Nếu chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn "đoàn cấp cao" để công du Mỹ trong thời gian tới, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hồi cuối tháng Sáu, 2018, nhiều khả năng ông Trọng sẽ phải trả lời Tổng thống Donald Trump về vụ công an bắt và khởi tố sinh viên Mỹ gốc Việt Will Nguyễn.
Anh Will Nguyễn khi bị an ninh chìm bắt đưa lên xe cảnh sát với khuôn mặt đầy máu. (Hình : Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)
Bản sao của Bắc Hàn
Ba tuần sau vụ bắt giam anh Will Nguyễn tính từ ngày 10 tháng Sáu, vụ việc này vẫn còn nguyên cái gai trong quan hệ Mỹ-Việt.
Tất cả những gì mà người ta biết về anh, đó là thanh niên này đã tham dự một cách quá nhiệt tình vào cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu phản đối dự luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng tại Sài Gòn – hoàn toàn trái ngược với một quy chụp chính trị trên một số trang dư luận viên của đảng và công an cộng sản Việt Nam cho rằng anh Will Nguyễn là thành viên của một tổ chức chính trị và nhiệm vụ của nhân vật này là mang về Việt Nam 1,7 triệu USD để cung cấp cho 12 nhóm biểu tình (?).
Động thái công an ở Sài Gòn – mà chắc chắn phía sau đó phải có sự chỉ đạo của Bộ Công an và do đó vụ việc này mang danh nghĩa "trung ương" chứ không phải địa phương – quyết định phát lệnh khởi tố anh Will Nguyễn đã khiến dư luận ngạc nhiên vì tính chất căng thẳng bất ngờ của vụ này.
Cách đây hai năm, vào tháng Năm, 2016, một người Mỹ gốc Việt là cô Nancy Nguyễn cũng bị công an ở Sài Gòn bắt câu lưu trong khoảng một tuần, có thể do cô liên quan đến cuộc biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối Formosa diễn ra vào tháng Năm ấy. Sau thời gian bị câu lưu, cô bị công an Việt Nam trục xuất. Nhưng không có khởi tố và tạm giam.
Còn giờ đây, cái cách công an Việt Nam khởi tố và tống giam anh Will Nguyễn lại khiến cho nhiều người hình dung ra… Bắc Hàn.
Ngay cả việc công an đạo diễn để anh Will Nguyễn "thú tội" trên đài truyền hình, rất nhiều người dân trong nước lại tin đó là một thủ đoạn rất thường có của Bắc Hàn khi bắt giữ và ép cung công dân Mỹ phải thú tội ở Bình Nhưỡng.
Liệu khi khởi tố anh Will Nguyễn, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có muốn dùng vụ việc được hình sự hóa này như một cái cớ để trả treo với chính phủ Hoa Kỳ như Bắc Hàn luôn mưu toan ?
Và nếu có thì trả treo về cái gì ?
Làm khó Mỹ và mặc cả thương mại ?
Có khá nhiều nhu cầu mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang cần đến trong mối quan hệ "tốt đẹp chưa từng có" với Hoa Kỳ – theo cách tuyên rao của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngay trước mắt, việc khởi tố anh Will Nguyễn là một cách "nắn gân" Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ít nhất cũng làm khó cơ quan này và bắt buộc các viên chức ngoại giao Mỹ phải ít nhiều chịu lệ thuộc vào cung cách "lệ làng" của phía Việt Nam.
Khi anh Will Nguyễn còn chưa bị khởi tố, Đại sứ quán Mỹ đã quan tâm đến vụ sinh viên này bị bắt và đã đề nghị phía Việt Nam để được tiếp cận với anh. Đến khi anh bị khởi tố, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng "hết sức quan ngại" và "sự an toàn của ông ấy và sự an toàn của tất cả công dân Mỹ là mối quan tâm hàng đầu đối với Hoa Kỳ", cùng lúc tổ chức tiếp cận lãnh sự với người bị bắt. Còn nhiều nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu chiến dịch vận động đòi trả tự do cho anh Will Nguyễn.
Các cơ quan ngoại vụ và công an Việt Nam lại có chuyện để làm, có chuyện để thương thảo và cả "làm mình làm mẩy" với phía Mỹ – đối tượng mà họ luôn cần, bao gồm cả nhu cầu "ra đi tìm đường cứu nước" ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ yêu mến.
Nhưng còn có thể có một mục đích thâm sâu và thực dụng hơn nhiều : bắt Tổng thống Trump phải nhượng bộ về thương mại.
Một cách nào đó, ông Trump là một "sát thủ" đối với nền kinh tế và hệ tư tưởng của chế độ cộng sản Việt Nam. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, ông đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 nước "gây hại" cho nền kinh tế Mỹ do Mỹ phải nhập siêu của Việt Nam từ 25 tỷ USD đến 30 tỷ USD mỗi năm.
Đến tháng Mười Một, 2017, ngay vào thời điểm tham dự Hội nghị APEC Đà Nẵng (Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương), ông Trump đã thẳng thừng tuyên bố nguyên tắc "công bằng và đối ứng" trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với các nước, trong đó có Việt Nam.
Chẳng bao lâu sau đó, không chỉ cá ba sa, tôm, mà cả nhôm và thép Việt Nam – mà một phần không nhỏ trong đó mang nguồn gốc Trung Quốc – đã bị Mỹ áp thuế tăng vọt, gấp từ 2 đến 4 lần mức trước đây, khiến cho những mặt hàng này trở nên cực kỳ khó khăn trong việc tìm đường thâm nhập vào thị trường Mỹ. Điều này khiến cho giá trị xuất cảng và xuất siêu của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ giảm đáng kể, càng khiến tương lai sụp đổ ngân sách của Việt Nam gần hơn bao giờ hết.
Ông Trump sẽ phản ứng ra sao ?
Vụ khởi tố anh Will Nguyễn xảy ra chỉ khoảng một tháng sau sự kiện lần đầu tiên chính phủ Mỹ – được Tổng thống Trump yêu cầu trực tiếp – đã đàm phán thành công với Bình Nhưỡng để Bắc Hàn trả tự do cho ba công dân Mỹ mà trước đó bị bắt vì tội "làm gián điệp". Chi tiết cần chú ý là những công dân này không phải là người Mỹ thuần chủng, mà là người Mỹ gốc Hàn. Điều đó cho thấy nước Mỹ quan tâm một cách khá công bằng đến mọi trường hợp công dân Mỹ, và do đó trường hợp của anh Will Nguyễn cũng nằm trong số đó.
Đó cũng là lý do vì sao mà sau khi anh Will Nguyễn bị công an Việt Nam bắt, ba dân biểu liên bang Hoa Kỳ gồm Alan Lowenthal, Jimmy Gomez và Lou Correa đã điện đàm với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam là ông Daniel Kritenbrink để yêu cầu can thiệp cho anh Will Nguyễn được phóng thích. Các nghị sĩ cũng cho biết thêm rằng bước kế tiếp sẽ là "liên lạc với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo để bày tỏ sự cần thiết phải hành động ngay lập tức ở cấp chính quyền cao nhất để William Nguyễn được trả tự do".
Theo quan điểm của các nghị sĩ này, "việc trả tự do cho anh William Nguyễn là chọn lựa tốt nhất cho chính quyền Việt Nam và để tiếp tục mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ".
Chỉ có điều, nếu quả động thái khởi tố anh Will Nguyễn là nhắm đến mục đích mặc cả thương mại với Mỹ, giới chóp bu Việt Nam rất có thể đã bê nguyên não trạng của thời trả treo với Tổng thống Barack Obama để hành xử một cách sai lầm với Tổng thống Donald Trump.
Bởi khác hẳn với thời ông Obama mềm mỏng và nhẫn nhịn mà đã mang lại một kết quả đàm phán nhân quyền không mấy khả quan với Việt Nam trong suốt hai nhiệm kỳ, ông Trump tuy không phải là chính khách có mối quan tâm đặc biệt đến chủ đề nhân quyền, nhưng lại là một nhân vật rất sĩ diện, đề cao thể diện cá nhân và thể diện chính phủ, cứng rắn và hết sức bất thường.
Nói cách khác, nếu giới chóp bu Việt Nam có thể dự đoán được tính cách và phản ứng của Tổng thống Obama và họ đã từng hy vọng có thể dự đoán được một tổng thống tương lai dễ chơi như bà Hillary Clinton, việc ông Trump trở thành tổng thống đã mang lại khá nhiều bất ngờ, phiền toái và khó xử đối với Hà Nội từ đầu năm 2017 đến nay.
Có thêm vụ "Trịnh Xuân Thanh ?"
Vụ khởi tố anh Will Nguyễn lại xảy ra trong bối cảnh nhà nước Đức đang gia tăng sức ép với Việt Nam bằng phiên tòa xử Nguyễn Hải Long – nghi can tham gia vào đường dây "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh". Vụ bắt cóc mà bị Đức tố cáo là do mật vụ Việt Nam thực hiện ngang nhiên ngay tại Berlin vào tháng Bảy, 2017, lại đã trở thành một đầu đề nóng hổi trên mặt báo quốc tế và khiến phần lớn Châu Âu đang cực kỳ cảnh giác với từng động tác "ngoại giao" và "muốn làm bạn với tất cả các nước" của Việt Nam.
Nước Đức lại là đầu tàu của Châu Âu không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị. Mới đây, báo chí Đức cho biết Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã cho rằng tương lai của EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu) phụ thuộc chủ yếu vào thái độ và hành động của người Đức.
Will Nguyễn bị công an Việt Nam đánh đập đổ máu đầu và bị kéo lê trên mặt đường
Trong bối cảnh đó, người Mỹ chắc chắn không thể bỏ qua những hệ quả đã phát sinh và còn có thể phát sinh thêm từ vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Không thể chắc chắn rằng Tổng thống Trump sẽ không nổi giận về việc chính thể Việt Nam bắt giữ một công dân Mỹ, để vụ việc này sẽ khiến cho quan hệ Mỹ-Việt có thể xấu đi, hoặc xấu nghiêm trọng thời gian tới.
Việc so sánh giữa lời của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, về "không dùng vũ lực đối với Will Nguyễn" với một clip anh Will Nguyễn bị công an Việt Nam đánh đập đổ máu đầu và bị kéo lê trên mặt đường trước khi bị tống giam được dẫn lại hình ảnh trên các hãng truyền thông lớn của Mỹ như Foxnews, New York Times và báo chí các nước khác, hẳn đã trở thành thuyết minh rõ rệt nhất về một "chế độ xảo trá" được định nghĩa ra sao.
Thậm chí trong tình huống tệ nhất, còn có thể nổ ra một vụ khủng hoảng ngoại giao Mỹ-Việt qua vụ anh Will Nguyễn, gần tương tự cái cách đã nổ ra khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt qua vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 01/07/2018
Tròn một quý sau chuyến công du chẳng ra kết quả gì ở Pháp của Tổng bí thư Trọng, ‘người học trò nghèo hiếu học’ của ông Trọng - Phó Thủ tướng và cũng là nhân vật được bổ sung vào Bộ Chính trị khóa 12 sau khi đã thất bại trong ý đồ trở thành ủy viên bộ chính trị vào năm 2013 - Vương Đình Huệ - đã chợt có một chuyến đi đến Hoa Kỳ từ ngày 25-27/6/2018, nhưng không được thông báo trước trên các phương tiện thông tin đại chúng - một chuyến đi mà nhiều khả năng không chỉ liên quan đến chức trách của ông Huệ mà còn có thể mang nhiều hàm ý và ẩn ý về ‘không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế’, tiền trạm cho một ‘đoàn cấp cao’ và cả… xin viện trợ.
Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ (bìa phải) chứng kiến thỏa thuân Bamboo Airways mua 20 máy may Boeing của Mỹ hôm 25/6/2018 tại Washington. Photo VietnamNews
Vương Đình Huệ ‘bao sân’
Tại thủ đô Washington D.C., quan chức Vương Đình Huệ đã lần lượt có các cuộc gặp, làm việc với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan ; Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ; Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mira Ricardel và Thượng nghị sĩ Mazie Hirono - thành viên cao cấp Tiểu ban Biển, Ủy ban Quân vụ Thượng viện.
Chức trách hiện thời của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là phụ trách về kinh tế. Tuy nhiên lịch làm việc trên cho thấy ông Huệ đã ‘bao sân’ cả chức trách của hai người đồng chí của ông trong Bộ Chính trị là Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng phụ trách nội chính Trương Hòa Bình.
Có thể cho rằng đây là lần thứ hai kể từ năm 2015, Tổng bí thư Trọng ủy quyền cho một quan chức cao cấp để ‘bao sân’ nhiều lĩnh vực trong một chuyến công du đối ngoại như thế. Quan chức cao cấp trước đây được ông Trọng ủy quyền đi Mỹ là Trần Đại Quang, khi đó chỉ là bộ trưởng bộ công an nhưng đã làm việc không chỉ với các cơ quan CIA, FBI mà cả với các đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc hội Mỹ.
Đã rõ là sau chuyến đi Mỹ của Trưởng ban đối ngoại trung ương Hoàng Bình Quân vào năm 2017, chuyến đi Mỹ tiếp theo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ được xác định là ‘tiền trạm cho một đoàn cấp cao’ của giới chóp bu Việt Nam sang Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Cho ai ?
Ai trong số ‘tứ trụ triều đình’ ?
Nếu loại trừ Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là nhân vật mà từ trước tới nay chỉ chủ yếu quan hệ đối ngoại theo ‘kênh gật’, khuôn mặt nào trong số Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao Việt Nam’ sang thăm Hoa Kỳ ?
Sau đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành chóp bu đầu tiên của Việt Nam đặt chân đến Washington vào tháng Năm năm 2017 - một chuyến đi khá vô thưởng vô phạt và chẳng mang lại lợi lộc gì về các bản hiệp định thương mại song phương.
Phúc đã đi Mỹ, đã không thể thuyết phục Trump và từ đó đến nay cũng chẳng thấy hy vọng nào sẽ thuyết phục được Trump gỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách các nước ‘gây hại cho Mỹ’ và bị Mỹ áp dụng nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’. Do vậy Phúc sẽ khó đi Mỹ thêm lần nữa.
Còn Trần Đại Quang ?
Có một mối duyên định giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Ba năm 2015, khi còn là Bộ trưởng công an, Trần Đại Quang có một chuyến công du khá hoành tráng đến Hoa Kỳ, đặt dấu tiền trạm cho một chuyến công du sau đó và quan trọng hơn hẳn là của Tổng bí thư Trọng đến Washington vào tháng 7/2015, nơi ông Trọng được phía Mỹ đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.
Hai năm sau đó, Trần Đại Quang đã trở thành chủ tịch nước và đã có một vị thế chính trị khác hẳn, dù cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn hẳn.
Sau một lần ‘biến mất’ cả tháng trời từ cuối tháng Bảy đến cuối tháng Tám năm 2017, trùng với vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ nổ ra ở Đức và ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’ của Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang đã ‘tái xuất’, để đến tháng Mười Một năm 2017, Quang đã lần đầu tiên được giới quan sát chính trị xem là nhân vật đóng vai trò, ít ra trên danh nghĩa, là chủ tịch nước trong một sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam : Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái bình Dương (APEC) được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Khi đó, chính là Trần Đại Quang, chứ không phải là Nguyễn Phú Trọng, đã có cơ hội được đón tiếp và trao đổi với hàng loạt thủ lĩnh quốc tế như Donald Trump, Tập Cận Bình, Putin…
Nhưng chỉ vài ngày sau khi APEC kết thúc tại Đà Nẵng mà được hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân - "cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam" - đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm".
Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia "quyền lực" rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của "tứ trụ" trong việc tiếp "Trăm" (phiên sang tiếng Anh là Trump).
Kể từ lúc đó, báo đảng nói riêng và báo chí nhà nước Việt Nam nói chung khá hiếm hoi đăng hình ảnh của Trần Đại Quang, hoàn toàn tương phản với hình ảnh tràn ngập ‘Người đốt lò vĩ đại’, ‘Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘Minh quân’ của Nguyễn Phú Trọng.
Vào tháng Tư năm 2018 và ngay trước khi Hội nghị trung ương 7 của đảng cầm quyền diễn ra, Trần Đại Quang lại một lần nữa ‘biến mất’.
Còn sau Hội nghị trung ương 7, người ta chợt chứng kiến một phát ngôn ‘cần luật Biểu tình’ của Trần Đại Quang bị báo chí thẳng tay bóc gỡ. Lần đầu tiên từ khi trở thành chủ tịch nước, Trần Đại Quang bị đảng ‘khóa miệng’. Sự kiện chẳng biết mô tả ra sao ấy càng làm dĩ vãng ‘Trần Đại Quang tiền trạm cho Nguyễn Phú Trọng’ chỉ còn là thời phô diễn mặn nồng xa xưa, trong lúc có quá nhiều nghi ngờ về chuyện ‘cơm không lành canh không ngọt’ giữa hai nhân vật này.
Trần Đại Quang, cũng bởi thế, khó có thể công du Mỹ trong thời gian tới.
Chỉ còn lại Nguyễn Phú Trọng.
Tham vọng gặp Trump
Vào năm 2015, dù chỉ là ‘đảng trưởng’ nhưng Nguyễn Phú Trọng đã được tổng thống Mỹ khi đó là Barak Obama đặc cách tiếp tại Phòng Bầu Dục và tiếp như một nguyên thủ quốc gia. Sự hiện diện lần đầu tiên ở Washington lần đó của Nguyễn Phú Trọng đã chỉ phải đánh đổi bằng việc chính thể độc đảng và chưa bao giờ yêu mến dân chủ ở Việt Nam chấp nhận định chế công đoàn độc lập mà người Mỹ đòi hỏi - như một điều kiện quan trọng trong Hiệp định TPP và một khi Việt Nam muốn tham gia vào hiệp định này.
Chỉ là sau đó, TPP đã gần như tan vỡ và do vậy những cam kết của chính thể Việt Nam về công đoàn độc lập cũng chẳng còn thấy tăm hơi đâu.
Nhưng giờ đây, sự thể còn dễ dàng hơn cho Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông ta, khi Donald Trump đã có khá đủ thời gian để trở thành một vị tổng thống chẳng mấy quan tâm đến quá nhiều vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và sự cấp thiết phải cải thiện tình trạng này.
Nhưng nỗi khó chịu cũng không vì thế mà giảm đi. Dù bàng quan với nhân quyền, Trump lại là một trong những chính khách thực dụng nhất trong các triều đại tổng thống Hoa Kỳ. Bài toán thương mại song phương ‘công bằng và đối ứng’ mà Trump đang đặt ra đối với Việt Nam xem ra còn khó nhằn hơn nhiều so với những yêu cầu về cả thiện nhân quyền trước đây.
Nhiều khả năng, và trên thực tế tương quan quyền lực nội bộ đảng hiện nay thì cũng chẳng còn khả năng nào khác, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao’ để công du Mỹ, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Vương Đình Huệ.
Nguyễn Phú Trọng có vẻ đang muốn tái hiện ‘ kỳ tích’ của ông ta ở Mỹ cách đây ba năm, đồng thời ‘phát huy thắng lợi’ từ chuyến công du Pháp của ông ta vào tháng Ba năm 2018.
Nhưng khác hẳn với bối cảnh của chuyến công du Hoa Kỳ năm 2015, vào lần này ông Trọng phải mang trên mình trách nhiệm vô cùng lớn lao : kiếm tiền nuôi đảng.
Sự thật đắng ngắt là trong vài ba năm qua, người Mỹ đã cắt kênh viện trợ ODA và viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Khác hẳn thời kỳ Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng với tiền vay quốc tế nhiều như nước và đổ vào túi quan tham cũng chẳng kém gì, thời của cặp đôi Trọng - Phúc đã sinh ra nỗi bĩ cực khi muốn vay cũng chẳng được.
Nhiều khả năng sẽ diễn ra cuộc gặp Trump - Trọng tại Washington mà đã không xảy ra tại Hội nghị APEC Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017. Dự trù cho cái tương lai cận cảnh và khá phiêu lưu ấy, dường như Nguyễn Phú Trọng còn chuẩn bị lá bài ‘không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế’ : tiến trình bình thường hóa có tốc độ tên lửa giữa Kim Jong-un - người đồng chí Bắc Triều Tiên của Việt Nam - với Hàn Quốc và với Mỹ có thể đã khiến ông Trọng không muốn đứng ngoài cuộc. Phải có một hành động gì đó, dù chỉ thuần túy ‘làm màu’, để cho thấy ‘Minh quân’ Nguyễn Phú Trọng và chính thể cộng sản của ông vẫn tạo ra được một ảnh hưởng nào đấy - như một cầu nối nhanh chóng hơn cho công cuộc hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và sán lạn trong mắt người Mỹ.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/06/2018
Vì sao lần đầu tiên từ năm 1975 và cũng là lần đầu tiên từ năm 1995 sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, giới chóp bu Việt Nam lại ‘can đảm’ cho lực lượng hải quân nước này tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii và Nam California - bắt đầu vào cuối tháng Sáu năm 2018 ?
Một giàn khoan của Tập đoàn Repsol. Ảnh: BBC.
‘Can đảm’ sau 5 năm
Theo não trạng và cũng là thói quen cố hữu của Đảng cộng sản, tin tức chưa có tiền lệ trên hoàn toàn không được thông báo bởi Bộ quốc phòng hay Bộ ngoại giao của Việt Nam, mà được phát ra bởi trang mạng Stars & Strips dẫn từ thông báo của Hải quân Mỹ. Vào ngày 30/5/2018, Hải quân Mỹ đã công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC, diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8/2018, trong đó Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC.
Nếu kế hoạch này diễn ra mà không có sự đổi ý từ Việt Nam, quyết định tham gia RIMPAC là một bước tiến khá dài của Việt Nam kể từ khi chế độ độc đảng này dám đăng ký để trở thành quan sát viên cho cuộc tập trận mang tên Hổ Mang Vàng do quân đội Mỹ chủ xướng vào đầu năm 2016.
Sự kiện Việt Nam dám tham gia RIMPAC diễn ra chỉ 2 tháng sau một sự kiện có mức độ ‘can đảm’ gần như thế : tháng 3/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam - theo một thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Sự trùng hợp giữa hiện tại và quá khứ là cái tên Đà Nẵng. 5 năm trước, có 3 tàu chiến Mỹ đã đến vùng biển Đà Nẵng để tiến hành sứ mệnh "giao lưu hải quân" với quân đội Việt Nam. 2013 cũng là năm mà không khí "chiến tranh lạnh" giữa Mỹ và Việt Nam phần nào được cải thiện bằng một chuyến công du của nhân vật số 2 trong Đảng cộng sản Việt Nam - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - đến Tòa Bạch Ốc để có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barak Obama. Cải hai đều cười tươi và cùng nói về triển vọng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ muốn chấp nhận cho Việt Nam tham gia.
Còn giờ đây, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã chính thức rút khỏi TPP và khiến Việt Nam hụt hẫng bởi nước này chẳng còn hy vọng trở thành "quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP" nếu TPP có mặt người Mỹ. Nhưng thay vào đó, giờ đây Việt Nam và Mỹ lại có cùng một cái nhìn về an ninh Biển Đông, cùng để bảo vệ lợi ích của của mình.
Phải mất đến 5 năm để quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ nhích thêm một chút và có một nét gì đó thực chất hơn.
Cô đơn giữa khu rừng "đối tác chiến lược"
Khoảng thời gian nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã chứng kiến một chủ trương có thể tạm gọi là "dựa Mỹ đối Trung" của giới chóp bu Việt Nam - như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế "không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ", vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.
2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng mang tên "Hải Dương 981" kéo dài từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, hầu hết các "đối tác chiến lược" của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam có vẻ vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất "bạn vàng" là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "đu dây chính trị" cho tới khi "té lộn đầu" trong hai vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2017 và 2018.
Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng "cho nó lành" trước Trung Quốc. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông vào giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam sôi sục nỗi liêm sỉ. Khi đó, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.
Từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá "đối tác chiến lược" trong túi, kể cả một "đối tác chiến lược" khác là Đức mà Việt Nam đã bị quốc gia này "tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam" ngay sau việc Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc một nghi phạm kinh tế là Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Chỉ đến đầu năm 2016, sách lược "đu dây" của Việt Nam mới có chút xoay chuyển trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt Bắc Kinh nhòm ngó ngày càng lộ liễu vào việc khai thác dầu khí của Việt Nam ở mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc Bãi Tư Chính và và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Đà Nẵng, cùng lúc tàu Trung Quốc tăng cường khiêu khích và bắn giết ngư dân Việt trên biển.
Từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất ba lần thể chế một đảng ở Việt Nam đã "ngó lơ" chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ ngoại giao Việt Nam bất thần tỏ ra "can đảm" khi đưa ra tuyên bố hoặc "tàu Mỹ đi qua vô hại" hoặc "tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông".
Hẳn là từ đầu năm 2016, "tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam" đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển và lợi ích khai thác dầu khí của mình.
Cơn ác mộng mất ăn dầu khí
Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam, và hãng Exxonmobil của Mỹ liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác thành công hai mỏ dầu khí này thì ngân sách của chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018 đã xảy ra hai vụ chấn động mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : cả hai lần đó chính quyền Việt Nam đều phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh - dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc - đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một "tối hậu thư" : Việt Nam phải "cùng hợp tác khai thác" mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, "bản lĩnh Việt Nam" sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Không bao lâu sau ‘tối hậu thư’ của Vương Nghị, Trung Quốc đã tiến thêm một bước xa hơn bằng việc vẽ lại ‘đường lưỡi bò’ quét qua đến 67 lô dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, chặn toàn bộ cửa ‘làm ăn’ của kẻ vẫn đang mơ màng về ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười sáu chữ vàng’.
Vì sao Việt Nam phải trở thành đồng minh gián tiếp của Mỹ ?
Vào thời gian này, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật "áo lưỡi bò" của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh - mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh - đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách "Ba không" của Việt Nam hầu như tê liệt…
Rất có thể, tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, với bước đi liều lĩnh hơn hẳn khi tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Hoa Kỳ từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2018. Bằng cách thức này, Việt Nam đã gián tiếp xác nhận bước đi của mình như một đồng minh quân sự của Mỹ, chứ không chỉ là tư cách quan sát viên như hồi 2016.
Vài bước đi gần đây của Bộ quốc phòng Việt Nam trong mối quan hệ có tính giao hảo với quân đội Ấn Độ, Nhật Bản và Úc càng cho thấy Việt Nam đang dần ngả về khối quân sự đồng minh Đông Bắc Á - với ý đồ mượn tay khối này để đối trọng hay chống trả lại kế hoạch thôn tính toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/06/2018
Nếu Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) cách đây vài ba năm thời Obama, sự kiện này đã biến thành một cú sốc và thất vọng lớn đối với giới hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức.
Không sốc !
Còn giờ đây, sau một năm rưỡi cầm quyền của Donald Trump mà đã khá đủ thời gian để chứng thực về thái độ phớt lờ nhân quyền, có thể cho rằng sự hiện diện hay không có mặt của Mỹ trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng không vì thế ảnh hưởng quá nhiều đối với nhân quyền Việt Nam, dù rằng giới chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam có thể nhân việc rút lui của Mỹ khỏi UNHCR để xem đó là một cơ hội lớn để thoát khỏi chính phủ khó chịu nhất khi Mỹ thường xuyên chỉ trích và lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng.
Thực tế của các cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt trong hai năm 2017 và 2018 đã chứng minh khá rõ về kết quả hết sức ít ỏi, nếu không nói là số 0, của những lần đàm phán này - xuất phát từ quan điểm của Trump xem nhân quyền chỉ là thứ yếu và chính thể Việt Nam lại nắm thóp được quan niệm đó.
Có thể tổng kết là kể từ thời chuyển giao quyền lực giữa Obama và Trump cho tới nay, những gì mà chính thể Việt Nam muốn làm và đã làm để đàn áp nhân quyền trong nước thì đã cơ bản xảy ra. Hội Anh Em Dân Chủ - một tổ chức xã hội dân sự độc lập có nhiều hoạt động có kết quả liên quan đến phong trào phản đối Formosa ở các tỉnh miền Trung, đã bị nhà cầm quyền bắt bớ hều hết các thành viên lãnh đạo của tổ chức này. Đến mức có thể cho rằng ‘không còn ai để bắt thêm’ đối với hội này.
‘Chuyển giao’
Vào năm 2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy thay vì đặt vấn đề nhân quyền thành ưu tiên như trước đó, Mỹ đã tập trung "đối tác quân sự" với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông. Còn nhân quyền đang được Mỹ "chuyển giao" cho nghị viện Châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng Sáu năm 2016, Nghị viện Châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất trước đó (năm 2009) về nhân quyền cũng của tổ chức này mà được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ năm 2017, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.
Việc chính quyền Việt Nam phải chấp nhận phóng thích nhân vật đối kháng nhất là Luật sư Nguyễn Văn Đài vào tháng Sáu năm 2018 càng cho thấy rõ hơn về điểm ngoặt, nếu không muốn nói là bước ngoặt, trong xu thế chính thể độc đảng ở Việt Nam buộc phải cởi nới nhân quyền đang diễn ra ở Việt Nam - một xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ sau khi sang Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết ‘đến 1/11/2016, họ cho tôi gặp vợ tôi sau gần một năm bị tạm giam. Trong lần gặp đó, vợ tôi nói chính phủ Đức nói sẵn sàng tiếp nhận nếu gia đình tôi muốn đi. Vậy là gia đình tôi đã quyết định lựa chọn đi định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức’. Đây là một xác nhận quan trọng cho thấy vai trò vận động cải thiện nhân quyền và thả tù nhân lương tâm của Nhà nước Đức đã bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, song trùng với thời gian mà Mỹ ‘chuyển giao’ vai trò đàm phán nhân quyền với Việt Nam cho EU.
Vẫn chế tài ?
Sự kiện Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu năm 2018 càng làm những cuộc Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt, nếu còn được duy trì, sẽ càng mờ nhạt về ý nghĩa của nó.
Nhưng cơ chế chế tài vi phạm nhân quyền thì nhiều khả năng vẫn được Mỹ duy trì, chủ yếu đến từ Quốc hội Mỹ. Đó là Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) - đã được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua vào ngày 8/12/2016. Những động thái sốt ruột và cấp tập gần đây của nhiều nghị sĩ Mỹ đối với tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam cho thấy Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu có thể được áp dụng vào một thời điểm nào đó trong năm 2018 hoặc năm 2019, áp dụng những biện pháp chế tài thích đáng của đạo luật này đối với giới quan chức Việt Nam. Theo đó, những quan chức vi phạm nhân quyền sẽ bị chế tài theo hai cách : thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được miễn trừ lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự miễn trừ đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội ; thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che giấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam lại rất phổ biến. Những giới chức tham nhũng mà trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc người Mỹ và các quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) đã rút ra một bài học đắt giá : đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Nếu không ở vào thế cùng quẫn về kinh tế và ngân sách, nếu không bị chế tài về lợi ích cá nhân, bản chất sẵn sàng vi phạm nhân quyền của chế độ toàn trị và giới quan chức ở Việt Nam sẽ không bao giờ thay đổi.
Hoa Kỳ và EU có khá đầy đủ ưu thế để thiết lập biện pháp chế tài nhân quyền trên cơ sở cán cân thương mại với Việt Nam.
Có một điểm khác biệt cơ bản giữa năm nay và năm ngoái : vào năm 2018, tình hình kinh tế và ngân sách của Việt Nam còn tồi tệ hơn cả năm 2017.
Bởi Việt Nam vẫn đang cần đến Mỹ và EU hơn bao giờ hết trên phương diện thương mại, nhất là làm sao để duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để bù đắp cho hơn 40 - 50 tỷ USD Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc cứ sau 12 tháng ; tương tự phải duy trì được số xuất siêu đến 25 tỷ USD hàng năm vào thị trường EU.
Nhưng khác với chiến thuật của EU vẫn còn trong giai đoạn ‘thuyết phục, vận động Việt Nam cải thiện nhân quyền’, Hoa Kỳ rất có thể đang chuyển nhanh sang giai đoạn chế tài, thẳng tay chế tài nhân quyền chứ không còn quá mềm mại như thời Tổng thống Obama trước đây.
Từ năm 2015 đến nay, Ủy hội Tự do tôn giáo Hoa Kỳ và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cùng nhiều thượng nghị sĩ Mỹ đã đòi Chính phủ Hoa Kỳ phải đưa Việt Nam trở lại Danh sách CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo). Nếu Việt Nam đã được Mỹ nhấc khỏi Danh sách này vào năm 2006, thì nay lại đang khá gần với triển vọng "tái hòa nhập" CPC. Nếu bị đưa vào CPC một lần nữa, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ bị áp dụng cơ chế cấm vận từng phần về kinh tế và cả quốc phòng. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam vốn đã chênh vênh bên bờ vực thẳm, sẽ càng dễ sa chân sụp đổ. Cơ chế cấm vận này cũng sẽ khiến con đường để Việt Nam tiếp cận Hiệp định thương mại song phương với Mỹ là chông gai hơn hẳn hiện thời, nếu không nói là vô vọng.
Cho dù Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính thể Việt Nam không phải vì thế mà sẽ nhận được nhiều hơn lời tán tụng ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền về con người’ và lợi ích kinh tế từ chính phủ các nước.
Một thực tế rất rõ ràng và trần trụi là từ khi trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ tháng Mười Một năm 2013 đến nay, chính thể độc đảng ở Việt Nam là ‘chỉ có tiếng, không có miếng’.
Liên tục và quá nhiều vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính thể Việt Nam, cộng với vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ mang tầm vóc quốc tế, đã khiến cả Châu Âu kinh hãi trước ‘luật rừng’ mà giới quan chức và công an cộng sản đã hành xử hệt Bắc Hàn. Các cánh cửa của hiệp định TPP trước đây và EVFTA sau này liên tiếp đóng sập trước mũi những kẻ vừa đàn áp nhân quyền vừa vỗ ngực rao giảng đạo lý ‘quyền con người’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Hơn một tuần sau cuộc tổng biểu tình phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, chỉ hai hôm trước khi kỷ niệm ‘Ngày báo chí cách mạng 21 tháng Sáu’ cùng năm, vài phát ngôn chính trị của nhân vật chủ tịch nước Trần Đại Quang đã bị báo chí nhà nước thẳng thừng cắt xén, tạo ra một vụ việc ‘khóa miệng’ chưa từng có dành cho quan chức cao cấp này.
Người biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng bị lực lượng an ninh giả dạng dân sự bắt - Ảnh minh họa
Từ Đinh La Thăng, Trương Minh Tuấn đến Trần Đại Quang
Ngày 19/6/2018, bài báo "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình" với nội dung ban đầu là "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này" - đăng trên báo Tuổi Trẻ - đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh là "do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo".
Vụ ‘khóa miệng’ trên là lần thứ ba trong vòng hơn một năm xảy đến đối với giới quan chức cao cấp ở Việt Nam - sau Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Vào cuối tháng Tư năm 2017 khi còn là bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Đinh La Thăng đã vội vã làm bản giải trình về trách nhiệm của ông ta khi còn là Chủ tịch hội đồng thanh viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, sau đó chỉ đạo Văn phòng thành ủy gửi đến 200 ủy viên trung ương như một cách "minh bạch hóa thông tin" và phản bác kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra trung ương đối với những sai phạm bị xem là "rất nghiêm trọng" của ông Thăng. Nhưng ngay sau đó, Văn phòng trung ương đảng đã chỉ thị thu hồi toàn bộ bản giải trình của ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng. Thu thẳng tay từ những người còn chưa kịp bóc bao thư, không cần một sự tế nhị nào.
Gần một năm sau, ngay sau khi Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ ‘MobiFone mua AVG’ vào tháng Ba năm 2018, bản giải trình của Bộ trưởng thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn nhưng không ký tên mà chỉ in dấu treo của Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã bị "thu hồi". Nhưng còn nặng nề hơn trường hợp Đinh La Thăng, quyền tự do ngôn luận của "kẻ bịt miệng" báo chí nhà nước là Trương Minh Tuấn đã bị chính những đồng chí không đồng lòng của ông ta bịt miệng lại.
Vì sao chính quyền lại ‘cần luật Biểu tình’ ?
Kể từ Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay, đây là lần đầu tiên Trần Đại Quang hé ra thái độ ‘cần luật Biểu tình’, bất chấp việc vào thời còn là bộ trưởng công an, ông Quang đã được giao soạn thảo luật Biểu tình nhưng đã rất nhiều lần bộ này nại ra nhiều lý do ‘chủ quan và khách quan’ để xin lùi bộ luật quyền dân mà đảng cầm quyền và chính phủ đã nợ người dân suốt từ Hiến pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 phản đối luật Đặc khu và luật An ninh mạng đã khiến nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền tăng tiến vượt bậc, đến nỗi nghị trường quốc hội đang ồn ào yêu cầu ‘cần sớm ban hành luật Biểu tình’. Một lần nữa trong nhiều lần kể từ cuối năm 2011 khi thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng giao cho cơ quan chuyên đàn áp biểu tình là Bộ Công an soạn thảo luật Biểu tình, Tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc hùa theo ‘Chính phủ đang tích cực chuẩn bị luật Biểu tình’.
Khó mà nhớ được đây là lần thứ mấy quan chức Nguyễn Hạnh Phúc hứa hẹn ‘đang tích cực chuẩn bị’, trong vô số phát ngôn đậm đà đầu môi chót lưỡi của giới quan chức Việt Nam.
Vào tháng Năm năm 2016, sau những cuộc biểu tình "cá chết Formosa" lên đến gần chục ngàn người ở Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác, chưa kể những cuộc biểu tình của giới Công giáo ở Nghệ An và Hà Tĩnh, có người đã thuật lại lời than của một quan chức trong một cuộc họp "sơ kết" : "Đã kêu là phải ra luật Biểu tình đi. Không có luật mà nó cứ kéo đi rần rần thế này thì lấy gì mà xử nó ?".
Còn vào lúc này, giới dư luận viên – vốn hung hăng nhất trong giọng điệu "ra luật để có cớ quậy à ?" cùng những chiến dịch lên án và mạt sát dân oan khiếu kiện, người dân biểu tình chống Trung Quốc – lại đang vội vã đánh tiếng : "Cần lắm luật Biểu tình".
Chính vì không có luật nên mới xảy ra bạo loạn, gây rối và ta lúng túng trong xử lý" – một luận điểm ngày càng chiếm đa số trong giới quan chức phải chường mặt ra đường trước đám đông phẫn uất. Có khả năng luận điểm này sẽ được đưa ra những cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới để "quyết".
Chẳng khó để hình dung, những lý do để lôi luật Biểu tình ra sẽ lại được tô vẽ : quyền biểu tình của người dân nằm trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết từ năm 1982. Dù gì Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2013. Việc ban hành luật Biểu tình không chỉ đáp ứng lòng dân mà còn thỏa mãn được yêu cầu của quốc tế về cải cách luật pháp, biết đâu nhờ đó Hoa Kỳ và phương Tây sẽ mở lại kênh cho vay vốn ODA và IDA với lãi suất ưu đãi, chưa kể nhiều lợi ích khác như CPTPP, EVFTA, vũ khí sát thương, quy chế kinh tế thị trường đầy đủ…
Nhưng với người dân Việt, cái bánh vẽ luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Vào tháng Năm năm 2016, bất chấp chính phủ có muốn ban hành luật Biểu tình hay không, người dân đã đổ ra đường biểu tình vì nạn cá chết miền Trung. Cũng như nguồn cơn của những cuộc biểu tình chống Trung Quốc nhưng đồng thời khinh bỉ thói quỳ gối không biết mệt của chính quyền Hà Nội trước Bắc Kinh, tâm trạng và biểu cảm của dân còn muốn phản ứng và phản kháng với nhà cầm quyền vì cách hành xử quá chậm chạp và quá khuất tất mà không công bố được nguyên nhân cá chết trắng biển 4 tỉnh miền Trung.
Còn đến tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Đã quá muộn để chính thể độc trị ‘tích cực soạn thảo và ban hành luật Biểu tình’.
‘Âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’
Tầm mức xung đột nội bộ ngày càng leo thang. Nếu kẻ bị bịt miệng Trương Minh Tuấn mang cấp ủy viên trung ương đảng thì Đinh La Thăng vẫn còn là ủy viên bộ chính trị khi bị Ban Tuyên giáo trung ương ‘chặn họng’.
Còn giờ đây là Trần Đại Quang - nhân vật không chỉ là ủy viên bộ chính trị mà còn nằm trong ‘tứ trụ triều đình’ của chính thể độc đảng chuyên quyền ở Việt Nam. Xem ra số phận của ông Quang cũng bị các đồng chí của mình đối xử chẳng khác gì hai trường hợp Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn.
Dấu hỏi rất lớn là vì sao phát ngôn về luật Biểu tình của Trần Đại Quang lại bị thẳng tay cắt xén ?
Tại Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018, người ta vẫn thấy Trần Đại Quang ngồi cạnh Nguyễn Phú Trọng trên bàn chủ tịch đoàn, thậm chí ông Quang còn dược giao điều hành phiên hai mạc của hội nghị này. Sau hội nghị này, ông Trọng chợt im lìm hẳn.
Cũng còn một mẩu chuyện bí ẩn khác cần tham khảo : sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Chính trường Việt Nam đang lao vào thời kỳ của sự xung đột quan điểm giữa các phe phái về ‘âm mưu biểu tình’ và ‘chống biểu tình’.
Có lẽ đó là nguồn cơn vì sao cuộc biểu tình ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã diễn ra suôn sẻ trong buổi sáng mà không bị công an đàn áp mạnh.
Và có thể đó cũng là nguồn cơn vì sao chỉ một tuần sau đó, cuộc biểu tình ngày Mười Bảy tháng Sáu đã bị Công an Thành phố Hồ Chí Minh tái hiện cảnh đánh đập tra tấn người biểu tình như đã từng hành xử đối với cuộc biểu tình môi trường tháng Năm năm 2016, dã man đến mức nhiều người biểu tình bị hành hung đã lần đầu tiên phải thốt lên ‘Ác ôn cộng sản !’.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/06/2018
13 tháng sau khi chủ trương về kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý được chính thức phát ra, chủ trương này cũng gần như chính thức thất bại.
‘Rất khó’ và ‘nhạy cảm’
Tháng Năm 2017 rúng động ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà quy định về kiểm tra tài sản 1.000 quan chức được Tổng bí thư Trọng tung ra ngay sau khi xử lý kỷ luật một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Với quy định này, ông Nguyễn Phú Trọng đã tiến thêm một bước dài và mạo hiểm trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa "chống tham nhũng" vừa kiểm soát quyền lực - hành động tương tự như "cuộc cách mạng long trời lở đất" mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.
Chủ trương về kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý được chính thức phát ra đã gần như chính thức thất bại.
Nhưng thực tế chiến dịch ‘chống tham nhũng’ ở Việt Nam là còn xa mới với tới cái lai quần của Tập Cận Bình. Chưa đầy một năm sau xúc cảm xuất thần ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’, ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng chỉ còn lép bép củi nhỏ.
Vào buổi chiều 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Phú Trọng không còn đề cập một cách mạnh mẽ cùng những ngôn từ bóng bẩy và ẩn dụ về công cuộc ‘đốt lò’ của ông, trong khi lại cho rằng ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’, và ‘mong muốn cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện được luật này và sớm được Quốc hội thông qua’.
Có thể cho rằng phát ngôn trên của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.
Từ ồn ào khoa trương…
13 tháng trước, quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của khoảng 1.000 quan chức cao cấp được đã được Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí nhà nước tuyên truyền ồn ào và không kém khoa trương. Theo đó, có những điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức như :
- Chủ thể của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức ở Trung Quốc là CCDI, còn ở Việt Nam là Ủy ban Kiểm tra trung ương.
- Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.
- Sau khi "làm" xong, cơ quan kiểm tra trung ương "sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân".
Riêng với Việt Nam, sau khi có quy định của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy ban Kiểm tra trung ương Việt Nam hứa hẹn sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào; cũng sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào…
Tuy nhiên, đã hơn một năm trôi qua mà vẫn không có bất kỳ động tác được hứa hẹn nào được thực hiện. Trong khi đó, các tỉnh thành ủy và khối chính quyền vẫn đều đặn và thản nhiên báo cáo về trung ương ‘không phát hiện trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực’, hoặc cả nước chỉ phát hiện 5 hay 6 trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực trong tổng số… gần 1 triệu cán bộ.
Đến bãi lầy mênh mông
Sau hai thắng lợi giòn giã trước Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội 12 và trước Đinh La Thăng tại Hội nghị trung ương 5, Tổng bí thư Trọng đã biểu cảm trước cử tri Hà Nội vào năm 2017 : "các bác cứ chờ đấy, sẽ còn nữa…". Dường như khi đó ông Trọng hưng phấn đến độ muốn "thừa thắng xông lên".
Nhưng làm thế nào để xông lên ?
Cho dù ông Trọng mơ màng về "mô hình Tập Cận Bình", chính một cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội Việt Nam đã nhắc nhở ông Trọng về những thách thức rất lớn dành cho ý tưởng kiểm tra tài sản quan chức : tính khả thi của quy định này phụ thuộc nhiều vào việc "ai kiểm tra ai, ai có quyền kiểm tra ai, ai dám kiểm tra ai, và ai để cho người ta kiểm tra".
Rốt cuộc, té ra cái triết lý trên lại là bài học cay đắng và nhớ đời cho ông Trọng khi muốn làm một việc lớn.
Trong thực tế, ông Trọng chẳng thể mong mỏi gì vào ‘trình độ nghiệp vụ’ của các cơ quan đảng từ trung ương xuống địa phương để có thể lần mò phát hiện được tài sản nổi chìm của giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’. Mà chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức : Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.
Nhưng làm thế nào để hai cơ quan trên tự nguyện ‘vạch áo cho người xem lưng’ khi cả hai ngành này đều nổi tiếng không chỉ bởi ‘dịch lạm phát tướng’ trên 200 cho Bộ Công an và trên 400 cho Bộ Quốc phòng, mà còn mang nhiều tai tiếng bởi các vụ bê bối tham nhũng và làm ăn phi pháp ?
Hiển nhiên là trong giấc mơ kéo dài được hơn một năm qua, chiến dịch kiểm tra tài sản 1.000 quan chức của ông Trọng đã bị "đụng tường" - một bức tường lớn, rất cao và còn "khó nhằn" hơn cả sự chống đối quyết liệt đang diễn ra trong nội bộ đảng Trung Quốc.
Cũng hiển nhiên là mặc dù không thiếu tham vọng để làm một cuộc cách mạng long trời lở đất như Tập Cận Bình ở Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng lại quá thiếu chân đứng cho chiến dịch tìm ra núi tài sản bất minh của giới quan chức Việt Nam.
Sự hỗng hụt chân đứng ấy nằm ngay trong hệ thống cơ quan kiểm tra đảng, nội chính đảng của ông Trọng, nếu chưa nói tới các cơ quan khối chính quyền mà vẫn đang ‘mắt trước mắt sau’ khi nghe lệnh cấp trên.
Thái độ và phát ngôn đượm vẻ xuôi xị mới đây của Nguyễn Phú Trọng về kê khai tài sản quan chức cũng tiếp dẫn thêm một biểu hiện của mạch logic nguội lạnh ‘đốt lò’ từ trước Hội nghị trung ương 7 vào tháng Năm năm 2018 cho tới nay.
‘Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa’ và ‘mở đường cho người ta tiến’ là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội nghị trung ương 7, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ ‘lò đã nóng rực’.
Dường như ngay trước Hội nghị trung ương 7 đã xảy đến một bí mật cung đình nào đó mà đã khiến ông Trọng im lìm hẳn.
Phía trước của Tổng bí thư Trọng là gì ? Khó mà biết được tương lai.
Nhưng nếu ‘đốt lò’ mất dạng, ông Trọng sẽ chính thức rơi vào một bãi lầy thụt mênh mông. Thậm chí cá nhân ông có thể bị trả giá bằng cả sinh mạng chính trị.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 20/06/2018
Ai, thế lực nào đứng đằng sau cuộc biểu tình dẫn đến bạo loạn đốt phá ở Phan Thiết - một cái cớ rất thuận tiện để chính quyền huy động quân đội và cảnh sát đàn áp khốc liệt người biểu tình Phan Thiết ?
Dân và cảnh sát cơ động đối mặt tại Bình Thuận.
Những kẻ lạ mặt là ai ?
Điều lạ lùng là mặc dù Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã tung một lực lượng đông đảo để đàn áp cuộc biểu tình của người dân Phan Thiết, đã bắt bớ gần 200 người, song cho tới nay báo ngành công an vẫn chỉ thông tin "Hé lộ có nhiều 'kẻ đứng sau' kích động, xúi giục người gây rối", và "Theo lời khai của một số đối tượng, trong hai ngày gây rối họ đã được 'tiếp sức' từ nhiều người bằng hình thức cho tiền và hứa hẹn sẽ 'có thưởng' nếu như đạt được 'thành tích' cao…", mà không thể chỉ rõ nhóm nào đã chủ trương dùng tiền để kích động việc này.
Trong khi đó, ngay sau cuộc biểu tình cực lớn lên đến hàng trăm ngàn người ở Sài Gòn vào ngày Mười tháng Sáu năm 2018, một quan chức công an là phát ngôn viên cho Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã nói không ấp úng rằng "Việt Tân kích động biểu tình".
Nhưng phát ngôn trên lại một lần nữa gây nghi ngờ lớn nơi công luận, bởi đã không kèm theo bất cứ một bằng chứng nào về sự hiện diện của đảng Việt Tân trong cuộc biểu tình ở Sài Gòn trước và trong ngày Mười tháng Sáu năm 2018. Lối phát ngôn không cần thuyết minh bằng chứng như thế lại giống hệt tuyên bố cũng của Công an Thành phố Hồ Chí Minh về Việt Tân sau cuộc biểu tình của người dân phản đối thảm họa xả thải của Formosa. Sau cuộc biểu tình đó, trong khi công an không thể trưng ra bất kỳ bằng chứng nào về Việt Tân thì người dân biểu tình lại có quá nhiều bằng chứng về việc công an đã bắt lôi người biểu tình lên xe bus và tập trung khoảng 500 người về sân vận động Hoa Lư ở quận Nhất rồi đánh đập họ cực kỳ dã man.
Còn ở Phan Thiết, chưa thấy Công an Bình Thuận hay những quan chức Bộ Công an tuyên bố là "Việt Tân kích động", nhưng giới dư luận viên của đảng và công an vẫn kiên định ‘thế lực phản động giật dây biểu tình ở Phan Thiết’, còn giới quan chức vẫn chưa hề làm rõ những ‘người lạ’ đã đốt phá xe hơi và trụ sở cơ quan là ai.
Trong khi đó, nhiều người dân Phan Rí Cửa và Phan Thiết khẳng định là người dân nơi đây rất hiền hòa, chỉ phản ứng với chính quyền và công an do bị Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả thải gây ô nhiễm cả trên bờ lẫn trên biển làm kiệt đường sinh nhai của bà con ngư dân. Cách phản ứng thông thường của người biểu tình là tuần hành, còn khi bị công an ngăn chặn thô bạo và đánh đập thì họ mới ném đá lại.
Nhưng không có chuyện người dân Phan Thiết hung hãn và cực đoan đến mức đốt phá xe hơi và trụ sở…
Vài bài phóng sự của báo nhà nước, như tờ Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh, đã mô tả nhiều người dân Phan Thiết nói về ‘nó đấy’, tức những thanh niên lạ mặt ở nơi khác kéo đến. Số thanh niên này bịt mặt và rất hung hãn.
Số thanh niên này là ai, từ đâu đến ? Không ai biết.
Kịch bản ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Việt Nam ?
Sau cuộc tổng biểu tình ngày 10 tháng Sáu và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây.
Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác hơn là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Nếu nhận định trên là có cơ sở, câu hỏi đặt ra là liệu bàn tay đạo diễn cho cuộc biểu tình ở Sài Gòn có nối kết với bàn tay đạo diễn vụ đốt phá xe và trụ sở công quyền ở Phan Thiết, từ đó vừa tạo cớ để công an đàn áp nặng nề đối với người dân nơi đây, vừa nhắm tới một mục đích chính trị nào đó ? Và nếu câu hỏi này là cơ sở, phải chăng vụ đốt phá này không phải do người dân gây ra, cũng chẳng phải Việt Tân, mà do chính một thế lực nào đó trong nội bộ đảng cộng sản ‘kiến tạo’ ?
Sẽ rất đơn giản để biết rằng có vai trò của thế lực nội bộ đạo diễn đốt phá hay không, bằng vào kết quả báo cáo của Công an Bình Thuận sau khi điều tra "các đối tượng kích động xúi giục biểu tình’. Nếu báo cáo này chỉ chung chung như báo báo cáo được công bố của ngành công an vào năm 2014 khi nổ ra cuộc biểu tình đập phá và đốt phá các doanh nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai, người ta có thể cho rằng vụ đốt phá ở Phan Thiết được giật dây và tổ chức bởi một thế lực trong nội bộ đảng cộng sản - một thế lực đủ mạnh mà ngay cả Bộ Công an cũng không dám xử lý.
Một điểm đồng dạng đang hiện ra giữa hai cuộc biểu tình đập phá năm 2014 ở Bình Dương và năm 2018 ở Phan Thiết : đều xuất hiện những người cầm đầu là người lạ mặt. Trong vụ việc Bình Dương năm 2014, thậm chí số người lạ mặt này còn không phải là công nhân và đã được một số nhân chứng mô tả là giang hồ. Thế nhưng khi những kẻ giang hồ này cầm đầu đám đông lao đi đốt phá các nhà máy thì hoặc không thấy bóng dáng cảnh sát đâu, hoặc có cảnh sát nhưng không có bất kỳ hành động ngăn chặn nào. Vì thế, rất nhiều dư luận đã cho rằng chính lực lượng công an đã nhận được mật lệnh làm ngơ cho những kẻ lạ mặt cầm đầu biểu tình đập phá và đốt phá ở Bình Dương và Đồng Nai…
Cho tới tận giờ đây, 4 năm sau vụ bạo động Bình Dương, hành tung và thân thế của những kẻ lạ mặt trên vẫn là một ‘bí mật quốc gia’. Đã không có bất kỳ cơ quan nào của chế độ cầm quyền hé môi về bí mật này.
Không phải và không thể là người dân Phan Thiết chủ ý đốt phá, cũng chưa có bất cứ dấu hiệu nào về một ‘thế lực phản động’ đã cung cấp tiền cho dân Phan Thiết để kéo đi biểu tình và đập phá.
Chỉ còn là ‘bí mật nội bộ’ với những hành tung rất đáng nghi ngờ liên quan đến cuộc xung đột ngày càng ngửa bài và sắc máu trong nội bộ.
Chính trường Việt Nam đang lao đến giữa năm 2018 với đầy rẫy âm mưu và thuyết âm mưu. Trong đó, không thể loại trừ kịch bản ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan đã được một số nào đó trong giới quan chức Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm lợi dụng dân chúng cho những cuộc biểu tình để gây áp lực chính trị và loại nhau trong nội bộ đảng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 18/06/2018
Nếu vài năm trước, dân chúng và cả một phần lớn trong đội ngũ công chức "còn đảng còn mình" bức bối vì âm mưu của nhóm lợi ích xăng dầu sẽ kích động giá xăng lên trên 20.000 đồng/lít và lao thẳng đến mốc 25.000 đồng/lít (1,08 USD/lít), thì đến nay cái mốc 25.000 đồng kia chỉ còn là tương lai gần. Nhưng mối nguy hiểm mới và sâu độc là lòng tham và thói tàn bạo sẽ không dừng ở đó. Mà giá xăng còn có thể được đẩy bật đến mức 50.000 đồng/lít (2,17 USD/lít) !
Giá xăng tại Việt Nam quá mắc so với thu nhập của dân chúng. (Hình : Getty Images)
Thuế bảo vệ môi trường từ 10.000-20.000 đồng/lít (!?)
Tháng Năm năm 2018, sau khi Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng được Thủ tướng Phúc "gật" để "thừa ủy quyền của thủ tướng chính phủ, thay mặt chính phủ" ký tờ trình cho Ủy ban thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về Biểu thuế Bảo vệ môi trường, đã lấp ló một chiến dịch PR (public relations-tiếp cận và chiêu dụ dư luận) mới của nhóm cá mập xăng dầu nhằm âm mưu tăng thuế bảo vệ môi trường không chỉ lên kịch khung mà còn tạo ra một cái khung cao hơn nhiều để thêm một lần nữa "chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy".
Trước đó, chiến dịch vận động tăng giá xăng dầu đã luôn được Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) cùng giới quan chức chủ quản là Bộ công thương và cơ quan chuyên "sáng tạo" thuế bổ đầu dân là Bộ tài chính khai triển từ nhiều năm qua, đặc biệt sau thời gian Petrolimex đầu tư ồ ạt và trái ngành vào chứng khoán, bất động sản những năm 2007-2008 mà đã phải gánh số lỗ đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Còn nay, một nữ quan chức là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng – phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ tài chính vừa thông tin cho báo chí là tại cuộc hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Bảo vệ môi trường do Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội tổ chức năm 2017, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du – giám đốc đào tạo Chương trình gGiảng dạy Kinh tế Fulbright đã nhận định : "Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít".
"Trên cơ sở đó, Bộ tài chính đã trình chính phủ và chính phủ đã đồng ý trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, than đá, dung dịch HCFC (chất trợ nở Hydrochloroflurocarbons), túi ni lông, trong đó đề xuất tăng kịch khung thuế đối với xăng dầu, dung dịch HCFC và túi ni lông", bà Hằng nói với thái độ như thể "việc đã rồi".
Từ đầu năm 2016 và ngay sau khi Đại hội 12 của đảng cầm quyền "thành công tốt đẹp", đã nhiều lần "Bộ bóp cổ" (một hỗn danh mà dân gian đương đại dùng để gọi Bộ tài chính) âm mưu đặt các vụ tăng giá xăng dầu và tăng thuế bảo vệ môi trường vào sự đã rồi.
Trong hai năm 2016 và 2017, sau chiến dịch PR không thành công để tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3000 đồng/lít xăng lên đến 8.000 đồng/lít xăng do bị dư luận phản ứng dữ dội, dù Thứ trưởng Bộ tài chính là Đỗ Hoàng Anh Tuấn phải phát ra một tuyên bố trở tráo về "thuế bảo vệ môi trường" là "được lòng dân hơn", "Bộ bóp cổ" đã chuyển chiến thuật sang "thu thuế cứ phải như vặt lông vịt, vặt từ từ để vịt khỏi hét toáng lên", tức ngay trước mắt đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng/lít xăng lên kịch khung là 4.000 đồng/lít xăng, với đủ thứ lý do mà không một lý do nào trong số đó có tính thuyết phục.
Những kẻ chỉ nhăm nhe tăng thuế đè đầu dân chúng cũng bất chấp một khuất tất rất lớn bị công luận cũng phản ứng ghê gớm : số tăng thu thuế bảo vệ môi trường năm 2016 gấp đến 4 lần năm 2014 nhưng chỉ có khoảng 1/3 số tiền thu được dùng vào việc bảo vệ môi trường, còn 2/3 còn lại không biết "biến" vào túi kẻ nào.
Trong thời gian đó, tác nhân chính gây ra bão giá xăng dầu và lạm phát là Petrolimex đã âm thầm tăng dần giá xăng, từ mức giá 16.000-17.000 đồng/lít vào giữa năm 2017 lên trên 20.000 đồng/lít vào đầu năm 2018, và đang "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" đến mốc 25.000 đồng/lít (1,08 USD/lít) chỉ nội trong năm nay.
Tức cứ tăng dần dần, tăng từ từ, dân Việt dù biết bị móc túi nhưng không thể phản ứng mạnh và rồi sẽ quen dần.
Nhưng 25.000 đồng/lít vẫn không phải là cái đích cuối cùng "cắn xé túi quần dân chúng" của Petrolimex.
Ngân sách sẽ "bóp cổ dân" được 200.000 tỷ đồng ?
Một lý lẽ của Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng tại các kỳ họp quốc hội là nếu tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít xăng dầu, ngân sách sẽ thu thêm được 15.000 tỷ đồng, còn nếu tăng từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít xăng dầu, ngân sách sẽ thu thêm đến 50.000 tỷ đồng.
Trong thực tế, nếu chiến dịch tăng thuế "bảo vệ môi trường" từ 3.000 đồng/lít vọt lên đến 8.000 đồng/lít được tiến hành trót lọt, ngân sách trung ương sẽ đạt được số thu 100.000 tỷ đồng (4,35 tỷ USD) hàng năm, so với hiện tại chỉ có khoảng 40.000-50.000 tỷ đồng.
50.000-60.000 tỷ đồng thu thêm chính là số tiền mà ngân sách đang thiếu hụt, cần phải "tái cơ cấu" và do vậy thuế "bảo vệ môi trường" cần phải được tăng gấp gần 3 lần, đánh thẳng vào đầu dân, bất chấp đời sống đại đa số dân tình Việt Nam đã chuyển vào cảnh thắt lưng buộc bụng từ vài ba năm qua và chắc chắn còn khốn quẫn hơn nhiều trong vài ba năm tới.
Vào lúc này, ngân sách lại đang quằn quại trong cơn khát tiền, chủ yếu để trả lương nuôi đảng.
Kết thúc năm 2017, nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng, chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,.8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình".
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Nếu thuế bảo vệ môi trường được "Bộ bóp cổ" phóng lên 10.000 – 20.000 đồng/lít xăng dầu nhờ dựa vào "ý kiến chuyên gia", ngân sách sẽ thu thêm được từ 150.000 đến 200.000 tỷ đồng mỗi năm, còn Petrolimex và cơ quan chủ quản của nó là Bộ công thương lẫn "cơ quan phối hợp" của nó là Bộ tài chính sẽ có thêm những khoản lợi nhuận khổng lồ từ tiền "bóp cổ" dân. Khi đó, số lãi hàng năm mà Petrolimex chia chác cho Bộ công thương không chỉ là 3.000 tỷ đồng như hiện nay, mà chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Đó là lý do tại sao giới quan chức Bộ tài chính đã xoay sở để có được những ý kiến ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường từ giới chuyên gia, kể cả những ý kiến trung dung mà có thể được xem là "không có ý kiến có nghĩa là ủng hộ", hoặc từ những người có hơi hướng "phản biện nhưng trung thành" như Tiến sĩ Huỳnh Thế Du.
Phát biểu "Nếu tính toán dựa trên mô hình ngoại tác tiêu cực và tính phi hiệu quả (với chi phí ngoại tác tiêu cực đối với xăng được lấy theo đánh giá của một tổ chức uy tín của Mỹ) thì mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng của Việt Nam cần phải điều chỉnh ở mức từ 10.000-20.000 đồng/lít" của ông Huỳnh Thế Du đã bị "đảng và nhà nước ta" lợi dụng triệt để và lấy làm căn cứ cốt yếu để chính phủ rất có thể sẽ quyết tăng thuế bảo vệ môi trường lên đến 20.000 đồng/lít xăng dầu, trong đó có "con bò sữa Sài Gòn" phải chịu thuế nặng nề nhất.
Ý đồ của nhóm cá mập cùng giới quyền lực độc trị là rất rõ : giá xăng sẽ không chỉ dừng ở mức 25.000 đồng/lít, mà còn có thể được phóng lên gấp đôi như thế – 50.000 đồng/lít, làm đầy hơn cái túi đã quá đầy của những kẻ bóc lột và trám vào lỗ thủng toang hoác của ngân sách để giúp duy trì bộ máy đảng trị và "hành là chính" được tháng nào hay tháng đó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 17/06/2018
Không phải văn bản cấp nghị quyết hay nghị định của chính phủ, mà chỉ là hình thức một thông tư của Bộ Công an nhưng lại đang gây ngạc nhiên, nếu không muốn nói là kinh ngạc, đối với dư luận xã hội và giới quan sát chính trị.
Kể từ ngày 1/7/2018, công an sẽ được trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như : súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân....
Vào trung tuần tháng Sáu năm 2018, Bộ Công an bất ngờ ban hành Thông tư số 17/2018 quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/7. Theo đó, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, trại giam, công an cấp tỉnh, công an quận, huyện, thị xã... được xem xét trang bị các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ như : súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... Còn công an xã, phường, thị trấn được xem xét để trang bị súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, hơi cay, dùi cui điện, bình xịt hơi cay...
Vì sao lại xuất hiện động thái vũ trang quá đặc biệt trên trong thời điểm này ?
‘Thế lực thù địch’ hay nhân dân ?
Nếu cơ chế trang bị súng cho công an xã là có thể lý giải được vì đây là một đề xuất loại ‘cố đấm ăn xôi’ của Bộ Công an từ vài năm trước và tái xuất hiện vào cuối năm 2017, thì việc công an từ cấp huyện trở lên được trang bị những loại vũ khí hạng bán nặng và hạng nặng như súng trung liên, súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... đã đặt ra một dấu hỏi rất lớn : công an cần những loại vũ khí này để đánh ai ?
Chiến tranh với ‘thế lực thù địch’ hay với dân ?
Nếu đối tượng bị tấn công là ‘các thế lực thù địch’ thì không có cơ sở, vì cho tới nay vẫn không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đã hình thành một lực lượng ‘phản động’ được quân sự hóa trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng chẳng có một lực lượng chính trị đối lập nào. Thậm chí ngay cả những tổ chức xã hội dân sự độc lập còn không thể tổ chức sinh hoạt vì bị công an ngăn chặn.
Còn nếu giới quan chức công an vẫn cố tình cường điệu vai trò của ‘tổ chức khủng bố Việt Tân’ thì chính ngành công an lại quá thiếu bằng chứng để chứng minh rằng Việt Tân có một vai trò chính trị hay quân sự đủ lớn ở Việt Nam mà phải khiến cho toàn bộ ngành công trang bị súng ống từ đầu đến chân.
Vậy phải chăng các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng sẽ được công an dùng để đàn áp dân ?
Nếu mục đích trên là có thực, sẽ là quá hoang tưởng đối với ngành công an khi xem nhân dân là thù địch, cho là dân có thể tự chế ra xe tăng và phải dùng đến những loại vũ khí sát thương hạng nặng để chống lại những người đã sinh thành ra mình.
Tuy nhiên, trong thực tế đàn áp dân từ trước đến nay, đa phần công cụ được ngành công an sử dụng là dùi cui, lực đạn cay hay cùng lắm là đạn cao su. Theo logic phát triển về tầm mức sử dụng vũ khí, nếu tình hình trở nên thách thức lớn hơn, công an có thể dùng súng thật và đạn thật, nhưng vẫn không thể đến mức dùng máy bay trực thăng vũ trang hay súng chống tăng… trong khi dân chỉ toàn tay không.
Hơn nữa, việc trang bị các loại vũ khí hạng nặng cho công an từ cấp huyện trở lên là cực kỳ tốn kém. Liệu một nền ngân sách quốc gia - vốn đang lâm vào tình thế cạn kiệt, đang phải vắt cổ dân để dùng đến hơn 70% trong mục chi thường xuyên chi trả lương cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức và lực lượng vũ trang, đang phải xóa toàn bộ các tổng cục của Bộ Công an và giảm mạnh biên chế của ngành này…, có chịu nổi gánh nặng trang bị vũ khí hạng nặng cho công an ?
Trong khi đó, các loại vũ khí như súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, trực thăng vũ trang, tên lửa chống tăng cá nhân... thường chỉ được trang bị trong quân đội ở cấp tiểu đoàn, còn trực thăng vũ trang chỉ được trang bị cho cấp trung đoàn trở lên. Những loại vũ khí này chỉ được sử dụng trong tác chiến trên chiến trường với đối phương chứ không phải là đánh nhau với dân trong từng góc phố.
Chuẩn bị chiến tranh với Trung Quốc ?
Chỉ còn lại một nguồn cơn mà rất có thể đã dẫn tới quyết định quân sự hóa công an từ cấp huyện trở lên : Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, rất nhiều tàu cá Việt Nam đã bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa vào năm 2016, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa vào năm 2018.
Đến lúc này, tình thế đã trở nên bi kịch hơn hẳn : không những các giàn phóng tên lửa của Việt Nam ở Trường Sa đã chẳng thể khiến Trung Quốc hoảng sợ, mà cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson ở Đà Nẵng vào đầu Tháng Ba, 2018 (theo lời "cầu viện" chính thức của Bộ Quốc Phòng Việt Nam) cũng chẳng mấy có tác dụng răn đe Trung Quốc.
Nhưng nguyên nhân đặc biệt nhất là chính thể Việt Nam, cùng nền ngân sách đang rơi vào cảnh suy kiệt mà chỉ còn trông chờ vào thói đè đầu dân chúng để tróc thuế và khai thác nguồn tài nguyên gần như duy nhất còn lại là dầu khí, lại đang lâm vào bi kịch không những phải ‘giương cờ trắng’ tại mỏ Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh, mà còn có thể phải ‘quy hàng thiên triều’ ở mỏ Lan Đỏ.
Vào tháng Sáu năm 2018, một bản đồ lưỡi bò được Trung Quốc vẽ lại đã ‘liếm’ qua đến 67 mỏ dầu khí của Việt Nam, bất chấp Việt Nam luôn tuyên bố đây là vùng chủ quyền của mình. Điều đó có nghĩa là ngay giờ đây, chính thể Việt Nam không còn có thể tự khai thác dầu khí ngay trên vùng lãnh thổ của mình nữa.
Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Phương trình Biển Đông cứ mỗi tháng trôi qua lại sinh sôi thêm nhiều ẩn số. Có quá nhiều lý do để Bộ Chính trị đảng cùng cơn lạm phát gần 500 tướng quân đội phải đau đầu đến thống phong. Nếu chấp nhận "hợp tác cùng khai thác dầu khí" với Trung Quốc theo lối nói không thèm úp mở của Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc là Vương Nghị, Việt Nam sẽ đồng thời phải thừa nhận một tiền lệ chưa từng có về việc phải cho kẻ cướp chung sống trong nhà mình và một cách chính thức bắt đầu chấp nhận ách đô hộ của "Hoàng đế Tập Cận Bình".
Còn nếu không chấp nhận cách chia bôi lợi nhuận dầu khí với kẻ cướp, tương lai có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự.
Thật thế, tương lai Trung Quốc tái hiện cuộc chiến biên giới năm 1979 trên biển Đông và có thể cả trên đất liền có vẻ đang đến gần, nhất là khi sự can thiệp của hải quân và không quân Hoa Kỳ ở Biển Đông là chưa đủ ý nghĩa để khiến Trung Quốc phải chùn bước.
Nếu trong nhiều năm trước giới chóp bu Việt Nam hầu như vô cảm trước cảnh tàu ngu dân Việt bị ‘tàu lạ’ đâm va bắn giết, thì nay trước nguy cơ mất ăn dầu khí và mất nguồn ngân sách nuôi đảng bởi ‘đồng chí tốt’, chính thể Việt Nam mới phải tìm cách trang bị các loại vũ khí bán nặng và hạng nặng cho cả công an, mà có thể ưu tiên cho công an ở các khu vực biên giới phía Bắc, vùng duyên hải và biên giới Tây Nam giáp Campuchia.
Đồng thời, chính thể Việt Nam cũng ‘giải mật’ Thông tư 17/2018 về trang bị vũ khí cho công an như một động tác công khai hóa nhằm ‘hù’ Trung Quốc…
Kế hoạch quân sự hóa ngành công an có thể nằm trong một kế hoạch tổng thể của Bộ Quốc phòng Việt Nam về các những tình huống và phương án tác chiến với Trung Quốc.
‘Chiến tranh dầu khí’ Trung - Việt có thể nổ ra chỉ trong một vài năm tới ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/06/2018
Vì sao cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu năm 2018 phản đối ‘luật bán nước’ (một cách gọi của nhân dân đối với Dự Luật Đặc khu) và ‘đả đảo Trung Quốc’ bị chính quyền và công an bóp nghẹt tại Hà Nội, nhưng lại như thác gầm đến hàng trăm ngàn người xuống đường ở Sài Gòn ?
Biểu tình tại Công Viên Hoàng Văn Thụ, Sài Gòn, ngày 10 tháng Sáu. (Hình : FB Kim Bảo Thư)
Những dấu hỏi lớn
Vì sao dòng thác ấy vẫn cuồn cuộn gầm thét dữ dội bất chấp trước đó đã không có một tổ chức xã hội dân sự độc lập hay những nhà hoạt động trong giới đấu tranh dân chủ nhân quyền trong nước đứng ra kêu gọi biểu tình, trong khi phần lớn giới này vẫn bị công an canh chặn ở nhà trước và trong ngày 10 tháng Sáu như mỗi khi có biểu tình ?
Vì sao dòng thác biểu tình vẫn xuất hiện và cuồn cuộn lan ra đến phân nửa quốc gia sau khi ‘đảng và nhà nước ta’ đã phải khẩn cấp tìm cách ‘tháo ngòi nổ’ biểu tình bằng cách phát ra một bản thông báo hoản Dự Luật Đặc khu vào lúc 3 giờ sáng ?
Vì sao khác hẳn với thông lệ trước đây của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và kỷ niệm các sự kiện dân tộc, nhân quyền chỉ diễn ra vào buổi sáng và thậm chí chỉ kéo dài trong vỏn vẹn một vài tiếng đồng hồ hoặc vài chục phút, cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu lại kéo dài đến cả buổi chiều và buổi tối cùng ngày ở Sài Gòn, thậm chí còn lan sang cả ngày hôm sau, đặc biệt chuyển sang một trọng điểm mới là Công ty Pouyuen cũng ở Sài Gòn ?
Vì sao khác khá nhiều với hình ảnh hệt điên dại xồ vào người dân biểu tình để ‘cắn xé’, hành hung theo lối côn đồ và bắt bớ diện rộng người biểu tình trong nhiều cuộc biểu tình trước đây, lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh lại có vẻ ‘buông’ cho dân Sài Gòn đi biểu tình thoải mái vào ngày 10 tháng Sáu, ít ra cũng trong nguyên buổi sáng ?
Và còn nhiều dấu hỏi ‘vì sao’ nữa…
‘Luật bán nước’
Sau khi dư âm tưng bừng và dư vị quá khó tả của ngày 10 tháng Sáu tạm lắng, trong dư luận xã hội và nhất là giới đấu tranh dân chủ nhân quyền đã dấy lên những cuộc trao đổi và tranh luận về nguồn cơn nào đã thúc đẩy và kích phát sự kiện 10 tháng Sáu.
‘Luật bán nước’ là nguồn cơn chính yếu nhất - theo tuyệt đại đa số ý kiến.
Dù đã được âm thầm chuẩn bị trong nội bộ đảng cầm quyền từ vài năm trước, nhưng chỉ đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như đặt sự đã rồi. Còn trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu. Và càng tuyệt dối không có bất kỳ ý tưởng nào của chính quyền về ‘trưng cần dân ý’ đối với dự luật gắn liền với cơ thể chủ quyền lãnh thổ này.
Ngay sau khi ‘luật bán nước’ được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Mạng xã hội lập tức biến thành một chiến trường gầm vang với vô số chỉ trích, kể cả chửi rủa nhắm vào Bộ Chính trị đảng, đặc biệt xoáy vào những nhân vật có liên quan trực tiếp đến dự luật này là Phạm Minh Chính - Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức trung ương và là bí thư tỉnh Quảng Ninh vào thời lập dự án cho đặc khu Vân Đồn tại tỉnh này ; Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch quốc hội và là nhân vật đã ủng hộ tuyệt đối ‘luật bán nước’, thậm chí còn áp dụng tiểu xảo chính trị với phát ngôn đầy tính áp đặt ‘Bộ Chính trị đã kết luận rồi…’ như một cách nói để không cho ai nói khác với đảng ; và cả Nguyễn Phú Trọng - một tổng bí thư mà sau chuỗi hô hào ‘lò nóng lên rồi !’ thì lại tuyệt đối mất dạng trước con sóng phẫn nộ của nhân dân đòi hoãn hay hủy bỏ Dự Luật Đặc khu.
Người dân có đầy đủ lý do để phẫn nộ và căm phẫn.
Sau rất nhiều lần, Quốc hội Việt Nam một lần nữa chứng tỏ cái năng lực nổi bật của nó : không chỉ hùa theo các nhóm lợi ích để tăng vọt thuế và ‘bóc lột dân ta đến tận xương tủy’, ‘cơ quan dân cử’ này còn tiến xa hơn một bước bằng một kỳ họp châu đầu vào ‘luật bán nước’, trong khi hoàn toàn không thèm ngó ngàng gì đến cảnh nạn hàng ngàn người dân ở ‘Khu đô thị mới Thủ Thiêm’ đã bị chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh biến thành dân oan, phải tha phương cầu thực và cả những cái chết tự treo cổ do quá phẫn uất khi bị cưỡng chế đẩy đuổi khỏi mảnh đất sinh nhai duy nhất.
Trừ một số rất hiếm hoi dân biểu phát tiếng nói phản biện, tuyệt đại đa số còn lại trong số gần 500 đại biểu quốc hội vẫn tiếp tục thói ‘ngủ ngày’ trong cơn mộng du vong bản và vong dân.
‘Suy giảm niềm tin’ vẫn còn là cách mô tả quá tô hồng. Trong thực tế, dân đã mất sạch niềm tin vào chế độ trong rất nhiều vụ việc mà chính quyền chỉ hứa hẹn nhưng không hề làm, hoặc thậm chí làm ngược lại.
Vụ Dự luật Đặc khu cũng tương tự. Bất chấp đề nghị của Chính phủ về hoãn dự luật này, rất nhiều người dân đã không tin, không còn tin một chút nào, và họ vẫn giữ ý định xuống đường để hy vọng bằng những bước chân rầm rập và cánh tay giương cao biểu ngữ phản đối, ‘luật bán nước’ sẽ bị hủy bỏ và do vậy nước sẽ không bị bán.
Đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Phan Rí Cửa ở tình Bình Thuận là một minh chứng điển hình
Kẻ nào khiến dân Bình Thuận phải nổi dậy ?
Không có nhiều bằng chứng cho thấy người dân thành phố Phan Thiết và Phan Rí Cửa khi đi biểu tình vào ngày Mười tháng Sáu có mối quan tâm đặc biệt đến những khuất tất chính trị và nhân quyền của hai Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng. Mà trên hết, họ đi biểu tình vì nhu cầu môi sinh và môi trường mà đã bị Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 phá hủy với sự bao che trắng trợn của chính quyền tỉnh Bình Thuận.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 do Tập đoàn Điện khí Thượng Hải (Trung Quốc) thi công từ tháng 8/2010, với 15% là vốn đối ứng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), còn lại là vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và ODA của Chính phủ Trung Quốc.
Rất rõ ràng, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 có nguồn gốc từ Trung Quốc, kèm thêm những dấu hiệu không còn quá mơ hồ của một đám quan chức ‘Việt gian’.
Vào tháng Tư năm 2015, hàng ngàn người dân đã đổ ra quốc lộ 1A đoạn chạy qua Bình Thuận, gây ách tắc giao thông Bắc - Nam kéo dài hàng chục km. Hành động này được xem là bất đắc dĩ để thu hút sự quan tâm của cộng đồng xã hội và buộc chính quyền Bình Thuận phải giải quyết vô số đơn thư khiếu nại tố cáo của người dân về nạn xả thải ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, trong đó có mối nghi ngờ rất lớn vào động cơ ăn chia giữa một số quan chức cao cấp của tỉnh Bình Thuận với phía Trung Quốc…, nhưng không hề được giải quyết thỏa đáng.
Song thay vì lo cho dân, đối thoại với dân và tìm cách hạn chế ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nếu không muốn nói là phải đóng cửa nhà máy này, chính quyền và công an Bình Thuận đã đàn áp thô bạo người dân, khởi tố và truy tố dẫn đến bỏ tù một số người dân vô tội.
Nỗi phẫn uất của người dân Phan Rí Cửa nói riêng và Bình Thuận nói chung đã dâng cao kể từ vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, mau chóng hình thành tâm lý đối đầu và đối kháng với chính quyền vào bất cứ tình huống va chạm hay xung đột nào giữa công an, quan chức chính quyền với dân.
Cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu đã thêm giọt nước tràn ly, sau khi ly đã tràn ở Bình Thuận trong những năm qua. Khi một số người biểu tình bị công an bắt bớ theo thói quen thẳng tay đàn áp và đánh đập dã man người dân, đoàn người biểu tình đã lập tức phản ứng. Họ kéo đến trụ sở Ủy ban nhân và Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Thuận để đòi người. Nhưng thay vì tiếp dân và đối thoại, những quan chức lãnh đạo tỉnh lại trốn biệt trong khi bắt lực lượng công an và cảnh sát cơ động ra dàn trận để chống lại đoàn biểu tình. Bạo động và bạo loạn đã phát sinh từ bầu không khí tức nước vỡ bờ và thù địch như thế. Không quá khó hiểu là sau khi đã phá tung được hàng rào cảnh sát cơ động, đoàn biểu tình đã chiếm lĩnh trụ sở chính quyền Bình Thuận và một số thanh thiếu niên ‘quá khích’ đã đập phá trụ sở, đốt xe công an… như một hành động trút giận và trả đũa vì công an bắt người biểu tình.
Hành động tháo chạy của lực lượng ‘còn đảng còn mình’ trước đoàn biểu tình phẫn nộ của dân cho thấy không chỉ là sự bất xứng về tương quan số đông, mà còn là xuất phát từ tâm trạng công an sợ bị người dân trả thù.
Một sự thật đơn giản mà bất kỳ ai cũng hiểu và nằm lòng là công an ‘còn đảng còn mình’ có thể bắt bớ hàng trăm người hoạt động nhân quyền, nhưng không thể nào tống giam hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người dân - những người luôn trong tâm thế nước tràn ly, ngày càng sẵn sàng thay thế những nhà hoạt động nhân quyền đã bị chính quyền tống giam.
Ngày ‘Toàn quốc xuống đường’
Ngày Mười tháng Sáu đã bất thần trở thành một trong những ngày lịch sử nhất trong lịch sử thời hậu chiến : lần đầu tiên kể từ ngày ‘thống nhất đất nước’ Ba Mươi tháng Tư năm 1975, một cuộc tổng biểu tình phản đối Luật Đặc khu đã bùng nổ trên suốt chiều dài của mảnh đất ‘lệ rơi hình chữ S’.
Nếu các cuộc biểu tình phản đối Hải Dương 981 vào năm 2014, phản đối chặt hạ cây xanh vào năm 2015, phản đối Luật Bảo hiểm xã hội cùng vào năm 2015, và phản đối Formosa vào năm 2016 vẫn nhắm tới đối tượng phản đối là Trung Quốc hay những chính sách của chính quyền, thì cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 không thể khác hơn là lần đầu tiên kể từ năm 1975 đã thể hiện một hành động phản kháng trực tiếp đối với nhà cầm quyền.
Sau cuộc tổng biểu tình trên và đặc biệt là cuộc biểu tình thành công ở Sài Gòn, một số ý kiến cho rằng cuộc biểu tình này có thể được ngấm ngầm hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị nào đó trong nội bộ đảng cầm quyền. Thế lực đó có thể liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp đến công an và do vậy công an mới không đàn áp dã man như trước đây. Và trên hết, thế lực chính trị giấu mặt đó muốn ‘mượn’ người dân, hay chính xác là lợi dụng người dân, để kích động một chiến dịch biểu tình trên quy mô lớn và kéo dài như mô hình ‘áo đỏ - áo vàng’ ở Thái Lan, nhằm gây áp lực mặc cả vị thế chính trị trong nội bộ đảng hay tạo áp lực đủ mạnh để yêu sách một chóp bu cao cấp nào đó của đảng phải từ chức… Tóm lại, chưa có gì gọi là ‘lấy dân làm gốc’ mà chỉ là trò lợi dụng dân để lật nhau.
Thế nhưng, số lượng người biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người tại Sài Gòn và diễn ra trên hơn 50% tỉnh thành ở Việt Nam chắc chắn đã vượt hoàn toàn khỏi hình dung và sự thao túng của mọi tính toán và mưu toan - nếu quả thực có bàn tay ‘đạo diễn’ biểu tình.
Lòng dân đã bức bối và căm phẫn đến tột độ một chế độ ăn tàn phá hại, bóc lột dân chúng thậm tệ và đẩy cả dân tộc vào cảnh tuyệt vọng. Chỉ cần có cơ hội là tung chân xuống đường.
Cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018 đã chứng tỏ cái sức mạnh biển trời của nó trước con thuyền mục nát của chính quyền. Rất nhiều quan chức công an từ cao xuống thấp đang cảm nhận ngày càng rõ về hồi chuông báo tử đối với chế độ đang vang rền những tiếng quyết định, báo trước thời khắc quyết định trong không bao lâu nữa.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 12/06/2018