Việt Nam bắt đầu nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (RFA, 03/01/2020)
Ngày 2/1/2019, Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ 2020 – 2021 tại buổi lễ diễn ra ở trụ sở của Liên Hiệp Quốc (UN) tại New York.
Hình minh họa. Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 30/4/2019 - AP
Đại sứ, Trưởng phái đoàn Đại diện thường trực của Việt Nam tại UN Đặng Đình Quý phát biểu tại buổi lễ rằng đây là một vinh dự cho Việt Nam. Ông Quý nói Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp vào công việc của Hội đồng Bảo an nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Ông đồng thời cũng bày tỏ mong muốn có được sự ủng hộ của các nước đối với những nỗ lực của Việt Nam không chỉ trong Tháng Chủ tịch mà trong cả thời gian tới.
Trong cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã thông qua chương trình làm việc của tháng 1/2020 do Việt Nam đề xuất bao gồm 12 cuộc họp công khai và 15 cuộc họp kín. Các vấn đề được thảo luận bao gồm tình hình Trung Đông, Syria, Yemen, Tây Phi, Sahel, Mali, Libi, Trung Á và Síp.
Trọng tâm của các hoạt động của Hội đồng Bảo an trong tháng 1 là thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và tăng cường hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và ASEAN.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam nhận ghế Chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Việt Nam đảm nhận hai vai trò quan trọng vào khi đang có những căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Một số chuyên gia cho rằng đây là cơ hội để Việt Nam đưa các vấn đề về vi phạm luật quốc tế của Trung Quốc ra diễn đàn quốc tế.
Hồi tháng 9 năm 2019, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đề cập đến căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, dù không nêu tên Trung Quốc trực tiếp.
Đây là lần thứ hai Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an kể từ năm 2008.
Việt Nam nhận được 192/193 phiếu thuận tại lần bầu chọn vào ghế thành viên không thường trực nhiệm kỳ này hồi năm ngoái.
Cùng với Việt Nam, còn có 4 quốc gia khác cũng được bầu vào ghế thành viên không thường trực nhiệm kỳ này là Estonia, Niger, Tunisia Saint và Grenadines.
*********************
Bảy ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 (Thế giới và Việt Nam, 02/01/2020)
Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Việt Nam đề ra 7 ưu tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Bảy ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Thay thế Cuba, Venezuala trúng cử vào Hội dồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Bất chấp thành tích nhân quyền tệ hại đang diễn ra, Venezuela vẫn trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền trong cuộc bầu cử thường niên diễn ra tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào hôm 17/10/2019.
Một phiên họp và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Genève - Ảnh minh họa
Với 105 phiếu ủng hộ trên tổng số 193 phiếu, Venezuela trở thành quốc gia đại diện cho khu vực Mỹ Latinh và Vùng Caribe, tham gia vào cơ quan hàng đầu thế giới chịu trách nhiệm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu.
Trước đó vài tuần, Costa Rica trong một nỗ lực ngăn cản Venezuela trúng cử vì không có ứng viên cạnh tranh theo khu vực địa lý, đã ra tranh cử vội vàng và không đạt kết quả như mong muốn, chỉ được 96/193 phiếu.
Với kết quả này, Venezuela sẽ thực hiện nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền trong ba năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2020 để thay thế cho Cuba - sau khi quốc gia này kết thúc hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Chính trị hóa nhân quyền
Kết quả thắng cử của Venezuela cho thấy quốc gia này vẫn còn nhiều “đồng minh nhân quyền” trong Liên Hợp Quốc, dù chính phủ Nicolás Maduro đại điện cho Venezuela tại Liên Hợp Quốc không còn được công nhận ở Hoa Kỳ, Tây Âu và hầu hết các quốc gia Châu Mỹ.
Điều đó cho thấy cuộc bỏ biếu bầu chọn thành viên tại Hội đồng Nhân quyền vẫn còn bị thao túng bởi mục đích chính trị hơn là xét về tiêu chuẩn nhân quyền, mà thế lực đằng sau không ai khác chính là Nga và Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 7/2019, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ đã đệ trình báo cáo nói rằng Venezuela là một ứng cử viên không phù hợp khi liên tục vi phạm nghiêm trọng các quyền chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội và văn hóa.[1]
Một tháng trước ngày bỏ phiếu, Hội đồng Nhân quyền đã thành lập một nhiệm vụ tìm hiểu thực tế 'để điều tra các vụ xử tử phi pháp, thực hiện các vụ cưỡng bức mất tích, giam giữ tùy tiện, tra tấn và đối xử tàn ác từ năm 2014 ở Venezuela".[2]
Chính phủ Maduro đã lên án hành động này và tuyên bố sẽ không hợp tác với bất kỳ một cơ chế nhân quyền nào của Liên Hợp Quốc tiến hành điều tra về các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở nước này.
Giờ đây Venezuela sẽ tham gia vào chính cơ quan đang tiến hành điều tra họ. Điều này rõ là sự khôi hài !
Khả năng giới hạn
Tình trạng các quốc gia có thành tích nhân quyền tồi tệ trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền không phải là điều mới lạ kể từ khi cơ quan này thành lập vào năm 2006.
Với thể thức bầu cử thành viên được phân chia số ghế theo khu vực địa lý đã phát sinh tình trạng có nhiều năm việc bỏ phiếu diễn ra mà “không có ứng viên cạnh tranh”.
Theo đó, 47 quốc gia thành viên của Hội đồng Nhân quyền được phân chia theo khu vực : Châu Phi 13 ghế, Châu Á 13 ghế, Đông Âu 6 ghế, Mỹ Latinh và Caribe 8 ghế, Tây Âu và khu vực khác 7 ghế.
Điều này đã tạo cơ hội cho nhiều quốc gia có tình trạng vi phạm nhân quyền báo động như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Arap Saudi … vẫn cứ ung dung trúng cử, dù thành viên của Hội đồng Nhân quyền được yêu cầu duy trì "các tiêu chuẩn cao nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền".
Vào năm ngoái Hoa Kỳ đã chính thức rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, và đại sứ Nikki Haley gọi cơ quan này là "đạo đức giả và vụ lợi" và tạo ra "một sự nhạo báng về nhân quyền”.
Xu hướng này thật đáng lo ngại khi quốc gia có thành tích bảo vệ nhân quyền tốt lại ra đi, còn các quốc gia có thành tích xấu thì thay phiên nhau bám trụ, trong khi Hội đồng Nhân quyền là cơ quan mang trọng trách thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên toàn thế giới.
Cũng khó đòi hỏi nhiều hơn khi nguyên tắc hoạt động của cơ quan này chỉ là đối thoại và hợp tác mà thiếu hẳn cơ chế trừng phạt. Dù vậy, nhiều người theo dõi nhân quyền vẫn đánh giá rằng Hội đồng Nhân quyền đang có từng bước cải cách về cơ chế vận hành để hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 22/10/2019 (minh-luat's blog)
--------
Xem thêm :
Thông tin về kết quả bầu cử Hội đồng Nhân quyền hôm 17/10/2019
[1] Báo cáo của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Venezuela vào tháng 7/2019
[2] Hội đồng Nhân quyền thành lập một nhiệm vụ điều tra thực tế về vi phạm nhân quyền ở Venezuela vào tháng 9/2019
Kiểm điểm UPR và kiểm điểm theo công ước là sân chơi với luật chơi công bằng
Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc là cơ hội để người dân ở các quốc gia độc tài đòi hỏi chính phủ của họ giải trình về các vi phạm nhân quyền. Qua đó, người dân tăng dần bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm và thế quốc tế để ngày càng kềm chế một cách hiệu quả sự lạm dụng quyền lực của chính phủ. Đấy công dụng đích thực và quan trọng của các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc.
Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Ảnh Liên Hiệp Quốc
Nhưng công dụng này chỉ được phát huy khi chính người dân nhập cuộc, sử dụng mỗi cuộc kiểm điểm như một sân đấu nơi mình vừa so tài vừa trau luyện công lực thay vì xem nó như một sân khấu mà mình là khán giả đứng ngoài cổ võ. Tiếc là đối với cuộc kiểm điểm UPR Việt Nam vừa rồi, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đã chọn làm khán giả ; đó đây lại còn có sự thổi phồng UPR lên thành yếu tố "trời giáng" lên chế độ. Nhưng "bóng xì hơi", ảo vọng ban đầu nhường chỗ cho tâm lý hụt hẫng. Giờ đây chẳng còn ai nói đến UPR nữa. Cộng đồng mạng xã hội đã xoay qua những chuyện thời thịnh khác.
Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp những ai thực sự muốn góp phần thay đổi đất nước nhận định đúng đắn về thủ tục kiểm điểm định kỳ của Liên Hiệp Quốc, trau luyện kỹ năng khai dụng nó và bước vào sân đấu.
Thủ tục kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc
Liên Hiệp Quốc có 2 loại thủ tục kiểm điểm : Kiểm điểm theo công ước và kiểm điểm định kỳ phổ quát mà chúng ta thường gọi tắt là UPR (tên dài là Universal Periodic Review). Chu kỳ cho mỗi thủ tục kiểm điểm là từ 4.5 đến 5 năm. Khi một buổi kiểm điểm diễn ra công khai thì đó chỉ là phần hiển lộ ra ngoài của tiến trình kéo dài suốt chu kỳ 4,5 – 5 năm. Để khai dụng thủ tục kiểm điểm, chúng ta cần tác động đến mọi giai đoạn dọc suốt chu kỳ ấy.
a. Giai đoạn trước kiểm điểm : thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng. Quốc gia đối tượng nộp báo cáo quốc gia cho ủy ban kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc (mỗi cuộc kiểm điểm có một ủy ban kiểm điểm chịu trách nhiệm) để giải trình về thực thi các khuyến cáo nhận được từ cuộc kiểm điểm của chu kỳ trước. Kế đến, các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế (báo cáo phản biện). Một số thủ tục kiểm điểm có báo cáo đợt 2 : ủy ban kiểm điểm tổng hợp các bản báo cáo và những thông tin từ nguồn riêng để lập danh sách các vấn đề mà quốc gia đối tượng cần trả lời ; sau đó, các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội phản biện các trả lời này trước buổi kiểm điểm.
b. Buổi kiểm điểm : Mỗi buổi kiểm điểm thường diễn ra trong 2 ngày : ngày đầu, ủy ban kiểm điểm đặt câu hỏi và ngày hôm sau quốc gia đối tượng trả lời. Trước khi buổi kiểm điểm diễn ra, ủy ban kiểm điểm họp tham khảo các tổ chức xã hội dân sự đã nộp báo cáo thay thế. Sau buổi kiểm điểm khoảng 1 đến 2 tuần, ủy ban kiểm điểm đưa ra bản "nhận xét kết luận", bao gồm nhiều khuyến cáo để yêu cầu quốc gia đối tượng thực thi.
c. Giai đoạn sau buổi kiểm điểm : Ủy ban kiểm điểm cho quốc gia đối tượng thời gian, thường là 12 tháng, để báo cáo là đã, đang hoặc sẽ đáp ứng các khuyến cáo trong bản "nhận xét kết luận" như thế nào. Sau đó, các tổ chức xã hội dân sự có cơ hội để nộp báo cáo phản biện. Thường, ủy ban kiểm điểm còn yêu cầu quốc gia đối tượng nộp báo cáo giữa kỳ (giữa chu kỳ kiểm điểm) và các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội để phản biện giữa kỳ. Sau báo cáo giữa kỳ thì bắt đầu chuẩn bị cho chu kỳ kiểm điểm nối tiếp.
Kiểm điểm theo công ước
Tổng cộng có 9 công ước quan trọng về nhân quyền. Mỗi công ước có một ủy ban hữu trách. Chẳng hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi việc thực thi Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) bởi các quốc gia đã tham gia ; Ủy ban Chống tra tấn theo dõi việc thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT) ; Ủy ban Xóa bỏ phân biệt đối xử với Phụ nữ chịu trách nhiệm về Công ước Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW)… Các ủy ban này thực hiện các cuộc kiểm điểm.
Việt Nam đã ký 7 trong số 9 công ước này (xem thêm chi tiết trong phần ghi chú). Vì các chu kỳ kiểm điểm gối đầu nhau, ở bất kỳ thời điểm nào Việt Nam cùng lúc được chiếu cố bởi 7 ủy ban kiểm điểm theo công ước. Tuy nhiên, việc chấp nhận tham gia kiểm điểm theo công ước lại tùy theo thiện chí của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, sau lần kiểm điểm về ICCPR năm 2002, 16 năm sau Việt Nam mới lại qua kiểm điểm, ngày 11-12 tháng 3 tới đây, nghĩa là Việt Nam đã tránh né 2 chu kỳ kiểm điểm.
Kiểm điểm UPR
Kiểm điểm UPR khác với các kiểm điểm theo công ước ở chỗ nó mang tính cách định kỳ và phổ quát. Định kỳ nghĩa là hễ đến lượt mình thì phải qua kiểm điểm chứ không thể tùy nghi tham gia hay không. Phổ quát nghĩa là mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tuần tự qua cuộc kiểm điểm, mọi quốc gia đều có quyền đặt câu hỏi và cho khuyến cáo đối với quốc gia đối tượng, và các câu hỏi và các khuyến cáo có thể bao quát mọi lĩnh vực nhân quyền. Trong khi đó, kiểm điểm theo công ước chỉ áp dụng cho những quốc gia nào đã ký công ước, câu hỏi và khuyến cáo do ủy ban kiểm điểm đưa ra, và nội dung phải giới hạn trong phạm vi của mỗi công ước.
Do những đặc tính kể trên, thể thức kiểm điểm UPR cũng hơi khác với thể thức kiểm điểm theo công ước. Dưới đây là các giai đoạn và mốc điểm liên quan đến cuộc UPR đối với Việt Nam vừa rồi :
15 tháng 7, 2018 : hạn chót để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế, chỉ ra những khiếm khuyết trong việc thực thi các khuyến cáo từ lần UPR trước.
14 tháng 11, 2018 : chính phủ Việt Nam nộp báo cáo quốc gia, giải trình về thực thi các khuyến cáo từ UPR lần 2 năm 2014.
12 tháng 12, 2018 : ủy ban kiểm điểm tham vấn các tổ chức xã hội dân sự.
15 tháng 1, 2019 : các quốc gia gửi trước các câu hỏi và khuyến cáo cho Việt Nam.
22 tháng 1, 2019 : buổi kiểm điểm UPR lần 3 đối với Việt Nam ; các quốc gia đặt câu hỏi trực tiếp với đoàn Việt Nam.
Tháng 7, 2021 : Việt Nam nộp báo cáo giữa kỳ.
30 tháng 6, 2023 : thời hạn để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế cho UPR lần 4.
Tháng 1, 2024 : Kiểm điểm UPR lần 4 đối với Việt Nam.
Lịch trình ở trên cho thấy là, muốn khai dụng kiểm điểm UPR thì một tổ chức xã hội dân sự đã phải bắt đầu công việc rà soát báo cáo quốc gia của Việt Nam và chuẩn bị biên soạn báo cáo thay thế ít ra 9 tháng trước và bắt đầu vận động các quốc gia đặt câu hỏi cho Việt Nam ít ra 2 tháng trước buổi kiểm điểm UPR. Chờ đến đúng ngày diễn ra buổi kiểm điểm UPR để lên tiếng thì đã quá trễ.
Kiểm điểm UPR vượt qua được khiếm khuyết của kiểm điểm theo công ước là không quốc gia nào được bỏ qua kiểm điểm khi đến phiên mình, nhưng lại mang một số khuyết điểm khác. Khiếm khuyết lớn nhất là, các chế độ độc tài liên kết với nhau để khi một trong số đó qua kiểm điểm thì các chính phủ khác đặt câu hỏi làm bộ để vừa đỡ đòn vừa lấy bớt thời gian còn lại cho các câu hỏi đích thực. Muốn tìm hiểu thêm về kiểm điểm UPR, xin đọc bài "Vận động nhân quyền qua UPR". http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1427-2019-01-13-03-17-22.html
Cách khai dụng các cuộc kiểm điểm
Muốn khai dụng một cuộc kiểm điểm theo công ước, các tổ chức xã hội dân sự phải chia nhau để đi chuyên sâu về từng công ước, hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chuyên theo dõi việc thực thi công ước đó, và có lịch làm việc liên tục suốt chiều dài của mỗi chu kỳ kiểm điểm.
Chẳng hạn, để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, BPSOS đã cùng một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế soạn các bản báo cáo chung và riêng, và đã nộp trước thời hạn 15 tháng 7, 2018 :
1. Bản báo cáo chung về tuân thủ các công ước quốc tế (BPSOS, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền, Hiệp hội các Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu và Hội thánh em đạo Cao Đài)
2. Bản báo cáo chung về vi phạm tự do tôn giáo (Hội Tinh thần đoàn kết Phật Giáo, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trung ương hải ngoại, Hội thánh em đạo Cao Đài, Hội Hmong đoàn kết cho Công lLý và Hội thánh Đấng Christ Tây Nguyên)
3. Bản báo cáo chung về quyền tự do biểu đạt và internet (Hội Nhà Báo Độc Lập và BPSOS)
4. Báo cáo chung về tình trạng vô quốc gia của người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành (BPSOS, Statelessness Network Asia Pacific và Institute on Statelessness and Inclusion)
5. Bản báo cáo về tình trạng tra tấn (Liên Minh Chống tra tấn -- Việt Nam)
Ngày 11-14 tháng 12, BPSOS cử phái đoàn đến Geneva tiếp xúc với các phái bộ thường trực của Thuỵ Điển, Đức, Hoa Kỳ và Liên Âu, đồng thời phối hợp với các tổ chức nhân quyền thân hữu vận động các bộ ngoại giao của Na Uy, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ… Mục đích của chúng tôi là ảnh hưởng đến các câu hỏi và khuyến cáo của họ dành cho Việt Nam.
BPSOS không cử phái đoàn đến Geneva vào ngày diễn ra cuộc kiểm điểm UPR (22 tháng 1, 2019) vì lúc ấy đã quá trễ để ảnh hưởng các phái bộ quốc gia trong việc đặt câu hỏi và cho khuyến cáo.
Chúng tôi đang phân tích các câu hỏi và các khuyến cáo đã được đặt ra cho Việt Nam để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.
Kết chuỗi các cuộc kiểm điểm
Đi suốt chiều dài của một chu kỳ kiểm điểm là đòi hỏi tối thiểu. Để tăng tác dụng, chúng tôi tập trung vào một số chủ đề trọng tâm và chọn ra một số hồ sơ tiêu biểu để kết chuỗi các cuộc kiểm điểm lại với nhau. Chẳng hạn, tại cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, chúng tôi tập trung vào 4 chủ đề : tự do tôn giáo, tra tấn, tù nhân lương tâm và tình trạng vô quốc gia của người Hmong và Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Ba trong số 4 chủ đề này chúng tôi đã nêu tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống tra tấn ngày 14 và 15 tháng 11, 2018. Và chúng tôi lại sẽ nêu cả 4 chủ đề này tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị, sẽ diễn ra ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây.
Về hồ sơ thì chúng tôi chọn một số hồ sơ tiêu biểu để "đóng cọc" vào một cuộc kiểm điểm và theo đuổi chúng xuyên qua các cuộc kiểm điểm gối đầu tiếp theo. Chẳng hạn, chúng tôi đã đưa vào buổi kiểm điểm về chống tra tấn hồi tháng 11 năm ngoái hồ sơ của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị tra tấn đến chết ở đồn công an. Chúng tôi tiếp tục đưa hồ sơ này vào cuộc kiểm điểm UPR, kèm với thông tin cập nhật. Hồ sơ này lại tiếp tục được đưa vào cuộc kiểm điểm về quyền dân sự và chính trị sắp đến. Như vậy, chính phủ Việt Nam không trả lời cho xong chuyện vì họ sẽ tiếp tục đối mặt với cùng một số hồ sơ xuyên suốt từ cuộc kiểm điểm này sang cuộc kiểm điểm khác.
Kết luận
Qua các cuộc kiểm điểm, Liên Hiệp Quốc tạo sân chơi quốc tế nơi mà luật chơi công bằng, nơi mà người dân có thể ngồi ngang hàng với những người cầm quyền. Chế độ độc tài không thể dùng bạo lực để khống chế người dân, không thể dở thói ngang ngược theo luật rừng, không thể ngăn chặn người dân góp tiếng nói với quốc tế. Họ có thể trả lời vòng vo, nói sai sự thật nhưng người dân lại có cơ hội để phản biện, để phanh phui, để thách đố.
Người dân, hoàn toàn lép vế ở trong nước, có thể dùng các cuộc kiểm điểm làm diễn đàn để đòi hỏi nhà nước độc tài giải trình về nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền, đưa ra các khuyến cáo đề nghị cho Liên Hiệp Quốc để chuyển cho nhà nước, và hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc theo dõi việc nhà nước đáp ứng các khuyến cáo ấy. Qua những công đoạn ấy, các tổ chức xã hội dân sự cũng tự giới thiệu mình với quốc tế.
Muốn nhập cuộc chơi, các tổ chức xã hội dân sự phải học hỏi nhiều và tập luyện nhiều để tăng kiến thức, tăng kỹ năng, tăng kinh nghiệm. Lợi ích thiết thực gặt hái được chính là bản lãnh và nội lực của người dân ngày thêm vững chãi, và thế quốc tế ngày càng tăng lên.
Tôi mong rằng những người thực tâm vì dân vì nước sẽ đầu tư thời gian và công sức để tự biến mình thành những chuyên viên về từng cuộc kiểm điểm theo công ước và về kiểm điểm UPR. Để yểm trợ cho những người này, BPSOS sẽ tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện trực tuyến chuyên sâu về từng lĩnh vực nhân quyền.
Đã đến lúc những người thực tâm muốn thay đổi đất nước ngưng làm khán giả đứng ngoài vỗ tay và bước vào sân đấu quốc tế.
Ngày 3 tháng 2, 2019
Nguyễn Đình Thắng
Nguồn : machsongmedia.com
-----------------
Ghi chú :
9 công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng :
1. International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) : Công ước về quyền dân sự và chính trị, Việt Nam ký năm 1982
2. International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR) : Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Việt Nam ký năm 1982
3. Convention on the Rights of the Child (CRC) : Công ước về quyền của trẻ em, Việt Nam ký năm 1990
4. Convention to End all forms of Discrimination against Women (CEDAW) : Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Việt Nam ký năm 1980
5. Convention on the Elimination of Racial Discrimination (CERD) : Công ước về xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, Việt Nam ký năm 1982
6. Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (CAT) : Công ước xóa bỏ tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Việt Nam ký năm 2014
7. Convention on the Rights of Persons with Disabilities (CRPD) : Công ước về quyền của người có khuyết tật, Việt Nam ký năm 2014
8. Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families (CMW) : Công ước về bảo vệ lao động di dân và thành viên gia đình của họ, Việt Nam chưa ký
9. Convention for the Protection of all Persons from Enforced Disappearance (CED) : Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích, Việt Nam chưa ký
Bản tiếng Việt của các công ước do nhà nước Việt Nam cung cấp (Một số bản dịch này có những lỗi quan trọng, có thể làm sai nghĩa nội dung của công ước).
Bài liên quan :
BPSOS công bố bản tiếng Việt nhận xét kết luận của Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc
Liên Hiệp Quốc : Việt Nam mắc nhiều vi phạm trong thực thi Công ước Chống Tra Tấn
Liên Hiệp Quốc kiểm điểm Việt Nam về tra tấn : Cơ hội để người dân lên tiếng
Tự do lập hội và tự do biểu tình, công đoàn độc lập theo quy ước ILO cũng được Bỉ, Canada, Hòa Lan đề cập đến. Trong khi Bỉ và Pháp yêu cầu thông qua cả ba điều 87, 98 và 105 của công ước ILO thì Hòa Lan đã thẳng thừng yêu cầu Việt Nam phải thông qua điều 87 ILO trong vòng một năm.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung đang 'cãi vịt'
Phái đoàn Việt Nam phái đoàn Việt Nam do ông Thứ trưởng Lê Hoài Trung dẫn đầu gồm có đại diện của các bộ như bộ Thông tin và Tuyên truyền, bộ Thương binh và Xã hôi, Bộ Công an, bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ Tư pháp , Ủy ban Tôn giáo và Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, … có mặt trong phiên điều trần định kỳ về nhân quyền của Việt Nam tại Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thuỵ sỹ vào ngày 22 tháng 1 năm 2019.
Ông Lê Hoài Trung đã điểm qua các thành tựu mà Việt Nam đã đạt được cũng như những cố gắng cửa Việt Nam trong việc thực thi các quyền cơ bản và phổ quát theo công ước quốc tế mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian kể từ kỳ điều trần của Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review) chu kỳ 2 năm 2014.
Tại chu kỳ thứ 3 Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát này, phái đoàn Việt Nam đã nhận được câu hỏi chất vấn và khuyến nghị của đại diện từ 125 quốc gia khác nhau. Con số kỷ lục này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Dĩ nhiên các quốc gia đều hoan nghênh và không phủ định những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Nhưng bên cạnh đó các câu hỏi chất vấn và khuyến nghị được đặt ra rất chi tiết lại không có được các câu trả lời thoả đáng từ phía phái đoàn Việt Nam.
Nhiều quốc gia phương Tây đều đưa ra yêu cầu Việt Nam sửa đổi Luật hình sự để giảm tội danh tử hình và tiến tới giảm án tử hình và sau đó là xóa bỏ hẳn án tử hình vốn đã được xóa bỏ ở 106 quốc gia trên thế giới. Đan Mạch còn nêu vấn đề xét sử lưu động cần phải được huỷ bỏ nhằm bảo đảm quyền suy đoán vô tội.
Đáp lại yêu cầu này, đại diện của Bộ Tư pháp cho biết Việt Nam dù có giảm án tử hình trong các tội danh từ năm 1989 cho đến nay nhưng sẽ vẫn duy trì án tử hình vì đây là "biện pháp cần thiết ngăn ngừa tội phạm nghiêm trọng, phù hợp điều 6 công ước về quyền hình sự và chính trị". Người đại diện này còn cho biết "số liệu án tử hình liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước nên không công khai số liệu án tử hình" nhưng lại nói thêm rằng "thi hành án công khai đúng thủ tục tố tụng hình sự".
Luật An ninh Mạng vừa mới có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2019 vừa qua lại trở thành tiêu điểm cho hầu hết các quốc gia phương tây vốn quan tâm đến nhân quyền do luật này đã vi phạm quyền tự do biểu đạt theo các quy định quốc tế một cách nghiêm trọng. Các đại diện của một số quốc gia đã đưa ra yêu cầu cụ thể dành cho Việt Nam. Đại diện Hòa Lan yêu cầu sửa đổi điều 4, 9, 14 và 15 ; Úc và Hoa Kỳ yêu cầu sửa điều 8, 18 và 26 của luật này.
Đáp lại yêu cầu này đại diện của bộ Thông tin và tuyên truyền cho rằng luật An ninh Mạng đi theo trào lưu thế giới nhằm ngăn ngừa tội phạm mạng vì nguy cơ khủng bố đe doạ an ninh quốc gia cũng như phát tán tin tức sai sự thật nhằm vu khống các cá nhân và tổ chức tại Việt Nam. Và ông ta cho rẳng dân Việt Nam có quyền tự do internet và tự do biểu đạt khi dẫn ra nhận xét của Ngân Hàng Thế Giới rằng ở Việt Nam "phát triển kinh tế song hành với phát triển internet".
Đại diện Việt Nam cũng đã viện dẫn ra số người dùng internet tăng nhanh trong bốn năm qua và lượng người dùng Facebook ở Việt Nam để chứng minh chính quyền Việt Nam không bóp chặt tự do biểu đạt hay tự do internet dù là có luật An ninh Mạng. Và thêm vào đó còn nhấn mạnh rằng, "quyền tự do ngôn luậ phải chịu một số hạn chế nhằm bảo đảm anh ninh quốc gia và trật tự công cộng" theo như điều 19 của công ước quốc tế về quyên dân sự và chính trị. Và Luật An ninh Mạng ra đời nhằm mục đích bảo vệ môi trường internet lành mạnh cho người dân.
Về luật An ninh mạng, phía Việt Nam cho tới nay vẫn kiên quyết cho rằng an ninh mạng chính là bảo vệ an ninh của quốc gia trên mạng bằng cách đưa việc tự do biểu lộ, tự do internet vào trong khuôn khổ chứ không phải bảo vệ an toàn mạng cho người sử dụng và các nhà cung cấp dịch vụ hay kinh doanh trên mạng internet.
Luật Báo chí 2016 của Việt Nam cũng được đại diện Hòa Lan yêu cầu sửa đổi để bảo đảm quyền tự do biểu lộ, tự do báo chí và quyền riêng tư, quyền tự do trên mạng cũng như ngoài đời cho phù hợp với điều 19 của ICCPR. Cũng về tự do báo chí Áo, Đan Mạch cho rằng Việt Nam cần phải cho phép tư nhân xuất bản báo chí và ấn phẩm.
Quyền tự do biểu đạt và bày tỏ chính kiến đã được Hoa Kỳ đề cập đến bằng việc yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do ngay cho các tù nhân bất đồng chính kiến hiện đang thụ án trong các nhà tù Việt Nam như : Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Huỳnh Bắc Truyển và các thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ. Cộng Hòa Séc, một quốc gia cựu cộng sản cũng đã đưa ra yêu cầu thả tù nhân bị giam cầm vì đấu tranh cho nhân quyền. Ngoài ra Cộng hòa Séc còn yêu cầu Việt Nam thực hiện đa nguyên dân chủ và chính trị.
Trả lời về vấn đề người bất đồng chính kiến và tự do biểu đạt, đại diện Bộ Công an khẳng định không có gia tăng bắt giữ hay kết án những người hoạt động bảo vệ nhân quyền hay biểu lộ chính kiến ôn hòa. Số liệu chứng minh được đưa ra là 3 triệu bloggers vẫn đang hoạt động bình thường vì biểu lộ chính kiến tuân thủ theo pháp luật ; ngoài ra việc tranh luận, chất vấn, phản biện chính sách vẫn diễn ra hàng ngày.
Tự do lập hội và tự do biểu tình, công đoàn độc lập theo quy ước ILO cũng được Bỉ, Canada, Hòa lan đề cập đến. Trong khi Bỉ và Pháp yêu cầu thông qua cả ba điều 87, 98 và 105 của công ước ILO thì Hòa Lan đã thẳng thừng yêu cầu Việt Nam phải thông qua điều 87 ILO trong vòng một năm.
Bộ Luật Hình sự với các điều khoản gây mơ hồ nhằm kết tội những người bất đồng chính kiến cũng được yêu cầu rà soát và sửa đổi lại. Hòa lan yêu cầu trong vòng một năm Việt Nam cần sửa đổi các điều 174/2013, 72/2013, và 27/2018 ; Đức yêu cầu sửa chữa điều 79 và 88 bộ luật hình sự 2015. Canada cũng yêu cầu Việt Nam rà soát luật hình sự để cho luật sư tiếp xúc ngay sau khi bị bắt và xét xử công bằng. Pháp yêu cầu loại bỏ các tội danh sử dụng quyền tự do biểu đạt ra khỏi bộ luật hình sự.
Thẩm phán tòa án tối cao Việt Nam đáp lại các khuyến nghị về phân biệt xử án cho những người xâm phạm an ninh quốc gia khi khẳng định rằng không có chuyện sắp đặt sẵn án cho những tội danh này cũng như việc không có luật sư bào chữa cho họ vì không có sự phân biệt giữa các loại tội phạm hình sự và an ninh quốc gia vì "thủ tục xét xử là như nhau về pháp luật tố tụng lẫn nội dung".
Thẩm phán tòa án tối cao Việt Nam cho rằng tòa án Việt Nam đề cao tính độc lập trong xét xử, và các hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán là vi phạm pháp luật cũng như Việt Nam có sự phân quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Kết thúc phiên điều trần, ông Lê Hoài Trung đưa ra con số 70 ngàn hội đoàn hiện đang hoạt động tại Việt Nam để làm bằng chứng cho việc các hội đoàn xã hội dân sự được tự do hoạt động tại Việt Nam. Trả lời cho ý kiến về xét xử lưu động thì ông trưởng phái đoàn Việt Nam tuyên bố : "Xét xử lưu động vì ở xa, và nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, nhưng có xét ở đâu cũng tuân thủ trình tự pháp luật".
Diên Vỹ
****************
Việt Nam trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc : Số liệu án tử hình thuộc bí mật quốc gia (RFA, 22/01/2019)
Đại diện Bộ Tư pháp Việt Nam không công bố số liệu án tử hình tại Việt Nam khi bị chất vấn tại phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát về nhân quyền trước Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra vào ngày 22/1 tại Geneva, Thuỵ Sĩ. Đại diện Việt Nam cho biết nguyên nhân không công bố số liệu là vì đây là bí mật quốc gia.
Phái đoàn Việt Nam tại phiên kiểm điểm định kỳ UPR ở Liên Hiệp Quốc hôm 22/1/2019 Screen capture, courtesy UN
"Việt Nam không công khai về số liệu án tử hình !"
Mở đầu phiên Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền, Trưởng đoàn Việt Nam đọc Báo cáo Quốc gia về Thực hiện Quyền con người ở nước này trong đó tiết lộ : "Việt Nam còn duy trì án tử hình nhưng chỉ áp dụng đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng".
Báo cáo cũng chỉ ra việc, "Bộ luật hình sự 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh và quy định người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử không bị áp dụng hình phạt tử hình".
Tuy nhiên, khi được yêu cầu công khai số liệu về án tử hình ở Việt Nam, đại diện Bộ Tư pháp đã từ chối công bố lấy lý do đây là an ninh quốc gia.
"Nội dung về số liệu án tử hình là một nội dung liên quan đến các quy định pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước của quốc gia chúng tôi.
Trên thực tế, cân nhắc với nhiều lý do và nhiều khía cạnh xã hội thì Việt Nam không công khai về số liệu án tử hình.
Tuy nhiên việc thi hành án tử hình của chúng tôi đều tiến hành một cách công khai và đúng theo trình tự thủ tục quy định của bộ luật tố tụng hình sự", người phụ nữ không nêu danh tính đại diện cho Bộ Tư pháp Việt Nam khẳng định.
Bà này không giải thích lý do vì sao việc thi hành án tử hình là công khai nhưng số liệu thi hành án lại thuộc "bí mật nhà nước".
Dẫn số liệu về số lượng tội danh có hình phạt tử hình giảm qua các lần sửa đổi Bộ luật hình sự, vị đại diện phía Việt Nam nói các quy định về án tử hình đã lần lượt được thực hiện theo hướng nhân đạo hóa.
"Thực tế cho thấy các tội phạm bị áp dụng án tử hình, đối tượng bị thi hành án tử hình được giảm đáng kể trong khi đối tượng không bị áp dụng án tử hình được mở rộng hơn qua những lần sửa đổi Bộ luật hình sự.
Có thể thấy rằng từ lần sửa đổi bổ sung lần sửa đổi năm 1989 đến nay, thời điểm năm 1989 thì án tử hình là 44/218 tội danh và cho đến nay năm 2017, án tử hình là 18/314 tội danh", đại diện Bộ Tư pháp thông tin.
Vị đại diện này cũng tiết lộ Việt Nam "cũng xem xét gia nhập nghị định thư bổ xung về công ước ICIPR để tiến tới xem xét bãi bỏ án tử hình".
Tại phiên kiểm điểm, đại diện của nhiều quốc gia Châu Âu và Mỹ đã đề nghị Việt Nam bãi bỏ án tử hình.
Hồi tháng 2 năm 2017, Bộ Công an Việt Nam công bố Báo cáo thi hành án hình sự trong 5 năm (2011-2016) tiết lộ Việt Nam có 1.134 tử tù.
Cũng theo thống kê này, trong ba năm (2013-2016), có 429 phạm nhân bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và còn một nửa trong số đó chưa thi hành án.
Một số vụ án nối tiếng trong thời gian qua có bị cáo bị tòa tuyên án tử hình gồm có cựu Tổng giám đốc Oceanbank - Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử vào ngày 29/9/2017 với cáo buộc tội tham ô tài sản.
Trong phiên phúc thẩm hôm 12/7 năm ngoái, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyên y án tử hình đối với ông Đặng Văn Hiến về tội giết người.
Ông Hiến là người bắn vào nhóm bảo vệ công ty Long Sơn khiến 3 người chết, 13 người bị thương khi cố bảo vệ đất đai của mình bị công ty này thu hồi trái pháp luật.
Có 3 tử tù ở Việt Nam đang kêu oan trong nhiều năm qua gồm Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh.
Thực tế ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây đã có nhiều tiếng nói độc lập kêu gọi chính phủ bỏ việc áp dụng hình phạt án tử hình để phù hợp với nhân quyền quốc tế nhưng Việt Nam viện dẫn các lý do về văn hóa, con người và vẫn duy trì án tử hình, "xem đây là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
*******************
Hàng trăm người biểu tình tại Liên Hiệp Quốc khi phái đoàn Việt Nam báo cáo UPR (VOA, 22/01/2019)
Cả sáng và chiều ngày 22/1, hàng trăm người gốc Việt đã biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, để phản đối tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Cộng đồng Việt Nam biểu tình tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 22/1/2019. Photo Đặng Xuân Diệu.
Vào lúc 14 giờ 35 ngày 22/1, giờ Geneva, trong khi diễn ra Kỳ kiểm điểm lần thứ 3 cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) của Việt Nam thì hàng trăm người từ Hoa Kỳ, Úc, Châu Âu, và cả Việt Nam đã tham gia biểu tình lên án vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Trong phiên điều trần tại UPR kỳ thứ 32 được tường thuật trực tiếp,Bộ Ngoại Giao Việt Nam báo cáo rằng Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc).
"Chúng tôi đã có những sáng kiến đặc biệt, ghi nhận khuyến nghị hữu ích của các thủ tục đặc biệt trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam",Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva, Trưởng đoàn Việt Nam tại phiên họp phát biểu.
Có mặt tại Geneva hôm 22/1 khi đang diễn ra cuộc biểu tình buổi chiều bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc, nhà hoạt động Đặng Xuân Diệu cho VOA biết có khoảng 400 người tham gia, họ hô to các khẩu hiệu chống đàn áp nhân quyền và trả tự do cho các tù nhân lương tâm.
Ông Diệu cho biết bà Nguyễn Thị Quý, vợ tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng đang thụ án 20 năm tù, và bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức đang thụ án 12 năm tù, từ Việt Nam sang, đã có mặt trong đoàn biểu tình. Trước đó hai bà đã gặp gỡ với các chính giới Châu Âu tại hội thảo nhan đề "Những Thách Thức của tình trạng Nhân Quyền tại Việt Nam hiện nay".
Nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng, người bị chính quyền Việt Nam trục xuất sang Pháp vào tháng 7/2017, cho VOA biết :
"Các bản án nặng nề vừa qua đã chứng minh một điều là nhân quyền không được tôn trọng tại Việt Nam. Hiện nay tôi đang có mặt tại Geneva để tham gia vào các buổi điều trần về nhân quyền của Việt Nam, trong đó có sự tham gia của các tổ chức như Phóng viên không biên giới, Tổ chức Công giáo chống tra trấn và tử hình. Chúng tôi cũng đã gặp gỡ một số viên chức của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, các phái đoàn của Mỹ, Cộng hòa Czech, Na Uy, Thụy Sĩ… và trình bày với họ về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã mời, các tù nhân lương tâm và các gia đình của họ, đại diện cho các nhà hoạt động trong nước để cất tiếng nói về vi phạm nhân quyền".
Vào 10 giờ sáng hôm 22/1, hàng trăm người đã tham gia một cuộc biểu tình tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva do Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền tổ chức với các bài hát, khẩu hiệu kêu gọi tôn trọng nhân quyền và chống Trung Quốc xâm lược được thể hiện bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp.
Luật sư Trần Kiều Ngọc, Chủ tịch Phong trào Giới trẻ thế giới vì Nhân quyền, nói với VOA về thông điệp gửi đến chính quyền Việt Nam qua cuộc biểu tình này :
"Cái thông điệp mà ban tổ chức cuộc biểu tình muốn gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam là họ đừng nghĩ rằng quốc tế và đồng bào chúng ta sẽ làm ngơ hay không biết gì về những điều dối trá hay những âm mưu bán nước. Chúng tôi muốn cho họ biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc đấu tranh để đất nước của chúng ta có được tự do thật sự, nhân quyền thật sự".
Ông Phạm Minh Hoàng chia sẻ :
"Những cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt Nam từ khắp nơi về đây để gây áp lực, cũng như đánh động dư luận về vấn đề nhân quyền, là một vấn đề nóng mà thế giới cần áp lực lên chính quyền Việt Nam để họ tôn trọng các cam kết của họ".
Vào ngày 3/12/2018, Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố rằng Việt Nam thực hiện được hơn 96% khuyến nghị nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và đã thực hiện 100% khuyến nghị về các quyền kinh tế, xã hội, và văn hóa.
Cho đến nay, kết quả ‘cải thiện nhân quyền’ rõ rệt nhất và cũng bôi bác nhất mà nhà cầm quyền Việt Nam đã thực hiện là … quyền bình đẳng giới.
Công an đổ thừa anh Nguyễn Hữu Tấn tự cắt cổ chết trong đồn - Ảnh minh họa
Đơn giản vì đây là một thứ quyền vô thưởng vô phạt và chẳng ảnh hưởng gì đến chính trị hay quyền lực thực tế của giới cai trị tại Việt Nam. Chính vì thế, ngày càng diễn ra hoang loạn nhiều cảnh giới đồng tính diễu hành như một cách biểu tình và cả quậy phá tưng bừng ở đất nước này nhưng chỉ bị giới cảnh sát… giương mắt nhìn.
Ngược lại, có quá nhiều bằng chứng đã tích tụ kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc : nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.
Chính quyền Việt Nam thậm chí còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi.
Ngay sau khi nhận ra không còn là ‘quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong Hiệp- định TPP’, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, nhà cầm quyền Việt Nam đã tiến hành một chiến dịch bắt bớ dữ dội và sắc máu đối với hơn ba chục người hoạt động nhân quyền.
Còn rất nhiều bằng chứng khác về tình trạng đàn áp nhân quyền trầm trọng của chính quyền Việt Nam - như một bản sao của chế độ đảng độc trị ở Trung Quốc. Ngay trước mắt, Luật An ninh mạng của chính quyền Việt Nam sắp đi vào thực hiện từ đầu năm 2019 sẽ mang lại cơ chế siết bóp nặng nề đối với quyền tự do ngôn luận của người dân, những tiếng nói phản biện xã hội và tiếng nói bất đồng về quan điểm chính trị.
Vào tháng Mười Hai năm 2018 khi chính quyền Việt Nam đệ trình bản báo cáo nhân quyền cho Liên hiệp quốc với thành tích ‘bảo đảm tự do tôn giáo’, hàng loạt chùa chiền của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất - từ Sài Gòn đến Đà Nẵng - đã bị nhà cầm quyền cưỡng chế giải tỏa và ủi sập không thương xót. Trong khi đó, hàng loạt tu sĩ Cao Đài, Tin Lành, Công giáo bị sách nhiễu, hành hung và đấu tố…
Không bao lâu nữa, vào ngày 22/1/2019 chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ phải giải trình và đối thoại về báo cáo này tại Liên hợp quốc.
Như một não trạng và thói quen dối trá quá khó bỏ, báo đảng rút tít : ‘Việt Nam đã thực hiện xong 96,2% khuyến nghị về nhân quyền’.
Những tờ báo đảng, trong đó có cả ‘tân binh báo đảng’ là tờ Thanh Niên, dẫn lời của quan chức Hoàng Thị Thanh Nga - Phó vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế (Bộ Ngoại giao), tự đánh giá rằng bản báo cáo về nhân quyền của Việt Nam "được xây dựng rất công phu với sự tham gia của 18 bộ, ngành liên quan và các tổ chức xã hội, phía Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người"…
Tại UPR chu kỳ 2 vào năm 2014, Việt Nam đã chấp nhận 182/227 khuyến nghị nhận được và đến nay đã thực hiện xong 175 khuyến nghị (chiếm 96,2%), cao hơn tỷ lệ 96/123 (78%) của chu kỳ 1 năm 2009… Việt Nam đã sửa đổi 96 văn bản luật, pháp lệnh để nhấn mạnh quền con người, trong đó có những văn bản hết sức quan trọng như Hiến pháp 2013, bộ luật Hình sự, bộ luật Dân sự... Về các quyền dân sự, chính trị, Việt Nam đã đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và 2 nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã ra đời để đảm bảo tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Từ năm 2015 – 2017, cũng đã có 5 cơ sở đào tạo tôn giáo mới được thành lập tại Việt Nam. Việt Nam cũng hiện có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, 50 triệu người dùng internet (chiếm 54% dân số), 58 triệu tài khoản facebook...
Nhưng đã có phản một phản ứng đích đáng từ Châu Âu.
Ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), Nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đang thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Đến lúc này - năm 2018, những hành vi lừa mị và lừa đảo về ‘cải thiện nhân quyền’ đã bị nhìn thấu tim gan không chỉ bởi người dân trong nước mà từ cả cộng đồng quốc tế.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 08/12/2018
*****************
Hôm nay, ngày 8/12/2018, Ủy ban Chống tra tấn Liên Hợp Quốc đã công bố văn bản "Quan sát Kết luận"(Concluding observations) nhằm đánh giá về việc thực hiện Công ước Chống tra tấn của nhà nước Việt Nam (1).
Bản Quan sát Kết luận này được ban hành trên cơ sở xem xét báo cáo quốc gia và thực hiện phiên điều trần đối thoại với nhà nước Việt Nam vào hôm 14-15 tháng 11 vừa qua.
Bản Quan sát kết luận đã cung cấp một cách toàn diện về các hạn chế trong hệ thống pháp luật và chính sách thi hành của nhà nước Việt Nam, đã dẫn đến tình trạng tra tấn đang lan tràn tại Việt Nam. Qua đó Ủy ban Chống tra tấn tập trung đưa các các khuyến nghị cho nhà nước Việt Nam thực hiện, và yêu cầu nhà nước Việt Nam báo cáo tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban trước ngày 7/12/2019, và ấn định thời hạn báo cáo định kỳ lần thứ hai của Việt Nam vào ngày 7/12/2022.
Ủy ban cũng đề nghị nhà nước Việt Nam cần phải dịch bản Quan sát Kết Luận này sang ngôn ngữ tiếng Việt để phổ biến đến các nhân viên công chức tại Việt Nam, đồng thời đăng tải phổ biến văn bản này trên các trang thông tin chính thức của nhà nước.
Trong thời gian tới, Facebook này sẽ cố gắng chuyển tải từng vấn đề mà Ủy ban đã đề cập trong nội dung bản kết luận, đồng thời sẽ đưa ra một số bình luận cá nhân như là các sáng kiến nhằm hỗ trợ nhà nước thực thi hiệu quả các khuyến nghị này.
Phạm Lê Vương Các
Nguồn : Tiếng Dân, 08/12/2018
(1) Văn bản kết luận chính thức có tại đây (pdf)
***********************
Liên Hiệp Quốc quan ngại luật của Việt Nam cho phép giới chức tra tấn dân mà không sợ bị truy tố (RFA, 08/12/2018)
Hôm 8/12 Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc chính thức ra văn bản bày tỏ lo ngại về những quy định trong luật của Việt Nam cho phép các giới chức có thể thực hiện việc tra tấn người dân mà không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hoặc chỉ phải chịu những án phạt quá nhẹ.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đối thoại với các thành viên Ủy Ban Chống Tra Tấn Liên Hợp Quốc hôm 15/11/2018. Courtesy of UN Web TV
Quan ngại này được nêu ra trong kết luận của Ủy ban nhằm đánh giá về việc thực hiện Công ước Chống tra tấn của Việt Nam.
Văn bản kết luận của Liên Hiệp Quốc dựa trên cơ sở xem xét báo cáo quốc gia và kết quả phiên điều trần đối thoại với chính phủ Việt Nam vào hôm 14 và 15 tháng 11 vừa qua.
Trong văn bản này, Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về việc các nhân viên nhà nước thực hiện lệnh cấp trên và sự phức tạp trong hành động tra tấn.
Ủy ban chống tra tấn cho rằng các quy định trong luật công an nhân dân, luật về sĩ quan quân đội nhân dân và luật về cán bộ công chức cho phép nhân viên có quyền thực hiện nghiêm các lệnh, chỉ thị của cấp trên trong khi không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thực hiện những lệnh này mà đáng ra họ phải báo cáo cho cấp trên ngay lập tức khi phát hiện có những dấu hiệu sai luật.
Liên Hiệp Quốc cũng quan ngại quy định trong Luật Hình sự của Việt Nam cho phép những đồng phạm trong các vụ tra tấn không phải chịu trách nhiệm về việc dùng nhục hình như những người trực tiếp thực hiện hành vi tra tấn mặc dù đồng phạm cũng có thể là người tham gia tổ chức tra tấn, và điều này có thể dẫn đến việc là người ra lệnh tra tấn sẽ không bị truy tố.
Ngoài ra, kết luận của Liên Hiệp Quốc cũng cho rằng các quy định liên quan đến định nghĩa về phạm tội tra tấn để từ đó quy ra các án phạt tù khác nhau là khá mơ hồ. Cụ thể điều 373 trong bộ luật này quy định mức án 6 đến 36 tháng tù giam bị cho là quá nhẹ khi không tính đến các tình tiết tăng nặng.
Liên Hiệp Quốc cho rằng Luật Hình sự sửa đổi của Việt Nam đã không hình sự hoá được các tội tra tấn và thiếu một định nghĩa về tra tấn.
Đối với các cáo buộc về tra tấn ở Việt Nam, Ủy ban chống Tra tấn Liên Hiệp Quốc bày tỏ qua ngại về nạn tra tấn tràn lan ở các đồn công an khi lấy lời khai. Đã có những báo cáo được gửi lên Ủy ban cho thấy nhiều trường hợp bị tra tấn ở đồn công an, thậm chí dẫn đến chết người. Tuy nhiên Liên Hiệp Quốc cho rằng con số những người vi phạm luật do tra tấn dân bị truy tố còn quá thấp. Trong giai đoạn từ 2010 đến 2015, chỉ có 10 trường hợp bị truy tố. Ngoài ra, Liên Hiệp Quốc cũng quan ngại là những nhân viên y tế tham gia vào các vụ lạm dụng quyền hạn hoặc từ chối chăm sóc y tế cho người bị tra tấn.
Dựa trên những kết luận này, Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc kiến nghị Việt Nam phải xem xét những hành vi tra tấn hoặc tìm cách tra tấn là những tội phải bị trừng phạt với hình phạt tương ứng ; cung cấp cho ủy ban thông tin liên quan đến việc liệu việc thực thi luật Hình sự sửa đổi từ ngày 1/1/2018 có khiến một số lượng lớn những trường hợp bị truy tố hay không.
Ủy ban yêu cầu nhà nước Việt Nam phải báo cáo tiến độ thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban trước ngày 7/12/2019 và ấn định thời hạn báo cáo định kỳ lần thứ hai của Việt Nam vào ngày 7/12/2022.
Ủy ban cũng đề nghị Việt Nam phải dịch bản kết luận này sang tiếng Việt và phổ biến đến các công chức, đăng tải phổ biến văn bản này trên các trang thông tin chính thức của nhà nước.
Trước đó, tại buổi điều trần ở Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng Việt Nam có nhiều vụ công an tra tấn dân. Đại diện Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục rưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), nói rằng tỷ lệ phạm nhân chết trong trại giam chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ ở mức 0,3% tổng số phạm nhân đang thi hành án rong trại giam. Ông này cho biết chủ yếu các trường hợp chết là do bị mắc bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại.
https://youtu.be/hVwo_wRqXXY
Bức hình chụp người được cho là Tham tán Nguyễn Nam Dương của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc ngủ gật tại trụ sở của cơ quan này đã gây bão trên Facebook cả ở góc độ số lượt chia sẻ lẫn số lời bình luận.
Bức hình chụp người được cho là Tham tán Nguyễn Nam Dương của Việt Nam ở Liên Hiệp Quốc ngủ gật Đại Hội động Bảo an Liên Hiệp Quốc - Hình minh họa.
Người bảo tham tán ngủ lúc nghỉ giải lao, người khẳng định ông ngủ lúc đang có phiên họp và cuộc cãi vã diễn ra trong nhiều ngày. Ai cũng có những lý lẽ thoạt nghe có vẻ khá thuyết phục (1).
Vậy sự thật vềbức ảnh được chụp hôm 25/9 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc là thế nào ?
Ở phần chú thích ảnh của Getty Images, hãng chuyên cung cấp ảnh và video cho truyền thông thế giới, có ghi nguyên văn tiếng Anh : "A member of Vietnamese delegation naps during the General Debate of the 73rd session of the General Assembly at the United Nations in New York September 25, 2018". Chú thích này có nghĩa là : "Thành viên của phái đoàn Việt Nam chợp mắt tại buổi Thảo luận Chung trong phiên họp lần thứ 73 của Đại Hội Đồng tại Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 25/9/2018". Chú thích cũng ghi rõ người chụp hình là Don Emmert của hãng thông tấn Pháp AFP.
Mặc dù vậy một số bình luận nói buổi Thảo luận Chung có thể kéo dài và có giờ nghỉ ở giữa. Bởi vậy chuyện tham tán ngủ vào giờ nghỉ là đúng để đầu óc minh mẫn hơn trước khi lại phải tiếp tục họp liên miên. Trước khi biết đây là một tham tán đóng ở chính New York, người ta lại bảo lệch giờ nên ngủ thế là bình thường. Dĩ nhiên đây là chuyện có thể xảy ra với bất cứ ai. Người thân người ta có thể lăn ra ốm khiến họ phải thức cả đêm hôm trước chẳng hạn. Nhưng xin khẳng định hoàn toàn không có chuyện tham tán ngủ trong giờ nghỉ.
Sau khi theo dõi những tranh cãi trên mạng xã hội, tôi liên hệ với người chụp hình, trưởng văn phòng ảnh của hãng thông tấn AFP ở New York, ông Don Emmert. Tôi gửi thư điện tử cho ông hôm thứ Bảy, 29/9 để hỏi về những tranh cãi quanh bức ảnh và chỉ mong tới thứ Hai Don sẽ trả lời các câu hỏi của tôi. Nhưng ông trả lời ngay trong ngày 29/9. Để tránh những câu hỏi không cần thiết về chuyện liệu tôi có biên tập câu trả lời của phóng viên ảnh hay không, xin chia sẻ toàn bộ thư Don gửi :
"[Gửi] Hùng.
"Tôi đã lần tìm trong kho tư liệu của tôi để tìm câu trả lời cho các câu hỏi của anh.
"Tôi chụp bức hình vì tôi có mặt ở Liên Hiệp Quốc để đưa tin về những gì diễn ra tại Sảnh Đại Hội đồng. Thường điều này đồng nghĩa với việc chụp ảnh diễn giả từ các góc độ khác nhau nhưng tôi cũng tìm những nét khác có thể diễn ra trong các diễn văn.
"Từ góc tôi chụp bức hình này tôi cũng chụp ảnh Đại sứ Syria đang ngáp to. Điều này khiến tôi chú ý vì quan hệ giữa Iran và Syria. Sau đó tôi để ý tới đoàn Việt Nam vì bàn của họ khá gần với bàn của Syria. Tôi không biết ông ấy ngủ trong bao lâu. Tôi chỉ chứng kiến đủ lâu để chụp hình.
"Tôi có thể khẳng định rằng bức ảnh được chụp trong lúc đang diễn ra bài phát biểu của Tổng thống Iran. Đó không phải là giờ nghỉ. Trong thẻ số của tôi có ảnh Tổng thống Rouhani phát biểu cả trước và sau tấm hình chụp người đàn ông đang ngủ.
"Tôi hy vọng đã trả lời các câu hỏi của anh. Nếu anh cần thông tin gì thêm hay cần thêm giải thích, cứ nói với tôi.
Tạm biệt.
Don"
Vậy chúng ta có thể thấy gì qua những chia sẻ và bình luận quanh tấm hình này trên cõi Facebook ở Việt Nam. Nó chứng minh lời một bài hát của Madona, bài Frozen [Đóng băng] mà tôi rất thích với những câu mở đầu :
"You only see what your eyes want to see
How can life be what you want it to be
You’re frozen when your heart is not open
You’re so consumed with how much you get
You waste your time with hate and regret
You’re broken when your heart is not open"
Tạm dịch :
"Bạn chỉ thấy những gì mắt bạn muốn thấy
Làm sao cuộc sống có thể y như ý bạn muốn
Bạn đông cứng khi trái tim bạn không rộng mở
Bạn quá bận tâm tới chuyện bạn sẽ được hưởng bao nhiêu
Bạn phí thời gian với thù hận và ân hận
Bạn hỏng rồi vì trái tim bạn không rộng mở"
Đa số chúng ta chỉ tìm những gì phù hợp và chứng minh cho niềm tin sẵn có của chúng ta. Khi thấy những gì bạn muốn nghe, muốn thấy bạn chia sẻ ngay. Những gì trái với suy nghĩ và niềm tin của bạn, bạn sẽ lướt qua cho nhanh, khỏi thích hay bình luận làm gì. Đây là lý do xã hội khó thay đổi. Xã hội là do mỗi con người riêng lẻ góp phần tạo ra. Nếu số người vẫn giữ nguyên cách nghĩ và niềm tin cũ đông hơn những người mở lòng với cái lạ, cái mới, xã hội khó thay đổi hoặc thay đổi rất chậm. Đây chính là điều đã diễn ra ở Việt Nam kể từ năm 1986 khi Đổi Mới đã được phát động.
Quay trở lại với Tham tán Nguyễn Nam Dương, tôi mong anh dũng cảm đối mặt với thách thức này thay vì đóng Facebook như anh đã làm. Nhà ngoại giao có hạng của Việt Nam phải ứng xử giỏi trong mọi tình huống, mà tình huống này theo tôi cũng thường thôi. Thực ra tôi ưng anh nhất khi anh ngủ vì tôi chẳng biết anh là ai nhưng tôi biết khi ngủ anh là người [cộng sản] tốt. Khi những người cộng sản thức dậy thì nhiều điều hãi hùng có thể xảy ra nhưTổng thống Trump đã phát biểu.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 02/10/2018
(1) https://www.gettyimages.no/detail/news-photo/member-of-vietnamese-delegation-naps-during-the-general-news-photo/1040080004
Việt Nam bị tố cáo vi phạm nhân quyền tại kỳ họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (RFA, 19/09/2018)
Hai tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Hành động Chung cho Nhân quyền (AEDH) lên tiếng cáo buộc Chính phủ Hà Nội ngăn cản tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo và phúc trình dối gạt Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) về thực tế vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Ông Võ Văn Ái, đại diện của VCHR và AEDH tại khóa họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 18/09/18. Courtesy : queme.org
Thông cáo báo chí của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cho biết tại khóa họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, vào chiều ngày 18 tháng 9, đại diện cho VCHR và AEDH, ông Võ Văn Ái tố cáo nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền người Việt cũng như người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, qua trường hợp bà Debbie Stothard-Tổng Thư ký Liên đoàn Quốc tế về Nhân quyền (FIDH) bị Hà Nội cấm nhập cảnh khi bà đến tham dự Diễn Đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á 2018 vào ngày 9 tháng 9 vừa qua.
Ông Võ Văn Ái nhấn mạnh rằng VCHR và AEDH vô cùng quan ngại về sự đàn áp khủng khiếp của nhà cầm quyền Việt Nam chống lại tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do biểu tình và tự do tôn giáo tại Việt Nam bằng các bản án tù tiếp nối lên đến 20 năm dành cho những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền ở trong nước Việt Nam.
Đại diện của VCHR và AEDH còn cáo buộc bản dự thảo phúc trình của Việt Nam chuyển đến cho Liên Hiệp Quốc trước kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR), sẽ diễn ra vào tháng Giêng năm 2019, che giấu các vi phạm nhân quyền và cố tình che đậy thảm trạng nhân quyền tại Việt Nam bằng những thông tin sai lệch.
*******************
Hôm thứ ba, 18.9, phát biểu tại điểm 4 khoá họp lần thứ 39 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Điện Quốc Liên ở Genève, ông Võ Văn Ái Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) tố cáo Nhà cầm quyền Hà Nội vi phạm các tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình và tự do tôn giáo, đàn áp Gia Đình Phật tử Việt Nam tại Huế, cũng như Dự thảo Phúc trình UPR đã dối gạt Liên Hiệp Quốc về tình hình khủng bố nhân quyền tại Việt Nam. Đặc biệt những bạo hành mà Nhà cầm quyền Hà Nội đàn áp các nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền người Việt cũng như ngoại quốc nhập cảnh Việt Nam.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc họp lần thứ 39 tại văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva - AFP
Để rõ hơn sự vụ tống xuất Tổng Thư ký FIDH, chúng tôi phỏng vấn bà Debbie Stothart, xin mời qúy thính giả theo dõi.
Ỷ Lan : Chào chị Debbie Stothard, là Tổng Thư ký Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền FIDH, hôm nay trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Võ Văn Ái lên tiếng phản đối việc Hà Nội câu lưu chị rồi tống xuất khỏi Việt Nam tuần trước. Xin chị cho thính giả RFA biết sơ lược trải nghiệm vừa qua tại phi trường Nội Bài ở Hà Nội ?
Debbie Stothard : Thực tế là tôi đã nhiều lần đến Hà Nội tham dự các hội nghị, nên tôi chẳng lo ngại vấn đề gì cả. Nhất là khi tôi được mời phát biểu tại Diễn Đàn Kinh tế Thế giới nổi tiếng của ASEAN. Nhưng khi tôi đến quầy hải quan, tôi liền bị dẫn độ đến gian phòng nằm sau cơ quan lo việc chiếu khán và được biết rằng tôi không được nập cảnh Việt Nam. Tôi hỏi vì sao ? Họ liền chìa tấm giấy ghi rằng tôi xâm phạm Điều 21. Sau đó mới biết Điều 21 khước từ nhập cảnh Việt Nam vì lý do "an ninh quốc gia" và vài lý do khác.
Lúc tôi mở máy điện thoại cầm tay để đổi chuyến bay về lại nước tôi, hai sĩ quan đứng gần cấm tôi sử dụng điện thoại. Tôi liền hỏi, tôi bị các ông bắt phải không ? Họ bảo không ! Bà không bị bắt. Nên tôi trả lời "Nếu tôi không bị bắt thì tôi có quyền sử dụng điện thoại". Họ bắt tôi cung cấp số điện thoại tôi gọi và mở lớn âm thanh trao đổi để họ theo dõi tôi nói gì. Cuối cùng tôi biết chuyến bay sớm nhất trở về Kuala Lumpur vào lúc 9 giờ 30 sáng hôm sau (tôi đến Hà Nội vào lúc 3 giờ chiều). Thế là tôi phải qua đêm trong căn phòng nhập cảnh tại phi trường. Tôi là người độc nhất ở đấy. Tôi có thể đóng cửa phòng, nhưng có một cửa sổ lớn không màn che, qua đó lính canh có thể nhìn vào quan sát tôi bất cứ lúc nào. Ở đây không có phòng vệ sinh, muốn đi tôi phải xin phép để được đưa tới nơi khác cạnh đấy. Họ chẳng cho tôi ăn, chỉ cho chút nước uống. May mắn cho tôi là Bộ Ngoại giao Mã Lai liên lạc với Đại sứ quán Mã Lai ở Hà Nội báo động tình trạng của tôi. Ông Đại sứ đã mang lại cho tôi mấy món ăn Mã Lai. Tôi ngủ qua đêm trong căn phòng này, sáng hôm sau họ đưa tôi lên máy bay về lại Kuala Lumpur.
Ỷ Lan : Nhà cầm quyền Việt Nam bảo rằng chị không được nhập cảnh vì lý do "an ninh quốc gia". Trong khi đó Việt Nam giải thích với Liên Hiệp Quốc qua nửa kỳ Kiểm điểm UPR, rằng các điều luật "an ninh quốc gia" tuân thủ theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Chị nghĩ sao về điều này ?
Debbie Stothard : Chao ơi, điều quá rõ đối với tôi là nhà cầm quyền Việt Nam gian dối với việc họ làm. Thật quá dễ dàng giải thích một điều tại Liên Hiệp Quốc, nhưng làm ngược lại tại Hà Nội hay bất cứ đâu trên lãnh thổ họ.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam khước từ tôi và ông Mina Pimple của Ân Xá Quốc tế, vì rằng cả hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ân Xá Quốc tế đều ám chỉ Việt Nam đang ở trong thời kỳ tồi tệ nhất của sự bức hiếp và đàn áp, không riêng cho giới bloggers và những nhà bảo vệ nhân quyền, mà tổng quan cho bất cứ ai muốn đặt lên nghi vấn về chế độ. Rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam rất dễ bực bội và bất an khi thấy những nhà hoạt động thuộc các tổ chức nhân quyền quốc tế léo hánh tới Việt Nam. Nhà cầm quyền lo sợ chúng tôi sẽ bật mí tình trạng nhân quyền trước Diễn Đàn Kinh tế Thế giới của ASEAN, là nơi mà họ tìm cách lôi cuốn các nhà đầu tư đến Việt Nam. Họ lo sợ cho những điều chúng tôi thấy ra khi nhìn qua cửa sổ khách sạn. Cho nên tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền Việt Nam cảm thấy bất an với những ai có thể mang chuyện nhân quyền Việt Nam tới các diễn đàn quốc tế.
Ỷ Lan : Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) thu thập từ đâu những tin tức vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ?
Debbie Stothard : Là Tổng Thư ký của FIDH, tôi đã từng làm việc lâu năm với Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, cũng là thành viên quốc gia của tổ chức chúng tôi. Điều quan trọng là những tin tức FIDH thu lượm được, căn bản là những dữ liệu và chứng cớ hiển nhiên do Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam thu tập, hay những nhà hoạt động bí mật khác do áp lực lớn rộng bủa vây họ. Vì vậy, mặc dù tôi rất tán thưởng sự quan tâm của những ai dành cho tôi qua cuộc câu lưu ngắn ngủi ở Hà Nội. Nhưng tôi thực sự nhận ra bỗng chốc mình được cư xử như một yếu nhân so với người Việt Nam bình thường đang phải bị nhà cầm quyền tra tấn, sách nhiễu và đàn áp hung bạo một cách bất nhân đạo.
Ỷ Lan : Xin cám ơn chị Debbie Stothard.
*****************
32 nghị sĩ Châu Âu gửi thư ngỏ hối thúc Việt Nam cải thiện nhân quyền (RFI, 18/09/2018)
Một nhóm 32 nghị sĩ Châu Âu vừa gửi thư ngỏ đề ngày 17/09/2018 đến các lãnh đạo Châu Âu, cảnh báo nếu tình trạng nhân quyền tại Việt Nam không có các tiến bộ vững chắc, thỏa thuận về tự do thương mại mà Liên Hiệp Châu Âu dự tính ký kết với Việt Nam, sẽ "khó" được Nghị Viện phê chuẩn.
Hội trường Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh minh họa AFP/Frederick Florin
Trong bức thư ngỏ gửi lãnh đạo ngoại giao Federica Mogherini và ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmström, 32 nghị sĩ nhấn mạnh đến hàng loạt các vụ vi phạm nhân quyền "trầm trọng" tại Việt Nam, như bỏ tù người bất đồng chính kiến, giới hạn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, internet.
Nhóm nghị sĩ gửi thư ngỏ, đề nghị Liên Hiệp Châu Âu xác định rõ các tiêu chuẩn nhân quyền mà chính quyền Hà Nội cần tôn trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do hiệp hội, tự do tôn giáo và tự do công đoàn, trước khi trình dự thảo thỏa thuận tự do mậu dịch với Việt Nam (EVFTA) ra Nghị Viện.
Các nghị sĩ Châu Âu ghi nhận, trong buổi làm việc với đồng nhiệm Việt Nam Trần Tuấn Anh hồi tháng 6/2018, ủy viên thương mại Châu Âu Malmstrom đã ca ngợi Việt Nam là "một quốc gia đang phát triển nắm bắt được những cơ hội mà thương mại quốc tế mở ra, cũng như đã có các cam kết rõ ràng về tôn trọng nhân quyền". Tuy nhiên, chỉ ít tuần sau đó, chính phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Hà Nội cũng thừa nhận là Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp các nhà tranh đấu ôn hòa.
Thư ngỏ của 32 nghị sĩ đặc biệt nhấn mạnh là phía Châu Âu cần đề nghị với Việt Nam hủy bỏ các điều 74, 109, 116, 117, 118, 173 và 331 trong luật Hình Sự, thường được sử dụng để đàn áp giới bất đồng chính kiến. Đây là các điều luật đi ngược lại Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị (ICCPR), mà Việt Nam đã tham gia.
Bức thư ngỏ cũng nêu đích danh hàng loạt nhà bất đồng chính kiến đang bị giam giữ hoặc bị quản thúc : hoà thượng Thích Quảng Độ, các blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (biệt danh "Mẹ Nấm"), Trần Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, các nhà hoạt động tôn giáo Ngô Hào, Phan Văn Thu (tức ông Trần Công), các nhà hoạt động công đoàn Hoàng Đức Bình, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, nhà báo Trương Minh Đức, các nhà tranh đấu về môi trường, đất đai Nguyễn Văn Túc, Trần Thị Xuân, Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng, các nhà tranh đấu dân chủ khác như Hồ Đức Hòa, Trần Anh Kim, Nguyễn Trung Trực (người bị kết án mới nhất trong vụ án nhắm vào Hội Anh Em Dân Chủ, do luật sư Nguyễn Văn Đài sáng lập - người viết), Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Nguyễn Bắc Truyển, mục sư Nguyễn Trung Tôn.
RSF kêu gọi trả tự do cho blogger Ngô Văn Dũng
Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF hôm 18/09/2018 ra thông cáo tố cáo việc blogger Ngô Văn Dũng ở Daklak bị công an bắt cóc cách đây hai tuần và hiện bị giam tại công an phường Bến Nghé (Sài Gòn). RSF kêu gọi Hà Nội trả tự do lập tức cho ông. Ngô Văn Dũng (biệt danh Biển Mặn) là thành viên của phong trào Chấn Hưng Nước Việt, đấu tranh cho tự do báo chí và tự do thông tin.
Trọng Thành, Thụy My
*******************
32 nghị sĩ EU đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền trước khi thông qua EVFTA (VOA, 18/09/2018)
Một nhóm nghị sĩ Liên hiệp Châu Âu mới đây đã gửi một bức thư chung đến hai lãnh đạo của khối, đề nghị họ "thúc đẩy để có tiến bộ mạnh mẽ về nhân quyền ở Việt Nam" trước khi phê chuẩn Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).
Toàn cảnh Nghị viện Châu Âu
Bức thư của 32 nghị sĩ đề ngày 17/9, được gửi đến Đại diện Cấp cao đặc trách chính sách Đối Ngoại và An ninh của EU, bà Federica Mogherini, và Ủy viên Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom.
Nội dung bức thư viết bằng tiếng Anh, được tải lên trang web của nghị sĩ Ramon Tremosa, một đại diện của Tây Ban Nha trong nghị viện EU, có đoạn nói rằng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam hiện nay "làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc" và "gây nghi ngại lớn" về cam kết của Việt Nam đối với tôn trọng nhân quyền.
Lưu ý đến cam kết của EU về việc cổ vũ cho nhân quyền trong các chính sách đối ngoại và thương mại, 32 nghị sĩ viết trong thư là họ tin rằng điều cấp thiết EU phải làm là "nêu rõ về một loạt các chuẩn mực nhân quyền mà Việt Nam cần đáp ứng" trước khi EVFTA được đệ trình lên Nghị viện EU để phê chuẩn.
Từ Pháp, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng nhận xét với VOA rằng bức thư của nhóm nghị sĩ EU là một động thái "tích cực" song không gây ngạc nhiên nếu xét đến bối cảnh trong hơn một năm trở lại đây, chính quyền Việt Nam liên tiếp ra những bản án nặng nề tổng cộng lên đến trên 220 năm tù đối với khoảng 20 người đấu tranh vì dân chủ.
Chỉ 1 tháng trước, một tòa án ở Nghệ An kết án nhà hoạt động Lê Đình Lượng 20 năm tù về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền", mức án cao nhất từ trước đến nay cho một người bất đồng chính kiến.
Ông Phạm Minh Hoàng, cựu giảng viên đại học bị Việt Nam tước quốc tịch và trục xuất về Pháp hồi năm ngoái, cho biết trong một vài tháng gần đây, ông đã tiếp xúc với các nghị sĩ trong nghị viện Châu Âu, thuyết phục họ tích cực bày tỏ thái độ về những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.
Ông nói với VOA :
"Trên thế giới không ai có thể yên lặng trước những hành động có thể gọi là tàn nhẫn như thế này. Và tôi ước mong rằng các nghị sĩ lên tiếng nhiều hơn nữa để những áp lực này sẽ có những thành quả, những hiệu quả tốt, đặc biệt là cho những người đấu tranh dân chủ ở trong nước, cũng như là cho đất nước của chúng ta trong tương lai".
Nhóm nghị sĩ nêu ra một số việc cụ thể mà Việt Nam cần làm, hàng đầu là bãi bỏ các điều 109, 116, 117, 118 và 331 trong Bộ luật Hình sự - là các điều về "chống phá", "lật đổ" - và bảo đảm rằng bộ luật phù hợp với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).
Các điều 74 và 173 của Luật Tố tụng Hình sự cũng phải bị bãi bỏ, và chính quyền cần cho phép tất cả những ai bị giam giữ, kể cả những người bị cáo buộc phạm các tội liên quan đến an ninh quốc gia, đều được tư vấn pháp lý ngay sau khi bị bắt, theo bức thư.
EU đã lên tiếng chỉ trích việc Việt Nam kết án nặng đối với nhà hoạt động Lê Đình Lượng
Một đề nghị quan trọng khác được 32 nghị sĩ nêu ra là Việt Nam cần thả tất cả những người đã bị kết án tù hoặc đang bị tạm giam chỉ vì họ thực hiện các quyền cơ bản. Thư nêu tên của 21 nhà hoạt động hoặc bất đồng chính kiến, trong đó có Hòa Thượng Thích Quảng Độ, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), bà Trần Thị Nga, ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Hoàng Đức Bình, và nhiều người khác.
Bức thư của nhóm nghị sĩ EU cũng đề nghị Việt Nam sửa đổi các luật về an ninh mạng và tôn giáo-tín ngưỡng, công nhận công đoàn độc lập, và thông qua một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về bảo vệ các quyền của người lao động.
Nhóm nghị sĩ cảnh báo rằng Việt Nam cần "nỗ lực một cách thực tâm" để giải quyết các vấn đề nhân quyền cấp bách vừa nêu, đồng thời "cho thấy những cải thiện cụ thể" trước khi nghị viện Châu Âu bỏ phiếu về hiệp định EVFTA. Nếu không, "chúng tôi khó có thể bỏ phiếu thuận để thông qua hiệp định", nhóm nghị sĩ nói trong thư.
Theo giáo sư Phạm Minh Hoàng, chính quyền Việt Nam "hiện đang rất cần" hiệp định thương mại tự do giữa Âu Châu và Việt Nam "bởi vì họ không còn nơi nào khác để nương tựa".
Giáo sư Hoàng cũng thận trọng nói rằng xét đến tương quan giữa 32 nghị sĩ ký vào bức thư với tổng cộng 750 nghị sĩ trong nghị viện chung Châu Âu, cần "chừng mực" khi kỳ vọng về tác động của bức thư :
"Tôi nghĩ việc 32 nghị sĩ Âu Châu lên tiếng không phải là cái gì to tát hay vĩ đại lắm. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam đang nhờ cậy đến Âu châu, đây rõ là một áp lực mà nhà cầm quyền sẽ không thể mạnh tay. Và tôi hy vọng là họ sẽ phải dè chừng trước những bản án trong tương lai".
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu (EU28) trong năm 2017 đạt 50,46 tỷ đô la, trong đó tổng lượng hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU đạt 38,27 tỷ đô la, chiếm gần 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Từ Việt Nam, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói với VOA rằng tuy EU là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ, song cách tiếp cận gây sức ép về nhân quyền có thể không đem lại hiệu quả mong muốn.
Ông nói :
"Nói chung, chính sách của Việt Nam là không chấp nhận sức ép từ bên ngoài. Tôi nghĩ phía Liên Hiệp Châu Âu nên có sự trao đổi trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng để phía Việt Nam hiểu sự quan tâm của Liên Hiệp Châu Âu và có thể có các bước đi thích hợp có lợi cho cả hai bên".
Việt Nam và EU chính thức khởi động đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên vào tháng 6/2012 và hoàn tất đàm phán vào đầu tháng 12/2015.
Tuy nhiên, gần 3 năm trôi qua, hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các trở ngại chính.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói ông mong rằng hai bên sẽ tích cực "trao đổi ý kiến" để quan điểm hai bên xích lại gần nhau hơn và đi đến ký kết, thông qua hiệp định vào tháng 3/2019, trước cuộc bầu cử nghị viện Châu Âu vào tháng 5.
Hồi cuối tháng 7, theo một bản tin trên trang nhadautu.vn, Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu, nói ông hy vọng lễ ký kết hiệp định "sẽ diễn ra trong tháng 10" tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), "hoặc muộn hơn vào tháng 11 tới".
Ông nói thêm rằng "Nếu vì lý do nào đó làm chậm việc ký kết, chẳng hạn chậm 1 năm, không ai có thể biết nó sẽ diễn ra như thế nào trong nhiệm kỳ mới của Nghị viện Châu Âu".
Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan qua đời, thọ 80 tuổi (CaliToday, 18/08/2018)
Ông Kofi Annan, người gốc Ghana có giọng nói luôn nhỏ nhẹ, cựu Tổng thư ký của Liên hiệp Quốc thứ 7, qua đời hôm thứ bảy 18/8, thọ 80 tuổi, sau một thời gian ngắn bạo bệnh.
Cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan - Ảnh NY Times
Cái chết của ông đã được thân nhân ông xác nhận qua một tuyên bố từ Quỹ Kofi Annan Foundation ở Thụy Sĩ. Ông nhận được giải Nobel Hòa Bình vào năm 2001 và là người Phi Châu da đen đầu tiên lãnh đạo Liên Hiệp Quốc.
Ông làm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc qua hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ năm 1997, một thời ký đầy biến động trên thế giới gây nhiều thách thức cho Liên Hiệp Quốc và chuyện ông làm giúp định nghĩa lại vai trò của tổ chức quan trọng này.
Kofi Annan là người Phi Châu da đen đầu tiên lãnh đạo Liên Hiệp Quốc. Ảnh : NY Times
Ngay trong năm mà ông nhận giải Nobel Hòa Bình thì al-Qaida gây ra vụ khủng bố 9/11, rồi Hoa Kỳ tràn quân vào Iraq, tình trạng Chiến Tranh Lạnh biến thành tình trạng toàn cầu hóa và trận chiến với bọn khủng bố quá khích Hồi giáo bắt đầu tràn lan.
Với bao biến cố lớn lao đó, Liên Hiệp Quốc dưới sự điều hành của ông Annan trở thành biểu tượng của lương tâm nhân loại và là một cơ quan giàn xếp hòa giải đúng nghĩa của thế giới.
Ông được ca tụng như là người đã làm Liên Hiệp Quốc hồi sinh từ chế độ ‘bàn giấy’, với cách thức hoạt động mà ông từng miêu tả như là ‘hình thái mới của sự can thiệp nhân đạo’, đạc biệt tại những nơi nhiễu nhương nhất trên thế giới.
Mặc dù cũng có thất bại và có chỉ trích, nhưng thế giới đã quen hình ảnh một Kofi Annan mẫu mực trong âu phục và có quyền uy và Liên Hiệp Quốc mất đi một nhà lãnh đạo có tâm hồn nhân đạo, không bao giờ chịu được cảnh con người bị đày đọa khổ dau do bạo lực.
Trần Vũ
*******************
Cựu Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Kofi Annan qua đời ở tuổi 80 (VOA, 18/08/2018)
Cựu Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc và người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, Kofi Annan, đã qua đời hôm thứ Bảy ở tuổi 80, Quỹ Kofi Annan của ông thông báo. Ông Annan, người Ghana, qua đời tại bệnh viện ở Bern, Thụy Sĩ, vào lúc rạng sáng, những cộng sự thân cận của ông cho biết.
Ông Kofi Annan, trong vai trò trung gian điều giải của Liên Hiệp Quốc-Liên đoàn Ả-rập, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Liên Hiệp Quốc ở Genève, ngày 2 tháng 8, 2012.
Tại Genève, Quỹ Kofi Annan loan tin ông ra đi thanh thản với "nỗi buồn lớn lao" sau một căn bệnh ngắn ngủi không được tiết lộ, nói rằng vây quanh ông có người vợ thứ hai Nane và các con Ama, Kojo và Nina.
Ông Annan phục vụ hai nhiệm kì trong cương vị Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc tại New York từ năm 1997-2006 và về hưu sống trong một ngôi làng tại Thụy Sĩ ở vùng quê của Genève. Quỹ 10 năm tuổi của ông có sứ mệnh thúc đẩy nền quản trị tốt và chuyển đổi nền nông nghiệp Châu Phi.
"Về nhiều phương diện, Kofi Annan là Liên Hiệp Quốc. Ông ấy vươn lên qua các cấp để dẫn dắt tổ chức này vào thiên niên kỉ mới với phẩm giá và quyết tâm không ai sánh bằng," Tổng thư kí Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, người mà ông Annan từng chọn để lãnh đạo cơ quan người tị nạn của Liên Hiệp Quốc phát biểu.
Trong cương vị đứng đầu các hoạt động gìn giữ hòa bình, ông Annan bị chỉ trích vì cơ quan thế giới này đã không ngăn chặn được cuộc diệt chủng ở Rwanda trong những năm 1990.
Trong vai trò lãnh đạo Liên Hiệp Quốc, ông tham gia vào các nỗ lực hòa bình để tái thống nhất đảo Cyprus bị phân chia, đệ trình một kế hoạch tái thống nhất đã bị bác bỏ trong một cuộc trưng cầu dân ý của người Hy Lạp ở Cyprus vào năm 2004.
Ông phản đối cuộc xâm lược Iraq do Mỹ lãnh đạo vào năm 2003 và sau đó trở thành phái viên đầu tiên của Liên Hiệp Quốc vào đầu cuộc chiến ở Syria, nhưng từ nhiệm sau khi các cường quốc thế giới không thực hiện được cam kết của họ. Ông khi đó nói : "Tôi mất binh sĩ của mình trên đường đến Damascus."
"Liên Hiệp Quốc có thể được cải thiện, nó không hoàn hảo nhưng nếu nó không tồn tại, bạn sẽ phải tạo ra nó," ông nói với chương trình Hard Talk của đài BBC trong một cuộc phỏng vấn nhân sinh nhật lần thứ 80 của ông vào tháng 4 rồi, được ghi hình tại Trường Cao học Genève nơi ông từng theo học.
"Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh, tôi sinh ra là một người lạc quan và sẽ vẫn là một người lạc quan," ông Annan nói thêm.
Việt Nam phản đối một quyết định của hội đồng Liên Hiệp Quốc (VOA, 18/04/2018)
Việt Nam cùng 5 nước khác, trong đó có Trung Quốc và Nga, mới chống một quyết định của Liên Hiệp Quốc, cho phép tổ chức nhân quyền của Mỹ được phép phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền cũng như các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, bà Nguyễn Phương Nga.
Theo AP, Hội đồng Xã hội và kinh tế gồm 54 thành viên đã chấp thuận đơn của hai tổ chức của Mỹ gồm Ủy ban Nhân quyền ở Bắc Hàn với tỷ lệ thuận chống là 29/6 trong khi có 13 phiếu trắng, cũng như đơn của Trung tâm Ghi nhận Nhân quyền Iran với tỷ lệ thuận chống là 22/7 trong khi có 17 phiếu trắng.
Hồi tháng Hai, Ủy ban về các tổ chức phi chính phủ của Liên Hiệp Quốc gồm 19 thành viên đã bỏ phiếu chống, không cấp phép cho hai tổ chức trên, nhưng Hoa Kỳ và Canada đã "thưa" lên cơ quan "mẹ" của ủy ban này là Hội đồng Xã hội và Kinh tế mà Mỹ có nhiều hậu thuẫn hơn.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley được trích lời nói rằng các lá phiếu chấp thuận trên là "chiến thắng cho nhân quyền".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley.
Theo AP, bà cũng nói thêm rằng các tổ chức phi chính phủ "không nên bị chặn tham gia các hoạt động ở Liên Hiệp Quốc, nhất là khi công việc của họ rọi ánh sáng lên những vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới".
Trước cuộc bỏ phiếu hôm 17/4, Bắc Hàn cáo buộc tổ chức của Mỹ có các hoạt động "chính trị hóa và thiên vị" nên không đủ tư cách để được trao vị thế tham vấn tại Liên Hiệp Quốc.
Nhưng có sáu nước ủng hộ quan điểm của Bắc Hàn và bỏ phiếu chống việc cấp phép, đó là Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Venezuela và Belarus.
Còn về cuộc bỏ phiếu về trung tâm nhân quyền Iran, sáu nước trên cùng với Iraq bỏ phiếu chống, theo AP.
*********************
Hòa thượng Thích Quảng Độ : hồ sơ tiêu biểu cho sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam (Mạch Sống, 18/04/2018)
Tại Hội nghị thượng đỉnh do Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF-United States Commission on International Religious Freedom) tổ chức, nhiều diễn giả bày tỏ quan tâm về tình trạng vi phạm tự do tôn giáo ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam.
Uỷ viên USCIRF Jackie Wolcott cùng với Mục sư Chính và phái đoàn vận động tư do tôn giáo do BPSOS phối hợp, ngày 21/02/2018 (ảnh Huỳnh Khôi)
Đến phần hội thảo về tù nhân lương tâm, Ủy hội USCIRF chính thức công bố quyết định chọn Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ là 1 trong 7 tù nhân lương tâm tiêu biểu cho tình trạng đàn áp tôn giáo trên thế giới.
Bà Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch của Ủy hội, là người giới thiệu vị tù lương tâm Việt Nam này :
"Hòa thượng Thích Quảng Độ là đệ ngũ Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, năm nay đã 90 tuổi và đã bị cô lập trong suốt 32 năm, hoặc bị tù hoặc bị giam lỏng".
Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và chân dung Hòa thượng Thích Quảng Độ trong buổi điều trần trước Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Tom Lantos, ngày 15/2/2018.
Bà Arriaga cho biết là năm 1997, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ đã bị đàn áp nặng nề khi đứng ra cứu trợ nạn nhân bão lụt, một hành động xuất phát từ niềm tin tôn giáo.
"Hồ sơ này tiêu biểu cho cách nhà nước Việt Nam đối xử với tất cả các tôn giáo", bà Arriaga nói". Tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ chỉ định Việt Nam là quốc gia đặc biệt quan tâm".
Hành pháp Hoa Kỳ có thẩm quyền chỉ định "quốc gia đặc biệt quan tâm" (CPC) đối với quốc gia nào có tình trạng đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và đang tiếp diễn.
Kế đến, bà Jackie Wolcott, cựu Đại sứ và Ủy viên USCIRF, giới thiệu Mục sư Nguyễn Công Chính. Chỉ vào dãy hình các tù nhân lương tâm tiêu biểu ở sau lưng, bà nói :
"Chúng tôi không còn cần phải treo tấm hình của Mục sư Nguyễn Công Chính vì ông ấy đang ngồi đây, và đó là tin mừng mà tôi muốn chia sẻ với quý vị".
Trong phần phát biểu của mình, Mục sư Chính cho biết là sự lên tiếng của các dân biểu Hoa Kỳ đã làm giảm đi tình trạng tra tấn và hành hạ nhắm vào ông trong thời gian ở trong tù. Ông cũng cảm ơn Bộ ngoại giao và Ủy hội USCIRF đã can thiệp mạnh mẽ để chấm dứt cuộc tra tấn kéo dài gần 2 tháng nhắm vào vợ của ông, bà Trần Thị Hồng.
"Tôi kêu gọi các dân biểu Hoa kỳ nhận bảo trợ các tù nhân lương tâm, để bảo vệ tính mạng ; ngăn chặn các biện pháp tra tấn, nhục hình ; và để gia đình họ có quyền thăm nuôi và chuyển thông tin ra ngoài", Mục sư Chính nói.
Mục sư Nguyễn Công Chính (thứ nhì từ bên trái) đang phát biểu, với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng ngồi bên cạnh tại hội nghị diễn ra tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn sáng thứ Tư, 18 tháng 4, 2018. (Mạch Sống)
Sau phần phát biểu, Mục sư Chính trao tấm biển tri ân đế bà Jackie Wolcott, người đã bảo trợ cho ông khi còn ở trong tù.
"Phần này không có trong chương trình", cựu Đại sứ Wolcott giải thích trong sự bất ngờ và cảm động.
Nhiều diễn giả tại hội nghị đã nêu mối quan ngại về hiện tượng Hội Cờ Đỏ đang lan ra ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch của BPSOS, cho biết là tổ chức của ông đã gửi trước hồ sơ về Hội Cờ Đỏ cho các ủy viên USCIRF và nhiều diễn giả của hội nghị.
Sau hội nghị kết thúc, nhiều phóng viên đã phỏng vấn Mục sư Chính về những trải nghiệm bản thân và tình trạng bách hại tôn giáo nói chung ở Việt Nam.
Một số tổ chức nhân quyền đã gặp Tiến sĩ Thắng để bàn việc phối hợp lâu dài.
Tại bàn thông tin của Hội nghị, BPSOS đã phổ biến tài liệu về Hội Cờ Đỏ và thông tin về chương trình NOW !, một nỗ lực lâu dài để bảo vệ nhân quyền của tất cả tù nhân lương tâm Việt Nam và đòi tự do cho họ.
*****
Phát biểu của Mục sư Nguyễn Công Chính tại Hội nghị thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế
Nhân dịp 20 năm kỷ niệm USCIRF, tôi thay mặt Hiệp hội Vietnamese People’s Evangelical Fellowship gửi lời cầu nguyện và chúc mọi điều may mắn tốt lành nhất đến với quý thành viên có mặt trong Hội nghị.
Tôi cảm ơn Đại biểu Alan Lowenthal và Đại biểu Bill Posey lên tiếng, làm giảm đi sự đàn áp và tra tấn khi tôi ở trong nhà tù. Tôi cũng cảm ơn sự can thiệp của Bộ ngoại giao, USCIRF để công an Việt Nam chấm dứt cuộc tra tấn kéo dài 2 tháng đối với vợ của tôi, chỉ vì cô ấy gặp phái đoàn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ để cầu cứu cho tôi. Nhờ áp lực quốc tế mà chế độ ở Việt Nam trả tự do cho tôi, với điều kiện gia đình tôi phải lưu vong. Tôi đặc biệt cảm ơn cựu Đại sứ David Saperstein, Ủy viên Jackie Wolcott, Linh mục Thomas Reese và Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos.
Chính quyền Việt Nam đàn áp một người để khủng bố tinh thần nhiều người. Nhượng bộ áp lực quốc tế, họ có thể thả một tù nhân lương tâm, nhưng lại bắt thêm nhiều người khác.
Sau khi trả tự do cho tôi hồi tháng 7 năm ngoái, họ đã bắt hàng loạt người trong các vụ án Hội anh em dân chủ, vụ án Fomosa Nghệ Tĩnh, vụ án ông Bùi Văn Trung, vụ án ông Vương Văn Thả, và gần đây là vụ án 12 người Thượng ở Tây Nguyên. Chỉ trong 2 tuần qua, 9 tù nhân lương tâm bị xử tổng cộng 83 năm tù và 30 năm quản chế. Theo danh sách của BPSOS, Việt Nam hiện có khoảng 170 tù nhân lương tâm, đa phần là tù nhân tôn giáo. Xin xem tài liệu về chiến dịch NOW ! của BPSOS đặt ở bàn thông tin.
Các tù nhân tôn giáo và chính trị bị đối xử tệ hơn tù hình sự : thường xuyên bị biệt giam, thực phẩm rất kém ; nước uống có vôi, phèn ; không được chăm sóc y tế ; không được viết thư cho gia đình ; không được ra ngoài sinh hoạt tập thể ; và nhiều hạn chế khác. Nhiều người sau khi ra khỏi tù 6 tháng hoặc vài năm đã chết vì bệnh. Số tù nhân lương tâm bị tra tấn hoặc bị đầu độc đến chết từ năm 2000 đến nay là khoảng 127 người, nhiều nhất là người Thượng Tây Nguyên, Hmong Tây Bắc và Khmer Krom Tây Nam Bộ.
Chính phủ Hoa kỳ cần tăng áp lực ngoại giao, và áp dụng các biện pháp chỉ định CPC và chế tài theo Luật Magnitsky Toàn Cầu để thúc đẩy Hà Nội phóng thích tất cả tù nhân lương tâm. Đồng thời, tôi kêu gọi các dân biểu Hoa kỳ nhận bảo trợ họ, để bảo vệ tính mạng ; ngăn chặn các biện pháp tra tấn, nhục hình ; và để gia đình họ có quyền thăm nuôi và chuyển thông tin ra ngoài".
Nguồn : http://machsongmedia.com, 18/04/2018
Liên Hợp Quốc vừa lên tiếng vấn đề liên quan đến Việt Nam, nạn nhân trong vụ án Formosa, những người dân vì hoạt động hợp pháp "nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và sức khỏe, là không chấp nhận được". Baskut Tuncak, Đặc ủy nhân quyền phát biểu.
Phòng hội Trusteeship Council của Liên Hiệp Quốc tại New York City. (Photo : MusikAnimal via Wikimedia Commons)
Người dân Việt Nam từ lâu vẫn trông đợi sự công bình, văn minh từ Liên Hiệp Quốc. Trong vô số các Hiệp Định có sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc, Hiệp định Paris vẫn còn đó và vai trò, trách nhiệm thật to lớn trong sự thực hiện quyền dân tộc tự quyết cho các dân tộc. Nếu Liên Hiệp Quốc không giương cậy gậy dẫn đường, các dân tộc cũng theo chữ Thời, rồi đến lúc "vật cùng tất biến", nhưng chắc chắn mọi sự sẽ không xảy ra trong hòa bình trật tự.
Từ Hội Quốc Liên đến Liên Hiệp Quốc nơi thể hiện niềm hy vọng của nhân loại hay vẫn chỉ là ước mơ từ tác phẩm về Một Nền Hòa Bình Vĩnh Cửu của Immanuel Kant, triết gia Đức. Giấc mơ của bao người chân chất trên hành tinh muốn sự thật, công lý, hòa bình được thể hiện dưới đất hay nơi đây mãi còn làm diễn đàn của những nhà mỵ dân ngụy biện trong một thế giới với những nền tảng khoa học thay đổi nhanh chóng từ căn để như những bệ phóng đưa nhân loại ra khỏi hành tinh này nếu có nhu cầu.
Thế nhưng về mặt nhân văn hầu hết các nhà lãnh đạo về thế quyền độc đoán và thần quyền cực đoan đều muốn giựt lùi con người lại về mặt tiến hóa, còn hơn thế nữa với những phương cách xấu xa nhất để tồn tại của nhóm bè đảng ‘mọi phương tiện để đạt mục đích nắm chính quyền thay vì là một nhà nước phục vụ dân, họ trở thành các tập đoàn mafia tham nhũng, hối mại quyền thế cướp của, giết người một cách tinh vi cũng nhân danh tôn giáo, nhân bản, triết học tiến bộ nhưng thật ra chỉ là ngụy thuyết. Và chuyện tha hóa về mặt nhà nước này chẳng may rơi vào các nước trong đó có Việt Nam, Miến Điện, Bắc Triều Tiên…
Rõ ràng nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện đã đàn áp dân chúng, bắt giam sư sãi, các nhà đấu tranh dân chủ, nhưng nghiệt ngã thay khi phe dân chủ thắng thế xảy ra khủng hoảng… khiến cả nửa triệu người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, chưa kể hết những vụ hãm hiếp phụ nữ, sát hại trẻ em, và bệnh tật trên đường tỵ nạn.
Rõ ràng nhà cầm quyền Bắc Triều tiên trong sự tha hóa trụy lạc của giới cầm quyền trong lúc dân chúng đói khổ, thậm chí dồn tiền để cố chế cho được trái bom nguyên tử, còn về mặt quân phiệt đã từng bị Hoa Kỳ xếp vào trục liên minh ma quỷ hỗ trợ khủng bố.
Rõ ràng người dân Việt Nam trong nước không có cái quyền cơ bản nào cả theo lẽ của thân phận một hữu thể khi sinh ra làm người, hiện tại chỉ ngoài cái quyền được ăn như một con lợn, nhưng con heo còn có chủ vì sợ lỗ lã nên được canh chừng không cho ăn bậy. Còn con người tha hồ được tự do ngốn thuốc độc vào thân đến họa ung thư nhất là đường ruột đã báo động tại Việt Nam và nạn ghiền sex trong mọi giới của Việt Nam ngày nay do chính quyền chỉ kiểm duyệt, dùng bức tường lửa ngăn chận đối với các quyền tự do tư tưởng ngôn luận, còn thả cửa những trang dâm ô. Trong khi đó kẻ cầm quyền cũng tự do ăn bẩn từ thượng tầng đến hạ tầng của một cơ chế thối nát.
Thế nhưng giới lãnh đạo của các nước này cũng ra trước Liên Hiệp Quốc, cũng áo mão, cũng họp báo cũng nói nhân quyền, có khi còn hay hơn nhiều chính trị gia trong sự lãnh hội Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị thuộc nhân quyền, vậy đâu là phương cách thực hiện của tổ chức này. Hay tòa nhà kia nay chỉ còn là văn phòng của các ủy ban mang tính hình thức ?
Người viết chứng kiến các tù nhân lương tâm trước cái chết đã từng đánh đổi với lời nói cuối cùng hô vang các câu khẩu hiệu, hoặc kêu gọi đến Liên Hiệp Quốc hãy xem xét sự vi phạm nhân quyền của chính quyền cộng sản Việt Nam, trong hy vọng ‘của tin còn một chút này’ cho dù đó là chỗ tuyệt vọng của con người. Tất nhiên lời kêu gọi từ lời nói cuối cùng trước tòa không mang ảo tưởng mọi sự sẽ được cứu vớt từ Liên Hiệp Quốc, nhưng ở đây từ vực sâu con người vẫn kỳ vọng : bao lâu nhân loại còn tồn tại đều có thể ngồi lại với nhau và trong tinh thần đối thoại – Đó là đặc điểm của con người.
Theo Aristote triết gia Hy Lạp một nhà nước phải quân bình giữa lý trí như cây gậy dẫn đường cho dân tộc đó gồm những tư tưởng, học thuyết minh triết. Hai là trái tim quả cảm tức lòng nhiệt thành nếu không biết kiềm chế sẽ sinh ra bao cuộc chiến tranh đến chủ nghĩa quân phiệt. Ba là những dục vọng khả giác, nếu không có sự quân bình nhất là giáo dục sẽ tạo ra một xã hội trụy lạc tha hóa trong tính nhân văn với đồng loại. Và đây là hình ảnh của Việt Nam hiện tại dưới sự cai trị của cộng sản : cây gậy dẫn đường đến cái que cũng không có, lòng nhiệt huyết của thanh niên khi lãnh hải, lãnh thổ mất dần vào tay Trung Quốc nhưng bao sự phản kháng của thanh niên, sinh viên, học sinh đều bị nhà cầm quyền ngăn chận. Món quà mà Đảng cộng sản Việt Nam tặng cho thanh niên nam nữ đó là sex thỏa mái, trụy lạc ăn chơi sa đọa hay nói khác đi đây là chiến lược lâu dài của nhà cầm quyền Đại Hán qua các Lê Chiêu Thống thời hiện đại.
Nhưng của may còn một chút này theo Tôn Dật Tiên định nghĩa Trung Quốc chỉ là ‘một thau cát vĩ đại’. Cho nên ‘mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột’ qua tư tưởng của Đặng Tiểu Bình, nay chúng ta có thể yên tâm vì hiểu rằng : dù vĩ đại đến đâu Trung Quốc cũng chỉ là một thau cát. Nên có thể nói được rằng vẫn là cơ may của các các dân tộc trong họa Đại Hán này. Các dân tộc Ngoại Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Quảng Đông, Quảng Tây… đều có quyền đòi lại tự do cho dân tộc mình và đây là điều tất yếu xoay vần theo sự biến dịch của thời gian mà lịch sử Trung Hoa đã chứng minh.
Con đường tất yếu mang lại thẩm quyền cho người dân Trung Hoa, con đường của Tự Do, Dân Chủ như một hệ luận tất yếu và chỉ còn là vấn đề thời gian. Tôi không tin là các nhà chiến lược Phương Tây nhất là Hoa Kỳ không thể không nhận ra vấn đề này nhưng phương cách thực hiện để người dân Trung Hoa có được Tự Do dân chủ thời có thể nói được rằng Phương Tây chưa có những nhà chiến lược tầm cỡ đủ để tạo nên sự biến đổi lịch sử mang tính nhân loại này. Hay có quá nhiều bộ óc vượt tầm cỡ, nhưng không chọn ra được tính trội của một phương cách khả thi.
Người Việt Nam trong nước cũng như bên ngoài không thể chờ mong có sự giúp đỡ của người Mỹ để có Tự Do, Dân Chủ cho dù theo sát kiểu Mỹ đi nữa, chỉ có thể từ trong ra ngoài hãy cùng nhau nghĩ về cội rễ của mình mà thương đến thân phận làm người bị ngược đãi trên quê hương hầu dốc sức góp tay vào nhằm biến đổi đất nước, biến đổi chính mình. Hãy làm lại tất cả ngay với chính mỗi người như không tự viết sách hay nhờ thuê người khác viết mà khen tặng chính mình như Trần Dân Tiên, không học giả để lấy danh, hãy thực hiện nhân quyền, lòng tự trọng nơi chính bản thân mình trước.
Từ Liên Hiệp Quốc trở về cái tiểu vũ trụ trong mỗi cá nhân người Việt, không thể trong tâm còn là ‘một bồ dao găm’ mà bảo đi cứu người, đó chính là cái họa thêm cho dân tộc. Cho nên cuộc chiến để giành lại quyền làm người cho dân Việt – đây là một cuộc chiến làm lại chính mỗi người để chiến thắng cái xấu xa sự ác. Tôi không thể giao hoan với toàn gái mười lăm, mười sáu, đánh vợ hành hạ con, song cũng tìm tới nhân danh nhân quyền và ngay cả những người gọi là đại diện cho nhân quyền cũng cần xét lại tư cách nghiêm túc trong công việc của mình.
Quả vậy, cuộc đổi thay này sẽ không như các cuộc cách mạng trước đây, nỗi oan khiêng của mọi người dân đó là ngòi nổ sẽ là những ngọn đuốc dần đốt cháy chế độ cộng sản này. Nhưng để đến thành công bền vững mỗi người dân Việt ít nhiều phải làm lại chính mình để làm lại toàn xã hội, chứ không thể như hiện nay ‘nhà nhà gian dối, người người gian dối, gian dối từ ngay học đường với các thầy cô giáo làm chuyện đồi bại rồi bày vẻ cho các em học sinh chuyện hư đốn. Có như vậy chúng ta mới có một bộ mặt nhân văn thật sự trong cộng đồng nhân loại mai hậu.
Chúng ta cùng nhớ lại lá thư lịch sử từ các nhà lãnh đạo đại diện mọi lục địa và kêu gọi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hãy có hành động can thiệp vào Miến Điện theo lời của chủ tịch Freedom Now, Jared Genser cho báo chí được biết thông tin này.
Những người ký tên vào bức thư gửi cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trước đây để kêu gọi ông hãy đến Miến Điện để kêu gọi chính quyền quân sự nơi đây trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi và các tù nhân chính trị khác và hiện nay Bà đang được trả tự do.
Họ gồm cả hai cựu Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush và Jimmy Carter, cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, cựu Thủ tướng Úc John Howard, cựu Thủ tướng Pháp Lionel Jospin, cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi và các cựu tổng thống Phi Luật Tân Fidel Ramos cùng Corazone Aquino.
"Đây là một nỗ lực chưa từng có của cả thế giới đối với người dân Burma, và tôi rất vui sướng là có nhiều người đã cùng với tôi nêu lên vấn đề quan trọng này", theo lời Kjell Magne Bondevik, cựu Thủ tướng Na Uy.
Các nhà cựu lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia đã kêu gọi ông Ban hãy tự mình đến Miến Điện vào thời điểm đó để yêu cầu chế độ tại đây trả tự do cho 2.100 tù nhân chính trị. Và nay họ đã được tự do.
Thế giới tự do cũng không ngoảnh mặt với chúng ta vì trong đó có cả tiếng kêu than quằn quại của gần nửa triệu người chết trên biển Đông và trong ngục tù dưới chế độ bạo tàn cộng sản. Nhân loại từ khi hình thành bên dòng lịch sử luôn là tiếng vọng như lời cầu bên dòng sông Babylon ‘Con cầu xin Chúa Chúa ơi…’. Nhưng ở đây và bây giờ với người dân Việt, chỉ có thể thay đổi được cục diện man rợ này khi tôi niệm với chính mình : tôi đang làm lại chính mình để xã hội tôi được thanh sạch, người dân có cùng màu da, anh em cội nguồn của tôi nay được tự do, dân chủ. Vì theo cách hiểu một người không có lòng ngay lời cầu sẽ khó được thuận theo ý Trời – cuộc chiến không binh đao nhưng có sức mạnh vô cùng này là một cuộc chiến từ lời cầu nguyện và hãy niệm !
Hãy cùng nhau biến Liên Hiệp Quốc thành một tổ chức hành động, tòa nhà kia không còn là những tường đá vô tri !
Nguyễn Quang Hồng Nhân
Nguồn : VOA, 28/02/2018