Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại Miến Điện, từ hôm 01/05/2024, tập đoàn quân sự cầm quyền đã ngưng cấp giấy phép lao động ở nước ngoài cho người dân. Đây được xem như một biện pháp để ngăn cản thanh niên ra nước ngoài, chủ yếu là sang Thái Lan, nhằm trốn nghĩa vụ quân sự. Hiện nay, hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện, cả nam và nữ, đang tìm cách trốn quân dịch trong nước. Lệnh bắt buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Miến Điện đã được tập đoàn quân sự ban hành hồi tháng 02/2024.

miendien01

Hàng dài người xếp hàng chờ xin visa bên ngoài sứ quán Thái Lan ở Yangon, Myanmar, hôm 16/2. Ảnh: AFP

Từ Bangkok, thông tín viên trong khu vực Carol Isoux tường trình :

"Kể từ khi có thông báo về nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam thanh niên từ 18 đến 35 tuổi và nữ thanh niên từ 18 đến 27 tuổi, hàng trăm ngàn thanh niên Miến Điện đã tìm cách bỏ trốn sang nước láng giềng Thái Lan. Đoàn người xếp hàng chờ trước các đại sứ quán nước ngoài ở Rangun ngày càng dài và số đơn đăng ký gửi đến các cơ quan việc làm ở nước ngoài tăng bùng nổ, bởi vì cho đến nay người lao động Miến Điện ở nước ngoài vẫn được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện vừa tuyên bố đình chỉ loại giấy phép lao động này, hàng ngàn người Miến Điện đã tìm cách vượt biên trái phép. Trong số đó có Thint, 34 tuổi, người vừa mới đến được Mae Sot, một thị trấn biên giới của Thái Lan.

Thint nói : "Ngay sau khi đảo chính nổ ra, tôi đã tham gia vào hoạt động chống tập đoàn quân sự và tôi đã bị bắt. Sau 3 năm tù giam, tôi vừa được trả tự do và trở về nhà thì quân đội lại thông báo lệnh tòng quân. Bây giờ tôi lại phải đi chiến đấu trong bộ quân phục của quân đội Miến Điện ư ? Không, đối với tôi và các bạn bè của tôi, đây là điều không thể tưởng tượng nổi. Vì thế, tôi đã vượt biên trái phép sang Thái Lan. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Quân đội lẽ ra phải bảo vệ nhân dân, đằng này thì họ lại tàn sát người dân. Tôi sẽ không bao giờ chiến đấu cho quân đội".

Hiện nay có 2 -3 triệu người Miến Điện lao động tại Thái Lan. Những di dân bất hợp pháp phải sống trong những điều kiện cực kỳ bấp bênh, thường xuyên bị đối xử như "nô lệ hiện đại", theo từ ngữ của các tổ chức quốc tế. Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện đang phải đối mặt với sự phản đối chưa từng có của cả xã hội dân sự và các nhóm du kích thuộc các sắc tộc".

Thùy Dương

Published in Châu Á

Tại Miến Điện, một cuộc tấn công bằng drone hiếm có nhằm vào thủ đô chính quyền quân sự Naypyidaw đã xảy ra ngày hôm qua, 04/04/2024. Chính phủ đối lập lưu vong đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Lực lượng an ninh Miến Điện cho biết đã bắn hạ được 13 trong số khoảng 30 chiếc được phóng đi và thiệt hại gây ra là không đáng kể.

111111111111111111111111

Duyệt binh nhân Ngày quân lực Miến Điện 27/03/2024 tại thủ đô Naypyidaw. AP - Aung Shine Oo

Từ Bangkok, Carol Isoux, thông tín viên trong khu vực, cho biết thêm thông tin :

Cuộc tấn công, được thực hiện bởi khoảng 30 drone trong đó có nhiều chiếc mang theo chất nổ, đã nhắm vào nhiều mục tiêu chiến lược ở Naypyidaw, thủ đô hành chính mới được giới quân sự kín đáo xây dựng trong những năm 2000.

Khu nhà của lãnh đạo tập đoàn quân sự tướng Min Aung Hlang và nhiều tòa nhà khác của chính quyền nằm trong số các mục tiêu tấn công nhưng không bị hư hỏng nhiều, theo như tập đoàn quân sự khi tuyên bố rằng đã bắn hạ được khoảng một chục drone.

Chính phủ Đoàn kết Quốc gia NUG lưu vong, chủ yếu bao gồm các chính khách dân cử trước khi có đảo chính quân sự ngày 01/02/2021, khẳng định rằng dù sao cuộc tấn công này vẫn là một thắng lợi bởi vì điều trước tiên là cần "làm cho giới quân sự hiểu rằng họ không an toàn ở bất kỳ nơi nào", kể cả trong cứ địa chính của họ.

Điểm đáng chú ý, đây là lần đầu tiên chính phủ lưu vong công khai nhận trách nhiệm một cuộc tấn công quân sự có quy mô như thế, và do vậy, đây là một bước ngoặt trên phương diện hình ảnh và chiến lược. Các nhóm dân quân nổi dậy, mà Chính phủ Đoàn kết Quốc gia hậu thuẫn về tài chính và hậu cần tiếp tục giành thắng lợi trên thực địa gần như khắp nơi ở Miến Điện, nhất là ở các bang biên giới của Miến Điện.

Minh Anh

Published in Châu Á

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, hôm qua, 18/03/2024, đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về các cuộc không kích của quân đội Miến Điện vào các ngôi làng ở phía tây nước này, khiến hơn 20 người thiệt mạng.

mien1

Những người di tản trú ẩn trong một tu viện ở một ngôi làng tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện. AFP - STR

Theo lời phát ngôn viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, ông Antonio Guterres cảm thấy "kinh hoàng trước các báo cáo về những cuộc không kích do quân đội thực hiện, bao gồm cả cuộc không kích diễn ra ở thị trấn Minbya (miền tây Rakhine), được cho là đã giết hại và làm bị thương nhiều thường dân". 

Các cuộc đụng độ đã làm rung chuyển bang miền tây Rakhine kể từ khi quân đội Arakan (nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số ở các khu vực biên giới) tấn công lực lượng an ninh của chính quyền trung ương vào tháng 11, chấm dứt lệnh ngừng bắn được đưa ra kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021.

Minbya, nằm ở phía đông Sittwe, thủ phủ bang Rakhine, đã gần như bị quân đội Arakan cô lập trong những tuần gần đây. Cách thị trấn này vài km, quân đội đã mở một cuộc không kích tấn công làng Thar Dar vào khoảng 1h45 sáng, khiến 10 đàn ông, 4 phụ nữ và 10 trẻ em thiệt mạng, theo lời một nhân chứng trong làng. Một người khác thì cho biết đã có 23 người thiệt mạng trong vụ nổ và 18 người khác bị thương.

Chính quyền nắm giữ thủ phủ Sittwe của khu vực, nhưng trong những tuần gần đây, quân đội Arakan đã tiến vào các quận xung quanh. Giao tranh hiện cũng đã lan sang các nước láng giềng Ấn Độ và Bangladesh.

Minh Phương

Published in Châu Á

Đúng kỷ niệm 3 năm quân đội Miến Điện lật đổ chính quyền dân sự, ngày 01/02/2024 tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi "chấm dứt bạo động" và "khôi phục nền dân chủ" tại quốc gia Đông Nam Á này. Hoa Kỳ ban hành thêm các biện pháp trừng phạt Miến Điện vào lúc tập đoàn quân sự triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp.

miendien1

Quân đội Miến Điện duyệt binh Ngày Lực lượng Vũ trang lần thứ 78 tại Naypyitaw ngày 27/03/2023. AP - Aung Shine Oo

Bộ Tài Chính Mỹ hôm 31/01/2024 siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện. Các biện pháp mới nhắm vào những "thực thể thân cận với chế độ" Naypyidaw, trong đó có tập đoàn dầu khí Shwe Byain Phyu trong tay nhà tài phiệt Thein win Zaw, một nhân vật thân cận với giới tướng lĩnh cầm quyền. Tập đoàn vận tải đường biển Myanmar Five Star cũng có tên trong danh sách trừng phạt mà Washington vừa ban hành. Chính quyền Biden giải thích mục tiêu đề ra là nhằm "cắt đứt các nguồn tài trợ của một chế độ đang đàn áp chính dân tộc của họ".

Từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, Miến Điện liên tục sống trong tình trạng khẩn cấp. Hôm qua, chính quyền Naypyidaw thông báo kéo dài tình trạng khẩn cấp này thêm sáu tháng. Tập đoàn quân sự một lần nữa hoãn ngày tổ chức bầu cử như đã hứa hẹn cách đây ba năm. Hãng tin Pháp AFP nhắc lại, từ sau cuộc đảo chính "hơn 4.400 người dân Miến Điện đã thiệt mạng trong các đợt đàn áp". Dù vậy tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn không ổn định hơn, đặc biệt là sau loạt tấn công phối hợp của ba lực lượng vũ trang thiểu số mang tên Liên Minh Huynh Đệ từ ngày 27/10/2023.

Carol Isoux thông tín viên RFI từ Bangkok tường thuật về những hoạt động của lực lượng nổi dậy gần biên giới giữa Miến Điện với Thái Lan :

Những mảnh vỡ bằng kim loại, những đống gạch đổ nát,đó là tất cả những vết tích còn lại của 1 đồn cảnh sát ở Mese, một thành phố Miến Điện cách biên giới Thái Lan chừng 50 km. Những chiến binh trẻ thuộc lực lượng tự vệ Karenni đã tấn công vào đồn cảnh sát này và sát hại khoảng 20 nhân viên an ninh của Miến Điện. Aung Naing, 20 tuổi, vác trên vai một khẩu súng trường, kể lại đợt tấn công đó : "Lính và cảnh sát trốn ở tầng lầu bên trên. Họ bắn vào chúng tôi và không chịu đầu hàng. Cuộc đọ súng kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Chúng tôi thả bom xăng tự tạo vào chỗ họ, rồi chúng tôi bỏ đi. Lác đác tại khắp thành phố này giao tranh diễn ra trong cả tháng trước khi chúng tôi chiếm được Mese. Lính Miến Điện bỏ đi nhưng chúng tôi biết là phải tiếp tục chiến đấu".

Ba năm sau cuộc đảo chính, các lực lượng nổi dậy giờ đây đã được tổ chức lại và đang mở rộng hoạt động khắp nơi, nhất là ở các vùng biên giới, nơi mà các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã kiểm soát được những vùng nông thôn và một số thành phố chính.Tập đoàn quân sự Miến Điện chưa bao giờ bị suy yếu như hiện nay. Tuy vậy, vẫn chưa thể dự đoán được về tương lai chính trị của Miến Điện cũng như về một mô hình lãnh đạo đất nước mà 140 sắc tộc thiểu số khác nhau có thể chấp nhận được. 

Thanh Hà

Published in Châu Á

Tập đoàn quân sự Miến Điện và liên minh ba lực lượng nổi dậy miền đông bắc bắt đầu đàm phán nhằm tìm một "giải pháp chính trị" cho xung đột qua trung gian của Trung Quốc. Trên đây là thông báo của phát ngôn viên tập đoàn quân sự hôm qua, 11/12/2023. Cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng xác nhận thông tin này

miendien1

Ảnh do truyền thông của phiến quân phổ biến : Quân nổi dậy kiểm tra vũ khí thu được từ quân đội chính phủ Miến Điện tại một địa điểm ở bang Shan, Miến Điện, ngày 24/11/2023. AP

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời phát ngôn viên tập đoàn quân sự, tướng Zaw Min Tun, phát biểu trên truyền hình, cho biết là đã tiếp xúc với đại diện cả ba lực lượng thuộc liên minh "Three Brotherhood" và "một cuộc đàm phán khác sẽ được tổ chức vào cuối tháng này". Phát ngôn viên tập đoàn quân sự nhấn mạnh là đàm phán được tổ chức với sự trợ giúp của Trung Quốc, nhưng không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể.

Về phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mao Ninh khẳng định "tin tưởng việc xuống thang ở miền bắc Miến Điện là phù hợp với lợi ích của tất cả các bên và sẽ giúp duy trì hòa bình và ổn định ở biên giới Trung Quốc-Miến Điện". Ông thông báo Trung Quốc "sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ" để các đàm phán đạt được "kết quả tích cực". 

Liên minh lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông báo

Hiện tại, liên minh ba lực lượng nổi dậy chưa đưa ra thông tin chính thức về cuộc đàm phán nói trên, theo hãng tin Mỹ AP. Nhà quan sát Ye Myo Hein, Trung tâm Wilson và Viện Hòa bình Mỹ, được The Diplomat hôm nay dẫn lại, cho biết do có sự "can thiệp của Trung Quốc", Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (Myanmar National Democratic Alliance Army-MNDAA), thuộc sắc tộc Kokang, một trong ba lực lượng nổi dậy, đã chấp nhận "ngừng bắn tạm thời với quân đội chính phủ ở Kokang (khu tự trị thuộc bang Shan) cho đến ngày 30/12". Chuyên gia này cho biết thêm, dù đã có "các cuộc đàm phán gần đây với quân đội Miến Điện tại Trung Quốc", hai lực lượng nổi dậy còn lại : Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang (Ta'ang National Liberation Army-TNLA) và Quân đội Arakan (Arakan Army-AA) vẫn tiếp tục chiến đấu.

Theo giới quan sát, liên minh ba lực lượng nổi dậy đã mở chiến dịch quân sự từ ngày 27/10, gây khó khăn chưa từng có cho tập đoàn quân sự Miến Điện kể từ cuộc đảo chính đầu năm 2021. Phe nổi dậy cho biết đã chiếm được hơn 200 đồn bốt, và 4 cửa khẩu quan trọng với Trung Quốc. Theo nhà báo Sebastian Strangio chuyên về Đông Nam Á của The Diplomat, tranh thủ thời gian hưu chiến, tập đoàn quân sự Miến Điện sẽ "tập hợp lực lượng bảo vệ một số khu vực tại bang Shan hiện còn nằm dưới quyền kiểm soát của họ và có thể chuẩn bị cho cuộc phản công mang tính chất quyết định chống lại liên minh ba lực lượng nổi dậy".

Trọng Thành

Published in Châu Á

Bộ ngoại giao Thái Lan ngày 08/12/2023 cho biết Thái Lan và láng giềng Miến Điện đang bị nội chiến sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để tăng cường công tác hỗ trợ nhân đạo cho những người phải sơ tán do giao tranh và có thể mở rộng lực lượng đó để bao gồm các cơ quan viện trợ khác.

miendien1

Một trung tâm tiếp nhận người Karen tị nạn dọc vùng biên giới Thái – Miến / Gavroche

Theo hãng tin Anh Reuters, quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm phụ trách cứu trợ này đã được đưa ra trong các cuộc thảo luận giữa ngoại trưởng Miến Điện Than Swe do tập đoàn quân sự bổ nhiệm với người đồng cấp Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara tại một cuộc họp của khối Hợp tác Mekong-Lancang ở Trung Quốc.

Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định rằng : "Phía Miến Điện sẽ sớm cử một nhóm công tác tới Thái Lan để thảo luận về vấn đề này". Về phía Miến Điện, thái độ thận trọng hơn. Bộ ngoại giao Miến Điện xác nhận rằng cuộc họp đã diễn ra nhưng không đề cập đến lực lượng đặc nhiệm nhân đạo.

Trong thông cáo của mình, phía Thái Lan còn bày tỏ hy vọng rằng kế hoạch đó sẽ mở ra một tiến trình hợp tác mang tính xây dựng giữa chính quyền quân sự cầm quyền tại Miến Điện, khối Đông Nam Á ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Chính quyền quân sự Miến Điện hiện bị khối ASEAN tẩy chay vì không thực hiện kế hoạch hòa bình mà họ đã đồng ý sau cuộc đảo chính.

Chiến sự đã bùng lên dữ dội ở các khu vực biên giới của Miến Điện từ khi một liên minh các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số đã mở các cuộc tấn công phối hợp đánh vào quân đội và các cơ sở chính phủ, khuyến khích lực lượng kháng chiến ủng hộ dân chủ nhắm vào lực lượng an ninh ở những nơi khác.

Tình hình chiến sự bùng lên vào cuối tháng 10 đã khiến cho hơn 300.000 người dân phải tản cư, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc. Hai láng giềng Thái Lan và Trung Quốc ngày càng lo ngại trước nguy cơ bị làn sóng người tị nạn tràn ngập.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Hôm 05/12/2023, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện kêu gọi các lực lượng vũ trang một số sắc tộc thiểu số đàm phán để tìm "giải pháp chính trị". Đối lập vũ trang Miến Điện bác bỏ kêu gọi của tập đoàn quân sự.

miendien1

Chiến binh Quân đội Giải phóng Nhân dân giao tranh với quân đội Miến Điện gần Sagaing, Miến Điện, ngày 23/11/2023. Reuters - Stringer

Theo Reuters, ông Kyaw Zaw, phát ngôn viên của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (National Unity Government - NUG), lực lượng kháng chiến chống đảo chính, ngay lập tức đã bác bỏ kêu gọi của lãnh đạo tập đoàn quân sự. Người phát ngôn của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc khẳng định : "Tập đoàn quân sự đang thất bại nặng trên thực địa vì vậy họ phải cố gắng tìm lối thoát. Sẽ có đối thoại thực sự, nếu quân đội đảm bảo không còn đóng vai trò gì trong chính trị nữa, và chấp nhận dưới quyền một chính phủ dân cử".

Theo giới quan sát, tướng Min Aung Hlaing đưa ra lời kêu gọi vào lúc giới tướng lĩnh Miến Điện đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ cuộc đảo chính đầu 2021. Liên minh ba lực lượng vũ trang của một số sắc tộc thiểu số ("Three Brotherhood") - mở nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn từ cuối tháng 10, chủ yếu là ở một số khu vực biên giới với Trung Quốc – đặt mục tiêu đánh đổ tập đoàn quân sự, lên cầm quyền sau cuộc đảo chính. 

Lực lượng Tự vệ của Nhân dân (FDP), của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, nhân bối cảnh này, cũng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhắm vào quân đội tại miền bắc và miền đông. Hồi tuần trước, các thành viên của FDP cho AFP biết đã kiểm soát được một phần thủ phủ bang miền đông Kayah, giáp biên giới với Thái Lan. Hãng tin Anh Reuters, dẫn một số nguồn từ Liên Hiệp Quốc, cho hay tổng cộng hơn 500.000 người dân đã phải sơ tán trên khắp cả nước, do chiến sự. Hơn 250 dân thường, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng kể từ đầu chiến dịch quân sự nói trên. 

Trọng Thành

Published in Châu Á

Đang phải vất vả đối phó với các nhóm vũ trang thuộc ba sắc tộc thiểu số ở miền đông bắc, giáp giới với Trung Quốc, tập đoàn quân sự Miến Điện từ nhiều ngày qua đã phải chống lại các cuộc tấn công của chiến binh thuộc sắc tộc Karen ở miền đông nam, gần biên giới Thái Lan. Theo lời chứng của cư dân tại chỗ và hình ảnh lưu truyền trên mạng, vào hôm qua, 01/12/2023, giao tranh đã diễn ra dữ dội trên một trục lộ giao thương chính nối liền Miến Điện với Thái Lan.

miendien1

Các thành viên của lực lượng phiến quân Miến Điện trên một chiếc xe bọc thép tịch thu được từ quân đội Miến Điện tại bang Shan, ngày 24/11/2023. © AP/Kokang online media,

Theo hãng tin Pháp AFP, ngay từ sáng sớm, các tay súng của Liên Minh Dân Tộc Karen (KNU) đã đụng độ với quân đội tại thị trấn Kawkareik, nằm ở phía đông bang Karen ngay bên cạnh Thái Lan.

Đây là một thị trấn nằm trên Xa Lộ Châu Á nối trung tâm thương mại Myawaddy ở biên giới Thái Lan với thành phố lớn nhất Miến Điện là Rangoon. Chiến sự đã khiến giao thông bị tắc nghẽn và khiến nhiều người dân phải bỏ chạy để tìm nơi trú ẩn.

Từ Bangkok, thông tín viên RFI Carole Isoux tường trình :

"Thị trấn Kawkareik, cách biên giới Thái Lan khoảng 20 km, là nơi đang diễn ra những cuộc giao tranh dữ dội : Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy khoảng 15 chiếc xe tải nằm bất động trên một trục giao thông được mệnh danh là Xa lộ Châu Á, nối liền Rangoon, thành phố chính của Miến Điện, với Bangkok, thủ đô Thái Lan. Trên ảnh, người ta thấy những cột khói bốc lên và người dân đang cố tìm cách lánh nạn trong những nơi trú ẩn.

Đụng độ bùng lên giữa tập đoàn quân sự Miến Điện với các tay súng thuộc lực lượng Quân Đội Karen, một nhóm sắc tộc thiểu số đã chiến đấu chống lại tập đoàn quân sự Miến Điện từ nhiều thập kỷ. Giao tranh đã nổ ra ở khu vực miền đông nam này từ vài tuần trước đây, nhưng đã bị tình hình chiến sự dữ dội tại vùng giáp giới với Trung Quốc ở phía đông bắc đất nước làm cho lu mờ.

Chính quyền quân sự Miến Điện, với quân số ngày càng ít đi và trẻ hơn như được thấy trên hình ảnh được đăng tải trên mạng, giờ đây đang phải đối mặt với ít nhất ba mặt trận phối hợp ở miền Đông Bắc, Tây Bắc và miền Đông.

Bất chấp đà xích lại gần hơn với chính phủ dân chủ Miến Điện lưu vong NUG, các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số khác nhau đó hiện đang chủ yếu đấu tranh dưới danh nghĩa của riêng họ, với những yêu cầu đáng kể về quyền tự chủ và kiểm soát cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên của các khu vực nơi họ sinh sống".

Không chỉ có các nhóm vũ trang của người Karen là đã tham gia phong trào nổi dậy các cuộc tấn công tập đoàn quân sự Miến Điện. Theo hãng tin Pháp AFP, tại bang Kayah, từ nhiều tuần lễ nay, các chiến binh của Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân (PDF) thuộc phong trào dân chủ Miến Điện, cũng đã tung ra những cuộc tấn công nhằm chiếm lấy thành phố Loikaw, thủ phủ của bang, nơi có khoảng 50.000 cư dân sinh sống.

Chiến sự gay gắt đến mức mà chính lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện tướng Min Aung Hlaing phải thừa nhận rằng các cuộc tấn công rất dữ dội, trong lúc phía Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân cho biết là đã có đến 70% cư dân Loikaw phải chạy đi nơi khác để lánh nạn.

Trọng Nghĩa

Published in Châu Á

Tại Rangoon, thủ phủ văn hóa của Miến Điện, đã diễn ra một cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Chủ nhật 19/11/2023. Người biểu tình tập hợp trước sứ quán Trung Quốc, lên án Bắc Kinh "can thiệp vào công việc nội bộ" của Miến Điện, hậu thuẫn một số sắc tộc thiểu số nổi dậy. Theo mạng truyền thông độc lập Miến Điện Irrawady, đây là "lần đầu tiên" có một cuộc biểu tình lên án Trung Quốc, được giới tướng lĩnh quân sự "bật đèn xanh".

miendien01

Vũ khí lực lượng nổi dậy thuộc sắc tộc Kokang (gốc Hoa) thu giữ của quân đội Miến Điện ở thị trấn Kunlong, ngày 12/11/2023. AP

Tham gia vào cuộc biểu tình có các thành viên của đảng Liên minh các Sư tăng Yêu nước (Patriotic Monks Union) ở Rangoon, và Tổ chức Dân tộc chủ nghĩa Miến Điện (Myanmar Nationalist Organization), hai tổ chức thân tập đoàn quân sự. Theo Irrawady, nhà sư dân tộc chủ nghĩa Pyinya Wuntha, thuộc Liên minh các Sư tăng Yêu nước, khẳng định là người dân Miến Điện biết Trung Quốc đang trang bị vũ khí cho nhiều lực lượng nổi dậy thuộc các sắc tộc thiểu số và PDF, tức lực lượng vũ trang ủng hộ chính phủ dân sự bị lật đổ.

Những người biểu tình đe dọa sẽ "trả thù", nếu Trung Quốc tiếp tục khuyến khích các lực lượng nổi dậy "hủy hoại Miến Điện". Nhóm biểu tình cũng tố cáo Trung Quốc mua kim loại hiếm từ các lực lượng nổi dậy miền bắc Miến Điện, "với giá rất rẻ mạt". Trước đó, lãnh đạo tập đoàn quân sự, tướng Min Aung Hlaing, trong một phiên họp khẩn hôm 08/11, đã tố cáo liên minh nổi dậy đã sử dụng drone quân sự mua của Trung Quốc để tấn công quân đội Miến Điện.

Theo Irrawady, những người thuộc phe dân tộc chủ nghĩa đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình ủng hộ quân đội trước và sau cuộc đảo chính năm 2021, nhưng tập đoàn quân sự chưa từng cho phép biểu tình gần sứ quán Trung Quốc. Lần gần nhất có các cuộc biểu tình chống Trung Quốc gần sứ quán là vào tháng 2/2021, để lên án Trung Quốc "không lên án đảo chính".

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm Chủ nhật vừa qua diễn ra trong bối cảnh phe nổi dậy mở chiến dịch quân sự chưa từng có kể từ cuộc đảo chính 2021. Theo giới quan sát, sau ba tuần chiến dịch, các lực lượng của liên minh "Three Brotherhood Alliance" (tạm dịch là "Liên minh Ba anh em"), bao gồm Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA - Ta’ang National Liberation Army), Quân đội Arakan (AA - Arakan Army) và Quân đội của Liên minh Dân chủ Quốc gia Miến Điện (MNDAA - Myanmar National Democratic Alliance Army), cùng lực lượng PDF (People's Defense Force), đã chiếm được tổng cộng hơn 150 đồn bốt của tập đoàn quân sự, và nhiều phương tiện quân sự hạng nặng như xe tăng, pháo.

Trọng Thành

Published in Châu Á

Ngày 17/11/2023, nhiều cơ quan truyền thông đưa tin tập đoàn quân sự Miến Điện đã bắt vài chục người và sát hại nhiều thường dân ở bang Rakhine, miền tây bắc Miến Điện trong các cuộc giao tranh với phiến quân sắc tộc thiểu số Quân đội Arakan (Army Arakan). Chính quyền quân sự hiện phải đối đầu với các lực lượng đối lập trên nhiều mặt trận ở miền bắc Miến Điện.

miendien1

Ảnh minh họa tháng 05/2023 : Tun Myat Naing, chỉ huy lực lượng Quân đội Araka, một trong ba lực lượng tham gia Liên minh Huynh đệ chống tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện. Reuters - Soe Zeya Tun

Thông tín viên RFI Carol Isoux tường trình Rangun :

"Thỏa thuận ngừng bắn giữa tập đoàn quân sự Miến Điện và lực lượng Quân đội Arakan hùng hậu đã bị phá vỡ. Quân đội Arakan là lực lượng đông nhất và được phối hợp tốt nhất trong số các lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số ở Miến Điện.

Ngôi làng Pauktaw, cách biên giới Bangladesh khoảng 60 km, đã bị oanh kích. Nhiều người dân tại đây cho biết khoảng 50 người đã bị bắt, rất nhiều người bị thiệt mạng, nhưng chưa có con số chính xác. Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân đạo, hơn 26.000 người được cho là đã phải di tản vì các trận giao tranh trong vùng, vốn vẫn hứng chịu các cuộc đối đầu thường xuyên từ nhiều thập niên qua, đã chứng kiến vụ thảm sát và làn sóng di cư sang Bangladesh của cộng đồng thiểu số Rohingya theo Hồi Giáo năm 2017.

Tập đoàn quân sự hiện phải đối đầu với nhiều mặt trận được phối hợp với nhau ở miền bắc Miến Điện bởi vì từ hơn một tháng qua, các trận giao tranh diễn ra dữ dội ở khu vực đông bắc sát biên giới với Trung Quốc. Lực lượng Quân đội Arakan cũng tham gia các trận giao tranh này.

Chiến lược của các nhóm vũ trang đối lập là bào mòn và phân tán lực lượng của tập đoàn quân sự. Họ cũng thông báo xích lại gần với chính phủ dân chủ Miến Điện lưu vong. Hiện giờ, những nhóm vũ trang này hành động chủ yếu trên danh nghĩa của họ, đòi tự chủ và quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên ở địa phương".

Liên Hiệp Quốc kêu gọi đối xử "nhân đạo" với lính Miến Điện bị bắt

Liên Hiệp Quốc, được AFP trích dẫn, cho biết theo dõi sát sao tình hình ở Miến Điện kể từ khi các lực lượng vũ trang gia tăng tấn công ở miền bắc nước này từ cuối tháng 10. Ngày 17/11, Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quân nhân Miến Điện bị các lực lượng chống tập đoàn quân sự bắt giữ phải được đối xử "nhân đạo".

Trước tình trạng diệt chủng người Rohingya, sáu nước Hà Lan, Canada, Đan Mạch, Pháp, Anh và Đức muốn có một chương trình hoạt động nhân đạo ở Miến Điện. Đề xuất của sáu nước được Tòa Án Hình Sự Quốc Tế La Haye nêu trong thông cáo ngày 16/11.

Thu Hằng

Published in Châu Á
Trang 1 đến 6