Theo Reuters ngày 2/10, trong một cuộc trao đổi, chính phủ Bangladesh hối Myanmar đem người tị nạn Rohingya trở về Myanmar để chấm dứt cuộc khủng hoảng tị nạn.
Lính biên phòng Bangladesh đuổi người tị nạn về trại dã chiến-Ảnh : Toronto Star
Một quan chức Bộ Ngoại giao Bangladesh cho biết : Bangladesh sẽ chú ý 5 đề nghị trong cuộc nói chuyện hôm 2/10 tại thủ đô Dhaka của nước này, đặc biệt về khả năng người tị nạn trở về Myanmar bền vững. Ông còn cho biết : "Chúng tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết qua chỉ một cuộc họp".
Quan chức này giấu tên vì không được phép nói chuyện với báo chí về cuộc gặp đại diện chính phủ Myanmar là ông Kyaw Tint Swe.
Liên Hiệp Quốc đã gọi cuộc chạy giặc của 507.000 người tộc Rohingya theo đạo Hồi từ ngày 25/8 là "vụ tị nạn khẩn cấp tiến triển nhanh nhất thế giới", và cáo buộc Myanmar với đa số dân theo đạo Phật đang tiến hành "thanh trừng sắc tộc" chống lại cộng đồng Rohingya thiểu số.
Trước cuộc chạy giặc, đã có 300.000 người Rohingya tị nạn ở Bangladesh.
Myanmar phủ nhận cáo buộc. Quân đội nước này đã mở cuộc tấn công ở phía bắc bang Rakhine để trả đũa những cuộc tấn công có điều phối của lực lượng nổi dậy Đội quân cứu tế Arakan Rohingya (ARSA). Lực lượng này đã tấn công vào 30 đồn cảnh sát và 1 căn cứ quân đội ngày 25/8.
Chính phủ Myanmar qui trách nhiệm cho ARSA tấn công dân thường, đốt cháy rụi hơn một nửa trong 400 làng của người Rohingya ở phía bắc bang Rakhine. Myanmar nói hơn 500 người thiệt mạng trong vụ bạo lực gần đây nhất, đa số là các tay súng ARSA. Lực lượng này phủ nhận mọi cáo buộc.
Từ hàng chục năm qua, đã có sự căng thẳng giữa tín đồ Phật giáo với tộc người Rohingya. Tộc này không được công nhận là công dân Myanmar, bị xếp là di dân trái phép dù tộc này tuyên bố có nguồn cội ở bang Rakhine từ nhiều thế kỷ trước.
Tuần trước, Mỹ kịch liệt chỉ trích chính quyền Myanmar về cuộc khủng hoảng tị nạn, kêu gọi các nước không cung cấp vũ khí cho quân đội Myanmar nhưng Mỹ không dọa sẽ tái áp đặt lệnh cấm vận (đã được tạm ngưng áp dụng dưới thời Tổng thống Barack Obama).
Ngày 2/10, dự kiến có cuộc biểu tình chống phương Tây gây sức ép ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar.
Nữ Thủ tướng Sheikh Hasina của Bangladesh đã kêu gọi chấm dứt chiến tranh, lập các vùng an toàn ở Myanmar để người tị nạn có thể quay về. Bà cũng kêu gọi Ủy ban tìm kiếm sự thật Liên Hiệp Quốc đến Myanmar và kêu gọi Myanmar tuân thủ các yêu cầu giải quyết những vấn nạn ở bang Rakhine. Các yêu cầu này do một nhóm chuyên viên lập. Đứng đầu là cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan.
Myanmar không chấp nhận đón đoàn tìm hiểu sự thật Liên Hiệp Quốc nhưng năm ngoái bà Suu Kyi chọn ông Annan dẫn đầu nhóm cố vấn và đưa ra những giải pháp.
Ủy ban này đã có tài liệu trình những kiến nghị ngày 24/8 gồm xem xét lại một bộ luật kết nối quyền công dân với sắc tộc đã khiến nhiều người Rohingya bị xếp vào diện không có tổ quốc.
Ủy ban cũng đề nghị chính phủ Myanmar qui trách nhiệm với những người vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, bảo đảm quyền tự do di chuyển cho toàn bộ công dân bang Rakhine và đầu tư vào cơ sở hạ tầng như điện đường, nguồn nước sinh hoạt và tạo quyền tiếp cận internet để giúp dân bang này thoát nghèo.
Trong bài diễn văn toàn quốc hồi tháng 8, bà Suu Kyi nói sẽ thực hiện những đề nghị này.
Bích Ngọc (theo Reuters)
Miến Điện : Người Rohingya tiếp tục bỏ làng đi vượt biên (RFI, 01/10/2017)
Hơn 2000 dân làng Rohingya đang tập hợp dọc theo một vùng duyên hải Miến Điện, tìm cách vượt biển sang Bangladesh. Báo chí chính thức Miến Điện, sau một thời gian im lặng, bắt đầu đưa tin về số phận sắc dân thiểu số bị ngược đãi.
Thuyền nhân Rohingya trong đêm ngày 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh. Reuters
Theo nhật báo Nhà nước Global New Light of Myamar được AFP trích dẫn hôm thứ Bảy 30/09/2017, trong tuần đã có hơn 2000 người Rohingya kéo về bờ biển làng Lay Yin Kwin, chờ cơ hội vượt biển. Các bức ảnh cho thấy từng nhóm phụ nữ, trẻ em ngồi trên bãi cát dưới sự canh chừng của cảnh sát. Cảnh sát Miến Điện cho biết họ đã ngăn chận khoảng 20.000 dân Rohingya vượt qua biên giới sang Bangladesh.
Cũng theo nhật báo này, các viên chức chính phủ thuyết phục dân Rohingya ở lại với lời trấn an là cuộc sống của họ được an ninh và bảo đảm. Tuy nhiên, các dân làng trả lời là họ "dứt khoát đi Bangladesh".
Tình trạng người Rohingya tiếp tục bị truy bức đã gây tổn hại cho uy tín của bà Aung San Suu Kyi, Nobel Hoà Bình 1991, nay là người nắm thực quyền dân sự tại Miến Điện nhưng bị quân đội chi phối. Liên Hiệp Quốc lên án chính quyền Miến Điện "thanh lọc sắc tộc".
Theo AFP, đại học Anh Quốc danh tiếng Oxford thông báo quyết định gỡ bức chân dung của người sinh viên cũ "Aung San Suu Kyi" cất đi , thay thế bằng một bức tranh của một danh họa người Nhật, Yoshihiro Takada.
Từ năm 1964 đến 1967, sinh viên Aung San Suu Kyi, theo học các môn chính trị, kinh tế và triết học tại Oxford.
Tú Anh
*************************
Gần 90 NGO lên án quân đội Miến Điện phạm "tội ác chống nhân loại" (RFI, 30/09/2017)
Miến Điện tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng người Rohingya. AFP ngày 29/09/2017 cho biết gần 90 tổ chức phi chính phủ, NGO, lên án các "tội ác chống nhân loại" nhằm vào sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya, và yêu cầu Liên Hiệp Quốc xem xét khả năng cấm vận vũ khí đối với Miến Điện.
Thuyền nhân Rohingya trong đêm 29/09/2017 vào được đất liền gần Cox's Bazar, Bangladesh.Reuters
Trong một thông cáo chung, 88 tổ chức phi chính phủ, trong đó có những tổ chức bảo vệ nhân quyền uy tín trên thế giới như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc Tế. khẳng định "Những bằng chứng mới đang xuất hiện cho thấy rõ ràng các hành động tàn bạo của lực lượng an ninh Miến Điện là những tội ác chống nhân loại".
Các tổ chức phi chính phủ nói trên đề nghị Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết về Miến Điện, đồng thời yêu cầu Hội Đồng Bảo An xem xét một cách nghiêm túc việc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân đội Miến Điện và có các biện pháp trừng phạt những cá nhân chịu trách nhiệm trong các vụ phạm tội ác đối với thường dân.
Thông cáo của các tổ chức phi chính phủ cũng kêu gọi các nước "ngừng ngay lập tức viện trợ và hợp tác quân sự với Miến Điện".
Trong khi đó Liên Hiệp Quốc cho biết, ít nhất có 60 người Rohingya, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em từ Miến Điện vượt biên giới qua Bangladesh đã bị chết hoặc mất tích trong vụ đắm phà trong vịnh Bengal.
Hôm 28/09/2017, Hội Đồng Bảo An đã mở phiên họp đầu tiên về tình hình Miến Điện kể từ khi cuộc khủng hoảng người Rohingya nổ ra cuối tháng 8. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng yêu cầu Miến Điện ngừng các chiến dịch quân sự, tạo điều kiện cho cứu trợ nhân đạo người Rohingya và tổ chức hồi hương người tị nạn. Hội Đồng Bảo An tới đây sẽ xem xét hồ sơ Miến Điện theo đề nghị của Pháp, chủ tịch luân phiên của Hội đồng trong tháng 10.
Anh Vũ
******************
LHQ yêu cầu Miến Điện cho tiếp cận nhân đạo giúp người Rohingya (RFI, 29/09/2017)
Lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, thảm họa người Rohingya được thảo luận tại Hội Đồng Bảo An. Theo Liên Hiệp Quốc, từ tháng 08/2017 đến nay, khoảng nửa triệu người đã phải chạy sang Bangladesh để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc công khai nói đến khả năng trừng phạt các quan chức Miến Điện có liên quan trong hồ sơ này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres trong phiên họp Hội Đồng Bảo An về khủng hoảng Rohingya, New York 28/09/2017. TIMOTHY A. CLARY / AFP
Từ New York, thông tín viên Marie Bourreau gửi về bài tường trình :
"Đó là một ác mộng nhân đạo và một ác mộng đối với các quyền của con người. Tổng thư ký Antonio Guterres đã tóm tắt tình hình như vậy. Vào lúc Rangoon lấy cớ thời tiết xấu để hủy chuyến thị sát của phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại bang Rakhine, được dự kiến vào ngày hôm qua, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc lại một lần nữa yêu cầu Miến Điện phải cho phép tiếp cận nhân đạo, không được ngăn cản.
Ông nói : Trong những ngày vừa qua, chính quyền Miến Điện đã nhiều lần tuyên bố là chưa đến lúc để có thể cho tiếp cận nhân đạo và không bị cản trở. Thật sự là rất đáng tiếc vì tình hình tại đây có những nhu cầu lớn. Liên Hiệp Quốc cần phải được phép đến ngay lập tức những vùng bị tác động.
Phiên họp công khai này cũng là dịp để gia tăng áp lực đối với Rangoon. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố : "Không nên lo sợ khi gọi đúng tên các hành động của chính quyền Miến Điện. Đó là một chiến dịch quân sự tàn bạo và liên tục ở nước này nhằm thanh lọc một sắc tộc thiểu số. Và chính quyền lãnh đạo cấp cao tại Miến Điện lẽ ra phải hổ thẹn về những hành động này".
Rangoon đã điều cố vấn an ninh quốc gia đến dự phiên họp. Quan chức này bác bỏ danh từ thanh lọc chủng tộc và bảo đảm rằng đó chỉ là một chiến dịch chống khủng bố. Ông ta cũng hứa hẹn sẽ cho các tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc được tiếp cận nhân đạo ngay từ thứ Hai tuần tới, đồng thời mời tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tới đánh giá tình hình tại chỗ".
RFI tiếng Việt
***********************
Hồ sơ Rohingya : Trung Quốc ủng hộ Miến Điện vì lợi ích kinh tế (RFI, 29/09/2017)
Trong khi quốc tế phản đối việc chính quyền Miến Điện trấn áp người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở bang Rakhine, thậm chí Liên Hiệp Quốc còn coi đó là chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính phủ nước này lại có được sự ủng hộ quý giá của Trung Quốc. Hồi giữa tháng 09/2017, ngoại trưởng Trung Quốc phát biểu là Bắc Kinh "ủng hộ các nỗ lực của Miến Điện để gìn giữ sự ổn định và phát triển của đất nước". Đó là vì Bắc Kinh muốn duy trì các dự án kinh tế khổng lồ tại bang Rakhine, thêm vào đó vùng này lại nằm trên trục "con đường tơ lụa mới".
Cố vấn Nhà nước, ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi và thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqianging) tại lễ ký các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, Trung Quốc, 18/08/2016 Reuters
Hồi tháng 04/2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cho trải thảm đỏ đón tiếp đồng nhiệm Miến Điện Htin Kyaw và nhấn mạnh phải triển khai ngay lập tức các dự án hợp tác then chốt, trong đó có dự án "đặc khu kinh tế Kyaukpya". Kyaukpya là một thành phố thuộc bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nằm cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội nhất khoảng 200km về phía nam.
Là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Miến Điện, trong những năm qua, Trung Quốc đã củng cố vị thế tại miền tây nước này, nơi sinh sống chủ yếu của người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Bang Rakhine có tầm quan trọng sống còn đối với Bắc Kinh vì Trung Quốc muốn đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn dầu và khí ga tự nhiên từ Trung Đông tới tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc, để tránh phải đi qua eo biển Malacca, nằm giữa Malaisia và Indonésia.
Vào tháng 04/2017, sau bảy năm lắp đặt, đường ống dẫn dầu khồng lồ nối từ bang Rakhine - Miến Điện tới tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đã được hoàn thành. Theo cơ quan chủ quản, tập đoàn Nhà nước Trung Quốc CNPC, Miến Điện đã đầu tư 1,2 tỉ đô vào công trình trên, còn Bắc Kinh đầu tư 1,24 tỉ đô la.
AFP cho biết, theo số liệu của tập đoàn nhà nước CITIC của Trung Quốc, trong khuôn khổ dự án "Con đường tơ lụa mới", từ nay tới năm 2038, Bắc Kinh phải đầu tư hơn 9 tỉ đô la vào một cảng nước sâu ở Kyaukpya và vào một khu kinh tế 1000ha.
Bà Sophie Boiseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á, thuộc Viện Quan Hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định là các "dự án kinh tế quy mô lớn" nói trên của Bắc Kinh chính là chìa khóa để chính quyền Miến Điện có được sự ủng hộ của Trung Quốc.
Đối với lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, phát triển kinh tế là vấn đề then chốt tại bang Rakhine, một trong những bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ đói nghèo lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ đói nghèo bình quân của cả nước.
Hồi tháng 01/2016, phó chủ tịch tập đoàn CITIC của Trung Quốc đã từng nới tới việc "chia lãi dự án cho Miến Điện và người dân địa phương", xây dựng 50 bệnh viện tư và 50 trường học tại vùng này. Tuy nhiên, cho tới nay, các lời hứa của phó chủ tịch tập đoàn CITIC vẫn chưa được thực hiện.
Còn bà Alexandra de Mersan, nhà nghiên cứu của Viện Quốc Gia Về Ngôn Ngữ và Văn Minh Phương Đông (INALCO), một chuyên gia về Miến Điện cho AFP biết : "Các dự án khổng lồ của Trung Quốc tại bang Rakhine khiến người dân địa phương vô cùng bất mãn vì họ không thấy bất cứ một hệ quả tích cực nào". Theo một báo cáo hồi tháng 08/2017 của Ủy ban quốc tế về Miến Điện, do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lãnh đạo, lợi nhuận của các dự án kinh tế thường rơi vào tay chính quyền Naypyidaw và các doanh nghiệp nước ngoài, và hậu quả là chính phủ Miến Điện bị dân chúng coi là lợi dụng, bóc lột người dân.
Cũng như nhiều vùng khác ở Miến Điện, dưới lòng đất tại bang Rakhine rất giàu khoáng sản, nhiên liệu, đặc biệt là khí đốt. Đối với nhiều chuyên gia, xung đột hiện nay có liên quan tới các lợi09/2017) ích kinh tế, chứ không chỉ đơn thuần liên quan tới tôn giáo.
So với các khu vực khác, cho tới khi cuộc xung đột sắc tộc xảy ra, đất đai ở bang Rakhine vẫn không bị những người thân cận với chính quyền dân sự chiếm đoạt nhiều. Nhưng nay thì mọi chuyện đã thay đổi, bởi vì theo nhà xã hội học Saskia Sassen, đất đai ở bang Rakhine đã trở nên quý giá do có các dự án đầu tư của Trung Quốc. Và chính quyền quân sự Miến Điện rất quan tâm tới mảnh đất mà người Rohingya buộc phải bỏ lại để chạy trốn khỏi cuộc trấn áp của chính quyền.
Thùy Dương
**********************
Rohingya : Miến Điện cho các tổ chức nhân đạo LHQ vào vùng Rakhine (RFI, 28/09/2017)
Vào lúc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mở cuộc họp về hồ sơ người Rohingya, ngày 28/09/2017, Miến Điện trên nguyên tắc cho phép một số các tổ chức nhân đạo đến bang Rakhine, nơi xảy ra xung đột từ cuối tháng 8/2017, gần một nửa triệu người Rohingya phải di tản sang Bangladesh. Nhưng theo tin giờ chót, họ đã hoãn chuyến đi này do thời tiết xấu.
Cố vấn an ninh quốc gia của Miến Điện Thaung Tun sau cuộc họp về tình hình người Rohingya tại Đại Hội Đồng LHQ ngày 18/09/2017. Reuters/Stephanie Keith
Trong cuộc họp báo ngày 27/09/2017 từ New York, đại diện Liên Hiệp Quốc, Stéphane Dujarric hy vọng đây là "bước đầu" thể hiện thiện chí của chính quyền Miến Điện, cho dù nhân viên Liên Hiệp Quốc sẽ được "hộ tống" đến bang Rakhine.
Nhiều tổ chức nhân đạo trực thuộc Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Rangun đã được lệnh rời khỏi bang Rakhine vào tháng 08/2017 khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch tấn công phe nổi dậy người Rohingya, với hậu quả là hàng trăm ngàn người thuộc sắc tộc thiểu số Hồi giáo này phải chạy sang biên giới Bangladesh lánh nạn. Trong suốt một tháng qua, các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế liên tục yêu cầu được quay trở lại vùng đang có xung đột.
Có nhiều nguồn tin tố cáo quân đội Miến Điện đốt phá làng mạc của người Rohingya và gài mìn dọc theo đường biên giới với Bangladesh để ngăn cản gần 500.000 triệu người tị nạn quay trở về.
Phía quân đội từ đầu tuần thông báo tìm thấy nhiều hố chôn tập thể tại những ngôi làng của người Ấn Độ giáo trong khu vực và tố cáo các phần tử nổi dậy người Rohingya là thủ phạm sát hại hơn 50 dân làng. Lực lượng vũ trang ARSA của người Rohinga "cực lực" bác bỏ những cáo buộc trên.
Thể theo yêu cầu của 7 quốc gia, trong đó có Anh, Pháp và Mỹ, chiều nay, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An họp bàn về hồ sơ người Rohingya dưới sự chủ tọa của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres.
Thanh Hà
Chính phủ Myanmar sẽ quản lý các ngôi làng bị đốt phá (RFA, 27/09/2017)
Chính phủ Myanmar sẽ đảm nhận việc tái thiết các ngôi làng bị thiêu rụi trong đợt giao tranh giữa phiến quân Hồi giáo Rohingya và quân đội chính phủ.
Một ngôi làng của người Rohingya bị đốt ngày 31/8/2017. AFP
Tờ Global New Light of Myanmar dẫn lời ông Win Myat Aye, Bộ trưởng Phúc lợi Xã hội, Cứu trợ và Tái định cư Myanmar nói rằng theo luật của quốc gia này thì những khu vực bị thiêu rụi sẽ thuộc phạm vi quản lý của chính phủ. Ông cũng cho biết quá trình tái thiết sẽ diễn ra một cách hiệu quả vì theo luật thì chính phủ sẽ trực tiếp giám sát hoạt động xây dựng lại các khu vực xảy ra thảm họa hay giao tranh.
Biện pháp tái thiết được nói có thể sẽ khiến hơn 480 ngàn người Rohingya đang lánh nạn trở lại quê hương của họ. Tuy nhiên, ông Aye nói rằng chính phủ chưa có kế hoạch hay phương thức cụ thể nào để đưa những người này trở về.
Ảnh vệ tinh cho thấy có khoảng 400 ngôi làng của người Rohingya tại bang Rakhine đã bị đốt cháy trong các vụ xung đột.
***********************
Khai quật những mộ tập thể Ấn Giáo ở bang Rakhine (RFA, 27/09/2017)
Quân đội Myanmar vào ngày 27 tháng 9 tổ chức chuyến đầu tiên cho báo chí đến tại khu vực nơi có những mộ tập thể tín đồ Ấn Giáo được khai quật hồi đầu tuần này.
Thân nhân của 23 nạn nhân bị sát hại trong vụ quân ARSA tấn công làng Ấn Giáo hôm 25/8. AFP
Trong khi đó công tác tìm kiếm 50 tín đồ Ấn Giáo bị sát hại được tiếp tục được tiến hành. Những người chứng kiến vụ việc cho hãng tin AFP biết cuộc đổ máu xảy ra bên ngoài làng Ấn Giáo ở Kha Maung Seik miền bắc bang Rakhine. Số này được nói bị sát hại trong cuộc tấn công của Đội quân Cứu thế Arakan Rohingya ngày 25 tháng 8 vừa qua.
Một người địa phương tên Fwaira Bazar kể lại rằng ngày xảy ra cuộc tấn công, một nhóm người đeo mặt nạ đã ập tới khu vực người Ấn giáo sinh sống, đánh đập và bịt mắt người dân rồi chở họ vào rừng. Theo lời những người địa phương thì bọn khủng bố đã giết hại hơn 100 người, rồi đào hố chôn thi thể họ.
Chiến dịch đáp trả của quân đội Myanmar đối với đợt tấn công của phiến quân Rohingya được nói khiến hằng trăm người thiệt mạng và gần nửa triệu người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo phải chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Liên Hiệp Quốc cho rằng chiến dịch của quân đội Myanmar là tảo thanh sắc tộc. Tuy nhiên phía Myanmar bác bỏ cho rằng họ chỉ ra tay trấn dẹp những phần tử khủng bố quá khích Rohingya.
***************
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tố cáo Myanmar phạm tội ác chống nhân loại (RFA, 26/09/2017)
Myanmar đang phạm tội ác chống lại nhân loại qua các chiến dịch tảo thanh đối với phiến quân nổi dậy Hồi giáo tại bang Rakhine.
Những người tị nạn Hồi giáo Rohingya chờ được phát thức ăn bởi quân đội Bangladesh tại trại tị nạn Balukhali gần Gumdhum vào ngày 26 tháng 9 năm 2017. AFP
Đây là nội dung trong thông cáo báo chí của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch công bố vào ngày 26 tháng 9. Đồng thời tổ chức này cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hãy áp đặt các biện pháp chế tài cùng lệnh cấm vận vũ khí đối với Myanmar.
Phát ngôn nhân Chính phủ Miến Điện phản đối cáo buộc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, nói rằng không có một bằng chứng nào cho việc cáo buộc này và Chính phủ Myanmar luôn cam kết bảo vệ nhân quyền.
Miến Điện cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc rằng các lực lượng của Chính phủ tham gia vào việc tảo thanh sắc tộc chống người Hồi giáo Rohingya nhằm đáp trả các cuộc tấn công của phiến quân nổi dậy người Rohingya nhắm vào các lực lượng an ninh hồi ngày 25 tháng 8 vừa qua.
Giám đốc Chính sách Pháp lý của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, James Ross, nói rằng quân đội Miến đang trục xuất người Rohingya ra khỏi bang Rakhine một cách dã man. Các vụ đốt phá và thảm sát dân làng hàng loạt đã đẩy người dân phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn là tất cả tội ác chống lại loài người.
Hiện đã có gần 440 ngàn người chạy sang Bangladesh tị nạn, phần lớn là người Rohingya. Những người này cáo buộc các lực lượng an ninh truy đuổi người Rohingya ra khỏi quốc gia đa số người theo Phật giáo ở Myanmar.
Cuộc khủng hoảng về người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện bắt đầu gây bất hòa giữa các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, một khối mà cho tới nay vẫn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Biểu tình trước sứ quán Miến Điện tại Kuala Lumpur, Malaysia, phản đối các hành động ngược đãi người Rohingya tại Miến Điện-Reuters
Sự rạn nứt này được thể hiện qua việc Malaysia hôm Chủ nhật, 24/09/2017, đã phản bác một bản tuyên bố của Philippines, chủ tịch luân phiên của ASEAN. Theo quan điểm của Kuala Lumpur, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không trình bày đúng "thực tế của tình hình" và không xác định rõ ràng người Rohingya Hồi giáo là một trong những cộng đồng gánh chịu hậu quả của bạo lực tại Miến Điện, quốc gia có đa số dân là người Phật giáo.
Cho tới nay, chính quyền Miến Điện vẫn dứt khoát không sử dụng từ "Rohingya", cho rằng người Hồi giáo ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, không phải là một sắc tộc thiểu số của nước này, mà chỉ là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Kể từ khi một nhóm vũ trang Rohingya tấn công các đồn biên phòng của Miến Điện ngày 25/08, và quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa, hơn 400 người đã thiệt mạng và 430 000 người Rohingya đã vượt biên sang lánh nạn ở Bangladesh. Liên Hiệp Quốc đã lên án "một cuộc thanh lọc sắc tộc" ở Miến Điện.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức ASEAN buộc phải lên tiếng. Theo các nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Philippines và chính phủ Malaysia, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, các nhà ngoại giao cao cấp và các ngoại trưởng ASEAN đã có thảo luận về nội dung bản tuyên bố của chủ tịch ASEAN trước khi bản tuyên bố này được công bố. Nhưng theo lời hai quan chức chính phủ Malaysia, các ngoại trưởng ASEAN đã không đạt được đồng thuận về hồ sơ này. Một trong hai quan chức nói trên cho biết tuyên bố của chủ tịch ASEAN "không phản ánh những quan ngại" của phía Malaysia về cuộc khủng hoảng Rohingya. Bản tuyên bố này lên án các vụ tấn công vào lực lượng an ninh Miến Điện và lên án "mọi hành động bạo lực gây thiệt hại tính mạng thường dân, phá hủy nhà cửa và khiến nhiều người dân phải tản cư".
Ngoại trưởng Anifah Aman của Malaysia, quốc gia có đa số dân là Hồi giáo, hôm Chủ nhật đã yêu cầu Miến Điện phải chấm dứt "những hành động tàn bạo" đã gây ra "thảm họa nhân đạo quy mô lớn". Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia cho rằng Miến Điện "phải tìm ra những giải pháp dài hạn và vững chắc cho gốc rễ của xung đột", ám chỉ là phải giải quyết vấn đề người Rohingya.
Khủng hoảng Rohingya trong thời gian qua đã khiến dư luận Malaysia, nơi có đa số dân là Hồi giáo, rất bất bình, nhiều người đã xuống đường để lên án Miến Điện và ủng hộ người Rohingya. Bộ Ngoại Giao Malaysia đã từng triệu đại sứ Miến Điện lên để bày tỏ bất bình về sự ngược đãi người Rohingya. Không chỉ có Malaysia, mà Indonesia, quốc gia khác có đa số dân là Hồi giáo, cũng đã có phản ứng mạnh về khủng hoảng Rohingya. Trong tháng này, tổng thống Jokowi Widodo đã mở họp báo đột xuất vào một ngày Chủ nhật để lên án những bạo lực nhắm vào người Rohingya, đồng thời thông báo đã cử ngoại trưởng đến gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Khủng hoảng Rohingya có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực của ASEAN trong nhiều năm qua để đưa Miến Điện hội nhập hoàn toàn vào khối này. Khủng hoảng ở Miến Điện cũng đang làm rạn nứt thêm nền tảng vốn không mấy vững chắc của ASEAN, trong khi khối này đã bất đồng sâu đậm về vấn đề Biển Đông và nói chung là về đối sách trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Thanh Phương
*****************
Cập nhật tình hình liên quan người tỵ nạn Rohingya (RFA, 25/09/2017)
Quân đội Miến Điện tiếp tục thực hiện những cuộc hành quân tại bang Rakhine để truy lùng quân khủng bố Hồi Giáo Rohingya, đồng thời tìm kiếm xác của những người theo Ấn Giáo bị khủng bố sát hại.
Trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện hôm 25/09/2017. AFP
Các bản tin chúng tôi thu thập được cho hay binh sĩ Miến đã tìm thấy mồ chôn 28 người theo Ấn Giáo bị khủng bố Rohingya giết chết hồi tuần trước, trong khi cư dân địa phương cho hay số người bị giết có thể lên đến hơn 100 người.
Trong lời tuyên bố được ghi trên Facebook, Tư Lệnh Quân Đội Miến là Tướng Min Aung Hlaing viết rằng những người Ấn Giáo là nạn nhân của bọn khủng bố Hồi Giáo Rohingya, nhắc lại cam kết sẽ tiêu diệt bọn gian để ổn định tình hình.
Lực lượng khủng bố đang bị quân đội Miến Điện truy lùng có tên là Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, là nhóm đã mở cuộc tấn công nhắm vào những đồn cảnh sát và một căn cứ quân sự Miến hôm 25 tháng Tám vừa rồi, khởi đầu cho những cuộc giao tranh với quân đội chính phủ, dẫn đến việc 435.000 ngàn người thiểu số Rohingya phải chạy lánh nạn, phần lớn sang Bangladesh xin tá túc.
Trong bản thông cáo phổ biến sáng ngày 25 tháng 9, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo dịch tiêu chảy có thể xày ra ở các trại tỵ nạn vì điều kiện an toàn vệ sinh quá tệ.
Cuối tuần trước, Tổ Chức Bác Sĩ Không Biên Giới cũng đưa ra cảnh báo tương tự, nói rắng các trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện đang ở trong tình trạng được gọi là thảm họa về sức khỏe cộng đồng.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Misbah Uddin Ahmet, viên chức đặc trách y tế của Bangladesh cho biết quân đội nước này đang cố gắng tối đa để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tỵ nạn Rohingya.
Cũng vào sáng 25 tháng 9, Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết tôn trọng quyết định của chính phủ Malaysia, liên quan đến bản tuyên bố mà Phi cho phổ biến hôm thứ Bảy tuần trước tại New York về tình trạng bất ổn đang xảy ra ở bang Rakhine, Miến Điện.
Bản tuyên bố được chính phủ Phi đưa ra tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN viết rằng các nước thành viên của tổ chức lên án việc quân khủng bố mở các cuộc tấn công nhắm vào những đơn vị an ninh Miến, và tất cả những hành vi bạo động gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, phá hủy nhà cửa của dân chúng và đẩy cư dân tới chỗ phải chạy lánh nạn.
Ngay sau đó, chính phủ Malaysia lên tiếng yêu cầu rút tên khỏi bản tuyên bố, nói rằng những lời lẽ được chính phủ Phi đưa ra không nêu đúng sự thật đang xảy ra ở Miến Điện.
Ngoại Trưởng Malaysia, ông Anifah Aman, nói rõ chính phủ nước ông lên án hành động khủng bố của Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, nhưng đồng thời cáo buộc chính phủ Miến đã để yên cho quân đội mở chiến dịch thanh lọc sắc tộc nhắm vào tập thể Hồi Giáo Rohingya.
********************
ASEAN ‘rạn nứt’ vì Malaysia và Myanmar bất đồng (VOA, 26/09/2017)
ASEAN một lần nữa bất đồng ý kiến sau khi Malaysia nói tuyên bố của Philippines, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN hiện nay, là sai lệch thực tế về làn sóng lánh nạn gồm 430 ngàn người sắc tộc Rohingya từ Myanmar.
Người tị nạn Rohingya chờ nhận vật phẩm cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh.
ASEAN, gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, là một trong những vùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ lâu đã phải đối phó với những quyền lợi mâu thuẫn trong việc giải quyết những vấn đề như việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya hiện nay.
"Philippines, với tư cách nước Chủ tịch, dung chấp việc phát biểu công khai những ý kiến khác biệt", Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố ngày 25/9.
Động thái này cho thấy một "mức độ chín chắn mới" trong việc đẩy mạnh những nguyên tắc đồng thuận của ASEAN khi đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền lợi quốc gia, tuyên bố nói.
Malaysia đã có lập trường rõ ràng "trong vài cuộc họp của ASEAN" tại New York, Bộ ngoại giao Philippines nói, tuy nhiên cũng phải chú ý đến quan điểm của những quốc gia thành viên khác.
Ngày 24/9, Malaysia không đồng ý với tuyên bố của chủ tịch ASEAN vì tuyên bố này không biểu hiện đúng "thực tế của tình hình" và không công nhận người Rohingya là một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng.
Myanmar bác bỏ cụm từ Rohingya, cho rằng những người Hồi Giáo tại bang Rakhine phía tây Myanmar không phải là một sắc tộc mà là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.
Các nhà ngoại giao cao cấp và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thảo luận về nội dung của tuyên bố bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trước khi công bố, các nguồn tin của Bộ ngoại giao Philippines và chính phủ Malaysia nói.
Tuy nhiên, các Ngoại trưởng ASEAN không đạt được đồng thuận, theo hai giới chức chính phủ Malaysia biết rõ về các cuộc thảo luận này.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN do Philippines công bố không phản ánh những quan ngại của Malaysia, một trong những giới chức này nói và yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Trước đây Malaysia đã có lần bác bỏ tuyên bố tương tự về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine phía tây Myanmar, nhưng phản ứng của Malaysia hôm 24/9 là điều bất ngờ vì ASEAN có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.
Myanmar phải ngưng "việc tàn sát đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo", Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 24/9 tuyên bố.
"Phải tìm ra những giải pháp lâu dài và có thể thực hiện được đối với nguồn gốc của xung đột", ông nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, bất đồng ý kiến của Malaysia chỉ phản ánh sự căng thẳng trong khối ASEAN, theo nhận xét của ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Malaysia.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ASEAN lên án những cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Myanmar và "tất cả các hành vi bạo động đưa đến kết quả là thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị hủy hoại và nhiều người phải lìa bỏ nơi ăn chốn ở".
Có hơn 400 người thiệt mạng và 430.000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi bang Rakhine. Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Rohingya hôm 25/8 vào các vị trí quân đội và cảnh sát đã khiến cho quân đội Myanmar mở những cuộc tấn công mà Liên hiệp quốc gọi là "hủy diệt sắc tộc thiểu số".
****************
Miến Điện : Phát hiện hố chôn tập thể 28 tín đồ Ấn giáo (RFI, 25/09/2017)
Lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hôm qua 24/09, trên tài khoản Facebook của mình đã thông báo phát hiện một hố chôn tập thể của 28 tín đồ Ấn giáo và cáo buộc những "kẻ khủng bố" người Rohingya đã thực hiện cuộc thảm sát.
Tín đồ Ấn giáo tại một trại đón tiếp người tị nạn ở gần Maungdaw, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 30/08/2017 - Reuters
Theo AFP, phát ngôn viên của chính quyền dân sự Miến Điện Zaw Htay cũng đã lên tiếng khẳng định cuộc thảm sát "dựa trên những nhân chứng sống sót tị nạn tại Bangladesh".
Hố chôn tập thể này được phát hiện gần làng Kha Maung Seik, tại vùng Maungdaw thuộc bang Rakhine, tây bắc Miến Điện, nơi bùng phát cuộc đàn áp của quân đội đối với sắc dân thiểu số theo Hồi giáo Rohingya cách đây vài tuần, khiến khoảng 430000 người phải tị nạn ở Bangladesh.
Lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo tại địa phương Ni Maw cho biết, cuộc thảm sát đã xảy ra từ ngày 25/08 khi có khoảng vài trăm người nổi loạn Rohingya tấn công vào làng của tín đồ Ấn giáo.
Đây là lần đầu tiên một hố chôn tập thể được tìm thấy ở Miến Điện kể từ khi bạo lực diễn ra.
Duy Anh
Khủng hoảng Rakhine : Suu Kyi đối mặt với áp lực quốc tế (BBC, 20/09/2017)
Aung San Suu Kyi đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng tăng đối với việc xử lý bạo lực tại bang Rakhine và khủng hoảng người tị nạn Rohingya.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề vì không có phản ứng gì trước cuộc khủng hoảng Rohingya
Trong một bài phát biểu hôm thứ Ba, bà lên án những vụ lạm quyền nhưng không đổ lỗi cho quân đội hoặc giải quyết những cáo buộc thanh lọc sắc tộc.
Các nhà lãnh đạo và giới ngoại giao từ một số quốc gia đã bày tỏ sự thất vọng mạnh mẽ với lập trường của bà.
Hơn 400.000 người Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh từ cuối tháng Tám.
Tình trạng bất ổn mới nhất ở Rakhine xảy ra do các vụ tấn công chết người tại các đồn cảnh sát trên khắp bang Rakhine vào tháng trước.
Nhiều người bị giết trong một cuộc đàn áp quân sự sau đó và có những cáo buộc về việc các ngôi làng bị đốt cháy và người Rohingya bị đuổi đi.
Trong bài diễn toàn quốc đầu tiên về cuộc khủng hoảng gần đây, bà Suu Kyi nói :
- Không có xung đột hoặc hoạt động đuổi người ở miền bắc kể từ ngày 5 tháng Chín
- Hầu hết người Hồi giáo đã quyết định ở lại và điều này cho thấy tình hình không nghiêm trọng
- Chính phủ đã có những nỗ lực trong những năm gần đây để cải thiện điều kiện sống cho tất cả mọi người ở Rakhine bao gồm cả người Hồi giáo
- Tất cả người tị nạn sẽ được phép trở lại sau một quá trình xác minh.
Nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi trước nói rằng bà không sợ "sự giám sát của quốc tế" về cách chính phủ của bà xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya ngày càng trầm trọng.
Bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bìn, hôm 19/9 nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.
Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.
Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.
Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch" và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.
Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về "hòa giải dân tộc và hoà bình".
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi "có cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.
***********************
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm 19 tháng 9 đưa ra lời kêu gọi đòi chính phủ Myanmar phải nhận lại khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh vì chiến sự ở bang Rakhine, Myanmar.
Những người tị nạn Rohingya từ bang Rakhine của Myanmar đang chờ đợi sự trợ giúp tại thị trấn Teknaf của Bangladesh vào ngày 12 tháng 9 năm 2017. AFP
Nói với những nhà hoạt động người Bangladesh tại New York nơi bà Hasina đến dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bà Hasina cho biết chính phủ Bangladesh đã đưa ra yêu cầu này với Myanmar, đòi hỏi Myanmar phải đảm bảo an toàn cho những người tị nạn Hồi giáo đồng thời không được tra tấn, đàn áp họ. Bà Hasina cho biết hiện Bangladesh đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao để thuyết phục Myanmar làm điều này.
Tuy nhiên theo Thủ tướng Bangladesh, cho đến lúc này chính phủ Myanmar vẫn không đáp trả lại những lời kêu gọi của Bangladesh, thay vào đó Myanmar còn cho rải mìn dọc theo biên giới nhằm ngăn không cho những người Rohingya quay trở lại.
Trước đó, lãnh tụ Myanmar bà Aung San Suu Kyi có bài phát biểu công khai trên truyền hình nói rằng Myanmar sẽ chỉ nhận lại những người Hồi giáo Rohingya đã được đăng ký với chính phủ Myanmar.
Từ trước đến nay, chính phủ Myanmar vẫn luôn coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh và không cho họ nhập quốc tịch.
Trong khi đó, tại Bangladesh, quân đội nước này đang gia tăng nỗ lực giúp đỡ những người tị nạn Rohingya vào lúc mùa mưa đang đến.
Ông Obaidul Quader, một Bộ trưởng thuộc đảng Awami League đang nắm quyền ở Bangladesh cho báo chí biết quân đội sẽ được triển khai ngay lập tức đến Cox’s Bazar nơi có hơn 400.000 người tị nạn Rohingya. Quân đội sẽ giúp xây các nơi trú ẩn, nhà vệ sinh cho người tị nạn hiện còn đang phải ngủ ngoài trời dưới mưa.
Ngoài ra quân đội Bangladesh cũng có nhiệm vụ đảm bảo trật tự và giúp đỡ trong các hoạt động cứu trợ tránh những tình trạng náo loạn, dẫm đạp lên nhau khi thực phẩm và đồ cứu trợ được đưa xuống từ các xe tải.
Mới đây chính phủ Bangladesh cũng cho biết nước này sẽ lập thêm một khu vực mới có thể chứa tới 400.000 người tị nạn trong vòng 10 ngày.
Cũng tại Bangladesh, hàng trăm tín đồ Ấn Giáo đang hướng đến Ấn Độ, nước láng giềng với Bangladesh, với hy vọng tìm được nơi trú ngụ mới.
Hiện có khoảng gần 500 tín đồ Ấn Giáo đang ở trong một trang trại gà đã dọn tại một làng của người theo Ấn giáo ở vùng đông nam Bangladesh, chỉ cách nơi những người tị nạn Rohingya đang trú khoảng hơn 3 cây số.
Những người tị nạn Ấn Giáo cũng chạy từ Myanmar sang Bangladesh để tránh chiến sự và bây giờ họ nói họ không muốn quay trở lại Myanmar vì lo sợ. Nhưng họ cũng không muốn ở lại trên đất Bangladesh nơi người Hồi giáo chiếm đa số.
Hiện chính phủ Ấn Độ không gây khó dễ cho việc xin quốc tịch đối với những cộng đồng thiểu số đến từ Bangladesh hay Pakistan, dù đó là tín đồ Ấn Giáo, Phật giáo hay Thiên chúa giáo.
Tuy nhiên chính phủ Ấn Độ của Thủ tướng Modi chưa có bình luận gì về mong muốn của những người tị nạn Ấn Giáo trên đất Bangladesh. Hiện chính phủ Ấn vẫn còn đợi phán quyết của tòa Tối cao liên quan đến một khiếu nại về kế hoạch trục xuất khoảng 40.000 người Rohingya khỏi nước này.
Bạo lực tại bang Rakhine của Mynamar những tuần qua cũng khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại và kêu gọi chính phủ Myanmar phải có nỗ lực đảm bảo ổn định.
Tân Hoa Xã hôm 20 tháng 9 trích lời của Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nói với người đồng nhiệm Indonesia Retno Marsudi ở New York rằng nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là giảm căng thẳng càng sớm càng tốt, tránh gây nguy hiểm đến người dân vô tội, ngăn chặn sự lan rộng của khủng hoảng nhân đạo, kêu gọi và giúp đỡ chính phủ Myanmar và Bangladesh tìm kiếm giải pháp cơ bản qua đối thoại và tham vấn. Ông cho rằng vấn đề người Rohingya tại Myanmar đã có từ rất lâu và đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm.
Ông Vương Nghị nói Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng với cộng đồng quốc tế trong khủng hoảng tại Myanmar.
***********************
Thủ lĩnh đánh bom tại Indonesia bị tù 11 năm (RFA, 20/09/2017)
Một phiến quân người Indonesia có liên can với nhóm Hồi giáo IS bị một tòa án tại nước này vào ngày 20 tháng 9 tuyên án 11 năm tù với cáo buộc âm mưu tấn công vào một buổi đổi gác ở dinh tổng thống tại Jakarta.
Chiến binh Indonesia Muhammad Nur Solikin bị kết án 11 năm tù ở tòa án Jakarta vào ngày 20 tháng 9 năm 2017 - AFP
Bị cáo thứ hai bị tuyên sáu năm tù giam. Hãng thông tấn AP đưa tin Muhammad Nur Solihin, và Agus Supriyadi đã bị bắt cùng với hai phiến quân khác bao gồm cả vợ của Solihin vào tháng 12 năm ngoái, chỉ một ngày trước khi âm mưu tấn công được thực hiện.
Bồi thẩm đoàn gồm ba thành viên tại phiên xử cho rằng hành động của các bị cáo không thể chấp nhận là việc làm của con người và vi phạm luật chống khủng bố của Indonesia.
Vào tháng trước vợ của Solihin, tên Dian Yulia Novi, dự tính đánh bom tự sát, bị tuyên án 7 năm rưỡi tù giam. Một phụ nữ khác, Tutin, bị tuyên 3 năm rưỡi vì tội khuyến khích Novi thực hiện hành động đánh bom tự sát. Indonesia là đất nước có số tín đồ Hồi Giáo đông nhất thế giới và chính quyền Jakarta cho tiến hành biện pháp cấm đối với hoạt động thánh chiến kể từ vụ đánh bom ở Bali vào năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng.
Thay vì tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, lãnh đạo Myanmar là bà Aung San Suu Kyi phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng về sắc tộc và sáng Thứ Ba 18, bà đã lần đầu tiên đọc bài diễn văn chính thức về vụ khủng hoảng, bùng nổ từ ngày 25 tháng trước khiến hơn 40 vạn người Rohingya theo Hồi giáo phải lánh nạn qua xứ khác. Bài diễn văn vẫn không thỏa mãn nhiều người và các tổ chức quốc tế kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế với Myanmar. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….
Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn toàn quốc ở Naypyidaw hôm 19/9/2017. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ khủng hoảng về sắc tộc tại Myanmar kéo dài gần một tháng và gây xúc động cho dư luận thế giới khi mấy chục vạn dân Rohingya phải lánh nạn sau khi mấy ngàn ngôi làng của họ bị đốt cháy. Một số tổ chức quốc tế khiển trách người lãnh đạo là bà Aung San Suu Kyi và kêu gọi biện pháp trừng phạt kinh tế xứ này. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng sự xúc động khiến nhiều người đặt sai bài toán, trút trách nhiệm lên một vị nữ lưu và càng gây thêm khó khăn cho xứ Mymanmar, mà ngày xưa ta gọi là Miến Điện. Muốn hiểu tại sao thì ta cần trở ngược lên bối cảnh gần xa của vấn đề.
Thứ nhất, dù có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, Myanmar là một quốc gia khó cai trị nhất thế giới. Nằm giữa hai cường quốc có ảnh hưởng văn hóa chính trị của Châu Á là Trung Hoa và Ấn Độ, Miến Điện chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc, nation-state. Lãnh thổ xứ này là một thách đố cho lãnh đạo vì bị địa dư chia cắt thành hai vùng rừng núi hiểm trở của nhiều sắc tộc và tôn giáo từ hai ngả Đông Tây nhìn xuống bình nguyên phì nhiêu của sông Irrawaddy ở giữa. Các cường quốc cấp vùng, như Ấn Độ tại hướng Tây, Trung Quốc ở mạn Bắc và cả Thái Lan ở phía Đông đều tìm cách khai thác tình trạng bất thường ấy qua các sắc tộc thiểu số và góp phần gây thêm xung đột. Vì vậy, sau khi có độc lập từ 70 năm trước, lãnh đạo Miến mới cần quân đội mạnh để bảo vệ chính quyền trung ương và đối ngoại thì tìm cách tự cô lập để ngăn ngừa ảnh hưởng ngoại bang. Thời Chiến tranh lạnh, từ 1949 trở đi, ảnh hưởng ngoại bang còn là các nhóm dân quân cộng sản do Trung Quốc đào tạo và huấn luyện. Những vụ xung đột đầu tiên mà bùng nổ là do hoạt động của các tổ chức cộng sản đó.
Nguyên Lam : Ông,vừa nêu một nghịch lý trong bối cảnh địa dư và lịch sử của Myanmar. Nhưng thưa ông, vì sao ông nói là xứ này chưa khi nào là một nước trong ý nghĩa quốc gia dân tộc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là về kinh tế chính trị, Miến Điện còn lãnh một di sản dã man khác của Đế quốc Anh : trăm năm trước, nước Anh đưa dân Ấn vào phụ trách phần vụ kinh tế, cho sắc dân đa số là người Miến một ít quyền hạn chính trị và hành chánh, nhưng lại dùng các sắc dân thiểu số vây quanh vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quân sự. Chỉ sau khi Anh bị Nhật đánh bại trong Thế chiến II, dân Miến mới được quyền tham gia vào lĩnh vực quân sự và từ đó mới dần dần xuất hiện các thế hệ sĩ quan hay tướng lãnh lên cầm quyền sau này. Ách độc tài quân phiệt là hiện tượng đáng chê trách, nhưng có nguyên nhân sâu xa trong lịch sử và dẫn tới hậu quả là càng bị quốc tế cô lập vì nạn độc tài thì xứ này càng lệ thuộc vào một cường quốc có tham vọng bành trướng là Trung Quốc !
Nguyên Lam : Tức là giới tướng lãnh phải chấp nhận dân chủ hóa để khỏi bị quốc tế tẩy chay mà càng trôi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, nhưng phải chăng là họ vẫn không muốn bị mất quyền và vẫn giữ quân đội trong tay ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, từ 1962 đến 2011, Miến Điện trải qua nửa thế kỷ nội chiến giữa chế độ quân phiệt và lực lượng võ trang của các sắc tộc đòi ly khai. Sau đấy, giới tướng lãnh nhượng bộ dần và đề nghị ngưng bắn trên toàn quốc đổi lấy quyền lợi kinh tế và chính trị cho các sắc tộc thiểu số. Nhưng tiến trình ấy còn nhiều bất trắc và sau khi Liên minh Quốc gia cho Dân chủ (National League for Democracy) của mình đại thắng vào năm 2015, bà Aung San Suu Kyi phải làm một lúc hai việc : thỏa hiệp với quân đội để từng bước dân chủ hóa xứ sở trong khi xây dựng nền móng chính trị bền vững hơn cho quốc gia qua việc hội nhập sắc tộc.
Lãnh thổ xứ này có hơn hai chục nhóm thiểu số võ trang, với vài trăm tới vài vạn tay súng, đang hùng cứ các vùng biên giới và coi đó là chủ quyền chính đáng của họ. Từ cuối năm 2015, chế độ quân phiệt đề nghị một tạm ước ngưng bắn với tám tổ chức, mà có bảy tổ chức vẫn từ chối tham gia, chưa kể nhiều lực lượng mạnh nhất tại vùng biên giới Hoa-Miến thì không được mời vào vòng đàm phán vì họ đang chiếm đóng các khu vực trọng yếu và rộng lớn nhất.
Đa số các nhóm võ trang này đều có đặc tính sơn cước, giỏi du kích chiến, được trang bị võ khí tinh nhuệ. Họ còn có ưu thế địa dư là có thể vượt biên giới để bảo toàn lực lượng khi bị tấn công và lợi thế kinh tế là kinh doanh ma túy để tìm nguồn tài trợ. Trong hoàn cảnh đó, một số lực lượng võ trang này chưa thấy sự nhượng bộ của Chính quyền trung ương, từ các tướng lãnh hay từ bà Aung San Suu Kyi, là đủ hấp dẫn. Khi so sánh các tướng lãnh thì đảng đa số hiện nay là Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi tương đối đáng tin cậy hơn trong đề nghị hòa giải. Hậu thuẫn của quốc tế cho vị nữ lưu này cũng là sức mạnh đáng kể. Vì vậy, trong khung cảnh vẫn còn tranh tối tranh sáng, nhiều nhóm thiểu số đang suy tính lợi hại. Họ có thể tham gia sinh hoạt chính trị thay vì dùng giải pháp bạo động quân sự.
Nguyên Lam : Bây giờ lại bùng nổ vụ khủng hoảng vì dân Rohingya và bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế khiển trách. Thưa ông, đầu đuôi của vụ khủng hoảng này là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Miến Điện có 135 sắc dân, gom thành tám nhóm lớn, theo các tôn giáo khác nhau, như Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và cả Thiên Chúa giáo. Đa số dân Miến thì theo Phật giáo Nguyên thủy, bên trong nhiều người cực đoan chủ trương là chỉ Phật giáo mới có tinh thần dân tộc và biết bảo vệ bản sắc quốc gia. Trong các sắc dân, người Rohingya có vài triệu, đa số theo Hồi giáo, nhưng cũng theo tôn giáo khác, và sống tập trung trong tỉnh Rachine tại vùng Tây-Bắc bên cạnh xứ Bangladesh nhìn ra Vịnh Bengal. Nghịch lý ở đây là họ không được luật pháp coi là công dân Miến Điện như các sắc dân kia.
Từ thành phần này mới có lực lượng xưng danh là "Giải phóng quân Rohingya tại Arakan", viết tắt là ARSA, họ đấu tranh võ trang để được công nhận quy chế công dân. Lực lượng ấy chỉ có chừng 500 tay súng, nhưng cuối Tháng Tám lại tấn công 30 đồn binh của Miến nên gặp sự trả đũa dữ dội của quân đội. Xã hội Miến có nhiều người không ưa và thậm chí kỳ thị dân Rohingya, nhưng họ có quyền bỏ phiếu. Bà Aung San Suu Kyi lâm thế kẹt là nếu đả kích tinh thần cuồng tín này thì họ dồn phiếu cho tổ chức chính trị của giới tướng lãnh là đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển (Union Solidarity and Development Party - USDP), gọi là để bảo vệ quyền lợi và bản sắc dân tộc khiến cho tiến trình dân chủ hóa chính trị rồi tư nhân hóa kinh tế theo đuổi từ 25 năm nay sẽ gặp trở ngại.
Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra vì sao ông nghĩ rằng việc trừng phạt kinh tế Miến Điện chưa chắc là đã có lợi. Ông kết luận thế nào về chuyện rắc rối này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ biện pháp trừng phạt kinh tế ít công hiệu khi có quá nhiều kẽ hở và rốt cuộc nạn nhân sau cùng vẫn là người dân thấp cổ bé miệng. Thứ hai, nhiều lãnh đạo Hồi giáo nhảy vào đả kích Miến Điện do nhu cầu chính trị ở nhà chứ cũng chưa có giải pháp cụ thể nào cho dân Rohingya. Trong khi đó, có ba cường quốc lại tỏ vẻ bênh vực Miến Điện là Liên bang Nga, Trung Quốc và Ấn Độ là do an ninh và quyền lợi của họ. Nga thì sợ nạn Hồi giáo ly khai ngay bên trong lãnh thổ. Trung Quốc thì muốn kéo Miến Điện vào kế hoạch Con Đường Tơ Lụa của họ, trong khi Ấn Độ muốn tranh thủ Miến Điện để ngăn đà bành trướng của Trung Quốc vào Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Kết luận của tôi là sự bi quan dành cho dân Rohingya trong thời gian tới.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 20/09/2017
Aung San Suu Kyi lên án vi phạm nhân quyền ở bang Rakhine (VOA, 19/09/2017)
Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, lên án các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra ở bang Rakhine ở miền tây, nơi bạo lực còn tiếp diễn đã khiến hơn 400.000 người thiểu số Hồi giáo Rohingya bỏ chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong những tuần gần đây.
Lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, phát biểu qua truyền hình hôm 19/9/2017.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu được mong đợi trước quốc dân từ thủ đô Naypyitaw hôm 19/9, khôi nguyên giải Nobel Hoà bình đã tránh bàn về những lời quy trách nhiệm cho các lực lượng an ninh của Myanmar, họ bị cáo buộc đã "thanh lọc sắc tộc" nhằm vào người Rohingya.
Bà Aung San Suu Kyi bị quốc tế chỉ trích mạnh mẽ vì đã không lên tiếng quyết liệt về tình hình khủng hoảng.
Bà nói với một nhóm các nhà ngoại giao nước ngoài rằng nước bà không sợ sự giám sát chặt chẽ của quốc tế, và bà đảm bảo rằng mọi vi phạm nhân quyền hoặc "những hành động làm suy yếu sự ổn định và hòa hợp" sẽ bị xử lý "phù hợp với các quy định tư pháp nghiêm ngặt".
Nhà phân tích độc lập Richard Horsey nói với VOA rằng bà Aung San Suu Kyi phải giữ thăng bằng giữa mối quan tâm của quốc tế về nỗi thống khổ của người Rohingya và các cảm xúc dân tộc chủ nghĩa trong đa số dân theo đạo Phật ở trong nước.
Ông nói : "Tôi nghĩ nội dung của bài phát biểu đã thể hiện rất rõ rằng bà cảm thấy bà phải hết sức thận trọng đi trên ranh giới rất mong manh giữa những quan điểm của đa số người dân Myanmar mà thực sự trái ngược hoàn toàn với phần lớn cộng đồng quốc tế".
Bên lề cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hôm 18/9, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ, Anh và các nước khác quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Rakhine đã kêu gọi chấm dứt bạo lực và muốn có các biện pháp để giảm bớt nỗi thống khổ của người tị nạn Rohingya.
Đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley cho biết đã có một "cuộc họp hữu ích về tình hình rất xấu", bà cũng nói không thấy có cải thiện nào ở chính nơi những người Rohingya phải bỏ chạy sang Bangladesh.
Đại sứ Haley phát biểu : "Cộng đồng quốc tế cam kết tìm một giải pháp để chấm dứt cuộc khủng hoảng này và mang lại hòa bình, ổn định cho bang Rakhine cũng như phần còn lại của Myanmar. Hoa Kỳ tiếp tục thúc giục chính phủ Myanmar kết thúc các hoạt động quân sự, cho phép những người làm công việc nhân đạo được tiếp cận, và cam kết hỗ trợ việc thường dân trở về nhà an toàn".
******************
Rohingya Miến Điện : Aung San Suu Kyi lên án các vụ "vi phạm nhân quyền" (RFI, 19/09/2017)
Nhà lãnh đạo Miến Điện hôm nay 19/09/2017 phát biểu trước Quốc Hội ở Naypyidaw - một bài diễn văn rất được chờ đợi về cuộc khủng hoảng người Rohingya tại bang Arakan - vài giờ trước khi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khai mạc. Trong khi quân đội Miến Điện bị tố cáo "thanh lọc chủng tộc", bà Aung San Suu Kyi chỉ bày tỏ lòng thương cảm những thường dân bị nạn, và lên án các vụ vi phạm nhân quyền.
Bà Aung San Suu Kyi đọc diễn văn gửi đến quốc dân về hồ sơ Rohingya, ngày 19/09/2017 tại Naypyidaw, thủ đô Miến Điện. Reuters/Soe Zeya Tun
Giải Nobel Hòa Bình, bị chỉ trích vì sự im lặng lạnh lùng suốt ba tuần qua, đã kêu gọi chấm dứt sự chia rẽ giữa Phật giáo và Hồi giáo. Bài diễn văn trên truyền hình bằng tiếng Anh và không được phụ đề tiếng Miến Điện, là một thông điệp hòa dịu gởi đến cộng đồng quốc tế. Bà Suu Kyi nói sẵn sàng tổ chức cho những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh quay về Miến Điện, nhưng không cho biết những tiêu chí cụ thể.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Rémy Favre tường trình :
Bà Aung San Suu Kyi bày tỏ lòng thương cảm đối với những người đang gánh chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo, nói rằng hết sức xúc động. Nhưng đồng thời bà cũng có những tuyên bố rất cứng rắn, nghi ngờ lý do khiến người Rohingya chạy trốn.
Bà nói rằng bạo lực đã chấm dứt từ hai tuần qua tại bang Arakan, nhưng những người Hồi giáo ở vùng này vẫn tiếp tục bỏ trốn, và đặt câu hỏi tại sao. Bà cố ý giảm nhẹ tầm mức của cuộc khủng hoảng, khẳng định đại đa số người theo đạo Hồi tại bang Arakan không di tản.
Trong khi đó Liên Hiệp Quốc loan báo có trên 400.000 người tị nạn, và nếu tính từ một năm qua thì con số đó là nửa triệu người, tức phân nửa dân số Rohingya tại Arakhan.
Bà Aung San Suu Kyi nêu ra giải pháp một cách chung chung. Bà khẳng định sẽ áp dụng những khuyến cáo của ủy ban do cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan lãnh đạo.
Ông Annan dự kiến trao quyền công dân cho người Rohingya, nhưng bà cố vấn đặc biệt nói rằng một số khuyến cáo sẽ được ưu tiên, và số khác thì còn phải chờ đợi, mà không cho biết cụ thể.
Các tổ chức nhân quyền tiếp tục chỉ trích
Amnesty International hôm nay tố cáo bà Aung San Suu Kyi thực hiện "chính sách con đà điểu" trước thảm trạng của người Rohingya ở bang Rakhine. Tổ chức phi chính phủ này khẳng định : "Có những bằng chứng hiển nhiên là lực lượng an ninh đã lao vào một chiến dịch thanh lọc chủng tộc", và tỏ ý tiếc là giải Nobel Hòa Bình không nhắc đến vai trò của quân đội trong cuộc khủng hoảng.
Cũng trong hôm nay, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền đòi hỏi phải được vào Miến Điện để làm nhiệm vụ mà không bị ngăn trở. Chủ tịch ủy ban điều tra, ông Marzuki Darusman tuyên bố trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève : "Điều quan trọng đối với chúng tôi là được tai nghe mắt thấy tại những nơi được cho là xảy ra bạo lực, được trực tiếp nói chuyện với những người liên quan và chính quyền".
Thụy My
*******************
Anh, Pháp kêu gọi lãnh tụ Suu Kyi chấm dứt bạo lực (RFA, 19/09/2017)
Hai nước Anh và Pháp vào ngày 18 tháng 9 lên tiếng kêu gọi lãnh tụ Aung San Suu Kyi của Myanmar cần có thêm biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực do quân đội tiến hành chống lại người sắc tộc thiểu số Rohingya ở bang Rakhine.
Một ngôi làng của người Rohingya ở Myanmar bị đốt cháy. AFP
Tin cho biết từ cuối tháng 8 vừa qua, quân đội Myanmar tiến hành phản công sau những cuộc tấn công do những thành phần vũ trang nổi dậy tại bang Rakhine.
Thống kê của chính phủ Myanmar nói có chừng 400 người thiệt mạng trong đợt bạo loạn này. Ngoài ra còn có hơn 410 ngàn người sắc tộc Hồi giáo Rohingya phải trốn chạy sang Bangladesh.
Hai vị ngoại trưởng Pháp và Anh khi có mặt tại New York, Hoa Kỳ để tham gia kỳ họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lên tiếng thúc giục lực lượng an ninh Myanmar phải chấm dứt bạo lực, bảo bảm việc bảo vệ cho thường dân và cho phép các nhóm nhân đạo đến làm công tác.
*******************
Điều tra Liên Hiệp Quốc yêu cầu được tự do đến Myanmar (RFA, 19/09/2017)
Các viên chức Liên Hiệp Quốc điều tra về nhân quyền vào ngày 19 tháng 9 nêu rõ họ cần được đến Myanmar một cách đầy đủ, không bị giới hạn để tiến hành công tác điều tra cuộc khủng khoảng nghiêm trọng đang xảy ra tại quốc gia này.
Ông Marzuki Darusman, trưởng phái đoàn tìm hiểu được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, phát biểu với Hội Đồng Nhân Quyền hôm 19/9/2017.- AFP
Ông Marzuki Darusman, trưởng phái đoàn tìm hiểu được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, phát biểu với Hội Đồng Nhân Quyền rằng cần phải đến tận nơi để tìm hiểu sự thật về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Myanmar.
Ông này cho biết đang chờ sự cho phép của Myanmar để đến đất nước này.
Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc thành lập phái đoàn hồi tháng ba với mục tiêu điều tra về những cáo giác vi phạm tại Myanmar ; đặc biệt tập trung vào những cáo giác về tội ác chống lại người sắc tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine.
Vào ngày 19 tháng 9, chỉ ít giờ sau khi lãnh tụ Aung San Syu Kyi có bài phát biểu về vấn đề Rohingya, đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc Htin Lynn lên tiếng về quan điểm của Naypyidaw đối với phái đoàn điều tra của Liên Hiệp Quốc là không chấp thuận.
Ông này cho rằng biện pháp thành lập một phái đoàn như thế không ích lợi gì trong việc giải quyết khủng hoảng phức tạp tại bang Rakhine.
***********************
Bà Suu Kyi có bài diễn văn hôm 19/9.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình nói bà đọc bài diễn văn này vì bà không thể đi dự họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này.
Suu Kyi nói bà muốn cộng đồng quốc tế biết những gì chính phủ của bà đang làm để giải quyết tình hình.
Bà lên án mọi vi phạm nhân quyền và cho biết bất cứ ai chịu trách nhiệm về những vụ ngược đãi tại Rakhine đều bị đưa ra tòa.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói : "Trung Quốc phản đối bạo lực tại khu vực Rakhine và thấu hiểu những nỗ lực của chính phủ Miến Điện nhằm duy trì sự ổn định của nước này".
Ông Vương cũng nói thêm rằng Myanmar và Bangladesh nên giải quyết những vấn đề trước mắt thông qua đối thoại và tham vấn.
Bà Suu Kyi bị chỉ trích nặng nề khi 400.000 người Rohingya đã chạy trốn bạo lực sang Bangladesh.
Bạo lực gần đây nổ ra sau cuộc tấn công có vũ trang bị quy trách nhiệm cho các chiến binh Rohingya nhắm vào đồn cảnh sát ngày 25/8.
Cuộc đàn áp của quân đội tiếp theo sau bị Liên Hiệp Quốc gọi là thanh lọc sắc tộc.
Quân đội nói rằng các chiến dịch của họ ở bang Rakhine nhằm mục đích triệt hạ các chiến binh và bác việc nhắm mục tiêu là dân thường.
Nhưng các nhân chứng từ Rohingya, những người đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh, nói ngược lại.
Bà Suu Kyi trước đó tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng đang bị bóp méo bởi "những thông tin sai lệch" và cho biết những căng thẳng đang lan rộng nhờ tin giả.
Bà cũng hủy chuyến đi dự họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, và nói rằng bà có bài diễn văn hôm 19/9 về "hòa giải dân tộc và hoà bình".
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với BBC, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, cảnh báo bà Suu Kyi "có cơ hội cuối cùng" để ngăn chiến dịch tấn công quân sự.
********************
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch vào ngày 18 tháng 9 lên tiếng kêu gọi thế giới áp dụng lệnh trừng phạt lên quân đội Myanmar vì đã đẩy khoảng hơn 400.000 người Hồi giáo Rohingya ra khỏi nước này trong một chiến dịch được Liên Hợp quốc gọi là ‘thanh lọc sắc tộc’.
Những người tị nạn từ Myanmar đến các trại tị nạn ở Cox's Bazar, Bangladesh. AFP
Tuyên bố của tổ chức này đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc và các nước quan tâm nên áp đặt lệnh trừng phạt và cấm bán vũ khí đối với quân đội Myanmar, đồng thời phong tỏa tài sản và cấm đi ra nước ngoài những quan chức quân đội Myanmar có liên quan đến chiến dịch thanh lọc.
Lời kêu gọi này được đưa ra giữa lúc Đại hội đồng Liên Hợp quốc chuẩn bị họp ở New York để bàn về vấn đề khủng hoảng ở Myanmar.
Đợt khủng hoảng mới ở Mynamar bắt đầu từ ngày 25 tháng 8 ở bang Rakhine khi một nhóm những người Rohingya nổi dậy tấn công vào một số đồn cảnh sát và doanh trại quân đội Myanmar, giết chết 12 người.
Quân đội Myanmar sau đó đã đáp trả và khiến hơn 400.000 người Rohingya phải chạy đi lánh nạn sang nước láng giềng Bangladesh.
Hãng tin Reuters hôm 18 tháng 9 cho biết hàng trăm người tị nạn Rohingya tiếp tục đến Bangladesh bằng thuyền nhỏ trong các ngày chủ nhật và thứ hai. Những người này cho biết quân đội Myanmar đã đốt phá nhà cửa và giết hại người Rohingya. Nhiều người tị nạn còn cho biết có những thường dân là người theo đạo Phật ở bang Rakhine cũng tham gia những cuộc tấn công nhắm vào người Rohingya.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 80 làng của người Hồi giáo tại bang Rakhine đang bị cháy và xác nhận thông tin các bằng chứng về những vụ đốt phá của người theo đạo Phật đối với làng và nhà cửa của người Hồi giáo Rohingya.
Chính phủ Myanmar bác bỏ những cáo buộc này và đổ lỗi cho những kẻ nổi dậy Hồi giáo đã gây ra bạo lực tại bang Rakhine.
Myanmar hiện cũng không cho các nhân viên trợ giúp nhân đạo và phóng viên vào khu vực đang xảy ra chiến sự.
Trong khi đó tại thủ đô Dhaka, Bangladesh, khoảng 20.000 người Hồi giáo theo đường lối cứng rắn đã xuống đường tuần hành để phản đối bạo lực chống lại người Rohingya ở Myanmar.
Những người biểu tình mặc áo trắng hô to khẩu hiệu Thượng đế là toàn năng. Họ tập trung bên ngoài một nhà thờ hồi giáo lớn nhất Bangladesh và dự định sẽ bao vây tòa đại sứ của Myanmar tại Bangladesh.
Trước đó, vào thứ 6 tuần trước, khoảng 15.000 người biểu tình ở Bangladesh đòi hỏi chính phủ phải có chiến tranh với Myanmar nơi người theo đạo Phật chiếm đa số, vì tội diệt chủng đối với người Hồi giáo Rohingya.
Trước khi bạo lực xảy ra ở Myanmar hôm 25 tháng 8, đã có ít nhất khoảng 300.000 người tị nạn Rohingya ở Bangladesh, trong các trại tị nạn có điều kiện tồi tệ trên biên giới với Myanmar.
Toà tối cao Ấn Độ hôm 18 tháng 9 bắt đầu xem xét một khiếu nại phản đối quyết định của chính phủ trục xuất khoảng 40.000 người Hồi giáo Rohingya từ Myanmar vì lo sợ những người này là mối đe dọa cho an ninh của Ấn Độ.
Khiếu nại này được nộp lên tòa hôm thứ sáu tuần trước thay mặt cho 2 người Rohingya hiện đang sống ở một trại tị nạn ở New Dehli sau khi chạy trốn khỏi Myanmar khoảng 5 đến 6 năm về trước.
Khiếu nại này được đưa ra sau khi một quan chức chính phủ Ấn Độ hồi tháng trước cho biết chính phủ nước này sẽ trục xuất hết tất cả những người Rohingya, kể cả những người đã được đăng ký với Liên Hợp quốc.
Phát biểu tại tòa tối cao hôm 18 tháng 9, ông Mukesh Mittal, một giới chức cao cấp của Bộ Nội vụ Ấn Độ nói tòa phải cho phép chính phủ thực hiện quyết định trục xuất vì lợi ích rộng lớn hơn của quốc gia vì một số người tị nạn Rohingya đến Ấn Độ có hồ sơ cực đoan. Ông này nói một số người Rohingya từng tham gia du kích quân ở Myanmar cũng đang hoạt động rất tích cực ở một số bang của Ấn Độ và được xác định là mối đe dọa rất nghiêm trọng và tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.
Những người Rohingya nộp đơn khiếu nại bác bỏ thông tin cho rằng họ có liên quan đến những tổ chức Hồi giáo quá khích.
Theo thống kê của Liên Hợp quốc, hiện có khoảng 16.000 người Rohingya được đăng ký ở Ấn Độ, nhưng còn rất nhiều người chưa được đăng ký. Chính phủ Ấn cho biết con số người Rohingya không có giấy tờ là 40.000 người.
Miến Điện : Aung San Suu Kyi có thật là người "thủ đoạn" ?
Lãnh đạo Miến Điện hôm nay 19/09/2017 có bài phát biểu trước toàn dân. Le Figaro và Libération nhân dịp này nhận định về thái độ im lặng khó hiểu của giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi trước số phận bi thảm của hàng trăm nghìn người Rohingya tại Miến Điện. Trên trang nhất, Le Figaro cho rằng "Aung San Suu Kyi thất bại vì thảm kịch Rohingya", trong khi đó Libération chua chát chỉ trích "Aung San Suu Kyi, một giải Nobel và một cuộc thảm sát".
Bà Aung San Suu Kyi, cố vấn đặc biệt Nhà nước Miến Điện, trước giờ phát biểu trước quốc dân trên truyền hình về khủng hoảng người Rohingya, ngày 19/09/2017 tại Naypyidaw. Reuters/Soe Zeya Tun
Bài xã luận của Libération không kém phần cay nghiệt khi đề tựa "Thủ đoạn". Từng được xem là một gương mặt tiêu biểu chống sự tàn bạo ở Miến Điện, một con người cao cả, cam đảm, bị truy bức… nói tóm lại bà có đủ các phẩm chất để xứng đáng được trao giải Nobel. Vậy mà nay bà Aung San Suu Kyi đã từ chối nhìn nhận thực tế về các vụ thảm sát mà nạn nhân là tộc người thiểu số Rohingya, theo Hồi giáo.
"Thủ đoạn" là vì bà đã để cho những toan tính chính trị làm sụp đổ những nguyên tắc lý tưởng cần bảo vệ. Aung San Suu Kyi không chỉ phủ nhận thực tế mà còn tố cáo đó là "một núi băng thông tin giả", bất chấp các bài phóng sự, những lời thuật của nhân chứng về các vụ thảm sát.
Rõ ràng là quân đội Miến Điện đang tiến hành một cuộc thanh trừng sắc tộc. Binh lính của chế độ không chiến đấu chống quân "khủng bố", cho dù là họ đang truy đuổi những nhóm quân nổi dậy nhỏ có vũ trang đang khuấy đảo trong khu vực.
Trên thực tế, quân đội Miến Điện đang đánh vào một dân tộc "tay không tấc sắt" với một sự tàn bạo chưa từng thấy, đặc biệt là nhắm vào phụ nữ và trẻ em. Những người này bị tàn sát, bị tước đoạt, bị đuổi ra khỏi mảnh đất quê hương bằng chính những hành động bạo tàn của quân đội.
Đã đến lúc người mà từ lâu nay là biểu tượng của hòa bình và tự do trong con mắt của thế giới phải có những hành động cụ thể để chấm dứt những tội ác tày đình. Nếu không bà cũng sẽ trở thành những tên bạo chúa đạo đức giả đáng buồn, bất chấp giải Nobel Hòa bình của mình.
Aung San Suu Kyi, người hùng thảm bại
Về phần mình, Le Figaro có vẻ hòa dịu hơn, thông cảm cho những khó khăn của bà Aung San Suu Kyi. Trong một bài viết đề tựa "Quý Bà, người hùng bi thảm của nền dân chủ Miến Điện", tờ báo cho rằng lãnh đạo Miến Điện rất khó có thể thực hiện chuyển tiếp dân chủ. Quân đội nước này luôn rình rập cơ hội để có thể chiếm lại quyền hành.
Le Figaro nhận thấy các chuyên gia châu Á không có cùng quan điểm với cách nhìn của phương Tây, cho rằng những lời chỉ trích nhắm vào bà Aung San Suu Kyi là bất công. Theo nhà nghiên cứu Yeo Lay Hwee, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Singapore, "Phương Tây đã trông đợi quá nhiều vào bà ấy, và bây giờ thì họ đả kích bà không chút thương tiếc. Đó là một tầm nhìn quá ư là lý tưởng, mà không hề đếm xỉa đến thực tế phức tạp ở địa bàn".
Bởi ẩn sau thảm kịch Rohingya đó là cuộc đấu căng thẳng giữa Quý Bà và quân đội - kẻ thù số một với thách thức là tương lai cuộc chuyển tiếp nền dân chủ Miến Điện. Khủng hoảng bùng nổ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật những giới hạn của việc mở cửa dân chủ.
Bất chấp thắng lợi bầu cử của đảng Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ NLD năm 2015, quân đội Miến Điện vẫn nắm giữ ba vị trí chủ chốt trong chính phủ : Nội Vụ, Quốc Phòng và Biên Phòng, cũng như là 25% số ghế trong Nghị Viện. Bấy nhiêu cũng đủ cho quân đội Miến Điện rãnh tay thực hiện các vụ trấn áp ở bang Rakhine, với danh nghĩa an ninh quốc gia, sau một nhóm nổi dậy thuộc Quân Đội Cứu Thế Rohingya Arakan tấn công các đồn biên phòng ngày 25/08.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres buộc phải thốt lên là "Giới quân nhân vẫn nắm quyền lực". Họ vẫn là một nguồn bảo đảm thống nhất quốc gia, tại một đất nước có đến 135 sắc tộc khác nhau, luôn có nguy cơ tan rã do những lực lượng đối kháng và cuộc nội chiến triền miên ở vùng biên giới tộc người Shan.
Trong một diễn đàn, cựu thủ tướng Úc Kevin Ruud, một trong những lãnh đạo thế giới đầu tiên thúc đẩy đất nước mở cửa có nhắc lại rằng : "Rất nhiều nhà bình luận dường như quên rằng các tướng lĩnh Miến Điện vẫn có quyền Hiến định lấy lại quyền kiểm soát chính phủ bằng một cú đảo chính hợp pháp, nếu họ cho rằng trật tự đó cần phải được thiết lập lại".
Số phận của bà Aung San Suu Kyi không khác gì chuông treo mành chỉ. Đến mức mà một số người còn nhìn thấy nỗi lo một cú đảo chính bất ngờ khi bà vắng mặt trong việc bà quyết định không đến New York. Cuối cùng, Le Figaro trích phân tích của một giáo sư đại học cho rằng "Bà không thể cho phép mình đi sai một bước. Nếu bà ấy làm điều gì đó là vì có những thế lực mạnh hơn đang buộc bà ấy phải làm bất chấp giá phải trả là làm lu mờ hình ảnh của mình trên trường quốc tế".
Người Hmong tại Lào kêu cứu ?
Kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, năm 1975, số phận của cộng đồng người Hmong – người Mèo – ít được cộng đồng quốc tế chú ý tới. Báo Le Monde có bài "Tại Lào, trận chiến cuối cùng của người Hmong". Một nhóm nhỏ các chiến binh người Hmong trụ lại Lào, từ hơn 40 năm qua, vẫn chiến đấu chống lại chế độ cộng sản tại Vientiane và giờ đây, họ cầu cứu sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Ngày 12/09 vừa qua, qua điện thoại, Chonglor Her, chủ tịch Đại hội thế giới của người Hmong, một hiệp hội của sắc tộc này có trụ sở tại Mỹ đã nói với Bruno Philip, phóng viên báo Le Monde rằng quân đội cộng sản Lào đã quyết định tiêu diệt họ trong vài tháng tới. Họ hầu như không còn vũ khí, đạn dược nữa và họ đang bị bao vây. Vào tháng 10 năm 2015, ông Chonglor Her đã tới cứ địa này và cho biết nhóm người kháng cự tại đây có gần 200 người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Trong chiến tranh Đông Dương, người Hmong đã hợp tác với quân đội Pháp và họ đã bị bỏ rơi sau thất bại ở Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh Việt Nam, người Hmong hợp tác với Mỹ ngăn chặn lực lượng Bắc Việt đi vòng qua Lào để tiếp viện cho Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam. Chiến tranh kết thúc, Mỹ lại bỏ rơi họ.
Trong 15 năm qua, nhiều nhà báo nước ngoài, bất chấp hiểm nguy và gian khổ, đã tiếp cận cộng đồng người Hmong đang trụ lại ở núi Phou Bia, ngọn núi cao nhất Lào, để báo động cộng đồng quốc tế về số phận của họ.
Từ nhiều năm qua, các thủ lĩnh vũ trang của cộng đồng người Hmong tại Lào không ngừng tuyên bố rằng họ đang sống những giờ phút cuối cùng, trước khi bị quân đội Lào triệt hạ. Lần này, ông Her đã khẳng định là cộng đồng người Hmong sẽ chiến đấu tới cùng và không ra hàng, nhưng đồng thời ông kêu gọi chính phủ Pháp, Mỹ và Liên Hiệp Quốc hãy cử các quan sát viên tới nơi đây để thấy rõ được tình cảnh của người Hmong và trước khi chấm dứt cuộc điện đàm, thủ lĩnh người Hmong nhắc lại : Hãy tới cứu giúp chúng tôi.
Syria : Tương lai mù mờ "Kế hoạch hòa bình của Putin"
Về thời sự quốc tế, Le Monde trên trang nhất đặt câu hỏi : "Nga làm thế nào áp đặt trật tự của họ tại Syria ?". Câu hỏi này đã được nhật báo tìm cách giải đáp qua bài phóng dài trên trang 2 có tựa đề : "Tại Syria, những mập mờ trong kế hoạch hòa bình của Putin". Tờ báo nhận thấy là trên tất cả các mặt trận, Nga đã giúp giảm được bạo lực và củng cố chế độ Damascus.
Sau khi cứu được chế độ Bachar al-Assad nguy cơ sụp đổ năm2015, rồi giúp chế độ Damascus đẩy lùi phiến quân, dập tắt hy vọng của phe đối lập qua việc tái đánh chiếm được Aleppo năm 2016, các nhân viên quân sự, ngoại giao, tình báo Nga đang nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc xung đột đã tàn phá Syria từ 6 năm qua.
Theo Le Monde, sự rút lui của Mỹ để tập trung sức lực chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, sự lu mờ của các nước dầu lửa trong khu vực do phải đối phó với cuộc xung đột tại Yemen và bất đồng nội bộ căng thẳng, sự nhích lại gần nhau giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo cơ hội cho Moskva tự do hành động, tạo dựng một kế hoạch hòa bình theo ý đồ của tổng thống Vladimir Putin.
Tờ báo điểm lại những thành công của Nga trên tất cả các lĩnh vực, quân sự, ngoại giao, hỗ trợ dân sự, tái thiết, và những lợi thế của Nga trên thực địa. Theo chuyên gia Samir al-Taqi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông, một tổ chức tư vấn gần gũi với phe đối lập Syria, Nga đã đưa hàng trăm nhân viên cố vấn và làm trung gian tới các làng mạc, thành phố mà phe đối lập đang kiểm soát. Họ cố gắng dàn xếp từng bước, với đích nhắm cuối cùng là đạt được một thỏa thuận chung liên quan đến các "khu vực giảm căng thẳng".
Le Monde cho biết Nga rất năng động trên mọi phương diện bao gồm cả nỗ lực thống nhất cái gọi là phe đối lập mà Moskva và chế độ Damascus có thể chấp nhận được. Chuyên gia Samir al-Taqi nhận định : Nga mơ tưởng đến một thỏa thuận hòa bình, bao gồm một dạng phi tập trung hóa, dựa trên các "vùng giảm căng thẳng".
Thế nhưng, quan điểm này khó tồn tại. Nga đang làm một công việc rất vất vả và không được Damascus biết ơn : đó là cố gắng tạo dựng hòa giải, nhưng Moskva không ngăn cản được chính quyền Assad và các đồng minh Iran tiếp tục cuộc chiến giành lại lãnh thổ. Khu vực giảm căng thẳng chỉ là một sự dàn dựng mang tính tiếp thị và không tồn tại lâu dài được.
Theo giới quan sát, Bachar al-Assad đang giành được thắng lợi và Putin biết rõ điều này. Do vậy, Moskva tìm kiếm một thỏa thuận trung gian, cho phép Nga thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, đồng thời vẫn có thể tuyên bố là tạo dựng được sự ổn định ở Syria. Có lẽ Nga là nước duy nhất tin tưởng vào những thỏa thuận liên quan đến các khu giảm căng thẳng, trong khi Damascus vẫn từ chối ký kết, còn Iran thì căm ghét các thỏa thuận này. Chính quyền Damascus sẽ không trao Syria cho Nga.
Trung Quốc : Khi nhà mạng "Tây du ký"
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Monde thông báo "Các tập đoàn mạng Trung Quốc trên đường chinh phục phía tây". Nhật báo thắc mắc "Các nhà mạng lớn của Trung Quốc đang cạnh tranh với Silicon Valley ra sao ?".
Sau thông báo kết quả hoạt động tuyệt vời trong quý II, hồi trung tuần tháng 8/2017, Alibaba và đối thủ Tencent, chuyên về các trang mạng xã hội và các trò chơi điện tử đã vượt ngưỡng 400 tỷ đô la giá trị cổ phiếu. Với thành tích này, Alibaba và Tencent nghiễm nhiên bước vào sân chơi "các ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cho đến lúc này chỉ dành cho các "đại gia" Mỹ : Google, Apple, Facebook, Microsoft và Amazon.
Trung Quốc giờ gần như đứng đầu trong lĩnh vực trả tiền qua mạng. Số tiền trả trên mạng trong năm 2016 đã đạt mức 5 500 tỷ đô la, cao hơn gấp 50 lần so với 112 tỷ chi trả bằng điện thoại di động tại Hoa Kỳ, theo như phân tích của văn phòng iResearch. Hầu bao "điện tử" gần như do Alibaba (Alipay) và Tencent (WeChat Pay) thống lĩnh. Thị trường tài chính mới này đã hoàn toàn làm thay đổi thói quen người tiêu dùng tại Trung Quốc.
Ngày nay người ta có thể thực hiện mọi giao dịch qua điện thoại, và thói quen này tạo thuận lợi cho sự trỗi dậy của những dịch vụ mới cho thuê xe đạp có gắn GPS mà người ta có thể scan bằng điện thoại. Tại Trung Quốc hai hãng cho thuê xe lớn đều được cả hai nhà mạng Trung Quốc hỗ trợ.
Trang nhất các báo Pháp
Đề tài chính trên trang nhất các báo Pháp tập trung chủ yếu vào tình hình trong nước. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận xét : "Gọng kềm ngân sách đang được gỡ dần cho Macron". Thâm thủng ngân sách dự báo cho năm 2018 sẽ là 2,6% GDP. Tăng trưởng gia tăng tốc độ sẽ cho phép nới lỏng các ràng buộc ngân sách đang đè nặng lên chính phủ.
Cũng liên quan đến ngân sách Pháp, Le Monde chạy tựa : "Le Maire và Darmanin bảo vệ ngân sách rạn vỡ". Trả lời phỏng vấn nhật báo, bộ trưởng kinh tế-tài chính và bộ trưởng tài chính công giải thích về những biện pháp cải cách mà chính phủ thông báo liên quan đến các lĩnh vực thuế khóa và các chính sách tài trợ xã hội…
Về phần mình, La Croix ghi nhận người dân Paris nay "Di chuyển một cách khác". Nhân dịp Paris chuẩn bị mở cuộc họp bàn tìm cách cải thiện điều kiện đi lại cho hàng triệu dân, La Croix nhìn thấy ở những nước khác đã có những cách tân trong giao thông công cộng.
Minh Anh
Ngày 17/09/2017, tư lệnh quân đội Miến Điện tướng Min Aung Hlaing, kêu gọi "toàn quốc đoàn kết" chống lại áp lực buộc công nhận sắc tộc Rohingya là người Miến Điện. Lời tuyên bố này được đưa ra hai trước thông điệp toàn quốc của bà Aung San Suu Kyi.
Thảm cảnh của người Rohingya : Mấy mẹ con trú mưa, Cox's Bazar, biên giới Miến Điện Bangladesh. Ảnh ngày 17/09/2017.Reuters
Trước sức ép của quốc tế và sau cuộc họp báo của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guteres tố cáo quân đội Miến Điện "thanh lọc" người Rohingya, tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing huy động công luận trong nước.
Trên trang Facebook, tướng Min Aung Hlaing cho rằng Miến Điện đang bị sức ép phải công nhận cộng đồng Hồi giáo Rohingya là người Miến Điện trong khi sắc tộc này, là người Bangladesh. Ông kêu gọi "toàn quốc đoàn kết kết để làm sáng tỏ sự thật" mà ông gọi là "chính nghĩa quốc gia".
Sau một thời gian im lặng và bị chỉ trích, lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi sẽ lên tiếng qua thông điệp toàn quốc vào ngày 19/09/2017.
Theo AFP, trong hồ sơ Rohingya, công luận Miến Điện đứng về phía chính phủ và quân đội.
Chiến dịch quân sự được biện minh là "hành quân gỡ mìn" đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Hơn 400.000 dân Hồi giáo chạy sang Bangladesh lánh nạn.
Cơ quan Bảo Vệ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF dự báo từ nay đến cuối năm, con số trẻ em tị nạn sẽ lên đến 600.000.
Bất chấp khủng hoảng nhân đạo, cộng đồng Phật giáo tại bang Arakan cương quyết không chấp nhận để các tổ chức nhân đạo đến cứu viện cho hàng trăm ngàn người Rohingya đang bị quân đội truy bức. Phóng sự của thông tín viên đài RFI, Rémy Favre từ Rangun :
Hơn 400 ngàn người tị tạn Rohingya. Một nửa trong số này là trẻ em. Tin Htoo Aung, chủ tịch một tổ chức phi chính phủ tại bang Arakan không chút động lòng. Ông nói "không biết trong số này có ai là quân khủng bố hay không. Chỉ có chính những kẻ khủng bố mới biết được điều đó. Đây là một cuộc khủng hoảng giữa một bên là quân đội và bên kia là quân khủng bố. Trong hoàn cảnh đó những ai không liên quan đến các hoạt động khủng bố thì không việc gì phải bỏ làng ra đi. Họ có thể ở lại".
Đối với ông Tin Htoo Aung, người Rohingya tị nạn bất hợp pháp, sống tại Miến Điện và vì thế họ phải sống tập trung trong trại. Tại bang Arakan, các tổ chức phi chính phủ bị giới hạn đi lại.
Theo phóng viên Tayzar Aung, một phật tử, ngăn cản các tổ chức nhân đạo hoạt động là điều bình thường, anh nói : "Tin tức cho thấy rằng nhiều tổ chức phi chính phủ và Liên Hiệp Quốc đều giúp đỡ những tên khủng bố. Chúng tôi phát hiện những gói lương thực của Liên Hiệp Quốc phát cho quân khủng bố. Ở đây mọi việc đều phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, tốt hơn hết, nên ngăn chận các hoạt động cứu trợ nhân đạo".
Miến Điện cấm các phóng viên đến bang Arakan. Chỉ một vài người được phép hành nghề nhà báo, nhưng luôn có nhân viên của chính quyền đi kèm".
RFI tiếng Việt
Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới, nó phát xuất từ nhiều trăm năm nay khi một đoàn người đến vùng đất lạ, nhưng nó trở thành một tấm thảm kịch chỉ vì bản tính kỳ thị của con người.
Câu chuyện của người Rohingya thực ra không phải là chuyện mới
Lịch sử của vùng đất nay được gọi là Miến Điện hay Myanmar bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 1 trước Công nguyên cho đến thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, nơi ở phía Bắc có một quốc gia của một dân tộc nói một thứ tiếng Miến-Tạng, được gọi là Pyu, và ở phía Nam là một quốc gia của người Mon, thuộc họ Mon-Khmer.
Thủ đô của người Pyu nằm ở phía cực Bắc của vùng Châu thổ sông Irrawaddy trong khi vương quốc của người Mon tập trung ở phía Nam với kinh đô nằm gần Rangoon ngày nay. Cả hai vương quốc này đều theo Phật giáo. Đến khoảng thế kỷ thứ 8 sau Công nguyên thì một nhóm người nói một thứ tiếng Miến-Tạng mới, người Burman, tìm xuống và thành lập một vương quốc mới ở Pagan (ngày nay là Bagan) trên sông Irrawaddy.
Lịch sử ghi nhận là vào khoảng thế kỷ thứ 8 và thứ 9 sau Công nguyên, vương quốc Nam Chiếu trở thành chế ngự vùng tây-nam Trung Hoa. Họ là một vương quốc cũng của một sắc người nói một thứ tiếng Miến-Tạng khác. Nam Chiếu nhiều lần đột nhập các thành phố lớn ở vùng Đông Nam Á lục địa, kể cả tấn công vào Việt Nam. Vương quốc Mon-Khmer giữ vững được nhưng vương quốc Pyu bị thất thủ. Người Burman chiếm khoảng trống chính trị đó thành lập vương quốc Pagan (Bagan). Vương quốc Pagan trở thành vương quốc mạnh nhất, thống nhất Miến Điện và thành lập một quốc gia trong đó người Burma chế ngự kéo dài cho đến ngày nay.
Pagan trở thành vương quốc tồn tại lâu nhất, bành trướng lãnh thổ trong khi liên minh với người Shan, một vương quốc của người Thái, và phân chia lục địa Đông Nam Á với vương quốc Mon-Khmer. Vương quốc này tồn tại cho đến khi bị Mông Cổ xâm lăng.
Khi cực thịnh, Pagan lừng danh thời thế kỷ 13 đến 14, đến nỗi nhà thám hiểm Marco Polo cũng đã được nghe kể lại một thủ đô của nhiều ngàn ngôi chùa, vàng son tráng lệ. Sau Pagan, Miến Điện chia thành nhiều mảnh và nhiều vương triều lên nắm quyền. Trong khi đó, một phần người Shan đi theo sông Chao Phraya thành lập vương quốc Thái đầu tiên ở Đông Nam Á ở Ayutthaya. Đây cũng là giai đoạn vùng Arakan mà nay gọi là Rakhine cũng có một vương quốc nổi lên, có lúc là đồng minh với người Miến.
Nằm dọc theo vịnh Bengal, vùng này được rặng Arakan tách rời ra khỏi miền Trung Miến Điện. Dân tộc cư ngụ ở đây đến từ vùng Nam Ấn thuộc sắc tộc Ấn-Aryan. Họ có một giai đoạn độc lập dài từ năm 327 sau Công nguyên đến năm 1784 khi vương quốc Rakhine cuối cùng, Mrauk U, bị Miến Điện chinh phục. Sự chinh phục vùng này đưa vương quốc Miến trực tiếp sát biên giới với Đế Quốc Anh ở Ấn Độ. Năm 1826, cuộc chiến Anh-Miến đầu tiên xảy ra, Miến Điện thua, phải nhượng bang Rakhine cho Anh. Rakhine từ đó trở thành một phần của tỉnh Miến Điện thuộc Ấn Độ của Đế Quốc Anh. Năm 1948, khi Anh trả độc lập cho Miến Điện thì Rakhine trở thành một phần của nước cộng hòa liên bang mới.
Trong giai đoạn độc lập kéo dài từ thế kỷ thứ 4 các vương quốc Arakan được cả các vị vua theo Hồi giáo lẫn Phật giáo cai trị. Pho tượng khổng lồ Muhamuni nay đặt ở Mandalay được người Arakan theo Phật giáo nói là của họ, bị mất vào tay người Miến khi vương quốc của họ bị xâm lăng. Trong số người Arakan, những người theo Hồi giáo được gọi là Rohingya, dựa trên cái tên lịch sử của vùng đất họ ở là vùng Rohang.
Theo Encyclopaedia Britanica, vào cuối thế kỷ thứ 20, dân số Arakan lên đến khoảng hai triệu người, khoảng 90% sống ở Miến Điện, phần còn lại sống ở Bangladesh và Ấn Độ. Đa số người Arakan hay Rakhine theo Phật giáo, nhưng khoảng 15% theo Hồi giáo và được gọi là Rohingya. Khi Miến Điện độc lập, người Rohingya được công nhận và một số được bầu vào quốc hội và chính phủ đầu tiên của Miến Điện.
Đụng độ đầu tiên giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya là vào năm 1942, giữa một đạo quân Rohingya ủng hộ quân đội Anh và người Rakhine ủng hộ quân đội Nhật. Nhưng sau độc lập, tình hình lắng dịu với một trong hai nữ dân biểu đầu tiên của quốc hội năm 1951 là người Rohingya.
Kể từ cuộc đảo chánh của quân đội năm 1962, kỳ thị đối với các sắc tộc thiểu số gia tăng. Năm 1982, Tướng Ne Win cho ra Luật Dân Tộc trong đó người Rohingya không được công nhận là một trong tám dân tộc và 135 sắc tộc dựng lên Liên bang Myanmar. Nói cách khác khoảng hơn một triệu người Rohingya đã bị tước quốc tịch, trở thành một dân tộc vô tổ quốc.
Theo sau cuộc nổi dậy năm 1988, khi nhà cầm quyền quân phiệt từ chối công nhận kết quả cuộc bầu cử, thiết quân luật được áp dụng trên toàn quốc. Trong các cuộc đàn áp, các ông tướng cũng đàn áp người Rohingya hồi năm 1991-1992. Lần đó, đã có 250.000 người bỏ chạy sang Bangladesh khiến hai quốc gia láng giềng suýt lâm chiến.
Người Rohingya bảo là họ là cư dân lâu đời của vùng miền Tây Miến Điện, và cộng đồng của họ bao gồm một sự pha trộn người đã ở vùng đất này từ thời tiền Đế Quốc Anh cộng với những người sang trong giai đoạn Đế Quốc Anh cai trị cả Miến Điện lẫn Ấn Độ.
Lập trường chính thức của chính phủ Miến Điện thì bảo họ là di dân bất hợp pháp từ Bangladesh. Chính quyền Miến không công nhận cả cái tên Rohingya, nói đến cộng đồng của họ là người Bengal. Những nhóm tranh đấu Rohingya như Tổ Chức Arakan Rohingya National Organization, đòi quyền "tự trị bên trong liên bang Myanmar".
Tình trạng pháp lý của người Rohingya đã được so sánh với tình trạng người da đen ở Nam Phi trong giai đoạn Apartheid. Trước cuộc khủng hoảng Rohingya năm 2015 và các cuộc đàn áp của quân đội năm 2016 và năm nay, dân số của họ ở Miến Điện khoảng từ 1 đến 1,3 triệu người. Không ai có con số chính xác vì kiểm kê dân số của Miến Điện không thèm đếm họ. Khu vực sinh sống chính của họ là miền Bắc Rakhine, nơi họ chiếm đến từ 80% đến 98% dân số. Sau các vụ bạo động, nhiều người Rohingya đã bỏ trốn ra khỏi Miến Điện với khoảng 900.000 người tị nạn ở Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Saudi Arabia và Pakistan. Hơn 100.000 người Rohingya ở ngay Miến Điện sống cực khổ trong những trại di tản nội địa, nơi nhà chức trách không cho rời khỏi những khu này.
Các cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc cho thấy bằng cớ ngày càng có những gia tăng xách động hận thù và thiếu bao dung tôn giáo từ những người được gọi là "Phật giáo quốc gia quá khích" chống lại người Rohingya, trong khi quân đội và công an Miến Điện đã có những "vụ xử tử không xét xử, thủ tiêu, bắt bớ không có giấy tờ, giam giữ, tra tấn, hành hạ và cưỡng bách lao động".
Sự việc chính quyền Miến Điện không công nhận người Rohingya biến họ thành khối người vô tổ quốc lớn nhất thế giới. Đạo luật công dân năm 1982 của chính quyền quân phiệt đã bỏ, không cho họ vào trong số 135 nhóm sắc tộc thiểu số được nhà cầm quyền công nhận. Việc này giới hạn khả năng người Rohingya được đi học, chữa bệnh cũng như đi lại trong và ra ngoại quốc. Có những giai đoạn nhà cầm quyền ở Rakhine áp đặt một chính sách chỉ cho họ có được hai con và giới hạn hôn nhân đa tôn.
Căng thẳng trong vùng Rakhine thường bùng lên thành bạo động khiến nhiều hàng trăm ngàn người bỏ trốn sang Bangladesh và Pakistan xin tị nạn qua nhiều đợt trong nhiều thập niên nay. Trong những năm gần đây, tin đồn về vụ hiếp dâm và sát hại một người Phật giáo dẫn đến một loạt những cuộc tấn công vào các ngôi làng Rohingya. Bạo động gia tăng là cái cớ để quân đội can thiệp và đàn áp.
Tháng Mười, 2013, hàng ngàn người đàn ông Phật giáo tổ chức tấn công có phối hợp vào các ngôi làng Hồi giáo trên toàn tỉnh Rakhine. Các tổ chức nhân quyền nói bạo động bùng lên năm 2012 và tiếp tục vào năm 2013 là những hình thức thanh lọc sắc tộc và tội ác đối với nhân loại. Một bản phúc trình năm 2013 của Human Rights Watch nói bạo động ở Rakhine là "một chiến dịch phối hợp để cưỡng bách di chuyển hoặc đuổi người Hồi giáo ra khỏi bang".
Tháng Mười năm ngoái, một cuộc nổi dậy vũ trang của người Rohingya lộ diện khi các tay quá khích của đạo quân Arakan Rohingya Salvation Army (ARSA), lúc đó còn có tên là Harakah al-Yaqin, tấn công ba đồn biên giới. Trong bốn tháng sau đó, quân đội Miến, được gọi là Tatmadaw và cảnh sát giết hàng trăm người, hiếp dâm tập thể phụ nữ và đuổi đến 90.000 người Rohingya ra khỏi làng của mình.
Đến hôm 25 tháng Tám vừa qua, đạo quân ARSA này tấn công lần nữa, vào 30 đồn cảnh sát và một căn cứ bộ binh. Phản ứng của Tatmadaw lần này còn kinh khủng hơn. Các tổ chức nhân quyền nói họ đã giết hại, thiêu hủy làng mạc, dùng trực thăng bắn thường dân. Cuộc chạy trốn sang Bangladesh lại bắt đầu, cho đến nay lên đến 400.00 người. Human Rights Watch bảo khoảng 12.000 người hầu hết dân Rakhine theo Phật giáo và những người Rohingya theo Ấn giáo cũng bị vạ lây. Nhà cầm quyền đã cấm cứu trợ nhân đạo đến bang Rakhine, khiến những ai còn lại thiếu thức ăn và nước uống.
Chính phủ của các quốc gia đa số là Hồi giáo, kể cả Indonesia, Malaysia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ quan ngại và phản đối. Hai khôi nguyên Nobel Hòa Bình, cựu Tổng Giám mục Desmond Tutu và cô Malala Yousafzai đã kêu gọi bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ trên thực tế của Miến Điện, phải có hành động.
Bà Suu Kyi, tuy cầm đầu chính phủ dân sự, không kiểm soát quân đội, cho đến nay tránh không lên tiếng. Các nhà phân tích nói là bà đang ở trong một vị thế khó xử để lên án sự đàn áp, một phần vì quyền hành chính trị lớn của quân đội, vốn có quyền hiến định giải tán chính phủ của bà và quốc hội, một phần khác đại đa số dân chúng theo Phật giáo không thích người Rohingya.
Bà Suu Kyi, nay là một chính trị gia, có thể cảm thấy là số phận của một thiểu số cần được hy sinh để bảo vệ cho sự hình thành của chế độ dân chủ mà bà mong muốn đem lại cho nhân dân Miến Điện. Nhưng một chế độ dân chủ nào cũng cần một nền tản đạo đức, khi quyền sống của người Rohingya đang bị tước đi thì cái căn bản đạo đức nền dân chủ non trẻ và Miến Điện sẽ dễ trở thành độc tài của đa số.
Ấy là chưa kể Miến Điện tự hào là một quốc gia Phật giáo, nhưng hành động của người Phật giáo Miến Điện đối với những người thiểu số thuộc một tôn giáo khác đã phản bội lại tinh thần bao dung của Phật giáo.
Lê Phan
Nguồn : Người Việt, 16/09/2017