Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã chu toàn nghĩa vụ bề tôi trung thành với Trung Quốc sau 40 năm chiến tranh biên giới 1979-2019.
Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979 trong sách giáo khoa Lịch sử : Để sự thật không bị bóp méo, lãng quên - Báo VTC News
Bằng chứng này được thể hiện qua 3 hành động :
Ngược lại, trong lần kỷ niệm 40 năm chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược năm 1979, báo-đài Việt Nam đã im hơi lặng tiếng không dám hé răng, dù công khai ca tụng dân-quân Việt Nam đã đánh bại cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ của 600.000 quân Trung Quốc.
Tên húy Trung Quốc
Thứ hai, trong khi sách Sử mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát hành ngày 18/08/2017 và nhiều báo, từ năm 2018 đã được Ban Tuyên giáo cho phép viết về cuộc chiến và gọi cuộc tấn công của quân Trung Quốc vào 6 tỉnh biên giới 1979 gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu là "cuộc chiến tranh xâm lược" thì trong chính thức, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn chỉ dám gọi đó là "cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc".
Tuy vậy Trung Quốc, thủ phạm đã xâm lược Việt Nam từ ngày 17/02 đến 05/03/1979, sau đó tiếp tục bắn phá lẻ tẻ và nã pháo mở đường cho cuộc tấn công chiếm đất lần 2 từ năm 1984 đến 1989 nhắm thẳng vào Vị Xuyên (Hà Giang), đã không hề được nói tới trong buổi lễ gọi là "cuộc gặp mặt đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc".
Bài tường thuật ngày 23/01/2019 của báo Đại Đoàn Kết, cơ quan thông tin của Mặt trận Tổ quốc cho biết Bộ Lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Ủy ban trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức buổi lễ nhỏ này tại Hà Nội.
Buổi lễ được tổ chức trong phạm vị bộ, ngành và ít được quan tâm trong dư luận, nhưng đây là lần đầu tiên trong 40 năm, Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam mới dám làm việc này. Liệu từ nay, việc làm tương tự có lan ra trong cả nước và được tiếp tục hay không thì chưa biết.
Chỉ thấy trong phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã không nhắc đến Trung Quốc là nước đã chủ động đem quân tấn công Việt Nam trước. Ngược lại, ông Mẫn đã : "Bày tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc và khẳng định : Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, gia đình liệt sĩ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam".
Nếu không phải là người Việt Nam, không ai biết ông Mẫn muốn nói đến "cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc" đã chống lại quân thù nào ?
Chương trình và sách giáo khoa cần nhắc đầy đủ về Chiến tranh bảo vệ biên giới... VTC News
Việc ông Trần Thanh Mẫn cố ý tránh né không lên án Trung Quốc đã xâm lăng, không chỉ đích danh nước láng giềng là thủ phạm gây chiến và đã để lại thảm họa cho hàng trăm ngàn dân Việt Nam của 6 tỉnh biên giới, thực ra không mới mà chỉ nhắc lại cho mọi người thấy dù nay hòa bình biên giới Việt-Trung đã vãn hồi, nhưng phía cộng sản Việt Nam rất sợ bị Trung Quốc lên án chỉ biết nuôi hận thù mỗi khi nhắc đến cuộc chiến đẫm máu biên giới 40 năm về trước.
Vậy tại sao phía cộng sản Việt Nam lo bị Trung Quốc lên án, đổ tội trong khi Việt Nam là nạn nhân của Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ chủ chiến hận thù Việt Nam đã đem quân đánh Pol Pot-Khmer đỏ, đàn em của Trung Hoa thời bấy giờ ?
Việt Nam sợ vì Trung Quốc là nước lớn, đông người và nhiều quân, vũ khí đạn dược hơn Việt Nam. Trung Quốc cũng từng là ân nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 30 năm chiến tranh chống Pháp giành độc lập và xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, nhưng gọi là "chống Mỹ cứu nước" !
Mật ước Thành Đô
Thứ ba, quan trọng hơn, vì tại Hội nghị nối lại bang giao Việt-Trung tại Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990, theo các tin loan truyền trên Internet chưa bị bên nào cải chính, thì Việt Nam đã phải chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc không được khơi lại cuộc chiến biên giới 1979 để ổn định bang giao.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ cộng sản Việt Nam tại Trung Quốc, đã có lần tiết lộ điều cam kết này của Phái đoàn Việt Nam.
Tuy vậy Bách khoa Toàn thư mở không viết gì về thỏa hiệp này mà chỉ cho biết :
"Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.
Thành phần tham dự :
- Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng,
- Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc".
Vậy liệu phía cộng sản Việt Nam còn có những thỏa hiệp bí mật bất lợi nào với Trung Quốc tại Thành Đô mà người dân chưa biết ? Chỉ thấy rõ một điều là từ năm 1999 lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã nhượng bộ Trung Quốc nhiều về biên giới, lãnh thổ và ở Biển Đông đã khiến người ta tin vào lời của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 103 tuổi, vẫn thường cảnh giác âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Bằng chứng trong suốt 40 năm qua, những việc tổ chức kỷ niệm Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới tháng 2/1979, hay các lần kỷ niệm quân Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974 và đánh chiếm Gạc Ma và 6 Bãi, Đá khác của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3/1988, đã không được nhà nước khuyến khích và thường bị ngăn chặn hay phá đám ở Hà Nội và Sài Gòn.
Thay vào đó, chỉ có các cuộc thăm viếng lẻ tẻ của thân nhân, của các cựu chiến binh hay đồng đội cũ tại các địa phương dành cho người quá cố và các chiến sĩ vô danh đã bỏ mình vì Tổ quốc.
Đặc biệt, trong khi cho phép một số báo-đài viết về trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) chống quân Trung Quốc đánh chiếm và ca tụng hy sinh của 64 tử sĩ của Quân đội Nhân dân thì đảng và nhà nước đã lạnh nhạt với cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Quốc đẫm máu và can trường của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa năm 1974. Hy sinh của 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bị Đảng lãng quên hèn hạ.
Quốc sử của ai ?
Giờ đây, sau 44 năm đảng cộng sản cai trị cả nước, nhà nước khoe sẽ tập hợp các nhà khoa học để hoàn thành 5 đề án gồm : Bộ Lịch sử Việt Nam ; Bách khoa toàn thư ; Địa chí quốc gia ; Hệ tri thức Việt số hóa ; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Theo VnExpress ngày 12/02/2019, Bộ Lịch sử Việt Nam, hay Quốc sử sẽ có hơn "300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn" :
"Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, Phó Giáo sư Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử ; 5 tập biên niên sự kiện ; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.
Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại ; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học...
Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện ; được Đảng lãnh đạo, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố Giáo sư Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm" như cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân…".
Tuy nhiên, nếu viết lại lịch sử mà chỉ dựa trên tư duy, quan điểm, tài liệu và phân tích của một bên, nhất là "bên thắng cuộc" thì "Quốc sử" chỉ còn là "Cuốc sử".
Và liệu cuộc chiến mà người cộng sản đặt tên là "chống Mỹ cứu nước", hay "giải phóng miền Nam" có cần được minh bạch với cuộc xâm lăng miền Nam của bộ đội miền Bắc, cũng như Cuộc thảm sát đồng bào Huế của quân cộng sản trong vụ Tết Mậu Thân 1968 sẽ có chỗ đứng nào trong lịch sử hay không ?
Cũng như nếu chỉ nghe ông Hồ Chí Minh nói : "Mối tình thắm thiết Việt-Trung : vừa là đồng chí, vừa là anh em" mà quên đi tính chính danh và sự thật của cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược đẫm máu tháng 2/1979 và sau đó thì vết nhơ Quốc sử sẽ tồn tại muôn đời.
Bởi vì, như Thiếu tướng Lê Mã Lương (anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) đã nói :
"Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ tổ quốc như hồi năm 1979-1988. Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình suốt dọc biên giới phía Bắc hồi năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này" (Tuần Việt Nam, 27/07/2017)
Cũng y như thế, nếu ta suy rộng ra Cuộc chiến huynh đệ tương tàn do Đảng Cộng sản Việt Nam chủ động và lãnh đạo trong 30 năm sẽ có chân nào trong Quốc sử ?
Phạm Trần
(14/02/2019)
"Các thế lực thù địch vẫn đang tìm mọi cách phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta ; chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta từ gốc, từ bên trong, hết sức thâm độc và nguy hiểm".
Theo Nguyễn Phú Trọng, Internet là một trong những thế thù địch - Nguồn : congankotum.gov.vn
Trên đây là đoạn có nội dung phản ảnh tâm trạng hoang mang cao độ nhất trong bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019) đã được phổ biến trên hệ thống báo-đài nhà nước.
Thù địch và diễn biến hòa bình
Nhưng "Các thế lực thù địch" là ai ? Chưa bao giờ ông Trọng hay Đảng cộng sản Việt Nam dám chỉ đích danh. Chỉ biết bấy lâu nay, mỗi khi nói đến tình trạng chống đảng từ trong ra ngoài, ngành Tuyên giáo do Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng đứng đầu thường cáo buộc có sự cấu kết trong-ngoài giữa "các phần tử phản động cực đoan người Việt ở nước ngoài" và "thành phần bất mãn, cơ hội" ở trong nước, nhưng không bao giờ nêu ra chứng cớ.
Lập luận này giống như kế hoạch tấn công của Tuyên giáo nhắm vào điều gọi là "diễn biến hòa bình mà cơ quan này cáo buộc là của các nước Tư bản chủ nghĩa do Mỹ cầm đầu. Theo lãnh đạo của Tuyên giáo, mục tiêu của diễn biến hòa bình là vận động và thúc đẩy các mầm mống chống đối để loại Đảng cộng sản ra khỏi chính quyền, như đã xẩy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa và Nga trong giai đoạn 1989-1991.
Nhưng sự thật là đảng cầm quyền muốn dùng hai tấm "bình phong" này để phủ nhận là cả hai "thế lực" đều xuất phát từ nội bộ đảng cầm quyền. Tai hại hơn dự liệu, dù đã xây dựng và chỉnh đốn từ khóa đảng XI (2011-2016), nhưng trận cuồng phong "suy thoái tư tưởng chính trị", "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" nay không còn giới hạn trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên mà đã lây sang cả Quân đội và Cộng an, hai lực lượng rường cột bảo vệ đảng.
Chỉ thị theo dõi tư tưởng cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an và nhân dân đã được học tập trong cả nước. Các biện pháp đề phòng, ngăn ngừa và phản ứng kịp thời, đặc biệt tại những "điểm nóng", đã được chỉ đạo từ trung ương xuống cơ sở.
Đó là lý do ông Nguyễn Phú Trọng đã thừa nhận trong bài viết : "Công tác xây dựng Đảng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhất là việc đấu tranh chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ; tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân…".
Để cứu đảng, ông Trọng khuyến cáo :
"Trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền, hoạt động trong môi trường phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập ; cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với hàng và tiền, gắn liền với lợi ích cá nhân, đối mặt với bao cám dỗ, với mặt trái của cơ chế thị trường, chúng ta càng phải chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng. Nếu không nhận thức sâu sắc điều này, nếu cán bộ, đảng viên không tích cực và kiên trì rèn luyện thì rất dễ bị thoái hoá, biến chất. Vấn đề giữ vững bản chất của Đảng - là một Đảng Cộng sản, đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân là vấn đề hết sức cơ bản và quan trọng".
Viết ra tư tưởng giáo điều như nước chảy của mình như thế, nhưng người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam quên rằng sau lưng những chững ngôn ngữ tự bốc thơm mình như "đảng cách mạng chân chính, hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân" là một chuỗi dài giả tạo và mạo nhận ?
Thành công hay thất bại ?
Trước hết, nếu "chân chính" thì hãy can đảm hỏi dân xem họ có đồng ý như thế không. Bởi vì chân chính phải có đạo lý dân tộc. Nhưng lịch sử đã chứng minh Đảng cộng sản Việt Nam, do ông Hồ Chí Minh thành lập và lãnh đạo từ 1930 đến khi ông qua đời năm 1969, và về sau là trách nhiệm của người người thừa kế, đã đẩy dân tộc vào 2 cuộc chiến tranh dài 30 năm (1945-1975) , gọi là chống Pháp giành độc lập (1945-1954) và chống Mỹ cứu nước (1954-1975).
Vậy có ai biết bao nhiêu xương máu của người Việt đã đổ ra để cho Đảng cộng sản Việt Nam giành được thắng lợi cuối cùng ngày 30/04/1975 bằng lương thực và vũ khí của khối cộng sản Nga-Tầu ? Và liệu chiến thắng trên chiến trường có bù đắp được những tổn thương vì chia rẽ vùng, miền và hận thù dân tộc vẫn đang dai dẳng đeo đuổi từ thế hệ này qua thế hệ khác ?
Theo ước tính của Thế giới, có khoảng từ 2 đến 4 triệu người Việt Nam đã bị thiệt mạng trong 2 cuộc chiến huynh đệ tương tàn do Đảng cộng sản Việt Nam chủ động. Tổn thất vật chất là vô kể, nhưng đỗ vỡ về tinh thần của dân tộc sẽ chẳng bao giờ có thể hàn gắn được chừng nào Đảng cộng sản Việt Nam vẫn tồn tại.
Đó là chưa kể đến tổn thất của hàng trăm ngàn con người và tài sản mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong hai cuộc chiến với Pol Pot-Khmer đỏ ở biên giới Tây Nam và trên lãnh thổ Campuchia (1975-1989) và với quân Trung Quốc ở biên giới phía bắc từ 1979 đến 1990.
Thêm vào đó, còn có ước tính mấy chục ngàn con người vô tội đã bỏ mình ở Biển Đông trên đường chạy trốn cộng sản để vượt biển tìm tự do, và gần 4 triệu người Việt khác đã phải sống lưu vọng trên thế giới từ sau ngày quân cộng sản chiếm miền Nam năm 1975.
Đó là lý do tại sao, từ mấy năm qua, vô số cán bộ, đảng viên đã phẫn nộ để "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" nhằm gửi một thông điệp cho lãnh đạo đảng. Trong nhiều trường hợp, lãnh đạo đảng nhìn nhận đã có rất nhiều đảng viên chán đảng, bỏ sinh hoạt đảng, tự ra khỏi đảng và công khai chống đường lối cai trị độc tài và độc tôn của đảng dựa trên nền tảng của Chủ nghĩa cộng sản vô thần, ngoại lai. Trong khi tầng lớp thanh niên, lớp người từng được hy vọng là kế thừa của đảng cũng đã chán đảng và tìm cách không gia nhập đảng, đoàn.
Đó là hậu quả nhãn tiền sau 89 năm Đảng cộng sản có mặt trên đất nước hiền hòa và nhân hậu Việt Nam.
Nhưng đối với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người cực kỳ giáo điều và cuồng tín chủ nghĩa cộng sản thì vẫn cứ nói bừa trong bài viết kỷ niệm 89 năm có đảng rằng :
"Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác".
Viết vung vít như thế nhưng ông Trọng có biết đảng của ông đang bị nhân dân lên án và nguyền rủa vì những hành động sai lầm đã gây thảm họa cho dân tộc nhường nào không ?
Do đó khi ông khoe Đảng cộng sản đã "hoạt động vì sự nghiệp của giai cấp công nhân, của dân tộc, vì lợi ích của nhân dân" là ông muốn che đi mặt trái của đồng tiền giả vì lịch sử đã chứng minh đảng chỉ biết lo cho quyền lợi của mình và luôn luôn đặt lợi ích của mình trên quyền lợi của dân tộc.
Nếu không thì lại sao lại cấm dân ra báo để độc quyền dư luận ? Không chấp nhận đảng đối lập để độc quyền cai trị. Không cho dân tự do ứng cử vào các chức vụ Đại biểu nhân dân mà chỉ duy trì chủ trương "đảng cử dân bầu" phản dân chủ ?
Kiên định cái gì ?
Và tại sao ông Nguyễn Phú Trọng lại kiên định Chủ nghĩa phá sản cộng sản ngoại lai và buộc cán bộ, đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo then chốt phải làm theo để đầy đọa dân tộc ?
Và vì ai mà ông kiện định "đổi mới nhưng không đổi màu", "hội nhập mà không hòa tan" để duy trì chủ trương "đổi mới kinh tế" nhưng "không đổi mới chính trị" y hệt như chính sách của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ?
Cụ thể ông nói :
"Đảng ta kiên định chỉnh đốn để đổi mới, xây dựng, chứ không phải "đổi màu", không làm thay đổi bản chất của một Đảng cách mạng chân chính. Đây là công việc rất quan trọng, cơ bản, lâu dài, đầy khó khăn, phức tạp, nhưng chúng ta phải kiên trì, kiên quyết làm, không lúc nào nghỉ ngơi, vì đây là nhân tố quyết định bảo đảm cho sự thành công, thắng lợi của cách mạng nước ta".
(Quân đội Nhân dân, 30/01/2019)
Do đó, sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy ông tự ca thành công về kinh tế trong năm 2018 là do biết đoàn kết trong đảng, và vì giữ được :
"Truyền thống trung thành vô hạn với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là truyền thống giữ vững độc lập, tự chủ về đường lối ; nắm vững, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin".
Nhưng cũng chính ông Trọng đã nói với tổ soạn thảo hiến pháp vào ngày 23/10/2013 rằng : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa ?"
Sự hoài nghi của ông Trọng đã nói lên nhiều điều, trong đó quan trọng nhất là ông cũng lơ-tơ-mơ về cái đích mà chính đảng của ông đã định mốc cho toàn dân đi theo. Chẳng hạn như đảng cứ lải nhải mãi câu kinh kệ "chủ trương nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", nhưng Kinh tế cộng sản đã ngã gục trước Kinh tế tư bản từ lâu rồi.
Vì vậy ông quên viết khi kỷ niệm 89 năm có đảng là các nước láng giềng phồn thịnh Châu Á như Nam Hàn, Nhật Bản, Mã Lai Á, Tân Gia Ba, Thái Lan có cần phải theo Chủ nghĩa cộng sản đâu mà nhân dân họ vẫn hạnh phúc và kinh tế vẫn phát triển phồn thịnh ?
Bằng chứng như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tại buổi chia sẻ tầm nhìn 2019 ngày 30/01/2019 rằng :
"Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người đứng 138/188 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức chỉ ngang bằng GDP bình quân đầu người của Malaysia cách đây 20 năm, của Thái Lan cách đây 15 năm và Indonesia cách đây 10 năm".
Ông nói thêm :
"Đất nước ngày càng lớn mạnh nhưng so với quốc tế chưa thấm gì. Cách đây 40 năm Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan đều như Việt Nam, nhưng đến nay họ đi nhanh hơn và phát triển như vũ bão. Ta vẫn ở mức độ thường thường bậc trung".
(Tuổi Trẻ, 30/01/2019)
Trong khi đó ông Trọng khoe chủ trương "đốt lò" đẹp tham nhũng của ông đã đạt nhiều thành công như :
"Tính từ sau Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 5 Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, thậm chí có 1 Ủy viên Bộ Chính trị đã bị khai trừ ra khỏi Đảng và lĩnh án 30 năm tù ; 11 đồng chí nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng đã nghỉ hưu cũng bị xử lý kỷ luật. Đây là bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước và của toàn hệ thống chính trị, góp phần quan trọng củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng".
Nhưng vào ngày 29/01/2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International- TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2018, cho biết Việt Nam chỉ đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu.
Theo TI, các chỉ tiêu minh mục của Việt Nam năm 2018 giảm 2 điểm so với năm 2017. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu là những khảo sát quốc tế độc lập, theo công bố của tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency-TT) cũng hôm 29/01, cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam".
Tuy về mặt thống kê, việc giảm điểm này của Việt Nam được xem là không đáng kể, nhưng, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, thì tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được xem là "rất nghiêm trọng", theo TT (VOA, 01/02/2019).
Vì tin của Tổ chức Minh bạch Quốc tế không có lợi cho lời khoe của ông Trọng nên báo đài nhà nước đã bị cấm không đăng.
Như vậy thì dân tin đảng "làm láo báo cáo hay", hay tin vào những người "nói thật mất lòng" khi câu hỏi 89 năm có Đảng được nêu lên thì mấy mươi năm nhân dân đã máu đổ thịt rơi ?
Phạm Trần
(06/02/2019)
Chưa bao giờ mà cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và một số lãnh đạo chủ chốt Bộ Chính trị đã phải cùng lượt lên tiếng báo động về nguy cơ suy thoái trong nội bộ, đồng thời khuyến cáo phải phòng ngừa "bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch".
Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Ngành Nội chính Đảng ngày 22/01/2019 tại Hà Nội.
Hiện tượng này xuất phát từ các diễn văn, phát biểu và bài viết cuối năm 2018 về công tác xây dựng đảng và tuyên giáo-báo chí.
Nội dung bao gồm nhiều lĩnh vực, nhưng vẫn tồn tại đứng đầu là tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên, kể cả những người đã nghỉ hưu và cựu chiến binh. Do đó cách dùng chữ trong diễn văn hay cách trình bày lần này gay gắt hơn.
Những câu chữ thường được sử dụng gồm : "không cho phép ai làm trái quan điểm, Cương lĩnh, đường lối của Đảng" ; "cần kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ; không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ ; tuyệt đối không được chủ quan và để bị động bất ngờ, đặc biệt đối với các địa bàn chiến lược, trọng điểm cũng như trong lĩnh vực diễn biến hòa bình…".
Nội chính - Ngoại nhập
Đứng đầu và nói nhiều vẫn chỉ một mình ông Trọng. Ông khuyến cáo cán bộ ngành Nội chính phải :
" Tham mưu kiểm tra, giám sát việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không ? Có bị tác động, hướng lái chính sách theo giá trị "tự do, dân chủ" của các thế lực thù địch, chống đối không ?… Các đồng chí phải "gác gôn" cho Đảng trên lĩnh vực này, không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng".
(Diễn văn tại Hội nghị ngành Nội chính Đảng, ngày 22/01/2019, tại Hà Nội).
Theo phân công thì Ban Nội chính là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Nếu Nội chính mà để cho đảng viên bị nhiễm trùng phản đảng từ bên ngoài, nhất là của "các thế lực thù địch" mà chính đảng cũng không biết từ đâu tới, hay do ai chủ động thì nguy to. Do đó, ông Trọng đã yêu cầu Nội chính phải :
"Nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn ; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm ; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh "điểm nóng", bị động, bất ngờ".
Nhưng khi nói đến an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là ông Trọng muốn ám chỉ đến những liên hệ không tốt với đảng của một số sắc tộc trên Tây Nguyên có gốc Lực lượng Fulro và vùng Tây bắc lãnh thổ Việt-Lào. Tại hai vùng lãnh thổ nhạy cảm này, người dân tộc Tây Nguyên vẫn thường là nạn nhân của kế hoạch chiếm đất có hệ thống của cán bộ, đảng viên người Kinh (thuần Việt). Trong khi "người dân tộc" sống giáp ranh với Lào, đặc biệt dân tộc H’Mông lại là nạn nhân của kỳ thị tôn giáo và tập quán nên hay xẩy ra những xung đột với chính quyền.
Về điều được gọi là "an ninh tôn giáo" và "điểm nóng" thì, tuy ông Trọng không nói ra nhưng ai cũng biết đảng luôn luôn muốn coi chừng để biết những người có đạo, hay công nhân lao động có trung thành với đảng không ?
Do đó, công tác gọi là "tôn giáo vận" và "công tác công đoàn" đã được giao cho Bộ Công an quản lý theo dõi chặt chẽ. Những người theo đạo Công giáo, đặc biệt tại hai Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh (mới thành lập ngày 22/12/2018) ở miền Trung đã bị đặt vào khung "an ninh tôn giáo" để theo dõi, sau khi các tín đồ và một số linh mục lãnh đạo đã xuống đường chống Formosa trong vụ công ty này xả thải làm chết cá và hủy hoại môi trường biển trong khu vục 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế hồi tháng 04 năm 2016.
Ngoài ra quan hệ giữa Chính quyền cộng sản với Giáo hội Công giáo không tốt đẹp trong các vụ nhà nước chiếm đất Nhà Thờ đã xẩy ra tại Hà Nội (điển hình là vụ Thái Hà, đất Tòa Khâm Sứ), Sài Gòn (vụ Thủ Thiêm, Nhà dòng Chúa Cứu Thế), Vĩnh Long (dòng Thánh Phao Lô), Đan viện Thiên An (Huế) vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa.
Đã có nhiều vụ Tu sĩ Công giáo và Phật giáo ngoài quốc doanh xuống đường đòi đất, chống thu hồi bất hợp pháp nhưng nhà nước vẫn chiếm và coi hành động hợp pháp của Tu sĩ có động lức liên quan đến "an ninh tôn giáo" cần phải theo dõi.
Quân đội - Công an
Đó là lý do tại sao trong vài năm vừa qua, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bám sát Quân đội và Công an để bảo vệ chế độ.
Phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân ngày 10/1/2019, ông Trọng hô hào :
"Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân. Chủ động, nhạy bén, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ; các biểu hiện cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, giảm sút niềm tin, mơ hồ, mất cảnh giác ; không để suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Quân đội với Nhân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân, tăng thêm niềm tin yêu của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Quân đội".
Ông Trọng nói đến "quan hệ máu thịt" giữa dân, quân và đảng, nhưng ông là người phải biết rõ dân đã chán đảng đến tận mang tai sau 44 năm thống nhất đất nước. Câu tuyên truyền ngày xưa "cán bộ đi trước, làng nước theo sau" đã bị nhân gian đổi thành "cán bộ ăn hết, làng nước trơ ra".
Trước đó, ngày 07/01/2019, ông Nguyễn Phú Trọng, trong tư cách Bí thư Quân ủy trung ương đã nói với lãnh đạo Quân đội :
"Trên nền tảng tư tưởng chiến lược, quân đội tiếp tục tập trung nghiên cứu, nắm chắc, đánh giá chính xác, dự báo đúng và sớm tình hình để chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự quốc phòng, tuyệt đối không được chủ quan và để bị động bất ngờ, đặc biệt đối với các địa bàn chiến lược, trọng điểm cũng như trong lĩnh vực diễn biến hòa bình".
Nhưng "các địa bàn chiến lược, trọng điểm" là ở đâu ? Tại sao đã từ lâu không thấy ông Trọng nói gì đến tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang củng cố các vị trí quân sự tại 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa mà trước đây là các bãi và đá của Việt Nam bị Trung Quốc đánh chiếm từ ngày 14/03/1988. Đó là : Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Về lĩnh vực được gọi rất mơ hồ là "diễn biến hòa bình", ông Trọng vẫn lửng lơ không minh bạch định hình như bấy lâu nay, nhưng Hội đồng lý luận trung ương và Ban Tuyên giáo đảng đã nhiều lần lấy bài học khối Liên Xô tan rã năm 1991 là hệ qủa của "chiến lược chính trị của các nước tư bản chủ nghĩa chống lại chủ nghĩa xã hội". Chiến lược này, theo phía Việt Nam, không bằng tiếng súng mà qua đấu tranh không đổ máu của quần chúng, hay còn gọi là "cuộc cách mạng nhung" do khối các nước tư bản, đứng đầu là Hoa Kỳ, bảo trợ.
Đó là lý do tại sao Hội đồng Lý luận trung ương, Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng đã từ lâu đề cao chủ trương của Bộ Chính trị, cơ quan kiểm soát và lãnh đạo toàn diện đảng và nhà nước, buộc cán bộ, đảng viên phải kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh, và phải tuyệt đối trung thành với Đảng để chống lại "diễn biến hòa bình".
Theo quan điểm của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thì "diễn biến hòa bình" có mục đích tối hậu là loại đảng ra khỏi vai trò lãnh đạo với những kế hoạch :
- Đòi đa nguyên, đa đảng chính trị ;
- Đòi phi chính trị hóa Quân đội ;
- Phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin ngoại lai ;
- Xét lại con người và tư tưởng của Hồ Chí Minh ;
- Duyệt xét vai trò lịch sử đích thực của Đảng Cộng sản Việt Nam ;
- Đòi cho tư nhân ra báo để cạnh tranh, thao túng dư luận ;
- Đòi lập hội, công khai hoạt động của các Tổ chức xã hội dân sự ;
- Đòi quyền tự do biểu tình để gây bất ổn xã hội…
Vì vậy, dù hai quyền "lập hội" và "biểu tình" có ghi trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013 (Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định) nhưng, Chính phủ và Quốc hội đã cố tình trì hoãn không đem ra thảo luận từ nhiều năm qua.
Cả hai dự Luật này đều có bàn tay soạn chung của các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Liên đoàn Lao động Việt Nam v.v…
Nên biết, Hội đồng Lý luận trung ương, theo Bách khoa toàn thư mở là "cơ quan tham mưu cho Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề lý luận chính trị, chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa xã hội, định hướng và hoạch định các chính sách, chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng Toàn quốc".
Trong khi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người có bằng tiến sĩ Xây dựng đảng đã từng giữ chức Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa trung ương (Tuyên giáo sau này) và Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương nên ông được coi là người cực kỳ bảo thủ và là đệ tử trung thành của Chú nghĩa Cộng sản.
Đó là lý do tại sao ông đã nói với các tướng lãnh tại Hội nghị Quân ủy trung ương ngày 07/01/2019 rằng :
"Lực lượng quân đội phải đi đầu trong công tác đấu tranh, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, kiên quyết đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử xấu".
Sau Quân đội, ông Trọng còn nằm chức quantrọng khác là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương. Trong Hội nghị của Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương ngày 28/11/2018 tại Hà Nội, ông Trọng đã ra lệnh Công an phải :
"Triển khai quyết liệt, giữ vững an ninh chính trị, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa".
Ông cảnh giác mọi người rằng :
"Vẫn còn tiềm ẩn không ít nguy cơ, tuyệt nhiên không được chủ quan, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch còn lâu dài, suy thoái trong nội bộ còn âm ỉ, rồi tình trạng khiếu kiện đông người, vấn đề an ninh mạng… Cho nên, phải khẳng định rõ thành tựu to lớn, sự vững vàng, kiên định của lực lượng công an, vị trí, vai trò quan trọng của lực lượng công an ; đồng thời đấu tranh phản bác lại những tư tưởng, luận điệu xuyên tạc, hạ thấp uy tín của lực lượng công an".
Tuyên truyền ai nghe ?
Bằng chứng khác của tình trạng rối ren tư tưởng loạn cào cào đang làm đảng hoang mang tột độ đến từ Hội nghị Tuyên giáo toàn quốc ngày 29/12/2018.
Chỉ đạo Hội nghị là ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. Nhưng ông Vượng cũng chỉ biết kêu gọi chung chung "đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ…".
Đến phiên người đứng đầu ngành Tuyên giáo, Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng lại hát theo để yêu cầu cán bộ Tuyên giáo phải :
"Tuyên truyền, kịp thời định hướng tư tưởng chính trị, dư luận xã hội, mở đường cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Thông tin kịp thời, có định hướng là điều kiện quan trọng để định hướng tư tưởng và dư luận, chủ động ngăn chặn và đấu tranh với những luồng thông tin, quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, phản động ; thống nhất quan điểm về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh trên không gian mạng hiện nay, từ đó xây dựng và phát triển mạnh mẽ lực lượng đấu tranh trên mặt trận này, ngăn chặn và triệt phá kịp thời mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch ; chủ động, kịp thời định hướng thông tin chính thống đến người dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị".
Trước đó, chiều ngày 28/12/2018, báo chí Việt Nam cho biết :
"Ban Tuyên giáo trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019".
Tại đây, ông Thưởng nói :
"Thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí là rất lớn, nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của người làm báo... Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với hoạt động báo chí hiện nay là có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt", mất vị trí độc quyền cũng như qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả".
Cuối cùng, người cầm đầu ngành tuyên truyền lại vẫn như con gà chạy quẩn cối xay khi kêu gọi :
"Ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".
Ông Thưởng còn khuyến cáo cần :
"Nắm chắc tư tưởng, tình trạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những biến động khó lường của xã hội".
Cuối cùng, hãy nghe Thượng tướng Lương Cường, Bí thư trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói trước Hội nghị cán bộ chính trị toàn quân ngày 11/01/2019 về nhiệm vụ :
"Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, kịp thời quán triệt quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc ; chủ động thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dư luận cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước những vấn đề mới, phức tạp, nhạy cảm ; tích cực đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa và uy tín của Quân đội".
Tướng Cường yêu cầu các Chính ủy phải :
"Chủ động thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đối ngoại quốc phòng, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước những sự kiện chính trị quan trọng ; tích cực đổi mới nội dung, hình thức đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng".
Như vậy, từ Đảng đến Quân đội, Công an và hai ngành tuyên truyền hàng đầu của đảng là Ban Tuyên giáo và Tổng cục Chính trị đều kêu gọi cán bộ đảng viên phải kiên định tư tưởng để giữ cho đảng không tan. Trong khi lãnh đạo Đảng lại nhìn đâu cũng chỉ thấy "các thế lực thù địch" thì tư tưởng đảng viên đang đi về đâu ?
Phạm Trần
(31/01/2019)
Tuồng dở, diễn tồi
Nếu chỉ nghe thôi thì làm sao mà biết chính quyền cộng sản Việt Nam đã dùng Luật An ninh mạng, có hiệu lực ngày 01/01/2019, để triệt hạ quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng của người dân như thế nào. Từ ngày này, trên 90 triệu người Việt Nam ở trong nước không những bị khóa miệng mà ngót 60 triệu người đang sử dụng Internet còn bị đe dọa khóa sổ sử dụng các mạng lưới thông tin toàn cầu, Luật An ninh mạng còn cho phép các cơ quan an ninh mạng xâm phạm trắng trợn vào đời sống riêng tư của người sử dụng như đã bị Điều 21 Hiến pháp (2013) ngăn cấm.
Điều 21 Hiến pháp (2013) viết :
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình ; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Vì vậy khi Bộ Ngoại giao Việt Nam khoe các thành tựu kể từ lần rà soát năm 2014, trên các lĩnh vực như "bảo đảm các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng", "phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, báo chí" thì trong thực tế các tổ chức tôn giáo nào không chịu gia nhập các tổ chức tôn giáo quốc doanh như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam thì bị đối xử không công bằng hay bị chén ép và gây nhiều khó khăn.
Bằng chứng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, có tên quen thuộc trước 1975 là Phật giáo Ấn Quang, đã bị kìm kẹp và Tăng thống Thích Quảng Độ bị đầy đọa là một chứng minh không chối cãi được.
Các tôn giáo nhỏ khác như Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài và Tin Lành, tuy được nới lỏng hoạt động trong mấy năm gần đây nhưng vẫn khó phát triển vì thiếu nhân lực và bị phân hóa, đôi khi có bàn tay khuấy phá của các chính quyền địa phương.
Trong lĩnh vực báo chí và các tổ chức chính trị-xã hội, nhà nước đã nhốt chúng vào Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của đảng, để kiểm soát và biến chúng thành công cụ tuyên truyền cho chính sách cai trị độc tài và để bảo vệ quyền lợi của đảng cộng sản cầm quyền.
Chính Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói Việt Nam không cần đa đảng chính trị. Chính ông đã chỉ thị cho Bộ Công an "không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nội địa" (Công an Nhân dân, 28/11/2018). Bộ Chính trị, cơ chế nắm quyền toàn diện, cũng ra quyết định không cho tư nhân ra báo.
Luật báo chí năm 2016 còn minh định trong khoản "b" Điều 25 rằng nhà báo có nghĩa vụ "bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm".
Thế giới lên tiếng
Vì vậy mà trong cuộc đối thoại về Nhân quyền tại Geneva ngày 22/01/2019, trưởng đoàn Việt Nam Lê Hoài Trung và đoàn tùy tùng đã bị quay như con dế trên cái thớt với nhiều câu hỏi chất vấn bóc da, vỡ thịt của các nước Tây phương và Hoa Kỳ.
Sau đây là một số câu hỏi (tài liệu Liên Hiệp Quốc) :
United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland :
How will the Government of Viet Nam address the findings of the report by the UN Committee against Torture on Viet Nam of November 2018, that flagged serious concerns about the interrogation and ill treatment of prisoners by police to extract confessions, death in custody, and the treatment of death row prisoners, including the use of shackles ?
- What steps will be taken by the Government to meet its obligations under the ICCPR (The International Covenant on Civil and Political Rights) in establishing an independent media, including by addressing the blocking of news media websites and by decriminalising defamation ?
- What plans does the Government have to enhance protection of, and respect for, the right to freedom of assembly, including by reviewing the guidelines for security personnel in managing peaceful protest, to ensure implementation is transparent ?
- What steps is the Government taking to foster a safe environment for civil society, including by investigating instances of force against activists ?
- Is the Government considering to extend a standing invitation to all Special Procedures of the Human Rights Council, and to respond positively to the visit request by the UN Special Rapporteur on Freedom of Assembly ?
Tạm dịch :
Câu hỏi của Đại diện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan :
Chính phủ Việt Nam giải thích như thế nào về những phát giác của Ủy ban Liên Hiệp Quốc về tra tấn ở Việt Nam tháng 11/2018 cho thấy đã có tình trạng bức khảo và đối xử tàn tệ những tù nhân bởi công an để tù nhân phải nhận tội, chết trong nhà giam, tình trạng đối xử với những phạm nhân tử hình, kể cả xiềng xích họ.
- Những bước đi nào chính phủ sẽ thi hành để chu toàn những cam kết đã quy định trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights-ICCPR) để thành lập một hệ thống truyền thông độc lập, kể cả việc ngăn chặn những website thông tin và không hình sự hóa hành động xúc phạm.
- Chính phủ Việt Nam có kế hoạch nào để bảo vệ và tôn trọng quyền tự do hội họp, kể cả việc duyệt xét những chỉ đạo cho lực lượng an ninh trong việc duy trì các cuộc chống đối bất bạo động, và bảo đảm là việc thực hành được minh bạch.
- Những bước nào sẽ được Chính phủ áp dụng để đưa đến một xã hội an toàn, bao gồm cả việc điều tra ngay lập tức những hành động chống những người bất đồng
- Liệu Chính phủ có sẵn sàng gửi lời mời những chuyên gia đặc biệt của Hội đồng nhân quyền, và đáp ứng khả thi về yêu cầu thăm Việt Nam của một Đặc ủy viên về tự do hội họp không ?
Germany :
- Death Penalty : How many people sentenced to death are currently in detention ? What substances are used to execute people sentenced to death ? Is the government considering allowing international humanitarian organisations or international diplomats to visit individuals sentenced to death ?
- When does Vietnam plan to adopt a law on assembly/demonstrations to implement the constitutional right to freedom of assembly ?
- Why does the Press Act 2016 grant the right to establish press agencies only to the organisations listed under Article 14, and not to private persons or organizations ?
Tạm dịch :
Câu hỏi của Đại diện nước Đức :
- Về vấn đề án tử hình : Có bao nhiêu người bị án tử hình đang bị giam giữ ? Chất liệu gì được dùng để xử tử người chịu án ? Liệu chính phủ có dự tính cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế, hay những nhà ngoại giao quốc tế đến thăm những tù nhân bị án tử hình không ?
- Khi nào thì Việt Nam mới có luật về hội họp và biểu tình để thi hành quy định tự do tập hợp ghi trong Hiến pháp ?
- Tại sao Luật báo chí năm 2016 lại chỉ cho phép các tổ chức liệt kê trong Điều 14 (1), mà không dành cho một cá nhân hay tổ chức tư nhân ?
Sweden :
- There have been numerous reports of human rights defenders and representatives of independent civil society being arbitrarily denied leaving Vietnam. How will the Government of Vietnam secure free and unrestricted travel for all its citizens ?
- What measures will the Government of Vietnam take in order to ensure freedom of assembly and peaceful demonstration in line with ICCPR, including promoting a legal, administrative and fiscal framework in which non-profit organizations can be created and perform their activities without any obstacles ?…".
Tạm dịch :
Câu hỏi của Đại diện Thụy Điển :
- Có rất nhiều tin tức cho biết những người bảo vệ nhân quyền và đại diện của xã hội dân sự độc lập bị ngăn cấm rời Việt Nam. Làm sao để chính phủ bảo đảm cho mọi công dân được tự do và không hạn chế ra nước ngoài ?
- Giải pháp nào sẽ được nhà nước thi hành để bảo đảm quyền tự do hội họp và biểu tình bất bạo động, theo đúng với tiêu chuẩn đã ghi trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), kể cả việc việc đưa ra một quy trình hợp pháp để cho những tổ chức bất vụ lợi có thể hoạt động mà không gặp trở ngại nào ?...
United States of America (USA) :
- The United States recognizes that Vietnam ratified the Convention Against Torture in 2015. We note, however, that prison conditions remain harsh, including credible reports of physical abuse and denied or inadequate medical care, in particular for prisoners convicted under national security laws. Furthermore, we note reports that individuals in detention have been subject to physical abuse and torture, which has led to some deaths in custody. Will Vietnam commit to ensuring that all prisoners are detained in a manner consistent with Vietnam’s obligations under the International Covenant on Civil and Political Rights as well as the requirements of the Convention Against Torture ? Will Vietnam develop a police oversight mechanism to investigate claims of mistreatment, torture, and deaths in custody ?
Article 21 of the International Covenant on Civil and Political Rights, to which Vietnam is a party, protects the right of peaceful assembly. Nevertheless, Vietnam detained dozens of peaceful protestors during countrywide protests in June. Vietnamese authorities charged several under vague national security provisions including "abusing freedoms and democratic rights to infringe upon the State’s interests or lawful rights and interests of organizations or individuals," which carries a sentence of up to seven years imprisonment and "producing, storing, spreading or disseminating information, documents or objects to oppose the State," which carries a sentence of up to 20 years imprisonment. Will Vietnam drop all charges against individuals detained for peacefully assembling in order to express dissent against the government ?
- Vietnam is a party to the International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), but continues to severely restrict freedom of expression in law and in practice. Will Vietnam halt the use of vague provisions of national security law to silence dissent ? Will Vietnam release those individuals who are imprisoned for exercising their freedom of expression ?
Tạm dịch :
Đại diện Mỹ hỏi Việt Nam :
- Hoa kỳ thừa nhận Việt Nam đã thông qua Công ước chống tra tấn năm 2015. Tuy nhiên, chúng tôi ghi nhận là những điều kiện giam cầm ở Việt Nam rất bạo tàn, kể cả những tin rất đáng tin cậy về tình trạng xúc phạm thể xác và không cho phép được điều trị, đặc biệt đối với những tù nhân bị án về an ninh quốc gia.
- Chúng tôi cũng ghi nhận là nhiều tù nhân đã bị lạm dụng và hành hạ, đưa đến một số người chết trong tù. Liệu Việt Nam có bảo đảm là tất cả tù nhân bị giam giữ phải được ở trong tình trạng phù hợp với những cam kết của Việt Nam trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự (ICCPR) và Chính trị, cũng như Công ước chống tra tấn ?
- Liệu Việt Nam có thành lập một cơ quan Cảnh sát có thẩm quyền để điều tra những than phiền về bị đối xử bất nhẫn, tra tấn và chết trong nhà giam ?
- Điều 21 của ICCPR mà Việt Nam là một thành viên, bảo vệ quyền được hội họp ôn hòa. Tuy nhiên, Việt Nam đã bắt giam hàng chục người trong các cuộc biểu tình khắp nước hồi tháng Sáu (2018). Việt Nam đã truy tố một số người với những điều khoản mơ hồ như là "lạm dụng quyền tự do dân chủ để chống lại lợi ích nhà nước hoặc quyền lợi hợp pháp của những cá nhân và tổ chức", để kết án đến 7 năm tù, hay là "đã phổ biến, tang trữ, phát tán và tung ra những tin bịa đặt, tài liệu hoặc dụng cụ chống lại Nhà nước, đưa đến bản án tới 20 năm.
- Liệu Việt Nam có hủy bỏ tất cả nhưng bản án chống tất cả nhữ người đã tụ họp ôn hòa để bày tỏ bất bình với chính phủ ?
- Việt Nam là quốc gia thành viên của ICCPR, nhưng lại tiếp tục hạn chế tự do và quyền được bày tỏ trong luật và trong hành động là nhằm để bịt miếng những người chống đối ?
- Liệu Việt Nam có thả những người bị vào tù chỉ vì muốn thực thi quyền được tự do bày tỏ của mình ?…
An ninh mạng - lao động
- What steps will the Vietnamese government take to ensure that any cybersecurity law does not infringe on users’ privacy, freedom of expression, or ability to access information ? Can the Vietnamese government elaborate on how locally stored data would be used, housed, and protected ? …How will the Vietnamese government enact and implement laws to meet internationally recognized labor standards on freedom of association, collective bargaining, forced labor, child labor and employment nondiscrimination ?
- Will Vietnam allow the formation of independent labor unions, in part by ratifying the core ILO convention on freedom of association (87) by 2023, elimination of forced labor (105) by 2020, and the right to collective bargaining (98) in 2019 ?
Tạm dịch :
Về Luật An ninh mạng, Đại diện Mỹ chất vấn :
Những bước nào Chính phủ Việt Nam sẽ thi hành để bảo đảm bất kỳ Luật an ninh mạng nào cũng không xâm phạn quyền riêng tư của người sử dụng, quyền tự do diễn đạt, hay khả năng tìm kiếm thông tin.
Có thế nào Chính phủ Việt Nam giải thích việc lưu giữ dữ liệu ở Việt Nam sẽ được sử dụng, quản lý và bảo vệ ?
Về Tổ chức lao động độc lập, Đại diện Mỹ hỏi tiếp :
Làm thế nào để chính phủ Việt Nam xây dựng và thi hành các luật cho phù hợp với những tiêu chuẩn của lao động quốc tế về tự do tập hợp, quyền tài phán, cưỡng bách lao động, lao động trẻ em và bất kỳ thị trong việc làm ?
Liệu Việt Nam sẽ cho phép được thành lập các tổ chức Lao độc độc lập, như một phần vụ của việc thông qua các Quy ước cốt lõi của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO, International Labor Organization) về quyền tự do tập hợp (số 87) vào năm 2023, loại bỏ cưỡng chế lao động (số 105) vào năm 2020, và quyền tài phán (số 98) vào năm 2019 ?
Với những câu hỏi trực diện và quan trọng nhất của các Đại biểu Tây phương và Hoa Kỳ, liệu phía Việt Nam có thỏa mãn được không hay lại tìm mọi cách để chống chế như bấy lâu nay ?
Nhưng dù có nại ra trăm ngàn lý do nào chăng nữa thì cũng thấy là Việt Nam Cộng sản độc tài đã bị quay như có dế mỗi khi chạm đến vấn đề quyền con người ở bất cứ đâu và thời gian nào.
(1) Nguyên văn Điều 14. Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, gồm :
1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học ; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Sau 44 năm vắng bóng trên diễn đàn Hướng Đạo toàn cầu, Tổ chức Hướng đạo ở Việt Nam có tên là "Pathfinder Scouts Vietnam", tạm dịch là "Người Dẫn Đường", đã chính thức được tái gia nhập là thành viên thứ 170 của Phong trào Hướng đạo Thế giới (World Organization of the Scout Movement, WOSM).
Một thông báo chính thức của WOSM gửi đi từ Malaysia ngày 10/01/2019 cho biết :
"Hướng đạo thế giới hoan nghênh Pathfinder Scout Vietnam là thành viên thứ 170, một dấu mốc lịch sử khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới (WOSM) sau 44 năm".
(World Scouting today welcomed Pathfinder Scouts Vietnam as its 170th member, marking a historic moment as Vietnam formally rejoins the World Organization of the Scout Movement (WOSM) after 44 years).
WOSM coi đây là "dấu mốc lịch sử", tiếp theo sau một giai đoạn hợp tác và thống nhất tổ chức Hướng đạo tại Việt Nam, được hậu thuẫn bởi các Trưởng địa phương và sự hợp tác chặt chẽ với Trung tâm yểm trợ của Văn phòng Hướng đạo Thế giới vùng Châu Á-Thái Bình Dương và Ủy ban Hướng đạo khu vực.
(The move comes following a period of collaboration and unification for Scouting in Vietnam, supported by local leaders in close collaboration with the World Scout Bureau’s Asia-Pacific Support Centre and the Regional Committee).
WOSM viết tiếp rằng : "Hướng đạo đã có mặt ở Việt Nam gần một thế kỷ qua, nhưng những hoạt động chính thức của Phong trào đã bị đình hoãn do hậu quả của chiến tranh trong thập niên 1960 và 1970, đưa đến hậu quả bị chính thức mất tư cách thành viên của WOSM vào năm 1975. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm qua, các hoạt động của Hướng đạo đã được hồi sinh hàng tuần bởi những Huynh trưởng đã từng được huấn luyện dành cho các lớp Sói (từ 7 đến 10 tuổi), Thiếu sinh (từ 11 đến 15 tuổi) và Tránh sinh (từ 18 tuổi trở lên)".
(Scouting has existed in Vietnam for nearly a century, but official Scouting activities ceased as a consequence of the war in the 1960s and 1970s, resulting in the loss of official WOSM membership in 1975. However, over the past two decades, Scouting has seen a resurgence at the grassroots level with activities for Cubs , Scouts, and Rovers conducted on a weekly basis by trained Scout leaders).
WOSM nói rằng : "Trong những lần gặp gỡ mới đây giữa những Trưởng lãnh đạo Việt Nam với Đại diện của Trung tâm yểm trợ Châu Á-Thái Bình Dương, một số thành viên của Ban Điều hành lâm thời Pathfinder Scouts Vietnam đã bầy tỏ ước muốn và mong thấy tương lai của Phong trào Hướng đạo ở Việt Nam, sau một thời gian chờ đợi, đã đến lúc giới trẻ Việt Nam cần được thụ hưởng chương trình giáo dục Hướng đạo mà họ xứng đáng được đón nhận".
(During recent meetings of Vietnamese leaders with representatives from the Asia-Pacific Support Centre, several members of Pathfinder Scouts Vietnam’s interim board expressed their eagerness and anticipation for the future of Scouting in Vietnam that after a long wait, the time has come to give the young people of Vietnam the educational programme of Scouting they long deserve).
Vẫn theo WOSM, hiện nay có khoảng 5.000 hướng đạo sinh ở Việt Nam, và những Lãnh đạo của Phong trào là những cựu hướng đạo trong các lĩnh vực thương mại, giáo dục và dịch vụ công cộng.
Giám đốc Châu Á-Thái Bình Dương J. Rizal C. Pangilinan nói : "Pathfinder Scouts Vietnam đã mất 20 năm để có ngày hôm nay, và chúng tôi trông đợi một tương lai rộng mở đến với Phong trào Hướng đạo ở Việt Nam. Dự án chiến lược của Pathfinder Scounts Vietnam là có thêm đoàn viên và phát triển bền vững. Chúng tôi có cả một đội ngũ các Trưởng lãnh đạo, các Cố vấn của Hướng đạo Thế giới và những đối tác trong và ngoài Việt Nam để yểm trợ Hướng đạo Việt Nam đạt được mục tiêu này".
(Today, there are more than 5,000 Scouts in Vietnam and the country’s Scout leadership comprises former Scouts from the business, education, and public service sectors. "This journey for Pathfinder Scouts Vietnam has been 20 years in the making, and we are looking at the future of Scouting in Vietnam with great anticipation", said the Regional Director of the Asia-Pacific Scout Region, J. Rizal C. Pangilinan. He added that "Part of Pathfinder Scouts Vietnam’s strategic goals are membership growth and the Sustainable Development Goals. We have a pool of Scout leaders, WOSM consultants, and partners inside and outside of Vietnam to support the organisation in achieving these goals).
Tại sao và tại ai ?
Nhưng tại sao tổ chức Hướng đạo trong nước không lấy danh xưng là "Hướng đạo Việt Nam" (The Vietnamese Scout Association) cho phù hợp với danh nghĩa đại diện cho một Quốc gia có tư cách pháp nhân ?
Không có bất cứ lời giải thích hay bình luận nào từ tổ chức Pathfinder Scouts Vietnam, nhưng vào ngày 11/01/2019, tác giả Thanh Tâm viết trên Website Giúp Ích của Hướng Đạo Cần Thơ rằng : "Pathfinder Scouts Vietnam là tên đối ngoại, danh xưng trong nước vẫn là Hướng Đạo Việt Nam" (đã có trong Hiến chương).
Dầu vậy, cả Hiến chương và Danh sách Ban Lãnh đạo của Pathfinder Scouts Vietnam đã không được công khai.
Nhưng trong khi WOSM phổ biến đi khắp nơi tin vui Pathfinder Scouts Vietnam được tái gia nhập vào đại gia đình Hướng đạo Thế giới sau 44 năm vắng mặt thì tất cả báo, đài của nhà nước cộng sản Việt Nam đã bị cấm không đăng tin này.
Tại sao ?
Lý do vì trước hết, mặc dù Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", nhưng phía Chính phủ và Quốc hội đã cố ý trì hoãn việc biên soạn hai Dự luật "lập hội" và "biểu tình" để cướp quyền Hiến định của dân.
Vì vậy, khi tổ chức Hướng đạo "Pathfinder Scouts Vietnam" được quay lại sinh hoạt trong Phong trào Hướng đạo Thế giới thì nhà nước đã cố tình "chôn tin" để không bị nhận diện là đã công nhận tư cách "Hội" của Hướng đạo.
Hành động này cũng giống như, từ 20 năm qua, cảnh sát và công an không còn phá đám hay ngăn chặn lõa lồ các sinh hoạt "công khai" của các tổ chức Hướng đạo chưa hề bao giờ được chính quyền ký giấy cho phép hoạt động như các nhóm "Hướng đạo chui", "Hướng đạo gia đình", "Hướng đạo nhóm", Hướng đạo tôn giáo" v.v... Hơn nữa, trong số những người đứng đầu còn có cả đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, và nhiều con cái đảng viên cũng tham gia sinh hoạt trong Hướng đạo. Một vài nhóm Hướng đạo tự phát còn dán cờ Đỏ sao vàng lên áo như lá bùa hộ mệnh mỗi khi sinh hoạt vui vẻ. Hình vẽ của "Đạo Sài Gòn", trên chỏm chữ S màu đỏ có cả hình ngôi sao Vàng !
Mặt trước và mặt sau
Đó là phía trước muôn hình vạn mặt của chủ trương làm ngơ cho Hướng đạo chui mà hoạt động công khai như vẫn diễn ra ở vườn Tao Đàn, giữa trung tâm thành phố Sài Gòn vào mỗi cuối tuần, hay ở nhiều địa phương khác ở miền Nam như Cần Thơ, Vũng Tầu, Đà Nẵng, Đà Lạt, v.v…
Nhưng sau lưng của hoạt động Hướng đạo tưởng như được tự do ở Việt Nam ngày nay là chủ trương nhất quán của Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam đã tuyệt đối "không công nhận tổ chức Hướng đạo".
Bằng chứng là Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và nhiều bộ, ban, ngành của đảng và nhà nước đã "mũ ni che tai", hay "ngậm miệng ăn bánh vẽ" để không trả lời 2 Kiến nghị, một của cựu Huynh trưởng Đặng Văn Việt, 99 tuổi, xin "chính thức công nhận Hội Hướng đạo Việt Nam", đề ngày 01/03/2011. Kiến nghị thứ 2, đề ngày 15/05/2012 của 116 cựu Hướng đạo, Trí thức, Đại biểu quốc hội, lão thành cách mạng, chuyên gia, nhà giáo v.v.., xin đảng và nhà nước "chính thức công nhận phương pháp giáo dục thanh thiếu niên theo quy trình 1946 của Hội Hướng Đạo Việt Nam".
Ngoài ông Đặng Văn Việt, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 thời kháng chiến chống Pháp, được phía quân lính Pháp coi là "Con hùm xám đường số 4", đứng đầu Kiến nghị 2, còn có giáo sư Tương Lai và Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc.
Bằng chứng khác do Luật sư Nguyễn Lệnh, cựu Huynh trưởng Hướng đạo, đã viết bài phổ biến trên báo mạng Bauxite Việt Nam ngày 08/05/2011, vạch trần âm mưu triệt hạ Hướng đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Một đoạn trong bài viết :
"Tuy nhiên, trong khi các huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam đang xúc tiến các thủ tục để xin thành lập Hội Hướng Đạo Việt Nam thì bất ngờ biết được có Thông báo số 143-TB/TW ngày 20/4/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam gởi đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến các địa phương nhằm ngăn cản, không cho đặt vấn đề tái lập tổ chức Hướng đạo. Nhiều nhóm Hướng đạo đã liên tục gởi đơn xin phép chính quyền cho phép tái lập nhưng đều không nhận được câu trả lời. Rồi đến ngày 20/5/2008 lại có Thông báo tiếp theo số 157-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc lại chủ trương của Thông báo 143 và chỉ đạo rất cụ thể, chi tiết cho các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể v.v. nhằm thực hiện chủ trương không cho tái lập tổ chức Hướng đạo. Riêng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy đã triển khai thực hiện Thông báo của Ban Bí thư TW bằng một bản Kế hoạch rất cụ thể (Văn bản số 47-KH/TU ngày 20/4/2009)".
Ở một đoạn khác, Luật sư Nguyễn Lệnh phản ảnh :
"Nếu coi các Thông báo của BBT/TW là nguyên nhân khách quan của vấn đề "Vì sao chưa tái lập Hội Hướng Đạo Việt Nam ?" thì sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức Hướng đạo mới chính là nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chủ yếu của câu hỏi đó. Trước khi đi vào phân tích, tìm hiểu các nguyên nhân chưa tái lập Hội Hướng Đạo Việt Nam, tôi xin trích dẫn một đoạn thơ của huynh trưởng Thanh Tâm đã biểu lộ tâm trạng tuyệt vọng sau 35 năm mong đợi kể từ ngày thống nhất đất nước qua bài thơ "Phong trào đi về đâu ?" :
"Tám chục năm ròng đã góp công,
- 45 Nghị định – thế là xong.
Hai từ Hướng đạo không còn nữa,
Tái hoạt Phong trào cũng hết mong…"
Trong 35 năm mong đợi Nhà nước Việt Nam giải quyết yêu cầu thống nhất Hội Hướng Đạo Việt Nam, các huynh trưởng Hướng Đạo Việt Nam đã phải sinh hoạt "chui" 28 năm đầu trong hoàn cảnh Đảng và Nhà nước đã không tạo điều kiện hay giúp đỡ đưa Hội Hướng Đạo Việt Nam vào khuôn khổ pháp luật như các hội bình thường khác. Trong 7 năm còn lại kể từ năm 2003 khi có Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30/7/2003 qui định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội mà tất cả các huynh trưởng cứ ngỡ rằng cơ hội xin phép hoạt động chính thức của Hội đã mở ra thì các Thông báo 143 rồi Thông báo 157 của BBT/TW đã gần như dập tắt những hy vọng, những mong đợi của các Hướng đạo sinh Việt Nam".
Nguồn gốc Hướng Đạo
Nên biết Hội Hướng đạo đã có mặt ở Việt Nam từ năm 1930 do Trưởng Trần Văn Khắc sáng lập tại Hà Nội. Theo Bách khoa toàn thư mở thì ông sinh năm 1902, từng là một nhà giáo và trưởng đoàn thể dục thể thao tại Hà Nội vào những năm cuối thập niên 1920. Ông có tên rừng trong sinh hoạt Hướng đạo là "Sếu siêng năng".
Sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị quân đội cộng sản đánh chiếm ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông và gia đình đã rời khỏi miền Nam bằng thuyền và định cư tại Ottawa, thủ đô của Canada.
Tại Hội nghị Trưởng Hướng đạo Việt Nam hải ngoại tổ chức tại Costa Mesa, California vào ngày 2 và 3 tháng 7 năm 1983, Trưởng Trần Văn Khắc được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam đầu tiên tại hải ngoại.
Cuộc đời ông phần lớn gắn bó với phong trào Hướng đạo Việt Nam mãi đến khi ông mất vào năm 1990 tại Ottawa, Canada.
Những tên tuổi nổi tiếng khác của hai phía trong cuộc chiến đã đóng các vai quan trọng vào sự trưởng thành của Hướng đạo Việt Nam còn có các ông ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Lưu Hữu Phước, Tôn Thất Tùng, Võ Thanh Minh, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Tuyên, Phạm Biểu Tâm, Trần Điền, Cung Giũ Nguyên.
Hướng Đạo tỵ nạn
Hướng Ðạo Việt Nam hướng dẫn các sinh hoạt trong sự tôn trọng qui lệ của hai tổ chức Nam và Nữ Hướng Ðạo Thế Giới, cùng chủ quyền của Hội Ðồng Hướng Ðạo từng quốc gia".
Như vậy thì khi Đảng cộng sản Việt Nam thù ghét Hướng đạo đến tận xương tủy thì sự công nhận của Phong trào Hướng đạo Thế giới ngày 10/01/2019 đối với Pathfinder Scouts Vietnam sẽ không chỉ thách thức cho Hướng đạo trong nước mà còn là gáo nước lạnh tạt vào mặt những lãnh đạo cộng sản vô thần.
Bởi vì, các Hướng đạo sinh đã thề :
"Tôi xin lấy danh dự hứa sẽ cố gắng hết sức :
- Làm bổn phận đối với tín ngưỡng, tâm linh và quốc gia tôi.
- Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào.
- Tuân theo Luật Hướng đạo".
Phạm Trần
(17/01/2019)
Tươi cười 40 năm Cao Miên - Cúi mặt 40 năm Trung Quốc
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức kỷ niệm 40 năm để khoe công đã cứu nhân dân Cao Miên thoát chế độ diệt chủng Pol Pot-Khmer Đỏ, nhưng lại không dám tưởng niệm những người Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược Tầu ngày 17/02/1979.
Dấu mốc lịch sử 40 năm của hai cuộc chiến chỉ cách nhau 30 ngày. Tại Cao Miên, bắt đầu từ ngày 23/12/1978, khoảng 200.000 quân Việt Nam đã vượt biên giới để tấn công mở đường và yểm trợ lực lượng 20.000 lính của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc cứu nước Campuchia, do Heng Samrin lãnh đạo và được Việt Nam yểm trợ, chiếm Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.
Mười ngày sau, 17/01/1979, quân Việt Nam là chính, đã kiểm soát gần hết lãnh thổ xứ Chùa Tháp. Pol Pot và Khmer đỏ, dù có Trung Quốc đứng sau lưng, đã phải rút quân về cố thủ dọc biên giới Thái Lan.
Để trả đũa thay cho Pol Pot, ngày 17/02/1979, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình, đã tung 600.000 quân vượt biên giới đánh vào 6 tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu. Họ Đặng gọi cuộc hành quân là "dạy cho Việt Nam một bài học".
Quân Trung Quốc tràn qua biên giới ngày 17/02/1979
Chiến tranh hủy diệt
Ngày 14/3/1979, Trung Quốc rút hết quân về nước, nhưng sau đó lại mở mặt trận đẫm máu thứ hai ở vùng biên giới, đặt trọng tâm vào Vỵ Xuyên (tỉnh Hà Tuyên) từ 1984 đến 1990 để chiếm hai vị trí chiến lược núi Lão Sơn (Laoshan, điểm cao 1059, Việt Nam gọi là núi Đất) và Giả Âm Sơn (điểm cao 1250, Việt Nam gọi là đồi 722) và các điểm cao chiến lược khác dọc biên giới hai nước. Việt Nam đã mất vĩnh viễn phần lãnh thổ quan trọng này kể từ ngày 14/07/1984.
Vậy thương vong đôi bên ở mặt trận Vị Xuyên (Hà Tuyên) ngày ấy ra sao ?
Phóng viên Hoàng Thùy của VnExpress viết ngày 25/07/2014 :
"Mặt trận Vị Xuyên - Thanh Thủy được xác định là vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến tranh chống lấn chiếm biên giới phía Bắc 1984-1989. Trong vòng 4 tháng (4/1984 - 8/1984), Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 7.500 quân Trung Quốc…".
Thương vong của phía quân đội Việt Nam thì nhiều tài liệu nói là có khoảng 4.000 người đã hy sinh, một nửa trong số này một phần thân xác vẫn còn nằm ở chiến trường.
Thiếu tướng Lê Mã Lương, người đã chiến đấu 8 năm ở biên giới Việt-Trung và được phong tặng "anh hùng lực lượng võ trang", kể về chiến sự ác liệt tại Vị Xuyên :
"Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình dọc biên giới phía Bắc những năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử, dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này".
(VietnamNet, Tuần Việt Nam, 27/07/2017)
Chuyện bi thương thứ hai nên kể về Pháo đài Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Đó là khi :
"Nhắc đến những ngày đương đầu với quân Trung Quốc tại Lạng Sơn, không thể không kể đến trận đánh tại pháo đài Đồng Đăng. Người trực tiếp chiến đấu tại pháo đài này là Đại tá - Anh hùng Nông Văn Pheo, năm nay 61 tuổi. Ông may mắn sống sót sau trận đánh vô cùng chênh lệch về lực lượng với quân xâm lược.
Để bảo toàn lực lượng, Đại tá Pheo và một số đồng đội đã phải rút lui khỏi pháo đài tìm đường về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Theo thống kê, sau 3 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Đại tá Nông Văn Pheo đã trực tiếp tiêu diệt 70 tên địch, góp phần gây tổn thất nặng nề cho quân địch.
Nhưng đau xót thay, sau khi pháo đài Đồng Đăng thất thủ, quân Trung Quốc đã sát hại hàng trăm đồng bào ta. Pháo đài trở thành ngôi mộ tập thể lớn nhất trong chiến tranh biên giới của nhân dân Lạng Sơn.
Trước sự tấn công ồ ạt của quân Trung Quốc, Đồng Đăng và thị xã Lạng Sơn đều bị thất thủ. Quân xâm lược đi đến đâu là tiến hành đốt phá nhà xưởng, công sở, kho tàng bến bãi tới đó. Thị xã Lạng Sơn và nhiều địa phương khác gần như bị phá hủy hoàn toàn sau khi quân Trung Quốc rút đi".
(Dân Việt, 17/02/2018)
Chi tiết hơn, nhân chứng Hoàng Văn Liên là một trong hai người sống sót tại pháo đài Đồng Đăng, nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường lẫn bộ đội Việt Nam.
Báo Tuần Việt Nam viết ngày 10/02/2018 :
"Nhóm của ông cùng lực lượng biên phòng chiến đấu quyết liệt. Sau ba ngày, bộ đội tại các lực lượng đã hy sinh gần hết. Những người còn lại rút vào cố thủ trong pháo đài và bắn qua lỗ châu mai. Pháo đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc chiếm giữ. Đến ngày thứ 4, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Ông và một đồng đội khác lợi dụng đêm tối đã lẽn ra khỏi hang rút đi, trở thành 2 nhân chứng cuối cùng cho câu chuyện bi tráng ở pháo đài Đồng Đăng".
"Pháo đài Đồng Đăng vẫn ở đó, trở thành chứng tích của một sự kiện lịch sử, là nấm mồ chung của gần 400 người Việt Nam".
(Tuần Việt Nam, 10/02/2018)
Cuộc chiến biên giới Việt-Trung kéo dài 11 năm đã gây tổn thất cho cả hai phía, nhưng so với thiệt hại và thất bại chính trị của Trung Quốc thì sự phá hoại và tàn bạo của lính Trung Quốc để lại cho nhân dân 6 tỉnh đã vượt quá sự chịu đựng của người Việt Nam.
Theo thống kê bán chính thức của Bách khoa Toàn thư mở thì Việt Nam thừa nhận có 10.000 thường dân thiệt mạng, nhưng không công bố tổn thất quân sự. Các chuyên gia quân sự Tây phương ước tính có 20.000 quân lính Việt Nam chết và bị thương. Tây phương cũng phỏng định có lối 28.000 quân Trung Quốc tử thương và hàng chục ngàn lính bị thương.
Trận chiến Lão Sơn là một trận chiến kinh điển trong các trận chiến hạn định phi quy ước. Chiến thắng của phía Trung Quốc có thể kể công đầu là chiến thắng của mạng lưới tình báo Hoa Nam.
Thế nhưng, đáng tiếc nhưng phải lên án Đảng cộng sản Việt Nam vì quá sợ bị Trung Quốc trừng phạt nên không dám tổ chức tưởng niệm và ghi công những công dân và binh lính đã hy sinh trong cuôc chiến bảo vệ Tổ quốc chống quân Trung Quốc xâm lược từ 1979 đến 1990.
Nghĩa vụ cho ai, vì ai ?
Trong khi đó tại chiến trường Cao Miên, ngược với trông đợi Việt Nam sẽ rút quân sau khi đánh bật Pol Pot ra khỏi Nam Vang, quân Việt Nam đã sa lầy ở đó đến 10 năm. Cho đến khi sức cùng lực kiệt Việt Nam đã buộc phải rút quân từ tháng 6 năm 1989, trước áp lực cấm vận của quốc tế và là điều kiện bắt buộc của Bắc Kinh nếu Hà Nội muốn nối lại bang giao.
Vậy Việt Nam đã được gì sau cuộc chiến gọi là "nghĩa vụ quốc tế" của lực lượng "tình nguyện" ở Cao Miên ?
Hà Nội chẳng được gì, dù đã tổn thất khoảng 100.000 mạng sống gồm chết, bị thương và mất tích. Đất nước Cao Miên ngày nay, tuy quyền hành nằm trong tay cựu Trung đoàn trưởng Hun Sen, người được quân Việt Nam cứu và đưa trở lại Nam Vang nắm quyền sau Heng Samrin, đã nằm gọn trong tay Trung Quốc.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có ảnh hưởng chính trị tuyệt đối với Cao Miên, hơn cả Hoa Kỳ.
Ông Hun Sen đã nắm quyền lãnh đạo Campuchia 33 năm, sẽ tiếp tục được Bắc Kinh ủng hộ để thực hiện kế hoạch bành trướng "một vành đai, một con đường" của ông Tập Cận Bình, nhưng đồng thời cũng để bao vây Việt Nam ở phía tây.
Một bài viết phổ biến trên Internet cho biết :
"Là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Campuchia, Trung Quốc đã hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này 11 triệu USD để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay. Ở chiều ngược lại, chính phủ Campuchia mở cửa cho làn sóng đầu tư chưa từng có của các doanh nghiệp Trung Quốc. Hiện đã có 30 sòng bạc của doanh nghiệp Trung Quốc đi vào hoạt động ở Campuchia và 70 sòng bạc khác đang trong quá trình xây dựng.
Số lượng khách du lịch Trung Quốc đổ tới Sihanoukville, thành phố vốn chỉ có 90.000 dân, tăng gấp đôi trong vòng hai năm 2016-2017. Mọi nhà hàng, khách sạn, ngân hàng, cửa hàng mua sắm miễn thuế, siêu thị và ngân hàng ở Sihanoukville đều trưng biển hiệu viết bằng tiếng Trung Quốc".
Theo thống kê, năm 2017 Việt Nam đã dầu tư ở Cao Miên 184,5 triệu Mỹ kim, so với 501,5 triệu của Trung Quốc.
Ngoài mất ảnh hưởng chính trị vì không có khả năng kinh tế và tài chính bao bọc cho Hun Sen bằng Trung Quốc, đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam còn phải đối phó với mối hiềm khích lịch sử dai dẳng với Cao Miên về tranh chấp lãnh thổ và chủng tộc. Dù ngoài mặt thân thiện, nhưng trong thâm tâm, người Miên vẫn lạnh nhạt với người Việt Nam. Nó giống hệt như mối thù tiềm ẩn không bao giờ ra khỏi máu người Việt đối với Trung Quốc mỗi khi người Việt nhớ đến cuộc tấn công vào 6 tỉnh biên giới của Đặng Tiểu Bình năm 1979 để không quên rằng Việt Nam đã từng bị người Tầu đô hộ 1.000 năm trong nhiều thế kỷ trước.
Do đó, khi tổ chức kỷ niệm chiến thắng Pol Pot-Khmer đỏ tại Hà Nội ngày 05/01/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Việt Nam đã ngụ ý kỷ niệm chiến thắng quân Khmer Đỏ ở mặt trận biên giới Tây-Nam là chính, sau đó mới đến chuyện đánh bật Pol Pot và Khmer Đỏ ra khỏi Thủ đô Nam Vang ngày 07/01/1979.
Ông Phúc đã lồng 2 hành động vào một khung là muốn tránh mở lại vết thương xung đột với Trung Quốc vì Bắc Kinh đã để mất quân bài Pol Pot trước cuộc tấn công của quân Việt Nam.
Hơn nữa khi Thủ tướng Việt Nam gọi lễ kỷ niệm là "Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam của Tổ quốc và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07/01/1979- 07/01/2019)" còn ngụ ý muốn thanh minh quân Việt Nam vượt biên vào Cao Miên 40 năm trước không phải là hành động "xâm lược chiếm đóng" như đã có lần bị chính Nhà vua Norodom Sihanouk tố cáo tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Ông Phúc muốn mọi người hiểu rằng Việt Nam chỉ phản công hành động đánh phá của Pol Pot-Khmer Đỏ, và tình nguyện giúp người Miên thoát khỏi chế độ diệt chủng.
Ông Phúc nói :
"Sau khi đập tan chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây-Nam Việt Nam của Tập đoàn phản động Pôn Pốt, theo yêu cầu của cách mạng Campuchia, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia giải phóng dân tộc khỏi nạn diệt chủng, khôi phục, xây dựng đất nước. Đến ngày 7/1/1979 thủ đô Phnôm Pênh đã được giải phóng. Đây là Chiến thắng có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại, từ đó nhân dân Campuchia hoàn toàn thoát khỏi chế độ diệt chủng, bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do, dựng xây đất nước".
Nhóm chữ "cách mạng Campuchia" mà ông Phúc nhắc đến là tổ chức "Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia" được Việt Nam yểm trợ thành lập do Heng Samrin lãnh đạo và Hun xen là Ủy viên.
Báo chí Việt Nam, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo đảng và Bộ Thông tin và truyền thông, đã viết bài ca tụng quân đội Việt Nam đã "hoàn thành nghĩa vụ quốc tế vẻ vang".
Nhưng trong khi kỷ niệm 40 năm chiến thắng mặt trận biên giới Tây-Nam và giải phóng Cao Miên khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot được tổ chức cấp nhà nước thì trong 39 năm qua, những hy sinh cao cả và đẫm máu của quân-dân 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến chống quân Tầu xâm lược 1979-1990 đã bị đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam cố tình làm ngơ.
Chẳng những đớn hèn như thế mà Chính phủ còn ra lệnh chống phá, ngăn cấm mọi cố gắng tự phát của cựu chiến binh và người dân muốn tổ chức truy điệu và dâng hương ghi ơn quân-dân đã nằm xuống trong cuộc chiến hào hùng này.
Không có bất cứ lời giải thích nào từ phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cho thái độ vô ơn bạc nghĩa này. Nếu 40 năm sau ngày quân Trung Quốc xâm lược 17/02/1979 mà hương khói vẫn lạnh tanh ở biên giới Việt-Trung thì vong linh của trên 45.000 quân-dân làm sao mà thảnh thơi nơi chín suối ?
Phạm Trần
(10/01/2019)
Mỗi ngày đi qua lại có thêm bằng chứng Lãnh đạo Việt Nam quên nhắc đến tên Biển Đông như điều kiện làm hài lòng Trung Quốc.
Bằng chứng đã thấy trong các bài diễn văn hay bài viết cuối năm kiểm điểm tình hình quốc nội và ngoại giao của hai ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Riêng ông Phúc đã không nói đến Biển Đông trong hai bài phát biểu quan trọng trước kỳ họp 6 của Quốc hội hồi tháng 10 và 11/2018.
Bài thứ nhất là Báo cáo về "Tình hình Kinh tế-Xã hội năm 2018 và Kế hoạch phát triển Kinh tế-Xã hội năm 2019". Bài thứ hai ghi lại phát biểu của ông Phúc tại Phiên giải trình và trả lời chất vấn của Quốc hội.
Ngư dân Việt Nam bất lực trước sự chèn ép và tấn công của tàu Trung Quốc ngay trong hải phận - Ảnh minh họa
Đề cập đến "quốc phòng, an ninh, đối ngoại", ông Phúc nói : "Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tập trung chỉ đạo ; phối hợp chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia ; góp phần nâng cao vị thế đất nước. Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. C hủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển. Thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ ; xây dựng, quản lý biên giới hòa bình, ổn định và phát triển".
Toàn là những điều chung chung, thiếu chi tiết cụ thể và ảo tưởng. Không có chữ nào nói đến tình hình phức tạp do Trung Quốc gây ra cho an ninh và ngư phủ Việt Nam đánh bắt ở hai vùng biển truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa. Do đó, khi ông Phúc nói Chính phủ đã "Chủ động ứng phó với các tình huống phức tạp, bảo đảm an ninh, an toàn cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển" là ông đã nói loạn cào cào, không thật. Bởi vì từ xưa đến nay, lực lượng Cảnh sát biển và Lực lượng biên phòng Việt Nam chưa bao giờ dám can thiệp, nghênh chiến hoặc đánh đuổi Hải quân Trung Quốc trá hình Hải giám khi chúng tấn công ngư dân Việt Nam ở Biển Đông.
Thậm chí báo đài chính thống của nhà nước Việt Nam còn không dám gọi đích danh quân Trung Quốc và tầu Trung Quốc mà chỉ nói bâng quơ "tầu lạ" hay "tầu nước ngoài", mặc dù ngư phủ Việt nói thẳng đó là tầu và lính Trung Quốc.
Do đó, khi ông Nguyễn Xuân Phúc nói bừa rằng, Chính phủ do ông cầm đầu đã "Thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ ; xây dựng, quản lý biên giới hòa bình, ổn định và phát triển" là ông đã nói theo miệng lưỡi của hạng người muốn cắn răng bóp bụng để được sống chung hòa bình với quân thù.
Trong bài viết khoe thành tích đầu năm 2019 nhan đế "Quyết liệt hành động để phát triển nhanh, bền vững", thêm lần nữa ông Phúc không nói một chữ nào về tình hình Biển Đông, mặc dù hiểm họa Trung Quốc chiếm thêm biển đảo của Việt Nam chưa bao giờ đến gần như năm 2018.
Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch "Quân sự hóa" 7 bãi đá chiếm của Việt Nam ở Trường Sa từ năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Sân bay, bến cảng, lực lượng phòng không, đài radar và lực lượng đồn trú đã sẵn sàng cho Trung Quốc sử dụng bất kỳ lúc nào có lệnh của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Hoa Tập Cận Bình.
Theo các nhà phân tích về nội tình Trung Quốc thì phe "diều hâu" trong Quân đội Trung Quốc đang gia tăng áp lực đòi công khai đương đầu với Hải quân Mỹ ở Biển Đông, sau vài vụ "quấy nhiễu nhẹ" giữa các tầu chiến hai nước ở Biển Đông từ giữa năm 2018.
Một trong số tướng "diều hâu" của Trung Quốc tên La Viện đã đề nghị "Phải đánh chìm tàu sân bay Mỹ" ở Biển Đông. La Viện nói : "Mỹ sợ nhất là chết người, chỉ cần đánh chìm 2 tàu sân bay, chết 10 ngàn người là Mỹ sợ ngay".
Theo bài dịch của Thu Thủy đăng trên báo VietTimes ở trong nước ngày 02/01/2019 thì tuyên bố của La Viện đã được đăng trên trang tin Hoa ngữ Đa Chiều "DWNews" được cho là thân cận với Bắc Kinh. Theo tin này, hôm 20/12/2018 Trung Quốc đã tổ chức tại Thâm Quyến "Hội nghị công nghiệp quân sự 2018", La Viện, Phó Tổng thư ký Hội Khoa học quân sự Trung Quốc" đã có bài phát biểu dài tập trung nói về vấn đề đối đầu Trung - Mỹ.
Ngày 23/12/2018, toàn văn bài nói của La Viện được đăng tải trên tạp chí "Hoa Sơn cung kiếm" dưới tiêu đề "Thiếu tướng La Viện : Chiến tranh mậu dịch Trung - Mỹ là gì ? Vì sao ? Làm thế nào ?
Lâu nay, từ Tập Cận Bình trở xuống cho đến Thủ tướng Lý Khắc Cường và Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị đều nằng nặc hô hoán rằng tất cả các bãi, đảo và vùng nước cung quanh ở Biển Đông là của Trung Hoa từ thời cổ đại.
Trung Quốc cũng nói không nhượng bộ chủ quyền lãnh thổ, dù chỉ 1 ly. Ngược lại phía Việt Nam thì từ ông Trọng trở xuống đều ngậm môi không dám hé răng, động lưỡi. Do đó, cả hai ông Trọng và Phúc chỉ hứa suông : "Kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc", nhưng tuyệt đối tránh nói đến Biển Đông, dường như sợ làm mất lòng Trung Quốc.
Riêng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong bài viết phổ biến cuối năm 2018, lại nói khơi khơi không bằng chứng rằng : "Trên Biển Ðông, chúng ta tiếp tục bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc".
Hai chữ "vững chắc" là chỉ chắc ở 21 vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa vì chưa bị quân Trung Quốc tấn công, hay không có động thái gây chiến với bất kỳ lực lượng nước ngoài nào ở Biển Đông. Nên biết, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, còn có các bên tranh chấp nhiều hay ít gồm Phi Luật Tân, Nam Dương, Mã Lai Á, Brunei và Đài Loan.
Mới đây, trong chuyến thăm Hà Nội, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã sử dụng thỏa hiệp khai thác dầu khí chung với Phi Luật Tân ở Biển Đông để áp lực Việt Nam cùng hợp tác trên vùng tranh chấp nhưng Hà Nội chưa đồng ý.
Riêng phần ông Nguyễn Phú Trọng thì đã từ lâu, ít ra trong toàn năm 2018, danh từ Biển Đông và tình hình ở đó an nguy cho Việt Nam ra sao không thuộc danh mục ông muốn nói với dân trong các cuộc tiếp xúc với Cử tri Hà Nội hay tại các buổi làm việc với cán bộ, đảng viên.
Vì vậy, nếu có thắc mắc "phải chăng lãnh đạo Việt Nam đã bị dị ứng nên ngọng miệng với hai chữ Biển Đông" không dám nói vì là vấn đế "nhậy cảm" với những ngưởi mà ông Trọng gọi là "vừa là đồng chí, vừa là anh em Trung Quốc".
Ngoài ra ai cũng biết Lãnh đạo Việt Nam muốn cho dân ăn bánh vẽ hòa bình, ổn định giả tạo ở Biển Đông với Trung Quốc chỉ vì muốn giữ cho tròn nghĩa vụ phải tuân theo 16 chữ vàng "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", và bảo vệ tinh thần 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt". Những chữ ma quái phù thủy này đã được phía Trung Quốc, thời Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trao cho Việt Nam như cẩm nang phải giữ. Ngược lại phía Trung Quốc lại không cần làm theo nên Bắc Kinh đã ngạo ngược hành động quân sự đơn phương ở Biển Đông từ bấy lâu nay.
Võ Văn Thưởng - Báo chí
Bên cạnh những bất thường quanh hai chữ Biển Đông, dư luận trong và ngoài nước cũng quan tâm không ít đến những phát biểu cuối năm của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng đối với tình trạng báo chí đã "xa rời tôn chỉ và mục đích", hoặc có khi còn xoay chiều, làm ngược với chỉ thị của đảng.
Cũng như hai ông Trọng và Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo, cơ quan nắm đầu báo chí và giữ vững tư tưởng đảng đã không nói, dù 1 chữ chỉ thị cho báo chí về tình hình Biển Đông.
Bởi vì, theo lời ông Thưởng, hiện nay báo chí đang phải đối mặt với tình trạng : "Xu hướng xã hội hóa thông tin, tìm kiếm thông tin ngày càng cá nhân hóa ; hiểm họa tin giả ; quảng cáo giảm sút ; nguy cơ tụt hậu của báo chí nước ta trước sự phát triển rất nhanh của báo chí và truyền thông thế giới ; biểu hiện mơ hồ về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một phận người làm báo…".
Do đó, ông Thưởng đã nói với Hội nghị báo chí toàn quốc ngày 28/12/2018 rằng : "Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất ; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí".
Ông ra lệnh : "Khắc phục tối đa bị kỷ luật ở cơ quan này chạy qua cơ quan khác, bị tước thẻ nhà báo thì vẫn mang bút danh khác… Tôi nhớ kỷ niệm năm trước, tôi đã nói báo chí phê phán người ta... nhưng tôi thấy rằng nhiều phóng viên viết bài trên báo mình rất hay nhưng rời khỏi tòa soạn viết trên mạng xã hội là như con người đa nhân cách. Một mặt viết trên báo đào hoa phong nhã, tư cách sáng ngời, lên mặt phê bình người này, dạy dỗ người khác nhưng khi viết trên mạng cũng không thua kém người vô bổ vô thực, chửi tục nói phét".
Rồi ông kêu gọi Hội Nhà báo : "Cần tăng cường nhiều hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa nhằm phê bình những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên, cơ quan báo chí với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tương xứng với những sai phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tổ chức Hội, hội viên và người làm báo".
Cuối cùng, ông Thưởng nhìn nhận Đảng đang phải đối phó với "thách thức từ mạng xã hội là rất lớn". Ông nói : "Thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại, thua cuộc của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý nhà nước về thông tin".
Như vậy rõ ràng, tình trạng "tự diễn biến, tự chuyển hóa" không chỉ xẩy ra trong cán bộ, đảng viên mà còn đầy rẫy trong làng báo, những người lèo lái dư luận theo lệnh đảng.
Hèn chi ông Thưởng đã khôn không yêu cầu báo chí giúp đảng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, vì khi hai Lãnh đạo đầu não Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc không màng thì ai thèm quan tâm ?
Phạm Trần
(04/01/2019)
Hội nghị Trung ương 9 khóa XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc chỉ sau 2 ngày làm việc (25-26/12/2018), ngắn nhất trong lịch sử đảng, nhưng lại nói nhiều để giấu dân những việc làm trong bóng tối (1).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh : Nhật Bắc.
Có 4 việc chính đã xẩy ra tại kỳ họp được "khua chuông gõ mõ" nhiều nhất trong năm 2018, đó là :
Lấy phiếu tín nhiệm
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 21 Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, trong tổng số 24 người, kể cả 3 người đứng đầu gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Có 3 người được miễn lấy phiếu kỳ này gồm Ủy viên Bộ Chính trị Đinh Thế Huynh, vì đã nghỉ bệnh lâu dài và hai ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mới được bầu bổ sung vào Ban Bí thư ngày 9/5/2018 nên chưa đủ thời gian công tác theo quy định.
Nhưng sau khi lấy phiếu xong ngày 25/12/2018, Ban Chấp hành Trung ương lại họp kín vào ngày hôm sau (26/12) để nghe báo cáo kết quả.
Giống như lần lấy phiếu thứ nhất tại kỳ họp Trung ương 10 khóa đảng XI hồi tháng 1/2015, kết luận của Trung ương theo 3 mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" đã bị niêm phong không cho dân biết.
Chỉ thấy ông Trọng nói trong Diễn văn bế mạc hôm 26/12/2018 rằng :
"Qua kết quả được công bố trong Ban Chấp hành Trung ương đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm… Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương".
Nghe ông Trọng nói thế thì cũng biết vậy thôi vì việc lấy phiếu lại do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu thì ai dám đòi kiểm tra thật hư ra sao.
Thành phần Đảng XIII
Thứ hai là Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến về việc giới thiệu 205 nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên cho nhiệm kỳ đảng khóa XIII (2021 – 2026). Đây là con số ít hơn số gần 250 người đã được chính ông Nguyễn Phú Trọng loan báo hôm khai mạc, 25/12/2018.
Thông báo cuối cùng của Hội nghị 9 đưa ra ngày 26/12/2018 đã không giải thích tại sao có sự sai biệt này. Nhưng họ là thành phần nào trong xã hội ?
Ông Trọng nói chắc như bắp rang : "Các đồng chí được giới thiệu vào quy hoạch đều được các địa phương, cơ quan, đơn vị đánh giá tốt về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống ; trình độ, năng lực công tác, uy tín và triển vọng phát triển".
Nhưng đến khi chọn giới thiệu thì Trung ương, theo lời ông Trọng : "Đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026".
Vì vậy, nhân dân và kể cả các đảng viên cũng không biết tên tuổi những người này. Theo tiến trình chọn lựa thì Bộ Chính trị sẽ quyết định chốt danh sách cuối cùng, dựa theo đề nghị của Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược do ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban.
Theo lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính thì lớp người mới thuộc 3 độ tuổi : dưới 55, dưới 50 và dưới 45.
Ông Chính nói chi tiết hơn :
"Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Những cán bộ này phải là nhân sự được quy hoạch vào các chức vụ người đứng đầu nhiệm kỳ 2021-2026, là ủy viên cấp ủy hoặc tổ chức đảng ở cấp mình đang công tác.
"Nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên, cụ thể như Bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND... Đây phải là nhân sự đã được quy hoạch vào chức vụ người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.
Cuối cùng, theo ông Chính :
"Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ hiện hành như hai nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu, quy hoạch vào các chức danh do Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý (Phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia làm nhân sự dự khuyết Trung ương".
(VnExpress, 07/12/2018)
Tự khoe hơn tiền nhiệm
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị 9, ông Nguyễn Phú Trọng đã không giấu giếm khoe rằng việc gọi là "xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược" chỉ được bắt đầu từ khóa đảng XI (2011-2016) khi ông làm Tổng Bí thư. Ông nói :
"Qua tổng kết, rút kinh nghiệm cách làm của khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII này khẳng định phải tiếp tục làm và làm một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn".
Nhưng ông cũng thanh minh rằng :
"Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành nhiệm kỳ XIII của Đảng".
Sở dĩ ông Trọng phải rào trước đón sau như vậy vì ngoài số người mới còn có các ủy viên Trung ương khóa XII được tái cử nên chưa biết số người của Ban Chấp hành Trung ương XIII tương lai là bao nhiêu. Khóa đảng XII có 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.
Kỳ này, nhằm tạo uy tín cho sự lựa chọn của mình, ông Trọng đã nhắc lại tiêu chuẩn đã nói nhiều lần :
"Tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực".
Theo lộ trình của ông Trọng thì khóa đảng XIII sẽ diễn tiến từng bước : "Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt".
Lý do ông Trọng cẩn thận vì Điều lệ đảng không cho phép ông làm Tổng Bí thư quá 2 nhiệm kỳ. Đến hết nhiệm kỳ XII, đầu năm 2021, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ 77 tuổi là quá già yếu để có thể tiếp tục đứng đầu đảng hay đứng đầu nước. Do đó, ông sợ nếu làm hỏng công tác nhân sự cho khóa đảng tương lai thì ông sẽ bị lên án nói nhiều mà làm không được, và bị bôi đen trong lịch sử đảng.
Việc Thứ ba được loan báo là Trung ương đã "Nghe Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018", nhưng nội dung cũng không được công bố cho dân biết.
Chỉ thấy ông Trọng tự khoe : "Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia".
Nhưng "chủ quyền quốc gia" có bao gồm Biển Đông đang bị Trung Quốc đe dọa ngày đêm không ?
Lý do thắc mắc vì đã từ lâu, trong nhiều trường hợp, đặc biệt trong hai Diễn văn khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương 9 lần nay, không thấy ông Trọng nói đến vấn đề Biển Đông. Chẳng nhẽ Biển Đông đã hòa bình, hay lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã tự quên Hoàng Sa và Trường Sa là của Tổ tiên người Việt để lại ?
Việc Thứ tư xẩy ra tại Hội nghị 9 là Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý cách chức ông Tất Thành Cang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Cang bị tố cáo lạm quyền và gây hậu qủa nghiệm trọng trong nhiều dự án và chương trình kinh tế, kể cả vụ Thủ Thiêm.
Như vậy, ngoài vụ Tất Thành Cang, mọi vấn đề quan trọng khác tại Hội nghị Trung ương 9 đều diễn ra trong bóng tối, mặc dù mọi người đã phải nghe ông Trọng nói đến mỏi tai.
Phạm Trần
(27/12/2018)
*****************
(1) Bế mạc Hội nghị Trung ương 9, khóa XII (Zing, 27/12/2018)
Chiều 26/12, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, sau 2 ngày làm việc.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng bế mạc Hội nghị. Zing.vn trân trọng giới thiệu toàn văn :
Thưa các đồng chí Trung ương,
Thưa các đồng chí tham dự Hội nghị,
Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Các đồng chí Ủy viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các Tờ trình và Báo cáo. Bộ Chính trị đã tiếp thu tối đa ý kiến của Trung ương và Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao thông qua Nghị quyết của Hội nghị.
Để kết thúc Hội nghị, tôi xin thay mặt Bộ Chính trị phát biểu, nhấn mạnh thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu của Hội nghị.
Về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026 : Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu kỹ, thảo luận và nhất trí cao với Tờ trình, Báo cáo và các tài liệu có liên quan mà Bộ Chính trị đã trình Trung ương ; hoan nghênh Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo đã chuẩn bị tích cực, nghiêm túc, chu đáo, đúng quy định của Đảng, có kế thừa những kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, đồng thời có bổ sung những quan điểm, nguyên tắc, cách làm mới, phù hợp với một lộ trình chặt chẽ, khoa học.
Trung ương một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định, cán bộ và công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thận trọng, thường xuyên, có hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Trung ương đồng tình cao việc Bộ Chính trị trình Trung ương tại Hội nghị này chỉ cho ý kiến về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 với tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ, công phu ; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; sau đó mới đến các chức danh chủ chốt.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận về Tờ trình, Báo cáo và các tài liệu có liên quan về nhân sự quy hoạch, Trung ương đã ghi phiếu và bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, sau Hội nghị này, trên cơ sở kết quả giới thiệu của Trung ương cần khẩn trương chỉ đạo Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, thẩm định kỹ trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch theo thẩm quyền và theo đúng các quy định của Đảng. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch ; đồng thời tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư : Ban Chấp hành Trung ương đồng thuận rất cao với Tờ trình của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm và cho rằng, Bộ Chính trị đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho công việc hệ trọng này. Từ đầu tháng 11/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch về việc lấy phiếu tín nhiệm để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương ; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chuẩn bị các báo cáo công tác từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay để trình Trung ương với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, thẳng thắn và chân thành.
Trung ương khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm là sự đánh giá, ghi nhận của Ban Chấp hành Trung ương đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay đối với từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; đồng thời giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác ; là kênh thông tin rất quan trọng để giúp Bộ Chính trị trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Qua kết quả được công bố trong Ban Chấp hành Trung ương đã một lần nữa cho thấy tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm trong việc đánh giá và sự tín nhiệm của Trung ương đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Trung ương. Mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hãy coi đây là dịp tốt để nhìn nhận lại mình, phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao, cố gắng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng với niềm tin và hy vọng của Ban Chấp hành Trung ương, của toàn Đảng và toàn dân.
Ban Chấp hành Trung ương tán thành Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018 : Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm ; cho rằng việc kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, đúng nguyên tắc. Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, vững vàng về chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng ; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Năm 2018, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có những diễn biến phức tạp, khó lường, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn để kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về đối nội và đối ngoại.
Đồng thời, Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo ; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Trung ương về những việc còn chưa làm được. Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của Trung ương để có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong những năm sắp tới, đặc biệt là 9 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019 như trong Báo cáo đã nêu.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đã tiến hành xem xét thi hành kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII ; Phó Bí thư thường trực Thành uỷ, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.
Như vậy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, trong vòng chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị thi hành kỷ luật là con số chưa từng có, trong đó có 4 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng đương nhiệm và 3 đồng chí trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự.
Thật đau lòng ! Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới.
Đây là bài học sâu sắc cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không chỉ đối với đồng chí Tất Thành Cang, mà là bài học chung đối với tất cả chúng ta. Đề nghị từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn.
Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân, của Đảng là tối thượng ; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Chúng ta cũng đề phòng và kiên quyết bác bỏ những âm mưu, luận điệu sai trái của các phần tử xấu, thù địch xuyên tạc những việc làm chính đáng của chúng ta để kích động, hòng chia rẽ nội bộ ta.
Thưa các đồng chí,
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đang có nhiều chuyển biến tích cực, khá toàn diện và đồng bộ kể từ sau thành công Đại hội XII của Đảng. Trong 3 năm qua, nhất là năm 2018, toàn hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, kiên trì, kiên quyết triển khai các nhiệm vụ chiến lược : Phát triển kinh tế - xã hội ; bảo đảm quốc phòng, an ninh ; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan hệ đối ngoại được mở rộng ; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị và đồng bào, chiến sĩ cả nước chung sức đồng lòng, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2018, tiếp tục thực hiện thật tốt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019 và toàn bộ nhiệm vụ mà Đại hội XII đã đề ra.
Nhân dịp năm mới 2019 và chuẩn bị đón tết cổ truyền Kỷ Hợi sắp tới, tôi xin gửi tới đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng tốt đẹp nhất ; chúc các đồng chí Trung ương, các đồng chí tham dự Hội nghị sức khoẻ, hạnh phúc, hoàn thành tốt trọng trách trước Đảng, trước nhân dân và đất nước.
Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Trước thềm Hội nghị Trung ương 9, đảng cầm quyền cộng sản Việt Nam phải đối diện với thực tế Đảng chưa tan nhưng đã rã.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu kết luận nội dung kiểm tra Nghị quyết 18, 19 (Ảnh : HH)
Theo tin chính thức thì lịch lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị (17 người), Ban bí thư (14 người) và Ban Chấp hành Trung ương ( gồm 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết) đã được chuẩn bị cho Hội nghị này để chọn "cán bộ cấp chiến lược" cho đảng Khóa XIII, bắt đầu từ tháng 01/2021.
Nhưng chất lượng đảng viên và tình trạng bỏ sinh hoạt đảng lan nhanh trong nội bộ đã được báo động tại phiên họp ngày 18/12/2018 của Ban Bí thư. Tình hình xấu này được Ban Tổ chức Trung ương báo cáo vào lúc cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp Ủy đảng địa phương đang diễn ra trên toàn quốc. Kết qủa bỏ phiếu sẽ phản ảnh trong thành phần đại biểu của mỗi địa phương được chọn tham dự Đại hội đảng XIII. Cho đến giữa tháng 12/2018, không thấy có thay đổi nào của các tổ chức đảng địa phương.
Trước bức tranh "vẫn dậm chận tại chỗ" u ám này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tỏ vẻ ngán ngẫm nói rằng : "Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dân số nước ta có 25 nghìn người thì có 5 nghìn đảng viên, vậy mà Đảng đã lãnh đạo cách mạng thành công. Bây giờ cả nước có hơn 90 triệu dân, trong đó có khoảng 5 triệu đảng viên, đông nhưng không mạnh chính là vì chất lượng đảng viên" (Công Lý, ngày 18/12/2018).
Ông Trọng không nói tại sao đảng viên sa sút, yếu kém. Nhưng ẩn ý của ông trong lời nói sau đó đã phơi ra sự thật là đảng viên đã chán đảng và không còn tha thiết vớ sinh hoạt đảng nữa.
Ông tự nghi vấn vớimọi người có mặttại Trụ sở Trung ương Đảng rằng : "Trước hết là về tư tưởng chính trị, có trung thành tuyệt đối với Đảng, với đất nước, với nhân dân không ; phẩm chất đạo đức có gương mẫu đi đầu, đi trước thiên hạ, vui sau thiên hạ hay không...".
Đó là những tiêu chuẩn của Bộ Chính trị do ông Trọng đứng đầu đã đặt ra "về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng". Nhưng ông không cho biết liệu đã có bao nhiêu đảng viên đã suy thoái tư tưởng rồi đoạn tuyệt với đảng.
Chỉ thấy ông Trọng nói : "Cần nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ; sàng lọc, rà soát, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên không còn đủ tư cách, động cơ mục đích không trong sáng, vào đảng không phải để chiến đấu hy sinh, mà để được đề bạt, lên lương, thăng quan tiến chức…".
Lo âu hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam từ 10 năm qua là tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận không nhỏ đảng viên, nhất là trong số khoảng 600 lãnh đạo cốt cán được gọi là "cán bộ chiến lược".
Nhiều người trong họ đã không còn tin vào thứ gọi là "kim chỉ nam cho mọi hành động" của Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ chỉ trích đảng đang đi sai đường ; không muốn làm theo lệnh đảng, hay làm khác đi để thu lợi cho bản thân, gia đình và phe nhóm. Quan trọng hơn, nhiều người còn công khai phủ nhận vai trò lịch sử của đảng và đòi đảng nhìn nhận sai lầm của mình đối với đất nước.
Bị xóa hay tự xóa ?
Vì vậy cuộc thanh lọc hàng ngũ đảng trong thực tế đã bắt đầu ngay từ khi ông Trọng nắm quyền khóa đảng XI thay Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Theo báo cáo thì : "Từ năm 2011 đến năm 2017, toàn Đảng đã sàng lọc, đưa ra khỏi Đảng bằng hình thức xóa tên 50.938 đảng viên, trong đó xóa tên do vi phạm 38.519 đảng viên, chưa kể 12.499 đảng viên bị kỷ luật khai trừ khỏi Đảng.
Việc rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng có chiều hướng gia tăng, năm 2011 là 6.005 đảng viên, năm 2013 là 7.413 đảng viên, năm 2015 là 6.458 đảng viên, năm 2017 là 9.822 đảng viên" (CAND, Công an Nhân dân, ngày 19/12/2018).
Đó là những con số không nhỏ và có ý nghĩa chính trị có lợi cho cá nhân ông Trọng. Dưới thời các tổng bí thư tiền nhiệm, từ thời Nguyễn Văn Linh (1986-1991), Đỗ Mười (1991-1997), Lê Khả Phiêu (1997-2001) đến Nông Đức Mạnh (2001-2011) chưa bao giờ có báo cáo thanh lọc hàng ngũ được công khai như thế.
Tuy nhiên, số đảng viên bị kỷ luật khai trừ, bị loại vì nhiều lý do hay tự ý bỏ sinh hoạt đảng dưới thời ông Trọng còn có ý nghĩa số đảng viên thiếu phẩm chất cũng rất nhiều.
Nhưng không phải chỉ có bấy nhiêu chuyện không hay mà ngay trong kế hoạch kết nạp đảng viên thay thế cũng không dễ dàng. Theo lời Ban Tổ chức Trung ương thì : "Chất lượng đảng viên mới kết nạp ở một số nơi còn thấp, không ít đảng viên dự bị không đủ điều kiện chuyển đảng viên chính thức, phải xóa tên khỏi danh sách đảng viên, chỉ riêng năm 2017 đã có 2076 đảng viên dự bị xóa tên".
Thêm vào đó, đảng cũng thừa nhận : "Việc phát triển đảng viên trong các doanh nghiệp , nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước, địa bàn dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu, có biểu biện chạy theo số lượng đơn thuần, chưa coi trọng chất lượng đảng viên mới được kết nạp".
Từ năm 2011 đến năm 2017, theo báo cáo, toàn Đảng kết nạp được 1.461.701 đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 209.572 đảng viên. Nhưng số người bỏ sinh hoạt đảng cũng lên cao.
Đảng xác nhận : "Việc quản lý đảng viên ở một số nơi chưa chặt chẽ, cấp ủy không nắm được số đảng viên không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt đảng về nơi đến, tự bỏ sinh hoạt đảng ; số đảng viên thường xuyên đi làm xa nơi cư trú, xin miễn sinh hoạt đảng nhiều năm… (Công Lý,
Tính đến ngày 31/12/2017, Đảng cộng sản Việt Nam có 4.921.129 đảng viên, sinh hoạt ở 270.046 chi bộ thuộc 57.794 tổ chức cơ sở đảng.
Thanh niên ngại vào Đảng
Từ chuyện đảng viên thoát đảng, nhiều thanh niên và người lao động ngày nay còn không muốn vào đảng.
Lý do rất nhiều, nhưng chỉ cần đọc câu mở đầu bài phân tích của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Việt Nam) ngày 08/10/2018, sẽ biết tại sao : "Bây giờ lớp trẻ nhìn vào đội ngũ cán bộ, bộ máy chúng ta, có những cán bộ, đảng viên, một bộ phận không nhỏ thoái hóa, biến chất. Trong tất cả những đối tượng thất hứa đối với nhân dân, ai thất hứa nhiều nhất ? Bộ máy của chúng ta thất hứa nhiều nhất. Lớp trẻ cảm thấy chán".
VOV viết tiếp : "Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, số lượng đảng viên kết nạp năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2017, 12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ kết nạp hơn 35.000 đảng viên, giảm hơn 2.900 người so với năm 2016. Có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Đáng lo ngại là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, ngại vào Đảng…".
"…Những năm gần đây, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, thiếu gương mẫu, chưa gắn bó mật thiết với nhân dân ; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm…".
Trong bài khác ngày 08/10/2018, VOV viết : "Trong thời gian gần đây, tại các tỉnh miền Trung, số lượng đảng viên kết nạp năm sau thấp hơn năm trước. Năm 2017, 12 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ kết nạp hơn 35.000 đảng viên, giảm hơn 2.900 người so với năm 2016. Có chi bộ 5 năm liền không kết nạp được đảng viên nào. Đáng lo ngại là một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, ngại vào Đảng".
VOV viết tiếp : "Hai anh em Hồ Tấn Phương và Hồ Việt Phương sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thành phố Đà Nẵng, bố mẹ đều là đảng viên. Ông bà nội, ngoại cũng là những đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng. Hai anh em chưa qua tuổi 30, rất giỏi chuyên môn được lãnh đạo đơn vị và đồng nghiệp đánh giá cao nhưng cả 2 còn ngại vào Đảng.
Hồ Tấn Phương chia sẻ : "Việc vào Đảng hay không bản thân tôi chưa nghĩ tới. Nếu tôi vào Đảng thì cũng chẳng tạo ra điểm khác biệt gì".
Nhạt Đảng - Khô Đoàn
Ngay đến ông Nguyễn Phú Trọng, trong lần phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XI khai mạc sáng 11/12/2018 tại Hà Nội đã cảnh giácđang có tình trạng "nhạt Đảng", "khô Đoàn", "xa rời chính trị" trong đội nghị đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Ông nói : "Bên cạnh những thành tích, tiến bộ, công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ qua cũng còn những hạn chế, bất cập. Một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ; một số ít thanh niên bị các thế lực xấu, thù địch lôi kéo, kích động, đã có những việc làm đi ngược lại, thậm chí chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên diễn biến phức tạp".
Vì vậy ông Trọng khuyến cáo : "Đoàn cần định hướng, giáo dục thanh niên có ý thức nhạy bén chính trị, tích cực đấu tranh ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, tăng sức đề kháng cho thanh niên trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội ; tránh tình trạng "nhạt Đảng", "khô Đoàn", "xa rời chính trị".
Lời cảnh giác của ông Trọng cho thấy Thanh niên Việt Nam đã chán đảng đền tận cổ vì đảng không phải là "của dân", "do dân" và "vì dân" mà chỉ biết bóc lột dân, buộc dân là chủ nhân của đất nước, phải lao động ngày đêm để phục vụ cho quyền lợi của đảng.
Công nhân cũng chán
Trong khi đó, dưới chủ đề "Nhìn thẳng thực trạng công nhân, sinh viên ngại vào Đảng - Bài 1 : Băn khoăn, chần chừ", báo Sài Gòn Giải Phóng v iết ngày 15/10/2018 : "Công tác phát triển Đảng trong công nhân và sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy, hiệu quả công tác này còn nhiều hạn chế, số lượng đảng viên là sinh viên, công nhân chưa tương xứng với tiềm năng. Vì sao các tổ chức Đảng không đạt được mục tiêu quan trọng này, đâu là lực cản ?
"Ngày xưa mình "ngỏ ý" là người ta theo mình liền, bây giờ thì phải đi theo người ta để vận động, vận động nhiều lần mới được. Có người còn hỏi vào Đảng có phải là bắt buộc không, nếu bắt buộc thì họ mới vào, còn tự nguyện thì không". Câu chuyện ông Võ Văn Lợi, Bí thư chi bộ, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng - Thương mại Tường Vy (huyện Nhà Bè), chia sẻ là ví dụ điển hình của tình trạng phần lớn công nhân và sinh viên hiện nay không mặn mà chuyện được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam - điều mà mấy chục năm về trước là niềm vinh dự của thế hệ cha anh.
Báo SGGP viết tiếp : "Việc phát triển đảng viên tại Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long càng khó khăn hơn. Ông Vũ Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, Bí thư Chi bộ Thanh Phong (thuộc Đảng ủy Doanh nghiệp huyện Nhà Bè), cho biết 3 năm qua chi bộ chưa phát triển thêm đảng viên mới nào, dù công ty có mấy ngàn người lao động. Năm nay, chỉ tiêu cũng rất khiêm tốn như mọi năm là "mỗi năm một người", nhưng vẫn có nguy cơ không đạt được. Nhiều người được vận động nhiều lần cũng không vào Đảng".
Cuối cùng, ông Vũ Hoài Nam trăn trở : "Thật sự, người lao động nói họ không có nhu cầu vào Đảng. Họ cho rằng vào Đảng không mang lại lợi ích dù trực tiếp hay gián tiếp. Chúng tôi cũng vận động, thuyết phục, song chưa được". Không những chưa kết nạp được đảng viên mới, mà nhiều đảng viên trong chi bộ đã ngỏ ý muốn xin ra khỏi Đảng. Chi bộ Thanh Phong phải động viên, đảng viên mới tiếp tục sinh hoạt !" (
Như vậy thì những câu tuyên truyền rẻ tiền và lừa bịp trong các bản nhạc như : "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" (Nhạc sĩ Phạm Tuyên) , "Đảng cho ta một mùa Xuân"(Nhạc sĩ Phạm Tuyên) , "Đảng là cuộc sống của đời tôi" (Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) có còn xứng đáng lưu giữ không ? , 15/10/2018).
Phạm Trần
(20/12/2018)
Dàn loa tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam bỗng dưng lên đồng hát bài Việt Nam không có về "Quyền con người" (1), vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (10/12/1948 - 10/12/2018).
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh minh họa
Tiêu biểu của loạt bài "tự biên, tự diễn" là bài viết được phổ biến rộng rãi ngày 10/12/2018 của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (1). Ông Minh khoe :
"Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình".
Nói mà không nghĩ
Ông Phạm Bình Minh viết vậy mà không phải vậy. Người dân Việt Nam, sau 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975) lại bị nhốt vào cái cũi độc tài và độc tôn toàn trị của Đảng cộng sản mang danh "thống nhất" từ năm 1976 nên chưa bao giờ được quyền tự quyết vận mệnh chính trị của mình.
Bằng chứng là tất cả mọi chuyện, từ A đến Z của đất nước và của con người Việt Nam đều do Đảng giành làm hết. Nhân dân, tuy là chủ nhân của Tổ quốc nhưng bị kìm kẹp để phục vụ đám đầy tớ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, dù Đảng không do dân bầu hay được dân giao quyền cai trị mà vẫn ngang nhiên tự nhận mình là :
"Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (Khoản 1, Điều 4 Hiến pháp 2013).
Hành động tiếm đoạt phản dân chủ này của Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa đến hậu quả là tuy có hòa bình và độc lập, nhưng Việt Nam chưa giây phút nào thoát khỏi lo sợ bị Trung Quốc đánh úp bất kỳ lúc nào cả trên đất liền lẫn ở Biển Đông. Để được yên thân, nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam, từ thời Tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh khóa đảng VI (1986 -1991) đã cam tâm ngậm đắng nuốt cay để phục tùng mọi yêu cầu chính trị, kinh tế và quốc phòng của Trung Quốc và làm theo phương châm gọi là 16 vàng, 4 tốt do Bắc Kinh trao cho Việt Nam thi hành là :
"Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Tiếc thay, những chữ đầu môi chót lưỡi cạm bẫy của Trung Quốc đã không được hàng ngũ lãnh đạo phương Bắc áp dụng để chấm dứt tham vọng bành trướng và bá quyền của họ ở Biển Đông. Bắc Kinh đã chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1974. Sau đó, lại xua quân đánh chiếm 7 bãi và đá khác của Việt Nam ở Trường Sa năm 1988 gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.
Từ đó đến đầu năm 2018, Trung Quốc đã dùng áp lực chính trị và kinh tế ép chế Việt Nam phải từ bỏ một số dự án khai thác dầu khí với nước ngoài, trong đó có hãng dầu Tây Ban Nha, Repsol. Bắc Kinh tự nhận khu khai thác nằm trong vùng tranh chấp Lưỡi Bò của tổ tiên họ để lại, chiếm 2/3 diện tích hay khoảng 3.447.000 cây số vuông, Biển Đông.
Ngoài việc hoàn tất quân sự hóa 7 vị trí chiến lược qua bồi đắp, tân tạo thành đảo quốc phòng, Hải quân Trung Quốc còn không ngừng khống chế, xua đuổi và đàn áp, đôi khi xẩy ra án mạng và cướp tài sản của ngư phủ Việt Nam đánh bắt tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa.
Vậy mà, quân đội cộng sản Việt Nam dù đang có mặt ở 21 vị trí ở Trường Sa đã không dám có hành động nào để bảo vệ chủ quyền và mạng sống ngư dân.
Sự khiếp nhược của chế độ cộng sản Việt Nam trước Trung Quốc ở Biển Đông, là một bằng chứng nhân dân Việt Nam chưa được sống trong hòa bình như ông Phạm Bình Minh rêu rao.
Tự do trong lồng
Song song với sự tiếm nhận có quyền lãnh đạo đất nước, Đảng cộng sản còn cướp các quyền tự do của dân, dù đã được quy định rõ ràng trong Điều 25 Hiến pháp, đó là các quyền : "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình".
Nhưng muốn được hưởng các quyền này, Điều 25 lại buộc rằng : "Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Cho đến nay, người dân, trên nguyên tắc, mới có hai Luật báo chí và Luật tiếp cận thông tin. Nhưng tư nhân lại không được quyền ra báo. Khoảng 849 tờ báo, tạp chí in đang hoạt động đều của các tổ chức đảng.
Đảng cũng làm chủ luôn 195 báo điện tử, đa phần của báo in. Tài liệu của Chính phủ cũng cho biết :
"Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, bao gồm 02 Đài quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 01 Đài Truyền hình Kỹ thuật số; 64 Đài phát thanh, truyền hình địa phương" (riêng Thành phố Hồ Chí Minh có hai đài : Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)".
Những con số trên đây, tuy không biết nói, đã phản ảnh đầy đủ tính độc tài và chủ trương độc quyền báo chí và truyền thông của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bởi vì Điều 14 của Luật Báo chí đã quy định rõ "Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí" gồm :
1. Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
2. Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học ; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Tài liệu chính thức cũng cho biết có khoảng 18.000 người "gọi là nhà báo" đã được cấp thẻ hành nghề, nhưng họ lại không được phép tự do viết điều mình muốn viết hay suy nghĩ.
Bởi vì Điều 25 của Luật Báo chí buộc nhà báo phải :
"Bảo vệ quan Điểm, đường lối, chủ trương của Đảng ; chính sách, pháp luật của Nhà nước ; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực ; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm…".
Như thế khác nào là làm nhiệm vụ tuyên truyền cho đảng.
Về quyền hội họp, lập hội và biểu tình ghi trong Điều 25 Hiến pháp thì chưa bao giờ Đảng cộng sản Việt Nam muốn cho dân được hưởng các quyền này. Nhiều năm qua chính phủ đã cố tình trì hoãn trình Luật lập hội và biểu tình cho Quốc hội cứu xét để rảnh tay xua công an đi phá các cuộc họp hay đàn áp các cuộc biểu tình tự phát đòi công bằng, chống áp bức và chống Trung Quốc của công dân.
Như vậy khi tình hình nhân quyền bị chà đạp công khai và trắng trợn như thế mà ông Phạm Bình Minh vẫn có thể ngây ngô viết rằng :
"Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân".
Quyền dân hay của Đảng ?
Nói năng văng mạnh như thế mà ông Minh không sợ bị co lưỡi hay sao ?
Trước hết, nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay chưa bao giờ là "của dân", "do dân" hay "vì dân" mà là "của đảng", "do đảng" và "vì đảng" mà thôi. Từ lập pháp, hành pháp và tư pháp, tất cả đều không có độc lập và do đảng cầm quyền duy nhất cơ cấu nhân sự để thi hành chính sách, chủ trương của đảng thì làm gì có thượng tôn luật pháp.
Quyền bầu chọn trực tiếp của dân cũng đã bị đảng tước bỏ khi nhà nước chỉ muốn có một Quốc hội hay Hội đồng Nhân dân đại diện qua lối "đảng cử dân bầu" thì những "dân cử" này, hầu hết là đảng viên : có nên bị gọi là bù nhìn ?
Do đó, khi có các vụ người dân bị bắt vào đồn công an, bị bức tử xẩy ra thường xuyên ở Việt Nam, hay những vụ người dân kéo nhau đi khiếu kiện lâu ngày mà vẫn không được giải quyết là bằng chứng pháp luật không nằm trong tay dân mà thuộc về những kẻ có chức, có quyền.
Như vậy khi ông Phạm Bình Minh khoe Hiến pháp 2013 đã có riêng Chương II quy định về Quyền Con Người là bằng chứng Việt Nam "bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân" là ông đã quay lưng với thực tế không phải như vậy.
Là Bộ trưởng ngoại giao, hẳn ông Minh phải rành rọt hai nghĩa "trắng" và "đen" của các văn kiện quốc tế. Vậy liệu ông có thể giải nghĩa cho minh bạch thế nào là "lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" ghi trong khoản 2, Điều 14 Hiến pháp, theo đó :
"Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".
Sự mù mờ của Điều này chỉ giúp cho nhà nước được quyền suy diễn tùy tiện để hạn chế quyền của công dân.
Càng dễ lạm dụng và tiếp tay thao túng hơn cho nhà nước khi trong khoản 4, Điều 15 Hiến pháp chỉ viết chung chung rằng : "Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác".
Nhưng "lợi ích quốc gia, dân tộc" là lợi ích gì, ai đặt ra ? Và những thứ gọi là "lợi ích" này có quan hệ đến quyền lợi của đảng không ?
Ngoài ra, những hành động phạm luật của lực lượng Công an đối với người dân khi bị bắt đã từng bị các gia đình nạn nhân và các tù nhân chính trị và lương tâm tố cáo nhưng chưa bao giờ được làm sáng tỏ.
Hình ảnh người dân bị Công an và Công an giả dạng Côn tấn công, đánh đập dã man trong các cuộc biểu tình chống thảm họa môi trường của Formosa Hà Tình, chống dự án Đặc khu và chống Luật An ninh mạng xuất hiện đầy rẫy trên Internet là bằng chứng nhà nước Việt Nam đã vi phạm nghiệm trọng Điều 20 Hiến Pháp.
Điều này viết :
"1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định".
Nhà nước cộng sản Việt Nam còn bị tố cáo vi phạm cả Điều 21 quy định :
"(Khoản2) Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Tất cả những quyền Hiến định này đã được minh thị và được Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh lấy làm hãnh diện để ca tụng như một thành công khởi sắc của việc thực thi Quyền con người của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhưng ông Minh quên rằng, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, khi Luật An ninh mạng có hiệu lực thì cũng là lúc nhân dân bị nhà nước khóa miệng và Quyền con người sẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở Việt Nam.
Phạm Trần
(13/12/2018)
----------------
Ngay sau khi Liên Hiệp Quốc được thành lập, một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được Đại hội đồng (Liên Hiệp Quốc thông qua là Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế vào ngày 10/12/1948.
Sự ra đời của bản tuyên ngôn thể hiện mong muốn của cộng đồng quốc tế hướng tới những giá trị chung của nhân loại sau hai cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc với hàng triệu người thiệt mạng, bị mất người thân, nhà cửa, phương tiện sinh sống, bị buộc phải di cư, tị nạn… Bản tuyên ngôn nhân quyền là văn kiện đầu tiên khẳng định một cách tương đối toàn diện quyền con người (quyền con người), từ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền được hưởng an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công, quyền làm việc, nghỉ ngơi, quyền học tập, quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt với bà mẹ và trẻ em… Bên cạnh đó, tuyên ngôn cũng khẳng định mọi người đều phải có nghĩa vụ với cộng đồng, tôn trọng thích đáng các quyền và tự do của người khác, đáp ứng những yêu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung. Những nội dung này đã tạo nền tảng quan trọng cho sự ra đời của các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người sau này, trong đó có Công ước về các quyền dân sự, chính trị, Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và các công ước khác về quyền trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật…
Nhìn lại 70 năm qua, nhân loại đã đạt được những bước tiến dài trong nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên phạm vi toàn cầu. Người dân trên hàng chục quốc gia thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh đã giành được quyền dân tộc tự quyết, tự lựa chọn con đường phát triển của mình. Hàng triệu người lao động trên thế giới đã được bảo đảm về giờ lao động và các quyền khác của người lao động; hàng triệu phụ nữ đã được bảo đảm quyền bình đẳng với nam giới về bầu cử và tham gia vào đời sống chính trị, xã hội… Nhìn nhận một cách khách quan, chính Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự ra đời của các nước xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) đã có đóng góp rất lớn vào những tiến bộ chung của nhân loại về quyền con người, bảo đảm đầy đủ hơn công bằng xã hội.
Thế giới ngày nay vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn. Các cuộc xung đột, tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, biến đổi khí hậu, thiên tai... đang diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thụ hưởng quyền con người. Chính trị cường quyền, tình trạng áp đặt, tiêu chuẩn kép vẫn tiếp tục làm xói mòn quyền tự quyết dân tộc, quyền lựa chọn thể chế chính trị và con đường phát triển của các dân tộc. Việt Nam luôn đấu tranh không ngừng trước tình trạng đó; đồng thời đóng góp tích cực vào việc làm giàu những giá trị chung của nhân loại về quyền con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, đã nêu đậm các quyền cơ bản của con người và gắn quyền con người với quyền của dân tộc: "Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
Người nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp để khẳng định rằng những giá trị quyền con người đó cũng phải được áp dụng cho mọi người dân, mọi dân tộc, kể cả ở các nước thuộc địa. Người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng có quyền bình đẳng như bất cứ dân tộc nào khác trên thế giới.
Những nỗ lực đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc trong nhiều thập kỷ của Việt Nam không nằm ngoài mục đích bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người, trong đó có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền được quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình. Chính vì vậy, thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam đã truyền cảm hứng, khích lệ cho cuộc đấu tranh của hàng chục quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh trong những năm 1960-1970.
Vươn lên từ các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân, mà trước hết là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải thiện, nâng cao hệ thống pháp luật về quyền con người. Việc thông qua Hiến pháp năm 2013 với một chương riêng về "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân", và sau đó chỉ trong vòng 4 năm, thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quyền con người, là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân. Cùng với những bước tiến đó là việc không ngừng phấn đấu hoàn thiện thể chế và tạo dựng cơ sở vật chất để bảo đảm tốt hơn quyền con người. Mọi chiến lược, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đều được xây dựng trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm, hướng về người dân và phục vụ người dân.
Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả tích cực trong việc bảo đảm quyền con người, từ quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền dân sự, chính trị, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương. Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc (MDG) và đang triển khai hiệu quả các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trong nhiều năm liền, Việt Nam duy trì được mức độ tăng trưởng kinh tế trên 6%, trong khi vẫn chú trọng phát triển xã hội, giảm mạnh tỷ lệ nghèo xuống 5,2% năm 2016, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều xuống 7,69% năm 2017. Quyền giáo dục, y tế, nhà ở đều được cải thiện mạnh mẽ, trong đó 63 tỉnh, thành phố đã phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập giáo dục tiểu học. Quyền bình đẳng giới không ngừng tiến bộ với tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên dưới 27%, tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú với hàng ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra hằng năm. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người sử dụng internet tăng nhanh nhất thế giới, với 50 triệu người sử dụng internet.
Cùng với những thành tựu nêu trên, Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người. Việt Nam tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên Hiệp Quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Tại các diễn đàn này, Việt Nam đã chủ động đưa ra và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh các sáng kiến về quyền con người, đặc biệt về nội dung liên quan đến bảo đảm quyền phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, những người chịu tác động của biến đổi khí hậu… Năm 2016 và 2018, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và được Hội đồng Nhân quyền thông qua hai nghị quyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền trẻ em và đối với quyền phụ nữ.
Việt Nam cũng luôn nghiêm túc trong thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có việc thực thi 7/9 công ước quốc cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, các cam kết theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc. Vừa qua, Việt Nam đã nộp Hội đồng Nhân quyền báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III và dự kiến sẽ tham gia phiên đối thoại với các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2019. Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã cập nhật những nỗ lực trong hoàn thiện pháp luật, chính sách về quyền con người, thành tựu bảo đảm quyền con người trong thực tiễn, đồng thời thông tin, chia sẻ về kết quả thực hiện các khuyến nghị.
Trong thời gian tới, để bảo đảm tốt nhất quyền cho mọi người dân, Việt Nam sẽ nỗ lực hoàn thiện nhà nước pháp quyền, củng cố nền tảng pháp lý và chính sách liên quan đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Trong đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "Chính phủ kiến tạo vì người dân", cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, ngăn chặn quan liêu, tham nhũng, phát huy dân chủ và nâng cao hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương.
Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quyền con người, cùng với các quốc gia trên thế giới đóng góp và làm giàu những giá trị của nhân loại về quyền con người, làm sống động tinh thần của Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế trong thế kỷ 21.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
PHẠM BÌNH MINH
Nguồn : Tạp chí của Ban Tuyên giáo trung ương, 10/12/2018