Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 18 juillet 2019 06:52

Quay lưng bỏ đảng

Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đã nhận ra nhóm chữ “diễn biến hòa bình” do họ chế ra không chỉ giới hạn trong “các thế lực thù địch từ bên ngoài” mà còn nằm ngay trong lòng chế độ với số không nhỏ cán bộ, đảng viên muốn tử bỏ Chủ nghĩa cộng sản và đòi chấm dứt quyền lãnh đạo độc tôn của đảng.

dang1

Ngày càng có nhiều đảng viên muốn tử bỏ chủ nghĩa cộng sản và đòi chấm dứt quyền lãnh đạo độc tôn của đảng.

Tình trạng này được 4 cơ quan bảo vệ tư tưởng Đảng gồm Hội đồng Lý luận trung ương, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Cục Chính trị Bộ Quốc phòng, gọi chung là “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong hàng ngũ đảng và quân đội.

Một số bài viết xuất hiện trên các Tạp chí cộng sản, Tuyên giáo, Xây dựng Đảng và Quốc phòng Toàn dân, trong thời gian gần đây, mang tính khẩn trương đã cảnh giác đảng viên phòng, chống và ngăn chặn không để cho làn sóng suy thoái tư tưởng đe dọa sự sống còn của đảng.

Đáng chú ý là nhiều đảng viên đương chức hay nghỉ hưu cũng đã “nhạt đảng, xa đoàn” như nhiều đoàn viên của tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, thành phần nam, nữ trẻ được coi là “hạt giống đỏ kế thừa” của đảng.

Do đó, điều lo lớn nhất của đảng cầm quyền cộng sản, trước thềm Đại hội đảng XIII dự trù vào tháng 1/2021, là không ít cấp lãnh đạo chủ chốt đã công khai bài bác chủ trương xây dựng đất nước của đảng tiếp tục dựa trên nền tảng Chủ nghĩa phá sản Mác-Lenin và Tư tưởng cộng sản ngoại lai của Hồ Chí Minh.

Vì vậy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần buộc cán bộ lãnh đạo, nhất là thành phần được gọi là “chủ chốt” hay “cấp chiến lược” phải tuyệt đối trung thành với Đảng và kiên trì bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng cộng sản Hồ Chí Minh như đã quy định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).

Bằng chứng

Sự lúng túng, giao động của Đảng cộng sản Việt Nam đã phản ảnh rõ nét trên Tạp chí Quốc phòng Toàn dân ngày 17/07/2019. Bài viết có tựa đề “Góp phần đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội ”, đã hù họa rằng :

Mục tiêu xuyên suốt không thay đổi của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đối với Việt Nam là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là khi chúng ta đang chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế, pháp luật, quốc phòng, an ninh, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp, v.v. Để thực hiện mục đích, chúng triệt để lợi dụng môi trường internet và mạng xã hội để làm nhiễu loạn thông tin, đưa tin thật giả lẫn lộn hòng làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là lớp trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, điều hành của Chính phủ trong dẫn dắt đất nước ta phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Như thế thì lực lượng 10,000 lính của Lực lượng 47 (hay còn được gọi là Trung đoàn 47) của Tổng cục Chính trị Quân đội, có nhiệm vụ “đấu tranh trên không gian mạng”, đã phất cờ trắng đầu hàng rồi sao ?

Đội ngũ này, theo lệnh Đảng và Chỉ thị 47 của Tổng cục Chính trị ngày 01/01/2016, có bổn phận :Đấu tranh, chống các luận điệu xuyên tạc của các đường lối quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam, chính sách và luật pháp Nhà nước Việt Nam”.

Theo Bách khoa Toàn thư mở thì Lực lượng 47 còn :

Chuyên trách nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục trên không gian mạng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch với Đảng cộng sản Việt Nam, hay những đối tượng cơ hội chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Tính đến tháng 12 năm 2017, lực lượng này có hơn 10, 000 người. Lực lượng này đang có mặt ở tất cả các đơn vị cơ sở, mọi miền, mọi lĩnh vực của quân đội.

Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ; phản bác các quan điểm sai trái trên mạng Internet”.

Hoạt động của đội quân 47 được thi hành song song với một lực lượng “Công an mạng” của Bộ Công an nhằm kiểm soát các hoạt động trên mạng lưới Internet, theo quy định của Luật an ninh mạng. Luật này được ban hành năm 2018 nhằm kiểm soát tư tưởng người dân và kiểm soát thông tin ở Việt Nam.

Để chống lại “các thế lực thù địch”, bài viết của Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Duy Ánh, Văn phòng Tổng cục Chính trị đề ra một số nhiệm vụ như :

– Cần quan tâm lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận chủ lực, nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi ; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh.

– Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh công khai, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Ngoài ra, bài báo cũng yêu cầu : “Lực lượng đấu tranh nòng cốt chuyên sâu phải thường xuyên được trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ ; được trang bị đầy đủ, vững chắc lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các thông tin đấu tranh phải trung thực, khách quan, vì lợi ích lâu dài của dân tộc, của đất nước, mang tính đảng, tính khoa học cao”.

Trong lòng chế độ

Nhưng “thế lực thù địch” không chỉ từ bên ngoài mà đã sống nhởn nhơ trong lòng chế độ từ lâu rồi. Một bài trên Tạp chí Tuyên giáo ngày 17/07/2019 tiết lộ : “Cùng với sự chống phá của các thế lực thù địch, trong xã hội đã xuất hiện thêm những luận điệu nhằm hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng và sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta; “nắn dòng” dư luận để thổi phồng khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta của những kẻ suy thoái, biến chất. Dùng chiêu “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để không chỉ gây tâm lý hoang mang, hồ nghi trong một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, dàn “đồng ca” của các thế lực thù địch đã và đang làm cho những biểu hiện đó được “khuyếch trương” mạnh mẽ hơn bằng các thủ đoạn đặt câu hỏi như: nếu không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thì nước ta sẽ đi theo con đường nào ? Và rồi, họ tự trả lời bằng cách “khuyên nhủ” chúng ta phải đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản để được tự do, v.v…” (1).

Ông tướng Thế còn vạch áo đảng cho mọi người thấy : “Một bộ phận phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” đã “phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái” ; “nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Chúng bôi nhọ, hạ thấp và phủ nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, của công cuộc đổi mới. Chúng rêu rao và đổ lỗi cho sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đòi thay đổi con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, từ đó, đòi thay đổi thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng ; tìm mọi cách cản trở công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước…”.

Trước sức công phá của lực lượng chống đảng ngay trong lòng chế độ, Thiếu tướng Thế đã rát mặt phản công : “Ra sức xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng và Nhà nước ta là một trong những âm mưu thủ đoạn mà các thế lực thù địch đang tiến hành. Phòng, chống, ngăn ngừa những biểu hiện đó là hết sức cần thiết và cấp bách, nếu không sẽ ảnh hưởng tới uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng”.

Tác giả bài viết thừa nhận cuộc tấn công đã đánh trúng mục tiêu khi ông lên giọng hằn học : “Chúng còn “tìm kiếm” và cố tình đưa ra những thông tin hằn học, nhai lại những luận điệu cũ rích nhằm hạ bệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phủ nhận công lao của Người; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hạ uy tín nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao, gây mất niềm tin trong nhân dân, làm cho dân xa Đảng, mất đoàn kết nội bộ, kích động tâm lý xã hội”.

Nhưng làn sóng chống đảng không chỉ có bấy nhiêu đòn phép mà còn biết : “Lợi dụng, khoét sâu những hạn chế, khuyết điểm của chúng ta trong thực hiện chủ trương, chính sách và thực thi pháp luật, nhất là lợi dụng việc Đảng đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; công kích Đảng, xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, chúng cho “ra lò” những cuốn sách, tờ báo, tờ rơi, những “tâm thư”, “giác thư”, “thư ngỏ”, “tuyên cáo”, công khai nói rõ điều đó, công khai đòi đánh đổ, kêu gọi giải tán Đảng, xóa Điều 4 của Hiến pháp...”.

Vẫn như cũ

Với 2 bài viết tiêu biểu nêu trên, tưởng đâu tình hình cán bộ, đảng viên mới có những chứng hư tật xấu thời gian gần đây. Nào ngờ cũng chỉ là chuyện xưa như trái đất, từng được đảng vạch ra từ Đại hội Đảng XII năm 2016.

Tạp chí Xây Dựng Đảng đã nói ra trong bài viết ngày 05/05/2019 :

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng nhận định : Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở mà ở cả một số cơ quan Trung ương…

Hậu quả, hệ lụy của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ : Nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế trong nhận thức, lơ là, mất cảnh giác, lúng túng trong nhận diện và đấu tranh, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; việc đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị còn bị động, thiếu sắc bén và hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân” (2).

Như vậy là những khuyết tật kinh niên của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn và tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã hết thuốc chữa.

Trước tình hình nhiễu nhương như thế, nhất là khi tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra” vẫn lan tràn trong Đảng và xã hội thì làm sao mà những đảng viên thấp cổ bé miệng và dân nghèo không quay lưng bỏ đảng.

Họ ở lại để làm gì, cho ai và vì ai?

Phạm Trần

(18/07/2019)

-------------------------

(1) Theo Thiếu tướng. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(2) Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Published in Diễn đàn

Đảng cộng sản Việt Nam đang lo tối mặt vì "mạng xã hội" và "xã hội dân sự" đã thúc đẩy tình trạng "suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong đảng đến hố chôn vùi chế độ.

thu1

Hơn 200 nhân sự được giới thiệu vào quy hoạch Trung ương khóa XIII

Quan ngại và cảnh giác khúc quanh nội bộ này đã công khai phơi bầy trên các phương tiện truyền thông của Đảng và Bộ Quốc phòng trong khi công tác quy hoạch trên 200 cán bộ cấp chiến lược cho nhiệm kỳ đảng Khóa XIII 2021-2026 được Bộ Chính trị phê duyệt ngày 21/06/2019.

Bằng chứng đe dọa chế độ của "mạng xã hội" đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng tiết lộ trong bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam", ngày 17/06/2019.

Ông Thưởng tố cáo rằng : "Một số được nuôi dưỡng, cấp phát từ các tổ chức thù địch bên ngoài. Lợi dụng những bất cập trong quản lý nhà nước về Internet, mạng xã hội, chúng thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, "nuôi" nick (tên tài khoản), lập ra hàng trăm nghìn tài khoản ảo và nhiều trang giả mạo cá nhân, tổ chức. Với nhiều thủ đoạn tinh vi được hỗ trợ bởi công nghệ, chúng tập trung chống phá nền tảng tư tưởng, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc tư tưởng cực đoan, tạo bất đồng, xung đột trong nội bộ Đảng và nhân dân".

Sau đó 19 ngày (05/07/2019), ông Võ Văn Thưởng lại xác quyết " tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng là vấn đề cấp bách trong giai đoạn hiện nay" nhằm chống điều ông gọi là "các quan điểm sai trái, thù địch" (Thanh Niên, 07/07/2019)

Nhưng tại sao lại khẩn trương như thế, vào lúc tưởng như tư tưởng đảng viên đã vững như bàn thạch để bước vào Đại hội đảng khóa XIII, dự trù diễn ra vào tháng 01 năm 2021 ?

Thì ra, theo ông Thưởng, đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với "Thủ đoạn chống phá muôn hình vạn trạng".

Ba nhóm chống Đảng

Người đứng đầu ngành tuyên truyền quy kết hành động muốn hạ bệ đảng tập trung vào 3 nhóm, theo báo Thanh Niên :

Nhóm 1 bao gồm những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh chính trị giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Nhóm thứ 2 là lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài kết hợp với số chống đối, bất mãn trong nước để lập ra các tổ chức mà chúng ta hay nghe như Việt Tân, Việt Nam phục quốc…

Nhóm "thế lực thù địch" thứ 3, theo ông Thưởng, là lực lượng len lỏi, phức tạp không khó để nhận ra nhưng lại rất khó về đấu tranh đó là cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của chúng ta, suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hoá".
Như thế rõ ràng đã có sự liên hoàn tự nhiên và nhịp nhàng giữa trong và ngoài nước trong sứ mệnh chống đảng cộng sản Việt Nam, dù không có ai tổ chức. Sự liên kết hành động, trong trường hợp này, chỉ có thể đến từ những con người Việt Nam có trái tim yêu chuộng tự do, dân chủ và đoàn kết đấu tranh muốn chấm dứt chế độ độc tài, đảng trị cộng sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Quan trọng nhất là giữa hai nhóm 2 và 3. Nhưng nguyên nhân hình thành của thành phần "chống đối, bất mãn trong nước" đến từ đâu ? Đó là hậu quả của hơn 30 năm gọi là "Đổ mới", từ 1986, vì đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ muốn "đổi mới kinh tế" để làm giầu cho đảng và cho các nhóm lợi ích đảng viên để duy trì quyền lực và ăn chia độc quyền. Lãnh đạo đảng đã nhiều lần từ chối "đổi mới chính trị", không cho dân ra báo, lập đảng đối lập, hay trực tiếp bầu ra một chính quyền thật sự "của dân, do dân và vì dân".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ngụy biện chữ nghĩa khi nói rằng :

"Tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế". Phải nắm vững và khẳng định : Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".

(trích Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 10/Khóa đảng XI ngày 12/01/2015)

Đó là lý do tại sao đã có "chống đối và bất mãn trong nước". Có đối lập vì đảng chỉ lo bảo vệ đặc quyền và đặc lợi cho đảng để duy trì quyền cai trị và quyền được thu vén công sức lao động bằng mồ hôi và nước mắt của của nhân dân. Nhưng đảng lại để cho cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ có chức và có quyền, tự do tham nhũng và hành dân trên mọi lĩnh vực và trong mọi cơ hội.

Trong nhiều trường hợp, đảng lại che chở và bảo vệ những kẻ đã cướp miếng cơm và manh áo của dân, nhưng lại không dám quyết liệt lấy lại tài sản chúng đã ăn cắp hay nhờ tham nhũng mà có như màn kịch kê khai tài sản đã chứng minh trong Luật phòng, chống tham nhũng mới, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019.

Ngoài ra, lý do có "chống đối và bất mãn" trong dân vì dân đã thấy, trong khi đảng chèn ép , bịt miệng dân và tước bỏ các quyền tự do cơ bản của dân, dù đã được quy định trong Hiến pháp 2013, thì đảng lại đàn áp dân khi họ đứng lên chống quân Tầu đàn áp ngư dân, đâm chìm tầu đánh cá và chiếm đóng biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Đảng cũng không dám tổ chức truy niệm những chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh trong các cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược ở Hoàng Sa 1974, biên giới phía Bắc 1979-1989 và ở Gạc Ma tháng 3/1988 (Trường Sa), nhưng lại ngăn cấm dân tổ chức tri ân và tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã đổ máu bảo vệ giang sơn.

Thử hỏi những hành động khiếp nhược và thuần phục Tầu xâm lược như thế thì làm sao dân không căm phẫn ?

Việt kiều - suy thoái tư tưởng

Ngoài ra, trong bài phát biểu dài hơn giờ đồng hồ tại Hội nghị báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ngày 05/07/2019, ông Võ Văn Thưởng, người cầm đầu ngành tuyên truyền còn cáo buộc "lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài" đã tham gia chống đảng qua Internet. Việc này không mới vì từ hơn 40 năm qua, nhưng chưa khi nào đảng cộng sản Việt Nam có thật lòng muốn nói chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc với người Việt tị nạn ở nước ngoài.
Ngược lại, các mánh khóe chiêu dụ "Việt kiều" và tìm cách "đầu độc chính trị" các thế hệ con cháu lớp "Việt kiều" tiền bối đã phản ảnh trong Nghị quyết 36 "về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", ban hành năm 2004.

Để đạt các mục tiêu thu hút "Việt kiều", nhà nước cộng sản Việt Nam đã bỏ ra không biết bao nhiêu tiền bac để vận động và mua chuộc, nhưng vẫn thất bại ở mọi nơi có đông người Việt tị nạn định cư. Bằng chứng chỉ có rất ít, đếm trên đầu ngón tay, trong số trên 300.000 trí thức, chuyên viên "Việt kiều" mà Hà Nội từng mơ mộng sẽ chiêu dụ được, đã trở về giúp nước. Một số khác chỉ về giúp không thường xuyên vào mỗi dịp Hè.

Ngoài ra, lá Cờ Vàng 3 Sọc đỏ của Việt Nam Cộng hòa vẫn tiếp tục tung bay ở mọi nơi mọi chốn có người Việt tị nạn, trong khi cờ Đỏ Sao Vàng của cộng sản Việt Nam chỉ có thể ngóc đầu hạn chế trong một ít dịp do các cơ quan ngoại giao của Hà Nội tổ chức. Tuy vậy, ông Võ Văn Thưởng đã có lần nói nghênh ngang :

"Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý" (Pháp luật Online, 18/05/2017).

Ngày ấy Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết "đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước".

Nhưng nay đã hơn 2 năm, võ miệng của ông Thưởng đã đi vào quên lãng. Có lẽ vì vậy, cộng với những thiệt thòi và bất công mà lớp cán bộ, đảng viên thấp cổ bé miệng phải gánh chịu trước sự giầu sang bí ẩn "bất chiến tự nhiên thành" của lãnh đạo, nên một lực lượng chống đảng mới,nằm ngay trong lòng chế độ, đã xuất hiện.

Đó là những người, theo cách vạch lá tìm sâu của ông Thưởng thuộc "Thế lực thù địch" thứ 3" gồm "cán bộ đảng viên, kể cả có những đảng viên từng giữ chức vụ trung cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị".

Những đảng viên này đã bị ông Thưởng nhận diện có "suy thoái tư tưởng" , "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đang làm cho đảng mất ăn mất ngủ.

Nguy cơ này, nói ngắn , là những đảng viên đã chán đảng, nhạt đoàn và công khai phủ nhận Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin-Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của đảng. Họ cũng không chịu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như đảng yêu cầu.

Báo Thanh Niên viết tiếp : "Về phương thức, thủ đoạn chống phá của các đối tượng này, theo Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, là muôn hình vạn trạng, trong đó đặc biệt là sử dụng truyền thông đại chúng, sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá".

Ông Thưởng nói : "Cái kẻ chống mình, mọi thủ đoạn, mọi phương thức, thấy cái gì cũng chống. Một cái băng rôn sai chính tả, một băng rôn sai ngày tháng năm cũng thành câu chuyện để đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta. Nhưng người đấu tranh bảo vệ và phản bác lại thụ động hơn, lại phải chờ định hướng, thậm chí là chờ chế độ chính sách…".

Cán bộ tuyên giáo mà rệu rã như thế thì hèn chi đảng không lâm nguy, nhưng còn nguy hơn khi hấy báo Thanh Niên ghi lời ông Thưởng tiết lộ :"Nhiều câu chuyện tiếu lâm chính trị mang tác dụng xấu không xuất phát ở các quán nước vỉa hè mà xuất phát từ chính những giảng viên chính trị, do đó, ông yêu cầu phải tăng cường bồi dưỡng, cập nhập kiến thức, xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu".

Ít năm qua, bộ máy tuyên truyền của đảng đã luống cuống không giải thích được phải mất bao nhiêu năm nữa thì lộ trình gọi là "qúa độ lên xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam mới hoàn thành. Hội đồng Lý luận Trung ương và Ban Tuyên giáo cũng tối tăm hoa mắt trước thắc mắc tại sao Việt Nam đã chủ trương làm kinh tế thị trường của Tư bản mà còn móc thêm cái đuôi "theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa" để làm gì ?

Vì vậy, những thứ lấn cấn này, nhiều khi đã biến thành chuyện tiếu lâm tại các quán bia hơi, qúan nhậu vỉa hè hay trên các mạng xã hội khiến ông Thưởng nhức nhối.
Nhưng mỉa mai đảng cũng có lý do vì Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói vào ngày 23/10/2013 rằng :"Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa".

Có lẽ vì mất định hướng và mơ hồ như thế mà ông Thưởng đã trấn an cán bộ tuyên truyền rằng : "Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 làn hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta. Đừng lo tự do internet là ảnh hưởng nhân quyền, tự do ngôn luận gì hết. Cả thế giới đều lo lắng trước sự phát triển của mạng xã hội, truyền thông xã hội".

Rồi ông đề nghị : "Từ nay tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mỗi địa phương chắt lọc đối tượng trên địa bàn, xử lý một vài đảng viên vi phạm, xử lý một vài cá nhân, công dân sử dụng internet, mạng xã hội vi phạm luật An ninh mạng, thì tình hình sẽ tốt hơn rất nhiều".

Xã hội dân sự

Ông Thưởng nói có vẻ tự tin như người điếc không sợ súng, nhưng ngoài "mạng xã hội", đảng cộng sản Việt Nam còn phải đối mặt với "xã hội dân sự".

Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận chính trị của Trung ương đảng cộng sản Việt Nam viết ngày 11/06/2019 rằng :

"Hiện nay, vấn đề "xã hội dân sự" đã và đang được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam. Sau thất bại trong hoạt động chống phá Việt Nam ở các giai đoạn trước, hiện nay, các thế lực thù địch xem việc củng cố, thúc đẩy "xã hội dân sự" theo mô hình phương Tây là một hướng đi mới, là một trong những phương thức tác động cơ bản của chiến lược "diễn biến hòa bình" với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề "xã hội dân sự" là tìm cách thúc đẩy sự xuất hiện các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế lực thù địch cho rằng, hình thành "xã hội dân sự độc lập về chính trị" là một "lối thoát" cho sự ra đời công khai, hợp pháp của các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, buộc Việt Nam phải chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Chúng ra sức cổ vũ cho hình thành ở Việt Nam một mô hình "xã hội dân sự độc lập về chính trị" kiểu phương Tây, nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước".
Viết như thế là nói lấy được, theo lối cả vú lấp miệng em, một chiều và có ác ý muốn xúi bẩy người đọc vào hùa với đảng phủ nhận các quyền tự do của dân đã được Hiến pháp năm 2013 thừa nhận.

Theo Điều 25 thì : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Nhưng đảng cộng sản Việt Nam đã tự cho mình quyền vi phạm điều này khi cấm tư nhân ra báo ; ra Luật an ninh mạng để kiểm soát dư luận ; không ra luật lập hội và luật biểu tình để tước bỏ các quyền hiến định của dân. Hai dự luật Lập hội và Biểu tình đã trình hay dự trù trình ra Quốc hội rồi rút lại nhiều lần với lý do "còn nhiều ý kiến khác biệt cần bổ sung".

Bằng chứng chà đạp quyền lập hội đã được chứng minh tiếp theo trong bài của Tạp chí Cộng sản :

"Hòng thực hiện âm mưu đó, các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng tính chất chính trị, xã hội phức tạp của "xã hội dân sự" để tác động vào hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều phương thức khác nhau, từ tuyên truyền lừa bịp, thổi phồng, cường điệu hóa vai trò của xã hội dân sự, cung cấp tài chính, phương tiện hoạt động đến gây sức ép với Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ đối ngoại. Các đối tượng chống đối nhân danh chiêu bài "xã hội dân sự", "dân chủ", "nhân quyền"... để tập hợp lực lượng, lập hội, nhóm với tên gọi, khẩu hiệu, tôn chỉ, mục đích dễ gây "ấn tượng" với thị hiếu của từng nhóm xã hội nhất định, như "Diễn đàn xã hội dân sự", "Hội tù nhân lương tâm", "Hội phụ nữ nhân quyền", "Hội bầu bí tương thân", "Hội nhà báo độc lập", "Hội anh em dân chủ"...

Đảng sợ bị lôi kéo

Tất nhiên khi viết ra như thế thì phải dính thêm các "âm mưu" để bêu rếu hại người, do đó không lạ khi bài báo kể tiếp rằng :

"Thủ đoạn mà các đối tượng chống đối sử dụng phổ biến hiện nay là thông qua các trang web, diễn đàn trực tuyến, nhất là mạng xã hội để công khai tổ chức, tuyên truyền, lừa bịp, lôi kéo quần chúng tham gia ; sử dụng các phần mềm bảo mật để liên lạc, tổ chức huấn luyện, đào tạo trực tuyến cho thành viên ; công khai viết "đơn kiến nghị" đòi thành lập đảng chính trị đối lập, tự do thành lập hội mà không tuân theo quy định pháp luật, đòi khởi kiện, vu cáo, xuyên tạc Nhà nước ta vi phạm các điều ước quốc tế về quyền dân sự... Ngoài ra, các đối tượng này còn tìm cách chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, lợi dụng các khuyết điểm trong quản lý đất đai, môi trường... để kích động khiếu kiện, tụ tập đông người, biểu tình, xuyên tạc tình hình, hạ uy tín cán bộ ; thông qua các hoạt động này để tập hợp lực lượng, gây thanh thế, từng bước nhen nhóm và thành lập tổ chức chính trị đối lập... Tại các địa bàn chiến lược, các đối tượng chống đối đẩy mạnh xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo ; kích động tư tưởng ly khai, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khơi gợi, khoét sâu mâu thuẫn dân tộc, tuyên truyền phát triển các tổ chức tôn giáo phi pháp, tụ tập "xưng vua"... 

"Bên cạnh đó", Tạp chí Cộng sản viết tiếp, "dưới danh nghĩa đại diện các tổ chức "xã hội dân sự", một số đối tượng chống đối đã tham gia các buổi điều trần ở nước ngoài, vu cáo Việt Nam vi phạm "dân chủ", "nhân quyền", đề nghị can thiệp trả tự do cho các đối tượng chống đối trong nước bị bắt do vi phạm pháp luật... Đặc biệt, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra trong một bộ phận đảng viên, tình trạng yếu kém, sai phạm của một số cán bộ để thổi phồng, cường điệu hóa khuyết điểm, "hạ bệ" uy tín chính trị của Đảng, lôi kéo người dân tham gia các tổ chức mang danh nghĩa "xã hội dân sự" để tiến hành các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Thực tế những năm qua cho thấy, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội ở nước ta và tìm cách xâm nhập, tác động, hướng lái hoạt động, chuyển hóa dần các tổ chức này khi chưa đủ điều kiện, thời cơ thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động, như triển khai dự án, tài trợ tài chính, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam, một số tổ chức nước ngoài đã đi sâu xâm nhập, tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của các NGO Việt Nam, kích động các tổ chức này thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự quản lý của Nhà nước, cổ vũ quyền "tự do lập hội" theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn hỗ trợ tài chính cho một số NGO Việt Nam để xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai".

Cuối cùng, Tạp chí Cộng sản cảnh báo :

"Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, ý thức công dân, ý thức pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế ; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, quản lý của chính quyền còn nhiều lỗ hổng ; lại có những đặc điểm phức tạp, đa dạng về tôn giáo, dân tộc, di tồn lịch sử của chế độ thực dân... Do đó, sự hình thành và phát triển các yếu tố của xã hội dân sự luôn tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng dẫn đến chia rẽ, xung đột, hỗn loạn, vô chính phủ, mất ổn định chính trị, xã hội của đất nước….. Thực tế cho thấy, tuyệt đối hóa vai trò các tổ chức của xã hội dân sự, xem nhẹ quản lý của Nhà nước, chỉ dẫn đến tình trạng vô chính phủ, tiền đề cho rối loạn, bất ổn. Do tính chất đa dạng và phức tạp này mà xã hội dân sự luôn tiềm ẩn nguy cơ bị các đối tượng, tổ chức thù địch cả trong và ngoài nước mua chuộc, chi phối, lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chính trị đen tối".

Kiên quyết chống

Để chống lại xã hội dân sự, tác giả bài viết trên Tạp chí Cộng sản mách nước :

"Phải thẳng thắn bác bỏ và phê phán, đấu tranh kiên quyết với các quan điểm khuyến khích, cổ vũ xã hội dân sự với ý đồ thúc đẩy hình thành các tổ chức chính trị đối lập. Hiện nay, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến xã hội dân sự chưa được nghiên cứu thấu đáo, hiệu lực và công cụ quản lý của Nhà nước, ý thức pháp luật của người dân còn có những hạn chế. Do đó, nếu chúng ta buông lỏng, thả nổi cho sự hình thành, phát triển "xã hội dân sự" sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy phức tạp, khó kiểm soát, nhất là dưới góc độ quản lý nhà nước, cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ an ninh quốc gia". 

Bài viết kêu gọi nhân dân làm "chỉ điểm viên" cho nhà nước với những câu chữ thúc giục hãy : "Kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách, biện pháp hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực của xã hội dân sự mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng chống phá cách mạng Việt Nam".

Để hoàn thành nhiệm vụ, bài báo yêu cầu : "Cần tổ chức nghiên cứu bài bản, có hệ thống về xã hội dân sự, các yếu tố của xã hội dân sự, nhất là làm rõ khái niệm, bản chất của xã hội dân sự ; xã hội dân sự và các yếu tố cấu thành, biểu hiện cụ thể của xã hội dân sự ; các hình thức của xã hội dân sự gắn với điều kiện lịch sử - cụ thể, nhất là chế độ chính trị, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế - xã hội ; cấu trúc của xã hội dân sự và quan hệ của xã hội dân sự với nhà nước, thị trường, tôn giáo, mạng xã hội, gia đình ; vai trò, ưu thế và giới hạn, mặt tiêu cực của xã hội dân sự ; yếu tố ngoại sinh và nội sinh của xã hội dân sự ; các hình thức lợi dụng xã hội dân sự của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị. Từ những kết quả nghiên cứu này sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước chủ động có chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm quản lý các tổ chức xã hội, các NGO, vừa phát huy mặt tích cực, vừa định hướng hoạt động lành mạnh phù hợp với thể chế chính trị, đặc điểm về kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước, triệt tiêu các yếu tố có thể bị lợi dụng để hình thành lực lượng chính trị đối lập, gây bất ổn chính trị - xã hội. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân không bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo thông qua danh nghĩa tổ chức xã hội dân sự". 

Như vậy, rõ ràng tình hình nội bộ đảng cộng sản Việt Nam đang rối như canh hẹ trước thềm Đại hội đảng XIII. Dù "mạng xã hội" hay "xã hội dân sự", hoặc "suy thoái tư tưởng" để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" cho đến tình trạng cán bộ, đảng viên ngày một "suy thoái đạo đức", "không nhúc nhích" để cứ ì ra cho "trên nóng dưới lạnh" thì đâu phải tại vì "diễn biến hòa bình", hay do "các thế lực thù địch" gây ra.

Tất cả đều là của đảng, do đảng và vì đảng chứ nhân dân có ăn nhậu gì đền mấy chuyện nội bộ này mà bắt phải nghe ngóng, học tập để làm tay sai không công cho nhà nước ?

Phạm Trần

(11/07/2019)

Published in Diễn đàn
mercredi, 03 juillet 2019 16:05

Tài sản trôi sông lạc chợ

Luật Phòng, chống Tham nhũng sửa đổi (36/2018/QH14) của Đảng cộng sản Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, đã lộ chân tướng chỉ để bao che tội phạm và bảo vệ tài sản cho kẻ tham nhũng.

bietphu01

Dư luận thông tin việc ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Sơn La sở hữu một căn biệt thự xa hoa mang đậm phong cách Châu Âu : "Diện tích xây dựng nhà khoảng 200m2 trên tổng diện tích đất hơn 300m2. Ban đầu dự định xây 3 tầng, nhưng trong khi thi công, mẹ và anh chị góp ý đây là đất hương hỏa nên cái nhà cũng sẽ như "từ đường" của gia đình nên tôi quyết định làm thêm phần tum là những mái vòm cho uy nghiêm, mang dáng dấp nhà thờ. Sau gần 3 năm vừa làm vừa chỉnh sửa thì xong, tổng chi phí hết khoảng 7-8 tỉ đồng". Câu chuyện về biệt thự ở Sơn La vẫn đang gây chú ý cộng đồng. Ảnh minh họa.

Bằng chứng không do ai bịa đặt để bôi nhọ chế độ mà viết rành mạch trong Luật, quan trọng nhất ở hai lĩnh vực : Kê khai tài sản và không dám tịch thu tài sản có nguồn gốc bất minh.

Khai rồi lại giấu đi

Thứ nhất, Luật quy định (Điều 34) người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm :

1. Cán bộ, công chức.

2. Sĩ quan Công an nhân dân ; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp.

3. Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 35. Tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm :

a) Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng ;

b) Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên ;

c) Tài sản, tài khoản ở nước ngoài ;

d) Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Luật giải thích tiểu điểm (đ) :

"Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó".

Nhưng khai rồi, công khai với ai, ai giữ và làm gì với lời khai ?

Luật quy định tại Điều 39, theo tuần tự như sau :

1. Bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

2. Bản kê khai của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm.

3. Bản kê khai của người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử.

4. Bản kê khai của người dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Bản kê khai của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

6. Chính phủ quy định chi tiết về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều này.

Như vậy, nhân dân -người đóng thuế nuôi cán bộ, đảng viên- không được dòm ngó vào bản kê khai tài sản của những kẻ được đảng khiêm nhượng gọi láu cá là đầy tớ của nhân dân.

Vì vậy, với chủ trương che mắt dân để đóng cửa bênh nhau, đảng đã tự bôi tro trát phấn vào mặt qua câu tuyền truyền sáo rỗng "nhà nước ta là nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân".

Cũng nên biết, tuy luật phòng chống tham nhũng không có hiệu lực về mặt Đảng, nhưng vì hệ thống cầm quyền ở Việt Nam đều do đảng kiểm soát và chi phối nên tất cả các cấp lãnh đạo gọi là "chủ chốt" từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuống cho đến cấp ủy địa phương đều vừa là đại biểu quốc hội (lập pháp), kiêm luôn các chức lãnh đạo trong cơ cấu nhà nước (hành pháp) và cả tư pháp. Do đó, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều phải kê khai tài sản.

Nhưng chưa bao giờ người dân được đọc các tờ khai của họ, hay của các đời lãnh đạo cấp cao trước họ.

Xác minh với nhau

Ngay cả khi những người ra ứng cử Hội đồng nhân dân và Đại biểu quốc hội làm bản kê khai tài sản thì cũng chỉ có cơ quan tổ chức bầu cử là các cấp Mặt trận Tổ quốc, từ địa phương lên trung ương, được xem rồi cất vào tủ khóa lại !

Vì vậy, đến khi cần xác minh xem lời khai có đúng không thì lại ngựa quen đường cũ, cứ nhắm mắt đi theo đường đảng vẽ như quy định tại Điều 42, viết rằng :

a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bầu, phê chuẩn hoặc bổ nhiệm, người dự kiến được bổ nhiệm Phó Tổng Kiểm toán nhà nước ;

b) Chủ tịch nước yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao ;

c) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Thứ trưởng và chức vụ tương đương thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ, người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ;

d) Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bổ nhiệm Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này ;

đ) Thường trực Hội đồng nhân dân yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn ;

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu hoặc đề nghị phê chuẩn chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp ;

g) Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu xác minh đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ;

h) Cơ quan thường vụ của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu xác minh đối với người dự kiến được bầu tại đại hội của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ;

i) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền quản lý cán bộ đối với người có nghĩa vụ kê khai yêu cầu hoặc kiến nghị xác minh đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý, sử dụng trực tiếp của mình, trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này.

2. Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác có quyền yêu cầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập xác minh tài sản, thu nhập nếu trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xét thấy cần làm rõ về tài sản.

Nhưng sau khi xác minh thì đảng công khai với ai

Một lần nữa, bàn tay lông lá của đảng lại can thiệp để chỉ công khai bản xác minh trong nội bộ cơ quan, tổ chức với nhau, như ấn định trong Điều 39 ở trên.

Xử phạt nội bộ

Tưởng như giấu dân nhiêu đó chưa đủ, luật phòng chống tham nhũng còn vẽ thêm chân rết làm trò hề như trong quy định của Điều 51 về việc "Xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực".

Theo đó :

1. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.

2. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

3. Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm ; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch ; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.

Cuối cùng, luật phòng chống tham nhũng cũng ấn định không công khai cho dân biết mà chỉ : "Quyết định kỷ luật được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc".

Sau cùng, để bảo mật tuyệt đối các hồ sơ kê khai tài sản, luật phòng chống tham nhũng quy định "Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ".

Có điều là Thanh tra Chính phủ cũng đã nổi tiếng bê bối, bênh che, làm hình thức và đã đôi lần cán bộ ngành này bị bắt qủa tang tham nhũng, tiếp tay cán bộ vi phạm chạy tội. Do đó, quyết định của luật phòng chống tham nhũng cho phép Thanh tra Chính phủ được "Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước" không làm ai ngạc nhiên.

Vì vậy, khi còn thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu đã đã đòi phải đưa vào luật điều cho phép tịch thu tài sản có nguồn gốc không minh bạch của những cán bộ, đảng viên bị tố cáo tham nhũng. Nhưng phe "đi hàng hai" đã thắng cuộc khiến cho Điều 93 chỉ còn lại nội dung "lửng lơ con cá vàng", theo đó :

1. Tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật.

2. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục ; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trò hề diễn tuồng

Ở Việt Nam, nhóm chữ "theo quy định của pháp luật" được diễn nghĩa sẽ kéo dài vô tận, hay chẳng đi đến đâu.

Bằng chứng trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, có gần 1,137 triệu người kê khai tài sản, đạt tỷ lệ 99,8%, so với số người phải kê khai. Xác minh bản kê của 44 người thì cơ quan chức năng phát hiện 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường họp so với năm 2017 (Dân Trí, 10/12/2018).

Báo này viết tiếp :

"Ngay tại Hà Nội, trong báo cáo mới nhất về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức thành phố, qua báo cáo của trên 34.300 người, chỉ phát hiện có một trường hợp kê khai không trung thực.

Sự vô lý này được phát hiện ngay khi đó, khi một nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có khảo sát là riêng tại tỉnh Bạc Liêu, đã có 19 trường hợp không kê khai tài sản, thu nhập, trong đó chỉ ở một đơn vị cấp huyện đã có đến 17 trường hợp không kê khai nhưng không có lý do".

Đó là chuyện quá lạ, báo cáo chính thức là một đằng, nhưng qua kiểm tra, thẩm tra lại, kết quả ở một đơn vị cấp huyện, số người vi phạm về kê khai tài sản lại lớn hơn gần 3 lần con số báo cáo về người kê khai sai của toàn quốc. Thế thì ai còn tin được vào báo cáo được nữa ?

Dân Trí là báo của Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh rằng :

"Có một điều khá rõ cần nói ở đây là sở dĩ số người vi phạm quy định về kê khai tài sản được phát hiện rất ít có phần do có quá ít người được xác minh bản kê khai tài sản, thu nhập của họ. Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu rất rõ : Trong hơn 1,1 triệu hồ sơ kê khai, chỉ có 44 người được xác minh và phát hiện 6 trường hợp vi phạm quy định về kê khai, minh bạch tài sản. Và những người này phải xác minh là để phục vụ công tác tổ chức cán bộ, bổ nhiệm.

Thế thì rõ rồi, nếu số người còn lại được xác minh thì chắc chắn, số người vi phạm sẽ phải lớn hơn nhiều. Và ở đây, có một vấn đề lớn đặt ra : Nếu kê khai chỉ để ở... ngăn bàn, hơn 1 triệu người chỉ xác minh vài chục người thì việc kê khai tài sản quả thực là việc làm quá hình thức".

Thực tế tuồng diễn chống tham nhũng nhêch nhác như thế mà báo Quân đội Nhân dân, một trong những cái loa tuyên truyền của Bộ Quốc phòng vẫn oang oang nói rằng :

"Có thể nói công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta tuy còn rất gian nan nhưng đã thu được những thành quả rất quan trọng" (Quân đội Nhân dân, ngày 01/07/2019)

Trước khi phản công những phê bình, báo Quân đội Nhân dân thừa nhận :

"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm ; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu… Đồng thời, việc chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực ; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện nghiêm đã tạo "kẽ hở" cho việc lạm quyền để trục lợi của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu rèn luyện đạo đức, tham lợi, vụ lợi bất chính.".

Sự thật trên sàn nhà

Nhưng những "kẽ hở" này không chỉ nhất thời mà là căn bệnh kinh niên của một số không nhỏ cán bộ đảng viên trong cuộc chiến ăn chia với quốc nạn tham nhũng, lãng phí. Do đó, báo Quân đội Nhân dân đã tự kỷ ám thị khi cố tình đánh lạc hướng để che đậy thất bại khi viết rằng :

"Khoét sâu" vào những hạn chế nói trên, một số người đưa thông tin trên mạng xã hội hoặc báo chí nước ngoài rằng "việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam thất bại", "chỉ đưa ra ánh sáng những vụ việc không thể che đậy được", "chống tham nhũng ở Việt Nam như nước đổ đầu vịt"… Có lẽ những người đưa ra các thông tin này không hiểu hoặc cố tình không hiểu công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam".

Chả cần phải "cầy sâu cuốc bẫm" mới thấy được thửa đất tham nhũng của nhà nước cộng sản Việt Nam có nhiều sỏi đá thế nào. Hãy đọc lời thừa nhận của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng và Nhà nước :

"Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế… Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm ; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp" (Diễn văn ngày 25/06/2018).

Ông Trọng nói :

"Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý ; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng".

Nhưng nhân dân cũng muốn biết những khối lượng tài sản khổng lồ, những dinh thự ngàn tỷ đồng của những kẻ bảo rằng họ có được là do tự lao động, do nuôi lợn, bán rau, vay mượn dòng họ hay "của cha mẹ để lại cho" phải được chứng minh thế nào cho phải đạo làm người và hợp tình hợp lý.

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng còn muốn muốn xứng đáng được coi là "người đốt lò vĩ đại", như câu viết "nâng bi" quá cỡ thợ mộc của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) ngày 10/02/2019 thì ông hãy mau chóng trả lại cho dân những tài sản đã bị đám tham ô đảng cho trôi sông lạc chợ ở khắp vùng đất nước. Bằng không, Luật Phòng, chống Tham nhũng mới cũng chỉ là tờ giấy lộn mà thôi.

Phạm Trần

(03/07/2019)

Published in Diễn đàn
jeudi, 27 juin 2019 09:49

Ồn ào như ong vở tổ

Mỗi năm, cứ đến tháng Sáu, Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam và Hội Nhà báo lại ồn ào kỷ niệm cái gọi là Ngày Báo chí Cách mạng 21/06/1925, nhưng càng nhắc càng thấy cái ngày trơ trẽn ấy không giống ai của tờ Thanh Niên do Hồ Chí Minh tự chế để tuyên truyền.

onao1

Mỗi năm, cứ đến tháng Sáu, Ban Tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam và Hội Nhà báo lại ồn ào kỷ niệm cái gọi là Ngày Báo chí Cách mạng 21/06/1925

Vì vậy, Nhà văn Phạm Đình Trọng mới viết : "Tờ Thanh Niên chỉ là tài liệu tuyên truyền những điều sơ đẳng về cách mạng vô sản trong nội bộ tổ chức cộng sản thời manh nha, nhỏ bé, bất hợp pháp. Không làm chức năng thông tin về đời sống xã hội của một tờ báo. Không được in ấn công nghiệp. Không có thị trường phát hành. Tờ rơi Thanh Niên chưa thể gọi là báo".

Đại tá quân đội cộng sản Việt Nam nghỉ hưu Phạm Đình Trọng nhận xét rằng :

"Công việc chế tác tờ Thanh Niên rất thủ công, thô sơ, do một mình Nguyễn Ái Quốc thực hiện : Viết bài. Chép lại bài viết bằng que nhọn trên giấy sáp. Lăn mực in ra khoảng 100 tờ. Giao tờ rơi Thanh Niên cho người của tổ chức Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội làm việc trên tàu biển chạy tuyến Quảng Châu – Hải Phòng lén lút đưa về cảng Hải Phòng, rồi bí mật chuyển đến các tổ chức cộng sản trong thợ thuyền ở Hải Phòng, ở mỏ than Hồng Quảng".

Sưu tầm của Nhà văn Phạm Đình Trọng viết tiếp :

"Tháng Tư năm 1927 quân đội Tưởng Giới Thạch mở chiến dịch tấn công quyết liệt vào lực lượng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu, lại bắt đầu một thời kỳ lang bạt. Đi Vũ Hán. Băng qua sa mạc Gô bi sang Liên bang Xô Viết. Tờ Thanh Niên kết thúc ở số 88 năm 1927".

Do đó ông Trọng đã lưu ý những ai trong đảng có tham vọng "cầm nhầm" hãy tỉnh ngộ :

"Coi ngày 21/6 là ngày Báo chí Việt Nam thì thảm hại, thì tủi nhục cho nền báo chí Việt Nam quá !  Trong khi từ hơn nửa thế kỷ trước Việt Nam đã có nền công nghiệp báo chí với những tờ báo được xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp, tạo ra sản phẩm không thể thiếu của đời sống văn hóa đất nước, tạo ra thị trường báo chí trên cả nước. Tờ báo xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp sớm nhất là tờ Gia Định Báo ra số đầu tiên ngày 15/4/1868 và tồn tại tới 44 năm, đã mở ra ngành công nghiệp báo chí. Vì vậy ngày Báo chí Việt Nam đích thực phải là ngày 15/4".

Nhà văn Phạm Đình Trọng, hiện sống ở Sài Gòn, đã tự ý ra khỏi đảng từ ngày 20/11/2009. Ông tuyên bố trong thư gửi đảng cơ sở :

"Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19/5/1970. Đến nay, 20/11/2009, tôi tự thấy Đảng cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng".

Báo Đảng mà ngoài Đảng

Lý do bỏ đảng của ông Trọng vì đảng "không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn" cũng phản ảnh bản lĩnh bây giờ của báo chí chỉ biết ưu tiên phục vụ quyền lợi đảng, bất kể có phản dân hay hại nước.

Đó là lý do tại sao ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã xác nhận :

"Thông tin trên Báo Nhân Dân luôn bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội, không để xảy ra sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục dòng chủ lưu phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch...

Ban Biên tập xác định, về công tác thông tin tuyên truyền, Báo Nhân Dân giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích của báo Đảng".

(trích Diễn văn tại lễ mít-tinh kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2019) tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Hà Nội)

Nhưng quan điểm của Thuận Hữu có phản chiếu hình ảnh của tất cả 844 cơ quan báo in (184 báo, 660 tạp chí), 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 67 đài phát thanh, truyền hình của Việt Nam ?

Tài liệu chính thức cũng cho biết "số nhà báo được cấp Thẻ phóng viên là 19.166 người, số hội viên Hội Nhà báo là 23.893 người", nhưng một bài viết trên báo Nhân Dân của ông Thuận Hữu đã phê bình rằng :

"Tuy đông về số lượng nhưng phải nói rằng chất lượng một số báo chí, cũng như trình độ nghiệp vụ của một số nhà báo đang có những vấn đề khiến dư luận lo ngại. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những bất cập trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý tại nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi sớm được tháo gỡ".

(theo báo Nhân Dân, ngày 11/06/2019)

Vậy những hạn chế này là gì ?

Bài viết trên Nhân Dân trả lời :

"Các hạn chế này đã được thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp Bộ Thông tin và truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 28/12/2018 tại Hà Nội. Ðó là :

- tình trạng một số báo, tạp chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống ;

- đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, trái thuần phong mỹ tục ;

- một số cơ quan báo chí và phóng viên có biểu hiện trục lợi, vi phạm đạo đức nghề báo...

Ðây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai phạm trong lĩnh vực báo chí có chiều hướng gia tăng, làm xói mòn niềm tin vào người làm báo và một số cơ quan truyền thông".

Báo của cơ quan, các tổ chức đảng được nhà nước nuôi ăn bằng tiền của dân toàn phần hay một phần lớn mà dám "xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống ; đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân"  mà Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông không làm gì được thì lâm nguy không nhỏ.

Nhưng tại sao lại có tình trạng báo chí xé rào, coi thường lãnh đạo và tự do thông tin theo ý muốn ? Hay là họ không còn biết sợ trước những đe dọa cắt nồi cơm để viết ra sự thật mặt trái của xã hội, hay dám công khai hóa che đậy của lợi ích nhóm của tập quyền lãnh đạo ?

Và khi báo chí bị lên án đưa tin "không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân" thì có phải họ đã đi ngược lại với quyền lợi của đảng trong khi thực tế nhân dân đã bị lợi dụng làm bình phong cho để che giấu xấu xa cho lãnh đạo ?

Loạn xà ngầu

Dù kịch bản nào, tốt hay xấu của tập thể báo chí mệnh danh "cách mạng" thì họ cũng đã "cách miệng" hơi nhiều nên mới loạn xà ngầu như bây giờ.

Vì vậy không ngạc  nhiên ta thấy tại Hội nghị Báo chí toàn quốc ngày 28/12/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã chỉ thị cho Bộ Thông tin và truyền thông và Hội Nhà báo phải :

"Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích ; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí ; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí".

Ông Thưởng nói :

"Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí".

Lạ chưa ? Tại sao có cán bộ báo chí "vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng" mà vẫn khơi khơi nơi này nơi kia kiếm cơm ngon lành, trong khi tình trạng kinh tế của nhiều báo đang phải sống dở, chết dở ?

Báo Tiền Phong online ngày 28/12/2018 viết :

"Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017 đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí, đưa vấn đề này vào chương trình công tác của năm 2018 với sự phối hợp với các nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan. Theo ông Thưởng, sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển.

Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn nhiều hơn nữa".

Theo lời ông Võ Văn Thưởng :

"Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi 'câu view' với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp "hỗ trợ, hợp tác truyền thông".

Báo Nhân Dân đã "tát nước theo mưa" với ông Thưởng trong loạt bài ngày 11/06/2019 rằng :

"Trong hàng loạt sai phạm của báo chí hiện nay, nổi lên và gây bức xúc là hiện tượng một số phóng viên lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp, lợi dụng uy tín tòa soạn để hạch sách, nhũng nhiễu, mưu lợi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Chiếm số lượng đáng kể trong đó là một số phóng viên thường trú ở địa phương. Tranh thủ sự thiếu kiểm soát của cơ quan chủ quản, các phóng viên này sử dụng Thẻ nhà báo như "giấy thông hành" thực hiện hành vi sai phạm với nhiều chiêu thức khác nhau. Cách thức phổ biến nhất là săn tìm, phát hiện sai phạm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đe dọa, mặc cả".

Quy hoạch hay bóp nghẹt ?

Nhưng việc báo Nhân Dân và một số quan tai to mặt lớn trong đảng đột nhiên hạch tội báo chí để cổ võ cho Dự án "Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025" nhằm mục đích gì trước thềm Đại hội Đàng khóa XIII, diễn ra vào tháng 01/2021 ?

Trước hết, Quy hoạch khẳng định :

"Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Thứ nhì, Quy hoạch xác nhận :

"Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam".

Như thế rõ ràng Quy hoạch báo chí, hay sắp xếp cho tinh gọn, chỉ nhằm giúp đảng kiểm soát tuyệt đối và độc quyền hơn để kéo dài lãnh đạo độc tôn và độc tài. Những chữ son  phấn như "diễn đàn của nhân dân" và "nhu cầu thông tin của nhân dân"  chẵng qua chỉ để lèo bịp dư luận và thế giới. Nhân dân, từ bao lâu nay làm gì có quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng như Hiến pháp quy định ? Chỉ mỗi việc đảng độc quyền ra báo để tuyên truyền cho chủ trương và chính sách của đảng độc quyền lãnh đạo cũng đủ vạch mặt hành vi gian trá của ngôn từ trong Quy hoạch.

Những con số biết nói

Căn cứ theo Quy hoạch thì :

"Ban Chấp hành Trung ương có báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.

Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện".

Cũng theo kế hoạch thì :

"Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo)".

Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân, Quy hoạch ấn định được "thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện".

Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo hoặc 01 cơ quan tạp chí.

Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện : Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch.

Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí.

Lộ trình thực hiện : Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo) ; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Cuối cùng, Quy hoạch ấn định :

Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí.

Lộ trình thực hiện : Đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 03 cơ quan báo ; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).

Ai xuyên tạc ai ?

Như vậy, dù báo nhiều như bây giờ, hay báo ít sau Quy hoạch thì cách nào cũng do đảng kiểm soát và làm chủ. Chỉ có nhân dân là tay trắng vẫn hoàn trắng tay.

Nếu Quy hoạch giúp đảng tiết kiệm được đồng tiền thì sẽ có hàng ngàn cán bộ báo chí mất việc. Với số báo hàng hà sa số hiện nay, có 19.166 phóng viên có thẻ hành nghề và 23.893 Hội viên Hội Nhà báo có cơm ăn.

Không ai biết sẽ có bao nhiêu người trong số này thất nghiệp hay sẽ đổi nghề bằng cách nào ? Do đó, đã có nhiều người và tổ chức ở trong và ngoài Việt Nam phản ứng bất lợi cho quyết định Quy hoạch Báo chí.

Phản ứng về việc này, báo Nhân Dân đã cương cổ lên bênh đảng :

"Việc một số tổ chức, cá nhân sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, suy diễn để phản đối bản Quy hoạch báo chí mà Việt Nam ban hành không chỉ thể hiện thái độ thiếu thiện chí của họ, mà còn cho thấy họ đã tự đặt liêm sỉ sang một bên để thực hiện ý đồ xấu. Và xét đến cùng, những ý kiến phản đối, xuyên tạc đó vẫn là tiếp tục cố tình dấn sâu hơn trên con đường tiến công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến công đường lối và các chủ trương, chính sách ích nước lợi dân của chế độ xã hội, làm băng hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng của Việt Nam trên con đường đi lên phía trước".

(Nhân Dân, ngày 18/06/2019)

Nhưng dường như Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viện Minh Triết Việt Nam đã có câu trả lời cho đảng cộng sản Việt Nam. Ông viết :

"Đông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ XX, nói : Chính phủ chẳng qua cũng là người dân nắm quyền. Ý nói hôm qua họ là dân, đựơc bầu lên, trở thành nhà cầm quyền. Vậy nếu không có tự do báo chí làm sao xã hội giám sát được họ? Ở điểm này, những người cộng sản hành xử như những kẻ lừa mỵ và mâu thuẫn. Họ nêu khẩu hiệu tự do, hạnh phúc, họ nêu khẩu hiệu xây dựng đảng trong sạch, đạo đức. Nhưng họ không muốn có tự do báo chí để nâng cao đạo đức và nhận thức của họ. Nên mọi chuyện rồi chỉ như con kiến leo vào leo ra mà thôi.  

Mác nói : Ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Các anh không thể mãi mãi đặt vòng kim cô trên đầu của nhân dân được. Dự định đưa đất nước tiến lên hiện đại với tiêu chí: giàu mạnh, văn minh, dân chủ, công bằng mà để nền báo chí được xếp hạng kém tự do nhất hành tinh".

(trích "Tự do báo chí – Nhu cầu tinh thần hiện đại của Việt Nam" ngày 16/06/2019)

Cũng nên biết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp tục bôi nhọ đất nước và con người Việt Nam khi để cho Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và các tổ chức nhân quyền, tôn giáo và báo chí trên thế giới đặt tên nước Việt Nam vào hàng các nước có số điểm tồi tệ nhất về Tự do và Nhân quyền.

Riêng Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders, RSF), trong báo cáo năm 2019, đã xếp Việt Nam hạng 176/180 nước có nền báo chí kém tự do nhất.

Như vậy thì có vẻ vang gì mà ồn ào như ong vỡ tổ về Ngày Báo chí gọi là cách mạng lần thứ 94 (21/06/1925 – 21/06/2019) ?

Phạm Trần

(27/06/2019)

Published in Diễn đàn

Ở tuổi 75 và vẫn còn phải tập đi đứng cho vững để tiếp khách, nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn Việt Nam ôm chặt Chủ nghĩa cộng sản để tiếp tục độc tài, độc đảng vô thời hạn.

tuduy1

Ở tuổi 75, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn muốn Việt Nam ôm chặt Chủ nghĩa cộng sản để tiếp tục độc tài, độc đảng vô thời hạn.

Quan điểm cứng nhắc, cũ rích, giáo điều và bảo thủ này đã được ông Trọng gói trong bài viết "Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phổ biến ngày 30/05/2019.

Chuyện cũ và người mới

Trước hết về cơ bản, ông buộc lãnh đạo đảng địa phương nhiệm kỳ 2021-2016 phải : "Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định những vấn đề có tính nguyên tắc trong Cương lĩnh, Điều lệ, đường lối, chủ trương của Đảng".

Điều này có nghĩa Chủ nghĩa Cộng sản vẫn là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng, và đảng phải cầm quyền và lãnh đạo toàn xã hội. Cương lĩnh "xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa Xã hội" (bổ sung và phát triển năm 2011), Điều lệ Đảng (từ Khóa đảng XI năm 2011) và Hiến pháp năm 2013 đều nói cùng một giọng. Chuyện cũ được ông Trọng xới lại chỉ có mục đích bảo địa phương không được chệch hướng mà phải xếp hàng sau lưng Trung ương.

Sở dĩ ông Trọng phải rào đón như thế vì tại Hội nghị Trung ương 10 (15-18/05/2019), ông đã nói đến nhóm chữ "đổi mới chính trị" khiến một số người nghĩ rằng ông có cái đầu mới muốn gợi ý thảo luận thay đổi thể chế, sau cơn đột qụy nhẹ ở Kiên Giang ngày 14/04/2019. Nhưng ông Trọng nói vậy mà không phải vậy.

Từ Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI ông đã nói rằng : "Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".

Đó là nội dung rút ra từ phương châm "đổi mới nhưng không đổi mầu", "hội nhập mà không hòa tan" từ thời ông Nguyễn Đức Bình, một người cộng sản cực kỳ giáo điều làm Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương (1996-2001). Sau đó, đến phiên ông Trọng thay ông Bình nắm ghế Chủ tịch từ ngày 10 tháng 11 năm 2001 đến 15 tháng 3 năm 2007 thì quan điểm một chiều này được tiếp tục cho đến bây giờ (2019).

Vì vậy mà ta chẳng ngạc nhiên khi thấy ông Trọng không có ý gì mới trong bài viết. Ông chỉ biết lập lại điều ông đã nói nhiều lần khi yêu cầu địa phương phải : "Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Giữ vững các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ và bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên và tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị".

Nhưng cũng chính ông Trọng là người đã than phiền trong qúa khứ về tình trạng buông lỏng lãnh đạo, đã có lãnh đạo làm sai và thậm chí làm ngược với chủ trương, đường lối của Trung ương. Ông gọi tình trạng này là "trên nóng dưới lạnh", hay "trên bảo dưới không nghe" vẫn còn phổ biến ở nhiều nơi, kể cả công tác phòng và chống tham nhũng mà ông Trọng tự khoe, với quyết tâm "đốt lò" đã đem lại kết qủa và tạo được niềm tin trong dân.

Nhưng lòng tin vào đảng của dân lại không đo hay đếm được vì chỉ thấy lãnh đạo nói, trong khi dân lại than van tham nhũng khắp nơi, nhất là "tham nhũng vặt".

Bằng chứng đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng nói ra : "Các vụ án tham nhũng vặt lâu nay đã nói rồi, nhưng bây giờ cũng cần chọn một vài điểm tiêu biểu, xử một vài vụ. Nó như "ghẻ ruồi" rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin, đặc biệt là các cơ quan hành chính, xin giấy tờ, cảnh sát giao thông phạt tiền có đáng phạt hay không, dấm dấm giúi giúi, tham nhũng vặt gây mất lòng tin, giấy tờ ngâm lại, hẹn người ta bắt đi lại nhiều lần khó chịu. Một điểm nữa là chỉ đạo các địa phương thực hiện ráo riết quyết liệt, có hiệu quả những kết luận của các đoàn thanh tra của Ban Chỉ đạo, cũng phải xử một vài chỗ nào hẹn thời gian không làm được bắt phải báo cáo giải trình, hoặc phải có biện pháp" (Voice of Vietnam, ngày 10/11/2018)

Vì vậy, ông Trọng mới thừa nhận trong bài viết : "Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn một số yếu kém, bất cập ; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế".

Phát huy hay thanh trừng ?

Nói thế nhưng ông Trọng lại giấu tiệt những "yếu kém, bất cập". Ông cũng không dám cho dân biết các tổ chức đảng và đảng viên đã "thiếu khả năng lãnh đạo" và "mất sức chiến đấu" đến mức độ nào ?

Nhưng ông lại hồ hởi hô hào : "Phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội ; củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng".

Nói "dân chủ" mà dân "không được làm chủ" , hay khoe đảng có "trí tuệ" mà dân lại không đồng tình với đảng như nhà nước tuyên truyền bấy lâu nay thì những điều ông Trọng nói chỉ giá như cái xác không hồn.

Vì vậy, khi nghe ông Trọng ra lệnh : "Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải xác định đại hội là dịp để chỉnh đốn đội ngũ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm để tham gia có hiệu quả nhất vào các quyết định của đại hội" là ta đã thấy rõ ông đã vẽ đường cho hươu chạy.

Kinh nghiệm qua các kỳ Đại hội đảng, địa phương và trung ương, đều đã có những màn chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu nhan nhản ra đấy. Những chuyện trao đổi, giằng co tại Đại hội đảng kỳ X dưới thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh là một tỷ dụ điển hình khi có hàng loạt con ông cháu cha được vào Trung ương.

Do đó, từ năm 2018, ông Trọng đã cảnh giác việc mua quan bán tước và lời ích nhóm đang lao xao đó đây.

Một lần nữa ông bảo các đảng bộ địa phương phải : "Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến, " "tự chuyển hóa, " quan liêu, tham nhũng ; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm ; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính".

Quan trọng hơn, ông Trọng còn ra lệnh : "Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, nắm chắc cán bộ ; những đảng viên có vấn đề về chính trị phải được cấp có thẩm quyền thẩm tra, kết luận trước khi giới thiệu bầu vào cấp ủy. Phương án nhân sự cấp ủy phải gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị nhân sự các cơ quan nhà nước ở các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và nhân sự lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh, thành phố".

Nhưng thế nào là "có vấn đề chính trị" ? Phải chăng đó là những người từng công khai phê bình, chỉ trích lãnh đạo cấp cao ; hay họ là thành phần cán bộ, đảng viên đã mạnh dạn chỉ trích việc đảng tiếp tục sai lầm đi theo Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh ; hoặc là thành phần đòi phải "đổi mới chính trị" để dân được tự do bầu ra một chính phủ thật sự là của dân, do dân và vì dân.

Hay là, có cả những người đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo độc quyền của đảng trong Điều 4 Hiến pháp ?

Cái khó trước mắt

Nghi vấn thì nhiều, nhưng khó mà biết được thâm ý của ông Nguyễn Phú Trọng khi ông đặt ra tiêu chuẩn "có vấn đề chính trị", ngay cả với cấp địa phương. Vậy đối với cấp Trung ương thì sao ?

Hãy đọc những dòng sau đây của ông để đoán xem ông định "vặn cổ" những ai trong đảng : "Thực tế thời gian qua, nhiều cấp ủy đã thể hiện tinh thần quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực đổi mới, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về nhiều mặt, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Bên cạnh đó, vẫn còn cấp ủy chưa khẳng định được trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, còn thụ động, trông chờ, ỷ lại, thờ ơ trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân ; có biểu hiện "trên nóng dưới lạnh, " "trên có chính sách, dưới có đối sách ;" dù có điều kiện, hoàn cảnh thuận lợi nhưng chưa khai thác, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội, thậm chí còn để xảy ra tiêu cực, vi phạm pháp luật".

Nói mạnh như thấy, nhưng người cầm đầu đảng và nhà nước CSVN lại không quên chơi bài đổ tội để che cái yếu kém của chính mình mà không cần bằng chứng.

Ông Trọng viết : "Kinh nghiệm cho thấy quá trình chuẩn bị đại hội cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự.

Báo chí và các cơ quan chức năng phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, Internet, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần tích cực, có hiệu quả vào thành công của đại hội".

Tóm lại, chỉ thị và lập luận của ông Trọng dành cho các Đại hội đảng địa phương cũng chẳng mới mẻ gì. Toàn là những chuyện của bản cũ sao lại từ một lãnh đạo có tư duy đất sét ở thế kỷ 21.

Vậy viễn ảnh của thành phần nhân sự đảng khóa XIII có hy vọng tốt hơn các khóa trước không, hay cũng chỉ cá đối bằng đầu mà thôi ?

Phạm Trần

(13/06/2019)

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) đã tạt gáo nước lạnh vào đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam khi ông chính thức nói Việt Nam đã "xâm lược" và "chiếm đóng" Cao Miên từ ngày 13/12/1978 đến tháng 06/1989.

campu2

Thủ tướng Tân Gia Ba, Lý Hiển Long nói Việt Nam đã "xâm lược" và "chiếm đóng" Cao Miên từ ngày 13/12/1978 đến tháng 06/1989. Ảnh minh họa

Đáng chú ý là nhà lãnh đạo Tân Gia Ba không chỉ một lần dùng chữ "xâm lược" để nói về cuộc hành quân vào Cao Miên của quân đội cộng sản Việt Nam mà hai lần liên tục trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Lần thứ nhất diễn ra vào tối ngày 31/05/2019 khi Thủ tướng Lý Hiển Long đọc diễn văn khai mạc diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, tổ chức tại Tân Gia Ba để thảo luận về an ninh Châu Á-Thái Bình Dương.

Có khoảng 20 bộ trưởng quốc phòng, kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (The Association of South East Asia Nations, ASEAN), Nhật, Nam Hàn, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại, đại diện Liên Hiệp Châu Âu và hàng trăm chuyên gia quân sự và các nhà nghiên cứu của 50 quốc gia tới tham dự cuộc họp quan trọng này.

Thủ tướng Lý nói :

"Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ trở thành cường quốc duy nhất. Đông Nam Á đi vào kỷ nguyên mới. Cuối cùng cuộc chiến ở Đông Dương cũng chấm dứt, các nước Cộng sản mở cửa. Trước đó, Việt Nam đã xâm lược Cao Miên (hay còn gọi là Campuchia, hoặc Kampuchea), đe dọa nghiêm trọng đối với các nước láng giềng không cộng sản. Nhưng bây giờ Việt Nam đã gia nhập ASEAN, cùng với Cao Miên, Lào và Myanmar (tên cũ là Burma hay Miến Điện)" (1).

(Diễn văn khai mạc Đối thoái Shangri-La thứ 18)


Phái đoàn Việt Nam do Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch dẫn đầu đã có mặt tại buổi lễ khai mạc, nhưng không thấy báo chí Việt Nam đưa tin về tuyên bố của Thủ tướng Lý, cũng không có phản ứng của phía Việt Nam tại Tân Gia Ba.

Sau đó, ngày 01/06/2019, trong bức thư chia buồn gửi Thủ tướng Thái Lan, Prayut Chan-o-Cha, về sự qua đời của nguyên Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc gia, Preme Tinsulanonda, nhà lãnh đạo Tân Gia Ba đã ca tụng sự nghiệp chính trị và tài lãnh đạo lỗi lạc của cố Thủ tướng Thái, đồng thời nhắc lại cuộc "xâm lược Cao Miên" của Việt Nam.

Báo The Straits Times trích lời ông Lý viết :

"Ông Lý nói rằng, khu vực cũng được hưởng sự nghiệp lãnh đạo của Ngài Preme. Trong thời gian ông giữ chức Thủ tướng cũng trùng hợp với việc năm quốc gia của ASEAN đã cùng nhau khẳng định và quyết liệt chống cuộc xâm lược Cao Miên của Việt Nam.

"Tướng Preme cương quyết không chấp nhận như là việc đã rồi. Được hậu thuẫn bởi Bộ trưởng Ngoại giao, Tư lệnh Không quân Hoàng gia Siddhi Savetsila, tướng Preme đã làm việc với các lãnh đạo của ASEAN để ủng hộ lực lượng kháng chiến của Chính phủ Liên hiệp Dân chủ Kampuchea từ lãnh thổ Thái, và chống lại cuộc chiếm đóng của người Việt Nam trên các diễn đàn Quốc tế".

"Hiệu quả của sự chống đối tập thể đã ngăn chặn cuộc xâm lược quân sự và sự thay đổi thể chế trở thành hiện thực, đồng thời bảo vệ an ninh cho các nước trong vùng Đông Nam Á. Lần hồi, lực lượng xâm lược phải rút lui, một giải pháp hòa bình được ký kết, và cuộc bầu cử có Quốc tế kiểm soát đã được tổ chức để bầu lên một Chính phủ Cao Miên mới".

"Biến cố này đã mặc định hướng đi cho Đông Nam Á. Nó mở đường cho Việt Nam, Cao Miên và Lào gia nhập ASEAN, như là những thành viên cổ võ hòa bình và phát triển của khu vực" (2).

Việt Nam phản ứng

Đây là lần đầu tiên, sau 30 năm kể từ khi Việt Nam rút quân khỏi Cao Miên là điều kiện bắt buộc của Trung Quốc, để được bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, một Nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã quay lại lịch sử để phơi ra sự thật mà Đảng cộng sản Việt Nam không bao giờ dám thừa nhận.

Vì vậy, Bộ Ngoai giao Việt Nam đã phải gấp rút phản ứng vào tối ngày 04/06/2019, nguyên văn như sau :

"Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Đối thoại Shangri-La và trên trang mạng cá nhân ngày 31-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam lấy làm tiếc đã có một số nội dung phát biểu phản ánh không khách quan thực tế lịch sử, gây tác động không tốt đến dư luận.

Bà Thu Hằng cho biết thêm Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với Bộ Ngoại giao Singapore về vấn đề này".

(Tuổi Trẻ Online, 04/06/2019

Các báo của nhà nước cộng sản Việt Nam cũng đồng loạt đăng lời tuyên bố của bà Hằng, dựa theo Bộ Ngoại giao rằng :

"Đóng góp và hi sinh của Việt Nam trong việc cùng nhân dân Campuchia chấm dứt tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ là sự thật đã được thừa nhận rộng rãi. Ngày 16/11/2018, Tòa án đặc biệt xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) đã ra phán quyết về tội ác diệt chủng chống nhân loại của Khmer Đỏ. Phán quyết đã phản ánh khách quan sự thật lịch sử, thực thi công lý, trả lại công bằng cho các nạn nhân, được Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế hoan nghênh".

Tuy nhiên, trong tuyên bố của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long đã không đề cập đến lực lượng Khmer Đỏ và chế độ Pol Pot mà chỉ nêu lên sự thật của lịch sử là Việt Nam đã "xâm lược" và "chiếm đóng" Cao Miên trong 10 năm.

Chiến tranh hủy diệt

Đầu nằm nay (2019), đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 40 năm "Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979-07/01/2019)".

Dấu mốc lịch sử 40 năm cuộc chiến Cao Miên bắt đầu từ ngày 23/12/1978, khi khoảng 200.000 quân Việt Nam vượt biên giới để tấn công mở đường và yểm trợ lực lượng 20.000 lính của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, do Heng Samrin lãnh đạo và được Việt Nam yểm trợ, chiếm Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.

Mười ngày sau, 17/01/1979, quân Việt Nam là chính, đã kiểm soát gần hết lãnh thổ xứ Chùa Tháp. Pol Pot và Khmer đỏ, dù có Trung Quốc đứng sau lưng, đã phải rút quân về cố thủ dọc biên giới Thái Lan.

Để trả đũa thay cho Pol Pot, ngày 17/02/1979, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, đã tung 600.000 quân vượt biên giới đánh vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu. Họ Đặng gọi cuộc hành quân là "dạy cho Việt Nam một bài học".

Ngày 14/03/1979, Trung Quốc rút hết quân về nước, nhưng sau đó lại mở mặt trận đẫm máu thứ hai ở vùng biên giới, đặt trọng tâm vào Vỵ Xuyên (tỉnh Hà Tuyên) từ 1984 đến 1990 để chiếm hai vị trí chiến lược núi Lão Sơn (Laoshan, điểm cao 1059, Việt Nam gọi là núi Đất) và Giả Âm Sơn (điểm cao 1250, Việt Nam gọi là đồi 722) và các điểm cao chiến lược khác dọc biên giới hai nước. Việt Nam đã mất vĩnh viễn phần lãnh thổ quan trọng này kể từ ngày 14/07/1984.

Không có số lính và thường dân Việt Nam bị tử thương hay mất tích trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung được Việt Nam công bố, nhưng từ lâu, nhiều nguồn tin phỏng định từ 28.000 đền 45.000 quân và dân đã thiệt mạng và mất tích. Riêng tại mặt trận Vỵ Xuyên (Hà Tuyên), con số binh sĩ tử thương đã ở lại vĩnh viễn nơi chiến trường khoảng từ 3.000 đến 5.000 người.

Nghĩa vụ cho ai, vì ai ?

Trong khi đó tại chiến trường Cao Miên, ngược với trông đợi Việt Nam sẽ rút quân sau khi đánh bật Pol Pot ra khỏi Nam Vang, quân Việt Nam đã sa lầy ở đó đến 10 năm. Cho đến khi sức cùng lực kiệt Việt Nam đã buộc phải rút quân từ tháng 06 năm 1989, trước áp lực cấm vận của Quốc tế và là điều kiện bắt buộc của Bắc Kinh nếu Hà Nội muốn nối lại bang giao.

Vậy Việt Nam đã được gì sau cuộc chiến gọi là "nghĩa vụ quốc tế" của lực lượng "tình nguyện" ở Cao Miên ? Hà Nội chẳng được gì, dù đã tổn thất khoảng 10.000 mạng sống gồm chết, bị thương và mất tích. Đất nước Cao Miên ngày nay, tuy quyền hành nằm trong tay cựu Trung đoàn trưởng Hun Sen, người được quân Việt Nam cứu và đưa trở lại Nam Vang nắm quyền sau Heng Samrin, đã nằm gọn trong tay Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Hoa Hoa Tập Cận Bình đã có ảnh hưởng chính trị tuyệt đối với Cao Miên hơn cả Hoa Kỳ.

Ông Hun Sen đã nắm quyền lãnh đạo Campuchia 33 năm, sẽ tiếp tục được Bắc Kinh ủng hộ để thực hiện kế hoạch bành trướng "một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình, nhưng đồng thời cũng bao vây Việt Nam ở phía tây.

Một bài viết phổ biến trên Internet cho biết :

"Là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Campuchia, Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay. Ở chiều ngược lại, chính phủ Campuchia mở cửa cho làn sóng đầu tư chưa từng có của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện đã có 30 sòng bạc của doanh nghiệp Trung Quốc đi vào hoạt động ở Campuchia và 70 sòng bạc khác đang trong quá trình xây dựng. 

Số lượng khách du lịch Trung Quốc đổ tới Sihanoukville, thành phố vốn chỉ có 90.000 dân, tăng gấp đôi trong vòng hai năm 2016-2017. Mọi nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cửa hàng mua sắm miễn thuế, siêu thị và ngân hàng ở Sihanoukville đều trưng biển hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc". 

Theo thống kê, năm 2017 Việt Nam đã dầu tư ở Cao Miên 184,5 triệu Mỹ kim, so với 501,5 triệu của Trung Quốc.

Ngoài mất ảnh hưởng chính trị vì không có khả năng kinh tế và tài chính bao bọc cho Hun Sen bằng Trung Quốc, đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam còn phải đối phó với mối hiềm khích lịch sử dai dẳng với Cao Miên về tranh chấp lãnh thổ và chủng tộc. Dù ngoài mặt thân thiện, nhưng trong thâm tâm, người Miên vẫn lạnh nhạt với người Việt Nam. Nó giống hệt như mối thù tiềm ẩn không bao giờ ra khỏi máu người Việt đối với Trung Quốc mỗi khi người Việt nhớ đến cuộc tấn công vào 6 tỉnh biên giới của Đặng Tiểu Bình năm 1979 để không quên rằng Việt Nam đã từng bị người Tầu đô hộ một ngàn năm trong nhiều thế kỷ trước.

Do đó, khi tổ chức kỷ niệm chiến thắng Pol Pot-Khmer đỏ tại Hà Nội ngày 05/01/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã ngụ ý kỷ niệm chiến thắng quân Khmer đỏ ở mặt trận biên giới Tây-Nam là chính, sau đó mới đến chuyện đánh bật Pol Pot và Khmer đõ khỏi Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.

Ông Phúc muốn lồng hai hành động vào một khung là muốn tránh mở lại vết thương xung đột với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã để mất quân bài Pol Pot trước cuộc tấn công của quân Việt Nam.

Hơn nữa khi Thủ tướng Việt Nam gọi lễ kỷ niệm là "Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979- 07/01/2019)" còn ngụ ý muốn thanh minh quân Việt Nam vượt biên vào Cao Miên 40 năm trước không phải là hành động "xâm lược chiếm đóng" như đã có lần bị chính Nhà vua Norodom Sihanouk tố cáo tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Ông Phúc muốn mọi người hiểu rằng Việt Nam chỉ phản công hành động đánh phá của Pol Pot-Khmer đỏ, và tình nguyện giúp người Miên thoát khỏi chế độ diệt chủng.

Ông Phúc nói :

"Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây-Nam Việt Nam của Tập đoàn phản động Pôn Pốt, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc Khmer khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước. Đến ngày 7/1/1979 thủ đô Phnôm Pênh đã được giải phóng. Đây là chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, từ đó nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, dựng xây đất nước".

Nhóm chữ "cách mạng Campuchia" mà ông Phúc nhắc đến là tổ chức "Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia" được Việt Nam yểm trợ thành lập do Heng Samrin lãnh đạo và Hun xen là ủy viên.

Báo chí Việt Nam, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đảng và Bộ Thông tin và truyền thông, đã viết bài ca tụng quân đội Việt Nam đã "hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang".

Nhưng trong khi kỷ niệm 40 năm chiến thắng mặt trận biên giới Tây-Nam và giải phóng Cao Miên khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot được tổ chức cấp nhà nước thì trong 39 năm qua, những hy sinh cao cả và đẫm máu của quân dân 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược 1979-1990 đã bị đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam cố tình làm ngơ.

Chính phủ Việt Nam còn ra lệnh chống phá, ngăn cấm mọi cố gắng tự phát của cựu chiến binh và người dân muốn tổ chức truy điệu và dâng hương ghi ơn quân-dân đã nằm xuống trong cuộc chiến hào hùng này.

Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam còn kỳ thị và cấm tổ chức ghi công và truy điệu 74 chiến sĩ hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm chiến Hoàng Sa tháng 01/1974.

Như vậy, với biến cố Thủ tướng Lý Hiển Long của Tân Gia Ba nói về "xâm lược" và "chiếm đóng" Cao Miên của Đảng cộng sản Việt Nam, sẽ chẳng ngạc nhiên nếu có ngày cái gọi là "giải phóng miền Nam" hay "chống Mỹ cứu nước" bị rơi mặt nạ trước lịch sử "xâm lăng" Việt Nam Cộng Hòa.

Phạm Trần

(06/06/2019)

(1) "After the Cold War ended, the US became the sole superpower. Southeast Asia entered a new phase. The Indochinese wars finally ended, and the communist countries opened up. Earlier, Vietnam had invaded Cambodia, thus posing a serious threat to its non-communist neighbours. But now Vietnam joined ASEAN, together with Cambodia, Laos and Myanmar".

(2) "Mr Lee said the region also benefited from Mr Prem's leadership, noting that Mr Prem's time as premier coincided with the five countries of Asean coming together decisively to resolutely oppose Vietnam's invasion of Cambodia.

"General Prem was resolute in not accepting this fait accompli. Supported by his able Foreign Minister, Air Chief Marshal Siddhi Savetsila, General Prem worked with Asean partners to support the resistance forces of the Coalition Government of Democratic Kampuchea from Thai territory, and to oppose the Vietnamese occupation in international forums.

"This effective collective resistance prevented a military invasion and regime change from being legitimised, and protected the security of other Southeast Asian countries. Eventually the invasion forces withdrew, a peace settlement was signed, and internationally supervised elections were held to elect a new Cambodian government".

This decisively shaped the subsequent course of Southeast Asia. It paved the way for Vietnam, Cambodia and Laos to join ASEAN, as partners in promoting the region's peace and development".

(Note : 5 nước nguyên thủy của tổ chức ASEAN gồm : Indonesia (Nam Dương), Malaysia (Mã Lai Á), Singapore (Tân Gia Ba), the Philippines (Phi Luật Tân) và Thailand (Thái Lan).

Published in Diễn đàn
jeudi, 30 mai 2019 09:19

Càng nói càng trơ ra như đá

Còn ngót 20 tháng nữa mới đến kỳ Đại hội đảng XIII, dự trù diễn ra tháng 01/2021, nhưng các chứng bệnh "giả dối", "không nhúc nhích", "tránh né", "thành tích", "nể nang", "ngại kiểm điểm", "chạy chức, chạy quyền", "tham vọng quyền lực", "suy thoái đạo đức", "tham nhũng" và tự do "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" đang lan nhanh trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên Cộng sản Việt Nam.

chay1

Người Việt Nam có nhiều đức tính tốt đẹp, nhưng cũng còn không ít thói hư tật xấu. Một trong những tật xấu đáng quan ngại là thói giả dối. (Satra, 25/03/2049)

Những căn bệnh này, tuy không mới nhưng khi thường xuyên được nhắc lại để răn đe là chuyện không bình thường với lời khoe "chưa bao giờ đất nước có cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày hôm nay" của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Ông Trọng, người chưa đi đứng bình thường sau cơn tai biến não nhẹ tại Kiên Giang ngày 14/04/2019, đã tô vẽ chuyện "cơ đồ, tiềm lực, vị thế" của Việt Nam để khoe thành tích lãnh đạo đảng của ông từ năm 2011, nhưng đảng lại không vượt qua được những thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên.

Gian dối

Bằng chứng do báo Quân đội Nhân dân viết :

"Thời gian qua, chúng ta đã nghe nhiều chuyện cười ra nước mắt, cười mà đau, liên quan đến thói giả dối của một bộ phận "người Nhà nước" và chốn quan trường. Đó là chuyện anh trưởng thôn nọ, chị hội phó phụ nữ xã kia kê khai tài sản gia đình không có gì để mong được đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đó là chuyện "con dê, con bò, con trâu" vốn để dành hỗ trợ cho người dân nghèo nhưng nó "bỗng dưng" lại tìm đường đến nhà… quan huyện, quan xã. Đó là chuyện quan chức ở nhiều nơi, nhiều cấp dù học giả, sở hữu bằng cấp giả, bằng cấp không được cơ quan có thẩm quyền công nhận mà vẫn thăng tiến thật, thậm chí thăng tiến thần tốc trên hành trình quan lộ !".

(Quân đội Nhân dân, 21/03/2019)

Gian dối như thế chưa nhằm nhò gì. Hãy đọc tiếp :

"Chuyện kết nạp đảng viên mới là chuyện hệ trọng, liên quan đến vị thế, sứ mệnh, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Thế nhưng, một số cấp ủy, tổ chức đảng do mắc bệnh thành tích -anh em song sinh với bệnh giả dối- đã không coi trọng chất lượng, chạy theo số lượng đơn thuần nên đã đưa vào hàng ngũ của Đảng những người không đủ tiêu chuẩn. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, chất lượng đảng viên mới kết nạp ở một số nơi còn thấp, không ít đảng viên dự bị không đủ điều kiện chuyển đảng viên chính thức, phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên, chỉ riêng năm 2017 đã có 2.076 đảng viên dự bị bị xóa tên".

Tờ báo của Bộ Quốc phòng kể tiếp các loại "chạy" đang thịnh hành trong nội bộ :

"Suy cho cùng, 11 loại "chạy" mà 3 năm qua Trung ương đã chỉ ra (chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm) tích hợp từ nhiều nguyên nhân, nhưng có một căn nguyên sâu xa là do lòng tham, thói giả dối từ chính cán bộ, đảng viên".

Mặc kệ nó

Có đúng là chỉ có cán bộ tép riu chạy chọt không ? Cổ nhân người Việt đã bảo "thượng bất chính thì hạ tắc loạn" nên phải có người nhận mới có người đem quà biếu. Vì vậy, Quân đội Nhân dân mới nói toang ra :

"Nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cán bộ có chức có quyền vẫn chưa thoát khỏi tư duy hành chính quan liêu, bao cấp, không muốn dứt bỏ cơ chế xin-cho, từ đó dẫn đến tình trạng cấp dưới phải khôn khéo chạy vạy, luồn lách, vuốt ve, nịnh nọt cấp trên để có nguồn lực, kinh phí, lợi ích cho cơ quan, đơn vị mình. Đây chính là cơ hội cho bệnh giả dối tồn tại và lộng hành. Trong khi đó, cung cách lãnh đạo, quản lý nặng về văn bản, giấy tờ, thiếu sâu sát cơ sở, thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, cấp trên chỉ thích ngồi nghe cấp dưới báo cáo, cũng khiến cho bệnh giả dối càng thêm trầm trọng".

Nhưng tại sao "không nhúc nhích" cũng là căn bệnh của cán bộ cộng sản trong thời đại phải "đổi mới" tư duy khiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục bỏ đi ?

Ông Phúc nói :

"Cần xóa bỏ ngay thứ văn hóa không nhúc nhích, để "nước đến chân mới nhảy", đợi nhắc thì làm, sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, đang trong giờ rời nhiệm sở không có lý do chính đáng".

(Thông tin Chính phủ, ngày 19/05/2019)

Ông Phúc lên tiếng ngày 19/05/2019, tại Hà Nội, khi đến dự lễ phát động phong trào "cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở".

Ông Phúc nhìn nhận rằng :

"Ở một số nơi, công tác tiếp công dân chưa thường xuyên, chưa đi vào thực chất. Một bộ phận cán bộ công chức mang nặng tư duy cửa quyền, thiếu trách nhiệm với dân, không nghiêm túc chấp hành nội quy, quy chế, có lời nói, hành xử không chuẩn mực, không tôn trọng cấp trên, thiếu công bằng với cấp dưới, gây bức xúc trong nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp".

Bình luận về nhận xét của ông Phúc, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) viết :

"Phát biểu công khai như vậy, Thủ tướng đã nói rất "trúng" một bộ phận, thậm chí một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức "không nhúc nhích", "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về", không tích cực, chây ỳ, không cần hiệu quả công việc, để "tròn vai", không va chạm".

(VOV, 22/05/2019)

VOV giải thích thêm :

"Cách làm việc "không nhúc nhích" là chỉ "tròn vai", không làm gì khác, không cần sáng tạo, không nói gì va chạm dù có lúc rất cần thiết phải nói, phải làm. Đó là suy nghĩ càng làm ít càng tốt, càng ít sai phạm, khuyết điểm, nhất là những việc phức tạp hoặc cần đổi mới, thay thế, v.v. Bộ phận này có tư duy "làm ít, sai ít", "không nhúc nhích" thì càng ít lỗi hoặc không có khuyết điểm… Đặc biệt, trong giai đoạn chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, bầu bán, đại hội, những người này càng "không nhúc nhích", "nằm im chờ thời", áp dụng kiểu "đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên". Phong cách "biết rồi, nhưng "mackeno" (mặc kệ nó) được coi là thượng sách". 

Làm hình thức, chạy đủ thứ

Về công tác "xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", một báo cáo kết quả 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị tại 15 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đưa ra ngày 21/03/2019 cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn.

chay2

Ai chạy chức, chạy quyền thì đã rõ rồi nhưng mà chạy ai ? - Tranh biếm họa Nhớp (Tuổi Trẻ, 21/01/2018)

Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng viết :

"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục… Có nơi làm hình thức, đối phó, hoặc vì đã vướng vào khuyết điểm, vi phạm, nên không muốn làm, thậm chí là né tránh trách nhiệm ; còn mắc bệnh thành tích, nể nang, ngại kiểm điểm, kết quả chưa đồng đều giữa các nơi".

Người cầm đầu đảng và nhà nước kêu gọi phải :

"Chủ động và tích cực đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng. Tất cả các cơ quan, địa phương, đơn vị phải có ý thức về việc này, không khoán trắng cho các cơ quan báo chí. Cần lưu ý ngăn chặn thông tin xấu, độc ; chống co cụm, nói xấu nhau".

Nhân Dân trích lời ông Trọng kêu gọi toàn đảng :

"Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu tín nhiệm, phiếu bầu, nhất là trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng… khẳng định, dứt khoát và kiên quyết không dùng những đối tượng chạy chức, chạy quyền".

Hai tháng sau, tại cuộc họp của Bộ Chính trị ngày 15/05/2019, ông Trọng lại tái xác nhận điều này :

"Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng. Đề nghị các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao tinh thần này và chỉ đạo các cấp, các ngành".

Nhưng lý do nào khiến ông Trọng phải nói đi nói lại nhiều lần chuyện "chạy" trong hai năm qua, nếu không phải là chỗ nào cũng thấy "chạy và chạy" ?

Chuyện xưa nhưng mới

Bởi vì chuyện "chạy" của cán bộ, đảng viên đã có từ lâu. Hãy đọc :

"Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Ngay từ năm 1999, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), Khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại "chạy". Đó là chạy chức trước khi bầu cử ; chạy quyền trước khi phân công công tác ; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota ; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm ; chạy tội trước khi điều tra, xét xử".

(Tạp chí Tuyên Giáo, 17/12/2018)

Bài báo viết tiếp :

"Nếu như trước đây việc "chạy chức, chạy quyền" thường diễn ra ở một hoặc một số đối tượng, thì nay việc "chạy" diễn ra phổ biến hơn, xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng, kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản".

Căn cứ vào báo đảng, ta thấy vấn để "chạy" đã thành "nếp sống" không thể tách rời khỏi cán bộ, đảng viên. Nói theo kiểu vo tròn cho khỏi xấu hổ của Tuyên giáo thì "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên" cũng không phải là tất cả trên 04 triệu đảng viên đều xấu. Nhưng không ai phủ nhận đạo đức của số không nhỏ này là nhiều lắm.

Đạo đức xuống cấp

Thử đọc tiếp lời than của ông Nguyễn Phú Trọng ngày 10/04/2019 :

"Không ai thích thú gì kỷ luật, nhưng kỷ luật chính là để cảnh tỉnh, răn đe, để ai nhúng chàm thì sửa đi".

(VnExpress, 10/04/2019)

Rồi ông khoe thêm theo lý luận vòng vo :

"Quan hệ thân quen, lợi ích nhóm đang được ngăn chặn bằng cơ chế, chính sách chứ không phải chỉ xét xử. Việc phát triển cũng lấy kinh tế làm trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng, quốc phòng an ninh là quan trọng…".

Đề cập đến chuyện đạo đức xuống cấp trong xã hội, báo VnExpress viết :

"Tuy nhiên, với những thông tin trên mạng, Tổng bí thư thấy rất xót ruột khi đạo đức xuống cấp. "Đạo đức là nền tảng tinh thần. Càng kinh tế thị trường thì càng phải quan tâm giữ gìn văn hóa, đó là bản chất của chủ nghĩa xã hội".

Nhưng tại sao đạo đức lại xuống cấp theo với chiều dài tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam ? Ông Trọng không giải thích và cả Hội đồng Lý luận trung ương và Ban Tuyên giáo, hai tổ chức bảo vệ tư tưởng cộng sản cho đảng cũng chỉ có một thứ vũ khí duy nhất là hô hào cán bộ, đảng viên, toàn dân và toàn đảng phải "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong đó đứng đầu là phương châm "cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư".

Ngặt thay, phong trào học tập như con cuốc kêu mùa hè này đã ra rả mấy chục năm mà nhiều nơi vẫn còn là hình thức, chỉ tổ chức để báo cáo, không đem lại hiệu qủa gì. Giới trẻ Việt Nam, kể cả Tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cũng đã rã Đoàn, nhạt Đảng từ lâu.

Nhưng những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" lại vẫn sống phây phây. Cán bộ doanh nghiệp, cửa khẩu, thuế quan, ngân hàng, sản xuất, dầu khí, đện lực, giao thông vận tài, v.v… là những nơi tiền rừng bạc biển không lọt vào tay ai, ngoài đảng và phe nhóm lợi ích.

Dó đó, dù ông Nguyễn Phú Trọng có đút lò mấy trăm cán bộ, đảng viên cấp lãnh đạo chăng nữa thì tham nhũng vẫn sống nhăn răng, vì người dân không dám xâm mình chống tham nhũng với đảng. Báo chí nhà nước cũng chỉ chạy vòng ngoài cho có vẻ có gánh vác chuyện tầy trời này.

Lý do là vì dân không có luật pháp bảo vệ trong thực tế, dù có luật nhưng ai cũng biết có "chờ được vạ thì má đã sưng". Trong khi hầu hết những kẻ tham nhũng lại là thành phần có chức và có quyền sinh sát dân.

Nghe ông Trọng nói

Đó là lý do tại sao ông Nguyễn Phú Trọng phải thừa nhận :

"Công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ rệt, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang, né tránh, ngại va chạm ; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ; tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, đơn vị vẫn là khâu yếu. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc trong người dân, doanh nghiệp".

(Phát biểu về phòng, chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, ngày 25/06/2018)

Ông Trọng nói :

"Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế là do nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý ; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả những người là lãnh đạo, quản lý thiếu tu dưỡng, rèn luyện, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng".

Nhưng vũ khí tiêu diệt tham nhũng cũa ông Nguyễn Phú Trọng cũng không hay ho gì. Ông lại vịn vào môn võ "đẩy lùi" để làm lá bài hộ mạng để nói :

"Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm". Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước ; đối với những người vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai".

Nhưng ông lại mềm ngay đơ như thằn lằn cụt đuôi khi nói rằng :

"Mục đích kỷ luật là để "trị bệnh cứu người", cảnh tỉnh, răn đe, do đó phải quán triệt phương châm phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Tăng cường giám sát của tổ chức đảng từ trên xuống, giám sát từ dưới lên, phát huy vai trò giám sát lẫn nhau trong cùng cấp, tăng cường quản lý, giám sát thường ngày đối với đảng viên và cán bộ lãnh đạo".

Ông Trọng nói, nghe qua thì bùi tai đấy nhưng đến Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước và Mặt trận Tổ quốc, tổ chức có luật quy định vai trò giám sát đàng hoàng mà chưa giám sát được ai, huống chi là các tổ chức tép riu của đảng hay người dân.

Vì vậy, càng nghe ông Trọng nói chống tham nhũng thì càng thấy có thêm cán bộ, đảng viên tham nhũng sinh sôi nẩy nở. Tuy nhiên, ai cũng biết chỉ khi nào nhân dân được tự do ra báo và có quyền dân chủ bầu ra một chính phủ thật sự là của dân, do dân và vì dân, có tam quyền phân lập thật sự thì quốc nạn tham nhũng, kể cả tham nhũng chính trị, mới bị kiểm soát ở Việt Nam.

Phạm Trần

(30/05/2019)

Published in Diễn đàn
jeudi, 23 mai 2019 11:11

Vẫn như ông Bình vôi

Tại sao ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại phiên họp khai mạc Quốc hội kỳ 7, và trong đoàn Quốc hội viếng lăng Hồ Chí Minh ngày 20/05/2019 ?

Ông bình vôi Bát Tràng được bày bán rất nhiều ở chợ gốm sứ làng cổ Bát Tràng với nhiều mẫu mã, kích thước. 

Thời Nhân văn Giai phẩm 1956, Cụ Phan Khôi đã viết về sự tích "Ông bình vôi" :

"Cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ông". 

Tôi viết cái bài khảo cứu nhỏ nầy cốt để cắt nghĩa mấy câu thơ của Lê Đạt : 

"Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi (1)

Càng sống càng tồi,

Càng sống càng bé lại".

("Ông bình vôi" của Lê Đạt, Phong trào Nhân văn - Giai phẩm 1956)

Đem truyện kể của cụ Phan Khôi và bài thơ về "Ông bình vôi" của nhà thơ Lê Đạt (tên khai sinh Đào Công Đạt, 1929-2008) thời Nhân văn - Giai phẩm 1956 để soi vào Đảng cộng sản Việt Nam, sau hơn 33 năm gọi là "Đổi mới" (1986-2019) thì cũng thấy có nhiều "ông Bình vôi" như thế.

Thứ nhất, Đảng vẫn tự áp đặt Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã thoái trào lên đầu dân để một mình cai trị độc tài, chống đa nguyên, đa đảng dù chưa bao giờ hỏi ý dân qua bỏ phiếu hay trưng cầu ý kiến.

Thứ hai, lãnh đạo miệng nói dân chủ nhưng chỉ "dân chủ trong đảng" còn dân chủ trong dân thì phải "xin-cho".

Thứ ba, tuyên truyền nhân dân làm chủ nhưng nhà nước quản lý mọi thứ, đặc biệt về đất đai và các quyền tự do cơ bản của công dân. Dù Hiến pháp tôn trọng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, hội họp và tự do lập hội, nhưng nhà nước lại không cho tư nhân ra báo ; tiếp tục trì hoãn trình Luật biểu tình do Bộ Công an soạn thảo ra Quốc hội với lý do "vì còn nhiều ý kiến khác nhau". Dự Luật về Hội của Bộ Nội vụ cũng đã bị Chính phủ rút lại với lý do "vì việc chuẩn bị "chưa đảm bảo chất lượng" và "quá phức tạp".

Thứ bốn, đảng hô hào xây dựng, chỉnh đốn đảng ; cổ võ phong trào làm gương ; sống là làm theo phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh theo phương châm : cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư, nhưng cán bộ, đảng viên vẫn nịnh trên nạt dưới ; vẫn chạy chức chạy quyền ; vẫn sống theo phong cách "không nhúc nhích" để "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" và tham nhũng tự do.

Thứ năm, Đảng và Nhà nước, vì sợ làm mất lòng đàn anh Trung Quốc, mà đã đàn áp không nương tay các cuộc biểu tình tự phát của dân, dù để lên án các hành động xâm lược lãnh thổ và lãnh hải và đàn áp ngư dân Việt Nam ở Biển Đông của Trung Quốc. Thậm chí Nhà nước còn ra lệnh cho công an chìm nổi đội lốt côn đổ tấn công cả những người dân, dù mới có ý định, hay tập hợp tri ân những người lính và công dân đã hy sinh trong các cuộc chiến đấu bảo vệ lãnh thổ tại Hoàng Sa năm 1974, biên giới Việt-Trung từ 1979 đến 1989 và tại Gạc Ma (Trường Sa) năm 1988.

Thứ sáu, ngoài miệng tuyên truyền "hòa hợp" và "hòa giải" dân tộc nhưng đảng lại hành động gây chia rẽ và gây hận thù giữa kẻ thắng và người thua sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do đảng cộng sản Việt Nam chủ động (1945-1975).

Thứ bảy, tuy theo đuổi nền "kinh tế thị trường" và đề cao vai trò của "kinh tế tư nhân" để hội nhập với thế giới, nhưng vẫn bám lấy cái đuôi "theo định hướng xã hội chủ nghĩa" để bảo vệ quyền kiểm soát của chính phủ trên nền tảng kinh tế nhà nước, hay "doanh nghiệp nhà nước" phải giữ vai chủ đạo.

Nhưng doanh nghiệp nhà nước lại là nơi quyền lợi của đảng và của các "nhóm lợi ích quyền thế" trong hệ thống cai trị được hưởng các đặc quyền đặc lợi về trụ sờ, đất đai, vay vốn và thuế đã gây ra những bất bình đẳng trong kinh doanh, và cũng là trung tâm đẻ ra tham nhũng và thua lỗ kéo dài.

Bằng chứng

Theo báo cáo trình Quốc hội của Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2018 thì "hàng loạt doanh nghiệp nhà nước lỗ nặng, nợ hàng chục ngàn tỉ khó đòi", báo Tuổi trẻ online đưa tin ngày 22/05/2019).

Tuổi Trẻ viết chi tiết :

"Theo Kiểm toán nhà nước, lỗ lũy kế đến hết năm 2017 của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí là 3.377 tỉ đồng ; Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) thuộc MobiFone lỗ 73 tỉ đồng. 

Từ thua lỗ, nhiều  doanh nghiệp nhà nước đã âm vốn chủ sở hữu như Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí âm vốn 1.780 tỉ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam 172 tỉ đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất 1.159 tỉ đồng. 

Vì thua lỗ lớn, Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) phải giải thể Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải sông Sài Gòn.

Bên cạnh đó, nhiều khoản đầu tư, góp vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty cũng thua lỗ. Ví dụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có 7 khoản đầu tư ngoài ngành lỗ lũy kế lớn. Công ty mẹ - PVOil đầu tư vào 11 đơn vị bị lỗ. 

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) cũng đầu tư vào 7 công ty, lỗ lũy kế 105 tỉ đồng. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý, kinh doanh nhà Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư vào 1 đơn vị, lỗ lũy kế tới 286 tỉ đồng. 

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) đầu tư vào 8 công ty liên doanh, liên kết và đầu tư dài hạn khác, lỗ lũy kế 315 tỉ đồng".

Riêng về lãng phí đất đai, theo Tuổi Trẻ, "Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra một loạt những sai sót, yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong quản lý và sử dụng đất công. Theo Kiểm toán nhà nước, diện tích, số lượng cơ sở đất mà các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước được giao rất lớn. Song bản thân doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chưa chặt chẽ khiến nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí".

Kiểm toán cũng báo cáo :

"Đặc biệt, nhiều hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN (Vietnam Oil and Gas Group, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) không hiệu quả. 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD), dự án Danan - Iran và dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD), 2 dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD)".

(Tuổi Trẻ online, 22/05/2019)

Làm ăn lỗ chổng gọng lên như thế mà ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản của đảng vẫn vênh váo bao che khi nói rằng :

"Kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo, nhưng 19 tổng công ty và tập đoàn kinh tế nhà nước tại sao cứ thua lỗ mãi ? Đó là chuyện phải chỉnh đốn cả về tư duy và hành động.

Song nếu vì chuyện đó mà ai đó trong chúng ta hoang mang, phủ nhận vị thế, vai trò và đòi xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thì lại là một sự thất bại được báo trước.

Thậm chí một số người cổ xúy kinh tế tư nhân là chủ đạo, đó lại là một sai lầm, không chấp nhận được về mặt nguyên tắc. Tôi chưa thấy có quốc gia nào trên toàn cầu, ở bất cứ thể chế nào, dám vứt bỏ kinh tế nhà nước với vai trò cầm trịch hay điều tiết chủ yếu nền kinh tế quốc gia cả".

(trích Phỏng vấn của Zing.vn)

Như thế thấy rõ đảng càng kéo dài ngồi lỳ càng hỏng như nhà thơ Lê Đạt viết :

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi (1)

Càng sống càng tồi,

Càng sống càng bé lại".

Đi tiếp đường cũ

Cũng với cái ý từ những "Ông Bình vôi", ta thử lân la vào lời ăn tiếng nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 (Trong các ngày từ 15-18/05/2019) xem có gì mới không.

Résultat de recherche d'images pour "Nguyễn Phú Trọng họp Quốc hội sau đột quỵ"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa : Trí Dũng/TTXVN

Theo nội dung thì :

"Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII bàn về các nội dung : Đề cương các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng ; chuẩn bị cho việc chỉ đạo tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng".

Ông Trọng nói :

"Cùng với Báo cáo chính trị thì sẽ có Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm (1991 - 2021) thực hiện Cương lĩnh, để làm nền, có cách nhìn toàn diện, tổng thể để chúng ta định hướng bàn về chiến lược, nhiệm vụ sắp tới để thực hiện có hiệu quả cương lĩnh. Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó".

Nhưng ý đó chẳng phải của riêng ông Trọng mà là của cả Hội đồng Lý luận trung ương, "cơ quan tham mưu cho Đảng về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc" (Bách khoa toàn thư mở).

Cơ quan này hiện có trên 44 người, do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cầm đầu từ ngày 02/03/2018, thay ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh dài hạn và thôi giữ chức Thường trực Bí thư.

Vậy những điểm cốt lõi của Cương Lĩnh 2011 viết gì ?

Trong đó có đoạn viết theo kiểu nhét chữ vào miệng dân rằng :

"Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Nhưng bằng chứng "khát vọng của nhân dân ta" ở đất nào chui lên vậy ?

Về kinh tế, Văn kiện này ghi :

"Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo…

…Nhà nước quản lý nền kinh tế, định hướng, điều tiết, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bằng pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất".

Về chính trị, Cương lĩnh viết rằng :

"Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản…

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn ; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên...".

Như đã vạch ra trong Cương Lĩnh, những điều trên đây còn được ghi lại trong Điu 4 Hiến pháp 2013, theo đó, Khoản 1 viết :

"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Như vậy, rõ ràng là đảng đã tự viết ra điều mình muốn cả trong Cương lĩnh và Hiến pháp để bắt dân phải làm theo không qua bất cứ qúa trình lựa chọn hợp pháp và dân chủ nào.

Đó là độc tài, phản dân chủ và chống lại nguyện vọng chính đáng và đúng đắn của dân.

Vì như ông Trọng đã khẳng định "Trung ương đã quyết định chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh. Tôi nói rõ ý đó" thì lại có những viên chức cao cấp trong đảng không biết muối mặt để ngợi ca ông Trọng hết lời.

Nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ qua lý luận của Trung ương đảng, là người nổi bật lên trong nhóm nịnh thần này.

Ông nói với báo điện tử Zing.vn :

"Tầm tư duy chiến lược của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là nhìn tận chân trời nhưng vẫn thấy được bước đi cụ thể dưới chân mình. Đó là tầm tư duy của người lãnh đạo, có thể tạo ra "thế nước, lòng dân, vận đảng".

Đổi mới chính trị là gì ?

Rất tiếc, "tầm tư duy" của một người chưa khỏe hẳn sau cơn bạo bệnh như ông Trọng, sau chuyến thăm Kiên Giang ngày 14/4/2019, đã mở ra nhiều thách đố nhưng cũng rất mơ hồ cho đảng viên.

Ông nói trong Diễn văn khai mạc :

"Như vậy, nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước.

Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ là thế nào ? Đến năm 2045, nước ta sẽ như thế nào ? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó".

Có ai hình dung được không, hay ông Trọng, trước khi nghỉ hưu, dự đoán sau Đại hội XIII vào tháng 01/2021, đã đặt ra những bài toán khó giải cho mọi người. Ông đánh cuộc với Hội nghị 10 :

"Như vậy, lần này so với lần trước có cái khác là không chỉ nhìn trước mắt mà còn nhìn lâu dài, có nhìn về quá khứ để tổng kết cả quá trình. Tôi chỉ nói một ví dụ : Thời kỳ quá độ là thế nào ? Đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế là thế nào ? Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không ? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân lực, phương thức, lề lối làm việc… hiểu cho đúng những cái đó".

Nghe ông Trọng nói liền tù tì như thế hẳn đã có khối người chóng mặt, nhất là những ai ảo tưởng bị mê hoặc bời nhóm chữ "đổi mới chính trị".

Ông Trọng là một chuyên gia "xây dựng đảng", từng là Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (sau đổi thành Ban Tuyên giáo) nên lời ăn tiếng nói của ông được chuẩn bị phải trong cái lồng quyền lực phục vụ đảng cầm quyền bất tận.

Do đó, khi giải thích "đổi mới chính trị" là đổi mới cái gì, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói trong Diễn văn bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XI ngày 12/01/2015 như sau :

"Tiếp tục đi sâu phân tích làm rõ hơn các đề xuất liên quan đến vấn đề "đổi mới đồng bộ hơn giữa chính trị và kinh tế". Phải nắm vững và khẳng định : Đổi mới chính trị không phải là làm thay đổi chế độ chính trị, thay đổi bản chất của Đảng ta, Nhà nước ta, mà là đổi mới cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đổi mới phương thức công tác, lề lối làm việc, cải cách hành chính, chống tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu gây phiền hà cho dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia".

Cũng với nội dung này, theo bản tin của báo VnExpress (10/04/019) thì :

"Trả lời câu hỏi phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhạt dần ? Tổng bí thư cho hay Việt Nam trước sau kiên định theo chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không đổi màu, nhiều thành phần kinh tế nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông thông tin, cách đây hai hôm Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh".

Ông Trọng, người có bằng tiến sĩ chuyên khoa "Xây dựng đảng" là một người cực kỳ bảo thủ, giáo điều, một tín đồ trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ông Trọng nói tiếp :

"Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, các thành phần kinh tế phải bình đẳng, độc lập, tự chủ nhưng hội nhập quốc tế, hội nhập nhưng không được hòa tan".

Như vậy, ông Trọng, người đã vắng mặt tại buổi họp khai mạc Quốc hội kỳ 7, Khóa XIV và cũng không có mặt trong đoàn Quốc hội viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 20/05/2019, vẫn một mực muốn Việt Nam phải tiếp tục kiên định và tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa cộng sản, trong lăng kính "đổi mới chính trị" của những "ông Bình vôi", giống như thi sĩ Lê Đạt đã viết :

Càng sống càng tồi,

Càng sống càng bé lại.

Phạm Trần

(23/05/2019)

(1) Có nơi ghi "Y như một dãy bình vôi".

Published in Diễn đàn

Trước Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XII, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái xuất hiện liên tục trong hai ngày 14 và 15/05/2019 để chứng minh ông vẫn đủ sức khỏe để lãnh đạo.

npt11

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 15/05/2019 - Ảnh : TTXVN

Ông Trọng, 75 tuổi đã có hai hành động bất thường, sau 30 ngày mắc bệnh thuộc diện "bí mật nhà nước" trong chuyến thăm và làm việc tại Kiên Giang hai ngày 13 và 14/04/2019.

Việc thứ nhất là ông đã chủ tọa cuộc họp với "Lãnh đạo chủ chốt" tại Hà Nội ngày 14/05/2019 để bàn về :

"Tổ chức thành công Hội nghị Trung ương 10 khóa XII, các phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư sắp tới ; tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các văn kiện trình Đại hội XIII và các công việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục chuẩn bị và tổ chức tốt Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV… tiếp tục cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần kiên quyết, kiên trì ; nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất cao ở các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận trong nhân dân" (theo tin độc quyền của TTXVN).

Nhưng "chủ chốt" có những ai ? Theo liệt kê của TTXVN thì danh sách này gồm "Các Ủy viên Bộ Chính trị : Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng ; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng".

Sự kiện ông Nên, sinh ngày 14/07/1957 tại Tây Ninh có tên trong số "Lãnh đạo chủ chốt" là dấu hiệu ông có cơ hội được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội đảng XIII.

Họp Bộ Chính trị

Ngày hôm sau, 15/05/2019, ông Trọng lại chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị, nhưng cũng chỉ bàn tiếp về Hội nghị Trung ương 10, Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV và việc chuẩn bị Đại hội đảng khóa XIII, diễn ra vào tháng 01/2021.

ÔngTrọng được báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Trung ương đảng trích lời nói rằng :

"Năm 2019, 2020, chúng ta đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, lần này phải quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn đại hội đảng bộ các cấp từ nội dung cho đến công tác nhân sự của Đại hội, tránh tình trạng cứ sắp đến Đại hội là chỉ lo cho công tác nhân sự mà sao nhãng các công việc thường xuyên".

Ông Trọng lập lại :

"Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng. Đề nghị các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao tinh thần này và chỉ đạo các cấp, các ngành. Công việc sắp tới rất nhiều, phức tạp, thời gian còn lại rất ít, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận, đoàn thể cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, kịp thời hơn, bảo đảm để các hoạt động của Đảng, Nhà nước, của hệ thống chính trị thông suốt, nhịp nhàng, hiệu quả cao".

Thật ra những điều ông Trọng nói tại cả hai buổi làm việc không có gì gọi là "đột phá" hay "dứt điểm", nhưng nhìn qua hình ảnh và nghe âm thanh phát biểu của ông tại cuộc họp với "Lãnh đạo chủ chốt" tại Hà Nội ngày 14/05/2019 thì ai cũng thấy tinh thần ông đã ổn định và thần kinh thanh quản của ông đã thường thường bậc trung, không bị lắp bắp hay ngọng nghẹo như nhiều người đã lo xa.

Đây mới là mục đích chính trị nấp sau cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Trước đây tin không chính thức nói ông bị đột qụy nhẹ (stroke) khi đang chỉ đạo cán bộ và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trưa ngày 14/04/2019, nhưng phía nhà nước chỉ xác nhận "do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe" của ông Trọng.

Nếu bệnh tình chỉ vì "thay đổi thời tiết" và "cường độ làm việc cao" mà phải biệt tăm đến 30 ngày thì hẳn phải là bệnh lạ chỉ xẩy ra cho giới lãnh đạo, hay còn gọi là bệnh của nhà giầu, dù chỉ trái gió trở trời. Đối với người dân thì chuyện nhức đầu sổ mũi như cách nhà nước mô tả bệnh của ông Trọng chỉ cần vài viên cao đơn hoàn tán hay cạo gió vài lần là khỏe re ngay.

Kiên định theo chủ nghĩa xã hội

Nhưng tin ông Nguyễn Phú Trọng trở lại làm việc đã được phổ biến từ sáng ngày 10/4/2019, tại buổi gặp mặt đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mục đích của cuộc họp, theo báo Người Đại biểu Nhân dân là để ông Trọng : "Lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân".

Tuy nhiên tin này không lan nhanh nên ít ai quan tâm. Có lẽ vì không có video ghi tiếng nói của ông như tại cuộc họp của "lãnh đạo chủ chốt" ngày 14/05/2019 nên báo đài nhà nước ngại chăng ?

Tuy nhiên, theo bản tin của báo VnExpress (10/04/2019) thì : "Trả lời câu hỏi phải chăng định hướng xã hội chủ nghĩa đã nhạt dần ? Tổng bí thư cho hay Việt Nam trước sau kiên định theo chủ nghĩa xã hội, đổi mới nhưng không đổi màu, nhiều thành phần kinh tế nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Ông thông tin, cách đây hai hôm Tiểu ban văn kiện họp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13, đã yêu cầu phải kiên định cương lĩnh, không ai được nói trái, làm trái cương lĩnh".

Ông Trọng, người có bằng tiến sĩ chuyên khoa "Xây dựng đảng" là một người cực kỳ bảo thủ, giáo điều, một tín đồ trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ông Trọng nói tiếp : "Kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, các thành phần kinh tế phải bình đẳng, độc lập, tự chủ nhưng hội nhập quốc tế, hội nhập nhưng không được hòa tan".

Trong khi đó, bài của báo Tiền Phong online cũng viết : "Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh : Mỗi cá nhân phải kiên định trước cương lĩnh, không được phép nói và làm trái với cương lĩnh; kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế mở rộng nhưng không được đi ngược với cương lĩnh.

Đặc biệt, về vấn đề Biển Đông, Tổng bí thư-Chủ tịch nước nói mỗi người Việt Nam phải kiên định, giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, phải tỉnh táo trước những quan điểm sai trái và có nhiều cách làm hiệu quả để giữ ổn định và phát triển đất nước".

(Tiền Phong online 10/04/2019)

Ông Trọng nói hăng chuyện Biển Đông đấy, nhưng ông đã chống hành động xâm lược của Trung Quốc ra sao trong cuộc đời chính trị của ông thì em bé năm tuổi ở Việt Nam cũng biết ông không có bản lĩnh bằng hai ông nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn và nguyên Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch (tên khai sinh Phạm Văn Cương).

Không tin, ông Trọng cứ hỏi thẳng ông Tiến sĩ Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẩn hiện ở Sài Gòn và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, con trai ông Nguyễn Cơ Thạch thì biết ngay.

Phạm Trần

(16/05/2019)

Published in Diễn đàn

Đảng cộng sản Việt Nam đang rất ồn ào kỷ niệm 50 năm thi hành Di chúc Hồ Chí Minh (1969-2019), nhưng lãnh đạo đảng lại bối rối trước sự bất động quá lâu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

vanhoi2

Đảng cộng sản Việt Nam bối rối trước sự bất động quá lâu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Kể từ trưa ngày 14/04/2019 là khi có tin ông bị đột quỵ (stroke) trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang, ông Trọng đã không có bất cứ hoạt động nào, dù trong cương vị Tổng bí thư hay Chủ trịch nước.

Sự vắng mặt quan trọng nhất trong thời gian này là ông đã không xuất hiện tại đám tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh hôm 03/05/2019 tại Hà Nội mặc dù ông là Trưởng ban Tang lễ.

Tuy nhiên, khi tường thuật lễ tang, báo chí của đảng không dám đề cập đến biến cố quan trọng này nhưng lại thông tin rộng rãi ông Trọng đã gửi vòng hoa phúng điếu khiền dư luận thắc mắc.

Vậy tình trạng sức khỏe của người lãnh đạo 75 tuổi Nguyễn Phú Trọng thực, hư ra sao mà phải giấu kín, theo quy định của Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước (Luật số 29/2018/QH14), ban hành ngay 15/11/2018, trong đó có khoản cấm ghi tại Điều 7 đối với "Thông tin bảo vệ sức khỏa lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước".

Ổn định hay không ?

Cho đến nay, báo chí nhà nước chỉ được phép đăng nội dung xuất xứ từ một nguồn của Ban Tuyên giáo đảng, theo đó, viết rằng : "Ngày 13 và 14/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có chuyến công tác tới Kiên Giang, trao đổi với lãnh đạo địa phương về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.

Xuống máy bay tại Cần Thơ, ông đi ngay về Kiên Giang, rồi di chuyển tiếp hơn 80 km về huyện Kiên Lương. Sau khi thăm cơ sở tôm đông lạnh, Tổng bí thư ra ngoài trời dưới nắng nóng 38 độ, do thời tiết thay đổi, sức khỏe của ông bị ảnh hưởng".

Ngày 26/04/2019, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói với cử tri Cần Thơ :

"Thời điểm Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào Kiên Giang công tác thì thời tiết ngoài Bắc còn hơi lạnh, khi vào Nam thì thời tiết rất nóng và phải di chuyển rất nhiều, cường độ làm việc cao, có ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã được các bác sĩ chăm sóc kịp thời nên sức khỏe đã ổn định và sẽ sớm trở lại công việc để cho nhân dân yên tâm".

Trước đó vào ngày 25/04/2019, trả lời câu hỏi của Thông tín viên AFP (Agence France-Press), người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Lê Thị Thu Hằng nói :

"Do cường độ làm việc cao, thời tiết thay đổi đã ảnh hưởng đến sức khỏe của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ sớm trở lại làm việc bình thường".

Bệnh "thời tiết nóng, lạnh" gì ở Việt Nam mà độc địa thế ? Nếu chỉ vì ra nắng, vào lạnh và phải di chuyển bằng xe 80 cây số nên bị mệt mà cảm cúm, hay hắt xì sổ mũi thì có nhằm nhò gì so với sự chịu đựng của người dân lao động, hay nhà nông chân lấm tay bùn chưa ăn bữa sáng đã lo bữa tối ?

Hơn nữa, trước "biến cố Kiên Giang" ngày 14/04/2019, ông Nguyễn Phú Trọng là người năng động. Ông đã tiếp khách nước ngoài và đi đó, đi đây chỉ đạo rất hăng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đảng, chọn lựa nhân sự cho Đảng khóa XIII và chống tham nhũng "đốt lò".

Vì vậy, sau gần một tháng mà chưa thấy ông Trọng xuất hiện, hay không có động tĩnh gì, nhất là chưa nhìn thấy ông nói năng bình thường tại các buổi làm việc hay tiếp khách như trước thì những lời trấn an dư luận của bà Ngân cho rằng "sức khỏe đã ổn định", hay của Bộ Ngoại giao hứa ông Trọng "sẽ sớm trở lại làm việc bình thường" phải "có vấn đề".

Giấu mà hở ?

Nhưng truyện dài đau ốm của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ có nhiêu đó mà còn nhiêu khê lắm. Chẳng hạn như ông đã vắng mặt trong Đoàn Đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội thuộc đơn vị bầu cử số 1 trong cuộc tiếp xúc với cử tri ngày 04/05/2019, trước kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, dự trù khai mạc ngày 20/05/2019.

Đơn vị I gồm hai quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ có 3 Đại biểu. Ông Trọng là người đứng đầu, nhưng chí có 2 Đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô gặp cử tri cùng với đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội đến dự cho nổi đình đám.

Sau đó, vào chiều ngày 07/05/2019 báo chí trong nước lại đưa tin Bí thư thành ủy, Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng phải trấn an cử tri (quân 3) Đơn vị I về tình trạng sức khỏa của ông Trọng.

Cử tri Lê Thanh Tùng nói với ông Nhân :

"Bà con đề nghị nói rõ bệnh tình của đồng chí Nguyễn Phú Trọng như thế nào. Đó là lòng mong mỏi của người dân. Chứ để trên mạng nói lung tung thì không hay đâu, mà họ nói thì không cấm được".

Ông Nhân cho biết "Tổng bí thư, Chủ tịch nước bị mệt nhưng sức khỏe đang tiến triển ngày càng tốt lên".

Rồi ông nói như phân bua :

"Chúng ta cũng biết là, liên quan đến sức khỏe, mỗi người có một tốc độ, mức độ hoàn thiện khác nhau nên chúng ta chưa thể tự đưa ra thời hạn được. Tôi tin là các đồng chí sẽ sớm thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước xuất hiện và làm việc".

(theo VTCNews –Đài truyền hình KTS-VTC)

Lạ chưa ? Có ai, kể cả cử tri Tùng, muốn biết ngày nào ông Trọng có thể trở lại làm việc bình thường đâu ? Nhưng khi ông Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân lại hớ hênh nói "chưa thể tự đưa ra thời hạn" bình phục sức khỏe của ông Trọng, vì "mỗi người có một tốc độ, mức độ hoàn thiện khác nhau".

Ai mà chả biết vậy. Nhưng với đội ngũ bác sĩ thượng thặng nhất của Việt Nam gồm cả bác sĩ Đông y của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ lãnh đạo thì hiển nhiên ông Trọng phải được chăm sóc trăm ngàn lần hơn bà con lao động.

Như thế mà ông Nhân lại bảo "chưa thể tự đưa ra thời hạn" thì có phải ông không biết nên nói mò, hay ông biết mà đã lỡ mồm lỡ miệng "tiết lộ bí mật quốc gia" ?

Thách đố của ông Trọng

Với những "cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo" như thế thì hẳn ông Nguyễn Phú Trọng phải bực mình khôn tả, hay ông đã phải gượng cười bỏ qua ?

Nhưng trước mắt, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ phải tự mình trả lời 3 câu hỏi, 2 gần và 1 xa, đó là :

1. Liệu ông có thể xuất hiện tại Hội nghị Trung ương 10, Khóa đảng XII, dự trù diễn ra trong tháng 5/2019.

Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nói tại Hội nghị trực tuyến Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ngày 8/5/2019 thì :

"Tại Hội nghị, Ban Chấp hành trung ương sẽ bàn, quyết định nhiều vấn đề quan trọng" (Tài liệu Ban Tuyên giáo).

2. Ông Trọng cũng phải chuẩn bị thể diện, áo mũ để tham dự hay khiếm diện tại buổi khai mạc Kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, khai mạc vào ngày 20/05/2019.

3. Sau cùng, ông cũng cần phải trả lời cho Tòa Bạch Ốc biết là liệu ông có đủ sức khỏe thăm Hoa Kỳ trong năm 2019 như đã hứa với Tổng thống Donald Trump hay không ?

Trước đây vì lý do sức khỏe mà ông Trọng đã phải hủy 2 việc đã có trong chương trình làm việc của ông gồm :

Thứ nhất, hủy bỏ cuộc tiếp Phái đoàn 9 Thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ, ấn định vào ngày 18/4/2019 tại Hà Nội. Đoàn do Nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy (Tiểu bang Vermont), Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện cầm đầu thăm Việt Nam để thẩm định công tác tẩy xóa chất độc Da Cam và công tác giúp người khuyết tật.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, người đứng hàng thứ hai sau ông Trọng đã thay ông Trọng tiếp phái đoàn Leahy.

Thứ hai, ông Trọng không cầm đầu phái đoàn đi Trung Quốc họp Hội nghị thượng đỉnh "Vành đai-Con đường" lần 2 ở Bắc Kinh từ ngày 25 đến 27/04/2019, theo lời mời của Lãnh đạo đảng, nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo chính thức ngày 22/4/2019 cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cầm đầu phái đoàn Việt Nam. Cũng giống như nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thay mặt Việt Nam đọc diễn văn tại Hội nghị này hồi tháng 5/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày quan điểm của Việt Nam vào ngày 26/04/2019. Sau đó, ông Phúc sẽ có các cuộc họp với Lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Đó là những diễn tiến quanh chuyện ông Nguyễn Phú Trọng có bị bệnh nặng phải chữa bằng nhiều phương pháp y học Đông-Tây dài hạn hay chỉ là bệnh già khi trái gió trở chiều như nhà nước nói ?

Hy vọng ông đã "ổn định" như bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói với cử tri, nhưng nếu người dân mà chưa sớm thấy ông trở lại làm việc như lời tiên đoán của "thầy bói" Bí thư thành Ủy Nguyễn Thiện Nhân thì ông có bỏ họ vào lò không ?

Phạm Trần

(09/05/2019)

Published in Diễn đàn