Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến của Nga ở Ukraine

RFA, 25/03/2022

Hôm 24/3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc) thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng gây chiến ở Ukraine, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân nước này, đồng thời chỉ trích Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo "thảm khốc" khi xâm lược nước láng giềng đúng một tháng trước đó.

chonlua1

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết mới về cuộc chiến của Nga ở Ukraine hôm 24/3/2022 - Reuters

Theo AFP, Nghị quyết yêu cầu bảo vệ thường dân ở Ukraine và cho phép cứu trợ nhân đạo nhận được 140 phiếu ủng hộ, năm phiếu chống của Nga, Syria, Triều Tiên, Eritrea và Belarus và 38 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Việt Nam tiếp tục bỏ phiếu trắng trong nghị quyết lần này như đã làm ở lần bỏ phiếu ngày 2/3 đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án Nga xâm lược Ukraine và kêu gọi rút quân ngay lập tức..

Các tờ báo nhà nước Việt Nam như Tuổi trẻ, VTV... đưa tin về sự kiện bỏ phiếu hôm 24/3 nhưng không hề nhắc đến lá phiếu trắng của Việt Nam.

Việt Nam từ trước đến nay vẫn duy trì quan điểm trung lập về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine mặc dù Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã có bài phát biểu chính thức  hồi đầu tháng khẳng định việc tuân thủ các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Báo chí Nhà nước Việt Nam ngay từ đầu cuộc chiến đến nay vẫn không sử dụng từ xâm lược đối với cuộc chiến mà gọi là chiến dịch đặc biệt theo cách dùng từ của chính quyền Nga.

Nguồn : RFA, 25/03/2022

************************

Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Nga - Ukraine có đổi ?

Diễm Thi, RFA, 21/03/2022

Cuộc chiến do Nga tấn công sang lãnh thổ Ukraine bắt đầu từ ngày 24 tháng 2 đến nay đã gần một tháng. Truyền thông Nhà nước Việt Nam được cho là đã chuyển từ ủng hộ Nga tuyệt đối sang trung dung vì lo ngại những bất lợi sau này.

chonlua2

Các nhân viên cứu hỏa Ukraine đang dập lửa ở trung tâm mua sắm ở Kiev sau cuộc pháo kích của Nga hôm 21 tháng 3 năm 2022. AFP

Hôm 16 tháng 3 năm 2022, trang VietTimes phỏng vấn cựu Cục trưởng Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam , ông Lê Nghiêm, về chiến sự Ukraine - Nga. Ông Lê Nghiêm nêu quan điểm của bản thân : "Cuộc chiến ở Ukraine được gọi bằng những cái tên khác nhau như xung đột vũ trang, chiến dịch quân sự đặc biệt, chiến tranh... Theo các chuyên gia luật pháp quốc tế, dựa trên định nghĩa của Liên Hiệp Quốc và Luật Quốc phòng Việt Nam, thì điều này chưa đúng… Việc Nga tấn công Ukraine bằng vũ lực vào lãnh thổ của Ukraine không thể viện dẫn quyền tự vệ chính đáng theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Muốn viện dẫn quyền tự vệ phải có một cuộc tấn công vũ lực (Armed attack), trong khi Ukraine chưa hề tấn công vào lãnh thổ nước Nga". 

Chỉ trước đó một tuần, tờ Sputnik đăng cuộc phỏng vấn với Đại tá Lê Thế Mẫu - chuyên gia quan hệ chính trị quốc tế, nguyên Trưởng phòng Thông tin - Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự, Bộ Quốc Phòng. Đại tá Mẫu khẳng định : "Theo tôi, mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là nhằm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa chính quyền Kiev. Trên cơ sở đó, chặn đứng thảm họa thanh sát sắc tộc đối với người dân Ukraine gốc Nga và người Nga đã từng diễn ra trong tám năm qua kể từ cuộc đảo chính vi hiến trong tháng 2/2014… Hiện nay, Nga đang tiêu diệt chủ nghĩa phát xít mới đang trỗi dậy ở Ukraine để đưa thế giới thoát khỏi hiểm họa một cuộc chiến tranh thế giới mới ở Châu Âu". 

Kể từ khi Nga đem quân xâm lược Ukraine vào rạng sáng 24 tháng 2 năm 2022, chưa bao giờ báo chí Nhà nước Việt Nam gọi khác đi cụm từ "Chiến dịch quân sự đặc biệt" để nói về cuộc chiến này. Mấy ngày sau đó, một số tướng lĩnh về hưu phát biểu trên báo chí chính thống hay trên mạng xã hội đều đứng về phía Nga. Ví dụ như Phó Giáo sư Tiến sĩ Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an trả lời báo Nghệ An hôm 28 tháng 2 năm 2022 rằng : "Tổng thống Putin đã tuyên bố : Thứ nhất, Nga không xâm lược, không cướp đất của Ukraine ; Thứ hai, Nga không đánh vào dân thường Ukraine vì người Ukraine và người Nga cùng một chủng tộc, chung tổ tiên, dòng máu. Tôi tin tuyên bố ấy là đúng mức và ông Putin sẽ làm như vậy". 

Cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Quốc phòng phân tích trên báo Pháp Luật : "Người đứng đầu nước Nga nhấn mạnh : Đây là chiến dịch quân sự đặc biệt để bảo vệ người Ukraine nói tiếng Nga, và là hành động can thiệp tự vệ, không phải tiến công xâm lược". 

Tuy nhiên đến nay theo một số nhà quan sát tình hình chính trị trong nước thì Chính phủ Việt Nam ít nhiều đã ‘đổi chiều’ trong cách nói về cuộc chiến tranh Ukraine - Nga hiện nay. Trung tá Quân đội Đinh Đức Long nêu những lý do mà theo ông, Việt Nam buộc phải thay đổi, ít nhất về mặt truyền thông - qua ứng dụng Facebook Messenger :

"Đó là sự thật Nga xâm lược Ukraine. Về luật pháp và thực tế lịch sử không thể nào bênh vực được. Dư luận trong nước, quốc tế lên án lá phiếu trắng của Việt Nam vừa rồi. Tương lai thì Việt Nam biết chỉ có thể dựa vào Phương Tây thôi, không chơi được với độc tài Putin, Tập Cận Bình. Việt Nam không muốn chìm xuồng về kinh tế với Nga sau vụ cấm vận Nga chưa từng có trong lịch sử này".

chonlua3

Một trung tâm mua sắm ở Kiev sau cuộc pháo kích của Nga hôm 21 tháng 3 năm 2022. AFP

Thạc sĩ luật Hoàng Việt nhận định : 

"Lúc đầu họ cho thấy truyền thống ở Việt Nam, đặc biệt những người học tập ở Liên Xô về, có tình cảm với nước Nga và họ cho rằng Nga là nối dài của Liên Xô cho nên họ ủng hộ Nga bằng được. Nhưng càng về sau, thứ nhất là người ta nhìn ra được cái nguy hiểm và tính chất phi nghĩa trong hành động xâm lược của Nga nên họ thay đổi thái độ. Thứ hai là ngay cả quan điểm của phía Việt Nam, các cơ quan cũng ra sức lên tiếng nên cũng khiến cho có sự thay đổi.

Quan điểm của Việt Nam là trung lập và không được làm gì ảnh hưởng tới trường hợp Việt Nam. Điều đó cũng tác động phần nào đến sự thay đổi". 

Thạc sĩ Hoàng Việt giải thích thêm, câu chuyện Việt Nam ở bên cạnh một cường quốc như Trung Quốc cũng giống như câu chuyện Ukraine bên cạnh nước Nga vậy. Nếu việc Nga đường hoàng xâm lược Ukraine mà không bị lên án thì sau này Trung Quốc cũng có thể làm điều đó với Việt Nam. Ngoài ra, việc công nhận hai vùng Donetsk và Luhansk ly khai ở miền đông Ukraine là cộng hòa độc lập, phía Việt Nam đưa quan điểm rất rõ ràng là chỉ gọi hai lãnh thổ ly khai. Việt Nam cũng lo sợ một ngày ‘đẹp trời’ nào đó người ta cũng sử dụng cách tương tự đối với Việt Nam, nên Việt Nam muốn dựa vào luật pháp quốc tế để bảo vệ mình. 

Hôm 2 tháng 3 năm 2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga phải rút quân ngay lập tức. Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu tán thành trong tổng số 193 phiếu. Việt Nam, Cuba, Venezuela, và Trung Quốc nằm trong số 35 nước bỏ phiếu trắng. Năm nước bỏ phiếu chống bao gồm Nga, Belarus, Bắc Hàn, Eritrea và Syria. 

Trước đó, tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 từ ngày 28 tháng 2 đến 2 tháng 3 để thảo luận về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc ; kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán.

Nhà báo độc lập Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, Việt Nam đứng ở thế khó xử trong cuộc chiến này, tuy nhiên : 

"Lúc đầu phải nói rằng truyền thông chính thống của Nhà nước như TV, báo, đài nói chung là họ đứng về phía Nga và cũng đi theo đường Trung Quốc, nghĩa là can gián cả hai bên.

Tuy nhiên, họ cũng ngại số phận mình giống Ukraine hiện nay khi đứng trước cường quyền Trung Quốc đã từng mở cuộc xâm lược lên sáu tỉnh biên giới phía Bắc cách đây 43 năm, đồng thời liên tục những năm gần đây leo thang gây hấn ở Biển Đông cho nên họ cũng rất ngại. Họ cũng tính rằng nếu bây giờ ủng hộ Nga một cách trắng trợn quá thì nay mai, Trung Quốc lại dùng đường lối độc tài, cường quyền ấy thì ai sẽ bênh vực mình. Cho nên họ có chính sách của họ nó nhiều mặt lắm. Một mặt Chính phủ nói nước đôi nước ba, một mặt cho an ninh, dư luận viên ngày đêm chứng minh cuộc chiến tranh xâm lược của Nga là chính nghĩa và Ukraine phải chịu đòn trừng phạt đích đáng".

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Ukraine ngày 23 tháng 1 năm 1992 và lập Đại sứ quán tại Kiev. Tháng 3 năm 2011, hai nước ký tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện. Trong khi đó, Liên Xô cũ, tức là Liên bang Nga ngày nay từng là đồng minh ý thức hệ với Nhà nước Việt Nam. Họ cũng giúp Việt Nam rất nhiều trong những cuộc chiến tranh trước đây.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 21/03/2022

Additional Info

  • Author RFA tiếng Việt, Diễm Thi
Published in Diễn đàn

Mariupol bị trúng hai quả bom "cực mạnh", chiến hạm Nga nhập cuộc

Trọng Nghĩa, RFI, 23/03/2022

Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine hôm 23/03/2022 bước qua ngày thứ 28 và dù đã cố gắng rất nhiều, lực lượng Nga vẫn chưa kiểm soát được thủ đô Kiev cũng như thành phố cảng chiến lược Mariupol ở phía nam. Trong bối cảnh đó, quân đội Nga tiếp tục bắn phá dữ dội vào nhiều thành phố Ukraine, nhất là vào Mariupol, nơi mà theo chính quyền Ukraine, đã bị trúng hai quả bom "cực mạnh" vào hôm qua, trong lúc vẫn còn khoảng 100.000 thường dân bị kẹt trong vòng vây.  

zelensky2

Ảnh vệ tinh chụp các toà nhà trong thành phố Mariupol, Ukraine, bị phá hủy, ngày 22/03/2022.  via Reuters – Maxar Technologies

Chính quyền Mariupol, được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, thành phố này vào hôm qua đã trúng hai "quả bom cực mạnh". Tòa thị chính Mariupol tuy nhiên không nói về những thiệt hại, chỉ tố cáo Nga là đã chủ trương "san bằng" thành phố. 

Theo một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ đã nhận thấy là chiến lược mà Nga bắt đầu áp dụng "trong 24 tiếng đồng hồ vừa qua" là "oanh kích từ xa vào trung tâm thành phố".  

Cho đến nay, Moskva chủ yếu dựa vào lực lượng pháo binh và tên lửa trên bộ để tấn công, nhưng theo phía Mỹ, 7 chiến hạm Nga có mặt tại vùng Biển Azov bắt đầu tham gia vào chiến dịch oanh kích vào cảng Mariupol. 

Từ hơn hai tuần lễ nay, cảng Mariupol đã bị quân Nga bao vây và dội bom thường xuyên, phá hủy các hệ thống điện nước và sưởi ấm khoảng hơn 400.000 cư dân thành phố. Lực lượng Nga đã kêu gọi Mariupol đầu hàng, điều đã bị phía Ukraine bác bỏ. 

Trong một đoạn video công bố tối hôm qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết là hiện vẫn còn 100.000 người phải sống ở thành phố Mariupol bị bao vây trong điều kiện vô nhân đạo, không có thức ăn, nước uống hoặc thuốc men.  

Tổng thống Ukraine tố cáo lực lượng Nga gây khó khăn trong việc thiết lập các hành lang nhân đạo để rời khỏi thành phố. Ông đặc biệt lên án vụ quân Nga vào hôm qua đã bắt giữ các nhân viên Cơ Quan Cứu Hộ Khẩn Cấp Ukraine và các tài xế xe buýt của một đoàn xe chở người sơ tán ra khỏi Mariupol. 

Những cư dân chạy được ra khỏi thành phố bị bao vây đã mô tả với tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW là họ đã phải sống trong "một địa ngục giá lạnh, giữa xác người la liệt trên các đường phố và đống đổ nát của những tòa nhà bị phá hủy". Theo những nhân chứng này, "hàng nghìn người đã bị cắt rời khỏi thế giớichui rúc trong những tầng hầm không có điện nước, thực phẩm, hoặc phương tiện thông tin liên lạc"

Phát biểu với AFP, bộ trưởng Tư Pháp Ukraine, bà Iryna Venediktova, cho rằng chiến dịch bao vây Mariupol của lực lượng Nga không phải là một hành động chiến tranh, mà là một " tội ác diệt chủng". 

Các vụ quân đội Nga ném bom vào các khu đông dân cư tại Ukraine đã bị tổng thống Pháp Emmanuel Macron cực lực lên án.  

Theo ông Macron, "không thể chấp nhận" việc "Luật pháp quốc tế bị coi thường, cơ sở hạ tầng dân sự bị đánh bom, vũ khí gây nổ được sử dụng ở các khu vực đông dân cư và các nhân viên cứu trợ là mục tiêu tấn công". 

Trọng Nghĩa

*********************

Zelensky sẵn sàng nói chuyện với Putin về Donbass và Crimea

Anh Vũ, RFI, 22/03/2022

Gần một tháng sau cuộc xâm lược của Nga, những thành phố lớn của Ukraine tiếp tục bị dội bom. Tổng thống Volodymyr Zelensky, trong bài trả lời phỏng vấn với báo chí trong nước được phát đi đêm 21/03/2022, lần đầu tiên tuyên bố sẵn sàng nói chuyện với tổng thống Nga Vladimir Putin về một "thỏa hiệp" về vùng Donbass và Crimea, để "chấm dứt chiến tranh".

zelensky1

Tổng thống Zelensky phát biểu qua video tại Kiev, Ukraine, ngày 21/03/2022.  AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nếu ông Putin chấp nhận thương lượng trực tiếp, ông sẽ sẵn sàng thảo luận với tổng thống Nga về tất cả các vấn đề dẫn đến xung đột giữa hai nước, kể cả vấn đề Crimea và Donbass, nhưng trước tiên phải có "bảo đảm về an ninh" cho Ukraine. Volodymyr Zelensky cũng cảnh báo Ukraine sẽ bị "phá hủy" trước khi phải đầu hàng.

Tổng thống Ukraine cũng thừa nhận "Crimea và Donbass là vấn đề khó đối với mọi người". Bán đảo Crimea đã bị Nga sáp nhập năm 2014. Vùng Donbass ở miền đông là nơi mà các lực lượng ly khai thân Nga đã lập ra hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk cũng từ năm 2014 và đã được Nga tuyên bố công nhận ngay trước khi đưa quân xâm lược Ukraine.

Volodymyr Zelensky cho rằng nếu không gặp trực tiếp với Vladimir Putin thì sẽ "không thể hiểu hết những gì có thể khiến Nga sẵn sàng dừng chiến tranh".  Đồng thời tổng thống Ukraine nhấn mạnh, một thỏa thuận nếu có với Moskva về Donbass và Crimea sẽ phải được thông qua trưng cầu dân ý. Ông Zelensky cũng nhắc lại là Ukraine không thể "chấp nhận bất kỳ tối hậu thư nào của Nga".

Trong cuộc phỏng vấn trên, ông Zelensky cũng nhắc nhiều đến một vấn đề mấu chốt là quan hệ với NATO. Ông cho rằng đến lúc này cần phải bình tĩnh và tìm những bảo đảm an ninh khác cho Ukraine, chứ không nhất thiết phải là thành viên NATO. 

Moskva vẫn luôn đòi hỏi có bảo đảm trên văn bản rằng Ukraine sẽ không bao giờ gia nhập NATO, một yêu cầu vẫn chưa được phía Kiev đáp ứng.

Anh Vũ

************************

Ukraine còn lại gì sau một tháng chiến tranh

80 % khu dân cư ở Mariupol bị tàn phá  © AP

Chiến sự tại Ukraine, hôm nay, 21/03/2022, bước sang ngày thứ 26. Bộ Quốc phòng Nga hôm qua ra tối hậu thư kêu gọi Ukraine "hạ vũ khí" và yêu cầu "phản hồi bằng văn bản" trước 5 giờ sáng ngày thứ Hai, 21/03. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ tối hậu thư này.

RFI tiếng Việt, 22/03/2022

Additional Info

  • Author Anh Vũ
Published in Quốc tế

Liên Hiệp Châu Âu tăng cường khả năng phòng thủ

Phan Minh, RFI, 22/03/2022

Một "la bàn chiến lược" đã được thông qua ngày 21/03/2022, tại cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) sau 2 năm thảo luận. Các bộ trưởng đã bắt đầu chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, nhưng điều quan trọng nhất là họ đã tiến thêm một bước trong việc củng cố hệ thống phòng thủ chung của Châu Âu. 

phongthu1

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trước cuộc họp các bộ trưởng Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles ngày 21/03/2022. AP - Kenzo Tribouillard

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình : 

La bàn chiến lược này là định hướng cho nhiều năm về những gì mà Châu Âu muốn triển khai để có hệ thống phòng thủ chung. Lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell coi đây gần như một khoảnh khắc lịch sử với việc áp dụng cái mà ông gọi là "hướng dẫn hành động". 

Giải pháp cụ thể nhất là thành lập một lực lượng triển khai nhanh gồm 5.000 lính. Trong dài hạn, 27 nước cam kết đạt mức chi cho quân sự tương đương 2% GDP. Theo Josep Borrell, tỷ lệ này hiện nay mới chỉ là 1,5%, tương đương 200 triệu euro, nhiều gấp 4 lần ngân sách quân sự của Nga, nhưng lại không hiệu quả bằng. Người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra sự thay đổi nền tảng cấu trúc an ninh Châu Âu và ngay cả khi "la bàn chiến lược" được tạo ra như một phản ứng trước việc Nga xâm lăng Ukraine, việc định hướng này sẽ có vai trò lâu dài trong chính sách quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu để đối phó với Nga. 

Châu Âu cũng đã chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới sẽ được phê duyệt tại hội nghị thượng đỉnh vào thứ Năm tới, bởi vì vấn đề ban hành lệnh cấm vận dầu mỏ vẫn chưa được giải quyết. Châu Âu cũng đã tăng gấp đôi ngân sách mua vũ khí cho Ukraine, hiện đã lên mức 1 tỷ euro. 

Phan Minh

*************************

Các nước Bắc Âu tăng cường tiềm lực quân sự đề phòng nước Nga

Thanh Phương, RFI, 22/03/2022

Cuộc xâm lăng Ukraine của Nga khiến cho các nước Bắc Âu Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan phải tăng cường tiềm lực quân sự, đồng thời cũng khiến cho dư luận hai nước Thụy Điển và Phần Lan ngày càng ủng hộ việc gia nhập khối NATO.

phongthu2

Bính lính Na Uy tuần tra dọc theo biên giới với Nga tại Kirkenes, Na Uy. AP - Annika Byrde

Na Uy tháo khoán thêm 300 triệu euro

Gần đây nhất chính phủ Na Uy ngày 18/03 đã thông báo là năm nay sẽ tháo khoán thêm hơn 300 triệu euro cho ngân sách quốc phòng nhất là để tăng cường sự hiện diện quân sự của nước này ở vùng Bắc Na Uy gần biên giới với Nga. 

Trong một cuộc họp báo, bộ trưởng Quốc phòng Odd Roger Enoksen đã tuyên bố : "Cho dù có rất ít khả năng Nga tấn công Na Uy, nhưng phải thấy là chúng ta có một láng giềng phía đông ngày càng nguy hiểm và ngày càng khó lường". Tại vùng Bắc Cực, Na Uy có chung 196 km biên giới trên bộ với Nga, cũng như một biên giới rất dài với Nga trên biển Barents.

Ông Enoksen còn nhấn mạnh : "Nước Nga có các lợi ích an ninh đáng kể trong khu vực chung quanh chúng ta và Vùng Bắc Cực có một tầm quan trọng kinh tế đối với Nga" 

Khoản ngân sách mới 300 triệu euro sẽ được dùng để gia tăng sự hiện diện của hải quân Na Uy ở miền bắc, gia tăng huấn luyện cho lực lượng chính quy và lực lượng dự bị, tăng kho dự trữ đạn dược, nhiên liệu và các thiết bị quan trọng khác, cải thiện khả năng tiếp nhận các lực lượng đồng minh và tăng cường khả năng phòng thủ trên mạng và tình báo.

Các cuộc tập trận hải quân, không quân và bộ binh quy mô lớn hiện đang diễn ra tại Na Uy với sự tham gia của khoảng 30.000 quân đến từ 27 quốc gia là thành viên của khối NATO hay đối tác của Liên Minh (Thụy Điển và Phần Lan).

Cuộc tập trận Cold Response 2022 chính là nhằm trắc nghiệm khả năng của Na Uy tiếp nhận lực lượng tăng viện của đồng minh trong trường hợp bị tấn công, chiếu theo điều 5 của Hiến chương NATO quy định toàn bộ các nước thành viên của Liên Minh phải ứng cứu một nước trong số họ bị tấn công. 

Thụy Điển : Mục tiêu 2% GDP ngân sách quốc phòng

Trước đó, ngày 10/03/2022, chính phủ Thụy Điển đã công bố dự án đẩy nhanh việc tái đầu tư cho quân đội nước này, với mục tiêu đạt được tỷ lệ 2% GDP chi tiêu quốc phòng "nhanh nhất có thể được".

Thật ra thì ngay từ năm 2014, khi Moskva sát nhập bán đảo Crimea, Stockholm đã bắt đầu gia tăng chi tiêu quân sự. Lần này chính phủ Thụy Điển không nêu cụ thể lịch trình, nhưng cho biết là nỗ lực phát triển quân đội sẽ kéo dài cả chục năm. Số thanh niên phải làm nghĩa vụ quân sự bắt buộc, được khôi phục vào năm 2017, cũng sẽ tăng thêm.

Trong thời gian Chiến tranh lạnh, Thụy Điển đã dành đến 4% GDP cho quốc phòng, nhưng trong những thập niên 1990 và 2000 đã giảm đáng kể chi tiêu quân sự, xuống chỉ còn 1%. 

Tỷ lệ 2% GDP cũng là mục tiêu mà Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO đề ra cho các nước thành viên của khối này, nhưng đa số các nước vẫn chưa đạt được mục tiêu này. 

Vào tháng 10 năm ngoái, Thụy Điển đã thông báo tăng 40% ngân sách quốc phòng, thêm 2,5 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2025. Cộng thêm các khoảng tăng được dự trù cho khoảng thời gian 2014-2020, chi tiêu quân sự của Thụy Điển đã tăng đến 85%, mức tăng cao nhất kể từ thập niên 1950, theo lời bộ trưởng Quốc phòng Peter Hultqvist. 

Đan Mạch tăng số quân nhập ngũ

Về phần Đan Mạch, nước này dự trù sẽ gia tăng số quân nhập ngũ trước mối đe dọa quân sự của Nga, theo lời một phát ngôn viên đảng Xã hội Dân chủ cầm quyền ngày 02/03/2022. 

Hiện giờ, có chưa tới 5.000 người nam giới đi quân dịch mỗi năm ở Đan Mạch, với thời hạn là khoảng 4 tháng. Con số quân nhập ngũ đã giảm trong thập niên trước. Dự án, mà ngay cả phe đối lập cũng ủng hộ, tăng số quân nhập ngũ chính là nhằm đáp ứng tham vọng của Copenhague tăng cường khả năng và ngân sách quốc phòng. Ngay sau khi Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraine, nữ thủ tướng Mette Frederiksen cũng đã tuyên bố ủng hộ việc tăng ngân sách quân sự của Đan Mạch. 

Là thành viên của cả Liên Hiệp Châu Âu và NATO, Đan Mạch đã mở cửa đón tiếp lính Mỹ trên lãnh thổ của mình, cắt đứt với chủ thuyết mà nước này vẫn theo đuổi từ sau Thế chiến Thứ hai. 

Ngân sách quốc phòng hiện nay của Đan Mạch là 3,6 tỷ euro cho năm 2022. Quân đội Đan Mạch hiện nay sử dụng tổng cộng 19.500 người, trong đó có 14.700 quân nhân. 

Phần Lan trang bị hệ thống phòng không của Israel

Riêng đối với người dân Phần Lan, quốc gia có đường biên giới chung dài đến 1.300 km với Nga, cuộc xâm lược Ukraine khiến họ nhớ lại cuộc "chiến tranh mùa đông", tức cuộc kháng chiến kiên cường chống quân xâm lăng Liên Xô trong hai năm 1939 và 1940.

Mối lo ngại đối với kẻ thù cũ càng gia tăng sau khi vào cuối tháng 2, Nga đã cảnh cáo Phần Lan về những "hậu quả chính trị và quân sự" nếu nước này cũng xin gia nhập khối NATO. Trong tình hình căng thẳng đó, theo báo chí Israel vào đầu tháng 3, Phần Lan đã quyết định mua các hệ thống phòng không của Israel, song song với việc gia tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ. 

Cũng giống như nước Thụy Điển láng giềng, lần đầu tiên Phần Lan đã phá vỡ một điều cấm kỵ trong chính sách an ninh của họ: không xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự cho một quốc gia đang có chiến tranh. Vào cuối tháng 2, chính phủ Phần Lan đã quyết định gởi các vũ khí sát thương sang Ukraine để giúp nước này chống trả cuộc xâm lăng của Nga, cụ thể là gởi 2.500 súng trường tấn công, 1.500 súng bắn rocket và nhiều đạn dược.

Nói chung, cuộc xâm lăng của Nga đang buộc Phần Lan phải đặt lại vấn đề về quy chế trung lập, một nguyên tắc tối thượng của quốc gia này.

Thuy Điển, Phần Lan trông chờ vào Liên Âu

Trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga, Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia không phải là thành viên của khối NATO nay trông chờ vào điều khoản về tương trợ lẫn nhau của Liên Hiệp Châu Âu trong trường hợp một trong 27 nước thành viên bị tấn công vũ trang.

Theo lời thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trong một cuộc họp báo ngày 08/03 tại Stockholm, chính phủ hai nước Thụy Điển đã cùng viết thư cho các thành viên khác của Liên Âu để nhắc lại " tầm quan trọng của điều khoản về tương trợ quốc phòng của hiệp ước Lisbonne".

Điều khoản này quy định là "trong trường hợp một quốc gia thành viên bị tấn công vũ trang trên lãnh thổ mình, các nước thành viên khác phải trợ giúp nước này bằng mọi phương tiện có trong tay".

Tuy nhiên, phạm vi cụ thể của nghĩa vụ tương trợ quốc phòng của các nước Liên Âu chưa được xác định và tính chất bó buộc của điều khoản nói trên vẫn còn gây tranh cãi. 

Tuy nhấn mạnh đến nghĩa vụ tương trợ quốc phòng của các nước Liên Âu, Thụy Điển và Phần Lan cho tới nay vẫn loại trừ khả năng xin gia nhập khối NATO. Kể từ khi Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine ngày 24/03, số người dân Thụy Điển và Phần Lan ủng hộ việc gia nhập khối NATO đã tăng vọt và nay đã chiếm đa số, theo kết quả các cuộc thăm dò mới nhất.

Nhưng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối NATO, Moskva chắc chắn sẽ rất phẫn nộ, bởi vì Putin vẫn không muốn thấy Liên minh Bắc Đại Tây Dương mở rộng đến sát nước Nga. 

Tuy vậy, nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ gần đây của tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, nguyên tắc về tăng cường hợp tác ba bên Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển đã được thông qua. Theo các nhà phân tích, trong trường hợp hai nước này bị Nga tấn công, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ để chống trả, nhưng đây sẽ không phải là một bảo đảm chính thức công khai.  

Thanh Phương

Additional Info

  • Author Phan Minh, Thanh Phương
Published in Quốc tế

Nga tăng tốc tấn công Ukraine

Thanh Hà, RFI, 18/03/2022

Chiến tranh Ukraine bước sang ngày thứ 23. Quân đội Nga dồn dập tấn công nhiều thành phố, từ Kiev đến Kharkiv, thành phố lơn thứ nhì của Ukraine. Riêng Mariupol tiếp tục cầm cự và vẫn tìm kiếm nạn nhân trong vụ nhà hát thành phố bị dội bom hôm qua. Dân cư tại thị trấn Varashc cách không xa biên giới với Belarus lo ngại chính quyền Minsk tiếp tay với Nga, đưa quân sang Ukraine.

mariupol1

Xe hơi bị quân đội Nga pháo kích tại thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh công bố ngày 18/03/2022  via Reuters – State Emergency Srrvice

Tại miền tây Ukraine, gần biên giới Ba Lan, sáng ngày 18/03/2022, một nhà máy gần phi trường thành phố Lviv bị ném bom. Quân đội Ukraine xác định Nga phóng bốn tên lửa hành trình từ Hắc Hải nhắm vào một nhà máy gần sân bay Lviv, một số khác đã bị bắn chận kịp thời trước khi tới mục tiêu. Chủ Nhật vừa qua, quân đội Nga đã nhắm vào căn căn cứ quân sự Yavoriv, gần Lviv và cách biên giới Ba Lan khoảng 20 km.

Còn tại Mariupol, đông nam Ukraine, thị trưởng thành phố cho biết tính đến sáng nay, khoảng 80 % các khu dân cư bị tàn phá, hơn 2.000 thường dân thiệt mạng kể từ khi quân đội Nga bao vây. Cũng trong khu vực này, Mykolayiv, đường dẫn đến cảng Odessa, là một điểm chiếm lược trong tầm ngắm của Nga. Thành phố này đang cố thủ trước đà tiến của quân Nga.

Đặc phái viên RFI, Cléa Broadhurst gửi về bài phóng sự :

Trên đường phố Mykolayiv, tiếng đại bác vang lên nhưng vẫn còn ở xa. Cứ mỗi lần có tiếng nổ, Ivanka dừng tay nghe ngóng. Chung cư nơi cô cư ngụ, ở phía nam thành phố, cách nay vài hôm vừa bị trúng pháo. Ivanka kể lại : "Tôi nghe thấy tiếng nổ, tôi ngã bật ngửa về phía một bức tường trong hành lang của chung cư. Choáng váng vì chấn động quá mạnh. Giờ đây chúng tôi không có điện nước, không có sưởi. Cái lũ giặc luôn tấn công trong lúc dân chúng đang ngủ".

Dân cư Mykolayiv không phải ai cũng may mắn tìm được một chỗ trú ẩn. Xích lên phía bắc thành phố, Svetlana may mắn tìm được một hầm trú bom gần nhà. Cô cho biết "Mỗi ngày vào hầm trú bom khoảng 2 lần. Từ ba đêm nay đêm nào tôi cũng đến đây để ngủ, vì tình hình đã xấu đi nhiều. Mỗi lần nghe tiếng bom, tôi đến ngạt thở. Nghe còi hụ báo động là tôi chạy vào boongke. Đầu gối của tôi run hết cả lên, tôi không thở được vì bị stress".

Vừa dứt lời cô nhận báo động qua điện thoại. Svetlana khoác vội chiếc túi, tay dẫn bà cô đã cao tuổi. Hai cô cháu Svetlana cùng với chúng tôi mau chân đi vào hầm trú bom. Cả chục người chen chúc trong một không gian ẩm ướt. Albina, 10 tuổi, cho chúng tôi xem hình cháu vẽ từ trong hầm. Cô bé nói : "Cháu vẽ hình gia đình, một mẹ một con. Vẽ xe tăng Nga trên thành phố rồi đến khi máy bay Ukraine phá hủy được những chiếc xe tăng đó. Cháu vẽ cảnh quân Nga bị thiêu đốt".

Chung quanh mọi người gật đầu tán đồng trước những bức tranh của Albina.

Thanh Hà

*********************

Ukraine : Nga tấn công nơi cả ngàn dân cư Mariupol trú bom

Thanh Hà, RFI, 17/03/2022

Tối 16/03/2022 chính quyền Kiev tố cáo quân đội Nga dội bom vào một nhà hát ở Mariupol, đông nam Ukraine nơi có cả ngàn thường dân đang trú ẩn. Nga tiếp tục oanh kích trên toàn lãnh thổ Ukraine và tiếp tục bao vây thủ đô Kiev. Chiến sự tiếp diễn trong lúc cả Ukraine và Nga tiếp tục đàm phán qua cầu truyền hình.

mariupol2

Nhà hát Kịch thành phố Mariupol, Ukraine bị tàn phá. Ảnh chụp hôm 16/03/2022.  AP

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án không quân Nga "cố tình" ném bom vào một nhà hát ở trung tâm Mariupol. Tòa nhà bị phá hủy là nơi hàng ngàn dân cư thành phố ẩn náu. Chưa thể xác định chính xác về số nạn nhân, nhưng theo chính quyền Ukraine và thị trưởng thành phố, sẽ lên đến "hàng trăm" người. Thị trưởng Mariupol Vadym Boichenkon nói đến một "đợt tấn công khủng khiếp" và nói đến một cuộc "thảm sát" mà quân đội Nga tiến hành nhắm vào thường dân Mariupol, vào người dân Ukraine. Bộ Quốc Phòng Nga sáng nay bác bỏ tin trên và cho rằng nhà hát trung tâm thành phố Mariupol đã bị chính phe "dân tộc chủ nghĩa Ukraine" tàn phá. Đại sứ Nga tại Washington thì coi đây là một chiến dịch "tuyên truyền bóp méo sự thật" của Ukraine.

Cũng tại Mariupol, nơi quân đội Nga đã chiếm đóng từ nhiều ngày qua, cả một bệnh viện với hàng trăm bác sĩ và bệnh nhân đang bị "bắt làm con tin" : Quân Nga chiếm đóng bệnh viện buộc phía Ukraine phải bắn vào đây. Rõ ràng, đó là một cuộc chiến về hình ảnh, mang tính tuyên truyền, như đại diện của một tổ chức phi chính phủ Ukraine, Olga Reshetylova ghi nhận trên đài RFI : 

"Không còn tường, cửa kính ở các cửa sổ, cũng không còn thuốc men hay trang thiết bị y tế nhưng đấy vẫn là bệnh viện duy nhất còn hoạt động. Ở bên trong bệnh viện, dưới nhà hầm, nào là bệnh nhân, bác sĩ và cả trăm người bị quân đội Nga tống xuống đây. Theo lời lãnh đạo Donetsk. 

Đại diện tổ chức nhân đạo Ukraine, Media initiative for human rights bà Olga Reshetylova cho biết thêm, không phải tình cờ mà lính Nga phục kích từ cửa số bệnh viện để nhắm về phía quân đội Ukraine. Bà nói : tôi nghĩ rằng sau vụ tấn công khủng khiếp nhắm vào bệnh viên nhi đồng ở Mariupol, Nga muốn khai thác hình ảnh để tuyên truyền. Họ muốn chứng minh rằng, quân đội Ukraine cũng bắn phá bệnh viện. Đây là cách hành xử thường thấy của phía Nga. Họ đã nhiều lần làm thế ở Donetsk và Lugansk hồi năm 2014. Và tôi nghĩ giờ kịch bản này được tái diễn. Đây cũng là một cuộc chiến về hình ảnh. Cả thế giới đã trông thấy cảnh một phụ nữ mang thai, bị thương, nằm trên băng ca được cáng khỏi tòa nhà đổ nát hồi tuần trước. Bà ấy và thai nhi đều tử vong. Chiến dịch phản công của Nga, những cáo buộc dàn dựng hình ảnh vì mục đích tuyên truyền không làm thuyên giảm phẫn nộ của công luận quốc tế. Thành thử ra tại một bệnh viện khác, quân Nga đẩy phía Ukraine vào thế phải tấn công".

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Quốc tế

Xung đột Ukraine : Phân tích quan điểm của Nga qua Chủ nghĩa kiến tạo

Gofman Artem & Đinh Hồng Giang, Nghiên cứu quốc tế, 18/03/2022

"Chiến dịch quân sự đặc biệt" mà chính quyền Nga đang tiến hành trên lãnh thổ của Ukraine đã làm bùng nổ trong cộng đồng quốc tế những tranh cãi về bản chất của cuộc xung đột và các phương án khả thi để chấm dứt khủng hoảng này. Khi giao tranh đang tiếp diễn, sẽ là quá sớm để xác định kết quả giữa các bên, nhưng chúng ta hoàn toàn có khả năng làm sáng tỏ nguồn gốc cho cuộc đụng độ ở Ukraine thông qua lý thuyết quan hệ quốc tế.

ngatrung1

Trong bài viết này, các tác giả cố gắng làm rõ quan điểm của Nga khi áp dụng biện pháp quân sự đối với Ukraine. Mục tiêu này được thúc đẩy bởi hai lý do sau. Thứ nhất, hiện có quá nhiều xuất bản về quan điểm của Nga, song chiến tranh thông tin đã để lại rất ít hoặc đã xoá bỏ hoàn toàn không gian cho các nghiên cứu công bằng, chưa kể tới những ảnh hưởng của "chứng sợ Nga" (Russophobia) đang tăng lên trên quy mô toàn cầu. Thứ hai, Nga là một trong những chủ thể chính trong cuộc khủng hoảng này, do vậy việc thấu hiểu quan điểm của Nga là điều kiện cần thiết để đạt được hoà bình trong tương lai gần.

Giả thiết được đặt ra là sự đối kháng về bản sắc quốc gia làm tăng lên sự cạnh tranh địa chính trị trong quan hệ quốc tế. Bản sắc quốc gia là cách quốc gia nhìn nhận bản thân mình, trên cơ sở đó định hình các mục tiêu chiến lược về an ninh và phát triển. Thật khó có được bức tranh toàn cảnh về xung đột ở Ukraine mà không xét đến bản sắc quốc gia, thứ vốn là một trong những trụ cột của cuộc đối đầu Nga – phương Tây, và Ukraine chỉ là một phần nhỏ trong chiến trường địa chính trị lớn giữa các trung tâm quyền lực này.

Sau khi Liên Xô tan rã, Nga và Ukraine đã từ bỏ hệ tư tưởng Mác – Lê-nin và quay trở về với bản sắc quốc gia. Đối với Nga, điều phải làm là phục hưng lại vinh quang của Đế quốc Nga trong quá khứ song song với việc hạ thấp tầm quan trọng của cuộc Cách mạng tháng Mười năm 1917 do Bolshevik lãnh đạo và chấm dứt hoàn toàn "các nghĩa vụ quốc tế xã hội chủ nghĩa". Trong khi đó, Ukraine đã phải vật lộn để xây dựng bản sắc quốc gia của riêng mình. Với mong muốn định vị bản thân, Ukraine bắt đầu quá trình tách rời khỏi "thế giới Nga" (Russianhood) – một đặc điểm chung của hết thảy các quốc gia độc lập hậu Xô viết. Nhưng nhà nước Ukraine mới lại bị người Nga xem là "quốc gia nhân tạo" và gán cho là có tư tưởng "chống Nga", những điều này được thể hiện trong phát biểu của Tổng thống Nga V. Putin, rằng Ukraine hiện đại thực chất chỉ là dự án sai lầm của V. Lenin.

Việc định hình bản sắc quốc gia như vậy còn phụ thuộc vào nhận thức lẫn nhau của các chủ thể (intersubjective perception), đôi khi dẫn tới đụng độ giữa các cộng đồng xã hội. Hiểu đơn giản, nhận thức lẫn nhau giữa các chủ thể có nghĩa là "Tôi không chỉ là những gì tôi nghĩ về bản thân, mà còn là những gì người khác nghĩ về tôi". Trường hợp giữa Nga và Ukraine, tồn tại xung đột sâu sắc về nhận thức lẫn nhau. Người Ukraine tự xem mình là một dân tộc độc lập và có bản ngã riêng, tách biệt với người Nga. Nhưng người Nga lại không nghĩ như vậy. Họ tin rằng người Ukraine có quan hệ gần gũi với mình theo nhiều cách diễn giải và hai dân tộc đã thực sự là một xã hội trong không gian của nước Nga lịch sử. Ukraine từng được biết đến như "một nước Nga nhỏ" (Minor Russia), do đó nó phải là một phần không thể thiếu của "thế giới Nga". Điều này ăn sâu vào suy nghĩ và lịch sử quốc gia của người Nga, vậy nên đã rất khó để họ chấp nhận một đất nước vĩ đại mà lại thiếu đi Ukraine, không có Kiev cũng như các thành phố khác.

Trên thực tế, xung đột về nhận thức lẫn nhau giữa người Nga và người Ukraine đã bén gốc rễ qua nhiều thế hệ. Chúng ta có thể lấy ví dụ về Mazeppa – hetman (thủ lĩnh) của người Ukraine thế kỷ 18. Vốn là chư hầu của Sa hoàng Peter Đại đế, song Mazeppa đã phản lại Đế quốc Nga và gia nhập phe của vua Thụy Điển Karl XII trong Chiến tranh phương Bắc 1700-1721. Không cần phải nói, trong sử sách Nga, ông ta bị lên án như một kẻ phản bội. Còn trong tâm trí của người Ukraine, Mazeppa được suy tôn như một đấng anh hùng, người đã dám đứng lên chống lại chế độ chuyên quyền của Nga hoàng để bảo vệ quyền lợi của dân tộc Ukraine.

"Nước Nga – cường quốc của chúng ta, nước Nga – đất nước thân yêu của chúng ta. Ý chí hào hùng, niềm vinh quang vĩ đại – là tài sản của Người cho mọi thời gian" – đây là những lời đầu tiên của quốc ca Nga được V. Putin chấp thuận khi vừa lên làm tổng thống. Vốn là phiên bản chỉnh sửa dựa trên quốc ca Liên Xô, sự trở lại của những hào khí cũ thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Nga trong việc phục hưng đất nước với tư cách là một cường quốc trên chính trường quốc tế. Sự vĩ đại của một quốc gia đòi hỏi sự tôn trọng rộng rãi, nhưng đáng tiếc là người Nga đã không nhìn thấy điều đó từ tập thể các nước phương Tây.

Trong Chiến lược Đối ngoại Nga năm 2016, Nga đã cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện chính sách thù địch với mình. Từ góc nhìn của Nga, các nước này đã từ chối thiết lập hệ thống an ninh tập thể trên toàn Châu Âu và cố gắng loại trừ Nga khỏi khu vực an ninh của họ. Hệ quả là đã làm dấy lên mối nghi ngại và sự mất lòng tin của giới tinh hoa Nga. Họ cho rằng phương Tây không sẵn sàng chấp nhận Nga là một thành viên bình đẳng trong gia đình các quốc gia Châu Âu. Sự bành trướng về hướng Đông của NATO đi liền với việc giảm thiểu số lượng các quốc gia vùng đệm trung lập được cho là đã vi phạm tàn bạo lợi ích cốt lõi của Nga, tạo ra mối đe dọa hiện hữu với khả năng tự vệ của nước này. Nỗi thất vọng vì sự kém hiệu quả của các tổ chức quốc tế trong việc duy trì lợi ích quốc gia, cùng với nguy cơ Ukraine và Georgia trở thành thành viên trong EU và NATO, khiến Nga lựa chọn biện pháp quân sự như một phương tiện hiệu quả duy nhất để đảm bảo an ninh của chính mình. Như chiến lược gia S. Karaganov, người đảm đương vai trò cố vấn cho các đời tổng thống Nga, khẳng định : "Nga cần phải phá vỡ các quy tắc bất công vốn được phương Tây cài đặt trong các mối quan hệ quốc tế".

John Mearsheimer, một trong những học giả hàng đầu của trường phái hiện thực chủ nghĩa, đã từng quy kết rằng khủng hoảng Ukraine nổ ra là do lỗi của phương Tây. Ông lập luận : "Các cường quốc luôn nhạy cảm với các mối đe dọa tiềm tiềm tàng gần không gian lãnh thổ của họ" ; vì thế "Putin và các cộng sự của mình đã phải suy nghĩ và hành động theo các quy luật của chủ nghĩa hiện thực, trong khi các đối tác phương Tây lại tôn trọng những lý tưởng tự do trong chính trị quốc tế". Từ quan điểm hiện thực, những gì Nga đang làm ở Ukraine không có mấy khác biệt so với những gì Mỹ đã làm ở Nam Tư, Afghanistan, Libya hay Iraq – bởi đó đều là cách các cường quốc bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia của mình. Họ có lý do để xem nhẹ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế.

Ngược lại, F. Fukuyama – một đại diện của trường phái tự do trong lý thuyết quan hệ quốc tế, lại xem Nga là chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng này. Ông tin rằng sự thất bại có khả năng xảy ra của Nga có thể mang lại một sự khai phóng mới và một nền dân chủ phổ quát cho thế giới. Trong mắt những người theo chủ nghĩa tự do, EU và NATO là những tổ chức quan trọng, kết hợp với bá quyền toàn cầu của Hoa Kỳ, cho phép họ thực hiện những thay đổi ở các khu vực phi phương Tây mà không cần tính toán đến lợi ích của kẻ khác. Vì những ý định của Nga hoàn toàn mâu thuẫn với phương Tây nên các hành vi của Nga luôn bị xem là mối đe dọa đối với trật tự do phương Tây lãnh đạo.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng Ukraine là một phần của sự dịch chuyển cán cân quyền lực trong hệ thống chính trị quốc tế hiện nay. Nga một mực coi các hành động của mình là cần thiết, đổ lỗi cho phương Tây đã không đếm xỉa đến các lợi ích quốc gia và đảm bảo an ninh của nước này. Trong khi đó, EU và NATO xem cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine là thách thức lớn nhất đối với sự thống trị của họ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những nỗ lực của Nga nhằm định hình lại trật tự toàn cầu được coi là không thể chấp nhận được. Do mâu thuẫn về bản sắc quốc gia, những ác cảm về các giá trị của nhau và tình trạng không tin tưởng lẫn nhau, tất cả đã biến Ukraine thành chiến trường địa chính trị chính giữa Nga và phương Tây vào lúc này. Chưa rõ khi nào mới có thể kết thúc, song xung đột ở Ukraine đã làm thay đổi tiến trình lịch sử thế giới, tạo ra xu thế mới trong quan hệ quốc tế. Như chuyên gia I. Timofeev, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC), phân tích : "Đối với một số quốc gia, xung đột này sẽ gây ra những thiệt hại đáng kể trong trung và ngắn hạn. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia khác, nó lại tạo ra những cơ hội để giúp họ gia tăng ảnh hưởng về lâu dài".

Gofman Artem & Đinh Hồng Giang

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/03/2022

Gofman Artem, Tiến sĩ Lịch sử, nghiên cứu viên Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Đinh Lê Hồng Giang, nghiên cứu sinh chính trị học tại Đại học Tổng hợp Sevastopol. Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

***************************

Khía cạnh luật pháp quốc tế trong việc Nga xâm lược Ukraine

Oona A. Hathaway, Nguyễn Thị Kim Phụng, Nghiên cứu quốc tế, 17/03/2022

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga là cuộc chiến tranh phi pháp trắng trợn nhất do một quốc gia có chủ quyền tiến hành chống lại một quốc gia có chủ quyền khác kể từ Thế chiến II. Hành động của Điện Kremlin rõ ràng đã vi phạm nghĩa vụ cốt lõi quy định trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cấm "sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào". Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây đã đe dọa rằng nếu người Ukraine tiếp tục phản kháng, họ sẽ "đưa tương lai địa vị nhà nước của Ukraine vào rủi ro". Cũng có rất nhiều bằng chứng theo thời gian thực tại Ukraine cho thấy quân đội Nga đang phạm tội ác chiến tranh trên khắp nước này – kể cả việc tấn công dân thường.

ngatrung2

Tòa án Công lý Quốc tế ở La Hay, tháng 3 năm 202

Những hành động vi phạm pháp luật khác thường này đã phải đối mặt với những biện pháp thực thi pháp luật đặc biệt không kém. Phản ứng được thảo luận rộng rãi nhất đối với cuộc chiến bất hợp pháp trắng trợn này là một loạt các biện pháp trừng phạt có phối hợp, chưa từng có tiền lệ, đến từ Mỹ, Châu Âu, và phần lớn các nước còn lại trên thế giới. Các lệnh trừng phạt đó đã được áp dụng, cụ thể và trực tiếp, nhằm đáp trả việc Nga vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Do đó, chúng gửi đi một thông điệp rõ ràng : cuộc xâm lược Ukraine là một mối đe dọa không chỉ đối với Ukraine, mà còn đối với trật tự luật pháp quốc tế. Bằng cách gia nhập nhóm thực thi trừng phạt, các quốc gia trên khắp thế giới đang làm rõ rằng họ cũng phản đối cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga và sự vi phạm luật pháp quốc tế mà nó đại diện.

Luật pháp quốc tế đương đại yêu cầu các quốc gia đáp lại các hành vi vi phạm không phải bằng chiến tranh, mà bằng điều mà tôi và Scott Shapiro gọi là "tẩy chay" (outcasting) – nghĩa là các biện pháp trừng phạt nhằm loại trừ quốc gia vi phạm luật pháp quốc tế khỏi các lợi ích của hợp tác toàn cầu. Trong trường hợp này, tẩy chay không chỉ liên quan đến các biện pháp trừng phạt kinh tế, mà còn gồm việc cấm các vận động viên Nga tham gia các sự kiện thể thao quốc tế, cấm máy bay Nga bay vào không phận Châu Âu và Mỹ, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận khán giả Châu Âu của các hãng truyền thông Nga.

Nhưng đó không phải là tất cả. Các thể chế luật pháp quốc tế vốn dĩ đang thoi thóp bỗng nhiên đã sống động trở lại do cuộc xâm lược bất hợp pháp này. Chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến bắt đầu, công tố viên trưởng tại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đã thông báo rằng ông đang mở một cuộc điều tra về những gì có thể là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người của Nga. Ukraine cũng đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) can thiệp vào cuộc xung đột. Thêm nữa, ngày càng có nhiều lời kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xem xét liệu đây có phải là một tội ác xâm lược hay không. Dù còn quá sớm để biết liệu có nỗ lực nào trong số này thành công hay không, nhưng phản ứng chưa từng có tiền lệ này vẫn có thể có tác dụng bất ngờ trong việc khôi phục và củng cố trật tự luật pháp quốc tế, theo những cách mà Putin không thể dự liệu. Trên thực tế, quyết định dựa vào luật pháp của Ukraine, bất chấp việc Nga dựa vào vũ lực thô bạo, đã giúp họ nâng cao ý nghĩa của cuộc đối đầu. Cuộc xung đột này không chỉ đơn giản là về tương lai của Ukraine, mà còn về tương lai của trật tự pháp lý toàn cầu như chúng ta đã biết.

Cuộc chiến đầy tội lỗi của Putin

Ngay khi cuộc xâm lược bắt đầu, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cố gắng thông qua một nghị quyết để lên án cuộc xâm lược của Nga, đồng thời yêu cầu rút các lực lượng Nga khỏi Ukraine, nhưng phía Nga đã phủ quyết. Tuy nhiên, cho đến nay, Liên Hiệp Quốc vẫn đóng vai trò là trung tâm của phản ứng pháp lý quốc tế đối với cuộc chiến. Nga có thể tiếp tục sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an, để ngăn cơ quan này thông qua bất kỳ hành động trừng phạt nào, nhưng việc cô lập Nga gần như hoàn toàn trong tổ chức này đã diễn ra nhanh chóng và triệt để. Ngay sau khi Nga chặn nghị quyết, Hội đồng Bảo an – áp dụng Nghị quyết Thống nhất vì Hòa bình, vốn lâu nay ít được viện dẫn, theo đó không cho phép phủ quyết – đã chuyển vấn đề này lên Đại Hội đồng, nơi mà ngay sau đó đã bỏ phiếu áp đảo yêu cầu Nga "rút tất cả các lực lượng quân sự của mình ngay lập tức, hoàn toàn, và vô điều kiện ra khỏi lãnh thổ Ukraine, theo các biên giới được quốc tế công nhận". Chỉ một số ít các quốc gia – gồm Belarus, Eritrea, Triều Tiên, và Syria – đã cùng Nga bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Các quốc gia khác mà Nga từng hy vọng sẽ ủng hộ mình, đáng chú ý nhất là Trung Quốc, thay vào đó, đã chọn bỏ phiếu trắng. Rõ ràng là Nga đang bị cô lập hơn bao giờ hết.

Các bánh răng của hệ thống tư pháp hình sự quốc tế cũng đã bắt đầu quay nhanh hơn. Ngày 28/02, chỉ 4 ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, Công tố viên ICC Karim Khan thông báo rằng ông đang tìm kiếm sự phê duyệt để mở một cuộc điều tra càng sớm càng tốt. Cả Nga và Ukraine đều không tham gia Quy chế Rome, văn bản thành lập và trao quyền tài phán cho ICC. Nhưng vào năm 2013, Ukraine đã chấp nhận thẩm quyền của Tòa ICC đối với các tội phạm bị cáo buộc xảy ra trên lãnh thổ của nước này. Tuy nhiên, Khan cho biết, quá trình xét duyệt sẽ được xúc tiến nhanh hơn, nếu một quốc gia thành viên ICC chuyển cuộc khủng hoảng Ukraine đến văn phòng của ông xem xét. Ngày 03/02, Khan thông báo rằng mình đã nhận được 39 yêu cầu từ các thành viên, và sẽ ngay lập tức tiến hành điều tra. Chưa bao giờ ICC lại phản ứng nhanh đến vậy trước sự bùng nổ của một cuộc xung đột. Thông báo này có nghĩa là các binh sĩ và các chỉ huy của họ ở cả hai bên, bao gồm cả chính Putin, có thể bị ICC truy tố vì tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, hoặc tội ác diệt chủng. Vì tội xâm lược chỉ có thể được ICC tuyên cho các quốc gia thành viên của Quy chế Rome, trong khi Nga không phải là một thành viên, nên đã có những lời kêu gọi thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử Nga vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp ở Ukraine.

Tương tự, Tòa án Công lý Quốc tế – cơ quan vẫn thường hành động chậm chạp – nay cũng đã bắt đầu các thủ tục tố tụng với tốc độ cực nhanh. Ngày 26/02, chỉ hai ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu, Ukraine đã nộp đơn lên ICJ, bắt đầu các thủ tục chống lại Nga. Đơn kiện của họ đã sử dụng chính những tuyên bố thái quá (và vô căn cứ) của Putin về tội ác diệt chủng của chính quyền Ukraine ở miền đông Ukraine để chống lại ông ta. Nga, với tư cách là một bên của Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng, đã đồng ý rằng ICJ là diễn đàn có thể giải quyết các cáo buộc về tội diệt chủng. Trong một hành động pháp lý đầy khôn ngoan, Ukraine đã sử dụng tiền đề này, và lập luận rằng tuyên bố của Putin cung cấp cơ sở cho ICJ ra phán quyết liệu có thực sự xảy ra bất kỳ vụ diệt chủng nào như vậy hay không. ICJ ngay lập tức lên lịch điều trần vào ngày 07/03, nhưng Nga đã vắng mặt.

Tại sao lần này tình hình lại khác ?

Theo tất cả các báo cáo, Putin không hề mong đợi một phản ứng toàn cầu mạnh mẽ mà cuộc xâm lược Ukraine đã gây ra như vậy. Đó cũng là điều dễ hiểu. Xét cho cùng, ở Ukraine, Putin đang dùng cùng một cuốn cẩm nang hủy diệt mà nhiều năm qua ông đã dùng ở Syria, nhưng không gặp phản ứng gì đáng kể. Và dù việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 cũng đã dẫn đến nhiều lệnh trừng phạt, chúng không thấm tháp gì so với cơn sóng thần kinh tế đang tấn công nước Nga ngày hôm nay.

Putin đã quên mất rằng cả Syria và Crimea đều không tạo ra một thách thức mở đối với nguyên tắc cốt lõi của trật tự luật pháp quốc tế – quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc về việc cấm sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào. Tại Syria, Putin đã hành động với sự đồng ý của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Kết quả là, hành động của ông ta, tuy khủng khiếp, nhưng không vi phạm điều khoản cấm sử dụng vũ lực của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó, việc sáp nhập Crimea đơn giản là diễn ra trong cảnh rối rắm và ít có đổ máu. "Những người đàn ông áo xanh lá nhỏ bé", những người mà Putin sau đó thừa nhận là binh sĩ Nga, đã đến bán đảo một cách bí mật. Chính phủ và người dân Crimea, nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đã đóng quân từ lâu đời, phần lớn ủng hộ việc ly khai lãnh thổ khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã gọi hành động sáp nhập bằng đúng bản chất của nó là thôn tính (annexation) – một sự vi phạm rõ ràng đối với Hiến chương Liên Hiệp Quốc – nhưng họ đã mất nhiều thời gian để nhận ra bản chất sự việc và chuẩn bị một kế hoạch trừng phạt. Đến lúc đó thì việc thôn tính đã trở thành chuyện đã rồi (fait accompli).

Nhưng lần này mọi chuyện đã khác. Không giống như ở Syria, giới lãnh đạo Ukraine không đồng ý với việc Nga sử dụng vũ lực. Thay vào đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lãnh đạo đất nước mình trong thời khắc phản kháng và định hình bản sắc dân tộc quan trọng nhất trong lịch sử gần đây. Ông đã biến Ukraine trở thành một biểu tượng của dân chủ và tự do trước sự tấn công dữ dội của Nga. Những người Ukraine bình thường đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống, bằng cách chiến đấu vì đất nước của họ, chống lại một trong những đội quân hùng mạnh và hung tợn nhất hành tinh. Và họ đã truyền cảm hứng cho thế giới, dù phải hứng chịu những tổn thất to lớn.

Trong khi đó, được hỗ trợ bởi thông tin tình báo theo thời gian thực từ Mỹ về ý định thực sự của Nga, cộng đồng toàn cầu đã chứng minh rằng mình đã học được bài học từ Crimea, và sẵn sàng trừng phạt Nga ngay từ khi nước này phát động xâm lược. Nhiều quốc gia ở Châu Âu coi số phận của họ gắn liền với số phận Ukraine. Và họ nhận ra, lúc này đây, hơn bao giờ hết, nền hòa bình hậu Thế chiến II đã trở nên mong manh như thế nào – và việc cấm sử dụng vũ lực quan trọng ra sao đối với tương lai an ninh của chính họ.

Đứng về phía lẽ phải

Rõ ràng, sẽ không có thể chế luật pháp quốc tế nào có thể ngăn chặn hoặc đảo ngược được cuộc xâm lược của Nga. Nhưng dù sao, chúng vẫn có quyền lực. Cùng với nhau, các thể chế này đang khiến Putin khó có thể "thả bùn" vào môi trường pháp lý và níu giữ bất kỳ đồng minh nào còn lại ủng hộ mình. Kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, nhà lãnh đạo Nga đã đưa ra nhiều tuyên bố vô căn cứ – rằng Ukraine đã có hành vi diệt chủng ở các tỉnh Luhansk và Donetsk của nước này, rằng các lệnh trừng phạt kinh tế về bản chất chính là một lời tuyên chiến, rằng Nga chỉ đơn giản là đáp lại yêu cầu xin được bảo vệ của người dân sinh sống ở các vùng "độc lập" của Ukraine. Nhưng căn cứ của các tuyên bố này đều đã bị suy yếu, do các bằng chứng về tội ác chiến tranh của quân Nga, cũng như phản ứng thống nhất của các thể chế luật pháp quốc tế là sẽ soi xét kỹ lưỡng các tuyên bố của Putin. Ukraine và các đồng minh gọi Putin là kẻ xuyên tạc. Và họ đang sử dụng các thể chế luật pháp quốc tế để chứng minh điều đó.

Ukraine và những người ủng hộ họ đã quyết định dựa vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các thể chế luật pháp quốc tế để chứng minh rằng hành động của Putin không chỉ đáng bị lên án về mặt đạo đức, mà còn là bất hợp pháp. Và quyết định đó đã giúp cô lập Putin. Điều này giúp giải thích tại sao chỉ có các quốc gia bị bài xích, hoàn toàn phụ thuộc vào Nga, mới bỏ phiếu ủng hộ nước này tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngay cả các quốc gia độc tài thường đứng về phía Nga cũng thấy lập trường pháp lý của Nga là không thể chấp nhận được. Hai trong số các luật sư của Nga, những người từng đại diện cho nước này tại ICJ trong các vụ việc liên quan đến Crimea, đã từ chức, công khai tuyên bố rằng họ "không thể trở thành đại diện trong các diễn đàn thực thi luật pháp cho một quốc gia vốn coi thường chính nền luật pháp ấy".

Dù có rất ít triển vọng Putin sẽ xuất hiện tại vành móng ngựa trong phòng xử án của ICC ở La Haye, và cũng rất ít khả năng Nga sẽ tuân theo quyết định của ICJ, nhưng luật pháp quốc tế vẫn là một trong những vũ khí mạnh mẽ nhất của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Luật pháp quốc tế đang giúp các quốc gia – vốn ít khi đồng ý với nhau trong nhiều vấn đề – có thể thống nhất cùng nhau chống lại cuộc xâm lược. Nó đã tập hợp một liên minh toàn cầu chưa từng có để phản đối sự can thiệp của Nga, và xây dựng một chương trình trừng phạt nhấn mạnh đến cái giá phải trả cho hành động xâm lược của Điện Kremlin. Nó cũng thúc đẩy những quốc gia kể trên hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc chuyển giao một lượng lớn vũ khí để nước này có thể phòng vệ. Luật pháp quốc tế sẽ giữ vững liên minh các quốc gia đa dạng này bằng cách chứng minh, hết lần này đến lần khác, rằng Putin không có lý lẽ chính đáng nào để có thể dựa vào.

Ngay cả trong trường hợp chính phủ Ukraine sụp đổ, hành động lên án thống nhất và kiên định về mặt pháp lý đối với cuộc xâm lược là điều cần thiết, không chỉ để duy trì hy vọng về một tương lai tự do và độc lập cho Ukraine, mà còn để duy trì một trật tự pháp lý quốc tế được thiết lập trên nguyên tắc "kẻ mạnh không phải luôn là kẻ đúng".

Oona A. Hathaway

Nguyên tác : International Law Goes to War in Ukraine Foreign Affairs, 15/03/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/03/2022

Oona A. Hathaway là Giáo sư Luật Quốc tế tại Trường Luật của Đại học Yale.

Additional Info

  • Author Gofman Artem & Đinh Hồng Giang, Oona A. Hathaway, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn

Lời giới thiệu : Dưới đây là bài phỏng vấn ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng, do Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) thực hiện, đăng trên trang mạng Huanqiu.com ngày 18/3/2022.

ngatrungquoc1

Ông Trịnh Vĩnh Niên (Zheng Yongnian), nhà nghiên cứu chính trị quốc tế nổi tiếng

Xung đột Nga-Ukraine có ảnh hưởng gì tới Châu Âu và thế giới ?

Hỏi : Ông cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ có thể chấm dứt với hình thức nào ? Là hai bên thoả hiệp hay là có thể mở cái "Hộp Pandora" dẫn đến một cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn, liên quan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ?

Đáp : Mặc dầu cho tới nay NATO luôn không muốn trực tiếp đối mặt với quân đội Nga nhưng chúng ta vẫn rất khó nói cuộc xung đột này chỉ là sự đọ sức giữa hai bên Nga và Ukraine. Cũng chính vì các nhân tố phức tạp phía sau ấy mà cho dù các bên đều kêu gọi ngừng bắn nhưng Nga, Ukraine đều chưa có dấu hiệu ngừng chiến.

Nhưng xét trên hiện thực, mục tiêu của Nga không phải là lấy cả Ukraine, lấy một quốc gia có diện tích lãnh thổ còn lớn hơn cả nước Đức đâu có dễ thế. Ukraine cũng hiểu rằng không có sự trực tiếp can dự của NATO thì Ukraine không thể giành thắng lợi. Nói về Châu Âu, dù họ đứng cùng Mỹ tiến hành trừng phạt kinh tế Nga, nhưng kiểu trừng phạt ấy đối với các nước như Đức, Pháp là kiểu "Diệt địch một nghìn, tự mình thiệt tám trăm".

Những điểm kể trên có thể trở thành động lực tiềm tại để các bên đạt được thoả hiệp, vấn đề là làm thế nào để phát huy được động lực tiềm tại đó. Nên biết rằng nếu một cuộc chiến tranh kiểu thông thường bị mất kiểm soát thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân loại nhỏ không phải là hoàn toàn không thể xảy ra. Một khi xuất hiện tình hình ấy, ngọn lửa chiến tranh sẽ lan ra khắp Châu Âu.

Hỏi : Sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, Đức tăng ngân sách quốc phòng, Phần Lan xuất hiện chuyển biến khá lớn trong trưng cầu dân ý về vấn đề có nên gia nhập NATO hay không… Ông cho rằng cuộc xung đột này sẽ thay đổi bản đồ địa chính trị Châu Âu như thế nào ? Điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đối với thế giới ?

Đáp : Dù rằng Châu Âu hiện nay đứng cùng Mỹ nhưng kiểu "đoàn kết" này rất yếu ớt. Nhìn từ góc độ lâu dài và lịch sử, tôi cho rằng Châu Âu đang ở vào tình trạng nguy hiểm, EU càng ở vào thời điểm rất mong manh.

Trước hết, nhiều nước đã bày tỏ ý muốn gia nhập NATO, Đức càng dự kiến tăng chi phí quân sự lên đến 2% GDP, điều đó có lẽ có nghĩa là một cuộc cạnh tranh quân sự sẽ tái diễn tại Châu Âu. Xét về ngắn hạn, do Nga – Ukraine xung đột mà các nước Châu Âu đều không có ý kiến phản đối [Đức làm] điều đó. Nhưng nhìn về lâu dài, một nước Đức tái quân sự hoá quyết không phải là điều mà nước Pháp vui lòng nhìn thấy. Địa chính trị nội bộ Châu Âu có thể đứng trước biến động lớn hơn.

Thứ hai, Châu Âu còn có thể đứng trước rủi ro phổ biến [vũ khí] hạt nhân. Việc Belarus sửa Hiến pháp, bãi bỏ địa vị quốc gia "không hạt nhân", liệu có thể phát sinh hiệu ứng Domino hay không ? Nếu như thật sự xảy ra tình hình cực đoan gọi là "sự tan rã của nước Nga", xuất hiện sự phổ biến vũ khí hạt nhân, thế thì Châu Âu sẽ đứng trước mối đe dọa hạt nhân vô cùng lớn. Sau Chiến tranh Lạnh, các học giả Mỹ như Huntington cho rằng Châu Âu và Mỹ dường như đã thành một khối, xung đột chỉ có thể xảy ra giữa các nền văn minh, nhưng tôi cho rằng quan điểm đó là sai lầm. Nhìn vào lịch sử, dù là Thế chiến I hoặc Thế chiến II đều xảy ra bên trong cùng một nền văn minh Châu Âu. Chưa chắc cuộc xung đột kịch liệt nội bộ nền văn minh Châu Âu sẽ lại không tái diễn.

Thứ nữa, việc tái quân sự hoá nước Đức có thể sẽ khích lệ Nhật một lần nữa xúc tiến sửa hiến pháp, tìm kiếm sự tái quân sự hoá. Nhiều khoá Chính phủ Nhật đã nêu ra kiến nghị tương tự, điều đó sẽ làm thay đổi bản đồ địa chính trị Châu Á. Tân Tổng thống Hàn Quốc cũng đề xuất vấn đề "Cùng hưởng hạt nhân" với Mỹ.

Có thể nói, nhìn từ góc độ địa chính trị và kinh tế lâu dài, cuộc xung đột Nga-Ukraine không có kẻ thắng, trừ nước Mỹ — một Châu Âu quá đoàn kết sẽ không cần nước Mỹ nữa, chính vì nội bộ Châu Âu có bất đổng nên địa vị lãnh đạo của Mỹ trong NATO mới có thể vững chắc hơn.

Quan điểm của tôi là, cho dù lần xung đột Nga-Ukraine này kết thúc với hình thức nào thì Châu Âu đều cần phải tiến hành một đợt tái suy nghĩ lớn về địa chính trị : Rốt cuộc công việc của Châu Âu sau đây nên để nước Mỹ chủ đạo hay để Châu Âu chủ đạo ? Rốt cuộc Châu Âu có năng lực độc lập xử lý những công việc có liên quan tới Nga hay không ? Chúng ta và bản thân Châu Âu đều không được coi nhẹ năng lượng của Châu Âu.

Còn có thể dùng logic tam giác lớn Trung Quốc – Mỹ – Nga để xem xét thế giới được không ?

Hỏi : Trong một bài báo đăng cách đây không lâu, ông viết cuộc xung đột Nga-Ukraine có thể ảnh hưởng tận gốc tới trật tự quốc tế của chúng ta. Hiện nay rất nhiều người quen dùng logic "tam giác lớn" Trung Quốc – Mỹ – Nga để xem xét trật tự quốc tế. Sau cuộc xung đột Nga -Ukraine, chúng ta có thể còn tiếp tục cách làm như vậy chăng ?

Đáp : Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Mỹ ngày càng coi nhẹ Nga, cho rằng Nga là một "kẻ gây rắc rối", mà Trung Quốc mới là kẻ cạnh tranh chủ yếu, thậm chí là kẻ địch. Bởi thế trong những năm qua Mỹ luôn lo xây dựng một "Tiểu NATO Châu Á" nhằm vào Trung Quốc, trọng điểm chiến lược của Mỹ ngày càng từ Châu Âu, Trung Đông dịch chuyển sang vùng Châu Á-Thái Bình dương. Tôi cho rằng xung đột Nga-Ukraine nổ ra sẽ không làm thay đổi phương hướng chiến lược tổng thể của Mỹ, nhưng nó làm cho tầng lớp tinh hoa Mỹ nhận thức được một hiện thực : trong những năm qua, Mỹ đã đánh giá thấp Nga.

Nhìn chung, trật tự quốc tế sau Thế chiến II đang ở trong quá trình nhanh chóng tan rã, rất nhiều nước đang tìm kiếm phạm vi thế lực địa chính trị của mình và mong muốn xây dựng một trật tự quốc tế có lợi cho mình, Nga chỉ là một trong số đó. Vì thế nếu lại dùng góc nhìn tam giác lớn Trung Quốc – Mỹ – Nga để xem xét thế giới ngày nay thì không đủ.

NATO chống lại "Tiểu Liên Xô" ?

Hỏi : Nhìn từ nguyên nhân nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, phải chăng sự mở rộng NATO đã đến giới hạn ?

Đáp : Sự mở rộng NATO sẽ không dừng lại. Khối quân sự khác khối kinh tế, đặc trưng của nó là có "Tính mở rộng vô hạn". Chúng ta có thể coi NATO là một đế quốc quân sự do Mỹ chủ đạo. Nếu ta dùng lý luận "Quyền lực tuyệt đối dẫn đến sự suy đồi tuyệt đối" của phương Tây để xem xét NATO thì thực ra NATO đã là ví dụ điển hình nhất của việc "Quyền lực tuyệt đối, suy đồi tuyệt đối" trong chính trị quốc tế. Sự mở rộng NATO tại Châu Âu bao giờ mới có thể dừng lại ? Hiện nay thì tuyệt đối sẽ chưa dừng, hoặc cho tới khi xuất hiện một khối quân sự khác có thể ngang ngửa với nó, hình thành một kiểu cân bằng, thì nó mới dừng lại.

Có một xu thế đáng cảnh tỉnh là NATO với tính chất một khối quân sự, chẳng những sẽ không dừng bước chân mở rộng nó tại Châu Âu mà có thể còn mở rộng tới Châu Á. Nói chính xác, mọi chuyện hiện nay Mỹ làm ở Châu Á đã chẳng khác gì chuyện năm xưa Mỹ tạo dựng NATO. Thực ra hình hài của "NATO phiên bản Châu Á" đã tồn tại. An ninh của Châu Á rất mong manh. Sở dĩ mâu thuẫn giữa Trung Quốc với "NATO phiên bản Châu Á" mà Mỹ mưu toan xây dựng còn chưa gấp rút nâng cấp, điều đó hoàn toàn là do Trung Quốc không muốn bắt chước Liên Xô trước đây đi xây dựng đoàn thể của mình. Sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, xu thế Châu Á trở thành trung tâm kinh tế thế giới sẽ ngày càng rõ rệt, sự can dự của Mỹ vào Châu Á cũng sẽ mở rộng hơn. Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác nên tổng kết và nghiêm chính đối phó –– cho dù Châu Á không có Ukraine, nhưng nhiều nước và lãnh thổ Châu Á đều có thể xuất hiện tình hình tương tự cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Hỏi : Có quan điểm cho rằng ý đồ của Nga là muốn xây dựng một "Liên Xô Nhỏ" với trung tâm là ba nước "Nga – Belarus – Ukraine", với các nước Trung Á làm vùng đệm. Ông bình luận thế nào về quan điểm đó ? Ý đồ chiến lược của Nga có thể thực hiện được hay không ? Phải chăng ý đồ ấy sẽ làm cho quốc lực Nga bị tổn hao quá sức ? Điều đó có ảnh hưởng gì tới Trung Quốc và thế giới ?

Đáp : Trong cuộc đối kháng với phương Tây, Nga rất khó bị hoàn toàn đánh bại. Là một nước lớn, cho dù thất bại thì thường là tạm thời. Chỉ cần Nga cảm thấy an ninh quốc gia bị đe doạ, chỉ cần còn tồn tại NATO thì Nga sẽ có ý đồ tái xây dựng một "Liên Xô Nhỏ" hoặc cơ chế an ninh tương tự. Dù chúng ta không muốn nhìn thấy màn kịch ấy xảy ra, nhưng nguyên nhân phía sau hành động ấy của Nga là hiện thực.

Logic chính trị quốc tế của phương Tây là thế này. Bắt đầu từ cổ Hy Lạp đã tồn tại sự đối kháng giữa hai khối [nguyên văn : tập đoàn]. Nga cũng là một phần của văn minh phương Tây. Trừ phi lần này Nga bị hoàn toàn đánh bại, nếu không Châu Âu thậm chí thế giới sẽ không thể tránh khỏi tình trạng lưỡng cực hoá. Một khi Nga-Mỹ lại hình thành tình thế tương tự Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc sẽ rất khó chọn đứng về bên nào, các nước như Ấn Độ cũng vậy. Điều đó sẽ là một tai nạn đối với toàn thế giới.

Gợi ý quan trọng đối với Trung Quốc từ cuộc xung đột Nga-Ukraine : Trung Quốc nên mở cửa hơn nữa !

Hỏi : Ông cho rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine lần này có những gợi ý nào đối với Trung Quốc ? Trở thành kẻ dàn xếp [nguyên văn : hiệp điều] trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với Trung Quốc mà nói rốt cuộc là rủi ro lớn hơn hay cơ hội lớn hơn ?

Đáp : Cuộc xung đột này đem lại gợi ý lớn đối với Trung Quốc. Sự khác nhau lớn nhất giữa Trung Quốc với Nga là Nga chỉ là một cường quốc quân sự, không có thực lực kinh tế lớn mạnh, còn Trung Quốc vừa có thực lực quân sự đủ để tự bảo vệ mình lại có thực lực kinh tế lớn mạnh và mối liên hệ kinh tế khăng khít với phương Tây. Đây cũng là lý do vì sao trong con mắt giới tinh hoa Mỹ, sự thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với Mỹ lớn hơn nhiều so với sự thách thức mà Nga tạo ra đối với Mỹ.

Thứ nhất, sự tồn tại dựa vào nhau về kinh tế không thể tuyệt đối tránh được nổ ra chiến tranh, nhưng có thể làm giảm mức độ ác liệt của chiến tranh. Nếu sự trừng phạt kinh tế mà Mỹ Âu tiến hành với Nga là "Giết địch một nghìn, mình mất năm trăm", thì việc trừng phạt Trung Quốc có nền kinh tế mở và lớn mạnh sẽ là "Giết địch một nghìn, mình mất một nghìn". Như vậy sự trừng phạt ấy sẽ rất khó bền vững. Đến lúc đó Trung Quốc cũng chẳng cần như Nga dùng đe dọa bằng vũ khí hạt nhân để bảo vệ lợi ích tự thân, nền kinh tế ràng buộc lẫn nhau đã làm cho phương Tây cảm thấy đau một cách thiết thực. Cho nên gợi ý thứ nhất của cuộc xung đột Nga-Ukraine đối với Trung Quốc là Trung Quốc nên mở cửa hơn nữa, các doanh nghiệp Trung Quốc phải khắc phục muôn vàn khó khăn, tiếp tục nỗ lực đi ra thế giới.

Thứ hai, Trung Quốc đã là một nước lớn trên thế giới, đối mặt với cuộc xung đột này là một phần trách nhiệm quốc tế nước lớn mà Trung Quốc thực thi. Chúng ta vừa không thể để cho phương Tây hoàn toàn trói Trung Quốc và Nga vào với nhau, lại cũng không thể để Mỹ "bắt cóc" Châu Âu —Trung Quốc và Châu Âu có lợi ích chung to lớn mà không có tranh chấp địa chính trị, sự bất đồng về ý thức hệ [nguyên văn : ý thức hình thái] giữa hai bên hoàn toàn có thể hàn gắn được. Cho dù sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, sự lo nghĩ về an ninh của Châu Âu trên mức độ nhất định sẽ áp đảo mối lo về kinh tế, nhưng Châu Âu vẫn như cũ, là đối tượng mà Trung Quốc có thể tranh thủ.

Thứ ba, cuộc xung đột này đòi hỏi chúng ta suy ngẫm xem Trung Quốc nên xử lý ra sao mối quan hệ giữa "mở cửa" với "an ninh" ? Tôi cho rằng an ninh mãi mãi là một khái niệm tương đối, không mở cửa mới là không an ninh nhất. Điều chúng ta nên làm là dưới trạng thái mở cửa, thăm dò tìm kiếm cơ chế an ninh của mình, chứ không phải vì cái gọi là an ninh tuyệt đối mà ngừng mở cửa với bên ngoài. Điều đó giống như trong thời kỳ bắt đầu mở cửa từng nói : Mở cửa thì tự nhiên sẽ có ruồi muỗi bay vào, nhưng chỉ cần bản thân ta thực hiện được sự lớn mạnh thì để cho muỗi cắn vài nốt cũng chẳng giết nổi người nào sất.

Trịnh Vĩnh Niên

Nguyên tác tiếng Hoa : 环球时报专访知名国际政治学者郑永年: 乌冲突对中国的启示——应更加开放, Thời báo Hoàn Cầu, 18/03/2022

Nguyễn Hải Hoành biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/03/2022

Additional Info

  • Author Trịnh Vĩnh Niên, Nguyễn Hải Hoành
Published in Diễn đàn

Ngày 24 tháng Hai năm 2022, Nga và Ukraine nổ ra chiến tranh chính thức. Cuộc chiến tranh mà báo Tuổi Trẻ cho rằng từ kết quả của 30 năm, chứ không phải một sớm một chiều như là sự bộc phát nóng nảy nhứt thời [1].

ngaukraine1

Thiết giáp Nga tập trận gần biên giới Ukraine tháng 12-2021 - Ảnh : SPUTNIK

Ngày 2 tháng Ba năm 2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tổ chức bỏ phiếu để tìm tiếng nói chung cho cuộc chiến, với 141/193 phiếu đồng thuận lên án Nga xâm lược Ukraine. Việt Nam cùng 34 quốc gia khác đã bỏ phiếu trắng [2].

Đa số người Việt Nam đứng cùng chiến tuyến với Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Một phần người Việt Nam ít hơn lại ủng hộ Nga. Phần vô cùng ít ỏi, chọn cách đưa tin trung dung, với nhiều căn cứ của cả hai phía Nga và Ukraine.

Dù chiếm số rất đông đảo, những người Việt ủng hộ Ukraine vẫn không an tâm bằng cách đưa mệnh đề khá kỳ quặc : Những ai ủng hộ Nga xâm lược Ukraine tức là ủng hộ Trung Quốc đang đe dọa Việt Nam với tình hình biên giới và Biển Đông căng thẳng. Một số người tại Hà Nội đã kêu gọi quyên góp tiền để trực tiếp tới trao cho Sứ quán Ukraine, cùng vô số hình ảnh quốc kỳ Ukraine được lấy làm avatar và với rất nhiều bài viết dài có, ngắn có, đều xoay quanh chủ đề chiến cuộc Nga - Ukraine và lồng trong đó mối lo sợ Trung Quốc dùng võ lực với Việt Nam, bằng cách "chớp thời cơ" hiện nay, thế giới đang quá bận tâm cho cuộc chiến này. Trong khi đó, phía sứ quán Ukraine cũng bày tỏ sự thất vọng [2] về lá phiếu trắng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cùng lời nhắn nhủ rất buồn khi nhìn Việt Nam là "quê hương thứ hai" của mình.

Trả lời phỏng vấn của BBC vào ngày 25/2/2022, bà Nataliya Zhynkina – Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam - cho biết [3] : "Tất nhiên, cuộc chiến đang xảy ra cách Hà Nội 8.000 km, và Việt Nam hiện giờ chỉ quan sát như một bộ phim kinh dị : các cuộc pháo kích và không kích vào các làng mạc và thị trấn của Ukraine, các quân đoàn xe tăng vượt qua biên giới của một quốc gia độc lập. Chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ đánh giá thẳng thắn và kiên quyết đây là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vốn luôn có lợi cho các nước nhỏ trong việc phản đối sự xâm phạm của các nước láng giềng hiếu chiến, cũng như chỉ đích danh kẻ xâm lược".

1. Chỉ quan sát như xem một bộ phim kinh dị : Một lời trách cứ dành cho những con người bạc bẽo trong những thân xác lạnh lẽo (nói về "tình"). Đây là lời trách cứ mang "tính đại diện" của một quốc gia. Nó hoàn toàn khác hẳn với hàng triệu lời trách cứ của một thường dân.

2. Đánh giá thẳng thắn và kiên quyết : Một yêu cầu "chính danh" và "chính đáng" dành cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với tư cách là một thành viên Liên Hiệp Quốc (nói về "lý"). Đây là "yêu cầu" mang "tính đại diện" của một quốc gia. Nó hoàn toàn khác hẳn với hàng triệu yêu cầu của một thường dân.

Ngoài ra bà Zhynkina nhắc khéo, luật pháp quốc tế vốn luôn có lợi cho các nước nhỏ, như thể nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam hãy nhớ mối hiểm họa trước Trung Quốc.

Tuy nhiên, lồng ghép cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vào hoàn cảnh của Việt Nam như ông Mạc Văn Trang trả lời đài RFA [4] : 

"Tôi tôn trọng các sự khác biệt ý kiến của mọi người, nhưng trong trường hợp này thì tôi không thể hiểu được. Bởi vì họ là người Việt Nam, trước sự đe dọa xâm lược của Trung Quốc như vậy mà họ lại không đồng cảm với nhân dân Ukraine, mà họ lại đi ủng hộ Putin xâm lược thì tôi không thể hiểu được cái đầu óc của họ u mê tăm tối đến nhường nào. Thực sự tôi không thể hiểu được có những người Việt Nam như vậy !", chỉ là phép ngụy biện mang tên "Mệnh Đề Rời Rạc". Bởi chiến cuộc Nga - Ukraine đã xảy ra, không hề liên quan gì đến mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam, vốn đã được nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam xác quyết trong Cương lĩnh đại hội đảng lần thứ Bảy về đối ngoại Việt Nam với chủ trương "Với chính sách đối ngoại rộng mở, chúng ta tuyên bố rằng : Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". 

Hơn nữa, ông Mạc Văn Trang dù rất nổi tiếng ở Việt Nam nhưng lời nói không mang tính đại diện cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do đó những lời nói như vậy, gây mất đoàn kết với những người ủng hộ nước Nga, như chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi rõ trong Cương lĩnh và Hiến pháp về "tinh thần đoàn kết dân tộc".

Trên mạng xã hội, trong những ngày qua, dư luận về chiến cuộc Nga - Ukraine, hầu hết đứng về phía Ukraine, lên án kịch liệt phía Nga. Dù có hàng triệu lời ủng hộ Ukraine ; dù có hàng chục triệu lời lên án Nga cũng không mang ý nghĩa lớn lao gì cho lắm. Tại sao ? Vì đó chỉ là ý kiến của thường dân, vốn không mang "tính đại diện" từ nhà nước.

Đó là lý do, cần nhắc lại phạm trù "Nhà nước – Công dân" mà lẽ ra Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thủ tướng và nội các Chánh phủ phải ý thức nhiều nhứt và trước nhứt cho "hình ảnh – danh dự - nhân phẩm" người Việt Nam, sao cho không bị thế giới coi thường.

Muốn ủng hộ Ukraine hay lên án Nga và ngược lại, trước hết và quan trọng nhứt : Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thay đổi Cương lĩnh đảng và hủy bỏ chánh sách Ba Không đã được quy định trong Luật Quốc Phòng. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bất khả thi. Đó cũng chính là thế bế tắc của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, trước cuộc chiến được gần hết các quốc gia ủng hộ Ukraine và Mỹ - NATO đang viện trợ dồi dào võ khí cho Tổng thống Zelensky đủ sức đương đầu với người tương nhiệm Putin.

Nga và Ukraine vẫn đang giao tranh và đang đàm phán. Dù chiến cuộc ngã ngũ như thế nào ; dù bên nào giành chiến thắng ; dù cả hai bắt tay giảng hòa với sự tương nhượng nào đó, thì nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cũng thất bại - Một thất bại về đối ngoại với tinh thần quan trọng nhứt : Việt Nam không phải là người bạn "có thủy có chung". Đó lại là hậu quả của chính sách "đu dây" - không tránh khỏi !

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 17/03/2022

Tham khảo :

[1] https://tuoitre.vn/30-nam-dan-den-xung-dot-nga-ukraine-20220224170349538...

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-60597042

[3] https://www.bbc.com/vietnamese/world-60523392?fbclid=IwAR0nyCxqRw0_RWL8Y...

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-intelligentsia-and-i...

Additional Info

  • Author Nguyễn Ngọc Già
Published in Diễn đàn

Chiến tranh Ukraine : Thủ đô Kiev tiếp tục bị dội bom

Anh Vũ, RFI, 15/03/2022

Hôm 15/03/2022, ngày thứ 20 của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, quân đội Nga khóa chặt vòng vây xung quanh Kiev, tiếp tục oanh kích vào nhiều khu phố trong thủ đô. Vòng đàm phán thứ 4 Nga – Ukraine, được nối lại hôm nay, không có nhiều hy vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

kiev1

Một chung cư bị Nga pháo kích tại thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 15/03/2022  via Reuters – State Emergency Service

Theo các phòng viên của RFI có mặt tại hiện trường, từ sáng sớm hôm nay, khoảng 5 giờ, giờ địa phương, nhiều tiếng nổ lớn được nghe thấy tại nhiều khu phố bên trong Kiev. Nhiều tòa nhà chung cư hơn chục tầng ở phía tây thủ đô đã bị trúng tên lửa của Nga. Theo lực lượng cứu hộ Ukraine, đã có ít nhất 2 người thiệt mạng. Trạm xe điện ngầm Lukianivska cũng đã bị trúng bom.

Một phóng viên của AFP cho biết sáng nay một tòa nhà 9 tầng ở phía tây bắc thành phố cũng đã bị tên lửa tàn phá. Trong khi đó, ở các vùng ven đô Kiev, giao tranh vẫn tiếp diễn khốc liệt.

Tại các thành phố khác ở phía tây bắc Ukraine, sáng hôm nay một hành lang di tản được thiết lập trong vòng 12 giờ cho 4 thành phố. Trong khi đó, ở phía nam, quân Nga vẫn chưa thể vào được thành phố cảng chiến lược Mariupol. Thành phố 400 nghìn dân này vẫn tiếp tục bị phong tỏa và oanh kích dữ dội. Bên trong thành phố những người dân còn kẹt lại và đang sống trong cảnh không điện nước, máy sưởi, lương thực, thực phẩm.

Hôm qua, Dmitri Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga, tuyên bố Kremlin không loại trừ khả năng sẽ "kiểm soát toàn bộ các thành phố lớn của Ukraine".

Hôm nay, vòng đàm phán thứ tư Kiev và Moskva dự kiến nối lại trong ngày, dưới hình thức qua video, theo thông báo của trưởng đoàn đàm phán Ukraine. Trước đó, hôm thứ Bẩy, tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã ghi nhận một cách tiếp cận mới "khác cơ bản" của Moskva trong đàm phán.

Đêm qua rạng sáng hôm nay, tổng thống Ukraine đã khẳng định qua một video trên trang Facebook của ông rằng người Nga "đã bắt đầu hiểu họ sẽ không đạt được gì bằng chiến tranh" và ông cũng tỏ chút lạc quan là các cuộc đàm phán sẽ có kết quả tốt hơn.

Anh Vũ

***********************

Ukraine lo ngại Nga tấn công nhà máy điện hạt nhân gần biên giới với Belarus

Phan Minh, RFI, 15/03/2022

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine là một trong những mục tiêu chính của điện Kremlin. Ở gần biên giới Belarus, Varash là nhà máy lớn thứ hai của Ukraine và ở đó, không khí ngày càng căng thẳng.

kiev2

Nhà máy điện hạt nhân Varash, Ukraine, cung cấp 12% sản lượng điện quốc gia. Ảnh chụp ngày 14/03/2022.  © Edouard Dropsy / RFI

Từ Varash, đặc phái viên Edouard Dropsy tường trình :

Tối thứ Sáu 11/03/2022, các nhà chức trách Ukraine đã cảnh báo về mối đe dọa về một cuộc đột kích của Belarus. Hiện tại, Alexander Lukashenko vẫn đang lưỡng lự trước sức ép từ Vladimir Putin. Nhưng đối với Pavlo Pavlyshyn, giám đốc nhà máy điện hạt nhân Varash, cách biên giới Belarus 80 km, hậu quả sẽ không thể cứu vãn.

Ông Pavlyshyn nói : "Những rủi ro ư ? Nói thế nào nhỉ ? Bạn đã bao giờ nghe nói về Chernobyl chưa ? Đó sẽ là một rủi ro tương tự".

Ở Varash, nơi có trụ sở Energeatom, chủ sở hữu nhà máy điện hạt nhân và là cơ quan có nhiều nhân viên nhất thành phố, còi cảnh báo vang lên ít nhất ba lần mỗi đêm. Người dân đang trong tình trạng báo động.

Ông Pavlyshyn nói thêm : "Tất nhiên là chúng tôi đã chuẩn bị cho những tình huống phức tạp nhất và cho mọi loại tình huống. Mọi người biết phải làm những gì và làm thế nào. Vì vậy, mọi thứ đều trong tầm kiểm soát".

Một thái độ lạc quan tạm thời đối với người phải bảo đảm an toàn cho hàng chục nghìn người ở miền bắc Ukraine.

Phan Minh

***********************

Chiến tranh Ukraine : Chiến sự gia tăng dữ dội xung quanh Kiev và nhiều thành phố khác

Minh Anh, RFI, 14/03/2022

Cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành hôm 14/03/2022, bước sang ngày thứ 19. Chiến sự vẫn diễn ra ác liệt xung quanh thủ đô Kiev. Theo AFP, vấp phải sự kháng cự bền bỉ của người dân Ukraine, quân Nga đã liên tục dội bom trong suốt ngày hôm qua tại nhiều mặt trận khác nhau. 

kiev3

Nhân viên cứu hộ đang tiếp cận một khu nhà ở bị Nga pháo kích, tại Kiev, Ukraine. Ảnh được công bố ngày 14/03/2022  via Reuters – State Emergency Service

Theo một cố vấn của tổng thống Volodymyr Zelensky, Kiev và các vùng phụ cận giờ trong "tình trạng bị vây hãm" do mật độ dội bom dày đặc của quân Nga. Thành phố cảng biển Mariupol, ở phía nam, bị vây hãm và oanh kích từ nhiều qua, không còn điện, nước, khí đốt và thực phẩm.

Tại vùng Biển Đen, theo như tuyên bố của bộ Quốc Phòng Anh, được Le Monde trích dẫn, hải quân Nga đã cho lập "một vòng phong tỏa từ xa nhằm cô lập Ukraine khỏi hệ thống giao thương hàng hải quốc tế". Còn ở Kharkiv, Soumy và Tchernihiv, đà tiến của quân Nga bị chậm lại do vấp phải nhiều "ổ kháng cự", theo như phân tích của Michel Goya, nhà sử học quân sự và cựu trung tá, trên mạng Twitter được Le Monde dẫn lại.

Một thành phố cảng biển khác là Mykolayiv, cuối tuần qua một lần nữa phải hứng những đợt mưa bom của không quân Nga, làm hơn một chục người chết. Bất chấp việc quân đội Nga cũng đang tiến gần, người dân thành phố này tổ chức kháng cự.

Từ thành phố cảng Mykolayiv, hai đặc phái viên đài RFI Clea Broadhurst và Jad El Khoury gởi về bài phóng sự :

"Người dân Mykolayiv giờ đã quen với những cuộc dội bom. Hệ thống phòng không ở đây vang lên mỗi ngày. Chủ Nhật rồi, bom đã rơi tại nhiều khu dân cư. George Reshetilov, phát ngôn viên quân sự thành phố giải thích :

"Suốt thời gian này, Mykolayiv vẫn trụ được, chúng tôi có hàng phòng ngự tốt. Và điều này sẽ được tiếp tục như thế. Chúng ta thấy rõ Nga tấn công ai, họ nhắm vào thường dân. Họ sợ giao tranh trực diện".

Căn cứ quân sự của Yaroslav, một binh sĩ Ukraine 20 tuổi, mấy ngày qua đã bị trúng phải tên lửa, anh kể thêm :

"Tôi thậm chí còn không có thời gian mang giầy, chỉ kịp lấy khẩu AK47. Tất cả những gì tôi nhớ được, đó là trườn và bò trên mặt đất. Cho đến lúc tôi chợt nhận ra rằng không còn mặt đất nữa và xung quanh tôi chỉ là những bức tường đang đổ. Tôi cảm thấy một tiếng nổ và chính lúc đó tôi nghe thấy những tiếng gào thét".

Tại thánh lễ ngắn ngủi do tình hình báo động chung, giáo dân cầu nguyện khi hôn lên tường giáo đường.

Một phụ nữ lớn tuổi chia sẻ : "Đây là một cuộc chiến giữa cái Ác và Thiện, giữa bóng tối và ánh sáng, và chúng ta phải tin tưởng đức Chúa Trời. Chúng tôi đau buồn cho cả Ukraine cũng như là nước Nga. Chúa nhìn thấy mọi thứ và Ngài quyết định. Chúng tôi muốn hòa bình, muốn có tình thương. Chúng tôi không muốn làm hại bất kỳ ai".

Binh sĩ và người dân Mykolayiv không lơ là cảnh giác. Thành phố hiện vẫn thuộc về họ !"

Minh Anh

Additional Info

  • Author Anh Vũ, Phan Minh, Minh Anh
Published in Quốc tế

Châu Âu bừng tỉnh về quân sự trước mối đe dọa từ Nga

Đã một tháng trôi qua kể từ khi Nga xâm lăng Ukraine, Le Monde, Le Figaro La Croix vẫn dành trang nhất cho chủ đề này. 

bungtinh1

Toàn cảnh phiên họp các bộ trưởng ngoại giao và Quốc Phòng Châu Âu tại Bruxelles, ngày 21/03/2022. AP - Olivier Matthys

Nhật báo Le Monde chạy tựa "Quân đội Nga bắn vào dân thường" nói về thành phố Mykolaiv bị bắn phá hàng ngày kể từ ngày 24/02 vừa qua, thành phố này đang phải chịu tổn thất nặng nề do các cuộc oanh kích không ngừng nghỉ của quân đội Nga. Vào ngày 19/03, tên lửa đã phá hủy một doanh trại quân đội ở phía bắc thành phố trước 6 giờ sáng. Cuộc tấn công này đã gây ra một cuộc tàn sát, vì từ 100 đến 200 binh sĩ Ukraine lúc đó đang ngủ trong doanh trại nói trên. Khoảng 50 binh sĩ đã thiệt mạng trong giấc ngủ, nhưng cả quân đội lẫn quan chức đều không đưa ra số nạn nhân cụ thể. 

Maxime Mischenko, 21 tuổi, phải trở về Mykolaiv, sau hai mươi ngày mắc kẹt tại ngôi làng của ông bà anh ở Novoolexandrivka. "Tôi cứ ngỡ rằng rời khỏi thành phố sẽ an toàn hơn". Thế nhưng quân đội Nga đã chiếm đóng ngôi làng của ông bà anh, phá hủy máy biến áp, cắt mạng điện thoại di động và cấm mọi di chuyển của thường dân. "Chúng tôi liên tục nghe tiếng súng nổ vào ban đêm và chúng tôi chỉ có thể ngủ vào ban ngày. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi quyết định quay trở về Mykolaiv, vì chúng tôi không còn đủ thức ăn cho năm người". 

Cùng chủ đề, nhật báo công giáo La Croix có bài viết về việc dường như quân đội Nga đang cố tình phá hủy những bệnh viện của Ukraine. Một số trung tâm y tế đã bị tấn công bởi các cuộc bắn phá của Nga. Tổ chức Y tế Thế giới đề cập đến một chiến lược có chủ ý của Moskva. 

Kể từ hôm Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào ngày 24/02, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận có 43 cuộc tấn công nhắm vào các dịch vụ y tế. Trong số đó, bệnh viện nhi và bệnh viện phụ sản của Mariupol bị ném bom vào ngày 09/03, khiến 3 người thiệt mạng, 17 người bị thương và những hình ảnh này đã được lan truyền ra khắp thế giới. 

Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, Michael Ryan tuyên bố hôm 16/03 rằng hệ thống y tế của Ukraine đã trở thành "mục tiêu của quân đội Nga". "Việc tấn công các cơ sở y tế đã trở thành một phần của chiến lược và chiến thuật chiến tranh. Điều này thực sự không thể chấp nhận được, vì nó trái với luật nhân đạo quốc tế. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều cuộc tấn công vào hệ thống y tế như thế ở bất kỳ đâu trên thế giới". 

Chiến thuật này làm mọi người gợi nhớ đến Syria nơi các lực lượng của Bashar al Assad và các đồng minh của ông, bao gồm cả Nga, đã bị các tổ chức phi chính phủ nhân quyền cáo buộc cố tình nhắm mục tiêu vào các bệnh viện. Vào tháng 7 năm 2016, tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Nhân quyền đã ghi nhận 373 vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng y tế của Syria khiến 750 nhân viên thiệt mạng. 

Châu Âu bừng tỉnh về quân sự trước mối đe dọa từ Nga 

Về chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết về sự buông thả của các nước Châu Âu trong việc phát triển quân sự. 

Đồng hồ báo thức đã đổ chuông cách đây vài năm, nhưng Châu Âu vẫn đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê khi bị kẹt giữa giấc mơ về "quyền tự chủ chiến lược" và đồng thời vẫn nương tựa vào một Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) đầy bất trắc. 

Trước thềm ba hội nghị thượng đỉnh NATO, G7 và Liên Hiệp Châu Âu (EU) diễn ra vào ngày mai tại Bruxelles, Châu Âu giờ đây không còn lựa chọn nào khác là phải có những phản ứng cụ thể. Cách đây vài hôm đô đốc Bléjean, tổng giám đốc ban tham mưu quân sự EU nói rằng : "Quốc phòng Châu Âu trong vài ngày qua đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong vòng 30 năm. Châu Âu đang đặt mình vào tình trạng báo động". 

Đã đến lúc tất cả các quốc gia Liên Âu phải tăng cường ngân sách quốc phòng. Hiện nay, mới chỉ có tám quốc gia trong khối dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng. Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhiều nước đã bắt đầu chú tâm hơn vào việc này, bắt đầu từ Đức. Ý cũng là một trong những nước tỏ ra lo lắng về việc quân đội bị tụt hậu. Với mức chi 1,41% GDP cho ngân sách quốc phòng, Ý rõ ràng là một trong những quốc gia hoạt động quân sự kém nhất trong Liên Hiệp. "Mối đe dọa từ Nga là động cơ để đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Chúng tôi có thể chọn làm điều đó ở cấp quốc gia hoặc cấp Châu Âu. Tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia sẽ chọn một cách tiếp cận chung", thủ tướng Ý Mario Draghi, tuyên bố hồi đầu tháng 3. 

Hoa Kỳ cũng sẽ phải xem xét lại về chiến lược của mình ở Châu Âu. 100.000 lính Mỹ hiện đang được đặt tại đây. Việc Washington duy trì quân đội ở Châu Âu trái với kế hoạch ban đầu của chính quyền Biden, vốn đang muốn rút quân dần dần khỏi lục địa này. Cuộc chiến ở Ukraine cũng là một thách thức đối với cả Hoa Kỳ chứ không phải của riêng Châu Âu. 

Nga bắt đầu thừa nhận về những thiệt hại nhân mạng ở Ukraine 

Nhật báo thiên tả Libération có bài viết về hàng chục phương tiện truyền thông của Nga đã bắt đầu loan tin về cái chết của các binh sĩ bất chấp sự kiểm duyệt về ngôn từ khi nói về "chiến dịch đặc biệt" đang diễn ra ở Ukraine. 

"Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga đã có 9.861 người thiệt mạng và 16.153 người bị thương trong chiến dịch đặc biệt ở Ukraine". Câu này được đăng trên trang báo Komsomolskaya Pravda, một tờ báo thân điện Kremlin của Nga, trước khi bị xóa sau vài phút. Con số này thực sự khác xa so với con số 498 trường hợp tử vong mà chính quyền Nga đã công bố cho đến nay. 

Sau khi vội vàng xóa đoạn văn nói trên, tờ báo đã nhanh chóng thông báo rằng trang web của mình đang bị "hack". Một lập luận không đáng tin lắm vì con số thiệt hại của Nga mà quân đội Ukraine đưa ra đã vượt quá 14.000 người chết. 

Sau gần một tháng chiến đấu ác liệt, cuối cùng quân đội Nga dường như đã bắt đầu rụt rè thừa nhận về những tổn thất của mình. 

Nga chặn Facebook và Instagram 

Tờ Le Monde có bài viết về việc Nga tiến thêm một bước trong cuộc chiến chống lại các mạng xã hội nước ngoài nhằm kiểm soát thông tin trong nước một cách toàn diện. Facebook và Instagram, hai trong số các mạng xã hội phổ biến nhất của Nga, đã bị một tòa án ở Moskva tuyên bố là "cực đoan" hôm 21/03 và hoạt động của chúng đã bị cấm ở nước này. 

Hai mạng này, cũng như Twitter, đã bị chặn sau khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Nền tảng chia sẻ video YouTube dường như cũng đang nằm trong tầm ngắm của điện Kremlin. Tuần trước, cơ quan quản lý viễn thông Roskomnadzor đã cáo buộc gã khổng lồ về tin học Google của Mỹ và YouTube có các hoạt động "mang tính khủng bố", và do đó, cũng có thể sẽ bị Nga chặn. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được thông qua vì tầm quan trọng của trang web này đối với nền kinh tế Nga cũng như đối với việc tuyên truyền thông tin do các phương tiện truyền thông Nhà nước kiểm soát. 

Quả thực, việc chặn Facebook và Instagram cũng là một vố đau đối với Nga. Cụ thể, Instagram với 62 triệu tài khoản được mở tại Nga, đã trở thành một công cụ giao tiếp và bán hàng của nhiều công ty và cá nhân. Việc Instagram bị chặn cũng đồng nghĩa với việc đình chỉ hoạt động của hàng chục công ty nước ngoài tại Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực công nghệ. 

Bruxelles đề ra chính sách cụ thể tiếp nhận người tị nạn Ukraine 

Về chủ đề này, nhật báo Les Echos có bài viết nói về việc ba tuần sau khi các bộ trưởng Nội Vụ 27 nước kích hoạt quy chế "Bảo vệ tạm thời", Ủy ban Châu Âu hôm nay 23/03 sẽ có thông báo trợ giúp các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu về việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ em và tìm công ăn việc làm cho người lớn tại Liên Âu. 

Ủy ban cũng đang tìm cách thúc đẩy các ngân hàng thương mại bảo đảm việc chuyển đổi tiền hryvnia của những người Ukraine đang bỏ trốn. Hiện tại, các ngân hàng thương mại không chấp nhận tiền mặt của Ukraine. Những người tị nạn đôi khi là nạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi. Ngoài ra thêm một vấn đề được đề cấp đến, đó là hóa đơn điện thoại cao cắt cổ mà người Ukraine phải chi trả. Ủy ban đang nghiên cứu khả năng cho phép họ hưởng lợi của quy chế Châu Âu về phí chuyển vùng. 

Margaritis Schinas, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách về Di cư tuyên bố : "Sẽ là một tín hiệu xấu đối với EU nếu Châu Âu đưa ra một khuôn khổ pháp lý rất nhanh chóng và sau đó không thực hiện như đã hứa". 

Quy chế "Bảo hộ tạm thời" trao cho người Ukraine quyền làm việc tại các nước EU và được hưởng hệ thống chăm sóc sức khỏe và trường học của nước sở tại. Các cơ quan truyền thông hôm nay tập trung chú ý vào trẻ em, những người chiếm gần một nửa trong số 3,5 triệu người tị nạn đã đến EU. Nhiều bé thậm chí đặt chân đến EU mà không có người đi kèm, do đó dễ bị bắt cóc và thậm chí là bị đem đi bán. 

Điều lý tưởng là trẻ nhỏ sẽ được đưa vào hệ thống giáo dục càng nhanh càng tốt thông qua các hệ thống trường học từ xa.

Nhiều người đã chạy khỏi Ukraine một cách vội vã, và trong lúc hoảng loạn đã không kịp mang theo bằng cấp của mình, nhưng các nước trong khối đã nhận được chỉ thị không gây khó dễ họ và phải công nhận giá trị bằng cấp của họ. Ủy ban cũng yêu cầu các quốc gia thành viên bảo đảm rằng họ phải nhận được mức lương và điều kiện làm việc như những người lao động bình thường. Ủy ban nhấn mạnh rằng những di dân có trình độ hoặc tay nghề cao phải được coi là chất xám của EU. 

Về vấn đề nhà ở, tình hình hiện tại không đáng lo lắm, vì nhiều người tị nạn đã có được sự giúp đỡ, tình đoàn kết của cộng đồng người Ukraine ở hải ngoại. Tuy nhiên, đây sẽ là một vấn đề nan giải nếu cuộc chiến kéo dài. 

Các quốc gia thành viên được khuyến khích sử dụng tất cả các chi phí cần thiết để đáp ứng tốt nhất nhu cầu thiết yếu những người tị nạn, sau đó liên hệ với Ủy ban để được bồi hoàn. 

Phan Minh

Additional Info

  • Author Phan Minh
Published in Quốc tế

Lính tình nguyện Mỹ gốc Việt trở về từ Ukraine : "Quá khủng khiếp"

Tuấn Khanh, RFA, 25/03/2022

Sau khi dành 13 giờ hành quân vào phần đất quân Nga vừa chiếm, để tìm thi thể của một người lính Gruzia đã thiệt mạng gần Irpin, Ukraine, cựu binh Lục quân Hoa Kỳ Hiếu Lê biết phần tham gia vào cuộc chiến này của anh cũng đã kết thúc.

Đó cũng là sứ mạng cuối cùng của Hiếu Lê. Anh đã xin ra khỏi quân đoàn tình nguyện quốc tế của Ukraine. "Nhóm những chiến binh cạnh tôi của tôi rất ủng hộ vì họ thấy tôi bị ảnh hưởng sâu sắc như thế nào khi hành trình mang thi thể của chiến binh ấy về", Hiếu Lê tâm sự với tờ Task & Purpose. "Về mặt thể chất, tôi cảm thấy ổn, nhưng tôi cảm thấy mình như có những vết thương vô hình trong tâm hồn".

tinhnguyen1

Những tình nguyện quân quốc tế tham gia chiến trận tại Ukraine - Ảnh minh họa 

 Anh Hiếu từng là lính thiết giáp M1 từ năm 2010 đến năm 2017, trong thời gian tại ngũ, anh được triển khai đến Afghanistan trong năm 2012. Trước đó, khi được báo Task & Purpose phỏng vấn về việc sống sót sau một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga vào căn cứ huấn luyện của mình, anh yêu cầu không nhắc tên mình, nhưng sau đó, Hiếu Lê đã thay đổi ý định, và cung cấp cả hình ảnh.

Vào một ngày thứ Hai 21 Tháng Ba, Hiếu Lê được đưa đến miền Tây Ukraine cùng với các đồng đội bị thương và các tình nguyện viên quốc tế cũng xin rời khởi vị trí tình nguyện như anh. Hiếu rời khỏi một cuộc chiến mà anh ấy chỉ mới tham gia gần hai tuần trước. "Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ khi phải rời đi sớm như vậy khi chỉ vừa đến nơi, nhưng bạn đã bao giờ thấy điều gì khủng khiếp và đau lòng đến mức mà bạn không nào thể tiếp tục được chưa ? Đối với tôi, điều để giải thích là như vậy", Hiếu nói.

Sự ra đi của Hiếu Lê đúng vào lúc đang có những cải cách trong quân đoàn quốc tế, vốn được thành lập nhằm cho phép người nước ngoài chiến đấu cùng chiến tuyến với Ukraine, chống lại quân Nga. Nhưng phóng viên Andrew Milburn của Task & Purpose có được nguồn tin riêng cho biết rằng Ukraine đã loại bớt những thanh viên ghi danh tình nguyện, nhưng lại chưa trải qua thực chiến và cũng không có khả năng ra mặt trận.

Hiện quân đội Ukraine đang tính toán lại về cách tuyển dụng người nước ngoà, ưu tiên cho các cựu chiến binh được đào tạo chuyên sâu, chẳng hạn như lính bắn tỉa, một sĩ quan Ukraine nói với Task & Purpose, với điều kiện giấu tên.

Rõ ràng là quá trình kiểm tra đối với quân đoàn quốc tế còn vội vã. Hiếu Lê cho biết anh đã nổi giận với những tình nguyện viên nói dối về khả năng chiến trường và cấp bậc của mình, chẳng hạn như từng là nhân viên điều phối chiến dịch đặc biệt, nhưng họ thiếu tính kỷ luật hoặc không có chút tính chuyên nghiệp nào.

Anh Hiếu viết trên facebook : "Những người như vậy cả ngày xài các chất kích thích, không ai biết được những loại ma túy mà họ đã buôn lậu vào vùng chiến sự. Về cơ bản họ làm bất cứ điều gì họ muốn và các sĩ quan quân đội Ukraine đành ngó lơ hoặc bất lực để ngăn chặn điều đó".

Hiếu Lê đến Ukraine hồi đầu tháng Ba, với ước muốn được sống như lý tưởng của mình bằng cách giúp một tay cho những người Ukraine. Thế rồi trong nhiệm vụ đi lấy lại thi thể của đồng đội đã ngã xuống là trải nghiệm quân sự khó khăn nhất, mà anh đối mặt. Sau đó, anh viết trên Facebook : "Chính nhiệm vụ đó đã làm tôi sụp đổ".

Nhóm của Hiếu Lê đã vác đầy mìn chống tăng và tên lửa chống thiết giáp, đi bộ một chặng đường dài 8 km để đến vị trí chiến đấu cuối cùng của người lính Gruzia, Hiếu kể lại trên Facebook. Trên đường đi, họ gặp phải những người có vẻ là lính Nga. Và những lính Nga này có vẻ không muốn chiến đấu, họ hô to 'Vinh quang cho Ukraine' để ra hiệu. Vì vậy hai bên đã vượt qua nhau mà không xảy ra sự cố nào.

Họ tìm thấy thi thể người lính và Hiếu Lê đã viết tên, số hộ chiếu và ngày chết của người đàn ông này lên một mảnh bìa cứng, rồi đặt cùng với thi thể. Sau đó, họ phải kéo thi thể trở lại theo các tuyến đường không có quân Nga.

Hiếu Lê viết trên Facebook. "Máu của anh ấy dính trên đồng phục của tôi, trong khi tôi Giữa chúng tôi là lặng thinh, nhưng cảm giác không thể giải thích được. Khi chúng tôi lên đồi đến đầu cầu, xe cứu thương gặp chúng tôi và chúng tôi cho anh ta vào một chiếc túi đựng xác, và đứng và chào chiếc xe cứu thương khi nó đi khuất". Hiếu Lê nói, khi nhiệm vụ kết thúc, anh khóc suốt 10 phút mới lấy lại bình tĩnh. Và anh nhận ra rằng phần tham dự của của mình ở Ukraine cũng đã kết thúc.

"Trong thời gian ở Ukraine, tôi đã sống sót qua các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, pháo kích liên tục, di chuyển qua lãnh thổ thù địch, lạnh đến thấu xương, bệnh tật, đói và nỗi thống khổ khi nhìn thấy chết chóc của chiến tranh", Hiếu Lê viết trên Facebook, "Tôi mệt mỏi tận xương. Tôi không chắc mình sẽ còn ở lại Ukraine bao lâu nữa, nhưng tôi cảm thấy rằng mình đã làm đủ vai trò của mình, và hài lòng vì điều đó".

Ngày 22 tháng Ba, Anh Hiếu Lê chính thức rời quân đoàn tình nguyện và đi về qua ngõ Ba Lan.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 25/03/2022 (tuankhanh's blog)

*********************

T căn bếp Colombia ti chiến trường Ukraine : câu chuyn ca mt cu binh M gc Vit

VOA, 15/03/2022

VOA tiếng Vit : Chào Hiếu. Tôi là phóng viên Đài Tiếng Nói Hoa K. Tôi có th phng vn anh được không ?

Hiếu Lê (cu chiến binh người M gc Viđang chiếđu chng Nga  Ukraine) : Được thôi, nhưng tôi sp phi di chuyn ti mđđim mi, và s tđin thoi vì lí do an toàn... Không chc là tôi có th dùng đin thoi khi ti nơi. Tôi phđi ngay đây.

VOA : Xin hãy bo trng.

...

colombie1

Hiếu Lê đang kim tra đn dược ti khu vc đóng quân trên đt Ukraine.Photo : Hieu Le (Facebook)

Sau nhiu gi ch đi, cui cùng chúng tôi cũng bt được liên lc li vi Hiếu, mt người M gc Vit ti Ukraine đ tham gia cuc kháng chiến chng quân Nga xâm lược. Cuc hành quân ca anh b hy vì lí do an ninh. Hiếu quay tr li nơi đóng quân ti thành ph Yavoriv, cũng chính là nơi đt căn c hun luyn tình nguyn viên nước ngoài chiến đu ti Ukraine. Nơi đây va hng chu mt đt không kích bng tên la hành trình ca Nga. Ít nht 35 người thit mng, theo báo cáo ca các quan chc đa phương.

Hiếu may mn sng sót.

"V mt th cht, tôi vn n, có đôi chút lo lng sau v đánh bom, nhưng vn rt quyết tâm". Hiếu chia s vi phóng viên VOA qua ng dng Signal.

Tên la ca Nga đánh trúng khu nhà kiên c ca trung tâm hun luyn. Lúc đó Hiếu và đng đi đang ng trong khu lu cách đó không xa. Nhng tiếng n ln khiến anh choàng tnh. Trước mt anh là khu nhà cháy ri.

"Tôi tng chiến đu Afghanistan. Nhưng đi mt vi tên la hành trình li là mt chuyn hoàn toàn khác".

colombie2

Trung tâm Quc tế dành cho Lc lượng Gi gìn Hòa bình và An ninh ti thành ph Yavoriv sau khi b Nga tn công bng tên la hành trình.

Khung cnh điêu tàn trước mt là li nhc nh đanh thép vi Hiếu, rng anh đang Ukraine, đi mt vi sc mnh quân s đng hàng th ba trên thế gii ca nước Nga hu Xô Viết, ch không phi là nhng phiến quân Taliban vi nhng khu AK cũ kỹ.

Phía Nga tuyên b đã tiêu dit 180 "lính đánh thuê" cùng mt lượng ln khí tài. Hiếu cho rng con s thương vong không cao đến như vy, nhưng anh cho biết nhiu tình nguyn viên nước ngoài không còn gi được quyết tâm như lúc đu.

Theo li ca Tng thng Ukraine Zelensky, đã có khong 16.000 người nước ngoài đăng kí tình nguyn chiến đu ti Ukraine, vài trăm trong s đó đã đt chân ti đây.

thi đim này, không khó đ các tình nguyn viên thay đi quyết đnh. Hiếu cho biết phía Ukraine ch mun gi li nhng người thc s mun chiến đu. Nhng ai mun rút lui ch cn giao np li vũ khí, xe buýt s đưa h quay tr li biên gii vi Ba Lan.

Hiếu thuc nhóm thiu s li.

"Tôi quyết tâm li vì nh ti lí do mà mình ti đây. Tôi tin đt nước này, và tôi mun giúp h chiến đu bo v quê hương".

Tay lính chiến và anh đu bếp

Sinh ra và ln lên ti San Francisco, trong mt gia đình Vit Nam sang M t nn cng sn sau khi Sài Gòn tht th năm 1975, ngay t khi vào cp 3, Hiếu Lê đã p ước mơ được chiến đu phng s đt nước Hoa K.

Hiếu sau đó tr thành mt người lính tăng, phc v trong Lc quân t năm 2010 ti năm 2017. Năm 2012, anh được điu sang Afghanistan chiến đu. Sau khi xut ngũ, Hiếu quay tr li Afghanistan vi tư cách nhà thu quân s chuyên v lĩnh vc tình báo tác chiến.

colombie3

Hiếu Lê khi đang phc v trong Lc quân Hoa K vi tư cánh lính tăng M1A2 Abrams

Năm 2020, Hiếu sang Colombia - mt quc gia Nam M, m mt nhà hàng đ Vit có tên District 1 ti thành ph Medellín.

Khi Nga tiến quân xâm lược Ukraine vào ngày 24/02/2022, Hiếu vn đang cm ci nu ph ti nhà hàng ca mình. Ngày 28/02, anh quyết đnh đin đơn đăng kí tình nguyn chiến đu cho quc gia Đông Âu xa xôi này.

"Lúc đu tôi cũng chng my đ tâm. Tôi nghĩ cũng ging như nhng gì din ra ti Afghanistan, th đô Kyiv s rơi vào tay quân Nga trong vòng 2 ngày". Hiếu nh li.

"Nhưng ba ngày sau, h vn tr li được, và khi nghe được nhng li phát biu ca [Tng thng Ukraine] Zelensky, rng ông y s li chiến đu, tôi mun mình phi làm mt điu gì đó đ giúp. Tôi nhìn thy li hiu triu tham gia đi quân tình nguyn người nước ngoài, và tôi coi đó là mt đim báo".

Hiếu sau đó bàn giao công vic ca tim ăn cho người qun lí, bay tr v M t bit gia đình.

"Gia đình tôi cũng quen vi vic tôi ra trn, ging như hai ln qua Afghanistan ca tôi trước đây".

colombie4

Hiếu Lê chia tay gia đình trước khi lên đường sang Ukraine chiến đu.

Thu xếp tt c nhng gì mà anh nghĩ cn thiết cho mt cuc chiến, Hiếu đáp máy bay sang Ba Lan, ri qua biên gii Ukraine, ti Trung tâm Quc tế dành cho Lc lượng Gìn gi Hòa bình và An ninh ti thành ph Yavoriv, nơi vào ngày 13/03 hng chu thit hi nghiêm trng sau đòn tn công bng tên la ca Nga.

Thèm mt bát ph

"Hi Medellin, Colombia, trưa nào tôi cũng làm 1 bát ph", Hiếu chia s trong tin nhn vi phóng viên ca VOA.

" đây thì đi anh nuôi ca Ukraine cũng đã c gng hết sc, nhưng dù sao thì nó vn ch là mt bếp ăn quân đi, có gì ăn ny thôi".

Hiếu cho biết sau cuc oanh tc ca Nga, đường đin ti khu vc đóng quân ca anh b ngt. Anh cùng đng đi phi nm trong nhng căn lu không có sưởi.

"Ngoài tri gi đang lnh dã man. Có cm giác như ch tm 8 đ C".

"May là tôi có chun b và mang theo túi ng. Nhng người khác không có mà dùng, đành phi đp chăn không. Có mt cu mi b h thân nhit hi hôm qua. Đng đi ca tôi vào rng ng c ri [vì s Nga li tn công - PV], tôi chp nhn mo him ng li trong lu ln đ trông đ đc cho c nhóm, đ h đ phi mang theo".

Căn lu ln có sc cha 20 người, tng là nơi sinh hot ca 23 lính tình nguyn nước ngoài. Sau v không kích ca Nga, ch còn 7 người li. 5 trong s đó là công dân M.

colombie5

Căn lu ln vi sc cha 20 người, nơi Hiếu Lê cùng đng đi ngh ngơi ti Trung tâm Quc tế dành cho Lc lượng Gìn gi Hòa bình và An ninh.

Anh nói tình nguyn viên ti đây có hai loi, nhng người có kinh nghim chiến đu thì s kí mt bn hp đng vi phía Ukraine khi ti nơi làm nhim v và có th được tr lương.

"Nhưng chng biết bao gi, và làm thế nào đ nhn được", Hiếu cho biết.

Còn lính mi thì s kí hp đng ngay, và được cp quân trang, vũ khí ri đưa đi hun luyn.

colombie6

Hiếu Lê chp hình vi trang phc tác chiến trên đt Ukraine.

Hôm 11/03, B Ngoi giao Hoa K khuyến cáo : "Các công dân M ti Ukraine- đc bit là vi mc đích đ chiến đu- s phi đi mt vi nhng mi nguy nghiêm trng, trong đó có vic b bt gi hoc giết chết. Chính ph Hoa K không có kh năng h tr sơ tán công dân M ra khi Ukraine, bao gm c nhng cá nhân ti Ukraine đ tham chiến. Phía Nga đã tuyên b s đi x vi binh lính nước ngoài ti Ukraine như lc lượng đánh thuê, ch không phi nhng chiến binh hp pháp, hay tù nhân chiến tranh".

Điu đó đng nghĩa vi vic nếu Hiếu không may b bt, Điu 3 ca Công ước Geneva v đi x nhân đo vi tù nhân chiến tranh s không được áp dng.

"Tôi đã đăng kí ghi danh chiến đu dưới danh nghĩa lính Ukraine, nên tôi nghĩ mình vn nm trong Công ước Geneva. Nhưng dù sao thì bn Nga cũng chng quan tâm đâu, chúng nó vn đang hàng ngày phm bao ti ác chiến tranh". Hiếu nói.

Cho ti thi đim hin ti, Hiếu vn chưa phi chiến đu trc din vi binh lính Nga.

"Nhưng s sm thôi". Anh nói "Mt khi ti Kyiv [th đô ca Ukraine- PV], s chng còn la chn nào khác".

"Tôi đã chun b mi th chu toàn, công vic gia đình và c ca tim. Tôi mà s b bn Nga giết, thì đã chng ti đây".

Đông Hải

Nguồn : VOA, 15/03/2022

Additional Info

  • Author Tuấn Khanh, Đông Hải
Published in Diễn đàn