Thường thì nhắc tới "Tết", người ta thường mặc định đó là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, Tết Cổ truyền.
Các bạn trẻ viết thư pháp tại một con đường ở Sài Gòn trong dịp Tết 2018. RFA
Tết trong mỗi người là một thứ cảm giác khác nhau và mang những ý nghĩa khác nhau. Tết là sự sum vầy, ấm áp tình người, Nhưng Tết đối với một số là việc chuẩn bị, chi tiêu hao tài. Nhưng tóm lại, Tết truyền thống, còn có những kỷ niệm mà nhắc đến là người ta thấy vui trong lòng. Những điều này chỉ có Tết truyền thống mới có được. Cô Trần Minh Loan, Một Việt kiều Mỹ có dịp về Việt Nam đón tết 2018 chia sẻ :
Đối với người Việt Nam mình. Những ngày tết này lúc nào nó cũng nằm trong trí óc tuổi thơ những ngày Tết vui vẻ, chúc ông bà bà con hàng xóm. Nói túm lại rất là có ý nghĩa đối với người Việt mình. Mà nhất là đối với những người Việt tha hương nữa. Mình thấy người Việt mình ăn Tết vậy là thấy nhớ những cái năm về xưa á. Càng ngày càng thấy là càng nhộn nhịp tốt đẹp nữa. không khí tết rất là đẹp, rất là vui. Cảm thấy rất là vui vẻ.
Đối với cô Phạm Thị Tân, một người làm việc cho một nhà hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh cả những ngày Tết, Tết cổ truyền có những ý nghĩa lớn với cô về mặt thờ cúng tổ tiên. Tết cũng khiến gia đình cô Tân vui hơn khi con cháu trong nhà quây quần, chia sẻ với ba mẹ.
Phải thích Tết ta hơn vì cô phải thờ ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ là xưa giờ cúng kiếng sao đó là xưa giờ ta sao mình vậy. Còn giới trẻ bây giờ rất là thích Tết Tây vì nó vui hơn, ngắn hơn, nghỉ ngày hai ngày thôi còn Tết Ta mình mình rất là lâu. Có người nghỉ tới rằm mới đi làm. Về với ông bà cha mẹ, đi làm xa xôi ở thành phố, về với anh em, hội tụ thì nó vui hơn. Còn ở miền Nam này thì nhất là người các tỉnh tới đây làm ăn, thì cuối năm người ta phải về.
Cô thì có hai thằng con trai, hai con dâu, hai cháu nội, đứa con gái 20 mấy tuổi chưa lấy chồng. Tết thì "Má ơi đừng mua bánh tét, thì con mua về", đứa thì "Má ơi, con mua trứng rồi má đừng mua nha !" Thí dụ vậy, có hai đứa con dâu, thật sự rất là có hiếu, mua này mua kia cho vui vẻ gia đình à.
Tết thì thường thì 25 người ta đi tảo mộ. Gia đình cô thì 26 cô mới về Tây Ninh tảo mộ ông bà bên chồng. Lo bên chồng, tảo mộ xong xuôi thì hết nhiệm vụ trách nhiệm của 1 năm. Rất là vui.
Với Nguyễn Thiên Phú, một bạn sinh viên xa Huế để vào Thành phố Hồ Chí Minh theo học đại học thì Tết là dịp nghỉ dài ngày để có thể về quê thăm gia đình được lâu hơn.
Mình nghĩ là Tết Ta thì vẫn có ý nghĩa hơn đối với mình. Vì đó là dịp mà mọi người trong gia đình đều sum họp và mình được đi về quê nữa nên mình thấy nó ý nghĩa quan trọng hơn với mình. Cái Tết cũng không phải là dịp duy nhất mà đó là dịp duy nhất để mọi người trong dòng họ được tụ tập và gặp mặt đông đủ mọi người hơn, nên nó khá là đặc biệt.
Nếu đối với người Việt, Tết mang những giá trị truyền thống, mang tính ký ức và hoài niệm, thì đối với khách du lịch nước ngoài, Tết là một trong những đặc trưng văn hóa mới lạ khiến họ thích thú khi đến du lịch Việt Nam.
Dan Millard là một du khách đến từ UK, Anh. Trong lần đầu du lịch Việt Nam này, ông vô tình được trải nghiệm không khí tết tại Phố ông đồ, Quận 1 cho biết, cảm nghĩ của mình.
Ngày tết của các bạn thì rất khác biệt với những lễ hội khác mà tôi có dịp thấy trên thế giới. Được thấy người bản địa tổ chức tết truyền thống là một trong nhưng điều thú vị nhất khi du lịch. Khi đến một đất nước khác thì sự khác biệt văn hóa là một trong những lí do khiến tôi muốn du lịch để biết được những thứ khác nhau và trải nghiệm khác nhau ở một đất nước mới.
Nhưng dịp lễ này trông đầy sắc màu và sáng sủa. Có rất nhiều người mong muốn có trải nghiệp. Trước đây thì tôi chỉ có thể tưởng tượng đến dịp Giáng sinh tại Châu Âu thôi. Tức là dịp mà mọi người tặng quà cho nhau. Tôi thấy rất hào hứng và đầy năng lượng, mọi người trông rất vui. Thật khó lòng mà cảm thấy không vui và không thích thú trong không khí như vậy.
Cái Tết cứ đậm đà cảm xúc như thế đã bao đời nay và ý nghĩa giá trị của một cái Tết truyền thống vẫn vẹn nguyên với nhiều người. Đối với họ, nét văn hóa, truyền thống của Tết cổ truyền là những điều nên giữ lại.
Cô Loan và gia đình đã xa Việt Nam nhiều năm rồi, tuy nhiên gia đình vẫn cố gắng đón tết sao cho đầy đủ và giữ nguyên giá trị nhất.
Theo mình thì nên giữ, không nên bỏ bởi vì đúng ra theo mình thấy ở bên Mỹ, thì Tết truyền thống này người Việt bên Mỹ cũng rất là lớn, cũng mặc áo dài đi chùa, ca hát, chúc Tết ông bà, mua sắm bánh chưng bánh tét, mứt hay là tất cả những cái gì truyền thống của Việt Nam hồi xưa đó là bên Mỹ đều giữ mà làm giống như vậy. Nếu mình bỏ như vậy thì không còn ý nghĩa nữa. Mình nên giữ. Mà theo như bạn bè của mình ở bên đó nghĩ, khi mà nghe nói bỏ thì họ, có vài người cũng giận lắm. Không nên bỏ, mà bản thân của mình cũng thấy không nên bỏ vì đã gọi là truyền thống rồi thì mình nên giữ.
Có chứ, thường thường thì mình ở miền Tây thì tết cha mẹ hay kho một nồi thịt kho, dưa cải chua, bình thường là như vậy. nó rất có ý nghĩa với mình. Sự thật là đừng có nên bỏ. Theo mình nghĩ vậy.
Còn với Phú, Tết truyền thống là khoảng thời gian quý giá dành cho việc về quê, nghỉ ngơi, vui chơi. Do đó, bạn thấy không nên bỏ Tết truyền thống hay gộp Tết Tây, Tết Ta lại.
Thực sự đối với mình thì mình cũng không muốn gộp chung hai cái tết lại với nhau thì mình không có nhiều thời gian để đi chơi hay đi về quê. Thí dụ như là Tết Tây với Tết Ta gộp chung lại thì nó sẽ ít dần đi. Thời gian đi chơi, nghỉ ngơi nó cũng sẽ ít dần đi. Nên mình còn trẻ mà, mình muốn đi chơi nhiều lắm.
Du khách Dan Millard cũng chia sẻ cho biết, đối với anh việc giữ lại Tết truyền thống là cần thiết vì chính dịp này là lúc mọi người có nhiều thời gian hơn để ăn mừng cùng nhau. Hơn thế nữa, tổ chức tết còn khiến cho mọi người có nhiều năng lượng cho cả năm làm việc suôn sẻ hơn.
Theo tôi thấy thì Việt Nam cũng không có quá nhiều ngày lễ lớn, do đó việc có một dịp nghỉ dài ngày như vậy sẽ tạo điều kiện để mọi người chung vui với nhau. Và hãy nhìn vào kết quả từ việc Tết đem lại cho mọi người, nó đem lại một sự hứng khởi cho nguyên một năm sau đó. Nên ăn tết là việc tốt đấy chứ. Ý tôi là việc tổ chức Tết thì cần thiết cho mọi người có năng lượng làm việc được tốt hơn trong cả năm.
Ý nghĩa về một cái Tết trong lòng người Việt không phải là nhỏ. Những câu chuyện bàn cãi xung quanh nó sẽ còn tiếp nối hoài khi người ta còn trân trọng truyền thống lẫn với những lo toan hối hả của đời thường. Nhưng ở hiện tại, Tết vẫn là Tết, vẫn là dịp sum họp hết đỗi thân thương của hầu hết người Việt mà nhiều người muốn níu giữ.
Nguồn : RFA, 14/02/2018
Tết về, hoa mơ hoa mận nở trắng triền núi Tây Bắc, mai rừng vàng sắc nắng miền Nam. Dường như Tết ở vùng cao vẫn còn rất gần với thiên nhiên, đất trời. Sự gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, trời đất của người vùng cao biểu hiện trong tính thật thà, thân thiện và cả cái nghèo thê thiết, nghèo như một cái cây trút lá rùng mình đơm bông mà chẳng cần hỏi đất có phì nhiêu hay không. Cái Tết nghèo của người miền cao như một định mệnh, và họ sống vui với định mệnh ấy khiến cho người miền xuôi phải thấy chạnh lòng, thấy Tết miên man…
Một phụ nữ Cơ Tu - Courtesy TTVN
Bà Đinh Thị Tưởng, người dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam, chia sẻ : "Tết là thường thường thiếu gạo ăn, mất mùa, phải đi mua, may mà năm nay nhà nước có hỗ trợ gạo ăn Tết. Năm nay hơi mất mùa, thiếu gạo ăn…".
Bà Tưởng cho biết thêm là từ xưa tới giờ, từ thời ông cố, đến ông nội, rồi cha mẹ bà và bây giờ là bà, chẳng mấy ai biết mình tuổi con gì, và cũng chẳng mấy ai được ăn Tết cho ngon miệng giống như người miền xuôi. Với người miền núi, Tết về, chỉ cần có thêm một ít thịt là coi như quá sang trọng. Nhà nào sang một chút thì có thịt heo, nhà nào nghèo thì vẫn nuôi heo Tết nhưng để bán lấy tiền mua sắm áo quần, mứt, hạt dưa, bánh kẹo.
Những gia đình thiếu ăn thì thời gian gần đây, chính phủ Việt Nam hỗ trợ gạo và bánh kẹo để ăn Tết. Mỗi gia đình nghèo, khó khăn được chính phủ cho 10 ký gạo để ăn Tết, cũng có khi thêm mứt và hạt dưa. Và với ngần đó gạo, biết ăn nhín uống nhịn, biết siêng năng rình rập ngày đêm để bẫy chuột, bắt ếch, ra suối bắt cá về làm thịt và hong lên giàn bếp thì Tết sẽ có thêm món thịt hun khói, Tết sẽ ấm bụng và ngon hơn.
Bà Blong A Líu, dân tộc Cơ Tu, vùng núi cao Quảng Nam, chia sẻ : "Không có cái chi lấy chi mà ăn chừ. Đồ vật cũng không có, thứ chi cũng không có hết, nghèo khổ, họ có thì họ ăn chớ…".
Bà Blong A Líu nói rằng vài năm trở lại đây, thời tiết rừng núi lạnh quá, nhà cửa cũng tuềnh toàng hơn bởi ai có tiền thì mua xi măng về xây nhà, ai không có tiền thì làm nhà gỗ tạm bợ. Mà gỗ thì bị nhà nước cấm khai thác, phải xuống dưới đồng bằng để mua về nên làm nhà hết sức khó khăn. Cuối cùng, người nghèo như bà phải ở nhà tạm bợ, lạnh lẽo vì thiếu gỗ để che chắn, gió lùa bốn phía tường. Những đêm trời rét, bà phải đốt lửa trong nhà cả đêm để xua đi cái lạnh.
Tết về, bà nói rằng may mắn cho bà là tập tục người vùng cao rất hiếu khách và thơm thảo. Nhà nào nghèo thì cứ nhắm đến hàng xóm khá hơn mà sang ăn Tết. Tết đến, người khó khăn sẽ sang thăm người khá giả, ngồi chơi thật lâu, đợi đến bữa ăn thì cùng ngồi vào ăn một bữa no nê rồi lại ra về.
Ba ngày Tết, cứ đi lòng vòng các nhà khá giả mà thăm thú, chúc Tết, nhất định sẽ no bụng. Nhưng bà cũng nói thêm là bà chẳng muốn làm vậy, nghiệt nỗi khổ quá, hơn nữa dân trong bản làng đã có tập tục này nên bà cũng đỡ thèm ăn, đỡ tủi thân trong ba ngày Tết.
Anh Blong Vương Sĩ, người dân tộc thiểu số Cơ Tu, sống trên dãy Trường Sơn, rày đây mai đó, chia sẻ : "Trẻ, mấy đứa nhỏ thiếu quần áo, mùa lạnh đi học thiếu quần áo cũng là do điều kiện thiếu thốn. Thường thì nhịn ăn sáng để đi học, mặc vài ba cái áo thun nhỏ dồn lại để giữ ấm, đi học cũng xa, ba bốn cây số…".
Theo anh Blong Vương Sĩ, vấn đề áo ấm mặc vào mùa lạnh vẫn là vấn đề nhức nhối của người vùng cao. Vì công việc hằng ngày với thu nhập cao nhất là 200 ngàn đồng thì một số người đàn ông chủ chốt trong gia đình phải loay hoay làm lụng suốt năm mới đủ cơm ăn cho gia đình. Chuyện mua sắm áo Tết là một chuyện nan giải, đầy chông gai và thử thách cho người đàn ông. Bởi vậy, họ phải nhờ vào người phụ nữ nuôi con heo, con gà bán trong dịp Tết để mua sắm áo quần.
Nếu không may trời lạnh quá, heo, gà lăn ra chết thì cả nhà chỉ biết ứa nước mắt mà ra rừng tìm xác nó về để mổ thịt, đón Tết sớm. Cảm giác đáng sợ nhất của người vùng cao là phải đón Tết sớm bằng thịt heo, thịt gà chết lạnh. Ngược lại, nếu như heo, gà sống sót để bán Tết thì cả một con heo đen mà người đồng bằng gọi là heo mọi cũng chỉ bán được cao nhất là 500 ngàn đồng. Vì nhà buôn chỉ trả đến mức giá đó là cùng. Và với 500 ngàn đồng, khó mà mua đủ cho con cái vừa là áo ấm, vừa là áo quần Tết để ra Giêng mặc đi học.
Ông Blíu Ruk, thợ bóc vỏ cây, làm rừng thuê, chia sẻ : "Ba mươi bắt đầu mới mua đồ ăn, mua đồ quần áo chi đó…".
Với ông, dường như Tết chỉ bắt đầu từ Giao Thừa, và sang Mồng Bốn Tết thì ông cũng bắt đầu làm việc trở lại, có thể là đi bốc hàng thuê hoặc ai gọi gì làm nấy. Hiện tại, đã 24 tháng Chạp nhưng ông vẫn phải vác rựa vào rừng để làm cỏ cho keo lá tràm. Mỗi ngày được trả 150 ngàn đồng, cơm trưa chủ rừng cho ăn. Ông không thể nghỉ Tết sớm vì cần thêm tiền để mua áo quần Tết cho con.
Và với kinh nghiệm của một người nghèo, ông thường chọn mua áo quần cho con vào đêm 30 tháng Chạp, lúc đó ít ai mua áo quần Tết nên người ta sẽ bán rẻ hơn. Nhưng cũng có năm, đi muộn một chút, chợ vãng, chẳng còn ai bán áo quần, cha con ông phải đi bộ hàng chục cây số quay về nhà. Những lúc như vậy, ông thấy có lỗi với vợ con và chỉ biết khóc thầm.
Có thể nói rằng có thiên hình vạn trạng câu chuyện Tết nghèo, Tết sâu thẳm nỗi buồn rừng rú, Tết phong phanh áo mỏng đại ngàn, Tết miệt mài áo cơm thiếu thốn, Tết bẽ bàng ăn ké người thân… nơi rẻo cao khuất lấp. Bởi đời sống của người miền cao, cho dù có cố gắng, nỗ lực cách gì thì họ vẫn khó bề mà thoát nghèo, khó bề mà sung sướng.
Cái nghèo quanh quẩn người vùng cao, Tết về, dường như chỉ có cây rừng, hoa rừng, hương rừng là bầu bạn, tâm tình cùng những số phận nghèo khổ một cách chí thiết, thâm sâu. Thêm một cái Tết nữa đang về trên vùng cao !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Tết nguyên đán cổ truyền là thời điểm mà hầu hết mọi người dân Việt đều mong chờ, vì đó là dịp để sum vầy gia đình, gặp gỡ bạn bè, người thân để nhìn lại một năm đã qua đi và cùng nhau đón chào năm mới.
Người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh biểu tình hôm 12/12/2016 yêu cầu chính quyền trả tiền đền bù do thảm họa Formosa. Hình thính giả gửi RFA
Tuy nhiên, đối với nhiều người dân ở khu vực xảy ra thảm họa môi trường Formosa, Tết bây giờ không còn là niềm háo hức nữa mà thay vào đó là nỗi lo toan về chén cơm manh áo và gánh nặng kinh tế kể từ khi thảm họa cướp đi kế sinh nhai của họ.
Những bài phóng sự trước đây chúng tôi đã đề cập đến chuyện hầu hết các cơ sở hải sản khô và đông lạnh ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nơi xảy ra thảm họa Formosa năm 2016, đều chưa được bồi thường. Họ phàn nàn rằng mặc dù đã kêu cứu khắp nơi từ trung ương đến địa phương nhưng cơ quan chức năng đều đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Mấy tháng sau đó, chúng tôi tiếp tục liên lạc với những hộ dân này để hỏi về tình hình bồi thường và được họ cho biết rằng vào chiều ngày 7 tháng 2, cơ quan chức năng đã bồi thường 30% tiền cho các cơ sở hải sản khô, đông lạnh. Ông Bình, một chủ cơ sở hải sản khô ở Hà Tĩnh, cho chúng tôi biết :
Chiều nay mới nhận được 30% tiền cá khô, tủ đông chứ còn tiền sứa chúng tôi chưa nhận được. Một số hộ làm nghề dịch vụ cá nhận được hơn 17 triệu.
Còn 70% nữa thì trong văn bản quyết định không thấy nói đến.
Những hàng hải sản làm từ cá như ruốc cá cách đây mấy năm kể từ trước thảm họa vẫn chưa được đền bù.
Ông Bình cũng cho biết rằng cuộc sống gia đình ông hiện tại "tuy không chết đói, nhưng cũng rất gian nan vất vả". Trước đây khi chưa xảy ra thảm họa, gia đình ông làm ăn khấm khá, không phải lo gánh nặng cơm áo. Còn bây giờ, ông vẫn theo nghề buôn bán hải sản khô nhưng hàng không bán được vì cứ nhắc đến khu vực Formosa là người ta sợ không dám ăn. Cuộc sống gia đình ông bấp bênh với nhiều khoản nợ từ ngân hàng :
Đang còn tồn đọng các vấn đề như tiền gốc, tiền lãi của Nhà nước bởi vì làm ăn phải có vay mượn giao dịch lớn.
Chúng tôi tìm đến tỉnh Quảng Bình, là một trong 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng nề từ thảm họa Formosa, và được những hộ buôn bán hải sản cho biết họ đã được đền bù mỗi người hơn 16 triệu đồng từ năm ngoái. Nhưng số tiền đó chỉ đủ cho gia đình họ sinh hoạt 2 tháng, rồi cuộc sống lại bấp bênh vì không có tiền mà công ăn việc làm cũng không có.
Bà Huynh, chủ một cửa hàng bán hải sản ở Quảng Bình cho biết hoàn cảnh gia đình bà hiện nay :
Nhà mình hiện vẫn buôn bán hải sản nhưng ruốc, mắm ứa lại nhiều quá bán không được. Người ta cứ nói đồ Formosa, không ai ăn mấy nên đồ ứa lại nhiều lắm.
Buôn bán kiếm được đồng nào ăn đồng đó chứ trong gia đình cũng bật chật, vất vả quá nhiều !
Cũng giống như ông Bình, bà Huynh đang mắc nhiều khoản nợ với ngân hàng mà trước đây vay để buôn bán. Bà nói rằng bây giờ không đủ sức trả tiền lãi, huống chi là tiền gốc. Cuộc sống của gia đình bà rất căng thẳng, vất vả và phập phồng trong nỗi lo nợ nần.
Tại một địa phương khác cũng trong diện chịu thiệt hại đó là tỉnh Quảng Trị, người dân cũng nói với chúng tôi điều tương tự đó là cuộc sống của họ kể từ sau thảm họa hết sức khó khăn, không tiền, không công ăn việc làm với những khoản nợ kếch xù lãi mẹ đẻ lãi con
Gia đình chị Mỹ ở Quảng Trị làm nghề hấp sấy hải sản. Khi thảm họa xảy ra, gia đình chị chịu nhiều ảnh hưởng nhưng không được chính quyền xếp vào danh sách được bồi thường. Chị Mỹ cho biết :
Nhà chị làm lò hấp sấy cá, cũng buôn bán bị thiệt hại nhưng không thấy Nhà nước hỗ trợ. Nhà chị cũng đưa đơn đề nghị Trung ương bồi thường hấp sấy cá.
Giờ không đi biển được vì đi biển không có gì. Lò hấp cũng để không vậy đó. Nói chung hoàn cảnh khó khăn lắm vì có làm gì ra tiền đâu. Đi biển không được, ở nhà không có cá mà sấy.
Tỉnh Quảng Bình ngày 5/12/2017 đã tổ chức họp Hội đồng Bồi thường Thảm họa Môi trường biển Formosa cho các đối tượng còn tồn đọng. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Lê Minh Ngân nói rằng việc bồi thường cho những người còn lại phải hoàn thành trước ngày 31/12 năm 2017. Đối với những trường hợp không được phê duyệt, ông Ngân yêu cầu hủy quyết định bồi thường.
RFA đã liên hệ với chính quyền các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cũng như chính quyền xã Thạch Bằng và xã Lộc Hà thuộc tỉnh Hà Tĩnh (hai địa phương có nhiều hộ nói chưa được bồi thường), tuy nhiên họ đều cáo bận hoặc cúp máy. Riêng có ông Lương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết ngắn gọn là việc bồi thường đã hoàn thành cơ bản, rồi từ chối bình luận thêm :
Cũng [hoàn thành bồi thường] cơ bản thôi ! Có gì chị lên cơ quan, tôi có việc chút, có gì trao đổi sau !
Ngày Tết nguyên đán đến gần, chúng tôi hỏi thăm ông Bình chuẩn bị Tết được đến đâu, ông thở dài bảo rằng "ngày xưa ăn Tết cả mười năm thì giờ mười năm mở Tết một lần". Ngày Tết sắp đến nhưng trong gia đình ông chỉ nặng trĩu một nỗi lo làm sao trả nợ và làm sao để kế sinh nhai ổn định lại như xưa :
Đồng tiền mà dôi ra thì việc khác còn vui vẻ, bây giờ đồng tiền không có mình cũng chỉ biết tiết kiệm thôi chứ biết van ai đây.
Bà Huynh cũng mang một nỗi buồn tương tự khi xuân đến Tết về :
Chưa có gì chuẩn bị cả mà Tết đến nơi rồi. Năm nay khó khăn quá. Vay nợ ngân hàng thì chưa có trả.
Khi được hỏi về mong ước của bà cho năm mới sắp tới, bà Huynh cũng chỉ đau đáu một điều là làm sao trả được hết nợ ngân hàng để cuộc sống gia đình bà được thanh thản hơn :
Sang năm mới mình mong muốn cấp trên tạo điều kiện để bán được hết mắm, ruốc lấy tiền trả ngân hàng. Chứ nước mắm ứ nhiều quá không có tiền trả cho ngân hàng mà tiền lãi lên nhiều quá.
Còn với ông Bình, ước nguyện của ông là Việt Nam không còn xảy ra những thảm họa môi trường tương tự nữa để người dân không phải chịu thêm nỗi thống khổ. Ngoài ra, ông cũng mong cơ quan chức năng bồi thường cho thỏa đáng với những thiệt hại, mất mát to lớn mà Formosa đã mang lại cho người dân.
Tỉnh Quảng Bình từng cho biết tính đến ngày 4/12/2017, đã giải ngân gần 2.700 tỷ đồng tiền bồi thường cho các nạn nhân thảm họa Formosa. Số này tương đương 99% số tiền được phê duyệt.
Thảm họa môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ từ tháng tư năm 2016 do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra. Thảm họa làm cá chết hàng loạt nổi trắng ven biển, khiến hàng trăm ngàn người dân mất sinh kế. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã từng yêu cầu việc đền bù phải hoàn thành trước ngày 30/6/2017.
RFA tiếng Việt, 08/02/2018
HRW yêu cầu Việt Nam chấm dứt đàn áp tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo (RFI, 09/02/2018)
Trên nguyên tắc hôm 09/02/2018, một tòa án tại tỉnh An Giang ở miền Nam Việt Nam mở phiên xét xử 6 người về tội danh "gây rối trật tự công cộng". Tuy nhiên, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch vào hôm 08/02 đã xem đấy là một hành vi đàn áp tôn giáo, cụ thể là nhắm vào tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay cho các bị cáo và chấm dứt "đàn áp các nhà hoạt động tôn giáo".
Trong bản thông cáo báo chí công bố tại New York, Human Rights Watch cho rằng chính quyền Việt Nam cần hoãn việc xét xử sáu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nói trên và điều tra xem việc đưa họ ra tòa "có phải vì nguyên nhân kỳ thị hay đàn áp tôn giáo" hay không.
Những người bị đưa ra xét xử là nguyên một gia đình 4 người gồm một cặp vợ chồng đã trên 50 tuổi, và hai người con một trai, một gái hơn 30 tuổi, cùng với hai người khác.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Mỹ, họ đã bị bắt giữ sau khi khởi xướng một cuộc biểu tình để phản đối các hành vi của Công An nhằm vào các tín đồ ở tỉnh An Giang đang trên đường đi dự đám giỗ bà mẹ một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo.
Human Rights Watch ghi nhận việc Công An vẫn thường xuyên sách nhiễu các thành viên độc lập của nhóm tôn giáo thiểu số thuộc Phật Giáo Hòa Hảo, "vốn có quá trình hiềm khích với nhà nước từ rất lâu".
Nhận định về phiên tòa, ông Brad Adams, giám đốc Châu Á của tổ chức nhân quyền Mỹ cho rằng : "Vụ việc có vẻ là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền" nhắm vào Phật Giáo Hòa Hảo. Đối với ông : "Chính quyền cần chấm dứt sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không được đăng ký và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình."
Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo được chính thức công nhận tại Việt Nam, nhưng có nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo Hội được Nhà Nước công nhận. Theo HRW, những người này do vậy thường bị đàn áp và theo dõi gắt gao, với việc công an địa phương sử dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn, không cho họ tụ tập nhận các dịp quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập.
Mai Vân
******************
Một tòa án ở tỉnh An Giang hôm 9/2 đã kết án 6 tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Thuần túy tổng cộng 24 năm tù, trong đó có 4 người trong cùng một gia đình.
Các bị cáo bao gồm ông Bùi Văn Trung, 6 năm tù ; Bùi Văn Thâm, con trai ông Trung, 6 năm tù ; Bùi Thị Bích Tuyền, con gái ông Trung, 3 năm tù ; bà Lê Thị Hên, vợ ông Trung, 2 năm tù treo ; và hai người khác là Nguyễn Hoàng Nam 4 năm tù, và Lê Hồng Hạnh, 3 năm tù.
Một thành viên của gia đình ông Trung cho VOA biết sau khi kết thúc phiên xử rằng chính quyền dùng cớ "gây rối trật tự công cộng" để sách nhiễu sinh hoạt tôn giáo :
"Họ mượn cái cớ kiểm tra hành chánh, giao thông, rồi họ quy chụp cho mình tội gây rối trật tự công cộng, nhưng thật chất là đàn áp tôn giáo. Họ đánh chảy máu, lấy giấy tờ xe, lấy xe, vậy mà trái lại còn đổ thừa, quy chụp là gây rối. Bản án này là quá nặng đối với gia đình và đồng đạo".
Ông Bùi Văn Thâm bị cáo buộc phạm tội "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 của Bộ luật Hình sự và "chống người thi hành công vụ" theo điều 257. Năm người còn lại bị cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".
Chính quyền Việt Nam công nhận Phật giáo Hòa Hảo là tôn giáo chính thức, nhưng nhiều tín đồ từ chối tham gia Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận.
Ông Nguyễn Văn Điền, Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy nói với VOA rằng phiên tòa ngày 9/2 là bất hợp lý và vô nhân đạo :
"Việc bắt và xử án gia đình ông Bùi Văn Trung, những người chỉ phản ảnh việc người dân đến tham dự bữa cúng giỗ tại nhà mà bị công an ngăn chặn mà bị đến 6 năm tù là rất quá đáng. Phiên tòa này, cũng như phiên tòa của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Vương Văn Thả, là hoàn toàn không có công lý và vô nhân đạo".
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 8/2 nói các tín đồ của Giáo hội Phật giáo Thuần túy bị đàn áp và theo dõi gắt gao, và rằng công an địa phương dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập tụ tập vào những dịp quan trọng như ngày thành lập giáo phái, hay ngày giỗ người sáng lập.
Con gái của một trong những người bị bắt giam nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái rằng gia đình cô thường xuyên bị công an đến "sách nhiễu gây rối", cụ thể ngày 26/6, công an bao vây nhà ông Trung, không cho ai ra khỏi nhà.
"Lý do là trước đây các đồng đạo có đến nhà dự đám giỗ nhưng bị ngăn chặn, sách nhiễu, làm khó. Gia đình có ra can thiệp nói chuyện với họ. Vụ bắt giam này là rất vô lý. Gia đình chỉ có tổ chức làm đám giỗ thôi, nhưng công an huyện An Phú và xã Phước Hưng nhiều lần đến sách nhiễu gây rối. Cuối cùng họ áp đặt, gài tội chứ thật chất gia đình không có gây rối trật tự. Chính các công an mới gây rối trật tự, chứ người trong đạo không gây rối trật tự".
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này.
Ông nói thêm : "Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình".
Trước đây, Bùi Văn Thâm từng bị bắt vào tháng 7/2012 và bị kết án tù 30 tháng với tội danh "chống người thi hành công vụ" ; ông Bùi Văn Trung bị bắt vào tháng 10/2012 và bị kết án tù 04 năm với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và "chống người thi hành công vụ".
*******************
Việt Nam cần hoãn phiên xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, đồng thời điều tra xem các hành động của công an nhằm vào những tín đồ này được thực hiện có phải do phân biệt đối xử hoặc đàn áp tôn giáo hay không.
Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung - Courtesy FB Đạo Tràng Út Trung
Đây là nội dung được Tổ chức Theo dõi nhân quyền Human Rights Watch đưa ra ngày 8/2/2018, một ngày trước khi phiên xử 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo được dự kiến diễn ra tại Tòa án Nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng vụ xử là biểu hiện mới nhất về chủ trương đàn áp của chính quyền nhằm vào các thành viên nhóm tôn giáo này. Ông nói thêm :
"Chính quyền cần chấm dứt việc sách nhiễu và bắt bớ những người tham gia các nhóm tôn giáo không theo phái nhà nước và để cho người dân thực hành tín ngưỡng theo ý mình".
Sáu tín đồ Phật giáo Hòa Hảo sẽ bị đưa ra xử theo kế hoạch gồm ông Bùi Văn Trung (còn gọi là Út Trung) 54 tuổi ; vợ ông là bà Lê Thị Hên, 56 tuổi ; con gái ông là Bùi Thị Bích Tuyền, 36 tuổi ; con trai ông là Bùi Văn Thâm, 31 tuổi ; Nguyễn Hoàng Nam, 36 tuổi ; và Lê Hồng Hạnh, 41 tuổi. Trong đó ông Bùi Văn Thâm bị cáo buộc về tội "gây rối trật tự công cộng" theo điều 245 của bộ luật hình sự và "chống người thi hành công vụ" theo điều 257. Năm người còn lại bị cáo buộc tội "gây rối trật tự công cộng".
Vụ việc liên quan 6 người vừa nêu xảy ra vào ngày 18/4/2017, khi cảnh sát giao thông và nhiều người mặc thường phục đã dựng chốt chặn gần nhà ông Bùi Văn Trung ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, để chặn xét và thu giữ giấy tờ của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập mà không trả lại.
Tình trạng tiếp diễn sang đến ngày 19 tháng tư, khiến ông Bùi Văn Trung và mấy chục đồng đạo khác phải mang khẩu hiệu ra khỏi nhà biểu tình chống tình trạng sách nhiễu của lực lượng chức năng địa phương đối với sinh hoạt tinh thần của các tín hữu Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự, tức nhóm mà họ cho là do Nhà nước Việt Nam dựng lên.
Sau đó, vào ngày 26 tháng sáu năm 2017, ông Bùi Văn Trung và con trai bị công an, an ninh bắt đi mà không hề đọc lệnh bắt.
Trong những năm gần đây, có nhiều vụ việc biểu tình và chính quyền tấn công có đối tượng chính là các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Trự do Hà Nội lập nên.
Ông Brad Adams cho biết "Ba thành viên trong gia đình ông Bùi Văn Trung đã từng phải thụ án tù chỉ vì họ từ chối không thực hành tôn giáo của mình dưới sự kiểm soát của nhà nước. Và giờ đây có vẻ chính quyền lại đang đưa ông và các thành viên trong gia đình ông ra xử với cùng lý do đó".
*******************
Tòa án huyện An Phú, tỉnh An Giang thông báo sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm đối với hai cựu tù nhân lương tâm, là cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy cùng 4 đồng đạo vào sáng ngày 9 tháng Hai tới đây. Cáo buộc đối với họ gồm "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công cộng".
Cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Trung cùng đồng đạo biểu tình tại gia phản đối chính quyền địa phương ngăn chặn, sách nhiễu trong một lễ giỗ của gia đình. Courtesy : anhbasam
Vụ việc xảy ra vào hôm 19/04/2017 tại trước cửa nhà của cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo-cựu tù nhân lương tâm Bùi Văn Trung, ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.
Một số đồng đạo đến dự lễ giỗ ở nhà ông Trung bị một nhóm người sách nhiễu bằng việc chặn xe trong lúc họ đến, cũng như khi họ ra về. Con gái ông Trung là cô Bùi Thị DiễmThúy cho biết nhận diện được hai an ninh thường xuyên theo dõi các sinh hoạt của gia đình trong nhóm côn đồ vừa nêu.
Cựu tù nhân lương tâm, bà Mai Thị Dung kể lại trong lúc sắp đến nhà ông Trung, còn khoảng 70 mét thì nhìn thấy một đồng đạo khác bị nhóm côn đồ chặn xe lại. Xe của bà bị cản đầu và giật chìa khóa xe, thậm chí đòi kiểm tra giấy tờ xe. Vụ việc diễn ra có sự chứng kiến của cảnh sát giao thông công an xã nhưng họ không can thiệp. Gia đình ông Trung cùng các đồng đạo khác từ trong nhà chạy đến lớn tiếng phản đối việc làm của những người này và cho rằng đó là hành động của chính quyền đàn áp tự do tôn giáo.
Trong lúc xảy ra giằng co giữa nhóm cô đồ với các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo độc lập, không theo ban trị sự của quốc doanh, thì cảnh sát giao thông mới đòi kiểm tra giấy tờ xe của các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, nhưng không có hành vi xử lý nào đối với nhóm côn đồ. Cô Bùi Thị Bích Tuyền, con gái của ông Trung vào sáng ngày 6 tháng Hai nói với RFA rằng mặc dù những người bị kiểm tra giấy tờ xe đều có đầy đủ giấy tờ hợp lệ và không bị vi phạm giao thông, nhưng có hai người bị tịch thu xe :
"Họ lấy xe của cô Dung và của ông Bảy. Xe của cô Dung thì đóng phạt. Còn xe của ông Bảy thì lấy luôn tới giờ không trả lại. Người ta lên lấy xe thì an ninh chặn đường ngay khúc vắng, quánh người ta bầm dập luôn. Cho tới giờ người ta sợ không dám lấy xe luôn".
Cô Bích Tuyền cho biết một số đồng đạo khác tuy không bị lấy xe nhưng có người bị đánh.
Vụ việc không dừng lại ở đó. Vào ngày 26 tháng Sáu năm 2017, cựu tù nhân lương tâm, ông Bùi Văn Trung và con trai, cựu tù nhân lương tâm Bùi Văn Thâm bị công an, an ninh bắt đi. Cô Bích Tuyền kể lại :
"Đứa em chở cha đi đám giỗ ông nội bên Phú Hội. Sau khi dự đám giỗ và lúc ra về, cách chỗ đó khoảng mười mấy căn nhà là cả mấy chục đến cả trăm người ập đến bắt cóc, rồi thảy lên xe chở đi, chứ không đọc lệnh bắt gì hết".
Sau đó, cô Bùi Thị Bích Tuyền và mẹ là bà Lê Thị Hên bị công an địa phương gửi giấy triệu tập. Tuy nhiên, cả hai người bị nhận lệnh khởi tố. Cô Bùi Thị Diễm Thúy cho biết :
"Họ mời mình là ‘có nghĩa vụ liên quan’, nhưng đến lần sau là họ đưa giấy khởi tố mình luôn. Lúc đó bà mẹ bị bệnh do áp lực của họ và mẹ cũng bị bệnh tim. Họ mời lên làm việc, nhưng sức khỏe mẹ không có nên mẹ không đi được. Họ đưa giấy khởi tố mẹ, nhưng mẹ không đi đến nhận được nên họ mang đến gia đình".
Không chỉ 4 thành viên trong gia đình cựu tù nhân lương tâm, cư sĩ Bùi Văn Trung bị truy tố với cáo buộc "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công cộng", mà có có hai đồng đạo là cư sĩ Nguyễn Hoàng Nam và cư sĩ Lê Hồng Hạnh cũng đã bị bắt giam trong cùng vụ án.
Hiện, ông Bùi Văn Trung và ông Nguyễn Hoàng Nam bị giam tại trại giam ở huyện An Phú, bà Lê Hồng Hạnh bị giam ở thành phố Long Xuyên, anh Bùi Văn Thâm bị giam ở thành phố Châu Đốc. Bà Lê Thị Hên và cô Bùi Thị Bích Tuyền được tại ngoại chờ ngày ra tòa.
Đài RFA liên lạc với Luật sư Nguyễn Mạnh Phong, một trong ba luật sư bào chữa cho 4 thành viên gia đình ông Bùi Văn Trung, vào tối ngày 6 tháng Hai và được cho biết phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra vào 7 :30 sáng ngày 9 tháng Hai tới đay, tại tòa án huyện An Phú. Luật sư Nguyễn Mạnh Phong cho biết đã tiếp xúc được với ông Trung và anh Thâm trong trại giam, sức khỏe của họ bình thường và họ phản đối việc làm của chính quyền địa phương.
Xin được thưa thêm, cư sĩ Bùi Văn Trung và con trai Bùi Văn Thâm vào tháng 7 năm 2012 đã từng bị chính quyền địa phương bắt cóc sau khi họ cùng các đồng đạo biểu tình tại gia phản đối lực lượng chức năng địa phương ngăn chặn, sách nhiễu và đánh đập các đồng đạo tập trung cúng giỗ tại đạo tràng của gia đình ông. Ông Bùi Văn Trung bị kết án 4 năm tù giam vì tội "chống người thi hành công vụ" và "gây rối trật tự công cộng", theo Điều 257 và 245 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Ông Bùi Văn Trung mãn án vào tháng Mười năm 2016. Anh Bùi Văn Thâm bị kết án 2 năm 6 tháng tù giam và mãn án hồi cuối tháng Giêng năm 2015.
Con rể của ông Bùi Văn Trung, anh Nguyễn Văn Minh cũng bị tuyên án 2 năm 6 tháng tù giam, vì tội "chống người thi hành công vụ" trong vụ án được dư luận đặt tên "hai xe máy đi hàng ba" cùng với cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Thúy Quỳnh. Họ bị bắt vào ngày 11 tháng 2 năm 2014, rồi bị xử sơ thẩm vào ngày 26 tháng 8 và phúc thẩm ngày 5 tháng 12 cùng năm.
Hòa Ái
*******************
Chức sắc tôn giáo bất đồng bị sách nhiễu (RFA, 06/02/2018)
Nhiều chức sắc tôn giáo không theo phái nhà nước tại Việt Nam lâu nay bị sách nhiễu, bị đàn áp.Và tình trạng đó tiếp tục diễn ra.
Chánh trị sự Hứa Phi (trái) và cư sĩ Nguyễn văn Điền (phải). Photo courtesy of sbs.com.au
Trường hợp mới nhất được ghi nhận là đối với ông Hứa Phi, Chánh trị sự Trưởng Khối Nhơn Sanh Cao Đài Chơn Truyền tại Lạc Dương, Lâm Đồng. Ông này cho biết bị đấu tố, bị ép lên gặp công an làm việc vào những ngày đầu năm 2018 vừa qua với lý do sau :
"Chung qui là do đạo Cao Đài quốc doanh do đảng cộng sản dựng lên để điều khiển đạo Cao Đài, nên tôi phản đối, họ đưa ra đấu tố tôi khiếm diện".
Theo Chánh trị sự Hứa Phi, từ ngày 12 tháng 1 năm đến ngày 28 tháng 1 năm 2018, ông đã nhận tổng cộng 7 giấy mời và giấy triệu tập yêu cầu ông lên gặp công an để trả lời việc đã "xúc phạm dân tộc và cung cấp tin tức không đúng sự thật", nhưng ông đã từ chối không đi gặp vì cho rằng lý do họ nêu trên tất cả các giấy mời là sai.
Không dừng lại ở đó, họ dùng hình thức ép buộc ông phải lên công an làm việc :
"Tôi thấy sai vì người ta nói tôi phát ngôn xúc phạm dân tộc Việt Nam. Tất cả các giấy (mời) đều ghi như vậy.
Đến ngày 29 tháng 1 năm 2018, công an huyện Đức Trọng đem taxi đến buộc tôi phải lên công an làm việc. Tôi là một công dân nên người ta áp lực quá tôi phải đi. Lên trên đó thì họ nói tôi đã trả lời trên phương tiện truyền thông quốc tế 29 lần, gặp gỡ các phái đoàn quốc tế 26 lần nên tôi phải làm việc với ông".
Ông cũng cho biết thêm là trong buổi làm việc có 8 công an tỉnh, 4 công an huyện, và một số công an xã. Một mình ông phải làm việc với chừng đó công an nên ông cảm thấy rất áp lực, và ông đã bị xỉu, họ lập tức dùng xe taxi đưa ông trở về nhà.
Chúng tôi gọi điện thoại liên lạc với công an huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để hỏi sự việc như trình bày của ông Hứa Phi. Tuy nhiên điện thoại bị chuyển sang chế độ nhận fax. Hai lần sau đó thì bên phía công an không nghe máy.
Bên cạnh chuyện chức sắc đạo Cao Đài không theo phái nhà nước lập nên bị đàn áp, sách nhiễu như trường hợp ông Hứa Phi tại Lạc Dương, Lâm Đồng ; một số vị thuộc các tôn giáo khác cũng gặp đối xử tương tự. Đơn cử như các mục sư Hội Thánh Tin Lành tư gia và ngay cả chức sắc những giáo hội Phật giáo, Công giáo nếu họ công khai lên tiếng về các vấn đề xã hội, chính sách của Đảng và Nhà Nước.
Tình trạng đàn áp đôi khi cũng nhằm vào các dịp lễ của đạo. Ông Nguyễn Văn Điền, một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy ở An Giang cho biết :
"Khi mà trong đạo có những ngày hội họp hoặc ngày lễ thì họ mới thẳng tay đàn áp, còn bình thường thì cũng không có gì".
Và cách đàn áp của chính quyền có thể là "bắt bớ, ngăn chặn không cho mình đi lại, có thể họ bao vây nhà cửa hoặc dùng vũ lực để đánh đập. Những điều đó thường xuyên xảy ra".
Dù bị đàn áp, bị đánh đập nhưng qua cách nói chuyện, chúng tôi không hề cảm nhận sự hận thù nơi họ, mà điều họ mong ước là một ngày mai tốt đẹp hơn cho người Việt Nam trên đất nước Việt Nam như lời trần tình của Chánh Trị Sự Hứa Phi :
"Chủ thuyết cộng sản là chủ thuyết vô thần. Mặc dù hôm nay chúng tôi bị đàn áp nhưng chúng tôi tin tưởng rằng Đấng thiêng liêng sẽ phù hộ cho tất cả những người đấu tranh cho lẽ phải. Và Đức Chúa, Đức Phật, Đức Kito sẽ ban bố hồng ân cho những người cộng sản cảnh tỉnh quay về với dân tộc Việt Nam để dân tộc Việt Nam bớt đau khổ".
Hiến Pháp Việt Nam qui định người dân có quyền tự do tín ngưỡng. Quan chức Việt Nam khi phát biểu trước cộng đồng quốc tế luôn thừa nhận điều đó ; tuy nhiên trong thực tế nếu bất cứ ai không thuận theo Nhà Nước thì quyền tự do hành đạo của họ sẽ bị xâm phạm với những cáo buộc mà người trong cuộc cho là ngụy tạo.
Diễm Thi
Thêm một trường hợp nguyên bí thư vừa bị Trung ương cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức "cách chức" bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015, đó là ông Lê Phước Thanh, nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) tại tòa án ở Hà Nội hôm 24/1/2018. AP
Ý nghĩa và tác dụng của những quyết định kỷ luật theo hình thức này được ghi nhận như thế nào trong giai đoạn có rất nhiều ý kiến nói rằng cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay thực chất là ‘đấu đá nội bộ’ ?
Hình thức kỷ luật bằng cách "cách chức" bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, bí thư Ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2011 – 2016, không phải là trường hợp đầu tiên.
Vào ngày 2/11/2016, trong cuộc họp cũng do chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì đã đưa ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Sau đó, tháng Giêng năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết xoá bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 mà ông Vũ Huy Hoàng từng đảm nhiệm do đã buông lỏng kỷ luật ở Bộ Công Thương, dẫn đến các đơn vị do Bộ này quản lý không thực hiện đúng quy định về tuyển mộ và bổ nhiệm nhân viên.
Khi những sự việc này được truyền thông trong nước loan tin, rất nhiều phản hồi từ người dân đặt câu hỏi : "Cách chức 1 chức vụ không còn đảm đương nữa để làm gì ?" ; hoặc có người ý kiến cho rằng : "Giờ đã nghỉ hưu rồi, cách chức có tác dụng gì đâu, chẳng qua chỉ là một hình thức không hơn không kém !"
Giải thích về điều này, luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Trưởng ban Quốc hội cho biết đây là một hình thức mới, xuất hiện trong thời gian vài năm trở lại đây.
"Dĩ nhiên có người thấy lạ, nhưng đó là 1 hình thức kỷ luật mới. Trong tiếp xúc cử tri, các người lãnh đạo cũng giải thích đây là hình thức kỷ luật mới.
Nhưng việc kỷ luật đó là việc của bên Đảng".
Trước đây, nói về quyết định kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá từng trả lời báo trong nước rằng "đây là lần đầu tiên" xảy ra việc cách chức một cán bộ quản lý cấp cao, đứng đầu một bộ khi không còn đương vụ.
Tuy nhiên, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng thì có suy luận khác. Ông nhìn sự việc này và đặt tên cho sự việc này là "con mắt khôi hài của nhân gian" :
"Tức là lấy đi một cái mà người ta không có. Và điều này trở nên 1 cái khôi hài trong con mắt của nhân gian. Trong những ngày vừa thì dư luận bàn tán rôm rả sôi nổi về việc này và đúng là phải thấy nó buồn cười. Buồn cười vì Đảng tìm cách lấy đi những gì người ta không còn có nữa".
Không chỉ thế, Luật sư Trần Quốc Thuận có nhấn mạnh thêm về góc độ pháp lý, đó là việc cách chức là giai đoạn đầu của hình thức kỷ luật, sẽ có những xử phạt kế tiếp tuỳ theo mức độ vi phạm.
"Nếu sai phạm nặng hoặc nghiêm trọng và gây thất thoát thì đôi khi cũng có thể dẫn đến bị xử về hình sự".
"Thẩm quyền Đảng" là cách luật sư Trần Quốc Thuận giải thích về quyền lực của cơ quan quyết định áp dụng hình thức kỷ luật cho những vi phạm của Đảng viên. Ví dụ như Đảng viên tham gia xã hội dân sự hay đòi hỏi tam quyền phân lập đều bị cho là những vi phạm.
"Những chuyện đó (vi phạm) ngoài xã hội là chuyện bình thường nhưng trong Đảng thì có những qui định khác, khắc nghiệt hơn. Đảng tự đặt cho mình những quyền có thể không phù hợp với luật khác, nhưng đó là do Đảng tự đặt ra cho mình".
Cho đến sự việc thứ hai là trường hợp ông Lê Phước Thanh, Ban bí thư áp dụng hình thức kỷ luật tương tự vào báo chí truyền tải thông tin này với ngôn từ tương tự, đó là "cách chức".
Không đồng tình với cách gọi này, nhà báo tự do Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cho rằng theo ông, đây là cách dùng từ sai.
"Tôi nghĩ nếu gọi đúng thì dùng từ là tước hàm. Đối với ông Lê Phước Thanh là tước hàm Bí thư, hoặc như ông Vũ Huy Hoàng trước đây là tước hàm Bộ trưởng".
Bên cạnh đó thì nhà báo Trương Duy Nhất cũng có cùng nhận định với Luật sư Trần Quốc Thuận khi cho hình thức kỷ luật này chỉ xuất hiện gần đây. Nhưng, bằng cách phân tích cụ thể và thực tế hơn, nhà báo Trương Duy Nhất chia sẻ về tính chất của việc "tước hàm" chức vụ của 1 người đã từng có trong quá khứ.
"Tức là bây giờ anh không còn những bổng lộc, định xuất mà anh đương nhiên được hưởng ở những cái hàm đó khi anh về hưu rồi nhưng anh vẫn được. Là tước đi mọi những quyền lợi về tiền bạc, về danh dự, danh xưng mà trước đây anh được hưởng trên cương vị đó".
Trước đây, khi ông Vũ Huy Hoàng bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư cán sự đảng Bộ Công thương trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016, ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong phiên họp chất vấn đại biểu sau đó thừa nhận rằng có rất nhiều khó khăn.
Tương tự, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá trả lời báo trong nước rằng cách xử lý như thế đối với ông Vũ Huy Hoàng là "nhằm thực hiện ý nguyện của nhân dân, là xử lý nghiêm những sai phạm không có vùng cấm, không từ ai, khi có vi phạm phải bị xử lý, cả khi đương chức cũng như khi đã về hưu".
Đây cũng chính là ghi nhận của nhà báo Trương Duy Nhất khi đánh giá về hình thức kỷ luật này. Theo ông, nó vẫn có những tác động tích cực.
"Nó sẽ tạo ra 1 tiền lệ là không có khái niệm hạ cánh an toàn nữa".
Nhà báo Trương Duy Nhất cho rằng với cái mà dư luận hay gọi là đấu đá trong nội bộ Cộng sản, hoặc có thể gọi là đấu tranh chống tham nhũng, thì đối với những nhân vật đã nghỉ hưu rồi, họ từng được coi như hạ cánh an toàn. Nhưng bây giờ thì không. Và theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng tích cực đến công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
"Anh có nghỉ hưu bao nhiêu năm chăng nữa nhưng nếu phát hiện ra trong giai đoạn trước đây anh có tham nhũng, tham ô, sai phạm trong nhiệm kỳ đó thì vẫn bị xét xử chứ không an toàn được".
Vừa qua, nguyên bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, ông Đinh La Thăng bị đưa ra tòa xét xử và bị tuyên án 13 năm tù giam. Đây cũng được cho là 1 án phạt chưa có tiền lệ đối với 1 cựu ủy viên Bộ Chính trị. Do đó, nhà báo, blogger Trương Duy Nhất cho rằng ông dự đoán sẽ còn nhiều trường hợp ‘tước hàm’ diễn ra và khẳng định từ đây, khái niệm ‘hạ cánh an toàn’ sẽ khó mà tồn tại.
**********************
Thời gian gần đây, Việt Nam liên tục có những phiên tòa hình sự mà cơ quan tố tụng cho là có tính chất nghiêm trọng gây hậu quả nghiêm trọng đến xã hội.
Trong một số vụ đối tượng bị cáo và tội danh đưa ra trong những phiên tòa đó tuy khác nhau nhưng mức án cuối cùng không cách biệt nhiều, từ 10 đến 14 năm tù giam.
Có sự khác biệt gì giữa những thiệt hại gây ra bởi các tội danh đó và sai phạm thực tế của các đối tượng bị cáo được ghi nhận ra sao ?
Nhà hoạt động Hoàng Bình (trái) nhận mức án 14 năm tù giam do vi phạm Điều 257, 258 và Đinh La Thăng (phải) nhận án 13 năm tù giam vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" - AP
Thời gian qua, truyền thông xã hội và báo giới loan tải khá nhiều và đầy đủ về các đối tượng bị cáo, cũng như những sai phạm mà họ bị cáo buộc trước toà. Điều này giúp nhận ra một số bị cáo không những khác nhau về địa vị xã hội mà những sai phạm của họ cũng mang tính chất khác nhau.
Cuối tháng 11/2017, ở phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa giữ nguyên bản án sơ thẩm 10 năm tù giam cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh theo cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước", theo Điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Đây là bản án mà các luật sư bào chữa cho blogger Mẹ Nấm nhận định là "nặng hơn cả bản án giết người".
Gần đây nhất là bản án 14 năm tù giam đối với nhà hoạt động môi trường, phó chủ tịch của phong trào Lao Động Việt Hoàng Bình với tội danh "chống người thi hành công vụ" và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 257 và 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
Với mức án này, nhà hoạt động Hoàng Bình sẽ có thời gian chịu án lâu hơn ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí Việt Nam PViệt Nam, cựu Ủy viên bộ chính trị, người bị Tòa Nhân dân Hà Nội tuyên án 13 năm tù giam vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
"Công lý là thế đấy ?"
Ngay khi bản án dành cho nhà hoạt động Hoàng Bình được công bố, Luật sư Nguyễn Phương Đông đã thốt lên :
"Từ lúc Bạch Hồng Quyền bị truy nã là giới đấu tranh và cả hắn đều biết rõ mình sắp bị bắt. Thay vì chọn con đường đi tỵ nạn chính trị thì hắn lại chọn ở lại quê hương. Và giờ đây phải lãnh cái án 14 năm nặng nề (cao hơn cả Đinh La Thăng khi tham nhũng hàng nghìn tỷ - án 13 năm).
Cũng dựa trên khía cạnh luật pháp, nhưng luật sư Đặng Đình Mạnh phân tích sâu hơn về thiệt hại do các sai phạm của hai nhóm đối tượng bị cáo, và mức độ vi phạm thực tế của các bị cáo đã bị cáo buộc trước toà.
Trước tiên, ông khẳng định có sự khác biệt rất rõ ràng khi nói về đối tượng bị xâm phạm của tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tội danh theo Điều 257, 258 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
"Nó có sự khác biệt rõ ràng. Một tội xâm phạm vào quy định của quản lý kinh tế của nhà nước. Những sai phạm như vậy nó làm thiệt hại tài sản của nhà nước, mà cũng chính là tài sản của nhân dân.
Còn đằng kia, nhà nước cho rằng những đối tượng đó là tội phạm, làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Vì vậy nó sẽ có sự khác biệt nhau về đối tượng bị xâm phạm".
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, những người bị nhà nước cho là tội phạm ‘tuyên truyền chống Nhà nước’, ‘âm mưu lật đổ’…luôn có quan điểm trái ngược với những cáo buộc mà họ bị kết tội. Họ cho rằng họ đang thực hiện quyền căn bản của công dân do Hiến pháp quy định.
"Nhưng đối với chính quyền, họ cho rằng những xâm phạm về lợi dụng tự do dân chủ, ảnh hưởng đến sự quản lý của nhà nước về chính trị, xã hội thì họ coi đó là nghiêm trọng, và họ xếp ngang với những tội danh về quản lý kinh tế.
Do vậy nó đưa đến hậu quả mà mình thấy trước mắt là hình phạt nó tương đương nhau".
Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh kết thúc với y án 10 năm tù giam, Luật sư Nguyễn Khả Thành có chia sẻ về quan điểm của ông đối với tội danh của blogger này :
"Lập luận của chúng tôi là Như Quỳnh không phạm tội, hậu quả gây ra cũng không có gì nghiêm trọng".
Diễn tiến của các phiên tòa xét xử vụ án mang tính chất kinh tế, hình sự của Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, hoặc những vụ án chính trị như của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Bình, Nguyễn Hoàng Phúc đều được truyền thông thế giới theo dõi rất kỹ và tường thuật chi tiết.
Tờ The Guardian vào ngày 6/2/2018, tức ngày tuyên án nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, bình luận về mức án 14 năm mà Tòa án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã tuyên :
"Mặc dù chính sách cải cách kinh tế cách đây ba thập niên đã mở ra Việt Nam, 1 đất nước theo chủ nghĩa Cộng sản có cơ hội đầu tư và thương mại nước ngoài, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực, nhưng nhà nước độc đảng này vẫn duy trì sự kiểm soát chặt chẽ về mọi mặt của cuộc sống bao gồm các phương tiện truyền thông và không có khoan dung cho những ý kiến bất đồng".
Điều này có thể giải thích phần nào phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh đã đưa ra khi nói về lý do hai đối tượng phạm tội nêu trong bài viết có những hình phạt tương đương nhau.
Một sự khác biệt nữa về những phiên xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các nhà hoạt động như Hoàng Bình, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh…đó là các cáo buộc mà tòa án đã đưa ra đối với sai phạm của họ. Các cáo buộc và cả bản án đều nhận được phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau từ công chúng.
Theo quan sát của luật sư Đặng Đình Mạnh, ông nói rằng dưới góc độ người dân, họ sẽ đồng tình với chính quyền về việc truy tố và xử phạt những bị cáo như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh.
Tuy nhiên, với các luật sư, thì sẽ có cái nhìn khác.
Nhận định về mức án Viện Kiểm sát đề nghị đối với hai bị cáo là Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh, Luật sư Hoàng Hướng có ý kiến :
"Với mức án đề nghị tôi cho là nó quá nghiêm khắc. Bởi vì qua quan sát của tôi đối với ông Đinh La Thăng, mức từ 14-15 năm tù, xét thấy qua những lời khai của ông ấy tại tòa thì để thực hiện việc điều hành ký hợp đồng tổng thầu nhiệt điện Thái Bình thì rõ ràng ông ấy có quyền chủ động. Tuy nhiên về mặt vốn và một số các hoạt động khác thì như ông ấy đã khai là hoàn toàn có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là Bộ Chính trị nữa. Theo quan điểm của tôi, điều này cần làm rõ. Nếu đúng như thế thì đó là những cái mang tính tương đối khách quan có thể giảm nhẹ hình phạt cho ổng".
Ngược lại hoàn toàn khi nói về những sai phạm mà tòa án đã cáo buộc các nhà hoạt động như Mẹ Nấm, Hoàng Bình…nhà hoạt động Lê Văn Sơn viết rằng :
"Hoàng Đức Bình bị cộng sản áp chế 14 năm tù giam, nhưng chính Bình đang là muối men ướp cho mặn nồng hơn tình yêu quê hương đất nước trong lòng các bạn trẻ. Và tương lai đất nước này sẽ được tuổi trẻ đáp lời, nhờ sức mạnh hồn thiêng sông núi, tuôi trẻ Việt Nam sẽ nhấn chìm cộng sản dưới đáy biển khơi".
Một ý kiến khác của từ người dân Hà Tĩnh, hiện sống tại Hà Nội, anh Nguyễn Quang Chung, là thành viên của nhóm Cây Xanh Hà Nội, chia sẻ về bản án của nhà hoạt động Hoàng Bình :
"Theo tôi việc làm của anh Hoàng Bình là việc làm của một người yêu nước, quan tâm đến nỗi khổ của ngư dân sau cái thảm họa miền Trung do nhà máy Formosa gây ra. Anh Hoàng Bình hướng dẫn người dân thực hiện đúng pháp luật là làm đơn khởi kiện Formosa".
Tất cả những bản án tù giam đề cập trong bài viết đều từ 10 năm trở lên. Thế nhưng, tính chất vi phạm và mức nặng, nhẹ của từng bản án có vẻ như đã chưa thuyết phục được công chúng và truyền thông thế giới.
Theo đúng thời gian thụ án, bà Cấn Thị Thêu, sẽ mãn án 20 tháng tù giam vào ngày 10 tháng 2 năm 2018. Gia đình và người dân Dương Nội chuẩn bị đón bà ra sao ? Họ chờ đợi gì về sự kiện này ?
Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP PHOTO
Bà Cấn Thị Thêu, được nhiều người biết đến về sự kiên quyết trong hoạt động giữ đất tại làng Dương Nội, Hà Đông - Hà Nội, cũng như lên tiếng đấu tranh cho công bằng xã hội.
Bà bị bắt lần thứ hai vào ngày 10 tháng 6 năm 2016 và bị đưa ra tòa ngày 20 tháng 9 với bản án 20 tháng tù. Cáo buộc để kết án bà là tội ‘gây rối trật tự công cộng’. Phiên phúc phẩm vào ngày 30 tháng 11 cùng năm giữ nguyên mức án 20 tháng tù. Sau khi có án, bà bị chuyển đến trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai vùng ở Tây Nguyên.
Anh Trịnh Bá Tư, con trai bà Cấn Thị Thêu, vào ngày 7 tháng 2 cho Đài Á Châu Tự Do biết về việc đi đón bà này khi thời gian thụ án 20 tháng kết thúc :
"Gia đình tôi sẽ có Bố của tôi là Trịnh Bá Khiêm và anh hai của tôi là Trịnh Bá Phương sẽ đến trại giam Gia Trung sáng ngày 25 tháng chạp âm lịch để đón Mẹ tôi mãn hạn tù cái bản án oan sai 20 tháng tù giam. Sau đó thì gia đình tôi sẽ bay về Hà Nội và buổi chiều thì mọi người sẽ tập trung về Dương Nội để đón Mẹ tôi về".
Bản thân Anh Trịnh Bá Phương, con trai cả của bà Cấn Thị Thêu cũng xác nhận tin được người em đưa ra :
"Vâng, trước mắt là tối mai, rạng sáng ngày mốt, cháu và Bố cháu sẽ ra sân bay Nội Bài, và lúc 7 giờ là chuyến bay bay đến trại giam Gia Trung. Cháu có nói chuyện với Mẹ qua điện thoại thì Mẹ có nói đã làm việc với giám thị và ngày 10 tháng 2 dương lịch tới đây Mẹ cháu sẽ rời trại giam Gia Trung và cháu và Bố cháu sẽ vào đón ạ".
Gia đình hai anh Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư từng gặp nhiều trở ngại trong những lần đi đón hai ông bà Trịnh Bá Khiêm và Cấn Thị Thêu lúc mãn án tù lần thứ nhất. Liệu lần này họ có gặp cản trở gì không ? Cũng như việc người dân Dương Nội có bị ngăn cản khi tập trung tổ chức đón tiếp Bà tại quê nhà hay không ? Anh Trịnh Bá Tư nói :
"Theo suy nghĩ của tôi thì phía trại giam Gia Trung sẽ không có hành động ngăn cản hay cản phá gì, bởi vì theo đúng bản án thì ngày 25 tháng chạp Mẹ của tôi sẽ mãn án tù và Mẹ của tôi sẽ về. Tuy nhiên ở phía Hà Nội thì an ninh có thể sẽ có những động thái ngăn cản nhắm đến Bố Mẹ của tôi, hoặc là theo dõi, hoặc bằng những động thái nghiệp vụ để theo dõi và ngăn cản những bạn bè muốn đến thăm hỏi Mẹ của tôi".
Bà Bùi Thị Minh Hằng, một dân oan, một cựu tù nhân lương tâm, người từng bị giam giữ chung với Bà Cấn Thị Thêu tại trại giam Gia Trung ở tỉnh Gia Lai ở Tây Nguyên đưa ra nhận định về Bà Thêu :
"Xuất thân là một người nông dân, Chị đã rất nổi bật trong phong trào cùng những người nông dân khác giữ đất. Bởi vì ở Việt Nam, sau khi nhà cầm quyền có những chính sách cướp đất đai của người dân, đẩy người dân vào tình trạng mất đất, mất nhà, mất ruộng vườn, không thề canh tác lao động được. Thì Chị Thêu nổi lên như một thủ lãnh của dân oan Việt Nam".
Bà Bùi Thị Minh Hằng nói thêm những gì bà nghe về nhân vật Cấn Thị Thêu trước khi có thời gian bị giam chung ở trại Gia Trung đã được kiểm chứng qua thời gian ở gần bà này. Bà Hằng nói tiếp :
"Tôi thấy đây là một phụ nữ rất đặc biệt, là tư tưởng, tinh thần, nhận thức của chị trong cái vấn đề khiến chị trở thành thủ lãnh của dân oan Dương Nội nói riêng và phong trào dân oan Việt Nam nói chung trong việc giữ đất. Và tôi cũng được biết, để làm được điều đó thì Chị Thêu đã là một con người sống vì cộng đồng, vì đất nước, vì tổ quốc".
Khi được hỏi kỳ vọng gì về công cuộc giữ đất tại Dương Nội khi Bà Cấn Thị Thêu mãn hạn tù, ông Đào Công Sự, một dân oan ở Dương Nội cho biết qua việc tổ chức đón mừng Bà Thêu trở về người dân Dương Nội muốn chứng minh chính quyền đã làm sai, khi vì sao người dân lại vui mừng khi đón một người ra tù. Ông Sự cho biết thêm :
"Người dân Dương Nội sẽ tổ chức đón mừng Thêu trở về vào ngày 25 Tết âm lịch. Còn việc tổ chức đón mừng là muốn chứng minh cho chính quyền biết là chính quyền đã sai. Tại sao người ta đi tù về mà người dân lại đón và vui mừng như vậy ?"
Ông Đào Công Sự cũng cho biết thêm về tình hình hiện nay trong việc giữ đất ở Dương Nội :
"Trong năm mới đây công cuộc giữ đất ở xã Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, thì đường lối và chính sách của bà con Dương Nội sẽ luôn đấu tranh theo đúng luật pháp tuy rằng các vị ấy có ngồi lên pháp luật đi chăng nữa ?"
Những người dân tại Dương Nội như bà Cấn Thị Thêu và ông Đào Công Sự phải đi khiếu kiện và kiên quyết giữ đất vì địa phương và doanh nghiệp tuyên bố thu hồi đất Dương Nội để làm dự án. Thế nhưng đất bị bỏ hoang nhiều năm trời trong khi người dân không có đất để sản xuất.
Vào tháng 5 năm 2013, người dân Dương Nội thông báo cho chính quyền huyện Hà Đông và thành phố Hà Nội, là người dân sẽ tự chia lại đất bị thu hồi mà bỏ hoang để dân Dương Nội tái canh tác.
Tuy nhiên đến ngày 25 tháng 4 năm 2014, nhà cầm quyền đã tiến hành cưỡng chế khu đất mà người dân Dương Nội quyết giữ. Bà Cấn Thị Thêu lúc đó quay phim lại cảnh cưỡng chế nhưng bị cơ quan chức năng bắt đưa đi. Bà bị tòa kết án 15 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.
Bà Cấn Thị Thêu mãn hạn tù lần đầu vào ngày 25/7/2015. Đến ngày 10 tháng 06 năm 2016, bà Cấn Thị Thêu bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ với cáo buộc gây rối trật tự công cộng khi bà và hơn 50 dân oan tập trung tại Bộ Tài nguyên Môi trường gửi đơn đòi giải quyết đất đai cho người dân Dương Nội.
*********************
Sức khỏe blogger Mẹ Nấm trong tù không tốt (RFA, 07/02/2018)
Tình hình sức khỏe bloger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong nhà tù hiện nay không tốt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin này vào ngày 7 tháng 2 sau khi đi thăm con gái tại trại giam hôm 5 tháng 2 năm 2018.
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên toà phúc thẩm Tòa án tỉnh Khánh Hoà ngày 30 tháng 11 năm 2017. AFP
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cho biết thêm :
"Thứ hai tuần này ngày 5 tháng 2 thì tôi đi thăm Quỳnh như quy định thì tôi được gặp con tôi chưa đầy 10 phút. Ngoài thăm hỏi thì tôi thấy Quỳnh có vẻ buồn, tôi có hỏi tại sao thì Quỳnh có nói là tiền sử gia đình là huyết áp thấp. Nhưng sao vô đây con mệt và đau đầu, người ta đo cho con thì huyết áp trên 150. Ở nhà thì con vẫn uống Para bình thường nhưng vô đây uống thì bị phản ứng mặt sưng lên. Khi đi ra tôi có trình bày tình hình sức khỏe Quỳnh với anh quản giáo trại giam thì anh nói trong này có thuốc. Tôi nói tôi có thể gởi thẻ bảo hiểm y tế và thuốc vô cho Quỳnh theo yêu cầu không, thì anh vẫn nói trong này có thuốc. Tôi cũng không biết làm sao ?"
Bà Lan bày tỏ thắc mắc tại sao con gái của bà liên tiếp có những căn bệnh và hiện tượng lạ xuất hiện trên cơ thể trong nhà tù. Bà Lan cho biết dù trước đây có khối u trong người nhưng blogger Mẹ Nấm cũng chưa bao giờ bị co quắp tay hay sưng phù mặt mày như thế.
Blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt giam từ tháng 10/2016 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước CHxã hội chủ nghĩaN Việt Nam theo Điều 88 - Bộ Luật Hình sự.
Công an tỉnh Khánh Hòa cáo buộc bà đã "soạn thảo, đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết, video có nội dung chống đối đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; bôi nhọ các cá nhân…".
Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh hòa vào tháng 6 năm ngoái đã tuyên án blogger Mẹ Nấm 10 năm tù theo điều 88.
Bà từng bị bắt nhiều lần trước đó trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo và đòi nhân quyền, cũng như biểu tình đòi một môi trường biển sạch cho người dân.
Hoa Kỳ vinh danh blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người phụ nữ can đảm vào dịp tháng 3 năm ngoái.
Năm 2014, ngay sau khi có thông tin một dự án xây dựng cáp treo đến hang Sơn Đoòng, nằm trong khi di tích Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, được báo chí đưa tin, một nhóm bạn trẻ đã vận động và thành lập một chiến dịch có tên là Save Son Doong (Cứu Sơn Đoòng) . Đến nay, chiến dịch này đã lan rộng, nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ công chúng. Trên trang mạng xã hội, có đến hàng trăm ngàn người thích và hàng trăm ngàn người theo dõi chiến dịch này.
Save Son Doong gặp gỡ sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM để tuyên truyền về bảo vệ hang Sơn Đoòng. Courtesy of FB Save Son Doong.
RFA thực hiện một cuộc trao đổi ngắn với đại diện của Save Son Doong, bạn Thiên Hương.
RFA : Thiên Hương có thể giới thiệu đôi chút về chiến dịch Save Sơn Đoòng ?
Thiên Hương : Chiến dịch Save Sơn Đoòng của bọn mình thành lập chính thức vào ngày 22/10/2014 và mục tiêu lúc đầu của bọn mình đơn giản chỉ là minh bạch hóa những thông tin liên quan đến Sơn Đoòng. Những thông tin này được chia làm hai nhóm chính. Thứ nhất là các thông tin về dự án cáp treo vào, đến gần hoặc xung quanh Sơn Đoòng. Lúc thì có thông tin thế này lúc thì thế khác nên bọn mình tổng hợp lại để bạn đọc dễ theo dõi. Thứ hai là bình dân hóa các thông tin khoa học về hang Sơn Đoòng. Tại vì đối với những người nghiên cứu về khoa học địa chất hay sinh học sẽ thấy có rất nhiều giá trị khoa học đáng quý của hang Sơn Đoòng. Tuy nhiên, nếu ngồi liệt kê ra tên những loài động thực vật trong hang theo tiếng Latin thì sẽ rất khó để bà con nhớ và cảm thấy quý hang. Cho nên một trong những nhiệm vụ của bọn mình là bình dân hóa những thông tin đó để đến với mọi người một cách dễ dàng nhất. Đó là mục tiêu ban đầu và cũng là mục tiêu chính của tụi mình.
Trong khoảng hai năm trở lại đây bọn mình làm thêm một việc nữa đó là mang vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng ra ngoài. Tức là mục tiêu chiến dịch của bọn mình là đừng đưa quá nhiều người, hay còn gọi là du lịch đại trà vào hang Sơn Đoòng, thì ngược lại bọn mình muốn mang vẻ đẹp của hang Sơn Đoòng ra ngoài để mọi người có thể nhìn ngắm được. Như vậy vừa tận hưởng quyền hưởng thụ của mọi người, vừa để mọi người thấy nó đẹp thì mới quý nó và bảo vệ nó.
RFA : Các bạn thực hiện những hoạt động như thế nào trong chiến dịch này ?
Thiên Hương : Bọn mình có hai mảng là online và offline. Mảng online thì như mình đã nói, bọn mình tổng hợp bài, đăng thông tin, sử dụng các phương tiện khác nhau ví dụ như làm video clip hay làm những bản tin tổng hợp.
Còn mảng offline bọn mình làm triển lãm ảnh, chiếu phim, hội thảo, các diễn đàn tranh luận, các cuộc thi và các lớp học. Gần đây nhất bọn mình có công nghệ thực tế ảo virtual reality để bọn mình đem vẻ đẹp của Sơn Đoòng ra bên ngoài một cách sống động nhất.
RFA : Quan điểm của các bạn như thế nào về việc bảo vệ Sơn Đoòng ?
Thiên Hương : Đối với bọn mình, ngoài chuyện hang Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới là điều mọi người chúng ta ai cũng biết rồi, thì điều quý nhất của hang Sơn Đoòng là vẻ đẹp nguyên sinh của nó, giá trị khoa học đến từ hệ sinh thái vô cùng độc đáo, tách biệt với thế giới bên ngoài. Và để bảo vệ điều đó chúng ta không thể cho phép du lịch đại trà cũng như cho phép các công trình xây dựng lớn đến hang Sơn Đoòng. Cáp treo chỉ là một công cụ cho du lịch đại trà mà thôi và hiện tại bọn mình phản đối cáp treo. Và bất cứ hình thức nào đưa du lịch đại trà vào hang Sơn Đoòng, bọn mình đều thấy không phù hợp. Và không chỉ riêng trong lòng hang Sơn Đoòng cần được bảo vệ mà cả vùng lõi của Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung đều cần được bảo vệ.
Đối với cá nhân Hương, hang Sơn Đoòng là quan trọng nhất nhưng mục tiêu lâu dài của chiến dịch Save Sơn Đoòng không phải chỉ để bảo vệ hang Sơn Đoòng hay quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng thôi, mà còn là tạo động lực để nhiều bạn trẻ thấy được trách nhiệm xã hội của mình. Khi mình thấy một việc gì bất bình, có thể không liên quan trực tiếp đến mình, nhưng mình thấy đúng hay sai thì đều phải lên tiếng. Điều mà bọn mình sợ nhất đó là những người có thể đồng tình với bọn mình rằng hang Sơn Đoòng cần được bảo vệ, nhưng họ lại nói rằng mình có làm được gì đâu, mình thấp cổ bé họng không nên làm, hay mình có làm cũng vô ích.
RFA : Bạn vừa nói là Save Sơn Đoòng phản đối dự án xây dựng cáp treo vào hang này. Vậy bạn có thể cho biết lý do cụ thể vì sao các bạn lại phản đối không ?
Thiên Hương : Có nhiều lý do, thứ nhất vê mặt sinh học, du lịch đại trà không phù hợp để vào một hệ sinh thái tách biệt như hang Sơn Đoòng. Có rất nhiều sinh vật trong hang Sơn Đoòng qua nhiều thế hệ đã bị tiêu biến mắt rồi. Khi không có mắt, hệ thần kinh của nó trở nên rất nhạy cảm với ánh sáng. Du lịch đại trà sẽ bắt buộc chúng ta đem đến ánh sáng. Nhiều người vô sẽ mang nhiều ánh sáng tới, nhự vậy sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hang Sơn Đoòng.
Về mặt địa chất cũng không phù hợp. Hang Sơn Đoòng nằm trên đoạn nứt gãy Bắc Nam. Tức là mình tưởng tượng dưới mặt đất là đoạn nứt giữa hai mảng, thì những công trình xây dựng lớn như vậy có thể đem lại sự nguy hiểm cho cấu trúc của hang Sơn Đoòng. Bản thân hang Sơn Đoòng đã có hai hố sụp, tức là trần hang yếu quá đã sụp cách đây lâu rồi. Hai hố sụp đó cho ta thấy địa chất khu vực này yếu, để xây dựng cáp treo ở đây, không ai dám nói chắc chắn nhưng phải có đánh giá tác động kỹ càng hơn. Nếu không, việc xây dựng không an toàn có thể trở thành, nói hên xui, là "mồ chôn tập thể" cho rất nhiều người khách vô thăm quan, nếu có chuyện gì xảy ra với trần hang.
Về mặt du lịch, ai học về quản lý du lịch cũng hiểu mỗi vùng đất, mỗi đất nước hay cảnh vật có thế mạnh về du lịch riêng. Hang Sơn Đoòng nói riêng và quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung rất phù hợp phát triển du lịch mạo hiểm. Mà du lịch mạo hiểm lại thuộc loại du lịch "hàng hiếm" ở Việt Nam. Không ai tự nhiên lại phá đi thế mạnh của mình để thay bằng một cái khác không phải thế mạnh đó là biến du lịch mạo hiểm thành du lịch đại trà. Du lịch kiểu nhàn hạ, thụ hưởng không phù hợp với khu vực này.
Về mặt ngoại giao, bản thân quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng là một di sản thế giới. Và Việt Nam mình đã ký kết một công ước bảo vệ di sản thế giới từ năm 1987. Và khi ký công ước đó, mình chấp nhận rằng một di sản nằm trên nước Việt, thuộc thổ quyền của Việt Nam nhưng quyền quyết định những công trình xây dựng vào di sản đó mà có thể ảnh hưởng đến điều kiện của di sản đó, phải được quyết định bởi cộng đồng quốc tế, và cụ thể đại diện ở đây là tổ chức UNESCO. Trong khi đó UNESCO đã ra khuyến nghị rất nhiều lần về việc đề nghị Chính phủ Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn các dự án cáp treo trong khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Rất nhiều đại sứ các nước chẳng hạn như mới cách đây vài ngày đại sứ Bỉ đã lên tiếng kêu gọi phải bảo vệ hang Sơn Đoòng. Bất cứ một công trình xây dựng nào làm thay đổi cấu trúc của hang Sơn Đoòng sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Việt Nam trong cộng đồng thế giới.
RFA : Các bạn có thông điệp gì muốn nhắn gửi tới quý khán thính giả của RFA hay không ?
Thiên Hương : Hương rất mong những bạn nào nghe chương trình hôm nay, ngoài việc giúp Hương chia sẻ thông điệp bảo vệ Sơn Đoòng tới nhiều người hơn nữa, thì hãy giữ vững tư tưởng đó khi làm những chuyện khác. Khi mình thấy cái gì gặp nguy hiểm, bị ảnh hưởng, hay khi mình thấy đúng sai, có thể nó không ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân nhưng nếu mình không hành động thì ai sẽ hành động và nếu mình không làm bây giờ thì đến khi nào mình mới làm ? Đó là động lực khiến cho nhóm của tụi Hương suốt ba năm vừa rồi vẫn tiếp tục với dự án này.
RFA : Chân thành cám ơn những chia sẻ của Thiên Hương.
Nguồn : RFA, 05/02/2018
Các hành động xem như là "diệt chủng và thanh lọc sắc tộc" chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya có thể gây nên xung đột tôn giáo lan rộng ngoài biên giới của Myanmar và ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực.
Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Hình chụp ngày 17/11/17. AFP
AFP dẫn lời phát biểu của ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ông này phát biểu như vừa nêu tại Jakarta vào ngày 5 tháng Hai, nhân dịp ông đến thăm Indonesia trong 3 ngày.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nhấn mạnh rằng Myanmar đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng vì vào tuần trước, một báo cáo được phổ biến liên quan đến các mồ chôn tập thể người Rohingya ở bang Rakhine, nơi mà quân đội của Chính phủ Miến bị cáo buộc tiến hành một chiến dịch thanh tảo sắc tộc thiểu số.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein còn nói rằng Myanmar rất hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ. bao gồm tập trung vào phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Rakhine, nhưng không thể che giấu các hành động đối xử phân biệt đối với người thiểu số Rohingya.
Myanmar lên tiếng bác bỏ báo cáo về các hố chôn tập thể cũng như các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khẳng định rằng chính quyền cần phải trừng trị những phiến quân Rohingya.
Tuy nhiên, Myanmar không cho các báo cáo viên và những nhân viên điều tra của Liên Hiệp Quốc vào khu vực xung đột để điều tra liên quan các cáo buộc diệt chủng đối với người tị nạn Rohingya.
Hiện có gần 700 ngàn người Rohing bỏ nhà cửa ở Myanmar để chạy sang Bangladesh lánh nạn, kể từ tháng Tám năm ngoái đến nay.