Phó phường Trần Lê Hữu Thọ tới tận lò bánh mì xử phạt
Nguồn : RFA, 20/07/2021
********************
Nghịch lý chống dịch
Trần Phi Tuấn, Tiếng Dân, 18/07/2021
Dân Sài Gòn hơn 10 triệu người, mỗi ngày bình thường xơi hết 12.000 con heo, nếu tính trung bình mỗi con 100 kí.
Tổng sản lượng thịt heo VietGAP mà VISSAN cung ứng ra thị trường dự kiến đạt khoảng 70 tấn/ngày.
Chợ đầu mối Hóc Môn cung cấp khoảng 80% số thịt heo cho dân Sài Gòn, và dân các tỉnh xung quanh cũng lên chợ này mà mua thịt.
Hai chợ đầu mối có chức năng tương tự : Bình Điền ở quận 8, nông sản Tam Bình ở Thủ Đức lâm vào cảnh tương tự.
Vậy mà, 3 chợ này bị đóng.
Câu hỏi đặt ra : Vậy thì lúc này đưa hàng về các chợ truyền thống như thế nào ?
Như để tiếp lời, các chợ cứ lần lượt "ngưng hoạt động". Tính cả 3 chợ đầu mối thì tổng cộng có 191 chợ đã ngưng (không kể chợ tạm đã đóng trước đó), và chỉ còn 46 chợ còn bán hàng.
Hệ thống chợ và các tiệm tạp hóa, tức kênh bán hàng truyền thống (GT), cung cấp đến 70% hàng hóa bán lẻ cho Thành phố Hồ Chí Minh. 30% còn lại được phân phối qua kênh bán hàng hiện đại (MT), gồm các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại.
Thành phố đã chặt đứt đi 70% năng lực cung ứng hàng hóa để dồn vào 30% còn lại, không quá tải mới là điều lạ, không hết hàng mới là bất thường, giá không tăng mới là hi hữu.
Sự tự tin của không ít người trong đêm trước phong tỏa ngồi ở nhà chê trách dân tình đổ xô đi mua hàng, rằng mai mình đi sẽ "một mình 10 chợ", một người bao cả siêu thị thịt cá ê hề, rau xanh ngập lối… đã chẳng mấy chốc biến mất.
Chuỗi cung ứng đã bị "dương tính" ! Hàng thiếu ! Dân xếp hàng, càng ngày càng dài… Ở Bà Rịa, nông dân khóc đỏ mắt tìm người để bán hành chỉ 10k. Ở Sài Gòn, dân đỏ mắt đi tìm 100k không có mà mua !
Các mẹ, các chị tiểu thương người hé cửa lén lút, kẻ ôm rổ rau, mẹt tôm vừa bán vừa canh. Người đi mua cũng ngó nghiêng sợ bị phạt 2 triệu !
Nhìn các chợ bị giăng dây, rào chắn im lìm… mà thấy xót thương !
Đóng chợ đã là điều sai lầm. Đóng luôn quán ăn, vốn dĩ có thể chia lửa cho bao nhiêu gia đình, lại là quyết định khó hiểu. Đóng luôn các lò bánh mì, bánh bao thì không thể hiểu nổi.
Ai đời, dân chuyên thì ngồi ở nhà, dân không chuyên như bưu điện, nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm… này nọ thì lại đi bán rau.
Tiểu thương rành sáu câu về bán chợ, vỉa hè, lề đường thì bị cấm, lôi xềnh xệch về phường như tội đồ, còn mấy anh máy lạnh bày rau củ quả ra vỉa hè bán thì lại được phong anh hùng giải cứu.
Chuyện bao tử của hơn 10 triệu dân Sài Gòn phồn vinh bị thách thức, chưa nói đến những sang chấn tinh thần của biết bao người đang trong khu cách li, phong tỏa…
Nó rối như vừa ăn canh hẹ vừa học triết học kiểu "tư bản ko thể xuất hiện từ lưu thông và cũng ko thể xuất hiện ở bên ngoài lưu thông. Nó phải xuất hiện trong lưu thông và đồng thời ko phải trong lưu thông" vậy.
Có rất nhiều sự khó hiểu như vậy trong thời gian qua, như những cuộc đổ xô đi tiêm vắc xin, đổ xô đi xét nghiệm, đổ xô đi mua hàng, đổ xô trình giấy thông hành, đổ xô đi tỉnh đón đưa về… đụng đâu cũng thấy rối, đổ chỗ này, xô chỗ kia…
Những lúc như thế này lại càng nhớ giai thoại ông Sáu Dân hôm triệu tập ông Lữ Minh Châu, bà Ba Thi, ông Năm Ẩn họp, rồi tuyên bố : "Hôm nay, tất cả các anh, chị ngồi đây phải nghĩ kế để làm cho dân thoát đói. Ai không có kế thì tôi không cho về. Tôi sẽ nhốt ở đây…"
Cùng tắc biến, biến tắc thông, một "tổ buôn lậu gạo" do chính quyền thành lập đã ra đời, và dân Sài Gòn thoát được cơn đói vào năm 1979.
Đổi Mới từ 1986 đến nay… cũng đã quá lâu rồi !
Phép thử nhà nước phân phối hàng hóa, lương thực thực phẩm đã là bài học thương đau thời bao cấp, và công cuộc đổi mới đã đưa nền kinh tế "hướng đến" thị trường trong mấy chục năm qua. Ai có thể mua hàng tận gốc, phân phối đến tận ngọn một cách nhanh chóng, thuận tiện như bấy lâu này giỏi hơn các thương nhân, doanh nghiệp ?
Giờ thật khó mà trông chờ vào Sở Công thương và Quản lý thị trường.
Thôi đành khen ai văn hay chữ tốt đã nghĩ ra 3 tại chỗ, 2 địa điểm, 1 cung đường nghe rất chi là văn, rất chi là thơ vậy !
Đã lâu rồi, người ta ít nhắc tới từ technocracy – kỹ trị quá.
Trần Phi Tuấn
Nguồn : Tiếng Dân, 18/07/2021
*********************
Nguyễn Nam, VNTB, 18/07/2021
Chỉ với 32 ký tự của ‘chapeau’ ở trên đã quá dư dã cho việc gây choáng váng cho người nghèo, khi họ không biết sẽ phải kiếm cái ăn ở đâu cho những ngày được gọi tên rất đơn giản là ‘giãn cách theo chỉ thị 16’.
Chiều 17/7, báo chí đồng loạt đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký văn bản hỏa tốc về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch tại một số địa phương.
Theo đó, ngoài 3 tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16 là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, sẽ có thêm 16 tỉnh, thành giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch gồm : Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải được báo chí ghi nhận về cam kết của bộ này : "Chúng ta đã có kinh nghiệm áp dụng chỉ thị 16 tại một số nơi như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh. Xin khẳng định Chính phủ và các bộ ngành luôn đảm bảo đủ hàng phục vụ nhu cầu người dân. Mong người dân bình tĩnh, tin tưởng vào các chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ ngành, địa phương, chúng tôi làm hết sức mình để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân".
Vậy kinh nghiệm đó là gì mà Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã phát biểu ‘hồn nhiên’ đến vậy ?
Đó là thực tế được ghi nhận ở bài báo "Đừng bình ổn thị trường trên giấy " đăng trên tờ Tuổi Trẻ số phát hành hôm 17/7. Bài báo cho biết, trong khi thị trường thực phẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh trở nên căng thẳng hơn tuần nay, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, nhiều bản tin về tình hình hàng hóa, giá cả được Bộ Công thương phát ra lại đều khẳng định nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, việc khan hàng sốt giá chỉ cục bộ một vài nơi…
Chỉ đến các bản tin ngày 15 và 16/7, tình trạng người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh phải xếp hàng khi đi mua thực phẩm ở các siêu thị mới được ghi nhận với lý do quá nhiều người đi mua sắm, "giá các loại hàng trong siêu thị tăng nhẹ do chi phí vận chuyển tăng"… Những bản tin trước đó đều đưa ra những thông tin rất xa rời thực tế.
Chẳng hạn, tại bản tin ngày 14/7, bộ này cho biết thị trường Cần Thơ ổn định, siêu thị đủ hàng và không tăng giá… Tương tự, tại Đồng Nai cũng "không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng". Trước đó, bản tin ngày 11/7 khẳng định Thành phố Hồ Chí Minh có lượng hàng hóa dồi dào, không có tình trạng khan hiếm, giá cả ổn định…
Trong thực tế, tràn ngập trên các mặt báo và những trang mạng xã hội là thông tin và hình ảnh người dân Thành phố Hồ Chí Minh phải sắp hàng vài giờ trước siêu thị chờ mua hàng, nhưng vào được siêu thị lại chỉ thấy các quầy kệ trống trơn. Nhiều người đội nắng sắp hàng lúc 12g trưa nhưng chỉ nhận được… phiếu hẹn đến 22g quay lại mua hàng !
Bên cạnh đó, thì câu hỏi đang là ám ảnh của dân chúng : buộc ở nhà, vậy tiền đâu để họ có thể xoay xở cho các chi phí ăn uống, tiền điện nước, tiền thuê trọ ?
Cũng có ý kiến phải chăng ‘lockdown’ khiến số ca tử vong Covid-19 tăng vì thật ra đây là những bệnh nhân có trong người những bệnh mãn tính, ‘lockdown’ khiến họ khó khăn hơn khi đi khám bệnh, và rồi bị ‘dính Covid’, họ dễ dàng bị suy sụp và nhập viện thì mọi chuyện trở nên muộn màng…
Đó là chưa kể – như xác nhận của lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh , "Phần lớn các ca mới những ngày qua đều trong khu cách ly. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận không loại trừ lây chéo ở những nơi này. Vì vậy, sắp tới phải giảm dần số ca F0 ở các khu cách ly, phong toả", Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong nói, và cho rằng thống kê cho thấy 3 – 8% số ca trong khu cách ly do lây chéo, còn lại do ủ bệnh lâu.
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 18/07/2021
*********************
Lá thư Sài Gòn : 'Dân khổ vì cách chống dịch Covid-19'
Song May, BBC, 18/07/2021
Một tuần đã trôi qua kể từ khi Sài Gòn phong tỏa hoàn toàn theo Chỉ thị 16.
Sự quan tâm của người dân ở đô thị lớn nhất nước giờ luẩn quẩn quanh giá bó hành, bó rau ; nhà nào mua được rau, nhà nào không ; chỗ nào bán rau giá bình ổn như báo đài ra rả…
Những thứ gia vị tưởng chừng như không bao giờ thiếu ở Sài Gòn nay trở thành thứ quý hơn vàng, nhiều người đem cất tủ đá để ăn dần
Bên cạnh đó mọi người còn hỏi nhau chỗ nào bán bánh mì (không phải loại kẹp), lò bánh mì nào còn lén mở ?
'Đêm kỳ lạ trước ngày phong tỏa'
Nỗi khó chịu lớn nhất của người Sài Gòn hiện nay không phải là họ phải ngồi yên trong nhà "mới là yêu nước" theo khẩu hiệu, mà chính là… sự lưu thông phân phối thực phẩm tươi sống và đồ ăn thức uống chế biến sẵn bị cắt đứt gần như hoàn toàn !
Đêm 8/7. Đó là buổi tối kỳ lạ nhất ở Sài Gòn sau gần 2 năm Covid-19 xuất hiện.
Đợt giãn cách thứ 4 ở Sài Gòn trở nên không bình thường, khi buổi chiều - chỉ trước giờ G (giờ phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16 có hiệu lực) chưa tới 8 tiếng đồng hồ, các báo đồng loạt đưa tin việc dừng dịch vụ ăn uống mang đi.
Có nghĩa là sau một tháng chỉ được bán mang đi, giờ nhà nước không còn cho phép như thế nữa, toàn bộ các quán ăn nhà hàng phải đóng cửa, không được phép chế biến thức ăn bán cho bất kỳ ai.
Trên đường trở về nhà lúc hơn 8h tối ngày 8/7, tôi nhìn thấy trước một quán chay trên đường Nguyễn Thị Minh Khai Quận 3 có hai người phụ nữ khệ nệ mang những bọc to chứa rau củ ra khỏi nhà hàng chất lên xe gắn máy.
Lệnh đóng cửa quán ăn nhà hàng (nói tránh là dừng dịch vụ ăn uống mang đi) đưa ra vội vã trước giờ G khiến cho nhiều người kinh doanh dịch vụ này xoay sở không kịp với mớ hàng thực phẩm tồn trữ.
Đi ngang mấy tiệm bán bánh mì, bán mì, bán soup… chỗ nào cũng đông người chờ để vét mua những gì còn lại. Chưa bao giờ người dân Sài Gòn nháo nhào vì lo tìm cách trữ thực phẩm như ngày 8/7.
Họ gọi đêm 8/7 là "đêm giao thừa" và việc chen lấn trong các siêu thị mua thực phẩm dự trữ là "đi chợ Tết", nhưng không có gì giống như vậy khi cảm giác lo lắng bao trùm.
Hơn 9 giờ tối, tôi cũng kịp tha về 8 ổ bánh mì (không nhân), một tô mì đặc biệt, và dừng chân trước một quán bánh tráng nướng sáng đèn ở đầu một con hẻm để mua 3 cái bánh tráng nướng, thứ mà tôi chưa bao giờ ăn.
Và thật ngạc nhiên là để có 3 cái bánh tráng nướng, tôi phải đợi gần cả tiếng đồng hồ, cho dù chỉ đến sau một người khách.
Cái thứ bánh ăn chơi giá 20 ngàn đồng được làm khá tỷ mẩn bởi hai cô gái, một trẻ một trung niên.
Họ thay phiên nhau nướng chiếc bánh trên bếp lửa than, lần lượt trét topping lên bánh như trứng gà, hành lá, chà bông gà hay xúc xích cắt nhỏ rồi nhẹ nhàng xoay trở chiếc bánh.
Trong khi chờ đợi, tôi gọi một ly sữa ca cao nóng và tìm chỗ ngồi khuất ngoài sân để tháo khẩu trang nhấm nháp thứ nước uống ưa thích.
Tôi không dám trò chuyện với người bán như thói quen mọi lần. Thay vì cảm giác nhẹ nhõm trong những lúc một mình cà phê, tôi chỉ thấy tâm trạng mình bồn chồn, nặng trĩu, vì không biết hai tuần tới sẽ ra sao ?
Tôi nhớ lại vẻ mặt ngẩn ngơ của em gái tối nay khi hỏi tôi : Thế là từ ngày mai mình không mua được bánh mì hay bún phở để ăn sáng hả chị ?
Tôi nhớ lại vẻ biết ơn của cô tôi, khi cô cảm ơn về mấy cái bánh mì không nhân mà tôi mang đến. Sài Gòn vốn bao la các hàng quán ăn uống, ngày mai không còn điều đó nữa, sẽ ra sao ?
Cái bánh tráng nướng tôi mua được lần đầu tiên hóa ra ngon vô cùng. Vị ngon của thứ mà mình biết sẽ không còn tìm thấy vào ngày mai nữa.
Tôi nhớ lời hẹn của cô gái bán hàng : "Sau dịch cô lại đến mua nhé." Tôi nhớ lời than của họ : "Quán mướn, tiền thuê vẫn phải trả mà giờ không được phép bán nữa thì chỉ có nước ăn mì gói sống qua ngày thôi cô."
Khi rau quả trở thành 'hàng cấm'
Hai ngày sau, khoảng chiều Chủ Nhật tôi ra ngoài để đi mua rau. Chưa bao giờ mà việc mua rau và bán rau lại lấm la lấm lét giống mua hàng cấm như hiện nay !
Đặt hàng trên mạng Bách Hóa Xanh thấy không có rau, tôi đi ngang cửa hàng Bách Hóa Xanh, Mini Stop, Vinmart, Coopmart đều thấy hàng dài người đứng chờ để được vào nên ngán ngẩm thử đi đến chợ.
Chợ đóng cửa, không gian chung quanh vắng đến lạnh. Nhìn kỹ thì vẫn thấy một hai nhà gần chợ thò ra tí rau nên mừng quá chạy lại.
Người bán đã gói sẵn từng thứ, nói mua gì thì thẩy ra nhưng lại hối chị lấy nhanh nhanh lên rồi đi đi cho, không thôi công an họ thấy thì phạt chết tiền. Trả 200 ngàn đồng để nhận về ít rau ăn khoảng hai ngày mà mừng còn hơn cái gì.
Vì đâu mà việc buôn bán rau củ ở Sài Gòn lại trở nên như việc bán hàng cấm ? Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, từ năm 10 tuổi tôi đã cầm tiền đi chợ cho cả nhà, gần 50 năm đi chợ, ngay cả thời bao cấp khốn khổ cũng không đến nỗi chẳng có rau mà mua và nếu có thì phải mua trong sợ hãi như vậy !
Giờ trên mạng thiên hạ đang khoe nhau nhà có rau.
Nhà nào có nhiều rau, thậm chí có vườn trồng rau và gia vị là nhà đó giàu có, một điều chưa từng có !
Trên mạng, các page treo bảng bán quần áo, bán áo dài may sẵn… giờ cũng rao bán rau ! Giá đắt hơn bình thường là chuyện có thể hiểu được vì hệ thống phân phối rau ở 3 chợ đầu mối và hơn 200 chợ truyền thống bị cắt đứt, chính quyền giao quyền phân phối thực phẩm vào các super market lớn nhỏ.
Đến tối ngày 16/7, tức 7 ngày sau, thay vì mở cửa chợ có kiểm soát, chính quyền lại đẩy thực phẩm vào các cửa hàng Con Cưng chuyên đồ dùng cho trẻ em và Guardian chuyên hàng hóa mỹ phẩm cho phụ nữ. Không hiểu nổi !
Một phần sợ vào siêu thị bị lây nhiễm, phần khác tôi chỉ muốn ủng hộ những cá nhân buôn bán nhỏ lẻ nên nhà hết sữa hay bao rác, tôi đến tiệm tạp hóa gần nhà và đi vào những con hẻm nhỏ vắng vẻ để tìm nơi bán rau.
Hóa ra, tiệm tạp hóa chả thiếu thứ gì và còn rẻ hơn siêu thị. Còn rau có thể tìm ở tiệm bán hoa, tiệm bán nước trái cây, quán ăn…. Dân Sài Gòn không đợi mọc rêu nơi xó nhà mà ai có nguồn cung thì bán thôi.
Bánh mì cũng là thứ dân Sài Gòn thèm mà không có để mua.
Chiều nay, một người bạn tôi đã kịp làm cả chục ổ và liều đem vài ổ đến nhà một người bạn trong nhóm. Tôi cũng may mắn được người cháu cho một túi bánh mì đông lạnh, khi nào ăn thì nướng lại. Nhưng tôi nghĩ mình nên tập làm bánh mì, khi không có vườn trồng rau thì phải tập làm bánh mì vậy !
Sức sống của người Sài Gòn tạm thời ngủ yên trong hai tuần, rồi sẽ lại hồi sinh để "cõng" chi phí dùm cho các tỉnh thành khác.
Số phận của Sài Gòn là như thế : tự mình phải vượt qua cơn đau để tiếp tục làm "anh hai" dẫn đầu chỉ tiêu nộp ngân sách quốc gia.
Song May
Nguồn : BBC, 18/07/2021
********************
Hiền Lương, VNTB, 18/07/2021
Ngồi không mà ăn, núi cũng phải lở. Ông, bà mình dặn vậy rồi mà.
‘Ở yên trong nhà’ là đối mặt với đứt bữa, với nợ nần bủa vây của tiền điện, tiền nước, và có thể là cả tiền thuê nhà.
"Trong tình huống dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường thì thành phố cũng lường trước đến chuyện sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 trong một thời gian nữa" – Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã rào trước đón sau như vậy ở những lần họp báo vào mỗi buổi chiều.
Thậm chí, ông Phan Văn Mãi cũng xa gần nói rằng khi áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, thì trong thời gian tối không loại trừ thêm việc "nâng lên mức phong tỏa ở rất nhiều địa bàn".
Đã làm không ra tiền, với thực tế đang diễn ra về tình hình hàng hóa, người lao động hiện đang rất lo lắng về việc giá cả các mặt hàng thiếu yếu tăng cao tại một số khu chợ. Trong khi đó, tại các siêu thị bình ổn giá, một số mặt hàng chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Thị trường tiếp tục xáo trộn, tiếc thay đó là vì các yêu cầu của thủ tục hành chính do Bộ Y tế đưa ra, và lại ‘bảo thủ’ khi công luận lên tiếng về những phi lý cả về mặt kiến thức y học.
Đó là câu chuyện dài tập của phiếu trả kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được xem như "giấy thông hành" khi dịch Covid-19 đang gieo rắc sự sợ hãi, nỗi hoài nghi và nhân lên sự thoái thác, đùn đẩy ở nhiều nơi…
Ghi nhận tại chốt kiểm soát dịch liên ngành đặt tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong hai chốt mà tỉnh Bình Thuận thành lập để kiểm soát y tế ở hai đầu cửa ngõ ra vào địa phương, đoạn giáp Ninh Thuận và Đồng Nai từ ngày 7/7. Theo quy định, tất cả người đi/ đến/ về Bình Thuận phải có kết quả âm tính với Covid-19.
Một cảnh sát giao thông tại chốt cho biết tình trạng ùn ứ xe cộ hướng Thành phố Hồ Chí Minh chạy ra trong thời gian hiện nay là thường bắt đầu từ chiều hôm trước, kéo dài qua tỉnh Đồng Nai khoảng 7km.
Nguyên nhân là tất cả xe cộ di chuyển hướng này buộc phải dừng lại tại chốt để kiểm tra y tế tài xế và người trên xe. Nhiều tài xế ‘chôn chân’ từ rạng sáng đến trưa cùng ngày mới di chuyển được.
Theo tính toán của một chỉ huy tại chốt, cứ 1 phút có khoảng 7 loại xe di chuyển qua đây. Khi vào khai báo y tế, một tài xế phải mất khoảng 10 phút. Nếu tài xế đi từ vùng dịch đến mà không có giấy xét nghiệm âm tính, hoặc đã hết hạn buộc phải vào khu vực test nhanh tại chốt.
Quy trình test trung bình khoảng 30 phút. Nếu một tài xế từ lúc vào khai báo cho đến test nhanh kết thúc phải mất gần 45 phút.
Đó là lúc công việc suôn sẻ. Còn thời điểm đông người test cùng lúc sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng phải làm. Trung bình một ngày tại chốt này có khoảng 3.800 lượt xe cộ vào khai báo y tế. Chỉ huy chốt cho biết thường xuyên quá tải kể cả sức người lẫn trang thiết bị vật tư y tế.
Không chỉ vậy.
Ông Nay Phi La – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho rằng việc đòi hỏi đại trà tất cả những ai qua chốt phải có giấy thông hành là một việc làm không cần thiết, và tỉnh này đã đề nghị Bộ Y tế có kiến nghị Thủ tướng thống nhất việc có cần áp dụng giấy thông hành khi qua chốt hay không.
Đến nay, chưa thấy bất cứ một thông tin nào về xử lý những bất cập đối với giấy thông hành Covid-19 như kể ở trên.
Vì tính cho đến chiều 16/7, dù Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã yêu cầu cho những xe không dừng đỗ được đi không cần giấy, thì tỉnh Bình Phước vẫn yêu cầu "có giấy thông hành thì thông chốt". Tại các chốt kiểm dịch, tỉnh này vẫn không tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm test nhanh Covid-19 cho tài xế đường dài… Mà không qua được tỉnh Bình Phước thì sẽ rất khó để đi tiếp lên Tây nguyên.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 18/07/2021
*********************
Hoàng Mai, VNTB, 18/07/2021
Chiều ngày 17/7/2021, nhiều người dân xôn xao với tin tức mà báo chí đưa ra, kèm theo đó là công văn hỏa tốc được ký bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cùng ngày, về vấn đề các tỉnh thành phía Nam giãn cách theo chỉ thị 16, từ 0g ngày 19/7.
Xoay quanh vấn đề này, xuất hiện nhiều luồng ý kiến, đại đa số là vì vấn đề phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả ở khu vực miền Nam, cho nên đều đồng tình. Tuy nhiên, trong số đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng, nếu như tiếp tục giãn cách theo chỉ thị 16, với những quy định như đang áp dụng hiện nay ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều người dân sẽ sinh sống ra sao ?
Để giải đáp cho vấn đề, theo trích dẫn từ bài báo đăng trên báo Tuổi Trẻ thì :
"Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị 16, chú ý bảo đảm nguồn vật tư, trang thiết bị, nhân lực y tế, nhất là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế.
Đồng thời bảo đảm an ninh, an toàn, an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu ; đặc biệt chú ý nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho các ca bệnh nặng".
Thoạt nghe qua, là một cảm giác an tâm, bởi tất cả đã nằm trong tiên liệu trước.
Trước khi đưa ra quyết định toàn miền Nam cùng chung tay thực hiện chỉ thị 16, đã có sự tính toán trước không chỉ trong vấn đề vật tư, trang thiết bị hay nhân lực y tế mà còn là về an sinh, cuộc sống của người dân cũng như tình hình trật tự trị an. Tuy nhiên, làm việc đó như thế nào, ra sao, lại không được nói rõ.
"Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua là một ví dụ đó. Không cần ngồi ở Việt Nam cũng thấy người dân rất tuân thủ quy định mà chính quyền địa phương đưa ra. Dù biết là khó khăn, là ảnh hưởng rất nhiều đến việc mưu sinh, đời sống của họ, nhưng họ vẫn chấp nhận hy sinh vì cái chung.
Có thể bạn thấy kéo dài thời gian thực hiện chỉ thị 16 thôi mà, có gì mà đáng lo, mấy ông cứ nói quá. Điều bạn nói có thể không sai nhưng nó không đúng với tất cả.
Với những người buôn gánh bán bưng, làm ngày nào sống ngày đó, dư dả một ít, để tiết kiệm, là mừng lắm rồi. Giờ đây, buôn bán không được, đi lại cũng khó khăn, một số công việc như vé số, xe ôm cũng tạm dừng. Không phải sống để ăn nhưng cần ăn để mà sống, giờ đây sẽ ra sao ? Không lẽ suốt ngày ăn mì gói, cháo gói ? Rồi sức khỏe sẽ như thế nào trước dịch bệnh Covid-19 này ?
Vận động chủ nhà giảm tiền trọ là một phương pháp, dù thực tế cũng có không ít chủ nhà trọ không cần vận động vẫn tự động giảm tiền trọ, nhưng dù sao đi chăng nữa, đó cũng chỉ là bớt một phần tiền ở, còn tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền điện – nước, tiền phòng bệnh tật, đủ thứ cái để lo.
Trong khi đó, cái gọi là hỗ trợ Covid-19 cho những người khó khăn, có chắc chắn những ai khó khăn đều được nhận không ? Đã giải ngân hết chưa ? Rồi 26.000 tỷ trao được bao nhiêu người ?
Một số người có thể thấy thêm thời gian chỉ thị 16 là bình thường như đối với một số lao động nghèo, lang thang cơ nhỡ, là khó khăn nhiều lắm chứ".
Hàng loạt vấn đề ở trên đang được đặt ra qua góc nhìn của giới lao động cần lao.
Có thể nói, người dân luôn sẵn sàng chung tay cùng chính phủ và chính quyền địa phương thực hiện chỉ thị 16 để đẩy lùi dịch Covid-19. Thế nhưng, cũng mong rằng, sẽ có chính sách an sinh thật sự rõ ràng và hiệu quả để người dân không quá cơ cực trong thời gian này…
Hoàng Mai
Nguồn : VNTB, 18/07/202
******************
Quang Nhựt, VNTB, 18/07/2021
Ông Phan Văn Mãi cũng đã đưa ra 3 kịch bản sau thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Kịch bản thứ 1 là chính quyền thành phố kiểm soát được dịch Covid-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16 ; có thể là chỉ thị 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.
Kịch bản thứ 2 là chính quyền chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian, và có thể thực hiện gia giảm kiểu ‘drama’ 16+ ở một số địa bàn.
Kịch bản thứ 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát nên chính quyền phải tính đến tình huống phong tỏa với ‘biện pháp mạnh hơn’ – nhưng lại không nói rõ là biện pháp gì.
Theo ông Mãi – một chính khách vừa chân ướt chân ráo đến từ miệt sông nước Bến Tre, thì Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện để đạt được mục tiêu theo kịch bản thứ 1. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, chính quyền cũng lường trước việc sẽ tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 trong một thời gian nữa, sau khi hết 15 ngày giãn cách xã hội.
Kể từ ngày 9/7/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua hơn 1 tuần lễ dưới chỉ thị 16 của chính phủ. Trong thời gian qua, có thể nói, thành phố này đã "thay da đổi thịt" nhiều.
Những con đường luôn tràn ngập xe cộ qua lại, giờ đây vắng hoe, liệu chăng, nếu có, thì đó cũng là những xe cấp cứu hoặc xe buýt chở người bệnh đi cách ly, chữa trị.
Những con phố tấp nập hàng ăn, hàng quán thì giờ đây được thay bằng cảnh giăng dây, đóng cửa ở nhiều nơi. Những khu chợ buôn bán ở ngoài đường, luôn đông đúc người mua kẻ bán thì giờ đây là hình ảnh của chiếc lá bay theo chiều của một cơn gió thoảng qua, hay một vài chú chó đi lang thang ngoài đường, ở cái nơi là ngày xưa luôn tấp nập xe cộ.
Có thể nói, một tuần qua là một tuần khó khăn.
Khó khăn trên nhiều phương diện, từ công việc, đi lại cho đến lương thực, thực phẩm rồi hồi hộp rằng, trong vô vàn những con người đó, không biết rằng, mình có "vấp phải F0" nào hay không ?
Biết rằng, chính quyền rất nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn hàng hóa, phục vụ cho người dân, song hễ mỗi khi có một ‘fake news’ xuất hiện, hình ảnh người người đứng xếp hàng, có lẽ, hoàn toàn không khó để bắt gặp.
Một tuần hơn trôi qua với nhiều vấn đề, vẫn chấp nhận khó khăn, chuẩn bị tinh thần cho tuần mới khi chỉ thị 16 vẫn còn đó. Thôi thì đã thông báo trước, có một ít thời gian để chuẩn bị từ vấn đề ăn uống cho đến công việc, biết rằng càng kéo lâu thì càng khó khăn, cũng đành chấp nhận.
Những ngày qua, mặc dù có tin tức trong thời gian dưới chỉ thị 16, số ca nhiễm trong cộng đồng đã có chiều hướng giảm (mặc dù ngày nào số ca nhiễm cũng như số ca đang điều tra dịch tễ là hoàn toàn không ít, vaccine thì hết dời ngày này tới ngày khác), thôi thì lạc quan mà nghĩ, có tín hiệu tích cực là điều đáng mừng rồi.
Thế nhưng, theo như lời ông Mãi, một kịch bản về chỉ thị 16 tiếp tục được thực thi, liệu rằng khi đó, sẽ như thế nào ?
Có thể sẽ là càng lúc càng khó khăn hơn. Tuần đầu, nhiều người còn có thể trụ được vì còn có thể ăn vào tiết kiệm.
Tuần hai, vơi đi phần nào nhưng có lẽ cố gắng vẫn còn có thể cầm cự được. Nhưng thêm tuần ba hay thêm 15 ngày nữa, thật sự là một điều khó khăn. Rồi còn những người khuyết tật, những người bán vé số, chạy xe ôm…, chạy ăn hằng ngày đã khó, giờ đây còn chỉ thị 16, biết làm sao ?.
Người dân sẵn sàng chung tay phòng chống dịch Covid19 với chính quyền ; người dân sẵn sàng nghe theo những quy định chính quyền đưa ra, sẵn sàng tin tưởng và chấp nhận khó khăn.
Lên tiếng trước về ba kịch bản sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16 là một ghi nhận về tầm nhìn những cái sắp tới. Song, tại sao lại không có (hoặc không thông báo hay tờ báo không viết) về những kịch bản sắp tới cho vấn đề dân sinh khi thực hiện 3 kịch bản dịch sau thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 ?
Vô tình ‘quên’ hay không để tâm, hoặc đơn giản vì lực bất tòng tâm ? !
Quang Nhựt
Nguồn : VNTB, 18/07/2021
********************
Covid-19 : Hà Nội bắt đầu phong tỏa từ ngày 19/7
RFA, 18/07/2021
Vào chiều ngày 18/7, UBND Thành phố Hà Nội có công điện, yêu cầu người dân từ 0 giờ ngày 19/7 ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp như y tế, thiên tai, thảm hoạ. Giới chức thành phố yêu cầu người dân thực hiện nghiêm 5k, giữ khoảng cách hai mét khi giao tiếp, không tụ tập quá năm người ở nơi công cộng.
Anh ninh gác bên ngoài một khu bị phong tỏa do Covid-19 ở Hà Nội hôm 12/7/2021 AFP
Theo Công điện mới, giới chức Thành phố cũng yêu cầu dừng tất cả mọi hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, các cửa hàng bán hàng ăn uống chỉ bán hàng mang về.
Công an thành phố được lệnh tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, bảo đảm 22/22 chốt hoạt động 24/24 giờ, kiểm tra, kiểm soát 100% người và phương tiện vào thành phố.
Vào chiều ngày 18/7, Sở Y tế Hà Nội thông báo thêm 27 ca mắc Covid-19 mới bao gồm ít nhất năm trường hợp chưa xác định được nguồn lây.
Kể từ ngày 29/4 đến nay, tức là từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Hà Nội đã ghi nhận 427 trường hợp nhiễm Covid-19. Số ca tăng nhanh kể từ ngày 5/7 với 167 ca mới.
*********************
Cao điểm chống dịch và cuộc sống người nghèo
Lê Thiếu Nhơn, Văn Nghệ, 16/07/2021
Đô thị lớn nhất phương Nam đang trọng thương vì Covid-19 ! Đó là điều mà hầu hết người Việt Nam đều cảm nhận rất rõ ràng. Từ ngày 31/5, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 9/7 thì mức độ kiểm soát tăng lên để triển khai áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16. Nói cách khác, Thành phố Hồ Chí Minh phải phong tỏa để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Nhiều phần quà được các tổ chức, cá nhân, nhóm làm xã hội từ thiện trao tận tay người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày dịch Covid-19.Ảnh : Anh Tuấn/TTXVN
Đã có nhiều nơi phong tỏa để chống dịch. Thế nhưng, khi Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa thì ai cũng biết rằng cuộc chiến với Covid-19 đã căng thẳng hơn, cam go hơn. Bởi lẽ, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm mọi hoạt động giao thương và dịch vụ của cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh trọng thương thì Việt Nam không thể khỏe mạnh.
Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc những người từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương sẽ cách ly tại nhà 7 ngày rồi thực hiện xét nghiệm theo lịch trình. Thế nhưng, các tỉnh vẫn yêu cầu có giấy xét nghiệm âm tính mới cho vào địa phận. Có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 7 ngày, có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 5 ngày, và cũng có tỉnh đưa tiêu chí giấy xét nghiệm có giá trị trong vòng 3 ngày.
Vậy, thử hỏi, giấy xét nghiệm có ý nghĩa gì ? Xét theo góc độ y học, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính, nghĩa là lúc ấy trở về trước thì đối tượng được xét nghiệm chưa nhiễm bệnh. Còn đối tượng được xét nghiệp có nhiễm bệnh hay không, kể từ khi rời khỏi khu vực lấy mẫu xét nghiệm, thì không thể nào phán đoán được. Nói cách khác, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính chỉ có giá trị bảo chứng cho quá khứ, chứ không có giá trị bảo chứng cho tương lai. Vậy mà, kỳ lạ thay, giấy xét nghiệm lại trở thành giấy chứng nhận không lây nhiễm ngắn hạn ,để nhiều địa phương xem xét như một giấy thông hành cho người lao động. Xét nghiệm Covid-19 cũng có những trường hợp âm tính giả. Vì vậy, Bộ Y tế mới quy định thời biểu lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần cho F1, F2 để tránh rủi ro xuất hiện những đối tượng được xét nghiệm chuyển qua dương tính ở những ngày tiếp theo.
Rõ ràng, giấy xét nghiệm Covid-19 có kết quả âm tính hoàn toàn không phải "kim bài miễn dịch". Phương pháp tối ưu để đẩy lùi Covid-19 là 5K và vắc xin, chứ không phải nỗi hào hứng với giấy xét nghiệm. Những địa phương bắt buộc người lao động phải có giấy xét nghiệm, dường như không màng đến yếu tố y học, mà chỉ cốt đặt ra một loại rào cản mới có vẻ trang nghiêm và thuyết phục. Nhiều dịch vụ xét nghiệm Covid-19 lập tức bùng nổ với giá cả khá linh hoạt từ 300 nghìn đồng/lần đến 700 nghìn đồng/lần. Chưa cần đề cập đến khả năng có kiểm soát được giấy xét nghiệm bị làm nhái, làm giả hay không, thì riêng chi phí giấy xét nghiệm đã thêm gánh nặng cho người nghèo. Trong cao điểm dịch bệnh, không ai muốn di chuyển xa để làm việc, nếu đã đủ ăn đủ mặc. Những lao động bất đắc dĩ phải ra khỏi nhà mùa Covid-19 đều có kinh tế khá eo hẹp. Vậy mà, cứ 3 ngày, 5 ngày hoặc 7 ngày họ lại phải mất thêm tiền để làm giấy xét nghiệm, thì chật vật càng thêm chật vật, khốn khổ càng thêm khốn khổ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên tục có những chuyến công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để chỉ đạo công tác chống dịch. Việc Thành phố Hồ Chí Minh phải áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 là một trong những sự kiện được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và chia sẻ. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi năm có 52 tuần, có thể hy sinh 2 tuần để đổi lại 50 tuần bình yên. Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ chống dịch, vì các thủ tục đã giảm 2/3. Thủ tướng Phạm Minh Chính khuyến khích Thành phố Hồ Chí Minh cứ mạnh dạn làm, quan trọng dứt khoát không để bỏ sót, với tư tưởng chăm lo, không để người dân thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm và đảm bảo bình đẳng khi tiếp cận các gói hỗ trợ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh thành lập các trung tâm cứu trợ, tổ chức đường dây nóng và thông qua công nghệ, mạng xã hội để nắm bắt các khó khăn của người dân, những người yếu thế. Đồng thời, tổ chức các xe hàng lưu động vào tận các ngõ hẻm, đường phố gặp khó khăn để phục vụ nhân dân từng khu phố, tổ dân cư.
Sự gợi ý của người đứng đầu Chính phủ rõ ràng đã mở đường cho đô thị lớn nhất phương Nam triển khai "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Mỗi ngày, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp cho ngân sách hơn 1000 tỷ đồng. Như vậy, hai tuần giãn cách thì Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể chi ra số tiền khoảng 14 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân đang vất vả chịu cảnh phong tỏa. Cao điểm chống dịch buộc phải hạn chế người dân ra khỏi nhà. Vì vậy, những đối tượng lao động tự do sẽ mất thu nhập. Họ là những người bán hàng rong, tài xế xe ôm, bán vé số dạo… Họ vốn không có khoản tiền dành dụm, hoặc nếu có cũng đã dè sẻn chi tiêu hết trong suốt thời gian virus corona thâm nhập vào Việt Nam hơn một năm qua. Hỗ trợ những người nghèo vượt qua được gieo neo thì chắc chắn cuộc chiến đẩy lùi Covid-19 cũng sẽ thành công như mong đợi.
Để người nghèo không bị đứt bữa, thì lương thực là bài toán cần đáp số đầu tiên. Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp mã vận tải hàng hóa cho 2.800 xe vận tải ra vào các cảng, khu công nghiệp, chủ động phân luồng xanh, điều tiết từ xa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt. Thành phố Hồ Chí Minh cũng chủ động khai trương lại "siêu thị mini 0 đồng" tại 6 điểm cung cấp nhu yếu phẩm cho khoảng 16 nghìn người nghèo. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng quyết tâm không để bất kỳ người dân nào, trong đó cả những người không thuộc 6 nhóm đối tượng hỗ trợ theo nghị quyết 09/NQ-Thành phố Hồ Chí Minh, bị thiếu đói trong thời gian giãn cách xã hội.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế của cả nước. Ở đó, có những người ngụ cư với hàng trăm nghề lao động tự do khác nhau, không chỉ góp phần tạo nên sức sống cho một thị trường năng động, mà còn cưu mang nhiều mảnh đời thân nhân nơi quê nhà. Hy sinh 2 tuần ngưng đọng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đừng ngần ngại sử dụng nguồn lực tài chính chăm lo cho những mảnh đời khốn khó, để họ tin yêu cùng Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước vun đắp 50 tuần bình yên như ý muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Lê Thiếu Nhơn
Nguồn Văn nghệ số 29/2021, 16/07/2021
Lê Thiếu Nhơn là Nhà thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam
Hôm 14/07/2021, ngày quốc khánh Pháp, hầu hết các nhật báo cũng nghỉ lễ. Một vài tờ báo chính như Le Monde, Le Figaro hay Libération vẫn ra báo thì đều tập trung xoay quanh chủ trương mới phòng chống dịch Covid-19 vừa được tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đầu tuần này, đặc biệt trên vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi phát biểu truyền hình về tình hình dịch bệnh Covid-19 tối ngày 12/07/2021. AFP – Ludovic Marin
Tựa lớn trang nhất của Le Figaro : "Những câu hỏi và tranh luận xung quanh chứng nhận y tế". Sau diễn văn của tổng thống Macron hôm 12/07, viện Odoxa đã làm một thăm dò dư luận cho Le Figaro, theo đó 61% người dân Pháp ủng hộ biện pháp mở rộng phạm vi sử dụng giấy chứng nhận y tế của chính phủ, nhưng cách áp dụng trên thực tế mới đang là vấn đề đau đầu cho cả chính quyền lẫn đối tượng thực hiện.
Từ ngày hôm qua 13/07, chính phủ đã cố gắng chi tiết hóa cách thức thực hiện chủ trương của tổng thống, nhưng dư luận đã thấy không ít bất cập. Nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh việc áp dụng chứng nhận y tế.
Thực tế, chứng nhận y tế đã có hiệu lực đối với những người đi du lịch hay tham dự vào các sự kiện tập trung trên 1.000 người, nhưng theo thông báo của tổng thống thì từ ngày 21/07 này, phạm vi áp dụng được mở rộng ra nhiều địa điểm như các quán cà phê, quán ăn, các trung tâm thương mại và cả các bệnh viện, viện dưỡng lão, hưu trí, các cơ sở y tế xã hội, người sử dụng máy bay và tàu đường dài.
Le Figaro nhận thấy với quy định này hoạt động của một số tụ điểm sẽ bị ảnh hưởng nhiều trong khi mà các ngành như giao thông vận tải, quán hàng, trung tâm thương mại đều đang lúng túng chưa biết sẽ áp dụng hình thái kiểm tra chứng nhận y tế ra sao với các khách hàng. Bị bất ngờ, nhiều cơ sở đã lên tiếng đề nghị cho lùi lại các biện pháp để có thời gian chuẩn bị.
Một điểm mà các báo có thể đều nhận thấy là biện pháp mở rộng phạm vi áp dụng chứng nhận y tế chính là cách tạo áp lực để mọi người buộc phải tiêm chủng ngừa Covid, trong khi mà chính phủ không thể áp đặt tiêm vac-xin cho mọi đối tượng.
Hiệu quả đã thấy ngay là trong vòng chưa đầy hai ngày gần 2 triệu người đã đổ xô đăng ký tiêm chủng. Nhật báo Libération nhận thấy ngay cả trong việc tiêm chủng, ở đây cũng nảy sinh những vấn đề, động chạm đến nhiều tình huống phức tạp. Ngay cả quy định bắt buộc tiêm chủng với một số đối tượng như nhân viên y tế, nhà hàng cũng khó có thể được thông qua ở cấp độ Hội Đồng Bảo Hiến để có thể luật hóa quy định.
Libération đặt ra một loạt câu hỏi : Làm sao có thể đi du lịch xa hay lên máy bay với một trẻ em 12 tuổi chưa thể tiêm đủ 2 liều vac-xin ? Chủ quán ăn lấy quyền gì để kiểm tra nhân thân và chứng nhận y tế của khách hàng ? Với khách Mỹ đến du lịch Pháp, kiểm tra giấy thông hành y tế của họ ra sao ? Nói chung rất nhiều vấn đề đang chờ có câu trả lời của chính phủ và cần phải có sự linh hoạt trong áp dụng thực hiện chủ trương.
Trong khi đó Le Monde quan tâm nhiều đến quyết định "tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế gây phản ứng", nhất là khi những người không tuân thủ có thể bị đình chỉ công việc hoặc sa thải.
Le Monde cho biết số lượng nhân viên y tế và làm việc trong các viện dưỡng lão chưa tiêm chủng không phải là nhiều, chỉ còn khoảng 1,5 triệu người. Từ nay đến hạn 15/9 có thể tiêm chủng hết cho số đối tượng trên nhưng vấn đề là áp đặt bắt buộc đối với họ tạo ra một tâm lý không tốt trong ngành y.
Vấn đề còn lại vẫn là để xem biện pháp bắt buộc này sẽ được triển khai thực hiện ra sao ? Người ta không tin là người ta có thể sa thải nhân viên y tế vì không tiêm chủng khi mà đây là nguồn lực chủ chốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và nguồn lực này cũng đang trong tình trạng thiếu thốn.
Một khía cạnh khác mà báo chí Pháp đều có đồng quan điểm đó là đằng sau diễn văn trên truyền hình chủ yếu tập trung vào các chủ trương mạnh mẽ chống dịch Covid-19 của tổng thống Emmanuel Macron là một chiến dịch tranh cử tổng thống đang được chuẩn bị. Le Figaro có bài : "Nguyên thủ quốc gia chứng tỏ quyền lực, chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống ‘dưới thời Covid’". Còn nhật báo Libération thì khẳng định với hàng tựa : "Tại Elysée, sau chiến dịch tiêm chủng là chiến dịch tranh cử tổng thống".
Chuyển qua trang kinh tế, nhật báo Le Figaro có bài về việc cơ quan quản lý cạnh tranh của Pháp phạt Google 500 triệu euro. Đây là một trừng phạt mới quy mô lớn mà người khổng lồ Mỹ trong lĩnh vực internet phải hứng chịu ở Pháp. Tháng trước cơ quan chống độc quyền của Pháp cũng đã ra lệnh phạt Google 220 triệu euro vì lạm dụng ưu thế trong lĩnh vực quảng cáo bằng công nghệ số. Lần này Google bị phạt vì đã không tôn trọng luật, từ chối thảo luận với các cơ quan báo chí về khai thác sử dụng các nội dung thông tin của họ trên mạng. Các hãng phát hành tin tức APIG, SEPM và AFP của Pháp cáo buộc Google đã không thực hiện các cuộc đàm phán một cách thiện chí với họ để thống nhất khoản phí chi trả cho việc hiển thị nội dung tin tức trực tuyến trên các công cụ của Google. Tuy nhiên không có gì ngăn cản Google kháng nghị lại quyết định trừng phạt của cơ quan Pháp.
Vẫn liên quan đến chủ đề kinh tế, nhật báo Libération có bài nhấn sự kiện hôm nay, 14/07/2021, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen sẽ phải thông báo đến năm 2035 chấm dứt bán các loại xe hơi dùng động cơ chạy bằng xăng dầu tại Liên Hiệp Châu Âu. Quyết định này sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất xe hơi chuyển sang làm xe chạy điện mạnh hơn để chiếm lĩnh thị trường.
Đây sẽ là bước ngoặt lịch sử cho ngành công nghiệp xe hơi nhưng lại đặt ra không ít thách thức về vấn đề công ăn việc làm khi mà thời gian chuyển tiếp quá ngắn. Quyết định của Ủy Ban Châu Âu sẽ đặt các hãng xe của Châu lục trước một cuộc chạy đua với thời gian cùng nhiều rủi ro về kinh tế xã hội liên quan đến hơn 13 triệu lao động ở Châu Âu. Theo bài báo, sản xuất xe động cơ điện sẽ làm giảm 60% nhân lực so với chế tạo động cơ diesel và 40% so với chế tạo động cơ chạy xăng. Điều quan trọng là các hãng xe cần phải có tiền để đầu tư để chuyển đổi dây chuyền, công nghệ sản xuất. Tờ báo cho hay, đầu tuần này lãnh đạo các hãng xe hơi Pháp đã gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Mục tiêu đầu tiên của họ là đòi chính phủ trợ giúp tiền. Các nhà chế tạo xe hơi Pháp cần ít nhất 17 tỷ euro đầu tư trong 5 năm để chuyển hướng sang sản xuất xe chạy điện.
Chỉ còn hơn một tuần nữa, ngày 23/07, Nhật Bản sẽ đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, Thế Vận Hội Tokyo 2020 sau khi đã phải lùi lại một năm vì dịch. Một thế vận hội diễn ra không khán giả, trong tình trạng khẩn cấp y tế, một kỷ thế vận hội đại đa số người dân không muốn có.
Nhật báo Le Monde có bài viết về kỳ Thế Vận Hội không được người dân Nhật chào đón. Bài báo ghi nhận thực tế là tại Nhật Bản, chính phủ của thủ tướng Yoshihide Suga đang bị mắc kẹt giữa một bên là quyết tâm bằng mọi giá duy trì sự kiện Olympic Tokyo, bất chấp mọi cảnh báo của các chuyên gia về những rủi ro y tế và bên kia là sự phản đối của đại đa số người dân Nhật.
Nhưng vấn đề hủy hay hoãn lại sự kiện thể thao này đều không thể được đối với chính phủ Nhật. Thứ nhất, theo bài báo, chỉ có Ủy Ban Olympic Quốc tế (CIO) có thể quyết định hoãn hay hủy Thế Vận Hội, trong trường hợp có chiến tranh hay lo ngại thực sự có đe dọa an toàn của những người tham dự sự kiện. Nếu nước chủ nhà quyết định đơn phương hủy Thế vận hội thì phải chịu toàn bộ phí tổn tổ chức sự kiện. Trong trường hợp Olympic Tokyo, các chi phí đầu tư chính thức là 12,6 tỷ euro, trong đó có 2,7 tỷ đầu tư của các nhà tài trợ. Nếu sự kiện bị hủy thì các bên liên quan sẽ bị thiệt hại còn nhiều hơn số tiền đã đầu tư.
Chính phủ nhật đã duy trì Thế Vận Hội cho dù việc đón hàng chục nghìn người gồm các vận động viên, thành viên đoàn, quan khách và nhà báo cùng lúc như vậy có thẩy tạo ra một làn sóng lây nhiễm Covid mới.
Theo bài báo, ngoài nhưng ràng buộc về tài chính, những kỷ niệm buồn trong quá khứ khiến cho chính phủ Nhật không muốn đặt vấn đề hủy sự kiện. Đó là Tokyo năm 1940 đã phải hủy bỏ kỷ Thế Vận Hội, khi đó là vì lý do chiến tranh. Làn này để hoãn Thế Vận Hội, cần phải có quyết tâm chính trị, điều mà thủ tướng Suga không có được". Bị mắc kẹt trong các cam kết hợp đồng với CIO, với các nhà tài trợ và các kênh truyền hình, chính phủ trói tay và phải từ bỏ một phần chủ quyền". Chính phủ của thủ tướng Suga đang trong ngõ cụt, chỉ còn có thể hy vọng sự kiện sẽ diễn ra mà không gây thiệt hại quá nhiều.
Anh Vũ
Thói quen giấu giếm làm cho người cộng sản trở nên phản động
Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 12/07/2021
Sau khi thành phố Sài Gòn bị phong tỏa để chống dịch Covid-19, tác giả Yên Khắc Chính của trang Luật Khoa đặt ra một số câu hỏi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, những câu hỏi rất hiền lành : "Đâu là giả, đâu là thật ?" ; "Chống dịch như chống giặc, nhưng đâu là giặc ?" ; "Ưu tiên của chính quyền là gì ?"… Dù hiền lành nhưng nội dung các câu hỏi này cho thấy rõ bản chất rất phản động của chính quyền cộng sản hiện nay.
Ảnh chụp màn hình hai bài báo Tuổi Trẻ
Đầu tiên, nhà cầm quyền phủ nhận, không có phong tỏa, rồi sau đó phong tỏa. Sự giấu giếm thông tin, hay nói trắng ra là nói láo dân chúng, đưa tác giả đi đến câu hỏi rằng, có phải nhà cầm quyền coi dân chúng là giặc hay không, vì chỉ là giặc thì mới bị đối xử như thế.
Nhiều người dân Sài Gòn liên tưởng tới một vụ đổi tiền sau năm 1975. Trong vụ này, chiều hôm trước báo chí nhà nước nói rằng không có đổi tiền ; nhưng sáng hôm sau, lệnh đổi tiền được ban bố. Giữ bí mật như một trận đánh, một trận đánh với dân chúng Sài Gòn vừa được (bị) "giải phóng".
Thói quen nói láo, giấu giếm, coi dân chúng là "đối tượng", là giặc, như vậy có gì khác hơn là tính chất phản động ? Phản lại vai trò của một nhà nước là phải làm "đày tớ" cho dân, như những người cộng sản vẫn hay huênh hoang ?
Một thói quen phản động khác của nhà cầm quyền cộng sản là xem giới chuyên môn, khoa học, không ra gì, một quan điểm chống lại sự phát triển, đặt nền tảng trên khoa học và chuyên môn. Điều này được thấy rõ nhất qua tuyên bố của ông Nguyễn Văn Nên, bí thư thành ủy thành Hồ, rằng ông ta sẽ gặp các nhà khoa học để bàn chuyện chống dịch.
Nước tới trôn mới nhảy, đó là nói rằng ông Nên thật sự cần các nhà khoa học khi nước tới trôn, chứ không phải là làm màu. Tức là, suốt một năm rưỡi qua, từ khi đại dịch hoành hành trên thế giới cho đến khi nó bùng lên dữ dội ở Việt Nam, ông Nên và các đồng chí của ông không cần khoa học.
Quan điểm quản trị quốc gia với chính trị là thống soái, giành quyền lực vào một thiểu số đảng viên cộng sản, là một quan điểm phản động, dẫn tới khoa học và giáo dục Việt Nam hiện nay là một mớ hổ lốn.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã có sự cố gắng trong minh bạch thông tin hồi đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới khởi phát. Theo các nhà quan sát độc lập, từ báo chí phương Tây và các chuyên gia Mỹ ở Việt Nam, vào lúc đó việc công bố các ca bệnh không giấu giếm.
Thế tại sao bây giờ nhà cầm quyền cộng sản lại làm ngược lại ?
Các thông tin cho chúng ta biết, rằng Hà Nội biết khá sớm đại dịch đã bùng phát từ cuối năm 2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, mà người anh em kết nghĩa cộng sản của họ là Bắc Kinh lại giấu kín. Hà Nội chuẩn bị khá kỹ lưỡng, và biết rằng không thể giấu giếm như thói quen cố hữu của họ, khi họ không muốn làm phật lòng phương Tây như những người đồng chí phương Bắc. Và cũng có thể đó là một sự hướng thiện nhỏ nhoi trong tiến trình bình thường hóa đời sống xã hội hơn 30 năm nay.
Nhưng khi đợt dịch lần thứ tư này bùng phát, mức độ dữ dội và mất kiểm soát của nó làm cho nhà cầm quyền cộng sản hoảng sợ, và từ sự hoảng sợ đó, họ quay về với thói quen bí ẩn, giấu giếm, là căn cốt của họ. Mà nói cho cùng thì một trong những nguyên nhân của đợt dịch thứ tư này chính là thói huênh hoang, khoác lác, kiêu ngạo trước đó của họ.
Sự mất kiểm soát làm cho những người cộng sản cầm quyền hoảng hốt và sợ hãi. Sự sợ hãi làm cho họ nghĩ rằng, nếu họ nói thật về dự định phong tỏa thành phố, sẽ có rối loạn mà họ không thể kiểm soát. Sự sợ hãi này và sự sợ hãi mấy mươi năm về trước trong vụ đổi tiền là giống nhau.
Thật ra mô hình cộng sản, tức là mô hình nhà nước Lenin-Stalin-Mao mang trong mình tính chất phản động, chống lại sự phát triển bình thường. Vì thế, đảng cộng sản ở các nước còn lại như Trung Quốc và Việt Nam có tính chất phản động, kể cũng không lạ. Sự việc động trời nhất là vụ đàn áp bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán, khi ông này đặt nghi vấn về loại virus mới, giết nhiều người ở Vũ Hán lúc đó và đang lây lan nhanh, mà chưa ai biết đó là virus gì. Bắc Kinh tiếp tục giấu giếm khi từ chối hợp tác với tổ chức y tế thế giới về việc điều tra nguồn gốc virus.
Cả hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều hoạt động bí mật trong hàng chục năm đầu đời của họ. Sự bí mật, cộng với tính chất phản động của họ làm cho họ luôn có khuynh hướng giấu giếm sự thật. Cách đây gần 30 năm, tôi có đọc một bài đăng trên trang Diễn Đàn, của nhóm Việt kiều ở Pháp, nói về thói quen bí mật này của những người cộng sản, ngay cả khi không còn ai bắt bớ họ nữa, mà chỉ họ bắt bớ người khác khi cầm quyền.
Một điều khác làm tăng tính phản động của đảng cộng sản, đó là họ độc quyền cai trị, không có sự cạnh tranh công khai nào, điều tưởng đâu hay, hóa ra dở, vì họ phải cạnh tranh với chính dân chúng của họ. Vì thế, họ luôn coi dân chúng là "đối tượng", cần phải "đấu tranh", phải giấu giếm dân chúng mọi điều.
Cho nên, tác giả Yên Khắc Chính cũng đừng ngạc nhiên khi nhà cầm quyền cộng sản có thể coi dân là giặc. Sự sợ hãi và thói quen giấu giếm của đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho họ trở nên phản động.
Jackhammer Nguyễn
Nguồn : Tiếng Dân, 12/07/2021
******************
Yên Khắc Chính, Luật Khoa, 08/07/2021
Người dân luôn có quyền đặt câu hỏi về các quyết sách của chính quyền.
Một điểm phong tỏa tại Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6/2021. Ảnh : Quỳnh Danh/ Zing.
Tối 7/7/2021, các tờ báo trong nước đồng loạt đăng thông tin chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh "quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0g ngày 9/7 để phòng chống Covid-19".
Quyết định này không làm bao nhiêu người bất ngờ. Nhưng như các chỉ thị và chính sách chống dịch lâu nay, nó tiếp tục tạo ra nhiều dấu hỏi hơn là đưa ra câu trả lời.
Lý do chính không ai bất ngờ trước quyết định phong tỏa thành phố là vì trước đó vài ngày, thông tin này đã được lan truyền rộng rãi.
Nội dung của tin tức được truyền đi từ ngày 4/7 là "quyết định phong tỏa Thành phố Hồ Chí Minh trong 10-15 ngày, cho thành phố 36 – 48 giờ chuẩn bị, sẽ phong tỏa từ 0h thứ Ba ngày 7/7 hoặc 12h thứ Tư ngày 8/7…".
Tối ngày 4/7, chính quyền bác bỏ và gọi đó là "thông tin giả mạo".
Chiều ngày 6/7, chính phủ kêu gọi "sự ủng hộ và cảm thông của người dân nếu phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly diện rộng".
Và đến tối ngày 7/7, quyết định "giãn cách thành phố" được đưa ra.
Như vậy, trong ba ngày, chính quyền đi từ việc bác bỏ "tin đồn" đến việc gián tiếp xác nhận gần như toàn bộ nội dung của nó.
Với cách ứng xử như vậy, người dân có thể trông đợi gì từ "nguồn tin chính thống", khi cùng một nội dung, hôm trước là giả, hôm sau đã thành thật ?
Cách thức ứng xử như trên là một đặc trưng rất khó tìm thấy ở các thể chế dân chủ. Việc độc quyền, bí mật, giấu tin tức, tung hỏa mù, khiến đối phương bất ngờ… là cách xử lý thông tin điển hình của thời chiến.
Điều đó có thể được giải thích khi phương châm lâu nay của nhà nước là "chống dịch như chống giặc".
Vấn đề ở chỗ : ai là giặc ? Đương nhiên đó là con virus chứ không phải dân. Nhưng nếu vậy, vì sao không công khai toàn bộ thông tin với dân từ đầu mà phải úp úp mở mở ? Con virus đâu biết đọc tin tức ? Lý do gì phải ra những quyết định kiểu "đánh úp", khiến mọi người phải bất ngờ, để rồi càng thêm hoảng loạn ?
Với thể chế hiện tại, người dân gần như không có cách nào để ảnh hưởng đến chính sách của nhà cầm quyền.
Báo chí quốc doanh không thể đăng tải những ý kiến trái chủ trương, đường lối. Các tổ chức xã hội dân sự không những không được khuyến khích hoạt động mà còn thường xuyên bị chụp mũ chống phá, phản động. Kênh phát ngôn duy nhất của người dân là mạng xã hội, nhưng nó chưa bao giờ được nhà nước xem là "nguồn tin chính thống".
Người dân gần như chỉ có thể làm hai việc trong công tác chống dịch : tuân thủ quy định của chính quyền và đóng góp tiền cho nhà nước.
Góp tiếng nói vào các quyết sách chống dịch là một chuyện xa vời với đại đa số người Việt Nam, khi đến cả các gói cứu trợ được hứa hẹn của nhà nước nhiều người còn lắc đầu chỉ biết "lên tivi mà nhận hỗ trợ ".
Trên các tờ báo quốc doanh, không khó đọc thấy những bình luận thúc giục chính quyền phải "phong tỏa triệt để", "mạnh tay hơn nữa", "làm một lần cho xong"… Ngay trong phần bình luận về quyết định phong tỏa toàn thành phố mới nhất, nhiều ý kiến cho rằng đây là việc lẽ ra phải làm từ lâu.
Quyết định phong tỏa thành phố có hiệu quả đến đâu là chuyện không ai nói trước được, nhưng điều có thể khẳng định ngay là nó sẽ khiến rất nhiều người nghèo lâm vào cảnh khốn cùng.
Trong khi các khoản hỗ trợ nghìn tỷ của đợt trước với nhiều người chỉ là muối bỏ bể, thậm chí là những lời hứa trên tivi, thì khoản hỗ trợ mới nhất lại phải chờ đến cuối tháng 7 mới đến được tay những người gặp khó khăn.
Nếu những người chạy ăn từng bữa không được chính quyền hỗ trợ ngay lập tức, không có cách nào buộc họ phải ở yên trong nhà chờ chết, và cũng không ai có quyền yêu cầu họ phải làm vậy, cho dù nhân danh bất kỳ điều gì.
Người dân có quyền chất vấn, vì sao với những khoản vô thưởng vô phạt như bóng đá, các lãnh đạo đất nước có thể hứng chí thưởng ngay cả tỷ đồng trong chớp mắt (không rõ tiền lấy từ đâu), thế nhưng với những khoản hỗ trợ chỉ 50.000 đồng/ngày cho người nghèo thì lại có đủ thứ quy trình và thủ tục. Thậm chí, họ còn phải chờ "Bộ Chính trị đồng ý chủ trương " mới được tiến hành, trong khi Quốc hội mới là cơ quan quyết định ngân sách và chi tiêu của quốc gia ?
Với quyết định phong tỏa thành phố, nhiều người sẽ nghĩ ưu tiên hàng đầu của chính quyền là dập tắt dịch.
Nhưng nếu đó là ưu tiên số một, vì sao vẫn phải tổ chức cuộc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong những ngày này, với gần 87.000 thí sinh thành phố tập trung lại (tính chung cả nước là cả triệu học sinh) ?
Ý nghĩa của việc này là gì, khi trong nhiều năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp của cuộc thi luôn ở mức cao ngất ngưởng (năm 2020 là hơn 98% ) ?
Câu hỏi tương tự với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 23/5 vừa qua. Bất chấp tình hình dịch bệnh khi đó, chính quyền vẫn quyết tâm tổ chức sự kiện này, kêu gọi hàng chục triệu người dân phải trực tiếp đến địa điểm bầu cử để bỏ phiếu.
Nếu thật sự ưu tiên của chính quyền là chống dịch, vì sao không thể hoãn cuộc bầu cử, hoặc tổ chức để người dân bầu qua thư, mà phải bắt buộc người dân tập trung đông người một chỗ ? Và đương nhiên với nhiều người dân, ý nghĩa của sự kiện này cũng là một dấu hỏi lớn (chỉ cần kiểm tra xem có bao nhiêu người nhớ mình đã bỏ phiếu cho ứng cử viên nào).
Với những quyết sách mâu thuẫn nhau như vậy, thật khó để người dân "ủng hộ và cảm thông" với chính quyền.
Người dân chỉ có thể ủng hộ một khi họ được xem trọng, được đóng góp ý kiến vào trong những quyết định có ảnh hưởng đến mình, và được xem là đối tác ngang hàng chứ không phải bị chính quyền xem là đối thủ cần phải ứng phó.
Yên Khắc Chính
Nguồn : Luật Khoa, 08/07/2021
Thụy My, RFI, 09/07/2021
Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh tức Sài Gòn cũ có khoảng 8.000 ca dương tính trong đợt dịch mới (27/04 đến 06/07). Riêng trong ngày 08/07 Việt Nam ghi nhận thêm 645 ca dương tính trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có đến 481 ca.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là tâm đợt dịch mới do Covid-19 gây ra. Manan Vatsyaya AFP/File
Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong tuyên bố chính quyền buộc phải có những biện pháp cứng rắn hơn để có thể nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, "hy sinh lợi ích ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho nhân dân và sự phát triển lâu dài". Trước đó phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã kêu gọi Thành phố Hồ Chí Minh nâng cao thêm một mức giãn cách xã hội.
AFP dẫn tin từ truyền thông trong nước cho biết, với "giãn cách theo Chỉ thị 16", người dân chỉ có thể ra khỏi nhà để mua thực phẩm hoặc thuốc men. Cư dân từ hôm qua đã đổ xô đi mua hàng, trong lúc ba trong số các chợ đầu mối lớn nhất đã bị đóng cửa. Các hoạt động không thiết yếu đều bị ngưng, xe ôm bị cấm trừ người đi giao hàng, cấm luôn việc bán thức ăn mang về, gia tăng nguồn hàng thực phẩm cung ứng.
Có ít nhất 10 tỉnh ngưng đường bay đến Sài Gòn. Theo thông tin mới nhất, tỉnh Đồng Nai tối ngày 08/07 cũng quyết định "giãn cách theo Chỉ thị 16" từ 0 giờ ngày 09/07 như Sài Gòn.
Trên 80 ca dương tính được ghi nhận tại trại giam Chí Hòa, cả quản giáo lẫn phạm nhân đều nằm trong số người bị lây nhiễm. Những phát súng được nghe thấy tại nhà tù này từ hôm thứ Ba 06/07 nhưng hãng tin Pháp không rõ lý do. Theo báo Công an Nhân dân, một số can phạm "kích động gây rối" và công an thành phố đã điều động lực lượng để " ổn định tình hình ", chuyển một số phạm nhân về trại khác ở Củ Chi. Báo chí Nhà nước cho biết thêm, tối 03/07 có một phạm nhân tạm giam tại Chí Hòa bị nhiễm virus corona và tử vong tại bệnh viện.
Cũng theo AFP, ban đầu Việt Nam là kiểu mẫu chống dịch Covid, tuy nhiên hiện nay Việt Nam gặp khó khăn trong việc mua vac-xin và tung ra chiến dịch tiêm chủng. Bộ Y tế cho biết quốc gia 100 triệu dân này chỉ mới có được 4 triệu liều vac-xin.
Riêng về các hoạt động từ thiện như phát cơm giúp người nghèo, ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng vẫn được phép nếu bảo đảm yêu cầu, không tụ tập quá hai người. Trả lời RFI Việt ngữ, bạn Nguyễn Vương Trường Thành phụ trách nhóm Đêm Sài Gòn hàng đêm vẫn đi phát quà cho người vô gia cư, cho biết từ ngày mai nhóm phải thay đổi cách hoạt động.
"Nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn hàng tháng tổ chức các chương trình như phát quà cho các cô chú vô gia cư, phát phần ăn cho những cô chú ở bệnh viện. Tụi em vận động kinh phí trên mạng xã hội, các mạnh thường quân, ngoài ra còn đi bán sữa chua nếp cẩm hằng đêm để gây quỹ. Từ hồi Thành phố Hồ Chí Minh giãn cách cho tới nay mỗi đêm tụi em phát 1.000 phần ăn cho cô chú vô gia cư. Và ngày mai theo Chỉ thị 16, mỗi ngày cũng phát 1.000 vào buổi sáng. Cách làm của tụi em là chia ra thành nhiều địa điểm nhỏ, chẳng hạn 5 đến 10 địa điểm, để đồ ăn trên bàn, cô chú nào cần thì tới lấy".
Thanh Phương, RFI, 09/07/2021
Hôm 09/07/2021, thành phố Sài Gòn bắt đầu hai tuần phong tỏa để ngăn chận dịch Covid-19, hiện nay đang bùng phát mạnh trở lại do sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus Delta.
Một đoạn đường cao tốc không có xe lưu thông ở thành phố Hồ Chí Minh trong ngày đầu bị phong tỏa do Covid-19, ngày 09/07/2021. AFP – Huu Khoa
Thật ra thì chính quyền không sử dụng từ "phong tỏa" mà gọi biện pháp này là "giãn cách xã hội", trong khuôn khổ Chỉ thị 16 (được thủ tướng Việt Nam ban hành vào tháng 3 năm ngoái). Đây là lần thứ hai chỉ thị 16 được áp dụng tại Sài Gòn, trong bối cảnh thành phố này ghi nhận hơn 9.800 ca nhiễm kể từ đầu đợt dịch mới, con số cao nhất nước. Kể từ hôm nay, người dân tại Sài Gòn không được phép tụ tập quá 2 người nơi công cộng. Mọi người chỉ được phép ra ngoài để mua thức ăn, thuốc men..., hoặc trong những trường hợp khẩn cấp.
Theo hãng tin AFP, công an đã dựng các chốt kiểm soát ở những nơi ra vào thành phố và chỉ có những người trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 mới được vào Sài Gòn. Các bức ảnh được đăng trên báo chí trong nước cho thấy hôm nay đường phố Sài Gòn rất thưa vắng.
Theo báo chí trong nước, cũng kể từ hôm nay, các hãng hàng không chỉ được phép chở tối đa 1.700 hành khách từ Sài Gòn đến Hà Nội hoặc chiều ngược lại. Mỗi ngày, Cục Hàng không Việt Nam chỉ cho phép tối đa 54 chuyến bay đi, đến Sài Gòn.
AFP trích lời ông Trần Phương, một người dân Sài Gòn : "Tôi lo là các biện pháp nghiêm ngặt này sẽ không giúp được gì bởi vì virus nay đã lây lan sâu vào trong cộng đồng". Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, một người buôn bán phụ tùng xe gắn máy, thì cho biết là lệnh phong tỏa lần này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến người dân : "Việc làm ăn của chúng tôi phải tạm dừng, cho nên không có thu nhập. Cuộc sống của chúng tôi hiện rất khó khăn".
Hôm nay, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 50% người dân từ 18 tuổi trở lên từ đây đến cuối năm và 70% từ đây đến tháng 3/2022. Hiện giờ, Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân, chỉ mới tiêm chưa tới 4 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19. Bên cạnh việc phát triển các vac-xin trong nước, với hy vọng sẽ đưa ra sử dụng trước cuối năm nay, Việt Nam cũng đã đặt mua hàng triệu liều vac-xin ngừa Covid-19.
Thanh Phương
Cái nắm đấm đẫm lệ và chủ nghĩa tư bản Vượng Vin
Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 05/07/2021
Hóa ra "đường mòn Hồ Chí Minh trên không" là do tập đoàn tư bản lớn nhất nước Việt Nam cộng sản, VinGroup của ông Phạm Nhật Vượng đưa ra. Ông Vượng đưa một nhóm hơn 300 sinh viên, giảng viên trường y từ Hải Dương vào Sài Gòn, nói là để "hỗ trợ" thành phố này chống dịch Covid-19.
Theo một số người, chuyện này chẳng ai ở Sài Gòn nhờ vả cả, vì người tại chỗ còn nhiều, không cần phải vất vả tốn kém như thế, chẳng qua là ông Vượng cùng các tay chơi khác như Vietnam Airlines, Saigon Tourist… "ăn có" chuyện chống dịch để quảng cáo. Hôm qua, ông Mai Bá Kiếm có một bài với nhiều thông tin nói về chuyện này : Tuyên truyền bị phản tuyên truyền !
Tôi thấy câu chuyện ông Vượng và "đường Hồ Chí Minh trên không" của ông ấy cho chúng ta một hình ảnh rất thú vị về chủ nghĩa tư bản tại Việt Nam hiện nay.
Nhà tư bản Phạm Nhật Vượng dùng đúng hai kiểu tuyên truyền của tuyên giáo cộng sản, đó là hình ảnh những nắm đấm cộng sản và những lời lẽ ẻo ợt kiểu "thương quá", "tự hào quá"… cho chiến dịch ăn có của mình (nói cho sang là PR, quan hệ công chúng).
Đây quả là công thức và hình ảnh tuyệt vời của cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà các viên chức cộng sản liên tục tán dương mấy chục năm nay.
Có lẽ cũng giống như bên nước Tàu cộng sản, hình ảnh nắm đấm, nghe nói là được dùng trong các buổi kếp nạp đảng viên, cũng được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Nắm tay phải (có khi tôi thấy cả tay trái) giơ lên trông rất quyết liệt và dữ dằn, được người cộng sản gọi là "hạ quyết tâm", trước khi họ có một kế hoạch làm gì đó.
Hình ảnh "hạ quyết tâm" này làm cho những người nghi ngại kế hoạch đó phải e dè, sợ cái nắm đấm đó giáng xuống đầu mình. Lật lại những trang báo Tàu hồi năm 2020, khi các đoàn y tá, bác sĩ đến Vũ Hán để chống dịch, người ta cũng thấy những nắm đấm vung lên rùng rợn như các em học trò Hải Dương vậy.
Hình ảnh tuyên truyền chống dịch bằng nắm đấm của Việt Nam. Nguồn : ILIAT
Nắm đấm có thể hiểu được trong chiến tranh, trong những cuộc cách mạng nổi dậy, nhưng quả là khó hiểu khi họ muốn đánh nhau như vậy trong thời bình. Họ đánh cái gì ? Đánh virus ư ? Virus chỉ sợ vaccine chứ làm sao sợ đấm đá cho được ?
Kèm với nắm đấm là những ngôn từ chiến tranh mà người cộng sản vẫn liên tục sử dụng từ khi hết chiến tranh đến nay : Ra trận, chiến thắng, xuất quân, đánh, báo công, chi viện … bất kể đó là chuyện lạm phát, chuyện lũ lụt, hay chuyện Covid, và dĩ nhiên, trong bộ từ điển chiến tranh này có những từ rất đặc biệt của cộng sản Việt Nam, mà "đường mòn Hồ Chí Minh trên không" là một ví dụ.
Song song với nắm đấm và những ngôn từ chiến tranh, lại là những từ ngữ vô cùng đẫm lệ, mà ngày nào chúng ta cũng có thể tìm thấy trên các trang báo Việt Nam. Rõ nhất trong lối tuyên truyền ẽo ợt này là tựa đề cuộc thi viết "Tình người nơi tuyến đầu phòng chống Covid-19", do Ban Dân Vận, Ban Tuyên giáo quận Tân Bình của thành Hồ tổ chức. Hay tựa đề bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/7/2021 : "Nhìn Sài Gòn đau đến vậy, tôi thấy trái tim mình thổn thức", cùng lối tuyên truyền ẽo ợt.
Cũng phải nói rằng, kiểu viết "đẫm lệ" (cliché) này ảnh hưởng cả báo chí tiếng Việt tại hải ngoại. Nói cho cùng thì, nó vốn đã có "truyền thống" khá lâu trong văn chương báo chí tiếng Việt, bây giờ thêm vào một chút gia vị cộng sản, làm nên một hiện tượng ngôn ngữ rất thú vị.
Suy cho cùng, kiểu viết "đẫm lệ" này cũng vô hại, nhưng kiểu "nắm đấm" có ảnh hưởng nhiều hơn. Với cái nắm đấm và mớ ngôn từ chiến tranh cách mạng, đấu tranh giai cấp, xã hội cộng sản không trở về bình thường trong thời bình. Những con người lớn lên và được (bị) giáo dục trong mớ ngôn từ ấy, cứ liên tục có não trạng chiến tranh.
Các trợ lý PR của ông Vượng, các phóng viên báo chí nhà nước và các em sinh viên ở Hải Dương đều không tránh khỏi. Đối với họ, miền Nam Việt Nam vẫn là vùng đất "phản cách mạng", "tạm chiếm", cần được "giải phóng". Điều đó giải thích những phát ngôn rất sắc máu, mà có thể có cả của các em học sinh từ Hải Dương :
"Giải phóng miền Nam lần thứ hai" !
"Đường mòn Hồ Chí Minh trên không" !
Một điều rất hiển nhiên là những người Việt Nam có gốc miền Bắc chịu ảnh hưởng nhiều bởi các nấm đấm này, hơn là người miền Nam, nơi ít "chuyên chính" hơn, vẫn còn không khí xã hôi mở của thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông Vượng và các cố vấn của ông là những người miền Bắc, Vietnam Airlines cũng thế, Saigon Tourist thì đỡ hơn, nhưng cũng đầy những người gốc miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Công ty du lịch này cũng có đầy các tour du lịch "về nguồn", đầy rẫy ngôn từ chiến tranh cách mạng.
Có thể khi viết ra những khẩu hiệu nắm đấm như vậy, họ cũng không có ý định gì to tát kiểu như phân biệt vùng miền, hay xem người dân miền Nam như mục tiêu cần giải phóng, mà chẳng qua đó là cái quán tính suy nghĩ ngôn ngữ, mặc dù trong sâu thẳm của tiềm thức, họ có thể có hình ảnh một miền Nam thù địch. Mà đây thật ra là chuyện con gà và quả trứng, họ thù địch thật, rồi sinh ra ngôn ngữ, hay là cách dùng ngôn ngữ ngốc nghếch sinh ra hình ảnh thù địch.
Lần này các nắm đấm cách mạng lại bị gậy ông đập lưng ông. Nó gây ra phản ứng rất mạnh từ dân chúng Sài Gòn, nó làm bật lên hình ảnh của một cuộc nội chiến, của sự phân biệt vùng miền, mà chính quyền Hà Nội lúc nào cũng muốn giấu. Các cơ quan báo chí tuyên truyền của Đảng vội vàng lắp chỗ này, bít chỗ kia, như trong bài báo Thanh Niên : Đừng ‘ném đá’ đoàn Hải Dương giúp Thành phố Hồ Chí Minh !
Hình ảnh đoàn sinh viên Hải Dương giơ cao nắm đấm, trên chuyến bay vào Sài Gòn ngày 1/7 chống dịch. Nguồn : VNA/ TN
Nhưng họ chỉ dám đưa ra những lỗi thuộc về kỹ thuật, và đề cập tới "dư luận trên mạng", mà vẫn không dám nói cái "dư luận trên mạng" ấy là gì, không dám nói đến cái mâu thuẫn chính trị, vùng miền mà họ tự tạo ra, duy trì, rồi sợ hãi.
Jackhammer Nguyễn
Nguồn : Tiếng Dân, 05/07/2021
***********************
Thới Bình, VNTB, 05/07/2021
Theo kế hoạch, từ ngày 30/6 đến 1/7, tập đoàn này sẽ thiết lập ‘đường Hồ Chí Minh trên không’ để đưa hơn 4.000 nhân viên trẻ trên cả nước tiến về Sài Gòn để được đào tạo việc lấy mẫu, và triển khai chiến dịch xét nghiệm 5 triệu mẫu trên toàn dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Vingroup đã tài trợ test, kit, hỗ trợ kỹ thuật, máy móc thiết bị… và nguồn lực của toàn hệ thống, để cùng Thành phố Hồ Chí Minh kiểm soát dịch bệnh đợt cao điểm lần này.
Tin tức ở trên là công khai và rất nhiều người trong ngành y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh biết rõ. "Vụ này sở y tế không chủ động nên còn điện thoại hỏi tui ‘info’ (thông tin). Nghe thật hài !" – bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn kể.
Bác sĩ Cao Xuân Minh gửi thắc mắc đến bác sĩ Tuấn : "Em không hiểu lấy mẫu lần này có ý nghĩa gì, hiệu quả ra sao, hậu quả thế nào ?". Bác sĩ Tuấn trả lời đầy ẩn tình : "Hiểu chi cho mệt ? Thành phố họ đã quyết và doanh nghiệp họ hỗ trợ để thực hiện chiến lược của thành phố thôi. Mình có thay đổi được chiến lược của thành phố đâu mà cần hiểu làm gì ? Chỉ vài liều vaccine mà phải đến khi đi tiêm cho dân thì cán bộ y tế của nhà anh mới được tiêm thì nghĩ chi việc lớn như này để thay đổi cho mệt đầu".
Bác sĩ Tạ Quốc Bản làm việc tại bệnh viện Vinmec Phú Quốc, ‘xa gần’ với bác sĩ Tuấn khi nói về ‘đường Hồ Chí Minh trên không’ để đưa hơn 4.000 nhân viên trẻ trên cả nước tiến về Sài Gòn : "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, anh ạ…".
"Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người" là slogan mới toanh của tập đoàn Vingroup.
Trong cuộc họp sáng ngày 2/7, ông Ngô Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chiến dịch xét nghiệm diện rộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có sự hỗ trợ từ tập đoàn Vingroup với 4.000 nhân viên được tổ chức thành 1.000 đội tham gia công tác lấy mẫu bao gồm tất cả các khâu từ lấy mẫu, vận chuyển… Dự kiến, mỗi đội sẽ thực hiện lấy 100 mẫu/ ngày từ đó có thể đạt được mức 1 triệu mẫu/ ngày.
Một nguồn tin khác cho biết, ‘đại bản doanh’ về thiết bị cho tầm soát nói trên được Vingroup đặt ở cơ sở 2 của bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại quận 9 (cũ), nay gọi chung là thành phố Thủ Đức.
Ba địa phương Thủ Đức, Bình Thạnh và Gò Vấp là những nơi mà ‘quân Vingroup’ được tung ra cho "chiến dịch xét nghiệm 5 triệu mẫu trên toàn dân Thành phố Hồ Chí Minh".
Tuy nhiên dường như về những ‘sự cố’ đang được đổ thừa là lỗi của truyền thông, cho thấy có vẻ nhóm 4.000 người mà Vingroup đang tạm ‘án binh’ về chuyện ‘PR’ báo chí.
Truyền thông bắt đầu chuyển hướng khi đưa tin về "1.000 sinh viên y khoa Thành phố Hồ Chí Minh đăng ký tình nguyện đi chống dịch". Những bản tin này cho biết đang có cả ngàn sinh viên y khoa của Sài Gòn đã được tập huấn tập huấn tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) từ cuối tháng 4-2021, và sau đó họ ‘nhập cuộc’ luôn cho tới nay.
"Hiện tại danh sách có 1.000 sinh viên đăng ký tình nguyện đi chống dịch, tùy theo từng ngày để bố trí các bạn đến từng điểm khác nhau. Như sáng nay có khoảng 80 bạn sinh viên chia ra 25 điểm trên thành phố để lấy mẫu xét nghiệm cả ngày" – báo Tuổi Trẻ số phát hành chiều ngày 4/7, cho hay như vậy.
Câu chuyện về ‘4.000 quân nhà Vin’ đổ vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trống giong – kèn mở chỉ có mỗi hơn 300 sinh viên của một trường đại học y ở tỉnh Hải Dương, cho thấy việc ủ mưu khó lường, nhất là tuần lễ tới đây các quan chức chóp bu của Sài Gòn phải ra Hà Nội để dự cái gọi là Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Rất có thể những quân cờ đang được sắp đặt lại.
Thới Bình
VNTB, 05/07/2021
************************
Vì sao cuộc "giải cứu" từ Hải Dương gây khó chịu ở Sài Gòn ?
Tuấn Khanh, 03/07/2021
Có một điều chắc chắn là 300 em từ Hải Dương đến Sài Gòn để "giải cứu", không phải em nào cũng có thái độ đáng ghét, và cũng không phải em nào cũng bị tẩy não đến mức đến Sài Gòn, coi như là vào cuộc "giải phóng" lần hai.
Nơi sinh hoạt và nghỉ ngơi của các bác sĩ, y tá, sinh viên y, làm việc thầm lặng ở Sài Gòn (báo TT)
Chắc chắn có những em từ Hải Dương nhiệt thành đến thành phố tinh thần tự do này, để vừa được tìm hiểu, vừa được cống hiến sức trẻ của mình – mà nghe đâu là theo vận động của các ông to nào đó, có thể y tế, có thể doanh nghiệp.
Thật ra các câu chuyện gây khó chịu đang râm ran trên mạng xã hội, không lớn, và không đáng cho người dân Sài Gòn phải bàn tới – bởi tính dân Sài Gòn vốn dễ dãi và bao dung. Nhưng điều tạo ra sự chán ngán – mà chắc ngay những nhà lãnh đạo cũng không biết – là cái kiểu đi giúp người lại đánh trống thổi kèn, hoàn toàn không là cách để đoàn kết dân Sài gòn với các em sinh viên ấy, mà rõ là chỉ để làm rạng mặt một số quan chức có bệnh mê đắm hình thức.
Nên, câu chuyện này cần nhìn về phía khác, phía những người có trách nhiệm, đã làm gì để phá hỏng 300 tâm hồn nhiệt huyết của thanh niên Hải Dương đến Sài Gòn một cách đáng thương đến vậy. Hơn nữa, đằng sau chuyến đi này, có "xã hội hóa" theo tài trợ của doanh nghiệp nào đó không, mà lại làm rộ lên các lời phản đối đạo đức giả từ các dư luận viên cấp cao để bảo vệ chủ máng ăn của mình, khiến dân Sài Gòn – không cái gì là không biết – càng bực thêm.
Ai đã vận động, ai đã ra lệnh để đưa các em từ Hải Dương vào Sài Gòn trong lúc dịch bệnh rối ren, mà mục đích tuyên truyền lớn hơn cả thực chất ? Trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-7, có bản tin "Hơn 300 giảng viên, sinh viên y Hải Dương bay vào Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch", khẳng định rằng "Thông tin từ Vietnam Airlines cho biết chiều 30-6, hãng này nhận được thông tin khẩn từ Bộ Y tế về việc đưa đoàn y tế từ Hải Dương vào Thành phố Hồ Chí Minh".
Các cơ quan truyền thông thuộc sự quản lý của tuyên huấn cộng sản Việt Nam đã đẩy sự kiện sinh viên y khoa từ Hải Dương vào Sài Gòn thành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ
Bộ Y Tế dựa trên tình hình nào để đưa người "khẩn" vào Sài Gòn ?
Trên các trang facebook, người ta nhìn thấy Sài Gòn còn rất nhiều nơi liên quan về đào tạo y tế, người tình nguyện… vẫn mong được tham gia chống dịch, nhưng không đến lượt mình. Nhìn câu chuyện tuyên truyền rầm rộ cho 300 sinh viên từ Hải Dương vào, ở khách sạn cao cấp, và lại rộ lên những thông tin tiêu cực khác, ắt cũng khiến 1.000 sinh viên Đại Học Y Dược Sài Gòn tình nguyện vẫn đang miệt mài làm công việc không khỏi chạnh lòng cho những giọt mồ hôi, thậm chí tính mạng, rất thầm lặng của họ.
Bạn đang chuẩn bị nói rằng tôi phân biệt vùng miền sao ? Nên nhớ 1.000 sinh viên đại học Y Dược Sài Gòn hay hàng chục ngàn người khác đang lả người hàng ngày dưới cái nóng 35-40 độ, đều có đủ những sinh viên theo học, đến từ Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, Bắc Ninh… và cả Sài Gòn nữa.
Đã từng có những chuyến tiếp sức như vậy, từ Đà Nẵng, Sài Gòn, Bình Dương… để đi đến Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… trong các đợt dịch từ năm 2020 đến nay. Nhưng không ai làm chuyện khó coi, đẩy các bạn trẻ thành món tuyên truyền quen tay, đến lố bịch như hiện nay. Người miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào mũi Cà Mau, vốn có thói quen rất khó chịu với các loại tuyên truyền – đặc biệt mượn đến "tình đồng bào".
Nhìn bức ảnh đang lan truyền trên mạng, các sinh viên Hải Dương phải giơ tay hô khẩu hiệu, nhưng các bạn ngồi gần camera thì ngại ngùng cúi mặt. Thương các bạn, thương tuổi trẻ Việt Nam cứ bị đẩy vào những trò lố lăng. Chúng tôi : những người dân miền Nam, những người dân Sài Gòn cũng đang ngại ngùng như chính các bạn vậy.
Các anh chị Sài Gòn, các ông bố, bà mẹ Sài Gòn… có lẽ nên thôi bực mình mấy em nhỏ. Lỗi do người lớn, lỗi do kẻ có quyền cứ quen trò hô hào tuyên truyền như chiến tranh "chống dịch như chống giặc". Sài Gòn không có giặc, chỉ có mệt mỏi và lo lắng, tự chia sẻ với nhau, và trở nên tức giận với những trò "làm giặc" được ai đó tổ chức quy mô, khó coi đến vậy.
Tuấn Khanh
Nguồn : Saigonnhonews, 03/07/2021
Dịch bệnh tiếp tục hoành hành tại thành phố Hồ Chí Minh. Theo Bộ Y tế Việt Nam, đã có thêm 146 ca nhiễm mới trong nước, tính đến trưa 28/06/2021, chủ yếu là ở thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Trước thực tế số "ca tiếp xúc trực tiếp" (F1) với người nhiễm virus ngày càng nhiều, chính quyền Việt Nam quyết định thí điểm cách ly "F1" tại nhà.
Một khu phố cách ly ngừa Covid tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 01/06/2021. Reuters - Stringer.
Đề xuất của thủ tướng Phạm Minh Chính, được đưa ra chiều 27/06, dự kiến sẽ không chỉ áp dụng ở thành phố Hồ Chí Minh, mà có thể mở rộng ra nhiều tỉnh thành để giảm tải cho các khu cách ly tập trung, và cũng là những địa điểm dễ gây lây nhiễm chéo. Hiện tại, ở thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 12.000 "ca tiếp xúc trực tiếp" đang ở trong các khu cách ly tập trung.
Thành phố Hồ Chí Minh đang xem xét các quy định cách ly cụ thể đối với các "ca tiếp xúc trực tiếp" tại nhà trong 28 ngày, nếu có nhà riêng. Một trong các quy định là trước nhà phải treo biển cảnh báo "Địa điểm cách ly y tế phòng chống Covid-19". Cách ly tại nhà đối với những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 là điều mà nhiều nước phương Tây áp dụng ngay từ đầu đại dịch, nhưng với thời gian ngắn hơn, và không có các quy định khiến người bị cách ly cảm thấy bị "kỳ thị phân biệt", như cáchtreo biển cảnh báo trước nhà nói trên.
Theo thông báo của sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, được báo VnExpress trích dẫn, hiện tại có đến khoảng 80% người nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ở thành phố Hồ Chí Minh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, một thực tế được cho là khác hẳn với tình hình dịch khi mới bùng phát. Đối với giới chức phụ trách y tế thành phố Hồ Chí Minh, thực tế này gây khó khăn cho việc truy vết, tránh tiếp xúc với những người nhiễm virus, và ảnh hưởng đến khả năng khống chế dịch.
Nhưng mặt khác, theo đề xuất của ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), ngày 25/06, thực tế người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chiếm đa số nói trên cũng đang buộc thành phố tính đến phương án "sống chung" với lũ dịch bệnh, tức chỉ tập trungtruytìm các ca nặng, có khả năng gây lây nhiễm cao, bên cạnh đó "ưu tiên bảo vệ những nhóm đối tượng có nguy cơ, có bệnh nền, ưu tiên tiêm vac-xin và áp dụng các biện pháp phòng ngừa".
Dịch bệnh được cho là còn tiếp tục căng thẳng tại thành phố Hồ Chí Minh, sau khi phát hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 từ một số chợ đầu mối và buộc chính quyền phải tạm đóng cửa những khu vực này từ ngày 28/06 (chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ, chợ Kim Biên, chợ Hòa Hưng…). Tỉnh Bình Dương phát hiện nhiều ca nhiễm mới liên quan đến khu chợ loại này. Bình Dương, theo số liệu của chính quyền, hiện là vùng dịch lớn thứ hai ở miền nam, sau thành phố Hồ Chí Minh.
Thu Hằng
Virus gây ra đại dịch Covid-19 có thể đã bắt đầu lây lan ở Trung Quốc từ đầu tháng 10/2019, hai tháng trước khi những trường hợp đầu tiên được xác định ở thành phố Vũ Hán, một nghiên cứu mới công bố sáng thứ Sáu 25-06-2021 cho biết, theo tường thuật của hãng tin Reuters.
Nhân viên phun thuốc khử khuẩn chống dịch Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Theo một bài báo đăng trên tạp chí PLOS Pathogens, các nhà nghiên cứu từ Đại học Kent của Anh quốc sử dụng các phương pháp từ khoa học bảo tồn để ước tính rằng virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 năm 2019.
Họ tính ra rằng ngày có nhiều khả năng nhất cho sự xuất hiện của virus là ngày 17/11/2019 và sau đó virus có thể đã lây lan ra toàn cầu vào tháng 2/2020.
Trường hợp Covid-19 chính thức đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc là vào tháng 12/2019 và có liên quan đến chợ thủy sản Hoa Nam (Huanan) của thành phố Vũ Hán.
Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm bệnh ban đầu không có mối liên hệ nào với chợ Hoa Nam, có nghĩa là virus SARS-CoV-2 đã truyền nhiễm vào cơ thể người trước khi lan tràn ra cộng đồng.
Một nghiên cứu chung do Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào cuối tháng Ba vừa qua thừa nhận có thể đã có những ca nhiễm trùng lẻ tẻ ở người trước khi dịch bùng phát ở Vũ Hán.
Trong một bài báo được phát hành trong tuần này dưới dạng bản in trước, giáo sư Jesse Bloom của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle đã khôi phục một bộ dữ liệu về trình tự gene của virus SARS-CoV-2 bị xóa khỏi cơ sở dữ liệu khoa học của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Dữ liệu về trình tự gene của virus được một nhà khoa học Trung Quốc giải mã từ các trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc, được gửi vào cơ sở dữ liệu của NIH vào tháng 3/2020 và đăng trên một tạp chí chuyên ngành, nhưng ba tháng sau đó chính nhà khoa học này đã yêu cầu NIH xóa nó khỏi cơ sở dữ liệu, theo thông tin từ NIH.
NIH (National Institute of Health) là cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ chủ trì việc tài trợ cho các dự án nghiên cứu về y, sinh học ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới ; NIH có cơ sở dữ liệu khoa học khổng lồ về các mầm bệnh mà hầu hết các nhà khoa học về y sinh đều tham khảo.
Giáo sư Jesse Bloom đã tìm lại được bộ dữ liệu bị xóa trên mạng Google Cloud. Dữ liệu cho thấy các mẫu lấy từ chợ thủy sản Hoa Nam ở Vũ Hán "không phải là đại diện" của virus SARS-CoV-2 nói chung, và là một biến thể của chuỗi virus "tiền thân" đã được lưu hành trước đó và lây lan sang các vùng khác của Trung Quốc.
Các nhà phê bình cho rằng việc xóa dữ liệu là một trong những bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã cố che đậy nguồn gốc của Covid-19. Giáo sư Alina Chan, một nhà nghiên cứu của Viện Broad của Harvard, viết trên Twitter : "Tại sao các nhà khoa học lại yêu cầu cơ sở dữ liệu quốc tế xóa dữ liệu quan trọng thông báo cho chúng ta về cách Covid-19 bắt đầu ở Vũ Hán ?" Đó là câu hỏi mà bạn có thể tự trả lời". Giáo sư Jesse Bloom và giáo sư Alina Chan là hai trong số 18 nhà vi sinh vật học nổi tiếng đã cùng ký vào lá thư ngỏ đăng trên tạp chí Science ngày 14/05/2021 yêu cầu có cuộc điều tra quốc tế độc lập và khách quan về nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Stuart Turville, phó giáo sư tại Viện Kirby, một tổ chức nghiên cứu y tế của Úc, người đã xem xét nghiên cứu của Đại học Kent, cho biết các mẫu huyết thanh vẫn cần được kiểm tra để xác định rõ hơn nguồn gốc của Covid-19. "Thật không may là áp lực hiện tại của giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và sự nhạy cảm trong việc thực hiện cuộc nghiên cứu tiếp theo ở Trung Quốc, có thể phải mất một thời gian nữa chúng ta mới thấy được những báo cáo như thế này", ông nói.
Nguồn : Saigonnhonews, 25/06/2021
Tôi còn nhớ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan trên toàn thế giới đầu năm 2020. Các quốc gia dần dần đóng cửa biên giới.Trung tâm cho Hệ thống Khoa học và Kỹ thuật của Johns Hopkins University trở thành tâm điểm cho các cơ quan truyền thông và chuyên gia vào cập nhật dữ kiện về Covid-19 tại thành phố hay quốc gia của mình. Lâu nay, tôi không vào lại trang mạng này. Hôm nay (thứ Hai 21 tháng 6) vào lại, các con số làm tôi quả thật choáng ngợp. Hơn 178.43 triệu ca bị nhiễm, 3.86 triệu ca chết, mà Mỹ chiếm nhiều nhất, hơn600 ngàn người, kể từ ngày 14 tháng 6. Thấy toàn màu đỏ. Buồn quá.
Vaccine là đáp án duy nhất để giúp ngăn chặn Covid-19 tiếp tục lây lan, giảm thiểu số người chết - Hình minh họa.
Dù sao, tin vui bên cạnh là hơn 2.60 tỷ người được chích ngừa cho đến nay. Vaccine là đáp án duy nhất để giúp ngăn chặn Covid-19 tiếp tục lây lan, giảm thiểu số người chết, và tạo ra tình trạng miễn dịch bầy đàn (herd or population immunity, mà cho đến nay thì Tổ chức Y tế Thế giớiWHO cũng không rõ là đối với Covid-19 nó cần bao nhiêu phần trăm mới đủ). Đạt được miễn dịch bầy đàn thì cuộc sống bình thường như trước thời đại dịch có thể trở lại. Có lẽ bình thường một phần nào đó thôi. Đúng hơn là một bình thường mới (new normalcy). Bởi vì đại dịch đã thay đổi sâu sắc cung cách sống, làm việc, giao tiếp và hầu như mọi mặt đời sống của con người ở trên toàn cầu trong một năm rưỡi qua.
Úc là một trong các quốc gia quản lý dịch bệnh rất tốt cho đến nay. Có một thời gian dài tại Úc, Covid-19 đã hoàn toàn được loại trừ (elimination). Lúc ban đầu các lãnh đạo chính trị và y tế chỉ mong ngăn chặn đến mức tối thiểu (suppression), nhưng rồi họ không ngờ chiến lược loại trừ cũng có thể đạt được. Tuy nhiên, một số công dân Úc vẫn tiếp tục trở về lại nước từ nước ngoài, cũng như Úc mở cửa cho New Zealand, nên đây là nguồn làm tái gây nhiễm chính cho toàn quốc gia. Trong đó tiểu bang Victoria là bị nặng nhất. Nhiều lần đóng cửa (lockdown), và giới hạn (restriction), đã xảy ra tại Victoria trong hơn một năm qua. Câu hỏi đặt ra là vì cách quản lý tệ, hay vì xui xẻo, nên tình trạng bị đóng cửa lần thứ tư lại tái diễn tại Victoria vào cuối tháng 5 vừa qua?
Ngoại trừ Victoria, toàn nước Úc còn lại quản lý Covid-19 rất hiệu quả. Nhưng cũng vì thế mà nhu cầu chích ngừa không cao, một phần vì tự mãn hay lo sợ rủi ro của vaccine. Đầu năm 2021, chính quyền Úc đã chi24 triệu đô la cho các quảng cáo trên truyền thông nhằm khuyến khích người dân đi chích ngừa. Nhưng vẫn không hiệu quả. Số người quan ngại tác hại của AstraZeneca vaccine còn rất cao, mà đều là những người ưu tiên được chích ngừa. Cho nên vẫn còn nhiều người chưa muốn chích. Tính đến nay, chính phủ Úc đã chi40 triệu chỉ để quảng cáo về chích ngừa. Chính phủ chi tiền cho quảng cáo nhưng thông điệp khuyến khích chích ngừa vẫn bất nhất nên tốn tiền mà không hiệu quả. Nhưng đây cũng là điều dễ hiểu bởi vì chính phủ Úc quan tâm sâu sắc cho sự an toàn của người dân. Họ trông cậy vào quan điểm chuyên môn của các nhà lãnh đạo y tế. Chính phủ không thể ép buộc họ.
Hiện nay, vấn đề không phải là muốn hay không nữa, mà là không đủ vaccine để chích cho người từ 40 tuổi trở lên, khoan nói đến người dưới 40. Không ai quan ngại Pfizer/BioNTech vaccine, nhưng loại vaccine này thiếu trầm trọng so với nhu cầu tại Úc và toàn thế giới.
Từ tháng Hai đến nay Úc chỉ có 6,1 triệu liều vaccine được sử dụng (chỉ bằng 3 ngày tiêm chủng tại Mỹ), và chỉ có 3% dân số được chích ngừa hoàn toàn. Cho nến nay chính phủ Scott Morrison bị chỉ trích nặng nề về cách quản lý đại dịch, nhất là chiến lược chích ngừa cho toàn dân. Sáng nay, quyền Thủ hiến Victoria, James Merlino,phê bình cung cách quản lý vaccine của chính phủ liên bang. Merlino nói rằng "Khi bạn so sánh Australia đang đi như thế nào với phần còn lại của thế giới, chúng ta đang tụt lại phía sau quá xa, điều đó thật không đùa chút nào."
Trường hợp tương tự là Thái Lan. Trong khoảng một thời gian dài, Thái Lan đã quản lý dịch bệnh khá hiệu quả. Từ đầu tháng 5 năm đến cuối năm 2020, số ca bị nhiễm không đáng kể. Các cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và giới trẻ Thái Lan đã không gây lây lan Covid-19. Nhưng đợt 2 kể từ giữa tháng Giêng năm 2021 và đợt 3 từ cuối tháng Tư năm 2021 đã làm cho chính quyền của Prayut Chan-o-Cha lúng túng đối phó. Hiện nay mỗi ngày vẫn tiếp tục có 3 ngàn ca mới. Chính phủ Thái muốn mở cửa Phuket, trung tâm du dịch nổi tiếng của Thái, vào đầu tháng Bảy này cho những ai muốn đến đây du lịch nhưng đã chích ngừa rồi. Họ không cần phải mất thời gian cách ly 14 ngày. Thật ra thì dự án này đã được nghĩ đến và nỗ lực thực hiện vào cuối năm 2020 nhưng không thành. Lý do chính yếu là vì chưa chích ngừa để đạt được tình trạng miễn dịch bầy đàn thì tình trạng tái dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó mà chính quyền Thái đang nỗ lực tiêm chủng cho người dân tại Phuket trong những tuần qua. Kỹ nghệ du lịch của Th ái chiếm tổng cộng khoảng 20% tổng sản lượng quốc gia, và nền kinh tế của Thái bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Người dân Thái bất mãn tột cùng vì lệnh giới hạn/khẩn cấp kéo dài, và vì không có công ăn việc làm.
Thứ Tư 16 tháng 6, đứng trước sự chỉ trích ngày càng gia tăng, Thủ tướng Prayut lấy quyết định táo bạo, lấy mốc 120 ngày làm mục đích mà cả nước sẽ mở cửa hoàn toàn. Prayuttuyên bố : "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn về phía trước và đặt ra một ngày chúng ta có thể mở cửa hoàn toàn đất nước của mình và bắt đầu tiếp nhận du khách bởi vì mở cửa trở lại là một trong những cách quan trọng để bắt đầu giảm bớt những đau khổ to lớn của những người mất khả năng kiếm thu nhập… Do đó, tôi đặt ra mục tiêu cho chúng ta là có thể tuyên bố Thái Lan mở cửa hoàn toàn trong vòng 120 ngày kể từ hôm nay và cho các trung tâm du lịch sẵn sàng làm như vậy nhanh hơn nữa."
Liền sau đó một trang web có tênĐại Khai trương Thái Lan đã được ra mắt vào thứ Năm 17 tháng 6 để đếm ngược thời gian còn lại, từng giây, trước khi lời hứa của Prayuth được cho là thành hiện thực. Đây là sáng kiến của người dân Thái để bắt buộc chính quyền Prayut phải giữ lời hứa của mình, và đừng nói suôn nữa.
Quả thật đại dịch Covid-19 đã đưa vấn đề sức khỏe và an toàn vào trung tâm của chính trị quốc gia và quốc tế.Nhận diện sai tầm ảnh hưởng của nó và không có đối sách kịp thời, thì giá phải trả không chỉ chết người mà còn có khả năng chết chính quyền. Đối với các nền dân chủ cấp tiến, chính quyền nào không quản lý tốt Covid-19 thì sẽ phải chịu trách nhiệm với người dân. Covid-19 sẽ tác động ra sao lên các thể chế độc tài thì chắc cần thêm thời gian để nhận định. Dù gì thì mọi chính quyền đang nỗ lực để quản lý tình trạng Covid-19. Việt Nam cũng đang loay hoay trong đợt bùng phát lần thứ tư từ cuối tháng Tư năm 2021 đến nay. Phương Phạmbiện luận trên The Diplomat rằng, hành động mà Việt Nam đã thực hiện cho đến nay đối với Covid-19 về cơ bản là mang tính chiến thuật, nhưng chỉ có một chiến lược với tầm nhìn toàn diện mới giúp Việt Nam có thể thực hiện các biện pháp ứng phó trước các mối đe dọa sinh học một cách hiệu quả hơn.
Hiện nay, các quốc gia đang tìm đủ mọi cách để có được vaccine càng nhiều, càng sớm và càng tốt. Trong kỳ họp G7 vừa qua, Mỹhứa hẹn cung cấp 500 triệu liều Pfizer-BioNTech vaccine cho các quốc gia nghèo hoặc thu nhập thấp đến trung bình vào tháng 6 năm 2022, mà không có ràng buộc nào. 6 nước còn lại hứa hẹn 500 triệu liều. Nhưng một tỷ liều vẫn chưa đủ. WHO cho rằng cần đến 11 tỷ liều vaccine để tiêm chủng cho 70% dân số toàn cầu, thì mới chấm dứt đại dịch Covid-19 này.
Cung cho vaccine Covid-19 thì hiện nay ít và chậm, cầu thì nhiều và khẩn cấp. Vaccine cho Covid-19 đang là một món hàng ngoại giao quý giá. Tuy vaccine của Trung Quốckhông hiệu quả so với cácvaccine hàng đầu hiện nay, như Pfizer-BioNTech, AstraZeneca, Johnson & Johnson hay Moderna, nhưng có thuốc chích ngừa lúc này đã là quý rồi.
Trung Quốc đangchạy đua ráo riết trên mặt trận này để tranh thủ sự ủng hộ của các nước trong vùng, từ Singapore, Mã Lai, Nam Dương, Bangladesh, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, và trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia tại Châu Á, Âu, Nam Mỹ và Phi đều cho biết cần vaccine của Trung Quốc, ngoại trừ Úc. 9 quốc gia thành viên ASEAN (ngoại trừ Việt Nam) dự tính dùng vaccine của Trung Quốc. Hàng trăm đến triệu liều vaccine Sinovac và Sinopharm được tặng miễn phí cho nhiều quốc gia, rồi nếu hài lòng họ có thể mua thêm. Theohai nhà bình luận Ivana Karásková và Veronika Blablová thì logic của ngoại giao vaccine cho thấy Trung Quốc tiếp cận vấn đề không chỉ từ góc độ kinh doanh mà còn tính đến các động cơ chính trị ; họ sử dụng nó như một công cụ để củng cố các mối quan hệ đã thiết lập và tận dụng các cơ hội mới.
Người dân tại các quốc gia như Bangladesh, Thái Lan, Việt Nam v.v… rất lo ngại khi biết sẽ được chích ngừa bằng Sinovac hay Sinopharm. Với cầu nhiều hơn so với cung thì vaccine của Trung cũng sẽ được dùng thôi, dù là trong tình huống khẩn cấp. Đây là thời điểm mà Trung Quốc vận dụng tối đa để đẩy mạnh chính sách "ngoại giao vaccine". Xinhuacho biết sáng nay vaccine Sinopharm của Trung Quốc đã đến Thái Lan, vì nó đã được chính quyền Thái cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, sau bốn loại vaccine AstraZeneca, Sinovac, Johnson & Johnson and Moderna vaccines. Hôm20 tháng 6, Bộ Y tế Việt Nam cùng với Bộ Ngoại giao đã tiếp nhận 500.000 liều vaccine Vero-Cell của hãng dược Trung Quốc Sinopharm tại Sân bay Quốc tế Nội Bài, mặc dầu người dân Việt Nam tỏ vẻ không tin tưởng và không muốn dùng Sinopharm. Trung Quốc hiểu rằng khi các công ty chế tạo vaccine tại Mỹ, Anh và Đức có khả năng làm ra số lượng lớn và cung cấp hàng loạt thì Trung Quốc mất ưu thế. Mỹ và các nước thuộc khối G7 đã hứa tặng một tỷ liều vaccine cho các nước nghèo không ràng buộc trong vòng một năm tới, và sẽ tạo số lượng lớn để cung cấp cho thị trường đang mong đợi. Trung Quốc dù có muốn cạnh tranh với 7 nước này thì cũng không hề dễ, nhất là họ cũng phải lo đủ liều vaccine cho 1,4 tỷ dân của mình.
Đại đa số giới lãnh đạo quốc gia đều muốn các loại vaccine hiệu quả, và không quá đắt, để nhanh chóng đem lại sự bình thường mới trong cuộc sống. Đằng sau các mặt trận ngoại giao vaccine của Trung Quốc, nhiều quốc gia đã và đang vận động ráo riết các nước Mỹ, Anh, Đức v.v. để có được vaccine chế tạo tại các nước này. Cho nên để thắng thế vượt trội trong cuộc chạy đua này, G7 và những quốc gia khác, như Liên hiệp Âu Châu, Úc, New Zealand v.v… cần phải chung sức để một mặt nỗ lực chấm dứt Covid-19 trên toàn cầu, mặt khác, loại trừ các ảnh hưởng ngoại giao tiêu cực của Trung Quốc.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 22/06/2021
Việc chống dịch Covid-19 tại Việt Nam vào cuối tháng 6/2021 rối như canh hẹ. Nồi canh hẹ này có vài gia vị tiêu biểu như sau :
Chính phủ gọi điện thoại khắp nơi trên thế giới xin trợ cấp thuốc ngừa, nhưng chưa có gì khả quan. Điều dễ hiểu là không phải các nước kia xấu bụng, mà họ không có dư để mà cho.
Nước Mỹ có tiềm lực dồi dào, đang hồi phục thì đâu thể… ưu tiên cho Việt Nam được, vì Mỹ cũng không quá dư thừa để đủ giúp các nước đồng minh, thì có đâu cho Việt Nam. Mình là cái gì của người ta đâu mà người ta ưu tiên ?
Thuốc nội địa thì không tới đâu, vừa định lấp liếm cho qua truông thì bị báo chí phanh phui ghê quá, lại thụt vào.
Việc cách ly thì cứ bật chỗ này bung chỗ nọ, hoặc là đóng rồi mở như ở Gò Vấp, thành Hồ hồi đầu tháng 5/2021.
Đóng cửa trị dịch thì không làm ăn được, dân nghèo thiếu đói, các doanh nghiệp không hoạt động được. Mà mở cửa thì dịch hoành hành, nên đóng không được mà mở thì cũng không xong.
Đây là kết quả của việc điều hành quốc gia với phương châm chính trị là thống soái, thiếu sự suy luận hợp lý của những cái đầu bình thường. Nó cũng là lối suy nghĩ dựa trên chủ trương "bạo lực cách mạng", đàn áp, độc quyền chân lý,… từ đó mất một cái nhìn toàn thể, không thể hiểu được sự việc một cách toàn cục, có gốc, có ngọn.
Khi dịch bệnh mới bắt đầu, dựa trên hệ thống toàn trị có sẵn, Hà Nội đạt được thành công trong việc chặn dịch. Từ thành công đó, dàn đồng ca chính trị từ thủ tướng cho tới các cư dân mạng "lề đảng", lập tức la toáng lên, nào là "Việt Nam trên đà chiến thắng Covid-19", nào là "lúc hoạn nạn mới biết đâu là cường quốc", nào là người nước ngoài "hối tiếc vì năm ngoái đã vội rời Việt Nam", và rằng, "nếu cột điện ở Mỹ biết đi, thì sẽ về Việt Nam "…
Không ai có thể phủ nhận hệ thống toàn trị của đảng Cộng sản Việt Nam rất hữu hiệu trong việc… đàn áp. Nhưng đàn áp đây là đàn áp bọn "phản động", những người bất đồng chính kiến, đàn áp những công nhân đình công, nông dân đòi đất, còn virus thì lại không có chính kiến, nó vượt qua các chốt dân phòng, công an… dễ dàng. Các nhóm bất đồng chính kiến thì rất vất vả đễ tập hợp thêm người, trong khi virus thì nhân bản hàng triệu lần, chỉ trong vài giây !
Virus không cần lương công nhân, không cần đất nông dân. Virus không ngán "chuyên chính vô sản" lẫn "ba dòng thác cách mạng", nó cũng không sợ "đấu tranh giai cấp" hay là "bạo lực cách mạng", nó có thể tiến vào văn phòng trung ương đảng trong chớp mắt, cho dù đảng trưởng có tập hợp vài chục triệu dân, hô to "chống dịch như chống giặc ", cũng không thể chặn sự lây lan của nó !
Buồn cười nhất là khi đợt dịch thứ tư hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát, các cán bộ "hồng hơn chuyên" của Đảng bèn so sánh "dịch Covid-19 và ‘biến thể virus mới’ chống phá cách mạng Việt Nam " và rằng dịch đang dâng cao cũng đừng quá lo lắng, vì đó là lúc dịch đang "giãy chết" !
Lần giở những trang sử cộng sản từ lúc mới thành lập cho đến lúc chết yểu, chuyện chính trị hóa khoa học, có thể thấy, là điều không hiếm, và có thể nói đó là đặc trưng của các nhà cầm quyền cộng sản. Hai ví dụ rất rõ về chuyện này ở hai nước cộng sản lớn nhất thế giới thuở trước :
1. Liên Xô có quan chức khoa học Trofim Lysenko, cho rằng, nhà sinh học Pháp Lamarck là chân lý. Ông Lamarck cho rằng các sinh vật có thể tập tành để thích nghi trong thời gian ngắn. Lysenko bác bỏ thuyết di truyền của Mendel. Các nhà khoa học Soviet nào theo thuyết di truyền đều bị trù dập, vì Lysenko được nhà độc tài đỏ Stalin ủng hộ hết mình. Soviet và nước Nga ngày nay, bị phương Tây bỏ xa về khoa học di truyền.
2. Còn Trung Quốc cộng sản có chiến dịch diệt chim sẻ của Mao Trạch Đông, bất chấp mọi lý lẽ khoa học, bất chấp mọi kiến thức về sinh thái con người có được đến thời điểm đó. Kết quả là, sau khi chim sẻ bị tiêu diệt, mùa màng trở nên thất bát vì sâu bọ phá hại.
Thật ra những kiểu "học phiệt" này của xã hội cộng sản xuất phát từ chính mô hình của nó, cho rằng xã hội con người có một "quy luật" bất di bất dịch. Khoa học dưới chế độ cộng sản được tiến hành trong những cái khuôn có sẵn và bị áp chế bởi những ý chí chính trị.
Khoa học Soviet và Trung Quốc không phải không đạt được những bước tiến, nhưng thường là nhờ một ý chí chính trị, dồn mọi nỗ lực của xã hội để làm một điều gì đó, bất kể tốn kém và những phi lý. Một cường quốc hạt nhân như Liên Xô lại không sản xuất được máy photo và giấy vệ sinh thì không đủ cho công dân mình dùng. Sự tốn kém trong việc chế tạo các thiết bị quân sự đã góp phần làm đế chế Soviet kiệt quệ và sụp đổ.
Sau 30 năm chấp nhận kinh tế thị trường, cuộc sống vật chất của người Việt có phần khá hơn, nhưng kiểu cách dùng ý chí chính trị để lấn át khoa học trong điều hành quốc gia, không thay đổi. Các chương trình chính trị, dù có giảm bớt, vẫn là bắt buộc trong trường đại học, ở cả những lĩnh vực khoa học thực nghiệm chẳng liên quan gì đến chính trị cả.
Cuối tháng trước, tôi có viết một bài đăng trên Tiếng Dân, trích lời một nhà triết học Pháp từng là cộng sản, ông Albert Camus, rằng "Muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng ". Đàng hoàng ở đây rất đơn giản, đó là suy nghĩ một cách bình thường, chấp nhận những bài học vỡ lòng về khoa học, khoa học thực nghiệm, khoa học quản lý, khoa học xã hội, chấp nhận sự đa dạng.
Những người đang cai trị Việt Nam nếu tiếp tục không đàng hoàng, thì không những họ không chống dịch được, mà họ cũng sẽ không thể đưa nước Việt đi lên như nó xứng đáng được như thế.
Jackhammer Nguyễn
Nguồn : Jackhammer Nguyễn, Tiếng Dân, 24/06/2021
Trọng Thành, RFI, 20/06/2021
Sau ba tuần áp dụng các biện pháp "giãn cách xã hội", với hy vọng hãm lại đà lây lan dịch bệnh, nhưng không đạt kết quả, hôm 20/06/2021 chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết định bổ sung thêm nhiều biện pháp siết chặt mới.
Một khu phố tại thành phố Hồ Chí Minh bị cách ly y tế vì có người nhiễm Covid-19, ngày 01/06/2021. Reuters – Stringer
Theo "Chỉ thị khẩn về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19", 10 triệu dân cư thành phố sẽ chỉ được phép ra ngoài "trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn". Ngừng hoạt động tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, "các chợ tự phát".
"Không tụ tập trên 3 người tại nơi công cộng", ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Tại các địa điểm công cộng, nếu có tiếp xúc phải giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét. Dừng toàn bộ các cuộc hội họp không cần thiết, nếu có tổ chức, không tập trung quá 10 người. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục được duy trì, nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa người với người tối thiểu 1,5 mét.
Các biện pháp phong tỏa mà Sài Gòn áp dụng bổ sung hôm nay trên thực tế gần tương tự với Quy định "cách ly toàn xã hội" theo chỉ thị 16 của chính phủ, tức mức cao nhất trong các biện pháp phòng dịch cho đến nay. Các biện pháp phong tỏa nói trên có hiệu lực trước mắt trong một tuần.
Về mặt chính thức, thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 135 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong đó đại đa số là các ca thuộc các chuỗi lây nhiễm đã biết, bên cạnh 20 ca đang điều tra dịch tễ. Tuy nhiên, trên thực tế, chính quyền thành phố thừa nhận dịch đã vào sâu trong cộng đồng, từ gia đình đến khu dân cư, nơi làm việc, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, các cơ sở sản xuất thực phẩm đông lạnh… Số lượng các ca bệnh âm thầm phát triển trong cộng đồng có thể là rất lớn.
Bắt đầu từ hôm qua, chính quyền cũng khởi động chiến dịch tiêm chủng vac-xin tại Sài Gòn, với đối tượng ưu tiên là 2,3 triệu dân cư theo Nghị quyết số 21 của chính phủ (ban hành cuối tháng 2/2021) và nhóm xã hội mới bổ sung thêm là công nhân các khu chế xuất, các doanh nghiệp. Các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 gồm "lực lượng tuyến đầu phòng dịch", nhân viên trong các ngành thiết yếu (hàng không, vận tải, du lịch, dịch vụ điện nước…), giáo viên, người mắc bệnh, người trên 65 tuổi, người sống ở vùng có dịch, người nghèo… Trước mắt, Sài Gòn được phân bổ 836.000 liều vac-xin của AstraZeneca (gồm 50.000 liều dành riêng cho công an và quân đội). Số lượng vac-xin được huy động nói trên cho tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 86% tổng lượng vac-xin của đợt tiêm chủng toàn quốc lần này.
Theo Reuters, hôm 20/06/2021, Bộ Y tế Việt Nam đã nhận 500.000 liều vac-xin Sinopharm của Trung Quốc. Bộ Y tế thông báo loại vac-xin này, về nguyên tắc, sẽ được sử dụng cho ba nhóm, các công dân Trung Quốc sống tại Việt Nam, người Việt Nam có kế hoạch đi làm việc hoặc học tập tại Trung Quốc, và "cư dân có nhu cầu sử dụng loại vac-xin này", đặc biệt là những người sống gần biên giới với Trung Quốc.
Vac-xin của hãng Sinopharm là vac-xin phòng Covid thứ ba được Việt Nam phê chuẩn (ngày 04/06), sau vac-xin AstraZeneca của Anh và Sputnik V của Nga. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, trên thực tế chính quyền Việt Nam tỏ ra hết sức thận trọng với vac-xin Trung Quốc. Tuần báo Pháp L’Express số ra trung tuần tháng 6/2021, dẫn lời chuyên gia Bill Hayton, thuộc think tank Chatham House ở Anh Quốc, chính quyền Việt Nam lo ngại tính chính đáng sẽ bị tổn hại, nếu đặt mua vac-xin Trung Quốc, do việc người dân Việt Nam rất nghi kỵ Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, thuộc Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand, lưu ý Việt Nam là thành viên duy nhất của ASEAN hoàn toàn dửng dưng với vac-xin của Trung Quốc, cho đến nay, "chưa có cuộc thảo luận nào được tiến hành để mua vac-xin Trung Quốc".
Trọng Thành
******************
Trọng Thành, RFI, 16/06/2021
Hôm 15/06/2021, chính phủ Nhật Bản thông báo tặng Việt Nam 1 triệu liều vac-xin. Cùng ngày, Bộ Y tế Việt Nam công bố kế hoạch chích ngừa toàn quốc được quảng bá là "lớn nhất trong lịch sử", với sự tham gia của quân đội.
Một bác sĩ được chích ngừa Covid-19 tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 08/03/2021. AP - Hau Dinh
Truyền thông Nhật Bản cho hay ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi thông báo Tokyo sẽ chuyển món quà 1 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 đến Việt Nam. Số vac-xin này đến Việt Nam vào hôm 16/06. Ngoại trưởng Nhật Bản cho biết rõ là Tokyo đã đóng góp 1 tỉ đô la và 30 triệu liều vac-xin vào chương trình hỗ trợ vac-xin Covax của Liên Hiệp Quốc, các khoản quà tặng nói trên cho Việt Nam, hoặc Đài Loan và một số láng giềng Châu Á khác nằm ngoài chương trình Covax. Ngoại trưởng Nhật nhấn mạnh, lý do của hỗ trợ trực tiếp là để tiết kiệm thời gian, bởi nếu thông qua một tổ chức quốc tế, sẽ có thêm "nhiều thủ tục".
Truyền thông Việt Nam cũng cho biết, chiều hôm qua đại sứ Nhật tại Việt Nam, ông Yamada Takio, thông báo "các hiệp hội và 36 doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã quyên góp 39,2 tỷ đồng cho Quỹ vac-xin phòng chống Covid-19 của chính phủ Việt Nam".
Thông tin về các món quà vac-xin từ phía chính quyền Nhật và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp Nhật được đưa ra đúng vào lúc Bộ Y tế Việt Nam công bố kế hoạch tiêm chủng toàn quốc. Kế hoạch được đưa ra gần 4 tháng sau khi chính phủ Việt Nam ra nghị quyết về "mua và sử dụng vac-xin phòng chống Covid-19".
Theo thông báo của Bộ Y tế Việt Nam, việc vận chuyển và bảo quản vac-xin sẽ được giao phó cho Bộ Quốc phòng. Có 8 kho bảo quản trên toàn quốc do 8 quân khu phụ trách. Ban chỉ đạo triển khai "chiến dịch" tiêm chủng vac-xin phòng Covid-19 toàn quốc do bộ trưởng Y tế làm trưởng ban. "Sở Chỉ huy" đặt tại Bộ Quốc phòng. Tham gia "chiến dịch" có tổng cộng khoảng 15.000 điểm tiêm chủng. Theo Bộ Y tế, điểm mới của chiến dịch tiêm chủng lần này là việc chích ngừa "sẽ được kiểm soát chặt chẽ trên hệ thống điều hành tiêm chủng online thay vì trước đây giao cho các đơn vị quản lý". Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam cam kết hoàn tất hệ thống ứng dụng công nghệ tin học trong tiêm chủng để sẵn sàng đưa vào sử dụng trong vòng một tuần nữa.
Trong những tuần gần đây, Bộ Y tế Việt Nam bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc triển khai tiêm chủng. Hôm 11/06, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ra chỉ thị yêu cầu Bộ Y tế "công khai kế hoạch tiêm chủng".
Trong thông báo hôm 15/06, Bộ Y tế Việt Nam cũng thừa nhận "vẫn đang tiếp tục tìm kiếm thêm vac-xin từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu để đạt mục tiêu 150 triệu liều vac-xin" cho 70% dân số trên 18 tuổi. Tuyên bố nói trên không được lạc quan như tuyên bố của Bộ Y tế ngày 03/06, khẳng định "về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vac-xin", theo kế hoạch 150 triệu liều vac-xin.
Theo chính phủ Việt Nam, kế hoạch mua vac-xin và tiêm chủng 150 triệu liều cho 75 triệu dân tốn phí tổng cộng hơn 25 nghìn tỉ đồng. Đầu tháng 6/2021, Bộ Tài chính thông báo ngân sách Nhà nước dành cho kế hoạch mua vac-xin là 14,5 nghìn tỉ đồng. Chính quyền lập Quỹ vac-xin kêu gọi đóng góp trong nước và quốc tế, để bù vào phần tiền thiếu hụt. Cho đến nay, chính quyền chưa công khai kế hoạch mua nhập vac-xin theo ngân sách Nhà nước. Trong dư luận tại Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc sử dụng khoản ngân sách này.
Tổng cộng Việt Nam cho đến nay mới nhận được khoản trợ giúp 2,5 triệu liều vac-xin theo chương trình Covax của Liên Hiệp Quốc, với tổng cộng 1,5 triệu người được chích ngừa.
Trọng Thành, RFI, 14/06/2021
Trái ngược với đánh giá lạc quan cách nay một tuần của một lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, về việc "cơ bản kiểm soát được dịch trong cộng đồng", hôm 14/06/2021, chính quyền thành phố quyết định kéo dài biện pháp "giãn cảnh xã hội" thêm 2 tuần, trong bối cảnh số lượng ca nhiễm hàng ngày không giảm, có nguy cơ dịch lan sâu trong cộng đồng.
Một khu vực bị cách ly dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Ảnh chống ngày 01/06/2021. Reuters – Stringer
Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Phong quyết định thực hiện "giãn cách xã hội" toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của thủ tướng. Thời hạn giãn cách kể từ ngày mai, 15/06. Lý do là "diễn biến dịch còn phức tạp, còn mầm bệnh trong cộng đồng". Cũng theo chủ tịch thành phố, tùy theo diễn biến dịch bệnh vào tuần tới, một số khu vực có thể chuyển sang thực hiện Chỉ thị 16, tức các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn, hoặc theo Chỉ thị 19, tức mức độ nhẹ hơn.
"Giãn cách xã hội" theo Chỉ thị 15 bao gồm các biện pháp : không tập trung trên 20 người trong một phòng, không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét tại các địa điểm công cộng, tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Chỉ thị 16 bắt buộc người dân "chỉ được ra khỏi nhà, khi thực sự cần thiết".
Theo số liệu của Bộ Y tế, sáng hôm nay, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước, với 30 ca nhiễm trong ngày, trên tổng số 92 ca cả nước. Tình từ ngày 27/5 đến hết ngày 10/6, Thành phố Hồ Chí Minh đã lấy gần 500.000 mẫu xét nghiệm, số ca nhiễm được ghi nhận trong thời gian này trung bình là 41 ca. Theo số liệu chính thức, Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba cả nước về số ca nhiễm trong cộng đồng (hơn 800 ca), sau hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.
Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời một chuyên gia dịch tễ địa phương cho rằng "mức độ lây truyền đã kéo dài qua nhiều chu kỳ, xâm nhập sâu trong cộng đồng. Điển hình đã phát hiện bệnh nhân của chu kỳ lây nhiễm thứ 5".
Trong lúc tình hình dịch bệnh kéo dài và khó khống chế tại nhiều địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền Việt Nam bị nhiều chỉ trích là đã không đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tính cho đến nay, Việt Nam mới chỉ tiêm được 1,5 triệu liều, trong đó mới có 0,1% dân số hoàn thành hai liều tiêm. Việt Nam nằm trong nhóm các nước chậm tiêm chủng nhất của khu vực.
Về mặt chính thức, Bộ Y tế Việt Nam coi việc tiêm chủng là biện pháp không thể tránh khỏi để thoát khỏi dịch bệnh, nhưng dường như chưa có một kế hoạch tiêm chủng rõ ràng. Hôm 11/06/2021, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã yêu cầu "Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vac-xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể". Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam cũng yêu cầu "tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển Quỹ vac-xin phòng, chống Covid-19 (…) để đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vac-xin cho người dân".
Trọng Thành