Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 06 décembre 2018 15:12

Lột xác cho hồn phách đi đâu ?

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lên kế hoạch thanh lọc hàng ngũ từ Hội nghị trung ương 9 tháng 12/2018 để đem hồn phách nhập vào khóa XIII mà không biết là mình vẫn cũ.

Chuyện này bắt đầu từ quyết định lấy phiếu tín nhiệm các chức danh ủy viên Bộ Chính trị (17 người), ủy viên Ban bí thư (14 người), ủy viên Ban Chấp hành trung ương (gồm 178 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết) và thường trực cấp ủy các cấp.

lot1

Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. (Ảnh : TTXVN).

Tính chung, nếu lấy cả cấp thường trực Huyện thì ván cờ hên xui có thể dính tới cả trăm ngàn người. Nhưng canh bạc mới, nghe qua tưởng như nhiều người sẽ mất nồi cơm lại chẳng có gì to tát cả. Bởi vì người cầm con dao phay sinh sát, ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói : "Lấy phiếu tín nhiệm không phải cốt là để truy trách nhiệm hay thay đổi cán bộ ngay. Chỉ căn cứ vào chỗ đó mà thay đổi cán bộ thì đã chín chưa, chuẩn xác chưa ? Ở đây có tính chất răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, nếu ai thấp dưới 50% là phải xử lý vì đã quy định" (VOV, 14/11/2018).

Như vậy, thì việc lấy phiếu tín nhiệm có vờ vĩnh, mị dân không, nhất là khi đảng không dám làm qua 2 bước "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm thấp" mà lại bày ra 3 bước : "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" để giữ người cùng phe là chính.

Bằng chứng đã xẩy ra trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội ngày 25/10/2018 khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị tới 137 phiếu "tín nhiệm thấp", cao nhất trong số 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Nhưng ông ta vẫn có 140 phiếu "tín nhiệm cao" và 194 phiếu "tín nhiệm" nên số phiếu 137 không làm cho ông cảm thấy nhục để tự ý từ chức.

Đó là lý do tại sao nhiều cử tri Hà Nội đã nói với ông Trọng rằng cuộc lấy phiếu "chưa thực sự thuyết phục, vẫn còn tình trạng nể nang".

Nhưng ông Trọng lại có cái nhìn khác. Ông bảo cử tri : "Nếu chỉ 2 mức tín nhiệm thì độ rủi ro, nói thật là hơi cao quá".

Ông nói : "Với 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, mà "anh nào tín nhiệm thấp cũng là buồn lắm rồi, chứ không phải không buồn đâu, cũng tâm trạng lắm rồi".

Phản ảnh tình trạng đâu đâu cũng chỉ "tắm nửa người", ông Trọng phân bua với cử tri : "Giả sử độ một nửa phải thay thì lấy ai làm, thay kịp khôn ? Có khi mình chỉ nghe một thông tin này thôi chưa chắc đã chính xác thì đã cho ông này phiếu thấp thì nguy hiểm lắm" (Dân Trí, 24/11/2018).

Tính lo xa của ông Trọng, nếu chỉ nghe một tai thì may ra lọt nhưng hai tai phải nhét chữ từ miệng ông thì không chừng bị điếc luôn vì ông không muốn làm đến nơi đến chốn.

Với chủ trương lấy phiếu tín nhiệm "kiểu gì cũng giữ được người" cho trăm họ cùng vui, từ trung ương đến cơ sở, như đang xẩy ra ở một số tỉnh, thành và các cơ sở đảng khiến mục tiêu tuyên truyền của kế hoạch tinh giảm biên chế và làm sạch đội ngũ không đạt.

Vì vậy, khi biết dự án lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương, ba cơ chế nắm trọn quyền Đảng, Nhà nước và Quốc hội được công bố thì người dân hy vọng gì ?

Thứ nhất, dư luận thờ ơ vì tuy quan trọng nhưng lại do chính 178 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết của Ban Chấp hành trung ương bỏ phiếu cho nhau thì có khác nào họ đã mặc áo thụng vái nhau trong cuộc cờ đổi mới mà vẫn như cũ.

Thứ hai, việc ông Nguyễn Phú Trọng bầy trò lấy phiếu tín nhiệm ở cấp cao nhất, sau khi được nhận thêm chức Chủ tịch nước, nhằm mục đích gì, nếu không phải chỉ củng cố địa vị thì cũng muốn nuôi hy vọng Điều lệ đảng sẽ được tu chính đề ông không bị ràng buộc chỉ được làm Tổng bí thư hai nhiệm kỳ, kết thúc vào tháng 01/2021.

Trong bối cảnh hỏa mù này, có một điều rất rõ là tuy người dân, chủ nhân của đất nước, là người làm ra tiền nuôi ông Trọng và những người ăn trên ngồi trốc trong Ban Chấp hành trung ương đảng lại không được hỏi ý, dù là gián tiếp của cuộc lấy phiêu tín nhiệm giới lãnh đạo cao nhất, thì có phản dân chủ không ?

Chuyện vớ vẩn là như vậy nên không ai lạ khi thấy tại Trụ sở trung ương Đảng ngày 04/11/2018, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021- 2026, do ông Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban, đã đặt tiêu chuẩn chọn người lãnh đạo thay cho mọi người.

Ông Trọng nói : "Công tác quy hoạch cán bộ, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là công việc rất hệ trọng và đây là một bước chuẩn bị nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ tới của Đảng".

Đó là nhiệm kỳ đảng XIII, dự trù bắt đầu từ giữa tháng 01/2021, nhưng ông Trọng lại mau mắn ỡm ờ rằng : "Quy hoạch không phải là công tác nhân sự, nhưng là cơ sở rất quan trọng cho công tác nhân sự, vì thế trong quá trình thực hiện phải công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, nếu phát hiện những trường hợp vi phạm, hoặc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì đưa ra khỏi quy hoạch, đồng thời bổ sung nhân tố mới đủ điều kiện vào quy hoạch".

Ông nói : "Đây là vấn đề nhạy cảm, do đó phải làm hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, công tâm, khách quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân".

Có vẻ như ông không muốn đích thân nhúng tay chọn người, nhưng ông lại đặt điều kiện rằng : "Cán bộ được đưa vào quy hoạch phải có trình độ về mọi mặt, có trình độ lý luận cơ bản, nắm vững chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, am hiểu công tác xây dựng Đảng, có trình độ chuyên môn… tuyệt đối không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", cơ hội chính trị, quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực, người thân, người quen không đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp chạy quy hoạch, chạy phiếu".

Tất cả những tiêu chuẩn của ông Trọng đang được ông Phạm Minh Chính, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức trung ương thi hành rộng khắp trong đảng.

Bằng chứng tại hội nghị giao ban trực tuyến toàn Ngành Tổ chức xây dựng Đảng tháng 12/2018 diễn ra chiều 03/12/2018, Ban Tổ chức trung ương thông báo sẽ chuẩn bị 3 công tác quan trọng gồm :

1) Đề án Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, và đang tổ chức thực hiện các bước một cách dân chủ, công khai, minh bạch công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương ;

2) Đề án Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, cấp ủy cấp huyện" ;

3) Đề án Quy chế làm việc (mẫu) của đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương; đang tiếp tục hoàn thiện trình Bộ Chính tri, Ban Bí thư 8 đề án từ nay đến tháng 1 năm 2019.

(Tài liệu Đảng Cộng sản Việt Nam)

Kiên định cái đã tan

Song song với Ban Tổ chức trung ương, Ban Văn kiện đảng XIII do ông Trọng là Trưởng ban, một lần nữa khẳng định : "Kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới ; kiên định sự lãnh đạo của Đảng".

Ông Trọng nói như con sáo : "Nói kiên định không phải là bảo thủ, giáo điều, mà kiên định đi lên với sáng tạo; kiên định nhưng phải sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định. Kiên định và sáng tạo là hai mặt có sự thống nhất biện chứng với nhau, kiên định mà không sáng tạo sẽ rơi vào bảo thủ, giáo điều; và ngược lại, sáng tạo mà không trên cơ sở kiên định sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội, phiến diện, cực đoan, vô nguyên tắc. Đây là cái tài, cái giỏi, bản lĩnh của Đảng ta, chúng ta đã xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định cái gì và đổi mới cái gì. Đây là bài học rất thành công của cách mạng nước ta, sự vững vàng của Đảng ta" (VOV, 05/12/2018).

Ông Nguyễn Phú Trọng nói như nước chảy mà có biết rằng những điều ông nói vẫn xưa cũ và phô trương rỗng tuếch như cái xác không hồn chả ai muốn nghe.

Đó là lý do tại sao ông và cả đảng đang bấn loạn xà ngầu với quốc nạn "tự chuyển biến" và "tự chuyển hóa" trong đảng.

Phạm Trần

(06/12/2018)

Published in Diễn đàn

 

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo rằng : "Suy thoái về mặt chính trị còn nguy hiểm hơn cả kinh tế". Ông nói : "Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng, là vấn đề chiến lược liên quan đến tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ" (VietnamNet, 24/11/2018).

suythoai1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảnh báo : "Suy thoái về mặt chính trị còn nguy hiểm hơn cả kinh tế". Ảnh VietnamNet, 24/11/2018.

Ông Trọng nói như thế tại cuộc tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội, ngày 24/11/2018, nhân khi đề cập đến trường hợp Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ bị khai trừ Đảng vì đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa".

Ông Trọng nói : "Nhân đây báo cáo các bác vì sao xử lý kỷ luật ông Chu Hảo. Đây có phải tham nhũng đâu. Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong mỗi con người biến mình thành người khác lúc nào không biết, nó lái con đường của chúng ta đi vô cùng phức tạp".

Đảng quyết định loại Giáo sư Hảo khỏi hàng ngũ xẩy ra tại kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (từ ngày 12 đến 14/11/2018), nhưng trước đó 20 ngày, ông Hảo đã tự ý lìa khỏi đảng từ ngày 26/10/2018. Như vậy khi loại một người không còn là đảng viên thì có khác nào đấm vào chiếc thùng rỗng tuếch.

Lý do Giáo sư Hảo ra đảng là để phản đối Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố kết luận tại kỳ họp thứ 30, từ ngày 17 đến 19/10 (2018)lên án ông "suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết : "Ông Chu Hảo đã vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".

Nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Giáo sư Chu Hảo, đồng thời là Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã bác bỏ kết luận này. Ông viết trong tuyên bố ra khỏi đảng : "Đây là một bản cáo trạng vô căn cứ và thâm độc nhằm không những đe dọa riêng tôi mà cả những người đồng chí hướng. Tôi cực lực phản đối và không chấp nhận bản kết luận này".

Sự thật sau câu nói

Như vậy, khi chính thức phải lên tiếng về vụ Giáo sư Chu Hảo, một trí thức nổi tiếng trong và ngoài nước, đồng thời là cựu Thứ trưởng một bộ trong Chính phủ vì đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" là ông Trọng phải thừa nhận tình trạng suy thoái tư tưởng trong đảng không còn lẻ tẻ ở một số cá nhân thiếu rèn luyện và kém trình độ học vấn. Nó đã leo lên thượng tầng và bành trướng sang giới có học rồi. Có điều là người ta giữ trong bụng cho khỏi phiền hà trong lúc chưa có cơ hội bộc lộ mà thôi.

Bằng chứng là phản ứng chống quyết định đảng "hạ bệ" ông Chu Hảo, người có công đầu đưa công nghệ thông tin điện tử (Internet) vào Việt Nam từ năm 1995, đã nổi lên trong cộng đồng trí thức và các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Một số người nổi tiếng như nghệ sĩ Kim Chi, nhà văn Nguyên Ngọc, phó giáo sư tiến sĩ Mạc Văn Trang, nguyên đại sứ Nguyễn Trung, nhà báo Võ Văn Tạo v.v… đã kéo nhau bỏ đảng.

Nghệ sĩ Kim Chi viết trên Facebook cá nhân ngày 04/11/2018 : "Lẽ ra tôi đã làm việc này cách đây gần ba năm trước, khi ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi tôi biết ông Trọng một mực theo đuổi chủ nghĩa xã hội - con đường tăm tối không có tương lai cho đất nước, đi ngược xu thế tiến bộ của nhân loại".

Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu : "Từ nhiều năm qua, tôi nhận thấy Đảng ngày càng xa rời lý tưởng ban đầu của mình, "tự diễn biến" thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước. Tôi không thể còn đứng trong một tổ chức như vậy".

Giáo sư Mạc Văn Trang nói : "Từ năm 2000, tôi mới nhận rõ Đảng đã biến chất hoàn toàn, đảng viên ngày càng tha hóa, xã hội ngày càng xuống cấp, con người tồi tệ đi… Và không thể nào cứu chữa được theo những cách vẫn làm như từ trước, mà phải chuyển thành cơ chế đa đảng, tam quyền phân lập, xây dựng xã hội dân sự, hòa nhập vào thế giới văn minh, thì xã hội, con người mới tốt trở lại, đất nước mới phát triển bền vững…" (RFA, Đài Á Châu Tự do, 27/10/2018).

Ông Nguyễn Trung, nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt phản ứng : "Tôi tự hỏi, trước tình hình và nhiệm vụ của đất nước như nêu trên, chẳng lẽ không có việc nào đáng làm hơn là từng ly từng tí chăm lo vun đắp sự quần tụ của dân tộc như chăm lo cho con ngươi của mình, khơi dậy ý chí và trí tuệ cả nước, tất cả với nỗ lực hợp quần cao nhất, quyết giành bằng được một vị thế đáng sống cho quốc gia trong thế giới hỗn loạn hôm nay hay sao – nhất là lúc này khu vực Biển Đông đang cận kề miệng hố chiến tranh ! – mà lại đi làm những việc chia rẽ dân tộc, phân tán nỗ lực đất nước như kết luận quyết định kỷ luật Phó Giáo sư Tiến sĩ Chu Hảo hay sao ? Ban Kiểm tra Trung ương chẳng lẽ vô cảm hết mức, hay không thấy gì trước những thách thức sống còn đối với vận mệnh đất nước, mà lại đưa ra một quyết định kỉ luật như vậy hay sao ?".

Đến phiên nhà báo Võ Văn Tạo viết từ Nha Trang : "Nhưng thực tế phũ phàng đất nước sau 30/04/1975 dần làm Nguyên Ngọc và không ít người trong chúng tôi ngày càng thất vọng. Nắm bạo quyền, độc đoán cai trị đất nước, đè nén bóc lột nhân dân, chóp bu Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng tha hóa. Với họ, chỉ có đặc quyền đặc lợi bất chính và bẩn thỉu do thể chế "vua tập thể" mang lại là tối thượng".

Ở nước ngoài, vào ngày 11 tháng 11 năm 2018, có 81 giáo sư, nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài đã hoặc đang nghiên cứu và giảng dậy tại các trường đại học hay viện nghiên cứu trên thế giới đã gửi Thư ngỏ cho đảng và nhà nước Việt Nam phản đối hành động đối với Giáo sư Chu Hảo.

Họ viết : "Chúng tôi viết lá thư này để bày tỏ sự không đồng ý và thất vọng sâu sắc của chúng tôi về những cáo buộc đối với Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, bởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào ngày 25 tháng 10 năm 2018, cũng như về các bình luận tiếp theo được đăng trên trang mạng của Ủy ban vào ngày 31 tháng 10".

Các trí thức cũng bác bỏ kết luận buộc tội ông Chu Hảo đã xuất bản những cuốn sách nhằm chống đảng và chính sách cai trị của đảng Đảng Cộng sản Việt Nam. Các trí thức viết : "Là các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi bác bỏ bất kỳ khẳng định nào cho rằng những tác phẩm này là mối đe dọa cho sự phát triển ổn định hoặc hòa bình của Việt Nam".

Cuối cùng, Thư ngỏ nói : "Vào thời điểm mà Việt Nam nỗ lực để cạnh tranh trên trường quốc tế trong giáo dục đại học và học bổng học thuật, chúng tôi thấy những lời buộc tội bởi Ủy ban Kiểm tra Trung ương là vô căn cứ và đáng lo ngại".

Chuyện cũ việc mới

Nhưng đối với ông Trọng thì : "Bất cứ ai nếu có suy thoái chúng ta phải giáo dục chứ, phải uốn nắn chứ, kỷ luật một vài người để cứu muôn người cơ mà, để người khác đừng phạm vào nữa" (VietNamNet, 24/11/2018).

Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ muốn nói số nhỏ "vài người" nhưng sự thật là từ "một số", sau đó tăng lên "một số không nhỏ" trong hơn 4 triệu đảng viên từ Khóa đảng XI (2011-2016) cơ mà.

Hồi ấy, Nghị quyết đảng tòan quốc lần thứ XI (họp từ ngày 12/01/2011 đến ngày 19/01/2011) viết rằng : "Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài "dân chủ", "nhân quyền" hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có những diễn biến phức tạp".

Đến Đại hội đảng khóa XII (2016-2021), Nghị quyết lại lập lại : "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ; sự tồn tại và những diễn biến phức tạp của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí".

Bây giờ chỉ còn hơn hai năm là kết thúc khóa đảng XII (26/01/ 2016 – 26/01/2021), tổng cộng là gần 8 năm mà tình trạng chán đảng, xa đảng và âm thầm bỏ đảng đã cạnh tranh với quốc nạn tham nhũng để cùng lan nhanh, chui sâu và rục rữa hàng ngũ cán bộ, đảng viên.

Vì vậy, dù ngoài mặt ông Trọng vẫn cố tươi cười để khoe thành tích chống tham nhũng và sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế, nhưng dường như Tổng bí thư, Chủ tịch nước không muốn nghe chuyện kể rằng : Đã có rất nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả những người được vinh danh là "lão thành cách mạng" cũng đã "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" từ lâu lắm rồi.

Trước mắt tướng Vĩnh

Bằng chứng trong đảng không còn tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh" nữa mà chỗ nào cũng có sâu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Ngay trong hàng ngũ những "cán bộ hưu trí", từng là thành phần cốt cán, cũng đã giao động và suy thoái tư tưởng chính trị.

suythoai2

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 102 tuổi (sinh 18/10/1916 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là nguyên Đại sứ của nhà nước Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ 1974 đến 1987.

Báo Quân đội nhân dân ngày 22/11/2018 đã cảnh giác rằng :

"Đảng, Nhà nước ta luôn phát huy dân chủ, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các cán bộ hưu trí, những người có kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp tích cực, hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng dân chủ, một số đảng viên, cán bộ hưu trí đã có những phát ngôn đi ngược lại quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá cách mạng Việt Nam".

Tờ báo của Bộ Quốc phòng không nêu tên những cán bộ này, cũng không cho biết họ thuộc thành phần dân sự hay quân sự hoặc cảnh sát-công an, nhưng viết tiếp :

"Cũng thật đáng tiếc, vẫn còn một số cán bộ nghỉ hưu do những bức xúc cá nhân, hoặc không giữ được chí khí người cộng sản, nói, viết trái đường lối, quan điểm của Đảng, đi ngược lại lợi ích chính đáng của nhân dân. Có người thậm chí còn phủ nhận tất cả những nỗ lực, cố gắng không chỉ của dòng họ, gia đình mà còn là sự hy sinh xương máu của cả dân tộc".

Tình trạng cán bộ nghỉ hưu phê bình, mạnh dạn chỉ trích đảng đã đi sai đường, hành động phản dân hại nước không mới hay ít mà cũ và rất nhiều, sau hơn 30 năm gọi là "Đổi mới".

Quân đội nhân dân soi mói tiếp :

"Họ là những người "khi rời tập thể… dễ tan vào đám đông", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong chính nội tại bản thân. Đáng buồn hơn, có những cán bộ sắp nghỉ hưu đã có biểu hiện "chợ chiều cuối khóa" cả trong thực hiện nhiệm vụ và chấp hành kỷ luật phát ngôn… Đặc biệt, lợi dụng tự do ngôn luận, một số cán bộ, đảng viên nghỉ hưu còn đăng đàn lôi kéo, hoặc bị lôi kéo kích động nói xấu Đảng, Nhà nước, làm những điều đi ngược lợi ích quốc gia, dân tộc. Họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân đáng chê trách trong thời đại công nghệ số".

Nhưng theo nguyên Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang ghi lại thư chuyển của Nhà văn kiêm dịch giả Nguyễn Nguyên Bình, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, trưởng nữ của lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh ngày 25/09/2017 thì tướng Vĩnh đã :

"Cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam nay đã hoàn toàn biến chất, trở nên quá hư hỏng, khó có thể sửa chữa được ! Đảng đã đánh mất mình, không còn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội nữa ! Trong các hư hỏng trên, cụ nói có 3 hư hỏng nguy hiểm nhất :

- Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành một ổ tham nhũng trầm trọng, khó có thể kiềm chế và kiểm soát được ! Bọn tham nhũng đều là những cán bộ, đảng viên trung cao cấp của Đảng, chúng đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu và ăn của dân không từ một thứ gì !

- Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam không còn là một khối đoàn kết vững chắc như xưa. Nay đã chia rẽ, đang hình thành nhiều phe nhóm lợi ích tệ hại trong đảng, và các phe phái này đang ra sức đấu đá, tranh giành nhau quyền lợi và quyền lực, không thiết tha gì với lợi ích dân tộc, với quyền lợi đất nước như hồi Đảng Lao động Việt Nam trước đây nữa !

- Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay đã lệ thuộc nặng nề vào ngoại bang, cụ thể là vào Đảng Cộng sản Trung Quốc ! Sau khi bí mật ký kết thỏa ước Thành Đô (9/1990) với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ đó đã lệ thuộc gần như mọi mặt vào Đảng Cộng sản Trung Quốc ! Đảng Cộng sản Việt Nam làm ngơ, không dám ra tuyên bố phản đối và thực hiện biện pháp đáp trả khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bị bọn Trung Quốc xâm phạm, đặc biệt là sự kiện từ đầu tháng 5/2014 đến giữa tháng 7/2014, khi Trung Quốc ngang ngược coi thường luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia của Việt Nam, chúng hạ đặt trái phép dàn khoan HD.981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, và mới đây Việt Nam phải nhẫn nhục đầu hàng, chấp nhận yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đòi Việt Nam phải ngừng Dự án khoan thăm dò khí đốt tại Lô 136/03 thuộc bãi Tư Chính nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam !".

Nên biết Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 102 tuổi (sinh 18/10/1916 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) là nguyên Đại sứ của nhà nước Đảng Cộng sản Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ 1974 đến 1987.

Ông là nhân chứng lịch sử của quyết định xâm lược và đánh phá 6 tỉnh biên giới Việt Nam năm 1979 của Trung Quốc. Sau tướng Trần Độ, ông là vị tướng duy nhất vẫn tiếp tục phê bình gay gắt những việc làm hại dân của Đảng Cộng sản Việt Nam và cảnh giác về chính sách bành trướng xâm lăng Việt Nam bất kỳ lúc nào của Trung Quốc.

Phạm Trần

(29/11/2018)

Published in Diễn đàn

Đã có những chỉ dấu Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn ngoài mặt giữ chuyện Biển Đông để được sống chung hòa bình với Trung Quốc.

biendong1

Việt Nam kéo dài thêm phi đạo trên đảo Trường Sa Lớn

Chuyện này đã xẩy ra trong một chuỗi những hoạt động của hai nước tại một số diễn đàn quốc tế và giữa hai bên.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 diễn ra tại Singapore từ ngày 13-15/11/2018, Trưởng đoàn Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu về tình hình Biển Đông. Nội dung được cổng thông tin chính phủ phổ biến viết rằng :

"Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ và được nhiều nước đồng tình về tình hình trên thực địa còn diễn biến phức tạp, gây quan ngại cho tất cả các bên và có thể tác động không có lợi cho ổn định ở khu vực. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các nguyên tắc đã được nhất trí trong ASEAN về đề cao luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 trong giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình, tăng cường lòng tin, tích cực xây dựng một COC hiệu quả, thực chất và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC" (1).

(Chinhphu.vn, 16/11/2018)

Tuy nhiên, khi nói lời tuyên bố của ông Phúc "được nhiều nước đồng tình" mà không nêu tên nước nào trong số 9 nước còn lại trong khối ASEAN đã gây ra sự hoài nghi về tính xác thực của vấn đề.

Nhưng tuyên bố của ông Phúc không có gì mới mà chỉ lập lại quan điểm cố hữu của Việt Nam đã được nói đi nói lại trong nhiều năm qua. Ông Phúc cũng không trực tiếp đối kháng Trung Quốc là nước đã quân sự hóa Biển Đông và sẵn sàng tấn công các vị trí đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa bất cứ lúc nào.

Cũng có mặt ở Singapore nhưng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, giống như các viên chức khác của Bắc Kinh trước đây, đã không bình luận tuyên bố của ông Phúc, vì ông Phúc tránh không dám nêu đích danh Trung Quốc là thủ phạm đang gây ra "diễn biến phức tạp" ở Biển Đông.

Một tin của zing.vn ngày 14/11/2018 viết :

"Lên tiếng tại cuộc họp (riêng với ASEAN), ông Lý Khắc Cường cho rằng ASEAN và Trung Quốc chưa bao giờ né tránh các bất đồng giữa hai bên. Ông khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với tất cả các nước ASEAN để hoàn thành quá trình tham vấn về COC trong 3 năm tới".

Nhưng tại sao phải đợi tới 3 năm nữa, tức năm 2021, Trung Quốc mới có thể "hoàn thành quá trình tham vấn" với ASEAN, thay vì thương thuyết ngay lập tức ?

Nên biết các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc đã thông qua dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ngày 06/08/2017 ở Manila, Phi Luật Tân, sau nhiều năm trì hoãn.

Trung Quốc nhiều lần nói rằng Bắc Kinh chỉ thảo luận về COC với ASEAN khi nào không còn sự can thiệp từ bên ngoài, một cách ám chỉ đến các hoạt động của Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Giờ đây, sau những căng thẳng và khác biệt lập trường giữa Mỹ và Trung Quốc về tình hình Biển Đông đã diễn ra ngày 09/11/2018 tại Bộ Ngoại giao Mỹ giữa Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Chánh văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc và Ngoại trưởng Michael Pompeo. Sau đó, giữa Phó Tổng thống Michael Pence và Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị APEC ở Papua New Guinea ngày 16/11/2018, không ai có thể biết tương lai COC sẽ đi về đâu, hay chằng bao giờ xẩy ra.

Tại Hoa Thịnh Đốn, ông Dương Khiết Trì nói :

"Trung Quốc đã khẳng định lập trường chính thức về vấn đề này, và muốn nói rõ rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Trường Sa và vùng nước chung quanh. Trên phần lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã thực hiện công tác xây dựng một số cơ sở dân sự và quân sự quốc phòng. Đây hoàn toàn phù hợp với quyền bảo vệ và tự vệ theo đúng luật pháp quốc tế chứ không dính dáng gì đền điều gọi là quân sự hóa".

Tại Họi nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation, Tổ chức Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương), Phó Tổng thống Pence đã lặp lại lập trường cố hữu của Mỹ ở Biên Đông. Ông nói :

"Qúy vị có thể tin tưởng rằng : Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì tự do trên biển và không phận, nguồn thịnh vượng cốt lõi của tất cả chúng ta. Chúng tôi sẽ tiếp tục bay, lướt sóng ở bất kỳ nơi nào luật pháp Quốc tế cho phép, và vì quyền lợi quốc gia của chúng tôi. Đe dọa chỉ làm tăng thêm quyết tâm của chúng tôi, và chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi hướng đi. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của khối ASEAN đạt tới thỏa thuận Bộ Quy tắc ứng xử có ý nghĩa là tôn trọng quyền của mọi quốc gia, bao gồm cả quyền tự do hàng hải ở Biển Đông".

(Tài liệu Tòa Bạch Ốc, 16/11/2018)

(Nguyên bản : "And you can be confident : The United States of America will continue to uphold the freedom of the seas and the skies, which are so essential to our prosperity. We will continue to fly and sail wherever international law allows and our national interests demand ; harassment will only strengthen our resolve. We will not change course. And we will continue to support efforts within ASEAN to adopt a meaningful and binding code of conduct that respects the rights of all nations, including the freedom of navigation, in the South China Sea").

Tại sao chỉ biên giới ?

Như vậy, trong khi Trung Quốc nói rõ lập trường của họ ở Biển Đông để khẳng định "quyền chủ quyền" theo chủ quan không có bằng chứng pháp lý thì Hoa Kỳ muốn chống lại chủ trương này để bảo vệ đường giao thông trên vùng biển huyết mạch của thế giới.

Nhưng Việt Nam, nạn nhân trực tiếp của chính sách bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông đang đứng ở đâu giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh ?

Hỏi vậy, nhưng ai cũng biết đảng Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức duy nhất cai trị độc quyền và độc tài, đã buông xuôi vận mệnh của họ từ lâu trong trận đồ Biển Đông. Sự có mặt của Quân đội cộng sản Việt Nam trên 21 vị trí mong manh ở Trường Sa chẳng nghĩa lý gì nếu Trung Quốc muốn đánh chiếm. Do đó, chẳng ai ngạc nhiên khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bị nhận diện là người thân và chịu phục tùng Bắc Kinh trong mọi động tác ở Biển Đông.

Cách hành xử nhu nhược của ông Trọng trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ngang nhiên vào tìm dầu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam trong 75 ngày (từ 2/5 đến 16/07/2014) là một bằng chứng.

Vì vậy, càng không ngạc nhiên khi thấy Bộ Quốc phòng Việt Nam, riêng biệt Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một người được coi là thân Trung Quốc khác, và báo, đài nhà nước đã rùm beng ca ngợi cuộc Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần 5 tổ chức từ ngày 19-21/11/2018 tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Tướng Vịnh, con trai của cố Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói với báo Tin Tức thuộc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN, 16/11/2018) :

"Cuộc giao lưu nào cũng thu hút sự ủng hộ, tạo được sự phấn khởi cho người dân vùng biên, vì đối tượng trung tâm của giao lưu quốc phòng biên giới là nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc giáp biên giới. Các chương trình Giao lưu biên giới quốc phòng nhằm giúp nhân dân có một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và được quản lý chặt chẽ ; để người dân tham gia Giao lưu có niềm tin vào quan hệ bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Ông Vịnh nói thêm :

"Giao lưu biên giới luôn đi liền với hội đàm giữa hai bên, trong đó nội dung quan trọng nhất là bàn giải pháp quản lý tốt khu vực biên giới tốt, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân thực sự trở thành những người chăm lo, xây dựng, bảo vệ đường biên giới của chính họ. Vì vậy, nhân dân ở các địa phương của Việt Nam - Trung Quốc giáp biên đều rất hồ hởi, phấn khởi".

Đoàn Việt Nam do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn.

Đoàn Trung Quốc do Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc làm Trưởng đoàn.

Biết một dốt mười

Cao rao như thế nhưng tướng Vịnh, người đứng đầu Khối đối ngoại quốc phòng của Quân đội có biết rằng, tướng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa từng tuyên bố ngày 25/10/2018 tại Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh :

"Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ, dù chỉ một phân phần lãnh thổ của mình, cho dù là đảo Đài Loan hay vùng tranh chấp trên Biển Đông".

(Thông tấn Reuters)

(China will never give up an inch of its territory, whether the self-ruled island of Taiwan it claims as its own, or in the disputed waters of the South China Sea").

Ngoài ra báo Giáo dục Việt Nam ngày 25/10/2018 còn dẫn lời Thông tấn xã Đài Loan (CAN, Central News Agency), theo đó tướng Ngụy Phượng Hòa còn nói :

"Trung Quốc vẫn là nước lớn duy nhất trên thế giới chưa thống nhất lãnh thổ, quân đội Trung Quốc luôn luôn khắc cốt ghi tâm : lãnh thổ thiêng liêng của tổ tông để lại một tấc cũng không được để mất, cái gì của người khác một mẩu cũng không cần.

Các đảo ở Biển Đông từ xưa tới nay là lãnh thổ Trung Quốc, do tổ tông để lại, một tấc cũng không để mất.

Trung Quốc xây dựng trên các đảo ở Biển Đông là thực hiện chủ quyền và quyền tự vệ quốc gia, không liên quan gì đến quân sự hóa".

Như vậy thì khi tổ chức liên hoan hợp tác quốc phòng biên giới với Trung Quốc ở Cao Bằng thì liệu Bộ Quốc phòng nói riêng và Đảng Cộng sản Việt Nam và ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói chung, có còn nhớ đến trên dưới 40.000 đồng bào và binh đã chết và bị tàn sát bởi quân Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới năm 1979 ?

Điều mà Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ Trung Quốc thời đó nói là "dạy cho Việt Nam môt bài học" đã xẩy ra đẫm máu tại 6 tỉnh biên giới gồm Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Nhưng cuộc tấn công của 600.000 quân Trung Quốc không chỉ diễn ra trong 30 ngày, kể từ rạng sáng ngày 17/02/1979 mà sau đó đã kéo dài cho đến năm 1990 ở chiến trường máu chảy thành sông Vỵ Xuyên (Hà Giang).

Vậy mà, nếu không cúi đầu trước Tập Cận Bình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thì tại sao cho đến bây giờ, 39 năm sau, ông Nguyễn Phú Trọng và Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không dám để dân và đồng đội của những người lính đã hy sinh tổ chức truy niệm và ghi ơn họ ?

Liệu có mũi dao nào sắc hơn mà Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thấy sau những nụ cười của người phương Bắc trong cuộc Giao lưu quốc phòng Việt-Trung từ 19 đến 21/11/2018 ở Cao Bằng ?

Phạm Trần

(21/11/2018)

Chú thích :

(1) DOC, Declaration of Conduct : Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông. COC, Code of Conduct, Bộ Quy Tắc)

Published in Diễn đàn

Giữa lúc Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vùi đầu vào canh bạc chọn người cho Đại hội đảng khóa XIII diễn ra vào tháng 01/2021 thì Trung Quốc đã xiết gọng kìm để chuẩn bị bóp cổ Việt Nam ở Biển Đông.

Tại phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 16/09/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn), Trưởng đoàn Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nói với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Pham Bình Minh rằng : "Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển (giữa Việt Nam và Trung Quốc) là hợp tác khai thác trên biển".

uyban1

Phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc diễn ra ngày 16/09/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện tượng này diễn ra ở Việt Nam và Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ trong vòng 6 tháng nửa sau của năm 2018.

Lập trường của Vương Nghị không mới mà đã thường xuyên được phía Trung Quốc lập lại với Việt Nam mỗi khi có cuộc họp chính thức song phương, hay bên lề các cuộc gặp gỡ quốc tế. Sở dĩ Bắc Kinh muốn nhắc lại là muốn cho phía Việt Nam hiểu rằng Hà Nội không có lựa chọn nào khác, khi xét về tương quan lực lượng quân sự và sức mạnh kinh tế-chính trị của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Nợ Trung Quốc bao nhiêu ?

Nếu đem yêu cầuViệt Nam "cùng hợp tác để khai thác trên biển" của Vương Nghị áp dụng vào món nợ khổng lồ của Việt Nam đối với Bắc Kinh thì "qủa đấm" của họ Vương dành cho ông Phạm Bình Minh không nhẹ chút nào.

Món nợ tài chính này đã được chuyên gia Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, tiết lộ trong bài viết trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 03/09/2018. Bài này sau đó được đăng lại trên nhiều báo ở Việt Nam.

Ông Việt viết : "Theo một nghiên cứu chi tiết về các khoản nợ của các nước trong đó có Việt Nam với Trung Quốc, thì tổng số nợ của Việt Nam với Trung Quốc (bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư) có thể đã lên tới 4 tỉ đô la Mỹ, chỉ có thể tính đến hết năm 2013. Số liệu trên cũng chưa thể tính trừ đi khoản nợ gốc đã trả".

"Tuy thế", ông Việt viết tiếp : "Nếu dựa vào số liệu nợ Trung Quốc là 4,1 tỉ đô la năm 2013, tính ra bằng 6,3% tổng số nợ nước ngoài của Việt Nam (kể cả nợ của doanh nghiệp) là 63,5 tỉ đô la vào năm 2013. Dựa vào cùng tỷ lệ trên, và với số nợ nước ngoài hiện nay ước là 100 tỉ đô la Mỹ, có thể ước nợ Trung Quốc vào năm 2018 đã trên 6 tỉ đô la. Ngân hàng Thế giới tính số nợ nước ngoài của Việt Nam là 86,9 tỉ đô la vào cuối năm 2016".

Vẫn theo tính toán của ông Việt thì : "Số nợ Trung Quốc thật sự có thể lớn hơn số trên, vì từ sau năm 2010, Bộ Tài chính chỉ theo dõi và công bố nợ công tức là nợ của Chính phủ và nợ của doanh nghiệp do Nhà nước bảo lãnh, theo định nghĩa của Việt Nam. Từ 2011, bộ đã chấm dứt công bố nợ nước ngoài bao gồm cả nợ của doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có bản hướng dẫn về nội dung quản lý nhà nước đối với vay và trả nợ của doanh nghiệp (03/VBHN-NHNN, 12/07/2017). Như thế về nguyên tắc, Ngân hàng Nhà nước nắm được thông tin nhưng không công bố". 

Với đống nợ to bằng cái đình làng như thế thì liệu Việt Nam có khả năng tránh được áp lực đòi cùng khai thác ở Biển Đông của chủ nợ không ?

Trả lời hay không ?

Đó là lý do tại sao phía Việt Nam, qua lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao, đã trả lời nửa vời khi được báo chí chất vấn về yêu cầu của Vương Nghị.

Bà Hằng nói chiều ngày 20/09/2018 :

"Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có hợp tác trên biển. Trên thực tế, Việt Nam đã có hợp tác song phương và đa phương về biển với các quốc gia, trong đó có Trung Quốc với nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển, hoạt động kinh tế... 

Chủ trương của Việt Nam là hợp tác trên biển phải theo đúng các quy định và chế định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, phù hợp với quyền, lợi ích của Việt Nam và tôn trọng lợi ích của các bên liên quan khác".

(Bản tin chính thức của Bộ Ngoại giao).

Câu trả lời của Bà Hằng không bác thẳng tay yêu cầu của Vương Nghị mà ngụ ý sự hợp tác, nếu có phải được thảo luận dựa trên Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, đòi hỏi các bên quan hệ phải tôn trọng quyền lợi và lập trường về biển đảo của đôi bên.

Nói cách khác, phía Việt Nam đã ỡm ờ giữa "có" và "không" để mua thời gian với cáo già Trung Quốc.

Cũng nên biết lập trường "gác tranh chấp để cùng khai thác" của Trung Quốc đã phát ra lần đầu tiên từ cửa miệng Lãnh tụ Đặng Tiểu Bình năm 1979. Từ đó đến nay, các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc kế tiếp vẫn giữ nguyên như thế.

Nhưng nếu mắc bẫy Trung Quốc là chẳng khác nào bán thóc giống đi mà ăn. Bởi vì trước hết, Trung Quốc không có chủ quyền thực tế ở Biển Đông mà chỉ tự nhận các bãi đá, đảo và vùng nước chung quanhnhững vị trí này là của Trung Quốc từ ngàn xưa.

Câu nói ngang ngược của Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Tân Gia Ba (Singapore) ngày 07/11/2015 là bằng chứng tham vọng của Bắc Kinh.

Họ Tập nói tại Đại học Quốc gia Singapore : "Xin hãy để tôi nói rõ : những hòn đảo trên Biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc kể từ thời xa xưa. Chính quyền Trung Quốc có nhiệm vụ phải bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích chính đáng của Trung Quốc".

Ông Tập rêu rao rằng "những hòn đảo của Trung Quốc" trên Biển Đông đang bị các quốc gia láng giềng chiếm đóng. Ông nói : "Những hoạt động xây dựng của Bắc Kinh trên Biển Đông là nhằm mục đích hòa bình".

Suy nhược - Phục tùng

Lập trường chủ quyền ở Biển Đông của Trung Quốc đã bước vào thời kỳ căng thẳng và nguy hiểm nhất từ 30 năm qua, sau khi quân Trung Quốc tấn công chiếm 7 bãi đá của Việt Nam ở Trường Sa từ năm 1988. Sau đó bồi đắp thành đảo lớn kiên cố và quân sự hóa gồm Vành Khăn, Tư Nghĩa, Subi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma và Châu Viên.

Trung Quốc đã đồn trú binh lính, xây bến cảng, sân bay và lập tuyến phòng thủ Radar và xây một số Đài khí tượng trên 7 vị trí. Vì vậy, Việt Nam sẽ là nạn nhân đầu tiên, nếu xẩy ra chiến tranh, vì sức mạnh quân sự không cân bằng mặc dù Việt Nam đang kiểm soát tới 21 vị trí ở Trường Sa gồm :

Cụm Song Tử : Đảo Song Tử TâyĐá Nam

Cụm Nam Yết : Đảo Nam YếtĐảo Sơn CaĐá LớnĐá Núi Thị

Cụm Sinh Tồn : Đảo Sinh TồnĐảo Sinh Tồn ĐôngĐá Cô LinĐá Len Đao

Cụm Trường Sa : Đảo Trường SaĐá ĐôngĐá LátĐá Núi LeĐảo Phan VinhĐá TâyĐá Tiên NữĐá Tốc TanĐảo Trường Sa Đông

Cụm Thám Hiểm : Đảo An BangĐá/Bãi Thuyền Chài

Một bằng chứng suy nhược của phía Việt Nam Cộng sản là quân đội đã không dám nghênh chiến với lính và tầu Trung Quốc mỗi khi chúng tấn công, bắn phá vá cướp tài sản của ngư dân Việt Nam hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa (bị Trung Quốc chiếm từ tay Quân lực Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974) và ở Trường Sa.

uyban2

Trưởng đoàn Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nói với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Pham Bình Minh ngày 16/09/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ô nhục hơn, phần lớn báo đài nhà nước cộng sản Việt Nam không dám chỉ đích danh lính và tầu Trung Quốc đã hành động sát nhân vô nhân đạo chống ngư phủ Việt Nam mà chỉ dám gọi chúng là "tầu lạ" hay "tàu nước ngoài".

Tại Bộ Ngoại giao Việt Nam, mỗi khi Trung Quốc có động tác xác nhận chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa thì người phát ngôn chỉ biết nói đi nói lại đến nhàm tai rằng : "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".

Dương Khiết Trì và Biển Đông

Khẳng định của Việt Nam, một lần nữa đã bị Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), Chánh văn phòng Ủy ban công tác ngoại sự Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc gạt đi trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 09/11/2018.

Họ Dương và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) đã đến Hoa Thịnh Đốn để họp thường niên với Ngoại trưởng Michael Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Jame Mattis.

Trả lời câu hỏi về hoạt động của Trung Quốc tại Biển Dông, Dương Khiết Trì nói :

"China reaffirmed its principled position on this issue and pointed out that China has indisputable sovereignty over islands in Nansha and its adjacent waters. On its own territory, China is undertaking some constructions to build civilian facilities and necessary defense facilities. That is the right of preservations and self-defense that international law has provided for sovereign state that has nothing to do with militarization".

(Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ)

Tạm dịch :

"Trung Quốc đã khẳng định lập trường chính thức về vấn đề này, và muốn nói rõ rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên các đảo ở Trường Sa và vùng nước chung quanh. Trên phần lãnh thổ của mình, Trung Quốc đã thực hiện công tác xây dựng một số cơ sở dân sự và quân sự quốc phòng. Đây hoàn toàn phù hợp với quyền bảo vệ và tự vệtheo đúng luật pháp quốc tế chứ không dính dáng gì đền điều gọi là quân sự hóa".

Lời tuyên bố mới nhất về Biển Đông của Dương Khiết Trì như gáo nước lạnh tạt vào mặt lãnh đạo cộng sản Việt Nam, vậy mà đảng và nhà nước, kể cả báo đài sống nhờ tiền dân và Ban Tuyên giáo chuyên nghề tuyên truyền đã không dám mở mồm bình phẩm hay phản ứng lấy nửa lời.

Là người lãnh đạo cao nhất nước, Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có còn là người Việt Nam hay ông chưa biết Việt Nam đang chết đuối ở Biển Đông ?

Phạm Trần

(15/11/2018)

Published in Diễn đàn

Kết quả cuộc bầu lưỡng viện Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ ngày 06/11/2018, không chỉ đã phản ảnh cuộc trưng cầu ý dân đối với Tổng thống Donald Trump, sau 2 năm cầm quyền và 8 năm độc quyền kiểm soát ngành Lập pháp của đảng Cộng hòa, nó còn chứa đựng những sóng gió mới mà ông Trump phải vượt qua trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2020.

npt1

Quốc hội trao toàn quyền cai trị cho Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ (2016-2021)

Với thay đổi này, người dân Mỹ đã chuẩn bị cho tương lai, nhưng đối với đảng duy nhất cầm quyền Cộng sản ở Việt Nam thì việc Quốc hội trao toàn quyền cai trị cho Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước, trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ (2016-2021), thì người dân Việt đã bị đẩy vào con đường tụt hậu không lối thoát thêm ngàn dậm nữa.

Vậy sự tương phản giữa chuyện bầu cử của nước Mỹ và những việc đang xẩy ra ở Việt Nam đã nói lên điều gì khi ta so sánh hai sự kiện để rút ra bài học cho Việt Nam ?

Trước hết, đã có một số cử tri Mỹ gốc Việt muốn thấy đảng Cộng hòa tiếp tục thắng cử để kiểm soát lưỡng viện Quốc hội hầu giúp Tổng thống Trump có sức mạnh chế ngự Trung Quốc cả về kinh tế lẫn tình hình ở Biển Đông, ngõ hầu giúp Việt Nam thoát được đe dọa của Bắc Kinh trong dài hạn.

Rất tiếc, hy vọng chủ quan này đã thay đổi khi đảng Dân chủ chiếm lại đa số Hạ viện trong cuộc bầu cử ngày 06/11/2018 vừa qua, sau 8 năm bị đảng Cộng hòa khống chế.

Trước ngày bầu cử, phe Cộng hòa chiếm đa số 235 ghế, Dân chủ có 193 ghế trong tổng số 435 ghế dân biểu tại Hạ viện. Sau bầu cử, Dân chủ chiếm ít nhất 223 ghế và Cộng hòa có lối 201 ghế (tính đền trưa ngày 07/11/2018), với một số đơn vị phải kiểm phiếu lại.

Trong khi đó thì phe Cộng hòa tiếp tục chiếm đa số tại Thượng viện với trên 51 ghế trên tổng số 100 nghị sĩ. Trước ngày bầu cử, phe Dân chủ có 47 nghị sĩ và 2 nghị sĩ độc lập vẫn thường bỏ phiều theo Dân chủ, tính chung là 49. Nhưng sau bầu cử, phe Dân chủ mất ít nhất 2 ghế, còn lại 45. Số ghế còn lại phải tái kiểm phiếu.

Điều tra Donald Trump

Nhưng mọi chuyện phải bắt đầu từ Hạ viện nên phe đa số có toàn quyền quyết định chương trình làm việc từ làm luật đến điều tra, tổ chức điều trần, v.v…

Lấy kinh nghiệm khi phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện năm 2010, với số ghế 242 chống 193 Dân chủ, họ đã làm tệ liệt Tổng thống dân chủ Barrack Obama cho đến ngày ông Obama mãn nhiệm năm 2016.

Vậy liệu lịch sử có tái diễn, sau ngày phe đa số Dân chủ "làm chủ" Hạ viện từ tháng 01/2019 ? Rất có thể, mặc dù các lãnh tụ Dân chủ, điển hình là bà Dân biểu Nancy Pelosi, cựu Chủ tịch Hạ viện khi Dân chủ chiếm đa số, và nay có nhiều hy vọng nắm lại chức này, ngỏ ý sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa trong tiến trình làm việc chung.

Tuy nhiên, hứa hẹn này không bảo đảm sẽ làm tiêu tan dự kiến phe Dân chủ tại Hạ viện sẽ mở khoảng 17 cuộc điều tra về Tổng thống Trump trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống (2019 - 2020).

Một danh sách dài từ các vấn đề di dân, giáo dục, bảo hiểm sức khỏe cho đến những vấn đề tài chính, thương nghiệp của gia đình Donald Trump, hồ sơ thuế cá nhân của Tổng thống và nhất là liện hệ giữa ông Trump, các phụ tá và các con của ông trong cuộc điều tra có dính đến Nga trong hồ sơ Mạc Tư Khoa và cá nhân Tổng thống Vladimir Putin đã hành động khuấy phá cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 với chủ đích giúp ông Trump thắng cử trước đồi thủ Dân chủ, Bà Hillary Clinton.

Phản ứng của Trump

Trước thông tin phe Dân chủ Hạ viện sẽ điều tra mình, Tổng thống Trump đã nói trong cuộc họp báo chiều ngày 7/11/2018 rằng :

"I hear about investigations – fatigue. They’ve been giving us this investigation fatigue. It’s been a long time. They’ve got nothing".

(Tạm dịch : "Tôi đã nghe chuyện điều tra nhàn chán này từ lâu. Họ đã nói như thế mãi rồi, nhưng họ chả tìm thấy gì hết").

Ông Trump nói tiếp :

"They can play that game but we can play it better. It’s called the U.S. Senate".

(Tạm dịch : "Họ có thể chơi trò này, nhưng tôi có trò hay hơn. Đó là Thượng nghị viện").

Ông Trump muốn ám chỉ đến vai trò của Thượng viện khi đảng Cộng hòa nắm trong tay đa số hơn phe Dân chủ.

Về hồ sơ thuế cá nhân mà ông Trump từng từ chối phổ biến công khai từ khi ra tranh chức Tổng thống, một lần nữa ông nói sẽ xem xét chuyện công bố, nếu đã kiểm soát xong. ("If I were finished with the audit, I would have an open mind to it").

Thủ tục hạch tội

Ngoài ra, cũng đã có một số không nhỏ dân biểu Dân chủ đã đề xướng khả năng mở hồ sơ "hạch tội" (Impeachment) Tổng thống Trump về những việc mà họ cho là ông Trump đã vi phạm luật pháp khi hành động.

Tuy nhiên, nhiều lãnh tụ Quốc hội của Dân chủ, kể cả bà Pelosi đã tỏ ý không mấy mặn mà với ý kiến này. Bà nói với báo chí sáng 07/11/2018 rằng bà sẽ không tiến hành cuộc "hạch tội", ngoại trừ bà nhận được ủng hộ đồng tình của một số dân biểu Cộng hòa.

Thủ tục "hạch tội", theo Điều 1 của Hiến pháp Mỹ diễn ra ở 2 cấp. Cấp thứ nhất thuộc quyền của Hạ viện chỉ cần "đa số tương đối" trong số các dân biểu hiện diện. (The House of Representatives must first pass, by a simple majority of those present and voting, articles of impeachment, which constitute the formal allegation or allegations).

Sau đó, việc "xử tội" sẽ diễn ra ở cấp hai Thượng viện, nhưng phải có 2/3 Thượng nghị sĩ hiện diện bỏ phiếu thuận (the concurrence of two thirds of the members present" is required).

Trong trường hợp này, phải có 67 trên tổng số 100 nghị sĩ là việc rất khó xẩy ra.

Như vậy, dù hãy còn quá sớm để dự biết chuyện gì sẽ xẩy ra cho ông Trump trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, nhưng với việc lấy lại quyền đa số tại Hạ viện, phe Dân chủ có nhiều cơ hội làm khó dễ chương trình lập pháp và những kế hoạch khác của phe Cộng hòa cho đến cuộc bầu cử Tổng thống tới vào năm 2010, chắc chắn sẽ rất quyết liệt và gay go hơn khi ông Trump ra tái tranh cử nhiệm kỳ hai.

Chuyện Việt Nam

Từ tiến trình sang trang của nước Mỹ diễn ra theo đúng Hiến pháp và Luật pháp thì chuyện ông Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nắm trong tay trọn quyền, nhưng lại không bị cơ chế nào kiểm soát dựa theo luật pháp thì sự chuyên quyền này chỉ là độc tài và độc trị đã xâm phạm nghiên trọng đến quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Do đó, trách nhiệm của ông Trọng đối với mọi hành động cướp mất các quyền của dân ghi trong Điều 25 Hiến pháp, đều phải bị lên án.

Nguyên văn Điều 25 này viết : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Bắt đầu từ ngày 01/01/2019 khi Luật An ninh mạng, có mục đích xóa quyền tự do ngôn luận của công dân có hiệu lực thì nhiều điều kiểm soát ngặt nghèo khác lại được ban hành, qua hình thức Nghị định được gọi là "Quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng".

Nghị định 6 Chương, 30 Điều đã phổ biến để lấy ý kiến trong dân, được ông Trọng nhiệt liệt tán thành, không khác gì một thứ Luật khác chồng lên Luật An ninh mạng nhằm triệt tiêu quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của dân.

Nguyên văn các điều ghi trong Chương V quy định việc "lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam", như sau :

1. Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm : họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học.

2. Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm : thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ thiết bị.

3. Dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm : bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác.

Điều 25. Doanh nghiệp phải lưu trữ dữ liệu, đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp trong và ngoài nước có đầy đủ các điều kiện sau đây phải lưu trữ dữ liệu và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam :

a) Là doanh nghiệp cung cấp một trong các dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam sau đây : Dịch vụ viễn thông ; Dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu trên không gian mạng ; Cung cấp tên miền quốc gia hoặc quốc tế cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam ; Thương mại điện tử ; Thanh toán trực tuyến ; Trung gian thanh toán ; Dịch vụ kết nối vận chuyển qua không gian mạng ; Mạng xã hội và truyền thông xã hội ; Trò chơi điện tử trên mạng ; Thư điện tử ;

b) Có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý các loại dữ liệu quy định tại Điều 24 Nghị định này ;

c) Để cho người sử dụng dịch vụ thực hiện hành vi được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 8 Luật An ninh mạng ;

d) Vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 8, điểm a hoặc điểm b khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng.

2. Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu doanh nghiệp đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này lưu trữ dữ liệu quy định tại Điều 24 Nghị định này và đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.

3. Các doanh nghiệp không chấp hành quy định tại Khoản 2 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 26. Thời gian lưu trữ dữ liệu

1. Nhật ký hệ thống theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật An ninh mạng phải lưu trữ trong thời hạn tối thiểu 12 tháng.

2. Thời gian lưu trữ dữ liệu được quy định tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định này được lưu trữ theo thời gian hoạt động của doanh nghiệp hoặc đến khi không còn cung cấp dịch vụ.

3. Thời gian lưu trữ dữ liệu được quy định tại Khoản 2, 3 Điều 24 Nghị định này tối thiểu là 36 tháng.

Có nghiệp đoàn tự do hay không ?

Chuyện thứ hai sẽ diễn ra trong tương lai gần là âm mưu vô hiệu hóa quyền được lập Nghiệp đoàn lao động độc lập, bên ngoài Liên đoàn Lao động Việt Nam của nhà nước đang rục rịch bàn luận trong nội bộ Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo và các tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Các mánh khóe đang được trao đổi nhằm kéo dài thời gian thay đổi Luật Lao động, Luật Công đoàn và Điều lệ của Liên đoàn Lao động Việt Nam, để làm chậm việc Việt Nam phải thi hành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership-CPTPP), thay cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership-TPP).

Quốc hội Việt Nam dự trù sẽ chấp thuận CPTPP ngày 12/11/2018.

Về vấn đề này, theo lời Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói trước Quốc hội hôm 5/11/2018 thì :

"Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chủ yếu khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã nêu trong tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Việt Nam với tư cách là thành viên của ILO cũng như các thành viên của Hiệp định CPTPP có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi.

Ông Minh nói tiếp :

"Trong các điều khoản này có điều khoản cho phép thành lập các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Quy định của ILO cũng khẳng định là tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại, phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các tổ chức của người lao động không được có các hoạt động nào có khả năng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an ninh và không được hoạt động ngoài tôn chỉ mục đích và điều lệ đã được đăng ký và được cho phép. Theo kết quả rà soát của Chính phủ, để thực hiện cam kết về lao động trong Hiệp định CPTPP thì Việt Nam chỉ cần sửa Bộ luật Lao động".

Nhưng bao giờ thì Việt Nam chịu sửa Luật Lao động ? Có tin Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 05/2019 không ?

Tuy nhiên Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ở Việt Nam (ILO Việt Nam), Chang-Hee Lee, đã phân tích về ý nghĩa của vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với Việt Nam.

Theo tài liệu của ILO Việt Nam thì ông Chang nói :

"Vẫn còn đó một số điểm yếu trong pháp luật lao động và các thể chế liên quan đến quan hệ lao động. Đã có hơn 6.000 cuộc đình công kể từ giữa những năm 1990 và tất cả đều là đình công tự phát, không do công đoàn khởi xướng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy người lao động không cảm thấy quyền lợi và mối quan tâm của họ được giải quyết và quy trình xử lý vấn đề không hiệu quả. Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp lãnh đạo công đoàn cơ sở lại là quản lý cấp cao của doanh nghiệp, điều không thể chấp nhận được tại hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới ngày nay. Quyền công đoàn là quyền của người lao động, và công đoàn là tổ chức của người lao động, không bị giới sử dụng lao động can thiệp".

Quan sát của ông Chang cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam và Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ bầy ra cho có hình thức. Cán bộ công đoàn không những không bảo vệ quyền lợi của người lao động mà, trong nhiều trường hợp, còn hùa với giới chủ nhân để chống lại công nhân, hoặc làm tay sai cho chủ nhân.

Ngoài Luật Lao động, Việt Nam còn phải sửa Luật Công đoàn khi phải chấp nhận sự ra đời của các Tổ chức lao động độc lập.

Bởi vì Điều 1 của Luật Công đoàn này viết (nguyên văn) :

"Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam".

Tất nhiên, tổ chức này nằm trong Mặt trận Tổ quốc và được chi tiền của Ngân sách. Năm 2014 tổ chức Công đoàn tay chân của đảng đã ăn mất 270 tỷ đồng tiến thuế của dân (Dân Trí, ngày 10/06/2016).

Với số tiền mồ hôi nước mắt của dân lớn như thế thì chắc chắn tổ chức tay sai của đảng sẽ đè bẹp các tổ chức công đoàn tự do nếu được thành lập, hay có ai dám đứng ra tổ chức. Đấy là chưa kể liệu có được tự do thành lập trong các điều kiện dân chủ quy định trong các Công ước của tổ chức Lao động Quốc tế hay không ?

Một nút thắt quan trọng khác mà nhà nước Việt Nam phải mở, nếu thật sự họ muốn có các Công đoàn độc lập là khi phải cho phép ra đời các tổ chức này thì họ đồng thời cũng phải nghĩ đến việc ra Luật lập hội theo như đã quy định trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Nếu không, vai trò Chủ tịch nước của ông Nguyễn Phú Trọng không còn giá trị gì nữa, vì khi không tuân thủ Hiến pháp thì ông chỉ còn là con người giấy mà thôi, không sao có thể so sánh với quyết định sang trang của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 06/11/2018.

Phạm Trần

(08/11/2018)

Published in Diễn đàn

Quy định "trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" đã được ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản cầm quyền duy nhất ở Việt Nam ký ban hành ngày 25/10/2018.

lamguong1

Hội nghị Trung ương 8 : Tăng cường trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên - Ảnh minh họa (VoV, 02/10/2018)

Quy định gồm 4 Điều và 19 nội dung là văn bản được coi để lấy lại niềm tin trong nhân dân qua xây dựng và chỉnh đốn hàng ngũ lãnh đạo hàng đầu của đảng, gọi văn hoa là cấp "chiến lược" từ trung ương đến địa phương.

Nhưng văn kiện cứu đảng khỏi tan quan trọng đầu tiên của ông Trọng trong vai trò Chủ tịch nước, sau khi ông được Quốc hội bỏ phiếu bầu ngày 23/10/2018, lại "đầu voi đuôi chuột" không đi đôi giữa nói và làm của chính ông.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 ngày 02/10/2018, ông Trọng nói :

"Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Vậy ông có ý cứu đảng ra sao, ông Trọng đưa ra sáng kiến :

"Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về vấn đề này. Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống".

Nói thì mạnh đáo để nhưng khi Quy định ban hành thì cả 2 nội dung, mỗi phần chỉ còn lại 8, tổng cộng là 16 "nội dung", thay vì 18 như tuyên bố của ông Trọng.

Ba (03) nội dung còn lại ở phần cuối chỉ tập trung vào "tổ chức thực hiện" của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; Mặt trận Tổ quốc ; Ban Tổ chức Trung ương.

Trung thành với xác chết

Trách nhiệm phải gương mẫu tiên quyết, theo khoản 1 là phải :

"Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch".

Nói cách khác, phải sống chết với chủ nghĩa phá sản cộng sản và phải bảo vệ tư tưởng của Mác-Lênin và Hồ Chí Minh là những con người từng sống và hưởng thụ trên xác chết của hàng triệu người dân vô tội, kể cả người Việt Nam.

Sau đó, trong khoản 2, mọi người phải cam kết trước tiên "Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng" rồi sau mới đến "đất nước và nhân dân". Điều này đích thực đã đặt quyền lợi Đảng cộng sản Việt Nam trên quyền lợi của Tổ quốc và nhân dân.

Sau đó, đến khoản 7 thì phải : "Mẫu mực về đạo đức, lối sống. Thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư ; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành".

Toàn là những chữ sáo rỗng mà mọi người sống trong chế độ cộng sản Việt Nam đã phải nghe đi nghe lại từ khi ông Hồ Chí Minh còn sống mà có thấy cán bộ giảm tham ô đâu. Nếu tính từ thời ông Hồ dạy cán bộ ở thập niên 50 thì bây giờ cũng đã gần 70 năm mà tham nhũng thì lúc nào cũng "vẫn còn nghiêm trọng" thì ai không cần, ai không kiệm ?

Phê bình và từ chức

Đến khoản 8 thì Quy định đòi phải : "Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình ; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh ; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ".

Đọc qua có lẽ nhiều người có kinh nghiệm "tự phê bình và phê bình" trong các cuộc họp đảng từ chi bộ trở lên phải tủm tỉm cười vào mũi ông Tổng Trọng. Bởi vì chuyện bày ra chỉ toàn làm cho có lệ, hình thức để báo cáo cho đẹp lòng nhau thôi. Những "nể nang", "chín bỏ làm mười" hay "nay người mai ta", hoặc "cùng là đồng chí, đồng hội mà hại nhau thì còn mặt mũi nào mà nhìn mặt nhau" v.v… vẫn nở rộ, lan rộng và ăn sâu, mọc rễ trong đảng chả bao giờ thay đổi được. Không tin cứ đến hỏi Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng để xin tài liệu "lười học nghị quyết" về mà đọc.

Còn chuyện bảo "các quan" nên "chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ" thì có đi ngược đầu cũng chưa xẩy ra, trừ khi những người ấy là Thánh.

Hãy lấy chuyện Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ bị phiếu tín nhiệm thấp nhất của Quốc hội làm tỷ dụ.

Theo kết quả được công bố ngày 25/10/2018, trong 48 chức danh được lấy phiếu, ông Nhạ đã bị 137 phiếu "tín nhiệm thấp", hạng bét trong số người được Quốc hội phán xét.

Nếu ở các nước có truyền thống bảo vệ nhân cách và trọng danh dự thì người như ông Nhạ đã cúi đầu, khoanh tay xin lỗi nhân dân trước Quốc hội và tuyên bố xin từ chức.

Ngược lại, ông Nhạ còn vênh váo nói với báo chỉ ở Hà Nội rằng :

"Đúng như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm giúp người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động".

"Tôi coi kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là động lực để bản thân tôi và toàn ngành cố gắng hơn, có nhiều giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo" (VnExpress, ngày 25/10/2018).

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng từng nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam :

"Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức" (VOV, ngày 06/07/2018).

Ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nghe rõ chưa mà còn ngây thơ cụ bảo kẻ dưới quyền hãy "chủ động xin từ chức" !

Chống ai - Chống gì ?

Bây giờ xin bàn tiếp đến Điều 3, cũng chỉ có 8 "nội dung" thay vì 9 như ông Trọng hứa trước Hội nghị Trung ương 8.

Nội dung trong Điều 3 buộc các "Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống :

1. Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít.

2. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

3. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.

4. Chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác cán bộ ; đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.

5. Tham nhũng, hối lộ dưới mọi hình thức ; tặng quà, nhận quà vì vụ lợi. Can thiệp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm, trái quy định vào công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án ; đối với việc đề xuất, cho chủ trương, thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, chỉ định thầu các dự án, đề án kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ; đấu giá đất đai, tài sản nhà nước.

6. Lãng phí công quỹ, tài sản, phương tiện, nhân lực và thời gian làm việc. Tổ chức đoàn đi công tác ở trong và ngoài nước không đúng thành phần, thời gian và nội dung yêu cầu công việc. Sống, sinh hoạt, tiêu dùng, giải trí xa hoa, lãng phí.

7. Lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng nhằm vụ lợi. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để sử dụng, vay, mượn tiền, tài sản, phương tiện của tổ chức, cá nhân trái quy định.

8. Để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Đầu to - Đít bé

Như vậy là tuyệt nhiên trong phần cam kết chống sống còn này của đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo gồm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương không thấy giống những gì báo đài đảng đã viết khi Quy định còn trong vòng lấy ý kiến.

Những nhóm chữ quan trọng và được chú ý nhiều trong dân đã biến mất trong Quy định chính thức như :

"Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập", "tham nhũng chính sách ; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền ; "lợi ích nhóm" ; "không đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài".

Hay :

"Chống lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng ; liên kết lập "sân sau ", "lợi ích nhóm" ; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với doanh nghiệp trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ…" (Zing và VietNamNet).

Những thay đổi quan trọng này liệu có trùng hợp với việc kê khai tài sản rồi giữ lại nơi cán bộ làm việc hay tổ chức, đảng bộ và nhất định không phổ biến cho dân kiểm soát thì có trơ trẽn và lố bịch không ?

Đến Dự luật Bảo vệ bí mật nhà nước đang thảo luận tại Quốc hội còn nhiêu khê kịch cỡm với chủ đích che giấu cho Lãnh đạo và những việc đáng lẽ phải công khai cho dân biết.

Chương II : Phạm vi, Danh mục bí mật Nhà nước - Điều 10 : Phạm vi bí mật nhà nước đã viết (nguyên văn) :

1. Trong lĩnh vực chính trị bao gồm :

a) Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng ; công tác dân tộc, tôn giáo ;

b) Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước ;

c) Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước ;

d) Thông tin về tình hình tư tưởng, đời sống các tầng lớp nhân dân có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, xã hội.

Toàn là chuyện bí mật láo lếu. Nếu không để che đậy, giấu dân và làm cản trở quyền làm chủ đất nước của dân và trốn tránh bổn phận là "đầy tớ của dân" của cán bộ, đảng viên thì viết như vậy với mục đích gì ?

Thậm chí "thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước" cũng phải giấu như mèo giấu cứt thì ai làm gương cho ai soi, hay đưa ra Quy định làm gương để làm gì ?

Hay là ông Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng muốn làm trò cười cho thiên hạ mà không hay, hoặc cái đầu ông thật sự "có vấn đề" ?

Phạm Trần

(01/11/2018)

Published in Diễn đàn

Trước và sau ngày Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội trao thêm chức Chủ tịch nước Việt Nam trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 23/10/2018, một làn sóng sùng bái lãnh tụ đã lan tràn trên báo đài nhà nước, nhưng không phải của dân, do dân và vì dân mà từ cửa miệng những công thần của chế độ.

chutich1

Ông Trọng được 476 trên tổng số 477, hay 99,79% Đại biểu Quốc hội tín nhiệm, nhưng ông vẫn bị 1 phiếu chống, hay bằng 0,29% tổng số đại biểu có mặt. Vì là cuộc bỏ phiếu bấm nút kín nên danh tính người không thuận sẽ bí mật cho đến khi chính người này công khai.

Đây là một việc bất thường vì vào ngày 03/10/2018, ông Trọng đã được Ban Chấp hành trung ương đảng họp kỳ 8 đồng ý 100% suy cử ông vào ghế Chủ tịch nước, thay ông Trần Đại Quang đã từ trần ngày 21/09/2018.

Ban chấp hành trung ương đảng, khóa XII gồm 178 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

Trong diễn văn nhận chức, ông Trọng kêu gọi các cấp "phối hợp chặt chẽ, đoàn kết thống nhất cao", đồng thời hứa "sẽ cố gắng hết sức mình, nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ".

Ông Nguyễn Phú Trọng đã khéo léo khi tỏ ra khiêm tốn trước ống kính truyền hình trực tiếp :

"Tôi xin thưa thật rằng, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vì được Quốc hội, được nhân dân tin cậy, yêu mến giao nhiệm vụ. Lo là làm thế nào để hoàn thành được thật tốt trách nhiệm của mình".

Vì sao ?

Ông Trọng giải thích vì 3 lý do :

"Một là tình hình đất nước bên cạnh mặt thuận lợi là cơ bản cũng đang có không ít khó khăn, thách thức, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết. Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực và vị thế như ngày nay ; nhưng đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn rất lớn, tình hình thế giới diễn biến không thể lường hết được ; chúng ta vui mừng với những thành tựu, kết quả to lớn nhưng tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn, không được quá say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế.

Hai là hiện nay cùng với giữ chức Chủ tịch nước, tôi vẫn đang gánh chức Tổng bí thư của Đảng, công việc rất nhiều, lại đang phải chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ba là trình độ, năng lực, sự hiểu biết của tôi có hạn, tuổi tác lại đã lớn. Bác Hồ đã từng nói, khi người ta tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp ; điều đó cũng không có gì lạ".

Quả đúng như ông dự đoán. Nhiệm kỳ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước sẽ kết thúc cùng năm 2021, khoảng tháng Giêng, theo nhiệm kỳ 5 năm kể từ năm 2016. Như vậy là ông chỉ còn 2 năm rưỡi nữa thôi, ngoại trừ ông lại theo gương lãnh đạo Tập Cận Bình của nước láng giềng "vừa là đồng chí vừa là anh em" Trung Quốc, người đã đạo diễn thành công Quốc hội bỏ phiếu hồi tháng 03/2018 không hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch nước để họ Tập có thể ngồi lại cho đến khi chết hay không muốn tiếp tục nữa.

Nhưng nếu ông Trọng muốn ngồi lại ở tuổi 77 vào năm 2021 thì ông cũng phải vận động để thay Điều lệ đảng, vì đảng không cho phép ông được giữ chức Tổng bí thư quá 2 nhiệm kỳ. Vì vậy việc ông dấn thân gánh thêm chức Chủ tịch nước cũng là do ông quyết định cả. Nhân dân không được ai cho phép can dự vào việc tầy đình này. Có chăng là do Bộ Chính trị gồm 17 người, do ông đứng đầu, đã ngồi lại trao đổi với nhau rồi đưa ra Hội nghị Trung ương 8 biểu quyết cho có thêm sức mạnh đồng thuận gọi hoa mỹ là theo "ý đảng".

Kế đến là bước "hợp lòng dân" cho vẻ dân chủ thì có Quốc hội, cũng là của đảng, bỏ phiếu đề cử cho đúng quy định của Hiến pháp.

Mọi chuyện giản dị chỉ có thế, vì Việt Nam chỉ có một Đảng cộng sản duy nhất cầm quyền nên các màn trình diễn cho dù có ngoạn mục cách mấy thì cũng chỉ một mình một chợ, hay tự biên tự diễn mà thôi.

Nhưng nếu nói việc ông Trọng đắc cử Chủ tịch nước là "hợp lòng dân", hay là "lựa chọn của lịch sử" thì có chủ quan quá trớn không ?

Bởi lẽ lấy thước nào hay bằng chứng nào mà dám nói là "hợp lòng dân", hay lịch sử nào đã chọn ông Trọng ngồi vào chiếc ghế của ông Hồ Chí Minh từ năm 1951 đến 1969 ?

Lòng dân ở đâu ?

Trước hết, nhân dân không hề được hỏi ý kiến, dù trực tiếp hay gián tiếp bằng bất cứ phương pháp nào trong việc ông Nguyễn Phú Trọng giữ luôn chức Chủ tịch nước.

Nhưng báo đài nhà nước lại cứ thi đua viết, nói sa sả ngày đêm rằng :

"Việc đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Quốc hội nhất trí bầu giữ chức Chủ tịch nước là thể hiện đáp ứng nguyện vọng, lòng tin của toàn Đảng, toàn dân ta" (CAND, 24/10/2018).

Còn ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban tổ chức trung ương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ Đảng thì đã hoan hỷ nói với VietTimes :

"Tôi không ngạc nhiên, bởi đó là "ý Đảng, lòng Dân"… 

Còn ý Đảng ? Ngày 22/10/2018 Trung ương, với 100% ủy viên Trung ương, đại diện cho toàn Đảng, thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước. Có thể nói Trung ương chưa bao giờ thống nhất cao như thế.

Còn lòng dân thì chúng ta thấy rồi : uy tín của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngày càng cao trong nhân dân. Nhân dân tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư. Công cuộc phòng chống tham nhũng còn hết sức cam go, nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả to lớn làm cho người dân ngày càng tin vào Đảng".

Báo Dân Trí cũng phù họa theo rằng :

"Hai nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều tâm sức cho cuộc chiến chống nạn tham nhũng. Đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước trong thời điểm lịch sử, Tổng bí thư quyết tâm tạo chuyển biến mới, quyết liệt hơn trên mặt trận này" (Dân Trí, 23/10/018).

Đại biểu quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, tỉnh Quảng Bình nhanh nhẩu nói với báo Đảng cộng sản Việt Nam :

"Thời gian qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhiều dấu ấn lớn, được nhân dân cả nước tin tưởng, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc Quốc hội bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước là vấn đề mà cử tri và các đại biểu rất quan tâm và mong mỏi".

Đến phiên Ủy viên thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Ông Đinh Trường Sơn còn hồ hởi hơn khi cho rằng :

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người được cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao về uy tín, sự trong sạch, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân". (Nhân Dân, 23/10/018)

Tạp chí Xây dựng Đảng, thì viết trong số đề ngày 7/10/2018 :

"Việc Ban chấp hành trung ương Đảng đề cử Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là quyết định được đồng thuận cao trong Đảng và xã hội. Vì sao vậy ?

Bởi đây là sự thể hiện cụ thể việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tổng bí thư thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu Ban chấp hành trung ương Đảng, đồng thời thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của người đứng đầu Nhà nước. Tổng bí thư là người lãnh đạo quá trình đề ra các nghị quyết của Đảng và đồng thời trực tiếp lãnh đạo quá trình tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết đó. Từ khâu ban hành đến tổ chức thực hiện do một người đảm nhận sẽ nhanh hơn, đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết với tổ chức thực hiện, nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả trong quản lý đất nước, phục vụ nhân dân của Nhà nước".

Như thế thì có phải đã tập trung quyền lực vào một người không, dù ông Trọng không muốn coi ông là người "kiêm nhiệm", hay là "nhất thể hóa" như nhiều chuyên gia Hiến pháp đã gọi quyêt định của Đảng cộng sản Việt Nam.

Đến phiên ông Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cũng muốn lấy điểm trên báo Giáo dục Việt Nam ngày 24/10/2018, khi nói rằng :

"Tôi cũng như những cán bộ lão thành khác và nhân dân luôn tin tưởng tuyệt đối ở đồng chí. Chúng tôi tin tưởng đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo nên nhiều kỳ tích mới, đưa đất nước bước vào những trang sử sáng ngời trong kỷ nguyên mới".

Nhưng ai đã cho phép ông Thước dám cả gan vơ đũa cả nằm như thế ? Ông có nên nói thêm cho thiên hạ biết đã có bao nhiêu "cán bộ lão thành" và "nhân dân" đã đồng ý cho ông nói thay họ, hay ông đã nổi hứng muốn được bổng lộc gì chăng ?

Lịch sử nào ? Ai viết ?

Bên cạnh những chữ nghĩa đã bị các công thần đảng và nhà nước tự ý nhét vào mồm dân, tác giả Ngô Đức Hành của báo Pháp Luật online, trong bài viết ngày 22/10/2018 đã gán ghép lịch sử vào trường hợp ông Trọng :

"Việc Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với mỗi người Việt Nam. Từ ngày năm 11/02/1951 đến ngày 19/02/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất năm 1969. Sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị trung ương 8 khóa XII vừa diễn ra đầu tháng 10/2018. Đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai. Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn".

Nhưng có thật người ký tên Ngô Đức Hành không phải là nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Cộng sản, hay có chuyện copy bài của nhau trong vụ này ?

Bởi vì, ngày 07/10/2018, báo điện tử Zing.vn đã phổ biến bài phỏng vấn ông Nhị Lê do hai phóng viên Nguyễn Hưng và Ngọc Tân thực hiện, trong đó có những đoạn y chang như trong bài của Ngô Đức Hành.

Zing viết :

"Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, chia sẻ với Zing.vn về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành trung ương thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây.

Theo ông, việc Tổng bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với chúng ta, trong lịch sử đã thấy rồi. Từ ngày 11 đến 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất…".

– Theo ông, tại sao vấn đề Tổng bí thư làm Chủ tịch nước đã được đặt ra từ lâu nhưng bây giờ mới thực hiện ?

– Mới đây, ngày 3/10, sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị Trung ương 8 khóa XII. Tôi gọi đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử, sau suýt soát nửa thế kỷ. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai.

Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn".

Dù ai đạo văn của ai chăng nữa thì cũng toàn là ngôn ngữ thuộc loại phấn khởi và hồ hởi của thời đại kim tiền ở Việt Nam ngày nay. Việc diễn lại màn kịch một người làm hai việc là chuyện có gì đặc biệt đâu mà phải tô son vẽ phấn cho tốn phí tiền dân ?

Vô số báo đài ở Việt Nam đã ca tụng công lao chống tham nhũng của ông Trọng, nhưng hãy đọc những lời ai oán của Đại biểu quốc hội Thành phố Hà Nội- thượng tướng Nguyễn Văn Được đã bày tỏ bức xúc tại phiên thảo luận tổ (tại Quốc hội) sáng 24/10/2018 : 

"Nhiều cán bộ cấp bậc thấp hơn tôi mà nhà cửa, rồi biệt thự bề thế. Tiền đâu ra mà lắm thế ?" (Tuổi Trẻ online, 24/10/2018).

Báo Tuổi Trẻ online viết tiếp :

"Tướng Được cho rằng thời gian qua nhiều vụ việc lớn được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ dính líu đến tiêu cực được xử lý nghiêm minh nhưng ông có cảm giác như vẫn chưa "sờ trúng gáy" những đối tượng tham nhũng tầm cỡ.

Rồi việc quản lý cán bộ hiện nay lỏng lẻo, chưa nói đến cán bộ từ tỉnh trở lên mà ngay cả cán bộ xã, cấp phòng cũng xảy ra nhiều trường hợp tham nhũng hàng chục tỉ đồng…Vừa qua chúng ta đã "sờ" nhiều rồi nhưng có vẻ như cái gáy chính của tham nhũng, những đối tượng lấy của dân nhiều thì lại chưa bị sờ trúng. Tôi nói thật có nhiều thằng nó cấp bậc thấp hơn tôi nhiều bậc, nhưng nhà cửa nó thì to bề thế. Tiền lấy đâu ra mà lắm thế ? Nó ăn, xơi của dân rất nhiều".

Như vậy thì cái lò chống tham nhũng của ông tân Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã đủ sức nóng để đốt củi khô chưa, vội chi mơ đến củi tươi như ông từng khoe với dân ?

Nhưng trước mắt, ai cũng muốn chờ xem một người có nhiều quyền lực như ông có thể cứu ngư dân Việt Nam khỏi các cuộc đàn áp, tấn công và đâm chìm tầu dã man của bọn thảo khấu Trung Quốc ở Biển Đông hay không ? Hay ông cũng chỉ là con hổ giấy trước nanh vuốt của Tập Cận Bình, và sẽ chẳng đòi được tấc biển nào ở Hoàng Sa và một phần Trương Sa như từ bấy lâu nay ?

Người ta chỉ sợ rằng, khi được tâng bốc lên tận mây xanh và nghe nịnh hót đầy tai như đã diễn ra trong thời gian qua thì ông sẽ "ngủ quên trên vòng nguyệt quế", như ông đã cảnh giác trong diễn văn nhận chức chiều ngày 23/10/2018.

Phạm Trần

(25/10/2018)

Published in Diễn đàn
jeudi, 18 octobre 2018 23:35

Mất trộm rồi mới rào giậu

Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng nhận thêm chức Chủ tịch nước từ chiều ngày 23/10/2018, sau cuộc bỏ phiếu kín của Quốc hội nhưng liệu tam đầu chế gồm ông, bà Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 14 ủy viên Bộ Chính trị có dám công bố bản kê khai tài sản cho dân kiểm tra để làm gương, hay vì, như lời ông nói : "khó, nhạy cảm và phức tạp" nên cứ im đi cho đẹp lòng nhau ?

trom1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy - Kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm. Ảnh VT (Tiền Phong 17/06/20148)

Thắc mắc này đã có từ lâu nhưng không ai, kể cả lớp đàn anh của ông Trọng trong đảng, dám công khai nêu lên, dù nhiều người khen ông đã có quyết tâm chống tham nhũng và coi ông là người có đủ điều kiện và xứng đáng được giữ luôn chức Chủ tịch nước cho tiện việc quốc gia và ngoại giao quốc tế.

Ông Trọng đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng thuận "giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV", bắt đầu từ ngày 22/10/2018. Nhưng không biết ai đã có sáng kiến nhập hai chức danh Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước làm một, hay thủ tục nào đã được Trung ương đảng áp dụng tại phiên họp ngày 03/10/2018, để cử ông Trọng.

Việc gì ở Việt Nam cũng do Bộ Chính trị quyết định cả, mà ông Trọng lại đứng đầu cơ chế này, trong khi Quốc hội chỉ đóng vai "đóng dấu cho xong" nên thủ tục pháp chế theo tiêu chuẩn ở các nước tự do và dân chủ không bao giờ được coi là phải có.

Việc mới - Chuyện cũ

Bên cạnh chuyện ông Trọng một mình ngồi 2 ghế, sau 5 ngày họp của Trung ương 8 (từ 02-06/10/2018). Trung ương còn đồng ý ban hành "Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương đảng".

Nhưng theo lời ông Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Bồi dưỡng và đào tạo, Ban Tổ chức trung ương nói với báo chí tại Hà Nội thì :

"Đã có 148 lượt ý kiến của các ủy viên Trung ương khi thảo luận về dự thảo Quy định… Khi xây dựng dự thảo này, Tổng bí thư đã đánh giá đây là vấn đề khó, nhạy cảm, phức tạp nên Ban Tổ chức Trung ương và chúng tôi trong nhóm soạn thảo đã rất thận trọng. Trong quá trình nghiên cứu đã báo cáo Ban Bí thư một lần, Bộ Chính trị hai lần và phát phiếu xin ý kiến các ủy viên Trung ương… Kết quả thảo luận ở Trung ương 8 thì nhất trí cao ban hành quy định này nhưng yêu cầu Bộ Chính trị chỉ đạo hoàn thiện tiếp và một vòng lấy ý kiến các ủy viên Trung ương nữa, rồi mới ký ban hành".

Như vậy là chưa suôn sẻ. Tại sao chỉ có 148 trên tổng số 178 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết cho ý kiến ? Còn lại 40 ủy viên không có ý kiến đối với Quy định phải làm gương, hay họ không muốn tham gia thảo luận một Quy định liên quan đền cá nhân mình ?

Vì vậy việc "phải hoàn thiện tiếp bản Quy định và cần thêm một vòng lấy ý kiến" các ủy viên Trung ương sẽ kéo dài bao lâu chưa ai biết.

Nhưng nội dung Quy định làm gương mới có gì khác với hàng hà sa số những Nghị quyết và Quy định đã được ban hành từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thứ đảng Khóa XI năm 2011 ?

Nhìn chung không có gì bất thường và đặc biệt , ngoại trừ mục đích đặt trọng tâm vào những người đứng đầu guồng máy cai trị, trong số này quan trọng nhất là các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Trung ương đảng.

Tại sao đến bây giờ sau gần 8 năm cầm quyền mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn phải tơi tả và mất ăn mất ngủ với những tính hư tật xấu và sự bất tuân lệnh trên của đội ngũ cán bộ, nhất là những kẻ có chức có quyền đã và đang làm cho đất nước suy thoái và dân ngày một nghèo thêm ?

Nếu duyệt qua những "Quy định 101, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên" ; Quy định 47 ngày 01/11/2011 "về những điều đảng viên không được làm" gồm 19 điều ; Quy định 55 của Bộ Chính trị ngày 19/12/2016 về "một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên" ; và sau cùng là Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 "về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm" của Bộ Chính trị thì sẽ thấy dự thảo Quy định làm gương cũng chỉ lập lại những việc đã thất bại.

Nếu đáng chú ý chăng là 2 điểm của Dự thảo yêu cầu :

1. "Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập".

2. "Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...".

Liệu làm được hay không ?

Hai đòi hỏi của Quy định làm gương nếu chỉ viết để coi chơi thì được chứ thi hành có kết quả thì khó đấy, nếu đảng vẫn tiếp tục che mắt nhân dân những bản kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên nhất là các cấp lãnh đạo và các ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư và Ban chấp hành Trung ương.

Chỉ có cách duy nhất có thể lấy lại lòng tin cho nhân dân và làm gương cho cả đảng là trước tiên ông Nguyễn Phú Trọng, trong 2 vai vừa Tổng bí thư vừa Chủ tịch nước hãy cùng với Chủ tịch quốc hội (bà Nguyễn Thị Kim Ngân) ; Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tam đầu chế của chế độ, và 14 ủy viên còn lại của Bộ Chính trị bạch hóa cho toàn dân thấy tờ khai tài sản của mình có gì.

Sau đó, đến lượt tất cả các ủy viên Ban chấp hành Trung ương xuống đến lãnh đạo địa phương và các tổ chức, đoàn thể của đảng và của Mặt trận Tổ quốc cũng làm như thế như một phong trào làm gương thì may ra mới chu toàn được chủ trương "nói đi đôi với làm".

Nhưng trước khi muốn xâm mình liều mạng thì cả đảng hãy lắng nghe ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban tổ chức Trung ương Đảng nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VoV, Voice of Việt Nam) :

"Để thanh lọc, đấu tranh với nạn tham nhũng, dù khi đó mới chỉ là tham nhũng vặt, ông Hương không khỏi day dứt khi chứng kiến tình trạng tham nhũng hiện nay đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, con số mất mát lên tới hàng nghìn tỷ đồng và điều đau xót hơn cả, theo ông Hương chính là chúng ta đều biết đồng chí mình, cán bộ mình bắt tay nhau để ăn cắp của đất nước".

"Liên hệ đến những vụ đại án gần đây thiệt hại hàng nghìn tỷ", VoV viết tiếp, "ông Hương trầm ngâm "Cán bộ tham nhũng, đút lót nhau hàng trăm tỷ, nhưng chưa thấy ai từ chức vì sai phạm. Cả cuộc đời 60 năm làm công tác tổ chức cán bộ, tôi chưa thấy ai từ chức".

(VoV, 06/07/2018)

Như vậy thì hy vọng gì ở lời kêu gọi của dự thảo Quy định làm gương của "ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức" khi không làm tròn nhiệm vụ ?

Nhất là khi đã có một số cán bộ từng khai khi không chứng minh được nguồn gốc khối lượng tài sản khổng lồ của họ : "khối tài sản đó có được là từ bán chổi hay nuôi gà, heo" !

Những điều cấm kỵ

Để biết thêm dự thảo Làm gương viết gì, dưới đây là thông tin đã được lan rộng trong nước, dù đảng cố gắng giấu :

Dự thảo được xây dựng ngắn gọn với 4 điều. Trong đó,

Điều 1 quy định tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương phải gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về : "Những điều đảng viên không được làm", "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".

Minh bạch kê khai tài sản, thu nhập

Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật là quy định ở Điều 2 : "nêu gương trách nhiệm của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương".

Theo đó, các Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài ; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ.

Các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý ; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…

Cán bộ thuộc diện này phải gương mẫu thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận và người thay thế mình ; khuyến khích, bảo vệ cán bộ thẳng thắn, trung thực, năng động, sáng tạo, đổi mới. Chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài.

Đáng chú ý, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ươngnghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách ; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

Đồng thời nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình ; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi ; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình. Không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau.

Bên cạnh đó, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật...

Điều 3 quy định từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành ; công tác cán bộ ; tham nhũng chính sách ; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền ; lợi ích nhóm ; tham nhũng, hối lộ ; chạy chức, chạy quyền ; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điều 4 quy định trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư ; Ban chấp hành Trung ương phải xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định.

"Không loại trừ ai, bất kỳ vị trí nào"

Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.

Trong số này có những yêu cầu :

1. "Không đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài ; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, "tư duy nhiệm kỳ", công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, "đánh bóng" tên tuổi...".

Handing Over Cash For House Keys and Short Sale Sign

Đại đa số nhà cửa địa ốc do gia đình cán bộ, đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đều mua nhà bằng tiền mặt, dưới hình thức sử dụng tiền và tài sản doanh nghiệp (rửa tiền) hoặc do du học sinh hay khách du lịch Việt mang qua

2. Chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền ; độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nọt dưới ; quan liêu, xa dân, gây phiên hà, hách dịch với nhân dân ; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân.

3. Chống lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi ; lợi ích cục bộ, thông đồng, thỏa hiệp, tạo cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp".

4. Chống việc can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…".

5. Chống lợi dụng Doanh nghiệp hoặc để Doanh nghiệp lợi dụng ; liên kết lập "sân sau ", "lợi lch nhóm" ; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với doanh nghiệp trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... cũng phải kiên quyết chống.

6. Chống để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình can thiệp, chi phối, thao túng các công việc cùa địa phương, cơ quan, đơn vị, Doanh nghiệp như công tác cán bộ, xin dự án, cấp đất, đấu thầu, mua cổ phần...

7. Chống sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội.

8. Chống chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm….

9. Chống can thiệp, gây áp lực trong công tác cán bộ, nhất là lợi dụng quy trình để bổ nhiệm, bố trí người nhà, "cánh hẩu" vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý và nơi có nhiều lợi ích.

(Zing.vn và VietnamNet)

Nhìn chung, những quy định trên đây đã có những tiến bộ, nhưng riêng điều cấm đầu tư hay mua bất động sản ở nước ngoài là những việc làm khó thực hiện vì bấy lâu nay, có vô số căn nhà đắt tiền triệu hay các cửa hàng, công ty buôn bán hàng chục triệu dollars đã được bí mật sang tên cho người Việt Nam khác đứng tên ở Mỹ, đặc biệt ở California, nhưng không ai biết chủ nhân thật của chúng là ai.

Ngoài ra từ năm 2015, chuyên gia kinh tế Liên Hiệp Quốc Vũ Quang Việt đã có lần tiết lộ con số 33 tỷ dollars đã ra khỏi Việt Nam bằng nhiều ngõ ngách, kể cả "nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng". Ông Việt viết trên báo Đất Việt ngày 26/01/2015 :

"Con số 33 tỷ USD của Việt Nam chảy ra nước ngoài không hợp pháp từ năm 2008 đến năm 2013 là có thật, và đặc biệt là mức chảy ra ngoài tăng mạnh từ sau năm 2008. Năm 2009, số tiền chảy ra nước ngoài trên 9 tỷ USD, từ năm 2010 có giảm xuống nhưng lại ngày càng tăng và đạt mức gần 9 tỷ năm 2013 . Đây là con số tính được từ bản cân đối thanh toán với nước ngoài".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng đã từng nói với báo Đất Việt trong nước (03/01/2015) rằng :

"Khi ở California tôi đã chứng kiến nhiều người Việt chồng cả vali tiền mặt (có khi lên tới hàng trăm ngàn USD) để mua nhà, mua biệt thự ở đây. Câu hỏi đặt ra là tiền mặt ở đâu mà lớn thế ?".

Ông còn cho biết thêm :

"Rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức rửa tiền nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây là một trong những cách đó".

Như vậy thì có phải Đảng cộng sản Việt Nam đã mất trộm rồi mới rào giậu phải không ?

Phạm Trần

 

(18/10/2018)

<a data-flickr-embed="true"  href="https://www.flickr.com/photos/145347866@N03/44529156945/in/dateposted-friend/" title="trom1"><img src="https://farm2.staticflickr.com/1928/44529156945_c5761bd46a.jpg" width="500" height="324" alt="trom1"></a><script async src="//embedr.flickr.com/assets/client-code.js" charset="utf-8"></script>
Published in Diễn đàn

Nếu triết lý "Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột" của nhà lãnh đạo "cải cách mở cửa" Đặng Tiểu Bình, đã đưa Trung Quốc từ một quốc gia chậm tiến lên hàng cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, sau Hoa Kỳ, thì chuyện "nhất thể" hay "tam thể" cầm quyền ở Việt Nam cũng chẳng khác gì cho đất nước nếu thứ mèo này tiếp tục ăn hại, cam phận cúi đầu trước Bắc Kinh và cứ mãi bám lấy chủ nghĩa Cộng sản hại dân.

cuidau1

Cúi đầu quá mực cần thiết, thể hiện sự phục tùng Trung Quốc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 23/03/2014

Đó là hậu quả không cần tranh cãi như đang hồ hởi và phấn khởi diễn ra ở Việt Nam, sau khi Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, theo báo đài nhà nước, được Hội nghị Trung ương 8/XII "thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV", diễn ra từ ngày 22/10/2018.

Một số đảng viên Đại biểu quốc hội tỏ vẻ vui mừng, coi việc ông Trọng ôm trọn, tập trung quyền lãnh tụ đảng và chủ tịch nước"là một chủ trương, quyết sách đúng đắn và cấp bách" (báo Người Lao Động, 4/10/2018).

Nhưng cũng có vô số báo và "nhà bình luận" loạn cào cào đã lạm dụng "nhân dân" để trơ trẽn nịnh chủ như trường hợp ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông nói : "Tôi rất mừng nếu Tổng bí thư được bầu làm Chủ tịch nước bởi đây là phương án hợp lòng dân" (GDVN, ngày 03/10/2018).

Ông Nguyễn Ngọc Bảo (Đại biểu quốc hội khóa 13) cũng nói :"Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là việc hợp ý Đảng, lòng dân"(GDVN, 7/10/2018).

Thậm chí cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã, Hà Nội) cũng cuồng nhiệt nói với ông Nguyễn Phú Trọng : "Dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng, nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn…" (Đài Tiếng nói Việt Nam, VoV, Voice of Vietnam), 08/10/2018).

Ông Nguyễn Duy Quang - Tổ trưởng Tổ dân phố 38, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cũng nói : "Tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Trung ương và tin tưởng đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Chủ tịch nước sẽ lãnh đạo đất nước đi tới nhiều thắng lợi vẻ vang" (VoV, 04/10/2018).

Toàn là những cổ động viên "bẻo mép hớt lẻo". Chả biết họ đã lấy tư cách gì mà cứ mở miệng là lôi nhân dân ra đứng đầu lưỡi để phô trương cho bản thân.

Một hay hai là một ?

Nhưng chả nhẽ họ chẳng biết, dù khi chưa ôm chức danh Chủ tịch nước, chức vụ Tổng bí thư đảng đã dành cho ông Trọng mọi quyền lực vì Điều 4 Hiến pháp đã quy định : "Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Và mặc dù Tổng bí thư chỉ là một cá nhân của tập thể lãnh đạo theo nguyên tắc gọi là "tập trung dân chủ", hay "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", nhưng ông là người đứng đầu Đảng cộng sản, đứng đầu Bộ Chính trị, cơ chế quyết định mọi việc của đất nước nên ông nắm quyền sinh sát quan trọng nhất của Ban Chấp hành Trung ương đảng, khóa XII, gồm 178 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết.

Hơn nữa, các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội và Thủ tướng chính phủ cũng chỉ là các Ủy viên của Bộ Chính trị, nhưng không thể ngang hàng với chức Tổng bí thư. Vì vậy, kể từ sau ngày ông Hồ Chí Minh qua đời ngày 02/09/1969, chức danh Chủ tịch nước từ ông Tôn Đức Thắng đến đời Trần Đại Quang không có quyền bằng ông Hồ vì không phải là Chủ tịch đảng. Tất nhiên cũng không ngang bằng Tổng bí thư đảng, nếu không muốn nói chỉ là hình thức để làm cảnh trong nghi lễ mà thôi.

Có lẽ vì vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng không muốn người ta coi ông là người "kiêm nhiệm hai chức vụ" mà là "một người làm hai việc". Ông cũng không thích cụm từ "nhất thể hóa", vì không phù hợp với Hiến pháp khi chưa sửa đổi nhập hai chức danh vào làm một.

Hơn nữa Điều lệ đảng cũng viết y chang như Hiến pháp : "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc…

"Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…

"Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân ; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng…Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng lãnh đạo, tôn trọng và phát huy vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội".

Qua Cương lĩnh đảng, đảng cũng cuỗm luôn quyền cai trị như Hiến pháp :

"Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động… Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta…

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn…Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy…".

Vì vậy mà trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 8/10/2018, ông Trọng quanh co rằng : "Việt Nam đã có giai đoạn lịch sử Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng sau đó rồi tách".

"Đến bây giờ thì không phải vì nhất thể hóa, đây là tình huống. Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay. Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay ; Bộ Chính trị, Trung ương chuẩn bị nhiều phương án, thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng bí thư ứng cử Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của Trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu".

Ông cũng nhấn mạnh : "không nên nói là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, nói tắt thì được nhưng không đúng tiêu chí. Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ ; đồng thời cũng không nói nhất thể hóa, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc này" (VoV, 08/10/2018).

Dù ông Trọng có hay không muốn giải bầy, ông không phải là người vẽ ra kế hoạch cho ông có thêm chức, thêm quyền hay giẫm lên Hiến pháp mà ngồi vào ghế mới, nhưng rõ ràng ông đã công khai ôm đồm một lúc hai Ủy ban quan trọng để chuẩn bị Đại hội đảng XIII, tổ chức vào tháng 01/2021.

Theo tin chính thức thì : "Trung ương quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, gồm : Tiểu ban Văn kiện do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban ; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban ; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính làm Trưởng tiểu ban ; Tiểu ban Nhân sự do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban ; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng làm Trưởng tiểu ban".

Do đó, dù "nhất thể" hay "tam thể" gồm : Đảng-Nhà nước, Quốc hội (lập pháp) và Thủ tướng (hành pháp) thì ông Trọng vẫn ăn trùm như khi chức danh Chủ tịch nước còn sống riêng biệt.

Nếu Cương lĩnh đảng, Điều lệ đảng và Hiến pháp đã viết giống nhau thì mọi chuyện rồi cũng vẫn là mèo thế thôi, dù là "nhất thể" hay "tam thể".

Phạm Trần

(11/10/2018)

Published in Diễn đàn
jeudi, 04 octobre 2018 19:08

Chiếc áo không làm nên thầy tu !

Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được Ban Chấp hành trung ương đề cử giữ chức Chủ tịch nước tại phiên họp kỳ 8 ngày 03/10/2018, thay thế ông Trần Đại Quang đã qua đời ngày 21/09/2018.

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành trung ương đề cử giữ chức Chủ tịch nước

Ông Trọng sẽ được Quốc hội chính thức phê chuẩn tại kỳ họp 6, bắt đầu ngày 22/10/2018, mở đầu kỷ nguyên lột xác mới trong cơ chế cầm quyền thống nhất một người giữ cả hai chức Chủ tịch nước, đồng thời là Tổng bí thư đảng.

Cho đến khi qua đời ngày 02/09/1969, ông Hồ Chí Minh là người duy nhất kiêm nhiệm 2 chức vụ, Chủ tịch đảng và Chủ tịch nhà nước. Trong suốt 49 năm sau đó (1969-2018), hai chức danh được phân công cho hai người khác nhau. Lý do của quyết định này chưa bao giờ được công khai, nhưng có thể vì sợ tập trung quyền hành vào tay một người sẽ đưa đến lộng quyền, chuyên chế làm hỏng việc và chia rẽ nội bộ.

Vì vậy chức danh Chủ tịch nước, tuy được quy định trong Điều 86 Hiến pháp "là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại", nhưng thực tế không có quyền sinh sát toàn diện bằng Tổng bí thư đảng, vì đảng lãnh đạo cả nhà nước và xã hội.Hơn nữa, hàng ngũ lãnh đạo từ Trung ương xuống Địa phương hoàn toàn là cán bộ đảng viên nên lệnh đảng bao giờ cũng nặng ký hơn lệnh nhà nước.

Ngay đến Quốc hội, tuy là "cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 69 Hiến pháp, mà có bao giờ dám tự ý chấp thuận những việc quan trọng khi chưa có ý kiến của Bộ Chính trị đảng.

Nhưng tại sao ông Trọng lại được Ban Chấp hành trung ương chọn vào lúc này ?

Có 4 lý do :

1. Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời nên phải có người điền thế.

2. Ông Trọng hội đủ mọi điều kiện theo quy định của chức danh Chủ tịch nước.

3. Nhằm đáp ứng nhu cầu tinh giảm biên chế nên nhân cơ hội cần lấp chỗ trống ông Quang để lại, Bộ Chính trị quyết định tập trung lãnh đạo đảng và nhà nước vào làm một để tiết kiệm ngân sách, và hy vọng chạy việc hơn.

4. Phù hợp với nhu cầu đối ngoại và phong tục bang giao quốc tế, nhất là đối với những quốc gia không có hệ thống lãnh đạo đảng và nhà nước riêng biệt.

Nhân thân Nguyễn Phú Trọng

Vậy ông Trọng là người như thế nào ?

Tài liệu chính thức ghi tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Ông là Ủy viên Trung ương các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII ; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII ; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001) ; Đại biểu quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Nhưng ông là người đặc biệt giáo điều, bảo thủ, đệ tử cuồng nhiệt của Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông chống đa nguyên đa đảng, chống cho tư nhân ra báo, chống mạng xã hội, chống tổ chức dân sự và quyết liệt chống đối lập và mọi hành vi chống chính sách cai trị độc tài của đảng. Ông có bằng tiến sĩ chuyên môn về Xây dựng đảng.

Cũng rất rõ ông là người thân Bắc Kinh nên thường không dám cưỡng lại áp lực của lãnh đạo Trung Quốc. Việc ông và Bộ Chính trị không đồng ý để Quốc hội ra tuyên cáo lên án Trung Quốc đã ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương 981 thăm dò dầu khí vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi năm 2014 là một tỷ dụ.

Hành động xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc bắt đầu ngày 2/5/2014, tại vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý về phía đông (một hải lý dài 1,852 mét).

Trong thời gian xung khắc dài 75 ngày này, nhiều lần tầu sắt võ trang Trung Quốc đã tấn công và đâm chìm nhiều thuyền đánh cá và kiểm ngư của Việt Nam, nhưng ông Trọng không dám có phản ứng quyết liệt để bảo vệ chủ quyền.

Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và của Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã phải rút giàn khoan HD-981 về vùng biển Hải Nam ngày 16/07/2014.

Từ đó đến nay, các tầu cảnh sát biển Trung Quốc có võ trang vẫn thường xuyên tấn công, sát thương, cướp ngư cụ, tài sản và đâm chìm nhiều tầu đánh cá của ngư dân Việt ở Biển Đông nhưng Việt Nam không dám có phản ứng bằng võ lực. Ngược lại, nhiều bài báo của báo đài nhà nước chỉ dám gọi tầu Trung Quốc là "tầu nước ngoài" hay "tầu lạ", để tránh đụng chạm ngoại giao !

Việc thứ hai chứng tỏ ông Chủ tịch nước mới Nguyễn Phú Trọng đã có toan tính "trao trứng cho Ác" khi Bộ Chính trị do ông cầm đầu đã đồng ý Dự luật "Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Luật Đặc khu)" tại Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), có chiều hướng mở đường, qua dạng thuê đất trá hình dài 99 năm, và tạo cơ hội cho đầu tư Bắc Kinh vào chiếm lãnh thổ và đưa di dân sang Việt Nam.

Rất may khi biết được âm mưu đen tối này, nhiều Đại biểu quốc hội, nhiều nhân sĩ, chuyên gia và hàng trăm ngàn người dân trong nước đã phản đối và xuống đường biểu tình chống Đặc khu trong hai ngày 10 và 11/06/2018, khiến Quốc hội phải hoãn không biểu quyết.

Nhiệm kỳ có hạn chế ?

Vậy với chức Chủ tịch nước, sẽ bắt đầu ngay sau khi được Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp, bắt đầu ngày 22/10/2018, ông Trọng có thể làm được gì với thời hạn 2 năm rưỡi còn lại của nhiệm kỳ Tổng bí thư ?

Ông Trọng đã giữ chức Tổng bí thư từ Khóa đảng XI năm 2011-2016, tái đắc cử Khóa đảng XII thêm 5 năm nữa cho nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo Điều 17 của Điều lệ đảng được Khóa đảng XI bỏ phiếu tán thành thì : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".

Trong khi đó, theo Điều 87 Hiến pháp năm 2013 thì : "Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các Đại biểu quốc hội". Ông Trọng là Đại biểu quốc hội Khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021, đơn vị Hà Nội.

Vẫn theo Điều 87 Hiến pháp thì : "Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch nước".

Như vậy, khi Quốc hội XIV hết nhiệm kỳ 2016-2021 thì ông Trọng cũng hết chức Chủ tịch nước và luôn cả chức Tổng bí thư đảng.

Cũng nên biết, ngoài hai chức lãnh tụ Đảng và Chủ tịch nước, ông Trọng còn nắm nhiều chức quan trọng và quyền lực như : Bí thư Quân ủy trung ương , Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an trung ương  và Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng .

Vẫn trơ ra như đá

Với nhiều chức danh như thế thì liệu ông Trọng có bị ngộp thở không, và làm sao để thực hành câu ông nói "nhốt quyền lực trong lồng cơ chế giám sát" ?

Nhưng ai giám sát ông khi mà chính ông nhìn nhận công tác xây dựng đảng, dù đã làm từ Khóa đảng VII, đến nay vẫn còn ngổn ngang khắp mặt.

Ông nói trong bài phát biểu khai mạc phiên họp Trung ương 8 ngày 02/10/2018 :

"Như các đồng chí đều biết, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101 của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 55 của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng.

Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện vẫn còn bất cập, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức lan tỏa lớn".

Nhìn ông nói mà thấy thương ở một người 74 tuổi như ông vẫn phải trăn trở với mọi người rằng :

"Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân".

Ông Vũ Mão, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) rằng ông đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về :

"những hạn chế sau 5 năm thực hiện Quy định 101, đó là một số tổ chức đảng thực hiện Quy định này còn hình thức, chưa thực chất ; việc thực hiện các nguyên tắc của Đảng chưa nghiêm ; công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ, nghiêm minh ; chưa có chế tài xử lý những cán bộ, đảng viên không gương mẫu… Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đang bị buông lỏng".

(theo VOV, ngày 18/05/2018)

Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đưa ra chỉ một năm sau ngày ông Trọng thay ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư khóa XI. Nhưng theo ông Vũ Mão thì :

"Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế, ở không ít số cấp ủy, việc nêu gương của không ít cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự được coi trọng và còn nhiều tồn tại".

Vì nói mãi mà những kẻ dưới quyền ông Trọng vẫn trơ ra như đá nên một lần nữa, ông lại năn nỉ Ban Chấp hành trung ương rằng :

"Để khắc phục tình trạng nêu trên và tiếp tục đẩy mạnh việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao xin kiến nghị với Ban Chấp hành trung ương xem xét, ban hành một Quy định mới về vấn đề này (trách nhiệm nêu gương). Nội dung của bản Quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo Quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện và 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống".

Phải gân cổ kêu gào mãi như thế hẳn ông Trọng nhức nhối lắm, nhưng vì ông là người đứng đầu cả đảng và nhà nước nên ông phải ráng mà bươn chải một mình thôi.

Chỉ có điều, nếu ông mà chịu làm gương trước công bố cho toàn dân biết khối lượng tài sản ông đã kê khai có những gì và ở đâu, và ra lệnh cho mọi lãnh đạo cũng làm như ông trong một thời hạn nhất định, thay vì tiếp tục giấu dân như mèo giấu phân như hiện nay thì họa may mới có gương mà soi.

Hơn nữa, khi có thêm chức mới thì quyền lực hẳn sẽ tập trung toàn diện về ông. Chỉ khác ở chỗ : nếu chiếc áo không làm nên thầy tu như ông bà ta đã dậy thì chức danh Chủ tịch nước cũng chưa chắc thay đổi được bản lĩnh nói nhiều nhưng chưa được bao nhiêu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phạm Trần

(04/10/2018)

Published in Diễn đàn