Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đúng như tin tức rò rỉ trên mạng xã hội trước Đại hội 13, ông Nguyễn Phú Trọng đã chính thức tái đắc cử Tổng bí thư nhiệm kỳ 3. Đây là một trường hợp đặc biệt rất cần được phân tích và mổ xẻ vì nó ảnh hưởng lớn tới Đảng cộng sản cũng như tương lai Việt Nam.

Trước hết đây là một bất ngờ rất lớn với dư luận vì theo điều lệ Đảng cộng sản thì Tổng bí thư không được làm quá hai nhiệm kỳ, thứ hai là ông Trọng đã quá già và đang mang trọng bệnh.

Như anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã phân tích, Đại hội 13 diễn ra trong hoàn cảnh Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc và khủng hoảng. Họ vẫn tiếp tục kiên định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa khi tư tưởng Mác-Lênin đã được nhìn nhận là tội ác, nhảm nhí và tầm bậy. Họ vẫn từ chối dân chủ hóa đất nước. Đảng cộng sản không có bất cứ một dự án chính trị nào cho đất nước. Báo cáo chính trị của Đại hội 13 cho thấy rõ điều đó.

npt2

Người lãnh đạo cao nhất của một tổ chức phải đại diện cho đồng thuận và tư tưởng của tổ chức. Nguyễn Phú Trọng được chọn là vì lẽ đó.

Người lãnh đạo cao nhất của một tổ chức phải đại diện cho đồng thuận và tư tưởng của tổ chức. Nguyễn Phú Trọng dù già cả, lú lẫn, bệnh tật nhưng vẫn được lựa chọn vào chức vụ quan trọng nhất của đảng cộng sản vì ông là người cộng sản cuối cùng, là người duy nhất trong ban lãnh đạo đảng còn tin vào chủ nghĩa cộng sản một cách thành thật. Tất cả 200 ủy viên Ban chấp hành đều không còn ai tin vào cộng sản, tất cả họ đều biết là đang nói dối.

Nguyễn Phú Trọng là người tin tưởng mù quáng vào chủ nghĩa cộng sản, ông thành thật và hồn nhiên khi phát biểu : "Hiến pháp là văn kiện chính trị quan trọng thứ hai sau cương lĩnh của đảng", hay "Đừng tưởng là đại biểu quốc hội thì muốn nói gì thì nói". Đảng cộng sản tìm đâu ra một người thứ hai như vậy ?

Chúng ta cùng nhớ lại, tại Đại hội 12 ông Nguyễn Phú Trọng cho biết là rất bất ngờ khi được bầu làm Tổng bí thư với số phiếu rất cao. Lời ông có thể là sự thật. Theo chúng tôi thì Đại hội 13 đã không có sự đấu đá tranh giành khốc liệt ghế Tổng bí thư như các đại hội trước. Ông Trọng cũng không tham quyền cố vị như mọi người nghĩ mà ông được yêu cầu tiếp tục công việc đó vì Đảng cộng sản không tìm được người thay thế.

Nguyễn Phú Trọng giống như người cha già cả, bệnh tật và bất lực trong một gia đình đông con nhưng bất hòa, dù không còn làm được gì nhưng sự có mặt của ông giúp các con không sát phạt lẫn nhau, tương tự câu chuyện trong bộ phim "Mùa lá rụng" của đạo diễn Quốc Trọng.

Việc không kiếm được người thay thế ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy Đảng cộng sản hoàn toàn bế tắc và không có giải pháp. 5,1 triệu đảng viên có nhiều người tài nhưng do cơ chế sàng lọc "hồng hơn chuyên" nên những người có năng lực đều bị loại từ vòng gửi xe. Ông Trọng vừa già vừa bệnh tật nên có thể ra đi bất cứ lúc nào. Khi ông Trọng ra đi, các phe phái trong Đảng cộng sản sẽ tiếp tục đấu đá nhau cho đến lúc tan rã. Họ đấu đá nhau không hẳn vì giành ghế mà vì khinh ghét nhau. Bất cứ ai ngồi vào ghế Tổng bí thư đều bị chống đối vì không ai có đủ uy tín và có sức thuyết phục.

Một lý do nữa khiến không ai muốn ngồi vào ghế của Nguyễn Phú Trọng vì chiến dịch "đốt lò" đã gây thù chuốc oán rất lớn trong nội bộ Đảng khi nhiều cán bộ cao cấp bị kỷ luật hoặc tống giam. "Đốt lò" chỉ là triệt hạ phe cánh trong đảng chứ không hẳn chống tham nhũng vì làm gì có cán bộ cấp huyện ủy nào trở lên mà không tham nhũng. Ông Trọng cũng từng nói chống tham nhũng phải gắn liền với "chống tự chuyển hóa và tự diễn biến" trong đảng. Đây cũng là cách để loại bỏ những thành phần cấp tiến trong đảng, những người có ý định canh tân đảng hoặc dân chủ hóa đất nước.

Đảng cộng sản là một đội quân chiếm đóng người bản xứ. Họ là một giai cấp mới, có suy nghĩ, hành động và lối sống khác hoàn toàn với người Việt Nam. Họ đau khổ khi kết án một người "đồng chí" dù tội lỗi đã rõ ràng nhưng họ lại không hề ngần ngại hay áy náy khi tuyên những bản án rất nặng với những người bất đồng chính kiến.

Người dân Hà Nội cho rằng Nguyễn Phú Trọng "lú" vì vẫn tin vào chủ nghĩa cộng sản nhưng chính vì cái lú đó mà ông Trọng tiếp tục phải ở lại làm Tổng bí thư. Không có tư tưởng chính trị thì không thể có các chính đảng đúng nghĩa. Một siêu cường như Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng vì tư tưởng chính trị tụt hậu, không theo kịp thời đại.

Đảng cộng sản cầm quyền tuyệt đối 75 năm qua với 5,1 triệu đảng viên và mọi nguồn lực của đất nước nhưng vẫn thất bại và bế tắc vì không có tư tưởng chính trị. Không có tư tưởng chính trị thì sẽ không bao giờ có đồng thuận trong tổ chức. Người ta không thể đồng thuận trên những vấn đề cụ thể vì các vấn đề cụ thể luôn có nhiều giải pháp khác nhau. Các tổ chức chính trị của người Việt Nam hải ngoại đã tự tan rã dù không bị đàn áp cũng vì lý do thiếu vắng tư tưởng chính trị.

Việc chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư cho thấy Đảng cộng sản đã hoàn toàn cạn kiệt về tư tưởng chính trị và nhân sự. Cũng như một người quá già, cạn kiệt sức sống, sớm muộn cũng phải chết. Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và phong trào cộng sản quốc tế nói chung ra đời như là một giải pháp, một sứ mệnh "giải phóng" những người lao động nghèo khổ, chống lại giai cấp bóc lột, đem lại tự do bình đẳng cho tầng lớp cùng khổ và kém may mắn… Nhưng với thời gian, họ biến thành giai cấp bóc lột mới, còn dã man hơn cả những kẻ mà họ từng chống đối.

npt1

Việc chọn ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư cho thấy Đảng cộng sản đã hoàn toàn cạn kiệt về tư tưởng chính trị và nhân sự.

Việt Nam đang đứng trước một thế giới đầy biến động khi cuộc thư hùng giữa cường quốc mới nổi là Trung Quốc với siêu cường hiện tại là Mỹ đang ngày càng tăng tốc và không thể đảo ngược. Việt Nam đang ở giữa trung tâm của cuộc đối đầu này, việc đu dây của Đảng cộng sản sẽ phải chấm dứt. Đất nước đang cần một chính đảng có bản lĩnh và viễn kiến để chèo lái con thuyền vượt qua cơn sóng dữ. Đảng cộng sản không phải là một tổ chức như thế. Đừng quên rằng Đảng cộng sản thành công và nắm được chính quyền là nhờ vào sự nông cạn thay vì trí tuệ, sai lầm thay vì viễn kiến, tội ác thay vì công lao.

Tương lai của Đảng cộng sản rất bấp bênh và khó lường y như sức khỏe của ông Trọng. Ban lãnh đạo mới của khóa 13 sẽ rất yếu vì không ai bảo được ai. Thời gian của ông Trọng chủ yếu là ở bệnh viện nên Đảng cộng sản sẽ như rắn mất đầu. Nạn cướp bóc của các sứ quân sẽ gia tăng, mạnh ai nấy cướp. Đã đến lúc người Việt Nam cần chuẩn bị tinh thần để đón nhận những thay đổi, bắt buộc phải đến trong một tương lai không xa.

Việt Hoàng

(31/01/2021)

Published in Quan điểm

"Bệnh thành tích" không chỉ trong tuyên truyền mà cả tư duy chính sách

Có lẽ "thành công tốt đẹp" là cụm từ mô tả về kết quả được thấy trước trong diễn văn bế mạc của Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13. Đó không chỉ là "truyền thống", mà hơn thế còn được thấy truyền thông nhà nước đưa tin về đại hội, trong đó có những phát ngôn "gây chú ý" của một số lãnh đạo đảng.

benh1

Hình chụp của TTXVN hôm 26/1/2021 : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội - AFP

Đại hội 13 đã tận dụng "thành tích" trong nhiệm kỳ để củng cố tính chính danh của đảng. Hơn thế, việc tuyên truyền "thái quá" bộc lộ căn bệnh của chế độ - "bệnh thành tích". Điều đó không những không che giấu được sự căng thẳng về chuyển giao quyền lực, mà còn gây hiệu ứng ngược, và băn khoăn liệu logic toàn trị chi phối tư duy chính sách trở lại mạnh hơn ?

"Thành tích"

Sau nhiệm kỳ 12 "bất ổn" về kinh tế vĩ mô và thể chế và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng và nghiêm trọng trên thế giới thì những gì mà Việt Nam đạt được là thành công. Trước hết về kinh tế, theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất, và năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã thực hiện thành công "mục tiêu kép" trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ. Hơn thế, chất lượng tăng trưởng được cải thiện đồng thời với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp đến, những kết quả phòng và chống dịch Covid-19 với chi phí thấp, huy động nguồn lực đối phó và khắc phục thảm hoạ bão lũ, lở núi ở miền Trung đã làm nổi bật thế mạnh của chế độ, sự năng động của Chính phủ trong những tình huống khẩn cấp, tinh thần tương thân, tương ái cộng đồng cho phép Việt Nam giữ "vị trí ngôi sao sáng của khu vực", theo bình luận của báo chí nước ngoài.

Một trong những "thành công", có thể đã "tạo dấu ấn quan trọng" trong nhiệm kỳ 12 là chiến dịch chống tham nhũng "không vùng cấm", ngoài mục đích tập trung quyền lực, chỉnh đốn đảng, còn phần nào xả bớt sự bức xúc xã hội trước "quốc nạn" này. Trong đó "Bộ Chính trị đã kỷ luật 11 cán bộ, đảng viên, trong đó có 2 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 4 ủy viên trung ương, 2 nguyên ủy viên trung ương, 2 thứ trưởng Bộ Công an không phải là ủy viên trung ương. Ban Bí thư thi hành kỷ luật 41 cán bộ, đảng viên, trong đó có 12 người nguyên là ủy viên trung ương Đảng…".

Khái quát về những "thành tích" nêu trên cho thấy những thách thức đối với chế độ liên quan chặt chẽ với nhau về kinh tế và chính trị. Chống tham nhũng được ban lãnh đạo đảng, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, sử dụng tối đa như một công cụ hữu ích để làm trong sạch hơn bộ máy đảng và gia tăng tính chính danh, đồng thời cũng là cách Đảng loại bỏ những quan chức "tự diễn biến, tự chuyển hoá" về tư tưởng, đường lối lãnh đạo, có thể tạo phe phái, gây chia rẽ nội bộ. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng phục vụ cho chế độ, qua đó "hình ảnh đội ngũ lãnh đạo đảng", trong đó vai trò người đứng đầu, được "nổi bật" hơn.

"Bệnh thành tích"

Cảm tưởng về những thành tích đã đạt được không hề xấu nếu được trân trọng và sử dụng để làm động lực thúc đẩy, nhưng nếu bị phóng đại để gây chú ý, chứng tỏ công lao hay khoe khoang năng lực, che đậy những khiếm khuyết, không thừa nhận yếu kém và sự thiếu trách nhiệm thì căn bệnh thành tích phát tác.

Sẽ là không thực tế khi sự hồ hởi quá mức về thành tích kinh tế trong điều kiện thế giới đang "vật lộn" với đại dịch nghiêm trọng và kéo dài, khủng hoảng kinh tế và trật tự thay đổi bước ngoặt. Chiến dịch chống tham nhũng đang bộc lộ những căng thẳng trong chuyển giao và kiểm soát quyền lực của bộ phận không nhỏ quan chức suy thoái… Mới đây, ngày 27/1/2021 trong thời gian diễn ra Đại hội 13 thì sự bùng phát đợt dịch thứ 3 buộc chính phủ phải ban hành chỉ thị 05, phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh, Hải Dương, đóng cửa sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh, Hà Nội "báo động đỏ", và kích hoạt tình trạng dịch Covid-19 ở mức cao nhất đang thử thách năng lực chế độ lần nữa.

Tuyên truyền luôn mang màu sắc chính trị. Cũng dễ hiểu khi những cụm từ mang tính khẩu hiệu như "ngọn cờ cải cách được phất lên", "nhân sự đại hội và hồng phúc dân tộc", "Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để bứt phá", "đất nước đã bước vào giai đoạn mới"… trên các phương tiện truyền thông nhà nước. "Khát vọng" về một Việt Nam hùng cường về công nghiệp và thu nhập với các mốc thời gian năm 2025, 2030 và 2045 được tô đậm, nhưng mục tiêu về thu nhập trong chiến lược 2011-2020 đã không đạt được và phải đánh giá lại.

Vị Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương khi trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Đại hội 13 ngày 27/1/2021 đã phát biểu : "Hai vấn đề lớn của Văn kiện trình đại hội lần này về mặt lý luận là nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam ; nhấn mạnh vai trò của người dân, với quan điểm dân là gốc, là trung tâm, là chủ thể, vừa tham gia, vừa thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Đấy chính là chủ nghĩa xã hội Việt Nam". Việc ông khẳng định rằng đó là "mô hình đặc biệt", "chưa có tiền lệ trong lịch sử" khiến cho giới nghiên cứu băn khoăn.

Một tấm biển trên đường phố Hà Nội kêu gọi thực hiện thành công nghị quyết của Đại hội 13. Reuters

Hơn thế, vị lãnh đạo này cho rằng cần phải bảo vệ công tác tư tưởng khi : "Chúng ta càng thành công thì các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị càng điên cuồng chống phá chúng ta, vì chúng chưa bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta". Thực tế đối với người dân trong nước, chính quyền luôn răn đe bằng việc bắt giữ và kết án các nhà bất đồng chính kiến, và số vụ bắt giữ tăng lên so với trước. Mới đây, ngày 21/01/2021, Nghị viện Châu Âu thông qua nghị quyết lên án vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, trong đó kêu gọi nhà cầm quyền phóng thích các nhà "hoạt động nhân quyền" và ba "nhà báo tự do", bị kết án từ 11 đến 15 năm tù giam, cùng tất cả những người khác bị giam cầm và kết án chỉ vì hành xử quyền tự do ngôn luận. Nghị viện Châu Âu cũng lưu ý về ảnh hưởng tiêu cực của vụ việc đến việc thực thi các Hiệp định đầu tư và thương mại tự do mới được ký kết giữa Liên hiệp Châu Âu và Việt Nam…

Tư duy chính sách

Cách thể hiện của tư duy chính sách là logic toàn trị. Nó về cơ bản, không thay đổi từ thời chiến rằng chỉ trong thời kỳ khủng hoảng, đảng mới nới lỏng sự kìm kẹp của mình, nay cho phép kinh doanh tự do hơn, dường như, có cơ hội được thể hiện trong dịp Đại hội 13.

Trong lịch sử Xô Viết, sau nội chiến ở Nga đầu thế kỷ 20 V.I. Lenin, lãnh tụ của Cách mạng tháng 10 năm 1917, đã đề ra "Chính sách kinh tế mới - NEP" (НЭП) cho phép sử dụng các cơ chế kinh tế tư bản, kêu gọi đầu tư của tư bản trong nước và nước ngoài trong sự kiểm soát, dẫn hướng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Ông đã "điều chỉnh" chủ nghĩa Marx vì mục tiêu chính trị của mình, khi K. Marx xem chủ nghĩa cộng sản là sự tiến hóa của xã hội loài người, còn ông cho rằng đó là thứ cần phải tạo ra.

Như đã biết, chính sách NEP đã cứu nước Nga từ bờ vực phá sản về kinh tế sau nội chiến và là tiền đề để J. Stalin thực hiện công nghiệp hóa sau này. Toàn trị không chỉ bị giới hạn trong kinh tế, mà đã được thực thi trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đây là mô hình đảng cộng sản toàn trị đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của J. Stalin, Liên Xô đã công nghiệp hóa trong một khoảng thời gian ngắn chưa từng có, khoảng 20 năm, trong khi nước Anh cần 200 năm để trở thành một nước công nghiệp, nước Mỹ cần 120 năm, Nhật Bản cần 40 năm…. Tuy nhiên, cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã không thể "bền vững" trong điều kiện cạnh tranh và toàn cầu hóa.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng logic toàn trị như trên vẫn chi phối tư tưởng của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Thuật ngữ "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" và "ý chí người cộng sản" vẫn còn được nhấn mạnh trong các văn kiện đại hội, mặc dù "duy ý chí" không có chỗ đứng trong tư duy chính sách thị trường và trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Liệu "bệnh thành tích" và sự duy ý chí có khiến logic toàn trị chi phối tư duy chính sách trở lại mạnh hơn ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 29/01/2021

Published in Diễn đàn

Nếu thực sự lắng nghe ý kiến nhân dân, đừng bỏ tù người phản biện ôn hòa !

Triệu Tử Long, VNTB, 28/01/2021

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói rằng phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân : thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

nghe1

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nới phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân

Báo chí tường thuật, sáng 26/1, tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Báo cáo kiểm điểm đã khái quát, nêu rõ việc cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; về lãnh đạo phát triển kinh tế – xã hội ; về lãnh đạo công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại cũng như về lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Theo Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, những thiếu sót, khuyết điểm nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân quan trọng là do hoạt động, phương thức lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên một số lĩnh vực còn hạn chế ; chưa tập trung quyết liệt trong lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết ; trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong một số lĩnh vực, địa phương chưa rõ…

"Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội và toàn Đảng, toàn dân về những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên" – Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, có đoạn viết như vậy.

Từ những khuyết điểm đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nêu 5 bài học kinh nghiệm được rút ra, trong đó phải tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân ; thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, sức mạnh toàn dân tộc.

Cụ thể của bài học "thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết" là gì ?

Luật sư Trần Quốc Thuận, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, đặt vấn đề trong một hội luận trên BBC : Thế nào là tự do ngôn luận và thế nào là tự do báo chí ?

"Đọc ra thì đó là câu chuyện ấu trĩ tưởng ai cũng biết, nhưng rõ ràng vấn đề làm nó như thế nào ? Thế nào là tự do báo chí ? Tự do báo chí thì có tin người ta cứ đưa và người ta chịu trách nhiệm về nguồn tin đó. Ở Việt Nam thì không đơn giản. Đưa phải có định hướng, đưa phải có chỉ đạo. Tức là đưa mà trái ý, thì người đưa mà có thẩm quyền đi đứt trước" – luật sư Trần Quốc Thuận, bình luận.

"Hay tự do ngôn luận là có quyền lập diễn đàn phản biện lại ? Còn bây giờ như tôi biết là các tổ chức Mặt trận, các tổ chức đoàn thể có quyền là giám sát và phản biện. Nhưng sự giám sát và phản biện, người ta lại ngoáy vô cái chỗ là phản biện là phản biện những dự thảo văn bản của Đảng, của nhà nước, của luật pháp, như vậy thì gọi là góp ý, chứ sao gọi là phản biện được ? Sao lại xài chữ nghĩa như thế được ? Phản biện "dự thảo văn bản" – thì phản biện dự thảo văn bản là thế nào ? Từ ‘góp ý’ chứ làm sao gọi là ‘phản biện’ được ?

Có quyền phản biện những chủ trương mà đưa ra không thiết thực, thì người ta có quyền phản ứng, chống lại không ? Nhưng ở Việt Nam thì không được, làm cái đó coi chừng vi phạm pháp luật. Cho nên cái gọi là giám sát, phản biện cũng lững lờ. Còn giám sát là thông qua tổ chức Mặt trận Tổ quốc, chứ không có phản biện độc lập.

Nếu ai không đồng ý cái gì, lên tiếng độc lập, thì cái đó cũng là không an toàn mà phải qua hệ thống tổ chức, như vậy hệ thống tổ chức, họ lọc hết. Làm sao mà có thể phản biện trung thực được ?

Cho nên ở Việt Nam chữ nghĩa nó có, nhưng mà không có cơ chế đảm bảo thực hiện các quyền đó, không có cái luật như thế. Thì đó là điều cần phải đòi hỏi ở Việt Nam" – luật sư Trần Quốc Thuận biện giải từ thời gian trải nghiệm là Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng nếu ông Trần Quốc Vượng không phải mị dân khi cho là phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết, thì nói một cách ngắn gọn là cần phải có báo chí tư nhân một cách minh bạch, rõ ràng.

Những nhà báo công dân như Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn… cần được xem xét các bài báo của họ dưới góc nhìn dân sự, chấm dứt việc chính trị hóa các bài viết phản biện ôn hòa.

Và trên hết, phải có một sự kiểm soát bằng khung pháp luật chuẩn, để đảm bảo là người dân Việt Nam được hưởng một sản phẩm của tự do báo chí thực sự, qua đó sẽ là một kênh hữu hiệu giúp Đảng cầu thị, lắng nghe ý kiến nhân dân, tăng cường phát huy khối đại đoàn kết dân tộc !" – một thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, kiến nghị.

Triệu Tử Long

Nguồn : VNTB, 28/01/2021

**********************

Kỳ tích sẽ được bắt đầu từ Hà Nội hay Sài Gòn ?

Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 28/01/2021

"Nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới". Ông Nguyễn Phú Trọng ‘đã đọc’ như vậy trong phần trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

nghe2

"Với một đảng cách mạng chân chính, trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín lãnh đạo như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có một sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" – Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

"Lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước" như khẳng định của ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ được bắt đầu từ địa phương nào : Hà Nội, Sài Gòn/Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, hay Quảng Ninh ?…

Theo bài báo đăng trên tờ VnExpress ngày 26/1, thì ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đã chia sẻ với báo chí về phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ sắp tới, là : "Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế".

Nghị quyết 129/2020/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 tiếp tục xác định tỉ lệ % được giữ lại của 63 tỉnh thành, cho biết tỉ lệ điều tiết giữ lại của Hà Nội là 35%, và của Thành phố Hồ Chí Minh là 18% – đây là tỉ lệ thấp nhất thế giới. Như vậy nếu Việt Nam có được những kỳ tích mới như lời cam kết của ông Nguyễn Phú Trọng, thì đó phải là "Kỳ tích sông Sài Gòn – cú chuyển mình của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa".

Thuật ngữ này được sử dụng theo cách mà người ta đã gọi "Kỳ tích sông Hán" (còn gọi là "Kỳ tích sông Hàn"), một thuật ngữ chỉ sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc những năm 1960 – 1970. Một số tài liệu cho rằng "Kỳ tích sông Hán" xảy ra từ sau Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950 đến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

"Kỳ tích sông Hán" bắt nguồn từ cụm từ "Kỳ tích của sông Rhine". "Kỳ tích của sông Rhine" chỉ việc Tây Đức phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến II. Nội các Hàn Quốc lúc bấy giờ sử dụng cụm từ "Kỳ tích sông Hán" để nhấn mạnh sự phục hồi thần kỳ của đất nước sau chiến tranh. Và Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, một trong bốn "con rồng" kinh tế Châu Á đầu thập niên 1990.

Kế hoạch kinh tế hiệu quả xuất phát từ nhu cầu thị trường kinh tế thế giới. Chỉ trong 10 năm, Hàn Quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài. Những năm 1960, Seoul trở thành trung tâm sản xuất của Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm.

Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn chiếm gần 66% GNP. Samsung và Huyndai lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Giai đoạn năm 1973 – 1996, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,2%.

Cuối năm 1995, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuối năm 2011, GDP của một người Hàn cao hơn cả mức trung bình của EU. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á và thứ 11 trên thế giới. Và dẫn đầu về các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn.

Nhiều thương hiệu Hàn Quốc như Samsung, LG, Hyundai, Daewoo,… đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc và trong ngành công nghiệp thế giới.

Cái khác biệt giữa Việt Nam – Hàn Quốc – Tây Đức, là chỉ mỗi Việt Nam được ‘gắn’ thêm phần "định hướng xã hội chủ nghĩa" vào kinh tế thị trường.

Một điểm khác biệt nữa là Việt Nam đơn nguyên chính trị, nên không có động lực trong cạnh tranh về quyền quản trị. Do đó chỉ cần một trong những định đề mà ông Nguyễn Phú Trọng đặt ra bị ‘vướng’ về yêu cầu "phải luôn", thì coi như kỳ tích sẽ vẫn chưa biết diện mạo thế nào.

Các định đề đó là "đảng cách mạng phải luôn chân chínhphải luôn trong sạchphải luôn vững mạnhphải luôn có đủ bản lĩnhphải luôn trí tuệphải luôn kinh nghiệmphải luôn uy tín lãnh đạo như Đảng".

Tất cả là một thách thức quản trị quốc gia ở khóa 13 của Đảng cộng sản Việt Nam. Thách thức này nếu so với Hàn Quốc, thì đúng là một nan đề, khi mà sau khi thoát khỏi chiến tranh, người Hàn Quốc đã bị thôi thúc bởi quan niệm rằng "Ta đang bị chậm trễ". Họ tin mình phải nỗ lực để bắt kịp các nước khác trên thế giới.

Còn Việt Nam, thì khác hẳn, đó là với sự anh minh của Đảng, dứt khoát sẽ lập nên kỳ tích…

Trần Dzạ Dzũng

Nguồn : VNTB, 28/01/2021

**********************

Tham nhũng tiếp tục ám ảnh Đại hội Đảng lần XIII

Tràng An, VNTB, 27/01/2021

Tham nhũng quyền lực vẫn ngấm ngầm ám ảnh các đoàn đại biểu Tỉnh ủy, Thành ủy các địa phương đang dự Đại hội Đảng lần thứ XIII.

nghe3

Chiều tối Chủ nhật 24/1, một số đại biểu nhận tin cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc từ trần.

Sau khi Luật phòng chống tham nhũng 2005 có hiệu lực thi hành, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí năm 2006, ông Nguyễn Đình Lộc từng nói : "Có thể nhận thấy dạng tham nhũng liên quan đất đai là khá phổ biến ở các địa phương và đó cũng là những vấn đề bức xúc nhất đối với dân. Ngoài ra, còn những dạng tham nhũng khác như thanh tra, thi hành án đòi hối lộ, đút lót để có những quyền lợi nhất định.

Tham nhũng bây giờ không chừa lĩnh vực nào cả, có những lúc chúng ta tưởng "nó" chừa chỗ này, chỗ nọ, nhưng bây giờ có hết. Đơn cử hai lĩnh vực trước đây ít khi nói đến trong các vụ việc tham nhũng là y tế, giáo dục thì bây giờ đều đã xảy ra và rất phổ biến".

Tháng 1-2021, một số tòa soạn chọn đăng loạt bài "Đổi mới hệ thống chính trị Việt Nam", tác giả là Nhị Lê, cựu phó tổng biên tập tạp chí Cộng Sản. Loạt bài này viết để phục vụ tuyên truyền mang tính định hướng của Đại hội Đảng XIII.

Tác giả Nhị Lê đưa ra cảnh báo : "Nếu có đại họa nào làm Đảng băng hoại về chính trị và tổ chức, thể chế tan tành, thì lúc này, hơn hết lúc nào, đó chính là "giặc nội xâm" và nạn phân rã chính trị : tham nhũng quyền lực, "lợi ích nhóm", "sứ quân" cát cứ… Đảng đi tiên phong và nêu gương phòng, chống tham nhũng : tham nhũng vật chất, tham nhũng quyền lực và tham nhũng lòng tin ; phòng, chống nguy cơ đe dọa sự thống nhất của Đảng, làm Đảng phân rã : các nhóm lợi ích, nguy cơ về các "sứ quân" trong Đảng".

Như vậy, năm 2006, cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc nhận định "Tham nhũng bây giờ không chừa lĩnh vực nào cả", thì đến năm 2021, cựu phó tổng biên tập tạp chí Cộng sản Nhị Lê, nhấn thêm đang báo động về "tham nhũng quyền lực và tham nhũng niềm tin".

Từ hai ý kiến trên, có thể thấy rằng dường như chống tham nhũng ở Việt Nam lâu nay vẫn chỉ là các giải pháp tình thế.

Ông Nhị Lê đưa ra đề xuất cho việc chống "tham nhũng quyền lực – tham nhũng niềm tin" bằng, "Chỉnh đốn toàn diện đội ngũ đảng viên, bảo đảm chất lượng, "thà ít mà tốt". Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện Điều lệ Đảng, trong đó phát triển bộ tiêu chí về tư cách người đảng viên theo hướng : Toàn diện nhân cách, tinh hoa về định tính ; cụ thể về định lượng ; minh bạch về thực hiện và trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra".

Cựu bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, từng có ý kiến thế này về liên quan "tham nhũng quyền lực – tham nhũng niềm tin", đó là câu chuyện trong một trao đổi với báo chí nhân Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ X :

"Theo tôi nhận thức, một trong những nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chính là dân chủ hóa sự lãnh đạo của Đảng. Đương nhiên, muốn dân chủ hóa thì trước tiên chúng ta cũng phải thực hiện cho được điều Bác Hồ di chúc : "Trong Đảng phải thực hiện cho được dân chủ rộng rãi".

Chúng ta có thể thực hiện một bước mạnh hơn nữa là thăm dò ý kiến đảng viên về chức danh trong Đảng. Quyền quyết định vẫn là của Đại hội nhưng trên cơ sở thu thập ý kiến ; và qua đó, đo được sự tin cậy, tín nhiệm của đồng chí đó trong con mắt của hàng triệu đảng viên và nhân dân.

Khi nói đến dân chủ hóa trong Đảng, chúng ta phải nhớ Đảng ta là Đảng cầm quyền, là nói đến quyền lực Nhà nước và quyền lực đó là của nhân dân, quyền lực do nhân dân trao cho Đảng. Người trao quyền phải biết ai là người sẽ lãnh đạo mình, ai sẽ thay mặt mình nắm những vị trí chủ chốt trong bộ máy Nhà nước, trong các tổ chức của hệ thống chính trị".

Tuy nhiên với những tin tức tường thuật trên báo chí về Đại hội Đảng lần thứ XIII, cho thấy người dân chưa được hỏi ý kiến về danh sách những ứng viên ‘tứ trụ’. Và trên thực tế với các bản án tuyên nặng nề cho cáo buộc theo Điều 117, Điều 331 của Bộ luật Hình sự, khiến người dân hiểu rằng nên biết giữ mồm – miệng để có thể được ăn cái Tết Tân Sửu đoàn tụ bên gia đình.

Tràng An

Nguồn : VNTB, 27/01/2021

**************************

Cần ‘đổi mới’ hay ‘đổi đúng’ ?

Hà Nguyên, VNTB, 27/01/2021

Vấn đề của xứ sở không phải là ‘đổi mới’ mà là ‘đổi đúng’.

nghe4

Đó là ý kiến của luật sư Đặng Đình Mạnh nêu vào sáng ngày 25/1, ngày bắt đầu phiên họp trù bị của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Vậy, làm sao mà biết cái gì là đúng để mà đổi ?

"Điều gì thế giới đã vận dụng và đã phát huy hiệu quả là điều đúng. Mình có thể học hỏi để áp dụng. Miễn đừng buộc cả một dân tộc làm chuột bạch đi tìm điều vô tưởng" – luật sư Đặng Đình Mạnh, giải thích.

Luật sư Lương Vĩnh Kim nhìn khác : thế thì đã từng được coi là ‘đúng’ khi chọn theo mô hình Liên Xô thời thịnh hành, thắng thế. Sau đó mới ngớ người là nó chỉ đúng một thời thôi, trong một hoàn cảnh cụ thể thôi…

Luật sư Trần Thành góp chuyện ‘đúng’ – ‘sai’ bằng bài đồng dao "Thằng Bờm" : Các món tài sản đưa ra khoe, Phú ông phải dùng tới 4 âm tiết để chỉ rất trang trọng : "ba bò chín trâu", "ao sâu cá mè", "ba bè gỗ lim", "con chim đồi mồi". Với Bờm, mỗi món tài sản ấy lại chỉ cần gọi bằng một âm tiết cuối, lần lượt là : "trâu", "mè", "lim", "mồi". Thậm chí cho đến lần gạ đổi cuối cùng của Phú ông, Bờm không thèm trả lời nữa mà chỉ "cười".

Nếu ta hiểu Bờm đồng ý đổi quạt mo lấy nắm xôi, quả là oan cho Bờm quá.

Tương tự, nếu ai đó từng nghĩ rằng người đứng đầu Đảng vì quá thích món cháo của Mạnh Bà lúc qua cầu Nại Hà, nên giờ có phần ‘…’, thì rõ ràng đã… trật lất. Bởi chính trị chưa bao giờ là dễ hiểu, là dễ phân định ‘đúng – sai’ cho việc ‘đổi mới’ hay ‘đổi đúng’.

"Cái mới không hẳn sẽ mãi mãi mới. Có không ít cái mới rồi sẽ trở thành cũ khi nó bị thực tiễn vượt qua, hoặc bị những sáng tạo trong tương lai phủ định. Đó là lẽ thường tình, là quy luật của sự phát triển và cũng là kết quả tất yếu, tự nhiên của sự tự vận động trong bản thân cái mới. Đảng cần cập nhật cả chuyện đổi mới, cũng vì lẽ đó.

Đảng từng sai lầm khi nghĩ đã ‘thắng Mỹ’ trong nội chiến Bắc – Nam, thì hậu chiến cũng sẽ không ngại bất kỳ điều gì. Liên Xô sụp đổ. Khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Quốc gia được coi là anh em cùng khối cộng sản là Trung Quốc đã gây hấn và xâm chiếm các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam. Người anh em Bắc Kinh đã thôn tính luôn cả một số lãnh hải của Việt Nam.

Vậy thì cả ‘đổi mới’ lẫn ‘đối đúng’, có lẽ còn phụ thuộc vào ý thức hệ. Điều này, đến nay với các kiểu bản án nặng nề ngoài chục năm với những ai thích phản biện ‘bất đồng chính kiến’, nên sẽ chẳng mấy ai còn dám đưa ra những cái ‘mới’ hay ‘đúng’ để mà ‘đổi’ nữa cả !" – luật sư Cát Tường, góp chuyện.

Luật sư Cát Tường nhắc lại nội dung Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa VI (8 – 1989) đã nhấn mạnh : "Chế độ chính trị của chúng ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng ; chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị, không để cho các tổ chức chống đối chủ nghĩa xã hội ra đời và hoạt động, không coi việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần là thực hiện chủ trương đa nguyên về kinh tế".

"Rõ ràng trong ý thức hệ không chấp nhận đa nguyên từ chính trị cho đến kinh tế, là một điều quá khích. Những nhà lãnh đạo nước ta đã nhấn mạnh quá mức vai trò của chính trị đối với kinh tế và các lĩnh vực của đời sống xã hội ; vi phạm quy luật kinh tế khách quan ; chưa đánh giá đúng vai trò của kinh tế trong quan hệ với chính trị ; nhận thức một cách đơn giản về tác động của chính trị đối với kinh tế ; chính trị can thiệp quá sâu vào các quá trình kinh tế – xã hội bằng hệ thống những mệnh lệnh hành chính, chủ quan của các cơ quan quản lý.

Theo cách nhìn nhận này, tôi đồng ý với luật sư Đặng Đình Mạnh, Điều gì thế giới đã vận dụng và đã phát huy hiệu quả là điều đúng. Mình có thể học hỏi để áp dụng" – luật sư Cát Tường kết chuyện.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 27/01/2021

Published in Diễn đàn

Lỗi tại con virus corona : Đại hội XIII của Đảng khó thể thành công tốt đẹp

Phú Nhuận, VNTB, 29/01/2021

Với những dồn dập tin tức về dịch Covid-19 tái bùng phát cộng đồng ở miền Bắc, đang ảnh hưởng trực tiếp tới Đại hội XIII đang diễn ra tại Hà Nội.

covi1

Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trước diễn biến phức tạp của Covid-19

Hai ca nhiễm này chấm dứt chuỗi 55 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm nCoV cộng đồng. Tổng số ca nhiễm đến nay là 1.553, số khỏi 1.430, số tử vong là 35.

Ảnh hưởng đầu tiên là sự ‘phân tâm’ của các chính khách lãnh đạo, khi họ vừa phải ngồi dự họp, vừa phải thực hiện trách nhiệm trong quản lý địa phương về xử lý dịch Covid-19 tái bùng phát cộng đồng.

Ở buổi họp khẩn về tình hình Covid ngay tại nơi đang diễn ra Đại hội Đảng XIII, ghi nhận của báo chí cho thấy có sự hiện diện của tất cả các chức danh từ Thủ tướng đến Phó thủ tướng. Những chính khách này đã rời phiên làm việc tại hội trường, khi mọi người đang bàn về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, để "họp khẩn về Covid-19".

Với dàn nội các Chính phủ đương nhiệm rời cuộc họp bàn về nhân sự cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đương nhiên đưa đến hệ lụy của chất lượng nhân sự đang được ‘luận bàn’ sẽ khó thể đủ được số phiếu cho chọn lựa.

Lúc 10g50, trả lời nhanh báo chí sau khi kết thúc cuộc họp ngày 28/1, ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh – cho biết đang sửa chỉ thị của Thủ tướng theo hướng quyết liệt hơn.

"Hiện nay quan điểm rất mạnh là có thể phong tỏa Quảng Ninh, Hải Dương nhưng đang trình để xin ý kiến Thủ tướng. Các địa phương khác đều có khả năng lây lan diện rộng. Cảnh báo đến cả nước. Các ca bệnh liên quan đến chủng mới của virus nên nguy cơ lây lan rất nhanh. Trước kia chu kỳ ủ bệnh khoảng 4 ngày thì bây giờ nhanh hơn, có khi chỉ 2-3 ngày. Chỗ nhà máy đó trong thời gian ngắn đã lây lan nhanh. Phải sử dụng các biện pháp, tất cả nâng lên 1 bước để phòng chống dịch, từ thực hiện nghiêm chiến lược, sách lược, phân vùng, cách ly, dập dịch, điều trị và xét nghiệm" – ông Khuê cho biết.

Qua phân tích các ca ở Hải Dương và Quảng Ninh thì có mối liên quan về yếu tố dịch tễ. "Đây là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ khi phát hiện dịch ở Việt Nam đến nay. Chưa chính xác, nhưng Hải Dương có 72 ca và Quảng Ninh 10 ca. Những xét nghiệm chắc chắn chúng tôi mới công bố. Có truy vết, tất cả biện pháp được thực hiện quyết liệt và tích cực", ông Khuê nói.

Cho đến tối 28/1, Bộ Y tế thông báo ghi nhận tổng số 105 ca bệnh trong ngày, trong đó có 98 ca tại Quảng Ninh (14 bệnh nhân), Hải Dương (83 bệnh nhân) và Hải Phòng (1 bệnh nhân), cùng 7 ca bệnh mới nhập cảnh từ nước ngoài.

Thành phố Hạ Long từ đêm 27/1 đã khuyến cáo người dân không nên đi ra ngoài nếu không cần thiết, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được xe y tế tới đón đưa đi cách ly. Quán ăn, nhà hàng, quán cà phê tại thành phố Hạ Long đã đóng cửa, chuyển sang bán mang về. Đồng thời tại các chợ, lực lượng chức năng đã lập các chốt đo nhiệt độ, và đội phản ứng nhanh yêu cầu mọi người đeo khẩu trang.

Không chỉ là tin tức về tái bùng dịch Covid-19 khiến các đại biểu đang dự Đại hội Đảng XIII phân tâm, mà các diễn biến trên sàn chứng khoán cũng khiến hoang mang không kém, khi chỉ trong thời gian rất ngắn, nhà đầu tư chứng kiến tài sản bốc hơi 23 tỷ USD. Nhiều người ngỡ ngàng vì diễn biến chưa từng có.

Lần đầu trong lịch sử gần 30 bluechip cùng giảm sàn, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trước diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến Vn-Index rơi 73 điểm.

Nhịp rơi mạnh đã diễn ra vào cuối phiên sáng 28/1, khiến VN-Index chạm ngưỡng giảm kỷ lục. VN-Index mất hơn 70 điểm (6,46%) còn 1.026,27 điểm. VN30-Index giảm 6,7% còn 1.011 điểm. Đến cuối phiên sáng 28/1, có tới 475 mã chứng khoán trên HoSE giảm, với gần một nửa giảm sàn. Trong nhóm VN30, 20/30 mã bluechip giảm hết biên độ. Thanh khoản HoSE đạt hơn 14.500 tỷ đồng.

Tin tức dồn dập về tình hình xấu đi của dịch Covid ở Hải Dương, Quảng Ninh đã khiến thị trường đi ngang trong gần hết phiên chiều 28/1, khi trạng thái nghẽn giao dịch xảy ra và lực cầu bắt đáy không xuất hiện. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 73 điểm (6,67%) xuống 1.023,94 điểm. VN30-Index nhích nhẹ cuối phiên nhờ lệnh mua tại EIB và NVL, giảm 6,73% xuống 1.010 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm hơn 8%, còn UPCOM-Index giảm hơn 7%.

Đến cuối phiên ngày 28/1, sắc đỏ chiếm ưu thế hoàn toàn với 478 mã giảm trên HoSE, trong đó 276 mã giảm sàn. Trong nhóm bluechip, 29 mã giảm với 28 mã giảm sàn.

"Mọi thứ đều đang khá tốt, các doanh nghiệp báo cáo kết quả kinh doanh tăng mạnh, triển vọng nền kinh tế tốt nhưng chứng khoán giảm quá nhanh. Việc điều chỉnh giảm sau một thời gian tăng mạnh cũng là bình thường, nhưng tốc độ và mức giảm là điều đáng quan tâm", ông Nguyễn Văn Tùng, một nhà đầu tại Hà Nội nhận xét. Theo ông Tùng, thị trường chung giảm khoảng 10% nhưng nhiều mã giảm 25-30%. Một số nhà đầu tư giảm tới hơn 40%.

Hoang mang ở đây của nhà đầu tư vì trước đó, Đại diện quỹ Pyn Elite Fund cho rằng, chỉ số VN-Index của chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt xa dự báo của các tổ chức trong nước trong năm 2021. Dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng rất khả quan, trong khi tăng trưởng kinh tế được dự báo lên tới 6-7%, thậm chí 8%.

Công ty chứng khoán EVS cũng cho rằng, VN-Index sẽ lên mức 1.300 điểm, thậm chí trong kịch bản lạc quan có thể là 1.400 điểm nhờ sự hồi phục kinh tế nhanh và việc nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa, vĩ mô ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng cao…

Trong một diễn biến khác, chính quyền Hà Nội thông báo có thể dừng tổ chức lễ hội dịp Tết nếu dịch Covid-19 bùng phát. Điều này xem ra sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các chương trình đang được lên lịch cho chào mừng sự thành công rực rỡ của Đại hội Đảng lần thứ XIII, diễn ra cùng sự kiện sinh nhật lần thứ 91 của Đảng cộng sản, dự kiến tổ chức từ 21 tháng Chạp.

Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 29/01/2021

********************

Đảng viên Nguyễn Xuân Phúc lại tỏa sáng khi dịch virus corona bùng phát đợt 3 ?

Thới Bình, VNTB, 29/01/2021

Sáng 28/1, trong không khí rộn rã của Đại hội Đảng XIII, thì Bộ Y tế thông báo tin không vui : bất ngờ xuất hiện 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở miền Bắc Việt Nam.

covi2

Lúc 10g50 ngày 28/1, một tin tức từ ông Lương Ngọc Khuê – cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, cho biết Hải Dương có thêm 72 ca và Quảng Ninh thêm 10 ca được ghi nhận trong sáng ngày 28/1. Bước đầu phân tích cho thấy F0 không phải là bệnh nhân đi Nhật.

Theo ghi nhận của giới truyền thông đang tác nghiệp Đại hội XIII của Đảng tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội, khoảng 9g ngày 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến phòng họp để ‘họp khẩn’ trong giải quyết việc tái lây nhiễm Covid cộng đồng tại tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hải Dương.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng nhiều lãnh đạo Chính phủ, bộ ngành liên quan đã vào phòng họp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thời điểm này, trong hội trường Đại hội XIII của Đảng vẫn đang tiến hành phiên thảo luận, trình bày tham luận.

Thật ra tin tức này không hề bất ngờ, và vẫn có dư dã thời gian cho các chính khách đang dự Đại hội Đảng XIII đưa ra các quyết định liên quan chuyện thời sự về khả năng tái bùng dịch Covid cộng đồng.

Từ đầu giờ chiều ngày 27/1, giới báo chí đang tác nghiệp Đại hội XIII của Đảng, đã nhận tin là sắp có cuộc họp khẩn liên quan lây nhiễm Covid ngoài cộng đồng.

Tin tức đồn đoán quả thực diễn ra vào cuối giờ chiều 27/1, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 – đã họp khẩn với thường trực Ban chỉ đạo tại Bộ Y tế. Ngay sau cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 – đã trực tiếp tới Hải Dương chỉ đạo công tác phòng chống dịch khẩn cấp tại tỉnh.

Tối muộn 27/1, sau khi có kết quả xét nghiệm khẳng định, xác nhận 2 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng với 1 ca ở Hải Dương và 1 ca ở Quảng Ninh, Phó thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế đã họp khẩn trực tuyến với 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế tiếp tục điều động các chuyên gia xét nghiệm của bệnh viện Bạch Mai, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Trường đại học Y tế Công cộng và Trường đại học Y Hà Nội tới Hải Dương hỗ trợ xét nghiệm ngay trong sáng 28/1.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra quyết đoán rằng do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới theo thông tin của phía Nhật Bản , nên ông yêu cầu tỉnh Hải Dương phải đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây. Hải Dương phải tập trung làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng dịch tễ triệt để.

Hiện tại thì vẫn chưa xác định được ca F0 ở tỉnh Hải Dương lẫn Quảng Ninh.

Hải Dương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hải Dương, hiện là đô thị loại I, cách thủ đô Hà Nội 57 km về phía đông, cách thành phố Hải Phòng 45 km về phía tây.

Ca ở Quảng Ninh là một nam nhân viên an ninh của Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn. Từ ngày 7/1 đến 22/1, bệnh nhân tiếp xúc 44 người trong đội an ninh sân bay, 2 nhân viên căng-tin sân bay, có đổ xăng một lần tại cây xăng cột 8 Hạ Long, tiếp xúc 1 nhân viên nam bán xăng. Tại gia đình, bệnh nhân này tiếp xúc gần với 5 người là bố, mẹ đẻ, em gái, vợ và con trai. Tại bệnh viện Vinmec, ông tiếp xúc đến 37 nhân viên y tế.

Tình hình ở Quảng Ninh đang căng thẳng khi trong sáng ngày 28/1, chính quyền tỉnh này đã công bố thêm 10 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong đó có một người là mẹ của bệnh nhân, 9 trường hợp còn lại đều làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Hiện tại thì gần như mọi hoạt động đi lại ở Quảng Ninh bị đình trệ. Sân bay Vân Đồn đóng cửa. Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh đã tạm dừng toàn bộ các hoạt động vận tải khách đường bộ, đường thủy liên tỉnh, nội tỉnh gồm tuyến cố định, hợp đồng, taxi, xe buýt, phà trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh – bao gồm cả phương tiện đi và đến tỉnh Quảng Ninh. Thời gian triển khai bắt đầu từ 6g ngày 28/1 cho đến khi có thông báo mới.

Chính quyền Quảng Ninh đã khẩn cấp kích hoạt các biện pháp chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất trên toàn tỉnh, theo đó truy vết đến F4, cho toàn bộ sinh viên, học sinh nghỉ học… Các chốt kiểm soát ra vào địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng đã được tái lập.

Dồn dập các diễn biến về dịch Covid lây lan cộng đồng ngay trong thời gian đang diễn ra Đại hội XIII của Đảng, có lẽ là bất ngờ về mặt truyền thông. Trước đây, trong những sự kiện chính trị quan trọng bậc nhất quốc gia, tin tức công khai hiếm hoi về tình cảnh ảm đạm khiến lòng dân bất an.

Sự việc vẫn chưa dừng lại, khi đang có tin thêm một ca chuyến bay JL752 chặng bay HAN-NRT (Nội Bài, Hà Nội – Narita, Nhật Bản) cất cánh lúc 23g40 ngày 17/1 có hành khách người Việt được xét nghiệm tại Narita, kết quả dương tính với Covid-19.

Cho đến tối 28/1, Bộ Y tế thông báo ghi nhận tổng số 105 ca bệnh trong ngày, trong đó có 98 ca tại Quảng Ninh (14 bệnh nhân), Hải Dương (83 bệnh nhân) và Hải Phòng (1 bệnh nhân), cùng 7 ca bệnh mới nhập cảnh từ nước ngoài.

Giờ, dường như đại dịch Covid đang cố tình trêu ngươi cho người đang muốn nhăm nhe ghế Tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ ba…

Thới Bình

Nguồn : VNTB, 29/01/2021

*******************

Covid-19 : Việt Nam ghi nhận thêm 54 ca nhiễm mới, nhiều nơi bị cách ly

Thụy My, RFI, 29/01/2021

Đến chiều ngày 29/01/2021, Bộ Y tế Việt Nam công bố đã phát hiện thêm 54 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 1 ca nhập cảnh và 53 cộng đồng, chủ yếu tại Hải Dương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp khẩn thứ hai tại địa điểm đang diễn ra Đại hội lần thứ 13 Đảng cộng sản Việt Nam.

covi3

Xét nghiệm virus corona các nhân viên an ninh phục vụ Đại Hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, Hà Nội, Việt Nam, ngày 29/01/2021.  AP - Hau Dinh

Thủ tướng Phúc cho biết nhiều lãnh đạo tỉnh đã xin phép vắng mặt tại Đại hội Đảng để quay về địa phương chỉ đạo chống dịch. Chủ tịch và bí thư Hải Dương đã được đồng ý, nhiều tỉnh thành khác kết nối trực tuyến từ Hà Nội để theo sát tình hình.

Hải Dương hôm nay có 47 ca bệnh mới, Quảng Ninh 3, Hà Nội 2 và Hải Phòng 1 ca. Tổng cộng trong hai ngày qua đã có đến 154 ca nhiễm mới, trong đó có trên 130 ca ở Hải Dương và đều tập trung tại công ty Poyun có 2.300 công nhân. Các mẫu ở xung quanh công ty này đều âm tính, và bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá đã "khoanh trúng ổ dịch", huy động 1.200 người đến Hải Dương tham gia chống dịch.

Bệnh viện dã chiến đầu tiên ở Hải Dương hôm nay bắt đầu hoạt động với 29 bệnh nhân. Bộ Y tế dự định lập phòng xét nghiệm cấp tốc tại ổ dịch này, công suất 50.000 xét nghiệm mỗi ngày.

Quảng Ninh có 15 ca ở sân bay Vân Đồn, riêng một bệnh nhân là nhân viên an ninh đã bị suy hô hấp. Tại Quảng Ninh, toàn bộ thị xã Đông Triều phải áp dụng giãn cách xã hội, người dân được yêu cầu chỉ ra ngoài khi thật cần thiết. Đến nay Đông Triều đã rà soát được trên 4.600 trường hợp, truy vết đến tận F5. Riêng xã Bình Dương nằm gần thành phố Hải Dương bị phong tỏa toàn bộ, thị xã phụ trách cung cấp thực phẩm cho hơn 7.000 người dân. Một xe khách chạy tuyến Quảng Ninh-Quảng Ngãi đã bị tạm giữ, nhà chức trách đang truy tìm 50 hành khách đã xuống dọc đường.

Tính trên cả nước kể từ khi dịch Covid khởi phát, đã có 1.651 ca dương tính, trong đó 1.430 người khỏi bệnh, 35 tử vong. Đợt dịch bùng phát lần này lan nhanh do virus biến chủng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia bày tỏ quyết tâm dập tắt đợt dịch lần này trong vòng 10 ngày.

Cơ quan y tế Hà Nội ghi nhận ổ dịch tại Quảng Ninh cũng đã ảnh hưởng đến thủ đô. Sáng hôm nay, Sở Y tế Hà Nội thông báo ca bệnh thứ 1.581. Bệnh nhân nữ 54 tuổi này đã ghé chơi nhà bệnh nhân 1.553, nhân viên cảng Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, và có tiếp xúc gần với mẹ bệnh nhân nói trên trong khoảng một giờ, mẹ bệnh nhân này đã có kết quả xét nghiệm dương tính.

Toàn bộ khu chung cư T6 với khoảng 500 hộ dân, ở Times City, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, bị phong tỏa kể từ sáng nay. Các cơ quan chức năng đang truy xét những người có tiếp xúc với bệnh nhân 1.581. Theo báo chí trong nước, việc vận chuyển nhu yếu phẩm vào nhà T6 được "khử khuẩn" theo quy định. Trả lời Trọng Thành, ông Sử, một cư dân khu chung cư T6, cho biết đôi chút về tình hình tại chỗ :

"Tôi thì ở trong nhà nên cũng không nắm được gì nhiều, nhưng nhìn chung không có vấn đề gì. Bà con đều chủ động, nhìn chung bà con ý thức phòng bệnh rất tốt. Hiện chưa có vấn đề gì. Ở đây siêu thị người ta vẫn phục vụ. Chỉ có khó khăn một chút thôi, như chuyện đi chợ, đi búa… Và các cháu phải nghỉ học. Ở trong tòa nhà này thì phải nghỉ học thôi. Nói chung không có vấn đề gì về sinh hoạt cả".

Hải Phòng có hai ca liên quan đều đến Hải Dương. Bà Mùi, một cư dân Hải Phòng cho biết tình hình sinh hoạt vẫn bình thường, chính quyền kêu gọi người dân bình tĩnh : 

"Chỉ có Hải Dương và Quảng Ninh có chỗ bị phong tỏa thôi, Hải Phòng không có vấn đề gì. Hải Phòng làm tốt, người ta không cho đi lại lung tung. Chỉ có học sinh là nghỉ. Nói chung là Nhà nước người ta làm cẩn thận. Nói chung là có chỗ nào có dịch là người ta làm luôn, không để lây lan ra. Chỗ nào có dịch thì mới giãn cách thôi. Chỗ nào không có dịch, thì người ta thông báo như kiểu thời sự, để người dân bình tĩnh, không hoang mang".

Thụy My

Nguồn : RFI, 29/01/2021

***********************

Việt Nam ghi nhận thêm 54 trường hợp nhiễm Covid-19, dịch bệnh lan về Hà Nội

RFA, 29/01/2021

Việt Nam vừa ghi nhận thêm 54 trường hợp nhiễm Covid-19 trong ngày 29/1 bao gồm 1 ca ở Hà Nội, theo thống kê cập nhật tính đến 6 giờ chiều ngày 29/1 của Bộ Y tế Việt Nam.

covi4

Xdets nghiệm Covid-19 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội, nơi diễn ra Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam hôm 29/1/2021 - Reuters

Trong số những ca nhiễm mới được công bố trong ngày 29/1, Hải Dương là tỉnh có đến 48 ca bệnh có liên quan dịch tễ với ổ dịch tại thành phố Chí Linh. Bắc Ninh cũng ghi nhận một trường hợp có liên quan địch tễ đến ổ dịch ở thành phố Chí Linh.

Như vậy, tính đến 6 giờ chiều ngày 29/1, tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở Việt Nam từ tháng 1 năm ngoái đến nay là 1.705 ca. Trong số này có 168 ca đang điều trị, 35 ca tử vong.

Tại Hà Nội, nơi đang diễn ra Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam với gần 1.600 đại biểu tham dự, giới chức thành phố đã phải cách ly một tòa nhà khi phát hiện một người nhiễm bệnh. Tất cả cư dân trong tòa nhà này được yêu cầu phải ở trong nhà cho đến khi có thông báo mới.

Trang tin VnExpress dẫn lời ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết nếu không xử lý tốt thì Hà Nội sẽ có thể trở thành một điểm nóng Covid-19.

Theo truyền thông Nhà nước, các đại biểu dự Đại hội 13 kể từ hôm 28/1 đều được xét nghiệm. Các biện pháp phòng ngừa được gia tăng tại nơi diễn ra hội nghị vào ngày 29/1 khi tất cả các nhân viên và nhân viên báo chí phải làm xét nghiệm virus lần 3. Bộ Y tế cho biết đã có tổng cộng 10.000 xét nghiệm được thực hiện liên quan đến Đại hội Đảng, tất cả đều cho kết quả âm tính.

Truyền thông Nhà nước đẫn lời của Phó giám đốc Công an Hà Nội cho biết Công an thành phố có đủ nhân lực để giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

********************

Chủng virus ở Hải Dương có tốc độ lây lan cao hơn 70% so với chủng cũ

Vũ Hân, Thanh Niên, 28/01/2021

"Theo thông báo từ Nhật Bản, chủng virus ca bệnh ở Hải Dương thuộc chủng virus biến thể ở Anh, khả năng lây nhiễm cao hơn 70% chủng cũ", Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.

covi5

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc giao ban chống dịch Covid-19 tối 28/1 - Ảnh Lê Trung Nguyên

Vit Nam có 2 dch khác nhau Vân Đn và Chí Linh

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội tối 28/1, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Trương Quang Việt, cho biết các chuyên gia dịch tễ nhận định, ổ dịch đã có ở Khu công nghiệp Quang Minh (Hải Dương) từ trước khi phát hiện ít nhất 10 ngày, có thể là 14 ngày, trước khi nhận được ca dương tính từ phía Nhật Bản.

Ông Việt cũng nhận định vùng dịch là Thành phố Chí Linh (Hải Dương), sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), khách sạn Mường Thanh (Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh). Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ là ổ dịch Vân Đồn và Chí Linh có liên quan gì đến nhau không, ông Trương Quang Việt cho biết các chuyên gia nhận định đây là hai ổ dịch độc lập.Về nguồn lây, ở Hải Dương có thể là các chuyên gia trong khu công nghiệp, chủ yếu là chuyên gia nước ngoài ; còn ở Vân Đồn thì liên quan nhiều đến các đối tượng nhập cảnh trái phép.

Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh nhận định, lần này Việt Nam cùng lúc xuất hiện 2 ổ dịch lớn ở cộng đồng, 1 ở Hải Dương và 1 ở Vân Đồn. Số lượng bệnh nhân cùng phát hiện một lúc rất nhiều, thể hiện sự lây lan rất nhanh.

"Theo thông báo từ phía Nhật Bản, chủng virus của Hải Dương ở chủng virus biến thể ở Anh, nên khả năng lây nhiễm cao hơn 70% chủng cũ, phù hợp với việc số bệnh nhân tăng rất nhanh. Số bệnh nhân sẽ còn nhiều hơn", ông Hạnh thông tin.

Nguy cơ xut hin bnh nhân trong cng đng Hà Ni trong nhng ngày ti là cao

Ông Hạnh cũng nhận định, Hải Dương, Quảng Ninh giao lưu rất nhiều ở Hà Nội, nên nguy cơ Hà Nội rất lớn, và những ngày tới có nguy cơ xuất hiện ca bệnh ở cộng đồng tại Hà Nội.

"Tình hình thế này, Hà Nội phải có ứng phó. Không chủ quan, nhưng phải hết sức bình tĩnh. Với các quận, huyện, đề nghị xác minh rất rõ thế nào là F1, thế nào là F2, để có biện pháp xử lý phù hợp. Tránh tình trạng xác định không phù hợp, xử lý không chính xác sẽ làm xáo trộn rất nhiều và gây lo lắng cho nhân dân", ông Hạnh đề nghị.

Trước tình hình Quảng Ninh và Hải Dương như vậy, ông Hạnh cũng yêu cầu CDC phối hợp rất chặt chẽ với y tế Quảng Ninh và Hải Phòng để nắm tình hình, bởi "số liệu sẽ liên tục thay đổi, làm sao khi phát hiện ra sẽ quây được ngay, bắt được ngay". "Đó là thần tốc, và chúng ta phải làm được như vậy", ông Hạnh nhấn mạnh. Ông Hạnh cũng dự báo sẽ có ca bệnh xuất hiện ở các bệnh viện, vì khi ốm, ho, sốt, người dân sẽ vào bệnh viện.

Do Hà Nội chưa thể phong tỏa theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng như ở Vân Đồn và Chí Linh, nhưng ông Hạnh cũng đề nghị phải hạn chế tối đa tập trung đông người, bỏ các hoạt động liên hoan tất niên, gặp mặt cuối năm…

Ngoài việc khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, ông Hạnh nhấn mạnh việc phải đảm bảo hậu cần, như đồ bảo hộ, test, sinh phẩm... "Nếu dịch lây lan thế này thì chắc chắn phải có dự trù thêm", ông Hạnh nhấn mạnh.

Chuyên gia y tế của Hà Nội cũng tỏ ra không lạc quan trong dự báo, cho rằng các bệnh viện của Hà Nội phải chuẩn bị sẵn sàng cho việc điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ông Hạnh lưu ý, trước đây, các bệnh nhân dương tính của Hà Nội đều do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 điều trị, chứ các bệnh viện của Hà Nội chưa điều trị ca nào. Tuy nhiên, lần này, số ca dương tính sẽ rất lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới không thể điều trị hết, nên Hà Nội sẽ phải sẵn sàng. 

Ngoài ra, việc cách ly các F1 cũng đang rất khó khăn, vì các cơ sở dân sự trước kia đã không còn hoạt động, chỉ còn Bệnh viện Công an thành phố với 88 chỗ (hiện chỉ còn 10 chỗ trống). Do đó, ông Hạnh cho rằng phải sớm mở lại khu cách ly dân sự ; khu cách ly quân đội cũng phải mở rộng tiếp nhận, bởi nếu không cách ly được sẽ rất nguy hiểm.

Người dân cần biết gì về đợt dịch này ?

- Đợt địch được phát hiện nhờ phía Nhật Bản phát hiện ca dương tính khi nhập cảnh, báo lại cho Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cục báo cho Hà Nội, Hà Nội đã báo cho Hải Dương và tìm ra ca bệnh 1522. Vì diễn biến này, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh việc công khai, minh bạch và trao đổi thông tin thông suốt là vô cùng quan trọng.

- Việt Nam được xác định có 2 ổ dịch khác nhau, với những nguồn lây khác nhau, một ở Vân Đồn và một ở Chí Linh. Nguồn lây ở Chí Linh có thể là từ các chuyên gia nước ngoài ở khu công nghiệp Quang Minh. Nguồn lây ở Vân Đồn có thể từ người nhập cảnh.

- Chuyên gia dịch tễ cho rằng đã có một ổ dịch tồn tại ở Khu công nghiệp Quang Minh từ cách đây khoảng 10 - 14 ngày, tức là dịch đã âm thầm trong cộng đồng.

- Chủng virus lần này là chủng biến thế ở Anh, với tốc độ lây lan cao hơn 70% so với chủng cũ.

- Số ca bệnh lần này dự báo sẽ tăng rất nhanh.

- Nguy cơ của Hà Nội là rất cao, ở mức "báo động đỏ".

Vũ Hân

Nguồn : Thanh Niên, 28/01/2021

**********************

Covid-19 : Việt Nam phong tỏa thành phố Chí Linh sau khi phát hiện hơn 80 ca nhiễm mới

Thanh Phương, RFI, 28/01/2021

Theo hãng tin Reuters, hôm 28/01/2021, Việt Nam vừa phát hiện tổng cộng 84 ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong 1 ngày. Đây là những ca nhiễm đầu tiên trong gần 2 tháng qua tại Việt Nam, buộc chính quyền phải phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

covi6

Một người đàn ông đeo khẩu trang đi ngang qua áp-phích cổ động chiến dịch ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, Hà Nội ngày 28/01/2021.  Nhac NGUYEN AFP

Hai ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng được phát hiện là một nam nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh, và một nữ công nhân ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau đó, tại sân bay Vân Đồn, cơ quan y tế đã phát hiện tổng cộng thêm 10 ca nhiễm mới, còn tại nhà máy ở thành phố Chí Linh, nơi nữ công nhân nói trên làm việc, đã phát hiện thêm 72 ca nhiễm mới.

Sau khi phát hiện tổng cộng 84 ca nhiễm mới ở hai tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, bộ Y tế Việt Nam đã gia tăng tầm soát để xét nghiệm và cách ly các ca dương tính nhằm ngăn chận sự lây lan từ các ổ dịch mới này.

Trước đó, bộ Y tế Việt Nam đề nghị tạm ngưng toàn bộ các chuyến bay quốc tế cũng như cấm các cuộc tập hợp đông người vào trước Tết Nguyên Đán.

Theo báo chí trong nước, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay đã triệu tập một cuộc họp khẩn ngay tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi đang diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 13. Một trong những biện pháp được quyết định là toàn bộ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, với hơn 220.000 dân, bị phong tỏa trong 21 ngày kể từ trưa hôm nay. Người dân toàn thành phố được lệnh không tập trung quá 2 người nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc. Trường học, nơi công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu... đều phải dừng hoạt động.

Về phần tỉnh Quảng Ninh, thủ tướng Việt Nam yêu cầu dừng hoạt động của sân bay Vân Đồn. Riêng chính quyền của cả hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương đều cho học sinh nghỉ học dài ngày kể từ ngày mai, 29/01 để phòng chống dịch Covid-19. Người dân cả nước được yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách.

Thanh Phương

********************

Nguyễn Phú Trọng bất ngờ… ‘chìm lỉm’ : người tính không bằng trời tính !

Phú Xuân, VNTB, 29/01/2021

Đại hội Đảng XIII đang diễn ra, và thật bất ngờ khi cái tên Nguyễn Phú Trọng chợt ‘chìm lỉm’ trước thời sự tái bùng dịch Covid-19 cộng đồng.

covi7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đang được nhắc tới ở tất cả các phương tiện truyền thông với mật độ dày đặc. Ngoài ra, người ta cũng nhắc tới Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn…

Chiều 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Theo chỉ thị này, tại Việt Nam, trong các ngày 27 và 28/1, đã ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với 72 ca tại nhà máy Poyun, Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, và 11 ca liên quan đến nhân viên an ninh của sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh ; là trường hợp lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.

Để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả, triệt để dập dịch, không để bùng phát trong cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với tỉnh Hải Dương, phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương và áp dụng nghiêm các biện pháp theo Chỉ thị số 16. Trong đó, thực hiện giãn cách xã hội toàn bộ thành phố, trong thời gian 21 ngày kể từ 12 giờ ngày 28/1 theo nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, thôn với thôn, xã với xã, phường với phường

Yêu cầu mọi người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, đi làm việc tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động, và các trường hợp khẩn cấp khác.

Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng ; giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi tiếp xúc.

Tạm dừng tất cả hoạt động trường học, hoạt động công cộng, cơ sở vui chơi, giải trí, tập trung đông người, các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu. Tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng từ thành phố Chí Linh ra bên ngoài, trừ các trường hợp vì lý do công vụ hoặc trường hợp thật sự cần thiết. Hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng Chỉ thị cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người. Quyết định áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội căn cứ theo mức độ nguy cơ với từng khu vực trên địa bàn.

Thủ tướng cũng nhắc lại yêu cầu trong chuyện phòng chống dịch Covid-19 : Người đứng đầu các địa phương, các cơ quan phải trực tiếp kiểm tra, đánh giá tình hình, xác định cơ sở nào an toàn mới cho hoạt động. Đồng thời người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch.

Trong một diễn biến liên quan, trưa ngày 28/1, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh – ông Nguyễn Tấn Bỉnh thông báo sở này đã nhận được thông tin có 06 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân 1553 tức ca nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn. 6 người này ở tại Quận 5, Quận 6, Quận 10, quận Tân Phú. Tất cả đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Như vậy, rất có khả năng với riêng Thành phố Hồ Chí Minh, các nhân sự lãnh đạo là Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cùng 3 Phó chủ tịch : Lê Hòa Bình, Ngô Minh Châu, Dương Anh Đức sẽ rời kỳ họp Đại hội XIII của Đảng để trở về thành phố lo tập trung phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn lâu nay vẫn được đánh giá là mức độ nguy cơ cao với các nguồn lây Covid.

Nhóm nhân sự lãnh đạo được coi là ‘ăn ý’ trong phòng chống dịch Covid-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh, còn có cựu Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, người đang giữ trọng trách là Trưởng Đoàn đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh tại Đại hội XIII của Đảng.

Nếu ông Nguyễn Thiện Nhân quyết định về lại thành phố để cùng góp sức chống dịch, thì quả là kỳ đại hội lần thứ XIII này có quá nhiều bất ngờ ngoài tiên liệu của Tổng bí thư khóa XII Nguyễn Phú Trọng.

Người tính không bằng trời tính, là vậy !

***

Trong thông báo vừa phát đi tối 28/1, Bộ Y tế đề nghị người từng đến 31 địa điểm sau khai báo y tế và liên hệ cơ quan y tế gần nhất đề được tư vấn và hỗ trợ phòng chống Covid-19.

I. Hải Dương :

1. Ngày 17/1 : Trường Tiểu học Chu Văn An, Sao Đỏ, Chí Linh

2. Ngày 23-24/1 : Đám cưới tại thôn Quế Lĩnh, Thượng Quận, huyện Kinh Môn

3. Ngày 23/1 : Đám cưới tại Hoàng Tân, thôn Đạo Xá, thành phố Chí Linh

4. Ngày 24/1 : Đám cưới tại thôn Ngư Uyên, Long Xuyên, huyện Kinh Môn

5. Ngày 20-26/1 : Chợ xóm dân cư Dương Nham, Phạm Thái, huyện Kinh Môn

6. Ngày 20-22/1 và 24-25/1 : Chợ Hoàng Tiến, Hoàng Tiến, Chí Linh

7. Ngày 23/1 : Phòng khám đa khoa Côn Sơn, QL37, Cộng Hoà, Chí Linh

8. Ngày 23/1 : Lẩu nấm Trần Phố, Sao Đỏ, thành phố Chí Linh

9. Ngày 23-24/1 : Siêu thị Lan Chi, huyện Kinh Môn

10. Ngày 23-24/1 : Siêu thị Lan Chi, Sao Đỏ, thành phố Chí Linh

11. Ngày 23/1 : Quán tạp hóa Cường Na, Đìa Mối, An Sinh, huyện Kinh Môn

12. Ngày 24/1 : Chợ Sao Đỏ, Thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh

13. Ngày 24/1 : Cửa hàng Thế giới Di động, Cách Ngã 3 Sao Đỏ 50m, về phía Hải Dương

14. Ngày 24/1 : Cửa hàng Mẹ và bé, Bến Tắm, Chí Linh

15. Ngày 24/1 : Tiệm Trà Chanh 1975, số 233 Nguyễn Trãi, Sao Đỏ, Chí Linh

16. Ngày 25/1 : Hiệu thuốc Tiến Huyền, đối diện chợ An Sinh, An Sinh, Kinh Môn

17. Ngày 25/1 : Nhà thuốc Hùng Nhung, số 110 đường Hữu Nghị, Chí Linh

18. Ngày 26/1 : Phòng khám Đa khoa Hải Dương, Sao Đỏ, Chí Linh

19. Ngày 26/1 : Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam, số 119, Nguyễn Trãi, Sao Đỏ, Chí Linh

20. Ngày 26/1 : Nhà Thuốc Thềm Xuyến, Nguyễn Trãi, Sao Đỏ, Chí Linh

21. Ngày 27/1 : Chợ Thanh Tân, Lê Lợi, Chí Linh

22. Ngày 27/1 : Chợ Khê Khẩu, Văn Đức, Chí Lính

23. Ngày 27/1 : Chợ An Sinh, An Sinh, Kinh Môn

II. Hải Phòng

24. Ngày 25/1 : Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng

III. Quảng Ninh

25. 18-21g ngày 21/1 : Nhà hàng Trung Sơn, Vân Đồn

26. Ngày 23/1 : Bệnh viện Đa khoa Vinmec Hạ Long, 10A Lê Thánh Tông, Hồng Gai, Thành phố Hạ Long

27. Ngày 23/1 : Nhà hàng lẩu ếch Cổng Vàng cơ sở II, 68 khu 9 TT Cái Rồng (cách Cảng Cái Rồng 200m)

28. Ngày 24/1 : Chợ Bắc Mã, Xã Bình Dương, thị trấn Đông Triều

29. Từ ngày 15-28/1 : Hành khách trên các chuyến bay xuất phát từ Sân bay Vân Đồn và đến Sân bay Vân Đồn

IV. Hà Nội

30. Ngày 20/1 : Đám cưới tại thôn Xuân Dương, Xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn

31. Ngày 21/1 : Đám giỗ tại thôn Xuân Dương, Xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn

Cho đến tối 28/1, Bộ Y tế thông báo ghi nhận tổng số 105 ca bệnh trong ngày, trong đó có 98 ca tại Quảng Ninh (14 bệnh nhân), Hải Dương (83 bệnh nhân) và Hải Phòng (1 bệnh nhân), cùng 7 ca bệnh mới nhập cảnh từ nước ng

Phú Xuân

Nguồn : VNTB, 29/01/2021

************************

Dịch Covid-19 bùng phát lại khi Đảng họp Đại hội 13

RFA, 28/01/2021

Vào đêm 27 rạng sáng ngày 28/1-2021, Bộ Y tế Việt Nam công bố có 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng sau gần 2 tháng không phát hiện dịch, điều này làm cho Đại hội Đảng 13 đang họp phải tăng cường các công tác phòng dịch.

VIETNAM-POLITICS

Chốt kiểm tra ngăn ngừa Covid-19 sử dụng biện pháp khử trùng xe và người vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia nơi Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam đang diễn ra ở Hà Nội hôm 27/1/2021 - AFP

Bộ Y tế không cho biết 2 ca này là nhiễm loại virus corona như nhiều tháng qua hay là nhiễm chủng biến thể ở Anh, tuy nhiên nữ bệnh nhân 1552 có tiếp xúc với nữ công nhân đi Nhật (nhiễm SAR-COV-2 chủng mới ở Anh ngày 26/1).

Tại cuộc họp tối muộn ngày 27/1, Bộ Y tế cho biết thông tin từ Nhật Bản cho thấy nữ công nhân từ Hải Dương, đến Nhật hôm 17/1, kết quả xét nghiệm (qua giải trình tự gen) ngày 26/1 cho kết quả dương tính với Covid-19 chủng biến thể từ Anh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi vào phòng họp với các quan chức chỉ đạo chống dịch Covid-19 đã vội mang khẩu trang - điều mà trong suốt 3 ngày đại hội qua không đại biểu nào làm.

Tuy nhiên, theo hình ảnh của mạng báo Tuổi trẻ online một số quan chức như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sáng nay cũng được siết chặt, nghiêm ngặt hơn. Các đại biểu, nhân viên phục vụ, phóng viên tác nghiệp... tại trung tâm đều được yêu cầu và được phát khẩu trang để đeo ngay từ ngoài cổng kiểm soát.

Các biện pháp tăng cường đeo khẩu trang trong đại hội thời điểm này có lẽ là muộn màng vì nam bệnh nhân 1553 ở Quảng Ninh đã phát các triệu chứng như sốt, ho khan, đau họng, đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 đã lây lan trong vòng ít nhất 14 ngày trước đó.

Sáng 28/1-2021 bên lề đại hội đảng 13, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh tiết lộ ban đầu tỉnh Hải Dương phát hiện có 72 ca và Quảng Ninh 11 ca dương tính với Covid-19 nghi là biến chủng mới của virus corona từ Anh.

"Đây là ổ dịch lớn nhất phát hiện trong cộng đồng từ đầu năm đến nay. Chưa chính xác nhưng Hải Dương có 72 ca và Quảng Ninh 11 ca.

Những xét nghiệm chắc chắn chúng tôi mới công bố. Có truy vết, tất cả biện pháp được thực hiện quyết liệt và tích cực", ông Khuê nói và cho biết thêm khi phát hiện ra thì số lượng lây lan đã rất nhanh, chưa xác định được F0.

Như vậy sau gần 60 ngày chưa phát hiện ca mới, Việt Nam mới tiến hành xét nghiệm diện rộng và phát hiện ít nhất 83 ca bệnh khi nữ công nhân đi Nhật Bản từ ngày 17/1 phát hiện bị nhiễm virus corona biến chủng mới của Anh hôm 26/1.

Việc phát hiện hàng loạt ca bệnh xảy ra khi Đại hội Đảng 13 vừa trải qua 3 ngày đầu với khoảng 1.600 đại biểu trong phòng họp kín và không có ai thực hiện biện pháp phòng dịch nào ngoài xét nghiệm.

********************

‘Hà Nội đang nguy cơ cực kỳ cao, đến mức báo động đỏ’

VNTB, 28/01/2021

Báo Thanh Niên cho biết ông Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố Chử Xuân Dũng tuyên bố nguy cơ xuất hiện dịch ở Hà Nội đang "rất cao, cực kỳ cao, đẩy đến mức báo động đỏ".

covi9

Đề nghị "hạn chế tối đa" tụ tập đông người

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị nâng mức độ hạn chế tụ tập đông người. Nếu như hiện Hà Nội đang ở mức "hạn chế tụ tập đông người, tổ chức lễ hội", thì thời điểm này, ông Hiền đề xuất nâng lên mức "hạn chế tối đa".

covi10

Sáng 28/01/2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải xử phạt nghiêm những người không đeo khẩu trang, vì hiện nay tình trạng lơ là, không tuân thủ việc đeo khẩu trang khá phổ biến.

covi11

Dịch có ở 3 địa phương kết nối giao thông mật thiết với Hà Nội

Theo ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, thì hiện nay nguy cơ có dịch của Hà Nội rất cao, "nâng lên mức báo động đỏ". Ông Dũng đưa ra 5 lý do sau :

Thứ nhất, người dân các địa phương đổ về Hà Nội thời điểm cuối năm này rất đông, với số F0 tăng nhanh như vậy, thì lượng tiếp xúc rất lớn.

Thứ hai, nhập cảnh trái phép nguy cơ vẫn còn. Thứ ba, dịp Tết diễn ra nhiều hoạt động đông người. Thứ tư, người dân rất chủ quan, lơ là. Thứ năm là chủng lần này là chủng có tốc độ lây lan rất cao.

Tính đến tối ngày 28.01.2021 dịch đã có ở 3 địa phương : Quảng Ninh (14 ca), Hải Phòng (1 ca), Hải Dương (83 ca), đều là những địa phương có kết nối giao lưu mật thiết với Hà Nội.

Đến nay, tỉnh Hải Dương cũng đã xác nhận được 237 trường hợp F1, trong đó có 60 ca ngoài cộng đồng, 117 trường hợp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Poyun. Cơ quan chức năng đã thông báo về một số đối tượng F1 lưu trú tại Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ninh.

Tại Hải Phòng, Sở Y tế Hải Phòng có báo cáo nhanh về một trường hợp dương tính tại Bệnh viện Nhi Hải Phòng. Trong đó, người mẹ đi làm việc tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Poyun, có về địa phương vào ngày 24/1, sau đó có biểu hiện sốt. Kết quả xét nghiệm người mẹ âm tính, người con có kết quả 3 lần xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch bệnh tại Hải Dương còn nhiều diễn biến nghiêm trọng hơn. Ông Long yêu cầu tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh sẵn sàng kịch bản, trang thiết bị hiện đại, mở rộng thêm 3 bệnh viện dã chiến triển khai ngay trong đêm 28/1 để sẵn sàng điều trị cho các bệnh nhân. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phong tỏa toàn bộ thành phố Chí Linh (Hải Dương) trong 21 ngày tức cho đến ngày mùng 7 tết âm lịch và tạm dừng hoạt động của sân bay Vân Đồn từ 0giờ ngày 29/01/2021.

Tối muộn ngày 28/1, Sở Y tế Hà Nội có báo cáo về ca Covid-19 dương tính mới nhất trong đợt dịch này. Bệnh nhân 20 tuổi, ở Hải Dương và là F1 của bệnh nhân ở Hải Dương, hiện bệnh nhân đang thuê trọ tại Hà Nội. Bắc Ninh cũng đã thông báo ca bệnh.

Published in Diễn đàn

Văn kiện Đại hội 13 : bình cũ mà rượu cũng cũ !

Diễm Thi, RFA, 27/01/2021

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 26 tháng 1 năm 2021.

so1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội - TTXVN

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày bản báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về các văn kiện trình Đại hội 13. Báo cáo gồm ba mục lớn. Thứ nhất là Về quá trình chuẩn bị văn kiện. Thứ hai là Về tổng kết nhiệm kỳ và nhìn lại 35 năm đổi mới. Thứ ba là Về phương hướng và nhiệm vụ sắp tới.

Ông Trọng nhấn mạnh, Đại hội lần này là ‘sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, có ý nghĩa quyết định với sự phát triển, hội nhập của đất nước. Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn của đại hội’. Ông Trọng khẳng định, việc chuẩn bị văn kiện rất công phu, chu đáo, bài bản qua nhiều vòng, nhiều lần, có đổi mới về tư duy, phương pháp, áp dụng cả lý luận và thực tiễn, giữa kế thừa và phát triển trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi.

Trong email với RFA nhận xét về bản báo cáo này, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, mục Về quá trình chuẩn bị văn kiện, có vẻ là một nội dung mới mà báo cáo tại các đại hội trước đây hình như không có, nhưng đó là thứ gần như không cần trình bày. Viết và đọc mục này ông Trọng muốn kể công. Đúng là để viết văn kiện đã phải tốn rất nhiều công sức, (60 người làm việc trong hơn 2 năm, gần một trăm cuộc họp các loại, 50 đoàn khảo sát trong nước, 2 đoàn đi nước ngoài) nhưng phần lớn chỉ là lao động giản đơn và nhiều lãng phí. Ông viết thêm :

"Báo cáo này cũng như Báo cáo chính trị đã được một số người ca ngợi có nhiều điểm mới, sắc sảo, có giá trị cao. Tôi cho rằng những lời ca ngợi như thế nặng về phụ họa và tuyên truyền. Quả thật các báo cáo vừa nêu có một vài điểm mới so với trước đây, nhưng đó chỉ là một số ngôn từ sáo rỗng, một vài ý vụn vặt chứ về phương hướng, đường lối và những vấn đề quan trọng thì vẫn giữ nguyên, vẫn bình cũ mà rượu cũng cũ. Vẫn kiên trì Mác Lê và định hướng XHCN, vẫn phát triển kinh tế quốc doanh và trông cậy vào đầu tư nước ngoài, vẫn tăng cường chống lại các thế lực thù địch, vẫn chủ yếu là hô khẩu hiệu.

Điểm mới được tuyên truyền nhiều là : Nhận định "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" ; Việc xây dựng đảng kết hợp với việc củng cố, làm trong sạch hệ thống chính trị ; Năm bài học kinh nghiệm quý giá ; Tầm nhìn đến năm 2030, 2045.

Nhận định về đất nước là quá lạc quan khi chỉ dựa vào một phần bên ngoài, bề nổi của sự thật mà không hoặc ít quan tâm đến những tai họa dân tộc phải gánh chịu. Phải chăng ông Trọng kêu gọi hãy tôn trọng sự thật, nhưng bản thân ông bị che phủ, bị bưng bít nên chỉ biết một phần của sự thật mà thôi".

Theo ông Trọng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt coi trọng. Nhiều vấn đề đặt ra từ những năm trước và nhiệm kỳ này có kết quả tích cực, cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện, xử lý nghiêm minh, có tính răn đe nên được nhân dân tin tưởng, đánh giá cao. Tình hình tham nhũng, tha hóa từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.

Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương nêu quan điểm của ông về báo cáo văn kiện mà ông Nguyễn Phú Trọng đọc trong buổi lễ khai mạc :

"Về cấu trúc thì vẫn như thế. Nói vống lên thành tích thì nhiều, kiểm điểm về những khuyết điểm, những yếu kém thì hình thức và sơ sài. Đáng lẽ phải tập trung nói rõ những lý do, những nguyên nhân về thể chế, nguyên nhân về năng lực, nguyên nhân về đội ngũ, nguyên nhân về trình độ xã hội để mà nói về những thiếu sót, yếu kém thời gian vừa qua.

Cái yếu kém rõ nhất là nó vẫn thể hiện ở ba điều mà họ luôn khẳng định nó phải là mũi nhọn, phải đột phá. Tức là thể chế ; hạ tầng kinh tế và nhân lực. Nhân lực thì họ nhấn mạnh là nhân lực kỹ thuật. Nhưng thật ra nhân lực vận hành, tức là nhân lực quản trị thì rõ ràng rất yếu kém. Cái nhận thức cũng như là trình độ và quan điểm của người điều hành. Đấy là những vấn đề mà đáng lẽ phải phân tích đầy đủ".

Ông Hồ Chí Minh từng nói, một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.

Ngoài ra, báo cáo cũng nêu ra năm kinh nghiệm trong việc xây dựng Đảng. Trong đó nhắc nhở việc kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh phòng chống tham nhũng ; Quán triệt quan điểm dân là gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng ; Trong lãnh đạo phải phát huy mọi nguồn lực và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị ; Tập trung ưu tiên xây dựng thể chế, đảm bảo giữa đổi mới kinh tế, đổi mới chính trị, văn hóa ; Chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình. Kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Chủ động hội nhập trên cơ sở tự chủ, độc lập.

Đại hội 13 cũng xác định mục tiêu phương hướng đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045 là kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định :

"Việc xây dựng đảng kết hợp với hệ thống chính trị chẳng có gì mới, phải chăng trước đây vẫn làm mà chưa viết ra. Năm kinh nghiệm thật ra là sự trộn lẫn những việc cần làm. Trong rất nhiều báo cáo chính trị ở các Đại hội trước đều có đủ 5 kinh nghiệm tương tự như vậy. Tầm nhìn đến năm 2030, 2045 phải chăng chỉ là mong ước có tính hoang tưởng, tàn dư của tư duy kế hoạch hóa".

Tại buổi khai mạc Đại hội 13, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng có bài diễn văn khai mạc. Ông Phúc nêu rõ, Đại hội 13 diễn ra trong bối cảnh đất nước đứng trước nhiều thời cơ và thách thức đan xen, nhiều vấn đề chiến lược mới đang đặt ra cần phải giải quyết, từ tình hình quốc tế, khu vực dự báo tiếp tục chuyển biến phức tạp, khó lường, đến các thách thức mang tính toàn cầu về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và cả những thành tựu ngoạn mục của tiến bộ khoa học công nghệ đang tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống kinh tế xã hội của đất nước ta cũng như toàn thế giới.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhận xét :

"Việt Nam hiện nay đang đứng trước ba cái thách thức lớn. Một là đối thoại với Tàu cộng như thế nào. Vẫn chơi với họ chứ không phải cắt đứt quan hệ với họ, nhưng mà làm sao để tránh mình trở thành chư hầu.

Cái thứ hai là sẽ quan hệ mở rộng làm ăn với thiên hạ. Với Âu Mỹ, với Nhật Bản… nó đặt ra vấn đề là anh phải có tài năng, có năng lực mới, có chính sách, phương thức hoạt động mới thì mới có thể vươn lên. Còn nếu không thì vẫn tiếp tục như mấy chục năm nay là một ‘kẻ gia công’.

Cái thứ ba là có dám mở rộng quyền tự chủ của dân tộc, trao lại quyền cho dân để dân tự lập, tự chủ, kiểm tra, giám sát đảng hay không ?

Dân quyền phải được giải phóng. Tích cực sửa những luật lệ để bảo đảm cho một nền kinh tế thị trường vận hành đàng hoàng, văn minh".

Đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam được bảo đảm bằng Điều 4 Hiến pháp 1980. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay, Đảng cộng sản lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Đại hội Đại biểu toàn quốc là đại hội then chốt của Đảng cộng sản Việt Nam, do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ 5 năm 1 lần, theo Điều lệ là "cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng".

Đại hội 13 sẽ diễn ra từ ngày 26 tháng 1 đến ngày 2 tháng 2 năm 2021. Theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Đại hội 13 sẽ thành công, tức là họ sẽ bầu ra được một tập đoàn cai trị mới nhưng vẫn đứng trước những thách thức rất lớn.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 27/01/2021

********************

Quân đội Việt Nam tăng cường kiểm soát không gian mạng

RFA, 27/01/2021

Một trong những chiến lược phát triển quân đội thời gian tới được cho biết là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, đó là nhiệm vụ ‘trên một vùng lãnh thổ mới’. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, phát biểu như vừa nêu khi trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 26/1.

so2

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 26/1. Courtesy VNN

Theo ông Nghĩa, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, thời gian qua, quân đội còn phải có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược về an ninh mạng. Tướng Nghĩa còn dẫn chứng lực lượng chuyên trách của quân đội là Bộ tư lệnh 86.

Trả lời RFA hôm 27/1 từ Sài Gòn, Nhà hoạt động Trần Bang nhận định :

"Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói Quân đội sẽ tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc... nếu đúng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chống hacker, bảo vệ thông tin chỉ huy tác chiến của quân đội, bảo mật thông tin chống kẻ thù xâm lược như Trung Quốc hoặc các thế lực có thể xâm phạm chủ quyền biển đảo, ăn cắp công nghệ, gây nguy hiểm cho hàng không, hàng hải... thì qua tốt".

Theo Nhà hoạt động Trần Bang, nếu đúng như vậy thì phải sử dụng cả hai cơ quan quân đội và công an, vì thật sự cần thiết. Tuy nhiên ông nói tiếp :

"Thế còn nếu ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói Quân đội sẽ tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng để trấn áp các tiếng nói đối lập, thì đó là hại nhân dân, hại đất nước... chứ không phải tốt. Bởi vì chính các tiếng nói đối lập mới tốt cho chủ quyền đất nước, tốt cho lợi ích của người dân. Mà lợi ích của người dân trong đó có tự do ngôn luận, tự do về học thuật, tự do về thư tín cá nhân... tức là bảo vệ quyền thư tín cá nhân của người dân".

Tuy không nhìn nhận việc kiểm soát các tiếng nói đối lập, nhưng Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, khi đỉnh điểm đại dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, quân đội đã kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp bị cho là xuyên tạc thông tin về đại dịch.

Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 27/1, ông Vũ Minh Trí, trước khi về hưu mang quân hàm Trung tá tại Tổng cục 2, nhận định :

"Tôi nghĩ ở Việt Nam có hai cơ quan là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với hai chức năng hoàn toàn riêng biệt, về cơ bản là chồng chéo nhau, cho nên nếu đã có Luật An Ninh Mạng và Bộ Công an có lực lượng chuyên trách, thì nên để Bộ Công an làm toàn bộ. Còn quân đội chỉ nên thực hiện trong phạm vi của mình, tức là bảo vệ an ninh cho mạng của quân đội, chứ không phải bảo vệ mạng cả nước. Cũng như chúng tôi là công dân bình thường, chúng tôi bảo vệ mạng cho cá nhân mình, chứ không phải mạng của hàng xóm".

Giải thích về việc chồng lấn với Bộ Công an, Tướng Nghĩa cho rằng, bản chất của việc thực hiện nhiệm vụ này là xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Trong đó, lực lượng vũ trang, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông... đều tham gia.

Liệu sau Luật An Ninh Mạng, sau khi Bộ Công An bắt bớ bỏ tù các tiếng nói bất đồng trên không gian mạng, thì việc quân đội tham gia bảo vệ an ninh mạng có phải là bước tăng cường đàn áp tự do ngôn luận ? Người dân nói gì về việc này ?

Anh Trần Đình Thu ở Sài Gòn, khi nói với RFA hôm 27/1, cho rằng :

"Về việc quân đội kiểm soát an ninh mạng, nói thì nghe nghiêm trọng vậy chứ thực tế họ chỉ cho vài chục ngàn ông bộ đội đi chửi nhau với dân mạng là chủ yếu. Họ lập ra một số trang rồi đăng theo kiểu của họ, họ nói họ nghe thôi. Lâu lâu có ai đăng status nào mà họ thấy nhột thì chừng vài chục anh kéo nhau vào chửi lộn với dân mạng, hai bên chửi qua chửi lại như hàng tôm hàng cá vậy thôi. Nên theo tôi cũng là vô hại, không ảnh hưởng gì đến tự do ngôn luận khi quân đội tham gia. Dĩ nhiên tình hình tự do ngôn luận đang khá tệ nhưng việc quân đội tham gia vào thì không có ý nghĩa gì mấy. Chỉ có bên công an thì mới có ý nghĩa".

Còn Anh Đinh Văn Hải, một người dân ở Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 27/1 cho rằng việc huy động quân đội tham gia bảo vệ Tổ Quốc trên không gian mạng, thật ra là một việc làm vô bổ :

"Trước đây, đã có Cục C50 phòng chống tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh mạng. Kết quả là : Nguyên ekip tướng Vĩnh, tướng Hóa và các thuộc cấp khác đã sử dụng phương tiện, thiết bị để tổ chức cờ bạc online, thu lợi số tiền khủng khiếp, đến mức phải cân ký. Bây giờ, việc huy động quân đội tham gia bảo vệ Tổ Quốc trên không gian mạng, thật ra là một việc làm vô bổ. Mục đích của nó là gia tăng kiểm soát tư tưởng, nhồi sọ những quan điểm, nhận thức sai trái, nhằm nô lệ tư tưởng người lính".

Vào ngày 30/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên 9 năm tù đối với Cựu trung tướng công an Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 10 năm tù đối với cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao C50, vì những liên can đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên mạng.

Cựu Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Minh Đức, khi trả lời RFA từ thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/1, nhận định :

"Họ đàn áp tự do trên không gian mạng là rất rõ ràng, từ khi có Luật An Ninh Mạng, thậm chí trước đó, họ đã tung ra lực lượng đấu tranh trên không gian mạng đối với các thông tin xấu độc với nhà nước. Thế nhưng lực lượng này nói đấu tranh cũng không đúng, họ lên làm những trò rất thiếu văn hóa. Dư luận viên của họ vào chửi bới các nhà trí thức bất đồng chính kiến, phản biện xã hội... rất thô lỗ tục tiễu...

Nhưng thực tế theo anh Võ Minh Đức, người dân hay những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam hiện nay, họ chỉ nói sự thật, những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Ông đưa ra ví dụ :

"Ví dụ như họ nói việc chính cơ quan phap luật không tôn trọng luật pháp, những nỗi oan ức của người dân, những tiêu cực hay thói hư tật xấu của quan chức... họ nói sự thật có căn cứ bằng chứng đưa ra cả, những ai chơi Facebook đều đọc được những thông tin đó cả, chứ còn quan điểm bịt miệng của nhà nước có từ lâu nay rồi. Những phát ngôn hay ý đồ của những người đứng đầu trong công an hay quân đội, họ đều muốn lấy lòng những người chóp bu, họ luôn muốn thể hiện mình luôn là thanh bảo kiếm, là lá chắn tốt nhất của đảng. Thế nhưng chức năng của hai cơ quan đó là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ an toàn trật tự xã hôi chứ không phải là làm việc đó. Theo tôi chủ trương đó không chỉ vi phạm tự do ngôn luận, vừa không đúng chức năng của lực lượng vũ trang, mà còn rất phản cảm".

Chính ông tướng Nguyễn Trọng Nghĩa vào tháng 12 năm 2017 cho biết "Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng". Đó là ‘Lực lượng 47’ có hơn 10 ngàn người đấu tranh trên không gian mạng ‘vừa hồng, vừa chuyên’.

Luật an ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bất chấp những phản đối của nhiều người dân và quốc tế vì những điều khoản bị cho là sẽ hạn chế hơn nữa quyền tự do biểu đạt của người dân.

Theo trang The Project 88, trong năm 2020 đã có 20 người bị chính quyền Việt Nam bắt giam và kết án tù chỉ vì bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá năm 2020 là năm nhân quyền tại Việt Nam xuống cấp trầm trọng.

Trong Báo cáo 2019 về các tù chính trị và nhà hoạt động có nguy cơ ở Việt Nam, do Dự án 88 công bố hôm 23/6/2020, trong năm 2019 có 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ vì các hoạt động ôn hòa của họ.

Ông Vũ Minh Trí cho rằng, về cơ bản chính quyền không thể khủng bố hay bịt được miệng tất cả mọi người dân, đặc biệt khi hệ thống mạng phát triển mạnh như bây giờ thì đấy là điều không tưởng. Bởi vì không thể nào bắt hết được những người như ông Phạm Chí Dũng hay Nguyễn Tường Thụy, hay Phạm Thành... nếu có hàng trăm hàng nghìn người như vậy. Cho nên theo ông, nếu chính quyền càng cố kiểm soát người dân như vậy, thì càng thể hiện bộ mặt nhem nhuốc, phản dân chủ, chống tự do ngôn luận của chính quyền mà thôi.

RFA, 27/01/2021

*******************

Nỗi sợ hãi khó giấu diếm

JB Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 25/01/2021

Cuộc trình diễn bắt đầu

Ngày hôm nay, đại hội đảng đã khai mạc, bắt đầu những buổi trình diễn những điều mà "ai cũng biết" từ lâu. Cái trò bầu bán, phát biểu, giơ tay… rồi mới thò ra trước thiên hạ những kết quả mà các phe nhóm đã đấu đá, cò kè, thêm bớt chẳng giống ai, mặc cho thiên hạ bất bình, mặc cho dư luận cười chê hoặc thậm chí chẳng thèm nửa câu bàn đến.

noiso1

Những thông tin mà mạng xã hội đưa ra từ lâu nay, rằng ở cái đại hội này, Nguyễn Phú Trọng sẽ ở lại thêm nhiệm kỳ thứ 3. Nếu điều này có thật, thì cái món võ "cổ truyền" mà các quốc gia cộng sản, độc tài hoặc gốc cộng sản như Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn… đang đua nhau thực hiện là những lãnh tụ độc tài, sẽ sửa đổi Hiến pháp, điều lệ, để trở thành Hoàng đế suốt đời đang diễn ra tại Việt Nam.

Điều này, cũng có nghĩa là những quy định trong điều lệ đảng về độ tuổi, về đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo đảng không quá hai nhiệm kỳ, về việc công khai, dân chủ trong đảng, dân chủ từ cơ sở… chỉ là những ngôn từ đã bị biến thành hài hước.

Có thể nói, những cái gọi là bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch… mà đảng thường hay leo lẻo, chỉ vẫn là những "lời nói của người cộng sản" – đồng nghĩa với dối trá và lừa đảo.

Cũng qua đó, những cái gọi là "Kỷ luật đảng", "sức mạnh của đảng", "điều lệ đảng"… cũng chỉ là thứ giẻ rách mà một nhân vật độc tài sẽ xé bỏ vứt vào thùng rác bất cứ lúc nào nếu cần.

Điều này không lạ.

Không chỉ ở cái đại hội này mới xảy ra những chuyện hài hước, đi ngược lại những điều mà người cộng sản vốn đã thề thốt, vốn đã tung hô và đã trịnh trọng trước thiên hạ rằng một đảng muốn có sức mạnh, là ở kỷ luật, là điều lệ chặt chẽ, là dân chủ, công khai, đoàn kết và… đủ thứ ngôn từ kêu như chuông đồng. Ở ngay cái đại hội 12, Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của mình đã thực hiện hàng loạt các biện pháp để đảm bảo quyền "dân chủ trong đảng" bằng cách đưa ra quy định : Không một ủy viên trung ương nào được tự ứng cử hoặc đề cử những người không nằm trong danh sách do Bộ chính trị đưa ra. Thậm chí là phải từ chối, không được nhận sự đề cử của người khác nếu không nằm trong cái danh sách kia.

Tóm lại, không có bất cứ ai được phép bén mảng vào việc mơ ước một chiếc ghế nào trong hệ thống chính trị nếu nằm ngoài con số những người mà nhóm "phe thắng cuộc" trong các cuộc đốt lò đưa ra, dù đó là ủy viên Trung ương, dù là những người có năng lực hoặc có thể đảm nhận những chức vụ thuộc về khả năng chuyên môn của mình.

Mà để được đưa vào danh sách đó, thì có nhiều con đường và con đường ngắn nhất là những tờ đo la và kim ngân rải phía dưới.

Tất cả, vì sự "dân chủ trong đảng" buộc phải im, phải ngồi nghe và chỉ được… giơ tay. Phần còn lại, cái gọi là Tiểu ban nhân sự của đảng, mà đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng đã lo tất cả theo ý mình.

Quả là "dân chủ đến thế là cùng".

Lòng tin tưởng, sự mong đợi ?

Mấy tuần nay, hệ thống báo chí đã tung ra hàng loạt những bài viết, những hình ảnh về cái gọi là "Lòng tin" và sự mong mỏi, nô nức, yêu mến, kỳ vọng của người dân Việt Nam hướng về đại hội đảng.

Ở đó, báo chí trích dẫn tên tuổi của những người thuộc dân tộc ít người trong rừng sâu núi thẳm ở Mường Nhé, Điện Biên cho đến những người dân tộc ở Quảng Nam, Tây Nguyên rồi đặt vào miệng họ những lời… như nghị quyết. Ở đó, báo chí tuyên giáo đưa lên những hình ảnh cờ, hoa, băng rôn khẩu hiệu rợp trời, ngập phố, đỏ choe đỏ choét khắp nơi và coi rằng vậy là lòng dân hướng về đại hội đảng.

Xin thưa, hãy thôi đi cái trò láu cá vặt cứ lấy tiền dân đốt vô tội vạ cho những trò vô bổ nhằm tô vôi quét phẩm lên nhưng cái mả sụp, chỉ nhằm lừa bịp thiên hạ cái gọi là lòng tin vào đống xác thối. Đã hết rồi cái thời người dân ngây thơ, cả tin khi mà cả bốn phương trời chỉ có hàng loạt chiếc loa của đảng chĩa vào từ sáng đến tối rồi. Hãy đến chợ, hãy vào các thành phố, ra vỉa hè quán cóc mà ngồi một lúc, các nhà tuyên giáo đảng, các lãnh đạo và cán bộ sẽ hiểu ngay được lòng dân đang ra sao, sự tin tưởng của người dân ở mức nào.

Một loạt báo chí với tư duy một bàn tay che kín cả bầu trời thiên hạ, đi phỏng vấn một vài con cò mồi của đảng, rồi vống lên như thể đã làm một cuộc trưng cầu dân ý, rằng "nhân dân Việt Nam" tin tưởng, người dân Việt Nam hy vọng, quần chúng đồng tình và hướng về đại hội đảng mong muốn có những lãnh đạo tốt, chính sách hay cho đất nước, cho người dân.

Một vài nhân vật đã chìm sâu vào quá khứ cùng với những tội ác đã gây ra cho nhân dân như Phạm Quang Nghị, Phan Diễn… lại được móc lên để nói những lời ngơ ngáo, đạo đức và cao đạo. Những kẻ này cứ ráo hoảnh như thể thiên hạ không biết được bản thân họ là ai.

Bởi vì dù đã bị chôn sâu vào đáy trí nhớ thì vẫn còn đó hình ảnh của Phạm Quang Nghị ngày nào với những lời phát biểu rất… đảng. Rằng lũ lụt mà người dân không tự đổ sức ra mà làm, không chịu tự mình chống chọi với thiên nhiên lại ngồi chờ nhà nước cho cái nọ, cái kia… nhằm để thanh minh cho tội ác của Nghị mặc hàng chục người dân đã chết vì ngập lụt, vẫn ung dung cùng đồng bọn ngồi họp mấy ngày sau khi cướp được Tòa Khâm Sứ và đất đai Thái Hà.

Người ta cũng không quên Phạm Quang Nghị với những lời lẽ đạo đức, trong sáng, tin tưởng kia, lại chính là kẻ đã bao che, đưa con rể mình vào Bộ Công an để lập đường dây đánh bạc hàng chục nghìn tỷ đồng, để hối lộ với con số hàng tỷ, chục tỷ. Thậm chí, chiếc xe Nghị đi chơi đánh golf cũng đã bị công an trấn ngay giữa đường vì là tang vật vụ án. Nghị tưởng người dân không biết gì sao ?

Còn Phan Diễn ? Một thời làm thường trực Ban Bí thư đảng hãy xem lại ông đã làm được gì và gây những tác hại nào cho đất nước trong giai đoạn đảng ký hiệp định biên giới cách bí mật để dâng 15.000 km vuông lãnh thổ, bao gồm cả Ải Nam Quan, Thác bản Giốc cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc ?

Người dân Việt Nam nhớ lắm những nhân vật này, chỉ có điều họ tưởng người dân đã quên.

Nỗi sợ hãi

Để chuẩn bị cho đại hội lần thứ 13 của đảng, cả hệ thống công an từ Bộ cho đến các tỉnh, thành, quận huyện, phường xã, thôn xóm với cơ man nào là nhân lực, tiền của, phương tiện được huy động cả hơn năm trời nay nhằm bảo vệ cho mấy trăm con người đang ngồi biểu diễn ở Hội trường sân vận động Quốc gia Mỹ Đình kia.

Mới nhất, từ ngày 8/1/2021, tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình đảng lôi cả một đoàn hơn 6.000 quân gồm cả quân đội, cả công an với đủ các loại như sĩ quan an ninh nhân dân, cảnh sát nhân dân, cảnh sát cơ động, cảnh sát cơ động phòng chống bạo loạn, nữ cảnh sát cơ động đặc nhiệm. Bộ Tư lệnh thủ đô, hàng trăm phương tiện đặc chủng của lực lượng công an, quân đội... Trong đó nổi bật là đoàn xe RAM 2000 MKIII chống đạn của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, xe thiết giáp bánh hơi của Bộ Tư lệnh thủ đô, xe bọc thép chở quân, xe rà phá bom, mìn, xe phun nước… Thậm chí cả lực lượng chó và gồm 54 ngựa cùng kỵ binh được huy động tham gia.

Rồi cả hệ thống chính trị, kinh tế, từ y tế đến an ninh, hàng không, từ các cơ quan trọng yếu đến thứ yếu đều được huy động tối đa, bảo vệ an ninh cho cái gọi là đại hội đảng đang diễn ra.

Trên mặt trận tuyên tuyền và truyền thông, báo chí và quan chức đảng ra sức hô hào "Chống lại mọi diễn biến, chống phá đại hội đảng" từ nhân dân.

noiso0

Hàng loạt nhà báo, những facebooker và người dân bị bắt nhốt vào tù. Hàng loạt báo chí đảng ra sức hù dọa người dân rằng các thế lực thù địch đang phá hoại đại hội đảng của toàn dân. Những cơ quan ngôn luận quốc tế như VOA, RFA, BBC… có quan tâm đến tình hình Việt Nam được đảng nêu tên và hậm hực hết sức cay cú chỉ vì họ nói lên sự thật bản chất xã hội Việt Nam.

Người ta đặt câu hỏi : Tại sao, Đảng cộng sản Việt Nam, tự xưng là đại diện của nhân dân, là tinh hoa của dân tộc, là "đầy tớ, trung thành tận tụy của nhân dân" được nhân dân tin tưởng, yêu mến và hy vọng như vậy lại có nỗi sợ hãi lớn lao đến thế khi tập trung chỉ mấy ngày để diễn vở bi hài kịch của đất nước ?

Lẽ ra, khi được người dân yêu mến, kính phục và hy vọng, tin tưởng, thì đảng có ngồi ngay giữa bờ hồ Hoàn Kiếm, ngay giữa chợ Đồng Xuân mà họp, thì dân vẫn cứ bảo vệ và chăm sóc, sao phải rút vào tận chỗ kín như bưng rồi bảo vệ tầng tầng, lớp lớp vậy mà đảng vẫn không yên tâm ?

Theo Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết, thì ở Việt Nam là đất nước bình an nhất, hạnh phúc nhất, cán bộ đảng chỉ biết lấy hạnh phúc của nhân dân làm trọng, vì quyền lợi của nhân dân… thì làm gì có khủng bố, làm gì có ai dám đương đầu với đảng mà đảng sợ hãi đến vậy ?

Lẽ nào đảng sợ bọn bành trướng hoặc "đế quốc Mỹ" tấn công đảng khi đang họp hay sao ?

Thật ra, đảng đã nhầm.

Bởi những "thế lực thù địch" của Việt Nam, những kẻ không muốn cho đất nước này phát triển, muốn cho Việt Nam lụn bại và tan hoang, tiêu điều và suy kiệt, họ chỉ cần tâng bốc, nuôi dưỡng và chống lưng cho Đảng cộng sản Việt Nam tồn tại là đủ. Đâu cần bom đạn, chiến tranh.

Bởi chỉ cần sự tồn tại của đảng, thì cơ đồ đất nước đã là một màn đen không hề có tia hy vọng. Ở đó, người dân luôn được đảng lo cho mọi thứ, từ quyền được đi tù khi mở miệng, đến quyền trở thành dân oan, quân nhân oan, những người tu hành oan, kể cả công an oan, và tài sản của họ sẽ được đảng "đại diện" khi đảng cần "thu hồi", "cải cách"… mà thực chất là những cuộc cướp tập thể.

Ở đó, khi đảng tồn tại, thì không chỉ 15.000 km vuông lãnh thổ đã mất mà cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã và sẽ được giao cho bạn vàng của đảng quản lý nốt.

Ở đó, con cháu người dân Việt sẽ được đảng để lại cho món nợ khổng lồ mỗi người từ ba chục, nay lên bốn chục rồi năm chục triệu mỗi đầu người tha hồ mà đi làm nô lệ về trả, sau khi đảng đốt tiền cho hệ thống tham nhũng và những vở diễn vô bổ như cái đại hội này.

Tạm kết

Mặc dù cả hệ thống quan chức, báo chí, chính quyền và khắp mọi nơi, mọi lúc đảng ra sức hò hét về lòng tin của người dân, về những hy vọng và về mục đích của đảng là phục vụ nhân dân. Nhưng những động thái, những hành vi của đảng khi đưa nhóm đảng viên tụ họp, đã cho thấy một thực tế khác đang diễn ra ở Việt Nam.

Những hành động của đảng khi nhóm họp đã thể hiện những nỗi sợ hãi là có thật trước lòng dân ngày càng phẫn uất với một đảng đã từ lâu coi dân là thù địch, đã từ lâu chỉ biết lợi ích cá nhân, phe nhóm mình.

Đã từ lâu, đảng hiện nguyên hình bản chất cướp bóc và hoạt động như một ổ nhóm mafia một cách công khai trắng trợn, tước đoạt đi mọi quyền lợi của người dân, từ quyền làm con người cho đến mọi tài sản vật chất và tinh thần.

Và đảng hiểu, nỗi căm giận, uất ức của người dân đã đến đỉnh điểm.

Và vì thế, nỗi sợ hãi lòng dân trào dâng đang xâm chiếm những bộ óc của đảng hiện nay.

Và nỗi sợ hãi đó, đảng không thể giấu diếm trước bàn dân thiên hạ.

Ngày 25/1/2021. Ngày đảng khai mạc Đại hội 13

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 25/01/2021 (nguyenhuuvinh's blog)

*********************

Đại hội 13 : Đảng cẩn mật, đối phó với ai ?

Gió Bấc, RFA, 23/01/2021

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13 đang diễn ra trong không khí ngột ngạt dưới sự bảo vệ trực tiếp của 6.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội có cả xe bọc thép và lực lượng công an cả nước. Thông tin nhân sự trung ương là từ tuyệt mật đến tối mật. Đại biểu tham dự đại hội phải ăn chung, đi chung. Hàng loạt người bất đồng chính kiến bị xử án, bắt giam. Không gian mạn vốn dĩ đã bị kiểm duyệt, nhuộm đỏ bới hàng vạn dư luận viên, AK47 nay lại chính thức có thêm trung tâm kiểm tra tin giả.

canmat0

6.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân đội có cả xe bọc thép và lực lượng công an cả nước trực tiếp tham gia bảo vệ Đại hội 13 nhóm họp tại Hà Nội.

Phía Bắc là bạn vàng 4 tốt, phía tây là hai anh em tình sâu nghĩa nặng, phía đông là biển vàng biển bạc với chủ quyền không thể nào thay đổi. Bạn bè thế giới toàn là đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện. Đảng phải đối đầu với ai mà chuẩn bị phòng thủ, trấn áp từ vũ trang đến dư luận căng thẳng đến như vậy ?

Bảo vệ đại hội như chuẩn bị chiến tranh

Trước thềm đại hội, đảng cộng sản Việt Nam đã dựng lên cuộc triển lãm hoành tráng "Đảng cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội" được báo chí bốc thơm tung tóe là "hành trình xúc động hơn 90 năm của dân với Đảng qua 12 kỳ đại hội mới thấy lòng dân tin yêu Đảng thật nhiều, Đảng phải xứng đáng với lòng tin yêu ấy"

Thế nhưng thật lạ lùng trong điều kiện đất nước hòa bình, chuẩn bị việc bảo vệ đại hội của một đảng được mệnh danh là bách chiến bách thắng, một đảng được cho là nhân dân tin yêu, người ta lại trình diễn sức mạnh quân sự như là đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh. Bộ Quốc phòng và Công an phối hợp tổ chức, huy động 6.000 quân với đủ loại khí tài dặc chủng có cả xe bọc thép, kỵ binh.

Phát biểu khai mạc lễ xuất quân, Đại tướng Tô Lâm - Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, lực lượng công an sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội và các lực lượng liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các phương án, kế hoạch ; nắm chắc tình hình, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và phần tử xấu, không để bị động, bất ngờ (1).

Thật khó hiểu, biên giới phía Bắc là láng giềng hữu nghị 16 chữ vàng, biên giới phía Tây là hai nước anh em tình sâu nghĩa cả như Hồng Hà Cửu Long, phía Đông và Nam là biển Đông với chủ quyền không thể tranh cãi đươc bạn vàng vì đại cục đưa quân thường xuyên tuần tiểu. Nhìn xa hơn Mỹ từ kẻ thù chiến lược đã trở thành đối tác toàn diện, hàng chục quốc gia khác là đồng minh chiến lược vậy thế lực thù địch đang ờ đâu ? Nó là ai mà phải giương oai diệu vỏ trấn áp đến như vậy ?

Mùa đại hội là mùa bắt bớ

Thật ra, không phải tới bây giờ đai hội đảng mới là thời khắc ngột ngạt mà người dân phải chịu đựng nín thở qua sông. Đến hẹn lại lên, giống như cô hàng rượu của Nguyên Bính "Thấy rét u tôi bọc lại màn", khi các khẩu hiệu "hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng lần thứ…". Treo đỏ trời từ thành thị xuống làng quê là làn sóng trấn áp, truy quét, nghi kỵ dâng cao. Nhưng chừng như càng về sau khi tính chinh danh của chế độ độc tài toàn trị càng lu mờ, năng lực tuyên truyền mị dân càng suy giảm thì mức đàn áp bằng sức mạnh càng tăng lên, lộ liễu hơn và tàn nhẫn hơn.

Mở đầu năm 2020 ngay trước tết Canh Tý, dọn đường cho đại hội 13, đang giữa đến đảng đã ra quân với 3000 tay súng thảm sát cụ già 86 tuổi đời, đảng viên gần 60 tuổi đảng và bắt giữ tra tấn hàng chục người dân Đồng Tâm. Một cuộc chiến không tuyên bố, một hình thức khủng bố do nhà nước cầm quyền thực hiện với người dân chỉ vì cái tội dám giữ đất đai đang canh tác không giao nộp cho doanh nghiệp Viettel theo ý đảng.

Suốt năm 2020 đến đầu năm 2021 là một chuổi ngày trấn áp xét xử, bắt giam những người dân tay trắng với tội danh mơ hồ lợi dụng quyền tự do dân chủ. Hơn 20 nạn nhân khủng bố trở thành bị cáo ở Đồng Tâm. Các thành viên Hội Nhà Báo Việt Nam Độc Lập : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn hay chị Đinh Thị Thu Thủỷ bị kết án nặng nề hàng chục năm tù qua những phiên tòa bất minh.

Blogger Phạm Đoan Trang bị bắt chỉ vì viết sách phổ cập những kiến thức căn bản về luật pháp, quyền tự do dân chủ.

12/1, ông Chung Hoàng Chương, được cho là Facebooker "Chương May Mắn" bị Công An quận Ninh Kiều bắt giam.

Ba mẹ con nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư bị bắt vì nói lên một phần sự thật Đồng Tâm.

Cáng gần đại hội, làn sóng khủng bố càng ác liệt. Ngày 17/12/2020, Trương Châu Hữu Danh, một nhà báo chuyên điều tra tham nhũng tiêu cực đi đầu chống BOT bẩn, quan chiếm đất, phá rừng, con quan thăng tiến thần tốc bị bắt theo điều 311

22/12, Công an quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ khởi tố bị can, bắt giam" bà Lê Thị Bình, phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…" theo Điều 331, Bộ Luật Hình Sự

Ngày 21/1/2021, ông Trần Hữu Đức (sinh năm 1964) tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, bị bắt giữ vào lúc 16 giở 1. Công an đồng thời cũng thi hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của ông Trần Hữu Đức tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn

Còn nhiều và nhiều vụ bắt bớ giam cầm, xét xử vô lối dọn đường cho đại hội không thể kể hết trong một bài báo

Không gian mạng cũng trở nên nghẹt thở

Nhưng đâu chỉ bạo lực trong đời thực, trên không gian mạng đảng đã thành lập đội ngũ hàng vạn dư luận viên, lực lương AK47 tung tin xuyên tạc, phá rối, ngăn chặn hoạt động thông tin bình thường của người dân. Dùng quyền lực nhà nước gây sức ép các mạng xã hội g, Goole gở bài, khóa tài khoản của những người bất đồng chính kiến thậm chí chỉ là các ý kiến phản biện. Mới đây, ngày 12/1, Bộ Thông tin và truyền thông đã ra mắt Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh và công bố tin giả Việt Nam tại địa chỉ tingia.gov.vn và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả.

Thứ trưởng Phan Tâm Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng việc thành lập trung tâm này là do : "Nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, có thể chịu tổn hại lớn ; bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp ; Xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao".

Trước đường lối tuyên truyền theo định hướng, hơn 700 tờ báo chỉ một Tổng bí thư là Ban Tuyên Giáo, quyền tự do tiếp cận thông tin và quyền ngôn luận của người dân đã bị bóp nghẹt trong đời thực, chỉ còn chút ít khoảng trống ở không gian mạng. Nay với sự ra đời của trung tâm này nguy cơ bị theo dõi, rình rập, bị đấu tố trên không gian mạng của người dân càng lớn hơn (2).

Đại biểu giống tù nhân, học sinh mẫu giáo

Quản lý, trấn áp người dân hà khắc với ngươi dân như vậy vẫn chưa đủ. Sự nghi ngờ và trấn áp của giới lãnh đạo chóp bu đối với thành phần được cho là ưu tú, tiêu biểu được bầu chọn đi dự đại hội đảng toàn quốc cũng chặt chẽ không kém tù nhân. 

canmat1

Nhân danh việc phòng chống Covid 19, các đại biểu bị tước hoàn toàn các quyền tự do cá nhân trong suốt thời gian 9 ngày đại hội. Báo chí nhà nước đã long trọng đưa tin "Toàn bộ đại biểu dự Đại hội và khách mời được bố trí ăn, nghỉ theo đoàn, tập trung trong suốt thời gian họp, tại các khách sạn, nhà khách gần Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Đại biểu không ăn, nghỉ bên ngoài hoặc nhà riêng

Cách tổ chức này là một trong những điểm mới, được bổ sung vào công tác tổ chức, phục vụ Đại hội Đảng XIII để phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19".

Có lẻ Việt Nam là đất nước duy nhất phòng chống Covid 19 triệt để bằng biện pháp này và cũng chỉ áp dụng với các đại biểu trong thời gian đại hội đảng vì các thành viên chính phủ hay quốc hội các cuộc họp trước đây ngay trong lúc dịch bùng phát cũng không hề bị quy định như vậy (3).

Nhưng việc hội họp thì không thể nhân danh Covid được nên cho thấy lộ ra các đại biểu ưu tú ấy được cấp trên chăm sóc, quản lý, giám sát thật chặt chẽ hơn cả các bảo mẫu chăm chút các bé mẫu giáo. Họ được tập họp sinh hoạt từng đoàn theo từng đảng bộ, có trưởng đoàn là Ủy viên Trung ương phụ trách đã đành nhưng chưa đủ, Bộ Chính trị còn phân công thêm người để "tham gia sinh hoạt" với các đoàn này.

Tại cuộc họp báo chiều 22/1 ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban tổ chức trung ương Mai Văn Chính cho biết : Bộ Chính trị quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu. Bộ Chính trị cũng phân công 191 ủy viên trung ương tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu ; chỉ định 15 đại biểu dự đại hội". Như vậy, mỗi đoàn đại biểu còn có thêm 3 phái viên của Trung ương giám sát (4).

Buồn cười đến buồn nôn là chuyện nhân sự chóp bu của đại hội, lãnh đạo của đảng cầm quyền đồng thời là lãnh đạo tối cao giữ quyền sinh sát của quốc gia lẻ ra phải đươc dân bầu, nếu dân không được bầu thì cũng phải đươc bàn, không được bàn thì cũng đươc biết nhưng với đảng Việt Nam thì đó là bí mật. Trước đại hội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định về việc ban hành danh mục bí mật nhà nước của Đảng. Quyết định được ký theo đề nghị của Văn phòng Trung ương Đảng.

Theo đó, danh mục bí mật nhà nước của Đảng, căn cứ theo luật Bảo vệ bí mật nhà nước, được chia làm 03 mức độ mật, gồm : "Tuyệt mật", "Tối mật" và "Mật". 

Trong đó, loại thông tin "Tuyệt mật" bao gồm 06 nhóm thông tin thuộc các lĩnh vực kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng ; công tác tổ chức xây dựng Đảng ; công tác đối ngoại ; kinh tế – xã hội ; công tác dân vận và quốc phòng an ninh. Theo đó nhân sự tứ trụ là loại tuyệt mật.

Như vậy những đại biểu dự đại hội bề ngoài xênh xang áo mũ với đủ thứ chức vụ danh vị và cũng phải tốn kém, lấn chen giành giật mới được một suất đi dự đại hội này nhưng hoạt động thực chất chỉ là một quân cờ, một vai diễn câm lặng chỉ đươc nghe, được nói những gì cấp trên cho phép.

Nghi dân, trấn áp dân đã đành nhưng tại sao đảng lại phải trấn áp, kiểm soát nghiêm nhặt, lộ liểu những thuộc hạ tâm phúc của mình. Cái bí mật vĩ đại mà đảng đang muốn che giấu là gì ?

Hy sinh đến hơi thở cuối

Phải qua ba kỳ họp trung ương, phải đến ngày 17/1/2021, các phe phái trong đảng mới thỏa hiệp chia nhau bốn cái ghế tối cao đặc biệt nhất là đồng thuận đươc cái ghế Tổng bí thư cho trường hợp đặc biệt của đặc biệt. Nghĩa là quyền lãnh đạo tối cao lại tiếp tục nằm yên trong tay người đốt lò vĩ đại, người liêm khiết, đức độ, không tham vong quyền lực chỉ vì trách nhiệm, vì muốn cống hiến hy sinh cho đảng đến hơi thở cuối cùng. Dù sức yếu đến mức đứng không vững, đọc chữ không ra hơi vẫn đạp lên điều lệ đảng để tiếp tục cống hiến thêm nhiệm kỳ 3. Trọng không đủ quyền lực như Putin hay Tập để tự giữ ghế cho mình mà phải lao đao thỏa hiệp kích động đám đàn em lao vào tinh trạng quần ngư tranh thực để y thủ đắc thế ngư ông đắc lợi.

Những mưu kế, những cuộc mặc cả quyền lực ấy không thể thực hiện công khai, không thể danh chính ngôn thuận trên bàn hội nghị nên phải trấn áp từ ngoài đến bên trong đảng.

Điều buồn cười là mãi đến ngày 18/1 các cái loa của đảng mới khệnh khạng úp mở công bố kết quả hội nghị trung ương 15 cũng là kết quả đại hội 13 (dù nó chưa diễn ra) là Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và biểu quyết thông qua danh sách nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí lần đầu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, bổ sung một số đồng chí Ủy viên Trung ương khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII… ; thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII thuộc trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII và danh sách đề cử các đồng chí vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ khóa XIII với số phiếu tập trung rất cao (5).

Ngươi dân đọc báo lề phải ngán ngẩm như đang được hưởng đặc ân, được đảng cho ăn những món ăn thiu, muốn mửa, đươc hưởng một loại dân chủ gấp vạn lần hơn của xã hội tư bản. Trước đó một ngày dài BBC và một số kênh thông tấn phương tây đã đăng chi tiết cụ thể cái danh sách tứ trụ tuyệt mật.

"Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ hội nghị cho thấy Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục ở lại giữ cương vị tổng bí thư và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề bạt làm chủ tịch nước.

"Trong khi đó, vị trí thủ tướng sẽ do ông Phạm Minh Chính, hiện là trưởng ban tổ chức trung ương, tiếp quản, và ông Vương Đình Huệ, nguyên phó thủ tướng chính phủ và hiện là bí thư thành ủy Hà Nội, sẽ trở thành tân chủ tịch quốc hội", Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp viết trong bài 'Lộ diện 'Tứ trụ' và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam' vào 17/01, cùng ngày Hội nghị Trung ương 15 bế mạc (6).

Như vậy, đảng chỉ tuyệt mật với dân và dư luận trong nước. Chiếc mù xoa quyền lực độc tài thật ra cũng chỉ đủ sức che lấp tầm nhìn của những thuộc hạ xu nịnh quen ca ngợi cái long bào vô hình của vị hoàng đế cởi truồng. Với người dân, sức chịu đựng của chiếc lò xo đã nén đến mức tận cùng.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 23/01/2021 (Gió Bấc's blog)

1. https://laodong.vn/dai-hoi-xiii/hon-6000-can-bo-chien-si-tham-gia-dien-t...

2. https://www.qdnd.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trong-nuoc/ra-mat-cong-thong-tin-...

3. https://tuoitre.vn/dai-bieu-dai-hoi-dang-xiii-khong-an-nghi-ben-ngoai-ho...

4. https://tuoitre.vn/phan-cong-191-uy-vien-trung-uong-sinh-hoat-tai-67-doa...

5. https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Trung-uong-thong-qua-nhan-su-thuoc-tr...

6. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55695803

Published in Diễn đàn

Nguyn Phú Trng, trường hp đc bit rt đc bit

Trân Văn, VOA, 28/01/2021

Đảng cộng sản Việt Nam va tái xác nhn tin đn v nhân s lãnh đo đng nhim k ti là hoàn toàn chính xác :Ông Nguyn Phú Trng s làm Tng Bí thư thêm mt nhim k na.

trong1

Điu l ca Đảng cộng sản Việt Nam : Không ai có th làm Tng Bí thư quá hai nhim k.

Đng CSVN qui đnh,Ban chấp hành trung ương đng không th gii thiu mt cá nhân đang là y viên Ban chấp hành trung ương tái ng c vào Ban chấp hành trung ương nhim k sau, nếu đương s quá 60 tui, hoc đã là y viên B Chính tr nhưng đã trên 65 tui nhưng cách nay bn năm , ông Trng khi y (2016) là Tng Bí thư đã 72 tui - vn được Ban chấp hành trung ương khóa 11 gii thiu tham gia Ban chấp hành trung ương đng nhim k 12 vi lý do cn phi có ngoi l v tui đi vi mt s… trường hp đc bit.

Sau bn năm là mt trong vàitrường hp đc bit lãnh đo đng, Ban chấp hành trung ương đng nhim k 12 tiếp tc gii thiu ông Trng tái ng c vào Ban chấp hành trung ương nhim k 13. Ngoài yếu t đã quá 12 tui, vic Ban chấp hành trung ương nhim k 12 gii thiu ông Trng tham gia Ban chấp hành trung ương nhim k 13 còn sai vi Điu l ca Đảng cộng sản Việt Nam :Không ai có th làm Tng Bí thư quá hai nhim k ! Ai cũng biết vic gii thiu ông Trng tham gia Ban chấp hành trung ương nhim k 13 là đ được Ban chấp hành trung ương mi bu làm Tng Bí thư ln th ba.

Ông Hu A Lếnh khng đnh vi báo gii, ông Trng mt trong nhngtrường hp đc bit được gii thiu tái ng c cách nay bn năm ti đi hi 12 gi tr thành trường hprt đc bitđược gii thiu tái ng c ti đi hi 13 !

Có th vì quy đnh ca đng là như thế nhưng chưa được sa, theo qui đnh, mun sa phi gii trình, phi ch các y viên Ban chấp hành trung ương đng tho lun, b phiếu chun thun mà Ban chấp hành trung ương nhim k này vngii thiu ông Trng tái ng c là kỳ quá !.

Có th vì hơn 1.500 đi biu đi din cho toàn b đng viên ca Đảng cộng sản Việt Nam đang d đi hi 13 chưa b phiếu nào bu ra các thành viên Ban chấp hành trung ương nhim k mi, chưa có Ban chấp hành trung ương nhim k mi thì đào đâu ra các thành viên B Chính tr nhim k mi (do các y viên Ban chấp hành trung ương mi b phiếu bu) đ gii thiu Tng Bí thư cho đi biu bu theo qui đnh, mà đã dõng dc tuyên b ông Trng s là Tng Bí thư nhim k mi, rõ ràng quá k !

Cho nên sau khi h thng truyn thông chính thc hăm h gii thiu tuyên b ca ông Hu A Lếnh, hình như đã có ai đó, nơi nào đó ra lnh cho h thng truyn thông chính thc đng lot đc b nhng chi tiết xác đnh ông Nguyn Phú Trng s là Tng Bí thư !

***

Trước nay, chng riêng ông Trng và các đng chí đang lãnh đo đng, các cơ quan ch cht ca đng cũng thường xuyên huyên thuyên v chuyn nêu gương đ mi khía cnh, chuyn thc thi dân ch trong đng, chuyn qui hoch nhân s ca đng (2).

Ông Trng người ph trách Tiu ban Nhân s nhm chun b đi ngũ cho Ban chấp hành trung ương nhim k 12, Ban chấp hành trung ương nhim k 13 - cũng như Ban chấp hành trung ương nhim k 11, Ban chấp hành trung ương nhim k 12 đang chng minh, ngay c điu l, cũng như đ loi qui đnh này khác mà đng đt đnh ri gii thiu hết sc long trng rt cuc cũng vô giá tr. Đi hi đng các cp đ la chn nhân s lãnh đo đng t đa phương ti trung ương, qua đó sp đt cá nhân lãnh đo h thng chính tr, h thng công quyn ti Vit Nam ch là đ cho vui.

Trân Văn

Nguồn : VOA,28/01/2021

Chú thích

(1) https://www.voatiengviet.com/a/tai-sao-thong-tin-tbt-trong-duoc-gioi-thieu-he-lo-roi-bi-rut-xuong/5753993.html

(2) https://vnexpress.net/ong-hau-a-lenh-nhan-su-khoa-xiii-duoc-chuan-bi-ky-luong-4227151.html

***********************

Đại hội 13, ai khiến Nguyễn Phú Trọng lo sợ ?

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 28/01/2021

Ngày thứ 2 làm việc của đại hội, báo Tuổi Trẻ giật tít nghe rất kêu "Văn kiện Đại hội XIII kết tinh trí tuệ toàn Đảng, toàn dân". Ai cũng biết văn kiện đại hội là do đảng tự soạn chứ chẳng có người dân nào tham dự cả. Và lẽ dĩ nhiên nội dung văn kiện ấy cũng vì lợi ích của đảng chứ chẳng phải vì dân. Tuy nhiên đảng cũng phải ghép từ "nhân dân" vào đấy để cho có vẻ "ý đảng lòng dân là một". Nhưng thực tế thì sao ? Thực tế hoàn toàn ngược lại.

kybi1

Người dân Việt Nam vốn rất thờ ơ với chính trị, ấy vậy mà đảng nhìn đâu cũng thấy "thế lực thù địch".

Việc huy động 6.000 cảnh sát cơ động và công an chìm làm náo loạn cả thành phố Hà Nội mấy ngày qua làm cho người dân phải ngao ngán. Dân Hà Nội than vãn rằng, vì lực lượng công an dày đặc chặn đường cho những đoàn xe gắn biển đại hội hụ còi inh ỏi đi đã làm cho Hà Nội kẹt xe chưa từng thấy. Người dân Hà Nội thực sự không mặn mà gì với đại hội, và bản thân họ cũng chẳng muốn biểu tình phản đối hay có bất kỳ hành động nào ảnh hưởng đến đại hội làm gì cả. Tuy nhiên về phía chính quyền thì họ vẫn sợ.

Người dân Việt Nam vốn rất thờ ơ với chính trị, ấy vậy mà đảng nhìn đâu cũng thấy "thế lực thù địch". Và việc huy động lực lượng hùng hậu bảo vệ đại hội đảng cho thấy đảng không tin dân dù cho trên báo họ luôn nói rằng "ý đảng lòng dân là một".

Thực tế là giữa lời nói và hành động của Đảng cộng sản về nhiều vấn đề thường ngược nhau. Theo đài VOA thì "Không quan tâm đến đại hội đảng, giới hoạt động vẫn bị canh gác, theo dõi". Điều đó chứng tỏ, đảng không hề tin dân.

Trang mạng đài này cho biết, ngay trong những ngày đầu của đại hội, nhiều nhà hoạt động và bất đồng chính kiến cho biết qua mạng xã hội rằng họ bất bình về việc các nhân viên an ninh của chính quyền theo dõi, giám sát, làm mất quyền tự do công dân của họ.

Huy động cả quân đội tham gia vào việc phá quyền tự do ngôn luận của nhân dân.

6.000 cảnh sát cơ động chỉ là phần nổi, công an chìm mặc thường phục trà trộn vào dân theo dõi nhân dân, cử công an quận đến cánh nhà những nhà hoạt động cũng chưa phải là đầy đủ. Hiện nay báo chí nhà nước còn cho biết, quân đội cũng được huy động vào việc đánh phá quyền tự do ngôn luận của người dân trên không gian mạng. Thực chất của hành động này là gạt nhân dân ra khỏi vai trò góp ý với đảng với nhà nước qua mạng xã hội. Đảng cộng sản là một tổ chức chính trị độc tài không bao giờ chịu nghe ý kiến trái chiều của người dân.

Sáng 26/1, bên lề Đại hội Đảng XIII, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Thượng tướng Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội đã trả lời báo chí về công việc "bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược về an ninh mạng. Tất cả các chiến lược này đều có lực lượng chuyên trách, nòng cốt, như Quân đội có Bộ tư lệnh 86".

Thực chất là quân đội bảo vệ đảng chứ không phải bảo vệ tổ quốc nào cả. Quân đội đang có lực lượng 47 với số lượng lên đến 10 ngàn người. Họ đủ sức để đánh phá bất kỳ tài khoản facebook nào phản ánh sự thật về đại hội hoặc về các tiêu cực của Đảng cộng sản.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nói thêm rằng "bản chất của việc thực hiện nhiệm vụ này là xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Trong đó, lực lượng vũ trang, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông… đều tham gia".

Vâng ! Đấy là những gì mà ông tướng quân đội này đã thừa nhận. Lực lượng vũ trang, ban tuyên giáo và bộ thông tin và truyền thông đang phối hợp để bóp nghẹt tiếng nói người dân. Thực sự ông Trọng càng già ông càng có nhiều chính sách bóp nghẹt tự do ngôn luận. Điều đó cho thấy Nguyễn Phú Trọng ý thức rằng, tính chính danh của Đảng cộng sản không có.

Ngoài sợ dân, ông Trọng còn sợ ai ?

Nguyễn Xuân Phúc và Trần Quốc Vượng trước đại hội được đánh giá là 2 đối thủ chạy đua giành ghế tổng bí thư. Với tin rò rỉ như hiện hay thì Trần Quốc Vượng đã bị loại khỏi cuộc đua và Nguyễn Xuân Phúc thì tuy còn ở lại bộ chính trị nhưng cũng đã bị đánh bật ra khỏi vị trí thủ tướng đầy quyền lực. Bộ ba chiến đấu vì ghế tổng bí thư bây giờ còn lại chỉ có một mình Nguyễn Phú Trọng là còn trụ lại được ghế quyền lực.

Hiện nay có ý cho rằng theo kế hoạch trước Đại hội thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nhường ghế cho ông Trần Quốc Vượng, đồng thời giao Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an cho ông Vượng. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chấp nhận điều này. Do đó, ông Phúc đã chiêu dụ nhiều tướng lĩnh công an nhằm làm yếu thế ông Vượng trước Đại hội. Do đó, ông Trọng sẽ phải ngồi lại để tránh cho việc ông Vượng bị thôn tính mà như vậy sẽ ảnh hưởng đến an toàn của ông Trọng sau khi rời chức.

Có một điều khó hiểu là, ông Trọng đang hỗ trợ cho ông Vượng tại sao để ông Vượng bị loại ra khỏi Bộ Chính Trị ? Tại sao ông Trọng giành được suất đặc biệt nhưng lại để suất đặt biệt khác rơi vào tay ông Phúc chứ không rơi vào tay ông Vượng ? Đó là những câu hỏi rất khó trả lời thỏa đáng. Cho đến nay khả năng ông Trần Quốc Vượng, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc cùng chiến nhau giành 1 ghế là giả thuyết được cho là thuyết phục hơn hết.

Thực tế, từ 5 năm nay ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm đảng ủy công an. Việc ông Phúc thuyết phục các tướng công an về phe ông là một giả thuyết cũng không thiết phục. Bởi nếu các tướng công an đã theo Phúc thì cũng đồng nghĩa với việc phản ông Trọng, vậy thì tại sao ông Trọng vẫn mạnh hơn ông Phúc khi vẫn giữ được ghế tổng bí thư cho mình trong tình cảnh sức khỏe đã quá yếu.

Gần đến đại hội đảng, thông tin chưa được kiểm chứng được lan truyền trên internet nói rằng nhiều khả năng ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng, và chức Chủ tịch Quốc hội được dành cho ông Vương Đình Huệ.

Nhìn vào danh sách tứ trụ mới này cho thấy, Nguyễn Xuân Phúc đã thất bại nhưng vẫn còn quyền lực, tuy quyền lực không còn mạnh như trước đây. Tuy nhiên tính đến Đại hội 13 này diễn ra ông Phúc vẫn còn đang là đương kim thủ tướng. Vậy nên ông Trọng cho tăng cường an ninh để phòng bất trắc là điều dễ hiểu.

Trong nhiệm kỳ 3, ông Trọng sẽ chiến với ông Phúc thế nào ?

Như vậy là trong Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 vẫn tồn tại 2 đối thủ kèn cựa nhau là Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Ông Trọng đang có lợi thế là giữ được quyền lực trong tay nhưng sức khỏe ngày một yếu đi. Sự già yếu và bệnh tật về sau có thể sẽ là lý do làm cho nhiều người dưới trướng ông Trọng phải tính đường riêng. Như vậy cán cân quyền lực giữa ông Trọng và ông Phúc trong 5 năm tới có khả năng nghiêng về ông Phúc nhiều hơn và hứa hẹn sẽ có những cuộc đối đầu khốc liệt trong nội bộ đảng không kém gì trận chiến giữa ông Trọng và ông Dũng trước đây.

Như vậy có thể dự đoán rằng, trong khóa 13 thách thức lớn nhất của đảng Cộng Sản Việt Nam là vấn đề nội loạn. Nguyễn Tấn Dũng xuống thì có Nguyễn Xuân Phúc nổi lên, hoặc sắp tới thế lực Phạm Minh Chính cũng là một ẩn số khó đoán. Mà Phạm Minh Chính một khi đã nắm được ghế thủ tướng thì có khả năng ông ta lập một nhóm lợi ích riêng để tiến hành thâu tóm quyền lực về tay mình như ông Nguyễn Phú Trọng đã từng làm.

Cơ chế đảng trị, với đảng cộng sản đứng cao hơn tất cả, kiểm soát tất cả từ hành pháp, luật pháp, tư pháp, cả truyền thông nên việc kiểm soát người dân là trong khả năng. Dù cho ông Trọng thắng thế, hay ông Phúc thắng thế hay ông Phạm Minh Chính nổi lên thì việc bức hại nhân dân cũng không thay đổi. Chỉ có các thế lực bên trong đảng là thay đổi thôi.

Phạm Minh Chính sẽ là thế lực khó đối phó đối với cả ông Trọng và ông Phúc trong Trung ương đảng khóa 13.

kybi2

Ông Nguyễn Xuân Phúc trao bằng huân chương cho Phạm Minh Chính năm 2015. Ảnh minh họa

Phạm Minh Chính còn rất trẻ, là người từng làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an và sau đó là được phong lên đến hàm trung tướng công an. Làm việc trong ngành tình báo là một ưu thế lớn, dễ bắt liên lạc với tình báo Trung Cộng và tính đường chính trị riêng. Đó là lợi thế mà khó có người nào muốn làm chính trị mà lại bỏ qua.

Ông Phạm Minh Chính khởi động cho con đường tiến vào ghế thủ tướng hôm nay bằng chức bí thư tỉnh quảng ninh từ năm 2011 đến 2015. Và từ năm 2015 đến nay ông Chính tiến rất nhanh, điều đó cho thấy ông Chính là một thế lực mà cả ông Trọng và ông Phúc phải dè chừng.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang nắm quyền lực lớn trong tay nhưng về sau quyền lực ấy rất có thể sẽ yếu đi chứ không còn mạnh nữa. Tương tự như vậy, với ghế chủ tịch nước thì ông Phúc cũng sẽ không thể phát triển thế lực mạnh lên thêm mà chỉ có thể yếu hơn mà thôi.

Ở trung ương đảng nhiệm kỳ 13, cả thế lực ông Trọng và thế lực ông Phúc đều đi xuống, trong khi đó Phạm Minh Chính thì đang lên cộng với tuổi tác cũng trẻ hơn 2 ông kia rất nhiều. Trong nhiệm kỳ thủ tướng sắp tới, có thể nói Phạm Minh Chính sẽ thu hút nhiều huộc hạ dưới trướng tụ về đầu quân để tìm kiếm cơ hội.

Không biết nhiệm kỳ 3 ông trọng sẽ chiến với ai ? Chiến với ông Phúc hay chiến với Phạm Minh Chính ? Chiếc ghế của ông Trọng là một vị trí mà đã ngoài tầm với đối vơuis Nguyễn Xuân Phúc, nhưng nó lại là rất gần với Phạm Minh Chính. Trong 5 năm nhiệm kỳ thủ tướng, có lẽ là thế lực Phạm Minh Chính nổi lên như là một thế lực mạnh nhất thay thế cho thế lực cũ đã quá già nua. Nếu không có gì thay đổi thì việc Phạm Minh Chính lượm chiếc ghế tổng bí thư trong tương lai làtrong tầm tay.

Nguyễn Duy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 28/01/2021

********************

Sự bất thường của ông Nguyễn Phú Trọng ngày khai mạc Đại hội 13, lý do nào ?

Nguyễn Duy, Thoibao.de, 28/01/2021

Có thể nói Đại hội 13 sẽ là đại hội dành cho ông Nguyễn Phú Trọng, bởi ông là người được hưởng suất đặc biệt và sắp được công bố trong vài ngày tới. Tuy ông Trọng không phải là người duy nhất được hưởng suất này, nhưng nói về thành công thì chỉ có mình ông Trọng, vì Nguyễn Xuân Phúc tuy hưởng xuất đặc biệt nhưng bị đưa qua chức chủ tịch nước thì cũng xem như là thất bại hơn là thành công.

kybi3

Có thể nói Đại hội 13 sẽ là đại hội dành cho ông Nguyễn Phú Trọng

Sáng ngày 25/1 tất cả các báo đồng loạt đưa tin về ngày đầu tiên khai mạc đại hội lần thứ XIII của Đảng được tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021 tại Hà Nội. Đầu giờ sáng ngày 25/1, các đại biểu Đại hội XIII sẽ vào Lăng viếng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên điều đặc biệt là trong đoàn vào viếng này lại thiếu nhân vật quang trọng nhất, đó là ông Nguyễn Phú Trọng.

Theo thông báo trên báo chí nhà nước thì ngày đầu tiên đại hội sẽ thông qua chương trình phiên họp trù bị, thông qua Quy chế làm việc, Chương trình làm việc, Quy chế bầu cử Đại hội XIII và Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu. Tại phiên trù bị, các đại biểu tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu. Sau phiên trù bị, các đại biểu sinh hoạt tại đoàn nghiên cứu các tài liệu Đại hội, gồm báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương khóa XII…

Có thể xem phiên trù bị là chưa phải là buổi họp quan trọng nhất đại hội, tuy nhiên nghi lễ viếng lăng thì cực kỳ quan trọng đối với Đảng cộng sản nhưng ông Nguyễn Phú Trọng lại không có mặt. Chính điều này lại thổi bùng lên lời đồn đoán về sức khỏe của ông Trọng trong đại hội này liệu có đảm bảo hay không ?!

Ông Nguyễn Phú Trọng vắng mặt tại buổi lễ viếng lăng Hồ Chí Minh sáng ngày 25/1

Liệu sức khỏe của ông Trọng có nghiêm trọng hay không ?

Theo báo chí đưa tin, ngày làm việc chính thức đầu tiên sẽ sau ngày họp trù bị, sáng 26/1, Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ họp phiên khai mạc tại hội trường. Lịch trình đại hội đã được xác định trước đó, tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thời gian biểu đại hội đã được định trước còn việc xác định suất đặc biệt để ưu ái cho ông Trọng thì đến hội nghị trung ương 15 mới chốt. Tất cả danh sách nhân sự đã xong ngay trong hội nghị đó. Thông thường là việc bầu bán ở Đại hội 13 sẽ không có gì bất ngờ cả. Tuy nhiên không bất ngờ khi mà sức khỏe của ông Trọng được đảm bảo, nhưng nếu sức khỏe ông không đảm bảo thì chắc chắn có sáo trộn.

Ông Trọng đã trải qua một lần đột quỵ vào tháng 5 năm 2019 và cho đến hôm nay cũng chỉ mới bình phục có một phần, vì vậy nếu có vấn đề gì đến với sức khỏe của ông thì tất nhiên là nghiêm trọng hơn chứ không đơn giản như những lần trước đó. Bệnh nó đến trên một cơ thể có tiền sử bệnh nặng thì có thể bệnh sẽ nặng hơn.

Ông Trọng thuộc diện được chăm sóc sức khỏe hằng ngày, nên rất có thể lần viếng lăng ông Hồ Chí Minh này ông không đi là do lời khuyên của bác sĩ. Nhưng dù ông có phát bệnh thật hay vì bảo vệ sức thì điều đó cũng cho thấy sức khỏe của ông Trọng không được đảm bảo.

Có thể sức khỏe ông sức khỏe ông Trọng không gặp vấn đề gì nghiêm trọng trong thời gian ngắn hạn 9 ngày đại hội, nhưng về lâu về dài khó mà đảm bảo cho ông đi hết nhiệm kỳ.

Vận mệnh đất nước không phải là chuyện đùa, một con người nắm quyền điều hành đất nước phải đảm bảo sức khỏe, đó là điều cần thiết. Tuy nhiên với chế độ độc đảng như độc tài cộng sản thì nhân dân không có sự chọn lựa và thậm chí người đảng viên bậc thấp hơn cũng không có sự chọn lựa khi làm gì cũng phải không được sai với chủ trương của đảng.

Liệu những ngày sau đó Nguyễn Phú Trọng có xuất hiện không ?

Không biết ông Nguyễn Phú Trọng có lường trước được những vấn đề sức khỏe mà ông có thể gặp phải khi mà phải chủ trì một đại hội kéo dài liên tục trong 9 ngày hay không ? Một ông già đã 77 tuổi và từng bị đột quỵ phải chữa bệnh trong suốt một năm thì tất sức khỏe của ông không còn như xưa nữa. Điều này chắc là ông Trọng phải biết vì bên ông ông có bác sĩ cho lời khuyên tốt nhất.

Trong 9 ngày đại hội có thể nói ông Nguyễn Phú Trọng cần phải ít xuất hiện tại đại hội, chỉ xuất hiện vào những thời điểm quan trọng để tránh làm việc quá nhiều kéo theo tình hình sức khỏe trở nên phức tạp. Chính vì vậy mà trong những kỳ hội nghị trung ương trước đại hội ông Nguyễn Phú Trọng ắt đã chuẩn bị kỹ cho lịch trình đại hội để đến khi đại hội ông có thể vắng mặt một số ngày.

Tại hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương Đảng diễn ra ngày 18/12/2020, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết "Trung ương thống nhất cao cho rằng việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thành theo đúng mục đích, yêu cầu, kế hoạch đề ra".

Hệ thống các văn kiện trình Đại hội XIII bao gồm Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, cùng với các báo cáo chuyên đề là Báo cáo kinh tế-xã hội bao gồm các Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. Đó là những gì mà hội nghị trung ương 14 đã chuẩn bị. Đến Đại hội 13 thì mọi việc cứ thế mà tiến hành và ông Trọng cũng không cần phải xuất hiện liên tục.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã chiến đấu để giữ ghế thì ắt ông ta phải có kế hoạch bảo vệ sức khỏe của ông để tiếp tục tại vị. Đó là điều cần thiết. Rất có thể trong những ngày tới ông Nguyễn Phú Trọng sẽ xuất hiện trong những buổi họp quan trọng, còn những buổi họp không quan trọng ông sẽ vắng mặt.

Có thể ông Nguyễn Phú Trọng chỉ xuất hiện những lúc cần thiết.

Nếu ông Trọng bệnh thật ngay trong đại hội, ai là người hưởng lợi ?

Ngay hội nghị trung ương 15 kết thúc ngày 17/1 vừa qua thì danh sách đã được rò rỉ ra ngoài xã hội như sau:

1. Nguyễn Phú Trọng sinh năm 1944, quê Hà Nội : ủy viên Bộ Chính trị, tái cử chức Tổng bí thư

2. Nguyễn Xuân Phúc, sinh năm 1954, quê Quảng Nam : ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng chính phủ, ứng cử chức Chủ tịch nước

3. Phạm Minh Chính, sinh năm 1958, quê Thanh Hóa : ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ứng cử chức Thủ tướng Chính phủ

4. Vương Đình Huệ, sinh năm 1957, quê Nghệ An : ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội ; ứng cử Chủ tịch quốc hội

5. Võ Văn Thưởng, sinh năm 1970, quê Vĩnh Long : ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo ; ứng cử Thường trực Ban bí thư

6. Tô Lâm, sinh năm 1957, quê Hưng Yên : ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an, ứng cử Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ

7. Phạm Bình Minh, sinh năm 1959, quê Nam Định : ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ; ứng cử Phó chủ tịch quốc hội

8. Trương Thị Mai, sinh năm 1958, quê Quảng Bình : ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban dân vận, ứng cử Trưởng ban tổ chức Trung ương

9. Nguyễn Hòa Bình, sinh năm 1958, quê Quảng Ngãi : Bí thư Trung ương, Chánh án Tòa án Tối cao ; ứng cử Trưởng ban Nội chính Trung ương

10. Trần Cẩm Tú, sinh năm 1961, quê Hà Tĩnh : Bí thư trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra ; tái cử Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

11. Phan Đình Trạc, sinh năm 1958, quê Nghệ An : Bí thư Trung ương, Trưởng ban Nội Chính Trung ương ; ứng cử Bộ trưởng Bộ Công an

12. Nguyễn Văn Nên, sinh năm 1957, quê Tây Ninh : Bí thư trung ương, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ; tái ứng cử Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh

13. Phan Văn Giang, sinh năm 1960, quê Thái Nguyên : ủy viên trung ương, Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, ứng cử Bộ trưởng Bộ Quốc phòng

14. Đào Ngọc Dung, sinh năm 1962, quê Hà Nam : ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội ; ứng cử Trưởng Ban dân vận Trung ương

15. Bùi Thanh Sơn, sinh năm 1962, quê Hà Nội : ủy viên trung ương, Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao; ứng cử Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao

16. Bùi Minh Hoài, sinh năm 1965, quê Hà Nam : ủy viên trung ương, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương ; ứng cử Trưởng ban dân vận Trung ương

17. Đinh Tiến Dũng, sinh năm 1961, quê Ninh Bình : ủy viên trung ương, Bộ trưởng Bộ tài chính ; ứng cử Bí thư thành ủy Hà Nội.

kybi4

Giả định về trường hợp sức khỏe xấu xảy ra trong đúng những ngày đại hội thì lúc đó ông Trần Quốc Vượng có khả năng sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư.

Rõ ràng trong danh sách không có Trần Quốc Vượng. Tuy nhiên tin tức ông Trần Quốc Vượng bị loại vẫn chưa công bố chính thức. Vì vậy nên giả định về trường hợp sức khỏe xấu xảy ra trong đúng những ngày đại hội thì lúc đó ông Trần Quốc Vượng có khả năng sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư. Khả năng này rất khó xảy ra, tuy nhiên khi đại hội chưa kết thúc thì chưa thể kết luận được điều gì cả.

Với tình hình sức khỏe như vậy, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có khả năng ngồi đến hết nhiệm kỳ hay không ?

Năm 2016 khi mà ông Nguyễn Phú Trọng tự thưởng "suất đặc biệt" cho chính ông để ngồi lại ghế tổng bí thư thì mạng xã hội cũng đồn đoán rằng, ông Trọng ngồi chỉ nửa nhiệm kỳ rồi chuyển giao, tuy nhiên dù cho bị ngã bệnh đến thập tử nhất sinh vào giữa tháng 5 năm 2019 thì ông vẫn không buông ghế. Như thế mới thấy quyết tâm của ông Trọng thế nào. Dù bệnh nặng như thế nào vẫn không buông. Hiện nay sức khỏe của ông dù sao cũng khá hơn năm 2019 nhiều thì làm sao ông có thể buông ?

Khả năng là ông Trọng sẽ không bao giờ buông giữa nhiệm kỳ. Chỉ có một lý do để ông ta từ bỏ chiếc ghế, đó là tuổi thọ không cho ông qua hết nhiệm kỳ. Với ông Trọng thì chỉ có lý do đó thôi, khó có lý do nào khác.

Nguyễn Duy (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 28/01/2021

********************

Tổng bí thư Trọng âm mưu giữ chức cao nhất

David Brown, VNTB, 28/01/2021

Với đại hội đảng 13 đang diễn ra, ông Trọng tìm cách vô hiệu hóa những người kế nhiệm

npt1

Ông Phúc đã đặt mục tiêu thay thế ông Trọng trong chức vụ cao nhất trong đảng.

Rõ ràng ông Nguyễn Phú Trọng tin chắc cái gì tốt cho Đảng Cộng sản là cũng tốt cho Việt Nam. Điều đó giải thích tại sao, thay vì sắp nghỉ hưu một cách lịch sự, người đàn ông 77 tuổi nay đi không vững, vẫn còn xảo quyệt lại tự ý nhận chức tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba.

Ông Trọng đã có một số người kế nhiệm trong tâm trí. Ông thích Đinh Thế Huynh nhất, Đinh Thế Huynh là người của tuyên giáo và đã sát cánh cùng ông Trọng trong phần lớn sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, Đinh Thế Huynh đã được Bộ chính trị cho phép nghỉ phép vào đầu năm 2018 "để tiếp tục hồi phục sau một cơn bạo bệnh".

Sau đó là Trần Quốc Vượng, cấp phó của ông Trọng trong chiến dịch làm trong sạch đảng và nhà nước khỏi những phần tử tham nhũng. Ông Vượng dường như đã gây thù chuốc oán với bạn bè trong vai trò đó. Người ta nói rằng khi ủy ban trung ương đảng tổ chức rút thăm hồi tháng 10, tỷ lệ chấp thuận của ông Vượng thấp đáng kể. Có tin đồn rằng ông ta còn bị cả Nguyễn Xuân Phúc, đương kim thủ tướng và bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch quốc hội bỏ xa.

Ông Phúc đã đặt mục tiêu thay thế ông Trọng trong chức vụ cao nhất trong đảng. Người ta nói ông ta đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ "phe chính phủ" trong đảng, đặc biệt là các quan chức từ các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam, và đáng kể là giới kinh doanh đánh giá cao hướng đi xa, vững chắc và không có tai tiếng của ông Phúc đối với chính quyền.

À, nhưng vị thủ tướng luôn tươi cười có thể được tin tưởng để tiếp tục chương trình nghị sự của Trọng không ? Đó mới là vấn đề. Có lẽ ông ấy sẽ mềm lòng một chút với những đồng nghiệp hư hỏng. Có lẽ ông ta sẽ bảo công an nhà nước bớt sốt sắng hơn trong việc tóm gọn những công dân bị bắt quả tang nói xấu đảng. Và có lẽ ông Phúc sẽ tự diễn biến.

Từ quan điểm của một người theo ý thức hệ, không có gì tệ hơn là tự diễn biến. Tự diễn biến là nói về những đảng viên viên quyết định rằng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh không cung cấp tất cả các câu trả lời, những ai rơi vào quan điểm nguy hiểm rằng đảng có thể thử nghiệm chủ nghĩa đa nguyên hoặc tạo thêm chỗ cho xã hội dân sự. Đó là nhãn hiệu dành cho những đảng viên không thừa nhận "những hạn chế không thể tránh khỏi trong thực hiện kinh tế thị trường, chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế".

Rõ ràng là Việt Nam, nghèo khó cách đây 30 năm, sẽ không thể trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (với thu nhập bình quân đầu người là 3.500 đô la Mỹ) nếu không có nhiều quá trình tự phát triển. Nhưng dường như vẫn còn một loạt bộ máy ở văn phòng trung ương đảng thực sự tin rằng tự diễn biến sẽ phá hủy đảng… à, đất nước.

Chỉ với nghi ngờ rằng ông Phúc và các đồng sự của ông ta trong phe chính phủ có thể ngu ngốc tự diễn biến dường như đã thuyết phục ông Trọng bỏ qua các điều lệ đảng mà chính ông đã nghĩ ra để gạt Phúc, hiện 67 tuổi ra, và khiến việc chọn ông Vượng làn không thể tránh khỏi. Bằng cách thuyết phục đa số ủy ban trung ương bỏ quy định không quá một người trên 65 tuổi có thể ở lại Bộ Chính trị và thực hiện một quy tắc khác cấm một người nào đó giữ cùng một chức vụ quá hai lần, ông Trọng đã lấy lại được thế thượng phong. Sau cuộc họp của ủy ban trung ương được triệu tập vào ngày 15 tháng 1, chỉ một tuần trước khi Đại hội Đảng 13 dự kiến bắt đầu, giới mộ điệu đã đưa tin với sự nhất trí hiếm hoi rằng ông Trọng sẽ lại làm tổng bí thư.

Giải an ủi của ông Phúc là chức chủ tịch nước phần lớn chỉ có vai trò nghi lễ.

Ông Trọng được biết cũng đã thăng chức cho một thành viên quan trọng khác của phe đảng, ông Phạm Minh Chính, làm thủ tướng. Ông Phạm Minh Chính là một cựu tướng công an, từ năm 2016 đã đứng đầu bộ phận tổ chức của đảng, một vai trò giàu cơ hội để đòi nợ lại từ những người đang mắc nợ ông ta.

Thủ tướng dự kiến sẽ được trao cho Vương Đình Huệ, người từng đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài chính (dưới thời ông Dũng) và Phó Thủ tướng (dưới thời ông Phúc). Thay vào đó, dường như Huệ sẽ chủ trì Quốc hội, một chức vụ khác có danh nhiều hơn thực chất.

Với bốn vị trí được đặt ra, nếu thực sự là như vậy, một hoạt động nội bộ hiện tập trung vào việc chọn khoảng 100 người kế nhiệm cho các ủy viên ủy ban trung ương ‘hết thời’ sau hai nhiệm kỳ và lấp đầy các ghế trống trong bộ chính trị (ban chấp hành) của đảng, sẽ có từ 17 đến 19 thành viên gồm Trọng, Phúc, Chính và Huệ, và quản lý các công việc của đảng từ ngày này sang ngày khác. Chiến dịch tranh cử sẽ diễn ra ở mức thấp, không theo giai đoạn và căng thẳng cho đến gần ngày cuối cùng của đại hội vào ngày 2 tháng 2, khi tất cả những sự bổ nhiệm vào ban lãnh đạo đảng được công bố.

Kịch bản được xây dựng của ông Trọng vẫn có thể bị thổi bay rất đau đớn. Việc nâng Chính và giữ Trọng lại với Huệ và Phúc có tác dụng thiết thực là phục tùng phe chính quyền trong đảng. Điều đó và sự giảm tỷ lệ đại diện ngẫu nhiên của cán bộ miền nam ở các cấp lãnh đạo cao nhất được cho là hiếm hoi.

Các đồng minh của ông Phúc và ông Huệ có thể phản đối việc xuống hạng của họ bằng cách hoặc thúc giục ủy ban trung ương xem xét lại các thỏa hiệp đã được báo cáo của họ hoặc bằng cách yêu cầu vấn đề được đưa ra toàn thể đại hội đảng. Trong trạng thái cực đoan, thủ tướng tiền nhiệm, Nguyễn Tấn Dũng, đã thử điều tương tự này tại Đại hội 12 năm 2016; ông ấy không đi xa được. Mặc dù ông Phúc là một ứng cử viên xứng đáng hơn [Dũng] nhiều, nhưng rất có thể ông ấy cũng sẽ không thành công.

David Brown

Nguyên tác : Vietnam’s General Secretary Trong Maneuvers to Stay on Top, Asia Sentinel, 27/01/2021

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 28/01/2021

David Brown là cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và là người cộng tác lâu năm cho Asia Sentinel

*****************

Cần có ý kiến thẳng thắng về trường hợp Nguyễn Phú Trọng

Người Buôn Gió, 26/01/2021

Nếu nhiệm kỳ khóa 13 Nguyễn Phú Trọng vẫn ngồi lại làm tổng bí thư thì ông ta xác lập một số kỷ lục trong đảng.

npt03

Kỷ lục thứ nhất là phá vỡ điều lệ đảng quy định rằng tổng bí thư không được làm liên tiếp hai khóa.

Kỷ lục giữ ba chức vụ ở nhóm tứ trụ là tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội.

Kỷ lục tính từ thời đổi mới 1986 lại đây, Nguyễn Phú Trọng là người có thâm niên nhiều nhất trong Bộ Chính trị.

Kỷ lục là tổng bí thư già tuổi nhất trong lịch sử đảng Việt Nam được bầu ở đại hội (ông Trường Chinh tạm giữ chức Tổng bí thư thay ông Lê Duẩn mất trong thời gian 5 tháng, ông Đỗ Mười được đại hôị bầu năm 74 tuổi).

Kỷ lục là tổng bí thư ốm yếu, bênh tật nhất trong các đời tổng bí thư.

Vì sao Nguyễn Phú Trọng lại lập được kỷ lục mà những bậc tiền bối của ông ta không thể làm được ?

Đơn giản là ông ta tự quyết cho mình, ông ta thâu tóm hết mọi chức vụ sắp đặt quyền lực, thiết lập một thể chế cá nhân độc tài trong chế độ độc tài. Dạng như Stalin đã thiết lập ở Nga khi xưa.

Cái quy trình 5 bước mà ông ta tự đặt ra, rồi tự ngồi vào vị trí quyết định của từng bước. Như đứng đầu Bộ Chính Trị, đứng đầu tiểu ban nhân sự Đại hội 13, đứng đầu ban quy hoạch chiến lược cán bộ cấp cao.

Đảng nào giao trách nhiệm cho ông tái cử nhiệm kỳ 13, đảng Nguyễn Phú Trọng thì đúng hơn. Bởi các ban bệ quyết định việc sắp xếp nhân sự toàn do ông đứng đầu cả.

Ông tự cho mình là người đặc biệt của đặc biệt và bước qua quy định về sức khỏe, độ tuổi, điều lệ đảng.

Thế giới đang biến đổi từng ngày và rất khó lường chẳng hạn như cuộc bầu cử ở Mỹ, dịch cúm Tàu. Đảng cộng sản Việt Nam nắm vai trò lãnh đạo đất nước, cho nên người đứng đầu nó phải có sức khoẻ, sự minh mẫn, phản ứng nhanh nhạy để xử lý, chỉ đạo. Nhưng nhìn nhiệm kỳ vừa qua, cứ mỗi lần có khó khăn ập đến là không thấy mặt ông Nguyễn Phú Trọng ở đâu. Từ sự kiện Formosa đến dịch cúm Tàu, ông biến mất lúc cao điểm nhất. Nhưng đến lúc sắp ghế thì ông tuy ốm yếu, đi không nổi, ông cần mẫn ghế nào nắm quyền sắp xếp ông đều chiếm giữ.

Ông đặt ra trường hợp đặc biệt để mình ngồi thêm, đặc biệt để kiêm ghế chủ tịch nước. Tại sao ông không đặt trường hợp đặc biệt để ông Trương Tấn Sang quay lại ngồi ghế chủ tịch nước, ông Sang mới làm chức này có một nhiệm kỳ và tuổi tác ít hơn ông. Trường hợp ra khỏi Bộ chính trị, Trung ương đảng rồi lại quay về đã từng xảy ra bên Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình. Sao ông không làm điều đặc biệt như vậy cho người ta, lại chỉ lại làm cho bản thân ông ?

Sao ông không giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc, người có phiếu tín nhiệm cao nhất Trung ương vào vị trí tổng bí thư thay thế ông ? Mà ông lại lòng vòng giới thiệu những người không đủ tín nhiệm như Trần Quốc Vượng, Ngô Xuân Lịch để rồi không ai được đủ phiếu, dẫn đến ông là người đặc biệt của đặc biệt.

Thật nực cười, Đảng cộng sản Việt Nam do ông lãnh đạo hô hào đổi mới, hiện đại, sáng tạo, khát vọng lại do một ông già ngót 80 tuổi, đi không nổi cầm đầu. Ông sắp đặt mình ngồi lại, sợ người ta ý kiến, ông chế ra cái quy chế đại hội, nhốt hết đại biểu vào khách sạn, ăn uống trong phòng, không được giao tiếp, đi lại dưới sự sắp đặt của ban tổ chức. Phiếu bầu phải ngồi ngay tại đại hội viết tức thì, không cho phép có thời gian về phòng suy nghĩ cân nhắc. Ông còn đe dọa những ai giới thiệu người không phải trong danh sách Bộ Chính trị đưa ra, sẽ phải chịu trách nhiệm về sự giới thiệu đó.

Các ông lãnh đạo về hưu, cần phải có gợi ý cho ông Trọng, tự ông xin rút ở đại hội lần này. Như thế ông Trọng được trọn danh dự là tuy đảng giao trách nhiệm, nhưng ông thấy bản thân già cả, ốm yếu không làm được, nhường cơ hội cho người khác trẻ hơn, sung sức hơn lãnh đạo đảng.

Trước kia có cái 244 quy định ở đại hội giới thiệu ai, người đó xin rút, đại hội bỏ phiếu đồng ý cho rút hay không, không cho thì đưa vào danh sách cho đại hội bầu. Lần này áp dụng là ở đại hội có ý kiến ai nên nghỉ, đại hội cũng nên bỏ phiếu có đồng ý cho người ấy nghỉ hay không, không cho nghỉ thì bầu tiếp. Áp dụng điều này ở đại hội như lần trước như vậy mới thực sự công bằng, dân chủ.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 26/01/2021

*****************

Phản ứng trước tin ‘rò rỉ’ ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm quyền

Cao Nguyên, RFA, 25/01/2021

Đại hội đảng khóa 13 chỉ vừa mới bắt đầu được một ngày, nhưng từ giữa tháng Một, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 đã nhóm họp để thông qua danh sách đề cử các vị trí lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ tới (2021 – 2025).

npt2

Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam nhóm họp phiên trù bị ở Hà Nội hôm 25/1/2021 - AFP

Từ đó, một số nhà quan sát chính trị cho là có tin nội bộ đã xác định 4 người sẽ giữ các chức danh chủ chốt trong nhiệm kỳ tới. Trong đó có ông Nguyễn Phú Trọng, 77 tuổi, người giữ ghế Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ gần nhất (từ năm 2011 đến 2020), tiếp tục được Trung ương đảng bình bầu giới thiệu ra Đại hội 13.

Ba người còn lại được dự đoán thuộc nhóm "tứ trụ" là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đảng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với các chức danh lần lượt là Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Theo điều lệ đảng, điều 17 có ghi "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Ngoài ra, còn có quy định Ủy viên Bộ Chính trị tái cử nói chung không quá tuổi 65.

Ông Trọng đã là người duy nhất đã giành được suất "trường hợp đặc biệt" trên 65 tuổi tái cử hồi khóa 12 (nhiệm kỳ 2016 – 2020).

Dư luận chỉ trích

Trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội, có nhiều ý kiến chỉ trích việc ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục tham gia chính trường dù đã quá tuổi, sức khỏe yếu kém và không đủ tiêu chuẩn tái cử theo chính luật của Đảng cộng sản quy định.

Một số độc giả bình luận trên fanpage của Đài Á châu Tự do như sau :

"Vừa đá bóng vừa thổi còi thì chịu rồi. Dân Việt thấp cổ bé họng, chưa kịp nêu ý kiến chính đáng đã bị "bế" đi rồi. Thử hỏi một đất nước mà tiếng nói của người dân không có tác dụng thì lấy đâu ra tự do, công bằng, dân chủ và văn minh. Những từ ấy chắc chỉ có trên tivi mà thôi" – độc giả Triệu Tú Long.

"Bác Trọng không tham quyền lực đâu. Bác cũng muốn nghỉ hưu lắm nhưng vì người dân tin tưởng nên bác phải cố gắng làm vì dân thôi !" – độc giả Tâm.

"Nói một đằng làm một nẻo. Lời nói không đi đôi với việc làm thì đất nước cũng vì vậy mà nghiêng ngả theo" – độc giả Huỳnh Văn Thanh.

Chỉ thị số 51-CT/TW do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành hồi tháng 1/2016 có quy định "Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ".

Tuy nhiên, ngoài việc đã làm Tổng bí thư 2 nhiệm kì liên tiếp, ông Trọng còn kiêm luôn chức Chủ tịch nước khi ông Trần Đại Quang đột ngột qua đời. Ngoài ra, ông còn giữ một số chức vụ khác gồm : ủy viên Thường vụ đảng ủy Công an trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, trưởng Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đại biểu quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kì 2016 – 2021, thuộc đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội.

npt5

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (đi đầu bên trái) cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) bắt tay các đại biểu dự Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 25/1/2021. Reuters

Nhà báo Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nói với RFA rằng trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, người dân rất dễ dàng "đào" lại các phát ngôn của lãnh đạo, từ đó đối chiếu với việc họ làm:

"Thực ra mà nói thì Đảng cộng sản người ta có quyền lực trong tay thì những điều lệ hay nguyên tắc quy tắc có thể thay đổi. Có điều trong thời buổi thông tin rộng mở hiện nay thì người ta sẽ không che dấu được những lời hôm trước nói thế này, ngày mai làm thế khác".

Tiến sĩ toán học Nguyễn Ngọc Chu bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân rằng cái quy định giới hạn nhiệm kỳ nhằm mục đích hạn chế tham nhũng quyền lực, một người nắm quyền 10 năm là quá đủ :

"Hai nhiệm kỳ 10 năm là quá đủ thời gian để thi thố tài năng, vắt kiệt sáng tạo và sinh lực để cống hiến. Sau 2 nhiệm kỳ chỉ còn lại lối mòn và trì trệ…"

"Đất nước 100 triệu dân trùng điệp những người tài mà không cần ngoại lệ. Ngay trong toàn đảng với hơn 5 triệu 100 ngàn đảng viên cũng có nhiều người tài mà không cần đến ngoại lệ. Ngay chính những trường hợp ngoại lệ cũng có thể không cần đến ngoại lệ. Miễn là tranh cử tự do.

Không ai là ngoại lệ. Bậc cái thế càng không cần ngoại lệ. Quy luật của vũ trụ không có ngoại lệ.

Điều mong đợi là sự sáng suốt và sự dũng cảm của các đại biểu Đại Hội XIII. Cờ đến tay ai người đấy phất".

Không chọn được người "kế vị"

Chiều ngày 22/1, trả lời báo chí trong nước về câu hỏi "Trong trường hợp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được đại hội bầu tiếp tục làm thêm một nhiệm kỳ thứ 3 thì có sửa Điều lệ Đảng hay không", ông Võ Văn Thưởng, trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết các trường hợp nhân sự thuộc diện "đặc biệt", hay việc có sửa Điều lệ đảng hay không sẽ do đại hội quyết định.

Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, giải pháp buộc thay đổi Điều lệ đảng để được ở lại cho thấy ông Trọng là một người có trình độ kém cỏi, thất bại trong giải pháp bố trí nhân sự :

"Việc phải thay đổi, sửa đổi Điều lệ đảng để ông ấy ở lại làm thêm một nhiệm kỳ nữa theo tôi đó là một giải pháp kém. Cách làm của ông ấy là chỉ muốn dùng quyền để bố trí người này người nọ, chứ không dùng phương pháp để tranh cử, chọn người tài.

Vì thế ông Trọng chỉ loay hoay tìm những người xung quanh ông ấy như là Trần Quốc Vượng, Hoàng Minh Chính… Người mà ông Trọng thích thì Trung ương lại không vừa lòng. Như thế thì không được nên buộc lòng ông Trọng phải giở một thủ đoạn hèn kém là sẽ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Mà muốn ở lại thì phải thay đổi Điều lệ đảng.

Tôi cho là quá dở. Một người có trình độ, thông minh, một người tử tế, tôn trọng lẽ phải thì không nên làm như thế".

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp bình luận với RFA từ Hà Nội rằng việc sửa Điều lệ đảng, về luật là không có gì sai cả, vì Đại hội có quyền đó. Chỉ cần gần 1.600 đại biểu đồng ý sửa là được :

"Đại hội có quyền sửa. Lần này sửa, rồi lần sau lại sửa ngược lại là không được làm quá 2 nhiệm kỳ thì cũng chẳng làm sao cả. Bởi vì đây đâu có phải là một nước có dân chủ, đa nguyên như là ở chỗ khác đâu. Ở đây chỉ có mỗi một đảng".

Theo quan điểm của tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng chính ông Trọng cũng không muốn tiếp tục nắm quyền thêm nữa, vì tình trạng sức khỏe đã quá yếu :

"Gần đây ông ấy giới thiệu ông Trần Quốc Vượng khoảng 3 lần ra Bộ Chính trị để đồng ý chấp thuận cho ông Trần Quốc Vượng trở thành Tổng bí thư, nhưng Bộ Chính trị người ta không đồng ý, người ta bỏ phiếu thấp và không đủ. Cho đến phút cuối cùng thì ông ấy buộc lòng phải đứng ra tự ứng cử.

Nói như thế có nghĩa là ông ấy không hề có tham vọng quyền lực ở lại. Bởi vì ông ấy yếu lắm, sức khỏe đang yếu, đi lại còn khó khăn, còn cái đầu ông ấy cũng không biết có tỉnh táo hay không.

Nếu bảo ông ý ở lại thêm và sẽ làm được tốt thì rất là khó. Vì thứ nhất là độ tuổi. Nhưng độ tuổi cũng không quan trọng bằng cái năng lực hành vi lãnh đạo của ông ấy có đủ hay không thì mình không thấy rõ".

Vào sáng 25/1, Đại hội Đảng 13 diễn ra ở Hà Nội bắt đầu ngày làm việc đầu tiên với phiên họp trù bị. Đại hội dự kiến kéo dài 8 ngày bắt đầu từ 25/1 cho đến ngày 2/2/2021, với sự tham gia của 1587 đại biểu. Ngày 26/1 sẽ chính thức họp phiên khai mạc Đại hội đảng.

Phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 15, ông Nguyễn Phú Trọng nói đã thông qua danh sách đề cử "trường hợp đặc biệt" và nhân sự "tứ trụ" với "số phiếu tập trung rất cao" để trình ra Đại hội 13.

Cao Nguyên

Nguồn :RFA, 25/01/2021

********************

Vì sao Tổng bí thư không vào lăng viếng Bác Hồ ?

Chín Bình Tây, VNTB, 26/01/2021

"Sao không thấy ông Trọng đi viếng lăng ?"  –  Không ít người Sài Gòn thắc mắc như vậy.

npt3

Họ nghi là vì các bậc thang để đến nơi đang đặt hòm kiếng, dễ làm một người đã cao tuổi như Tổng bí thư nhọc mệt; và nếu xảy ra cảnh để ai đó phải dìu đỡ, thì hóa ra sức khỏe của ông ấy có vấn đề à? Rồi ông dễ bị lời ong, tiếng ve cho đồn đãi tham công, tiếc việc.

Giới truyền hình cũng biết điều. Họ quay clip với đủ các góc cảnh về những đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, Hà Nội.

Thế nhưng tuyệt nhiên các đoàn đại biểu lần lượt bước qua thảm đỏ để vào dự phiên họp trù bị sáng ngày 25/1, chỉ có hình ảnh của các ‘photographer’. Ống kính truyền hình tạm dừng, nhằm để tránh chuyện lại xảy ra soi mói từng bước đi của vị Tổng bí thư sắp sang 78 tuổi "mụ" ở Tân Sửu này.

Người Sài Gòn ít có thói quen rào trước đón sau. Họ nói thẳng là đang có gì đó đàng sau những tấm ảnh đăng báo, những video clip phát trên truyền hình và cả kênh Youtube của báo điện tử.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đi khập khiễng cũng được, miễn đầu óc minh mẫn. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chống gậy cũng được, vì Phó Tổng thống Trần Văn Hương của nền Đệ nhị Cộng hòa trong đi đứng cũng cậy đến ba-toong, và ông vẫn có thể làm tốt bổn phận phó tổng thống của mình đó thì sao.

Ở Việt Nam, về nguyên tắc thì không được quyền quan tâm đến sức khỏe của lãnh đạo, với vị trí Tổng bí thư thì lại càng không. Thế nhưng hoàn toàn không vi phạm bất kỳ điều cấm nào, khi người dân thắc mắc đã xảy ra chuyện gì kể từ chuyến công cán hồi trung tuần tháng 4/2019 ở Kiên Giang, bởi cho tới nay hình như ông Tổng bí thư chỉ quanh quẩn ở Hà Nội ?

Người dân nghĩ đơn giản, lúc cơ thể thấy ‘rề rề’, thường thì người ta sẽ làm biếng động não cho hầu hết mọi chuyện. Chỉ khi có sức khỏe tốt, người ta mới phản ứng được rất nhanh trước nhiều vấn đề. Và trong quản trị quốc gia, tin chắc ai cũng luôn kỳ vọng ở người lãnh đạo chính phủ, nội các phải có quyết định, can thiệp kịp thời. Dịch Covid-19 là ví dụ.

Cũng trong chuyện sức khỏe VIP, báo chí xứ Việt sẵn sàng dịch các bài báo giúp thỏa mãn tò mò của độc giả, như "Các nguyên thủ quốc gia rèn luyện sức khỏe như thế nào ?" – "Bác sĩ riêng tiết lộ bí mật cường tráng của Putin" – "Món khoái khẩu của ông Trump và các đời tổng thống Mỹ"… Song đố có báo nào dám tò mò tìm hiểu coi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có phải thật sự thích trà Trung Quốc hơn trà Thái Nguyên ?

Mấy chục năm trước, báo chí ở miền Bắc còn thoải mái đăng hình Bác Hồ tập thể dục, tập tạ tay… Thế nhưng dường như các chính khách thế hệ sau đó muốn ẩn mình trước ống kính về chuyện ‘thể hình’.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới WHO : "Khỏe mạnh là trạng thái cơ thể không mắc bệnh, không ốm yếu, bên cạnh đó, các yếu tố như thể chất, tinh thần và đời sống xã hội hoàn toàn ở trong trạng thái lành mạnh".

Sức khỏe thể chất được thể hiện một cách tổng quát là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái càng chứng tỏ là người khỏe mạnh. Cơ sở của sự sảng khoái, thoải mái về thể chất là sức lực, sự nhanh nhẹn, sự dẻo dai, khả năng chống được các yếu tố gây bệnh, khả năng chịu đựng các điều kiện khắc nghiệt của môi trường.

Một cơ thể khỏe mạnh là một cơ thể có điều kiện thể chất phát triển toàn diện, hoạt động ở trạng thái tốt nhất, phù hợp với tiêu chuẩn của từng lứa tuổi.

Vậy thì cớ gì mà ông Tổng bí thư lại ngại chuyện công khai trước quốc dân về sức khỏe thể chất của mình ?

Có lẽ chỉ cần ông đường hoàng xác nhận đang đi lại khó khăn do tuổi tác, nhưng độ minh mẫn thì vẫn không mấy ảnh hưởng, và dưới trướng của ông vẫn là một đội ngũ các tham vấn trình độ, không bảo thủ, cấp tiến nên ông hoàn toàn có thể làm tốt vai trò Tổng bí thư thêm nhiệm kỳ thứ 3.

Người Sài Gòn thoáng lắm về cách nhìn nhận đâu là người tài, đâu là kẻ cơ hội. Càng tìm cách giấu giếm, người ta càng nghi ngờ, rồi người ta sẽ vặn vẹo thì lại phải tìm cách đối phó, thêm mệt mà thôi…

Chín Bình Tây

Nguồn : VNTB, 26/01/2021

Published in Diễn đàn

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn ngựa quen đường cũ khi ra lệnh "phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh", "tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng" và "tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực"…

Ông Trọng đã tuyên bố như thế tại buổi khai mạc Đại hội toàn quốc XIII của Đảng cộng sản Việt Nam từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021.

trong1

Nhưng ba nhiệm vụ này không mới vì đã liên tục được Bộ Chính trị do ông Trọng cầm đầu thúc đẩy học tập và thực hành trong suốt 5 năm của khóa Đảng XII. Tuy nhiên, một số không nhỏ đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo từ cở sở lên trung ương đã quay lưng để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong tư tưởng chinh trị. Họ không còn coi chủ nghĩa cộng sản là cứu cánh đưa Việt Nam thoát khỏi lạc hậu để vươn lên xây dựng phú cường. Nhiều người đã công khai bài bác Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh lỗi thời, đi ngược lại tiến hóa của nhân loại. Một số không nhỏ khác cũng đã nghiêm khắc lên án đảng tiếp tục chống đổi mới chính trị để xóa đi chế độ "đảng cử dân bầu".

Trong 5 năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội và ngành Công an tổ chức nhiều hội nghị, mạn đàm và học tập chống suy thoái chính trị vì sợ Đảng tan.

Vì vậy, trong diễn văn "Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII" sáng ngày 26/01/2021, ông Trọng đã cao giọng chỉ đạo :

"Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; kiên định đường lối đổi mới của Đảng ; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng ; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động".

Như vậy, nếu so với các kỳ đại hội đảng trước thì có khác gì đâu. Từ thời ông Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư khóa VI, qua Đỗ Mười (khóa VII), Lê Khả Phiêu (khóa VII), Nông Đức Mạnh 2 khóa IX và X, sang tới ông Nguyễn Phú Trọng 2 khóa XI và XII, tổng cộng 35 năm, chế độ cộng sản Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ, dù thế giới đã thay đổi và vươn lên cao.

Tham nhũng muôn năm

Bước sang lĩnh vực chống quốc nạn lãng phí, tham nhũng thì khi nào tình hình cũng "vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và tinh vi", mặc dù chủ trương chống tham nhũng tận gốc từng được ông Trọng chỉ đạo trong mô thức gọi là "nhốt quyền lực vào lồng cơ chế". Ông nói : "Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông. Phải bằng luật pháp. Như tôi đã nói là phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp" (báo Điện tử đảng, 29/11/2017)

trong2

Vì vậy, với trách nhiệm là Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương, ông Trọng đã phát động phong trào "đốt lò" từ năm 2017. Theo tổng kết từ năm 2013 đến 2020, đảng đã kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng người là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bốn Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Nổi bật trong số này là Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đã bị ngồi tù.

Bốn lãnh đạo chủ chốt

Tuy nhiên, vì chuyện chống tham nhũng ở Việt Nam khi nào cũng chỉ "tiến được một bước" cho nên ông Nguyễn Phú Trọng mới nói tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 rằng : "Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài ; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực…" (Nhân Dân, 12/12/2020).

Có lẽ vì tình trạng tham nhũng và "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đang đe dọa sự sống còn của chế độ nên Ban Chấp hành Trung ương XII đã không muốn thay ngựa giữa đường và muốn ông Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ Tổng bí thư thứ ba cho mọi người yên tâm.

trong3

Nếu danh sách "tứ trụ" đúng nnw rò rit thì không có ai là người gốc miền Nam trong hàng ngũ lãnh đạo mới

Nhưng ông Trọng lại thuộc "trường hợp đặc biệt" vì đã 77 tuổi và đã làm Tổng bí thư 2 nhiệm kỳ (2011-2021). Điều lệ đảng chỉ cho phép làm 2 nhiệm kỳ. Nhưng vì trong số nhân sự cấp cao trong đảng hiện nay không ai có uy tín hơn ông Trọng nên họ đã đồng thanh yêu cầu ông tái cử vào Ban Chấp hành XIII và Bộ Chính trị, sau đó được Hội nghị Trung ương 15, khóa XII chọn là ứng viên Tổng bí thư duy nhất của khóa đảng XIII.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương XIII phải đổi Điều lệ, hay thông qua một Nghị quyết để ông Trọng có thể giữ thêm nhiệm kỳ nữa.

Việc ông Trọng ở lại không gây ngạc nhiên, nhưng ai là người thay thế khi ông, có thể chỉ giữ Tổng bí thư đến giữa nhiệm kỳ (2021-2026) ? Nhân vât được nói đến nhiều trước ngày Đại hội đảng XIII là ông Trần Quốc Vượng, Bí thư thường trực Trung ương, 67 tuổi, quê ở Thái Bình, cánh tay mặt của ông Trọng, đột nhiên không được nhắc đến trong danh sách dự trù 4 Lãnh đạo then chốt.

Ngược lại, người thứ hai thuộc "trường hợp đặc biệt" được đặt vào vi trí Chủ tịch nước tương lai là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 66 tuổi, quê Quảng Nam. Chức Thủ tướng dự trù vào tay ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, 62 tuổi, quê Thanh Hóa.

Trong khi, vẫn theo tin rò rỉ từ bên trong thì ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành phố Hà Nội sẽ làm Chủ tịch quốc hội thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Ông Huệ 63 tuổi, quê Nghệ An.

Người miền Nam vắng mặt và áp lực Trung Quốc gia tăng

Nếu danh sách "tứ trụ" này đúng thì không có ai là người gốc miền Nam trong hàng ngũ lãnh đạo mới, kể từ năm 2016, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và nghỉ hưu.

Cũng không có phụ nữ nào được để cử ở cấp lãnh đạo cao nhất.

Một ngạc nhiên khác là vai trò của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng lu mờ trước Đại hội XIII. Ông Minh, 61 tuổi, quê Nam Định, con cố Ngoại trưởng nổi tiếng Nguyễn Cơ Thạch (Phạm Văn Cương), đã giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 2011. Có tin nói ông được điều sang làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Nếu đúng thì đây là hành động bị giáng cấp vì chức Phó ở Quốc hội chỉ ngồi chơi xơi nước là chính.

Nhưng cũng không thể loại bỏ có áp lực của Trung Quốc mà ông Nguyễn Phú Trọng phải nhượng bộ vì ông Minh, giống như cha ông, có lập trường chống Trung Quốc trong âm mưu khống chế Việt Nam và chiếm đóng biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông. Cố Ngoại trướng Nguyễn Cơ Thạch đã bị Trung Quốc làm áp lực với Tổng bí thư Đỗ Mười, loại ra khỏi Bộ Chính trị khóa đảng VII và mất luôn chức Bộ trưởng Ngoại giao.

Vì vậy, ông Thạch được nói đã phàn ứng : "Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu !".

Có mị dân không ?

Bên cạnh những câu nói đao to búa lớn, ông Trọng không quên cho dân ăn những chiếc bánh vẽ mơ hồ, không có dữ liệu và bằng chứng khoa học cụ thể, trong diễn văn của ông.

Ông đã phát họa cái bánh vẽ lớn gọi là "những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới :

- Đến năm 2025 : Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030 : Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045 : Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ông Trọng cho biết trong số "các định hướng lớn bao quát những vấn đề phát triển quan trọng của đất nước trong giai đoạn 10 năm tới", trong đó có vấn đề mới, đó là :

"Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân ; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội…"

Nhưng cái gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" là gì, có phải là thứ "dân chủ của đảng, do đảng và vì đảng" hay dân chủ giả tạo để lừa bịp dân ?

Bằng chứng, thêm lần nữa ông Nguyễn Phú Trọng lại hô hoán thông điệp đã biết rồi khổ lắm nói mãi, đó là "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ". Và, trong số những điều gọi là "mối quan hệ mới được bổ sung lần này", theo ông Trọng, là "mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội".

Nhưng tại sao đã "dân chủ", nghĩa là dân phải làm chủ thì ai cho phép Đảng và Nhà nước được "tăng cường pháp chế" lên quyền làm chủ đất nước và bản thân của dân ?

Tất nhiên thứ lý luận con vẹt này không phải của ông Trọng mà do Hội đồng Lý luận Trung ương viết cho ông đọc. Hội đồng này, như truyền thống từ xưa đến nay, là cơ quan soạn Tài liệu và các Dự thảo văn kiện để trình ra trước mỗi Đại hội đảng. Kỳ này cũng không khác.

Hãy đọc thêm "những quan hệ" giáo điều, cực đoan và bảo thủ của những cái đầu đất sét trong Hội đồng Lý luận Trung ương để thấy nó loạn cào cào như thế nào :

Ông Trọng nói :

"Chúng ta cần tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn : giữa đổi mới, ổn định và phát triển ; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa ; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ; giữa nhà nước, thị trường và xã hội ; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường ; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế…

Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện".

Tiếp tục hô hào không ngừng nghỉ...

Nhưng ông Trọng không ngừng tại đây mà còn hô tiếp :

- Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Hết sức coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng. Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

- Thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

- Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.

- Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, quyền được thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức.

Chống "dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức" là điều chí lý, nhưng ông Nguyễn Phú Trọng hãy sờ lên gáy xem Đảng và Nhà nước đã cho dân ăn bánh vẽ về các quyền dự do, dân chủ, dù đã ghi trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 như thế nào ?

Bằng chứng cụ thể là Điều 25 Hiến pháp viết : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Nhưng dân không được ra báo, dù Luật Báo chí không cấm. Cũng không có bất cứ luật nào cấm dân lập hội mà vẫn bị cấm, chưa cần nói đến lập đảng chính trị đối lập. Cũng không có luật cấm dân biểu tình mà khi biểu tỉnh, dù bất bạo động chống Trung Quốc, cũng bị đàn áp, bắt tù. Trong khi nhà nước cộng sản Việt Nam lại trì hoãn ít nhất 4 lần, hay rút lại những Dự luật trình ra Quốc hội liên quan đến hai quyền lập hội và biểu tình.

Ngoài ra, Đảng cũng đã tự tung tực tác cho mình ngôi vị lãnh đạo dân, dù chưa bao giờ có phép hay bỏ phiếu của dân. Đảng tự viết trong Điều 4 Hiến pháp :

"Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Như vậy, những gì ông Trọng nói trong Diễn văn mở đầu Đại hội đảng XIII, chẳng qua cũng chỉ là bản cũ sao lại. Ông tự khoe đó là "đường lối mới", nhưng toàn chuyện cũ được nhắc lại. Tuyệt nhiên không có tư duy mới, không có những đột phá vươn lên của một đất nước chậm tiến, lạc hậu. Ngược lại toàn là hy vọng và kỳ vọng vào những hứa hẹn không có cơ sở khoa học vững vàng.

Những tăng trưởng mơ hồ tự vẽ từ 2025 đến 2045 với mức "thu nhập trung bình thấp ; thu nhập trung bình cao ; thu thập cao" cho cả nước chẳng qua chỉ là bài toán do những cái đầu ảo tưởng trong Hội đồng Lý luận Trung ương chế ra, đặt trên nền tảng triển kinh tế cầu âu.

Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu Đảng XIII lại sản sinh ra đội ngũ lãnh đạo 4 người chủ chốt không có định hướng cho ngày mai.

Phạm Trần

(28/01/2021)

Published in Diễn đàn

Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi thực thi "dân chủ"

Trọng Thành, RFI, 26/01/2020

Hôm 26/01/2021, Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam chính thức khai mạc. Đại hội dự kiến kéo dài 8 ngày, cho đến ngày 02/02/2021. Đại hội diễn ra 5 năm một lần, là một sự kiện chính trị quan trọng, với việc thay đổi nhân sự lãnh đạo, và hoạch định chiến lược mới.

npt6

Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội toàn quốc lần thứ 13, Hà Nội, ngày 26/01/2021 v ia Reuters – VNA

Trong dịp Đại hội này, gần 1.600 đại biểu của Đảng dự Đại hội dự kiến sẽ bầu lên một ban lãnh đạo mới. Tuy nhiên, truyền thông không được tham dự hầu hết các hoạt động trong kỳ Đại hội quan trọng này. Theo nhiều nhà quan sát, dự kiến nhân sự cho ban lãnh đạo tối cao đã được sắp đặt trước. Ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, được cho là sẽ tiếp tục nắm vị trí đứng đầu Đảng, bất chấp nhiều vấn đề về sức khỏe.

Trong Báo cáo các văn kiện Đại hội đọc tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hiện dân chủ : "Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở. Chống các biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Đẩy mạnh việc hoàn thiện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, hiện đại, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có sức cạnh tranh quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới".

Về Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 13, trả lời RFI tiếng Việt, nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định : "Cái việc này người ta cứ làm 5 năm một lần, và tương đối giống nhau. Riêng về lần Đại hội thứ 13 này, tôi thấy có hơi khác. Ví dụ như những nhà hoạt động, những nhà trí thức hoạt động phản biện, hoặc những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ, cho chủ quyền của đất nước, mà không được hệ thống an ninh và Đảng cộng sản Việt Nam hài lòng, thì bị canh giữ nghiêm ngặt. Mọi lần thì không có.

Điểm thứ hai là không khí căng thẳng : luyện tập phô trương, lính tráng, ngựa, chó săn… Lấy lý do để bảo vệ Đại hội Đảng thì tôi thấy là không cần thiết. Những năm trước không thấy như thế. Lần này có cả xe thiết giáp phô trương giữa Hà Nội. Tôi thấy hoàn toàn không cần thiết. Bởi vì mình vẫn nói Việt Nam, Hà Nội là một thành phố "hòa bình". Việc mà chỉ có Đại hội Đảng thôi mà triển khai quá căng thẳng như thế là phản tác dụng.

Còn về nội dung của Đại hội Đảng thì trước đây, hồi xưa, người dân và cán bộ có hiểu biết một chút thì người ta chủ yếu quan tâm đến Báo cáo chính trị. Trong đó có một số nội dung, ví dụ đường lối kinh tế, định hướng quản lý xã hội, những việc khác như an ninh, quốc phòng… Thế nhưng, những năm gần đây, ít ai quan tâm đến cái đó nữa. Ngay nội bộ những đại biểu đi dự Đại hội Đảng cũng ít quan tâm đến cái đấy. Dù cái đó vẫn phải có.

Chủ yếu người ta quan tâm đến cái gì ? Là cơ cấu nhân sự, kỳ này ai sẽ vào Trung ương, ai vào Tứ trụ, tức bốn nhân vật cao cấp nhất, gồm tổng bí thư đảng, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội. Tuy nhiên, cái việc của Đảng cộng sản Việt Nam, chúng tôi hay nói đùa như là chuyện "hội kín’. Người dân không được biết, không được biết gì hết. Các vị làm xong xuôi rồi các vị công bố ra sao mình biết vậy thôi. Chính việc làm như thế đã đi ngược với khẩu hiệu (của Đảng) "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"… ''Dân làm chủ'' mà. Nhưng cứ những chuyện quan trọng nhất của đất nước các ông ấy lại làm kín với nhau, người dân chẳng biết tí nào".

Trọng Thành

*********************

Đảng cộng sản Việt Nam mở Đại hội 13 sắp xếp ban lãnh đạo mới

Anh Vũ, RFI, 25/01/2021

Hôm 25/01/2021, Đại hội toàn quốc lần thứ 13 Đảng cộng sản Việt Nam mở ra tại Hà Nội với 2 trọng tâm : Xác định phương hướng chính trị và lựa chọn ban lãnh đạo mới trong 5 năm tới.

dh131

Cảnh sát đi tuần tra trên một phố ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/01/2021. Reuters - Kham

Theo lịch trình, Đại hội bắt đầu bằng phiên họp trù bị hôm nay để quyết định các thủ tục và cách thức tiến hành. Đại hội với sự tham dự của 1557 đại biểu đại diện cho hơn 5 triệu đảng viên trong cả nước, sẽ chính thức khai mạc từ ngày mai, 26/01, dự kiến kéo dài đến ngày 2/02.

Đây là một sự kiện lớn trong đời sống chính trị của Việt Nam. Trên nguyên tắc, nội dung và tiến trình làm việc đã được quyết định từ trước Đại hội qua các kỳ họp hội nghị trung ương và Bộ Chính Trị trong đó bao gồm cả việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo chủ chốt.

Giới quan sát chính trị Việt Nam đều cho rằng Đại hội 13 vẫn sẽ khẳng định tính liên tục về đường lối chính trị. Sự chú ý tập trung vào những vị trí lãnh đạo chủ chốt mới sẽ được sắp xếp thế nào sau khi đã bổ sung, sửa đổi các tiêu chí về tuổi tác.

Mặc dù vấn đề nhân sự lãnh đạo đất nước gần đây đã đưa vào danh mục tối mật, các thông tin ngoài luồng chính thống vẫn đưa ra những đồn đoán, đặc biệt là từ sau Hội nghị trung ương 15 diễn ra trong ngày 17/1 vừa rồi. Có tin ông Nguyễn Phú Trọng, nay đã 76 tuổi, ốm yếu, nắm giữ chiếc ghế tổng bí thư Đảng đã 2 nhiệm kỳ, nay tiếp tục sẽ làm thêm nhiệm kỳ thứ 3. Chức chủ tịch nước sẽ được trao cho ông Nguyễn Xuân Phúc đương nhiệm thủ tướng, người được đánh giá là năng động trong khủng hoảng dịch và phát triển kinh tế.

Chức danh chủ tịch Quốc Hội và thủ tướng đã được ấn định, nhưng dường như vẫn còn những cạnh tranh và chờ phân giải ở Đại hội.

Một điều gây chú ý đối với giới quan sát quốc tế là bối cảnh kinh tế chính trị xã hội trước Đại hội. Hãng thông tấn Pháp AFP ghi nhận Việt Nam đã có những thành công trong chống đại dịch Covid 19, duy trì tăng trưởng kinh tế, ở mức 2,9% trong năm 2020, tuy còn thấp nhưng là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lao đao trong khủng hoảng và suy thoái vì đại dịch. Về chính trị xã hội, năm 2020 cũng là năm đánh dấu Việt Nam trấn áp mạnh những tiếng nói đối lập. Theo Amnesty International số tù nhân chính trị ở Việt Nam đã tăng từ 84 trong năm 2016 lên 170 trong năm qua.

Anh Vũ

**********************

Đi hi Đng 13 khai mc, thu hút s chú ý ca truyn thông quc tế

VOA, 25/01/2021

Đi hi ln th 13 ca Đảng cộng sản Vit Nam khai mc hôm 25/1 ti Hà Ni, thu hút s chú ý ca báo chí quc tế khi quc gia được coi là "mt ngôi sao đang lên" ca khu vc chun b bu chn nhng nhà lãnh đo mi cho nhim k 5 năm ti.

dh132

Nh ng ng ườ i lái xích lô ch khách bên các t m áp phích c a Đ i h i 13 c a Đảng cộng sản khai m c hôm 25/1 t i Hà N i.

Theo truyn thông trong nước, gn 1.600 đi biu t khp c nước đã tham d bui hp khai mc ca Đi hi Đng, vi an ninh được tht cht, sau khi viếng thăm lăng Ch tch H Chí Minh theo nghi l truyn thng. Các đi biu này s bu chn ra 200 thành viên ca U ban Trung ương Đng, nhng người sau đó chn khong 15 đến 19 người trong s h vào B Chính tr, cơ quan lãnh đo cao nht ca Đảng cộng sản.

Bộ Y tế nói rng, hơn 10.000, trong đó có các đi biu tham d và nhng người phc v Đi hi đã được xét nghim hai ln trước ngày Đi hi, được t chc 5 năm mt ln, khai mc hôm 25/1.

Đi hi Đng ln này thu hút s chú ý ca truyn thông quc tế v vai trò ca Tng bí thư kiêm Ch tch nước Nguyn Phú Trng, người mà theo AP nhn đnh đã làm nên tên tui ca mình bng cách duy trì tăng trưởng kinh tế và tiến hành cuc chiến chng tham nhũng được nhiu người biết ti.

Còn theo ghi nhn cAl Jazeera, kênh tin tc truyn thông phiên phn tiếng Anh ca Trung Đông, đã có mt s cnh tranh căng thng cho các v trí "t tr" trước thm Đi hi 13 ca Vit Nam, mt trong 5 quc gia Cng sn còn li trên thế gii, bên cnh Trung Quc, Cuba, Triu Tiên và Lào.

Hu hết các ng c viên cho 4 chc v cao nht s được bu chn ti Đi hi Đng ln này đu là nhng gương mt được nhiu người biết ti trong chính trường Vit Nam, nhưng theo quyết định được chính ph công b hi tháng 12 va qua, nhng thông tin v nhân s cp cao ca Đng, gm t tr và ban bí thư, được coi là "tuyt mt".

Tuy nhiên, theo mt s kch bn được nhiu người nói ti và đã được thông qua ti Hi ngh Trung ương 15 va ri mà Tiến s Lê Hng Hip ca Vin Nghiên cu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak Singapore cho VOA biết trong mt cuphỏng vấn gn đây thì "Tng bí thư Nguyn Phú Trng s được ng hi đ li thêm ít nht mt thi gian na".

Hãng tin Deutsche Welle ca Đc cũng nhn đnh rng rng người đng đu Đảng cộng sản Vit Nam, Nguyn Phú Trng, đã được chn đ gi chc tng bí thư nhim k th 3 dù đi mt vi các vn đ v sc kho.

TS Hip và Giáo sư Carl Thayer ca Đi hc New South Wales đu nhn đnh rng 3 gương mt còn li là Th tướng Nguyn Xuân Phúc, Trưởng ban T chc trung ương Đng Phm Minh Chính và Phó Th tướng Vương Đình Hu, được đ c gi chc ln lượt là ch tch nước, th tướng và ch tch Quc hi.

Vi vic áp dng các bin pháp khng chế dch virus corona mt cách quyết lit, gm cách ly tp trung, xét nghim và truy du tiếp xúc người nhim bnh, Vit Nam - dưới s lãnh đo ca Đảng cộng sản - được coi là thành công trong vic khng chế đi dch và có mc tăng trưởng kinh tế hiếm hoi trong lúc hu hết các quc gia trên thế gii rơi vào khng hong.

T South China Morning Post ca Hong Kong gi Vit Nam là "ngôi sao đang lên ca Châu Á" trong s báo giy ra trước ngày khai mc Đi hi Đng 13, theo Tuổi Trẻ. Trong lot bài ca SCMP, Đi hi Đng ca Vit Nam được nhc ti cùng vi nhng thành tu và thách thc cũng như v thế ngày càng ln ca Vit Nam trên trường quc tế.

Ghi nhn v vic Đi hi Đng 13 khai mc, tp chí tiếng Anh Nikkei Asia ca Nht Bn cho rng các lãnh đo ca Vit Nam mun đưa quc gia Đông Nam Á tr thành mt trung tâm mi ca khu vc v sn xut chi phí thp và là mt s thay thế cho quc gia láng ging Trung Quc.

Tuy nhiên trước đócác tổ chức quốc tế và Liên minh Châu Âu đã đng lot lên tiếng v vic Vit Nam gia tăng trn áp các tiếng nói bt đng trước thm Đi hi Đng.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buc rng s không khoan nhượng vi bt đng chính kiến ôn hoà ca chính quyn Vit Nam "đã lên đến đnh đim" dưới s lãnh đo ca chính quyn hin ti. T chc có tr s London cho rng vic đ c các nhà lãnh đo mi "to cơ hi quý giá cho Vit Nam đ thay đi hướng đi v nhân quyn".

**********************

Đảng cộng sản Việt Nam khởi sự Đại hội 13 có đại biểu bị kỷ luật

RFA, 25/01/2021

Có 5 Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 qua đời, nghỉ chữa bệnh, bị xử tù và bị xử lý kỷ luật, riêng 2 ông Nguyễn Văn Bình và Hoàng Trung Hải mặc dù bị kỷ luật cảnh cáo hồi năm 2020 nhưng không bị khai trừ khỏi Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản và vẫn tham dự đại hội 13.

dh133

Lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam dự Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 25/1/2021 : (từ trái qua) Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc AFP

Sáng 25/1/2021, đại hội 13 diễn ra phiên trù bị tại Hà Nội, điều bất ngờ là cựu Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Việt Nam Hoàng Trung Hải dù bị kỷ luật 1 năm về trước nhưng vẫn tham dự kỳ đại hội này với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị.

Ngày 10/1 năm ngoái, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 quyết định thi hành kỷ luật Hoàng Trung Hải với hình thức cảnh cáo.

Bộ Chính trị khi đó kết luận, những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình chỉ đạo thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II - Công ty Gang thép Thái Nguyên của ông Hoàng Trung Hải là "nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Hải, đến mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng".

Đến tháng 2 năm 2020, Bộ Chính trị khóa 12 phân công ông Hải thôi chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội và chuyển sang giữ chức vụ Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban văn kiện Đại hội 13 của đảng Cộng sản Việt Nam (trưởng tiểu ban là ông Trọng).

Ông Hải năm nay 62 tuổi là Ủy viên Bộ Chính trị từ năm 2011 đến nay (2 khóa liên tiếp), từng giữ chức Phó Thủ tướng dưới thời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bí Thư Thành Ủy Hà Nội.

Ông Lê Anh Hùng, một blogger của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nhiều lần làm đơn tố cáo ông Hoàng Trung Hải là "gián điệp tàu" qua việc ký các dự án có yếu tố Trung Quốc gây hại cho Việt Nam.

Đến tháng 7/2018, ông Hùng bị công an Hà Nội bắt giam vì cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", tuy nhiên sau đó ông bị chuyển sang điều trị tại Viện Tâm thần trung ương.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh Tế Trung ương, bị kỷ luật vào tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, Bộ Chính Trị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật cảnh cáo ông này vì để xảy ra những vi phạm tại Ngân Hàng Nhà nước trong thời gian làm thống đốc.

Published in Việt Nam

Đi hi 13 s ‘không đ lt’ ?

Trân Văn, VOA, 23/01/2021

Tun này, ông Nguyn Viết Thông, Tng Thư ký kiêm y viên Thường trc Hi đng Lý lun cơ quan chuyên tư vn cho B Chính tr, Ban Bí thư và Ban Chp hành Trung ương đng cộng sản Việt Nam khuy đng dư lun khi tuyên b :Đi hi 13 s không đ lt người không đ tiêu chun như Đi hi 12 (1).

daihoi1

Liu ông Nguyn Phú Trng có s "không đ lt" trong Đại hội 13 ?

Nhng tuyên b "không đ lt" các cá nhân thuc loi này, loi kia vào Ban chấp hành trung ương đng cộng sản Việt Nam không mi. Chng hn ngoài tuyên b ca nhng nhân vt lãnh đo đng, năm ngoái, Ban chấp hành trung ương đng cộng sản Việt Nam khóa này còn ban hành mt ch th, ch đo ngoài "không đ lt" còn phi làm gì đ "không đ lt" (2).

S dĩ tuyên b ca ông Thông được thiên h chú ý và bàn lun vì xưa gi, c các nhân vt lãnh đo đng, ln các văn bn do nhng cơ quan lãnh đo đng ban hành v v "không đ lt" thường hết sc chung chung, dường như ông Thông là người đầu tiên lấy chính Đại hội 12 – Đại hội bầu ra những cá nhân đang lãnh đạo đảng – làm ví dụ đã để… lọt !

Trong một thư ngỏ gửi ông Thông qua Facebook, ông Nguyễn Ngc Chu bo rng, vì điu ông Thông khng đnhi hi 13 s không đ lt người không đ tiêu chun như Đi hi 12) làm nhiu người trăn tr nên ông Chu thy cn thiết phi trao đi li vi ông Thông ít nht là năm điu

- Ông Thông có th khen và đánh giá tt v công tác nhân s ca Đại hội 13 nhưng không nên so sánh vi Đại hội 12 ri khng đnh : Đi hi 13 s không đ lt người không đ tiêu chun như Đại hội 12 bi đó là… vô tình đánh giá thp công tác nhân s ca Đại hội 12.

- Trước Đại hội 12, trong Đại hội 12, không ai nói Đại hội 12 đ lt người không đ tiêu chun. Đến bây gi, khi Đại hội 13 chưa khai mc, chưa kết thúc, mà đã vi khng đnh : i hi 13 s không đ lt người không đ tiêu chun như Đi hi 12" – là nhn xét vi vã trước din biến ca s vic.

- Chưa nói đến các y viên trung ương sp được bu ln đu, trong thành phn ủy viên trung ương ca Đại hội 13, theo cơ cu thì có hơn 120 ủy viên trung ương ca Đại hội 12. Vy trong s đó có sót li nhng người không đ tiêu chun hay không ?

- T nhn đnh i hi 13 s không đ lt người không đ tiêu chun như Đi hi 12" s khiến người ta liên tưởng : Liu đến Đại hội 14 có lp li nhn đnh rng i hi 14 s không đ lt người không đ tiêu chun như Đi hi 13" hay không ?

- Theo ông Nguyn Viết Thông thì "Trung ương tng có đánh giá rng, Đại hội 12 có tình trng các đoàn vn đng nên lá phiếu ca các đi biu đi d chn la chưa chính xác". Không biết đó có đúng là nhn đnh ca "Trung ương" không nhưng đó qu tht là mt đánh giá khác vi thc tin ca nhân loi.

Ông Chu gii thích thêm :"Vn đng", hay "vn đng hành lang" là chuyn kinh đin. Ví d, Vit Nam mun là thành viên không thường trc ca Hi đng Bo an Liên Hip Quc thì Vit Nam phi vn đng đ có phiếu ng h ca các nước. Ngày 7/6/2019 Vit Nam trúng c y viên không thường trc ca Hi đng Bo an Liên Hip Quc vi 192/193 phiếu bu. Nếu trước đó Vit Nam không vn đng thì có th không trúng c.

Cũng vì vy, theo ông Chu :Đã có bu c là có vn đng. Đó là quy lut. Ch có hình thc th hin khác nhau. Vn đng công khai hay vn đng ngm. Vn đng bng tài năng hay vn đng bng tin bc, trao đi, mua chuc, sc ép Phương thc vn đng ph thuc rt nhiu vào phương thc bu c. Không có cách nào chng được vn đng trong bu c mà ngược li, phi lut hóa vic vn đng công khai, đưa ra các quy đnh loi tr các phương thc vn đng "bn". Mt phương thc bu c khoa hc, dân ch, công khai s loi tr được phn ln các phương thc vn đng "bn". Đó mi là nhân t quyết đnh không đ lt nhng người không đ tiêu chun.

Ông Chu nhc c ông Thông ln mi người :Tc ng Nga có câu "Sống sẽ thấy". Chúng ta sẽ kiểm nghiệm Đại hội 12 có để lọt người không đủ tiêu chuẩn hay không chỉ sau không quá 5 năm nữa…

Thư ngỏ của ông Nguyễn Ngọc Chu gửi ông Nguyễn Viết Thông qua Facebook có hàng ngàn người tán thành, hoặc là cười nho ông Thông. Thm chí có người như Nhan Do Thanh huch tot :Đó là xu nnh, xu thi. Đến Đại hội 14 s có k phê bình khiếm khuyết ca Đại hội 13. Nếu nhân s Đại hội 13 tt đp thì chng phi giu như mèo giu

Khánh Chu Quc lưu ý :Bn năm trước, ông Nguyn Phú Trng chính là người ph trách Tiu ban Nhân s ca Đại hội 12. Đến gi có ba y vin B Chính tr b k lut vì nhng vi phm trước khi có Đại hội 12, trong đó có người như ông Đinh La Thăng b pht tù. Gi, cũng ông Nguyn Phú Trng ph trách Tiu ban Nhân s, chun b nhân s cho Đại hội 13, không hiu đến 2025, chun b cho Đại hội 14 có gì khác không ?

Hap Phan Van nêu mt nhn xét khác : Ti sao khóa 12 đ lt người không đ tiêu chun mà Ban chấp hành trung ương khóa 12 li chn nhân s cho Ban chấp hành trung ương khóa 13, đã như vy thì ti sao khng đnh khóa 13 không đ lt người không đ tiêu chun ? Trng rn nước không th n ra thành chim đi bàng ! Đng Quý Viết d đoán :Chng cn ch thêm bn năm na, sau Đại hội là có hàng mi nhp kho thôi…

Bi trước nay các Đại hội đng luôn luôn được qung bá là… thành công tt đp nên Quoc Cuong Tran thc mc :Sao Đại hội 12 li thế, phi luôn luôn tt đp ch ? Tien Le Dung than : Ln nào loa cũng phát "công tác nhân s khoa hc chn lc k lưỡng"… nhưng chn hoài không được người mà dân cn. Đi hi 12 có nhiu người b k lut như vy thì phi nói thng công tác nhân s không n. La Pham nhc :Mun biết thành công tt đp thế nào, c nhìn thc trng đt nước là biết.

C đi chiếu các tuyên b ca nhng nhân vt lãnh đo đng, đc bit là nhng tuyên b ca ông Trng, cũng như các văn bn ch đo, hướng dn do các cơ quan lãnh đo đng ban hành v vic "không đ lt", chc chn s thy ngay và thy rt rõ, Đi hi 13 không th đ lt Tổng bí thư đương nhim – người đng đu và chu trách nhim chính v nhân s Ban chấp hành trung ương đng khóa này vào Ban chấp hành trung ương khóa ti.

Trân Văn

Nguồn : VOA, 23/012021

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/dai-hoi-xiii-se-khong-de-lot-nguoi-khong-du-tieu-chuan-nhu-dai-hoi-xii-20210118220002941.htm

(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Chi-thi-35-CT-TW-2019-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-Dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-XIII-417004.aspx

(3) https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/2239653349501416

*********************

Nguyễn Phú Trọng còn ngồi đến bao giờ ?

Người Buôn Gió, 22/01/2021

Từ người đặc biệt của khóa 12 rồi đến người đặc biệt của đặc biệt ở khóa 13, Nguyễn Phú Trọng tự ghi mình vào danh sách tái cử chức tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam liên tiếp 3 khóa. 

daihoi2

Nguyễn Phú Trọng tự ghi mình vào danh sách tái cử chức tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam liên tiếp 3 khóa. 

Đứng đầu bộ chính trị, là trưởng ban quy hoạch chiến lược cán bộ, trưởng tiểu ban nhân sự 13. Ông Trọng thản nhiên xếp ghế cho mình trong bữa họp cuối cùng của trung ương đảng khóa 13, hội nghị trung ương 15 do chính ông chủ trì có hơn một ngày.

Không cho phép ai được bàn tán, ông xướng tên mình đứng đầu rồi kết thúc hội nghị.

Sinh năm 1944, đến năm 2021 ông Trọng 77 tuổi. Ông không thể một mình đi trọn 5 bậc thang lên bục cao của phòng họp lớn của trung tâm hội nghị quốc gia, nơi sẽ diễn ra Đại hội đảng cộng sản Việt Nam vào mấy ngày tới đây.

Không có thước phim nào gần đây cho thấy ông có thể tự đi một mình trong quãng đường 5m. Đoạn clip mới nhất hôm qua về ông trong buổi phong quân hàm thượng tướng cho Nguyễn Tân Cương và Võ Minh Lương, chỉ thấy ông đứng im một chỗ, bàn tay trao giấy phong quân hàm run rẩy. Chỉ có trong buổi nhận quốc thư của đại sứ Iran, Phi Luật Tân ông có chiếu cảnh ông đi 4 bước nhưng run rẩy vịn bàn.

Điều lệ đảng quy định không ai được làm tổng bí thư liên tiếp 3 nhiệm kỳ, ông cho đàn em phát biểu vì ông là đặc biệt nên có thể bỏ qua điều lệ đảng.

Điều lệ đảng là luật của đảng, đảng lãnh đạo đất nước, kêu gọi người dân chấp hành luật pháp. Nhưng người đứng đầu đảng còn thản nhiên đạp lên luật của đảng.

Góp sức lớn nhất để cho Nguyễn Phú Trọng đạp lên điều lệ đảng chính là Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.

Vào năm 2016 ông Nguyễn Tấn Dũng được phiếu tín nhiệm cao nhất trong trung ương và quốc hội, ông Trương Tấn Sang cũng gần như vậy. Cả hai ông đều khỏe mạnh, hai ông đều làm đơn xin rút theo độ tuổi quy định. Cái này đáng khen cho hai ông đã chấp hành đúng điều lệ đảng, việc Đại hội có đề cử hai ông ở lại không tính sau, trước mắt làm đúng quy trình.

Thế nhưng cả hai ông lại làm một điều mà các ông biết rõ là trái với quy định độ tuổi, đó là cả hai ông Dũng và Sang đều ký vào giấy do ông Trọng đưa ra, đó là giấy giới thiệu ông Trọng tái cử khóa 12 chức danh tổng bí thư với lý do trường hợp đặc biệt.

Được đà 5 năm sau đến Đại hội 13, ông Trọng thể hiện cho đám đàn em lứa sau của ông Dũng và ông Sang biết rằng.

- Với các đàn anh lớp trước của chúng mày, tao còn là đặc biệt thì với bọn hậu sinh như bọn mày, tao phải là đặc biệt của đặc biệt hay là siêu đặc biệt.

Trung ương những tưởng bỏ phiếu tín nhiệm cho ai cao nhất sẽ là người duy nhất đặc biệt ở lại, ông Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm cao nhất, con số 95%. Ông Trọng thua xa chỉ được 82%. Thế là ông Trọng đặt luôn ra 2 trường hợp đặc biệt. Một cho người được tín nhiệm cao nhất và một cho ông.

Nếu như ông được tín nhiệm cao nhất, có lẽ báo chí đã tung hộ ông ngất trời, nào là được tín nhiệm cao như thế chứng tỏ lòng người rất đặt niềm tin cao vào ông. Nhưng do phiếu tín nhiệm ông được thấp quá, mà cố tình ở lại ngồi chiếm ghế, báo hại bọn bồi bút phải lấy dẫn chứng bên trời Tây, từ cổ kim để nói rằng 77 tuổi vẫn làm lãnh đạo được.

Báo chí bưng bô lừa bịp người đọc, người ta hơn 70 tuổi ra tranh cử làm lãnh đạo, khác với làm lãnh đạo cao nhất liên tiếp từ khóa này sang khóa khác. Lãnh đạo liên tiếp như thế chỉ có ở nước độc tài, so với kiểu lãnh đạo hai nhiệm kỳ ở nước dân chủ sao được.

Người ta hơn 70 tuổi mới ra làm thừa tướng như Khương Tử Nha, cái tài lúc đó thiên hạ mới thấy vì trước kia ông ta ở ẩn khiến người ta không thấy.

Thế còn ông Trọng có tài như Khương Tử Nha không ?

Ông có hơn 20 năm thâm niên làm uỷ viên Bộ Chính Trị, nếu hẳn ông có tài thì tài năng của ông đã bộc lộ rực rỡ từ trước kia rồi, sao đến 77 tuổi bỗng nhiên tài năng nở rộ như vĩ nhân, lão thần đồng vậy ?

daihoi3

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (Ảnh : Vũ Toàn)

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ khen Nguyễn Phú Trọng trên VOV như sau.

- Là một nhà văn tuổi già sức yếu, không còn tham vọng cống hiến gì hơn nữa cho nhân dân, Tổ quốc, tôi chỉ còn có thể phát biểu, hết sức ủng hộ Đảng, Bộ Chính trị mà đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những hành động cụ thể, mang hiệu ứng xã hội rất lớn.

Thật không có gì mỉa mai hơn lời khen ngợi này, Nguyễn Văn Thọ kém Nguyễn Phú Trọng đến 4 tuổi mà xưng là già yếu, thế ai là người khỏe ?

Nguyễn Văn Thọ không còn tham vọng cống hiến thì ai là kẻ còn tham vọng ?

Nguyễn Văn Thọ có 3 vợ, vợ thứ ba trẻ hơn Thọ đến vài chục tuổi, cách đây vài năm còn sinh cho Thọ một thằng bé trai. 

Sinh lý cường tráng đến vậy mà Thọ nói mình tuổi già sức yếu và ủng hộ Nguyễn Phú Trọng, kẻ già hơn, bệnh tật hơn Thọ nhiều lần.

Vậy mà Nguyễn Phú Trọng tin đó là lòng dân, tin đó là lời nói thật, đó là tâm nguyện của nhân dân cả nước để ông ta tiếp tục tham vọng ngồi lại ghế tổng bí thư khi đã 77 tuổi.

Cùng dân học văn như Thọ, Trọng không hiểu được cái thâm ý của Thọ rằng, tao trẻ hơn mày, vẫn còn giường chiếu được mà còn không tham vọng cống hiến gì, mày nên về nhường cho người khác cống hiến thì hơn.

Ý của Thọ thâm, tưởng rằng Trọng có lòng tự trọng. Nhưng Trọng cao đòn hơn, biến lời khen đểu ấy thành khen thực. 

Lời khen của Thọ được Nguyễn Thế Kỷ cho đăng trên VOV vào năm 2017, giai đoạn mà người ta đồn ông Trọng sẽ về giữa nhiệm kỳ 12 giao chức lại cho người kế cận.

Chẳng lẽ 4 triệu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam trải qua từng ấy năm mà không tìm ra được người tài để thay thế một lão già sắp 80 tuổi, cái đảng cs này đến hồi mạt rồi sao ?

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 22/01/2021

*********************

Đại hội 13 : Sẽ không có "bất ngờ", nhưng tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức

TS. Phạm Quý Thọ, RFA, 21/01/2021

Sau nhiều hội nghị trung ương về công tác cán bộ đảng, Hội nghị 15 là cuối cùng của khóa 12 đã kết thúc chóng vánh với một ngày rưỡi làm việc sau khi đã xác định được "các trường hợp đặc biệt" tham gia Ban chấp hành trung ương nhiệm kỳ 13, trong đó có dự kiến "tứ trụ" : Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính Phủ và Chủ tịch Quốc hội. Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/1/2021 và Quốc hội khóa 15, dự kiến vào nửa năm sau, sẽ chính thức hóa về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hóa các chức danh nhà nước theo cách "đảng cử, dân bầu".

daihoi4

Ba lãnh đạo hàng đầu của Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại : (từ trái qua) Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc Reuters

Sau những "bất ổn" của Đại hội 12 quyền lực đã tập trung cao độ vào Tổng bí thư như hiện nay. "Bất ngờ" khó có thể xảy ra tại Đại hội 13, những "băn khoăn" về tiêu chuẩn hay quy chế sẽ được biện minh, tuy nhiên thực tế vận hành chế độ đảng toàn trị cho thấy khi tập trung quyền lực càng cao, chuyển giao càng thách thức.

Điều sẽ được biện minh

Thông thường, dư luận chung chỉ quan tâm "bất ngờ" đối với danh sách "tứ trụ" dự kiến bởi Ban Chấp hành khóa trước trình trong Đại hội nhưng không được đồng thuận. Theo thông tin rò rỉ chức danh Tổng bí thư sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến là Chủ tịch nước. Đây là hai trường hợp đặc biệt vừa được giới thiệu. Chức danh Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội sẽ do hai ông Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành uỷ Hà Nội, những người còn đủ tiêu chuẩn theo quy định.

daihoi5

Trưởng Ban tổ chức Phạm Minh Chính. Reuters

Đảng hoạt động theo Điều lệ và các nhà phân tích chính trị cho rằng Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cần giải thích về "trường hợp đặc biệt", khi ông Nguyễn Phú Trọng người đã nắm giữ chức vụ Tổng bí thư hai khóa 11 và 12, bởi vì trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam hiện hành do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011, tại Điều 17 quy định : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Sẽ luôn có lý do trong những tình huống "cấp bách". Hơn thế, Quyết định 244-QĐ/TW năm 2014 về quy chế bầu cử trong đảng đảm bảo cho ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tại vị ở nhiệm kỳ 3. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng được nhiều đại biểu tham dự Đại hội 12 giới thiệu, nhưng ông vẫn phải rút lui, không thể phá vỡ các quyết định tập thể lãnh đạo về nhân sự đảng.

Tuy nhiên, vấn đề là liệu có phương án chỉnh sửa, bổ sung Điều lệ khi "các trường hợp đặc biệt" xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những nhiệm kỳ gần đây ?

Các đại biểu đảng

Theo thông báo từ ông Trưởng Ban Đối ngoại trung ương, Đại hội 13 sẽ có 1.587 đại biểu (tham dự, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên, trong đó, đại biểu đương nhiên là 191 (các ủy viên trung ương Đảng đương nhiệm), chiếm tỷ lệ 12,03% ; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương là 1.381 (87,01%) ; đại biểu chỉ định là 15 (0,94%)…

Gắn với thực tế chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng trong nhiệm kỳ, họ đa số là những đảng viên được "sàng lọc" từ các Đại hội cấp tỉnh, thành phố và tương đương vừa kết thúc vào tháng cuối tháng 10/2020 và các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 còn lại, trừ những kẻ bị "khai trừ" do bị phát hiện về suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống và vi phạm pháp luật.

daihoi6

Tranh quảng bá cho Đại hội 13 ở một triển lãm ở Hà Nội hôm 19/1/2021. Reuters

Trong nhiệm kỳ 12 ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn "trăn trở" về cán bộ đảng. Theo Cương lĩnh và Điều lệ đảng các đảng viên là đội ngũ "tiên phong", được liên kết bởi lý tưởng cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hệ thống giá trị, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và "kiên định" với nó, tuyệt đối trung thành với đảng và phục tùng cái kỉ luật toàn trị, và "hy sinh lợi ích cá nhân" vì đảng… Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và bị cám dỗ bởi quyền và tiền, không phải chỉ là lãnh đạo đảng viên cấp thấp, mà cả những "đồng chí" cấp cao cùng ông trong Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương… Ông đã từng nêu nghi vấn : "Đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bền ngoài che đậy cái sơ sài bên trong".

Chưa thể đồng thuận về người kế vị ông có lẽ là một trong những lý do ông được Hội nghị trung ương 15 khóa 12 tiếp tục giới thiệu với cương vị Tổng bí thư để bầu tại Đại hội 13.

Chính sách dở dang

Kết quả bầu tại Đại hội, không thể khác trong cơ chế, được dự đoán trước, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba là Tổng bí thư.

Điều mà giới phân tích chính trị quan tâm là những chính sách, đặc biệt là chống tham nhũng và chỉnh đốn nội bộ mà ông đã phát động, nhưng còn dở dang, được tiếp tục như thế nào. Ngoài ra, việc tìm người kế nhiệm ông cũng phức tạp với cơ chế tập thể lãnh đạo. Họ suy đoán rằng ai sẽ là Tổng bí thư kế tiếp với những rủi ro có thể.

Lý thuyết về khoa học chính trị của Bruce Bueno de Mesquita và Alastair Smith đã chỉ ra quy tắc chính trị thực sự cho các nhà cai trị là : các nhà lãnh đạo làm bất cứ điều gì để họ duy trì quyền lực. Cách thức mà quy tắc vận hành được khái quát như sau : không "vị vua" nào cai trị một mình mà cần phải có những "chiếc chìa khoá" giúp việc. Chìa khóa đến quyền lực là một vị trí quyền lực. Bởi vậy, trước hết, phải kéo những chìa khóa về phe bạn, sau đó phải kiểm soát nguồn lực, "quyền và tiền" để giữ họ ủng hộ và trung thành với bạn, và đồng thời cần loại bỏ những "chiếc chìa khoá" không tuân lệnh.

"Ngồi trên ngai vàng để cai trị thì ngai vàng sẽ cai trị bạn".

Thực tế vận hành chế độ cộng sản toàn trị cho thấy càng nắm giữ quyền lực lâu, quyền lực càng tập trung thì việc chuyển giao quyền lực càng trở nên thách thức.

Chế độ theo đuổi quyền lực, nhân dân ở đâu ?

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 21/01/2021

Published in Diễn đàn

Vì sao Phạm Minh Chính làm thủ tướng ?

Người Buôn Gió, 25/01/2021

Thủ tướng khóa 12 Nguyễn Xuân Phúc được phiếu tín nhiệm cao nhất, ông hoàn toàn tiếp tục thêm một nhiệm kỳ thủ tướng nữa nếu như ông trong những trường hợp đặc biệt ở lại.

daihoi1

Ngày 24/01/2018 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Hy bắt tay thân mật. (Ảnh : Vĩnh Hà/TTXVN)

Nhưng thật lạ, ông được sắp chân chủ tịch nước và thay thế ông làm thủ tướng là trưởng ban tổ chức trung ương, nguyên trung tướng công an Phạm Minh Chính.

Giải thích về việc ông Chính làm thủ tướng khóa 13, nhiều người cho rằng giải pháp này cũng tốt vì ông Chính có uy và quyết đoán, ông từng học ở nước ngoài và có thành tích khi phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh thời ông làm bí thư.

Theo chủ quan nhận định của tôi, thì việc sắp xếp thủ tướng lần này còn liên quan đến một số chuyện khác.

Thứ nhất là cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ. Nếu ông Trump tái cử, việc ông Phúc làm thủ tướng tiếp tục sẽ dễ xảy ra hơn. Thời kỳ ông Trump làm tổng thống nhìn chung có những chính sách khá lợi cho Việt Nam từ chủ quyền đến kinh tế (ngoại trừ vấn đề dần chủ). Ông Phúc có thái độ rất nồng nàn khi tiếp xúc với ông Trump, có thể ông Trump không nhớ rõ mặt ông Phúc thế nào. Nhưng khi có công việc với Việt Nam, cấp dưới ông Trump trình rằng thủ tướng Việt Nam đã từng thái độ thế nào khi tiếp xúc với ông Trump, ít nhiều đó là một điểm khiến ông Trump thiện cảm với chính phủ Việt Nam hơn.

Ông Trump thất cử và chính quyền Mỹ rơi vào tay đảng Dân chủ. Khỏi nói ai cũng thấy 8 năm nước Mỹ dưới thời Obama lép vế Trung Quốc thế nào. Nhiều người còn cho rằng Obama và đảng Dân chủ đã đi đêm, đã thỏa hiệp ngầm với Trung Quốc, để mặc Trung Quốc thao túng và phát huy ảnh hưởng một phần lớn khu vực trên thế giới. Không biết ông Biden có khác ông Obama không, nhưng từ đảng Dân chủ và được Obama hậu thuẫn, khó có thể nói ông Biden sẽ khác biệt với những gì Obama đã làm với Trung Quốc.

Nếu Biden tiếp tục đường lối của Obama, để mặc cho Trung Quốc ngự trị khu vực. Việc Đảng cộng sản Việt Nam đưa Phạm Minh Chính lên làm thủ tướng (hoặc Trung Quốc đề nghị) là một giải pháp phù hợp. Ông Chính thời làm bí thư Quảng Ninh có nhiều quyết định, thái độ được lòng Trung Quốc. Ông còn nói khi sang Trung Quốc là như được về nhà.

Ở Việt Nam thân Mỹ bị gọi là bán nước, thân Tầu cũng bị gọi là bán nước. 

Một lần nữa, vẫn theo nhận định chủ quan của tôi, việc ông Chính thân Tầu lần này cần phải bước qua khái niệm bán nước để nhìn nhận sự việc theo chiều hướng khác.

Nếu một nước Mỹ do đảng Dân chủ nắm, bị Trung Quốc khống chế, phải đi đêm với Trung Quốc như thời Obama thì liệu Việt Nam đưa người thân Mỹ làm thủ tướng thì có ích gì ?

Chả ích lợi mẹ gì. Thà tự mình làm điếm không qua bọn ma cô, tú bà chăn dắt còn hơn, ít ra không bị bớt giá. Ít ra khách làng chơi nó không phải thỏa thuận qua bọn ma cô, tú bà.

Đó chính là lý do mà Đảng cộng sản Việt Nam chần chừ chúc mừng Biden muộn hơn nhiều nước khác, cũng như Đảng cộng sản Việt Nam sắp xếp nhân sự đến giờ chót và đột ngột đưa Phạm Minh Chính, một người được Trung Quốc có thiện cảm lên làm thủ tướng khi thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã có kết quả.

Những thành tích phát triển kinh tế ở Quảng Ninh do ông Chính quan hệ với Trung Quốc mà có, chắc sẽ là tinh thần được áp dụng phổ biến cả nước trong những năm tới đây. Trong xu hướng toàn cầu hóa mà Đức, Pháp, Mỹ... đều theo đuổi, Trung Quốc có phần được lợi nhất. Cứ đà quốc tế theo quan hệ chiến lược vậy, chả mấy chốc Trung Quốc sẽ là bá chủ ngầm thực sự của thế giới và bá chủ công khai của khu vực. Việt Nam dựa hơi Dân chủ Mỹ mà đối đầu Trung Quốc là chơi một canh bạc quá nguy hiểm, có thể bị bán đứng bất cứ lúc nào.

Chẳng thà làm chư hầu cho Trung Quốc, phục vụ cường quốc công nghiệp này bằng cách tạo những điểm ăn chơi, du lịch, nghỉ dưỡng, bến cảng làm dịch vụ xuất nhập hàng hóa, nguyên liệu cho Trung Quốc, làm nông phu tập trung sản xuất nông nghiệp rau củ quả cung cấp phục vụ cho Trung Quốc.

Chỉ có hai cái khó là chủ quyền biển đảo và hợp đồng mua bán, đầu tư phải được tuân thủ nghiêm chỉnh hai bên cùng có lợi. Cái thứ nhất thực sự là khó, không biết giải pháp thế nào. Còn cái thứ hai về việc cung cấp dịch vụ, mua bán hàng hóa thì chắc ông Phạm Minh Chính sẽ làm được.

Lựa thời thế mà sống thôi, thời ông Trump cầm quyền, biển đảo Việt Nam ít nhiều đỡ nguy ngập hơn, tuy dịch bệnh nhưng Việt Nam vẫn hớt váng được từ chiến tranh kinh tế Mỹ Trung. Kim ngạch xuất khẩu Mỹ vẫn tăng vùn vụt, viện trợ cũng tăng, mặc dù ông Trump đe dọa xử Việt Nam vì thâm hụt thương mại, về lũng đoạn tỷ giá... nhưng ông ấy chẳng làm gì để trừng phạt cả.

Đừng chửi khóa 13 Việt Nam thân Trung Quốc, bởi như đã nói, đảng Dân chủ Mỹ cầm quyền cũng thân với Trung Quốc bên trong, giả bộ chống đối bên ngoài. Việt Nam chọn bộ sậu thân Trung Quốc cũng là phù hợp với tình hình quốc tế.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio, 25/01/2021

********************

Đại hội 13, vấn đề nhân sự và dấu hỏi về Điều lệ Đảng

Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 25/1/2021

Khi Đảng cộng sản Việt Nam triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 vào tuần này, Đảng sẽ phải quyết định một vấn đề quan trọng : đề cử các lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước. Thế nhưng, mọi thứ đã có một bước ngoặt bất ngờ, làm phức tạp thêm vấn đề ai sẽ là nhà lãnh đạo có tiếng nói cao nhất ở Việt Nam trong 5 năm tới.

daihoi1

Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng chính phủ tham dự Đại hội 13 - Ảnh minh họa

Trước thềm đại hội, Hội nghị lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam đã họp vào giữa tháng 1 để thông qua danh sách đề cử cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Thông tin không chính thức nhưng đáng tin cậy từ Hội nghị cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương Đảng ủng hộ tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư, trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được đề cử làm tân chủ tịch nước.

Điều này khiến hầu hết các nhà quan sát Việt Nam ngạc nhiên. Việc cả ông Trọng, 77 tuổi, và ông Phúc, 67 tuổi, được ủng hộ tiếp tục ở lại trong nhiệm kỳ mới có nghĩa là sẽ có hai "trường hợp đặc biệt" được miễn trừ giới hạn độ tuổi. Điều này đi ngược lại thông lệ chỉ có một "trường hợp đặc biệt" dành cho vị trí tổng bí thư.

Một điều bất ngờ khác là việc ông Phạm Minh Chính, hiện là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, được đề cử giữ ghế Thủ tướng, trong khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được đề cử giữ chức Chủ tịch quốc hội. Việc thăng chức cho ông Chính đi ngược lại truyền thống của đảng là dành ghế thủ tướng cho một trong các phó thủ tướng của nhiệm kỳ trước. Sự vắng mặt của các chính trị gia miền Nam trong nhóm "Tứ trụ" cũng có nghĩa là Đảng cũng sẽ bỏ qua một quy tắc quan trọng khác : duy trì sự cân bằng vùng miền trong bộ máy lãnh đạo cấp cao.

Tuy nhiên, không có quyết định nào gây chú ý bằng việc Ban chấp hành Trung ương Đảng tán thành việc đề cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bên cạnh vấn đề tuổi cao, sức yếu, Điều lệ Đảng cũng quy định "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp". Do ông Trọng đang trong nhiệm kỳ thứ hai và đảng chưa công bố bất kỳ kế hoạch cụ thể nào về việc sửa đổi Điều lệ Đảng, đa phần các nhà quan sát trước đây cho rằng ông sẽ phải từ bỏ chức vụ tổng bí thư.

Liệu Đại hội Đảng có thông qua các dàn xếp trái thông lệ như trên hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng về trường hợp Tổng bí thư Trọng đặt ra hai câu hỏi quan trọng : Tại sao Đảng muốn ông tiếp tục tại vị ? Và làm thế nào Đảng có thể thực hiện thành công ý định này mà không mở "Chiếc hộp Pandora" vốn có thể làm phức tạp thêm vấn đề chuyển giao lãnh đạo trong tương lai ?

Ông Trọng được cho là không có ý định nắm quyền vô thời hạn. Ông đã đôi lần đề cập mong muốn nghỉ hưu do vấn đề tuổi cao sức yếu, đặc biệt là sau khi ông bị đột quỵ vào năm 2019. Hơn nữa, nếu ông có ý định trở thành một nhà lãnh đạo tham quyền cố vị, ông đã dàn xếp việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ trong Điều lệ Đảng sớm hơn.

Thay vào đó, một lý do hợp lý hơn là Đảng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một ứng viên phù hợp có thể kế nhiệm ông. Có ba ứng cử viên tiềm năng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng. Ông Trọng được cho là ủng hộ ông Vượng làm người kế nhiệm. Tuy nhiên, sự ủng hộ đối với ông Vượng trong Ban chấp hành Trung ương Đảng khá mỏng và ông chưa xây dựng đủ thẩm quyền, uy tín cá nhân để có thể giành được lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh của mình.

Do đó, những người ủng hộ ông Trọng muốn ông tiếp tục lãnh đạo đảng ít nhất một vài năm nữa để duy trì sự ổn định và đoàn kết nội bộ trước khi họ có thể tìm được một ứng cử viên phù hợp hơn kế nhiệm ông.

Mặc dù vậy, giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư vẫn là một trở ngại lớn cho kế hoạch của họ. Một số quan chức cấp cao của Đảng đã đề xuất Đảng không nên sửa đổi điều lệ mà thay vào đó nên coi nhiệm kỳ thứ ba của Tổng bí thư Trọng như một ngoại lệ đặc biệt, duy nhất. Có lẽ mối quan ngại cơ bản của họ là việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ sẽ mở ra tiền lệ xấu và tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các lãnh đạo chuyên quyền trong tương lại, điều sẽ đe dọa sự ổn định chính trị của đất nước. Quan trọng hơn, nếu các đại biểu tại Đại hội 13 từ chối thông qua việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ, kế hoạch để ông Trọng ở lại sẽ thất bại, tạo nên một cuộc khủng hoảng lãnh đạo đối với Đảng.

Nhưng đề xuất cho phép Tổng bí thư Trọng ở lại nhiệm kỳ ba mà không sửa Điều lệ Đảng cũng rất có vấn đề. Sự lãnh đạo của ông sẽ bị coi là không chính danh, làm tổn hại uy tín của Đảng và bản thân ông Trọng, người từ lâu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ pháp luật và quy trình trong công tác đảng và nhà nước.

Một lối thoát khả dĩ có thể cân bằng được các vấn đề trên là Đảng có thể vẫn giữ nguyên giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vị trí tổng bí thư nhưng bổ sung thêm một điều khoản là "trường hợp ngoại lệ do Đại hội Đảng toàn quốc quyết định". Một giải pháp như vậy sẽ cho phép duy trì cơ chế kiểm soát tham vọng quyền lực cá nhân của các nhà lãnh đạo trong tương lai và do đó có khả năng được các đại biểu dự Đại hội dễ dàng thông qua hơn. Đồng thời, quy định này cũng sẽ mang lại cho Đảng sự linh hoạt cần thiết để xử lý các trường hợp bất thường hiếm gặp như quyết định gia hạn thêm một nhiệm kỳ thứ ba cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việc có một đội ngũ lãnh đạo mới có năng lực và kinh nghiệm là điều cần thiết để Việt Nam có thể đối phó được với các thách thức tương lai như duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh bất ổn do Covid-19 gây ra, chống tham nhũng, hay vượt qua các khó khăn xuất phát từ gia tăng cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Do đó, các quyết định nhân sự được đưa ra tại Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam, dù trái thông lệ hay không, cũng sẽ có tác động quan trọng đối với triển vọng kinh tế, chính trị và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

Lê Hồng Hiệp

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 25/01/2021

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Straits Times.

***********************

Đại hội 13 – Vở kịch ngàn tỷ

Thu Thủy, Thoibao.de, 25/01/2021

Những ngày qua truyền thông trong nước hồ hởi đăng tin Hội nghị Trung ương 15 thành công tốt đẹp với thời gian hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra chỉ bằng một nửa so với thời gian dự kiến là 3 ngày. Như vậy kịch bản mà Đảng cộng sản Việt Nam dàn dựng cho Đại hội 13 dự kiến khai mạc vào ngày 25/01 tới đây và sau đó là Quốc hội khóa 15, dự kiến diễn ra vào vài tháng sau đó, đã chính thức được thông qua.

daihoi2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 15 sáng 17/01/2021

Theo thông tin rò rỉ chức danh Tổng bí thư sẽ do ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nắm giữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dự kiến là Chủ tịch nước.

Đây là hai trường hợp đặc biệt vừa được giới thiệu. Chức danh Thủ tướng chính phủ và Chủ tịch quốc hội sẽ do hai ông Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Vương Đình Huệ, đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội, những người còn đủ tiêu chuẩn theo quy định.

Dư luận trong và ngoài nước bình luận việc ông Trọng tiếp tục nắm giữ chức vụ cao nhất của Đảng và cũng như trong hệ thống chính trị Việt Nam là một việc chưa từng có tiền lệ. Bởi ông đã vượt qua một cách oanh liệt ba rào cản.

Thứ nhất, đó là tuổi tác. Theo quy định, độ tuổi của Bộ Chính trị, Ban Bí thư không quá 65 tuổi.

Tại nhiệm kỳ Đại hội 11 (2011) ông Nguyễn Phú Trọng khi đó 67 tuổi, đang là Chủ tịch quốc hội, được giới thiệu bầu vào Trung ương, bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và bầu làm Tổng bí thư khóa 11.

Tới Đại hội 12 (2016), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đó đã 72 tuổi tiếp tục được tín nhiệm xem xét, giới thiệu như một trường hợp đặc biệt bầu vào Trung ương khóa 12, bầu vào Bộ Chính trị, và sau đó là Tổng bí thư. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là trường hợp đặc biệt duy nhất trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ Đại hội 12.

Tới trước thềm Đại hội 13, ông lại tiếp tục là trường hợp đặc biệt để ở lại lèo lái con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Chướng ngại vật thứ hai mà ông Trọng được do là đã vượt qua chính là Điều lệ Đảng, văn bản pháp lý cơ bản nhất, xác định tôn chỉ, mục đích, hệ tư tưởng, các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động, cơ cấu bộ máy của đảng do chính ông lãnh đạo một thập kỷ vừa qua.

Điều 17 trong Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam hiện hành do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng thông qua ngày 19/01/2011 quy định : "Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp".

Rào cản thứ ba đã được ông Trọng chinh phục chính là điều kiện sức khỏe, một vũ khí mà chính ông Trọng từng sử dụng để loại bỏ đối thủ chính trị của mình.

Năm 2017, Bộ Chính trị theo hướng dẫn của ông đã ban hành Quy định số 90, đặt "sức khỏe" thành một điều kiện để được giữ các chức vụ chủ chốt. Động thái này được coi là một nỗ lực nhằm loại bỏ Chủ tịch nước khi đó là Trần Đại Quang với những tin đồn lan truyền trong dư luận là ông Quang mắc bệnh nan y.

Chưa đầy 2 năm sau khi đặt ra quy định về "tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện ban chấp hành trung ương, bộ chính trị, ban bí thư quản lý", có lẽ chính ông Trọng cũng không ngờ quy định này lại có thể lại "đập" lại ông nhanh đến như vậy.

Sức khoẻ của ông Nguyễn Phú Trọng giảm sút nghiêm trọng sau vụ đột quỵ trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang hồi tháng 04/2019.

Kể từ thời điểm đó đến nay người đứng đầu Đảng cộng sản và cũng danh chính ngôn thuận là nguyên thủ quốc gia của Việt Nam ít xuất hiện công khai. Và mỗi lần xuất hiện trước công chúng thì ông Trọng luôn trong bộ dạng đi tập tễnh, cần người khác dìu và có nguy cơ bị té ngã bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, công chúng còn thấy luôn có người kè kè chiếc cặp đựng thuốc theo sau.

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định rằng các "trường hợp đặc biệt" xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong những nhiệm kỳ gần đây phản ánh một thực tế là tập trung quyền lực càng cao thì chuyển giao càng thách thức.

Nhận định thứ hai mà nhà nghiên cứu đưa ra – đó là chất lượng đảng viên trong thời đại mới.

Trong nhiệm kỳ 12 ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn "trăn trở" về cán bộ đảng. Theo Cương lĩnh và Điều lệ đảng các đảng viên là đội ngũ "tiên phong", được liên kết bởi lý tưởng cộng sản, sẵn sàng chấp nhận hệ thống giá trị, tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và "kiên định" với nó, tuyệt đối trung thành với đảng và phục tùng cái kỉ luật toàn trị, và "hy sinh lợi ích cá nhân" vì đảng…

Thế nhưng, thực tế cho thấy rằng trong bối cảnh chuyển đổi sang kinh tế thị trường một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" và bị cám dỗ bởi quyền và tiền, không phải chỉ là lãnh đạo đảng viên cấp thấp, mà cả những "đồng chí" cấp cao cùng ông trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương… Ông đã từng nêu nghi vấn : "Đừng "nhìn gà hóa cuốc", đừng "thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bền ngoài che đậy cái sơ sài bên trong".

Chưa thể đồng thuận về người kế vị ông có lẽ là một trong những lý do ông được Hội nghị trung ương 15 khóa 12 tiếp tục giới thiệu với cương vị Tổng bí thư để bầu tại Đại hội 13.

Nhà hoạt động xã hội Huỳnh Ngọc Chênh cũng nhận định rằng :

Nếu như sự đồn đại đang lan truyền ấy đúng sự thật thì điều đó nói lên rằng hội nghị TƯ vừa rồi chẳng thành công tốt đẹp, ngược lại là một sự thất bại nghiêm trọng trong công tác xây dựng đảng mà người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Phú Trọng, người liên tục trong 10 năm làm lãnh đạo cao nhất của đảng, lại là giáo sư tiến sĩ chuyên ngành xây dựng đảng.

Điều thấy rất rõ ràng là ông Trọng tuổi đã quá cao, sức khỏe có vấn đề sau cơn tai biến, đã làm đến hai nhiệm kỳ, nay phải phá vỡ hết các quy tắc của đảng để giữ ông lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

Có nghĩa là trong 200 ủy viên Ban chấp hành, được cho là 200 tinh hoa xuất sắc nhất của đảng chắt lọc ra từ hơn 4 triệu đảng viên, vẫn không tìm ra được 1 người có đủ tài đức để thay thế ông Trọng, để ông yên tâm về nghỉ ngơi như mong muốn của ông bởi ông được cho là người không tham vọng quyền lực không cố ngồi lại vì danh lợi cá nhân.

Ông Trọng là giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng, đảm trách công việc cao nhất của đảng đầy quyền lực suốt trong 10 năm mà không xây dựng nên hoặc tìm ra cho đảng một người đủ tài đức để thay thế được ông thì đó không gọi là thất bại thì gọi là gì ?

Dưới một góc nhìn khác, Facebooker Ngọc Thu nhận định nhờ có chiếc đũa thần mà ông Trọng tiếp tục ngồi yên trên vị trí quyền lực đỉnh cao.

Facebooker này phân tích :

"Ở chức vụ càng cao, đáng lẽ người lãnh đạo phải làm gương cho các cấp dưới và cả nước mà điều đơn giản nhất là tôn trọng luật lệ. Ông Trọng đã phá một lúc cả ba để tiếp tục bám vào ghế quyền lực cao nhất nước ! Hẳn phải có nguyên nhân giải thích vì sao ông Trọng phá luật và toàn Đảng cộng sản Việt Nam phải ngậm bồ hòn làm ngọt và cúi đầu chấp nhận.

Lý do sâu xa nhất không hề khó hiểu, đó là nhờ sự chống lưng của Bắc Kinh.

Có lẽ chưa có lãnh đạo cộng sản nào ký với Trung cộng nhiều văn kiện bí mật như ông Trọng :

– Ngày 17/12/2017 ông ký 15 văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc khi thăm Bắc Kinh.

– Ngày 12/11/2017 ông Trọng lại ký tiếp 12 văn kiện với Trung Quốc vào dịp Tập Cận Bình sang Việt Nam.

Tất cả đều mật, người dân hoàn không được biết tới.

Bám ghế quyền lực bằng mọi giá bằng cách dựa vào thế lực một kẻ thù hung hiểm nhất nhân loại hiện nay là đánh đổi độc lập tự chủ của đất nước và đưa dân tộc vào con đường mất nước".

Vì những lý do trên mà đến thời điểm này dư luận dường như không còn hy vọng gì ở một sự đổi mới tại Đại hội 13.

Theo thông lệ, Đại hội Đảng toàn quốc 13, được tổ chức vào 25/01/2021 và Quốc hội khóa 15, vài tháng sau đó, sẽ chính thức hóa về nhân sự lãnh đạo cao cấp và hợp pháp hóa các chức danh nhà nước theo cách "đảng cử, dân bầu".

Đại hội nghìn tỷ tới đây với sự tham dự của hàng trăm đại biểu được chọn lựa kỹ lưỡng từ khắp các tỉnh thành trong cả nước tụ về chỉ còn mang tính hình thức để làm tròn thủ tục thông qua.

Ông Chênh viết : "Đại hội có vẻ như quyền lực to lớn lắm nhưng thực chất chẳng có chút quyền nào trong việc định đoạt nhân sự vì nghị quyết của đảng không cho phép đại biểu dự đại hội được quyền tự ứng cử, được quyền đề cử và được quyền nhận đề cử. Xem như nhân sự các cấp đã được quyết toàn bộ từ trước".

Nhà báo Đỗ Ngà cũng chia sẻ nhận định này khi bình luận :

Thực tế thì hiện nay nhân sự cho đại hội 13 đã định đoạt ở các kì hội nghị trung ương kéo dài từ đội nghị trung ương 8 năm 2018 đến hội nghị trung ương 15 mới vừa kết thúc vào ngày 17/1 vừa rồi. Như vậy là đại hội 13 diễn ra vào ngày 25/1 đến 2/2 sắp tới chỉ là vở kịch, và những cuộc bầu cử toàn dân hay bầu cử nội bộ đảng sau đó đều là vở kịch nốt. Đối với dân, những vở kịch đó là không cần thiết nhưng đối với đảng thì nó rất cần. Vì sao ? Vì một chính quyền mà vắng bóng bầu cử thì làm sao đảng mở miệng ra hót "bài ca dân chủ" với dân và với thế giới được ?! Vậy nên phải diễn dù biết rằng để diễn vở kịch này có thể tốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ tiền của dân.

Như vậy thì đến đây có thể nhận ra vì sao đảng đưa mục nhân sự đại hội 13 vào diện "tuyệt mật". Phải "tuyệt mật" chứ ? Không "tuyệt mật" thì làm sao vở diễn dân chủ này "như thật" được ? Chả nhẽ nói toạc móng heo ra hết thì vở kịch ấy còn giá trị gì nữa đây ? Vậy nên phải gói nó vào cái gói "tuyệt mật" để tạo tính bất ngờ cho vở kịch.

Sắp tới cộng sản sẽ diễn 3 vở kịch ngàn tỷ : Vở thứ nhất là đại hội 13, đảng viên sẽ bỏ phiếu nội bộ bầu ra trung ương đảng và bộ chính trị. Chắc chắn kết quả luôn trùng khớp với anh sách đã chọn trong các kỳ hội nghị trung ương trước đó ; Vở thứ nhì là bầu cử quốc hội khóa 15 và hội đồng nhân dân các cấp. Chắc chắn kết quả cũng sẽ trùng khớp với danh sách mà đảng đã chọn ra trước đó ; Vở kịch thứ ba là quốc hội khóa 15 sẽ bỏ phiếu bầu ra tứ trụ. Chắc chắn kết quả cũng sẽ trùng khớp với những chọn lựa của đảng trong những hội nghị trung ương trước đó.

Bầu cử trong đảng cũng chỉ là vở kịch, bầu cử trong dân cũng chỉ là vở kịch, bầu cử trong quốc hội cũng chỉ là vở kịch. Các vở kịch này được dàn dựng từ chính tiền mồ hôi nước mắt của dân. Đó là thực tế. Dùng tiền của dân để dựng lên một trò lừa gạt dân thì đó chỉ có thể là CS, bởi bản chất của họ vốn không bao giờ có liêm sỉ nhưng lại rất thừa sự khốn nạn.

Thu Thủy (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 25/01/2021

***********************

Đảng Cộng sản Việt Nam họp đại hội để bầu chọn lãnh đạo mới

Andreas Illmer, BBC, 25/01/2021

Tầng lớp tinh hoa trong giới chính trị Việt Nam đang tề tựu về dự kỳ đại hội Đảng quan trọng, nhằm bầu chọn những người lãnh đạo đất nước trong năm năm tới.

daihoi3

Một người dân đi ngang qua tranh cổ động, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam - Ảnh minh họa

Đại hội 13 diễn ra trong bối cảnh đất nước đã phòng chống khá thành công đại dịch Covid-19, và nền kinh tế thì đang bùng nổ.

Ở hầu hết các quốc gia khác, chuyện bầu chọn lãnh đạo thường diễn ra cùng với một kỳ tổng tuyển cử.

Nhưng ở Việt Nam, một quốc gia cộng sản, thì việc bầu chọn dàn lãnh đạo lại được thực hiện theo cách khác.

Nhìn vào sân khấu chính trị được dàn dựng chặt chẽ mà ta thấy tại các đại hội đảng của Trung Quốc hoặc Bắc Triều Tiên, quý vị sẽ hình dung ra được câu chuyện ở Việt Nam.

Việt Nam rất giống như vậy, tuy mức thu hút sự chú ý thì không ồn ào bằng.

Tại sao Việt Nam quan trọng ?

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á, và là một trục trụ giữ cho sự ổn định của khu vực. Giống như Trung Quốc, Việt Nam về cơ bản là một nền kinh tế tư bản đang bùng nổ dưới lớp vỏ cộng sản.

Chính phủ đã thiết lập thành công quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, đưa đất nước vào một vị trí chiến lược rất tốt.

Về mặt kinh tế, Việt Nam có quan hệ tốt với cả hai siêu cường đó - và tranh chấp thương mại hiện tại giữa Bắc Kinh và Washington đã đưa Hà Nội vào một vị thế thậm chí còn tốt hơn.

Nhiều công ty đa quốc gia nay hoạt động tại Việt Nam, trong đó gồm cả những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Apple và Samsung.

Đây cũng là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra và đạt mức tăng trưởng vừa phải trong năm qua.

Về mặt quân sự, nước này cũng đang đi dây một cách khéo léo giữa Trung Quốc và Mỹ. Việt Nam từng trải qua các cuộc chiến chống lại cả hai, nhưng trong những năm gần đây Hà Nội đã đặc biệt mâu thuẫn với Bắc Kinh quanh các xung đột, tranh cãi về Biển Đông.

Việt Nam được điều hành thế nào ?

Khác với Trung Quốc và Triều Tiên, nước này không có một nhân vật mạnh mẽ nào đứng đầu. Có bốn chức vụ chính tạo thành dàn lãnh đạo tập thể : Tổng bí thư Đảng cộng sản, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Nước và Chủ tịch quốc hội.

Việc bỏ phiếu cho bốn vị trí đó được dịch chuyển lên trên theo hình kim tự tháp. Cứ 5 năm một lần, khoảng 1.600 đại biểu sẽ bầu ra khoảng 200 người vào Trung Ủy. Trung Ủy sau đó bầu ra Bộ Chính trị gồm khoảng 20. Trong số 20 thành viên Bộ Chính trị, sẽ có bốn người được đề cử vào các vị trí trong "Tứ trụ".

Nghe thì có vẻ như đây là tiến trình bầu cử dân chủ từ cấp cơ sở đi lên, thế nhưng thường là sẽ có sự vận động chính trị rốt ráo từ trước, và việc bầu chọn đều đã được định trước.

Trấn áp bất đồng chính kiến

Việc chuyển đổi quyền lực chính trị được kiểm soát và quản lý chặt chẽ, và bất kỳ điều gì được coi là chỉ trích giới chức cũng bị kiểm soát, quản lý chặt chẽ như vậy.

Điều đó không có gì mới ở Việt Nam - rốt cuộc thì đó là quốc gia độc đảng, không có tự do báo chí thực sự.

Tuy nhiên, trong những tháng qua, đã xảy ra tình trạng tiếp tục trấn áp giới bất đồng chính kiến. Tổ chức n xá Quốc tế và hãng tin Reuters đều ghi nhận đã có số lượng cao kỷ lục các tù nhân chính trị và các án tù dài hạn dành cho các nhà hoạt động.

Hồi đầu tháng này, ba nhà báo tự do đã bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước và bị các mức án 11 và 15 năm tù.

Sự kìm kẹp ngày càng tăng với giới bất đồng chính kiến một phần dựa vào hoạt động của một đơn vị quân sự đặc biệt trên mạng, Lực lượng Đặc nhiệm 47, vốn từ năm 2018 đã tấn công vào những ai dám chỉ trích giới chức trên mạng

"Hầu hết những người bị bắt là các nhà văn và các nhà hoạt động, những người sử dụng mạng xã hội - đặc biệt là Facebook - làm nơi để lên tiếng", Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu về Việt Nam tại Đại học Victoria, Wellington, giải thích.

"Tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn với những người chỉ trích, vì chính phủ dường như quyết tâm trấn áp bất kỳ dấu hiệu phản kháng nào trên mạng".

Vậy ai sẽ là người dẫn dắt đất nước ?

Trong "Tứ trụ", Tổng bí thư là người có vai trò quan trọng nhất.

Hiện người đang giữ chức vụ này là ông Nguyễn Phú Trọng, 76 tuổi. Ông Trọng đang nắm quyền nhiệm kỳ hai sau khi được đưa vào trường hợp đặc biệt, được ở lại tuy đã vượt quá mức tuổi quy định, 65 tuổi.

Điều đó lẽ ra khiến ông khó có thể ra tái tranh cử lần này - nhưng cuối tuần qua, danh tính của các gương mặt đề cử cho vị trí "Tứ trụ" đã bị rò rỉ và lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Việt Nam : ông Trọng sẽ ở lại nhiệm kỳ ba.

Ông được biết đến với cuộc chiến chống tham nhũng "đốt lò" được phát động năm 2016, là chiến dịch đã khiến nhiều quan chức cấp cao, trong đó có một ủy viên Bộ Chính trị, bị vào tù.

Tuy nhiên, ngay cả sự thay đổi lãnh đạo cũng khó có thể tạo ra bất kỳ thay đổi mạnh mẽ nào về hướng đi của Việt Nam. "Việt Nam là một chế độ chuyên chế được thể chế hóa cao - các quyết định chính được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của tất cả các nhà lãnh đạo,'' ông Nguyễn Khắc Giang giải thích.

''Điều khó xử của giới lãnh đạo cao niên trong xã hội trẻ"

Phân tích của Nguyễn Giang, BBC News tiếng Việt

Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu bằng màn biểu dương lực lượng của cảnh sát chống bạo động tuần trước trên đường phố Hà Nội.

Tuy nhiên, không có mối đe dọa nghiêm trọng nào với đảng cầm quyền với 5 triệu thành viên dường như có toàn quyền kiểm soát tương lai của đất nước trong ít nhất 10-15 năm tới. Liệu nó có thể giữ cho những lý tưởng xã hội chủ nghĩa của mình tồn tại lâu dài hay không là điều vẫn còn phải xem xét.

Trong thập niên tới, quốc gia này có cơ hội tốt để duy trì nền kinh tế đang bùng nổ, có thể cạnh tranh với các quốc gia láng giềng. Họ đã quản lý việc chống đại dịch khá tốt, với nền kinh tế là một trong số ít những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020.

Và ban lãnh đạo dường như hiểu điều đó.

Họ quyết tâm bám trụ dù tuổi đã cao. Điều này xảy ra bất chấp việc họ nói muốn tất cả các nghị sĩ mới cho quốc hội Việt Nam dưới 55 tuổi và nữ dưới 50. Có vẻ như họ muốn đảm bảo đất nước rồi sẽ có được một ban lãnh đạo trẻ hơn, sáng tạo hơn - nhưng hiện giờ thì chưa.

Việt Nam đang đứng trước những thách thức gì ?

Dàn lãnh đạo mới sẽ phải xem xét giai đoạn quan trọng trong 5 năm tới. Đại dịch toàn cầu dự kiến sẽ đẩy phần lớn thế giới vào suy thoái và Việt Nam sẽ cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng của mình

Chỉ mới hồi cuối năm ngoái, mục tiêu tăng trưởng cho năm 2021 đã được đặt ra ở mức 6,5% đầy tham vọng.

Trong năm 2020, mức tăng trưởng giảm xuống, đạt 2,9%, là mức thấp nhất kê từ hơn 30 năm qua - nhưng nước này vẫn đang đạt mức tốt hơn hầu hết các nước khác trên thế giới.

Mức tăng trưởng chậm hơn trong năm ngoái tất nhiên phần lớn là do đại dịch, và hầu như chắc chắn là sự tăng trưởng trong năm 2021 sẽ lại bị virus corona kìm hãm.

Việt Nam sẽ tiếp tục tìm cách duy trì sự cân bằng kinh tế và địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Lập trường hiếu chiến của Trung Quốc được cho là sẽ đẩy Hà Nội tiếp tục ngảy về phía Mỹ. Và nếu cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ chuyện đó.

Andreas Illmer

Nguồn : BBC, 25/01/2021

***********************

Việt Nam Đại hội XIII : Tận dụng triệt để "thành công" trong năm 2020 để duy trì tính chính đáng của Đảng

Benoît de Tréglodé, Thu Hằng, RFI, 25/01/2021

Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/01 đến 02/02/2021. Công tác nhân sự cho 5 năm tới, đặc biệt là bốn vị trí chủ chốt, là một trong những hoạt động quan trọng của Đại hội. Ngoài ra, 1.587 đại biểu cùng tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

daihoi4

Tranh cổ động, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam, diễn ra từ 25/01 đến 02/02/2021 tại Hà Nội. AP - Hau Dinh

Vị trí "tứ trụ" có điểm gì đặc biệt ? Đảng duy trì vai trò lãnh đạo như thế nào ? Đâu là những ưu tiên phát triển trong 5 năm tới ?

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

*****

RFI : Trong số bốn nhà lãnh đạo được cho là sẽ giữ vị trí "tứ trụ" trong 5 năm tới (gồm các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính), ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc đại diện cho "khối Đảng" và "khối chính phủ" trong chính phủ mãn nhiệm. Hai "trường hợp đặc biệt" này có ý nghĩa như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Việt Nam trải qua năm 2020 một cách đáng tự hào. Những biện pháp mạnh được đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19 đã mang lại một năm thành công về mặt kinh tế với sự bùng nổ về xuất khẩu và thêm nhiều thị trường mới. Tỉ lệ tăng trưởng gần 3%, dĩ nhiên là thấp hơn nhiều so với năm 2019, nhưng vẫn là một thành tích quan trọng. Nếu nhìn vào tổng kết về kinh tế, có thể nói đội ngũ lãnh đạo mãn nhiệm đã thành công trong năm 2020.

Dĩ nhiên, Đại hội lần này có nhiệm vụ tìm ra những nhà lãnh đạo mới điều hành đất nước, nhưng mục tiêu chính là khẳng định sự tiếp nối quyền lực và thay đổi về nhân sự, dù được cho là hạn chế, để tiếp tục đưa Việt Nam phát triển kinh tế và gia tăng sức hấp dẫn với thế giới.

Tôi cho rằng những tin đồn trong giới blogger về khả năng tổng thư ký kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại, dù quá tuổi và sức khỏe "khá yếu" (đây không có gì là "bí mật quốc gia" cả) liên hệ trực tiếp đến nhu cầu tất yếu của đội ngũ lãnh đạo Việt Nam tận dụng triệt để "thành công" trong năm 2020 để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam và tái khẳng định Đảng và chế độ đã biết vượt qua khó khăn, trở ngại tốt hơn nhiều nước khác trên thế giới. Điều quan trọng ở đây chính là sự tiếp tục và nhấn mạnh rằng Đảng là người bảo vệ dân. Và ngành ngoại giao công chúng đã mang lại thành công rực rỡ cho chế độ Việt Nam trong năm 2020.

Có lẽ nhu cầu trên đã giải thích cho việc có rất nhiều đắn đo cân nhắc trong việc tổ chức nhân sự cấp cao. Ví dụ thành tích của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được đề cao. Phải nhắc lại một lần nữa rằng hiếm khi Việt Nam có được một năm thành công trong việc xây dựng hình ảnh với thế giới như vậy, cũng như chính sách ngoại giao Covid thành công hơn những nước khác, kể cả so với Trung Quốc, bởi vì Hà Nội đã kiểm soát hình ảnh tốt hơn cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Chính quyền Việt Nam đã biết cách làm chủ tốt hơn việc này.

Cũng vì chống dịch Covid thành công mà chính quyền Việt Nam đã làm lu mờ được các cuộc tranh giành quyền lực vẫn thường xảy ra trước mỗi Đại hội. Đối với người dân trong nước, chính quyền cũng che giấu được rất nhiều vụ bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, trong lúc số các nhà bất đồng chính kiến bị bắt tăng gấp đôi trong năm 2020 theo thống kê của nhiều tổ chức phi chính phủ, như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty international). Điều này cho thấy rằng chính quyền đã kiểm soát thành công hình ảnh của mình.

RFI : Dù thế nào, hai "trường hợp đặc biệt" trên đều vượt quá tuổi quy định ?

Benoît de Tréglodé : Thông thường một nhà lãnh đạo trên 65 tuổi sẽ không được ứng cử nhiệm kỳ hai hoặc một vị trí khác. Nhưng vấn đề tuổi tác chỉ mang tính tương đối trong hệ thống chính trị Việt Nam. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII kết thúc ngày 17/01 đã thông qua một số cải cách thể thức, cho phép bổ sung một số trường hợp "đặc biệt" tái cử khóa XIII, chủ yếu liên quan đến hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra ông Trần Quốc Vượng, hiện 68 tuổi, cũng được phép tiếp tục hoạt động chính trị.

Nhưng nếu nhìn lại một chút về lịch sử chính trị Việt Nam, thực ra cách đây không lâu lắm, vào năm 2001, tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó đã phải rút lui vì quá tuổi. Cũng vào năm đó, thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó đã 68 tuổi vẫn đượctiếp tục thêm nhiệm kỳ mới. Và vào Đại hội trước, năm 2016, người ta nói là ông Nguyễn Tấn Dũng không thể tiếp tục vì quá tuổi quy định, trong khi đó ông Nguyễn Phú Trọng, cũng đã quá rất nhiều tuổi, vẫn tiếp tục cương vị tổng bí thư. Cần nhắc lại là ngay vào Đại hội lần thứ XI, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã vượt quá tuổi quy định là 65 tuổi.

Những trường hợp ngoại lệ này cho thấy quy định hạn chế tuổi chỉ mang tính lý thuyết, và hoàn toàn có thể bị đảo ngược vì nhiều lý do, cho phép một số nhà lãnh đạo tiếp tục hoặc chấm dứt sự nghiệp.

Nếu nhìn vào đường lối chính trị, rõ ràng là Hà Nội đang cần hai điều : trước tiên là sự tiếp nối, sau đó là một nhà lãnh đạo uy tín, biết tân dụng một cách tích cực môi trường và bối cảnh, giúp được đội ngũ lãnh đạo vượt qua cơn bão có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đang biến Việt Nam phần nào đó thành con tin trong bối cảnh nhạy cảm của khu vực.

RFI : Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chức tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ ba, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ mạnh mẽ hơn ?

Benoît de Tréglodé : Cần nhắc lại rằng sức hấp dẫn kinh tế của Việt Nam là một thách thức chính trị quốc gia đối với các nhà lãnh đạo. Khả năng hấp dẫn đầu tư nước ngoài giúp Việt Nam tạo hình ảnh cạnh tranh hơn trên thế giới là điều bảo đảm cho Đảng tiếp tục lãnh đạo và duy trì tính chính đáng với người dân.

Bối cảnh hiện nay lại khác và đây là điểm thú vị ! Nhu cầu trao đổi ngày càng tăng, xã hội dân sự năng động hơn, sẵn sàng chỉ trích hơn… Điều này khiến chính quyền Việt Nam lo lắng hơn và hiểu rằng không được phép thất bại trong bước phát triển kinh tế. Thực vậy, với hơn 1 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động hàng năm, thì ngày càng có một bộ phận người dân nhạy cảm hơn với sự đa dạng, muốn được trao đổi và tranh luận. Đó là những nguy cơ lớn cho chính quyền.

Nhìn từ khía cạnh đó, có thể thấy những thách thức này liên hệ chặt chẽ với nhau về chính trị và kinh tế. Và cũng từ khía cạnh đó, chống tham nhũng là một công cụ vô cùng hữu ích và được ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng tối đa để góp phần gia tăng sức cạnh tranh, làm trong sạch hơn bộ máy kinh tế. Nhưng chống tham nhũng cũng là công cụ cho chính quyền gạt khỏi đường lối lãnh đạo những nhà đối lập có thể gây rối loạn. Chẳng ai ngây ngô hết cả, cuộc chiến chống tham nhũng phục vụ cho chính quyền hiện nay, nhờ đó tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể tô điểm hình ảnh đội ngũ thân cận của ông, cũng như làm rạng rỡ hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Tác dụng thứ hai, ít được đề cập, của cuộc chiến chống tham nhũng, đó là tình trạng "mua quan bán chức", mà tôi gọi là "kinh tế chính trị ở Việt Nam". Cứ trước mỗi kỳ bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới, tiền lại trở thành công cụ rõ ràng để xây dựng sự nghiệp. Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất, hiện tượng này có thể thấy ở Trung Quốc hay ở nhiều nước phương Tây. Bằng cách triệt đường "mua quan bán chức" nhờ vào cuộc chiến chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã hạn chế được khả năng phát triển của một đối thủ chính trị lớn, có thể tập hợp hoặc mua được nhiều số phiếu và trở thành một mối nguy hiểm thực sự.

Vì thế không bất ngờ khi nói rằng năm 2020, bằng cách gia tăng các vụ chống tham nhũng, tham gia tiêu diệt ứng viên đối phương, tăng số lượng ứng viên nhỏ hơn hoặc trung bình, ông Nguyễn Phú Trọng đã gây được khó khăn cho một đối thủ hoặc một lực lượng mới nổi lên, được hợp pháp thông qua trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương để bầu ra những nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.

RFI : Ông đánh giá thế nào về việc sắp đặt nhân sự cấp cao này ? Trong số 4 tên được nêu lên, không có ai là người miền Nam, theo "truyền thống". Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự cân bằng trong hoạt động của đội ngũ lãnh đạo mới ?

Benoît de Tréglodé : Trong đời sống chính trị Việt Nam, khu vực địa lý luôn là một yếu tố cấu thành những "phe quyền lực". Và tuyên bố gắn bó với vùng xuất xứ là điều quan trọng ở Việt Nam. Từ lâu Việt Nam có truyền thống là mỗi miền có một đại diện : Tổng bí thư thường là người miền Bắc, thủ tướng là người miền Nam. Đúng là lần này, miền Nam hơi bị mờ nhạt, nhường chỗ cho miền Trung. Ông Nguyễn Xuân Phúc là người miền Trung.

Tôi không muốn dự đoán những gì được quyết định trong ngày đầu Đại hội, nhưng điều này một lần nữa làm nổi bật tính chất căn bản và chiến lược là từ giờ, đối với các quan chức miền Bắc, đối với Đảng cộng sản Việt Nam, kinh tế vừa là trọng tâm, vừa là tương lai của chế độ Việt Nam. Vì thế, nắm được "tay hòm chìa khóa", duy trì việc kiểm soát hoàn hảo, không bị phản đối của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước vẫn là điểm ưu tiên.

RFI : Năm 2020, Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh quốc gia chống dịch thành công, tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tranh thủ lập trường của các nước phương Tây về tình hình Biển Đông. Liệu có thể tiếp tục được chiến lược này trong thời gian sắp tới ?

Benoît de Tréglodé : Có một điểm thú vị cần nhắc đến là trước Đại hội lần thứ XII, Bắc Kinh lo lắng thực sự về tiến triển chính trị ở Việt Nam với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hiện tại, đúng là có những vấn đề về tranh chấp trên biển nhưng về mặt chính trị, Trung Quốc ít lo lắng hơn. Về vấn đề Biển Đông chiến lược và phức tạp hơn, nếu hỏi ý kiến các nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam, họ sẽ nói rằng những vấn đề này còn kéo dài, chứ không thể giải quyết được trong một nhiệm kỳ ở Bắc Kinh, hay ở Hà Nội hoặc tại Washington.

Việt Nam duy trì mối quan hệ song song với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cả hai phía đều có ưu điểm và nhược điểm. Hà Nội đã biết tranh thủ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (đang diễn ra và sẽ còn tiếp tục do chính quyền Joe Biden sẽ không lật lại thế cờ và tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc) để đánh bóng hình ảnh và tiếng tăm trên thế giới.

Thành công này được giải thích qua việc chính quyền Việt Nam đã sử dụng hàng loạt công cụ an ninh và ngoại giao công chúng để biến mọi phê bình từ nước ngoài, mọi chỉ trích về sự thành công thần kỳ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 thành những lời xúc phạm và là cội nguồn của các rắc rối. Đây là mặt không tốt lắm của Đảng ! Điều này cũng giải thích cho việc chính quyền áp dụng ồ ạt luật an ninh mạng năm 2019 và cũng giống như nhiều nước khác, sử dụng đội "chiến binh mạng" và "troll" để đánh bóng hình ảnh đất nước ra thế giới.

Có một điều thực sự cần được tính đến, đó là hình ảnh tương lai của Việt Nam, ngoại giao công chúng của Việt Nam liên quan đến người lãnh đạo chính trị, bởi vì nếu hình ảnh bị xấu đi sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một phần đối tác thương mại mới, từ bỏ, trong khi đây lại là những lực lượng quan trọng cho tương lai của đất nước.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực Châu Phi - Châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp.

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 25/01/2021

*************************

‘Phương án nhân sự Tứ trụ Đại hội 13 rất đặc sắc’

BBC, 25/01/2021

Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc vào ngày 26/01 tại Hà Nội, theo dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 2/2/2021.

daihoi5

Lãnh đạo Việt Nam tại lễ trù bị Đại hội 13 ngày 25/01 ở Hà Nội.

BBC tiếng Việt phỏng vấn Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, về một số điểm liên quan tới nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất hay còn gọi là "Tứ trụ".

**********************

BBC : Xét về thời điểm thì Đại hội Đảng lần này có gì đáng chú ý thưa ông ?

Vũ Minh Khương : Từ góc độ cá nhân thì tôi thấy Đại hội này diễn ra đúng lúc Việt Nam có bước tiến vượt bậc. Trong bối cảnh cả thế giới đang bấn loạn về đại dịch Covid-19 thì Việt Nam là một trong những điểm sáng được thế giới thừa nhận và mong muốn học tập. Đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt lên trong cộng đồng thế giới với một hình ảnh rất tốt vào đúng thời điểm Đại hội này.

Năm 2020, Việt Nam đưa ra "tầm nhìn 2045" một cách rõ ràng, đi sâu vào cuộc sống. Tôi thấy tầm nhìn này được thảo luận ở các địa phương cũng như các doanh nghiệp. Mọi người gần như dấy lên một khát vọng là Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 và dốc lòng cho sự nghiệp đó thì đây là điều đáng mừng, và là nền tảng cho công cuộc cải cách sau Đại hội 13.

Đó là vì cải cách không phải chỉ là nâng tính chuyên nghiệp của cán bộ công nhân viên trong bộ máy của Đảng và Nhà nước mà đặc biệt là cần có khát vọng dân tộc. Kinh nghiệm mà tôi quan sát tại Singapore thì cải cách phải đồng bộ và có tính chuyên nghiệp. Đây không chỉ là khát vọng ngàn năm của dân tộc mà còn có tính sống còn. Việt Nam đứng cạnh Trung Quốc rất mạnh nên cũng phải khẳng định vị trí của mình trong cộng đồng thế giới trong tương lai.

BBC : Có một số học giả, nhà phân tích, và nhà quan sát chính trị Việt Nam đưa ra dự đoán, phỏng đoán về nhân sự "Tứ trụ" theo đó dự kiến đề xuất ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức Tổng bí thư, ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính giữ chức Thủ tướng và ông Vương Đình Huệ đảm nhận chức Chủ tịch quốc hội. Trong trường hợp đây đúng là giải pháp cho bài toán nhân sự cấp lãnh đạo cao nhất thì theo ông phương án này có hợp lý hay không ?

Vũ Minh Khương : Tôi cho đây là một phương án rất đặc sắc, có tính gây kinh ngạc cho thế giới. Cả bốn con người này tôi đều đã gặp rồi nên tôi hiểu rất rõ. Họ đều thể hiện khá rõ về tầm hiến dâng cho sự phát triển của đất nước. Họ đều có tư duy rất thực tế và có kinh nghiệm nhiều trong công tác Đảng cũng như lãnh đạo chính quyền.

Họ đều một lòng một dạ làm gì đó để có di sản để lại về sau. Nhiều khi người ta băn khoăn lo lắng về người lên chức lãnh đạo là tích lũy tài sản hay này khác nhưng lần này thì cả bốn người đều có phẩm chất hiến dâng rất cao thì đó là điều rất đáng quý. Tôi có tham khảo ở Việt Nam thì mọi người đều đồng thuận và phấn khởi với phương án này. Mặc dù đây có thể thể coi là danh sách "tuyệt mật" nhưng dường như ai cũng biết và cũng phấn chấn về sự lựa chọn này.

BBCCó một số bàn luận về việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm hai nhiệm kỳ và cũng có sự lo lắng cho sức khỏe và tuổi tác của ông Trọng thưa ông.

Vũ Minh Khương : Theo tôi ông Nguyễn Phú Trọng có kinh nghiệm rất già dặn trong tổ chức Đảng và thực sự tâm huyết đưa đất nước tiến lên.

Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua thể hiện ông ấy rất xuất sắc. Mặc dù sức khỏe thì có ít nhiều hạn chế nhưng rõ ràng về trí tuệ thì vẫn rất minh mẫn. Nói về sức khỏe thì tôi nghĩ rằng không chỉ nên nói về tuổi cao mà thực sự phải nói đến sức khỏe về tinh thần để đưa đất nước tiến lên trong 5 năm tới.

Tôi nghĩ rằng Đại hội này sẽ rất dân chủ và mọi người sẽ được thảo luận và xem xét còn quyết định cụ thể thế nào thì sẽ do Đại hội. Tôi tin là mọi việc đã được cân nhắc khá kỹ trong nội bộ và rằng Đại hội sẽ rất sáng suốt lựa chọn vì đây là bước ngoặt rất quan trọng mang tính mở ra đại lộ đi đến tương lai cho Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ 5 năm tới việc giữ lại hai người là ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc là sự lựa chọn cần thiết và sáng suốt để tạo nền móng cho thế hệ tương lai đưa đất nước tiến lên.

BBC : Xét về vị trí thủ tướng mà theo dự đoán là phương án để ông Phạm Minh Chính đảm nhận thì ông đánh giá thế nào ?

Vũ Minh Khương : Tôi thấy là ông Phạm Minh Chính có kinh nghiệm thực tế ở địa phương khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh.

Tôi cũng nghiên cứu về thứ hạng cạnh tranh của các tỉnh của Việt Nam thì tôi thấy tỉnh Quảng Ninh vốn là tỉnh có mức thấp về mức cạnh tranh, nhưng sau khi ông Chính về làm lãnh đạo thì tỉnh đã có bước tiến vượt bậc và là một trong những tỉnh hàng đầu. Khi tôi đi dạy các cán bộ ở tỉnh Quảng Ninh thì tôi thấy là họ thể hiện sự quý trọng rất cao đối với ông Chính.

Thời gian ông lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thì khi đưa sinh viên về làm việc tại tỉnh này tôi có ấn tượng là về trình độ của cán bộ ở đây thì ở mức nhất định nhưng họ có tâm thế cởi mở rất đặc biệt và có điểm hơn nhiều tỉnh khác. Cho nên tư duy khai sáng và đón nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài là rất tốt ở Quảng Ninh.

Thì đấy là điểm có thể coi là khả năng qui tụ cán bộ với tầm nhìn lớn, đặc biệt là đây là tỉnh sát cạnh Trung Quốc và mong muốn vượt lên. Cho đến nay, Quảng Ninh vẫn là một trong những điểm sáng về cải cách do có người lãnh đạo chọn đúng hướng đi. Có thể nói, ông Chính là người có tầm tư duy chiến lược và cách tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tiễn đạt hiệu quả.

Thứ hai là ông Chính làm về tổ chức [Đảng] và trong thời gian vừa qua không để điều tiếng gì và thậm chí là đề bạt được nhiều cán bộ tốt hơn trước, thì đó cũng thể hiện là người có tầm nhìn và tâm huyết cho đất nước. Thứ ba là như chúng ta đã biết là lãnh đạo là dựa vào khả năng dùng người tài chứ không phải chỉ là mình có kinh nghiệm gì cụ thể.

Ông Phạm Minh Chính là người từng học ở nước ngoài và theo tôi ông là người rất quyết đoán.

Kinh nghiệm khi tôi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì tôi thấy rõ ràng là tầm nhìn và khát vọng cho đất nước là có thể xoay chuyển được rất nhiều vấn đề và như vậy thì mọi người sẽ đồng lòng giúp sức.

Do vậy tôi nghĩ rằng ông Phạm Minh Chính có thể phát huy tiếp được những thành quả mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm được và nâng lên một tầm mới. Và đặc biệt là sự phối hợp giữa bốn người hay "Tứ trụ" tôi thấy là sẽ còn chặt chẽ hơn nữa và rất ăn ý với nhau và sẽ có đẳng cấp thế giới.

Tôi thấy lần này dàn lãnh đạo kỹ trị của Việt Nam có vẻ là không thua kém Trung Quốc nhiều về tầm nhìn tương lai, năng lực khai sáng cho dân tộc cũng như khả năng kiến tạo. Đây có thể nói là lần đầu tiên tôi tự hào về đội ngũ lãnh đạo đất nước trong thời gian tới.

Nguồn : BBC, 25/01/2021

Published in Diễn đàn