Tư pháp New York hoãn phán quyết về khả năng truy tố hình sự cựu tổng thống Trump
Phan Minh, RFI, 23/03/2023
Ngành tư pháp New York hôm 22/03/2023 theo lẽ, đã đưa ra phán quyết về khả năng truy tố hình sự cựu tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong vụ án Stormy Daniels, nhưng cuối cùng các nguồn tin cảnh sát thông báo với truyền thông Mỹ rằng cuộc họp của bồi thẩm đoàn đã bị hủy bỏ mà không đưa ra lý do cụ thể. Có thể là đến tuần sau mới có quyết định về vụ này.
Cảnh sát được triển khai trước tòa án ở quận Manhattan, bang New York, Mỹ, ngày 22/03/2023. AP - Eduardo Munoz Alvarez
Tỷ phú 76 tuổi thuộc đảng Cộng hòa bị cáo buộc vào năm 2016 đã trả 130.000 đô la cho nữ diễn viên phim khiêu dâm Stormy Daniels, người mà dường như ông từng có quan hệ tình ái. Vụ trả tiền này được cho là đã diễn ra một tháng trước khi ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2016.
Không chỉ là một vụ bê bối tình ái, theo truyền thông Mỹ, quan hệ giữa ông Trump và nữ diễn viên Stormy Daniels có thể bị xem là hành vi vi phạm luật về vận động tranh cử. Đây sẽ là một "cái gai pháp lý" đối với cựu tổng thống Trump, người đang ôm mộng trở lại Nhà Trắng vào tháng 11/2024.
Xin nhắc lại là hôm 18/03, chính Donald Trump đã gây ra một cơn bão truyền thông và chính trị khi viết bằng chữ in hoa trên mạng xã hội Truth Social rằng ông sẽ bị buộc tội và "bắt giữ" vào ngày 21/03. Nhưng công tố viên quận Manhattan, New York, Alvin Bragg cho tới giờ vẫn chưa có thông báo gì.
Ngay cả khi cựu tổng thống có bị buộc tội trong vụ nói trên, ông Trump cũng sẽ không bị "bắt giữ" ngay lập tức. Phải nhiều ngày sau, ông mới phải ra tòa ở Manhattan và trong trường hợp này, sau khi tự nguyện "ra đầu thú", ông sẽ được thông báo về các thủ tục tố tụng và có thể bị bắt giữ một cách tượng trưng trong vài phút, bị chụp ảnh và thậm chí có thể bị còng tay chớp nhoáng. Dù sao đây cũng sẽ là những điều chưa từng có đối với một cựu tổng thống Mỹ.
Phan Minh
*************************
Donald Trump lo sợ bị bắt
Trọng Thành, RFI, 17/03/2023
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa trở thành sự kiện thời sự số một tại Mỹ. Hôm 18/03/2023, trên mạng xã hội, ông Trump khẳng định sắp bị tư pháp bắt giữ, đồng thời kêu gọi người ủng hộ xuống đường đông đảo để phản kháng và "giành lại đất nước" (take our nation back).
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump xem Giải vô địch đấu vật (NCAA), ngày 18/03/2023, tại Tulsa, bang Oklahoma. AP - Sue Ogrocki
Các kêu gọi của cựu tổng thống Donald Trump được đưa ra sau khi có "nhiều tin đồn" về việc Donald Trump bị khởi tố do việc sử dụng bất hợp pháp tiền tranh cử để bồi hoàn một nữ diễn viên khiêu dâm, nhằm mua lấy im lặng của người này, theo ghi nhận của AFP. Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :
"Trên mạng xã hội, Donald Trump thông báo sẽ bị bắt vào ngày thứ Ba tới 21/03. Trong một thông điệp mang mầu sắc thuyết âm mưu và bài Do Thái, cựu tổng thống Mỹ kêu gọi những người ủng hộ hãy biểu tình và "giành lại giang sơn". Thông điệp nói trên gợi nhắc đến thông điệp mà chính Donald Trump đã đưa ra trước cuộc bạo loạn ở điện Capitol hồi đầu năm 2021.
Hiện tại, cơ quan công tố quận Manhattan không xác nhận bất cứ điều gì, nhưng trong những ngày gần đây, các dấu hiệu về việc khởi tố gia tăng gấp bội. Không phải khởi tố về nỗ lực lật ngược kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, cũng như không vì những nghi ngờ về gian lận liên quan đến công việc kinh doanh có thể khiến Donald Trump bị buộc tội hình sự. Mà đây là vụ Stormy Daniels nổi tiếng.
Vào năm 2016, ứng cử viên tổng thống Trump bị nghi ngờ đã trả 130 nghìn đô la cho nữ diễn viên khiêu dâm mà ông ta có quan hệ, để bịt miệng người tình. Cuộc điều tra của cơ quan công tố Manhattan liên quan đến việc khoản tiền bồi hoàn này vi phạm các quy định về tài trợ bầu cử. Donald Trump tất nhiên đảm bảo rằng đây là một "đòn chính trị". Nhưng một luật sư của cựu tổng thống khẳng định, nếu bị khởi tố, nhà tỷ phú sẽ ra trình diện cảnh sát New York".
Theo AFP, việc khởi tố một cựu tổng thống là điều chưa từng có tại Mỹ. Và cho dù điều này không ngăn cản ông Trump ra tái ứng cử tổng thống, một quyết định như vậy của tư pháp sẽ có những hệ quả đầy bất trắc đối với cuộc tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Quyết định này có thể gây khó khăn của Donal Trump trước các đối thủ trong đảng Cộng Hòa, nhưng ngược lại cũng có thể kích động giới cử tri truyền thống của nhà tỉ phú này.
Trọng Thành
Đó luôn là một cuộc "hôn nhân vụ lợi", và giờ họ xem Donald Trump là kẻ thua cuộc
Cựu Tổng thống Donald Trump - Ảnh minh họa
Phố Wall đã quay lưng với Donald Trump. Những ngày gần đây, các nhà tài phiệt từng góp hàng trăm triệu đô cho đảng Cộng hòa vừa công khai rút lại sự ủng hộ đối với vị cựu tổng thống. Vào ngày 16/11/2022, Stephen Schwarzman – tổng giám đốc điều hành của Blackstone (một quỹ đầu tư cổ phần tư nhân) đã phát biểu rằng ông muốn hỗ trợ một ứng viên đến từ "thế hệ mới" của Đảng Cộng hòa trong năm 2024. Cùng ngày hôm đó, Thomas Peterffy – người sáng lập và là chủ tịch hội đồng quản trị của Interactive Brokers – nói rằng đảng này đang cần một "gương mặt mới". Ken Griffin – giám đốc điều hành Quỹ phòng hộ Citadel – là người thẳng thừng nhất : ngày 15/11/2022, ông gán cho Trump biệt danh "kẻ-thất-bại-ba-lần" và tuyên bố ủng hộ Ron DeSantis, thống đốc bang Florida. Tại sao các nhà tài trợ lại rời bỏ vị cựu tổng thống, và điều đó có tác động như thế nào ?
Thành tích chẳng mấy ấn tượng của đảng này trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 là một yếu tố quan trọng. Các nhà tài trợ quy trách nhiệm cho Trump khi kỳ vọng về một "làn sóng đỏ" đã không thành hiện thực. Đảng Cộng hòa chỉ giành được Hạ viện với tỉ lệ sít sao và không giành được Thượng viện sau khi các ứng viên mà ông Trump ủng hộ đã thua trong các cuộc đua quan trọng ở Arizona, Nevada và Pennsylvania. Nhưng đây không phải cú vấp ngã đầu tiên của vị cựu tổng thống. Ngoài việc mất ghế tổng thống vào năm 2020, đảng Cộng hòa còn mất Thượng viện trong năm 2021 (sau cuộc bầu cử vòng hai ở Georgia) và Hạ viện vào năm 2018 – lý do đằng sau việc ông Griffin gọi Trump là kẻ-thất-bại-ba-lần.
Bản chất "cuộc hôn nhân" giữa ông Trump với các nhà đầu tư ở Phố Wall luôn là vụ lợi – theo lời Reed Galen, người từng là chiến lược gia của đảng Cộng hòa. Mặc dù đôi khi thấy khó chịu với những luận điệu của vị cựu tổng thống, họ tin rằng các đảng viên Cộng hòa ủng hộ Phố Wall sẽ được bầu vào Quốc hội nhờ ảnh hưởng của Trump. Phần lớn kỳ vọng đã được đáp ứng – nhưng nhiều nhà tài phiệt đang lo ngại rằng chủ nghĩa dân túy chống thương mại và nhập cư của Trump sẽ củng cố phe hoài nghi giới doanh nghiệp. Hiện nay, không chỉ có mình Trump xa lánh chủ nghĩa tư bản thị trường tự do kiểu Reagan. DeSantis và J.D. Vance – thượng nghị sĩ đắc cử từ bang Ohio được Trump hậu thuẫn – đã tiến hành các cuộc chiến văn hóa chống lại Disney và các gã khổng lồ công nghệ.
Tuy nhiên, sự xa lánh của Phố Wall có thể không tạo ra tác động quyết định đến nỗ lực tái tranh cử của vị cựu tổng thống vào năm 2024. Dẫu sao nhiều nhà tài phiệt vẫn ủng hộ các ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, một phần vì địa bàn làm ăn của họ tập trung ở các thành phố trung thành với đảng Dân chủ, nhất là New York. Trước đây, ông Trump từng chiến thắng mà không cần tiền từ các nhà tài trợ. Trong suốt cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016, vị cựu tổng thống đã không nhận được tiền từ Griffin hay Schwarzman, cũng như hầu hết các nhà tài trợ lớn khác của đảng. Tới tháng 2 năm đó, Trump chỉ chi 10 triệu đô la cho quảng cáo trên truyền hình. Ted Cruz – vị thượng nghị sĩ đại diện Texas – đã chi gấp đôi số tiền đó ; còn Jeb Bush – cựu thống đốc bang Florida – đã chi gấp tám lần. Trump đã biến những khó khăn tài chính trong chiến dịch tranh cử của mình thành huy hiệu danh dự của chủ nghĩa dân túy, với lời hứa chấm dứt nền chính trị chi tiền để mua quyền lực (pay-to-play politics) và tấn công Bush vì bị ảnh hưởng bởi "những nhóm lợi ích đặc biệt". Chiến thắng của Trump là nhờ vào nhóm những nhà tài trợ nhỏ nhưng trung thành, và sự khó đoán của ông chính là chất liệu tin tức cho giới truyền thông : trên thực tế, Trump đã được quảng cáo miễn phí.
Trump đã vận động được số tiền lớn nhất khoảng 100 triệu đô la cho cuộc bầu cử sơ bộ năm 2024. Ông vẫn là một nhân vật được yêu thích với phần đông đảng Cộng hòa. Ứng viên do Trump lựa chọn đã giành chiến thắng 91% số cuộc bầu cử sơ bộ mở trong bầu cử giữa kỳ, với 4 trong số 10 ứng viên được ông hậu thuẫn đánh bại các đảng viên Cộng hòa đương nhiệm. Dù các nhà tài trợ có thể chùn bước sau cuộc bầu cử giữa kỳ, sự nổi tiếng của Trump sẽ khiến nhiều người miễn cưỡng khi muốn ủng hộ một ứng viên khác.
"Why Republican donors on Wall Street are abandoning Donald Trump", The Economist, 24/11/2022
Phạm Thị Hồng Nhung biên dịch
Bộ Tư pháp không buộc phải hành động theo khuyến cáo cũng như phúc trình của Ủy ban 6/1, nhưng những bằng chứng trong bản phúc trình vô cùng quý giá cho sự điều tra riêng của Bộ Tư pháp.
Quang cảnh một trong những buổi thảo luận của Ủy ban điều tra sự việc ngày 6/1 tại Quốc hội Mỹ.
Vào đầu tuần này, Ủy ban Hạ Viện 6/1 đã hoàn tất danh sách khuyến cáo truy tố tội phạm liên quan đến cuộc bạo loạn xảy ra vào 6/1/2021. Và trong ngày hôm nay, Ủy ban 6/1 sẽ công bố toàn bộ bản phúc trình điều tra cuộc bạo loạn này. Bốn tội hình sự Ủy ban 6/1 khuyến cáo chống cựu Tổng thống Donald Trump bao gồm (1) Nổi loạn, (2) Cản trở việc làm của Quốc hội, (3) Cố ý tuyên bố sai nghiêm trọng với chính phủ liên bang, và (4) Âm mưu lừa gạt Liên Bang Hoa Kỳ.
Quốc hội cũng như Ủy ban 6/1 không có quyền truy tố nhưng có quyền điều tra. Với hàng trăm lời khai hữu thệ của nhân chứng và những nhân vật liên lụy Ủy ban 6/1 đã tích lũy được cả núi bằng chứng trong 18 tháng làm việc bao gồm tám cuộc điều trần công khai.
Bộ Tư pháp không buộc phải hành động theo khuyến cáo cũng như phúc trình của Ủy ban 6/1, nhưng những bằng chứng trong bản phúc trình vô cùng quý giá cho sự điều tra riêng của Bộ Tư pháp. Như một phần của cuộc điều tra này, Tổng Chưởng Lý Merrick Garland đã từng lên tiếng yêu cầu Ủy ban 6/1 cung cấp tài liệu đã đúc kết được. Bộ Tư pháp và những viện công tố có nhiều quyền điều tra hơn Quốc hội, bao gồm lệnh khám xét, đại bội thẩm đoàn, và cả trát đòi hầu tòa. FBI là cơ quan điều tra liên bang nằm trong Bộ Tư pháp.
Trong cuộc phỏng vấn truyền hình của MSNBC vào ngày 20/12/2022, Giáo sư Laurence Tribe của Harvard Law School đã trình bày một số quan điểm của ông liên quan đến khuyến cáo của Ủy ban Hạ Viện điều tra về vụ phản loạn 6/1/2021 mà ông cho là một báo cáo tuyệt vời.
Laurence Tribe là giáo sư về luật hiến pháp tại Harvard University trong gần năm thập niên. Ông từng là thầy dạy của Merrick Garland, đương kim Bộ trưởng Tư pháp, và Jamie Raskin, Dân Biểu phụ trách danh sách khuyến cáo truy tố hình sự trong Ủy ban 6/1. Giáo sư Tribe là người đồng sáng lập Hiệp Hội Hiến Pháp Hoa Kỳ (American Constitution Society).
Giáo sư Tribe hy vọng rằng cả hai ông Jamie Raskin, chủ tịch tiểu bang soạn thảo bản khuyến cáo và Merrick Garland, Bộ trưởng Tư pháp, sẽ nghiêm túc thi hành nguyên tắc rằng trong hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ, bạn không chỉ truy lùng những thuộc hạ và để những kẻ chủ mưu và những kẻ giật dây được qua mặt. Về mặt thực tế, điều này có nghĩa tất cả các công cụ có sẵn tại Bộ Tư pháp (Department of Justice - DOJ) sẽ được sử dụng để truy tố cựu Tổng thống Donald Trump.
Giáo sư Tribe phân tích rằng một số người thấp hơn hiện đang bị xét xử và một số người khác đã bị kết án, nhưng hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất sẽ dẫn đến việc tự động bị loại khỏi bất kỳ chức vụ nào trong tương lai, là tội phản loạn. Điều quan trọng là tội này đã được trình bày trong báo cáo của Ủy ban 6/1 và sẽ không bị quên đối với Merrick Garland hoặc công tố viên đặc biệt Jack Smith. Hạ viện cũng đã từng kết tội Donald Trump về cuộc nổi dậy trong lần luận tội thứ nhì vào ngày 13-23/01/2021.
Bây giờ trách nhiệm và quyền hành được chuyển giao cho DOJ. Việc Trump không còn là tổng thống có nghĩa là ông ấy không còn sự bảo vệ của văn phòng cố vấn pháp lý như khi ông ấy còn là tổng thống. Bây giờ không còn gì để buộc ông phải chịu trách nhiệm ngoài một loạt cáo trạng sẽ do DOJ đưa ra. Nếu nhìn vào núi bằng chứng được ủy ban tích lũy và sắp xếp cẩn thận cho đến nay, có vẻ như công tố viên đặc biệt sẽ không thể làm gì khác hơn là đưa ra một số bản cáo trạng về tội liên quan đến khuyến cáo của Ủy ban 6/1. Đó là chưa kể đến tất cả các tội có thể có, liên hệ đến các tài liệu tuyệt mật tại Mar-a-Lago.
Giáo sư Tribe dự đoán, chúng ta sẽ thấy khá sớm trong năm tới, có thể là vào tháng 3, một loạt cáo trạng dành cho cựu tổng thống. Ông nghĩ trách nhiệm (accountability) là điều cần thiết mà Dân biểu Liz Cheney (Cộng hòa, Wyoming) đã trình bày khi bắt đầu phiên điều trần sau cùng của Ủy ban 6/1. Nếu không có trách nhiệm, nền Cộng hòa sẽ gặp nguy hiểm nghiêm trọng.
Tôi đồng ý với nhận định của Giáo sư Laurence Tribe. Sau khi Ủy ban 6/1 công bố bốn tội hình sự của cựu Tổng thống Trump, vẫn với giọng điệu ương ngạnh cố hữu, nhưng cường độ đã mềm hẳn xuống, ông tuyên bố "Khi họ đuổi theo tôi, những người yêu tự do sẽ tập hợp xung quanh tôi. Nó củng cố tôi. Thứ không giết chết tôi làm tôi trở nên mạnh hơn".
Trump hiểu rằng ông ta đang ở vào tình trạng suy yếu, đang bị ngay chính các đồng chí bỏ rơi. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell (Cộng hòa, Kentucky), lãnh tụ thiểu số Thượng Viện, nói "Cả nước biết ai chịu trách nhiệm vào ngày đó", (The entire nation knows who is responsible for that day). Quả thật McConnell đã cạn lời với cựu Tổng thống Donald Trump.
Dân biểu Liz Cheney (Cộng hòa, Wyoming), phó chủ tịch Ủy ban 6/1 cho biết "Mọi tổng thống trong lịch sử của chúng ta đều bảo vệ sự chuyển giao quyền lực có trật tự, ngoại trừ một người. Ngày 6 tháng 1 năm 2021 là ngày đầu tiên một tổng thống Mỹ từ chối nghĩa vụ Hiến Pháp của mình để chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Trong công việc của chúng tôi trong 18 tháng qua, nghĩa vụ đã được công nhận của Ủy ban là làm mọi thứ có thể để đảm bảo điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa".
Nguyễn Quốc Khải
Nguồn : VOA, 23/12/2022
Tham khảo :
(1) Claire Hansen, "DPJ’s Approach to Jan. 6 Committee : Leave the referral, take the evidence", USNews, December 20, 2022.
(2) Lawrence O’Donnell, "Tribe : we’ll see a series of indictments against Trump by spring", MSNBC, December 20, 2022.
(3) Sarah D. Wire, "Jan. 6 Committee’s criminal referral of a former president is a first in U.S. history", Los Angeles Times, December 19, 2022.
Vụ tấn công đồi Capitol : "Trump sẵn sàng phá sạch còn hơn mất hết"
Hầu hết các tờ báo lớn ra tại Pháp hôm nay đều chú ý tới một thời sự nóng ở nước Mỹ. Hôm thứ Hai, 19/12/2022, Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ về vụ tấn công điện Capitol hồi tháng Giêng năm 2021 đã ra khuyến nghị Bộ Tư pháp Mỹ khởi tố hình sự cựu Tổng thống Donald Trump về những trách nhiệm và sự can dự của ông trong vụ bạo loạn.
Những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia một cuộc biểu tình ở Washington (Hoa Kỳ), ngày 06/01/2021. AP - John Minchillo
Le Monde chạy tựa trang nhất : "Trump : thêm một bước hướng tới khởi tố hình sự". Theo tờ báo, sau nhiều tháng tiến hành điều tra, Ủy ban trên của Quốc hội Mỹ hôm nay 21/12, sẽ công bố toàn bộ báo cáo điều tra. Trong phần tổng hợp dày 160 trang được công bố hôm thứ Hai, Ủy ban đã đưa ra những kết luận nghiêm trọng về vụ việc 06/01/2021, coi đó như là một vụ mưu phản, gây rối, đảo chính bất thành do bị kích động bởi những tuyên bố dối trá của ông Donald Trump, khi đó vẫn là Tổng thống Hoa Kỳ.
Điều nghiêm trọng nhất là Ủy ban đề nghị phải khởi tố hình sự cựu Tổng thống. Với những kết luận nặng nề như vậy, nếu Bộ Tư pháp quyết định làm theo khuyến nghị của Ủy ban Điều tra Quốc hội thì ông Trump sẽ bị khởi tố như một tội phạm hình sự. Le Monde ghi nhận "Vụ tấn công đồi Capitol : Gọng kìm siết chặt Trump". Vẫn theo nhật báo Le Monde, 9 dân biểu Hạ Viện trong Ủy ban nói trên cho biết họ có đủ bằng chứng trong quá trình điều tra kéo dài 18 tháng để có thể đưa ra những khuyến nghị với Bộ Tư pháp.
Với ủy ban điều tra, trách nhiệm của Donald Trump trong vụ việc là không thể chối cãi và khẳng định ông ta "sẵn sàng phá sạch còn hơn là mất tất".
Nhưng Bộ Tư pháp hoàn toàn không bị bắt buộc phải tuân theo đề nghị của Ủy Ban điều tra của Quốc hội, thủ tục lập hồ sơ khởi tố cũng khá phức tạp. Dù sao thì đây là một đòn đánh mạnh vào ông Trump, người vừa tuyên bố tiếp tục cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Với Le Figaro, đây là sự kiện mang tính biểu tượng cao : lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một Ủy ban Điều tra của Hạ Viện đề nghị Bộ Tư pháp khởi tố hình sự một cựu Tổng thống vì tội mưu phản, đảo chính.
La Croix cũng có bài viết : "Tương lai của Donald Trump trong tay tư pháp". Tờ báo cũng nhấn mạnh, chưa thể biết sự việc sẽ đi tới đâu. Nhưng La Croix đặt câu hỏi : "Hồ sơ này nêu ra một vấn đề cốt lõi : Phải chăng đã đến lúc phải lật sang trang mới những năm của Trump ? Hay là cần phải phán xử ông ta để tránh không để những vụ việc tương tự một ngày nào đó lại xảy ra ?"
Qatar, đồng minh phiền toái của EU
Một đề tài thời sự khác đang làm náo động chính trường Châu Âu những ngày qua : Nghi án tham nhũng ở Nghị Viện Châu Âu liên quan đến vương quốc nhỏ bé vùng Vịnh Qatar.
Nhật báo công giáo La Croix đề cập đến vụ việc dưới góc độ quan hệ ngoại giao giữa Qatar và Liên Hiệp Châu Âu với hàng tựa chính trang nhất : "Qatar một đồng minh phiền toái". Tờ báo nhận thấy, mặc dù vụ bê bối tham nhũng đang làm rúng động Nghị Viện Châu Âu, nhưng các nước Liên Âu vẫn phải lựa cách đối xử với Qatar, nước sản xuất khí đốt lớn. Về phần mình, vương quốc bé nhỏ vùng Vịnh này cũng cần dựa vào những nước phát triển trong khi mà nước này đang nằm giữa một vùng bất ổn. Qatar giờ đang là đồng minh không thể thiếu, nhưng lại rất phiền hà với Châu Âu.
Chiến tranh tại Ukraine nổ ra buộc các nước Liên Âu phải khẩn cấp xem lại chiến lược năng lượng của mình. Do nguồn cung cấp từ Nga cắt giảm, các nước Liên Âu phải tìm các đối tác cung cấp khác, trong đó có Qatar. Hiện quốc gia vùng Vịnh này mới chỉ cung ứng 5% nhu cầu của Liên Âu. Nhưng với tiềm năng là nước sản xuất khí đốt lớn thứ 3 thế giới, sau Nga và Iran, thì Qatar sẽ là nguồn cung ứng lâu dài để EU thay thế khí đốt Nga.
Theo La Croix những tháng gần đây Doha đã nhận ra được lợi ích khi xích gần lại với các nước EU. Qatar trong tương lai hy vọng đáp ứng được 25% đến 30% thậm chí 50% nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Châu Âu. Như vậy, Qatar sẽ có thể trở thành nhà cung cấp khí đốt không thể thiếu cho Liên Hiệp Châu Âu. Mặt khác, tờ báo cũng phân tích để thấy Liên Âu cũng không thể bỏ qua được điểm tựa địa chính trị của Qatar trong khi gần đây đất nước này đã nổi lên đóng những vai trò trung gian nhất định trong việc giải quyết một số hồ sơ quan trọng trong khu vực.
Cả hai bên Qatar và Châu Âu đều nhìn thấy điểm mạnh cũng như điểm yếu của nhau và sẽ còn tận dụng lẫn nhau. Chuyện Qatar dùng tiền để hối lộ để thực hiện những tham vọng lớn của mình không phải là chuyện gì mới với dư luận ở phương Tây. Vụ nghi án tham nhũng trong Nghị Viện Châu Âu trở nên một vụ việc tế nhị của EU.
Phương Tây, thế lực lớn đang thoái trào
Vẫn liên quan đến vấn đề tranh giành ảnh hưởng địa chính trị, báo Le Figaro có bài "Những thế lực tầm trung tìm kiếm ảnh hưởng", đề cập đến một thực tế : trong khu vực vùng Vịnh cũng như ở Châu Á hay Châu Phi, ngày càng có nhiều nước không còn theo chính sách đối ngoại của phương Tây nữa.
Theo bài báo, từ nhiều năm nay, sự thoái lui của Hoa Kỳ hay của thế giới phương Tây đã đẩy nhiều nước chậm phát triển cũng muốn có được tiếng nói và vai trò nhiều hơn trong các hồ sơ quốc tế. Từ vùng Trung Đông đến Châu Á qua Châu Phi, xu hướng thay đổi đồng minh đang bùng phát nhất là từ khi nổ cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine.
Khu vực Trung Cận Đông không còn là vùng đất ảnh hưởng hay sân sau của Hoa Kỳ nữa. Một loạt các quốc gia nhỏ bé ở khu vực những năm qua dần ngả sang Trung Quốc vì lợi ích kinh tế. Theo các chuyên gia được bài báo trích dẫn, các nước trong khu vực muốn đóng vai trò quan trọng hơn và tham dự vào các cuộc đối thoại toàn cầu, nên họ tự chọn cho mình các đồng minh tùy theo lợi ích của từng nước.
Những nước lớn như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, hay ở Đông Nam Á có Indonesia, giờ cũng đều có xu hướng bảo vệ chủ trương đa liên kết, từ chối chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc hay Nga…
Còn ở Châu Phi thì xu thế ngày càng rõ nét. Nhiều nước không ngần ngại theo hẳn Nga để đấu tranh thay đổi trật tự quốc tế và chấm dứt sự thống trị của phương Tây. Cuộc xâm lược của Nga và Ukraine lại là chất xúc tác gián tiếp kích thích tình cảm chống Châu Âu và chống Mỹ ở một số nước. Tóm lại bài báo kết luận "phương Tây, một đại cường đang tụt hậu".
Trung Quốc : Tăng trưởng giảm vì Covid
Liên quan đến chủ đề kinh tế, nhật báo Les Echos cho hay : Trung Quốc trả giá đắt về kinh tế do xử lý lộn xộn dịch Covid 19.
Theo tờ báo, ngày hôm qua (20/12) Ngân Hàng Thế Giới đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm sút mạnh do dịch Covid bùng phát trở lại nhanh chóng, hậu quả của việc từ bỏ đột ngột chính sách "zero Covid". Theo số liệu của Ngân Hàng Thế Giới, tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2022 ở vào khoảng 2,7% và 4,3% vào năm 2023. Sau các cuộc biểu tình phản đối của dân chúng hồi tháng 11 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã vội vã gỡ bỏ một loạt biện pháp hạn chế y tế được áp dụng từ đầu đại dịch. Việc làm đó đã kéo theo một làn sóng nhiễm Covid chưa từng có. Các hoạt động kinh tế của Trung Quốc có nguy cơ sẽ bị đình trệ trở lại vì đợt dịch mới bùng lên. Năm ngoái kinh tế Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng 8,1%.
Châu Âu : Tiết kiệm năng lượng cũng thành mối lo
Vẫn liên quan đến vấn đề kinh tế như tại Châu Âu, Nhật báo Le Figaro cho biết nhu cầu năng lượng của Châu Âu giảm bất ngờ. Nếu như cách đây vài tháng, vì lo đối phó với tình trạng khan hiếm năng lượng do chiến tranh tại Ukraine, Liên Hiệp Châu Âu đã tìm mọi cách tiết kiệm tiêu thụ khí đốt và điện, để qua được mùa đông khắc nghiệt, thì giờ đây khi tiêu thụ giảm, Liên Âu không mừng mà lại lo, vì đó là dấu hiệu không tốt cho hoạt động kinh tế. Liên Hiệp Châu Âu trong tháng 11 đã giảm 20% tiêu thụ khí đốt và 10% tiêu thụ điện so với cùng thời gian của năm trước. Giảm tiêu thụ năng lượng là do giá đắt, các công ty công nghiệp đã phải cắt giảm sản xuất để tiết kiệm. Bên cạnh đó, giá trị của các ngành năng lượng trên thị trường chứng khoán cũng bị giảm theo.
Vẫn trong nỗ lực đối phó với khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, nhật báo Les Echos cho hay, Châu Âu đang trở lại với năng lượng hạt nhân sau một thời gian có xu hướng tìm cách cắt giảm vì lo ngại về an toàn. Nhưng vẫn lại là cuộc chiến tranh ở Ukraine đã một lần nữa làm năng lượng hạt nhân được quan tâm trở lại. Một loạt nước như Hà Lan, Thụy Điển, Pháp và Ba Lan đang chủ trương khởi động lại các dự án xây mới các nhà máy điện hạt nhân trong những năm tới.
Cúp bóng đá thế giới 2026 hoành tráng và sinh lời nhất lịch sử
Cúp bóng đá thế giới đầu tiên ở đất nước Ả Rập, Qatar vừa khép lại với Cúp vàng về tay đội tuyển Argentina. Thế giới bóng đá hướng về kỳ World Cup tới, 2026. Le Figaro cho biết : Đây sẽ là kỳ Cúp thế giới hoành tráng nhất từ trước tới nay, Cúp thế giới 2026 sẽ có 48 đội tham gia, các cuộc thi đấu sẽ được tổ chức trên các địa điểm ở 3 múi giờ của 3 quốc gia : Mỹ, Canada và Mexico.
Cúp bóng đá thế giới 2026 ở Bắc Mỹ sẽ có nhiều đội tham dự, nhiều trận đấu và thu nhập cũng nhiều hơn. Nếu như ý tưởng Cúp thế giới 48 đội tham dự là để có thêm "nhiều nước đạt được mơ ước", thì giải đấu cũng sẽ giúp FIFA tăng thêm thu nhập, dự kiến khoảng 640 triệu đô la. Ngân sách dự trù cho World Cup khoảng 11 tỷ đô la. Các nước đồng tổ chức hứa hẹn đây sẽ là "Cúp thế giới sinh lời nhất lịch sử".
Anh Vũ
Cựu tổng thống Donald Trump vẫn chưa chấp nhận kết quả bầu cử năm 2020. Trên mạng xã hội Social Truth ngày 03/12/2022, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ đánh giá bầu cử "gian lận (ở quy mô lớn) nên cần chấm dứt toàn bộ các nguyên tắc và quy định (…) kể cả trong Hiến pháp".
Donald Trump phát biểu tại tư dinh Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, Hoa Kỳ ngày 15/11/2022. © Jonathan Ernst / Reuters
Hai năm sau cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2020, Donald Trump vẫn quy trách nhiệm cho các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ "hợp tác chặt chẽ với bên Đảng Dân Chủ" tạo thuận lợi đưa Joe Biden vào Nhà Trắng. Do vậy, theo ông, "những nhà lập pháp vĩ đại" của Hoa Kỳ sẽ "không muốn và không chấp nhận các cuộc bầu cử sai trái và gian lận".
Đài truyền hình Mỹ CNN cho rằng Donald Trump kêu gọi dẹp bỏ bản Hiến Pháp, hủy kết quả bầu cử tổng thống 2020, để có thể trở lại cầm quyền. Nhưng tuyên bố này nuôi dưỡng các thuyết âm mưu.
Một ngày trước phát biểu của cựu tổng thống Trump, mạng xã hội Twitter đăng tài liệu về những hành vi "đàn áp tự do ngôn luận" trên mạng xã hội vừa thuộc về nhà tỷ phú Elon Musk. Hồ sơ tập trung vào một bài báo trên New York Post hồi tháng 10/2020, tức một tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cách nay hai năm. Nội dung bài viết cáo buộc Hunter Biden, con trai ứng viên Joe Biden, đối thủ của Trump, lạm dụng uy tín, giúp thân phụ của ông liên hệ với một doanh nhân Ukraina. Cách nay hai tuần, Donald Trump vừa thông báo lại ra tranh cử tổng thống Mỹ. Đầu tuần này, cựu tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ những người đã xông vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ hôm 06/01/2021 trên đồi Capitol.
Nhà Trắng lập tức mạnh mẽ chỉ trích tuyên bố của cựu tổng thống Trump. Phát ngôn viên phủ tổng thống Hoa Kỳ Andrew Bates cho rằng "tấn công vào bản Hiến Pháp" Mỹ là điều "không thể chấp nhận" được.
Thanh Hà
Khi đối diện với một trong những ứng cử viên Cộng hòa đang chạy đua trong đảng, Tổng thống Joe Biden sẽ bất lợi khi bị so sánh về tuổi tác. Ông Trump chỉ trẻ hơn ông Biden ba tuổi không có lợi thế đó.
Nhưng Donald Trump đã tuyên bố tái tranh cử, đảng Cộng hòa khó ngăn cản. Điều duy nhất họ có thể làm được là đầu năm tới sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu "thí nghiệm" ở một số tiểu bang nơi ông Trump không
Có thể đoán trước, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, bất cứ ứng cử viên nào của đảng Cộng hòa cũng hy vọng thắng ông Joe Biden, trừ ông Donald Trump ! Ông Trump đã tuyên bố sẽ ra tranh cử, nhưng ông cũng đọc báo và biết các cuộc nghiên cứu dư luận, thấy rõ ràng mình rất khó đắc cử lần nữa. Vào phút chót, ông sẽ tìm ra lý do để "không thèm tranh cử" nữa.
Cử tri Cộng hòa hâm mộ ông Trump vẫn lên tới 80% nhưng số người muốn ông tranh cử năm 2024 thì chỉ hơn 60%. Các chính khách công khai tỏ thái độ nghi ngờ. Các thống đốc Cộng hòa họp ở Orlando, Florida, mà không một người nào ghé chào ông ở Palm Beach. Không một nghị sĩ Cộng hòa nào có mặt khi ông công bố ý định tái tranh cử. Ngược lại, cùng lúc đó, họ bỏ phiếu tiếp tục tín nhiệm Nghị sĩ Mitch McConnell, mặc dù ông Trump đã đả kích, chế nhạo cả hai vợ chồng ông trưởng khối đối lập ở Thượng viện. Những tỷ phú thường góp cho quỹ tranh cử của ông Trump cũng đang tìm người khác.
Trong cuộc họp của Liên minh Cộng hòa gốc Do Thái (Republican Jewish Coalition) ở Las Vegas tuần này, nhiều chính khách tỏ ý muốn thay thế ông Trump. Chris Christie, thống đốc New Jersey không ngần ngại nói thẳng rằng ông Trump làm giảm uy tín của đảng, "đã tới lúc ngưng không nói thì thầm nữa, đến lúc không e sợ một cá nhân nào nữa !"
Ông Chris Christie nhắc đến ba cuộc bỏ phiếu, năm 2018, 2020 và 2022, "Chúng ta thua, thua,và thua liên tiếp. Và sự thật là chúng ta thua vì Donald Trump". Chris Sununu, thống đốc New Hampshire, nhận định, "Ông ta đang đi xuống mức thấp nhất, và sẽ không kéo lên được nữa".
Cựu chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan, đã rút khỏi chính trị sau khi đụng độ với ông Trump năm 2017, tuyên bố, "Bây giờ chúng ta đều biết rằng vì ông Trump mà đảng Cộng hòa thất cử. Còn dính đến ông ta là còn thất cử".
Mike Pompeo, nguyên bộ trưởng ngoại giao chính phủ Trump, trong một thông điệp tuýt đã nhại lời ông Trump nói ông luôn luôn chỉ có thắng, "thắng mãi đến nỗi phát chán", để mỉa mai, "Bây giờ thì tôi phát chán vì thua mãi !"
Larry Hogan, thống đốc Maryland cũng nói tương tự. Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ ở Liên Hiệp Quốc và từng đắc cử thống đốc South Carolina hai lần, tuyên bố bà sẽ tranh cử vì "cần một thế hệ những người lãnh đạo mới".
Cùng với Ron DeSantis, thống đốc Florida và Phó Tổng thống Mike Pence, trên đây là danh sách những người đang chuẩn bị giành vai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024. Nhiều cố vấn đã khuyên ông Trump không nên tuyên bố tranh cử năm 2024 trước cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. mà trước đó ai cũng nghĩ đảng Cộng hòa sẽ đại thắng. Ông không nghe, làm theo ý mình. Ai cũng cho là đảng Cộng hòa không chiếm được đa số ở Thượng viện và thắng rất nhỏ ở Hạ viện vì các cử tri độc lập tỏ thái độ chống ông Trump. Vì thế, ai cũng nóng lòng bày tỏ ý định thay thế ông Trump trong trận đấu 2024.
Ông Chris Christie đã có kinh nghiệm. Năm 2012 ông là một ngôi sao đang lên trong đảng, có triển vọng ra tranh cử với Tổng thống Barack Obama, nhưng ông dè dặt và chậm chạp quá. Khi ông tuyên bố muốn tranh cử thì đã trễ : ông Mit Romney, nguyên thống đốc Massachusetts nhập cuộc trước rồi ; được các tỷ phú ủng hộ đảng Cộng hòa nhiệt liệt đóng góp vào quỹ tranh cử.
Cựu Phó Tổng thống Mike Pence ở một địa vị rất tế nhị vì phải chứng tỏ mình xứng đáng hơn ông Trump, sau bốn năm đóng vai phụ. Ngày Chủ nhật vừa qua, ông nói khéo léo trên đài NBC về cuộc bầu cử quốc hội : "Các ứng cử viên chú tâm đến các vấn đề trước mắt của dân chúng và các giải pháp trong tương lai sẽ được mọi người ủng hộ. Ứng cử viên nào chỉ chú ý đến quá khứ, ứng cử viên còn lo tranh tụng về cuộc bỏ phiếu năm 2020 thì thất bại".
Nhận xét trên có thể dùng để phán đoán các ứng cử viên đang muốn đại diện đảng Cộng hòa năm 2024. Phần lớn họ đang chú ý làm cách nào qua mặt được ông Trump trong cuộc chạy đua sơ bộ trong đảng. Phần lớn chỉ tấn công vào tánh tình, hành động của cá nhân ông Trump, đặc biệt lúc ông ngồi coi ti vi trong khi trụ sở quốc hội bị tấn công ngày 6 tháng 1 năm 2021. Họ chưa chứng tỏ được mối quan tâm của mình trước các vấn đề của nước Mỹ, cũng chưa đưa ra một chương trình cụ thể để phục hồi kinh tế, chống lạm phát, tạo thêm công việc làm, cải tổ chính sách di dân như thế nào, vân vân.
Nghị sĩ Rick Scott (Cộng hòa – Fla.), chủ tịch Ủy ban vận động bầu Thượng viện đảng Cộng hòa là người duy nhất đưa ra một chương trình đầy đủ, nhưng bị phần lớn các "chuẩn ứng cử viên" trên coi là đi quá xa, khó thu hút được đa số các cử tri độc lập.
Các chính khách trên cũng chưa tìm cách chinh phục những cử tri nhiệt liệt ủng hộ ông Trump dù ông nói hoặc làm bất cứ điều gì. Đó là thành phần cơ bản vẫn bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa, những người da trắng, lớn tuổi, không học đại học và phần lớn ở nông thôn.
Những người hăng hái xông ra muốn thay thế ông Trump đều dựa trên dư luận, biết rằng các cử tri Cộng hòa và những người độc lập không muốn ông làm tổng thống lần nữa. Công ty nghiên cứu dư luận Morning Consult cho biết 80% cử tri Cộng hòa ủng hộ ông Trump nhưng chỉ có 61% muốn ông tái tranh cử. Trong số các cử tri độc lập, 73% không muốn ông ra lần nữa.
Công ty YouGov thấy số người trong đảng Cộng hòa ủng hộ ông Trump tụt từ 81% xuống 77% trong một tuần, sau khi ông tuyên bố tranh cử lại. Số người muốn ông tái tránh cử từ 60% xuống chỉ còn 47%. YouGov hỏi các cử tri chọn lựa giữa ông Trump và Thống đốc Ron DeSantis, thấy tỷ số 46% - 39% nghiêng về phía ông DeSantis. Những cử tri tự nhận là bảo thủ cũng vậy, chọn ông DeSantis với tỷ số 51% - 33%. Công ty Edison Research phỏng vấn các cử tri đi bầu quốc hội vừa qua, thấy trong 10 người thì 6 người không có cảm tình với ông Trump. Ông là người duy nhất có thể thua khi tranh cử với ông Joe Biden. Một ứng cử viên Cộng hòa khác có thể thắng vì họ chiếm lại được lòng tin của các cử tri độc lập và các người Cộng hòa bất mãn với ông Trump.
The YouGov cũng tìm ra là 54% dân Mỹ nghĩ rằng ông Biden già quá, chỉ có 18% nghĩ rằng ông vẫn làm việc được. Trong số các cử tri độc lập, chỉ có 8% nghĩ như vậy, còn 51% lo rằng ở tuổi 82 vào năm 2024 ông khó đảm trách công việc của một tổng thống.
Khi đối diện với một trong những ứng cử viên Cộng hòa đang chạy đua trong đảng, Tổng thống Joe Biden sẽ bất lợi khi bị so sánh về tuổi tác. Ông Trump chỉ trẻ hơn ông Biden ba tuổi không có lợi thế đó.
Nhưng Donald Trump đã tuyên bố tái tranh cử, đảng Cộng hòa khó ngăn cản. Điều duy nhất họ có thể làm được là đầu năm tới sẽ tổ chức các cuộc bỏ phiếu "thí nghiệm" ở một số tiểu bang nơi ông Trump không mạnh. Nếu bỏ phiếu thử mà ông Trump liên tiếp thua Sununu ở New Hampshire, thua DeSantis ở Florida, thua Mike Pence ở Indiana, vân vân, thì ông sẽ tìm cách tránh. Ông luôn luôn có thể tuyên bố cả hệ thống tổ chức bầu cử bị lũng đoạn, rồi ông hãnh diện rút lui không tham dự cuộc chơi gian lận nữa.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 25/11/2022
Tổng thống Donald Trump đã tranh cử tổng thống hai lần, thắng một thua một. Như một võ sĩ không mệt mỏi, ông mới thượng đài đấu hiệp thứ ba, năm 2024. Trong đảng Cộng hòa chưa thấy ai có thể qua mặt ông khi bỏ phiếu sơ bộ, kể cả Ron DeSantis, thống đốc Florida. Trong đảng Dân chủ chưa biết có người nào sẽ thay Tổng thống Joe Biden hay không. Nếu Trump và Biden tái đấu, chưa biết ai thắng ai, nhưng trận đấu sẽ rất hào hứng !
Tổng thống Donald Trump tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024 ngày 15/11/2022.
Nhiều chính khách Cộng hòa đề nghị ông Trump không tuyên bố tái tranh cử trước ngày 6 tháng 12 khi tiểu bang Georgia sẽ bỏ phiếu chọn giữa Cầu thủ Herschel Walker, Cộng hòa và Nghị sĩ Raphael Warnock, Dân chủ. Nếu ông hoãn lại tới sau ngày đó thì Walker sẽ có cơ hội gây quỹ nhiều hơn, sau khi được 5 nghị sĩ Cộng hòa cùng lên tiếng ủng hộ. Nhưng ông Trump không quan tâm.
Chỉ có một đại biểu Cộng hòa đến dự cuộc họp báo tái tranh cử của ông Trump là Dân biểu Madison Cawthorn, tiểu bang North Carolina ; ông Cawthorn sắp về hưu vì không được đảng đưa ra tranh cử năm nay. Hai người con lớn của ông, Ivanka và Don Jr., cũng không có mặt.
Một lý do người ta mong ông trì hoãn là vì đảng Cộng hòa thua ở Thượng viện và thắng rất nhỏ ở Hạ viện trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, mà trước đó ai cũng tin rằng đảng sẽ thắng lớn. Trong sáu tiểu bang "ngang ngửa", những ứng cử viên nghị sĩ và thống đốc được ông Trump ủng hộ phần lớn đều thua. Người ta cho rằng ông Trump nên công bố ý định tranh cử trễ hơn, để công chúng quên những thất bại vừa qua.
Ông Trump đã cổ động cho các ứng cử viên thống đốc ở các tiểu bang Michigan và Pennsylvania, cả hai đều thất bại. Ở Pennsylvania, ứng cử viên thống đốc Doug Mastriano theo ông Trump lớn tiếng phủ nhận kết quả cuộc bỏ phiếu năm 2020 và chống phá thai kịch liệt, thua đối thủ 14%, vì thế đã kéo theo Mehmet Oz, một người có nhiều triển vọng thắng.
Theo nhật báo Wall Street Journal dựa trên nghiên cứu của AP VoteCast, năm nay các cử tri Cộng hòa đi bầu đông hơn, chiếm 49% tổng số, còn đảng Dân chủ chỉ chiếm 43%. Riêng trong cuộc bỏ phiếu bầu Thượng viện, Cộng hòa cũng đông hơn, chênh lệch 5% ở Pennsylvania, 8% ở Georgia và 11% tại Arizona. Dù có ưu thế đó, các ứng cử viên Cộng hòa vẫn thua ở hai nơi, và tại Georgia sẽ phải bỏ phiếu lại. Ông Oz thua đối thủ John Fetterman 19% số phiếu của những cử tri độc lập, và 8% các cử tri Cộng hòa.
Các cử tri độc lập, không theo đảng nào thường quyết định kết quả bầu cử. Các đảng chính trị thường chỉ được 30% các cử tri độc lập tin tưởng, 50% không tin, theo AP VoteCast.
Năm 1994 đảng Cộng hòa đã chiếm 14% phiếu của cử tri độc lập, năm 2010 chiếm được 19% cho nên đã kiểm soát quốc hội. Đối lại, năm 2006 đảng Dân chủ chiếm 18%, và năm 2018 được 12% các cử tri độc lập ủng hộ, chiếm lại được Hạ viện.
Trong cuộc bỏ phiếu năm nay, các cử tri độc lập bầu cho đảng Dân chủ 4% nhiều hơn đảng Cộng hòa trong cả nước Mỹ, theo AP VoteCast. Tại Pennsylvania,18% nhiều hơn, ở Georgia 28% và tại Arizona 30% nhiều hơn, đã quyết định kết quả sau cùng.
Tại Arizona, ứng cử viên Blake Masters được Tổng thống Trump ủng hộ đã thua 30% phiếu của các cử tri độc lập và cũng kém đối thủ 14% phiếu của các cử tri Cộng hòa, chỉ được 2% các cử tri Dân chủ ủng hộ, chịu thua Nghị sĩ Mark Kelly. Ông đã tranh cử với đề tài phủ nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, không coi ông Biden là tổng thống chính đáng. Nhiều ứng cử viên Cộng hòa cũng tranh cử với đề tài phủ nhận như ông Masters và cũng thất bại tại sáu tiểu bang mà ông Trump muốn lật ngược kết quả.
Các cử tri độc lập có vẻ đã chán nghe những lời tố cáo gian lận bầu cử. Hàng chục tòa án đã bác bỏ đơn kiện của những người ủng hộ Tổng thống Trump, trong đó có các quan tòa do ông Trump bổ nhiệm.
Tấn công cuộc bầu cử năm 2020 là gian lận không còn hấp dẫn nữa. Vì vậy, ngay trong bài diễn văn công bố ra tranh cử năm 2024, cựu Tổng thống Trump cũng không nói một câu nào về vấn đề đó nữa ; chứng tỏ ông biết rút kinh nghiệm và tự kiềm chế.
Ông Donald Trump là một trong 10 vị tổng thống Mỹ đã thất cử sau một nhiệm kỳ, như các ông William Howard Taft, Martin Van Buren và George H.W. Bush. Nhưng ông Trump là người thứ nhì đã kéo theo cả đảng cùng xuống như mình, giống Tổng thống Herbert Hoover người lãnh đạo nước Mỹ trong thời khủng hoảng kinh tế 1930.
Ông Trump đã thay đổi nhiều đường lối căn bản của đảng Cộng hòa. Về kinh tế, đảng Cộng hòa vẫn đề cao tự do mậu dịch như một tín điều của chủ nghĩa tư bản, ông Trump chủ trương bảo hộ hàng nội hóa, đánh thuế nặng hàng nhập cảng. Từ thời Tổng thống Eisenhower Cộng hòa vẫn chủ trương phải cân bằng ngân sách, nhưng ông Trump đã đưa tới tình trạng khiếm hụt cao kỷ lục sau 4 năm cầm quyền. Các nhà chính trị Cộng hòa phải chấp nhận những đường lối của ông Trump vì ông có sức hấp dẫn lớn đối với các cử tri luôn luôn ủng hộ đảng ; phần lớn là những người da trắng, ở miền quê, lớn tuổi.
Các cử tri căn bản trên ủng hộ ông Trump không phải vì các chính sách của ông, ngoài thái độ chống di dân và chủ trương bảo hộ hàng nội hóa. Mối quan hệ giữa hai bên, người lãnh đạo và quần chúng, dựa trên tư cách cá nhân và sức thu hút cảm tình. Vì vậy, những người chống ông bằng cách vạch ra các chính sách họ coi là sai lầm cũng không làm cho ông mất phiếu. Những thất bại của ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm nay, mà nhiều người coi ông Trump gây ra, cũng không ảnh hưởng gì tới những cử tri căn bản đã tin tưởng vào ông.
Đối với các người ủng hộ ông, ông Trump đóng vai trò đặc biệt, vừa là một "người hùng" tự nhận là một "thiên tài ổn định", lại vừa là một "nạn nhân" bị đánh phá, đả kích, bêu xấu vì ganh ghét. Ông kể tội kẻ thù của mình là "giới thượng lưu" (elites) nắm chiếm quyền hành ở nước Mỹ từ lâu nay. Các cử tri căn bản của ông cũng thấy mình bị bỏ quên, bị thua thiệt trong khi kinh tế Mỹ tiến bộ mấy chục năm qua, cũng coi "giới thượng lưu" đó là kẻ thù của chính họ !
Sau khi ông Trump đắc cử năm 2016, đảng Cộng hòa đã thua trong các cuộc bỏ phiếu năm 2018, 2020 và 2022. Họ có thể tiếp tục đi cùng ông vào năm 2024 hay không ? Nhật báoWall Street Journal nghiên cứu dư luận trong tháng 10, 2022, thấy 93% cử tri Cộng hòa hài lòng về thành tích của ông Trump trong 4 năm ở Tòa Bạch Ốc. Nhưng họ không hoàn toàn ủng hộ ông tranh cử lần nữa. Nhiều người thường giúp quỹ tranh cử của đảng Cộng hòa bắt đầu ngưng gửi cho ông Trump mà đóng góp cho Thống đốc Ron DeSantis, tiểu bang Florida. Nghị sĩ Jerry Moran (CH) được ông Trump ủng hộ và thắng cử tại Kansas trong tháng này, nhưng cũng không tỏ ý ủng hộ ông Trump tranh cử năm 2024.
Nhưng Đảng Cộng hòa không thể dễ dàng gạt Trump ra ngoài cuộc tranh cử năm 2024. Nếu họ chính thức đưa ra một ứng cử viên tổng thống khác, ông Trump vẫn có thể tranh cử với tư cách độc lập, không đảng phái, và thu hút mất nhiều phiếu cử tri. Đó là nỗi khó khăn của Cộng hòa, chưa thể đoán họ sẽ giải quyết ra sao !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 17/11/2022
Hoa Kỳ : Donald Trump giận dữ về việc bổ nhiệm công tố viên điều tra ông
Thanh Phương, RFI, 19/11/2022
Tối hôm 18/11/2022, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã rất giận dữ về việc chính quyền bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt để điều tra về ông trong hai vụ, trong đó có vụ bạo loạn đồi Capitol 6/1/2021. Trước đó, bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland đã giao nhiệm vụ cực kỳ "nhạy cảm" này cho Jack Smith, công tố viên hiện làm việc tại La Haye cho Tòa án đặc biệt về Kosovo.
Donald Trump phát biểu tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida, ngày 18/11/2022, sau khi bộ trưởng Tư Pháp Merrick Garland bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt điều tra về cựu tổng thống. AP - Rebecca Blackwell
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
Từ nhiều tuần qua và thậm chí từ nhiều tháng qua, Merrick Garland vẫn chịu nhiều áp lực đòi ông phải truy tố Donald Trump. Nhưng ông vẫn chủ trương phải tôn trọng tính độc lập của ngành tư pháp, đồng thời rất ý thức về tầm mức chính trị của những hồ sơ mà ông xử lý.
Ông đã được bổ nhiệm bởi Joe Biden, người đang nghĩ đến chuyện tái tranh cử thêm một nhiệm kỳ, còn Donald Trump thì cũng vừa tuyên bố ứng cử lần nữa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Như vậy, không phải là bộ trưởng Tư pháp sẽ quyết định có truy tố cựu tổng thống Mỹ hay không, mà quyết định sẽ thuộc về công tố viên đặc biệt, đặc trách việc đưa ra kết luận về hai vụ việc, trước nhất là vai trò của Donald Trump trong vu bạo loạn ngày 06/01/2021 nhằm đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020, và vụ các tài liệu mật bị đem ra khỏi Nhà Trắng trước khi bị FBI tịch thu tại tư dinh của ông Trump ở Mar A Lago.
Để đảm nhận vai trò đó, Merrick Garland đã chọn một nhân vật dày dặn kinh nghiệm. Jack Smith là người gốc New York và trong cương vị công tố viên, ông đã dẹp trừ được các băng đảng tại đây. Sau đó, ông đã đứng đầu một ê kíp khoảng 30 công tố viên chuyên về các vụ tham nhũng và gian lận bầu cử. Cho tới nay, ông làm việc ở La Haye để điều tra cho Tòa án Công lý Quốc tế về các tội ác chiến tranh ở Kosovo.
Jack Smith đã hứa sẽ làm việc một cách hoàn toàn độc lập, nhưng Donald Trump chưa gì đã không tin, tố cáo một sự bất công và báo trước là sẽ không cộng tác với công tố viên.
Thanh Phương
*************************
Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm công tố viên đặc biệt điều tra Trump
Reuters, VOA, 19/11/2022
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland thông báo bổ nhiệm Jack Smith làm công tố viên đặc biệt cho các cuộc điều tra về hành động của cựu Tổng thống Donald Trump, trong phòng họp báo của Bộ Tư pháp Mỹ ở Washington, Mỹ, ngày 18 tháng 11 năm 2022.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland ngày thứ Sáu bổ nhiệm Jack Smith, một công tố viên điều tra tội phạm chiến tranh, làm công tố viên đặc biệt để giám sát các cuộc điều tra của Bộ Tư pháp liên quan đến Donald Trump, bao gồm cả việc cựu tổng thống này xử lý các tài liệu nhạy cảm và nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.
Thông báo của ông Garland được đưa ra ba ngày sau khi ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, tuyên bố sẽ tái tranh cử tổng thống vào năm 2024. Ông Garland cho biết tư cách ứng cử viên của ông Trump, cũng như ý định tái tranh cử của Tổng thống Đảng Dân chủ Biden, khiến việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt là cần thiết.
Các công tố viên đặc biệt đôi khi được bổ nhiệm để điều tra các vụ án nhạy cảm về chính trị và họ thực hiện công tác của mình với một mức độc độc lập khỏi lãnh đạo Bộ Tư pháp.
Công tố viên đặc biệt Jack Smith (Ảnh : AP)
"Tiến độ của các cuộc điều tra sẽ không dừng lại hoặc trì trệ dưới sự giám sát của tôi", ông Smith nói trong một phát biểu. "Tôi sẽ suy xét một cách độc lập và sẽ xúc tiến các cuộc điều tra một cách nhanh chóng và thấu đáo hướng tới bất cứ kết quả nào mà các dữ kiện và luật pháp xác định".
Ông Smith sẽ giám sát cuộc điều tra về việc ông Trump xử lý các tài liệu của chính phủ sau khi rời Nhà Trắng vào năm ngoái và cuộc điều tra về những nỗ lực can thiệp vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa sau cuộc bầu cử năm 2020, ông Garland cho biết.
Ông Smith, một người độc lập về chính trị, cho tới gần đây từng là công tố viên trưởng của tòa án đặc biệt ở The Hague, được giao nhiệm vụ truy tố các tội ác chiến tranh ở Kosovo. Trước đó, ông giám sát bộ phận liêm chính công cộng của Bộ Tư pháp và từng là công tố viên liên bang và tiểu bang ở New York.
Đây là lần thứ hai trong vòng năm năm Bộ Tư pháp chỉ định một công tố viên đặc biệt để điều tra hành vi của ông Trump. Cựu giám đốc FBI Robert Mueller, được bổ nhiệm làm công tố viên đặc biệt vào năm 2017, đã thu thập bằng chứng về các liên lạc giữa ban vận động tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Trump và Nga, nhưng nhận thấy không đủ bằng chứng để truy tố.
Các đặc vụ FBI đã thu giữ hàng ngàn tài liệu của chính phủ, một số được đánh dấu tuyệt mật, từ tư gia ở Mar-a-Lago của ông Trump trong một cuộc lục soát được tòa án chấp thuận vào ngày 8 tháng 8. Các nhà điều tra cũng đang điều tra ông Trump về chuyện cản trở cuộc điều tra. Ông Trump đã đệ đơn kiện dân sự nhằm trì hoãn cuộc điều tra tài liệu mật và giữ một số tài liệu không cho các nhà điều tra tiếp cận.
Cuộc điều tra còn lại là cuộc điều tra quy mô lớn về một âm mưu bất thành của các đồng minh của ông Trump nhằm đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 bằng cách gửi hàng loạt danh sách đại cử tri giả tạo tới Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ và cố gắng ngăn Quốc hội xác nhận chiến thắng bầu cử của ông Biden.
Một đại bồi thẩm đoàn đang nghe bằng chứng trong vụ án đó, với các công tố viên ra trát buộc khai chứng cho các cựu luật sư hàng đầu của Nhà Trắng và các cố vấn thân cận của Phó Tổng thống Mike Pence.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 19/11/2022
Kết quả thắng thua trong cuộc bầu cử giữa kỳ thế nào vẫn chưa được phân định rạch ròi, nhưng có một "ứng viên" bị xem đã hoàn toàn thất bại lần này. Đó là cựu Tổng thống Donald Trump.
Hai năm qua, kể từ ngày rời Bạch Ốc, Donald Trump dành nhiều thời gian để vận động cho hàng trăm ứng viên Cộng hòa được chính Trump chọn lựa hay hậu thuẫn cho cuộc bầu cử vừa qua.
Hai năm qua, kể từ ngày rời Bạch Ốc, bên cạnh việc tiếp tục tấn công vào các định chế dân chủ lâu đời của Hoa Kỳ qua việc tiếp tục rêu rao về sự gian lận bầu cử tại Mỹ, cản trở vào công việc điều hành quốc gia của chính phủ đương nhiệm, tiếp tục thực hiện những hành động bị xem là phạm pháp, Donald Trump còn dành nhiều thời gian để vận động cho hàng trăm ứng viên Cộng hòa được chính Trump chọn lựa hay hậu thuẫn cho cuộc bầu cử vừa qua.
Trump làm điều này với một mục đích duy nhất là, chứng tỏ vai trò và quyền lực của mình, thao túng đảng Cộng hòa như một thái thượng hoàng và tìm kiếm, chuẩn bị đồng minh một khi tái tranh cử. Nhưng như kết quả cuộc bầu cử đã cho thấy, nó hoàn toàn không như Trump ảo tưởng về ảnh hưởng của mình. Hay nặng hơn, như nhận xét từ ngay giới truyền thông cánh hữu là, Donald Trump đã thất bại khi chẳng giúp được gì cho đảng Cộng hòa chiến thắng áp đảo như kỳ vọng.
Các ứng viên được Trump ủng hộ đã thắng hay thua như trong bất cứ các cuộc bầu cử thông thường nào khác. Tuy nhiên một số ứng viên do đích thân Trump chọn lựa và bơm tiền, dồn sức vận động tranh cử cho đến những ngày cuối cùng đã thất cử. Các nguồn tin cho biết đây là điều làm Trump thất vọng và giận dữ rất nhiều trong vài ngày qua.
Nhưng điều có lẽ làm Donald Trump giận dữ hơn là truyền thông cánh hữu đã không còn tường trình nhiều về các cuộc vận động bầu cử của Trump từ trước những ngày bầu cử và đổ lỗi cho Trump về sự thất bại của nhiều ứng viên đảng Cộng hòa theo sau cuộc bầu cử.
Thay vào đó, là những ca ngợi cho sự chiến thắng áp đảo của Thống Đốc Florida là Ron DeSantis, người được xem là ngôi sao mới của đảng Cộng hòa và là cái gai trong mắt của Donald Trump một khi DeSantis tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2024. Điều mà không có lý do gì ngăn cản DeSantis sẽ làm.
Trong bài xã luận đăng trên tờ New York Post ngay sau ngày bầu cử, tờ báo cánh hữu từng là đồng minh lâu năm của Donald Trump chạy tít "DeFUTURE, Ron DeSantis chứng tỏ ông là tương lai của đảng Cộng hòa". Ngay dòng đầu tiên, xã luận viết rằng, "Một ngạn ngữ xưa bảo chó cứ sủa nhưng đoàn lữ hành cứ đi. Phiên bản mới là Trump đóng vai chó sủa ồn ào và DeSantis vẫn bước đến chiến thắng". (An old proverb says that the dogs bark, but the caravan goes on. In an updated version, Donald Trump plays the noisy dog as Ron DeSantis marches to victory).
Không có gì nặng nề hơn cách ví von này.
Chưa hết, trong ngày thứ Năm 10 tháng 11 hôm nay, tờ báo này ra tiếp tục ra bài xã luận khác với cách chơi chữ ngay tựa bài rằng, "Trumpty, Dumpty", diễn nôm theo cách nói Việt Nam là "Trump đã xong hàng". Bên trên tựa là dòng chữ, "Don (gã không thể xây tường) đã té nặng, tất cả những người Cộng hòa có thể tập họp đảng về lại được chưa ?" (Don (who couldn’t build a wall) had a great fall — can all the GOP’s men put the party back together again ?).
Hay hiểu rõ hơn theo như bài viết là, Donald Trump đã hết thời và đã đến lúc đảng Cộng hòa và truyền thông cánh hữu cần tập họp lại dưới trướng một ngôi sao mới vì tương lai của đảng Cộng hòa, theo như cách gọi của New York Post và các hệ thống truyền thông cánh hữu khác hiện nay. Nhân vật đó không ai khác hơn là Thống đốc Ron DeSantis.
Thống đốc Ron DeSantis cùng vợ và các con - Die Presse/Welt
Ron DeSantis đã chứng minh là vậy khi chiến thắng áp đảo đối thủ tại Florida lần này với tỉ lệ gần 20%, cao gấp bội các tỉ lệ Trump có được trong các cuộc bầu cử tổng thống tại tiểu bang này trước kia và thu hút được thêm một số cử tri gốc Mỹ la tinh.
Ron DeSantis, 44 tuổi, tốt nghiệp Sử học và Luật khoa tại Đại học Yale và Harvard, từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. DeSantis đắc cử và là dân biểu Hạ Viện Hoa Kỳ từ năm 2012 cho đến khi đắc cử thống đốc Florida vào năm 2018.
Một hồ sơ nhân thân sáng giá thông lệ trên chính trường Hoa Kỳ về khả năng, học vấn lẫn sự phục vụ.
Chưa bàn đến phẩm cách, điều không được xem là quan trọng với đảng Cộng hòa.
Tên tuổi của DeSantis được nhắc đến nhiều, kể cả vô số những luật lệ hay hành động tạo ra nhiều tranh cãi kể từ khi đắc cử thống đốc Florida cho đến nay.
Bị xem là một chính khách Cộng hòa cực đoan và độc đoán với những chính sách bảo thủ, Ron DeSantis là một Donald Trump thứ nhì nhưng nguy hiểm hơn gấp bội phần do khả năng và cái đầu của ông ta, cũng như không nhiều kịch tính như Donald Trump.
Mặt khác, DeSantis cũng chưa tấn công và chỉ trích người đồng đảng hay giới lãnh đạo Cộng hòa như Donald Trump đã và đang làm, DeSantis sẽ dễ dàng tạo ra những liên minh và hậu thuẫn hơn khi ra tranh cử. Chính vì vậy, không ngạc nhiên nếu Ron DeSantis trở thành quân cờ sáng giá của một đảng Cộng hòa thực dụng và lắm mưu tính, nhất là theo sau kết quả cuộc bầu cử vừa qua.
Tất nhiên Donald Trump không phải là con người thực tế để hiểu và chấp nhận việc này nên có nhiều khả năng ông vẫn sẽ tuyên bố ra tái tranh cử tổng thống như các nguồn tin đã đưa. Một phần vì muốn níu kéo quyền lực và điều quan trọng hơn nữa là để đối phó với vòng vây pháp luật về những hệ lụy mà ông ta đã gây ra cho nước Mỹ.
Và đối thủ đầu tiên mà Donald Trump cần triệt hạ là Ron DeSantis. Trump và ban tranh cử đã thẳng thừng cảnh cáo DeSantis ngay sau ngày bầu cử rằng, hãy bằng lòng với chức vụ Thống đốc Florida, chớ (dại) ra tranh cử bởi Trump biết rõ mọi "thâm cung bí sử" của DeSantis hơn ai hết. Quảng cáo cho một kịch bản gay cấn đã được báo trước và tung ra như vậy.
Trumpty, Dumpty ! Donald Trump đã hết thời, "xong hàng".
Nhưng phía Dân chủ có lẽ đang mong Trump sẽ tuyên bố tái tranh cử. Và như vậy, cử tri sẽ có dịp chứng kiến những hồi kịch đấu đá, tấn công nhớp nhúa giữa Trump cùng Ron DeSantis hay các ứng viên khác để có dịp định rõ lại con người Donald Trump và các chính khách đảng Cộng hòa như thế nào.
Điều này chỉ có lợi cho đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2024.
Nhã Duy
12/11/2022
Không riêng nhãn hiệu Trump mà bất cứ nhãn hiệu chính trị nào, Cộng hòa hay Dân chủ đều có thể lợi dụng để kiếm tiền. Tên Joe Biden không được dùng nhiều vì nhãn hiệu Biden bán không chạy !
Từ khi ông nhậm chức tổng thống, giá trị của cái tên Trump lên cao vọt trong trường chính trị, mặc dù giảm xuống trong ngành địa ốc ; vì nhiều chủ nhà không muốn dùng một nhãn hiệu có người yêu, người ghét.
Đầu năm ngoái, một mạng thông tin và bình luận chính trị báo cho độc giả biết họ nhận được rất nhiều cú điện thoại yêu cầu ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump. Đó là những máy tự động gọi điện thoại (robocalls) có thể gọi đi hàng triệu nơi một lúc, người nghe muốn trả lời chỉ cần nhấn mấy cái nút là xong việc.
Nhiều cú robocalls gọi cho POLITICO nói ngay một mục tiêu rõ rệt, và cụ thể. Thí dụ, "Xin ông/bà tặng 100 đô la để vận động bắt công ty Twitter phải đưa Tổng thống Trump trở lại sử dụng diễn đàn. Có lúc điện thoại yêu cầu đóng góp một số tiền nhỏ để bảo vệ bức tường của Tổng thống Trump ở biên giới U.S.-Mexico, vì đảng Dân chủ muốn phá hủy. Tặng một số tiền tương đương, quý vị có thể "chặn đứng Kamala Harris và chủ nghĩa xã hội". Các cú điện thoại trên có khi kèm theo một câu do chính Tổng thống Trump nói, nghe đúng giọng của ông, trích từ một băng ghi âm nào đó. Nghe như thật !
Một công ty "tiếp thị viễn liên" (telemarketing) tạo những robocalls kiểu đó, đã quả quyết với nhà báo rằng "tất cả" tiền đóng góp đều được "chuyển thẳng tới Tổng thống Trump". Nhưng không ai biết người nào đứng ra tổ chức, cũng không thấy các ủy ban vận động (PAC) của ông Trump, như Save America PAC nhắc gì đến chuyện này.
Nhiều telemarketers khác nói họ làm việc tình nguyện không lương cho "Chiến dịch Hỗ trợ Lãnh đạo Mỹ" (Campaign to Support American Leaders PAC). Nhưng không thấy ban vận động này ghi danh với Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC, Federal Election Commission). Năm 2019 một PAC mang tên gần giống, "Hỗ trợ Lãnh đạo Mỹ" (không có chữ Campaign) đã xuất hiện để ủng hộ ông Trump nhưng đứng ngoài, không quan hệ với ban tranh cử của ông. Nhóm này có thật, năm 2020 đã gây quỹ được 2,5 triệu mỹ kim, và đã sử dụng 375.000 để cổ động người dân bỏ phiếu cho ông Trump ! Ngoài ra, họ không gửi đồng nào góp cho quỹ tranh cử của ông cả. Trả lời nhà báo POLITICO, ông Kelly Sadler, phát ngôn viên của ủy ban "Nước Mỹ trước hết" (America First super PAC) của chính ông Trump thật, nói rằng : "Chúng tôi không thể ngăn cản họ được".
Tổng thống Trump thừa biết thế nào cũng có người lạm dụng tên ông. Ngay từ khi kinh doanh địa ốc ông đã chủ ý biến tên của mình thành một nhãn hiệu được đăng ký đáng giá. Ông xây dựng Tòa Tháp Trump giát vàng lộng lẫy ở New York để cả thế giới phải biết đến. Sau đó ông cho thuê tên mình, tòa nhà nào muốn mang tên Trump phải trả lệ phí và bị kiểm soát coi có đàng hoàng hay không. Khi ông vay mấy trăm triệu tiền mở sòng bài, sòng bài mang tên ông cũng phải trả lệ phí, ngoài số tiền lương trả cho ông khi ông làm chủ tịch hay giám đốc. Đến lúc sòng bài thua lỗ khai phá sản, ông đã thu hồi nhiều hơn số tiền bỏ vào góp vốn, còn các ngân hàng đành mất nợ.
Từ khi ông nhậm chức tổng thống, giá trị của cái tên Trump lên cao vọt trong trường chính trị, mặc dù giảm xuống trong ngành địa ốc ; vì nhiều chủ nhà không muốn dùng một nhãn hiệu có người yêu, người ghét.
Trước cảnh những người lợi dụng tên mình để gây quỹ rồi cầm tiền bỏ túi, ông Trump đã chính thức cảnh cáo không ai được lợi dụng, nếu không sẽ bị kiện. Các dân biểu, nghị sĩ, đến các nghị viên thành phố hay quận cũng không được dùng tên ông để gây quỹ. Những tổ chức chính thức như Ủy ban Toàn Quốc đảng Cộng hòa (RNC, Republican National Committee) và các ủy ban tương tự nhắm gây quỹ cho các cuộc bầu cử Hạ viện (NRCC) và Thượng viện (NRSC), đều được luật sư của ông Trunp báo tin không được sử dụng tên hoặc hình ảnh của ông nếu không xin phép trước. Ông Justin Riemer, luật sư của RNC, đã nhắc nhở rằng họ có quyền nói đến ông vì ông là một nhân vật của công chúng (public figure) ; ông phải Trump đồng ý.
Một quỹ đáng tin cậy để những người hâm mộ góp tiền, "Save America PAC" là do ông Trump lập ra. Quỹ đã thu được khoảng 250 triệu đô la kể từ năm 2021, hầu hết chỉ ông Trump mới có quyền sử dụng.
Không riêng nhãn hiệu Trump mà bất cứ nhãn hiệu chính trị nào, Cộng hòa hay Dân chủ đều có thể lợi dụng để kiếm tiền. Tên Joe Biden không được dùng nhiều vì nhãn hiệu Biden bán không chạy !
Tháng Năm vừa qua ủy ban tranh cử của Tổng thống Trump đã công bố danh sách những nhóm lợi dụng tên hoặc hình ảnh ông để kiếm tiền. Trước đó, họ đã biết một tổ chức lấy tên "Liên minh Tổng thống" (The Presidential Coalition) do David Bossie lập ra, ông này đã làm trong ban vận động năm 2016 của ông Trump. Năm 2017 nhóm này quyên được 5 triệu đô la, rồi tới năm 2020 thâu được 13 triệu đô la. Phần lớn số tiền này dùng để chi phí cho công việc của nhóm, ông Bossie lãnh lương rất lớn, chưa kể các chi phí cho ông. Trong số 15,4 triệu đô la thu được trong hai măm 2017 và 2018, chỉ có 3% được dùng để vận động cho các ứng cử viên Cộng hòa.
Các khẩu hiệu ông Trump đưa ra và các biến cố liên quan đến ông đều dễ bị lợi dụng. America First là khẩu hiệu kiếm lời nhiều nhất. Không ai chiếm độc quyền dùng những chữ Anh thông thường này ! Năm 2020, trong sáu tháng một nhóm mang tên America First ở Florida gây quỹ được gần nửa triệu mỹ kim, phần lớn do những người ủng hộ 200 đô la trở xuống. Nhóm này không chi một xu nào để cổ động cho ông Trump hay các ứng cử viên Cộng hòa. Trong sổ sách các món tiền chi ra đều dùng để trả cho các công ty quảng cáo chuyên nghề đi quyên tiền ! Năm 2018 một PAC khác nêu danh ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa Javier Manjarres. Họ thu được 1,6 triệu đô la nhưng hầu hết dùng trả các chi phí tương tự.
Nhưng bất cứ chuyện gì, biến cố nào có liên can đến tên Trump đều "bán" được ! Thí dụ, khi FBI đến khám nhà ông ở Mar a Lago, rất nhiều trang Facebook lên tiếng đả kích chính phủ Biden và đảng Dân chủ. Họ không quên thống thiết kêu gọi "quốc dân đồng bào" góp chút tiền để chống "âm mưu chính trị hóa" cơ quan tư pháp ! Không biết ông Trump có nhận được một đồng nào từ đó hay không ! Những người đóng góp thường khi không nhớ mình đã cho tiền những quỹ nào.
Một người biết cách kiếm tiền nhờ liên hệ đến Tổng thống Trump là Stephen K. Bannon, một cố vấn chiến lược trong cuộc tranh cử năm 2016, đã làm việc ở Tòa Bạch Ốc chừng một năm. Ông Bannon, 68 tuổi, mới bị biện lý thành phố New York truy tố về nhiều trọng tội (felony) trong đó có các tội lừa đảo và rửa tiền.
Ông Bannon và vài người nữa đã thành lập tổ chức "Chúng ta Xây tường" (We Build the Wall Inc.), để gây quỹ, thâu được đến $25 triệu. Họ nói không ai lãnh một đồng lương nào cả vì sẽ dùng tất cả số tiền đó để xây tiếp bức tường biên giới Mexico. Nhưng cuối cùng mấy người đó đã sử dụng hàng triệu mỹ kim cho việc riêng. Năm 2021, trong những ngày cuối ở Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump đã ký lệnh ân xá cho ông Bannon, trong khi ông đang bị cảnh sát liên bang điều tra. Nhưng lệnh ân xá này không ảnh hưởng gì đến hệ thống tư pháp tiểu bang New York, nên ông Bannon sẽ phải hầu tòa. Những người chủ mưu lập We Build the Wall với ông, không được ân xá, đã nhận tội trước tòa liên bang để được xử án nhẹ.
Ông Stephen K. Bannon bị mấy người ở New York đã góp tiền cho ông đệ đơn kiện vì quá nổi tiếng, số tiền ông thu vào khá lớn. Nhưng ngoài ông ra còn rất nhiều người vẫn lợi dụng uy tín và tên hiệu, hình ảnh của Tổng thống Trump để sinh lợi. Những cụ già về hưu nay góp 75 đô la, mai góp 125 đô la, cho những quỹ nào họ cũng quên, không ai muốn điều tra để kiện cáo làm gì.