) https://www.facebook.com/ho.lytien.1/posts/10207244591190751
(6) https://www.facebook.com/dulichvietnam360/posts/10157511719688025
(7) https://www.facebook.com/quocan.mai/posts/10215271195685693
*******************
Covid-19, khiêm tốn hay hèn ?
Trân Văn, VOA, 27/02/2020
Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Việt Nam vừa dùng toàn bộ "sự khiêm tốn của người Việt" để tuyên bố : Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ Covid-19 (1) ! Tuy nhiên càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy, trong quản trị - điều hành công việc phòng ngừa Covid-19 lây lan ở Việt Nam, "khiêm tốn" dường như là… hèn !
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona. Photo QDND.
***
Ngày 23/2, sau khi xác nhận có 556 người nhiễm Covid-19 và 5 người đã thiệt mạng, ông Moon Jae-in, Tổng thống Nam Hàn, tuyên bố đặt Nam Hàn vào tình trạng "Báo động Đỏ" về y tế, đồng thời sẽ áp dụng tất cả các biện pháp nhiêm ngặt mà chính phủ Hàn Quốc thấy cần thiết để ngăn chặn Covid-19 lây lan rộng hơn (2).
Một ngày sau - 24/2, Trung tâm Chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh Đài Loan tuyên bố xếp Nam Hàn vào mức 3 trong "Khuyến cáo du lịch". Yêu cầu dân chúng Đài Loan không đến Nam Hàn và từ 27/2 sẽ buộc tất cả những người từ Nam Hàn đến Đài Loan tự cách ly với cộng đồng nơi họ cư trú và sẽ bị kiểm dịch trong vòng 14 ngày (3).
Ông Trần Thời Trung, Bộ trưởng Y tế kiêm Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo phòng - chống dịch bệnh Đài Loan, tuyên bố : Đài Loan xếp Thái Lan, Ý, Iran vào mức 1 và Nhật, Singapore,… vào mức 2 trong "Khuyến cáo du lịch". Những người đến Đài Loan từ các quốc gia mức 1 và 2 phải "tự quản lý sức khỏe".
Đài Loan định nghĩa "tự quản lý sức khỏe" là giữ tay sạch, đo thân nhiệt hai lần/ngày, ghi chép chi tiết về thân nhiệt, hoạt động cá nhân, hạn chế lui tới nơi công cộng, ra khỏi nhà phải mang khẩu trang. Nếu viêm đường hô hấp, sốt, cảm thấy khó chịu thì phải đi khám bệnh, thông báo cặn kẽ cho bác sĩ về lịch trình du lịch, lịch trình cư trú,…
***
Cũng trong ngày 24/2, một phi cơ chở 80 hành khách từ Daegu – Nam Hàn đến Đà Nẵng. Daegu là một trong hai ổ dịch bị chính phủ Nam Hàn xếp vào diện "kiểm soát đặc biệt". Mức độ lây lan của Covid-19 ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang đã khiến chính phủ Nam Hàn phải đặt quốc gia này vào tình trạng "Báo động Đỏ" về y tế.
58/80 hành khách của chuyến bay vừa kể là người Việt. Họ sang Nam Hàn làm thuê hoặc du học. Về đến Đà Nẵng, 58 người Việt này được chuyển ngay đến khu cách ly do quân đội kiểm soát, trong 22/80 hành khách còn lại có 20 công dân Nam Hàn và hai công dân Thái Lan được chuyển đến Bệnh viện Phổi ở Đà Nẵng.
58 người Việt và phi hành đoàn (được cách ly tại một bệnh viện của Bộ Công an) không có vấn đề về cách ly nhưng 20 công dân Nam Hàn thì khác. Họ không muốn bị cách ly, không muốn vào Bệnh viện Phổi và lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng không dám cưỡng ép nên phải nhờ các viên chức ngoại giao của Nam Hàn tại Việt Nam thuyết phục.
Bất kể Bệnh viện Phổi của Đà Nẵng đã dành cho 20 người Nam Hàn một khu vực riêng nhưng một số đòi quay về Nam Hàn, một số muốn được cách ly tại khách sạn, một số dứt khoát không chấp nhận cách ly vì chỉ đến Đà Nẵng chơi trong hai ngày… Chuyện cách ly 20 người Nam Hàn cứ thế nhùng nhằng từ trưa 24/2...
Có lẽ vì không muốn làm phật lòng nhóm khách Nam Hàn, Sở Y tế Đà Nẵng liên lạc với một khách sạn ở quận Sơn Trà, thuyết phục khách sạn tiếp nhận nhóm này. Tuy Sở Y tế Đà Nẵng cam kết thanh toán chi phí lưu trú cho 20 người Nam Hàn trong hai tuần cách ly nhưng một số lại không ưng vì không được chăm sóc y tế và phải trả tiền ăn uống...
Nhân viên của cả Đại sứ quán Nam Hàn và Tổng Lãnh sự Nam Hàn cùng tham gia thuyết phục cho đến năm giờ chiều, khi 20 người Nam Hàn từ Daegu đến đồng ý với đề nghị cách ly tại khách sạn mà Sở Y tế Đà Nẵng đề nghị thì khách sạn ở quận Sơn Trà đổi ý. Chính quyền Đà Nẵng đành phải mời họ "ăn nhẹ" trong khi đi tìm khách sạn khác !
Đến sáu giờ chiều, chính quyền Đà Nẵng quyết định đưa 20 người Nam Hàn đến một khách sạn 4 sao ở quận Hải Châu và lần này cho biết Đà Nẵng sẽ thanh toán cả tiền ăn ! Tuy nhiên 20 người Nam Hàn từ Daegu tới vẫn phải lưu lại Bệnh viện Phổi cho đến 10 giờ đêm vì giới hữu trách cần chuẩn bị thêm cho việc cách ly tại khách sạn (4)…
***
Tuy đang quản trị - điều hành một quốc gia độc lập và có chủ quyền nhưng cách hành xử trong tình huống khẩn cấp (đối phó với những mầm bệnh tiềm ẩn đến từ bên ngoài, có thể lây lan, đe dọa dân tộc, quốc gia) hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của Việt Nam đã hành xử… nhũn nhặn mà cả thiên hạ lẫn dân chúng Việt Nam cùng… chưa từng thấy !
Xưa nay, dường như chưa có quốc gia nào sau khi phải dựng hàng rào phòng ngừa dịch bệnh lại… "mềm mỏng" như Việt Nam, vừa tìm đủ mọi cách thuyết phục những ngoại nhân đến xứ mình từ vùng có dịch chịu cách ly, vừa đôn đáo tới lui khắp nơi để tìm chỗ cách ly sao cho ngoại nhân hài lòng, chưa kể còn cam kết sẽ dùng công quỹ để bao ăn, ở !
Tại hội nghị trực tuyến, thảo luận về việc "Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng chống dịch Covid-19" hôm 25/2 - dịp mà ông Đam sử dụng toàn bộ "sự khiêm tốn của người Việt" để tuyên bố : Việt Nam đã kiểm soát được dịch từ Covid 19 – đại diện Sở Y tế Đà Nẵng than rằng, họ chịu áp lực rất lớn vì "phải vừa bảo đảm ngoại giao, vừa bảo đảm yêu cầu cách ly, phòng chống dịch hiệu quả" (5).
Rõ ràng không thể so Việt Nam với Đài Loan – vùng đất chưa được cộng đồng quốc tế thừa nhận như một quốc gia độc lập, có chủ quyền. Đài Loan tuy nhỏ, vị thế trong cộng đồng quốc tế rõ ràng kém hơn nhưng hành xử rạch ròi, quyết liệt hơn Việt Nam. Khi đến Đài Loan giữa mùa dịch bệnh, chắc chắn những công dân Trung Quốc bị chính quyền sở tại buộc phải cách ly sẽ không thể và cũng không dám tự tiện rời khỏi nơi bị chỉ định cư trú, thản nhiên tới lui bất kỳ đâu họ muốn, khiến cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lúng túng không biết phải làm gì như tại Việt Nam (6) ? !. Sau ngày 27 tháng này, khi đến Đài Loan, chắc chắn không công dân Nam Hàn nào dám hay có thể "làm mình, làm mẩy" đòi phải như thế này, thế kia mới đáp ứng yêu cầu cách ly của chính quyền sở tại giống như 20 đồng bào của họ vừa thể hiện tại Việt Nam.
Đài Loan tuy nhỏ, vị thế rõ ràng kém hơn Việt Nam nhưng khi Covid-19 bùng phát thành dịch tại Trung Quốc đã không hề ngần ngại khi tuyên bố cấm xuất cảng khẩu trang để bảo đảm nhu cầu phòng dịch của dân chúng Đài Loan. Bất chấp chuyện bị Trung Quốc chỉ trích là "bệnh hoạn về nhận thức" (7), lãnh đạo Đài Loan tiếp tục gia hạn lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang đến cuối tháng tư (8). Đài Loan cũng là nơi không hề ngần ngại khi vừa cấm nhân viên y tế đến Trung Quốc, Hồng Kông, Macao, vừa nhấn mạnh là "không hoan nghênh" nếu họ đi du lịch ở Nhật, Nam Hàn,… vì ngoài việc khống chế lây lan còn phải ngăn chặn sự gia tăng nhu cầu về y tế và giảm thiểu sự hao tổn về nhân lực y tế vì việc thay thế nhân lực y tế là chuyện không dễ dàng (9) !
***
Cổ nhân từng khuyên : "Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc". Người Việt nên dùng "tất cả sự khiêm tốn" mà ông Vũ Đức Đam mới dùng, tự hỏi chính mình và tự hỏi lẫn nhau "gia" của Việt Nam như thế nào, "giang" của Việt Nam ra sao mà càng ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy thiên hạ không thèm màng đến cả đặc điểm của "tục" lẫn "khúc" khi "nhập" hoặc "đáo" Việt Nam ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 27/02/2020
Chú thích :
(1) https://tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-da-kiem-soat-duoc-dich/20200225092847338.htm
(3) https://vn.taiwantoday.tw/news.php?unit=462&post=172158
(4) https://vnexpress.net/thoi-su/nhom-khach-han-quoc-khong-muon-vao-khu-cach-ly-4059755.html
(5) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(7) http://global.chinadaily.com.cn/a/202002/17/WS5e4a928aa3101282172782a6.html
*******************
Covid-19, nên nhìn Iran mà ngẫm…
Trân Văn, VOA, 26/02/2020
Bao nhiêu người, đặc biệt là các công dân Iran tin rằng, cho đến 10 giờ (CET) sáng 24/2, tổng số người nhiễm Covid-19 ở Iran là 43 (tăng thêm 15 người so với ngày 23/2) và tổng số người thiệt mạng vì Covid-19 là 8 (tăng thêm 5 người so với ngày 23/2) – dựa trên số liệu chính quyền Iran cung cấp cho WHO ?
Xét nghiệm corona virus trong một bệnh viện ở Iran.
Tuy dữ liệu chính thức về số người bị nhiễm Covid-19 ở Iran thua xa Nam Hàn (763), Nhật (144), Ý (124) nhưng không phải tự nhiên mà các chuyên gia y tế và cộng đồng thế giới dành cho Iran sự quan tâm đặc biệt, xem Iran như một ổ dịch mà mức độ nguy hiểm không thua Trung Quốc.
***
Hôm 24/2, New York Times (NYT) đã tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, giải thích tại sao Iran trở thành nguy hiểm đối với cộng đồng quốc tế (1) : Tuy bị cấm vận, Iran – nơi có nhiều thánh tích Hồi giáo - vẫn mở rộng cửa tiếp nhận tín đồ Hồi giáo trên khắp thế giới đổ đến. Những người hành hương đã lây nhiễm và mang Covid-19 vào Iraq, Afghanistan, Bahrain, Kuwait, Oman, Lebanon, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Canada,…
Từ Iran, Covid-19 đã lây nhiễm sang nhiều quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, nơi mà các chuyên gia y tế cho là hội đủ những điều kiện cần thiết để dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra mở mang tầm vóc đại dịch : Lượng người qua lại lớn (bao gồm cả khách hành hương lẫn những người từ quốc gia này sang quốc gia khác làm thuê), các biện pháp kiểm soát – cách ly để phòng ngừa kém, dịch vụ y tế thiếu và yếu, khả năng minh bạch thông tin thấp và không chính xác !
***
Hôm 24/2, Ahmad Amiri Farahani – một đại biểu cho Qom trong Quốc hội Iran, khẳng định với các đồng viện tại Diễn đàn Quốc hội Iran rằng : Cách nay hai tuần, giới hữu trách tại Qom (một tỉnh nổi tiếng vì có nhiều thánh tích Hồi Giáo, trước nay vẫn thu hút rất đông khách hành hương đến Iran) đã phát giác sự hiện diện của Covid-19 và ở Qom, ít nhất đã có 50 người vì Covid-19. Vào thời điểm này, mỗi ngày không dưới mười người thiệt mạng vì viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên chính quyền Iran phủ nhận thông tin ấy. Ahmad Amiri Farahani – dân biểu đối lập với đảng cầm quyền tại Iran – bị cáo buộc là tung tin đồn nhảm, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động, cố tình khiến công chúng hoang mang nhằm gây xáo trộn sự ổn định chính trị tại Iran. Ahmad Harirchi – cố vấn Bộ trưởng Y tế Iran tuyên bố sẽ từ chức nếu dữ liệu của Ahmad Amiri Farahani chính xác nhưng không đả động gì đến việc thực hiện yêu cầu của Ahmad Amiri Farahani (tổ chức kiểm dịch ở Qom).
Tiến sĩ Mohamad Reza Ghadir – người vừa là lãnh đạo một đại học y khoa ở Qom, vừa là viên chức chịu trách nhiệm về phòng chống dịch bệnh ở Qom, xác nhận với đài truyền hình quốc gia rằng Bộ Y tế Iran cấm giới hữu trách tại Qom tiết lộ bất kỳ số liệu nào liên quan đến Covid-19. Tuy không tiết lộ bất kỳ số liệu nào nhưng Tiến sĩ Ghadir nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh ở Qom rất nghiêm trọng ! Cũng trong ngày 24/2, các phương tiện truyền thông chính thức loan báo, Tiến sĩ Ghadir đã bị cách ly.
***
Ngày 23/2, The Jerusalem Post – một nhật báo ở khu vực Trung Đông – kể rằng, dân chúng Iran vừa sợ hãi, vừa giận dữ vì chính phủ Iran dối trá và hệ thống truyền thông chính thức tại Iran lờ đi, không loan báo những thông tin về Covid-19 tại Iran. Không chỉ Qom, Covid-19 đang lây lan rộng rãi. Đảng cầm quyền tại Iran ém nhẹm thông tin về Covid-19 để kiếm tiền từ du lịch hay để cuộc bầu cử diễn ra vào thứ sáu tuần trước (21/2) thành công tốt đẹp hoặc cả hai ?
Không ai biết lý do thực nhưng hôm thứ bảy (22/2), dân chúng thành phố Talesh nằm bên bờ biển Caspi đã nội loạn sau khi thành phố này bị cô lập nhằm ngăn ngừa Covid-19 lây lan. Chính quyền Iran vừa tỏ ra hết sức giận dữ đối với cuộc nổi loạn mà họ cáo buộc là do quần chúng nhẹ dạ, cả tin để cho các thế lực thù địch, phản động kích động, vừa tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học tại Tehran, Alborz, Qazvin, Markzai, Qom, Hamedan, Isfahan, Gilan và Mazandaran mà không giải thích lý do.
Cuối tuần vừa qua tại Iran có một chuỗi những sự kiện theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược) : Bộ trưởng Khoa học của Iran khuyên dân chúng nên đến các cơ sở y tế để khám bệnh nếu có các triệu chứng giống như cảm lạnh. Một viên chức hữu trách ở Alborz - một trong những tỉnh quyết định đóng cửa tất cả các trường học - thì khuyên dân chúng không nên mang khẩu trang. Alborz không có ai bị nhiễm Covid-19. Đừng tin tin đồn cũng đừng phát tán tin đồn mà nên chờ những thông tin chính thức từ Bộ Y tế.
Trên mạng xã hội đã có những thông tin mô tả về tình trạng hết sức đáng sợ của nhiều bệnh viện ở Iran. Theo đó, không chỉ những người đã nhiễm Covid-19 sợ hãi mà các nhân viên y tế cũng sợ hãi vì thiếu các phương tiện để bảo vệ chính họ không bị lây nhiễm. Dọa dẫm và trừng trị làm gương không chặn được những thông tin như sinh viên y khoa ở Isfahan từ chối tham gia hỗ trợ chữa trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 vì không được cung câp khẩu trang, găng tay và những trang bị bảo hộ thiết yếu (2)...
***
Sau khi Covid-19 xuất hiện và bùng phát ở Trung Quốc, chính quyền Iran - vốn đã và đang chật vật xoay sở để giữ vững sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của đảng cầm quyền - trở thành một trong những chính quyền đầu tiên tuyên bố sát cánh với Trung Quốc, hỗ trợ Trung Quốc phòng chống Covid-19. Iran đã gom và gửi tặng Trung Quốc nhiều triệu khẩu trang. Ngày 1/2, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ của Iran tiếp tục tặng thêm cho Trung Quốc một triệu khẩu trang nữa và…
Ngày 2/2, Fealu Mardasi - cố vấn Hiệp hội các nhà sản xuất vật tư y tế của Iran – cảnh báo, Trung Quốc không chỉ thu gom mà còn ứng tiền trước để mua hết những khẩu trang mà Iran sẽ sản xuất. Đến thời điểm đó, tuy không thể xác định được năng lực sản xuất khẩu trang của các doanh nghiệp tại Iran như thế nào nhưng Mardasi cho rằng, nếu chính quyền Iran không cấm xuất cảng khẩu trang, Iran sẽ không đủ khẩu trang cho dân chúng Iran phòng ngừa Covid-19 trong trường hợp Covid-19 bùng phát (3).
Trước áp lực của dư luận, ngày 4/2, Bộ Y tế và Cơ quan Quản lý thị trường của Iran "nhất trí" cấm xuất cảng khẩu trang (4). Mohammad Reza Kalami – phát ngôn viên của Cơ quan Quản lý thị trường Iran – cho biết, cơ quan này sẽ cùng với Tổ chức Xúc tiến thương mại Iran nghiên cứu để có các biện pháp thích hợp… Chưa rõ xuất cảng khẩu trang sang Trung Quốc mang lại nguồn lợi trị giá bao nhiêu nhưng dân chúng Iran đang bấn loạn vì tìm không ra khẩu trang, giá khẩu trang vượt tầm với của nhiều người.
***
Tường thuật về sự lây lan của Covid-19 tại Iran, nhiều cơ quan truyền thông của cả phương Tây lẫn khu vực Trung Đông nhấn mạnh, trong vài ngày vừa qua, Iran hỗn loạn không chỉ vì Covid-19 mà còn vì thiếu thông tin đáng tin cậy. Dân chúng Iran không tin chính quyền Iran trung thực. Cộng đồng quốc tế cũng không tin. Lúc này, cả dân chúng Iran lẫn cộng đồng quốc tế cùng đề cập đến scandal xảy ra vào tháng trước : Chính quyền Iran dối trá để che đậy việc bắn một phi cơ dân dụng của Ukraine.
Cùng với Covid-19, biểu tình đòi minh bạch thông tin bùng phát khắp nơi ở Iran, sau những cuộc biểu tình ở Tehran, ở Talesh, ở Rasht,… đòi giải thích chính thức tại sao lại đóng cửa các trường học, lại cách ly các khu dân cư là những cuộc biểu tình bên ngoài các bệnh viện… Sự phẫn nộ càng lúc càng tăng khi chính quyền Iran trả lời bằng dùi cui, bằng lựu đạn cay,… Sử dụng bạo lực để đập tan các hoạt động phản kháng sẽ kéo dài được bao lâu và làm sao có thể gọi đó là nỗ lực giữ vững ổn định chính trị ?
Cho dù các lân bang đang lần lượt tuyên bố hạn chế qua lại với Iran, thậm chí đóng cửa biên giới nhưng chính quyền Iran vẫn chưa cấm các chuyến bay mang khách hành hương đến và đi. Chính quyền Iran chỉ tuyên bố đóng cửa các trường học, cô lập nhiều khu vực chứ không nhìn nhận Covid-19 đã lây lan khắp nơi, kể cả khi đã có những dấu hiệu hết sức rõ ràng cho thấy họ chẳng còn giấu được ai.
***
Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tỉnh ra, thôi mơ trở thành quốc gia đầu tiên dập được Covid-19 (5) để tập trung nhiều hơn vào nỗ lực phòng ngừa, nâng cao hiệu quả của hoạt động cô lập, không để tái diễn tình trạng những người thuộc diện cần cách ly muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm như đã từng xảy ra với nhiều du khách Trung Quốc (6) ? Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có khiến hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam ngưng "tán hươu tán vượn" để khuyến khích du lịch cả trong nội địa lẫn bên ngoài Việt Nam, gạt bỏ ý tưởng áp dụng các biện pháp "thân thiện" để thu hút du khách thập phương nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng của năm nay (7), thậm chí cả hệ thống dắt díu nhau hối hả chạy theo những đòi hỏi hết sức vô lối của một số du khách Hàn Quốc (8) ?
Liệu câu chuyện về Covid-19 ở Iran có giúp hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam mạnh dạn hơn để ban hành lệnh cấm xuất cảng hết tấn khẩu trang này đến tấn khẩu trang khác qua cả các cửa khẩu trên đất liền (9) lẫn đường hàng không (10) sang Trung Quốc, không sợ bị Trung Quốc chỉ trích như đã từng chỉ trích Đài Loan ? Trí tuệ và lương tâm của các viên chức hữu trách tại Việt Nam đang để ở đâu khi nguồn khẩu trang tiếp tục chảy sang bên kia biên giới Việt – Trung, bất chấp dân chúng loay hoay tìm kiếm khẩu trang hợp cách để tự bảo vệ mình, bất chấp đội ngũ nhân viên y tế phải tự may khẩu trang (11) ? Giá phải trả cho dịch bệnh sẽ rất cao nếu không đủ vật dụng thiết yếu giúp nhân viên y tế - đội ngũ đảm trách vai trò ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại của dịch bệnh tại một cộng đồng, một quốc gia - bị lây nhiễm !
Thông qua chương trình phát thanh bằng tiếng Iran của… BBC, Tiến sĩ Babak Gharaye Moghadam – chuyên gia y tế của Iran – vừa kêu gọi dân chúng Iran nên tránh xa các bệnh viện để tránh nhiễm Covid-19. Sở dĩ Tiến sĩ Moghadam phải chọn BBC vì dân chúng Iran không còn tin cậy chính quyền và hệ thống truyền thông Iran. NYT kể rằng, dân chúng Iran phớt lờ tất cả các khuyến cáo chính thức, tiếp tục đổ đến bệnh viện yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Trước áp lực của công chúng, cuối tuần vừa qua, Bệnh viện Imam Khomeini ở Tehran phải dựng một khu xét nghiệm dã chiến trong khuôn viên... Liệu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam có học được gì từ chuyện trái khoáy này và có còn tiếp tục nhìn việc chia sẻ thông tin, hình ảnh kiểu như lũ trẻ phải dùng giấy thay khẩu trang là… "phản cảm" (12) không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/02/2020
Chú thích :
(1) https://www.nytimes.com/2020/02/24/world/middleeast/coronavirus-iran.html
(4) https://financialtribune.com/node/102025
(5) https://tuoitre.vn/viet-nam-nuoc-dau-tien-dap-duoc-dich-covid-19/20200221082706271.htm
(7) https://tuoitre.vn/du-lich-viet-nam-dam-bao-an-toan-nhung-cung-can-than-thien/20200220174210322.htm
(8) https://news.zing.vn/so-y-te-da-nang-noi-gi-ve-viec-nguoi-han-quoc-tu-choi-cach-ly-post1051490.html
(9) https://vtc.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/xuat-tiep-6-xe-khau-trang-y-te-sang-trung-quoc-ar528905.html
Dịch Covid-19 : Bình tĩnh xử lý tránh gây tâm lý hoảng sợ
Nạn dịch virus Corona lan rộng khắp thế giới vẫn là thời sự được các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều, đặc biệt là hôm qua một người Pháp đầu tiên bị chết trong số 6 trường hợp vừa phát hiện nhiễm bệnh.
Hình được tạo ra trên máy tính của một con virus corona giống với loại virus gây nên dịch covid-19. Ảnh minh họa. NEXU Science Communication/via Reuters
Tuy nhiên các báo đều mổ xẻ thông tin một cách khá chừng mực, dường như tránh gây tâm lý hoảng loạn, lo sợ trong dân chúng, dù tình hình lây lan của bệnh dịch là đáng lo ngại.
Trong bối cảnh như vậy nhật báo Le Monde có bài xã luận với tiêu đề : "Virus corona : Trách nhiệm của mỗi người". Tờ báo nhấn mạnh : "Trận dịch virus corona mới đã đi vào giai đoạn nguy kịch. Cho dù số người nhiễm mới ở Trung Quốc giảm, nhưng mức độ lây lan trong các vùng khác trên quy mô rộng".
Đúng là đến nay dịch đã lan ra đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Từ khi bất ngờ bùng phát mạnh ở Ý, cách nhìn nhận về bệnh dịch này ở Châu Âu đã thay đổi. Le Monde viết tiếp : "Dù Tổ chức Y tế Thế giới hiện tại vẫn từ chối gọi là đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng đang ở một bước ngoặt, đặt mỗi người trước tinh thần trách nhiệm của mình".
Trách nhiệm mà Le Monde muốn nói đến ở đây trước hết là phải thận trọng. "Các biện pháp cô lập bắt buộc trong các ổ dịch khởi phát chỉ có tác dụng làm chậm sự lây lan của virus chứ không thể chặn được dịch. Cấm các chuyến bay từ Trung Quốc không hề có hiệu quả để bảo vệ Ý, nước đầu tiên ở Châu Âu thực thi biện pháp này".
"Cuộc khủng hoảng này phải là dịp để nhắc các nhà lãnh đạo, các cơ quan truyền thông và mỗi người chúng ta về nghĩa vụ của mình. Phải tránh bằng mọi giá vụ lợi chính trị đảng phái, làm kịch phát sợ hãi, hoảng loạn".
Trên phương diện chính trị, theo Le Monde, minh bạch phải là trung tâm hành động của chính quyền để giữ được sự tin cậy của dân chúng. Bắc Kinh đang phải trả giá về sự thiếu minh bạch thông tin cũng như xử lý khủng hoảng bất chấp các quyền tự do cá nhân.
Còn về phần giới truyền thông, xã luận của Le Monde nhấn mạnh cần phải thận trọng, tránh cách đưa tin giật gân. Báo chí phải biết chống lại các tin đồn, tin giả loan truyền trên mạng xã hội gây tâm lý hoảng loạn trong dân chúng, làm nhiễu loạn các biện pháp được triển khai….
Pháp : Xử lý khủng hoảng dịch Covid-19 cần bình tĩnh
Liên quan đến chủ đề dịch, nhật báo công giáo La Croix có bài : "Đối mặt với dịch Covid-19 : Pháp muốn giữ cái đầu lạnh". Tờ báo ghi nhận, ngay khi một người Pháp 60 tuổi tử vong vì virus corona mới đêm 25/02. Ngay ngày hôm sau, ở cấp cao nhất của chính phủ đã có phản ứng về mặt y tế. Tuy nhiên, chính quyền vẫn tôn chỉ mệnh lệnh "không gây hoảng loạn".
Chính phủ Pháp đã triệu tập cuộc họp khẩn, để triển khai các biện pháp trước tiến triển mới của dịch. Mục tiêu của chính quyền là bảo đảm khả năng ứng phó với trường hợp dịch lan tràn bằng những quyết định chuẩn xác, không thái quá. Theo giáo sư virus học tại Lyon, Bruno Lina, được La Croix trích dẫn thì việc phát triển bệnh dịch trong một vùng đất "không phải là tai ương". Vị giáo sư này nhận định : "Chúng ta đang ở trước một ngưỡng mới. Hoặc nước Ý sẽ khống chế được dịch, điều này là có thể, hoặc trong trường hợp Ý không làm được thì Pháp vẫn có đủ tiềm năng hành động để tự bảo vệ". Điều cần thiết, theo chuyên gia này là phải có "các phản ứng thích hợp và đồng bộ", có cân nhắc giữa cái lợi và cái hại.
Một thí dụ cụ thể là trận cầu tranh Cúp C1 giữa Lyon và đội bóng Juventus cùng với cả ngàn cổ động viên đến từ Ý vẫn diễn ra mặc dù quyết định này đã bị nhiều dân biểu chỉ trích gay gắt. Trận đấu vẫn diễn ra bình thường, người dân Lyon cũng không hoảng sợ về sự có mặt của 3000 cổ động viên Juventus trong thành phố và cũng không thấy bóng chiếc khẩu trang y tế nào. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, đó là điều cần thiết để các giới chức y tế bình tĩnh xử lý kẻ thù vô hình virus corona.
Virus corona : Khẩu trang y tế có nên lạm dụng ?
Trong nhiều bài cập nhật thông tin về tình hình lan truyền của bệnh dịch trên thế giới, các tờ báo lớn như Le Monde, Libération đều dành nhiều trang để giúp độc giả hiểu thêm về dịch Covid-19.
Le Monde đặt ra những câu hỏi thiết thực nhất cho độc giả Pháp như : Tại sao tình hình ở Ý lại lo ngại đến như vậy ?
Thứ nhất là số ca nhiễm phát hiện ở Ý tăng nhanh đột ngột từ 6 ca lên hơn 300 ca trong vòng 4 ngày. Thứ 2 là những người nhiễm virus corona mới ở Ý đều không có liên hệ trực tiếp với ổ dịch chính là Trung Quốc, trong khi bệnh nhân số 0 vẫn chưa tìm được.
Phải làm gì khi từ Trung Quốc và Ý hay những nước nhiễm dịch khác trở về ?
Việc đầu tiên là tự cách ly trong 14 ngày, theo dõi thân nhiệt hàng ngày cũng như các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu có biểu hiện nghi ngờ gọi cấp cứu chứ không đi khám bác sĩ.
Trong trường hợp nào thì phải đeo khẩu trang ?
Bộ Y tế Pháp khuyến cáo khẩu trang chỉ nên dùng cho những người từ vùng dịch về trong thời gian theo dõi cách ly. Những người nhiễm virus, các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm tất nhiên phải đeo khẩu trang. Một biện pháp đơn giản và cần thiết là rửa tay thường xuyên với dung dịch tẩy trùng.
Le lói hy vọng tìm thấy thuốc trị Covid-19
Cho đến giờ thế giới vẫn bó tay với dịch Covid-19. Không có giải pháp nào hơn ngoài phát hiện và ngăn chặn lây lan. Tuy nhiên trang khoa học của báo Le Figaro có bài : "Chloroquine, phương thuốc kỳ diệu chống dịch ?"
Tờ báo cho biết hôm thứ Ba (24/02), giáo sư Pháp Didier Raoult, giám đốc Viện Nghiên cứu Nhiễm trùng Địa Trung Hải tại Marseille (Pháp) đã lên trang YouTube khẳng định chloroquine, thuốc trước đây vẫn dùng để trị sốt rét có thể có tác dụng trị được virus SARS-nCoV/2. Video của giáo sư Raoult trong vòng 24 giờ đã được hơn 200 nghìn lượt người xem làm le lói hy vọng có thuốc trị được bệnh dịch Covid-19. Tuy nhiên còn phải đợi thêm các thử nghiệm lâm sàng trực tiếp với những ca bệnh cụ thể thì mới có được kết luận khoa học cuối cùng.
Tờ báo cho hay, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu và mới cho thử nghiệm lâm sàng chloroquine trên người bệnh. Kết quả cuối cùng phải đợi đến tháng 8 tới mới có. Thận trọng vẫn đặt lên hàng đầu cho dù các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian.
Trong khi trả lời phỏng vấn báo kinh tế Les Echos, giáo sư Didier Raoult đã giải thích tại sao chloroquine, thuộc chống sốt rét thông thường, không đắt và không gây nguy hiểm gì, có thể điều trị hiệu quả bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV/2 gây ra. Giáo sư danh tiếng này vẫn khẳng định "Chloroquine là cách đáp trả tốt nhất" dịch Covid-19 hiện nay.
Trung Quốc : Sức ép kinh tế nổi lên khi dịch chưa kịp dịu xuống
Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, Le Figaro đề cập đến tình hình tại Trung Quốc, nhưng ở một góc nhìn khác qua bài báo có tựa đề : "Trung Quốc đang bắt đầu trở lại công việc rất chậm chạp".
Sau hơn một tháng vật lộn với trận chiến chống virus corona, tình hình bệnh dịch ở Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu lạc quan. Số lượng ca mới nhiễm Covid-19 hàng ngày đang giảm. Chính quyền bắt đầu mở chiến dịch tuyên truyền thúc đẩy các công ty trở lại hoạt động.
Đầu tuần này, theo cơ quan kế hoạch Trung Quốc, ở một số nơi như tỉnh Chiết Giang hay Thượng Hải 90% các công ty công nghiệp đã trở lại hoạt động. Tại các tỉnh như Liêu Ninh, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, 70% các doanh nghiệp đã nhúc nhắc làm việc. Ở những thành phố lớn, người ta đã bắt đầu thấy lại những đoàn xe hơi nối đuôi nhau chạy, hàng nghìn các cao ốc văn phòng không còn vắng lặng nữa.
Theo Le Figaro, đằng sau những con số thống kê chính thức trên, có một thực tế khác : Số thống kê chỉ tính đến các công ty lớn. Hơn nữa để mở lại hoạt động, nơi làm việc phải hội đủ các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó các nhân viên vẫn chưa thể có mặt đầy đủ. Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định một phần tư người lao động ngoại tỉnh đã trở lại nơi làm việc của mình từ sau Tết Nguyên Đán. Như thế tức là vẫn còn 220 triệu người còn bị cách ly hoặc không thể di chuyển.
Theo văn phòng tư vấn kinh tế Trung Quốc China Beige Book thì không có quá 1/3 doanh nghiệp hoạt động thực sự.
Trong khi đó Bắc Kinh đang tăng áp lực, cơ quan phụ trách kế hoạch đã gửi công văn đề nghị các vùng nguy cơ lây lan dịch thấp hãy trở lại hoạt động bình thường và cho chấm dứt hạn chế đi lại.
Le Figaro nhận xét : Chính phủ muốn tránh tình trạng ngừng trệ kéo dài sẽ dẫn đến các công ty bị phá sản, sa thải nhân công ồ ạt. Mỗi lần xuất hiện trên truyền thông, ông Tập Cận Bình không ngừng nhắc lại Trung Quốc sẽ đạt chỉ tiêu kinh tế năm 2020, tức tăng trưởng ở mức tối thiểu 5,5%. Tuy nhiên một số nhà kinh tế thân cận với chính quyền đã cảnh báo, tăng trưởng của Trung Quốc quý đầu năm nay có thể sẽ là 0%.
Anh Vũ
Dịch Covid-19 : nguyên liệu các ngành sản xuất cạn kiện, doanh nghiệp tìm nguồn ở đâu ?
Thanh Trúc, RFA, 27/02/2020
Tại cuộc họp đánh giá tác động dịch bệnh Covid-19 đối với sản xuất trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam loan báo nguyên liệu trong các ngành điện, điện tử và dệt may chỉ còn đủ cho sản xuất đến hết tháng 3/2020 mà thôi.
Hình minh họa. Hình chụp hôm 24/5/2019 tại một nhà máy may mặc ở Hà Nội - AFP
Vẫn theo Bộ Công Thương, nguyên liệu dệt may, da giày, túi xách cũng gặp tình trạng tương tự, nghĩa là chỉ đủ cho tháng Ba hay chậm lắm là đầu tháng Tư, dẫn đến khả năng nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động.
Giải thích về việc này, Bộ Công Thương cho biết vì Trung Quốc là nước xuất khẩu nguyên liệu lớn nhất cho các ngành công nghiệp trên thế giới, nay đang bị dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến các ngành sản xuất, vận tải, hậu cần, phân phối, dịch vụ…qua Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều bị tác động.
Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 tại Hàn Quốc và Nhật Bản cũng ngày càng phức tạp khiến nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu từ hai nước này vào Việt Nam cũng sẽ bị giảm sút.
Số liệu mới nhất từ Trung tâm Thông tin Công nghiệp- Thương mại, Bộ Công Thương cho thấy năm 2019 gần 30% hàng nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hình minh họa. Hàng hóa ở cửa khẩu Hữu Nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc hôm 20/2/2020 Reuters
Đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam và chủ một công ty may mặc ở Đồng Nai từ chối bình luận về tình trạng này với RFA.
Vấn đề được doanh nhân Diệp Thành Kiệt, chuyên gia May Mặc & Da Giày, phân tích :
"Cái đó hoàn toàn đúng. Bộ Công Thương một mặt dựa trên số liệu mà Bộ được báo cáo, một mặt dựa trên tổng hợp ý kiến các ngành, các hội, cho nên thông tin đó khá là chính xác.
Dĩ nhiên là tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp, có thể họ bị sớm hơn hoặc trễ hơn. Nhưng nói chung là nếu với tình hình như hiện nay, tức là chốt lại những điều kiện hiện nay ở Trung Quốc là mới mở cửa khoảng trên 50% các nhà máy, rồi Hàn Quốc hiện rơi vào dịch, nếu tình hình không cải thiện thì việc Bộ Công Thương công bố khoảng tháng Ba các doanh nghiệp, kể cả xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, đều sẽ gặp khó khăn. Cái đó hoàn toàn đúng".
Doanh nhân Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc công ty phần mềm BKAV và điện thoại di động ở Hà Nội, đồng ý với thông tin của Bộ Công Thương rằng việc nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do thiếu nguyên liệu sản xuất là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra :
"Hiện nay chuỗi sản xuất của các nhà sản xuất trên toàn thế giới đều có sự phụ thuộc lẫn nhau. Một sản phẩm bây giờ thì linh kiện của nó có mặt ở rất nhiều nước. Ngay như Nhật Bản, nơi sản xuất rất nhiều linh kiện cho các thiết bị điện tử mà nếu tình hình Covid-19 cứ diễn biến xấu thì chắc chắn điều Bộ Công Thương nói là đúng"
"BKAV thì có nhiều mảng sản xuất và kinh doanh khác nhau. Mảng phần mềm thì không chịu ảnh hưởng rồi, thế còn phần cứng sản xuất điện tử chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi có sẵn linh kiện dự trữ, có thể không đến mức phải đóng cửa. Nhưng Bộ Công Thương nói thiếu đây là nói chung cả ngành trong quãng thời gian như vậy. Tất nhiên không doanh nghiệp nào là không lo lắng trong tình trạng như thế này. Phải chấp nhận thôi, tùy theo tình hình mà đối phó, mà chọn giải pháp tốt nhất".
Về phía doanh nghiệp, ông Diệp Thành Kiệt nói tiếp, bên cạnh nỗi lo về nguyên liệu đầu vào thiếu hụt thì còn nỗi lo khác là đầu ra của sản phẩm :
"Có lẽ nhiều doanh nghiệp cũng sẽ dần dần thấy được cái khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Chứ còn thực ra đối với đầu vào của sản phẩm, tức là nguyên liệu, thì không chỉ Việt Nam hay một số nước khác mà kể cả Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn. Bởi vì nếu không có biện pháp khắc phục thì chính sản xuất của Trung Quốc sẽ bị đình đốn trước".
Phát biểu tại cuộc họp đánh giá tác động của Covid-19 đối với sản xuất ở Việt Nam trong giai đoạn này, ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công Nghiệp, cũng cho biết thêm là nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu tại Trung Quốc đang ngừng sản xuất. Nếu còn hoạt động, ông nói tiếp, lượng nguyên phụ liệu sản xuất ra rất ít.
Vẫn theo lời ông, nếu dịch bệnh kết thúc và phía Trung Quốc nối lại sản xuất thì giá thành nguyên vật liệu có thể sẽ tăng lên, gây ảnh hưởng đến giá thành sản xuất sản phẩm trong nước.
Điều này được doanh nhân ngành May Mặc& Da Giày Diệp Thành Kiệt giải thích bổ sung :
"Cái mà chúng tôi lo ngại là hiện Covid-19 đã lây lan đến khu vực thị trường. Tức là trước đây nó nằm chủ yếu ở khu vực cung ứng mà đặc biệt là Trung Quốc, thì bây giờ nó đã lan đến nơi tiêu thụ rồi, thí dụ như Ý rồi một số nước Châu Âu. Chưa cần nó có thể lan ra khắp Châu Âu và Mỹ, nhưng với tâm lý hiện nay là người ta rất ngại tập họp đông và người ta giảm chuyện mua sắm đi, thì cái lo lớn hiện nay của chúng tôi là đầu ra của sản phẩm. Nói nôm na là thị trường tiêu thụ sẽ bị sút giảm. Đó là cái đáng lo mà tôi nghĩ cũng nên báo động để các doanh nghiệp phải lo tính toán ngay từ bây giờ".
Bộ Công Thương có thể đề ra biện pháp gì trong lúc này nhằm giúp các doanh nghiệp ngành điện, điện tử, dệt may, vốn có tổng lượng nhập khẩu phụ tùng, linh kiện và nguyên vật liệu từ ngoài vào khoảng trên dưới 50%. Theo chuyên gia May Mặc & Da Giày Diệp Thành Kiệt, các biện pháp của chính phủ không thể giải quyết được toàn bộ nhưng có thể giải quyết từng phần. Ông góp ý :
"Thứ nhất là khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường sản xuất nguyên liệu lên. Như đã nói thực sự mỗi ngành đều có một tỷ lệ nội địa hóa nhất định, vẫn có khả năng sản xuất ra nhất định chứ không phải là không có gì cả.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua chúng ta không cạnh tranh được với nguyên liệu nhập là do giá thành sản xuất của chúng ta cao hơn, hoặc do những điều kiện mua hàng, thí dụ khi doanh nghiệp mua nhập về xuất khẩu họ chỉ trả giá bán của bên người mà họ mua hàng, nhưng về đây họ không chịu các khoản thuế nhập khẩu hay là thuế VAT.
Còn trong trường hợp nếu nguyên liệu đó mà mua ở trong nước, khi mua thì doanh nghiệp bán hàng đã xuất hóa đơn có VAT. Việc này tôi nghĩ Bộ Công Thương đang có sự nghiên cứu có thể là dời lại, hoãn lại hay cho phép chậm, đó cũng là cách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất mua nguyên liệu trong nước, và các doanh nghiệp trong nước sẽ sản xuất ra nguyên liệu để bán cho trong nước.
Thứ hai là tìm giải pháp giữa Việt Nam với Trung Quốc bởi phần lớn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam nhập từ Trung Quốc :
"Làm sao để bàn về một cơ chế thông quan như thế nào mà nó thông thoáng hơn, trên tinh thần vừa bảo đảm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch vừa bảo đảm được sự phát triển của kinh tế như thủ tướng chính phủ Việt Nam đã chỉ thị".
Mặt khác, ông Diệp Thành Kiệt khẳng định, đương nhiên các doanh nghiệp phải tự cứu mình trước.
Ông Nguyễn Tử Quảng nhận định về giải pháp cho các doanh nghiệp :
"Thế còn những công việc bị ảnh hưởng thì mình phải tìm các kênh khác nhau, chẳng hạn như hàng linh kiện thì phải chuyển đổi các nguồn khác nhau.
Tuy nhiên điều đấy không hề dễ vì cả 3 nước có nhiều kinh kiện như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, 3 nước đã cung cấp phần lớn rồi. Kể cả như các linh kiện của Mỹ thì cũng đặt sản xuất ở Trung Quốc, nên là cả ngành này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn. Mà không chỉ Việt Nam đâu, tất cả các công ty sản xuất công nghệ sẽ đều có vấn đề như vậy.
Hoặc các doanh nghiệp bán nội địa nên nhân cơ hội này mà chào hàng mạnh lên với các doanh nghiệp đang cần hàng, đó là cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay để mà khắc phục chứ không thể nói nó sẽ trở lại như bình thường được".
Theo ông Diệp Thành Kiệt thì mỗi ngành có cơ cấu nhập nguyên liệu khác nhau. Lấy thí dụ ngành Da Giày, đối với những nguyên liệu cao cấp thì phải mua từ bên ngoài nhiều hơn, còn với loại sản phẩm cấp trung hoặc thấp hơn một chút thì nhiều doanh nghiệp có thể chủ động khoảng hơn 65% và chỉ nhập khoảng 30 hay 40% mà thôi :
"Nhưng mà có những doanh nghiệp lệ thuộc nước ngoài từ khâu thiết kế đến khâu nguyên liệu thì có khi họ phải nhập đến 70 hay 80%. Ngành điện tử thì nói thẳng là chúng ta nhập rất nhiều, từ các con chip các linh kiện… Ở đây chúng ta chỉ làm được những phụ kiện bằng plastic, vỏ mộc hay là hộp thôi, chứ còn gần như nhập hết".
Nên chăng từ lúc này Việt Nam hãy hướng tới đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nhập vào từ bên ngoài, là gợi ý của kinh tế gia Phạm Chi Lan.
Theo nhà nghiên cứu độc lập Phạm Chi Lan, với những FTA đã có cũng như EVFTA mới đây, hy vọngViệt Nam sẽ tự chủ được vấn đề sản xuất nguyên liệu cho chính mình, không tùy thuộc quá nhiều vào bất cứ một nguồn cung ứng nhất định nào nữa.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 27/02/2020
****************
Kinh tế Việt Nam có thể nhân dịch bệnh Covid-19 để ‘thoát Trung’ ?
Cơ hội thoát Trung
Trong một cuộc phỏng vấn với Trí Thứ Trẻ liên quan tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam, được đăng tải vào hôm 19/2, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh-Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhận định rằng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng ngay tức thì vì là quốc gia láng giềng với Trung Quốc và khi hai nước có tổng xuất nhập khẩu lên đến khoảng 4500 tỷ đô la Mỹ (USD).
Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi Ford ở tỉnh Hải Dương. Hình chụp ngày 11/01/2017. AFP
Tiến sĩ Trần Hòang Ngân đưa ra số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 117 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có đến 20% xuất khẩu qua đất liền bị đóng băng và con số này chưa tính đến giao thương qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, lượng du khách Trung Quốc (chiếm đến 30% tổng số du khách nước ngoài) đang bị hạn chế vào du lịch Việt Nam trong thời điểm dịch Covid-19 không chỉ gây tác hại trong ngành du lịch mà còn dẫn đến hiệu ứng domino cho các chuỗi ngành khác liên quan như khách sạn, nhà hàng, hàng không…Trong lĩnh vực sản xuất, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân dự báo Quý II năm 2020 là giai đoạn rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất điện thoại…vì nguyên liệu dự trũ đầu vào, mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị cạn kiệt.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những bất lợi qua các trưng dẫn vừa nêu. Thế nhưng, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng "đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hòa hóa đầu ra" cho giải pháp trung và dài hạn đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vào tối ngày 25/2 nói với RFA rằng đề xuất này của Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân là hợp lý :
"Việt Nam từ trước đến nay vẫn có câu là ‘trong họa thì có phúc’, ‘trong nguy thì có cơ’. Trong diễn biến như thế này, thì đúng là có cơ hội để Việt Nam đổi mới, tái cơ cấu và thay đổi. Tôi nghĩ rằng sức ép đó cần phải biến thành những phương án cụ thể".
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, bày tỏ đồng quan điểm với Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân về viễn cảnh kinh tế Việt Nam phải chủ động để "thoát Trung" :
"Nếu như Việt Nam thông minh nhìn xuyên suốt bàn cờ thế giới thì càng nên đi vào con đường đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thương mại của mình, chứ không nên chỉ cố rút vào thị trường truyền thống cũ, mà thị trường đó mình càng lệ thuộc nhiều thì mình càng chết. Theo thiển kiến của tôi thì hướng đi tốt nhất của Việt Nam trong tình hình hiện nay là phải càng đi sâu về chủ trương và đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của mình với tất cả các quốc gia".
Chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho RFA biết rằng quan điểm của Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đã được giới chuyên gia nhiều lần đề xuất với Chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua :
"Nhiều chuyên gia kinh tế yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì mình đi tìm những thị trường nhập khẩu như Hàn Quốc, Nhật và các thị trường ở vùng Đông Nam Á. Tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn".
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh xác nhận với RFA rằng mặc dù theo như Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vừa trình bày. Tuy nhiên :
"Cho đến nay, tôi chưa thấy có một đề án về tái cơ cấu và đa phương hóa, đa dạng hóa mà công việc đó hiện nay là Bộ Công thương đang chịu trách nhiệm chủ trì về việc tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực. Nếu mà xây dựng một phương án tổng thể thì cần phải có Thủ tướng chỉ đạo và có sự tham gia của các bộ, các viện và các ngành".
"Giảm, hoãn thuế và gia hạn nợ cho doanh nghiệp"
Truyền thông trong nước vào ngày 26/2 dẫn nguồn từ Bộ Công thương cho biết, tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam, rằng các ngành điện, điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất nhiều nhất là đến cuối tháng 3. Tương tự, ngành dệt may, da giày, túi xách cũng chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc nhiều nhất là đến đầu tháng 4/2020 và có nhiều khả năng doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho RFA biết giải pháp ngắn hạn mà Bộ Công thương đưa ra là có thể nhập bông vải sợi từ Ấn Độ hay nhập linh kiện điện tử từ Nhật Bản, Đài Loan để thay thế nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân trong cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ còn nhấn mạnh một trong những giải pháp có thể giúp giảm thiểu tối đa tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế là cần phải ngay lập tức hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được giảm, hoãn thuế, gia hạn nợ, khoanh nợ, khoanh lãi đối với khỏan vay ngân hàng.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp ở trong nước, Đài RFA ghi nhận nguyện vọng của họ mong muốn Chính phủ giảm lãi suất. Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên một công ty tư nhân ở Sài Gòn bày tỏ :
"Lãi suất phải giảm xuống. Hoặc có thể những hộ nuôi trồng nông sản, thủy hải sản cho người ta được giảm lãi suất hoặc không lãi suất trong thời gian 3 đến 6 tháng".
Một doanh nhân kinh doanh về phân bón và nông sản hữu cơ, ẩn danh, cho RFA biết người nông dân trồng cây ăn trái ở Việt Nam là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh Covid-19. Do đó :
"Phải giảm lãi suất và thậm chí là ưu đãi không lãi suất cho họ".
Ngân hàng Nhà nước, vào ngày 24/2 ban hànhcông văn số 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch CCovid-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải áp dụng thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-1/2020 đến ngày 31-3/2020.
Đài RFA nêu vấn đề với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu rằng giải pháp Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nêu ra cũng như đề nghị của khối doanh nghiệp về giảm lãi suất liệu có thể khả thi hay không ; trong khi chỉ vài ngày trước lúc Việt Nam công bố dịch Covid-19, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định năm 2020 sẽ là năm mà nhiều ngân hàng rất khó giảm lãi suất do gặp áp lực về chi phí vốn. Trả lời câu hỏi của RFA, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định Chính phủ Việt Nam thực tâm muốn giảm lãi suất thì có thể thực hiện được.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích rằng Việt Nam hiện có hai thị trường vốn 1 và 2. Thị trường 1 là thị trường vốn của người dân và các thành phần kinh tế. Còn thị trường 2 là thị trường vốn của các ngân hàng với nhau. Việc giảm lãi suất có thể bắt đầu từ Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (là loại lãi suất mà Ngân hàng Trung ương áp dụng trong hệ thống liên ngân hàng). Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh :
"Thế thì Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất áp dụng trên thị trường 2, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, alxi suất omo, lãi suất chiết khấu. Đây là các lãi suất mà Ngân hàng Trung ương có thể tự định ra. Khi Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất điều hành ở thị trường 2 thì có thể các ngân hàng có dòng vốn rẻ hơn và họ sử dụng dòng vốn đó cho thị trường 1 là thị trường cho vay. Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất, nhưng với liều lượng ít nhất vào khỏang 0,5% ; chứ còn như những lần trước với liều lượng 0,25% thì không đủ. Và cũng cần độ trễ vào khoảng 3 tháng thì mới lan tỏa sang thị trường 1".
"Tạo niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài"
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế vào sáng ngày 25/2, bộ này thông báo 16 trường hợp nhiễm virus corona tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố rằng "có thể đánh giá Việt Nam đến nay kiểm soát được dịch Covid-19".
Tiến sĩ Trần Hòang Ngân, qua cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ, đã rất lạc quan nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rất cao khả năng ứng phó với bệnh dịch của Việt Nam. Điều này mang lại niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý về xu thế chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn sản xuất lớn và Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để thu hút các tập đoàn này đến đầu tư.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân còn khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội đón được nguồn đầu tư từ Châu Âu, với công nghệ tiên tiến chất lượng cao khi hai Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực.
Mộ số vị chuyện gia, Đài RFA có dịp trao đổi, đồng thời cũng nhấn mạnh về thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng cho Việt Nam trong tương lai.
Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, qua ứng dụng messenger chia sẻ với RFA ghi nhận của ông :
"Sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư thêm ra các nước khác để đa dạng hoá danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Việt Nam nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, thuế và cung cấp thêm nhân công có trình độ tay nghề thì sẽ trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư này".
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ còn đề cập đến trào lưu những người đến tuổi nghỉ hưu ở Mỹ và phương Tây muốn tìm một nơi thoải mái và rẻ tiền để sống lâu dài lúc về hưu. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng :
"Nếu Việt Nam cải thiện các điều kiện xin visa sống lâu dài, bảo đảm quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài, miễn thuế đối với các thu nhập có nguồn gốc ở nước ngoài, và cải thiện hệ thống y tế sẽ khuyến khích nhiều người Âu, Mỹ chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Họ sẽ là những khách du lịch dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp trở thành những nhà đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hoá nguồn khách du lịch, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng nguồn thu ngoại tệ, kích thích đầu tư trong nước".
"Nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ"
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, vào ngày 25/2 lên tiếng với RFA rằng trước mắt dù dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đến đâu thì :
"Sắp tới kinh tế Việt Nam đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hoảng tài chính của Việt Nam".
Liên quan đề xuất Việt Nam "trong nguy có cơ" để nền kinh tế không còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng "không hề đơn giản". Từ Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải :
"Thí dụ ngay cả đến như Samsung có số lượng điện thoại bán trên thế giới có một nửa là sản xuất tại Việt Nam. Một phần các con chip trong điện thoại Samsung được sản xuất ở bên Trung Quốc. Có thể thêm một thời gian nữa thì Samsung tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì dự trữ không còn nữa. Ngay cả bây giờ Nam Hàn cũng bị vấn đề tương tự như vậy.
Ví dụ có một tập đoàn nào đó muốn sản xuất sắt thép tại Việt Nam, mà Việt Nam không có những nguyên liệu sắt thép thì họ sẽ phải làm sao cho năng lượng, cho điện rất rẻ để người ta đưa vào (sản xuất). Đại khái với cách làm như vậy thì họ sẽ thu hút những công nghệ rất lạc hậu và rẻ tiền đưa từ Trung Quốc hoặc từ Hàn Quốc sang. Những chuyện như vậy, chúng ta thấy rồi.
Hay ví dụ như Tập đoàn Vingroup nhảy vào sản xuất xe hơi. Nhưng sau khi Hiệp định EVFTA được ký và thông qua thì ngay lập tức xe hơi nhập vào Việt Nam với thuế suất là 0. Bây giờ không phải chỉ là Vingroup thôi mà cả những công ty khác đầu tư sản xuất xe hơi ở Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề như thế nào ?"
Các vị chuyên gia kinh tế Đài RFA tiếp xúc cùng có chung nhận định rằng sẽ rất khó để kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào Trung Quốc vì rất nhiều nguyên nhân như hàng hóa rất rẻ, thuận tiện cho việc chuyên chở giao nhận do ở sát biên giới, đặc biệt tập tục buôn bán và văn hóa kinh doanh của hai nước rất tương đồng với nhau…Tiến sĩ Nguyễn Hiếu khẳng định :
"Trung Quốc có rất nhiều lợi thế mà không dễ gì có thể thay thế được những lợi thế đó bằng những lợi thế của những quốc gia khác. Thành ra nói thì dễ nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ, dù có thể khả thi".
*****************
Thái Lan áp thuế bán phá giá hơn 50% đối với thép Việt Nam
RFA, 25/02/2020
Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97% lên 51,61% đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam bị điều tra với cáo buộc đe dọa thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Sản phẩm thép cuộn cán nguội. AFP
Đó là thông tin trích từ kết luận của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Thái Lan được truyền thông trong nước loan đi hôm 25/2.
Tuy nhiên theo kết luận của phía Thái Lan, thuế chống bán phá giá nói trên sẽ được miễn áp dụng đối với nhập khẩu hàng hóa liên quan nhằm sản xuất phục vụ xuất khẩu, nhập khẩu với mục đích sử dụng đặc biệt, hoặc được xếp vào loại đặc biệt.
Mức thuế chống bán phá giá đối của Thái Lan đối với sản phẩm thép của Việt Nam được cho biết sẽ áp dụng tối đa trong năm năm, và sẽ được rà soát hàng năm nếu có yêu cầu chính thức từ phía các bên liên quan hoặc nếu cơ quan điều tra thấy cần thiết.
Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục xem xét tham gia các đợt rà soát để đảm bảo quyền và lợi ích.
Vào/2/2020, Thái Lan cũng đã áp thuế chống bán phá giá 14,35% đối với một số sản phẩm thép carbon nguội hoặc không nguội xuất khẩu từ Việt Nam.
Ngày 27/2, Bộ Giáo dục và đào tạo đã có văn bản đóng đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành cho học sinh mầm non, tiểu học, Trung học cơ sở nghỉ học thêm 2 tuần để phòng dịch Covid-19. Học sinh trung học phở thông, học viên giáo dục thường xuyên đi học trở lại từ ngày 2/3.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch Covi-19 sắp tới tại Việt Nam sẽ có nhiều thách thức
Văn bản được ký tên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, và không có giải thích vì sao lại yêu cầu học sinh cấp ba (tức Trung học phổ thông) đi học từ 2/3, còn cấp 1 và 2 thì nghỉ đến trung tuần tháng 3/2020.
Trong văn bản nói trên của Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra một yêu cầu khó hiểu khi phía Bộ thì quyết định về lịch đi học trở lại của học sinh cấp ba mà không kèm giải thích liên quan dịch bệnh, còn với cấp 1 và 2 thì lại là "Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở tiếp tục nghỉ học từ 01 đến 02 tuần" (hết trích).
Tôi nghĩ rằng ngài bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần cho biết lý do vì sao học sinh các lớp 10, 11, 12 có thể đi học ở mùa dịch ở bối cảnh, nói như lo lắng của thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 25/2 tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế hôm 25/2 : "Dịch ở Trung Quốc chúng ta đã ngăn chặn triệt để từ bên ngoài vào nhưng dịch ở Hàn Quốc tới đây như nào, làm sao để hạn chế đi lại, việc cách ly những người Hàn Quốc tới Việt Nam, người Việt Nam từ Hàn Quốc trở về trong vòng 14 ngày thế nào" (1).
Nếu giao việc quyết định thời gian nghỉ học cho chính quyền từng tỉnh, thành phố sẽ xảy ra mỗi tỉnh thành có khung thời gian năm học khác nhau. Nếu có tỉnh cho bắt đầu học lại từ đầu tháng 3 trong khi Thành phố Hồ Chí Minh kéo dài đến đầu tháng 4 thì cũng phải chờ Thành phố Hồ Chí Minh kết thúc năm học rồi mới tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia.
Trong lúc đó thì nếu nghỉ đến hết tháng 3 và học bù vào thời gian của ‘nghỉ hè’, cho thấy năm học 2020/2021 sẽ được khai giảng đúng từ đầu tháng 9 như trước đây, thay vì lâu nay từ giữa tháng tám đã nhập học, nhưng cứ phải chờ tới ngày 5/9 mới đồng loạt trên toàn quốc làm lễ khai giảng.
Xin nhắc lại ở đây về biện giải cho việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đến tháng 4 mới mở cửa lại trường học : Tại cuộc họp tối 25/2 về tình hình phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong làm phép tính, thời gian điều trị bình quân cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 là 20 ngày. Mỗi ngày cần 12 bác sĩ và điều dưỡng cho 1 người bệnh. Thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần 1.000 người nhiễm thì không tìm đâu ra đủ bác sĩ y tá để phục vụ, chữa bệnh.
"1.000 người bệnh – đó là giới hạn đỏ của thành phố này. Vượt qua giới hạn này là vỡ trận" – ông Phong cảnh báo. Cũng theo ông Phong, từ thực tiễn tình hình trên, trong điều kiện lây nhiễm diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì việc cho gần 2 triệu học sinh thành phố đi học trở lại ngay sẽ tạo thêm nhiều địa điểm có khả năng lây nhiễm cao.
Phải chăng phép thử của bộ trưởng Nhạ ở mùa dịch, là mang học sinh cấp 3 ra làm chuột bạch ?
Mai Lan
Nguồn : VNTB, 28/02/2020
(1) Bài báo "Thứ trưởng Y tế : Dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn mới thách thức hơn"
Cho dù là kéo dài bao lâu, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới.
Khách du lịch nước ngoài đeo khẩu trang để phòng hộ siêu dịch Covid-19 tại chợ Chatuchak ở Bangkok. (Ảnh của Natthawat Doeseanbut)
Tính đến thứ Tư, 80.991 trường hợp được xác nhận nhiễm Covid-19 ở 41 quốc gia và khu vực.
Covid-19 không còn là "vấn đề Trung Quốc" mà đã trở thành toàn cầu.
Khi tất cả các tổ chức nghiên cứu kinh tế Thái Lan, bao gồm Ngân hàng Thái Lan và Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia, đã giảm dự báo tăng trưởng GDP Thái Lan năm 2020 từ 2,8% xuống còn 2,0-1,8%, việc hiệu chỉnh lại dựa trên số lượng khách du lịch Trung Quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc giảm. Nhưng lúc này, khách du lịch từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và thậm chí cả các nước Châu Âu và Trung Đông sẽ ít hơn.
Ngành xuất khẩu của Thái Lan đang phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu xuất khẩu toàn cầu. Khoảng 12% sản phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Nhật Bản và Hồng Kông, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan. Điều này có nghĩa là cần phải đánh giá lại tăng trưởng GDP của Thái Lan vào năm 2020.
Mặc dù số lượng nhiễm trùng mới đã giảm đáng kể, nhưng không có gì đảm bảo rằng bệnh dịch sẽ được ngăn chặn.
Câu hỏi lớn là, có bao nhiêu người đã được thử nghiệm cho đến nay để xác nhận 80.991 trường hợp ? Bởi Vũ Hán có dân số tới 11,8 triệu người.
Tất nhiên, cơ quan y tế ở Vũ Hán không có khả năng kiểm tra tất cả 11,8 triệu người, chứ chưa nói đến 58,5 triệu người sống ở các khu vực xung quanh Hồ Bắc. Giả sử họ có thể kiểm tra 10% công dân Vũ Hán, tương đương 1,18 triệu người. Điều này sẽ làm cho sức khỏe của hơn 10 triệu công dân còn lại nằm trong số chưa được biết đến. Đồng thời, Trung Quốc có dân số 1,38 tỷ. Tính đến thứ Tư, 78.064 trường hợp được xác nhận đã được báo cáo ở Trung Quốc và hơn 1 tỷ người Trung Quốc còn lại được cho là không có virus.
Các triệu chứng ban đầu của Covid-19 tương tự như cảm lạnh hoặc cúm. Cách duy nhất để biết rằng các triệu chứng như vậy là do Covid-19 gây ra là kiểm tra virus. Nếu không xét nghiệm, bệnh nhân sẽ mặc định là bệnh nhân cúm. Nếu bệnh nhân đó chết, trường hợp đó sẽ được báo cáo là từ vong do cúm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có tới 650.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm vì các bệnh về đường hô hấp do cúm theo mùa. Nếu bệnh nhân không được xét nghiệm đặc biệt, không thể biết liệu cái chết là do cúm thông thường hay do loại virus mới Covid-19.
Tại sao không kiểm tra mọi bệnh nhân có triệu chứng giống cúm ? Xét nghiệm vừa phức tạp vừa tốn kém (khoảng 250 Mỹ kim/ lần). Ngoài ra, việc cung cấp bộ dụng cụ thử nghiệm Covid-19 rất hạn chế. Bây giờ bạn đã hiểu tại sao một số quốc gia không có ca nhiễm bệnh Covid-19. Chỉ vì họ không có xét nghiệm thôi.
Hậu quả về kinh tế
Có hai rủi ro chính cho nền kinh tế.
Đầu tiên, dịch bệnh lây lan còn lâu mới hết. Những con số chúng ta thấy chỉ là những trường hợp "được xét nghiệm" chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ dân số. Vẫn còn nhiều người mang virus vô tình lang thang khắp thế giới (có lẽ trong đó có cả hàng xóm của bạn).
Theo thủ tục y tế của Thái Lan, bạn cần phải đáp ứng điều kiện cần là PUI (Người được điều tra) trước khi thử nghiệm Covid-19.
Thứ hai, khi Trung Quốc nối lại hoạt động kinh doanh, mọi người sẽ tiếp tục các hoạt động bình thường trên các tàu điện ngầm đông nghẹt và khạc nhổ, và dịch bệnh có thể sẽ xuất hiện trở lại.
Loại bỏ hai rủi ro này sẽ mất bao nhiêu thời gian trước khi dịch bệnh kết thúc. Ba tháng ? Không có khả năng. Sáu tháng, như Sars và Mers ? Hy vọng. Cả một năm ? Có lẽ. Bất cứ lúc nào, dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế thế giới.
Trước khi phân tích nền kinh tế của Thái Lan, hãy nhìn vào Trung Quốc. Nếu đợt bùng phát kéo dài trong sáu tháng, điều đó có nghĩa là sẽ kết thúc vào tháng 6, 90% các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phá sản. Trên thực tế, có rất ít sự khác biệt giữa đợt bùng phát ba tháng hoặc sáu tháng. Cuộc khảo sát tương tự cho thấy 85% các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ phá sản trong ba tháng đầu tiên. Khảo sát này cho thấy chính xác rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đang thiếu vốn và cần thu nhập liên tục để tồn tại. Nếu chính phủ Trung Quốc không thực hiện các biện pháp kích cầu đặc biệt, nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái. Hãy để tôi nhắc lại rằng các biện pháp này phải là "ngoại lệ", chẳng hạn như giảm lãi suất từ 4,05% hiện tại xuống không.
Thái Lan, nước có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào doanh thu du lịch và xuất khẩu, sẽ bị tổn thương nặng nề. Trung tâm của suy thoái kinh tế vẫn là Trung Quốc, nhưng các quốc gia khác cũng đang phải đối mặt với suy thoái của chính họ. GDP quý I năm 2020 của Nhật Bản sẽ cung cấp bằng chứng rõ ràng về tác động của Covid-19. Hãy chờ xem.
Với Thái Lan 30,5% hàng xuất khẩu sang các nước bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. Tôi tin rằng dữ liệu xuất khẩu tháng Hai của Thái Lan sẽ gây sốc cho nhiều người.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thái Lan đang ở cùng tình trạng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc. Họ đã bị ảnh hưởng bởi nhu cầu trong nước yếu. Sự sụt giảm nhu cầu trong và ngoài nước về du lịch và xuất khẩu sẽ khiến các công ty này phá sản.
Tôi khuyên chính phủ đừng nghĩ nhiều đến GDP và dữ liệu kinh tế vĩ mô vốn thể rất xấu hoặc không liên quan gì như dữ liệu lạm phát. Thay vào đó, nên tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và để tạo việc làm cho công nhân. Đây là cách duy nhất để duy trì sự toàn vẹn quốc gia và kinh tế.
Chartchai Parasuk
Nguyên tác : Can economy weather Covid-19 storm?, Bangkok Post, 27/02/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 28/02/2020
Tại sao thế giới không cảm thương cho Trung Quốc trong nạn dịch virus corona ?
Thụy My, RFI, 25/02/2020
Vì sao toàn thế giới xúc động và cảm thương cho Paris khi Nhà thờ Đức Bà bị cháy, mà lại không khóc cho những người bệnh ở Vũ Hán ? - Le Monde đặt câu hỏi. Tệ hơn nữa, từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới.
Từ khi xảy ra nạn dịch virus corona, sự kỳ thị người Trung Quốc lại công khai ở khắp nơi trên thế giới. Hình một người đàn ông đứng trên một con đường gần như trống rỗng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh minh họa
Tại Châu Á, người ta mỉa mai "những kẻ ăn thịt dơi nay phải trả giá". Ở Châu Âu, người ta tránh xa người Hoa trên các phương tiện vận chuyển công cộng. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thậm chí còn tỏ ra hớn hở khi Bắc Kinh bị khốn đốn, nói rằng nạn dịch sẽ kích thích các công ty đưa sản xuất trở về Hoa Kỳ.
Bắc Kinh đang thua trong cuộc chiến truyền thông
Tuy có vẻ bất công, nhưng các phản ứng này chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang bị thua trong cuộc chiến truyền thông. Đúng hơn là nhiều cuộc chiến, cả với bên ngoài lẫn trong nội bộ.
Năm 2008, khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên, người Hồng Kông là những mạnh thường quân hào phóng nhất để giúp tái thiết vùng bị nạn. Còn năm 2020, đông đảo nhân viên y tế Hồng Kông lại đình công đòi đóng cửa biên giới với Hoa lục.
Ngay cả những nước tham gia vào "Con đường tơ lụa mới" do ông Tập Cận Bình lăng-xê năm 2013 để thiết lập một mạng lưới các nhà nước bạn bè trên thế giới, như Kazakhstan hay Philippines, lại đóng sập cửa với Trung Quốc. Bắc Triều Tiên dù lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cũng nhanh nhẩu đóng chặt biên giới.
Le Monde ghi nhận Ý, quốc gia đầu tiên thuộc nhóm G7 tham gia "Con đường tơ lụa", nay coi du khách Trung Quốc như hủi, ngay cả trước khi nạn dịch lan sang. Ý cũng là nước Châu Âu đầu tiên mau mắn cho ngưng tất cả các chuyến bay đi và đến Hoa lục ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch virus corona. Nga thì cho đóng cửa biên giới, trục xuất những người nhiễm bệnh - điều mà Moskva đã không làm trong dịch SARS năm 2003.
Trung Quốc lên án thái độ này, nhưng liệu còn có thể làm gì hơn ? Tất cả các quốc gia trên đều chỉ lặp lại những gì mà Bắc Kinh đã áp đặt cho Hồ Bắc : cô lập những vùng đang bị con virus hoành hành. Trung Quốc đối với thế giới cũng như Hồ Bắc đối với Trung Quốc.
Làm áp lực với WHO, nhưng rốt cuộc tình trạng khẩn cấp đã được tuyên bố
Thất bại của Bắc Kinh thấy rõ trên lãnh vực ngoại giao. Trung Quốc đã làm áp lực dữ dội lên Tổ chức Y tế Thế giới để WHO không tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 23/1, đặt chính trị lên trên khoa học dù có những tranh cãi kịch liệt. Rốt cuộc trước sự phản đối của các nhà chuyên môn do Pháp dẫn đầu, một tuần sau đó Bắc Kinh đành phải chấp nhận xuôi tay : Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trước dịch bệnh trên toàn thế giới hôm 30/1.
Trong khi trước đó hai ngày, tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus trong chuyến thăm Bắc Kinh không hề có một lời chỉ trích chính quyền Trung Quốc, mà ngược lại còn hoan nghênh "sự minh bạch" và "nhanh chóng" hành động của ông Tập !
"Minh bạch" ? Cũng trong cùng ngày hôm ấy, 28/1, người ta biết được rằng hôm 1/1 Bắc Kinh đã bắt tám bác sĩ ở Vũ Hán vì đã cảnh báo về nạn dịch, dám so sánh con virus mới với SARS. Trên trang change.org, kiến nghị đòi ông Tedros từ chức đến hôm nay 25/02/2020 đã thu thập được gần 400.000 chữ ký.
Và rõ ràng là chính quyền Bắc Kinh đã làm mất đi ba tuần lễ quyết định trong cuộc chiến chống virus corona. Tuy có nhanh hơn so với năm 2003, khi đó Trung Quốc che giấu sự trầm trọng của dịch SARS trong suốt ba tháng trời. Tuy nhiên từ đó đến nay, số người ngoại quốc đến Hoa lục đã tăng lên gấp ba lần, còn số lượng người Trung Quốc đi ra nước ngoài cũng tăng gấp bảy lần. Thế nên tốc độ lan tràn của virus nhanh chóng hơn rất nhiều.
Một dấu hiệu nữa cho thấy Trung Quốc coi trọng ngoại giao hơn vấn đề dịch tễ, là Bắc Kinh tiếp tục ngăn trở, không cho Đài Loan được gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, tuy Đài Loan bị ảnh hưởng khá nặng bởi con virus, và các bác sĩ xứ Đài rất giỏi. Việc loại Đài Loan cho bằng được đã bị các nhà lãnh đạo Canada và Nhật Bản lên án, chứng tỏ Trung Quốc luôn chủ trương dùng sức mạnh thay vì hợp tác.
Sau khi WHO quyết định tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bộ Ngoại Giao Trung Quốc liền ra thông cáo nói rằng sẽ tiếp tục làm việc với Tổ chức Y tế Thế giới và các nước khác. Tuy nhiên hành động đi ngược với lời nói. Bắc Kinh lại tiếp tục giọng điệu chống phương Tây, tố cáo báo chí thế giới tự do bài Hoa quá đáng.
Giấu thông tin, đàn áp khiến bất bình lan tỏa tại Hoa lục
Sự thất bại trong việc áp đặt quan điểm của mình, và thậm chí không thể tạo ra phong trào liên đới với Trung Quốc trong nạn dịch, còn phản ánh sự bất lực của chính quyền trong việc tạo ra tình đoàn kết dân tộc xung quanh Đảng cộng sản.
Tuy người dân Trung Quốc chấp nhận các biện pháp nghiêm ngặt hạn chế di chuyển, nhưng nhiều người chỉ trích thời gian vàng bị đánh mất. Mãi đến ngày 20/1, chính quyền Trung Quốc mới chịu nhìn nhận rằng con virus corona chủng mới có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên ngay từ hôm 25/12/2019 các bác sĩ đã nêu ra khả năng này. Và đến hôm 01/01/2020 chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, được cho là nơi xuất phát dịch bệnh, mới bị đóng cửa, nhưng với danh nghĩa là để "sửa chữa". Trong khi vào lúc đó, rất nhiều người làm việc tại chợ này đã bị cách ly.
Thời điểm cận Tết âm lịch, cộng với các đại hội của tổ chức đảng địa phương và chuẩn bị cho cuộc họp Quốc Hội ở Bắc Kinh vào đầu tháng Ba, việc phải báo cáo những tin xấu lên trung ương là cơn ác mộng của các quan chức địa phương. Vũ Hán còn muốn gây ấn tượng với việc tổ chức buổi tiệc khổng lồ trên 40.000 người tham dự hôm 19/1, nếu hủy bỏ vào phút chót coi như ký vào bản án tử.
Những điều đó nay người dân đều đã biết hết, cũng như việc Tập Cận Bình im lặng trong một thời gian dài, đẩy thủ tướng Lý Khắc Cường ra tiền tuyến. Khác với các nhà lãnh đạo thời trước như Ôn Gia Bảo, ông Tập không tìm ra từ nào để an ủi người dân trong các cuộc khủng hoảng. Trái lại, ông lại nặng tay hơn trong việc trấn áp những tiếng nói chỉ trích trên mạng. Vụ bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm sủa nạn dịch bị bắt và sau đó bị chết vì con virus corona, đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy tại Hoa lục.
Cường quốc không bạn bè
Trên trường quốc tế "Chính trong những thời điểm khó khăn mà người ta biết được ai là bạn thực sự. Và Trung Quốc nhận ra rằng họ chẳng có bao nhiêu bạn bè" - Le Figaro trích lời một nhà ngoại giao cấp cao tại Bắc Kinh.
Chỉ có nhà độc tài Hun Sen đang trị vì Cam Bốt, nước chư hầu của Trung Quốc đến Bắc Kinh để bắt tay Tập chủ tịch, bày tỏ lòng trung thành. Tờ báo cũng tiết lộ ông Hun Sen còn đưa quý tử Hun Manet, tổng tư lệnh quân đội Cam Bốt trình diện "thiên triều". Đó là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới đến Trung Quốc trong thời dịch bệnh, nhưng có lẽ để cầu cạnh nhằm kéo dài triều đại.
Sao Bắc Kinh lại cô đơn đến vậy ?
Mạng xã hội từng tràn ngập nến, hoa, và những dòng chữ "Cầu nguyện cho Paris", chia sẻ những hình ảnh về công trình nổi tiếng 800 năm tuổi đang bốc cháy giữa thủ đô nước Pháp. Hay là cầu nguyện cho Amazon, cho nước Úc…trong thảm họa cháy rừng, cho những nạn nhân các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới. Nhưng còn Vũ Hán, với hàng loạt người bệnh ngã gục, các đại đô thị như Thượng Hải trở thành thành phố ma…sao không có phong trào liên đới nào ?
Dư luận đồng cảm với các nạn nhân của dịch bệnh tại Hoa lục, nhưng không phải với chính quyền độc đoán của họ.
Không ít người tự hỏi, phải chăng nhân nào quả nấy. Năm 2013 có đến 10.000 người Philippines thiệt mạng trong siêu bão Hải Yến (Haiyan). Một số nước hứa tặng hàng chục triệu đô la, Indonesia cũng thường bị thiên tai cũng hỗ trợ đến một triệu đô la, nhưng Bắc Kinh thông báo chỉ giúp Manila có 100.000 đô la ! Bằng đúng số tiền của một nước nghèo và cũng bị ảnh hưởng của trận bão này như Việt Nam. Thời điểm đó, Philippines dưới sự lãnh đạo của tổng thống Benigno Aquino có thái độ kiên quyết trước việc Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.
Về kinh tế, phải chăng qua nạn dịch này chính phủ và doanh nghiệp các nước đã nhận ra mối nguy khi lệ thuộc vào một nhà nước toàn trị thiếu minh bạch, và ngày càng muốn xa lánh.
Phải chăng việc ỷ mạnh hiếp yếu bắt nạt các nước nhỏ, dùng thủ đoạn để cạnh tranh, chèn ép về kinh tế, đánh cắp công nghệ… lâu nay đã gây nhiều bất bình, nay mới bộc lộ. Một nhà nước chạy đua lên không gian, tranh giành vị trí siêu cường hàng đầu với Mỹ nhưng để dân chết như rạ vì dịch bệnh, bắt bớ các nhà báo công dân đưa tin về Vũ Hán…đã làm cho hình ảnh Trung Quốc ngày càng xấu xí hơn trước thế giới.
Thụy My
Nguồn : RFI, 25/02/2020
*******************
Virus Corona thử thách "tầm nhìn 9 tầng" của Tập Cận Bình
Minh Anh, RFI, 25/02/2020
Dịch viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (Covid-19) gây ra sẽ chẳng bao giờ là một Tchernobyl mới cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Thế nhưng, đối với giới quan sát, trận dịch này là một đợt trắc nghiệm về khả năng thích ứng và đối phó của Đảng cộng sản Trung Quốc trước những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có quy mô lớn.
Ảnh minh họa : Xử lý khủng hoảng dịch viêm phổi virus corona đang là thách thức lớn cho chính quyền Tập Cận Bình. Reuters
Khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã quyết định thâu tóm mọi quyền lực và từ bỏ bài học "chữ nhẫn" của Đặng Tiểu Bình : "Ẩn mình chờ thời, chớ vội xưng bá". Một chủ trương mà lãnh đạo họ Tập cho rằng đã quá lỗi thời, không còn giá trị. Thời thế đã đổi thay, Trung Quốc nay là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thế nên, cần phải phô trương thế mạnh của mình. Như để khẳng định xu thế này, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một "tầm nhìn thế giới" mới được xây dựng dựa theo mô hình "tháp nhu cầu" năm tầng của nhà tâm lý học người Nga Abraham Maslov.
Tuy nhiên, như giải thích của ông Kevin Rudd, cựu ngoại trưởng Úc, hiện là lãnh đạo của Viện Asia Society Policy, được kênh phát thanh France Culture trích dẫn, "Tháp tầm nhìn mới" của Tập Cận Bình có đến 9 tầng. Mỗi một tầng tháp mục tiêu sẽ ấn định khuôn khổ cho việc thực hiện tầng kế tiếp.
Đặc biệt, việc duy trì quyền lực của Đảng cộng sản đối với đất nước là điều tất yếu tuyệt đối, là nền tảng cơ bản, là bệ đỡ quan trọng cho ngọn tháp mục tiêu của Tập Cận Bình liên quan đến mọi lĩnh vực từ an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, đối ngoại hay an ninh chiến lược… nhất nhất đều do Đảng cộng sản quản lý và hoạch định tương lai.
Nhờ vào tòa tháp mục tiêu này mà Trung Quốc của Tập Cận Bình có thể lừng lững đi lên thành cường quốc không chỉ trong kinh tế mà cả trong quân sự và công nghệ. Tiếng nói của Trung Quốc ngày càng có trọng lượng trên trường quốc tế. Đà đi lên thành siêu cường của Trung Quốc khiến các nước láng giềng phải lo sợ, phương Tây phải run rẩy và đặc biệt là Hoa Kỳ của Donald Trump phải lo lắng, phát động cuộc chiến thương mại và nhất là trong lĩnh vực công nghệ.
Chỉ có điều trong quá trình xây tháp, Tập Cận Bình dường như đã không tính đến yếu tố "thảm họa thiên nhiên", thường là những yếu tố làm lộ rõ thực trạng một vấn đề. Dịch bệnh Covid-19 đã cho thấy rõ sự lúng túng và bất cập của đảng Cộng sản Trung Quốc trong cách xử lý dịch bệnh.
Vì sao phải trấn áp các bác sĩ báo động ? Vì sao lãnh đạo Trung Quốc phải đợi đến 14 ngày sau mới có tuyên bố chính thức đầu tiên là vào ngày 20/1 để huy động toàn chính phủ và chính quyền địa phương vào cuộc chiến chống dịch bệnh ? Vì sao Bắc Kinh liên tục đổi cách tính số thống kê số nạn nhân và người nhiễm virus corona ?...
Đành rằng chính sức mạnh chuyên chế của Đảng cộng sản đã cho phép Trung Quốc cách ly được 60 triệu dân, đưa ra những biện pháp triệt để như xây dựng bệnh viện dã chiến trong vòng 10 ngày, huy động đông đảo đội ngũ nhân viên y tế, an ninh kiểm soát người dân để chống dịch bệnh…
Nhưng nếu không vì nỗi ám ảnh duy trì quyền lực cho đảng và bình ổn xã hội, dịch bệnh đã có thể sớm được ngăn chặn. Nếu không vì hệ thống chính trị chuyên chế khiến cấp dưới phải "sợ chịu trách nhiệm với cấp trên" như nhận xét của một du học sinh người Hoa với tờ South China Morning Post, thì mọi sáng kiến để xử lý khủng hoảng có lẽ cũng không bị dập tắt theo như phân tích của nhà nghiên cứu Alice Eikman.
Chính vì là "bệ đỡ", là nền tảng cơ bản phải nâng đỡ chín tầng mục tiêu, Đảng cộng sản Trung Quốc thời Tập Cận Bình, với khoảng 90 triệu đảng viên, hoạt động tại 4,5 triệu cơ sở đảng, hoạt động giống như một người khổng lồ chậm chạp phản ứng trước các đợt tấn công của "đàn kiến" virus corona.
Giờ đây trước những lời chỉ trích, Tập Cận Bình không còn cách nào khác huy động hàng trăm phóng viên, làm công tác tuyên truyền tô bóng lại hình ảnh của Đảng. Đằng sau những hình ảnh các y bác sĩ tình nguyện cạo đầu để phòng ngừa virus corona, cảnh ra quân rầm rộ của các y bác sĩ quân y, việc huy động mọi phương tiện công nghệ tiên tiến hay như hình ảnh Tập Cận Bình giờ lại trên tuyến đầu chống dịch bệnh, là guồng máy kiểm duyệt chạy hết công suất, là các cuộc truy bắt những tiếng nói chỉ trích. Bởi vì theo nhà nghiên cứu Alice Eikman trên đài France Culture "mọi ý kiến trái ngược giờ trở nên đầy rủi ro không chỉ ở trong mà cả ngoài Đảng".
Sau trận dịch này, chiếc bệ đỡ "Đảng cộng sản Trung Quốc" vẫn sẽ còn vững chắc. Chỉ có điều như nhận xét thú vị của nam sinh viên Zeyi Yang, trường đại học Columbia với South China Morning Post, trong cuộc đọ sức bất cân xứng này, "chính phủ Trung Quốc đã thua cược" trước siêu vi Covid-19.
Minh Anh
Nguồn : RFA, 25/02/2020
Việt Nam : Số người bị nghi nhiễm virus corona mới tăng vọt
Trọng Thành, RFI, 27/02/2020
Hôm 27/02/2020, Bộ Y tế Việt Nam thông báo, số người bị nghi nhiễm virus corona mới (SARS-CoV/2) tăng vọt từ 31 hôm trước, lên thành 92 người. Cùng lúc với việc nâng số người phải cách ly theo dõi nghiêm ngặt, chính phủ Việt Nam tuyên bố sẵn sàng đối phó với "bước ngoặt lây lan" dịch Covid-19 ra toàn cầu.
Phun thuốc khử trừ virus cho xe hơi trên đường phố ở tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam, ngày 07/02/2020 Reuters/Kham
"Siết chặt phòng tuyến" trước dịch Covid-19, "chủ quan là tự sát", sẵn sàng đối phó với "các ca nhiễm mới"… là các hàng tựa nổi bật trên báo chí trong nước hôm nay. Ngày 25/02, dường như nhiều người đã thở phào nhẹ nhõm sau khi chính quyền Việt Nam thông báo toàn bộ 16 trường hợp nhiễm virus corona mới đã khỏi bệnh, hôm 25/02. Tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng ra ngoài Trung Quốc đang ngày càng rõ rệt, đặt Việt Nam vào một tình thế mới.
Báo chí chính thức trong nước hôm nay đăng tải rộng rãi thông tin về 92 trường hợp bị cách ly nghiêm ngặt. Bộ Y Tế Việt Nam không cho biết số người bị cách ly nói trên là ở tại các khu vực nào. Cho đến nay, ngày 11/02 được ghi nhận số ca bị nghi nhiễm cao nhất, với 97 trường hợp. Vào lúc đó, Việt Nam có 15 người mắc bệnh.
Hoài nghi về số lượng dương tính với virus quá thấp
Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 26/02/2020, tổng số người "có tiếp xúc gần hoặc đi về từ vùng dịch" đang được cách ly để theo dõi sức khỏe là 5.474. Tổng số "mẫu đã xét nghiệm" 1.381 (mẫu dương tính : 16, mẫu âm tính : 1.365). Về số lượng ca được coi là chính thức nhiễm virus, không ít người hoài nghi về số lượng rất thấp nói trên, trong bối cảnh tại Việt Nam, có rất đông người Trung Quốc làm việc, sinh sống, và số người Việt Nam từ Trung Quốc trở về lọt lưới hàng rào kiểm dịch có thể là không ít.
Chính quyền Việt Nam cũng thông báo tăng cường chuẩn bị các cơ sở xét nghiệm virus corona mới. Cho đến nay, đã có 6 cơ sở được chính thức công nhận, trong đó có ba cơ sở được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận đạt chuẩn quốc tế. Bộ Y Tế Việt Nam hôm 25/02 cho biết hơn 20 cơ sở khác cũng sẵn sàng đi vào hoạt động.
Trẻ em đến trường có an toàn hơn ở nhà ?
Có được một chính sách đối phó với dịch bệnh phù hợp với mỗi địa phương là một thách thức hàng đầu với Việt Nam. Hôm nay, trong một cuộc họp với ngành y tế Hà Nội, tân bí thư thành ủy Vương Đình Huệ thừa nhận nguy cơ dịch xảy ra là rất lớn, và có thể phải tính đến "phương án cách ly cả khu phố".
Tình hình đặc biệt căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh. Về mặt chính thức, thủ phủ kinh tế của Việt Nam vẫn trong tình trạng dịch. Hiện tại, lo ngại hàng đầu của chính quyền thành phố là nguy cơ lây nhiễm với trẻ em. Chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều kiến nghị kéo dài thời gian nghỉ học cho đến giữa tháng 3 hoặc cuối tháng 3/2020. Tuy nhiên, về vấn đề này, có nhiều quan điểm ngược lại. Viện trưởng viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Trọng Lân, cho rằng chính việc đến trường sẽ giúp cho các em được "an toàn hơn", vì hiện tại, theo các số liệu chính thức, gần như không có tình trạng trẻ em bị lây nhiễm tại học đường, thêm vào đó, số người nhiễm virus dưới 10 tuổi chỉ chiếm 1% trong tổng số.
Trong khi đó, bí thư Thành ủy Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo là không nên lạc quan thái quá về năng lực điều trị của hệ thống y tế với Covid-19, "đem thành tích để chữa hết bệnh cho một vài người so với chuyện phải chữa bệnh cho cả ngàn người" là điều không nên, bởi cần rất nhiều người để chăm sóc, chữa trị người mắc bệnh dịch Covid-19. Theo lãnh đạo thành phố, địa phương này sẽ quá tải khi phải chăm sóc 1.000 bệnh nhân nhiễm virus corona mới.
Tâm trạng hoang mang
Để tâm trạng hoang mang lấn át có thể ảnh hưởng nặng nề đến khả năng đối phó với dịch. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, lưu ý đến việc nhiều người mua sắm khẩu trang quá nhiều, trong lúc phần lớn khẩu trang này rất có thể sẽ không được sử dụng. Báo chí trong nước ghi nhận tình trạng "khẩu trang, nước rửa tay khô cháy hàng, tăng giá phi mã trong thời gian vừa qua, khiến nhiều người khốn đốn có lẽ là một trong những hậu quả dễ nhận thấy nhất của sự hoảng loạn quá mức này".
Vào thời điểm dịch Covid-19 mới xuất hiện, ngày 31/01/2020, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ra Chỉ thị 06CT-TTg, khuyến cáo người dân đeo khẩu trang tại các "nơi công cộng". Cụm từ "nơi công cộng" không được xác định cụ thể rất có thể đã góp phần thổi bùng lên phong trào sử dụng khẩu trang tràn lan tại Việt Nam. Ngày 05/02, lãnh đạo Bộ Y tế đã có thông báo điều chỉnh lại cách hiểu sai lạc này, tuy nhiên, nội dung nói trên trong Chỉ thị của thủ tướng hiện vẫn chưa được sửa đổi.
Trọng Thành
********************
Việt Nam tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19
RFA, 25/02/2020
Phó thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam hôm 25/2 tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp Covid-19 đã được chữa khỏi và Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh.
Hình minh họa. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố tất cả 16 bệnh nhân nhiễm virus viêm phổi cấp Covid-19 đã được chữa khỏi và Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh. VnExpress
Người đứng đầu Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra phát biểu điều này tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với 700 điểm cầu toan quốc về phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Truyền thông trong nước trích lời ông Vũ Đức Đam phát biểu : "Với sự khiêm tốn của người Việt, chúng tôi ít nói đến điều này, nhưng đến nay có thể đánh giá Việt Nam đã kiểm soát được dịch".
Dịch bệnh Covid-19 phát xuất từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ giữa tháng 12 năm ngoái và hiện đã lan ran hàng chục quốc gia với số ca nhiễm lên đến hơn 80.000 người và số ca tử vong là hơn 2.700 người, phần đông là tại Trung Quốc.
Việt Nam cho đến giờ mới báo cáo phát hiện được 16 ca dương tính với virus Covid-19 và theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, tất cả các ca bệnh này đều đã được chữa khỏi. Tuy nhiên, hiện không rõ ca thứ 16 được xuất viện khi nào.
Việt Nam hiện đang áp dụng một số các biện pháp phòng chống dịch bao gồm, cách ly những người về từ vùng dịch bao gồm Trung Quốc và Hàn Quốc, ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Việc kiểm soát hàng hóa và người qua lại ở cửa khẩu biên giới với Trung Quốc cũng được tăng cường. Tuy nhiên, một số địa phương cho biết họ đang trong tình trạng quá tải vì số người từ Trung Quốc về phải cách ly quá đông.
Covid-19 : Việt Nam thật sự đã khống chế được dịch ?
Thanh Phương, RFI, 24/02/2020
Theo tin báo chí trong nước, tính đến ngày 21/02/2020, trên tổng số 16 bệnh nhân lây nhiễm virus corona mới Covid-19, 15 người đã khỏi bệnh và được xuất viện, chỉ còn một bệnh nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân thứ 16 này cũng có thể sẽ xuất viện trong vài ngày tới, sau khi hôm 23/02, giám đốc Sở Y Tế Vĩnh Phúc thông báo với báo chí là người này đã cho kết quả âm tính lần đầu tiên. Như vậy, nếu trong những ngày tới ở Việt Nam không phát hiện một trường hợp lây nhiễm nào mới, phải chăng là Việt Nam đã thành công trong việc khống chế dịch ?
Kiểm tra thân nhiệt tài xế Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn. Ảnh chụp ngày 20/02/2020. Reuters
Sau khi bị chỉ trích là phản ứng chậm trước nguy cơ dịch bệnh cho virus corona mới gây ra, chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp mạnh. Ngay từ ngày 01/02, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết công bố dịch virus corona ở Việt Nam, thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục hô hào "chống dịch như chống giặc".
Theo lời thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, được tờ Tuổi Trẻ trích dẫn ngày 22/02, Việt Nam đã sử dụng những biện pháp "chưa có tiền lệ" để phòng chống dịch Covid-19 : Cách ly đủ 14 ngày với những người nghi nhiễm, những người đến hoặc đi qua vùng dịch, thậm chí xem toàn bộ những người từ Hồ Bắc (Trung Quốc) đến Việt Nam là những người bệnh, phải bị cách ly.
Tuy không đóng cửa toàn biên giới với Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, tạm ngưng cấp visa cho du khách Trung Quốc. Việt Nam cũng đã là quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc cách ly cả một xã hơn 10 ngàn dân tại tỉnh Vĩnh Phúc kể từ ngày 14/02, với thời gian cách ly dự kiến là 20 ngày. Lo ngại dịch bệnh lan rộng, Việt Nam cũng đã chuẩn bị nhiều bệnh viện dã chiến ở nhiều nơi.
Cho tới nay, tuy là quốc gia có đường biên giới dài với Trung Quốc, tiếp nhận rất nhiều du khách Trung Quốc và làm ăn buôn bán rất nhiều với láng giềng phương Bắc này, Việt Nam chỉ thông báo có 4 tỉnh thành có bệnh nhân là Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn.
Theo quy định hiện hành ở Việt Nam, địa phương có thể công bố khống chế dịch sau 28 ngày kể từ khi ngành y tế quản lý được nguồn lây nhiễm, tính từ khi bệnh nhân cuối cùng được cách ly tại bệnh viện. Như thế, Khánh Hòa, Thanh Hóa và Sài Gòn là ba nơi được xem là hội đủ điều kiện để công bố hết dịch. Trước mắt, tỉnh Thanh Hóa, nơi có một ca bệnh được phát hiện ngày 24/01 và đã khỏi bệnh ngày 03/02, đang xin phép chính phủ cho công bố hết dịch.
Trước hết, chúng ta hãy xem các bệnh nhân ở Việt Nam được điều trị như thế nào, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi đồng I, Sài Gòn, giải thích :
"Thật ra phương pháp điều trị viêm phỗi do virus là phương pháp rất là kinh điển, bởi vì virus corona là virus chưa có thuốc đặc trị chính thống. Ở Việt Nam, bệnh nhân nhẹ thì mình điều trị triệu chứng và bệnh nhân nặng thì mình hỗ trợ hô hấp và dùng thuốc kháng sinh để chống bội nhiễm. Thứ ba là mình phải điều trị các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh lý về phổi mãn tính, để giữ cho những bệnh nền đó không bị nặng thêm trong thời gian trong thời gian họ bị nhiễm virus Covid-19. Phác đồ điều trị ở Việt Nam hiện là như vậy, chứ chưa có sử dụng loại thuốc kháng virus nào đặc biệt cả".
Như vậy, Việt Nam dùng những phương pháp xét nghiệm nào để có thể khẳng định là các bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi ? Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết :
"Thật ra xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (Realtime Polymerase chain reaction)không phải là phương pháp gì mới lạ, bởi vì nguyên tắc chung của phương pháp xét nghiệm đó là chúng ra chỉ cần sử dụng một cái mồi đặc hiệu cho con virus, thì chúng ta có thể xét nghiệm được các bệnh tương đương. Quan trọng là cái mồi, chứ còn các máy xét nghiệm thì nơi nào cũng có hết. Xét nghiệm bằng phương pháp PCR thì độ dương tính thật và âm tính thật của nó rất cao, còn tỷ lệ dương tính "giả" hay âm tính "giả" thì rất thấp.
Về tiêu chuẩn xuất viện của Việt Nam thì đây là một loại virus mới, mình cũng không nghiên cứu được là sau bao lâu mình có thể phết vào cái họng âm tính, rồi sau bao lâu dù là dương tính nhưng vẫn không lây. Những bệnh khác thì mình đã nghiên cứu rồi, ví dụ như cúm, sởi, dù là phết dương, nhưng vẫn không lây được, tại vì nồng độ quá thấp.
Còn đây là virus mới, thành ra Việt Nam quyết định là muốn cho bệnh nhân xuất viện thì phải có hai điều kiện : Thứ nhất là sự an toàn cho bệnh nhân, tức là bệnh nhân đó thật sự khỏi bệnh, kết quả các xét nghiệm phải trở lại chỉ số bình thường, dù là có các bệnh nền thì cũng phải chữa cho xong. Thứ hai là bệnh nhân đó phải trở lại cộng đồng một cách an toàn.
Cho nên ở Việt Nam, người ta dùng phương pháp PCR : phết hai lần cách nhau một ngày và khi phết thì bệnh nhân không được làm cái gì có thể làm sai lệch các kết quả, ví dụ như trước khi phết thì lại súc miệng bằng dung dịch sát trùng thì sẽ cho kết quả không đúng. Thành ra phải nghiêm ngặt về điều đó. Nếu phết hai lần cách nhau một ngày mà đều cho kết quả âm tính thì mới có thể xem là bệnh nhân này không có khả năng lây bệnh. Nếu một trong hai lần đó mà dương tính thì bắt buộc phải làm lại từ đầu".
Nhưng trong bối cảnh mà dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và ngày càng lan rộng ra thế giới, hãy còn quá sớm để khẳng định là Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh này. Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng tỏ ra thận trọng :
"Ở Việt Nam kể từ khi bệnh nhân cuối cùng mắc bệnh tới bây giờ đã khá là lâu rồi, mà bệnh nhân mới thì không có và mình vẫn tiếp tục cách ly những đối tượng nghi ngờ để làm sao không có ca mới xâm nhập ra ngoài, thì khả năng khống chế bệnh là tốt. Còn nói Việt Nam là nước đầu tiên khống chế dịch, thì có thể nói là cho tới lúc này thôi, chứ còn luồng du nhập vẫn tiếp tục đi vào thì chắc chắn là phải tiếp tục ngăn ngừa đối với những người từ nước ngoài trở về, chứ còn lây trong nội tại Việt Nam hiện nay khống chế được rồi.
Theo tôi, vẫn phải tiếp tục phòng chống dịch cho tới khi nào Trung Quốc và các nước khác có giao thương với Việt Nam cùng hết dịch bệnh, cho tới khi nào toàn thế giới tuyên bố không còn ca bệnh nữa. Điều này có lẽ bất cứ nước nào cũng phải làm như vậy thôi, chứ không riêng gì Việt Nam".
Có thể nói Việt Nam hiện đang chịu hai áp lực cùng một lúc, một mặt phải thi hành các biện pháp chặt chẽ để phòng chống dịch, nhưng mặt khác phải làm sao giảm thiểu tác hại của dịch bệnh đối với thương mại và kinh tế, nhất là kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Chính áp lực thứ hai khiến Việt Nam không thể nào đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc như một số nước khác, mà phải cho thông quan các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai để giải tỏa hàng trăm xe nông sản, hàng hóa đang kẹt ở biên giới.
Vấn đề là ngoài Trung Quốc, Việt Nam nay lại có thêm một mối quan ngại khác, đó là Hàn Quốc, quốc gia vừa được đặt trong tình trạng báo động tối đa cao, sau khi có hơn 760 người bị lây nhiễm Covid-19, và tổng cộng 7 người chết vì dịch bệnh này (đứng hàng thứ hai về số bệnh nhân và số tử vong chỉ sau Trung Quốc), mà Hàn Quốc cũng là một quốc gia giao thương rất nhiều với Việt Nam và cũng là nơi có đến 48 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc, trong đó có 4.000 người ở Deagu và Gyeongbuk, hai ổ dịch Covid-19 ở Hàn Quốc.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa xem Hàn Quốc là vùng dịch giống như Trung Quốc, nhưng theo báo chí trong nước, chính quyền thành phố Hà Nội đề nghị phải cách ly những người Hàn Quốc đến từ những vùng có dịch, cũng như cách ly tập trung 14 ngày đối với những người Việt Nam từ vùng dịch của Hàn Quốc trở về Hà Nội.
Ngày 23/02, Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản kiến nghị Bộ Y tế cho phép áp dụng khai báo y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc, đồng thời hướng dẫn việc cách ly kiểm dịch đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc hoặc đi qua Hàn Quốc.
Hiện giờ, Bộ Giao thông và vận tải Việt Nam chưa quyết định tạm ngưng các chuyến bay giữa Việt Nam với Hàn Quốc, theo lời thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói với Thông tấn xã Việt Nam hôm 23/02, nhưng có lẽ không thể loại khả năng này nếu tình hình dịch Covid -19 ở Hàn Quốc trở nên trầm trọng hơn. Dầu sao, cũng theo lời ông Lê Anh Tuấn, do mối lo ngại dịch bệnh, hiện tại giao thông hàng không giữa hai nước đã bị giảm chung khoảng 65% và hiện giờ các chuyến bay từ Việt Nam chỉ chở khách trả về Hàn Quốc.
Việt Nam có quá tự tin tuyên bố sẽ không còn người nhiễm Covid-19 vào tuần tới ?
RFA, 20/02/2020
Sau khi cho xuất viện bệnh nhân thứ 15 trong tổng số 16 bệnh nhân nhiễm virus Covid-19, giới chức y tế Việt Nam tự tin nói với báo giới rằng tuần tới Việt Nam sẽ không còn bệnh nhân nào nhiễm virus này. Phát biểu đầy tự tin của giới chức y tế Việt Nam không làm người dân và các chuyên gia y tế khác yên tâm về thực trạng kiểm soát bệnh dịch ở Việt Nam.
Tài xế mặc đồ bảo hộ đã kiểm tra giấy tờ trước khi qua biên giới tại cửa khẩu Hữu Nghị nối với Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/2/2020. Reuters
Nhận xét về phát biểu của ông Lương Ngọc Khuê, dưới góc nhìn cá nhân, anh Hưng - một người dân hiện đang ở Đà Nẵng bày tỏ :
"Tôi chỉ cảm nhận không biết Việt Nam dựa trên những tổng kết nào từ ngành y tế. tuyên bố như vậy thực ra chúng tôi rất muốn tin như vậy, cũng muốn có những thông tin tốt về việc ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh, có điều thông tin xác đáng và mang lại lạc quan đúng đắn cho người dân tôi nghĩ tôi chưa xác tín được. Bản thân những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, những địa phương như Sài Gòn, Hà Nội thì khả năng lây nhiễm vẫn còn chứ không phải không".
Bạn Hương, một người dân khác đang sống và làm việc tại Sài Gòn lại cho rằng :
"Thực ra tôi nghĩ sẽ nhiều (người nhiễm) hơn nhưng có thể chưa phát hiện hoặc có thể phát tán thông tin vì không muốn dân loạn. Chỉ mười mấy người (nhiễm bệnh) thôi mà đã xếp hàng mua khẩu trang kiểu đó nên sẽ không kiểm soát được nếu nói ra sự thật. Vì vậy phát biểu như vậy chỉ để trấn an dân".
Dịch bệnh Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc từ tháng 12 năm ngoái hiện đã lan ra khắp thế giới với hơn 75.000 ca nhiễm bệnh và hơn 2.100 cả tử vong, chủ yếu là tại Trung Quốc.
Việt Nam là nước có đường biên giới dài với Trung Quốc nhưng cho đến giờ mới chỉ phát hiện được 16 ca dương tính với virus Covid-19. Tuy nhiên, giới chức chính phủ thừa nhận trong các tuần qua, hàng ngàn người Trung Quốc và Việt Nam từ Trung Quốc đã vào Việt Nam và phải theo dõi, cách lý. Một số tỉnh thành ở Việt Nam đã phải lập các bệnh viện dã chiến lên đến hàng trăm giường bệnh.
Với kinh nghiệm từng làm Bộ Y tế về vệ sinh dịch tễ và vaccine, Bác sĩ - Tiến sĩ Trần Tuấn nhận định :
"Tôi nghĩ việc này phải xem xét xem liệu ông Khuê phát biểu như thế có dựa trên thông tin nào khác về hoạt động giám sát trong thời gian vừa qua cũng như hiệu quả của hệ thống này để có thể dự đoán chắc chắn nguy cơ xuất hiện không còn bệnh nhân nữa trong tuần tới hay không".
Để phòng dịch bệnh lây lan, từ đầu/2 vừa qua, Việt Nam đã thực hiện một loạt các biện pháp hạn chế luồng người đến từ Trung Quốc bao gồm ngưng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc, ngưng cấp visa điện tử cho khách từ Trung Quốc.
Hôm 19/2, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị phía Việt Nam sớm để cho người Trung Quốc ra vào Việt Nam bình thường như trước kia.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/2 cho biết Việt Nam không đóng cửa hay tạm dừng hoạt động thương mại với Trung Quốc ở biên giới mà chỉ có các biện pháp về quản lý dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Việt Nam chỉ đóng tạm các lối mở, đường mòn không chính thức giữa hai bên. Những người từ Trung Quốc vào Việt Nam phải chịu cách ly 14 ngày.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng và Huế vẫn đang tiếp tục đón các tàu du lịch nước ngoài với hàng trăm khách vào thăm giữa mùa dịch Covid-19, sau khi tỉnh Quảng Ninh trước đó đã từ chối hai tàu du lịch nước ngoài khác vì sợ bệnh dịch lây lan.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, hầu hết các hành khách trên hai tàu này đến tứ Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, hoàn toàn không có du khách Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã tiến hành kiểm dịch y tế cho toàn bộ hành khách và thủy thủ đoàn có nhu cầu lên bờ và không có trường hợp nào có dấu hiệu nghi nhiễm Covid-19.
Trong khi đó, cũng trong ngày 20/2, cảng hàng không thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Đắk Lắk, đang sẵn sàng tiếp nhận 630 công dân Việt Nam trở về nước từ vùng dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Nhiều người dân bày tỏ lo ngại trước những thông tin vừa nêu vì sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn còn tiềm tàng trước đây nay lại được tăng cao hơn thông qua việc mở cửa của chính phủ. Anh Hùng cho biết :
"Với tư cách một người dân tôi nghĩ chính phủ nên hy sinh quyền lợi kinh tế để tuyên bố đóng cửa hẳn, không nên tiếp nhận du khách nước ngoài nữa".
Dưới góc nhìn khoa học, bác sĩ Trần Tuấn giải thích :
"Sẽ không sợ lây nhiễm nếu Việt Nam đảm bảo tốt tối thiểu hai điều kiện. Thứ nhất là hệ thống sàng lọc người nhiễm, người có triệu chứng lâm sàng được làm chặt chẽ đối với du kahcsh, nhất là từ Trung Quốc sang. Đặc biệt làm tốt với bộ phận đi từ Vũ Hán, Hồ Bắc trở về vì có nguy cơ khá cao. Thứ hai là phải đảm bảo tất cả mọi cá nhân từ Trung Quốc sang cũng như người Việt Nam sang Trung Quốc rồi trở về phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ trong thời gian quy định 14 ngày. Nếu 2 điều kiện này được làm tốt thì hệ thống giám sát dịch, hệ thống sàng lọc ở các cửa khẩu, đường biên cũng như hàng không, đường thủy, đường bộ và hệ thống giám sát theo dõi sau khi vào đất nước thì nguy cơ lây nhiễm có thể khống chế được vì khoa học cho phép đánh giá rằng với loại dịch này, làm đúng các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới thì có thể nguy cơ dịch rất thấp. Nhưng nếu sàng lọc và giám sát dịch không tốt thì thực sự lại là nguy cơ để cho dịch phát tán trở lại".
Vẫn theo Bác sĩ Tuấn, trong thời gian sắp tới, khả năng xuất hiện người dương tính với dịch bệnh vẫn có khả năng xảy ra, nhưng số lượng rất thấp và không đến mức quá đáng ngại bởi vì 3 nguyên nhân. Thứ nhất là do thời gian ủ bệnh đã qua, dịch chưa lên đến đỉnh hoặc lên đến đỉnh nhưng chưa bùng phát được. Thứ hai là do điều kiện khí hậu nắng, nóng, không thuận lợi để virus phát triển, thời điểm này trở đi càng bất lợi cho virus. Thứ ba là virus lây lan muốn phát triển dựa vào hệ thống vệ sinh của người dân. Thời gian vừa qua thông tin về vệ sinh phòng dịch rất tốt, tạo ra sự nhận thức của người dân giúp hạn chế dịch phát triển.
Vẫn theo ông, việc quan trọng nhất người dân cần làm hiện nay là không nên để bản thân bị áp lực vì virus, vì stress không giúp ích được cho khả năng miễn nhiễm và đề kháng của cơ thể.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 17/2 về phòng chống dịch Covid -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam là đất nước an toàn, đang làm tốt công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời cũng kêu gọi người dân đồng lòng, ủng hộ Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành.
Virus corona : Trung Quốc từ Đại Nhảy Vọt đến Đại Thụt Lùi
Covid-19 đẩy cuộc bầu cử Quốc hội Iran, chuyến công du Ấn Độ của tổng thống Mỹ, phiên tòa tại Luân Đôn xử Julian Assange sáng lập viên WikiLeaks... xuống hàng thứ yếu. Từ đầu mùa dịch, lần đầu tiên virus corona phủ kín các mặt báo Paris ngày 24/02/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình viếng thăm khu dân cư ở Bắc Kinh với khẩu trang ngày 10/02/2020. © JU PENG / XINHUA / AFP
Như vết dầu loang, Covid-19 từ Trung Quốc đã tràn sang tới Hàn Quốc, Ý và cả Iran. Nhưng trước hết xin điểm bài xã luận trên Le Figaro.
Hoàng đế họ Tập mất mặt vì Covid-19
Tờ báo này đặc biệt xoáy vào Trung Quốc. Tác giả bài xã luận mang tựa đề "Bước Đại Thụt Lùi", Patrick Saint-Paul, không chút khoan nhượng với "hoàng đế họ Tập".
Vì virus corona, từ ngày nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ra đời năm 1949, chưa bao giờ Trung Quốc lại bị cô lập như ngày hôm nay. Tại Bắc Kinh, "hoàng đế họ Tập đang bị mất mặt". Từ khi "lên ngôi" năm 2012, Tập Cận Bình đã thâu tóm tất cả quyền lực, tặng cho mình khả năng lãnh đạo đất nước mãn đời. Ông Tập chủ trương đưa Trung Quốc trở thành "trung tâm" của thế giới, ngang hàng với Mỹ và đã hứa hẹn một "giấc mộng Trung Hoa" tươi sáng. Nhưng Covid-19 nằm ngoài kế hoạch của Bắc Kinh. Thế giới đang xa lánh Trung Quốc.
Tập Cận Bình muốn tránh theo chân Mikhail Gorbatchev để trở thành người đào mồ chôn vùi Đảng cộng sản Trung Quốc. Cựu lãnh đạo Liên Xô từng tâm sự, Liên bang Xô Viết xưa kia đã tan rã vì thảm họa nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl. Thách thức lần này của ông Tập, theo tác giả bài báo, là làm thế nào tránh để virus corona có sức công phá như lò máy điện hạt nhân ở Tchernobyl năm nào.
Covid-19, điểm nhạy cảm của ngành ngoại giao Trung Quốc
Cũng trên Le Figaro, thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh Sébastien Falletti bồi thêm : "Dịch bệnh làm Trung Quốc rớt đài". Covid-19 phơi bày ra ánh sáng thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc. Bắc Kinh đang rất khó chịu về thế yếu trên bàn cờ quốc tế.
Hàng loạt hoạt động ngoại giao của Trung Quốc bị đình trệ vì dịch viêm phổi lần này. Từ cuối tháng 01/2020, Bắc Kinh ngậm bồ hòn làm ngọt khi thấy các đối tác lần lượt hồi hương kiều dân ra khỏi ổ dịch Vũ Hán. Kể cả nước Nga cũng đã cấm cửa các công dân Trung Quốc và hầu hết các hãng hàng không quốc tế ngưng các chuyến bay tới Hoa lục. Trung Quốc thực sự bị "phong tỏa".
Thêm vào đó, khủng hoảng y tế tại cường quốc kinh tế thứ hai toàn cầu này đã buộc Bắc Kinh phải cầu viện quốc tế, như bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào khác trên thế giới, chận đứng tham vọng soán ngôi Hoa Kỳ để trở thành "cái rốn của hành tinh".
Ngoài mặt, lãnh đạo Trung Quốc cảm ơn Pháp và 160 nguyên thủ đoàn kết với Bắc Kinh chống virus corona, nhưng ở hậu trường, "ngành ngoại giao Trung Quốc khó che giấu cay đắng" thấy các nước bạn lần lượt xa lánh. Bên cạnh đó, khủng hoảng lần này cũng đang làm lộ rõ tinh thần bài Trung Quốc ở khắp nơi, những hành vi kỳ thị người Trung Quốc càng kiến bức tranh thêm ảm đạm.
Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại
Trong cơn hoạn nạn lần này, Trung Quốc thực sự chỉ có một người bạn duy nhất là Hun Sen, thủ tướng Cam Bốt. Ông này bị Le Figaro gọi là "một chư hầu của Bắc Kinh". Một điểm tựa duy nhất như vậy làm lộ rõ thế yếu của ngành ngoại giao Trung Quốc.
Chưa hết, Covid-19 còn phơi bày ra ánh sáng những bất cập, nếu không muốn nói là những "xấu xa" hay nhược điểm của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới mà Trung Quốc từ trước đến nay vẫn che đậy từ hệ thống y tế cho đến các màn kiểm duyệt, che giấu thông tin...
Với ngần ấy lỗ hổng, Le Figaro cho rằng sau dịch viêm phổi cấp tính do chủng mới gây nên lần này, các nhà đầu tư cân nhắc kỹ hơn trước khi bỏ vốn vào Trung Quốc. Về chính trị, Covid-19 cũng bắt các nhà lãnh đạo quốc tế đánh giá lại về "sức mạnh thực sự của ông khổng lồ Châu Á này", theo như nhận định của một nhà chính trị học Trung Quốc với báo Le Figaro.
Virus corona : Dân chết, chính quyền tiếp tục "trình diễn"
Vào lúc một phần các hoạt động tại Trung Quốc bị tê liệt vì virus corona, Libération chú ý đến sự kiện chủ tịch Tập Cận Bình trên đài truyền hình Nhà nước hôm Chủ Nhật 23/02/2020 nhìn nhận đây là "khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất" trong 70 năm qua đồng thời, đã có "một số thiếu sót trong việc xử lý dịch". Có điều, như ghi nhận của phóng viên báo Libération, Hoàn Cầu Thời Báo đã "quên" nhắc đến chi tiết này khi tường thuật lại về bài phát biểu của ông Tập.
Gần như cùng lúc chủ tịch Trung Quốc phát biểu trên đài truyền hình, thì ông Lý Khắc Cường tổ chức một màn trình diễn ngoạn mục. Cũng Libération thuật lại, thủ tướng họ Lý chủ trì một cuộc họp qua video quy tụ 170.000 quan chức, cán bộ, các giới chức quân sự trên toàn quốc để bàn về những biện pháp đối phó với dịch bệnh. Chùm ảnh cho thấy, 170.000 quan chức này đều đeo khẩu trang trong cuộc họp "từ xa" với thủ tướng ! Libération bình luận : màn trình diễn lố bịch đó mâu thuẫn với thông báo lạc quan chính Bắc Kinh đã tung ra cách nay vài hôm, đó là "số ca lây nhiễm mới thấp hơn so với số người đã được chữa khỏi".
Còn ở bên trong Vũ Hán ?
Trong khi đó, tại Vũ Hán từ một tháng qua, người dân sinh sống như thế nào kể từ khi thành phố này bị "cách ly" ? Le Figaro tiết lộ từ ba ngày qua, người dân bị cấm đi ra ngoài mua bán. Từ trước tới nay, cứ hai ngày một lần, mỗi hộ gia đình được phép để cho một người đi chợ. Nhưng từ hôm 22/02, dân cư Vũ Hán được lệnh ở yên trong nhà, lương thực do các tổ dân phố cung cấp.
Hình ảnh này gợi lại thời kỳ Mao Trạch Đông còn lãnh đạo đất nước. Một sinh viên 23 tuổi sống gần Vũ Hán kể lại với phóng viên báo Le Figaro rằng từ ngày 14/02, trong chung cư của cô, thang máy bị cúp, không một ai được xuống đường. Có đi bộ xuống cũng bị đuổi lên nhà trước khi ra khỏi cửa chung cư. Đây là một thay đổi quan trọng từ khi ông Tập Cận Bình gài người thân tín đứng đầu tỉnh Hồ Bắc. Không chỉ có Vũ Hán, mà cả ở Hàng Châu, Ôn Châu hay thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, gần với Thượng Hải người dân cũ bị "giam lỏng trong nhà".
Lo lắng lan rộng
Nhìn rộng ra ngoài phạm vi Hoa lục, Hàn Quốc, Iran là những điểm nóng mới với những ca lây nhiễm tăng nhanh. La Croix ghi nhận : tương tự như Trung Quốc, "Iran cũng đang bị các nước láng giềng đóng cửa biên giới", từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan, hay Armenia.
Dịch đã lan sang tới Châu Âu : Ý phong tỏa 11 thành phố nhỏ ở miền bắc, Libération trên trang nhất chơi chữ "Ý đậy vung chuông" ngăn ngừa virus.
Tít trên tờ Les Echos gần giống với tựa của báo Libération : "Virus corona, nỗi lo sợ lan sang đến Châu Âu". Tờ báo kinh tế này của Pháp đã có tổng cộng 7 bài về những khía cạnh khách nhau của dịch viêm phổi cấp tính xuất phát từ Trung Quốc : nào là dịch bệnh đang trở thành một vấn đề "cấp bách của thế giới", "Báo động đỏ tại Hàn Quốc" ; "Ý rơi vào bẫy" của Covid-19 ; "Iran bầu lại Quốc hội trong nỗi lo âu dịch lan tràn"...
Trên trang internet được cập nhật từng giờ, độc giả không được trấn an chút nào với những bài : "đồng euro mất gia trước nguy cơ dịch bệnh lây lan tại Châu Âu" ; "virus corona lan rộng và gây hoảng hốt trên các sàn chứng khoán" ; "kinh tế Ý có nguy cơ chìm vào suy thoái"...
"Lo lắng" cũng xuất hiện trên trang nhất báo Le Monde và đây là tâm trạng của từ Tổ chức Y tế Thế giới đến Ý và kể cả Pháp.
Le Figaro lưu ý độc giả Covid-19 một khi đã "gõ cửa" nước Ý và Roma áp dụng các biện pháp mạnh theo kiểu Trung Quốc để đối phó, thì Pháp ở sát cạnh đã cảnh giác và tự đặt mình trong tư thế sẵn sàng đối phó trong trường hợp bệnh dịch bùng phát.
Tờ báo này tiết lộ chiều qua thủ tướng Edouard Philippe triệu tập bộ trưởng Quốc phòng, Nội vụ, Y tế và Giao thông để cùng "thẩm định tình hình". Bộ trưởng Y tTế Olivier Véran không loại trừ khả năng, dịch bệnh bùng phát tại Pháp. Trong ấn bản được cập nhật trên mạng, tờ báo này cho biết Bộ Y tế Pháp huy động "thêm 70 bệnh viện trên toàn quốc trong tư thế sẵn sàng".
Covid-19, kẻ phá rối
Dưới một góc độ không nghiêm trọng bằng, cũng tờ Le Figaro cho biết, virus corona sau khi đã phá hỏng mùa lễ hội hóa trang nổi tiếng của Venise, làm đảo lộn tuần lễ thời trang tại Milano của Ý, kể từ ngày 24/02, Covid-19 tiếp tục quậy phá tuần lễ Fashion Week của Paris : ít nhất 6 nhà may nổi tiếng của Trung Quốc hủy chương trình đến Paris. Nhiều nhà may tên tuổi dự trù trình làng các bộ "collection mới" qua Instagram và các mạng xã hội. Cầm chắc là virus corona không thể len lỏi qua cách kênh này để lây nhiễm cho bất kỳ một ai.
Thanh Hà