Covid-19 : Thế giới phản ứng khác nhau với dịch bùng phát ở Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 30/12/2022
Ngoài Hoa Kỳ, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng với Trung Quốc, đã quyết định áp dụng nhiều biện pháp hạn chế để kiểm soát dòng người đến từ Trung Quốc. Ngày 29/12/2022, tổng giám đốc Tổ chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom, cho rằng các biện pháp đó là "dễ hiểu", vì Bắc Kinh không cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh.
Hành khách đến từ Trung Quốc được xét nghiệm Covid khi đến sân bay Milan Malpensa, Ý, ngày 29/12/2022. AP - Alessandro Bremec
Kể từ ngày 30/12, Nhật Bản bắt buộc xét nghiệm ở ngay cửa khẩu đối với người đến từ Trung Quốc. Những người nhiễm Covid có triệu chứng sẽ bị cách ly 7 ngày, còn những người không có triệu chứng thì cách ly 5 ngày. Hàn Quốc thì yêu cầu chứng nhận xét nghiệm âm tính đối với du khách đến từ Trung Quốc cho đến cuối tháng 02/2023. Trước đó, Mỹ, Ý, Đài Loan, Ấn Độ cũng thông báo áp dụng biện pháp tương tự. Malaysia cho biết sẽ theo dõi mọi trường hợp có biểu hiện sốt từ các chuyến bay quốc tế.
Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa có biện pháp thống nhất. Trong một thông cáo ngày 29/12, Trung tâm Phòng chống dịch bệnh châu Âu (ECDE) cho rằng yêu cầu bắt buộc xét nghiệm Covid-19 trên quy mô toàn khối đối với du khách đến từ Trung Quốc là "không có cơ sở". Theo cơ quan này, các nước Liên Âu "đã có độ miễn dịch và tỉ lệ tiêm chủng tương đối cao" và "các biến thể ở Trung Quốc đã có ở Liên Âu".
Nếu như tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới tỏ ra thông cảm với "các nước muốn bảo vệ người dân" trước làn sóng dịch phức tạp ở Hoa lục, truyền thông Trung Quốc hôm 29/12 cáo buộc biện pháp hạn chế của nhiều nước đối với hành khách đến từ Trung Quốc là "không có cơ sở" và "phân biệt", trong khi Bắc Kinh sẽ dỡ bỏ cách ly bắt buộc những người nhập cảnh Trung Quốc kể từ ngày 08/01/2023. Tuy nhiên, hành khách vẫn phải trình chứng nhận xét nghiệm âm tính 48 giờ trước đó.
Dù dịch bùng phát mạnh, các nhà hỏa táng bị quá tải, nhưng Trung Quốc thông báo chỉ có thêm 5.000 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong vì Covid-19 trong ngày 29/12.
Thu Hằng
Thiếu thông tin về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở Trung Quốc gây lo ngại toàn cầu
AP, VOA, 30/12/2022
Việc một số quốc gia yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách đến từ Trung Quốc phản ánh mối lo ngại toàn cầu rằng có thể đã xuất hiện các biến thể mới của virus trong đợt bùng phát dịch đang diễn ra, và có lẽ chính phủ Trung Quốc không thông báo kịp thời cho phần còn lại của thế giới.
Một bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, 28/12/2022.
Trung Quốc lâu nay bị cáo buộc là đã không công khai về loại virus này kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở nước này vào cuối năm 2019.
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan và Ý đã công bố các yêu cầu về xét nghiệm đối với hành khách đến từ Trung Quốc. Hoa Kỳ viện dẫn lý do gồm cả sự gia tăng các ca nhiễm lẫn tình trạng mà Mỹ gọi là thiếu thông tin, bao gồm cả thông tin về trình tự gen của các chủng virus ở Trung Quốc.
Các nhà chức trách ở Đài Loan và Nhật Bản cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự.
Mỗi ca nhiễm mới đều tạo cơ hội cho virus corona đột biến và dịch đang lây lan nhanh chóng ở Trung Quốc. Các nhà khoa học không khẳng định liệu tình trạng lây nhiễm tăng vọt có sản sinh ra một biến chủng mới trên thế giới hay không - nhưng họ lo rằng điều đó có thể xảy ra.
Wu Zunyou, trưởng bộ phận dịch tễ học tại Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Trung Quốc, nói hôm thứ Năm 29/12 rằng Trung Quốc luôn báo cáo kịp thời các chủng virus mà họ phát hiện ra.
Ông phát biểu: "Chúng tôi không giữ bí mật gì cả. Mọi công việc đều được chia sẻ với thế giới".
Trung Quốc đã rút lại nhiều hạn chế nghiêm ngặt về đại dịch vào đầu tháng này, tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh chóng ở một quốc gia từng chứng kiến tương đối ít ca nhiễm kể từ đợt bùng phát khủng khiếp ban đầu ở thành phố Vũ Hán.
Tiến sĩ David Dowdy, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công Johns Hopkins Bloomberg, nhận xét rằng động thái của Hoa Kỳ có thể nhằm tăng áp lực buộc Trung Quốc phải chia sẻ nhiều thông tin, hơn là ngăn chặn một biến thể mới xâm nhập vào Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã bị cáo buộc là che giấu tình hình virus ở nước này trong thời gian trước đây. Một cuộc điều tra của AP cho thấy chính phủ đã ỉm việc công bố thông tin di truyền về virus trong hơn một tuần sau khi giải mã được nó, khiến các quan chức Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bất bình.
Chính phủ Trung Quốc cũng kiểm soát chặt chẽ việc phổ biến thông tin về nghiên cứu của Trung Quốc về virus, cản trở sự hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.
Nghiên cứu về nguồn gốc của virus cũng đã bị cản trở. Một nhóm chuyên gia của WHO cho biết trong một báo cáo trong năm nay rằng "một số dữ liệu quan trọng" về việc đại dịch bắt đầu bùng phát như thế nào đã bị mất, và họ kêu gọi cần tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu hơn.
(AP)
Nguồn : VOA, 30/12/2022
*****************************
Mỹ đòi hành khách đến từ Trung Quốc phải xét nghiệm Covid, còn Anh đang cân nhắc
BBC, 29/12/2022
Hoa Kỳ trở thành quốc gia mới nhất áp dụng xét nghiệm Covid đối với du khách đến đến từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ mở lại biên giới vào tuần tới.
Trung Quốc bắt đầu mở lại biên giới sau ba năm
Ý, Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ cũng công bố yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối với du khách Trung Quốc.
Sau ba năm đóng cửa với thế giới, Trung Quốc sẽ cho người dân đi lại tự do hơn từ ngày 8/1/2023.
Nhưng làn sóng lây nhiễm Covid mới đang diễn ra trong đất nước này đã làm dấy lên sự cảnh giác từ các quốc gia khác.
Trung Quốc đang báo cáo khoảng 5.000 trường hợp mỗi ngày, nhưng các nhà phân tích nói rằng những con số thống kê như vậy là quá ít - và con số nhiễm thực sự mỗi ngày có thể lên tới gần một triệu.
Các bệnh viện ở Trung Quốc hiện quá tải và người dân chật vật tìm các loại thuốc cơ bản, theo báo cáo.
Hôm thứ Tư (28/12), Hoa Kỳ cho biết việc thiếu dữ liệu Covid "đầy đủ và minh bạch" ở Trung Quốc đã góp phần dẫn đến quyết định yêu cầu xét nghiệm Covid từ ngày 5/1/2023 đối với khách du lịch vào nước này từ Trung Quốc, Hong Kong và Macau.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết điều này là cần thiết "để giúp làm chậm sự lây lan của virus khi chúng tôi làm việc để xác định... bất kỳ biến thể mới tiềm năng nào có thể xuất hiện".
Nhưng Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư nói rằng các quy tắc về virus corona chỉ nên được đưa ra trên cơ sở "khoa học" và cáo buộc các nước và phương tiện truyền thông phương Tây "thổi phồng" tình hình.
Bộ này cũng nói rằng "hiện tại sự phát triển của tình hình dịch bệnh của Trung Quốc là có thể dự đoán được và trong tầm kiểm soát".
Một số người đã phản ứng giận dữ trên mạng xã hội bị kiểm duyệt của Trung Quốc.
"Tôi nghĩ rằng tất cả các quốc gia nước ngoài đã mở cửa. Đây không phải là phân biệt chủng tộc sao?" một bình luận nhận được 3.000 lượt thích trên Weibo.
Nhưng những người khác cho biết họ hiểu lý do của các điều kiện này : "Điều này không là gì so với tất cả những hạn chế mà chúng ta áp dụng đối với những người vào Trung Quốc," một người dùng viết.
Trước đại dịch, Trung Quốc là thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới. Nhưng không rõ có bao nhiêu người Trung Quốc sẽ ra nước ngoài sau ngày 8/1 do số lượng chuyến bay bị hạn chế và nhiều công dân cần gia hạn hộ chiếu.
Một số quốc gia đã áp dụng các hạn chế đối với du khách Trung Quốc :
Nhật Bản : từ thứ Sáu 30/12, du khách từ Trung Quốc sẽ được xét nghiệm Covid khi đến nơi. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ phải cách ly trong tối đa bảy ngày. Số chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng sẽ bị hạn chế
Ấn Độ : những người đi từ Trung Quốc và bốn quốc gia Châu Á khác phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với Covid trước khi đến. Hành khách dương tính cũng sẽ bị cách ly
Đài Loan cho biết những người đến trên các chuyến bay từ Trung Quốc, cũng như bằng thuyền tại hai hòn đảo, sẽ phải thực hiện xét nghiệm Covid khi đến đây từ ngày 1/1 đến ngày 31/1. Người có kết quả dương tính sẽ có thể cách ly tại nhà
Trong khi đó, Malaysia đã áp dụng các biện pháp theo dõi và giám sát bổ sung
Ý cũng đã áp dụng xét nghiệm Covid bắt buộc đối với du khách đến từ Trung Quốc
Trung Quốc bắt đầu mở cửa du lịch trong và ngoài nước lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020
Vương quốc Anh đang cân nhắc
Ủy ban Châu Âu cho biết ủy ban an ninh y tế của họ được triệu tập vào thứ Năm để thảo luận về "các biện pháp khả thi cho cách tiếp cận phối hợp của EU" đối với sự gia tăng Covid của Trung Quốc.
Cơ quan này sau đó nói việc theo dõi người từ Trung Quốc tới là "không công bằng", và làn sóng lây nhiễm "không bị cho là sẽ gây ảnh hưởng" tới EU.
Nhưng Ý, một quốc gia thành viên EU và là tâm điểm của virus vào cuối năm 2019 và 2020, cho biết họ đang hành động trước để "đảm bảo giám sát và xác định" bất kỳ biến thể mới nào của virus.
Các chuyến bay đến Milan trong tuần này đã xét nghiệm hành khách đến từ Trung Quốc. Nhà chức trách phát hiện 52% hành khách nhiễm Covid trên một chuyến bay hạ cánh hôm 26/12.
Thủ tướng Giorgia Meloni kêu gọi xét nghiệm rộng rãi trên toàn EU đối với hành khách Trung Quốc, và cho rằng các biện pháp của riêng mình Ý có thể không hiệu quả.
Chính phủ Anh đang xem xét liệu có nên đưa ra các hạn chế Covid đối với du khách đến từ Trung Quốc hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết.
Ông Wallace cho biết Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp nhận các lời khuyên y tế và thảo luận với Bộ Y tế.
Trước đó, một cựu bộ trưởng y tế đã kêu gọi chính phủ cân nhắc xét nghiệm Covid với người đến từ Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu chính phủ có xem xét các hạn chế hay không, ông Wallace nói: "Chính phủ đang xem xét, việc này đang được cân nhắc, chúng tôi nhận thức rõ những gì Hoa Kỳ đã làm và Ấn Độ và tôi nghĩ Ý đã xem xét chuyện này."
"Chúng tôi luôn xem xét một cách rõ ràng các mối đe dọa sức khỏe đối với Vương quốc Anh, bất kể chúng có thể ở đâu."
Lord Bethell, người từng là thứ trưởng y tế trong thời kỳ đại dịch, cho biết có lý do chính đáng để xem xét xét nghiệm hành khách khi họ hạ cánh, một chính sách mà Ý đã áp dụng.
"Những gì người Ý đang làm là giám sát sau chuyến bay đối với những người đến Ý, để hiểu liệu có bất kỳ biến thể mới nổi nào hay không và để hiểu tác động của virus lên hệ thống y tế Ý," ông nói với chương trình Today của BBC Radio 4.
"Đó là một việc làm hợp lý và là điều mà chính phủ Anh nên nghiêm túc xem xét."
Ông nói thêm : "Quý vị phải nhận thức rõ rằng rất nhiều người lên những chuyến bay này, từ kinh nghiệm chúng tôi đã rút ra, là những người mà bản thân họ không được khỏe và đến phương Tây để được trợ giúp y tế.
"Đó là một viễn cảnh khá khó khăn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta và điều quan trọng là chúng ta phải biết ai trong số họ đã nhiễm virus và họ đã nhiễm loại virus nào."
Tuy nhiên, ông tỏ ra nghi ngờ chính sách xét nghiệm trước chuyến bay, như Hoa Kỳ đang làm. Điều này được đưa ra để làm chậm sự lây lan của virus, nhưng Lord Bethell cho biết việc cố gắng kiềm chế virus corona "giống như cố gắng ngăn chặn biển cả".
Nguồn : BBC, 29/12/2022
**********************
Liên Âu họp khẩn để "phối hợp đối phó" dịch Covid-19 ở Trung Quốc
Thu Hằng, RFI, 29/12/2022
Bắc Kinh đột ngột dỡ bỏ chiến lược "Zero Covid" khiến nhiều nước trên thế giới lo ngại, do số ca nhiễm tại Trung Quốc tăng mạnh và có nguy cơ xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói chuyện với giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla tại nhà máy của Pfizer ở Puurs, Bỉ, ngày 23/04/2021. AP - John Thys
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và người dân Trung Quốc không còn bị cấm xuất cảnh, Ủy Ban Châu Âu triệu tập phiên họp khẩn vào sáng 29/12/2022 để "thảo luận các biện pháp có phối hợp" giữa các nước thành viên Liên Âu và các cơ quan y tế của khối.
Bruxelles phải tìm cách làm sao để tránh tình trạng các nước thành viên đơn phương đưa ra các biện pháp hạn chế ở biên giới, như đã xảy ra hồi đầu đại dịch vào mùa xuân 2020.
Thông tín viên RFI Laxmi Lota tại Bruxelles cho biết thêm :
"Bộ trưởng Y tế Ý đã quyết định bắt buộc xét nghiệm Covid-19 đối với tất cả hành khách đến từ Trung Quốc. Ông giải thích đó là "một biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Ý".
Tại Bỉ, thị trưởng Bruges, thành phố nổi tiếng du lịch nhất, muốn giám sát du khách Trung Quốc ra vào thông qua chứng nhận xét nghiệm hoặc tiêm chủng. Ông muốn có các quyết định ở cấp Liên Hiệp Châu Âu. Còn Pháp cho biết "sẵn sàng nghiên cứu mọi biện pháp cần thiết, tùy theo diễn biến tình hình ở Trung Quốc".
Theo những khuyến nghị gần đây nhất của Hội Đồng Châu Âu, được công bố ngày 13/12, không một nước thành viên nào hạn chế việc nhập cảnh vào lãnh thổ vì lý do y tế cộng đồng, trừ trường hợp xuất hiện một loại biến thể mới hoặc tình hình dịch nghiêm trọng trở lại. Trường hợp này đã xảy ra hồi tháng 11/2021 : khối 27 nước đã nhất trí đóng cửa biên giới bên ngoài Liên Âu đối với nhiều nước miền nam Châu Phi sau khi biến thể Omicron xuất hiện".
Trả lời đài phát thanh France Classique sáng 29/12, nhà dịch tễ học Pháp Brigitte Autran, chủ tịch Ủy ban theo dõi và dự đoán nguy cơ dịch tễ, cho rằng "hiện chưa cần phải thiết lập các biện pháp kiểm tra đặc biệt ở biên giới", vì "tình hình được kiểm soát" và "những thông tin khoa học mà chúng tôi có chưa cho thấy xuất hiện những biến thể đáng ngại ở Trung Quốc".
Thu Hằng
*************************
Ấn Độ sẵn sàng đối phó với làn sóng Covid-19 tại Trung Quốc
Phan Minh, RFI, 29/12/2022
Đối mặt với sự bùng nổ các ca nhiễm Covid-19 tại Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ yêu cầu xét nghiệm bắt buộc đối hành khách trên các chuyến bay đến từ Trung Quốc và kêu gọi bệnh viện trên toàn quốc luôn chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Ahmedabad, Ấn Độ, 27/12/2022 chuẩn bị đón các bệnh nhân Covid mới. AP - Ajit Solanki
Từ Bangalore, thông tín viên RFI Côme Bastin tường trình :
"Với chưa đến 200 ca nhiễm mỗi ngày, Ấn Độ dường như đã thoát khỏi dịch Covid, mặc dù số người xét nghiệm cũng giảm mạnh. Nhưng làn sóng dữ dội và gây nhiều chết chóc của biến thể Delta vào năm 2021 vẫn khiến nhiều người cảm thấy lo lắng.
Chính phủ không muốn một lần nữa bị cáo buộc đã tỏ ra khinh suất. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các bang trong nước cung cấp cho bệnh viện giường và nguồn oxy, mô phỏng các tình huống khẩn cấp, trong khi các trung tâm nghiên cứu về gen tìm cách xác định các biến thể mới.
Tuy nhiên, theo nhà toán học và dịch tễ học Manindra Agrawal, mọi người chưa cần phải hoảng sợ : "Các mô hình dự đoán của chúng tôi cho thấy 92% người dân Ấn Độ đã phát triển khả năng miễn dịch để chống lại virus. Thật khó để so sánh Ấn Độ với Trung Quốc, quốc gia đã áp dụng chính sách zero-Covid trong vòng 3 năm. Virus đã không lưu hành và nhất là vacxin của Trung Quốc thì không đáng tin cậy. Chính phủ Ấn Độ hành động, chủ yếu để tránh bị chỉ trích".
Với thuật ngữ có phần phân biệt chủng tộc "virus Trung Quốc" đang quay trở lại, một số chuyên gia lên án việc mối lo ngại dịch tễ vào mục đích chính trị. Phe đối lập bị cáo buộc tổ chức các cuộc mít tinh và điều này không làm cho đảng cầm quyền Nhân dân Ấn Độ (BJP) phải bận tâm khi biến thể Ấn Độ, được đổi tên thành biến thể Delta, bùng nổ ở nước này".
Phan Minh
*************************
Covid-19 : Mỹ siết chặt kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
Trọng Thành, RFI, 28/12/2022
Hoa Kỳ lo ngại về làn sóng khách Trung Quốc sau khi Bắc Kinh hủy chính sách Zero-Covid, dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc với người nhập cảnh. Hôm 28/12/2022, chính quyền Mỹ cho biết xem xét siết chặt kiểm soát dịch tễ đối với khách từ Trung Quốc, để tránh bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ. Giới chuyên gia Hoa Kỳ, Châu Âu và nhiều nơi khác lo ngại từ Trung Quốc sẽ xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, nhất là vì Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch.
Hành khách tại sân bay quốc tế Denver, bang Colorado, Hoa Kỳ, ngày 24/12/2021. AP - David Zalubowski
Hãng tin Pháp AFP dẫn lời một số giới chức Hoa Kỳ xin ẩn danh, nhấn mạnh là "cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về các làn sóng dịch Covid-19 tại Trung Quốc, và việc chính quyền Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thiếu minh bạch dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu về giải trình tự gien virus". Các giới chức Mỹ dẫn lại các lo ngại của Tổ chức Y tế Thế giới, đồng thời cho biết là Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tương tự như Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia, cụ thể là buộc khách Trung Quốc phải xét nghiệm PCR khi nhập cảnh.
Ngay sau quyết định của Bắc Kinh tối thứ Hai 26/12 giảm nhẹ tối đa các biện pháp phòng dịch đối với người nhập cảnh kể từ ngày 08/01/2023, số người Trung Quốc mua vé bay ra nước ngoài tăng vọt. Quyết định của Bắc Kinh gây phấn chấn tại Trung Quốc sau 3 năm giao thông hàng không với bên ngoài gần như tê liệt.
Schengen cần lập lại kiểm soát dịch tễ với khách Trung Quốc
Ngoài Hoa Kỳ và các nước Châu Á nêu trên, nhiều chuyên gia ở Châu Âu ủng hộ kiểm soát dịch tễ đối với khách đến từ Trung Quốc. Theo nhà dịch tễ học Antoine Flahault, đại học Genève, Thụy Sĩ, "toàn bộ không gian đi lại tự do Schengen cần thiết lập nhanh chóng trở lại việc kiểm soát dịch tễ, với việc xét nghiệm và giải trình tự gien virus". Nhà dịch tễ học Thụy Sĩ lưu ý : "Chỉ có như vậy mới có thể ghi nhận được kịp thời sự xuất hiện của các biến thể mới mà chúng ta đang lo ngại. Và điều này cho phép chuẩn bị sớm và tốt hơn các biện pháp đối phó".
Đài France 24 cũng dẫn lời chuyên gia dịch tễ học Pháp Mircea Sofonea, Đại học Montpellier, cho biết rõ hiểm họa đáng sợ là "việc xuất hiện của một biến chủng mới, khác xa với biến chủng Omicron phổ biến hiện nay, sẽ vô hiệu hóa cơ chế miễn dịch thông qua vac-xin và con đường miễn dịch tự nhiên". Việc dịch bệnh bùng phát mạnh tạo cơ hội cho virus dễ dàng đột biến. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault nhấn mạnh : "Nguy cơ này là hiển nhiên khi virus lan truyền tại một đất nước 1,4 tỷ dân, và trong một cộng đồng dân cư còn rất ít được miễn dịch".
Trọng Thành
*************************
Covid-19 : Hồng Kông ráo riết chuẩn bị mở cửa với Hoa lục
Anh Vũ, RFI, 28/12/2022
Sau quyết định của Bắc Kinh chấm dứt cách ly bắt buộc du khách đến Trung Quốc, lãnh đạo Hồng Kông, ông Lý Gia Siêu (John Lee), hôm 27/12/2022, khẳng định các hoạt động trao đổi qua lại giữa đặc khu hành chính và Trung Quốc đại lục sẽ được nối lại "trước giữa tháng Giêng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và lãnh đạo Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/12/2022. © Li Tao / AP
Thông tín viên Florence de Changy tường trình từ Hồng Kông :
Thông báo mở cửa trở lại biên giới giữa Hồng Kông và Trung Quốc từ giữa tháng Giêng đang gây xáo động nhiều lĩnh vực ở Hồng Kông, nơi mà trước đại địch Covid, du khách Trung Quốc chiếm một tỷ trọng lớn trong lĩnh vực bán lẻ.
Hải quan Hồng Kông đang chuẩn bị mở lại những trạm biên giới mà đa số đã bị đóng cửa, tương tự với nhà ga tốc hành nối với mạng lưới đường sắt Trung Quốc.
Các dịch vụ xe ca chở khách du lịch, hiện đang thiếu lái xe, đang hoang mang, lo lắng. Từ 3 năm nay, các đội xe không còn hoạt động ở Hồng Kông.
Hãng hàng không Hồng Kông Cathay Pacific đang cần 700 phi công để đáp ứng với nhu cầu chuyến bay cực lớn đến Trung Quốc.
Nhân lực cũng đang thiếu trầm trọng trong lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, do đã từ năm 2020 đã có 200 nghìn người rời khỏi Hồng Kông.
Thông báo trên được mong chờ từ nhiều tháng qua và được đưa ra vào đúng lúc mà tại Trung Quốc cũng như Hồng Kông, số ca nhiễm Covid những ngày qua bùng phát dữ dội. Sau ngày Noel, thời gian chờ cấp cứu tại nhiều bệnh viện ở Hồng Kông phải mất tới 8 tiếng. Các kho thuốc Paracetamol đã bị cạn kiệt.
Anh Vũ
Covid-19 : Dân Trung Quốc được "tự do khóc thương cho người quá cố"
Vào những ngày cuối năm 2022, tình hình Covid-19 tại Trung Quốc là chủ đề lớn được nhiều báo Pháp số ra ngày 28/12/2022, quan tâm. Sau 3 năm áp dụng chính sách Zero-Covid với những hạn chế nghiêm ngặt, chính quyền Bắc Kinh thông báo kể từ ngày 08/01 sẽ ngừng cách ly bắt buộc đối với những người nhập cảnh Trung Quốc. Le Monde chạy tựa lớn trang nhất "Số ca nhiễm Covid-19 bùng nổ, Trung Quốc mở cửa biên giới".
Công nhân mặc đồ bảo hộ chuyển thi thể trong quan tài tại nhà tang lễ giữa lúc dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Kinh vào ngày 17/12. © Reuters
Kể từ ngày 27/03/2020, Trung Quốc đã ngừng cấp visa cho người nước ngoài, 98% các chuyến bay quốc tế bị hủy. Những người hiếm hoi được nhập cảnh vào Trung Quốc thì phải trải qua quá trình cách ly nghiêm ngặt trong "bong bóng y tế", ngay cả các lãnh đạo thế giới như thủ tướng Đức Olaf Scholz hay chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel cũng không được hưởng ngoại lệ. Phóng sự của La Croix cho thấy nhiều người vui mừng vì sẽ có thể đi du lịch nước ngoài. Một số khác thì tính đến việc xuất ngoại để đi tiêm vac-xin của Hoa Kỳ, ví dụ như sang Macao. Tuy nhiên, việc xuất ngoại có thể không dễ dàng vì tình trạng tiếp nhận khách du lịch từ Trung Quốc của một số nước. Le Monde nêu ra trường hợp của Ấn Độ, mới đây vừa đưa ra yêu cầu xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 (PCR) đối với du khách từ Trung Quốc, và cả Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Libération cũng dành hồ sơ lớn về chủ đề này. Xã luận của nhật báo thiên tả dùng một từ trong tựa đề để miêu tả tình hình ở Trung Quốc : "bi kịch". Số ca nhiễm tăng vọt. Từ bệnh viện, nhà thuốc, cho đến các nhà hỏa táng đều quá tải. Theo Libération, trước khi chính quyền nới lỏng hạn chế di chuyển, dịch vụ hỏa táng ở nghĩa trang Bát Bảo Sơn ở Bắc Kinh tiếp nhận khoảng 150 thi hài, nay phải xử lý đến 600. Nhân viên làm việc tại các cơ sở này không xác định được những người này tử vong là do Covid hay không, vì không có thông tin trên giấy chứng tử.
Xã luận Libération kết luận rằng, chính quyền Bắc Kinh đã đáp lại phản ánh bất bình của người dân, dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Người dân Trung Quốc nay đã tìm lại được tự do, nhưng đó là tự do khóc thương cho người thân của họ : "Một tấn bi kịch của lịch sử".
Covid-19 nay chính thức được coi là một căn bệnh truyền nhiễm, ít nguy hiểm hơn, và không còn là bệnh về phổi. Kể từ ngày 25/12, chính phủ Trung Quốc không còn cung cấp thông tin về số ca nhiễm, cũng như ca tử vong vì Covid-19 thường nhật như thông lệ từ 3 năm qua. Tuy nhiên, theo số liệu của tỉnh Chiết Giang, có đến khoảng 1 triệu ca nhiễm mỗi ngày và con số này có thể lên đến 2 triệu ca vào dịp năm mới. Một số hãng thông tấn thì ước tính khoảng 18-20% dân số Trung Quốc đã bị nhiễm Covid-19.
Sau các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất từ nhiều thập kỷ, người dân phẫn nộ với cảnh phong tỏa, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng nới lỏng các hạn chế. Nhưng việc dỡ bỏ bị cho là "quá nhanh" mà chưa có sự chuẩn bị. Trung Quốc vẫn cấm sử dụng các loại vac-xin của quốc tế. Mặc dù Trung Quốc được cho là nhà sản xuất paracetamol lớn nhất thế giới, nhưng nhiều dây chuyền sản xuất paracetamol cũng như các loại thuốc trị cúm khác đã bị ngưng trệ do đại dịch. Nhiều loại thuốc trở nên khan hiếm.
Theo thông tín viên của Le Monde từ Tokyo, những người Trung Quốc ở hải ngoại, như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc hay Singapore "đổ xô" đi mua thuốc trị cúm gửi về nước cho người thân. Một số nhà thuốc tại một số quốc gia này đã phải hạn chế số lượng thuốc bán ra cho mỗi khách hàng.
Không chỉ nói đến cú "lội ngược dòng", quay ngoắt 180 độ trong chính sách tuyên truyền về Covid-19 của Trung Quốc, Libération cũng đề cập đến nguy cơ xuất hiện biến thể mới. Nhật báo thiên tả trích dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Yannick Simonin, thuộc Viện Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia của Pháp (INSERM), cho rằng việc virus lây lan nhanh trên diện rộng và không được kiểm soát có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, như trường hợp của biến thể xuất phát từ Omircon BA.5 hay BQ.1.1. Một điều đáng lo ngại khác là chính quyền Bắc Kinh ngừng đưa tin về số ca nhiễm. Nếu không được cung cấp thông tin để truy vết cũng như nghiên cứu, thì rất khó có thể dự báo sự xuất hiện của các biến thể nguy hiểm.
Hoa Kỳ : Trận bão tuyết "chết chóc"
Về thời sự quốc tế, nhiều báo vẫn quan tâm đến trận bão tuyết "thế kỷ" ở Hoa Kỳ. Libération gọi đây là "cạm bẫy của băng tuyết". Một ngày sau lễ Giáng Sinh, khoảng 200 000 người sống trong tình trạng báo động, 16 000 chuyến bay đã bị hủy vì hiện tượng khí hậu cực đoan, có nguy cơ bao phủ khắp Bắc Mỹ đợt gió Bắc Cực băng giá. Gần 70 người đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 28 người ở thành phố Buffalo. Có những người bỏ mạng vì mắc kẹt ở trong xe, một số khác thì bị đột quỵ khi đang dọn tuyết.
Le Figaro thì gọi đây là "địa ngục tuyết" mà hàng triệu người dân Mỹ đang phải trải qua. Nhiệt độ xuống -50 độ C tại Montana, -38 độ C tại Minnesota hay -18 độ C ở Dallas. Hơn 1,5 triệu người không có điện hoặc không có hệ thống sưởi. Những người già chết vì lạnh hoặc vì một bệnh lý khác vì không được trợ giúp y tế kịp thời do nhiều tuyến đường bị tuyết bao phủ. Nạn nhân trẻ nhất là 27 tuổi, người cao tuổi nhất là 93 tuổi.
Vào thứ Tư, có khả năng tuyết sẽ ngừng rơi, nhưng các thành phố ngập trong tuyết, có nơi lên đến 3 mét, khó có thể nhanh chóng quay về tình trạng như cũ. Ngoài ra, cũng phải nói đến nguy cơ xảy ra ngập lụt nếu tuyết tan đột ngột.
Về phần mình, La Croix nêu ra những trận bão tuyết mà Hoa Kỳ đã từng phải hứng chịu trong lịch sử, điển hình là trận bão với tên gọi Snowzilla xảy ra vào năm 2016, hay trận bão tuyết vào mùa đông năm 1976-1977, tuyết dày lên đến 2,5 mét ở nhiều nơi. Liệu hiện tượng khí hậu cực đoan này có phải do hiện tượng Trái đất nóng lên ? Hiện vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể để xác nhận, nhưng theo giới chuyên gia, điều chắc chắn đó là các đợt giá lạnh kỷ lục sẽ xuất hiện ít hơn những đợt nắng nóng kỷ lục trong những năm tới, vì Trái đất bị hâm nóng.
Thế Vận Hội 2024 : Sân chơi thể thao của thế giới nhưng không phải của người dân Pháp
Về thời sự nước Pháp, nếu như Le Figaro quan tâm đến cuộc khủng hoảng "giao thông" và tình trạng xuống cấp của nhiều tuyến đường, đặc biệt là sự bất cập của các chuyến tàu kết nối thủ đô Paris với các tỉnh thành khác, thì Libération và Le Monde đề cập đến khả năng của Pháp đón tiếp Thế Vận Hội 2024.
Theo thống kê, khoảng 80 000 cơ sở thể thao ở Pháp cần được tu sửa, đặc biệt là về hệ thống sưởi và cách nhiệt. Trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao, chi phí sưởi ngày càng đắt đỏ. Nhiều nơi đã quyết định đóng cửa các sân trượt băng, hay bể bơi. Chi phí để cải tạo, sửa chữa hệ thống sưởi của các sơ sở này lên đến hàng triệu euro, ngoài tầm với của nhiều địa phương. Vào cuối tháng 11 vừa qua, khi biểu quyết để thông qua ngân sách cho năm 2023, thượng nghị sĩ của đảng Những Người Cộng Hòa Michel Sauvin đã nêu ra nghịch lý, chất vấn chính phủ : "Thế Vận Hội 2024 có thể tạo ra những di sản gì nếu như mà tất cả người Pháp không thể tham gia các hoạt động thể thao tại nhiều nơi ?". Trong khi đó, theo Le Monde, Thế Vận Hội là dịp mà chính quyền đưa thể thao thành một vấn đề quốc gia, là sự kiện để khuyến khích phát triển các hoạt động thể thao
Thế Vận Hội Paris, diễn ra từ ngày 26/07 đến 11/08/2024, cũng đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trong giới nghệ sĩ. Theo Libération, chính phủ Pháp đã để ngỏ thông tin về nguy cơ hủy hoặc trì hoãn nhiều lễ hội âm nhạc tổ chức trong dịp này, ước tính lên đến 2600 lễ hội âm nhạc. Quan chức Pháp muốn huy động tối đa nhân lực trong lĩnh vực tổ chức sự kiện cho Thế Vận Hội. Nhiều ban tổ chức lễ hội âm nhạc bức xúc vì chính phủ "nhập nhằng", không có thông tin rõ ràng và có khả năng đưa ra quyết định vào phút cuối, trong khi mà mỗi một lễ hội âm nhạc cần nhiều tháng, có khi vài năm, để chuẩn bị.
Sự phụ thuộc nguy hiểm của Châu Âu
Về thời sự Châu Âu, Le Figaro chỉ ra tình trạng phụ thuộc của Đức vào công nghệ của Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông. Khoảng 59% hạ tầng phát triển mạng 5G là do tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc phụ trách. Về phía Pháp, tỷ lệ này là khoảng 17%. Trong khi đó các nước như Estonia, Đan Mạch thì nói "không" với Hoa Vi vì vấn đề an ninh.
Nhật báo thiên hữu cũng chỉ ra rằng viễn thông không phải là lĩnh vực duy nhất mà Đức phụ thuộc vào tập đoàn của Trung Quốc. Hoa Vi cũng đã ký nhiều hợp đồng với các hãng ô tô lớn như BMW hay Mercedes-Benz. Các đối tác của Đức lo ngại vì Berlin có thể mất đi khả năng đàm phán và tự chủ chiến lược, đặc biệt là khi căng thẳng tại eo biển Đài Loan lên đến đỉnh điểm và có nguy cơ là Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Bắc. Như vậy thì Châu Âu khó có thể nhất trí đưa ra một phản ứng chung cũng như các quyết định trừng phạt Bắc Kinh, như đã làm với Moskva. Đức cũng không phải là quốc gia duy nhất phụ thuộc vào Trung Quốc, mà trong đó có cả Áo và Ý. Riêng Cộng hòa Cyprus thì 100% hạ tầng viễn thông của nước này do Hoa Vi phát triển.
Trong một bài đăng khác, Le Figaro trích dẫn nhận định của lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell, nhấn mạnh rằng "trách nhiệm của Châu Âu" đó là phải giành được tự chủ về kinh tế cũng như quân sự. Châu Âu đã vực dậy sau Đệ Nhị Thế Chiến nhờ vào trợ giúp của Hoa Kỳ. Vào những năm 1990, trong cuộc chiến ở vùng Balkan, Châu Âu không có đủ khả năng can thiệp và phải đợi đến khi Hoa Kỳ nhảy vào này thì các nước Châu Âu láng giềng của vùng Balkan mới theo sau. Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu cho rằng sự phụ thuộc rất nguy hiểm, ví dụ điển hình có thể thấy đó là việc mua khí đốt từ Nga.
Vẫn về thời sự Châu Âu, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, theo Les Echos, khủng hoảng nhập cư đứng đầu trong chương trình nghị sự năm 2023 của khối 27 nước. Khoảng 8 triệu người Ukraine hiện đang xin tị nạn ở các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu, chủ yếu ở Đức, Ba Lan và Romania. Ngoài việc phải đối mặt với nạn nhập cư bất hợp pháp, Châu Âu cũng phải giải quyết các hồ sơ nhập cư hợp pháp đối với một số nhóm ngành thiếu hụt lao động, như xây dựng, nhà hàng, khách sạn.
Chi Phương
Từ "Zero Covid" đến "Sóng thần Covid": Bắc Kinh đang khó ăn khó nói
Đài Loan tăng cường binh lực, với hậu thuẫn của Mỹ, sẵn sàng giáng trả tham vọng của Trung Quốc, "Giới tinh hoa Nga buộc phải im lặng" về chiến tranh tại Ukraine. "Sự chậm trễ của Pháp trong kế hoạch khí hậu" và "Nỗi tức giận và lo âu của người Kurdistan" tại Pháp là các chủ đề trang nhất của báo chí Pháp hôm 27/12/2022. Đại dịch Covid bùng phát mạnh tại Trung Quốc, có thể đe dọa thế giới, là đề tài chính của nhiều báo.
Một cuộc biểu tình phản kháng chính sách Zero Covid tại Quảng Đông, đông nam Trung Quốc, ngày 30/11/2022 via Reuters
"Chính quyền Trung Quốc bị mắc bẫy đại dịch" là một tựa trang nhất Le Monde. Nhận định được đưa ra vào lúc Bắc Kinh "ngừng thông báo về số người chết và ca nhiễm mới". Nhật báo Pháp chú ý đến sự lúng túng cao độ của hệ thống truyền thông Nhà nước Trung Quốc vào thời điểm đột ngột mở cửa trở lại. "Sau ba năm kiểm soát nghiêm ngặt cuộc sống của người dân trong nước, khi tuyên truyền rầm rộ về việc Covid-19 là một đe dọa cực kỳ nguy hiểm, và chế giễu tình trạng ‘hỗn loạn’ tại Mỹ", theo Le Monde, giờ đây Bắc Kinh "khó ăn khó nói".
Từ chỗ khống chế nghiêm ngặt toàn xã hội để khống chế dịch đến chỗ tuyên bố "sức khỏe mỗi người trước hết là do cá nhân". Nguyên tắc nói trên do chính quyền thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ban hành hồi giữa tháng 11, sau đó lần lượt được áp dụng tại nhiều nơi khác. Điều đáng chú ý, theo Le Monde, là bất chấp tình hình đang thay đổi hoàn toàn với các phản ứng phẫn nộ của dân chúng, chính quyền trung ương vẫn cố duy trì khẩu hiệu "Zero Covid" gần như đến phút cuối cùng, trước khi thay đổi gần như 180°.
"Ngáo ộp trong 3 năm trời" đột ngột thành "cúm corona"
Ông Zhang, một người dân Bắc Kinh, 49 tuổi, cho biết chính quyền đã "mở cửa đột ngột trở lại, chỉ qua một đêm, không hề có sự chuẩn bị nào, không đào tạo nhân sự, không chuẩn bị dược phẩm. Họ cũng không hề chuẩn bị tâm lý cho người dân trước nỗi sợ phải sống cùng với người mang virus, sau khi chính quyền đã biến Covid-19 thành một con ngáo ộp trong suốt ba năm trời". Chính mẹ của Zhang chết vì Covid, sau khi bị bệnh viện – đang quá tải – từ chối tiếp nhận. Zhang thất vọng cảm thán: "Lẽ ra họ đã phải chấm dứt chính sách Zero Covid ngay từ mùa xuân vừa qua. Không biết kéo dài thêm 8 tháng chính sách này giúp được gì!".
Báo Trung Quốc như Guancha (Người quan sát) nêu bật tình trạng thê thảm trong cơn "sóng thần" Covid đầu tiên tại một bệnh viện tỉnh Hồ Nam, một tỉnh nghèo ở miền trung, nơi thiếu oxy để điều trị. Hay tại Bắc Kinh, nơi sinh viên ngành y buộc phải làm việc ngay cả khi họ nhiễm virus. Một số cơ quan truyền thông khác, như đài truyền hình quốc gia CCTV, vẫn tiếp tục giọng điệu tuyên truyền quen thuộc, khi phổ biến hình ảnh về các nhà thuốc đầy ắp dược phẩm. Trong chương trình truyền hình thời sự ngày 22/12, tình hình dịch bệnh không được chú ý bằng việc chủ tịch Tập Cận Bình đi thị sát vụ mùa táo bội thu, hay tình hình chiến tranh Ukraine, mà chủ yếu lấy lại quan điểm của Nga.
Tình trạng lò hỏa thiêu quá tải là điều được chính ông Zhang ghi nhận, khi đưa mẹ mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Chủ lò thiêu cho biết lò hoạt động với công suất cao gấp khoảng ba lần so với đỉnh điểm trước đó, kể từ năm 1996. Chỉ một lò thiêu đã như vậy. Trong lúc đó, chính quyền Trung Quốc chỉ thừa nhận chưa đầy 10 ca tử vong trên toàn quốc từ đầu tháng 12. Đỉnh điểm của sự tương phản ghê gớm này là việc Bắc Kinh ngừng thông báo số liệu về dịch. Chính quyền Trung Quốc khẳng định họ có quyền giữ bí mật về đại dịch đang diễn ra.
Dân Trung Quốc có dịp nhận ra bộ mặt thật của giới y tế
Theo Le Monde, trong bối cảnh hỗn loạn này, người dân Trung Quốc nhận ra dễ dàng hơn bộ mặt thật của các nhà y tế. Chuyên gia Chung Nam Sơn, có uy tín quốc tế, nổi tiếng là người đi đầu trong cuộc chiến chống Covid, bị nhiều dân mạng lên án vì thái độ lá mặt lá trái. Cách đây ít tháng, ông ta còn ca ngợi chính sách Zero Covid (tức coi Covid là rất nguy hiểm), giờ đây, cũng chính bác sĩ này lại ủng hộ việc thay đổi cách gọi tên virus, và cho rằng kể từ giờ virus phổ biến tại Trung Quốc chỉ nguy hiểm như một loại cúm thông thường, mà ông ta đặt tên là cúm corona mới.
Ngược lại, một số chuyên gia hiếm hoi như bác sĩ Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong), Thượng Hải, được nhiều người coi là "chính trực". Bác sĩ họ Vương, chỉ huy phòng chống dịch ở Thượng Hải đã nhiều lần chỉ trích tính chất thái quá của chính sách Zero Covid, và kêu gọi cần chung sống với virus.
Cửa khẩu mở toang trở lại trong lúc đại dịch bùng lên
Về đại dịch Covid đang bùng lên tại Trung Quốc, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos trước hết chú ý đến việc "Trung Quốc mở cửa trở lại", ngay từ đầu Năm mới. Việc dỡ bỏ các biện pháp cách ly bắt buộc đối với người từ người vào Trung Quốc diễn ra đúng vào lúc dịch bùng mạnh. Giờ đây chỉ cần một xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ là được phép nhập cảnh. Ra vào Trung Quốc giờ đây trở nên dễ dàng hơn, trong lúc người chết vì Covid dự kiến có thể sẽ là một triệu người trong những tháng tới.
Trong một bài viết khác, Les Echos nói đến những tác động kinh tế do đại dịch bùng phát. Việc mở cửa đột ngột trở lại dường như không mang lại hiệu quả mong muốn về mặt kinh tế. Theo Les Echos, giá bất động sản và xe hơi sụt giảm những tuần đầu tiên tháng 12, nhiều nhà máy đối mặt với tính trạng thiếu nhân viên, nghỉ việc do ốm. Chỉ số Thượng Hải, vốn đã ngóc lên ngay sau khi bỏ chính sách Zero Covid (hồi đầu tháng 12), đã mất 5% so với đầu tháng 12.
Covid đe dọa uy thế của lãnh đạo tối cao Trung Quốc
Nhật báo công giáo La Croix đặc biệt chú ý đến đại dịch đang bùng phát tại Trung Quốc, với một bài xã luận và một bài phỏng vấn chuyên gia. Xã luận "Covid, hiểm họa tại Trung Quốc" cũng nhấn mạnh đến tính chất tương phản cao độ giữa chính sách Zero Covid được dỡ bỏ hoàn toàn với làn sóng dịch bệnh lớn, với khoảng 250 triệu người nhiễm trong vòng ít tuần lễ. La Croix nói đến nguy cơ hoàn toàn mất kiểm soát, với nạn nhân chủ yếu là những người cao tuổi, và hệ quả "có thể là kinh hoàng đối với lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình".
Ông Tập Cận Bình, vừa đắc cử lần thứ ba, đã vun trồng hình ảnh của một nhà lãnh đạo không phạm sai lầm. Uy tín của Tập Cận Bình gắn liền với chiến lược Zero Covid. Theo La Croix, lãnh đạo Trung Quốc chưa đưa ra giải thích nào về việc thay đổi đột ngột chiến lược được coi là thành công này. Thay đổi trong chính sách của chính quyền trung ương trên thực tế được đưa ra sau hàng loạt cuộc biểu tình phẫn nộ của dân chúng chống chính sách Zero Covid.
Tập "tránh mất mặt", Bắc Kinh bưng bít thông tin
Tuy nhiên, theo La Croix, virus corona không chỉ là tai họa với dân Trung Quốc, với chính sách độc đoán và che giấu thông tín của chính quyền Bắc Kinh, mà còn là một đe dọa với cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, Bắc Kinh từ chối minh bạch thông tin. Với La Croix đây là "một thái độ nguy hiểm", bởi virus gây bệnh Covid-19 có nhiều khả năng đột biến thành các chủng mới, trong môi trường thuận lợi của một xã hội 1,4 tỉ dân cư, và từ đó lan ra khắp thế giới.
La Croix ước mong là lãnh đạo Tập Cận Bình, "nếu là người thực tế và có trách nhiệm, sẽ chấp nhận dùng các loại vac-xin sản xuất tại Hoa Kỳ và Châu Âu". Tuy nhiên, đối với lãnh đạo Tập Cận Bình, đây "có thể sẽ là một sự thú nhận thất bại", và ắt hẳn là "bất hạnh thay lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm tất cả để tránh bị mất mặt".
Lãnh đạo Trung Quốc tránh được mất mặt, nhưng nguy cơ với thế giới là lớn. Cũng trong số báo hôm nay, La Croix có bài phỏng vấn một nhà virus học Pháp nhận định : Việc bùng nổ đại dịch tại Trung Quốc đặc biệt đáng lo ngại do chính quyền Bắc Kinh giấu thông tin. Nhà virus học Pháp Bruno Lina, ở Lyon, là thành viên của Ủy ban theo dõi và dự đoán các nguy cơ y tế (COVAR).
Nguy cơ biến thể nguy hiểm mới lọt khỏi tầm ngắm : "Thế giới trong làn sương mù"
Việc virus lan truyền rộng khắp làm gia tăng xác suất xuất hiện các biến chủng mới. Cho đến nay, các quốc gia vẫn chia sẻ toàn bộ kết quả giải mã di truyền của virus trên cơ sở dữ liệu Gisaid. Từ đầu năm 2020 đến nay, hàng triệu kết quả giải mã trình tự gien đã được cung cấp. "Việc cung cấp kịp thời là rất quan trọng, cho phép theo dõi sự biến chuyển của virus". Chính nhờ thế mà cộng đồng khoa học quốc tế định vị được sự xuất hiện của biến thể Alpha, hay cuộc đua tranh giữa các biến thể Alpha, Bêta và Gamma, và sự trỗi dậy của Omicron… Tuy nhiên, giờ đây, theo nhà virus học Pháp, "chúng ta đang ở trong màn sương mù: Trung Quốc không cung cấp bất cứ thông tin nào".
Nhà virus học Pháp cảnh báo, "lịch sử bệnh Covid còn chưa kết thúc. Với Trung Quốc, vùng lãnh thổ sống với đại dịch lệnh pha hẳn với phần còn lại với thế giới, thế giới đang bước vào phần đá bù giờ". Hay nói cách khác, chưa có gì ngã ngũ trong cuộc chiến với Covid, một bàn thua đau đớn bất ngờ là có thể, nếu như một biến chủng Covid đáng sợ mới xuất phát từ Trung Quốc một lần nữa đảo lộn toàn thế giới.
"Đài Loan vũ trang để nới lỏng gọng kềm Trung Quốc"
Trung Quốc đe dọa chiến tranh chống Đài Loan là chủ đề chính của Le Figaro. Nhật báo Pháp nhắc lại sự kiện trong kì nghỉ cuối tuần qua, vào dịp Noel, Bắc Kinh đã điều 71 chiến đấu cơ trong đó có 60 máy bay tiêm kích áp sát Đài Loan. Đợt huy động không quân hiếm thấy của quân đội Trung Quốc diễn ra vào lúc Hoa Kỳ vừa ban hành luật hỗ trợ quân sự Đài Loan với tổng trị giá 10 tỉ đô la, từ 2023 đến 2027, năm được coi là có khả năng Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc xâm lăng.
Le Figaro có bài xã luận, "Hơi thở của rồng" đặt câu hỏi : Liệu Đài Loan có trở thành một Ukraine của Châu Á ?". Đây chính là kịch bản gây lo ngại cho Hoa Kỳ, trong lúc chiến tranh do Nga phát động đang tàn phá Ukraine, cửa ngõ Châu Âu. Con rồng mà Le Figaro nói đến ngụ ý chỉ Đài Loan, chứ không phải Trung Quốc. Giờ đây con rồng nhỏ sau nhiều thập niên phát triển đã vươn lên thành nền kinh tế thứ 15 thế giới, và trở thành một nền dân chủ mẫu mực, nhờ các cải cách trong thập niên 80.
Rồng nhỏ Đài Loan đương cự với Trung Hoa
Le Figaro lưu ý, thành công của Đài Loan phản bác lại quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc, theo đó, các xã hội Khổng Giáo không thích hợp với dân chủ. Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là liệu con rồng nhỏ đã đủ sức để đương đầu với Trung Quốc ? Đài Loan có được những bài học từ kinh nghiệm Ukraine. Giống như Ukraine, hòn đảo phải sẵn sàng đối đầu một mình với Trung Quốc, với các hỗ trợ vũ khí quy mô, và có trọng điểm từ Hoa Kỳ, và các đồng minh.
Đại gia Nga im lặng trước cuộc xâm lăng Ukraine của Putin
La Croix dành hồ sơ trang nhất để nói về giới tinh hoa Nga "buộc phải im lặng" về viễn cảnh chiến tranh tại Ukraine. Nhật báo công giáo nêu bật một thực tế là giới đại gia tại Nga và các thành viên giới tinh hoa cho dù ghi nhận các hậu quả tiêu cực của cuộc chiến tranh tại Ukraine, nhưng họ không có cách nào khác là phải từ bỏ ý muốn can thiệp vào chính sách của điện Kremlin. Vì sao ?
Hồ sơ trang trong của La Croix nhan đề "Tại Nga, sự im lặng của giới tinh hoa bị Putin vô hiệu hóa", ghi nhận một thực tế mà giới đại gia, các thành phần thượng lưu trong xã hội Nga mất đi toàn bộ ảnh hưởng đối với chính quyền, kể từ đầu chiến tranh, vì lo sợ bị trừng phạt, tài sản tại Nga bị tước đoạt. Tình hình trái ngược hẳn với những năm 90, khi nở rộ các vận động hành lang tại điện Kremlin.
Thành tích kém về khí hậu của giới chủ Pháp
Với Les Echos, thành tích kém trong kế hoạch khí hậu của nước Pháp là chủ đề chính. Từ 10 tháng nay, khí thải gây hiệu ứng nhà kính không giảm tại Pháp, lý do chủ yếu là do các khó khăn của ngành điện hạt nhân, trong bối cảnh sử dụng khí đốt tăng vọt. Liên đảng cầm quyền tại Pháp chủ trương áp đặt quy định mức lương trả cho các lãnh đạo công ty dựa trên mức độ thực thi các biện pháp môi trường. Theo đảng cầm quyền, các sửa đổi mới đây của các tổ chức của giới chủ Medef và Afep là chưa đủ.
Giáo hội Công giáo Pháp khủng hoảng : Cần một cải cách triệt để
Libération hôm nay trong dịp Giáng Sinh, nhấn mạnh đến bê bối trong nội bộ Giáo hội Công giáo với tựa lớn : "C’est cata chez les cathos" (tạm dịch : "Công giáo loạn cào cào") . Xã luận Libération nhan đề "Cải cách", chỉ ra cội rễ của khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo hội Công giáo tại Pháp đang trải qua, đặc biệt liên hệ với nạn lạm dụng tình dục. Một báo cáo của Ủy ban độc lập của Giáo hội công bố tháng 10/2021, cho thấy quy mô lớn của tệ nạn này, với 200 nghìn nạn nhân. Theo Libération, Giáo hội cần phải tiến hành một cải cách quy mô lớn đối với hệ thống tổ chức nội bộ, bởi chỉ có một cải cách như vậy mới giúp cho Giáo hội có thể tái sinh.
Trọng Thành
Thống kê số ca nhiễm Covid tại Trung Quốc : Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Trọng Thành, RFI, 26/12/2022
Ba tuần sau khi Bắc Kinh từ bỏ các biện pháp chính của chính sách Zero Covid, Trung Quốc rơi vào tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược về thống kê số ca nhiễm.
Một bệnh viện ở tình Hà Bắc,Trung Quốc, bị quá tải do có qua nhiều ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện ngày 22/12/2022. AP - Dake Kang
Hôm 25/12/2022, chính quyền tỉnh Chiết Giang (Zhejiang) công bố số liệu 1 triệu ca nhiễm/ngày, trong lúc Cơ quan phòng dịch CDC Trung Quốc chỉ thông báo vài ngàn ca nhiễm trên toàn quốc trong vòng 24 giờ. Hôm qua cũng là ngày Bộ Y tế Trung Quốc ngừng cung cấp số liệu về ca nhiễm Covid.
Chiết Giang – một trung tâm công nghiệp lớn của Trung Quốc - là một trong số các tỉnh hiếm hoi tại Trung Quốc tiếp tục cung cấp hàng ngày số liệu về Covid, kể cả các ca nhiễm không có triệu chứng. Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của chính quyền tỉnh, theo đó số lượng ca nhiễm có thể đạt đỉnh trong những ngày tới, với ước tính khoảng "hai triệu ca/ngày". Tình hình dịch bệnh tại Chiết Giang theo số liệu của chính quyền địa phương trái ngược hoàn toàn với số liệu của trung ương, với chỉ 22 ca nhiễm/ngày trong thống kê mới nhất.
Bất chấp các đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, cho đến nay chính quyền trung ương Trung Quốc chưa minh bạch số liệu về dịch bệnh. Báo Anh The Guardian hôm qua dẫn lại thông tin từ một cuộc họp nội bộ của ngành y tế Trung Quốc mới đây, theo đó, đã có khoảng 250 triệu người nhiễm virus tại Trung Quốc, chiếm gần 1/5 dân số nước này, kể từ đầu tháng 12 đến nay. Trong đó, riêng ngày thứ Ba 19/12, đã có thêm 37 triệu ca nhiễm mới.
Theo thẩm định của Viện nghiên cứu độc lập Capital Economics, có trụ sở tại Luân Đôn, được Reuters hôm nay trích dẫn, "Trung Quốc đang bước vào những tuần lễ nguy hiểm nhất của đại dịch", với việc đi lại tăng vọt trong thời gian Tết cổ truyền, và làn sóng đại dịch sẽ sớm tràn đến những vùng vốn chưa bị dịch nặng.
Việc Bắc Kinh đột ngột từ bỏ chính sách Zero Covid mà không có giai đoạn chuẩn bị đang đặt hệ thống y tế Trung Quốc trước thách thức lớn. Reuters dẫn lại truyền thông Nhà nước Trung Quốc, theo đó ngành y tế Trung Quốc đã phải yêu cầu nhân viên đang ốm tiếp tục đi làm, các cơ sở y tế phải điều động cả những người về hưu.
Bác sĩ Howard Bernstein, hành nghề cấp cứu từ hơn 30 năm nay, làm việc tại Bắc Kinh, cho Reuters biết "chưa bao giờ" ông chứng kiến cảnh bệnh viện quá tải đến như vậy. Bệnh nhân phần lớn là người cao tuổi và có các triệu chứng Covid, viêm phổi. Tổ chức dữ liệu y tế Airfinity ước tính hơn 5.000 người chết/ngày tại Trung Quốc do Covid. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc gần như không thừa nhận ca tử vong nào do bệnh này kể từ khi chính sách Zero được dỡ bỏ, khiến số ca nhiễm tăng vọt.
Trọng Thành
***************************
Trung Quốc ngừng công bố số liệu về Covid-19
Thu Hằng, RFI, 25/12/2022
Ngày 25/12/2022, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ngừng công bố mọi số liệu hàng ngày về số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 nhưng không đưa ra bất kỳ giải thích nào. Theo thống kê chính thức cuối cùng ngày 24/12, Trung Quốc không có ca tử vong nào trong vòng 24 giờ cho dù dịch bùng phát dữ dội, ngoài tầm kiểm soát và các nhà hỏa táng bị quá tải.
Các công nhân mặc đồ bảo hộ chuyển thi thể nằm trong quan tài vào một nhà hỏa táng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/12/2022. Reuters - Alessandro Diviggiano
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, được AFP trích dẫn, thay vì công bố số liệu hàng ngày, "Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc sẽ công bố những thông tin liên quan đến dịch bênh nhằm mục đích tham chiếu và nghiên cứu", nhưng không nêu rõ là dưới hình thức nào và tần suất công bố dữ liệu.
Trên thực tế, từ khi chính quyền trung ương bỏ những biện pháp nghiêm ngặt trong chính sách "Zero Covid" và đặc biệt là thay đổi cách tính nạn nhân Covid-19, số liệu thống kê hàng ngày không phản ánh đúng tình hình dịch bệnh. Trên giấy tờ, Trung Quốc chỉ có 6 người chết do suy hô hấp liên quan trực tiếp đến Covid-19 từ ngày 07/12.
Người dân Trung Quốc chế nhạo sự chêch lệch giữa số liệu chính thức và số ca nhiễm thực, quan sát từ đại đa số người thân quen. Quyết định không công bố số liệu hàng ngày được một người nhận định trên mạng xã hội Weibo là "cuối cùng, họ cũng tỉnh ngộ và nhận ra rằng họ không thể lừa phỉnh người dân nữa".
Một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Bắc Kinh "thả nổi" dịch là cho phép Hồng Kông mở cửa đường biên với Hoa lục sau hơn 3 năm đóng cửa. Trong buổi họp báo ngày 24/12 sau khi từ Bắc Kinh trở về, trưởng đặc khu hành chính Lý Gia Siêu (John Lee) cho biết chính quyền sẽ cố gắng "dần mở cửa trở lại, một cách có tổ chức và hoàn toàn" mọi điểm ra vào giữa hoa lục và đặc khu từ giữa tháng 01/2023 và phối hợp với chính quyền thành phố Thâm Quyến lân cận để quản lý dòng người.
Theo một số tài liệu lưu hành nội bộ Trung Quốc, được CNN trích dẫn, có thể có 250 triệu người đã bị nhiễm Covid trong 20 ngày đầu tháng 12. Còn Bloomberg đưa ra con số khoảng 37 triệu ca nhiễm trong một ngày.
Thu Hằng
*****************************
Trung Quốc : Nửa triệu ca nhiễm Covid tại thành phố Thanh Đảo mỗi ngày
Thanh Hà, RFI, 24/12/2022
Trung Quốc kiểm duyệt tin thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông ghi nhận mỗi ngày có 500.000 ca dương tính với Covid-19. Bản tin của AFP ngày 24/12/2022 cho biết như trên trong lúc đài truyền hình Mỹ CNN tiết lộ một số tài liệu mật của Trung Quốc nêu lên khả năng đã có 250 triệu người bị lây nhiễm trong 20 ngày đầu tháng 12/2022. Bloomberg đưa ra con số 37 triệu trong một ngày.
Bệnh viện Nhân dân số 5 tại thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc : Bệnh nhân Covid -19 phải nằm ở hành lang, ngày 23/12/2022. AFP - Noel Celis
Hãng tin Pháp trích dẫn một quan chức y tế trong của thành phố Thanh Đảo hôm 23/12 cho biết "mỗi ngày có thêm từ 490 ngàn đến 530 ngàn" bệnh nhân Covid. Thành phố ven biển này có hơn 10 triệu dân. Dịch bệnh đang trong giai đoạn "lây lan nhanh trước khi đạt đến đỉnh dịch". Cũng nguồn tin trên dự phóng "tỷ lệ lây nhiễm sẽ còn tăng thêm 10 % trong hai ngày nghỉ cuối tuần".
Phát biểu này được đăng trên báo chí địa phương nhưng bài báo đã lập tức bị kiểm duyệt trong ấn bản sáng nay 24/12. AFP lưu ý các con số nói trên đều đã bị xóa khỏi bài báo. Bộ Y Tế Trung Quốc ghi nhận trong 24 giờ qua trên toàn quốc có thêm 4.103 ca bệnh, nhưng không một ai tử vong. Vẫn theo thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc, cả tỉnh Sơn Đông có thêm 31 bệnh nhân Covid.
Các giới chức y tế tại một số nơi như Hải Nam, hay Đông Hoản (tỉnh Quảng Đông) thì liên tục báo động "đỉnh dịch" cận kề. Đông Hoản dự phóng sẽ có đến thêm 300.000 ca nhiễm Covid-19 trong những ngày sắp tới. Thành phố Thượng Hải kêu gọi dân chúng đón Giáng Sinh ở trong nhà và ghi nhận 40.000 ca "sốt cao".
Covid : Trung Quốc thiếu thuốc giảm sốt
Một thực tế không thể chối cãi là trước làn sóng "sốt cao" này, dân Trung Quốc đua nhau đi mua thuốc giảm sốt. Chính quyền trưng dụng các công ty dược phẩm để tập trung vào việc sản xuất thuốc cho hàng trăm triệu người phải đối mặt với Covid.
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết :
"Đợt huy động lần này làm mọi người nhớ đến thời kỳ hồi mùa xuân 2020 khi mà Trung Quốc thiếu khẩu trang và trang thiết bị bảo hộ chống dịch. Một số dây chuyền có thể hiếu hụt lao động do nhân viên bị nhiễm Covid. Thế nhưng số còn lại phải được huy động. Ít nhất 12 tập đoàn dược phẩm được lệnh "bảo đảm cung cấp những loại thuốc thiết yếu". Một số nhà sản xuất thuốc là những công ty quốc doanh đã được lệnh hoạt động 24 giờ trên 24. 160 chi nhánh của tập đoàn Sinophar lao vào một cuộc chạy đua ngày đêm để khắc phục hiện tượng thiếu thuốc điều trị.
Những hộp thuốc kháng virus của ngoại quốc, đặc biệt là thuốc của hãng Mỹ Pfizer bắt đầu được bán trên một số các mạng internet với cái giá trên trời. Nhưng vẫn chư đủ vì nhiều hiệu thuộc trong thành phố không nhận được hàng. Điều đó tạo nên một làn sóng hoảng loạn. Dân chúng đua nhau đi mua thuốc. Làn sóng dịch đang tạo nên không khí hốt hoảng và mọi người đi mua thuốc bừa bãi trước khi bị lôi vào vòng xoáy của khủng hoảng y tế.
Theo Sina Finance, hiện tại, dân Trung Quốc tiêu thụ 400 triệu viên thuốc Ibuprofen mỗi ngày. Đây chỉ là một thí dụ cho thấy nhu cầu rất lớn để mua thuốc giảm sốt, giảm đau. Nhiều hiệu thuốc trên internet từ nhiều ngày qua thông báo không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Hệ quả kéo theo là cùng với việc tăng tốc sản xuất, Trung Quốc, đã ngừng xuất khẩu một phần các loại thuốc ra thế giới. Hơn thế nữa Trung Quốc nhập thêm thuốc men của nước ngoài. Cộng đồng người Hoa ở hải ngoại được kêu gọi đi vơ vét thuốc gửi về cho gia đình".
Thanh Hà
********************************
Khoảng 5.000 người Trung Quốc chết mỗi ngày vì Covid
Trọng Thành, RFI, 24/12/2022
Trái ngược hoàn toàn với số liệu người chết vì bệnh Covid gần bằng không tại Trung Quốc, truyền thông quốc tế hôm 23/12/2022, đồng loạt dẫn lại thẩm định của một công ty dữ liệu y tế : Có đến một triệu ca nhiễm mỗi ngày trong thời điểm hiện tại ở Trung Quốc, và số tử vong là khoảng 5.000 người/ngày.
Trong một toa metro ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, người dân đeo khẩu trang phòng dịch. Ảnh chụp ngày 19/12/2022. © Noel Celis / AFP
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn lại số liệu của công ty Airfinity, trụ sở tại Luân Đôn, dự báo tình hình có thể trầm trọng hơn nhiều trong những tuần tới. Vào tháng Giêng 2023, có thể đến 3,7 triệu ca nhiễm/ngày. Tiếp theo đó là đỉnh dịch thứ hai vào đầu tháng 3, với khoảng 4,2 triệu ca nhiễm. Đỉnh dịch này được dự đoán trùng với thời gian số người đi lại tăng vọt nhân dịp Tết cuối tháng 1/2023.
Hôm 21/12, công ty dữ liệu y tế quốc tế Airfinity cũng ra một thông báo nhấn mạnh đến "tương phản cao độ" giữa thực tế lây nhiễm virus tăng vọt, sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hàng loạt biện pháp chủ yếu của chính sách Zero Covid, với số liệu chính thức. Hôm qua, theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chỉ có thêm 3.696 ca nhiễm mới trên toàn quốc, và không có ai tử vong vì Covid.
Nhiều hãng tin và cơ quan truyền thông quốc tế, như AP, Reuters và Financial Times cuối tuần qua cũng ghi nhận tình trạng các lò hỏa táng và nhà tang lễ quá tải tại nhiều nơi ở Trung Quốc. Theo Reuters, hôm thứ Tư 22/12, có khoảng 40 xe tang xếp hàng dài bên ngoài một lò hỏa táng ở Bắc Kinh.
Tình trạng bệnh dịch lây lan mạnh, trong lúc chính quyền không có phương án đối phó, khiến dược phẩm thiếu thốn nghiêm trọng. Hôm qua, hãng tin Pháp AFP cho biết đã nhận được thông tin từ khoảng 10 nhà thuốc tại nhiều khu vực khác nhau, cho biết đến "cả thuốc hạ sốt cũng cạn kiệt". Theo AFP, chính quyền Trung Quốc vừa phải ra quyết định trưng dụng sản phẩm của hàng trăm công ty dược phẩm để đối phó với tình trạng khủng hoảng dược phẩm hiện nay.
Mỹ đề nghị giúp Trung Quốc vac-xin và kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ thông tin
Theo AFP, sau Tổ chức Y tế Thế giới, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo hôm qua đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc minh bạch thông tin về dịch bệnh Covid, và đề nghị sẵn sàng hỗ trợ Trung Quốc về vac-xin. Tỷ lệ tiêm chủng thấp, đặc biệt ở nhóm người cao tuổi, và phần nào là hiệu lực thấp của vac-xin được coi là một nguyên nhân hàng đầu khiến Trung Quốc dễ bị tổn thất nặng nề do Covid. Cho đến nay, chính quyền Bắc Kinh từ chối nhập khẩu vac-xin nước ngoài để tiêm chủng cho dân trong nước.
Trọng Thành
Nhưng, cũng giống như trong chiến tranh, việc rút quân khó hơn việc tấn công, nhất là khi bộ chỉ huy quá lạc quan không hề tính đến đường rút lui.
Xét nghiệm covid ở Bắc Kinh, 24/11/2022.
Ngày 15 tháng 12 ký giả Li Yuan kể trên báoNew York Times chuyện bên Trung Quốc : Một người bán sách ở Bắc Kinh lên mạng viết : "Hãy vui hưởng giờ phút quý báu khi mình được phép nhiễm bệnh ! Hãy bảo vệ cái quyền tự do khiêm tốn này !"
Hầu hết dân Trung Hoa trong lục địa chia sẻ niềm vui đó, từ ngày 7 tháng 12, sau khi Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan tuyên bố Đảng cộng sản sẽ thay đổi chính sách "Không Covid !". Nghe bà nói, các thành phố lớn bèn nới lỏng ngay những vụ kiểm soát và cấm đoán. Nhưng, cũng giống như trong chiến tranh, việc rút quân khó hơn việc tấn công, nhất là khi bộ chỉ huy quá lạc quan không hề tính đến đường rút lui.
Tập Cận Bình mở cuộc "chiến tranh nhân dân" tính tiêu diệt vi khuẩn corona : Ai bị nhiễm thì đem nhốt ngay cho đến khi hết bệnh ; tức là nhốt luôn những con corona cho đến khi chúng tiêu tán. Một người nhiễm bệnh thì cả khu vực bị cấm ra vào ; để nếu còn cậu corona nào quanh quẩn thì cũng không có cơ hội lan truyền, chúng sẽ dần dần chết hết. Ai cũng phải thử test, bước vào một nơi công cộng thì phải trình chứng nhận đã test rồi, không ai mang vi khuẩn trong người.
Nhưng ông Tập Cận Bình đã tổng tấn côngloài vi rút, một địch thủ vô hình, chúng lại sinh sản rất nhanh và luôn luôn biến thái, thay đổi hình dạng, cơ cấu, phản ứng trước các vũ khí dùng để tiêu diệt chúng cũng biến chuyển bất ngờ.
Chiến lược "tổng công kích" này lúc đầu đã toàn thắng ở Vũ Hán, nơi phát sinh Covid-19. Thành phố 11 triệu dân bị "đóng cửa", nội bất xuất, ngoại bất nhập, vào tháng Giêng năm 2019. Hai ngày sau, cả tỉnh Hồ Bắc 45 triệu dân cũng bị đóng cửa, trong ba tháng liền. Địa phương không đủ người đánh nhau với Covid thì đã có ngay 35.000 chuyên viên y tế khắp nước đến giúp, tới tháng Tư đã lên 42.000 người. Trong mười ngày đầu tiên, có 12.000 công nhân tình nguyện đến Vũ Hán xây dựng cấp tốc hai bệnh viện, giờ vẫn chuyên trị bệnh Covid. Trong 76 ngày Vũ Hán bị đóng cửa, có 580.000 người tình nguyện giúp những người già, người bệnh, dân cư khỏi cần lo đi chợ, đi mua thuốc hay mua bất cứ thứ gì.
Sau Vũ Hán, chính quyền cộng sản Trung Quốc có thể tuyên bố đại thắng lợi. Và họ nghĩ rằng có thể áp dụng cùng một đường lối đó trên toàn quốc.
Nhưng khi nhìn lại, phải thấy rằng "phép lạ Vũ Hán" xảy ra là hiện tượng độc nhất, vô nhị. Vì nhờ những đạo quân tình nguyện khắp nơi kéo đến giúp, cả trăm ngàn người, kể cả quân đội : Quân Giải Phóng gửi 340 toán quân y đến Vũ Hán, với hàng ngàn y tá, bác sĩ, và sinh viên y khoa. Nếu mỗi toán quân y chỉ có 100 người thì tổng cộng cũng thành 34.000. Trung Quốc đã dùng "chiến thuật biển người" để đánh loài vi khuẩn corona ở một thành phố với hàng chục triệu người răm rắp tuân lệnh vì sợ kẻ thù bí mật corona cũng như vẫn quen sợ công an.
Áp dụng chính sách đó trên các thành phố khác, trong cả nước Trung Hoa, rất khó. Không đủ người tình nguyện đến cứu giúp, kể cả quân đội. Và dân chúng biết như vậy. Không được giúp đỡ, người ta khó lòng chịu cấm cung trong nhà hai ba tuần, chớ đừng nói tới hai ba tháng. Các quan chức địa phương chịu cảnh trên đe dưới búa, vừa lo đạt chỉ tiêu vừa bị dân phản đối, sẽ áp dụng các biện pháp khó khăn gay gắt nhất, để bảo vệ địa vị. Và cuối cùng, dân Trung Quốc cũng biết ở các nước khác người ta không bị kiểm soát, cấm đoán ngặt nghèo như thế.
Tại những nước ở Châu Âu từ Đan Mạch, Đức, đến các nước Châu Á như Nhật Bản, Đài Loan, Australia, chính quyền áp dụng các chính sách khác hẳn. Họ lo chủng ngừa nhiều hơn là cấm đoán. Họ chấp nhận nhiều người dân bị nhiễm bệnh, nhờ thế cơ thể sinh chất đề kháng. Dần dần, số người mang chất đề kháng lên cao, hoặc vì chích ngừa hoặc vì đã mắc bệnh, cả nước đạt được tình trạng "miễn nhiễm cộng đồng", loài vi khuẩn không còn tác hại được nữa. Nước Mỹ là một trường hợp đặc biệt, với số người mắc bệnh và chết vì Covid cao nhất thế giới, vì ngay từ đầu đã có một phong trào phủ nhận bệnh dịch. Nhiều người Mỹ cho rằng Covid cũng giống như một cơn bệnh cúm hàng năm, sẽ biến mất nhanh chóng. Họ nhân danh quyền tự do cá nhân từ chối các biện pháp phòng chống, không đeo mạng, không cách ly. Nhiều người không chịu chủng ngừa dù Mỹ là nơi sản xuất những vaccines hiệu quả cao nhất.
Các quốc gia đều coi việc chủng ngừa là ưu tiên số một, trừ Trung Quốc. Đảng cộng sản chỉ chú trọng đến việc thử test thật nhiều, và cô lập hóa người bệnh, nghĩ rằng có thể tiêu diệt được loài vi khuẩn. Khi gặp biến thái mới như Omicron, lan truyền dễ hơn và nhanh chóng hơn, biện pháp cô lập hóa dần dần vô hiệu. Những cơn bệnh lại bùng lên ở các thành phố lớn từ đầu tháng 12. Theo Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận rằng đợt bột phát này xảy ra trước ngày bà Tôn Xuân Lan tuyên bố "rút quân".
Trên các mạng xã hội, dân Trung Hoa đã chế nhạo Đảng cộng sản bằng cách cắt, ghép các tựa đề trên nhật báo Nhân Dân. Họ đưa lên những bản tin về chính sách chống Covid, tin tháng trước trái ngược với tháng sau !
Khi đụng phải Omicron, Bắc Kinh mới cho thổi kèn thối lui, bỏ phương pháp cô lập hóa toàn diện, quá khích. Nhưng khi phải lui quân, họ mới thấy lo vì đã không chuẩn bị thế phòng ngự. Địch thủ Omicron tiến rất nhanh. Dân Trung Hoa chưa được chủng ngừa đầy đủ và số người được miễn nhiễm vì đã mắc bệnh quá ít, còn lâu mới đạt tới tình trạng miễn nhiễm tập thể.
Thuốc chủng ngừa sản xuất tại Trung Quốc có công hiệu, giảm bớt số người mắc bệnh và người chết, nếu chích đủ ba liều. Nhưng hiệu quả không được lâu dài như các thuốc dùng mRNA chế tại Mỹ, mà Bắc Kinh không cho nhập cảng. Đầu năm 2022, bệnh phát ở thành phố Thiên Tân, các bác sĩ thấy rằng trong số những người bị nhiễm vi khuẩn Omicron có tới 95% đã chích vaccine đầy đủ rồi.
Chương trình chích vaccine ở các nước đều dành ưu tiên cho những người dễ bị nguy hiểm nhất nếu mắc bệnh. Đó là những người lớn tuổi hoặc đang sẵn mang bệnh khác. Ở Trung Quốc họ làm ngược lại : Ưu tiên chích ngừa cho những người trong tuổi lao động. Người già, người yếu không được chú ý. Từ đầu, chính quyền đã khuyên những người trên 59 tuổi không nên chích ngừa vì lo sẽ có các phản ứng phụ. Đến nay nhiều người Trung Quốc vẫn còn sợ không muốn chích.
Cho đến cuối tháng 12,90% dân Trung Quốc đã được chích ngừa, nhưng chỉ có 30% những người trên 60 tuổi được chích đủ ba mũi vaccine. Những người trên 80 tuổi ít được bảo vệ nhất, chưa tới một nửa được chích đủ bốn mũi. Ở các nước khác, người ta đang rủ nhau đi chích mũi thứ năm, với các vaccines công hiệu hơn nhiều.
Trong một tháng nữa, hàng trăm triệu người Trung Hoa sẽ lên xe lửa, máy bay trở về quê ăn Tết. Loài vi khuẩn Omicron, hay con cháu của chúng sẽ có dịp ngao du khắp lục địa, tìm những cơ thể ấm áp mới làm nơi sinh sôi nẩy nở. Dân Trung Quốc sẽ ăn Tết với Covid. Điều đáng lo là trong ba năm qua các bệnh viện cũng không hề được chuẩn bị để đối phó với một cơn đại dịch, sẽ thiếu nhân viên, thiếu phương tiện điều trị. Tất cả đều do lầm lỗi của một đảng độc tài chuyên chế.
Nguồn : VOA, 19/12/2022
Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà khoa học nỗ lực truy tìm nguồn cội nhưng Trung Quốc tiếp tục tim lặng một cách đáng ngại, Brexit một tuần trước kỳ hạn, an ninh mạng Tây phương bị tin tặc xuyên thủng là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày 23/12/2020 trước thềm Giáng Sinh đầu tiên thiếu bóng dáng ông già Noel quen thuộc.
Tựa lớn các báo thể hiện mối quan hệ nhân quả : Cuộc nổi dậy của nông dân Ấn Độ, tựa của La Croix. Tại Ấn Độ, cách mạng nông nghiệp theo lối thâm canh đã hụt hơi, từ một tháng nay hàng chục triệu nông gia biểu tình phản kháng tại các ngõ vào thủ đô New Delhi.
Alexei Navalny, nạn nhân của một vụ mưu sát, gài bẫy một nhân viên của cảnh sát liên bang Nga FSB trong nhóm sát thủ tự thú, tựa của Le Monde và Les Echos.
Anh Quốc, căng thẳng lương thực. Lo sợ siêu vi Covid biến thể lây lan, hơn bốn mươi nước đình chỉ giao thông với Anh. Không kể Brexit mãi vẫn chưa ngã ngũ làm hàng ngàn xe tải, đi không được, về không được, bị ùn tắc ở hai bờ biển Manche. Giới xe tải Pháp nổi giận, phóng sự của Le Figaro. Bị cô lập vì Covid-19, Anh Quốc lo âu, Le Monde tường trình.
Liên quan trực tiếp đến siêu vi corona, Le Monde dành một trang tìm hiểu về siêu vi biến thể phát hiện tại Anh, ba trang để tổng kết các nỗ lực truy tìm nguồn cội siêu vi corona đã làm hơn 1,5 triệu người tử vong từ khi xuất hiện tại Vũ Hán cũng như thái độ kỳ lạ che giấu thông tin, thậm chí đánh lạc hướng của chính quyền Trung Quốc.
Trong bài "Thật giả về cội nguồn siêu vi", Le Monde xem xét lại mọi giả thuyết kể cả những kịch bản tựa như khoa học giả tưởng như "do bàn tay con người can thiệp" (Luc Montagnier, Nobel Y học Pháp và Li Meng Yan/Lệ Mộng Diêm, siêu vi trùng học Hồng Kông, đào thoát sang Mỹ). Thế nhưng, theo chuyên gia Pháp Etienne Decroly, không thể loại trừ khả năng siêu vi lọt ra từ phòng thí nghiệm. Siêu vi cúm gia cầm H1N1 (1977) xuất phát từ lỗi của con người là một trường hợp.
Dịch viêm phổi cấp tính Sars-CoV-1 cũng bốn lần lọt ra khỏi phòng thí nghiệm nhưng siêu vi này dễ bị khống chế hơn là Sars-CoV-2.
Guillaume Achaz, giáo sư Y khoa Paris cho biết thêm là nhóm nghiên cứu của ông đang tìm hiểu "phần gen" cho phép Sars-CoV-2 lây cho người một cách dễ dàng hơn có phải là do "có sự can thiệp từ ngoài hay không".
Trong khi đó, Trung Quốc lại tìm mọi cách "xóa dấu tích". Phớt lờ các ca lây nhiễm đầu tiên từ năm 2012 tại Thông Quan, tỉnh Vân Nam, ba thợ mỏ từ trần với những triệu chứng tương tự nạn nhân Vũ Hán 8 năm sau đó.
Khi đại dịch bùng lên tại Vũ Hán, Phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán công bố siêu vi được đặt tên RaTG3, chữ tắt của dơi móng ngựa phát hiện tại Tong Guan/Thông Quan), có công thức tương tự đến 94% công thức siêu vi Sars-CoV-2 lây bệnh. Một nữ chuyên gia Úc, Rossana Segreto, phát hiện sau đó siêu vi RaTG3 có một "thằng anh song sinh" mà chuyên gia Trung Quốc đã đặt tên là RaBtCov/4991 và công bố vào năm 2016. Bà Rossana Segreto cho biết thêm lấy được từ một mỏ bỏ hoang ở nơi mà vào năm 2012 có sáu công nhân lâm bệnh và ba trong số họ qua đời với triệu chứng Covid-19.
Tháng 7/2020, Thạch Chính Lệ, giám đốc P4 nhìn nhận cả hai siêu vi là một, và lấy từ mỏ bỏ hoang nơi sáu công nhân lâm bệnh nhưng bà vẫn khẳng định các công nhân này bị nhiễm "nấm độc".
Trong số hàng chục điểm tối được Le Monde tổng kết còn có trường hợp những nhà khoa học, trong Tổ chức Y tế Thế giới, định hướng công luận làm cho giới chuyên gia lo ngại. Trong số các nhân vật này có một người Mỹ làm việc cho phòng thí nghiệm P4 mà không khai thật và còn là tác giả bài phân tích định hướng công luận được đăng trên tạp chí uy tín The Lancet.
Trong bài xã luận, Le Monde kêu gọi Trung Quốc, nếu muốn xứng đáng là một đại cường quốc thì phải có bổn phận minh bạch trong cách hành xử, ít ra là trong lãnh vực khoa học và y tế.
Với nhận định sau một năm đại dịch, thuốc ngừa được chế tạo trong thời gia kỷ lục, trái lại, nguồn cội siêu vi vẫn mịt mù.
Khi đại dịch bùng lên, chỉ có vài hôm là một chuyên gia Trung Quốc đã phổ biến trên internet toàn bộ hệ thống gen của siêu vi. Để rồi, cũng một cách nhanh chóng, chính quyền Trung Quốc gây sức ép lên viện nghiên cứu, ngăn chận chuyên gia Trung Quốc phổ biến thông tin quan trọng, không cho chuyên gia quốc tế đến tận nơi, hù dọa hay trừng phạt những người báo động thảm họa. Phóng viên thụ động trước thái đội im lặng lạ thường của chính quyền Hoa lục.
Đại dịch hiện nay có liên quan gì đến các trường hợp công nhân bị lây nhiễm năm 2012 ?
Phải mất một năm sau, Tổ chức Y tế Thế giới mới thành lập phái bộ điều tra nhưng Bắc Kinh giành quyền giám sát : Chuyên gia quốc tế chỉ được nghiên cứu theo giả thuyết được chính quyền Trung Quốc soạn thảo.
Thái độ thọc gậy bánh xe, cản trở các nghiên cứu khoa học không thể chấp nhận được. Nhìn số nạn nhân tử vong và thiệt hại không thể đo lường do đại dịch gây ra, Trung Quốc có bổn phận phải minh bạch với cộng đồng quốc tế.
Khoa học của Trung Quốc tiến triển nhanh, trong vòng vài năm đã trở thành quốc gia có nền khoa học thuộc hạng nhất nhì. Thế nhưng chế độ Trung Quốc không có khả năng bảo đảm tính độc lập cho ngành nghiên cứu, và qua đó, là uy tín mà Bắc Kinh muốn có để giành vị thế đại cường.
Đặc phái viên Le Monde đưa độc giả đến Nghĩa Ô, một quận cách Thượng Hải 300 cây số, nơi chính quyền địa phương thi hành biện pháp tiết kiệm năng lượng triệt để.
Bài phóng sự chuyển tải thông điệp trớ trêu : nhân viên tiếp tân khách sạn trùm kín trong áo bông chống lạnh, xin lỗi vì lý do tiết kiệm, nhiệt độ trong khách sạn bị giới hạn ở 17°C trong mùa đông lạnh cóng. Công an đến khách sạn tìm hiểu phóng viên nước ngoài đến đây để làm gì cũng than phiền : "Không khí văn phòng của chúng tôi lạnh cóng, có 3°C, thế mà cũng không có quyền bật lò sưởi".
Nghĩa Ô, cũng như các thành phố tình nguyện hạn chế nhiên liệu của tỉnh Chiết Giang và ba tỉnh khác, yêu cầu các nhà máy ngưng hoạt động cho đến hết tháng 12 và tất cả cơ quan công quyền không dùng lò sưởi. Ở Trường Sa, nhân viên phải đi bộ thay vì lấy thang máy.
Lý do chính bắt buộc phải tiết kiệm điện là thiếu than đá. Một phần vì các mỏ than địa phương phải đóng cửa sau tai nạn làm thiệt mạng 23 công nhân ở Trùng Khánh nhưng phần lớn nhất là do Trung Quốc ra lệnh cho doanh nhân không nhập than của Úc. Ít nhất 5,7 triệu tấn đang nằm chờ trong các hải cảng.
Từ năm 2017, Canberra tỉnh thức trước ảnh hưởng ngày càng mạnh của Bắc Kinh trên chính sách đối ngoại của Úc nên cấm các chính đảng nhạn tài trợ từ các nguồn bên ngoài nhất là từ Trung Quốc. Tiếp theo là loại Hoa Vi không cho tham gia vào hệ thống 5G. Năm 2019, căng thẳng tăng thêm sau khi Trung Quốc bắt giam một nhà trí thức gốc Hoa quốc tịch Úc. Sau đó Canberra trở thành tiếng nói chỉ trích Bắc Kinh mạnh mẽ nhất từ hồ sơ nhân quyền Hồng Kông, Tân Cương… Danh sách xung khắc dài ra thêm với vụ Úc là chính phủ đầu tiên đòi điều tra tìm căn nguyên đại dịch Covid-19. Rồi Trung Quốc bắt nhà báo Thành Lôi và trục xuất nhiều phóng viên Úc hoạt động tại Hoa lục.
Bất đồng vẫn tồn tại giữa Bruxelles và Luân Đôn, tựa một bài tổng kết đàm phán Brexit trên Le Monde. Les Echos chú ý yếu tố tích cực : lập trường đôi bên đã gần nhau hơn.
Le Figaro nói tới thái độ "bực mình" : 27 thành viên Châu Âu bực mình vì đàm phán chậm chạp, giới chuyên chở đường bộ tức giận vì giao thông đình trệ ở hai bờ biển Manche. Chỉ có một chuyện không ùn tắc đó là "Châu Âu không đóng cánh cửa quan hệ với Anh, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán sau ngày 01 tháng Giêng 2021", theo nhận định của một nhà ngoại giao.
Về tình hình Pháp, Libération tập trung vào lực lượng cảnh sát đang đứng trước những lời cáo buộc bạo lực, kỳ thị và tuyển mộ nhân viên lỏng lẻo, đào tạo quá nhanh.
Nhật báo thiên tả, cũng như các đồng nghiệp khác, không quên "chiến tích" của nhà đối lập Nga Alexei Navalny, sau khi thoát chết trong vụ mưu sát đã thành công gài bẫy một trong những nhân viên tham gia vụ mưu sát, khai thật.
Trang ý kiến của Le Figaro dành cho ngòi bút của Gilles-William Golnadel. Luật sư, nhà hoạt động xã hội công dân tỏ ra rất nghiêm khắc đối với báo chí thiên tả tại Mỹ bất công và thiên vị. Ý kiến có thể gây sốc.
Với tựa "Khi báo Mỹ áp dụng cách diễn đạt về kỳ thị đối với nước Pháp", tác giả nhân sự kiện báo Time vinh danh bà Assa Traoré như một anh thư chống kỳ thị, chỉ trích truyền thông thiên tả Mỹ xuất khẩu ý thức hệ thiên vị sang Pháp.
Trên thực tế, gia đình của Traoré "khá phức tạp" cho dù cái chết của người anh trai có thể do cảnh sát hay bệnh mãn tính gây ra.
Luật sư Gilles-William Golnadel kể ra một loạt sự kiện mà ông gọi là truyền thông Mỹ ngày càng sai lầm nghiêm trọng. Sử gia Pháp Georges Ayache vừa ra mắt quyển sách "Thất bại của Richard Nixon" đã mô tả báo chí Mỹ đã bất công với vị tổng thống này như thế nào. Ngày nay, dù muốn nghĩ gì về Donald Trump cũng được, nhưng sử dụng thước đo đạo đức có lựa chọn của truyền thông Mỹ cũng không khác gì cách họ cư xử với Richard Nixon.
Có điều trước đây, báo chí Mỹ bị ảnh hưởng xu thế tự do vì lý do ý thức hệ còn ngày nay là vì xã hội Mỹ.
Ngày trước, phóng viên Mỹ xuất thân từ tầng lớp trung lưu. Ngày nay, nhà báo xuất thân từ các thành phần khá giả, học đại học nổi danh và không ngần ngại phán xét và lên án, bảo vệ không mặc cảm những chính nghĩa mà họ cho là tự do, rất thời thượng trong giới trí thức.
Họ không ngần ngại viết về người da đen để làm cho người da màu được vinh danh và viết về dân da trắng để hạ thấp xuống. Vẫn theo luật sư Gilles-William Golnadel.
Do vậy, New York Times mới chạy tựa cảnh sát Pháp "bắn một thanh niên và giết anh ta sau một vụ tấn công bằng dao" mà không nói kẻ bị cảnh sát Pháp truy nã là hung thủ cắt cổ một nhà giáo. Ngày 19/11, Karen Attiah của Washington Post còn đưa tin vịt "Pháp muốn cấp cho mỗi hoc sinh theo đạo Hồi một con số để đi học". Bài báo này được bộ trưởng Nhân quyền Pakistan sử dụng để so sánh chính phủ Pháp với chế độ Hitler.
Đối với nạn nhân khủng bố Hồi giáo tại Pháp, báo chí Mỹ không hiểu gì về nước Pháp thế tục.
Tú Anh
Trọng Thành, RFI, 28/11/2020
Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục tìm cách giảm nhẹ vai trò của Trung Quốc trong việc để đại dịch Covid-19 bùng lên khắp thế giới, với luận điểm virus gây bệnh đến trước hết là từ nước ngoài. Hôm qua, 27/11/2020, một lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng bác bỏ luận điểm đó.
Một ngày sau khi truyền thông Trung Quốc đồng loạt loan tin về khả năng virus gây đại dịch Covid-19 đến từ nước ngoài, trước khi xuất hiện tại Vũ Hán, chủ yếu thông qua con đường bao bì thực phẩm đông lạnh, hôm qua, bác sĩ Mike Ryan, giám đốc điều hành các chiến dịch khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, khẳng định : hiện tại WHO không có bằng chứng nào để kết luận virus corona chủng mới xuất phát từ bên ngoài Trung Quốc, và phát hiện chính thức đầu tiên về virus này, cho đến nay, là tại một chợ thực phẩm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, hồi cuối tháng 12, năm ngoái.
Theo Reuters, trong cuộc họp báo qua mạng từ Genève, bác sĩ Mike Ryan nhấn mạnh : "từ quan điểm y tế công cộng, cần phải tiến hành điều tra nguồn gốc dịch bệnh, nơi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên". Theo ông, các bằng chứng phát hiện được tại Vũ Hán có thể sẽ cho phép lần tới các manh mối khác. Bác sĩ Mike Ryan nhắc lại là WHO có ý định cử các nhà nghiên cứu tới chợ thực phẩm Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của virus corona gây bệnh Covid-19.
Đại dịch Covid-19 từ Vũ Hán lan khắp thế giới, khiến nền kinh tế toàn cầu điêu đứng. Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc đã che giấu thông tin, phản ứng chậm trễ, để lỡ mất vài tuần lễ quý báu đầu tiên, khiến cộng đồng quốc tế trở tay không kịp. Cho dù Bắc Kinh đã ra lệnh phong tỏa Vũ Hán kể từ tuần cuối tháng 1/2020, để cô lập vùng dịch, nỗ lực này được coi là không đủ để ngăn chặn đại dịch, khiến ít nhất 1,5 triệu người chết cho đến nay, và hơn 60 triệu người dương tính với virus trên toàn cầu.
Ngày 18/05/2020, theo yêu cầu của hơn 120 quốc gia thành viên của định chế y tế của Liên Hiệp Quốc, WHO có trách nhiệm tiến hành "điều tra độc lập" về nguồn gốc đại dịch, để rút ra các bài học cho tương lai. Tuy nhiên, cuộc điều tra có vẻ như không dễ dàng được tổ chức. Ngày 30/10/2020, tức hơn 5 tháng sau quyết định của các quốc gia thành viên, theo báo chí Trung Quốc, chuyên gia của WHO mới có cuộc thảo luận qua mạng với đồng nghiệp Trung Quốc về việc khởi động cuộc điều tra.
Trong lúc điều tra trên thực địa tại Vũ Hán vẫn chưa được tiến hành, trong tháng 11/2020 này, chính quyền Trung Quốc dường như có nhiều nỗ lực nhằm kéo sự chú ý của công luận sang hướng khác, theo Sari Arho Havren, chuyên gia về Trung Quốc, người Phần Lan, làm việc tại Bruxelles và Hồng Kông. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/11, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố một số công trình nghiên cứu mới đây cho thấy nguồn gốc của virus của bệnh Covid-19 là một "vấn đề khoa học phức tạp".
Trọng Thành
*********************
Xuất xứ Covid : Báo chí Trung Quốc liên tục đổ lỗi cho nước ngoài
Mai Vân, RFI, 27/11/2020
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục gây hại trên thế giới, vào hôm qua 26/11/2020, hệ thống truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt loan truyền luận điểm virus gây dịch đã tồn tại ở nước ngoài, trước khi được phát hiện vào cuối năm ngoái 2019 tại Vũ Hán.
Theo hãng tin Anh Reuters, báo chí nhà nước Trung Quốc đã cho biết virus corona hiện diện trên bao bì thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, cũng như các tài liệu khoa học cho rằng coronavirus đã lưu hành ở Châu Âu, sớm hơn những gì được ghi nhận trước đây, để chứng minh rằng Trung Quốc có thể không phải là nơi xuất xứ của con virus.
Một bài đăng trên trang Facebook của tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã chạy tựa : "Covid-19 không bắt đầu ở Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, mà có thể đến từ thực phẩm và bao bì hàng đông lạnh nhập khẩu : Ý kiến các chuyên gia".
Hoàn Cầu Thời Báo cũng quảng bá giả thuyết rằng Covid-19 có nguồn gốc bên ngoài Trung Quốc.
Không giống như các nước khác, Trung Quốc cho rằng bao bì thực phẩm đông lạnh có nguy cơ làm dịch bệnh lây lan. Chính quyền đã tăng cường kiểm tra và đưa hàng loạt thông báo cho biết là virus được tìm thấy trên bao bì thực phẩm đông lạnh. Luận điệu được loan truyền trong bối cảnh Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết cả thực phẩm lẫn bao bì đều không phải là con đường lây nhiễm được biết đến cho tới nay.
Các thông tin trên đã làm cho nỗi lo sợ bị nhiễm Covid-19 thông qua các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu gia tăng trong dân chúng Trung Quốc, khiến cho hải sản và cá đông lạnh đã bị chuyển ra khỏi các kho hàng tại chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh. Đây là nơi mà một nhóm người bị nhiễm virus được phát hiện vào tháng 6 vừa qua. Quyết định này được đưa ra sau khi có một số trường hợp nhiễm virus liên quan đến phòng đông lạnh các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu ở một số tỉnh.
Thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh cho biết thêm chi tiết :
Đó là các mặt hàng như tôm nhập từ Ecuador, gà từ Argentina, thịt bò từ Brazil, cá saber từ Indonesia, đầu lợn từ Mỹ, hoặc thậm chí mực từ Nga (đối với các trường hợp gần đây nhất). Mỗi lần phát hiện dấu vết của virus corona trên bao bì các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu là báo chí Trung Quốc đều chạy các tựa lớn.
Một số trường hợp nhiễm virus nơi những người cập cảng ở Thanh Đảo hoặc Thiên Tân trên bờ biển phía đông đã khiến chính quyền lo ngại.
Cách nay một tuần trước, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trung Quốc đã khuyến cáo người tiêu dùng nên khử trùng thực phẩm đông lạnh từ nước ngoài. Một trong những nhân viên đặc trách giao tiếp tại chợ bán sỉ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh cho biết :
"Chúng tôi thường xuyên kiểm tra tình trạng sản phẩm trong các phòng lạnh theo các quy tắc vệ sinh. Đã có báo cáo về các trường hợp nhiễm virus gần đây liên quan đến thực phẩm đông lạnh, chúng tôi muốn hết sức cẩn thận. Nhưng trái với những gì một số phương tiện truyền thông khẳng định, điều này không có gì mới mẻ. Khu hải sản đã bị đóng kể từ đợt dịch trước".
Thông tin không được nêu rõ trong một số bài báo, câu chuyện hiện tại là chuyện virus corona đến từ nơi khác, đặc biệt là thông qua thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.
Đó là một "khả năng" mà một cựu quan chức Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Trung Quốc "không loại trừ". Một cách để lái đi hướng khác những người đòi điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch đã giết chết hơn 1,5 triệu người trên Trái đất và tàn phá nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc muốn ngành ngân hàng chia sẻ nỗi đau và giúp thúc đẩy nền kinh tế đang lao dốc với mức 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 212 tỷ USD).
Khách hàng xếp hàng để được đo nhiệt độ trước khi vào ngân hàng ở thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, vào ngày 25 tháng 2 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Để chống chọi với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 40 năm qua trong khi Trung Quốc đang cố phục hồi sau dịch corona, Hội đồng Nhà nước của Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc) đã yêu cầu các ngân hàng từ bỏ khoản lợi nhuận lên tới 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Đây là một yêu cầu chưa từng có và gây sốc. Yêu cầu này là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng dưới thời Đảng cộng sản Trung Quốc thì Trung Quốc về cơ bản vẫn là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và có chỉ huy.
Có nhiều lý do buộc Bắc Kinh áp dụng chính sách này. Thứ nhất, Bắc Kinh hiện đang vươn ra khỏi công cụ chính sách tiền tệ truyền thống để thúc đẩy nền kinh tế. Thứ hai, các ngân hàng sẽ chịu thiệt hại về tài chính vì chính phủ trung ương đang siết chặt lợi nhuận của mình trong thời điểm có thể gần như không còn có lợi nhuận , do số lượng khoản vay mặc định dự kiến.
Thứ ba và cũng là điều quan trọng nhất, điều này sẽ gửi một thông điệp khủng khiếp tới các cổ đông, mà phần lớn là các nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ đông chẳng có quyền gì đối với hoạt động của các công ty mà họ tin rằng họ sở hữu, và các công ty vì lợi nhuận này có thể trở thành các tổ chức phi lợi nhuận phục vụ Đảng cộng sản Trung Quốc mà không cần thông báo, gì. Đây có lẽ không phải là những gì các cổ đông muốn có khi đăng ký mua cổ phiếu ngân hàng.
Lợi nhuận biên bị ép
Hội đồng Nhà nước, hay nội các Trung Quốc, đã tuyên bố yêu cầu này vào giữa tháng Sáu. Mặc dù hình thức sẽ thay đổi, các ngân hàng dự kiến sẽ giảm lãi suất cho vay, cắt giảm phí và phí dịch vụ, hoãn trả nợ cho các khoản vay hiện có và cung cấp nhiều khoản vay không bảo đảm hơn cho các doanh nghiệp nhỏ. Các khoản vay không có bảo đảm là các khoản cho vay không cần có tài sản thế chấp trên tài sản của công ty nhằm tạo mức bảo lãnh mặc định của người đi vay.
Về mặt kinh tế, thông báo này gần giống với một chính sách kích thích, mặc dù Bắc Kinh không phải hy sinh ngân sách nhà nước. Yêu cầu vượt qua cái giá của các tổ chức tài chính Trung Quốc và cuối cùng là các nhà đầu tư không phòng vệ của họ.
Ở mức rất cao, mô hình kinh doanh của ngân hàng là kiếm tiền từ chênh lệch lãi suất. Họ cho vay hoặc đầu tư với lãi suất cao hơn lãi suất mà phải trả cho người gửi tiền hoặc chủ nợ. Buộc các ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn sẽ làm giảm doanh thu mà không giảm chi phí tài trợ.
Và các ngân hàng Trung Quốc đã phải đối mặt với căng thẳng chưa từng thấy ngay cả trước khi buộc phải hy sinh lợi nhuận.
Nhiều người vay đang phải đối mặt với các vấn đề về khả năng thanh toán và mức độ nợ xấu (NPL) đang gia tăng. S & P Global dự kiến tỷ lệ nợ xấu được báo cáo chính thức cho các ngân hàng Trung Quốc là khoảng 2,2% vào năm 2020, tăng nhẹ so với 1,74% vào năm 2019. S & P ước tính rằng tài sản không hoạt động của ngành sẽ tăng lên 7,25% vào năm 2020, tăng 2% so với năm ngoái .
Theo một báo cáo của Bloomberg , UBS ước tính rằng trong trường hợp Trung Quốc đạt tăng trưởng kinh tế 4,8% hàng năm cho đến năm 2021, thì ngành ngân hàng Trung Quốc có thể bị giảm 39% lợi nhuận.
Coi thường cổ đông
Cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc đã giảm tại Hồng Kông và các sàn giao dịch Trung Quốc đại lục kể từ ngày 16 tháng 6, khi các biện pháp này được đề xuất.
Việc Bắc Kinh buộc các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận, về cơ bản, ép buộc các chủ sở hữu ngân hàng phải chịu tổn thất theo lệnh của Đảng cộng sản Trung Quốc là vi phạm các giao thức quản trị doanh nghiệp. Đây như một lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư nước ngoài rằng các công ty Trung Quốc không thích hợp cho đầu tư.
Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ-Trung (USCC) đã ban hành một báo cáo vào ngày 27 tháng 5 cảnh báo các nhà quản lý Hoa Kỳ rằng ngân hàng Trung Quốc gây ra một mối đe dọa hệ thống ngày càng đáng lo ngại, khi ngày càng nhiều người Mỹ có tiền tiết kiệm, người hưu trí Mỹ và tài khoản hưu trí của Mỹ sở hữu cổ phiếu Trung Quốc, kể cả trong các tổ chức tài chính Trung Quốc.
Báo cáo cho biết "họ vẫn được nhà nước ủng hộ. Nhà nước Đảng cộng sản duy trì khả năng can thiệp quyết đoán vào hệ thống ngân hàng để đạt được kết quả mong muốn".
Các công ty Trung Quốc, cùng nhiều ngân hàng thuộc các thị trường mới nổi và thị trường toàn cầu của MSCI và FTSE Russell. Trái phiếu nội địa Trung Quốc cũng chiếm một phần trong Chỉ số Tổng hợp Toàn cầu của Bloomberg Barclays. Và nhiều khoản đầu tư phổ biến ở Hoa Kỳ được ủy thác tuân theo các chỉ số bằng cách mua chứng khoán do các công ty Trung Quốc phát hành.
Chỉ trong vài tuần, báo cáo của USCC đã chứng minh tình trạng đáng báo động.
Nguyên tác : Chinese Regime Forces Chinese Banks, Their Investors to Sacrifice $212 Billion, The Epoch Times, 28/06/2020
Khánh An dịch
Nguồn : VNTB, 29/06/2020
Covid-19 : Chợ Bắc Kinh, mô hình tiêu biểu của khả năng tái phát dịch (RFI, 18/06/2020)
Sau hơn 50 ngày trở hoạt động bình thường, cuộc sống ở thủ đô Bắc Kinh bỗng nhiên lại bị đảo lộn một cách đáng lo ngại vì xuất hiện ổ lây nhiễm virus corona, cũng lại từ một khu chợ đầu mối thực phẩm lớn, như trường hợp chợ hải sản Vũ Hán từng làm bùng lên thảm họa Covid-19 cho Trung Quốc rồi lan ra khắp thế giới.
Cảnh sát canh gác lối vào chợ Tân Phát Địa (Bắc Kinh-Trung Quốc) ngày 16/06/2020. Khu chợ này là ổ dịch Covid-19 mới tại thủ đô Trung Quốc. Reuters - Tingshu Wang
Trong khi ở nhiều nước khác, tiến trình gỡ bỏ phong tỏa đang được thận trọng tiến hành từng bước, trường hợp ổ dịch tái xuất hiện ở chợ Tân Phát Địa chứng minh nguy cơ về làn sóng dịch thứ 2 là có thực và có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Đài France 24 tập hợp một số ý kiến phân tích của các chuyên gia y tế xung quanh hiện tượng tái phát dịch ở khu chợ thực phẩm Bắc Kinh. Điều đáng chú ý Bắc Kinh là nơi có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng rất thấp
Các điểm tương đồng giữa chợ Vũ Hán và chợ Tân Phát Địa ở Bắc Kinh
Trung Quốc lại một lần nữa rơi vào nỗi lo sợ ám ảnh từ các khu chợ lớn. Một ở Vũ Hán sau đó trở thành tâm điểm đại dịch toàn cầu, còn khu chợ lần này ở Bắc Kinh giờ đây rất có thể là xuất xứ cho một làn sóng dịch thứ hai đáng sợ.
Hôm thứ Ba vừa qua (16/06), thành phố Bắc Kinh thông báo có hơn một trăm trường hợp nhiễm mới liên quan đến khu chợ thực phẩm được ghi nhận từ một tuần qua ở thủ đô. Thành phố đánh giá việc Covid-19 bùng lên trở lại này là "cực kỳ nghiêm trọng". Cho đến ngày hôm nay, 18/06, Bắc Kinh ghi nhận 158 trường hợp nhiễm Covid-19, tăng 21 trường hợp so với hôm trước. Thành phố trong tình trạng báo động, gia tăng các biện pháp hạn chế hoạt động, tầm soát bệnh đại trà trong dân chúng… nhằm cố gắng khống chế đường lây truyền của virus.
Đối chiếu trường hợp chợ Bắc Kinh với chợ Vũ Hán có những điều đáng chú ý. "Cả hai đều là những khu chợ đầu mối thực phẩm rất đông người qua lai, khó có thể thực hiện được quy định giãn cách xã hội. Không gian của chợ luôn ẩm ướt, cộng thêm vào đó là hệ thống điều hòa nhiệt độ để bảo quản các mặt hàng thực phẩm. Đó chính là yếu tố môi trường lý tưởng tạo điều kiện để virus corona tồn tại và có thể dễ dàng lây lan», theo nhận xét của Serge Morand chuyên gia về lây truyền mầm bệnh thuộc Viện Khoa Học Quốc Gia Pháp ( CNRS), hiện làm việc tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông học.
Nhưng quy mô rộng lớn của chợ Tân Phát Địa, nằm ở phía nam Bắc Kinh khiến cho mọi so sánh trở nên khó khăn. Khu chợ đầu mối này rộng 112 ha, chia cho 2000 tiểu thương và nằm dưới sự giám sát quản lý thường xuyên của 1200 nhân viên. Hàng ngày từ khu chợ này khoảng 12 nghìn tấn cá, 18 nghìn tấn rau và 20 nghìn tấn quả được bán ra. Có thể nói đây là khu chợ đầu mối thực phẩm lớn nhất Châu Á.
Chợ hàng tươi sống : Môi trường lý tưởng cho virus
Đó cũng chính là một trong những lý do để chính quyền Bắc Kinh hết sức lo ngại về ổ lây nhiễm này. Virus corona đã có thể khó tìm được nơi nào lý tưởng hơn như vậy để xuất hiện trở lại ở Trung Quốc.
"Khu chợ này cung cấp ít nhất 70% lượng rau cho các cửa hàng ở thủ đô Bắc Kinh. Những người quản lý y tế của thành phố sợ rằng virus đã có đủ thời gian để lây lan khắp thành phố", trả lời phỏng vấn France 24, William Keevil, giáo sư về sức khỏe môi trường tại Đại học Southampton nhân mạnh.
Ngoài ra, "chúng ta không quên là nếu như có một trăm ca được xác nhận thì phải thêm vào những người không có biểu hiện bệnh nhưng đã bị nhiễm và có thể làm lây lan virus corona", theo chuyên gia Serge Morand.
Việc lây nhiễm bùng trở lại được chính quyền đánh giá là một tiến triển đặc biệt nghiêm trọng là bởi vì nó nổ ra ở Bắc Kinh, không đơn thuần là vì nơi đây có mật độ dân cư đông đúc. "Chính quyền đã bị bất ngờ vì thủ đô Bắc Kinh từng là một trong những thành phố cuối cùng Trung Quốc còn duy trì các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiềm chế virus lây lan. Điều này cho thấy virus vẫn có khả năng lọt lưới an ninh được Trung Quốc triển khai", ông Serge Morand ghi nhận.
Bắc Kinh được bảo vệ nhưng chưa đủ miễn dịch
Thủ đô Bắc Kinh cũng nằm trong số những thành phố áp dụng những biện pháp kiềm chế virus lây lan nghiêm ngặt nhất cả nước.
Bắc Kinh cũng đã "rất nhanh chóng cách ly những ổ dịch khởi phát lây nhiễm", chuyên gia về bệnh phổi Đại học Leicester, Anh Quốc, Julian Tang lưu ý. Giờ đây dịch vẫn có thể trở lại tấn công vào người dân thành phố bởi vì "tỷ lệ miễn dịch cộng đồng với Covid-19 của Bắc Kinh rất thấp so với những nơi khác trong nước bị nhiễm virus nặng hơn. Điều đó có nghĩa là khả năng lây nhiễm tiềm ẩn của Bắc Kinh lớn hơn", chuyên gia Jullian Tang lý giải.
Vì thế việc thành phố cho thực hiện các biện pháp phong tỏa ba chục khu dân cư và đóng cửa các tụ điểm thể thao, văn hóa là rất quan trọng. Chính quyền cũng đã kêu gọi người dân không rời khỏi thành phố.
Nhưng điều khẩn cấp hơn "là liệu chính quyền có nhanh chóng tìm ra nguồn nhiễm hay không, vì như vậy thì mới có thể lần ra chính xác tất cả nhưng người đã bị phơi nhiễm", theo chuyên gia Serge Morand.
Chạy đua với thời gian
Dù sao trong cuộc chạy đua với thời gian này Bắc Kinh đã xuất phát nhanh hơn so với Vũ Hán. "Chính quyền biết phải làm gì và họ có thể, nếu cần, sử dụng những cơ sở đã được xây dựng từ năm 2003 để đối phó với dịch SARS", giáo sư Julian Tang hy vọng Bắc Kinh có thể khống chế được đợt lây nhiễm bùng lên bất ngờ này. Theo ông, nguy cơ chính là từ những người mang virus nhưng không có biểu hiện bệnh hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ và nhất là khi họ đã rời khỏi thành phố. Đây chính là ẩn số lớn nhất hiện nay. Người ta không biết có bao nhiêu trường hợp như vậy và nhất là những người đó đã đi đâu.
"Nếu như họ đến các thành phố lớn khác thì cần nhanh chóng cho triển khai các biện pháp đối phó tái nhiễm thì có thể làm chủ được tình hình. Nhưng nếu những người đó đến các vùng nông thôn ít bị giám sát hơn thì dịch có thể tái phát rộng", nhà nghiên cứu của Đại học Leicester nhấn mạnh.
Nguy cơ xuất khẩu virus corona ra ngoài Bắc Kinh dẫu sao cũng không lớn bằng trường hợp khi virus xuất hiện ở Vũ Hán, đơn giản là vì vấn đề thời điểm. Đối với trường hợp Vũ Hán, "đó là thời điểm Tết Nguyên đán, giai đoạn mà người Trung Quốc đi lại nhiều nhất và chính điều này đã góp phần làm virus lây lan mạnh", ông Julian Tang nhắc lại. Nhưng lần này không có gì bảo đảm có thể hạn chế nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch lần thứ 2 hoành hành trên cả nước.
Vấn đề ở chỗ, việc tái phát lây nhiễm virus hoàn toàn có thể lặp lại trên thế giới trong 6 tháng tới. Chợ Tân Phát Địa là một mô hình tiêu biểu của các ổ Covid-19 trong tương lai trong lúc việc giải tỏa đang được tiến hành gần như khắp nơi trên thế giới.
"Các ổ dịch sẽ xuất hiện chủ yếu trong các thành phố lớn có tỷ lệ miễn dịch cộng đồng thấp, trong những nơi tập trung rất đông người như các khu chợ và phương tiện giao thông công cộng, và những nơi mà dân người dân sao nhãng dần việc giữ giãn cách xã hội", chuyên gia Julian Tang cảnh báo. Theo ông, điều duy nhất không biết được là sắp tới virus corona chính xác sẽ bùng lại ở đâu.
Anh Vũ
*******************
Trung Quốc : Một phần thủ đô Bắc Kinh bị phong tỏa vì ổ dịch Covid-19 mới (RFI, 13/06/2020)
Sau khi phát hiện thêm 7 ca nhiễm virus corona nội địa, chính quyền Bắc Kinh, hôm nay 13/06/2020 đã quyết định phong tỏa một phần thủ đô Trung Quốc. Khu vực bị phong tỏa bao gồm 11 khu dân cư ở quận Phong Đài, phía Nam thành phố. Một khu chợ bán thịt cùng một chợ bán hải sản cũng bị đóng cửa.
Khu chợ hải sản tại Bắc Kinh, Trung Quốc bị phong tỏa sau khi phát hiện liên quan đến ca nhiễm Covid-19 mới, ngày 12/06/2020. Reuters- Thomas Peter
Biện pháp mạnh đã được chính quyền thủ đô Trung Quốc cấp tốc ban hành nhằm chận đứng một ổ dịch đang phát triển. Sau hai tháng không có một ca nhiễm nội địa nào, ngày 11/06 Bắc Kinh đã ghi nhận một trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên. Bệnh nhân không hề rời Bắc Kinh trong thời gian gần đây, nhưng vào tuần trước đã ghé chợ thịt Tân Phát Địa ở phía nam thành phố.
Một hôm sau, đã có thêm 6 ca khác được phát hiện, trong đó có 3 người bán hàng tại chợ Tân Phát Địa, một khách hàng và hai nhân viên tại một trung tâm nghiên cứu cách chợ 7km.
Theo thông tín viên RFI Simon Leplâtre tại Trung Quốc, các biện pháp khẩn cấp chống dịch phản ánh mối lo ngại một làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Đã có 51 ca nhiễm mới được phát hiện ở Bắc Kinh từ hôm thứ Năm, 11/06. Một ca, rồi sáu ca, rồi đến sáng nay, thứ Bảy, tổng cộng đã có 49 trường hợp lây nhiễm liên quan đến chợ hàng tươi sống Tân Phát Địa (Xinfadi), phía nam thành phố. Trong số 49 ca này, 45 người không có triệu chứng.
Thành phố đã cho xét nghiệm đại trà từ hôm thứ Năm, với mục tiêu là xét nghiệm được 10.000 dân. Nhân một cuộc họp báo sáng nay, lãnh đạo địa phương cho biết là đã có hơn 500 người được xét nghiệm.
Hiện nay, dây chuyền lây nhiễm chưa rõ ràng : Bệnh nhân đầu tiên bị phát hiện cách nay hai ngày, dường như đã từng đi lên miền bắc, nơi mà nhiều ổ dịch mới đã xuất hiện gần đây. Thế nhưng chính quyền cũng nhấn mạnh là ở chợ Tân Phát Địa, có những tấm thớt dùng để cắt cá hồi nhập khẩu bị nhiễm virus.
Thủ đô Trung Quốc sẽ bị kiểm soát chặt chẽ, trong lúc mà đời sống đã bắt đầu trở lại bình thường. Quận Phong Đài, nơi có ngôi chợ, đã tuyên bố tình trạng "khẩn cấp" vào sáng nay. Các trường tiểu học dự kiến mở lại vào thứ Hai tới, sẽ tiếp tục đóng cửa, việc di chuyển qua các tỉnh lân cận đều bị cấm.
Trọng Nghĩa
**********************
Virus corona : Phát hiện ổ dịch mới ở một chợ bán buôn tại Bắc Kinh (BBC, 13/06/2020)
Một ổ dịch virus corona mới tại Bắc Kinh, liên quan tới một khu chợ bán buôn, vừa được phát hiện, làm dấy lên lo ngại có làn sóng dịch Covid-19 thứ hai.
Cảnh sát Trung Quốc đứng gác bên ngoài cổng vào chợ Xinfadi ở Bắc Kinh hôm 13/6
Tại chợ bán buôn nông sản Tân Phát Địa (Xinfadi) ở quận Phong Đài (Fengtai) nằm phía Tây Nam Bắc Kinh, 45 trong số 517 người được xét nghiệm đã có kết quả dương tính với virus corona, một quan chức cấp quận cho biết tại một cuộc họp báo.
Không ai trong số họ có triệu chứng, ông Sơ Quân Uy cho biết, nhưng ông nói thêm 11 khu dân cư xung quanh chợ đã bị phong tỏa với lính gác 24/24 giờ.
"Theo nguyên tắc đặt an toàn và sức khỏe của người dân trên hết, chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phong tỏa cho chợ Tân Phát Địa và các khu dân cư lân cận", ông Sơ nói.
Quận Phong Đài đang trong "tình trạng khẩn cấp thời chiến", ông cho biết thêm.
Lực lượng cảnh sát tập trung chuẩn bị vào chợ Xinfadi hôm 13/6
Stephen McDonell, Phóng viên thường trú của BBC tại Trung Quốc, mô tả các hình ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy hàng trăm cảnh sát quân đội tiến vào trong chợ Tân Phát Địa
Theo giới chức, dấu vết của virus corona được tìm thấy trên một miếng gỗ lớn dùng để chặt cá hồi nhập khẩu.
Các dịch vụ giao thông và trường học gần chợ đã đóng cửa, và một số địa điểm công cộng được nhiều người lui tới ở Bắc Kinh, như Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia và Đền Lama cũng đóng cửa.
Toàn bộ khu chợ Tân Phát Địa bị đóng cửa từ 3 giờ sáng thứ Bảy (giờ địa phương), sau khi hai người đàn ông làm việc ở trung tâm nghiên cứu thịt, những người đã từng tới khu chợ này, có kết quả dương tính với virus corona. Hiện chưa rõ hai người này nhiễm virus như thế nào.
Hôm thứ bảy, các cổng vào chợ bị chặn và cảnh sát đứng gác bên ngoài. Giới chức Bắc Kinh trước đó đã dừng hoạt động mua bán thịt bò và thịt cừu tại chợ Tân Phát Địa và đóng cửa các chợ bán buôn khác trong thành phố.
Họ dự kiến sẽ làm xét nghiệm acid nucleic cho hơn 10.000 người ở chợ này để phát hiện các ca lây nhiễm.
Barrier được dựng để chặn đường vào chợ Xinfadi
Theo trang web của chợ Tân Phát Địa, hơn 1500 tấn hải sản, 18.000 tấn rau và 20.000 tấn hoa quả được buôn bán ở chợ này hàng ngày.
Việc khu chợ này bị đóng và các biện pháp phong tỏa mởi diễn ra trong bối cảnh lo ngại về một làn sóng đại dịch thứ hai đang gia tăng.
Đại dịch Covid-19 đã làm hơn 7,6 triệu người lây nhiễm và hơn 420 ngàn người tử vong trên thế giới.
Là nơi phát xuất và từng là trung tâm dịch bịnh lây lan cho thế giới, cho dù tình hình dịch bịnh thật sự tại quốc gia này như thế nào ắt chẳng ai biết chính xác, nhưng trong những tuần qua Trung Quốc đã không ngừng tung ra một chiến dịch tuyên truyền nhằm đánh bóng và tô điểm bộ mặt của mình giữa cơn đại dịch Covid-19 hiện nay.
Cảnh chụp một công viên ở Vũ Hán ngày 30/3/2020 - AFP - Ảnh minh họa
Trên các cơ quan truyền thông chủ lực của đảng tại Hoa Lục như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo..., là nhan nhản các xã luận, bản tin đại loại như "Trung Quốc giúp đỡ thế giới chống trả Covid-19", "Đoàn chuyên viên y tế đến Ý, Pakistan, Lào, Serbia, Trung Đông... giúp chống dịch" hay "Các hãng, quân đội Trung Quốc đã giúp thế giới chống dịch bịnh".... Các báo này đưa tin về tỉ phú Jack Ma của hãng Alibaba đã giúp cho Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa Kỳ, Châu Phi... hàng triệu khẩu trang và bộ thử nghiệm y tế. Rõ ràng Trung Quốc đang chứng tỏ với thế giới về lòng "hào hiệp" và "thiện chí" của mình để che lấp trách nhiệm để dịch bịnh lây lan cho cả thế giới như thế nào.
Các báo còn lồng nhiều trích dẫn đầy ngụ ý rằng, "hãy làm bạn với chúng tôi để được giúp đỡ". Trong một bài xã luận hồi tuần qua trên tờ Nhân Dân, bài báo dẫn lời bình từ "một độc giả người Ý" nào đó rằng, "Chỉ trong giai đoạn khó khăn mới biết ai là bạn thật sự. Chúng ta phải nhớ đến sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc và trân trọng tình hữu nghị này". Báo đảng dường như không thay đổi trong vài chục năm qua. Cũng những câu văn quen thuộc, đầy tính tuyên truyền với người dân trong nước và lặp lại với thế giới hiện nay. Nó không ngoài một mục đích tận dụng tối đa mọi cơ hội để vun đắp cho "quyền lực mềm" của mình.
"Quyền lực mềm" (soft power) là lý thuyết được Joseph Nye, nhà tiên phong và là một nhà khoa học chính trị, từng là chủ tịch Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và cố vấn Bộ Trưởng Quốc Phòng thời tổng thống Bill Clinton đưa ra vào đầu thập niên 90. Theo Joseph Nye, quyền lực mềm là sự quyến dụ và đồng chọn của một quốc gia, đối nghịch với sức mạnh hệ thống (hard power) qua cưỡng đặt, chế tài bằng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Quyền lực mềm phụ thuộc và kết hợp cả ba yếu tố là văn hóa, chính trị và chính sách đối ngoại để thuyết phục và tạo thiện cảm, hợp tác từ các quốc gia khác.
Trong gần hai thập niên qua, giới lãnh đạo của Trung Quốc đã bày tỏ những ý định gia tăng quyền lực mềm của mình sau khi bị thế giới lên án về thái độ hiếp đáp, bá quyền bằng quân sự hay áp lực kinh tế, chính trị. Năm 2007, cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào từng khởi xướng một phong trào cổ súy văn hóa Trung Hoa để thế giới thấy một sự trỗi dậy "thân thiện và hòa bình" của quốc gia này chứ không phải là mối đe dọa với trật tự thế giới. Khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, họ Tập thực hiện chính sách này một cách quyết đoán hơn, cả quyền lực "cứng" lẫn "mềm". Tâp chỉ đạo không che đậy từ năm 2014 rằng, "Chúng ta cần gia tăng quyền lực mềm, tạo ra những câu chuyện, thông điệp tốt đẹp đến thế giới". Theo giáo sư David Shambaugh của đại học George Washington University, ngân sách phục vụ cho mục đích này có thể đến mười tỉ đô la mỗi năm.
"Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc cũng ra đời và là chiếc xe kéo cho mục đích này. Các khoản viện trợ, cho vay, dù chỉ bằng một phần nhỏ so với Hoa Kỳ và phương Tây, cũng được Trung Quốc từng bước rót cho một số quốc gia nhỏ đó đây nhằm tạo ảnh hưởng, tùy thu ộc các mối quan hệ ngoại giao song phương. Các cơ quan truyền thông của Trung Quốc mở văn phòng, tăng cường hoạt động tuyên truyền tại Hoa Kỳ và khắp thế giới. Các quảng bá về văn hóa, lịch sử Trung Hoa dưới nhiều hình thức cũng được thực hiện quy mô và có kế hoạch hơn với sự tham gia của các nghệ sĩ, tài tử tên tuổi tại Hồng Kông hay Hoa Lục.
Bất kể những nỗ lực này, hình ảnh của Trung Quốc dưới mắt người dân thế giới này càng tệ hơn. Theo số liệu từ Pew Research Center thì ngoại trừ Nga cùng một số nước Châu Phi và Trung Đông, số người không c ó thiện cảm với Trung Quốc tăng cao tại Châu Á và thế giới phương Tây. Đặc biệt với Nhật, đến 85 % người dân không thích Trung Quốc hay Thụy Điển là tỉ lệ 70 %, Canada là 67 %, Nam Hàn là 63%, Mỹ là 60 %... Ai là thủ phạm của nạn dịch hiện nay thì thế giới đã rõ, nên có tuyên truyền thế nào thì bộ mặt thật của Trung Quốc vẫn là điều thế giới đã ngày càng nhận thấy rõ hơn.
Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề do chính Covid-19 gây ra tại chính quốc gia này trong vài tháng qua, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục còn bị đình trệ khi nguồn tiêu thụ bị gián đoạn. Mỹ và các nước phương Tây đang đối phó với dịch bịnh, sẽ không mua hàng hóa ngoại trừ khẩu trang cùng một số thiết bị và vật dụng y tế trong thời gian tới. Khoảng phân nửa nền kinh tế Hoa Lục là đến từ tiêu thụ và dịch vụ trong dân chúng, với hơn 1.4 tỉ dân, Trung Quốc không đủ khả năng để có những gói kích thích kinh tế khổng lồ giúp cho người dân, bơm vào kinh tế quốc gia qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỹ nghệ hay tiểu thương như Mỹ và phương Tây đang thực hiện. Không kể rủi ro dịch bịnh có thể tái phát tại lục địa này, Trung Quốc có thể đang thật sự lo ngại hơn là các huênh hoang, tự đắc "đã chiến thắng" như vừa qua.
Không quốc gia nào miễn nhiễm trước đại dịch Covid-19 hiện nay, chỉ quốc gia nào có nguồn tài lực to lớn để duy trì và vực dậy nền kinh tế của mình sau cơn khủng hoảng, những quốc gia đó mới chứng tỏ được quyền lực thật sự của mình. Còn cái "quyền lực mềm" mà Trung Quốc đang tận dụng và tuyên truyền trong thời gian này chỉ là lớp phấn bề ngoài nhằm che đi bộ mặt thất thần của mình mà thôi.
Đinh Yên Thảo
Nguồn : RFA, 20/04/2020