Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 03/09/2018 tòa án Miến Điện tuyên án bảy năm tù đối với hai nhà báo của hãng tin Reuters. Hai ông Wa Lone, 32 tuổi và Kyaw Soe Oo, 28 tuổi bị bắt tháng 12/2017, trong lúc tiến hành điều tra về một vụ thảm sát người Rohingya.

myanmar1

Hai nhà báo của hãng tin Reuters bị áp giải ra khỏi tòa, Rangoon, Miến Điện, ngày 03/09/2018. Reuters/Ann Wang

Hai nhà báo của hãng tin Reuters bị cáo buộc "làm phương hại đến bí mật Nhà nước" do sở hữu các tài liệu mật. Cộng đồng quốc tế theo dõi sát sao vụ xét xử này.

Có mặt tại tòa án Insein ở Rangoon sáng nay, thông tín viên Eliza Hunt gởi về bài tường trình:

"Gia đình của hai nhà báo đau khổ khi nghe quyết định này. Trên hàng ghế tòa án, vợ của một bị cáo suy sụp, nhòa lệ, trong khi Wa Lone và Kyaw Soe Oo nhanh chóng bị cảnh sát giải đi. Nhà báo Wa Lone tuyên bố trước các cơ quan truyền thông và các nhà ngoại giao: "Tôi không sợ, sự thật ở phía chúng tôi".

Đối với luật sư của hai nhà báo, bản án này không gây ngạc nhiên. Ông thổ lộ: "Ở đây là Miến Điện, chúng tôi hy vọng điều tốt đẹp nhưng cũng chuẩn bị cho điều tệ hại nhất". Trước tòa, luật sư đã tuyên bố : "Đây là một quyết định gây thất vọng đối với Miến Điện, với nền dân chủ và tự do báo chí". Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ làm những gì có thể làm được, nghiên cứu từng khả năng để đưa họ ra khỏi nhà tù".

Ngay lập tức sau khi tòa tuyên án, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc đều đòi phải trả tự do cho hai nhà báo. Bản án được tuyên một tuần sau khi Liên Hiệp Quốc công bố một bản báo cáo về bạo lực đối với người Rohingya tại bang Arakan năm ngoái, trong đó Liên Hiệp Quốc kêu gọi truy tố các tướng lãnh Miến Điện về tội diệt chủng".

Ngày 04/09, Hội Đồng Bảo An sẽ thảo luận về việc đưa những người lãnh đạo quân đội Miến Điện ra trước tòa án quốc tế.

Vài ngày sau khi hai nhà báo Reuters bị bắt, quân đội Miến Điện thừa nhận là quân lính và dân làng theo đạo Phật đã lạnh lùng sát hại người Rohingya ở làng Inn Dinn hôm 02/09/2017, và bảy quân nhân Miến Điện đã bị lãnh án.

Bản án ngày hôm nay đánh vào tự do báo chí làm hình ảnh của giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi càng xấu thêm.

Thụy My

Published in Châu Á

Quốc hội Miến Điện tuần này thảo luận về một dự luật gây nhiều tranh cãi liên quan tới biểu tình. Dự luật mới do Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đề xuất. Tuy nhiên, các tổ chức xã hội dân sự Miến Điện lo ngại rằng nếu được thông qua, luật mới sẽ đe dọa tự do dân chủ.

myanmar1

Biểu tình phản đối luật mới về biểu tình tại Rangun ngày 05/03/2018. Reuters/Stringer

Thông tín viên đài RFI tại Rangun cho biết một trong những thay đổi trong dự luật liên quan tới việc hỗ trợ tài chính cho công tác tổ chức biểu tình. Chính phủ Miến Điện muốn danh tính (tên, địa chỉ) của nhà tài trợ các cuộc biểu tình, cũng như thông tin về số tiền họ chi ra phải được cung cấp cho nhà chức trách. Một đề xuất khác của Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ là phạt 2 năm tù những người ủng hộ tổ chức các cuộc biểu tình "đe dọa an ninh và đời sống của công chúng".

Dự luật mới bị các tổ chức xã hội dân sự Miến Điện chỉ trích gay gắt : gần 230 nhóm đã ký tuyên bố chung phản đối dự luật mới. Hồi đầu tháng 03/2018, hàng ngàn người đã xuống đường tuần hành phản đối việc vi phạm các nguyên tắc dân chủ.

Dự luật cũng bị phe quân sự phản đối. Các dân biểu phe này đặc biệt chỉ trích đề xuất nêu tên những người hỗ trợ tài chính cho công tác tổ chức biểu tình, vì chính họ đã nhiều lần tài trợ cho các cuộc biểu tình trên quy mô quốc gia trong những tháng gần đây.

Thùy Dương

Published in Châu Á

Tạp chí "Đối thoại" (Conversation) ở Massachusetts, ngày 12/11/2017, đã đăng bài "Tôn giáo không phải là lý do duy nhất khiến người Rohingya bị bắt cuộc phải rời bỏ Miến Điện" (Religion is not the only reason Rohingyas are being forced out of Myanmar). Tác giả bài viết là ba giáo sư Đại học Newcastle, các ông Giuseppe Forino, Jason von Meding và Thomas Johnson, đã phân tích vụ người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine, Miến Điện, bị ngược đãi phải bỏ nước ra đi. Những tác giả cho rằng quyền lợi về chính trị và kinh tế là những yếu tố góp phần tạo ra biến cố này, cụ thể nhất là việc chính quyền Miến Điện đã ký khế ước cho phép Trung Quốc khai thác dầu khí ở bang Rakhine và đặt ông dẫn dầu từ các hải cảng của bang này chuyển số dầu mua được từ Trung Đông và Phi Châu về tỉnh Vân Nam của Trung Quốc thay vì phải đi qua eo biển Malacca của Mã Lai.

Phóng viên Damir Sagolj của hãng Reuters nói về "Kinh tế dầu mỏ và chính sách cưỡng chiếm đất đàng sau cuộc khủng hoảng di dân của người Rohingya ở Miến Điện". Còn trên tạp chí "The South China Morning Post" ở Hồng Kông, bình luận gia David Dodwell cho rằng những vấn đề của Miến Điện đi xa hơn cuộc khủng hoảng về di dân của người Rohingya, trong đó quyền lợi về kinh tế, chiến lược và chính trị của Trung Quốc đã lấn sâu vào đất nước này.

Có thể nói, nhà cầm quyền quân sự Miến Điện đang sử dụng sự hận thù tôn giáo để đẩy người Hồi giáo Rohingya ra khỏi bang Rakhine, nhằm chiếm đất của họ cho Trung Quốc khai thác.

Khái niệm về bang Rakhine

Miến Điện được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Bang Rakhine nằm ở bờ biển phía Tây Miến Điện, trên môt giải đất hẹp kéo dài từ Bangladesh xuống dọc theo theo vịnh Bengal, có chiều dài 640 km và chiểu ngang 145 km, diện tích là 36.762 km2 và thủ phủ là Sittwe. Phía đông là dãy núi Arakan với đỉnh Victoria Peak cao 3.063 m, chia cắt bang này với phần lãnh thổ chính của Miến Điện.

rakhine1

Bang Rakhine ở Miến Điện - ảnh The Conversation

Theo tài liệu chính thức, dân số bang Rakhine có 3.118.963 người, gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Tính đến năm 2013, sắc tộc đa số là người Rohingya với khoảng 1,23 triệu dân, địa bàn cư trú chủ yếu là các thị trấn phía bắc Rakhine tiếp giáp với Bangladesh, cũng như các đảo Ramree và Manaung (Cheduba), nơi đây họ chiếm 80-98% dân số. Còn các sắc tộc thiểu số khác như Kamein, Chin, Mro, Chakma, Khami, Dainet, Bengali, Hindu và Maramagri sống ở vùng cao nguyên.

Bang Rakhine trước đây có tên là Nhà nước Arakan, và chỉ mới được sáp nhập vào Miến Điện vào năm 1785. Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XVII, Arakan là một vương quốc Hồi giáo, được các vị vua mang tước hiệu Hồi giáo Shah cai trị. Đa số người Rohingya sinh sống trong Nhà nước Arakan từ trước khi lãnh thổ này được sáp nhập vào Miến Điện. Chỉ có một thiểu số đến từ Bangladesh trong 20 năm gần đây. Cư dân vương quốc này gồm cả người theo đạo Hồi lẫn đạo Phật và họ chung sống với nhau một cách tương đối hài hòa.

Sau khi Miến Điện được độc lập và đặc biệt là sau khi quân đội lên nắm quyền vào năm 1962, người Rohingya đã bị kỳ thị. Nhiều đạo luật đã được ban hành buộc người Rohingya phải chứng minh được rằng họ sống trên đất Miến Điện từ trước 1824 để được có quốc tịch Miến Điện. Dĩ nhiên, rất ít người có thể trình ra các loại bằng chứng này, và như vậy họ không được coi là công dân Miến Điện. Vì thế, họ không có quyền tự do đi lại, và gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với các viên chức Miến Điện, nhất là về vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai, v.v... Gia đình người Rohingya bị cấm không được sinh quá 2 con.  Rakhine trở thành một bang nghèo nhất của Miến Điện, với tỉ lệ nghèo đói lên tới 78%, cao hơn gấp 2 lần tỉ lệ nghèo đói bình quân của cả nước.

Sự xuất hiện của Trung Quốc

Theo Dân biểu Sein Win của Miến Điện, nạn chiếm đoạt đất của nông dân đã xảy ra trong hai thập niên 1990 và 2000. Năm 2011 khi Tổng thống Thein Sein bắt đầu mở các cuộc điều tra, chính quyền Miến Điện đã tiếp nhận 17.000 đơn khiếu nại nhưng chưa giải quyết tới 1000 vụ. Như vây, việc chiếm đất của nông dân không phải là chuyện mới mẻ ở Miến Điện. Nhưng sự xuất hiện của Trung Quốc đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng.

1. Thiết lập ống dẫn dầu thô và khí đốt

Đại diện của Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (China National Petroleum Corporation, CNPC) cho biết từ trước đến nay, có khoảng 80% số dầu Trung Quốc mua từ Trung Đông đã phải từ Ấn Độ Dương đi qua eo biển Malacca của Mã Lai để vào Thái Bình Dương và đến Trung Quốc. Con đường này khá xa và có nhiều bất trắc, nên năm 2009 Trung Quốc đã ký với Miến Điện một hiệp ước thiết lập một hệ thống ống dẫn dầu thô và khí đốt từ bang Rakhine chạy đến tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Đường ống này dài khoảng 2.500 km, trong đó có 800 km nằm trên lãnh thổ Miến Điện. Công ty PetroChina sẽ nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài thông qua vịnh Bengal rồi bơm vào đường ống chuyển sang nhà máy lọc dầu ở tỉnh Vân Nam có công suất 260.000 thùng/ngày.

rakhine2

Sơ đồ đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Miến Điện sang Trung Quốc

Năm 1998, Miến Điện đã có thể xuất khẩu khí đốt tự nhiên và từ năm 2000 Miến Điện đã trở thành nước xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên nhất vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc trở thành khách hàng chính về dầu khí của Miến Điện.

Hệ thống ống dẫn dầu thô và khí đốt khởi đầu từ bang Rakhine đi qua các vùng Magway, Mandalay và bang Shan, gồm 18 thành phố lớn nhỏ và điểm cuối là thành phố Muse nằm sát biên giới Miến Điện - Trung Quốc, đối diện thành phố Ruili thuộc tỉnh Vân Nam. Với hệ thống này, mỗi năm có 22 triệu tấn dầu thô và 12 tỷ mét khối khí đốt sẽ được chuyển đến Trung Quốc. "Công ty Đường ống dẫn Đông Nam Á" đã được thành lập với sự góp vốn của 4 quốc gia là Trung Quốc, Miến Điện, Ấn Độ và Nam Hàn. Số tiền đầu tư ban đầu là 2,54 USD.

Theo sự tính toán của Trung Quốc, sau khi hoàn thành, đường ống dẫn sẽ thu ngắn đường vận chuyển dầu thô của Trung Quốc từ Trung Đông và Châu Phi đến 1.200 km. Nó góp phần làm giảm chi phí vận chuyển bằng tàu qua eo biển Malacca nằm giữa Malaysia và Indonesia, và đảm bảo an ninh năng lượng hơn.

Ngày 28/7/2013, các ngọn đuốc dầu khí bùng sáng trên những giàn khoan khổng lồ ngoài khơi miền tây-bắc Vịnh Bengal ở Miến Điện đã gây ra một hiện tượng khác lạ. Cùng lúc đó, các đại diện bốn quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Hàn Quốc và Ấn Độ cùng mở van đưa khí đốt từ Vịnh Bengal vào các đường ống dẫn dầu ở trạm phân phối đầu tiên là trạm Kyauk Pyu.

2. Thiết lập vùng kinh tế đặc biệt

Ngoài ra, Trung Quốc còn thiết lập Vùng kinh tế đặc biệt Kyauk Pyu nằm ở đảo Ramree, bang Rakhine. Vùng này rộng 1.600 hecta do công ty quốc doanh Trung Quốc CITIC phát triển, bao gồm một cảng biển trị giá 7,3 tỉ USD và một khu công nghiệp quy mô 2,3 tỉ USD, hứa hẹn sẽ đem lại 100.000 việc làm cho tiểu bang Rakhine…

3. Phong trào chống đối nổi lên

Dĩ nhiên, khi lập một hệ thống ống dẫn dầu và khí đốt quy mô như vậy, quân đội Miến phải chiếm rất nhiều đất đai của dân chúng để xây dựng căn cứ bảo vệ đường ống dẫn dầu thô và khi đốt này. Ngoài ra, hệ thống ống dẫn này còn lực lượng một đe dọa cho môi trường và sinh thái dọc suốt đoạn đường dài hàng ngàn cây số đến biên giới Trung Quốc, nên các phong trào chống đối đã nổi lên ở các nơi có hệ thống ống dẫn đi qua, nhất là tại bang Rakhine.

rakhine3

Ống dẫn dấu và khí đốt trên đất Miến Điện

Ông Wong Aung, người phát ngôn của Phòng trào chống ống dẫn khí đốt Shwe, cho rằng tác động của công trình sẽ lan rộng khắp Miến Điện. Bà Lway Aye Nang nói Miến Điện đã triển khai hơn 6.000 binh sĩ để tăng cường an ninh và ngăn chặn các cuộc biểu tình của các cộng đồng ở địa phương.

Quân đội vùng Kachin độc lập (Kachin Independence Army, KIA) phía bắc Miến Điện đã dùng lực lượng võ trang chống lại kế hoạch của chính phủ. Ngày 23/10/2011, lấy danh nghĩa bảo đảm an toàn cho việc xây dựng đường ống dẫn dầu khí, quân đội chính phủ đã tấn công vào lãnh địa của KIA ở bang Shan. Đường ống dẫn đi ngang qua vùng này dài hơn 50 kilomet

Theo hãng Reuters, vào đầu tháng 9/2017, gần 400 người đã thiệt mạng trong vụ xung đột bạo lực ở vùng tây-bắc Miến Điện. Những người thiệt mạng chủ yếu là người Hồi giáo Rohingya. Làn sóng bạo lực nổ ra từ ngày 25/8 khi những phần tử thuộc lực lượng Hồi giáo quá khích ARSA (Arakan Rakhine Salvation Army-Đội quân cứu rỗi người Rohingya bang Arakan) tấn công 24 đồn cảnh sát và đột nhập một căn cứ quân sự tại bang Rakhine.

Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tại miền Tây Miến Điện do tình trạng xung đột bạo lực tại bang Rakhine.

Sử dụng sự hận thù tôn giáo

Trước tình trạng chống đối nói trên, Miến Điện quyết định dùng là bài tôn giáo để loại người Rohingya ra khỏi bang Rakhine. Sử dụng lá bài tôn giáo vốn là sở trường của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã từng dùng lá bài này để tạo ra các biến loạn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và trong những năm vừa qua ở Trung Đông. Miến Điện cũng đang bắt chước Hoa Kỳ.

Một nhà sư cực đoan bài Hồi giáo nổi tiếng là Ashin Wirathu đã xuất hiện với Phong Trào 969. Ông giải thích ba con số 969 là Tam Bảo, tức Phật, Pháp, Tăng. Trong một buổi "thuyết pháp" tại làng Meiktila, trước hàng trăm tín đồ, nhà sư hỏi : "Lấy chó hay lấy người Hồi giáo ?"… Theo nhà sư, "chó không bao giờ buộc người khác phải cải đạo như Hồi giáo". Tại ngôi làng này, khoảng năm chục người theo đạo Hồi đã bị thảm sát hai năm trước đó. Người ta gọi ông là Hitler của Miến Điện.

Các vụ đụng độ giữa các nhóm Phật tử cuồng tín và người Hồi giáo đã khiến cho 650 người thiệt mạng và hàng ngàn người phải di tản, nhiều hàng quán bị cướp phá, và nhiều làng mạc bị đốt phá thành bình địa.

rakhine4

Rohingya "Những kẻ bị ngược đãi nhất trên hành tinh" !

Vào ngày 3/6/2017, 10 người Hồi giáo ở ngoài địa phận tới hành hương đã bị kéo lôi ra khỏi một xe bus ở phố Taunggoke, bang Rakhine, cách Rangoon (thủ đô cũ) chừng 200 dặm về phía tây, và bị một nhóm hơn 100 thanh niên Phật tử đánh đập tới chế. Tội ác xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt của công chúng và nhân viên cảnh sát địa phương…

Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã mô tả các hành động của quân đội Miến Điện là "thanh lọc sắc tộc,"và các tổ chức nhân quyền cáo buộc lực lượng an ninh Miến Điện đã thực hiện những hành vi tàn bạo, bao gồm hãm hiếp, phóng hỏa và giết người. Báo chí quốc tế gọi người Rohingya là "Những kẻ bị ngược đãi nhất trên hành tinh" (The most persecuted people on the Earth).

Lá bài tôn giáo của các tướng lãnh Miến Điện xem ra đã thành công : Hàng trăm ngàn người Rohingya đã phải bỏ của chạy lấy người qua Bangladesh vừa bằng đường biển vừa bằng đường bộ, số người bị chết rất cao. Số người Rohingya tị nạn đã lên trên 650.000, đang phải sống trong một tình trạng rất tồi tệ.

Giải pháp nào cho vấn đề ?

Vào cuối tháng 9/2017, Liên Hiệp Quốc nói bạo lực ở Miến Điện nhằm vào người sắc tộc Rohingya trở nên "tình trạng tị nạn khẩn cấp nhất thế giới" và là "cơn ác mộng nhân đạo".

Có lẽ người lo lắng nhiều cho vấn đề người Rohingya là Trung Quốc, vì nếu không có giải pháp ổn thỏa nào, Liên Hiệp Quốc và Mỹ có thể sẽ áp dụng các biện pháp chế tài đối với Miến Điện và Trung Quốc sẽ bị vạ lây. Tình trạng bất ổn và những cuộc biểu tình phản đối của dân địa phương đã làm chậm tiến trình của dự án, khiến số tiền đầu tư ban đầu là 2,54 tỉ đang tăng lên tới hơn 5 tỉ USD.

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar và đề xuất chương trình giải quyết xung đột biên giới giữa Miến Điện với Bangladesh.

Hôm 23/11/2017, bà Cố vấn Aung San Suu Kyi và Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hassan Mahmood Ali đã ký kết một bản ghi nhớ (memorandum) về vấn đề hồi hương người tỵ nạn Rohingya. Nhưng ít ai tin chương trình này sẽ được thực hiện nghiêm túc.

Thông tín viên Sarah Bakalogou của RFI từ Rangoon (Yangon) cho biết theo quy định, để quay trở về Miến Điện, chính quyền buộc những người tị nạn Rohingya phải trình giấy tờ chứng minh họ đã cư trú tại Miến Điện. Rất ít người có thể chứng minh được các giấy tờ này. Vấn đề thứ hai là họ sẽ trở vê đâu và cuộc sống sẽ như thế nào, an ninh của họ có được bảo đảm không ? Đa số nhà cửa của họ đã bị quân đội đốt sạch, đất đai của họ đã bị cướp..., họ sẽ ở đâu và làm gì để sinh sống, có được đi lại tự do hay không ? Liên Hiệp Quốc có thể làm được gì tại đây ?

Chính quyền Miến Điện tuyên bố lơ lửng : "Miến Điện sẽ nhờ Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn giúp đỡ nếu cần, và vào một thời điểm thích hợp". Nói cách khác, Miến Điện không muốn Liên Hiệp Quốc kiểm soát hay theo dõi chương trình "hồi hương" người tỵ nạn Rohingya, họ chỉ muốn được cấp một số trợ cấp, còn họ muốn làm gì thì làm. Nhiều người tin rằng chương trình này chỉ là một chiêu bài trấn an dư luận quốc tế, một kế hoãn binh của Miến Điện.

Trước khi đến Miến Điện, ngày 18/11/2017  Giáo hoàng Francis đã gởi dến người dân Miến Điện một thông điệp trong đó nhấn mạnh : "Tôi sẽ đến để loan báo Tin Mừng của Đấng Kitô, một thông điệp của hòa giải, tha thứ, và hòa bình". Hôm 28/11/2017, tại Naypyidaw, Miến Điện, Giáo hoàng Francis kêu gọi "cố gắng chấm dứt bạo động, tạo dựng lòng tin và bảo đảm tôn trọng quyền lợi của tất cả những ai coi mảnh đất này là ngôi nhà của mình".

Mặc dầu tự xưng là theo đạo "thanh tâm tịnh" nhưng các nhà lãnh đạo Miến Điện hiện nay đang hành động theo "ác tâm động", bất chấp Luật Nhân Quả, nên người Rohingya rất khó thoát khỏi nạn diệt chủng. Liệu rồi Liên Hiệp Quốc và Mỹ sẽ làm được gì để cứu những người Rohingya ?

Ngày 30/11/2017

Lữ Giang

Published in Diễn đàn

Các cuộc truy bức của chính quyền trung ương Miến Điện đối với người Rohingya không thể thu gọn qua lăng kính của một cuộc xung đột giữa người Phật Giáo và người Hồi Giáo. Trong các vấn đề tranh chấp đất đai và sắc tộc này còn có cả những lợi ích kinh tế mới.

arakan2

Người Rohingya Miến Điện lội sông vượt biên giới sang Bangladesh tị nạn tại trại Cox's Bazar, ngày 19/09/2017. Reuters/Cathal McNaughton

Cả thế giới những ngày qua dồn sự chú ý đến cuộc khủng hoảng sắc tộc tại bang Arakan miền tây Miến Điện, nơi đang diễn ra thảm cảnh những người thiểu số theo Hồi Giáo bị truy bức phải chạy tị nạn sang nước láng giềng Bangladesh.

Để hiểu thêm về cuộc xung đột cộng đồng sắc tộc này chúng tôi xin giới thiệu bài viết mang tựa đề "Tại Arakan, hai thế kỷ xung đột cộng đồng" đăng trên nhật báo Libération số ra ngày 19/09/2017 của tác giả Laurence Defranoux.

Tại sao nạn nhân là người Rohingya ?

Chỉ trong vòng một tháng, 400 nghìn người đã bị đẩy vào một cuộc di cư chạy trốn bạo lực. Cuộc trấn áp này có liên quan đến lịch sử của vùng đất Arakan (chính quyền quân sự cũ Miến Điện gọi đây là bang Rakhine). Trong khi đó, người Hồi Giáo ở nhiều vùng khác của Miến Điện vẫn sống không mấy phải lo ngại gì.

Những cuộc thanh lọc sắc tộc xảy ra trong những tuần qua chỉ là một mảng trong nhiều thế kỷ truy bức sắc tộc và tôn giáo ở đất nước này, tuy nhiên trong đó người ta có thể tìm thấy cả những động cơ kinh tế khi chính quyền đang có những dự án công nghiệp ở vùng đất nóng này.

Để hiểu được căn nguyên của vấn đề, cần phải ngược dòng thời gian về hai thế kỷ trước. Đó là vào năm 1826, người Anh sáp nhập Arakan vào thuộc địa Miến Điện của họ. Arakan là một dải đất màu mỡ bên bờ vịnh Bengale. Một bộ phận dân gồm những người Phật Giáo và người Hồi Giáo đã sống ở đó ít nhất từ thế kỷ thứ 15. Họ đã sống lưu vong tại đây khi quê hương của họ bị vương quốc láng giềng xâm chiếm.

Nhà nghiên cứu nhân chủng học có văn phòng tại Rangoon, ông Maxime Boutry giải thích : "Trên vùng đất hoang hóa đó, chính quyền thực dân đã đưa những di dân từ Bengale đến định cư phát triển canh tác lúa. Những người Arakan trở về thì đất đai của họ đã bị chiếm. Đất đai chính là nguồn gốc của hiềm khích giữa hai cộng đồng dân cư".

Trên toàn đất nước, người Anh đưa về hàng trăm nghìn người gốc Ấn Độ. Tâm lý chống thực dân khi đó đổ lên đầu những người nhập cư theo đạo Hindu và Hồi, những người đã làm giàu bằng buôn bán và cho vay nặng lãi.

Năm 1930 và 1937, nhiều cuộc truy sát nhằm vào người gốc Ấn đã diễn ra tại Rangoon. Năm 1942, khi người Nhật chiếm Miến Điện, những hậu duệ của người gốc Ấn Độ vẫn trung thành với người Anh, trong khi đó người Arakan ngả theo người Nhật.

Bà Alexandra de Mersan thuộc Viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông của Pháp (Inalco), người đã nghiên cứu về Arakan từ năm 1998, giải thích : "Cuối cuộc chiến tranh, Miến Điện muốn thoát khỏi sự đô hộ của đế quốc và người nước ngoài. Các làn sóng đòi độc lập đầu tiên do các sư sãi khởi xướng tập hợp thành phong trào Phật giáo vì độc lập dân tộc. Người Hồi Giáo ở Arakan đòi được công nhận như là một cộng đồng thiểu số tôn giáo, thế nhưng họ bị từ chối".

Một phong trào độc lập có tên gọi "Rohingya" đòi sáp phần phía bắc Arakan vào phía đông Pakistan đã dấy lên nhưng không thành công. Người Miến Điện về sau gọi những người thiểu số này bằng cái tên " Bengalis".

Vùng đất nghèo đói kém phát triển

Năm 1971, một làn sóng di cư bùng lên do cuộc chiến tranh đòi độc lập của Bangladesh lại càng củng cố thêm định kiến cho rằng người Hồi Giáo ở Arakan là "những người nước ngoài bất hợp pháp" và thế là một chiến dịch bạo lực xua đuổi họ nổi lên lên hồi năm 1978.

Đến năm 1982, Miến Điện ra đạo luật về quyền công dân, đòi hỏi các nhóm sắc tộc phải chứng minh được sự hiện diện của họ trên lãnh thổ trước thời thuộc địa. Thế là những người "Bengalis" bị truất quyền công dân. Họ không được tham gia các công việc hành chính và một số tài sản còn bị tịch thu.

Bang Rakhine có 3 triệu dân, trong đó 1/3 là người Hồi Giáo có nguồn gốc lịch sử di cư khác nhau. Đây cũng là bang chậm phát triển nhất Miến Điện. Năm 1991-1992, làn sóng bạo lực mới lại bùng lên khiến hàng trăm nghìn người Rohingya bỏ nhà cửa chạy nạn.

Cộng đồng quốc tế đã quan tâm đến số phận của họ, và đã đến cứu trợ. Người Arakan theo Phật Giáo cũng sống khổ sở đói nghèo không kém, vì thế mà họ cảm thấy bị bỏ rơi.

Chuyên gia Alexandra de Mersan nhận xét : "Áp lực của quốc tế là chính đáng, nhưng các tổ chức phi chính phủ đã gây thiệt hại nhiều vì tuyên truyền thái quá. Tình cảnh của người Rohingya là rất khó khăn, nhưng họ không phải là những người duy nhất không có quyền gì ở Miến Điện và cũng không phải là những người duy nhất đấu tranh chống lại chính phủ".

Sau vụ quân Taliban phá hủy bức tượng phật cổ nổi tiếng ở Bamiyan và loạt khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ, truyền thông do chính quyền quân sự kiểm soát, đã đưa tràn ngập những hình ảnh gắn Hồi Giáo với khủng bố.

Arakan vẫn luôn là vùng đấy nghèo đói. Những chuyện về các đứa trẻ sinh ra từ một cặp vợ chồng theo đạo Hồi và đạo Phật buộc phải theo Hồi Giáo và chuyện không thể cải đạo sang Phật Giáo tại Miến Điện đã nuôi dưỡng suy nghĩ sai lệch cho rằng đất nước họ đang bị "Hồi Giáo hóa". Thực tế, người Hồi Giáo chỉ chiếm 4,7% trong số 62 triệu dân Miên Điện.

Năm 1995, chính quyền ban hành quy định về chỉ tiêu hôn nhân sắc tộc. Người Rohingya không thể kết hôn mà không có phép và mỗi cặp vợ chồng chỉ được quyền có 2 con.

Việc Miến Điện chuyển tiếp sang chế độ dân chủ năm 2011 cũng không chấm dứt được sự kỳ thị đó. Theo chuyên gia Maxime Boutry, " giới quân sự chắc chắn thấy thấy ở đó cách chia để trị như trong các cuộc xung đột trong các bang miền bắc Shan và Kachin. Chính quyền dân sự thì lại bất lực với những cử tri đa số là người Phật Giáo", những người đã ủng hộ họ.

Cái bóng của Bắc Kinh

Trong khi đó, Bắc Kinh xích lại gần với chính quyền mới vì họ quan tâm đến nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Arakan. Nhiều dự án công nghiệp đã được khởi công, trong đó có công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt ở Kyaukpyi. Các khu đất bị quân đội tịch thu dưới chế độ độc tài giờ được đem cho các nhà thầu nước ngoài và Miến Điện thuê. Những người đang sống trên những mảnh đất đó bị cưỡng chế trục xuất mà hầu hết không được đền bù gì.

Năm 2012, vụ cưỡng hiếp một thiếu nữ trong cộng đồng người Phật Giáo lại làm dấy lên chiến dịch thanh lọc sắc tộc và cuộc di cư mới của người Rohingya. Những đứa trẻ Rohingya sinh ra không được cấp giấy chứng sinh. Các nghề như bác sĩ, kỹ sư, hay quyền học đại học giờ bị cấm đối với người Hồi Giáo ở Arakan. Họ buộc phải sống trong các khu làng hay khu trại biệt lập, không công ăn việc làm.

Năm 2015, Quốc Hội Miến Điện tiếp tục ra thêm luật thắt chặt các quyền của người Rohingya. Bên cạnh đó, chính quyền trung ương liên tiếp mở các dự án với Bắc Kinh, trong đó có công trình cảng Kyaukphyu, có trị giá đầu tư 7,3 tỷ đô la. Đây là một điểm quan trọng trong chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc.

Theo nhà xã hội học Saskia Sassen, tác giả cuốn sách "Trục xuất : Tính thô bạo và phức tạp trong kinh tế toàn cầu" nhận định : " Tiếp cận vịnh Bengale và Ấn Độ Dương giờ là lợi ích cốt yếu của Trung Quốc. Điều này sẽ làm thay đổi sâu sắc mọi chuyện. Giới quân nhân Miến Điện từ lâu nay vẫn tham gia vào các vụ làm ăn vơ vét đất đai. Họ kiếm chác được nhiều với việc loại bỏ người Rohingya".

Những mỏ titan, aluminum đã được tìm thấy ở huyện Maungdaw, nơi người Rohingya sinh sống. Khi các đồn cảnh sát bị quân nổi dậy tấn công hồi tháng 8, trấn áp bạo lực đổ xuống người dân cùng với sự đồng tình của Bắc Kinh. Tuần trước, Trung Quốc đã cam đoan vẫn dành cho Naypyidaw sự ủng hộ.

Như ở Kyauphyu năm 2012, các khu làng bị đốt trụi để người dân không thể trở lại và để xóa sạch mọi dấu vết về quyền lợi của tổ tiên họ trên mảnh đất của người Rohingya.

Nguồn : RFI tiếng Việt, 19/09/2017

(Theo báo Libération điện tử, 19/09/2017)

Published in Diễn đàn
Trang 6 đến 6