Vụ Vinashin trải qua 11 lần thanh tra, kiểm toán vẫn chỉ phát hiện những sai phạm "nhỏ lẻ" đến khi rõ sự thật thì hơn 4 tỷ USD của dân thành tro bụi.
Xóm Thủ Thiêm ở Hà Nội.
Từ khi làm nghề báo đến nay tôi tiếp xúc với rất nhiều bản kết luận thanh tra của đủ các cơ quan cục, tổng cục, bộ, ngành, huyện, tỉnh đến trung ương và thấy đa số nội dung được viết rất lủng củng, hỗn tạp,từ ngữ mơ hồ...
Từ đó tôi ấn tượng những người làm nghề thanh tra rất kém về ngôn ngữ, tư duy logic cũng như nghề bác sĩ chữ viết xấu, khó đọc...
Tuy nhiên, thời gian gần đây nhất là qua thư ngỏ của kiến trúc sư Trần Thanh Vân gửi chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận xét bản kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội về vụ Đồng Tâm là "làm rối trí người đọc" rồi đến vụ Thủ Thiêm, ngẫm lại quá khứ tôi khẳng định, chính mình là kẻ ngộ nhận. Những bản kết luận thanh tra kia không phải là sản phẩm của sự ngu dốt về ngôn ngữ, trình bày văn bản hay là thủ đoạn ma giáo, khốn nạn của bọn "phán xét" thiên hạ ?
Qua nhiều vụ thanh tra thì thấy : Khi có vụ việc tham nhũng, sai phạm bị lộ không thể bao che buộc cấp trên phải ra lệnh thanh tra thì ngoài cố tình dây dưa tạo thời gian cho bọn tham nhũng chuẩn bị đối phó, dư luận "nguội dần" rồi "cứt trâu hóa bùn"... thì có vẻ một thủ đoạn nữa của thanh tra là thiết kế bản kết luận thanh tra làm sao để "rối trí người đọc", hạ thấp sự nghiêm trọng của vụ việc, định hướng sang lĩnh vực nhẹ hơn có lợi cho tham nhũng và tất nhiên hành vi ma giáo ấy không phải là vô tư. Nay thử nhìn lại vài vụ như vụ Thủ Thiêm và Đồng Tâm...để xem những ông vua phán xét thiên hạ kết luận thanh tra như thế nào.
Vụ Thủ Thiêm
Nếu xắp xếp các sự kiện : Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tự tiện thay đổi quy hoạch của chính phủ đến việc đồng loạt "mất bản đồ" quy hoạch "gốc" từ trung ương đến các sở, ngành, địa phương, rồi cưỡng chế các gia đình trong 160 ha, 4,3 ha "ngoài ranh" để chiếm đất vàng, biển thủ ngân quỹ đền bù, giao đất vàng không đấu thầu với giá rẻ mạt, tăng giá làm đường lên tận "mây xanh"... để nhà đầu tư thu lợi bất chính khổng lồ, thiệt hại cho dân, cho nước vô bờ bến... thì thấy cả một kế hoạch cướp bóc, vơ vét hết sức tinh vi,tàn bạo, liều lĩnh của bè lũ tham nhũng từ trung ương đến địa phương.
Vụ tham nhũng có tổ chức này đã giảm thiệt hại nếu ngay từ đầu "tai, mắt"chính phủ không nhùng nhằng, lấp lửng rồi đình chỉ thanh tra năm 2015. Không hiểu lãnh đạo chính phủ thời đó thông đồng với chúng hay họ bị lừa để mặc kệ hàng vạn dân sống lang bạt, nheo nhóc, lần lữa thỉnh cầu, kiện cáo vô vọng trong suốt hai chục năm qua.
"Cóc kêu mãi cùng thấu trời", những ngày này các cỡ quan chức không thể làm ngơ lại lệnh thanh tra chính phủ thanh tra vụ Thủ Thiêm một lần nữa và dù giữa "thanh thiên bạch nhật"hàng nghìn, vạn, triệu... con mắt đỏ dồn, tiếng oan "dậy đất", trong các cuộc tiếp xúc với dân cán bộ bị sỉ vả, ném dép vào mặt nhưng bản kết luận thanh tra của chính phủ do Đặng Công Huẩn trưởng đoàn có nội dung vẫn "rất lập lờ, đánh rối con chữ, đánh loãng sai phạm, đánh lận thông tin... nói lan man... con số rất xạo…" (Lời nhà báo Trương Châu Hữu Danh).
Đặc biệt bản kết luận thanh tra không đếm xỉa gì đến nội dung cốt lõi là quyền lợi của người dân, chỉ nhấn mạnh vào số tiền thất thoát phải bồi hoàn và nghênh ngang phán như quan tòa : "trong quá trình xử lý trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra nếu đương sự khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm trước ngày 31/12/2019 thì mới chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra" - một thái độ bao che quá trắng trợn cho vụ lộng hành tham nhũng khủng khiếp. Họ không thể không biết, chỉ riêng việc "đồng loạt mất bản đồ quy hoạch gốc" đã xứng đáng một vụ hình sự nghiêm trọng rồi !
Đọc bản kết luận của Thanh tra chính phủ này máu trong tôi như sôi lên vì sự ngang nhiên giỡn mặt thiên hạ của họ.
Vụ Đồng Tâm
"Nghệ thuật" văn bản kiểu trên cũng thể hiện trong kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội trong vụ Đồng Tâm. Vụ này rất đơn giản : Năm 1980 phó thủ tướng Đỗ Mười cắt 208 ha đất của tỉnh Hà Sơn Bình (nay thuộc ngoại thành Hà Nội) để làm sân bay Miếu Môn trong đó có 47,36 ha thuộc đất xã Đồng Tâm huyện Mỹ Đức với bồi thường hoa màu 150.312 VND. Tuy nhiên, đến nay hơn 38 năm dự án sân bay không thực hiện và đơn vị quản lý D31 quân chủng Phòng không Không quân cho 14 hộ dân thuê đất, làm nhà trong 47,36 ha đó. Năm 2015, 2016 thành phố Hà Nội cùng với doanh nghiệp Viettel cần số đất dự án sân bay để sử dụng và họ nói 59 ha đất cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm liền kể mảnh đất 47,36 ha là "đất quốc phòng" thuộc dự án sân bay Miếu Môn.
Nếu theo pháp luật thì thành phố Hà Nội và Viettel muốn lấy đất quốc phòng sân bay Miếu Môn thì phải xin chính phủ, chính phủ đồng ý thì quân đội giao cho Viettel theo đúng thẩm quyền... Theo đó, căn cứ vào bản đồ, đo đạc cứ lấy của Đồng Tâm 47,36 ha thuộc diện tích sân bay Miếu Môn ở xã Đồng Tâm giao cho Viettel thì không có chuyện gì. Thế nhưng lãnh đạo Hà Nội lại điều động lực lượng vũ trang tranh chấp cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm mà theo bản đồ và nhiều bằng chứng khác nó nằm ngoài diện diện tích đã thu hồi cho sân bay dẫn đến tranh chấp, công an đánh, bắt người trái pháp luật, một vùng quê vốn yên ả mấy năm qua luôn trong tình trạng căng thẳng tột độ.
Bị dân phản ứng quyết liệt, thanh tra Hà Nội đã thanh tra rồi ra bản kết luận thanh tra hết sức kỳ lạ. Họ "đánh tráo" 47,36 ha của xã Đồng Tâm bị cắt làm đất quốc phòng vào 59 ha cánh đồng Sênh. Có sự chớ trêu : Ở khu đất 47,36 ha đất quốc phòng lấy từ xã Đồng Tâm D31 cho 14 hộ dân thuê sản xuất, làm nhà trong đó và ở cánh đồng Sênh 59 ha đất nông nghiệp cũng có 14 hộ dân được các đời lãnh đạo xã, hợp tác xã Đồng Tâm cho họ làm nhà, canh tác, chuyển, nhượng... đã bị dân Đồng Tâm kiện cáo nhiều năm qua...
Thế là bản kết luận thanh tra của thanh tra Hà Nội cứ "trộn" hai khu đất này với nhau rồi đưa nhiều chuyện khác, vụ khác nói lung tung vào văn bản "diện tích đất tăng lên do thi công...hồi trước đo đạc không chính xác.., kiện cáo của dân đang được giải quyết, những cá nhân sai phạm đã hầu tòa…" và những câu cực kỳ vô nghĩa như "toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng..." làm cho người chưa nghiên cứu thật kỹ thì không sao hiểu nổi.
Việc làm "rối trí người đọc" này của thanh tra Hà Nội cũng được sự hậu thuẫn của Thanh tra chính phủ. Ngày 25/4/2019 phó tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã công bố kết quả "rà soát, kiểm tra kết luận thanh tra tại xã Đồng Tâm..." đã công nhận "Thanh tra Hà Nội thanh tra đúng thẩm quyền, chính xác...".
Đây là hành vi vô trách nhiệm của Thanh tra chính phủ vì họ không hề khảo sát thực tế, gặp gỡ một bên nguyên đơn tranh chấp là nhân dân Đồng Tâm để đối chiếu tài liệu, văn bản, bản đồ, thực địa, xem các giấy tờ, biên lai nộp thuế nông nghiệp từ ngày hợp tác xã đến nay tại cánh đồng Sênh... mà chỉ ngồi trong phòng lạnh bàn bạc với một bên tranh chấp là Thanh tra Hà Nội để khẳng định một kết luận liên quan đến quyền lợi của hàng vạn người dân Đồng Tâm.
Những bản kết luận thanh tra ma giáo không chỉ bao che cho tôi phạm mà những người khiếu nại, thiệt hại cũng rất khó để phản bác thanh minh vớ cơ quan thẩm quyền.
Phải chăng hành vi thiết kế những bản kết luận thanh tra mơ hồ làm "rối trí người đọc", giảm nhẹ sự nghiêm trọng, kéo dài sai phạm... đã góp phần tạo ra những thiệt hại khủng khiếp cho nhân dân ở vô số các vụ tham nhũng. Vụ Vinashin trải qua 11 lần thanh tra, kiểm toán vẫn chỉ phát hiện những sai phạm "nhỏ lẻ" đến khi rõ sự thật thì hơn 4 tỷ USD của dân thành tro bụi.Vậy, còn bao nhiêu vụ như thế nữa, có bao nhiêu quan chức thanh tra giàu cỡ như Trần Văn Truyền, Ngô Văn Khánh... ?
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 06/07/2019
Có thể trong trận chiến Đồng Tâm, người dân sẽ giữ được phần mồ mả cha ông, sản nghiệp của tiên tổ, vì họ "đồng tâm" trước cường hào ác bá. Tuy vậy, để chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến cướp đất và giữ đất không hồi kết này, thì chúng ta có thể sẽ tìm thấy được một đường đi không còn bóng dáng của chế độ hiện thân cho bất công, dối trá, tàn độc, tham nhũng.
Đồng Tâm : Cuộc chiến giữ đất chưa bao giờ kết thúc !
Sự kiện người dân Đồng Tâm quyết liệt giữ đất khi UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội căng dây khắp khu vực 59ha ở tây Đồng Sênh, san gạt một số mặt bằng và cắm biển với cái gọi là "Vùng cấm – Khu vực quân sự" xảy ra vào tháng 11/2016 khởi đầu cho cuộc chiến có quá nhiều biến động giữa nhân dân và nhà cầm quyền trong suốt hơn hai năm qua.
Vào ngày 25 tháng 4 vừa qua, Thanh tra Chính phủ khẳng định nội dung kết luận thanh tra đất đai tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức) của Thanh tra Hà Nội là chính xác. Nghĩa là, "Toàn bộ diện tích đất sân bay Miếu Môn thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tâm là đất quốc phòng" – Thanh tra Hà Nội công bố kết luận vào tháng 7/2017. Trong buổi công bố của Thanh tra Chính phủ, dân Đồng Tâm không được mời tham dự.
Trước kết luận như trên về đất đai ở Đồng Tâm, Hà Nội của Thanh tra Chính phủ thì người dân Đồng Tâm tuyên bố sẽ có ‘cuộc đấu trí mới’ với chính quyền. Trả lời trên BBC hôm 22 tháng 5, ông Lê Đình Công, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, nói rằng : " Nhà nào ở Đồng Tâm cũng đã trang bị đầy đủ rồi, sẽ không bắt giữ người như năm 2017 nữa đâu mà chắc chắn sẽ đổ máu ‘như Gò Đống Đa’. Bởi vì chính quyền Hà Nội đã chèn ép người dân quá đáng".
Ông Lê Đình Kình được coi như một thủ lãnh của dân Đồng Tâm tuyên bố "sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, dân Đồng Tâm bước vào một cuộc đấu trí mới".
Guồng quay cướp đất từ nhà cầm quyền và cuộc chiến giữ đất của người dân đã diễn ra trong nhiều thập niên. Tất nhiên chúng ta chưa thấy người thắng, dù họ bị bắt bớ giam cầm, thậm chí bị đổ máu, hoặc có người bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, phần đất đai nơi mà ông cha họ đã cày cấy bao đời nay, phần sản nghiệp của gia đình, dòng họ bỗng chốc tan thành mây khói thì việc người dân quyết hi sinh ngay cả mạng sống để giữ đất vị tất cũng là điều dễ hiểu.
Việt Nam ghi lại biết bao sự kiện cướp đất vấy máu và giữ đất thảm thương, điêu tàn trải dài khắp đất nước này. Liệt kê sơ qua những địa danh như Từ Sơn – Bắc Ninh, Tiên Lãng – Hải Phòng, nông dân Dương Nội – Hà Đông, Văn Giang – Hưng Yên, Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, Đặng Văn Hiến ở Đăk Nông, Đồng Tâm, Thủ Thiêm, Vườn Rau Lộc Hưng, v.v. để thấy mức độ khủng khiếp của chính sách cướp đất diệt dân mà chế độ này đang gieo trên dân lành nước Việt.
Tại sao người dân quyết tâm giữ đất ? Một câu hỏi rất dễ trả lời. Với sự độc quyền lãnh đạo, quyền lực tuyệt đối và không hề bị kiểm soát, giám sát đồng thời giá cả đất đai đã tăng chóng mặt do những cơn sốt đất mà cơ chế tự tạo ra, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương chia nhau thị phần trong những miếng bánh có trị giá hàng chục tỷ, hàng trăm tỉ, ngàn tỷ đồng như vậy.
Vẫn là vấn đề tham nhũng và lợi ích nhóm len lỏi và khuynh loát trong mọi hoạt động của xã hội và sự phát triển nền kinh tế. Từ việc đấu tranh để giữ đất, người dân ngộ ra rằng, tham nhũng, lợi ích nhóm, sự độc tài lãnh đạo, quyền lực tuyệt đối của đảng cộng sản chính là cội nguồn của cơn khủng hoảng không chấm dứt này.
Người dân Đồng Tâm từng "rất tin tưởng " vào đảng cộng sản. Thế nhưng, giờ đây họ phải thừa nhận rằng "Nhân dân xã Đồng Tâm đã rất tin tưởng vào đảng, coi đây là chỗ dựa vững chắc, là niềm hy vọng cuối cùng. Nhưng lâu quá, chỗ dựa lại bị lung lay, mối nghi ngờ càng ngày càng lớn, sự tin tưởng của người dân càng ngày càng giảm dần".
Điều đó há chẳng phải đúng quá hay sao ? Ai có thể tham nhũng, ai dám lộng quyền, ai tạo ra bi thương, tang tóc, ai ngông cuồng tước đoạt tài sản… ? Chỉ có thể là kẻ cầm quyền, mà kẻ cầm quyền độc nhất lại là đảng cộng sản. Cuối cùng chỉ có dân lành vô tội là nạn nhân.
Không chỉ có nhân dân Đồng Tâm, không chỉ có dân oan khắp ba miền Bắc Trung Nam đang ngày đêm dầm mưa dải nắng để khiếu kiện tại Hà Nội. Nhưng mà cả dân tộc này đang là nạn nhân của chế độ. Tôi, bạn, trẻ, già, nam, nữ hay bất cứ ai ai cũng có thể bị nhà cầm quyền tước đoạt mọi quyền lợi tự nhiên của mình.
Có thể trong trận chiến Đồng Tâm, người dân sẽ giữ được phần mồ mả cha ông, sản nghiệp của tiên tổ, vì họ "đồng tâm" trước cường hào ác bá. Tuy vậy, để chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến cướp đất và giữ đất không hồi kết này, thì chúng ta có thể sẽ tìm thấy được một đường đi không còn bóng dáng của chế độ hiện thân cho bất công, dối trá, tàn độc, tham nhũng.
Paulus Lê Sơn
Nguồn : VNTB, 02/06/2019
Vụ thành phố Hà Nội tranh chấp cánh đồng Sênh với dân Đồng Tâm tôi đã khảo sát thực địa, nghiên cứu bản đồ sân bay Miếu Môn, các văn bản liên quan kể cả những ý kiến của lãnh đạo, cơ quan thẩm quyền, thanh tra Hà Nội... nhưng đến thời điểm này thì vẫn không thấy có bằng chứng gì thuyết phục cánh đồng Sênh 59 ha là đất quốc phòng mà lãnh đạo, thanh tra Hà Nội khẳng định.
Gia đình ông Lê Đình Kình, 82 tuổi, cho đến nay vẫn tiếp tục tìm cách yêu cầu báo chí nhà nước đính chính thông tin ông đã "khai báo hành vi phạm tội" với công an thành phố Hà Nội.
Ngày 25/4/2019 khi thấy đại diện Thanh tra chính phủ công bố thông báo số 611/TB-TTCP "thông báo kết quả rà soát và kiểm tra tính chính xác và hợp pháp của văn bản kết luận số 2346 ngày 19/7/2017 của thanh tra Hà Nội tôi đã thoáng mừng. Đã 3 năm dân Đồng Tâm đi kêu cứu khắp các cơ quan thẩm quyền kể cả Thanh tra chính phủ về sai thẩm quyền, kết luận áp đặt không khách quan, sai sự thật trong vụ tranh chấp cánh đồng Sênh của Thanh tra Hà Nội nhưng họ trả lời "lươn lẹo, sai sự thật, không thỏa đáng...". Nay tiếng kêu cứu của dân Đồng Tâm đã thấu đến "thiên đình" ?
Thế nhưng, tôi thất vọng được biết Thanh tra chính phủ không hề gặp bên nguyên đơn dân Đồng Tâm, cụ Kình, không tiến hành thanh tra mà chỉ "rà soát" báo cáo của Thanh tra Hà Nội rồi công nhận kết luận 2346 của họ là "đúng thẩm quyền và chính xác".
Dù đang ốm, ngay tối hôm ấy tôi viết một trạng thái (STT) trên Facebook về việc này, tiêu đề : "Đồng Tâm vẫn chưa yên" nói lên những điểm không ổn trong thông báo của Thanh tra chính phủ.
STT của tôi nhận được nhiều bình luận (com) trong đó có một com của nick name có vẻ là dân Đồng Tâm Lê Đình Quang. Trong com này Lê Đình Quang phản đối thông báo của Thanh tra chính phủ với lời lẽ thách thức chính quyền Hà Nội. Ngay lập tức Lê Đình Quang được một nick name là Nguyễn Quang trả lời :
"Dân Đồng Tâm khôn ra thì nên im lặng mà sống tiếp. Lần trước là ông Chung ông ấy bị bất ngờ thôi. Giờ mà dân Đồng Tâm manh động là họ coi như bỏ cả cái xã ấy đi luôn đấy".
Sau com này một số com khác chửi bới, thách thức Nguyễn Quang, với những lời lẽ nặng nề, cho đó là một sự dọa dẫm dân Đồng Tâm...
Riêng tôi lúc đầu cũng tưởng là một sự dọa dẫm dông dài nhưng sau đọc com khác của Nguyễn Quang khi Lê Đình Quang thách thức "lần này bọn tôi sẽ không tiếp đãi họ như lần trước..." và Nguyễn Quang đã trả lời Lê Đình Quang :
"Chính quyền họ lại thích những thành phần như ông đấy. Họ kích ông khiến ông xông vào. Thế là họ có lý do để đàn áp vũ trang. Lần trước họ chủ quan nên họ bị động. Lần này họ phủ cái trăn (chăn) lên cái xã Đồng Tâm, xử lý như xử lý dịch lợn. Đem tiêu hủy tòn (toàn) bộ để tránh lây lan".
STT của tôi nhận được nhiều bình luận (com) trong đó có một com của nick name có vẻ là dân Đồng Tâm Lê Đình Quang.
Sau com này và suy nghĩ thêm, tôi khẳng định những lời trên của nick Nguyễn Quang là rất chân thành, thẳng thắn với nick Lê Đình Quang và dân Đồng Tâm. Bởi vì :
- Trên thực tế thể hiện, tất cả vụ tranh chấp cánh đồng Sênh với dân Đồng Tâm chính quyền Hà Nội tỏ ra không muốn biết sự thật cánh đồng Sênh là đất nông nghiệp với quyết tâm đoạt bằng được khu đồng này,quyết không thừa nhận cụ Kình bị đánh trọng thương, bị bắt sai pháp luật hôm 15/04/2017 (lừa ra đồng bắt không có tuyên bố lệnh bắt...) dân Đồng Tâm bị xúc phạm nặng nề, chính quyền Hà Nội chỉ dựa vào vũ lực trong tranh chấp dân sự... (Có rất nhiều ví dụ chứng minh).
- Lời lẽ trong com của Nguyễn Quang rất chi tiết, phù hợp với thực tế. Quả thật,theo nhận định của dân Đồng Tâm thì hôm 15/4/2017 chính quyền Hà Nội áp dụng kịch bản trấn áp dân Đồng Tâm rất khoa học : Lừa cụ Kình và dân Đồng Tâm ra đồng Sênh để "xác định mốc giới", tức "điệu hổ ly sơn" rồi bắt "thủ lĩnh" Lê Đình Kình cùng các tài liệu cụ mang theo thủ tiêu và một lực lượng khác có trung đội Cảnh sát cơ động yểm trợ bắt nốt những "đối tượng" chủ chốt khác để dập tắt việc phản đối của dân Đồng Tâm.
Thế nhưng hôm ấy bà con theo cụ Kình ra đông, họ lại phải lừa cụ Kình một lần nữa "khuyên bà con về mới làm việc được". Khi bà con về gần hết thì họ nổ súng uy hiếp đá cụ Kình gẫy chân bịt miệng ném lên xe bắt nốt 3 người, tức "chặt cái đầu rắn". Nhưng lực lượng trấn áp bị bất ngờ : Bà con nghe tin cụ Kình bị đánh trọng thương, ba người bị bắt cóc nên phẫn nộ kéo ra rất đông "quây" chặt đám cán bộ, công an, trung đội Cảnh sát cơ động đưa về nhà văn hóa cầm giữ đòi trả người.
Điều bất ngờ nữa là nhiều Cảnh sát cơ động không chống lại dân nên kịch bản khuất phục dân Đồng Tâm bằng vũ lực bị phá sản, chính quyền lâm vào thế bị động. Việc công an đánh trọng thương, bắt cụ Kình bị lộ, chủ tịch Nguyễn Đức Chung phải chữa chạy để cụ không chết, rồi về thương lượng với dân Đồng Tâm... đúng như lời anh Nguyễn Quang nói "ông Chung bị bất ngờ".
Còn lần này nếu chính quyền Hà Nội dùng vũ lực một lần nữa thì đúng như anh Nguyễn Quang nói : Sẽ "trùm chăn", tức có kịch bản chính, phụ thật chi tiết, lực lượng đầy đủ sẽ không bị bất ngờ với dân Đồng Tâm nữa. Dân Đồng Tâm hiền lành, chất phác chủ yếu người già, trẻ con chỉ có cày cuốc không thể cưỡng lại phía chính quyền có tất cả mọi vũ khí, trang thiết bị chống đám đông tất sẽ thành công trong việc "bỏ cả cái xã ấy đi".
Để lượng định tính xác thực của 2 comment của Nguyễn Quang tôi đã mạn phép vào trang FB của anh (tạm gọi thế) và thấy tác giả là người Hà Nội rất thẳng thắn, có trách nhiệm xã hội cao như anh đăng lời nói của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan "Đáng sợ nhất là tham nhũng chính sách" hay clip cán bộ ban chỉ đạo 389 nói thẳng về sự tắc trách của đồng nghiệp, ca ngợi việc làm tốt của đảng, chính quyền....
Qua đây tôi khẳng định tác giả Nguyễn Quang là một người trong chính quyền hoặc có khả năng tiếp cận với nguồn tin nội bộ trong chính quyền Hà Nội hiểu rõ kế hoạch sắp tới của họ với dân Đồng Tâm (có thế cả Trung ương) có tấm lòng với dân ở đây.
- Khả năng chính quyền Hà Nội dùng vũ lực với dân Đồng Tâm một lần nữa là rất cao do :
Việc chống tham nhũng của dân Đồng Tâm không được cấp trên ủng hộ.Bởi vì, theo nguyên tắc của đảng thì đảng lãnh đạo toàn diện, triệt để xã hội trong đó có cả chống tham nhũng ? Theo chỉ thị 15 thì công an cũng không được tự tiện trinh sát, điều tra sai phạm của đảng viên thì phải chăng với dân Đồng Tâm thì càng không được ? Trên thực tế cũng chứng tỏ điều đó.Biết bao vụ tiêu cực, tham nhũng dân phát hiện, báo cáo, kiện váo bao năm trời nhưng rất ít được xem xét xử lý.
Ông Đinh La Thăng phá phách khủng khiếp từ thời ở dầu khí dư luận biết rộng rãi tôi cũng đã đăng bài "Dưới thời ông Đinh La Thăng, hàng không Việt Nam hãy coi chừng" từ 2012 nhưng để đến 4,5 năm sau thì báo chí quốc doanh mới được phép rùm beng, cấp trên mới xử lý vụ này. Vụ Thủ Thiêm xẩy ra cách đây 20 năm, lúc đầu cũng có báo quốc doanh đăng lẻ tẻ nhưng sau tất cả thôi (cũng biết chủ trương của trên) đến nay chưa xử lý. Vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cũng là chống tham nhũng "tự phát", mặc dù thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải thừa nhận trong vụ này phía chính quyền "sai cả lý lẫn tình" nhưng Đoàn Văn Vươn vẫn bị xử tù... Phải chăng vì Đoàn Văn Vươn chống tham nhũng "tự phát" và cần phải răn đe để việc tự chống tham nhũng khỏi "lây lan" ?
Vụ Đồng Tâm ngoài "tự phát"chống tham nhũng cũng có thể "làm gương" để hiện tượng này "lây lan" thì nhà cầm quyền khó kiểm soát mặc dù thực tế, dân Đồng Tâm cũng như dân ta nói chung vẫn tin vào đường lối của đảng cộng sản, tuân thủ pháp luật, phục thiện. Trong vụ Đồng Tâm chính quyền Hà Nội xúc phạm, gây họa cho dân Đồng Tâm khiến họ rất phẫn nộ nhưng khi ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung về làng vẫn được nhân dân đón tiếp rất thân tình, trọng thị đó thôi. Thế nhưng nếu để nhiều nơi học tập dân Đồng Tâm chống tham nhũng đất đai thì một trong những "nguồn thu" khổng lồ nhất của quan chức sẽ bị "thiệt hại". Mất nguồn thu đất đai, khoáng sản thì cán bộ sẽ không giàu. Làm cán bộ mà chỉ ăn lương "ba cọc ba đồng" không giàu thì mấy ai muốn làm cán bộ nữa. Khi không muốn làm cán bộ tức cũng không muốn vào đảng, "ghế" không hoặc ít người cần... thì sao ?
Vụ thành phố Hà Nội tranh chấp cánh đồng Sênh với dân Đồng Tâm tôi đã khảo sát thực địa, nghiên cứu bản đồ sân bay Miếu Môn, các văn bản liên quan kể cả những ý kiến của lãnh đạo, cơ quan thẩm quyền, thanh tra Hà Nội... nhưng đến thời điểm này thì vẫn không thấy có bằng chứng gì thuyết phục cánh đồng Sênh 59 ha là đất quốc phòng mà lãnh đạo, thanh tra Hà Nội khẳng định.
Qua thông báo hời hợt của Thanh tra chính phủ, com của Nguyễn Quang và tình thế hiện tại thật hết sức lo ngại cho dân Đồng Tâm.
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 07/05/2019
Ngay sau khi người dân Đồng Tâm kỷ niệm 2 năm ngày ‘giải phóng’ mảnh đất này khỏi tay bè lũ tham quan và nhóm lợi ích, đến cuối tháng Tư năm 2019 nhà cầm quyền cũng kỷ niệm 44 năm ngày ‘giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước’ bằng âm mưu - kế hoạch một lần nữa cướp sạch 59 ha đất đồng Sênh trên danh nghĩa ‘đất quốc phòng’.
Một cảnh sát viên lạy tạ dân làng Đồng Tâm sau khi được phóng thích ngày 22 tháng Tư, 2017.
Âm mưu ‘cướp sạch’ lần 2 !
Âm mưu trên hiện hình trong buổi công bố "kết luận rà soát thanh tra đất đai Đồng Tâm" vào chiều ngày 25/4 ở Hà Nội - việc mà đã lâu không cơ quan ‘có trách nhiệm’ nào nhắc tới, mà chỉ đùn đẩy trách nhiệm ‘phát ngôn’ cho nhau như tiếng tru ri rỉ trong xó bếp.
Nguyễn Mạnh Hà, quan chức Tổ trưởng Tổ rà soát, thuộc Thanh tra Chính phủ đã dọn đường dư luận khi cho rằng Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm của Thanh tra Hà Nội công bố hồi tháng 7 năm 2017 là chính xác ; đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.
Ngay sau đó, quan chức Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đứng ra cam kết "tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình sử dụng, quản lý đất đai tại sân bay Miếu Môn. Huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm được giao sớm hoàn thiện 14 phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đang ở khu vực này".
Đã rất rõ là những động tác móc ngoéo trước sau của ‘liên minh ma quỷ’ (cụm từ mà bà con Đồng Tâm trực chỉ giới quan tham và nhóm lợi ích) đã âm thầm chuẩn bị phương án ‘cướp sạch’ trong những tháng qua, để nay chính thức đưa lên truyền thông công bố và dọn đường dư luận. Một chiến dịch càn quét lớn sắp bắt đầu.
‘Có đảng là có tất cả’ ???
Cũng đã rất rõ là trên gương mặt viên cựu công an Nguyễn Đức Chung không còn sót lại chút nào tì vết liêm sỉ cuối cùng mà những người dân còn mơ màng về bản chất chính thể, bản chất quan chức, và cả những người dân có quá ít thông tin thực chất về vụ khủng hoảng Đồng Tâm có thể vin vào đó để ‘thắp sáng hy vọng có đảng là có tất cả’.
‘Có đảng là có tất cả’ đã khiến cho thủ lĩnh phong trào phản kháng Đồng Tâm là ông Lê Đình Kình bị những tên côn đồ mặc sắp phục và quân phục, mang hàm sỹ quan công an và quân đội đạp gãy xương chân, nhưng cho tới nay đã hơn hai năm mà chính quyền vẫn không truy cứu bất kỳ trách nhiệm, càng không phải là trách nhiệm hình sự nào của những kẻ gây tội ác.
Cho tới nay, những người mơ màng chính trị và theo thuyết cải lương nước đôi vụ Đồng Tâm chắc chắn đã phải nhận ra là trong bản cam kết viết tay mà Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung cắm mặt ký sống và lăn tay trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân Đồng Tâm vào tháng 4 năm 2017, có cam kết về ‘chỉ đạo điều tra xác minh kẻ bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình’. Nhưng cũng như bao lần bọt liếm quanh môi, thói tráo trở đầu môi chót lưỡi luôn là một đặc thù riêng có của chế độ lấy bóc lột và đàn áp dân làm… gốc.
Vì sao Đồng Tâm phải ‘người đổi người’ ?
Vào năm 2017, bất chấp nhiều phản ứng và bằng chứng được cung cấp bởi người dân Đồng Tâm, cơ quan thanh tra Hà Nội vẫn tung ra bản kết luận thanh tra về "toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp". Chính bản kết luận thanh tra này đã trở thành cái cớ chủ yếu để một cơ quan "anh em" khác – Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội – cấp tập và hung hãn tổ chức một chiến dịch triệu tập, răn đe và cả "khủng bố" đe dọa bắt bớ đối với ít nhất 70 người dân Đồng Tâm, với mục tiêu cuối cùng là người dân nơi đây phải "buông" mục đích đòi lại phần đất chính đáng của họ.
Ở vào thế cùng kiệt về kế sinh nhai lẫn sinh mạng, nông dân chỉ còn biết hành động "người đổi người" : bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức vừa công an vừa chính quyền.
Nhưng đừng bao giờ cho rằng những nông dân hiền hòa ở xã Đồng Tâm ấy chỉ chực chờ nổi loạn chống chính quyền, theo cách mà bộ máy tuyên truyền của công an, tuyên giáo và giới dư luận viên mất sạch liêm sỉ luôn chực chờ tung ra.
Thử hỏi khi vùng đất Đồng Tâm đang yên lành, nếu không có chuyện Đỗ Mười - Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng - ký một quyết định thu hồi hơn 47 ha đất nông nghiệp của nông dân Đồng Tâm từ năm 1980 để "phục vụ dự án an ninh quốc phòng và sân bay Miếu Môn", làm sao có thể phát sinh hậu quả ghê gớm như ngày hôm nay ?
Thử hỏi, nếu không có chuyện chính quyền huyện Mỹ Đức, sau khi nhận lại số đất nông nghiệp trên từ Lữ đoàn 28 của Quân chủng Phòng không - không quân do sân bay Miếu Môn không làm được, nhưng lại nhập nhèm suốt 10 năm từ 2007 đến nay mà không làm quyết định giao đất cho bà con nông dân, trong khi lại xảy ra hàng loạt vụ việc một số quan chức địa phương bảo kê cho người thân chiếm dụng đất và giờ đây còn định để cho Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) "cướp" đất của dân, làm sao bà con nông dân lại phải rồng rắn kéo đoàn khiếu kiện đông người trong ròng rã nhiều năm trời ?
Và thử hỏi, nếu không có chuyện giới công an trị sử dụng "biện pháp nghiệp vụ", mà thực chất là thủ đoạn "điệu hổ ly sơn", để bắt giữ trái phép một số đại diện của dân xã Đồng Tâm, làm sao người dân xã này lại phải nghĩ đến việc bắt giữ lại các cảnh sát cơ động và quan chức công an để "trao đổi tù binh" ?
Bản chất tráo trở, thù vặt và lưu manh
Tháng Tư năm 2017 và như một cách xét lại tháng Tư ‘thống nhất đất nước’ năm 1975, người dân Đồng Tâm đã giành thắng lợi đầu tiên và được xem là chưa từng có trên bình diện chống nạn cướp đất ở Việt Nam.
Sau vụ giáo dân Hà Tĩnh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà vào tháng 3/2017, vụ nông dân Đồng Tâm đặt dấu ấn trong lịch sử phản kháng chế độ bằng hành động bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức vừa công an vừa chính quyền đã chính thức chấm dứt thời hoàng kim công an trị. Khác hẳn với cảnh trước đây công an gần như muốn bắt ai thì bắt và không hề nương tay với dân oan đất đai, bây giờ hầu như toàn miền Bắc, một phần miền Trung và có thể cả một số địa phương ở miền Nam, đều tràn ngập "điểm nóng đất đai" mà có thể phát sinh việc bắt giữ cá nhân công an hay đơn vị công an vào bất kỳ lúc nào nếu bị đàn áp.
Vào ngày thứ 8 của cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm – 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch sử tranh đấu của dân oan Việt Nam : chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội "bắt giữ người trái pháp luật".
Nhưng một chính quyền bị xem tráo trở và lưu manh có hệ thống vẫn luôn sở hữu lòng tham vô đáy và nạn thù vặt ti tiện.
Tháng Tư năm 2019, nhà cầm quyền một lần nữa âm mưu cướp sạch 59 ha đất đồng Sênh trên danh nghĩa ‘đất quốc phòng’. Cuộc chiến đấu với cái ác lại bắt đầu sôi sục. Một lần nữa, Đồng Tâm lại tràn ngập mối nguy biến vỗ mặt Bộ Chính trị đảng cho một cơn khủng hoảng, nhưng còn có thể biến thành ‘khủng hoảng máu’ giữa những người dân quyết tử giữ đất trước một chính quyền tham tàn.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 01/05/2019
Cuối tháng Tư năm 2019 nhà cầm quyền một lần nữa muốn cướp sạch 59 ha đất đồng Sênh trên danh nghĩa ‘đất quốc phòng’.
Cam kết ba điểm của Nguyễn Đức Chung - Ảnh minh họa
Âm mưu trên hiện hình trong buổi công bố "kết luận rà soát thanh tra đất đai Đồng Tâm" vào chiều ngày 25/4 ở Hà Nội.
Nguyễn Mạnh Hà, quan chức Tổ trưởng Tổ rà soát, thuộc Thanh tra Chính phủ đã dọn đường dư luận khi cho rằng Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm của Thanh tra Hà Nội công bố hồi tháng 7 năm 2017 là chính xác ; đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.
Ngay sau đó, quan chức Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội - đứng ra cam kết "tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu rõ hơn về nguồn gốc và quá trình sử dụng, quản lý đất đai tại sân bay Miếu Môn. Huyện Mỹ Đức và xã Đồng Tâm được giao sớm hoàn thiện 14 phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân đang ở khu vực này".
Đã rất rõ là những đông tác phối hợp trước sau của ‘liên minh ma quỷ’ (cụm từ mà bà con Đồng Tâm trực chỉ giới quan tham và nhóm lợi ích) đã âm thầm chuẩn bị phương án ‘cướp sạch’ trong những tháng qua, để nay chính thức đưa lên truyền thông công bố. Một chiến dịch càn quét lớn sắp bắt đầu.
Trong chiến dịch "rào làng chiến đấu" vào tháng 4/2017, Đồng Tâm đã trở nên mạnh mẽ với tinh thần đồng lòng và được dẫn dắt bởi giới cựu binh vốn đã quá quen với việc xây dựng "thế trận nhân dân". Nhưng nếu không có các trang mạng xã hội cùng nhiều tổ chức xã hội dân sự trong nước và ngoài nước, kể cả báo chí quốc tế cũng phải quan tâm và đưa tin liên tục, liệu Bộ Chính trị chóp bu của đảng có chịu "xuống nước" nhanh đến thế với một bản cam kết không chỉ ký sống mà còn lăn tay của Nguyễn Đức Chung ?
"Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian, công sức và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả" - ông Lê Đình Kình tuyên bố.
Ngay sau buổi công bố kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ rằng đất ở đồng Sênh là đất quốc phòng, một trong những trụ cột của phong trào phản kháng Đồng Tâm là ông Lê Đình Công một lần nữa tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ theo đuổi giải quyết tranh chấp theo pháp luật, nhưng "Nếu Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội cố tình vào cướp đất của người dân Đồng Tâm thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu và cũng sẵn sàng hủy diệt kẻ nào dám vào cướp đất." (RFA Việt ngữ).
Cho tới nay, những người mơ màng chính trị và theo thuyết cải lương nước đôi vụ Đồng Tâm chắc chắn đã phải nhận ra là trong bản cam kết viết tay mà Ủy viên trung ương đảng Nguyễn Đức Chung cắm mặt ký sống và lăn tay trước sự chứng kiến của hàng ngàn người dân Đồng Tâm vào tháng 4 năm 2017, có cam kết về ‘chỉ đạo điều tra xác minh kẻ bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình’. Nhưng cũng như bao lần bọt liếm quanh môi, thói tráo trở đầu môi chót lưỡi luôn là một đặc thù riêng có của chế độ lấy bóc lột và đàn áp dân làm… gốc.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 28/04/2019
Người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, hôm 25/4 bày tỏ bức xúc trước kết luận mới của Thanh tra Chính phủ xác nhận kết luận trước đó của Thanh tra Hà Nội, khẳng định toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là thuộc đất quốc phòng.
Thanh tra Chính phủ, vào ngày 25/04/19 công bố khu đất 59 héc-ta đất tại đồng Sênh thuộc Quốc phòng. RFA
Ông Lê Đình Công, người dân Đông Tâm, nói với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 25/4 qua điện thoại :
"Thực tế Thanh tra Chính phủ cưỡi ngựa xem hoa, không về thực địa, không cùng nguyên đơn để kiểm tra và đối thoại về tất cả các văn bản giấy tờ. Chúng tôi sẽ kiện ra Tòa Tối cao, nếu Tòa Tối cao vẫn xử thế này thì chúng tôi sẽ kiện ra Tòa Quốc tế".
Tại buổi công bố kết luận rà soát thanh tra đất đai Đồng Tâm vào chiều ngày 25/4 ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ rà soát, thuộc Thanh tra Chính phủ nói rằng Kết luận Thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm của Thanh tra Hà Nội công bố hồi tháng 7 năm 2017 là chính xác ; đồng thời xác định khiếu nại của ông Lê Đình Kình cùng người dân Đồng Tâm liên quan diện tích đất nông nghiệp 59 héc-ta ở đồng Sênh là không đúng.
Thanh tra Hà Nội vào hôm 25/07/17 chính thức công bố xác định toàn bộ diện tích hơn 239 héc-ta ở sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức từ năm 1981 đến này do các đơn vị Quốc phòng quản lý và sử dụng nhưng đã bộc lộ buông lỏng quản lý trong thời gian dài qua việc tiếp tục để người dân canh tác nông nghiệp vào khi hợp đồng hết hạn hồi năm 2012, đồng thời các đơn vị Quốc phòng chưa di dời các hộ dân sinh sống tại khu vực này trước năm 1980 để các hộ lấn chiếm, cho tặng, chuyển nhượng, xây dựng công trình trái phép…
Vụ việc "Khủng hoảng Đồng Tâm" nổ ra vào ngày 15 tháng 4 năm 2017 khi chính quyền xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội tiến hành cưỡng chế, theo thông báo mảnh đất hơn 100 héc-ta tại đồng Sênh, ở thôn Hoành là đất quốc phòng và thu hồi để giao lại cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Người dân xã Đồng Tâm lên tiếng rằng trong đó có 59 héc-ta là đất canh tác nông nghiệp của họ bao đời nay. Chính quyền địa phương bắt giữ 4 người dân với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" liên quan việc giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm, khi họ phản đối chính quyền cắm mốc sai ranh giới. Lập tức người dân Đồng Tâm đã phản kháng lại lực lượng chức năng qua việc bắt giữ 38 cảnh sát cơ động và cán bộ làm con tin, để yêu cầu được đối thoại với Chính quyền thành phố Hà Nội. 7 ngày sau đó, toàn bộ con tin được thả khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đích thân đối thoại với người dân Đồng Tâm.
Ông Nguyễn Đức Chung, trong buổi tiếp xúc với người dân Đồng Tâm vào ngày 22/04/2017, đã gọi vụ việc xảy ra là "Khủng hoảng Đồng Tâm" và cam kết rằng sẽ giải quyết đến nơi đến chốn cũng như không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân ở đây.
Trước đó vào ngày 7 tháng 7 năm 2017, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Dự thảo kết luận của Thanh tra Hà Nội được công bố, khẳng định rằng khu vực đất 59 héc-ta tại đồng Sênh là thuộc Quốc phòng.
Trong buổi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về đất đai ở Đồng Tâm, bên cạnh thông báo kết luận của Thanh tra Hà Nội là chính xác, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh rằng Tổ rà soát phát hiện ra có những sơ hở trong việc quản lý đất đai trên địa bàn xã Đồng Tâm, khiến cho người dân sử dụng đất và cho rằng là đất canh tác nông nghiệp của họ trong khi về mặt pháp lý lại là đất quốc phòng từ lâu.
Điều đáng chú ý tại buổi công bố kết luận thanh tra về đất đai Đồng Tâm của Thanh tra Chính phủ là có sự tham dự của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung và đại diện của các cơ quan sở, ngành, địa phương liên quan nhưng lại không có sự xuất hiện của người dân Đồng Tâm. Đài RFA liên lạc với Luật sư Trần Vũ Hải, một luật sư tư vấn pháp lý cho người dân Đồng Tâm để tìm hiểu xem vì sao người dân Đồng Tâm không được mời tham dự buổi công bố kết luận thanh tra mà họ chờ đợi suốt hai năm qua và được ông cho biết :
"Về vấn đề này chúng tôi đang nghiên cứu. Nhưng theo tôi rất đáng tiếc là luật sư và người dân Đồng Tâm không được trao đổi trước khi công bố kết luận. Trước mắt tôi chỉ có thể phát biểu như thế thôi".
Người dân Đồng Tâm thả 38 con tin vào ngày 22/04/17 khi Chủ tịch thành phố Hà Nội đến địa phương đối thoại. AFP
Ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố đất canh tác nông nghiệp ở đồng Sênh là đất quốc phòng hồi tháng 7 năm 2017, người dân Đồng Tâm cho biết họ rất thất vọng và bất bình. Tuy nhiên, người dân Đồng Tâm tuyên bố họ vẫn tin cậy vào Đảng và Chính quyền sẽ công tâm đúng theo luật pháp, đồng thời gửi đơn thư khiếu nại lên Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội với đề nghị nhanh chóng giải quyết vụ việc này. Ông Lê Đình Công chia sẻ :
"Từ năm 2017, rất nhiều lần chúng tôi đã yêu cầu rằng nếu có bằng chứng cơ sở pháp lý để chứng minh 59 héc-ta đất đồng Sênh của chúng tôi là đất quốc phòng thì sau 3 tiếng đồng hồ chúng tôi sẵn sàng giao đủ toàn bộ 59 héc-ta đất này cho Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Và kể cả bây giờ, nếu có bằng chứng đưa ra thì chúng tôi vẫn bàn giao trong 3 tiếng đồng hồ. Nhưng hoàn toàn là người ta không có một bằng chứng gì, mà chỉ kết luận một cách vu vơ là theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Đồng Tâm, toàn bộ đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng. Quyết định thu hồi đất 113 của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Đỗ Mười chúng tôi có đủ cả, chỉ có thu hồi 47,36 héc-ta. Quyết định 386 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình là chỉ có bàn giao 47,36 héc-ta cho Quốc phòng".
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng từng đưa ra nhận định "Khủng hoảng Đồng Tâm", theo cách gọi của ông Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung là một vụ khủng hoảng lớn mang tầm cỡ "an ninh quốc gia" hay thậm chí là "điểm nóng chính trị", chứ không không đơn thuần ở cấp độ như "điểm nóng xã hội", "khiếu kiện đông người" hay "gây rối trật tự công cộng".
Do yếu tố đặc biệt của vụ việc "Khủng hoảng Đồng Tâm" mà Luật sư Lê Công Định từng cho rằng cần phải có thanh tra độc lập, ngay sau khi Thanh tra Hà Nội công bố Dự thảo Kết luận thanh tra về đất đai Đồng Tâm hồi tháng 7 năm 2017. Luật sư Lê Công Định giải thích :
"Việc ông Nguyễn Đức Chung, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, công bố một dự thảo thanh tra, xét về phương diện thủ tục thì sai về mặt pháp lý. Lý do là việc thanh tra bao giờ cũng được tiến hành độc lập với các cơ quan hành pháp. Bởi vì việc thanh tra ở đây là thanh tra những hoạt động, những công việc, những hành vi mà nhân viên công vụ và Cơ quan Hành pháp thực hiện. Cho nên, tại sao một bản Dự thảo Thanh tra chưa hoàn tất lại có thể công bố ngay cho Cơ quan hành pháp do ông Nguyễn Đức Chung đại diện. Điều đó đối với tôi, hoạt động thanh tra mất đi tính cách độc lập mà theo quy định của Pháp luật Việt Nam hiện hành thì hoạt động thanh tra hoàn toàn độc lập".
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư tham gia trong nhóm Luật sư Lộc Hưng, tư vấn pháp lý cho người dân ở vườn rau Lộc Hưng, thành phố Hồ Chí Minh bị cưỡng chế hồi đầu tháng 1 năm 2019 cho biết ông không lấy làm lạ sau khi nghe Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về đất đai Đồng Tâm vào ngày 25 tháng 4 năm 2019. Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA :
"Tại vì cơ quan Thanh tra Chính phủ không phải là cơ quan thanh tra độc lập, mà lại thuộc về Chính phủ. Do vậy dù muốn dù không đi nữa thì chắc chắn Thanh tra Chính phủ chiếu theo cơ sở pháp lý thế nào chăng nữa thì họ vẫn buộc phải có những lời lẽ, những nhận định và những đánh giá có lợi cho phía Chính phủ. Chính điều này chứng tỏ rằng việc thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ là việc làm vô ích vì không tiếp cận được sự thật khách quan".
Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liên quan các vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân diễn ra trong các thập niên qua, điều cần nhất mà Nhà nước Việt Nam phải làm gì để giải quyết một cách hiệu quả những vụ thưa kiện như của người dân ở Đồng Tâm, ở Dương Nội, ở Thủ Thiêm, ở Lộc Hưng…Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu lên quan điểm của ông :
"Điều cần nhất để phân định đúng sai trong việc này là cần phải có một cơ quan tài phán độc lập, tức là toàn án. Với những gì Việt Nam đang có như luật pháp và các cơ quan thiết chế hiện nay thì hầu như không làm được gì cả. Nếu sửa vấn đề này thì thật ra phải sửa từ gốc, sửa từ thể chế và trong thể chế đó phải bảo đảm có tòa án độc lập chỉ xét xử dựa vào luật pháp mà thôi, không lệ thuộc vào chính quyền. Khi nào được như vậy thì mới có thể giải quyết vấn đề là ai đúng, ai sai".
Trong cùng năm 2017 xảy ra "Khủng hỏang Đồng Tâm", Thanh tra Bộ Tài Nguyên-Môi Trường vào tháng 7 cho biết trong tổng số hơn 1.500 lượt đơn khiếu nại trong nửa đầu năm 2017, có đến hơn 95% liên quan đến vấn đề đất đai.
Cụ Lê Đình Kình, từng đại diện cho người dân Đồng Tâm tuyên bố rằng người dân Đồng Tâm luôn tuân thủ luật pháp, nhưng sẽ tuyên chiến với những ai rắp tâm lấy đất canh tác nông nghiệp của họ không theo quy định pháp luật :
"Dân Đồng Tâm bây giờ nói thẳng đây là giặc nội xâm cướp đất này. Dân Đồng Tâm cương quyết tuyên chiến với giặc nội xâm. Bất kể ai không có quyết định thu hồi đất mà vào đây cướp đất thì dân Đồng Tâm sẽ sẵn sàng chiến đấu và nhiều người sẽ sẵn sàng hy sinh. Anh em chúng tôi đương đầu cả về đầu tư, tài chính, kinh tế, thời gian, công sức và thậm chí cả xương máu như tôi. Đây là quyền lợi của toàn dân, hoàn toàn không vì một cá nhân nào cả".
Ông Lê Đình Công, ngay sau buổi công bố kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ rằng đất ở đồng Sênh là đất quốc phòng, một lần nữa tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ theo đuổi giải quyết tranh chấp theo pháp luật, tuy nhiên ông nói :
"Nếu Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cố tình vào cướp đất của người dân Đồng Tâm thì chúng tôi sẵn sàng đổ máu và cũng sẵn sàng hủy diệt kẻ nào dám vào cướp đất".
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 25/04/2019
Hôm 22/04/2019, kỷ niệm tròn 2 năm ngày ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội về xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội) ký bản "Cam kết 3 điểm" với người dân Đồng Tâm để giải thoát 38 cán bộ Đảng và Cảnh sát cơ động của Thành phố Hà Nội bị người dân nơi đây bắt làm "con tin".
Bản Cam kết 3 điểm ngày 22/04/2017 ký với người dân Đồng Tâm
Đây có lẽ là sự kiện hy hữu và cũng là lần đầu tiên kể từ sau năm 1945, khi Đảng cướp được chính quyền từ Chính phủ Trần Trọng Kim, một Ủy viên Trung ương Đảng phải viết và ký cam kết trước người dân với sự chứng kiến của các luật sư và ĐBQH, còn chính quyền cấp xã phải viết xác nhận rồi ký tên, đóng dấu chứng thực chữ ký của cấp trên của mình là Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội là "đúng người thực, việc thực" !
Ngày 15/4/2019 vừa qua, người dân Đồng Tâm kỷ niệm long trọng 2 năm ngày xảy ra biến cố ở địa phương mình. Đọc diễn văn khai mạc, ông Bùi Viết Hiểu, một thành viên trong Tổ Đồng thuận, người được coi là "Tham mưu trưởng" của Đồng Tâm, tiết lộ một bí mật được giữ kín suốt 2 năm qua :
"Hôm nay chúng tôi muốn công bố một hồ sơ tuyệt mật mà chúng tôi đã giữ kín trong suốt 2 năm qua : Đó là bản danh sách sỹ quan của Thi đội 2 được bố trí ăn ngủ tại các phòng VIP ở trường bắn Miếu Môn trong những ngày xảy ra biến cố. Với 25 phòng có trang bị điện thoại di động và bộ đàm chỉ huy để phối hợp tác chiến giữa gần 100 sĩ quan chỉ huy, 200 Cảnh sát cơ động và hơn 500 chiến sỹ tinh nhuệ của Quân khu Thủ đô, bao gồm bộ đội đặc công, lính cứu hỏa... kèm theo các thiết bị phụ trợ như súng bắn tỉa, súng laze, chó nghiệp vụ và cả máy bay trực thăng".
Nếu thông tin trên chính xác thì đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, Đảng và Chính phủ không thể bỏ qua, phải xem xét nghiêm túc vấn đề này ! Cho dù chính quyền có nhận được tin báo là ở xã Đồng Tâm "đang có bạo loạn", có nhất thiết cần động binh một lực lượng vũ trang hùng hậu như vậy không ? Người dân khẳng định đây là tin bịa đặt của những kẻ chủ trương dùng bạo lực để cướp đất của dân. Việc tranh chấp giữa người dân xã Đồng Tâm với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel và chính quyền huyện Mỹ Đức về việc sử dụng 59ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh chỉ là tranh chấp dân sự, mâu thuẫn này chỉ là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, hà cớ chi phải huy động một lực lượng vũ trang hùng hậu như vậy ? Quân đội (lực lượng vũ trang) là để chống ngoại xâm, chứ đâu phải là để chống người dân hiền lành, không một tấc thép trong tay ! Với cách nhìn của một sỹ quan an ninh đã nhiều lần về Đồng Tâm, và có thâm niên hơn 42 năm trong ngành, tôi khẳng định ở Đồng Tâm không có địch !
Còn trong bài phát biểu sau đó của mình, cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi đời và 55 tuổi Đảng, người được coi là thủ lĩnh tinh thần và "già làng" của Đồng Tâm, đã đưa ra nhận định rất chuẩn xác như sau :
"Chúng tôi nhận định việc ông Chung về tận xã Đồng Tâm trực tiếp đối thoại với người dân nơi đây, viết và ký bản "Cam kết 3 điểm" nhất thiết phải có chuẩn sự thuận và chỉ đạo trực tiếp của BCT và BBT, chứ cá nhân ông Chung không thể tự mình quyết định. Đồng thời chúng tôi coi bản "Cam kết 3 điểm" không chỉ là lời hứa danh dự của người đứng đầu bộ máy chính quyền Thủ đô, mà còn là cam kết chính trị, cam kết pháp lý và đạo lý của Ban lãnh đạo Đảng đối với dân do một Ủy viên Trung ương Đảng đứng ra cam kết !".
Rồi cụ cho biết thêm : "Tranh chấp và căng thẳng giữa dân Đồng Tâm bắt đầu nảy sinh từ giữa năm 2016 khi Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức ép buộc đảng viên, cán bộ xã Đồng Tâm ký xác nhận 59ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh là "đất quốc phòng" để giao cho Tập đoàn Viettel xây dựng nhà máy sản xuất, bất chấp đây là đất nông nghiệp do người dân đã canh tác và sử dụng liên tục trên nửa thế kỷ qua, không có tranh chấp với bất cứ ai ! Nhiều công dân và đảng viên cao tuổi xã Đồng Tâm khẳng khái tuyên bố, cho dù có bị chặt đầu, họ vẫn khẳng định đất cánh đồng Sênh là đất nông nghiệp, không phải đất quốc phòng"
Cụ lưu ý toàn thể bà con trong xã :
"Đặc biệt, xin bà con lưu ý, cách đây 3 năm, ngày 6/4/2016, tại trụ sở UBND Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung đã cùng Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel ký kết "Văn bản Hợp tác Đầu tư" dưới sự chứng kiến của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, trị giá hợp đồng là 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ VNĐ), trong đó có điều khoản "UBND Thành phố Hà Nội có trách nhiệm tháo gỡ khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng ở huyện Mỹ Đức để Viettel xây dựng nhà máy sản xuất" ! Xin lưu ý bà con câu : "để Viettel xây dựng nhà máy sản xuất", chứ không phài là công trình quân sự A1 như ông Chung nói sau này ! Đến nay, có thể khẳng định đây chính là lý do để 59 ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh bỗng nhiên bị ép xác nhận là "đất quốc phòng" !
Cụ cho biết, ngày 15/4/2018, nhân kỷ niệm 1 năm ngày xảy ra biến cố Đồng Tâm, 9 đảng viên và công dân tiêu biểu của xã Đồng Tâm, thay mặt nhân dân toàn xã gửi Tâm thư đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và toàn thể Ban chấp hành trung ương Khóa 12 nhân dịp Hội nghị trung ương họp lần thứ 7 (ngày 7 đến 12/5/2018) để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và mong muốn của người dân Đồng Tâm. Nhưng 1 năm đã trôi qua, 9 đảng viên và công dân trên không hề nhận được thư hồi âm nào !
Còn lần này, nhân kỷ niệm 2 năm ngày xảy ra biến cố Đồng Tâm, thay mặt các đảng viên lão thành trong Tổ Đồng thuận, cụ đề đạt với Trung ương 3 kiến nghị sau (trích nguyên văn) :
Một là, Ban Dân vận Trung ương nên bố trí gặp và làm việc với 9 đảng viên và công dân ký Tâm thư gửi Hội nghị trung ương 7 để tìm hiểu căn nguyên, khúc mắc của người dân nơi đây, xem họ có thuộc loại thoái hóa, biến chất và phản động không ?
Hai là, Ủy ban Kiểm tra trung ương phải kiểm tra Thành ủy Hà Nội và Huyện ủy Mỹ Đức có ép tất cả các Đảng viên và cán bộ xã Đồng Tâm phải ký vào giấy "xác nhận 59 ha đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng" không ? Nếu có, thì thực sự việc này có động cơ và nhằm mục đích gì ?
Ba là, Thanh tra Chính phủ kiểm tra nội dung "Văn bản Hợp tác Đầu tư" được ký kết giữa Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội với Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel ngày 6/4/2016 xem văn bản này có điều gì khuất tất, có điều khoản nào mờ ám và gây hại cho bên thứ ba không ?".
Nói về nguyên nhân và hệ qủa của việc Đảng bộ Hà Nội và Huyện ủy Mỹ Đức khai trừ và cách mọi chức vụ đối bà Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Lan, cụ Kình nhận định : "Đây là sự thể hiện tư duy và não trạng hẹp hòi, cổ hủ của Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội bằng việc lấy oán trả ân, thẳng tay trù dập và loại bỏ đảng viên liêm chính, trong sạch ! Người dân Đồng Tâm khẳng định bà Lan là một đảng viên liêm khiết, chân chính, không nằm trong bất cứ đường dây tham nhũng nào, được nhân dân toàn xã rất qúy trọng và tin tưởng !".
Cụ Kình cho biết tiếp :
"Trong 8 ngày xảy ra biến cố (15 đến 22/4/2017), bà Lan giữ vai trò hết sức quan trọng. Chính bà đã đứng ra tác động và thuyết phục để 38 cán bộ và Cảnh sát cơ động bị bắt giữ làm con tin được đối xử nhân văn, được ăn uống, tắm rửa đầy đủ, đặc biệt không ai bị tra khảo, đánh đập, trong khi toàn bộ dàn lãnh đạo khác, từ Đảng ủy đến UBND xã, bỏ nhiệm sở trốn mất tăm, không một ai có mặt ! Thử hỏi những ngày xảy ra biến cố, nếu không có vai trò của Bí thư Đảng ủy Nguyễn Thị Lan, ai dám chắc tình hình sẽ không rẽ theo ngả khác Chính bà Lan là người đứng ra chủ trì đón tiếp và động viên ông Chung trong buổi đối thoại hôm 22/4/2017, và là người thay mặt các bên đọc to trước loa phóng thanh bản "Cam kết 3 điểm" của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trước sự reo hò vang dậy của 1000 người dân có mặt ! Lấy lý do "bỏ nhiệm sở" để khai trừ và cách chức bà Lan, quả là chuyện ngược đời ! Tuyệt đại đa số người dân Đồng Tâm cho rằng lý do thực sự là do bà Lan đã "Kiên quyết từ chối, không chịu ký xác nhận đất đồng Sênh là đất quốc phòng" theo chỉ thị của Huyện ủy Mỹ Đức !
Cụ Kình nhận định và đánh gíá về việc kỷ luật bà Lan như sau : "Việc khai trừ và cách chức bà Lan là một vết nhơ đối với Đảng, qua đây có thể rút ra kết luận sau : Không ai có thể làm suy yếu và bôi nhọ Đảng cộng sản Việt Nam hơn mấy vị lãnh đạo Thành ủy Hà Nội khi đã vô ơn và cố tình trả thù một đảng viên trung thực, khẳng khái, người đã xác định bọn tham nhũng là giặc nội xâm, và được quần chúng nhân dân yêu quý, tin tưởng như bà Nguyễn Thị Lan ! Và có lẽ cũng chẳng ai có thể làm mất thể diện bộ máy chính quyền Thủ đô hơn mấy ông bà lãnh đạo UBND, HĐND Hà Nội khi huy động một lực lượng hùng hậu đến 1 tiểu đoàn Cảnh sát cơ động về trụ sở UBND xã Đồng Tâm từ mờ sáng chỉ để tiến hành thủ tục cực kỳ thô thiển và trắng trợn để bãi nhiệm bằng được chức danh Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm đối với bà Lan vào sáng 13/12/2017. Việc trên chẳng khác nào một phiên tòa xét xử một tội phạm hình sự ! Đây mãi mãi là vết nhơ đối với chính quyền Thủ đô Hà Nội" !
Trên là cập nhật thông tin mới nhất về Đồng Tâm. Xin cảm ơn sự chia xẻ cuả bạn đọc xa gần.
Nguyễn Đăng Quang
Nguồn : VNTB, 22/04/2019
Tôi nghĩ Đồng Tâm cũng như chuyện của cả nước thu nhỏ lại thôi.
L. S Hà Huy Sơn
Cuộc đấu tranh giữ đất của nhân dân Đồng Tâm bước sang cục diện mới. Cụ Lê Đình Kình (ngồi giữa) - Ảnh minh họa
Tôi mém viết hồi ký mấy lần, lần nào cũng đang lúc chuyến choáng hơi men. Ngủ một giấc, thức dậy, ngẫm nghĩ thấy đời mình chán như con gián và nhạt còn hơn nước ốc nữa – chả có cái con mẹ gì để mà "ký" cả – nên... thôi !
Thôi, không viết thì đọc vậy. Cho nó đỡ buồn. Năm ngoái, tôi coi lại nguyên bộ Trả Ta Sông Núi của Đại tá Phạm Văn Liễu. Năm nay, nghe Đinh Quang Anh Thái dụ, tôi đặt mua cuốn Hồi Ký Tống Văn Công – do Người Việt Books vừa xuất bản.
Tống Văn Công cùng quê với Xuân Vũ. Cả hai ông đều là dân miền Nam nên không biết làm dáng, cũng không quen mầu mè (riêu cua) gì ráo, viết cứ như nói, và nghĩ sao thì nói vậy thôi. Xin coi chơi một đoạn ở chương dẫn nhập :
"Tôi cứ tưởng ông già Ba Tri là chỉ những vị nổi tiếng của quê tôi như Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Phan văn Trị nhưng ông nội tôi bảo sự tích này có từ thời Minh Mạng : Ông Trần văn Hạc, Hương cả của làng An Hòa Tây cho đắp con đập ngăn vàm rạch làm tắc nghẽn đường ghe chở hàng hóa vào chợ Ba Tri.
Dân chúng cả vùng phát đơn kiện, nhưng thế lực Trần Văn Hạc quá mạnh, quan tổng, quan huyện, quan tỉnh đều xử ông ta thắng kiện. Bà con bàn bạc cử ba ông già có uy tín nhất vùng là Thái Hữu Kiếm, Nguyễn Văn và Lê Văn Lợi mang đơn ra Huế kiện lên triều đình.
Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn. Vua Minh Mạng cho các ông vào chầu tấu trình sự việc. Vua nghe xong, hạ chiếu cho các ông thắng kiện. Từ đó, danh xưng ‘ông già Ba Tri’ là chỉ những cụ già nhưng chí khí không già, dám dũng cảm bảo vệ lẽ phải".
Thiệt, đọc mà ái ngại hết sức : "Các ông này đi bộ qua nhiều vùng rừng hoang vắng nguy hiểm, mất mấy tháng trời mới tới Huế, nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn". May mà còn gặp vị vua nhân đức ("hạ chiếu cho các ông thắng kiện") chớ không thì công cốc.
Thời nay lỡ xẩy ra những chuyện oan khuất tương tự thì chả ai còn phải cất công đi lại xa xôi như vậy nữa. Địa phương nào cũng có hội đồng nhân dân các cấp, trên nữa là quốc hội. Thêm vào đó là hàng ngàn tờ báo, chưa kể vô số các cơ quan truyền thông, mọi chuyện khuất tất đều sẽ bị phơi bầy trước công luận tức thì nên mấy ông già Ba Tri bị thất nghiệp là cái chắc (và cũng hết còn đất sống) đúng không ?
Không !
Tưởng vậy chớ không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng năng thối. Năm rồi, xã Đồng Tâm vừa xuất hiện một ông già Ba Tri khiến cả nước phải giật mình kinh ngạc. Ông được Tạp Chí Luật Khoa bình chọn là một trong "Mười Nhân Vật Chính Trị Việt Nam Năm 2017", cùng với không ít lời ưu ái :
"Trước tháng 4/2017, công chúng không biết Lê Đình Kình là ai. Vụ chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội xô xát và bắt giữ ông cụ 82 tuổi này vào ngày 15/4 đã thổi bùng làn sóng phản đối của người dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm, vốn đang có tranh chấp đất đai tại khu vực đồng Sênh.
Tất cả những diễn biến sau đó cho người ta thấy hình ảnh của một lãnh đạo cả về tinh thần lẫn quyết sách của những người nông dân Đồng Tâm. Ngoài trí tuệ minh mẫn và khả năng trình bày khúc chiết, ông Lê Đình Kình hội tụ nhiều yếu tố để trở thành người được tín nhiệm ở một làng nông thôn Bắc Bộ...".
Về vụ "xô xát" nói trên, nhà báo Nguyễn Đình Ấm cho biết thêm chi tiết :
"Việc ngày 15/4/2017 ba sĩ quan quân đội và đội cảnh sát, an ninh công an Hà Nội mời dân ra đồng Sênh ‘kiểm tra mốc giới’ khi đến mốc 15-20thì nổ súng uy hiếp, trung tá Trần Thanh Tùng phó công an huyện Mỹ Đức đá cụ Kình văng 2m rồi cùng ‘côn đồ mặc quần bò, áo thun’ xốc nách cụ đưa lên ô tô khóa tay, bịt miệng đồng thời bắt 4 người nữa chở lên Hà Nội thẩm vấn, tra khảo…".
Ông già Ba Tri của xã Đồng Tâm – huyện Mỹ Đức – bị "côn đồ đấm đá, tra khảo" nhưng cả trăm đại diện của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đều câm như hến. Còn Đại biểu quốc hội Đào Thanh Hải thì đứng về phía... công an, để vu cáo nạn nhân : "Gia đình ông Lê Đình Kình đã xông vào chống lại lực lượng thi hành nhiệm vụ, giằng co và xảy ra việc ông Lê Đình Kình bị gãy chân" – theo như tường trình của báo Người Lao Động, đọc được vào hôm 7 tháng 11 năm 2017.
Đại tá Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội, Đại biểu quốc hội Đào Thanh Hải : Công an Thành phố Hà Nội thực thi nhiệm vụ hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Ảnh : Quochoi.vn
Một năm sau, trên trang Tiếng Dân – đọc được vào ngày 6 tháng 8 năm 2018 – Nguyễn Đăng Quang (một nhà báo tận tụy và đặc biệt quan tâm về sự việc Đồng Tâm) cho biết :
"Cuộc khủng hoảng Đồng Tâm vẫn đang bế tắc. Người dân đã hai lần gửi TÂM THƯ đến Hội nghị Trung ương 7 và Kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội vừa qua, nhưng không có ai trả lời họ. Mới đây, cụ Lê Đình Kình, người được coi là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm, với danh nghĩa người bị hại trong biến cố Đồng Tâm, đã gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội và bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban này một "Thư công dân gửi Đại biểu Quốc hội".
Thư gửi qua ‘Chuyển phát nhanh’, song đến nay đã hơn 2 tháng mà chẳng một ai hồi âm hay phúc đáp cả !
Cụ Kình nhờ tôi hỏi giúp việc này. Tôi có điện hỏi bà Lê Thị Nga, được bà cho biết là chưa nhận được, và đề nghị tôi nhắn cụ Kình gửi lại cho riêng bà, đừng gửi cho ai khác...
Trong cuộc khủng hoảng Đồng Tâm, người viết bài này cũng như tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần hồi đáp đơn thư và các nguyện vọng, kiến nghị của người dân".
Khi đất nước còn ở trong tình cảnh một cổ hai tròng (thực dân & phong kiến) nếu bị đám quan lại địa phương ức hiếp, mấy ông già Ba Tri thời trước chỉ cần mất vài tháng đi bộ từ quê mình ra đến kinh đô – nổi trống kêu oan ở cửa Ngọ Môn – rồi chầu tấu trình sự việc là... kể như xong. Còn bây giờ "tuyệt đại đa số người dân đều mong muốn Trung ương Đảng, Quốc hội và các cơ quan chức năng hồi đáp đơn thư" thôi nhưng điều "mong muốn" giản dị này – xem ra – vẫn hơi có vẻ xa vời, nếu chưa muốn nói là xa xỉ.
Chúng ta đang sống vào cái thời đại (thổ tả) gì vậy, hả Trời ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 27/08/2018 (tuongnangtien's blog)
Vụ đám tham nhũng ở Hà Nội và Bộ Quốc phòng mưu toan chiếm 59 ha cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm diễn ra năm 2016-2017 nếu ai chỉ nghe, xem những gì thể hiện trên các cơ quan truyền thông quốc doanh thì thấy : Cả nghìn, vạn dân ở đây bị kích động, tham lam, cố tình nhận vơ đất quốc phòng để đòi bồi thường, ngoan cố chống lại cơ quan nhà nước, bắt giam người trái pháp luật...
Bài viết ngang ngược của báo Hà Nội Mới
Tuy nhiên, khi xem xét các tài liệu liên quan,khảo sát thực địa, trao đổi với bà con, đọc các bản tường trình của các cảnh sát cơ động và đặc biệt, đến nay phía quân đội D28- người quản lý 208 ha đất dự án sân bay Miếu Môn- đã từng thừa nhận, đã đào hào rạch gianh giới giữa 47,36 ha đất của dự án thuộc xã Đồng Tâm và 59 ha đất nông nghiệp cánh đồng Sênh của dân Đồng Tâm... chúng tôi không khỏi giật mình vì sự vô lương, đồi bại đạo đức của những phóng viên,tờ báo này.
Ngoài VTC1 hầu hết các báo quốc doanh chỉ đăng tin một phía quan chức, thanh tra Hà Nội mà không đăng ý kiến của người dân đã là xuyên tạc sự thật nhưng nhiều cơ quan báo còn đi xa hơn, a dua với tham nhũng vu cáo một cách hèn hạ dân Đồng Tâm và những người ủng hộ sự thật, ủng hộ dân.
Đi "tiên phong" trong "sự nghiệp" này là báo Hà Nội Mới, cơ quan của thành ủy Hà Nội. Cách đây 10, 20 năm tôi đã là cộng tác viên tích cực, thường xuyên của báo này nhưng những năm gần đây tôi không bao giờ ngó tới tờ báo đó nữa vì sự "bảo hoàng" về tư tưởng, lối làm báo, viết lách cổ lỗ, giáo điều, đặc biệt là vu khống những cuộc biểu tình chống chặt hạ 6.700 cây xanh, chống Trung Quốc xâm lược, Formosa... của dân Hà Nội. Người cầm bút ăn cơm, mặc áo dân làm ngơ không phục vụ tổ quốc, nhân dân đã là bất trung, bất hiếu lại còn vu khống, phỉ báng những người xuống đường vì môi trường sống, vì toàn vẹn của giang sơn tổ quốc, đứng về phía những kẻ cướp bóc nguồn sống chính đáng duy nhất của dân Đồng Tâm là thứ nhân cách tồi tệ, một sự đồi bại về đạo đức của người cầm bút.
Bênh vực dân Đồng Tâm, bà Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm, trong cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ngày 22/4/2017 - đã bị bãi nhiệm ngày 13/12/2017 - Ảnh : Zing
Trong vụ Đồng Tâm, trong khi những người không phải, không còn cầm bút như đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, kiến trúc sư Trần Thanh Vân, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình... đã 70, 80 tuổi về tận Đồng Tâm để tìm hiểu viết bài phản ánh đúng sự thật thì những nhà báo trẻ, khoẻ, ăn cơm, mặc áo dân, đầy đủ trang thiết bị ngồi ở phòng lạnh chỉ đăng những phát biểu của lãnh đạo, thanh tra, công an Hà Nội mà không đếm sỉa đến thực tế, ý kiến trung thực, tâm huyết của bà con nơi đây.
Hôm tôi về Đồng Tâm, bà con phẫn nộ đưa cho chúng tôi tờ Hà Nội Mới số ra ngày 3/11/2017 đăng bài : "Cơ quan thanh tra đã trả lời kịp thời, đầy đủ, các ý kiến của một số công dân xã Đồng Tâm" của phóng viên Bách Sen. Trong đó, bài báo chỉ đăng những ý kiến sai sự thật, lươn lẹo mưu đồ "làm rối trí người đọc" (lời Kiến trúc sư Trần Thanh Vân) về Đồng Tâm của chánh thanh tra Thành phố Hà Nội Nguyễn An Huy.
Ví dụ trong vụ này, trừ bí thư đảng ủy Nguyễn Thị Lan và dân Đồng Tâm phản đối kết luận của Thanh tra Hà Nội yêu cầu điều tra xử lý việc ngày 15/4/2017, công an Hà Nội, cán bộ điều tra hình sự bộ quốc phòng lừa dân ra đồng để xác định mốc giới nhưng khi xác định đến mốc 20-15 thì họ xin cụ Kình mời bà con về hết rồi nổ súng đánh bắt trói cụ Kình và 3 công dân chở ra số 7 Thuyền Quang tra khảo, thẩm vấn. Việc quân đội bỏ hoang cho thuê 208 ha đất thu của dân vi phạm luật đất đai, vô cảm với cuộc sống người dân... thì quý báo Hà Nội Mới không hề nhắc đến.
Và lời Nguyễn An Huy : "Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra mốc giới tại thực địa với sự chứng kiến của UBND xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức…" trong khi hầu hết quan chức ở cái ủy ban này từ đầu đứng về phía tham nhũng, cướp đất mà không hề nhắc đến bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lan là người không ký "công nhận" 59 ha đất cánh đồng Sênh là đất quốc phòng do tập đoàn tham nhũng đặt ra.
Ngang ngược hơn là bài báo : "Lật mặt những luận điệu sai trái lợi dụng sự việc xẩy ra ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức" của tác giả Hồng Đức đăng trên Hà Nội Mới điện tử ngày 18/4/2017.
Chỉ đọc qua bài này đã thấy kiểu phát ngôn lấy được, phát ngôn bừa bãi nhằm phụ họa cho hành vi sai trái của quan tham nhũng mà dân gian gọi là "nâng bi" lãnh đạo, vì tác giả chỉ quy kết chung chung không đưa ra bằng chứng gì về sai phạm của dân Đồng Tâm đồng thời phát ngôn bừa bãi "lật mặt" quy chụp những lão thành cách mạng, nhà văn, nhà báo về Đồng Tâm điều tra nói lên sự thật có bằng chứng rõ ràng. Người cầm bút nếu sợ mất đặc quyền, đặc lợi không dám mở miệng đứng về lẽ phải, về phía người đóng thuế nuôi mình đã đành mà còn công khai đứng về phía tham nhũng để mạt sát vô cớ, vô lễ những người đáng tuổi cha, chú mình đã tận tụy với lẽ phải với nhân dân là một sự quá sai trái về đạo đức.
Điều đáng sợ nữa là cơ quan truyền thông của Quốc hội, mang tên "người đại biểu nhân dân", nhưng qua clip "Thanh tra Hà Nội đã công bố toàn bộ dự thảo kết luận về…" thì thấy cái cơ quan "đại biểu của dân" này không quan tâm đến sự thật, ý kiến của hàng vạn dân Đồng Tâm mà chỉ phát tán bài phát biểu sai sự thật, có phần vu khống, đe nẹt dân do một số luật sư của chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung biên soạn. Qua đây người đọc có cảm tưởng nhân dân Đồng Tâm "nhận vơ" đất quốc phòng, "kích động" để "đòi bồi thường" và dân Đồng Tâm hãy coi chừng...
Như vậy, vụ Đồng Tâm đã phơi bày sự thật nhiều cơ quan, người làm báo quốc doanh ăn cơm, mặc áo dân nhưng đạo đức bị tha hóa, đồi bại, vô cảm, phản bội nhân dân.
Nguyễn Đình Ấm
Nguồn : VNTB, 18/06/2018
Sát thời điểm kỷ niệm tròn một năm vụ khủng hoảng Đồng Tâm và ngày ra đời của phong trào người dân Đồng Tâm tranh đấu chống cướp đất và chống nạn cường hào ác bá, đã phát lộ một hình ảnh reo báo "Tin Mừng" thứ hai cho kết quả đấu tranh quật cường của nhân dân : Tiểu đoàn 31 - một đơn vị quân đội được Bộ quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý đất quốc phòng ở khu vực Đồng Sênh, đã triển khai lực lượng đào hào xây tường rào dọc theo mốc giới cũ phân chia đất quốc phòng (sân bay Miếu Môn) và đất nông nghiệp của Đồng Tâm (đồng Sênh) - theo đúng nguyện vọng và cũng là một yêu sách của người dân Đồng Tâm.
Hình thực địa đào hào tại Đồng Tâm của quân đội. Ảnh : VNTB cắt từ videoclip
Động tác "đào hào xây tường" trên diễn ra vào ngày 31/3/2018, chỉ một hôm trước ngày Cá tháng Tư, mà nếu động tác trên xảy ra vào đúng vào ngày Một tháng Tư thì sẽ khó mà tin nổi đó là sự thật, thậm chí còn có thể bị cho là một trò lừa gạt mới của chính quyền và quân đội.
Động tác "đào hào xây tường" trên - dù mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ yêu sách của phong trào Đồng Tâm - nhưng mang một ý nghĩa rất quan trọng : nhiều khả năng sau một thời gian dài tổ chức chiến dịch tấn công phong trào Đồng Tâm trên nhiều mặt cùng nhiều thủ đoạn nhưng không những không mang lại kết quả khả dĩ nào mà còn bị thất bại cùng quá nhiều tai tiếng, thậm chí một số quan chức quân đội và công an còn phải chịu nguy cơ bị tống vào "lò" của Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh dầu sôi lửa bỏng trong nội bộ đảng năm 2018, giới quan chức Bộ quốc phòng, Cơ quan điều tra hình sự thuộc bộ này và Viettel (Tập đoàn Viễn thông quân đội, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp nếu "đánh chiếm" thành công 59 ha đất Đồng Sênh của xã Đồng Tâm) đã phải "buông" một phần mục tiêu "chiếm đất", phải thừa nhận phần đất "tranh chấp" là của người dân Đồng Tâm chứ không phải của phía quân đội như đã từng nhận vơ.
Động tác "đào hào xây tường" trên cũng là một bằng chứng trực tiếp phủ nhận hoàn toàn quan điểm "toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp" của Thanh tra Hà Nội - được chỉ đạo bởi Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội và cũng là "chính khách cộng sản" đã trở mặt với nhân dân Đồng Tâm dù đã phải ký sống và lăn tay vào bản cam kết với Đồng Tâm vào tháng Tư năm 2017.
Vào năm 2017, bất chấp nhiều phản ứng và bằng chứng được cung cấp bởi người dân Đồng Tâm, cơ quan thanh tra Hà Nội vẫn tung ra bản kết luận thanh tra về "toàn bộ là đất quốc phòng, không có đất nông nghiệp". Chính bản kết luận thanh tra này đã trở thành cái cớ chủ yếu để một cơ quan "anh em" khác - Cơ quan điều tra của Công an Hà Nội - cấp tập và hung hãn tổ chức một chiến dịch triệu tập, răn đe và cả "khủng bố" đe dọa bắt bớ đối với ít nhất 70 người dân Đồng Tâm, với mục tiêu cuối cùng là người dân nơi đây phải "buông" mục đích đòi lại phần đất chính đáng của họ.
Gần một năm trước, người dân Đồng Tâm đã giành thắng lợi đầu tiên và được xem là chưa từng có trên bình diện chống nạn cướp đất ở Việt Nam.
Vào ngày thứ 8 của cuộc khủng hoảng mang tên Đồng Tâm - 22 tháng Tư năm 2017, 6 ngàn người dân thượng tôn tinh thần đồng tâm cùng kỷ luật tổ chức cao đến mức kinh ngạc trong đấu tranh phản kháng đã giành được thắng lợi lớn chưa từng có trong lịch sử tranh đấu của dân oan Việt Nam : chính quyền phải cam kết sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm vì tội "bắt giữ người trái pháp luật".
Không hề dễ dàng để một cộng đồng nông dân đưa chính quyền vào thế buộc phải đàm phán và phải cam kết sẽ không truy tố họ. Sau chuỗi tranh đấu gian khổ của nhiều cộng đồng dân oan đất đai trước đây mà nhiều người trong số họ đã bị công an tống vào nhà giam từ năm này sang năm khác, khủng hoảng xã hội Việt Nam đã tiệm cận giới hạn bùng nổ và người dân, điển hình là ngư dân Hà Tĩnh và nông dân Đồng Tâm, đã vượt qua ranh giới sợ hãi trong lòng.
Tính chính nghĩa đương nhiên của họ trong việc bảo vệ môi trường sống và quyền được sống, tính hợp pháp của họ trong hành động phòng vệ chính đáng trước các lực lượng đàn áp của chính quyền càng vươn lên bao nhiêu, nỗi sợ hãi của giới quan chức chính quyền, công an cùng công cụ cảnh sát, an ninh càng run rẩy bấy nhiêu.
Sự nhượng bộ nhanh chóng của chính quyền Hà Nội trước nhân dân Đồng Tâm cũng cho thấy Bộ quốc phòng - được xem là cơ quan chủ quản của Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và có lợi ích mật thiết với diện tích đất nông nghiệp muốn thu hồi ở Đồng Tâm - đã không dám dùng lực lượng quân đội để tấn công vào nhân dân, khác hẳn với "trận đánh đẹp" công an và quân đội vào gia đình Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012.
Một sĩ quan quân đội giấu tên đầy bức bối : đừng có nói quân đội chung chung mà tội nghiệp, mà hãy tách biệt rõ ràng giữa những nhóm nhiều tiền lắm của, lợi dụng chính sách để trục lợi trong quân đội, với một tỷ lệ lớn hơn hẳn là những sĩ quan, chiến sĩ không liên quan gì đến các dự án kiếm tiền, càng không liên đới gì nạn tham nhũng trong quân đội. Chính khối sĩ quan và chiến sĩ ấy sẽ không cam tâm nghe lệnh cấp trên để quán triệt dân như lực lượng thù địch và tấn công dân. Quân đội Việt Nam vẫn còn giữ được một cái gì đó không cho phép chủ nghĩa lợi ích lũng đoạn…
Thắng lợi của nhân dân Đồng Tâm ngày hôm nay cũng chính là một chiến thắng trước các nhóm lợi ích tham tàn ở Việt Nam, đồng thời là một bài học xương máu cho những người vẫn còn quan niệm "có đảng là có tất cả".
Phạm Chí Dũng
Nguồn : CaliToday, 01/04/2018