Từ sau cuộc đảo chính năm 2021, Miến Điện tiếp tục trong tình trạng hỗn loạn bạo lực. Quân đội chính phủ liên tục mở các cuộc tấn công các lực lượng nổi dậy chống chính quyền. Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền tố cáo Miến Điện đang "chìm trong vòng xoáy bạo lực quân sự không hồi kết" và kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để chấm dứt các cuộc tàn sát mà nạn nhân chủ yếu là thường dân.
Dân làng và kháng chiến quân chôn cất các nạn nhân vụ trong vụ máy bay của quân đội Miến Điện oanh kích ngoại ô thành phố Pasuang, bang Kayah, phía đông Miến Điện, ngày 25/06/2023. AP
Thông tín viên RFI Jérémie Lanche tại Genève tường trình :
Ít nhất 4000 người đã chết trong các vụ bạo lực từ sau đảo chính. Dường như các hành động bạo lực tiếp tục tăng. Từ một năm qua, số lượng các cuộc oanh kích của không quân nhắm vào thường dân đã tăng hơn gấp đôi. Các vụ giết người hàng loạt giờ xảy ra thường xuyên.
Ông Volker Türk, cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cho biết : "Theo những nhân chứng mà chúng tôi đã thu thập được, binh lính tràn vào các làng, bao vây tất cả những người chưa chạy kịp để sau đó hành quyết họ. Quân đội sử dụng các phương pháp bỉ ổi gây thương đau không thể tả được cho dân chúng : Các nạn nhân bị đốt sống, bị chặt đầu, chân tay, bị hãm hiếp và bị đánh đập dã man. Họ còn dùng thường dân làm bia đỡ đạn để chống lại các vụ tấn công hay để phá mìn. Những hành động đê tiện không còn nhân tính".
Chính quyền quân sự không ngại sử dụng đói ăn như là thứ vũ khí với việc cắt nguồn viện trợ nhân đạo cho dân chúng, nhất là đối với người Rohingya. Ông Volker nói, tất cả những việc như vậy không thể tiếp tục được nữa.
Ông nhấn mạnh : "Chúng ta phải thay đổi cách tiếp cận tình hình tại Miến Điện. Nhân dân Miến Điện phải chịu sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế trước nỗi đau khổ của họ quá lâu rồi".
Hội Đồng Bảo An phải đề nghị Tòa án Quốc tế thụ lý hồ sơ Miến Điện, theo vị cao ủy Liên Hiệp Quốc. Một kịch bản khó khả thi khi mà người ta biết rằng Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục bán vũ khí cho chính quyền quân sự Miến Điện.
Anh Vũ
Miến Điện lại triển hạn tình trạng khẩn cấp, hoãn bầu cử
Thùy Dương, RFI, 01/08/2023
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện lại triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng. Có nghĩa các kỳ bầu cử dự kiến được tổ chức vào tháng 08/2023 sẽ bị hoãn lại. Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại "sâu sắc".
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sư, trong cuộc duyệt binh kỷ niệm Ngày Quân đội Miến Điện ở Naypyidaw, ngày 27/03/2023. AP - Aung Shine Oo
Kênh truyền hình Nhà nước Miến Điện MRTV hôm 31/07/2023 loan báo quyết định của tập đoàn quân sự triển hạn 6 tháng tình trạng khẩn cấp đã được Hội đồng quốc gia về quốc phòng và an ninh, gồm các quan chức quân đội, thông qua và quyết định triển hạn có hiệu lực từ hôm nay 01/08/2023.
Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính hồi tháng 02/2021, biện minh rằng các trận giao chiến và tấn công đang diễn ra tại một số vùng miền và bang trong cả nước.
Theo Hiến pháp Miến Điện, các cuộc bầu cử chỉ được tổ chức trong vòng 6 tháng kể từ khi lệnh khẩn cấp hết hiệu lực. Với việc triển hạn lệnh khẩn cấp lần này, kế hoạch tổ chức bầu cử vào tháng 08/2023, như giới tướng lãnh hứa hẹn, không thể diễn ra.
Hồi tháng 02/2023, tình trạng khẩn cấp đã được triển hạn với lý do tình hình "vẫn chưa trở lại bình thường".
Hoa Kỳ đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp ở Miến Điện, lên án "sự tàn bạo" của chế độ Naypyidaw, thái độ "khinh thường những khát khao dân chủ" của người dân.
Liên quan đến lệnh ân xá cho hơn 7.000 tù nhân Miến Điện, Naypyidaw hôm nay thông báo nhà lãnh đạo dân sự bị cầm tù Aung San Suu Kyi, được ân xá một phần : bà được giảm án 6 năm tù trong tổng số 33 năm tù giam đã tuyên. Hồi tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã được chuyển từ nhà tù đến quản thúc tại một tòa nhà của chính phủ.
Thùy Dương
**********************
Quân đội Miến Điện triển hạn tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng
Minh Anh, RFI, 01/08/2023
Quân đội Miến Điện hôm nay, 01/08/2022, thông báo kéo dài thêm sáu tháng "tình trạng khẩn cấp", có hiệu lực từ sau cuộc đảo chính tháng 2/2021.
Xe quân sự trên đường phố Rangoon, Miến Điện, tháng 2/2021. Reuters - Stringer .
Theo trang mạng của tờ báo chính thức Global New Light of Myanmar, được hãng tin AFP trích dẫn, lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing đã đề nghị các thành viên chính phủ quân sự cho ông "cầm quyền thêm 6 tháng nữa", tức đến tháng 2/2023. Đề nghị này đã được 11 thành viên Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia "nhất trí thông qua".
Chính quyền quân sự đã cam kết bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trước tháng 8/2023. Tuy nhiên, trong bài diễn văn được phát sóng hôm nay, ông Min Aung Hlaing đã không nêu rõ ngày cụ thể, mà chỉ tuyên bố Miến Điện cần phải có "hòa bình và ổn định" để tổ chức bầu cử. Tướng Min Aung Hlaing nói đến việc "cải tổ" hệ thống bầu cử, bằng cách cho thay thế hình thức bỏ phiếu theo đa số đơn danh, vốn đã mang lại nhiều lợi thế cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi, bằng hình thức bầu cử "theo tỷ lệ".
Tuyên bố này của tướng Min Aung Hlaing được đưa ra đúng vào lúc ASEAN chuẩn bị có cuộc họp cấp ngoại trưởng vào thứ Tư 03/08 tại Phnom Pênh, thủ đô Cam Bốt, nhưng Miến Điện không được mời. Theo nhận định của nhiều chuyên gia được AFP trích dẫn, ASEAN lần này rất có thể sẽ bày tỏ thái độ cứng rắn hơn với Naypyidaw sau vụ hành quyết các nhà đối lập chính trị hôm thứ Hai, 25/07/2022, đồng thời kêu gọi các bên liên quan có các "hành động cụ thể" chống lại chế độ quân sự, theo như một bản thảo tuyên bố chung mà hãng tin Pháp tham khảo được.
AFP nhắc lại, tập đoàn quân sự Miến Điện đã ban hành tình trạng khẩn cấp ngay sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, lật đổ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi, với lý do là cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2020 mang lại thắng lợi cho đảng LND đã bị gian lận.
Cuộc đảo chính này đã khiến Miến Điện rơi vào nội chiến làm ít nhất hơn 2.000 người thiệt mạng và hơn 15 ngàn người bị bắt, theo các số liệu do một tổ chức phi chính phủ Miến Điện cung cấp. Trong khi đó các cuộc trấn áp đẫm máu nhắm vào các nhà đối lập vẫn tiếp tục. Bà Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, giải Nobel Hòa Bình, bị bắt ngay trong ngày đảo chính, phải đối mặt với nhiều cáo buộc, có nguy cơ lãnh án tổng cộng đến 150 năm tù.
Minh Anh
Miến Điện : Tập đoàn quân sự triển hạn tình trạng khẩn cấp
Thùy Dương, RFI, 02/02/2023
Hôm 01/02/2023, tập đoàn quân sự cầm quyền lại triển hạn thêm 6 tháng tình trạng khẩn cấp, có hiệu lực từ khi quân đội Miến Điện đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kiy, cách nay đúng 2 năm. Hệ quả là các cuộc bầu cử mà tập đoàn quân sự hứa hẹn tổ chức có nguy cơ bị lùi lại.
Ảnh do chính quyền quân sự cung cấp: Myint See (phải), tổng thống lâm thời tiếp các thành viên Hội đồng An ninh và Quốc phòng ngày 31/01/2023, Naypyitaw, Miến Điện. AP
Hãng tin Pháp AFP dẫn tin từ kênh truyền hình nhà nước MRTV, theo đó Hội đồng An ninh và Quốc phòng của Miến Điện hôm qua đã ủng hộ đề xuất của tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự cầm quyền, kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 6 tháng, kể từ ngày 01/02, với lý do tình hình "vẫn chưa trở lại bình thường". Theo thông báo của tổng thống lâm thời Myint Swe, "quyền lực của Nhà nước một lần nữa được chuyển giao cho tổng tư lệnh", tức là tướng Min Aung Hlaing.
Tình trạng khẩn cấp ban đầu đã hết hiệu lực vào cuối tháng Giêng 2023. Chiểu theo Hiến pháp, sau ngày đó, chính quyền phải lên lịch trình tổ chức các cuộc bầu cử mới trong khoảng thời gian từ nay cho tới tháng 08/2023. Lệnh triển hạn tình trạng khẩn cấp như vậy có thể đẩy lùi lịch trình tổ chức bầu cử.
Hôm qua, tướng Min Aung Hlaing khẳng định "chính phủ sẽ tiến hành tổ chức bầu cử tại tất cả các vùng trong cả nước để nhân dân không bị mất các quyền dân chủ". Trước đó, lãnh đạo tập đoàn quân sự nhấn mạnh cuộc bầu cử chỉ có thể diễn ra khi Miến Điện được "có hòa bình trở lại và ổn định". Thế nhưng, ông cũng khẳng định "quân đội sẽ luôn là người bảo vệ lợi ích của nhà nước và nhân dân (...) dưới bất kỳ chính quyền nào".
Ngay trong ngày hôm qua 01/02, trong thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Ned Price xem việc tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện triển hạn tình trạng khẩn cấp là "kéo dài luật quân sự bất hợp pháp và kéo dài nỗi đau khổ, sự chịu đựng mà họ gây ra cho đất nước này".
Thùy Dương
***********************
Tình hình Miến Điện hai năm sau cuộc đảo chánh quân sự
Trọng Nghĩa, RFI, 01/02/2023
Cách nay đúng 2 năm, vào ngày 01/02/2021, Quân Đội Miến Điện đã tiến hành đảo chánh, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, thay thế bằng một chính quyền quân sư và thẳng tay triệt hạ mọi hình thức chống đối. Hai năm sau, quốc gia Đông Nam Á này vẫn ở trong tình trạng bất ổn đinh, với phong trào chống tập đoàn quân sự cầm quyền vẫn tiếp tục đấu tranh, trong lúc Quân Đội cố tìm cách duy trì quyền lực một cách lâu dài.
Ngày 01/02/2023 người Miến Điện tại Thái Lan biểu tình trước đại sứ quán Miến Điện tại Bangkok, đánh dấu 2 năm ngày quân đội đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của bà Aung San Suu Kyi. AP - Sakchai Lalit
Dấu hiệu rõ nhất phản ánh tình hình căng thẳng tại Miến Điện là bất chấp khả năng bị đàn áp, nhiều người dân trong nước vào hôm nay đã tham gia cuộc "biểu tình thầm lặng" theo lời kêu gọi của phong trào phản đối đảo chính, để đánh dấu 2 năm ngày Quân Đội chiếm lại quyền hành.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, tại các thành phố thương mại chính như Rangoon và Mandalay, các hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cảnh đường phố vắng lặng, như thể là lời kêu gọi đã có kết quả.
Còn theo nhật báo Pháp Le Figaro, chính quyền quân sự cũng dự định tổ chức một cuộc biểu tình ủng hộ, hy vọng quy tụ được 10.000 người. Vấn đề là nhiều nguồn tin từ Miến Điện cho biết là giới tổ chức đã tung tiền ra để thu hút người biểu tình.
Ở ngoài nước, một số cuộc tập hợp chống tập đoàn quân sự cũng diễn ra. Tại Thái Lan, hàng trăm người đã biểu tình bên ngoài đại sứ quán Miến Điện ở Bangkok, hô vang các khẩu hiệu như "Cách mạng phải chiến thắng", "Chúng tôi là người dân, chúng tôi nắm tương lai",. Biểu tình chống chính quyền Miến Điện cũng diễn ra tại Manila, thủ đô Philippines.
Nội chiến với hàng ngàn người thiệt mạng
Các cuộc biểu tình ôn hòa chống đảo chánh chỉ là một phần của phong trào phản kháng chống tập đoàn quân sự từ hai năm nay. Theo giới quan sát, trước sự đàn áp khắc nghiệt của Quân Đội, phong trào chống đảo chánh đã biến thành một cuộc kháng chiến vũ trang.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, trích thống kê của Hiệp Hội Hỗ Trợ Tù Nhân Chính Trị, có trụ sở tại Thái Lan, trong hai năm qua, đã có hơn 2.900 người thuộc phe chống đảo chính đã bị giết, hơn 17.500 người bị bắt.
Một ví dụ cụ thể : Theo các phương tiện truyền thông tại chỗ, vào tháng 10 năm ngoái, có tới 80 người thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân đội ở Bang Kachin phía bắc Miến Điện.
Còn theo ACLED, môt nhóm giám sát xung đột có trụ sở tại Hoa Kỳ và được Reuters trích dẫn, riêng trong năm 2022, đã có khoảng 19.000 người đã thiệt mạng trong các chiến dịch đàn áp do các lực lượng an ninh Miến Điện tiến hành, được tập đoàn quân sự khoác cho lớp vỏ chiến dịch chống "khủng bố".
Như để nhấn mạnh tính chất "nội chiến" của cuộc khủng hoảng tại Miến Điện sau cuộc đảo chính, hãng Kyodo cho biết thêm là số người chết trong giới ủng hộ chế độ quân sự cũng ngày càng tăng lên, với ít nhất 3.542 người bị cáo buộc là người chỉ điểm cho quân đội đã bị hạ sát, theo một báo cáo do chính quyền quân sự công bố.
Con số này không bao gồm các binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với các nhóm du kích thuộc Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân chống đảo chánh hoặc các nhóm thiểu số vũ trang.
Trên bình diện nhân đạo, theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 1,2 triệu người đã bị di dời và hơn 70.000 người đã rời khỏi đất nước. Định chế quốc tế này không ngần ngại cáo buộc quân đội về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.
Ý đồ nắm quyền lâu dài
Bị cô lập trên trường quốc tế, hai năm sau cuộc đảo chánh, tập đoàn quân sự Miến Điện được cho là đang âm mưu kéo dài quyền thống trị của mình.
Trong bài phát biểu nhân Lễ Quốc Khánh Miến Điện hôm 04/01 vừa qua, thượng tướng Min Aung Hlaing lãnh đạo tập đoàn quân sự cho biết là chính phủ của ông đang "cố gắng" tổ chức cuộc tổng tuyển cử như đã hứa nhưng lại không đưa ra ngày cụ thể.
Theo hãng Kyodo, các phương tiện truyền thông nhà nước tiết lộ rằng một ủy ban bầu cử do quân đội chỉ định đã đào tạo các quan chức tại các thị trấn về cách xử lý danh sách cử tri bằng phần mềm máy tính.
Nếu cuộc bầu cử được tổ chức, đảng thân Quân Đội USDP được cho là sẽ chiến thắng, giúp hợp pháp hóa việc chính quyền quân sự của tướng Aung Hlaing tiếp tục cai trị đất nước.
Đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ là đảng đối lập duy nhất đủ mạnh để đánh bại USDP. Thế nhưng đảng này đang bị suy yếu, với các lãnh đạo chủ yếu hoặc đang ngồi tù hoặc phải lưu vong. Trong một thông cáo công bố ngày 29/01 vừa qua, đảng này cho biết sẽ "kiên quyết phản đối các cuộc bầu cử giả tạo" do quân đội lên kế hoạch.
Chính phủ dân sự Miến Điện lưu vong cũng tuyên bố sẽ hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử nếu nó được tổ chức. Quyền lãnh đạo chính phủ này là ông Duwa Lashi La nhận định : "Vì chính quyền đã bị dồn vào chân tường mà không có lối thoát, giờ đây họ đang cố gắng tạo lối thoát bằng cách tổ chức một cuộc bầu cử giả hiệu".
Riêng đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Noeleen Heyzer thì cho rằng việc tổ chức bầu cử sẽ là một thách thức lớn ở một quốc gia đang chìm trong hỗn loạn và "sẽ gây ra nhiều bạo lực hơn", một quan điiểm được ông Ye Tun, cựu nghị sĩ bang Shan, tán đồng khi trả lời hãng Kyodo : "Các điều kiện an ninh hiện tại vẫn chưa phù hợp cho các chiến dịch chính trị, các cuộc mít tinh và bầu cử. Theo nhân vật này, xung đột vũ trang có thể gia tăng khi thời gian bầu cử đến gần.
Bị cô lập hơn bao giờ hết
Về lý do sâu xa khiến tập đoàn quân sự bám víu lấy quyền hành, trên tờ báo Pháp Le Figaro, chuyên gia có uy tín về Miến Điện, nhà nghiên cứu Bertil Lintner cho rằng giới tướng lãnh tại Naypyidaw đang cố bảo vệ các đặc quyền của họ và tránh bị lôi ra trước một tòa án kiểu Nuremberg.
Cái giá mà họ đang phải trả là một sự cô lập quốc tế lớn hơn bao giờ hết, chỉ được một số rất ít hậu thuẫn từ Mátxcơva, Bắc Kinh và New Delhi, những nước vẫn muốn duy trì ảnh hưởng của họ ở quốc gia then chốt nằm giữa Ấn Độ Dương và dãy Himalaya này.
Như để nhấn mạnh đến tình trạng cô lập của Miến Điện, vào hôm qua, Hoa Kỳ và các đồng minh Anh, Úc và Canada đã áp đặt thêm một số biện pháp trừng phạt nhắm vào Naypyidaw, trong đó có các hạn chế đối với giới quan chức năng lượng và các thành viên chính quyền.
Trọng Nghĩa
************************
Miến Điện : Đình công thầm lặng đánh dấu 2 năm tập đoàn quân sự đảo chính
Thu Hằng, RFI, 01/02/2022
Ngày 01/02/2023 đánh dấu tròn hai năm tập đoàn quân sự do tướng Min Aung Hlaing đứng đầu làm đảo chính, lật đổ chính quyền dân sự, kết án tù nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Người dân Miến Điện kỷ niệm sự kiện này bằng hình thức "đình công thầm lặng" ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là ở thủ phủ kinh tế Rangoon, sau khi các nhà đấu tranh kêu gọi đóng cửa hàng quán và ở trong nhà từ 10 giờ đến 16 giờ.
Một giáo viên trung học tham gia phong trào Bất Tuân Dân Sự ở Miến Điện, vừa đan len vừa trả lời phỏng vấn của Reuters, tại một nơi trên lãnh thổ Thái Lan, ngày 28/01/2023. Reuters - STAFF
Theo AFP, tập đoàn quân sự Miến Điện có thể kéo dài tình trạng khẩn cấp, hết hạn vào ngày 01/02, nhưng theo Hiến Pháp Miến Điện, có thể được triển thêm hai lần. Do đó, cuộc bầu cử được dự kiến tổ chức vào mùa hè có thể bị lùi lại sau khi Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Miến Điện kết luận trong cuộc họp hôm 31/01 là đất nước "chưa hoàn toàn trở lại bình thường". Trước đó, tướng Min Aung Hlaing hứa chỉ tổ chức bầu cử khi đất nước "đã hòa bình và ổn định".
Trên thực tế, thông tín viên RFI Juliette Verlin tại Rangoon nhận định là "nếu hỏi bất kỳ ai trên đường phố, họ sẽ đều trả lời : tướng Min Aung Hlaing đã coi mình là tổng thống". Kể cả nếu tổ chức bầu cử, "hầu hết các đảng ủng hộ dân chủ đã từ chối tham gia, cho nên thắng lợi dành cho các đảng ủng hộ quân đội là điều khó tránh khỏi". Nhịp sống phần nào đã quay trở lại ở Miến Điện nhưng "giá thực phẩm tăng gấp đôi trong vòng 2 năm, còn tiền lương vẫn thế".
Miến Điện đối mặt với tình trạng trấn áp khốc liệt
Theo cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk, "hai năm sau đảo chính, Miến Điện phải đối mặt với tình trạng trấn áp không tưởng tuợng nổi" : Gần 3.000 người chết, ít nhất 16.000 người bị cầm tù vì chống quân đội, khoảng 34.000 trường học, đền thờ và cơ sở y tế bị đốt cháy.
"Phong trào bất tuân dân sự vẫn là điều mà tập đoàn quân sự phát xít căm thù nhất". Trả lời đài RFI ngày 01/02, bác sĩ Lwan Wai (tên đã được thay đổi), đồng sáng lập mạng lưới Yangon Medical Network (gồm hơn 10.000 nhân viên y tế) và tham gia phong trào bất tuân dân sự, giải thích "vì đó là phong trào ngăn tập đoàn quân sự có được tính chính đáng mà họ cần… Quân đội không chỉ ghét nhân viên y tế, mà cả nhiều ngành nghề khác, từ giáo viên đến kỹ sư". Theo ông, những người chống tập đoàn quân sự "sống trong sợ hãi, trầm cảm và phiền muộn" những kiên định "cho đến khi thắng được cuộc đấu tranh".
Để đánh dấu hai năm đảo chính, Hoa Kỳ, Canada và Anh thông báo loạt trừng phạt mới nhắm vào nhiều thành viên của tập đoàn quân sự cũng như những thực thể ủng hộ quân đội Miến Điện.
Thu Hằng
***************************
Kỷ niệm đảo chính ở Myanmar được đánh dấu bằng ‘cuộc biểu tình thầm lặng’
Reuters, VOA, 01/02/2023
Những người biểu tình đánh dấu kỷ niệm hai năm cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar bằng một "cuộc biểu tình thầm lặng" tại các thành phố lớn và các cuộc biểu tình ở nước ngoài hôm 1/2, khi các nhà lãnh đạo dân sự lưu vong tuyên bố sẽ chấm dứt cái mà họ gọi là "sự chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp" của quân đội, theo Reuters.
Một ngôi chùa ở Yangon, Myanmar.
Các tướng lĩnh hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này cầm đầu một cuộc đảo chính vào ngày 1/2/2021 sau 5 năm chia sẻ quyền lực căng thẳng dưới một hệ thống chính trị bán dân sự do quân đội tạo ra.
Tại các thành phố thương mại chính Yangon và Mandalay, hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy đường phố vắng vẻ trong điều mà những người phản đối cuộc đảo chính nói là một cuộc biểu tình thầm lặng chống lại chính quyền quân sự. Các nhà hoạt động dân chủ kêu gọi người dân không đi ra đường trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.
Ngoài ra còn có một cuộc tuần hành ở Yangon của khoảng 100 người ủng hộ quân đội, bên cạnh là binh lính, các bức ảnh cho thấy.
Tại Thái Lan, hàng trăm người biểu tình chống đảo chính đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Myanmar ở Bangkok.
Ông Acchariya, một nhà sư Phật giáo tham dự cuộc biểu tình, cho biết : "Năm nay là năm quyết định để chúng tôi loại bỏ hoàn toàn chế độ quân sự".
Những người khác trong đám đông hô vang : "Chúng ta là người dân, chúng ta có tương lai" và "Cách mạng phải thắng thế".
Các nhà hoạt động cũng tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Manila của Philippines.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NDSC) do quân đội hậu thuẫn đã nhóm họp vào ngày 31/1 để thảo luận về tình hình ở Myanmar, bao gồm các hành động của Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), một chính quyền ngầm do các đối thủ thành lập, và cái gọi là lực lượng phòng vệ nhân dân chống lại quân đội, truyền thông nhà nước đưa tin.
Trang tin Myawaddy thuộc sở hữu của quân đội cho biết hôm 31/1 : "Hoàn cảnh bất thường của đất nước, theo đó họ đang cố gắng giành lấy quyền lực nhà nước theo cách nổi dậy và giống như khủng bố".
Trang Myawaddy loan tin rằng NDSC đã lên kế hoạch đưa ra "tuyên bố cần thiết" vào ngày 1/2 mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Chính quyền do Min Aung Hlaing lãnh đạo nói rằng cuộc đàn áp của họ là một chiến dịch hợp pháp chống lại "những kẻ khủng bố".
Hoa Kỳ và các đồng minh bao gồm Vương quốc Anh, Úc và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Myanmar hôm 31/1, với các biện pháp hạn chế đối với các quan chức năng lượng và các thành viên chính quyền, trong số những người khác.
Chính quyền quân quản cam kết tổ chức một cuộc bầu cử vào tháng 8 năm nay. Truyền thông nhà nước gần đây công bố các yêu cầu khó khăn đối với các đảng phái tham gia tranh cử, một động thái mà các nhà phê bình cho rằng có thể gạt các đối thủ của quân đội sang một bên và củng cố sự kìm kẹp của quân đội đối với chính trị.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 01/02/2023
Nhân lễ Quốc khánh ngày 17/11/2022, tập đoàn quân sự Miến Điện thông báo lệnh ân xá cho gần 6000 tù nhân, trong đó có một số công dân nước ngoài.
Người thân của những tù nhân được thả đứng chờ ngoài nhà tù Insein ở Rangun, Miến Điện, ngày 17/11/2022. AFP - STR
Theo AFP, 3 xe buýt chở tù nhân vừa được ân xá đã rời khỏi nhà tù Insein ở Rangoon, vào lúc 15 giờ hôm nay (8g20 GMT). Tổng cộng, 5774 tù nhân, trong đó có 600 người là phụ nữ, đã được phóng thích.
Tập đoàn quân sự Miến Điện cũng thông báo phóng thích và trục xuất 3 công dân nước ngoài, gồm cựu đại sứ Anh Vicky Bowman, nhà báo Nhật Bản Toru Kubota và nhà kinh tế người Úc Sean Turnell, từng là cố vấn cho chính phủ của bà Aung San Suu Kyi. Theo AFP, máy bay chở bà Vicky Bowman đã rời sân bay Rangun hôm nay để bay sang Bangkok. Cũng theo AFP, trích dẫn hai nguồn tin ngoại giao, nhà báo Toru Kubota và nhà kinh tế Sean Turnell cũng đã lên máy bay rời khỏi Rangun chiều nay.
Theo Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), đây là một dấu hiệu tích cực, nhưng tổ chức này cho rằng "một cuộc ân xá hàng loạt" như vậy không thể xóa đi được những tội ác mà tập đoàn quân sự Miến Điện đã gây ra từ sau cuộc đảo chính. Trả lời hãng tin AFP, phát ngôn viên của Ân Xá Quốc Tế nhắc lại rằng "hàng ngàn người đã bị bỏ tù kể từ sau cuộc đảo chính… họ chẳng làm gì sai và đáng lẽ ra ngay từ đầu không phải vào tù".
Theo số liệu của các tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện, các cuộc đàn áp của quân đội Miến Điện đã làm 2300 người thiệt mạng kể từ sau cuộc đảo chính vào tháng 02/2021. Hàng ngàn người đã bị bắt giam, trong đó có nhiều nhà báo.
Chi Phương
Trong phiên xử hôm 29/09/2022, tập đoàn quân sự Miến Điện vừa tuyên án thêm ba năm tù đối với bà Aung San Suu Kyi. Chủ tịch Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ, nguyên là lãnh đạo chính quyền dân sự Miến Điện, trước đó đã bị tuyên án tổng cộng 20 năm tù vì tội tham nhũng và gian lận bầu cử. Lần này bà lãnh thêm 3 năm tù giam với lý do "vi phạm luật liên quan đến những bí mật quốc gia".
Biểu tình đòi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi tại Rangun, Miến Điện, ngày 08/04/2022, ít tháng sau cuộc đảo chính quân sự. AP
Theo một nguồn tin thông thạo được AFP trích dẫn, bà Aung San Suu Kyi sẽ kháng án. Từ sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021 tập đoàn quân sự đã nhiều lần đưa bà Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, ra xét xử. Giải Nobel Hòa Bình bị khép nhiều tội danh và có thể lãnh án tổng cộng lên tới 120 năm tù.
Cũng trong phiên xử hôm nay, công dân Úc Sean Turnell, nguyên là cố vấn kinh tế cho bà Aung San Suu Kyi, và ba cựu bộ trưởng Miến Điện trong chính quyền dân sự trước đây, đều bị tuyên án ba năm tù. Ngoại trưởng Úc Penny Wong bác bỏ bản án nhắm vào Turnell, đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự Miến Điện trả tự do ngay lập tức cho ông. Kinh tế gia Sean Turnell đã bị bắt chỉ vài ngày sau khi quân đội Miến Điện tiến hành đảo chính, lật đổ chính quyền do dân bầu lên.
Giám đốc đặc trách khu vực Châu Á của tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, bà Elaine Pearson, nhận định : Một loạt các bản án vừa tuyên hôm nay cho thấy tập đoàn quân sự "không chút ngần ngại khẳng định là một chế độ bất hảo bị quốc tế tẩy chay". Human Rights Watch kêu gọi cộng đồng quốc tế "phối hợp hành động" để "khôi phục tình hình nhân quyền tại Miến Điện".
Thanh Hà
Phan Minh, RFI, 17/08/202
Hôm 17/08/2022, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer đã bắt đầu gặp các quan chức của tập đoàn quân sự cầm quyền tại thủ đô Naypyidaw. Phát ngôn viên tập đoàn quân sự Miến Điện Zaw Min Tun cho biết bà Heyzer sẽ gặp tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự và Wunna Maung Lwin, ngoại trưởng của chính quyền quân sự, vào cuối ngày.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc Noeleen Heyzer đến sân bay quốc tế Rangoon, Miến Điện, ngày 16/08/2022. © AP
Theo hãng tin AFP, trích dẫn Liên Hiệp Quốc, trong chuyến thăm Miến Điện, bà Heyzer sẽ đề cập đến tình hình đang xấu đi trong nước cùng với các mối quan ngại trước mắt, cũng như những mục tiêu ưu tiên khác trong nhiệm kỳ của bà.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện đã không trả lời AFP về việc bà có sẽ gặp lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi hay không. Bà Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, đã bị giam kể từ cuộc đảo chính của quân đội và đã phải nhận thêm một án tù hôm 15/08 tại một tòa án quân sự bí mật, nâng tổng mức án của bà lên 17 năm tù.
Miến Điện đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm chính quyền vào tháng 2/2021 và vấp phải một phong trào phản kháng dữ dội. Theo một tổ chức ở Miến Điện, hơn 2.200 người đã thiệt mạng và hơn 15.000 người bị bắt trong chiến dịch của quân đội đàn áp những người chống đảo chính.
Các nỗ lực ngoại giao của Liên Hiệp Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng cho tới nay đạt được rất ít tiến bộ, do các tướng lĩnh vẫn từ chối thảo luận với phe đối lập.
Phan Minh
Thùy Dương, RFI, 16/08/2022
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer, hôm 16/08/2022 lần đầu tiên đến thăm quốc gia Đông Nam Á đang chìm trong khủng hoảng từ sau vụ đảo chính của tập đoàn quân sự hôm 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzen. © dppa.un.org
Thông cáo hôm thứ Hai 15/08 của Liên Hiệp Quốc cho biết khi tiếp xúc với tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện, đặc sứ Noeleen Heyzer sẽ đề cập đến tình hình đang xấu đi, đến những mối quan ngại trước mắt, cũng như các mục tiêu ưu tiên khác trong nhiệm kỳ của bà.
Theo Reuters, phát ngôn viên tập đoàn quân sự, Zaw Min Tun, nói với truyền thông là bà Noeleen Heyzer sẽ gặp lãnh đạo chính quyền quân sự,cũng như các bộ trưởng hàng đầu của Miến Điện, và hiện chưa đề xuất gặp cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, hiện đang bị giam trong một nhà tù ở Naypyidaw. Trước đó, tập đoàn quân sự cầm quyền đã không đồng ý để đặc sứ ASEAN tiếp xúc với bà.
Chuyến thăm của đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Miến Điện diễn ra một hôm sau khi nhà lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi bị kết án thêm 6 năm tù giam vì cáo buộc tham nhũng. Theo một nguồn tin thông thạo hồ sơ, bà Aung Suu Kyi ra tòa hôm qua trong tình trạng sức khỏe tốt, nhưng không bình luận gì sau khi bản án được tuyên. Trước đó, giải Nobel Hòa Bình đã bị tập đoàn quân sự kết án 11 năm tù giam.
Ngay trong ngày hôm qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ gọi bản án nói trên là "sự đối đầu với công lý và Nhà nước pháp quyền", đồng thời kêu gọi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện "trả tự do ngay lập tức cho bà Aung San Suu Kyi và tất cả những người bị giam cầm bất công, trong số đó có cả các dân biểu được bầu lên một cách dân chủ".
Trong khi đó, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu Josep Borrell tố cáo cách hành xử "bất công" của tập đoàn quân sự đối với Aung San Suu Kyi và kêu gọi tập đoàn quân sự "trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà và các tù nhân chính trị, cũng như tôn trọng nguyện vọng của nhân dân".
Thùy Dương
************************
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án Miến Điện hành quyết 4 tù nhân chính trị
Thùy Dương, RFI, 28/07/2022
Ngày 27/07/2022, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án vụ tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện hành quyết 4 tù nhân chính trị.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (trái) và đặc phái viên của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Miến Điện Noeleen Heyzer họp báo tại trụ sở Quốc Hội ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 26/07/2022 . AP
Hai ngày sau khi tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện thông báo đã hành quyết 4 tù nhân chính trị, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố lên án vụ hành quyết, đồng thời kêu gọi Miến Điện trả tự do ngay lập tức cho nhà lãnh đạo dân sự bị phế truất Aung San Suu Kyi, cũng như các tù nhân đang bị giam giữ vô cớ.
Tuyên bố của Hội đồng Bảo an cũng nhận được sự tán thành của Nga và Trung Quốc, vốn là hai đồng minh chính từng ủng hộ tập đoàn quân sự Miến tại Liên Hiệp Quốc, cũng như của nước láng giềng Ấn Độ.
Trên Twitter, tổ chức Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG), bao gồm các nghị sĩ Miến Điện, đa số thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi, đã rút vào hoạt động bí mật để chống lại chế độ quân sự cầm quyền sau vụ đảo chính tháng 02/2021, ngay lập tức hoan nghênh phản ứng của Hội đồng Bảo an và nhấn mạnh đã đến lúc Liên Hiệp Quốc "cần có các biện pháp cụ thể chống lại tập đoàn quân sự" Miến Điện.
Trước đó, đáp lại những lời lên án, chỉ trích mạnh mẽ của quốc tế về vụ hành quyết các nhà đối lập, tập đoàn quân sự Miến Điện tuyên bố 4 tù nhân chính trị đó "đáng bị tử hình nhiều lần". Đây là 4 người đầu tiên bị hành quyết tại Miến Điện tính từ 30 năm nay. Trong số đó, có Phyo Zeya Thaw, 41 tuổi, nghệ sĩ tiên phong về nhạc rap, từng là dân biểu thuộc đảng của bà Aung San Suu Kyi, ông Kyaw Min Yu, 53 tuổi, nhà đối lập nổi tiếng từ phong trào phản kháng chống chế độ quân sự hồi năm 1988, hai tử tù còn lại bị quân đội tố cáo đã giết hại một phụ nữ mà họ nghi ngờ là cung cấp tin tức cho tập đoàn quân sự.
AFP nhắc lại, từ sau vụ lật đổ chính quyền dân sự, tập đoàn quân sự Miến Điện đã đàn áp phong trào chống đảo chính, giết hại hơn 2.000 thường dân, tiến hành hơn 15.000 vụ bắt bớ.
Thùy Dương
Tập đoàn quân sự Miến Điện (Tatmadaw) đã sử dụng mức án cao nhất để trừng phạt đối lập. Ba mươi bốn năm sau lần thi hành án tử hình cuối cùng, bốn nhà đối lập, trong đó có một dân biểu của chính quyền dân sự, đã bị hành quyết trong tù vì "các hành vi khủng bố tàn bạo và vô nhân tính", lý do được chính quyền quân sự thông báo ngày 25/07/2022.
Một công dân Miến Điện tham gia biểu tình bên ngoài đại sứ quán Miến Điện ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26/07/2022, tay cầm ảnh 4 tù nhân chính trị bị tập đoàn quân sự Miến Điện hành quyết trong nhà tù. AP - Sakchai Lalit
Tập đoàn quân sự gieo rắc sợ hãi
Quyết định tử hình, bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, đánh dấu một ngưỡng mới trong chiến dịch trấn áp đối lập của tập đoàn quân sự kể từ cuộc đảo chính ngày 01/02/2021, sau khi họ đã bất lực, không khống chế được phong trào dân sự và kháng chiến vũ trang trên cả nước. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của nhà nghiên cứu Chong Jia Ian, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), được nhật báo Pháp Le Figaro trích dẫn : "Tập đoàn quân sự trong tình cảnh khó khăn nên tìm cách khủng bố".
Trước hết, kinh tế Miến Điện rơi vào khủng hoảng vì bị phương Tây cấm vận và tác động từ đại dịch Covid-19. Theo đại sứ mãn nhiệm Anh tại Miến Điện Pete Vowles, được nhật báo Washington Post trích dẫn ngày 25/07, giới tướng lĩnh "chắc chắn đã đánh giá sai thực lực để giải quyết vấn đề. Họ thất bại trong việc củng cố quyền lực và càng cho thấy không có khả năng quản lý kinh tế và đảm nhận những chức năng cơ bản của Nhà nước. Dường như họ mất uy tín hơn bao giờ hết".
Trong 18 tháng cầm quyền, tập đoàn quân sự đã kết án tử hình hơn 100 người, bắt giam khoảng 15.000 người trong khuôn khổ thiết quân luật. Việc Kyaw Min Yu, nhà đấu tranh xuất thân từ phong trào sinh viên 1988 và Phyo Zeya Thaw, nghệ sĩ hip-hop biểu tượng cho thế hệ mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND), bị hành quyết cùng với hai người khác còn là thông điệp của chế độ quân sự cảnh cáo phong trào kháng chiến : "Dù anh là gương mặt nổi tiếng hay là người vô danh, thì không ai, kể cả cộng đồng quốc tế, có thể bảo vệ anh, tập đoàn quân sự muốn nói thế", theo nhận định của một nhà ngoại giao ẩn danh tại Miến Điện với Le Figaro.
Khó thắng cuộc nội chiến
Vẫn theo nhà ngoại giao trên, "trên thực tế, tập đoàn quân sự đang bị thụt lùi. Cuộc tấn công của quân đội đang gặp nhiều hạn chế". Thực vậy, dù đã dày dặn kinh nghiệm chống các nhóm nổi dậy vũ trang người thiểu số trong suốt nhiều thập niên, tập đoàn quân sự Miến Điện không lường được sự liên kết giữa những lực lượng này và phong trào dân sự đối lập để tạo thành mạng lưới kháng chiến mạnh mẽ trên cả nước, tập hợp dưới tên gọi mới Lực lượng Phòng vệ Nhân Dân (People’s Defence Force, PDF), hiện có khoảng 60.000 thành viên.
Chiến thuật đánh du kích cũng khiến quân đội Miến Điện gặp khó khăn. Trước "kẻ thù" liên tục di động, chế độ quân sự đã không kiểm soát được những trung tâm lớn. Ngoài ra, các cuộc xung đột diễn ra trên quy mô toàn quốc, từ đồng bằng đến miền núi, thay vì thường tập trung ở vùng núi biên giới như trước đây, buộc quân đội phải phân tán quân. Thêm vào đó, tập đoàn quân sự cũng đang phải đối mặt với nạn đào ngũ, trong khi lại khó tuyển tân binh.
Do không đủ lực lượng để đàn áp phong trào nổi dậy, quân đội sử dụng biện pháp mạnh và dã man hơn : triển khai vũ khí hạng nặng, huy động cả không quân, để oanh kích các vùng núi biên giới, "oanh kích vào cả những ngôi làng, tàn sát thường dân, đốt phá nhiều thành phố trên cả nước", theo ghi nhận của Joshua Kurlantzick, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế (Council on Foreign Relations), với nhật báo Washington Post.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty Internation) ghi nhận trong tuần qua, quân đội Miến Điện gài mìn xung quanh ít nhất 20 ngôi làng ở bang Kayah, gần biên giới Thái Lan, nơi lực lượng thiểu số Karen đang chiến đấu chống quân chính phủ. Máy bay Miến Điện tấn công quân nổi dậy từng "bay nhầm" sang không phận của Thái Lan, buộc không quân nước này phải giám sát.
Ngày càng bị cô lập
Những quyết định được đưa ra vì vô vọng càng khiến tập đoàn quân sự Miến Điện bị cô lập hơn. Ngoài những lời chỉ trích, lên án của ASEAN và cộng đồng quốc tế, chế độ của tướng Min Aung Hlaing không nhận được sự đồng tình của Trung Quốc. Bắc Kinh, vẫn ngầm ủng hộ tập đoàn quân sự Miến Điện, bị rơi vào thế khó xử sau khi 4 nhà đối lập Miến Điện bị xử tử.
Ngày 25/07, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải lên tiếng kêu gọi Miến Điện giải quyết các cuộc xung đột trong khuôn khổ Hiến pháp. Trước đó, ngoại trưởng Vương Nghị cũng khẳng định Trung Quốc mong tất cả các bên liên quan ở Miến Điện ưu tiên giải quyết tình hình cho phù hợp với lợi ích của dân tộc, tiến hành hòa giải chính trị để đi đến hòa bình và ổn định bền vững. Tuy nhiên, dường như chế độ của tướng Min Aung Hlaing không để tâm đến lời kêu gọi của đồng minh Bắc Kinh.
Thu Hằng
Quốc tế lên án tập đoàn quân sự hành quyết 4 nhà đối lập
RFI, 26/07/2022
Cộng đồng quốc tế, từ ASEAN, Liên Hiệp Quốc cho đến Hoa Kỳ, đều đã lên án tập đoàn quân sự Miến Điện về vụ hành quyết 4 nhà đối lập, trong đó có 2 cựu chính khách. Vụ hành quyết vừa được thông báo hôm 25/07/2022.
Ngoại trưởng Malaysia, Saifuddin Abdullah (trái) và đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Miến Điện, Noeleen Heyzer, họp báo chung tại tòa nhà Quốc Hội Malaysia, ở Kuala Lumpur, ngày 26/07/2022 via Reuters – Malaysian Department of Ìnormation
Hôm 26/07/2022, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ra thông cáo cho biết "vô cùng bối rối và quan ngại sâu sắc" về vụ thi hành án tử hình 4 nhà đối lập Miến Điện. Theo ASEAN, vụ này "rất đáng chê trách", thể hiện "một sự thụt lùi và thiếu thiện chí ủng hộ những nỗ lực để chấm dứt bạo lực và làm giảm bớt nỗi đau khổ của những người vô tội". ASEAN đồng thời kêu gọi các bên liên quan "không làm nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng".
Trước đó, ngày 25/07, người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, Josep Borrell, "lên án mạnh mẽ" những vụ hành quyết "vì mục đích chính trị". Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cực lực lên án các vụ hành quyết nhằm "tiêu diệt nền dân chủ". Ông Blinken tuyên bố : "Những hành động bạo lực đáng chê trách này cho thấy chế độ hoàn toàn coi thường nhân quyền và nhà nước pháp quyền".
Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet cũng chỉ trích những hành động của chính phủ Miến Điện là "tàn ác" và coi đó là "một bước thụt lùi".
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện hôm qua 25/07 thông báo đã hành quyết 4 tù nhân, trong đó có một dân biểu của chính quyền dân sự bị lật đổ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và một nhà đối lập nổi tiếng thuộc phong trào chống đảo chính. Hai tử tù khác bị tố cáo đã giết hại một phụ nữ mà họ nghi là "tay trong", cung cấp tin tức cho tập đoàn quân sự. Đây là những vụ hành quyết đầu tiên từ hơn 30 năm nay ở Miến Điện.
Kể từ sau cuộc đảo chính tháng 02/2021, tập đoàn quân sự Miến Điện đã thường xuyên tiến hành những vụ bắt bớ tàn bạo và đàn áp đẫm máu đối với những nhà đối lập, với hơn 2.000 người bị giết và hơn 15.000 người bị bắt. Nhiều vùng bị tàn phá bởi những trận giao tranh giữa quân đội và quân kháng chiến, được sự hỗ trợ của lực lượng các sắc tộc thiểu số.
Nguồn : RFI, 26/07/2022
********************
Thùy Dương, RFI, 25/07/2022
Tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện hôm 25/07/2022 thông báo đã hành quyết 4 tù nhân, trong đó có một dân biểu của chính quyền dân sự bị lật đổ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và một nhà đối lập nổi tiếng thuộc phong trào chống đảo chính. Hai tử tù khác bị tố cáo đã giết hại một phụ nữ mà họ nghi là "tay trong", cung cấp tin tức cho tập đoàn quân sự.
Ông Phyo Zayar Thaw (người cầm loa) vận động người dân Miến Điện phản đối đảo chính, tháng 03/2021. Ngày 25/07/2022, chính quyền quân sự loan tin hành quyết ông Phyo Zayar Thaw cùng ba tù nhân chính trị khác. © CC / Maung Sun
Báo nhà nước Miến Điện, Global New Light of Myanmar, hôm 25/07/2022 loan báo 4 người nói trên bị tử hình vì "các hành vi khủng bố tàn bạo và vô nhân tính" và các vụ hành quyết được tiến hành theo đúng "quy trình ở các nhà tù". Nhưng tờ báo không cho biết thời gian, địa điểm cụ thể, cũng như phương thức hành quyết. AFP nhắc lại, từ khi nổ ra vụ đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, tập đoàn quân sự đã tuyên án tử hình hàng chục nhà đối lập, nhưng đây là vụ hành quyết đầu tiên kể từ 30 năm nay tại Miến Điện.
Theo thông tín viên Juliette Verlin từ Rangun, vụ hành quyết này có thể làm dấy lên một làn sóng bạo lực mới tại Miến Điện :
Người dân Miến Điện thức dậy với thông tin là Hla Myo Aung, Ko Jimmy, Aung Thura Zaw và Phyo Zeyar Thaw đã bị hành quyết trong tù. Tập đoàn quân sự từng thông báo họ sẽ cho tiến hành các vụ hành quyết bằng mọi giá, và họ đã làm như vậy.
Theo tập đoàn quân sự, các tù nhân này đã nhận tội có "các hành vi khủng bố tàn bạo và vô nhân tính", vì đã tham gia vào phong trào phản kháng có vũ trang. Hiện giờ không biết chính xác họ đã bị hành quyết ở đâu và khi nào.
Ko Jimmy và Phyo Zeyar Thaw, hai người trong số những tù nhân bị hành quyết, là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Việc hai nhà tranh đấu bị bắt giữ đã gây xôn xao dư luận. Tuần trước, vợ của ông Phyo Zeyar Thaw nói rằng, ngay cả khi vụ hành quyết không diễn ra, thì trong suốt quãng đời còn lại, bà sẽ tranh đấu để chấm dứt sự cai trị của tập đoàn quân sự.
Đây cũng là thái độ của nhiều người tham gia phong trào kháng chiến vũ trang kể từ sau cuộc đảo chính ngày 01/02/2021. Tại Rangun, một biểu ngữ đã được giăng trên một cây cầu đường bộ ở trung tâm thành phố, với hàng chữ : "Nếu các án tử hình được giữ nguyên, chúng tôi sẽ đáp trả". Hiện nay, mọi người sợ rằng vụ hành quyết nói trên đánh dấu một giai đoạn mới trong vòng xoáy bạo lực mà Miến Điện đã trải qua từ hơn một năm nay.
Thùy Dương
Ngày 03/07/2022, đặc sứ ASEAN về Miến Điện, ngoại trưởng Cam Bốt Prak Sokhonn, kết thúc chuyến công tác 5 ngày tại Naypidaw. Đại diện của ASEAN nhìn nhận tiến trình vãn hồi hòa bình tại Miến Điện “còn dài và đầy gian nan” sau cuộc đảo chính vào tháng 2/2021.
Đặc sứ ASEAN về Miến Điện Prak Sokhonn trong chuyến công du mùa hè 2022, không được gặp cựu lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ Aung San Suu Kyi, bị giam giữ tại một nơi bí mật. Ảnh minh họa : bà Aung San Suu Kyi tại Oslo năm 2012. AP - Markus Schreiber
Đặc sứ ASEAN về Miến Điện không được gặp cựu lãnh đạo Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ Aung San Suu Kyi. Thông tín viên trong khu vực Đông Nam Á, Carol Isoux, tổng kết chuyến công tác của đặc sứ ASEAN :
“Prak Sokhonn, đặc sứ ASEAN và cũng là ngoại trưởng Cam Bốt đã hội kiến tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện, điều hành đất nước từ sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021. Theo lịch trình nghị sự, đại diện của ASEAN cũng dự trù tiếp xúc với đại diện của một số tổ chức vũ trang của các sắc tộc thiểu số muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Mục tiêu của chuyến công tác nhằm khuyến khích mở lại đối thoại với tập đoàn quân sự, ASEAN thúc giục Naypidaw tôn trọng thỏa thuận 5 điểm đã được thông qua từ năm ngoái. Theo thỏa thuận này quân đội Miến Điện cam kết chấm dứt các hành vi bạo hành nhắm vào thường dân.
Tuy nhiên đại diện của Hiệp Hội các nước Đông Nam Á đã không được quyền tiếp xúc với các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số và ông cũng không được gặp cựu cố vấn nhà nước Miến Điện bà Aung San Suu Kyi. Bà đã bị đưa vào biệt giam tại một nhà tù bí mật ở Naypidaw hồi tuần trước và hoàn toàn bị cách ly với thế giới bên ngoài.
Những người thân cận với Aung San Suu Kyi, 77 tuổi, lo ngại cho tình hình sức khỏe của bà. Đặc sứ ASEAN không có tham vọng đòi tập đoàn quân sự trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi mà chỉ yêu cầu để cho giải Nobel Hòa Bình này được quản thúc tại gia”.
Thanh Hà
Tập đoàn quân sự Miến Điện hôm 03/06/2022 thông báo xử tử bốn tù nhân chính trị, trong đó có cựu dân biểu Phyo Zeya Thaw của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Đây sẽ là những tù nhân đầu tiên bị hành quyết tại Miến Điện từ gần ba thập niên qua. Hơn một năm sau cuộc đảo chính do quân đội tiến hành, một bộ phận dân chúng Miến Điện vẫn kháng cự. Hàng trăm người bị tuyên án tử hình.
Những người biểu tình chống đảo chính dựng rào cản chặn một con phố để đối phó với cảnh sát ở Rangoon (Miến Điện) ngày 28/03/2021. AP
Từ Rangoon thông tín viên trong khu vực Carol Isoux cho biết thêm :
"Phát ngôn viên tập đoàn quân sự Miến Điện vừa thông báo chính quyền quân sự chuẩn bị hành quyết bốn người, trong đó có cựu dân biểu, thành viên Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi. Người thứ nhì là nhà đấu tranh kỳ cựu Ko Jimmy. Cả hai nhân vật này đều bị khép vào tội khủng bố. Hai người còn lại bị kết tội sát hại một phụ nữ với lý do cung cấp thông tin cho tập đoàn quân sự.
Từ nhiều thập niên qua, thông thường những người bị kết án tử hình tại Miến Điện luôn đệ đơn kháng án và thường thì các bản án tử hình đó được hủy, hoặc tòa không đưa ra quyết định nào khác, và điều đó có nghĩa là bản án tử hình được đình lại.
Cựu dân biểu, thành viên Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ Phyo Zeya Thaw và nhà đấu tranh kỳ cựu Ko Jimmy
Thế nhưng lần này, lần đầu tiên từ gần 30 năm qua, tư pháp bác đơn kháng án của các bị cáo, mở đường cho việc thi hành án tử hình, trong bối cảnh hàng trăm nhà đấu tranh bị tuyên án tử hình sau cuộc đảo chính hồi tháng 2/2021. Đây là cách để tập đoàn quân sự Miến Điện cứng giọng hơn một năm sau cuộc xung đột tại các vùng nông thôn, sau nhiều đợt tấn công bằng bom tại một số nơi công cộng ở các thành phố lớn, đặc biệt là ở Rangoon. Theo thủ tục thi hành án ở Miến Điện, bốn bị cáo sẽ bị tử hình với hình thức treo cổ".
Thanh Hà