RFA, 12/03/2022
Cơ quan chức năng Việt Nam cấm chiếu bộ phim Uncharted (Thợ Săn Cổ vật) cũa hãng Sony dự kiến sẽ ra mắt khán giả tại Việt Nam vào ngày 18/3 tới đây.
Đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông. AFP
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn xác nhận của Cục trưởng Cục Điện Ảnh Việt Nam, ông Vi Kiến Thành, như vừa nêu. Lý do được cho biết vì trong phim có xuất hiện ‘đường lưỡi bò’ mà ông Thành nói rõ là phi pháp. Đường lưỡi bò được dùng để chỉ đường đứt khúc chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra để tuyên bố chủ quyền đến gần trọn Biển Đông. Đường này bị Tòa Trọng tài Quốc tể ở La Haye hồi tháng 7/2016 tuyên không có cả căn cứ pháp lý và lịch sử.
Việt Nam từng có biện pháp tương tự đối với những bộ phim nước ngoài bị phát hiện có bản đồ với đường lưỡi bò.
Vào tháng 10/2019, phim hoạt họa ‘Everest- Người Tuyết Bé Nhỏ’ cũng bị rút khỏi hệ thống rạp chiếu phim Việt Nam sau khi khán giả phát hiện trong một cảnh phim có bản đồ hình lưỡi bò.
Vào năm ngoái, Việt Nam yêu cầu Netflix gỡ bỏ một số tập của bộ phim gián điệp nhiều tập Pine Gap cũng vì có bản đồ đường lưỡi bò.
**********************
RFA, 11/03/2022
48 công nhân Việt Nam làm việc tại Nhà máy Huachang Metal Products ở Quảng Đông, Trung Quốc bị bắt hôm 20 tháng 1 vừa qua. Ngoài số công nhân Việt này, còn có bốn người Myanmar làm cùng nhà máy cũng bị bắt. Tin được Ban Myanmar Đài Á Châu Tự do loan ngày 11/3.
Công nhân vào một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 30/9/2021 - AFP
Bản tin dẫn phát biểu của thân nhân của những công nhân người Myanmar bị bắt. Những người này cho biết họ mất liên lạc với người thân hơn một tháng.
Vợ của một trong những công nhân Myanmar bị bắt đồng thời cũng làm việc tại Nhà máy Huachang Metal Products ở Quảng Đông cho RFA biết cô chạy thoát. Việc bắt giữ không hề được an ninh nhà máy thông báo trước. Sau đó cô mất liên lạc hơn một tháng với người chồng và em chồng cùng làm việc ở nhà máy.
Cha của hai anh em bị bắt hiện đang sống tại Bang Rakhine, mạn bắc Myanmar, bày tỏ sự lo lắng khi nói trả lời RFA. Ông này còn cho biết gia đình sống chủ yếu nhờ vào tiền mà các con làm việc ở Trung Quốc gửi về.
Tổ chức có tên Mạng lưới Hỗ trợ Nhân đạo cho Công nhân Di cư Myanmar cho biết công an Trung Quốc bắt giữ những công dân nhập cư làm việc chui tại Hoa Lục.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Myanmar hôm 10/3 nói không hề biết gì về vụ bắt giữ khi được hỏi về bốn trường hợp công nhân Myanmar bị bắt mới nhất tại Quảng Đông như vừa nêu.
************************
RFA, 11/03/2022
Các chủng vi-rút tương tự SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 hiện nay vừa được phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam. Mạng báo NatureWorldNews and Eco-Business loan tin trong hai ngày 10 và 11/3 như vừa nêu.
Tê tê đi ra từ đường hầm dưới lòng đất vào ban đêm tại Save Vietnam's Wildlife, rừng Cúc Phương hôm 14/9/2020 - AFP
Theo đó, các phân tích được đưa ra trong tạp chí Frontiers in Public health cho thấy các chủng vi-rút có liên quan với SARS-CoV-2 được phát hiện trong tê tê buôn lậu tại Việt Nam. Những chủng này cũng liên quan rất gần với các chủng được phát hiện trước đó trong tê tê buôn lậu ở Trung Quốc.
Các nhà khoa học tại Wildlife Conservation Society (Hội Bảo tồn Động vậy Hoang dã) phân tích rằng những việc phát hiện các chủng vi-rút tương tự SARS-CoV-2 trong loài tê tê Sunda ở Việt Nam là bằng chứng về tình trạng dịch bệnh lây lan do buôn lậu động vật hoang dã xuyên quốc gia.
Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị nghi truyền vi-rút SARS-CoV-2 sang con người.
Tin nhắc lại giả thuyết đại dịch Covid-19 xuất phát từ một chợ ở Vũ Hán, Trung Quốc nơi buôn bán các loại động vật hoang dã.
***********************
RFA, 07/03/2022
Bộ Y tế Việt Nam đưa ra đề xuất vừa nói trong báo cáo gởi Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch Covid-19 hôm 5/3/2022. Trong báo cáo, Bộ này cho rằng số ca nhiễm dù tăng mạnh, nhưng chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh hiện nay như tỷ lệ tử vong giảm nhiều, nhập viện ít, lượng người đã tiêm vắc-xin cao, phủ rộng.
Ảnh minh họa chụp tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 12 năm 2021. AFP Photo
Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON, ở Sài Gòn, cho RFA biết ý kiến về đề xuất này hôm 7/3 :
"Thứ nhất là nhiễm thì số lượng bây giờ rất lớn, nhưng số lượng bệnh nặng và tử vong giảm rất nhiều so với trước đây. Như vậy công bố số lượng nhiễm có ý nghĩa gì không ? Tôi nghĩ những người nắm quyền, những người hoạch định về chính sách thì vẫn phải nắm số người nhiễm. Nhưng công bố rộng rãi ra thì có vẻ như nó sẽ làm cho người ta hoang mang nhiều hơn. Ngay từ trước đến giờ tôi cũng cổ súy chuyện tập trung chữa người trở nặng, tức những người có triệu chứng nặng thì ngành y phải tập trung điều trị. Còn trường hợp nhẹ thì không đặt nặng như trước đến giờ. Nên tôi đồng ý là không công bố ca nhiễm rộng rãi hàng ngày trên TV, báo chí…".
Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, công bố số ca nhiễm rộng rãi sẽ làm cho người dân hoang mang nhiều hơn là tác dụng của việc công bố. Tuy nhiên bác sĩ Sơn vẫn cho rằng không nên bí mật số liệu :
"Nhưng trong ngành y và bộ phận chống dịch thì vẫn phải lưu hành số liệu ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày. Và không nhất thiết là phải bí mật số ca nhiễm, nhưng chủ động không công bố ầm ĩ. Tôi nghĩ thật ra dịch vẫn đang lưu hành nên mình vẫn phải khuyến khích người ta mang khẩu trang, tránh tụ tập đông người... Dù mình có công bố số liệu hay không thì người chủ quan người ta vẫn chủ quan. Rõ ràng bây giờ số ca nhiễm lên rất nhiều, mọi sinh hoạt vẫn bình thường như 15 ngày trước. Do đó theo tôi, việc chủ quan không xuất phát từ số liệu mà từ bản thân người ta có ý thức được việc áp dụng các biện pháp chống lây lan hay không ? Đó là cái cần tuyên truyền".
Covid-19 hiện vẫn được Tổ chức Y tế thế giới -WHO coi là tình trạng đại dịch và lo ngại có các biến thể mới. WHO cho rằng, nhiều nước vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.
Còn theo Bộ Y tế, tỷ lệ bệnh nặng tại Việt Nam đã giảm nhiều, nhưng số ca tử vong vẫn ở mức trên dưới 100 ca/ngày.
Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc không công bố số ca nhiễm mới. Trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng, việc công bố số ca nhiễm Covid-19 mới tác động ít nhiều đến đời sống người dân. Dựa vào số ca nhiễm, người dân sẽ có kế hoạch lao động, ra ngoài vui chơi hay đưa ra kế hoạch kinh doanh nếu có...
Cũng có ý kiến khác cho rằng nên tạm dừng công bố ca mắc mới, vì những số liệu được công bố hiện nay chưa chính xác, không đúng với thực tế, do người dân nhiễm bệnh không báo cáo chính quyền.
Trả lời RFA hôm 7/3, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định :
"Là bác sĩ thì tôi thấy nó chưa thật là chuẩn đâu, đó là một biện pháp thụ động mà mình không thể làm gì khác được. Chúng ta không làm gì khác được thì chúng ta phải theo nó thôi. Chuyện công bố (tổng số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày) thì nó cũng giống như là kít test, nó chỉ là một biện pháp nghiên cứu khoa học, tất cả chúng ta đã nhất trí là nó phải như thế, đành phải chấp nhận với nhau là tất cả các con số theo quy luật Pareto là chừng đó người bị thì sẽ là như vậy và không thể dừng. Tôi đã tính là chúng ta sẽ mất 10% dân số, là khoảng 10 triệu người giống như nước Mỹ. Điều vô tình là chúng ta được bằng nước Mỹ một cách vô duyên nhất, tiền thì không có mà buộc phải làm những cái điều... đến bây giờ thì tiêm vắc-xin không phải là một phương pháp chống dịch".
Ông William A. Haseltine, Giáo sư Đại học Harvard - Hoa Kỳ, trong bài viết đăng trên Tạp chí Forbes mới đây cho rằng, không thể ngừng công bố số ca nhiễm Covid-19. Ông viết :
"Hãy tưởng tượng nếu chúng ta chỉ báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19 phải nhập viện và tử vong trước khi bùng phát biến chủng Omicron... thì đã có thể chúng ta đã chậm chân, thậm chí còn không được chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta sẽ không thể sửa đổi hành vi của mình, hủy bỏ các sự kiện, phân phối tài nguyên cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng cường xét nghiệm một cách đáng kể. Dữ liệu quý giá về số ca nhiễm cho phép lập kế hoạch ở cấp địa phương và liên bang, biết nơi cần gửi thiết bị bảo hộ y tế và dụng cụ xét nghiệm".
Ngoài ra theo Giáo sư William, báo cáo các trường hợp nhiễm Covid-19 trên bình diện quốc tế cho phép khách du lịch đưa ra quyết định sáng suốt, cũng như giúp phân bổ hỗ trợ giữa các nước hiệu quả. Việc không công bố số ca nhiễm theo ông William cũng sẽ làm giảm số người đi xét nghiệm, trong khi đó là một công cụ quan trọng nhất để kiểm soát đại dịch và phát hiện sớm các biến thể mới.
Bác sĩ Đinh Đức Long, khi trao đổi với RFA hôm 7/3, nhận định dưới một góc nhìn khác :
"Ở Việt Nam thì mọi chủ trương công bố hay không công bố (số ca nhiễm Covid-19) thì nó thuộc về vấn đề chính trị, chứ không phải vấn đề chuyên môn. Ngành y chỉ là một ngành chuyên môn, họ công bố nhiều hay ít, công bố đúng sự thật hay công bố khác đi đều có chỉ đạo của lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam... còn cụ thể thế nào thì không biết. Mọi thức mở cửa lại, đường bay mở lại, nói chung là cái gì cũng phải hợp chủ trương của đảng và nhà nước, còn nói trái với chủ trương của đảng và nhà nước là không được".
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, từ 16h ngày 6/3 đến 16h ngày 7/3, Việt Nam ghi nhận 147.358 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 147.335 ca nhiễm trong nước.
Kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 4.582.058 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân cứ 1 triệu người có 46.385 ca nhiễm.
‘Canh và chặn’ : cách Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền
VOA, 18/02/2022
Cho người canh giữ trước nhà hay ngăn chặn việc đi lại là một cách làm ‘có hệ thống’ của chính quyền Việt Nam để đối phó với các nhà hoạt động nhân quyền, một phúc trình của tổ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa được công bố cho biết.
Cảnh sát canh gác trong một phiên tòa xét xử người bất đồng chính kiến ở thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2010
Phúc trình dài 66 trang có tựa đề ‘Bị nhốt ở trong nhà : Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam bị hạn chế quyền tự do đi lại’ đã được HRW công bố tại một buổi họp báo vào sáng ngày 17/2 tại Bangkok để kêu gọi chính quyền Việt Nam ‘chấm dứt việc tùy tiện ngăn cản các nhà bất đồng chính kiến trên toàn quốc’.
Theo Human Rights Watch, cách làm ‘canh và chặn’ này khiến các nhà hoạt động và các nhà bất đồng chính kiến ‘chịu quản thúc tại gia vô thời hạn’.
Theo giải thích của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì với cách làm này, các nhà hoạt động ‘bị câu lưu trong thời gian vừa đủ lâu để không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hình sự hay cuộc gặp với các nhà ngoại giao và tổng thống Mỹ’và bị hạn chế xuất nhập cảnh.
Hơn 170 trường hợp
Phúc trình đã ghi nhận các trường hợp của hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam bị đàn áp kiểu này, trong đó có bị chặn trước cửa nhà, chặn trên đường đi, giữ lại không cho xuất, nhập cảnh ở sân bay, cửa khẩu và từ chối cấp hộ chiếu…
Trong một đoạn video được HRW trình chiếu tại buổi họp báo, ông Trịnh Bá Phương, một nhà tranh đấu về các quyền về đất đai ở Việt Nam đã bị tuyên án 10 năm tù, đã quay lại cảnh an ninh thường phục ‘dàn trận’ trước nhà ông và có hành động quát tháo, đe dọa và dường như đã hành hung ông. Một đoạn video khác cho thấy ông Nguyễn Quang A, nhà bất đồng chính kiến nổi bật ở Hà Nội, bị một số người trẻ mặc thường phục đẩy lại vào nhà khi đang trên đường đi.
Chính quyền cho ‘nhân viên an ninh mặc thường phục đóng chốt ngoài tư gia, khóa cửa ra vào của người bất đồng chính kiến bằng khóa ổ, thậm chí đổ keo đa năng vào các ổ khóa, dựng rào chắn và các chướng ngại vật, và huy động côn đồ địa phương đe dọa người dân’, phúc trình cho biết.
"Lúc nào sự ngăn chặn này cũng đi kèm với sự đe dọa về thân thể. Nếu các nhà hoạt động tìm cách trốn thoát thì họ sẽ bị đánh đập", ông Phil Robertson, phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói tại cuộc họp báo công bố phúc trình.
Trong một số vụ việc, nhân viên an ninh cưỡng chế các nhà hoạt động lên tàu hỏa hoặc máy bay để buộc trở về nơi cư trú, cũng theo phúc trình.
Và khi cần đi ra nước ngoài hoặc khi làm thủ tục xin cấp hay gia hạn thì các nhà hoạt động này mới biết họ nằm trong danh sách cấm xuất nhập cảnh ‘với những lý do an ninh quốc gia chung chung’.
"Chính quyền không công bố danh sách cấm xuất nhập cảnh hay thông báo cho những người có tên trong danh sách biết việc họ bị cấm, hoặc thông báo cho họ biết thời hạn cấm là bao lâu", HRW cho biết.
Ngay cả khi xuất cảnh với mục đích cá nhân như đi du lịch hay đi chữa bệnh thì các nhà hoạt động vẫn bị chính quyền chặn lại do ‘quá nhạy cảm’ với khả năng họ gặp các quan chức nước ngoài hay các nhân vật lưu vong.
HRW đưa ra trường hợp bà Nguyễn Thúy Hạnh, người đang bị giam giữ về tội ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’, đã bị cầm giữ suốt 10 ngày hồi tháng 1 năm 2021 khi Đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội 13, và ông Nguyễn Quang A bị nhân viên an ninh lôi lên xe đi vòng vòng hồi năm 2016 để ngăn ông đến gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama lúc đó đang ở thăm Hà Nội.
Tại buổi họp báo, ông Robertson cũng nêu lên trường hợp của bà Phạm Đoan Trang, một nhà báo độc lập đang thụ án 9 năm tù về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Hồi năm 2016, bà Trang cùng một người bạn lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama nhưng ‘bị chặn lại khi cách Hà Nội 100km, bị câu lưu và bị buộc phải quay về’.
Còn về xuất nhập cảnh, phúc trình nêu các trường hợp của linh mục Nguyễn Đình Thục bị ngăn xuất cảnh sang Nhật nhân chuyến thăm của Giáo hoàng Francis hồi năm 2019 với lý do ‘bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội’.
Blogger Phạm Chí Dũng, người cũng đang thụ án tù, cũng từng bị chặn lại ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi năm 2014 khi ông chuẩn bị đáp chuyến bay đi Geneva để điều trần về nhân quyền Việt Nam tại kỳ Xem xét Định kỳ Phổ quát của Liên Hiệp Quốc.
‘Ăn bánh canh’
Cách làm này của chính quyền trở nên quen thuộc đối với các nhà hoạt động đến nỗi nó trở thành ‘một phần trong cuộc sống hàng ngày của họ’ và thậm chí còn được họ gọi đùa là ‘ăn bánh canh’ (eating guard soup), ông Phil Robertson cho biết.
Họ còn ứng phó bằng cách lên đường trước vài ngày trước khi xảy ra sự kiện nhạy cảm nào đó nhưng cuối cùng vẫn bị chặn lại, cũng theo ông Robertson.
Không chỉ bản thân các nhà hoạt động mà ngay cả người thân của họ cũng gặp các hạn chế về đi lại này trong hành động mà HRW gọi là ‘trừng phạt tập thể’.
HRW chỉ ra những sự kiện chính trị nhạy cảm như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các ngày lễ quốc tế về nhân quyền, các ngày kỷ niệm các vụ xung đột Việt-Trung, hay chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhất là Mỹ, là những lúc nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường các hoạt động canh giữ và ngăn chặn này.
"Chính quyền Việt Nam hiển nhiên coi việc một số người đi dự các sự kiện nhân quyền hay tự do tôn giáo, hoặc gặp gỡ các quan chức nước ngoài tới thăm Việt Nam là hành vi phạm tội", ông Robertson nói.
Ông kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức chấm dứt mọi hạn chế này và sửa đổi các điều luật cản trở quyền tự do cơ bản của công dân và kêu gọi các đối tác và nhà tài trợ cho Việt Nam ‘gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử này’.
"Cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa và đưa vấn đề này ra Liên Hiệp Quốc và Hội đồng Nhân quyền", ông Robertson nói.
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà bất đồng chính kiến, cho biết việc canh và chặn đối với ông ‘thường xuyên xảy ra’, nhất là trong các cuộc tưởng niệm liên quan đến Trung Quốc, các cuộc biểu tình, các phiên tòa xét xử những nhân vật bất đồng chính kiến.
Ông nói do ông có cách tiếp cận ôn hòa nên không gặp phải thái độ căng thẳng của những người canh giữ ông, còn những bạn bè ông do ‘cố gắng bảo vệ quyền đi lại’ nên gặp phản ứng quyết liệt của phía an ninh.
"Mục đích của những người canh giữ là làm sao mình không đến địa điểm này, không tham dự sự việc này, sự việc kia", ông Thắng nói.
Cũng theo lời ông Thắng thì việc quản thúc ông như vậy ‘không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cá nhân’ của ông vì họ ‘không ngăn chặn tôi đi làm, đi chợ hay đi những công việc cá nhân’.
Để có được phúc trình này, HRW đã dựa vào báo chí độc lập, mạng xã hội, blog độc lập và các trang mạng. Họ cũng đã phỏng vấn trực tiếp các nạn nhân và gia đình cùng với nhân chứng.
Đây là lần đầu tiên Tổ chức Theo dõi Nhân quyền xem xét một cách có hệ thống cách thức hạn chế tự do đi lại của chính quyền Việt Nam để công bố trong một phúc trình đầy đủ và toàn diện.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa có phản ứng gì về phúc trình của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhưng trước giờ họ vẫn khăng khăng cho rằng 'không có vi phạm nhân quyền ở Việt Nam'.
Nguồn : VOA, 18/02/2022
********************
RFA, 17/02/2022
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo chính quyền Việt Nam ngăn chặn, giới hạn quyền đi lại của giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến. Những người bị ngăn chặn xác nhận chuyện này xảy ra công khai nhiều năm qua.
Một cảnh sát ngồi bên ngoài ngôi nhà của người dân tộc thiểu số tại Buôn Đôn, tỉnh Daklak, Tây Nguyên của Việt Nam, ngày 15 tháng 3 năm 2001. Ảnh minh họa. Reuters
Hôm 17 tháng 2 năm 2022, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) tổ chức buổi công bố báo cáo tại Câu lạc bộ Báo chí Thái Lan về tình trạng vi phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam đối với giới hoạt động xã hội và những người bất đồng chính kiến. HRW coi việc canh chặn, không cho giới bất đồng chính kiến ra khỏi nhà vào những dịp mà họ cho là ‘nhạy cảm’ là sự vi phạm "có hệ thống và trên quy mô rộng".
Đây là chuyện xảy ra ở Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng theo ông Phil Robertson, Phó giám đốc phân ban Châu Á của HRW, thì đây là lần đầu tiên tình trạng vi phạm quyền tự do đi lại của công dân ở Việt Nam được hệ thống lại một cách chi tiết và đầy đủ với những hồ sơ cụ thể. Ông nói tại buổi họp báo :
"Đây là những ví dụ minh hoạ rõ nét của hệ thống mang tính đàn áp và đe doạ, khiến Việt Nam trở thành một trong những nước có chính phủ lạm dụng nhân quyền một cách tồi tệ nhất ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là cách mà chính quyền đe doạ những nhà hoạt động cũng như gia đình của họ, và hòng tìm cách kiểm soát những người này.
Chỉ khi các chiến thuật đe doạ không tỏ ra hiệu quả, thì nhà nước Việt Nam mới dùng đến phương án bắt bớ, khởi tố, và bỏ tù người bất đồng chính kiến".
Một người trong giới bất đồng chính kiến (tạm thời không muốn nêu tên vì lý do an toàn) nói với RFA vào sáng 17 tháng 2 năm 2022 :
"Hôm nay là ngày 17 tháng 2 nên bây giờ đang có người canh trước cửa nhà tôi đây. Trước đây họ còn gắn mấy cái camera chĩa thẳng vào nhà tôi. Mấy ngày họ cho là nhạy cảm như ngày mất Gạc Ma, mất Hoàng Sa, ngày 17 tháng 2 thì cả một ‘chợ bánh canh’ quanh nhà.
Mình ra khỏi nhà thì bị đẩy ngược lại. Nếu mình cố tình đi thì họ kêu thêm người rồi vây mình lại. Hỏi lý do thì họ sừng sộ rồi nói những lời xúc phạm mình. Nếu mình chống lại thì họ đánh mình và công an quanh đó sẽ bắt mình với tội ‘gây rối’. Chuyện an ninh canh chặn với sắc phục và thường phục đều có. Họ canh công khai".
Anh Lê Hoàng, một người từng nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung Quốc cho RFA hay, những người ngồi canh, chặn thường là công an phường, quận mặc thường phục mà những người thường xuyên bị canh, chặn không lạ gì họ. Anh nói tiếp:
"Chắc là họ ra quy chế rõ ràng. Ví dụ ngày mai sai lính chặn ở nhà không cho đi đâu là họ chốt chặn không cho mình ra khỏi cửa luôn. Mình đi ra là họ gây sự và đẩy mình vào. Họ cho khoảng ba, bốn người canh. Như em là họ cho bốn người. Bốn người thì mình ra là họ đẩy mình vào ngay; họ làm đủ trò ngay chứ không có chuyện mình cố tình đi được đâu. Còn trường hợp nhẹ hơn, chẳng hạn như mai đi thắp hương tưởng niệm thì họ không chặn nữa mà họ cho khoảng hai người đi theo rồi quay phim, chụp ảnh.
Em cho là họ quay phim, chụp ảnh để thứ nhất là báo cáo; thứ hai là để mình ngại hay mình sợ. Bọn em thì biết thừa là việc thắp hương, tưởng niệm chẳng ai có thể ngăn cấm được vì đó là quyền không thể chối cãi của mình.
Nếu mình bảo họ làm thế là vi phạm nhân quyền, tôi không có vấn đề gì cần giám sát hay vi phạm lệnh quản chế mà cứ theo tôi chẳng hạn thì họ không trả lời, họ né tránh".
Người thanh niên canh cửa nhà Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh tháng 1/2021.
"Bánh canh" là thuật ngữ mà những người bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền dùng để chỉ tình trạng bị an ninh canh giữ trước cửa nhà không cho đi đâu.
Việc an ninh canh nhà giới hoạt động, bloggers, cựu tù nhân lương tâm, cựu tù nhân nhân quyền… vào các dịp như đại hội đảng, họp quốc hội, nguyên thủ Hoa Kỳ thăm Việt Nam, ngày kỷ niệm cuộc chiến Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc, hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma hay trước các phiên xử những người bất đồng chính kiến… xảy ra từ nhiều năm qua mà nạn nhân chỉ có thể lên tiếng qua các trang mạng xã hội. Phía chính quyền thì bỏ ngoài tai, không thừa nhận cũng không chối bỏ. Chính quyền Việt Nam bị cho là bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế trong vấn đề nhân quyền.
Đầu năm 2019, khi Việt Nam tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn, hơn một chục nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Việt Nam cho Reuters biết, công an đã tăng cường giám sát và ngăn cản họ rời khỏi nhà tại Hà Nội.
Đầu năm 2021, vài ngày trước khi đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc, nhiều người trong giới bất đồng chính kiến, giới phản biện bị an ninh ngồi trước cửa nhà theo dõi. Bác sĩ Đinh Đức Long là một người trong số đó. Ông chia sẻ với RFA :
"Nói về mặt luật pháp thì nếu mình ra khỏi nhà mà họ cản trở việc đi lại của công dân thì họ vi phạm. Còn họ chỉ canh mà không cản trở mình thì đấy là việc của họ thôi. Trên thực tế không ảnh hưởng gì. Chẳng có lệnh nào mà cũng chẳng có bản án nào của tòa hết. Họ canh thế để xem mình có làm gì không. Mang tính chất răn đe, phòng ngừa là chính.
Tất nhiên mình cảm thấy khó chịu. Khi tôi phát hiện ra sự việc và tôi chụp hình đưa lên Facebook thì một số tên còn đi qua trước cửa vung tay vung chân rồi dòm vào tận nhà. Tôi ví hành động đó như hành động của tàu chiến Trung Quốc ngang ngược tuần tra trên Biển Đông. Đe dọa, cướp bóc, giết hại ngư dân sinh sống, làm việc lương thiện trên vùng biển chủ quyền Việt Nam từ hàng ngàn đời nay.
Sau khi tôi so sánh như vậy trên Facebook thì họ rút ra xa hơn. Như vậy là họ có theo dõi và điều chỉnh kịp thời. Ít nhất là trường hợp của tôi".
Tình hình nhân quyền Việt Nam bị HRW đánh giá là không cải thiện khi Hà Nội trừng phạt một cách có hệ thống đối với các nhà hoạt động dám công khai lên tiếng về hiện trạng đất nước. Ít nhất 63 người bị giam tù chỉ trong năm 2021 vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các hội, nhóm bị Nhà nước xem là chống chính quyền. Trong số đó, nhiều người phải chịu những bản án rất nặng sau các phiên xử bất công dựa theo những cáo buộc ngụy tạo.
Ngoài HRW lên tiếng về tình hình nhân quyền Việt Nam, hôm 1 tháng 11 năm 2021, các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đã gửi một bức thư đến Chính phủ Việt Nam, yêu cầu cung cấp các thông tin về việc bắt giữ và kết án đối với một số các nhà hoạt động tại Việt Nam trong năm 2020 và 2021.
Hôm 21 tháng 12 năm 2021, Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới đã gửi thư yêu cầu kéo dài thời hạn phúc đáp cho đến ngày 28 tháng 2 năm 2022.
Trọng Nghĩa, RFI, 17/02/2022
Trong một bản báo cáo mới nhất về Việt Nam công bố ngày 17/02/2022, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Human Rights Watch đã tố cáo chính quyền Việt Nam về việc "cản trở một cách có hệ thống quyền tự do đi lại của các nhà hoạt động chính trị và nhân quyền".
Một số nhà hoạt động, bất đồng chính kiến Việt Nam đang bị cầm tù. Ảnh minh họa tài liệu chụp từ trang web của Human Rights Watch © RFI tiếng Việt
Bản báo cáo dài 66 trang, mang tựa đề "Nhốt chúng tôi ở trong nhà : Hạn chế tự do đi lại của các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam", đã ghi nhận các vụ vi phạm thường xuyên của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do đi lại và các quyền cơ bản khác bằng cách buộc các nhà đấu tranh, giới bất đồng chính kiến, những người bảo vệ nhân quyền và những người khác phải chịu chế độ quản thúc tại gia vô thời hạn, sách nhiễu và nhiều hình thức câu lưu khác.
HRW ghi nhận là chính quyền Việt Nam thường câu lưu các nhà hoạt động trong thời gian vừa đủ lâu để ngăn họ không tham dự được các cuộc biểu tình, các phiên tòa hay các cuộc gặp với các nhà ngoại giao hay lãnh đạo nước ngoài, cũng như nhiều sự kiện khác.
Trong bản báo cáo, HRW cho biết họ đã điều tra nhiều trường hợp bị hạn chế đi lại năm 2004 đến năm 2021, nhắm vào hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến, cũng như người thân của họ, trong đó có cả những vụ chặn giữ ở sân bay và cửa khẩu, cũng như từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác.
Trong bức ảnh ghép minh họa kèm theo báo cáo, HRW đã đăng ảnh của một nhà hoạt động người Việt bị giam giữ như các ông Phạm Chí Thành, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh hay nhà báo Phạm Đoan Trang…
Tổ chức HRW đã kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay lập tức mọi hạn chế đi lại và sửa đổi luật mà hạn chế những quyền cơ bản của công dân như là quyền tự do đi lại trong và ngoài Việt Nam.
Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW còn cho rằng : "Các nhà tài trợ và đối tác thương mại của Việt Nam cần nhận thức được sự cản trở đối với quyền tự do đi lại đang diễn ra hàng ngày và gây sức ép để chính quyền Việt Nam chấm dứt cách hành xử như thế."
Trọng Nghĩa
*******************
Thu Hằng, RFI, 18/02/2022
Ngày 17/002/2022, Cục Quản lý Dược, bộ Y tế Việt Nam, đã cấp phép khẩn cấp ba dược phẩm chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị Covid-19, do ba doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, gồm công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Stellapharm, Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Vietnam và Công ty cổ phần Dược phẩm Mekorpha. Giấy phép có hiệu lực ba năm kể từ ngày ký quyết định.
Dược phẩm Molnupiravir do hãng Merck & Co Inc và Ridgeback Biotherapeutics LP phát triển. © Merck & Co Inc/Handout via Reuters/File Photo
Theo truyền thông Việt Nam, ba loại thuốc này được cấp giấy phép lưu hành với ba điều kiện đi kèm : cơ sở sản xuất phải kiểm tra chất lượng nguyên liệu đạt yêu cầu trước khi sản xuất ; theo dõi, kiểm tra chất lượng thuốc hàng tháng ; tiếp tục nghiên cứu độ ổn định của thuốc.
Theo dự kiến, thuốc Molnupiravir sẽ được bán với giá 300.000 đồng/hộp và được phân phối rộng rãi từ tuần sau tại các hiệu thuốc trên cả nước. Trước đó, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và giá bán để tránh đầu cơ, lợi ích nhóm trong việc cung ứng thuốc. Còn theo ông Lương Đăng Khoa, tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam, khi trả lời VnExpress ngày 18/02, giá bán 300.000 đồng thấp hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho các nước kém phát triển là 19,9 đô la (khoảng 440.000 đồng).
Số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Việt Nam vẫn ở mức cao, thêm hơn 36.200 ca theo số liệu tối 17/02. Tính trung bình trong vòng 7 ngày qua, mỗi ngày có 84 ca tử vong. Ba loại thuốc Molnupiravir được cho là liệu pháp hiệu quả cho việc điều trị tại nhà đối với các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ, để giúp giảm tải cho các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị tập trung.
Thu Hằng
Nước Pháp trước nguy cơ một cơn sóng thần Covid-19 mới ập đến trước thềm Năm Mới là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm 27/12/2021. Tổng giám mục người Nam Phi Desmond Tutu, đồng kiến trúc sư nền hòa bình cho đất nước cùng với cố lãnh tụ Mandela, qua đời ở tuổi 90, là chủ đề chiếm trang nhất của hầu hết các báo.
Ảnh minh họa biến thể Omicron, mà trong vài ngày nữa sẽ chiếm đa số các ca nhiễm Covid tại Pháp. Reuters – Dado Ruvic
Về đại dịch Covid-19, nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa nhỏ trên trang nhất, loan tin chính phủ họp để chuẩn bị đưa ra các biện pháp mới, có khả năng lệnh giới nghiêm sẽ được áp dụng, và thời gian cách ly đối với những người nghi nhiễm sẽ được rút bớt, để phù hợp với tình hình mới. Về phần mình, nhật báo thiên tả Libération dành tựa lớn cho chủ đề nguy cơ đại dịch "Omicron, hỗn loạn tối đa", nhấn mạnh là với 100.000 ca nhiễm mới vào ngày Noel, dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng.
Xã luận Libération, nhan đề "Phản công", không ủng hộ biện pháp giới nghiêm", cho dù chỉ là giới nghiêm trong đêm giao thừa 31/12, bởi biện pháp này có nguy cơ làm lây nhiễm gia tăng, đặc biệt đối với các gia đình phải sống trong "những căn hộ chật hẹp, đông người, kém thông khí". Biện pháp ưu tiên vẫn là ấn định "chứng nhận tiêm chủng", cấm đến những nơi tập hợp đông người đối với những ai chưa chích ngừa đủ. Không có biện pháp nào hiệu quả hơn là tiêm chủng nhanh kịp với tốc độ lây lan của dịch bệnh, theo Libération.
Bài xã luận Libération đặc biệt nhấn mạnh đến tính chất đáng sợ của biến thể mới. Theo Libération, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lẽ ra không nên gọi biến thể đang đe dọa nước Pháp, Châu Âu và thế giới hiện nay là Omicron, mà cần giữ tên gọi ban đầu là "Nu", đúng theo trật tự bảng chữ cái tiếng Hy Lạp. Lo ngại của WHO là không muốn gây hiểm nhầm với từ "Nu" ("Nu" trong tiếng Pháp có nghĩa là "trần trụi"), nhưng theo Libération, trên thực tế biến thể này đúng là "đang lột trần những giới hạn của tất cả các chiến lược đối phó", buộc chính phủ phải họp khẩn hôm nay, ngay trong kỳ nghỉ cuối năm.
Xã luận Libération chia sẻ với nỗi bực bội của nhiều người dân Pháp, khi nghĩ rằng tiêm chủng sẽ cho phép dỡ bỏ mọi hạn chế, không cần đến xét nghiệm. Tuy nhiên nhật báo cũng nhấn mạnh là trên thực tế vac-xin không thể ngăn chặn được virus lây lan, mà chỉ làm giảm mức độ nguy hiểm đến tính mạng của người đã được tiêm chủng.
Năm trang đầu của Libération dành cho chủ đề đại dịch. Libération có bài phóng sự về tình cảnh hàng trăm người tập hợp trước một cơ sở y tế, ngoại ô Paris, chờ xét nghiệm, sau một ngày Noel số ca nhiễm kỷ lục. "Hội hè đã hết" là câu mở đầu cho một bài viết khác, dự báo chính phủ sẽ đưa ra nhiều biện pháp nghiêm ngặt trong cuộc họp quốc phòng về dịch tễ chiều nay. Libération cho biết số lượng người quyết định tiêm chủng lần đầu tiên tăng mạnh, 50.000 người trước ngày Noel, so với mức trung bình 38.000, trong lúc rất có khả năng chính phủ sẽ áp dụng chứng nhận tiêm chủng kể từ ngày 15/01/2022.
Trong một bài viết khác, Libération cho biết hệ thống bệnh viện Pháp đang gặp nhiều khó khăn hơn trước, đặc biệt với chính sách cắt giảm số giường bệnh của chính quyền Macron : kể từ năm 2017, bệnh viện Pháp đã mất gần 18.000 giường. Tỉ lệ vắng mặt cao (khoảng 10%) của nhân viên y tế trong hệ thống cơ sở y tế công cũng là một nguyên nhân quan trọng gây khó khăn khác.
"Nước Pháp bị đợt sóng lớn Omicron rượt đuổi" là tựa lớn trang nhất của Les Echos. Để giúp độc giả hình dung rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh hiện tại, Les Echos đưa ra 5 con số cho thấy tình hình đang xấu đi nhiều. Thứ nhất là số ca nhiễm kỷ lục (hơn 100.000) vào kỳ Noel, đúng theo dự đoán của chính phủ. Thứ hai là số ca nhập viện tổng cộng là khoảng 16.000 người, và dự báo sẽ là trung bình 1.000/ngày vào tháng Giêng. Đây chưa phải là một làn sóng lớn (so với hai đỉnh dịch trước, 3.500 và 3.000 người/ngày), nhưng cần chú ý là có đến 3.299 người đang phải điều trị tích cực.
Số liệu quan trọng thứ ba là tỉ lệ ca nhiễm cao, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 6 đến 10, với 950 ca/100.000, và đây chính là điều khiến chính phủ muốn mở rộng tiêm chủng cho lứa tuổi này. Điểm thứ tư là số lượng người phải nghỉ làm do nghi nhiễm Covid đã tăng gấp 7 lần trong vòng 2 tháng, với hơn 42.000 người hiện nay. Và điểm đặc biệt đáng lo ngại thứ 5 là còn hơn 20% dân cư chưa tiêm chủng.
Theo nhật báo kinh tế Pháp, "Chính phủ đang tìm cách, vừa ngăn chặn Omicron, vừa không khiến đất nước bị tê liệt". Giảm số ngày cách ly với người nhiễm và người nghi nghiễm, để không gây tình trạng thâm hụt nghiêm trọng nhân lực, và giảm bớt thời gian cần tiêm nhắc lại xuống còn ba tháng, để đẩy nhanh chương trình tiêm chủng, là các biện pháp ưu tiên. Việc bắt buộc phải mang khẩu trang khi ra ngoài, ở những nơi tập hợp từ 10 người trở lên, như chợ búa, cũng là điều được nhiều người đòi hỏi.
Theo Les Echos, áp lực lên chính phủ ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống là rất lớn. Việc cân bằng được giữa nghĩa vụ bảo vệ người dân Pháp một bên, và bên kia là không làm cho xã hội quá mệt mỏi với các biện pháp siết chặt, quả là không hề dễ dàng với chính phủ.
Nguy cơ dịch bệnh đè nặng lên cuộc bầu cử tổng thống là một hồ sơ khác của Les Echos. Nhật báo kinh tế điểm ra "Bốn bất trắc lớn" của kỳ bầu cử chưa từng có này, có thể đảo lộn hoàn toàn cục diện.
Dịch bệnh có thể trở thành chủ đề chính, gạt ra bên ngoài các chủ đề quan trọng khác. Nhiều ứng cử viên lo ngại sẽ không có được một "cuộc tranh luận dân chủ", và tất cả sẽ tập trung xung quanh vấn đề năng lực đối phó dịch bệnh của tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron.
Một "ẩn số lớn" là tác động của đại dịch đến người dân Pháp, quá mệt mỏi sau hai năm dịch bệnh và có xu hướng bỏ phiếu chống lại hệ thống hiện hành. Tỉ lệ cử tri thay đổi nhanh chóng ý định bỏ phiếu có thể đạt mức chưa từng có. Theo một thăm dò dư luận, của Ipsos-Steria, khoảng 30% người được hỏi thay đổi ý kiến trong vòng hai tháng (thay đổi trong quyết định chọn ứng viên, quyết định vắng mặt hay đi bỏ phiếu). Số lượng người quan tâm đến bầu cử hiện cũng rất thấp, với 54%, theo thăm dò của PrésiTrack OpinionWay.
Báo Le Monde trên mạng trong bài về Covid ra hôm nay, có bài "Covid-19 : một tuần lễ quyết định với chính phủ đối diện với biến thể Omicron". Nhật báo này tỏ ra thận trọng trước dự đoán là dịch bệnh sẽ trầm trọng hơn nhiều vào tháng tới. Đúng là tình hình đầy bất trắc, nhưng theo Le Monde, bên cạnh việc cẩn thận đề phòng, cũng cần để ngỏ cho viễn cảnh dịch bệnh có thể đột ngột suy giảm. Các thông tin từ Anh và Nam Phi cho thấy biến thể mới lây lan mạnh, nhưng không nguy hiểm như Delta.
Theo Le Monde, chính phủ có lý khi chờ đợi có thêm thông tin để đưa ra quyết định phù hợp. "Phong tỏa trở lại" là một lằn ranh đỏ cần tránh cho đến khi nào bất khả kháng, bởi biện pháp này sẽ "đẩy xã hội Pháp xuống vực thẳm tuyệt vọng" (theo giám đốc Viện thăm dò dư luận IFOP). Le Monde để ngỏ cánh cửa hy vọng với độc giả, khi khép lại bài viết với nhận định : biến thể Omicron cũng có thể sẽ đột ngột lặng lẽ ra đi, tương tự như khi đã đột ngột xuất hiện dữ dội, và cuộc tranh cử tổng thống có thể nối lại với không khí bình thường, ngay từ cuối tháng Giêng này.
Đồng kiến trúc sư nền hòa bình cho Nam Phi qua đời là hình ảnh lớn trang nhất Le Figaro. Nhật báo Pháp nhắc đến "người chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, người bạn, người đồng hành của Nelson Mandela, người đưa ra sáng kiến về một ‘dân tộc bảy sắc cầu vồng, cựu tổng giám mục Cap qua đời hôm Chủ nhật 26/12, thọ 90 tuổi".
Libération cùng dành hình ảnh trang nhất cho "Desmonde Tutu, người không thể bị khuất phục (1931-2021)". Nhật báo thiên tả nhắc đến tổng giám mục Anh giáo da đen đầu tiên nổi tiếng với tinh thần lạc quan, với phong cách nói thẳng, người bảo vệ nhiệt huyết cho quyền của cộng đồng LGBT (những người đồng tính, chuyển giới, lưỡng giới).
Từ cựu tổng thống Mỹ Barack Obama đến nữ chính trị gia Pháp Christiane Taubira, từ Đạt Lai Lạt Ma đến thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan, cũng như chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Charles Michel, đại diện cho khối 27 nước, đều gửi đi những thông điệp xúc động, vinh danh các cuộc chiến và tinh thần của cố tổng giám mục.
Nhân dịp này, Libération dẫn lại 6 câu nói nổi tiếng của cố lãnh đạo tinh thần của cuộc tranh đấu bất bạo động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Mở đầu bằng câu : "Hãy làm điều tốt, từng chút một, theo khả năng của bạn. Bởi những điều tốt nhỏ bé một khi tập hợp lại sẽ làm đảo lộn thế giới". Những lời này "tóm lại cuộc chiến và triết lý sống" của Tutu, theo Libération.
Năm câu nổi tiếng khác của cố tổng giám mục là : "Nếu bạn trung lập trong những tình huống bất công, thế có nghĩa là bạn chọn đứng về phía những kẻ áp bức", "Bạn không thể chọn được gia đình, những người thân của bạn là quà tặng của Thượng Đế cho bạn, giống như bạn với người thân của bạn", "Cha tôi thường nói : Thay vì cao giọng, tốt hơn là tìm ra những lập luận xác đáng hơn" và "Tôi ngày càng tin rằng tất cả những hành động của chúng ta đều có các hệ quả. Một hành động tốt sẽ không bốc hơi, không biến mất một cách dễ dàng".
Nhật báo công giáo La Croix có bài xã luận "Kinh Thánh của Desmonde Tutu". La Croix ca ngợi con người của đức tin, đóng vai trò quyết định trong việc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thiết lập nền hòa bình cho Nam Phi. Đáp lại những ai cho rằng tôn giáo và chính trị không được trộn lẫn với nhau, cố tổng giám mục Tutu từng nói : "Khi các thế lực hùng mạnh trên Trái đất phê phán chúng tôi bởi vì chúng tôi đang làm một thứ rất xấu là hòa trộn tôn giáo với chính trị, chúng tôi đáp lại : Thế quý vị đọc thứ Kinh Thánh gì đây ?".
Đối với cố tổng giám mục Tutu, đạo Thiên Chúa "không tách rời khỏi các vấn đề lớn của thời đại chúng ta : biến đổi khí hậu, nạn nghèo đói, chạy đua vũ trang, bình đẳng giới". Ông nói : "chúng ta, những người tin tưởng được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa trời, không thể im lặng hay thờ ơ khi những người khác bị đối xử như thể họ thuộc về một giống loài khác, thấp kém hơn".
Cũng trang nhất La Croix, số ra sau ngày Noel, dành cho chủ đề "Ánh sáng le lói của Giáng sinh trong đêm Haiti". Trong hồ sơ này, La Croix giới thiệu về linh mục Michel Briand, một nhà truyền giáo tại đảo Haiti, nơi ông bị một băng đảng bắt làm con tin hồi mùa xuân năm ngoái trong ba tuần lễ. "Kể từ đó đến nay, vị linh mục này không rời Haiti, sống với người dân Haiti, chia sẻ những gian khó của người dân, trước hết là những đe dọa thường trực về an ninh".
Nạn buôn lậu cocaine tại Pháp cũng là một chủ đề trang nhất của Le Figaro. Trong lúc đại dịch Covid với biến thể Omicron được nhiều người ví với cơn sóng thần, Le Figaro nói đến "cơn sóng thần ma túy" đang quét qua đất nước. Nước Pháp với 600 nghìn người hàng năm sử dụng được coi là quốc gia đứng đầu Châu Âu.
Thách thức hàng đầu của Châu Âu trong thời gian tới sẽ là các kim loại chiến lược, như nicken, lithium hoặc cobalt là một chủ đề chính khác của nhật báo kinh tế Les Echos. Để thực thi được các cam kết về môi trường và khí hậu, Liên Âu phải bảo đảm được các nguồn cung chiến lược này.
Cụ thể là Liên Hiệp Châu Âu sẽ cần gấp 60 lần lượng lithium và 15 lần cobalt vào năm 2050 cho pin điện và gấp 10 lần các loại đất hiếm nói chung để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế sang kinh tế Xanh. Theo Les Echos, Liên Âu không thể chuyển từ sự phụ thuộc năng lượng hiện nay sang tình trạng phụ thuộc về đất hiếm, kim loại hiếm, mà phải tận dụng thời kỳ chuyển đổi này để xây dựng sự tự chủ chiến lược cho tương lai.
Trọng Thành
RFA, 14/12/2021
Chỉ riêng trong 8 ngày từ ngày 6 đến ngày 13 tháng 12, Hà Nội đã thêm hơn 5.300 ca nhiễm Covid-19 mới, trung bình mỗi ngày thêm hơn 750 ca mới. Trong đó, số ca cộng đồng chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.
Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội tháng 10 năm 2021. AFP Photo
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố mới đây cho biết, Hà Nội đã chuyển đổi tư duy từ quản lý không Covid (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Sau thất bại trong việc phòng chống Covid-19, việc từ bỏ quản lý zero Covid đã được thành phố Hồ Chí Minh áp dụng từ hơn hai tháng trước. Nhưng vì sao bây giờ Hà Nội mới áp dụng ?
Trả lời RFA hôm 14/12, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Hà Nội :
"Bài học của Thành phố Hồ Chí Minh là bài học cực kỳ đau xót, thất bại của cách ứng xử với dịch bệnh, đưa lại một bài toán mà kết quả cực kỳ xấu. Chuyện này thì mình và bạn bè đề nhất trí chuyện làm việc không khoa học, phiến diện, cũng đã được rút kinh nghiệm. Việc ứng xử với vi-rút cũng đã có tiến bộ đáng kể... nên sẽ không còn chuyện đóng cửa, tuyên bố chiến thắng Covid bằng mọi cách... rồi pháo đài các thứ chắc là nó hết rồi".
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, ở Việt Nam thì có đến chín mươi mấy phần trăm trường hợp là không có triệu chứng. Cho nên việc đối xử với người nhiễm vi-rút sẽ không bị một cách cực đoan như bị kỳ thị, bị cách ly, bị tập trung, gia đình bị khoanh vùng... như hai năm qua. Ông Thắng nói tiếp :
"Theo tính toán ở Hà Nội cứ 10.000 ca nhiễm phát hiện ra thì sẽ có 4.000 ca trong cộng đồng, đó là chuyện chắc chắn, chứ không chỉ đúng 1.000. Chuyện này mọi người cũng sẵn sàng như thế. Hiện nay với lực lượng y tế và cách ứng xử với coronavirus đợt này thì mình nghĩ Hà Nội sẽ không bị như Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo Bộ Y tế, Hà Nội hiện có hơn 9.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong đó có gần 500 trường hợp F0 điều trị tại nhà ; gần 6.000 ca điều trị tại các bệnh viện ; số còn lại điều trị tại y tế cơ sở. Hiện số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở ô-xy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn tại Hà Nội đều tăng so với trung bình bảy ngày trước...
Dù bài học xương máu từ Thành phố Hồ Chí Minh đã được các tỉnh áp dụng, nhưng Luật sư Đặng Đình Mạnh khi nhận định với RFA hôm 14/12 cho rằng rút kinh nghiệm như thế là quá chậm :
"Sau 70 ngày, kể từ thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh xác định thay đổi quan điểm phòng chống Covid-19, từ Zero Covid chuyển sang xu thế chung của thế giới là chung sống với dịch thì bây giờ Hà Nội mới bắt đầu ‘di biến động’ theo hướng này.
Hóa ra những kinh nghiệm xương máu đau thương từ Thành phố Hồ Chí Minh đã bị/được các địa phương khác ‘học tập’ quá chậm.
Công chúng phải tự hỏi, Bộ Y tế đã làm gì hay đã không làm gì để có một chỉ đạo chung cho việc phòng chống Covid trong phạm vi lãnh thổ ? Hay mỗi địa phương đã là một ‘sứ quân’ toàn quyền lựa chọn cách phòng chống Covid-19 theo quan điểm chủ quan riêng của mình ?"
Không chỉ số ca nhiễm ở Hà Nội tăng nhanh những ngày qua. Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 13/12 đến 16h ngày 14/12, Việt Nam đã ghi nhận 15.220 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó một số tỉnh tăng cao như Cà Mau là 1.011 ca, Thành phố Hồ Chí Minh - 991, Tây Ninh 931, Bình Phước - 907, Cần Thơ - 692, Khánh Hòa - 597, Bắc Ninh - 225 ca, Thanh Hóa - 121 và Hưng Yên - 96 trường hợp...
Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA hôm 14/12 từ Nha Trang, cho rằng :
"Hiện dịch lan ra phía Bắc khá nhiều, một số tỉnh thành đặc biệt là Hà Nội có số ca dương tính khá cao, là đột biết mới trong tình hình Covid-19 tại Việt Nam. Đối phó với dịch thì mỗi địa phương mỗi kiểu, Hà Nội thì công bằng mà nói vài ngày trở lại đây có vẻ nhìn ra vấn đề, và có rút kinh nghiệm của Sài Gòn. Nhưng dịch lan ra Hà Nội không phải chỉ trong vài ngày gần đây, mà đã một hai tháng nay. Mặc dù sài Gòn đã có bài học xương máu, nhưng Hà Nội lúc đó không rút kinh nghiệm".
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, không chỉ Sài Gòn, Hà Nội, số ca hàng ngày ở Nha Trang cũng tăng lên... nhưng ai cũng hiểu là dịch bệnh nguy hiểm và tìm mọi cách hạn chế tác hại của nó... Nhưng rõ ràng đó là cái giá phải trả nếu muốn khôi phục kinh tế. Ông Tạo nói tiếp :
"Bởi vì nền kinh tế đã gần như chết đứng trong một thời gian khá dài, hơn nửa năm vừa rồi, rất gay go, bế tắt, nên buộc lòng phải quay lại sản xuất kinh doanh để phục hồi dần dần. Bởi vì khi tạo điều kiện đi lại, sản xuất kinh doanh các thứ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng chuyện lây lan dịch bệnh, sẽ có điều kiện lây lan hơn nếu cứ phong tỏa, giới nghiêm như ngày xưa. Nhưng rõ ràng phong tỏ như ngày xưa thì cũng chỉ được một đoạn thời gian nào đó thôi, rồi cuối cùng cũng không thể nào kiềm hãm được, Sài Gòn đã có bài học như thế".
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã không có sự chuẩn bị đúng mức, nên rất lúng túng trong điều hành chống dịch, từ đó gây ra những sai lầm trong chính sách quốc gia phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến tình trạnh mỗi địa phương chống dịch mỗi kiểu.
Nguồn : RFA, 14/12/2021
*********************
5.500 xe chở nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại các cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát
VOA, 14/12/2021
Có khoảng 5.500 xe container chở hàng nông sản hiện đang bị mắc kẹt tại các cửa khẩu tiếp giáp với biên giới Trung Quốc khi nước này thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 14/12.
Nơi tập hợp xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Thông tin trên được ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn kết nối nông sản vào sáng 11/12.
Theo quan chức của Việt Nam, tính đến ngày 10/12, có khoảng 4.000 xe nông sản Việt Nam bị "mắc kẹt" ở các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị, chưa thể thông quan, khiến các bãi tập kết xe đầy kín. Ngoài ra, có khoảng 1.500 xe khác cũng đang bị kẹt tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, theo VnExpress.
Theo giải thích của ông Hòa, số lượng thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma hiện bị giảm hơn một nửa so với trước đây, với khoảng 220 xe/ngày so với trước là 450 xe/ngày, khiến tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình chỉ có 500 xe/ngày. Những xe chở hoa quả như thanh long, mít đến cửa khẩu ở Tân Thanh phải mất từ 10-14 ngày mới được thông quan, khiến chất lượng hoa quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu là do phía Trung Quốc ngừng thông quan trong ba ngày để xem xét diễn biến của đại dịch và thắt chặt kiểm soát, khử trùng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuần trước, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt như phải cách ly 6 – 7 tuần đối với thủy thủ đoàn trên tàu biển vào các cảng nên những nhà khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam nước này đã quyết định tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến cho khoảng 1 triệu tấn nông sản của Việt Nam rơi vào nguy cơ khó tiêu thụ, làm gia tăng khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn VOA, 14/12/2021
Sau một thời gian dài có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội, rồi các cơ quan truyền thông quốc tế như VOA, RFA, BBC lên tiếng về tình trạng công dân Việt Nam bị cả hệ thống bắt chẹt bởi cần hồi hương lúc Covid-19 đang hoành hành, tuần này, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam nhập cuộc Đối chiếu thông tin, ý kiến của tất cả các bên : Người dùng mạng xã hội, cơ quan truyền thông quốc tế, cơ quan truyền thông chính thức ở Việt Nam cũng như độc giả của họ, rõ ràng, hai chữ "đồng bào" đã có nghĩa khác, nghĩa mới. Đó là "tha hồ bóp nặn".
Lịch các chuyến bay giải cứu đồng bào về nước của Vietnam Airlines - Ảnh minh họa
***
Tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn vừa cho rằng nên "kết thúc sứ mệnh của các chuyến bay hồi hương" (1) - những chuyến bay mà hồi giữa năm ngoái từng khoác mỹ tự "giải cứu" vì được thực hiện để mang công dân Việt Nam đang học hành, làm việc, ở ngoại quốc, do Covid 19 trở thành đại dịch nên mắc kẹt trên xứ người, về nhà, sau này, do đối tượng được "giải cứu" phải trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường nên đối tượng thực hiện tự động đổi tên các chuyến bay đó thành "hồi hương" cho đỡ kỳ !
Thời báo Kinh tế Sài Gòn tóm tắt thực trạng không ai hiểu được vì sao : Tháng nào cũng có rất nhiều hãng hàng không ngoại quốc thực hiện các chuyến bay không tải (không có hành khách) vào Việt Nam để đưa người từ Việt Nam đi các nơi. Trong khi chính phủ các quốc gia khác, kể cả những lân bang với Việt Nam như Thái Lan mua lại chỗ trên những chuyến bay không tải vào Thái để đưa công dân Thái hồi hương thì Việt Nam không thèm làm như thế. Việt Nam tổ chức những chuyến bay không tải từ Việt Nam đi một số nơi để đưa công dân Việt Nam hồi hương và bắt họ trả chi phí gấp bốn, năm lần mức bình thường !
Minh – một độc giả của Thời báo Kinh tế Sài Gòn bình : Th ật vô lý và ngang trái. Người Việt làm viêc và học tập ở nước ngoài vốn chẳng dư giả gì. Thất nghiệp do dịch, không nơi bấu víu phải về nhà nương náu người thân nhưng giá vé hồi hương cao quá ! Vay mượn để về. Biết bao giờ trả hết nợ ? Doanh nhân Việt cần ra nước ngoài tìm kiếm đối tác, trang bị, thiết bị, khi rời việt Nam thì bay thoải mái với các hãng Emiretes, Quatar… với giá cực rẻ nhưng khi trở về thi trần ai : Phải đăng ký với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, chờ được xét duyệt, còn bay theo các chuyến bay mà doanh nghiệp du lịch thuê chuyến thì phải trả từ 70 triệu đến 100 triệu. Trong khi hàng ngày vẫn có rất nhiều chuyến bay rỗng của các hãng hàng không đến Việt Nam. Tại sao chính phủ không cho phép các doanh nhân cần ra nước ngoài đăng ký với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hay UBND các tỉnh để khi trở về, họ có thể bay với bất cứ hãng bay nào ? Về đến Việt Nam tự đăng ký cách ly tại nơi cư trú, hoặc khách sạn như các nước đã và đang làm. Nếu cứ duy trì như hiện nay, chắc chắn hành khách Việt sẽ không còn gắn bó với các hãng hàng không Việt nữa đâu...
***
Ngoài Thời báo Kinh tế Sài Gòn, VietnamNet cũng đề cập đến nghịch lý mà những người Việt cần hồi hương đã cũng như đang phải chấp nhận nhưng ở một góc độ khác. Để không bị cả hệ thống (cơ quan ngoại giao, một số doanh nghiệp hàng không, du lịch, lưu trú) thi nhau "bóp, nặn" (có người mất vài trăm triệu đồng), nhiều người Việt từ Đông Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, cần hồi hương đã mua vé máy bay đến Campuchia, rồi từ Campuchia theo đường bộ về Việt Nam và tự chọn nơi cách ly, không cần phải bay về Đà Nẵng, Nha Trang, rồi phải ở trong những resort, khách sạn sang trọng của Vingroup ở miền Trung.
Gần như không còn ai có cảm giác "ng ạo nghễ" đối với những chuyến bay "giải cứu" – "hòi hương". Nhìn chung phản hồi của độc giả đối với "Gian truân về quê mẹ : Lận đô la bay qua Campuchia rồi vật vã xe đò tới Việt Nam" trên VietnamNet chỉ còn ngao ngán, phẫn nộ (2). Tre nhấn mạnh : Miễn bình luận về chuyện Việt Nam là quốc gia duy nhất đóng cửa bầu trời đối với công dân của chính mình. Người Việt xa xứ than : Lẽ ra tổ quốc phải là nhà, quê hương phải giang tay đón con em mình trở về thì lại tạo muôn trùng khó khăn. Chung ngậm ngùi : Ôi, đây có còn là quê hương nữa không ?
VietnamNet không đề cập đến chuyện các cơ quan ngoại giao đại diện chính phủ Việt Nam ở nước ngoài can dự thế nào nhưng độc giả của VietnamNet không thể bỏ qua như thế. Theo Mạnh Hung : Không th ể nói các Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài không có phần vì muốn được suất charter mỗi người phải nộp 600 USD (trong vé). Trung Kiên nhận định : Giải cứu đồng bào mà giá cắt cổ. Vé do Đại sứ quán xét nhưng có mấy vé đúng đối tượng, tuồn hết ra chợ đen. Trong ngoài câu kết móc túi công dân. Nhà nước không thu được đồng nào cho ngân sách...
Do Polak nhận định : Các chuyến bay charter (thuê bay theo chuyến) tiếng là do chính phủ bảo trợ rõ ràng có lợi ích nhóm chi phối nên liên kết giữa Vietnam Airlines - Đại lý vé máy bay có tên An Bình - các khách sạn mới thu cả trăm triệu/người. Tiền đó vào túi ai ? Hãy thanh tra ngay Vietnam Airlines, An Bình, đó là sân sau của ai, ăn chia thế nào ? Nên Yêu nước góp ý : Polak, bạn không biết những chuyện kinh khủng phía sau giấy phép cho chuyến bay, chuyến đó về tỉnh nào. Họ ăn tàn nhẫn. Hãng bay, công ty du lịch và lưu trú không nhận được nhiều. Tiền đi đâu các bạn tự hiểu
Huynh Thanh Hung mong muốn : Quốc hội cho thanh tra, kiểm toán xem giá một vé bay giải cứu là bao nhiêu, thực sự đóng thuế là bao nhiêu thì sẽ lòi ra nhiều khoản khó giải trình vì không dễ hợp thức hóa. Lúc ấy chắc khó xử lắm vì lại theo nhau, thay nhau hầu tòa như vụ kê khống vật tư y tế chống dịch vừa qua. Mong muốn đó dẫu chính đáng nhưng khó khả thi, Linh Tran bảo : Ai cũng nhìn ra đó là lợi ích nhóm. Dùng thủ tục để gây khó khăn cho một nhóm hưởng lợi ! Đó cũng là lý do Đinh Văn Vị : Ước gì ông Thủ tướng đọc bài này !
Chẳng lẽ chuyện ai cũng biết, thậm chí chuyện đã kéo dài cả năm và về tính chất, rõ ràng vấn nạn này không đơn thuần chỉ là nhu cầu hồi hương mà đến giờ "ông Thủ tướng" cũng như các ông cỡ "ông Thủ tướng" không hề biết gì để "ước" ông có đọc báo, có biết những công dân Việt Nam ở cả bên trong lẫn bên ngoài Việt Nam nghĩ gì ? Nếu bây giờ "ông Thủ tướng" cũng như các ông cỡ "ông Thủ tướng" mới biết thì việc họ đảm nhận vai trò quản trị, điều hành quốc gia có quá phận không ? Bao nhiêu người dám tin "ông Thủ tướng" cũng như các ông cỡ "ông Thủ tướng" biết thì ra chuyện ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/12/2021
Chú thích
(1) https://thesaigontimes.vn/da-den-luc-ket-thuc-su-menh-cua-cac-chuyen-bay-hoi-huong/
Báo chí và dư luận xã hội đã nói rất nhiều về sự lao tâm, lao lực của giới y bác sĩ cũng như giới y tá hay điều dưỡng từ lúc dịch Covid 19 bùng phát kể từ cuối năm 2019. Riêng tại Việt Nam dịch được chính thức công bố từ tháng ba 2020 và kéo dài đến hiện nay.
Các y tá đeo khẩu trang đi qua một hòm điện nơi có bức vẽ về dịch bệnh do vi-rút corona gây ra trên đường phố Hà Nội hôm 8/7/2021 - AFP
Kết quả nghiên cứu do nhóm khoa học gia Việt Nam phối hợp cùng các nhà khoa học quốc tế thực hiện, được tạp chí Frontiers công bố mới đây, cho thấy căng thẳng tâm lý, nỗi lo lắng và sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần nơi các nhân viên y tế tại Việt Nam trong đại dịch Covid-19 là những điều đã xảy ra...
Vẫn theo tạp chí Frontiers thì đây có lẽ là cuộc điều tra đầu tiên về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế từ sau đợt bùng dịch Covid-19 năm ngoái tại Việt Nam.
Qua nghiên cứu thực hiện trên 58,2% là nhân viên y tế nữ, gồm những người công tác tại tuyến đầu vả không phải tuyến đầu, tình trạng căng thẳng tâm lý trong dịch Covid-19 luôn ở mức cao.
Trong số 761 người được khảo sát, 34,3% có triệu chứng căng thẳng tâm lý. Hầu hết nhân viên y tế lo sợ bị phơi nhiễm Covid-19 rồi mang bệnh về nhà.
Nói một cách khác, nhân viên y tế ở tuyến đầu có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý tăng gấp đôi so với người không ở tuyến đầu. Cường độ, công suất, tính chất công việc chưa từng thấy trước dịch, mà nhân viên y tế tuyến đầu phải cáng đáng, là nguyên nhân dẫn đến sự căng thẳng tâm ý cấp tính đó.
Phải chăng đây là hệ quả việc 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc trong thời gian qua. Tại cuộc họp ngày 29/11 vừa qua, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, cho hay năm 2020 đã có 597 nhân viên y tế xin nghỉ việc.
Bước qua 10 tháng đầu 2021, vẫn lời bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thêm 968 nhân viên y tế nữa xin thôi việc.
Bức vẽ trên đường phố Hà Nội về những người trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. AFP
Báo cáo về sự căng thẳng tâm lý cao độ và thường trực nơi các nhân viên y tế không có gì mới vì đã được nghe từ giữa 2020, là lời một y sĩ tại Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên, cho RFA biết.
Theo ông, điều cần quan tâm là con số nhân viên y tế xin nghỉ việc từ năm ngoái đến nay.
Quan trọng hơn nữa và cần hiểu chính xác hơn, ông nói tiếp, phần lớn người nghỉ việc là cán bộ hay nhân viên y tế cơ sở cấp phường, xã :
"Phải nói rõ số người nghĩ việc đấy là ở bộ phận nào. Tôi nghĩ các bác sĩ làm trong bệnh viện thì ít người nghỉ việc lắm, có nghỉ chăng nữa là họ chuyển từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân tức là lương cao hơn"
"Phần lớn nghỉ việc là y tế cơ sở, những nơi mà một là công việc vất vả trực tiếp, hai là thu nhập kém, và ba là họ hay đi những nơi có ổ dịch, họ phơi nhiễm với nguồn bệnh rất nhiều. Nhiều khi là có những người chưa được tiêm phòng vắc-xin chẳng hạn, thì họ lại mang bệnh về lây cho gia đình. Thế thì ngoài chuyện tiền nong ra thì những người thuộc y tế cơ sở họ vất vả lắm mà chưa chắc được bảo vệ đúng như qui định của ngành Y, đấy là cái áp lực".
Trên điện thư ngày 7/12, chị H, cán bộ y tế cấp xã tại một trạm y tế chuyên tiếp nhận bênh nhân Covid-19 trước khi chuyển lên tuyến trên, cho rằng những gì vị bác sĩ Sở Y tế nói đều là đúng cả :
"Dịch giã càng ngày càng gắt, bọn mình thường xuyên phải túc trực có khi không được về nhà, về thì sợ lây bênh cho chồng con. Có lúc căng thẳng quá, tiền bạc lại eo hẹp, tới mức mình đã tính nghỉ việc nhưng mà ra ngoài lúc này thì không biết xoay sở làm sao. Mình cứ thấp thỏm sống và làm việc vậy thôi".
Cũng qua điện thư, người thứ hai, chị M, nhân viên một tuyến y tế cơ sở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh :
"Nói là nhân viên y tế cho oai chứ chúng tôi là những người sai đâu đánh đó, không được bồi dưỡng kiến thức gì đâu. Thời gian đầu chống dịch thật kinh khủng, lo lắng và sợ hãi kinh khủng. Đã có hai người trong trạm y tế ban đầu này nghỉ việc từ hồi cuối 2020. Tôi cũng muốn nghỉ luôn đây, nhưng mà khó khăn và khó nói lắm bạn ơi".
Nói gần nói xa thì căng thẳng hoặc tâm lý bất an đều xuất phát từ lợi nhuận, không chỉ trong dịch bệnh mà là tâm trạng chung của rất nhiều nhân viên y tế cấp phường xã, là thổ lộ của bà Hoa, từng là y sĩ trưởng phòng y tế cơ sở quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cứ thử so sánh đồng lương căn bản của nhân viên y tế cơ sở với mức lương của y tá hay điều dưỡng các bệnh viện lớn thì sẽ thấy sự chênh lệch như thế nào, bà Hoa nói tiếp :
"Bệnh viện lớn có nguồn thu từ bệnh nhân nhập viện này nọ, tức là có tiền thưởng thêm cho cán bộ công nhân viên làm ở bệnh viện. Ngoài ra, khi mà bác sĩ hoặc điều dưỡng làm ở bệnh viện đó thì họ có nguồn bệnh nhân có sẵn. Thí dụ bệnh nhân xuất viện thì họ hỏi bác sĩ có mở phòng mạch tư không thì tôi đi khám, điều dưỡng cũng đi theo bác sĩ làm phòng mạch tư được. Cho nên họ có một hoặc hai nguồn thu nhập thêm ngoài lương căn bản, chưa kể nếu điều trị tốt còn được bệnh nhân bổi dưỡng cho nữa"
"Trong khi đó trạm y tế xã, phường, người ta làm công việc đúng như Nhà nước qui định, thí dụ chích ngừa cho trẻ em, cho trẻ uống Vitamin A, hay khám một chút thôi… thì thật ra họ đâu có nguồn thu nhập nào thêm ngoài lương cơ bản".
Đây là những người có chứng chỉ hành nghề, thì mới được tuyển dụng vào các trạm y tế cơ sở, bà Hoa khẳng định :
"Tức là khi học xong họ phải đi thực tập 18 tháng ở một cơ sở nào đó. Sau 18 tháng họ sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Khi ra trường ai cũng có khuynh hướng muốn vào các bệnh viện lớn. Có cái là thứ nhất phải thật giỏi hoặc phải có tiền để chạy vào các chỗ lớn đó"
"Ở các trạm y tế phường, xã thì cũng có bác sĩ giỏi mà nói chung không nhiều. Ít có người vì lý tưởng mà sống với một đồng lương thấp"
Thế nhưng nếu không có nhân viên y tế cơ sở, bà Hoa nhấn mạnh, thì những tuyến trên tức những bệnh viện, sẽ bị ứ tải bệnh nhân rất nhiều :
"Trong khi những bệnh thông thường thì người ta có thể đến trạm y tế. Thậm chí một người giỏi ở trạm y tế phường cũng có thể phát hiện và điều trị, hoặc là hướng dẫn bệnh nhân đến bệnh viện nào, khoa nào là hợp lý. Đó là chuyện hết sức lợi ích và đỡ mất thời gian khi mà hiện tại nhiều bệnh viện đã quá tải".
Về vấn đề báo chí nêu ra, rằng làm sao giữ người khi mà cả 1.000 nhân viên y tế đã xin nghỉ việc, bác sĩ dấu tên ở Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nói :
"Tôi nghĩ hai phía đều phải có trách nhiệm. Phía Nhà nước phải tạo cho người ta cơ hội, thí dụ bác sĩ hay điều dưỡng ở khu vực y tế cơ sở nên được luân chuyển lên tuyến trên làm một thời gian rồi lại quay về. Hai là bản thân anh y tế cơ sở cũng phải muốn đi học đi thi, cũng vất vả nhưng khi có nhu cầu thì hai bên phải phối hợp với nhau thôi"
"Xét cho cùng người lao động có quyền lựa chọn, làm chỗ này lương thấp thì tìm chỗ khác lương cao, có quyền bỏ chỗ đấy đi làm chỗ khác. Cho nên giữa Nhà nước và cá nhân thì hai bên phải dung hòa với nhau, còn chuyển dịch lao động thì nơi nào cũng có. Thực sự làm giỏi học giòi thí họ vào bệnh viện lớn hết, chả mấy ai vào y tế cơ sở cả".
Bà Hoa góp ý :
"Trước giờ thật ra mình hô hào nhiều chứ không chăm sóc nhiều cho tuyến cơ sở. Thứ nhất về lương, chế độ đãi ngộ hoặc phương tiện cho người ta làm việc. Rồi kiến thức phải được upgrade, tức là tạo cơ hội cho họ đi học thêm. Bây giờ có nhiều tổ chức, nhiều hội nghị về Y Khoa thì có nhiều phải cho họ đi nghe để họ có thêm kiến thức mới".
Lẽ ra những điều như vậy phải được áp dụng từ lâu, y sĩ Hoa quả quyết, thế nhưng thực hiện ngay giờ này vẫn chưa muôn.
Vẫn theo lời y sĩ giàu kinh nghiệm trong lãnh vực y tế cơ sở, hay còn gọi là y tế ban đầu này, cải thiện lương bổng, nâng cấp khả năng chuyên môn cho nhân viên y tế cấp cơ sở, cho họ cảm giác được chăm sóc, được để ý là những cách hay nhất để giữ lại một đội ngũ nhân viên y tế cơ sở hầu cung cấp nhân sự và nhu cầu trong các trạm y tế ban đầu ở trong nước.
Thanh Trúc
Nguồn : RFA, 09/12/2021
Hôm 8/12/2021, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội Việt Nam nghe đại diện chính phủ điều trần để thảo luận về nội dung một nghị quyết có tên rất dài Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Việt Nam vừa thông qua "Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19". Hình minh họa.
Ông Nguyễn Thành Long, Bộ trưởng Y tế, đại diện cho chính phủ Việt Nam, đề nghị :Khi thông qua nghị quyết vừa đề cập, mong Quốc hội tiếp tục cho phép sử dụng ngân sách để thanh toán các chi phí liên quan đến điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ngoài ra, do bóc, tách chi phí điều trị Covid-19 với chi phí điều trị các bệnh khác rất khó, thậm chí bất khả, nếu không bóc, tách được thì Quốc hội cho phép chính phủ dùng ngân sách để thanh toán toàn bộ chi phí điều trị, nếu cần thì có thể dùng Quỹ Dự phòng của bảo hiểm y tế.
Ông Long nhắc lại thực trạng mà ai cũng biết để thuyết minh tại sao chính phủ đề nghị như vậy : Trong đợt dịch vừa qua, rất nhiều bệnh nhân nhập viện, nhân viên y tế phải dốc sức cứu chữa, không có thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, thành ra thiếu cơ sở để xác nhận khoản nào là chi phí điều trị Covid-19 có thể dùng ngân sách thanh toán, khoản nào là chi phí điều trị không liên quan đến Covid-19 mà bảo hiểm y tế hoặc bệnh nhân phải trả. Chưa kể nhiều người được đưa vào bệnh viện không có giấy tờ, không mang theo tiền, không thể liên lạc với thân nhân, sau đó thiệt mạng, không thể thu viện phí !
Đáng lưu ý là rất nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với nhân viên y tếvì đã phải khám bệnh, chữa bệnh, lại còn phải thực hiện thủ tục bóc tách, không dễ để có thể tận tâm, tận lực trong hoạt động nghề nghiệp,vừa lo nhân viên y tế, cơ sở y tế không nhiệt tình bóc, tách và sẽ khiến ngân sách không kham nổi gánh nặng này. Thậm chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội còn lưu ý là dùng ngân sách thanh toán hết chi phí điều trị cho cả những người không có bảo hiểm y tế thì sẽ là không công bằng với những người đóng bảo hiểm y tế(?!)...
Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch quốc hội, chính thức chốt lại :Không giao cho chính phủ quyền điều hòa giữa ngânsách và bảo hiểm y tế. Chỉ được phép dùng ngân sách thanh toán cho những trường hợp không thểbóc, tách được, không được phép sử dụng nguồn tiền từ bảo hiểm y tế đểthanh toán như ngân sách.
Một vấn đề khác cũng nóng không kém chuyện nhân viên y tế, cơ sở y tế phải bóc, tách chi phí điều trị Covid-19để buộc bảo hiểm y tế và người bệnh thực thi nghĩa vụ thanh toán các chi phí khác là kiểm toán việc mua sắm trang bị, thiết bị y tế. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước kể rằng,hiện có khoảng 50 văn bản pháp quy liên quan đến mua sắm trang bị, thiết bị y tế để phòng – chống Covid-19 và vì đặc điểm của đại dịch thành ra Kiểm toán Nhà nước xin phép không kiểm toán loạihoạt động mua sắm này vì sợvào rồi sẽ không có đường rabởi mỗi nơi, mỗi kiểu.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nói thêm, hiện nay, mua sắm trang bị, thiết bị y tế để phòng – chống dịch vẫn còn vướng mắc. Nhiều khoản được Mặt trận Tổ quốc chuyển cho Bộ Y tế không chi tiêu được vì vướng cơ chế, chính sách mua bán trang bị, thiết bị y tế. Không có cơ chế, ngành y tế không mua sắm được...
Chủ tịch quốc hội không đồng ý với thực trạng. Ông ta bảo Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng và Chính phủ tại sao lại không sử dụng ? Theo Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng và Chính phủ phải quyết đoán. Bộ Tài chính cần xem xét để có hướng dẫn cụ thể vì đây là vấn đề thuộc loại cấp bách (1)...
***
Đọc tường thuật về phiên điều trần của chính phủ và thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 dễ có cảm giác : Tất cả các thành viên từ Quốc hội đến Chính phủ đều rất nghiêm cẩn đối với việc sử dụng ngân sách và thực thi các qui định pháp luật liên quan đến chi tiêu. Trong bối cảnh như vừa qua và hiện nay, sự nghiêm cẩn đó của các viên chức hữu trách giống hệt robot – không muốn tư duy và hành xử khác với những gì đã được lập trình.
Tuy nhiên thấy vậy chứ không phải vậy ! Hệ thống chính trị và hệ thống công quyền chỉ thận trọng tới mức máy móc, không sử dụng cả não lẫn tim đối với những yếu tố liên quan đến lợi ích thiết thực của công dân : Quốc hội chỉ muốn dùng ngân sách thanh toán chi phí cho điều trị Covid-19, dứt khoát không cho dùng ngân sách để trang trải các chi phí điều trị khác cho bệnh nhân. Dù đã được Quốc hội bật đèn xanh bằng một nghị quyết ban hành hồi hạ tuần tháng 7, dù tình thế vẫn còn cấp bách, chính phủ vẫn chỉ mua sắm trang bị, thiết bị y tế theo mớ qui phạm pháp luật rối rắm, chồng chéo !
Còn đối với những thứ liên quan tới sự tồn vong của đảng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ứng xử linh hoạt hơn nhiều, thậm chí không những không cần luật pháp mà còn biến hoạt động lập pháp thành trò hề : Ngày 26/10/2021, Quốc hội thảo luận sơ bộ vềDự luật Cảnh sát cơ động. Nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn khi dự luật qui định trang bị phi cơ, tàu biển cho lực lượng cảnh sát cơ động vì điều đó hết sức tốn kém, phải chi những khoản khổng lồ để mua sắm, bảo dưỡng Họ đề nghị phải có nghiên cứu – báo cáo đánh giá về tác động cụ thể (2).
Đó là chuyện nghị trường ! Trên thực tế, nửa tháng trước khi Quốc hội thảo luận về Dự luật Cảnh sát cơ động như vừa kể - luật Cảnh sát cơ động chưa có ngày khai sinh, hôm 11/10/2021, Bộ trưởng Công an đã công bố quyết định thành lập Trung đoàn Không quân Công an nhân dân, trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Bộ Công an đã tổ chức trọng thểLễ ra mắt trung đoàn này. Chẳng cần Quốc hội, không thèm chờ luật, chỉ cần đảng, nhà nước có chủ trươnghiện đại hóa lực lượng cảnhsát cơ động(3) thì ngân sách thế nào không còn là chuyện đáng để bận tâm. Ai dám cản ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/12/2021
Chú thích
Các số liệu được công bố vào lúc 16 giờ chiều ngày 02/12/2021 cho biết trong vòng 24 giờ, Việt Nam ghi nhận có 13.677 ca nhiễm mới tại 60 tỉnh thành, trong đó có 21 ca nhiễm Covid-19 du nhập từ bên ngoài. Trước đó một ngày, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo đình chỉ giai đoạn ba thử nghiệm vac-xin Covid-19 do Việt Nam bào chế.
Covid-19 : ảnh chụp tại trung tâm tiêm chủng Củ Chi, Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/10/2021. AP - Thu Huong
Theo thông báo của bộ Y tế Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu bảng với số ca nhiễm thường nhật (1.738 người). Số liệu công bố cho thấy dịch bệnh bùng phát mạnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía nam, Đông và Tây Nam Bộ. Tính đến hôm 02/11/2021, Việt Nam ghi nhận tổng cộng có gần 1.266.300 ca nhiễm Covid-19, hơn một triệu người được chữa lành và gần 25.660 người chết vì virus corona.
Chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam đang được tăng tốc và mở rộng sang đối tượng học sinh – sinh viên trong độ tuổi từ 15-17 để có thể mở cửa trở lại trường học. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng cũng đã gặp một vài sự cố nghiêm trọng.
Theo trang mạng VnExpress, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa ngày hôm qua cho đình chỉ sử dụng lô vac-xin của Pfizer sau khi 120 học sinh phải nhập viện do có những phản ứng nghiêm trọng như buồn nôn, sốt cao hay khó thở. Nguyên nhân gây ra các triệu chứng này hiện vẫn chưa được xác định.
Trong quá trình tiêm chủng, Việt Nam cũng ghi nhận một số ca tử vong do bị phản ứng thuốc. Cách đây hơn một tuần, ba trẻ em ở tỉnh Bắc Giang, Hà Nội, và Bình Phương đã tử vong sau khi tiêm Pfizer. Gần đây nhất là 4 công nhân nhà máy giày Kim Việt ở Thanh Hóa bị thiệt mạng sau khi tiêm vac-xin Vero Cell của Trung Quốc. Tất cả đều được cho là do bị "phản ứng quá mức" với vac-xin.
Cũng trong ngày hôm qua, ông Vũ Đình Thiêm, giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng thuộc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thông báo đình chỉ thử nghiệm giai đoạn ba vac-xin Covivac ngừa Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu và bào chế, nguyên nhân là do thiếu tình nguyện viên. Theo giải thích của ông Thiêm, giai đoạn ba cần khoảng 4.000 người để thử nghiệm.
Trang mạng VnExpress nêu rõ một số loại vac-xin khác của Việt Nam cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba : ARCT-154, do hãng Vingroup sản xuất theo công nghệ Mỹ và vac-xin Covid-19 của hãng dược Shionogi Nhật Bản. Ngoài ra, Vabiotech của Việt Nam cũng đang sản xuất vac-xin Sputnik của Nga.
Minh Anh
Sau hơn một năm không đi chơi xa, vì dịch Covid-19, nên khi các tiểu bang gỡ bỏ giới hạn chúng tôi rủ nhau du lịch nội địa. Nhiều người thân quen đi chơi Hawaii hay Cancún bên Mexico, chúng tôi chọn Miami, Florida.
Chụp ảnh kỷ niệm ở Little Havana, Miami (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Cả tháng trước đã mua vé máy bay, đặt chỗ ở và thuê xe. Đến giữa tháng Tám có thông tin Covid biến chủng Delta đang lây lan nhanh. Đã có thuốc tiêm chủng nên số người nhập viện và chết không cao như hồi đầu năm, trên 90% tử vong là những người đã không chích ngừa.
Cách suy nghĩ của người Mỹ về Covid lạ lắm vì có vắc-xin rồi mà chỉ chừng 60% đã chích cả hai mũi. Mấy chục triệu ca nhiễm và hơn 700 nghìn người Mỹ đã chết vì dịch, nhưng nhiều người vẫn không muốn chích ngừa, ngay cả binh lính cũng không muốn. Họ chấp nhận "sống với lũ", nói theo ngôn ngữ của người Việt.
Thống đốc Ron DeSantis của tiểu bang Florida còn ký lệnh không cho ai được quyền buộc dân phải chích ngừa hay đeo khẩu trang. Ông cho đó là quyền tự do chọn lựa của dân. Bên tiểu bang Texas Thống đốc Greg Abbott cũng có chính sách như thế.
Cột mốc đánh dấu mũi đất cực nam của lục địa Hoa Kỳ, cách Cuba chỉ 90 dặm (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Lãnh đạo các tiểu bang Cộng hòa như Florida, Texas bị phe Dân chủ tấn công, chỉ trích ; còn các bang Dân chủ như California, New York là nơi có nhiều luật lệ nghiêm ngặt phòng chống Covid thì bị Cộng hòa chỉ trích. Theo dõi các chính sách liên quan đến phòng chống Covid ở những tiểu bang này được các nhà bình luận phê phán thì cứ như mấy vị thống đốc đang dọn đường ra tranh cử tổng thống năm 2024.
Còn hơn ba năm nữa mới bầu tổng thống mà chính trường Mỹ đã sôi nổi với Thống đốc Andrew Cuomo của New York phải từ chức vì sàm sỡ với phụ nữ, còn Thống đốc Gavin Newsom của California phải đối đầu với cuộc bầu cử bãi nhiệm ngày 14/9 và ông thắng vẻ vang với 62% ủng hộ để tiếp tục lãnh đạo tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ.
Các cây trái từ vườn ở Homestead, Florida (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Florida với đợt tăng thứ ba vào giữa tháng Tám, cao nhất từ trước đến nay về số ca nhiễm Covid-Delta và số tử vong. Đến cuối tháng thì qua đỉnh điểm. Chúng tôi cũng đã chích ngừa đầy đủ hai mũi nên tiến hành chuyến du lịch về miền nắng ấm biển xanh, nơi có miệt vườn Việt Nam.
Tôi đã tới vùng Tampa-St. Pete của Florida nhiều lần, tắm biển ở Clearwater, Saratosa, đi chơi Disney World ở Orlando và thăm St. Agustine là nơi các nhà truyền giáo đầu tiên đặt chân lên lục địa Mỹ. Biển Florida dù nằm ở bên đông hay bên tây đều có cát trắng, nước trong xanh và ấm.
Còn Miami, đã quá cảnh sân bay cả chục lần mà chưa bao giờ tôi ghé đây tham quan, thành phố nổi tiếng qua sô truyền hình "Miami Vice".
Máy bay không còn chỗ trống. Mọi người đeo khẩu trang. Sau gần 6 giờ bay, phi cơ đáp khi trời đã tối hẳn. Bên ngoài mưa như thác đổ. Về đến Hallandale Beach là gần nửa đêm. Trời ngừng mưa. Chúng tôi ăn vội mì gói rồi đi ngủ cho khoẻ để mai đi chơi.
Lúc đó mới là 9 giờ tối ở California. Chưa quen ngủ sớm, tôi ra ban công xem bên ngoài thế nào. Khuya mà trời gió mát. Từ tầng 18 nhìn ngắm thành phố ven biển toàn nhà cao tầng với ánh đèn lấp lánh dưới nước. Đẹp như Venice về đêm.
Khu thương xá có siêu thị bán thực phẩm Việt (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Sáng hôm sau một bình minh tuyệt đẹp chào đón chúng tôi trước khi lên đường đi thăm vườn cây trái Việt. Chạy qua Miami, theo xa lộ 95 xuôi nam rồi qua hướng tây xuống vùng Homestead có vườn bà Chín, vườn cô Trinh và một vườn nữa, cả ba được nhiều người giới thiệu trên Youtube.
Ra đường tôi chú ý ngay giá xăng, chưa đến 3 đô một gallon, rẻ hơn vùng Vịnh San Francisco đến một đô. Chạy xa lộ cứ một đoạn lại thấy máy nháy đèn tính lộ phí. Trên đường thấy phượng còn lác đác hoa. Vào những con đường nhỏ có phượng nhiều hơn. Nhớ lại một lần từ Miami đi Cuba vào tháng Sáu, khi máy bay cất cánh, qua cửa sổ tôi đã thấy cả một vùng đỏ rực bên dưới.
Đến vườn bà Chín, ra khỏi xe mới cảm thấy nóng. Nhiệt độ ở tầm hơn 90 độ F nhưng không ẩm thấp nên cũng dễ chịu.
Mùa này còn cóc, nhãn, na, ổi, khế, mít, thanh long. Không còn sa-pô-chê hay mãng cầu. Nhà kho với những thùng hàng để phân phối đi nhiều nơi. Mấy thanh niên người Nam Mỹ, vì nghe họ nói tiếng Tây Ban Nha, đang rửa xịt nước rửa mấy chục rổ to đầy rau lang.
Ba chị em mặc cả mua bán còn tôi đi loanh quanh xem vườn. Không được phép đi quá xa vào trong, ngay bên nhà kho là cây mít có trái to từ ngọn xuống gốc, mấy cây sa-pô-chê sai trái. Hỏi bà chủ là khi nào trái chín, bà cho biết tháng 11 và tháng 3 là mùa sa-pô-chê. Các em mua ổi, thanh long, nhãn, cóc, khế.
Ra khỏi vườn bà Chín, tôi ngừng xe chụp hình hoa phượng trước cổng. Đang bấm máy, một xe van táp vào, mấy thiếu nữ hỏi tôi có biết vườn bà Chín ở đâu. Tôi chỉ lối vào. Một cô hỏi anh làm ở đây, giờ còn sa-pô-chê không ? Tôi nói mình cũng là du khách và đã mua hết sa-pô-chê rồi, để chọc ghẹo mấy cô gái cũng thích loại trái này. Như nhà tôi.
Ca nhạc cuối tuần tại bãi biển Hollywood, Florida (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Qua vườn cô Trinh, trông nhỏ hơn. Nơi đón khách có tấm phông in hình các loại trái cây. Có măng cụt nhưng cô nói rõ là hàng từ Mexico nhập qua, không phải từ vườn nhà. Nơi đây còn bán nước mía ép tại chỗ, 4 đôla một ly to, rẻ hơn nhưng không ngon thơm bằng nước mía Ninh Kiều trong Grand Century Mall ở San Jose.
Vườn có vú sữa đang ra hoa, nhiều chậu đinh năng là loại cây ngày còn ở bậc tiểu học tôi đã thấy trong sân nhà cụ giáo Đồng ở Nghĩa Hoà, Ngã ba Ông Tạ, giờ hơn nửa thế kỷ qua mới thấy lại. Người em nói ở Việt Nam ngày nay lá này dùng ăn gỏi.
Ba chị em mua thêm nhiều trái cây, cả thùng na hơn 100 đô. Chuẩn bị rời vườn cô Trinh thì lại thấy mấy cô lúc trước vừa hỏi đường cũng tới đây là đoàn du khách từ Texas với hơn chục người.
Nhiều người Việt ở Mỹ đã biết Florida nổi tiếng với các vườn cây trái mang hương vị quê nhà, nhiều nhất ở khu vực Homestead. Ở đâu có điều kiện dễ để làm ăn, người Việt luôn có đầu óc kinh doanh. So với đất California, với Central Valley là vựa rau, là những cánh đồng bát ngát cây trái nhưng không có cây trái Việt, có thể vì luật lệ trồng cây nông nghiệp khó khăn ? Chứ không phải thổ nhưỡng không thích hợp vì vườn sau nhà của nhiều người Việt ở Quận Cam California đã trồng được ổi, cam, na, thanh long cho đến đu đủ, mít, nhãn, xoài, roi. Đất California không dễ để kinh doanh nên có người Việt đã qua Mexico thuê đất trồng mít, xoài, măng cụt vì có thị trường tiêu thụ.
Sau khi thăm vườn bà Chín và cô Trinh, chúng tôi biết mùa này chỉ có một số trái cây nhất định nên không đi vườn khác. Mấy cô em có nhận xét bà Chín "hơi chảnh" còn cô Trinh "dễ thương" hơn. Ở hai nơi chúng tôi đã tiêu 200 đôla mua nhiều loại trái cây, để ăn dần trong mấy ngày du lịch.
Chuẩn bị phóng jetski ra biển lớn (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Trên đường về lại Miami ghé vào một nhà hàng Cuba. Thực ra thức ăn của người Cuba không có gì đặc sắc hay ngon lắm theo tôi biết, vì đã có dịp qua thăm đất nước của Fidel Castro.
Miami có Little Havana nổi tiếng của cộng đồng người Cuba tị nạn. Ở đây vào thập niên 1990 đã có có những dân biểu quốc hội hết lòng ủng hộ thành lập đài Á Châu Tự do và những vận động cho dân chủ, nhân quyền của cộng đồng người Việt. Từ nơi này vào năm 2000 Lý Tống đã tạo kinh ngạc và sự khâm phục trong lòng người Mỹ gốc Cuba khi ông lái máy bay qua Havana rải truyền đơn trong ngày đầu năm.
Tháng 11/1999 có bé trai Elián Gonzalez 7 tuổi cùng người thân vượt biển tới được Mỹ đã gây ra cuộc tranh cãi về quyền giám hộ, về luật tị nạn. Người gốc Cuba ở Miami xuống đường ủng hộ để bé được ở lại Mỹ với người thân, trong khi cha mẹ còn ở Cuba muốn em được trả về cho họ. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton đã quyết định trả em về nên tháng 4/2000 đã có cuộc bố ráp của giới chức năng với súng ống, đột nhập vào nhà người thân, bắt em đưa về lại cho cha mẹ.
Cuối năm 2000 cả nước Mỹ lại hướng về quận hạt Miami-Dade với cuộc kiểm phiếu bầu tổng thống đầy căng thẳng kéo dài sang đến tháng 12, với kết quả sau cùng George W. Bush (Con) chỉ hơn Al Gore 500 phiếu để thắng cử.
Vừa vào đến Little Havana là nghe rổn rang điệu nhạc salsa vui tươi, cùng hàng chữ Free Cuba ở nhiều nơi. Con đường chính là Calle Ocho – 8th Street – nhỏ hơn về bề ngang cũng như ngắn hơn so với Bolsa của Little Saigon, nhưng nằm gần trung tâm Miami. Quanh phố có tượng đài khắc ghi lời của José Marti, nhiều quán rượu, nhà hàng ăn uống, cả McDonald, pizza và dĩ nhiên không thiếu nơi sản xuất và bán xì-gà. Domino Park đông người lớn tuổi đang chơi cờ truyền thống, trên tường có hình vẽ chân dung nhiều tổng thống Mỹ và những nhân vật người Cuba tranh đấu cho tự do.
Hai chính phủ Cuba và Việt Nam bắt tay nhau xây dựng xã hội chủ nghĩa, thay nhau thức ngủ để "bảo vệ hòa bình thế giới" còn người Cuba và người Việt tại Mỹ mơ ước một xã hội tự do dân chủ cho quê hương nguồn cội.
Những ngày rong chơi chúng tôi ghé nhiều bãi biển, mà cô em gái gọi đó là "đặc sản Florida". Từ Hallandale, lên phía bắc là Hollywood, Ft. Lauderdale, Pompano, Palm Beach. Chỗ nào cũng đẹp, nước ấm trong xanh, nhưng thích nhất là khi phóng jetski ra xa bờ nhồi sóng. Gần Key West có bãi biển Bahia Honda Beach với cát trắng mịn như bột, nước trong xanh mầu ngọc bích.
Ft. Lauderdale nổi tiếng là bến cảng của du thuyền đưa khách đi chơi cảc đảo quốc trong vùng Caribean. Xa xa ngoài khơi có hai du thuyền lớn là dấu chỉ ngành du lịch này đang dần trở lại hoạt động.
Một buổi xế chiều. Vừa ghé bãi biển Delray tôi nhảy xuống nước ngay, trong khi mấy người em còn đang thay quần áo tắm. Dăm phút sau nghe tiếng còi huýt, nhìn lên chòi gác, tưởng mình ra quá xa bờ biển nên bị huýt còi, hay có ai bị nạn. Người trên chòi thổi còi liên thanh, rồi ra tay vẫy kêu mọi người lên bờ. Mây đen kéo vào và lúc sau trời đổ mưa. Tháng Chín là đang mùa mưa bão ở đây.
Qua đến đây đi tìm mua nước mắm, bánh phở là một trải nghiệm. Gú-gồ vùng Miami có hiện lên vài tiệm Châu Á, điện thoại hỏi trước thì không có bán nước mắm. Vào Walmart gần condo đang ở cũng thế, chỉ có xì dầu với mì. Sáng hôm sau ghé cà phê Starbucks ở Ft. Lauderdale, bên cạnh có một tiệm làm đẹp móng tay, vào hỏi thì được biết gần đây có siêu thị bán thực phẩm Việt.
Chiều đến siêu thị Á Đông có bán các thứ để nấu phở và món ăn Việt. Tiệm cũng có trái cây miệt vườn, có bán bánh trung thu "Bà Năm Cali".
Siêu thị này đã mở từ những năm 1980, trong khu thương xá Oakland Shopping Center, lối vào có những cột cờ cao, trên đó lá cờ di sản của người Việt tự do với ba sọc đỏ. Cửa kính siêu thị có dán bích chương quảng cáo sinh hoạt lễ vu lan tại chùa, tháng trước có trình diễn thời trang áo dài, tháng tới là văn nghệ dạ vũ ở sòng bài Seminole Casino Resort với Đan Nguyên, Như Loan và ca sĩ địa phương.
Tuần báo Trẻ phát hành từ Orlando có bán trong siêu thị. Nhu cầu đọc báo in tiếng Việt còn nên báo này đã ra được 675 số. Tờ báo dày 200 trang với nhiều tin tức, bài vở và quảng cáo thương mại của người Việt Florida.
Đi chơi, trưa ăn đồ Mỹ, tối về condo bữa nào cũng rượu bia cùng thưởng thức những món của ba đầu bếp nữ : bít-tết, bò nướng lá lốt, bò lúc lắc, bò xào đậu rồng, bò xào rau muống, gà xào đậu đũa, lẩu hải sản, có phở gà, phở bò với hành ngò, rau húng mua ở siêu thị Á Đông, Costco, chợ cá Hallandale và chợ nông dân Yellow Green Farmers Market. Tráng miệng có đủ loại trái cây tươi từ vườn, có trái hồng quân vỏ tím, ruột như nhãn nhưng mầu xanh nhạt, thơm. Lần đầu tiên tôi được thưởng thức trái này. Chợ nông dân này rất lớn, bán nhiều trái cây, rau, nước đá bào, nước mía ép, có bán nhang, đèn nến, mỹ phẩm, có sân khấu trình diễn nhạc. Chúng tôi ăn trưa ở đây với thịt heo nướng và dồi cùng khoai tây, bắp, chuối hấp. Nước mía 14 đôla nửa gallon ép tại chỗ, dừa xiêm 4 đô một trái. Không thơm, ngọt cho lắm.
Mỗi tối, ăn cơm xong chúng tôi xem ti-vi chốc lát. Chỉ thấy đài OAN, Newsmax và vài đài địa phương, không có CNN, Fox hay MSNBC.
Sinh hoạt chính trị Florida hơn 20 năm về trước rất mạnh mẽ ủng hộ ứng viên tổng thống Cộng hòa như Reagan, Bush (cha), sau này đa số cử tri cũng chọn Clinton, Obama. Vùng Orlando, District 7, từ năm 2016 có Dân biểu Stephanie (Ngọc Dung) Murphy là người gốc Việt, thành viên Đảng Dân chủ hiện có nhiều ảnh hưởng tại quốc hội Hoa Kỳ. Năm đó cũng có Thuy Lowe là người Đảng Cộng hòa tranh cử vào quốc hội, District 10, nhưng không thành công.
Lái xe qua khu cư dân thấy còn có người luyến tiếc Tổng thống Donald Trump vì trước nhà treo cờ Trump mầu xanh dương. Chạy qua Mar-O-Lago là khu đánh gôn và nghỉ dưỡng mà lúc làm tổng thống ông Trump hay về đây cuối tuần. Biệt thự này nằm trên đường S. Ocean Blvd. ở Palm Beach là con đường chật hẹp. Tôi nghĩ dân quanh đó không thích mỗi khi tổng thống về đây vì việc bảo vệ an ninh gây phiền cho cư dân rất nhiều.
Trong một tháng qua số ca nhiễm và tử vong vì Covid ở Florida làm nhiều người quan ngại. Ngoài đường phố có người đeo khẩu trang người không. Condo nơi chúng tôi ở bắt mọi người ra vào phải đeo. Khách vào Costco, Walmart, McDonald cũng đeo khẩu trang. Ngoài biển thì không. Đi nghe nhạc ở bãi biển Hollywood, hàng trăm người đứng ngồi, nhảy múa và chỉ có mấy anh em chúng tôi mang khẩu trang. Không biết người khác thấy chúng tôi họ nghĩ gì, hay như thống đốc Florida từng tuyên bố đeo hay không là quyền tự do của mỗi người.
Tháng Chín phượng còn nở hoa ở Key West (Ảnh : Bùi Văn Phú)
Một ngày chúng tôi đi thăm đất mũi của Hoa Kỳ. Vùng Key West là một dãy đảo nhỏ nối liền với nhau bằng những chiếc cầu, dài nhất là 7 dặm. Từ Miami đến cực nam của nước Mỹ, đoạn đường chưa tới 150 dặm nhưng mất bốn tiếng đồng hồ vì tốc độ giới hạn là 40 mph. Hai bên đường toàn lau, đước, sậy, qua vài thị xã là những nơi thuê thuyền và bán mồi câu cá. Nơi đây như làng quê Việt Nam, dân sống dọc quốc lộ và chắc cũng nhiều muỗi như rừng U Minh vì trên đường có bảng quảng cáo diệt muỗi.
Khí hậu ở đây nóng ẩm như Việt Nam. Du khách thuê xe máy, xe đạp đi tham quan phố có những cây phượng còn nhiều hoa đỏ. Ghé xe bán dừa, ông bán hàng gốc Cuba biết ngay chúng tôi là người Việt.
Đứng ở mũi đất, nhìn ra biển xa xa là đất Cuba, hình dung ra căn nhà của văn hào Ernest Hemingway ở ngoại ô Havana mà tôi đã có dịp thăm, có con tầu Pilar ông dùng đi đi về về giữa Havana và ngôi nhà ở Key West, là những chuyến du lịch trước cách mạng Cuba 1959, rồi sau đó quan hệ ngoại giao chấm dứt, ngăn cách đôi bờ.
Khi chờ chụp hình ở cột mốc cực nam Hoa Kỳ, tôi nghĩ đến những người Cuba tị nạn. Họ không được như chúng ta vì sống cách xa cố hương chưa đến một trăm dặm mà đường về vẫn khó khăn. So với người Việt California có hai thập niên quê hương nghìn trùng xa cách, chiều chiều ra biển ngó mặt trời lặn mà lòng quặn đau, nhưng từ năm 1995 khi hai nước bang giao, nếu nhớ quê thì lên máy bay ngủ một giấc là thấy lại Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Vũng Tầu, Rạch Giá. Năm 2015 Hoa Kỳ và Cuba thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng người Cuba muốn về quê cũng không dễ vì còn cấm vận.
Anh bạn nhà báo Kính Hòa biết tôi đi chơi Key West, sau khi xem hình trên Facebook có viết lời bình : "Bơi qua Cuba đi anh, nói là anh xuất thân từ Berkeley thổ tả, thế nào cũng được đón tiếp trọng thể".
Tôi trả lời : "Hai vợ chồng phóng jetski gần đến nơi thì bơi vào. Đến cửa Havana, gặp Thánh Fidel hỏi lúc ở dương trần các con đã làm được gì cho anh em. Mình trả lời đã giúp anh em Xã hội Chủ nghĩa canh giữ hòa bình thế giới. Thánh Fidel bảo thế thì cho vào thiên đường. Bà xã nghe sợ quá, nói : thôi mình đừng vào thiên đường, về địa ngục vui hơn".
Thế là chúng tôi phóng jetski như bay trên nước để về lại địa ngục trần gian. Nơi có nhãn lồng, thanh long, xoài, na, cóc, ổi, dưa gang, mãng cầu. Đặc biệt có khế, ngọt ơi là ngọt.
Bùi Văn Phú
(14/11/2021)
Biến thể Delta cướp đi hơn 2 điểm GDP của Việt Nam trong năm 2021. Báo cáo của Ngân Hàng Thế Giới tháng 10/2021 giảm dự phóng tăng trưởng của Việt Nam đang từ 4,8 % xuống còn từ 2 đến 2,5 % do "những bất cập và sự chậm trễ trong biện pháp chống dịch".
Khách hàng đi mua sắm đồ tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 01/10/2021. Reuters - Sringer
Việt Nam vấp phải hai trở ngại để có thể nhanh chóng bình phục như mùa xuân 2020, song Covid-19 cũng là một cơ hội để quốc gia Đông Nam Á này trở thành một nền kinh tế "phát triển hơn". Trên đây là phân tích của kinh tế trưởng Ngân Hàng Thế Giới tại Hà Nội, Jacques Morisset trong bài trả lời phỏng vấn qua điện thoại dành cho RFI tiếng Việt.
RFI : Công tác tại Hà Nội từ hai năm nay, thưa ông Jacques Morisset, câu hỏi đầu tiên Ngân Hàng Thế Giới đánh giá thế nào về mức độ sụt giảm đột ngột của kinh tế Việt Nam năm nay, đến nỗi mà lần đầu tiên, định chế tài chính đa quốc gia này giảm dự phóng tăng trưởng đến hơn hai điểm trong chưa đầy hai tháng ?
Jacques Morisset : Để hiểu được tình hình hiện tại ở thời điểm cuối 2021, chúng ta cần nhìn lại 2020 : Tăng trưởng của Việt Nam năm ngoái là 2,9 %. Đó là một trong những thành tích cao nhất so với tất cả các quốc gia khác. Phải nói là năm ngoái, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chận dịch lây lan với những quyết định y tế vừa sớm, vừa thích hợp. Nhờ vậy đã nhanh chóng phục hồi. Bước sang đầu năm nay, tại sao kinh tế lại lao đao ? Thống kê của quý ba 2021 cho thấy GDP giảm 6,17 %. Từ 40 năm qua, chưa khi nào tăng trưởng của Việt Nam lại tệ như vậy. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này ở số âm và cũng chưa bao giờ các hoạt động kinh tế lại giảm mạnh đến mức độ này. Tất cả mọi người, kể cả Ngân Hàng Thế Giới đều đã ngỡ ngàng.
RFI : Vì sao kinh tế Việt Nam đổ dốc mạnh trong 9 tháng đầu 2021 ?
Jacques Morisset : Thứ nhất là do y tế và thứ hai là kinh tế. Về y tế, cuối tháng Tư năm nay, biến thể Delta lan mạnh, dịch Covid-19 bùng phát vào lúc mà Việt Nam không sẵn sàng để đối phó. Có nghĩa là khi đó, tỷ lệ tiêm ngừa của Việt Nam rất thấp, nếu không muốn nói là con số không. Thêm vào đó là thái độ thả lỏng trước tình hình dịch tễ. Đầu 2020 Việt Nam cho xét nghiệm đại trà nhưng do có rất ít trường hợp dương tính nên đã lơ là vì cho rằng Covid-19 đã thuộc về quá khứ. Chẳng ngờ lại phải đối mặt với biến thể Delta. Nguyên nhân thứ hai là kinh tế : năm nay chính quyền đã không sẵn sàng đưa ra những quyết định để ngăn chận hậu quả khủng hoảng y tế gây nên. Thí dụ về ngân sách : Việt Nam vẫn dư thừa ngân sách vào thời điểm mà nhẽ ra phải nới lỏng chi tiêu để giới hạn những hệ quả về kinh tế, về xã hội Covid-19 gây nên. Trong chín tháng đầu năm nay, Việt Nam bội thu ngân sách : Việt Nam vẫn cứ tiết kiệm chi tiêu và để dành.
RFI : Giới phân tích đã nhấn mạnh nhiều đến những biện pháp chống dịch không phù hợp và thậm chí là đã được chính phủ Việt Nam ban hành quá trễ ?
Jacques Morisset : Cuối tháng Tư vừa qua, phản ứng của chính phủ không dứt khoát như ở vào hồi đầu năm 2020. Thí dụ như trong miền nam, các biện pháp cách ly, giới hạn đi lại không được ban hành ngay lập tức. Phải đợi nhiều tuần lễ thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận mới bị phong tỏa. Trong khi đó thì virus lây lan : cuối tháng 5 –đầu tháng 6 số ca dương tính với virus corona đã rộ lên. Kế tới về mặt kinh tế, cũng đã có những bất cập : nhẽ ra là phải nhanh chóng hỗ trợ những thành phần bị tác động qua các chương trình xã hội. Nhưng mãi đến đầu tháng 7, những biện pháp giúp đỡ đó mới đến tay người dân, tức la có một sự chậm trễ từ hai đến ba tháng kể từ đầu khủng hoảng.
RFI : Sau ba tháng phong tỏa chặt chẽ, Việt Nam đang bắt đầu mở cửa lại, chính vì nhờ có vac-xin. Nhìn lại giai đoạn từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 9/2021 mọi sinh hoạt gần như ngừng lại hoàn toàn nhất lai tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Các cửa hàng, hàng quán, công sở đóng cửa tòa bộ.. Giờ đây Việt Nam có hy vọng nhanh chóng bật dậy như năm 2020 ?
Jacques Morisset : Đà phục hồi vấp phải hai trở ngại : Rất nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian khủng hoảng với các sinh hoạt kinh tế hoàn toàn bị tê liệt như vừa nói trong gần ba tháng. Những hộ gia đình nghèo, không có tiền tiết kiệm thì họ không có phương tiện để chi tiêu trong những tháng tới. hệ quả kềm theo, là tiêu thụ nội địa không chóng phục hồi, đơn giản là vì một phần dân dư không có tiền. Thêm vào đó là tâm lý lo âu, không biết dịch sẽ kéo dài tới khi nào, kinh tế có chóng phục hồi hay không … thành thử người dân không dám mạnh dạn chi tiêu. Khuynh hướng chung là người ta để dành tiền tiết kiệm. Trong khi đó, từ nhiều thập niên qua, tiêu thụ nội địa là một trong những cột trụ của tăng trưởng Việt Nam. Do vậy Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi trong ngắn hạn đà phục hồi sẽ ở mức trung bình.
Trở ngại thứ nhì, như đã biết, xuất khẩu là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, vậy mà từ đầu năm đến nay, hoạt động trong ngành bị khựng lại, thậm chí là sụt giảm đôi chút vì những lý do như sau : dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều nhà máy công nghiệp phải đóng cửa ; tương tự như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam cũng chịu tác động do các phí tổn chuyên chở hàng hóa tiên tục tăng lên từ nhiều tháng qua. Với hai trở ngại này, theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới đà phục hồi kinh tế của Việt Nam lần này không được tốt như hồi năm 2020.
RFI : Vậy Việt Nam phải làm gì để vượt qua được hai trở ngại đó ?
Jacques Morisset : Như vừa nói, động lực tăng trưởng của Việt Nam từ nhiều năm qua, không phải là Nhà nước, mà là do lĩnh vực kinh tế tư nhân, do tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc tăng trưởng của Việt Nam có thể trông cậy nhiều hơn vào chính phủ. It ra là trong ngắn hạn. Có điều Việt Nam chưa sẵn sàng. Lĩnh vực công vẫn còn bị kẹt vì một số yếu tố, thí dụ như là về hành chính, thiếu một sự phối hợp giữa cấp trung ương và các địa phương. Trong trường hợp cụ thể của chính sách trợ cấp xã hội chẳng hạn, chính phủ thiếu những thống kê đầy đủ để xác định ai là những thành phần cần được giúp đỡ, để viện trợ nhanh chóng đến tay những người này.
RFI : Sau kinh nghiệm những tháng qua, Ngân Hàng Thế Giới đánh giá như thế nào về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới ?
Jacques Morisset : Đây là một cuộc khủng hoảng nhất thời, như với phần lớn các quốc gia khác trên thế giới. Câu hỏi còn lại là dịch bệnh này sẽ kéo dài bao lâu. Không riêng gì Việt Nam, mọi người đều mong mỏi đẩy lùi được Covid-19, tình hình sáng sủa hơn. Các dự báo cho năm 2022 có khuynh hướng khả quan hơn trước viễn cảnh phần nào kiểm soát được virus corona. Ngân Hàng Thế Giới chờ đợi tăng trưởng của Việt Nam bật dậy, ở mức tối thiểu là 6 % cho năm 2022.
Chúng tôi lạc quan bởi vì những yếu tố nền tảng vẫn tồn tại. Những yếu tố đó là ổn định về đối nội, Việt Nam kiểm soát được những bất cân đối cả về mặt ngân sách lẫn ngoại thương, lạm phát, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang ở mức khá cao từ nhiều năm qua… Nói cách khác, nhiều chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc. Tuy nhiên bênh cạnh đó tôi nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để chính phủ tiến hành những biện pháp cải tổ cần thiết về mặt cơ cấu để Việt Nam thực hiện tham vọng trở thành một nền kinh tế phát triển hơn trong những năm sắp tới. Để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đẩy mạnh những phát minh về công nghệ, nâng cao đầu tư vào công việc đào tạo nhân sự".
RFI : Xin một câu hỏi chót, trước đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp quốc tế đã bắt đầu chuyển hướng, di dời cơ sở sản xuất sang Việt Nam, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc- một phần do tác động từ xung khắc thương mại Mỹ- Trung. Nhật Bản chẳng hạn đã khuyến khích các tập đoàn đi tìm những bãi đáp mới, mà Việt Nam là một điểm đến được quan tâm. Covid-19 có nguy cơ làm mất đi sức thu hút đó của Việt Nam hay không ?
Jacques Morisset : Chúng ta cần phân biệt xu hướng chung với những khó khăn nhất thời. Từ trước đại dịch, một phần do căng thẳng Mỹ-Trung, nhiều công ty đã di dời cơ sở từ Trung Quốc sang Việt Nam. Xu hướng đó sẽ tiếp tục bởi vì Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh tương đối chẳng hạn như là nhân công rẻ … và những yếu tố đó vẫn tồn tại. Điều này giải thích vì sao đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam. Bên cạnh đó thì có yếu tố ngắn hạn cũng khá tiêu biểu. Năm ngoái, Việt Nam hưởng lợi nhưng năm nay tình huống đang bất lợi cho Việt Nam : Năm 2020 khi nhiều nước trên thế giới phải đóng cửa, Việt Nam với những biện pháp ít nghiêm ngặt hơn đã thúc hối nhiều doanh nghiệp đưa một số hoạt động sang Việt Nam. Ngành dệt may chẳng hạn đã chuyển một phần khâu sản xuất từ Bangladesh hay Mêhicô qua Việt Nam. Ngược lại năm, do Việt Nam bị nặng về mặt y tế, nhiều khu vực công nghiệp phải tạm đóng cửa, thậm chí là một số hải cảng cũng đã ngừng hoạt động hồi tháng Tư vừa qua … Địa bàn sản xuất có phần dời Việt Nam sang những khu vực khác. Nhưng đó chỉ là những thay đổi trong ngắn hạn.
RFI : RFI Việt ngữ thành thật cảm ơn ông Jacques Morisset, kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.
Thanh Hà thực hiện
Nguồn : RFI, 19/10/2021