Kể từ ngày 14 tháng Chín năm 2018, một trong những doanh nghiệp mạng xã hội lớn nhất và được xem là uy tín nhất thế giới là Facebook đã phải mang một biệt hiệu chẳng hay ho chút nào : ‘Nàng dâu trưởng của nhà chồng Việt Nam’.
Bà Sandberg, COO của Facebook, điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện Mỹ, 5 tháng Chín, 2018, Washington.
Vì sao Nguyễn Mạnh Hùng trịch thượng răn đe Facebook ?
Sự thể trớ trêu là chính một quan chức cấp cao của Facebook - ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương – đã tự cột Facebook vào hình ảnh ẩn dụ ‘nàng dâu trưởng’ trong một cuộc làm việc với Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam vào trung tuần tháng Chín.
Tiếp theo lời chia sẻ ‘rất thích’ hình ảnh nàng dâu về nhà chồng mà Quyền Bộ trưởng Thông tin và truyền thông lấy làm minh họa, Simon Milner cho biết Facebook hiện đang làm dâu ở rất nhiều quốc gia và "Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng".
‘Dâu về nhà chồng’ là một ví von của Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khi ông Hùng mới đặt chân về Bộ trưởng Thông tin và truyền thông để tiếp nhận bàn giao từ Trương Minh Tuấn - quan chức mà chỉ thiếu chút nữa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ăn cắp đến hơn 8.000 tỷ đồng trong phi vụ ‘MobiFone mua AVG’, nếu không bị dư luận phát hiện và yêu cầu Bộ Chính trị đảng cầm quyền phải ngăn chặn hành vi tồi tệ này.
Từng phụ trách Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) của Bộ Quốc phòng trong một thời gian dài, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được xem là một trí thức xã hội chủ nghĩa có trình độ am hiểu sâu về máy tính và an ninh mạng. Chẳng bao lâu sau khi được Nguyễn Phú Trọng đặc cách chọn thay cho Trương Minh Tuấn, ông Hùng đã tỏ ra là người kế thừa y rập quan điểm ‘bảo vệ đảng đến hơi thở cuối cùng’ của người tiền nhiệm, đặc biệt trên mặt trận Luật An ninh mạng mới được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2019 và sẽ trở thành một vũ khí được đảng kỳ vọng có tầm ‘sát thương’ đủ mạnh nhằm dập tắt phong trào bất đồng chính kiến và phản biện đang sôi trào trên mạng xã hội. Tháng Mười tới, nhiều khả năng Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sẽ được ‘cắt cu’ tại kỳ họp quốc hội để chính thức trở thành không chỉ ‘sát thủ báo chí’ như Trương Minh Tuấn mà còn có thể là ‘sát thủ mạng’ như cái cách mà ông Hùng - một cách tự tin, thông minh và lọc lõi chính trị - đang siết dần vòng vây đối với hai gã khổng lồ Google và Facebook.
"Khi về làm dâu, cô gái đó sẽ phải tôn trọng các yếu tố văn hóa, truyền thống của gia đình nhà chồng. Điều này lại càng khắt khe hơn với một nàng dâu trưởng, khi sẽ phải làm gương cho những nàng dâu đến sau" - Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đáp lại ví von ‘nàng dâu trưởng’ của Phó chủ tịch Châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner, và phát ngôn không giấu nổi vẻ trịch thượng và cả gia trưởng này đã được các tờ báo đảng Việt Nam tô đậm một cách đầy chủ ý và mang tính chiến thắng.
Tự thân cấu tạo khuôn mặt và những gì thể hiện trên gương mặt của Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ rằng đây là một đối thủ khó chơi đối với Facebook : ông Hùng có lẽ không chỉ là một người đàn ông mang đặc tính gia trưởng mà còn bị xem là hơi cổ hủ khi tôn trọng một cách thái quá một số truyền thống và tập tục có từ thời phong kiến ở Việt Nam.
Vì sao Facebook ‘thành khẩn hợp tác’ với chính quyền Việt Nam ?
Không thấy báo chí nhà nước tường thuật về Simon Milner có phản ứng gì hay không sau lời răn đe trịch thượng của Nguyễn Mạnh Hùng.
Nói cách khác, Nguyễn Mạnh Hùng đã thắng một điểm quan trọng trước Facebook, cũng là để gỡ gạc phần nào đó sĩ diện của một nhà nước Việt Nam chỉ còn biết đi vay để đảo nợ nước ngoài nhưng vẫn chẳng thu được đồng nào trong tổng số hàng chục ngàn tỷ đồng mưu tính truy thu từ hoạt động kinh doanh chưa đóng thuế của Facebook tại Việt Nam trong nhiều năm qua.
Những tờ báo đảng lập tức hào hứng rút tít ‘Lãnh đạo Facebook cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam’, mà cụ thể là "Phó chủ tịch Facebook cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, hình thành nhóm làm việc chung giữa Facebook với cơ quan quản lý Việt Nam".
Vào tháng Tư năm 2017, khi người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn, báo đảng cũng khoa trương : "Bộ trưởng Trương Minh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao tinh thần thiện chí hợp tác của Facebook…". Khi đó, rất nhiều người bất đồng chính kiến và người hoạt động mạng xã hội ở Việt Nam đã không muốn tin vào lối tuyên truyền bị xem là ‘nhét chữ vào miệng’ và thường là đậm tính dối trá ấy.
Sự thật là trong ít tháng sau cuộc gặp của Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn với đại diện Facebook, kết quả "xóa tin xấu độc" vẫn không đạt như mong muốn của chính thể độc trị ở Việt Nam. Đến gần cuối năm 2017, ông Trương Minh Tuấn đã trở thành một trong những quan chức đi tiên phong, cùng với các quan chức của Bộ Công an và Bộ Tài chính, đòi hỏi các tổ chức mạng Facebook, Google… phải đặt máy chủ ở Việt Nam để "dễ quản lý", đồng thời tung ra một kế hoạch thu thuế đối với hoạt động của các tổ chức mạng này.
Kết quả là từ cuối năm 2017 đến nay, hiện tượng facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị gỡ nội dung và bị khóa đã trở thành số nhiều và liên tục. Tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như các vụ khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là "vi phạm tiêu chuẩn".
Cùng thời gian trên, giới tuyên giáo Việt Nam phổ biến thông tin cho biết vào năm 2017, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là "nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước" trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert - Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa.
Việt Nam là quốc gia bị Tổ chức Phóng viên không biên giới có trụ sở ở Pháp, cùng một số tổ chức nhân quyền quốc tế, liệt vào hạng 175/180 về tự do báo chí trên thế giới. Chắc hẳn "học tập kinh nghiệm" của chế độ độc đảng ở Trung Quốc trong việc "siết" và "đẩy đuổi" Google và chỉ cho các mạng xã hội hoạt động tại đất nước này nếu chịu nghe lời nhà cầm quyền Bắc Kinh, chính quyền Việt Nam cũng muốn tạo ra một "tác động mang tính răn đe" đối với mạng Facebook.
Ngày càng nhiều nhiều dư luận đặt câu hỏi : Phải chăng Facebook đã bắt đầu ‘thành khẩn hợp tác’ với chính quyền Việt Nam từ cuối năm 2017 ?
Vì sao Facebook - một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc "xóa tin xấu độc’ - mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội ?
Khi Xã hội dân sự đồng loạt phản ứng Facebook…
Đến tháng Tư năm 2018, đã có những bằng chứng đáng thuyết phục cho thấy tổ chức mạng Facebook đã "tiếp tay" cho chính quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận - được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982 và Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước này.
Ngày 9/4/2018, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook - ông Mark Zuckerberg - về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Một trong những bằng chứng rõ nhất được các tổ chức xã hội dân sự nêu ra là giám đốc Facebook tại Việt Nam là bà Lê Diệp Kiều Trang - con gái của một cựu quan chức cộng sản - đã nhiều lần thẳng tay cắt bỏ nhiều nội dung phản biện xã hội và tố cáo giới quan chức của những facebooker.
Có thể xem bức thư ngỏ của 50 tổ chức xã hội dân sự gửi tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report" của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và "lực lượng 47" của Bộ Quốc phòng.
Vì dân chủ nhân quyền hay muốn làm ‘nàng dâu trưởng’ ?
Còn giờ đây, Facebook đang phải đối mặt với các cuộc điều trần căng như dây đàn tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Hơn một tuần trước khi Phó chủ tịch Facebook Simon Milner gặp gỡ Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một giám đốc phụ trách hoạt động (COO) và là nhân vật quyền lực thứ hai của Facebook - bà Sheryl Sandberg - đã phải trả lời những câu hỏi truy xét gắt gao của Thượng nghị sĩ Marco Rubio, khi ông hỏi về trường hợp khi các chính quyền độc tài yêu cầu Facebook ngăn chặn thông tin những chính quyền này cho là độc hại.
Marco Rubio cũng đề cập việc Việt Nam vừa thông qua Luật An ninh mạng, dự kiến sẽ đi vào hiệu lực đầu 2019 và sẽ yêu cầu Facebook lưu trữ dữ liệu người dùng tại nước sở tại và phải giao nộp cho chính quyền dữ liệu người dùng bị nghi ngờ hoạt động chống chính quyền.
‘Ông đề cập đến Việt Nam, chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam và trừ những trường hợp ngoại lệ với các mối đe dọa nghiêm trọng, chúng tôi không bao giờ cung cấp thông tin cho chính phủ Việt Nam, bao gồm cả thông tin về chính trị" - bà Sandberg trả lời.
‘Và qúy vị sẽ không bao giờ làm như vậy ?" - Thượng nghị sĩ Rubio hỏi - "Qúy vị sẽ không đồng ý làm như vậy để được hoạt động ?"
"Chúng tôi sẽ chỉ hoạt động ở một quốc gia mà chúng tôi giữ gìn được những giá trị của mình"
"Và điều này cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc ?"
"Điều đó cũng sẽ áp dụng cho cả Trung Quốc".
Đã rõ rằng Sheryl Sandberg đã có một cam kết trước Quốc hội Hoa Kỳ về các giá trị dân chủ và nhân quyền, đặc biệt là ‘không cung cấp thông tin’ để giải tỏa scandal trước đó về việc Facebook đã làm lộ thông tin của hàng triệu khách hàng trên thế giới.
Nhưng còn Phó chủ tịch Châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner thì sao ? Vẫn ‘cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam’ ? Và thậm chí còn muốn được làm ‘nàng dâu trưởng’ cùng thái độ lấy lòng giới ‘tư bản đỏ’ quá lộ liễu mà khó có thể hiểu khác hơn là ‘quỵ lụy nhà chồng’ ?
Phải chăng mối quan hệ ‘dâu về nhà chồng’ và ‘thành khẩn hợp tác’ trên là để đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam, vào tháng Tư năm 2018, đã gỡ quy định bắt các tổ chức mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam khỏi dự thảo Luật An ninh mạng ? Và đánh đổi lấy việc chính quyền Việt Nam sẽ nương tay trong đánh thuế Facebook ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 19/09/2018
Trong vô số bất hạnh đã và đang ập lên đầu người dân Việt, vẫn còn một chút ‘hồng phúc nước nhà’ : Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam vẫn nguyên trạng bế tắc đầu tiên về ‘tiền đâu’.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam - Hình minh họa.
Thu hồi vốn quá lâu hay tuổi thọ chế độ quá ngắn ?
Mùa thu năm 2018, một hội thảo giữa kỳ về dự án trên do Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan tư vấn tổ chức đã phóng ra con số dự toán lên đến gần 60 tỷ USD cho Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tương đương với tổng dự toán thu ngân sách của nguyên năm 2018.
Vào năm 2015, Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Bộ trưởng Đinh La Thăng - người đã thốt lên một triết lý để đời ‘Hãy đối xử với bị cáo như một con người !’ rồi giờ đây đang phải nằm khám với án tù giam 31 năm - "mồi" ngay sau khi dự án sân bay Long Thành với giá trị lên tới 15 tỷ USD đã được "tập thể Bộ Chính trị" bật đèn xanh lẫn Quốc hội cúi đầu bấm nút, bất chấp sự phản ứng rộng khắp của dư luận, đa số báo giới và đông đảo người dân.
Cơ cấu dự kiến ít nhất 80% của dự toán gần 60 tỷ USD làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam là từ ‘tiền trên trời rơi xuống’ - tức nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA.
Lẽ ra, cơ cấu trên có thể thay đổi theo hướng nguồn tài chính lấy từ đầu tư trong nước, nếu không phải từ một ngân sách tuy đang khủng hoảng thiếu ngoại tệ để trả nợ nước ngoài nhưng lại dư thừa tiền đồng được in ấn thừa mứa trên thị trường nội địa trong hàng chục năm qua, thì cũng được đổ ra bởi những tập đoàn kinh tế cá mập của tư nhân với điều kiện ‘đổi đất lấy hạ tầng cơ sở’ hay được trao đổi bởi những ưu ái đặc biệt lớn về chính sách.
Nhưng sau mọi bàn thảo và hội thảo, phương án ‘tiền đâu’ vẫn hoàn toàn bế tắc. Chẳng có mấy dấu hiệu những cá mập tư nhân chịu bỏ tiền ra, dù chỉ là tiền dồng, với lý do hết sức đơn giản là Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thời gian thu hồi vốn quá lâu, trong khi một lý do quá tế nhị khác không thể nói ra là liệu chế độ này còn tồn tại đủ lâu đến thế để giữ nguyên những chính sách ‘đặc cách trục lợi’ cho các nhà đầu tư thân quan chức.
Giờ đây, tất cả đều trông chờ vào nguồn ‘tiền từ trên trời rơi xuống’ - tức ODA.
Cạn nguồn vay hay bi kịch ‘vĩ đại’
Con số Việt Nam vay ODA của nước ngoài từ năm 1993 đến năm 2014 đã lên tới 80 tỷ USD. Sau khi trừ đi 10 - 12% vốn vay không hoàn lại trong số đó, mỗi năm ngân sách Việt Nam phải có trách nhiệm trả nợ quốc tế hàng chục tỷ USD. Mà muốn trả được số nợ này, Việt Nam lại phải tìm cách "vay đảo nợ" của các tổ chức tín dụng quốc tế. Trước đây, những tổ chức này vẫn cho Việt Nam vay vốn "đầu tư phát triển" và vay đảo nợ khá dễ dàng. Nhưng đến năm 2015, WB bất ngờ thông báo hai "tin buồn" cho Việt Nam : Việt Nam đã "tốt nghiệp IDA" mà sẽ không được xếp vào loại quốc gia "xóa đói giảm nghèo" ; và từ tháng 7/2017 sẽ không được vay với lãi suất ưu đãi 0,7 - 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn đến 30 - 40 năm như trước đây, mà mức lãi suất vay sẽ được nâng lên gấp ba và thời gian ân hạn giảm xuống một nửa.
Trong khi đó, ngân sách Việt Nam vẫn buộc phải làm cái chuyện vừa lo trả nợ vừa phải tiếp tục vay mượn vượt hơn đến 30% số trả nợ hàng năm để phục vụ các khoản chi tiêu thường xuyên khổng lồ của bộ máy gần 4 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang với 30% ‘không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương’. Trong đó tỷ lệ chi cho lực lượng công an ở Việt Nam lên đến 12% chi ngân sách - một mức chi cực kỳ lớn cho đội ngũ công an chuyên nghề đàn áp dân chúng và nhân quyền, chưa kể gần 5 tỷ USD chi cho bộ máy quốc phòng hàng năm nhưng không hề bảo vệ ngư dân khi bị tàu Trung Quốc tấn công, trong lúc lại lập kỷ lục thế giới về các vụ máy bay quân sự đắt tiền rụng như sung.
Sau hai chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua : từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.
Trừ phía Nhật, đến nay hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc. Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng kết quả vẫn cực kỳ nhỏ giọt.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận Tải hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một kênh hút tiền khác là phát hành trái phiếu quốc tế. Thế nhưng, sự thật trần như nhộng là kênh phát hành trái phiếu quốc tế cho tới nay đã hoàn toàn bế tắc. Nếu vào cuối năm 2015 chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt tuyên truyền cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giá trị 3 tỷ USD, thì đến giữa năm 2016 chính giới quan chức Bộ Tài Chính đã phải gián tiếp xác nhận rằng kế hoạch này đã phá sản. Từ năm 2009 đến nay, ngoài hai lần phát hành trái phiếu quốc tế được coi là "thành công" nhưng về thực chất đều do các tổ chức tài chính trong nước bị "ép" phải mua, không một chỉ dấu xán lạn nào cho thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài nào quan tâm đến "giấy lộn" của chính phủ Việt Nam. Bằng chứng sống động nhất là 500 hồ sơ mà Ngân Hàng Nhà Nước gửi chào đối tác nước ngoài về mua nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa nhận được một hồi âm nào cho tới nay.
Hoang tưởng giai đoạn cuối hay hồng phúc còn rơi rớt
Bí nguồn vay ODA chính là nguồn cơn vì sao vào kỳ họp quốc hội cuối năm 2016, một dự án "khủng" khác là điện hạt nhân Ninh Thuận - có số dự toán lên đến 10 - 20 tỷ USD, bất ngờ bị chính phủ tuyên bố "ngừng". Ngay lập tức, một số chuyên gia "phản biện trung thành" và báo đảng cất lời tụng ca "chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dũng cảm ngừng dự án này".
Đến cuối năm 2016, Bộ Tài Chính đã phải có văn bản trả lời về dự án đường cao tốc Bắc-Nam (một dự án ‘song sinh’ với Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam), trong đó đánh giá dự án này là "chưa có cơ sở", "không hợp lý", và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230.000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần 65% GDP.
Nhưng "nợ công đã sát trần" chỉ là một cách nói ma mị. Trong thực tế nếu tính cả nợ của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước - đối tượng do các bộ ngành chủ quản nắm vốn và thường được Chính phủ bảo lãnh vay vốn - nợ công quốc gia đã lên đến 210% GDP.
Còn giờ đây là số phận đen bạc của Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cũng là hồng phúc còn rơi rớt lại cho dân tộc Việt vì hầu như chắc chắn không phải gánh thêm 50 tỷ USD nợ công.
Hoang tưởng giai đoạn cuối vẫn thường là di căn dứt điểm của một thể chế chỉ biết ăn không biết làm. Ngay cả vào lúc nền kinh tế đã "chắc suất" bên bờ vực thẳm của nợ công và nợ xấu, còn nền ngân sách quốc gia lao xuống đáy của hoài mộng tìm đâu ra từng chục ngàn tỷ đồng để chi lương công chức, giới lãnh đạo quen mùi dự án hàng trăm ngàn tỷ vẫn nhuốm đầy ảo giác về "ăn ODA".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 17/09/2018
Hai hiện tượng vừa tương đồng vừa "bất đồng" vừa diễn ra cùng lúc tại "mặt trận Thủ Thiêm" ở Sài Gòn.
Từ ‘đánh giả’ đến ‘đánh thật’
Ngay sau ngày 7 tháng Chín năm 2018 là thời điểm cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa đồng loạt đăng tải không chỉ tin tức về bản kết luận kiểm tra này mà còn viết bài mổ xẻ nhằm truy cứu trách nhiệm của những cơ quan và quan chức trong giới lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều dấu hiệu và biểu hiện "ăn đất". Hiện tượng này là rất tương đồng với làn sóng báo chí ồ ạt đăng tải rất nhiều tin bài về Thủ Thiêm vào đầu tháng Năm năm 2018 ngay sau khi tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm bất ngờ bị vài phóng viên phát hiện là đã không cánh mà bay trong suốt nhiều năm trời.
Tuy thế, cuộc "khởi nghĩa Thủ Thiêm" của báo chí nhà nước vào tháng Năm năm 2018 đã chỉ tồn tại trong vỏn vẹn một tuần lễ. Sang tuần thứ hai, như bị một nốt giáng đột ngột, bản giao hưởng Thủ Thiêm bất thần biến mất khỏi mặt báo nhà nước. Khi đó, nhiều thông tin cho biết chính Ban Tuyên giáo trung ương của Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng – nhân vật mà vào tháng Năm năm 2017 từng hé ý muốn "đối thoại với những cá nhân bất đồng" nhưng lại tuyệt đối câm lặng từ đó đến nay – đã chỉ đạo báo chí phải "câm miệng" vụ Thủ Thiêm.
Lê Thanh Hải bị người dân và cả một số công chức gọi là "Hải Heo", là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất. (Hình : Báo Thanh Niên)
Cũng vào thời gian trên đã dậy lên nghi ngờ của người dân nghi ngờ về một "bí mật cung đình" không hẳn là thuyết âm mưu : sau khi đã có kết quả kiểm tra hoặc thanh tra và được báo chí đồng loạt lên tiếng tạo thành một cơn địa chấn đủ mạnh trong lòng xã hội, một thế lực chính trị – lợi ích nào đó sẽ lấy kết quả đó để tống tiền và ngã giá với những quan chức sắp bị tống vào "lò". Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc đó, lối thoát duy nhất của những quan chức tham nhũng là phải "ói ra", tức phải nhả ra nhiều lô đất vàng tại khu vực Thủ Thiêm cho nhóm lợi ích mới với giá cực thấp hoặc "cho không".
Nếu chịu "ói ra", sẽ chẳng có quan chức "ăn đất" nào phải trả giá, hoặc cùng lắm chỉ bị "cách hết mọi chức vụ trong quá khứ" như một động tác ma mị đối với dân chúng. Và cũng chẳng có đồng tiền bồi thường nào đến tay dân oan, mà tất cả sẽ chui vào túi của những kẻ tống tiền. Người dân cũng nghi ngờ phải chăng vào khoảng thời gian báo chí bị "khóa miệng", một nhóm quyền lực – lợi ích mới đang bí mật đàm phán với nhóm quyền lực – lợi ích cũ để "chuyển giao với giá rẻ" một phần lớn hoặc toàn bộ đất vàng ở Thủ Thiêm ?
Mối nghi ngờ trên càng trở nên có cơ sở khi kết luận thanh tra Thủ Thiêm đã nhiều lần bị giấu biến mà không công bố, mà trong khoảng thời gian gần đây nhất đã hai lần bị hoãn công bố sau thời điểm cam kết ngày 15 tháng Sáu và ngày 15 tháng Bảy.
Cũng vào thời gian trên, song song với một bản báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mà nội dung của nó là hoàn toàn vô trách nhiệm, không thừa nhận bất kỳ sai phạm nào trong vụ Thủ Thiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một kết luận chỉ đạo về vụ Thủ Thiêm, trong đó ông Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó Chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi "thay thế" Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ. Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ "sai sót" đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi "cố ý làm trái" và tham nhũng…
Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của thủ tướng chính phủ. (Hình : Youtube)
Nhưng đến đầu tháng Chín năm 2018, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ với tinh thần "được sự đồng ý của thủ tướng", đã như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm, tuy vẫn không có một cái tên quan chức sai phạm nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra này.
Bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn là một chỉ dấu khá rõ ràng cho thấy sau một thời gian "cân nhắc", Bộ Chính trịị hoặc ít ra cũng phải là một phần đa số trong "siêu bộ" này, đã quyết định "đốt lò" vụ Thủ Thiêm mà không để bị dư luận xã hội và mạng xã hội chỉ trích Bộ Chính trị "ăn tiền" của giới quan chức "ăn đất" ở Sài Gòn khiến vụ Thủ Thiêm chìm xuồng.
Vậy là hiện tượng "bất đồng" vào lúc này so với trước đây đang lộ ra : nếu vào tháng Năm năm 2018 có thể chỉ là "diễn" hay "đánh trận giả", thì nay lại có khuynh hướng "đánh thật".
Lên ‘bàn mổ’ và ‘của thiên trả địa’
Báo Thanh Niên, vẫn là tờ báo Thanh Niên ấy, tờ báo mà vào đầu năm 2017 đã nổ phát súng đầu tiên vào Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và một ủy viên bộ chính trị khi đó là Đinh La Thăng, giờ đây rút tít : "Sai phạm tại Thủ Thiêm, những ai liên quan ?". Theo báo này, kể từ khi Thủ tướng ký Quyết định số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm vào thời điểm 4 tháng Sáu năm 1996 đến nay, quá trình triển khai dự án trải qua 4 đời chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, gồm : ông Võ Viết Thanh (1996–2001), ông Lê Thanh Hải (2001–2006), ông Lê Hoàng Quân (2006–2015) và đương nhiệm là ông Nguyễn Thành Phong.
Như vậy là đã khá rõ ràng : sau một thời gian bị "xem xét tư cách đảng viên", sắp tới rất có thể một số gương mặt quan chức dính dáng trực tiếp đến vụ "ăn đất" ở Thủ Thiêm sẽ bị đưa lên "bàn mổ".
Cách đây 4 tháng, đã có những tờ báo chỉ mặt điểm tên các quan chức đứng đầu bảng về liên đới trách nhiệm phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm trong quá khứ : Nguyễn Văn Đua – Phó chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải – Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi từ Phó chủ tịch thành phố trở thành Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vào thời Lê Thanh Hải làm bí thư, Nguyễn Văn Đua đã nắm khối an ninh nội chính và mau chóng trở thành một "sát thủ" đối với giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Sài Gòn. Nguyễn Văn Đua bị "tố" là đã ký một quyết định về quy hoạch Thủ Thiêm mà đã vượt quyền khi phủ nhận cả quyết định trước đó của Thủ tướng chính phủ.
Còn Lê Thanh Hải – vào thời còn là Chủ tịch thành phố, đã "dọn đường" cho việc thay đổi quy hoạch Thủ Thiêm giải tỏa lố sang 160 hécta đất mà trước đó dùng làm khu vực tái định cư cho dân, đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.
Ở Sài Gòn, cái tên Lê Thanh Hải bị người dân và cả một số công chức gọi là "Hải Heo", là một trong những kẻ bị dư luận xã hội căm ghét nhất và lên án nhiều nhất.
Tiếp đến là Tất Thành Cang – người được xem là "đệ tử ruột" của anh Hai (Lê Thanh Hải), bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. Sau khi Lê Thanh Hải về hưu, Tất Thành Cang trở thành Phó Bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh và lại dính đậm ở một vụ "ăn đất" khác : Cang là người chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bán trái phép với giá bèo 32 hécta đất Nhà Bè cho tư nhân.
Cuộc tháo chạy tán loạn của đàn chuột bắt đầu…
Khoảng một tháng trước khi xuất hiện bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ, trên mạng xã hội chợt hiện lên một loạt bài viết của một tác giả ẩn danh, trực chỉ vào hai nhân vật Trần Vĩnh Tuyến – Phó Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, và Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh, với những hồ sơ kèm theo để mô tả một cách có bằng chứng về việc hai quan chức này đã không chỉ "ăn đất" ở Thủ Thiêm như thế nào mà còn "ăn" cả những vụ khác và nơi khác. Chỉ có điều, loạt bài viết trên, không hiểu vì nguyên do tế nhị gì, đã không đề cập đến "Hai – Ba – Sáu"’… (Hai Nhật – tức Lê Thanh Hải, Ba Đua – tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang – tức Tất Thành Cang).
Tất Thành Cang, bị người dân tố cáo là có công giúp Lê Thanh Hải cướp đất Thủ Thiêm và đàn áp dã man dân oan nơi đây. (Hình : Báo Tiền Phong)
Một số người phân tích đứng ở góc độ khách quan cho rằng loạt bài viết trên là nhằm "thí chốt" và chạy tội cho giới quan chức dư sức ăn nhưng quá kém sức chịu. Hoặc là một trò "đánh lộn tầm bậy" trong nội bộ giới lãnh đạo cao cấp trong thành ủy và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Quả thật, gần đây đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bức ảnh được chụp từ cự ly gần về những "lều đày tớ" quá đồ sộ và hoàng tráng của Tất Thành Cang và Nguyễn Văn Đua, hay cảnh Sáu Cang ăn nhậu với một số quan chức và báo chí cánh hẩu ngay trong nhà khách thành ủy… Chỉ có người trong nội bộ "‘đảng ta" mới có thể chụp gần như vậy.
Trong khi đó, Lê Thanh Hải kín đáo tung tích hơn. Nhưng rất nhiều người dân và công chức ở Sài Gòn cho rằng đây mới là "chuột cống" với vô số nhà cửa và đất đai tích góp được qua 15 năm làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Vài tờ báo đã bắt đầu nêu đích danh trách nhiệm Lê Thanh Hải trong vụ Thủ Thiêm.
Có một điểm thú vị là vào thời gian này cách đây tròn một năm, Đà Nẵng đã diễn ra cuộc chiến "hai cọp một rừng" giữa Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh với Chủ tịch Thành Phố Huỳnh Đức Thơ và liên quan đến "Thượng tá tình báo Công an Phan Văn Anh Vũ", kéo theo cuộc chiến loạn xạ giữa hai bè đảng tại "thành phố đáng sống nhất Việt Nam" này.
Sau Đà Nẵng, hẳn đang tiếp đến "đảng bộ anh hùng Thành phố Hồ Chí Minh" – như dự báo từ trước của không ít người. Đã đến lúc "của thiên trả địa", đã đến thời của những quan chức cướp đất của dân, "đi lên từ đất", phải "ói ra", nhưng cũng chưa chắc cứu nổi sinh mạng của chúng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 16/09/2018
Văn bản ký kết có tính giá trị duy nhất, tuy có thể chỉ mang tính tượng trưng chứ không hề thực chất, trong chuyến công du Cộng hòa liên bang Nga của Nguyễn Phú Trọng vào đầu tháng Chín năm 2018 chỉ là "Việt Nam đã đặt mua các vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga trị giá hơn 1 tỉ đôla" - theo hãng tin TASS của Nga.
Ông Trọng và tổng thống Nga, Putin, tại Sochi, Nga, 6 tháng Chín, 2018.
Còn trong toàn bộ các văn kiện được ký kết giữa phía Việt Nam và Hungary sau chuyến công du Hungary cũng của Nguyễn Phú Trọng vài ngày sau đó, người ta thấy duy nhất bản hiệp định liên chính phủ về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, ngoài ra chỉ là các bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, về hợp tác y tế, hợp tác giáo dục, hợp tác về ngành nước giữa Hungary với chính quyền một số tỉnh Việt Nam như Quảng Nam, Vĩnh Long, Thanh Hóa. Nhưng không thấy bóng dáng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) đâu.
Gấp 10 lần Mỹ (!?)
Con số 1 tỷ USD mà Việt Nam đặt mua vũ khí trong chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng gấp đến 10 lần so với hợp đồng đầu tiên của Bộ Quốc phòng Việt Nam mua vũ khí của Mỹ giá trị gần 100 triệu USD, được tiết lộ bởi cơ quan quốc phòng Mỹ ngay sau chuyến công du đến Mỹ vào đầu tháng Tám năm 2018 của Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ.
Cho tới nay, Nga vẫn là đối tác cung cấp đến 90% vũ khí chủ lực cho Việt Nam. Nhưng từ khoảng năm 2013 đến nay và đặc biệt gần đây, đã xuất hiện quan điểm trong giới chuyên gia quốc phòng rằng sẽ rất rủi ro nếu Việt Nam chỉ phụ thuộc vào một hay một số ít các đối tác, vì vậy Việt Nam nhất thiết phải đi tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và bổ sung thêm vào biên chế những khí tài có xuất xứ "ngoài Nga".
Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng từ 1,3 tỷ đôla lên đến 4,6 tỷ đôla (tăng 258%) trong vòng 10 năm, từ năm 2006 - 2015, và hiện thời chiếm khoảng 9% tổng chi ngân sách quốc gia.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều thông tin cho biết ngân sách quốc phòng phải "giật gấu vá vai" trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia có xu hướng cạn kiệt nhanh chóng và Việt Nam đặc biệt thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa và trả nợ nước ngoài.
Nói cách khác, Việt Nam đang rơi vào hố trũng hết tiền. Hết tiền cho nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển và cho cả quốc phòng.
Giá trị mang tính tượng trưng duy nhất về 1 tỷ USD Việt Nam đặt hàng mua vũ khí Nga cũng cho thấy về thực chất, chuyến đi Nga của Nguyễn Phú Trọng đã có thể chẳng thúc đẩy được hoạt động trao đổi thương mại hai chiều hay mở rộng thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, trong bối cảnh kim ngạch hai chiều Nga - Việt vẫn chỉ lẹt đẹt ở con số 3,5 tỷ USD/năm.
Cho dù giá trị đơn đặt hàng mua vũ khí từ Nga của Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ có 1 tỷ USD, nhưng trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang quá eo hẹp và đặc biệt đang thiếu ngoại tệ trầm trọng (một phần lớn ngoại tệ hiện thời phải dùng để trả nợ nước ngoài từ 8 - 10 tỷ USD mỗi năm), dấu hỏi rất lớn là Việt Nam sẽ tìm đâu ra 1 tỷ USD để mua vũ khí Nga ?
Vào năm 2016, để mua vũ khí của Ấn Độ, Việt Nam còn không có ngoại tệ mà phải nhờ vả vào nửa tỷ USD tín dụng quân sự cho mua chịu của nước này.
Ngơ ngáo EVFTA
Vào đầu năm 2017, Chủ tịch quốc hội Việt Nam là Nguyễn Thị Kim Ngân đã nhận được chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng để có một chuyến đi Hungary nhằm vận động chính phủ nước này ‘vận động Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sớm ký kết và thông qua EVFTA’. Tuy nhiên kết quả của chuyến đi này gần như là con số 0 : các quan chức cao cấp của Hungary đã không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA. Khi đó chưa nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức.
Cũng vào năm 2017, một quan chức cao cấp của chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có một chuyến "dân vận" ở Tây Âu và Đông Âu nhằm thuyết phục các nước châu Âu mau chóng chấp thuận cho Việt Nam được tham gia vào EVFTA. Tuy nhiên, các cuộc gặp của ông Vương Đình Huệ với giới chức Bỉ, Slovakia, Thụy Sĩ đều chỉ mang lại một kết quả chung chung : không có bất kỳ hứa hẹn, và càng không có bất kỳ cam kết miệng hay cam kết bằng văn bản nào từ giới chức các nước châu Âu về việc sẽ hỗ trợ Việt Nam vận động nhằm sớm thông qua EVFTA.
Tháng Ba năm 2018, ông Trọng đích thân đi Pháp. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất, hoặc chính là mục tiêu cao nhất trong chuyến công du này đã được xác nhận : vận động cho EVFTA được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu "linh hoạt sớm thông qua".
Nhưng trong "Tuyên bố chung Việt Nam - Pháp" - bản văn được phát ra báo chí sau bữa ăn trưa giữa Macron và Trọng, chứ không như Tuyên bố chung Việt - Mỹ được phát đi sau một cuộc hội đàm chính thức Obama - Trọng kéo dài đến hơn một giờ đồng hồ tại Phòng Bầu dục ở Washington vào tháng Bảy năm 2015, chỉ đề cập : "Hai bên bày tỏ mong muốn sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu trong năm 2018 và đưa Hiệp định vào thực hiện nhanh chóng, hiệu quả".
Cần chú ý, "Hai bên bày tỏ mong muốn…" luôn là một cụm từ thể hiện ý nguyện, thậm chí chỉ là một cụm từ thuần chất ngoại giao và xã giao chứ chưa hoặc không thể hiện tính hành động cụ thể. Có lẽ người Pháp đã tỏ thái độ thận trọng cần thiết khi dùng cụm từ này để hãm bớt sự nôn nóng muốn "ăn ngay" của giới chóp bu Hà Nội, với một hiệp định thương mại mà có thể cứu vãn nền kinh tế lẫn chân đứng của chế độ Việt Nam trong một khoảng thời gian ít năm nữa.
Có thể hiểu, "Hai bên bày tỏ mong muốn…" là tất cả những gì mà Nguyễn Phú Trọng đạt được về EVFTA trong chuyến công du Pháp. Thực tế quá đỗi sơ sài này, dù có được nêu trong "Tuyên bố chung Việt - Pháp" như một sự an ủi, cũng chẳng khác gì kết quả mà giới quan chức cấp cao của Việt Nam đã nhận, hoặc phải nhận, trong các chuyến "dân vận" giới chính khách châu Âu cho EVFTA vào năm 2017.
Khác hẳn với những chuyến ‘quốc tế vận’ của Nguyễn Thị Kim Ngân Vương Đình Huệ vào năm 2017, những chuyến công du Pháp, Nga và Hungary của Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018 lại diễn ra trong bối cảnh vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã trở nên tung tóe, biến thành một cơn địa chấn kéo từ Đức sang Slovakia và còn có thể lan ra cả Pháp, Ba Lan, Nga…
Với tư cách là một thành viên của khối Liên minh châu Âu (EU), hẳn Hungary đang rất thận trọng trong việc tiếp đón những phái đoàn, dù là do ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu, của một chính thể đang bị dư luận quốc tế lên án là đã nhúng tay trực tiếp vào vụ bắt cóc trên.
Và hẳn đó cũng là nguồn cơn vì sao đã không có bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy EVFTA được giới lãnh đạo Hungary hứa hẹn, hoặc cam kết, càng không có văn kiện ký kết với ông Nguyễn Phú Trọng, ít ra vào thời điểm này.
Hình như 2018 không phải là năm may mắn trong công tác đối ngoại của ông Nguyễn Phú Trọng. Từ Pháp đến Nga và Hungary, tất cả đều mờ nhạt.
Trừ một ấn tượng sáng chói từ một phát ngôn của ông Trọng : ‘Việt Nam - Hungary mãi mãi là bạn, là đồng chí của nhau’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/09/2018
Khi năm 2018 đã ngầy ngật kéo lê được 2/3 thời gian của nó, trừ kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được kế hoạch dự kiến bởi chính sách ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’, hai tử huyệt tài chính quốc gia khác là nợ công và nợ xấu vẫn không hề được thay hình đổi lốt.
Tượng đài Nguyễn Tất Thành và thân phụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Bình Định, 18/5/2017. (Ảnh chụp từ Báo Bình Định)
Sự dối trá ngọt ngào
"VAMC được cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, năm 2017 đã mua 3.200 tỷ đồng nợ xấu và dự kiến, năm 2018 mua khoảng 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng các tổ chức tín dụng đăng ký bán nợ cho VAMC khoảng 20.000 tỷ đồng, như vậy rất khó mua được các khoản nợ này", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) trần tình với gương mặt có vẻ nhăn nhúm khổ sở.
Lời trần tình trên mang hàm ý gì ?
Dù chỉ nêu vài số liệu nhỏ nhoi, nhưng cái cách trần tình của ông Nguyễn Tiến Đông đã một lần nữa, sau khoảng một tá lần thanh minh của những quan chức khác kể từ lúc VAMC được thành lập vào năm 2013, khẳng định một sự thật như đinh đóng cột : sau 5 năm hoạt động, VAMC đã hầu như không mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại cổ phần bằng ‘tiền tươi thóc thật’, nghĩa là hầu như không dùng tiền mặt được ngân sách nhà nước cấp để mua nợ xấu, mà chỉ mua… trên giấy.
Bản báo cáo của Ngân hàng nhà nước vào tháng Tám năm 2018 vẫn ‘phát huy thắng lợi’ đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% của thời thống đốc cũ là Nguyễn Văn Bình, trong đó liệt kê chủ yếu công trạng của VAMC khi đã ‘xử lý’ được vài trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu và lời trấn an của một số chuyên gia nhà nước về ‘nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát và chưa có gì đáng lo’.
Nhưng thực tế đã trái ngược với báo cáo đậm chất tuyên giáo một chiều của Ngân hàng nhà nước. Vào năm 2018, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đối mặt với tình trạng chung là quy mô nợ xấu đang tăng lên đáng kể bởi nợ xấu cũ dồn tích lại đến nay và nợ xấu mới phát sinh do tăng trưởng cho vay chứng khoán và bất động sản, khiến số dư nợ xấu tăng cao và có tới 12/17 ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm trước. Thống kê số liệu từ báo cáo tài chính của 15 ngân hàng niêm yết cho thấy tổng nợ xấu tăng 9,8% về quy mô so với thời điểm đầu năm.
Đặc biệt, tổng số nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn, tăng đến 17,9%, chiếm 54% tổng dư nợ, tăng gần 2 phần trăm so với hồi đầu năm 2018. Ở nhóm các ngân hàng niêm yết, VPBank hiện là ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao, chiếm gần 4,07% trên tổng cho vay, trong khi cùng kỳ năm ngoái ở mức gần 3,4%.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), tỉ lệ nợ xấu chiếm đến 6,48% tổng dư nợ, với quy mô 897 tỉ đồng. Với ở một ngân hàng có quy mô nhỏ như SCB, quy mô nợ xấu này về tuyệt đối cũng không lớn trên thị trường, nhưng lại quá cao về tỉ lệ tuyệt đối.
Diễn biến cũng tương tự ở các ngân hàng Techcombank, SHB, ACB…
Trong số hàng chục ngân hàng hoặc hơn thế đang vướng vòng ‘lao lý nợ xấu’, có những cái tên mà từ năm 2016 đến nay đã bị không ít dư luận cho rằng có thể rơi vào cảnh phá sản vào một ngày đẹp trời nào đó, sau những cái tên đi tiên phong là Ngân hàng Xây Dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu.
Ba ngân hàng tiên phong trên đều đã có thủ lĩnh bị ‘trảm’ với mức án từ từ vài chục năm đến chung thân và tử hình. Nhưng cho dù đã được thống đốc thời trước là Nguyễn Văn Bình đặc cách ‘mua ngân hàng với giá 0 đồng’ mà về thực chất là Ngân hàng nhà nước bỏ ra một khoản tiền lớn (lấy từ ngân sách - tiền đóng thuế của dân) để trám vào cái lỗ hổng kinh khiếp làm ăn thua lỗ và tham nhũng tại ba ngân hàng này, cho tới nay cả Xây Dựng, Đại Dương và Dầu khí Toàn Cầu đều không thể tự xử lý được nợ xấu, mà nợ xấu đã tăng vượt mặt tổng vốn điều lệ, khiến nguy cơ một sớm một chiều phải phá sản là thấy rõ.
Và cũng cần chú ý là tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng thương mại hiện thời - tuy vượt trên ngưỡng 3% nhưng vẫn chỉ ở mức 5 - 6%, tức chỉ là ‘nợ xấu nội bảng’, theo một thuật ngữ đặc thù của ngành tài chính Việt Nam. Trong thực tế, số nợ xấu này chưa tính đến phần nợ xấu mà ngân hàng đã ‘bán’ cho VAMC, tức bán trên giấy tờ, cũng vào khoảng 3-6% nữa.
‘Vũ điệu nhảy múa’ Dũng - Bình
Chẳng phải tự nhiên hay không có cơ sở mà ngay vào năm 2011, tức chỉ hai tháng trước khi Nguyễn Văn Bình trở thành thống đốc của Ngân hàng nhà nước, một cơ quan xếp hạng tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã nêu ra tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13%, gấp bốn lần số báo cáo của Ngân hàng nhà nước cùng thời điểm.
Đến đầu năm 2014, một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế khác là Moody's đột ngột công bố tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam lên đến 15%. Công bố này được phổ biến rộng rãi trên truyền thông thế giới và càng làm cho chính phủ Việt Nam khổ sở trên con đường minh bạch hóa chưa bỏ được thói bưng bít và bất nhất thông tin.
Về mặt triết học biện chứng của chủ nghĩa cộng sản, những con số nợ xấu từ thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình đến Thống đốc Lê Minh Hưng nêu ra là cực kỳ bất nhất và không thể tin được. Nếu vào cuối năm 2014 khi tình hình nguy ngập, lần đầu tiên Thống đốc Bình mới chịu công khai số nợ xấu là 500.000 tỷ, trong khi vào thời điểm năm 2013 Ngân hàng nhà nước chỉ công bố "láo" con số nợ xấu vào khoảng 150.000 tỷ đồng, thì con số nợ xấu mà đời lãnh đạo sau của ông Bình phải ‘đổ vỏ’ đã có thể lên đến 1,2 triệu tỷ đồng.
Vũ điệu nhảy múa số liệu nợ xấu của Ngân hàng nhà nước đã biến diễn đầy ma mị kể từ khi chính phủ mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được thành lập vào tháng Tám năm 2011. Từ đó đến nay, thống kê sơ bộ cho thấy đã có ít nhất 15 lần tỉ lệ nợ xấu được Ngân hàng nhà nước cho "khiêu vũ," với độ biến thiên từ 3% đến 17%.
VAMC ‘xử lý nợ xấu’ bằng cách nào ?
Khoảng thời gian 2014 - 2015 cũng mang một đặc thù chính trị nổi bật không thua gì nợ xấu bất khả thu hồi : ê kíp thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng và thống đốc ngân hàng khi đó là Nguyễn Văn Bình - chuẩn bị cho cuộc chạy đua đến đại hội 12 của đảng cầm quyền - đã khởi tạo một chiến dịch cưỡng ép nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ cho vay.
Cưỡng ép bằng cách nào ?
Vào năm 2014, Thống đốc Bình đã phát ra một sáng kiến là chỉ đạo cho VAMC gửi đến 500 bộ hồ sơ chào bán nợ xấu Việt Nam cho các tổ chức tài chính nước ngoài. Thế nhưng từ đó đến nay vẫn không có bất kỳ hồi âm chính thức nào từ các ‘đối tác tiềm năng’ về tư thế sẵn sàng ôm lại núi nợ xấu ấy, vô hình trung cũng làm tan hoang phong cách tuyên giáo ‘các đối tác nước ngoài phải xếp hàng để được mua nợ xấu của VAMC’.
Thay cho các ‘đối tác nước ngoài’, chính các ngân hàng thương mại trong nước đã nhận được mệnh lệnh từ Ngân hàng nhà nước phải bán nợ xấu cho VAMC… trên giấy. Cho đến gần đây, tổng số nợ xấu được bán như thế là khoảng từ 250.000 - 300.000 tỷ đồng, đủ để VAMC lập báo cáo thành tích đầy ấn tượng, còn lãnh đạo Ngân hàng nhà nước thì báo cáo ra các kỳ họp quốc hội là đã giảm được đến 600.000 tỷ đồng nợ xấu.
Ngay từ lúc đầu thành lập, VAMC đã được ngân sách nhà nước cấp 2000 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ như muối bỏ biển so với số nợ xấu lên đến khoảng 1,2 triệu tỷ đồng vào thời gian đó. Hơn nữa, VAMC cũng không hề dùng tiền thực để mua nợ xấu vào thời gian đó, mà bị cho rằng đã dùng toàn bộ 2000 tỷ đồng này để gửi ngân hàng lấy lãi, như một cách chiếm dụng ngân sách nhà nước.
Nhưng trong thực tế, cứ thực nghiệm bản thành tích của VAMC chỉ xử lý được vài ba phần trăm số nợ xấu mua lại từ các ngân hàng thương mại, sẽ thấy triển vọng để khoảng một phần ba khối tổ chức tín dụng "một đi không trở lại" là rất cao trong vài năm tới.
Nợ mới chồng nợ cũ
Đến nay, các phương án "xử lý nợ xấu" của Ngân hàng nhà nước vẫn hoàn toàn bế tắc. Toàn bộ mục tiêu "giảm nợ xấu về 3%" vẫn chỉ nằm trên giấy tờ mà không có một chút gì thực chất - theo nhiều chuyên gia phản biện.
Hiển nhiên, việc các ngân hàng thương mại không thể giải quyết được nợ xấu đã khiến Ngân hàng nhà nước không thu được nợ và dĩ nhiên không thể bù đắp cho bầu sữa ngân sách đã bị các nhóm lợi ích xâu xé gần như cạn kiệt.
Tình trạng nợ xấu tiếp tục dấn sâu vào vùng nguy hiểm đang là hiện tượng tiếp biến mà rất có thể sẽ làm cho nền kinh tế Việt Nam lao vào vùng phá sản trong ít năm tới - không khác mấy trường hợp của Argentina trong hai lần vào năm 2001 và năm 2014.
Cho dù có tính toán một cách ‘thành tích’ nhất là cho đến nay các ngân hàng thương mại đã xử lý được khoảng 300.000 tỷ đồng ‘nợ xấu nội bảng’, thì vẫn còn đến khoảng 900.000 tỷ đồng nợ xấu treo trong hệ thống ngân hàng và trong bảng kế toán thuần giấy của VAMC mà không biết bán lại cho ai.
Thậm chí, tỷ lệ nợ xấu đang tăng mạnh một cách không thể cưỡng lại, bắt nguồn từ con sóng đầu cơ bất động sản ở Sài Gòn và nhiều tỉnh thành ở Việt Nam vào hai năm 2017 và 2018. Trong năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ‘nóng’ đã lên đến 37%, cao gấp đôi mức tăng trưởng tín dụng bình quân là 18%, mà rất có thể số tín dụng này đã được tuồn cho giới đầu cơ bất động sản, tái hiện quy trình tín dụng - nợ - nợ xấu hậu giai đoạn giá bất động tăng gấp ba lần vào năm 2007.
Không thể khác hơn, bóng ma phá sản đang hiện hình từng ngày là đáp số đích đáng nhất cho báo cáo "GDP Việt Nam tăng hơn 6%" của giới lãnh đạo trơn tuột trong cái nội các chính phủ đã trôi hơn nửa hết khóa, đang và sẽ đẩy nền kinh tế cùng xã hội Việt Nam vào một cơn khủng hoảng vô phương tránh thoát.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/09/2018
Kể từ thời điểm ngày 7 tháng 9 năm 2018 khi cơ quan Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra vụ khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Sài Gòn, vụ Thủ Thiêm cũng mang chiều hướng chính thức trở thành một đại án quốc gia - còn lớn hơn nhiều so với số tiền suýt bị thất thoát đến hơn 8.000 tỷ đồng trong vụ ‘Mobifone mua AVG’.
Vụ Thủ Thiêm : Hàng chục nhà báo, người dân ‘vây’ trụ sở tiếp dân.
Hố khác biệt giữa hai bản kết luận
Động thái Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm và ngay lập tức được báo Thanh tra - ‘cơ quan ngôn luận’ của ngành thanh tra đăng tải toàn văn bản kết luận này, cùng lúc được báo chí nhà nước ồ ạt đưa tin bài, có ý nghĩa tương đương với hành động cũng Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra vụ ‘Mobifone mua AVG’ vào đầu tháng Ba năm 2018 để mở màn cho chiến dịch khởi tố bắt giam một số quan chức liên quan ba tháng sau đó, dù cho đến nay hai cựu bộ trưởng thông tin truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn vẫn được xem là ‘hạ cánh an toàn’ mà chưa phải tra tay vào còng.
Đã có một hố khác biệt lớn giữa bản kết luận kiểm tra trên của Thanh tra chính phủ với ‘kết luận kiểm tra’ cũng của cơ quan này về vụ Thủ Thiêm vào tháng Bảy năm 2018 nhưng chưa bao giờ được công bố.
Vào ngày 15 tháng Bảy năm 2018 - thời điểm được chính phủ Việt Nam hứa hẹn sẽ công bố chính thức bản kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm vốn đã kéo dài suốt hai chục năm trời của nước mắt, máu và cả nhiều cái chết uất nghẹn của dân oan nơi đây, không phải hệ thống báo đảng và báo nhà nước công bố bản kết luận này, mà nội dung kết luận kiểm tra khu đô thị mới Thủ Thiêm của thanh tra chính phủ dài 17 trang lại được đăng tải trên… Facebook Lê Nguyễn Hương Trà.
Tình hình có vẻ không bớt đen tối hơn là bao. Kết luận trên vẫn ghi nhận "thành tích" của thành ủy và Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giải tỏa 99% "đất sạch", trong khi chỉ đề cập một cách hết sức sơ sài đến diện tích giải tỏa lố 160 hécta theo tố cáo của người dân Thủ Thiêm. Còn phần kiến nghị xử lý của bản kết luận này lại hoàn toàn không nêu ra, như thể cố tình tránh né, bất kỳ cái tên nào của giới quan chức "ăn đất", đặc biệt là bí thư thành ủy thời đó là Lê Thanh Hải, bí thư quận 2 thời đó là Tất Thành Cang, Nguyễn Văn Đua - phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố vào thời đó…
Trước đó khi sắp diễn ra kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, nước mắt dân oan và áp lực quá lớn của dư luận xã hội cùng cái lò lây lất khói của Tổng bí thư Trọng đã buộc đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể nhắm mắt làm ngơ. Thế nhưng, bản báo cáo của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho Chính phủ về vụ Thủ Thiêm đã hoàn toàn ‘xù’ trách nhiệm. Bản báo cáo này đã hoàn toàn không giải thích thỏa đáng về những dấu hỏi rất lớn mà dư luận xã hội và báo chí công phẫn nêu ra. Bản báo cáo này cũng không thừa nhận bất kỳ cái sai nào thuộc về trách nhiệm của đảng bộ và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, mà chỉ thòng một câu ‘UBND TP đang xem xét, trao đổi với Thanh tra Chính phủ để thống nhất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ’.
Còn Thủ tướng chính phủ ?
Cùng thời điểm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát ra báo cáo trên, như thể ‘hiệp đồng tác chiến’, vào trung tuần tháng Năm năm 2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một cuộc họp chính phủ về vụ Thủ Thiêm. Tuy nhiên trong kết luận chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phúc dường như đã cố tình bỏ qua việc làm rõ tính pháp lý của Quyết định 367 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 1996 và quyết định ký vượt quyền của Phó chủ tịch chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua vào năm 2005 khi ‘thay thế’ Quyết định 367 trên. Ông Phúc cũng tỏ thái độ rất lập lờ khi chấp nhận 99% diện tích giải tỏa của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, tức chấp nhận cả phần ít nhất 140 đất giải tỏa lố mà đã đẩy đuổi cưỡng chế hàng chục ngàn người dân khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất của họ.
Ông Phúc cũng hoàn toàn không đề cập một từ nào về sự biến mất vô cùng khó hiểu của tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm được phê duyệt vào năm 1996. Ông Phúc lại chỉ dùng từ ‘sai sót’ đối với trách nhiệm của giới quan chức Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi vụ Thủ Thiêm có quá nhiều dấu hiệu của hành vi ‘cố ý làm trái’ và tham nhũng…
Sau đó, trong suốt kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, cả bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lẫn ông Phúc đã tuyệt đối ‘cấm khẩu’ về vụ Thủ Thiêm.
Thậm chí kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018 đã kết thúc với một kết luận bất ngờ và rất đáng nghi ngờ : ban lãnh đạo thường vụ quốc hội cho rằng ‘do nội dung không nằm trong chương trình nên đề nghị của một số đại biểu Quốc hội về việc giám sát tối cao năm 2019 về tình hình và kết quả thanh tra, điều tra, xử lý, xét xử các vụ vi phạm nghiêm trọng như : AVG, Thủ Thiêm, tập đoàn Mường Thanh, các dự án thua lỗ, đội vốn nhiều… chưa được Quốc hội bổ sung vào chương trình giám sát năm 2019’.
Kết luận trên là hoàn toàn phản dội với một trong những kiến nghị khẩn thiết của dân oan thủ Thiêm và cử tri Sài Gòn thông qua đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM : Quốc hội Việt Nam và Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải giám sát thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Cử tri đề nghị việc thực hiện Dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai, minh bạch. Nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm cũng như xử lý nghiêm các trường hợp làm sai.
Từ hiện tượng ‘lột xác’, nhìn lại Ngô Văn Khánh
Vào lúc này, hiện tượng có vẻ lạ lùng là bản kết luận kiểm tra vụ Thủ Thiêm của Thanh tra chính phủ như thể lột xác, trở thành bản kết luận kiểm tra chi tiết nhất trong toàn bộ lịch sử 15 năm ròng rã khiếu nại của hàng ngàn người dân Thủ Thiêm. Trong đó có những kết luận được xem là lần đầu tiên có vẻ hợp lòng dân :
- Kết luận rằng 4,3 ha đất ở của dân ngoài ranh quy hoạch nhưng lại bị quy hoạch. Tuy nhiên bản kết luận đã không nhắc tới khiếu nại của hơn 100 hộ còn lại, cũng không làm rõ việc xử lý khu 4,3 ha khi diện tích này đã nằm ngoài ranh quy hoạch nhưng không để dân ở tại chỗ mà lại tái định cư ;
- Quy hoạch chi tiết 1/2000 của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh là không đúng thẩm quyền ;
- Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền Quận 2 thu hồi đất của dân khi chưa đủ cơ sở pháp lý ;
- Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền Quận 2 không lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng ;
- Có đến 113,9 ha trong tổng số160 ha tái định cư chưa được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch, bố trí tái định cư ;
- Vụ Thủ Thiêm đã phá vỡ quy hoạch tổng thể ;
- Kiến nghị xử lý sai phạm nhiều cơ quan, đơn vị như Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Kiến trúc sư trưởng, Sở Địa chính, Ủy ban nhân dân Quận 2 và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh…
Tuy không có một cái tên quan chức nào được nêu ra trong kết luận kiểm tra của Thanh tra chính phủ, nhưng bản kết luận này vẫn có thể được xem là ‘quyết liệt’ nhất từ trước đến nay, nếu đối chiếu với vụ ‘thanh tra’ Thủ Thiêm vào năm 2015 do Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh ‘cầm đầu’.
Vào thời gian đó, có những dấu hiệu khuất tất khiến nhiều người dân Thủ Thiêm nghi ngờ rằng đã có một sự móc ngoặc giữa đoàn thanh tra chính phủ của Ngô Văn Khánh với giới quan chức nhiều tiền lắm của ở Sài Gòn. Rốt cuộc, hàng núi hồ sơ khiếu kiện và tố cáo của dân oan Thủ Thiêm đã bị quẳng vào một xó xỉnh nào đó, nước mắt dân oan vẫn tiếp tục tuôn ra, máu của dân oan vẫn tiếp tục đổ, còn Ngô Văn Khánh trở về Hà Nội, để từ đó báo chí càng bất ngờ khi phát hiện những tài sản ngồn ngộn mới cứng của nhân vật này.
Cho tới nay, vẫn chẳng ai thấy mặt mũi kết luận thanh tra mà Phó Tổng Thanh Tra Chính Phủ Ngô Văn Khánh đã thực hiện tại dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm.
Trong số những quan chức liên quan và phải chịu trách nhiệm hình sự một khi vụ Thủ Thiêm được khởi tố điều tra, cựu phó tổng thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh là một cái tên không thể bỏ qua. Cho dù vào thời gian đó Ngô Văn Khánh có cho công bố kết luận thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm chăng nữa, dư luận vẫn tin chắc rằng ông Khánh đã làm nhẹ đi rất nhiều các sai phạm ghê gớm của giới quan chức từ Sài Gòn đến các bộ ngành trung ương mà do đó bản kết luận này về thực chất là "ăn bẩn".
Có trở thành đại án quốc gia ?
Sau vô số tiếng khóc xé ruột của người dân Thủ Thiêm và cả những cái chết tự treo cổ vì phẫn uất tột cùng của người dân nơi đây, cuối cùng những nạn nhân của nạn cướp đất cũng có hy vọng được bồi thường tạm gọi là ‘thỏa đáng’ trong thời gian tới, lấy lại một phần công lý đã bị cướp đoạt bởi ‘Hai - Ba - Sáu’… (Hai Nhật - tức Lê Thanh Hải, Ba Đua - tức Nguyễn Văn Đua, Sáu Cang - tức Tất Thành Cang).
Những nội dung kết luận vi phạm trên cũng là một cú đánh vỗ mặt dành cho Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân - quan chức mà trong thực tế chưa hề có bất cứ hành động nào giúp đỡ dân oan Thủ Thiêm ngoài những lời hứa có cánh và chỉ muốn ‘lùa’ người dân vào các khu tái định cư cho êm chuyện.
Trong vài tháng qua và cho đến tận gần đây, vẫn có một luồng dư luận có vẻ được tung ra từ nội bộ ‘đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh’ cho rằng ‘vụ Thủ Thiêm êm rồi’ do ‘thế lực anh Hai vẫn còn mạnh lắm’.
Nhưng cái cách mà Thủ tướng Phúc chỉ đạo cho Thanh tra chính phủ kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm theo hướng ‘trảm’ chứ không phải thỏa hiệp đã vừa ghi một điểm chính trị có thể quan trọng cho ông Phúc trên cung đường chinh phục chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, nếu quả thực ông Phúc muốn thế và sẽ còn có đại hội đó, cũng vừa khiến phần lớn giới chóp bu Thành phố Hồ Chí Minh từ cựu chức đến đương chức từ ‘sụm bánh chè’ đến ‘tâm thần phân liệt’.
Liệu bản kết luận thanh tra vụ Thủ Thiêm đã được công bố, công khai toàn văn có phải là tín hiệu cho thấy sau một thời gian nữa, bản kết luận này sẽ được Thanh tra chính phủ chuyển cho cơ quan điều tra của Bộ Công an, để khi đó, Thủ Thiêm sẽ chính thức trở thành một đại án quốc gia với những cái ‘tội phạm ăn đất’ khủng khiếp chưa từng có trong triều đại cộng sản ở Việt Nam ?
Giờ đây, nước mắt của dân oan Thủ Thiêm đã đổ ra quá nhiều, đã trở nên khô cạn và nhường chỗ cho cặp mắt cảnh giác cao độ trước những động thái của chính quyền. Người dân luôn sợ họ bị biến thành nạn nhân của một trò lừa gạt mới.
Bởi dù Thanh tra chính phủ đã công bố kết luận và đã thỏa mãn được một số nội dung chính, nhưng vẫn chẳng có gì đảm bảo là vụ việc sẽ không một lần nữa bị cho chìm xuồng nếu xảy đến một chiến dịch ‘đi đêm’ giữa các nhóm lợi ích mới và cũ, để sau đó một số nội dung về vi phạm và mức độ vi phạm trong kết luận thanh tra sẽ bị ‘hô biến’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 11/09/2018
Trong khung cảnh kho dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước bất ngờ tăng vọt đến 63 tỷ USD và đồng tiền Việt Nam bất thần trượt giá vài phần trăm so với đô la, chỉ mới qua nửa đầu năm 2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 60,4 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 41,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Năm 2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 60,4 tỷ đồng - Hình minh họa : Getty Images)
Vì sao có được thành tích phi mã như thế ?
Thu 4 tỷ đồng/ngày nhờ in tiền !
Nhà máy In Tiền Quốc Gia là một doanh nghiệp rất "đặc thù xã hội chủ nghĩa", hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Ngân hàng nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của nhà máy này là in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của thống đốc Ngân hàng nhà nước.
Vào năm 2017, một tờ báo trong nước rút tít đầy ẩn ý : "Nhờ in tiền, mỗi ngày nhà máy In Tiền Quốc Gia thu về 4 tỷ đồng".
Không có lý do chủ yếu nào khác để tạo ra lợi nhuận đột biến cho nhà máy In tiền Quốc Gia trong những năm gần đây, mà bằng chứng rõ nhất là báo cáo tài chính của doanh nghiệp này trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đã cho thấy phần "lợi nhuận khác" chỉ chiếm khoảng 1-1,5% so với tổng lợi nhuận sau thuế. Chẳng hạn sau nửa đầu năm 2018, phần lợi nhuận khác của nhà máy In Tiền Quốc Gia chỉ có 737 triệu đồng.
Trong khi nhà máy In Tiền Quốc Gia đột biến lợi nhuận như thế, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.
Không chỉ giới hưu trí và công chức, những người thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng rất thường chứng kiến cảnh nhiều xe chở tiền mới cứng được đưa tới các ngân hàng.
In đến 500.000 tỷ đồng mỗi năm ?
Dù đến nay chính phủ và Ngân hàng nhà nước vẫn tuyệt nhiên không chịu đả động, hoặc cố tình giấu kín động thái in tiền thông qua công cụ nhà máy In Tiền Quốc Gia, nhưng bản thân những con số dư nợ cho vay trong hệ thống ngân hàng đã phản ánh cơ bản nguồn cơn "vì sao tiền đồng tràn ngập thừa mứa trong ngân hàng", "vì sao Thủ tướng Phúc phải chỉ đạo quyết liệt tăng trưởng tín dụng (cho vay) đến 21% trong năm 2017 khi bất chấp lạm phát ?", và "tiền từ đâu ra".
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tức lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường cho đến cuối năm 2016 đã gấp gần 3 lần 10 năm trước. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần "lạm phát in tiền" đã chiếm đến 10-15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây ?
Vậy nguồn cơn nào đã khiến "đảng và nhà nước ta" phải cắm đầu in tiền, in ồ ạt mà bất chấp lạm phát thực tế (chứ không phải lạm phát báo cáo luôn dưới 5%) có thể vọt đến vài ba chục phần trăm hàng năm và đẩy dân tình vào cảnh đuổi giá ngày càng khốn quẫn ?
Vào năm 2017, nếu không tính đến phần bán vốn Tổng Công Ty Rượu Bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng, tức chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và cay đắng về việc tại sao trong năm 2018, chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền, khiến cho tăng giá và thuế má trở thành một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt ở Việt Nam.
Nhưng đè đầu dân thu thuế là một biện pháp rất dễ dẫn tới phản kháng xã hội trên diện rộng, không chỉ ở tầng lớp dân nghèo mà cả tầng lớp cán bộ hưu trí. Trong năm 2017, âm mưu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của "Bộ Bóp Cổ" (một cách gọi của dân về Bộ Tài Chính) đã bị dư luận và báo chí phản ứng dữ dội. Sức dân đã cạn, chẳng còn gì để "khoan" nữa.
Lẽ dĩ nhiên trong hoàn cảnh khốn quẫn ấy, đảng cầm quyền rất có thể đã ngầm chỉ đạo cho Ngân hàng nhà nước – cơ quan có chức năng in tiền – để in tiền ồ ạt và lấy tiền đó để trả lương cho đội ngũ công chức viên chức mà có ít nhất 30% trong đó "không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương".
Dân tình xác xơ
Trong những cuộc họp chính phủ gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc – người vẫn còn là đương kim thủ tướng – đã không giấu được vẻ sốt ruột khi thấy tiền tràn ngập trong kho bạc nhà nước và trong hệ thống các ngân hàng thương mại nhưng tốc độ đẩy tiền ra lưu thông lại quá chậm chạp.
Giờ đây, khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng.
Nhưng cơ chế in tiền ồ ạt tất yếu sẽ kéo theo một danh nghĩa mới : "kiến tạo lạm phát", dẫn đến lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường và khiến nền kinh tế mất thăng bằng nghiêm trọng.
Dù muốn hay không, việc đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc bị trượt giá gần 10% so với đồng đô la trong thời gian gần đây đã buộc chính phủ Việt Nam phải phá giá đồng VND ít nhất vài ba phần trăm, hầu cân bằng doanh thu xuất khẩu hàng nông – hải sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, và cũng là thêm một hy vọng "lượm mót" đô la trôi nổi trong dân nhằm có tiền trả nợ nước ngoài – từ 8 đến 10 tỷ USD hàng năm.
Còn tại nhiều chợ đầu mối ở Sài Gòn và Hà Nội, giá thịt thà và rau củ cứ tăng đều đặn 30-40% mỗi năm, chưa kể tăng gấp đôi vào những sự kiện tăng lương, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện hay tăng giá đô la… Người nghèo và công nhân ngày càng ăn uống kham khổ, trong lúc số tỷ phú đô la và số quan chức có tài sản trên 100 triệu USD ở Việt Nam vẫn tăng tiến không ngừng và thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thế giới.
Trong khi đó, doanh nghiệp vừa đặc thù vừa độc quyền xã hội chủ nghĩa là nhà máy In Tiền Quốc Gia vẫn ung dung in tiền, kể cả việc doanh nghiệp này được ưu ái giữ lại một khoản tiền lớn in ra để… gửi ngân hàng lấy lãi.
Số lãi ấy hẳn đã cống hiến một phần rất lớn vào thành tích "lợi nhuận nửa đầu năm 2018 đã đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm" của nhà máy In Tiền Quốc Gia, bất chấp một nghịch lý rất lớn hiện hình trong nội tình ngân sách và hệ thống ngân hàng Việt Nam : tiền đồng thừa ứ và đang "kiến tạo" lạm phát dần phi mã, nhưng tiền đô la ngày càng khan hiếm để chẳng bao lâu nữa sẽ góp thêm một kích thích tố đẩy lạm phát tăng vọt khiến dân tình càng thêm xác xơ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 09/09/2018
Rất có thể chẳng hề là một sự trùng khớp ngẫu nhiên, chỉ ít ngày sau chuyến công du hai nước Phi Châu là Ai Cập và Ethiopia của Trần Đại Quang - Chủ tịch nước - vào tháng Tám năm 2018, Ngân hàng nhà nước Việt Nam do ông Lê Minh Hưng - con trai của cựu bộ trưởng công an Lê Minh Hương - đã bất thần ban bố một văn bản pháp quy với cấp độ Thông tư của cơ quan này về cho phép 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam được dùng đồng Nhân dân tệ (CNY) để thanh toán trong các hoạt động buôn bán làm ăn với Trung Quốc.
Đồng yuan trở thành bản vị trao đổi chính thức dọc 7 tỉnh biên giới Việt Nam .
Từ Zimbabwe, Ethiopia đến Việt Nam
Ethiopia lại là ‘biểu tượng đầu tư của Trung Quốc ở Châu Phi’. Thị trường Ethiopia tràn ngập hàng Trung Quốc, từ quần áo đến đồ gia dụng bằng nhựa hoặc thiết bị điện tử và máy móc… Bắc Kinh được lợi rất nhiều trong chiến lược hợp tác thương mại quá mất cân đối này. Năm 2016, Ethiopia có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 88,7 triệu USD, nhưng giá trị nhập khẩu lên đến 3,21 tỷ USD.
Ba năm trước khi Trần Đại Quang ‘chinh phục Phi Châu’ và khi Tổng thống Robert Mugabe của một quốc gia Châu Phi khác là Zimbabwe còn chưa biến thành một thứ mồ ma còn sống - hậu quả khủng khiếp của chế độ độc tài gia đình trị, nạn tham nhũng không giới hạn và tỷ lệ lạm phát không tưởng hàng tỷ phần trăm, quốc gia Nam Phi Zimbabwe đã đi tiên phong trong toàn Châu Phi khi chấp nhận dùng đổng CNY một cách chính thức trong hệ thống thanh toán nội địa để được tạm thoát khỏi một cái bẫy đã giăng sẵn : được Trung Quốc xóa cho 40 triệu USD tiền nợ đáo hạn năm 2015.
Cũng vào năm 2015, một hiện tượng lạ lùng như thể quân hồi vô phèng đã xảy ra ở Lạng Sơn - một trong 7 tỉnh vùng biên giới phía Bắc Việt Nam và là nơi buôn bán làm ăn sầm uất nhất với Trung Quốc : có đến hàng trăm sạp đổi tiền CNY công khai tại chợ đổi tiền lớn nhất Lạng Sơn ở sân vận động Đông Kinh. Cũng công khai dòng chữ "Điểm thu đổi ngoại tệ CNY"…
Nhưng không phải đến lúc đó những chủ sạp đổi CNY ở Lạng Sơn mới ăn nên làm ra, mà họ đã làm công việc này từ năm 2010, nghĩa là ngay vào thời gian Trung Quốc bắt đầu xây dựng chính sách "Biến CNY thành tiền tệ chính tại một nước khác sẽ thúc đẩy tiến trình quốc tế hóa nội tệ của Trung Quốc".
Kết quả rất thành công dành cho Bắc Kinh là ‘đi chợ Lạng Sơn tiêu tiền Trung Quốc’. Vào năm 2015, một ít tờ báo Việt Nam đã thuật lại rằng ở các chợ lớn của Lạng Sơn như chợ Đêm, chợ Kỳ Lừa ; các chợ giáp biên như Tân Thanh, Đồng Đăng, Chi Ma… đều có thể dễ dàng giao dịch hàng hóa bằng đồng CNY. Các chủ hàng buôn bán với Trung Quốc sở hữu lượng CNY rất lớn. Họ thường sang nước bạn mua hàng hóa trước khi nhập vào các chợ ở Lạng Sơn và mang về dưới xuôi.
Đến năm 2017, trùng với thời điểm dự luật Đặc khu được một nhóm quan chức cao cấp Việt Nam, trong đó có cựu bí thư Quảng Ninh Phạm Minh Chính mà hiện là ủy viên bộ chính trị kiêm trưởng ban tổ chức trung ương, âm thầm hoàn chỉnh để đưa ra Quốc hội thông qua với thời hạn cho nước ngoài thuê đất đến 99 năm mà bị coi là một hình thức nhựợng địa và ‘bán nước’ cho Trung Quốc, đến lượt thành phố Hạ Long ở tỉnh Quảng Ninh bị báo chí phát hiện trở thành điểm tiêu tiền CNY công khai cùng số lượng lớn bởi du khách Trung Quốc.
Sau Hạ Long là Nha Trang và cả Đà Nẵng - những ‘phố Tàu’ nhan nhản mọc ra từ Bắc chí Nam trên rẻo đất hình chữ S…
Về thực chất, ‘đường lưỡi bò’ của Trung Quốc không chỉ phát huy tác dụng của nó bằng hàng trăm ngàn bản đồ nước này được bày bán khắp thế giới, bằng hàng chục ngàn tàu cá và tàu hải giám liên tục quần thảo trên Biển Đông, mà còn trên đất liền bởi cuộc xâm lăng của đồng CNY khi đánh bạt đồng tiền Việt Nam ở khu vực biên giới - nơi mà vào năm 1979 quân đội Trung Quốc đã bị thất bại thê thảm trong một chiến dịch xâm lăng bằng quân sự.
Ai chỉ đạo ?
Cũng rất có thể chẳng hề là một sự trùng khớp ngẫu nhiên, Thông tư ‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc’ của Ngân hàng nhà nước phát sinh ngay sau chuyến công du của Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban bí thư - sang Bắc Kinh vào cuối tháng Tám năm 2018, trong đó có cuộc gặp với Tập Cận Bình mà một bức ảnh về tư thế ngồi của hai nhân vật này đã phản chiếu rất rõ vị thế ‘chủ - tớ’.
‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc’ là một chính sách lớn không chỉ liên quan đến an ninh tiền tệ mà cả về quốc phòng của Việt Nam, không thể chỉ được quyết định bởi một ủy viên trung ương đảng như Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng, mà phải được chỉ đạo từ những cấp cao hơn hẳn ông Hưng.
Vậy phải chăng việc dùng đồng CNY để thanh toán ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam là một trong những cam kết nằm trong các văn kiện mà Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Tập Cận Bình, và nhiều khả năng Tập Cận Bình đã vừa ‘nhắc nhở’ Trần Quốc Vượng vào tháng Tám năm 2018 để ông Vượng về truyền đạt lại cho ông Trọng phải thực hiện gấp cam kết trên ?
Hoàn toàn có thể xem chỉ đạo trên, nếu quả đúng là thế, là bước hợp thức hóa cho thực tế đồng CNY đã được lưu hành và thanh toán tràn lan ở các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam trong hàng chục năm qua, bất chấp Pháp lệnh Ngoại hối và các nghị định, thông tư hướng dẫn quy định rằng trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối quy định, còn lại mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối.
Dù luôn bị các cơ quan ‘có trách nhiệm’ có Việt Nam giấu biến, nhưng con số về giá trị buôn bán tiểu ngạch hàng năm giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được một vài chuyên gia phản biện độc lập nêu ra : từ 20 đến 30 tỷ USD.
Cũng có nghĩa là mỗi năm Việt Nam bị chảy máu ngoại tệ từ 20 đến 30 tỷ USD sang Trung Quốc, để cộng với giá trị nhập siêu của Việt Nam từ 25 đến 30 tỷ USD theo đường chính thức song phương thương mại với Trung Quốc, tổng giá trị nhập siêu mỗi năm của Việt Nam từ Trung Quốc phải lên đến trên 50 tỷ USD.
Riêng trong cơ chế xuất hàng tiểu ngạch, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đương nhiên phải nhận thanh toán bằng CNY. Nhưng khi Việt Nam nhập khẩu, liệu các doanh nghiệp và doanh nhân Trung Quốc có chịu nhận đồng tiền Việt Nam hay đòi phải thanh toán bằng USD - tức vẫn tái diễn tình trạng chảy máu USD ?
Dấu hỏi rất lớn trên đã chưa bao giờ được các bộ ngành chức năng của Việt Nam - từ Ngân hàng nhà nước đến Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các chính quyền các tỉnh biên giới phía Bắc - làm rõ. Từ nhiều năm qua, tất cả vẫn bị giới quan chức Việt Nam giấu biến, trong khi dư luận xã hội luôn xì xầm câu chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc luôn chi ‘dưới gầm bàn’ thoáng nhất cho giới lãnh đạo Việt Nam.
‘Sáp nhập tiền tệ’ để tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’ ?
Về mặt an ninh tiền tệ và chủ quyền kinh tế, ‘Nhân dân tệ hóa biên giới phía Bắc’ chính là một thất bại lớn và càng khiến người dân Việt có cơ sở để mang nỗi tuyệt vọng rằng bản Hiệp ước Thành Đô - được cho là đã được lén lút ký kết giữa các lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo Trung Quốc vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX để đưa Việt Nam trở thành một tỉnh của Trung Quốc vào năm 2020 - đang được giới lãnh đạo hậu bối của Việt Nam rắp tâm thi hành bằng thủ đoạn ‘sáp nhập tiền tệ’ trước khi tiến tới ‘sáp nhập lãnh thổ’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/09/2018
Không có nhiều lý cớ để Tổng bí thư Trọng tiếp tục "khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi Nga là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với liên bang Nga đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả" trong chuyến công du Cộng hòa liên bang Nga từ ngày 5 đến 8 tháng Chín năm 2018, bởi chỉ mới hồi giữa năm ngoái, một quan chức khác trong ‘tứ trụ’ ở Việt Nam là Trần Đại Quang - Chủ tịch nước - cũng đã đi Nga với những mục đích có vẻ không khác Nguyễn Phú Trọng đến một dấu phẩy.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2018.
Mở rộng thị trường xuất khẩu ?
Ngoài mối quan hệ truyền thống có đến hơn 90% vũ khí của quân đội Việt Nam đang sử dụng là của Nga theo chính sách mua rẻ hoặc mua chịu, từ nhiều năm qua giá trị thương mại song phương Việt - Nga vẫn giẫm chân tại chỗ. Hết năm 2017, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Liên bang Nga vẫn chỉ đạt 3,5 tỷ USD, trong đó phần xuất khẩu của Việt Nam là 2,1 tỷ USD trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Nga đạt 1,4 tỷ USD. Tuy Việt Nam được tiếng là xuất siêu nhưng về thực chất giá trị thương mại Việt - Nga chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm của Việt Nam (hơn 400 tỷ USD), trong khi chỉ chiếm vài phần ngàn so với kim ngạch thương mại giữa Nga với Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.
Nếu quả đúng là Nguyễn Phú Trọng đi Nga nhằm tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu thay cho tình trạng lẹt đẹt hiện thời, chuyến đi này là sự tiếp nối cho một chuyến đi khác vừa diễn ra vào tháng Tám năm 2018 : Trần Đại Quang đi Phi Châu để gặp ‘đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam ở Châu Phi’ là Ai Cập, và nền kinh tế lớn nhất của Đông và Trung Phi là Ethiopia.
Hiện tượng giới chóp bu Việt Nam phải đi tìm kiếm thị trường ở Ai Cập và Ethiopia - những quốc gia có giá trị song phương thương mại với Việt Nam chỉ từ vài chục đến vài trăm triệu USD/năm - cho thấy hàng xuất khẩu Việt Nam ra thế giới đang ngày càng bế tắc.
Hiện tượng trên lại nằm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump giương cao ngọn cờ ‘công bằng và đối ứng’ - một đòn thương mại liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại cho kinh tế Mỹ’ và đang đòi hỏi các Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ phải thực thi những biện pháp quyết liệt về hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng Việt Nam.
Từ năm 2017 đến giữa năm 2018 đã mở đầu bằng hàng loạt "điềm xấu" dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ : Bộ Thương mại Mỹ nâng tỷ lệ thuế đánh vào hai mặt hàng thép và tôm Việt Nam lần lượt là 53% và hơn 25%. Cộng hưởng với việc bị Liên Hiệp Châu Âu "rút thẻ vàng" đối với hàng hải sản Việt Nam và đang lấp ló "thẻ đỏ", kim ngạch xuất khẩu của hải sản Việt Nam vào hai thị trường EU và Mỹ trong năm 2018 chắc chắn sẽ bị giảm sút phần nào, nếu không muốn nói là giảm đáng kể so với doanh số năm 2017, càng khiến chân đứng của nền ngân sách Việt Nam nhanh chóng ruỗng mục.
Trong khi đó, EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu) vẫn chưa đâu vào đâu. Sau khi đạt ‘thành tích’ kết thúc giai đoạn rà soát pháp lý kéo dài đến hơn 2 năm thay vì thông thường chỉ mất 6 tháng, hiệp định này vẫn còn phải chờ đợi Ủy ban Châu Âu và Nghị viện Châu Âu ký kết và thông qua, nhưng với một điều kiện tiên quyết là Việt Nam phải cải thiện nhân quyền một cách có thể chứng minh được chứ không phải theo thói đầu môi chót lưỡi như trong vô số lần trước đây.
Vụ mỏ Lan Đỏ ?
Trong hai năm 2017 và 2018, chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, đã lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở phía Nam và mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển miền Trung trước đe dọa của Trung Quốc, mà còn phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau hai lần liên tiếp phải tháo chạy khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến đầu năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt có vẻ ‘khôn ra’ khi tìm cách dựa dẫm vào Công ty dầu mỏ quốc gia Nga Rosneft để khoan giếng LD-3P, thuộc mỏ khí ngoài khơi Lan Đỏ ở Lô 06.1, cách phía đông nam Việt Nam 370 km.
Nhưng ngay cả Rosneft của người Nga cũng rơi vào tình trạng cám cảnh như Repsol của Tây Ban Nha khi bắt đầu bị Trung Quốc gây sức ép phải rời bỏ mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Năm năm 2018, Rosneft đã phải lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng hoạt động khoan dầu mới hợp tác với Việt Nam gần đây trong khu vực Biển Đông sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận. Một công ty nghiên cứu và tư vấn năng lượng là Wood Mackenzie cho biết lô này nằm trong khu vực đường lưỡi bò chín đoạn mà Trung Quốc tự vạch ra.
Tuyên bố của Rosneft được đưa ra vào lúc tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên tiếng cảnh cáo là không một quốc gia, tổ chức, công ty hoặc cá nhân nào có quyền tiến hành thăm dò hoặc khai thác dầu khí trong vùng biển của Trung Quốc nếu không được phép của Bắc Kinh.
Giờ đây trong cơn túng quẫn ngân sách và bế tắc khai thác dầu, phải chăng Tổng bí thư Trọng đi Nga còn nhằm mục đích thúc giục Nga cần mạnh mẽ hơn trong kế hoạch khai thác mỏ Lan Đỏ ?
Nhưng người bạn được xem là truyền thống ấy của Việt Nam lại đã không hề làm giới chóp bu Việt Nam an tâm, đơn giản là trong toàn bộ vụ Hải Dương 981 vào năm 2014, Moscow đã giữ im lặng, cho dù quốc gia này vẫn chiếm đến 90% lượng vũ khí cung cấp cho Việt Nam, tính đến thời điểm này.
Sự im lặng đầy chủ ý của người Nga có thể được lý giải phần nào : Putin đã và đang trở thành một đồng minh thân cận của Tập Cận Bình trong cuộc chiến tranh lạnh đang được khởi động với người Mỹ.
Và nếu Putin và Tập Cận Bình thỏa thuận được với nhau một lợi ích nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ mà Rosneft hợp tác với Việt Nam cùng khai thác, tương lai chắc chắn là Rosneft cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế.
Nhưng ngoài hai mục tiêu thương mại song phương và mỏ Lan Đỏ, ông Trọng còn muốn nhắm đến mục đích nào khác ‘nhằm củng cố tin cậy chính trị’ ?
‘Bỏ nhỏ’ vụ Trịnh Xuân Thanh ?
Từ sau vụ mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Đức vào tháng Bảy năm 2017, Liên Hiệp Châu Âu đã thực sự ‘mở mắt’ trước một Việt Nam nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ‘vô số luật nhưng chỉ dùng Luật Rừng’, trong bối cảnh cơn khủng hoảng ngoại giao Đức - Việt đã lan sang Slovakia và cả một phần khối Châu Âu như Pháp và Ba Lan, kể cả một nước không thuộc EU là Nga.
Theo truyền thông Đức, sau khi bị bắt cóc ở Berlin và đưa tới Bratislava, Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa lên máy bay để bay thẳng từ Slovakia, qua không phận Ba Lan đến thủ đô Moscow của Nga.
Không thể cho rằng một bộ máy cơ quan an ninh và cảnh sát dày đặc ở Nga lại không thể nắm được chút manh mối nào về sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh ở Moscow. Hoặc nếu cảnh sát Nga chưa nắm được nhưng sẽ được các cơ quan tư pháp của Đức và Slovakia cung cấp đủ bằng chứng về vụ này, cộng thêm sức ép rất lớn từ rất nhiều tờ báo lớn trên thế giới ồ ạt ‘tham chiến’ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, liệu người Nga có thể hay có dám bỏ lơ vụ mất mặt quốc tế này ? Tổng thống Putin sẽ phải có chính kiến ra sao ?
Khác nhiều với hai trường hợp Slovakia và ngay cả Cộng hòa Czech có thể chẳng còn quá nồng nhiệt chào đón chuyến viếng thăm của ông Trọng trong lúc các đảng phái đối lập tại Slovakia đang chực chờ một chiến dịch biểu tình lớn nhằm phản đối vụ Bộ Nội vụ nước này có nhiều dấu hiệu tiếp tay cho vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nước Nga hẳn phải là địa chỉ mà Nguyễn Phú Trọng nhen nhóm hy vọng cuối cùng.
Giữa tháng Tám năm 2018, đã có tin cho biết Nguyễn Phú Trọng ‘sẽ sang thăm ba quốc gia Châu Âu vào đầu tháng 9/2018, có thể là để xoa dịu sự bực bội của các nước này sau vụ Trịnh Xuân Thanh’.
Nga chính là nước đầu tiên và ‘dễ ăn’ nhất và dễ cho Việt Nam ‘bỏ nhỏ’ hơn cả về vụ bắt cóc.
Putin sẽ đánh đổi thể diện nước lớn để khỏa lấp vụ mật vụ Việt Nam ‘trung chuyển’ Trịnh Xuân Thanh qua Moscow ?
Khó mà biết được, cũng như đã chỉ hiếm hoi số người đoán được Putin sẽ hành động ra sao từ trước đến nay.
Nhưng thái độ im lặng của Nga suốt từ khi nổ ra vụ Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cho tới nay có lẽ đang gieo vào tâm trí Nguyễn Phú Trọng một hy vọng chấp chới : tinh thần ‘đồng chí’ thời xô viết.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/09/2018
Tiệc ăn chực nào cũng phải có lúc tàn. Chẵn một phần tư thế kỷ từ lúc bắt đầu ‘ăn đủ, ăn dày’ nguồn tiền ODA - viện trợ phát triển chính thức - của thế giới ‘tư bản giãy chết’, đến tháng Tám năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải gián tiếp thừa nhận hiện thực nợ công ngập đầu : ODA chỉ còn rất ít hoặc sẽ hết sạch.
Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn 94 tỉ USD. (Hình : Trích từ website của The Economist)
Những ai sẽ phải thất vọng và tuyệt vọng ?
Đứng đầu bảng nạn nhân của hậu quả nợ công ODA là dân. Luôn là nhân dân.
Núi nợ 210% GDP và quả báo ứng nghiệm !
Liệu con số 35 triệu đồng nợ công đè lên mỗi đầu dân từ người già sắp chết đến trẻ sơ sinh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan có trách nhiệm chính ‘quản lý nguồn vốn ODA’ nhưng từ mấy năm qua đã có nhiều biểu hiện muốn ‘nghỉ ngơi vì quá no’ và muốn đẩy bớt trách trách nhiệm cho các cơ quan khác như Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng chính phủ cũng đang ‘no’ không kém - công bố có đúng với thực tế ?
Thực tế còn khốn quẫn hơn nhiều, rất nhiều. Trong khi vào thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng - trị vì 9 năm và cũng là thời vay mượn ODA xả láng bất cần hậu quả nhất, tỷ lệ nợ công quốc gia luôn bị ép dưới 65% GDP - tức chỉ khoảng 130 tỷ USD, thì con số nợ công trần trụi hơn rất nhiều đã lên tới 431 tỷ USD - tức chiếm đến 210% GDP, vượt rất xa ngưỡng cho phép 65% GDP (theo tiêu chí thế giới) và thực chất đã quá nguy hiểm đối với một đất nước mà mức độ tàn tạ về tài nguyên thiên nhiên và ngân sách luôn tỷ lệ thuận với thói ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.
Việt Nam đương đại năm 2018 và ‘toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích tiến tới đại hội 13’ vào năm 2021. Trong cơn mê sảng quằn quại giai đoạn cuối, quả báo đã ứng nghiệm.
Hạn ngạch đạo đức hay giới hạn chấm mút ?
Quả báo ODA đã chính thức bắt đầu từ năm 2012. Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.
Đến năm 2013, Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.
Một trong những "gương người tốt việc tốt" ghê gớm nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao thông và vận tải - một kẻ tắm bia khi quan hệ với gái.
Sau đó, báo chí Nhật Bản - chứ không phải báo chí Việt Nam - đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Sài Gòn một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một trưởng ban của PMU Đông-Tây là Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800.000 đô la.
Chỉ vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam do bị nghi nhận tổng cộng 16 tỷ đồng tiền hối lộ từ công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản (JTC-Japan Transportation Consultants), vào đầu tháng Sáu năm 2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã ra thông báo cho biết các khoản vay mới bằng đồng yen và các khoản tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bị đình chỉ.
Hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.
Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Trong một lần hiếm hoi được ‘mở miệng’, báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể : từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng& thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.
Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80.000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn thảm thiết đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng.
Còn rất nhiều dẫn chứng khác về lãng phí và "ăn dày" ODA, đặc biệt là những dự án sử dụng vốn ưu đãi trong lĩnh vực giao thông bị chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở Sài Gòn...
Thế nhưng điều kỳ quái lạ là cho đến nay, bất chấp yêu cầu trong rất nhiều lần các tổ chức tài trợ quốc tế và giới chuyên gia phản biện trong nước, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời. Các cơ quan quản lý Việt Nam chỉ muốn ‘ôm’ và ‘ăn’…
Cạn ODA và bi kịch vĩ đại
2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ," ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian : một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.
2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.
Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải "đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay" - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…
Bi kịch đến mức mà vào cuối tháng Sáu năm 2018, cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington đã khiến lộ ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm : ông Huệ đề nghị Mỹ "mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam".
Cũng có nghĩa là trong những năm gần đây, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.
Nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua : từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.
Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.
Hết mật, sạch ruồi và ‘tìm đâu ra nhân tài’
2018 rất có thể là năm chứng kiến sự sụt giảm thảm thiết nhất của nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) vào Việt Nam, bổ túc một dấu ấn cho năm ‘thắng lợi kinh tế chưa từng có’ và ‘tiếp tục gặt hái nhiều thành công đối ngoại’ theo lối tuyên truyền không còn biết trời cao đất dày của chính thể độc đảng này, chìm nghỉm trong bức tranh tổng thể mang gam màu xám ngoét - được đặc tả bởi sự phối ngẫu của ba thành phần ‘binh chủng hợp thành’ : nợ công - nợ xấu - ngân sách.
Tháng Tám năm 2018, tròn một năm sau khi Việt Nam bị các tổ chức tín dụng quốc tế là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) chính thức tăng lãi suất cho vay gấp 3 lần và giảm thời gian ân hạn xuống chỉ còn một nửa, các cơ quan quản lý trên dải đất ‘lệ tuôn hình chữ S’ cùng giàn đồng ca của hơn nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa rên la thống thiết ‘Gánh nặng ODA’, ‘Nhiều dự án vay vốn ODA không có khả năng trả nợ’, ‘Xác định rõ trách nhiệm để ODA vượt trần 300.000 tỷ’, ‘Cân nhắc sử dụng nguồn ODA’, ‘ODA đã hết hấp dẫn’…
Không chịu cải cách thể chế, cũng chẳng chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, chi tiết và bằng hành động mà vẫn là thói trớt trả miệng lưỡi như trước đây, chính thể độc trị ở Việt Nam vào năm 2019 có thể sẽ nhận được con zero to tướng giá trị ODA mà các tổ chức quốc tế ký kết với Việt Nam.
Nghề công chức liên quan đến nhiệm vụ ‘tiếp nhận và điều tiết nguồn viện trợ ODA’ ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh thành cũng bởi thế đang và sẽ kém hẳn phần hấp dẫn so với thời vàng son trong dĩ vãng.
Nếu trong dĩ vãng phải chạy tiền đậm mới có thể được trở thành công chức ngồi thực thi công thức ‘5 - 3 - 1’, thì nay và những năm tháng tới, chỗ nào hết mật sẽ tự nhiên sạch bóng ruồi.
Nếu dân Việt tuyệt vọng vì núi nợ công trên đầu mình thì giới quan chức cũng cuống cuồng thất vọng : chẳng còn gì để ‘ăn’.
Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp đã khiến gần đây một số quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải than vãn ‘khó tìm được nhân tài’ cho bộ này…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 04/09/2018