Bất cứ lãnh đạo nào ở Việt Nam nói Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không bị bệnh hiểm nghèo là nói dối, bịp dân và đánh giới ngoại giao tại Hà Nội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đến thăm Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang (Tập đoàn Cao su Việt Nam), nằm trong Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, chiều ngày 13/4 - Ảnh Bách Hỷ
Bằng chứng ông Trọng, người đứng đầu đảng duy nhất cầm quyền của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã không xuất hiện trước đám đông, dù trong đảng hay ngoài xã hội, kể từ trưa ngày 14/04/2019 sau khi có tin ông bị "đột quỵ" (stroke) trong lúc đang chỉ đạo các cấp lãnh đạo đảng bộ tỉnh Kiên Giang.
Ban Tuyên giáo đảng, được nói, đã ra lệnh cho báo đài nhà nước phải tuyệt đối không loan tin về ông Trọng sau khi rời Kiên Giang nhưng cũng không lên tiếng cải chính tin của các mạng xã hội nói ông Trọng đã được cứu sống ở Bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn) để đưa về Hà Nội chữa tiếp từ chiều ngày 16/04/2019.
Tuy nhiên Ban Bảo vệ sức khỏe lãnh đạo chủ chốt của đảng và chính phủ đã không đưa ra bất cứ thông tin nào về tình trạng sức khỏe của ông Trọng.
Lý do Ban Tuyên giáo che kín thông tin sức khỏe của ông Trọng vì Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2018/QH14), ban hành ngày 15/11/2018, có khoản cấm ghi tại Điều 7 đối với "Thông tin bảo vệ sức khỏe lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước".
Bằng chứng vắng mặt
Bằng chứng ông Nguyễn Phú Trọng, 75 tuổi đã không làm 2 việc từng được lên kế hoạch từ trước :
Thứ nhất, hủy bỏ cuộc tiếp Phái đoàn 9 Thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ, ấn định vào ngày 18/04/2019 tại Hà Nội. Đoàn do Nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy (Tiểu bang Vermont), Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện cầm đầu thăm Việt Nam để thẩm định công tác tẩy xóa chất độc Da Cam và công tác giúp người khuyết tật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bí thư Trần Quốc Vượng, người đứng hàng thứ hai sau ông Trọng đã thay ông Trọng tiếp phái đoàn Leahy.
Thứ hai, ông Trọng không cầm đầu phái đoàn đi Trung Quốc họp Hội nghị thượng đỉnh "Vành đai-Con đường" lần 2 ở Bắc Kinh từ ngày 25 đến 27/04/2019, theo lời mời của Lãnh đạo đảng, nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo chính thức ngày 22/04/2019 cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ cầm đầu phái đoàn Việt Nam.
Cũng giống như cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thay mặt Việt Nam đọc diễn văn tại Hội nghị này hồi tháng 5/2017, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày quan điểm của Việt Nam vào ngày 26/04/2019. Sau đó, ông Phúc sẽ có các cuộc họp với lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Trước khi ngả bệnh bất ngờ, ông Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị trong chuyến đi sẽ có cuộc gặp riêng với ông Tập để trao đổi về tình hình hai nước ; tình hình Biển Đông ; triển vọng hợp tác song phương giữa sáng kiến "Hai hành lang, một vành đai" của Việt Nam với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc. Cũng qua lần họp này, nếu thuận lợi, ông Trọng sẽ đề cập đến chuyến đi thăm Mỹ sắp tới của ông theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Thứ ba, ông Nguyễn Phú Trọng cũng vắng mặt ở một số Hội nghị của Tổ chức và Đảng bộ địa phương như ông đã làm tại Kiên Giang trong hai ngày 13 và 14/04/2019.
Trong số này có Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội Nhà báo năm 2018, tổ chức tại Thành phố Cần Thơ ngày 19/04/2019. Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương đảng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc đã thay ông Trọng chỉ đạo Hội nghị.
Ông Trọng cũng không thể đi dự Hội nghị kiểm điểm nhiệm kỳ 2015-2020 của đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ngày 24/04/2019. Đây là công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, nằm trong khuôn khổ chọn nhân sự cho các đoàn Đại biểu tham dự Đại hội đảng thứ XIII, dự trù diễn ra đầu tháng 01/2021.
Thứ tư, trong Lịch tiếp xúc cử tri Hà Nội trước Kỳ họp 7 của Quốc hội, dự trù khai mạc ngày 20/05/2019, không thấy ghi buổi gặp cử tri của Đoàn đơn vị I, gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ do ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.
Không có lý do được đưa ra, nhưng theo thông báo phổ biến ngày 02/04/2019 của Đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội thì "Lịch tiếp xúc cử tri tại đơn vị số 01, số 02 sẽ có thông báo sau".
Tuy nhiên cho tới ngày 24/04/2019, vẫn chưa có Thông báo mới.
Những chỉ dấu trên cho thấy chưa bao giờ ông Trọng đã vắng mặt, hay không có việc gì làm trong thời gian dài như thế. Ít nhất là trên 10 ngày, kể từ khi có tin ông bị "đột quỵ" (stroke) ở Kiên Giang trưa 14/04/2019, không có bất cứ tin nào về ông Trọng được lộ ra khỏi Hà Nội.
Viễn ảnh không có Trọng
Với tình trạng sức khỏe tương đối ổn định, kể từ khi ông được bầu làm Tổng bí thư đảng khóa XI năm 2011, sau đó kiêm luôn chức Chủ tịch nước từ ngày 23/10/2018, ông Trọng là người năng động và rất tích cực trong chiến dịch chống tham nhũng ; chống chạy chức, chạy quyền và từng hô hào "chống tham nhũng quyền lực" trong đảng.
Đã có lần ông nói : "Khi lò đã nóng, không ai có thể đứng ngoài cuộc… Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm. Muốn thế thì lòng dân phải thuận, tất cả đồng lòng, lò nóng lên thì tất cả phải vào cuộc".
Đề cập đến vai trò của luật pháp, ông Trọng văn hoa : "Đây là công cụ bảo đảm để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng. Không thể kêu gọi suông, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp, phải nhốt quyền lực vào trong lồng pháp luật, phải có đòn roi để làm sao cho anh không dám làm, không muốn làm, nhúng tay vào rồi thì phải sửa".
(Theo PhápLuật.net, Tiếp xúc cử trị Đơn vị I, ngày 29/11/2917)
Tuy nhiên, ông lại là người nắm giữ nhiều chức hơn bất cứ tổng bí thư, chủ tịch nước tiền nhiệm nào. Ngoài hai chức đầu đảng, đầu nước, ông Trọng còn là Bí thư Quân ủy Trung ương ; Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh Việt Nam ; Trường Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Riêng trong công tác chuẩn bị cho Đại hội đảng XIII, tổ chức vào tháng Giêng năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng đã một mình nắm 2 chức quan trọng nhất là Trưởng Tiểu ban Văn kiện đảng, và Trưởng Tiểu ban Nhân sự. Tiếng nói của ông sẽ ảnh hưởng rất "nặng ký" đến đường đi nước bước của Đảng cộng sản Việt Nam trong nhiều năm tới.
Đồng thời, với chức Trưởng Tiểu ban nhân sự, ông cũng có quyền sinh sát đối với việc chọn các Ủy viên Trung ương đảng, và đặc biệt là Bộ Chính trị, trong đó có hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước dành cho một người như ông bây giờ.
Một danh sách 200 ứng viên cho các "cán bộ cấp chiến lược" đang nằm trong tay ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng ông vẫn nói trước khi lâm bệnh là "chưa chốt" mà còn phải xét thêm các trường hợp khác để gạn lọc.
Nhưng trước khi bị đột quỵ, ông Trọng từng tự cao "đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay". Ông cũng nói trực tuyến vào sáng ngày 28/12/2018 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương rằng : " 2019 là năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy có ý nghĩa rất quan trọng".
Ông Trọng kêu gọi : "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng ; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân không đủ tiêu chuẩn… Cũng dè chừng dần những tiêu cực chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu. Chuẩn bị Đại hội lại vận động, tìm mọi cách".
Ông nói : "Phải cảnh báo vấn đề này. Đó chính là xây dựng Đảng, liên quan đến vấn đề con người. Cần gì phải "chạy". Tôi đã nói rồi, "chạy" là không dùng, cái gì đến tự sẽ đến, "hữu xạ tự nhiên hương".
(Trích VoV (Voice of Vietnam), phát biểu ngày 21/03/2019, tại trụ sở Trung ương Đảng)
Ai có cơ may kế vị ?
Vậy bây giờ, sau khi ngã bệnh có dấu hiệu không nhẹ thì viễn ảnh một Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang mờ nhạt dần sẽ tạo cơ hội cho ai trong số 15 ủy viên Bộ Chính trị còn lại có cơ hội thay ông ?
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ngày 20/03/2019 tại Bắc Kinh
Nếu căn cứ vào "thâm niên đảng viên" và vị trí trong Bộ Chính trị khóa đảng XII thì người ấy có thể là ông Trần Quốc Vượng, hiện giữ chức Thường trực Bí thư, đứng hàng thứ hai sau ông Nguyễn Phú Trọng.
Ưu điểm của ông Vượng, sinh ngày 05/02/1953 tại tỉnh Thái Bình (miền Bắc) là ông được nhận vào đảng ngày 10/08/1979. Trong khi ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, sinh ngày 10/12/1958 tại Thanh Hóa, Trung tướng Công an 61 tuổi, mãi đến ngày 25/12/1986 mới được vào đảng.
Ngoài ra, ông Chính còn bị "dính liền" với dự án Đặc khu Kinhtế Vân Đồn khi ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh từ 08/08/2011 đến 01/04/2015. Tuy nhiên cuộc "biểu tình nổi loạn" của hàng trăm ngàn người dân ngày 10/06/2018 trên khắp Việt Nam đã dập tan kế hoạch biến Vân Đồn, Bắc Vân Phong (Khánh Hòa" và Phú Quốc thành các "trung tâm kinh tế của Trung Quốc". Vì vậy, mỗi khi tên ông Chính xuất hiện là người ta lại nghĩ ngay đến "vấn nạn" Vân Đồn.
Người thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sinh ngày 20/07/1954 tại Quảng Nam, tới ngày 12/05/1982 mới được nhận vào đảng. Tuy ông Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa đảng XI, trước hai ông Vượng và Chính đến 5 năm, nhưng ông lại bị eo xèo là có nhiều "tham vọng quyền lực" và "lợi ích nhóm" địa phương.
Ủy viên Bộ chính trị khác là ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, sinh ngày 12/06/1953 tại Cà Mau, nhưng quê gốc là Trà Vinh. Ông được nhận vào đảng năm 1980, leo lên Ủy viên Bộ Chính trị từ ngày 11/05/2013 nhưng ông là một chuyên gia Giáo dục hơn là một chính trị gia.
Người cuối cùng, ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, sinh ngày 27/09/1959 tại Thái Bình, lại chỉ mới vào đảng từ ngày 20/11/1990. Việc ông được cất nhắc vào Ban Chấp hành Trung ương khóa đảng XI và sau đó vào Bộ Chính trị năm 2016 cũng bị eo xèo vì có tin ông có gốc gác người Hoa và nói tiếng Hoa như tiếng Việt.
Nhiều mạng xã hội nói ông Hoàng Trung Hải cũng là một trong số Ủy viên Bộ Chính trị ủng hộ nhiệt thành kế hoạch "đặc khu".
Trần Quốc Vượng - Tập Cận Bình
Như vậy, sau bóng mờ Nguyễn Phú Trọng sẽ là ai, hay chẳng có ai được nổi lên cho đến khi cuộc cờ phải phân thắng bại giữa HàNội và Bắc Kinh ?
Có điều đáng quan tâm là trong cuộc họp được gọi là "vun đắp cho mối quan hệ HàNội – BắcKinh" ngày 21/08/2018 tại Bắc Kinh giữa ông Trần Quốc Vượng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, lãnh đạo họ Tập đã cho ông Vượng biết rằng "hiện đang diễn ra những thay đổi phức tạp và sâu sắc liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực". (VOA tiếngViệt, 21/08/2018)
VOA viết tiếp : "Ngoài ra, cũng theo Tân Hoa Xã, ông Tập còn phát biểu rằng giữa ông và Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã "đạt được một loạt sự đồng thuận quan trọng về việc tăng cường quan hệ giữa hai bên và hai nước.
"Ông Tập còn nói thêm rằng Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Hà Nội về các cuộc hội thoại chuyên sâu bàn về các vấn đề tổng thể và chiến lược, cũng như "tăng cường các hướng dẫn chính trị về quan hệ song phương" để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.
Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc không nêu rõ các "hướng dẫn chính trị" mà hai bên có kế hoạch bàn thảo là gì".
Vế phần mình, VOA đưa tin tiếp theo rằng : "Ông Vượng đề nghị hai bên "tăng cường và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai nước ; thúc đẩy hiệu quả các lĩnh vực hợp tác, giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, giữ vững đà phát triển của quan hệ hai nước".
Trước việc đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam tiếp tục giấu tin ông Trọng thì liệu chuyến đi Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh "Vành đai-Con dường" lần 2 từ ngày 25 đến 27/04/2019 có cơ may mở ra đường thoát Trung nào cho Việt Nam hay sẽ chỉ bóp lại bé hơn qua hình ảnh của cuộc họp bất ngờ năm 2018 giữa Tập Cận Bình và Trần Quốc Vượng ?
Phạm Trần
(25/04/2019)
Cuộc khủng hoảng lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã bắt đầu từ khi có tin Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bị tai biến mạch máu não, tuy nhẹ, nhưng phải cấp cứu tại bệnh viện trong chuyến thăm Kiên Giang trong hai ngày 13 và 14/04/2019.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang ngày 13/04/2019
Đảng và chính phủ Việt Nam không chính thức xác nhận mà cũng không phủ nhận tin ông Trọng bất ngờ ngã bệnh lúc đang chỉ đạo các lãnh đạo và cán bộ Tỉnh Kiên Giang, nhưng các mạng xã hội ở Việt Nam đã mau chóng vào cuộc đưa tin chi tiết chưa bao giờ nhanh như thế.
Các nhà báo tự do đã kể chuyện các bác sĩ chuyên khoa của bệnh viện Chợ Rẫy ở Sài Gòn được triệu hồi khẩn cấp xuống Kiên Giang chẩn bệnh, trước khi đồng ý để chiếc trực thăng đặc biệt chở ông về bệnh viện Chỡ Rẫy chữa tiếp qua đêm 15/04/2019. Sau đó, với sự đồng ý của đội bác sĩ của Ban Bảo vệ sức khỏe lãnh đạo từ Hà Nội vào chăm sóc, ông Trọng đã được máy bay chở về Hà Nội ngày 16/04/2019 để các bác sĩ theo dõi tiếp.
Lý do tin lớn này bị Ban Tuyên giáo che kín vì Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (Luật số 29/2018/QH14), ban hành ngay 15/11/2018, có khoản cấm ghi tại Điều 7 đối với "Thông tin bảo vệ sức khỏa lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước".
Vì vậy, nhiều người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài đã đổ xô đi tìm "tin ông Trọng bệnh thật hay không bệnh" trên các báo "lề dân" nên không khí hoang mang đã lên cao trong dự luận.
Tuy nhiên, đứng trước "tin sét đánh" này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng (người con cưng ngoại vi của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt), có tin nói, đã khẩn cấp bay vào Sài Gòn thăm sức khỏe ông Trọng, đồng thời chỉ thị kiểm soát thông tin để không bị lộ ra ngoài.
Giấu mà hở
Tuy nhiên, trong khi ông Trọng đã kết thúc bất ngờ chuyến thăm và làm việc tại Kiên Giang, và đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 15/4 (2019) thì báo-đài nhà nước, quan trọng nhất là báo điện tử của Trung ương đảng, báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, VietnamNet, VnExpress, TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV-Voice of Vietnam), Thanh Niên v.v… tiếp tục đăng lại bản tin của các phóng viên tường thuật các hoạt động trong hai ngày (13 và 14/04/2019) của ông Trọng tai Kiên Giang.
Tỷ dụ như TTXVN viết :
"Trong hai ngày (13-14/4), Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thăm, làm việc tại tỉnh Kiên Giang, về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh đến nay, trọng tâm là năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019 ; phương hướng nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Sáng 14/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang ; nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đến nay…".
Thống tấn xã của Chính phủ viết tiếp :
"Trước đó, chiều 13/4, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang như Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang (thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam) tại Khu công nghiệp Thạnh Lộc, huyện Châu Thành ; Công ty Trung Sơn (thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn), tại xã Trung Hóa, huyện Kiên Lương.
Tiếp đó, sau khi thăm thực địa khu nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn, thăm nhà máy chế biến thực phẩm của Công ty Trung Sơn tại xã Trung Hóa, huyện Kiên Lượng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với ban lãnh đạo, nghe báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty.
(Tường thuật của Nguyễn Sự - Huy Hải (TTXVN/Vietnam)
Như vậy là đã có một "khoảng trống thông tin" giữa cuộc họp "làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang" của ông Trọng vào buổi sáng ngày 14/04 cho đến sáng ngày 16/04 (2019) là khi chuyên cơ chở ông Trọng, được nói rời Sài Gòn về Hà Nội.
Điều này cho thấy, nếu ông Trọng vẫn mạnh khỏe sau buổi làm việc với cán bộ Tỉnh Kiên Giang thì ông đã về Hà Nội từ chiều 14/4 (2019), hay thăm đâu đó chứ không có chuyện báo chí nhà nước lại im hơi lặng tiếng như thế.
Ngoài ra, cũng ngạc nhiên như "đổ thêm dầu vào lửa" cho truyện ông Nguyễn Phú Trọng cháy to lên khi báo đài nhà nước được lệnh, từ ngày 15/4 (2019) đồng loạt đăng toàn bộ chùm ảnh "Tổng bí thư, Chủ tịch nước làm việc tại Kiên Giang".
Càng thấy lạ khi việc đăng ảnh này kéo dài cho đến ít nhất ngày 16/04 trên một số báo, hai ngày sau khi ông Trọng đã rời khỏi Kiên Giang. Đây là một việc làm "rất không bình thường", so với các chuyến đi thăm các cơ sở và địa phương của người đứng đầu đảng và nhà nước.
Vì vậy việc làm này không ngoài mục đích "cải chính" tin của "báo lề dân" nói rằng ông Trọng ngã bệnh bất ngờ khi thăm Kiên Giang, nhưng ngược lại cũng không khỏi gây nghi ngờ "nếu không có lửa thì làm sao có khói" ?
Chuyện trước mắt
Dù đúng hay chưa được xác nhận sức khỏe ông Trọng 75 tuổi có vấn đề, nhưng nó xẩy ra vào lúc ông tập trung trí tuệ làm hai việc quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị cuối đời của ông.
Đó là : chuẩn bị cho chuyến thăm Hoa Kỳ lịch sử của ông đã được dự trù trong năm nay, theo lời mời của Tổng thống Donald Trump.
Có nhiều đồn đoán ông Trọng muốn hoàn tất 3 việc với ông Trump :
– Đạt thỏa thuận "Hợp tác chiến lược" với Mỹ để bảo đảm an ninh và sự thịnh vượng bền vững cho Việt Nam, tăng lên từ "Hợp tác toàn diện", phần lớn đặt trọng tâm vào hợp tác kinh tế- thương mại.
– Muốn Mỹ nhìn nhận Việt Nam có "nền kinh tế thị trường" để được hưởng ưu tiên thuế nhẹ cho các mặt hàng Việt Nam xuất cảng sang Mỹ.
– Mua vũ khí, máy bay và tầu chiến của Mỹ với những ưu đãi đặc biệt đối với vị trí chiến lược ở Biển Đông của Việt Nam và bàn cờ chiến lược Quốc phòng của Mỹ ở Á Châu và Ấn Độ Dương.
Nhưng quan trọng hơn, đối với ông Trọng là làm sao tổ chức thành công Đại hội đảng XIII, dự trù tháng 01/2021, trong đó có việc tìm người kế nhiệm, nếu thật sự ông không muốn thay Điều lệ đảng để được ứng cử nhiệm kỳ thứ 3 như đang có tin truyền miệng trong đảng.
Sở dĩ có lời đồn đoán này vì Điều lệ đảng không cho phép một Tổng bí thư giữ ghế hơn hai nhiệm kỳ (10 năm), nhưng lại rục rịch có chuyện sửa đổi Điều lệ đảng được bàn tán nơi này nơi kia từ một năm qua.
Có ai khác sáng giá ?
Nhưng liệu với số tuổi 75 và mới có "tin đồn bị tai biến mạch máu não" ở Kiên Giang ngày 14/04/2019, ông Trọng có khả năng hồi phục để ra ứng cử hay nhận đề cử ?
Vì theo Quy định 89- QĐ/TW ngày 04/08/2017 thì ông Trọng phải có "đủ sức khỏe".
Như vậy, sau ông Trọng có ai sáng giá để thay ông, khi ông quyết định nghỉ hưu ?
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời và ông Đinh La Thăng vào tù, Bộ Chính trị khóa XII còn lại 17 người, nhưng lại có thêm ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư bị ốm dài hạn, dù vẫn giữ ghế nhưng đã thôi làm việc từ vài năm qua, nên chỉ còn lại 16 người.
Trong số này, nổi trội nhất có 3 ủy viên gồm :
– Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng, sinh ngày 20/07/1954 tại Quảng Nam.
– Phạm Minh Chính, sinh ngày 10/02/1958 tại Thanh Hóa, Trung tướng Công an, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
– Trần Quốc Vượng, sinh ngày 05/02/1953 tại Thái Bình, Thường trực Ban Bí thư (người thay Đinh Thế Huynh)
Người thứ tư, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), sinh ngày 12/06/1953 tại Trà Vinh, là người ôn hòa, được nói là hiền lành nhưng thiếu cương quyết và được coi như thân Tây phương, và là người "của mọi người" nên khó được chọn.
Vậy liệu thành phần nhận sự 4 người đang được xầm xì to nhỏ, sau tin ông Trọng lâm bệnh, có cơ may gỡ rối cho bàn cờ chính trị khỏi bị rơi vào khủng hoảng hay không thì còn phải chờ, vì Ủy ban Văn kiện Đảng khóa XIII vẫn chưa hoàn tất nhiệm vụ lấy ý kiến các địa phương.
Tuy nhiên gánh nặng lo cho Đại hội đảng XIII vẫn thuộc về ông Trọng, dù ông có muốn hay không. Nhưng tương lai Việt Nam lại không thuộc về ông mà của người dân đang muốn thoát khỏi gông kìm Cộng sản.
Vì vậy, căn bệnh hiểm nghèo nếu có của ông Trọng mà gây ra cuộc khủng hoảng chính trị để làm lợi cho âm mưu đánh chiếm Việt Nam của Trung Quốc thì ông sẽ là người bị lên án trước toàn dân.
Phạm Trần
(18/04/2019)
Ở thôn quê miền Bắc Việt Nam thời Việt Minh trước 1954, những người nói một đường làm một nẻo hay nói những điều không thật đều bị chế diễu "nói dối như Vẹm".
Nhưng tại sao lại là "Vẹm" ? Vẹm là tên con Trùng Trục (có nơi gọi là Trục) hình bầu dục, tiếng Anh gọi là Mussel, sống dưới bùn, hay dưới cát ở sông ngòi và dọc vùng biển Việt Nam. Nông dân và ngư phủ thường bắt đem về luộc lấy nước và thịt nấu canh hay xào ăn, giống như con hến, con sò… hoặc đem bán.
Vẹm là tên con Trùng Trục (có nơi gọi là Trục) hình bầu dục sống dưới bùn ở sông ngòi Việt Nam.
Tìm hiểu mới biết tội nghiệp cho con Trùng Trục. Nó không họ hàng hang hốc gì với "Vẹm" cán bộ nói một đàng làm một nẻo của thời cộng sản mà chỉ trùng tên nên bị vạ lây. Các bô lão từng trải trong làng kể rằng, sở dĩ con Vẹm được dùng vì khi sống dưới bùn, nó phải xoay theo dòng nước để sống nên không đứng nguyên một chỗ. Con người mà tiền hậu bất nhất là thiếu thành thật, tâm địa khó lường nên không ai tin. Nhưng chữ "Vẹm" còn là cách gọi ngắn của chữ Việt Minh (VM).
Thì ra là như vậy. Nếu so sánh giữa thực tế với những lời tuyên truyền của cán bộ cộng sản nói chung và Tuyên giáo nói riêng, kể cả của Hội đồng Lý luân Trung ương và Tổng cục Chính trị Quân đội thì sẽ nhìn ra ngay những điều không thật, đổi trắng thay đen xoay quanh như con Vẹm.
Quyền Dân và quyền Đảng
Tỷ dụ như khi nói về "quyền con người", hay "nhân quyền" ở Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản Việt Nam (khi chưa kiêm chức Chủ tịch nước) đã nói tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington DC, trong chuyến thăm Mỹ ngày 8/7/2015, rằng :
"Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, và đang dần được luật hóa".
(VietnamNet, 09/07/2015).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trả lời khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế. (Nguồn : CSIS)
Ông Trọng nói vậy nhưng không phải vậy, vì giữa "bầu không khí dân chủ" và "có dân chủ" xa nhau cả một trời một vực.
Không thể có dân chủ khi dân không có các quyền tự do ứng cử ; tự do ngôn luận, ra báo ; tự do lập hội ; tự do hội họp ; và tự do biểu tình như quy định trong Hiến pháp năm 2013.
Ông Trọng đã mánh lới khi nói các quyền con người ghi trong Chương II Hiến Pháp "đang dần được luật hóa", nhưng sau 6 năm, kể từ khi có Hiến pháp mới năm 2013, chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Quốc hội hai dự luật Biểu tình và Lập hội, hoặc chưa minh thị những câu chữ mập mờ cho phép nhà nước tùy tiện giải quyết theo ý muốn.
Tỷ dụ như trong Điều 14 (Hiến pháp) viết : "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật".
Nói thế nhưng Hiến pháp đã bị Bộ luật Hình sự năm 2015 chi phối, hay vô hiệu hóa.
Bằng chứng như khoản 2, Điều 14 (Hiến pháp) viết rằng : "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Nhưng các lý do để hạn chế lại mơ hồ và dễ bị lạm dụng như "quốc phòng, an ninh quốc gia" nên khi chưa được luật hóa thì người dân là nạn nhân của Hiến pháp.
Khi nói về "tự do tín ngưỡng, tôn giáo", Điều 24 (Hiến pháp) viết :
1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Nhưng Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo (Tín ngưỡng - Tôn giáo-02/2016/QH14), ban hành ngày 18/11/2016 lại dành nhiều quyền kiểm soát các tôn giáo cho nhà nước.
Phủ nhận
Vì vậy, trong Kháng thư đề ngày 20/10/2016, Hội đồng Liên tôn Việt Nam, quy tụ nhiều chức sắc của 5 tôn giáo lớn (Cao đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo) và Tin lành) đã "hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo".
Kháng thư viết :
"Chế độ cai trị hiện thời tại Việt Nam là chế độ cộng sản với hai tính chất nổi bật : vô thần và toàn trị. Vô thần cộng sản là vô thần tranh đấu, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia. Toàn trị là kiểm soát, lũng đoạn để công cụ hóa mọi cá nhân và tập thể, mọi tổ chức và định chế, mọi thế lực và ảnh hưởng, mà đặc biệt là thế lực tôn giáo và ảnh hưởng tâm linh, để đảng cộng sản muôn năm lãnh đạo và nhà nước cộng sản muôn năm cai trị".
Do đó, Hội đồng kết luận:
"Mọi luật lệ xuất phát từ chế độ độc tài toàn trị cộng sản đều không ngoài mục đích kiểm soát, lũng đoạn và công cụ hóa nói trên. Nên cho dù có đưa ra cho toàn thể nhân dân, mọi giai tầng xã hội đóng góp ý kiến cho có vẻ dân chủ, rốt cuộc đảng và nhà cầm quyền cộng sản vẫn biên soạn các luật lệ (từ cao xuống thấp) hoàn toàn theo ý muốn độc đoán của họ và hoàn toàn nhằm mục đích tối hậu của họ : củng cố chế độ độc tài đảng trị. Hiến pháp 2013 là ví dụ rõ nhất. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cũng không nằm ngoài ý đồ thâm độc này".
Bằng chứng này được Hội đồng vạch ra :
"Mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ xưa tới nay về tôn giáo, kể từ Sắc lệnh Tôn giáo năm 1955, Nghị quyết 297 năm 1997, Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 tới Luật Tín ngưỡng Tôn giáo sắp ban hành, tất cả đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần (các quyền tự do) và tài sản vật chất (đất đai, cơ sở) của các Giáo hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm (mãi cho tới hôm nay), nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần vô cùng cần thiết và cực kỳ hữu ích cho xã hội này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất. Hậu quả là xã hội Việt Nam ngày càng tràn ngập bạo hành và gian dối, ngày càng suy đồi về văn hóa và đạo đức, kéo theo suy đồi các lãnh vực khác nữa".
Hội đồng Giám mục Việt Nam
Đến ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam, đại diện cho trên 7 triệu người Công giáo đã lên tiếng chỉ trích Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Theo Hội đồng Giám mục Việt Nam thì Luật mới đã "có những bước lùi" so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.
Hội đồng Giám mục Việt Nam viết :
"Theo Dự thảo 5 ngày 17/08/2016, các tổ chức tôn giáo "được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân" (Điều 53), và "được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội (Điều 54). Nhưng trong Luật Tín ngường, Tôn giáo, vấn đề này được gói gọn trong Điều 55 với những từ ngữ tổng quát và mơ hồ : "Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan". Tham gia thế nào ? Tham gia mức nào ? Tham gia có đồng nghĩa với việc thành lập cơ sở không ? Như vậy, nếu so sánh với các bàn Dự thảo 4 và Dự thảo 5, thì Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo có những bước lùi".
Kiềm chế để kiểm soát
Hội đồng Giám mục Việt Nam còn vạch ra rằng :
"Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho, bộ Luật này không dùng từ "xin phép" và "cho phép", thay vào đó là các từ "đăng ký, thông báo, đề nghị". Việc thay đổi từ ngữ như trên tạo cảm giác có sự cởi mở hơn, nhưng vì các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo với chính quyền và chính quyền có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, nên rốt cuộc vẫn là cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo".
Thật vậy, nếu ai có thời giờ đọc hết 68 Điều trong 9 Chương của Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo của nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ tìm ra vô số những hàng rào cản ẩn hiện trong ngôn ngữ của Bộ Công an và Ban Tuyên giáo với mục đích duy nhất là kiểm soát nghiêm ngặt người theo đạo, các chức sắc lãnh đạo, tài sản của các tôn giáo và những hoạt động thuộc lĩnh vực linh thiêng.
Ngoài những quy định trong Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo như việc gì cũng phải đăng ký, thông báo để được các cấp chính quyền cứu xét, các tổ chức tôn giáo và người theo đạo còn phải tuân theo những quy định của nhiều luật khác của nhà nước.
Những nhóm chữ ràng buộc mơ hồ như : "theo quy định của pháp luật ; theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự ; theo quy định của pháp luật có liên quan v.v.." đang nhảy múa loạn lên trong toàn bộ Luật.
Nhà nước còn thọc tay vào tất cả mọi việc của tôn giáo chỉ để kiểm soát chặt chẽ. Tỷ dụ như Khoản 5, Điều 66 quy định các cấp lãnh đạo trách nhiệm của tôn giáo phải : "Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Rồi Điều 12 còn viết về "đăng ký" như sau :
"1. Hoạt động tín ngưỡng của cơ sở tín ngưỡng phải được đăng ký, trừ cơ sở tín ngưỡng là nhà thờ dòng họ.
2. Người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở tín ngưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày cơ sở tín ngưỡng bắt đầu hoạt động tín ngưỡng…".
Cấm để diệt
Bấy nhiêu chưa đủ, Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo còn có những ngăn cấm rất mơ hồ cho phép nhà nước toàn quyền "tự biên tự diễn" để đàn áp các tôn giáo. Quốc hội đã ghi trong Điều 5 những cấm đóan này như sau :
1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo :
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường ;
b) Xâm hại đạo đức xã hội ; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản ; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác ;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân ;
d) Chia rẽ dân tộc ; chia rẽ tôn giáo ; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Luật không giải thích rành mạch các khoản (a, b, c và d) nên nhà nước sẽ tha hồ và tùy tiện để vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cánh và tung ra mưu chước gài bẫy người phải thi hành luật. Bởi vì trong chế độ nhà nước độc tài và toàn trị cộng sản Việt Nam, chả có việc gì hay hành động nào mà tránh khỏi bị công an và an ninh chụp cho chiếc mũ "xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường", hay "an ninh trật tự", "chống phá nhà nước", "phản động", v.v….
Đó là lý do tại sao Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ trích :
"Cùng với những nhận định trên, chúng tôi muốn nêu lên một vài suy nghĩ. Ẩn sâu bên trong những bất cập đã trình bày là cách nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Chính quyền nhìn các tổ chức tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng".
Báo chí - biểu tình
Cũng nên biết thêm Điều 25 (Hiến pháp) quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Nhưng căn cứ vào luật nào mà Đảng cộng sản Việt Nam cấm tư nhân ra báo để độc quyền kiểm soát dư luận trên 800 cơ quan báo in với 18.000 người làm báo ngoài đảng và trong đảng ? Ngoài ra đảng còn lấy tiền đóng thuế của dân để độc diễn trên hàng trăm Đài phát thanh và Truyền hình rải ra khắp nước.
Do đó câu nói "Người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay" của ông Trọng ở Hoa Thịnh Đốn ngày 08/07/2015 là tuyên truyền có đặc tính "Vẹm", vì sai sự thật.
Không đúng vì Luật Báo chí (103/2016/QH13), ban hành ngày 05/04/2016, có hiệu lực ngày 01/01/2017, là bằng chứng độc tài toàn diện, phản dân chủ, chống tự do báo chí của đảng cộng sản Việt Nam.
Hành động này được quy định trong Điều 4 nói về "Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí", theo đó : "Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội ; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ; là diễn đàn của Nhân dân".
Nên biết tất cả các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp đều của đảng, do đàng và hoạt động phục vụ đảng. Do đó, Luật Báo chí quy định nhiệm vụ hàng đầu của báo chí là phải :
"Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước… góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".
Ông Trọng cũng đã bịa đặt cái "bầu không khí dân chủ" khi Chính phủ, với sự tiếp tay của Ban Thường vụ Quốc hội, đã tiếp tục trì hoãn thảo luận các Luật lập hội và Luật biểu tình. Cả hai Dự Luật đã được trình ra Quốc hội, ít nhất vài lần nhưng giờ chót bị rút lại để gọi là bổ sung đến nay chưa biết số phận ra sao. Đáng chú ý là Bộ Công an đã đóng vai chính soạn thảo cả hai dự luật.
Như vậy, cũng là "nói dối như Vẹm" khi báo Quân đội Nhân dân rêu rao rằng :
"Quyền tự do hội họp là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm thực hiện trong thực tế".
(QĐND, 08/04/2019)
Nhưng nếu đã là "quyền cơ bản" rồi thì tại sao lại ngăn chặn, phá đám những cuộc họp tự phát của nhân dân muốn tưởng nhớ và ghi ơn 74 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã bỏ mình trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lăng chiếm Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 ? Càng nhục nhã và hổ thẹn với Tiền nhân hơn khi ông Nguyễn Phú Trọng và Chính phủ cộng sản Việt Nam đã cúi đầu tuân lệnh Bắc Kinh không cho tổ chức tưởng niệm trên 40.000 quân và dân đã hy sinh trong cuộc chiến 10 năm (1979-1989) chống quân phương Bắc xâm lược 6 tỉnh biên giới phía bắc vào mỗi tháng Hai hàng năm.
Cuối cùng, "quyền tự do hội họp" của nhân dân cũng đã bị canh chừng, chận đường bắt về đồn công an hay ngăn chặn, và vô luân hơn, cho tổ chức nhảy đầm trước Tượng đài Lý Thài Tổ (Hà Nội) sáng ngày 14/03/2019, dúng dịp kỷ niệm năm thứ 31 ngày 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân đã nằm xuống trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược chiếm Gạc Ma và 6 bãi khác gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập và Châu Viên ở Trường Sa.
Như vậy, nếu không muốn mấy chữ "nói dối như Vẹm" lảng vảng trong đầu, Tuyên giáo đảng thử làm cuộc tổng kết xem lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói thật được bao nhiêu lần kể từ sau ngày 30/04/1975 ?
Phạm Trần
(11/04/2019)
Rất chán và nhạt nhẽo để bàn tiếp thất bại của hòa hợp, hòa giải dân tộc sau 44 năm chiến tranh đã kết thúc trên quê hương Việt Nam. Nhưng sẽ hữu ích nếu những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam có can đảm giải thích vì sao sau bằng đó năm mà "dân tộc ta vẫn chưa hòa giải được với nhau" ?
Bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam). Ảnh Pháp Luật, 22/06/2013
Đó không phải là câu hỏi của riêng trên 4 triệu người Việt Nam, đa phần tị nạn cộng sản ở nước ngoài và của hàng triệu người trong nước mà là nỗi ray rứt của ông Nguyễn Đình Bin, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông Bin đã giải bầy tâm tư của mình trong bài viết kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW (26/03/2004 – 26/03/2019) do ông đóng vai chính hình thành.
Ông viết :
"Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn : vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành ! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề… mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau ? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", thì lại chưa hòa giải được với nhau ?".
Tại sao "chưa lành" và "chưa hòa giải được với nhau" ? Vì lãnh đạo đảng cầm quyền độc tài, độc quyền và tham nhũng quyền lực cộng sản ngày nay vẫn chưa biết "tránh xa sự tự mãn, tránh xa bệnh say sưa thành tích", như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói trong cuộc phỏng vấn của báo Quốc Tế, ra ngày 31/03/2005.
Vi trùng ung thư di tính"kiêu ngạo cộng sản" và "ngủ say trên vòng nguyệt quế" vẫn sinh sôi nẩy nở và sống mạnh trong cơ thể nhiều Lãnh đạo đảng nên không ít người đã coi đất nước là của riêng mình và phe nhóm để chia phần và dành quyền được quay lưng ngược đãi những người cô thân, yếu thế, bất đồng chính kiến với mình và những người chẳng may thất trận.
Do đó, vào mỗi dịp 30 tháng Tư về, họ vẫn ngênh ngang tổ chức ăn mừng và vênh vang trên đau buồn của người khác mà không biết rằng :
"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu".
(Võ Văn Kiệt, báo Quốc Tế, 31/03/2005).
Tiền tuyến của xâm lăng
Bằng chứng như trong "Hướng dẫn tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2019" của Ban Tuyên giáo, phần gọi là "Kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019)" đã ra lệnh phải :
"Nêu bật sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của quân và dân ta ; sức mạnh của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam" đến "những nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đỉnh cao là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…".
Ở đây cần minh bạch tại sao đã có "tiền tuyến lớn miền Nam", nếu không có cuộc xua quân xăm lăng miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa) của miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa) ? Lịch sử cũng sẽ trả lời "có" hay "không" cuộc "nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam", hay hàng triệu người miền Nam đã tán gia bại sản, gia đình tan nát, chia lìa và bỏ của chạy lấy người vì cuộc xâm lược của bộ đội miền Bắc đội lốt quân "giải phóng" cộng sản miền Nam ?
Và trước sau gì sau hai chữ "giải phóng" giả tạo, nhân loại cũng sẽ được trả lời vì sao đã có danh từ "thuyền nhân", hay "boat people" trong từ điển thế giới sau ngày Việt Nam thống nhất dưới quyền cai trị của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1976.
Lịch sử thế giới về Việt Nam cũng sẽ không bỏ sót nỗi bi thảm của hàng chục ngàn người Việt Nam, đa số ra đi từ miền Nam Việt Nam Cộng Hòa, đã chết trên Biển Đông, hay bằng đường bộ Việt Nam-Campuchia-Thái Lan trên đường tìm tự do từ sau 1975.
Do đó, một câu hỏi khác cũng cần được đặt ra với Đảng cộng sản Việt Nam : Nếu Việt Nam Cộng Hòa không mất vào tay quân cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tay sai Mặt trận Giải phóng bù nhìn trong Nam thì có danh từ "Thuyền nhân" không ?
Vì vậy, mỗi khi đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam nhắc đến hay tổ chức kỷ niệm 30 tháng Tư như dịp để vui chơi kênh kiệu, hay kên kên ngạo mạn là họ đã mở ra vết thương chưa lành, vì tính "kỳ thị cộng sản" vẫn còn đè nặng lên nhân dân miền Nam. Hiện tượng "đồng ý nhưng không đồng lòng", hay dân coi cán bộ như của nợ không còn là chuyện năm thì mười họa xẩy ra trong xã hội mà là chuyện thường ngày dân phải gánh chịu.
Do đó, không ai ngạc nhiên khi thấy ông Nguyễn Đình Bin đã viết tiếp trong bài 15 năm một nghị quyết – vết thương dân tộc vẫn chưa lành ! "Tôi trộm nghĩ : Tất cả mọi con dân Việt chúng ta, dù đang ở bất cứ nơi đâu, đều phải cùng nhau suy ngẫm, tìm ra nguyên nhân vì sao, và cùng nhau khắc phục !".
Chả cần phải "tất cả con dân Việt" vì trách nhiệm đã rõ sau 15 năm thi hành Nghị quết 36 đều quy vào lãnh đạo đảng và nhà nước phải chịu trách nhiệm thất bại.
Sau đây là những lý do :
Thứ nhất, hãy đọc lại câu hỏi của báo Quốc Tế và câu trả lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2005 :
Hỏi : Thưa ông, để lành được vết thương này phải có sự tham gia của mọi người Việt ?
Đáp : "Đấy là một vấn đề lớn. Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp. Sau 30/4/1975, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói :
"Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó".
Vậy tại sao, sau chuyến vào Nam, Bộ Chính trị do ông Lê Duẩn cầm đầu đã ra lệnh "đánh lừa" quân-dân-cán chính Việt Nam Cộng Hòa khăn gói đi gọi là "học tập cải tạo 15 ngày", mà sau đó có nhiều người phải ở tù lao động ngót 20 năm, hoặc bỏ xác ở rừng sâu ?
Thứ hai, Giáo sư, Tiến sĩ ngành xây dựng Nguyễn Đình Cống đã trả lời ông Nguyễn Đình Bin :
"Ông đề nghị tìm ra nguyên nhân và cùng nhau khắc phục. Cùng nhau khắc phục phải chăng có ngầm ý cho rằng mọi người đều có lỗi và phải có trách nhiệm trong việc này, không nhiều thì ít, không trực tiếp thì gián tiếp. Mới nghe thì có vẻ có lý, nhưng liệu ở đấy có cố tình che giấu thủ phạm chính hay không.
Theo tôi thủ phạm chính trong việc dân tộc chưa hòa giải được thật sự với nhau là một số lãnh đạo và đảng viên cộng sản. Họ được gieo rắc đến mức khắc cốt ghi tâm lòng thù hận giai cấp, họ được khuyến khích lòng kiêu ngạo cộng sản, họ tự cho mình là những người chiến thắng đầy vinh quang. Họ muốn hòa hợp trong sự sỉ nhục người chiến bại".
Nguyễn Cao Kỳ - Phạm Duy
Thứ ba, hãy đọc lại những câu trả lời phỏng vấn của nguyên Phó Tổng thống, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, với báo Tuần Việt Nam năm 2010, vào dịp 30 tháng Tư :
Phóng viên : Đã 35 năm sau sự kiện 30 tháng Tư, những người ở lại và cả những người ra đi đã nói nhiều, làm nhiều việc cho mục tiêu hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người. Ông đánh giá thế nào những nỗ lực chúng ta đã làm ?
Nguyễn Cao Kỳ : Tôi nghe dư luận và có cảm tưởng vẫn còn có khoảng cách giữa nói và làm. Cuối năm vừa rồi, Hội nghị Việt kiều đã thu hút mấy ngàn người về dự. Trả lời phỏng vấn báo chí, nhiều vị đều bày tỏ mong muốn sớm hòa hợp. Điều đó có nghĩa mặc dù chính quyền đã cố gắng, nhưng ở đâu đó vẫn chưa thực sự tích cực.
Phóng viên : Việc tích cực hàn gắn như ông vừa đề cập, cần được hiểu thế nào ?
Nguyễn Cao Kỳ : Phải từ hai phía, nhưng cái chính vẫn phải từ phía những người trong nước. Chúng ta có thực sự muốn làm và tích cực làm hay không …
Nói về đoàn kết toàn dân tộc tôi có cảm giác dân tộc mình mỗi lần bị đe dọa đến vận mệnh thì lại đoàn kết. Thời xưa, chống giặc ngoại xâm phương Bắc thời nay đánh Tây, đánh Mỹ là tự khắc cả dân tộc đoàn kết và chiến thắng. Nhưng khi thắng rồi không hiểu làm sao mà tình cảm lại không được như trước.
Phóng viên : Chẳng phải Nhà nước đã có rất nhiều những động thái tích cực đó sao ? Quyết định dân sự hóa Nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ là một minh chứng rõ rệt cho thấy thiện chí của những người trong nước. Và còn có chính sách cho bà con Việt kiều về nước mua nhà hay chương trình gặp gỡ Việt kiều hàng năm… ?
Nguyễn Cao Kỳ : Tôi cho rằng đó là những động thái tích cực. Chẳng hạn như để có được quyết định dân sự hóa nghĩa trang cũng phải mất nhiều năm trời. Ngay khi trở về quê hương tôi cũng đã đề cập chuyện ứng xử với nghĩa trang quân đội Biên Hòa cũ với các vị lãnh đạo của Việt Nam…
Tôi còn nêu ý tưởng tổ chức đại lễ cầu siêu chung cho những người tử trận không phân biệt bên này hay bên kia, làm thật trang trọng mỗi năm và thông báo rộng rãi cho bà con đang sống trong cũng như ngoài nước biết. Nếu trong số những người về dự, có cả một số cựu chiến binh từng ở bên kia chiến tuyến thì không gì hay bằng.
Thử hỏi có người dân Việt Nam yêu nước nào muốn chia rẽ đất nước không ? Có ai muốn rằng người Việt giữ mãi hận thù với nhau không ?
Theo tôi chỉ khi nào vượt qua được suy nghĩ hẹp hòi thì chúng ta sẽ làm được. Khi ấy vị thế của Việt Nam được nâng lên tầm cao khác. Tự khắc lòng người xích lại với nhau và sẽ không còn phải mất nhiều thời gian bàn chuyện hàn gắn hay hòa giải nữa.
Phóng viên : Ông suy nghĩ như thế nào về việc Nhà nước quyết định dân sự hóa nghĩa trang quân đội cũ ?
Nguyễn Cao Kỳ : Tôi đã ghé thăm nghĩa trang này trước đây còn hoang vắng nhưng giờ đây đã sạch sẽ quang đãng rồi, mọi người được ra vào tự do. Ở đó vẫn còn giữ được 16 ngàn ngôi mộ tử sĩ.
Lịch sử là lịch sử, ngày 30/4 giờ là một sự kiện lịch sử. Việc ứng xử không còn hận thù với những người từng đứng phía bên kia chiến tuyến như thế nào được bên ngoài quan sát để đánh giá cách hành xử văn minh hay không. Cho dù bên này hay bên kia, chết là hết, còn hận thù chi nữa, họ cần được coi sóc chu đáo.
Phóng viên : Ông có thừa nhận một thực tế là chúng ta có thể xóa bỏ hận thù để bắt tay làm bạn với những nước đã từng xâm chiếm chúng ta, vậy mà việc hàn gắn người Việt với người Việt với nhau xem ra lại mất nhiều thời gian hơn thế ?
Nguyễn Cao Kỳ : Theo tôi, cả hai phía vẫn có thiểu số còn quá nặng về dĩ vãng, chưa có tầm nhìn về tương lai. Một người không biết nhìn về tương lai, thì họ chỉ còn sống và ôm dĩ vãng. Mà như vậy thì tư duy của họ vẫn mãi bị ám ảnh bởi những chuyện hận thù, chủ nghĩa hay phe phái. Chúng ta phải thực tế nhìn vào điều này : muốn hòa hợp thì rất không nên nói nhiều mà phải làm.
Phóng viên : Liệu có cách gì để chúng ta không còn phải mất thêm thời gian cho việc hòa hợp, hàn gắn với đa số những người Việt ở bên ngoài đất nước ?
Nguyễn Cao Kỳ : Chuyện quốc gia cũng giống như trong một gia đình. Những việc chung thì cần đánh tiếng để mọi người xúm tay vào làm. Tôi nghĩ đối với đa số người Việt ở bên ngoài thì sẵn lòng góp sức cùng trong nước. Với đất nước có gì phải ngại ngần. Vấn đề là họ cần được thông tin đầy đủ về tình hình và những nhu cầu thực sự mà nhà nước đang cần sự góp sức của họ.
Hòa hợp dân tộc sẽ tập hợp được sức mạnh. Cứ đặt lợi ích dân tộc lên trên thì chúng ta tự khắc biết phải ứng xử thế nào cho hợp lẽ.
Nhưng khi đã kêu gọi thì cũng phải tạo điều kiện thoải mái cho người ta về. Lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau.
---------------------
Nên biết ông Nguyễn Cao Kỳ từng là Thủ tướng và Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa và Nhạc sĩ Phạm Duy là hai người nổi tiếng đã được ông Nguyễn Đình Bin móc nối về Việt Nam trong nỗ lực tuyên truyền một thiện chí hòa giải của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Kỳ về Việt Nam năm 2004, nhưng sau ít năm không thành công trong tiến trình "hòa giải" với Đảng cộng sản Việt Nam, ông sang sống ở Ma Lai Á là nơi ông được Chính phủ nước này coi như bạn thân và được ưu đãi mọi phương tiện. Ông qua đời năm 2011, hưởng thọ 81 tuổi.
Riêng Nhạc sĩ Phạm Duy, trở về Việt Nam năm 2005, không tham gia các hoạt động chính trị ngoài âm nhạc và đã qua đời tại Sài Gòn năm 2013, hưởng thọ 92 tuổi.
Tuy nhiên, Nhạc sĩ nổi tiếng Phạm Duy từng đi kháng chiến trong hàng ngũ Việt Minh rồi bỏ hàng ngũ, quay về sinh sống và hoạt đồng âm nhạc với phía chính quyền quốc gia.
Trước ngày Sài Gòn rơi vào tay quân cộng sản tháng Tư năm 1975, ông được Chính phủ Mỹ giúp di tản ngày 28/04/1975.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói về việc quay về Việt Nam của ông là "Lá rụng về cội".
Với tâm tư của ông Nguyễn Đình Bin, của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhận xét về sự thật lòng hay không muốn hòa giải dân tộc của Đảng cộng sản Việt Nam của hai ông Giáo sư Nguyễn Đình Cống và nguyên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Cao Kỳ, thiết tưởng vấn đề đã rõ ràng : Quả bóng đang ở bên sân đội bóng Đảng cộng sản Việt Nam.
Câu chuyện chỉ ngã ngũ khi nào Đảng cộng sản Việt Nam thật sự muốn vào cuộc chơi.
Phạm Trần
(04/04/2019)
********************
Số phận bài báo "triệu người vui, triệu người buồn"… (Pháp Luật, 22/06/2013)
Ông Vĩnh kể đó là một trong những bài báo in trên Quốc Tế được xây dựng công phu nhất nhưng cũng lại là bài báo có số phận trải đủ cung bậc thăng trầm...
Ông Nguyễn Vĩnh, nguyên Tổng Biên tập báo Quốc Tế (nay là báo Thế Giới và Việt Nam), kể về một câu chuyện trắc trở xung quanh bài phỏng vấn nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
"Đăng và gỡ"…
. Xây dựng công phu nghĩa là thế nào, thưa ông ?
+ Cuối năm 2004, anh em nghiên cứu chính sách đối ngoại bên ngoại giao và báo Quốc Tếđược gặp ông Võ Văn Kiệt nhằm trao đổi một số vấn đề đối ngoại. Sau buổi gặp, một phó tổng biên tập được phân công chấp bút, lựa những điều ông Kiệt trăn trở và tâm đắc nhất để soạn lại thành một bài viết dạng phỏng vấn. Hướng nhắm tới là cột mốc quan trọng năm 2005 : 30 năm ngày giải phóng miền Nam, rất thích hợp để phát đi một tín hiệu đối ngoại quan trọng từ một nhân vật nguyên là lãnh đạo cấp cao. Bài được gửi xin ý kiến và được nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý cho đăng với kế hoạch thời gian sẽ đăng Quốc Tế số tết Ất Dậu 2005.
. Vậy còn thăng trầm?
+ Đó là khi bài đã lên khuôn ở nhà in thì tôi nhận được chỉ đạo qua điện thoại không cho phép đăng bài đó.
. Một bài báo quan trọng như thế thông thường khi chưa lên trang chỉ nhân vật và tòa soạn biết, tại sao lại rò rỉ để đến mức bị chỉ đạo gỡ bài ?
+ Đó cũng chính là câu tôi đã hỏi vị lãnh đạo đó. Nhưng ông ấy từ chối trả lời mà chỉ yêu cầu tôi thực hiện không cho bài ấy xuất hiện. Cuối cùng, chúng tôi phải bóc hết một "tay in" là tám trang, rồi thay vào một bài khác.
. Bài bị gỡ thường là "có vấn đề", lúc đó ông có sợ trách nhiệm cá nhân của mình không ?
+ Khi thực hiện bài phỏng vấn đặc biệt này, tôi đều có báo cáo với cơ quan chủ quản của báo là Bộ Ngoại giao. Bài viết hoàn thành, chúng tôi cũng gửi lại cho nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc, sau đó ông có phê vào bản thảo là đồng ý cho đăng.
. Phản ứng của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi biết bài không được đăng như thế nào?
+ Ông ấy không hài lòng. Nguyên Thủ tướng còn viết thư riêng gửi cho một lãnh đạo cao cấp yêu cầu giải thích về việc này. Tôi vẫn còn giữ hai lá thư đó, bản gửi cho tôi biết, như một kỷ niệm công việc.
. Nhưng cuối cùng bài báo đó cũng được đăng với tựa đề là "Những đòi hỏi mới của thời cuộc".
+ Đúng rồi, sau lá thư của ông Võ Văn Kiệt, không rõ từ lý do nào và ra sao mà một thời gian sau ngày bị dừng thì tổng biên tập lại nhận được chỉ đạo phải đăng bài này. Nhưng đúng lúc đó thì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại không đồng ý để bài đó được đăng nữa.
. Báo Quốc Tế đã làm gì để thuyết phục ông Võ Văn Kiệt đồng ý ?
+ Việc này vượt ra ngoài tầm của Ban Biên tập. Đích thân đồng chí Nguyễn Phú Bình lúc đó là thứ trưởng Bộ Ngoại giao vất vả lắm mới nhận được cái gật đầu của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt và bài báo đã được in vào ngày 30/3/2005.
"Triệu người vui, triệu người buồn"
. Dư luận về bài báo đó ra sao, thưa ông ?
+ Dư luận rất tốt, rất nhiều báo ở trong nước và ngoài nước in lại hoặc đưa lên mạng bài báo này.
Bài báo hay ở nội dung và tư tưởng. Ngay mở đầu bài viết, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt tái khẳng định rằng chiến thắng 30/4 là vĩ đại nhưng người Việt Nam cũng "đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát". Vì thế một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ "có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn". Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, "thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu". Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, "phải thực tâm khoan dung và hòa hợp". Ở một lãnh đạo cấp cao, ý trên thật mới và rất quan trọng cho hòa hợp dân tộc.
. Trong bài trả lời phỏng vấn đó, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn có đánh giá về tướng Dương Văn Minh ?
+ Đúng, nguyên Thủ tướng phân tích tướng Minh nhậm chức tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 28/4/1975 là thời điểm mà "một nhà quân sự như ông có thể đoán được sự thất thủ của Sài Gòn", rồi Sài Gòn không "tử thủ" như các tướng tá khác muốn, trái lại thành phố giữ được nguyên vẹn do ông Minh chấp nhận đầu hàng. Sự việc được ông Kiệt kể lại : "Tôi và Thành ủy do anh Mai Chí Thọ phụ trách, sáng 30/4, khi nghe ông Minh kêu gọi binh lính buông súng để chờ bàn giao chính quyền cho cách mạng đã thở phào nhẹ nhõm. Phải ở chiến trường và vào đúng giờ phút ấy mới cảm nhận được tầm quan trọng của quyết định này". Với cách nhìn nhận như vậy, ông Kiệt muốn nêu lên một thực tế, ông nói : "Điều quan trọng tôi muốn nói ở đây là tất cả những ai đã vì lòng yêu nước thương nòi, bằng nhiều con đường khác nhau, từng đóng góp vào cái chung và không đòi hỏi gì cho riêng mình thì đều có quyền tự hào về những đóng góp đó và hãy tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa nhằm xây dựng Tổ quốc Việt Nam chúng ta giàu mạnh, văn minh, dân chủ và hạnh phúc".
. Việc đánh giá về ông Dương Văn Minh như thế phải chăng cũng là một nguyên do khiến bài phỏng vấn đó bị yêu cầu dừng xuất bản ?
+ Nguyên nhân thực sự tôi không rõ. Tuy nhiên, với hai ý lớn như thế, lại xuất hiện ở thời điểm 2005, khi mà trong nội bộ chúng ta còn có nhận thức và đánh giá chênh nhau, thậm chí khác nhau về thực chất của hòa hợp dân tộc và lực lượng thứ ba có liên quan đến tướng Dương Văn Minh, thì việc bài báo bị dừng lại, tôi nghĩ cũng là điều có thể hiểu được.
Ngoại giao văn hóa
. Về hưu nhưng ông dường như vẫn quan tâm đến thời cuộc với nhiều bài viết trên blog cá nhân và Facebook... Ông nghĩ thế nào về ngoại giao của ta trong thời điểm hiện nay ?
+ Chúng ta vẫn thường nghe câu "thêm bạn bớt thù" trong quan hệ quốc tế. Như vậy tức là chúng ta vẫn thừa nhận có thù, làm như điều này "không thể hết được". Nhưng tôi nghĩ không nên tư duy về thù và "sắp xếp" hai khái niệm bạn/thù theo lối cũ, được như thế thì vẫn tốt hơn. Nói cách khác là nên xác định ở thời nay sẽ chẳng có bạn hay thù nào là vĩnh viễn mà chỉ có quyền lợi đất nước và dân tộc là vĩnh viễn và vĩnh cửu.
. Nhưng có lúc đấu tranh để bảo vệ quyền lợi dân tộc, chúng ta phải chạm trán với kẻ thù, thưa ông ?
+ Như thế chúng ta mới cần phải có đường lối và chính sách ngoại giao đúng đắn. Cần nhiều cách ứng xử và biện pháp khác nhau vận dụng khôn ngoan. Trong quan hệ là hợp tác cùng có lợi và bình đẳng, là mềm mỏng nhưng cần thì phải đấu tranh khi lợi ích dân tộc bị xâm hại. Trải qua bao chục năm dâu bể, tôi thoáng nghĩ đến phương cách trung lập. Cái thế địa-chính trị của nước ta nó mách bảo điều này. Lãnh đạo cấp cao chúng ta chẳng nói là nước ta không liên minh với nước này chống lại nước kia, cũng không cho ai đặt căn cứ quân sự và nếu phải sắm vũ khí cũng là để phòng thủ… Đây là một chủ đề rất lớn nên chúng mình để lúc khác bàn đến…
Hồ Viết Thịnh thực hiện
Ông Nguyễn Vĩnh tốt nghiệp khoa Ngữ Văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khóa 1963-1967, ra trường ông được nhận vào làm việc như một biên tập viên tập sự tại NXB Ngoại văn. Từ năm 1998 ông được Bộ Ngoại giao bổ nhiệm làm tổng biên tập báo Quốc Tế cho đến năm 2006. Tiếp đó, ông còn là một trong những người gây dựng tuần báo Thời Đại của Liên hiệp Các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, là tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này đến năm 2008.
********************
Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa hợp hòa giải (RFA, 06/01/2007)
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Thấy gì qua những quan điểm được mô tả là cởi mở của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phải chăng trong tương lai Việt Nam sẽ có một thủ tướng là người ngoài Đảng, và trong khả năng nào điều 4 Hiến pháp qui định một đảng cai trị sẽ được sửa đổi. Đây là đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng tuần này.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (giữa), cựu Chủ tịch nước Võ Chí Công (trái), và Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt (phải) tại hội nghị Ban chấp hành Đảng cộng sản Việt lần thứ 9. AFP PHOTO
Xem VietnamNet ngày đầu năm 2007 người đọc thấy được một sự kiện hiếm có, báo điện tử này đưa lên mạng toàn văn một bài của tờ tuần báo Viet Weekly có trụ sở ở nam California Hoa Kỳ. Đây là bài trả lời phỏng vấn của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt với ba nhà báo Lê Vũ, Etecera Nguyễn và Vũ Hoàng Lân. Các nhà báo vừa nói đã gặp gỡ ông Võ Văn Kiệt trong dịp họ đi Việt Nam nhân Hội Nghị APEC 14 hồi tháng 11 năm ngoái.
Chúng tôi phối kiểm với Nhà báo Etecera Nguyễn của Viet Weekly :
"Chúng tôi gặp ở trong Nam ở Sài Gòn tại nhà khách đối diện căn nhà của ông Võ Văn Kiệt, 39 đường Tú Xương thì phải. Chúng tôi chủ động yêu cầu được phỏng vấn, từ khi ở Hà Nội nhưng phải khi vào Saigon họ mới đáp ứng… nghĩa là cũng hơi lâu khoảng hai tuần…
Họ không yêu cầu phải đưa câu hỏi trước, chúng tôi cũng muốn một cuộc trao đổi theo hình thức đó, nghĩa là không đưa câu hỏi trước".
Theo sự mô tả của VietnamNet thì ông Võ Văn Kiệt đã trao đổi thẳng thắn với ba nhà báo hải ngoại về một số vấn đề thời sự mà người dân trong nước và người Việt ở nước ngoài quan tâm. Ông Võ Văn Kiệt nay 84 tuổi, từng là thủ tướng Việt Nam trong thập niên 1990, ông kinh qua nhiều chức vụ trước khi lên đến cương vị đứng đầu chính phủ Việt Nam. Giai đoạn ông cầm quyền là thời gian Việt Nam chập chững bước vào đổi mới.
Theo một nguồn tin chúng tôi nhận được thì chỉ có người sử dụng Internet mới đọc được bài báo nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời báo chí hải ngoại, do VietnamNet đăng lại. Sự phổ biến vẫn còn trong giới hạn nhất định :
"Bài phỏng vấn ông Võ Văn Kiệt không có tờ báo in nào đăng tải lại cho tới nay (03/01/2007)"
Nội dung bài phỏng vấn khá dài khoảng hơn 4 ngàn từ được trình bày theo dạng hỏi đáp. Những câu hỏi trọng tâm của ba nhà báo hải ngoại xoay quanh vấn đề đa nguyên đa đảng bàng bạc trong cuộc trao đổi, dù là về sự đánh giá quan hệ của chính phủ Việt Nam với cộng đồng người Việt hải ngoại, hay là vấn đề hoà giải và khả năng tham gia xây dựng đất nước của người Việt ở nước ngoài.
"Dân tộc là tối thượng"
Ông Võ Văn Kiệt nói rằng, mọi người phải hết sức quan tâm đến sự hoà hợp, phải đặt dân tộc là tối thượng. Ông nhắc lại sự kiện Việt-Mỹ khép lại quá khứ thù địch để hoà bình hữu nghị và cùng phát triển. Bởi vậy theo ông không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Ông Võ Văn Kiệt nhìn vấn đề như là một vận hội, cơ hội cho sự hoà thuận, và ông nhấn mạnh là nếu cứ cố chấp với nhau dân tộc không lớn mạnh lên được.
Viet Weekly đáp lại rằng, ở hải ngoại có rất nhiều khuynh hướng. Trong đó có bộ phận đồng ý với ông Võ Văn Kiệt rằng dân tộc là tối thượng, nhưng họ cho rằng họ mới là những người coi dân tộc là tối thượng, còn những người cộng sản đặt chủ nghĩa đại đồng quốc tế lên trên quyền lợi dân tộc. Vì thế theo Viet Weekly những người đó hoài nghi, dù bây giờ thấy nước Việt Nam đã có nhiều thay đổi.
Ông Võ Văn Kiệt trả lời rằng, có một số người chống đối quyết liệt sinh tử với cộng sản, nhưng theo ông số đó chắc không nhiều và là những người cực đoan. Ông Kiệt thêm rằng, dân tộc, tôn giáo ngay cả trong đảng cộng sản lúc nào cũng có một số cực đoan vì nhiều lý do. Nếu các bên sòng phẳng ngồi nói chuyện với nhau vì đất nước, hoàn toàn có thể gặp nhau. Cần đấu tranh xây dựng, đấu tranh vì lẽ phải vì lợi ích dân tộc.
Ông Kiệt đưa ra ví dụ rằng đối với những sai trái có hại cho đất nước như tham nhũng, lãng phí, những hành vi làm tổn thương lợi ích dân tộc thì mọi người có quyền phê phán để xây dựng ngôi nhà chung của mình.
Theo ông Kiệt, bây giờ có cơ hội để anh em bên ngoài có thể có tiếng nói xây dựng. Và ông thấy vui mừng vì nhiều người Việt hải ngoại đã tham gia nhiều lãnh vực đóng góp rất lớn cho kinh tế Việt Nam. Ông Võ Văn Kiệt nhấn mạnh rằng, mỗi người cần có trách nhiệm của mình, dân tộc là của chung không phải của riêng người cầm quyền hiện giờ.
Ông Võ Văn Kiệt không trả lời thẳng vào một câu hỏi của Viet Weekly, theo đó người Việt trong ngoài nước đều đồng ý về việc đóng góp vào công việc chung của dân tộc. Nhưng người hải ngoại đặt vấn đề cao hơn, họ muốn thấy một cơ cấu cơ chế bảo đảm ổn định và phát triển lâu dài của dân tộc Việt Nam thay vì dựa vào một vài lãnh đạo cá nhân tốt sáng suốt của từng thời kỳ, biết lắng nghe, biết kêu gọi sự đóng góp, biết sử dụng người tài.
Tại sao không xây dựng một cơ chế bảo đảm được nguồn lực nhân tài của đất nước được tham gia, có sự phân quyền để giám sát lẫn nhau để tránh việc lạm dụng, dẫn đến quyết định sai lầm như từng xảy ra trong quá khứ.
Câu trả lời của ông Võ Văn Kiệt là chương trình hành động của nhiệm kỳ Đại hội 10 vừa rồi có nhiều nỗ lực của các nhà lãnh đạo. Theo ông, từ trong Đảng đến Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân và các cơ quan Nhà nước đang tiếp tục đổi mới để phát huy cho được dân chủ và minh bạch. Và ông Kiệt thêm rằng luật pháp của quốc gia, hệ thống chính trị nói chung cũng phải đổi mới để phù hợp kinh tế thị trường, với hội nhập quốc tế và sự phát triển. Ông Kiệt cho rằng các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực về vấn đề vừa nói.
Vấn đề đa đảng
Viet Weekly dẫn tới câu hỏi hóc búa nhất, theo đó trong điều 4 Hiến pháp có qui định chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo quốc gia. Và chính ông Võ Văn Kiệt vừa nói quốc gia là quốc gia chung của 80 triệu người, vậy qui định như vậy có nghịch lý không?
Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời rằng, xã hội mong muốn đất nước tiếp tục ổn định để đổi mới và phát triển, để không xảy ra rối rắm như nhiều nước khác. Điều này theo ông đòi hỏi phải tập hợp được sức mạnh của dân tộc, phải đại đoàn kết dân tộc.
Ông Kiệt biện giải rằng, Đảng cộng sản Việt Nam đã có vai trò đối với lịch sử của đất nước, nếu như đảng này làm đầy đủ mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, mà đây là một đòi hỏi hết sức chính đáng, nếu Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục giữ được vai trò này, được sự đồng thuận của dân tộc Việt Nam thì ông cho rằng đảng cầm quyền như đảng cộng sản Việt Nam là tin cậy được.
Nhưng nếu Đảng cộng sản không thực hiện được mục tiêu đề ra, dân tộc Việt Nam sẽ không chấp nhận. Ông Võ Văn Kiệt trình bày quan điểm rằng không nhất thiết phải đa đảng mới xây dựng đất nước.
Viet Weekly tiếp tục câu hỏi, cho rằng chế độ độc đảng đồng nghĩa với việc bỏ qua một bộ phận người Việt hải ngoại không phải là đảng viên, họ sẽ không có cơ hội để tham gia, nhất là không thể tham gia ở mức độ cốt lõi trong hệ thống cầm quyền để giúp đỡ đất nước. Đó có phải là một sự mất mát cho Việt Nam hay không.
Ông Võ Văn Kiệt cho rằng, theo nghị quyết Đại hội 10, trong hệ thống quản lý Nhà nước, trong cơ cấu tổ chức bây giờ không nhất thiết là uỷ viên trung ương đứng đầu. Trong quá trình thúc đẩy cho sự đổi mới phải hơn một bậc nữa đó là người đứng đầu không nhất thiết là đảng viên. Ông Kiệt dẫn chứng thời kỳ đầu của Nhà nước cộng sản Việt Nam, dưới thời ông Hồ Chí Minh trong cơ quan của lãnh đạo Nhà nước, cấp cao nhất của nhà nước nhiều người cũng không phải là đảng viên.
Trả lời tiếp một câu hỏi khác của Viet Weekly, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra quan điểm của mình, theo đó một đảng cầm quyền như đảng cộng sản Việt Nam có thể chấp nhận một thủ tướng là người ngoài đảng.
Theo ông, trước đây trong lúc đảng còn yếu nhiều bộ trưởng không phải là đảng viên, họ là nhân sĩ trí thức yêu nước. Ông Kiệt nói rằng lấy làm tiếc là trong quá trình xây dựng đất nước Việt Nam chưa làm được điều này, nhưng ông cho rằng cũng phải trở lại hướng này. Theo ông Kiệt những người thât sự yêu nước có đức có tài, không nhất định là người trong Đảng cộng sản, đều có thể làm bất cứ cương vị gì trong bộ máy Nhà nước.
Viet Weekly tiếp tục xoáy sâu câu hỏi liệu trong tương lai ngắn hoặc dài có thể là 20 năm, 50 năm, 100 năm hay kể cả dài hơn nữa, có khi nào điều 4 của Hiến pháp sẽ được tái khẳng định để cho phép nhiều đảng phái hơn tham gia vào công việc của quốc gia hay không.
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt không né tránh câu hỏi này, ông nói rằng Đảng cộng sản phải tự đổi mới mình để thích hợp với thực tế, với bước đi của dân tộc. Trách nhiệm lãnh đạo đất nước của Đảng không phải là quyết giữ những điều trong Hiến pháp, mà đòi hỏi Đảng phải làm được trong thực tế vai trò của mình đối với dân tộc để giữ trọng trách lãng đạo đất nước, giữ được sự ủng hộ của nhân dân đối với Đảng. Nếu không giữ được, không làm được đầy đủ chuyện này, dân tộc sẽ quyết định.
Vừa rồi là một phần nội dung cuộc phỏng vấn nguyên thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt do tuần báo Viet Weekly ở nam California loan tải. Vietnam Net đăng lại nguyên văn cuộc phỏng vấn này ngày đầu năm 2007. Mục đọc báo trong nước trên mạng Internet hôm nay kết thúc ở đây. Nam Nguyên thân chào quí vị và các bạn nghe đài.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Vào mỗi dịp 30 tháng Tư, câu chuyện Cờ vàng 3 sọc đỏ, hay "Cờ vàng" của Việt Nam Cộng Hòa, lại được nhắc đến để nhớ về một quá khứ hào hùng của hàng triệu người Việt không cộng sản đã kiên cường chiến đấu bảo vệ trong 30 năm chiến tranh, và sau 1975 ở nước ngoài.
Nhưng năm nay 2019, sau 44 năm miền Nam Việt Nam bị Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm bằng võ lực, cuộc chiến bảo vệ Cờ vàng lại bùng lên không đâu khác mà ngay tại Little Sài Gòn, thủ đô của người Việt tị nạn ở Orange County, California.
Cuộc tranh đấu bảo vệ danh xưng Việt Nam và huy hiệu Cờ vàng lần này không xảy ra giữa người Việt ở Mỹ với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà giữa Phong trào Hướng đạo của người Việt tị nạn tại Mỹ
Cũng oái oăm và chua chát là cuộc tranh đấu bảo vệ danh xưng Việt Nam và huy hiệu Cờ vàng lần này không xảy ra giữa người Việt ở Mỹ với Đảng Cộng sản Việt Nam, mà giữa Phong trào Hướng đạo của người Việt tị nạn có tên chính thức là Ủy ban Trung ương Quốc tế về Hướng đạo Việt Nam (International Central Committee of Vietnamese Scouting, ICCVS), tên gọi quen thuộc là "Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam" với tổ chức Boy Scouts of America (BSA), có sự tiếp tay của vài hướng Đạo gốc Việt ủng hộ kế hoạch của BSA muốn triệt tiêu ảnh hưởng của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ.
Nhưng từ 36 năm qua, kể từ khi được chính thức thành lập tại Costa Mesa, California, Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 7, 1983, Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam là tổ chức Việt tị nạn duy nhất đã kiên trì bảo vệ ngọn Cờ vàng truyền thống của người Việt quốc gia trong các sinh hoạt họp bạn của Hướng đạo tại hải ngoại.
Theo Trưởng Võ Thành Nhân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam (hải ngoại), đã có 7.000 hướng đạo sinh (nam và nữ) và Hướng đạo Trưởng sinh đang sinh hoạt trên thế giới, đông nhất tại Mỹ với khoảng 5.000 hướng đạo sinh. Các tổ chức thành viên hướng đạo sinh hoạt trong Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam đã có mặt tại Canada, Pháp, Đức và Úc Châu.
Từ ngày thành lập năm 1983, Hướng đạo Việt Nam hải ngoại đã tổ chức được 11 trại họp mặt toàn thế giới mà không gặp bất cứ khó khăn nào, kể cả việc tung bay lá Cờ vàng bên cạnh cờ của Quốc gia sở tại.
Vậy tại sao chuyện lá Cờ vàng lại rối lên trong sinh hoạt hướng đạo tị nạn trong những tháng đầu năm 2019 ?
Nguyên nhân sóng gió
Nguyên nhân gây hoang mang xảy ra từ cuộc họp báo của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam vùng Tây Nam Hoa Kỳ, sau lễ chào cờ đầu năm ngày 24 tháng 02 ở Garden Grove Park (CA).
Tin này nói rằng :
"Châu Trưởng BSA Châu Orange County là ông Jeff Herrmann ngăn cấm việc Hướng đạo sinh Việt Nam không được mang cờ vàng ba sọc đỏ trên đồng phục Hướng đạo, và đòi giải thể Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam".
Đúng hay sai ?
Tờ Việt Báo tại Orange County tường thuật ngày 27/02/2019 :
"Trên bàn chủ tọa buổi họp báo có : Trưởng Trần Quang Thanh Trang, Chủ Tịch Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam, Trưởng Tammy Nguyễn Ủy Viên Đại diện Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam Miền Tây Nam Hoa Kỳ cùng các Trưởng : Nguyễn Song Tuấn Tú, Trần Micheal, Nguyễn Tiến Minh và Trưởng Hồng Tiên, điều hợp chương trình.
"Mở đầu, Trưởng Tammy cho biết lý do buổi họp báo đó là trong những ngày gần đây BSA (Boy Scouts of America) không cho đeo băng Hướng đạo Việt Nam có lá cờ vàng 3 sọc đỏ ; không hiểu tại sao các sinh hoạt truyền thống của Hội đồng Trung ương lại bị cấm đoán cũng như yêu cầu giải tán Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam…".
Việt Báo viết tiếp :
"Sau khi Trưởng Tammy trình bày đã gây xúc động cho nhiều người tham dự. Tiếp theo Trưởng Trần Quang Thanh Trang cho biết, cho đến giờ nầy các hội hướng đạo thuộc các quốc gia có hướng đạo sinh Việt Nam sinh hoạt chưa có quốc gia nào ngăn cấm điều đó. Trong phần trình bày các Trưởng trên bàn chủ tọa đôi lúc xúc động khi nói về việc làm mà BSA đã đưa ra, nhất là nói đến lá cờ, đó là một biểu tượng thiêng liêng của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản.
Trong dịp nầy các Trưởng trên bàn chủ tọa kêu gọi các cơ quan truyền thông, quý vị dân cử, các cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể hãy tiếp tay với Hướng đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ để vấn đề nêu trên không được xảy ra cho Hướng đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ".
Cải chính hay hoãn binh ?
Nhưng tại cuộc họp với một số lãnh đạo Hướng đạo Việt ngày 28 tháng 2 năm 2019, ông Jeff Herrmann đã cải chính không có ý nghĩ hay hành động như tin đưa ra.
Trong cuộc họp báo ngày 01/03/2019, Trưởng Tammy Nguyễn nói :
"Trong buổi họp ngày hôm qua (28/02/2019), ông Jeff Herrmann là Châu trưởng của BSA có cho biết là ông rất tiếc đã có sự hiểu lầm, ông bị một số người cố tình đưa các tin sai lạc và gây ra sự hoang mang giữa OC BSA (Orange County’s Boy Scouts of America) và Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam.
Thứ nhứt, ông cho biết ông tôn trọng ý nghĩa và giá trị truyền thống của các huy hiệu Hướng đạo Việt Nam. Ông cũng cho biết, ông đồng ý cho chúng ta mang cái huy hiệu có lá cờ Việt Nam Cộng Hòa biểu tượng truyền thống di sản của người Việt chúng ta trên áo đồng phục nam và vị trí ở chỗ nào, ông và ông Michael (Michael Mannix) ở đây sẽ nghiên cứu và cho chúng ta biết trong thời gian gần".
(Viễn Đông, 02/03/2019).
Tammy Nguyễn nói tiếp :
"Điều thứ hai, ông Châu trưởng công nhận sự đóng góp của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam từ 40 năm qua, ông biết, ông hiểu nhiệm vụ và trách nhiệm của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam nhưng vì ‘áp lực’ của National BSA nên trên nguyên tắc, ông Jeff không thể nói được là ông sẽ hợp tác với Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam chi tiết như thế nào. Tuy nhiên, ông có hứa với chúng tôi là ông sẽ ngồi xuống và cùng chúng tôi tìm ra một giải pháp để cộng tác với Miền Tây Nam Hoa Kỳ trong thời gian sắp tới".
Vậy điều được gọi là "áp lực" của Hội đồng Quốc gia BSA đã áp đặt lên ông Herrmann đối với quan hệ giữa BSA và Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam là những "áp lực" gì ?
Có lẽ Trưởng Tammy Nguyễn, Ủy viên Đại diện của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam miền Tây Nam Hoa Kỳ cũng không biết rõ nên bà đã dè dặt nói với báo chí :
"Tuy nhiên, những sự thỏa thuận này cũng chưa có sự hoàn hảo cho lắm. Theo cảm nhận của Tammy thấy là ông bị áp lực từ trên National BSA thành ra ông không có thể nói thoải mái được 100% để có thể giúp cho chúng ta. Vì vậy Tammy hy vọng rằng các cơ quan truyền thông và báo chí có thể giúp cho anh em Hướng đạo ở đây tìm hiểu thêm để chúng ta có cách sinh hoạt dễ dàng, và đó là điều mà chúng tôi rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan truyền thông và báo chí".
Như vậy, đầy là lần thứ hai chưa đầy hai tháng, các lãnh đạo Hướng đạo tị nạn miền Tây Nam Hoa Kỳ đã phải cầu cứu đến các lãnh đạo dân cử, cộng đồng và báo chí xin giúp bảo vệ sự tồn tại của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam ở địa phương, trong đó có Huy hiệu với tên "Việt Nam" và "Lá Cờ vàng".
BSA Chống Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam
Cũng nên biết ông Jeff Herrmann chỉ là Châu trưởng của BSA ở vùng Orange County. Ông ta không có quyền quyết định những gì BSA không muốn đối với Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam. Nhưng cũng rất rõ, qua một số buổi họp quan trọng với các lãnh đạo Hướng đạo Việt tị nạn, ông Herrman đã tìm mọi cơ hội để thúc giục Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam nên gia nhập vào BSA, thay vì đứng bên ngoài như hiện nay.
Tiếp tay đắc lực cho BSA trong kế hoạch hạ ảnh hưởng và gây bất ổn trong nội bộ Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam là Ủy ban Hướng đạo gốc Việt Quốc gia (National Vietnamese Scounting Committee, NVSC), đứng đầu là Chủ tịch Lý Nhật Hui ở Buena Park, California.
Một thông tin của Hướng đạo tị nạn cho biết :
"Ông Lý Nhật Hui nguyên là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Hướng đạo Chí Linh đã tách ra khỏi Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam và rút tên khỏi sinh hoạt của Gia đình Bách Hợp nam California".
Tuy nhiên ông Nguyễn Tấn Đệ, cố vấn cho ủy ban này và chịu trách nhiệm về chương trình hướng đạo cho người Việt tại Hoa Kỳ mới là người đang đứng mũi chịu sào để lèo lái "con thuyền BSA" vượt qua những thác ghềnh cờ vàng mà Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam đã dầy công xây dựng trong cộng đồng người Việt từ 36 năm qua.
Tiêu biểu cho nỗ lực áp lực để lôi kéo Hướng đạo tị nạn gia nhập BSA đã diễn ra tại cuộc họp ngày 07/06/2018 giữa các đại diện BSA và ICCVS (International Central Committee of Vietnamese Scouting, ICCVS), tên gọi quen thuộc là Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam.
Một biên bản buổi họp ghi lại :
"Ngày 7 tháng Sáu, năm 2018 vừa qua đại diện chính thức của Hội Hướng đạo Hoa Kỳ cùng với đại diện của ICCVS đã tổ chức một phiên họp tại Trung Tâm Phục Vụ Hội Đồng Châu Orange County của BSA tại Santa Ana, California.
Phía BSA có 6 người : hai nhân viên của Hội đồng Quốc ga, ông Nguyễn Tấn Đệ và giám đốc điều hành Hội đồng Châu Orannge County, ông Jeff Hermann và các trưởng tình nguyện Lý Nhật Hui, đương kim chủ tịch Ủy ban Quốc gia Hướng đạo gốc Việt (NVSC), Nicholas "Việt" Nguyễn, cựu chủ tịch NVSC và Lâm Nguyễn, phó chủ tịch NVSC và Đinh Trần.
Phía Ủy ban Trung ương Quốc tế về Hướng đạo gốc Việt (ICCVS) có các ông Võ Thành Nhân (chủ tịch), Nguyễn Trí Tuệ (tổng thư ký) và 7 thành viên ICCVS khác".
Tại phiên họp khá căng thẳng từ đầu đến cuối đã được phía BSA, Nguyên Tấn Đệ và Jeff Herrmann, tập trung để nói rằng :
1. ICCVS hiện hữu ở Mỹ vì quyền tự do lập hội của tất cả mọi người ;
ICCVS không là một ủy ban của BSA, và không thuộc BSA.
Suốt 20 năm qua BSA đã xác định không công nhận ICCVS
WOSM (World Organization of the Scout Movement), tức Phong trào Hướng đạo Thế Giới, chỉ công nhận một hội Hướng đạo duy nhất ở Hoa Kỳ đó là BSA ;
WOSM không công nhận ICCVS.
2. Đại diện duy nhất của Hướng đạo Mỹ gốc Việt trong Hội Hướng đạo Hoa Kỳ là Ủy ban Quốc gia Hướng đạo gốc Việt (NVSC)
3. ICCVS cũng như tất cả cả những ai không là thành viên của BSA đều không được quyền sử dụng thương hiệu hay bất kỳ một huy hiệu, đồng phục nào, hay chương trình, tài nguyên và huấn luyện của Hội Hướng đạo Hoa Kỳ cho nhóm của họ ;
4. Trong tương lai, Hội Hướng đạo Hoa Kỳ không thừa nhận bất kỳ một sinh hoạt nào của ICCVS.
Đối với hoạt động của Hướng đạo gốc Việt, nhóm Đệ- Herrmann xác quyết :
– BSA chỉ cho phép đoàn sinh tham gia những sinh hoạt/trại được Hội đồng quản trị của Hội Hướng đạo Hoa Kỳ chấp thuận ;
– Nếu trại Thẳng Tiến 12 là một sinh hoạt của riêng ICCVS (như Thẳng Tiến 11 không được BSA chấp nhận) thì BSA sẽ không cho phép đoàn sinh (Ấu, Thiếu, Kha/Thanh) tham dự với tư cách là Hướng đạo sinh Mỹ. Những người tham dự Thẳng Tiến 12, nếu có, sẽ không phải là Hướng đạo sinh của BSA.
Sau cùng phía BSA tuyên bố :
"Cách tốt nhất để duy trì văn hóa và di sản người Mỹ gốc Việt là các trưởng ghi danh với BSA hãy tham gia vào Ủy ban Quốc gia Hướng đạo gốc Việt (NVSC) thuộc BSA".
Biên bản cũng ghi câu trả lời về "phù hiệu Việt Nam" của ông Nguyễn Tấn Đệ, theo đó ông nói : "Bạn chỉ có thể may phù hiệu Việt Nam trên túi bên phải".
Tuy nhiên, liền trước trước hai chữ "Việt Nam" là hình Cờ vàng 3 sọc đỏ truyền thống và linh thiêng của Hướng đạo Việt Nam đã không được ông Đệ nói tới.
Phù hiệu Hướng đạo Việt Nam trên áo hướng đạo sinh Việt Nam hải ngoại
Riêng ông Jeff Herrmann thì nói :
"Có một cách, bằng cách kiến nghị lên Ủy ban Đẳng thứ Quốc gia. Nếu việc này sẽ là một cách để làm cho mọi người vui thì có một cách. Tôi có thể là một người cổ động cho kiến nghị này".
Ông Nguyễn Tấn Đệ bổ túc thêm :
"Mục đích của BSA là khuyến khích các nhóm sắc tộc trong BSA gìn giữ văn hóa và di sản của họ. Dùng từng đơn vị phản đối không phải là cách. Có một cách là đi qua các kênh thích hợp để thực hiện và được phê duyệt. Một lần nữa, chúng tôi mời các thành viên của ICCVS tham gia NVSC, BSA. Một cách rõ ràng hơn, chúng tôi mời các trưởng tình nguyện đã ghi danh với với BSA gia nhập NVSC, BSA".
Rõ ràng chuyện phù hiệu Việt Nam và lá Cờ vàng trên áo Hướng đạo tị nạn từ 36 năm qua đang bị đe dọa. Bởi theo lập luận của Nguyễn Tấn Đệ thì việc này phải do Hội đồng lãnh đạo BSA quyết định. Và việc này chỉ có thể được cứu xét khi nào Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam gia nhập vào BSA (!).
Phản đối - áp chế ?
Trưởng Võ Thành Nhân phát biểu tại cuộc đối thoại : "Chúng tôi muốn có một Hội Hướng đạo gốc Việt Nam tại Hoa Kỳ vì tôi không thoải mái cách Hội đồng Quốc gia chọn ban lãnh đạo của họ".
Lập tức Nguyễn Tấn Đệ chen vào : "WOSM công nhận Boy Scouts of America là tổ chức Hướng đạo duy nhất được ủy quyền tại Hoa Kỳ cho Hướng đạo sinh".
Võ Thành Nhân trả lời : "ICCVS muốn thành lập một Hội Hướng đạo gốc Việt để phục vụ như là COR (Hiến chương) và ghi danh các đơn vị gốc Việt Nam ở khắp mọi tiểu bang".
Trước thái độ khẳng định của Trưởng Nhân, ông Jeff Herrmann, Châu trưởng Orange County khẩn khoản :
"Xin đừng tổ chức thêm bất kỳ một hiệp hội nào. Cách tốt nhất để cộng đồng Việt Nam có tiếng nói chính thức là thông qua Hội đồng quản trị và COR của từng đơn vị và thông qua Ủy ban Hướng đạo Quốc gia gốc Việt (NVSC)".
Để tăng cường áp lực với Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam, nhưng đồng thời bảo vệ uy tín cho NVSC, vào ngày 13/03/2019, Hội đồng Quốc gia BSA (BSA National Council) đã gửi một Văn thư đến các trưởng Hướng đạo gốc Việt Nam thuộc BSA để nói về Ủy ban Quốc gia Hướng đạo Gốc Việt - BSA (NVSC).
Thư này viết :
"Ủy ban Trung ương Quốc tế về Hướng đạo Việt Nam (ICCVS ghi chú thêm : hay còn gọi là Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam) không phải là một ủy ban của Hướng đạo Hoa Kỳ (BSA). Ủy ban, vai trò, mục đích và quy tắc hoạt động của ICCVS được thành lập tại cuộc họp tổ chức tại Costa Mesa, California, vào ngày 2- 3 tháng 7 năm 1983, không còn giá trị. Nhiều trưởng và phụ huynh Hướng đạo gốc Việt tin rằng ICCVS được nối kết với BSA, nhưng thực tế không phải như vậy".
Văn thư mang chữ ký của ông Patrick W. Sterrett, Ủy viên Phụ tá Giám đốc Quốc gia về các dịch vụ của cộng đồng Hướng đạo (Assistant Chief Scout Executive National Director of Field Service) viết tiếp :
"Ủy ban duy nhất thực sự là một thành viên của Hướng đạo Hoa Kỳ và được phát biểu thay mặt Hướng đạo gốc Việt tại Hoa Kỳ là Ủy ban Quốc gia Hướng đạo gốc Việt- BSA (NVSC). Ông Nguyễn Tấn Đệ là cố vấn cho ủy ban này và chịu trách nhiệm về chương trình Hướng đạo cho người Việt tại Hoa Kỳ, và chủ tịch hiện tại là ông Lý Nhật Hui ở Buena Park, California".
Phản ứng quyết liệt
Phản ứng lại BSA và nhóm Hướng đạo Việt Nguyễn Tấn Đệ – Lý Nhật Hui đã có một tuyên bố của Hướng đạo tị nạn phổ biến trên Internet ngày 22/03/2019 cáo giác rằng :
"Năm 1983, theo lời yêu cầu của Tổ chức Hướng đạo Thế giới (WOSM), Hội đồng Trung ương – Hướng đạo Việt Nam được thành lập để làm tiếng nói chung cho tất cả các hướng đạo sinh Việt Nam lưu vong cũng như để khuyến khích và điều hợp việc gia nhập của các Hướng đạo sinh gốc Việt vào các hội hướng đạo bản địa.
Với nhiệm vụ giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh thần truyền thống văn hóa Việt trong phong trào hướng đạo, Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam đã thành công vượt bực tại các nước Pháp, Canada, Úc, Đức và nhất là tại Hoa Kỳ khi sĩ số đoàn sinh đã nhanh chóng tăng gấp 10 lần kể từ thập niên 80 cho đến nay. Đây là một sự thành công mà không có một nhóm sắc tộc thiểu số nào khác ở Hoa Kỳ đã có thể đạt được".
"Tiếc thay", văn kiện viết tiếp, "cũng chính vì sự thành công này mà đã có xuất hiện một âm mưu nhằm triệt hạ danh dự và uy tín của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam với mục đích duy nhất là nắm quyền kiểm soát toàn diện các đơn vị hướng đạo Việt Nam trong Nam Hướng đạo sinh Hoa Kỳ (Boy Scouts of America - BSA). Âm mưu này được nhằm mục đích mưu cầu lợi ích cá nhân và đã không ngừng tiến hành nhiều cuộc vận động tiêu cực nhắm vào Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam, dùng BSA như một công cụ để tấn công Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam và để thâu tóm các chương trình cùng thành viên của Hướng đạo Việt Nam".
Tuyên bố cũng cáo giác :
– Năm 2018, Hội đồng Quốc gia BSA ra lệnh cấm các hướng đạo sinh Việt Nam không được mang trên đồng phục BSA cái huy hiệu "Hướng đạo Việt Nam" với lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ di sản của Cộng đồng Việt Nam.
– Ít tháng sau, vào ngày 10 tháng giêng năm 2019, Châu trưởng của Châu Orange County của BSA vì đã bị cho tin tức sai lạc nên ra một văn thư khuyến khích giải thể Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam và áp lực các đơn vị hướng đạo của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam phải sáp nhập vào một cái ủy ban do BSA chỉ định được gọi là Ủy ban Quốc gia Hướng đạo Việt Nam (National Vietnamese Scouting Committee - NVSC). Ủy ban này nhằm mục đích tóm gọn các chương trình của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam và chiếm đoạt công lao của các thành viên của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam. Nguyễn Tấn Đệ đã được bổ nhiệm làm người Điều hành nhân viên (Staff Advisor) cho tất cả các đơn vị hướng đạo Việt Nam ghi danh với BSA.
– Gần đây nhất, Thứ Sáu vừa qua, nhằm ngày 15 tháng 3 năm 2019, Hội đồng Quốc gia của BSA, qua trung gian của Nguyễn Tấn Đệ, đã gửi trực tiếp một văn thư tới các đơn vị trưởng của BSA để thông báo rằng kể từ nay chỉ có Ủy ban Quốc gia (NVSC) mới là tiếng nói đại diện cho Hướng đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Văn thư này chẳng những đã cắt đứt sự liên hệ sâu xa với Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam mà còn phủ nhận các đóng góp to lớn của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam cho BSA và cho Hướng đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ trong vòng 35 năm qua.
Văn thư kết luận :
"Đây là một toan tính nhằm độc chiếm một cái gì không thuộc quyền sở hữu hay kiểm soát của BSA. Chẳng hạn như BSA không thể nào là tiếng nói đại diện cho các thành viên của GSUSA (Nữ Hướng đạo sinh Hoa Kỳ) được về bất cứ vấn đề gì. Các đơn vị của Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam bao gồm cả các thành viên của BSA (Nam Hướng đạo sinh Hoa Kỳ) và GSUSA (Girls Scouts of United States of America - Nữ Hướng đạo sinh Hoa Kỳ). BSA không có quyền ngăn cản tiếng nói hay đòi giải tán Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam, một tổ chức vô vị lợi được bảo vệ bởi Hiến Pháp Hoa Kỳ cho quyền tự do thành lập và gia nhập các đoàn thể. Sự toan tính vừa rồi của BSA là một hành động chiếm đoạt trắng trợn đi ngược lại với tinh thần và các nguyên lý của Hướng đạo như trọng danh dự, thành thật, thân thiện và xem các Hướng đạo sinh khác như anh em".
Cuối cùng Văn thư kêu gọi :
"Chúng tôi xin quý vị vui lòng ký tên vào bản thỉnh nguyện thư này để cho BSA biết rằng những hành động do Nguyễn Tấn Đệ đã làm thiệt hại cho Hướng đạo Việt Nam và uy tín của BSA, và rằng các đơn vị Hướng đạo Việt Nam cần một cố vấn khác, không phải là Nguyễn Tấn Đệ".
Cũng nên biết, sau 44 năm vắng bóng trên diễn đàn Hướng đạo toàn cầu, Tổ chức Hướng đạo ở Việt Nam có tên là "Pathfinder Scouts Vietnam" (PSVN), tạm dịch là "Người Dẫn Đường", đã chính thức được tái gia nhập là thành viên thứ 170 của Phong trào Hướng đạo Thế giới (the World Organization of the Scout Movement, WOSM).
Một Thông báo chính thức của WOSM gửi đi từ Malaysia ngày 10/01/2019" viết :
"Hội Hướng đạo thế giới hôm nay hoan nghênh Pathfinder Scout Vietnam là thành viên thứ 170 của Hội, sự kiện này đánh dấu một giai đoạn lịch sử khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM) sau 44 năm".
(nguyên văn : "World Scouting today welcomed Pathfinder Scouts Vietnam as its 170th member, marking a historic moment as Vietnam formally rejoins the World Organization of the Scout Movement (WOSM) after 44 years").
Tuy nhiên Huynh trưởng Đặng Văn Việt, 99 tuổi ở trong nước đã xác nhận với tôi (Phạm Trần) cho đến nay, Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chưa trả lời 2 thư xin "chính thức công nhận Hội Hướng đạo Việt Nam", đề ngày 01/03/2011, và kiến nghị thứ 2, đề ngày 15/05/2012 của 116 cựu Hướng đạo, Trí thức, Đại biểu quốc hội, lão thành cách mạng, chuyên gia, nhà giáo v.v.., xin Đảng và Nhà nước "chính thức công nhận phương pháp giáo dục thanh thiếu niên theo quy trình 1946 của Hội Hướng đạo Việt Nam".
Ngoài ông Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 thời kháng chiến chống Pháp, được phía quân lính Pháp coi là "Con hùm xám đường số 4", đứng đầu Kiến nghị 2, còn có Giáo sư Tương Lai và Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc.
Như vậy, liệu có ai đoán được đường đi nước bước của BSA đối với tổ chức Hướng đạo Việt tị nạn, Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam, khi họ tìm cách làm lu mờ tổ chức này cùng với hai chữ "Việt Nam" và lá cờ xương máu "nền Vàng 3 sọc đỏ" của người Hướng đạo Mỹ gốc Việt ?
Phạm Trần
(28/03/2019)
Đã chọn được mặt gửi vàng
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chọn được mặt gửi vàng chỉ hai tuần sau Hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un (Kim Chính Ân) bàn về giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn thất bại ở Hà Nội ngày 28/02/2019.
Ngày 27/02/2019, Tổng giám đốc Vietjet, Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Boeing đã cùng ký kết hợp đồng mua máy bay trước sự chứng kiến của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nguyễn Phú Trọng đã chọn được mặt gửi vàng chỉ hai tuần sau Hội nghị thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong-un thất bại ở Hà Nội ngày 28/02/2019
Người đó không ai khác là ông Donald Trump, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, người đã làm cho Nhà nước độc tài Việt Nam mở cờ trong bụng khi ông Trump không còn quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của Việt Nam, mặc dù ai cũng biết đang diễn ra rất tồi tệ.
Bằng chứng sau hai năm cầm quyền, chưa bao giờ thấy ông Trump đích thân chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm quyền con người và tiêu diệt các quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo. Đổi lại, ông Trump đã được chính quyền cộng sản Việt Nam trả ơn 48 tỷ USD qua các thỏa hiệp thương mại kể từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/05/2017. Khi ấy Việt Nam đã bỏ ra gần 15 tỷ USD, chủ yếu là nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ. Tiếp đến là các thỏa hiệp thương mại trị giá 12 tỷ USD được ký trong hai ngày viếng thăm Hà Nội của Tổng thống Trump từ 11 đến 12/11/2017, sau khi ông Trump dự Hội nghị APEC tại Đà Nẵng.
Sau cùng là ông Trump đã cùng chứng kiến với ông Nguyễn Phú Trọng trong buổi lễ ký các văn kiện hợp tác hàng không giữa hai nước trị giá 21 tỷ Mỹ kim tại Hà Nội ngày 27/02/2019. Theo đó : "Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD".
Tại cuộc họp với ông Nguyễn Phú Trọng hôm 27/02 (2019), ông Trump đã không tiếc lời khen "lòng hiếu khách của người dân và sự phát triển rất ấn tượng của Việt Nam". Ông Trump đã mời ông Trọng thăm Mỹ trong lần gặp này.
Ông Trump, một thương gia thành công còn toan tính lấy kinh nghiệm "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" giữa Việt Nam và Mỹ để chiêu dụ nhà độc tài Bắc Hàn từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân để được Hoa Kỳ yểm trợ phát triển. Tuy nhiên, không có dấu hiệu ông Kim xiêu lòng khi Hội nghị Trump-Kim lần 2 đã tan vỡ và chưa có triển vọng sẽ có cuộc họp lần thứ ba.
Ngoài thỏa hiệp về hàng không, báo chí Việt Nam còn cho biết : "Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông đánh giá cao việc Việt Nam tin chọn và cân nhắc mua các thiết bị quân sự của Mỹ mà theo ông là các thiết bị quân sự tốt nhất thế giới hiện nay".
Cho đến nay, Nga là nước bán nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam.
Viễn ảnh Trọng - Trump
Như vậy, mọi người trông đợi gì trong chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng ?
Sau đây là một số vấn đề có triển vọng sẽ được thào luận chi tiết giữa hai đoàn Việt-Mỹ khi ông Trọng đến Hoa Thịnh Đốn :
Thứ nhất, về kinh tế, như đã được khơi mào tại cuộc họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 27/02 (2019) tại Hà Nội, ông Trump khẳng định "ủng hộ mạnh mẽ hợp tác trong lĩnh vực thương mại Mỹ - Việt".
Báo VnExpress viết (27/02/019) viết : "Để duy trì, phát triển mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, ông (Trump) cho rằng hai nước cần đẩy mạnh một số cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp định thương mại Việt Nam - Mỹ và Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Song song đó, hai nước cũng cần tiếp tục thảo luận về khả năng nâng cấp, xác lập khuôn khổ quan hệ thương mại – đầu tư, phù hợp với sự phát triển của quan hệ kinh tế - thương mại và tính chất của quan hệ đối tác toàn diện".
Báo này cũng cho biết thêm : "Năm 2018 đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ kinh tế thương mại Mỹ - Việt khi kim ngạch hai chiều đạt hơn 60 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu Mỹ sang Việt Nam tăng 46% và Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ".
Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn đứng sau các nước đầu tư lớn vào Việt Nam gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn.
Thứ hai, chính quyền Trump cũng quan tâm đến tình trạng Việt Nam tiếp tục xuất siêu vào Mỹ. Tính đến khoảng tháng 10/2018, hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Mỹ trị giá 39,42 tỷ USD, trong khi Việt Nam chỉ nhập hàng Mỹ trị giá 19,5 tỷ USD (theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam).
Thứ ba, về phần mình, Việt Nam đã nhiều lần than phiền ba mặt hàng cá tra, cá ngừ và tôm xuất cảng vào Mỹ đã phải chịu giá thuế gần 4,8%, cao hơn so với các nước khác. Lý do Mỹ đánh thuế cao nhằm trừng phạt Việt Nam "bán phá giá" gây thiệt hại cho các nhà sản xuất tôm, cá Mỹ.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn online, ngày 10/03/2018 thì : "Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản đơn lẻ đứng thứ 3 của Việt Nam, chiếm 17% trên tổng giá trị xuất khẩu. Trong năm 2017, ba mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gồm tôm (chiếm trên 17%) ; cá tra (chiếm 19,3%) và cá ngừ (chiếm trên 23%)".
Thứ tư, ông Nguyễn Phú Trọng chắc sẽ lặp lại yêu cầu Mỹ thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường để được hưởng thuế thấp của Mỹ đánh vào hàng xuất cảng vào Mỹ của Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề này có liên quan đến 2 điều kiện :
1. Việt Nam phải từ bỏ chủ trương kiểm soát và điều hành kinh tế dựa trên sự phát triển và tồn tại của các doanh nghiệp nhà nước vốn có nhiều đặc quyền, đặc lợi, phe nhóm và độc quyền.
2. Phải trả lời minh bạch về những vi phạm quyền con người và các quyền tự do đang bị đàn áp ở Việt Nam.
Quốc hội Mỹ là nơi chính quyền Trump sẽ gặp khó khăn nếu chấp thuận yêu cầu của Việt Nam.
Mua vũ khí Mỹ ?
Nhưng chờ đợi lớn trong chuyến thăm Mỹ của ông Trọng sẽ tập trung vào câu hỏi : Liệu Việt Nam có quyết định mua vũ khí Mỹ như ông Trump từng hy vọng, hay chỉ mua phụ tùng thay thế cho các bộ phận hư hỏng của số vũ khí, xe tăng, máy bay và các loại xe quân sự bỏ lại sau chiến tranh năm 1975 ?
Nghi vấn này được đặt ra, sau khi ông Trump có động thái được báo chí Việt Nam mô tả là "đánh giá cao việc Việt Nam tin chọn và cân nhắc mua các thiết bị quân sự của Mỹ" trong cuộc họp với ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 27/02/2019.
Tuy nhiên từ "tin chọn" đến "cân nhắc" mua hay không mua còn là chuyện dài, vì không ai biết các nhà sản xuất vũ khí Mỹ sẽ có những dễ dãi, hay thỏa hiệp trả tiền dài hạn đặc biệt nào dành cho Việt Nam.
Nên biết vào ngày 23/05/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống dân chủ Barack Obama đã chính thức tuyên bố "hoàn toàn bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương" cho Việt Nam.
Bản tin của Đài Truyền hình CNN phát đi từ Hà Nội ngày 23/05/2016 cho biết : "Trong cuộc họp báo chung tại Hà Nội với Chủ tịch Trần Đại Quang, ông Obama nói rằng việc bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương thể hiện sự hợp tác quốc phòng sâu rộng với Việt Nam, đồng thời ông (Obama) cũng bác bỏ luận cứ cho rằng, hành động của Mỹ là nhắm chống lại sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực. Ngược lại, đây chỉ là nguyện vọng tiếp tục quan hệ bình thường giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời cũng xóa đi quan niệm cấm vận "dựa trên sự khác biệt về tư tưởng giữa hai nước chúng ta" (1).
Theo các chuyên gia quốc phòng Tây phương thì Việt Nam đã lệ thuộc lâu đời vào vũ khí Nga gồm các loại máy bay tác chiến, chiến xa hạng nặng, các loại xe chở quân, trực thăng tấn công, trực thăng điều nghiên chiến thuật, các loại radar tầm xa và tầu tuần duyên.
Việt Nam cũng đã mua 6 tầu ngầm lớp kilo của Nga.
Tuy nhiên Mỹ có thể bán nhiều loại hỏa tiễn phòng không và địa-không-địa tấn công tối tân và dàn Radar quan sát không gian và dưới biển cho Việt Nam. Đây là hai món hàng mà theo các chuyên gia quân sự, ông Trump đã có trong đầu.
Cuối cùng, tình trạng nhân quyền tồi tệ và tù nhân chính trị chắc chắn sẽ được đề cập đến giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng. Nhưng với những gì ông Donald Trump đã và đang hành xử trong hai năm qua đối với Chính quyền cộng sản Việt Nam, không ai nên vội hy vọng ông Trump sẽ thay đổi chiêu bài "American First".
PhạmTrần
(21/03/2019)
(1) "In a joint news conference in Hanoi with Vietnamese President Tran Dai Quang, Obama said that the removal of the ban on lethal weapons was part of a deeper defense cooperation with the country and dismissed suggestions it was aimed at countering China's growing strength in the region. Instead, it was the desire to continue normalizing relations between the United States and Vietnam and to do away with a ban "based on ideological division between our two countries".
Ban Tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền bảo vệ Đảng và Bộ Chính trị đã nhìn nhận Đảng nguy to trước "quốc nạn tự diễn biến, tự chuyển hóa" nhưng lại đội mũ "đồng lõa với các thế lực thù địch" lên đầu cán bộ, đảng viên hết còn muốn đảng (1) (2).
Chuyện này xảy ra vào lúc Ban Tổ chức Trung ương tập trung thực hiện công tác "quy hoạch cán bộ cấp chiến lược", hay nói cách khác là "thanh lọc hàng ngũ" để chuẩn bị nhân sự cho đảng khóa XIII, bắt đầu từ Quý I năm 2021.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước , Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 . Ảnh : TTXVN
Nhưng liệu những bổ nhiệm hay cất nhắc cán bộ lãnh đạo mới của Bộ Chính trị có bảo đảm hết còn phe cánh, và tuyệt đối trung thành với đảng và kiên định cChủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề ra ?
Việc này thời gian sẽ trả lời, nhưng trong bài viết "Rèn luyện bản lĩnh chính trị để phòng, chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa" ngày 18/02/2019, Tạp chí Tuyên giáo đã báo động :
"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là hệ quả của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng ngày càng tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Điều đó khiến cho vai trò tiên phong, gương mẫu của họ ngày càng giảm, không đủ "sức miễn dịch", thiếu "sức đề kháng" trước những tác động tiêu cực trong xã hội, đồng lõa với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt Nam".
Nhưng tại sao, sau gần 10 năm "xây dựng, chỉnh đốn đảng", bắt đầu từ khóa đảng XI năm 2011 của ông Nguyễn Phú Trọng mà vẫn còn hiện tượng cán bộ, đảng viên rơi vào "mơ hồ ảo tưởng, hoang mang, dao động về tư tưởng chính trị, phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng dẫn đến hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng, về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…" ?
Như vậy ắt phải có chuyện gì "không bình thường" đã xẩy ra trong nội bộ đảng cho nênt giả bài viết của Tuyên giáo, Thiếu tướng, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Văn Thế, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, mới nói thật :
"Cụ thể hơn, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" còn biểu hiện ở những việc sẵn sàng tiếp nhận những thông tin trái chiều, những luận điệu ly khai, chống đối, lý luận phản động ; phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, đòi thực hiện "đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập" ; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ, phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang ; móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật…".
Như thế thì "ruỗng" to rồi còn gì ? Nếu không thì tại sao đảng lại thừa nhận đã có :
"Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm".
Thêm vào đó là :
"Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi".
(Trích Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/05/2018
về "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ")
Rèn quân - chỉnh cán
Vì những "xuống cấp" nêu trên, nên bài viết của Tuyên giáo đã yêu cầu các cấp cán bộ, đảng viên phải :
"Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, lý luận… nhằm nâng cao khả năng "tự miễn dịch, tự đề kháng" trước những tác động tiêu cực, trái chiều".
Tác giả cũng kêu gọi :
"Phòng và chống chủ nghĩa cá nhân, nêu gương ãnh đạo… khắc phục tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm… kiên quyết đấu tranh chống lại những quan điểm, hành động thù địch để bảo vệ nền tảng, đường lối, quan điểm của Đảng".
Quan trọng hơn, Tuyên giáo còn hô hào :
"Chủ động triển khai các biện pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa những hoạt động phá hoại chính trị nội bộ".
Như vậy, từ việc lên án hiện tượng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã "đồng lõa với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động" cho đến yêu cầu chống "phá hoại chính trị nội bộ", hiển nhiên đảng đã nhìn thấy nguy cơ tan đảng không nhỏ.
Bằng chứng rã đám còn được ghi trong Chỉ thị "28-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng" , do ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ban hành ngày 21/01/2019.
Chỉ thị xác nhận :
"Công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác kết nạp đảng viên có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng ; việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra ở nhiều nơi ; còn vi phạm quy định, nguyên tắc về kết nạp đảng viên. Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đánh giá chất lượng đảng viên còn hình thức. Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng, thiếu thống nhất giữa các tổ chức đảng".
Nhưng chẳng phải đây là lần thứ nhất đã có tình trạng "loạn xà ngầu" thế này. Sở dĩ có "phong trào" thu nạp đảng viên mới vì các Bí thư, Huyện ủy đều có máu thi đua để được tuyên dương, khen thưởng và có dịp được "bôi trơn dưới gầm bàn". Người vào đảng thì mong sao có thẻ để có công ăn việc làm, để làm cò mánh mung, chạy cờ kiếm bạc, ăn chia với Thủ trưởng, Bí thư.
Còn chuyện, như Chỉ thị 28 vạch ra "một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ; một số có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội " cũng chẳng mới mà đã như thế từ khi ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư đảng từ năm 2011.
Vì vậy, Chỉ thị 28 đã kêu gọi các cấp "xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng… Việc kết nạp đảng viên và công nhận đảng viên chính thức phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục theo quy định. Đảng viên mới được kết nạp phải là quần chúng thực sự ưu tú, có phẩm chất chính trị tốt, đạo đức trong sáng, được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, có nhận thức đúng, đầy đủ về Đảng, động cơ vào Đảng đúng đắn".
Ngoài ra Chỉ thị của Bộ Chính trị còn yêu cầu :
"Chủ động khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa… Thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên ; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng".
Rà soát lần chót ?
Đáng chú ý là Chỉ thị 28 đã có quyết tâm làm cuộc rà soát sít sao để không những đưa ra khỏi đảng những đảng viên "không còn đủ tư cách" mà còn thanh trừng những đảng viên không sinh hoạt đảng, hoặc không thèm khai báo khi chuyển đến nơi công tác mới hay đổi nơi cư trú.
Lệnh này viết :
"Trước mắt, từ nay đến ngày 19/05/2019, các cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành một đợt rà soát đội ngũ đảng viên, qua đó làm rõ những đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, những đảng viên không thực hiện đúng chế độ chuyển sinh hoạt hoặc đã chuyển sinh hoạt đảng, nhưng không nộp hồ sơ cho tổ chức đảng có thẩm quyền, những đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước, những đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín trong nhân dân thấp, qua đó chọn lọc, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không còn đủ tư cách ; khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh trong công tác đánh giá, phân loại đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng".
Đây là lần đầu tiên sau hơn 30 năm Đổi mới Đảng cộng sản Việt Nam mới có kế hoạch thanh lọc hàng ngũ chi tiết và gay gắt như thế. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội của đảng còn được lệnh phải :
"Giám sát đảng viên, phát hiện cho tổ chức đảng những đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Phó Chủ tịch thị trấn Lang Chánh Vì Văn Hà hết đánh nhân viên trong Văn phòng thị trấn, tới chửi Bí thư, Chủ tịch thị trấn, dùng tay, chân… dạy dỗ một người dân ở làng Cui, xã Đồng Lương, dạng chân buộc nạn nhân phải luồn dưới trôn của mình vừa thôi cai trò Phó Chủ tịch để đảm nhận chức vụ Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn.
Như vậy, bên cạnh việc "càng xây càng vỡ" , công tác xây dựng đảng từ gần 10 năm qua còn phải đối phó với tình trạng "năm cha, bảy mẹ, năm bè, bảy mối" thì chuyện tự xa đảng hay tự ra đảng có khác nhau gì đâu.
Phạm Trần
(14/03/2019)
Xem thêm :
(1) 27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' và
(2) 82 biểu hiện suy thoái của Đảng viên, tự diễn biến, tự chuyển hóa
*********************
(1) 27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' là gì ?
Sau đây là 27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' theo Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Nghị quyết số 04-NQ/TW chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức-lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Chi tiết 27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' như sau :
27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'
9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị :
1. Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
2. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng ; không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ; phụ hoạ theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
3. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị ; lười học tập chủ nghĩa Marx - Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
4. Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng ; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác ; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả ; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
5. Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm ; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh ; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
6. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít ; nói một đằng, làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
7. Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình ; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.
8. Tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức ; kén chọn chức danh, vị trí công tác ; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó ; không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn. Thậm chí còn tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
9. Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống
1. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể ; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
2. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức ; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền ; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
3. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
4. Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi ; thích được đề cao, ca ngợi ; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".
5. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
6. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... ; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả ; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định ; chi tiêu công quỹ tuỳ tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.
7. Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
8. Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
9. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
1. Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".
2. Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
3. Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
4. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5. Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang ; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an ; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân ; chia rẽ quân đội với công an ; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.
6. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
7. Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
8. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng ; cổ suý cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan ; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hoá, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
9. Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trên được cụ thể hóa bằng 82 biểu hiện cụ thể.
Nguồn : A Tài Liệu, 12/12/2018
******************
(2) 82 biểu hiện suy thoái của Đảng viên, tự diễn biến, tự chuyển hóa
82 biểu hiện cụ thể về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ được tỉnh Trà Vinh cụ thể hóa dựa trên 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Theo đó, 82 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ như sau :
82 biểu hiện suy thoái của Đảng viên
I. Biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị
1. Phai nhạt lý tưởng cách mạng ; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
2. Hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
3. Xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng.
4. Không kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
5. Phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái.
6. Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị.
7. Lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
8. Không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng.
9. Sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác.
10. Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm.
11. Trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả.
12. Không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.
13. Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm.
14. Khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật.
15. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
16. Lợi dụng tự phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
17. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
18. Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít, nói một đằng, làm một nẻo.
19. Nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác.
20. Nói và làm không nhất quán khi đương chức với lúc về nghỉ hưu.
21. Duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình.
22. Không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác.
23. Tham vọng chức quyền.
24. Không chấp hành sự phân công của tổ chức.
25. Kén chọn chức danh, vị trí công tác ; chọn nơi có nhiều lợi ích, chọn việc dễ, bỏ việc khó.
26. Không sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở nơi xa, nơi có khó khăn.
27. Tìm mọi cách để vận động, tác động, tranh thủ phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cho cá nhân một cách không lành mạnh.
28. Có “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình.
29. Bổ nhiệm người thân, người quen dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
II. Biểu hiện suy thoái về suy thoái đạo đức, lối sống
30. Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi ; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể.
31. Ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.
32. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ.
33. Đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức.
34. Cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền.
35. Độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.
36. Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
37. Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi.
38. Thích được đề cao, ca ngợi.
39. "Chạy thành tích", "chạy khen thưởng","chạy danh hiệu".
40. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở.
41. Thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
42. Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
43. Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...
44. Đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả.
45. Mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định.
46. Chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc.
47. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực.
48. Phí phạm thời gian lao động.
49. Tham ô, tham nhũng.
50. Lợi dụng chức vụ quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi.
51. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
52. Thao túng trong công tác cán bộ.
53. Chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội...
54. Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân.
55. Để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.
56. Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan.
57. Ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp.
58. Sa vào các tệ nạn xã hội.
59. Vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
III. Biểu hiện suy thoái 'tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
60. Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
61. Đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".
62. Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
63. Đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự".
64. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.
65. Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
66. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước.
67. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
68. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ.
69. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
70. Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang ; đòi "phi chính trị hóa" quân đội và công an.
71. Xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
72. Chia rẽ quân đội với công an ; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.
73. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập.
74. Vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.
75. Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
76. Thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
77. Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật.
78. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng.
79. Cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan ; thổi phồng mặt trái của xã hội.
80. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.
81. Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan.
82. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.
Trên đây là 82 biểu hiện suy thoái của Đảng viên được cụ thể hóa từ 27 biểu hiện suy thoái, 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa'.
Nguồn : A Tài Liệu, 17/12/2018
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tươi cười phất Cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trưa ngày 27/02 (2019) tại Hà Nội.
Tổng thống Trump cầm một lá cờ Việt Nam từ tay các thiếu nhi.
Ông Trump không những đã gây ngạc nhiên cho báo chí theo dõi Hội nghị lần hai tại Hà Nội, giữa ông và lãnh tụ tối cao Kim Jong-un (Kim Chính Ân) về giải giới vũ khí nguyên tử tại Bắc Hàn mà còn là Tổng thống Mỹ đầu tiên đã hành động như thế, kể từ khi hai nước thiết lập quan hê ngoại giao ngày 11/07/1995.
Theo dõi trực tiếp truyền hình thấy diễn tiến như sau : ông Trump được ông Phúc tiếp đón vào Trụ sở chính phủ (1) giữa hai hàng chào của nhân viên nhà nước và thiếu nhi đồng phục phất cờ hai nước trên tay. Khi sắp tới đội quân danh dự, bất ngờ ông Phúc hướng ông Trump qua phía các em bên trái và nói "chào ông đi", các em đáp lại "chào ông". Tại đây ông Trump bất ngờ mượn một lá Cờ đỏ sao vàng của một em, giơ lên phất giữa tiếng cổ võ vui mừng của đám đông. Vài giây sau, ông Trump mượn lá Cờ sao và sọc từ tay một em khác trao cho ông Phúc để hai người cùng phất lên cao và hướng về các máy chụp ảnh, quay phim.
Báo An ninh Thủ đô tường thuật tiếp :
"Thật tuyệt vời, tình hữu nghị tuyệt vời", ông Trump quay sang nói với Thủ tướng, không quên cảm ơn các em thiếu nhi và những người có mặt.
Khi có chút thời gian nhìn xung quanh, Tổng thống Mỹ thốt lên : "Tòa nhà đẹp quá !".
"Tôi mong rằng ông sẽ mang đến may mắn cho Việt Nam và tòa nhà này", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
"Tòa nhà khai trương khi nào vậy ?", ông Trump tiếp tục trò chuyện với Thủ tướng mà chưa vội đứng vào vị trí tiền sảnh để chụp ảnh nghi lễ.
"Mới vừa khai trương cách đây mấy hôm thôi", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui vẻ đáp lại.
"Tòa nhà thật đẹp", Tổng thống Trump nhìn xung quanh và nhắc đi nhắc lại".
Phất cờ làm gì ?
Giải thích với báo chí trong nước về hiện tượng phất cờ của ông Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung nói :
"Đối với lãnh đạo các quốc gia, việc cầm lá cờ của các quốc gia mà mình có quan hệ ngoại giao là thể hiện sự tôn trọng với quan hệ giữa hai nước, sự tôn trọng với ngay bản thân quốc gia mình, khi có quan hệ ngoại giao thì tôn trọng thể chế của nhau, tôn trọng lẫn nhau, và tôn trọng nhân dân của cả hai nước".
(VOV, Voice of Vietnam, 27/02/2019).
Nhưng tại sao, ba tổng thống Mỹ gồm Bill Clinton, thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 – 19/11/2000 ; George W. Bush, dự Hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) và thăm chính thức từ 17 đến 20/11/2006, và Barack Obama, thăm chính thức từ 22 đến 25/05/2016 đã không ai "phất cờ" cộng sản Việt Nam như ông Trump ?
Báo chí Việt Nam không bình luận thêm, hay không được phép thảo luận. Báo chí nước ngoài, có mặt khi ông Trump phất cờ cộng sản cũng không viết gì, có lẽ họ không coi đó có tác dụng đến nội dung đưa tin. Nhưng đối với những người Việt Nam, cả trong và ngoài nước không chấp nhận chế độ cộng sản độc tài, độc đảng và phản dân chủ thì thấy hành động của ông Trump không "hợp nhãn" và cảm thấy ngứa ngáy trong người.
Lý do vì, khi vui vẻ vẫy Cờ đỏ sao vàng với đám đông đang reo hò mừng rỡ sự có mặt của mình đến thăm Việt Nam, ông Trump mặc nhiên muốn chứng minh thân thiện với nước chủ nhà, dù chính quyền cộng sản Việt Nam đã bị các tổ chức quốc tế lên án vi phạm nghiêm trọng các quyền con người. Trước ngày ông Trump đến Hà Nội, chính quyền cộng sản Việt Nam đã cho công an canh gác trước nhà những người tranh đấu dân chủ vì sợ họ biểu tình hay tìm gặp phái đoàn Mỹ. Việc này không chỉ xẩy ra ở Hà Nội mà cả ở Sài Gòn.
Chắc ông Trump cũng phải biết khi ông đến Hà Nội thì chính quyền cộng sản Việt Nam đang tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí bằng Luật An ninh mạng, có hiệu lực từ ngày 01/01/2019. Đồng thời trên 100 tù nhân chính trị và lương tâm, những ngưới bất đồng chính kiến, tranh đấu bất bạo động và không hề có hành động muốn lật đổ chính phủ đang phải nằm tù nghiệt ngã với mức án từ 7 đến 20 năm, như trường hợp nhà hoạt động dân chủ Lê Đình Lương, sau phiên tòa ngày 16/08/2018.
Ngày 18/10/2018, tòa án phúc thẩm Nghệ An vẫn quyết định y án 20 năm tù 5 năm quản chế cho nhà hoạt động nông dân Lê Đình Lượng.
Tất cả những vi phạm này của nhà nước Cờ đỏ sao vàng Việt Nam đã đi ngược lại truyền thống dân chủ và tự do của nước Mỹ, điều mà các tổng thống tiền nhiệm đến thăm Việt Nam như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama đều lên án trong các diễn văn của họ tại Hà Nội, hoặc ngược lại khi các lãnh đạo Việt Nam đến Hoa Thịnh đốn cũng đã được nghe thông điệp than phiền của Mỹ về tình trạng nhân quyền tệ hại của Việt Nam.
Đó là lý do tại sao, nhà báo bình luận nổi tiếng của đài truyền hình ABC (Mỹ), Cokie Roberts đã viết (2) :
"Trước khi tìm cách thương thuyết với ông Kim lần nữa, Tổng thống nên suy xét liệu với một người không ngại bỏ đói trẻ em, dọ thám chính dân mình, bắt giam và giết những người đối lập thì chẳng dễ dàng gì bị lay chuyển bởi những cửa hàng sang trọng mọc lên ở đường phố Thủ đô (Pyongyang, Bình Nhưỡng) của ông ta.
Đó là hình ảnh của Hà Nội mà ông Trump nghĩ ông ta có thể rao bán (với ông Kim). Khi Tổng thống đến Việt Nam, ông đã chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng rằng "Ngài chính là một tỷ dụ cho những gì có thể xẩy ra với những suy nghĩ tốt".
Nhưng Việt Nam, cũng là nơi tình trạng nhân quyền đang bị lên án tồi tệ dưới quyền cai trị của chính quyền cộng sản.
Thế giới đã nhắm mắt trước những vi phạm này để chỉ biết phấn khởi về mức độ phát triển kinh tế.
Tại sao ? Khi mà chuyến xe lửa của ông Kim lăn bánh xuyên qua một nước cộng sản phát triển khác (ám chỉ Trung Quốc), đây là bài học mà ông ta muốn đem về nước : Hồ Chí Minh đã thắng cuộc".
Nhưng nhà báo nhiều kinh nghiệm, bà Cokie Roberts muốn nói gì với ông Trump, và riêng người Việt Nam không cộng sản qua câu kết luận chua chát này ?
Đó là sự phản chiếu hình ảnh của một tổng thống Mỹ đến bàn hội nghị với ý nghĩ con buôn hời hợt "có tiền mua tiên cũng được". Trong khi ông Kim Jong-un (Kim Chính Ân), dù mới 36 tuổi và mới lãnh đạo Bắc Hàn từ năm 2011, lại được thừa hưởng những bài học chính trị đương đầu với Mỹ của ông nội Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) và cha là Kim Chính Nhật (Kim Jong-il). Vì vậy, ông Kim, sinh ngày 08/01/1984 (có bản ghi năm 1983), không còn là kẻ "trẻ người non dạ" nữa, vì sau ông còn có lãnh đạo Tập Cận Bình và cả cường quốc Trung Quốc chống lưng nuôi ăn.
Người Việt tị nạn
Riêng đối với người Việt tị nạn cộng sản ra đi từ sau 1975 thì hành động hớn hở phất cờ cộng sản Việt Nam của bất cứ ai, kể cả của những người nước ngoài, đặc biệt như trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội, lại càng rát con mắt và nhức nhối.
Lý do rất đơn giải. Vì Cờ đỏ sao vàng nhắc mọi người nhớ đến tang thương máu đổ thịt rơi của 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn do Đảng cộng sản Việt Nam chủ động. Lá cờ này còn được treo tại tất cả các nhà tù, trại giam và công trường lao động đầy đọa con người Việt Nam thuộc mọi thành phần trong xã hội từ bao nhiêu năm qua.
Cũng vì là cờ này mà nhân dân miền Nam, nạn nhân của miền Bắc xâm lăng, đã mất cuộc sống thanh bình no ấm. Nhiều gia đình bị táng gia bại sản, bị chia lìa, bị hận thù đeo đẳng và bị kỳ thị cũng vì lá cờ này. Nếu không có lá Cờ đỏ sao vàng thì không có những trại tù lao động khổ sai, mệnh danh "học tập cải tạo" đầy đọa hàng trăm ngàn trí thức, công chức, binh lính và sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Ha sau ngày 30/04/1975.
Và cũng vì lá cờ này mà hàng chục ngàn người miền Nam vô tội đã chết chìm tức tưởi dưới Biển Đông trên đường vượt biển tìm tự do. Nhiều ngàn người miền Nam khác đã bị chết đói tại những vùng "kinh tế mới", sau trận cuồng phong gọi là "Cải tạo Công thương nghiệp Xã Hội chủ nghĩa tại Miền Nam" năm 1978, do đao phủ Đỗ Mười, khi ấy là Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp xã hội chủ nghĩa phụ trách.
Trước kia Cờ đỏ sao vàng còn hiện diện ở các sân đình hay bãi đất đấu tố đẫm máu trong cuộc Cải cách ruộng đất (1953-1960), và tại các buổi học tập, phiên tòa lên án và buộc tội đầy đọa các Văn nghệ sĩ trong vụ án Nhân văn Giai phẩm (1955-1958) ở miền Bắc.
Cờ đỏ sao vàng còn hiện diện ở các sân đình hay bãi đất đấu tố đẫm máu trong cuộc Cải cách ruộng đất (1953-1960)
Cũng từ Cờ đỏ sao vàng mà Đảng cộng sản Việt Nam đã không gớm tay gây ra vụ thảm sát 5.000 người dân vô tội ở Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968, khi thật sự bộ đội miền Bắc đã chủ động cuộc tấn công, đứng sau lưng quân tay sai nằm vùng Mặt trận Giải phóng miền Nam, hay còn gọi thông dụng là Việt Cộng.
Trong suốt cuộc chiến ở miền Nam từ 1954-1975, Cờ đỏ sao vàng của quân miền Bắc đã được giấu đi để ngụy trang bằng cờ Việt Cộng (hình chữ Nhật, nửa trên màu Đỏ, nửa dưới màu Xanh, chính giữa có ngôi Sao vàng). Lá cờ Việt Cộng và tổ chức chính quyền tay sai Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam của Mặt trận Giải phóng miền Nam đã bị dẹp bỏ sau Hội nghị hiệp thương, thống nhất Nam-Bắc ngày 02 tháng 7 năm 1976.
Cờ vàng và các đại sứ Mỹ
Như vậy khi lịch sử chưa có cơ hội minh bạch công và tội của Đảng cộng sản Việt Nam đối với đất nước và đồng bào thì hành động suy tôn Cờ đỏ sao vàng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải được soi xét minh bạch.
Nhưng liệu ông Trump có vô tình, vô tâm hay ngây thơ khi vui vẻ tự ý phất cờ cộng sản Việt Nam, hay còn bị lên án là "cờ máu" bởi nhiều người Việt tị nạn, giữa tiếng reo hò phấn khởi của những người đón tiếp ông ở Hà Nội ngày 27/02/2019 ?
Dù trong hoàn cảnh nào, hành động của vị tổng thống Mỹ, lãnh đạo của thế giới tự do, đối với một quốc gia bị lên án vi phạm nhân quyền trầm trọng và đàn áp dân chủ, tự do như Việt Nam không thể thuần túy coi như một nghĩa cử ngoại giao đẹp mắt nhất thời, nếu như ông còn nhớ đã có không ít cử tri Mỹ gốc Việt bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Hơn nữa, chẳng lẽ ông Trump không biết từ 44 năm qua, những người Việt Nam trốn khỏi chế độ hà khắc cộng sản Việt Nam, đặc biệt số hơn một triệu người sống ở Hoa Kỳ, đã không ngừng tranh đấu để lá Cờ vàng ba sọc đỏ được công nhận là "lá cờ truyền thống" (Heritage Flag) của người Mỹ gốc Việt ?
Nhiều tiểu bang và thành phố Hoa Kỳ đã công nhận ngày 30/4 hàng năm, dấu mốc Việt Nam Cộng Hòa mất vào tay quân cộng sản miền Bắc, là ngày Truyền thống của người Việt tị nạn. Và trên khắp mọi nơi trên thế giới, nơi đâu có người Việt tị nạn, là ở đó lá Cờ đỏ sao vàng của chế độ cộng sản Việt Nam không được treo công khai ở trường học hay bất cứ nơi công cộng nào.
Ông đại sứ Mỹ khi còn tại chức ở Hà Nội, Ted Osius, đã phải đối diện với nhiều chất vấn của người Việt tị nạn, tại cuộc họp tháng 7/2015 tại San Jose, Califordnia khi họ thấy trên áo ông gắn cái pin có hình Cờ đỏ sao vàng, đánh dấu 20 năm bang giao Hoa Kỳ- Việt Nam. Người kế nhiệm ông Osius tại Hà Nội, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống là nhà ngoại giao Daniel J. Kritenbrink.
Hùng Cửu Long - Donald Trump
Còn nhớ hồi tháng 11/2016 có một thanh niên đến Mỹ từ Việt Nam có biệt danh là Hùng Cửu Long đã gây phẫn nộ cho người Việt tị nạn vùng Washington D.C và Little Saigon, Orange County, California qua bộ quần áo dị thường choáng mắt mặc trên người gồm quần đỏ, đi giầy đỏ và áo dài đỏ có hình sao vàng trước ngực.
Nhưng Hùng Cửu Long, tên thật là Lê Đình Hùng, người đã gây dựng thành công thương hiệu Cửu Long Jewelry ở Việt Nam, lại có một tham vọng chính trị khó biết ai đứng sau, hay anh ta chỉ muốn thử thời vận ?
Đài Á châu Tự do (RFA, Radio Free Asia) tường thuật ngày 24/11/2016 rằng :
"Trong bộ áo dài đỏ, quần đỏ, giày đỏ và một ngôi sao vàng trên ngực áo, ông Hùng Cửu Long đứng chụp hình trước bức tường khắc tên 58.000 binh sĩ Mỹ từ trận trong cuộc chiến Việt Nam, kế tiếp trước Cây Bút Chì Washington Monument gần đó, cũng trong bộ áo dài màu đỏ ngôi sao vàng.
Ảnh được phóng lên Facebook với lời hứa hẹn của ông Hùng Cửu Long là sẽ mang bộ cánh này sang gặp đồng hương Nam California trong vài ngày nữa với ước muốn hòa giải một cách thân thiện. Ngay lập tức một làn sóng phản ứng dấy lên từ rất đông facebookers người Mỹ gốc Việt khắp nơi, kể cả những ai không dùng Facebook mà chỉ nghe thấy hay được kể lại".
Trong vụ này, nạn nhân bất ngờ bị đồng hương D.C xỉ vả và lên án là "tay sai cộng sản", hay "tiệm Nail của cộng sản" là Chủ tiệm làm móng tay Trendy Nails & Spa, anh Frank Huy Đỗ và vợ là chị Tina ở Silver Spring, tiểu bang Maryland. Nguyên do vì anh Frank Huy Đỗ đã vô ý chụp chung ảnh với bạn học cũ, Duy Khang và Hùng Cửu Long (bạn của Khang), người mặc áo Cờ đỏ sao vàng trước tiệm Nail rồi phóng lên Facebook.
Bức hình gây phẫn nộ đối với cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản. Nhân vật "Hùng Cửu Long" đứng giữa mặc áo cờ đỏ sao vàng chụp trước tiệm móng tay ở Silver Spring, Maryland (25/11/2016).
Sau đó, Hùng Cửu Long đến khu phố Phước Lộc Thọ ở Little Sài Gòn sau 9 giờ sáng ngày 20/11/2016, và lập tức bị một số lãnh đạo Cộng đồng bao vây.
Một nhân chứng kể với RFA :
"Tất cả mọi người chuẩn bị đúng 9 giờ thì có mặt trước cửa Phước Lộc Thọ và sau đó Hùng Cửu Long xuất hiện. Anh ta đi taxi tới, xuống xe, vừa bước vào là mọi người chạy tới.
Tuy nhiên ông Hùng Cửu Long, thay vì áo dài đỏ với sao vàng như đã nói trên Facebook, lại bận áo dài vàng, quần đỏ và khăn quang cổ màu đỏ.
Trước đó anh ta xác nhận sẽ mặc bộ đồ Cờ đỏ sao vàng như đã mặc trên DC để đến hòa hợp hòa giải với đồng bào. Đó là sự khiêu khích ngay từ đầu thành ra mọi người chống là chống cái lá cờ đó. Người ta nghi ngờ không biết anh ta có mặc bên trong lá Cờ đỏ sao vàng hay không thành ra mọi người đè anh ta xuống để tìm lá cờ đó. Khi tìm không có rồi thì người ta đẩy anh ta ra ngoài. Lúc bảo vệ của Phước Lộc Thọ đưa anh ta ra ngoài đường thì cảnh sát thành phố Westminster tới, khám xét và đưa lên xe".
Kể lại câu chuyện Hùng Cửu Long để nọi người thấy là Cờ đỏ sao vàng, dù xuất hiện dưới hình thức nào trước mắt người Việt không cộng sản, đặc biệt với người Việt tị nạn cộng sản, đều nhạy cảm và bị kích thích bất mãn.
Vậy, khi thấy ông Trump phất Cờ đỏ sao vàng trên màn hình TV và Internet thì có khác gì thấy hình Hùng Cửu Long mặc áo có hình lá cờ này trên Facebook ?
Có khác chăng là ông Trump là tổng thống Mỹ trong khi Huỳnh Cửu Long chỉ là một công dân bình thường của nước Việt Nam cộng sản. Nhưng Huỳnh Cửu Long, khi mặc áo Cờ đỏ sao vàng đã cao rao anh ta làm thế là "để đến hòa hợp hòa giải với đồng bào".
Nhưng có ai mượn anh ta làm chuyện mạo hiểm không tưởng này không, hay ông Tổng thống Trump cũng đã ngớ ngẩn như thế khi hớn hở phất cờ này ở Hà Nội ngày 27/02/2019 ?
Phạm Trần
(07/03/2019)
(1) Phòng họp Chính phủ ông Phúc : Tây còn lác mắt !
(2) "Before he tries to negotiate with Kim again, the president might consider that a man willing to starve children, spy on his people and lock up and kill his opponents is not likely to be swayed by the lure of luxury shops on the streets of his nation's capital.
That's the glittery glimpse of Hanoi that Trump thought he could sell. When the president arrived in Vietnam, he congratulated President Nguyen Phu Trong, saying, "You really are an example as to what can happen, with good thinking".
But Vietnam, too, has a deplorable human rights record under its still-Communist government.
The rest of the world has largely turned a blind eye to those abuses, instead celebrating the country's economic growth.
Why ? As Kim Jong Un's train wends its way through another thriving communist country, here's the lesson he's likely to be taking home : Ho Chi Minh won".
(ABC, 01/03/2019)
Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đã lợi dụng thế giới thông tin về cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn để bán thương hiệu "Hà Nội - thành phố vì hòa bình" và "Việt Nam là nơi hòa giải".
Đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ sẵn sàng chào đón Tổng thống Hoa Kỳ tới hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng "hòa bình" theo nghĩa không còn chiến tranh, hay nơi là "nguôn gốc của chiến tranh huynh đệ tương tàn của người Việt Nam" ?
Và, liệu Việt Nam có thật sự là "nơi hòa giải" của dân tộc Việt Nam hay chỉ là chỗ dừng chân tạm thời cho Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch tối cao Bắc Hàn Kim Jong-un trong hai ngày 27 và 28/02/2019 để họ bàn về khả năng giải giới vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn và chấm dứt vĩnh viễn lo ngại tái diễn chiến tranh Hàn Quốc ?
Lý do Việt Nam được chọn, theo ý của Mỹ và cá nhân ông Trump, vì Bắc Hàn có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Nhất là Việt Nam và Mỹ từng là thù địch trong chiến tranh mà đã biết quên di quá khứ để bắt tay hợp tác phát triển kinh tế, biến Việt Nam chậm tiến thành một quốc gia có mức phát triển kinh tế cao ở Đông Nam Á.
Vì vậy, ông Trump đã công khai nói nếu Chủ tịch Kim từ bỏ vũ khí nguyên tử thì sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế giống như Việt Nam và Mỹ sẵn sàng ủng hộ.
Báo Zing.vn viết : "Ông Trump gọi mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là "ví dụ" về những gì Triều Tiên có thể trở thành nếu nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân".
Đây là cuộc họp lần 2 giữa Mỹ và Bắc Hàn về triển vọng vãn hồi hòa bình cho nhân dân hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Cuộc họp Trump-Kim lần thứ nhất đã diễn ra tại Singapore hồi tháng 6/2018, nhưng không đem lại kết quả cụ thể nào.
Cuộc chiến Nam-Bắc
Nên biết cuộc chiến Hàn Quốc bắt đầu ngày 25/06/1950, bởi cuộc xâm lăng miền Nam qua Vĩ tuyến 38, chia đôi lãnh thổ, của 75.000 quân chính phủ miền Bắc, khi ấy là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (The Democratic People’s Republic of Korea) do Nga Xô hậu thuẫn.
Quân miền Nam, Cộng hòa Đại Hàn (The Republic of Korea) được lực lượng của 16 quốc gia Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ lãnh đạo đã phản công và kết thúc cuộc chiến ngày 27/07/1953.
Cuộc chiến, tuy chỉ dài hơn 3 năm nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho cả đôi bên.
Về quân lính, căn cứ theo Bách khoa toàn thư mở :
- Hoa Kỳ : chết và bị thương 128.650 ; mất tích 4.757.
- Nam Hàn : 178.405 tử thương, 566.434 bị thương và 32.25 mất tích.
- Bắc Hàn : từ 398.000 đến 533.000 chết, 686.500 bị thương và 145.000 hay cao hơn mất tích.
Tổng số thường dân của cả hai bên chết và bị thương ước tính 2,5 triệu người.
Tuy chiến tranh giữa người Hàn đã kết thúc 66 năm, tính từ 1953 đến 2019, nhưng hai miền Nam-Bắc vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chỉ có "Hiệp định ngưng bắn" mà không có "Hiệp định hòa bình". Vì vậy có khoảng 28.000 quân Mỹ thường xuyên đồn trú ở Nam Hàn để đề phòng cuộc tấn công của Bắc Hàn.
Nhưng đe dọa lớn nhất không những cho Nam Hàn mà cả cho Nhật Bản và Hoa Kỳ là số vũ khí nguyên tử Bắc Hàn đã chế tạo và tàng trữ. Số này ước tính của Tây phương là trên 60 vũ khí nguyên tử, kể cả loại hỏa tiễn có tầm bắn xa 13.000 dặm.
Trước khi có cuộc họp ở Singapore tháng 6/2018, thỉnh thoảng Bắc Hàn vẫn cho thử nghiệm các hỏa tiễn mới bắn về phía biển Đông Á, giữa Nam Hàn và Nhật Bản khiến Thế giới lo âu, và là nguyên nhân Bắc Hàn bị Liên Hiệp Quốc, do Hoa Kỳ dẫn đầu, cấm vận.
Vì bị thế giới cấm vận, cộng với nền kinh tế lạc hậu nên Bắc Hàn phải sống nhờ vào viện trợ, nhiên liệu và khí đốt từ Trung Quốc.
Các nhà kinh tế độc lập ước tính Bắc Hàn có trên 25 triệu dân, nhưng kinh tế thuộc hạng kém mở mang, tùy thuộc phần lớn vào hầm mỏ.
Ông Ri Jong-ho, một viên chức kinh tế cao cấp của Bắc Hàn đào thoát tiết lộ tại cuộc họp của tổ chức the Asia Society tại New York năm 2017 rằng người dân Bắc Hàn không đủ ăn.
Đó là lý do mà, theo các nhà quan sát Á Châu, khiến nhà độc tài Kim Jong-un bằng lòng nói chuyện với Tổng thống Donald Trump; với hy vọng đòi được bỏ cấm vận để đổi lấy cam kết về vũ khí nguyên tử. Ông Kim cũng dự trù đòi Mỹ rút quân khỏi Nam Hàn.
Trump quên nhân quyền
Bắc Hàn là một nước khép kín với thế giới bên ngoài, nhưng các vụ đàn áp dã man những ai có hành động hay tư tưởng chống đối, từ thời Kim Nhật Thành (Kim Il-sung, ông nội của Kim Jong-un), qua đến người Bố là Kim Jong-il, đã bị lộ ra ngoài bởi những nạn nhân đào thoát khỏi Bắc Hàn.
Họ nói chính phủ Bắc Hàn đã thiết lập nhà tù nhiều hơn trường học, nhưng từ sau những tuyên bố quan ngại về những vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn cuối năm 2017, ông Donald Trump và tòa Bạch Ốc đã có thái độ im lặng về các vi phạm nhân quyền của Bắc Hàn, theo báo Washington Post, ngày 26/02/2019.
Đó cũng là trường hợp của Việt Nam trong cuộc họp của ông Trump với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm 27/02/2019.
Theo báo của nhà nước Việt Nam, ông Trump đã tỏ ra "ấn tượng về lòng hiếu khách của người dân và sự phát triển rất ấn tượng của Việt Nam".
"Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới… Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có tình hình Biển Đông… Tổng thống Donald Trump cảm ơn và đánh giá rất cao sự chủ động và thiện chí của Việt Nam trong việc cung cấp địa điểm cho Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai ; khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò tích cực tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực quan trọng này" (QĐND, 27/02/2019).
Các báo-đài khác của Việt Nam cũng đưa tin tương tự.
Như vậy, điều mà nhiều người Việt Nam tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước và hải ngoại trông đợi ông Trump sẽ đề cập vấn đế nhân quyền và đòi trả tự do cho hơn 100 tù nhân chính trị đang bị giam cầm đã không xẩy ra.
Cũng bị gạt ra ngoài là lá thư của 3 Dân biểu Alan Lowenthal (Dân chủ), Chris Smith (Cộng hòa), và Zoe Lofgren (Dân chủ) yêu cầu ông Trump cần quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam khi ông có mặt ở Hà Nội.
Ngược lại, ông Trung đã cùng chứng kiến với ông Trọng trong buổi lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai nước.
Theo tin của phía Việt Nam thì :
"Hãng hàng không Bamboo Airways (thuộc tập đoàn FLC) đã ký thỏa thuận mua 10 máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trị giá gần 3 tỷ USD với Tập đoàn Boeing (Mỹ).
Hãng hàng không Vietjet cũng ký hợp đồng mua 100 tàu bay Boeing 737 Max với giá trị 12,7 tỷ USD, đồng thời ký kết thỏa thuận về dịch vụ dài hạn bảo dưỡng động cơ máy bay với Tập đoàn GE trị giá 5,3 tỷ USD".
Như vậy là phía Việt Nam đã chi ra tổng cộng 21 tỷ dollars để mua hàng Mỹ trong chuyến đi Việt Nam của ông Trump. Báo chí Việt Nam còn viết :
"Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông đánh giá cao việc Việt Nam tin chọn và cân nhắc mua các thiết bị quân sự của Mỹ mà theo ông là các thiết bị quân sự tốt nhất thế giới hiện nay".
Cho đến nay, Nga là nước bán nhiều vũ khí nhất cho Việt Nam.
Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 29 đến 31/05/2017, Việt Nam đã bỏ ra "gần 15 tỷ USD, chủ yếu từ nhập khẩu các thiết bị dịch vụ từ Hoa Kỳ"
Như vậy, khi Việt Nam khoe Hà Nội là thành phố hòa bình thì họ lại quên lịch sử đã chứng minh nơi đây cũng là chỗ bắt đầu các quyết định xua quân xăm lăng Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1960.
Còn về "hòa giải" thì khi Ban Tuyên giáo hồ hởi tự khoe "Việt Nam là nơi hòa giải" thì lại không biết, sau 44 năm kết thúc cuộc chiền huynh đệ tương tàn, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ôm hận thất bại với Nghị quyết 36 (26/03/2004) về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài".
Phạm Trần
(28/02/2019)
Đảng cộng sản Việt Nam và giới khoa học lịch sử có tham vọng viết lại lịch sử dân tộc từ thời cổ đại đến hiện đại, nhưng liệu họ có dám sòng phẳng và công bằng với 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn không ?
Bộ Lịch sử Việt Nam mới này gồm bốn tập, in khổ 30cm x 20cm khá dày, hơn 3.000 trang.
Thắc mắc đưa ra dựa trên những bằng chứng không trong sáng và thiếu đầy đủ của Sử liệu đương thời phổ biến liên quan đến những biến cố nổi bật gồm :
- Cuộc Cải cách Ruộng đất ở miền Bắc trong giai đoạn 1953-1960 ;
- Vụ án Nhân văn Giai Phẩm từ 1955 đến 1958 ;
- Cuộc chiến xâm lăng miền Nam của Đảng cộng sản Việt Nam ;
- Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế ;
- Cuộc chiến Hoàng Sa giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc năm 1974 ;
- Đánh Tư sản mại bản ở miền Nam sau năm 1975 ;
- Cưỡng bách người của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đi học tập-lao động ;
- Nạn thuyền nhân chạy thoát cộng sản ;
- Cuộc chiến Biên giới Việt-Trung từ 17/02/1979 đến tháng 6 năm 1989.
- …
Che đậy lịch sử
Theo tin chính thức phổ biến ngày 12/02/2019 tại Hà Nội, Bộ Lịch sử Việt Nam, hay còn gọi là Quốc sử sẽ có hơn "300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn".
Báo VnExpress ngày 12/02/2019 viết :
"Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, Phó Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử ; 5 tập biên niên sự kiện ; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.
Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại ; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học...
Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện ; được Đảng lãnh đạo, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố Giáo sư Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm" như cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, Cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân"...
Cải cách ruộng đất
Nhưng điều được gọi là những "khoảng trống lịch sử" , trong đó có ghi lại nhiều tội ác của Đảng cộng sản Việt Nam trong chiến dịch cải cách ruộng đất, đã không hề được nói tới trong sách "Việt Nam-Những sự kiện lịch sử (1945-1975).
Trong thời gian tháng 07/1956, sách này viết trong mục "Hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc", như sau :
"Trung tuần tháng 7, Ủy ban Cải cách ruộng đất Trung ương báo cáo tổng kết đợt V, đợt cuối cùng của công tác cải cách ruộng đất trước Hội đồng chính phủ. Hội đồng chính phủ nhận định công cuộc vận động cải cách ruộng đất căn bản hoàn thành ở miến Bắc. Ruộng đất đã về tay nông dân. Hơn mười triệu nông dân lao động đã làm chủ nông thôn.
Tuy nhiên trong quá trình cải cách ruộng đất, ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến, kéo dài. Nguyên nhân sai lầm là không nắm vững những biến đổi về sở hữu ruộng đất, vế giai cấp địa chủ và chế độ phong kiến ở nông thôn. Mặt khác do không nắm vững đường lối độc lập tự chủ, áp dụng máy móc những kinh nghiệm của nước ngoài, cường điệu tính chất đấu tranh giai cấp, nến đánh nhầm vào nội bộ nông dân. Tháng 4/1956, Đảng đã phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và có chỉ thị sửa chữa những sai lầm ấy. Ngày 18/08, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ, nói rõ thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Người nhấn mạnh : "Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm những sai lầm, khuyết điểm ấy và đã có kế hoạch kiên quyết sửa chữa nhắm đoàn kết cán bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, đẩy mạnh sản xuất".
Nạn nhân Nguyễn Thị Năm
Tuyệt nhiên bài viết không nói đến số nông dân vô tội bị oan khiên trong đấu tố khép tội là địa chủ, cường hào ác bá, kẻ thù của nông dân. Không có con số chính thức về những người bị hại, nhưng Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) ghi lại :
"Theo tuần báo Time ngày 1 tháng 7 năm 1957 thì khoảng 15.000 người đã bị xử bắn.
Theo Gareth Porter : từ 800 đến 2.500 ; theo Edwin E. Moise (sau một công cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn) : vào khoảng 5.000 ; theo giáo sư sử học James P. Harrison : vào khoảng 1.500 cộng với 1.500 bị cầm tù.
Theo soạn giả Arthur Dommen thì cho rằng tính đến năm 1956 có khoảng 32.000 người bị hành hình trong vụ cải cách ruộng đất.
Vũ Thư Hiên (nhà văn) cho rằng con số người bị xử bắn là ít hơn con số 15.000 dẫn ở trên rất nhiều, tuy vậy ông chỉ có thể ước tính, chứ không có số liệu hoặc tài liệu nào cụ thể :
"Người ta thường nói tới con số khoảng 15.000 người. Tôi nghĩ con số có thổi phồng. Trong tài liệu của Bernard Fall và Wesley Fishel con số còn được đẩy tới 50.000. Nếu tính tổng số xã đã cải cách ruộng đất là khoảng 3.000, mỗi xã có trung bình một hoặc hai người bị bắn, bị bức tử, bị chết trong tù (những xã có số người bị bắn lên tới ba hoặc bốn rất ít gặp, có những xã không có ai bị) thì số người chết oan (kể cả trong Chỉnh đốn tổ chức, tính cả người bị bức tử) nằm trong khoảng từ 4.000 đến 5.000 người. Nói chung, đó cũng là đoán phỏng. Chẳng bao giờ chúng ta biết được con số chính xác nếu không có một cuộc điều tra khoa học".
Nạn nhân bị vu oan cáo vạ và bị ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam phản bội tiêu biểu nhất là bà Nguyễn Thị Năm (1906–9/7/1953, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội). Theo tài liệu công khai, bà là một địa chủ có công đóng góp tài sản cho Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc cải cách ruộng đất, bà bị nông dân địa phương đấu tố là địa chủ gian ác và bị xử bắn.
Bách khoa toàn thư mở viết tiếp :
"Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt , Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị.
Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cố vấn Trung Quốc cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại" và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra "xử lý". Bà bị lên án với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác".
Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B trên báo Nhân dân ngày 21/07/1953 có kể tội bà là "làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hằng chục nông dân"... Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác".
Theo hồi ký Trần Huy Liệu, lúc đó là ủy viên thường trực Quốc hội, thanh tra Cải cách ruộng đất tại Thái Nguyên, thì cuộc đấu tố bà Năm được tổ chức ngày 22/05/1953, với sự tham dự của gần 1 vạn người dân địa phương. Cũng theo ông Liệu, hai con trai của bà Năm lúc đó cũng bị đấu tố.
Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được người dân địa phương gán ghép, bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29/05 âm lịch (tức 9/7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất"...
Bà Năm bị đem ra trước công chúng đấu tố ba lần trước khi đem đi xử bắn.
"Theo Hoàng Tùng viết trong hồi ký Những kỷ niệm về Bác Hồ thì : Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc".
Như vậy thì "khoảng trống lịch sử" về trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh trong vụ án bà Nguyễn Thị Năm có được viết lại đầy đủ không, hay vẫn tiếp tục giữ thái độ im lặng thất đức đối với vong linh bà Năm như hiện nay, khi nhà nước vẫn không trả lời đơn khiếu nại của gia đình yêu cầu phục hồi danh dự cho bà.
Và liệu nhà thơ "sắt máu" Tố Hữu có bị liên lụy tinh thần đối với những cái chết oan của nhiều nông dân qua những câu thơ, chưa hề bị ông phủ nhận, đã hô hào chém giết trong cuộc cải cách ruộng đất :
"Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt".
Nhân Văn - Giai Phẩm
Về phong trào này, Bách khoa Toàn thư mở ghi :
"Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm là một phong trào được cho là có xu hướng chính trị, đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, dưới chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi xướng đầu năm 1955 và bị chính thức kết thúc vào tháng 6 năm 1958.
Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa xem đây là phong trào chống chính quyền của một nhóm trí thức do bị tình báo nước ngoài được cài ở miền Bắc lôi kéo, nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, phủ nhận quyền lãnh đạo chính trị và nhà nước duy nhất của Đảng Lao động Việt Nam, gây phương hại đến sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cơ quan ngôn luận của phong trào này là Nhân Văn, một tờ báo văn hóa, xã hội, có trụ sở tại 27 Hàng Khay, Hà Nội, do Phan Khôi làm chủ nhiệm và Trần Duy làm thư ký tòa soạn, cùng với tạp chí Giai Phẩm, hình thành nên nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm do Hoàng Cầm và Lê Đạt chủ trương.
Ngày 15 tháng 12 năm 1956, Ủy ban hành chính Hà Nội ra thông báo đóng cửa báo Nhân Văn.
Tổng cộng Nhân Văn ra được 5 số báo và Giai Phẩm ra được 4 số báo (tháng Ba, tháng Tư, tháng Mười và tháng Chạp 1956) trước khi bị đình bản.
Nhưng nhiều người đương thời kết luận nhà báo, nhà lý luận Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) mới là linh hồn của Phong trào này. Vì vậy, ông đã bị kết án 15 năm tù vì tội kích động bạo loạn trong vụ án Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm.
Bách khoa Toàn thư mở viết :
"Ông bị biệt giam ở Hà Giang, được phóng thích 1973 theo Hiệp định Paris, Nguyễn Hữu Đang là người Việt Nam duy nhất không nghe tiếng máy bay, không biết có chiến tranh Việt-Mỹ".
Đao phủ Tố Hữu
Người đứng đầu chiến dịch tiêu diệt nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm là nhà văn, nhà Thơ Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền.
Theo tài liệu phổ biến, Tố Hữu, một trong số cán bộ cực kỳ giáo điều và cực đoan đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau :
"Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm. Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy, thật sự đủ mặt các loại "biệt tính" : từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ"…
Tuy nhiên, vào tháng 02/2007, nhà nước cộng sản Việt Nam đã bất ngờ trao Giải thưởng cho các nhà thơ Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Cầm vì các tác phẩm "có giá trị cao về văn học nghệ thuật, ca ngợi đất nước, nhân dân, góp phần xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc". Mỗi giải được kèm theo 60 triệu đồng.
Nhà văn Đỗ Chu - thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học - được báo trong nước dẫn lời xác nhận Giải thưởng được xem là "lời xin lỗi của anh em đối với các anh".
Trả lời báo điện tử VietnamNet, nhà thơ Lê Đạt nói : "Đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không".
Các văn nghệ sĩ có dính đến Nhân Văn-Giai Phẩm đều bị kỷ luật. Mặc dù trên văn bản chỉ ghi khoảng hai, ba năm, nhưng thực tế, đa số bị treo bút, cô lập suốt 30 năm cho đến ngày Việt Nam tiến hành Đổi Mới năm 1986, theo tài liệu phổ biến.
Xâm lăng miền Nam
Tiếp theo, lịch sử cũng cần minh bạch tại sao miền Bắc (Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa) đã gửi quân xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa để gây ra cuộc nội chiến đẫm máu từ 1954 đến 1975 ?
Những người viết sử cũng cần soi mặt vào gương trước khi viết về vai trò của Quân đội Mỹ và các nước đồng minh khác tham chiến bên cạnh Quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đội quân ngoại quốc này có "chiếm đóng lãnh thổ" Việt Nam không ? Và người dân miền Nam có bao giờ là nộ lệ hay bị họ bóc lột như tuyên truyền bịa đặt và vô căn cứ của miền Bắc ? Và liệu nhân dân miền Nam có cần ai "giải phóng" không, hay chính nhân dân miền Bắc, trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội thời bấy giờ, mới cần được "giai phóng" để được sống làm người tử tế ?
Ngoài ra, trong cuộc chiến do miền Bắc chủ đạo này, đã xẩy ra vụ thảm sát trên 5.000 người dân vô tội ở mặt trận Huế-Thừa Thiên trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Nhiều nhân chứng xác nhận có bàn tay của lính cộng sản miền Bắc và du kích địa phương chủ động.
Thế mà trong sách "Những sự kiện lịch sử 1945-1975" của Viện Sử học chỉ viết có mấy dòng : "Ở Huế ta làm chủ thành phố 25 ngày, thành lập chính quyền cách mạng".
Trong khi đó, đối với vụ Mỹ Lai, Sách này ghi :
"Đế quốc Mỹ gây ra vụ thảm sát lớn ở Sơn Mỹ : Tại xã Sơn Mỹ (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Ngày 16/03/1968, lính Mỹ thuộc Lữ đoàn 82 mở cuộc hành quân "giết sạch, đốt sách, phá sạch", giết hại 502 người, hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Dư luận trong nước, dư luận thế giới, kể cả dư luận Mỹ đã nghiêm khắc lên án tội ác vô cùng dã man này".
Hoàng Sa - Trường Sa
Về cuộc chiến Hoàng Sa giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và quân Trung Quốc, sách này ghi :
"Ngày 19/01/1974 :
Trung Quốc cho hải quân tiến đánh quân ngụy Sài Gòn và chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 20/01/1974 :
Trung Quốc cho máy bay ném bom xuống ba đảo Hữu Nhật, Quang Anh và Hoàng Sa, sau đó quân Trung Quốc đánh chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Đồng thờ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố về tình hình quần đảo Hoàng Sa để biện hộ hành động của họ.
Đại diện chính quyền Sài Gòn tại Liên Hiệp Quốc gửi Công hàm thông báo hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc tại Hoàng Sa cho Hội đồng Bảo an và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc. Chính quyền Sài Gòn thông báo tình hình Trường Sa cho các bên ký Định ước Pari và các nước khác trên thế giới.
Ngày 1/2/1974 :
- Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố ba điểm nhân việc Trung Quốc đánh chiếm phía tây quần đảo Hoàng Sa.
- Qua Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Hummơ, Mỹ thông báo cho Sài Gòn biết họ không quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa.
Cùng ngày, Sài Gòn cho quân tăng cường đến quấn đảo Trường Sa. Trung Quốc cho rằng hành động đó là khiêu khích đối với Trung Quốc".
Cính phủ miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) khi ấy đã không nói gì về biến cố Hoàng Sa, nơi có 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc.
Sau đó, ngày 14/03/1988, quân Trung Quốc đã đánh chiếm Gạc Ma và 6 bãi, đá trong quần đảo Trường Sa gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, và Châu Viên. Có 64 người lính của cộng sản Việt Nam giữ đảo bị tử thương trong cuộc giao tranh với quân Trung Quốc.
Vậy mà Viện Sử học Việt Nam đã không ghi dòng nào trong sách "Những sự kiện lịch sử (1945-1975)".
Liệu những người viết sử của Việt Nam có can đảm giải thích tại sao Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam đã có hành động phản bội xương máu và vong ơn bội nghĩa những người con dân nước Việt đã hy sinh xương máu chống quân xâm lược phương Bắc ở Hoàng sa và Trường Sa ?
Đi tù - Thuyền nhân
Họ (những người viết sử) cũng cần phải công minh ghi lại những thảm cảnh mà đồng bào miền Nam đã phải gánh chịu đối với những quyết định phá hoại nền kinh tế miền Nam của đảng qua chủ trương đánh Tư sản mại bản năm 1977 ; đốt sách và tiêu diệt Văn hóa nhân bản của miền Nam ; bắt đi tù gọi là "cải tạo" hàng trăm ngàn quân nhân, công chức và trí thức miền Nam khiến cho nhiều gia đình tan nát và nhiều người chết trong tù, kể cả những người nổi tiếng như nguyên Thủ tướng Phan Huy Quát, nguyên Phó Thủ tướng Trần Văn Tuyên, Thi sĩ Vũ Hoàng Chương v.v…
Và khi nói đến nạn thuyền nhân thì lịch sử cũng phải nói cho rõ ai đã gây ra thảm cảnh trên Biển Đông cho những người phải bỏ nước ra đi ? Sóng to, gió bão và nạn hải tặc đã làm cho nhiều chục ngàn người mất xác trên Biển Đông chỉ xẩy ra khi họ phải liều chết để làm thuyền nhân tìm đường tị nạn cộng sản để được tự do.
Cuối cùng, khi viết về Cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc trong giai đoạn 1979-1989, những nhà sử học cộng sản cũng cần minh bạch giữa bạn và thù. Họ không thế lấy cớ "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" để ngụy biện cho âm mưu "quên đi quá khứ đau thương" để bảo vệ cho thứ quyền lợi phản quốc của những kẻ nội thù lúc nào cũng hô hào "vừa là đồng chí, vừa là anh em" trong tinh thần 16 vàng, 4 tốt : "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Nhưng nếu mãi tới 40 năm sau mà sách sử của Việt Nam chỉ đẻ được mấy dòng sơ sài về cuộc chiến đã nhuốm máu ngót 50.000 chiến sĩ và đồng bào, không kể khoảng 4.000 người lính còn bị "mất tích" ở chiến trường Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang) thì thất đức biết chừng nào ?
Hãy đọc nguyên văn :
"5 giờ sáng ngày 17/2/1979, 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt vượt biên giới kéo dài 1.400 km tiến vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, điều động 9 quân đoàn chủ lực ; 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và xe thiết giáp tiến sâu vào đất Lạng Sơn, Lai Châu 10 – 15 km, vào Cao Bằng 40 - 50 km.
Quân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 địch, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy 550 xe quân sự trong đó có 280 xe tăng, xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo và súng cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí, bắt nhiều tên xâm phạm lãnh thổ Việt Nam".
(Trích "Lịch sử Việt Nam", tập 14, trang 355 )
Đó là lý do mà Giáo sư sử học Phạm Hồng Tung, hiện đang giảng dạy tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã phát biểu :
"Thanh niên, học sinh Việt Nam cứ đến ngày 7/5 lại nghe thấy những bài hát về Điện Biên Phủ, tuyên truyền về kháng chiến chống Pháp ; cứ đến ngày 30/4 lại nghe tuyên truyền rất nhiều về kháng chiến chống Mỹ… Nhưng những người đã hi sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc và phía Tây Nam (biên giới Việt Nam-Campuchia) lại rất ít được nhắc đến.
Ông Tung, người Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể nói :
"Trong nhà trường, việc giáo dục về nội dung lịch sử này lại cũng sơ sài – cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới phía Bắc năm 1979 chỉ được đề cập đến với 4 câu, 11 dòng tại sách giáo khoa Lịch sử lớp 12.
Trong khi chúng ta nghĩ rằng vì mục đích hòa bình, hữu nghị hợp tác nên "gạt quá khứ" sang một bên, có phần e dè khi nhắc đến quá khứ. Nhưng ở phía bên kia biên giới, thanh niên Trung Quốc vẫn đang được dạy một chiều về sự kiện đã diễn ra, rằng đó là "cuộc chiến tranh phản kích chống Việt Nam để tự vệ" (phản Việt phòng vệ chiến tranh) nhằm trừng phạt "tiểu bá" Việt Nam vong ân bội nghĩa, tay sai của Liên Xô".
Nhà giáo này kết luận :
"Chính sự khác nhau trong nhận thức và trình bày lịch sử này đã trở thành một trong những ngọn nguồn của những định kiến mang nặng tính chất kỳ thị và thù địch, nếu gặp những điều kiện thuận lợi, sẽ bùng phát thành hận thù và xung đột. Điều này thật sự nguy hiểm".
(VietNamNet, 13/02/2019)
Nhưng những người viết Sử và dạy Sử của nhà nước cộng sản Việt Nam cũng cần biết rằng, nếu chẳng bao giờ giới trẻ Việt Nam hiểu được tại sao chiến tranh giữa người Việt với nhau đã kết thúc 44 năm mà lòng người vẫn ly tán ; hoặc tại sao miền Bắc lại đi xâm lược miền Nam để gây ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn thì lịch sử nào cũng chỉ có mùi Ngụy sử.
Phạm Trần
(21/02/2019)