Người Việt đang tận mắt mục kích chuyện “dối Trời, lừa dân, đủ muôn ngàn kế…” mà Nguyễn Trãi từng khái quát trong Bình Ngô Đại cáo cách nay 589 năm, đang diễn ra hàng ngày trên xứ sở của mình.
Một cảnh sát cúi lạy dân làng Đồng Tâm khi được thả ra ngày 22 tháng Tư.
Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam, công nhiên dối lừa trở thành một kiểu... tấu hài đỏ khiến thiên hạ ngao ngán nhưng không thể làm gì khác nên đành cười trừ !
***
Cuối cùng thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Cuộc thanh tra được thực hiện nhằm đáp ứng đòi hỏi của công chúng : Xác định trách nhiệm của những cá nhân đã đẩy dân chúng xã Đồng Tâm đến chỗ nổi loạn hồi trung tuần tháng 4 vừa qua (bắt giữ 38 con tin gồm cảnh sát cơ động, công an và viên chức chính quyền địa phương, rào làng tử thủ suốt một tuần bởi hệ thống công quyền không những làm ngơ trước các khiếu nại về sự bất minh trong việc thu hồi và sử dụng đất mà còn dùng vũ lực để trấn áp họ).
Theo những gì cụ Lê Đình Kính - người được xem như thủ lĩnh của dân chúng xã Đồng Tâm - từng kể trong một video clip được đưa lên You Tube thì dân chúng xã Đồng Tâm chịu rất nhiều thiệt thòi vì liên tiếp bị thu hồi đất với diện tích rất lớn mà không hề được bồi thường.
Thập niên 1960, chính quyền Việt Nam thu hồi 300 héc ta đất ở xã Đồng Tâm để xây dựng trường bắn Miếu Môn. Đến thập niên 1980, chính quyền Việt Nam quyết định thu hồi thêm 54 héc ta đất nữa để xây dựng phi trường quân sự Miếu Môn. Sau đó, phi trường quân sự Miếu Môn chỉ xuất hiện trên giấy.
Do thiếu đất canh tác, dân chúng xã Đồng Tâm đã thỏa thuận với Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (phía được giao quản lý 54 héc đất) xin thuê đất để trồng trọt. Lữ đoàn 28 “phát canh, thu tô” ổn định suốt từ đó cho đến năm 2007 thì giao lại cho chính quyền địa phương 6,78 héc ta trong số 54 héc ta đã trưng dụng, chỉ giữ lại 47,3 héc ta.
Bởi thửa đất 6,78 héc ta mà Lữ đoàn 28 giao trả bị chính quyền xã, huyện “hoàn trả” một cách bất minh cho một số cá nhân vốn chỉ bị trưng dụng vài trăm mét vuông nhưng được nhận lại tới… vài chục ngàn mét vuông và phân lô bán cho nhiều cá nhân khác, dân chúng xã Đồng Tâm bắt đầu khiếu nại. Năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức thanh tra và “thu hồi” 6,78 héc ta thêm một lần nữa với lý do đó là “đất quốc phòng”. Lần này, 6,78 héc ta “đất quốc phòng” được giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông của Bộ Quốc phòng Việt Nam để Viettel thực hiện “công trình quốc phòng”.
Thay vì trả lời thấu đáo những thắc mắc như : Tại sao lại xác định 6,78 héc ta đã hoàn trả là “đất quốc phòng” ? Nếu 6,78 héc ta đất này là “đất quốc phòng”, tại sao Bộ Quốc phòng không giao trực tiếp cho Viettel mà phải nhờ chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “thu hồi” ?... thì chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức “cưỡng chế”. Hồi trung tuần tháng 10 năm 2016, khoảng 600 thành viên của lực lượng vũ trang, bao gồm cả công an, bộ đội phải thối lui, bỏ dở kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” vì dân chúng xã Đồng Tâm liều chết giữ đất.
Đến trung tuần tháng 4 năm nay, chính quyền thành phố Hà Nội mời cụ Lê Đình Kình và bốn người khác tham dự hoạt động cắm mốc, phân ranh, xác định “đất nông nghiệp” và “đất quốc phòng” rồi bắt cả năm. Thay vì tiếp tục khiếu nại xin cứu xét, dân chúng xã Đồng Tâm nổi loạn.
Không thể dùng “bạo lực cách mạng” bởi vụ nổi loạn ở Đồng Tâm được “cả nước trông vào”, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã thay mặt hệ thống công quyền đến xã Đồng Tâm thương lượng và cam kết : Trực tiếp giám sát cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại xã Đồng Tâm, bảo đảm đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật”, xác định rạch ròi đâu là “đất nông nghiệp”, đâu là “đất quốc phòng”. Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể dân chúng xã Đồng Tâm. Chỉ đạo điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình để xử lý theo đúng qui định pháp luật.
***
Hai tháng sau khi vụ nổi loạn ở Đồng Tâm kết thúc, công an thành phố Hà Nội công bố quyết định khởi tố hai vụ án “bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật” và “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4.
Quyết định khởi tố hai vụ án khiến dân chúng Việt Nam chưng hửng ! Một số viên chức hữu trách bắt đầu giải thích , Chủ tịch thành phố Hà Nội (đại diện cho hành pháp), không có quyền giải trừ trách nhiệm hình sự cho những cá nhân vi phạm pháp luật vốn thuộc thẩm quyền của hệ thống tư pháp.
Về lý, điều đó không sai nhưng với bối cảnh và đặc điểm của hệ thống chính trị Việt Nam, không ai tin rằng ông Chung tự tiện tìm tới thương lượng và đưa ra ba cam kết như đã kể với dân chúng xã Đồng Tâm. Thương lượng và cam kết dứt khoát phải là chủ trương của giới lãnh đạo Đảng mà giới này thì có đủ thẩm quyền quyết định mọi thứ, kể cả có cần tuân theo pháp luật hay không ! Nhiều người, trong đó có cả những viên chức cao cấp đã nghỉ hưu nhận định, quyết định khởi tố hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4 là ngu xuẩn.
Cho đến nay, công an thành phố Hà Nội chưa xác định hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm hồi trung tuần tháng 4 có bao nhiêu bị can. Chỉ có thể đoan chắc, nếu công an thành phố Hà Nội thực hiện đúng tuyên bố “sẽ điều tra, xử lý nghiêm, đúng pháp luật” số dân Đồng Tâm vướng vào vòng lao lý sẽ lên tới hàng trăm chứ không chỉ là năm như hồi trung tuần tháng 4 !
Song song với quyết định khởi tố hai “vụ án” xảy ra tại xã Đồng Tâm, hệ thống công quyền Việt Nam tuyên bố sẽ đưa 14 viên chức địa phương (bốn viên chức huyện Mỹ Đức và 10 viên chức xã Đồng Tâm) ra xử vào giữa tháng này vì “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (cấp đất, giao đất trái thẩm quyền, hợp thức hóa việc lấn chiếm đất cho một số cá nhân, gia đình tại xã Đồng Tâm).
Kế đó, chính quyền thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai ở xã Đồng Tâm. Tuy đây chỉ là “dự thảo” nhưng qua việc công bố rộng rãi dự thảo này, 99% dự thảo sẽ trở thành kết luận chính thức.
Theo dự thảo thì diện tích thực tế của phi trường quân sự Miếu Môn là 236,9 héc ta. Trong 236,9 héc ta được xem là “đất quốc phòng” có 64,11 héc ta thuộc xã Đồng Tâm. Nếu so với quyết định đã được phê duyệt năm 1980 thì hệ thống công quyền đã thu hồi và giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam khoảng 30 héc ta nằm hoàn toàn trên địa bàn xã Đồng Tâm. Chuyện Bộ Quốc phòng Việt Nam nhận lố 30 héc ta và lờ đi được xem là... thiếu sót.
Cũng theo dự thảo thì sở dĩ có “một số gia đình ăn ở trên đất quốc phòng từ năm 1980 đến nay” là vì các đơn vị quân đội “buông lỏng quản lý đất quốc phòng”. Việc một số người dân ở xã Đồng Tâm tự ý tổ chức đo đạc, phân lô, xây dựng trên phần đất mà Viettel (Tập đoàn Viễn thông Quân đội) muốn thực hiện “dự án quốc phòng” được xác định là hành vi chiếm “đất quốc phòng”, coi thường luật pháp.
Nói cách khác, theo dự thảo, kế hoạch “cưỡng chế - thu hồi đất” ở Đồng Tâm không sai, khiếu nại - đòi hỏi của dân chúng xã Đồng Tâm là vô lý.
Giờ thì đã có thể xác định, chuỗi hành động liên quan tới việc giải quyết hậu quả vụ nổi loạn ở Đồng Tâm là một kịch bản với nhiều lớp.
Lớp đầu làm tê liệt ý chí phản kháng của dân chúng xã Đồng Tâm. Quyết định khởi tố hai “vụ án” đang chờ để biến bất kỳ ai muốn chống đối dự thảo kết luận thanh tra sẽ công bố sau đó trở thành bị can ngay lập tức.
Lớp thứ hai, loan báo việc truy tố 14 viên chức địa phương nhằm minh họa cho sự “công tâm”. Việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn đúng như Chủ tịch thành phố Hà Nội từng cam kết là sẽ đúng với “sự thật khách quan” và “đúng pháp luật” !
Lớp thứ ba, công bố Dự thảo Kết luận thanh tra để hạ màn : Khẳng định cưỡng chế - thu hồi đất ở Đồng Tâm là đúng vì đó là “đất quốc phòng”. Dân chúng xã Đồng Tâm đã “tố láo, cáo điêu”, đòi thứ không phải của mình. Cũng do vậy, nổi loạn trở thành không thể chấp nhận vì vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu chính quyền có xử lý thì đó là cần phải giữ sự nghiêm minh, còn chính quyền bỏ qua, miễn trừ trách nhiệm hình sự thì đó là “khoan hồng, nhân đạo” với những công dân “thiếu hiểu biết về pháp luật”, bị “kẻ xấu lợi dụng, kích động”. Với những yếu tố như vậy, cam kết điều tra việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình của Chủ tịch thành phố Hà Nội đương nhiên là không cần thực hiện nữa.
***
Phát biểu sau khi Thanh tra thành phố Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Chủ tịch thành phố Hà Nội nhấn mạnh, phải “thượng tôn pháp luật”.
Tuy nhiên chính Dự thảo Kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức lại cho thấy luật pháp hiện hành tại Việt Nam cũng chỉ có giá trị như... ba cam kết của chính ông Chung hồi trung tuần tháng 4 với dân chúng xã Đồng Tâm.
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao không làm rõ và truy cứu trách nhiệm những cá nhân đã thu hồi lố, giao lố cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 30 héc ta đất ở xã Đồng Tâm ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại nghiễm nhiên chấp nhận 30 héc ta nằm ngoài quyết định thu hồi được ban hành ầu thập niên 1980 là “đất quốc phòng” ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại chấp nhận chuyện Bộ Quốc phòng bỏ hoang 236,9 héc ta, không truy cứu trách nhiệm việc lập dự án để chiếm dụng 236,9 héc ta đó suốt 36 năm ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao không kiểm tra, đối chiếu và công bố ai là người phải chịu trách nhiệm trong việc đề ra chủ trương và thực hiện “phát canh, thu tô” trên “đất quốc phòng”, số tiền đó đã dùng vào việc gì ?
Nếu “thượng tôn pháp luật” thì tại sao lại chấp nhận việc giao “đất quốc phòng” cho Viettel. Dẫu thuộc quân đội nhưng xét về bản chất, Viettel vẫn là một doanh nghiệp, pháp luật hiện hành có bất kỳ qui định nào cho phép doanh nghiệp sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân dành riêng cho quốc phòng làm phương tiện kiếm tiền ?
Ông Chung có thấy những điểm phi lý đó không ? Chắc là có. Thậm chí vì thấy rất rõ nên chính ông chủ động chặn đầu thiên hạ : “Trên thế giới tất cả đất thuộc về an ninh quốc phòng”. Ông Chung còn khẳng định bằng câu hỏi : “Tại sao nước Mỹ để trống cả một bang cho quốc phòng ?”. Cũng theo lời của ông Chung, không ai có quyền thắc mắc quân đội dùng “đất quốc phòng” vào chuyện gì. Tất cả các thắc mắc loại đó đều bị ông Chung xếp vào loại “cùn” !
Dường như để hỗ trợ ông Chung, ông Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam lập tức đến thăm Viettel và tuyên bố, phải phấn đấu để có nhiều Viettel nữa bởi “điều đó chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn”. Vài ngày sau, ông Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, khẳng định thêm rằng : “Muốn làm quân đội mạnh lên trước hết chúng ta phải bảo vệ quân đội, bảo vệ những chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, mà trong đó chủ trương quân đội làm kinh tế phục vụ quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế đất nước là một ví dụ”.
Cách nay hai tuần, trước sự chỉ trích kịch liệt về chuyện quân đội cương quyết giữ 157 héc ta “đất quốc phòng” ở phi trường Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường Tân Sơn Nhất nghẽn cả trên trời lẫn dưới đất, ông Lê Chiêm, một Thứ trưởng khác của Bộ Quốc phòng, từng khẳng định : “Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa để tập trung toàn lực xây dựng quân đội vững mạnh”. Tuyên bố của ông Chiêm khiến cả triệu người đang phẫn nộ vung tay hoan hô.
Giờ, sau khi các chỉ trích đã xẹp xuống, tới lượt ông Lịch, ông Vịnh bước ra sân khấu “nói lại cho rõ”.
***
Nếu bạn tưởng ông Chung là nhân vật chính quyết định mọi vấn đề liên quan tới sự kiện Đồng Tâm rồi khen hay chê ông ta thì dường như bạn thuộc loại “cùn”. Nếu bạn tưởng các ông tướng quân đội sẽ từ bỏ các đặc quyền, đặc lợi để dành toàn bộ công sức, thời gian cho chuyện “bảo quốc, an dân”, có lẽ bạn còn… “cùn” hơn.
Cần nhớ thế này, chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh mới “bén”, tất cả chúng ta đều “cùn”. Tôi cũng “cùn” nhưng tôi không buồn. Trừ các đồng chí đang tham gia lãnh đạo “Đảng ta” một cách “tài tình, sáng suốt”, đố… cha “thằng” nào trong số 7 tỉ “thằng” đang sống trên thế giới này tìm ra một thế giới khác trên trái đất này mà “toàn bộ đất đai đều thuộc an ninh, quốc phòng”. Tương tự, đố cha “thằng” nào trong số hơn 300 triệu “thằng” đang là công dân Mỹ, kể cả tổng thống Mỹ tìm ra bang nào ở Mỹ mà “toàn bang bỏ trống để dành cho quốc phòng”.
Thành thật xin lỗi bạn. Ăn nói như vừa kể rõ ràng là quá bỗ bã, không “nhã” nhưng đôi khi phải nói năng một cách… “bình dân” thì mới có thể diễn tả gần đúng cảm xúc sau khi phải xem... tấu hài đỏ.
Trân Văn
Nguồn : VOA, Thiên Hạ Luận, 11/07/2017
Ngày 7 tháng Bảy năm 2017, vụ Đồng Tâm chính thức biến diễn sang một giai đoạn mới mang tên “Hồi tố”, sau giai đoạn đầu mang tên “Nổi dậy”.
Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư.
Cú lật tê tái
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung - nhân vật từng lăn tay, và cùng với đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã từng ký sống vào bản cam kết “không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm” vào cuối tháng 4/2017, nhưng sau đó đã quay ngoắt “khởi tố là việc của cơ quan điều tra” - bất ngờ có một bài phát biểu dài và có chất hùng biện tại Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức vào buổi sáng ngày 7/7/2017, ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố dự thảo kết luận về đất đai tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
Trong dự thảo thanh tra trên, người dân Đồng Tâm đã phải nhận một cú lật tê tái : Thanh tra Hà Nội khẳng định không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp đồng Sênh, mà toàn bộ thuộc về đất quốc phòng.
Kết luận trên có thể được hiểu là toàn bộ hồ sơ khiếu nại, tố cáo của dân Đồng Tâm về đất đai là vô giá trị ; những nông dân sinh sống trên mảnh đất chôn rau cắt rốn sẽ trở thành tay trắng mà không được nhận một đồng bồi hoàn nào từ chính quyền và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) ; những nông dân nào không chịu di dời sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền tổ chức cưỡng chế, thậm chí có thể dùng công an và quân đội đàn áp để tuyệt nọc mầm mống “khủng hoảng”.
“Khủng hoảng” lại là từ ngữ được phát ra trong bài nói chuyện ngày 7/7/2017 của Nguyễn Đức Chung. Từ ngữ hết sức đặc biệt và nhạy cảm này nằm trong cụm từ “khi xảy ra khủng hoảng” mà ông Chung đề cập khi nhắc lại sự kiện Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.
Đảng thừa nhận “khủng hoảng” !
Cần lưu ý, cụm từ “khủng hoảng Đồng Tâm” chỉ được sử dụng chủ yếu trên một số trang mạng chính trị độc lập, thi thoảng được nói lướt qua trên vài tờ báo nhà nước, nhưng chưa từng được một quan chức nào từ nhỏ đến lớn thốt ra.
Hiện tượng lần đầu tiên một quan chức có trách nhiệm như Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung xác nhận về “khủng hoảng Đồng Tâm” cho thấy nhiều khả năng trong tâm não các cấp cao hơn của ông Chung - Ban Bí thư và Bộ Chính trị đảng - vụ Đồng Tâm đã không còn đơn thuần là một vụ việc “khiếu kiện đông người”, “gây rối trật tự” hay “điểm nóng xã hội”, mà thậm chí đã vượt quá phạm trù “điểm nóng chính trị” để trở thành một cái gì đó ghê gớm mang tầm cỡ an ninh ninh quốc gia, để từ đó cụm từ “khủng hoảng Đồng Tâm” có thể đã được viết ra ngày càng dày đặc trong các văn bản nội bộ của các ngành, các cấp, cùng lúc được nói ra ngày càng công khai trong các cuộc họp của các ngành, các cấp.
“Khủng hoảng Đồng Tâm” cũng là một khái niệm mới trong chính trị nội bộ, hoàn toàn logic với tin tức ngoài lề cho biết trước khi Nguyễn Đức Chung về thôn Hoành để “đối thoại” với dân vào ngày 22/4/2017, Bộ Chính trị đã phải họp đến hai ngày liên tục để tìm ra phương cách “tháo ngòi nổ”.
Sau đó, thủ pháp “tháo ngòi nổ” đã mỹ mãn đến mức chính quyền Hà Nội không những giải cứu được gần bốn chục “con tin” là cảnh sát cơ động và cán bộ bị dân bắt giữ, mà Nguyễn Đức Chung còn được báo đảng tôn vinh là “ngôi sao”, “người hùng”, trong lúc không ít người dân Đồng Tâm phấn khởi thật lòng khi bày tỏ “vẫn tin yêu đảng” và “có đảng là có tất cả”.
Có đảng là có tất cả !
Duy có điều, nếu đảng có được phép thuật “cho tất cả” như một số người dân vẫn tin tưởng, thì đảng cũng rất dễ lấy đi tất cả. Mục tiêu chính yếu nhất của chiến dịch “hồi tố Đồng Tâm” vừa lộ rõ : trên danh nghĩa “đất quốc phòng” và chẳng cần phải minh bạch bất kỳ chi tiết nào về dự án của Tập đoàn Viettel, quân đội sẽ lấy sạch 59 ha đất của dân.
Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra tại huyện Mỹ Đức, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã “thăm và làm việc” tại Viettel với những chỉ đạo không thể vô tình : “trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel”, và “tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam”.
Ông Ngô Xuân Lịch - nhân vật mất hút tại kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2017 liên quan đến một cuộc khủng hoảng khác - “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất” - đã bất thần lộ diện như thế, bất thần và như một cách lên tiếng phủ nhận phát biểu “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa” và “đây là chủ trương của Bộ Quốc phòng” của Thứ trưởng quốc phòng Lê Chiêm chỉ mới vào cuối tháng 6/2017.
Trong bài phát biểu tại huyện Mỹ Đức vào ngày 7/7/2017, cựu điều tra viên công an Nguyễn Đức Chung lại nhiệt thành tôn cao vai trò của quân đội theo cách “ai là người đi bảo vệ đất nước, ai là người cho chúng ta sống trong bình yên ?”, đồng thời nhắc đến vai trò của Cục Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng - một động tác có thể được hiểu là hàm ý đe dọa : quân đội sẽ vào cuộc đàn áp dân Đồng Tâm nếu dân ở xã này tiếp tục phản kháng.
Trong thực tế, đã có dấu hiệu quân đội tham gia vào chiến dịch “khủng bố” người dân Đồng Tâm. Sau vụ ông Lê Đình Kình - một trong những thủ lĩnh tinh thần của phong trào khiếu kiện thôn Hoành bị bắt cóc, trên mạng xã hội đã lan tỏa thông tin về một trong những kẻ bắt cóc ông Kình là sĩ quan quân đội.
Kết nối sự việc Thanh tra Hà Nội dự thảo kết luận “không có 59 ha đất nông nghiệp tại đồng Sênh” cùng khẩu khí đề cao vai trò quân đội của Nguyễn Đức Chung với một sự việc xảy ra ít ngày trước đó - Công an Hà Nội bất ngờ khởi tố vụ gây rối trật tự và bắt giữ người trái phép tại Đồng Tâm, khó mà hiểu khác hơn rằng “khởi tố” là một động tác nhằm gây sức ép tâm lý, tạo sự đe dọa đối với người Đồng Tâm, để rốt cuộc người dân ở đây sẽ phải chấp nhận thân phận đen đủi, để mặc cho Viettel và phía quân đội lấy sạch đất đồng Sênh.
Nhưng không chỉ có thế…
Từ “khoan hồng” đến “buộc tội”
Tháng 4/2017, vụ người dân Đồng Tâm đã dám bắt đến cả một trung đội cảnh sát cơ động trong cả thảy 38 cán bộ và nhân viên công lực để đưa vào quy chế “trao đổi tù binh” chính là một sự sỉ nhục chưa từng có đối với ngành công an - vốn chỉ biết lấy số đông đánh người mà chẳng mấy khi bị người đánh lại.
“Hồi tố” của chính quyền đối với dân Đồng Tâm cũng bởi thế đang biến diễn lạnh lẽo và tỉ mẩn thủ đoạn. “Xử quan trước, xử dân sau” đang là một phương châm được khẩu hiệu hóa trên hệ thống tuyên truyền một chiều của đảng.
Nhưng thực chất là “xử quan nhỏ trước, xử dân sau”. Những quan chức bị đem ra xét xử chủ yếu là cấp xã. Tuyệt đối không liên đới gì trách nhiệm của những viên công an đã đánh ông Lê Đình Kình gãy xương đùi và sau đó bắt cóc ông.
Chỉ có điều, muốn “xử dân” lại không phải là chuyện dễ. Nếu trước đây chỉ cần công an huyện Mỹ Đức là đã tự cho họ cái quyền sách nhiễu, khủng bố và bắt cóc dân, thì sau vụ “bắt giữ con tin”, không quan chức nào từ thấp đến cao dám cam đoan là sẽ không bùng nổ một trận “rào làng chiến đấu” nữa ở Đồng Tâm.
Bởi thế mới có nội dung “Chính việc cơ quan khởi tố là điều kiện để cho mọi người chứng minh được đấy là giai đoạn thời gian, còn giai đoạn truy tố là giai đoạn đến tòa, viện, giai đoạn xét xử. Từ giai đoạn thời gian này mọi người sẽ tập hợp và cơ quan điều tra sẽ chứng minh tất cả những gì mọi người được hưởng khoan hồng” trong bài phát biểu ngày 7/7/2017 của cựu điều tra viên Nguyễn Đức Chung. Đáng chú ý, lý lẽ này của ông Chung là rất gần gũi với xảo biện của giới dư luận viên khi cố gắng thuyết mị “dân cứ hợp tác và thành khẩn với cơ quan điều tra rồi sẽ được khoan hồng”, nhưng sau đó lại trở mặt : “cam kết là không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm chứ có cam kết là không truy tố một số cá nhân đâu”.
Tương lai “sẽ truy tố một số cá nhân” đã được cụ thể hóa bằng từ “buộc tội” của ông Nguyễn Đức Chung trong bài hùng biện của mình : “Tôi xin nói với các cụ là ban đầu dân tự chia nhau, các cụ hiện nay đang tập hợp bảo lấy tài liệu chúng tôi vào mà tự chia nhau. Chính tài liệu đấy các cụ đòi quyền lợi và chính tài liệu đấy buộc tội các cụ lấn chiếm đất”.
Một lần nữa cần nhắc lại, ông Chung từng là điều tra viên công an có thâm niên, có trình độ luật học và do đó khá thường phải chính xác trong cách dùng từ ngữ luật. Không biết vô tình hay hữu ý, từ “buộc tội” của ông Chung đã khiến toát ra cả một chủ trương “trừng phạt” của chính quyền và một triển vọng có thể rất đen tối dành cho người dân Đồng Tâm.
Đen tối như thế nào ?
Nếu “điều tra” là giai đoạn của công an, “truy tố” là giai đoạn của viện kiểm sát,thì “buộc tội” chính là tòa án. Sau đó sẽ là tù đày.
Vô tình hay hữu ý, trùng thời điểm với bài phát biểu hùng biện của ông Chung tại huyện Mỹ Đức, một lần nữa - sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017 - giới dư luận viên lại gào thét “Cho bọn khố rách áo ôm ở Đồng Tâm chết hết đi ! Dám bắt công an hử ? Dám làm loạn hử ? Tống chúng nó vào tù hết đi !”.
Tái hiện “lốt” công an
Khác hẳn với thái độ như gà mắc tóc “tôi phải ký vì người dân ép tôi” khi bị ông Lê Đình Kình chất vấn vụ Công an Hà Nội thình lình khởi tố Đồng Tâm vào tháng Sáu, bài nói chuyện của Nguyễn Đức Chung vào tháng Bảy lại mang khẩu khí tự tin, quyết liệt và khá gãy gọn, trừ một đoạn sau có phần trùng lắp với nội dung đoạn trước.
Kể cả một đặc tính nữa : khẩu khí bài nói chuyện trên rất “công an”.
Hướng về phía luật sư Trần Vũ Hải, ông Chung đanh giọng : “Mà các anh không được phép hỏi, thậm chí cấp nào mới được biết chứ không phải giải thích cho các anh đất làm gì ? Các anh không có quyền đó, bởi đó là an ninh quốc gia…”.
Cũng khác với tháng 4/2017 là lúc “tang gia bối rối’, nội bộ “năm cha bảy mẹ”, vào lần này hẳn ông Chung đã được Bộ Chính trị, mà có thể trực tiếp là TBT Trọng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bật đèn xanh để tỏ ra cứng rắn trước “bọn khố rách áo ôm”.
Tuy nhiên, khác rất nhiều những năm trước đây, Bộ Chính trị đảng đang phải đối mặt với một khoảng cách lớn chưa từng có giữa “ý đảng” với “lòng dân”. Thực tế cưỡng chế giải tỏa đất đai trong những năm gần đây lại chứng minh một sự thật trần như nhộng là chỉ cần dân “cương” một chút và đông đảo hơn lực lượng cưỡng chế, giới quan chức đành phải tự an ủi “nói thì cứ nói, nhưng làm thì phải từ từ”.
Cũng bởi thế, dự thảo thanh tra về Đồng Tâm được công bố vào tháng Bảy này chủ yếu mang mục đích thăm dò. Cứ công bố, xem thử phản ứng của dân thế nào, nếu dân yếu ớt thì làm tới luôn…
Thế nhưng ngay sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017, ông Lê Đình Kình đã bật ra “Vụ Đồng Tâm lại khủng hoảng rồi”.
Khủng hoảng Đồng Tâm, cũng vì thế, sẽ còn kéo dài - giai đoạn 2. Còn người dân có bị “hồi tố” theo ý chỉ của chính quyền, công an và cả quân đội hay không thì chỉ đến khi nhận ra “có đảng là có tất cả” là một viễn tượng trên trời, người dân mới biết phương cách để tự quyết định số phận của mình “trước khi trời cứu”.
Nguồn : VOA, 20/07/2017
Hơn chục cán bộ xã Đồng Tâm và huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội bị cho có sai phạm về đất đai tại địa phương này dẫn đến vụ dân chúng bắt giữ con tin sẽ bị đưa ra tòa xét xử trong tháng 7 này.
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP
Mạng báo Chính Phủ Việt Nam loan tin vào ngày 4 tháng 7 ; theo đó lãnh đạo Công an Huyện Mỹ Đức đã khởi tố 14 người trong số này có 10 cựu cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm và 4 người là cựu cán bộ, lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn huyện Mỹ Đức.
Những người này bị cáo buộc từ năm 2002 đến năm 2013 đã buông lỏng quản lý trong lĩnh vực đất đai, một số cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm còn vì động cơ vụ lợi cấp, giao đất trái phép, hợp thức đất lấn chiếm cho một số hộ dân…
Lãnh đạo Công an Huyện Mỹ Đức cho biết hồ sơ vụ án đã được Cơ quan Điều tra chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Mỹ Đức từ lâu. Viện Kiểm sát đã ra cáo trạng truy tố 14 bị can gửi sang Tòa án cùng cấp để xét xử.
Sáng 30/6, tại buổi họp báo trước kỳ họp Hội đồng nhân dân Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, cho biết thực hiện theo kết luận Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội).
Khu vực đất tranh chấp tại xã Đồng Tâm - Ảnh : Nguyễn Hưởng
Đến ngày 21/6, quá trình thanh tra đã chính thức kết thúc, sau khi có kết luận, trong vòng 7 ngày, Đoàn thanh tra sẽ công bố theo quy định.
Theo ông Nam, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội cũng đang giám sát và theo dõi các bước triển khai theo quy định của pháp luật. Khi nào có kết luận thanh tra, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ giám sát các bước thực hiện kết luận.
"Cán bộ mắc sai phạm ở vụ việc Đồng Tâm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật chứ không chỉ xin lỗi dân"- ông Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo, ông Nam cũng cho biết Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mỹ Đức đã hoàn tất cáo trạng vụ án về một số cán bộ, lãnh đạo xã Đồng Tâm và phòng ban chuyên môn của huyện Mỹ Đức có sai phạm trong quản lý đất đai và sẽ đưa ra xét xử trong tháng 7 tới đây.
Trước đó, ông Nguyễn An Huy, Phó chánh Thanh tra Hà Nội cho biết đơn vị này đã có thông báo kết thúc công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng và quá trình xử lý từ trước đến nay đối với diện tích đất khu sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm. Đoàn thanh tra đã làm việc từ ngày 20/4 tại các đơn vị có liên quan.
Theo đó, trưa ngày 21/6, Đoàn thanh tra đã thông báo kết thúc việc thanh tra trực tiếp tại đơn vị, dưới sự chứng kiến của đại diện Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Lữ đoàn 28, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, UBND huyện Mỹ Đức và UBND xã Đồng Tâm.
Lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cho biết dự kiến Hà Nội sẽ hoàn chỉnh và thông báo kết luận thanh tra trên vào đầu tháng 7.
Ng. Hưởng
************************
Sẽ xét xử một số cán bộ sai phạm ở Đồng Tâm (RFA, 30/06/2017)
Một số cán bộ xã Đồng Tâm và cán bộ các phòng chuyên môn của huyện Mỹ Đức bị kết luận có sai phạm trong quản lý đất đai ở địa phương sẽ bị đem ra xét xử vào tháng 7 tới đây.
Công an, cảnh sát cơ động và cán bộ chính quyền được dân làng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức thả tự do vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế Hội Đồng Nhân Dân Thành Phố Hà Nội cho biết như vậy tại cuộc họp báo hôm 30 tháng 6.
Theo ông Nam, đó là quyết định của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội cùng với Viện kiểm sát huyện Mỹ Đức đưa ra.
Nói về việc thanh tra quản lý, sử dụng đất đai khu vực sân bay Miếu Môn ở Đồng Tâm, ông Nam cho biết hiện tại việc thanh tra đã kết thúc và kết luận thanh tra đang được hoàn thiện, sẽ được công bố trong vòng 7 ngày khi được hoàn thành.
Còn về việc công an Hà Nội bắt giữ người dân Đồng Tâm là đúng hay sai ông Nam nói rằng đây là trách nhiệm thanh kiểm tra của bộ Công an và vụ việc đang được bộ Công an thanh tra.
Người đứng đầu ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cũng nói rằng khi nào có kết luận thanh tra sẽ xử lý đúng theo kết luận đó, kể cả cán bộ sai cũng phải bị xử lý theo pháp luật chứ không chỉ xin lỗi dân là xong.
Vụ người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm tiến hành bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát cơ động làm con tin vào trung tuần tháng tư vừa qua được cho là đỉnh điểm tình trạng tranh chấp đất ruộng của người dân địa phương với phía quân đội lâu nay.
Để giải cứu số con tin bị bắt, đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung phải về tận địa phương đối thoại theo như yêu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Đức Chung viết bản cam kết không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên vừa qua Cơ quan Điều tra, Công an Thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố hai vụ án ‘bắt giữ người trái pháp luật’ và ‘hủy hoại tài sản’.
Quyết định đó gây xôn xao dư luận; sau đó ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng sẽ xử cán bộ sai phạm trước, rồi đến người dân bị cho có vi phạm.
‘Xử cả cán bộ vô trách nhiệm và phần tử quá khích’ (BBC, 27/06/2017)
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tỏ ý tán thành khởi tố vụ bắt giữ người ở xã Đồng Tâm, nhưng nói phải xử lý cán bộ làm sai trước tiên.
Cờ đỏ sao vàng và băng rôn với ngôn ngữ của Đảng được treo khắp nơi tại xã Đồng Tâm
Gặp cử tri ở Hải Phòng hôm 26/6, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp nhận một câu hỏi về việc công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự để điều tra dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật ở xã Đồng Tâm.
Thủ tướng Việt Nam trả lời : "Đồng Tâm, tôi đã chủ trì kết luận về những sai trái của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai, rồi những phần tử quá khích".
"Chế độ chúng ta mà bắt giữ mất chục người, sao có chuyện như vậy".
"Tội giữ người trái phép đó phải được điều tra xử lý nghiêm túc, cũng như tội phá hoại tài sản".
"Tôi đã nói phương châm, trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này, phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại cái xã đó".
Một người dân xã Đồng Tâm chia sẻ tại buổi gặp mặt của chính quyền và người dân hôm 22/4
Cảnh sát điều tra - Công an Thành phố Hà Nội vào hôm 13/6 đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự vụ việc xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ngày 15/4.
Cổng làng Hoành đổ đầy cát để ngăn ô tô vào làng, chỉ chừa đủ chỗ cho xe máy, xe đạp và người đi bộ
Một trong những sĩ quan bị bắt giữ chắp tay cúi đầu cảm ơn người sau khi được thả
Các báo Việt Nam đồng loạt tường thuật việc khởi tố vụ án "nhằm điều tra làm rõ các hành vi bắt giữ người trái pháp luật theo Điều 123 và hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 Bộ luật Hình sự".
Hôm 15/4, người dân Đồng Tâm đã bắt giữ hơn 30 người gồm cán bộ, cảnh sát cơ động để đòi giới chức thả chín người dân bị công an bắt, đồng thời xử lý các khiếu nại đất đai.
*********************
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 26 tháng 6 trong cuộc tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng khi được người dân chất vấn về vụ việc tranh chấp đất đai ở Đồng Tâm trả lời rằng phải xử lý cán bộ sai phạm trước rồi mới xử người dân.
Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017 AFP photo
Liệu viêc xử lý có thể diễn ra đúng như lời Thủ tướng nói hay không ?
Nguyên văn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được truyền thông trong nước trích dẫn :
"Việc bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản phải được điều tra nghiêm túc. Trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở xã đó".
Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Khả Thành, đoàn luật sư Phú Yên, những "cán bộ" phải chịu trách nhiệm trong vụ việc ở xã Đồng Tâm không chỉ là những cán bộ xã :
"Tại vì quyết định thu hồi đất là của ủy ban nhân dân huyện mới có chức năng thu hồi đất chứ ở xã họ không làm chuyện đó. Nhưng vụ Đồng Tâm kéo dài như vậy thì chắc chắn rằng họ không đồng ý với cấp huyện và đã khiếu nại lên cấp tỉnh nữa. Tôi nghĩ rằng cấp tỉnh chắc cũng giải quyết y như cấp huyện nên người ta mới bức xúc như vậy".
Tuy nhiên trong một đoạn video ghi cảnh một người dân đại diện Tổ đồng thuận chống tham nhũng và người dân xã Đồng Tâm đọc bản tường trình về đầu cuối vụ tranh chấp đất và mong Chính phủ kết luận vụ việc một cách công minh, người dân này nói rằng họ đã gửi cả đơn từ khiếu nại đến tận cấp trung ương :
"Suốt từ năm 2013 đến nay chúng tôi đã gửi đơn thư kiến nghị, tố cáo, khiếu nại, kêu cứu, kêu oan đi khắp các cơ quan nhà nước từ cấp huyện đến cấp thành phố và cấp trung ương nhưng tất cả đều đến nơi đúng địa chỉ mà không cấp nào giải quyết cả. Chỉ là lần hồi cấp này đùn đẩy trách nhiệm cho cấp kia, không cấp nào chịu trách nhiệm".
Cũng cần nói lại là vụ tranh chấp đất đai giữa người dân xã Đồng Tâm và chính quyền địa phương xảy ra đã nhiều năm nay nhưng đỉnh điểm là vào ngày 15 tháng 4 khi Công an Hà Nội bắt giữ 4 người dân Đồng Tâm để điều tra vụ án "gây rối trật tự công cộng" mà thực tế là do tranh chấp đất đai.
Xô xát hôm ngày 15 tháng 4 cũng làm một dân làng là cụ Lê Đình Kình, đại diện dân làng trong vụ tranh chấp đất đai, bị thương phải nhập viện.
Phản ứng trước hành xử của những đơn vị chức năng, người dân Đồng Tâm bắt giữ 38 người gồm cán bộ huyện Mỹ Đức, công an và cảnh sát cơ động làm con tin. Đến ngày 22 tháng 5, đích thân Chủ tịch thành phố Hà Nội về đối thoại và viết cam kết, người dân mới thả hết toàn bộ con tin ra.
Các cảnh sát cơ động bị người dân Đồng Tâm cầm giữ hôm 15/4/2017. Citizen photo
Nói với đài RFA, nhà hoạt động Lê Dũng Vova, một người theo dõi vụ Đồng Tâm ngay từ những ngày đầu, xác định những việc "làm sai của cán bộ" tại xã Đồng Tâm theo lời Thủ tướng nói :
"Đầu tiên là xã Đồng Tâm, sau đó là huyện Mỹ Đức, phải chịu trách nhiệm vê việc làm sai pháp luật, bắt cóc dân, đánh dân, đánh cụ già, và kể cả việc họ gây ra những bất ổn, tức là họ quản lý đất đai yếu kém. Họ không quản lý chặt hồ sơ địa chính để liên tục cập nhật thông tin về đất đai của địa phương, để xảy ra những chanh chấp".
Về vụ 4 người dân xã Đồng Tâm bị côn đồ bắt bắt hôm 15/4 và bị tra tấn dã man, người dân Đồng Tâm trong đoạn video nêu trên nói rõ :
"Những người dân xã Đồng Tâm bị côn đồ bắt đi đã giao cho Công an Hà Nội và bị Công an Hà Nội tra tấn, đánh đập không thương tiếc. Riêng cụ Lê Đình Kình chúng định thủ tiêu nhưng không thành, bị bại lộ. Chúng đã đánh cụ Kình gẫy xương đùi và đến nay hơn 2 tháng vẫn chưa cử động được".
Cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi là một trong 4 người bị Công an Hà Nội bắt hôm 15/4 vì bị cho là có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" tại Đồng Tâm.
Luật sư Nguyễn Khả Thành nói rằng bản thân ông rất hy vọng lời nói của Thủ tướng sẽ được thực hiện, nhưng kinh nghiệm của những vụ việc trước cho thấy hy vọng đó khó có thể thành hiện thực :
"Thực tiễn ở Việt Nam lâu nay có những văn bản từ văn phòng Chính phủ xuống tận đây nhưng người ta cứ tảng lờ chẳng làm gì nên cuối cùng đông đảo dân mới bức xúc như vậy. Chứ nếu làm đúng theo pháp luật thì đâu đến độ bức xúc thế này đâu. Ở Việt Nam rất khó, đôi lúc Thủ tướng nói và có văn bản cụ thể nhưng họ không chịu làm mà trên đó thì không nắm được kỹ những việc ở dưới này".
Năm 2012 xảy ra vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng đã quyết định cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn khiến gia đình ông này phản ứng bằng cách cho nổ súng và bình ga tự chế để ngăn chận lực lượng cưỡng chế.
Vụ việc được mệnh danh là ‘tiếng súng’ Tiên Lãng khiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ lên tiếng cho rằng các quyết định thu hồi đầm nuôi thủy sản, cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn là trái pháp luật. Tuy nhiên sau đó, 6 người trong gia đình ông Vươn vẫn bị bắt, khởi tố và bị tuyên án tù.
Trong vụ Đồng Tâm, như đã nêu trong cam kết của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, có điểm không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên đến ngày 13/6 Công an Hà Nội vẫn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản ở địa phương này.
Nhà hoạt động Lê Dũng Vova cho rằng hiện tại chưa có cơ sở nào để đảm bảo là lời nói của Thủ tướng sẽ được thực hiện :
"Tại vì từ xưa đến giờ có rất nhiều phát ngôn của các cấp từ Quốc hội đến Chính phủ trở xuống. Họ nói một đằng nhưng không làm hoặc làm kiểu khác. Cho nên bây giờ không có gì đảm bảo là họ sẽ làm những gì họ nó với báo chí và công luận".
Phát ngôn của Thủ tướng cũng được hiểu là người dân Đồng Tâm cũng sai thì mới phải xử lý. Luật sư Nguyễn Khả Thành lại cho rằng mọi hành động của người dân Đồng Tâm chỉ là "tức nước vỡ bờ", do chính sự thiếu trách nhiệm và cách hành xử của các cơ quan chức năng châm ngòi.
Lan Hương, phóng viên RFA
***********************
‘Viện kiểm sát phải hủy việc tạm giam nhà báo Lê Duy Phong’ (VOA, 27/06/2017)
Nhà báo Lê Duy Phong (phải) khi bị công an bắt ở Yên Bái trưa ngày 22/6/2017
Luật sư Trần Vũ Hải nói nhà chức trách không có cơ sở pháp lý đúng để bắt nhà báo Lê Duy Phong, trong khi nhiều người bất bình cho rằng công an thành phố Yên Bái đã "gài bẫy thô bỉ" để bắt ông Phong với tội danh "chiếm đoạt tài sản".
Ông Phong, Trưởng ban Bạn đọc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bị công an thành phố Yên Bái bắt trưa ngày 22/6 khi "đang nhận tiền của một doanh nghiệp tại một nhà hàng". Sau đó 4 ngày, công an ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam nhà báo này 4 tháng.
Không lâu sau khi ông Phong bị bắt, bà Nguyễn Quỳnh Nga, vợ ông, đưa lên mạng xã hội bản tường trình của một nữ nhân chứng có mặt trong suốt quá trình ông Phong đi đến và bị bắt ở Yên Bái.
Trong văn bản 5 trang được nhiều người lan truyền trên mạng, nhân chứng đề nghị chưa nêu tên cho hay vào cuối bữa trưa hôm 22/6, một người đàn ông tên là Hoàng Trung Thực đã cố dúi tiền vào túi ông Phong khi ông "gần say rượu", chỉ ít phút trước khi công an "ập vào bắt".
Bản tường trình nói ông Phong đã từ chối nhận tiền và không có chuyện nhà báo này đe dọa viết bài để vòi vĩnh tiền của ông Thực, người tự giới thiệu là một doanh nhân.
Căn cứ vào bản tường trình của nhân chứng, đối chiếu với quy định trong Bộ luật Hình sự về bắt tạm giam đối với các trường hợp khẩn cấp, hoặc người phạm tội quả tang hay đang bị truy nã, Luật sư Trần Vũ Hải ở Hà Nội nhận định với VOA :
"Chúng tôi đặt vấn đề là việc bắt giữ anh Phong là sai với các quy định luật pháp Việt Nam, không phải là phạm pháp quả tang, không có lệnh bắt khác hoặc lệnh truy nã. Từ đó, những hành vi sau này về tố tụng, theo chúng tôi là cũng không thể chấp nhận được. Tức là vi phạm các thủ tục ban đầu. Theo tôi, Viện kiểm sát phải hủy bỏ việc tạm giữ anh Duy Phong".
Thông tin từ phía công an cung cấp với báo chí trong nước cho hay ông Phong khai rằng ông đã nhận 250 triệu đồng từ một số doanh nghiệp.
Về vấn đề này, luật sư Hải nói cần phải xem xét những người đưa tiền cho ông Phong có tự nguyện không. Trong trường hợp không tự nguyện, nếu coi nhà báo giữ chức Trưởng ban Bạn đọc là người có chức vụ, việc nhận tiền của ông có thể bị khép vào tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên, để khẳng định về tội này, phải có đơn tố giác từ người đưa tiền. Nhưng thông tin từ công an không thể hiện đã có người nào nộp đơn tố giác ông Phong.
Theo luật sư Hải, điều này đặt ra hai khả năng. Thứ nhất, nếu sắp tới có người tố cáo ông Phong, một mặt ông có thể bị khép vào tội nhận hối lộ khi cơ quan điều tra thu thập đủ chứng cứ, nhưng mặt khác, người tố cáo không được xem là người bị chiếm đoạt tài sản nữa mà thậm chí cũng phải bị truy tố về tội đưa hối lộ.
Điều này sẽ là một sự đánh đổi không dễ dàng đối với những doanh nhân và người có địa vị ở Yên Bái, nếu họ quả thật đã đưa hối lộ cho nhà báo. Luật sư Hải phân tích :
"Trong trường hợp đấy, người đưa đó là người đưa hối lộ. Theo luật Việt Nam, người đưa hối lộ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp họ tố giác trước khi được phát hiện. Bây giờ công an được coi là phát hiện rồi. Nếu công an nói đúng, thì những người đấy không được miễn trách nhiệm hình sự. Giả thiết rằng đến giờ họ mới khai ra vấn đề đấy, thì họ không được miễn trách nhiệm hình sự, thì họ có khai không ?"
Khả năng thứ hai là không có người tố cáo. Trong trường hợp này, ông Hải nói nhà chức trách không thể truy tố ông Phong :
"Nếu họ [người đưa tiền] không khai, thì lời khai một phía của anh Duy Phong lại không được chấp nhận. Theo luật, lời khai một phía mà không có bằng chứng thì không được coi là chứng cứ để chống lại anh ta. Trong trường hợp đấy là lời khai không xác định được thì cơ quan [pháp luật] cũng không có căn cứ để truy tố anh ta về tội có khả năng bị coi là tội nhận hối lộ".
Nhà báo Lê Duy Phong bị bắt chỉ ít ngày sau khi báo Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài của ông phản ánh những tiêu cực đất đai ở tỉnh Yên Bái, trong đó có nói đến các tư dinh hoành tráng của hai giám đốc Sở Công an và Sở Tài nguyên-môi trường tỉnh.
Loạt bài của ông đã gây rúng động dư luận, tạo ra sức ép dẫn đến một cuộc thanh tra về đất đai, tài sản của các quan chức tỉnh.
Nhiều người viết trên mạng xã hội rằng họ tin có nhiều khả năng ông Phong bị nhà chức trách "gài bẫy".
Luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải viết trên trang Facebook cá nhân rằng "nếu chấp nhận nghiệp vụ này, nay mai bất cứ nhà báo, quan chức hay thường dân nào cũng có thể bị bắt ‘tào lao’, xã hội vô pháp lên ngôi".
*********************
Thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Yên Bái (RFA, 27/06/2017)
Thanh tra Chính phủ cho biết sẽ tiến hành thanh tra nguồn gốc tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý- Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái.
Ông Phạm Sỹ Quý - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Yên Bái. Courtesy of yenbai.gov.vn
Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống Tham nhũng công bố quyết định vừa nêu vào ngày 27 tháng 6 tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái trong tư cách trưởng đoàn thanh tra.
Theo ông Phạm Trọng Đạt, cuộc thanh tra này do tỉnh Yên Bái đề xuất để đảm bảo tính minh bạch vì ông Phạm Sỹ Quý là em trai của bà Phạm Thị Thanh Trà- Bí thư tỉnh ủy Yên Bái. Cũng theo ông Phạm Trọng Đạt, nội dung thanh tra sẽ tập trung vào việc kê khai tài sản của ông Phạm Sỹ Qúy có minh bạch hay không, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất có đúng quy định pháp luật hay không.
Thời gian thanh tra của Cục Chống Tham nhũng đối với khối tài sản của ông Phạm Sĩ Quý sẽ kéo dài 17 ngày.
Trước đó ngày 8 tháng 6, Chánh Thanh tra tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra lô đất vốn là đất rừng có diện tích 13.000 m2, nhưng chỉ trong vòng 1 ngày được chuyển đổi thành đất của gia đình bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý để xây "dinh cơ" đồ sộ.
********************
Thanh tra tài sản em trai Bí thư Yên Bái (BBC, 27/06/2017)
Thanh tra Chính phủ đến Yên Bái công bố quyết định thanh tra tài sản, đất đai của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này.
Địa bàn tỉnh Yên Bái - Ảnh minh họa
"Việc thanh tra khối tài sản của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường Yên Bái là thẩm quyền của Thanh tra tỉnh. Tuy nhiên ở đây ông Quý là em trai của Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, nên Chủ tịch tỉnh này đã có văn bản đề nghị Chính phủ vào cuộc giúp để đảm bảo công tâm", Cục trưởng Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Phạm Trọng Đạt được VnExpress dẫn lời.
Trước câu hỏi về "khối tài sản" của gia đình ông Phạm Sỹ Quý bao gồm biệt thự, nhà sàn, hồ nước, sân thể thao..., ông Đạt nói chúng ta mới chỉ nắm bắt được hiện tượng, chưa biết bản chất sự việc như thế nào thì chưa thể đưa ra đánh giá.
"Nếu trong trường hợp vợ ông Phạm Sỹ Quý làm ăn, kinh doanh nhiều năm, đổ mồ hôi, nước mắt mà có khối tài sản như vậy thì chúng ta nên ủng hộ khuyến khích ; còn nếu tài sản là tham nhũng mà có thì phải xử lý nghiêm, ông Đạt nói thêm.
Truyền thông trong nước gần đây đưa tin trong năm 2015, tỉnh Yên Bái có nhiều quyết định cho phép chuyển đổi hơn 13.000 m2 đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản sang đất ở cho gia đình ông Quý.
Cục trưởng Chống tham nhũng cho biết cuộc thanh tra này sẽ diễn ra trong 15 ngày, có thể kéo dài hơn, nhưng dự kiến trong tháng Bảy Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận.
Trước đó, Chánh thanh tra tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai, việc cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép đối với hộ gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý), sử dụng đất đai tại tổ 42, tổ 52 phường Minh Tân, Thành phố Yên Bái, theo Tuổi Trẻ hôm 27/6.
"Tỉnh Yên Bái đã ra quyết định thanh tra này sau khi báo chí phản ánh 13.000m2 đất rừng được chuyển đổi sang thành đất ở của gia đình ông Quý chỉ trong một ngày", báo này viết.
Trong một diễn biến khác, nhà báo Lê Duy Phong của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bị khởi tố hình sự về tội 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'.
Ông Lê Duy Phong, Trưởng ban Bạn đọc của báo Giáo Dục Việt Nam, bị truy tố theo Điều 280 Bộ luật Hình sự và bị tạm giam bốn tháng.
Ông Phong được cho là "người trực tiếp điều tra, viết bài rất nhiều vụ việc về Bí thư và lãnh đạo tỉnh Yên Bái".
Hôm 22/6, tại nhà hàng Oanh Hiện, Thành phố Yên Bái, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Yên Bái "bắt quả tang ông Lê Duy Phong đang có hành vi nhận tiền của một doanh nghiệp trên địa bàn", theo truyền thông Việt Nam.
"Theo Công an tỉnh Yên Bái, ngoài vụ lấy 50 triệu đồng của một doanh nghiệp, ông Lê Duy Phong còn lấy tiền của nhiều cá nhân khác", báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 26/6 tường thuật.
"Theo lời khai ban đầu, ông Phong cũng nhận hàng trăm triệu đồng của một số cá nhân, doanh nghiệp khác trên địa bàn".
"Về một số thông tin cho rằng Công an thành phố Yên Bái "gài bẫy" để bắt Lê Duy Phong, đại diện Công an tỉnh Yên Bái cho hay việc bắt quả tang là có cơ sở, Cơ quan điều tra làm việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những thông tin trên mạng đều chưa có sự kiểm chứng", báo này tường thuật.
1. Đã gần hai tháng sau cái ngày 18/05, ngày ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo trung ương phát ra thông điệp đối thoại, khiến bao người ngơ ngác, bao người sững sờ. Cuối cùng thì vẫn im lặng, không có gì xảy ra. Ban bí thư chưa ra được bản hướng dẫn. Có thể sẽ chẳng có bản hướng dẫn nào cả. Với thái độ kẻ cả ngạo mạn vốn có, đối thoại với những người lãnh đạo trong chế độ độc đảng cầm quyền có thể vẫn chỉ là ảo tưởng.
Ông Võ Văn Thưởng, ủy viên bộ chính trị, trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho biết là đang xin ý kiến của Ban bí thư đảng để hợp thức hóa việc ‘đối thoại’
"Sự ngạo mạn đần độn" đã làm những người cộng sản đi từ sai lầm này sang sai lầm khác, không phải chỉ ở Việt Nam. Trung Quốc từng có một cơ hội cải cách thành một chế độ dân chủ.
Trong tuyên bố chung Anh – Trung năm 1984 giữa Đặng Tiểu Bình và bà thủ tướng Thatcher, ông Đặng giải thích, sở dĩ có công thức "một quốc gia hai chế độ" là vì sau 50 năm, Trung Quốc có thể đã trở thành một quốc gia phát triển (ngang với Hồng Kông hiện tại), thì "Trung Quốc và các nước khác có thể trở nên lệ thuộc lẫn nhau, thế nên không có lý do gì để thay đổi hệ thống ở Hồng Kông". Ý của ông Đặng rõ ràng là trong khoảng 50 năm, Trung Quốc cũng sẽ là một quốc gia dân chủ hiện đại, sẽ không có gì mâu thuẫn với chế độ đang có tại Hồng Kông.
"Sự ngạo mạn ngu xuẩn" của những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh đã nghiền nát phôi thai của một nền văn minh bằng bánh xích xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng sáu năm 1989, để bây giờ, khi ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói trong một cuộc họp có mặt Tập Cận Bình, ngày 17/03 tại Singapore, rằng "Trung Quốc không thể dẫn dắt khu vực vì nước này phi dân chủ". Nhà nghiên cứu Trung Quốc, Giáo sư William C. Kirby, cũng nói : "...những tranh luận về tương lai của Trung Quốc, dù là ngầm, đang sôi nổi chưa từng có ở đại lục. Nhưng khi nào những cuộc tranh luận như thế trở nên cởi mở, công khai và thậm chí là dự đoán được, ở đại lục, khi đó - và chỉ khi đó - mới tin được là Trung Quốc có năng lực để thực sự làm người lãnh đạo.
Nếu những lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc không mắc bệnh "ngạo mạn" thì họ đã có cơ hội cất cánh từ 30 năm trước. Và với một nền dân chủ, Trung Quốc có thể đã là một trung tâm khu vực Đông Nam Á như một liên minh theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu.
Khát vọng bành trướng đại hán kết hợp với một cuồng vọng vĩ nhân đang thúc ép ông Tập dàn trận cho một cuộc cải cách muộn màng. Để cải cách, ông Tập cần quyền lực, nhưng ông ta quên rằng chính quyền lực sẽ phá hủy hạ tầng của dân chủ.
"Sự ngạo mạn ngu xuẩn" tương tự cũng đã khiến ông cựu tổng bí thư Lê Duẩn đã cướp đi của lịch sử cơ hội phát triển hợp tác với Mỹ ngay từ sau chiến tranh.
Có thể cũng chỉ do "ngạo mạn ngu xuẩn" mà ông Nguyễn Phú Trọng ngộ nhận về một ảo tưởng "mình phải thế nào họ mới đón tiếp như vậy chứ". Nếu ông Trọng biết lắng nghe bằng hai tai, ông sẽ tránh được cái quả đắng mà ông Trump giành cho đảng cộng sản của các ông hôm nay.
2. Báo Quân đội nhân dân có một bài của một nhân vật có "nick name" Bắc Hà, nói rằng mọi người đã hiểu sai ý của Trưởng ban tuyên giáo. Không có đối thoại với đối lập nào cả. Những người khác quan điểm với đảng mà ông Thưởng đề cập, là những người chưa hoặc không hiểu đường lối chính sách của đảng, được mời "đối thoại để được giải thích thông suốt", không có chuyện đối thoại để thay đổi luật pháp và chính sách, càng không thể có chuyện đối thoại để thay đổi thể chế chính trị.
Bài báo cố ý để người đọc hiểu rằng, chân lý không phải cần qua cọ xát, nhất là cọ xát với với đối lập quan điểm. Tất nhiên, một nhận định có tính cốt lõi như vậy đăng trên mục "chống diễn biến" của cơ quan quân ủy mà ông Trọng trực tiếp là bí thư, thì phải hiểu rằng cái ông Bắc Hà vô danh nào đấy chỉ là cái lưỡi thay lời ông Trọng, theo chỉ thị của ông Trọng hay ít nhất cũng được ông Trọng cho phép.
Nghĩa là, nếu không phải là ông Thưởng phạm lỗi dùng từ "đối thoại" không đúng chỗ, hoặc lẫn lộn nghĩa của từ "đối thoại" với "quán triệt" thì rất có thể chính ông Trưởng ban tuyên giáo đang có vấn đề về tư tưởng.
Khi ông Thưởng nói : "Ban tuyên giáo trung ương đang chờ Ban íb thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc "tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước" và còn nhấn mạnh thêm rằng : "Đây là vấn đề rất quan trọng. Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý…" thì không thể hiểu là ông Thưởng chờ Ban bí thư hướng dẫn những người dân đến gặp đảng và chính quyền để nghe giải thích đường lối và quán triệt "chân lý" của đảng ?!!
Ông Trọng chỉ đạo bẻ quặt ý của ông Thưởng, vuốt mặt ông Thưởng hay còn tính gì khác !?
Chân lý xưa nay vẫn là độc quyền của đảng, không phải "hình thành qua đối thoại và cọ xát", nhất là lại cọ xát với đối kháng. Đây là diễn biến suy thoái. Trưởng ban tuyên giáo mà suy thoái tư tưởng ? Nếu ông Trọng không bị loại khỏi ghế Tổng bí thư, thì ông Thưởng phải chuyển nghề khác. Hãy chờ xem.
Vở kịch còn đang diễn. Xung đột chỉ đang tiệm cận đỉnh điểm.
3. Đảng cộng sản Việt Nam nếu loại bỏ được vai trò cá nhân của ông Tổng bí thư giáo điều Nguyễn Phú Trọng, thì một triển vọng cải cách đi trước Trung Quốc có thể thành hiện thực. Việt Nam gọn nhẹ và thông minh hơn nhiều. Và đã từng bỏ qua các cơ hội đối thoại.
Góp ý vào dự thảo thay đổi hiến pháp năm 2013, Kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức nổi tiếng viết : "Cuộc sống chỉ rõ nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình hình ấy (mất lòng tin của dân, tham nhũng và trì trệ kinh tế) chính là chế độ toàn trị của một đảng trên thực tế đang chi phối toàn bộ quyền lực nhà nước và hệ thống chính trị, đứng trên Nhà nước và pháp luật, vô hiệu hóa nhiều quyền tự do, dân chủ đã được quy định trong Hiến pháp… đổi mới căn bản thể chế chính trị, chuyển từ toàn trị sang dân chủ, là yêu cầu cấp bách của đất nước, của nhân dân".
Kiến nghị của 61 đảng viên kỳ cựu ngày 28/07/2014 cũng viết : "Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình".
Nhưng ông Trọng là người duy nhất trong những người lãnh đạo đảng quy kết : "Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không ? Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không ? Muốn đa nguyên đa đảng không ? Có tam quyền phân lập không ? Có phi chính trị hóa quân đội không ? Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thế là suy thoái chứ còn gì nữa. Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể, thì nó là cái gì ? Nên phải quan tâm xử lý những điều đó".
Khó có thể hình dung một con người cực đoan đến mức mụ mẫm như vậy có thể đứng đầu một đảng cầm quyền một quốc gia hơn 90 triệu dân.
Chỉ một giả thuyết không có mặt ông Nguyễn Phú Trọng trên sân khấu, đủ để một kịch bản đối thoại tới dân chủ đích thực trở thành hiện thực.
4.- Tại sao ông Võ Văn Thưởng phát tín hiệu đối thoại ? Có phải sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm là hình mẫu lộ trình dẫn đến thế đối thoại ? Người dân phải bắt giam công cụ đàn áp của chính quyền. Người dân phải rào làng và sẵn sàng thề chết để bảo vệ quyền và môi trường sống của mình ? Muốn chính quyền chịu chấp nhận đối thoại phải theo hình mẫu này ? Có phải đây là lời nhắn nhủ của ông Thưởng và những người còn giấu mặt ?
Nhưng người dân Đồng Tâm đã không đủ sức bền để khả dĩ chịu đựng thách thức. Họ quá đói nghèo, mỏng manh và cô độc để đương đầu với những thủ đoạn nham hiểm khó lường của chính quyền.
Cần có một cú huých ! Có phải quyết định khởi tố hình sự của công an Hà Nội nhằm mục đích tạo ra cú huých ? Một ông chủ tịch thất hứa, một chính quyền lừa bịp. Pháp luật của cái chính quyền này tùy thuộc sức mạnh và ý muốn của mỗi phe cánh, không thể tin và vì vậy không thể tuân thủ vô điều kiện. Pháp luật do nhà cầm quyền đặt ra từ tay phải, thực hành bằng tay trái và chỉ nhằm bảo vệ sự tồn tại của chế độ có đủ tư cách và phẩm chất để được gọi là luật không ? Sự tráo trở, lật lọng của nhà cầm quyền chỉ xảy ra khi đó là chính quyền độc trị, không có dân chủ đích thực. Cú khởi tố đã cố tình khơi lại ngọn lửa, tạo sức ép cho một cuộc đối thoại ? Cuộc đối thoại mới sẽ không phải của ông chủ tịch thành phố mà sẽ là của ông chủ tịch nước !?
Không thể có đối thoại suông kiểu kiến nghị 72 và kiến nghị 61. Chìa khóa của đối thoại là áp lực có thật từ phía quần chúng, một quần chúng có số đông và được tổ chức. Hãy chứng minh khả năng đối thoại bằng một cuộc xuống đường quy mô hơn, sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi với cường độ gay gắt hơn trước sự thách thức công khai, trắng trợn của chính quyền bằng lệnh khởi tố. Nếu không có xuống đường thì sẽ vẫn không có đối thoại, và sự "ngạo mạn ngu xuẩn" sẽ vẫn ngự trị.
5. Khởi tố có thể là hòn đá dò đường, nhưng cũng là loại thuốc thử.
Nếu là hiện tượng bột phát, chỉ cần quây hai cụ Lê Đình Kình và cụ Lê Hữu Ba là sẽ chẳng có gì xảy ra tiếp theo nữa ! Hai cụ sẽ bị khởi tố hình sự cùng với những người đập phá tài sản công.
Nếu 6.000 dân Đồng Tâm có một hạt nhân lãnh đạo, người dân tập hợp theo hiệu lệnh và hoàn toàn có ý thức, thì hạt nhân sẽ một mặt, bị buộc phải lộ diện và họ sẽ tức khắc bị tiêu diệt bằng điều 79, tội hoạt động lật đổ chế độ. Nhưng, ngược lại, nếu quả thực, dân Đồng Tâm đã có một "bộ não" và phong trào dân chủ đã có hình thù như một thực thể có thật, thì những nhân tố trong phe cải cách sẽ tận dụng nó như một lực lượng đồng minh và đối thoại sẽ là công cụ để phe cấp tiến thực hiện cải cách. Như vậy, muốn có đối thoại cải cách thì dứt khoát, dân làng Đồng Tâm phải được tổ chức. Muốn có đối thoại với đảng cầm quyền thì những gì xảy ra tại Đồng Tâm phải được mở rộng ra toàn quốc và có thể vận hành được bằng hiệu lệnh thống nhất.
Chưa có gì, về phía dân chưa có gì giống những điều cần phải có, vì vậy những gì giống như chuyện đối thoại với nhà cầm quyền vẫn chưa thể xảy ra. Ban bí thư sẽ chẳng cần phải mất công soạn thảo bản hướng dẫn, hay nếu có thì chỉ là một bản bày cách lừa bịp dân cho các cấp cơ sở trực tiếp.
6. Nhưng tại sao lại do Võ Văn Thưởng là người phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại ? Võ Văn Thưởng là quân xanh, là cò mồi hay Võ Văn Thưởng là người ủng hộ cải cách mà người đứng đầu, đang được đồn đoán là Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh, phát tín hiệu khởi động đối thoại để tìm kiếm lực lượng ?
Ông Đinh Thế Huynh trao quyết định của Bộ Chính trị phân công ông Võ Văn Thưởng làm Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - Ảnh: Độc Lập
Tại sao Công an Hà Nội khởi tố hình sự ngày 13/06, một tháng sau lời kêu gọi đối thoại của ông Thưởng, hai tháng sau khi xảy ra vụ bắt 38 cảnh sát cơ động của dân làng Đồng Tâm ? Công an Hà nội thuộc phe nào ? Hạ nhục Nguyễn Đức Chung chỉ nhằm mục đích trả thù vụ tố cáo công an Hà nội bảo kê các quán bia hay nhằm dọn đường cho việc hạ bệ ông Chung khỏi chân chủ tịch thành phố, gạt nốt nhân vật con nuôi của dây Lê Hồng Anh - Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài Thủ đô, sau khi loại Đinh La Thăng ra khỏi Sài Gòn ?
Nhưng nếu Công an Hà Nội cố tình khởi tố chống dân là nhằm hạ nhục chính quyền lừa bịp, kích động lòng dân tẩy chay pháp luật cộng sản ? Khó giải thích tại sao Công an Hà Nội hành động đúng như tiên đoán của dư luận trước đó, rằng chính quyền sẽ giả vờ nhân nhượng để tháo ngòi, tước vũ khí, rồi sẽ tách để diệt từng người ? Họ muốn phơi trần bộ mặt tráo trở và lừa bịp của chế độ phi dân chủ của đảng cộng sản ?!
Trả lời cử tri Hải phòng ngày 26/06, ông Phúc nói "Việc bắt giữ người trái phép, phá hoại tài sản phải được điều tra nghiêm túc. Trước khi xử lý người dân sai trái, quá khích này, phải xử lý ngay những cán bộ đã lạm dụng, vô trách nhiệm, đã làm sai ở tại xã đó". Ý ông muốn nói, dân sai do quan sai, dân phạm luật do quan phạm luật, phải xử lý quan trước, dân sau.
Vậy ai là người chỉ đạo Công an Hà Nội khởi tố hình sự những người nghèo xã Đồng Tâm khi cam kết của ông chủ tịch thành phố còn chưa kịp khô mực ? Không phải là chuyện thượng tôn pháp luật, khi pháp luật do chế độ tùy ý làm ra. Vậy cứ theo ý ông Phúc thì trước hết các quan quân đội, rồi đến quan huyện, quan xã phải là đối tượng xử lý đầu tiên.
7. Trong khi Ngoại trưởng Phạm Bình Minh chuẩn bị đi Mỹ (20/04/2017) với nội dung chủ yếu là kiếm được lời mời chính thức của Tổng thống Mỹ giành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì tại Đồng Tâm xảy ra chuyện quan huyện kết hợp quan xã cài bẫy bắt cóc hai cụ Lê Đình Kình, Lê Hữu Ba cùng một số người dân, dẫn đến việc người dân bắt giữ nhân viên an ninh đòi trả người. Chính quyền huy động công an và cảnh sát cơ động vũ trang, dự định thẳng tay đàn áp. Ngay lập tức, Công ty môi giới của cộng sản Việt Nam tại Washington nhắn với Hà Nội rằng "nếu xảy ra đàn áp tại Đồng Tâm thì ông Phạm Bình Minh không nên đi Mỹ" (?).
Theo tác giả Bùi Anh Trinh, nếu cộng sản Việt Nam hành động tại Đồng Tâm y như chính quyền Trung Quốc tại Thiên An Môn thì Tổng thống Trump sẽ rút lại lời mời ông Phúc đi Mỹ. (Tổng thống George H.W.Bush đã ra lệnh cấm vận Trung Quốc khi xảy ra vụ đàn áp Thiên An Môn).
Những kẻ chủ mưu gây ra chuyện Đồng Tâm là ai, có nằm trong âm mưu phá hoại chuyến đi của ông Phúc không ? Nếu có thì những kẻ thực hiện chắc chắn là tay chân của Trung Nam Hải. Và ông Nguyễn Đức Chung khi ký cam kết không xử lý hình sự toàn thể dân Đồng Tâm, dùng đối thoại để giải tỏa xung đột, chính là kẻ thọc gậy bánh xe, là tên phá đám ?!
8. Như vậy, xác suất khả tín là ông Thưởng đánh tiếng đối thoại thật. Chưa thể xác định ông Trọng là chủ mưu của sự kiện Đồng Tâm, nghĩa là tay sai của Tàu, nhưng có thể khẳng định ông Trọng là người phá đối thoại.
Nếu đã xuất hiện nhu cầu đối thoại, thì xu hướng dân chủ hóa là có thật và nội bộ đảng đang chia thành hai luồng khác nhau. Một luồng kiên cố trung thành với chủ nghĩa Mác do ông Trọng đại diện. Luồng thứ hai ủng hộ cải cách triệt để theo mô hình dân chủ hiện đại, có thể bao gồm gần hết nội các của ông Phúc, và có vẻ như có sự hỗ trợ của ông Võ Văn Thưởng và ông Đinh Thế Huynh.
9. Chiến dịch nhân danh tận diệt tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc dù trực chỉ tiêu diệt phe cánh ông cựu thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng có thể đang giấu lưỡi gươm thọc sườn ông Phúc bằng chỉ thị kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ cao cấp. Ông Phúc sẽ phải buông bỏ mục tiêu cải tổ, nếu không kịp che chắn cho đống tài sản khủng mà ông đang sở hữu, thực chất đúng là tài sản tham nhũng, nhưng không thể không tham nhũng nếu muốn tồn tại dưới tay ông Dũng.
Ngày 20/03/2017, Thứ trưởng bộ ngoại giao Hà Kim Ngọc đi Mỹ "thăm dò phản ứng của Mỹ và dọn đường cho chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam". Ngày 16/04/2014 xảy ra vụ Đồng Tâm. Ngày 20/04/2017, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đi Mỹ vận động giấy mời cho ông Phúc. Ngày 21/04, ông Minh nhận được lời mời chính thức. Ngày 22/04/2017, ông Nguyễn Đức Chung kí giấy cam kết với dân làng Đồng Tâm. 18/05, ông Thưởng phát tín hiệu sẵn sàng đối thoại. 23/05/2017 Bộ chính trị công bố chỉ thị kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ cao cấp. Ngày 29/05 ông Phúc khởi hành đi Mỹ. Ngày 13/06/2017 Công an Hà Nội công bố quyết định khởi tố dân Đồng Tâm.
Lôgíc các sự kiện dẫn đến một nhận định là nội bộ đảng đang có đặc tình của Trung Quốc và phe chống lại cải cách là phe do ông Trọng cầm đầu. Điều còn chưa rõ là phe chống lại cải cách có là một với các phần tử cài cắm của Trung Quốc hay không.
10. Vẫn có khả năng Ban bí thư sẽ ra bản hướng dẫn đối thoại, vì nếu ý của ông Thưởng đúng như sự giải thích của ông Bắc Hà, thì ông Thưởng chẳng cần gì phải chờ hướng dẫn, xưa nay vẫn vậy. Nghĩa là ông Thưởng đi tìm "đối thoại thật". Nhưng cái ông Thưởng đang chờ, rất có thể là kết cục của cuộc phân tranh cuối cùng đang sắp kết thúc. Đó là khi ông Trọng chính thức lấm lưng, và chỉ cần một mình ông Trọng "đi" là đủ, khi đó Ban bí thư sẽ có bản hướng dẫn !
Có thể vào lúc đó, cuộc đối thoại đích thực hướng tới hình thành một bản hiến pháp mới, đảm bảo cho sự ra đời một thể chế chính trị dân chủ đa đảng, sẽ trở thành hiện thực.
Paris, 27/06/2017
Bùi Quang Vơm
Như mọi người đã biết, vào khoảng trung tuần tháng 4-2017, khoảng 6.000 người dân thuộc xã Đồng tâm, Huyên Mỹ Đức thuộc ngoại thành Hà Nội, đã bắt giữ khoảng một trung đội cảnh sát cơ động đến cưỡng chế giải tỏa dất đai của họ, để cho tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) sử dụng làm ăn kinh tế.
Công an lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư. (REUTERS/Kham)
Sau gần một tuần những nhân viên công lực thi hành lệnh cưỡng chế mới được nhân dân thả ra, khi Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND thành phố Hà nội là Nguyễn Đức Chung, ngày 22/4/2017 đích thân đến Xã Đồng tâm điều đình và ký vào giấy cam kết gồm hai điểm chính :
(1) Trong 45 ngày sẽ xem xét và giải quyết việc sử dụng đất đai cho quân đội, an ninh quốc phòng theo đúng pháp luật ;
(2) và "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm", với sự chứng kiến của luật sư và các đại biểu quốc hội.
Thế nhưng, nay theo báo chí trong nước hôm 13/6 đưa tin rằng cơ quan cảnh sát điều tra (công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội ‘bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật’ (theo điều 123 Bộ luật Hình sự) và ‘Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’ (theo điều 143 Bộ luật Hình sự)". Quyết định bất ngờ này, khiến người dân xã ngoại thành Hà Nội "phẫn nộ" và thu hút sự quan tâm của công luận trong và ngoài Việt Nam.
Theo nhận định của chúng tôi, thì đây là hệ quả tất nhiên của một biện pháp phi pháp lý được thực hiện bởi một viên chức đứng đầu chính quyền địa phương không có thẩm quyền tư pháp (công tố quyền) là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội. Đúng ra khi điều đình với tập thể nhân dân xã Đồng Tâm, Ông Chung chỉ có thẩm quyền giải quyết nguyên nhân đưa đến việc người dân bắt giữ người thi hành công vụ là cam kết (1) "Trong 45 ngày sẽ xem xét và giải quyết việc sử dụng đất đai cho quân đội, an ninh quốc phòng theo đúng pháp luật" ; nhưng không được quyền cam kết (2) là "không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân dân xã Đồng Tâm". Vì khởi tố hay không là thẩm quyền của cơ quan tư pháp (là công an Hà Nội trong hiện vụ). Do đó đứng về mặt tư pháp cam kết (2) của ông Nguyễn Đức Chung là vô hiệu, đưa đến hệ quả dây chuyền sau đây về mặt thực tế.
1. Hệ quả một là nếu đã đem lại hiệu quả nhất thời giúp nhà cầm quyền địa phương giải cứu được con tin và giải tỏa được một tình huống bạo động có thể lan rộng bằng biện pháp thương lượng chứ không trấn áp bằng sức mạnh của công an quân đội ; nhưng lại đưa đến hậu quả tai hại về mặt tôn trọng pháp luật nhà nước, tạo ra một tiền lệ đưa đến việc nhân dân sau này có thể bắt giữ người thi hành công vụ mỗi khi cần con tin để buộc nhà cầm quyền phải quan tâm giải quyết các yêu sách của mình.
2. Hệ quả hai, do từ hậu quả tai hại trong hệ quả 1, cơ quan tư pháp có thẩm quyền công tố (là công an Hà Nội trong hiện vụ) không thể làm ngơ trước một hành vi phạm pháp tập thể (bắt giữ người thi hành công vụ…) nên đã phải "khởi tố vụ án hình sự" dựa trên các Điều 123 và 143 Bộ Luật Hình Sự hiện hành.
3. Hệ quả ba, do từ việc "khởi tố vụ án hình sự" trong hệ quả 2 đã đưa đến hậu quả làm mất úy tín của chính quyền, bị coi là "lừa bịp nhân dân" để thoát hiểm, đã vi phạm lời cam kết của người đứng đầu chính quyền địa phương là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thanh phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
4. Từ ba hệ quả trên đã dẫn đến hệ quả thứ tư là sự mâu thuẫn gây mất đoàn kết trong nội bộ đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam về cách thức và biện pháp giải quyết các mâu thuẫn giữa nhân dân nói chung và các tập thể nhân dân cá biệt nói riêng.
Thực ra, cả bốn hệ quả trên đã không phải chỉ xảy ra lần đầu ở xã Đồng Tâm, mà trong quá khứ đã từng xẩy ra ở một số nơi khác… Nhà cầm quyền cũng đã từng giải quyết theo sách "Mềm nắn, dắn buông" để thoát hiểm,bằng bất cứ biện pháp nào, với bất cứ thủ đoạn gian trá nào theo phương châm "cứu cánh biện minh cho hành động". Nghĩa là tạm "lùi một bước" để sau đó "tiến hai bước".
Đây cũng là những hệ quả tất nhiên của chủ trương, đường lối, chính sách cai trị của chế độ độc tài toàn trị cộng sản tại Việt Nam bao lâu nay.Vì trong chế độ này, đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền không dựa vào uy tín mà dựa vào các công cụ chuyên chính là công an quân đội để trấn áp, cai trị dân. Vì vậy, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không sợ mất uy tín (vì có uy tin đâu mà sợ mất). Do đó, đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã không ngần ngại sử dụng mọi thủ đoạn gian trá, lừa lọc, tàn ác trong mọi tình huống đối với người dân bị trị, vì biết rằng thân phân người dân như cá nằm trên thớt, cuối cùng cũng chẳng làm gì được trước bạo quyền.
Mặt khác, nhà cầm quyền trong chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam bao lâu nay không cai trị bằng pháp luật mà cai trị bằng nghị quyết hay nghị luật của một đảng độc quyền thống trị. "Đảng là pháp luật, pháp luật là đảng ta" !Đồng thời nguyên tắc phân quyền tam lập ở các nước dân chủ vẫn chưa được đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chấp nhận. Vì vậy, không chỉ trong vụ việc Đồng Tâm, người đứng đầu nhà cầm quyền Hà Nội đã có hành động vượt quyền là "Cam kết không khởi tố nhân dân xã Đồng Tâm", để rồi nay chính ông an Hà nội dưới quyền ông lại "lật lọng" ra lệnh "Khởi tố thành vụ án hình sự đối với nhân dân Đồng Tâm". Trước đây nhiều vụ việc đã xảy ra và sau này, các vụ việc tương tự sẽ tiếp tục xảy ra, ngày nào Việt Nam còn tồn tại chế độ độc tài toàn trị cộng sản, với những hệ quả như vừa phân tích trình bày.
Chúng tôi xin mượn lời nói của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu để gửi đến nhân dân trong nước thay lời kết, là "Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm" để cảnh giác và luôn luôn cảnh giác để không bị lừa bịp mà thiệt hại đến nhân thân.
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 26/06/2017
Lệnh khởi tố vụ án Đồng Tâm : Đòn đánh rập đầu rắn
Quyền lực của nhà nước bình thường đã đầy sức mạnh. Một nhà nước tham nhũng, ngoài sức mạnh quyền lực còn có sức mạnh đồng tiền và sức mạnh của những thế lực ngầm mafia liên kết với nhau. Sức mạnh đó là vô cùng khủng khiếp. Sức mạnh khủng khiếp của quyền lực nhà nước tham nhũng như cơn bão lốc giúp những nhóm lợi ích thổi bay những người nông dân chân chất hiền lành khỏi mảnh đất ngàn đời của họ, để nhóm lợi ích cướp trắng mảnh đất là nguồn sống hiện tại, là quá khứ xương máu, mồ mả ông bà tổ tiên, là sự bảo đảm cho tương lai bền vững của những người nông dân sống nhờ đất, chết về đất.
Sức mạnh khủng khiếp của quyền lực nhà nước tham nhũng như cơn bão lốc giúp những nhóm lợi ích thổi bay những người nông dân chân chất hiền lành khỏi mảnh đất ngàn đời của họ
Với sức mạnh khủng khiếp đó, những nhóm lợi ích dân sự đã nuốt chửng hàng trăm hecta đất màu mỡ là loại đất nông nghiệp cho năng suất cao nhất ở Văn Giang, Hưng Yên, ở Dương Nội, Hà Nội, ở Từ Sơn, Bắc Ninh...
Với sức mạnh khủng khiếp đó, nhóm lợi ích nhà binh còn có thêm sức mạnh của những công thần, sức mạnh của danh nghĩa quốc phòng và sức mạnh của những khẩu súng. Vậy mà nhóm lợi ích nhà binh không nuốt trôi cánh Đồng Xênh của làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Khu đất tại đồng Sênh. Ảnh : Huyền My.
Vì đồng Xênh là đất vàng đất bạc của Đồng Tâm. Đất vàng, đất bạc đồng Xênh của Đồng Tâm đã bị mất oan, mất uổng từ mấy chục năm nay. Mấy chục năm đấu tranh đòi đất, nhiều lần bị lừa cay đắng đã giúp cho người dân Đồng Tâm biết tỉnh táo và biết đoàn kết. Và đặc biệt quan trọng hơn cả là mấy chục năm đấu tranh giành lại đất vàng đất bạc của tổ tiên đã hình thành và rèn luyện cho Đồng Tâm một bộ tham mưu sắc sảo, vững vàng, bản lĩnh, tạo được uy tín cao với dân. Bộ tham mưu đó là hạt nhân lãnh đạo tạo nên sức mạnh đòi đất của Đồng Tâm.
Nhận ra hạt nhân lãnh đạo tạo nên sức mạnh Đồng Tâm, ngày 15/4/2017, nhóm lợi ích cướp đất Đồng Tâm mượn danh nghĩa chính quyền và lực lượng công cụ bạo lực nhà nước đã thực hiện một cú lừa bắt đi những người lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm. Lừa đưa cụ Lê Đình Kình 82 tuổi ra cánh đồng Xênh. Giữa cánh đồng vắng, một người già gày guộc da bọc nắm xương khô liêu xiêu như chiếc bóng lọt giữa đám công cụ, quân đội và công an. Bất thình lình, một tên mang sức trẻ và thế võ được đào luyện trong trường công an lao đến, phóng cú đá vào nắm xương khô liêu xiêu. Hình hài liêu xiêu bay đi như chiếc lá khô trước cơn gió lốc. Chỉ đợi có vậy, mấy tên võ biền liền xô lại, kẻ nắm chân, kẻ nắm tay lôi hình hài liêu xiêu đi rồi ném lên ô tô như ném bó củi khô. Không đếm xỉa đến nỗi đau đớn của người già lãnh trọn cú đá đòn thù, kẻ cướp đất bập còng số 8 vào tay, tống giẻ đầy mồm thân xác già nua đang quằn quại trong đau đớn vì xương hông đã bị đá vỡ.
Cụ Lê Đình Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã được ra viện về nhà với gia đình
Cú lừa trắng trợn, sự hung bạo, man rợ của đám công cụ không còn tính người đã phá vỡ sự kìm nén bấy lâu nay của người dân Đồng Tâm. Đồng Tâm đùng đùng nổi dậy bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và rào làng chống đối. Suốt một tuần Đồng Tâm trở thành một khu tự trị, một lãnh thổ li khai
Trước phẫn nộ chính đáng và nổi dậy tất yếu của Đồng Tâm, nhà nước cộng sản phải xuất tướng. Thời đất nước bình yên nhưng tướng công an tràn ngập bộ máy nhà nước cộng sản. Vì quyền lợi ích kỉ của nhóm lãnh đạo đảng, đảng cầm quyền đang cố duy trì một học thuyết của máu và nước mắt, học thuyết đã được thực tế chứng minh là quái thai của lịch sử, là thảm họa cùa loài người, đã bị lịch sử lên án và loại bỏ. Theo đuổi học thuyết tội ác đó, đảng cộng sản cầm quyền đang đi ngược xu thế thời đại, đang kìm hãm sự phát triển của đất nước, đang đi ngược lại lợi ích của đất nước và nhân dân, đang gặp sự bất bình và phản kháng ngày càng công khai, quyết liệt của nhân dân. Lẻ loi, suy yếu vì mất chỗ dựa là nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân, đảng và nhà nước cộng sản chỉ còn tồn tại bằng tuyên truyền lừa dối và bằng bạo lực chuyên chính vô sản, bằng công an hóa bộ máy nhà nước. Và tướng giám đốc công an Hà Nội trở thành chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội được xuất trong vụ Đồng Tâm, trở thành sứ giả của nhà nước cộng sản cầm quyền đến Đồng Tâm.
Đồng Tâm chỉ là một xã của thành phố Hà Nội. Nhưng chuyện của Đồng Tâm là chuyện của cả nước. Điều 53 của Hiến pháp 2013 : "Đất đai... là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý". Hiến pháp 2013 đã tước quyền sở hữu đất đai của những cá thể người dân. Chuyển sở hữu của những cá thể thành sở hữu toàn dân. Dân gian đã đúc kết: Cha chung không ai khóc. Sở hữu toàn dân, ngôn từ mĩ miều nhưng thực chất là vô chủ. Hiến pháp 2013 đã tạo ra khối tài sản quí giá khổng lồ mà vô chủ làm tối mắt cả bộ máy quan chức nhà nước quản lí khối tài sản khổng lồ vô chủ đó. Quyền lực nhà nước quản lí khối tài sản khổng lồ vô chủ liền đi đêm với quyền lực đồng tiền để hình thành những băng cướp cực mạnh cướp đất của người dân. Cả nước đang tao tác, loạn li, đang phẫn nộ nguyền rủa bọn cướp ngày mang danh chính quyền nhà nước cộng sản. Chuyện của Đồng Tâm cũng là chuyện còn, mất của thể chế, của đảng cộng sản. Vì thế chọn ai đứng ra xử lí vụ Đồng Tâm và xử lí như thế nào không phải chỉ là lực chọn của nhà đỏ ở Hoàn Kiếm, thành ủy Hà Nội mà phải là lựa chọn của nhà đỏ ở Ba Đình, Bộ Chính trị đảng cộng sản.
Lãnh ấn đến Đồng Tâm kí ngay cam kết ba điều mà điều thứ hai là không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm, tướng công an kí cam kết dù chỉ nhân danh nhà cầm quyền Hà Nội nhưng đó là cam kết của nhà nước cộng sản với người dân Đồng Tâm. Những năm tháng tao tác loạn li trong thời cộng sản suy tàn này là những năm tháng của lịch sử. Cam kết của nhà nước cộng sản không truy tố hình sự dân Đồng Tâm còn là cam kết lịch sử. Công an Hà Nội dù có uống mật gấu cũng không dám chống lại cam kết của nhà nước cộng sản, chống lại cam kết của lịch sử, không dám tự tiện kí lệnh khởi tố Đồng Tâm dù lệnh khởi tố người dân Đồng Tâm công bố ngày 13/6/2016 mang chữ kí và con dấu công an Hà Nội.
Cam kết của nhà nước cộng sản không truy tố hình sự dân Đồng Tâm còn là cam kết lịch sử.
Cam kết không truy tố hình sự người dân Đồng Tâm mà ông tướng công an ngồi ghế chủ tịch Hà Nội kí với dân Đồng Tâm cũng giống như lời dịu dàng mà ba kẻ võ biền mặc đồ nhà binh mang hàm tá ngon ngọt nhờ cụ Kình dẫn ra đồng Xênh chỉ mốc đất của Đồng Tâm. Nhờ cụ Kình ra đồng chỉ địa giới đất chỉ là trò lừa che đậy ý đồ tội ác là tách cụ Kình ra khỏi dân Đồng Tâm để ra đòn đánh gục ý chí đòi đất của cụ Kình, thủ tiêu hạt nhân lãnh đạo của Đồng Tâm trong cuộc chiến giành lại đất. Bản cam kết không truy tố hình sự dân Đồng Tâm cũng chỉ là ứng xự tình thế, chấp nhận lùi một bước, thua dân một keo chỉ để xả sức nóng của lò hơi Đồng Tâm.
Kí kết một đằng thực hiện một nẻo là bản chất của nhà nước có chính quyền nhờ thời cơ mà cướp được. Kí kết một đằng thực hiện một nẻo đã được nhà nước cộng sản Việt Nam nhiều lần thi thố ngay cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Những người cộng sản mang danh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kí kết với chính quyền Sài Gòn ngừng bắn ba ngày Tết Mậu Thân 1968 cho nhân dân yên ổn mừng xuân đón tết nhưng đúng giao thừa Mậu Thân quân đội cộng sản đồng loạt nổ súng tràn vào tất cả các đô thị miền Nam, lãnh thổ của chính quyền Sài Gòn, biến Tết Mậu Thân 1968 thành cái Tết chết chóc kéo dài và đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam. Những hiệp định ở tầm quốc tế như hiệp định Genève, hiệp định Paris cũng chỉ là những cam kết giả của nhà nước cộng sản Việt Nam. Cam kết đình chiến để ráo riết tuyển quân, gom súng đạn cho cuộc chiến tranh ác liệt hơn sau đó.
Ngay từ khi V.I. Lênin còn sống là lúc nhà nước Xô Viết còn vô cùng non yếu, mong manh, tổ chúc cộng sản còn nhỏ bé, manh mún và bấp bênh, người khai sinh ra nhà nước Xô Viết đã nhìn thấy thói kiêu ngạo cộng sản lừng lững ngự trị ở những người cộng sản, những người vốn ở tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội nay bỗng vênh váo làm chủ cả xã hội, nắm quyền sống quyền chết cả những người trước đây thống trị xã hội, những người từ ngàn đời chỉ có sức lao động cơ bắp và hai bàn tay trắng nay bỗng có cả sơn hà xã tắc. Kiêu ngạo cộng sản là định mệnh, là căn bệnh xã hội có trong máu, trong gien giai cấp của những người cộng sản. Mang trong máu thói kiêu ngạo cộng sản đó làm sao nhà nước cộng sản Việt Nam có thể chấp nhận chịu thua mấy người dân lấm lem bùn đất ở Đồng Tâm.
Kiêu ngạo cộng sản và không đủ tầm vóc lớn để dám nhận sai trái trước dân, lại nơm nớp lo sợ sự kiện Đồng Tâm sẽ lan ra cả nước. Vì nhiều nơi trên cả nước đã và đang có những nhóm quyền lực nhà nước là những nhóm lợi ích cướp đất của dân. Nhiều nơi trên cả nước đang chồng chất nỗi đau Đồng Tâm, đang chứa chất nỗi uất hận Đồng Tâm.
Chưa khởi tố kẻ mặc đồ công an đánh cụ Kình vỡ xương hông là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bùng nổ sự kiện Đồng Tâm lại vội vã khởi tố người dân Đồng Tâm. Nhà nước cộng sản vẫn quen thói hành xử cả vú lấp miệng em, đẩy sai trái sang dân để lấp liếm sai trái của một nhà nước ở buổi chiều tàn rặt những quan chức yếu kém và tham lam đang hối hả vơ vét, cướp bóc. Nguyễn Văn Thành bí thư thành ủy Hải Phòng cho phép giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đưa lực lượng công an và quân đội đến cướp mảnh đất mà anh em Đoàn Văn Vươn mang máu, mồ hôi, nước mắt ra lấn biển mới có được ở Cống Rộc, Tiên Lãng. Bị tiếng súng giữ đất của anh em Đoàn Văn Vươn tố cáo, vụ cướp không thành. Nhưng tiếng súng tự vệ giữ đất chính đáng thì bị khởi tố và phải nhận bản án vô tù còn bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành thì lên thứ trưởng bộ Công an, vinh thăng quân hàm thượng tướng, đại tá giám đốc công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca chỉ huy quân cướp đất thì được thăng hàm thiếu tướng. Luật pháp và công lí nhà nước cộng sản thời suy tàn đó! Một chỉ dấu đáng tin cậy về ngày tàn của một nhà nước là sự hung bạo và méo mó luật pháp của nhà nước đó. Hung bạo với dân và méo mó, thiên vị bênh che quan. Ngày tàn cận kề, cả bộ máy quan chức nhà nước từ hành pháp đến tư pháp đều ngang nhiên vi phạm pháp luật, hối hả cướp bóc, vơ vét của dân, bòn rút của nước thì pháp luật không thể nghiêm minh.
Khởi tố người dân Đồng Tâm, nhà nước cộng sản vung cao ngọn roi công an – tòa án – nhà tù răn đe người dân cả nước rằng nhà nước cộng sản luôn sáng suốt, mọi chính sách đường lối đều đúng đắn. Sự kiện Đồng Tâm xảy ra là sai trái của người dân. Các nơi khác chớ có đi vào con đường sai trái đó mà ăn đòn công an – tòa án – nhà tù.
Khởi tố người dân Đồng Tâm còn là ý chí quyết truy diệt đến cùng nòng cốt cuộc đấu tranh đòi đất Đồng Tâm, truy diệt những yếu tố tích cực nhất, quan trọng nhất tạo nên sức mạnh trong cuộc đấu tranh đòi đất Đồng Tâm. Đánh rắn phải đánh giập đầu. Đánh và bắt đi người lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ đất Đồng Tâm ngày 15/4/2017 là cú đánh giập đầu lần thứ nhất. Lệnh khởi tố người dân Đồng Tâm công bố ngày 13/6/2017 sẽ là cú đánh giập đầu thứ hai đối với cuộc đấu tranh giữ đất của người dân Đồng Tâm.
Tiếng súng Đoàn Văn Vươn, tiếng súng Đặng Ngọc Viết chỉ là phản ứng của một cá nhân, một gia đình riêng lẻ, dù có đổ máu cũng không nguy hiểm bằng sự nổi dậy của cả một cộng đồng dân cư được tổ chức thành một làng kháng chiến. Cả nước đang là đồng cỏ khô thì đốm lửa Đồng Tâm là nỗi đe dọa sự còn mất của nhà nước cộng sản. Đốm lửa nhỏ nhưng vô cùng nguy khốn đó phải mạnh tay dập tắt ngóm. Và lệnh khởi tố được công bố !
Nhưng người dân cả nước đang chất ngất nỗi đau mất đất, chất ngất nỗi đau mất tự do, mất những giá trị làm người. Người dân cả nước đang ngùn ngụt oán hờn kẻ cướp đất, oán hờn thể chế tước đoạt quyền con người của người dân. Ngọn lửa đang âm thầm bén trong lòng người dân cả nước, làm sao có thể dập tắt !
Sài Gòn, 22/06/2017
Phạm Đình Trọng
Một facebooker là Anh Nam chia sẻ một câu chuyện thật đáng suy ngẫm : trước khi báo chí thông tin về vụ Công an Hà Nội bất ngờ khởi tố người Đồng Tâm vào ngày 13/6/2017, anh có đi xe Uber của một tài xế gốc Đồng Tâm. Anh tài xế đã tự hào kể : "Làng em đã đấu tranh thành công buộc ông Chung chủ tịch phải cam kết không khởi tố hình sự dân làng". Khi được hỏi là vì sao thành công, anh tài xế nói : "Vì làng em không theo bọn phản động, không tiếp xúc với bọn phản động. Vẫn treo cờ đỏ sao vàng, cờ đảng và sáng chiều đều phát Quốc ca".
Một cảnh sát lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích hôm 22 tháng Tư. (REUTERS/Kham)
Không thể phủ nhận rằng đoạn tự bạch là một tin vui cho đảng, nhưng lại khiến cho những người đi tiên phong tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền có phần thất vọng : nẻo đường đưa Việt Nam đến một chỉnh thể về dân chủ vẫn còn xa vời vợi.
"Dân vẫn tin đảng" đã bị bội phản như thế nào ?
Nhìn lại càng thấm thía : "Nhân dân xã Đồng Tâm tuyệt đối tin tưởng và chính sách và đường lối của đảng và nhà nước" - một trong những khẩu hiệu tiêu biểu mà người dân thôn Hoành của xã Đồng Tâm trương lên vào giữa tháng Tư năm 2017, dù bầu không khí khi đó không khác gì "rào làng chiến đấu" và sẵn sàng một mất một còn với chính quyền.
Sao lại thế ?
Vì sao ngay cả sau khi phải thức trắng đêm vì lệnh khởi tố ngày 13/6 của Công an Hà Nội, ông Lê Đình Kình - một trong những "lãnh đạo" của thôn Hoành - vẫn một lòng trung trinh khi trả lời đài BBC : "Đến giờ phút này, tôi vẫn tin vào Đảng, có Đảng là có tất cả, nhưng nếu cứ tiếp tục để những kẻ tham ô không bị xử lý mà lại đi xử lý người dân tố tham ô thì Đảng có nguy cơ mất quyền lãnh đạo" ?
"Tâm lý học nhân dân" lại càng trở nên mâu thuẫn khi ông Lê Đình Kình lại là nạn nhân đã 82 tuổi của một vụ công an hành hung làm gãy xương hông và sau đó còn bắt cóc ông mang về đồn giam giữ.
Lại có một thực tế không thể bỏ qua là tại "miền Bắc xã hội chủ nghĩa", cho đến nay những cựu binh đã trải qua ba cuộc kháng chiến như ông Kình vẫn còn hiện diện và vẫn còn ảnh hưởng đối với cộng đồng xung quanh. Ở khu vực cộng đồng làng xã nông thôn, thông thường giới cựu binh sinh hoạt xã hội như nhiều người dân khác. Nhưng khi "có biến", nghĩa là có một vụ đụng độ giữa người dân địa phương với chính quyền mà người dân hoặc là nạn nhân của trưng thu đất đai vô lối, hoặc nạn nhân về môi trường, vai trò và ảnh hưởng của những cựu binh lại bất thần xuất hiện. Thậm chí kinh nghiệm tổ chức tác chiến, dân vận, binh vận, phòng gian bảo mật và hậu cần kỹ thuật của họ đã lập tức khiến cộng đồng người dân địa phương tự nguyện tôn họ làm thủ lĩnh của "phong trào khởi nghĩa".
Trong cuộc "Cách mạng Thái Bình 1997", vai trò dẫn dắt và lãnh đạo như thế đã thuộc về giới cựu chiến binh : cũng là việc dân bắt giữ nhân viên công lực, rào làng, tạm thiết lập "chính quyền nhân dân", sau đó phong trào còn lan ra một số tỉnh…
Cho tới nay, số cựu binh như thế vẫn còn rải rác ở các tỉnh miền Bắc và Trung Bộ. Khủng hoảng Đồng Tâm đã chứng minh một thực tế là ở những địa phương có số đảng viên cao, thậm chí ở những nơi đảng viên chỉ sinh hoạt chiếu lệ hoặc đa phần đã thoái đảng, vẫn chưa có thành phần nào khác có thể thay thế vai trò dẫn dắt, định hướng của giới cựu binh nhiều kinh nghiệm và đã quá hiểu những mưu tính và hành vi của đảng.
Đó chính là nguồn cơn để những cựu binh Đồng Tâm đưa ra chủ trương "chỉ chống tham nhũng, không chống đảng". Đây cũng là một lá chắn mà những người lãnh đạo của "khởi nghĩa Đồng Tâm" hy vọng vẫn giữ được một "ranh an toàn", hy vọng đảng vẫn ghi nhận truyền thống thượng tôn kỷ luật của mình mà không đến nỗi đối xử cạn tàu ráo máng với "toàn thể nhân dân Đồng Tâm". Tâm lý này khác hẳn với đặc thù xã hội học ở các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Nghệ An - những nơi chỉ có ít đảng viên nhưng tập trung số đông người Công giáo ngoài đảng, trong phong trào phản kháng Formosa. Rất nhiều cuộc biểu tình của giáo dân và ngư dân đã thẳng tay giương biểu ngữ "Phản đối đảng Cộng sản…", thậm chí "Đả đảo đảng Cộng sản…".
Thế nhưng cái hậu của vụ Đồng Tâm lại đã hiện hình phản trắc chưa từng có : nhân vật từng được báo đảng vinh danh "người hùng", "bản lĩnh Nguyễn Đức Chung", sau việc ký bản cam kết và lăn tay trước dân đã quay ngoắt phủ nhận hành động ấy, để mặc cho Công an Hà Nội muốn làm gì thì làm.
Vấn đề giờ đây chỉ là có dám "làm" hay không.
Chua chát thay, chủ trương ngoài miệng "dân vẫn tin đảng" của những cựu binh như ông Lê Đình Kình đã bị thất bại, bị bội phản, hoặc gần như thế, bởi thói đổi trắng thay đen quá nhanh từ chính những đại diện của đảng.
Khởi tố dân để đấu đá nội bộ ?
Ngay khi lệnh khởi tố Đồng Tâm được Công an Hà Nội phát ra, không chỉ người dân xã này mà rất nhiều người lo lắng hiện tình đất nước đã choáng váng.
Nhưng sau đó là ngạc nhiên, kinh ngạc. Tại sao vụ Đồng Tâm đã được tháo ngòi nổ", từ cuối tháng Tư đến nay không có bất kỳ biểu hiện "nguy hiểm" nào từ phía người Đồng Tâm, thậm chí Đồng Tâm còn được báo đảng quảng bá là "yên vui và tin đảng", Thanh tra Hà Nội đang tiến hành thanh tra đất đai, lại đang diễn ra kỳ họp quốc hội…, mà công an lại tung ra một lệnh khởi tố khiến xáo động đời sống người dân, khiến ông Lê Đình Kình phải thốt lên "Đồng Tâm lại trở thành điểm nóng !" ?
Cứ như thể có một bàn tay quyền lực từ bóng tối thò ra khuấy động trở lại vụ Đồng Tâm, biến người dân nơi đây thành vật hy sinh cho một âm mưu sâu hiểm nào đó.
Âm mưu đó là gì ?
Vài ngày sau, đã tràn đầy giả thiết - những giả thiết không những không hoang đường mà còn gần gũi với thực tế.
Ông David Brown, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng : "Cũng không có gì khó hiểu nếu bước đi táo bạo của ông Chung có thể đã khiến một số người trong Bộ Công an không hài lòng, và chính vì thế, họ tìm cách khôi phục kỷ cương bằng cách điều tra và truy tố các dân làng. Nói tóm lại, vụ khởi tố này là bằng chứng cho thấy một sự đấu đá ở hậu trường".
Một cư dân Hà Nội và đặc biệt quan tâm chính sự là Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng nêu ra một giả thiết : "Vài lời với ông Hoàng Trung Hải và Nguyễn Phú Trọng. Sự việc Đồng Tâm vừa qua và gần đây các ông biết cả chứ. Quan điểm của các ông thế nào khi việc này trực tiếp ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Phải chăng các ông làm ngơ, kệ cho ông Chung và công an Hà Nội làm gì thì làm. Không được. Các ông chủ trương Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Trong việc này tôi thấy lờ mờ bóng của các ông đàng sau lưng công an. Có thế nào các ông nên có ý kiến công khai để dân còn biết đường xoay xở".
Nhiều người trong nhiều giới, khi bàn về lệnh khởi tố Đồng Tâm, cũng xoáy vào nguyên nhân "nội bộ".
Cần nhắc lại, tình trạng an nguy chính trị của Nguyễn Đức Chung đã râm ran từ khi nổ ra vụ Đồng Tâm. Khi đó có dư luận cho biết nếu ông Chung không giải quyết "êm" vụ này thì ông ta tất phải chịu trách nhiệm về điều hành yếu kém và phải bị thay thế tại Hội nghị trung ương 5 của đảng - diễn ra vào tháng 5/2017.
Nhưng cho dù đã phải cúi đầu cam kết với dân, hoạn lộ của Nguyễn Đức Chung vẫn chưa kết thúc. Hình như vẫn âm thầm đâu đó một thế lực chính trị muốn "bế" ông Chung khỏi cái ghế chủ tịch Hà Nội ngồn ngộn quyền và lợi. Rất có thể, đây chính là nguyên nhân mà đã khiến người dân Đồng Tâm một lần nữa phải mất ngủ vì sôi sục, trong khi lẽ ra chính quyền có thể tạm yên tâm trong không khí hoàn toàn ôn hòa và "tạm tin đảng" của nông dân thôn Hoành.
Nói cách khác, lệnh khởi tố Đồng Tâm đã lộ thẳng thừng một sự thật : đảng chẳng hề quan tâm đến số phận của người Đồng Tâm. Nói cách khác, cái đảng ấy cùng lý tưởng của nó đã trở nên quá trừu tượng, trong khi vẫn để mặc những đại diện của đảng lợi dụng vụ Đồng Tâm thành vật mặc cả, hoặc sống mái hơn thì có thể tạo ra một vụ khủng hoảng "Hậu Đồng Tâm" để tranh giành quyền lực và lợi ích vương bá.
Đã "sáng mắt, sáng lòng" ?
Cùng với tâm trạng thất thần của người Đồng Tâm trước lệnh khởi tố ngày 13/6 của Công an Hà Nội, dư luận xã hội cũng bùng nổ. Một trong những luồng dư luận là "Nhân dân Đồng Tâm sẽ "sáng mắt, sáng lòng" sau vụ này".
Quả vậy, đã có chút "cải cách dân chủ" từ phía người dân Đồng Tâm. Nếu trong và cả sau cuộc khủng hoảng tháng Tư năm 2017, hầu như không có người nào trong Đồng Tâm có mối liên hệ đáng kể nào với các tổ chức xã hội dân sự độc lập đấu tranh cho dân oan đất đai và quyền sở hữu tư nhân đất đai, cũng không chịu trả lời phỏng vấn và thông tin cho các trang mạng lề dân và báo đài quốc tế, thậm chí chỉ hãn hữu tiếp xúc và trả lời báo chí nhà nước…, thì sau ngày 13/6, chính đảng viên 56 tuổi đảng Lê Đình Kình đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ với độ bức xúc chưa từng có, trong đó ông Kình thẳng miệng gọi Chủ tịch Hà Nội, ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung là "phản bội".
Dường như người dân và đặc biệt là những đảng viên hưu trí Đồng Tâm đã bắt đầu nhận ra sự thật về những tổ chức xã hội muốn giúp đỡ họ trong cuộc đấu tranh không mạnh thì chỉ có nước chết này.
Trong chiến dịch "rào làng chiến đấu" vào tháng 4/2017, Đồng Tâm đã trở nên mạnh mẽ với tinh thần đồng lòng và được dẫn dắt bởi giới cựu binh vốn đã quá quen với việc xây dựng "thế trận nhân dân". Nhưng nếu không có các trang mạng xã hội cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và ngoài nước, kể cả báo chí quốc tế cũng phải quan tâm và đưa tin liên tục, liệu Bộ Chính trị chóp bu của đảng có chịu "xuống nước" nhanh đến thế với một bản cam kết không chỉ ký sống mà còn lăn tay của Nguyễn Đức Chung ?
Bài học gần nhất là phong trào biểu tình phản kháng Formosa. Đó là một sự kết nối hoàn hảo giữa phong trào này và mạng xã hội, các cộng đồng trong nước và quốc tế. Thậm chí còn có một chuyến đi Châu Âu để tố cáo Formosa và quốc tế vận của Giám mục Nguyễn Thái Hợp. Chính quyền Việt Nam đã không thể che tai bịt mắt…
Trước đó nữa, nếu không có mạng xã hội thì liệu những vụ đình đám nội bộ như Nguyễn Bá Thanh, Phùng Quang Thanh, nợ công, nợ xấu, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất… có được đảng "chủ động thông tin" cho dư luận xã hội ?
Hãy cùng suy nghĩ : Đồng Tâm hiện thời, và có thể những Đồng Tâm khác trong tương lai, sẽ mạnh mẽ cứng cỏi hơn, tự bảo vệ mình hiệu quả hơn nếu biết gác lại tư tưởng - lá chắn "có đảng là có tất cả", để ít nhất cũng làm cho tin tức xung đột dân - quan không còn thuộc về thói sở hữu độc tài của đảng.
Cụ Lê Đình Kình công bố 9 điều bí mật gì Nguyễn Đức Chung muốn Cụ che giấu khi khởi tố dân Đồng Tâm ?
Nguồn : Tin Tức 24h TV, 16/06/2017
*********************
Cụ Lê Đình Kình kể lại vụ bị hành hung 'vì đất nông nghiệp' (BBC, 19/06/2017)
Ông Lê Đình Kình tố cáo bị hành hung được thực hiện và trích ra trong một live stream trên Facebook hôm 16/6/2017, theo một nhà hoạt động từ Hà Nội.
Cụ Lê Đình Kình được người thân chăm sóc khi xuất viện về nhà. Ảnh: CTV.
Một video clip mới xuất hiện trên truyền thông mạng xã hội đang thu hút sự chú ý của dư luận mạng ở Việt Nam liên quan vụ việc ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, thành phố Hà Nội.
Trong clip này, cụ ông Lê Đình Kình, người đã bị chính quyền bắt giữ và sau đó được thả ra trong vụ việc ở Đồng Tâm hồi giữa tháng Tư lên tiếng tố cáo việc bị 'hành hung, bắt giữ trái phép và ngược đãi' hôm 15/4/2017.
Nội dung chính của clip qua lời của người kể là ông Lê Đình Kình, người có '82 năm tuổi đời, 55 tuổi đảng', đưa ra các chi tiết cáo buộc một số sĩ quan mặc sắc phục và 'đi xe biển đỏ' đã mời ông 'ra đồng đo mốc giới', rồi đề nghị ông thuyết phục người làng đi cùng về nhà, để nhóm sĩ quan trên có thể 'làm việc'.
Lời của ông Kình trong đoạn video nói khi ra đến địa điểm là 'mốc 15' nơi là đồng vắng thì ông bị một sĩ quan 'đạp bay', khiến ông bị 'gãy xương hông đùi'.
Người kể chuyện cũng cho hay sau khi bị 'đạp xong' thì ông bị 'vứt lên xe như một con vật', bị 'còng tay' và 'nhét giẻ vào mồm'.
Trong video clip này, ông nói ông bị gãy xương nhưng không được đưa ngay đến bệnh viện mà bị đưa về một trụ sở công an để điều tra.
Sau nhiều tiếng đồng hồ, khi cuối cùng được đưa tới một bệnh viện, thì ông bị các các nhân viên áp giải nói với bệnh viện rằng ông 'là đối tượng nguy hiểm', 'gây rối trật tự công cộng'.
Ông Lê Đình Kình trong clip cũng nói khi đến bệnh viện rồi, nạn nhân không được lo chữa trị ngay mà phải làm việc để lấy lời khai nên sau hơn 3 ngày sau 'mới được phẫu thuật'.
Vì sao 'bị chấn thương' ?
Trang VnExpress 02/05 chỉ nói sơ qua về chuyện vì sao ông Lê Đình Kình phải vào bệnh viện chứ không nêu cụ thể vì sao ông bị gẫy xương đùi :
"Ông Lê Đình Kình là một trong bốn người ở xã Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 để phục vụ điều tra vụ án gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh, xã Đồng Tâm. Quá trình thực thi lệnh bắt, ông Kình chấn thương phải nhập viện. Cùng ngày, nhiều người ở thôn Hoành đã giữ 38 người, phần lớn là cảnh sát cơ động tham gia vụ bắt giữ."
Trang web này cũng mô tả thời gian ông Kình nằm viện như sau :
"Chia sẻ với VnExpress, ông Kình cho biết những ngày nằm viện đều được lãnh đạo thành phố đến thăm như Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thứ trưởng công an, giám đốc công an thành phố... Họ động viên ông nhanh chóng hồi phục sức khoẻ để tiếp tục những việc dang dở."
Cũng tại video clip mới xuất hiện, ông Kình cho hay ông giữ thái độ kiên định về quan điểm đất đai ở Đồng Tâm :
Ông Kình cho hay ông giữ thái độ kiên định về quan điểm đất đai ở Đồng Tâm
"Các anh có đưa máy chém chém ngay đầu tôi đi chăng nữa, thì tôi vẫn giữ quan điểm đây là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm."
Được biết, sau vụ việc ông Kình và một số người khác ở xã Đồng Tâm bị bắt, đã xảy ra vụ người dân Đồng Tâm 'nhốt giữ' cán bộ, công an.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng trước truyền thông quốc tế cho rằng việc bắt giữ 'trái pháp luật' người thi hành công vụ phải được xử lý nghiêm theo luật pháp.
Tuy nhiên, hôm 21/04, báo chí Việt Nam đưa tin, theo đề nghị của Công an Hà Nội hôm 16/04, "Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ ông Lê Đình Kình, 82 tuổi", theo VietnamNet.
Còn trang Zing hôm 14/06 thì cho hay ông Lê Đình Kình là "nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm" đã phát biểu trên video "đề nghị sớm kết luận thanh tra vụ Đồng Tâm".
Hôm 18/6, một nhà hoạt động xã hội ở gần Đồng Tâm, người cho hay đã thực hiện một video clip khác từ trước với ông Lê Đình Kình xác nhận với BBC, video mới loan tải nói trên được thực hiện bởi các 'nhà báo tự do' trong một chương trình live stream trên Facebook ngay tại nhà của ông Kình ở xã Đồng Tâm hôm 16/6.
Nhà hoạt động Lê Văn Dũng (tức Dũng Vova) hôm Chủ nhật nói với BBC Việt ngữ :
"Đó là một live stream của bạn Vũ Hằng, một người hoạt động xã hội tại Hà Nội và đi cùng có bạn Hồng Thái Hoàng, thực ra đây là một trả lời rất chân thực, vì họ live stream trực tiếp ở tại nhà cụ Kình, chứ không phải là clip phát lại. Đấy là một clip nói chuyện trực tiếp," ông Dũng đưa ra lời xác nhận về clip.
Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (trái) chưa hài lòng với văn bản trả lời Quốc hội về vụ Đồng Tâm của Tổng Thanh tra chính phủ Phan Văn Sáu (phải).
Ông Dũng cũng nói với BBC, trước đó một thời gian, chính ông đã thực hiện một clip phỏng vấn kéo dài một tiếng đồng hồ và trong đó ông Kình cũng tố cáo việc ông bị các sĩ quan 'hành hung, bắt giữ trái phép và ngược đãi' trong hôm 15/4.
Các nội dung trả lời khi so sánh hai lần phỏng vấn trên, theo ông Lê Văn Dũng, đều thống nhất, khi ông Kình mô tả sự việc đã xảy ra khiến ông bị bắt giữ và sau đó phải nhập viện.
'Đại biểu chưa hài lòng'
Đại biểu quốc hội Việt Nam tiếp tục quan tâm về vụ tranh chấp và giải quyết xung đột đất đai ở Đồng Tâm, báo Đất Việt hôm thứ Bảy 17/6, cho hay ông Lưu Bình Nhưỡng vẫn chưa hài lòng với trả lời của Thanh tra chính phủ đối với thắc mắc của ông.
"Ngày 17/6, Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, ông đã nhận được văn bản trả lời của Thanh tra chính phủ về trách nhiệm của cơ quan này trong vụ việc tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và cảm thấy chưa hài lòng," tờ báo từ Việt Nam cho biết.
"Theo ông Nhưỡng, văn bản trả lời của Thanh tra chính phủ đã nêu lên được một số thông tin và một số việc thanh tra đã làm, nhưng chưa cho thấy được kết quả.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về Đồng Tâm đối thoại với dân hôm 22/4/2017.
"Lý giải thêm về điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, có những việc nếu thuộc thẩm quyền thì Thanh tra chính phủ phải xem xét báo cáo Thủ tướng để trực tiếp làm. Chẳng hạn, việc thanh tra đất quốc phòng an ninh phải là vai trò của Thanh tra chính phủ phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường.
"Mặt khác, Thanh tra chính phủ là cơ quan rất quan trọng, tham mưu giúp việc cho Chính phủ và Thủ tướng chính phủ trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
"Chính vì thế, Thanh tra chính phủ phải đôn đốc một cách quyết liệt các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo," báo Đất Việt phản ánh.
Trong một diễn biến liên quan vụ Đồng Tâm, hôm 13/4, Công an Thành phố Hà Nội đã quyết định khởi tố vụ án hình sự bắt giữ trái phép 'người đang thi hành công vụ' ở địa phương này.
Đưa ra phản ứng trong một phỏng vấn tuần trước với BBC Việt ngữ, ông Lê Đình Kình nói : "Hiện nay nhân dân Đồng Tâm nhận định là người ta rất phẫn nộ, mà đang tình hình bình thường có thể đưa Đồng Tâm trở lại điểm nóng, dân tình rất bức xúc."
Hôm 15/6 các khách mời của Bàn tròn thời sự với BBC Việt ngữ đánh giá rằng vụ việc ở Đồng Tâm nóng lên sau khi Công an Hà Nội quyết định tiến hành khởi tố vụ án hình sự bắt giữ 'người đang thi hành công vụ' ở đây.
Nguồn : BBC, 19/06/2017
***********************
Tôi xác nhận clip cụ Kình tố cáo 'là thực' (BBC, 18/06/2017)
Nhà hoạt động Lê Văn Dũng (tức Dũng Vova) nói với BBC Việt ngữ rằng một clip mới xuất hiện trên mạng xã hội ở Việt Nam cuối tuần này, mà trong đó ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, đưa ra các cáo buộc rằng ông đã bị hành hung và bắt giữ trái phép, 'là thực'.
Nhà hoạt động Lê Văn Dũng (tức Dũng Vova)
Trao đổi với BBC hôm 18/6/2017 từ Hà Nội, ông Dũng cho hay clip này được trích ra từ một chương trình live stream trên Facebook mà các 'nhà báo tự do' đã thực hiện hôm 16/6 và đưa lên mạng.
Ông Dũng, người sống gần Đồng Tâm, cho hay trước đó, chính ông đã thực hiện một clip phỏng vấn kéo dài một tiếng đồng hồ và trong đó ông Lê Đình Kình cũng đửa ra cáo buộc bị tương tự.
Sau vụ việc ông Kình và một số người khác ở xã Đồng Tâm bị bắt, đã xảy ra vụ người dân Việt Nam 'nhốt giữ' cán bộ, công an.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã lên tiếng cho rằng việc bắt giữ 'trái pháp luật' người thi hành công vụ phải được xử lý nghiêm theo luật pháp.
Ngày 22/4, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã xuống xã Đồng Tâm đối thoại với dân và 'giải cứu' 38 cán bộ, chiến sĩ bị nhốt giữ, theo truyền thông Việt Nam.