Trong bữa tiệc chiêu đãi đoàn Bắc Hàn, em gái của Kim Jong-un đã chuyển cho đại diện Nam Hàn thư đề nghị đàm phán với Mỹ về giải trừ hạt nhân tại Bắc Triều Tiên.
Việc đề xuất sáng kiến này khởi đầu bằng sáng kiến tham dự Olympic mùa đông và những cuộc gặp gỡ cao cấp, tiến tới cuộc gặp thương đỉnh giữa hai miền tại Bàn Môn Điếm.
Tuy nhiên, những việc này tự thân nó chỉ là những hoạt động có tính chất nghi lễ xúc tác, có một mục đích là dọn đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Bắc Triều.
Vậy mục đích của cuộc gặp gỡ với Mỹ theo ý đồ của Kim là gì ? Xung đột của cuộc gặp này nằm ở đâu ?
Có thể thấy điều kiện cho việc giải trừ hạt nhân tại bắc Triều Tiên không phải chỉ là cam kết của Mỹ về an ninh cho chế độ Bắc Triều, như những phân tích của các chuyên gia quốc tế gần đây : Triều Tiên sẵn sàng tiêu hủy chương trình hạt nhân nếu đạt được một đảm bảo của Mỹ về sự tồn tại an toàn của chế độ.
Muốn hiểu được điều gì đang xảy ra, cần hiểu trước hết lịch sử hình thành triết lý của triều đại Kim.
Ngay sau khi thành lập nước Cộng hoà nhân dân Triều Tiên năm 1955, Kim Nhật Thành đã bắt đầu một triết lý : "Vũ khí quyết định độc lập". Chính sách "Quân sự trước hết" vì thế là chính sách "bất khả thay đổi" liên tục suốt ba thế hệ từ Kim Nhật Thành đến nay. Độc lập ở đây không chỉ có nghĩa độc lập với Mỹ mà độc lập với cả Trung Quốc. Suốt 70 năm từ ngày lập nước, chưa một ngày Triều Tiên thực sự có cảm xúc của một nền độc lập. Triều Tiên luôn bị đe dọa tái diễn chiến tranh với Mỹ bởi một Hiệp định chỉ mới là Tạm đình chiến, trong khi luôn có một chính sách thù địch từ phía Mỹ. Nhưng cùng một lúc, thậm chí rất khó chịu hơn là áp lực điều khiển chính trị thâm độc từ phía Bắc Kinh, không cho sống, song không được chết. Triều Tiên là một miếng sandwich kẹp giữaMỹ và Trung Quốc.
Kim Nhật Thành và các thế hệ tiếp theo, đương nhiên, không có tư tưởng chia cắt Triều Tiên, vì vậy, triết lý "Vũ khí quyết định độc lập" bao gồm trong đó chiến lược thống nhất hai miền.
Nhưng cũng giống như mọi quốc gia từng chịu áp lực của Trung Quốc, thiên hướng của Triều Tiên là tìm đến phía Mỹ, chỉ đơn giản là không ai tìm độc lập bên cạnh Trung Quốc.
Thiên hướng của Triều Tiên là tìm đến phía Mỹ, chỉ đơn giản là không ai tìm độc lập bên cạnh Trung Quốc.
Tuy vậy, bên cạnh Mỹ, người Triều Tiên đã có một nửa là Nam Hàn. Không thể có hai Triều Tiên cùng là đồng minh, hoặc ít nhất cùng thân thiện với Mỹ và bình đẳng trước Mỹ mà không thống nhất. Nhưng thống nhất thế nào ? Thống nhất theo kiểu trưng cầu dân ý thì sẽ có một hiện tượng tương tự Đông và Tây Đức.
Đây chính là bài toán được giải đáp bằng sức mạnh hạt nhân. Lô-gíc của nó là : Mỹ cần có quốc gia hạt nhân là đồng minh của Mỹ bên cạnh Trung Quốc.
Như vậy, Triều Tiên sẽ phải thống nhất nhưng quyền quyết định chính trị thuộc về thế lực sở hữu sức mạnh hạt nhân, tức là thống nhất dưới sự kiểm soát của Bắc Tiều Tiên.
Có thể dự đoán trước nội dung các cuộc thương lượng Bắc-Nam Triều Tiên sẽ là thuyết phục Nam Hàn chấp nhận giải pháp Triều Tiên thống nhất là Quốc gia hạt nhân, cả hai cùng quyết tâm đòi được công nhận là Quốc gia hạt nhân. Sức thuyết phục sẽ là một Triều Tiên độc lập với Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy ngay rằng, nếu Trump không hiểu được chiến lược này của Bắc Triều Tiên, thì cuộc đàm phán sẽ lại bế tắc.
Vấn đề là, Mỹ có thể chấp nhận một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không, bằng cách gì đảm bảo Triều Tiên vĩnh viễn là đồng minh với Mỹ hay với thế giới tiến bộ ?
Với một ông Tổng thống Mỹ như Donald Trump thì việc nghi ngờ một chiều sâu chiến lược đủ để giải đáp những bài toán trên là hoàn toàn hiểu được. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh xảy ra mà thất bại thì cũng không quá ngạc nhiên.
Paris, 16/03/2018
Bùi Quang Vơm
Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un và bản lĩnh trong 6 năm cầm quyền
Báo chí Paris đã tốn không ít giấy mực để nói về chế độ độc tài cộng sản Bắc Triều Tiên với lãnh đạo hiện tại Kim Jong-un. Nhật báo Le Monde trở lại chủ đề này với bài viết của nhà báo Philippe Pons, một chuyên gia về Châu Á.
"Kim Jong-un, một nhà lãnh đạo bản lĩnh hơn cha" -KCNA/via Reuters
Bài viết có tựa đề "Những nhà độc tài cha truyền con nối". Đúng là chế độ độc tài cộng sản đã ngự trị ở Bắc Triều Tiên trong suốt 70 năm chỉ với ba người lãnh đạo, trong cùng một gia đình từ đời ông đến đời cháu. Giờ đây, cháu nội của Kim Nhật Thành, cha đẻ của chế độ cộng sản Bình Nhưỡng, là Kim Jong-un, dù rất trẻ tuổi, nhưng đã thành công không chỉ trong việc củng cố vị thế quyền lực mà còn tỏ ra là một nhà chiến lược khôn khéo, ngoài dự đoán của dư luận bên ngoài.
Le Monde nhắc lại, Kim Jong-un được đẩy lên lãnh đạo Bắc Triều Tiên khi chưa đầy 30 tuổi sau khi người cha Kim Jong-il qua đời hồi tháng 12/2011. Khi đó hầu hết các nhà phân tích nước ngoài đều nhìn thấy việc nối ngôi chỉ mang tính tượng trưng chứng tỏ sự tiếp tục đường lối nhà họ Kim. Mọi người đều nghĩ rằng Kim Jong-un rồi sẽ bị giới lão thành trong bộ máy thao túng, điều khiển. Một số chuyên gia còn đoán là chế độ Bình Nhưỡng "không thể tránh khỏi" sụp đổ.
Thế nhưng tác giả bài viết khẳng định : "Sáu năm sau, không những vẫn tại vị mà lãnh tụ trẻ Bắc Triều Tiên còn củng cố vững chắc thêm vị thế. Sau khi đã loại bỏ bằng sức mạnh mọi đối kháng tiềm tàng, Kim Jong-un đã lột xác thành một thủ lĩnh chiến tranh, không ngại thách thức Hoa Kỳ".
Thực sự Kim Jong-un là người thế nào ?
Nếu tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những ngôn từ miệt thị coi thường lãnh đạo Bắc Triều Tiên thì tổng thống Nga Vladimir Putin lại nhìn nhận Kim Jong-un như là "một nghệ sĩ khôn khéo" trên sân khấu chính trị quốc tế, một lãnh tụ có khả năng theo đuổi chiến lược đã được ông cha khởi sự từ hơn hai chục năm trước, đó là tạo cho Bắc Triều Tiên có được sức mạnh răn đe tin cậy.
Bài viết trích dẫn chuyên gia Andrei Lankov, nhà sử học thuộc Đại học Kookmin tại Seoul khẳng định Kim Jong-un "hoàn toàn có lý trong cái logique của chế độ từ hàng thập kỷ qua". Cũng về góc độ này, chuyên gia John Delury thuộc Đại học Yonsei, Seoul nhận định rằng tham vọng trang bị vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có lý đối với "một đất nước phải đối mặt thường trực với một siêu cường thù nghịch" như Hoa Kỳ, cường quốc từng không ngần ngại xâm lược, lật đổ chính phủ nhiều quốc gia.
Theo tác giả Philippe Pons : "Kim Jong-un tỏ ra dữ dội hơn cha mình, qua việc đẩy mạnh chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo : Trong 6 năm, Kim Jong-un đã ra lệnh 4 lần thử hạt nhân và riêng trong năm 2017, cho bắn tới 3 quả tên lửa tầm xa".
Mặc dù vậy, người ta vẫn biết rất ít về con người Kim Jong-un. Đã có lãnh đạo phương Tây nào gặp ông ta đâu. Còn các cơ quan tình báo cũng khó có thể phác họa được tính cách của nhân vật này và cũng không thể giải mã được guồng máy của chế độ. Chính sự thiếu hiểu biết đó đã nuôi dưỡng các thông tin đồn đoán huyễn hoặc nhất về Kim Jong-un. Ngay cả tuổi của ông cũng không ai dám chắc chắn.
Làm được nhiều điều hơn ông cha
Về khía cạnh quyền lực, bài viết nhắc lại là khi lên kế thừa quyền lãnh đạo của cha năm 2012, Kim Jong-un quả thực là một người hầu như chưa có một chút kinh nghiệm gì để lãnh đạo một đất nước. Ông hoàn toàn vẫn còn xa lạ trong dân chúng cũng như trong bộ máy đảng. Nhưng cỗ máy tuyên truyền của chế độ đã tạo dựng cho Kim Jong-un hình ảnh như là hiện thân của Kim Nhật Thành.
Chiến dịch tuyên truyền đã tạo thành cái gọi là "hội chứng Kim Jong-un" giúp ông ta lãnh đạo trong sự trung thành tuyệt đối. Từ đó, Kim Jong-un có thể gia cố quyền lực, loại trừ các đối thủ tiềm tàng trong bộ máy, kích thích dân chúng bằng niềm tự hào dân tộc về những tiến bộ hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Là người kế thừa di sản của ông và cha, Kim Jong-un không thụ động điều hành chiến lược riêng của mình. Chuyên gia Andrei Lankov nhận định : "Sau sáu năm, rõ ràng thân phụ của ông ta đã lựa chọn đúng người. Kim Jong-un tỏ cho thấy rất khôn khéo, thô bạo khi cần thiết và đôi lúc hơn cả cần thiết. Đó là một người tính toán thực dụng hơn là nhà tư tưởng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, và đúng ra ông ta là một nhà chiến thuật giỏi với các con bài có trong tay".
Pháp muốn củng cố sức mạnh răn đe hạt nhân
Liên quan đến nước Pháp, sự kiện của nhật báo Libération là dự luật chi tiêu quân sự hôm nay được trình lên chính phủ, trong đó đặc biệt có nội dung nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của Pháp.
Trang nhất của Libération chạy tựa : "Vũ khí hạt nhân, cuộc tranh luận cấm kỵ". Đúng là vấn đề trang bị vũ khí hạt nhân đang làm dấy lên tranh luận xung quanh khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, một chủ đề dường như đang bị rơi vào quên lãng nay lại nổi lên. Người ủng hộ thì cho rằng tăng cường kho vũ khí hạt nhân là "sự bảo đảm cuối cùng cho vị thế của đất nước trên trường thế giới".
Tờ báo trích dẫn các chuyên gia ủng hộ khả năng răn đe hạt nhân của Pháp, như chuyên gia Tiphaine de Champschesnel, Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân sự Pháp cho rằng : "Răn đe hạt nhân luôn có căn cứ. Việc chấm dứt chiến tranh lạnh đã không thiết lập được một thế giới ổn định, mà trái lại, thế giới đang trở nên ngày càng khó lường". Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Pháp cần phải độc lập với Mỹ và nước Nga cũng muốn đẩy mạnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Những ý kiến chống thì lập luận vũ khí nguyên tử có thể bị dùng sai mục đích hay trở nên cực kỳ nguy hiểm khi rơi vào tay những kẻ khủng bố. Điều quan trọng là một khi tính chất răn đe của vũ khí hạt nhân không còn ý nghĩa, thì đó là thứ vũ khí hủy diệt thực sự.
Xã luận của Libération viết : Giấc mơ của tất cả chúng ta là được sống trong một thế giới sạch bóng vũ khí hạt nhân cũng như vũ khí quy ước. Nhưng chúng ta vẫn còn ở rất xa mục tiêu đó. Hành tinh này đã bước vào thời kỳ bất ổn, không loại trừ một vùng nào, cùng với việc phổ biến điên cuồng vũ khí và sẵn sàng sử dụng hoặc tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trước hiện trạng đó, có hai lựa chọn : Từ chối lao vào vòng xoáy nguy hiểm hoặc trái lại thì cho rằng vũ khí hạt nhân là không thể thiếu nếu muốn tồn tại trên trường quốc tế và để sẵn sàng răn đe mọi cuộc tấn công vào lãnh thổ mình.
Giờ đây, theo Libération, vũ khí hạt nhân vẫn được cho là không bao giờ được sử dụng. Thế nhưng gần đây người ta cảm nhận thấy, nhất là phía Mỹ, có ý đồ đưa vũ khí hạt nhân vào chiến trường. Như vậy thì khái niệm răn đe đâu còn nữa.
Châu Á : Tụ điểm căng thẳng hạt nhân của thế giới
Nhân chủ đề vũ khí hạt nhân, Libération có bài viết ngắn cho thấy Châu Á không phải là nơi cất giữ nhiều bom nguyên tử nhất của cả hành tinh nhưng lại là vùng đất có nhiều cường quốc hạt nhân nhất thế giới (4 trong số 9 nước).
Tất cả các cường quốc này đều đang phát động một chương trình hiện đại hóa vũ khí hạt nhân. Nhất là các nước Châu Á đó khẳng định : Khả năng răn đe dựa trên sức mạnh hạt nhân hơn bao giờ hết đang là vấn đề mang tính thời sự.
Tờ báo nhận định, môi trường an ninh Châu Á đang rất căng thẳng. Trung Quốc ngày càng tỏ quyết tâm bành trướng trên biển cũng như trên không ; Bắc Triều Tiên vẫn luôn là mối đe dọa và hai nước láng giềng Pakistan và Ấn Độ thì thường trực mối hiềm khích.
Bốn quốc gia gọi là cường quốc hạt nhân Châu Á này hiện giữ 560 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu của Viện Nghiên cứu Quốc tế về Hòa bình Sipri. "Chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên ảnh hưởng đến an ninh của toàn khu vực, đẩy các nước vào cuộc chạy đua. Nhật Bản, Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân nhưng trên thực tế lại có chiếc ô hạt nhân của Mỹ bảo vệ".
Tên lửa cực mạnh Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng
Phần cuối mục điểm báo dành cho thông tin liên quan đến vụ phóng thành công tên lửa đầu tiên cực mạnh Falcon Heavy của dự án chinh phục sao hỏa SpaceX do ông chủ của Tesla khởi xướng và điều hành.
Le Figaro ghi nhận thành công của tên lửa Falcon Heavy chỉ mang tính biểu tượng hơn là giá trị thương mại. Bởi hiện không có vệ tinh nào nặng đến mức phải cần đến loại tên lửa cực mạnh này, trong khi giá thành lên tới 90 triệu đô la. Để so sánh, loại tên lửa Falcon 9 chi phí chỉ bằng 30% cũng có thể là đủ.
Sức mạnh của loại tên lửa Falcon Heavy tuy nhiên khai mở ra khả năng cho các chuyến thám hiểm hệ mặt trời xa xôi tới đây mà các nhà thiên văn học vẫn ao ước tìm hiểu. Tuy nhiên việc này nếu có cũng chỉ diễn ra vài lần mỗi thập kỷ mà thôi.
Anh Vũ
Kim Jong-un tung đòn hiểm ngoại giao, liên minh Mỹ-Hàn bị rạn nứt ? (RFI, 03/01/2018)
Ngay khi năm 2018 bắt đầu, lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un đã liên tiếp đưa ra các đề nghị hòa hoãn với Seoul, mới nhất là việc tái lập đường điện thoại đỏ liên Triều ngay từ hôm nay, 03/01/2018. Phản ứng của hai đối thủ trực tiếp của Bắc Triều Tiên rất khác nhau : nếu Seoul hoan nghênh các động thái của Bình Nhưỡng, thì đồng minh Washington ngược lại không che giấu sự hoài nghi. Câu hỏi đang được đặt ra là phải chăng Kim Jong-un đã cố tình tung đòn để gây chia rẽ trong liên minh Mỹ-Hàn Quốc và đã bước đầu thành công ?
Ảnh minh họa : Vùng biên giới hai miền Nam Bắc Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm. Ảnh 03/01/2018. Reuters/Kim Hong-Ji
Phải nói là sau một năm 2017 căng thẳng cùng cực, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã bất ngờ dịu hẳn xuống trong ba ngày gần đây, với một loạt tuyên bố và động thái hòa hoãn của Bắc Triều Tiên, và những phản ứng cũng hòa hoãn không kém của Hàn Quốc.
Thoạt đầu là ý tưởng được Kim Jong-un nêu lên trong bài diễn văn đầu năm về một quan hệ tốt đẹp hơn với đối thủ phía Nam, kèm theo một sáng kiến cụ thể là Bắc Triều Tiên có thể đi dự Olympic Mùa Đông tại Pyeongchang (Hàn Quốc), vào tháng tới.
Đề xuất của Bình Nhưỡng đã được Seoul mau mắn đáp ứng, với đề nghị ngược lại là hai bên gặp nhau và nói chuyện, kể cả ở cấp cao. Phản ứng của Bình Nhưỡng cũng nhanh chóng được đưa ra, với quyết định tái lập đường dây nóng giữa hai bên, và được cả hai chính quyền thực hiện ngay vào hôm nay.
Theo hãng tin Mỹ AP, khả năng hai bên Seoul và Bình Nhưỡng đối thoại với nhau là một điều chắc chắn, ít ra là trên vấn đề tổ chức cho phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Hàn Quốc tham gia Thế Vận Hội Pyeongchang. Riêng Hàn Quốc còn muốn đi xa hơn, với các cuộc đối thoại trên mọi vấn đề như chính bộ trưởng Bộ Thống Nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon đã xác định là "bất cứ lúc nào và dưới bất kỳ hình thức nào".
Theo hãng tin Pháp AFP, việc Hàn Quốc chấp nhận đối thoại gần như là vô điều kiện với Bình Nhưỡng có thể đi ngược lại với chủ trương của Washington, đặc biệt là với điều được tổng thống Donald Trump gọi là "Chiến dịch áp lực tối đa" để cô lập hoàn toàn Bình Nhưỡng.
Mỹ không loại trừ đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng lại đặt ra một điều kiện tiên quyết : Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Do vậy, nếu Hàn Quốc tiến tới hòa đàm với Bắc Triều Tiên thì đó sẽ là một vố đau cho chính sách hiện nay của chính quyền Trump.
Chính vì vậy mà đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã cứng giọng cảnh cáo ngay hôm qua, 02/01/2018 rằng "Bắc Triều Tiên có thể nói chuyện với bất cứ ai họ muốn, nhưng Mỹ sẽ không công nhận hoặc chấp nhận kết quả cho đến khi Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân mà họ có".
Bộ Ngoại Giao Mỹ thì lên tiếng tố cáo thẳng thừng Bắc Triều Tiên là cố tình gây chia rẽ giữa Seoul và Washington.
Đây cũng là nhận định của nhiều nhà phân tích, như giáo sư Mason Richey, thỉnh giảng tại trường Đại Học Hankuk ở Hàn Quốc. Trả lời nhật báo Thụy Sĩ Le Temps hôm 01/01, chuyên gia này cho rằng dụng tâm của Kim Jong-un có thể vừa là "tung quả bóng thăm dò xem Seoul và Washington có khả năng chấp nhận đến đâu", vừa là "đào sâu khoảng cách giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc".
Hãn tin Mỹ AP cũng ghi nhận các mối hoài nghi, cho rằng Kim có mưu toan sử dụng các cuộc đàm phán để tiếp tục hoàn thiện loại vũ khí hạt nhân có thể tấn công Mỹ một cách đáng tin cậy hơn hiện nay, và các động thái hòa dịu hướng về Hàn Quốc chỉ nhằm gây sứt mẻ trong quan hệ giữa Seoul và Washington, qua đó giảm nhẹ áp lực và trừng phạt quốc tế.
Trước mắt, căn cứ vào các phản ứng nhiệt tình của Seoul trước các động thái hòa dịu của Bình Nhưỡng, trong lúc Washington tiếp tục bày tỏ thái độ cứng rắn, có thể cho rằng đòn ngoại giao thế vận của Kim Jong-un đã có tác dụng.
Trọng Nghĩa
*********************
Bình Nhưỡng-Seoul tái lập điện thoại đỏ, Mỹ hoài nghi (RFI, 03/01/2018)
Tiếp tục tỏ thiện chí hòa giải, Bình Nhưỡng ngày hôm nay 03/01/2018 đã loan báo quyết định mở lại đường dây liên lạc giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc bắt đầu từ 6 giờ 30 giờ quốc tế GMT. Thông báo hòa hoãn này được đưa ra một hôm sau khi Hàn Quốc đề nghị tái lập đối thoại, đáp ứng lời kêu gọi cải thiện quan hệ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un.
Một quan chức Hàn Quốc kiểm tra đường dây điện thoại trực tiếp với Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm (Hàn Quốc), ngày 03/01/2018. Reuters
Trên đài truyền hình Bắc Triều Tiên, ông Ri Son Gwon, lãnh đạo Ủy Ban Thống Nhất Triều Tiên Trong Hòa Bình của Bắc Triều Tiên, cho biết thêm là lãnh đạo Kim Jong-un còn "hoan nghênh" việc Seoul ủng hộ đề nghị hòa bình được ông đưa ra.
Theo Frédéric Ojardias, thông tín viên RFI tại Seoul, dù Hàn Quốc đã phản ứng tích cực trước các động thái hòa dịu của Bắc Triều Tiên, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì thái độ hoài nghi.
"Tổng thống Hàn Quốc đã cho rằng việc mở lại đường dây điện thoại giữa hai miền Triều Tiên là sự kiện "rất có ý nghĩa". Trên thực tế, đường dây này chưa bao giờ bị cắt đứt, chỉ có điều là Bình Nhưỡng không chịu nhấc máy trả lời từ tháng 2 năm 2016 và vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên mà thôi.
Việc mở lại này đường điện thoại đỏ xác minh ý định của Bắc Triều Tiên, muốn thảo luận về việc tham gia Thế Vận Hội mùa đông tại Hàn Quốc. Seoul hy vọng rằng những cuộc đàm phán đó sẽ dẫn đến các cuộc thảo luận về các chủ đề khác, bao gồm cả vấn đề hạt nhân.
Tuy nhiên, vào lúc Seoul có phản ứng phấn khởi trước việc nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng, Mỹ vẫn giữ thái độ nghi ngờ. Trong một tin nhắn trên mạng Twitter vào hôm qua (02/01/2018), tổng thống Donald Trump viết : Đó có thể là một tin tốt, nhưng cũng có thể là không - chúng ta chờ xem !
Bộ Ngoại Giao Mỹ tuyên bố sẵn sàng chấp nhận một cuộc họp liên Triều, nhưng cũng cho biết là họ hoài nghi sự chân thành của Kim Jong-un. Bộ Ngoại Giao Mỹ sợ rằng cử chỉ hòa hoãn của chế độ Bình Nhưỡng trong thực tế chỉ nhằm chia rẽ liên minh Mỹ-Hàn".
Washington "ứng khẩu" với Bình Nhưỡng
Một ngày sau bài diễn văn năm mới của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, khẳng định "nút bấm hạt nhân nằm trên bàn làm việc", tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 02/01/2018 đã có lời đối đáp.
"Tôi cũng có một nút bấm hạt nhân" và chiếc nút của ông là "lớn hơn và mạnh hơn" nút bấm của Kim Jong-un. Tổng thống Mỹ đã khẳng định như trên trong một dòng Tweet ngày hôm qua. Ông còn nhấn mạnh thêm là "nút bấm này vận hành tốt".
Phản ứng này của tổng thống Mỹ đưa ra sớm hơn thông báo của đồng nhiệm Hàn Quốc chấp nhận đề nghị đàm phán của lãnh đạo Kim Jong-un.
Bình luận về việc Seoul đề xuất các cuộc gặp cấp cao với Bình Nhưỡng, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Nikki Haley tỏ ra nghi ngờ về thực tâm của Bắc Triều Tiên cho rằng đó chỉ là "một sự vá víu". Hoa Kỳ sẽ không bao giờ chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Theo đại sứ Mỹ, chế độ Bình Nhưỡng là một chế độ "rất nguy hiểm". Hiện có nhiều thông tin cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị một vụ thử tên lửa mới. Đại sứ Mỹ cảnh báo Hoa Kỳ sẵn sàng thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên nếu như vụ thử xảy ra.
Trọng Nghĩa
**********************
Seoul đề xuất nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng (RFI, 02/01/2018)
Sau khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẵn sàng cử vận động viên tham dự Thế Vận Hội Pyeongchang, Hàn Quốc, vào tháng 02/2018, chính quyền Seoul hôm nay 02/01/2018 đề xuất nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng vào tuần tới. Bộ trưởng bộ Thống Nhất Cho Myoung-Gyon của Hàn Quốc phát biểu trước báo giới là ông muốn tổ chức các cuộc thảo luận với Bình Nhưỡng "vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và dưới mọi hình thức".
Khu phi uân sự ngăn cách hai miền Nam-Bắc Triều Tiên nhìn từ miền nam. Ảnh chụp ngày 01/01/2018. JUNG Yeon-Je / AFP
Từ Seoul, thông tín viên RFI Frédéric Charles cho biết :
Hàn Quốc rất phấn khởi, nhiệt tình trước ý tưởng nối lại đối thoại với Bắc Triều Tiên. Đáp lại Kim Jong-un, chính quyền Seoul gợi ý tổ chức "một cuộc gặp cấp cao" vào ngày 09/01/2018 ở Bàn Môn Điếm, địa điểm liên lạc duy nhất ở vùng biên giới giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, một khu vực được vũ trang dày đặc.
Seoul thậm chí còn cho biết sẵn sàng tổ chức một cuộc gặp ở địa điểm khác, vào ngày giờ khác, theo cách thức khác nếu Bình Nhưỡng muốn. Một phát ngôn viên chính phủ Hàn Quốc phát biểu : "Chúng tôi muốn hai bên ngồi với nhau và thảo luận chân thành về việc Bắc Triều Tiên tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông ở Hàn Quốc, cũng như về các biện pháp để cải thiện mối quan hệ song phương".
Cuộc gặp chính thức gần đây nhất giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên diễn ra hồi tháng 12/2015. Tại Seoul, một số nhà phân tích đánh giá rằng Bình Nhưỡng, do quá ngột ngạt vì các biện pháp trừng phạt của quốc tế, muốn tranh thủ các cuộc đối thoại trong tương lai để đề nghị Hàn Quốc tái thiết các chương trình hợp tác vốn là nguồn thu ngoại tệ lớn cho Bình Nhưỡng và kêu gọi Hàn Quốc ngưng tập trận chung với Hoa Kỳ.
Ngay cả khi tình hình đang tồi tệ, khả năng nối lại đối thoại sau nhiều tháng căng thẳng cũng được Hàn Quốc vui vẻ chờ đón với nhiều hy vọng.
Thùy Dương
Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa có tầm bắn tới thủ đô Mỹ (RFI, 29/11/2017)
Sau hai tháng lắng dịu, Bắc Triều Tiên lại tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo vào lúc 3 giờ 17 phút, giờ địa phương ngày 29/11/2017. Đây là vụ thử tên lửa thứ 20 trong năm nay của Bình Nhưỡng. Tên lửa liên lục địa lần này được phóng đi từ một căn cứ phía bắc thủ đô Bắc Triều Tiên, đạt độ cao 4500 km, bay xa 960 km trước khi rớt xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Tầm bắn của tên lửa có thể tới lãnh thổ Mỹ.
Người dân Hàn Quốc xem thông tin về tên lửa Bắc Triều Tiên trên đài truyền hình ngày 29/11/2017. Reuters
Theo AFP, hôm nay, đài truyền hình Bắc Triều Tiên đã phát đi thông báo về thành công của vụ thử tên lửa, đồng thời dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un tự hào tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành một quốc gia hạt nhân thực thụ và nước này vừa thực hiện một "sự nghiệp vĩ đại lịch sử, hoàn thành sức mạnh hạt nhân của một Nhà nước, triển khai sức mạnh tên lửa đạn đạo".
Báo chí chính thức Bắc Triều Tiên cho biết tên lửa vừa được phóng thử có tên gọi Hỏa Tinh-15 (Hwasong), loại tên lửa liên lục địa hiện đại nhất từ trước đến nay của nước này, có khả năng mang đầu đạn cỡ lớn. Điều đáng lo ngại là Hỏa Tinh-15 có khả năng đe dọa bất kỳ thành phố nào của nước Mỹ.
Phản ứng đầu tiên đến từ láng giềng Hàn Quốc. Thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tại Seoul tường trình :
"Trước tiên, Hàn Quốc đã đáp lại bằng hành động quân sự. Chỉ 5 phút sau khi Bắc Triều Tiên bắn tên lửa, quân đội Hàn Quốc đã khai hỏa 2 tên lửa ra phía biển Nhật Bản, gần hải phận với Bắc Triều Tiên.
Sau cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng An Ninh, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đánh giá vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là "sự khiêu khích liều lĩnh". Ông hứa tiếp tục chính sách trừng phạt, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại đối thoại.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng bắn tên lửa liên lục địa vào giữa đêm. Một điểm mới khác, đó là chưa bao giờ tên lửa của Bắc Triều Tiên đạt độ cao tới 4500 km. Quỹ đạo của tên lửa theo hướng thẳng đứng là để tránh bay qua Nhật Bản. Nhưng theo các đánh giá đầu tiên, nếu được phóng đi ở góc bắn bình thường, tên lửa này có thể đạt tầm xa 13.000 km, tức là đủ để bắn tới Washington.
Dù tên lửa đã được giảm bớt trọng lượng vì không mang đầu đạn, thì vụ bắn thử này vẫn cho thấy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng tiếp tục tiến bộ".
Nhật Bản thì đã được đặt trong tình trạng báo động từ 24 giờ trước khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa. Thủ tướng Shinzo Abe lên án "hành động bạo lực không thể dung thứ được" của Bình Nhưỡng và hy vọng Bắc Kinh sẽ "tiếp tục gây sức ép".
Về phần Trung Quốc, trong cuộc họp báo sáng nay, một phát ngôn viên bộ ngoại giao cho biết Bắc Kinh "rất lo ngại" và kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng "đàm phán".
Theo yêu cầu của Washington, Tokyo và Seoul, một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An được triệu tập vào 21 giờ 30 đêm nay, 29/11/2017, giờ New York. Hoa Kỳ sẽ đề nghị nới rộng biện pháp cấm tàu biển chuyên chở hàng hóa xuất nhập Bắc Triều Tiên.
Phản ứng chừng mực của Trump
Sau hơn hai tháng yên ắng, vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa mạnh nhất từ trước đến nay, có thể đe dọa các thành phố lớn của Hoa Kỳ, là một thách thức mới cho tổng thống Mỹ, vốn từng tuyên bố là Bình Nhưỡng sẽ không làm nổi.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết phản ứng của phía Hoa Kỳ :
"Không trực tiếp đả kích Kim Jong Un, cũng không đe dọa tiêu hủy Bắc Triều Tiên với bão lửa và cuồng nộ như trước đây, mà là một Donald Trump chừng mực, thậm chí khá hòa dịu, khi phản ứng lại việc Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : "Tôi chỉ nói rằng sẽ lo việc này. Tướng Mattis đang ở đây, và chúng tôi đã thảo luận rất lâu về chủ đề trên. Đó là một tình hình mà chúng ta sẽ xử trí".
Với vụ bắn hỏa tiễn lần này, Bắc Triều Tiên chứng tỏ vẫn tiếp tục phát triển vũ khí liên lục địa. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis, đây là sự kiện chưa từng có. Ông nói : "Rõ ràng hỏa tiễn đã đạt đến độ cao nhất so với tất cả các vụ bắn trước đây. Bắc Triều Tiên vẫn nỗ lực nghiên cứu và phát triển để chế tạo các loại hỏa tiễn có thể đe dọa bất kỳ khu vực nào trên thế giới".
Bộ Ngoại Giao Mỹ đã ra một thông cáo. Ngoại trưởng Rex Tillerson đòi hỏi phải trừng phạt thêm Bình Nhưỡng. Ông cho biết : "Các giải pháp ngoại giao vẫn để ngỏ" và kết luận "Hoa Kỳ vẫn luôn tìm kiếm một giải pháp hòa bình để chấm dứt các hành động hiếu chiến của Bắc Triều Tiên".
*****************
Tên lửa mới của Bắc Hàn có gì đặc biệt ? (BBC, 29/11/2017)
Sau hai tháng không thử tên lửa, Bắc Hàn vừa phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm cao nhất từ trước tới nay và được các chuyên gia cho rằng có thể dễ dàng vươn tới nước Mỹ.
Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên hồi tháng Bảy
Kim Jong-un gọi lần phòng tên lửa này là "tuyệt hảo" và là "đột phá", nhưng cộng đồng quốc tế lên án vụ thử tên lửa này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng cho biết. Ông Trump giục ông Tập "sử dụng tất cả các đối trọng có thể để thuyết phục Bắc Hàn chấm dứt khiêu khích và quay trở lại con đường phi hạt nhân hóa".
Bắc Hàn nói đây là một tên lửa mới, được gọi là Hwasong-15. Chúng ta có thể nhận xét gì về tên lửa này sau cuộc thử mới nhất ?
Bắc Hàn nói gì ?
Bắc Hàn nói tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) này là tên lửa mạnh nhất mà Bắc Hàn từng có và làm hoàn chỉnh "việc phát triển hệ thống vũ khí tên lửa" của nước này.
Họ nói tên lửa này có "đầu đạn cỡ đại cực nặng" có khả năng chạm tới bất kỳ nơi nào trên đại lục Mỹ. Tên lửa này đạt được độ cao lớn nhất trong số các tên lửa Bắc Hàn đã từng phóng thử.
Các loại tên lửa của Bắc Hàn với tầm bắn ước tính bằng km
Các chuyên gia nói gì về tầm bắn của tên lửa này ?
Tháng Bảy vừa rồi, Bắc Hàn thử tên lửa Hwasong-14, đạt độ cao 3000 km, nhưng vẫn có nhiều ý kiến nghi ngờ về tầm xa của tên lửa này nếu có gắn đầu đạn.
Lần thử vừa rồi cho thấy những bước tiến rõ rệt, mặc dù các chuyên gia nói họ cần biết thêm chi tiết để có thể nói chắc chắn.
Có đồn đoán rằng tên lửa Hwasong-15 được đốt cháy ở vị trí nằm ngang, trước khi đặt lên một bệ phóng, tờ the New York Times viết. Điều này sẽ làm cho tên lửa của Bắc Hàn khó bị nhắm hơn nếu Mỹ có một cuộc tấn công 'phủ đầu' trước.
Bắc Hàn nói tên lửa này đã lên độ cao 4.475km, có nghĩa là tầm bắn của nó trên một quỹ đạo thông thường - thay vì theo quỹ đạo được cố ý bắn cao - sẽ là 13.000 km.
Ông Vipin Narang, ở trường đại học MIT, nói với BBC tầm bắn này "là thừa đủ để vươn tới đại lục Mỹ, phụ thuộc vào trọng lượng của đầu đạn giả được gắn vào tên lửa".
"Có những người nghi ngờ về tầm bắn trong hai lần bắn thử trước của Bình Nhưỡng - vậy là họ cải thiện tầm bắn", ông nói thêm.
"Họ đã tăng tầm bắn để chứng tỏ khó ai tranh cãi được Bắc Hàn không thể đưa vùng bờ đông nước Mỹ trong tầm bắn".
Điều duy nhất chưa rõ là trọng lượng của đầu đạn. Ông David Wright tại Hiệp đoàn Các nhà khoa học Quan ngại (Union of Concerned Scientists) viết trong blog của mình rằng tên lửa này rất nhiều khả năng được gắn một đầu đạn giả rất nhẹ, và điều đó "có nghĩa tên lửa này không thể chở một đầu đạn hạt nhân với tầm bắn xa như vậy, vì đầu đạn hạt nhân sẽ nặng hơn nhiều".
Ước tính tầm xa các tên lửa của Bắc Hàn
Ông Narang nói thêm vụ thử mới nhất này cho thấy chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đang ngày một cải thiện, và họ đang tìm cách khắc phục những sai sót từ các vụ thử trước.
"Đạt được tầm bắn xa như vậy trong một khoảng thời gian ngắn là rất ấn tượng. Họ đã tăng tầm bắn từ 9.500km lên 13.000km - một chiến công về kỹ thuật".
Vì sao thử vào ban đêm ?
Vụ thử tên lửa này khác thường vì nó diễn ra khi cả vùng Châu Á đang tối đen nhưng có nhiều lợi thế rõ rệt cho Bình Nhưỡng để nắm vững cách phóng tên lửa ban đêm.
"Nếu anh lo ngại nước Mỹ cố nhắm vào các tên lửa của anh, phóng thử vào ban đêm cho anh có một chút lợi thế. Vào ban đêm, anh có thể che giấu và di chuyển dễ dàng hơn".
Ngoài ra, các tên lửa cũng khó bị phát hiện hơn vào ban đêm.
"Trong đêm, có một số giai đoạn trong chặng bay của đầu đạn hạt nhân không phản chiếu ánh mặt trời như ban ngày, nên khó bị phát hiện hơn", ông Narang nói thêm.
Thông điệp là gì ?
Từ lâu Bắc Hàn đã tuyên bố tham vọng phát triển thành công dàn vũ khí hạt nhân và có thể đưa đại lục Mỹ vào tầm bắn.
Lần phóng tên lửa này là tuyên bố của Bắc Hàn với thế giới là họ tin rằng họ đã đạt được cả hai mục tiêu này, theo ông Narang.
Có những người nghi ngờ liệu Bắc Hàn có thể làm một đầu đạn không. Và nước này vẫn chưa chứng tỏ được họ có kỹ thuật để đưa một đầu đạn trở qua bầu khí quyển của trái đất.
Nhưng ông Narang cảnh báo rằng những nghi ngờ lại làm Bắc Hàn tăng quyết tâm.
"Tôi lo lắng rằng chúng ta đang thách thức Kim Jong-un thực hiện cuộc thử hạt nhân khí quyển - một cuộc thử hết sức nguy hiểm".
*********************
Bắc Hàn phóng tên lửa, thách thức Mỹ (BBC, 29/11/2017)
Bắc Hàn đã lại phóng thêm một tên lửa đạn đạo, bất chấp căng thẳng gia tăng với Mỹ và các nước láng giềng.
Hồi tháng Bảy, Bắc Hàn lần đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Lần phóng gần nhất của Bình Nhưỡng là hồi tháng Chín.
Lầu Năm Góc tin rằng tên lửa mới nhất đã bay khoảng 1.000 cây số và rơi xuống Biển Nhật Bản. Mỹ nói vụ thử xảy ra khoảng lúc 03 :30 giờ địa phương.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap nói tên lửa phóng đi từ Pyongsong, tỉnh Pyongan Nam.
Nhà Trắng nói Tổng thống Donald Trump được báo cáo trong lúc tên lửa còn đang ở trên không.
Bình Nhưỡng được cho rằng đang tìm cách làm tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới đất liền của Hoa Kỳ.
Tuần trước, Mỹ áp đặt thêm trừng phạt với Bắc Hàn vì chương trình hạt nhân, nhắm cả vào các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.
********************
Cuộc chiến với Bắc Hàn sẽ như thế nào ?
Động thái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là sự khiển trách khác thường của nước láng giềng và là đồng minh chính yếu của Bắc Hàn.
Ông Cảnh Sảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết nước này hy vọng "tất cả các bên sẽ hành động thận trọng để duy trì hòa bình và ổn định", theo Reuters.
Bình luận này được ra sau khi Bắc Hàn bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà họ tuyên bố có khả năng phóng đến cả nước Mỹ.
Vài giờ trước đó, Bắc Hàn tuyên bố đã thử thành công loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có thể bắn đến toàn bộ nước Mỹ.
Kênh truyền hình nhà nước tuyên bố rằng Bình Nhưỡng nay đã đạt được sứ mệnh trở thành một quốc gia hạt nhân.
Bắc Hàn đã bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cao nhất và gây ra một mối đe dọa toàn cầu, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói.
Tên lửa, phóng lên vào rạng sáng thứ Tư, đã đáp xuống vùng biển Nhật Bản.
Nó đạt độ cao 4.500km và bay xa 960km, theo quân đội của Hàn Quốc.
Đây là vụ thử mới nhất trong hàng loạt các vụ thử vũ khí gây ra căng thẳng. Bình Nhưỡng cũng bắn thử một tên lửa đạn đạo vào tháng Chín.
Cũng vào tháng đó, Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Triều Tiên đã tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa mặc dù bị lên án và trừng phạt toàn cầu.
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thảo luận về vụ bắn thử mới nhất này.
Hoa Kỳ coi Bắc Hàn là quốc gia tài trợ cho khủng bố
Ông Mattis cho hay, vụ phóng thử tên lửa này "bay cao hơn bất kỳ loại tên lửa nào mà họ bắn thử trước đây".
Phía Bắc Hàn đang thiết lập "các tên lửa đạn đạo đe dọa khắp nơi trên thế giới", ông nói thêm.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được báo cáo trong khi tên lửa vẫn còn trong không khí, Nhà Trắng nói. Sau đó ông Trump nói : "Chúng ta sẽ giải quyết nó".
Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes nói rằng các ước tính của các chuyên gia Nhật Bản và Mỹ cho thấy nếu bắn vào quỹ đạo bình thường thì tên lửa này có thể đã tới Washington DC.
Điều đó có nghĩa là Bắc Hàn hiện đang rất gần để đạt được mục tiêu là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoạt động, có thể tấn công bất cứ nơi nào ở lục địa Hoa Kỳ, phóng viên của BBC nói.
Tên lửa thứ tư được bắn ra từ Pyongsong, thuộc tỉnh Nam Pyongan, đã thông báo với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc.
Các quan chức Nhật Bản cho hay tên lửa bay khoảng 50 phút nhưng không bay qua Nhật Bản như một số tên lửa trước đây và rơi xuống khu vực các bờ biển phía bắc Nhật Bản khoảng 250 km.
Nhật Bản cũng nói sẽ "không bao giờ chấp nhận hành vi khiêu khích liên tục của Bắc Hàn", trong khi Nam Hàn lên án việc phóng tên lửa và đáp trả bằng một cú phóng tên lửa riêng.
EU đã gọi vụ phóng này là "vi phạm không thể chấp nhận được" trên nghĩa vụ quốc tế của Bắc Hàn, trong khi Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc gọi đó là "một hành động liều lĩnh".
Các vụ thử tên lửa chính của Bắc Hàn năm 2017 :
Bắc Hàn đã tiến hành nhiều cuộc thử tên lửa trong năm nay. Một số trong số này đã phát nổ ngay sau khi được phóng, nhưng một số bay hàng trăm dặm trước khi rơi xuống biển. Dưới đây là một số vụ phóng tên lửa được báo cáo cho đến nay :
Ngày 12 tháng 2 - Một tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ căn cứ không quân Banghyon gần bờ biển phía tây. Tên lửa bay về phía đông biển Nhật Bản khoảng 500km.
Ngày 5 tháng 4 - Một tên lửa đạn đạo tầm trung bắn từ cảng Sinpo phía đông xuống biển Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, tên lửa đã bay khoảng 60km.
Ngày 4 tháng 7 - Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành công lần đầu tiên. Các quan chức cho biết, nó đã đạt đến độ cao 2.802 km và bay trong 39 phút.
Ngày 29 tháng 8 - Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo đầu tiên có vũ khí hạt nhân qua vùng trời Nhật Bản. Nó được phóng gần Bình Nhưỡng và đạt đến độ cao khoảng 550km.
Ngày 15 tháng 9 - Một quả tên lửa đạn đạo đã được bắn bay qua Nhật Bản lần thứ hai và đổ bộ xuống biển ngoài khơi Hokkaido. Nó đạt đến độ cao khoảng 770 km và đi được 3.700 km.
Ngày 29 tháng 11 - Tên lửa đạn đạo bay cao nhất của Bắc Hàn từ trước đến nay, đạt độ cao 4.500km và bay xa 960km, và bay trong 50 phút trước khi rơi xuống phía bắc vùng biển Nhật Bản.
******************
Mỹ kêu gọi tăng thêm hành động với Triều Tiên (VOA, 29/11/2017)
Phản ứng về vụ phóng thử phi đạn mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/11 tuyên bố : ‘Đây là tình huống mà chúng ta sẽ xử lý.’
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết hành động của Bình Nhưỡng hôm nay không làm thay đổi phương án của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên. Tuần trước, ông Trump đưa tên nước cộng sản này trở lại danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson cùng ngày mạnh mẽ lên án vụ phóng phi đạn của Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế có thêm hành động mới áp lực Bình Nhưỡng ngưng phát triển võ khí hạt nhân.
"Ngoài việc thực thi tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc hiện nay, cộng đồng quốc tế phải có thêm biện pháp tăng cường an ninh hàng hải, kể cả quyền cấm chỉ lưu thông hàng hải" tới Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh.
Ông Tillerson cũng cho biết thêm rằng Mỹ và Canada sẽ triệu tập một cuộc họp giữa các nước trong Liên hiệp quốc, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước bị ảnh hưởng để thảo luận phương cách cộng đồng quốc tế có thể đối phó với đe dọa Triều Tiên ra sao
Phi đạn Triều Tiên mới phóng rơi xuống gần Nhật Bản hôm 29/11 (giờ địa phương, tức chiều ngày 28/11 giờ miền Đông Hoa Kỳ).
Theo Ngũ Giác Đài, đánh giá sơ khởi cho thấy Bình Nhưỡng phóng thử một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM từ Sain Ni, phi đạn bay được khoảng 1000 cây số trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Ngũ Giác Đài nói phi đạn này không đề ra mối đe dọa cho lãnh thổ của Mỹ và các đồng minh.
chính phủ Nhật ước tính phi đạn vừa kể bay được 50 phút và rớt xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, theo đài NHK.
Phi đạn trước đó Triều Tiên phóng thử hôm 29/8 bay được 14 phút ngang qua Nhật Bản.
Bộ Tổng Tham mưu Liên quân của Hàn Quốc nói phi đạn mới phóng của Triều Tiên xuất phát từ Pyongsong, một thành phố thuộc tỉnh Nam Pyongan bay ngang vùng biển giữa Hàn Quốc với Nhật Bản.
Chỉ vài phút sau khi Triều Tiên phóng phi đạn, quân đội Hàn Quốc tiến hành bắn thử phi đạn đáp trả, theo tin từ quân đội Hàn Quốc.
Hãng tin Kyodo của Nhật dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng cho hay chưa có báo cáo thiệt hại.
Triều Tiên nói các chương trình võ khí của họ là cần thiết để phòng vệ trước kế hoạch xâm lăng của Mỹ.
Sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Mỹ hiện duy trì 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc.
Theo Reuters
********************
Triều Tiên phóng thêm phi đạn (VOA, 29/11/2017)
Triều Tiên vừa phóng thêm một phi đạn đạn đạo hôm 29/11 (giờ địa phương), theo hai nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ. Hành động này diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un quan sát việc phóng phi đạn Hwasong-12. Ảnh do hãng tin Triều Tiên KCNA công bố ngày 18/9/2017.
Ngũ Giác Đài xác nhận phát hiện một vụ phóng phi đạn "khả dĩ" từ Triều Tiên.
Đại tá Robert Manning, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, nói với báo giới : "Chúng tôi phát hiện một vụ phóng phi đạn có thể từ Triều Tiên. Chúng tôi đang trong tiến trình đánh giá tình hình và sẽ cung cấp thêm chi tiết nếu có".
Ông cho hay vụ phóng này được phát hiện vào lúc 1 giờ rưỡi chiều, giờ miền Đông nước Mỹ (1830 GMT).
Phi đạn bay về phía đông và quân đội Hàn Quốc đang cùng Mỹ phân tích các chi tiết vụ phóng này, theo tin thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn từ Ban Tham mưu Hỗn hợp.
Đài truyền hình NHK tại Nhật Bản, trích tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết phi đạn có thể đã rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Tờ Asahi Shimbun tại Nhật cũng loan tin Triều Tiên vừa phóng một phi đạn đạn đạo sáng sớm ngày thứ Tư 29/11.
***********************
Bắc Hàn tiếp tục bắn tên lửa đạn đạo (RFA, 28/11/2017)
Bộ Tổng Tham Mưu Nam Hàn cho hay Bắc Hàn vừa bắn tên lửa đạn đạo.
Đợt phóng thử tên lửa vào ngày 15 tháng 9 năm 2017. AFP
Vẫn chưa rõ đây là tên lửa loại gì, có tầm hoạt động là bao nhiêu. Bản tin sơ khởi do hãng thông tấn Yonhap phổ biến nói rằng tên lửa của Bắc Hàn rời dàn phóng lúc 03 giờ 17 phút sáng thứ tư, 29 tháng 11 năm 2017 (giờ địa phương). Hiện các chuyên gia quân sự Nam Hàn và Hoa Kỳ đang thu thập thêm chi tiết để phân tích.
Mới hôm qua, Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn là ông Cho Myoung-gyon tiết lộ tin tình báo cho thấy Bình Nhưỡng đang gia tăng nỗ lực để hoàn tất chương trình chế tạo võ khí hạt nhân, và chính phủ Seoul đang thu thập thêm tài liệu để xem Bình Nhưỡng có phóng thử tên lửa hoặc nổ thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới hay không.
Ông Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn cũng cảnh báo rằng mặc dù phần đông các chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng phải mất ít nhất 2 hoặc ba năm nữa mới chế tạo được võ khí hạt nhân, nhưng chính phủ Nam Hàn không loại trừ khả năng Bắc Hàn hoàn tất chương trình này chỉ trong vòng 1 năm nữa.
Cùng ngày, hãng thông tấn Kyodo trích dẫn lời một viên chức chính phủ Nhật Bản cho hay có thể Bắc Hàn sẽ phóng thử tên lửa trong một vài tuần tới.
*******************
Triều Tiên phóng phi đạn, Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn (VOA, 29/11/2017)
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn sau khi Triều Tiên phóng thử thêm một phi đạn đạn đạo.
Lãnh tụ Triều Tiên, Kim Jong-un
Italy đang làm chủ tịch Hội đồng và phát ngôn nhân của Italy cho biết cuộc họp chiều ngày 28/11 được triệu tập khẩn thể theo đề nghị của Nhật, Mỹ, Hàn.
Sau 10 tuần tạm ngưng các đợt thử nghiệm võ khí, Triều Tiên bất chợt phóng thêm một phi đạn nữa vào chiều ngày 28/11 (giờ Hoa Kỳ).
Ngũ Giác Đài cho biết đó là một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Hội đồng Bảo an đã ban hành các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay lên chính phủ của ông Kim Jong-un vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân leo thang của Triều Tiên.
Mỹ và Nhật có phần chắc sẽ vận động thêm các biện pháp mạnh tay hơn.
Theo AP
Kim Jong-un nhấn mạnh 'quan hệ huyết thống' (BBC, 30/10/2017)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa đi thăm nhà máy mỹ phẩm ở Bình Nhưỡng cùng vợ Ri Sol-ju và em gái Kim Yo-jong.
Cô Ri, bên phải, mặc một chiếc váy đen và trắng
Truyền thông nhà nước đăng tải các bức ảnh về chuyến thăm hôm Chủ Nhật. Cả vợ và em gái Kim Jong-un đều hiếm khi xuất hiện trước công chúng.
Em gái ông Kim xuất hiện không lâu sau khi được thăng cấp lên một vị trí đầy quyền lực trong chính quyền Bình Nhưỡng.
Hàng xa xỉ phẩm nước ngoài bao gồm mỹ phẩm đã trở nên khan hiếm ở Bắc Triều Tiên sau nhiều các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Vì sao ông Kim thăm nhà máy mỹ phẩm ?
Trong những năm qua, nhiều quốc gia đã ngừng nhập khẩu hàng xa xỉ vào Bắc Triều Tiên do hậu quả của các biện pháp trừng phạt.
Bắc Triều Tiên dường như đã phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm riêng, và các thương hiệu cao cấp như Bomhyanggi và Unhasu đang trở nên phổ biến với người tiêu dùng.
Ông Kim được cho là hài lòng với các sản phẩm và sự nâng cấp của nhà máy thời gian gần đây
Mặc dù ông Kim được biết đến rộng rãi hơn nhờ các bức ảnh ông xuất hiện tại các căn cứ quân sự và các địa điểm thử tên lửa, chuyến thăm của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên tới một nhà máy mỹ phẩm giúp ông truyền đi thông điệp về việc ông có chính danh nắm quyền lãnh đạo tới giới tinh hoa và tầng lớp trung lưu ở Bình Nhưỡng.
Ông Kim thường xuyên được chụp ảnh tại các nhà máy và các khu vực kinh tế trọng điểm khác của Bắc Triều Tiên. Truyền thông nhà nước cũng khẳng định những tiến bộ đáng kể trong việc sản xuất hàng tiêu dùng như TV 3D và điện thoại thông minh.
Nhà phân tích chuyên về Bắc Triều Tiên, Ankit Panda nói với BBC rằng chuyến thăm này là "để chứng tỏ rằng Bình Nhưỡng có thể chăm sóc người dân của mình, đồng thời mang lại sự thịnh vượng ở mức tương đương với Bắc Kinh và Seoul".
"Ngay cả khi chúng ta biết nó không đúng sự thật, nhưng điều quan trọng là chế độ này thể hiện cho người dân thấy nó có thể mang lại những thú vui vật chất".
Trong chuyến thăm, ông Kim ca ngợi hãng mỹ phẩm này đã sản xuất các sản phẩm "đẳng cấp thế giới", và đã nâng cấp cơ sở của mình lên một mức độ đáng để "tự hào đối với thế giới", hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên tường thuật.
Tại sao ông Kim mang theo vợ và em gái ?
Mặc một chiếc váy màu đen trắng rất phong cách, vợ ông Kim nổi bật trong các bức ảnh.
Trong khi đó, người ta không thể nhận ra em gái ông Kim là ai trong các bức ảnh, tuy tường thuật của KCNA nói bà xuất hiện cùng với các quan chức hàng đầu khác.
Cuộc sống cá nhân của ông Kim cùng các thành viên trong gia đình ít được biết đến và họ cũng hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Sự xuất hiện trước công chúng của ông Kim luôn được sắp xếp kỹ càng.
Kim Jong-un xem xét các sản phẩm mỹ phẩm và chăm sóc tóc
Ông Panda nói với BBC rằng việc ông Kim chọn xuất hiện cùng với vợ và em gái của mình lần này là rất đáng chú ý.
"Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, rằng mối quan hệ huyết thống là rất quan trọng đối với ông Kim, và rằng con cái sẽ tiếp nối thành công của ông", ông Panda nói.
Sự hiện diện và thăng tiến gần đây của em gái ông Kim cũng "báo hiệu rằng chế độ của Kim Jong-un muốn cho thế giới thấy bà Kim đang nắm một vị trí quyền lực hơn".
Hồi đầu tháng, ông Kim đã đưa em gái vào Bộ Chính trị.
Thời gian của chuyến thăm có ý nghĩa gì ?
Chuyến viếng thăm của ông Kim được thực hiện giữa lúc căng thẳng ngày càng gia tăng ở bán đảo Triều Tiên với hàng loạt các vụ thử hạt nhân và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và những đấu khẩu gay gắt giữa ông Kim và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump - người sẽ thăm thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tuần tới.
Chuyến thăm của lãnh đạo Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đã được phát sóng trên các phương tiện truyền thông nhà nước một ngày sau khi Bộ trưởng uốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói rằng Hoa Kỳ sẽ "không bao giờ chấp nhận" một Bắc Triều Tiên có vũ trang hạt nhân.
Ông Mattis, người đang có chuyến thăm Châu Á và đang thăm viếng Seoul hôm thứ Bảy, đã nhắc lại lập trường của Mỹ rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hạt nhân nào của Bắc Triều Tiên cũng sẽ vấp phải "một phản ứng quân sự mạnh mẽ".
************************
Bắc Triều Tiên : "Chuyên gia bắt cóc người" (RFI, 30/10/2017)
Nhật báo kinh tế Les Echos (30/10/2017) có bài phóng sự điều tra dài liên quan đến những cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc công dân nhiều nước để đào tạo gián điệp. Bài viết đề tựa : "Khi Bắc Triều Tiên sưu tầm con người".
Hai người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt cóc, Yukiko Okudo (T) và Kaoru Hasuike, về đến sân bay Haneda, Tokyo, ngày 15/10/2002. Reuters/Kimimasa Mayama/Files
Mọi nghi ngờ từ những năm 1970 đã được sáng tỏ vào tháng 11/1987. Nữ gián điệp Bắc Triều Tiên, Kim Hyun-Hee, đã bị bắt dưới quốc tịch Nhật Bản sau khi đã thực hiện thành công vụ đánh bom trên không máy bay của hãng hàng không Korean Airlines trên vùng biển Andaman. Người này thú nhận đã được những người Nhật bị chế độ Bình Nhưỡng bắt cóc đào tạo.
Trong vòng gần hai thập niên, Bình Nhưỡng đã sưu tập nhân lực. Ban đầu là những ngư dân Hàn Quốc, sau đó là đàn ông và phụ nữ mang nhiều quốc tịch khác nhau (Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Lebanon, Thái Lan và thậm chí có cả Pháp).
Ngoài việc đào tạo cho các gián điệp Bắc Triều Tiên về ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, Bình Nhưỡng cho bắt cóc các công dân nước khác còn để đánh cắp giấy tờ tùy thân nhằm cài đặt các gián điệp ngầm tại các nước lân cận.
Trước các lệnh trừng phạt của quốc tế về chương trình hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã tìm cách xích lại gần Nhật Bản và đã thừa nhận vụ việc vào tháng 9/2002. Trong số 17 trường hợp bị mất tích, Bình Nhưỡng chỉ thừa nhận có 13, và chấp nhận trao trả lại 5 người, 8 người còn lại được báo là đã qua đời.
Ngày nay nhiều gia đình Nhật Bản vẫn tin rằng chế độ Bình Nhưỡng còn đang giấu giếm sự thật và tìm mọi cách kể cả đánh động quốc tế hòng tìm kiếm người thân của mình.
RFI tiếng Việt
***********************
Trung - Hàn thảo luận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên (RFI, 30/10/2017)
Bộ ngoại giao Hàn Quốc, ngày 30/10/2017, thông báo, các đại diện của Bắc Kinh và Seoul trong cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên sẽ gặp gỡ vào ngày 31/10/2017 tại Bắc Kinh.
Truyền hình Nhật Bản phát hình ảnh lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un sau lần thử hạt nhân ngày 03/09/2017. Reuters/Toru Hanai
Seoul cho biết thêm, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của các nhà đàm phán Trung Quốc và Hàn Quốc, kể từ khi họ được bổ nhiệm vào vị trí này. Ông Lee Do-hon và đồng nhiệm Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) sẽ trao đổi những phân tích của hai bên về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Hai bên cũng thảo luận về các phương thức hợp tác để kiểm soát tình hình một cách lâu dài.
Sau những thảo luận chung gần đây giữa Seoul, Washington và Tokyo, cuộc gặp Trung - Hàn là bước đi tiếp theo của các bên có liên quan trong vòng đàm phán 6 bên nhằm làm giảm căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, từ năm 2009, Bình Nhưỡng đã đơn phương rút khỏi nỗ lực ngoại giao này.
Cùng chung lo lắng về hồ sơ hạt nhân Bình Nhưỡng, tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, Jens Stoltenberg, ngày 30/10/2017, cũng đã nhắc lại với Nhật Bản vị thế của nước này trước "mối đe dọa toàn cầu" Bắc Triều Tiên. Trước các chuyên gia và quan chức quốc phòng Nhật Bản, người đứng đầu khối quân sự NATO bày tỏ lo lắng, khi Nhật Bản phải chịu sự đe dọa trực diện trước các "hành động khiêu khích và mất bình tĩnh" của chính quyền Bình Nhưỡng.
Song ông Stoltenberg cho rằng, các nước không cần thiết phải sử dụng uy lực quân sự, thay vào đó, cần tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó, ông khẳng định, NATO sẽ "ủng hộ mạnh mẽ áp lực chính trị, ngoại giao, và kinh tế", đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải "áp dụng đầy đủ và minh bạch" các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, đã được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 09/2017.
Quốc tế lo ngại, Kim Jong-un không bận tâm
Trong khi các nước láng giềng tỏ ra lo ngại trước những hiểm họa hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lại tỏ ra bình thản. Hãng tin Bắc Triều Tiên KCNA, ngày 29/10/2017, thông báo, ông Kim Jong-un, cùng phu nhân Ri Sol-ju và người em gái quyền lực Kim Yo-jong, đã đến thăm nhà máy sản xuất mỹ phẩm Bình Nhưỡng.
Tại đây, nhân vật số một chế độ Bình Nhưỡng đã hết lời ca ngợi các sản phẩm làm đẹp của Bắc Triều Tiên "ngang tầm quốc tế", "cho phép nữ giới thực hiện giấc mơ trở nên xinh đẹp hơn". Hai người phụ nữ tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong chuyến vi hành này được coi là những người phụ nữ hiếm hoi có sức ảnh hưởng trong chính giới ở Bắc Triều Tiên, quốc gia vẫn mang tư tưởng phụ quyền nặng nề.
Phu nhân Ri, nổi tiếng ở Bắc Triều Tiên với sở thích thời trang cao cấp, đã có với nhà lãnh đạo Kim Jong-un 3 người con. Người em gái Kim Yo-jong, chưa đầy 30 tuổi, vừa được người anh trai cất nhắc vào Bộ Chính Trị của Đảng Lao Động Triều Tiên.
Duy Anh
***********************
Tổng thống Philippines nói cần đối thoại với Bắc Hàn (RFA, 30/10/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng cần thiết phải nói chuyện với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un để trấn an ông Kim rằng không có ai muốn "xóa sổ" ông ấy hủy hoại Bắc Triều Tiên.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu trước bữa tiệc tại văn phòng Thủ tướng Nhật ở Tokyo hôm 30/10/2017 - AFP
Hãng AP dẫn lời ông Duterte như vừa nêu vào ngày 29/10, chỉ hay một ngày trước khi ông lên đường thăm Nhật Bản xin trợ giúp tái thiết thành phố Marawi ở miền nam Philippines.
Ngoài chuyện sẽ ký một thỏa thuận hỗ trợ với Nhật trị giá 8,8 tỷ đô la kéo dài trong 5 năm , ông Duterte cũng muốn bàn thảo chuyện chính phủ Bình Nhưỡng đe dọa tấn công hạt nhân với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump khi ông tới thăm Malina vào tháng tới.
Ông Duterte cho rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn cùng các quốc gia khác cần lên tiếng với lãnh tụ Bắc Triều Tiên rằng không ai có ý đe dọa ông ấy và khuyên ông ấy nên dừng việc đe dọa tấn công hạt nhân.
Tổng thống Philippines nhấn mạnh mọi người cần nhớ rằng ông Kim Jong-un dù sao cũng là người lãnh đạo toàn thể nhân dân Bắc Triều Tiên. Ông Duterte cũng chỉ trích chuyện không một quốc gia nào nói chuyện với ông Kim Jong-un trong khi có thể thuyết phục ông ấy rằng hãy ngồi xuống cùng bàn luận với bọn tôi và chúng ta sẽ cùng trao đổi mọi chuyện với nhau.
Khi Tổng thống Donald Trump lên tiếng đe dọa sẽ rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, một nhà độc tài sung sướng chỉ ra là ông đã đúng. Nhà độc tài đó là ông Kim Jong-un của Bắc Hàn.
Kim Jong-un và Donald Trump - Ảnh minh họa
Nếu nghe tổng thống nói về lãnh tụ họ Kim của Bắc Hàn, chúng ta phải tưởng tượng đó là một nhân vật hí họa – một "người hỏa tiễn" đang theo đuổi một "sứ vụ tự tử". Nhưng nếu nhìn vào hành động của tổng thống Hoa Kỳ thì chúng ta khám phá ra là lãnh tụ Bắc Hàn không điên khùng như ông nhiều khi cố tình tạo cái cảm tưởng vậy.
Điều đó còn đúng hơn trước chính sách về Iran của tổng thống. Ông Trump có vẻ đang tính đến chuyện không xác nhận là Iran tuân thủ đúng thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc của thế giới năm 2015. Nếu đặt mình vào địa vị ông Kim, hẳn chúng ta cũng phải kết luận là mình đúng hoàn toàn ngay từ đầu : Không thể tin Hoa Kỳ được, ngay cả khi Washington đặt bút ký tên vào một thỏa thuận quốc tế. Chả cũng Hoa Kỳ đã ký kết vào Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đó sao ? Nhưng rồi cũng Hoa Kỳ xé hiệp ước đó, thản nhiên bỏ rơi các đồng minh của mình.
Nhìn từ Bình Nhưỡng, cách duy nhất để chặn một cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ đã luôn luôn là phải đưa Bắc Hàn trở thành một cường quốc hạt nhân có đủ khả năng và sẵn sàng tấn công phủ đầu hay phản công vũ bão. Theo một số chuyên gia ở Á Châu, đó chính là lý do Bắc Kinh lập luận chống lại áp lực quá mức lên chế độ Bình Nhưỡng. Ông Kim, một viên chức ở Bắc Kinh giải thích, sẽ "chọn cái chết để chống cự" thay vì chịu thua Hoa Kỳ.
Và nay ông Kim cảm thấy mình được chứng minh là đúng, và tin tưởng là chương trình hạt nhân của ông, tiến xa hơn của Iran nhiều, sẽ là cái vé để bảo vệ cho sự sống còn của chế độ của ông.
Tổng thống Trump là người thường thích để cho người ta không biết ý định của ông là thế nào. Chả thế mà ông đã đưa ra một câu nói lửng lơ hồi cuối tuần rồi, "gió lặng trước cơn bão", một việc mà sau đó ông công nhận là ám chỉ Bắc Hàn. Không hiểu vì ảnh hưởng từ đâu, nhưng tổng thống có vẻ tin hoàn toàn là Iran vi phạm thỏa thuận lịch sử vốn đã giúp đình chỉ và lật ngược lại các hoạt động hạt nhân của Iran để đổi lấy giảm cấm vận. Mặc dầu Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế (International Atomic Energy Agency- IAEA), cơ quan mà nhiệm vụ là bảo đảm Iran phải tuân thủ, nói là không có bằng cớ gì là Iran không tuân thủ, mặc dầu tất cả các cường quốc còn lại đã ký kết vào thỏa thuận không đồng ý, tổng thống Hoa Kỳ vẫn tin mình đúng.
Trong khi vụ Iran đang tiếp diễn, từ Bắc Hàn, ông Kim sẽ theo dõi kỹ. Nhưng số phận của Iran không phải là vấn đề duy nhất ông chú tâm theo dõi. Điều mà chính hệ thống tuyên truyền của ông đã nhiều lần nhắc nhở, đó là số phận của các lãnh tụ Trung Đông có thời ao ước có khả năng vũ khí hạt nhân. Ông biết rõ về họ lắm vì chế độ của ông từng hợp tác với họ. Những người ngần ngại trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân, hay bị buộc phải từ bỏ chương trình của họ, bị đánh bại và giết chết thảm thương.
Trước hết là chuyện ông Saddam Hussein, nhà độc tài Iraq từng cho phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân, hóa học, và sinh học hồi thập niên 1980. Sau vụ phiêu lưu tấn công chiếm đóng Kuwait và thất bại trong cuộc chiến vùng Vịnh, Iraq bị buộc phải từ bỏ vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt. Nhưng ông Saddam đã chơi một cái trò mèo vờn chuột với các thanh tra của IAEA, tạo thêm nghi ngờ là ông đã giấu một phần kho vũ khí của mình.Những nghi ngờ này cho Hoa Kỳ cái cớ tổ chức cuộc tấn công vào Iraq năm 2003. Kết quả là ông Saddam bị bắt, bị đưa ra xử và bị treo cổ.
Tuy vậy, những cuộc tìm kiếm rộng rãi sau cuộc chiến đã không tìm thấy vũ khí nào cả, dẫn đến việc một số quan sát viên đồn đoán là ông Saddam đã duy trì huyền thoại sở hữu vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt để tạo một bầu không khí sợ hãi giúp ông tiếp tục nắm quyền.
Rồi còn chuyện Đại tá Muammar Gaddafi, lãnh tụ Libya mà Tổng thống Ronald Reagan gọi là "con chó dại" của vùng Trung Đông. Năm 2003, sau khi điều đình với Hoa Kỳ và Anh, ông Gaddafi tuyên bố hủy bỏ chương trình hạt nhân của mình. Quyết định đó đã mở đường cho việc Libya được thế giới công nhận. Chưa đầy một thập niên sau, khi cuộc cách mạng bùng nổ ở Libya, và ông Gaddafi đe dọa tấn công vào thành phố Benghazi ở miền Đông ly khai, một liên minh do NATO cầm đầu can thiệp và đẩy cán cân quyền lực về phía các phiến quân Libya. Ông Gaddafi bị các nhóm dân quân bắt và hạ sát.
Chúng ta không chờ đợi Tổng thống Trump có thể tự đặt mình vào địa vị của lãnh tụ Bắc Hàn để xem ông tính toán ra sao, nhưng những nhà ngoại giao Hoa Kỳ, nhất là Ngoại trưởng Rex Tillerson, đã cố gắng để tìm một cách nào đó cho tình hình bớt căng thẳng. Bởi vì, cũng như Thượng nghị sĩ Bob Corker (Cộng Hòa-Tennessee), Chủ tịch Ủy ban ngoại giao thượng viện, ông Tillerson hiểu rằng trong khi một thỏa thuận ngoại giao với Bắc Hàn có thể không đạt được, cải thiện liên lạc với Bắc Hàn là tối cần thiết để giảm triển vọng một cuộc chiến tình cờ.
Ông Kim chắc sẽ có những vụ thử hạt nhân nữa. Mới tuần rồi, hai dân biểu Nga từ Bắc Hàn trở về nói là Bình Nhưỡng sắp thử một hỏa tiễn có tầm bắn đến California. Tháng rồi, ngoại trưởng Bắc Hàn đề nghị là chính phủ của ông có thể thử hỏa tiễn hạt nhân trên bầu trời Thái Bình Dương, một thử nghiệm hạt nhân trên không đầu tiên từ nhiều thập niên nay. Với sự bất định về chuyện không biết một thử nghiệm hạt nhân như vậy sẽ rớt xuống đâu, chính phủ Trump có thể cảm thấy là phải phản ứng bằng cách bắn hạ hỏa tiễn có đầu đạn hạt nhân.
Nhà bình luận Nicholas Kristof của tờ New York Times mới đây viết "Tôi đã tường thuật về Bắc Hàn kể từ thập niên 1980, và chuyến đi năm ngày (của ông đến Bình Nhưỡng) làm cho tôi cảm thấy lo sợ hơn bao giờ hết về nguy cơ một sự đối đầu sẽ mang lại thảm họa". Ông khuyên "hãy thương thảo không cần điều kiện, dầu chỉ là để bàn luận về chuyện thương thảo" nhằm ngăn cản "cuộc khủng hoảng leo thang".
Theo tạp chí The Atlantic, Hoa Kỳ quả có những ngả để thảo luận với Bình Nhưỡng, mà quan trọng nhất là ở New York, nơi Bắc Hàn có sứ bộ. Ngay sau khi lên làm ngoại trưởng, ông Tillerson đã mở lại con đường đó, trong hy vọng là để có một mối liên lạc. Đó chính là điều ông nói với các nhà báo, về những con đường hai bên có thể tiếp xúc. Nhưng Tổng thống Donald Trump, khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn lần thứ nhì qua Nhật, đã bỏ cuộc. Ông công khai bảo rằng ông ngoại trưởng của ông đừng "tốn thời giờ vô ích".
Điều đáng ngại là những người như Thượng nghị sĩ Bob Corker hay Ngoại trưởng Rex Tillerson biết rõ vấn đề. Họ hẳn biết những nguồn tin tình báo hơn chúng ta về khả năng vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn. Họ hẳn cũng biết là Bắc Hàn nay sở hữu vũ khí hạt nhân. Chẳng bao lâu nữa, Bắc Hàn sẽ có khả năng bắn vào Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ, dù có công nhận hay không, chỉ còn trông cậy vào phòng ngừa để ngăn cản chiến tranh. Và phòng ngừa chỉ có thể hữu hiệu khi hai bên có thể nói chuyện với nhau. Đó là lý do của hệ thống điện thoại đỏ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
Hoa Kỳ và Bắc Hàn không có một liên lạc nào tương tự, nhưng ông Tillerson đang cố gắng tạo một cái gì thay thế. Tổng thống Trump, vốn tiếp tục đe dọa chiến tranh, đang cố gắng hết sức để bảo đảm là ông Tillerson sẽ thất bại. Và đó là điều đã làm ông Bob Corker hoảng sợ. Có lẽ chúng ta cũng nên lo sợ đi là vừa.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 14/10/2017
Chủ tịch Kim Jong-un thăng chức cho em gái (RFA, 09/10/2017)
Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un vừa mới thăng chức cho người em gái vào vị trí lãnh đạo trong đảng cầm quyền tại quốc gia cộng sản khép kín này.
Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un dự Hội nghị trung ương 2 Đảng Lao Động Triều Tiên ở Bình Nhưỡng hôm 7/10/2017. STR / KCNA VIA KNS / AFP
Theo thông tấn xã KCNA của Bắc Hàn thì người em gái Kim Yo-jong của đương kim chủ tịch Kim Jong-un được nói ở độ tuổi 28 đến 30. Cả hai đều là con của bà Ko Yong Hui. Cô Kim Yo-jong là một trong những người thân tín nhất của ông anh. Cô này được bầu vào Bộ Chính Trị của Đảng Lao động Triều Tiên.
Nhà nghiên cứu Moon Hong-sik thuộc Viện Chiến Lược An Ninh Quốc Gia, được hãng tin Reuters dẫn lời cho rằng cô Kim Yo-jong là phụ nữ nên ông anh Kim Jong- Un chắc chắn không xem là một mối nguy thách thức quyền lực của ông này, và là người em cùng máu mủ nên có thể được tin tưởng.
Vào tối chủ nhật 8 tháng 10, hằng ngàn người dân Triều Tiên, mà chủ yếu là thanh niên- sinh viên, tập trung tại Quảng trường Kim Nhật Thành tại thủ đô Bình Nhưỡng để mừng sự kiện 20 năm cố chủ tịch Kim Jong-il nhận chức tổng bí thư Đảng Lao Động Triều Tiên.
Truyền thông Bắc Hàn vào sáng cùng ngày cho biết một hôm trước lãnh đạo tối cao của nước này họp để đi đến quyết định đối với cô Kim Yo-jong như vừa nêu.
***********************
Bắc Hàn : Kim Jong-un đưa em gái vào Bộ Chính trị (BBC, 09/10/2017)
Nhà lãnh đạo tối cao của Bắc Hàn, ông Kim Jong-un, vừa tăng quyền cho em gái với việc đưa bà trở thành ủy viên dự khuyết trong Bộ Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên.
Kim Yo-jong (người được khoanh đỏ) thường xuất hiện bên cạnh anh trai
Kim Yo-jong, con gái út của cố lãnh đạo Kim Jong-il, sẽ thay thế vị trí của cô ruột trong Bộ Chính trị của Đảng Lao động.
Bà Kim Yo-jong (bìa phải) cùng anh trai, lãnh đạo tối cao Kim Jong-un trong chuyến thăm đến một khu nhà dưỡng lão mới khai trương
Bà Kim, 30 tuổi, đã được coi là quan chức cao cấp trong đảng từ ba năm về trước.
Gia đình họ Kim cầm quyền liên tục tại Bắc Hàn kể từ khi nước này được thành lập sau Chiến tranh Thế giới II, hồi 1948, cho tới nay.
Bà Kim, người thường xuất hiện bên cạnh anh trai và được cho là người phụ trách hình ảnh của ông Kim Jong-un trước công chúng, đã tạo những ảnh hưởng nhất định trong cương vị phó Ban tuyên truyền và cổ động.
Bà bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen với cáo buộc có liên quan tới các vụ vi phạm nhân quyền tại Bắc Hàn.
Vì sao Bắc Hàn đặt mục tiêu trở thành quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ?
Việc thăng chức cho bà được ông Kim công bố tại cuộc họp của đảng hôm thứ Bảy, là một phần trong việc luân chuyển hàng chục quan chức cao cấp nữa.
Khi bà Kim được trao một vị trí then chốt trong kỳ đại hội hiếm hoi của đảng cầm quyền hồi năm ngoái, người ta đã trông đợi việc bà sẽ nắm giữ một vai trò quan trọng trong dàn lãnh đạo chủ chốt của Bắc Hàn.
Ông Kim Jong-un đeo khăn quàng đỏ
Trong các thông báo được đưa ra hôm thứ Bảy còn có quyết định thăng chức Ngoại trưởng Ri Yong-ho, người hồi tháng trước gọi Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ là "Tổng thống Quỷ" tại phiên họp Liên Hiệp Quốc, trở thành thành viên có toàn quyền biểu quyết trong Bộ Chính trị.
Ông Ri gần đây cáo buộc ông Trump là tuyên chiến với Bắc Hàn và nói nếu tổng thống Mỹ tiếp tục những lời lẽ đao to búa lớn "nguy hiểm" thì Hoa Kỳ sẽ trở thành mục tiêu "không thể tránh khỏi" của các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Việc thăng chức diễn ra vào thời điểm ông Kim một lần nữa khẳng định rằng chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn sẽ tiếp tục, bất chấp các lệnh trừng phạt và những lời đe dọa.
Những bình luận của ông được đưa ra chỉ vài giờ trước khi ông Trump viết trên Twitter rằng "chỉ có một thứ đem lại hiệu quả" trong quan hệ với Bình Nhưỡng sau nhiều năm đối thoại mà tổng thống Mỹ nói là đã không đem lại kết quả gì.
*************************
Ông Kim Jong-un đưa em gái út 28 tuổi vào Bộ Chính trị (VnEconomy, 09/10/2017)
Kim Yo-jong được coi là một trong hai người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất đối với ông Kim Jong-un...
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa bổ nhiệm em gái út vào Bộ Chính trị nước này, đưa cô gái 28 tuổi lại gần hơn nữa trung tâm quyền lực ở Bình Nhưỡng, theo đó củng cố quyền lực lãnh đạo đất nước của nhà họ Kim.
Một màn hình TV ở Seoul, Hàn Quốc, phát sóng bản tin về việc Kim Yo-jong trở thành Ủy viên Bộ Chính trị Triều Tiên vào cuối tuần vừa rồi - Ảnh : AP/Bloomberg.
Theo hãng tin Bloomberg, việc bổ nhiệm Kim Yo-jong vào Bộ Chính trị Triều Tiên diễn ra vào ngày thứ Bảy vừa rồi tại một hội nghị của Đảng Lao động cầm quyền diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng. Tại hội nghị, ông Kim Jong-un kêu gọi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân để chống lại điều mà ông gọi là "cuộc tống tiền hạt nhân của đế quốc Mỹ" - Bloomberg dẫn nguồn thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA.
"Tình hình hiện nay rất căng thẳng và chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thử thách", ông Kim phát biểu tại hội nghị nơi hàng chục nhân vật cấp cao mới được bổ nhiệm, trong đó, Kim Yo-jong trở thành ủy viên Bộ Chính trị trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Đây là cơ quan do ông Kim Jong-un đứng đầu và giữ vai trò chủ chốt trong việc ra các quyết sách của nước này.
Trước khi được bổ nhiệm vào cương vị mới, Kim Yo-jong đã giữ chức Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Đảng Lao động. Cô cùng 6 quan chức Triều Tiên khác nằm trong danh sách bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt hồi tháng 2 do bị Washington cáo buộc "vi phạm nhân quyền và có hành vi kiểm duyệt thông tin".
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng tuổi của Kim Yo-jong là 28.
Kim Jong-un và Kim Yo-jong là hai anh em ruột, có cùng mẹ là bà Ko Yong Hui. Người anh trai cùng cha khác mẹ của họ là Kim Jong Nam được cho là đã thiệt mạng hồi tháng 2 năm nay trong vụ án mạng gây chấn động xảy ra ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia.
Những năm gần đây, Kim Yo-jong ngày càng xuất hiện trước công chúng nhiều hơn và được coi là một trong hai người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng nhất đối với ông Kim Jong-un bên cạnh đệ nhất phu nhân Triều Tiên Ri Sol Ju. Trong các sự kiện lớn của Triều Tiên, Kim Yo-jong thường xuất hiện khá lặng lẽ bên cạnh người anh trai.
Kim Yo-jong "đã được công nhận bởi những gì cô ấy làm trong năm qua để làm đẹp hình ảnh của Kim Jong-un", giáo sư Yang Moo-jin thuộc Đại học Nghiên cứu Triều Tiên của Hàn Quốc nhận định.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm thứ Bảy đã ngầm cảnh báo trên mạng xã hội Twitter về khả năng dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Dòng trạng thái (tweet) của ông Trump nói Mỹ đã nhiều năm theo đuổi chính sách ngoại giao đối với Bình Nhưỡng mà không mang lại kết quả gì, nhưng "chỉ một thứ duy nhất sẽ mang lại hiệu quả".
Trước đó vài ngày, ông Trump tuyên bố việc đàm phán với chính quyền Kim Jong-un chỉ là một việc "lãng phí thời gian" và Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng "làm việc cần phải làm".
An Huy
*******************
Cô em út bí ẩn của Kim Jong-un là ai ? (RFI, 09/10/2017)
Ngày thứ Bảy 07/10/2017, nhân cuộc họp Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã thông báo bổ nhiệm em gái Kim Yo-jong làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính Trị, cơ quan quyền lực cao nhất tại Bắc Triều Tiên. Quyết định này cho thấy Kim Jong-un đang củng cố vị thế của gia đình ông. Nhưng cô em bí ẩn này của Kim Jong-un là ai ?
Kim Jong-un thị sát một công ty quốc phòng ở tỉnh Kangwon, theo sau là cô em út Kim Yo-jong. AFP PHOTO / KCNA via KNS
Cho đến giờ phút này, giới truyền thông biết rất ít về người em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Người ta chỉ biết rằng Kim Yo-jong xuất thân dòng dõi "Paektu", tên ngọn núi "thiêng"nơi lãnh tụ Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành được sinh ra, và từng phụ trách cơ quan tuyên truyền của Đảng.
Đây là một vị trí trước đó do người cô Kim Kyong Hui nắm giữ. Người phụ nữ này đã không còn xuất hiện trước công chúng kể từ khi chồng bà là Jang Song-Thaek bị hành quyết vào năm 2013, vì bị cáo buộc "phản quốc" và có "âm mưu phản cách mạng".
Theo tìm hiểu của Les Echos, Kim Yo-jong, khoảng từ 28-30 tuổi, là con gái của cố lãnh đạo Kim Jong Il với người vợ thứ ba, cựu diễn viên múa Ko Yong Hui. Tình báo Mỹ và Hàn Quốc dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau cho rằng Kim Yo-jong, cũng như hai người anh, đã bí mật theo học ở một trường tư tại Thụy Sĩ trong nhiều năm liền dưới một tên giả.
Một số truyền thông Hàn Quốc còn đưa ra giả thuyết là Kim Yo-jong đã lập gia đình với một quan chức của chế độ, số khác thì cho là với một cựu cảnh vệ, trong khi truyền thông Nhật Bản vẫn nghĩ là cô còn độc thân.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự việc cho thấy có một sự thay đổi thế hệ lãnh đạo. Kim Jong-un muốn "dọn sạch" những người thân tín với cha ông trước đây. Bên cạnh đó, việc thăng chức cho em gái còn nhằm tiếp tục duy trì huyền thoại về nguồn gốc xuất thân các lãnh đạo trong gia đình họ Kim, vào lúc Bắc Triều Tiên đang trải qua một cuộc khủng hoảng với Hoa Kỳ.
Theo "huyền thoại" được lan truyền, vận mệnh của dòng dõi họ Kim gắn liền với vận mệnh quốc gia và được sinh ra từ ngọn núi thiêng nằm ở phía bắc đất nước. Đây cũng là nơi lãnh tụ Bắc Triều Tiên khởi xướng những trận chiến "oai hùng" trong suốt những năm 1930-1940.
Một điểm khác cũng được hầu hết giới phân tích đồng chia sẻ : Thăng chức cho em gái cũng không có nghĩa người này có thể kế nhiệm Kim Jong-un trong một hệ thống quyền lực mang nặng tư tưởng Khổng Giáo và về mặt truyền thống chỉ giao quyền cho con trai trưởng.
Tuy nhiên, Kim Jong-un, nay chỉ mới có 33 tuổi, trước đó chưa hề được chỉ định là người kế thừa. Và bộ máy tuyên truyền vẫn chưa cho biết tý thông tìn gì về những người con của vị lãnh đạo trẻ tuổi với bà Ri Sol Ju. Theo tình báo Hàn Quốc, Kim Jong-un dường như đã có một con trai đầu lòng vào năm 2010, và hai đứa con khác đã lần lượt vào năm 2013 và 2017.
Minh Anh
Dù lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un nhiều lần khiêu khích và sẵn sàng khẩu chiến, các giới chức tình báo Mỹ nói ông ta không điên rồ.
Ông Kim Jong-un phản kích bài diễn văn của Tổng thống Donald Trump đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/9/2017.
"Kim Jong-un là một người rất tính toán," Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định ngày 4/10.
"Ngoài vấn đề khẩu chiến và huênh hoang, Kim Jong-un không muốn đối đầu cùng một lúc với lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc," ông Yong Suk Lee phát biểu tại một hội nghị tình báo do CIA bảo trợ tại Washington.
"Kim Jong-un muốn điều mà tất cả các nhà cai trị chuyên chế đều muốn…đó là cai trị lâu dài và chết bình yên trên giường," ông Lee nói.
Đánh giá của tình báo có vẻ như trái ngược với những lời nói được Tổng thống Donald Trump sử dụng.
Trong một loạt tin nhắn trên Twitter, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là "Ông Rocket tí hon," và trong một Twitter khác vào tháng trước, ông Trump gọi ông Kim "rõ ràng là một gã khùng."
Tuy nhiên ông Lee và các giới chức CIA khác tin là có một "mục đích rõ rệt" về cách thức nhà lãnh đạo Triều Tiên hành xử trên sân khấu thế giới.
Những người này nói, mục đích của Bình Nhưỡng là được công nhận là một cường quốc hạt nhân chính và cuối cùng sẽ thương thuyết về một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc lực lượng Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên.
Các giới chức tình báo xem những cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn liên tục của Triều Tiên như là một phương cách để tạo một chỗ đứng và cho Bình Nhưỡng không gian để hoạt động giữa lúc nước này theo đuổi những mục tiêu trên bán đảo.
"Hắn ta muốn chúng ta ra khỏi sàn thử nghiệm của hắn," ông Lee nói và phỏng đoán sẽ có một cuộc thử nghiệm khác hay khiêu khích xảy ra sớm nhất là vào ngày 9 tháng 10 đánh dấu ngày thành lập đảng cầm quyền, trùng hợp với Ngày Columbus ở Mỹ.
Các giới chức lo ngại về những nguy cơ tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng.
Nhưng cựu đặc sứ Mỹ tại các cuộc đám phán 6 bên với Triều Tiên, ông Joseph Detrani, nói "Họ không tự sát." Ông Detrani cảnh báo là Bình Nhưỡng đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đặc biệt vào lúc Tòa Bạch Ốc bác bỏ mọi cuộc thương thuyết có ý nghĩa với chế độ Triều Tiên.
"Chúng ta có thể lâm vào cuộc xung đột," ông Detrani nói. "Họ nghe Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng qua Twitter, nên việc này phải có một ảnh hưởng rõ rệt."
Cũng có những nghi vấn về vai trò Trung Quốc trong việc này.
"Chính Trung Quốc cũng đang quan tâm về sự bất ổn định tại biên giới nước này, nhưng đồng thời cũng đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ," Phó trợ lý Giám đốc CIA Michael Collins nói.
"Trung Quốc có thể làm được nhiều việc," ông Collins nói. "Nhưng ảnh hưởng gì đến việc tính toán của Kim Jong-un lại là một vấn đề khác."
Các giới chức cũng nói những nỗ lực của Hoa Kỳ làm việc với Trung Quốc bị cản trở vì chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Chiến lược này nhằm làm cho Hoa Kỳ giận giữ và hạn chế ảnh hưởng của Washington trong những lãnh vực mà hai nước không đối đầu trực tiếp.
Có một số chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Kim Jong-un bị hạn chế.
"Ông ta không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi. Ông ta không sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ," ông Lee từ Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc CIA nhận định.
Kịch bản nào nếu Trung Quốc bỏ rơi Bắc Triều Tiên ? (RFI, 02/10/2017)
Tiếp tục bảo vệ Bắc Triều Tiên hay bỏ rơi chế độ Bình Nhưỡng kịch bản nào có lợi hơn cho Trung Quốc ? Đó là câu hỏi đáng giá ngàn vàng, đang được các chuyên gia và chính giới ở Bắc Kinh cân nhắc.
Hai lá cờ hữu nghị Trung Quốc - Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp trên tường một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc, nay đã đóng cửa. Ảnh chụp ngày 12/04/2016. Reuters/Joseph Campbell
Về mặt chính thức, Trung Quốc đưa ra cùng một lập trường với Nga : cộng đồng quốc tế không nên dồn Bắc Triều Tiên vào chân tường. Đến nay, Bắc Kinh vẫn xem đối thoại là giải pháp tốt nhất để thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng ở hậu trường, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một số các nhà chiến lược của Trung Quốc đang nêu lên nhiều kịch bản đối phó "khẩn cấp".
Một tuần lễ sau vụ Bắc Triều Tiên thử nguyên tử hôm đầu tháng 9/2017, trưởng khoa quan hệ quốc tế trường Đại Học Bắc Kinh, Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) chính thức lên tiếng "khuyên" Trung Quốc nên tính tới phương án cùng thảo luận với Mỹ và Hàn Quốc về thời kỳ hậu Kim Jon-un.
Là một nhân vật có uy tín, giáo sư họ Giả trong bài nghiên cứu mang tựa đề "đã đến lúc phải chuẩn bị với kịch bản xấu nhất tại Bắc Triều Tiên" đặt ra một loạt các câu hỏi như : Trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, Trung Quốc phải tính sao ? Nên chăng trong tư thế sẵn sàng triển khai lực lượng sang Bắc Triều Tiên ? Liệu Trung Quốc hay Hoa Kỳ sẽ thâu tóm trang thiết bị hạt nhân Bắc Triều Tiên và Trung Quốc phải làm gì trong trường hợp trong Hàn Quốc thống nhất nước láng giềng phương Bắc ? Trên đây là những kịch bản giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải tính tới.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, mặc dù bài tham luận của chuyên gia về quan hệ quốc tế này được đăng trên trang mạng của Diễn Đàn Đông Á, thuộc đại học Úc, nhưng chắc chắn, là ông đã được "phép" để phổ biến quan điểm này trên một phương tiện truyền thông quốc tế.
Vậy phải chăng là Trung Quốc đang bắn đi một thông điệp hướng tới cả chế độ Bắc Triều Tiên lẫn cộng đồng quốc tế ?
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho rằng Bắc Kinh đang tính toán "một công đôi việc", vừa hù dọa Bình Nhưỡng khi nêu lên khả năng "bỏ rơi" Bắc Triều Tiên, vừa làm hài lòng Hoa Kỳ, một tháng trước chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ, Donald Trump, đến Trung Quốc.
Đương nhiên là Tập Cận Bình mà càng tỏ thái độ cứng rắn với Kim Jon-un chừng nào thì lại càng khiến vị thượng khách của ông là Donald Trump hài lòng chừng nấy. Nhưng có lẽ Trung Quốc đang nhìn xa hơn thế.
Nhà nghiên cứu David Kelly thuộc viện China Policy, trụ sở tại Bắc Kinh, tiết lộ hiện tại ở thượng tầng cơ quan quyền lực Trung Quốc đang có hai phe. Một bên chủ trương duy trì đường lối cũ, tức là cố gắng giữ một đồng minh lâu đời là Bắc Triều Tiên trong vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bên kia là trường phái xem việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là cơ hội lớn đối với Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy, phe thứ nhì này đang được "lắng nghe".
Cách rất xa Bắc Kinh, nhìn từ Paris, ông Barthélémy Courmont, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp cũng cho rằng giả thuyết chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ không còn là một cơn ác mộng trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc. Bởi lẽ nếu tiến trình thống nhất bán đảo Triều Tiên diễn ra trong hòa bình, thì Trung Quốc là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất để xây dựng lại một đất nước Triều Tiên sau 60 năm chia cắt.
Một nhà quan sát làm việc tại Bắc Kinh cho rằng, tiếng nói của phe chủ trương bỏ rơi Bắc Triều Tiên ngày càng mạnh. Mới chỉ cách nay 4 năm, người điều hành tờ báo thuộc Trường Đảng Trung Quốc ông Đặng Vũ Văn (Deng Yuwen) đã bị cách chức vì một bài viết kêu gọi đoạn tuyệt với chế độ Bình Nhưỡng. Thế nhưng tháng 4/2017 trong một bài viết đăng trên trang chủ của trung tâm nghiên cứu độc lập Trung Quốc Charhar, cũng chuyên gia này đã nhấn mạnh đến những lợi thế không thể chối cãi của Trung Quốc, nếu hai miền Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất : quân đội Mỹ sẽ không còn lý do để hiện diện tại Hàn Quốc và một khi Bắc Triều Tiên không còn là mối đe dọa đối với Seoul thì Hàn Quốc và Hoa Kỳ không thể viện cớ gì để tiếp tục lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ngay sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc.
Có điều, bỏ rơi Kim Jon-un cũng không dễ, bởi như lời chuyên gia David Kelly, học viện Chính Trị Trung Quốc China Policy, "không ai biết trước phản ứng của Bắc Triều Tiên". Một cách gián tiếp, giới chuyên gia tại Bắc Kinh lo ngại Kim Jon-un "làm liều" khi bị người anh cả là Trung Quốc bỏ rơi.
Điều mà các nhà phân tích Trung Quốc và quốc tế chưa nói rõ là tất cả các giả thuyết nêu trên đáng tin cậy tới mức độ nào ? Chỉ biết rằng, tại Bình Nhưỡng, Kim Jong-un tăng tốc các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tại Washington, tổng thống Hoa Kỳ ồn ào đe dọa "tiêu hủy" Bắc Triều Tiên.
Còn tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 19 để củng cố quyền lực. Hồ sơ Bắc Triều Tiên đương nhiên bắt ông Tập phải quan tâm. Trong mọi trường hợp Bắc Kinh luôn đặt quyền lợi chiến lược của Trung Quốc lên trên hết. Trung Quốc đang chuẩn bị những gì cho tương lai Bắc Triều Tiên ? Bắc Kinh không có ý định chia sẻ những tính toán của mình với bất kỳ một ai.
Thanh Hà
*********************
Bắc Triều Tiên : trên Twitter, Donald Trump gạt bỏ mọi nỗ lực của ngoại trưởng Tillerson (RFI, 02/10/2017)
Vào lúc ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc gây áp lực với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân thì trên Twitter, tổng thống Donald Trump - nếu không muốn nói là làm nhục ngoại trưởng Rex Tillerson - đã tuyên bố là không nên mất thời gian với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) với ngoại trưởng Rex Tillerson và nữ đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, ngày 11/08/2017, ở Bedminster, New Jersey. Reuters/Jonathan Ernst
Đây không phải là trường hợp "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" đầu tiên của chính quyền Washington và cũng không phải là lần đầu tiên, tổng thống Mỹ nói ngược lại với ngoại trưởng.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Có thể tóm tắt đại ý điều mà Donald Trump, qua các twit, nói với Rex Tillerson là không nên mất thời gian đàm phán với nhóc tì tên lửa. Theo ông, Clinton, Bush rồi Obama đều đã thử nhưng không thành. Rex, hãy giữ sức và chúng ta sẽ làm điều cần phải làm. Phải chăng đây là một lời đe dọa nhưng không nói thẳng ra là sẽ có một chiến dịch quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng ?
Các phát biểu của tổng thống Mỹ gây ngạc nhiên vì trước đó 24 giờ, ngoại trưởng Tillerson, trong chuyến công du Bắc Kinh, đã thông báo là có những kênh liên lạc giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, gợi ý rằng có thể đàm phán. Tuy nhiên, bộ ngoại giao Mỹ đã giảm bớt tầm quan trọng của tuyên bố này và nói rõ rằng Bắc Triều Tiên tỏ ra không quan tâm đến đàm phán.
Đây không phải là lần đầu tiên Donald Trump bất đồng với chính phủ của ông. Nguyên thủ Mỹ đã từng nói rằng thảo luận với Bắc Triều Tiên không phải là một giải pháp, trong lúc bộ trưởng quốc phòng James Mattis có lập trường ngược lại. Thế nhưng, tổng thống Mỹ dường như tỏ ra đặc biệt khoái trá phá hỏng các nỗ lực của Rex Tillerson tìm cách tiến hành phương thức ngoại giao truyền thống. Điều này làm cho một số nhà quan sát phỏng đoán về thời gian cựu tổng giám đốc Exxon tiếp tục công tác tại bộ ngoại giao Mỹ".
Nhằm gia tăng áp lực, cô lập Bình Nhưỡng, bộ ngoại giao Ý đã yêu cầu đại sứ Bắc Triều Tiên – tuy chưa trình thư ủy nhiệm – rời khỏi nước này, để phản đối việc Bắc Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Trả lời phỏng vấn nhật báo La Republica, hôm qua, và được AFP trích dẫn, ngoại trưởng Ý Angelino Alfano cho biết đã quyết định đình chỉ quy trình chấp nhận tân đại sứ Bắc Triều Tiên và vị đại sứ này phải rời khỏi Ý.
Theo Roma, quyết định nhằm làm cho Bắc Triều Tiên hiểu rằng họ sẽ bị cô lập nếu không thay đổi chính sách. Tuy nhiên, Ý không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên vì việc duy trì kênh liên lạc là cần thiết.
RFI tiếng Việt
*******************
Nga phá thế độc quyền của Trung Quốc trong việc giúp Triều Tiên kết nối internet (Một Thế Giới, 02/10/2017)
Theo tổ chức nghiên cứu 38 North (Hàn Quốc), công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, giúp nước này thoát khỏi tình trạng phụ thuộc đường truyền mạng của Trung Quốc.
Công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho Triều Tiên- Ảnh : SCMP
38 North cho biết, tín hiệu kết nối từ Trans Telecom đã bắt đầu xuất hiệu trên cơ sở dữ liệu định tuyến mạng từ khoảng 17 giờ 38 phút (giờ Triều Tiên) ngày 1/10
Cho đến nay, người dùng mạng tại Triều Tiên lẫn những người bên ngoài truy cập vào các trang mạng của Triều Tiên đều dùng chung một đường truyền Star JV do công ty viễn thông China Unicom của Trung Quốc chịu trách nhiệm vận hành kể từ năm 2010.
Theo nhà phân tích hệ thống mạng toàn cầu Doug Madory của Viện nghiên cứu Dyn : "Đường truyền bổ sung từ Nga giúp Triều Tiên có thêm một kết nối mạng ra ngoài, tăng khả năng phục hồi (sau các cuộc tấn công) lẫn lưu lượng băng thông quốc tế".
Trang Financial Times dẫn lời trưởng ban công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương công ty FireEye Bryce Boland nhận định : "Đường truyền mới không chỉ giúp tăng khả năng phục hồi kết nối mạng của Bình Nhưỡng trước những cuộc tấn công vật lý, tấn công mạng lẫn tấn công chính trị mà còn giúp Nga có được tầm ảnh hưởng mới tại Triều Tiên".
Bản đồ cáp trên trang tin của TTK cho thấy có hệ thống dây cáp quang chạy từ Nga đến biên giới Triều Tiên - Ảnh : 38 North
Việc Nga cung cấp đường truyền mạng diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của Bình Nhưỡng và gây áp lực buộc Trung Quốc cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với nước này, theo 38 North.
Tờ Washington Post ngày 30/9 cho biết, Bộ chỉ huy không gian mạng Mỹ (US Cyber Command) đang tiến hành một loạt cuộc tấn công chống lại tin tặc Triều Tiên, vô hiệu hóa máy tính của tin tặc và khiến kết nối mạng bị chậm hoặc không sử dụng được. Các vụ tấn công được thực hiện chỉ trong ngày 30/9
TTK là một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Nga, trực thuộc Tập đoàn đường sắt nhà nước Nga, 38 North cho biết.
Theo bản đồ cáp trên trang tin của TTK thì hệ thống dây cáp quang được đặt dọc theo đường sắt chạy từ thành phố Vladivostok đến biên giới Triều Tiên. Có đồn đoán cho rằng lối vào Triều Tiên duy nhất của đường dây cáp chính là dọc theo Cầu hữu nghị Nga-Triều, nơi có đường sắt chạy qua sông Đồ Môn (Triều Tiên gọi là sông Đậu Mãn) nối thành phố Khasan (Nga) với thị trấn Tumangang (Triều Tiên).
Cây cầu Hữu nghị Nga-Triều, nơi được xem là lối vào Triều Tiên duy nhất của cáp quang TTK- Ảnh : 38 North
38 North cho biết đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tìm đường truyền thay thế cho Star JV. Trong năm 2012 tổ chức vệ tinh viễn thông quốc tế Intelsat đã cung cấp một đường truyền cho Triều Tiên, nhưng trong những năm gần đây thì chỉ còn đường truyền Star JV của China Unicom.
Đường truyền duy nhất này đã nhiều lần bị tin tặc tấn công. Tuy hầu hết vụ tấn công được quy cho nhóm tin tặc Anonymous, nhưng có nhiều đồn đoán cho rằng lần tấn công gần đây nhất là do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện, theo 38 North.
38 North cũng cho biết, có rất ít người dùng đến mạng Internet, nhưng luôn có sẵn mạng trong các trường đại học lớn, cho người nước ngoài sử dụng thông qua điện thoại thông minh, tại cơ quan chính phủ và công ty lớn. Gia đình các lãnh đạo lẫn những đơn vị không gian mạng của quân đội Triều Tiên cũng được cho là có truy cập mạng.
Ngoài ra, đường truyền mạng là rất quan trọng cho học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài, những người thường vào các trang mạng truyền thông của Bình Nhưỡng để lấy thông tin.
Cẩm Bình
(theo 38 North, Financial Times)
Tổng thống Mỹ lại sỉ vả lãnh đạo Bắc Triều Tiên (RFI, 23/09/2017)
Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân, vốn đã trầm trọng, lại tăng thêm một nấc với thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ sáng hôm qua, thứ Sáu 22/09/2017, trong đó tổng thống Mỹ gọi lãnh đạo Bắc Triều Tiên là "kẻ điên". Nga kêu gọi Donald Trump và Kim Jong Un hạ nhiệt.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un vẫn nắn gân nhau qua màn đấu khẩu nảy lửa. Reuters/Kevin Lamarque, KCNA
Donald Trump tung lên Twitter thông điệp : "Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên, rõ ràng là một kẻ điên rồ, đang tâm bỏ đói và giết hại dân chúng của chính nước mình. Con người này sẽ gặp phải những thử thách chưa từng thấy".
Vài giờ trước đó, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên trực tiếp đáp lời tổng thống Mỹ, lên án ông Trump đã "sỉ nhục" cá nhân và toàn thể đất nước trước sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế, và khẳng định sẵn sàng có những hành động trả đũa chưa từng có.
Hai ngày trước đó, phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tổng thống Mỹ đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Bắc Triều Tiên, nếu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đe dọa Hoa Kỳ và các đồng mình.
Sau những lời lẽ bốc lửa của hai lãnh đạo Mỹ - Bắc Triều Tiên, đến lượt ngoại trưởng Nga lên tiếng. Phát biểu với báo giới bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, ông Serguei Lavrov kêu gọi hai bên lấy lại bình tĩnh, với nhận xét việc các lãnh đạo dùng lời lẽ nhục mạ nhau là "rất dở và không thể chấp nhận được".
Theo AFP, nhiều chuyên gia lo ngại khẩu chiến giữa hai lãnh đạo Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ còn dữ dội hơn. Một chuyên gia về Đông Bắc Á, ông John Delury, Đại học Yonsei, Seoul, dự báo là điều này có thể góp phần dẫn đến những hệ quả "rất nghiêm trọng".
Về khả năng Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch tại Thái Bình Dương, như một biện pháp trả đũa mà ngoại trưởng Bắc Triều Tiên vừa cho biết thứ Năm, một giới chức Hoa Kỳ ẩn danh khẳng định Washington xem xét nghiêm túc mối đe dọa này.
Trọng Thành
****************
Nga : Trump và Kim cư xử như trẻ mẫu giáo (BBC, 23/09/2017)
Ngoại trưởng Nga nói cuộc khẩu chiến giữa Donald Trump và Kim Jong-un giống như một cuộc ẩu đả của trẻ mẫu giáo.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov gọi cuộc khẩu chiến giữa Trump và Kim là cuộc ẩu đả của trẻ mẫu giáo
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn trước đó nói Tổng thống Hoa Kỳ bị "rối loạn thần kinh" và là "gã lẩm cẩm" sau khi ông Trump đe dọa sẽ tiêu diệt Bắc Hàn.
Ông Trump đáp lại bằng một dòng tin trên mạng xã hội Twitter, gọi ông Kim là "tên điên rồ".
Ngoại trưởng Sergei Lavrov kêu gọi hai bên dừng lại, "để làm dịu đi những cái đầu nóng".
Ông nói : "Vâng, chúng ta không thể chấp nhận được việc Bắc Hàn tiếp tục với các phi vụ quân sự hạt nhân nhưng cũng không thể chấp nhận chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên được".
Ông kêu gọi cho một tiến trình chính trị, mà ông nói là một phần quan trọng trong tiến trình của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Cùng với Trung Quốc chúng ta sẽ tiếp tục tìm kiếm một cách tiếp cận hợp lý chứ không phải một cách cảm tính như khi lũ trẻ ở trường mẫu giáo bắt đầu đánh nhau và không ai có thể ngăn cản chúng", ông nói.
Nhà lãnh đạo Bắc Hàn đã công kích ông Donald Trump vài ngày sau bài diễn văn của tổng thống Hoa Kỳ tại LHQ, nói ông sẽ "tiêu diệt hoàn toàn" Bắc Hàn nếu Hoa Kỳ buộc phải tự bảo vệ mình hoặc các đồng minh.
Ông cũng nhạo báng Kim Jong-un với lời bình luận : "Anh hùng hỏa tiễn đang thực hiện phi vụ tự tử".
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Bắc Hàn nói những nhận xét "nhục mạ" của Tổng thống Hoa Kỳ chứng tỏ ông đã đúng khi phát triển vũ khí cho Bắc Hàn.
Lần đầu tiên nhà lãnh đạo Bắc Hàn đưa ra một phản ứng trực tiếp nhắm vào một cá nhân quốc tế như thế, và đây là lại Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump.
Trong một tuyên bố cá nhân hiếm hoi, ông Kim nói rằng ông Trump sẽ "phải trả giá đắt" cho bài phát biểu mà ông Kim đánh giá là "lời nói gàn dở bất lịch sự chưa từng thấy".
Ông Kim nói rằng ông Trump đã xúc phạm Bắc Hàn trong con mắt của thế giới, và đe doạ "chắc chắn và nhất định phải kiểm soát gã lẩm cẩm rối loạn thần kinh người Mỹ này bằng lửa".
Các chuyên gia nói rằng đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra một phản ứng trực tiếp nhắm đến một cá nhân quốc tế - và động thái này cần phải được xem xét nghiêm túc và triệt để.
Trung Quốc cũng kêu gọi hai bên hạ nhiệt, nói rằng vấn đề "phức tạp và nhạy cảm".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khang nói : "Tất cả các bên liên quan nên kiềm chế thay vì kích động lẫn nhau".