Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giải pháp nào cho Việt Nam trong tình trạng thiếu nước sạch ? (RFA, 16/03/2018)

Theo thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA), Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới, xét về nguồn nước nội địa và khoảng 20% dân cư tại Việt Nam chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Việt Nam cần làm gì để đối phó với tình trạng, mà giới chuyên gia cho là báo động khan hiếm nước sạch ?

nuoc1

Một con kênh khô cạn, tại khu vực Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, đồng bằng Sông Cửu Long. Hình chụp ngày 08/03/16. AFP

Nguyên nhân

Việt Nam là một quốc gia bị rơi vào tình trạng thiếu nước, mặc dù có mạng lưới sông ngòi dày đặc và có nhiều ao hồ. Số liệu thống kê của Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) cho thấy nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840 m3/người/năm thấp hơn 400 m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Trong khi đó, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam còn dự báo lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số vừa nêu đến năm 2025.

Nằm trong danh sách những quốc gia nhận được sự trợ giúp của thế giới, thuộc chương trình Mục tiêu Phát triển Toàn cầu (MDG) về cấp nước và vệ sinh, kể từ năm 2000 Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng những chính phủ và các tổ chức thế giới đã giúp đỡ cho Chính phủ Việt Nam phát triển Chiến lược Cung cấp Nước sạch Nông thôn và Vệ sinh Quốc gia đến năm 2020. Theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam, vào năm 2008, bắt đầu áp dụng các quy định bắt buộc về an toàn nước, theo quy chuẩn hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, đối với 68 nhà máy cung cấp nước trên toàn quốc. UNICEF còn hợp tác với Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam để hướng dẫn cho cộng đồng cách thức xử lý và trữ nước ở những nơi mà người dân chưa thể tiếp cận nguồn nước máy.

Truyền thông quốc nội, trong những năm gần đây đưa tin về tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở các khu vực thành thị, như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn khắp các vùng nông thôn ở Tây nguyên, vùng biển, thậm chí vùng sông nước đồng bằng Sông Cửu Long, do tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.

Đài RFA liên lạc với bà Dung, một nông dân ở Đồng Tháp và được cho biết tình hình nước sinh hoạt của gia đình bà cùng hàng xóm tại khu vực đang dần được đô thị hóa :

"Bây giờ ở đây người ta dùng nước máy của xã, của huyện cung cấp để sử dụng cho sinh hoạt, ăn uống, nấu nướng…Bây giờ cũng không trồng trọt gì được nữa vì tưới nước máy thì cây không sống nỗi. Không có nguồn nước nào vô hết. Những ruộng sau nhà chỉ trồng cây tạp nham, sống nhờ vào nước mưa".

Bà Dung cũng cho biết ở những vùng trong tỉnh Đồng Tháp còn chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị, thì người dân dùng nước sông cho công việc tưới tiêu ruộng vườn. Tuy nhiên, bà Dung than phiền nguồn nước sông ngày càng bị ô nhiễm.

Những gì bà Dung vừa chia sẻ không phải mỗi con sông Tiền hay sông Hậu ở đồng bằng Sông Cửu Long bị ô nhiễm, mà đó là tình hình chung của hệ thống sống ngòi ở Việt Nam hiện nay.

Tại Hội thảo Khoa học "Giải Pháp Xanh cho Nguồn Nước", vừa diễn ra vào ngày 16 tháng Ba, năm 2018 ở Hà Nội, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường thừa nhận một số sông tại Việt Nam bị ô nhiễm nghiêm trọng và chất lượng nước không đáp ứng được yêu cầu của mục đích sử dụng. Giới chức Bộ Tài Nguyên-Môi Trường khẳng định tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn vào nguồn nước sông vẫn xảy ra thường xuyên trên diện rộng đã dẫn đến hậu quả như thế.

Thách thức

Báo giới trong nước cũng dẫn nguồn theo đánh giá của các nhà nghiên cứu rằng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, mà công tác bảo vệ môi trường không hiệu quả thì sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước. Giới chức Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, tại buổi Hội thảo Khoa học "Giải Pháp Xanh cho Nguồn Nước" cũng cho rằng việc thực thi các chính sách quản lý liên quan nguồn nước hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.

Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải, từ Hà Nội nói với RFA rằng nguồn nước sạch ở Việt Nam cần phải xem xét trên 3 yếu tố quan trọng, bao gồm rừng, sông hồ và xử lý nước thải. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải giải thích :

"Khi nước chảy ở những nơi rừng cây, nước chảy qua đá, tất cả các thứ thì sẽ chặn lại các bùn. Trong quá trình va đập vào đá sẽ sinh ra các ion khử các chất độc và mùi hôi và đặc biết nó thấm qua đất, thì đất làm cho nước lọc rất tuyệt vời nên nước chảy ra sẽ rất trong. Do đó, nếu không có rừng cây thì nước sẽ bị trôi hết và sẽ sinh ra hạn hán rất lớn. Vì vậy, vấn đề rừng cây chỉ là một yếu tố. Nhưng nó lại là bắt đầu vì nước trên nguồn phải sạch. Tôi đi đến tất cả những đỉnh núi cao, đến các bản làng thì cứt lợn, cứt gà hôi thối, người ta vứt rác…Trên nguồn, người ta còn dùng thuốc trừ sâu để phun vào chè (trà) và cây cối, thậm chí cả thuốc diệt cỏ. Cuối cùng là trên nguồn bị ô nhiễm, thì làm sao dưới nguồn có nước sạch được ?"

Liên quan yếu tố thứ hai, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nhắc lại lời cảnh báo của giới khoa học ở trong nước từng lên tiếng cả thập niên trước rằng các sông hồ ở Việt Nam sẽ bị ô nhiễm do sự kết hợp giữa tình hình hạn hán với tình trạng xả thải một cách vô tội vạ của các nhà máy công nghiệp lẫn từ dân chúng xả rác bừa bãi. Ông Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh :

"Một mối nguy hiểm nữa là các nhà máy nhiệt điện bây giờ đẩy chất thải ra bờ biển. Do (các sông) bị phù sa, do bị lấp nên lượng nước về kém đi thì nước mặn sẽ tràn vào. Nhưng nước mặn tràn vào không phải là nước mặn do muối, mà là nước mặn đầy các chất độc ở các resort, các nhà máy thải ra bờ biển, đặc biệt là than xỉ của các nhà máy nhiệt điện. Tức là, người Việt Nam đang tự hủy hoại mình".

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, một vài nhà khoa học ở trong nước mà chúng tôi được dịp trao đổi cho rằng yếu tố quan trọng nhất để cải thiện tình trạng thiếu nước sạch tại Việt Nam là dân trí, do ý thức vì cộng đồng của người Việt Nam không được chú trọng, kể cả trong việc quản lý cấp vĩ mô của nhà nước.

Ngày 22 tháng Ba hàng năm là "Ngày Thế Giới Nước", do Liên Hiệp Quốc quy định. Nhân ngày này trong năm 2018, Liên Hiệp Quốc sẽ công bố báo cáo về phát triển nước trên thế giới và các giải pháp dựa vào thiên nhiên cho nước.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và môi trường, hồi năm ngoái công bố số liệu thống kê có đến 9000 người tử vong vì sử dụng nguồn nước ô nhiễm và kém vệ sinh, gần 250 ngàn gười nhập viện vì bị tiêu chảy cấp bởi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và gần 200 ngàn người mắc bệnh ung thư mỗi năm.

Hòa Ái

*******************

Doanh nghiệp và chính quyền bất nhất về vụ vỡ đập bãi thải vàng Bồng Miêu (RFA, 19/03/2018)

Một đoạn đập thải của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666 tại sông Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị vỡ làm hàng trăm mét khối chất thải chảy ra sông từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 3.

nuoc2

Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam xác nhận sự việc hàng trăm mét khối bùn đất đã chảy xuống sông Quế Phương. Courtesy of VTV

Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 18 tháng 3 cho biết một số người dân báo với chính quyền địa phương sau khi xảy ra vụ vỡ đập xuất hiện nhiều cá chết tại khu vực sông Bồng Miêu và sông Quế Phương.

Nguyên nhân cá chết được ông Nguyễn Thế Vĩnh, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh xác nhận là do vỡ đập khiến nguồn nước sông Bồng Miêu nhiễm chất thải chứa quặng vàng của Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666.

Tuy nhiên, ông Trương Quốc Sỹ, Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666 trả lời mạng báo Dân Việt trong nước phản bác cáo buộc từ phía chính quyền.

Ông Sỹ nói không hề có chuyện vỡ đập mà là do xe múc của công ty san ủi gần bãi thải để trồng cây khiến bờ đê bị sụt lún làm tràn vài khối nước mưa ra sông chứ không phải nước độc. Ông cũng cho biết đã mời các đơn vị lên lấy mẫu nước sông Bồng Miêu để xét nghiệm xem có phải chất độc do vỡ đập thải gây ra hay không.

Ông Giám đốc công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Công Nghiệp 6666 dự đoán nguyên nhân khiến cá chết là do nước thải từ các bãi vàng trái phép dọc hai bờ sông và từ khu vực trên núi chảy xuống.

Bất bình trước sự việc, rất đông người dân xã Tam Lãnh đã kéo đến nhà máy tuyển vàng của công ty này phản đối và yêu cầu ngừng hoạt động khai thác vàng.

Trước đây, chính quyền huyện Phú Ninh đã nhiều lần yêu cầu công ty này ngừng hoạt động khai thác vàng vì chưa đáp ứng những quy định về môi trường. Công ty này khai thác vàng bằng cách khai thác lại đập thải của nhà máy vàng Bồng Miêu.

Published in Việt Nam

Thế giới hiện nay đang dần hình thành trật tự đa cực mới, với hàng loạt chính sách đối ngoại - an ninh toàn cầu của các nước lớn. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến các nước nhỏ và những khu vực địa chính trị chiến lược quan trọng - trong đó có Việt Nam và khu vực Biển Đông. Trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới, sự va chạm giữa đại chiến lược của các cường quốc là khó tránh khỏi.

vacham1

Hoa Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc trên Biển Đông - Courtesy photo

Trật tự thế giới và Châu Á nay đã khác

Trong bối cảnh thế giới hiện nay đang xoay vần liên tục, nhanh chóng với sự chạy đua về khoa học - kỹ thuật ngày càng tân tiến, cạnh tranh về kinh tế, các cường quốc trên thế giới liên tục hoạch định và thay đổi chính sách đối ngoại - an ninh quốc gia của mình theo hướng bảo đảm lợi ích quốc gia tối ưu và tranh giành ảnh hưởng, vai trò chi phối trên toàn cầu.

Trung Quốc có chiến lược "Vành đai - Con đường" ("One Belt – One Road" / BRI) ; Mỹ - Nhật - Ấn - Úc có chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" ("Indo – Pacific" / IPS) ; bản thân Mỹ tiếp tục chuyển hướng mạnh mẽ sang Châu Á ; Ấn Độ có "Hành động hướng Đông" nhắm tới hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương ; Nga có chiến lược tiến xuống phía Nam, quay trở lại Thái Bình Dương…

Tại khu vực Châu Á, trải trên hai đại dương, trong nhiều năm gần đây, cấu trúc an ninh khu vực liên tiếp có sự thay đổi bởi những căng thẳng leo thang tại các điểm nóng, gắn liền với tranh chấp chủ quyền, tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Trong đó nổi bật là sự tham gia Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia đông dân nhất hành tinh và siêu cường của thế giới là Hoa Kỳ. Các nước nhỏ hơn liên tiếp bị kéo vào vòng xoay tạo trật tự mới, tạo thế cân bằng lực lượng trong khu vực và bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia của chính họ.

Những va chạm của các đại chiến lược tại Châu Á

Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chưa bao giờ "nóng" như lúc này, bởi sự va chạm giữa hai đại chiến lược lớn của Trung Quốc và "tứ giác an ninh kim cương" Mỹ - Nhật - Ấn - Úc trên các khu vực địa chính trị trọng yếu mà chúng được vạch ra.

Kể từ khi ông Tập Cận Bình đề ra và Trung Quốc bắt đầu thực hiện sáng kiến "Vành đai - Con đường", nhiều nước đã cảm nhận được khát vọng "trỗi dậy" của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc an ninh khu vực và quyền lợi quốc gia của họ. Nhằm đối phó lại, trong tuần lễ cấp cao APEC tại Việt Nam, tháng 11/2017, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói về "Indo-Pacific" lần đầu tiên và chính thức tuyên bố ra đời chiến lược này với sự đồng thuận của Ấn - Nhật - Úc tại Manila vài ngày sau đó, bên lề Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác.

Trên Ấn Độ Dương, từ lâu Trung Quốc đã có kế hoạch "chuỗi ngọc trai" từ Miến Điện, xuống Sri Lanka, Maldives, lên Pakistan, vòng qua Trung Đông, Đông Phi để "vây hãm" Ấn Độ. Từ cuối năm 2017 đến nay, qua cuộc đảo chính ở Maldives và Trung Quốc điều tàu chiến tới, câu chuyện đó càng nóng hổi và rõ ràng hơn. Ngay lập tức, Ấn Độ không ngồi yên mà đã bắt tay xây dựng căn cứ quân sự liên hợp trên quốc đảo Seychelles nhằm đối trọng lại.

Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề phát triển Việt Nam, đây không phải là lần đầu các nước lớn có sự tranh giành ảnh hưởng tại các quốc đảo nhỏ, hoặc các khu vực có vị trí chiến lược quan trọng trong giao thương toàn cầu.

"Điều này cho thấy, Ấn Độ đang ngày càng chú ý đến sự lấn lướt của Trung Quốc tại các khu vực mà trước đến giờ là "sân sau" của Ấn Độ. Đây là nơi tập trung các tuyến đường thương mại, không chỉ liên quan đến Châu Á, Châu Phi, Trung Đông, Châu Đại Dương, mà còn Châu Âu đều phải đi qua tuyến đường".

Giáo sư Trần Ngọc Vương nhìn nhận, các động thái trên Ấn Độ Dương như vậy là sự tiếp nối của "chủ nghĩa thực dân mới" và Trung Quốc bị xem là gây ra "ác cảm hơn" bởi mọi hành động của nước này chỉ phục vụ cho mưu đồ ích kỷ và sự lớn mạnh của mình.

"Chủ nghĩa ích kỷ đó Ấn Độ cũng có một phần, nhưng họ không gây ra ác cảm cho thế giới và các thế lực dân chủ, mà trong một ý nghĩa khác, người ta còn coi là yếu tố đối trọng cần thiết để mà tạo ra thế cân bằng giữa các thế lực chính trị khác nhau trên bàn cờ chính trị hiện đại. Đó là khắc chế lẫn nhau giữa hai nước, các thế lực chính trị".

Phân tích sâu hơn về chiến lược và hành động của Trung Quốc, Giáo sư Vương nhấn mạnh, Trung Quốc muốn "chinh phục thế giới", mà để làm được điều này thì cần phải thực hiện bằng con đường trên biển là chính yếu, nên Trung Quốc sẽ còn nỗ lực tạo ưu thế trên biển bằng việc phát triển, mở rộng lực lượng hải quân và phạm vi hoạt động của họ một cách nhanh chóng.

"Trung Quốc ngộ ra vai trò của cường quốc biển và nhiệm vụ lẽ ra của quốc gia ấy trong việc chinh phục biển muộn rồi và chậm chân, nên hành xử nhiều khi là thô bạo để tranh giành lấy không gian biển, ưu thế trên biển cho mình".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng chia sẻ quan điểm với Giáo sư Trần Ngọc Vương và ông phân tích thêm, chuỗi sự kiện trên Ấn Độ Dương là sự cọ sát của hai mô thức phát triển, hai chiến lược toàn cầu đang tác động mạnh đến Châu Á và toàn cầu. Tuy nhiên, truyền thông thế giới đã loan tải những "trái đắng" của "Vành đai - Con đường" mà Trung Quốc mang lại, nên nhiều quốc gia đã không còn mặn mà với chiến lược này. Còn Ấn Độ đã sẵn sàng bước vào giai đoạn "lật ngược thế cờ" và tiến vào những vùng sát với Trung Quốc, như trên Biển Đông trong những năm gần đây.

"Tóm lại, cuộc cọ sát giữa "Indo-Pacific" và "Vành đai - Con đường" ngày càng trực diện, mở rộng ra quy mô không chỉ khu vực mà toàn cầu".

Điều Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói tới hoàn toàn hợp lý với những diễn biến ngoại giao, quân sự tấp nập tại khu vực Châu Á từ đầu năm 2018 đến nay và cả trước đó. Chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ tới Việt Nam tuy đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng vẫn có thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và các nước trong khu vực Thái Bình Dương như lời ông John Kirby - Phó Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đã hồi hưu nói trên CNN ngày 5/3/2018 rằng, "the United States is here and we're here to stay" - "Nước Mỹ ở đây và chúng tôi ở tại đây".

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Úc cũng có những động thái liên quan đến những điểm nóng trong chuỗi những va chạm, đặc biệt là bảo vệ và thực thi quyền tự do đi lại, an ninh, an toàn hảng hải, hàng không trong khu vực Biển Đông - vốn đang bị Trung Quốc thay đổi hiện trạng, quân sự hóa nhằm kiểm soát vùng biển huyết mạch thương mại toàn cầu này.

Việt Nam và sự va chạm chiến lược

Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng nằm ở vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng, là điểm giao thoa, xung đột khi là điểm bắt đầu của "Vành đai - Con đường" và trung tâm về mặt địa lý và chiến lược của "Indo-Pacific". Đặc biệt, Giáo sư Trần Ngọc Vương nhấn mạnh đến vị trí "yết hầu" trên con đường vươn ra biển rộng của Trung Quốc chính là Việt Nam với Biển Đông đang tranh chấp.

Trong chuyến thăm Đà Nẵng, đã có ít nhất hai lần, nữ thủy thủ Hải quân Hoa Kỳ phục vụ trên tàu USS Carl Vinson đã hát bằng tiếng Việt bài "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đây có lẽ là một thông điệp nữa nhắn tới Việt Nam trong việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Washington. Cũng là thêm một lần nữa, nước Mỹ muốn thúc đẩy Việt Nam nâng cao tinh thần bảo vệ độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia.

Tuy nhiên, để làm được điều này, Giáo sư Trần Ngọc Vương vẫn đau đáu nghĩ về nội lực của Việt Nam.

"Tôi chỉ muốn là làm thế nào để Việt Nam phát triển lành mạnh, ổn định, với tốc độ xứng đáng với tiềm lực quốc gia, để không vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với thế giới".

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia nhỏ, có nhiều khó khăn và thách thức trong hoàn cảnh hiện nay, đặc biệt là những mối quan hệ đan cài, phức tạp và nhạy cảm với các phía.

"Phải có một chính sách, ứng xử thế nào để vẫn thúc đẩy hội nhập, nhưng vẫn duy trì, bảo vệ được sự độc lập, tự chủ, thì đây là một bài toán không đơn giản. Nó đòi hỏi một tầm nhìn, một quyết tâm và sự minh triết về chính trị của lãnh đạo quốc gia. Vì thế, chúng ta đã tiến hành chính sách đa phương, nhưng phải đa phương có trọng điểm. Đây là động thái mà chúng ta đang chứng kiến, Việt Nam và các nước trong khu vực đang thúc đẩy mạnh".

Giáo sư Trần Ngọc Vương nói rõ hơn, Việt Nam nhu nhược là điều không thể được, nhưng hành xử cần khôn ngoan và điều quan trọng nhất là chính kiến của lãnh đạo về chủ quyền quốc gia.

"Nhà lãnh đạo nào không nói lên được tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, thì nhà lãnh đạo ấy còn đáng bị nghi ngờ. Còn thì tất cả những thứ khác, trước câu chuyện này là phải lui xuống, nhường quyền ưu tiên cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc".

Thông tín viên RFA

Nguồn : RFA, 19/03/2018

Published in Diễn đàn

Sai phạm nhãn tiền và sự chối bỏ trách nhiệm của giới chức nhà nước (RFA, 12/03/2018)

Một số công trình xây dựng lớn bị cho là vi phạm nhưng cơ quan chức năng tại những nơi có tình trạng sai trái xảy ra chối bỏ trách nhiệm. Dư luận một lần nữa lên tiếng thắc mắc vì sao công tác quản lý nhà nước kém hiệu quả như thế diễn ra khắp nơi buộc chính phủ phải giải quyết hậu quả của những vụ việc đó ?

sai1

Cây cầu dài hơn 1000 mét xây dựng lên đỉnh núi Cái Hạ, trong khu di sản Tràng An, Ninh Bình. Courtesy : Hình chụp từ màn hình video của zing.vn

Không biết hay Không muốn biết ?

Những ngày vừa qua, trên các trang fanpage của báo giới quốc nội và trên các trang mạng xã hội, dư luận nhắc đến cụm từ "chuyện thật như đùa" để đưa ra ý kiến bình luận xoay quanh thông tin về cây cầu dài hơn 1000 mét bắc lên đỉnh núi Cái Hạ, trong khu di sản Tràng An được xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động đón du khách đến tham quan, mà giới chức Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình nói rằng công trình xây dựng trái phép và do ở sâu trong vùng lõi nên khó phát hiện.

Khu du lịch Tràng An là di sản UNESCO thế giới đầu tiên của Việt Nam đạt được hai tiêu chí về thiên nhiên và văn hóa. Dư luận cho rằng thật là phi lý khi Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Ninh Bình, ông Đinh Chung Phụng, vào ngày 7 tháng Ba khẳng định công trình xây cầu xuyên rừng đặc dụng và xuyên qua di sản Tràng An có dấu hiệu sai phạm, mặc dù Công ty cổ phần Du lịch Tràng An thi công từ tháng 8 năm ngoái mà không bị các cơ quan chức năng địa phương phát hiện cho đến lúc được dư luận và truyền thông phanh phui.

Không chỉ riêng vụ việc vừa nêu, mà dư luận còn lên tiếng phản đối các cơ quan quản lý nhà nước trả lời báo giới rằng chưa xác định rõ chủ đầu tư của 57 căn biệt thự kiên cố xây dựng trái phép nhiều năm qua tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội hay thông tin liên quan Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù có đến 213 container bị mất tích trong thời gian hai năm 2015 và 2016.

Trên trang fanpage của Báo mạng Zing.vn, qua cả trăm ý kiến được đăng tải, nhiều độc giả lên tiếng rằng người dân đổ một chiếc xe cát để sửa sang nhà cửa hay làm một cái chuồng vịt trong sân nhà nếu không thông báo với chính quyền địa phương thì ngay tức khắc nhân viên đến kiểm tra, thanh tra. Đài RFA có thể nêu trường hợp điển hình của ông Nguyễn Văn Bỉ, ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh cất chuồng nuôi vịt trong miếng đất của gia đình đã bị chính quyền phạt hành chính 6, 5 triệu đồng do xây dựng không phép và sau đó còn bị khởi tố vì ông Bỉ dựng lại cái chòi cây cũng để nuôi vịt.

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do trước thắc mắc của dư luận vì sao những vụ việc vi phạm nghêm trọng như thế, mà cơ quan chức năng không hay biết hay cho rằng khó phát hiện và chưa phát hiện, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo lý giải rằng :

"Thực chất là thế này, trong kinh nghiệm làm báo của tôi là họ bảo kê cho những việc đó. Họ bảo kê hết. Họ biết quá đi chứ, nhưng họ có quyền lợi trong đó. Hầu hết các trường hợp như thế đều đút lót hết, chứ không thể nào không biết. Nói thẳng vấn đề là như thế. Nhưng khi bị truyền thông phát hiện và đăng tải, phóng viên hỏi những người có trách nhiệm thì họ trả lời qua quýt cho xong chuyện ; tức là họ không biết, họ đi họp hay đi vắng nên chưa nắm được… Những chuyện này thì bọn tôi gặp hoài, gặp nhiều lắm".

Hẳn nhiều người còn nhớ đến một trong những vụ việc nổi cộm được dư luận đặc biệt quan tâm trong năm 2017, liên quan đến 3 ngọn núi ở Vịnh Hạ Long bị tàn phá do khai thác đá, nhưng giới chức quản lý của doanh nghiệp và chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn để tình trạng này diễn ra trong nhiều năm, thậm chí còn nói rằng không biết việc phá núi nằm trong vùng đệm. Bí thư tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh lần thứ 5, phát biểu rằng sai phạm trong vụ khai thác đá tại các núi ở Vịnh Hạ Long thuộc về Lữ đoàn 170 đã lợi dụng công trường trong ranh giới quốc phòng để đưa tư nhân vào khai thác đá và đây là một bài học trong việc quản lý tại địa phương.

Giải quyết hậu quả thế nào ?

Liên quan đến vụ việc về cây cầu xây dựng ở khu di sản Tràng An, Bộ Văn Hóa-Thông Tin Việt Nam khẳng định nguyên nhân là do chính địa phương đã sơ sót và buông lỏng trong quản lý ; đồng thời yêu cầu chính quyền tỉnh Ninh Bình phải xử nghiêm và dứt điểm. Tuy nhiên, không ít người cho rằng biện pháp "xử lý dứt điểm" mà Bộ Văn Hóa-Thông Tin yêu cầu chính quyền địa phương phải thi hành là gì, hay rồi cũng là "rút kinh nghiệm" mà thôi ? Còn bao giờ Chính quyền Hà Nội sẽ tìm ra chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng xây dựng trái phép ở Ba Vì là ai và rồi liệu rằng chủ đầu tư sẽ đập bỏ 57 căn biệt thự đã xây hay sẽ xin được cấp phép để tiếp tục xây dựng, tương tự như vụ việc các căn biệt thự bị phát hiện xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ?

Những câu hỏi vừa rồi được dư luận nêu ra cũng có cái lý của nó. Bởi vì vụ việc mới nhất liên quan đến 213 container, bị biến mất một cách bí ẩn ở cảng Cát Lái, đã được Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh xử lý bằng cách chuyển công tác một cán bộ và hạ bậc thi đua, mà không có một ai bị khởi tố, bất chấp Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trước đó đã ký công văn yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm. Truyền thông trong nước nêu lên với biện pháp kỷ luật này như một trò đùa với dư luận và cả pháp luật. Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nhấn mạnh với RFA :

"Các hiện tượng tiêu cực ở đất nước Việt Nam thì quá nhiều, bởi vì bao nhiêu năm như thế rồi. Cho nên nếu gọi là xử lý hết được theo mong muốn của công chúng thì khách quan mà nói là không xuể đâu".

Chúng tôi cũng liên lạc với một vài nhà quan sát tình hình Việt Nam ở trong nước và được họ cho biết tiêu cực tràn lan trong mọi lãnh vực không phải vì công tác quản lý nhà nước yếu kém mà là do chính hệ thống tạo ra những tiêu cực đó. Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nói rằng :

"Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn".

Đài RFA ghi nhận trên các trang fanpage của báo mạng chính thống Việt Nam xuất hiện một số ý kiến bày tỏ sự hy vọng những vụ việc tiêu cực nêu trên sẽ được giải quyết triệt để, vì theo họ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đóng vai trò trưởng ban chống tham nhũng, vào cuối năm ngoái đã tuyên bố rằng việc chỉnh đốn Đảng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên các trang mạng xã hội, nhiều cư dân mạng chia sẻ tình trạng đất nước Việt Nam giống như vô chủ qua những lời biện bạch vô trách nhiệm của giới chức các cơ quan chức năng trước rất nhiều vụ việc tiêu cực và một ông Tổng bí thư Đảng Cộng sản lãnh đạo cũng không thể nào thay đổi được tình hình, như lời của nhà báo Võ Văn Tạo "Tôi nghĩ có đến 10 hay 100 ông Nguyễn Phú Trọng làm đến 10, 20 năm nữa cũng không giải quyết được 70-80% các tiêu cực".

Hòa Ái

***************

Làm "hiệp sĩ" phá án giúp người (RFA, 12/03/2018)

Giúp nạn nhân

Chị Đặng Thị Thanh Thúy, ngụ tại xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, sau khi bán được mảnh đất với số tiền hơn 600 triệu đồng, cất kỹ khoản tiền tương đương cả tài sản đó trong nhà ; thế nhưng, chị phát hoảng khi món tiền không cánh mà bay.

sai2

Nhóm hiệp sĩ do anh Nguyễn Văn Hải làm trưởng nhóm bắt đối tượng cướp tài sản - FB nhân vật

Chị đã tìm đến công an địa phương trình báo nhờ truy tìm thủ phạm thu hồi lại khoản tiền bị mất. Tuy nhiên công an thay vì thực hiện nhiệm vụ lại chỉ chị tìm đến nhóm hiệp sĩ chuyên săn bắt cướp do anh Nguyễn Thanh Hải làm trưởng nhóm nhờ giúp đỡ.

Chị Thúy làm theo hướng dẫn của công an địa phương và sau khi nhận được tin báo, các hiệp sĩ săn bắt cướp đã khoanh vùng và xác định đối tượng nghi vấn, sau đó hộ tống chị Thúy chạy xe quanh khu vực tỉnh Bình Dương. Theo lời của chị Thúy thì chỉ sau 30 phút nhóm hiệp sĩ giúp bắt được đối tượng lấy lại cho chị số tiền bị mất cắp.

Do đó chị Thúy đánh giá cao hoạt động của nhóm này :

"Chỉ có nhóm anh Hải là mỗi lần người dân nhờ là giúp, là làm nhanh nhất"

Khác với chị Thúy, một nạn nhân khác bị giật đồ khi đang chạy xe trên đường. Truy hô đuổi bắt nhưng bị mất dấu vết, thay vì trình báo với công an, nạn nhân đã nghĩ ngay đến nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp của anh Hải để nhờ vây bắt.

"Các anh ý rất tốt và ra tay nghĩa hiệp. Em thấy liên hệ với các ảnh là các anh truy hô đi kiếm liền. Vào báo công an thì lâu nên em gọi cho các anh ấy vì họ lúc nào cũng có người chia nhau ra đi trên các tuyến đường"

Đây chỉ là hai trong số những vụ việc gần đây nhất mà người trong cuộc nói được nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp giúp cho. Ngoài ra theo trình bày của người dân thì nhóm này đã hoạt động hơn 20 năm qua. Họ tham gia những vụ từ cướp giật túi xách, dây chuyền trên đường cho đến các vụ ăn trộm đồ, cướp taxi, cứu người tự vẫn thậm chí là cả những vụ có tính chất phức tạp đòi hỏi phải điều tra tung tích như tìm người mất tích…

Hiệp sĩ là ai ? Hoạt động thế nào ?

Vậy một nhóm được gọi ‘hiệp sĩ- săn bắt cướp’ như thế gồm những ai và họ hoạt động thế nào ? Nguồn kinh phí ra sao ?

Chính người trưởng nhóm Nguyễn Thanh Hải chia sẻ :

"Các anh em trong nhóm người thì chạy xe ôm, người làm bốc vác, tài xế xe, nói chung người nào rảnh khi nào thì ra giờ đó, riêng tôi với 1 số anh em thì đi suốt. Giờ này 9h tối rồi vẫn còn đang trên đường để đi tìm chiếc xe mới báo mất"

Hơn 20 năm hành động nghĩa hiệp giúp đỡ mọi người, giờ đây nhóm Hiệp sỹ săn bắt cướp do anh Hải làm trưởng nhóm trở nên khá phổ biến. điện thoại của anh Hải được nhiều người dân lưu giữ và gọi báo mỗi khi xảy ra các vụ trộm cắp, cướp giật, giết người… trên địa bàn.

Anh Hải nói hiện nay mỗi ngày nhóm nhận được cả trăm cuộc điện thoại từ khắp các địa phương trên cả nước. Không chỉ ở Bình Dương mà ở một số tỉnh thành khác, người dân cũng gọi điện để nhờ nhóm giúp. Anh Nguyễn Thanh Hải nói về điều này :

"Người dân họ tin tưởng mình thì mình phải làm giúp thôi, chứ họ đặt hết niềm tin vào mình mà mình không giúp thì thật sự rất áy náy"

Một nhà hoạt động tại Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hùng, biết về nhóm hiệp sĩ- săn bắt cướp Nguyễn Thanh Hải có nhận xét :

"Hành động của nhóm hiệp sĩ này rất thực tế với người dân và đóng góp nhiều cho xã hội. Theo quan điểm của tôi thì không thể tin vào chính quyền. Không biết khi trình báo lên thì chính quyền có thực hiện ngay không còn khi trình báo với các hiệp sĩ thì các hiệp sĩ sẽ hành động ngay".

Làn ranh luật pháp

Tuy nhiên, một băn khoăn của nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp Nguyễn Thanh Hải là ranh giới giữa hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp của nhóm do pháp luật hiện chưa có một quy định cụ thể nào công nhận hoạt động của họ. Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng nhóm hiệp sĩ này cũng không được pháp luật cho phép thực hiện các hoạt động điều tra, phá án như những người có thẩm quyền, do đó có thể sẽ phát sinh vi phạm trong một số trường hợp :

"Theo tôi thì sẽ có một số mặt trái, đó là người ta không được đào tạo chuyên môn về kể cả pháp luật, võ thuật hay sử dụng vũ khí… liên quan đến công việc thì sẽ gây bất lợi cho cả hai bên là đối tượng mà người ta ngăn chặn, có thể là người ta vượt quá quyền hạn cho phép hoặc bản thân họ cũng mang lại nguy hiểm cho chính mình. Và nếu một xã hội văn minh thì hoạt động này nên thuộc về trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay các cơ quan mà pháp luật cho phép"

Mặc dù chưa được pháp luật chính thức công nhận các hoạt động của mình, nhóm hiệp sĩ săn bắt cướp do anh Hải làm trưởng nhóm cũng đã nhận được rất nhiều bằng khen của địa phương và đặc biệt là Huân chương chiến công hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng vào năm 2010.

Mỹ Lan

Published in Việt Nam

Trong 2 tuần đầu của tháng 3 này có 2 sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của nhiều người dân trong nước và truyền thông quốc tế. Đó là chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975 và mốc lịch sử 30 năm trận thảm sát lính Việt Nam mà Trung Quốc ra tay tại bãi đá Gạc Ma năm 1988.

Hai sự kiện này trong toàn cảnh Biển Đông được những người quan sát nhìn nhận thế nào ?

gacma1

Một hải quân chụp ảnh hoàng hôn trên vịnh Đà Nẵng trong thời gian USS Carl Vinson cập cảng này. AFP

USS Carl Vinson và Đà Nẵng

Người dân thành phố Đà Nẵng đã trải qua 4 ngày được gọi là những ngày hội giao lưu văn hóa khi nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu thả neo tại Vịnh Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm được cho là lịch sử từ ngày 5/3 đến ngày 9/3/2018 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Giới quan sát cho rằng sự kiện này chứng tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ đến vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng mà Trung Quốc muốn kiểm soát.

Cũng theo giáo sư Tương Lai, khoảng một tháng trước đây, ông Nguyễn Tiến Hưng, từng là Quốc Vụ khanh thời Việt Nam Cộng Hoà, và là người am hiểu về tình hình trước và sau năm 1975 có một bài phân tích ông cho là rất hay.

"Bài phân tích đó nói về Đà Nẵng và chiến lược của Hoa Kỳ với Viêt Nam. Đà Nẵng luôn luôn là một điểm nhạy cảm vào bậc nhất trong quá trình xúc tiến cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như kết thúc cuộc chiến tranh đó".

Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ, trả lời báo trong nước khẳng định rằng "hợp tác quốc phòng - quân sự là một trong những nội dung quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong quan hệ song phương, mang ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ, nhất là giữa các đồng minh, đối tác".

Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Bảy của Mỹ ở Thái Bình Dương là ông Phillip Sawyer đã trả lời các nhà báo ở Đà Nẵng rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cũng như sự có mặt của ông ở Đà Nẵng là vì Việt Nam, vì quan hệ toàn diện Mỹ Việt trong đó có quan hệ quân sự.

Carl Vinson và Trung Quốc

Viện dẫn cùng với ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, nhân vật được Giáo sư Tương Lai nhìn nhận là người am hiểu về Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, nói rằng "Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng này, là Mỹ ngay dưới thời Tổng thống Trump vẫn hết sức quan tâm đến Biển Đông và khu vực Đông Nam Á này", và ông nói thêm :

"Tàu này đến, nên đặt trong phạm vi chiến lược toàn cầu của Mỹ và vấn đề chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam".

Do đó, trả lời cho câu hỏi liệu sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng có phải là câu trả lời của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng ở Biển Đông hay không, Giáo sư Tương Lai khẳng định :

"Theo tôi điều đó là có. Biểu thị đó không phải chỉ là ở chỗ sự hiện diện của Carl Vinson mà thôi mà của những nhà lãnh đạo hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương".

Chuyến thăm này đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng một năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ trong lần trả lời phỏng vấn của RFA đã đưa ra nhận định :

"Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam".

Theo Giáo sư Tương Lai, chính tờ Washington Times cũng có một bài viết dẫn lời Chuẩn đô đốc - Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson John Fuller nói về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng nói riêng và Biển Đông nói chung.

"Sự hiện diện của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn. Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng tôi có mặt trong vùng biển Nam Trung Hoa và đang hoạt động ở đây. Mục tiêu của tàu Carl Vinson ở Biển Đông để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ, và hợp tác với đối tác và đồng minh. Tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc, vùng biển này không phải của riêng họ.

Cho nên vấn đề người Trung Quốc không thích chuyện này là điều quá rõ".

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc Bắc Kinh hôm 7/3/2018 bình luận rằng Trung Quốc không hài lòng việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam, nhưng không nói rõ lý do. Tuy nhiên bài báo nhấn mạnh sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ không thể làm đảo lộn cán cân quân sự tại Biển Đông, không thể gây sức ép đặc biệt nào lên Trung Quốc, và người Mỹ chỉ phí tiền để làm việc đó mà thôi.

USS Carl Vinson, Gạc Ma

Hãng thông tấn Reuters từng đưa ra nhận định sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biển Đông.

Mấy ngày sau đến thời điểm đánh dấu một sự kiện khác mà bấy lâu nay nhiều người Việt Nam kêu gọi nhau ‘không thể quên’ : đó là trận thảm sát tại bãi đá Gạc Ma – Trường Sa nơi 64 tử sĩ đã nằm xuống vào ngày 14/3/1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc.

Năm nay, đánh dấu tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma – Trường Sa. Một vị nhân sĩ được nhiều người biết đến tại Việt Nam, Giáo sư Tương Lai phân tích với chúng tôi quan điểm của ông khi được hỏi liệu phải chăng mốc thời gian diễn ra sự có mặt của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng có vẻ như là một sự trùng hợp có chủ ý ?

"Người Mỹ chẳng hơi đâu nghĩ đến những vấn đề 30 năm kỷ niệm Gac Ma, không nằm trong tư duy chiến lược của họ".

Trong khi đó Giáo sư Tương Lai tiết lộ một chi tiết từ những nguồn tin mà ông có được liên quan vấn đề Gạc Ma :

"Ngày 27/2 trong một giao ban báo chí, có một ý người ta cân nhắc và bình luận nhiều, đó là kỷ niệm 30 năm Gạc Ma được tuyên truyền cổ vũ cho tinh thần anh hùng chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma. Có một câu như thế. Chúng tôi đang chờ, đến ngày 14/3 sắp tới, trong ứng xử người ta ứng xử thế nào thì mới bình luận được".

Xét ở một góc độ nào đó, có thể về chiến lược quân sự, chính trị, ngoại giao hay chỉ là sự trùng hợp về cột mốc thời gian như đã đề cập ở trên, có thể thấy sự tương quan giữa Carl Vinson, Gạc Ma và Biển Đông hay không ?

Phân tích điều này theo ý kiến cá nhân, giáo sư Tương Lai cho rằng ‘có khả năng đó".

"Gắn 3 sự kiện này rất đúng vì nó là thời điểm diễn ra".

Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc Trung Quốc liên tục gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.

Nguồn : RFA, 12/03/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 10 mars 2018 17:54

Lục tìm sách cũ ở Sài Gòn

Tại miền Nam Việt Nam, sau 30 tháng 4 năm 1975, những cuốn sách quí lần lượt bị mang ra đốt, bị ném hố rác, cuốn nào may mắn thì được gói giấy dầu lại để chôn. Và chỉ trong chưa đầy 10 năm, đến năm 1985, dường như những đầu sách, những tên tác giả vốn từng quen thuộc với trí thức miền Nam trở nên vắng bóng và xa lạ với giới trẻ. Những cuốn sách quí tưởng như mất dấu và đi vào quên lãng lại xuất hiện đâu đó trong xó xỉnh Sài Gòn thời còn bị cấm cản, đến khi vấn đề kiểm duyệt văn hóa bớt gắt gao và sắt máu thì nó được nằm trên những kệ sách cũ, trong những tiệm sách cũ Sài Gòn.

sach1

Những cuốn sách học tiếng Anh có từ trước năm 1975 ở Sài Gòn được tìm thấy ở một tiệm sách cũ - TTVN

Có một điều lạ là hầu hết những cuốn sách quí, văn học nước ngoài đều có thể tìm được trong các tiệm sách cũ trên đường Lê Thánh Tôn, quận 5 và đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, hay Nguyễn Oanh, Gò Vấp, Sài Gòn. Có những cuốn sách hiện tại vẫn bị cấm lưu hành, nếu là người mua sách thường xuyên và quen biết với chủ hiệu sách, những cuốn sách không tìm thấy trên kệ sách cũ vẫn có thể tìm được bởi sách được cất kĩ và bán cho người cần tìm.

Anh Lữ Như Hải, khách hàng mua sách cũ, chia sẻ : "Trước năm 1975 thì em thích những cuốn sách dạy ngữ văn như cuốn English for today đây, gồm 6 bộ".

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ : "Nói chung bán từ hồi trải dưới đất ngoài đường. Sau này mướn nhà rồi vô đây bán".

Cái hay của các cửa hàng sách cũ là các chủ cửa hàng kết nối với các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập sách và tác giả để lưu giữ bản sách quí, nếu có người yêu một cuốn sách quí trước 1975 nào đó cất công tìm, nghĩa là sách đã tìm được bạn đọc, thì các nhà sưu tập, nhà nghiên cứu không ngần ngại chia sẻ cuốn sách của họ cho người đó với giá rất mềm, có trích một ít cho chủ hiệu sách. Dường như mối dây kết nối giữa sách và độc giả ở Sài Gòn vẫn chưa bao giờ đứt rời mặc dù có một thời sách trở thành mối nguy của trí thức.

Những đường sách cũ Sài Gòn như một dấu xưa, như một gạch nối giữa ký ức và hiện tại, giữa quá khứ bị lãng quên, thậm chí bị ruồng bỏ với hiện tại cuồng xoáy. Từ những cuốn sách được mua cân ký ở vỉa hè, giá rẻ hơn giấy lộn, người buôn sách đã tuyển chọn, lựa ra từng tác phẩm để tìm bạn đọc. Có thể nói rằng giá sách cũ ở Sài Gòn không hề rẻ, nhưng sách cũ Sài Gòn là nơi mà người ta có thể tìm được những cuốn sách quí trước 1975 sau khi đã đi mọi nơi để tìm.

Ông Hà Phước Hoàng, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ : "Sách mà trước 75 thì sau một quảng thời gian giờ nó mai một nhiều, nguồn sách bây giờ không còn dồi dào như những năm 2000, chính xác là năm chín mấy".

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ : "Nhiều tác giả hay lắm, mấy người trẻ hay tới tìm Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều nhà văn hay lắm, nhiều đầu sách hay lắm nhưng mình đọc không hết được. Còn nguồn sách thì mình mua những người nhà họ không đọc nữa nên đem bán, còn cửa hàng mở được 20 năm rồi. Vốn thì ít ít, mình mua dần dần rồi mình bồi lên thành ra nhiều".

Thời đại công nghệ mạng, độc giả có thể lướt web để tìm những tác phẩm cần, điều này dẫn tới hệ quả các tiệm sách giảm doanh thu đáng kể, và sách cũ không ngoại lệ. Nhưng với một số bạn đọc và nhà nghiên cứu, thú vui lục tìm sách cũ, nghe mùi giấy cũ và lần theo những trang sách xưa để nguộc dọc lịch sử, khám phá cái mới mẽ ngay trong cái tưởng như cũ rích vẫn là điều thú vị. Và có những đầu sách chỉ có ở tiệm sách cũ, bởi tác giả và dịch giả đã qua đời, việc hiệu đính hay tái bản nó khiến người ta không gần nó bằng những bản cũ.

Bà Nguyễn Thị Hiền, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ : "Nói chung là nó mất một phần nhiều, hồi xưa người ta đọc sách nhiều nhưng giờ người ta lên mạng nên mình buôn bán khó khăn hơn".

Ông Hà Phước Hoàng, chủ tiệm sách cũ ở quận 5, Sài Gòn, chia sẻ : "Triết học Tây phương hay văn học thì người ta vấn đang tìm tòi để phát huy văn hóa của thế hệ trước. Triết học Tây phương giờ vẫn có độc giả tìm tòi và người ta đọc rất nhiều, không phải là ít".

Anh Lữ Như Hải, khách hàng mua sách cũ, chia sẻ : "Em thì thỉnh thoảng Thứ Bảy, Chủ Nhật mình đi kiếm sách, thú vui là ngày cuối tuần thư thái, nâng cao kiến thức. Như em kiếm sách giải trí như truyện tranh hoặc sách tiếng Anh, những cuốn sách này vừa giải trí vừa nâng cao kiến thức".

Nếu như những năm cuối thập niên 1990 của thế kỉ trước, hình ảnh quen thuộc ở các tiệm sách cũ Sài Gòn vẫn là những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và một số rất hiếm hoi những sinh viên trẻ, thì hiện tại, hình ảnh đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết những người lục tìm sách cũ đều là các bạn trẻ, sinh viên. Họ tìm sách cũ, sách không được xuất bản và lưu hành trong thời đại họ đang sống để đọc và xem đó như một cánh cửa khác mở vào quá khứ trong hàng loạt cánh cửa mở ra ở thời đại công nghệ thông tin phát triển.

Một ngày cuối tuần hay một ngày nghỉ phép, ngày rảnh rỗi và cô đơn, băng qua những đường phố xe cộ ồn ào, tìm đến đường sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Trần Huy Liệu hay đường Trần Nhân Tôn, đường Cách Mạng Tháng Tám… tha hồ lục lọi và có thể ngồi đọc cả ngày… Điều đó như một cách để người ta giảm stress, quên đi mọi nhọc nhằng hoặc tìm cho mình một cõi riêng, cõi của những ẩn dụ màu giấy úa và những tự tình tưởng đã đi vào quên lãng. Có thể nói rằng, Sài Gòn sẽ chẳng còn gì đẹp nếu như không còn ai giữ thói quen uống cà phê vỉa hè và lục tìm sách cũ.Nếu như những năm cuối thập niên 1990 của thế kỉ trước, hình ảnh quen thuộc ở các tiệm sách cũ Sài Gòn vẫn là những nhà nghiên cứu, nhà sưu tập và một số rất hiếm hoi những sinh viên trẻ, thì hiện tại, hình ảnh đã hoàn toàn thay đổi. Hầu hết những người lục tìm sách cũ đều là các bạn trẻ, sinh viên. Họ tìm sách cũ, sách không được xuất bản và lưu hành trong thời đại họ đang sống để đọc và xem đó như một cánh cửa khác mở vào quá khứ trong hàng loạt cánh cửa mở ra ở thời đại công nghệ thông tin phát triển.

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam

Nguồn : RFA, 09/03/2018

Published in Văn hóa

Phái đoàn của Tòa thánh Vatican vừa có chuyến làm việc tại Việt Nam vào trung tuần tháng Giêng trong khuôn khổ gặp gỡ đôi bên trong những năm qua.Cho đến nay mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Chính phủ Việt Nam tiến triển đến đâu ?

VATICAN-POPE-DIPLOMACY-VIETNAM

Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tiếp kiến với Giáo hoàng Francis tại Vatican ngày 23/11/2016. AFP

Các cuộc thăm viếng gia tăng

Truyền thông trong nước đưa tin tại buổi gặp gỡ với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, vào sáng ngày 18 tháng Giêng, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tòa thánh Vatican, Đức ông Antonie Camilleri cảm ơn Chính phủ Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến làm việc của vị Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Đồng thời, Đức ông Antonie Camilleri còn cho biết Tòa thánh luôn chủ trương thúc đẩy quan hệ với Việt Nam nhằm tiếp tục đồng hành trong sự phát triển của quốc gia, cũng như đóng góp trong các lãnh vực đời sống xã hội, đặc biệt về giáo dục, y tế và từ thiện.

Cũng theo truyền thông trong nước thuật lại, đáp lời Thứ trưởng Bộ ngoại giao Tòa thánh Vatican, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ sự hài lòng về việc Vatican và Việt Nam duy trì cơ chế Nhóm Công tác hỗn hợp nhằm duy trì đối thoại, trao đổi và xử lý những vướng mắc giữa đôi bên. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam mong muốn thúc đẩy mối quan hệ qua việc trao đổi đoàn cấp cao với Vatican.

Linh mục Trần Đức Anh, đang làm việc tại Tòa thánh Vatican đưa ra nhận định với RFA về việc phái đoàn của hai phía làm việc với nhau :

"Việc phái đoàn Tòa thánh đi qua Việt Nam hoặc phái đoàn của Chính phủ Việt Nam đi qua làm việc với Tòa thánh là công việc của tổ công tác chung, hay là Nhóm làm việc chung. Tại vì giữa hai bên đã quyết định với nhau để bàn về vấn đề có thể tiến tới quan hệ ngoại giao hay không. Việc này không dính dáng gì đến Bộ Giáo luật hết. Hai bên đồng ý với nhau làm với nhau vài năm nay rồi".

Còn mang tính hình thức

Từ trong nước, Linh mục Đinh Hữu Thoại, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam cho biết ý kiến của ông :

"Theo tôi nhận thấy thì thật ra các cuộc thăm hỏi qua lại gần đây tương đối đều đặn, có nghĩa là không gặp cản trở nào. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là chất lượng, kết quả của những buổi làm việc đó có mang lại ích lợi cho giáo hội địa phương hay không. Điều này mới là quan trọng".

Một số các linh mục ở Việt Nam mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc cũng chia sẻ có đồng quan điểm với Linh mục Đinh Hữu Thoại. Các vị linh mục này nhấn mạnh rằng những cuộc gặp gỡ giữa Vatican và Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua hầu như cũng còn mang tính hình thức và những vướng mắc giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam với Chính quyền Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Một trong những trường hợp, mà các vị linh mục chúng tôi trao đổi, cho rằng là một cản trở lớn, như việc bổ nhiệm các giám mục tại Việt Nam, theo quy định của Giáo hội Công giáo La Mã là do Vatican chỉ định. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này vẫn phải thông qua Nhà nước Việt Nam, và chỉ được bổ nhiệm với điều kiện Chính phủ Việt Nam đồng ý.

Tồn tại nhiều khó khăn

Sinh hoạt của cộng đồng Công giáo tại Việt Nam có thể nói gặp nhiều khó khăn và thử thách, điển hình kể từ khi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa xảy ra hồi đầu tháng Tư năm 2016 cho đến nay. Hàng trăm giáo dân ở 4 tỉnh Bắc miền Trung, không chỉ phải đối mặt với cuộc sống khốn khó do bị ảnh hưởng hậu quả của thảm họa Formosa, mà còn bị gặp nhiều trở ngại với chính quyền địa phương, như khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại bị tòa án trả đơn, đi kiện tập thể bị công an an ninh đàn áp, bị côn đồ hành hung, thậm chí các Hội Cờ Đỏ được chính quyền tiếp tay để sách nhiễu, đe dọa đời sống của giáo dân, cũng như cố tình gây ra sự chia rẻ lương giáo.

Không những vậy, các giáo dân lên tiếng liên quan thảm họa Formosa còn bị truy tố hình sự, như trường hợp của Hoàng Đức Bình bị 14 năm tù giam, Nguyễn Văn Hóa bị 7 năm tù giam, 4 phụ nữ ở giáo xứ Đông Yên bị tổng cộng 12 tháng tù giam. Các vị linh mục hỗ trợ và đồng hành với giáo dân là nạn nhân của thảm họa Formosa, như hai Linh mục Đặng Hữu Nam và Linh mục Nguyễn Đình Thục còn bị chính quyền địa phương cáo buộc kích động giáo dân gây rối.

Trong một lần chia sẻ với RFA về các vấn đề liên quan vừa nêu, Đức Giám mục Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết Hội đồng Giám mục Việt Nam chọn lựa thái độ hành xử mà không gây tổn thất lớn cho cả hai phía, là giáo giân và chính quyền.

Vào hạ tuần tháng Hai năm 2018, Linh mục Đặng Hữu Nam lên tiếng khẳng định Chính quyền tỉnh Nghệ An đã gây sức ép lên Hội đồng Giám mục Việt Nam buộc phải thuyên chuyển ông sang phụ trách giáo xứ khác. Linh mục Đặng Hữu Nam nói với RFA rằng yêu cầu này còn được gửi đến Vatican.

Tương tự trường hợp của Linh mục Đặng Hữu Nam, Linh mục Nguyễn Văn Đức, đảm nhiệm Bề trên Giám quản tại Đan viện Thiên An cũng bị Chính quyền Thừa Thiên-Huế gửi đơn đến Vatican yêu cầu thuyên chuyển ông đi nơi khác.

Linh mục Nguyễn Văn Đức được chỉ định giữ chức vụ Bề trên Giám quản ở Đan viện Thiên An trong 3 năm. Trong thời gian này, Đan viện Thiên An gặp nhiều biến cố, mà các đan sĩ của Đan viện khẳng định do Chính quyền Thừa Thiên-Huế gây ra, như cho côn đồ hạ thánh giá, hành hung đan sĩ…

Chúng tôi liên lạc được với Linh mục Nguyễn Văn Đức và ông cho biết vừa hết nhiệm kỳ 3 năm phụ trách Bề trên Giám quản tại Đan viện Thiên An, ông đến Vatican để báo cáo công việc. Linh mục Nguyễn Văn Đức nói với RFA :

"Trong chuyến đi đó thì Đức trình bày công việc đã làm trong 3 năm vừa qua. Cha Bề trên Tổng quyền, Ngài bảo ‘bình thường là nhiệm kỳ 3 năm làm Bề trên Giám quản hết hạn ; bây giờ Cha làm thêm 2 năm nữa đi’. Sau đó, Đức bảo trước khi về Việt Nam thì Đức xin phép đi một vòng để thăm các ân nhân, các nhà dòng ở Pháp đã ủng hộ trong thời gian vừa qua. Đức đi một vòng, khi Đức quay lại Roma để về Việt Nam, thì Cha Bề trên Tổng quyền bảo rằng "Thôi, chương trình về Việt Nam của Cha dừng lại. Tại vì Chính quyền Huế viết thư gửi đến Vatican đòi trục xuất Cha, ngay cả các Bề trên ở Việt Nam cũng bảo không nên để Đức làm tiếp vì có thể gây an ninh mất trật tự’. Đức nói là nếu Bề trên ở Roma và Bề trên bên Việt Nam không muốn thì Đức ở lại để Đức nghiên cứu tiếp".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến của một số vị linh mục và nhiều giáo dân tại Việt Nam cho là không mấy hy vọng vào mối quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam được cải thiện thiện tích cực một cách nhanh chóng trong thời gian tới. Họ khẳng định trái lại tình hình sinh hoạt của Giáo hội Công giáo nói riêng, các tôn giáo khác tại Việt Nam nói chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn do Chính quyền Hà Nội ban hành Luật Tôn giáo mới, mà Hội đồng Liên tôn Việt Nam gọi đó là một bước lùi trong tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Published in Việt Nam

TPP không có Hoa Kỳ (RFA, 06/03/2018)

Mười một quốc gia tham gia Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt theo tiếng Anh TPP, vào ngày thứ năm 8 tháng 3 này sẽ ký kết một thỏa thuận được chỉnh sửa.

VIETNAM-APEC-SUMMIT

Bộ trưởng thương mại Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chính sách kinh tế tài chính Nhật Bản, ông Toshimitsu Motegi tại APEC 2017, Đà Nẵng. AP

AFP loan tin cho biết thỏa thuận mới với tên gọi Hiệp Định Thương Mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến Bộ và Toàn Diện- CPTPP nhắm đến việc cắt giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên và tăng cường mậu dịch để phát triển.

AFP dẫn phát biểu của thương thuyết gia trưởng Chi lê, Felipe Lopeandia, là những nước tham gia CPTPP sẽ không bị tác động bởi quyết định của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận TPP.

Theo thương thuyết gia trưởng của Chi lê trong đàm phán CPTPP thì việc ký thỏa thuận được chỉnh sửa của 11 quốc gia sẽ gửi một tín hiệu chính trị đến toàn thế giới và cả Hoa Kỳ rằng đó là một thỏa thuận toàn cầu.

Tin cho biết trong thỏa thuận CPTPP sắp được ký kết có 20 điều khoản được ngưng lại hay thay đổi. Hầu hết đều là những điều khoản liên quan quyền sỡ hữu sản phẩm trí tuệ mà phía Hoa Kỳ đưa vào TPP trước đây.

11 quốc gia ký CPTPP đại diện cho thị trường 500 triệu người, lớn hơn thị trường Liên hiệp Châu Âu. Các nước tham gia CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

******************

Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển quan hệ thương mại (RFA, 06/03/2018)

Hoa Kỳ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mạng báo Giáo dục và Thời đại dẫn lời thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhân sự kiện mang tên Gặp gỡ Hoa Kỳ diễn ra tại Đà Nẵng vào chiều ngày 5/3.

kinhte2

Ông Daniel Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Ngaynay.vn

Là sự kiện thường niên do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tổ chức từ năm 2016, Gặp gỡ Hoa Kỳ năm nay có chủ đề "Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung" với 4 phiên : Triển vọng thương mại - đầu tư Việt Nam Hoa Kỳ giai đoạn 2018-2020 ; thành phố thông minh ; khởi nghiệp - Start Up ; giáo dục và lực lượng lao động.

Việt Nam cho biết sẽ đẩy mạnh chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế và coi Hoa Kỳ là một đối tác hàng đầu, đánh giá cao các sáng kiến và nỗ lực của Hoa Kỳ, và các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, hai nền kinh tế Việt Nam- Hoa Kỳ mang tính chất bổ sung cho nhau, hai bên duy trì sinh hoạt đầu tư ổn định, kim ngạch thương mại hai chiều tăng liên tục. Xuất khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam cũng tăng rất nhanh và cao nhất hiện nay so với thị trường Đông Nam Á.

Đặc biệt, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để tiếp tục cải cách, đổi mới tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư và hợp tác, trong đó chú trọng việc đầu tư hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các doanh nghiệp, đối tác, địa phương Hoa Kỳ. Đây cũng là một trụ cột trong quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam- Hoa Kỳ được xác lập từ năm 2013.

Về phía Hoa Kỳ, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink tin tưởng rằng những giải pháp của doanh nghiệp từ Hoa Kỳ sẽ hữu ích cho các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hoa Kỳ cũng mong muốn các địa phương Việt Nam giới thiệu tiềm năng và có những nỗ lực, kêu gọi, xúc tiến để doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đến đầu tư tại đây.

Cũng trong khuôn khổ của Hội nghị Gặp gỡ Hoa Kỳ, Công Ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ cùng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao về hợp tác bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại tại các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

Theo đó, chương trình sẽ được giảng dạy bởi các chuyên gia đến từ Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) cùng các đối tác khác tại Việt Nam. Chương trình hợp tác dự kiến kéo dài trong 3 năm và được tổ chức tại nhiều địa điểm trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Published in Việt Nam

Sự kiện nhóm tàu do hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong chuyến thăm 4 ngày tới Việt Nam từ ngày 5/03/2018 được truyền thông và người dân trong nước quan tâm theo dõi, đặc biệt là với người dân Đà Nẵng.

VIETNAM-US-DEFENCE-DIPLOMACY-MARITIME

Một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ chụp ảnh với một nhiếp ảnh gia Việt Nam trên tàu USS Carl Vinson (CVN-70), neo ở bờ biển Đà Nẵng vào ngày 5 tháng 3 năm 2018. AFP

'Chúng tôi quan tâm'

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm người dân Đà Nẵng đã đổ xô đến những vị trí có thể quan sát được hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Carl Vinson của Mỹ. Các địa điểm như bán đảo Sơn Trà và một số bãi biển có đông đảo phóng viên và người dân tập trung để quan sát được con tàu được đánh giá là hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc này.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với một số người dân Đà Nẵng về suy nghĩ của họ xung quanh sự kiện được cho là "mang tính lịch sử" này.

Sinh viên Hồ Quang Huy đang quan sát tàu sân bay USS Carl Vinson cho chúng tôi biết lý do bản thân quan tâm đến sự kiện hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ thăm Đà Nẵng :

"Thật ra em rất là ghét Trung Quốc. Người Trung Quốc ở đây nhiều quá. Với lại em nhìn thấy người Mỹ thì em thích. Nói chung nhìn nó hoành tráng, và mở ra một tương lai ngoại giao gì đó với Mỹ hay sao đó".

Một người dân Đà Nẵng khác, ông Nguyễn Văn Hải chia sẻ :

"Chúng tôi quan tâm chứ. Chúng tôi là những người dân sống nhờ biển. Và anh em của chúng tôi, dân biển chúng tôi trực tiếp bị hại dưới tay những kẻ xâm chiếm Biển Đông. Và bây giờ có một chiến hạm của Mỹ đã vào biển đông. Như thế chúng tôi vẫn an tâm. Sau lưng chúng tôi vẫn có những người công chính để bảo vệ những người yếu ớt như chúng tôi. Trong khi đó thì chính phủ của chúng tôi không quan tâm đến chúng tôi".

Trái ngược với sự hồ hởi của người dân, theo truyền thông Việt Nam, lễ đón tàu không có đại diện cấp cao Việt Nam mà đại diện phía chủ nhà chỉ là các quan chức của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Cục Đối ngoại Bộ quốc phòng và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Chúng tôi trao đổi với nhiều người và cũng ghi nhận một thái độ né tránh trả lời phỏng vấn ở một bộ phận không nhỏ. Có người ngại nói lên quan điểm mình nhưng bên cạnh đó cũng có người thờ ơ và cho rằng không quan trọng.

Nhận xét về tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm của tàu khu trục của Mỹ, ông Nguyễn Văn Hải nói lên kỳ vọng của mình :

"Tôi rất mong đợi. Mong đợi ở đây, cái đầu tiên chưa nói đến tương lai. Nhưng mà hiện tại chúng ta chơi với những người văn minh hơn, thượng tôn pháp luật và những người biết trái biết phải hơn thì chúng ta cũng sẽ văn minh hơn. Và từ đó xã hội sẽ văn minh hơn, và con người cảm nhận và biết quý trọng cái sự dân chủ là như thế nào. Vì chúng ta chơi với dân chủ thì chúng ta sẽ học được cái tốt của dân chủ. Tôi chỉ mong đất nước thoát khỏi "cái ách" này. Nhờ ai ? Nhờ những bạn đồng minh trung thực chứ không phải "bạn vàng". Những bạn đồng minh trung thực và muốn chúng ta được tự do, dân chủ, không bị o ép bởi thế lực nào, o ép bởi đảng phái độc tài nào".

'Hy vọng trời sẽ sáng !'

Như nhiều bạn sinh viên khác, anh Hồ Quang Huy không thực sự mặn mà với hiện tình chính trị Việt Nam nhưng anh cũng nói lên hiểu biết và mong ước của nhiều bạn bè anh :

"Em cũng không quan tâm vấn đề thời sự lắm. Nhưng việc thăm của tàu sân bay, thì em rất muốn người Mỹ họ hiện diện tại Việt Nam chứ không phải là người Trung Quốc.

Em không biết về chính trị nhiều. Nhưng em không thích chính quyền mình thân với Trung Quốc. Mà tương lai em mong không phải chỉ có một mà có nhiều cái tàu của người Mỹ họ vào như vậy".

Bày tỏ sự quan tâm nhưng nhà hoạt động Hoàng Thị Hồng Thái sinh sống tại Đà Nẵng nêu lưu ý :

"Việt Nam đã đón chào rất nhiều nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Mỹ Obama đã từng sang Việt Nam, tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng từng tới Việt Nam. Tương lai Việt Nam không thể chỉ dựa vào một cái tàu sân bay của Mỹ được. Mà nó phụ thuộc vào toàn dân Việt Nam".

Hồ Quang Huy cũng nêu ra cảm nhận của anh về tương lai của mối quan hệ Việt - Mỹ :

"Với tình hình thực tế thì em thấy nó giống như là cái kiểu mấy ông lãnh đạo mình thân Trung nhiều quá. Vài lần em coi thời sự em thấy người Mỹ họ sang thì không có động thái gì, còn người Trung Quốc họ sang thì mình bắn pháo nhiều lắm. cho nên cái việc có cho vào hay không thì cũng không nói lên được điều gì. Thứ hai là em ra đây chơi từ qua tới giờ, em thấy cái tàu kia cứ đứng vậy, không được vào cảng. Việt Nam mình giống như là kiểu đi hàng hai vậy đó. Chứ mấy ông chính quyền mình hơi đâu anh. Mấy ông làm gì thân Mỹ mấy ông thân Trung thôi. Mấy ông chẳng qua là dằn mặt nhau thôi".

Qua chuyến thăm này, Ông Nguyễn Văn Hải dù dè dặt trong kỳ vọng nhưng vẫn mong nhà cầm quyền Việt Nam trả lại quyền tự quyết và biết "chọn mặt gửi vàng" :

"Tôi không dám nhận định. Nhưng hy vọng trời sẽ sáng. Và chúng ta không còn nhất nguyên nữa. Nhất nguyên là độc đảng mà từ mấy anh vận hành. Chúng tôi chỉ mong đa đảng và hãy trả về quyền cho người dân của chúng tôi để chúng tôi tự quyết tương lai của chúng tôi và đất nước chúng tôi. Không nên nghiêng về "bạn vàng" hay "bạn đỏ" gì cả mà để chúng ta tự quyết".

Lần đầu tiên kể từ sau năm 1975, một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ cùng các tàu tuần dương hộ tống đã ghé thăm Đà Nẵng, một cơ sở chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam trước đây.

USS Carl Vinson thăm Việt Nam cũng được các chuyên gia coi là sự đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ.

Tiến Thiện

Published in Việt Nam

Trong năm 2017 vừa qua, đất đai vẫn là một trong những vẫn đề nhạy cảm, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa người dân với doanh nghiệp và chính quyền, dẫn đến nhiều sự việc đáng quan ngại điển hình như vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cho đến nay số lượng vụ việc khiếu nại về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng thêm.

đâti1

Nông dân nghèo mất ruộng ở Việt Nam biểu tình đòi đất vì không được bồi thường thỏa đáng. Reuters

Người dân khó khăn vì chính sách đất đai

Trước khi bị thu hồi 300 ha đất nông nghiệp vào năm 2010, người dân phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội có cuộc sống ổn định, ấm no với nghề nông nghiệp truyền thống nhiều đời.

Theo ông Trịnh Bá Phương - một người kiên trì chống lại việc cưỡng chế đất đai tại Dương Nội, từ sau khi mất đất, những người nông dân này mất đi tư liệu sản xuất quan trọng bậc nhất, mà không có nghề nghiệp thay thế dẫn tới sinh kế bị đảo lộn, đời sống trở nên khó khăn và tệ nạn xã hội tăng lên.

Một số người nhận được một chút tiền đền bù đó thì quay sang làm ăn kinh tế, nhưng mà những người nông dân chỉ có trong tay cái cày, cái cuốc, không được tri thức hóa, cũng không có kinh nghiệm làm ăn, nên đa phần là thất bại.
- Anh Trịnh Bá Phương

"Thì độ tuổi lao động đó, đến nay chính quyền và doanh nghiệp chỉ bố trí công ăn việc làm được cho 26 người, còn lại là thất nghiệp hết. Một số người nhận được một chút tiền đền bù đó thì quay sang làm ăn kinh tế, nhưng mà những người nông dân chỉ có trong tay cái cày, cái cuốc, không được tri thức hóa, cũng không có kinh nghiệm làm ăn, nên đa phần là thất bại. Sau khi làm ăn thì thua lỗ. Đầu tư xe cộ cũng thua lỗ nặng nề. Còn một số nhà thì họ nhận một chút tiền đền bù thì họ chỉ xây nhà, mua được cái xe thì hết sạch. Đến nay họ rơi vào cảnh sống rất khó khăn".

Trong khi đó, từ năm 2010 đến nay, phần đất bị thu hồi đã được xây dựng thành nhà ở liền kề, chung cư, đường xá chiếm phần nhỏ, và phần lớn là bỏ hoang, không sử dụng đến. Đây là một nghịch lý : người cần đất sản xuất thì không có, người được giao đất thì để hoang hóa bởi không bán được bất động sản.

Trái lại, trường hợp ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng, kể từ sau vụ việc trấn động cả nước với tiếng súng hoa cải giữ đất tháng 1/2012, mảnh đất của ông nay đã được giao lại, không bị thu hồi, và được tiếp tục sử dụng từ đó đến nay. Sau khi mãn tù vào tháng 9/2015, gia đình ông Vươn đã tiếp tục triển khai những ý tưởng sản xuất, kinh doanh và quai đê lấn biển.

"Sau khi sự kiện năm 2012 xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, chính quyền địa phương đã giao lại toàn bộ đất cho gia đình tôi. Nhưng mà để làm thủ tục (sử dụng) ổn định, lâu dài thì đang vướng vấn đề quy hoạch của Sân bay quốc tế phía Bắc. Cho nên bây giờ, không những tôi và tất cả bà con ở cái vùng này, lên đến hàng ngàn hecta đất đều phải nằm trong tình trạng chung là quy hoạch. Không hiểu là quy hoạch sau này có được triển khai hay không thì chưa rõ. Trước mắt ở trong tình cảnh là treo. Rất là lãng phí cho đồng vốn, không những tôi mà bà con Tiên Lãng đã bỏ ra đầu tư".

Tác động nhãn tiền về kinh doanh mà ông Vươn đang hứng chịu là những quả trứng vịt biển của ông đang gặp khó khăn trong thủ tục hành chính vì đất đai bị quy hoạch treo, dẫn đến hệ quả không thể được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Chính dự án Cảng hàng không quốc tế phía Bắc được phê duyệt dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đến sự việc gia đình ông Vươn bị cưỡng chế đất năm 2012. Hiện gia đình ông Vươn và người dân Tiên Lãng chưa biết tương lai mảnh đất họ đang sử dụng sẽ thế nào, khi thời hạn sử dụng đã hết và không được giao lại.

Sự phản kháng của người dân

Trường hợp ở Dương Nội từ năm 2010 đến nay và Tiên Lãng năm 2012 hay xã Đồng Tâm năm 2017 hoặc nhiều câu chuyện đất đai khác đều có điểm chung là người dân đã cương quyết phản kháng, chống lại việc chính quyền tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất bằng bạo lực.

Không những tôi và tất cả bà con ở cái vùng này, lên đến hàng ngàn hecta đất đều phải nằm trong tình trạng chung là quy hoạch. Không hiểu là quy hoạch sau này có được triển khai hay không thì chưa rõ. Trước mắt ở trong tình cảnh là treo. 
- Ông Đoàn Văn Vươn

Tháng 10/2016, 30 nhân viên Công ty Long Sơn đã mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Đặng Văn Hiến và hai hộ dân khác tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, dẫn đến việc các hộ gia đình này phản kháng lại bằng súng, gây nên hậu quả 3 người chết và13 người bị thương - đều là nhân viên công ty Long Sơn. Đây có thể nói là vụ việc cưỡng chế gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất về nhân mạng.

Và sau đó chính người bị hại là ông Đặng Văn Hiến lại bị mức án tử hình với cùng tội danh "giết người". Về phía công ty Long Sơn một số nhân viên tham gia chỉ bị tù vài năm với cùng tội danh "hủy hoại tài sản".

Người dân tại Đắc Nông, những người cùng cảnh ngộ với gia đình ông Hiến, cũng như giới quan tâm trong cả nước đã có những tiếng nói thể hiện sự bất bình về bản án này, đặc biệt là mức án tử hình đối với ông Hiến là quá nặng và Tòa án đã không xem xét vụ việc một cách toàn diện hơn.

Sự việc tại Đắc Nông được ông Trịnh Bá Phương cho là có nhiều điểm tương đồng với sự việc tại Dương Nội, nhất là sự phản kháng của người dân để bảo vệ đất đai, tài sản mà họ đã dày công vất vả gây dựng.

"Theo tôi, đó là sự phản kháng chính đáng của người dân khi bị dồn đến đường cùng. Khi mà đơn từ, thậm chí vụ của Đặng Văn Hiến đã lên đến ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có chỉ đạo giải quyết. Thế nhưng họ đã trì trệ, các cơ quan, doanh nghiệp - công ty Long Sơn và chính quyền địa phương cấu kết với nhau, cố tình cướp đoạt đất đai, không giải quyết khiếu nại của ông Đặng Văn Hiến, cũng như người dân tại Đắc Nông. Dẫn đến tình thế cuối cùng, ông Đặng Văn Hiến đã buộc phải nổ súng để bảo vệ cái mảnh đất của mình".

Ông Đoàn Văn Vươn đặt vấn đề về vai trò và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong sự việc của ông Đặng Văn Hiến.

"Nếu như mổ xẻ ra, chắc chắn phải có chính quyền đứng đằng sau. Bởi vì công ty này không thể nào có được những công cụ như khiên chống đạn - cái này chỉ được trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động, chống bạo động. Thế mà tại sao công ty này lại có để mà sử dụng cho việc tự động cưỡng chế, hủy hoại, chiếm đất của người dân. Qua thông tin, để mà mổ xẻ thì tôi thấy nó rất có vấn đề".

Mong muốn của người dân về đất đai

Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp "sân sau" lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân.
- Ông Đoàn Văn Vươn

Theo Hiến pháp Việt Nam, đất đai thuộc "sở hữu toàn dân", do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý và khi cần sử dụng nhằm mục đích "phát triển kinh tế - xã hội" thì luật cho phép chính quyền được thu hồi để giao cho doanh nghiệp.

Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp "sân sau" lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân.
- Ông Đoàn Văn Vươn

Theo ông Đoàn Văn Vươn, chế định về sở hữu đất đai như vậy chính là mầm mống dẫn đến hệ lụy tham nhũng, khiếu kiện kéo dài, bất công trong lĩnh vực đất đai, kéo theo sự kìm hãm phát triển xã hội.

"Vì đa sở hữu thì đất của tư nhân thuộc tư nhân, của nhà nước thuộc nhà nước, của ai thuộc người ấy, rất rõ ràng. Chứ không thể có một khái niệm mù mờ (sở hữu toàn dân) như thế này. Khi đưa ra đấu giá để bán đất cho người dân thì bằng hình thức đấu giá, nhưng khi thu hồi thì bằng định giá. Và dễ tạo ra kẽ hở cho người có chức có quyền tham nhũng đất đai, và những doanh nghiệp "sân sau" lợi dụng để sâu xé, nhằm làm thiệt hại đến quyền lợi người dân. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hệ lụy, mâu thuẫn và đỉnh điểm đã xảy ra như vụ việc nhà tôi, hoặc Đắc Nông, hoặc Đồng Tâm, hoặc còn nhiều nơi khác. Một điều không đáng có".

Chung quan điểm với ông Vươn, ông Trịnh Bá Phương cũng mong mỏi quyền sở hữu đất đai của người dân phải được tôn trọng, khi doanh nghiệp hay chính quyền muốn lấy đất thì phải thương lượng giá cả với người dân theo cơ chế thị trường, chứ không thể là sự áp giá bất công như hiện nay.

Nguồn : RFA, 28/02/2018

Published in Diễn đàn

Châu Âu gia tăng cấm vận Myanmar vì đàn áp người Rohingya (RFA, 26/02/2018)

Bộ trưởng các quốc gia Châu Âu (EU) giao nhiệm vụ cho các nhà ngoại giao thiết lập một danh sách gồm những biện pháp trừng phạt đối với các tướng lãnh quân đội cấp cao của Myanmar, vì những vi phạm nhân quyền của họ trong vấn đề người sắc tộc thiểu số Rohingya.

myanmar1

Người Hồi giáo Rohingya đi xuống đồi đến trại tị nạn Kutupalong, Cox's Bazar, khu vực biên giới Myanmar và Bangladesh. Hình chụp ngày 26/11/17. AFP

Các vị bộ trưởng EU vào hôm thứ Hai, ngày 26 tháng Hai cũng yêu cầu Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU đưa ra đề xuất các biện pháp cấm vận cứng rắn hơn để ngăn chặn cung cấp vũ khí và trang thiết bị có thể dùng cho việc trấn áp nội bộ.

Các vị bộ trưởng EU cho rằng những biện pháp cấm vận là cần thiết, vì lực lượng quân đội và an ninh Myanmar đã sử dụng vũ lực và vi phạm nhân quyền một cách tràn lan và có hệ thống.

Trong cùng ngày 26 tháng Hai, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lên tiếng rằng Liên Hiệp Quốc thiếu hành động nhằm kiềm chế các cuộc xung đột tàn bạo ngày càng gia tăng ở Syria, Yemen và Myanmar, mà ông gọi các quốc gia này giống như "những lò sát sinh kinh khiếp".

Đã có khoảng 700,000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy khỏi Myanmar trong các tháng qua, sau khi quân đội và an ninh nước này tiến hành các hoạt động trấn áp người Rohingya ở bang Rakhine, miền bắc nước này hồi tháng 8 năm ngoái.

*******************

Myanmar bác bỏ cáo buộc xóa bỏ bằng chứng đàn áp người Rohingya (RFA, 26/02/2018)

Vào hôm thứ Hai, ngày 26 tháng Hai, Kinh tế gia-Cựu chiến binh Aung Tun Thet, Chủ tịch của Liên minh UEHRD của Myanmar nói rằng các ngôi làng của người Rohingya bị san phẳng để chính phủ có thể dễ dàng tái định cư cho những người tị nạn Rohingya về lại gần khu vực nhà cũ trước đây của họ.

MYANMAR-BANGLADESH-ROHINGYA-UNREST

Ảnh vệ tinh chụp ngày 09/02/18, được phân tích cho thấy các ngôi làng ở bang Rakhine, mạn Bắc Myanmar bị san phẳng. AFP

UEHRD là một tổ chức do bà Aung San Suu Kyi thành lập hồi tháng 10 năm ngoái để thực hiện các hoạt động đáp ứng hỗ trợ nhân đạo và tái định cư trong nước.

Hồi cuối tuần rồi, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy có 55 ngôi làng ở bang Rakhine, Myanmar bị san bằng, trong đó có hai ngôi làng còn nguyên vẹn trước khi bị pháo hạng nặng phá hủy.

Human Rights Watch cho rằng các hành động phá hủy như thế có thể xóa bỏ bằng chứng tàn bạo của lực lượng an ninh Myanmar mà Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ từng gọi là chiến dịch thanh tảo sắc tộc chống lại người thiểu số Rohingya.

Ông Aung Tun Thet nói rằng Chính phủ Myanmar không có mong muốn loại bỏ cái gọi là bằng chứng, mà chỉ có ý định bảo đảm có thể dễ dàng xây lại nhà cho những người quay trở về. Ông Aung Tun Thet còn nói thêm Myanmar cố gắng làm tốt những gì có thể để thực hiện hiệp định ký kết với Bangladesh hồi tháng 11 trên tinh thần công bằng và an toàn.

Published in Châu Á