Chắc chắn các cơ quan tình báo quân đội và Hoa Nam của Trung Quốc đang và sẽ đặc biệt theo dõi và phân tích động cơ lẫn mục đích chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Ông Mattis và đồng nhiệm Ngô Xuân Lịch gặp nhau tại đối thoại Shangri-La, Singapore, tháng Sáu, 2018.
Chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tiến vào giai đoạn căng thẳng của chiến dịch dựng đứng hàng rào thuế quan đầu tiên do Tổng thống Donald Trump là tổng đạo diễn, trong khi các hạm đội 7 và hạm đội 5 của hải quân Hoa Kỳ ngày càng áp sát Biển Đông, trong bối cảnh ngày 10/10/2018 Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật cắt đứt đường lưỡi bò của Trung Quốc trên Biển Đông.
Còn tương lai về một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại khu vực này đang dâng lên như một cơn sóng thần cấp độ vừa phải.
Chuyến công du trên cũng là lần thứ hai liên tiếp trong vòng 10 tháng kể từ khi Jim Mattis nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - một mật độ ‘thăm viếng’ khá dày đặc đối với quốc gia cách Mỹ đến nửa vòng trái đất.
Hiệu ứng USS Carl Vinson ?
Lần đầu tiên Jim Mattis đặt chân đến Hà Nội là vào tháng Giêng năm 2018, tiếp liền sau chuyến đi Washington của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch mà có thể hiểu như lời cầu cứu rõ như ban ngày : chính thể độc đảng ở Việt Nam liên tiếp bị ‘bạn vàng’ Trung Quốc gây sức ép cả về chiến thuật ‘ngoại giao tàu cá’ lẫn tàu hải giám và tàu quân sự vây bọc khu vực mỏ Cá Rồng Đỏ ở Bãi Tư Chính phía đông nam Việt Nam - một chiến dịch mà Bắc Kinh đã quá thành công trong việc ‘hù’ Việt Nam, khiến công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha (liên doanh với Việt Nam) phải cuốn cờ tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này.
Khi đó, tình cảnh của Bộ Chính trị Việt Nam thật chẳng khác gì ‘mỡ treo miệng mèo’ : ngay cả dầu khí trong vùng biển được xem là ‘chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’ cũng không làm cách nào ‘ăn’ được.
Trong khi đó, Mỹ lại đang cần đến cái gật đầu của Việt Nam để phát triển triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại’ ở Biển Đông - như một cách lý giải của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho báo giới quốc tế, bắt đầu từ năm 2016 và vẫn tồn tại cho đến giờ. Tuy vậy, các hạm đội châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ không phải cần đến sự chuẩn thuận của giới chóp bu Việt Nam như một điều kiện cần, mà chỉ là điều kiện đủ trong bối cảnh dù Việt Nam có gật hay lắc thì các tàu chiến Mỹ cũng đã áp sát quần đảo Hoàng Sa - trên danh nghĩa là thuộc Việt Nam nhưng đã thuộc về sự chiếm cứ của ‘người đồng chí tốt’ từ hơn bốn chục năm qua.
Chỉ vài tháng sau chuyến đến Việt Nam lần đầu tiên của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis, đến tháng Ba năm 2018 đã hiện ra một hình ảnh chưa từng có tiền lệ kể từ thời điểm 1975 : một hàng không mẫu hạm của Mỹ là USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng - vùng biển mà 5 năm trước lần đầu tiên đã có 3 tàu chiến của Mỹ cập bến để ‘giao lưu hải quân’ với phía Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là tay mơ, đặc biệt liên quan đến những động tác tâm lý chiến. Chẳng bao lâu sau khi USS Carl Vinson hiện diện trong vùng biển Việt Nam, một hạm đội lớn của Trung Quốc với hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đã tiến hành một cuộc tập trận phô trương, khiến giới lãnh đạo Việt Nam - vốn trước đó đã quen ‘thần phục’ sức mạnh Trung Quốc - hầu như ngay lập tức ‘tắt đài’.
Cho đến nay, khó có cơ sở nào để cho rằng việc xuất tướng của Jim Mattis đến Việt Nam, và cả USS Carl Vinson vào đầu năm 2018, đã mang lại một kết quả ‘tăng cường hợp tác quốc phòng song phương Việt - Mỹ’ như mong muốn.
Bởi hệ lụy sau đó đối với Việt Nam là không thể rõ ràng và chán ngán hơn : ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam : một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol hơn 200 triệu USD chi phí ban đầu, nhưng đã không thể, và trong thực tế là còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.
Song Cá Rồng Đỏ không phải là nạn nhân duy nhất của đường lưỡi bò mà Trung Quốc vừa vẽ lại và đã liếm qua gần hết các lô dầu khí mà Việt Nam dự định khai thác để bù đắp cho cái túi thủng ngân sách đang rộng ngoác như hàm cá mập, cũng như để cứu vãn cho tình trạng cạn kiệt ngoại tệ để trả nợ nước ngoài và còn chi cho nhiều nhu cầu khác của đảng cầm quyền. Mỏ Cá Voi Xanh - một dự án ở ngoài khơi Quảng Nam - Quảng Ngãi liên doanh với tập đoàn dầu khí lớn nhất của Mỹ là Exxonmobil, và cả mỏ Lan Đỏ - liên doanh giữa Vietsopetro của Việt Nam với tập đoàn dầu khí lớn của Nga là Rosneft, cũng lần lượt bị Trung Quốc gây sức ép phải chấm dứt khoan thăm dò hay khoan khai thác.
Chưa bao giờ ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị thách thức và đe dọa đến thế : tiền nằm ngay trong túi mà không làm sao lấy ra được.
Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’. Nếu chấp nhận đề nghị này, giới chóp bu Việt Nam đương nhiên phải mời kẻ cướp vào nhà mình và tự nguyện dâng hiến tài sản cho y.
Cho đến tháng Mười năm 2018 và trước khi có tin về chuyến thăm Việt Nam của Jim Mattis, toàn bộ thông tin về việc khai thác các mỏ Cá Rồng Đỏ, Cá Voi Xanh và Lan Đỏ vẫn ngậm tăm.
Thậm chí, chuyến thăm Nga của ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng vào tháng Chín năm 2018 có vẻ chẳng mang lại kết quả khả quan nào. Mặc dù trong các văn bản được ký kết giữa hai bên có đề cập đến cơ chế khai thác dầu khí, dường như Tổng thống Putin đã không có tác động nào đối với đồng minh Trung Quốc để Bắc Kinh nương tay cho Việt Nam cùng Tập đoàn Rosneft khai thác dầu khí ở mỏ Lan Đỏ.
Một tháng sau đó, Hội nghị trung ương 8 của đảng cầm quyền diễn ra ở Việt Nam, với một trong những nghị quyết đáng chú ý là "chiến lược lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển".
Nhưng vì sao phải ‘hướng ra biển’ ?
Đáp số Cam Ranh ?
Về thực chất, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam đã hầu như cạn kiệt, bao gồm cảnh nạn khai thác khoáng sản vô thiên lủng từ nhiều năm qua, trong khi độ che phủ rừng thực tế đã giảm xuống dưới 20% và khiến Việt Nam, thay vì xuất khẩu gỗ như cách đây ba chục năm, đã và đang phải nhập khẩu gỗ từ các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Chỉ còn biển và trữ lượng dầu khí dưới biển là còn tiềm năng để mang lại ngoại tệ cứu đảng trong một thời gian có hạn, có thể chỉ đến năm 2022.
Chẳng phải tự nhiên mà trong một kỳ họp quốc hội vào năm 2017 - trùng thời gian với ‘nỗi nhục bãi Tư Chính’ lần đầu tiên, một số ‘nghị gật’ đã đề nghị tăng sản lượng khai thác dầu khí hàng năm từ 1,5 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn hoặc thậm chí hơn thế.
Hẳn là người Mỹ cũng biết khá rõ là trong túi Việt Nam còn được bao nhiêu tiền, và làm thế nào để có được ngoại tệ trả nợ nước ngoài.
Chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Donald Trump ngày càng thực dụng. Bên lề cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đang bùng nổ, Việt Nam chỉ là một con muỗi mà sẽ quá dễ dàng bị đập nát bét chỉ với nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’ của Trunp - tức thực thi một hàng rào thuế quan cao ngất mà sẽ khiến con số xuất siêu trên 30 tỷ USD mỗi năm của hàng Việt Nam vào thị trường Mỹ lao dốc ít nhất 60 - 70%.
Một lần nữa, quan điểm ‘giãn Trung, dựa Mỹ’ lại trỗi dậy trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Bây giờ không còn là lúc đu dây, mà phải dùng toàn bộ ‘trí tuệ’ của đảng để xác quyết ‘kẻ thù số một’ và ‘kẻ thù số 2’ - ai mạnh hơn.
Một cách nào đó, Việt Nam sẽ ‘đi lên từ biển, hướng ra biển và làm giàu từ biển’ bằng sức mạnh của hải quân Mỹ.
Triết lý ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ gần ba năm về trước xem ra không còn phù hợp với quan niệm của giới ngoại giao Việt Nam. Mà biết đâu đấy sẽ là khái niệm ‘tàu Mỹ đi qua có ích ở Biển Đông’ trong tương lai gần.
Nhưng nếu cả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ mà còn không dọa nổi Trung Quốc, sẽ cần đến chiến thuật gì khác ?
Muốn ‘bảo kê’ cho Việt Nam khai thác dầu khí, Mỹ cần đến một sự hiện diện nhiều hơn và hẳn phải đầy đủ hơn là những cuộc ‘giao lưu hải quân’, ‘tập trận giả’ chỉ có bề ngoài hào nhoáng như trước đây.
Cam Ranh chăng ?
Nếu lần đầu tiên Jim Mattis đến Việt Nam chỉ mới chứng kiến cái nhu cầu quá thiết thân và quá khẩn cấp của chính thể cộng sản nhằm giành giật từng tấn dầu khí với ‘người đồng chí tốt’ Trung Quốc, thì lần này Việt Nam còn phải hứng chịu dư chấn của cơn bão chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ một cuộc xung đột quân sự giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới này.
Không loại trừ việc Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis đến Hà Nội vào trung tuần tháng Mười năm 2018 sẽ nhắm đến một cách thực chất việc tăng cường sự hiện diện của tàu Mỹ tại vùng biển Việt Nam, trong đó có quân cảng Cam Ranh, với một thái độ và mức độ nhượng bộ nào đó của Việt Nam để có thể ‘đưa quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ lên một tầm cao mới’ - như lối nói đãi bôi chẳng biết chừng nào mới sửa được của thói đầu môi chót lưỡi Hà Nội.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 15/10/2018
Vẫn giấu biệt số kiều hối
Khi tháng Chín năm 2018 đã qua, vẫn chẳng có một con số thống kê nào được công bố về kết quả kiều hối trên bình diện tổng thể quốc gia mà chính thể độc đảng ở Việt Nam đã "hút" được từ gần 4 triệu "khúc ruột ngàn dặm" ở hải ngoại.
Liệu đã xảy ra một "sự cố" đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối năm 2017 và trong 9 tháng đầu năm 2018 ? (Hình minh họa : Getty Images)
Năm 2017 cũng chẳng có con số tổng hợp nào của Tổng cục Thống kê về "tình hình kiều hối trên cả nước," thay vào đó chỉ là kết quả kiều hối về Sài Gòn – một thị trường được xem là "truyền thống."
Tâm thế im ắng quá bất thường như thế là hoàn toàn trái ngược với những năm trước.
Trái ngược với hiện tượng "trùm mền" trên là năm 2015. Vào năm đó, lượng kiều hối đổ về Việt Nam lên đến mức kỷ lục 13,5 tỷ USD, Tổng cục Thống kê và hệ thống báo đảng đã công bố báo cáo kiều hối 2015 ngay khi năm cũ còn chưa kết thúc. Tổng cục Thống kê cũng thường rất mau mắn công bố kết quả thu hút kiều hối ngay đầu tháng Bảy hoặc thậm chí trước khi kết thúc tháng Sáu hàng năm. Hệ thống tuyên giáo đảng càng không quên tô vẽ về "thành công của Nghị quyết 36," tức bản nghị quyết ra đời từ năm 2003 về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, mà đã khiến cho bà con Việt kiều nhiệt tình "cống hiến cho quê hương."
Thay cho sự vắng bóng của những con số thống kê về kiều hối quốc gia, đến tháng Chín năm 2018 chỉ hiện ra trên mặt báo nhà nước một báo cáo quý 3 năm 2018 của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho biết Việt Nam là quốc gia thuộc trong Top 10 nước có lượng tiếp nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, chiếm khoảng 2,5% tổng kiều hối toàn cầu năm 2017.
Kiều hối quan trọng đến thế nào đối với chế độ cộng sản ?
Theo đánh giá của UNDP, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng đối với bức tranh tài chính tổng thể của một số nước ASEAN. Ở Philippines, kiều hối chiếm tới 17% tổng nguồn tài chính của quốc gia này, trong khi ở Myanmar chiếm 13% và Việt Nam là 12% tổng nguồn tài chính.
Tỷ trọng đóng góp của kiều hối trong GDP của Việt Nam ở mức 6-8% GDP trong giai đoạn 2006-2017, cao hơn nhiều so với các nước phát triển, bình quân chỉ chiếm 1-2% GDP.
Trong đó, dòng kiều hối từ Mỹ chảy về Việt Nam chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 55% tổng lượng kiều hối, kế đến là các quốc gia : Úc, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc.
Phần lớn kiều hối được gửi về nước là xuất phát từ Việt kiều (chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp) chiếm 80-90% tổng lượng kiều hối về nước, trong khi đó, kiều hối từ nhóm xuất khẩu lao động chỉ chiếm một phần nhỏ (6-7%).
Theo UNDP, quy mô kiều hối về Việt Nam nhiều hơn gấp 4 lần nguồn vốn ODA trong năm 2016 và tương đương với lượng FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2017.
Nhưng ngay cả ODA cũng là một bi kịch cho Việt Nam.
Chẵn một phần tư thế kỷ từ lúc bắt đầu "ăn đủ, ăn dày" nguồn tiền ODA – viện trợ phát triển chính thức – của thế giới "tư bản giãy chết," đến tháng Tám năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải gián tiếp thừa nhận hiện thực nợ công ngập đầu : ODA chỉ còn rất ít hoặc sẽ hết sạch.
2018, sau vài chục năm "vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ," ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa : tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay "cấm cửa" vay mượn ODA.
Trong bối cảnh ODA đang cạn kiệt, kiều hối lại càng có giá.
Nhưng vì sao các cơ quan Việt Nam cố giấu diếm công bố về kiều hối của vào năm 2017 và 2018 ? Tổng lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 là bao nhiêu ? Và vì sao cho đến giờ phút này các cơ quan kinh tế của chính quyền vẫn chưa công bố số liệu tổng hợp về nguồn ngoại tệ thu được từ "kiều bào ta ?" Liệu đã xảy ra một "sự cố" đủ lớn mà đã khiến chính quyền không dám công bố kết quả kiều hối năm 2017 và trong 9 tháng đầu năm 2018 ?
Thống kê và "biến hóa"
Vào năm ngoái, dư luận còn nghi ngờ về cách tính của Tổng cục Thống kê đã chuyển từ việc thống kê kiều hối trong năm dương lịch sang… năm âm lịch, tức "tính gộp" lượng kiều hối trong cả năm 2017 với kiều hối trong tháng Giêng năm 2018 với nhau.
Ứng với nghi ngờ trên, việc Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước cố ý không công bố giá trị kiều hối 2017 trong năm và cả trong tháng Giêng năm 2018 là do các cơ quan này nhận thấy nếu công bố, giá trị kiều hối 2017 là quá ít ỏi và sẽ khiến ảnh hưởng tiêu cực đến "thành tích của chính phủ kiến tạo," do vậy các cơ quan này buộc phải chờ đến thời gian gần tết khi dòng ngại tệ đổ về thì mới "tính gộp" vào kết quả của năm 2017 để số kiều hối 2017 tăng vọt và do đó "đạt thành tích lớn."
Tất nhiên, Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể "biến hóa" số liệu kiều hối tăng vọt so với thực tế – theo cách mà nhiều chuyên gia phản biện độc lập đã nghi ngờ "thành tích GDP tăng trưởng 6.7% trong năm 2017" là "giả số liệu." Tuy nhiên nếu số liệu kiều hối 2017 bị "ma," Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải lý giải thế nào nếu bị công luận và ngay trong giới đại biểu quốc hội đòi hỏi làm rõ từ những nguồn nào, thị trường nào và theo phương cách nào để có được "thành tích kiều hối" như thế.
Cho tới nay, con số chính thức duy nhất về kiều hối của năm 2017 chỉ là Sài Gòn thu hút lượng kiều hối $5.2 tỷ, và khoảng một nửa con số đó cho nửa đầu năm 2018.
Có một cách thức để ước tính lượng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018 : nếu vẫn dựa vào tỷ lệ chiếm đến 55 – 60% tổng lượng kiều hối của Sài Gòn, tổng kiều hối về Việt Nam trong năm 2017 và năm 2018 sẽ vào khoảng 9 – 9,5 tỷ USD, tức bằng hoặc cao hơn lượng kiều hối 9 tỷ USD về Việt Nam trong năm 2016.
Nhưng nếu tỷ lệ 55 – 60% của Sài Gòn thay đổi theo chiều hướng tăng hoặc tăng vọt trong năm 2107 va năm 2018, có nghĩa là kiều hối đổ về Việt Nam ngày càng tập trung về Sài Gòn trong khi giảm mạnh ở tỉnh thành khác, thì sao ?
Trong trường hợp đó, cần nhìn lại một dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) của Mỹ vào tháng Bảy năm 2017 : kiều hối về Việt Nam năm 2017 dự kiến chỉ có 5,4 tỷ USD.
Pew đã dự đoán kiều hối 6 tháng đầu năm 2017 sẽ rơi vào khoảng 3,6 tỷ USD. Và với dự báo 6 tháng cuối năm 2017, lượng kiều hối còn bị giảm 50% do tác động của việc chính phủ Việt Nam duy trì lãi suất đồng USD 0% và FED tăng lãi suất, kiều hối năm 2017 sẽ vào khoảng 5,4 tỷ USD, giảm 39,7% so với năm 2016.
Sẽ cạn ngoại tệ cuối 2019 ?
Một số người Việt hải ngoại cho biết nếu cách đây 5 – 6 năm, họ thường chọn phương án gửi tiền về Việt Nam để đầu tư, thì nay có đến 9/10 người hải ngoại chọn cách gửi tiền hoặc đầu tư ở nước ngoài. Nguyên do không chỉ là mặt bằng lãi suất gửi đô la ở Việt Nam quá thấp, mà còn bởi do kinh tế suy thoái nên thị trường kinh doanh và sản xuất ở Việt Nam sinh lời rất thấp. Một nguyên do khác không thể bỏ qua là tình hình chính trị ở Việt Nam đầy biến động, bất ổn và có thể gây rủi ro cao mà khó làm cho "kiều bào ta" yên tâm gửi tiền về…
Lượng kiều hối từ Châu Âu gửi về Việt Nam, vốn trước đó có đà sụt giảm, có thể càng giảm mạnh hơn sau vụ chính phủ Đức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao Đức – Việt và khiến môi trường chính trị lẫn đầu tư ở Việt Nam trở nên bất ổn hơn nhiều.
Hiện nay, thị trường tài chính ở Việt Nam đang xảy ra hai động thái trái chiều : trong khi lượng tiền đồng quá dư thừa trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho Bạc Nhà Nước và các ngân hàng thương mại cổ phần, lượng đô la dành cho nhu cầu nhập khẩu và trả nợ nước ngoài lại bị thiếu hụt khá trầm trọng. Nếu kiều hối về Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong vài ba năm tới, ngân sách sẽ không biết tìm đâu ra ngoại tệ mạnh để thanh toán các khoản đến hạn với quốc tế.
Một nguồn giấu tên cho biết ngân sách Việt Nam sẽ sớm rơi vào cạn kiệt ngoại tệ trả nợ nước ngoài. Thời điểm cạn kiệt gần nhất là vào cuối năm 2019.
Vỡ nợ chăng ?
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 14/10/2018
Trong 5 tiểu ban được thành lập tại Hội nghị Trung ương 8 để chuẩn bị cho Đại hội 13 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào năm 2021, Tiểu ban Nhân sự tuy được xếp ở vị trí cuối nhưng thực ra là quan trọng nhất, và luôn quan trọng nhất trong lịch sử lục đục và nhộn nhạo của chính thể một đảng cai trị này.
Cái chết của ông Quang mở đường cho ông Trọng nắm cả hai quyền lực.
‘Tiểu ban Nhân sự’ quan trọng đến thế nào ?
Còn hơn hai năm nữa mới đến Đại hội 13, nhưng Tổng bí thư Trọng đã nắm luôn không chỉ Tiểu ban Nhân sự mà còn Tiểu ban Văn kiện - một tiểu ban chấp bút định hướng những đường lối đối nội và đối ngoại then chốt nhất của ‘đảng ta’. Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban Kinh tế xã hội, còn Tiểu ban Điều lệ đảng do Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban.
Như vậy, một lần nữa Tổng bí thư Trọng lại được làm Trưởng tiểu ban Nhân sự.
Vào khoảng thời gian năm 2015 khi ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng Đại hội 12’ và trong bầu không khí đua tranh quyết liệt cùng đủ thứ đơn thư tố cáo lẫn nhau được tung lên mạng xã hội, ông Trọng - trên cương vị tổng bí thư - cũng đã ‘chủ động’ làm Trưởng tiểu ban Nhân sự.
Theo nguyên tắc của đảng cầm quyền, nhân sự chủ chốt trong Bộ chính trị, Ban bí thư, Tổng bí thư và kể cả Ban chấp hành trung ương sẽ được ‘chọn’ theo 3 phương án nhân sự : một danh sách do tổng bí thư đưa ra, một danh sách khác do ‘tập thể Bộ chính trị’ đưa ra, và danh sách còn lại là phần của Ban chấp hành trung ương. Theo ‘thông lệ’, phương án nhân sự do tổng bí thư đưa ra là mang tính chi phối nhất, mà nhiều thông tin cho biết đó chính là phương án mang tính quyết định trước Đại hội 12, sau đó mới tuần tự đến ‘tập thể Bộ chính trị’ và Ban chấp hành trung ương.
Tại các hội nghị trung ương 13 và 14 diễn ra vào nửa cuối năm 2015, mặc dù đã nắm được vai trò Trưởng tiểu ban Nhân sự, nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn bị cạnh tranh và thách thức quyết liệt bởi Nguyễn Tấn Dũng - đối thủ mà mới chỉ vào đầu năm 2015 đã vọt lên xếp đầu bảng trong cuộc đua ‘bỏ phiếu thăm dò uy tín tổng bí thư cho Đại hội 12’, trong lúc ông Trọng chỉ đứng thứ 8 - theo nhiều thông tin không chính thức nhưng cho tới giờ vẫn không được bất kỳ cơ quan nào của đảng hay khối chính phủ đính chính hoặc cải chính. Chỉ đến khi còn ít tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội 12, Thủ tướng Dũng mới phải làm một bản giải trình dài cho tổng bí thư, Bộ chính trị và Ủy ban Kiểm tra trung ương về 12 vấn đề nhạy cảm liên quan đến con cái, phát ngôn và tài sản của ông. Hầu như ngay sau đó, bản giải trình này đã được chụp ảnh nguyên trạng và tung lên mạng xã hội, lan truyền với tốc độ chóng mặt nhưng không rõ nhằm dụng ý gì. Chính bản giải trình này, cùng với một quy định nội bộ đảng theo cách mà Thủ tướng Dũng không thể ngờ ‘đảng viên không được từ ứng cử’ đã khiến Nguyễn Tấn Dũng ‘một đi không trở lại’ và làm cho phương án nhân sự tổng bí thư tuyệt đối trống vắng cái tên ‘đồng chí X’.
Còn giờ đây, Nguyễn Phú Trọng đang ‘thừa thắng xông lên’, sau lời cảm thán ‘tôi bất ngờ’ khi ông Trọng bày tỏ nỗi ngạc nhiên vì nhận được đến 100% phiếu thuận của Đại hội 12 cho ứng cử viên tổng bí thư duy nhất chính là ông ta.
Sẽ sửa đổi hiến pháp ?
Tháng Mười năm 2018 và như cách thức vận động của giới chuyên gia và quan chức cận thần của đảng về ‘thời điểm chín muồi để hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và tổng bí thư’, ngay sau cái chết của Trần Đại Quang là sự kiện Nguyễn Phú Trọng được Bộ chính trị và một lần nữa ‘100% Ban chấp hành trung ương’ đề cử trở thành chủ tịch nước, để chẳng bao lâu sau đó sẽ có một quốc hội quen ‘gật’ chẳng hề khó khăn chấp thuận cái chức danh vừa cũ vừa mới ấy.
Có thể cho rằng đây là lần đầu tiên kể từ sau Đại hội 12, ước vọng và tương lai chính trị của ông Trọng đã hiện rõ hơn nhiều : không chỉ quá cần đến tính ‘chính danh’ của chủ tịch nước trong những đợt công du đối ngoại, ông Trọng còn được xem là tập trung và thâu tóm quyền lực chưa từng có kể từ thời Tổng bí thư Lê Duẩn - một hiện tượng đặc biệt mà đã trở thành đầu đề của cả báo chí quốc tế.
Nhưng vẫn chưa hết, và có lẽ còn lâu mới hết. Điều cốt yếu hơn cả và có thể khiến giới quan sát chính trị thêm một lần nữa cảm thấy sốc là dường như thâm tâm ông Trọng còn đang tính đến khả năng ông sẽ tiếp tục làm tổng bí thư, và tất nhiên ‘kiêm chủ tịch nước’ - thêm một nhiệm kỳ nữa tại Đại hội 13, dù hiến pháp và điều lệ đảng hiện thời chỉ giới hạn tổng bí thư và chủ tịch nước tối đa là hai nhiệm kỳ.
Việc ‘chủ động’ nhận lãnh trách nhiệm phụ trách trưởng hai tiểu ban nhân sự và văn kiện cho Đại hội 13 của ông Trọng là một chỉ dấu mạnh mẽ và lộ liễu cho thấy nếu muốn và khi sức khỏe còn cho phép, chính ông sẽ ngồi vào ghế tổng bí thư - chủ tịch nước vào năm 2021 ở tuổi 77. Còn từ đây đến đó sẽ là công việc… sửa hiến pháp.
Một tham khảo rất gần gũi là hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - được hầu như toàn bộ quốc hội nước này ‘gật’ - đã được sửa ngay tại đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2017, trong đó đã chính thức bãi bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ chủ tịch nước, dọn đường cho Tập Cận Bình trở thành ‘hoàng đế’ suốt đời’ hoặc có thể nắm quyền lực tối cao cho tới lúc chết.
Nếu ngay cả một chuyên gia quốc tế được xem là rất am hiểu về chính trị nội bộ của Việt Nam như giáo sư Carl Thayer còn phải thừa nhận rằng ông đã bất ngờ trước kịch bản Tổng bí thư Trọng ngồi ngay vào cái ghế chủ tịch nước ngay sau cái chết của Trần Đại Quang, chẳng có đột biến nào là quá khó khăn để không xảy ra trong những năm tới.
Với đà vận động thần tốc tại ‘thời điểm chín muồi’ mà những gương mặt cận thần không thay đổi như Nguyễn Đình Hương, Vũ Mão… cùng những cây viết truyền thông quen mặt như Huy Đức, có lẽ sẽ chẳng có lực cản nào đủ lớn để khiến công cuộc vận động sửa đổi hiến pháp về thay đổi nhiệm kỳ tổng bí thư và chủ tịch nước - sẽ được đặt trên bàn Ủy ban Thường vụ quốc hội vào một thời điểm chín muồi - bị tổn thương mà không thể trót lọt.
Khi đó và ngược hẳn với thời Nguyễn Tấn Dũng bất thần ngã ngựa, một đảng viên thậm chí còn có thể tự ứng cử hay nhận đề cử nếu không được ‘tập thể đề nghị’, hoặc chẳng cần sự chấp thuận của bất kỳ thể đảng viên nào - nếu điều lệ đảng được sửa đổi theo hướng ‘cách mạng’ như thế.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 13/10/2018
Những tin tức đầu tiên sau cuộc họp ngày 10/10/2018 tại Bỉ của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu về số phận run rủi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) đã phác ra khả năng hiệp định này có thể chưa được ký kết vào tháng Mười năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A phát biểu tại buổi điều trần của INTA và EVFTA ở Brussels, 10/10/2018.
Theo đó, giới chóp bu Việt Nam rất có thể sẽ phải rước thêm một nỗi thất vọng đến mức mất ngủ - tương tự với tâm trạng công cốc sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định TPP vào đầu năm 2017.
Việt Nam vẫn đánh bài lờ nhân quyền
Đại diện chính thức của Việt Nam là Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cùng đoàn đàm phán EVFTA của Việt Nam đã không thể trưng ra bất kỳ minh chứng nào về việc chính thể độc đảng ở Việt Nam chấp nhận ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức.
Chính xác hơn, ông Khánh đã tuyệt đối lờ đi 3 công ước trên cùng câu lời phải có cho nhiều câu hỏi nhân quyền của các nghị sĩ EU.
Trần Quốc Khánh chỉ trả lời rất chung chung rằng chính phủ Việt Nam "đã trình quốc hội sửa đổi Luật Lao động cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, kể cả các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 11/2019".
Nhưng lối trả lời hoàn toàn tảng lờ các công ước quốc tế về quyền lao động như trên cũng gần như tương đồng cái cách mà chính ông Trần Quốc Khánh - trưởng đoàn đàm phán Hiệp định TPP - đã phản hồi trước các câu hỏi về nhân quyền và công đoàn độc lập của người Mỹ vào năm 2015 - trùng với chuyến công du Washington lần đầu tiên của ‘đảng trưởng’ Nguyễn Phú Trọng nhằm thuyết phục Mỹ cho Việt Nam tham gia TPP.
Bất chấp cam kết của ông Trọng với Tổng thống Mỹ Obama - để đổi lấy TPP - về công đoàn độc lập, một định chế bảo vệ quyền đình công và các quyền khác của công nhân, từ sau chuyến đi trên cho tới nay đã không còn tồn tại bất kỳ tin tức nào về việc sẽ ‘thí điểm’ định chế này ở Việt Nam. Thậm chí, những nhà hoạt động công đoàn độc lập ở Việt Nam như Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương còn bị chính quyền truy bức và đánh đập dã man.
Còn ‘sẽ sửa đổi Luật Lao động’ mà Thứ trưởng công thương Trần Quốc Khánh nêu ra vẫn chỉ là một cách nói đầu môi chót lưỡi đầy giả dối vào mỗi khi Việt Nam ‘đánh hơi’ một hiệp định thương mại quốc tế có lợi cho chế độ có khả năng được thông qua, để cho tới nay Luật Lao động vẫn giữ nguyên quyền độc trị của Liên đoàn Lao động Việt Nam - một tổ chức thuần túy nhà nước, giữ vai trò như một khâu trung gian để hưởng ít nhất 2% thu nhập của các doanh nghiệp và công nhân nhưng lại chưa từng đứng ra tổ chức hay cho phép công nhân tổ chức bất kỳ cuộc đình công hợp lý nào, nếu không muốn nói ngược lại - tức liên đoàn này còn cấu kết chặt chẽ với lực lượng công an trị để theo dõi, truy bức và bắt bớ những người đứng đầu tổ chức đình công trong công nhân.
Việt Nam phải ký 3 công ước trước khi EU thông qua EVFTA !
Phải chăng vì không có bất kỳ ‘món quà’ nào về cải thiện nhân quyền và làm cho hành trang nhân quyền đến Brussels (Bỉ) vào tháng Mười năm 2018 chỉ là con số 0 nên đã khiến Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh - quan chức được Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu mời đích danh - tránh mặt mà chỉ cử thứ trưởng Trần Quốc Khánh đi ‘thế mạng’ ?
Và phải chăng trong thâm tâm mình, Trần Tuấn Anh đã cảm thấy kết cục của EVFTA là còn nguyên bèo bọt tại Bỉ lần này nên mới tìm cách tránh mặt ?
"Vị thứ trưởng khẳng định nhân quyền "nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn" của ông, và nói thêm ông tin rằng các quan chức Việt Nam và EU sẽ kể được "những câu chuyện tuyệt vời về kết quả hợp tác thông qua các hiệp định đối tác, hợp tác của chúng ta và các diễn đàn khác". Nhưng ông không cung cấp thêm chi tiết" - đài VOA đưa tin và bình luận về phát ngôn và thái độ của quan chức Trần Quốc Khánh.
Thông tin trên cho thấy nhiều khả năng Trần Quốc Khánh tự xác định vị thế đến Bỉ lần này của ông ta ‘chỉ là nhà đàm phán thương mại’ và chẳng có gì liên quan đến trách nhiệm phải giải trình về vô số vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam - một thái độ rất tương đồng với biểu hiện về đối ngoại và cả đối nội của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh - không dại gì chấp nhận ‘đổ vỏ’ cho những kẻ bắt cóc - kể từ thời điểm tháng Bảy năm 2017 khi nổ ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho tới nay.
Sau bản báo cáo ba trang giấy mất đến 10 phút của quan chức Trần Quốc Khánh, phần đặt câu hỏi của các nghị sĩ tham dự đối với Ủy ban Châu Âu và phía Việt Nam đều xoáy vào hai vấn đề cốt yếu mà Việt Nam lâu nay vẫn cố tình lờ đi hay trì hoãn : nhân quyền và 3 công ước còn lại của ILO.
Quan sát cuộc họp trên qua livestream, trang Vietnamthoibao,org của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam mô tả : Các ý kiến bày tỏ sự lo ngại khi tình hình nhân quyền của Việt Nam đã trở nên ngày càng xấu đi trong ba năm qua khi có nhiều nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bị bắt giam và lãnh án tù nặng chiếu theo những điều luật 79 và 78 của bộ luật hình sự. Mẹ Nấm là trường hợp được nêu đích danh trong số các tù nhân lương tâm/ môi trường/ chính trị cần được trả tự do ngay lập tức.
Các nghĩ sĩ yêu cầu Việt Nam sớm thông qua 3 công ước còn lại của Công ước Quốc tế về Quyền lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam một khi có công đoàn độc lập.
Điều mà những người tham gia đặt câu hỏi muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền ; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì ; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.
Bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.
Việt Nam phải cải thiện nhân quyền và cải cách chính trị !
Mặc dù cuộc điều trần EVFTA - nhân quyền của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu còn chưa kết thúc, nhưng với hành trang nhân quyền số 0 tròn trĩnh của đoàn Việt Nam, người ta có thể dự đoán rằng kết quả EVFTA dược ký vào lần này cũng khó có thể nhích qua mốc 0, dù rằng một số chuyên gia Việt Nam và quốc tế luôn cho rằng EVFTA có lợi không chỉ với Việt Nam mà còn cả với các nước trong khối EU và do đó EU sẽ không siết mạnh về điều kiện nhân quyền trong hiệp định này. Và dù chính quyền Việt Nam đã mở cả một chiến dịch vận động đối với Phòng Thương mại Châu Âu và các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam để thúc giục Liên minh Châu Âu ‘sớm linh hoạt ký và thông qua EVFTA’.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
Giá trị xuất siêu hàng năm của hàng Việt Nam vào thị trường EU là gần tương đương với giá trị xuất siêu lên tới gần 30 tỷ USD mỗi năm của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Mỹ. Do vậy, giá trị của bản hiệp định EVFTA có cũng có giá ngang bằng với tương lai của Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ mà giới chóp bu Hà Nội đang hết sức thèm muốn.
Về thực chất, EVFTA là một lối thoát kinh tế khả dĩ nhất cho thể chế chính trị không chịu đa đảng, nợ như chúa chổm và rất có thể sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ và phá sản ngân sách ở Việt Nam.
Nhưng nếu Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ tiếp tục cơn vỡ mộng của nó, và sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào tháng Ba năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng Năm năm 2019.
Còn nếu vẫn không thể thông qua vào tháng Ba năm 2019, cơ hội EVFTA cho Việt Nam sẽ cực kỳ mong manh, bởi chẳng ai có thể biết Nghị viện Châu Âu mới sẽ có quan điểm ra sao đối với EVFTA. Đó cũng là tình huống mà số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016.
Tương lai cho EVFTA chỉ có thể nhen nhúm một khi Việt Nam thành tâm cải thiện nhân quyền và cả cải cách chính trị.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 11/10/2018
Mãi đến giờ chót, phép thử Brussels mới mang đến kết quả mong đợi : buổi tối ngày 8 tháng Mười năm 2018, Tiến sĩ Nguyễn Quang A được bước lên máy bay và chiếc máy bay ấy đã cất cánh đi Bỉ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một lần biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội.
Lần đầu tiên… cạo sửa hộ chiếu
Chẳng hề dễ dàng để trải qua quy trình kiểm tra hành lý, kiểm tra hộ chiếu và visa, kiểm tra an ninh như những hành khách bình thường, bởi những người hoạt động nhân quyền luôn phải chịu cảnh bất kỳ lúc nào cũng bị công an cửa khẩu và các cơ quan ‘nghiệp vụ đặc biệt’ của Bộ Công an chặn bắt, giam lỏng khi định ra phi trường, chặn bắt ngay tại phi trường, thậm chí đã ngồi trên máy bay mà vẫn còn bị công an lôi xuống.
Cũng bởi thế, giới hoạt động dân chủ nhân quyền thường hài hước với nhau rằng chỉ đến khi máy bay thực sự cất cánh, và để chắc chắn nhất khi bay khoảng vài chục phút, thì mới khẳng định được là mình đã tự do.
Ông già 72 tuổi Nguyễn Quang A vừa thoát nạn theo cách đó, sau vài chục lần bị công an bắt cóc và câu lưu đủ mọi nơi mọi lúc từ năm 2015 đến nay.
Thậm chí, lần đi Bỉ này của Tiến sĩ A còn mang một dấu ấn quá ư đặc biệt, đặc biệt đến nỗi đó là lần đầu tiên xảy ra đối với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam : chỉ đến giờ chót của ngày 8/10/2018, Cục A67 của Bộ Công an mới đột ngột đưa cho ông một cuốn hộ chiếu mới tinh, được ký cùng ngày đó.
Vì sao lại có chuyện lạ lùng thế ? Phải chăng hộ chiếu cũ của người có tên Nguyễn Quang A đã hết hạn hoặc bị trục trặc gì đó ?
Không, cuốn hộ chiếu đó chưa hề hết hạn, và cũng chẳng có sai sót nào để ông A không thể bước qua cửa kiểm tra an ninh mà bay lên trời.
Nhưng lại có một chuyện lạ. Vào buổi sáng 8 tháng Mười là ngày Tiến sĩ A dự kiến sẽ lên máy bay đi Bỉ vào buổi tối cùng ngày, ông thuật lại về ‘Trò bẩn của an ninh đây’ :
"Sáng nay 1 sĩ quan A67 gọi điện xin trao đổi 5 phút. Tôi từ chối gặp. Họ cứ đến nhà, người giúp việc mở cửa họ vào, bảo tôi có khách an ninh. Tôi từ chối tiếp. Vợ tôi nói cho họ về cách hành xử không thể chấp nhận được của họ. Rồi lên bảo tôi xuống tiếp họ vài phút. Họ thông báo họ sẽ không cản tôi đi Bỉ. Nhưng cứ dặn đi dặn lại xem lại hộ chiếu và chứng minh thư. (Rất nhiều lần). Tôi bảo hộ chiếu tôi đi cả trăm lần cho đến nay không có vấn đề gì. Nhưng ngày 18/09/2018 khi giữ tôi họ đã lấy hộ chiếu của tôi mang đi đâu đó và nếu có gì thì là do A67 gây ra. Cậu sĩ quan cứ nhắc lại cứ xem cẩn thận. Tôi dở ra và đây TRÒ MÈO của họ đây. Tôi sinh 1946 nhưng an ninh đã dùng bút mực chữa thành 49. Tôi đi được Brussels hay không với cá nhân tôi không quan trọng, nhưng phải vạch mặt bọn tìm mọi cách phá hoại EVFTA".
Từ trước tới nay, giới đấu tranh nhân quyền đã quá quen thuộc với các trò bẩn của công an như triệu tập vô pháp, bắt cóc, câu lưu, đánh đập dã man, cho đến những tiểu xảo như xịt sơn vào cổng nhà, khóa trái cổng nhà, ném mắm tôm vào nhà… Nhưng cạo sửa hộ chiếu thì chỉ mới là lần đầu tiên - có lẽ được truyền cảm hứng từ chủ thuyết ‘kiến tạo và hành động’ của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Khoảng hai tuần trước cái ngày 8 tháng Mười ấy, vào một buổi sáng gần cuối tháng Chín năm 2018, sau khi nói chuyện với một nhà nghiên cứu Úc tại quán cà phê Highland, Tiến sĩ Nguyễn Quang A xách va ly ra để chuẩn bị bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để bay tiếp đi Úc. Nhưng khi ông đến phố Hoàng Diệu thì bị những kẻ mặc thường phục tống lên xe trực chỉ đồn công an Nội Bài. Ông bị câu lưu cho đến 6 giờ tối - lần câu lưu thứ 20 đối với ông kể từ cuối năm 2014.
"Hoá ra họ sợ tôi qua Úc rồi đi thẳng Brussels dự Điều trần của Quốc hội Châu Âu về Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào ngày 10/10 vì họ cứ hỏi tôi có đi thẳng Châu Âu không ?..." - Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuật lại trên facebook của ông.
Thắng lợi nhỏ của EU
Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong những khách mời của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu (thuộc Cộng đồng Châu Âu) cho một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam - sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên : EU, Bộ Công thương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam - dự kiến diễn ra vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở chính của Liên Hiệp Châu Âu, để quyết định có ký chính thức EVFTA hay là không.
Việc tổ chức một cuộc điều trần tay ba về nhân quyền tại Brussels là một hành động chưa từng có và được xem là dũng cảm hơn hẳn của EU so với thái độ liên tiếp nhân nhượng chính quyền Việt Nam trước đây của họ.
Đó chính là một phép thử để xem trong bối cảnh chính thể Việt Nam đang quá khốn quẫn về các nguồn ngoại tệ và quá trông ngóng EVFTA, họ có chịu ‘nhả’ chút nào về nhân quyền, có chịu ký 3 công ước quốc tế về lao động mà EU khẩn thiết yêu cầu, hay là không.
Nếu Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào đầu năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng Năm năm 2019.
Nhưng cũng như số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, chẳng có gì bảo đảm là EVFTA sẽ hanh thông sau khi có một Nghị viện Châu Âu mới. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự đoán rằng sau tháng Năm năm 2019, số phận của EVFTA sẽ là rất mong manh, thậm chí sẽ bị hủy bỏ theo cái cách chẳng còn ai ngó ngàng đến nó.
Nhưng vào cuối tháng Chín năm 2018, việc nhà hoạt động Nguyễn Quang A bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam cấm đoán thô bạo không cho xuất cảnh đi Úc vì sợ ông sẽ sang Bỉ chính là một bằng chứng không thể sống động hơn về lời cam kết lẫn tuyên rao ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’. Hành vi công an cạo sửa hộ chiếu của ông, rất rõ ràng, chính là âm mưu gây khó và cản trở đối với Tiến sĩ A khi ông xuất trình hộ chiếu tại sân bay Nội Bài, một khi công an không thể mãi trơ mặt tìm cách bắt cóc và câu lưu để Tiến sĩ A không đến được phi trường quốc tế.
Nhưng rốt cuộc, phép thử Brussels đã hiện ra kết quả ngay vào những phút chót. Nhà cầm quyền đã phải ‘buông’ Tiến sĩ Nguyễn Quang A và để cho ông đến sự phiên điều trần nhân quyền - EVFTA tại Bỉ vào ngày 10 tháng Mười năm 2018.
Sau quá nhiều cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU với chính thể Việt Nam trong nhiều năm qua mà kết quả hầu như là con số 0, thậm chí vai trò của EU còn bị giới quan chức và công an trị Việt Nam công khai xem thường, có thể cho rằng việc công an Việt Nam không dám chặn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đi Bỉ là thắng lợi đầu tiên của EU trong cuộc đấu tranh và đấu trí nhân quyền với phía Việt Nam, dù chỉ mang ý nghĩa như một thắng lợi nhỏ nhoi.
Bài học 2006
Nhưng vẫn còn những dấu hỏi đánh đố ghê gớm : khi nào Việt Nam sẽ thỏa mãn những đòi hỏi của EU về cải thiện nhân quyền là phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, bãi bỏ lao động cưỡng bức, tức ít nhất Việt Nam phải sớm ban hành luật về Hội và công nhận Công Đoàn Độc Lập ? Trước hay sau khi EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua ?
Hãy đừng bao giờ quên bài học 2006.
Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng Thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu "bắt bù".
Tròn một con Giáp sau sự tráo trở trên, kịch bản "vào trước, bắt sau" hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 10/10/2018
******************
EVFTA : Khúc quanh ở Nội Bài
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 08/10/2018
Ích lợi to lớn của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đối với kinh tế đất nước cũng như triển vọng Việt Nam nhờ Hiệp định mà tiến lại gần hơn với Âu-Mỹ để giảm dần lệ thuộc vào Trung Quốc là hết sức rõ ràng và không có gì bàn cãi [1]. Điều này càng có ý nghĩa hệ trọng hơn nhiều trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ, và theo sau là toàn bộ khối Tây phương, với Trung Quốc đang dần leo thang.
Thế nhưng con đường EVFTA lại chẳng bằng phẳng chút nào. Khởi động từ 2012, sau một giai đoạn đàm phán và ký kết tương đối suôn sẻ, EVFTA đã bị trì hoãn phê chuẩn, lúc thì bởi vướng mắc pháp lý từ phía EU, khi thì do những quan ngại đối với vấn đề lao động, môi trường và nhân quyền của phía Việt Nam.
Và tối nay, con đường EVFTA gập ghềnh này sẽ có một khúc quanh đặc biệt ở Nội Bài khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A (A Nguyen Quang) lấy chuyến bay đi Brussels, Bỉ tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Quốc hội EU (INTA) trong tư cách đại diện xã hội dân sự Việt Nam.
INTA hiện nắm chìa khóa của EVFTA, và phiên điều trần lần này là dịp quan trọng để họ cân nhắc những vấn đề quan trọng nhất còn sót lại của EVFTA, bao gồm lao động, môi trường và nhân quyền, trước khi đi đến quyết định có trình ra Quốc hội EU để phê chuẩn trong kỳ họp cuối cùng vào tháng 3/2019 hay không.
Sau thời điểm này, EU sẽ bầu Quốc hội mới và chẳng ai biết số phận của EVFTA sẽ đi về đâu, theo lời của chính Chủ tịch INTA Bern Lange trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa rồi [2].
Thế thì vì sao chuyến bay của Tiến sĩ Nguyễn Quang A chiều nay lại là một khúc quanh đặc biệt của EVFTA ?
Vì một trong hai kịch bản sau có thể xảy ra :
Nếu chuyến bay suôn sẻ thì qua những gì lâu nay Tiến sĩ thể hiện trong những bài viết và phỏng vấn, chúng ta có thể dự đoán được Tiến sĩ sẽ tập trung vào việc hoàn thiện những cơ chế để EVFTA đem đến lợi ích bao trùm hơn, không chỉ cho các doanh nghiệp hai bên mà còn là quảng đại người lao động, không chỉ cho những con số tăng trưởng mà còn vì môi trường môi sinh, không chỉ mở mang đời sống vật chất mà còn nâng lên phẩm giá con người.
Còn trong trường hợp Tiến sĩ bị chặn lại như hôm 18 tháng 9 vừa rồi (và sau đó, hộ chiếu đã bị chỉnh sửa như hình bên dưới) [3], thì những điều sau sẽ xảy ra :
Ảnh : Trang hộ chiếu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị cơ quan an ninh chỉnh sửa năm sinh trong lần cấm xuất cảnh ngày 18/9/2018.
1) Thông tin về việc Tiến sĩ bị chặn sẽ được thông báo tại phiên điều trần như một dẫn chứng để INTA đánh giá tình hình Việt Nam ;
2) Hình ảnh trang hộ chiếu bị tẩy xóa như một cách thức của chính quyền Việt Nam ngăn chặn tiếng nói xã hội dân sự sẽ xuất hiện trong phiên điều trần và chắc chắn sẽ còn được bàn tán nhiều về sau ;
3) Quan trọng hơn, người được INTA chọn thay thế Tiến sĩ Quang A không ai khác chính là đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) - tổ chức có bà Tổng Thư ký Debbie Stothard tháng trước vừa bị chặn và câu lưu cũng tại Nội Bài khi trên đường đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Không khó để dự đoán FIDH sẽ nói gì trong phiên điều trần khi đây là tổ chức nhiều năm vừa qua chỉ trích quyết liệt các nhà đàm phán EU quá ưu tiên thương mại lên trên nhân quyền [*].
Con đường EVFTA vốn đã gập ghềnh, theo đó, sẽ còn lắm chông gai hơn nữa.
Tóm lại, nếu tối nay Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị chặn thì khả năng cao là khúc quanh Nội Bài sẽ dẫn lối EVFTA vào vực thẳm, và những người nắm quyền hiện nay sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử vì đã để Việt Nam, trong một giai đoạn gay go của thời cuộc, lỡ tàu hội nhập một lần nữa.
[Update] Sau khi bài viết này được đăng lên ít lâu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã lên máy bay với cuốn hộ chiếu mới được Bộ Công an trao tận tay sát giờ lên máy bay.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/10/2018
[*] Nói thế không có nghĩa là giữa Tiến sĩ Nguyễn Quang A và FIDH (hoặc là các tổ chức quốc tế về nhân quyền khác) có gì mâu thuẫn nhau. Giữa họ kỳ thực chỉ khác nhau đôi chút về cách tiếp cận khi một bên coi EVFTA là công cụ để thúc đẩy xã hội Việt Nam theo hướng văn minh, tiến bộ toàn diện trong dài hạn, còn bên kia thì tin rằng có thể tận dụng Hiệp định để gây áp lực khiến Chính phủ Việt Nam phải nhượng bộ ngay lập tức - đôi bên đều hướng tới mục tiêu chung là một Việt Nam tốt đẹp hơn.
[1] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2274259595922254
[2] https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/fta-viet-nam-eu-ap-luc-toi-phan-viec-sau-cung-3325146/
[3] https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2312466328981396
https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2323697807858248
Thật trớ trêu và cay đắng tận cùng, lời tố cáo ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ của ông Hồ Chí Minh thời Việt Nam trăm năm Pháp thuộc lại ứng nghiệm với một đảng Cộng sản ‘của dân, do dân và vì dân’ nhưng đang đẩy dân chúng vào cảnh tàn mạt bởi chế độ ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’.
Vào năm 2017, ‘Bộ bóp cổ’ đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân (ảnh tư liệu).
UNDP khuyến khích ‘vắt kiệt sức dân’ ?
"Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng một cách bền vững về các nguồn thu Chính phủ và bảo đảm rằng các nguồn lực được đầu tư một cách có hiệu lực và được sử dụng có hiệu quả. Về vấn đề này, báo cáo nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ tiếp tục mở rộng nguồn thu trong nước từ thuế như là một nguồn thu bền vững hơn và đáng tin cậy hơn" - theo một khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra tại Báo cáo đánh giá tình hình tài chính cho phát triển bền vững tại Việt Nam, được công bố vào chiều 11/9/2018 tại Hà Nội.
Báo chí nhà nước cho biết ‘báo cáo này được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đặt hàng và do một nhóm chuyên gia biên soạn, với mục tiêu tổng quát là hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực cải cách việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển, nhằm thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030’.
Nhưng ai có thể tưởng tượng rằng tổ chức Liên Hợp Quốc - lấy giá trị căn bản tồn tại là phát triển bền vững và công bằng giữa các giai tầng - lại khuyến khích chính thể độc đảng ở Việt Nam đè thuế lên đầu dân càng nhiều càng tốt để bảo về cho chế độ chỉ còn hơi thở lụi tàn ấy ?
Hoặc chính là ‘các chuyên gia’ của chính thể đó đã lợi dụng nguồn kinh phí được tài trợ từ UNDP để ‘nghiên cứu’ theo phương châm ‘lấy mỡ nó rán nó’ : mở rộng diện thu thuế để tăng thu ngân sách trên danh nghĩa UNDP đứng phía sau khuyến nghị này.
‘Bộ bóp cổ’ và sự thật trần trụi
Sau lời tán thán đột biến về ‘sụp đổ tài khóa quốc gia’ của Nguyễn Xuân Phúc - thủ tướng của ‘chính phủ kiến tạo’ vào đầu năm 2017, nguồn cơn nào khiến chế độ cầm quyền ở Việt Nam phải tăng tốc ‘bán, bán nữa, bán mãi’ và ‘vét, vét nữa, vét mãi’ ?
Trong một lần báo cáo cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào trung tuần tháng Năm năm 2018, chính Bộ trưởng ‘Bộ bóp cổ’ (một cách gọi của dân gian đương đại dành cho vô số sắc thuế ‘kiến tạo’ của Bộ Tài chính đè đầu dân) - ông Đinh Tiến Dũng - đã phải thừa nhận một sự thật trần trụi và tàn nhẫn trong cơ cấu thu ngân sách của chính thể độc đảng ở Việt Nam vào năm 2017 : dù tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2017 vượt 49,16 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, vượt 76,48 nghìn tỷ so với dự toán, nhưng số tăng thu đạt được chủ yếu không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ tăng thu từ tiền sử dụng đất (61,58 nghìn tỷ đồng so với dự toán), và một phần khác từ thu cổ tức và lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp nhà nước (15,19 nghìn tỷ đồng), tăng thu từ dầu thô (11,28 nghìn tỷ đồng so với dự toán).
Thực thế, thu từ sản xuất kinh doanh của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế ngoài quốc doanh trong khoảng 3 năm liền kề đều thấp hơn so với dự toán với mức khá lớn và đều thấp hơn số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội. Một số chuyên gia đã ước tính tỷ lệ thu từ khối doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngoài quốc doanh chỉ đạt khoảng 80 - 85% so với dự toán – tức thấp hơn rất nhiều so với kết quả của những năm trước.
Riêng khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam trong nhiều năm qua - cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm 2017.
Và Đinh Tiến Dũng đã không bao giờ dám hé ra một sự thật còn trần trụi và khốn quẫn hơn nhiều : nếu không tính đến phần bán vốn Tổng công ty Rượu bia - nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, thì kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.
Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.
Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018 và những năm sau, Chính phủ sẽ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.
Cơn ác mộng
Tháng Ba năm 2016, một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội thừa nhận : "Tổng thu ngân sách nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn".
Cũng là lúc mà số thu hơn một triệu tỷ đồng của ngân sách không thể nào bù đắp cho số chi còn hơn hẳn thế, trong đó "phần cứng" thuộc về bao tử của đoàn quân gần 3 triệu công chức viên chức mà bị dư luận lên án "có đến 30% trong số đó không làm gì nhưng vẫn lãnh lương", hàng chục tỷ USD phải trả nợ nước ngoài hàng năm, cùng cơn gào thét "đòi ăn" theo thói ăn quen nhịn không được của 63 "bao tử" ở các tỉnh thành…
Song cơn bĩ cực ngân sách vẫn còn lâu mới đến hồi kết. Giờ đây, các nguồn "ngoại viện" đều hầu như đóng cửa với Việt Nam. Trừ "kênh Nhật" còn đôi chút hy vọng về nguồn ODA, còn lại các chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu đều bắt Việt Nam phải vay với lãi suất và thời gian ân hạn theo mặt bằng thị trường từ tháng Bảy năm 2017.
Về thực chất, Việt Nam đã gần như cạn kiệt nguồn vay ODA từ năm 2014 đến nay.
Khi năm 2018 đã ngầy ngật kéo lê được 2/3 thời gian của nó, trừ kết quả thu ngân sách nhà nước vẫn đạt được kế hoạch dự kiến bởi chính sách ‘thu cùng diệt tận giai đoạn cuối’, hai tử huyệt tài chính quốc gia khác là nợ công và nợ xấu vẫn không hề được thay hình đổi lốt.
Ít nhất 430 tỷ USD nợ công và 900.000 tỷ đồng nợ xấu vẫn như một cái bóng đè khổng lồ lên giấc mơ ‘không biết đến cuối thế kỷ 21 có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không’ của chế độ ông Nguyễn Phú Trọng.
Kể từ cơn khủng hoảng giá - lương - tiền 1985, chưa bao giờ ngân sách Việt Nam lại rơi vào thảm trạng quay quắt như giờ đây. Vào những năm gần đây, ngày càng nhiều người nói đến tương lai Việt Nam vỡ nợ không còn là "nguy cơ" nữa, mà đã trở nên hiện hữu.
Giai đoạn cuối cưỡng đoạt
Tăng giá và thuế má là một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một chế độ cưỡng bức và cưỡng đoạt.
Vào năm 2017, ‘Bộ bóp cổ’ đã tham mưu cho chính quyền âm thầm, hoặc lén lút tăng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gấp 3-4 lần mà không thông báo trước cho dân.
Trong cơ cấu thu ngân sách quốc gia, tiền thuế sử dụng đất chiếm khoảng 9%, tương đương khoảng 100 ngàn tỷ đồng. Nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành, ngân sách sẽ có thể "móc túi" dân gấp ít ra vài ba lần con số trăm ngàn tỷ đó.
Cũng vào năm 2017, mưu đồ tăng thuế VAT xảy ra trong bối cảnh dân tình Việt ngày càng khốn khó trong một nền kinh tế đã rơi vào thảm trạng suy thoái đến năm thứ chín liên tiếp, một xã hội bị a xít đậm đặc bởi căn bệnh tham nhũng không còn cách gì cứu chữa. Thuế chồng thuế, chồng lên đôi vai gày guộc của người nghèo. Hàng triệu bệnh nhân, vốn đã bị các bệnh viện "bóp cổ bóp họng" và "không có tiền thì chỉ có chết", sẽ phải nuốt nước mắt vào lòng với biểu viện phí chất cao như núi…
Tháng Chín năm 2018, chính phủ ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc cùng quốc hội ‘của dân, do dân và vì dân’ của Nguyễn Thị Kim Ngân đã toa rập để cấp tốc tung ra một nghị quyết tăng vọt sắc thuế ‘bảo vệ môi trường’, mà thực chất là tăng phi mã giá xăng dầu.
Nhưng khác hẳn với những lần dự kiến tăng thuế môi trường vào các năm 2016 và 2017 khi Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính còn phải đưa ra dự thảo để ‘lấy ý kiến nhân dân’ do lo ngại làn sóng phản ứng của người tiêu dùng khi giá xăng dầu tăng vượt mặt, vào lần này đã chỉ có văn bản đề nghị của Chính phủ ‘đi đêm’ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thông qua và công bố quyết định tăng giá cho bàn dân thiên hạ như sự đã rồi.
Nếu trước đây các Bộ Tài chính và Chính phủ còn phải nại ra nhiều lý do cho cơ chế tăng thuế môi trường, kể cả lý do ‘đóng thuế là yêu nước’ trơ tráo đến tận cùng, thì nay chỉ còn là lý do ‘giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn giá xăng dầu ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á’, cùng lời trấn an ‘Tăng thuế môi trường xăng dầu chỉ tác động đến CPI từ 0,07-0,09%’.
Cú tăng giá ‘đi đêm’ trên xảy ra trong bối cảnh một nghi ngờ rất lớn vẫn chưa hề được minh bạch : tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường vào năm 2016 đã tăng vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014, nhưng chỉ có 30% trong số tiền này được báo cáo sử dụng để "bảo vệ môi trường". Vậy số tiền còn lại "biến" vào túi ai ?
Lý giải một cách khiêm tốn nhất, nếu tăng thuế môi trường lên 1.000 đồng, ngân sách của nhà nước ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ sẽ nhét túi thêm 15.000 tỷ đồng, còn nếu tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng, ngân sách sẽ bỏ túi đến ít nhất 50.000 tỷ đồng.
Dù dự toán thu ngân sách năm 2018 đã lên kế hoạch thu đến hơn 1,3 triệu tỷ đồng - một mức độ ‘chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy’ chưa từng có, nhưng động thái chính phủ, quốc hội và chắc chắn phải được cái gật đầu của ‘đảng ta’ để tăng vọt thuế môi trường mới đây - mà bất chấp phản ứng xã hội và dân nghèo - đã cho thấy ngân sách của chính quyền ‘vì dân’ này đang khốn quẫn đến mức nào do thảm họa nợ công, nợ xấu và bội chi kinh niên.
Chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế đang khiến dân phải ôn lại thời Pháp thuộc "chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy".
Hơn bảy chục năm sau khi "đánh đuổi thực dân Pháp", chính quyền "định hướng xã hội chủ nghĩa" đang biến Việt Nam và dân chúng thành một thứ thuộc địa thực dân kiểu mới.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/10/2018
Không phải ngẫu nhiên mà ông Trọng không thể kiên nhẫn chờ thêm nửa năm hoặc tối thiểu là ba tháng cho đủ ‘giỗ 100 ngày Trần Đại Quang’ khi tìm cách ngồi ngay vào cái ghế trống của kẻ quá cố vừa để lại, như thể ‘của thừa kế’ đó chỉ dành riêng cho Trọng.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 2/4/2018.
Làm thế nào để được ‘chính danh’ ?
Tính ‘chính danh’ - nhu cầu đầu tiên và quan trọng nhất mà blogger ‘lề đảng’ Huy Đức thốt ra trong bài ‘Nhất thể hóa’ như một cách tung hô Tổng bí thư Trọng - là lý do đầu tiên và quan trọng hơn cả để ông Trọng nhất thiết phải được nội bộ đảng và quốc tế xem là chủ tịch nước, tức nguyên thủ quốc gia, nhất là nếu ông ta muốn sớm tiến hành chuyến công du đến Washington vào tháng Mười Một năm 2018 mà không thể bị giới ngoại giao Mỹ và Tổng thống Donald Trump càm ràm về việc Trọng chỉ là một ‘đảng trưởng’ mà không phải là người đứng đầu nhà nước.
Một cách đương nhiên, nếu có thêm được chức chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng sẽ trở nên ‘chính danh’ trong các cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia trên thế giới mà chẳng cần nhờ vả hay quá lệ thuộc vào Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm cách thuyết phục quốc tế chấp nhận ‘đối thoại với kênh đảng’, như các cuộc gặp của Trọng với Obma tại Mỹ vào tháng Bảy năm 2015 và với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris vào tháng Ba năm 2018.
Không chỉ là thể diện của ‘kênh đảng’, còn có một biểu hiện khác cho thấy Nguyễn Phú Trọng đặc biệt dành tâm trí cho sĩ diện cá nhân trong nhiệm vụ tiếp khách quốc tế tại Việt Nam.
Tháng Mười Một năm 2017, vài ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APCE) kết thúc tại Đà Nẵng và hệ thống báo đảng tự ca ngợi hết lời, Nhân Dân – "cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam" – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc : "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm".
Tựa đề trên có thể khiến người đọc cảm thấy ngay đã có một sự phân chia "quyền lực" rất có chủ ý và cũng rất tỉ mẩn, lục đục giữa 3/4 của "tứ trụ" trong việc tiếp "Trăm" (phiên sang tiếng Anh là Trump).
Sự kỳ quặc của tựa đề trên cũng bởi đây là một tựa đề hiếm có, cứ như thể nếu không ghi rõ ra sự phân công trách nhiệm của từng thành viên trong Bộ Chính trị thì người đọc và dư luận quần chúng nhân dân sẽ không thể biết được ai là người có vai trò ra sao, nhất là ai mới là người có vai trò chủ chốt trong việc tiếp "Trăm".
Trước đó khoảng ba tuần, Washington đã phát thông cáo báo chí : "Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam".
Sau đó, Tòa Bạch Ốc phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ "chào xã giao" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghĩa là cuộc gặp giữa "Trăm" với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là "bổ sung".
Tính chất "bổ sung" như trên là phù hợp với đánh giá của giới quan sát và phân tích chính trị khi cho rằng khác hẳn với tổng thống đời trước Obama có vẻ mềm mỏng và nể nang, "Trăm" là người không quá quan tâm đến phép tắc xã giao và càng chẳng quan tâm đến "kênh đảng" của ông Nguyễn Phú Trọng. Một bằng chứng có thể nhận ra được là mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lặp đi lặp lại về sự cần thiết "duy trì quan hệ kênh đảng’ với phía Mỹ khi ông Phúc đi Washington vào tháng 5/2017, nhưng "Trăm" lại chẳng nói một từ nào về đề nghị này.
Nhân Dân được xem là "báo ruột" của Tổng bí thư Trọng.
Sẽ lần đầu tiên đi Mỹ với tư cách nguyên thủ quốc gia ?
Từ trước ngày 30/9/2018 là thời điểm Bộ Chính trị tổ chức họp bất thường để bàn phương án nhân sự nào sẽ được ngồi vào cái ghế của Trần Đại Quang, trong nội bộ đảng bất chợt lan truyền một luồng thông tin cho biết ‘Cụ Tổng không muốn làm chủ tịch nước đâu, nhưng vì nhiều người tha thiết đề nghị nên đành phải làm’. Sau đó, thông tin này lan nhanh ra dư luận các giới trong xã hội. Một lần nữa, Nguyễn Phú Trọng lại được một số người tin là ‘có đức khiêm tốn’ và ‘không tham vọng quyền lực’.
Thật ra, thông tin trên là phần nào có cơ sở thực tế, nếu xét đến việc Tổng bí thư Trọng đã tập quyền với tốc độ cao kể từ sau đại hội 12, đặc biệt từ tháng Mười Hai năm 2017 khi ông Trọng chỉ đạo Bộ Công an phải bắt quan chức vừa mất ghế ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng. Trong thực tế, Nguyễn Phú Trọng đã từ lâu là Bí thư quân ủy trung ương một cách thực chất, không những thế còn phần nào nắm được Tổng cục Tình báo quân đội - điều mà những đời chủ tịch nước gần nhất như Trương Tấn Sang và Trần Đại Quang đã không thể nào làm được dù có nhiều cố gắng.
Và cũng chẳng cần là chủ tịch nước hay thủ tướng chính phủ, ông Trọng vẫn đã tung hoành ngang dọc trên bàn cờ chính trị quốc gia bằng thủ thuật ‘luân chuẩn cán bộ’ và ‘phân công, điều động cán bộ’ - những động thái được Ban Tổ chức trung ương của Tô Huy Rứa thực hiện đến 3 chiến dịch trong năm 2015 trước đại hội 12, và của Phạm Minh Chính tiến hành suốt từ cuối năm 2016 đến giờ.
Cả Rứa và Chính đều được xem là ‘người của Trọng’. Không chỉ cán bộ khối đảng mà cả cán bộ thuộc khối chính phủ cũng nằm trong tầm khống chế sát sao của đảng trên danh nghĩa ‘cán bộ nằm trong diện Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý’.
Thực tế là cho dù Trần Đại Quang không chết hoặc chưa chết, Nguyễn Phú Trọng vẫn không mấy thèm thuồng cái ghế chủ tịch nước mà chủ yếu là chuyện ‘ma chay hiếu hỉ’. Về thực chất, Nguyễn Phú Trọng đã đạt đến mức độ tập quyền cao chưa từng thấy, có thể lên đến 80 - 85% trong nội bộ đảng kể từ sau đại hội 12. Còn sau khi Quang chết, tỷ lệ tập quyền ấy có thể vọt đến 95% như cái cách mà Tập Cận Bình đang ở đỉnh cao quyền lực tại Trung Quốc.
Và đã đến lúc Nguyễn Phú Trọng cần một cái gì hơn thế : thỏa mãn tính sĩ diện cá nhân và thể diện của ông ta trong những chuyến công du nước ngoài. Phải làm sao để bản thân ông ta và Bộ Ngoại giao Việt Nam không còn phải khẩn khoản đề nghị những nước phương Tây lưu ý đến ‘tăng cường quan hệ kênh đảng’, mà chính ông ta phải trở thành một nguyên thủ quốc gia để hợp thức hóa thảm đỏ và 21 phát đại bác chào đón.
‘Mình phải như thế nào người ta mới đón tiếp như thế chứ !’ - Trọng thốt lên đầy hể hả sau khi được đích thân Tổng thống Mỹ Barak Obama đón tiếp trọng thị ngay tại Phòng Bầu Dục như một ngoại lệ vào tháng Bảy năm 2015.
Kỳ tích đó đang được kỳ vọng sẽ lặp lại vào tháng Mười Một tới, nếu Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ và được Trump tiếp. Khi đó, với tư cách nguyên thủ quốc gia, ông Trọng sẽ chẳng cần tỏ ra ngạc nhiên vì sao được tiếp đón khác hẳn với quá khứ ‘đảng trưởng’.
Tư tưởng tuyệt đối hay tha hóa tuyệt đối ?
Toàn bộ quá trình đi lên từ khi còn là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Bí thư thành ủy Hà Nội, Chủ tịch quốc hội đến nay đã cho thấy với Nguyễn Phú Trọng, tham vọng lớn nhất không phải là vật chất tiền bạc, mà là tinh thần.
Trong một mớ hổ lốn quan chức từ thấp đến cao chỉ biết so nhau bằng tốc độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ và giá trị tài sản từ trăm triệu đến hàng tỷ USD, những người cho tới nay còn giữ được tư cách sạch sẽ, dù chỉ là tương đối như Trọng, được xem là ‘hàng hiếm’. Nỗi khao khát của Nguyễn Phú Trọng hướng sang một kênh khác : phương trình phức hợp giữa chủ nghĩa dân tộc và tư tưởng mác xít cùng tâm thế ‘thời thế sinh anh hùng’ của thời phong kiến.
Nhưng cái logic tiếp theo sự chọn lựa những yếu tố trên luôn là phải đạt đến một quyền lực tuyệt đối và tư tưởng tuyệt đối. ‘Tư tưởng Tập Cận Bình’ đã được ngự trong hiến pháp Trung Quốc, tại sao lại không thể có ‘tư tưởng Nguyễn Phú Trọng’ nằm trong hiến pháp Việt Nam tại đại hội 13, nếu còn có đại hội đó ?
Và biết đâu đấy trong tương lai, Nguyễn Phú Trọng sẽ còn được thỏa mãn cả một khao khát tinh thần mà ông ta thường nhắc tới trong những cuộc tiếp xúc với cử tri : ‘lưu truyền sử xanh’.
Nhưng sau tất cả mà bài học gần gũi nhất là cái chết chẳng mấy an lành của Trần Đại Quang, cái tiếp biến của quyền lực tuyệt đối - như đã quá nhiều lần được lịch sử loại người dẫn chứng - đó là sự tha hóa tuyệt đối về nhân cách lãnh đạo và đạo đức chế độ cầm quyền mà sẽ tất yếu dẫn đến sụp đổ chế độ đó.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 06/10/2018
Chưa đầy chục ngày sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang mà đã khiến lộ trống cái ghế chủ tịch nước như một cơ hội trời ban, một chiến dịch PR từ không quá che giấu đến lộ liễu và cả "dằn mặt" đã được phát pháo.
Nhất thể hóa, ông Nguyễn Phú Trọng vừa làm Tổng bí thư vừa "gánh" luôn Chủ tịch nước. (Hình : Getty Images)
Chùm đạn pháo ngay trước thềm Hội nghị Trung ương 8 vào đầu tháng Mười năm 2018 mà hứa hẹn có thể sẽ nổ tung một biến cố chính trị lớn.
Sau một tràng liên thanh của một số trí thức xã hội chủ nghĩa về "đã đến lúc cần hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và Tổng bí thư" cùng ý tứ mấp mé "ông Nguyễn Phú Trọng là người xứng đáng", viên đạn pháo có sức công phá và sát thương mạnh nhất vẫn thuộc về Huy Đức – một blogger mang tính tín hiệu chính trị mà từ sau bài "Bộ Tứ" trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016 đến nay đã được nhiều dư luận mặc định như một trong những "kênh đảng", hoặc cụ thể hơn : "kênh Nguyễn Phú Trọng".
‘Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người ?’
Ngày 30 tháng Chín năm 2018 và trùng với một tin tức ngoài lề cho biết Bộ Chính trị rốt cuộc đã họp bàn về các phương án nhân sự cho cái ghế chủ tịch nước với Nguyễn Phú Trọng có thể là ứng cử viên có thể duy nhất, Huy Đức đã đưa lên Facebook của blogger này bài "Nhất thể hóa", với lời mào đầu :
"Nhất thể hóa tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam. Từ thay đổi tưởng chỉ ‘cấu thành hình thức’ này, trong quá trình vận hành, chắc chắn sẽ làm xuất hiện nhiều tình huống, gợi ý cho Việt Nam cải cách. Cho dù vẫn một đảng, về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ tiến gần hơn tới một nền cộng hòa bán tổng thống".
Gần 4 năm sau Đại hội 12, có thể cho rằng đây là lần thứ hai Huy Đức tung ra một bài viết có trọng lượng với quan điểm vận động sự ủng hộ cho "người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam", dù trong bài viết này không hề nhắc đến cái tên Tổng bí thư Trọng – người đã chiếm thế thượng phong sau khi tái cử Tổng bí thư tại Đại hội 12 đầu năm 2016, được tụng ca như "Người đốt lò vĩ đại" và "Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo" sau vụ chỉ đạo bắt Ủy Viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng vào cuối năm 2017, và trong thực tế đã mất sạch đối thủ chia sẻ trách nhiệm "thống lĩnh các lực lượng vũ trang" sau cái chết của Trần Đại Quang chỉ ít ngày sau lễ quốc khánh 2 tháng Chín năm 2018.
Bốn năm trước, trong bối cảnh cuộc chiến nội bộ tranh ghế Tổng bí thư vẫn chưa ngã ngũ giữa hai đối thủ chính trị Nguyễn Phú Trọng và kẻ kia bị phe đảng đóng đinh quan niệm "bất cứ ai trừ Dũng", bài viết "Bộ Tứ" của Huy Đức đã lần đầu tiên đưa ra những đánh giá mang tính đề cao dành cho Tổng bí thư Trọng, với cách viết tự tin đến mức chủ quan mà không còn quá ẩn dụ và ẩn kín như trước đó.
Nhưng đó cũng là lần đầu tiên một số dư luận có được một bằng chứng khá rõ rệt thông qua bài viết trên để nhận định "Huy Đức là người phe nào" hoặc cụ thể hơn "Huy Đức là người của ai", bởi suốt một thời gian dài trước đó nhiều người vẫn ngờ ngợ về vị thế có vẻ mang hơi hướng "dân chủ nhân quyền" của tác giả "Bên Thắng Cuộc".
Nhà báo tự do Huy Đức (Hình : Facebook Truong Huy San)
"Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người. Nếu tôn trọng các nhánh quyền lực nhà nước theo thẩm quyền được ghi trong Hiến Pháp thì không ai có thể lạm quyền dù họ là nguyên thủ. Nước cũng chỉ nên có một "vua". Ai cũng muốn đứng đầu. Ai cũng làm chính trị mà thiếu một người kỹ trị thì chính trường rất dễ thành đất "quần ngư tranh thực" ; thị trường chỉ là chợ đen ; hành chính rối ren và xã hội không thể nào ổn định". – vẫn Huy Đức viết trong bài "Nhất thể hóa".
Thế nhưng ít ai quên được rằng vào năm 2013 khi Nguyễn Phú Trọng còn bất lực trước một "đồng chí X" không thể kỷ luật được, ông Trọng đã từng than vãn "không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một người mà khó kiểm soát" như cái cách gián tiếp tố cáo tham vọng chính trị của Nguyễn Tấn Dũng. Giờ đây, ông Trọng lại đang đi vào vết xe đổ của Nguyễn Tấn Dũng.
Đã thành một thói quen, không ít người quan tâm đến biến động chính trị trong nội bộ đảng và chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng ngày càng dựa vào những tin tức, dù được thể hiện rõ ràng hay mơ hồ lấp lửng, của Huy Đức để nhận định và dự đoán về tương quan chính trị cùng những biến động, biến cố có thể xảy ra trong tương lai gần. Đặc biệt là về "ai sắp bị bắt" hay "ai sắp chết"… Với lợi thế có được nhiều tin tức nội bộ và thâm cung bí sử, Huy Đức đã trở thành một cây bút tín hiệu ghê gớm. Vào giữa năm 2017, chỉ một dòng status lấp lửng của cây bút quá thâm này về số phận đại gia Trần Bắc Hà đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam suýt rơi vào hoảng loạn và lao dốc khiến mất đi $2 tỷ vốn hóa.
Sau "Bộ Tứ", Huy Đức còn viết khá nhiều bài chính luận cho đến nay. Nhưng càng viết, ông lại càng thể hiện mình mang tính "lề đảng" nhiều hơn hẳn mục tiêu dân chủ hóa mà ông vẫn nói đến bằng những từ ngữ trân trọng – như thể một tấm bình phong đẹp đẽ. Một số ý kiến đánh giá rằng có lẽ do thành công với tác phẩm "Bên thắng cuộc", Huy Đức đã có chút ảo tưởng rằng ông có thể "hướng lái" dư luận, trong khi điều kiện cần để dư luận được chinh phục là sự thành tâm và khách quan trong phân tích và bình luận sự kiện chính trị, chứ không mang tư tưởng chỉ phục vụ cho đấu đá và thanh trừng phe phái.
Năm 2018. Một lần nữa, vào thời khắc có ý nghĩa như một sự kiện chính trị lớn của đảng cầm quyền chứ không phải của nhân dân và dân tộc, Huy Đức lại xuất hiện với bài PR lộ liễu cho ghế chủ tịch nước, không kém những ý tứ PR lộ diện cho ngai Tổng bí thư trong bài "Bộ Tứ" vào năm 2015.
Huy Đức và Trần Đại Quang
Ngày 10 tháng Tám, 2017, "cây bút tín hiệu" này phát ra một thông tin mang tính khẳng định trên Facebook của ông : "Đại Tướng Trần Đại Quang đi chữa bệnh từ tối 25 tháng Bảy, 2017" trong bài viết có tựa đề "NGUYÊN THỦ QUỐC GIA & ĐỊNH CHẾ CHỦ TỊCH NƯỚC". Đoạn kết trong bài viết của Huy Đức, hẳn phải là ý quan trọng nhất được diễn giải : đã đến lúc ông Trần Đại Quang cần bàn giao quyền lực của mình cho người khác.
Chính vào thời gian trên đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của hai cuộc điều tra quan trọng đối với Vũ "nhôm" (Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ) và Út "trọc" (Thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ) – cả hai nhân vật này đều được cho là dính dáng sâu đậm, nếu không muốn nói chính là nhóm lợi ích sân sau của Trần Đại Quang. Biểu đồ đi lên của Quang đã có thể bắt đầu xuống dốc từ tháng Bảy năm 2017.
Khoảng thời gian trên cũng là lúc mà trong dư luận bắt đầu hiện ra lời đàm tiếu về tình trạng "không nhìn mặt nhau" giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng, về một hố phân cách lớn giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Văn Phòng Trung Ương Đảng, dù tình trạng như thế có thể đã xảy ra từ cuối năm 2016 khi Tổng bí thư Trọng bắt đầu "nhóm lò".
Nhưng đến giờ này, Trần Đại Quang đã biến ra người thiên cổ, tạo nên một bất ngờ lớn vì theo nhiều dư luận trước đó, bất cứ kẻ nào cũng có thể chết, nhưng một viên tướng công an quá thâm niên, thủ đoạn và lọc lõi chính trường như Quang thì làm sao bị kết thúc như Nguyễn Bá Thanh.
Nhất thể hóa : nhân dân và đất nước được cái gì ?
Cơ hội trời ban bất thần đến từ cái chết không thể lường trước của Trần Đại Quang. Dịp "ngàn năm có một" để hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và Tổng bí thư chính là vào lúc này.
Nhưng sau tất cả những màn diễn đen đỏ sặc máu trên sân khấu của giới diễn viên chỉ tranh quyền đoạt vị, nhân dân và đất nước được cái gì ?
Làm thế nào có thể tin được, dù chỉ một là một chút, về "nền cộng hòa bán tổng thống" mà Huy Đức đã phác ra một cách đầy chủ ý mà sẽ khiến một số người dân một lần nữa tiếp tục nuôi hy vọng vào một cái gì đó mà từ quá lâu nay đã trở nên hão huyền, mị dân và lừa gạt ?
Thể chế cộng hòa bán tổng thống có lẽ là giai đoạn quá độ để tiến tới nền cộng hòa tổng thống, tức một thể chế phải có cơ chế tam quyền phân lập và đa đảng, tức ít ra cũng phải dân chủ hơn khá nhiều so với chế độ độc đảng đang ngự trị ở Việt Nam. Nhưng thực tế từ sau Đại hội 12 lại ngược hẳn với bức tranh "dân chủ" mà Huy Đức phác vẽ trong bài "Bộ Tứ" và những bài viết sau đó : Nguyễn Phú Trọng vẫn kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định đàn áp tư tưởng đa nguyên và đa đảng, và vẫn bóp nghẹt các quyền tự do của người dân về biểu tình, lập hội, báo chí, ngôn luận…
Về sau này, người ta nhìn lại tinh thần "thoát Trung" của Nguyễn Phú Trọng mà Huy Đức nhận định và hy vọng trong bài "Bộ Tứ". Nhiều người đã cho rằng nhận định này rất thiếu cơ sở thực tế. Và thực tế từ đó đến nay vẫn luôn là một Nguyễn Phú Trọng chưa có được bất kỳ biểu hiện rõ rệt nào về ý chí xa rời Bắc Kinh, nếu không muốn nói là ngược lại.
Vậy thì làm thế nào để có thể tin rằng Nguyễn Phú Trọng, sau khi đã được ngồi thêm vào cái ghế chủ tịch nước và trở nên "chính danh", sẽ mở mang dân chủ và nhân quyền cho người dân và xã hội Việt Nam ? Hay sẽ là một ông vua theo đúng nghĩa để đưa xã hội Việt Nam trở về thời phong kiến và có thể cả một thời kỳ Bắc thuộc mới ?
Làm thế nào để có thể tin rằng vào một buổi sáng đẹp trời nào đó, Nguyễn Phú Trọng tỉnh giấc và tự nhiên muốn "trở về làm người tử tế" (như cách sám hối không nước mắt của Nguyễn Tấn Dũng), hay hợp nhất hai chức danh chủ tịch nước và Tổng bí thư chỉ nhằm thỏa mãn cho nhu cầu cá nhân về sĩ diện đối ngoại trong khi chẳng mang lại lợi ích gì cho dân và cho nước ?
Sau nhiệm kỳ đầu hoàn toàn mờ nhạt và thất thế trước Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư Trọng đã trầy trật qua hơn nửa nhiệm kỳ thứ hai với thành tích chống tham nhũng rất khiêm tốn nhưng lại phân biệt đối xử quá rõ giữa "củi nhà" và "củi rừng", trong khi nạn cường hào ác bá từ trung ương đến các địa phương vẫn tiếp tục nổi lên như giặc giã, còn người dân Việt thì ngày càng trở nên thống khổ và khốn cùng, bị đè nén bởi vô số sắc thuế thu cùng diệt tận mà dân gian phải phẫn uất gầm lên : "Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy !"…
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 07/10/2018
Bởi các đại hội 5 năm một lần của Đảng cộng sản Việt Nam luôn đặt lên đầu nhiệm vụ ‘làm nhân sự’ và sắp ghế, đặc biệt là 4 cái ghế trong ‘tứ trụ’, và sống còn hơn cả là ghế tổng bí thư, có thể cho rằng ‘đại hội 13’ vừa xảy đến ngay sau tấm màn Hội nghị trung ương 8 nhóm họp vào tháng Chín năm 2018.
Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại lễ tang của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
‘Tôi không bất ngờ’
Nguyễn Phú Trọng đã đặt một chân vào giấc mơ ‘lưu truyền sử xanh’ của ông bằng cách ngồi ngay, và có thể ngồi luôn, vào cái ghế chủ tịch nước bị bỏ trống sau cái chết đầy nghi vấn của Trần Đại Quang - quan chức ‘xấu số’ mà đã từng một thời được Tổng bí thư Trọng sủng ái và giao cho nhiệm vụ đi tiền trạm ở Hoa Kỳ trước chuyến công du chính thức đến Nhà Trắng vào tháng Bảy năm 2015 của ông Trọng.
Sau cuộc họp bất thường của Bộ Chính trị vào buổi chiều ngày 30/9 với kết quả ‘thống nhất cao’ để ‘Bộ Chính trị trình Ban chấp hành trung ương xem xét và quyết định nhân sự chủ tịch nước’, cái tên duy nhất được giới thiệu ấy không phải là những phương án ‘chân gỗ’ mà đã khiến dư luận nội bộ rôm rả bàn tán trước đó như Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch…, mà té ra chỉ là Nguyễn Phú Trọng.
Vài ngày sau, Hội nghị trung ương 8 khai mạc. Và chỉ 24 giờ đồng hồ sau đó là một kết quả mà có thể khiến rất nhiều người kinh ngạc : báo đảng hào hứng công bố 100% Ban chấp hành trung ương đã thống nhất giới thiệu ứng cử viên duy nhất Nguyễn Phú Trọng ra kỳ họp quốc hội cùng khai mạc vào tháng Mười năm 2018 để bầu chức danh chủ tịch nước.
Có thể khác nhiều với động tác rút mù xoa lau nước mắt - bất lực trước một Nguyễn Tấn Dũng cười khẩy ngạo nghễ tại Hội nghị trung ương 6 năm 2012 - mà đã dẫn đến xúc cảm ‘tôi bất ngờ…’ bởi 100% phiếu thuận cho ứng cử viên duy nhất là Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư tại đại hội 12 vào đầu năm 2016, gần 3 năm sau ông Trọng đã có thể tự hào rằng ‘tôi không bất ngờ’ khi nhiệm vụ làm nhân sự ‘bất cứ ai trừ Dũng’ khốn khó đến mất ăn mất ngủ đã biến vào dĩ vãng, còn hiện tại người sắp thừa kế ghế trống do viên cựu bộ trưởng công an để lại không còn đối thủ chính trị xứng đáng nào, tính cả kẻ đã chết và những quan chức còn sống.
Ba kỳ tích của ‘giáo làng’
Ít nhất từ thời điểm năm 1975 đến nay, lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam đã luôn chứng tỏ một triết lý rất đặc thù : dù chẳng hề chứng tỏ được năng lực điều hành kinh tế - xã hội và chăm sóc cho nhân dân cả về an sinh xã hội lẫn trấn dẹp nạn cường hào ác bá hoành hành từ cấp trung ương xuống các địa phương, giới chóp bu trong đảng lại ngày càng vươn lên gần bằng với mặt bằng thủ đoạn chính trị cùng độ rung chấn của các màn xung đột nội bộ của ‘đảng anh’ Trung Quốc.
Nguyễn Phú Trọng đã vụt nổi lên như một ‘ngôi sao’ trong số đó, trong bầu không khí vằn vện tia kích nổ đó. Chẵn một chục năm sau từ thời điểm bị ví như ‘ông giáo làng’ hay mang tư duy của một thày đồ tụng kinh triết học Mác - Lê và chủ nghĩa xã hội hơn là một nhà chính trị, Nguyễn Phú Trọng đã khiến không chỉ một Nguyễn Tấn Dũng lọc lõi thủ đoạn và thế lực nghiêng thành phải bị đo ván, không chỉ một tướng công an ‘ai chết chứ Quang không thể chết’ phải bất đắc kỳ tử, mà có thể là tuyệt đại đa số giới quan chức và cả trí thức lẫn người dân - trước đó vẫn chỉ hình dung Trọng như một ông già gần đất xa trời - há hốc miệng ngỡ ngàng bởi năng lực ‘vượt khó’ của ông ta.
Quả thực, Nguyễn Phú Trọng đã thực sự tạo nên một kỳ tích đảo thua thành thắng kể từ đầu năm 2015, sau cái Hội nghị trung ương 10 mà theo rất nhiều nguồn tin không chính thức, ông ta chỉ đứng thứ 8 trong bảng tổng sắp ‘thăm dò uy tín tổng bí thư’, trong khi Nguyễn Tấn Dũng vọt lên đầu bảng. Thế nhưng chỉ trong vòng một năm sau, điều khó ngờ là bằng vào 3 chiến dịch ‘luân chuyển cán bộ’ với kiến trúc sư của nó là Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức trung ương và là một cận thần khi đó của Nguyễn Phú Trọng - đã tước đi đến 40% nhân sự ủy viên trung ương mà trước đó đã ủng hộ hoặc có thiện cảm với ‘đồng chí X’.
Kỳ tích thứ hai chắc chắn là tại đại hội 12, chính vào lúc Nguyễn Tấn Dũng bị một cú knock-out trong khi có tin trước đó quan chức này còn chuẩn bị sẵn tiệc ăn mừng cho chức tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng không biết làm cách nào đã khiến phần lớn Bộ Chính trị và sau đó 100% Ban chấp hành trung ương bỏ phiếu để ông ta ngồi ở đầu bàn tiệc - một suất ăn mà lẽ ra Nguyễn Tấn Dũng được hưởng vai trò thực khách.
Gần 3 năm sau kỳ tích trên, Nguyễn Phú Trọng đã lập một kỳ tích chói lọi hơn cả : nghe nói cả Bộ Chính trị, không một ai phản đối, kéo theo 100% ủy viên trung ương đã thuần phục, và hầu như chắc chắn là 100% hoặc sát nút đó giới ‘nghị gật’ trong Quốc hội sẽ thuần phục một cách vô điều kiện để ông ta ngồi thêm vào cái ghế chủ tịch nước.
Những kỳ tích như vậy có thể so sánh với lộ trình trở nên uy quyền tuyệt đối của Tập Cận Bình ở Trung Hoa đại lục.
‘Ai ngồi đâu ngồi đó’ và ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’
Bây giờ thì không ngờ hoài nghi gì nữa : đại hội 13 của đảng cầm quyền - dự định tổ chức tận năm 2021 - vừa được đốt cháy giai đoạn ngay tại Hội nghị trung ương 8 vào tháng Chín năm 2018 với cái ghế chủ tịch nước dành thêm cho Tổng bí thư Trọng, để hình ảnh ‘choàng hai vai’ sáng chói của ông ta sẽ lướt qua năm 2021 mang tính thủ tục và kéo đến tận năm 2024 hoặc 2026 - tùy vào mức độ thay đổi hiến pháp.
Cũng không còn nghi ngờ gì về việc Quyền chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ là phương án ‘nghi binh’, và cả những phương án Nguyễn Thiện Nhân, Trần Quốc Vượng, Tòng Thị Phóng, Ngô Xuân Lịch… cũng chỉ là một thủ thuật ‘chân gỗ’ theo truyền thống thủ đoạn ‘làm nhân sự’ - điều được thực hiện tương tự như cái cách ‘đưa ra nhiều ứng cử viên cho chức tổng bí thư nhưng đến giờ chót chỉ chọn một người’ ngay trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, và ứng cử viên ở vào thế ‘độc cô cầu bại’ đó, chẳng phải ai khác, chính là ‘chân thật’ Nguyễn Phú Trọng.
Chẳng bao lâu nữa, Nguyễn Phú Trọng sẽ chính thức trở thành bản sao của Tập Cận Bình - nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Và cũng chẳng bao lâu nữa, ‘đại hội 13’ sẽ chính thức kết thúc với một ông vua của nền chính trị hiện đại mà blogger Huy Đức trong bài ‘Nhất thể hóa’ trên facebook của mình trùng thời điểm ngày 30/9 khi Bộ Chính trị họp, đã định hướng : "Nhất thể hoá tạo tính chính danh cho người đang thực sự nắm quyền lực tối cao ở Việt Nam" và "Đừng sợ tập trung quyền lực vào một người’.
Nhưng nhiều người vẫn nhớ như in một lời răn dạy của chính Nguyễn Phú Trọng vào tháng Chín năm 2013 khi tiếp xúc cử tri các quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm (Hà Nội) trước kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khi trả lời vấn đề được cử tri Nông Quang Lộc nêu ra là nên ghi vào Hiến pháp "Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước và Chủ tịch nước làm chủ tịch Hội đồng Hiến pháp" :
"Cơ chế Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước đã có nhiều ý kiến nêu ra từ mấy nhiệm kỳ rồi. Trung Quốc và Lào cũng có cơ chế như vậy. Ở nước ta, vấn đề này do Đảng phân công, còn Chủ tịch nước thiết chế bộ máy nhà nước không phải cá nhân con người cụ thể. Tùy từng giai đoạn có thể kiêm hay không kiêm là do trung ương phân công Tổng bí thư sang làm Chủ tịch nước, đó là việc nội bộ không nên ghi "cứng" vào Hiến pháp. Cũng phải nói thật, đề phòng trường hợp quyền lực quá tập trung vào một người, xảy ra cái gì nếu tốt là phúc cho dân tộc, nhưng chẳng may nếu tính toán không kỹ thì để lại hậu quả. Bây giờ Chủ tịch nước lại là chủ tịch Hội đồng Hiến pháp nữa thì quyền to quá. Ta là cơ chế lãnh đạo tập thể. Bác Hồ nói rồi, nguyên tắc là lãnh đạo tập thể, phân công trách nhiệm cá nhân. Phát huy được dân chủ thì tốt hơn".
Đó là câu chuyện của quá khứ, vào lúc Nguyễn Phú Trọng tỏ ra thúc thủ trước một Nguyễn Tấn Dũng tung hoành ngang dọc trong các kỳ họp hội nghị trung ương.
Còn giờ đây, dĩ vãng đã không còn là nỗi ám ảnh đối với ‘Sỹ phu Bắc Hà’, ‘Minh Quân’, Bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ và ‘Người đốt lò vĩ đại’…
Một khi không còn đại hội 13 vào năm 2021 theo đúng nghĩa đen của nó, toàn bộ những quan chức đầu sỏ hiện thời, trừ Trọng, sẽ ‘ai ngồi đâu ngồi đó’. Sẽ không thể cục cựa gì nữa. Sẽ không còn màn chạy đua quyết liệt và quá nhiều cảm xúc vào chức tổng bí thư hay chủ tịch nước như những đại hội trước đây. Tất cả đều bị triệt tiêu ‘động lực cống hiến’, bởi tương lai sự nghiệp chính trị của tất cả đều đã ‘đụng trần’.
Thậm chí vào năm 2021, nếu Nguyễn Phú Trọng muốn và còn giữ được quyền lực độc tôn trước ‘đàn cừu’ của mình, ông ta hoàn toàn có thể làm như Tập Cận Bình đã làm tại đại hội 19 của Đảng cộng sản Trung Quốc vào cuối năm 2019 : không biết làm cách nào mà Tập đã khiến cả Ban chấp hành trung ương lẫn Quốc hội chấp thuận bỏ thẳng điều khoản ‘chủ tịch nước làm không quá hai nhiệm kỳ’ trong hiến pháp, để từ đó hướng đến tương lai ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’.
Có lẽ nhân vật ‘đau khổ’ nhất sau vụ ‘ngồi mãi’ trên là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong vòng một năn qua, ông Phúc đã có những cố gắng đầu tiên đầy tính khuếch trương để tự vận động cho mình cái ghế tổng bí thư tại đại hội 13. Nhưng cũng như các ủy viên bộ chính trị đã ‘đụng trần’, Nguyễn Xuân Phúc rất có thể sẽ phải thúc thủ ở cái ghế thủ tướng mà không thể mơ mộng hơn cho tương lai ‘liêm chính, kiến tạo và hành động’ của ông ta.
Sắp mở tòa !
Cho đến thời điểm tháng Chín năm 2018, đã có một điểm tương đồng đặc biệt trong cơn địa chấn mang tên Trịnh Xuân Thanh: cả hai cơ quan cảnh sát Đức và Slovakia đều tạm kết thúc giai đoạn đầu tiên về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trong vòng khoảng 2 tháng, tuy khác nhau về thời gian. Với người Đức là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2017, còn với Slovakia là từ tháng Tám đến tháng Mười năm 2018.
Đài truyền hình VTV phát trên cả nước: Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại đồn công an ở Hà Nội hôm 3/8/2017.
Kể từ tháng Tám năm 2018 khi vụ Trịnh Xuân Thanh bị ‘vận chuyển’ qua sân bay Bratislava của Slovakia bị các tờ báo của Đức và Slovakia tung loạt bài điều tra mang tính phát hiện và gây chấn động chính trường Slovakia, hai tháng là khoảng thời gian tối đa mà quốc hội nước này yêu cầu phải kết thúc công việc điều tra của cảnh sát, và sau đó vấn đề này đã được trực tiếp chỉ thị bởi Tổng thống Slovakia Andrej Kiska và Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini.
Mới đây, trang thoibao.de cho biết sau 2 tháng điều tra, Viện Công tố Slovakia đã ra quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen. Hai cảnh sát (hộ tống phái đoàn công an cấp cao do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu) đã khai với cơ quan điều tra Slovakia rằng họ đã nhìn thấy một người đàn ông Việt Nam, có lẽ là Trịnh Xuân Thanh, bị kéo lết lên chuyên cơ của chính phủ Slovakia.
Đáng chú ý, quyết định khởi tố vụ án trên của Viện Công tố Slovakia diễn ra ngay sau những cuộc gặp giữa hai công tố trưởng của Slovakia và Đức và giữa bộ trưởng nội vụ của Đức và Slovakia về vụ Trịnh Xuân Thanh ; cũng diễn ra ngay sau cuộc nói chuyện ngắn gọn của Ngoại trưởng Slovakia Lajcak với Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bên lề cuộc họp tại New York vào tháng Chín năm 2018.
"Nếu quý vị tiếp tục nói rằng quý vị không lạm dụng lòng hiếu khách của chúng tôi và công dân bị bắt cóc của quý vị không có mặt trên chuyến phi cơ của chính phủ Slovakia, thì tôi yêu cầu quý vị hãy đưa ra lời giải thích không sai sót về việc quý vị đã đưa ông ta từ Đức về Việt Nam bằng cách nào", và "Bất kỳ cách giải thích gây hiểu nhầm nào từ phía quý vị cũng sẽ gây ra những hậu quả cho quan hệ song phương giữa chúng ta, và chúng tôi cũng đang sẵn sàng có những hành động hạn chế trên cơ sở vì lợi ích của EU" - một phát ngôn mang tính ‘tối hậu thư’ của Lajcak dành cho Phạm Bình Minh !
Slovakia từ chối tiếp Nguyễn Phú Trọng ?
Quyết định bắt đầu tiến hành truy tố hình sự (khởi tố) về vụ án ‘dùng chuyên cơ chính phủ Slovakia đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khu vực Schengen’ của Viện Công tố Slovakia cho thấy vụ Trịnh Xuân Thanh đã không thể chìm xuồng ở Slovakia theo cách mà giới chóp bu Việt Nam hết sức mong muốn.
Một số thông tin cho biết trước đó đã có những ‘vận động’ từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam và cả những hứa hẹn ‘sẽ tạo môi trường thuận lợi về đầu tư và thương mại ở Việt Nam cho Slovakia’, nhưng đã không được chính phủ của Thủ tướng Peter Pellegrini hồi đáp.
Một dấu hỏi lớn vẫn đang hiện ra là liệu Slovakia có nằm trong kế hoạch ‘công du 3 nước Châu Âu’ của Nguyễn Phú Trọng - người đang rất cần tính ‘chính danh chủ tịch nước’ ngay sau cái chết của Trần Đại Quang ? Bởi vào đầu tháng Chín năm 2018, ông Trọng đã chỉ bay đến hai quốc gia được Việt Nam xem là ‘thân thiện’ là Nga và Hungary. Phải chăng phía Slovakia đã từ chối tiếp ‘đảng trưởng’ Đảng Cộng sản Việt Nam ?
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia cũng cho thấy quan điểm của những lãnh đạo cấp cao nước này là lạnh lẽo và cứng rắn hơn nhiều so với những gì thể hiện trước đó với giới chóp bu Việt Nam, và chiều hướng của ngành tư pháp Slovakia là rất có thể sẽ dẫn tới một phiên tòa lớn để xét xử những quan chức Slovakia dính líu đến vụ ‘tiếp tay cho bắt cóc’, theo cách mà Tòa án Thượng thẩm Berlin vào tháng Tư năm 2018 đã mở phiên tòa xử Nguyễn Hải Long - một người Việt tham gia vào đường dây bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, dẫn đến việc Long phải chịu án tù giam gần 4 năm sau khi đã phải khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của y.
Còn khi cơn địa chấn bắt cóc lan sang Slovakia, cựu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội Lê Hồng Quang được báo chí Đức và Slovakia xem là nhân chứng rất quan trọng trong việc móc nối cho đoàn quan chức công an Việt Nam, dẫn dắt bởi Bộ trưởng công an Tô Lâm, mượn máy bay của Chính phủ Slovakia để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, đưa từ Bratislava sang Moscow vào ngày 26/7/2017.
Thế nhưng vào đầu tháng Tám năm 2018, Lê Hồng Quang đã biến khỏi căn hộ của ông ta, chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Andrej Kiska và Thủ tướng Peter Pellegrini của Slovakia quyết định chỉ đạo Bộ Nội vụ và cảnh sát nước này mở cuộc điều tra về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Sau đó, có tin và cả hình ảnh về Lê Hồng Quang đã ‘trốn an toàn’ về Hà Nội và được hiểu rằng ông ta đã được Đảng Cộng sản Việt Nam ‘bảo kê’.
Kaliňák sẽ phải nhận án ?
Dù Lê Hồng Quang đã ‘bỏ trốn thành công’, vẫn còn một nhân chứng khác không thể đào thoát : cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia Robert Kaliňák - một nghi can và cũng là một dấu hỏi rất lớn dính líu vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’ và vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’.
Đến lúc này, đã chắc chắn rằng cựu Bộ trưởng nội vụ Kaliňák không còn giữ được tư thế bất khả xâm phạm, mà ông ta ít nhất đã bị cảnh sát Slovakia điều tra thẩm vấn về mối quan hệ cá nhân của Kaliňák với giới quan chức mật vụ Việt Nam ‘đặc biệt’ đến thế nào mà khiến ông ta lại nhiệt tình đến độ sẵn sàng cho nhóm Bộ trưởng công an Tô Lâm mượn chuyên cơ để bay thẳng từ Bratislava đến Hà Nội.
Tháng Chín năm 2018, phóng viên của Đài phát thanh và truyền hình RTV của Slovakia đã nêu ra với ông Kaliňák những nghi vấn của những nhà báo và luật sư ở Berlin rằng có ai đó ở Slovakia đã nhận hai triệu Euro trong vụ đưa Trịnh Xuân Thanh về nước ?
"Tôi đã nhận hai triệu Euro ư? Đừng đánh lạc hướng vấn đề như thế, thực sự là ngu xuẩn", ông Robert Kaliňák trả lời phóng viên Đài RTV Slovakia. "Bắt cóc tên tội phạm đã ăn cắp 130 triệu, tôi thực sự không thương hại hắn", cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia nói (Thoibao.de).
Nếu sắp tới kết quả điều tra của cảnh sát Slovakia làm rõ về trách nhiệm dính líu của Kaliňák với những kẻ bắt cóc, ông ta thậm chí có thể bị bắt giam và bị xử án về hành vi ‘tiếp tay cho bắt cóc’.
Sau khởi tố là gì ?
Quyết định khởi tố vụ án Trịnh Xuân Thanh của Viện Công tố Slovakia còn cho thấy Chính phủ nước này dường như quyết định sẽ lặp lại những biện pháp trừng phạt ngoại giao mà Nhà nước Đức đã tiến hành mạnh mẽ vào năm 2017.
Sau tháng Bảy năm 2017, khủng hoảng Đức - Việt đã bùng phát và kéo theo quá nhiều hậu quả. Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017 và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Một năm sau, vào ngày 9/8/2018, Ngoại trưởng Slovakia Miroslav Lajcak đã tuyên bố chính thức sẽ không bổ nhiệm đại sứ của Slovakia ở Hà Nội cho đến khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được điều tra rõ ràng. Khủng hoảng Slovakia - Việt Nam đã chính thức bùng nổ với động tác hạn chế ngoại giao đầu tiên như thế.
Những thông tin từ hải ngoại cho biết đến nay các cơ quan cảnh sát và tư pháp Slovakia đã nắm trong tay nhiều tài liệu và bằng chứng về vụ ‘vận chuyển Trịnh Xuân Thanh’, được cung cấp bởi cảnh sát Đức và tự điều tra. Thậm chí còn có tin (khó kiểm chứng) cho biết một số tài liệu - nhằm bạch hóa vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và có thể mang mục đích đấu đá chính trị nội bộ - đã được chuyển đến cảnh sát đặc biệt Đức từ… Việt Nam.
Với hệ thống bằng chứng và chứng cứ phong phú như thế, xác suất Chính phủ Slovakia công bố biện pháp chế tài ngoại giao với đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam là khá cao và có thể xảy ra trong tháng Mười hoặc tháng Mười Một năm 2018. ‘Hạ cấp ngoại giao’, triệu hồi đại sứ của Slovakia về nước (hiện tại chỉ là Đại biện lâm thời), và tuyên bố trục xuất Đại sứ của Việt Nam tại Slovakia - ông Dương Trọng Minh - về nước theo yêu cầu của Phó Chủ tịch Quốc hội Slovakia là ông Bela Bugar có thể sẽ là những động tác trừng phạt mạnh hơn của Slovakia, làm tiền đề để Liên Hiệp Châu Âu phải xem xét lại mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cả về số phận mành chỉ treo chuông của EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Châu Âu).
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 04/10/2018