RFA, 14/12/2021
Chỉ riêng trong 8 ngày từ ngày 6 đến ngày 13 tháng 12, Hà Nội đã thêm hơn 5.300 ca nhiễm Covid-19 mới, trung bình mỗi ngày thêm hơn 750 ca mới. Trong đó, số ca cộng đồng chiếm hơn 50% tổng ca mắc mới trong ngày.
AFP Photo
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khi phát biểu tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND thành phố mới đây cho biết, Hà Nội đã chuyển đổi tư duy từ quản lý không Covid (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong.
Sau thất bại trong việc phòng chống Covid-19, việc từ bỏ quản lý zero Covid đã được thành phố Hồ Chí Minh áp dụng từ hơn hai tháng trước. Nhưng vì sao bây giờ Hà Nội mới áp dụng ?
Trả lời RFA hôm 14/12, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, một nghiên cứu sinh chuyên ngành về truyền nhiễm và chống nhiễm khuẩn, nhận định về tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Hà Nội :
"Bài học của Thành phố Hồ Chí Minh là bài học cực kỳ đau xót, thất bại của cách ứng xử với dịch bệnh, đưa lại một bài toán mà kết quả cực kỳ xấu. Chuyện này thì mình và bạn bè đề nhất trí chuyện làm việc không khoa học, phiến diện, cũng đã được rút kinh nghiệm. Việc ứng xử với vi-rút cũng đã có tiến bộ đáng kể... nên sẽ không còn chuyện đóng cửa, tuyên bố chiến thắng Covid bằng mọi cách... rồi pháo đài các thứ chắc là nó hết rồi".
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thắng, ở Việt Nam thì có đến chín mươi mấy phần trăm trường hợp là không có triệu chứng. Cho nên việc đối xử với người nhiễm vi-rút sẽ không bị một cách cực đoan như bị kỳ thị, bị cách ly, bị tập trung, gia đình bị khoanh vùng... như hai năm qua. Ông Thắng nói tiếp :
"Theo tính toán ở Hà Nội cứ 10.000 ca nhiễm phát hiện ra thì sẽ có 4.000 ca trong cộng đồng, đó là chuyện chắc chắn, chứ không chỉ đúng 1.000. Chuyện này mọi người cũng sẵn sàng như thế. Hiện nay với lực lượng y tế và cách ứng xử với coronavirus đợt này thì mình nghĩ Hà Nội sẽ không bị như Thành phố Hồ Chí Minh".
Theo Bộ Y tế, Hà Nội hiện có hơn 9.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Trong đó có gần 500 trường hợp F0 điều trị tại nhà ; gần 6.000 ca điều trị tại các bệnh viện ; số còn lại điều trị tại y tế cơ sở. Hiện số ca bệnh mức độ trung bình, nặng/nguy kịch, phải thở ô-xy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn tại Hà Nội đều tăng so với trung bình bảy ngày trước...
Dù bài học xương máu từ Thành phố Hồ Chí Minh đã được các tỉnh áp dụng, nhưng Luật sư Đặng Đình Mạnh khi nhận định với RFA hôm 14/12 cho rằng rút kinh nghiệm như thế là quá chậm :
"Sau 70 ngày, kể từ thời điểm Thành phố Hồ Chí Minh xác định thay đổi quan điểm phòng chống Covid-19, từ Zero Covid chuyển sang xu thế chung của thế giới là chung sống với dịch thì bây giờ Hà Nội mới bắt đầu ‘di biến động’ theo hướng này.
Hóa ra những kinh nghiệm xương máu đau thương từ Thành phố Hồ Chí Minh đã bị/được các địa phương khác ‘học tập’ quá chậm.
Công chúng phải tự hỏi, Bộ Y tế đã làm gì hay đã không làm gì để có một chỉ đạo chung cho việc phòng chống Covid trong phạm vi lãnh thổ ? Hay mỗi địa phương đã là một ‘sứ quân’ toàn quyền lựa chọn cách phòng chống Covid-19 theo quan điểm chủ quan riêng của mình ?"
Không chỉ số ca nhiễm ở Hà Nội tăng nhanh những ngày qua. Theo Bộ Y tế, tính từ 16h ngày 13/12 đến 16h ngày 14/12, Việt Nam đã ghi nhận 15.220 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó một số tỉnh tăng cao như Cà Mau là 1.011 ca, Thành phố Hồ Chí Minh - 991, Tây Ninh 931, Bình Phước - 907, Cần Thơ - 692, Khánh Hòa - 597, Bắc Ninh - 225 ca, Thanh Hóa - 121 và Hưng Yên - 96 trường hợp...
Nhà báo Võ Văn Tạo, khi trả lời RFA hôm 14/12 từ Nha Trang, cho rằng :
"Hiện dịch lan ra phía Bắc khá nhiều, một số tỉnh thành đặc biệt là Hà Nội có số ca dương tính khá cao, là đột biết mới trong tình hình Covid-19 tại Việt Nam. Đối phó với dịch thì mỗi địa phương mỗi kiểu, Hà Nội thì công bằng mà nói vài ngày trở lại đây có vẻ nhìn ra vấn đề, và có rút kinh nghiệm của Sài Gòn. Nhưng dịch lan ra Hà Nội không phải chỉ trong vài ngày gần đây, mà đã một hai tháng nay. Mặc dù sài Gòn đã có bài học xương máu, nhưng Hà Nội lúc đó không rút kinh nghiệm".
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, không chỉ Sài Gòn, Hà Nội, số ca hàng ngày ở Nha Trang cũng tăng lên... nhưng ai cũng hiểu là dịch bệnh nguy hiểm và tìm mọi cách hạn chế tác hại của nó... Nhưng rõ ràng đó là cái giá phải trả nếu muốn khôi phục kinh tế. Ông Tạo nói tiếp :
"Bởi vì nền kinh tế đã gần như chết đứng trong một thời gian khá dài, hơn nửa năm vừa rồi, rất gay go, bế tắt, nên buộc lòng phải quay lại sản xuất kinh doanh để phục hồi dần dần. Bởi vì khi tạo điều kiện đi lại, sản xuất kinh doanh các thứ thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng chuyện lây lan dịch bệnh, sẽ có điều kiện lây lan hơn nếu cứ phong tỏa, giới nghiêm như ngày xưa. Nhưng rõ ràng phong tỏ như ngày xưa thì cũng chỉ được một đoạn thời gian nào đó thôi, rồi cuối cùng cũng không thể nào kiềm hãm được, Sài Gòn đã có bài học như thế".
Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã không có sự chuẩn bị đúng mức, nên rất lúng túng trong điều hành chống dịch, từ đó gây ra những sai lầm trong chính sách quốc gia phòng chống dịch Covid-19, dẫn đến tình trạnh mỗi địa phương chống dịch mỗi kiểu.
Nguồn : RFA, 14/12/2021
*********************
5.500 xe chở nông sản Việt Nam bị ùn ứ tại các cửa khẩu do Trung Quốc thắt chặt kiểm soát
VOA, 14/12/2021
Có khoảng 5.500 xe container chở hàng nông sản hiện đang bị mắc kẹt tại các cửa khẩu tiếp giáp với biên giới Trung Quốc khi nước này thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 14/12.
Nơi tập hợp xe nông sản bị ùn tắc ở cửa khẩu tại Lạng Sơn.
Thông tin trên được ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chia sẻ với báo chí tại Diễn đàn kết nối nông sản vào sáng 11/12.
Theo quan chức của Việt Nam, tính đến ngày 10/12, có khoảng 4.000 xe nông sản Việt Nam bị "mắc kẹt" ở các cửa khẩu Chi Ma, Tân Thanh, Hữu Nghị, chưa thể thông quan, khiến các bãi tập kết xe đầy kín. Ngoài ra, có khoảng 1.500 xe khác cũng đang bị kẹt tại cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, theo VnExpress.
Theo giải thích của ông Hòa, số lượng thông quan tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma hiện bị giảm hơn một nửa so với trước đây, với khoảng 220 xe/ngày so với trước là 450 xe/ngày, khiến tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình chỉ có 500 xe/ngày. Những xe chở hoa quả như thanh long, mít đến cửa khẩu ở Tân Thanh phải mất từ 10-14 ngày mới được thông quan, khiến chất lượng hoa quả bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng ùn ứ xe nông sản tại cửa khẩu là do phía Trung Quốc ngừng thông quan trong ba ngày để xem xét diễn biến của đại dịch và thắt chặt kiểm soát, khử trùng đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Tuần trước, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát dịch Covid-19, trong đó có các quy định kiểm dịch nghiêm ngặt như phải cách ly 6 – 7 tuần đối với thủy thủ đoàn trên tàu biển vào các cảng nên những nhà khai thác tàu trung chuyển tại các cảng ở miền Nam nước này đã quyết định tạm ngừng dịch vụ ít nhất 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến cho khoảng 1 triệu tấn nông sản của Việt Nam rơi vào nguy cơ khó tiêu thụ, làm gia tăng khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn VOA, 14/12/2021
Ban Chỉ đạo quốc gia của Việt Nam về phòng chống dịch virus corona chủng mới, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu, hôm 8/3 yêu cầu mọi người Việt thực hiện khai báo sức khoẻ từ sáng 10/3.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam mới chỉ đạo toàn dân Việt Nam phải khai báo sức khỏe từ 10/3
Chỉ thị trên được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm đột ngột tăng trở lại ở Việt Nam, lên đến 31 người, theo con số do Bộ Y tế công bố hôm 9/3.
Tin cho hay, trong số những người mới mắc phải Covid-19, có tới 12 người là hành khách đi cùng chuyến bay với người nhiễm thứ 17, một cô gái đi về Hà Nội từ Châu Âu hôm 2/3 và bị phát hiện dương tính với virus hôm 6/3. Hàng trăm người đã tiếp xúc với các ca nói trên hiện đang bị cách ly hoặc theo dõi sức khỏe.
Trước đó, trong nhiều tuần, Việt Nam không có bất cứ ca nhiễm nào sau khi 16 người đầu tiên mắc phải virus corona chủng mới đều được điều trị khỏi bệnh.
Nói về sự cần thiết của việc người dân phải khai báo sức khỏe, ông Đam chỉ ra mục tiêu của việc này là "để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch" khi đất nước bước vào "giai đoạn 2" của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, được xem là "khó khăn hơn" vì dịch đã lan ra hơn 100 nước.
Những ngày tới đây, nếu có "vài chục, vài trăm ca nhiễm" ở Việt Nam, điều đó "cũng không có gì bất ngờ", ông Đam nói hôm 8/3, được báo chí dẫn lại.
Bác sĩ, tiến sĩ Trần Tuấn, một chuyên gia độc lập thường lên tiếng phản biện về lĩnh vực y tế, đưa ra nhận định với VOA rằng việc khai báo sức khỏe bắt buộc sắp diễn ra sẽ có "sai số rất nhiều :
"Tiến trình thu thập thông tin, kiểm soát sai số của thông tin là cực kỳ khó, nên sẽ dẫn đến kết quả mà sẽ rất khó để rút ra những khuyến cáo cho đúng với thực tế".
Việt Nam siết chặt quản lý nhập cảnh trong mùa dịch Covid-19
Đối với kiểm soát nhập cảnh trong mùa dịch, Phó Thủ tướng Đam cho hay Ban Chỉ đạo phòng chống dịch kiến nghị rằng chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu (EU) và Anh.
Ngoài ra, ban chỉ đạo cũng đề nghị tạm dừng hoặc từ chối cấp thị thực cho người đến từ những nước khác có trên 500 ca nhiễm, hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày.
Sau các phát ngôn của Phó Thủ tướng Đam, nhiều người dân Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội sự ủng hộ của họ dành cho các biện pháp siết chặt của chính quyền để chống dịch, thậm chí chia sẻ các ảnh chế có nội dung như "Hãy đứng yên khi tổ quốc cần", với hàm ý người dân cần tránh đi lại, giao thương, tụ tập đông người...
Trong khi đó, một số chuyên gia, nhà trí thức cho rằng cách chống dịch virus corona đang lan rộng bằng biện pháp phong tỏa hay bế quan tỏa cảng sẽ gây thiệt hại lớn về nhiều mặt. Vì vậy, Việt Nam nên "sống chung với lũ".
Tiến sĩ Vũ Tú Thành thuộc Hội đồng Kinh tế Hoa Kỳ-ASEAN hôm 8/3 đăng một bài viết dài trên trang cá nhân, đề xuất về một chiến lược mới cho việc Việt Nam đối phó với dịch, được hàng trăm người ủng hộ, chia sẻ.
Vị tiến sĩ từng học tập, nghiên cứu ở Mỹ nhận định rằng các biện pháp ngăn chặn dịch xâm nhập và ngăn dịch lây lan tỏ ra hiệu quả trong giai đoạn 1, khi nguy cơ chủ yếu đến từ Trung Quốc, giờ đây không còn phù hợp.
Chỉ ra rằng ở giai đoạn 2 hiện nay tình hình đã chuyển biến "xấu hơn hẳn" với thực tế là dịch bệnh đang lan rộng ra toàn cầu, tiến sĩ Thành cảnh báo rằng "bế quan tỏa cảng" sẽ khiến nền kinh tế vận hành hoàn toàn dựa vào những gì tích trữ được hoặc có thể tự túc, nhưng nguyên liệu, nguồn lực sẽ "sớm cạn kiệt", buộc toàn xã hội phải vận hành ở mức "tiêu thụ tối thiểu chỉ để duy trì sự tồn tại".
Vì vậy, giải pháp tiến sĩ Thành đưa ra là chỉ nên "cách ly bảo vệ nhóm rủi ro cao nhất bao gồm người già, người có bệnh nền hoặc cả 2" và "cách ly ngăn chặn chỉ áp dụng với các trường hợp nhiễm".
Đồng thời, theo ông Thành, "không áp dụng bế quan tỏa cảng", mà chỉ cần "duy trì khai báo và sàng lọc y tế bắt buộc tại cửa khẩu".
Việt Nam từng cách ly cả một xã ở tỉnh Vĩnh Phúc hồi tháng 2/2020 vì dịch Covid-19
Theo quan sát của VOA, đề xuất của tiến sĩ Thành được nhiều người thuộc giới trí thức ủng hộ, gọi đó là giải pháp "sống chung với lũ".
Bình luận về chiến lược này, bác sĩ-tiến sĩ Trần Tuấn nói với VOA rằng cá nhân ông không ủng hộ việc phong tỏa quy mô lớn như cả một thành phố hay một làng ; song ông Tuấn chưa thể dứt khoát đứng về phía ý tưởng "sống chung với lũ", vì trong điều kiện của Việt Nam, các dữ liệu và thông tin còn "thiếu" và "không đủ khách quan".
Bác sĩ Tuấn nói :
"Các số liệu hiện nay chúng ta nhận được là số ca mắc. Nhưng chúng ta không biết được đúng tỉ lệ mắc, tại sao, xác suất mắc thế nào để đánh giá, hay là khối toàn nhiễm hiện nay là đến đâu, bao nhiêu, chúng ta không biết. Ngay cả WHO cũng không nêu. Thế nên là rất khó".
Hôm 9/3, tại một cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh "cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, kịp thời" để ngăn chặn có hiệu quả nguồn lây cũng như "xử lý nghiêm" trường hợp giấu bệnh.
Chỉ đạo của Thủ tướng Phúc có xét đến thực tế là Việt Nam "hội nhập quốc tế sâu rộng", người trong và ngoài nước "đi lại nhiều", dẫn đến "nguồn lây nhiễm đa dạng".
Thủ tướng lưu ý rằng để chống dịch thành công và bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, "có thể hy sinh một số lợi ích kinh tế".
Phật viện xuống cấp –Không thể "cứu" do quy hoạch chưa duyệt (RFA, 30/08/2019)
Từng là một trung tâm thiền viện Phật giáo lớn nhất nhì Đông Nam Á và được Thủ tướng Việt Nam công nhận là di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016 nhưng đến nay Phật viện Đồng Dương (nằm ở thôn Đồng Dương, xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) trở nên hoang tàn, đổ nát…chỉ còn lại tháp Sáng nhưng cũng xiêu vẹo, ngã nghiêng.
Cổng tháp Sáng xuống cấp nghiêm trọng đang được chống đỡ bằng những thanh sắt thép rào xung quanh - Photo : RFA
Phật viện trước đây
Chúng tôi đến nơi đây vào một ngày cuối hè 2019. Ngay phía trước cổng vào Phật viện, có một tấm bảng do chính quyền tỉnh Quảng Nam dựng lên, sơ lược thông tin về di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Theo nội dung trên tấm bia, thì Phật viện được vua Indravarman II sáng lập vào năm 875, đây cũng là khu trung tâm của kinh đô Indrapura thuộc Vương quốc Chămpa. Theo một số nhà nghiên cứu thì điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Trải qua nhiều thế kỷ cùng với những biến động của lịch sử, kinh đô Indrapura và Phật viện Đồng Dương bị chìm vào quên lãng. Mãi đến năm 1901, L. Finot, một học giả người Pháp đã công bố việc phát hiện 229 hiện vật ở Đồng Dương, trong đó có một tượng Phật bằng đồng cao 108cm.
Một năm sau đó, một nhà nghiên cứu khác cũng là người Pháp ông H. Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương và đã tìm thấy khu kiến trúc chính của thiền viện cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo mô tả của H. Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các tháp nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông dài hơn 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía Đông đến một thung lũng hình chữ nhật.
Bộ Văn hóa Thông tin (tên gọi cũ) đã xếp hạng là di tích quốc gia vào ngày 21/9/2000 và đến ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam công nhận Phật viện Đồng Dương là di tích quốc gia đặc biệt.
Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã từng cho biết : "Cứu vãn trùng tu Mỹ Sơn tưởng là công việc khó khăn, thách đố các nhà bảo tồn Việt Nam và quốc tế nhưng với Đồng Dương, xem ra khó khăn gấp bội phần". Giáo sư Kính và các nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 2011 đã đến Đồng Dương để tham gia hội thảo tìm giải pháp bảo tồn di tích Đồng Dương do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Tuy nhiên gần 10 năm qua, vẫn chưa có giải pháp nào được áp dụng trong việc trùng tu di tích Phật viện Đồng Dương.
Và nay… chờ quy hoạch
Theo đánh giá sơ bộ của các nhà chuyên gia di tích thì Phật viện Đồng Dương giờ đã bị xuống cấp hơn 90%, duy chỉ còn sót lại một mảng tường của cổng tháp Sáng. Tuy vậy, thực tế ngay cả cổng tháp Sáng cũng đang xuống cấp, nằm trơ trọi trên một ngọn đồi và xung quanh cỏ cây mọc um tùm.
Theo cụ bà tên Hồng (87 tuổi, thôn Đồng Dương), lúc cụ bà sinh ra thì Phật viện này đã có nhưng do chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên Phật viện ngày nay khác trước rất nhiều.
"Hồi trước thời Pháp thì vẫn còn y nguyên chứ chưa tan nát như bây giờ. Nhưng vì chiến tranh mới tan nát đây".
"Khác chứ sao không khác. Chừ với ngày trước khác đi mô, chừ tàn phá hư hết, có gì đâu".
Một cụ bà khác tên Gặp, là con dâu họ Trà, tức là họ tộc của con cháu người Chămpa hiện sinh sống khá nhiều xung quanh khu di tích Phật viện Đồng Dương, cho biết ngoài bị thiên nhiên, chiến tranh tàn phá thì sau năm 1975, nhiều người dân sinh sống tại điạ phương do hoàn cảnh nghèo khổ quá nên đã đào gạch tại Phật viện về xây dựng nhà cửa. Bà nói :
"Còn yếu tố sau ngày giải phóng về, dân về đây họ nghèo sẵn có gạch dưới ni thì họ đào gạch ấy về xây nhà, giờ hục hục vậy là do họ đào gạch xây nhà đó chứ nói đúng ra cũng không có phá phách gì".
Ngoài ra, chúng tôi còn ghi nhận thêm là di tích bị bôi bẩn bởi nhiều nét vẽ nguệch ngoạc, phản cảm.
Năm 2012 sau Hội thảo tìm giải pháp trùng tu di tích, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 3 tỷ đồng để khai quật một số khu vực tại Phật viện Đồng Dương. Đồng thời để cổng tháp Sáng không bị sụp đổ, tỉnh cũng đã dựng một hệ thống sắt thép để chống đỡ. Đây là lần chống đỡ thứ hai, trước đó nhiều năm cổng tháp Sáng được chống đỡ bằng hệ thống gỗ nhưng qua thời gian thì hệ thống này hư hỏng.
"Sợ nó ngã cái Tháp, hồi trước họ chống Tháp bằng gỗ nhưng sau gỗ nó mục hư thì họ chống lại bằng sắt".-Lời của bà Gặp.
Chúng tôi liên lạc với ông Hồ Tấn Cường-Phó Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam để hỏi thêm kế hoạch của tỉnh về di tích đặc biệt này. Ông Cường cho biết :
"Giải pháp cho tháp Sáng, anh em bọn tôi đã chống rồi, chống cả chục năm nay rồi nhưng mà cả ngàn năm từ thể kỷ thứ IX đến giờ cho nên nguy cơ sụp đổ là bình thường. Bây giờ mình phải giữ nó lại y nguyên trạng cái đã, cái gì còn thì mình giữ còn cái gì hắn không còn thì mình mới đào lên mình mới biết cái đó là cái chi".
Cổng vào Phật Viện Đồng Dương Photo : RFA
Việc trùng tu, phục dựng và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương là công việc hết phức tạp, theo chia sẻ của ông Hồ Tấn Cường, UBND tỉnh Quảng Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã từng có chủ trương trùng tu, phục dựng và bảo tồn di tích Phật viện Đồng Dương nhưng từ nhiều năm qua đã gặp khó khăn.
"Có. Nhưng bây giờ đang nhờ một đơn vị tư vấn. Người ta tập trung quy hoạch trở lại và người ta khảo cổ trước khi quy hoạch, trùng tu và phục chế".
"Việc ni là Ủy ban Tỉnh đã có chủ trương rồi nhưng chưa có người bởi vì họ thấy khó quá. Bởi vì nhà tư vấn họ phải tính toán việc lời lãi nữa chứ không phải mình yêu di sản là mình làm liền. Cái ông làm tư vấn bao giờ cũng tính toán quy hoạch xong rồi tính toán có lời lãi rồi ổng mới làm. Nhưng bây giờ chưa tìm ra nhà tư vấn nào".
Về phía người dân, thông tin Phật viện Đồng Dương sẽ được chính quyền các cấp vào cuộc trùng tu từ nhiều năm nay nhưng họ chẳng thấy gì ngoài những lời nói giống như hứa hẹn.
"Nghe nói trùng tu miết, có người thì nói trùng tu, có người nói giờ để làm nhà trưng bày rồi mới trùng tu mà có thấy gì đâu. Người dân ở đây cũng chờ mong, ngó mòn mỏi mà có thấy chi đâu" - lời của bà Gặp.
"Nói lâu rồi. Nói hồi năm 2000 rồi đến họ hứa năm 2005. Năm 2005 không làm rồi đến năm 2010, đến năm 2015 và giờ đến năm nay 2019 nói là năm 2020. Xã này họ cũng trông nhưng mà sao không làm cũng không biết.
Một phụ nữ ở thôn Đồng Dương tham gia chia sẻ thêm, nguyên do của những lời hứa hẹn mà chưa thấy thực hiện là do chính quyền địa phương không có kinh phí để làm.
"Không biết. Họ cứ hẹn. Họ không có kinh phí. Chưa có kinh phí với lại các nhà đầu tư họ chưa tài trợ về thành ra họ không làm".
Bà Nở, cư dân thôn Đồng Dương cũng chia sẻ tương tự.
"Dân thì kêu xã, xã thì nói chờ nhà tài trợ biết bao nhiêu năm rồi mà không được đó".
Tại sao di tích xuống cấp lâu như vậy nhưng Chính phủ, Cục di sản văn hóa thuộc Bộ VH-TT&DL chưa có giải pháp hỗ trợ tỉnh để bảo tồn tổng thể, cứu di tích ? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, ông Hồ Tấn Cường, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam cho biết :
"Chưa. Chưa. Mình chưa có kế hoạch, chưa có quy hoạch thì làm răng họ hỗ trợ được".
Trong khi đó, vào cuối năm 2018, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục di sản văn hóa trả lời trên báo Thanh Niên về di tích Phật viện Đồng Dương rằng, nếu tỉnh Quảng Nam thấy khó khăn thì có ý kiến ra Cục để Cục tư vấn hướng dẫn chuyên môn.
Lại câu chuyện Tỉnh chờ Bộ, Bộ đợi kiến nghị, hết năm này qua năm khác di tích không chờ được đã trở nên hoang tàn nghiêm trọng. Còn người dân thôn Đồng Dương thì chỉ biết ngóng các cấp chính quyền hứa trùng tu di tích trong vô vọng.
"Mong muốn ở đâu cũng như ở quốc tế về làm lại cái Tháp cho nó trang hoàng, cho dân ở đây thấy chút chứ hồi nớ chừ không thấy cái Tháp mà cứ nói Tháp miết rứa đó". Một cụ bà tên Hồng cho biết".
Theo các chuyên gia bảo tồn di tích thì Phật viện là di tích quốc gia đặc biệt do đó muốn tu bổ phải dựa vào quy hoạch mà quy hoạch thì lại do Thủ tướng phê duyệt (theo Nghị định 70 về tu bổ di tích)… Nếu Thủ tướng chưa duyệt quy hoạch thì khó có đơn vị nào "đụng" vào được !
******************
Trong bản tin loan đi ngày 29/08/19, Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Trung tá Nguyễn Việt Cường, 43 tuổi, cựu điều tra viên thuộc Công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên theo khoản 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Một công an Việt Nam in dấu tay Linh mục Nguyễn Văn Lý lên giấy tờ tại trại giam hôm 1/2/2005. Ảnh minh họa.
Trung tá Nguyễn Việt Cường bị buộc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, do tự ý viết thêm nội dung vào biên bản hỏi cung một vụ án hình sự liên quan vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy hồi tháng 7 năm 2012.
Tại thời điểm đó, Trung tá Nguyễn Việt Cường, được giao trách nhiệm thụ lý điều tra vụ án trong vai trò là Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm ma túy Công an thành phố Tuy Hòa.
Báo mạng Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết rõ rằng vụ án vừa nêu được đưa ra xét xử sơ thẩm hồi tháng 3 năm 2014 và phúc thẩm vào tháng 9 cùng năm.
Tại phiên phúc thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên hủy bản án sơ thẩm đối với Nguyễn Hồng Ngọc Anh, một trong các bị cáo của vụ án để điều tra lại. Và trong quá trình điều tra lại vụ án, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đã phát hiện Trung tá Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm nhiều nội dung vào các bản cung có tính chất buộc tội đối với bị can, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Tuy Hòa đề nghị giám định các biên bản hỏi cung này.
Kết quả, cảnh sát điều tra Nguyễn Việt Cường bị đình chỉ chức Trưởng Công an phường Phú Thạnh, thành phố Tuy Hòa và bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra trước khi nhận được quyết định khởi tố của Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Vào tối ngày 29 tháng 8, Luật sư Phạm Công Út lên tiếng với RFA rằng theo ghi nhận của ông thì trường hợp Trung tá Cảnh sát Điều tra Nguyễn Việt Cường tự ý viết thêm vào bản cung không phải là trường hợp cá biệt :
"Theo kinh nghiệm, tôi thấy hiện tượng đó là nhiều. Thậm chí là rất nhiều. Việc (cảnh sát điều tra) viết thêm, điền thêm diễn ra rất nhiều bởi vì khi lấy lời khai của bị can hoặc của người bị tình nghi thì các bản cung không có khóa cái đuôi, tức là phần cuối cùng của bản cung thường để trống và cảnh sát điều tra kêu bị can, người bị tình nghi hay người bị tố giác ký tên vào. Những người bị điều tra thường lâm vào tình trạng mệt mỏi do làm việc mấy tiếng đồng hồ liên tục, mà đa số họ không để ý phần cuối cùng để trống còn lại là phải gạch chéo, phải khóa đuôi do đó sau khi ký tên rồi thì phía điều tra viên có thể thêm, bớt. Thậm chí có những bản cung không có chữ mà bị can vẫn phải ký tên vô vì người ta sợ hãi mà ký vào. Chúng tôi chứng kiến một số vụ án khi ra tòa, bị cáo nói là phần này họ không khai nhưng chữ ký thì đúng là chữ ký của bị cáo. Phần viết thêm đó gọi là là phần bất lợi nhất trong toàn bộ bản cung, dựa vào phần cuối của bản cung để kết tội".
Cựu tù nhân lương tâm, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải cũng xác nhận tình trạng này với RFA :
"Ở Việt Nam, việc bức cung, dùng nhục hình và làm sai lệch hồ sơ điều tra thì xảy ra rất nhiều. Trong thời gian đi tù và nghe bạn tù nói về nhiều việc như bị tra tấn, bị bức cung nhục hình và bị bắt ký vào những tờ biên bản để trống. Gần đây nhất là trường hợp tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa bị lập biên bản và bị bắt ký vào những biên bản vẫn còn khoảng trống. Hóa đã không chịu ký thì bị đánh".
Trung tá Cảnh sát Nguyễn Việt Cường ở tỉnh Phú Yên bị khởi tố theo khoảng 2, Điều 375 Bộ luật Hình sự năm 2015. Courtesy : Ảnh chụp màn hình plo.vn
Qua trao đổi với Luật sư Phạm Công Út, chúng tôi được biết tình trạng cảnh sát điều tra tại Việt Nam thường tự ý viết vào bản cung là do phía nhân viên điều tra bị áp lực về thời hạn tố tụng, tức là thời gian điều tra bị giới hạn và họ phải nhanh chóng hoàn tất hồ sơ điều tra để đạt thành tích thi đua. Bên cạnh đó cũng không thể không bỏ sót vì mục đích tư lợi của nhân viên điều tra mà họ thay đổi thêm, bớt nội dung trong bản hỏi cung.
Một số luật sư còn nhấn mạnh với RFA rằng mặc dù tại các phiên tòa, bị cáo nói rằng họ không cung khai theo như trong bản cung và dù luật sư và hội đồng xét xử có thể nghi ngờ, thế nhưng hội đồng xét xử phó mặc số phận của bị cáo mà họ chỉ tuyên theo hồ sơ điều tra và do đó hậu quả là có rất nhiều oán oan tại Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề với Luật sư Phạm Công Út, rằng có phải trường hợp hiếm hoi của Trung tá Nguyễn Việt Cường bị phát hiện và bị khởi tố bởi vì hồ sơ vụ án được yêu cầu điều tra lại hay không, và được ông trả lời :
"Việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì theo Luật Tố tụng quy định là điều tra viên không bị thay đổi trong trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc án bị hủy ; vẫn là điều tra viên đó. Cho dù đầu tiên do điều tra viên làm sau đó đưa ra xử sơ thẩm, rồi xong việc. Sau đó đưa ra xử phúc thẩm, xử xong rồi hủy và quay lại thì không thay đổi điều tra viên và kiểm sát viên. Hai chủ thế đó không bị thay đổi. Chỉ có chủ thể hội đồng xét xử bị thay đổi, tức là đã tham gia xét xử rồi thì không được xét xử nữa. Tức là đã tiến hành tố tụng rồi thì không được tiến hành tố tụng nữa. Còn riêng điều tra viên, kiểm sát viên thì không bị rơi vào ‘vùng cấm’ đó do đó họ vẫn tiếp tục điều tra và họ phải bảo vệ cái sai trước đó của họ".
Đài RFA ghi nhận có thể nói vụ việc Trung tá Cảnh sát Điều tra Nguyễn Việt Cường là trường hợp lần đầu tiên được truyền thông nhà nước loan tin kể từ sau khi Ủy ban Chống Tra tấn của Liên Hiệp Quốc đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam cần thực hiện theo Công ước Chống tra tấn, sau phiên họp định kỳ lần thứ 65 của Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc diễn ra hồi trung tuần tháng 11 năm 2018 cũng như các tổ chức nhân quyền và chính phủ trên thế giới kêu gọi Việt Nam cải tổ hệ thống tư pháp minh bạch hơn.
Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải lưu ý mặc dù quy định pháp luật của Việt Nam ghi rõ phải có sự tham gia của luật sư trong quá trình điều tra, tuy nhiên trên thực tế hầu hết các cuộc điều tra của cảnh sát điều tra đều không có mặt của luật sư cũng như không có sự giám sát nào để bảo vệ cho người bị điều tra. Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải khẳng định rằng ở Việt Nam, công an luôn bắt người trước rồi mới điều tra sau với động cơ để buộc tội, chứ không phải điều tra để chứng minh người bị bắt vô tội. Và, theo nhận định của Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải thì giới luật sư và người dân phải vận dụng quy định của pháp luật cũng như có sự vào cuộc của truyền thông thì những vụ việc như của nhân viên điều tra-Trung tá Nguyễn Việt Cường mới bị phơi bày và mang ra ánh sáng.
Luật sư Phạm Công Út cho rằng trường hợp Trung tá Cảnh sát Điều tra ở tỉnh Phú Yên bị phát hiện và bị khởi tố là vì đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của địa phương và do Cơ quan Điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thụ lý. Luật sư Phạm Công Út lý giải ngày càng nhiều người dân được giới luật sư hỗ trợ về kiến thức pháp luật nên những trường hợp như thế bị phanh phui và tố cáo trực tiếp lên cấp Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để giải quyết.
Luật sư Phạm Công Út và một số luật sư mà Đài RFA tiếp xúc mong muốn truyền thông nhà nước tích cực hơn nữa trong việc phổ biến kiến thức pháp luật rộng rãi đến dân chúng để họ nhận biết thế nào là nhóm tội "xâm phạm hoạt động tư pháp", như trường hợp nhân viên điều tra tự ý viết thêm vào bản cung, để người dân có thể chủ động tố cáo theo đúng thủ tục và trình tự pháp lý đến Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao nhằm góp phần hạn chế những bản án oan sai tại Việt Nam.
*************************
Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh vừa trình đề án "Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung". Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ lắp đặt khoảng 10.000 camera giám sát trên toàn thành phố với kinh phí thực hiện khoảng hơn 1.600 tỉ đồng lấy từ ngân sách thành phố.
Hình minh họa. Một người khách chụp hình hệ thống an ninh nhận dạng khuôn mặt ở triển lãm quốc tế về an toàn và an ninh ở Bắc Kinh hôm 24/10/2018 - AFP
Theo Sở Thông tin và truyền thông, mạng lưới camera có mục đích giám sát, nhận diện biển số phương tiện giao thông, nhận diện khuôn mặt, theo dõi triều cường, tình trạng ngập úng…
Bên cạnh đó, hệ thống camera này còn có khả năng phân tích hình ảnh, nhận diện và tìm kiếm đối tượng theo yêu cầu. Vì vậy, nó sẽ hỗ trợ tốt cho việc chỉ đạo, điều hành và xử lí các tình huống như chống bạo động và các hành vi gây rối trật tự công cộng.
Bình luận về dự án này, Đinh Thuỵ An là một thạc sỹ chuyên ngành Khoa học máy tính tại Hàn Quốc, cho rằng :
"Tôi nghĩ với số lượng 10.000 camera được lắp đặt trên toàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đủ để đọc được hình ảnh của người dân. Bởi vì theo kết quả thực tiễn, các hình ảnh lấy ra từ camera có chất lượng rất thấp. Nếu muốn nhận diện được thì camera đó phải cực kỳ tốt, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ rất cao.
Nhưng nếu như phải đầu tư với một số tiền rất lớn cho cho hệ thống camera đó thì cũng phải nên coi lại kỹ hơn bởi vì số tiền đó chắc chắn sẽ từ tiền thuế của người dân mà ra".
Hình minh họa. Giao thông ở Đà Nẵng nhân dịp Thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017. AFP
Ngoài ra, theo quan điểm của Thạc sỹ Thuỵ An thì việc lắp đặt hệ thống camera trên toàn thành phố như vậy tốt hay xấu còn phụ thuộc vào mục đích của việc lắp đặt :
"Mặt tốt của nó là có thể chống trộm, móc túi, tệ nạn xã hội hoặc các vụ hiếp dâm…
Nhưng nếu mục đích là chống gây rối trật tự công cộng, hay nhìn ở góc độc chính trị thì người ta đang không muốn cho người dân thể hiện quyền cá nhân, không muốn người dân ra đường nói lên tiếng nói của mình"
Luật gia, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các lại khẳng định đây là một dự án mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một cách tùy tiện :
"Sở Thông tin và truyền thông đề xuất một dự án rồi trình lên cho chủ tịch thành phố. Chủ tịch thành phố chỉ việc ký vào đề án đó và người ta sẽ tiến hành làm mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào để xem xét về tính hợp hiến.
Theo như tôi biết thì ở một số quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc, người ta cấm các cơ quan hành pháp theo dõi công dân. Nếu muốn theo dõi một công dân thì cần phải có các thủ tục tư pháp.
Còn việc lắp đặt theo dõi hệ thống camera ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chính quyền tùy tiện tiến hành làm mà không thông qua bất kỳ một cơ quan tư pháp nào".
Ông Các cũng không cho rằng dự án lắp đặt hệ thống camera này có thể có tác động tích cực như chống trộm cướp hay giảm tệ nạn xã hội :
"Chính quyền thường hay viện dẫn lý do là quản lý xã hội nhằm phòng chống tội phạm để phía hành pháp tự tiến hành lắp đặt hệ thống camera này.
Hiện nay tôi chưa thấy một báo cáo hoặc một thống kê nào nêu lên tính hiệu quả của việc lắp đặt camera. Thực tế, việc lắp đặt camera tại Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cũng có ở nhiều nơi nhưng tỷ lệ tội phạm trộm cướp vẫn không có dấu hiệu cải thiện.
Chính vì vậy tôi hoài nghi về tính hiệu quả trong chức năng phòng chống tội phạm của các thiết bị camera ở nơi công cộng".
Cũng theo luật gia Phạm Lê Vương Các, dự án lắp đặt hệ thống camera có thể nhận diện khuôn mặt được chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo mô hình giám sát công dân của Trung Quốc :
"Việc quản lý xã hội bằng cách lắp đặt hệ thống camera thì trước đây Trung Quốc đã áp dụng rồi. Bây giờ Việt Nam cũng chỉ là bắt chước theo cách thức quản lý xã hội của Trung Quốc và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện kinh tế để thí điểm mô hình này.
Việc giám sát này chỉ thấy ở những quốc gia độc tài chẳng hạn như Trung Quốc. Từ việc muốn nhận diện khuôn mặt mỗi khi ra đường thì chính quyền đang gia tăng quản lý chặt chẽ người dân từ trong nhà ra tới ngoài đường. Ở trong nhà thì có những chính sách như hộ khẩu, phải đăng ký lưu trú cho tới khi ra đường thì sẽ bị nhận diện qua hệ thống camera nhận diện gương mặt".
Hình minh họa. Cờ Trung Quốc gần những camera trên cột đèn ở quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh hôm 15/3/2019 AP
Cùng quan điểm, Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cho rằng chính quyền đang muốn kiểm soát người dân theo cách mà Trung Quốc đang làm :
"Có một quốc gia đi đầu trên thế giới về việc lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt người dân đó là Trung Quốc. Và chúng ta thấy rằng các hệ lụy của việc này đối với các quyền tự do riêng tư là rất lớn.
Người dân Trung Quốc hiện nay theo như các phương tiện truyền thông đại chúng thì hầu như không có bất cứ một quyền riêng tư nào cả.
Trên thực tế đã có rất nhiều quốc gia cấm chính quyền lắp đặt camera nhận diện khuôn mặt một cách tự động ở những nơi công cộng bởi vì nó xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của người dân. Thay vào đó, họ chỉ được phép lắp đặt các hệ thống camera bình thường mà thôi".
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang là nước có số lượng camera có khả năng nhận diện khuôn mặt cũng như hành vi người dân được lắp đặt ở nơi công cộng nhiều nhất trên thế giới với gần 200 triệu camera giám sát. Đặc biệt nhiều tại các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Mỗi người dân Trung Quốc khi ra đường sẽ bị giám sát bởi 2 camera an ninh.
Từ mối lo ngại về việc chính quyền Việt Nam nói chung hay là chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay đang lợi dụng dự án "Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung" để tăng cường theo dõi, giám sát mọi hành vi của công dân, ông Trường Sơn và luật gia Phạm Lê Vương Các đã chỉ ra các hệ luỵ mà người dân có thể phải gánh chịu nếu tiếp tục việc lắp đặt hàng loạt camera có chức năng tự động nhận diện khuôn mặt và hành vi :
Thứ nhất, người dân dễ dàng bị giải tán, đàn áp khi tham gia các hoạt động biểu tình hay thực hành quyền tự do hội họp của công dân. Ông Trường Sơn nói tiếp :
"Rõ ràng đây là một nguy cơ hiện hữu. Thông qua những bài báo trong nước thì chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đang thể hiện rất rõ mục đích của họ khi mà lắp đặt hệ thống camera nhận diện khuôn mặt đó là phát hiện những công dân tham gia các hoạt động tụ tập đông người, mà có thể hiểu là người ta đang thực hành quyền biểu đạt cũng như tự do hội họp của họ.
Chính quyền muốn phát hiện những người tham gia các hoạt động đó và trừng phạt họ thì rõ ràng, đối với Ân xá Quốc tế đây là công cụ để giúp chính quyền thực hiện đàn áp quyền tự do biểu đạt của người dân, và nó rất là đáng lo ngại".
Thứ hai, khi người dân bị theo dõi, giám sát quá mức sẽ xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư cá nhân. Luật gia Phạm Lê Vương Các nhận định :
"Việc lắp đặt camera này với các chức năng phòng chống tội phạm chưa thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta nhìn thấy rõ một điều rằng có dấu hiệu mang tính chất không đảm bảo được quyền riêng tư của công dân trong xã hội.
Chính sách quản lý người dân sẽ làm cho xã hội thiếu đi sự tự do, thiếu đi sự hồn nhiên của người dân khi ra đường, làm mất bớt đi sự tự do quyền riêng tư vốn có".
Thứ ba, chính phủ sẽ nhận diện, thu thập các hành vi cá nhân của người dân rồi thực hiện việc "xếp hạng công dân" hệt như những gì Trung Quốc đang thực hiện với người dân của mình, theo ông Trường Sơn :
"Chính quyền Trung Quốc đã triển khai hệ thống tính điểm cho công dân của mình. Tức là bất cứ việc làm nào của công dân ở nơi công cộng đều bị hệ thống camera phát hiện và danh tính của họ cũng bị lộ diện.
Chính quyền sẽ chấm điểm công dân đó và từ đó, công dân sẽ bị giới hạn một số lợi ích dựa theo các hành vi của họ. Nó khiến xã hội Trung Quốc trở thành nơi không còn bất cứ một tính riêng tư nào cả".
Hiện nay, Trung Quốc đang thử nghiệm việc sử dụng hệ thống carame giám sát dày đặc này để tính điểm, phân loại công dân với thang điểm từ 1 là yếu kém đến 5 là ưu tú.
Hệ thống này đánh giá này dựa trên mọi hành vi của công dân nơi công cộng như vượt đèn đỏ, sang đường sai luật, hút thuốc…
Những công dân bị đánh giá, xếp loại yếu kém sẽ mất một số quyền lợi như không được phép sử dụng "các dịch vụ chất lượng" hay bị nêu tên và gương mặt trên các màn hình lớn nơi công cộng.
Hệ thống đánh giá công dân của Trung Quốc sẽ chính thức đi vào hoạt động năm 2020.
Cao Nguyên
Thép Việt sẽ bị đánh thuế như thép Trung Quốc nếu không khai rõ nguồn nhiên liệu (RFA, 11/07/2019)
Doanh nghiệp Việt Nam không chứng nhận được thép cán nguội và tôn mạ xuất sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên vật liệu từ nguồn nào sẽ bị áp mức thuế như với hàng Trung Quốc. Báo trong nước đưa tin.
Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo nâng mức thuế mới lên đến 456,23% đối với 2 mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam - Courtesy : Ảnh chụp màn hình tuoitre.vn
Theo đó, vào ngày 2/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẫn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ và thép cán nguội của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tháng 9, DOC sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vụ việc thép Việt Nam nghi gian lận vào Hoa Kỳ.
Do việc đã được Hoa Kỳ bắt đầu điều tra từ ngày 2/8/2018, nên việc tăng thuế sẽ được áp dụng với tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 2/8/2018.
Với kết luận cáo buộc này, Hải quan Hoa Kỳ sẽ bắt đầu thu tiền đặt cọc đối với hai sản phẩm nói trên của Việt Nam, nhưng Bộ Thương mại Mỹ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam không mất tiền đặt cọc nếu chứng minh tôn mạ và thép cán nguội không sử dụng từ thép cán nóng của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Trước đó, năm 2015, Hoa Kỳ đã điều tra thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tôn mạ, thép cán nguội của Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2016, Hoa Kỳ chính thức áp thuế với Hàn Quốc và Đài Loan.
Cũng liên quan đến thị trường thép, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thép các loại, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 7,2% về lượng và 0,8% về trị giá.
Thống kê cho thấy, sắt thép có xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất, chiếm hơn 42% trong tổng lượng và chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Hàn Quốc là nước đứng thứ 2, chiếm hơn 11% trong tổng lượng và chiếm 14% trong tổng kim ngạch. Nhật Bản đứng thứ 3 chiếm 14% trong tổng lượng và tổng kim ngạch.
******************
Theo thống kê của Tổng cục xuất nhập khẩu, trong những tháng đầu năm 2019 sản lượng xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt hơn 4 tỉ USD và riêng thị trường Hoa Kỳ là gần 2 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt hơn 8 tỷ USD và đạt 3,42 tỉ USD đối với thị trường Hoa Kỳ. Đối với mặt hàng nhôm thép tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới hơn 4,5 tỷ USD/năm và đạt hơn 1,5 tỷ USD/năm thị trường Hoa Kỳ.
Một sản phẩm "Made in Vietnam" được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. (Ảnh minh họa) AFP
Với lợi thế xuất khẩu như trên, Bộ Công thương trong cuộc họp ngày 9/7 xác định các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu nóng của Việt Nam như đồ gỗ, dệt may, thủy sản, nhôm sẽ được đưa vào diện giám sát đặt biệt để tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu đưa vào diện áp thuế cao, trừng phạt thương mại. Đặc biệt như việc Mỹ vừa áp thuế 450% trên sản phẩm thép của Việt Nam với lý do các loại thép này đã sử dụng nguyên liệu được nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc nhằm lẩn tránh thuế.
Bà Lê Hoàng Anh vụ trưởng vụ thị trường Châu Á–Châu Phi tại cuộc họp "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" diễn ra hôm 9/7 thừa nhận rằng, trong thời gian gần dây một số mặt hàng như máy móc, điện tử, phụ liệu dệt may và đặc biệt là gỗ từ Trung Quốc nhập về Việt Nam tăng đột biến.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, phó chủ tịch hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh trả lời với báo Thanh Niên hôm 10/7 khẳng định, không loại trừ khả năng các sản phẩm gỗ cũng như các hàng hóa khác của Việt Nam sẽ bị Mỹ áp thuế tương tự và nếu xảy ra thì chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể chịu nổi và thiệt hại nặng nề cả ngành sản xuất là điều không tránh khỏi.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban nghiên cứu kinh tế của thủ tướng chính phủ Võ Văn Kiệt nhận xét rằng, các nhóm hàng dệt may, đồ gỗ… cũng được xem là quan trọng đối với Việt Nam nhưng đã có một số trường hợp bị phát hiện nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến sơ xài rồi xuất khẩu ra thị trường Mỹ như sản phẩm thép của Hàn Quốc và Đài Loan hồi năm ngoái. Do đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ muốn kiểm tra phát hiện gian lận hay không là điều không khó. Bà giải thích :
"Đã có những quy định chung giữa các nước rồi, như Hoa Kỳ đã quy định rất rõ và người ta đã dùng hệ số HS tức là Harmonized System để đánh giá mức độ sản phẩm được chế biến đến mức độ nào nên người ta rất dễ dàng phát hiện ra. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam hay những người thông đồng với họ, tưởng chỉ cần chở sang Việt Nam làm sơ một chút là có thể chế biến xuất khẩu ra bên ngoài coi như hàng "Made in Vietnam" thì đó là nhận thức cực kỳ sai mà họ đã cố tình làm sai, thành ra khi mà thuế tăng lên thì họ phải chịu thôi".
Chuyên gia kinh tế tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định, điều ông lo ngại nhất là đối với nhóm hàng dệt may.
"Những mặt hàng dệt may là những hàng có nhiều khả năng rủi ro hơn vì phía Hòa Kỳ dễ dàng kiểm tra được từng sợi của từng mặt hàng một và nếu sợi đó được sản xuất tại Trung Quốc là bị phát hiện ra ngay và có thể bị phạt. Tôi rất làm lo ngại về điều này".
Ngoài ra, tiến sĩ Lê Đăng Doanh còn cho hay, nhóm hàng hóa dệt may được xem là mặt hàng có thể đem lại nhiều công ăn việc làm cho nguồn lao động Việt Nam và nếu việc áp thuế xảy ra thì nó ảnh hưởng không nhỏ cũng như dẫn đến nhiều hệ lụy.
Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã giúp doanh nghiệp trong nước có lợi thế về ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường sớm. Nhưng những lợi thế đó cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ hàng hóa bên ngoài được chuyển vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ hàng Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất đi các thị trường thành viên FTA là không thể tránh khỏi, ông Trần Tuấn Anh-Bộ trưởng Bộ Công thương giải bày trong cuộc họp triển khai tăng cường quản lý Nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Giải pháp khắc phục những kẻ hở trong cơ chế giám sát xuất khẩu là điều cần làm ngay nếu Việt Nam không muốn sự kiện ngành thép được lặp lại đối với các nhóm hàng chủ lực khác.
Ảnh minh họa. AFP
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, biện pháp tốt nhất là các doanh nghiệp tự kiểm soát lẫn nhau trên cơ sở có quy định rõ ràng của Chính phủ. Ông giải thích :
"Các cơ quan Việt Nam cần tiến hành giám sát chặt chẽ và đến nay Bộ Công thương vẫn chưa thể định nghĩa thế nào là "Made in Vietnam" sản xuất tại Việt Nam trong khi các nước họ phân biệt rất là rõ ràng thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, thế nào là hàng hóa đóng gói hay thiết kế tại Việt Nam… Đấy là điều thiết sót sau 30 năm hội nhập rồi chúng ta vẫn chưa thể định nghĩa chưa có quy định. Theo tôi tốt nhất các hiệp hội nên tổ chức việc giám sát đó, doanh nghiệp tự giám sát lẫn nhau trên cơ sở phải có quy định rõ ràng hàng nào sản xuất tại Việt Nam và hàng nào đóng gói tại Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng để không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhà nước cần xử lý thẳng tay đối với các doanh nghiệp cố tình gian lận.
"Bởi vì họ làm như vậy nó ảnh hưởng tới ngành hàng cũng như doanh nghiệp của các ngành hàng khác, tạo ra tiếng xấu, sự nghi ngờ đối với Việt Nam. Tất nhiên Mỹ không đánh thuế vào tất cả các mặt hàng thép mà chỉ đánh thuế vào những doanh nghiệp mà họ cho là gian lận thôi nhưng như vậy nó cũng ảnh hưởng chung trong việc các mặt hàng khác sẽ bị kiểm tra chặt chẽ hơn, khó khăn hơn khi xuất khẩu. Nhà nước Việt Nam phải trừng trị mạnh tay thôi, tôi cho điều này rất là cần thiết và nếu cần thì ngưng hẳn lại không cho phép họ xuất khẩu tiếp".
Tuy nhiên, đối với chuyên gia kinh tế, Phó giáo sư tiến sĩ Ngô Trí Long nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả thuộc Bộ tài chính thì không cần biện pháp nào cả. Ông lý giải :
"Các cơ quan chức năng và đặc biệt là Bộ Thương mại là cơ quan chủ trì trong vấn đề này. Hải quan cửa khẩu thì hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa rõ ràng, một khi hàng nhập về Việt Nam quá nhiều mà không tiêu thụ được thì có nên dùng cái danh của Việt Nam. Lợi dụng hiệp định thương mại tự do mà nhiều cái có lợi cho Việt Nam xuất đi nước ngoài thì đó là việc cần phải báo, đồng thời xuất đi Châu Âu hoặc những nước mình đã ký kết đều phải bị kiểm tra một cách rõ ràng thì nó mới tránh được, ngoài ra không cần biện pháp nào cả".
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thừa nhận thành tích xuất khẩu của Việt Nam tuy lớn nhưng có đến 70% là do các nhà đầu tư nước ngoài làm, có nghĩa nội lực nền kinh tế không phát triển trong suốt thời gian qua :
"Việt Nam cứ dựa vào nhập khẩu quá nhiều từ bên ngoài thì nó tạo thêm rủi ro về việc hàng làm tại Việt Nam không đủ đạt chuẩn là thay đổi mã HS tạo nên giá trị gia tăng để có thể coi là hàng "Made in Vietnam". Do đó Việt Nam nên nhìn cái cơ hội này không chỉ là xuất khẩu mà là phát triển các ngành hàng xuất khẩu, phát triển ngành sản xuất trong nước để có khả năng xuất khẩu tốt hơn, chứ không thể dựa trên xuất khẩu bằng gia công như từ trước tới nay".
Ngoài ra, bà Lan chia sẻ thêm Nhà Nước Việt Nam cần phải có chính sách rõ ràng để các doanh nghiệp có thể mở rộng thêm hoạt động sản xuất trong nước thay vì chỉ thực hiện gia công những khâu đơn giản cho đối tác nước ngoài. Nhà nước cần tạo cơ chế giúp doanh nghiệp phát triển các ngành hàng căng cơ trong nước thì mới có thể giúp nền kinh tế phát triển.
Nga-Trung : Moskva cần nhưng thận trọng với Bắc Kinh (RFI, 13/06/2019)
Trong tuần qua, chủ tịch Trung Quốc được tổng thống Nga tiếp đón long trọng nhân chuyến viếng thăm cấp nhà nước, và với tư cách là khách mời danh dự tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg. Đây là lần thứ 29 Tập Cận Bình gặp Vladimir Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersburg ngày 06/06/2019. Dmitri Lovetsky/Pool via Reuters
Trong khi giới phân tích Tây phương nhấn mạnh đến thế yếu của Nga so với Trung Quốc, hai bên không tiếc những lời hoa mỹ để khen tặng nhau : Putin là bạn "tốt nhất" trên đời, Trung Quốc là "đối tác" chân thành. Thực tâm hay chỉ là đòn khuyến cáo Mỹ ?
Trong quan hệ Moskva-Bắc Kinh, nếu chỉ tính từ 30 năm trở lại đây, tức là từ sau chuyến công du của ông Mikhail Gorbachev tháng 05/1989 để bình thường hóa bang giao, đối với Nga, chế độ Trung Quốc là một đối tác "không phải lúc nào cũng cần thiết, nhưng cũng không nên chọc giận" - theo nhận định của chuyên gia Pháp Arnaud Dubien, giám đốc Viện Quan Sát Pháp-Nga.
Tuần qua, trong cuộc hội ngộ lần thứ 29 tính từ năm 2013, sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, hai nước ký một bản tuyên bố chung đánh dấu quan hệ hợp tác "bước vào một thời kỳ mới ". Trong cùng thời gian đó, do cuộc chiến tại Syria và cuộc khủng hoảng ở Ukraina, Moskva bị Tây phương trừng phạt. Và giờ đây, với cuộc chiến tranh thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, xu hướng Nga-Trung liên kết chống lại Tây phương trở thành cần kíp.
Tuy nhiên, đằng sau những bài diễn văn, thực tế như thế nào ? Có thật nước Nga xoay trục sang Trung Quốc vì những quyền lợi tương đồng? Hai bên có thật sự tin tưởng lẫn nhau như qua các lời tuyên bố dành cho công luận và…Tây phương ? Nga có những chính sách thận trọng nào để thủ thân ?
Thông tín viên Hoàng Dung từ Moskva trả lời các câu hỏi trên đây.
"Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước lớn trên thế giới diễn ra trong bối cảnh cả hai đang có những mâu thuẫn với Mỹ và Châu Âu, nên có ý nghĩa chính trị và kinh tế đặc biệt mang lại cho Nga một điểm tựa mới…Tại Saint - Petersburg đã hình thành một câu lạc bộ các quốc gia trong thời đại mới, có thể không mời Mỹ tham dự…
Có điều trong các lời tuyên bố rất to tát đó, người ta thấy có nhiều những lời hoa mỹ khiến phải dè dặt tìm hiểu thêm, đằng sau những đánh giá to lớn về cuộc gặp gỡ này, hai bên thực sự sẽ có những bước như thế nào "...
Tú Anh, Hoàng Dung
******************
Báo mạng Vnepress vào ngày 12/6 có đăng bài viết về "Cách huy động lực lượng phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông". Trong bài nêu rõ người dân kêu gọi biểu tình qua nhiều phương tiện khác nhau, từ trực tiếp phát tờ rơi trên đường phố đến việc thành lập những kênh trò chuyện trực tuyến bí mật để bàn thảo phương cách phản đối và xuống đường biểu tình.
Cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ của người dân Hồng Kông. AFP
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Lân Thắng và cũng là người từng tham gia vào một số cuộc biểu tình tại Việt Nam nói với chúng tôi rằng, đối với các nhà hoạt động xã hội thì các biện pháp kỹ thuật như người dân Hồng Kông sử dụng thì không có gì là mới nhưng điều quan trọng nhất là việc tác động truyền tải đến mọi người gặp nhiều khó khăn.
Anh nói thêm : "Tại Việt Nam những người nằm trong con số các hội nhóm có sự chuẩn bị bàn bạc phối hợp thì nó không được nhiều. Như cuộc biểu tình tại Việt Nam hôm 10/6/2018 phản đối luật đặc khu thì số lượng người có bàn bạc nằm trong các hội nhóm này kia thì nó không quá 100 người nên khi ứng dụng các biện pháp để thông tin liên lạc trong 1 nhóm nó không có sự liên kết chặt chẻ và thứ hai là số lượng nó không nhiều nên tại Việt Nam việc dùng cái đó rất là khó khăn".
Một nhà hoạt động xã hội khác là anh Lã Việt Dũng, thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội cũng xác nhận với chúng tôi về việc sử dụng các công cụ kỹ thuật bảo mật để trao đổi trò chuyện nhưng việc bảo mật sẽ nằm ở nhiều cấp độ khác nhau.
"Những người tổ chức ra các cuộc biểu tình như vậy họ cần liên lạc với nhau thì mới bí mật chứ với người dân thường thì họ không cần một cách bí mật nào cả bởi vì họ cần được công bố rộng rãi. Còn tại Việt Nam thì những nhóm khác nhau thì họ liên lạc bằng nhiều công cụ khác nhau với nhiều ứng dụng bảo mật mà chính quyền họ không thể can thiệp được".
Một số ứng dụng bảo mật thường được sử dụng tại Việt Nam hiện nay có thể kể đến là Whatsaap. Telegram hay Signal... Tuy nhiên chúng vẫn chưa được phổ biến rộng mà chỉ một số nhà hoạt động sử dụng. Hầu như mọi người chỉ liên lạc bằng điện thoại trực tiếp hay Facebook Messenger thì đó là điều không an toàn.
Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc tổ chức Người bảo vệ nhân quyền giải thích về tác dụng của các ứng dụng kỹ thuật trò truyện bảo mật :
"Khi mà sử dụng các ứng dụng bảo mật thì nó có tác dụng hai đầu là chỉ có người gửi và người nhận mới có thể biết được nội dung thôi và ngay cả những công ty cung cấp dịch vụ đó họ cũng không thể đọc các tin nhắn của mình gần như bảo mật tuyệt đối".
Một số ứng dụng trò chuyện trên điện thoại. AFP
Ngoài ra, ông Ngữ còn hướng dẫn cách tăng độ bảo mật cho bản thân.
"Có ứng dụng Signal hay Telegram thì nó có chương trình là tự động xóa trong bao nhiêu lâu tùy theo mình cài đặt chế độ 10 phút hay 20 phút thậm chí cả tiếng chẳng hạn sau đó thì nó sẽ mất đi, điều đó mình có thể hạn chế được rủi ro. Việc sử dụng email muốn an toàn thì thường sẽ không sử dụng chức năng trả lời (reply), ví dụ như thư của đồng đội chẳng hạn nếu mình muốn trả lời lại thì đừng bấm trả lời trên thư đó mà hãy xóa nó đi và trả lời trên một thư mới thì sẽ không chứa lại nội dung của thư trước đó".
Còn đối với anh Lã Việt Dũng thì các công cụ kỹ thuật bảo mật như hiện nay thì chỉ đạt được ở nhóm nhỏ mà thôi nếu thành nhóm lớn thì nó không còn gì là bí mật nữa.
"Nói chung chỉ đạt được ở nhóm nhỏ thôi chứ thành nhóm lớn thì nó sẽ không còn là bí mật nữa, theo kinh nghiệm của mình những nhóm nhỏ chính quyền chả biết được gì cả không can thiệp được. Không phải trò chuyện nhóm nào cũng là tốt mình phải lựa chọn những công cụ phù hợp và những cái tụi mình đã chọn thì chính quyền hoàn toàn không biết được chuyện đó".
Đồng thời anh còn khăng định, không có gì là bảo mật tuyệt đối, đôi khi vấn đề xảy ra không phải do lỗi kỹ thuật mà về con người , một số người họ không thể kiểm soát được việc bảo mật nên đa phần lỗi hỏng từ đó mà ra.
Dư luận xã hội đặt vấn đề rằng đối với các ứng dụng bảo mật như vậy thì tại sao cơ quan chức năng đến nay vẫn không có biện pháp nào can thiệp như đã làm với mạng xã hội Facebook thời gian qua.
Ông Vũ Quốc Ngữ khẳng định ngay chính những công ty cung cấp dịch vụ đó họ cũng không thể đọc các tin nhắn hay các cuộc trò chuyện của khách hàng thì cơ quan chức năng không thể nào can thiệp được và điều này gần như bảo mật tuyệt đối.
Anh Lã Việt Dũng đồng ý việc cơ quan chức năng không thể can thiệp nhưng để khai thác được thông tin thì họ sẽ làm bằng mọi cách.
"Thật ra họ biết nhóm mình trao đổi với nhau rồi họ sẽ tìm cách họ bắt bớ rồi họ mở điện thoại rồi bẻ khóa điện thoại họ tìm thông tin họ tìm bằng chứng. Trong những lúc biểu tình như vậy mình phải xác định là có thể bị bắt bất cứ lúc nào nên không thể chủ quan được và điều thứ hai là điện thoại phải tăng cường bảo mật để mở ra là điều không dễ dàng, nhiều bạn để dấu vân tay hay nhận diện khuôn mặt là họ ra được ngay".
Không thể so sánh thực tế Hong Kong với Việt Nam; tuy vậy những nhân tố tích cực muốn thay đổi xã hội ở trong nước đã có. Những nhân tố này hướng đến những công cụ bảo mật để tránh sự theo dõi của chính phủ. Trong khi đó cơ quan chức năng Nhà Nước cũng bỏ kinh phí để giúp lực lượng của họ ngăn chặn mọi thành phần tiến bộ lan tỏa ảnh hưởng cũng như thông tin liên lạc.
Nhật hoàng Naruhito chính thức lên ngôi (RFI, 01/05/2019)
Tân Nhật hoàng Naruhito, 59 tuổi, chính thức lên ngôi hôm nay, 01/05/2019. Hoàng đế thứ 126 của nước Nhật, với niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa), nguyện tuân theo Hiến Pháp, cam kết luôn "đứng về người dân".
Tân hoàng đế Nhật Naruhito trong lễ đăng quang tại hoàng cung, Tokyo ngày 01/05/2019. Imperial Household Agency of Japan/Handout via Reuters
Lần đầu tiên từ 202 năm nay, ngôi hoàng đế của nước Nhật được trao truyền khi hoàng đế tiền nhiệm còn sống. Việc chuyển giao ngôi báu cho hoàng đế kế vị diễn ra theo các nghi thức của Thần Đạo, tôn giáo chính thống của người Nhật. Thách thức lớn với tân Nhật hoàng là không để bị các thế lực chính trị thao túng. Thông tín viên Frédéric Charles tường trình từ Tokyo :
"Tân Nhật hoàng Naruhito bước lên Ngai vàng hoa cúc, biểu tượng của Hoàng gia, trong trang phục Tây phương, với bộ vest đuôi tôm cùng một vòng trang sức lớn trên cổ và nhiều huân chương. Tại sảnh đường mang tên Matsu no Ma (còn gọi là phòng Cây Thông), ở Hoàng cung, tân Nhật hoàng được trao hai trong số ba báu vật, được nữ thần Mặt Trời truyền lại cho dòng dõi các hoàng đế Nhật, theo huyền thoại Nhật Bản. Đó là một thanh gươm và một đồ Châu báu.
Chiếc gương không nằm trong số các báu vật được trao truyền. Gương báu không bao giờ rời khỏi điện thờ thiêng liêng nhất của Thần Đạo, được coi là tôn giáo chủ yếu của người Nhật, coi Hoàng đế như một vị thần.
Các phụ nữ trong hoàng tộc không được phép tham gia vào nghi thức này. Người phụ nữ duy nhất có mặt là một bộ trưởng trong chính phủ Shinzo Abe.
Tân Nhật hoàng tiếp theo đó có một bài phát biểu. Ông Naruhito nguyện tôn trọng Hiến Pháp, thực hiện vai trò là biểu tượng quốc gia và sự thống nhất của toàn dân, nguyện luôn hướng về người dân, phụng sự lợi ích của nhân dân.
Cũng giống như cựu hoàng Akihito, tân Nhật hoàng phải tìm cách để triều đại trị vì lâu dài nhất trong lịch sử Nhật Bản thích ứng với thời đại. Nhật hoàng Naruhito không chấp nhận định chế hoàng gia là đối tượng thao túng của quyền lực chính trị, trong bối cảnh thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa, để đưa xã hội Nhật trở về với thời kỳ trước đệ nhị thế chiến, với trung tâm là Thần Đạo và Hoàng đế".
Trọng Thành
*******************
Triều đại "Lệnh Hòa" và những thách thức cho tân vương Naruhito (RFI, 01/05/2019)
Ngày 01/05/2019, Nhật Bản chính thức bước vào một triều đại mới "Lệnh Hòa". Kể từ nửa đêm (theo giờ Nhật Bản), nhật hoàng Akihito, sau 30 năm trị vì, chính thức thoái vị. Hoàng thái tử Naruhito, con trai trưởng, trở thành tân vương Nhật Bản.
Nhật hoàng Naruhito và hoàng hậu Masako ngay sau lễ đăng quang tại hoàng cung ở Tokyo. Kyodo/via Reuters
Naruhito sẽ là hiện thân cho "biểu tượng Quốc Gia và Đoàn Kết dân tộc". Nhưng ông là ai, là một người như thế nào ? Những thách thức nào đang chờ đón vị tân vương ? Nhiều câu hỏi đã được đặt ra vì người ta biết rất ít về Naruhito.
Ở tuổi 59, Naruhito được trao thanh gươm và Châu báu – những "báu vật thiêng", và chính thức lên ngôi hoàng đế Nhật Bản, đời thứ 126. Triều đại Bình Thành (Heisei) như vậy đã khép lại, khai mở một triều đại mới Lệnh Hòa (Reiwa), nghĩa là "Hài hòa" và "Tươi đẹp".
"Cha nào, con nấy", liệu rằng câu nói này có thể đúng đối với tân vương hay không ? Từ vóc dáng cho đến cả tính cách và cách điều hành việc nước ? Là một người kín đáo, liệu tân vương có được tầm vóc như cha mình để hiện đại hóa thể chế có nghìn năm tuổi đó ? Naruhito từng cam kết mang lại cho hoàng triều một tầm mức quốc tế, khi nhắc lại rằng vợ và bản thân ông từng đi học ở nước ngoài.
Trả lời câu hỏi nhà báo Heike Schmidt ban tiếng Pháp đài RFI, Philippe Mesmer, phóng viên thường trú của báo Le Monde tại Tokyo chuyên về đời sống chính trị Nhật Bản, nhận xét :
"Đó là một người được cho là thông minh, tinh nhanh, nhưng ông là người Nhật Bản, nên được nuôi dưỡng trong khuôn khổ nghiêm ngặt của hoàng gia. Do vậy, tôi nghĩ là nếu Naruhito muốn thúc đẩy, tạo ra những thay đổi trong phương cách vận hành thể chế hoàng gia, thì điều đó sẽ được thực hiện theo cách của người Nhật, nghĩa là từng bước nhỏ một, dần dần như cách làm của cha ông".
Yêu thích môn quần vợt, đi bộ và chơi đàn alto, Naruhito, sinh ngày 23/02/1960, là vị hoàng tử đầu tiên có đặc quyền được nuôi dưỡng và lớn lên dưới cùng mái nhà với cha mẹ, chứ không như cha của ông, Nhật hoàng thoái vị Akihito bị giao cho người quản gia và gia sư dưỡng dục khi còn nhỏ.
Naruhito cũng là vị hoàng tử đầu tiên được đi du học ở nước ngoài. Ông từng có hai năm đào tạo tại đại học Oxford và viết một luận án về dòng sông Thames thế kỷ XVIII. Sông Thames, là vì ông yêu thích nước, các dòng sông và những con đường thủy. Đó cũng là cách để ông thoát khỏi những sự gò bó của hoàng gia. Rồi khi về nước, ông tham gia nhiều vào những hội nghị quốc tế về việc cấp nước cho tất cả mọi người.
Phê phán chủ nghĩa quân phiệt
Nhưng bên cạnh đó, Naruhito còn có một niềm đam mê khác : đó là lịch sử. Cũng giống như cha, Naruhito chủ trương hiếu hòa và điều này đã được ông khẳng định nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến. Guibourg Delamotte, giảng viên ngành khoa học chính trị chuyên nghiên cứu về Nhật Bản trường INALCO cho rằng chủ trương này vẫn sẽ được Naruhito tiếp nối :
"Nhân dịp sinh nhật lần thứ 55, Nhật hoàng đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì ký ức lịch sử, nhìn thẳng vào lịch sử với thái độ khiêm tốn. Tư tưởng chủ hòa này làm hài lòng rất nhiều người dân Nhật Bản, theo đó, toàn nước Nhật thừa nhận lịch sử, thừa nhận nỗi đau khổ của người dân Nhật cũng như trách nhiệm đối với lịch sử bao gồm cả thời kỳ quân phiệt. Do vậy, tân hoàng đế Naruhito phải đi theo hướng này."
Câu hỏi đặt ra : Naruhito có đủ khôn khéo để tiếp tục đi theo con đường này của cha hay không ? Một con đường ghập ghềnh khó đi, mà chính bản thân hoàng đế thoái vị cũng phải rất khéo léo trong cách thể hiện quan điểm của mình trước những người bảo thủ mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, mà chính phủ thủ tướng Shinzo Abe là một ví dụ điển hình.
Nhà báo Philippe Mesmer đánh giá đây sẽ là một nhiệm vụ khá tế nhị cho tân vương : "Phạm vi hoạt động của ông rất là hạn hẹp. Bình thường ra, ông không thể xen vào các cuộc tranh luận chung, do vậy cha của ông đã chọn cách nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình như đến thăm các địa điểm xung đột, cầu nguyện cho các nạn nhân của xung đột, cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời kêu gọi hòa bình một cách có hệ thống. Đó chính là cách thức để ông truyền đi thông điệp hiếu hòa. Nếu ông muốn đưa ra một thông điệp chính trị, ông sẽ làm nhưng theo một cách rất là khôn khéo".
Gần gũi dân : Cách làm chính trị của Nhật hoàng
Năm 2004, Naruhito đã có một cuộc cách mạng nhỏ trong hoàng cung. Ông chỉ trích các nghi thức hoàng gia đã bóp nghẹt cá tính của Masako, vợ ông – một nhà cựu ngoại giao xuất sắc. Áp lực phải có con trai để nối dõi ngai vàng đã khiến thái tử phi rơi vào trầm cảm. Dù vậy, ông cũng lên tiếng trấn an mọi người rằng Masako sẽ dần hoàn thiện được vai trò của một hoàng hậu.
Liệu rằng cặp đôi tân vương này có thể chiếm lĩnh được tình cảm của người dân Nhật Bản như cha và mẹ ông đã làm được hay không ? Trong lễ đăng quang, Naruhito cam kết chia sẻ "nỗi khổ" và "niềm vui" với người dân Nhật Bản. Đây cũng là những gì cựu hoàng Akihito và bà Michiko từng làm khi đến thăm nạn nhân của vụ thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.
Theo như quan điểm của ông Mickael Prazan, tác giả nhiều tập sách về Nhật Bản, đây cũng chính là những thách thức dành cho Naruhito và Masako : "Hoàng đế thoái vị, tức cha của tân vương Naruhito, thường hay có mặt khi cần thiết và có những phát biểu công khai trước ống kính truyền hình, do vậy ông rất được lòng dân. Sự gần gũi với dân là một trong những chức năng hay nói đúng hơn là chức năng chính của hoàng đế Nhật Bản. Hoàng đế ngày nay không còn là hoàng đế của nước Nhật nữa, mà là hoàng đế của tất cả người dân Nhật, giống như vào thời kỳ Cách Mạng Pháp, vua nước Pháp trở thành vua của tất cả người dân Pháp".
RFI tiếng Việt
Không kiểm soát dịch tả lợn kịp thời, sẽ thiệt hại hàng tỷ USD (RFA, 14/03/2019)
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan tại Việt Nam, với tỷ lệ lợn chết khi nhiễm bệnh lên đến 100%, số lợn tiêu hủy lên đến hàng nghìn con với trọng lượng tiêu hủy hàng trăm tấn. Nếu không có biện pháp kiểm soát bệnh kịp thời sẽ có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Ảnh minh họa - RFA
Thông tin vừa nêu được các đại biểu đưa ra tại hội nghị Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, với chủ đề "Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức ngày 14/3.
Tính đến ngày 14/03/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam, gồm : Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La và Nghệ An.
Theo thông tin từ Cục Thú y, trong 2 ngày qua, tốc độ lây lan của dịch tả lợn Châu Phi có chậm lại.
Từ năm 2017 đến ngày 3/03/2019, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Trả lời báo chí hôm 14/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người nhưng rất nguy hiểm vì lây lan rất nhanh, đồng thời không có vắc xin phòng bệnh. Ông cho rằng, quan trọng nhất là áp dụng đồng bộ các giải pháp tổng hợp, với phương châm "phòng là chính" ?
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có gửi công văn kiến nghị Bộ Thông tin – Truyền thông xử lý những thông tin bị cho là sai sự thật về dịch tả lợn Châu Phi, gây hoang mang xã hội. Cụ thể, trong văn bản có nhắc tới nhiều fanpage và facebook cá nhân như ‘Đầm bầu thời trang Mami, Trang Thao Mandy’… đăng tải thông tin và hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi tẩy chay thịt lợn vì có thể lây sang người…
Cho đến ngày 14/3, có hai người đăng tin hàm ý dịch tả lợn đã về tới Cà Mau bị lập biên bản, buộc viết cam kết không tái phạm, ông Nguyễn Văn Đen, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau xác nhận với báo chí thông tin vừa nêu cùng ngày.
Hai người vi phạm là Nguyễn Bảo Trân, 26 tuổi, ngụ phượng 8, Cà Mau và Phạm Hoàng Yên, 22 tuổi ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Ngày 12/03/2019, hai người này đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình những dòng cảm thán hàm ý bệnh tả lợn đã về đến tỉnh Cà Mau, kèm ảnh. Các thông tin cụ thể gồm "Tới Cà Mau rồi, thề k ăn thịt heo luôn" ; "Thịt heo tới Cà Mau rùi ! ! ! hix… Giờ em biết lấy món gì e ăn hàng ngày đây hix hix".
Chi cục Thú ý tỉnh Cà Mau khẳng định không hề có chuyện dịch tả lợn đến Cà Mau, nên khẳng định Trân và Yên đăng tải thông tin sai sự thật, buộc gỡ bỏ toàn bộ nội dung này.
*****************
Google giúp start-up Việt Nam 'cưỡi đám mây' ra thế giới (VOA, 13/03/2019)
Google vừa công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo (start-up) Việt Nam có tên Google Cloud for Start-upsđể tìm cơ hội bước ra thế giới.
Google công bố một chương trình hỗ trợ đặc biệt dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hôm 9/03/2019.
Báo Người Lao Động dẫn lời Đại diện Google tại Việt Nam cho biết chương trình khởi nghiệp này được thiết kế với mục tiêu giúp các công ty khởi nghiệp phát triển doanh nghiệp của mình, vận hành dễ dàng và nhanh chóng bằng cách khai thác các ưu thế từ các công nghệ và tài nguyên của Google như "đám mây thông minh" (Google Cloud), các sự kiện cộng đồng, các chuyên gia cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ về kỹ thuật.
Chương trình đặc biệt này dành cho bất kỳ start-up nào tại Việt Nam tùy theo điều kiện của từng gói có thể nhận hỗ trợ trị giá tương đương từ 3.000 đến 100.000 đôla/năm.
Google Cloud for Startup nằm trong khuôn khổ các chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam của Google, theo VnExpress.
Theo Thời báo Công nghệ Việt Nam, chỉ trong vòng 8 năm, đã có hàng ngàn dự án khởi nghiệp trên thế giới tham gia với Google Cloud, với những các tên nổi tiếng như Lytro, PixLee… và Google Cloud chính thức đầu tư hàng triệu đôla vào các doanh nghiệp khởi nghiệp vì tin tưởng vào tiềm năng to lớn tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát gần đây do Temasek và Google kết hợp thực hiện, thị trường kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt trị giá 21 tỉ đôla vào năm 2020.
***************
Việt Nam phạt trang Facebook đưa tin "thất thiệt" về dịch tả lợn Châu Phi (VOA, 14/03/2019)
Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam phạt một chủ trang Facebook hàng chục triệu đồng vì đăng tin "thất thiệt" về dịch tả lợn Châu Phi hiện đang hoành hành tại một số nước trong đó có Việt Nam.
Trang Facebook bị phạt 20 triệu đồng đăng tải lại nội dung của trang web Đảng Cộng Sản để đính chính những thông tin mà trước đó bị cho là sai lệch. (Ảnh chụp màn hình Phapluatdansinh)
Theo truyền thông trong nước, chủ trang Facebook ‘Đầm bầu thời trang Mami’ bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng vì đưa thông tin "sai sự thật" về dịch tả lợn Châu Phi "khiến người đọc hoang mang".
Nguyễn Thị Minh Nghĩa, chủ Trang Facebook nói trên, đăng tải các bài viết cho rằng dịch tả lợn Châu Phi có thể lây sang người và kêu gọi mọi người ngừng ăn thịt lợn.
Từ ngày 4/3, bà Nghĩa đã phải gỡ bỏ những thông tin này, đồng thời phải thông báo đến các đối tác rằng những thông tin đó "không đúng sự thật", theo VnExpress và Thanh Niên.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra văn bản khẳng định dịch tả lợn Châu Phi chỉ lây lan trên lợn và đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường kiểm tra, xử phạt các tài khoản mạng xã hội đăng tin sai về dịch, trong đó có trang ‘Đầm bầu thời trang Mami".
Virus dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang tiếp tục lây lan tại Việt Nam, gây lo ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực đưa tới lệnh cấm sử dụng thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo nhập khẩu từ Việt Nam. Những ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tiền và ngay cả bị tống giam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/3 nói cần phải chiến đấu chống virus dịch tả lợn Châu Phi "như một kẻ thù", với sự tham gia tích cực của các cơ quan và bộ ngành ở nhiều cấp độ khác nhau.
Theo trang mạng Xinhua của nhà nước Trung Quốc, virus dịch tả lợn Châu Phi được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào đầu tháng Hai năm nay. Việt Nam trở thành nước thứ 3 bị lây lan cúm tả lợn Châu Phi, sau Trung Quốc và Mông Cổ. Virus dịch tả lợn Châu Phi đã được phát hiện tại Hà nội và Hải Phòng và 4 tỉnh miền Bắc : Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa và Hải Dương.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đài Loan loan báo bất cứ hành khách Việt Nam nào nhập cảnh Đài Loan với các sản phẩm làm bằng thịt heo sẽ bị phạt vạ $6.500. Nếu tái phạm, số tiền phạt sẽ tăng lên tới 33.000, và hành khách sẽ bị cấm nhập cảnh nếu không trả toàn bộ số tiền phạt.
Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, virus dịch tả lợn Châu Phi không ảnh hưởng tới người. Cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh này là tiêu hủy lợn bệnh.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định rằng "tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chứng tỏ sự vững vàng, cho dù có trở lực bên ngoài, chủ yếu nhờ vào sức cầu mạnh trong nước kết hợp sự năng động của các ngành chế tạo, chế biến theo định hướng xuất khẩu".
Theo báo cáo có tên gọi "Điểm lại", World Bank đưa ra nhận định rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2018 "dự báo vẫn ở mức 6,8%, cao hơn con số 6,3% dự báo cho các nền kinh tế thị trường mới nổi ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương".
"Về trung hạn, tăng trưởng của Việt Nam dự kiến đi theo xu hướng toàn cầu, giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020. Lạm phát vẫn được duy trì thấp ở mức 4% do chính sách tiền tệ sẽ được thắt chặt", Ngân hàng Thế giới nhận định trong ngày công bố ấn phẩm bán thường niên về kinh tế về Việt Nam hôm 11/12.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói rằng "dù bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, Việt Nam tiếp tục đạt tăng trưởng vững, song song với lạm phát ở mức vừa phải và tỷ giá tương đối ổn định".
Chuyên gia kinh tế này cho rằng các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam "nên tận dụng lợi thế trong lúc động lực tăng trưởng còn đang thuận lợi để đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm tăng cường đầu tư và tăng trưởng dựa trên khu vực tư nhân, song song với cải thiện hiệu suất đầu tư công".
Ngoài ra, báo cáo "Điểm lại" cũng chỉ ra rằng triển vọng trên "vẫn tiềm ẩn những rủi ro đang tích tụ, theo hướng xấu đi".
Ngân hàng Thế giới nhận định rằng "trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ còn hạn chế, Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động bên ngoài".
"Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang có thể dẫn đến suy giảm nhu cầu về các mặt hàng xuất khẩu, đồng thời thanh khoản trên toàn cầu bị thắt chặt có thể làm giảm dòng vốn đầu tư cũng như đầu tư nước ngoài. Trong nước, cải cách doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng chậm lại có thể ảnh hưởng đến viễn cảnh tăng trưởng và gia tăng các nghĩa vụ cho khu vực công", theo World Bank.
Theo nhận định của ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, "tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng thương mại đang diễn ra và rủi ro tài chính tăng cao đang che mờ triển vọng toàn cầu".
"Là một nền kinh tế mở, Việt Nam cần duy trì chính sách tiền tệ có khả năng ứng phó, tỷ giá linh hoạt và bội chi ngân sách thấp để nâng cao khả năng chống chịu những cú sốc có thể diễn ra", ông Eckardt nói.
Báo cáo của World Bank nhận định rằng "mặc dù thuế quan đang giảm nhanh nhưng số lượng các biện pháp phi thuế quan lại đang tăng lên".
"Mức thuế ưu đãi bình quân của Việt Nam đã giảm từ 13,1% năm 2003 xuống còn 6,3% năm 2015. Ngược lại, số lượng các biện pháp phi thuế quan lại tăng đến trên 20 lần trong cùng kỳ", theo Ngân hàng Thế giới.
Tổ chức này nói rằng "kinh nghiệm quốc tế cho thấy các biện pháp phi thuế quan, nếu được thiết kế và triển khai không tốt, có thể gây hạn chế thương mại, làm méo mó giá cả, và suy yếu năng lực cạnh tranh quốc gia".
Theo báo cáo, hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam vẫn còn phức tạp, chưa rành mạch và tốn kém, dẫn đến chi phí tuân thủ cao.
"Một nghiên cứu đưa ra ước tính rằng thuế quan trị giá tương đương của các biện pháp vệ sinh dịch tễ mà Việt Nam đang áp cho hàng nhập khẩu hiện ở mức 16,6%, so với mức bình quân là 8,3% ở các quốc gia ASEAN", World Bank nói.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV hôm 22/10, theo Đài tiếng nói Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ước tính GDP cả năm 2018 của Việt Nam vượt chỉ tiêu quốc hội đề ra là 6,7%.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng nói rằng trước những biến động cả ở trong nước và trên thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, Hà Nội "đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội".
Viễn Đông
****************
Số người Việt bị Mỹ trục xuất tăng hơn 70 phần trăm so với năm ngoái (VOA, 16/12/2018)
Số lượng người gốc Việt bị Mỹ trục xuất trong năm 2018 tăng hơn 70 phần trăm so với năm trước, theo một báo cáo của cơ quan thi hành di trú liên bang, tiếp tục mức tăng mạnh dưới thời chính quyền Trump vốn đang ráo riết xúc tiến chính sách di trú khắt khe hơn.
Chính quyền Trump giờ đang diễn dịch lại thỏa thuận năm 2008 giữa Mỹ và Việt Nam bảo vệ những người Việt tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995 khỏi bị trục xuất.
Báo cáo được công bố giữa lúc nhiều bản tin của giới truyền thông trong tuần này cho biết chính quyền Trump sẽ tái tục việc trục xuất về Việt Nam một số người tị nạn chiến tranh đến Mỹ trước năm 1995, bất chấp một thỏa thuận mà hai nước đã kí vào năm 2008 cung cấp sự bảo vệ cho những người này.
Trong năm tài chính 2018, Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) đã trục xuất 122 người được xác định mang quốc tịch Việt Nam, tăng lên từ mức 71 người trong năm tài chính 2017, theo báo cáo tổng kết của cơ quan công bố hôm thứ Sáu. Con số này trong năm 2016 là 35 người, 32 người năm 2015 và 48 người năm 2014, năm đầu tiên mà ICE liệt kê cụ thể số lượng người bị trục xuất theo nước mà họ mang quốc tịch.
Không rõ trong số 122 người này có bao nhiêu người đến Mỹ trước năm 1995, thời điểm mà Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao. VOA không thể liên lạc được ngay với ICE để yêu cầu cung cấp con số cụ thể, nhưng BuzzFeed News tuần này cho biết 11 người đến Mỹ trước 1995 đã bị trục xuất kể từ tháng 7 năm 2017, theo số liệu mà ICE cung cấp tại tòa án trong các vụ kiện tụng.
Tuy nhiên trong số 86 yêu cầu trục xuất mà Mỹ đã chuyển cho Việt Nam trong năm nay, chỉ có một yêu cầu được chấp thuận, BuzzFeed News cho biết.
Nguồn : Cơ quan Thi hành Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE)
The Atlantic hôm thứ Tư loan tin chính quyền Trump đã tái tục chính sách trục xuất một số người nhập cư gốc Việt mà họ đã lặng lẽ rút lại vào tháng 8. Tạp chí này dẫn lời một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội nói rằng chính quyền Trump giờ diễn dịch lại thỏa thuận 2008 rằng nó không áp dụng cho những người không có giấy tờ hoặc phạm tội hình sự.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã gặp các đại diện của sứ quán Việt Nam ở Washington nhưng từ chối cho biết thêm chi tiết về thời gian và địa điểm, cũng như những gì đã được bàn thảo tại các cuộc thương lượng đó, theo The Atlantic.
"Hiện đang có 5.000 người ngoại quốc từ Việt Nam phạm tội hình sự đã bị kết án với lệnh trục xuất cuối cùng – những người này không phải là công dân Mỹ và đã bị bắt giữ, kết án và cuối cùng bị một thẩm phán di trú liên bang ra lệnh trục xuất dưới thời các chính quyền tiền nhiệm," Katie Waldman, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa, được dẫn lời nói. "Ưu tiên của chính quyền này là trục xuất những người ngoại quốc phạm tội hình sự trở về đất nước quê nhà của họ".
Tin tức này đã khơi ra chỉ trích từ các nhà lập pháp Mỹ, phần lớn theo Đảng Dân chủ, đại diện những khu vực đông người Việt sinh sống. Trong một bức thư đề ngày 13 tháng 12, họ mạnh mẽ chống đối việc chính quyền thương thuyết lại thỏa thuận 2008 và hối thúc ông Trump "tôn trọng tinh thần nhân đạo" của nó.
Truyền thông ở Mỹ cũng tường trình dồn dập về diễn biến này trên báo đài tiếng Anh trong những ngày qua, từ vùng thủ đô Washington cho tới khu Little Saigon ở miền nam California. Đa phần những cư dân người Việt được phỏng vấn bày tỏ sự bất mãn, chống đối và lo ngại về những gì có thể xảy ra sắp tới.
"Tôi hoàn toàn không đồng tình với [chính sách đó]," một người phụ nữnói với đài FOX 5 DC tại khu trung tâm thương mại Eden ở thành phố Falls Church, bang Virginia. "Chúng tôi đóng thuế và giúp hỗ trợ cộng đồng của mình mà".
Madison Nguyễn, người từng là phó thị trưởng San Jose ở bắc California, được báo The San Francisco Chronicle dẫn lời nói rằng lật ngược thỏa thuận 2008 sẽ làm tan nát các gia đình trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
"Chuyện đó rõ ràng là đáng hổ thẹn và tàn ác," bà nói.
Tùng Nguyễn, 43 tuổi, từng bị thọ án 18 năm tù vì dính líu trong một vụ cướp của và giết người năm 16 tuổi, giờ tích cực vận động cho trẻ vị thành niên dính vào vòng tù tội. Bị trục xuất là nỗi lo sợ thường trực của anh.
"Bây giờ Trump muốn tiếp tục gán cho chúng tôi là tội phạm vì điều mà chúng tôi đã làm lúc còn nhỏ," anh Tùng trả lời phỏng vấn của đài CBS Los Angeles. "Vấn đề là nếu chúng tôi ra tù mà vẫn tiếp tục phạm tội thì rõ ràng chúng tôi đáng phải chịu như vậy. Nhưng 20, 25 năm rồi chúng tôi chẳng phạm tội gì cả, chúng tôi sống cuộc đời bình thường".
"Điều tôi muốn nói là, hãy nhìn con người tôi bây giờ này", anh nói.
Tổng thống Putin : Nếu Mỹ phát triển tên lửa bị cấm, Nga cũng làm như vậy (VOA, 05/12/2018)
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/12 cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước vũ khí quan trọng và bắt đầu phát triển loại tên lửa bị cấm, Nga cũng sẽ làm như vậy.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 5/12/2018
Phát biểu của ông Putin được đưa ra với các cơ quan thông tấn Nga hôm 5/12, một ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tại một cuộc họp của NATO rằng Washington sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình nêu trong Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) trong 60 ngày tới, với lý do là Nga "gian lận".
Hoa Kỳ đã chia sẻ bằng chứng tình báo với các đồng minh NATO, mà theo lời Mỹ, bằng chứng đó cho thấy tên lửa hành trình phóng từ mặt đất SSC-8 mới của Nga có thể mang lại cho Moscow khả năng tiến hành tấn công hạt nhân ở Châu Âu mà hầu như không dấu hiệu báo trước nào. Nga đã phủ nhận những cáo buộc đó.
Hôm 5/12, ông Putin cáo buộc Hoa Kỳ đang "bịa ra lý do" để rút khỏi hiệp ước, nói rằng trước hết Hoa Kỳ quyết định rời khỏi hiệp ước rồi sau đó mới "bắt đầu tìm kiếm lý do biện minh cho việc họ nên làm điều đó".
Đức, đồng minh của Hoa Kỳ, muốn duy trì hiệp ước và đã kêu gọi Nga cố gắng cứu hiệp ước khi vẫn còn thời gian.
(FOX, Sputnik)
********************
NATO cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước tên lửa (BBC, 05/12/2018)
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Nato đã chính thức lên tiếng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Vũ khí Tên lửa Hạt nhân Tầm trung năm 1987 (INF), vốn cấm các tên lửa hạt nhân mặt đất ở Châu Âu.
Nga phủ nhận xây dựng các loại tên lửa vi phạm hiệp ước
Các bộ trưởng ngoại giao của NATO vừa ban hành một tuyên bố ủng hộ Mỹ cáo buộc các vi phạm của Nga theo sau một buổi họp.
Hoa Kỳ từng đe dọa rút khỏi hiệp ước này vì các hành động của Nga.
Nga phủ nhận việc đã vi phạm thỏa thuận INF, nói rằng Moscow "nghiêm túc tuân theo" các điều kiện của Hiệp ước.
Hiệp ước này cấm các loại tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km.
"Các nước đồng minh đã kết luận rằng Nga đã phát triển và đưa ra 9M729, một hệ thống tên lửa vi phạm Hiệp ước INF và tạo những rủi ro đáng kể đối với an ninh vùng Âu-Đại Tây Dương", tuyên bố của các bộ trưởng ngoại giao Nato viết.
"Chúng tôi mạnh mẽ ủng hộ kết luận của Hoa Kỳ rằng Nga vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước INF.
"Chúng tôi kêu gọi Nga phải khẩn trương trở lại việc tuân thủ hiệp ước một cách đầy đủ và có thể kiểm chứng được. Hiện tại, trọng trách bảo tồn INF là của Nga".
Tên lửa tầm trung mới mà Hoa Kỳ - và bây giờ NATO - cáo buộc là Nga đã triển khai có thể khiến cho Nga bắn ngay vào các quốc gia Nato trong một thời gian rất ngắn.
Giới phân tích nói rằng Nga thấy vũ khí này là một lựa chọn tiết kiệm hơn các vũ khí thông thường.
Phát biểu sau tuyên bố của NATO, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Nga có 60 ngày để tuân thủ hiệp ước trở lại, sau thời gian đó Mỹ cũng sẽ đình chỉ sự tuân thủ.
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký Hiệp ước INF vào 1987
"Trong 60 ngày này, chúng tôi sẽ vẫn không thử nghiệm hay sản xuất hoặc triển khai bất kỳ hệ thống nào và chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian 60 ngày này", ông Pompeo nói.
"Chúng tôi đã đối thoại với phía Nga rất nhiều. Chúng tôi hy vọng họ sẽ thay đổi, nhưng cho đến giờ không có dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định làm như vậy".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã được hãng tin Interfax trích lời đáp : "Nga tuân thủ nghiêm ngặt các điều khoản của hiệp ước [INF], và phía Mỹ biết điều này".
Trước đó vào 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF sau khi có cáo buộc Nga đã thử nghiệm một tên lửa hành trình trên mặt đất.
Obama nói ông quyết định không rút khỏi hiệp ước vì các áp lực từ các nhà lãnh đạo Châu Âu, những người cho rằng động thái này có thể tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước vũ khí lớn là vào 2002, khi Tổng thống George W. Bush kéo Mỹ ra khỏi Hiệp ước Vũ khí chống Tên lửa đạn đạo.
Chính quyền của ông Bush muốn thiết lập một lá chắn tên lửa ở Châu Âu và điều này đã đánh động điện Kremlin. Chính quyền Obama đã loại bỏ kế hoạch này vào 2009 và thay thế bằng một hệ thống phòng thủ khác vào năm 2016.
'Thế là quá đủ'
Phân tích của phóng viên quốc phòng Jonathan Marcus, tại trụ sở Nato ở Brussels
Hiệp ước INF là điểm nhấn quan trọng trong việc kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh lạnh vì nó bãi bỏ toàn bộ một loại tên lửa dựa trên đất liền.
Nhưng trong nhiều năm nay, Hoa Kỳ ngày càng quan ngại rằng Nga đang vi phạm hiệp ước này. Theo Mỹ, Nga hiện đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa mới đang đe dọa các mục tiêu ở Châu Âu.
Và bây giờ Washington đã quyết định rằng thế là đã quá đủ, và cho Moscow 60 ngày để tuân thủ trở lại hoặc Mỹ sẽ tự chấm dứt cam kết của nó với INF.
Các đồng minh của NATO cũng chia sẻ mối quan tâm của Washington và ủng hộ quan điểm của Hoa Kỳ, cũng hy vọng trong thời gian ngắn này, Nga sẽ thay đổi ý định.
Nhưng cơ hội đó rất mỏng manh. Và mối lo sợ là sự sụp đổ của thỏa thuận INF có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống hiệp ước kiểm soát vũ khí, vốn rất quan trọng trong việc duy trì ổn định chiến lược.
Được ký kết năm 1987 bởi Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Hiệp ước INF cấm các loại tên lửa hạt và không hạt nhân có tầm bắn ngắn và trung, trừ các vũ khí trên biển.
Vào 1991, gần 2.700 tên lửa đã bị phá hủy. Hai quố gia cũng được phép kiểm tra việc hệ thống lắp đặt của nhau.
Đến 2007, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng hiệp ước này không còn phục vụ cho lợi ích của Nga.