Tình báo Anh : Tổn thất của Nga trong trận đánh Avdiivka có thể thuộc diện nặng nề nhất trong năm 2023
Trong bản cập nhật thông tình báo công bố ngày 28/10/2023, Bộ Quốc phòng Anh cho biết Moskva đã tung đến tám lữ đoàn vào trận đánh nhằm chiếm đóng thị trấn Avdiivka thuộc tỉnh Donetsk ở Ukraine. Tuy nhiên, tình hình cho đến nay vẫn chưa dứt điểm khiến Moskva phải hứng chịu tỷ lệ thương vong lớn nhất từ đầu năm đến nay.
Một xe tăng của Ukraine bắn về phía các vị trí của quân đội Nga gần Avdiivka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 28/04/2023. AP - Libkos
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga đã khởi xướng một "nỗ lực tấn công lớn" vào giữa tháng 10 tại khu vực Avdiivka, một thị trấn công nghiệp nằm cách Donetsk 15 km về phía bắc, điều động đến chiến trường các đơn vị thuộc 8 lữ đoàn. Chiến sự đã diễn ra một cách dữ dội, nhưng Nga vẫn chưa chiếm được thị trấn trọng yếu này.
Bản tin cho rằng lực lượng Nga có thể đã phải chịu một trong những tỷ lệ thương vong cao nhất vào năm 2023. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Sáu vừa qua đã tuyên bố rằng lực lượng Nga đã mất ít nhất một lữ đoàn quân – tức là từ 4.000 đến 5.000 người - khi cố gắng tiến vào Avdiivka.
Vào hôm qua, đến lượt lực lượng vũ trang Ukraine cho rằng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm ngoái, Nga đã mất 298.420 binh sĩ. Số liệu này tuy nhiên không được xác minh độc lập.
Chiến sự không chỉ diễn ra trên lãnh thổ Ukraine. Bộ Quốc Phòng Nga vào sáng nay, 29/10, cho biết là lực lượng của họ đã bắn hạ 36 chiếc drone bay của Ukraine tấn công vào khu vực Biển Đen và bán đảo Crimea trong đêm hôm qua rạng sáng hôm nay.
Ngoài vùng Crimea, Bộ Ngoại giao Nga vào hôm qua cũng tố cáo Ukraine đã dùng 3 chiếc drone "cố tình tấn công" một nhà máy điện hạt nhân ở khu vực biên giới Kursk của Nga mà không gây thiệt hại hay làm tăng mức độ phóng xạ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói thêm là "một trong những chiếc drone chở đầy chất nổ đã đâm vào một kho chứa chất thải hạt nhân, làm hư hại các bức tường của cơ sở này, hai chiếc còn lại đã rơi xuống một khu vực hành chính".
Trọng Nghĩa
Cận Đông, Ukraine tiếp tục chiếm nhiều trang trên các tờ báo Paris ngày 27/10/2023.
Các binh sĩ của đơn vị rà phá bom mìn gần thị trấn Izum, vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 24/10/2023. Reuters - Stringer
Bên cạnh đó các báo không quên những chủ đề như là một năm sau "trận cuồng phong Elon Musk", hóa thân thành X, Twitter mất 60% các nguồn thu nhập từ quảng cáo ; Mike Johnson, một chính trị gia "vô danh" trở thành tân chủ tịch Hạ Viện Mỹ. Kế hoạch của Pháp "chống bạo loạn" : 100 triệu euro để khắc phục hậu quả các vụ đốt phá hồi tháng 6 vừa qua. Cùng lúc nội các Elisabeth Borne "cứng rắn" với trẻ vị thành niên phá hoại cơ sở hạ tầng công cộng, đòi phụ huynh "phải có trách nhiệm với con cái".
2024, Ukraine lo hết đạn
Về thời sự quốc tế, tít lớn trên Le Monde "Chiến dịch phản công của Ukraine gặp trở ngại".
Sau 5 tháng, lính Ukraine "tiến rất chậm" vẫn "không chọc thủng được tuyến phòng ngự của đối phương". "150 ngày để giành lại 400 km vuông". "Nga vẫn chiếm đóng 17% lãnh thổ của Ukraine". Moskva có khả năng huy động thêm binh sĩ và đã tái làm chủ tình hình. Giới chuyên gia quân sự của phương Tây nhìn nhận "khả năng phòng thủ rất vững chắc của Nga".
Mùa xuân vừa qua quân Nga đã đào hàng trăm cây số lũy hào, đặt hàng trăn ngàn mìn chống tăng và mìn chống cá nhân, cản đường quân Ukraine. Đó là công trạng của tướng Sergei Surovikin theo lời một chuyên gia quân sự bộ binh của Pháp.
Cũng đừng quên rằng Nga là quốc gia với 143 triệu dân, có truyền thống công nghiệp quốc phòng lâu đời nên dễ dàng huy động cả về người lẫn thiết bị quân sự. Ở góc đài bên kia, 43 triệu dân Ukraine dù được phương Tây yểm trợ nhưng đã phải liên tục chống chọi với cỗ máy chiến tranh của Vladimir Putin.
Nhiều chuyên gia e rằng về lâu dài Ukraine khó mà cầm cự được và cũng có thể là đội quân của Kiev thiếu đạn dược ngay từ năm tới, trong lúc Moskva vẫn còn khoảng độ "4 triệu đạn pháo trong kho", theo lời lãnh đạo tình báo quân sự Estonia, Ants Kiviselg được Le Monde trích dẫn. Đó là chưa kể kho đạn dược của Nga được "Bắc Triều Tiên tiếp sức" và theo thẩm định của giới trong ngành thì Bình Nhưỡng có chừng từ 300.000 đến 350.000 đạn pháo có thể cung cấp cho Nga. Mykola Bieleskov thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia tại Kiev nhìn nhận chủ trương huy động kinh tế phục vụ cho chiến tranh của Vladimir Putin tuy "không hoàn hảo nhưng đã bắt đầu mang lại kết quả" như Moskva mong muốn.
Putin bẫy Liên Âu bằng năng lượng
Hơn 600 ngày chiến tranh Ukraine Châu Âu đã "cai nghiện" dầu hỏa và khí đốt của Nga hay chưa ? Câu trả lời là chưa.
Libération phỏng vấn nhà báo Marion Van Renterghem, tác giả của cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Les Arènes cho ra mắt độc giả : Le Piège Nord Stream (Cái bẫy đường ống dẫn khí đốt Nord Stream). Bà Van Renterghem nhận định : Vladimir Putin đã "gây dựng cả một hệ thống đường ống dẫn khí đốt để bẫy Châu Âu", để "mô hình kinh tế và công nghiệp của toàn châu lục này phải lệ thuộc năng lượng Nga", Bruxelles đã phạm phải "một trong những sai lầm chiến lược nghiêm trọng nhất của thế kỷ 21".
"Nord Stream là dự án kinh tế và chiến lược quan trọng nhất Vladimir Putin đã tính toán ngay từ 2001 khi ông lên cầm quyền". Khí đốt là công cụ để Kremlin "vô hiệu hóa Châu Âu, chiếm đoạt lại Ukraine" với sự đồng lõa ngoài ý muốn của Berlin.
Vẫn theo tác giả, hai đời thủ tướng Đức là những cánh tay đắc lực giúp Putin. Bà Angela Merkel là người mở rộng cửa "cho cáo vào nhà" và đó là một "tì vết" trong sự nghiệp của nữ thủ tướng Đức. Còn ông Gerhard Schroeder là một chính khách "tham tiền" trước khi rời khỏi phủ thủ tướng đã "đàm phán" với tổng thống Nga để có được một chiếc ghế trong hội đồng quản trị Nord Stream AG, một chi nhánh của Gazprom…
Chủ trương dĩ hòa vi quý của phương Tây là một sai lầm
Từ một sai lầm này đến một sai lầm khác. Trả lời báo Le Figaro nhân dịp đến Paris nhà đấu tranh nhân quyền người Ukraine, Myroslav Marynovytch báo động chiến tranh Ukraine và chảo lửa ở Cận Đông sau vụ phong trào Hamas tấn công Israel là hậu quả "từ những sai lầm của phương Tây".
Sai lầm đó là không thanh toán quá khứ lịch sử và đã khoan nhượng với một số giá trị như là tự do, công lý để đánh đổi lấy một sự an toàn nào đó.
Marynovytch từng trải qua 7 năm trong quần đảo ngục tù Goulag Liên Xô rồi bị quản thúc tại gia trong 3 năm. Khi được hỏi ông nghĩ gì về việc Nga xâm lược Ukraine và đợt tấn công của phong trào Hamas, nhà trí thức này trả lời : Bài học thứ nhất là không bao giờ hy sinh những giá trị cơ bản như là tự do, sự thật và công lý để đánh đổi lấy một sự an toàn bởi đấy chỉ là một sự an toàn tạm bợ. Thứ hai là cần phải xét xử những tội ác, bởi nếu không chúng sẽ đâm trồi nẩy lộc… : Nhân loại đã xét xử tội ác Đức Quốc Xã nhưng tội ác của Đảng cộng sản Liên Xô thì không. Chính vì thế mà tội ác của Vladimir Putin đã có cơ hội "nẩy mầm". Với chiến tranh Ukraine, theo Myroslav Marynovytch, nếu như tội ác của Putin không bị đem ra xét xử, Nga không có một chút ăn năn, thì ngay cả trong trường hợp có bại trận đi chăng nữa, "dân tộc Nga vẫn nghĩ rằng họ đã bị sỉ nhục và tâm tư đó sẽ lại là một mảnh đất màu mỡ cho nhiều cuộc chiến trong tương lai".
Vòng tròn của tội ác
Nhà bất đồng chính kiến dưới thời Liên Xô cũ này nhìn nhận chảo lửa ở Cận Đông làm giảm bớt áp lực về Ukraine nhưng phương Tây sẽ "lầm to" nếu nghĩ rằng họ sẽ được yên bình khi đang bị cả một "vòng tròn tội ác bao vây". Trên vấn đề Ukraine cũng như về xung đột giữa Israel và Hamas, phương Tây thiên về giải pháp "dĩ hòa vi quý" nhưng họ đã quên mất rằng "vòng tròn tội ác đó suy nghĩ hoàn toàn khác chúng ta. Họ xem thái độ chủ hòa của phương Tây là một sự mềm yếu". Trong lúc mà các nhà lãnh đạo cái "vòng tròn tội ác đó, mà đứng đầu là Vladimir Putin, thì chỉ muốn dẹp bỏ thế giới phương Tây thối nát", thay thế trận tự mà phương Tây đã hình thành bằng những quy luật của chính họ. Tiếc là Phương Tây "hoàn toàn không được chuẩn bị để đối phó với nhiều cuộc khủng hoảng mọc lên cùng một lúc". Nhà trí thức Ukraine này kết luận : đó là điều "cực kỳ nguy hiểm".
Ngoại giao Pháp : thành quả không nhiều
Báo Le Monde tỏ ra thất vọng sau vòng công du Cận Đông của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Tờ báo ghi nhận Jordan "lạnh nhạt với sáng kiến của Paris" thành lập liên minh quốc tế chống phong trào Hồi giáo Hamas, tương tự như hợp tác quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daesh ở Iraq và Syria trước kia. Ai Cập cũng "không hào hứng gì hơn" mà "chỉ tán đồng những nỗ lực của Pháp về mặt nhân đạo". Trong vài giờ "kế hoạch chống Hamas" của ông Macron đã chuyển hướng. Pháp vận động cho một "sáng kiến vì hòa bình và an ninh" với ba mục tiêu chính : chống các nhóm khủng bố trong đó có Hamas, yểm trợ Palestine về mặt nhân đạo và nối lại đối thoại chính trị với mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine. Thế nhưng ngay cả khi đã tỏ ra mềm dẻo và uyển chuyển đến như vậy, cả Aman lẫn Cairo vẫn dửng dưng với những đề xuất của Paris "vì an ninh và hòa bình".
Một chút hy vọng cho Cận Đông
Vì an ninh và hòa bình : Vào lúc kịch bản chiến tranh được coi là khó tránh khỏi ở Cận Đông, cây bút bình luận trên báo Le Monde Alain Frachon trong bài viết mang tựa đề "Tính trung tâm của cuộc xung đột Israel Palestine" đưa ra một chút hy vọng.
Xung đột Israel – Palestine trở lại "trung tâm" bàn cờ quan hệ quốc tế. Đành rằng Cận Đông đang là "chảo lửa" và không thể phủ nhận nguy cơ xung đột lan rộng ra khu vực. Phong trào Hồi giáo Palestine Hamas, hay lực lượng Hezbollah ở Lebanon, phe Houti ở Yemen cũng như lực lượng dân dân theo hệ phái Shia ở Iraq đều muốn giải quyết dứt điểm vấn đề Israel nhưng tất cả đều lệ thuộc vào một "ông anh cả" là Iran.
Nếu như tình hình xấu đi thêm vào thì liệu rằng Mỹ hay Israel có để yên cho Tehran hoành hành gây bất ổn trong vùng Vình hay không ? Rất có thể là không. Washington không mảy may muốn trông thấy kịch bản đó xảy ra. Ở góc đài bên kia, Iran và lực lượng Hezbollah ở Lebanon cũng không muốn khói lửa lan rộng bởi như chuyên gia về tình hình Trung Cận Đông Henry Laurens giải thích, sự tồn tại của chế độ Tehran hay tổ chức Hezbollah là đề "làm ông kẹ" răn đe Hoa Kỳ và Israel chứ không phải chỉ vì Hamas.
Bản thân Iran thì vừa thoát khỏi thế cô lập nhờ chính thức gia nhập khối các nền kinh tế đang trỗi dậy cùng với Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc (BRICS), nên không chắc là Tehran dễ dàng lao vào một cuộc chiến… "Trừ phi là giáo chủ Iran, Ali Khamenei, tuổi tác đã gần đất xa trời lại có những tính toán khác… Kinh nghiệm cho thấy, đôi khi chiến tranh bùng nổ cũng chỉ vì một sự hiểu nhầm hay một sự ngộ nhận nào đó về những ý đồ của đối phương"
Giải phẫu thẩm mỹ : nam tài tử xi nê cũng sợ già
Trước khi khép lại các tờ báo Pháp trong ngày với những bài vở nặng trĩu mùi thuốc súng, xin đề cập đến một chủ đề nhẹ nhàng hơn được Le Figaro chú ý đó là tại phim trường Hollywood, giải phẫu thẩm mỹ, không còn là độc quyền của những nữ minh tinh màn bạc. Các nam tài tử cũng rất thường xuyên lui tới các trung tâm thẩm mỹ viện. Nhiều người đã lợi dụng 6 tháng vừa qua khi các phim trường phải ngưng hoạt động vì một bộ phận nhân viên đình công, để trao sắc đẹp của mình cho các vị bác sĩ thẩm mỹ. Trong thế giới điện ảnh các ngôi sao, bất luận là nam hay nữ đều có nhu cầu chứng minh họ trẻ mãi không già.
Xưa kia những nam tài tử gạo cội như Burt Lancaster hay Dean Martin từng căng da mặt, mài sống mũi cho thanh và gọn hơn thì giờ đây những tên tuổi như Tom Cruise hay Ryan Gosling cũng phải chống chọi với thời gian, chi rất nhiều tiền để giữ mãi nét đẹp của tuổi thanh xuân ! Trong làng nghệ thuật thứ bảy, không chỉ có phụ nữ mà nam giới giờ đây cũng… sợ già.
Thanh Hà
Việc tập trung vào những trì trệ của cuộc chiến trên bộ đã che khuất những thành công lớn ở Crimea và Biển Đen.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy khói bốc lên từ trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine ở Sevastopol, Crimea, vào ngày 22/9/2023. Planet Labs via Reuters
Gần đây, việc đưa tin về chiến tranh Ukraine trên các phương tiện truyền thông phương Tây đã tập trung nhiều vào chiến dịch trên bộ của Kyiv, đặc biệt là những nỗ lực tiến về phía bờ Biển Đen. Phần lớn các phân tích, dù đúng hay sai, đều tập trung vào việc Kyiv đã không đạt tiến bộ đáng kể nào từ đầu năm đến nay, chẳng gì có thể so sánh được với các cuộc tấn công mang tính đột phá năm ngoái ở Kharkiv và Kherson.
Dù một số lời chỉ trích là hợp lý, nhưng sự tập trung của phương Tây vào các đột phá lãnh thổ đã làm người ta quên mất thực tế rằng Ukraine đang tiến hành một cuộc chiến trung và dài hạn trên nhiều mặt trận, chống lại một kẻ thù lớn hơn và cố thủ vững chắc. Thêm nữa, việc Ukraine thiếu một bước tiến lớn trên bộ đã che khuất những thành công chiến trường mà Ukraine đã đạt được trong các khía cạnh khác của cuộc xung đột – đáng chú ý nhất là ở Biển Đen và Crimea.
Một phần quan trọng trong kế hoạch chiến tranh dài hạn của Kyiv là đẩy Nga ra khỏi Bán đảo Crimea và phần còn lại của bờ biển Ukraine do Nga chiếm đóng. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Hạm đội Biển Đen của Nga, đặt trụ sở chính tại cảng Sevastopol của Crimea, đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực chiến tranh của Moscow. Các tàu chiến Nga hoạt động ngay bên ngoài Sevastopol đã tiến hành phong tỏa bờ biển Ukraine và phóng tên lửa hành trình tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Ukraine đã đạt được một loạt chiến thắng đáng kinh ngạc trong và xung quanh Crimea, gồm các cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào cầu Eo biển Kerch và nhiều cuộc tấn công táo bạo vào chính Hạm đội Biển Đen – ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của Nga trên bán đảo và ở phía tây Biển Đen.
Hồi tháng 9, Ukraine đã thực hiện một loạt các đợt tấn công bằng tên lửa nhắm vào các tài sản hải quân Nga ở Sevastopol, bao gồm một tàu đổ bộ, một tàu ngầm, và trụ sở của Hạm đội Biển Đen – theo báo cáo, một số chỉ huy cấp cao đã có mặt trong những tàu bị đánh trúng. Một vài trong số những cuộc tấn công này được thực hiện bằng cách sử dụng tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh và Pháp cung cấp gần đây. Ukraine cũng đã tăng cường tấn công các trung tâm hậu cần, sửa chữa, và cơ sở hạ tầng của Nga trên bán đảo với mục đích làm suy giảm khả năng hỗ trợ hạm đội của Nga. Đầu tháng này, Kyiv đứng ra nhận trách nhiệm về hai cuộc tấn công khác nhắm vào hạm đội Nga, sử dụng một loại máy bay không người lái trên biển mới để tấn công tàu mang tên lửa hành trình Buyan, và thực hiện một cuộc tấn công phá hoại vào tàu tuần tra Pavel Derzhavin của Nga. Những cuộc tấn công này diễn ra sau khi Ukraine tấn công một cách có hệ thống các cơ cấu phòng thủ phòng chống tên lửa của Nga ở Crimea suốt nhiều tuần trước đó.
Những thành công này tạo thành một bước đột phá lớn cho Ukraine. Các cuộc tấn công vào Crimea giờ đây đã khiến Hạm đội Biển Đen của Nga gần như không thể tiếp tục hoạt động tự do ở phía tây Biển Đen. Hải quân Nga đã phản ứng bằng cách chuyển các tàu chiến xa hơn về phía đông, tới căn cứ hải quân Novorossiysk, một thành phố cảng trên đất liền Nga. Hệ quả là hạm đội Nga bị đẩy xa hơn vào vùng trũng phía đông Biển Đen – một bước tiến tới mục tiêu lâu dài của Kyiv là loại bỏ người Nga khỏi bán đảo bị chiếm đóng, bằng cách khiến họ không thể thực hiện được các hoạt động của mình. Sự kết hợp giữa tiêu hao và di dời đã có tác dụng làm giảm khả năng tuần tra vùng biển gần các cảng Ukraine của hạm đội Nga, giảm bớt một phần áp lực lên các tuyến đường vận chuyển quốc tế ở Biển Đen. Điều này có thể cho phép Kyiv đạt được một mục tiêu khác của chiến dịch : mở cửa ba cảng nước sâu của Odesa cho hoạt động vận chuyển thương mại quốc tế về ngũ cốc và các hàng hóa khác.
Tác động từ việc Nga phong tỏa các cảng của Ukraine đã được giảm bớt nhờ một thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc làm trung gian vào mùa hè năm 2022, cho phép một lượng hàng hóa nhất định của Ukraine – đặc biệt là ngũ cốc – được xuất khẩu qua các hành lang vận chuyển dân sự. Đổi lại, Moscow đã được đề nghị giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt. Nhưng Điện Kremlin đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 7/2023, tái lập lệnh phong tỏa tất cả các chuyến hàng thương mại đến Odesa, đồng thời bắt đầu loạt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Tác động tích lũy của việc phong tỏa là giá bảo hiểm vận chuyển trong và ngoài Ukraine tăng vọt, đồng thời giúp cho ngũ cốc xuất khẩu của Nga thống trị thị trường. Vào tháng 8, Kyiv phản ứng bằng cách thiết lập một hành lang biển nhân đạo thay thế, chạy dọc theo bờ biển Ukraine, do hải quân của các thành viên NATO là Bulgaria và Romania bảo vệ. Việc đánh cược rằng những lời đe dọa ngăn chặn vận chuyển ngũ cốc của Nga là một trò lừa bịp, và họ sẽ không bắn vào các tàu mang cờ quốc tế, đã được đền đáp. Tính đến thời điểm hiện tại, 32 tàu quốc tế dũng cảm đã rời cảng Ukraine để đến Châu Phi và nhiều nơi khác với ngũ cốc đầy trên tàu.
Ukraine cũng đã thực hiện thành công các cuộc đột kích của lực lượng đặc công hải quân đánh bộ để đạt được mục tiêu của mình. Tại Crimea, Ukraine đã phá hủy hoặc vô hiệu hóa các cơ sở tên lửa phòng không của Nga để chuẩn bị cho cuộc bắn phá bán đảo. Những hành động này cho phép Ukraine chiếm lại các giàn khoan dầu và khí đốt có vị trí chiến lược mà người Nga đã chiếm giữ kể từ chiến tranh bắt đầu và sử dụng chúng cho giám sát radar hàng hải. Việc Kyiv chỉ có một số lượng hạn chế tên lửa tầm xa có độ chính xác cao do phương Tây cung cấp có nghĩa là Ukraine phải chuẩn bị cực kỳ kỹ càng, gồm cả việc loại bỏ càng nhiều hệ thống phòng không của Nga càng tốt, trước khi phóng tên lửa đi.
Đồng thời, Ukraine cũng đã phát triển thành công một thế hệ thiết bị không người lái trên biển mới, được sản xuất ngay trong nước, có khả năng vượt qua hàng phòng thủ của hạm đội Nga. Các hệ thống chống tên lửa và phòng thủ tàu truyền thống của Nga đã cho thấy chúng không có khả năng bảo vệ trước thế hệ thiết bị không người lái trên biển mới này, trong đó gồm loại thiết bị chìm một phần dưới nước có biệt danh "Sea Baby" của Ukraine. Chỉ có giá rất nhỏ so với chi phí của một tàu chiến, tàu đổ bộ, hoặc tàu ngầm tiên tiến của Nga, những thiết bị không người lái tương đối rẻ tiền và được chế tạo nhanh chóng này đã trở thành một đột phá quan trọng.
Tính đến cuối mùa hè, người Ukraine đã chứng minh họ không chỉ có khả năng đánh chìm hoặc huỷ hoại các tài sản hải quân quan trọng của Nga, mà còn khiến việc tiếp tục sử dụng Sevastopol trở nên không bền vững đối với Hạm đội Biển Đen. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá rằng Nga đã "di dời nhiều tài sản hàng đầu của mình – bao gồm các tàu và tàu ngầm có khả năng mang tên lửa hành trình – từ Sevastopol đến các khu vực điều hành và căn cứ xa hơn về phía đông, chẳng hạn như Novorossiysk". Hơn nữa, vào ngày 5/10, lãnh đạo vùng Abkhazia thuộc Gruzia do Nga chiếm đóng, nằm xa hơn về phía đông so với Novorossiysk, đã đưa ra tuyên bố công khai rằng khu vực được Moscow hậu thuẫn của ông sẽ sớm tổ chức một "điểm triển khai thường trực" cho Hải quân Nga. Căn cứ này được đặt gần như ở cực đông của Biển Đen, cho thấy người Nga đã kết luận rằng việc bố trí tài sản hải quân ở bất kỳ đâu gần Ukraine và bờ biển hiện đang được rải đầy mìn của nước này là không hợp lý.
Những thành công này đã có tác dụng hạn chế nghiêm trọng phạm vi di chuyển của Nga ở Biển Đen. Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Anh James Heappey cho biết "Sự thất bại về mặt chức năng của Hạm đội Biển Đen, và tôi cho rằng đó chính là những gì đã diễn ra, bởi vì lực lượng này buộc phải phân tán đến các cảng mà từ đó họ không thể gây ảnh hưởng đến Ukraine, là một tổn thất to lớn".
Xét đến việc giải phóng hoàn toàn Crimea là mục tiêu chính của Kyiv, những thành công quan trọng trên biển của Ukraine phải được đặt vào cùng bối cảnh với những diễn biến khác trong cuộc xung đột nhiều mặt trận này – điều mà phần lớn báo chí và các nhà bình luận phương Tây đã không làm được. Bằng cách đánh bật Hạm đội Biển Đen của Nga khỏi Sevastopol, và đơn phương mở hành lang vận chuyển ngũ cốc, Kyiv đã đạt được những thành công đáng kinh ngạc dù chỉ có năng lực hải quân hạn chế. Dù Ukraine vẫn còn lâu mới có thể treo cờ ở Simferopol, thủ phủ của Crimea, nhưng những tiến bộ này là điều không thể tưởng tượng được vào năm ngoái.
Thành công của các chiến dịch hải quân chống lại hạm đội Nga càng đáng chú ý hơn khi Ukraine, về mặt chức năng, đã không còn hải quân. Kể từ năm 2014, người Nga đã đánh chìm, bắt giữ, hoặc vô hiệu hóa tất cả các tàu chiến lớn của Ukraine, ngoại trừ tàu khu trục chủ lực Hetman Sahaidachny, mà chính người Ukraine đã đánh đắm vào đầu năm 2022 để ngăn nó rơi vào tay Nga. Người Ukraine giờ đây thường xuyên nói đùa về việc Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga bị một quốc gia không có hải quân đánh chìm, nhưng các sĩ quan hải quân Nga khó có thể mỉm cười.
Quân đội Ukraine đã chứng tỏ họ có khả năng kết hợp các thiết bị mới vào kho vũ khí của mình một cách nhanh chóng và gây ra hiệu quả tàn khốc – cho dù đó là thiết bị không người lái trên biển tự sản xuất, hay tên lửa do Anh-Pháp cung cấp. Nếu các chính phủ phương Tây muốn thấy nhiều thành công hơn trên chiến trường, việc cung cấp cho Ukraine ngày càng nhiều tên lửa tầm xa để tiếp tục ngăn cản Nga tự do di chuyển ở Crimea sẽ là một khởi đầu tốt. Dù bằng cách nào, các nhà quan sát phương Tây nên ngừng chỉ tập trung vào cuộc chiến trên bộ và đặt những thành tựu đáng chú ý trên biển của Ukraine vào bối cảnh mà chúng xứng đáng được hưởng. Nếu không, việc kêu gọi cung cấp cho Kyiv những công cụ cần thiết để giải phóng các vùng lãnh thổ của mình sẽ trở nên khó khăn một cách không cần thiết.
Oz Katerji và Vladislav Davidzon
Nguyên tác : "Ukraine’s Counteroffensive Is More Successful Than You Think", Foreign Policy, 20/10/2023
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/10/2023
Oz Katerji là một nhà báo tự do người Anh gốc Lebanon, chuyên viết về xung đột, nhân quyền và Trung Đông.
Vladislav Davidzon là phóng viên văn hóa Châu Âu tại Tablet, nghiên cứu viên tại Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, và là tác giả cuốn "From Odessa With Love".
Kiev khẳng định Nga triển khai đến 400 ngàn quân tại các vùng chiếm đóng ở Ukraine
Minh Anh, RFI, 24/10/2023
Theo tình báo Ukraine, quân đội Nga triển khai đến hơn 400 ngàn lính tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Bộ trưởng quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thămmột cơ sở huấn luyện tân binh hợp đồng và tình nguyện tại một địa điểm không xác định. Ảnh được công bố ngày 05/10/2023. via Reuters – Russian Defence Ministry
Trả lời kênh truyền hình Kiev 24, ngày 23/10/2023, phát ngôn viên cơ quan tình báo Ukraine, ông Andrii Yusov, cho biết, mục tiêu của Nga là không nhằm mở một cuộc phản công quy mô lớn như hồi tháng 2/2022, mà đúng hơn là để "tiến hành các chiến dịch tấn công tách biệt" như ở cấp độ chiến sự vùng Avdiivka hay Bakhmut.
Vẫn theo quan chức này, các chiến dịch tuyển quân lớn của Nga có lẽ sẽ giảm nhịp độ càng gần đến ngày diễn ra bầu cử tổng thống, dự kiến vào tháng 3/2024 nhằm tránh sự phẫn nộ của người dân, một thời điểm thuận tiện, "mầu mỡ" cho các cuộc nổi dậy.
Còn theo trang thông tin độc lập Nga iStories, được NHK dẫn lại, tiểu đoàn Borz, thuộc một tập đoàn quân sự tư nhân Redut của Nga, đang tuyển thêm phụ nữ đến chiến đấu tại mặt trận Ukraine. Họ sẽ được đào tạo để trở thành những xạ thủ hay điều khiển drone.
Thông báo trên mạng xã hội Vkontakte ghi rõ hợp đồng tuyển dụng kéo dài sáu tháng với mức lương hàng tháng là 2.200 euro, kèm theo với một khoản đền bù từ 10 – 30 ngàn euro trong trường hợp bị thương tích.
Trang mạng thông tin Nhật Bản NHK còn trích dẫn các nguồn tin tình báo Estonia đưa ra hôm thứ Sáu 20/10 cho rằng Nga vẫn còn khoảng bốn triệu đạn pháo có thể sử dụng cho cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Theo AFP, những cuộc oanh kích của Nga hôm nay, 24/10/2023, nhằm vào nhiều vùng Kherson (nam) và Kharkiv (đông bắc) của Ukraine đã làm bốn người bị thương, trong đó có một trẻ 12 tuổi và một cơ sở năng lượng bị hư hại. Trong khi đó, lực lượng phòng không Ukraine thông báo đã bắn hạ sáu drone tự sát Shahed của Nga được phóng đi từ bán đảo Crimea trong đêm qua.
Còn phía Nga tuyên bố đã vô hiệu hóa được cuộc tấn công của ba tầu tự hành ngoài khơi phía bắc Hắc Hải, được cho là có ý định nhắm vào cảng Sevastopol.
Minh Anh
************************
Chiến tranh Ukraine : Được tăng viện, nhưng quân Nga chưa chọc thủng được phòng tuyến Avdiivka
Thùy Dương, RFI, 23/10/2023
Dù được tăng viện mạnh, các lực lượng Nga dường như vẫn chưa chọc thủng được phòng tuyến Ukraine quanh thành phố Avdiivka, trong vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 22/10/2023 cho biết quân Ukraine vẫn bảo vệ được các vị trí quanh Avdiivka dù gặp nhiều khó khăn, do Nga tăng cường nhiều đợt tấn công.
Chiến sự tại Avdiivka, miền đông Ukraine : một tòa nhà đổ nát. Ảnh ngày 17/10/2023. © Reuters/Yevhen Titov
Từ Kiev, thông tín viên Emmanuelle Chaze cho biết thêm :
"Avdiivka, trong vùng Donetsk, tiếp tục là tâm điểm chú ý và Moskva dường như đang tiếp tục điều thêm quân đến đó. Thế nhưng, cho dù đã được tiếp viện về người và thiết bị, các cuộc không kích và xe bọc thép, lực lượng Nga vẫn không thể chọc thủng tuyến phòng thủ của Ukraine, và Avdiivka vẫn là một trong những biểu tượng của cuộc kháng chiến của Ukraine.
Thế nhưng, những trận chiến này đang diễn ra với cái giá phải trả là những tổn thất nặng nề. Kể từ khi chiến tranh nổ ra, không có con số ước tính của Ukraine, vốn từ chối cung cấp thông tin về chủ đề này, nhưng theo đánh giá của tình báo Anh thì khoảng 190.000 binh sĩ Nga bị loại khỏi vòng chiến đấu, tức là chết hoặc bị thương nặng.
Giao tranh không chỉ diễn ra ở Avdiivka. Quân Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công dọc theo phòng tuyến Kupyansk-Kreminna, gần thành phố Donetsk bị chiếm đóng và thuộc vùng Zaporijjia. Các cuộc tấn công trên không của Nga, với tên lửa và drone, cũng tiếp diễn nhắm vào khắp nơi trên đất nước Ukraine. Đêm qua, có khoảng 20 vụ oanh kích nhắm vào các vùng Sumy, Donetsk, Kherson và Odessa".
Cũng trong ngày hôm qua 22/10, Nga cho biết đã hạ được 3 drone của Ukraine nhắm vào bán đảo Crimée mà Moskva đã chiếm của Ukraine.
Thùy Dương
Căng thẳng tại Trung Cận Đông với xung đột Palestine-Israel bùng lên trở lại sau các vụ đột kích đẫm máu của lực lượng Hồi giáo Palestine Hamas vào Israel ngày 07/10/2023, kéo theo chiến dịch trả đũa của quốc gia Do Thái, oanh kích dữ dội vào Dải Gaza, đã buộc Hoa Kỳ, nước cho đến nay vẫn đóng một vai trò thiết yếu trong khu vực, phải lao vào gánh vác.
Một khu phố ở Gaza bị phá hủy sau một vụ oanh kích của Israel, ngày 23/10/2023. © Abed Khaled / AP
Việc Washington bị "chia trí" vì cuộc khủng hoảng Israel Hamas quả là một tình huống có lợi cho Moskva và Bắc Kinh, hai đối thủ cạnh tranh chủ chốt của Mỹ.
Theo phân tích của hãng tin Anh Reuters, tình hình căng thẳng tại vùng Cận Đông, với Washington bị buộc phải hết mình ủng hộ Israel chống lại phong trào Hamas của người Palestine, là cơ hội để Moskva và Bắc Kinh tô bóng hình ảnh của mình trong tư cách là thế lực bảo trợ cho thế giới đang phát triển.
Trung Quốc đã liên tục kêu gọi các bên tự kiềm chế và ngừng bắn nhưng đồng thời gay gắt chỉ trích Israel. Trong lúc truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đả kích Tel Aviv, cho rằng cách trả đũa mạnh tay của Israel "đã vượt quá phạm vi tự vệ", ngoại trưởng Vương Nghị của nước này đã kêu gọi Israel ngừng "trừng phạt tập thể" toàn bộ cư dân Palestine ở Dải Gaza.
Nga cũng bày tỏ thái độ thông cảm với người Palestine và đổ lỗi cho Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước đã không ngần ngại cho rằng xung đột bùng lên là "một ví dụ sinh động về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông".
Cả Trung Quốc lẫn Nga đều ủng hộ người Palestine từ trước đến nay và chỉ trích việc mà họ cho là "bị Hoa Kỳ gạt ra bên lề".
Theo ông Jon Alterman, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, "Trung Quốc và Nga vẫn nhìn cuộc khủng hoảng hiện nay trong tương quan với Hoa Kỳ nhiều hơn là với Palestine hay Israel".
Món quà trời cho đối với Nga
Phải nói là đối với Nga, đang phải vất vả với chiến dịch xâm lược Ukraine, khủng hoảng bất ngờ bùng lên tại vùng Trung Đông là một tình huống rất có lợi, đến mức mà theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde 20/10 vừa qua, các nhà ngoại giao phương Tây và giới quan sát đều gọi đó là một "món quà trời cho".
Theo Le Monde, ngay sau khi nổ ra các vụ đột kích của lực lượng Hamas vào Israel hôm 07/10, truyền thông Nga hầu như không che giấu thái độ hài lòng, bất chấp nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện ở Trung Đông, kể cả tại Syria. Nhật báo Nga nổi tiếng Moskovsky Komsomolets ngày 09/10 không ngần ngại cho rằng "Tình hình có thể có lợi cho Nga".
Đối với Le Monde, xung đột bùng lên trở lại ở vùng Trung Đông đã chuyển hướng dư luận ra khỏi vấn đề Ukraine, góp phần làm suy yếu lập trường ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraine. Bên cạnh đó còn có lập luận cho rằng với diễn biến tại vùng Trung Cận Đông, Hoa Kỳ sẽ không còn khả năng cung cấp vũ khí đồng thời cho cả Kiev lẫn Tel Aviv.
Theo Le Monde, phản ứng tàn bạo của Israel đối với người Palestine tại Dải Gaza cũng như lập trường ủng hộ Tel Aviv của phương Tây đã làm suy yếu hai trụ cột trong lập luận của phương Tây về Ukraine : Việc Nga không tuân thủ luật pháp quốc tế và những tội ác mà quân đội Nga gây ra. Đối với tờ báo Pháp, không thể tránh khỏi việc so sánh hành động của Israel đối với người Palestine với cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Cũng như vậy, khó có thể tránh khỏi việc so sánh giữa vụ Nga ném bom vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine và quyết định của Israel cắt điện ở Gaza. Đối với phía Nga, phương Tây lại cho thấy thái độ đạo đức giả, bên trọng bên khinh, làm ngơ cho Israel trong lúc lại lên án Nga.
Một nhà ngoại giao Châu Âu đã thừa nhận rằng khủng hoảng Israel-Palestine bùng lên là "ơn trời dành cho Putin". Bà Tatiana Kastouéva-Jean, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cũng lưu ý : "Tất cả các lập luận và nỗ lực của phương Tây đều bị suy yếu. Đây là một món quà trời ban cho Moskva, vốn đang hy vọng thoát khỏi sự cô lập trên trường quốc tế nhờ có mặt trận mới này ở Trung Đông".
Trung Quốc trong tính thế tế nhị
Đối với Trung Quốc cũng vậy, việc Hoa Kỳ bị phân tâm vì hồ sơ Cận Đông, bên cạnh việc phải gánh vác vấn đề Ukraine, các yếu tố này có thể khiến Mỹ bớt chú ý đến những tranh chấp với Bắc Kinh, từ Đài Loan, Biển Đông, cho đến công nghệ cao cấp, thương mại. Tuy nhiên, tình hình bất ổn tại Trung Cận Đông có thể sẽ không có lợi cho Trung Quốc.
Theo nhật báo Kinh tế Pháp Les Echos, căng thẳng bùng lên giữa Israel và người Palestine nói riêng, và có thể là với khối Ả rập, đang đẩy Trung Quốc vào một tình thế tế nhị.
Cho dù trước đó rất thân với khối Ả rập, và hết sức ủng hộ người Palestine, từ năm 1992, Trung Quốc đã không ngừng tăng cường quan hệ với Israel. Đối với Bắc Kinh, Israel là nhà cung cấp công nghệ quan trọng, cung cấp cho Trung Quốc một giải pháp thay thế cho lệnh cấm vận của Mỹ đối với các linh kiện bán dẫn tiên tiến. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia tại Đại học Tel Aviv, hơn một nửa hàng xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc là linh kiện điện tử, bao gồm cả chip.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải quan tâm đến các nước Ả rập, Hồi giáo, đồng minh của Palestine vì phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ Trung Đông, nhập từ cả Saudi Arabialẫn Iran.
Theo nhà nghiên cứu Pháp Antoine Bondaz, Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được thiện cảm của các nước Ả rập đối với Palestine và trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Bắc Kinh tránh chỉ trích Hamas và tìm cách khẳng định mình là đối tác thiết yếu của các nước ả rập và các quốc gia đang phát triển. Đó là một cách tiếp cận nhằm nhấn mạnh càng nhiều càng tốt sự tương phản với nhận thức của nhiều nước cho rằng Hoa Kỳ thân Israel, cho phép Bắc Kinh gieo rắc nghi vấn về uy tín của Mỹ và các nước phương Tây bị mô tả là vô trách nhiệm, đạo đức giả và thiên vị.
Thiết bị bay tự động đã có tác động sâu sắc đến cuộc chiến ở Ukraine, được cả hai bên sử dụng với số lượng lớn.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc có động thái nhằm hạn chế xuất khẩu khiến có lo ngại rằng nguồn cung có thể gặp vấn đề.
Nhiều thiết bị bay tự động được sản xuất thương mại ở Trung Quốc và có thể dễ dàng mua được trong các cửa hàng. Nguồn cung mới đóng vai trò rất quan trọng, bởi có rất nhiều thiết bị đã bị mất trong cuộc chiến.
Tuy nhiên, hiện có những chỉ dấu cho thấy số lượng thiết bị bay tự động và các phụ tùng liên quan của Trung Quốc cung cấp cho cả Ukraine và Nga đều giảm đi.
Theo Royal United Services Institute (Rusi), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, thì Ukraine đang mất khoảng 10.000 thiết bị bay tự động mỗi tháng.
Nhiều nhóm tình nguyện viên đã góp quỹ để giúp quân đội Ukraine bổ sung nguồn cung.
Thiết bị bay tự động dân dụng được sự dụng song song với các loại thiết kế nhằm phục vụ mục đích quân sự, chẳng hạn như Ukraine dùng drone Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ, còn Nga dùng drone Shaheds của Iran.
Những hạn chế mới nhất do chính phủ Trung Quốc đưa ra có hiệu lực từ ngày 1/09. Chúng áp dụng cho các thiết bị bay tự động tầm xa nặng trên 4kg, cũng như các thiết bị liên quan như một số loại máy ảnh và mô-đun vô tuyến.
Các nhà sản xuất của Trung Quốc hiện phải xin giấy phép xuất khẩu và cung cấp chứng chỉ cho người dùng đầu cuối. Chính quyền Bắc Kinh - vốn không lên án việc Nga xâm lược Ukraine - nói rằng thiết bị bay tự động dân dụng của Trung Quốc không được dùng vào mục đích quân sự.
Các tình nguyện viên và binh sĩ Ukraine cho biết những hạn chế mới nhất của Trung Quốc cho đến nay mới chỉ có tác động tối thiểu đến sự sẵn có của thiết bị bay tự động, đặc biệt là loại Mavic hạng nhẹ phổ biến do công ty Trung Quốc DJI sản xuất.
Ukraine đã dựa vào thiết bị bay tự động DJI Mavic để phòng thủ trước cuộc xâm lược của Nga
Tuy nhiên, họ cho biết nguồn cung cấp linh kiện đã bị ảnh hưởng và họ cũng lo ngại tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.
"Thay đổi duy nhất hiện nay là chúng tôi đang tích cực mua bất kỳ hàng tồn kho nào còn lại trong các kho hàng ở Châu Âu," Lyuba Shypovych, người đứng đầu Dignitas, một trong những nhóm tình nguyện lớn nhất Ukraine cung cấp thiết bị bay tự động cho quân đội, cho biết. "Nhưng chưa rõ trong tương lai chúng tôi sẽ làm thế nào".
Bà đặc biệt lo lắng về sự sẵn có của các bộ phận như máy ảnh tầm nhiệt.
"Vì ngày đang trở nên ngắn hơn và đêm dài hơn, điều này chắc chắn có tác động đến nguồn cung cho quân đội chúng tôi và cách tiến hành chiến tranh nói chung, vì chúng tôi không có nhiều thiết bị bay tự động chụp ảnh tầm nhiệt. Các đơn vị của chúng tôi đang trở nên bị mù vào ban đêm," bà nói.
Yếu tố sẵn có của các bộ phận đặc biệt quan trọng đối với những người tự lắp ráp thiết bị bay tự động của mình hoặc cải tiến các mẫu đã mua.
"Tác động đang được cảm nhận rõ ràng. Các giấy phép mà Trung Quốc yêu cầu hiện đã hạn chế khả năng tiếp cận các bộ phận của thiết bị bay tự động của Ukraine," một nhà điều hành thiết bị bay tự động cấp cao của trung đoàn Kastus Kalinouski, người lấy biệt hiệu là Oddr, cho biết. "Nhưng chúng tôi đang tìm kiếm giải pháp thay thế để đảm bảo thiết bị bay tự động của chúng tôi hoạt động như trước đây".
Đây chỉ là trở ngại mới nhất mà các tình nguyện viên mua thiết bị bay tự động cho cả quân đội Nga và Ukraine phải đối mặt.
Một số tình nguyện viên cho rằng những hạn chế của Trung Quốc có thể kích thích việc sản xuất các bộ phận thiết bị bay tự động ở Ukraine
Nhà sản xuất thiết bị bay tự động dân dụng lớn nhất thế giới, DJI, đã tạm dừng bán hàng trực tiếp cho cả hai nước hai tháng sau khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2/2022. Họ cũng cấm các nhà phân phối trên toàn cầu bán sản phẩm DJI cho khách hàng ở Nga hoặc Ukraine.
Theo bà Shypovych, số lượng thiết bị bay tự động Trung Quốc được cung cấp cho các nhà phân phối ở Châu Âu đã giảm mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9/2022.
"Khó có khả năng đó là chuyện xảy ra một cách ngẫu nhiên. Ukraine nhập khẩu thiết bị bay tự động từ các nước Châu Âu khá là nhiều".
Khi được BBC liên hệ, DJI không thể xác nhận hay phủ nhận bất kỳ thay đổi nào về số lượng thiết bị bay tự động có sẵn cho các nhà phân phối ở Châu Âu.
Không ai trong số 10 công ty bán sản phẩm DJI ở Anh mà BBC tiếp cận đưa ra bình luận về vấn đề này.
Một cuộc điều tra của The New York Times cho thấy các công ty Trung Quốc trong những tháng gần đây đã cắt giảm doanh số bán thiết bị bay tự động và linh kiện cho Ukraine.
Nhưng không chỉ Ukraine bị ảnh hưởng.
Đề cập đến các lệnh hạn chế có hiệu lực từ ngày 1/09, tờ Kommersant của Nga đưa tin : "Những hạn chế do chính quyền Trung Quốc áp đặt đối với xuất khẩu thiết bị bay tự động đã làm phức tạp nghiêm trọng nguồn cung của họ sang Nga và dẫn đến tình trạng thiếu một số bộ phận, chẳng hạn như máy ảnh tầm nhiệt".
Trong trường hợp không có nguồn cung trực tiếp, người mua từ Nga thường mua thiết bị bay tự động của Trung Quốc ở các quốc gia như Kazakhstan, và theo Kommersant, quốc gia Trung Á này còn khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn bằng cách thắt chặt các quy định nhập khẩu thiết bị bay tự động của chính họ.
Để giảm thiểu tác động từ các hạn chế của Trung Quốc, các tình nguyện viên Ukraine đã bận rộn tìm kiếm các lựa chọn thay thế được sản xuất ở các quốc gia khác - cả ở phương Tây và chính Ukraine.
Anatoly Polkovnikov, người giúp mua thiết bị bay tự động, cho biết một công ty khởi nghiệp ở Ukraine đang chuẩn bị triển khai sản xuất động cơ thiết bị bay tự động.
Ông nói rằng ông lạc quan về tương lai : "Tôi không nghĩ những hạn chế này của Trung Quốc sẽ có bất kỳ tác động nào đến tình hình chung. Tôi có cảm giác rằng về lâu dài chúng sẽ kích thích sản xuất ở Ukraine".
Cuộc chiến ở Ukraine là cuộc xung đột vũ trang đầu tiên trong đó thiết bị bay tự động được sử dụng rộng rãi và với số lượng lớn như vậy, và cả hai bên tham chiến đều quyết tâm duy trì điều đó.
Vitaly Shevchenko
Nguồn : BBC, 22/10/2023
Cuộc nghiên cứu dư luận của Reuters/Ipsos vào đầu tháng 10 cho thấy dân chúng Mỹ đã bớt lo cho nước Ukraine.
Biểu ngữ "Hãy chung tay tái thiết Ukraine" ở trung tâm Kyiv, 2023.
Cả thế giới đang chờ đợi cuộc chiến tranh sắp tới, khi Israel tấn công quân Hamas ở giải Gaza ; cuộc chiến Ukraine sẽ không được chú ý như trước. Điều đáng lo cho nước Ukraine là dân Mỹ và các nước Châu Âu sẽ dần dần quên lãng, không thiết tha đến việc viện trợ vũ khí để giúp Ukraine ngăn chặn tham vọng của ông Vladimir Putin muốn tái lập đế quốc của các Nga hoàng và Liên bang Xô Viết.
Cuộc nghiên cứu dư luận của Reuters/Ipsos vào đầu tháng 10 cho thấy dân chúng Mỹ đã bớt lo cho nước Ukraine. Vào tháng 5, có 46% người Mỹ đồng ý cần phải giúp Ukraine thêm vũ khí, bây giờ chỉ còn 41%, theo nhật báo The Wall Street Journal. Chính phủ Joe Biden mới xin quốc hội chấp thuận viện trợ thêm $60 tỷ cho Ukraine, nhưng không biết bao giờ ngân sách đó mới được biểu quyết vì Hạ viện vẫn chưa bầu được một vị chủ tịch mới. Trong số các đại biểu Cộng Hòa lật đổ cựu chủ tịch Kevin McCarthy có nhiều người không muốn tiếp tục giúp Ukraine như trước. Mối quan tâm, hăng hái lúc đầu đã nguội dần vì dân Mỹ không trông thấy những kết quả cụ thể và ngoạn mục.
Sau ba tháng mở chiến dịch phản công toàn diện, quân đội Ukraine chỉ chiếm lại được một phần trăm những vùng đất bị quân Nga chiếm đóng từ năm ngoái. Chiến tuyến dài hơn 1.000 cây số khó thay đổi trong nhiều tháng tới, vì quân Nga đã đặt mìn bẫy và xây công sự phòng thủ kiên cố trong suốt năm qua.
Ukraine sẽ phải đối phó với một cuộc chiến tranh kéo dài. Bộ Quốc phòng Nga sẽ động viên thêm 130.000 lính mới kể từ ngày 1 tháng Mười ; kể cả những thanh niên sống trong các tỉnh của Ukraine mà Nga đã sáp nhập. Ông Vladimir Putin ký nghị định sẽ tăng quân lực Nga từ 1,9 triệu lên 2,04 triệu. Nga còn tuyển mộ hàng ngàn người Cuba đang lo lắng vì thất nghiệp. Một công nhân vác gạch 49 tuổi, Enrique Gonzalez, đã tình nguyện rồi được đưa ngay qua chiến trường Ukraine, đã gửi cho vợ món tiền thưởng 200.000 đồng rúp, đổi qua đồng pesos, tương đương với 2.040 đô la – trong khi đồng lương trung bình ở Havana chỉ bằng 17 mỹ kim – bản tin Reuters tường thuật. Ông Putin đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài, chờ cho quân đội Ukraine bị hao mòn và các nước Tây phương giảm bớt viện trợ vũ khí mới.
Ukraine cũng phải chuẩn bị trường kỳ kháng chiến ; đã lập kế hoạch tự sản xuất vũ khí, thay vì chỉ trông vào nước ngoài. Cùng ngày Nga tuyên bố động viên, Tổng thống Ukraine khai mạc hội nghị "Diễn đàn Quốc tế Công nghiệp Quốc phòng". Ông Volodymyr Zelenskyy đã gặp đại diện của 250 công ty sản xuất vũ khí thuộc 30 quốc gia, theo bản tin AP. Nhiều nước cũng gửi bộ trưởng quốc phòng hoặc cử đại diện đến tham dự.
Ông Rustem Umerov, bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói nước ông phải sản xuất đủ số vũ khí cho nhu cầu của quân đội, ở ngay trong nước mình. Ông nhấn mạnh đến nỗ lực nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật chiến tranh mới, "Mục tiêu của chúng tôi là sáng chế những vũ khí mới đứng hàng đầu thế giới".
Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba cho biết các cuộc thảo luận về hợp tác chế tạo vũ khí với các công ty Âu Mỹ đã bắt đầu từ mùa Thu năm ngoái. "Bước đầu, chỉ bàn đến việc sửa chữa và bảo trì các vũ khí (do các nước Châu Âu và Mỹ viện trợ), sau đó bàn đến vấn đề sản xuất chung". Ông nhấn mạnh rằng các công ty Âu, Mỹ cũng được lợi nhờ rút kinh nghiệm tại chiến trường để cải thiện, chế tạo các vũ khí hiệu quả mạnh và thích hợp với chiến trường hiện đại hơn.
Tổng thống Zelenskyy đã tiết lộ một "trọng điểm" trong chuyến đi Washington vừa qua là ông đã bàn với Tổng thống Joe Biden về hợp tác sảng xuất vũ khí. Đại diện hai nước sẽ gặp nhau trong thời gian tới để lập kế hoạch, sẽ thiết lập nhiều xưởng chế tạo trong nước Ukraine. Ông cho biết mới thành lập một "Liên minh Công nghiệp Quốc phòng" trong đó 13 công ty vũ khí quốc tế đã tham dự, Ukraine sẽ dành một ngân sách đặc biệt cho chương trình này.
Hợp tác sản xuất vũ khí là một chương trình cần nhiều thời gian mới thành. Ukraine đang sẵn sàng chịu đựng một cuộc chiến lâu dài. Ukraine vốn đã là một trung tâm sản xuất vũ khí, chiến hạm và hỏa tiễn của Liên bang Xô Viết. Trong thời gian đó, một triệu rưỡi công nhân làm việc trong 700 cơ sở, với 205 xưởng máy và 130 trung tâm nghiên cứu, phát triển ; một nhà máy ở Kharkiv đưa ra 900 xe thiết giáp mỗi năm, theo tuần báoEconomist. Từ năm 1991, khi Liên Xô tan vỡ, việc sản xuất ngưng dần ; sau khi bị tấn công, Ukraine phải bắt đầu lại từ đầu.
Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov, mới nhậm chức đầu tháng 9 năm nay, phụ trách công việc tái vũ trang. Một người sanh ở Crimea, gốc Tartare, theo Hồi giáo, là nhóm thiểu số gốc từ Trung Á đã bị quân Nga đàn áp, ông Umerov, 41 tuổi, biết Ukraine không thể chỉ trông cậy vào vũ khí viện trợ mà phải tự mình làm lấy. Vốn là một doanh nhân, ông bắt đầu cải thiện các xưởng chế tạo, phần lớn là doanh nghiệp nhà nước, áp dụng các phương pháp quản trị mới của Âu Mỹ. Các xí nghiệp tư chỉ đóng góp 20% đến 30% số vũ khí làm tại Ukraine. Họ được chính phủ giúp đỡ, các nhân viên cao cấp bị động viên được đưa trở về làm việc nếu cần.
Trong ba tháng đầu năm nay, Ukraine đã sản xuất số đạn dược lớn bằng cả năm ngoái. Bộ trưởng Mykhailo Fedorov, 32 tuổi, phụ trách kỹ thuật tin học, cho biết trong năm nay sẽ chế thêm nhiều máy bay tự động (drones), tăng 120 đến 150 lần số sản xuất năm ngoái. Chính phủ đã miễn thuế cho các công ty làm drones khi nhập cảng các bộ phận và nguyên liệu. Máy bay không người lái của Ukraine đã được cải tiến để bay xa hơn, đi tấn công các địa điểm trên bán đảo Crimea và bên trong nước Nga ; nhắm vào các kho vũ khí, kho xăng dầu, các bộ chỉ huy đầu não, các nơi sản xuất bộ phận thiết yếu của hỏa tiễn Nga ; đã giết được các cấp chỉ huy và khiến phi trường Moskva phải tạm đóng cửa nhiều lần.
Các xí nghiệp vũ khí ngoại quốc bắt đầu cộng tác bằng cách giúp Ukraine bảo trì và sửa chữa các vũ khí viện trợ. Sau đó, tiến tới hợp tác để sản xuất tại chỗ. Công ty vũ khí lớn nhất của Đức, Rheinmetal, hiện đang sửa chữa các thiết giáp Leopard của Đức ngay bên cạnh chiến trường. Công ty Anh Quốc BAE đã lập một chi nhánh làm các đại bác L119 và M777 trong nước Ukraine, theo báoEconomist.
Điều đáng lo nhất là các xưởng chế tạo vũ khí sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu cho hỏa tiễn và máy bay Nga tấn công. Chính phủ Ukraine có kế hoạch phân tản ra nhiều nhà máy nhỏ trên toàn quốc, trong các vùng tương đối an toàn.
Muốn theo đuổi cuộc kháng chiến lâu dài, vũ khí cần thiết, nhưng Ukraine cũng không thể quên xây dựng một nền kinh tế vững vàng. Sau 18 tháng bị tấn công, sản lượng quốc gia đã giảm một phần ba, báo Economist cho biết. Nền kinh tế dựa trên lực lượng lao động. Dân số Ukraine 37 triệu đã giảm một phần năm, số còn lại hai phần ba là phụ nữ. Một triệu thanh niên đang cầm súng và 7 triệu người dân đã đi tị nạn ở nước ngoài. Số người trong tuổi lao động giảm từ gần 17 triệu xuống 12,4 triệu. Xuất cảng lúa mì vốn là một nguồn ngoại tệ lớn, đã giảm mất một nửa vì Nga phong tỏa bờ biển Hắc Hải. Chi phí quốc phòng tăng từ 5% Tổng sản lượng nội địa lên 26%. Một nửa ngân sách chính phủ là tiền viện trợ ; năm ngoái lên tới 31 tỷ mỹ kim và năm nay sẽ còn cao hơn. Tình trạng này không thể kéo dài nếu phải chiến đấu trường kỳ.
Ukraine đã cố bảo vệ hải cảng Odessa, mở đường hàng hải mới dọc theo bờ biển các nước Romania và Bulgaria, hy vọng số xuất cảng sẽ lên bằng 70% mức cũ trước chiến tranh. Cần mở các cuộc tấn công nhắm phá hủy các căn cứ hải quân Nga tại Hắc Hải để bảo vệ đường xuất cảng hàng hóa. Ukraine dùng hỏa tiễn, drone, kể cả loại "drone tàu ngầm" cùng các thủy lôi "tinh khôn" tự tìm mục tiêu để tập kích hải quân Nga.
Nhưng muốn kinh tế không suy yếu, Ukraine vẫn cần đầu tư thêm. Chính phủ đã đưa ra các biện pháp thuế khóa để khuyến khích đầu tư, có thể "đóng bảo hiểm" cho các doanh nhân nếu bị thiệt hại vì chiến tranh.
Điều may mắn là sau khi bị quân Nga tấn công, số tiền đầu tư vẫn tăng lên trong các ngành chế tạo xe hơi, biến chế nông phẩm và công nghiệp nặng. Ông Sergiy Tsivkach, phụ trách chương trình đầu tư "UkraineInvest" cho biết mỗi tháng vẫn có ba đến bốn dự án đầu tư mới của các công ty quốc tế, đặc biệt trong công nghiệp chế tạo. Trước chiến tranh, chỉ có hai, ba dự án được đề nghị trong sáu tháng. Từ năm 2020, đã có thêm 1,7 tỷ mỹ kim, trong đó 500 triệu do chính phủ bỏ ra.
Nhưng trở ngại lớn nhất cho hoạt động kinh tế là nạn tham nhũng chứa sẵn trong guồng máy hành chánh của một nước cộng sản cũ. Tổng thống Zelenskyy đã cách chức nhiều quan chức, kể cả những cố vấn thân cận và một bộ trưởng quốc phòng. Tháng trước, ông sa thải tất cả những người chỉ huy các sở tuyển mộ nhập ngũ, đưa các binh sĩ từ chiến trường về thay thế, sau khi được An ninh Quân đội kiểm tra lý lịch. Trong hai tuần lễ sau khi được bổ nhiệm, bộ trưởng quốc phòng Umerov đã cách chức sáu trong số bảy thứ trưởng.
Công tác điều tra tham nhũng tiến hành khả quan nhưng một trở ngại lớn khác là các tòa án. Các thẩm phán trước đây chỉ được bổ nhiệm nếu được chi bộ đảng cộng sản thông qua, sau đó guồng máy tư pháp vẫn theo nếp cũ, dựa trên phe đảng, bè phái. Khi nào các doanh nhân cảm thấy có một hệ thống pháp lý an toàn họ mới sẵn sàng bỏ tiền làm ăn.
Vì đã sống trong nạn tham nhũng trong quá khứ, dân Ukraine mất tín nhiệm đối với giai tầng lãnh đạo. Tỷ số người tin tưởng vào các nhà chính trị là 60% vào cuối năm ngoái, vẫn giảm xuống chỉ còn 44% vào tháng 6 vừa qua.
Điều đáng mừng nhất là người dân Ukraine còn rất lạc quan và hoàn toàn tín nhiệm ông Zelenskyy ; 76% muốn tạm ngưng cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống cho đến khi chiến tranh chấm dứt. Phần lớn không ai than phiền về những quyền tự do bị hạn chế trong thời chiến. Đặc biệt, 82% dân chúng nghĩ Ukraine phải hoàn toàn độc lập ; 42% đồng ý phải tiếp tục chiến đấu dù các thành phố đều bị Nga tàn phá ; chỉ có 23% nghĩ rằng nên tìm cách thương thuyết. Với lòng dân như vậy, Ukraine đủ sức chịu đựng một cuộc chiến tranh lâu dài.
Tuy nhiên Ukraine vẫn cần phải được nước ngoài hỗ trợ, vì một mình không đủ sức đương đầu với Nga. Nếu dân Mỹ cảm thấy mệt mỏi thì Đức, Anh quốc, Pháp và các nước Châu Âu khác sẽ phải đóng góp nhiều hơn. Vì nếu ông Vladimir Putin nuốt gọn Ukraine thì chính các nước này sẽ bị đe dọa. Các nước giáp giới Nga, ở Bắc Âu, Ba Lan, và vùng Baltic lo lắng nhất, cũng là những nước tích cực nhất trong việc trợ giúp Ukraine.
Nguồn : VOA, 23/10/2023
Chiến sự ác liệt gần Avdiivka, Putin tuyên bố đạt nhiều bước tiến
Thùy Dương, RFI, 15/10/2023
Tại Ukraine, từ một số ngày nay, các trận đánh ác liệt đặc biệt đã diễn ra gần Avdiivka, vùng Donetsk, miền đông đất nước. Quân đội Nga đã huy động rất nhiều nguồn lực vào chiến trường này để bao vây thành phố. Hôm nay 15/10/2023, tình hình mặt trận vẫn rất căng thẳng. Nhiều nhà quan sát quốc tế nhận định các lực lượng Nga có thể chiếm lại được khu vực mà phe ly khai thân Nga từng kiểm soát được trong một thời gian ngắn hồi năm 2014.
Lính Ukraine khai hỏa về phía vị trí của Nga trên chiến tuyến gần Avdiivka, Ukraine, ngày 28/04/2023. AP - Libkos
Về phía Moskva, theo AFP, hôm nay tổng thống Putin trên truyền hình đã chúc mừng bước tiến của các đội quân Nga tại các vùng Kupiansk, Zaporijia và Avdivka.
Thông tín viên Emmanuelle Chaze từ Kiev điểm lại tình hình :
"Ở miền đông Ukraine, các đội quân của Nga đã bắt đầu cuộc tấn công lớn nhắm vào thành phố Avdiivka trong vùng Donetsk.
Theo chính quyền Kiev, với nhiều vũ khí hạng nặng, gồm xe bọc thép, xe tăng, pháo binh và từ trên không, khoảng 2.000 quân Nga đã tấn công Avdiivka từ nhiều ngày nay, không ngừng bắn phá thành phố này, nơi vẫn còn hơn một ngàn thường dân sinh sống.
Ông Vitali Barabash, lãnh đạo chính quyền quân quản Avdiivka, nhận định Nga đã huy động các phương tiện nhiều một cách bất thường đến chiến trường. Trong khi đó, tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh là các lực lượng Ukraine vẫn giữ vững vị trí tại Avdiivka cho dù gặp nhiều khó khăn.
Theo Viện nghiên cứu chiến tranh của Mỹ, các đội quân Nga đã chiếm lại được vùng đất khoảng 4km² nhưng đã phải trả giá bằng những tổn thất nhân mạng và vật chất rất lớn, và kết quả các cuộc tấn công vẫn chưa chắc chắn, trong khi các đội quân của Ukraine vẫn đang tiếp tục các chiến dịch và cho biết đạt nhiều bước tiến tại các vùng Bakhmut và Zaporijia".
Ngay tại Nga, theo Reuters, bộ Quốc Phòng sáng sớm hôm nay 15/10 thông báo các đơn vị phòng không đã bắn hạ được 27 drone của Ukraine, đa phần ở vùngKoursk, gần biên giới hai nước.
Thùy Dương
***********************
Mỹ tố cáo Bắc Triều Tiên giao cho Nga hơn 1000 container thiết bị quân sự
Anh Vũ, RFI, 14/10/2023
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một phát ngôn viên của Nhà Trắng của Hoa Kỳ hôm 13/10/2023, cho biết những tuần qua, Bắc Triều Tiên đã giao "hơn 1000 container" thiết bị quân sự và đạn dược cho Nga.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên cùng tổng thống Nga trong một cuộc họp tại Vladivostok, Nga, ngày 25/04/2023. Reuters - Pool
Trong một cuộc tiếp xúc với báo chí, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ cho biết các thiết bị khí tài nói trên sẽ được sử dụng "tấn công các thành phố của Ukraine, giết hại thường dân Ukraine".
Theo ông, chính quyền Mỹ đã công bố một biểu đồ minh họa cho hành trình của một số thùng hàng đi từ một cảng của Bắc Triều Tiên đến kho chứa của Nga nằm gần biên giới Ukraine.
Quan chức Mỹ cho biết trong các trao đổi như vậy, Bắc Triều Tiên cũng muốn có được nhiều loại thiết bị quân sự của Nga và các "công nghệ hiện đại", nhất là về máy bay, tên lửa, xe bọc thép và các loại nguyên liệu để chế tạo tên lửa đạn đạo.
Hoa Kỳ đã quan sát thấy các tàu container Nga dỡ hàng tại Bắc Triều Tiên. Đó có thể là những chuyến hàng thiết bị quân sự đầu tiên của Nga.
Ông John Kirby đánh giá : "Mối quan hệ đối tác quân sự giữa Bắc Triều Tiên và Nga đang trên đà phát triển, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ này là mối đe dọa ổn định trong vùng và các cam kết quốc tế không phổ biến vũ khí".
Anh Vũ
Ukraine : Cuộc chiến sống còn khiến Châu Âu không thể mỏi gối chồn chân
Le Monde ngày 05/10/2023 nói về một khúc nhạc đang được dạo lên ở Châu Âu mà Kremlin nghe rất êm tai, đó là "sự mỏi mệt Ukraine". Sau 19 tháng chiến tranh đẫm máu và tốn kém mà chưa thấy lối ra, sự hỗ trợ của phương Tây có phần rạn nứt. Nhưng Châu Âu không thể hy sinh Ukraine như một số người ở Washington tự cho phép, vì cuộc chiến này mang tính tồn vong không chỉ với Kiev mà cả châu lục.
Các quân nhân Ukraine sử dụng pháo tự hành 2S1 Gvozdika tấn công quân Nga tại Donetsk, ngày 26/09/2023. Reuters - Springer
Tai nạn tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc : Dính bẫy của chính mình ?
Liên quan đến Châu Á, Les Echos dẫn nguồn tin từ Daily Mail nêu ra khả năng một tàu ngầm nguyên tử Trung Quốc bị chìm xuống đáy biển cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn, vì lọt vào chiếc bẫy cho chính Trung Quốc giăng ra. Tin đồn đã lan ra từ nhiều tuần qua, và nay tờ báo ở Luân Đôn tham khảo được một báo cáo của tình báo Anh, xác nhận sự kiện.
Tai nạn xảy ra ở Hoàng Hải, ngoài khơi Sơn Đông và gần Thượng Hải, vào lúc 8 giờ 12 phút địa phương ngày 01/08, khiến 55 người trên tàu tử nạn gồm 22 sĩ quan, 7 học viên sĩ quan, 9 hạ sĩ quan và 17 lính thủy. Chiếc tàu ngầm type 093 thuộc lớp Thương (Shang) bị kẹt vào một sợi xích và rào chắn bằng dây neo được hải quân Trung Quốc dùng để gài bẫy các tàu ngầm của Mỹ và đồng minh. Phải mất sáu tiếng đồng hồ mới đưa được lên mặt nước, nhưng đã quá trễ cho thủy thủ đoàn vì trong lúc bị chận lại, có thể hệ thống oxygen của chiếc tàu ngầm bị hư hỏng khiến họ bị chết ngạt.
Trung Quốc không xác nhận thông tin này, nhưng nếu là sự thật, đó là một đòn nặng cho Bắc Kinh. Bởi vì type 093 được đưa vào hoạt động năm 2006, là một trong những tàu ngầm nguyên tử tấn công mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, hiện có sáu chiếc loại này. Dài 107 mét, rộng 11 mét, trọng tải 6.100 tấn, chúng có thể mang theo 22 ngư lôi và hỏa tiễn hành trình chống hạm.
"Mệt mỏi Ukraine" : Khúc nhạc êm tai cho Kremlin
Về cuộc chiến ở Ukraine, Le Monde nói về một khúc nhạc đang được dạo lên ở Châu Âu mà Kremlin nghe rất êm tai, đó là "sự mỏi mệt Ukraine". Sau 19 tháng chiến tranh đẫm máu và tốn kém mà chưa thấy lối ra, sự hỗ trợ của phương Tây có phần rạn nứt.
Cuộc phản công bắt đầu từ tháng 6 không mấy tiến triển, khác hẳn với hồi mùa thu năm 2022 đã gây bất ngờ cho quân Nga thiếu chuẩn bị. Những chiến binh Ukraine thực sự mỏi mệt và thiếu thốn vũ khí, đạn dược, trong khi phương Tây đã cạn kho. Mùa đông sắp tới xem chừng khó khăn. Về chính trị, "phép lạ Zelensky" bắt đầu suy giảm, những từ ngữ của tổng thống Ukraine đôi khi gây bất bình cho các đối tác.
Thêm vào đó là những trắc trở về ngoại giao từ tháng 9. Các nước phương Nam không lắng nghe phương Tây. Tại Washington, sự mặc cả giữa Cộng hòa và Dân chủ gây phương hại cho Kiev. Ở Châu Âu, đồng minh Ba Lan đang trong chiến dịch tranh cử, các bên không từ một thủ đoạn nào ; đảng dân túy thân Nga về đầu ở Slovakia. Người đứng đầu ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã thành công ngoạn mục khi tổ chức họp ngoại trưởng 27 nước lần đầu tiên tại Kiev hôm 02/10, nhưng có một nốt trầm nho nhỏ là Hungary và Ba Lan chỉ gởi thứ trưởng đi dự.
Châu Âu không thể nào bỏ rơi Kiev
Tuy nhiên dù diễn tiến ở Hoa Kỳ có như thế nào đi nữa, Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ phải mở rộng dù vô cùng phức tạp. Bởi vì nếu một số người ở Washington có thể tự cho phép hy sinh Ukraine, Châu Âu không thể có lựa chọn này. Ukraine nằm tại Châu Âu, bỏ rơi nước này cho Nga sẽ khiến phần còn lại của châu lục bị đe dọa. Cuộc chiến nay mang tính tồn vong cho cả Châu Âu lẫn Kiev. Chính vì vậy mà các nhà kỹ nghệ quốc phòng Châu Âu và kể cả Anh đã đến Kiev để bàn bạc về việc đặt nhà máy sản xuất vũ khí ngay trên lãnh thổ Ukraine, một sự đầu tư lâu dài.
Cũng vì vậy mà dù đang bất hòa, Warszawa thỏa thuận với Kiev về việc xuất khẩu ngũ cốc và vừa chuyển giao các xe tăng Leopard 2 bị hư hại trong các trận đánh và được sửa chữa tại Ba Lan. Và cũng chính vì thế mà ngày mai 06/10 các nhà lãnh đạo 27 nước họp tại Tây Ban Nha bàn về việc mở rộng EU.
Thế lưỡng nan có thể tóm tắt : "Không kết nạp Ukraine và các ứng viên khác là không thể chấp nhận được trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, nhưng những cải cách và hy sinh cũng khó thể chấp nhận". Mở rộng nhưng không làm tê liệt hay tan vỡ EU đòi hỏi rất nhiều sáng tạo và khôn khéo. Từ khi tung ra cuộc chiến tranh tổng lực, Vladimir Putin hy vọng phương Tây sẽ mệt mỏi trước mình ; nhưng nếu ông ta càng sa lầy ở Ukraine, thì Ukraine càng gắn chặt với Châu Âu.
Hòa bình không miễn phí
Xã luận của Les Echos phân tích "Châu Âu : Cái giá cho hòa bình". Mở rộng Liên Hiệp Châu Âu phải trả giá về chính trị và ngân sách rất lớn, nhưng lại là điều cần thiết. Liệu có nên kết nạp thêm khi hiện nay tranh cãi vốn đã nhiều ? Những lý lẽ để đóng cửa EU trước các ứng cử viên mới là nghiêm túc.
Chuyển từ 27 thành 36 thành viên có nguy cơ biến EU trở nên nặng nề và kém hiệu quả, trao quyền ngăn trở cho hơn một chục nước khiến không thể thông qua những cải cách thuế khóa, tài chánh. Kết nạp, là nhắm mắt trước những căng thẳng cố hữu giữa các nước Balkan, tham nhũng ở Ukraine và sự thân cận với Nga của Serbia.
Các nước Trung Âu sau khi được hưởng sự trợ giúp hào hiệp của EU, nay phải giúp lại những thành viên mới nghèo hơn để được thịnh vượng. Hiện nay 18 quốc gia thành viên nhận được nhiều hơn số tiền họ phải đóng góp, nhưng nếu mở rộng thành 36 nước, tất cả đều phải chi nhiều hơn thu. Vậy tại sao gánh lấy rủi ro bị nông dân biểu tình và phe dân túy lợi dụng ?
Cái giá cho an ninh châu lục
Câu trả lời là EU sẽ trở thành sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới, tương đương với Hoa Kỳ, tăng cường khả năng áp đặt các quy định lên quốc tế - như vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân cách đây vài năm. Cái giá khổng lồ phải trả chỉ có thể biện minh bằng một điều duy nhất : an ninh. Nếu lâu nay mục tiêu vẫn là thịnh vượng, thì việc mở rộng EU ngày nay được thúc đẩy bằng nỗi sợ.
Những nước ngoại vi EU đang bị Nga, Trung Quốc dòm ngó, và có thể cả Thổ Nhĩ Kỳ. Việc gia nhập EU sẽ bảo đảm chủ quyền cho họ. Tuy tốn kém, nhưng chiến tranh còn tốn kém hơn : cuộc xâm lăng Ukraine đã làm EU phải chi ra nhiều trăm tỉ euro. Cộng đồng Châu Âu được thành lập năm 1957 để bảo vệ hòa bình giữa Pháp và Đức, và 80 năm sau cũng vì hòa bình mà phải mở rộng.
Một ví dụ cụ thể về chi phí : theo một nghiên cứu không chính thức, khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Ukraine sẽ nhận được 186 tỉ euro trong bảy năm. Thông tin này do Financial Times tiết lộ và Les Echos dẫn lại. Không được EU xác nhận, đây là ước lượng đầu tiên dựa theo quy định ngân sách hiện có của Liên hiệp. Tuy nhiên trong trường hợp mở rộng, các quy định sẽ được điều chỉnh.
Con quái vật chiến tranh 100 năm trước đang đe dọa thế giới hiện đại
Về mặt lịch sử, Libération đặt câu hỏi "Tòa án Nuremberg nào cho Ukraine ?". Liệu có sự tương đồng nào giữa Ukraine và hai trận đại chiến thế giới hay không ? Không chỉ vì Putin luôn bị ám ảnh bởi "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại", mà những gì đang diễn ra với bộ binh, xe tăng, hầm trú ẩn… chẳng khác nào thời thế chiến. Theo nhà nghiên cứu Annette Wieviorka của CNRS, cần có một tòa án đặc biệt để xét xử Vladimir Putin và các cộng sự thân cận, ngoài tội ác chiến tranh đã bị Tòa án La Haye ra lệnh truy nã.
Một bài viết khác trên Libération nhận định cho dù không nên đánh giá thấp vai trò của vệ tinh và drone, rất nhiều yếu tố cho thấy cuộc chiến tranh ở Ukraine đưa chúng ta quay lại với 100 năm về trước. Cuộc xâm lăng đang diễn ra trước mắt thế giới gây kinh ngạc cho tất cả các chuyên gia về Đệ nhất Thế chiến. Sau vài tuần lễ chiến đấu dữ dội từ tháng 2 đến tháng 4/2022, một cuộc chiến tranh giao thông hào đã hình thành trên chiến tuyến 1.000 kilomet, mà không bên nào phá vỡ được thế trận của đối thủ.
Đó là cách chiến đấu mà người ta ngỡ đã biến mất : giành giựt từng mét đất, từng giao thông hào một, y như mặt trận phía tây vào mùa hè 1914 và cuối năm 1915. Ai có thể hình dung ra được một sự "phi hiện đại hóa" như vậy ? Trong khi một mùa đông khủng khiếp thứ hai sắp đến, dường như con quái vật chiến tranh đã sống dậy từ đống tro tàn, đe dọa thế giới hiện đại của chúng ta.
Slovakia : Trắc nghiệm thất bại đầu tiên của EU trong chống tin giả
Le Monde cho biết chưa đầy 48 giờ trước khi các phòng phiếu ở Slovakia mở cửa ngày 30/09, số cử tri đăng ký tăng vọt. Người ta nghe được đoạn đối thoại giữa thủ lãnh đảng cánh trung thân Châu Âu Michal Simecka và một nhà báo nổi tiếng, về việc phù phép những lá phiếu để có lợi cho mình. Thực ra đây là tin giả, giọng nói do trí thông minh nhân tạo (AI) tạo ra.
Video bị rút khỏi Facebook và TikTok vài giờ sau đó, nhưng đã được chia sẻ vài chục ngàn lần, còn báo chí không thể đề cập vì sát ngày bầu cử. Tổng biên tập trang Dennik N. nói, đây là lần đầu tiên đối mặt với "deep fake" có lượng người xem cao như vậy ở Slovakia. Kết quả là ứng cử viên dân tộc chủ nghĩa thân Nga Robert Fico và đảng Smer của ông ta chiến thắng.
Với tỉ lệ tin vào thuyết âm mưu thuộc loại cao nhất Châu Âu, 5,5 triệu người Slovakia là mồi ngon của những tin thất thiệt. Chẳng hạn Rudolf Huliak, đứng đầu một làng chỉ có 2.500 dân nhưng nổi tiếng trên Facebook, khẳng định những con gấu là "vũ khí sinh học do Bruxelles gởi sang". Phó chủ tịch đảng Smer, Lubos Blaha là chính khách được theo dõi nhiều nhất trên Facebook, cáo buộc nữ tổng thống thân Châu Âu Zuzana Caputova là "gián điệp của Mỹ".
Vào đầu cuộc xâm lăng Ukraine, chính quyền đóng cửa một số trang chuyên bóp méo thông tin sau khi có bằng chứng nhận tiền từ một nhà ngoại giao Nga, nhưng 6 tháng sau những trang này lại tái xuất do không thông qua được luật. Còn Digital Services Act (DSA) của EU chỉ được áp dụng cho những nền tảng có trên 45 triệu người sử dụng.
Kevin McCarthy : Lên và xuống đều kịch tính
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Figaro nhận thấy "Sự rạn vỡ của đảng Cộng hòa trở thành vở kịch ở Quốc hội". La Croix cho rằng "Sau vụ truất phế ông Kevin McCarthy, Quốc hội Mỹ bước vào vùng trời bất định". Với Les Echos "Quốc hội Mỹ bị tê liệt vì sự chia rẽ của cánh hữu". Libération nói về "Một chiến lợi phẩm mới cho những kẻ thù của Nhà nước", Le Monde nhận định "Washington trước sự đổ vỡ của đảng Cộng hòa".
Được bầu làm chủ tịch Hạ Viện sau 15 vòng bỏ phiếu hồi tháng Giêng năm ngoái, sự sụp đổ của ông Kevin McCarthy cũng mang tính lịch sử không kém. Ông bị hạ bệ bởi 8 thành viên cực đoan của đảng mình vì cáo buộc đã thỏa hiệp với Nhà Trắng, và phe Dân chủ đang bất bình vì đã cho khởi động thủ tục truất phế tổng thống Joe Biden. Chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ, nhân vật thứ hai có thể kế vị tổng thống sau phó tổng thống, lại bị mất chức theo kiểu này.
Ukraine thiệt thòi vì một nhúm dân biểu Mỹ cực đoan
Lo ngại càng tăng lên vì không có ứng cử viên nổi bật nào khác trong số 221 dân biểu của đảng Cộng hòa. Nhất là họ đều phải đối mặt cùng một vấn đề với Kevin McCarthy : một đa số khít khao khiến một thiểu số cực đoan có thể làm mưa làm gió. Chẳng hạn dân biểu Matt Gaetz của Florida hay Andy Biggs của Arizona. Họ nhất định đòi phải thắt chặt chi tiêu và kiểm soát ngặt nghèo biên giới Mexico để chống nhập cư, không quan tâm đến chiến tranh ở Ukraine.
Cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich của đảng Cộng hòa vốn là một trong những nhân vật cực đoan nhất trong thập niên 90, đã đòi hỏi trục xuất Matt Gaetz ra khỏi đảng. Nhân vật 41 tuổi phe ông Trump, xuất hiện thường xuyên trên truyền hình hơn là làm nhiệm vụ dân biểu, chống McCarthy tới cùng và cuối cùng đã làm ông mất chức. Cuộc khủng hoảng xảy ra vào lúc hai hồ sơ khẩn cấp đang được đặt trên bàn : viện trợ 24 tỉ đô la cho Ukraine và tránh shutdown.
Hình ảnh của Quốc hội Mỹ xấu hẳn đi : 72 % người dân tỏ ra bất mãn. Và câu hỏi lớn của các đồng minh là : Liệu có thể luôn tin tưởng vào Hoa Kỳ hay không ? Vấn đề này vượt qua số phận của một người rốt cuộc bị ăn thịt bởi con cọp mà mình ngỡ rằng đã chế ngự. Đó là hoạt động của các định chế thuộc đại cường số một thế giới - có nguy cơ bị tê liệt trong khoảng bốn mươi ngày tới, và khả năng trợ giúp cho một đất nước đang bị xâm lăng để có thể tồn tại. Những đối thủ của Mỹ có thể trông cậy vào sự mù quáng của những người Cộng hòa tự cho là ái quốc.
Thụy My
Chiến tranh Ukraine : Dấu hiệu rạn nứt trong hậu thuẫn của đồng minh cho Kiev
Anh Vũ, RFI, 04/10/2023
Phe dân túy thắng cử ở Slovakia dọa quay lưng lại với Kiev, chủ tịch Hạ Viện Mỹ bị phế truất ngay sau thỏa thuận tránh shutdown có dính dáng với viện trợ cho Ukraine, căng thẳng về vấn đề ngũ cốc, Ba Lan tuyên bốn ngừng cấp vũ khí... Những diễn biến chính trị ở các nước đồng minh thời gian gần đấy đang được Kiev theo dõi với nhiều lo ngại giữa lúc cuộc chiến tranh ở Ukraine đang kéo dài chưa biết đến bao giờ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đi thăm một vị trí của quân đội Ukraine ở tiền tuyến tại một địa điểm không được tiết lộ ở Ukraine, ngày 03/10/2023 via Reuters - Ukrainian Presidential Services
Câu hỏi được giới quan sát nhắc đến nhiều trong những tuần qua là : Phải chăng phương Tây đã bắt đầu mệt mỏi với một cuộc chiến tranh kéo dài quá lâu, bắt đầu đặt vấn đề xem xét lại viện trợ quân sự cho Kiev ?
"Không một viên đạn" cho Kiev, Robert Fico, lãnh đạo đảng dân túy vừa thắng cử tại Slovakia hôm Chủ Nhật đã tuyên bố thẳng thừng như vậy, mặc dù phe của ông còn 2 tuần nữa để thành lập chính phủ.
Tại Ba Lan, trước thềm cuộc bầu cử 15/10 tới, thủ tướng Mateusz Morawiecki đã thông báo Warzawa ngừng cung cấp vũ khí cho Ba Lan, chỉ hứa hoàn thành nốt các hợp đồng cũ với Kiev.
Trên thực tế, Ba Lan vẫn là hậu phương cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Sau khi đã gom góp trong kho các loại xe bọc thép, máy bay và các loại vũ khí khác từ thời Liên Xô, nước này đã phải giảm nhịp độ chuyển vũ khí cho Kiev. Điều này cũng xảy ra với Slovakia, một quốc gia Trung Âu khác nằm trong tốp 10 nhà tài trợ cho Ukraine, quốc gia đã sớm chuyển cho Kiev hệ thống phòng không S-300 cũng như các máy bay chiến đấu Mig-29 cũ.
Theo giới quan sát, điều đáng lo ngại hơn là hai quốc gia này có thể tham gia mặt trận với Hungary của thủ tướng Viktor Orban, quốc gia vẫn luôn không ngần ngại ngăn cản các chủ trương duy trì cung cấp vũ khi lâu dài cho Ukraine của Liên Âu.
Nhưng nghiêm trọng hơn cả là những biến động chính trị đang diễn ra tại Mỹ. Diễn biến mới xảy ra tại Quốc hội Mỹ không chỉ khiến Ukraine mà cả các đồng minh khác ái ngại. Cuối tháng 9, Hạ Viện đã tìm ra một thỏa hiệp giúp tránh được tình trạng shutdown, chính phủ tê liệt vì hết tiền. Nhưng luật tài chính được các dân biểu thông qua vào phút cuối đã loại trừ 24 tỷ đô la viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine. Có điều, phe hữu trong đảng Cộng Hòa cho rằng chủ tịch Hạ Viện, McCarthy đã có thỏa thuận ngầm với tổng thống Joe Biden để duy trì khoản viện trợ quân sự cho Kiev. Đó chính là lý do mà một nhóm nhỏ dân biểu nhánh hữu trong đảng Cộng Hòa nổi dậy phế truất thành công chủ tịch Hạ Viện trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Viện trợ quân sự của Mỹ mang tính sống còn cho Ukraine, giờ trở nên bất định hơn bao giờ hết do cuộc khủng hoảng ở Hạ Viện. Phe nổi dậy thành công trong đảng Cộng Hòa này chủ trương không chi thêm một đồng viện trợ nào cho Ukraine.
Rõ ràng việc đình chỉ viện trợ quân sự của Mỹ sẽ gây hệ quả tức thì. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã cung cấp hơn một nửa số thiết bị được quân đội Ukraine đang sử dụng ở mặt trận để đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, 31 nước, phần đông là các nước phương Tây, đã viện trợ quân sự cho Kiev từ đầu cuộc chiến tranh. Trong đó Mỹ chiếm tỷ trọng lớn nhất với số lượng vũ khí, khí tài trị giá tới 42 tỷ euro được chuyển đến Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng Giêng 2022 đến tháng 07/2023. Trong khi đó, tổng viện trợ của các đồng minh khác chỉ chiếm khoảng chưa đầy 5 tỷ euro.
Chuyên gia François Heisbourg, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, nhận định trên kênh truyền hình Pháp TF1 : "Ukraine có lý do để lo lắng, bởi vì Mỹ ngày càng ít ủng hộ việc giúp đỡ họ". Theo một cuộc thăm dò dư luận của CNN hồi đầu tháng 8, 48% trong số họ tin rằng cần phải làm nhiều hơn nữa cho Ukraine. Vào tháng 02/2022, 62% trong số họ nghĩ như vậy. Hiện nay, 55% tin rằng Quốc hội không nên cấp phép tài trợ bổ sung.
Nước Nga của ông Vladimir Putin đã đánh cược rằng phương Tây cuối cùng sẽ "buông tay" cứu giúp Kiev trong cuộc chiến tranh tiêu hao bất tận này. Các nước đồng minh, hoặc đang gặp khó khăn kinh tế, hoặc vướng vào những bất ổn nội bộ, có tiếp tục duy trì sự huy động ủng hộ một quốc gia không phải là thành viên của NATO cũng như Liên Hiệp Châu Âu hay không ? Những ngày qua, Châu Âu và Hoa Kỳ liên tục có các động thái khẳng định quyết tâm hậu thuẫn lâu dài để trấn an đồng minh Ukraine. Hôm qua, tổng thống Mỹ đã lần lượt điện thoại cho hầu hết các đồng minh chủ chốt : Anh, Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan... tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến của Ukraine.
Đến lúc này, sau hơn 500 ngày chiến tranh chống Nga xâm lược, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ có thể nhắc lại các đồng minh rằng : "Chiến thắng của chúng tôi phụ thuộc trực tiếp vào sự hợp tác của các vị", như phát biểu của ông trước các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Kiev hôm 02/10.
Tổng thống Joe Biden ra sức trấn an các đồng minh về việc Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ cho Ukraine
Trọng Nghĩa, RFI, 04/10/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hôm qua 03/10/2023 đã nói chuyện với một loạt lãnh đạo các nước đồng minh, cũng như với Liên Hiệp Châu Âu và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO. Mục tiêu là để khẳng định việc Mỹ tiếp tục giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga, đồng thời cảnh báo rằng việc giảm hỗ trợ có thể khiến Nga trở nên táo bạo hơn, làm cho chiến tranh thêm nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Ukraine Volodymyr Zelensky tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 21/09/2023. Reuters – Kevin Lamarque
Theo Nhà Trắng, tổng thống Biden đã điện đàm với các lãnh đạo Canada, Đức, Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Rumani, Anh và Pháp, cũng như với những người đứng đầu Liên minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, Ủy Ban Châu Âu và Hội Đồng Châu Âu.
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby đã khẳng định với báo giới : "Tổng thống Biden đã nói rõ rằng trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi không thể để cho nguồn hỗ trợ mà Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn".
Theo ông Kirby, Hoa Kỳ vẫn còn kinh phí đã được duyệt để đáp ứng nhu cầu chiến trường của Ukraine trong "vài tháng" tới đây, nhưng cần được sự phê chuẩn của Quốc hội để cung cấp viện trợ một cách liên tục.
Phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ nhắc lại lời chỉ trích trước đó của tổng thống Biden nhắm vào một nhóm nhỏ dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện đã ngăn chặn việc chi viện cho Ukraine, nhưng đồng thời lưu ý rằng hầu hết các nghị sĩ của đảng Cộng Hòa đều ủng hộ Kiev.
Ông Kirby cảnh báo : "Tình trạng thiếu vắng hậu thuẫn như vậy sẽ khiến cho Putin tin rằng ông ta có thể yên tâm tiếp tục cuộc chiến cho đến khi chúng ta cùng các đồng minh và đối tác bỏ cuộc".
Nhiều đồng minh của Hoa Kỳ lo ngại về khả năng Washington bớt ủng hộ Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, sau khi Quốc hội Mỹ loại bỏ các khoản viện trợ cho Ukraine ra khỏi dự luật khẩn cấp tránh nguy cơ chính phủ bị tê liệt một phần do không có nguồn tài chính.
Trọng Nghĩa
Viện trợ cho Ukraine : Kiev và Bruxelles buộc phải hòa giải với Hungary
Minh Anh, RFI, 04/10/2023
Cho đến nay, Liên Hiệp Châu Âu đã cấp 5,6 tỷ euro viện trợ cho Ukraine trong khuôn khổ FEP (Cơ chế Châu Âu vì Hòa bình). Tuy nhiên, việc tháo khoán gói viện trợ thứ tám trị giá 500 triệu đô la bị bế tắc vì thủ tướng Hungary Victor Orban đã phủ quyết.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu tại Quốc hội Hungary ở Budapest, ngày 25/09/2023. AP - Zoltan Mathe
Đây là cách để thủ tướng Hungary phản đối chính quyền Ukraine đưa vào danh sách đen một ngân hàng Hungary hiện vẫn duy trì các hoạt động giao dịch tại Nga. Để tháo gỡ bế tắc, Kiev đã chấp nhận "dịu giọng" với Budapest.
Từ thủ đô Hungary, thông tín viên đài RFI, Florence La Bruyère giải thích :
"Hồi tháng 05/2023, Ukraine đã đưa ngân hàng OTP của Hungary vào danh sách đen. Ngân hàng này vẫn còn có hơn hai triệu khách hàng tại Nga. Chính quyền Kiev cáo buộc ngân hàng tài trợ cho cuộc chiến tranh do Moskva tiến hành.
Chính phủ Orban cho rằng đó là một cáo buộc quá đáng và đã dùng quyền phủ quyết. Thủ tướng Hungary đã chặn một khoản viện trợ quân sự của Châu Âu trị giá 500 triệu euro, vào lúc Ukraine đang cần khẩn cấp nguồn hỗ trợ này. Hơn nữa, khoản tiền sáu tỷ đô la mà Hoa Kỳ hứa cũng đã bị Quốc hội Mỹ đình hoãn.
Trong thế túng, Kiev đã tạm thời rút ngân hàng Hungary ra khỏi danh sách đen. Việc xóa tên sẽ diễn ra khi nào ngân hàng này hoàn toàn cắt đứt liên hệ với Moskva. Cơ sở tài chính này cũng đã đưa ra những cam kết theo chiều hướng này.
Nhưng Ukraine chưa phải là bên duy nhất muốn hạ giọng với Viktor Orban. Ủy ban Châu Âu rất có thể sẽ giải ngân 13 tỷ euro từ Quỹ Châu Âu cho Budapest, và đã bị Bruxelles phong tỏa vì việc không tôn trọng Nhà nước Pháp quyền.
Đổi lại, theo báo Financial Times, Ủy ban Châu Âu dường như đề nghị Viktor Orban bỏ phiếu thông qua ngân sách Châu Âu sắp tới, bao gồm một khoản hỗ trợ quan trọng cho Ukraine".
Ngũ Giác Đài cảnh báo sắp hết tiền để thay thế vũ khí gửi tới Ukraine
AP, VOA, 03/10/2023
Ngũ Giác Đài cảnh báo Quốc hội rằng họ sắp hết tiền để thay thế vũ khí mà Mỹ đã gửi cho Ukraine và buộc phải giảm tốc độ tiếp tế cho một số binh sĩ, theo một lá thư gửi cho các nhà lãnh đạo Quốc hội.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tại Ngũ Giác Đài, ở Arlington, Virginia, ngày 12/9/2023.
Bức thư mà hãng thông tấn AP có được, kêu gọi Quốc hội bổ sung nguồn tài trợ cho Ukraine. Quốc hội đã ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa bằng cách thông qua dự luật tài trợ ngắn hạn vào cuối tuần, nhưng biện pháp này đã loại bỏ mọi hỗ trợ dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
Kiểm soát viên Ngũ Giác Đài Michael McCord nói với các lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện rằng 1,6 tỷ đô la còn lại trong số 25,9 tỷ đô la mà Quốc hội cung cấp để bổ sung cho kho quân sự của Mỹ đã chảy sang Ukraine. Các loại vũ khí này bao gồm hàng triệu viên đạn pháo, rốc-két và phi đạn quan trọng đối với cuộc phản công của Ukraine nhằm lấy lại lãnh thổ mà Nga đã giành được trong cuộc chiến.
Ngoài ra, Mỹ còn lại khoảng 5,4 tỷ đô la để cung cấp vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ của mình. Hoa Kỳ lẽ ra đã cạn nguồn tài trợ đó nếu Ngũ Giác Đài không nhận ra vào đầu năm nay rằng họ đã định giá cường điệu số thiết bị mà họ đã gửi đi, giải tỏa khoảng 6,2 tỷ đô la. Một số trong số đó đã được gửi trong những tháng gần đây.
Ông McCord cho biết Mỹ đã hoàn toàn cạn kiệt nguồn tài trợ dài hạn cho Kyiv thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, vốn cung cấp tiền để ký hợp đồng mua vũ khí trong tương lai.
Ông McCord viết trong thư : "Chúng ta đã buộc phải giảm tốc độ bổ sung lực lượng của mình để phòng ngừa một tương lai tài trợ không chắc chắn". "Việc không bổ sung kịp thời các dịch vụ quân sự của chúng ta có thể gây tổn hại đến khả năng sẵn sàng của quân đội chúng ta".
Ông nói thêm rằng nếu không có nguồn tài trợ bổ sung bây giờ, Mỹ sẽ phải trì hoãn hoặc cắt giảm vũ khí phòng không, đạn dược, máy bay không người lái cũng như các thiết bị phá hủy vốn "quan trọng và cấp bách hiện nay khi Nga chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công mùa đông".
Tổng thống Joe Biden ngày 1/10 nói : "Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta không thể cho phép sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị gián đoạn". "Chúng ta không nhiều thời gian, và có một cảm giác vô cùng cấp bách".
Ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết nếu viện trợ không tiếp tục, sự kháng cự của Ukraine sẽ bắt đầu suy yếu.
Ông nói : "Nếu không có tiền mới, họ sẽ bắt đầu cảm nhận điều đó vào Lễ Tạ ơn".
Dự luật tài trợ ngắn hạn được Quốc hội thông qua chỉ kéo dài đến giữa tháng 11. Và ông McCord cho biết sẽ quá rủi ro nếu Bộ Quốc phòng chuyển tiền từ dự luật tài trợ tạm thời đó để chi trả thêm viện trợ cho Ukraine.
Nhiều nhà lập pháp thừa nhận rằng giành được sự chấp thuận tại Quốc hội cho việc hỗ trợ Ukraine đang ngày càng khó khăn hơn khi chiến tranh kéo dài và sự phản đối viện trợ Ukraine từ phe cực hữu của Đảng Cộng hòa đang có đà tiến.
Nguồn : VOA, 03/10/2023
************************
Ukraine ký hàng loạt hợp đồng vũ khí với các nhà công nghiệp quốc phòng Pháp
Anh Vũ, RFI, 03/10/2023
AFP dẫn các nguồn thạo tin ngày 02/10/2023 cho biết, Ukraine đã ký với nhiều tập đoàn công nghiệp Pháp một loạt hợp đồng cung cấp vũ khí nhân diễn đàn công nghiệp quốc phòng được tổ chức tại Kiev trong tuần qua. Đã có 15 hợp đồng được ký, phần lớn là những thỏa thuận hợp tác sản xuất vũ khí tại Ukraine.
Lính Ukraine chuẩn bị khai hỏa khẩu pháo tự hành CAESAR - do Pháp sản xuất ở gần Avdiyvka, vùng Donetsk, Ukraine, ngày 26/12/2022. AP - Libkos
Theo nguồn tin B Quân lực Pháp, tập đoàn Nexter, đại diện Pháp trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Pháp-Đức (KNDS) sẽ cung cấp thêm 6 đại bác loại Caesar (loại pháo cơ động 155 ly tầm bắn 40 km), ngoài 30 khẩu Caesar đã được giao và 19 khẩu khác đã chuyển từ Đan Mạch cho Ukraine.
Để đáp ứng nhu cầu, công ty Nexter đã phải tăng tốc sản xuất khẩu pháo Caesar, rút ngắn thời gian sản xuất từ 3 năm xuống 18 tháng, tăng sản lượng mỗi tháng từ 2 lên 6 khẩu.
Nexter đã ký hợp đồng với một công ty của Ukraine trong việc bảo trì pháo Caesar và xe bọc thép AMX-10, cũng như chế tạo tại chỗ một số phụ tùng. Bên cạnh đó còn có hợp đồng lắp đặt vũ khí trên các loại xe quân sự của Ukraine.
Công ty Pháp CEFA cũng ký hợp đồng cung cấp 8 robot rà phá mìn và 8 hệ thống xà lan cơ động để chuyên chở các chiến xa hạng nặng qua sông hồ. Các hệ thống này có thể dùng để lắp ráp thành cầu phao khi cần thiết.
Trước đó, hồi mùa hè công ty Delair đã ký hợp đồng cung cấp cho quân đội Ukraine 150 drone trinh sát và lần này công ty nhận thêm đơn hàng 150 chiếc khác. Ngoài ra, các tập đoàn công nghiệp quốc phòng khác của Pháp như Thales, Turgis & Gaillard cũng đã ký thỏa thuận với nhiều hãng Ukraine để cùng chế tạo các drone.
Bộ trưởng Bộ Quân lực Pháp, Sébastien Lecornu hôm 28/09 đã đến thăm Kiev và dự diễn đàn của các nhà công nghiệp quốc phòng, lần đầu tiên tổ chức tại thủ đô Ukraine. Tháp tùng ông có khoảng hai chục đại diện các hãng công nghiệp Pháp. Mục đích chuyến đi là thảo luận phương thức hỗ trợ quân sự của Pháp cho Ukraine trong tương lai. Tổng số có 15 hợp đồng của các hãng công nghiệp pháp, một thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cục vũ khí Pháp (DGA) đã được ký với phía Ukraine, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quân Lực Pháp.
Trên RFI Pháp ngữ, tướng Dominique Trinquand, nguyên trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc phân tích về chủ trương của Paris hỗ trợ Kiev sản xuất vũ khí tại chỗ :
"Tôi cho rằng chiến lược này đáp ứng viễn cảnh một cuộc chiến tranh lâu dài mà Ukraine và các nước Châu Âu đang đối mặt. Các nước xây dựng chủ trương hậu cần để giúp thúc đẩy cung cấp các khí tài phù hợp cho quân đội Ukraine. Chiến lược mang tính sống còn cho Ukraine và các nước Châu Âu. Cần phải tăng năng lực sản xuất của công nghiệp quân sự. Trước tiên là để rút ngắn đường vận chuyển bằng cách sản xuất tại Ukraine, đồng thời cũng là để hỗ trợ hiệu quả hơn cho Ukraine. Trái lại có điểm khá nhạy cảm là các điểm sản xuất sắp được đặt tại Ukraine có thể trở thành mục tiêu của các tên lửa Nga. Vì thế mà tổng thống Zelensky đã đề nghị nỗ lực đặc biệt vào hệ thống phòng không".
Anh Vũ
************************
Họp các ngoại trưởng của Liên Âu tại Kiev : Thông điệp ủng hộ dành cho Ukraine
Thùy Dương, RFI, 03/10/2023
Hôm 02/10/2023, tại Kiev, thủ đô Ukraine, lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu bất ngờ tổ chức cuộc họp cấp ngoại trưởng của 27 thành viên tại một quốc gia chưa gia nhập khối này. Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell xem đây là "một cuộc họp có ý nghĩa lịch sử" và khẳng định tương lai của Ukraine là nằm trong khối này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng cùng các ngoại trưởng Châu Âu tại Kiev, Ukraine, ngày 02/10/2023. AP
Theo báo Le Monde, ngoại trưởng Ukraine tố cáo Nga "dành rất nhiều phương tiện" để chia rẽ các đồng minh của Kiev, trong bối cảnh Nga khẳng định phương Tây ngày càng mệt mỏi, chán nản về hồ sơ Ukraine. Về phần mình, tổng thống Ukraine Zelensky nhấn mạnh, chiến thắng của Ukraine "phụ thuộc trực tiếp" vào sự hợp tác giữa Kiev với các nước đồng minh phương Tây.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet cho biết thêm về ý nghĩa cuộc họp của Liên Âu tại Kiev :
Những gì Liên Hiệp Châu Âu làm ở Kiev chủ yếu là gửi một thông điệp ngoại giao và chính trị mạnh mẽ để thể hiện sự kiên định trong việc ủng hộ Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna hôm thứ Hai khẳng định : "Chúng tôi muốn cho Nga thấy rằng họ không nên "trông mong là chúng tôi sẽ chán nản, mệt mỏi". Trong khi đó, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock kêu gọi Liên Âu có một kế hoạch bảo vệ người dân Ukraine trong mùa đông, giúp Kiev đối phó với các vụ oanh kích mới của Nga nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Liên Âu cũng tìm cách giảm thiểu tác động của thông tin xấu về việc nhà lãnh đạo dân túy thân Nga, Robert Fico giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Slovakia, và cũng để chứng minh rằng Liên Âu là nguồn hỗ trợ ổn định vào lúc các vấn đề ngân sách của Mỹ đang khiến Washington phải tạm đình chỉ các khoản viện trợ cho Ukraine.
Kể từ khi cuộc chiến xâm lược của Nga nổ ra vào tháng 02/2022, Liên Hiệp Châu Âu đã thành công trong việc duy trì tình đoàn kết chống Moskva và cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine là một bản sắc mới của Liên Âu : Cuối cùng thì Liên Hiệp Châu Âu cũng tìm được vai trò địa chính trị của mình trong bối cảnh mới trên lục địa Châu Âu do Nga "bất cẩn" tạo ra.
Thùy Dương
************************
Quốc hội Ukraine ‘ăn miếng trả miếng’ với tỷ phú Elon Musk
Reuters, VOA, 03/10/2023
Quốc hội Ukraine và chủ tịch quốc hội Ukraine ngày 2/10 chế nhạo tỷ phú Elon Musk sau khi ông đăng một hình ảnh châm biếm trên nền tảng mạng xã hội của mình chế nhạo lời cầu xin của Tổng thống Volodymyr Zelenskyy về sự hỗ trợ thời chiến từ phương Tây.
Tỷ phú Elon Musk sở hữu SpaceX, công ty cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh Starlink rất quan trọng cho nỗ lực quốc phòng của Ukraine nhưng những phát biểu của ông đôi khi khiến Kyiv tức giận.
Ông Musk sở hữu SpaceX, công ty cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh Starlink rất quan trọng cho nỗ lực quốc phòng của Ukraine, nhưng những phát biểu của ông đôi khi khiến Kyiv tức giận kể từ cuộc xâm lược toàn diện do Nga phát động vào tháng 2 năm ngoái.
Sáng ngày 2/10, ông Musk đã đăng một hình ảnh châm biếm trên nền tảng X của mình, trước đây gọi là Twitter : hình ảnh Tổng thống Ukraine cùng dòng ghi chú "Khi đã 5 phút trôi qua mà bạn vẫn chưa xin một tỷ đô la viện trợ".
Nhà lãnh đạo Ukraine và các phụ tá hàng đầu của ông đã kêu gọi các đồng minh của họ trong suốt cuộc chiến đảm bảo hàng tỷ đô la viện trợ quân sự để ứng phó và đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Chủ tịch quốc hội Ukraine, ông Ruslan Stefanchuk, đã chỉ trích ông Musk bằng bài đăng riêng của mình trên X.
"Đây là khi... (ông Elon Musk) cố gắng chinh phục không gian, nhưng đã xảy ra trục trặc và trong vòng 5 phút, ông ấy rơi xuống địa ngục", ám chỉ rõ ràng đến vụ phóng phi đạn thất bại của SpaceX vào tháng 4.
Quốc hội Ukraine, trên trang chính thức trên X, tố cáo ông Musk truyền bá tuyên truyền của Nga. Quốc hội Ukraine cũng đăng nội dung châm biếm với hình ảnh của ông Musk và chú thích : "Khi đã 5 phút trôi qua mà anh vẫn chưa truyền bá tuyên truyền của Nga".
Cố vấn tổng thống Ukraine, Mykhailo Podolyak, người trước đây đã chỉ trích một số phát biểu của ông Musk, nói trong một bài đăng trên X rằng việc im lặng hoặc mỉa mai Ukraine làm lợi cho tuyên truyền của Nga.
"Thật không may, không phải tất cả mọi người và không phải luôn luôn, tuy là những nhân vật quan trọng của giới truyền thông, nhưng ở cách xa tâm chấn chiến tranh hàng nghìn km, có thể nhận ra những vụ đánh bom và tiếng khóc hàng ngày của những đứa trẻ mất cha mẹ là như thế nào".
Các quan chức Ukraine trước đó trong cuộc chiến đã chỉ trích ông Musk vì gợi ý rằng họ nên cân nhắc việc nhường đất vì hòa bình, một quan điểm mà Kyiv đã kiên quyết bác bỏ.
Ông Zelenskyy đã đến thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 và gặp các quan chức hàng đầu nhằm đảm bảo có thêm viện trợ. Cuối tuần qua, viện trợ cho Ukraine đã bị loại bỏ khỏi biện pháp tài trợ tạm thời được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nhằm ngăn chặn việc chính phủ Hoa Kỳ đóng cửa.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm ngoái, cung cấp hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự và tài chính.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 03/10/2023