Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguồn : RFA, 26/02/2018

Published in Video

Ở nhà tù tại Nghệ An, lúc này là những ngày rất lạnh.

Gia đình nói sức khỏe của anh Trần Huỳnh Duy Thức có vẻ khá hơn đợt trước, tức đợt vào năm 2017 mà anh bị giam trong buồng tối, ảnh hưởng nặng đến mắt.

Tháng 1/2010, anh Trần Huỳnh Duy Thức bị kêu án 16 năm tù. Trong phiên xử, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyên bố mình bị bức cung và yêu cầu tái xét sự việc.

Anh và các đồng sự bị bắt vì cổ súy cho một cuộc đấu tranh bất bạo động, và cho đến bây giờ anh không nhận bất kỳ một tội danh nào mà tòa án Nhà nước Việt Nam gán cho anh. Đã đến lúc mà các bút lục của vụ án cần được mở lại với sự soi chiếu trước quốc tế để xét lại về tính hợp lý và hợp pháp của bản án 16 năm tù áp đặt cho anh.

Tính theo ngày tháng, 20/1/2018 vừa rồi, anh Trần Huỳnh Duy Thức đã chịu thời gian giam giữ 8 năm, phân nửa bản án của Nhà nước Việt Nam đưa ra. Trong suốt 8 năm ấy, anh đã chịu đựng nhiều sự đối xử khắc nghiệt, được gia đình cấp báo ra bên ngoài.

Anh Thức là người quyết liệt từ chối việc bảo trợ của quốc tế, để đi tỵ nạn nước ngoài, thoát khỏi sự cùng cực trong nhà tù. Nói với gia đình mình, anh khẳng định rằng muốn được sống và chết cho lý tưởng, trên quê hương của mình.

Những tin tức mới nhất, cho biết gia đình anh Thức đang cùng anh gửi đơn lên Tòa án nhân dân tối cao, yêu cầu giảm án tù, chiếu theo các điều khoản trong Bộ luật Hình sự mới (2015) vừa áp dụng.

duythuc1

Tháng 2/2018, gia đình của anh Trần Huỳnh Duy Thức đi thăm anh, chuyến đầu tiên của năm.

-----------------------------------

Tuấn Khanh : Cám ơn anh Trần Huỳnh Duy Tân về cuộc trò chuyện này. Được biết gia đình vừa có chuyến thăm đầu tiên anh Trần Huỳnh Duy Thức trong năm 2018. Nhờ anh cho biết qua về tình hình sức khỏe của anh Thức cũng như tinh thần của anh Thức hiện nay ra sao ?

Trần Huỳnh Duy Tân : Dạ, hôm mùng 3 Tết vừa rồi, tức vào ngày 18/2/2018, gia đình 5 người đi thăm anh Thức ở Nghệ An, gồm tôi, vợ con anh Thức, chị gái và em trai. Chúng tôi đến buổi sáng và được gặp anh Thức vào lúc 2g40 chiều. Thời gian thăm gặp được 1 tiếng đồng hồ.

Anh Thức đi ra gặp, gia đình nhận thấy sức khỏe ảnh bình thường. Còn tinh thần thì vẫn kiên định như mọi khi và vững tin vào con đường anh Thức đã chọn. Sự tự tin của anh Thức thể hiện trong từng lời nói và thông điệp về cho gia đinh rằng, đừng lo lắng và hãy tin vào công lý, cũng như hãy tin rằng anh sẽ sớm về nhà với gia đình.

Tuấn Khanh : Lâu nay, những người đi thăm nuôi các tù nhân lương tâm vẫn hay nói rằng nhìn cách đối xử của cán bộ trại giam thì có thể đoán được phần nào tình hình của người trong nhà tù. Anh Tân có để ý thấy thái độ của cán bộ trại giam như thế nào, đối với trường hợp của anh Thức ?

Trần Huỳnh Duy Tân : Thật ra thì không khí thăm nuôi anh Thức lần này, cũng như một vài lần trước – khoảng 3 tháng trở lại thì ứng xử của cán bộ trại giam có dễ chịu hơn. Lần này, dù vẫn phải nói chuyện qua một vách bằng kính, tuy nhiên cánh cửa bên cạnh phòng nói chuyện lại để mở khi kết thúc buổi thăm gặp. Trước đây không bao giờ có chuyện đó, nhưng khoảng 3 tháng nay thì cửa mở. Nên vậy, cuối buổi trò chuyện anh Thức có thể bước qua bắt tay và ôm từng người trong gia đình trong thời gian thật ngắn. So với những lúc khó khăn thì thậm chí việc bắt tay, nắm tay cũng không được. Không khí hiện nay cũng không căng thẳng như trước.

Tuấn Khanh : Được biết gia đình từng có những đơn xin giám đốc thẩm, yêu cầu xét lại các tình tiết chưa được làm rõ, hoặc bất hợp lý của vụ án. Chuyển biến của các đơn từ đó hiện nay như thế nào, xin anh cho biết ?

Trần Huỳnh Duy Tân : Trước đây, anh Lê Công Định, anh Lê Thăng Long và anh Nguyễn Tiến Trung – những người chịu chung một vụ án với anh Thức – đã cùng thảo, và đưa ra một lá đơn yêu cầu giám đốc thẩm vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm vào ngày 9-1-2015. Đơn đã được gửi đến ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Thế nhưng mọi thứ vẫn im lặng, không có phản hồi gì. Trong đơn đã nêu các lý do yêu cầu giám đốc thẩm là :

  1. Thủ tục tố tụng vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến việc điều tra, truy tố và xét xử.
  2. Việc xét hỏi tại phiên tòa phiến diện, không đầy đủ.
  3. Nhận định và kết luận trong Bản án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của dự án.

Tuấn Khanh : Đó là phía những người bạn của anh Thức, còn về phía gia đình thì sao ?

Trần Huỳnh Duy Tân : Trước khi có lá đơn đó, ba của anh Thức có làm đơn xin giám đốc thẩm với những chứng cứ cần được xét lại. Nhưng lúc đó Viện kiểm sát và Tòa án nhân dân tối cao đã bác, và nói là không có gì để xét lại cả. Rồi đến đơn yêu cầu giám đốc thẩm của 3 anh như vừa nói, mọi thứ vẫn hoàn toàn im lặng.

Mới đây, anh Thức có gửi một lá đơn đến Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, yêu cầu xem xét lại án tù của mình, và giảm án chiếu theo Bộ luật Hình sự mới. Đơn được anh Thức gửi đi từ trại giam vào ngày 28-1-2018 vừa rồi với các căn cứ :

- Khoản 3 Điều 7 BLHS 2015 (có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định "Một hình phạt nhẹ hơn và quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật có hiệu lực thi hành".

- Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết 41/2017/QH14 v6e2 việc thi hành BLHS 2015 cũng quy định : "Quy định hình phạt nhẹ hơn, giảm hình phạt và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tôi xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 hoặc đối với người đang được xét giảm chấp hành hình phạt".

- Khoản 3 Điều 109 BLHS 2015 có quy định một hình phạt nhẹ hơn đối với "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" so với Điều 79 BLHS 1999 là "Người chuẩn bị phạm tội này bị phạt từ 1 đến 5 năm"

- Điều 63 BLHS 2015 quy định : Về việc giảm hình phạt đã tuyên ; Không quy định người được giảm hình phạt phải nhận tôi ; Người chấp hành án phạt tù được một phần ba bản án thì Tòa có thể giảm thời gian chấp hành hình phạt.

Chiếu theo những điều này, cũng như với thời gian đã chấp hành án thì anh Thức có đủ điều kiện để Tòa án giảm mức hình phạt đã tuyên.

Về phía gia đình cũng sẽ viết lại lá đơn này, với ba anh Thức là người đứng đơn, tiếp tục gửi thêm cho Tòa án Nhân dân tối cao. Đồng thời gia đình cũng sẽ làm việc với các luật sư để được tư vấn và hỗ trợ.

Tuấn Khanh : Dạ, cám ơn anh, mong được một ngày nghe tin tốt về anh Thức.

Tuấn Khanh ghi

(tuankhanh's blog)

Published in Việt Nam

Bộ tài chính đề nghị tăng giá xăng để tăng thu ngân sách (RFA, 23/02/2018)

Bộ Tài chính hôm 23/2/2018 lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

tang1

Hình minh họa. Những người đi xe máy mua xăng ở một trạm xăng nội thành Hà Nội hôm 22/11/2007 - AFP

Cụ thể đối với xăng, thuế sẽ tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít ; dầu diesel từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít. Như vậy giá xăng sẽ tăng thêm 1000 đồng một lít.

Lý do đưa ra ý đề nghị này được cho là vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang cắt giảm mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Trong đó, thị trường Asean và Trung Quốc chiếm hơn 60% khối lượng xăng dầu nhập khẩu.

Thêm 1 lý do khác là giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới và nhiều nước khác trong khu vực Asean.

Báo trong nước trích dẫn số liệu từ trang Global Petrol Prices ngày 27/11/2017 cho thấy giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia với giá 18.580 đồng/lít, thấp hơn cả Lào, Campuchia, Trung Quốc và 1 số nước trong khu vực Asean như Singapore, Philippines, Hồng Kong.

Mặt khác, Bộ tài chính cũng cho rằng vì muốn nâng cao trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường nên cần phải điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Theo tính toán của Bộ tài chính, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm đa số tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường. Do đó, tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ thúc đẩy ngân sách tăng mạnh.

**************

Hai công ty nước ngoài bị phạt vì gây ô nhiễm môi trường (RFA, 23/02/2018)

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang vừa ra quyết định xử phạt 440 triệu đồng đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng vì những vi phạm trong việc quản lý và xử lý chất thải gây hại. Tờ Dân Trí loan tin này hôm 23/2.

tang2

Trụ sở công ty TNHH Điện tử Silrang - Courtesy Báo Lao Động

Công ty BoViet là công ty 100% vốn Trung Quốc, chuyên sản xuất tấm pin và module chuyển hóa năng lượng mặt trời.

Cụ thể, từ ngày 13 tháng 6 năm 2017 đến ngày 22 tháng 1 năm 2018, công ty Boviet đã chuyển giao cho công ty TNHH đầu tư Golden Star Việt Nam 260 vỏ thùng đựng hóa chất đã qua sử dụng với dung tích 1.000 lit/ thùng (tương đương 15.600 kg) để xử lý. Mặc dù công ty này không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định của Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu công ty Boviet phải dừng ngay việc chuyển giao chất thải nguy hại cho công ty Golden Star, đồng thời quản lý và xử lý chất thải theo đúng quy định.

Trước đó, vào ngày 29 tháng 4 năm 2016, công ty Boviet đã từng bị UBND tỉnh Bắc Giang phạt 290 triệu đồng do vi phạm xả thải gây hại cho môi trường.

Tin thêm ô nhiễm môi trường, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Bình vừa xử phạt hơn 100 triệu đồng đối với công ty TNHH điện tử Silrang, một công ty vốn đầu tư Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, quận Gia Viễn vì xả nước thải chưa được xử lý vào những khu vực lân cận.

Theo thông tin trên báo mạng VnNews, lượng hóa chất trong số chất thải chưa được xử lý này vượt quá mức cho phép. Cụ thể, hàm lượng BOD5 và chất Amoni cao hơn 1,5-2 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Hàm lượng chất Amoni quá cao trong nước có thể gây bệnh ung thư và các bệnh nguy hiểm khác cho người.

UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã yêu cầu công ty Silrang khắc phục hệ thống nước thải chưa qua xử lý trong một tháng.

Công ty Silrang được Ban quản lý Khu công nghiệp Ninh Bình cấp giấy phép đầu tư vào tháng 7 năm 2014.

Published in Việt Nam

Vì sao Việt Nam không công khai tình trạng sức khoẻ lãnh đạo cao cấp ? (RFA, 23/02/2018)

Theo thông tin được phát đi từ truyền thông trong nước, cựu Thủ tướng Phan Văn Khải nhập viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh từ trước Tết nguyên đán do có biểu hiện "xấu" về sức khoẻ và đang được theo dõi, điều trị tích cực bởi các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành hiện nay. Báo chí trong nước cũng cho hay ông Phan Văn Khải được chuyển từ một bệnh viện ở Singapore về bệnh viện Chợ Rẫy đêm 20/2, nhưng không cho biết cụ thể ông bị bệnh gì và tiên liệu ra sao. Trong khi đó, một số nguồn tin trên mạng chưa thể kiểm chứng cho biết ông Khải đang trong tình trạng "hết sức nguy kịch".

suckhoe1

Nguyên thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 06 năm 2005 - AP

Mặc dù báo chí trong nước không đưa tin cụ thể về bệnh tình ông Khải nhưng các báo đều đưa tiểu sử của ông, một việc thường được làm khi một lãnh đạo đã qua đời. Điều này khiến những người muốn biết thông tin càng thêm tò mò.

Như vậy, sau những nghi vấn về tình hình sức khoẻ của các ông Nguyễn Bá Thanh - cựu Bí thư Đà Nẵng hồi năm 2015, ông Đinh Thế Huynh - thường trực Ban Bí thư, nhân vật cao cấp số 5 trong Đảng, và gần đây nhất là trường hợp của ông Chủ tịch nước Trần Đại Quang, dư luận lại tiếp tục đưa ra nhiều giả thuyết xung quanh diễn biến sức khoẻ của vị cựu quan chức cao cấp này.

Khi được hỏi về lý do vì sao Việt Nam chưa bao giờ công bố bất cứ thông tin cụ thể và chính thức nào về tình trạng bệnh của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, từ Sài Gòn, nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cho biết :

"Tình trạng này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta hay gọi là khối cộng sản. Tất cả những thông tin về các vị lãnh tụ, không riêng gì chuyện sức khoẻ, thậm chí chuyện gia đình, con cái, vợ con cũng đều được coi là bí mật quốc gia. Thế nên cũng không lạ gì khi vì sao ở Việt Nam lại không công khai tình hình sức khoẻ của các vị lãnh đạo, đáng lẽ là điều này cần phải được công bố để người dân biết được vì sức khoẻ của những người này ảnh hưởng rất lớn đến việc của quốc gia".

Vấn đề sức khoẻ của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước từ lâu luôn là mối quan tâm của dư luận xã hội. Ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 năm 2017, nhiều đại biểu cũng đã đặt câu hỏi về tình trạng của chủ tịch nước Trần Đại Quang thời điểm đó, đồng thời yêu cầu Quốc hội làm rõ quy định " sức khoẻ lãnh đạo có phải là bí mật nhà nước" hay không ? Ông Bùi Đình Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng "nếu là bí mật nhà nước thì phải thực hiện theo đúng tính chất, còn không thì phải hoàn toàn công khai".

Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, nguyên nhân sâu xa của sự mập mờ và bưng bít thông tin này bắt nguồn từ ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội-cộng sản với mục tiêu kiểm soát hoàn toàn đời sống xã hội để từ đó phản ảnh lại hệ thống chính trị. 

"Ở các nước như Việt Nam chẳng hạn thì điều đó lại hoàn toàn ngược lại, và tôi cho rằng điều đó cực kỳ vô lý và cực kỳ có hại. Tôi lấy ví dụ ông tổng bí thư bị tâm thần chẳng hạn nhưng lại bưng bít để ông không biết. Vậy một ông tâm thần, một ông sức khoẻ yếu hay bị ung thư chẳng hạn thì làm gì có thời gian hay sự tỉnh táo để suy nghĩ cho các vấn đề của đất nước ? Những chuyện này vô cùng ảnh hưởng đến người dân và tôi cũng là người cực kỳ phản đối chuyện bưng bít thông tin như vậy"


Đảng cộng sản Việt Nam có riêng một Ban Bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương chuyên trách việc chăm sóc sức khoẻ cho các vị lãnh đạo cao cấp. Theo nhà báo Phạm Chí Dũng và những người biết về hoạt động của Ban bảo vệ sức khỏe này của Đảng thì hiện nay vai trò của ban này ngày càng mờ nhạt trong việc điều trị bệnh cho các lãnh đạo. Ông Dũng nói :

"Nhưng mà sau này với sự phát triển của các bệnh viện tư, rồi máy móc theo chiều sâu, mang tính chất chuyên sâu nhiều hơn, thì các Ban bảo vệ sức khỏe tỉnh ủy, thành ủy và trung ương phần lớn không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho cán bộ. Vai trò lớn nhất của họ, theo tôi hình dung không phải là việc điều trị chữa bệnh một cách có kết quả như là các bệnh viện bên ngoài, mà là sự im lặng trong việc bảo mật những thông tin về sức khỏe của những cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý".

Một bác sĩ giấu tên từng làm việc ở Ban bảo vệ sức khỏe trung ương nói với đài RFA rằng khi các cán bộ lãnh đạo bị bệnh và được Ban bảo vệ sức khỏe trung ương điều trị, thì họ không có quyền công bố bệnh tình của bệnh nhân mà phải có quyết định từ cấp lãnh đạo cao hơn.Trên thực tế, trường hợp thông tin ông Nguyễn Bá Thanh được gia đình đưa sang Mỹ chữa bệnh chỉ được Ban Bảo vệ sức khoẻ trung ương công bố sau khi dư luận đặt quá nhiều câu hỏi xung quanh bệnh trạng của ông Thanh.

Tương tự là trường hợp của Đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc phòng : Trong suốt thời gian dài ông này đều vắng mặt trong các sự kiện chính trị quan trọng ở trong nước như Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân hay cũng không tham gia chuyến thăm Hoa Kỳ cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào thời điểm tháng 07/2015. Sau một thời gian dài mạng xã hội đồn thổi về ông, cuối cùng báo Tuổi trẻ mới có bài dẫn nguồn tin từ Ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trung ương cho hay ông Thanh "đã đi Pháp trị bệnh" và cho biết ông "đã được phẫu thuật, đó có thể là một khối u phổi".

Trường hợp vắng mặt trong thời gian dài của Chủ tịch nước Trần Đại Quang hay việc Thường trực Ban Bí thư ông Đinh Thế Huynh vắng bóng trên các diễn đàn chính trị ở Việt Nam kể từ sau Hội nghị trung ương V được tổ chức vào tháng 05/2017 cũng khiến dư luận hết sức hoang mang về sự tồn tại cũng như bệnh tình của những vị lãnh đạo cấp cao này. Trả lời báo Dân việt, ông Phạm Gia Khải người từng là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Ban Bảo vệ và Chăm sóc Sức khỏe cán bộ trung ương trong một thời gian dài cho biết :

"Về quan điểm cá nhân, tôi thấy cái gì cần giữ bí mật thì nên giữ, còn cái gì có thể công khai được thì cũng nên công khai để nhân dân nắm được".

Tuy nhiên, ông Khải cũng khẳng định ở nhiều nước trên thế giới, chứ không riêng ở Việt Nam, tình trạng sức khỏe của các yếu nhân, đặc biệt là những người nắm giữ vị trí chủ chốt của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, cũng là những thông tin cần phải được giữ bí mật. Cho đến nay, người ta cũng không có công bố chính thức về sức khỏe của ông Yasser Arafat hay như trường hợp của vị tướng quân đội Việt Nam đã được theo dõi, điều trị ở Paris (Pháp) vì bệnh gì cũng không ai được biết trừ một số rất ít người. Nhưng ở Hoa Kỳ, điều này có khác chút : Như Thượng nghị sĩ John McCain bị u não, ứng viên Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton bị ngã gây máu tụ dưới màng cứng là báo chí biết và đăng tải ngay…".

Ông Phan Văn Khải, năm nay 85 tuổi, là người giữ chức Thủ tướng Việt Nam giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006. Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam bước qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong thời gian gần 9 năm lãnh đạo.

Mỹ Lan

*********************

Dư luận xôn xao về bệnh tình của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (RFA, 23/02/2018)

Báo chí trong nước hôm 21/2 loan tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, bị bệnh nặng và phải đưa sang Singapore rồi sau đó chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh để các bác sĩ theo dõi, điều trị. Tuy nhiên không có bất cứ thông tin nào về bệnh tình cụ thể của ông Phan Văn Khải.

suckhoe2

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 16/6/2006. - AFP

Ông Phan Văn Khải, năm nay 85 tuổi, là người giữ chức Thủ tướng Việt Nam giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2006.

Theo Vietnamnet, sức khỏe của ông Phan Văn Khải đã chuyển biến xấu từ hồi trước Tết Mậu Tuất. Ông được đưa sang Singapore để điều trị nhưng sau đó được chuyển về bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 21/2.

Nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo cao cấp của Việt Nam khi lâm bệnh nặng thường được điều trị ở nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hoa Kỳ. Ví dụ điển hình như cựu Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được điều trị ở Mỹ một thời gian rồi sau đó được chuyển về nước trước khi qua đời hồi năm 2015.

Đồng thời với tin về sức khỏe của Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều báo trong nước cũng đồng loạt đăng tiểu sử của ông, điều thường được làm khi một lãnh đạo nào đó đã qua đời.

Một số nhà báo, những người đã từng biết ông Khải đã đưa tin về tình hình sức khỏe của ông Khải trên mạng xã hội nhưng cũng không đưa chi tiết ông bị bệnh gì.

Nhà báo Huy Đức viết trên trang facebook cá nhân hôm 22/2, cho biết ông đã vào thăm ông Khải ở bệnh viện và chứng kiến ông nằm trong phòng săn sóc đặc biệt với nhiều phương tiện hỗ trợ.

Nhà báo Huy Đức cũng ca ngợi Thủ tướng Phan Văn Khải là người đã thực hiện tốt các ý tưởng cải cách, biến chúng thành chính sách trong môi trường chính trị Việt nam.

Published in Việt Nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi bỏ tục đốt vàng mã (RFA, 22/02/2018)

Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Phật tử bỏ tục đốt vàng mã tại các nơi thờ tự Phật giáo.

phat1

Đốt vàng mã tại đền chùa ở Việt Nam. Courtesy : thuvienhoasen.org

Phó chủ tịch thường trực trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu vừa ký công văn đề nghị các tăng ni tu hành ở những nơi thời phượng Phật giáo tại các tỉnh và thành phố hướng dẫn cho Phật tử loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã, cũng như các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa của đạo Phật và văn hóa dân tộc Việt Nam.

Báo giới trong nước trích dẫn lời khẳng định của Hòa thượng Tố Liên trên trang web của Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng Đức Phật Thích Ca không dạy đốt vàng mã cúng gia tiên để lý giải cho đề nghị vừa nêu.

Công văn của trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa được ban hành còn nêu rõ các tự viện là di tích lịch sử-văn hóa tổ chức lễ hội cần mang tính văn minh và tiết kiệm ; các bài giảng tại tự viện cần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của các cộng đồng tín ngưỡng và tôn giáo khác.

********************

Lễ Hội đầu năm, nên hạn chế hay thay đổi ? (RFA, 21/02/2018)

Thay đổi tập tục ?

Đầu năm, một loạt các hội xuân diễn ra khắp nơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng người dân tham dự quá đông do mê tín dị đoan đã tạo ra một luồng ý kiến cho rằng nên thay đổi tập tục này.

phat2

Lễ hội Gióng năm 2018 tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội hôm 21/2/2018. Courtesy of Pháp Luật Plus

Cứ mỗi năm vào dịp Tết Nguyên Đán, người dân lại tham gia rất nhiều lễ hội như một hình thức vui chơi giải trí sau một năm làm việc cực nhọc.

Theo thống kê của Cục thống kê vào năm 2009, cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian.

Hội xuân ở từng địa phương là những tập tục cần phải được bảo tồn. Thế nhưng, thực tế của mấy năm trở lại đây cho thấy không ít người tới các lễ hội do mê tín dị đoan, cầu tài cầu lộc, thậm chí sẵn sàng có những hành động tranh cướp không mấy đẹp.

Cụ thể vào năm 2017, những người đi lễ đã biến lễ hội thiêng liêng thành những sinh hoạt mất trật tự như vụ thanh niên xô đạp nhau giành cho được hoa tre trong hội Thánh Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, hay vụ giành giật ấn tại lễ hội Đền Trần, cướp lộc thánh tại chùa Hương cũng vào năm 2017…

Năm nay, theo ghi nhận của báo chí do nhà nước quản lý, cho đến ngày 21 tháng 2 năm 2018, không có tình trạng xô đẩy, giành giật, tranh hoa cướp lộc khi có đến hàng chục ngàn người tham gia các lễ hội xuân như Lễ hội Gióng tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Lễ khai hội Chùa Hương.

Đây có phải là tín hiệu cho thấy sự tiến bộ trong việc quản lý của nhà nước hay do ý thức của người dân đã được nâng tầm ?

Nhận xét về điều này, Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt cho Đài Á Châu Tự Do biết như sau :

"Nhà nước nói (lễ hội) không chen lấn thì biết thế thôi, nhưng thú thật là tôi hoài nghi, bởi vì không thể nay không chen lấn, mai không chen lấn được, trừ khi là đám đông ít lại. Chứ còn ý thức của người dân, sự quản lý của nhà nước không thể một sớm một chiều từ bên này lật qua bên kia được đâu, nó phải có từng bước, nó có thể hạn chế ít lại, chứ còn nói không có (chen lấn xô đẩy) thì xin lỗi mình cũng hơi nghi ngờ".

phat3

Khai mạc Lễ hội Gióng năm 2018 tại Khu di tích Lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội hôm 21/2/2018. Courtesy of Pháp Luật Plus

Theo báo VnExpress hôm 21 tháng 2 năm 2018, Tết Mậu Tuất này có đến hơn 50.000 người tham dự Lễ khai hội Chùa Hương. Nhiều người phải đi ghe vào Động Hương Tích từ tối hôm trước để tránh cảnh xếp hàng cả ngày trời cực khổ cùng biển người. Một người dân trong dòng người xếp hàng đi Lễ khai hội Chùa Hương cho biết :

"Dòng người thì đông, không thể đông hơn được nữa, thêm một người nữa thì không biết đứng vào đâu. Mình đứng đây là gần đến động chính (Chùa Hương), mình phải mất 45 phút mới đến được chỗ xếp hàng đi cáp treo, tuy nhiên mình vẫn đang nhút nhít ở đây 20 phút rồi, giờ thì phải có người ra mới có người vào. Như là biển người luôn".

Giáo dục để tăng cường, làm đẹp hành vi

Hiện có nhiều công ty du lịch quảng cáo có tổ chức cho du khách tham dự các lễ hội Tết cùng với người dân địa phương để có trải nghiệm văn hóa như công ty Du lịch Hà Nội. Tuy nhiên cũng có công ty du lịch không tổ chức tour loại này. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Lửa Việt Tour đưa ra ý kiến của mình :

"Công ty Lửa Việt xưa nay không tổ chức những tour lễ hội, bởi vì khả năng tổ chức (lễ hội) ở Việt Nam thì mọi người biết rồi, cho nên có khi chỉ chuốc lấy sự bực mình thôi nếu mình muốn có trải nghiệm về văn hóa thật sự. Có những người nói về mặt tính ngưỡng họ có một niềm tin rất là lớn thì cái chuyện bực dọc vì xô đẩy là chuyện nhỏ, không sao. Riêng mình thì mình có chủ trương Phật tại tâm, nếu mình có lòng thì đi lúc nào cũng được, chứ không hè nhau đi, hành xác nhau, làm khổ nhau".

Để trả lời câu hỏi nên hạn chế hay thay đổi các Lễ hội Xuân, từ Sài Gòn, Nghệ sĩ Kim Chi phát biểu :

"Mình thấy người Việt Nam hiện có rất nhiều lễ hội mà hiện nay không còn phù hợp với trào lưu của cuộc sống mới này nữa, nó cũ xưa lắm rồi. Những cái lễ hội như đâm trâu chém lợn, theo mình rất lãng phí, thậm chí man rợ và phản cảm. Còn các lễ hội thí dụ là lễ hội tưởng niệm Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần thì mình rất là ủng hộ. Những lễ làm cho người ta ghi nhớ đến Tổ tiên, biết giữ gìn đất nước, tức là làm cho cuộc sống phát triển về tâm linh và tốt đẹp lên thì mình ủng hộ. Còn những lễ hội gây tai nạn khi người ta đến đấy chà đạp xô đẩy lẫn nhau, hay người ta làm những chuyện buôn thần bán thánh, lợi dụng thì mình không bao giờ đến và rất là không ưa".

Nhà giáo Phạm Toàn trong một lần trả lời Đài Á Châu Tự Do từng nói :

"Những tập tục muốn bỏ cũng không được, chỉ có thái độ, hành vi của con người trước tập tục thôi. Tập tục là cái đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc, vấn đề là cuộc sống hiện đại tổ chức làm sao cho nó văn minh, văn hóa, không có sự mặc cả với thần linh, cái này liên quan đến trình độ văn hóa của người dân".

Cũng theo Nhà giáo Phạm Toàn, phải chữa dần trình độ văn hóa xuống dốc, chỉ có thể giáo dục để tăng cường, làm đẹp hành vi, thái độ ứng xử của con người trước tập tục thôi, còn không bỏ được tập tục.

Published in Việt Nam

Báo chí Mỹ vào đầu tháng 2 cho biết rằng Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã rút đơn xin vay vốn tài trợ từ Ngân hàng xuất khẩu Mỹ US Ex-Im bank, cho dự án nhà máy điện chạy bằng than Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng.

lo1

Một nhà máy điện chạy than tại Ninh Bình. Ảnh chụp tháng 9/2007. AP

Theo thông tin từ Bộ Công thương Việt Nam, dự án này đang rất thiếu vốn và tiến độ thi công đang chậm so với dự tính là 400 ngày.

Mối lo ngại Trung Quốc

Thông tin về việc Tập đoàn dầu khí rút lại đơn vay tiền từ US Ex-Im Bank làm dấy lên sự lo ngại từ một số chuyên gia và nhà quan sát quan tâm đến vấn đề môi trường, họ lo rằng Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế.

Kỹ sư Phạm Phan Long, một trong những người sáng lập tổ chức Viet Ecology tại Mỹ, quan tâm về vấn đề môi trường, nói với chúng tôi :

"Vấn đề bế tắc về tài chính đối với ngân hàng Mỹ có thể đưa đến một tình trạng xấu hơn cho đồng bào mình ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lý do là Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng của Á châu, của Trung Quốc có rất nhiều tiền, có rất nhiều lý do để Trung Quốc vào thế chổ để tài trợ cho dự án này".

Ông Long cho rằng với một số vốn lớn tài trợ cho dự án, Trung Quốc sẽ nhân cơ hội đó đem vào các máy móc cũ kỹ gây hại cho môi trường, cũng như sẽ đem công nhân dư thừa của họ sang Việt Nam làm việc.

Chia sẻ lo ngại này với Kỹ sư Phạm Phan Long, là Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ, ông nói :

"Tôi cũng đang lo như vậy, vì đây là một bài học từ Duyên Hải, Trà Vinh, Trung Quốc họ vô họ xây, ngoài chuyện công nghệ lạc hậu, họ còn đưa công nhân Trung Quốc qua, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội ở đó".

Trung tâm nhiện điện chạy bằng than Duyên hải được xây dựng ở tỉnh Trà Vinh, do Trung Quốc cung cấp đến 85% vốn đầu tư. Vào năm 2014, dự án này được báo mạng VNexxpress liệt kê là một trong 10 dự án lớn nhất của Trung Quốc ở Việt Nam. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2016 cho đến nay, nông dân và ngư dân xung quanh liên tục phàn nàn về khói bụi và xỉ than của nhà máy đã gây hư hại cho hoa màu và hải sản của họ. Các ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường đã phải đến khu vực nhà máy để nghe ý kiến của dân chúng, nhưng vấn đề ô nhiễm vẫn chưa giải quyết xong.

Tuy nhiên một chuyên gia về ngân hàng hiện đang làm việc ở Việt Nam là ông Nguyễn Trí Hiếu không bi quan lắm với khả năng Ngân hàng phát triển hạ tầng Á Châu mà Trung Quốc nắm cổ phần chính, sẽ tài trợ dự án Long Phú 1 :

"Đây là một định chế tài chính liên quốc gia, chứ không phải là một định chế tài chính thương mại, thì tôi hy vọng rằng họ cũng sẽ có những tiêu chí khắt khe, chặt chẽ trong việc xét đơn của bất cứ chính phủ nào, trong đó có Chính phủ Việt Nam, cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho quốc gia đó".

Dù vậy ông cũng đồng ý rằng, cũng giống như các định chế tài chính Mỹ và Châu Âu, khi tài trợ cho dự án phát triển nào ở nước ngoài cũng sẽ qui định rằng dự án đó phải mua một số lượng tối thiểu nào đó các máy móc của Mỹ và Châu Âu. Do vậy ông Hiếu nói rằng nếu Ngân hàng phát triển hạ tầng Á Châu tài trợ dự án Long Phú 1 thì khả năng bắt buộc phải mua máy móc của Trung Quốc là rất cao.

Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng Châu Á được Trung Quốc thành lập vào năm 2014 tại Bắc Kinh, hiện có 57 quốc gia thành viên, được cho là được Bắc Kinh thành lập để cạnh tranh với các định chế tài chính của Mỹ và Nhật như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á. Hiện chưa có thông tin về những dự án tại Việt Nam do ngân hàng này tài trợ nhưng ngân hàng này đã tài trợ cho các dự án tại Indonesia, Bangladesh, Pakistan.

Theo một bản tin đăng trên Tạp chí năng lượng Việt Nam vào năm 2013, thì mức độ tối thiểu phải mua các máy móc do Trung Quốc sản xuất trong các dự án do họ tài trợ là 60%.

Lý do của việc rút đơn xin tài trợ từ US Ex-Im bank

Tại sao chủ đầu tư của dự án Long Phú 1 là Tập đoàn dầu khí Việt Nam lại rút đơn vay vốn ?

Theo kỹ sư Phạm Phan Long có thể có những lý do như sau :

"Theo nhận xét của tôi thì Chính phủ Trump chưa tổ chức ban lãnh đạo ngân hàng Eximbank để nó hoạt động bình thường. Nếu tôi không lầm thì đến giờ này vẫn có những vị trí chưa được bổ nhiệm, nên họ đang có những vấn đề trì trệ, không cứu xét hồ sơ một cách nhanh chóng. Điều thứ hai là ngân hàng này có những điều kiện về ô nhiễm, về rủi ro, và khả năng của bên đối tác, cho nên những điều kiện đó cũng bất tiện và khó khăn, khiến cho phía Việt Nam phải rút ra".

Ông Long đã có gửi thư đến cho ngân hàng US Ex-Im bank để hỏi về việc phía Việt Nam rút đơn thì được ngân hàng xác nhận, nhưng không cho biết lý do.

Theo thông tin từ báo chí Mỹ, ngay khi phía Việt Nam nộp đơn xin vay vốn, ngân hàng US Ex-Im bank đã nói rằng họ sẽ quan tâm đến những lo ngại về vấn đề quản lý yếu kém, gây ra một đại án tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí Việt Nam, trong đó người cựu chủ tịch là ông Đinh La Thăng bị án tù.

Trước đó báo chí Việt Nam cũng có đưa tin một quan chức của ngành dầu khí là ông Nguyễn Quốc Khánh đã có sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc chỉ định thầu cho dự án Long Phú 1, nhưng không nêu rõ chi tiết.

Những quan ngại về môi trường chưa chấm dứt

Dự án Long Phú 1 có công suất đến 1200 MW, nằm trong một cụm năng lượng gọi là Long Phú với 3 nhà máy, và những nhà máy này nằm trong tổng số 14 nhà máy điện chạy bằng than đã , đang và sẽ được xây dựng tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo thông tin từ ngành điện Việt Nam thì vào năm 2030 lượng điện do các nhà máy chạy bằng than cung cấp sẽ chiếm đến 55% tổng sản lượng điện Việt Nam.

Các dự án này gây nên nhiều chỉ trích từ những nhà khoa học và các chuyên gia về môi trường trước nguy cơ gây ô nhiễm quá lớn của chúng, đặc biệt mạnh mẽ là từ hai tổ chức Liên minh năng lượng Việt Nam, và Trung tâm sáng tạo xanh, lo ngại về lượng khí thải và bụi than của các nhà máy này.

Trước khi nộp đơn xin US Ex-Im bank tài trợ, theo báo chí Mỹ Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng đã nộp đơn xin một ngân hàng ở Anh tài trợ nhưng bị từ chối vì dự án này dùng nhiên liệu than, gây ô nhiễm môi trường. Cũng trong tháng Hai năm 2018, một tổ chức dân sự tại Việt Nam là CHANGE cũng đã vận động các ngân hàng tại Singapore không tài trợ cho các dự án điện than tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, các quyết định của chính phủ trung ương tại Hà Nội, cho đến nay vẫn nghiêng về xây dựng các nhà máy điện chạy than hơn là các trung tâm năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm.

"Những người tôi tiếp xúc ở Bộ Công thương hay Viện Năng lượng, là những người đã lớn tuổi, và ngày xưa họ học bên Nga là nhiều. Họ vẫn nghĩ rằng năng lượng tái tạo là đắt tiền, đầu tư trên 1kwh điện sẽ cao hơn là điện than. Rồi họ cũng nói rằng bây giờ có những kỹ thuật mới, chẳng hạn như siêu tới hạn, để bớt ô nhiễm, rồi người ta có thể sử dụng tro xỉ để làm gạch".

Ông Tuấn nói tiếp là những lý do mà những nhà quyết định chính sách đưa ra để biện minh cho việc xây nhà máy điện chạy than là không đứng vững, vì loại kỹ thuật gọi là siêu tới hạn khi đốt than là rất đắt tiền, và nhất là họ đã không tính tới những chi phí môi trường phát sinh sau đó khi các nhà máy điện than đi vào hoạt động, như trường hợp ở Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận, Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Chúng tôi có đặt câu hỏi đến Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng như Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này về tương lai của nhà máy điện Long Phú 1, nhưng không có hồi đáp bằng email và từ chối trả lời bằng điện thoại.

Kính Hòa

Published in Việt Nam

Dân oan mong Tết đoàn viên (RFA, 16/02/2018)

Tết là thời khắc thiêng liêng, đoàn tụ gia đình, hướng đến quê hương và mang nhiều ý nghĩa với mọi gia đình người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Tuy nhiên, có những cảnh đời chịu những bản án oan khiên hay mất đất, mất nhà… khiến mùa xuân không trọn vẹn.

tet1

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng chưa thực sự sự đón Tết trong 10 năm qua vì chưa đòi được công lý cho con. RFA

Mong mỏi đoàn viên

Sum họp là mong mỏi lớn nhất của người Việt nhân dịp Tết đến xuân về. Những gia đình có thân nhân là tù nhân lương tâm hay đang chịu án oan thì ý nghĩ về cảnh đoàn viên càng làm họ thêm đau lòng. Ước muốn lớn nhất là được gặp người thân trước Tết dù chỉ là qua vách ngăn kính, được nhìn nhau và nhắn nhủ, động viên.

Ông Nguyễn Trường Chinh - bố của bị án Nguyễn Văn Chưởng, đang kêu oan với bản án tử hình 10 năm nay là một điển hình. Ông cho biết, ông đã được gặp con trai vào cuối tháng 1 vừa qua, con ông do bị cùm chân lâu ngày nên một bên chân bị teo, nhưng tinh thần tốt và còn niềm hy vọng.

"Từ hồi năm 2014, sau cái thi hành án lần 2, gia đình có nói cho cháu biết thì thấy tinh thần cháu vững, kiên quyết đấu tranh để giành lại mạng sống vì tôi có nói : ở ngoài bố có thể quyên sinh để cứu con. Bản thân con cũng phải đấu tranh mạnh mẽ để giành lấy mạng sống cho bản thân mình".

Các gia đình tù nhân lương tâm như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Phạm Văn Trội, cũng đã được thăm nuôi và gửi quà Tết. Còn trường hợp bà Nguyễn Tuyết Lan – thân mẫu của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các con của cô đã không gặp được cô vào ngày 27 Tết như thông báo, do cô bị chuyển bất ngờ ra Trại 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Cấn Thị Thêu - người phụ nữ kiên cường giữ đất ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, vừa mãn án 20 tháng tù giam, chia sẻ khi còn ở tù, mỗi dịp lễ, Tết bà lo lắng và nhớ gia đình đến quặn thắt lòng lại.

"Từng ngày từng giờ, nghĩ đến gia đình tôi, chồng con tôi, anh em họ hàng tôi, mẹ chồng tôi ốm đau, ốm liệt giường mà tôi không có mặt. Những việc lo lắng, thu xếp của phụ nữ mà họ lại giam cầm tôi, nhất là những ngày lễ tết. Nên tôi rất đau đớn, xót xa. Càng như thế tôi càng căm hận chế độ cộng sản này vì nó ác quá".

Ông Nguyễn Trường Chinh - người cha kiên cường kêu oan, đòi công lý cho con trai kể rằng, từ khi con ông rơi vào vòng lao lý, gia đình dường như không có Tết.

"Gia đình chúng tôi đã tròn 10 năm, hôm nay cháu đã bị giam 10 năm 6 tháng, nhưng trọn 10 cái Tết thì gia đình chúng tôi lại không có Tết. Cứ Tết đến, xuân về, mọi nhà sum vầy để đoàn tụ gia đình, cúng ông bà tổ tiên, thì bản thân chúng tôi đã 10 năm không có Tết".

Tết Mậu Tuất đến, những người dân oan mất đất trên khắp cả nước nói chung và Dương Nội nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, do tư liệu sản xuất bị mất, không còn nghề nghiệp nên thu nhập sa sút. Bà Thêu cho biết, mọi người nông dân đều muốn có cuộc sống ổn định, ấm no, được đón những cái Tết vui vẻ, trọn vẹn.

"Đón Tết năm nay thì chắc chắn những người dân Dương Nội sẽ rất khổ vì đã mất đất hơn 10 năm rồi. Có khi có những nhà không có cả gạo mà ăn Tết, không có cả tiền mà sắm Tết, thì tôi nghĩ họ rất khó khăn trong bối cảnh xã hội thất nghiệp tràn lan. Những người nông dân có mảnh đất, mảnh vườn để làm ăn sinh sống mà bây giờ bị cướp mất rồi. Tôi nghĩ rằng khi mà chúng tôi chưa đòi được đất, nhà cầm quyền Việt Nam chưa xem xét để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân chúng tôi, thì tôi nghĩ là cái Tết của chúng tôi vẫn rất khó khăn, ngậm ngùi".

Mong ước cho năm mới

Tuy những người tù oan khiên và thân nhân của họ đang gánh chịu những nỗi đau, khó khăn, nhưng họ vẫn luôn vững tin và hy vọng vào tương lai.

Như ông Nguyễn Trường Chinh mong đợi công lý và sẵn sàng làm mọi việc để kêu oan cho con trai.

"Tôi vẫn kiên quyết và quyên sinh đòi bằng được công lý tự do cho con trai tôi vì không riêng gì con trai tôi, hiện nay tôi thấy rất nhiều người cũng bị oan như con tôi, như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh. Ba gia đình chúng tôi liên kết với nhau, một người bố và hai người mẹ kiên quyết đến cùng để đòi mạng sống cho con bằng mọi giá. Đó là điều chắc chắn chúng tôi phải làm. Làm đến khi nào con cái chúng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình, được tự do, được quyền làm người, được quyền sống, đây là những quyền cơ bản. Con cái là tài sản qúy giá nhất, không có gì đánh đổi được. Chúng tôi phải đòi lại quyền đó cho con".

Anh Trịnh Bá Tư - một thanh niên đang độ tuổi lao động thì mong mỏi mảnh đất của gia đình anh được trả lại để anh có thể có được cuộc sống ổn định, ấm no.

"chúng tôi luôn mong muốn công cuộc đấu tranh giữ đất đi đến thắng lợi bằng việc quan chức Cộng sản Hà Nội từ bỏ ý định cướp đất nhà tôi và bà con Dương Nội. Đây không phải là mong muốn của riêng Tết năm nay, mà nó kéo dài cả một thập kỷ, từ năm 2008, lúc chúng tôi khởi đầu cuộc đấu tranh giữ đất đến bây giờ thì mong ước đó luôn luôn ở trong chúng tôi. Đó là mong ước lớn nhất của gia đình tôi và cả người dân Dương Nội".

Trên tất cả, bà Cấn Thị Thêu ngoài mong muốn bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân như bà, bà còn mong mỏi giới đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đất nước Việt Nam có sự thay đổi tích cực.

"Tôi thật sự rất là mong một xã hội thực sự của dân, do dân, vì dân, chứ không phải là xã hội, đất nước, tài sản là của quan, do quan, vì quan. Đây là mong muốn và ước nguyện của tôi. Tôi mong muốn là tất cả những người đấu tranh sẽ luôn sát cánh bên nhau. Một bó đũa thì sẽ khó lòng bẻ hơn".

Mùa xuân là mùa của niềm vui và những điều nguyện cầu, mùa của gia đình đoàn viên. Chúng ta cùng cầu chúc cho đất nước Việt Nam không còn những nỗi đau oan khiên, những bản án bất công, những chính sách sai lầm để cho ngày Tết của nhiều gia đình có được niềm vui trọn vẹn.

*********************

Người vô gia cư và Tết (RFA, 16/02/2018)

Hoàn cảnh

Những người già, những đứa bé lang thang, những người mất khả năng lao động, họ có mặt ở con phố này mỗi khi đêm về. Lý do chính tại con đường này có nhiều nhà từ thiện đến giúp đỡ cho những mảnh đời cơ nhỡ với những suất cơm, bịch sữa, gói bánh…

tet2

Một người vô gia cư ở Sài Gòn những ngày giáp Tết. RFA

Tất cả những con người chúng tôi gặp nơi đây đều có cùng một điểm tương đồng là họ không nhà không cửa, nhưng mỗi người lại có một câu chuyện khác nhau đẩy họ vào cảnh trạng hiện tại.

Một người vô gia cư, trước kia có sức khỏe tốt nhưng sau khi gặp tai nạn nghiêm trọng, ban ngày chỉ còn có thể nhặt ve chai và đêm về nằm vỉa hè trên con phố này tâm sự :

"Anh bị gãy tay, giờ cũng chẳng đi làm hồ được. Phải đi lượm đồ ve chai sống qua ngày. Tay trái bị gãy cong vầy nè. Cũng chẳng làm được gì hết em à. Phải vác bao đi lượm sống qua ngày tháng".

Hoàn cảnh gia đình anh vốn dĩ đã khó khăn, cũng không thể nương tựa vào ai cho nên phải sống trong cảnh này, anh cho biết thêm :

"Bố mẹ giờ mất rồi. Bán đất đi phải trả nợ tiền đám ma đám chay. Buồn quá, ở với bà chị không được vì vướng đến chồng nữa. Một bên bà chị theo bên chồng, mà ông anh thì đi ở rể. Một bên là cậu một bên là chú. Mỗi mình anh, ở không được, còn con cái người ta nữa. Bắt buộc anh phải ra đường sống thôi".

Ông lão đạp xích lô cũng có hoàn cảnh đáng buồn. Nhà cửa mất hết, vợ ông cũng đã qua đời. Ông rời nhà trọ trên Hóc Môn để về con đường này vì khi mà sức lao động chẳng còn nhiều thì làm sao có đủ tiền mướn chỗ ở.

"Tại sao tui phải ra đây là vì tui không còn nhà nữa. Trước kia tui còn nhà, nhà cửa ngon lắm nhưng mà tại vì vợ tui chết tui phải chịu, tui phải trôi dạt trên Hóc Môn tui về đây".

Hay như một hoàn cảnh khác, bà cũng không còn người thân nào. Ban đầu bà lên Sài Gòn để kiếm sống. Nhưng buồn thay, sau thời gian lao động bà mắc bệnh.

"Cô ở tuốt Cà Mau lận. Cô đâu có còn ai đâu mà ở dưới. Lúc trước cô lên đây cô còn sức khỏe cô làm mướn, giờ cô bệnh hoạn rồi, bị tim mạch mệt lắm nên không có làm được gì hết. Không có tiền về, nếu mà về cũng không có ai".

Mong ước

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện, tất cả chỉ mong sao có những người hảo tâm giúp họ một bữa ăn lót dạ qua ngày, đặc biệt là vào dịp Xuân về chứ chưa dám nghĩ đến có một chỗ gọi là nhà.

"Cô chỉ kiếm sống qua ngày thôi, chứ mong muốn gì đâu nữa con, già rồi. Kiếm ăn đủ sống thôi".

"Chạy xích lô nè. Chở hàng chở đồ. Mà lúc này chạy vòng vòng không à, ế lắm. Lúc này te tua. Chạy qua ngày tối ngủ mái hiên. Đám từ thiện cho gì ăn nấy à".

"Tết năm ngoái người ta cũng cho lai rai. Tối người ta đi bao lì xì hay ổ bánh chưng bánh tét bánh giò. Hay là cho mền cho mùng, quần áo mặc. Tết năm ngoái cũng đủ sống qua ngày. Mấy ngày Tết vui vẻ. Thấy người ta dắt con cái mình cũng tủi thân tại người ta có con cái có gia đình, có nhà có cửa, mình lại không có nhà có cửa…"

"Gia đình người ta có tiền nong về thăm bố mẹ vui vẻ trong gia đình. Tụi anh giờ nhà đâu mà về nữa, tiền đâu mà về quê. Không có tiền để mua quần áo mà mặc nữa. Cũng nhờ mấy anh em đi tài trợ gom góp mấy quần áo xấu xấu lại cho. Anh chỉ biết cám ơn thôi".

"Thôi đừng nhắc tới Tết, chán lắm. Nhắc mất công nhớ nữa".

Nhưng một số trường hợp chúng tôi gặp, họ cũng còn người thân, nhưng lại không muốn nương tựa bởi con cháu cũng có hoàn cảnh khó khăn, nên không muốn làm gánh nặng cho con cháu. Đã nhiều năm ông không còn về quê, dù đó là ngày Tết :

"Không muốn gặp tại vì gặp mình không có kinh tế về cho con cháu thấy cũng tủi cũng tội lắm".

Còn đó khá nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được sự giúp đỡ. Tuy nhiên các nhóm từ thiện trong cộng đồng chỉ có thể phụ họ phần nào ; còn cách giải quyết cho đến nơi đến chốn hẳn phải do quyết tâm của chính quyền.

********************

Tử vong do tai nạn giao thông trong dịp tết tăng (RFA, 16/02/2018)

Ngày đầu năm âm lịch Mậu Tuất tại Việt Nam có 34 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông và 35 người khác bị thương.

tet3

Giao thông ở Hà Nội vào giờ cao điểm ngày 23/9/2015. AFP

Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia Việt Nam cho biết và báo cáo tình hình này đến Văn Phòng Chính Phủ.

Cũng theo ủy ban chuyên theo dõi tình hình an toàn giao thông này thì trong 3 ngày qua, tổng cộng số người chết trong nước vì tai nạn giao thông lên đến 87 người và số bị thương là 84 người.

So sánh với thời điểm cùng kỳ vào các năm trước, Ủy Ban An Toàn Giao Thông Việt Nam đưa ra nhận định là tai nạn giao thông tăng cao trong hai ngày 30 và mùng 1 tết.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia, vi phạm tốc độ…

Dịp tết âm lịch năm nay, Ủy Ban An Toàn Giao Thông Việt Nam tiến hành cập nhật tình hình hằng ngày trong lĩnh vực tai nạn giao thông kể từ ngày bắt đầu nghỉ là ngày 13 tháng 2.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin Bệnh Viện Việt- Đức tại Hà Nội bị quá tải vì số bệnh nhân phải cấp cứu, chủ yếu do tai nạn giao thông, trong đêm giao thừa.

********************

Chết vì tai nạn giao thông ngay trước Tết (RFA, 15/02/2018)

Chỉ trong vòng 2 ngày trước Tết nguyên đán Việt Nam đã ghi nhận có đến gần 55 người tử vong vì tai nạn giao thông.

tet4

Giao thông ở Hà Nội hôm 4/7/2017. AFP

Theo báo cáo nhanh của Cục Cảnh sát giao thông hôm 14/2, trong ngày 28 Tết, đã có 37 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 35 người và 20 người bị thương.

Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, tức 29 Tết, cả nước xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 28 người. Trong đó có 21 vụ tai nạn đường bộ khiến 19 người chết, bị thương 28 người. Đường sắt có 1 vụ tai nạn làm 1 người chết.

Trước đó, cũng theo Cục Cảnh sát giao thông trong 3 ngày, từ 25 đến 27 Tết, đã xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông, làm chết 73 người.

Ngoài ra, trong những ngày giáp Tết, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phạt tiền nhiều tỷ đồng, giam giữ nhiều phương tiện giao thông.

***********************

Lo ngại dịch cúm bùng phát dịp Tết (RFA, 15/02/2018)

Với ghi nhận hàng ngàn ca bệnh cúm trong tháng 1, Bộ Y tế đã họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm vào chiều ngày 13 tháng Hai.

tet5

Hình minh họa. Một phụ nữ cầm thuốc Tamiflu hôm 22/7/2009 ở một tiệm thuốc ở Paris. AFP

Tại cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Cũng tại cuộc họp, Sở Y tế Hà Nội cho biết, riêng tháng 1, TP Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao.

Theo ý kiến của đại diện một số bệnh viện, thời gian qua nhiều cơ sở y tế đồng loại kê thuốc Tamiflu cho bệnh nhân bệnh cúm nên dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoài thị trường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết thuốc Tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao.

Trước lo ngại thiếu thuốc Tamifu, ông Lương Ngọc Khuê kêu gọi người dân đừng hoang mang, ông cũng đền nghị các bệnh viện rà soát lại số thuốc Tamiflu, các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này.

Cũng trong ngày 13 tháng Hai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp trong dịp Tết.

Bà Kim Tiến cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỉ lệ chủng ngừa ít nhất 95% ở quy mô xã, phường.

Published in Việt Nam
vendredi, 16 février 2018 09:39

Chương trình đặc biệt đêm Giao Thừa

Nguồn : RFA, 16/02/2018

Published in Video