Liên Hiệp Quốc tới Miến Điện thẩm định khả năng hồi hương người Rohingya (RFI, 13/09/2018)
Ngày 12/09/2018, các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại phía bắc bang Rakhine, Miến Điện trong khuôn khổ một thỏa thuận đạt được hồi tháng 06/2018 giữa Liên Hiệp Quốc và chính quyền Naypyidaw.
Trẻ em Rohingya tại trại Kutupalong- Bangladesh. Ảnh ngày 22/08/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Đây là lần đầu tiên các chuyên gia của Liên Hiệp Quốc được phép tiếp cận bang này kể từ khi bắt đầu các chiến dịch trấn áp của quân đội nhắm vào sắc tộc thiểu số Hồi Giáo Rohingya.
Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt giải thích :
"Chuyến công tác đầu tiên của Liên Hiệp Quốc tại phía bắc bang Arakan, Miến Điện, sẽ kéo dài trong hai tuần và hiện tại chỉ liên quan đến khoảng ba mươi ngôi làng. Trong hai tuần này, các nhóm chuyên gia sẽ tiến hành ʺcông việc thẩm địnhʺ tại khu vực có cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo chung sống.
Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là chuẩn bị cho khả năng hơn 700 000 người Rohingya đang tị nạn ở Bangladesh hồi hương. Nếu như Miến Điện tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận họ, Liên Hiệp Quốc nhiều lần bày tỏ quan ngại về điều kiện hồi hương và các cơ quan quốc tế hay các nhà báo vẫn khó tiếp cận vùng này.
Chuyến đi công tác tới bang Rakhine, mà Liên Hiệp Quốc yêu cầu từ nhiều tuần qua, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng bởi vì bản báo cáo hoàn chỉnh của Liên Hiệp Quốc, với nội dung cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội ác ʺdiệt chủngʺ nhắm vào người Rohingya, sẽ được trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong vài ngày tới.
Bà Aung San Suu Kyi có lẽ sẽ không tham dự Đại Hội Đồng. Lãnh đạo Miến Điện, đang bị chỉ trích mạnh mẽ vì sự im lặng của bà trong cuộc khủng hoảng này, đã từng phải hủy chuyến đi New York hồi năm 2017, ngay sau khi bạo lực bùng phát".
Minh Anh
*****************
Miến Điện : Aung San Suu Kyi biện minh cho việc bỏ tù nhà báo Reuters (RFI, 13/09/2018)
Hôm 13/09/2018, lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi đã biện minh cho việc kết án tù hai nhà báo của hãng tin Anh Reuters sau khi họ điều tra về vụ quân đội Miến Điện thảm sát người thiểu số Hồi Giáo Rohingya. Tuy nhiên, bà nhìn nhận là cuộc khủng hoảng, mà Liên Hiệp Quốc xem là một cuộc diệt chủng, lẽ ra có thể được xử lý tốt hơn.
Ngoại trưởng Miến Điện, Aung San Suu Kyi dự Diễn đàn Kinh tế ASEAN tại Hà Nội. Ảnh ngày 13/09/2018. Reuters/Kham/Pool
Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế ASEAN ở Hà Nội, bà Aung San Suu Kyi khẳng định hai nhà báo nói trên đã bị cầm tù "không phải bởi vì họ là nhà báo", mà là vì "tòa án đã phán quyết là họ đã vi phạm pháp luật". Đây là lần đầu tiên lãnh đạo Miến Điện bình luận về phiên xử ngày 04/09/2018, tuyên án 7 năm tù hai nhà báo Wa Lone và Kyaw Soe Oo, làm việc cho hãng tin Reuters
Mặc dù ngành tư pháp của Miến Điện không được xem là độc lập, bà Aung San Suu Kyi nói thêm : "Nếu chúng ta tin vào Nhà nước pháp quyền, họ hoàn toàn có quyền kháng án".
Tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng chỉ trích : "Một lần nữa, Aung San Suu Kyi lại sai lầm hoàn toàn. Bà không hiểu rằng Nhà nước pháp quyền có nghĩa là phải tôn trọng những bằng chứng được đưa ra trước tòa". Trong khi đó, một đại diện của Ủy ban Luật gia Quốc tế thì xem phiên xử vừa qua là "một thất bại hiển nhiên của Nhà nước pháp quyền".
Ngoài việc biện hộ cho bản án đối với hai nhà báo Reuters, lãnh đạo Miến Điện còn bác bỏ mọi cáo buộc rằng quân đội Miến Điện đang phạm tội ác diệt chủng đối với người Rohingya. Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi nhìn nhận là quân đội lẽ ra có thể "xử lý tốt hơn" cuộc khủng hoảng, đã khiến 700 000 người phải chạy sang Bangladesh lánh nạn kể từ mùa hè năm ngoái.
Thanh Phương
********************
Bà Suu Kyi bênh vực việc Myanmar bỏ tù hai nhà báo (BBC, 13/09/2018)
Lãnh đạo Myanmar bà Aung San Suu Kyi bênh vực việc Myanmar cầm tù hai nhà báo Reuters, bất chấp sự lên án của quốc tế.
Aung San Suu Kyi phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Hà Nội ngày 13/09/2018
Bà Suu Kyi nói hai phóng viên Wa Lone và Kyaw Soe Oo đã vi phạm luật pháp và việc giam cầm họ "không có gì liên quan đến tự do ngôn luận".
Cả hai nhà báo bị kết án vì sở hữu tài liệu của cảnh sát trong khi điều tra việc giết hại những người Hồi giáo Rohingya.
Bà Suu Kyi cũng nói việc quân đội Myanmar ruồng bắt người Rohingya có thể đã được xử lý một cách khác hơn.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình - không phải là tổng thống được bầu của Myanmar nhưng được xem hầu như là người thực sự lãnh đạo nước này - đã bị áp lực mạnh mẽ để bình luận về cả cuộc khủng hoảng Rohingya và gần đây hơn là việc Myanmar giam cầm các nhà báo.
Tuần này, một cơ quan có thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc cáo buộc Myanmar "đang có chiến dịch chống lại các nhà báo".
Bà Suu Kyi đã phá vỡ sự im lặng về vấn đề này hôm thứ Năm trong khi tham dự một hội nghị kinh tế quốc tế tại Việt Nam.
Trong một bài phát biểu, bà nói đây là trường hợp duy trì luật lệ và cho rằng nhiều nhà phê bình đã không thực sự đọc bản án.
Hai nhà báo này có "mọi quyền kháng cáo phán quyết của toà và chỉ ra tại sao bản án sai", bà nói.
"Bà ấy không hiểu rằng 'luật pháp' thực sự có nghĩa là tôn trọng bằng chứng được trình bày tại tòa án, hành động được đưa ra dựa trên luật được xác định rõ ràng và cân đối, và sự độc lập của tư pháp với ảnh hưởng của chính phủ hoặc lực lượng an ninh", Phó Giám đốc Châu Á Phil Robertson nói.
"Trong tất cả những điều kiện này, vụ xử các nhà báo Reuters đều không đáp ứng được".
'Bị cảnh sát cài'
Hai nhà báo của Reuters bị kết án bảy năm tù vào ngày 3 tháng 9 vì vi phạm luật bí mật của Myanmar trong khi điều tra vụ thảm sát người Rohingya bởi quân đội tại một ngôi làng có tên Inn Din.
Hai nhà báo người Myanmar, Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, bị bắt năm 2017 khi mang theo tài liệu liên quan đến vụ hành hình người Rohingya được cảnh sát cung cấp
Trong các phiên tòa trước, cả hai nhà báo đều cho rằng họ tuân thủ đạo đức truyền thông, và rằng họ bị 'cảnh sát cài'.
Hai nhà báo Wa Lone, 32 tuổi, và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi, đã thu thập bằng chứng về việc hành hình 10 người đàn ông trong làng Inn Din ở miền bắc Rakhine, Myanmar vào ngày 2/9/2017.
Theo Reuters, một nhóm nam giới người Rohingya, chạy trốn các vụ bạo lực, đến một bãi biển - nơi họ bị tách biệt riêng ra và giết chết.
Ít nhất hai người đàn ông đã bị dân làng - là các Phật tử- đánh chết, số còn lại bị quân đội bắn chết. Vào ngày 12/12, hai nhà báo được mời đến ăn tối với hai nhân viên cảnh sát - những người trao cho họ các tài liệu về vụ thảm sát.
Họ bị bắt khi vừa rời nhà hàng.
Họ bị buộc tội "sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến chính quyền và lực lượng an ninh của Rakhine". Cảnh sát cho biết thông tin đã được "mua bất hợp pháp với ý định chia sẻ với truyền thông nước ngoài".
Luật sư của hai nhà báo cho hay việc này đã được cảnh sát Myanmar dàn xếp vì muốn trừng phạt họ do đã đưa tin về vụ thảm sát.
"Chúng tôi không làm gì sai và những cáo buộc là vô căn cứ", Wa Lone nói tại tòa tuần trước.
Một cảnh sát đứng ra làm chứng, nói ông được ra lệnh cài các tài liệu vào các nhà báo.
Việc giam cầm hai nhà báo Wa Lone (trái) và Kyaw Soe Oo (phải) của Myanmar bị lên án rộng rãi
Người Rohingya đã đối mặt với việc bị phân biệt đối xử ở Myanmar trong nhiều thập niên, bị xem là những người di cư bất hợp pháp và có vấn đề từ Bangladesh.
Cuộc khủng hoảng mới nhất nổ ra khi một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo đã được đưa ra để trừng phạt một nhóm chiến binh Rohingya tấn công một số đồn cảnh sát.
Kể từ năm ngoái, ít nhất 700.000 người Rohingya đã trốn khỏi bạo lực Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.
Vào tháng Tám, một bản tường trình của Liên Hiệp Quốc cho biết lãnh đạo quân sự hàng đầu ở Myanmar phải được điều tra về tội diệt chủng ở bang Rakhine và tội ác chống lại loài người ở các khu vực khác.
Dân Rohingya bị thanh lọc : Bà Suu Kyi bị tố biện minh cho quân đội (RFI, 30/08/2018)
"Lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên từ chức thì hơn" : Tuyên bố được đưa ra hôm nay, 30/08/2018 của ông Zeid Ra'ad Al Hussein người sắp rời khỏi chức vụ Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là áp lực mới nhất của cộng đồng quốc tế nhắm vào lãnh đạo trên thực tế của chính quyền dân sự Miến Điện Aung San Suu Kyi. Bà vừa lên tiếng biện minh cho chiến dịch bị cho là thanh lọc chủng tộc của quân đội nhắm vào người thiểu số Rohingya theo Hồi giáo tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bà Aung San Suu Kyi (giữa) đến sân bay Sittwe hôm 02/11/2017, trong chuyến thăm bang Rakhine. KHINE HTOO MRATT / AFP
Chiến dịch này bị Liên Hiệp Quốc tố cáo trong một bản phúc trình công bố hôm thứ Hai, 27/08, cho rằng cần phải truy tố một số tướng lãnh Miến Điện, trong đó có người đứng đầu quân đội, về tội diệt chủng.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dĩ nhiên đã bị chính quyền Miến Điện bác bỏ, nhưng vấn đề là bản thân bà Aung San Suu Kyi đã lên tiếng biện minh cho hành động của quân đội, với những lập luận cố hữu, như chiến dịch năm ngoái chỉ nhằm chống lại những "hành vi khủng bố", và những cáo buộc nêu trong báo cáo chỉ là những lời dối trá.
Đối với vị Cao Ủy Nhân Quyền sắp mãn nhiệm, là người nắm quyền lãnh đạo trong thực tế chính quyền dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi có đầy đủ tư cách để ngăn chặn chiến dịch bị tố cáo là "thanh lọc chủng tộc" mà quân đội Miến Điện tiến hành vào năm ngoái nhắm vào người thiểu số Rohingya, điều mà bà đã không làm.
Trước những cáo buộc, theo ông Zeid Ra'ad Al Hussein, "lẽ ra bà Aung San Suu Kyi nên giữ im lặng, hay tốt hơn nữa là nên từ chức… (chứ) không cần phải biến mình thành phát ngôn viên của quân đội Miến Điện".
Thái độ thờ ơ của bà Aung San Suu Kyi đối với thảm nạn diệt chủng diễn ra trước mắt mình, thậm chí còn bênh vực các thủ phạm, đã tạo ra nhiều bất bình, với nhiều người công khai cho rằng bà không còn xứng đáng với giải Nobel Hòa Bình, và Ủy Ban trao giải Nobel cần phải thu hồi giải đã trao cho bà vào năm 1991.
Trước những luồng dư luận đó, vào hôm qua, một lần nữa, Ủy Ban Nobel Hòa Bình của Na Uy đã lên tiếng tái khẳng định không thể có chuyện thu hồi giải Nobel đã trao, vì lẽ giải được quyết định trên cơ sở thành tựu của một người vào lúc trao giải và quá trình trước đó.
Đây không phải là lần đầu tiên mà Ủy Ban Nobel Hòa Bình phải lên tiếng về vụ bà Aung San Suu Kyi bị tố cáo làm ngơ để cho người Rohingya bị thảm sát. Vào năm ngoái, chủ tịch Ủy Ban này cũng đã phải xác định rằng không thể thu hồi giải thưởng.
Tuy nhiên vai trò của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc khủng hoảng Rohingya cũng đã khiến bà mất uy tín. Tháng Ba vừa qua, Viện Bảo Tàng Holocaust (về nạn Diệt Chủng Do Thái) tại Mỹ đã tuyên bố thu hồi Giải thưởng Elie Wiesel từng trao tặng cho lãnh đạo Miến Điện vào năm 2012.
Cho đến nay, vẫn còn có người tin rằng, dù là người đứng đầu chính quyền dân sự, nhưng bà Aung San Suu Kyi không có thẩm quyền đối với quân đội.
Lập luận này vừa bị Liên Hiệp Quốc phản bác khi trong báo cáo nói rõ là bà Aung San Suu Kyi "đã không sử dụng vị trí thực tế của mình là người đứng đầu chính phủ, cũng như không dùng uy tín đạo đức của mình, để ngăn chặn hoặc dự phòng các sự kiện đang diễn ra".
Thậm chí báo cáo Liên Hiệp Quốc còn tố cáo : "Chính quyền dân sự đã truyền bá những câu chuyện sai sự thật ; phủ nhận hành vi sai trái của quân đội ; ngăn cản những cuộc điều tra độc lập... và giám sát việc phi tang bằng chứng".
Trọng Nghĩa
************
Vụ Rohingya : Aung San Suu Kyi 'lẽ ra nên từ chức' (BBC, 30/08/2018)
Thủ lĩnh nhân quyền Liên Hiệp Quốc, người sắp mãn nhiệm, nói rằng lãnh đạo của Myanmar Aung San Suu Kyi lẽ ra đã nên từ chức trước chiến dịch bạo hành của quân đội với người thiểu số Hồi giáo Rohingya vào năm ngoái.
"Bà ấy có thể đã nói này, quý vị biết đấy, tôi sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo trên danh nghĩa của đất nước nhưng không phải trong những điều kiện này".
Hôm thứ Tư, ủy ban Nobel cho biết bà Suu Kyi không thể bị tước Giải thưởng Hòa bình mà bà được trao vào năm 1991.
Aung Sun Suu Kyi đã nói gì ?
Trong khi thế giới thừa nhận rằng bà Aung San Suu Kyi, 73 tuổi, không kiểm soát quân đội, bà vẫn phải đối mặt với áp lực quốc tế là phải lên án những hành vi bạo lực mà quân đội Myanmar bị cáo buộc.
Trong nhiều thập niên, bà được ca ngợi là nữ anh hùng của cộng đồng nhân quyền - nhất là trong thời gian 16 bị năm quản thúc tại gia vì hoạt động ủng hộ dân chủ trong một chế độ độc tài quân sự tàn bạo.
Khi bạo lực bùng nổ vào năm 2012 khiến hơn 100.000 người Rohingya phải di tản, bà Suu Kyi tìm cách trấn an cộng đồng quốc tế và cam kết "tuân thủ cam kết của chúng tôi về quyền con người và giá trị dân chủ".
Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi nói cuộc khủng hoảng đang bị tin tức giả bóp méo
"Người Hồi giáo là mục tiêu của những bạo hành, nhưng nhiều Phật tử cũng chịu chung số phận" bà nói với BBC vào thời điểm đó. "Nỗi sợ hãi này là những gì đang dẫn đầu tất cả mọi rắc rối".
Bà nói rằng chấm dứt bạo lực là trách nhiệm của chính phủ, giải thích : "Đây là kết quả của sự đau khổ của chúng ta dưới chế độ độc tài".
Vào năm 2015, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử lở đất và bà trở thành lãnh đạo thực tế của Myanmar.
Khi cuộc khủng hoảng Rohingya tiếp diễn, những nhận xét của bà Suu Kyi về tình hình có xu hướng làm giảm nhẹ hoặc cho rằng mọi người đang phóng đại mức độ nghiêm trọng của bạo lực.
Lần cuối cùng nói chuyện với BBC vào tháng 4 năm 2017, bà Suu Kyi nói : "Tôi không nghĩ rằng việc thanh lọc sắc tộc đang diễn ra. Tôi nghĩ rằng thanh lọc sắc tộc là cụm quá mạnh để sử mô tả những gì đang xảy ra".
Kể từ khi bạo lực bùng phát và lan rộng bắt đầu vào tháng 8 năm 2017, bà Suu Kyi đã bỏ lỡ một số cơ hội để công khai nói về vấn đề này, bao gồm cả buổi họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York vào tháng 9 năm ngoái.
Sau đó, bà tuyên bố cuộc khủng hoảng đã bị bóp méo bởi một "tảng băng khổng lồ của thông tin sai lạc" - nhưng sau đó cũng nói bà cảm thông "sâu sắc" với sự đau khổ của "tất cả mọi người" trong cuộc xung đột.
Myanmar, bà nói, đã "cam kết một giải pháp bền vững... cho tất cả mọi cộng đồng trong quốc gia này".
Ông Zeid Ra'ad al Hussein thủ lĩnh nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Zeid Ra'ad al Hussein được biết đến với sự thẳng thừng và những bình luận của ông về Aung San Suu Kyi cũng không là ngoại lệ : Ông cay đắng chỉ trích những nỗ lực bào chữa cho quân đội Myanmar của bà.
Ít nhất bà nên giữ im lặng, ông Zeid Ra'ad nói, tốt hơn là nên từ chức và trở về thời bị quản thúc tại gia.
Những lời gay gắt, và một dấu hiệu khác cho thấy bà Aung San Suu Kyi có thể sẽ không đi vào lịch sử như một người đoạt giải Nobel Hòa bình và nhà lãnh đạo ủng hộ dân chủ, mà là một người phụ nữ không hành động trước những vi phạm nhân quyền không thể chấp nhận được.
Cuộc khủng hoảng Rohingya là gì ?
Người Rohingya là người thiểu số Hồi giáo ở Miến Điện, nơi họ bị từ chối quyền công dân và được coi là người nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh mặc dù họ đã ở đây qua nhiều thế hệ.
Quân đội Myanmar đã phát động một cuộc đàn áp ở Rakhine năm ngoái sau khi các chiến binh Rohingya thực hiện các cuộc tấn công chết người tại các đồn cảnh sát.
Hàng ngàn người đã thiệt mạng và hơn 700.000 người Rohingya đã chạy sang nước láng giềng Bangladesh kể từ tháng 8 năm 2017.
Cũng có những cáo buộc lan rộng về việc những người Rohingya bị đàn áp nhân quyền, kể cả bị sát hại tùy tiện, hãm hiếp và đốt đất trong nhiều năm qua.
**************
Hồ sơ Rohingya : Các tướng Miến Điện có thể bị tòa án quốc tế xử ? (RFI, 29/08/2018)
Một năm sau cuộc tấn công của quân đội Miến Điện nhằm vào cộng đồng người thiểu số Hồi Giáo Rohingya, hôm 27/8/2018, Liên Hiệp Quốc kết luận đó là hành động "diệt chủng". Các nhà điều tra của tổ chức quốc tế cáo buộc quân đội có ý định tiêu diệt người Rohingya, đồng thời yêu cầu đưa các chỉ huy quân đội Miến Điện ra xét xử trước tòa án quốc tế vì tội "diệt chủng".
Tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing (trái) trong lần gặp bà Aung San Suu Kyi tại Naypyitaw ngày 02/12/2015. Reuters/Soe Zeya Tun
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc liệt kê một loạt các hành động tàn sát của quân đội Miến Điện nhằm vào người Rohingya ở các bang Shan, Kachin và Arakan. Đó là các tội ác : Hành quyết thường dân, hãm hiếp phụ nữ, đốt phá làng mạc và bắt đi mất tích, tra tấn rất nhiều người khác. Theo Liên Hiệp Quốc, các quân nhân Miến Điện đã phạm phải hàng loạt các tội ác kinh hoàng bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm nhằm tiêu diệt cộng đồng thiểu số người Hồi giáo này.
Điều nghiêm trọng, theo báo cáo của tổ chức quốc tế, đó không phải là những hành động đơn lẻ, mà các quân nhân đã hành động theo một kế hoạch có tính toán, đưa ra từ cấp chỉ huy cao nhất và được triển khai theo từng giai đoạn. Cuộc đàn áp trên quy mô lớn có tổ chức này đã gây ra thảm cảnh cho hơn 700 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn sang Bangladesh cách đây đúng một năm. Cho đến giờ hàng trăm nghìn người Rohingya vẫn đang phải sống leo lắt trong các trại tị nạn tạm bợ bên kia biên giới Bangladesh không biết bao giờ mới có ngày trở về Miến Điện.
Liên Hiệp Quốc, lần đầu tiên nêu đích danh thủ phạm là tổng tư lệnh và 5 tướng lĩnh khác trong quân đội Miến Điện. Bên cạnh đó, Liên Hiệp Quốc cũng đánh giá cuộc tàn sát trên có sự thông đồng của chính quyền dân sự. Bà Aung San Su Kyi, giải Nobel Hòa bình, lãnh đạo trên thực tế của chính phủ Miến Điện, nhưng đã không làm gì để ngăn chặn các cuộc thảm sát người Rohingya.
Hôm nay (29/08), chính phủ Miến Điện đã lên tiếng phản bác bản báo cáo điều tra của Liên Hiệp Quốc. Một ủy ban độc lập chuyên trách hồ sơ Miến Điện yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải hành động, đồng thời đưa vụ việc ra Tòa án Hình sự quốc tế, hoặc thành lập một tòa án đặc biệt để điều tra về tội ác "thanh lọc chủng tộc" nhằm vào người Rohingya.
Tuy nhiên để đưa những quân nhân Miến Điện, chịu trách nhiệm chính trong các vụ thảm sát người Rohingya, ra xét xử, quốc tế cần phải tuân thủ những trình tự luật pháp quốc tế không đơn giản. AFP đặt ra một số vấn đề xung quanh bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ người Rohingya.
Đâu là trình tự hợp pháp để có thể mở phiên tòa quốc tế ?
Theo giải thích của AFP, cho đến lúc này, báo cáo của Liên Hiệp Quốc là tài liệu quy kết cụ thể nhất các quan chức Miến Điện phạm các tội ác hãm hiếp, giết người hàng loạt đốt phá làng mạc khiến hơn 700 000 người Rohingya phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Từng đó tội trạng cũng đủ để đưa ra xét xử ở một tòa án quốc tế.
Giải pháp thứ nhất là đưa ra Tòa án Hình sự quốc tế (CPI). Nhưng để Tòa án La Haye thụ lý hồ sơ thì cần phải được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đề nghị bằng một nghị quyết. Ngay từ khâu này, người ta đã nhìn thấy trở ngại đầu tiên : Trung Quốc, một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, vẫn đánh giá cuộc khủng hoảng người Rohingya là chuyện nội bộ của Miến Điện, nên chắc là Bắc Kinh sẽ phủ quyết. Nga cũng có thể làm tương tự. Tuần trước, tướng Min Aung Hlaing vừa đi thăm Nga về.
"Làm thế nào giải quyết vấn đề này ? Bằng thương lượng và đối thoại", hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời báo chí như trên về quan điểm của Bắc Kinh xung quanh kết luận của Liên Hiệp Quốc về hồ sơ Rohingya.
Ngoài ra còn có giải pháp lựa chọn nào khác ?
Lựa chọn thứ 2 trong trường hợp ý định đưa hồ sơ lên Tòa án Hình sự quốc tế CPI bị thất bại do bế tắc ở Hội đồng Bảo an, đó là có thể thành lập một tòa án quốc tế chuyên biệt cho vụ việc cụ thể, như trường hợp đã làm với các vụ xử tội diệt chủng ở Rwanda và Nam Tư cũ.
Một phương án khác : Hồi tháng Tư vừa qua, bà chưởng lý Tòa CPI Fatou Bénouda, đã bất ngờ đề nghị các thẩm phán liệu họ có chấp thuận mở rộng quyền xét xử đến Miến Điện, cho dù nước này không tham gia Tòa án Hình sự quốc tế. Điều này có vẻ khả thi vì thực tế Bangladesh, thành viên của CPI, đồng thời là nước bị liên lụy nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng này.
Nếu các thẩm phán của CPI đồng ý với đề xuất trên, bà chưởng lý của CPI có thể cho mở điều tra sơ khởi từ phía Bangladesh vì nước này là thành viên của CPI. Điều này có thể dẫn tới việc tòa ra lệnh bắt các nhân vật chịu trách nhiệm của Miến Điện.
Ai có thể bị truy tố ?
Tòa CPI có quyền truy tố các cá nhân nhưng không làm được như vậy đối với các quốc gia ? Báo cáo của Liên Hiệp Quốc vừa công bố nêu đích danh 6 sĩ quan cao cấp quân đội Miến Điện, trong đó có tổng tư lệnh, tướng Min Aung Hlaing. Các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc nêu trách nhiệm của những nhân vật trên trong việc trực tiếp ra lệnh cho các đơn vị thực thi chiến dịch "thanh lọc sắc tộc" tại bang Rakhin, ở tây bắc Miến Điện, nơi khi đó có đa số dân là người Rohingya. Tuy vậy CPI vẫn bị giới hạn bởi vì Tòa không thể ép buộc Miến Điện hay bất kì nước nào khác phải giao nộp các quan chức phạm tội .
Liên quan đến chính phủ dân sự Miến điện, bà Aung San Suu Kyi có bị liên lụy gì không ?
Rất ít khả năng giải Nobel Hòa Bình, hiện đang thực quyền lãnh đạo chính phủ Miến Điện, bị khởi tố, cho dù trong hồ sơ này, bà liên tục bị quốc tế chỉ trích vì đã không lên tiếng, hành động gì về thảm kịch của người Rohingya. Thực tế, dù là người đứng đầu chính phủ dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi không có quyền hành gì đối với các bộ như Quốc Phòng hay Nội Vụ, hai bộ vẫn nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của giới tướng lãnh quân đội.
Tập đoàn quân sự nắm quyền tại Miến Điện qua nhiều thập kỷ dù đã tự giải thể năm 2011, nhưng quân đội vẫn là nhân tố chính trị trọng yếu, đưa ra các quyết định quan trọng nhất là liên quan đến những chiến dịch bình định ở các bang có xung đột sắc tộc.
Nhưng các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc đã nhấn mạnh việc bà Aung San Suu Ky đã không sử dụng uy tín, danh tiếng cá nhân có được ở trong nước để ngăn chặn thảm kịch xảy ra. Chính phủ của bà bị tố cáo đã chối bỏ mọi chuyện, ngăn cản điều tra của Liên Hiệp Quốc và phổ biến các thông tin dối trá. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc có đoạn kết luận : "Qua cách hành xử và thái độ làm ngơ của mình, chính quyền dân sự đã góp phần vào các tội ác tàn bạo".
(Tổng hợp từ AFP)
********************
Miến Điện bác bỏ cáo buộc của Liên Hiệp Quốc về tội "diệt chủng" (RFI, 29/08/2018)
Hôm 29/08/2018, Miến Điện đã bác bỏ báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc cáo buộc quân đội Miến Điện phạm tội "diệt chủng" đối với người thiểu số Rohingya Hồi Giáo. Trong khi đó, nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, ủng hộ việc đưa các lãnh đạo quân sự Miến Điện ra trước tòa án quốc tế.
Người tị nạn Rohingya từ Miến Điện chạy sang Bangladesh. Ảnh chụp tháng 10/2017. Reuters/Zohra Bensemra
Hôm thứ Hai vừa qua, các nhà điều tra của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã công bố một báo cáo đề nghị truy tố các tướng lãnh chủ chốt của Miến Điện, trong đó có cả tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing, ra trước Tòa án Hình sự quốc tế, về tội "diệt chủng" đối với người Rohingya. Hơn 700 000 người thuộc sắc tộc thiểu số này đã phải chạy sang Bangladesh lánh nạn sau khi quân đội Miến Điện mở chiến dịch đàn áp vào tháng 08/2017 để trả đũa các cuộc tấn công của quân nổi dậy.
Hôm nay, trên một nhật báo chính thức, phát ngôn viên của chính phủ Miến Điện Zaw Htay tuyên bố : "Chúng tôi đã không cho phép Phái đoàn thiết lập sự thật của Liên Hiệp Quốc vào Miến Điện, cho nên chúng tôi không chấp nhận bất cứ nghị quyết nào của Hội Đồng Nhân Quyền". Tại New York, đại sứ Miến Điện bên cạnh Liên Hiệp Quốc Hau Do Suan cũng đã bác bỏ báo cáo của Liên Hiệp Quốc và chỉ trích các nhà điều tra là "thiên vị".
Trong khi đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm qua, nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc đưa ra xét xử các lãnh đạo quân sự Miến Điện trước tòa án quốc tế về chiến dịch đàn áp người Rohingya. Tuy nhiên, đại diện của các nước này tại Liên Hiệp Quốc không nói rõ là sau báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, các bước tiếp theo sẽ là gì.
Thanh Phương
******************
Rohingya : Liên Hiệp Quốc đòi xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm tội ác diệt chủng (RFI, 28/08/2018)
Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai 27/08/2018 đã đề nghị xét xử lãnh đạo quân đội Miến Điện phạm "tội ác diệt chủng" nhắm vào người Rohingya, một sắc tộc thiểu số theo Hồi giáo tại Miến Điện. Các vụ bạo lực này đã khiến hơn 700.000 người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn sang Bangladesh từ một năm qua.
Trại tị nạn người Rohingya Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh 22/08/2018. Reuters/Mohammad Ponir Hossain
Trước phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dự kiến diễn ra hôm nay, những người tị nạn Rohingya kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên chính quyền Naypiydaw.
Từ trại tị nạn Kutupalong, đặc phái viên Eliza Hunt của đài RFI có bài phóng sự cho biết sau một năm chạy tị nạn, người Rohingya đã mất niềm tin vào chính quyền Miến Điện.
"Trong tay của Mohib Bullah, là một danh sách dài nhiều trang… Danh sách này liệt kê các hành động bạo lực mà người Rohingya, những người hiện đang sống trong các trại tị nạn, phải hứng chịu. Tài liệu này sẽ được gởi đến Tòa án Hình sự Quốc tế.
Mohib Bullah nói : ʺTrong quá khứ, chúng tôi cũng đã từng phải chạy nạn, nhưng chưa bao giờ, chúng tôi đòi hỏi một kiểu công lý như vậy. Hậu quả là chính phủ lại tái diễn, và lần này, đó là một hành động diệt chủng. Chính vì thế mà giờ đây, chúng tôi mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ tìm kiếm công lý, bởi vì việc làm này sẽ có tác động đối với chính phủʺ.
Theo ông Mohib Bullah, từ một năm qua, chẳng có gì cho thấy là chính quyền Miến Điện muốn tìm kiếm một giải pháp. Do vậy, ông trông đợi vào áp lực của quốc tế. Một người tị nạn khác, nguyên là hiệu trưởng trường học, cũng có lập trường tương tự. Ông cho rằng cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ đối với cộng đồng Rohingya.
Ông nói : ʺLiên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu… Họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu như bạo lực lại diễn ra, họ có trách nhiệm phải can thiệp, tìm ra một giải pháp. Hiện tại, họ chỉ trích, họ lên án nhưng điều đó chưa đủ…ʺ.
Ở đây, ai cũng mong đợi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhanh chóng hành động".
Minh Anh
Miến Điện cho phép Liên Hiệp Quốc tiếp cận khu vực người Rohingya (RFI, 07/06/2018)
Đại diện Liên Hiệp Quốc và chính quyền Miến Điện vào hôm qua, 06/06/2018 đã chính thức ký kết một thỏa thuận về việc tổ chức quốc tế tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng Rohingya, tiến tới việc cho những người tị nạn hồi hương.
Đại sứ Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc Karen Pierce an ủi một bé gái Rohingya tại trại tị nạn gần Cox's Bazar, Bangladesh, ngày 29/04/2018. Reuters (Ảnh minh họa)
Điểm mấu chốt của thỏa thuân này là cho phép Liên Hiệp Quốc đến bang Rakhine để thẩm định rõ tình hình, điều mà cho đến nay vẫn bị chính quyền Miến Điện hạn chế.
Theo Liên Hiệp Quốc, thỏa thuận "khung" mà hai bên phải mất hàng tháng trời mới đúc kết được, chỉ mang tính chất khái quát, không có nhiều chi tiết cụ thể. Trước mắt, các cơ quan Liên Hiệp Quốc sẽ tiến hành đánh giá tình hình tại bang Rakhine, vốn bị đóng cửa đối với người bên ngoài từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.
Giải thích với hãng tin Pháp AFP, ông Knut Ostby, điều phối viên Liên Hiệp Quốc thường trú tại Miến Điện xác định rằng cho đến nay, công sức của Liên Hiệp Quốc chỉ mới dồn vào việc thúc giục chính quyền mở cửa bang Rakhine cho quốc tế được tiếp cận. Dù vậy, ông Ostby vẫn chưa biết là các phái đoàn Liên Hiệp Quốc sẽ được tiếp cận những khu vực nào, lãnh vực nào sẽ được chính quyền Miến Điện ưu tiên.
Còn ông Giuseppe De Vincentiis, đại diện Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đặc trách Miến Điện hy vọng là có thể bắt đầu công việc "càng sớm càng tốt". Theo ông, giai đoạn đánh giá ban đầu có thể được hoàn tất trong những tháng tới đây, nhưng việc cho những người Rohingya tị nạn trở về còn phải chờ thêm nhiều thời gian nữa vì tình hình hiện nay "không thuận lợi cho việc hồi hương".
Các nhóm bảo vệ nhân quyền nói rằng thỏa thuận mới sẽ chỉ có giá trị khi nào mà chính quyền Miến Điện mở cửa bang Rakhine cho các quan sát viên độc lập, và thực hiện các bước quan trọng để công nhận người Rohingya là công dân thực thụ.
Từ tháng 8 năm 2017, khoảng 700.000 người Rohingya đã phải chạy nước láng giềng Bangladesh để thoát khỏi chiến dịch đàn áp của quân đội Miến Điện, một chiến dịch bị Liên Hiệp Quốc tố cáo là "thanh lọc chủng tộc".
Sau đó, Liên Hiệp Quốc và Bangladesh đã ký một thỏa thuận hồi hương vào tháng 11/2017, nhưng chỉ mới có vài chục người tị nạn đồng ý trở về Miến Điện, số còn lại vẫn chưa dám hồi hương vì lo ngại an toàn sinh mạng, trong lúc quyền công dân của họ vẫn không có.
Mai Vân
******************
Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Miến Điện hợp tác điều tra vụ đàn áp người Rohingya (RFI, 06/06/2018)
Hội đồng bảo an của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Miến Điện khẩn trương hợp tác với các tổ chức quốc tế điều tra về tội ác man rợ chống người Rohingya. Trên đây là nội dung chính trong một thông điệp của cơ quan đầy quyền lực Liên Hiệp Quốc mà AFP tham khảo được ngày 05/06/2018.
Ảnh minh họa : Cảnh người Rohingya trong trại di tản gần thành phố Sittwe, Miến Điện, từ năm 2012, và không được quyền rời khỏi trại. RFI/Sarah Bakaloglou
Thông điệp của Hội đồng bảo an, được gửi đi ngày 31/05, ghi nhận là sau chuyến công du của một phái đoàn của Hội đồng bảo an tới Miến Điện hồi đầu tháng 5, chính quyền Miến Điện "đã chấp nhận điều tra" về những cáo buộc là đã có các đàn áp tàn khốc chống lại cộng đồng thiểu số Rohingya. Tuy nhiên, Naypyidaw chưa sự thực sự hợp tác.
Thông điệp của Hội đồng bảo an yêu cầu Miến Điện "chuyển các cam kết thành hành động cụ thể". Trước đó, chính quyền Miến Điện đã từ chối cuộc điều tra của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, cũng như của báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Yanghee Lee.
Theo Hội đồng bảo an, cần tiến hành các cuộc điều tra độc lập và minh bạch "về các vi phạm nhân quyền", buộc các thủ phạm phải đối mặt với công lý. Hội đồng bảo an yêu cầu chính quyền Naypyidaw trả lời trong vòng 30 ngày.
Trong những tuần tới, tân đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, bà Christine Schraner Burgener, sẽ tới Miến Điện lần đầu tiên.
Từ gần một năm nay, ít nhất 700.000 người Hồi Giáo Rohingya miền tây Miến Điện đã phải chạy trốn khỏi quê hương, sau khi bị quân đội đàn áp tàn bạo. Đa số họ đang sống trong các trại tị nạn tại Bangladesh trong những điều kiện hết sức tồi tệ. Pháp, Anh, Mỹ cũng như Liên Hiệp Quốc tố cáo chiến dịch "thanh lọc sắc tộc", chính quyền Miến Điện phủ nhận điều này.
Trọng Thành
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi sắp thăm Việt Nam (VOA, 16/04/2018)
Cố vấn Nhà nước Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 19-20/4 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đài Tiếng nói Việt Nam cho hay. Bà Aung San Suu Kyi còn kiêm các chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.
Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (ảnh tư liệu, tháng 7/2017)
Hồi tháng 11 năm ngoái, bà Suu Kyi đã dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, theo tin của Tân Hoa Xã.
Trước đó, hồi tháng 8 cùng năm, Việt Nam và Myanmar đã thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện nhân dịp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Myanmar.
Tân Hoa Xã dẫn thông tin của Bộ Thương mại Myanmar cho hay thương mại song phương giữa nước này và Việt Nam đạt 592 triệu đôla, trong đó giá trị xuất khẩu của Myanmar là 103 triệu đôla trong khi nhập khẩu 489 triệu đôla Mỹ, tính đến tháng 1 của tài khóa 2017-2018 hiện nay.
Thương mại hai chiều Myanmar-Việt Nam đạt hơn 494 triệu đôla trong tài khóa 2016-2017 trước đó.
Myanmar thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1975.
(VOA, Tân Hoa Xã)
**********************
Miến Điện : chính phủ thông báo gia đình Rohingya đầu tiên hồi hương (RFI, 15/04/2018)
Qua mạng xã hội Facebook, ngày hôm qua, 14/04/2018, chính phủ Miến Điện thông báo, gia đình người Hồi giáo Rohingya đầu tiên đã hồi hương. Để tránh bạo lực của quân đội Miến Điện, từ tháng 08/2017, khoảng 700 ngàn người Rohingya đã phải chạy sang Bangladesh tị nạn.
Người tị nạn Rohingyas đợi quân đội Bangladesh cho phép đến các trại tị nạn sau khi vượt biên giới. Ảnh chụp ngày 25/10/2017 Reuters/Hannah McKay
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Liên Hiệp Quốc cho rằng chưa có đầy đủ các điều kiện để bảo đảm việc hồi hương tự nguyện và bền vững.
Từ Rangoon, thông tín viên Eliza Hunt gửi về bài tường trình :
"Theo chính phủ Miến Điện, năm thành viên trong một gia đình người Rohingya đã được đón tiếp và tạm trú tại nhà những người thân ở bang Arakan. Chính quyền còn cho biết là sẽ tìm hiểu xem những khó khăn mà người Rohingya gặp phải để cải thiện tiến trình hồi hương. Thế nhưng, chính phủ không cho biết là có thêm những gia đình hồi hương trong thời gian tới hay không.
Tiến trình hồi hương không được khởi động từ nhiều tháng qua. Phía Miến Điện nói rằng sẵn sàng đón tiếp người tị nạn. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề xã hội của Miến Điện đã đến các trại tị ở Bangladesh để gặp người Rohingya và ông đã hứa cho xây dựng các khu làng mới, bệnh viện và trường học.
Đây là một trong những vấn đề được đặt ra liên quan đến điều kiện hồi hương của người Rohingya. Cộng đồng thiểu số Hồi giáo này lo ngại sẽ phải ở lâu dài trong các trại tạm thời ở Miến Điện, bởi vì nhà cửa làng mạc của họ bị phá trụi từ hồi tháng Tám năm ngoái. Một ẩn số khác, đó là việc cấp quốc tịch cho cộng đồng vô tổ quốc này và cũng chính vì lý do này mà họ bị hạn chế đi lại tại bang Arakan.
Liên Hiệp Quốc cho rằng chưa hội tụ đầy đủ điều kiện bảo đảm an ninh cho việc hồi hương người Rohingya. Ngày 13/04, Liên Hiệp Quốc đã ký với Bangladesh một thỏa thuận hợp tác về việc hồi hương nhưng lại chưa ký với Miến Điện".
Minh Anh
******************
Người Rohingya hồi hương : Bangladesh bác bỏ thông tin của Miến Điện (RFI, 16/04/2018)
Chính quyền Bangladesh vào hôm 16/04/2018 đã bác bỏ thông tin của Miến Điện là đã có một nhóm đầu tiên gồm 5 người trong số 700.000 người tị nạn ở Bangladesh, hồi hương.
Người Rohingya tại trại tị nạn Balukhali, Bangladesh, ngày 12/01/2018. Reuters/Tyrone Siu
Thứ Bảy 14/04 vừa qua, chính quyền Miến Điện thông báo là có một gia đình gồm 5 người đã trở về bang Rakhine và tạm thời ở Maungdaw, gần vùng biên giới, với thân nhân. Tin trên được loan trong một thông cáo trên Facebook, với ảnh chụp gia đình Rohingya nói trên làm thủ tục với viên chức chính quyền địa phương.
Bộ trưởng Nội Vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan vào hôm nay đã cho rằng thông báo của Miến Điện về gia đình hồi hương là một thông tin "thất thiệt", và gia đình Rohingya đó chưa bao giờ đến Bangladesh.
Đối với ông Khan, hành động của Miến Điện là một "trò hề" và ông hy vọng Miến Điện cho toàn bộ người tị nạn Rohingya hồi hương càng sớm càng tốt.
Trả lời hãng tin Mỹ AP bằng điện thoại, ông Abul Kalam, ủy viên đặc trách vấn đề trợ giúp và hồi hương người Rohingya của Bangladesh cũng khẳng định là gia đình mà chính quyền Miến Điện gọi là người tị nạn đó chưa bao giờ băng qua biên giới Bangladesh.
Trong thông cáo loan tải hôm qua, Miến Điện còn cho biết sẽ kiểm tra xem có đúng là gia đình Rohingya nói trên đã sống ở Miến Điện hay không và nếu đúng thì sẽ cấp giấy tờ cho họ. Theo bộ trưởng bộ Xã Hội Miến Điện Win Myat Aye, hôm nay gia đình hồi hương đã được cấp những giấy tờ cần thiết.
Theo ghi nhận của AP, khi loan tin về nhóm hồi hương đầu tiên, chính quyền Miến Điện đã không cho biết cụ thể là sẽ có các nhóm hồi hương tiếp theo hay không, trong khi Bangladesh đã trao một danh sách hơn 8.000 người có thể bắt đầu hồi hương, nhưng tiến trình bị đình trệ do thủ tục kiểm tra rất phức tạp của phía Miến Điện.
Trả lời hãng tin Mỹ, một chuyên gia độc lập về vấn đề người Rohingya tại Bangladesh tố cáo một thủ đoạn tuyên truyền thường thấy của chính quyền Miến Điện.
Mai Vân
Miến Điện : Binh lính, cảnh sát sẽ bị trừng phạt vì giết người Rohingya (RFI, 11/02/2018)
Một phát ngôn viên của chính phủ Miến Điện hôm nay 11/02/2018 tuyên bố chính quyền sẽ trừng phạt 10 thành viên của lực lượng an ninh liên quan tới việc sát hại người Hồi giáo Rohingya tại bang Rakhine, nhưng cho biết việc này không liên quan tới tiết lộ điều tra của Reuters ngày 09/02.
Ảnh minh họa : Một trại ở vùng Maungdaw, bang Rakhine, để đón người Rohingya hồi hương. Ảnh ngày 24/01/2018. Reuters/Stringer
Reuters hôm thứ Sáu tuần trước đã công bố các chi tiết cuộc điều tra, cho thấy các sự kiện dẫn đến vụ thảm sát và chôn vùi trong một hố chôn tập thể 10 người Rohingya ở làng Inn Din, thuộc bang Rakhine.
Theo Reuters, phát ngôn viên Zaw Htay của chính phủ Miến Điện khẳng định cuộc điều tra của nước này đã được tiến hành trước khi tin tức của Reuters được công bố ; 7 binh sĩ, 3 cảnh sát và 6 thường dân tham gia vụ thảm sát trên sẽ bị xử lý theo pháp luật, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson tới thăm Miến Điện vì hồ sơ Rohingya
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay 11/02 đã có buổi làm việc với đồng nhiệm Miến Điện tại Naypyidaw về hồ sơ cuộc khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya.
Trong một thông cáo được đăng tải trên Facebook, bộ Ngoại Giao Miến Điện cho biết hai vị ngoại trưởng đã trao đổi thẳng thắn và trên tinh thần hữu nghị về các sự kiện tại bang Rakhine và cả về việc hồi hương người Rohingya.
Hôm qua 10/02, ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã sang Bangladesh. Tại đó, ông đã gặp gỡ người tị nạn Rohingya và thăm khu trại tị nạn, nơi đón tiếp khoảng 500.000 người Rohingya Miến Điện, để hiểu thêm về tình cảnh khốn khổ của họ.
Thùy Dương
*****************
Reuters công bố cuộc điều tra vụ thảm sát người Rohingya (BBC, 10/02/2018)
Reuters vừa tiết lộ chi tiết cuộc điều tra vụ thảm sát người Rohingya, được thực hiện bởi quân đội và dân làng - sự thật phía sau vụ bắt giữ hai nhà báo của Reuters ở Myanmar.
Đây là những người đàn ông mà phóng viên Reuters đang tiến hành điều tra về cái chết của họ
Wa Lone và Kyaw Seo Oo hiện đang chờ xét xử với cáo buộc vi phạm Luật Bí mật của Myanmar.
Reuters khẳng định họ phát hiện bằng chứng cho thấy 10 người Rohingya đã bị giết bất hợp pháp ở bang Rakhine năm 2017.
Reuters hi vọng điều này sẽ chỉ ra rằng hai nhà báo hành động vì mối quan tâm công chúng.
Tổng biên tập của Reuters, Stephen J Adler, nói : "Khi Wa Lone và Kyaw Soe Oo mới bị bắt, mối quan tâm chính của chúng tôi là sự an toàn của họ. Khi nắm được tình trạng pháp lý của họ, chúng tôi, cùng với việc tham khảo ý kiến của Wa Lone và Kyaw Soe Oo và họ hàng của họ, quyết định rằng trách nhiệm của chúng tôi là công bố sự việc đã xảy ra trong làng Inn Din.
Kyaw Soe Oo (ở giữa bên trái) and Wa Lone (giữa, phải) bị bắt tháng 12/2017
"Chúng tôi tiết lộ cuộc điều tra mang tính đột phá này bởi vì nó nằm trong mối quan tâm của công chúng toàn cầu".
BBC không có nguồn tin độc lập để xác minh tất cả các chi tiết về những cáo buộc giết người do việc tiếp cận với khu vực này bị hạn chế - nhưng nó được đưa ra sau một loạt các cáo buộc về các vụ thảm sát tại Rakhine hồi năm ngoái dựa trên lời khai của nhân chứng.
Cuộc khủng hoảng chủ yếu ở bang Rakhine miền tây bắc Myanmar của người Phật giáo đã gây ra những phản ứng toàn cầu vào cuối năm ngoái khi hàng trăm nghìn người Hồi giáo chạy khỏi một cuộc đàn áp quân sự chết chóc.
Quân đội nói rằng họ giao chiến với binh lính Rohingya ở Rakhine, nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng hàng ngàn thường dân đã bị giết.
Điều gì đã xảy ra với các nhà báo ?
Wa Lone và Kyaw Soe Oo là hai nhà báo Myanmar với những bài báo gây tiếng vang. Họ bị bắt ngày 12/12 sau khi gặp gỡ và nhận tài liệu từ cảnh sát.
Các nhà chức trách nói rằng họ bị "bắt vì sở hữu các tài liệu quan trọng và bí mật của chính phủ liên quan đến bang Rakhine và các lực lượng an ninh" và rằng họ có được thông tin này "một cách bất hợp pháp với ý định chia sẻ nó với truyền thông nước ngoài".
Nhưng kể từ cuộc bắt giữ, có những ý kiến cho rằng hai nhà báo đang tiến hành một cuộc điều tra rất nhạy cảm.
Reuters quyết định công bố chi tiết cuộc điều tra nhằm ủng hộ khẳng định của mình rằng hai nhà báo đang thực hiện một phóng sự được công chúng toàn cầu quan tâm.
Chúng ta biết gì về cuộc điều tra ?
Cảnh báo : Bài báo này bao gồm một bức ảnh chụp những người bị giết. Bức ảnh có thể khiến một số độc giả cảm thấy đau lòng. HANDOUT
Cuộc điều tra tập trung vào hiện trạng ngôi làng Inn Din ở phía bắc Rakhine ngày 2/9/2017.
Reuters cho biết hai nhà báo đang thu thập bằng chứng về cuộc hành quyết 10 người đàn ông dựa trên các cuộc phỏng vấn dân làng là người Phật giáo, nhân viên an ninh và các bức ảnh. Cơ quan này nói đã xâu chuỗi những gì xảy ra với những người đàn ông này.
Theo Reuters, nhóm nam giới người Rohingya bị biệt riêng ra sau khi ngôi làng của họ bị tấn công.
Những người đàn ông là Phật tử trong làng được lệnh đào một ngôi mộ và 10 người đàn ông bị giết, ít nhất hai người bị đánh tới chết, số còn lại bị quân lính bắn chết.
Reuters tuyên bố đây là lần đầu tiên quân lính dính líu tới các chứng cứ bằng hình ảnh và chứng cứ do nhân viên an ninh cung cấp. Họ cũng tuyên bố có lời chứng từ dân làng.
Sau khi hai nhà báo bị bắt giữ, quân đội Myanmar đã tiến hành điều tra riêng về vụ việc. Cuộc điều tra khẳng định điều mà hai nhà báo đã phát hiện - rằng đã có một cuộc hành quyết.
Làng Inn Dinn qua ống kính của phóng viên BBC, chỉ còn những thanh gỗ trơ trụi và tro tàn
Tuy nhiên, quân đội mô tả 10 người này như "những kẻ khủng bố người Bangladesh" và nói rằng họ bị hành quyết vì họ không thể được đưa đi khi binh lính người Rohingya tấn công vào các đồn cảnh sát.
Reuters tuyên bố hai nhà báo không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy có 10 người này liên quan đến chủ nghĩa khủng bố - với một số nhân chứng nói rằng những người này đã được biệt riêng ra khỏi đám đông.
Reuters cho biết hai nhà báo đã nói chuyện với một số nhân chứng trong làng Inn Din, cảnh sát và người thân của những người đàn ông bị giết - hiện đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh. Một người đàn ông thừa nhận đã giết chết một người Hồi giáo Rohingya, hãng thông tấn này nói.
Các hành động xem như là "diệt chủng và thanh lọc sắc tộc" chống lại người thiểu số Hồi giáo Rohingya có thể gây nên xung đột tôn giáo lan rộng ngoài biên giới của Myanmar và ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực.
Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Hình chụp ngày 17/11/17. AFP
AFP dẫn lời phát biểu của ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Ông này phát biểu như vừa nêu tại Jakarta vào ngày 5 tháng Hai, nhân dịp ông đến thăm Indonesia trong 3 ngày.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein nhấn mạnh rằng Myanmar đang đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng vì vào tuần trước, một báo cáo được phổ biến liên quan đến các mồ chôn tập thể người Rohingya ở bang Rakhine, nơi mà quân đội của Chính phủ Miến bị cáo buộc tiến hành một chiến dịch thanh tảo sắc tộc thiểu số.
Ông Zeid Ra’ad Al Hussein còn nói rằng Myanmar rất hài lòng về sự phát triển mạnh mẽ. bao gồm tập trung vào phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Rakhine, nhưng không thể che giấu các hành động đối xử phân biệt đối với người thiểu số Rohingya.
Myanmar lên tiếng bác bỏ báo cáo về các hố chôn tập thể cũng như các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khẳng định rằng chính quyền cần phải trừng trị những phiến quân Rohingya.
Tuy nhiên, Myanmar không cho các báo cáo viên và những nhân viên điều tra của Liên Hiệp Quốc vào khu vực xung đột để điều tra liên quan các cáo buộc diệt chủng đối với người tị nạn Rohingya.
Hiện có gần 700 ngàn người Rohing bỏ nhà cửa ở Myanmar để chạy sang Bangladesh lánh nạn, kể từ tháng Tám năm ngoái đến nay.
Bangladesh trì hoãn việc hồi hương người Rohingya về Myanmar (RFA, 23/01/2018)
Myanmar chỉ trích Bangladesh là nguyên nhân khiến chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về lại nơi sinh sống cũ đã không bắt đầu đúng thời điểm hai quốc gia đã quy định là ngày 23 tháng Một.
Những người tỵ nạn Hồi giáo Rohingya nhận vật phẩm tại trại tỵ nạn Kutupalong ở Bangladesh hôm 23/1/2018 - AFP
Nói với báo chí tại thủ đô Naypyidaw của Myanmar, ông Bộ Trưởng Bộ Hợp Tác Quốc Tế Kyaw Tin cho hay Myanmar đã sẵn sàng để đón toán người Hồi Giáo Rohinya đầu tiên từ Bangladesh về lại nơi cư ngụ cũ của họ là bang Rakhine, nhưng ông nghe nói phía Bangladesh chưa sẵn sàng để thực hiện kế hoạch.
Ông Bộ Trưởng Kyaw Tin cũng cho biết đang chờ câu trả lời chính thức từ chính phủ nước bạn.
Theo thỏa thuận giữa 2 quốc gia, chương trình đưa gần 690,000 người Hồi Giáo Rohingya từ Bangladesh về lại Myanmar sẽ bắt đầu kể từ sáng nay, và sẽ hoàn tất trong vòng 2 năm. Nhưng vào ngày 22 tháng Một, ông Mohammad Abul Kalam, người điều hành chương trình tỵ nạn của Bangladesh lại nói rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm, trước khi có thể đưa toán người Rohingya đầu tiên trở về đất Miến.
Hôm nay, một viên chức của Bangladesh giải thích với hãng thông tấn Reuters rằng Bangladesh thấy không nên vội vã, sẽ tiếp tục làm việc với chính phủ nước láng giềng để đảm bảo an ninh cho người Rohingya, trước khi đưa họ về lại Myanmar.
Viên chức không nêu tên này nói rõ chỉ khi nào những điều kiện vừa nêu được giải quyết thỏa đáng, lúc đó mới đưa người tỵ nạn về lại Myanmar.
Những người Rohingya này chạy từ bang Rakhine sang Bangladesh xin lánh nạn, nói rằng họ bị binh sĩ và nhân viên an ninh Myanmar đàn áp, sau khi quân đội Myanmar thực hiện những cuộc hành quân bài trừ khủng bố hồi tháng Tám năm ngoái.
Người tỵ nạn Rohingya còn cáo buộc binh sĩ và an ninh Myanmar tội đốt nhà, bắn giết, cướp của và hãm hiếp phụ nữ.
Cũng vào sáng ngày 23 tháng Một, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cùng với những tổ chức thiện nguyện quốc tế lại lên tiếng kêu gọi hai chính phủ Bangladesh và Myanmar phải suy tính lại chương trình đưa người tỵ nạn Rohingya về Myanmar.
Trong cuộc họp báo tại Geneve, ông Filippo Grandi, Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc nói rằng vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết ổn thỏa, như vấn đề an ninh, nhà ở, sinh sống… cho người Rohingya khi họ trở về bang Rakhine, chưa kể đến điều cộng đồng quốc tế từng nhiều lần nói tới là chính phủ Myanmar phải cho người của tập thể Hồi Giáo này được quyền nhập tịch.
Ông Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh rằng Myanmar phải cho các các đoàn quan sát nước ngoài đến quan sát tại chỗ, để đảm bảo chương trình đưa người tỵ nạn thật sự an toàn khi họ trở về nơi cứ trú cũ. Đến giờ, ông nói tiếp, ngay chính nhân viên của Liên Hiệp Quốc vẫn không được chính phủ Myanmar cho phép tự do đi lại nên rất khó hoàn thành trách nhiệm.
*******************
Miến Điện : 6 quân nhân lãnh án tù vì sát hại thường dân bang Kachin (RFI, 20/01/2018)
Thông cáo ngày 20/01/2018 của cảnh sát bang Kachin, miền đông bắc Miến Điện sát biên giới với Trung Quốc, cho biết một tòa án quân sự đã tuyên phạt 6 binh sĩ 10 năm tù vì tội sát hại 3 thường dân hồi tháng 09/2017.
Quân nhân Miến Điện tại bang Kachin (Ảnh minh họa). AFP
Hãng tin AP của Mỹ chưa liên lạc được với chính quyền của bang Kachin để kiểm chứng tin trên. Một số tổ chức nhân quyền xem việc tòa án quân đội trừng phạt các binh sĩ có hành vi sai trái là một sự kiện hiếm có. Tuy nhiên, các bên cho biết phiên xử sáu binh sĩ Miến Điện về tội sát hại ba thường dân Kachin mở ra hôm 19/01/2017 là một phiên xử kín.
Kachin là vùng đất của một lực lượng nổi dậy vũ trang. Xung đột tại đây đã kéo dài từ nhiều năm qua và có khuynh hướng gia tăng trong những tháng gần đây. Đến nay, đã có hơn 100.000 người phải di tản. Theo tin từ cảnh sát bang Kachin, ba thường dân là nạn nhân của sáu binh sĩ Miến Điện nói trên thuộc một nhóm nổi dậy đã bị quân đội bắt giữ vào tháng 5/2017.
Kế hoạch hồi hương người Rohingya từ Bangladesh bị chỉ trích
Ngày 20/01/2018, nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về kế hoạch hồi hương người Rohingya một khi từ Bangladesh trở về. Nhóm nổi dậy ARSA coi đây là một âm mưu để Napyidaw tước đoạt đất đai của cộng đồng thiểu số Rohingya theo đạo Hồi.
Trong thông cáo đăng trên Twitter,lực lượng nổi dậy của người Rohingya tại bang Arakan (ARSA) cho rằng kế hoạch hồi hương mà Bangladesh và Miến Điện đã đạt được là "không trung thực và không công bằng" nhằm "nhốt những người Rohingya hồi hương vào một vài trại tị nạn, thay vì cho phép họ trở về nguyên quán". Mục tiêu sau cùng chính là nhằm "tịch thu đất của người Rohingya, khai thác các dự án phát triển công và nông nghiệp". ARSA cho rằng, về mặt chính trị, Miến Điện muốn bang Rakhine trở thành một vùng đất dành cho cộng đồng Phật giáo.
Về phía các tổ chức bảo vệ nhân quyền và Liên Hiệp Quốc, kế hoạch hồi hương phải dựa trên tinh thần tự nguyện của 750.000 người tị nạn Hồi Giáo Rohingya đang tạm cư tại Bangladesh.
Thanh Hà
Myanmar vào ngày 5 tháng 12 cho Liên Hiệp Quốc biết nước này đang đúc kết những điều khoản cùng với nhóm làm việc hỗn hợp Bangldesh nhằm thực hiện tiến trình trở về an toàn và tự nguyện cho hằng trăm ngàn người tỵ nạn Rohingya trong chừng hai tháng qua.
Một em nhỏ Rohingya đang chờ nhận hỗ trợ từ trung tâm giúp đỡ nhận đạo tại quận Cox'Bazar, Bangladesh ngày 8/11/2017. BenarNews
Đại sứ Myanmar tại Liên Hiệp Quốc cho biết như vừa nêu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền ở Geneva.
Trong khi đó các bác sĩ ở Baladesh, vào hôm thứ Ba, ngày 5 tháng 12 cảnh báo tình trạng gia tăng đáng kể của trẻ em Rohingya bị viêm phổi trong số hàng trăm ngàn người tị nạn không được bảo vệ đầy đủ trong mùa đông tại các trại tạm cư.
Thời tiết giá lạnh bất thường tại miền Đông Nam Bangladesh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người Rohingya trong các trại tạm cư dọc theo biên giới với Miến Điện. Những nhân viên cứu trợ đổ xô đến để phân phát chăn mền cho các gia đình Rohingya này.
Các nhân viên y tế tại quận Cox’ Bazar, nơi có hơn 620 ngàn người Rohingya đến lánh nạn trong thời gian qua, cho AFP biết số đông những người này bị bệnh do thời tiết lạnh, tăng gấp 5 lần so với tuần trước, hầu hết trẻ em bị viêm phổi và bệnh nhân đông đến mức phải nằm la liệt trên sàn nhà để chờ được điều trị.
Cũng vào hôm thứ Ba, ngày 5 tháng 12, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, người đứng đầu văn phòng đặc trách nhân quyền của Liên Hiệp Quốc nói rằng việc Myanmar đối xử với người sắc tộc thiểu số Rohingya khiến cho hơn 620 ngàn người phải chạy lánh nạn trong hàng tháng dài có thể bị cáo buộc "có yếu tố diệt chủng".
Bangladesh-Miến Điện : Thỏa thuận về người Rohingya còn nhiều hoài nghi (RFI, 26/11/2017)
Hôm 25/11/2017, Bangladesh đã công bố nội dung thỏa thuận đã ký với nước láng giềng Miến Điện cách đó 3 ngày. Đó là thỏa thuận về việc hồi hương của những người Rohingya đã phải trốn chạy bạo lực từ bang Arakan - Miến Điện. Tuy nhiên, thỏa thuận trên đang đặt ra nhiều hoài nghi.
Người tị nạn Rohingyas chờ phân phát thực phẩm trong trại Moynarghona, gần Cox's Bazar bên biên giới Bangladesh, ngày 24/11/2017. Reuters/Susana Vera
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Sarah Bakalogou giải thích :
Đó là một thỏa thuận chỉ liên quan tới những người đã chạy sang Banglasdesh từ ngày 09/10/2016 cho tới nay. Để quay trở về Miến Điện, người tị nạn Rohingya phải trình giấy tờ chứng minh họ đã cư trú tại Miến Điện. Đây là một trong những điều đầu tiên khiến người ta đặt câu hỏi : Trong số họ có bao nhiêu người khi chạy nạn sang Banladesh mang theo giấy tờ đó để bây giờ có thể trình ra cho chính quyền Miến Điện ?
Miến Điện khẳng định trong thỏa thuận là một khi người Rohingya hồi hương, chính quyền sẽ phối hợp với Bangladesh để tìm giải pháp lâu dài, tránh để tình trạng này tái diễn. Nhiều biện pháp sẽ được thực hiện để người tị nạn không phải ở trong những trại tạm cư quá lâu.
Giờ đây, điều mà người tị nạn muốn biết là liệu và nếu có thì khi nào làng của họ sẽ được dựng lại ? Liệu họ có lấy lại được đất đai không ? Người Rohingya cũng sẽ được cho phép đi lại tự do trong bang Arakan, nhưng thỏa thuận nói rõ là, phải theo quy định hiện hành.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là về vai trò của Liên Hiệp Quốc trong công tác tổ chức hồi hương cho người Hồi Giáo thiểu số Rohingya. Theo thỏa thuận, Bangladesh sẽ kêu gọi sự trợ giúp của Liên Hiệp Quốc. Còn Miến Điện chỉ tuyên bố là họ sẽ nhờ Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn giúp đỡ nếu cần, và vào một thời điểm thích hợp.
Thùy Dương
******************
Bangladesh nói UNHCR sẽ góp phần giúp hồi hương người Rohingya (VOA, 26/11/2017)
Bangladesh và Myanmar đã đồng ý nhận sự giúp đỡ của cơ quan người tị nạn Liên Hiệp Quốc để hồi hương hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya đã chạy lánh bạo lực ở Myanmar, Bangladesh cho biết hôm thứ Bảy.
Người tị nạn Rohingya vượt sông Naf ngăn cách Bangladesh và Myanmar. (UNHCR/Andrew McConnell)
Hơn 6000.000 người Rohingya đã tìm nơi nương náu ở Bangladesh kể từ khi quân đội ở nước Myanmar đa phần theo Phật giáo tiến hành một cuộc phản công tàn bạo nhắm vào làng mạc của họ ở phía bắc bang Rakhine, theo sau những vụ tấn công của những phần tử chủ chiến người Rohingya nhắm vào một căn cứ lục quân và các đồn cảnh sát vào ngày 25 tháng 8.
Đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một trầm trọng, hai chính phủ hôm thứ Năm đã ký một thỏa thuận nhất trí rằng việc hồi hương người Rohingya về Myanmar sẽ bắt đầu trong vòng hai tháng.
Bất định về việc liệu Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) sẽ có vai trò nào hay không đã khiến các tổ chức nhân quyền lên tiếng yêu cầu phải có những người theo dõi ngoài cuộc để bảo đảm người Rohingya được hồi hương.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Dhaka, Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali bảo đảm rằng UNHCR sẽ góp phần.
"Cả hai nước đều nhất trí nhận sự giúp đỡ của UNHCR trong quá trình hồi hương người Rohingya", ông Ali nói. "Myanmar sẽ nhận sự hỗ trợ theo yêu cầu của họ".
Bước đột phá ngoại giao này diễn ra ngay trước chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Francis tới Myanmar và Bangladesh từ ngày 26 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12 nhắm mục tiêu thúc đẩy "hòa giải, tha thứ và hòa bình".
Trong khi bạo lực ở Rakhine phần lớn đã chấm dứt, người Rohingya vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Myanmar, nói rằng họ hầu như không tiếp cận được các nguồn sinh kế như nông trại, ngư trường và thị trường.
Hàng ngàn người Rohingya, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, vẫn bị mắc kẹt trên các bãi biển gần biên giới, chờ thuyền đưa họ đến Bangladesh.
Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã mô tả các hành động của quân đội Myanmar là "thanh lọc sắc tộc", và các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc lực lượng an ninh thực hiện những hành vi tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, phóng hỏa và giết người.
Mỹ cũng cảnh báo họ có thể áp đặt chế tài lên với những người chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền bị cáo buộc.
*************************
Miến Điện : Người Rohingya hồi hương sẽ ở trong các trại tạm cư (RFI, 25/11/2017)
Hôm 25/11/2017, chính phủ Bangladesh thông báo là những người Rohingya từ Bangladesh hồi hương về Miến Điện theo thỏa thuận giữa hai nước sẽ ở trong các trại tạm cư trong một thời gian, bởi vì các làng của họ đã bị đốt sạch.
Người Rohingya ở trại tỵ nạn Kutupalong, gần Cox's Bazar, Bangladesh. Ảnh ngày 24/11/2017. Reuters/Susana Vera
Ngoại trưởng Bangladesh A.H. Mahmood Ali đã thông báo như trên với các phóng viên sau khi hôm thứ Năm vừa qua, nước này và Miến Điện vừa thông báo đã đạt thỏa thuận về việc hồi hương khoảng hơn 600 ngàn người Rohingya chạy lánh nạn sang nước láng giềng, do bị quân đội Miến Điện truy bức, đàn áp, trong một chiến dịch mà Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ xem là một cuộc thanh lọc sắc tộc. Thỏa thuận, với nội dung còn mơ hồ, theo dự kiến sẽ bắt đầu được thực hiện trong vòng hai tháng tới.
Theo văn bản thỏa thuận được chính phủ Dacca công bố hôm nay, phía Miến Điện phải tái lập cuộc sống bình thường ở bang Rakhine và khuyến khích những người đang tị nạn ở Bangladesh tự nguyện trở về nhà của họ hoặc về một nơi an toàn gần nhà họ.
Thế nhưng, hôm qua, Phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc HCR đã cho rằng những điều kiện chưa hội đủ để bảo đảm cho việc hồi hương "an toàn và bền vững" những người thiểu số Hồi giáo này.
Thỏa thuận về việc hồi hương người Rohingya được Bangladesh và Miến Điện thông báo chỉ vài ngày trước khi giáo hoàng Francis đến thăm hai nước này kể từ ngày 27/11.
Thanh Phương
Miến Điện : Thời điểm của nghi ngờ và suy xét (RFI, 24/11/2017)
Một nghịch lý đang diễn ra tại quốc gia Đông Nam Á Miến Điện : chính khi sắc dân Hồi giáo thiểu số Rohingya rơi vào thảm cảnh, những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây, lại khiến dân tộc Miến Điện, vốn có truyền thống bị chia rẽ, trở nên đoàn kết hơn. Trên đây là nhận định của ông Olivier Guillard, chuyên gia về Châu Á thuộc viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược (IRIS), Paris.
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi (G) trong cuộc họp báo tại thượng đỉnh ASEM, ở Naypyidaw, ngày 21/11/2017. Reuters/Stringer
Trong bài viết "Miến Điện : Thời điểm của sự nghi ngờ và suy xét" đăng trên trang mạng về Châu Á Asialyst, chuyên gia Olivier Guillard nhận định đã đến lúc suy xét kỹ lưỡng để đánh giá về trách nhiệm của chính quyền dân sự (lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia Về Dân Chủ - LND) và tập đoàn quân sự. Quan hệ giữa chính quyền dân sự và tập đoàn quân sự vốn rất băng giá nay trở nên nồng ấm hơn qua cuộc khủng hoảng người Rohingya.
Năm năm sau khi tập đoàn quân sự thu gọn quyền lực sau nửa thế kỷ lãnh đạo liên tục và tiến hành chuyển giao quyền lực (quá trình chuyển giao hiện vẫn chưa hoàn tất), vào ngày 08/11/2015, cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức tại Miến Điện.
Hiến Pháp Miến Điện do tập đoàn quân sự soạn thảo để phục vụ cho cho lợi ích của họ, nên còn nhiều hạn chế về thủ tục hành chính, nhất là điều kiện trở thành tổng thống, vốn được đề ra nhằm chống bà Aung San Suu Kyi. Mặc dù vậy, vào năm 2015, các nhà quan sát, thăm dò ý kiến và cử tri không trông chờ gì hơn ngoài chiến thắng của đảng LND của bà Aung San Suu Kyi trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm đó.
Trái ngược với năm 1990, khi tập đoàn quân sự không công nhận kết quả bầu cử có lợi cho đảng LND, vào năm 2015, các tướng lĩnh quân đội Miến Điện lại điềm nhiên chấp nhận kết quả bỏ phiếu mang lại thắng lợi cho đảng LND. Và đó là một sự sỉ nhục đối với đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển USDP.
Bối cảnh chính trị khi đó ở Miến Điện tương đối thuận lợi cho đảng LND, nhất là đảng của bà Aung San Suu Kyi có một thời gian chuẩn bị lãnh đạo đất nước.
Một năm rưỡi sau những bước đi đầu tiên của chính phủ dân sự, sau những kỳ vọng và sự phấn khởi tột bậc của dân chúng, cũng như những lời cổ vũ, khen ngợi của cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây (mà theo chuyên gia Olivier Guillard là quá sớm) về thắng lợi của nền dân chủ, người ta thấy những nhận xét ít thiện cảm hơn và cách nhìn nhận thực tế hơn về tình hình Miến Điện.
Chính quyền LND ngay từ đầu nhiệm kỳ đã vấp phải sự thiếu kinh nghiệm về quản lý và giải quyết các vấn đề quốc gia. Chính vì thế, họ phải liên minh với tập đoàn quân sự vốn vẫn còn những ảnh hưởng vô cùng lớn, trong khi hai bên vẫn chưa thực sự được hòa giải. Và chính phủ Miến Điện cũng vấp phải một chuỗi hồ sơ phức tạp và chồng chéo, chẳng hạn tiến trình hòa bình và hòa giải quốc gia, phát triển kinh tế, quan hệ với tập đoàn quân sự cũ và giới lãnh đạo Phật Giáo mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, quan hệ với thế giới bên ngoài, từ Washington tới Bắc Kinh …
Trong bối cảnh phức tạp đó, hồi tháng 09/2017, một cuộc khủng mới lại bùng nổ : từ miền bắc bang Arakan, vài trăm ngàn dân thường thuộc sắc dân thiểu số Hồi giáo Rohingya rơi vào thảm cảnh, phải sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Cuộc khủng hoảng người Rohingya đã làm xấu đi hình ảnh của Miến Điện thời hậu chính quyền quân sự.
Liên Hiệp Quốc, các nước phương Tây và các quốc gia Hồi giáo, giới hoạt động nhân quyền và các tổ chức nhân đạo từ đó không ngừng chỉ trích hành động của cả chính quyền dân sự và giới lãnh đạo quân sự Miến Điện, coi họ là thủ phạm chính gây ra thảm họa cho người Rohingya. Thậm chí, nhiều người còn gọi đó là nạn thanh lọc sắc tộc hoặc diệt chủng.
Thế giới phê phán chính quyền Naypyidaw, tố cáo bạo lực ở Arakan, thương cảm trước nỗi đau của các nạn nhân, áp đặt lệnh trừng phạt. Nhưng chuyên gia Olivier Guillard đặt câu hỏi liệu có ai thực sự muốn biết sự thật về đặc quyền và khả năng của từng bên : chính quyền dân sự và các tướng lĩnh quân đội ? Ai có thể tới hiện trường ở bang Arakan để tìm hiểu chi tiết về cuộc khủng hoảng và cho toàn thể nhân loại biết sự thực và đánh giá rạch ròi trách nhiệm của lực lượng an ninh, quân đội và nhóm phiến quân Rohingya cực đoan ARSA ?
Bà Aung San Suu Kyi đang ở đâu trong cơn bão Rohingya ? Liệu bà có còn là một biểu tượng ? Là nữ cố vấn về dân chủ của chính quyền Miến Điện, khôi nguyên giải Nobel hòa bình 1991, người mà dân chúng Miến Điện đặt nhiều kỳ vọng, một thần tượng luôn điềm tĩnh và mỉm cười trong mắt phương Tây vốn khát khao dân chủ, tự do và đề cao nhân quyền, bà Aung San Suu Kyi đã không vượt qua được cơn bão tố bùng lên từ bang Arakan. Không ai hiểu nổi sự yên lặng của bà trong hồ sơ này. Nhiều người đã kêu gọi tước danh hiệu khôi nguyên Hòa Bình của lãnh đạo Aung San Suu Kyi : cộng đồng quốc tế đã vỡ mộng và coi đó là đòn trừng phạt nhắm vào cá nhân bà.
Sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của quốc tế khiến xã hội Miến Điện, vốn là một điển hình của sự chia rẽ nội bộ, đã đoàn kết vượt qua những khúc mắc chính trị, sắc tộc, xã hội để sát cánh ủng hộ các lãnh đạo dân sự và tập đoàn quân sự trong hồ sơ Rohingya.
Còn quan hệ giữa lãnh đạo chính quyền dân sự, bà Aung San Suu Kyi và lãnh đạo quân đội, vị tướng quyền hành Min Aung Hlaing ? Mặc dù bị chỉ trích, họ đã tận dụng cuộc khủng hoảng trầm trọng này để hàn gắn phần nào vết thương. Bà Aung San Suu Kyi đã không chỉ trích trước công luận hành động bạo lực của phe quân sự tại bang Arakan trong hai tháng qua, cho dù bà bị quốc tế chỉ trích là thụ động và thiếu lòng trắc ẩn. Theo chuyên gia Olivier Guillard, đó là vì bà ấy không muốn liều lĩnh hứng đòn phản công ngay tức khắc của tập đoàn quân sự, cũng như sự phản đối của dân chúng mà đa phần theo Phật Giáo.
Và đương nhiên, lãnh đạo Aung San Suu Kyi chọn giải pháp giữ yên lặng và nói giảm nói tránh để làm nhẹ về nỗi đau khổ và điều kiện sống cùng cực của hơn nửa triệu dân thường ở bang Arakan, hiện đang tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Cũng không nên quên rằng ở nhiều vùng khác, nhất là các bang Shan, Kachin, Karen, hàng triệu người, đa phần là các sắc dân thiểu số, đang phải gánh chịu thảm cảnh do xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang sắc dân thiểu số.
Chuyên gia Olivier Guillard kết luận thay vì chỉ trích và đưa ra những đánh giá chung chung, cộng đồng quốc tế nên suy xét kỹ hơn để hiểu rõ về nội bộ xã hội Miến Điện, xác định trách nhiệm của từng bên (chính quyền dân sự và tập đoàn quân sự) và xem xét kỹ lưỡng trong việc áp đặt lệnh trừng phạt. Với nhiệm kỳ lãnh đạo 7 năm của đảng LND trên nền tiến trình chuyển giao dân chủ rất phức tạp và vô cùng ngoắt nghéo, khao khát của đất nước Miến Điện và 55 triệu người dân là có một tương lai tươi đẹp hơn chứ không phải là bị tẩy chay, cấm vận.
Thùy Dương
***********************
Rohingya : Thỏa thuận Miến Điện-Bangladesh mang tính ngoại giao (RFI, 24/11/2017)
Thỏa thuận Miến Điện-Bangladesh ký ngày 23/11/2017 chỉ cho phép người Rohingya theo Hồi giáo hồi hương "trong hai tháng tới". Thông cáo chính thức của hai bên không hề sử dụng cụm từ "Rohingya" để chỉ người tị nạn Hồi giáo tại Bangladesh.
(Ảnh minh họa) - Những người Rohingya Miến Điện vượt biên giới sang Bangladesh để tới các trại tị nạn ở Palang Khali, ngày 19/10/1017. Reuters/Jorge Silva/File Photo
Theo hãng tin AFP, các tiêu chí về việc hồi hương, cũng như số người liên quan trong chương trình này, cũng không được nêu cụ thể. Trong khi đó, ngoại trưởng Miến Điện kiêm cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi lại đánh giá thỏa thuận này được ký kết "dựa trên mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và hữu nghị, có lợi cho cả hai nước".
AFP đánh giá thông cáo của Naypyidaw và Dacca về việc hồi hương người Rohingya mang tính chất ngoại giao, và được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến công du của giáo hoàng Phanxicô, tại Miến Điện từ ngày 26-30/11, sau đó là Bangladesh từ 30/11 đến 02/12.
Trong khi đó, tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội Miến Điện đã đến Trung Quốc ngày 23/11/2017 và bắt đầu chuyến công du 5 ngày, theo lời mời của quân đội nước này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế gây sức ép đối với quân đội và chính phủ Miến Điện trong hồ sơ Rohingya. Theo trang The Irrawaddy, mục đích của chuyến viếng thăm là thảo luận các biện pháp để cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh dọc biên giới chung của hai nước. Tướng Min Aung Hlaing cảm ơn sự hỗ trợ của Trung Quốc trong "trường hợp bang Rakhin".
Người Rohingya, sống chủ yếu ở bang Rakhine, bị coi là người nước ngoài tại Miến Điện, nơi có đến hơn 90% dân số theo Phật Giáo. Sắc dân thiểu số theo Hồi giáo này cũng là cộng động vô tổ quốc lớn nhất thế giới vì bị tước quốc tịch Miến Điện từ năm 1982 và phải chịu rất nhiều thiệt thòi : không được du lịch hay kết hôn nếu không được phép, không được tham gia thị trường lao động và không được hưởng các dịch vụ công (trường học và bệnh viện).
Thu Hằng
***********************
Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện (RFI, 23/11/2017)
Một lãnh đạo cao cấp quân đội Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh muốn thắt chặt quan hệ với quân đội Miến Điện nhằm bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực.
Tướng Trung Quốc Lý Tác Thành ( thứ 2 từ phải) trong một hội nghị tại bắc Kinh ngày 16/08/2016 - Ảnh tư liệu : Mark Schiefelbein / AFP
Theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc công bố vào hôm qua, 22/11/2017, trong cuộc hội đàm tại Bắc Kinh với tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, tướng Trung Quốc Lý Tác Thành (Li Zuocheng), ủy viên Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã tuyên bố rằng trước tình hình an ninh khu vực phức tạp và luôn biến đổi, Trung Quốc sẵn sàng duy trì trao đổi thông tin chiến lược với quân đội Miến Điện.
Bắc Kinh muốn có nhiều các cuộc tiếp xúc hơn nữa giữa quân đội hai nước, tăng cường hợp tác huấn luyện và kỹ thuật, nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định cho khu vực biên giới chung.
Theo Reuters, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu về các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội Miến Điện và lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc tại vùng biên giới. Hàng ngàn người đã phải chạy sang Trung Quốc để tránh bạo lực.
Thông cáo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc không hề đề cập đến vấn đề người Rohingya. Trong cuộc khủng hoảng này, phương Tây lên án quân đội Miến Điện trấn áp, thậm chí tiến hành chiến dịch thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế còn kêu gọi quốc tế tiến hành cấm vận toàn diện Miến Điện và trừng phạt tài chính nhắm vào giới lãnh đạo quân đội Miến Điện. Trong bối cảnh đó, tướng Min Aung Hlaing dẫn đầu một phái đoàn quân sự Miến Điện, công du Trung Quốc từ ngày 22/11.
Minh Anh
************************
Rohingya : Mỹ lên án một cuộc "thanh lọc chủng tộc" (RFI, 23/11/2017)
Washington nghiên cứu khả năng trừng phạt kinh tế Miến Điện về khủng hoảng người Rohingya. Trong thông cáo ngày 22/11/2017, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nêu đích danh "một số nhân vật trong quân đội và lực lượng an ninh" nước này trong vụ "thanh lọc chủng tộc", đẩy 600.000 người Rohingya sang Bangladesh tị nạn.
Thảm cảnh người Rohingya Miến Điện vượt sông sang Bangladesh tị nạn. ảnh chụp tại Cox's Bẩz, biên giới Bangladesh ngày 11/11/2017. Reuters/Navesh Chitrakar
Thông cáo với lời lẽ cứng rắn trên đây của Bộ ngoại giao Mỹ khác hẳn với thái độ thận trọng của ngoại trưởng Rex Tillerson trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi tại Naypidaw hôm 15/11/2017.
Thông tín viên RFI, Anne Corpet tại Washington phân tích về thay đổi trong thái độ của Hoa Kỳ trên hồ sơ người Rohingya :
Đây là một thay đổi rõ nét trong ngôn ngữ ngoại giao của Mỹ. Từ giữa tháng 9/2017, Liên Hiệp Quốc đã sử dụng cụm từ thanh lọc chủng tộc khi nói về thảm cảnh của Rohingya mà đến nay đã có hơn 600.000 người phải sang Bangladesh tị nạn. Vào thời điểm đó, chính quyền Mỹ đã từ chối dùng lại từ ngữ của Liên Hiệp Quốc.
Lần này, theo giải thích của một nhà ngoại giao, việc Washington sử dụng cụm từ thanh lọc chủng tộc cho thấy mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình.
Trong thông cáo, ngoại trưởng Tillerson nêu đích danh quân đội, các lực lượng an ninh Miến Điện và nhiều nhóm tự vệ ở cấp địa phương phải chịu trách nhiệm về vụ thanh lọc chủng tộc nhắm vào người Rohingya theo đạo Hồi ở Miến Điện.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không loại trừ khả năng ban hành một số biện pháp trừng phạt nhắm vào một số đối tượng. Ông Tillerson nói rõ : Những người gây tội ác phải bị trừng phạt.
Bộ Ngoại Giao Mỹ không đặc biệt nhắm vào chính quyền Miến Điện. Một nhà ngoại giao giải thích : Tình hình trong khu vực này không hoàn toàn do chính quyền dân sự Miến Điện kiểm soát, nhưng Hoa Kỳ trông cậy vào bà Aung San Suu Kyi để giải quyết khủng hoảng.
Cũng trong thông cáo của Bộ ngoại giao, Rex Tillerson hoan nghênh nỗ lực gần đây của chính quyền Miến Điện và Bangladesh về kế hoạch đưa người tị nạn Rohingy hồi hương.
Ông Tillerson cho biết thêm : cách thức Miến Điện giải quyết khủng hoảng lần này mang tính quyết định để thực hiện thành công tiến trình chuyển đổi, hướng tới một xã hội dân chủ hơn.
Miến Điện–Bangladesh đạt thỏa thuận về người tị nạn Rohingya
Theo hãng tin Reuters vào sáng nay (23/11), Miến Điện và Bangladesh đã ký một thỏa thuận mà trên nguyên tắc sẽ mở đường cho việc đưa hàng trăm ngàn người Rohingya tị nạn tại Bangladesh về nguyên quán. Một quan chức trong bộ Lao Động, Nhập Cư và Dân Số Miến Điện, ông Myint Kiang, cho biết thỏa thuận nói trên đã được ký kết vào sáng nay tại Naypidaw và Miến Điện "sẵn sàng đón nhận" người Rohingya trở về, sau loạt bạo động dấy lên từ hôm 25/08/2017 tại bang Arakan.
Cũng về người Rohingya, Miến Điện, tòa thánh Vatican ngày 22/11/2017 thông báo đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm người tị nạn Rohingya tại thủ đô Dhaka vào ngày 01/12/2017. Lãnh đạo tòa thánh Vatican công du hai nước Miến Điện và Bangladesh từ ngày 26/11/2017 đến mồng 02/12/2017.
Thanh Hà