Blogger Người Buôn Gió được về thăm mẹ sau khi mất tích trong chuyến về Việt Nam
RFA, 04/11/2024
Một blogger nổi tiếng tị nạn chính trị 12 năm tại Đức mất tích nhiều ngày khi về Việt Nam thăm mẹ già bệnh nặng và mới xuất hiện trở lại ở Hà Nội.
Ông Bùi Thanh Hiếu ngồi với mẹ hôm 3/11 ở Hà Nội - FB Oanh Kim Bùi
Ông Bùi Thanh Hiếu, sinh năm 1972, (hay còn gọi là blogger Người Buôn Gió) chuyên viết về chính trị nội bộ Việt Nam, từ Đức bay đến Bangkok sau đó bay về sân bay Nội Bài khoảng ngày 20/10.
Bạn bè của ông sau đó báo động lên mạng xã hội về việc ông mất tích, nghi là bị công an Hà Nội tạm giữ.
Ngày 3/11, Facebook Oanh Kim Bùi (chị gái của ông Hiếu) đăng tải một tấm ảnh trên Facebook cá nhân, cho thấy ông Hiếu đang ngồi cạnh mẹ già của mình.
Ngày 4/11, bà Oanh xác nhận với phóng viên Đài Á Châu Tự Do rằng ông Hiếu đang ở nhà của gia đình nhưng không nói gì thêm.
Trong cùng ngày, bà đăng tải các hình ảnh và video cho thấy ông Hiếu đang đi thăm họ hàng, bạn bè và hàng xóm cũ.
Trong một video ông xác nhận với người bạn của mình rằng :
"Vợ con về trước. Vợ con ra khỏi Việt Nam rồi người ta mới cho mình vào. Mình vào chỉ được ba hôm thôi".
Ông cho biết thêm "người ta bảo về được một lần rồi quay lại đấy (Đức-PV) nếu biết điều thì người ta xem xét cho", ám chỉ đến cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.
Phóng viên gọi điện thoại cho trực ban của cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an để hỏi thông tin về sự việc của ông Hiếu nhưng không thể kết nối.
Ông Lê Trung Khoa, chủ bút của trang Thoibao.de tại Đức cho RFA hay, ông biết ông Hiếu khi ông này từ Hà Nội được sang thành phố Weimar của Đức theo học bổng "nhà văn lưu vong" của Văn bút Đức (PEN Germany).
Ông Khoa, một nhà báo nổi tiếng sau vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin, cho biết thêm vài ngày trước ông đã làm văn bản báo sự việc ông Bùi Thanh Hiếu (công dân Đức) về Việt Nam mất tích cho Bộ Ngoại giao và cơ quan cảnh sát Đức do ông Hiếu từng có hợp đồng viết bài cộng tác với trang báo của ông.
Tuy nhiên, theo ông Khoa, chính quyền Đức chỉ xác nhận đã nhận được văn bản và không cho biết gì thêm.
Nguồn : RFA, 04/11/2024
****************************
Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu) đã bị an ninh Việt Nam câu lưu 11 ngày nay ?
Đặng Đình Mạnh, 01/11/2024
Trên trang mạng xã hội của ký giả Lê Trung Khoa (thoibao.de, Cộng hòa liên bang Đức) đã đăng tải nhiều bài viết về khả năng ông Bùi Thanh Hiếu, một người Việt định cư tại Đức nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu phi trường Nội Bài đã bị câu lưu suốt từ ngày 20/10/2024 cho đến nay.
Blogger Bùi Thanh Hiếu (thứ hai, bên phải) đến Đức định cư hồi năm 2013 theo sự vận động của một tổ chức nhân quyền quốc tế. (Hình : Thoibao.de)
Công chúng vốn không xa lạ với danh tính ông Bùi Thanh Hiếu, cho dù, họ vẫn quen với bút danh "Người Buôn Gió" mà ông đặt cho mình hơn. Vì lẽ, tuy không phải là một ký giả, thế nhưng, nhiều thông tin được cho là bí mật của chế độ được ông đưa công khai lên trang mạng xã hội vẫn thường được nhiều ký giả trong và ngoài nước dẫn tin lại, bởi mức độ chính xác đến từng milimet của những tin tức ấy.
Theo đó, có lẽ ông là một trong vài blogger thạo tin về Việt Nam nhất hiện nay, bên cạnh các tên tuổi khác như cô Lê Nguyễn Hương Trà (bút danh Cô Gái Đầu Long), hoặc ký giả Lê Trung Khoa (thoibao.de)... Đến mức độ, danh tính nhân sự lãnh đạo cấp cao trong Đảng cộng sản hoặc chính quyền được thăng chức hay bị hạ bệ thường được ông tiết lộ ngay trước cả khi các cuộc họp bầu bán về việc ấy chính thức nhóm họp.
Thế nên, công chúng vẫn thường đùa rằng ông Bùi Thanh Hiếu mới là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự của Đảng cộng sản chứ không phải là ông Nguyễn Phú Trọng.
Còn nhớ, năm 2016, chính ông là người trực tiếp đưa thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức nguyên từng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu quốc hội… đào thoát sang Đức xin tỵ nạn khi đang bị xem xét kỷ luật vì hàng loạt sai phạm liên quan đến tham nhũng.
Không chỉ đối với ông Trịnh Xuân Thanh, mà cả những người từng đào thoát khỏi Việt Nam vì phải đối diện với những rắc rối pháp lý trong nước như ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), ký giả Trương Duy Nhất, thậm chí cả Đường Văn Thái, người vừa bị chế độ gán cho hình phạt 12 năm tù giam cũng từng bị cho là có những mối liên hệ với ông Bùi Thanh Hiếu trước khi sa vào tay lực lượng an ninh Việt Nam.
Trước tin tức về chuyến đi nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 20/10/2024 rồi bị câu lưu cho đến nay, thì ông Bùi Thanh Hiếu cũng đã từng có chuyến nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 01/09/2024 để thăm gia đình. Khi ấy, lực lượng an ninh đã sớm trục xuất ông Bùi Thanh Hiếu trở ra phi trường về lại Đức.
Nhưng lần nhập cảnh thứ hai này, vẫn theo ký giả Lê Trung Khoa, được cho là kết quả từ sự gợi ý của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, khiến cho ông Bùi Thành Hiếu yên tâm về Việt Nam.
Xem xét sự việc về phương diện pháp lý, nếu việc ông Bùi Thanh Hiếu trở về lần thứ 2 là sự thật, thì khi bước chân vào lãnh thổ Việt Nam là ông ấy đã tự đặt mình vào sự khống chế tuyệt đối của lực lượng an ninh trong nước, bất kể ông ấy sử dụng hộ chiếu nào để làm thủ tục nhập cảnh. Thế nên, việc câu lưu ông Bùi Thanh Hiếu là động thái có thể đoán trước của lực lượng an ninh Việt Nam.
Ông Bùi Thành Hiếu có thể có song tịch, ngoài quốc tịch Việt Nam thì có thêm quốc tịch Đức. Nhưng nếu ông ấy đã có hành vi bị chế độ trong nước xem là tội phạm, thì việc nhập cảnh chẳng khác gì hành vi tự nộp mạng để chịu xử lý của cơ quan an ninh trong nước.
Dù ông Bùi Thành Hiếu có nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ chiếu Đức thì hậu quả vẫn không quá khác biệt. Khi bắt giữ, thì Tòa Đại Sứ quán Đức ở Hà Nội cũng sẽ được thông báo để thực hiện chức năng bảo vệ công dân Đức. Về điều này, khá nhiều người hiểu lầm rằng nếu ông Bùi Thanh Hiếu nhập cảnh bằng hộ chiếu Đức thì sẽ an toàn về phương diện pháp lý.
Để tham khảo thêm, theo Luật Quốc tịch hiện hành, thì khoảng 5,2 triệu người Việt đang sinh sống tại nước ngoài, hầu như đều còn quốc tịch Việt Nam. Ngoại trừ một số rất ít người đã từng làm thủ tục từ bỏ quốc tịch mà thôi.
Thế nên, cho dù số 5,2 triệu người Việt đã có song tịch, thêm quốc tịch tại quốc gia đang sinh sống như Hoa Kỳ, Canada, các quốc gia tại Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan… Kể cả người nước ngoài thuần túy mắt xanh, mũi lỏ, nếu vi phạm pháp luật Việt Nam thì đều phải chịu sự chế tài của tư pháp Việt Nam. Đó gọi là thẩm quyền lãnh thổ.
Ngoài ra, nếu muốn biết hành vi nào của ông Bùi Thành Hiếu có khả năng bị chế độ cộng sản trong nước cáo buộc, thì cứ nhìn bản án của chế độ kết tội ông Đường Văn Thái, với mức án lên đến 12 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh hình sự theo điều 117 "Tuyên truyền chống Nhà nước…" sẽ rõ.
Vì giữa chúng có khá nhiều điểm tương đồng với nhau : Cùng là blogger có số lượng người theo dõi đông đảo. Thường xuyên đưa tin bí mật, dạng "cung đình" ra công khai cho công chúng biết.
Chưa kể rằng, ông Bùi Thành Hiếu còn có khả năng bị cáo buộc thêm tội danh hình sự khác, là "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" với ít nhất 2 tình tiết định khung gồm "Có tổ chức" và "phạm tội nhiều lần" thuộc khoản 3, có hình phạt nặng nhất lên đến 15 năm tù giam.
Thế nhưng, nếu chỉ xét riêng trong phạm vi tội danh hình sự theo điều 117 về "Tuyên truyền chống Nhà nước…", thì dù bị câu lưu 1 giây cũng đủ tạo nên sự bất công.
Bởi lẽ, không có quốc gia văn minh vào trên thế giới cho rằng hành vi "Tuyên truyền chống Nhà nước" là tội phạm cả. Đối với họ, điều đó chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân mà thôi. Bổn phận của chính quyền là bảo vệ quyền tự do ngôn luận chứ không phải trừng phạt !
Nhưng cho dù đánh giá về pháp lý như thế nào đi nữa, những trường hợp như ông Bùi Thanh Hiếu, không phải lúc nào cũng bị giải quyết căn cứ vào pháp lý. Chưa kể, nếu so sánh thì cũng thấy rằng vị thế của ông Bùi Thanh Hiếu cũng rất khác biệt với vị thế của ông Đường Văn Thái.
Ông Bùi Thanh Hiếu có quốc tịch Đức và chính phủ Đức đang rất quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của chế độ cộng sản Việt Nam, nhất là chúng đã từng thể hiện qua vụ bắt cóc đầy tai tiếng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Bên cạnh đó, thông qua chuyến công du của ông Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đến Đức, chế độ cộng sản cũng đang bị cho là "vuốt ve" chính phủ Đức để cho dẫn độ đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người bị cáo buộc trong rất nhiều vụ án tham nhũng lớn trong nước. Từ đó, có thể sẽ có một kết cục tốt đẹp cho ông Bùi Thanh Hiếu chăng ?
Trong trường hợp này, việc câu lưu ông Bùi Thanh Hiếu trong nhiều ngày qua sẽ được ngụy trang dưới thủ tục vô pháp, nhưng đã từng có nhiều tiền lệ tại các cơ quan an ninh điều tra, là nghi can bị buộc ký "Đơn tự nguyện hợp tác điều tra", trong đó, nội dung đơn ghi rõ rằng họ tự nguyện ở lại cơ quan điều tra (?!)
Đó là góc nhìn tích cực về sự việc.
Trong một góc nhìn khác, có người đã trách, cho rằng ông Bùi Thanh Hiếu đã khinh suất khi quá tự tin vào bản thân và các mối quan hệ trong, ngoài nước. Nên có thể đã gặp nguy hiểm khi trở về Việt Nam lần này. Nếu góc nhìn tiêu cực này bị hiện thực hóa, rất có thể công chúng sẽ sớm nhận được thông tin khởi tố hình sự đối với ông Bùi Thanh Hiếu.
Dĩ nhiên, là bạn đọc của Blogger Người Buôn Gió (Bùi Thanh Hiếu), công chúng vẫn mong những thông tin bất ổn về ông ấy đang được đăng tải trên các trang mạng xã hội là nhầm lẫn. Nếu không thì thật đáng tiếc…
Đặng Đình Mạnh
Nguồn : facebook.com/manhdang, 01/11/2024
Chẳng cần phải thống kê số liệu để làm dẫn chứng, người thường nhất cũng biết cơn dịch Vũ Hán sẽ khiến cho kinh tế nhiều quốc gia lâm vào cảnh lao đao với những những nước mạnh, khốn đốn với những nước yếu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm 27/3/2020
Việt Nam tất nhiên là nước yếu, hiện nay con số người nhiễm dịch cúm Vũ Hán ngày càng tăng. Chính phủ đã phải ban hành những lệnh cấm khắt khe để ngăn chặn cơn dịch loang rộng. Điều tất nhiên là những lệnh cấm đoán đó ảnh hưởng trầm trọng đến sản xuất, lưu thông hàng hoá, ngành nghề dịch vụ.
Lệnh cấm là việc phải làm trong cơn dịch, nó khiến cho kinh tế suy thoái là cái giá phải trả. Không ai phàn nàn gì về lệnh cấm, ai cũng hiểu đó là việc bất đắc dĩ phải làm.
Chiều ngày 27 tháng 3 năm 2020, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc họp thường trực chính phủ để đưa ra đề nghị tổ chức một cuộc họp hội nghị toàn quốc vào ngày 31 tháng 3 năm 2020. Hội nghị toàn quốc này sẽ bàn đến 4 mục tiêu lớn. Trong đó việc phục hồi kinh tế sau dịch là trọng tâm, thứ đến là bảo đảm an ninh giữ vững chế độ phòng trường hợp xấu đói kém sinh ra loạn lạc..
Những việc thủ tướng Phúc đưa ra đều là những việc hiển nhiên, ai cũng thấy cần phải tính toán đối phó với hậu quả của cơn dịch và đưa ra cách đối phó, như gợi ý của ông Phúc là tìm thị trường mới trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài.
Ông Phúc nói thêm : bắt tay vào việc thì mới vực dậy nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn liên quan đến chúng ta phục hồi.
Trong hai tháng đầu năm 2020 nhập của Trung Quốc gần 10 tỷ USD và xuất sang Trung Quốc 5 tỷ USD.
Trái lại xuất sang Mỹ hơn 10 tỷ USD và còn đang dự định nhập thêm thiết bị, vật dụng y tế để chống dịch tại Mỹ. Việt Nam nhập lại từ Mỹ 2 tỷ USD.
Xuất sang Châu Âu 6,5 tỷ USD, nhập về 3 tỷ USD.
Như vậy lẽ ra Việt Nam phải mong muốn thị trường Mỹ, Âu hồi phục mạnh trở lại, để nền kinh tế Việt được ăn ké theo. Thế nhưng, Việt Nam rất bạc bẽo và vô ơn, trong cơn dịch hoành hành bởi virus từ Trung Quốc. Các cơ quan tuyên truyền của Việt Nam lại hả hê bày tỏ trước những con số thống kê thiệt hại của Mỹ, Âu. Thậm chí còn đi xa hơn thế là tuyên truyền theo hướng cơn dịch từ Trung Quốc truyền vào Việt Nam đã được khống chế, nhưng sở dĩ bùng phát là do các nguồn từ Âu, Mỹ mang về.
Việt Nam mong Âu, Mỹ thiệt hại để Trung Quốc trỗi dậy chăng ?
Cái này thật khó hiểu, nhưng nếu biết rằng Việt Nam là nước cộng sản cùng với Trung Quốc thì lại chẳng có gì khó hiểu.
Người Buôn Gió
Nguồn : Thoibao.de, 28/03/2020
Tin sét đánh ngang tai - Người Buôn Gió tạm rời khỏi giang hồ…
Mai Tú Ân, VNTB, 23/02/2020
Không hề báo trước mà chàng Người Buôn Gió bỗng nhiên tuyên bố sẽ tạm thời rời bỏ : "Chốn giang hồ hiểm ác" một thời gian chưa biết bao lâu.
Thôi rồi tay nắm tay lần cuối,
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau…
Vũ Hoàng Chương
Người Buôn Gió gửi lời chào tạm biệt đến các anh em chiến hữu luôn sát cánh bên anh trong những ngày tháng bi hùng từ ngõ Phất Lộc, Hà Nội Việt Nam cho đến nước Đức lạnh lẻo xa xôi.
Không hề báo trước mà chàng Người Buôn Gió bỗng nhiên tuyên bố sẽ tạm thời rời bỏ : "Chốn giang hồ hiểm ác" một thời gian chưa biết bao lâu. Anh cũng gửi lời chào tạm biệt đến các anh em chiến hữu luôn sát cánh bên anh trong những ngày tháng bi hùng từ ngõ Phất Lộc, Hà Nội Việt Nam cho đến nước Đức lạnh lẻo xa xôi. Mọi người xôn xao nháo nhác :
"Bỏ mẹ rồi, thằng Gió mà ngưng viết thì lề trái còn chó gì để đọc đây !"
Chẳng ai biết được nguyên nhân mô tê chi mà Người Buôn Gió đã phải rửa tay gác kiếm một thời gian như đã nói. Biết làm sao được vì là anh em bạn bè với Gió thì chúng tôi phải ủng hộ Gió vô điều kiện dù đúng hay sai của anh. Phải, dù đúng hay sai thì anh vẫn nhận được trọn vẹn tình cảm mến mộ anh từ những người bạn bè thân thiết với anh cho đến những người anh không hề biết mặt nhưng vẫn là những fans trung thành của anh.
Nhưng tại sao Gió lại quyết định tạm nghỉ một thời gian vào lúc này khi bài vở của anh từ lâu đã là món ăn tinh thần của bao nhiêu người. Những bài viết của anh thường thâm thuý, sâu cay và phang thẳng vào các kẻ đáng bị phang, những kẻ tham quan sâu dân mọt nước, mua bán quan chức luôn là đề tài mà anh thường viết và cũng là đề tài HOT nhất mà bạn đọc của anh chờ đón đọc nhiều nhất, hào hứng nhất. Ngay cả những ghi chép vớ vẩn hay những tâm sự buồn chán của một người nhớ quê hương, nhớ mẹ hiền của anh cũng được thiên hạ đón nhận ầm ầm với đủ thứ Chia sẻ, còm măng… bay như bươm bướm.
Đã từ lâu tôi cho rằng, Người Buôn Gió Bùi Thanh Hiếu là một hiện tượng được đóng triện vàng bảo đảm thương hiệu có một không hai trong số những người viết phản biện cả trong và ngoài nước. Là một người viết kỳ tài và với bất cứ đề tài nào anh tham gia thì đều để lại những dấu ấn không thể lẫn vào đâu được. Như một tiên ông râu tóc như cước anh viết như một người nhà trời hạ giới để dạy bảo chúng sinh. Rồi cũng có lúc anh như một tay giang hồ, hay một tay cướp núi vào thành, tay dao tay súng nhưng lại chỉ nói và làm dạy cho người dân những điều hay lẽ phải khi sống ở trên đời. Qua năm tháng thì anh vẫn là anh, vẫn là một tay viết cứng cựa khó ai sánh kịp và vẫn là một chàng trai xứ Bắc, giản dị và cực kỳ khiêm tốn. Đã có lần cách đây khoảng 4 - 5 năm tôi có giới thiệu một cuốn tiểu thuyết chương hồi của anh. Tên chuyện thì tôi quên mất rồi nhưng điều đáng nhớ nhất trong tiểu thuyết này là tính nhân văn cao cả, sự khoan dung với kẻ thù…Đó là tính cách của Gió.
Tôi với Gió cũng có lúc bằng mặt nhưng không bằng lòng nhưng rồi cũng qua thời gian thì anh em chúng tôi đã hiểu nhau và gạt bỏ đi những dị biệt to đùng để trở về với những tình cảm bạn bè, anh em như ngày xưa. Điều tôi thấy buồn cười là thiên hạ cứ lấy cái tính giang hồ ngày xưa của anh để làm đề tài châm biếm anh. Giang hồ gì mà bút lục các bài viết của anh lại tràn trề tính nhân văn, đầy áp tình người và thu hút kỷ lục người đọc lẫn người theo dõi như Gió đã làm được.
Mặc dù đã lâu không gặp nhưng qua các bài với cửa anh thì tôi vẫn khẳng định rằng Người Buôn Gió vẫn là một người viết kỳ tài thuộc bậc nhất hiện giờ. Không ai có được sức thu hút nhiều như anh, lượng fans lớn hơn anh. Trước không có, giờ không có và có lẽ tương lai cũng không có người qua mặt được anh. Đó là một sự thật mà người viết phản biện lề trái nên tự hào về anh.
Viết đến đây tôi mới nhớ rằng trong số những bài viết tạm thời chia tay, anh có viết sơ sơ về một áp lực nào đó đã nhắm vào mẹ của anh để ép buộc anh điều gì đó trái với lương tâm. Hiếu rất thương mẹ già, cụ đã 86 tuổi rồi và anh đã áy náy trăn trở rất nhiều. Nhưng là chuyện gì thì anh không nói, rán ôm vào lòng để chịu trận một mình.
Thật tiếc Hiếu đã không nói ra để cho những người yêu mến anh được biết. Tiếc rằng anh không nói ra để chính anh chứ không phải ai khác thấy được xung quanh anh có biết bao nhiêu người yêu mến anh, muốn làm bạn với anh để sẻ chia nỗi buồn vui với anh. Với tôi thì Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) là một con người và là một nhà báo chân chính nhất…
Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió). Chúng tôi luôn ở bên anh !
Mai Tú Ân
Nguồn : VNTB, 23/02/2020
********************
Chuyện Hiếu buôn gió
Hữu Minh, VNTB, 19/02/2020
Chưa bao giờ tiếp xúc với "Người buôn gió", "giang hồ", Bùi Thanh Hiếu. Nhưng biết Hiếu qua tự sách "Nói trong im lặng" (speaking in silence).
Sự thật tồn tại, các số phận sẽ nằm trong hồ sơ quản lý an ninh.
"Thành mở tủ lấy ra một bìa hồ sơ mới, nắn nót ghi tên hiệu hồ sơ…".
Hiếu bày tỏ với RFA một ý niệm trong veo, rằng đó là sự thật, là số phận đi ra từ trong thực tế tại Việt Nam.
Hiếu hồn nhiên đến độ, thổ lộ về khu vực mà hắn đã từng ở, cái khu vực "nhiều thành phần giang hồ, xã hội đen". Và thế là trong hoàn cảnh đó, hắn bị lôi kéo vào con đường phạm tội, "có lúc sống bằng nghề đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, cũng có lúc cờ bạc, thậm chí là trộm cắp".
Hiếu gió thật thà ? Không, chỉ là Hiếu gió không chối bỏ quá khứ của mình, và chỉ có điều đó mới khiến hắn sống tốt lên được trong tương lai. Hiếu gió ở góc độ nào đó giống Chí phèo, nhưng Chí phèo chết trong sự khát khao lương thiện, còn Hiếu gió, hắn vẫn sống và lan truyền thiện lương.
Hiếu gió qua Đức, nhưng hắn nhớ cái ngõ Phất Lộc (Hà Nội). Hắn nhớ gia đình, và có lẽ vì thế thỉnh thoảng trên Facebook hắn, lại xuất hiện những cảnh quê nhà, hắn trở thành "đầu bếp có tay nghề", cũng lẽ vì nỗi nhớ quê hương, gắn liền với những món ăn đặc Việt Nam.
Hiếu gió quân tử, và hắn ưa sự rành mạch. Nhiều lần chứng kiến Hiếu gió chửi bọn quan tham hại dân hại nước không một chút dung thứ. Nhưng Hiếu luôn dành một sự quan tâm, trân trọng với những mảnh đời, mảnh người mà hắn nghĩ cần sự quan tâm, không chút đắn đo.
Những chiếc khẩu trang được hắn gom ở Đức quốc gửi về Việt Nam, phát miễn phí cho những người mà hắn trìu mến gọi là đồng bào, bà con.
Nếu có sự tử tế, thì Hiếu gió xứng đáng được gọi tên. Ở Hiếu gió có sự rạch ròi, ngay thẳng, sòng phẳng, và cả lương tri. Những thứ vốn trở nên hiếm hoi trong chế độ hiện tại.
Ngày 17/02/2020, gia đình Hiếu gió bị lực lượng công an và nhân viên quản lý thị trường làm phiền. Chỉ vì theo hắn, "ai đó đã báo cáo lên cấp cao là mình có ý định hình thành tổ chức chính trị. Dẫn đến việc công an và quản lý thị trường đến nhà mình và hiện đang phong toả mọi thứ".
Nhưng khi phía công an và quản lý thị trường rút đi, Hiếu gió không quên chuyển khẩu trang, chai xịt sát khuẩn cho những người dân, đến những bà con vùng dịch. Và hắn cũng không quên "cảm ơn công an và quản lý thị trường không thu giữ gì".
Đó là sự rạch ròi, ngay thẳng, thật thà từ Hiếu gió.
Nhiều người phẫn nộ cách nhân viên công lực "quấy rối" nhà Hiếu gió, khiến u anh nhập viện. Nhưng cũng không quên bày tỏ sự khâm phục trước anh, về sự bình tĩnh, lời hứa. Một người quân tử trong một xã hội lắm phần đểu cáng.
Hiếu gió suy cho cùng là một người dân bình thường, thích viết và nói về sự thật. Quả thực, hắn là người yêu quê hương Việt Nam, thích uống trà mạn. Nhưng tại sao một người dân như thế, tử tế và yêu quê hương đến thế lại bị buộc ly hương ? Còn cay đắng nào hơn, khi để một người như thế phải nghĩ đến tình huống "Me mình có thể chết, anh em mình có thể bị đi tù, tài sản có thể bị lấy mất".
Dù Hiếu gió có "chấp nhận điều đen tối nhất, mẹ và anh em mình cũng chấp nhận" bởi theo anh, "Đất nước này còn khối gia đình bị thảm cảnh khủng khiếp, đâu phải chỉ nhà mình". Nhưng nếu tình huống đó xảy ra, sẽ có rất nhiều người lên tiếng với anh, đứng cạnh anh, để nói lên, phản đối cái phi lý, cái tàn bạo trong tình huống con người nêu trên.
Không phải ngẫu nhiên Hiếu gió được tôn trọng và thậm chí có những người vì anh sẵn sàng đứng ra bảo vệ. Đất nước này lắm giang hồ, nhiều ma cô, nhưng để có một Hiếu buôn gió là điều hiếm hoi.
Kẻ nào có đạo đức, lương tri, kẻ đó mới có thể viết được những lời văn và khiến người đời phải không ít lần ngả mũ.
Hắn viết về nhân vật Thành hồn nhiên giúp người giúp đời, rồi bị ghi vào hồ sơ an ninh, nhưng đang nói về vận số của chính hắn…
Hiếu gió không triết lý để tỏ ra mình là người tốt, nhưng ít ra hắn chưa bao giờ hại đồng bào. Hiếu gió không cần vẽ vời bản thân, nhưng hắn, bằng hành động chân thành của mình khiến người khác phải tôn trọng.
Hắn là người tốt, và người tốt bị ly hương. Việt Nam chưa bao giờ buồn đến thế !
Hữu Minh
Nguồn : VNTB, 19/02/2020
**********************
Người Buôn Gió, 08/02/2020
Dịch cúm Vũ Hán ít nhiều sẽ mang lại những sắc màu ảm đạm cho nền kinh tế Việt Nam. Với Trung Quốc việc bị ảnh hưởng là đương nhiên, và Việt Nam không thể ít nhiều không bị ảnh hưởng.
Nông sản dồn ứ ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) bắt đầu được thông quan, giải toả - Ảnh Hoàng Phan
Hàng nông sản của nông dân Việt Nam chủ yếu xuất qua Trung Quốc, mới chỉ hai tuần hậu quả đã thấy ngay là thanh long, dưa hấu chất đầy cửa khẩu và ở đồng ruộng Việt Nam. Không chỉ những thứ này mà sẽ còn nhiều cây trái khác cũng chung số phận, không phải ngày một, ngày hai sẽ khác như những lần khác. Lần này sẽ kéo dài khá lâu.
Những nhà máy, công xưởng, khu công nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một phần là lo ngại dịch cúm, phần nữa là nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc. Qua vụ dịch mới biết nguyên liệu làm khẩu trang đều nhập từ bên Trung Quốc, như thế có nghĩa nhiều nguồn vật liệu khác Việt Nam cũng nhập từ Trung Quốc đem về gia công.
Hai hôm nay mình đi ra chợ người Việt ở Berlin, bỗng nhiên thấy nhiều chỗ đậu xe, mọi khi mình phải tìm chỗ đậu khá vất vả, nay thì thoáng đãng hẳn lên. Để ý chút thấy người Việt ở nước ngoài đa phần làm những ngành nghề dịch vụ như ăn uống, móng , massage, tóc. Bây giờ đã thấp thoáng sự e ngại của khác Tây khi thấy người Châu Á. Quán sá người Việt đã vắng hơn, không biết vì tâm lý e ngại hay vì mới qua kỳ nghỉ tết Tây nên khách Tây chưa đến.
Mình đã cảm thấy thiệt hại đến với mình, mình có chút cổ phần ở mấy chỗ như móng, massage, tiệm ăn. Hai tuần qua khách đến ít hẳn, vẫn hy vọng đó là do kỳ nghỉ tết Tây người ta đi làm lại, chưa chú ý đến dịch vụ. Đấy chỉ là hy vọng như vậy !
Nhưng việc gửi đồ gia dụng về coi như đứt, các chuyến bay giá rẻ lòng vòng qua Trung Quốc rồi về Việt Nam không còn nữa, tuyến đường bay bị ít đi, bên vận chuyển nếu chuyển thẳng về Việt Nam tất sẽ tính tiền vận chuyển cao hơn, dự tính đến 20%. Đó là chưa nói đến việc hàng về , kinh tế suy thoái đi, ai còn thiết mua sắm đồ gì nữa.
Mình không rõ ở Việt Nam những ngành nghề dịch vụ có bị ảnh hưởng không, như du lịch, ăn uống, vui chơi sẽ chắc chẳng còn ai bụng dạ , khi mà trong lòng lo ngay ngáy. Đến trẻ em đi học, công nhân đi làm còn e dè, huống chi là đi vui chơi, giải trí.
Các chuyên gia nào đó họ cho rằng phải mất thời gian từ 6 đến 12 tháng để dứt điểm bệnh dịch này. Dư âm của nó sẽ kéo dài thêm nửa năm hay một năm nữa, mọi thứ mới trở lại bình thường. Đấy là mọi việc suôn sẻ, không có diễn tiến xấu hơn.
Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ phải làm hai động tác trái ngược nhau như bây giờ, một mặt họ rất tích cực để ngăn ngừa bệnh dịch cúm Vũ Hán làn tràn. Mặt khác họ phải giữ quan hệ không để mất lòng Trung Quốc quá, họ cũng vừa phải tuyên truyền nỗ lực để người dân phòng bệnh những cũng tuyên truyền bệnh dịch không đáng lo lắm, để giữ tâm lý không hoảng loạn trong dân chúng.
Nói về phòng bệnh, thực tế không dễ. Chẳng hạn công nhân có thể làm đeo khẩu trang, nhưng lúc ở nhà ăn tập thể, buộc phải bỏ khẩu trang ra ăn, lúc đó sẽ thế nào ? Chả lẽ mỗi người đến bê suất ăn của mình đi ra một góc nhà máy để ăn. Còn học sinh đi học cả ngày, lúc ngủ trưa, ăn trưa đeo khẩu trang thế nào cho tiện. Rồi chuyện phát hiện người bệnh để cách ly nữa, làm thế nào để phát hiện, phát hiện rồi đưa đi khám xét nghiệm có đủ nhân lực, tài lực hay không. Trong thời gian phát hiện ra thì người bệnh đã tiếp xúc với những ai, ở những nơi nào rồi.
Nếu phòng bệnh ngặt nghèo quá, ắt kinh tế không thể phát triển, phải dậm chân tại chỗ còn là may nếu như ngăn chặn được dịch bệnh.
Những dự án vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chắc chắn nhiều dự án sẽ bị cân nhắc do chủ đầu tư, cái này thì cũng không trách họ được. Ví dụ có ai định xây cái nhà máy, tuyển công nhân, họ phải thêm bài toán phòng dịch thế nào, đau đầu lắm chứ.
Mình chả nghĩ được hơn về những cái lớn, chỉ biết bây giờ là mình đã bị thiệt hại ảnh hưởng, các nguồn thu từ các tiệm dịch vụ bên này giảm, hàng hoá gia dụng về bị đội giá, mà cũng chả mấy ai thiết mua trong lúc này.
hẳng biết thời gian tới, mọi thứ sẽ đi đến đâu nữa.
À mà ai có xưởng may, có khả năng sản xuất khẩu trang thì liên hệ mình nhé. Mình đảm bảo nguồn vật tư cung cấp, cũng như đầu ra. Cái này nói nghiêm túc, làm hợp đồng nghiêm chỉnh. Bạn nào có sẵn nhà xưởng may mặc mà có khả năng thì liên hệ với mình.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 08/02/2020
Ngày 24/04/2016, khi xuất hiện cá chết dạt vào bờ biển miền Trung. Mọi nghi vấn đổ dồn vào Formosa và dư luận dấy lên sự bức xúc ngày càng gia tăng.
Ngay lúc ấy Nguyễn Phú Trọng đến thăm Formosa và khen ngợi tiến độ dự án nơi này.
Khi mà Thản Mường Thanh đứng trước nguy cơ bị khởi tố vì sai trái trong các dự án đất đai. Bất ngờ Nguyễn Phú Trọng đến nghỉ ở khách sạn Mường Thanh và đề tặng bài thơ khen ngợi chuỗi khách sạn Mường Thanh.
Và mới đây, khi vụ việc ở Đồng Tâm còn chưa khô vết máu, Nguyễn Phú Trọng trên cương vị chủ tịch nước cấp tốc ban tặng huân chương chiến công hạng nhất cho các chiến sĩ cảnh sát tử nạn ở Đồng Tâm.
Một cách xử lý mang thông điệp ngầm của bọn Maphia của tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đó là thông điệp "chỗ này tao bảo kê". Thông điệp ấy sẽ nhanh chóng được đám dư luận viên, báo chí tiếp nhận để liệu đường mà thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền theo ý của Trọng. Rất hiệu quả và đơn giản, không phải cần đến họp hành, phổ biến chỉ thị vừa mất thời gian vừa dễ lộ ra những văn bản chỉ đạo để người ta oán trách.
Cũng như thế, trong các diễn biến mà Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, Trọng xuất hiện và nói về công cuộc" đốt lò " mà y là tác giả. Thông điệp mang lại cho đám lâu nhâu ở dưới được hiểu là chủ trương của Trọng là tránh nhắc nhiều đến chuyện biển đảo mà hãy tập trung nêu bật việc "đốt lò".
Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa chỉ đạo các sở ngành thực hiện cuộc vận động "Cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực" - Ảnh minh họa
Nếu chúng ta theo dõi thật kỹ những hành động của Nguyễn Phú Trọng, sẽ thấy một điểm rất nổi bật là Trọng thường làm theo những gì mà Trung Quốc muốn. Ví dụ việc "đốt lò" Trọng sao chép nguyên bản theo Tập Cận Bình, việc né tránh nói thẳng về Biển Đông cũng theo ý muốn của Tập Cận Bình và ngay cả việc đàn áp nông dân, giáo dân, tu sĩ, linh mục cũng là cách thể hiện sự sắt đá cộng sản mà Tập muốn Việt Nam làm.
Trung Quốc cai trị dân chúng thế nào, Việt Nam sẽ theo như thế. Đó là cái gọi giao lưu học hỏi hay bồi dưỡng cán bộ, trao đổi đường lối quản lý... mà Trung Quốc thông qua hình thức đó ép buộc Việt Nam thực thi theo.
Khi Trần Đại Quang chết vì bệnh lạ, Trọng chuẩn bị sẵn cho mình từ trước đó việc tiếp quản chức chủ tịch nước. Y cho đám đàn em dọn đường bằng học thuyết "đức trị". Những bồi bút này lấy việc chống tham nhũng của Trọng ra làm tiêu chuẩn của "đức trị".
Từ năm 2012 Trọng liên tục ra những chỉ thị về tấm gương cán bộ như quy định 101 năm 2012, quy định 05 và 55/2016, quy định 25/2018. Tất cả các quy định đặt ra liên tiếp đến khi Trọng nắm toàn quyền lực thì thôi.
Đức trị của tiền nhân là yêu thương dân, đức trị mà Nguyễn Phú Trọng sáng chế ra quy định hoàn toàn không có điều ấy, tiêu chuẩn "đức" của Trọng là trung thành với chủ nghĩa xã hội, không bè phái, không tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng... hoàn toàn không có yếu tố nào nhắc đến cách đối xử với nhân dân như các tiền nhân xưa đã nêu trong đức trị.
Và một trong những tiêu chuẩn "đức trị" ấy được Trọng lấy làm căn cứ trao tặng huân chương chiến công hạng nhất cho những cảnh sát thiệt mạng ở Đồng Tâm.
Tiêu chuẩn "đã lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu phục vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Chiến đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội là bằng bạo lực khát máu như vậy ư ?
Chỉ đạo truyền thông tô vẽ đau thương của những cảnh sát thiệt mạng, kèm theo câu cuối của mỗi gia đình là tự hào về cha, chồng, con mình ư ?
Hỏi thật lòng những thân nhân của gia đình các cảnh sát thiệt mạng ở Đồng Tâm, rằng họ có muốn làm lại là cha, chồng, con họ được yên bình hay họ muốn cha, chồng, con họ giữa đêm vác súng, lựu đạn hơi cay, bộc phá tiến vào một ngôi làng, cô lập dân làng để vây quanh nhà một ông già 84 tuổi để bắt đi. Khi gọi không ra thì nã súng vào nhà phủ đầu, rồi xông vào như đột kích thần tốc. Để rồi chủ quan sa xuống rãnh giữa hai nhà mà tử nạn. Sau đó được chủ tịch nước, thủ tướng, bộ trưởng công an đến nhà thăm hỏi, trao tặng danh dự này nọ ?
Xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng hàng ngàn quân, trang bị đủ vũ khí cho một cuộc chiến, tấn công vào một ngôi làng giữa đêm khuya ư ?
Nửa đêm tiến quân như thế, rõ ràng muốn dùng bạo lực, lợi dụng đêm tối để người ta không quay phim ghi lại tội các, cắt điện, phá sóng internet để tiện việc dùng bạo lực. Chứ để thuyết phục ôn hòa thì hẳn đã ban ngày, ban mặt đến nói chuyện. Dân chúng có chửi bới, nhục mạ thì hai bên ghi hình lại để công luận thấy rõ ai ôn hòa, ai quá khích.
Chúng ta không phải đang sống ở một nhà nước dân chủ tiến bộ, cũng không phải ở một nhà nước pháp quyền chủ nghĩa xã hội. Chính xác chúng ta đang sống ở một chế độ độc tài quân chủ mà Nguyễn Phú Trọng là một ông vua. Một chế độ như thế nó sẽ được điều hành bằng mệnh lệnh của tên vua độc tài. Và mệnh lệnh nào của hắn cũng được đám bút nô tung hô là đúng đắn. Nếu trong sự việc nào đó hắn sắt máu, sẽ được tung hô là "pháp trị". Trong những việc nào hắn làm ngơ sẽ được tung hô là "đức trị".
Cứ ví dụ việc Trung Quốc xâm chiếm biển đảo Việt Nam, bắn giết ngư dân Việt Nam chúng nêu cao cái "đức trị " là phải kiên quyết giữ hòa bình, không dùng vũ lực chống trả, kiên trì đối thoại. Nhưng với nhân dân, chúng không hề đắn đo, chúng huy động quân lính, vũ khí giết người ngay lập tức trong đêm tối để dùng vũ lực đàn áp, lúc đó chúng nêu cao "pháp trị" như trừng trị bọn phản động, bọn chống đối, chúng bắn thẳng tay vào một ông già 84 tuổi giữa tim và đầu. Phát đạn bắn như thế không thể là trong lúc ông cụ ấy chống cự, mà nó được bắn ở một hoàn cảnh mà chúng hoàn toàn khống chế được tình hình.
Nếu dư luận chỉ chạy theo việc đẫm máu này ở những người cảnh sát và người dân Đồng Tâm ai đúng, ai sai thế nào trong những hành động đẫm máu đêm hôm ấy, thiết nghĩ sẽ còn nhiều vụ như thế sẽ xảy ra, nhiều cảnh sát còn được tặng thưởng huân chương danh giá cho gia đình tự hào và nhiều cụ già, trẻ em, phụ nữ, người nông dân mất đất và mất mạng.
Cần phải làm rõ chế độ này đang được điều hành thế nào, điều hành theo pháp luật, theo nhà nước pháp quyền hay điều hành theo mệnh lệnh của vài ba thằng trong Bộ Chính trị ?
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 12/01/2020
Ngày 8/10/2019 các đối tượng Hoàng Văn Thám và Nguyễn Văn Đại được Lý Đình Vũ thuê chở dầu thải đến nguồn nước sông Đà đổ trộm. Việc đổ trộm này đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân thủ đô.
Hoàng Văn Thám (trên, phải) và Nguyễn Văn Đại (dưới, phải) được Lý Đình Vũ (trái) thuê chở dầu thải đến nguồn nước sông Đà đổ trộm
Hơn 10 mét khối dầu thải được Đại và Thám đổ xuống suối Trầm, con suối này chảy xuống hồ Đầm Bài, nơi mà nhà máy nước sông Đà lấy nước cung cấp cho Hà Nội. Ngày 9 tại khu vực này có mưa lớn, dầu từ khe Trầm chảy sang khu Đầm Bài.
Một chuyên gia hàng đầu về nước sạch người Việt Nam nhận định rằng. Đây là một vụ chủ mưu phá hoại, có tính toán rất kỹ của những người chuyên môn. Nếu không có cơn mưa kia, thì lượng dầu thải chảy vào nguồn nước sông Đà không đáng kể. Kẻ chủ mưu đổ đã tính toán vị trí, thời điểm đổ để phát huy được tác hại và có thời gian rời khỏi địa điểm gây án.
Hà Nội phản ứng rất nhanh và nặng nề đối với nhà máy nước sông Đà, ông Nguyễn Đức Chung nói nhà máy nước sông Đà xây dựng ở tỉnh ngoài, là nhà máy không có hệ thống quan trắc. Ông Chung cho rằng nhà máy nước sông Đà sử dụng nước hồ Đầm Bài để giảm chi phí, bỏ được khâu xử lý bùn , giảm được giá thành sản xuất. Ông Chung cũng tuyên bố nước nhà máy này không bảo đảm cho người dân sinh hoạt.
Trước khi vụ đổ dầu xảy ra ít ngày, ông Chung dự lễ khánh thành nhà máy nước sông Đuống.
Ông Đỗ Văn Định giám đốc nhà máy phát biểu tại lễ khánh thành, trước sự có mặt của quan chức lãnh đạo Hà Nội rằng nếu thủ đô cần, nhà máy sẵn sàng cung cấp sản lượng nước nhiều hơn nữa.
Ông Đỗ Văn Định giám đốc nhà máy có quan hệ họ hàng với bà Đỗ Thị Kim Liên, chủ nhà máy. Cũng như ông Đỗ Tất Thắng người ruột thịt với bà Liên, ông Thắng bán ngay sau đó 34% cổ phần ở nhà máy nước này cho người Thái, thu về 2000 tỷ đồng.
Cái này hơi quái lạ ở chỗ là đến hơn 80% nguồn vốn của nhà máy nước sông Đuống là mượn của Viettinbank, tức là khoảng 4000 tỷ trong tổng số 5 nghìn tỷ. Anh em nhà bà Liên và một loạt 6 công ty khác góp được 1 nghìn tỷ, tức 20%.
Vậy sao ông Đỗ Tất Thắng em bà Liên lại bán được 34% cổ phần trong nhà máy nước này ? Nếu tính đồng đều góp vốn 100 tỷ cho 7 đơn vị, ông Thắng chỉ bỏ ra có hơn 140 tỷ VND. Chia ra ông ấy nắm đến 4% nhà máy này là cùng.
Còn ông Thắng bỏ ra cả 1 nghìn tỷ, ông ấy cũng chỉ có được 20%. Còn bà Đỗ Liên và 6 cái công ty kia chả bỏ ra đồng mẹ nào cả.
Oái ăm ở chỗ ông Đỗ Tất Thắng em bà Liên lại có 34% cổ phần bán cho nước ngoài thu về 2000 tỷ.
Nếu 34% là 2000 tỷ, thì 66% còn lại sẽ hơn 4 nghìn tỷ, vừa đủ trả vốn và lãi ngân hàng.
Như thế nhóm lợi ích nhà Đỗ Liên bỏ ra 1 nghìn tỷ thu về 2 nghìn tỷ trong vòng một thời gian rất ngắn.
Quay lại việc ai là thủ phạm đổ dầu thải xuống nhà máy nước sông Đà đúng thời điểm mà nhà máy nước sông Đuống vừa khai trương ?
Thủ phạm mấy thằng bị bắt rồi, nhưng chẳng ai biết động cơ tại sao chúng đổ dầu ở đó, khiến cho nhà máy sông Đuống có đầy cơ hội và bán được ngày 34% cổ phần thu lãi cho nhóm lợi ích ở đây 1000 tỷ đồng.
Hãy nhìn vào tài liệu này để thấy nghi vấn sau.
Nhà máy nước mặt sông Đuống có đối tác tư vấn là công ty cổ phần tư vấn Hà Minh, địa chỉ trên hợp đồng công ty Hà Minh này ở Liễu Giai. Nhưng thực tế địa chỉ này hầu như không thấy hoạt động nào khác, trong khi trụ sở chính của nó ở bên Gia Lâm. Đây là một công ty chuyên gia về xử lý chất thải, xử lý nguồn nước.
Liệu công ty Hà Minh có là tác giả của vụ đổ trộm dầu hay không, điều đó phụ thuộc vào cơ quan điều tra của bộ công an. Cái này rất khó vì cơ quan điều tra Bộ công an khẳng định công ty Hà Minh là thủ phạm chính, thì các lãnh đạo anh em ruột thịt như Đỗ Liên, Đỗ Thắng, Đỗ Định ở nhà máy nước sông Đuống chỉ còn nước dắt tay nhau vào tù.
Nhưng vấn đề ở chỗ Vietinbank tại sao cho nhóm lợi ích nhà họ Đỗ này vay vốn dễ dàng như vậy ? Đằng sau Viettinbank là ai ? Ai là người tác động cho nhà họ Đỗ vay tiền ?
Nếu các bạn biết thêm rằng, Viettinbank có mối quan hệ mật thiết với Bộ công an, có lẽ các bạn sẽ như tôi, chẳng hy vọng gì Bộ công an điều tra rõ hơn về mục đích của ba kẻ đổ trộm dầu. Những hình ảnh thản nhiên như không của ba kẻ này khi bị bộ công an bắt, cho thấy chúng đã được thông báo hài lòng về số phận của chúng.
Qua vụ đổ trộm dầu mà kết quả điều tra mờ ám kia, hiệu quả nó mang lại là nhóm lợi ích nhà Đỗ Liên bán ngày được 34% cổ phần, thu hồi vốn và lãi 1000 tỷ đồng.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 06/12/2019
Trung Nam Group là một tập đoàn thành lập từ năm 2004, đến năm 2008 tập đoàn này đã có những dự án hàng ngàn tỷ như dự án Đô thị văn hóa Đà Lạt trị giá 150 triệu USD, dự án Golden Hills trị giá 1,8 tỷ USD, dự án Tháp đôi cao nhất miền Trung trị giá 180 triệu USD…
Về dự án Golden Hills 1,8 tỷ USD mà Trung Nam được Đà Nẵng cấp cho 350 héc ta dự kiến khởi công năm 2011 rút cục chỉ là bãi đất trống với một phần nhỏ làm được phần thô hạ tầng.
Những dự án mà Trung Nam lấy được là do sự bảo trợ của phe cánh miền Trung đang lớn mạnh lúc ấy, đặc biệt là cặp Nguyễn Xuân Phúc - Nguyễn Bá Thanh. Trung Nam có quan hệ tốt với hai người này và ai trong số họ cũng muốn đưa một tập đoàn miền Trung trở thành lớn mạnh cùng với Novaland của Bùi Thành Nhơn.
Qua 6 năm nhận dự án tháp đôi, Trung Nam bán cổ phần dự án này cho người khác, họ đút tiền và hết trách nhiệm với những gì cam kết với khách hành lúc ban đầu và để lại cho khách hàng một bãi đất hoang với một nhà thầu khác. Đến nay bãi đất dự tính xây tòa tháp 48 tầng này là một bãi đậu xe.
Về dự án Golden Hills 1,8 tỷ USD mà Trung Nam được Đà Nẵng cấp cho 350 héc ta dự kiến khởi công năm 2011 rút cục chỉ là bãi đất trống với một phần nhỏ làm được phần thô hạ tầng. Năm 2017 Trung Nam nợ tiền thuế đất đến 300 tỷ, không có tiền trả. Bỗng nhiên một ngày họ trả sạch số tiền thuế nợ đất này, nguyên nhân là họ đã được công ty Thịnh Phát Hà Nội bơm 1.500 tỷ để hợp tác làm dự án. Đến nay Thịnh Phát Hà Nội quỳ rạp trước cửa Trung Nam xin tiến hành dự án, nhưng họ chỉ nhận được sự thờ ơ. Cay đắng nhưng biết làm gì, kêu ai khi mà đỡ cho Trung Nam là đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Lúc đầu thành lập, Trung Nam chuyên về thủy điện với sự đồng lõa của bà Thu, vợ ông Nguyễn Xuân Phúc và em bà Thu là ông Trần Công Tấn, họ thuận lợi xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, một số bán sang tay khi hoàn thành, thu bộn tiền. Sau đó họ mới nhảy vào bất động sản.
Đế giữa năm 2016, khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức chính thức tại quốc hội ít ngày. Trung Nam đã nhận được hợp đồng chống ngập tại thành phố Hồ Chí Minh trị giá 10 ngàn tỷ. Thủ tướng cam áp dụng cơ chế đặc thù để thành phố Hồ Chí Minh thanh toán cho Trung Nam bằng quỹ đất. Đây là dự án được chính phủ hỗ trợ cấp vốn, hưởng lãi suất 2% một năm, ân hạn 3 năm không phải trả lãi.
Dự án này chỉ định đùng thép của các nước G7, nhưng Trung Nam điềm nhiên nhập thép Trung Quốc về làm để giảm giá thành. Thành phố Hồ Chí Minh lúc ấy dưới quyền bí thư Đinh La Thăng đã thấy sai phạm không thể chấp nhận, đã chọn nhà tư vấn giám sát khác để giám sát Trung Nam thi công. Dự án bị đình trệ nhiều lý do, nhưng các ông trùm sau lưng Trung Nam quy kết rằng Đinh La Thăng chủ mưu cản trở. Số phận Đinh La Thăng trớ trêu thay lại chuốc thêm kẻ thù, khiến những lá phiếu quyết định kỷ luật Thăng có nhiều thêm trong bộ chính trị.
Năm 2018, kiểm toán nhà nước gửi cho bộ sậu lãnh đạo mới ở thành phố Hồ Chí Minh do bí thư Nguyễn Thiện Nhân cầm đầu, nội dung chỉ ra nhiều sai phạm của Trung Nam trong dự án chống ngập như tự ý thay đổi thiết kế, sử dụng vật liệu không đúng , áp dụng sai đơn giá và việc thành phố Hồ Chí Minh thanh toán khi mà Trung Nam chưa làm xong như giao kết.
Khi ông Nguyễn Phú Trọng thay thế ông Trần Đại Quang trong vai chủ tịch nước, nội dung kiểm toán này chẳng còn được ai để ý nữa.
Những nhân viên của công ty giám sát (công ty mà Đinh La Thăng chọn trước đó giám sát dự án) bị xã hội đen đe doạ giết chết, lãnh đạo Trung Nam cũng đe dọa lãnh đạo công ty giám sát Meinhardt. Ngay đó lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đã mượn việc công ty Meinhardt còn nợ thuế để thu hồi giấy phép hoạt động của công ty giám sát này.
Ngày 17 tháng 7 năm 2019, thành phố Hồ Chí Minh bị một cơn mưa và cả thành phố trở thành hỗn loạn giao thông vì nước ngập dâng nhiều nơi, nước còn vượt quá chiều cao của bánh xe tải.
10 ngàn tỷ chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh do Trung Nam đảm nhận kết cục như vậy.
Trung Nam là maphia mới có cách làm ăn kiểu trắng trợn, không đủ năng lực nhưng nhờ những thế lực chính trị đỡ đầu đi cướp các dự án béo bở, được ưu đãi vốn, được ưu đãi đất... và những ai chống nó đều bị bỏ tù, bị chết, bị tước giấy phép. Còn những khách hàng của Trung Nam thì ngậm đắng cầu xin Trung Nam thương tình.
Thế nhưng từng ấy những thứ Trung Nam làm báo hại cho người khác chưa đủ. Tới đây Trung Nam tiếp tục đứng ra nhận thầu xây cao tốc Bắc Nam.
Thưa tổng bí thư, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tại sao những kẻ tàn phá như Trung Nam lại được nhiều ưu đãi đến vậy, trong khi doanh nghiệp khác sai phạm bằng nhỏ hơn trăm lần Trung Nam lại được đốt lò nhanh chóng.
Liệu có sự sắp đặt, thoả thuận gì giữa các phe phái lợi ích trong Bộ chính trị đằng sau công ty Trung Nam ? Liệu phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng không thể đảm đương vai trò chủ tịch nước, vì thế những công việc về nhà nước đã bị bỏ mặc, chẳng hạn như sai phạm của Trung Nam đã được kiểm toán nhà nước vạch ra, giờ không ai làm tiếp.
Xin ông hãy để cho người dân tin rằng, ông là người đủ năng lực đảm nhận chức vụ chủ tịch nước, chứ không phải "trường hợp bất đắc dĩ một người làm hai việc".
Người Buôn Gió
Nguồn : nguouibuongio1972, 25/11/2019
Trả lời báo chí về việc Chùa Hương gửi 20 tỷ đồng tiền lẻ vào ngân hàng, trụ trì Thích Minh Hiền nói rằng mình bị oan, đó là tiền của người dân mang gửi chứ không phải của chùa.
Thượng tọa Thích Minh Hiền khai mạc Lễ hội Chùa Hương 2019
Đại Đức Minh Hiền nói :
"Thông tin này chỉ chính xác một nửa. Bởi đó là tiền của toàn bộ ba tháng lễ hội được người dân khu vực Hương Sơn nộp về các ngân hàng, chứ không phải là tiền riêng của nhà chùa như báo chí hiểu lầm".
Không có cơ quan điều tra nào đi xác minh Minh Hiền nói đúng hay sai, sự việc được bỏ qua bởi Thích Minh Hiền có những quan hệ tầm bộ chính trị, thành ủy Hà Nội là cơ quan đỡ đầu cho Chùa Hương, nơi có nguồn thu lớn đến hàng trăm tỷ mỗi năm.
Hãy nghĩ xem số tiền lẻ trị giá 20 tỷ mà mệnh giá từ 500 đến 1000 đồng kia là của ai ? Nó chứa trong 1.200 bao tải, phải chở bao nhiêu xe ô tô đến ngân hàng ?
Dân nào có số tiền lẻ đó ?
Chúng ta hãy hình dung về nguồn gốc số tiền lẻ này.
Đầu tiên nó nằm ở ngoài chùa, trên những sạp hàng của người dân. Những người đi lễ đến mua tiền lẻ, ví dụ bỏ 120 nghìn thì lấy được 100 nghìn tiền lẻ. Tiền lẻ ấy được sắp trên mâm lễ, được díu vào những khe trên bàn thờ, chân tượng Phật.
Sau đó nhà chùa cho người đi thu gom lại, mang về một căn nhà rộng gọi là nhà tiền, ở đây các loại chúng sinh làm công đức hì hục phân loại, sắp xếp thành từng bó. Số tiền ấy lại được quay ra đến các cửa hàng bên ngoài với giá sang ngang 100 nghìn ăn 100 nghìn.
Như thế để mọi người sẽ hiểu, số tiền 20 tỷ tiền lẻ kia nó đã được quay vòng nhiều lần, đến khi tan mùa lễ hộị thì nó được gửi vào ngân hàng để đợi đến mùa sau. Mỗi lần quay vòng như thế nhà chùa ăn trọn 20 tỷ. Nói đơn giản như ta có một cái bát, người ta cúng cho ta, ta bán ra ngoài cho người khác mua, họ lại mạng vào cúng cho ta, rồi ta lại bán cái bát ấy ra ngoài, người khác lại mua mang vào cúng cho ta.
Kẻ mang số tiền lẻ đi gửi ngân hàng tất nhiên là mang tên cá nhân để giao dịch với ngân hàng.
Thích Minh Hiền tên thật là Sơn, thường lấy hiệu là Sơn Nam, sinh ngày 2/6/1960 tại Nam Định.
Hiền thuở thanh niên có ước mơ thi vào đại học mỹ thuật không thành, nhưng một sự tuyển chọn khiến Hiến trở mình thành nhà sư ở tại chùa Hương. Năm 2002 đại đức trụ trì Thích Viên Thành tạ thế, Hiền được cơ quan an ninh tôn giáo tiến cử làm ngừoi cai quản chùa Hương cho đến nay, khi Hiền mới ngoài 40 tuổi. Người quen của Hiền từng nhận ra cách đây gần 40 năm, Minh Hiền là lính cảnh vệ của binh đoàn 11. Nhưng vẽ lên lai lịch của mình, Hiền chỉ kể loáng thoáng mập mờ y là sinh viên đại học mỹ thuật bỏ đi tu.
17 năm làm trụ trù chùa Hương, Thích Minh Hiền đã tạo dựng một khối tài sản khổng lồ đến mức không thể đong đếm được, thiên hạ truyền nhau về sự giàu có và thế lực của Hiền qua câu.
Nhất Quyết, nhì Nghiêm, tam Hiền, tứ Nhã.
Thích Minh Hiền có thú chơi những đồ hiệu đắt tiền, đam mê một cách điên cuồng, cách đây 15 năm Minh Hiền đã dùng điện thoại Vertu, đồng hồ Rolex, bật lửa Dupont, bút máy MontBlanc, máy ảnh Leica M.. không phải là một cái, mỗi thứ như thế Hiền chơi cả bộ sưu tập luôn. Tức hàng trăm cái đồng hồ, bật lửa, bút, kính, máy ảnh chứ không phải là một cái một thứ.
Nhưng người ta chỉ được Hiền đem ra cho xem, thế nên nếu ai nói đến việc chi tiêu xa xỉ như ông Hoàng của mình, Thích Minh Hiền nói rằng hắn bị oan.
Hiền quan hệ nhiều với báo chí và dân giang hồ, mỗi lần Hiền đi đâu thường có đám đầu trâu, mặt ngựa như Vân Tóp, Ngọc Xa Lộ dẫn đàn em đi cùng. Hiền gọi bọn đó là Thập Bát Kim Cang Hộ Vệ, kèm theo là bọn nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hiền như một ông vua, quan văn võ hai hàng đủ cả.
Nhưng rồi thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra.
Một ngày cuối tháng 3 năm 2017, tại đường cao tốc A6, cảnh sát Đức chặn một chiếc xe hơi sang trọng khám xét. Rồi theo trình tự là một phiên tòa và chế tài xử lý.
Những gì cảnh sát Đức tìm thấy, đó chính là những tài liệu quá kinh hoàng về một tay chơi xa xỉ bậc nhất Việt Nam, đóng mác một nhà sư.
Liệu đó có phải là Thích Minh Hiền không ?
Hãy chờ để xác nhận tài liệu. Trong khi chờ không lâu, chúng ta có thể cứ đàm đạo về tin đồn Minh Hiền là tay ăn chơi xa xỉ, tiêu hàng triệu USD vào những đồ dùng đắt tiền.
Cứ đồn như thế , để đám đệ tử giang hồ, phóng viên nhà báo, cán bộ an ninh vào chiến dịch lấp liếm, nói rằng tin bịa đặt. Khi nào chúng thành công bảo vệ được Thích Minh Hiền, chúng lừa được dư luận rằng tin đồn về Thích Minh Hiền là bịa đặt, Thích Minh Hiền bị oan.
Lúc đấy hẵng hay.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 25/11/2019
Nguyễn Văn Bình, còn gọi là Bình Ruồi, một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong những cái tên ở chiến dịch đốt lò thuở ban đầu của Nguyễn Phú Trọng.
Những tưởng Bình Ruồi sẽ chết cùng với Đinh La Thăng, khi mà Osin Huy Đức tố cáo công khai Bình Ruồi là trùm maphia kinh tế, lũng đoạn nền tài chính Việt Nam. Dư luận cả nước ngóng cổ chờ đợi ngày ủy ban kiểm tra trung ương đảng gọi tên Nguyễn Văn Bình.
Hồi ấy người ta nhắc đến những hành vi lũng đoạn tài chính tày trời, khuynh đảo nền kinh tế Việt Nam của Bình Ruồi, chẳng hạn như vụ âm mưu với một số đồng bọn, gom 16 nghìn tỷ mua vàng và ngoại tệ. Sau đó Bình Ruồi vờ bóng gió nói chuyện đổi tiền, để tin tức lọt ra ngoài. Khiến bàn dân thiên hạ đổ xô mua vàng và ngoại tệ, rút cục nhóm Bình Ruồi kiếm một mớ bẫm.
Cơ quan công an lần ra kẻ tung tin đồn tên là Nguyễn Xuân H. nguyên cán bộ kho quỹ Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam.
Việc bắt Nguyễn Xuân H kết thúc tin tức về đồi tiền, giá USD lên tới 23 ngàn VND vào thời điểm đó giảm nhiệt trở lại, nhưng nhóm Bình Ruồi đã hoàn tất thương vụ lãi hàng ngàn tỷ trong thời gian chóng vánh trên.
Rồi đến vụ Trầm Bê cho Phạm Công Danh mượn tiền, khi cơ quan công an đưa vấn đề này ra, Ngân hàng nhà nước Việt Nam giám định không gây thiệt hại gì cho Sacombank, nơi mà ngân hàng nhà nước Việt Nam có 51% cổ phần. Rút cục Phạm Công Danh bán tài sản không đủ trả nợ, thiệt hại về Sacombank là 1.800 tỷ đồng. Trầm Bê đi tù, Phạm Công Danh đi tù. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm về 1.800 tỷ bị mất đi của Sacombank, nơi mà nhà nước có cổ phần ?
Ai chịu trách nhiệm tái cấp vốn 5.000 tỷ cho Trầm Bê và 7.000 tỷ cho Phạm Công Danh, để rồi số tiền này chẳng biết bao giờ thi hồi được ?
Không ai chiụ trách nhiệm cả, dư luận nhắc đến vai trò của Bình Ruồ là kẻ chịu trách nhiệm, nhưng rồi mọi sự cũng lãng quên như vụ đổi tiền.
Người ta đồn Bình Ruồi có quan hệ với bên quân đội, với những tay maphia Đông Âu. Thực sự thì Bình Ruồi có anh trai lấy con gái ông Lê Quang Đạo. Ông Lê Quang Đạo lại có con trai là tướng quân đội. Còn việc Bình Ruồi học tại Liên Xô, thời cùng với các đại gia ngàn tỷ Đông Âu bây giờ cũng học.
Nhưng với quan hệ ấy, liệu có khiến Bình Ruồi đứng vững trước cơn đốt lò rực lửa của Nguyễn Phú Trọng không ?
Không, chắc thế lực từng ấy chưa đủ cho Bình Ruồi trụ được khi mà được xướng tên cùng với nhiều nhân vật cộm cán, những nhân vật mà sau này đều bị xử lý bởi lò tôn của con trai người hàn xoong nồi đất Lại Đà, xứ Đông Anh.
Bình Ruồi phải có gì kinh khủng hơn thế nhiều, đến nỗi phe cánh Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc muốn trả hận vụ Bình Ruồi giúp Trầm Bê lấy ngân hàng của đàn em họ là Đặng Văn Thành cũng không trả hận nổi.
Ngày 15 đến 19 tháng 4 năm 2018 Nguyễn Văn Bình được Trung Quốc mời sang thăm, trong chuyến thăm này Bình làm việc với Vương Kỳ Sơn, người quyền lực thứ hai đứng sau Tập Cận Bình, người giữ chức phó chủ tịch nước Trung Hoa.
Bỗng nhiên sau chuyến đi này, dư luận không còn dấy những tin đòi hỏi xét xử tội trạng Nguyễn Văn Bình. Con qua đen Osin Huy Đức trước đó nhiều lần đòi xử tội Nguyễn Văn Bình bỗng nhiên nín thinh không hề nhắc đến Bình Ruồi từ đó đến nay.
Trái lại Osin Huy Đức đòi phải thay thế ngay chủ tịch nước Trần Đại Quang vì ốm yếu.
Tờ Caly Today new vào thời điểm đó có đặt câu hỏi rằng, phải chăng Trung Quốc đang nhắm cho Bình Ruồi vào chức chủ tịch nước ?
Nhưng rồi khi Trần Đại Quang chết đột ngột sau chuyến Bình Ruồi thăm Trung Quốc ít lâu, ông Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước. Câu chuyện Bình Ruồi thay thế Đại Quang làm chủ tịch nước không mấy ai để ý.
Tuy nhiên thì sự thật sau đó trở đi, không còn ai nhắc chuyện đòi xử Bình Ruồi.
Cho đến tháng 9 năm 2019, khi cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam nổ ra, khi mà sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng đang tệ hại thấy rõ. Một người có tên Hoàng Việt đưa bài viết nhắc đến Bình Ruồi trong vai trò ứng cử viên chức chủ tịch nước. Một nhóm thế lực nào đó đang muốn đưa Nguyễn Văn Bình lên chức chủ tịch nước, có vẻ không có gì cản nổi bước đi của Nguyễn Văn Bình, khi chính Bình Ruồi từ sau chuyến đi Trung Quốc về được Nguyễn Phú Trọng rất tin cậy, quý mến.
Phải chăng Nguyễn Văn Bình có chân mệnh của đấng thiên tử, vì thế mọi vận hạn, nguy nan cận kề tự nhiên tan biến, thay thế vào đó là những vận may quá lớn. Chỉ có thiên tử mới có được phúc trời biến hoạ thành phúc như vậy.
Mai này nếu Bình Ruồi trong vai chủ tịch nước, những hồ sơ về việc Bình Ruồi lấy tiền nhà nước hàng ngàn tỷ cấp cho Phạm Công Danh, Trầm Bê vẫn còn đây.
Trớ trêu làm sao, chân mệnh thiên tử của nước Việt ơi !
Nào giờ thì ai tin vào lò tôn ông Trọng nữa không ?
Gần đây trên chương trình truyền hình xuất hiện một phụ nữ sang trọng, đài các tham dự trong chương trình Shark tank (thương vụ bạc tỷ). Người phụ nữ đó tên là Đỗ Thị Kim Liên.
Bà Đỗ Thị Kim Liên trong Chương trình Shark tank (thương vụ bạc tỷ).
Từ một giáo viên bà Liên nhảy sang hoạt động bảo hiểm, năm 2005 bà sáng lập bảo hiểm AAA và chỉ vài năm sau đó bà bán hãng bảo hiểm này cho tập đoàn Úc thu về hàng triệu USD vào năm 2013. Bà Liên còn là chủ nhiều hạ tầng cơ sở như cảng biển hoặc các dự án BOT. Sau khi bán bảo hiểm AAA vào thời điểm lò tôn của Nguyễn Phú Trọng bắt đầu khởi lửa, bà đầu tư vào một nhà hàng cực lớn ở trung tâm Berlin, Rathausstrasse 23.
Việc đầu tư vào nhà hàng với số vốn hàng triệu Euro này đủ tiêu chuẩn cho cả gia đình nhà bà được cấp giấy phép định cư tại Đức. Một thời gian sau đó bà nhượng bớt cổ phần ở quán này cho thương hiệu quán Ngon.
Vào thời gian nóng rẫy của lò tôn ông Trọng, vợ chồng bà nằm im ở Đức. Gần đây, đặc biệt sau sự kiện tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh, bà Liên hoạt động trở lại rất công khai, không thầm kín như những năm trước, bà xuất hiện liên tục trên truyền hình rất nổi bật trong vai trò nhà đầu tư cho những thương vụ bạc tỷ.
Nhưng nổi bật nhất là việc báo chí đưa tin bà là chủ nhà máy nước mặt nước Sông Đuống với vốn đầu tư đến 5.000 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng đến 80% là 3.998 tỷ đồng. Hiện nay nhà máy này đã bán bớt 34% cho người Thái với giá 2.000 tỷ đồng. Tính sơ sơ đã lãi 300 tỷ đồng ngay lập tức khi nhà máy mới vừa hoàn thành qua việc bán cổ phần. Chưa kể thực chất giá trị xây dựng nhà máy này có bị đội giá, khai khống vốn đầu tư hay không ?
Nhà máy nước mặt Sông Đuống - Ảnh : S.Đ
Theo báo Vietnamnet đưa tin, thì nhà máy nước Sông Đà mỗi năm thu lãi ròng hàng trăm tỷ, lãi suất trên 50%. Đó là giá nước của nhà máy sông Đà chỉ hơn nửa giá nước của nhà máy sông Đuống.
Nhà máy nước sông Đà với mức giá hơn 5 nghìn một khối, lãi ròng hơn nửa. Đang làm ăn ngon lành, bỗng nhiên bị xảy ra sự cố phá hoại đổ dầu thải vào nguồn nước, dường như những kẻ chủ mưu đổ trộm đã nghiên cứu kỹ phòng vệ của nhà máy nước sông Đà, cho nên phương án đổ trộm dầu thải được tính toán tinh vi, các điểm đổ rải rác nhiều nơi. Nơi tưởng như là công khai, nơi đổ kín đáo. Đầu tiên nhà máy nước sông Đà nghĩ đơn giản rằng đây chỉ là vụ đổ trộm dầu thải, thế nên khi phát hiện chỉ khoanh khu vực đổ để xử lý. Nhưng khi xử lý rồi vẫn bị, tìm hiểu thêm mới vỡ lẽ ra kẻ đổ trộm còn đổ ở nhiều khu vực khác nhưng cùng mẫu số chung là cùng loại dầu và cùng đổ về nguồn nước của nhà máy sông Đà.
Điều lạ lùng là khi nhà máy nước sông Đà bị sự cố phá hoại, trùng hợp với thời điểm nhà máy nước sông Đuống khánh thành giai đoạn 1 và bắt đầu bán nước ra thị trường. Sự gấp vội của nhà máy nước sông Đuống khánh thành mặc dù còn chưa được giấy phép nghiệm thu khiến người ta hoảng sợ.
Người ta hoảng sợ vì tại sao một doanh nghiệp bị phá hoại, và doanh nghiệp canh tranh với nó bỗng nhiên được ưu đãi, bỏ qua những thủ tục để bán sản phẩm ra thị trường. Thậm chí địa bàn cấp nước của sông Đà bị bắt buộc phải thu hẹp lại, để nhà máy nước sông Đuống chiếm thị phần. Lạ lùng hơn là như có sự chuẩn bị từ trước, đường ống của nhà máy nước sông Đuống đã đến những nơi này trước, như một sự sắp đặt chỉ cần có sự cố xảy ra với sông Đà, là sông Đuống cấp nước được cho nơi ấy ngay.
Đến nay việc đổ dầu phá hoại nguồn nước sông Đà đi đến chỗ bế tắc, người ta không điều tra ra được động cơ của Nguyễn Đình Vũ khi đổ dầu xuống nguồn nước Sông Đà. Vũ chủ động liên hệ xin xử lý dầu thải cho nhà máy Gốm Sứ Thanh Hà, thuê xe tải chở dầu, xe con đi áp tải (sao mà phải áp tải ?) chạy lòng vòng xa hơn điểm đổ hàng trăm km. Sau khi đổ thì tất cả bọn trốn luôn, không thèm quay lại nhà máy Gốm Sứ Thanh Hà nhận tiền công.
Nguyễn Đình Vũ không hề có chức năng xử lý chất thải.
Nhu cầu dùng nước của Hà Nội là 1,1 triệu mét khối một ngày đêm. Các nhà máy nước hiện nay có thể cung cấp cho Hà Nội 1,3 triệu mét khối một ngày đêm.
Nhìn vào con số ấy, nếu nhà máy nước sống Đuống không nhờ những phép mầu ngẫu nhiên như sông Đà bị phá hoại, chính quyền Hà Nội tăng giá nước khi sông Đà chiếm thị phần của sông Đuống, chưa nghiệm thu đã được bán hàng... thì có lẽ nhà máy nước sông Đuống của chị Đỗ Liên chẳng thuận buồn xuôi gió, bán được ngay 34% thu về 2.000 tỷ. Tiếp đến là thu lãi ròng qua việc vừa được bán giá cao, vừa được mở rộng thị phần.
Ai là người tạo phép mầu ngẫu nhiên ấy cho Đỗ Liên.
Trời và Phật ư ?
Nói thế cho trẻ con nghe, thời nay chỉ có những quan chức cấp cao có lợi ích chung với Đỗ Thị Kim Liên mới tạo ra được những phép mầu cho doanh nghiệp mà thôi.
Bao giờ thì những quan chức cấu kết với doanh nghiệp, kinh doanh theo kiểu Maphia như trên sẽ được lôi ra ánh sáng ? Chúng là ai, chúng ở đâu, giữ chức vụ gì.
Các câu hỏi đặt ra sẽ dần dần được trả lời, sẽ sớm thôi.
******************
Nhà máy nước sông Đuống 5.000 tỷ chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng
Hồng Khanh, VietnamNet, 23/10/2019
4 ngày trước lễ khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn I (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm), Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đề nghị Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình này…
Những ngày gần đây khi nguồn nước sạch sinh hoạt do nhà máy nước sông Đà bị nhiễm bẩn, nhiều người dân sinh sống tại các khu đô thị, khu dân cư như : Khu đô thị Linh Đàm, Pháp Vân (Hoàng Mai), Đại Thanh... đang băn khoăn trước việc đại diện một số tòa nhà đưa ra ý kiến muốn thay đổi đơn vị cấp nước sinh hoạt mới là Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống.
Sau khi xảy ra tình trạng nước sạch sông Đà bị nhiễm bẩn , phía Công ty cổ phần Viwaco- đơn vị kinh doanh nước sạch sông Đà mua lại nước sạch của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã chuyển nguồn nước sông Đuống để bổ sung nước cho người dân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, trước lễ khánh thành 4 ngày, ngày 30/8/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định của Bộ Xây dựng), đã có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1), do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Xe container sập hố, đè vỡ đường ống nước DN400 của nhà máy nước mặt sông Đuống đoạn chân cầu vượt Phú Thụy (Gia Lâm) vào tháng 6/2019, theo Cục Giám định hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế (Ảnh : Dân Việt).
Tại văn bản này, Cục Giám định cho biết, công trình nhà máy nước mặt sông Đuống (giai đoạn 1) đã được đơn vị tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra tại Văn bản số 832/GĐ-GĐ3, 833/GĐ-GĐ3 ngày 24/7/2018, Văn bản số 1510/GĐ-GĐ3 ngày 21/12/2018 và Văn bản số 624/GĐ-GĐ3 ngày 18/6/2019. Cho đến nay, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung.
Cục Giám định cho hay công trình còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc (phải được đặt trong lồng theo quy chuẩn QCVN 07:2016/BXD, tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006) ; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ Epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ với các chủng loại ống ; Về sự cố vỡ ống tại chân cầu vượt Phú Thụy (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 3/6/2019, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo các yêu cầu theo thiết kế.
"Căn cứ theo quy định tại điều 31, 32, Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng", văn bản nêu rõ.
Nhưng chỉ 4 ngày sau khuyến nghị của Cục Giám định, ngày 5/9, chủ đầu tư vẫn khánh thành nhà máy nước mặt sông Đuống.
Liên quan đến vấn đề này, trong văn bản thông tin tới VietNamNet, Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống cho biết, sau khi Cục Giám định có văn bản trên, công ty đã trực tiếp cung cấp bổ sung tới Cục thiết kế các tuyến qua đường sắt, quốc lộ; Thí nghiệm các chỉ tiêu ống trước khi thi công; Các biên bản thử áp trong quá trình thi công và Công văn 167/2019/BQLDA–SĐ gửi cục Giám định ngày 04 tháng 06 năm 2019 về việc "Báo cáo sự cố hư hỏng hố van xả cặn tuyến ống truyền dẫn nước sạch – Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống". Những hồ sơ, tài liệu mà Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống gửi bổ sung đến Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã được Cục này chấp thuận, đồng ý phê duyệt hay chưa thì phía Công ty không nêu.
"Trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm về chất lượng nước cấp cho người dân cũng như chất lượng tuyến ống truyền tải" – đại diện công ty cho biết.
Cũng theo phía công ty, qua quá trình vận hành hơn 1 năm qua, đặc biệt vào những giai đoạn cao điểm của mùa nắng nóng, lưu lượng và áp lực nước tăng lên, tuyến ống luôn vận hành ổn định và an toàn. Tuy nhiên, trong văn bản của Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống không đề cập, khẳng định việc công trình đã được nghiệm thu hay chưa.
Trong khi đó, thông tin trên Báo Xây dựng, lãnh đạo Cục Giám định xác nhận, đến nay nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Được biết, theo mục tiêu xây dựng dự án đầu tư nhà máy nước mặt sông Đuống được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2869 năm 2016, khi đi vào hoạt động dự án sẽ cung cấp nước cho các khu vực hệ thống đường ống nước của thành phố chưa phủ đến được, trong đó có các khu vực như: quận Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn; các huyện : Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín…
Tại quyết định này, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cũng lưu ý, khi nhà máy đi vào hoạt động và cung cấp nước thương mại ra thị trường, đơn vị cung cấp phải liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước theo đúng quy định ; lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phát triển vùng phục vụ của nhà đầu tư.
Trước đó, như báo chí phản ánh ngày 8/5, đại diện chủ đầu tư Khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì) và Công ty cổ phần Nước mặt Sông Đuống đã ký thỏa thuận cung cấp nước cho cả 6 tòa nhà tại khu đô thị này. Nhưng với lý do, nguồn nước Sông Đà đang được cấp theo mạng đường ống của thành phố ổn định và lo ngại những phát sinh có thể xảy ra trong mùa hè này khi thay đổi đơn vị cung cấp mới, nhiều hộ dân tại Khu đô thị Đại Thanh đã tập trung phản đối Ban quản lý tự ý thay đổi đơn vị cung cấp nước sạch và gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng.
Được biết, nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, tổng công suất dự kiến là 1.200.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I đã khánh thành ngày 5/9 với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công suất 300.000m3/ngày đêm. Ngày 13/10, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống.
Với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), nhiều ý kiến đưa ra đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước cũng với công suất 300.000m3/ngày đêm trong khi vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, mức giá tạm tính mỗi mét khối nước của nhà máy lên tới 10.264 đồng được cho là đang gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay của Hà Nội.
Hồng Khanh
Nguồn : VietnamNet, 23/10/2019
Một số tài liệu mật liên quan đến vụ AVG do thứ trưởng bộ công an Tô Lâm ký vừa qua đã được tung lên mạng xã hội. Qua những tài liệu này cho thấy bộ công an đã có công văn ý kiến rằng nên bán AVG cho cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong nước để tránh trường hợp công ty truyền hình AVG rơi vào tay thế lực bên ngoài, đặc biệt là tình báo Hoa Nam.
Một số tài liệu mật liên quan đến vụ AVG do thứ trưởng bộ công an Tô Lâm ký vừa qua đã được tung lên mạng xã hội.
Xét về mặt an ninh quốc phòng, ý kiến của thượng tướng, thứ trưởng bộ công an hoàn toàn là có lý.
Nhưng hầu hết những lãnh đạo có ý kiến tham gia vụ Mobifone mua AVG đều nhận tiền lại quả từ Phạm Nhật Vũ, riêng Tô Lâm không nằm trong danh sách này, đó chính là điều mà những người tung công văn mật lên mạng xã hội muốn dư luận đặt câu hỏi về vấn đề kỳ lạ này.
Nay ông Tô Lâm đã mang hàm đại tướng, lên chức bộ trưởng công an, sinh năm 1957 ông sẽ có độ tuổi 64 vào năm 2021, độ tuổi mà các uỷ viên bộ chính trị vẫn còn hạn tham gia trong bộ chính trị (không quá 65 so với quy định của đảng).
Có lẽ việc ông ở lại Bộ Chính Trị vào khoá 13 tới, chính là nguyên nhân những đối thủ của ông lôi vụ AVG ra để cản trở con đường công danh của ông vào nhiệm kỳ tới.
Vụ AVG là vụ mà cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo đuổi nhiề u năm nay, ngay cả khi về hưu ông Sang vẫn tiếp tục đến các cơ quan phụ trách vụ việc này để hối thúc xử lý, cùng lúc ông Sang cấp tin tức cho những đệ tử làm báo liên tục đưa tin vụ việc AVG này lên báo chí, để gây sức ép buộc ông Nguyễn Phú Trọng phải chỉ đạo làm đến cùng. Mục tiêu của ông Tư Sang nhắm tới vừa qua là bộ trưởng công an Tô Lâm, có thể nếu trừ được Tô Lâm, ông Sang còn muốn trừ nhiều kẻ khác nữa.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang mơ ước chiến dịch đốt lò của ông có những thanh củi lớn như bên Trung Quốc đã làm. Nói về điều này thì nói ngược chút về lịch sử, trong quá khứ thì khi quan hệ khăng khít, Việt Nam thường phải làm theo những gì mà Trung Quốc đã thực hiện. Như vụ cải cách ruộng đất, trăm hoa đua nở... Trung Quốc làm trước và ép Việt Nam làm theo.
Hiện nay Tập Cận Bình giữ hai chức tổng bí thư và chủ tịch nước, Tập Cận Bình phát động đả hổ diệt ruồi, bắt uỷ viên Bộ Chính trị kết án tử hình.... ông Trọng thời gian sau cũng kiêm hai chức như vậy và chiến dịch đốt lò của ông Trọng cũng đã đưa được uỷ viên Bộ Chính trị vào tù, tướng công an , quân đội và tù. Ông chỉ còn thiếu một cái án tử hình cho quan chức cấp cao trong hàng ngũ cộng sản Việt Nam là làm tròn sứ mệnh cao cả của người cầm lái, để ông có thể vững chắc đi tiếp trong trường hợp sức khỏe cho phép hoặc về hưu trong ánh hào quang.
Cùng mục đích muốn mang vụ AVG ra xử nhưng mục đích của ông Sang và ông Trọng khác nhau. Ông Sang muốn quét sạch đám đối thủ với nhóm đàn em của mình, tạo cho Đại hội sắp tới những đàn em của mình nắm những chiếc ghế chủ chốt, qua đó ông thao túng được chính trường, làm thái thượng hoàng và đưa được người tình Đặng Hoàng Yến trở về nước trong ánh hào quang.
Ông Trọng thì khác chút, ông muốn được tiếng là thời kỳ của ông xử lý được nhiều vụ án lớn, bỏ tù được nhiều quan chức lớn, thậm chí là tử hình cả cựu uỷ viên trung ương đảng. Nhưng ông Trọng không thể chiều theo ý ông Sang mà đốt tất, điều đó có thể dẫn đến sự bất ổn cho thể chế. Ông Trọng đốt lò một cách cân nhắc sao cho khỏi ảnh hưởng đến sự tồn vong của đảng. Điều này chính ông đã nhiều lần bày tỏ như "đánh chuột không để vỡ bình" hay "chống tham nhũng là ta đánh ta" hoặc "chống tham nhũng nhưng phải giữ được chế độ".
Vụ mua bán AVG ông Trọng đã đạt được mục đích của mình, như thu hồi số tiền, xử lý cán bộ cỡ bộ trưởng, uỷ viên trung ương, đương chức và đã về hưu. Nếu không tiếp tục ở nhiệm kỳ sau, ông Trọng muốn sắp xếp cho đàn em của mình là Trần Quốc Vượng, Vương Đình Huệ giữ chức tổng bí thư và thủ tướng. Ghế quốc hội và chủ tịch nước sẽ lọt vào một đàn em của ông Ba Dũng là điều chắc chắn, còn chiếc ghế còn lại có lọt được vào tay ông Tư Sang hay không thì còn để ngỏ.
Có lẽ ông Trọng muốn hài hòa, trong 4 ghế tứ trụ thì đệ của ông 2, đệ ông Nguyễn Tấn Dũng 1, đệ ông Trương Tấn Sang 1.
Thế cuộc chia như vậy là khá hợp lý, nhưng ngặt nỗi một điều chỉ có một trường hợp quá tuổi ở lại Bộ Chính Trị thì ông Trọng đã dành cho Trần Quốc Vượng. Đệ tử của ông Sang không ai có điều kiện lọt vào tứ trụ Đại hội 13 vì quá tuổi.
Chính vì thấy nguy cơ không có người của mình lọt vào tứ trụ, ông Tư Sang quyết định chơi một bài cào bằng với ông Nguyễn Tấn Dũng, tức là nếu người của tao không có chân nào, thì người của mày cũng vậy.
Phe ông Tư Sang muốn gây sức ép với ông Trọng để đưa ra một danh sách tứ trụ bao gồm tổng bí thư là ông Trần Quốc Vượng, chủ tịch nước là ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng là Vương Đình Huệ , còn chủ tịch quốc hội sẽ là một người trung dung giữa các bên.
Hai ông Vượng, Huệ là đệ của ông Trọng, nhân vật thứ ba là trung dung khỏi cần bàn, còn ông Phúc thì vốn người tỉnh nào ông cũng cho thành thủ phủ, ông nào cũng là đại ca, kể cả ông Trọng, Sang, Dũng đều là đại ca của ông Phúc hết, thành ra ông Phúc cũng sẽ là nhân vật trung dung.
Ông Tư Sang cũng đe ông Phúc, nếu ngả theo ông Nguyễn Tấn Dũng , ông sẽ cho ông Phúc mất trắng không được gì.
Việc vừa rồi, ông Tư Sang cho tung tài liệu AVG liên quan đến đại tướng Tô Lâm, là nhằm chặn Tô Lâm đến chức chủ tịch nước.
Một mặt tung ra những tố cáo gây rối loạn nội bộ , mặt khác ông Tư Sang đưa ra một giải pháp khá ưng ý với ông Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng quyết định thế nào trước giải pháp mà ông Trương Tấn Sang đưa ra ?
Báo quân đội nhân dân cuối tháng 8 năm 2019 có bài viết nhan đề.
- Không để hiện tượng mượn phê bình để làm điều xấu.
Bài viết dẫn lời ông Hồ Chí Minh dạy rằng phê bình là trên tinh thần đoàn kết, thương yêu lẫn nhau...
Sau đó bài viết có đoạn rất đáng chú ý như sau.
"Phê bình không khách quan, không kịp thời nhắc nhở đồng chí, đồng nghiệp mà "tích lũy khuyết điểm" của người khác để kết tội. Với "chiếc áo" phê bình, họ kéo bè, kéo cánh để công kích những người không ưa, gây mất đoàn kết nội bộ, làm rối loạn cơ quan, đơn vị...".
Bài viết dường như muốn ám chỉ kẻ nào đó đã âm thầm tích luỹ khuyết điểm của đồng chí mình, rồi đợi thời cơ vì "lợi ích nhóm "mà tung ra triệt tiêu người khác, điều đó gây mất đoàn kết nội bộ.
Hẳn nhiên bài viết muốn ám chỉ phe ông Tư Sang gần đây tung ra những tài liệu mật tố cáo đại tướng công an Tô Lâm.
Tác giả của bài viết là một sĩ quan trẻ tên Hà Văn Thái, thuộc khoa Chủ nghĩa Xã hội Khoa học, học viên chính trị Bộ Quốc phòng.
Tất nhiên người ảnh hưởng đến khoá Chủ nghĩa Xã hội Khoa học này không thể là Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng....người ảnh hưởng đến khoa này phải là người có lý luận, có học hành nghiên cứu về Chủ nghĩa xã hội nhiều năm.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã thông qua bài báo trên, đưa thông điệp bác bỏ yêu cầu của ông Trương Tấn Sang về xử lý đại tướng công an Tô Lâm.
Nếu ông Tư Sang không có đòn gì mới, không tiếp tục tung ra những tài liệu mật tố cáo đối thủ, ông phải dùng đến biện pháp dùng Đặng Thị Hoàng Yến kiện Nguyễn Tấn Dũng, đó là một đòn cảm giác được tung ra khi chẳng còn cách nào nữa, một cú đánh hú hoạ, nếu có trúng thì hậu quả còn phải vài năm nữa. Chẳng tòa án quốc tế nào có thể xử vụ kiện này trong vòng 1 hay 2 năm. Chưa kể họ có thụ lý xử hay không, có chế tài nào buộc ông Nguyễn Tấn Dũng phải ra tòa quốc tế để nghe luận tội...
Những cây bút một thời sẵn sàng hăng hái xung trận theo hiệu lệnh của ông Tư Sang hồi trước, nay đều có thái độ lưỡng lự.
Ông Tư Sang nếu không còn đòn gì tung ra tiếp để triệt hạ được ông Tô Lâm, ông chỉ còn cách duy nhất là ve vãn được Nguyễn Xuân Phúc , để vớt vát được chút ảnh hưởng của mình trong những nhân sự ở Đại hội 13 tới đây.
Về ông Tô Lâm, con đường đi tiếp của ông vẫn còn chưa khép, những công văn mật, tối mật kia đã bị hoá giải bởi bài báo của học viện chính trị bộ quốc phòng.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 11/09/2019