Chiến tranh nguyên tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào (RFI, 17/10/2017)
Theo Bloomberg, hôm 17/10/2017, Bắc Triều Tiên cảnh cáo chiến tranh nguyên tử "có thể nổ ra bất cứ lúc nào", trong bối cảnh Hoa Kỳ và Hàn Quốc bắt đầu một trong những cuộc tập trận hải quân ở ngoài khơi bờ biển cả phía đông lẫn phía tây bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim In Ryong, phó đại sứ Bắc Triều Tiên trong một cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York (UN)
Ông Kim In Ryong, phó đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hôm qua 16/10 tuyên bố nước mình đã hoàn toàn trở thành "một cường quốc hạt nhân, sở hữu những phương tiện đa dạng" và cảnh báo "toàn bộ lục địa Hoa Kỳ nằm trong tầm bắn" của Bình Nhưỡng. Ông cũng tự cho Bắc Triều Tiên là "một cường quốc nguyên tử có trách nhiệm".
Phó đại sứ Bắc Triều Tiên nói thêm : "Một khi không tham gia các hành động quân sự của Mỹ chống lại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, thì chúng tôi không có ý định sử dụng vũ khí nguyên tử hay đe dọa nước khác".
Những tuyên bố trên cũng giống như những lời cảnh báo trong vài tháng qua của Bắc Triều Tiên, vào lúc căng thẳng gia tăng với chính quyền Donald Trump. Chế độ Bình Nhưỡng nhiều lần nói rằng cần có vũ khí hạt nhân để ngăn ngừa bị Mỹ tấn công.
Hãng tin Bloomberg dẫn lời chuyên gia về quốc phòng Bruce Bennett nhận định : "Bắc Triều Tiên phải phóng đại tối đa, vì họ nghĩ nếu có nhiều người lo sợ, thì sẽ tránh được những hành động của Mỹ-Hàn. Vấn đề là Bắc Triều Tiên thường sử dụng những từ ngữ khoa trương, nay họ bị sốc khi thấy người Mỹ cũng dùng phương pháp tương tự".
Ông Donald Trump từng tuyên bố giải pháp quân sự là một chọn lựa, còn ngoại trưởng Rex Tillerson hôm Chủ Nhật 15/10 nói rằng tổng thống muốn ông xúc tiến các hoạt động ngoại giao với Bình Nhưỡng "cho đến khi quả bom đầu tiên rơi xuống".
Thụy My
*****************
Châu Âu tăng cường trừng phạt quân đội Bắc Triều Tiên (RFI, 17/10/2017)
Liên Hiệp Châu Âu (EU) ngày 16/10/2017 đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng, đặc biệt nhắm vào quân đội Bắc Triều Tiên. Đồng thời gây áp lực lên một số nước nhằm thúc đẩy áp dụng chặt chẽ các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Việt Nam.
Bắc Triều Tiên phô trương vũ khí. Ảnh minh họa. Reuters
Thông cáo của Hội Đồng Châu Âu cho biết quân đội Bắc Triều Tiên và bộ Quốc Phòng của nước này đã được thêm vào danh sách đen, có nghĩa là tài sản tại 28 nước EU sẽ bị phong tỏa. Các biện pháp này nhằm gây thêm sức ép để Bình Nhưỡng phải tôn trọng các cam kết về giải trừ hạt nhân.
Thông cáo giải thích, Quân đội Nhân dân Triều Tiên bị cho vào danh sách đen vì đang kiểm soát các đơn vị hỏa tiễn nguyên tử và vũ khí quy ước ; cùng với bốn định chế, công ty khác của Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ tham gia các hoạt động nguyên tử. Ba cá nhân trong đó có hai lãnh đạo phụ trách đạn dược của bộ Công Nghiệp Quốc Phòng không chỉ bị phong tỏa tài sản mà còn bị cấm nhập cảnh vào EU.
Các doanh nghiệp Châu Âu bị cấm xuất khẩu dầu và đầu tư vào Bắc Triều Tiên, cấm gởi tiền mặt quá 5.000 euro so với hiện nay là 15.000 euro. Các nước Châu Âu nhất trí không gia hạn hợp đồng đối với lao động Bắc Triều Tiên, biện pháp này chủ yếu nhắm vào vài trăm lao động làm việc tại các xưởng đóng tàu ở Ba Lan.
Liên Hiệp Châu Âu cũng quyết định "tiến hành các bước phối hợp kể từ cuối tuần này" đối với 25 quốc gia, để các nước này áp dụng nghiêm túc các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhằm làm cạn nguồn tài chính của Bình Nhưỡng. Trong số đó EU đặc biệt muốn gây áp lực lên Thái Lan, Cam Bốt, Việt Nam, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritréa, Angola, đảo quốc Fidji.
Danh sách đen của EU hiện có 104 cá nhân và 63 định chế được cho là có liên quan đến chương trình đạn đạo và nguyên tử của Bắc Triều Tiên.
Thụy My
********************
Tổng thống Nga ký sắc lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên (RFI, 17/10/2017)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh dầy 39 trang áp đặt một số lệnh cấm đối với Bắc Triều Tiên, chiểu theo nghị quyết 2321 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, được thông qua ngày 30/11/2016, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh áp đặt một số trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên. Reuters/Sergei Karpukhin
Trang web Tân Hoa Xã (Xinhua) của Trung Quốc, trích thông tin từ cổng tài liệu tư pháp của Nga ngày 16/10/2017, cho biết Moskva cũng sẽ tạm ngừng chương trình hợp tác khoa học và kỹ thuật với các cá nhân và cơ quan đại diện của Bắc Triều Tiên.
Cũng trong ngày 16/10, chủ tịch Thượng Viện Nga, Valentina Matviyenko, đã thất bại khi tìm cách đứng ra làm trung gian đối thoại giữa các nghị sĩ đại diện của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên bên lề diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới (IPU) tại Saint-Peterbourg.
Theo thông cáo của Thượng Viện Nga được AFP trích dẫn, các đại biểu Bắc Triều Tiên khẳng định "chưa đến lúc đàm phán với Hàn Quốc". Tại diễn đàn trên, phó chủ tịch Quốc hội Bắc Triều Tiên, Ahn Dong Chung, cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Bình Nhưỡng là "kiểu khủng bố Nhà nước".
Ông khẳng định : "Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ bàn về quyền có vũ khí nguyên tử của mình", chừng nào Mỹ còn tiếp tục "đe dọa tấn công nguyên tử và áp dụng chính sách hiếu chiến"đối với Bình Nhưỡng. Ông nói thêm : "Dân tộc và quân đội Bắc Triều Tiên sẵn sàng tăng cường thêm sức mạnh hạt nhân của mình".
Thu Hằng
********************
Mỹ-Hàn tập trận chung, Trung Quốc kêu gọi tự chế (VOA, 17/10/2017)
Có nhiều khả năng Triều Tiên sẽ thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn để đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, các nhà phân tích cảnh báo.
Máy bay Mỹ-Hàn tập trận ngày 18/9/2017 nhằm đáp ứng những vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn gần đây nhất của Triều Tiên.
Trung Quốc ngày 16/10 kêu gọi tự chế trên bán đảo Triều Tiên khi Hàn quốc và Hoa Kỳ bắt đầu 5 ngày tập trận hải quân trong vùng biển kế cận.
Cuộc tập trận trùng hợp với một hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu vào ngày 18/10, và các nhà quan sát ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh có thể xem cuộc tập trận này là một cử chỉ không thân thiện.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết 40 chiến hạm của cả hai nước, trong đó có tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan, sẽ tham gia các cuộc diễn tập ngoài khơi bán đảo Triều Tiên để đáp ứng trước những đe dọa của chương trình hạt nhân và phi đạn Triều Tiên.
Bắc Kinh cảnh báo là căng thẳng tiếp tục tại bán đảo Triều Tiên không có lợi cho bên nào cả.
"Chúng tôi hy vọng là tất cả các bên liên hệ có thể tự chế và làm việc để tình hình hiện tại giảm bớt căng thẳng và tái tục đối thoại", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.
Cuộc tập trận, chấm dứt vào ngày 21/10 bắt đầu 2 ngày trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 khai mạc để chọn lãnh đạo kế tiếp trong năm năm tới.
Những cuộc tập trận này diễn ra không chỉ tại vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên mà còn ở phần phía Tây mà Trung Quốc gọi là Hoàng Hải.
Chuyên gia về Đông Nam Á của Đại học Cát Lâm, ông Wang Sheng, nói cuộc tập trận Mỹ-Hàn có thể là một cách gây áp lực đối với Trung Quốc trước khi Tổng thống Donald Trump chính thức thăm Bắc Kinh vào tháng tới. Nếu như vậy, cuộc tập trận này sẽ có ảnh hưởng ngược.
Trong năm 2010, Trung Quốc phản đối cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải sau khi hộ tống hạm Cheonan bị đánh chìm mà Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng. Tuy nhiên Bắc Kinh im lặng không phản đối những cuộc tập trận tương tự diễn ra cách đây 1 năm.
Triều Tiên gọi những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ là "diễn tập chiến tranh".
Các nhà phân tích Trung Quốc nói có nhiều khả năng Triều Tiên có thể xem cuộc tập trận tuần này là cơ sở để thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn nữa.
Các nhà lập pháp Nga trở về sau chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng trước đây trong tháng cho hay Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm phi đạn tầm xa có thể bắn tới bờ biển phía tây nước Mỹ.
Thêm vào đó, các giới chức tình báo và các nhà phân tích Hàn Quốc nói Triều Tiên có thể cố ý thử nghiệm hạt nhân hay phi đạn trùng hợp với Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc.
"Bình Nhưỡng có lịch sử thực hiện các vụ thử nghiệm khi Trung Quốc đang tổ chức một sự kiện quan trọng để bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc hiện đang cộng tác với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế để làm áp lực lên Triều Tiên", ông Cai Jian, chuyên gia về quan hệ quốc tế Đại học Phục Đán nói. "Do đó lần này căng thẳng sẽ rất cao".
(Nguồn SCMP/The Korea Times online)
Đạo quân thứ năm của Trung Quốc ở Úc và New Zealand gây lo ngại (RFI, 12/10/2017)
Một sự kiện tại New Zealand hạ tuần tháng 9/2017 đã khơi dậy nỗi lo ngại tại nước này cũng như tại nước Úc láng giềng : Một dân biểu gốc Hoa, tên là Dương Kiện (Jian Yang) thuộc đảng Quốc Gia trung hữu, đã lại đắc cử nhân cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 23/09. Vấn đề là khi làm đơn xin vào quốc tịch New Zealand, nhân vật này đã che giấu quá khứ đảng viên đảng cộng sản Trung Quốc của mình, cũng như quá trình dậy tiếng Anh cho nhân viên tình báo Trung Quốc.
Sinh viên Trung Quốc chụp ảnh cùng gia đình tại Đại học Sydney, Úc, 12/10/2017. Ảnh : William WEST / AFP
Những tiết lộ về quá khứ của ông Dương Kiện đã gióng lên hồi chuông báo động tại New Zealand về nguy cơ chính trường nước này bị Bắc Kinh thao túng thông qua những thành phần được báo chí gọi là "đạo quân thứ năm", mà mục tiêu là uốn nắn chính sách của New Zealand đi theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.
Thái độ cảnh giác lại càng cao sau một bản báo cáo gần đây về ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính phủ New Zealand, do bà Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Zealand Canterbury thực hiện.
Dân biểu New Zealand mà hành xử như tay sai của Trung Quốc
Bản báo cáo ghi nhận là từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch dùng quyền lực mềm để ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội New Zealand, trong đó có việc tung tiền tài trợ cho các đảng phái ở New Zealand.
Bản báo cáo tố cáo đích danh nghị sĩ Dương Kiện và ông Hoắc Kiến Cường (Raymond Huo), một dân biểu gốc Hoa khác thuộc đảng Lao Động trung tả đối lập, là chịu ảnh hưởng của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại New Zealand, cũng như của các tổ chức cộng đồng được sử dụng làm phương tiện thực hiện các ý đồ chính trị của Bắc Kinh.
Các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở New Zealand cho biết ông Dương Kiện, hồi tháng Tư vừa qua đã trao giải thưởng cho các thành viên của Liên Đoàn Cựu Chiến Binh tại New Zealand, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân và cảnh sát Trung Quốc đang sinh sống tại New Zealand. Phần thưởng liên quan đến các hoạt động của nhóm này nhân chuyến thăm New Zealand của thủ tướng Lý Khắc Cường, khi họ chặn biểu ngữ của những người biểu tình phản đối Trung Quốc…
Trần Duy Kiện (Chen Weijian), thành viên của tổ chức dân chủ New Zealand Values Alliance và biên tập viên của tạp chí tiếng Hoa Bắc Kinh Chi Xuân, cho biết là khi nói chuyện, ông Dương Kiện giống một đại diện của chính phủ Trung Quốc hơn là một nhà lập pháp New Zealand.
New Zealand ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đã trở thành một thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng sữa của New Zealand, và hai nước đang đàm phán mở rộng một hiệp định thương mại tự do được ký năm 2008.
Ông Jones, một nhà kinh tế học tại Bắc kinh, cho rằng mức độ can dự của Trung Quốc vào New Zealand có thể đe dọa các định chế dân chủ New Zealand. Cả ông Jones lẫn bà Brady, tác giả của báo cáo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đã kêu gọi New Zealand cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài, như Úc đang làm.
Úc : Hai đại gia gốc Hoa bị nghi là cán bộ của Bắc Kinh
Nếu New Zealand mới bắt đầu quan ngại về "đạo quân thứ năm" của Trung Quốc trên đất nước mình, thì láng giềng Úc của New Zealand đã được đánh động về mối nguy từ nhiều năm nay và đã bắt đầu có biện pháp chống đỡ.
Tháng 6/2017 vừa qua, vấn đề đã nổi cộm trở lại sau khi có tin là lãnh đạo ngành tình báo Úc đã xác định rằng hai đại doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Úc có thể là người hoạt động cho chính phủ Trung Quốc. Hai người này đã chi ra hàng triệu đô la để tài trợ rộng rãi cho các đảng chính trị trong những năm gần đây.
Một trong hai người được cho là đã rút lại một khoản tài trợ lớn vào năm ngoái vì không hài lòng với lập trường của một đảng chính trị về Biển Đông, phản ánh một mưu toan trong hậu trường nhằm lèo lái cuộc thảo luận công khai về một vấn đề chính sách theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.
"Hàng chục triệu đô la để gây ảnh hưởng cho Trung Quốc"
Như vậy là cả hai đồng minh của Mỹ tại Châu Đại Dương đều đang vấp phải cùng một vấn đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, riêng trong trường hợp nước Úc, Bắc Kinh và những chân rết của họ trong thời gian qua đã chi hàng chục triệu đô la để tìm cách mua chuộc các giới chính trị, văn hóa, giáo dục tại Úc, chưa kể đến các khoản đầu tư vào kinh tế.
Một cách cụ thể, nhà báo Lưu Tường Quang đã nhắc lại một ví dụ về mưu toan dùng tiền tài trợ để thao túng các đảng chính trị tại Úc. Đó là trường hợp của tỷ phú gốc Hoa, Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), năm 2016, đã chiêu dụ được một chính khách Úc tên tuổi trong đảng Lao Động Úc, ông Sam Dastyari, để thúc đẩy đảng này rập khuôn theo quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.
Ngoài giới chính khách và các đảng phái, Trung Quốc còn chú ý đến việc tấn công vào lãnh vực văn hóa, mua chuộc giới đại học và nghiên cứu, mua chuộc báo chí, thậm chí huy động các du học sinh Trung Quốc rất đông đảo tại Úc để tạo ảnh hưởng.
Các cố gắng của Trung Quốc tuy nhiên đã càng lúc càng bị vạch trần, và chính cơ quan tình báo Úc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Canberra có biện pháp, cả về hành chánh lẫn luật lệ để hạn chế việc Bắc Kinh thao túng nội tình nước Úc. Báo chí độc lập tại Úc như kênh truyền thông ABC và hãng tư nhân Fairfax đã góp phần vạch trần âm mưu của Trung Quốc.
Ngay cả xã hội dân sự cũng bắt đầu cảnh giác. Theo nhà báo Lưu Tường Quang, mới đây, trường Đại Học Quốc Gia Úc ANU đã từ chối một khoản tài trợ của giới thân Bắc Kinh.
Nhìn chung, bài toán đặt ra cho cả Úc lẫn New Zealand rất hóc búa : đó là làm sao ngăn không cho Trung Quốc tung tiền thao túng đất nước mình, đồng thời tránh được tiếng xấu là phân biệt đối xử đối với với người Úc gốc Hoa.
Trọng Nghĩa, Lưu Tường Quang
*********************
Quan hệ Trung - Triều có vẻ ngày càng lạnh nhạt (BBC, 10/10/2017)
Từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền và với những cuộc thử hạt nhân liên tiếp xảy ra tại bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc có vẻ đã thay đổi thái độ đối với nước láng giềng.
Bức điêu khắc chủ tịch Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành - biểu tượng cho tình hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên
Thành phố Đan Đông của Trung Quốc, giáp với Triều Tiên bên bờ sông Áp Lục, mang một biểu tượng cho tình hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên : bức điêu khắc chủ tịch Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành, cha đẻ của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên tại Bảo tàng Tưởng niệm Chiến tranh chống Mỹ.
Tuy nhiên, từ khi cháu trai của Kim Nhật Thành lên nắm quyền năm 2012, và với những căng thẳng leo thang tại bán đảo Triều Tiên do những vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp của lãnh đạo trẻ Triều Tiên, Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình có vẻ đã thay đổi thái độ và cả những phát ngôn chính thức đối với người "láng giềng" cộng sản của mình.
Trên danh nghĩa, Trung Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn là đồng minh. Hiệp ước Quốc phòng hiện tại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, kí năm 1961 và đã gia hạn năm 1981 và 2001, sẽ hết hạn vào năm 2021.
Hiệp ước này nêu rõ Trung Quốc đảm bảo hỗ trợ Triều Tiên về vấn đề quân sự và những vấn đề khác trong việc chống xâm lược của các thế lực bên ngoài.
Trong thời kì Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên được coi là "chiến hữu" và mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là "tình bạn kết bằng máu", sau khi hơn một trăm ngàn Chi nguyện quân của Trung Quốc tử trận tại chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953).
Từ đồng chí thành đồng minh rắc rối
Thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên bắt đầu thay đổi từ khi Triều Tiên thúc đẩy việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Lập trường chính thức của Bắc Kinh trong vấn đề Triều Tiên luôn luôn là :
- Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên
- Đảm bảo hòa bình và bình ổn
- Tìm giải pháp ngoại giao thông qua đối thoại cho cuộc khủng khoảng hạt nhân
Vì vậy, mỗi khi Triều Tiên thực hiện một vụ thử hạt nhân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại đưa ra tuyên bố.
Sự leo thang căng thẳng đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên được thể hiện qua sự thay đổi từ ngữ sử dụng trong những tuyên bố đó, cho phép quan sát viên quốc tế hiểu rằng thái độ của Trung Quốc đối với Triều Tiên đã thay đổi và nhấn mạnh vào hợp tác đa phương và quốc tế.
Ví dụ, trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/10/2006, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân, truyền thông chính thức của Trung Quốc đã cáo buộc Triều Tiên cố ý phớt lờ sự phản đối của quốc tế, và thể hiện Trung Quốc rằng "kiên quyết phản đối". Trung Quốc cũng nhấn mạnh lại ba điểm trong lập trường của mình.
Trong 3 tuyên bố tiếp theo vào ngày 25/5/2009, 12/2/2013 và 6/1/2016, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh là "kiên quyết phản đối" việc thử hạt nhân của Triều Tiên.
Một lần nữa, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/9/2016, trả lời về phản ứng trước cuộc thử hạt nhân thứ 5 của Triều Tiên, Trung Quốc thể hiện sự "kiên quyết phản đối" như mọi khi, nhưng cũng bắt đầu cho hay Trung Quốc sẽ "hợp tác với cộng đồng quốc tế" để hiện thực hóa mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong tuyên bố mới nhất ngày 3/9/2017, trả lời về vụ thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên, ngoài việc nêu quan điểm "kiên quyết phản đối", lập trường, sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế như mọi khi, Trung Quốc đã đảm bảo sẽ "áp dụng quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vấn đề Triều Tiên một cách toàn diện".
Sau khi Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản tháng 8 năm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết những căng thẳng với Triều Tiên hiện "đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng".
Sau vụ bắn tên lửa của Triều Tiên qua lãnh hải Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng căng thẳng Triều Tiên "đang trên bờ vực khủng hoảng"
Nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng việc Trung Quốc không thể hỗ trợ Kim hơn nữa làm dấy lên câu hỏi về cam kết của phía Trung Quốc trong Hiệp ước Hữu nghị Trung Quốc - Triều Tiên, nền tảng của mối quan hệ giữa hai nước.
Một xã luận trên tờ Global Times của Trung Quốc đã nói bóng gió về quan điểm mới của Bắc Kinh với người đồng minh Bình Nhưỡng vào tháng 8 năm nay : nếu Mỹ tấn công Triều Tiên trước, Triều Tiên sẽ bảo vệ. Nhưng nếu Triều Tiên bắt đầu một xung đột quân sự, ví dụ như tấn công đảo Guam, Trung Quốc sẽ giữ vị trí trung lập.
Nói cách khác, không như lần trước, khi Mao Trạch Đông gửi Chí nguyện quân tới giúp Kim Nhật Thành tấn công Hàn Quốc, Tập Cận Bình luôn sẵn sàng ủng hộ Kim Jong-un với điều kiện tốt nhất, nhưng Kim cũng có thể bị "bỏ rơi" nếu quyết định bắt đầu một cuộc chiến.
*****************
Trung Quốc : Cán bộ Đảng phải tránh xa tôn giáo và mê tín dị đoan (RFI, 12/10/2017)
Các quan chức cao cấp của đảng cộng sản Trung Quốc cần phải cảnh giác, không để "bị ru ngủ qua việc cầu nguyện Thượng đế và tôn sùng đức Phật". Bài xã luận của Nhân Dân Nhật Báo hôm nay 12/10/2017 cảnh báo như trên, nhắc nhở rằng chủ nghĩa cộng sản không thể tách rời khỏi chủ trương vô thần, và mê tín là một trong những nguyên nhân gây ra tham nhũng.
Đảng cộng sản Trung Quốc lo sợ đảng viên đi theo các tôn giáo. Trong ảnh, một tượng Phật ở tỉnh Tứ Xuyên (Xichuan). Ảnh : Wikipedia
Theo Nhân Dân Nhật Báo, các cán bộ đảng cần phải ghi nhớ lời của Các Mác, rằng "chủ nghĩa cộng sản bắt đầu ngay lập tức với chủ nghĩa vô thần". Tờ báo cũng cho rằng : "Mê tín dị đoan là tư tưởng ô nhiễm, một sự ru ngủ tinh thần không thể xem thường, cần phải bài trừ toàn bộ".
Về mặt chính thức, Nhà nước đảm bảo tự do tín ngưỡng, nhưng đảng viên phải có tư tưởng vô thần, và đặc biệt là không được có những hành động "mê tín dị đoan" như đi coi bói chẳng hạn. Theo Nhân dân Nhật báo, các quan chức tham nhũng đã bị "đả hổ" thường cũng tham gia vào "các hoạt động mê tín tàn dư của phong kiến".
Tờ báo của đảng cộng sản viết : "Trên thực tế, một số quan chức đôi khi đi chùa, cầu nguyện Thượng đế và tôn sùng Phật" ; nêu ví dụ cựu phó bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành (Li Chuncheng), bị kết án 13 năm tù vào năm 2015, vì tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông này cũng rất mê thuật phong thủy.
Mao Trạch Đông cấm xem bói toán, nhưng những thói quen truyền thống đã dần dà quay lại cùng với sự mở cửa của Trung Quốc vào cuối thập niên 70.
Thụy My
******************
Campuchia trục xuất tội phạm lừa đảo qua mạng (RFA, 12/10/2017)
Có đến 74 người Trung Quốc bị Campuchia trục xuất về Hoa Lục ngày 12 tháng 10 vì phạm tội tống tiền trên mạng. Trong số này có 14 phụ nữ.
Cảnh sát Trung Quốc hộ tống các nghi phạm đến máy bay tại sân bay quốc tế Phnom Penh vào ngày 12 tháng 10 năm 2017. AFP
Theo hãng tin AP đánh đi từ Campuchia thì những người Trung Quốc này nhắm vào những phụ nữ sống ở Hoa Lục, hăm dọa sẽ đưa hình ảnh khỏa thân của họ lên mạng, nếu không đưa tiền cho họ. Bọn tống tiền tìm cách liên lạc với nạn nhân qua mạng xã hội rồi sau đó dụ họ đưa lên những tấm hình khỏa thân.
Nạn tống tiền bằng cách này không phải là mới tại khu vực Đông Nam Á do những băng đảng người Trung Quốc, và cả Đài Loan thực hiện. Vào tháng Tám vừa qua Indonesia cũng đã trục xuất 140 người Hoa Lục và Đài Loan về những vụ tống tiền qua mạng nhắm vào các doanh nhân, và chính trị gia ở Trung Quốc lục địa.
Kể từ năm 2012, Campuchia đã trục xuất ít nhất 1 ngàn người Trung Quốc và Đài Loan về Hoa Lục.
Trung Quốc hiện là một đồng minh chính và là nước cung cấp tài chính lớn cho Campuchia. Phnom Penh đứng về phía Bắc Kinh trong những tranh chấp của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á khác.
Bắc Triều Tiên chuẩn bị bắn tên lửa (RFI, 14/10/2017)
Nhật báo Donga Ilbo ấn hành tại Seoul số ra ngày 14/10/2017 trích dẫn một nguồn tin từ chính quyền của Hàn Quốc về khả năng Bắc Triều Tiên chuẩn bị bắn tên lửa. Kế hoạch được Bình Nhưỡng dự trù vào thời điểm cuộc tập trận chung Mỹ Hàn mở ra từ ngày 16 đến 26/10/2017.
Ảnh của hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA cung cấp, ngày 16/09/2017, với lời chú : lãnh đạo Kim Jong Un xem bắn thử tên lửa Hwasong-12. Reuters không có phương tiện để thẩm định tính xác thực của bức ảnh. KCNA via Reuters
Theo nguồn tin trên, Washington và Seoul lo ngại Bình Nhưỡng sẽ thử loại tên lửa liên lục địa Hwasong-14 hay 12, có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ như vùng Alaska, hay đảo Guam trong khu vực Thái Bình Dương.
Tờ báo ấn hành tại Seoul này còn nêu lên một khả năng thứ ba, đó là Bắc Triều Tiên sẽ thử nghiệm tên lửa tầm trung Hwasong-13, có thể bắn sang tới bờ Tây nước Mỹ. Trước mắt, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc từ chốn bình luận về tin trên.
Trong khi đó theo tiết lộ của tờ báo Nhật Bản, Asahi Shimbun, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đang "rà soát lại một cách triệt để chiến lược phòng thủ" để đối phó với khả năng bị Bắc Triều Tiên tấn công. Kế hoạch này đã được trình lên Quốc hội hôm 12/10/2017 và chiến lược phòng thủ mới của Hàn Quốc dự trù sẽ được thực hiện kể từ tháng 12/2017.
Trong bối cảnh căng thẳng đó trên bán đảo Triều Tiên, Lực lượng Không quân Mỹ trong vùng Thái Bình Dương (Pacaf), ngày 13/10/2017 cho biết điều nhiều loại máy bay, trực thăng, chiến đấu cơ… đến Seoul dự triển lãm hàng không, tổ chức tại Hàn Quốc từ ngày 17 đến 22/10/2017.
Thanh Hà
*******************
Bắc Hàn 'đánh cắp kế hoạch chiến tranh của Mỹ-Nam Hàn' (BBC, 11/10/2017)
Các tin tặc từ Bắc Hàn đã đánh cắp một lượng lớn các tài liệu quân sự của Nam Hàn, bao gồm kế hoạch ám sát lãnh đạo Kim Jong-un.
Cuộc chiến với Bắc Hàn sẽ như thế nào ?
Rhee Cheol-hee, một nhà lập pháp Nam Hàn, nói thông tin trên là từ Bộ Quốc phòng của nước này.
Các tài liệu bị tấn công bao gồm các hoạch định chiến tranh dự phòng của Mỹ và Hàn Quốc.
Chúng cũng bao gồm các báo cáo để gửi đến các chỉ huy cấp cao của phe đồng minh.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho đến nay vẫn từ chối bình luận về vụ việc này.
Các kế hoạch cho các lực lượng đặc công của Nam Hàn đã bị thu thập, cùng với thông tin về các nhà máy điện và các cơ sở quân sự quan trọng ở miền Nam.
Ông Rhee thuộc đảng cầm quyền của Nam Hàn, và ở trong Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội.
Tổng thống Hoa Kỳ và người đồng cấp Bắc Hàn đối đấu vì chương trình hạt nhân của Bắc Hàn
Ông nói rằng khoảng 235 gigabyte tài liệu quân sự đã bị đánh cắp từ Trung tâm Dữ liệu Tích hợp Quốc phòng và 80% trong số đó vẫn chưa được xác định.
Vụ tấn công mạng diễn ra vào tháng Chín năm ngoái. Hồi Tháng Năm, Hàn Quốc cho biết một lượng lớn dữ liệu đã bị đánh cắp và Bắc Hàn có thể đứng đằng sau cuộc tấn công này - nhưng không cung cấp thêm chi tiết về vụ việc.
Bắc Hàn đã bác bỏ cáo buộc này.
Thông tấn xã Yonhap của Hàn Quốc cho biết Seoul trong nhiều năm gần đây đã liên tiếp bị người hàng xóm cộng sản tấn công mạng, trong đó có nhiều trang web và cơ sở của chính phủ.
Bắc Hàn được cho là có các tin tặc được đào tạo đặc biệt ở nước ngoài, cả ở Trung Quốc.
Bắc Hàn cáo buộc Hàn Quốc "bịa đặt" ra các cáo buộc này.
Tin tức Bình Nhưỡng dường như thu thập được các hoạch định của Seoul-Washington về một cuộc chiến toàn diện với Bắc Hàn không hề làm dịu căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên.
********************
Bình Nhưỡng đã phát triển mạng lưới gián điệp "khoa học" như thế nào ? (RFI, 11/10/2017)
Công nghệ tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên không phải đạt được trong một sớm một chiều. Mà đó là kết quả của cả một quá trình phát triển bền bỉ mạng lưới gián điệp "khoa học" từ hơn nửa thế kỷ nay. Thông tín viên báo Les Echos tại Tokyo, Yann Rousseau có bài giải thích cặn kẽ làm thế nào Bắc Triều Tiên phát triển "Mạng lưới gián điệp hùng hậu" của mình.
Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân được Kim Jong-un thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2011 © Reuters
Câu chuyện của Yann Rousseau được bắt đầu từ một góc khu phố Kodaira, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản. Ở đây, người ta có thể bắt gặp nhiều sinh viên Triều Tiên thuộc trường "Đại học Triều Tiên" (Korea University), nằm trong một tòa nhà cũ kỹ 4 tầng. Không một ai nói tiếng Nhật. Đây là trường đại học duy nhất tại Nhật Bản do một hiệp hội có liên hệ với Bình Nhưỡng kiểm soát và tài trợ.
Nhóm cư dân Triều Tiên này được hình thành từ năm 1956, di cư sang Nhật vào đầu thế kỷ XX, sau khi bị Nhật Bản sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ mình. Khu đại học chỉ có chừng 500 sinh viên. Nhưng từ nhiều tháng qua, trường học này đã bị các nhà đấu tranh chỉ trích, vì nghi ngờ trường này bí mật tham gia vào việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của chế độ Kim Jong-un.
Nhất là vào lúc lãnh đạo Bắc Triều Tiên vừa gây chấn động thế giới khi cho tiến hành thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch thu nhỏ, có thể gắn lên đầu tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM. Do đó, theo khẳng định của ông Ken Kato, giám đốc Human Right Asia, "Những học sinh ở đây được giáo dục theo đúng tinh thần Juche (quan điểm độc lập và tinh thần tự lực), một hệ tư tưởng của chế độ Bình Nhưỡng. Và những sinh viên này phải mang về những gì tổ quốc cần. Do đó, họ được tiếp cận với những chương trình học đường mà về mặt lý thuyết bị cấm đoán bởi các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc".
Trong một bản kiến nghị gởi lên Liên Hiệp Quốc, ông Kato đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về trường đại học này và đề nghị ngưng giảng dạy các môn học về vật lý hạt nhân, hóa học hay kỹ sư điện tử. Vẫn theo ông Kato, hiện có rất nhiều nhà khoa học "người Triều Tiên của Nhật Bản", từng theo học tại Korea University, đã thâm nhập vào nhiều viện công nghệ có uy tín của Nhật Bản cũng như là ở nước ngoài.
Những người theo ông Kato là có khả năng thu thập các thông tin nhạy cảm cho quốc gia xuất xứ của họ. Một trong số những nhà khoa học này đã từng học nhiều năm ở trường đại học ở Orleans (miền trung nước Pháp). Ông Kato cho rằng : "Đây là một dạng gián điệp rất khó mà ngăn chặn được".
Thuyết ý chí của Kim Jong-un
Từ nhiều thập niên qua, Bình Nhưỡng đã triển khai mạng lưới các nhà khoa học và sinh viên khắp nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Quốc, hòng duy trì các nỗ lực quân sự trong việc củng cố sức mạnh răn đe. Ông Hitoshi Tanaka, một nhà cựu ngoại giao Nhật Bản, từng đại diện chính quyền Tokyo tham gia các cuộc đàm phán bí mật với chế độ Bình Nhưỡng trong những năm 2000, nhắc lại : "Chính phủ Bắc Triều Tiên luôn có mục tiêu rất rõ ràng về việc phát triển năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa".
Nếu như những vụ thử gần đây đã có thể gây sốc, đó không phải là kết quả của một sự nhảy vọt về mặt công nghệ bất thình lình, mà là thành quả của một công việc có hệ thống được khởi động ngay từ những năm 1950 và được Kim Jong-un thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2011. Nhà lãnh đạo trẻ tin rằng chỉ có khả năng tiến hành một cú tấn công hạt nhân vào Mỹ thì mới có thể làm cho Washington từ bỏ ý định lật đổ chế độ. Ông Mark Hibbs, một nhà phân tích thuộc trung tâm Carnegie Endowment For International Peace, tóm lược như sau : "Họ có một sự cố gắng rất cần mẫn nhưng cũng rất quyết tâm".
Theo giải thích của ông Mark Hibbs, mọi việc bắt đầu cách đây hơn 60 năm, nhờ vào sự hỗ trợ của Matxcơva. "Vào thời kỳ chiến tranh lạnh, Liên Xô và Hoa Kỳ đã chia sẻ một phần hiểu biết của mình và trang thiết bị trong lĩnh vực hạt nhân cho những nước lần lượt nằm dưới tầm ảnh hưởng của họ". Ngay từ năm 1956, Bắc Triều Tiên, vốn dĩ đã kiệt quệ do cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953, đã là thành viên của Joint Institute for Nuclear Research, có trụ sở ở Dubna, gần Matxcơva .
Nhiều kỹ sư Bắc Triều Tiên đã đến học tập ở nhiều trường đại học lớn của Liên Xô thời bấy giờ. Và vào năm 1965, nước này đã nhận bản thiết kế một lò phản ứng thử nghiệm nhỏ đầu tiên, được đặt gần Yongbyon, địa điểm sau này trở thành một trung tâm thử nghiệm hạt nhân lớn của chế độ.
Bình Nhưỡng đã từng nghĩ đến bom nguyên tử
Trước việc Nga từ chối nhượng một phần bí mật, Bắc Triều Tiên xích gần với Trung Quốc, vốn vừa thử thành công quả bom A đầu tiên vào năm 1964, nhưng cũng hoài công. Bắc Kinh không muốn chia sẻ nguồn sức mạnh răn đe của mình. Trong suốt những năm 1970, Nga và Trung Quốc, hai quốc gánh đỡ cho sự phát triển kinh tế của Bắc Triều Tiên, đã nhiều lần từ chối những đòi hỏi khác của Bình Nhưỡng. Bởi vì, cả hai cường quốc cộng sản này ngờ vực tham vọng quân sự của Kim Nhật Thành.
Bị hụt hẫng, chế độ Bắc Triều Tiên quyết định gia tăng hơn nữa các nỗ lực để thu nhặt công nghệ và trang thiết bị mỗi nơi một chút trên khắp thế giới. Các nhà khoa học "gián điệp" được gởi đi khắp nơi, từ các hội thảo quốc tế lớn, các viện nghiên cứu cho đến cả các cuộc họp cấp cao của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế AIEA, mà Bắc Triều Tiên đã từng là thành viên từ 1974-1994, hòng nhặt nhạnh "một cách ngây thơ" những thông tin quý giá.
Ông Mark Hibbs nhớ lại : "Tại Vienna, trong suốt những năm 1990, nhiều nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên đã tìm cách tiếp cận các nhà khoa học Bỉ, đang nghiên cứu quy trình tái xử lý chất plutonium cho mục đích thương mại". Đến những năm 2000, các thanh tra quốc tế lại tìm thấy ở Yongbyon một nhà máy xử lý plutonium được phát triển theo mô hình thiết kế của Bỉ.
Vẫn theo nhận định của ông Mark Hibbs, "Trong cái cảnh tranh tối tranh sáng đó, thời kỳ mà việc kiểm soát chưa có nghiêm ngặt lắm và sự nghi kỵ ít hơn bây giờ thì người Bắc Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể". Để có thể tự cung cấp các nguyên liệu để chế tạo bom và tên lửa, nước này cùng lúc đã tăng cường việc thu mua thông qua các doanh nghiệp ma tại Trung Quốc hay ở những nước Châu Á khác để lách các lệnh trừng phạt.
Cũng trong những năm 1990, Bắc Triều Tiên đã nhận được sự giúp đỡ tận tình từ nhiều mạng lưới của nhà vật lý học người Pakistan Abdul Qadeer Khan. Người này còn bị cáo buộc bán công nghệ quan trọng cho Iran và Lybia. Mark Hibbs khẳng định : "Sự liên kết này quyết định cho việc xây dựng các nhà máy làm giàu chất uranium của Bắc Triều Tiên. Các kỹ sư của nước này đã có được lò ly tâm mà họ rất cần".
Một bước tiến cho phép Bắc Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 và tiếp tục nhắm đến những loại bom phức tạp hơn và mạnh hơn. Theo nhà nghiên cứu Mark Fitzpatrick, Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, một phần của chương trình trao đổi này đã được chính phủ Pakistan chỉ đạo, để đổi lấy những công nghệ của Bình Nhưỡng.
Bắc Triều Tiên có lẽ đã nhượng cho Islamabad những loại tên lửa mà nước này đã cải tiến từ chiếc tên lửa Nga Scud-B được Ai Cập chuyển cho Bình Nhưỡng trong những năm 1970. Dồn hết sức lực, các kỹ sư Bắc Triều Tiên trong những năm 1980 đã chế tạo ra một phiên bản Scud-C, rồi Nodong, một dạng tên lửa Scud có kích cỡ lớn hơn, cũng như là một loạt chiếc Taepodong có tầm bắn trên 2 000km. Sau những nỗ lực nghiên cứu về động cơ, nước này giờ đã làm chủ được một loại tên lửa mạnh ICBM, tên lửa liên lục địa Hwasong 14, có khả năng đánh tới những thành phố lớn của Hoa Kỳ.
Để có thể chế tạo bom, Bắc Triều Tiên luôn dựa vào mạng lưới mua bán chợ đen trên quốc tế để tự cung ứng linh kiện, thông qua các cơ sở được cài đặt ở Châu Á. Phân tích các mảnh vỡ của một tên lửa Bắc Triều Tiên được tìm thấy ngoài khơi năm 2012 đã cho thấy nguồn gốc của các linh kiện : Trung Quốc, Thụy Sĩ, Anh nhưng cũng có cả Mỹ.
Mark Hibbs lưu ý là : "Đó còn là một cuộc đua thường trực giữa các lệnh trừng phạt, công tác kiểm tra và khả năng thích ứng của Bình Nhưỡng". Nhà nghiên cứu điểm ra những nguồn tài chính khổng lồ luôn được cấp cho chương trình tên lửa này, được cho là ưu tiên, bất chấp bất ổn về kinh tế của đất nước. Do đó, theo nhà cựu ngoại giao Nhật Bản, Hitoshi Tanaka, "Nếu người ta muốn ngăn chận Bắc Triều Tiên đạt được mục tiêu, chỉ còn có một hay hai năm để thực hiện. Sau đó, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn".
RFI tiếng Việt
Thử giải bài toán nhức đầu Bắc Triều Tiên cho nước Mỹ của Donald Trump
Bom A, bom H, hỏa tiễn liên lục địa của Bắc Triều Tiên (North Korea) là chuyện nhức đầu của nước Mỹ, nhưng không phải chỉ là chuyện nhức đầu của riêng nước Mỹ bởi vì nếu chiến tranh nguyên tử bấm nút giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ bùng nổ trong chớp mắt không ai biết chắc sự tàn phá khủng khiếp sẽ lan rộng tới đâu ? Quốc gia nào, gia đình nào, cá nhân nào, dù sống sót, mà không thấy đời sống thay đổi hay đảo lộn ? Thành ra tìm cách giải bài toán Bắc Triều Tiên cho nước Mỹ của Donald Trump chỉ vì không thể làm khách bàng quan "tọa sơn quan hổ đấu" ?!
Kim Jong-un sẽ không từ bỏ vũ khí hạch tâm như Mỹ, Nhật, Nam Hàn đòi hỏi
Mà giải bài toán này cũng không thể không bắt đầu bằng nhìn vào cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lực đang diễn ra trên thế, giới, vào hiện trạng nước Mỹ của Donald Trump, Bắc Triều Tiên của Kim Jong-un, nước Tầu của Tập Cận Bình, Nhật, Nam Hàn (South Korea), Đài Loan, các nước Đông Nam Á...
Cũng không thể không nhìn thấy các nét chính trước khi bàn cách giải quyết.
Nhận định căn bản
1. Kim Jong-un sẽ không từ bỏ vũ khí hạch tâm như Mỹ, Nhật, Nam Hàn đòi hỏi. Không bao giờ. Trong hoàn cảnh của Kim và của chế độ cộng sản, phong kiến, thế tập Bắc Triều Tiên, bỏ vũ khí hạch tâm đồng nghĩa với tự sát. Nếu Mỹ muốn tìm một giải pháp chính trị thì phải chấm dứt đòi hỏi... "cực đoan" này. Nếu không chính thức công nhận Bắc Triều Tiên là một cường quốc nguyên tử thì Mỹ cũng phải chấp nhận đó là một thực tế không thay đổi được và tìm cách "sống" thích nghi với cái "sự đã rồi" (fait accompli) ấy.
2. Bắc Triều Tiên cũng không muốn tự sát mở cuộc chiến nguyên tử với Mỹ. Mỹ cũng chẳng muốn đấu nguyên tử với Bắc Triều Tiên, không tự sát cũng gần như tự sát - đánh nhau dù không chết nhưng mù mắt, cụt chân thì thắng để làm gì ? Tuy vậy việc leo thang "võ miệng" giữa Donald Trump và Kim Jong-un hoàn toàn có khả năng làm bùng nổ chiến tranh nguyên tử mà thực tâm không ai muốn.
3. Bắc Triều Tiên là địch thủ của Mỹ nhưng không phải là địch thủ chính. Nếu Mỹ làm ngơ để Kim Jong-un "quậy" tối đa thì Kim cũng chẳng làm hại được nước Mỹ bao nhiêu, hoặc còn lâu mới làm hại được Mỹ một cách đáng kể. Bắc Triều Tiên nghèo đói, cô độc, nước nhỏ chỉ 25 triệu dân, có ảnh hưởng gì trên thế giới ?
4. Địch thủ cạnh tranh quyền lực chính của nước Mỹ là nước Tầu. Tầu có khả năng làm hại quyền lợi Mỹ, có âm mưu và kế hoạch từng bước truất phế Mỹ để leo lên làm trùm thế giới. Bắc Triều Tiên không có khả năng này và cũng không thể có tham vọng lớn lao như thế. Cùng lắm là làm trùm bán đảo Cao Ly nhưng trước hết là phải sống sót, phải thoát cảnh bần hàn đã.
Cái hung hăng của Bắc Triều Tiên là một phần chính của sách lược sinh tồn. Cái mềm mỏng "thao quang dưỡng hối", "giấu mình, chờ thời" của Tầu trong mấy chục năm qua mới là sách lược bành trướng chết người. Mỹ sa lầy với Afghanistan, với Iraq, sa lầy với North Korea là những cơ hội bằng vàng để Tầu vượt lên phía trước và sắp qua mặt Mỹ đến nơi. Một khi Tầu đã biến được Biển Đông và Đông Nam Á thành "ao nhà" và "sân sau" thì Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản sẽ bị tuyệt đường tiếp tế cực kỳ trọng yếu từ phía Nam lên, còn trụ được bao lâu ? Tiếp tục thân Mỹ được bao lâu nữa ? Một khi bị hất ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ còn thù nghịch với một nước Bắc Triều Tiên nghèo đói, cô độc cho mục đích thực tiễn gì ?!
5. Bề ngoài, Bắc Triều Tiên đe dọa tiêu diệt Mỹ bằng hỏa tiễn liên lục địa gắn bom A, bom H cũng như mạt sát Mỹ rất nặng lời, nhưng bên trong vẫn muốn dàn xếp tranh chấp với Mỹ qua đường thương thuyết sao cho có lợi nhất, chẳng hạn : triều đại họ Kim vẫn "muôn năm trường trị", Bắc Triều Tiên được hưởng "quy chế đặc biệt" là cường quốc hạt nhân, được Mỹ bang giao thân thiện, được Mỹ giúp đỡ phát triển kinh tế giống như Mỹ đã từng giúp Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Tây Đức, các nước Tây Âu, nước Việt Nam cộng sản và cả nước Tầu cộng sản...
Nếu đã nhất định "không đội trời chung với đế quốc Mỹ", nếu không muốn lập lại cái "ping pong diplomacy" từng mở ra một khúc quanh hoàn toàn mới trong lịch sử bang giao Tầu- Mỹ, có lẽ nào Kim Jong-un chỉ vì say mê môn bóng rổ mà mấy lần mời "đến chơi" và ân cần đón tiếp tại thủ đô Bình Nhưỡng cầu thủ NBA nổi tiếng người Mỹ da đen Dennis Rodman như bạn tâm giao ? Một cánh cửa "khép mở hững hờ" như thế chẳng phải đã là tín hiệu… "ngươi đến với ta, ta cũng bằng lòng" ? Muốn hòa giải, Mỹ, là đại cường quốc, phải đi bước trước !
6. Bề ngoài, Bắc Triều Tiên và Tầu còn là đồng minh nhưng bên trong đã ghét nhau đến mức "cạn tầu, ráo máng". Nước Tầu càng giầu có, càng phách lối, càng muốn áp đặt, càng muốn kiểm soát. Bắc Triều Tiên càng nghèo mạt, càng tự ái, càng ương ngạnh, càng thách thức.
Tầu lãnh đạm với Bắc Triều Tiên bao nhiêu lại thân thiết với Nam Hàn bấy nhiêu. Từ lúc Kim Jong-un lên kế vị bố chưa hề giáp mặt "hoàng đế" Tập Cận Bình, nhiều phần là không muốn gặp, "không thèm gặp". Ngược lại Tập và các lãnh tụ Nam Hàn "giao du rất thân mật", qua lại, hội kiến, tham khảo thường xuyên. Tổng số giao thương Tầu-Nam Hàn đã vượt qua tổng số giao thương Tầu- Bắc Triều Tiên đến mấy chục lần chưa kể các doanh nghiệp Nam Hàn đã đầu tư hàng trăm tỉ đô la vào kinh tế nước Tầu.
Kim Jong-un ngờ vực một cách rất có lý Tầu ngấm ngầm tìm cách ám hại mình nên đã ra tay trước một cách rất bất ngờ và quyết liệt : giết phăng đại tướng Jang Song-thaek, chồng của cô ruột, giết luôn cả anh trai cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam vốn là 2 quân bài chủ yếu của Tầu nhằm giữ Bắc Triều Tiên trong tầm kiểm soát. Rất đau, rất mất thể diện Tầu đành cắn răng chờ cơ hội trừ khử Kim Jong-un. Kim thì biết rõ "bát nước đã đổ xuống đất", tình nghĩa đứt đoạn, chỉ còn bước tới, tiếp tục thử nghiệm, cải tiến, hoàn thiện các vũ khí hạt nhân, bất chấp Tầu biểu quyết chế tài và thực thi cấm vận.
(Mặc dù trẻ tuổi, được bố đặt lên "ngai vàng" khá đột ngột, không có kinh nghiệm gì về chính trị quyền lực trước đó, bề ngoài lại nặng nề, phục phịch, Kim Jong-un đã sớm chứng tỏ bản lĩnh của một tay độc tài có hạng, nắm rất vững tình hình nội bộ bằng sắt và máu, phòng thủ an ninh rất kín, quyết đoán và ngang tàng hơn cả bố và ông nội. Kim Jong-un quả thật không lép vế chút nào khi đối phó với Tập Cận Bình và Donald Trump, lãnh tụ siêu cường quốc).
7. Tầu không muốn chiến tranh nguyên tử giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên bùng nổ, sợ bị lôi cuốn rồi "đầu chẳng phải, phải tai". Tầu cũng không muốn bị lôi cuốn vào chiến tranh trên bán đảo Cao Ly lần nữa, dù chỉ là chiến tranh quy ước, khi đang theo đuổi thượng sách "bất chiến tự nhiên thành" nói chung và khi đang giao thương rất có lợi với Nam Hàn, nói riêng. Mặt khác Tầu rất muốn Mỹ và Bắc Triều Tiên tiếp tục thù nghịch bởi vì nếu Mỹ không còn là kẻ thù chính của Bắc Triều Tiên thì hỏa tiễn có gắn bom A, bom H của Kim Jong-un còn chủ yếu dùng để đối phó với ai ngoài nước Tầu, mặc dù họ Kim chẳng cần Mỹ xúi giục ?
8. Bom A, bom H và hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên nguy hiểm đối với Tầu hơn đối với Mỹ vì khoảng cách giữa Bắc Triều Tiên và Tầu quá gần, độ chính xác sẽ cao hơn, thời gian để phản ứng ngắn hơn... Nếu Bắc Triều Tiên trở mặt, công khai thù nghịch, cả nước Tầu sẽ thấy thần chết lơ lửng ngay trên đầu ! Tuy thế, Tầu cũng không dám mạo hiểm dùng vũ khí hạt nhân đánh úp Bắc Triều Tiên vì không chắc ăn 100%. Nếu "first strike" của Tầu không hủy diệt được tất cả mục tiêu cần hủy diệt thì Bắc Kinh, Thượng Hải, Trùng Khánh, Thiên Tân... rất khó thoát số phận của Hiroshima, Nagasaki năm xưa khi Kim Jong-un phản công theo bài bản sách lược "second strike".
9. Hòa giải với Bắc Triều Tiên, nước Mỹ sẽ không tránh được những hệ luỵ, hậu quả rắc rối nhưng cái giá của sự nhượng bộ vẫn rẻ hơn cái giá của sự tiếp tục leo thang thù nghịch, hay cái giá của chiến tranh. Đấy là chưa kể để gỡ một thế cờ bí trên bàn cờ thế giới, sáng kiến ngoại giao mới này, đối với nước Mỹ, là chấp nhận "lùi một bước để tiến hai ba bước". Bỏ lên bàn cân, cái lợi về lâu dài có thể vượt quá cái hại trước mắt. Điểm chính yếu là ngọn giáo thù Bắc Triều Tiên đang chĩa vào trái tim nước Mỹ thì đẩy nó sang một bên để nó hướng về phía trái tim đối thủ chính của mình. Bấy lâu nay Tầu đã dùng Bắc Triều Tiên để kiềm chế, cầm chân nước Mỹ thì bây giờ là lúc "biến nghịch cảnh thành cơ hội" cho nước Mỹ "đáp lễ" dùng Bắc Triều Tiên để kiềm chế, cầm chân nước Tầu đang vươn lên mạnh mẽ.
10. Mỹ làm hòa với Bắc Triều Tiên cũng có hiệu ứng thực tế là trao gánh nặng bảo vệ Nam Hàn cho chính nước Tầu. Tầu được hưởng những mối lợi lớn lao đến từ chế độ tư bản Nam Hàn thì "ăn cây nào, rào cây ấy", Tầu phải lo bảo vệ Nam Hàn là chuyện hoàn toàn hợp lý.
Mỹ làm hòa với Bắc Triều Tiên cũng có hiệu ứng thực tế là trao gánh nặng bảo vệ Nam Hàn cho chính nước Tầu.
Thực ra Nam Hàn, cường quốc kinh tế trên thế giới, hiện chơi trò "bắt cá hai tay" - Đồng minh với Mỹ để hưởng cái dù nguyên tử che chở của Mỹ chống lại đe dọa của Bắc Triều Tiên, "đồng minh" cả với Tầu để làm ăn và làm giầu. Nếu mai đây tranh chấp Mỹ-Tầu bùng nổ, không ai biết chắc Nam Hàn sẽ chọn đứng về bên nào ? Nếu Nam Hàn đã thân thiết với Tầu như thế, có gì là cấm kỵ nếu Mỹ cũng "bắt cá hai tay" - làm "bạn" với Nam Hàn, "bạn" luôn cả với Bắc Triều Tiên ?
Nam Hàn cũng chẳng phải quá lo lắng vì thừa sức đương đầu với Bắc Triều Tiên trong chiến tranh quy ước, chỉ thiếu vũ khí hạch tâm để cân bằng vũ khí hạch tâm của Bắc Triều Tiên. Tầu sẽ ngầm giúp ngầm giúp Nam Hàn thủ đắc vũ khí hạch tâm ? Hoặc làm ngơ cho Nam Hàn tự phát triển lấy vũ khí hạch tâm ? Hoặc Tầu nên chính thức cảnh cáo Bắc Triều Tiên "mọi cuộc tấn công bằng vũ khí hạch tâm chống lại Nam Hàn sẽ bị xem là tấn công hạch tâm vào chính Trung Quốc và sẽ bị đáp trả tương xứng" ? Dẫu sao, bảo vệ Nam Hàn cách nào tốt nhất là sẽ là... chuyện "riêng" của Trung Quốc, Mỹ không lý đến nữa.
"Trong chính trị quốc tế không bạn muôn đời, không có kẻ thù muôn kiếp, mà chỉ có quyền lợi của quốc gia"! Chẳng phải Donald Trump luôn miệng "America First" và trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc mới đây đã cổ võ tất cả các quốc gia trên thế giới... theo gương Mỹ, đặt quyền lợi của nước mình lên trên hết đấy sao ?
11. Một khi Mỹ làm hòa với Bắc Triều Tiên, minh thị hay mặc nhiên chấp nhận Bắc Triều Tiên là cường quốc hạt nhân, cũng như rút bớt sự hiện diện quân sự ở Đông Bắc Á thì một hiệu ứng thực tế khác là nước Nhật sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc hạt nhân khác, nhờ vào trình độ kỹ thuật, khoa học tiến bộ của chính mình, dù dân có chống hay không chống.
Một khi Nhật "hùng mạnh" trở lại bằng cách "tái võ trang" như thế thì cán cân quyền lực ở Châu Á sẽ thăng bằng hơn, Tầu không dễ gì độc chiếm Biển Đông và gánh nặng trên vai của nước Mỹ cũng bớt nặng đi. Sau Nhật, có thể có thêm nhiều nước khác tìm cách thủ đắc vũ khí nguyên tử như Đài Loan, như Iran... Một trào lưu không tránh được, hệ quả tất yếu của tiến bộ khoa học và cạnh tranh sinh tồn.
Tuy vậy, một thế giới có nhiều cường quốc nguyên tử, trông đáng sợ hơn, không nhất thiết có nghĩa hiểm họa chiến tranh nguyên tử sẽ lớn hơn, mặt khác lại có thể có hậu quả tích cực là thế giới nhất cực mà Mỹ "từ chối" làm bá chủ sẽ trở thành thế giới đa cực, với nhiều trung tâm quyền lực khác nhau và tương đối bình đẳng.
Nước Mỹ của Donald Trump không còn muốn làm "minh chủ võ lâm" hay "lãnh tụ của thế giới tự do" vì nợ nần, vì đuối sức, vì tự thấy "lợi bất cập hại", vì "kính chẳng bỏ phiền", muốn "thoái vị" để trở lại chủ nghĩa cô lập một cách tương đối an toàn thì công thức thế giới đa cực có lẽ là lối thoát tốt đẹp nhất cho Mỹ trong tình trạng hiện tại, hoặc ít nhất cũng tốt đẹp hơn là cái thế giới nhất cực nhưng với ông trùm mới là nước Tầu của Tập Cận Bình.
Gợi ý giải pháp
1. Như Richard Nixon gửi Henry Kissinger bí mật đến Bắc Kinh năm 1971, Donald Trump bí mật gửi đặc sứ cao cấp và thân tín (chẳng hạn cố vấn Ivanka Trump, con gái, hoặc cố vấn cao cấp Jared Kushner, con rể, hoặc chánh văn phòng Bạch Cung John Kelly...) đến Bình Nhưỡng gặp Kim Jong-un thông báo những nhượng bộ tối đa của Mỹ để đổi lấy các nhượng bộ tối thiểu của Bắc Triều Tiên.
Nhượng bộ của Mỹ :
- Không còn đòi Bắc Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạch tâm.
- Đơn phương chấm dứt các biện pháp chế tài và cấm vận chống Bắc Triều Tiên.
- Công nhận Bắc Triều Tiên và chính thức thiết lập bang giao, trao đổi đại sứ.
- Triệt thoái sự hiện diện quân sự khỏi lãnh thổ Nam Hàn trong theo hạn kỳ nhất định, vừa phải, hợp lý.
- Hủy bỏ các cuộc tập trận thường kỳ hàng năm chung với quân đội Nam Hàn.
- Bầy tỏ ý định muốn tham gia và giúp đỡ Bắc Triều Tiên phát triển kinh tế .
- Chấp nhận cho Bắc Triều Tiên hưởng quy chế "tối huệ quốc" trong giao thương với Mỹ...
Nhượng bộ của Bắc Triều Tiên (chủ yếu giữ thể diện cho nước Mỹ) :
- Ngưng việc thử các vũ khí hạch tâm.
- Tuyên bố "gác lại quá khứ, hướng tới tương lai", chấm dứt tình trạng thù nghịch đối với nước Mỹ.
- Cam kết tìm cách thống nhất đất nước Triều Tiên bằng các biện pháp hòa bình thông qua đàm phán Bắc Triều Tiên-Nam Hàn.
- Chấp nhận quy chế "tối huệ quốc" đối với các hàng hóa, dịch vụ, đầu tư đến từ nước Mỹ.
- Cam kết không bán, không phổ biến vũ khí hạch tâm...
2. Chuẩn bị công luận trong và ngoài nước Mỹ để có sự ủng hộ cần thiết và giảm thiểu mọi chống phá đối với thỏa ước "biến thù thành bạn" giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên, Donald Trump và Kim Jong-un đóng kịch như thật (hay tiếp tục đóng kịch như thật ?), diễn vở tuồng "giận dữ như sắp nổi điên", nhục mạ nhau bằng những thậm từ, hăm dọa tiêu diệt thành tro bụi mọi kẻ thù chính và... đồng bọn, ra lệnh chuẩn bị chiến tranh, ban bố tình trạng khẩn cấp, xây hầm trú ẩn, tích trữ lương thực...
Bên này di chuyển pháo đài bay chiến lược B1, tầu ngầm nguyên tử đến gần các mục tiêu, bên kia liên tiếp bắn hỏa tiễn liên lục địa vào không gian phô trương khả năng sẵn sàng... Tất cả tạo một tình trạng hoảng loạn trên toàn thế giới như sắp tận thế...
Liên Hiệp Quốc, các tổ chức quốc tế, các nước Tầu, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Nam Hàn... lãnh tụ tôn giáo, chính trị gia, nhân sĩ, báo chí, dân thường... đều tới tấp, đổ xô vào can ngăn cả hai bên, kêu gọi bình tĩnh, đối thoại, nhường nhịn... nhân danh "hòa bình trên hết".
Trước những thỉnh cầu chính đáng và tha thiết, trước áp lực của công luận mạnh mẽ, rộng rãi như thế, Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đành gác bỏ "thù riêng"... cho bật đèn xanh bắt đầu cuộc đối thoại song phương chính thức Mỹ- Bắc Triều Tiên. Cuộc đối thoại cù cưa, cò kè, bớt một thêm hai cuối cùng cho ra một hòa ước quốc tế "mới toanh" nhưng các điểm chủ yếu đã được bí mật thỏa thuận từ mấy tháng trước !
Sau khi "make deal" với Bắc Triều Tiên mà nội dung vượt quá sự dự đoán của hầu hết mọi người, đặc biệt là trước sự tức giận của nước Tầu, nước Nga, trước sự thất vọng của nước Nhật, của Nam Hàn, Donald Trump tiếp tục giữ kín chuyện "ăn vụng, đi đêm, đóng kịch" với Kim Jong-un nhưng sẽ không bỏ lỡ cơ hội tự ca ngợi đã cứu nước Mỹ khỏi bờ vực chiến tranh nguyên tử, giải quyết được gánh nặng Bắc Triều Tiên do các tổng thống tiền nhiệm để lại, bằng "nghệ thuật thỏa hiệp thành công" (The Art of the Deal) rất cao siêu của mình.
Cũng đành phải chúc cho Donald Trump may mắn !
Cao Tuấn
(08/10/2017)
Bình Nhưỡng công kích hiệp ước phòng thủ chung Mỹ- Hàn là một "âm mưu điên rồ" để xâm lăng Bắc Triều Tiên.
Mỹ-Hàn kỷ niệm 64 năm Hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Reuters/Kim Hong-Ji
Trong bài xã luận đề ngày 02/10/2017, một ngày sau khi Washington và Seoul kỷ niệm 64 năm ký kết Hiệp ước hợp tác phòng thủ hỗ tương, nhật báo Rodong của đảng Lao Động Bắc Triều Tiên lên án văn kiện này đặt trên nền tảng "tham vọng điên rồ của Mỹ xâm lăng Bắc Triều Tiên vào bất cứ lúc nào".
Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Bình Nhưỡng còn kêu gọi Washington và Seoul dẹp bỏ "tức khắc" hiệp định được hai nước đồng minh ký kết vào ngày 01 tháng 10 năm 1953, ngay sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, đất nước phân đôi ở vĩ tuyến 38.
Đối với Bình Nhưỡng thì hiệp ước phòng thủ chung, một nước bị tấn công thì nước kia cứu giúp, thực chất là "hiệp ước chiến tranh".
Cuối cùng bài xã luận kêu gọi "người dân Triều Tiên ở hai miền Nam Bắc và ở nước ngoài gia tăng đánh đuổi Mỹ ra khỏi Nam Triều Tiên".
Trong khi đó, theo báo Úc Sydney Morning, Bình Nhưỡng vừa nối đường dây internet thứ hai ra nước ngoài và qua ngả nước Nga kể từ ngày 01/10/2017. Đường dây thứ nhất nối qua Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, với hai mạng nối kết, Bình Nhưỡng có thể gia tăng khả năng chiến tranh mạng và tin tặc.
Tú Anh
Kịch bản nào nếu Trung Quốc bỏ rơi Bắc Triều Tiên ? (RFI, 02/10/2017)
Tiếp tục bảo vệ Bắc Triều Tiên hay bỏ rơi chế độ Bình Nhưỡng kịch bản nào có lợi hơn cho Trung Quốc ? Đó là câu hỏi đáng giá ngàn vàng, đang được các chuyên gia và chính giới ở Bắc Kinh cân nhắc.
Hai lá cờ hữu nghị Trung Quốc - Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp trên tường một nhà hàng Bắc Triều Tiên ở tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc, nay đã đóng cửa. Ảnh chụp ngày 12/04/2016. Reuters/Joseph Campbell
Về mặt chính thức, Trung Quốc đưa ra cùng một lập trường với Nga : cộng đồng quốc tế không nên dồn Bắc Triều Tiên vào chân tường. Đến nay, Bắc Kinh vẫn xem đối thoại là giải pháp tốt nhất để thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng ở hậu trường, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy một số các nhà chiến lược của Trung Quốc đang nêu lên nhiều kịch bản đối phó "khẩn cấp".
Một tuần lễ sau vụ Bắc Triều Tiên thử nguyên tử hôm đầu tháng 9/2017, trưởng khoa quan hệ quốc tế trường Đại Học Bắc Kinh, Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) chính thức lên tiếng "khuyên" Trung Quốc nên tính tới phương án cùng thảo luận với Mỹ và Hàn Quốc về thời kỳ hậu Kim Jon-un.
Là một nhân vật có uy tín, giáo sư họ Giả trong bài nghiên cứu mang tựa đề "đã đến lúc phải chuẩn bị với kịch bản xấu nhất tại Bắc Triều Tiên" đặt ra một loạt các câu hỏi như : Trong trường hợp chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, Trung Quốc phải tính sao ? Nên chăng trong tư thế sẵn sàng triển khai lực lượng sang Bắc Triều Tiên ? Liệu Trung Quốc hay Hoa Kỳ sẽ thâu tóm trang thiết bị hạt nhân Bắc Triều Tiên và Trung Quốc phải làm gì trong trường hợp trong Hàn Quốc thống nhất nước láng giềng phương Bắc ? Trên đây là những kịch bản giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải tính tới.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, mặc dù bài tham luận của chuyên gia về quan hệ quốc tế này được đăng trên trang mạng của Diễn Đàn Đông Á, thuộc đại học Úc, nhưng chắc chắn, là ông đã được "phép" để phổ biến quan điểm này trên một phương tiện truyền thông quốc tế.
Vậy phải chăng là Trung Quốc đang bắn đi một thông điệp hướng tới cả chế độ Bắc Triều Tiên lẫn cộng đồng quốc tế ?
Một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh cho rằng Bắc Kinh đang tính toán "một công đôi việc", vừa hù dọa Bình Nhưỡng khi nêu lên khả năng "bỏ rơi" Bắc Triều Tiên, vừa làm hài lòng Hoa Kỳ, một tháng trước chuyến công du đầu tiên của tổng thống Mỹ, Donald Trump, đến Trung Quốc.
Đương nhiên là Tập Cận Bình mà càng tỏ thái độ cứng rắn với Kim Jon-un chừng nào thì lại càng khiến vị thượng khách của ông là Donald Trump hài lòng chừng nấy. Nhưng có lẽ Trung Quốc đang nhìn xa hơn thế.
Nhà nghiên cứu David Kelly thuộc viện China Policy, trụ sở tại Bắc Kinh, tiết lộ hiện tại ở thượng tầng cơ quan quyền lực Trung Quốc đang có hai phe. Một bên chủ trương duy trì đường lối cũ, tức là cố gắng giữ một đồng minh lâu đời là Bắc Triều Tiên trong vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh. Bên kia là trường phái xem việc thống nhất bán đảo Triều Tiên là cơ hội lớn đối với Trung Quốc. Có dấu hiệu cho thấy, phe thứ nhì này đang được "lắng nghe".
Cách rất xa Bắc Kinh, nhìn từ Paris, ông Barthélémy Courmont, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp cũng cho rằng giả thuyết chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ không còn là một cơn ác mộng trong mắt giới lãnh đạo Trung Quốc. Bởi lẽ nếu tiến trình thống nhất bán đảo Triều Tiên diễn ra trong hòa bình, thì Trung Quốc là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất để xây dựng lại một đất nước Triều Tiên sau 60 năm chia cắt.
Một nhà quan sát làm việc tại Bắc Kinh cho rằng, tiếng nói của phe chủ trương bỏ rơi Bắc Triều Tiên ngày càng mạnh. Mới chỉ cách nay 4 năm, người điều hành tờ báo thuộc Trường Đảng Trung Quốc ông Đặng Vũ Văn (Deng Yuwen) đã bị cách chức vì một bài viết kêu gọi đoạn tuyệt với chế độ Bình Nhưỡng. Thế nhưng tháng 4/2017 trong một bài viết đăng trên trang chủ của trung tâm nghiên cứu độc lập Trung Quốc Charhar, cũng chuyên gia này đã nhấn mạnh đến những lợi thế không thể chối cãi của Trung Quốc, nếu hai miền Nam – Bắc Triều Tiên thống nhất : quân đội Mỹ sẽ không còn lý do để hiện diện tại Hàn Quốc và một khi Bắc Triều Tiên không còn là mối đe dọa đối với Seoul thì Hàn Quốc và Hoa Kỳ không thể viện cớ gì để tiếp tục lắp đặt hệ thống lá chắn chống tên lửa THAAD ngay sát cạnh cửa ngõ của Trung Quốc.
Có điều, bỏ rơi Kim Jon-un cũng không dễ, bởi như lời chuyên gia David Kelly, học viện Chính Trị Trung Quốc China Policy, "không ai biết trước phản ứng của Bắc Triều Tiên". Một cách gián tiếp, giới chuyên gia tại Bắc Kinh lo ngại Kim Jon-un "làm liều" khi bị người anh cả là Trung Quốc bỏ rơi.
Điều mà các nhà phân tích Trung Quốc và quốc tế chưa nói rõ là tất cả các giả thuyết nêu trên đáng tin cậy tới mức độ nào ? Chỉ biết rằng, tại Bình Nhưỡng, Kim Jong-un tăng tốc các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tại Washington, tổng thống Hoa Kỳ ồn ào đe dọa "tiêu hủy" Bắc Triều Tiên.
Còn tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đang chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 19 để củng cố quyền lực. Hồ sơ Bắc Triều Tiên đương nhiên bắt ông Tập phải quan tâm. Trong mọi trường hợp Bắc Kinh luôn đặt quyền lợi chiến lược của Trung Quốc lên trên hết. Trung Quốc đang chuẩn bị những gì cho tương lai Bắc Triều Tiên ? Bắc Kinh không có ý định chia sẻ những tính toán của mình với bất kỳ một ai.
Thanh Hà
*********************
Bắc Triều Tiên : trên Twitter, Donald Trump gạt bỏ mọi nỗ lực của ngoại trưởng Tillerson (RFI, 02/10/2017)
Vào lúc ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc gây áp lực với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân thì trên Twitter, tổng thống Donald Trump - nếu không muốn nói là làm nhục ngoại trưởng Rex Tillerson - đã tuyên bố là không nên mất thời gian với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) với ngoại trưởng Rex Tillerson và nữ đại sứ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, ngày 11/08/2017, ở Bedminster, New Jersey. Reuters/Jonathan Ernst
Đây không phải là trường hợp "trống đánh xuôi kèn thổi ngược" đầu tiên của chính quyền Washington và cũng không phải là lần đầu tiên, tổng thống Mỹ nói ngược lại với ngoại trưởng.
Từ Washington, thông tín viên Jean Louis Pourtet tường trình :
"Có thể tóm tắt đại ý điều mà Donald Trump, qua các twit, nói với Rex Tillerson là không nên mất thời gian đàm phán với nhóc tì tên lửa. Theo ông, Clinton, Bush rồi Obama đều đã thử nhưng không thành. Rex, hãy giữ sức và chúng ta sẽ làm điều cần phải làm. Phải chăng đây là một lời đe dọa nhưng không nói thẳng ra là sẽ có một chiến dịch quân sự nhắm vào Bình Nhưỡng ?
Các phát biểu của tổng thống Mỹ gây ngạc nhiên vì trước đó 24 giờ, ngoại trưởng Tillerson, trong chuyến công du Bắc Kinh, đã thông báo là có những kênh liên lạc giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, gợi ý rằng có thể đàm phán. Tuy nhiên, bộ ngoại giao Mỹ đã giảm bớt tầm quan trọng của tuyên bố này và nói rõ rằng Bắc Triều Tiên tỏ ra không quan tâm đến đàm phán.
Đây không phải là lần đầu tiên Donald Trump bất đồng với chính phủ của ông. Nguyên thủ Mỹ đã từng nói rằng thảo luận với Bắc Triều Tiên không phải là một giải pháp, trong lúc bộ trưởng quốc phòng James Mattis có lập trường ngược lại. Thế nhưng, tổng thống Mỹ dường như tỏ ra đặc biệt khoái trá phá hỏng các nỗ lực của Rex Tillerson tìm cách tiến hành phương thức ngoại giao truyền thống. Điều này làm cho một số nhà quan sát phỏng đoán về thời gian cựu tổng giám đốc Exxon tiếp tục công tác tại bộ ngoại giao Mỹ".
Nhằm gia tăng áp lực, cô lập Bình Nhưỡng, bộ ngoại giao Ý đã yêu cầu đại sứ Bắc Triều Tiên – tuy chưa trình thư ủy nhiệm – rời khỏi nước này, để phản đối việc Bắc Triều Tiên đã tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Trả lời phỏng vấn nhật báo La Republica, hôm qua, và được AFP trích dẫn, ngoại trưởng Ý Angelino Alfano cho biết đã quyết định đình chỉ quy trình chấp nhận tân đại sứ Bắc Triều Tiên và vị đại sứ này phải rời khỏi Ý.
Theo Roma, quyết định nhằm làm cho Bắc Triều Tiên hiểu rằng họ sẽ bị cô lập nếu không thay đổi chính sách. Tuy nhiên, Ý không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Triều Tiên vì việc duy trì kênh liên lạc là cần thiết.
RFI tiếng Việt
*******************
Nga phá thế độc quyền của Trung Quốc trong việc giúp Triều Tiên kết nối internet (Một Thế Giới, 02/10/2017)
Theo tổ chức nghiên cứu 38 North (Hàn Quốc), công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, giúp nước này thoát khỏi tình trạng phụ thuộc đường truyền mạng của Trung Quốc.
Công ty viễn thông Trans TeleKom (TTK) của Nga đã cung cấp một đường truyền mạng mới cho Triều Tiên- Ảnh : SCMP
38 North cho biết, tín hiệu kết nối từ Trans Telecom đã bắt đầu xuất hiệu trên cơ sở dữ liệu định tuyến mạng từ khoảng 17 giờ 38 phút (giờ Triều Tiên) ngày 1/10
Cho đến nay, người dùng mạng tại Triều Tiên lẫn những người bên ngoài truy cập vào các trang mạng của Triều Tiên đều dùng chung một đường truyền Star JV do công ty viễn thông China Unicom của Trung Quốc chịu trách nhiệm vận hành kể từ năm 2010.
Theo nhà phân tích hệ thống mạng toàn cầu Doug Madory của Viện nghiên cứu Dyn : "Đường truyền bổ sung từ Nga giúp Triều Tiên có thêm một kết nối mạng ra ngoài, tăng khả năng phục hồi (sau các cuộc tấn công) lẫn lưu lượng băng thông quốc tế".
Trang Financial Times dẫn lời trưởng ban công nghệ Châu Á - Thái Bình Dương công ty FireEye Bryce Boland nhận định : "Đường truyền mới không chỉ giúp tăng khả năng phục hồi kết nối mạng của Bình Nhưỡng trước những cuộc tấn công vật lý, tấn công mạng lẫn tấn công chính trị mà còn giúp Nga có được tầm ảnh hưởng mới tại Triều Tiên".
Bản đồ cáp trên trang tin của TTK cho thấy có hệ thống dây cáp quang chạy từ Nga đến biên giới Triều Tiên - Ảnh : 38 North
Việc Nga cung cấp đường truyền mạng diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng mạng của Bình Nhưỡng và gây áp lực buộc Trung Quốc cắt đứt mọi quan hệ làm ăn với nước này, theo 38 North.
Tờ Washington Post ngày 30/9 cho biết, Bộ chỉ huy không gian mạng Mỹ (US Cyber Command) đang tiến hành một loạt cuộc tấn công chống lại tin tặc Triều Tiên, vô hiệu hóa máy tính của tin tặc và khiến kết nối mạng bị chậm hoặc không sử dụng được. Các vụ tấn công được thực hiện chỉ trong ngày 30/9
TTK là một trong những công ty viễn thông lớn nhất của Nga, trực thuộc Tập đoàn đường sắt nhà nước Nga, 38 North cho biết.
Theo bản đồ cáp trên trang tin của TTK thì hệ thống dây cáp quang được đặt dọc theo đường sắt chạy từ thành phố Vladivostok đến biên giới Triều Tiên. Có đồn đoán cho rằng lối vào Triều Tiên duy nhất của đường dây cáp chính là dọc theo Cầu hữu nghị Nga-Triều, nơi có đường sắt chạy qua sông Đồ Môn (Triều Tiên gọi là sông Đậu Mãn) nối thành phố Khasan (Nga) với thị trấn Tumangang (Triều Tiên).
Cây cầu Hữu nghị Nga-Triều, nơi được xem là lối vào Triều Tiên duy nhất của cáp quang TTK- Ảnh : 38 North
38 North cho biết đây không phải lần đầu tiên Bình Nhưỡng tìm đường truyền thay thế cho Star JV. Trong năm 2012 tổ chức vệ tinh viễn thông quốc tế Intelsat đã cung cấp một đường truyền cho Triều Tiên, nhưng trong những năm gần đây thì chỉ còn đường truyền Star JV của China Unicom.
Đường truyền duy nhất này đã nhiều lần bị tin tặc tấn công. Tuy hầu hết vụ tấn công được quy cho nhóm tin tặc Anonymous, nhưng có nhiều đồn đoán cho rằng lần tấn công gần đây nhất là do cơ quan tình báo Mỹ thực hiện, theo 38 North.
38 North cũng cho biết, có rất ít người dùng đến mạng Internet, nhưng luôn có sẵn mạng trong các trường đại học lớn, cho người nước ngoài sử dụng thông qua điện thoại thông minh, tại cơ quan chính phủ và công ty lớn. Gia đình các lãnh đạo lẫn những đơn vị không gian mạng của quân đội Triều Tiên cũng được cho là có truy cập mạng.
Ngoài ra, đường truyền mạng là rất quan trọng cho học giả và nhà nghiên cứu nước ngoài, những người thường vào các trang mạng truyền thông của Bình Nhưỡng để lấy thông tin.
Cẩm Bình
(theo 38 North, Financial Times)
Bắc Triều Tiên thực ra đã bị "phá hủy hoàn toàn" (RFI, 29/09/2017)
Lời đe dọa "phá hủy hoàn toàn" Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ Donald Trump trên diễn đàn Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã làm sống dậy một quá khứ mà phần lớn của quá khứ đó từ lâu đã bị rơi vào quên lãng. Đó là cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Theo quan điểm của Arnaud Vaulerin thông tín viên báo Libération tại Tokyo, thì "Bắc Triều Tiên đã từng bị tàn phá hoàn toàn".
Hình ảnh cuộc chiến Triều Tiên năm 1950-1953. Wikimedia
Đó là một cuộc chiến tranh tàn khốc, một cuộc xung đột tồi tệ hậu Đệ Nhị Thế Chiến. Ước tính có khoảng từ 3-5 triệu người chết bao gồm cả thường dân và quân nhân. Vậy mà ít ai được biết đến mức độ hãi hùng của cuộc xung đột. Theo tác giả, đó là vì vào đầu những năm 1950, máy quay phim chưa mấy phổ biến, giới phóng viên không đông đảo, mà cũng không được tháp tùng các đạo quân. Do đó, cuộc chiến Triều Tiên đã không được tường thuật rộng rãi như cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1945-1975.
Chia rẽ và ly tán
Người ta sẽ chẳng bao giờ nói rõ xung đột Triều Tiên đã tàn phá đất nước, chia rẽ bán đảo và làm biết bao gia đình ly tán đến dường nào. Sự chia rẽ đó đã chớm nảy mầm khi Liên Xô và Hoa Kỳ đến thế chân quân xâm lược Nhật Bản năm 1945. Ý tưởng một nền độc lập cho bán đảo đã tan theo mây khói ngay khi hai siêu cường thắng thế lúc bấy giờ cùng nhau chia sẻ địa bàn.
Cả Washington và Moskva đều dè chừng nhau vì e sợ bên kia nếu có được độc lập, bán đảo Triều Tiên hợp nhất có sẽ rơi vào tay đối thủ. Tác giả cho rằng Bắc và Nam Triều Tiên trước hết là nạn nhân của một sự đối đầu về tư tưởng đông-tây. Cuộc đối đầu đó chưa bao giờ dứt từ hơn 70 năm qua. Và hơn bao giờ hết, hai nước Triều Tiên là những sản phẩm do chính nước ngoài tạo ra.
Ngược dòng lịch sử, vào tháng 8/1945, vĩ tuyến 38 trở thành đường biên giới giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên. Ở phía bắc, Liên Xô đưa Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) lên cầm quyền và giúp thành lập chế độ miền bắc. Còn ở phía nam, Hoa Kỳ cũng tiến hành tổ chức một hệ thống chính trị quân sự, đưa Syngman Rhee, một chính khách tham nhũng sống nhiều năm ở Mỹ trước khi được đưa lên như một người hùng cứu nguy tổ quốc phía nam.
Ngày 15/08/1948, nước Cộng Hòa Triều Tiên ra đời. Ngày 09/09, đến lượt Cộng Hòa Nhân Dân được khai sinh ở phía bắc của đường ranh giới. Thế rồi, phía nam phải đối mặt với những làn sóng phản đối, các cuộc đối đầu giữa phe bảo thủ và những người có cảm tình với cộng sản. Dù rằng đã dập tắt được các cuộc nổi loạn ở phía nam, nhưng chính phủ thủ tướng Syngman vật vã kiểm soát được tình hình ở gần vĩ tuyến 38. Các chiến dịch giành lại kiểm soát đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Mối họa nguyên tử và bom napal
Ngày 25/06/1950 chiến sự bùng nổ. Kim Nhật Thành đưa quân tấn công và vượt vĩ tuyến 38 trong đêm. Ba ngày sau, Seoul rơi vào tay quân đội phía bắc và binh lính Kim Nhật Thành tiếp tục tiến về Busan nơi Syngman Rhee ráng cố thủ, đợi được đến ngày liên quân Liên Hiệp Quốc gồm khoảng 20 nước do Hoa Kỳ dẫn đầu đến tiếp viện.
Ngày 15/09, liên quân quốc tế, đổ bộ từ cảng Incheon, cửa ngõ Seoul đã đánh úp và đẩy lui quân đội Bắc Triều Tiên đến tận biên giới Trung Quốc. Bị đẩy lui, Kim Nhật Thành cầu cạnh Moskva nhưng bị từ chối. Chế độ cộng sản Bắc Kinh vẫn còn non trẻ (từ năm 1949), đã đáp trả lời cầu cứu, nhanh chóng gởi hàng vạn binh sĩ vượt sông Áp Lục ngăn chia Trung – Triều. Tháng 2/1951, các đạo quân của Liên Hiệp Quốc và Hàn Quốc lấy lại được Seoul. Kể từ mùa xuân năm đó cho đến cuối cuộc xung đột, mặt trận đôi bên chỉ xoay quanh vĩ tuyến 38.
Tuy vậy, Bắc Triều Tiên suýt chút nữa chịu chung số phận như hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản. Khả năng sử dụng bom nguyên tử đã từng được tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman đề cập đến vào cuối năm 1950. Tướng MacArthur lập kế hoạch khoảng 30 vụ tấn công hạt nhân vào Mãn Châu đánh vào các trại lính của Bắc Triều Tiên. Bất đồng với tướng MacArthur, Truman đành phải thay người khác là tướng Ridgway.
Trong khoảng thời gian đó, Hoa Kỳ đã tăng cường oanh kích, tiến hành chiến dịch rải thảm bom napal vào những căn cứ quân sự và thành phố, theo như lời thuật của sử gia Bruce Cumings. Ngày 27/07/1953, hiệp định đình chiến được ký kết mà không phe nào chiếm thêm được một tấc đất. Và cũng sẽ không có một hiệp ước hòa bình nào được phê chuẩn. Về mặt kỹ thuật, hai miền Triều Tiên vẫn luôn trong tình trạng chiến tranh. Cũng như là luôn nằm dưới sự giám sát của Trung Quốc, Nga và Mỹ.
RFI tiếng Việt
************************
Khi bán đảo Triều Tiên đã từng suýt chìm ngập trong chiến tranh (RFI, 29/09/2017)
Mắc kẹt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng và phụ thuộc, Bình Nhưỡng và Seoul đã từng trải qua các cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng, tại một trong những khu vực bị quân sự hóa mạnh nhất thế giới. Libération lượt lại những sự cố quan trọng nhất suýt dẫn đến nổ ra chiến tranh.
Bản đồ ranh giới vĩ tuyến 38 phân chia hai miền nam bắc Triều Tiên-Wikimedia
Kể từ khi chấm dứt chiến tranh Triều Tiên năm 1953, bán đảo Triều Tiên luôn luôn phải đối mặt với vấn đề an ninh. Gần 65 năm sau, Nam và Bắc Triều Tiên chưa hề ký hiệp định hòa bình, vẫn liên tục trừng trừng theo dõi nhau tại DMZ, nơi được đặt gọi một cách thậm vô lý là khu vực phi quân sự ở vĩ tuyến 38.
Biểu tượng của chiến tranh lạnh trường tồn tại đây, Bàn Môn Điếm minh họa một cách hài hước cho việc hai nước Triều Tiên đối đầu và khinh bỉ nhau ra sao trên bàn cờ chính trị Viễn Đông. Rối ren chính trị, khủng hoảng hạt nhân, tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường, tập trận, bắt bí và đe dọa dữ dội, có rất nhiều giai đoạn căng thẳng và đôi khi gây lo ngại lại nổ ra một cuộc xung đột.
1976, sự cố cây liễu
Vào lúc 11 giờ sáng ngày 18/08, khủng hoảng nổ ra trong vùng An Ninh Chung (Joint Security Zone – JSA), dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp Quốc, trong khu vực phi quân sự (DMZ). Năm binh sĩ Hàn Quốc, được khoảng một chục quân cảnh Mỹ (GI) hộ tống, tiến hành tỉa lá chặt cành một cây liễu nằm ở giữa hai trạm quan sát của hai bên vì cây này che khuất tầm nhìn và các di chuyển của binh sĩ ở đây.
Khoảng ba chục binh sĩ quân đội Bắc Triều Tiên tới hiện trường và yêu cầu các binh sĩ Hàn Quốc hãy buông rìu bởi vì cây liễu gây bất hòa này do Kim Nhật Thành, cha đẻ của nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên trồng. Nhóm binh sĩ Hàn Quốc tiếp tục nhiệm vụ của mình và viên sĩ quan Bắc Triều Tiên đã ra lệnh cho quân lính của mình : "Hãy giết chúng đi".
Hai sĩ quan Mỹ thiệt mạng, một người bị đánh chết, còn người kia bị đánh và chém rìu rồi tử thương. John Delury, sử gia chuyên về bán đảo Triều Tiên tại đại học Yonsei, ở Seoul, giải thích : "Mùa hè năm đó, chiến tranh Triều Tiên suýt tái phát. Các vụ giết người ngay giữa trung tâm khu vực phi quân sự đã làm gia tăng căng thẳng trong toàn vùng".
Henry Kissinger, lúc đó là ngoại trưởng, gợi ý tổng thống Gerald Ford oanh kích miền Bắc để chứng tỏ là Hoa Kỳ không yếu kém về quân sự và ngoại giao. Tổng thống Ford từ chối lao vào một cuộc chiến tranh mới có thể dẫn đến sự can thiệp của Trung Quốc và Liên Xô trong một cuộc xung đột khó lường. Do vậy, nguyên thủ Hoa Kỳ điều binh sĩ đến … để chặt cây liễu.
Thế là khởi sự chiến dịch Paul Bunyan, tên của một tiều phu nổi tiếng và huyền thoại Mỹ. Các binh sĩ, kỹ sư, các đơn vị chiến đấu và lực lượng đặc nhiệm sẵn sàng tham chiến. Hoa Kỳ đặt các đơn vị trong tình trạng báo động, huy động máy bay ném bom B-52 và lực lượng chủ công của chiến hạm USS Midway. Ngày 21/08, cây liễu bị chặt, chỉ còn cao 6 mét mà không gây ra xung đột.
1994, các cuộc oanh kích nhắm vào những mục tiêu cụ thể
Người ta đã quên nhưng trong những năm 1991-1992, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên tương đối yên bình. Tại Washington, George Bush ra lệnh rút về Hoa Kỳ các vũ khí hạt nhân chiến thuật vốn được đặt khắp nơi trên thế giới, nhất là ở Hàn Quốc. Tại Bình Nhưỡng, chính quyền tiến hành chính sách hòa dịu, đến mức ký với Seoul một tuyên bố phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Thế nhưng, vào đầu năm 1993, tình hình đột nhiên căng thẳng, các thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) phát hiện ra là Bắc Triều Tiên đã tiến hành nhiều hoạt động tái xử lý nhiên liệu và không hề đình chỉ chương trình hạt nhân. AIEA đề nghị có các cuộc thanh tra mới nhắm vào các cơ sở của Bắc Triều Tiên.
Cùng lúc, chính quyền Bình Nhưỡng cho rằng họ bị đe doạ bởi các cuộc tập trận Team Spirit (Tinh thần đồng đội) trên quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tháng 03/2013, Bắc Triều Tiên thông báo rút ra khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Hoa Kỳ đặt tên lửa Patriot gần đường biên giới vĩ tuyến 38.
Tháng 05/1994, Bắc Triều Tiên thông báo đã rút ra khỏi lò phản ứng Yongbyon 8.000 thanh nhiên liệu đã bị phóng xạ và như vậy có đủ plutonium để chế tạo từ 3 đến 5 quả bom nguyên tử. Đối với Washington, đây là một sự vi phạm các thỏa thuận với AIEA, là lằn ranh đỏ mà Bắc Triều Tiên không được vượt qua.
Chính quyền Clinton đòi Liên Hiệp Quốc phải có các trừng phạt và Kim Nhật Thành coi đó là hành động chiến tranh. Sau này, trong hồi ký, Bill Clinton cho biết là ông từ chối "gạt bỏ khả năng có hành động quân sự". Nghiêm trọng hơn, tổng thống Mỹ và nhóm cố vấn của ông còn nghiên cứu các cuộc oanh kích như quân đội Israel đã từng oanh kích lò phản ứng hạt nhân Osirak của Irak, hồi tháng 06/1981.
Quốc Phòng Mỹ cho triển khai một hạm đội ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và đưa ra một kế hoạch tấn công các cơ sở ở Yongbyon (phía bắc Bình Nhưỡng) mà tổng thống sẽ thông qua ngày 16/06/1994. Thế nhưng, cùng ngày đó, cựu tổng thống Jimmy Carter gặp Kim Nhật Thành.
"Lãnh tụ vĩ đại" của Bắc Triều Tiên chấp nhận đình chỉ chương trình hạt nhân, đánh đổi lấy viện trợ của Hoa Kỳ. Sau này, William J. Perry, nguyên là bộ trưởng Quốc Phòng (từ 1994 đến 1997) dưới thời Clinton, thừa nhận : "Chúng tôi thực sự bên bờ vực tiến hành chiến tranh" với Bắc Triều Tiên.
Giờ đây, vị cựu bộ trưởng này không ngừng ủng hộ đàm phán trực tiếp với một nước Bắc Triều Tiên hiện hữu như vậy, chứ không phải chỉ nói chuyện với một nước Bắc Triều Tiên mà người ta mong muốn có.
2010, năm thảm họa
Trong vòng có vài tháng, tình hình lại trở nên căng thẳng cực độ, đến mức 2010 "có thể là năm nguy hiểm nhất trên bán đảo Triều Tiên, kể từ sau chiến tranh Triều Tiên". Đó là nhận định của Charles Armstrong, sử gia, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Triều Tiên, tại đại học Columbia, trên Tạp chí hai thế giới, hai năm sau đó.
Vào tháng 03/2010, Cheonan, hộ tống hạm loại nhỏ, trọng tải 1400 tấn, bị bắn chìm dường như bởi ngư lôi được phóng đi từ một tàu ngầm Bắc Triều Tiên. 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng và cái chết của họ là một thảm kịch quốc gia đối với Hàn Quốc.
Bởi vì sự việc xảy ra vào đúng dịp nước này tưởng niệm 115 nạn nhân thiệt mạng trong một vụ khủng bố nhắm vào chiếc máy bay của Korea Air có thể do các nhân viên tình báo Bắc Triều Tiên thực hiện năm 1987. Tổng thống phe bảo thủ Hàn Quốc Lee Myung Bak lên giọng và tuyên bố rằng từ nay, ông sẽ sử dụng quyền tự vệ trong trường hợp có các cuộc tấn công mới của Bắc Triều Tiên.
Trên tạp chí Herodote, năm 2011, Junghwan Yoo, giáo sư danh dự trường đại học Cheongju, nhớ lại, "cái tam giác cũ mà người ta từng gọi là phương bắc, bao gồm là Bắc Triều Tiên, Trung Quốc và Liên Xô trong thời chiến tranh lạnh, dường như đột nhiên tái xuất hiện. Ở phía nam, ba nước trong tam giác phương nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và đồng minh của họ là Hoa Kỳ, siết chặt hàng ngũ chống lại hiểm họa Bắc Triều Tiên".
11/2010, chiến tranh xẩy ra ở vùng biển phía tây bán đảo, trong khu vực căng thẳng được gọi là đường giới hạn phía Bắc – cũng còn được gọi là 5 đảo Hoàng Hải. Ngày 23/11/2010, một trận mưa pháo, với hơn 170 quả đạn, từ phương Bắc, trong vòng một giờ, đổ ập xuống Yeonpyeong, một hòn đảo nhỏ có 1890 dân sinh sống.
Hai binh sĩ và hai thường dân Hàn Quốc thiệt mạng. Cuộc tấn công này dường như nhằm trả đũa vụ bắn luyện tập của Hàn Quốc và đạn pháo có thể đã rơi xuống vùng biển của Bắc Triều Tiên. Các hình ảnh nhà cháy, cột khói bốc cao được đăng tải khắp nơi trên thế giới.
Đại bác của Hàn Quốc đáp trả nhưng ba dàn pháo bị hóc. Một phi đội F15 và F16 được điều tới khu vực, nhưng không nhận được lệnh khai hỏa : Bộ chỉ huy liên quân Mỹ-Hàn (Opcon) gạt bỏ mọi khả năng leo thang căng thẳng.
Theo chuyên gia John Delury, "Lúc đó, Hoa Kỳ đóng vai trò tác nhân duy trì ổn định, kiềm chế Hàn Quốc vì Seoul muốn tỏ ra ở thế tiến công. Ngày nay, chính quyền của Donald Trump tỏ ra không hiểu biết và thiếu chuẩn bị, thì sự năng động không còn như trước nữa". Hoa Kỳ trở thành một tác nhân gây căng thẳng đáng lo ngại trên bán đảo Triều Tiên.
RFI tiếng Việt
*************************
Bắc Triều Tiên tuyên bố có hàng triệu thanh niên xin tòng quân (RFI, 29/09/2017)
Theo hãng tin Yonhap, Bắc Triều Tiên, hôm qua 28/09/2017, đã tuyên bố có gần 4,7 triệu sinh viên và lao động trẻ tuổi đã xin tòng quân, hưởng ứng sau lời hứa sẽ đáp trả Hoa Kỳ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tuần trước.
Một tuần hành tại quảng trường Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, ngày 23/09/2017 (Ảnh do KCNA công bố ngày 24/09/2017) KCNA/via Reuters.
Theo nhật báo chính thức của Đảng Lao Động Triều Tiên, Rodong Sinmum, chỉ trong vòng 6 ngày gần đây, hàng triệu nam nữ thanh niên đã thể hiện ước nguyện gia nhập quân đội để đối đầu với quân đội Mỹ. Đã thành thường lệ, mỗi khi căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ gia tăng, Bình Nhưỡng luôn hung hăng tuyên bố nước này có rất nhiều công dân trẻ tuổi khao khát gia nhập quân đội để minh chứng tình đoàn kết dân tộc.
Trái với những tuyên bố hiếu chiến của Bắc Triều Tiên, bộ trưởng bộ Thống Nhất Hàn Quốc, theo Yonhap hôm nay 29/09/2017, lại tuyên bố mong muốn Bắc Triều Tiên cải thiện tình hình nhân quyền, đổi lại Hàn Quốc sẽ viện trợ nhân đạo cho người dân Bắc Triều Tiên. Bên cạnh đó, việc tăng cường hợp tác với các cơ quan Liên Hiệp Quốc về vấn đề nhân quyền ở miền Bắc cũng nằm trong dự kiến của bộ Thống Nhất Hàn Quốc.
Những nhiệm vụ này là một phần trong kế hoạch hành động năm 2017 của chính quyền tổng thống Moon Jae-In, một chiến lược kéo dài 3 năm nhằm cải thiện tình hình miền Bắc, dựa trên luật Nhân Quyền cho Bắc Triều Tiên, chính thức có hiệu lực vào tháng 9 năm ngoái dưới thời bà Park Geun-hye.
Duy Anh
***********************
Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc với trọng tâm là Bắc Triều Tiên (RFI, 28/09/2017)
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Trung Quốc hôm nay, 28/09/2017. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, có mặt tại Bắc Kinh đến ngày 30/09/2017, ông Tillerson sẽ thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc về một loạt các hồ sơ, từ chuyến công du Trung Quốc tháng 11/2017 của tổng thống Trump, đến khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Nhà Trắng ngày 26/09/2017. Reuters
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đồng ý về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hai bên còn bất đồng về cách đối phó với chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Trung Quốc, Heike Schmidt cho biết thêm :
"Trước khi đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc, Rex Tillerson đã chuẩn bị dư luận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định là Bắc Kinh đã có "những bước tiến rất dài theo chiều hướng tốt" khi ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Lần này, tổng thống Trump dường như tỏ thái độ ủng hộ ngoại trưởng Tillerson, khác hẳn với điều đã xảy ra trong chuyến công du Trung Quốc của lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 3/2017. Khi đó, một ngày trước khi ông Tillerson đến Bắc Kinh, tổng thống Trump đã viết trên mạng Twitter : "Trung Quốc chẳng giúp được gì nhiều" ( để thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng các chương trình phát triển hạn nhân). Tuyên bố ấy đã khiến Bắc Kinh giận giữ. Lần này thì khác. Cách nay hai ngày, cũng Donald Trump đã "hoan nghênh Bắc Kinh cắt đứt mọi giao dịch ngân hàng với Bình Nhưỡng".
Trong số những chủ đề mà ông Tillerson sẽ đề cập tới với phía Trung Quốc chắc hẳn sẽ có một vấn đề liên quan tới số liệu thống kê vừa được cơ quan thuế vụ Trung Quốc công bố : Tháng 8/2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,6 triệu tấn than của Bắc Triều Tiên, trái với quy định của Liên Hiệp Quốc hiện hành từ tháng 2/2017.
Liệu có nên tăng cường các biện pháp trừng phạt ? Nối lại đối thoại hay sử dụng vũ lực ? Trên tất cả những câu hỏi đó, tốt hơn hết là Washington và Bắc Kinh tìm ra đồng thuận trước khi tổng thống Donald Trump lần đầu đến Trung Quốc vào tháng 11 tới đây".
Gia tăng áp lực với Bắc Triều Tiên
Chuẩn bị tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ, bộ Thương Mại Trung Quốc trong buổi họp báo sáng nay (28/09/2017) cho biết Bắc Kinh đang "áp dụng toàn bộ" các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc : cấm nhập than đá và hải sản của Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Reuters, thông cáo này nhằm xua tan mọi nghi ngờ Bắc Kinh vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.
Về phía Malaysia, chính quyền Kuala Lumpur ngày 28/09/2017 thông báo cấm tất cả công dân nước này tới Bắc Triều Tiên. Hãng tin Reuter trích dẫn một thông cáo của bộ Ngoại Giao Malaysia cho biết như trên và nhắc lại rằng, cho tới nay Malaysia là một trong những quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt đẹp nhất với chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng quan hệ song phương đã xấu hẳn đi sau vụ người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un là Kim Jong Nam bị ám sát tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.
Còn tại Seoul một số các chuyên gia an ninh Hàn Quốc dự báo Bắc Triều Tiên sẽ còn tiếp tục bắn thử tên lửa hoặc thử vũ khí nguyên tử vào giữa tháng 10/2017, đúng vào lúc Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng cộng sản lần thứ 19.
Thanh Hà
Mỹ : Donald Trump hứa "giải quyết" khủng hoảng Bắc Triều Tiên (RFI, 27/09/2017)
Hoa Kỳ gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên với việc ban hành những biện pháp trừng phạt mới và đưa ra những lời cáo buộc mới, tuy Washington khẳng định vẫn muốn tìm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) họp báo chung với Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại Vườn Hồng Nhà Trắng,Washington ngày 26/09/2017. Reuters/Jonathan Ernst
Hôm qua, 26/07/2017, trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Tây Ban Nha tại Nhà Trắng, tổng thống Donald Trump một lần nữa tuyên bố là Hoa Kỳ "hoàn toàn sẵn sàng" cho việc sử dụng "phương án quân sự", cho dù "đây không phải là phương án ưu tiên của chúng tôi".
Tổng thống Hoa Kỳ chỉ trích những người tiền nhiệm của ông đã không giải quyết khủng hoảng này cách đây vài năm, khi còn "rất dễ". Ông Trump hứa : " Nhưng tôi sẽ giải quyết chuyện đó". Về phần mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố là Washington sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và hy vọng con đường này sẽ giúp chấm dứt khủng hoảng.
Tuy nhiên, hôm qua (26/09), trên mạng Twitter, tổng thống Trump lại cáo buộc chế độ Bình Nhưỡng đã "tra tấn tàn bạo quá sức tưởng tượng" sinh viên Mỹ Otto Warmbier. Bị bắt giam ở Bắc Triều Tiên từ tháng 01/2016, sinh viên 22 tuổi này đã qua đời tháng 6 vừa qua, một tuần sau khi được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê.
Bên cạnh đó, bộ Tài Chính Mỹ hôm qua loan báo những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào 8 ngân hàng Bắc Triều Tiên và 26 công dân Bắc Triều Tiên, bị xem là tham gia vào việc tài trợ cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đó là những ngân hàng và cá nhân hoạt động ở Trung Quốc, Nga, Libya và Liên hiệp các tiểu vương quốc Ả Rập.
Những biện pháp nói trên được ban hành trong khuôn khổ sắc lệnh mà tổng thống Trump ký vào tuần trước tại New York vào lúc đang diễn ra kỳ họp thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Trong khi đó, trước một ủy ban Thượng Viện Mỹ hôm qua, tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng quân đội Hoa Kỳ, cho rằng chẳng bao lâu nữa, Bắc Triều Tiên sẽ có tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng như vậy, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ đến Bắc Kinh vào cuối tuần này để chủ yếu thảo luận về khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên. Sau khi cáo buộc Trung Quốc đã không gây đủ áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng, hôm qua, tổng thống Trump đã khen ngợi Bắc Kinh về việc đã cắt đứt mọi quan hệ về ngân hàng với Bắc Triều Tiên, một điều "không ai dám nghĩ tới" chỉ cách đây hai tháng.
Thanh Phương
************************
Căng thẳng Triều Tiên - Mỹ đáng lo ngại ở mức nào ? (BBC, 26/09/2017)
Tổng thống Mỹ đã đe đọa sẽ "phá hủy hoàn toàn" Triều Tiên nếu đất nước của ông bị dồn vào thế buộc phải bảo vệ nước mình hoặc các đồng minh.
Liệu chiến tranh với Triều Tiên có thể xảy ra ?
Triều Tiên đã thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 6, đe dọa sẽ phóng tên lửa tới đảo Guam thuộc chủ quyền của Mỹ, đồng thời cho biết có thể sẽ thử bom hydro tại Thái Bình Dương.
Và tất cả những điều này thể hiện rằng Bình Nhưỡng có thể cuối cùng đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đủ để đưa vào một tên lửa xuyên lục địa - một viễn cảnh đáng sợ đối với Mỹ và các đồng minh Châu Á.
Đây có phải điềm báo về một bất đồng quân sự ?
Các chuyên gia cho rằng chưa có gì đáng lo ngại vì những lý do sau đây :
1. Không ai muốn chiến tranh
Đây là một trong những điều quan trọng nhất cần lưu ý. Chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên không phục vụ mục đích của ai.
Mục tiêu chính của chính phủ Bắc Hàn là tồn tại - và đối đầu trực tiếp với Mỹ là một điều nguy hiểm. Phóng viên quốc phòng của BBC Jonathan Marcus cho rằng bất kì cuộc tấn công nào của Triều Tiên hướng tới Mỹ hoặc các đồng minh của nước này trong hoàn cảnh hiện tại đều có thể gây ra một cuộc chiến lớn - và chúng ta cần cho rằng chính quyền Kim Jong-un không phải một chính quyền cảm tử.
Thực tế, đây là lý do vì sao Triều Tiên cố gắng hết sức để trở thành đất nước sở hữu hạt nhân. Sức mạnh này, theo lý do Triều Tiên đưa ra, có thể bảo vệ chính phủ bằng cách tăng chi phí để có thể lật đổ kế hoạch. Kim Jong-un không muốn đi vào vết xe đổ của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi hay cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.
Andrei Lankov từ Đại học Kookmin từ Seoul cho biết "có rất ít khả năng xảy ra xung đột" nhưng Triều Tiên đồng thời vẫn "không có hứng thú ngoại giao" ở thời điểm này.
"Họ muốn đạt được khả năng xóa sổ Chicago khỏi bản đồ đầu tiên, và sau đó mới nghĩ đến các giải pháp ngoại giao", ông Lankov nói.
Về việc Mỹ tấn công trước ?
Mỹ biết rằng một cuộc tấn công lên Triều Tiên sẽ buộc chính phủ nước này phải trả đũa lên các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Việc này sẽ dẫn đến một cuộc thảm sát, bao gồm sự thiệt mạng của hàng ngàn người Mỹ - quân nhân và dân thường.
Bên cạnh đó, Washington không muốn mạo hiểm để bất kì tên lửa đạn đạo nào phóng vào nội địa Mỹ.
Cuối cùng, Trung Quốc - đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng - đã giúp kiềm chế chính phủ Triều Tiên vì sự sụp đổ của nước này có thể gây ra thiệt hại chiến lược. Quân đội Mỹ và Hàn Quốc có mặt tại biên giới nước này không phải là điều Bắc Kinh muốn xảy ra - và đây là điều chiến tranh sẽ mang lại.
2. Những gì chúng ta thấy là những câu từ, không phải hành động cụ thể
Tổng thống Trump đã đe dọa Triều Tiên với ngôn ngữ khác thường đối với một Tổng thống Mỹ nhưng điều này không có nghĩa là Mỹ đang chủ động nhúng tay vào cuộc chiến.
Một cán bộ quân đội Mỹ nói với Reuters vào tháng 8 vừa rồi : "Chỉ một vài câu nói không có nghĩa là vị thế của chúng tôi thay đổi".
Phóng viên Max Fisher của tờ New York Times đồng tình, bình luận : "Điều quan trọng nhất trong quan hệ quốc tế là các tín hiệu cụ thể, không phải là những bình luận bất chợt của một lãnh đạo".
Trong tình hình căng thẳng hiện tại, chỉ một sự hiểu lầm cũng có thể dẫn tới chiến tranh
Hơn nữa, sau lần thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên vào đầu tháng 9 vừa rồi và những lần thử tên lửa qua Nhật Bản, Mỹ đã quay lại với kế hoạch an toàn : ép Bình Nhưỡng bằng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các cấm vận quốc tế.
Và các nhà ngoại giao của Mỹ vẫn đang tiếp tục lên tiếng hi vọng có thể trở lại bàn đàm phán - với sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Nga.
Những điều này gửi tín hiệu mâu thuẫn tới Bình Nhưỡng nhưng đồng thời làm giảm ảnh hưởng từ những phát ngôn mạnh bạo của tổng thống Trump.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một bước đi bị hiểu sai ý trong tình hình căng thẳng hiện nay có thể gây ra một cuộc chiến không đáng có.
"Có thể xảy ra trường hợp Bắc Hàn thiếu nhiên liệu, dẫn đến một lỗi sai bị hiểu lầm là nỗ lực gây chiến", Daryl Kimball từ Hiệp hội Kiểm soát quân sự Mỹ nói với BBC.
"Mỹ có thể mắc lỗi sai tại [vùng phi quân sự], Vì vậy có nhiều cách có thể khiến các bên tính toán sai khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát".
Một điểm đáng lưu ý là các máy bay đánh bom của Mỹ đã bay tới gần Bắc Hàn trong thời gian gần đây trong một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự.
Những ngày sau đó, Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Mỹ vì Tổng thống Trump đã "khiêu chiến" với Bắc Hàn - trích dẫn một bài viết trên trang Twitter của ông Trump.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên cáo buộc Mỹ khiêu chiến với nước này.
3. Đã từng có trường hợp như thế này xảy ra
Cựu Trợ lý Thư kí ngoại truởng PJ Crowley chỉ ra rằng Mỹ và Triều Tiên đã tiến gần tới xung đột quân sự vào năm 1994, khi Bình Nhưỡng từ chối để các thanh tra nước ngoài tới các khu phát triển hạt nhân. Ngoại giao đã chiến thắng.
Sau nhiều năm, Triều Tiên vẫn thường xuyên cố ý đe dọa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhiều lần đe dọa sẽ biến Seoul thành "biển lửa".
Và những lời nói của ông Trump - về nội dung hay cách nói - cũng không hẳn là chưa từng có đối với một vị Tổng thống Mỹ.
"Với nhiều cách diễn đạt khác nhau, dù không đa sắc bằng, nhưng Mỹ vẫn luôn luôn nói rằng nếu Triều Tiên có bao giờ tấn công, chính quyền của họ cũng sẽ khó mà tồn tại", ông Crowley viết.
Sự khác nhau lần này, ông bổ sung, là Tổng thống Mỹ đã thể hiện ông có thể sẽ là người khởi xướng cuộc chiến (mặc dù Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phủ nhận điều này.)
Phát ngôn khó đoán và hiếu chiến từ Nhà Trắng như thế này là điều hiếm khi xảy ra và khiến mọi người lo lắng, các nhà phân tích cho biết.
Hàn Quốc - nước đồng minh sẽ chịu tổn hại lớn nhất khi đối mặt với Triều Tiên - đã kêu gọi kiềm chế từ cả Bình Nhưỡng và Nhà Trắng.
Không ai muốn Kim Jong-un nghĩ rằng một cuộc tấn công sẽ xảy ra.
*******************
Bắc Triều Tiên càng bắn nhiều tên lửa chừng nào, nụ cười của Kim Jong-un càng rạng rỡ chừng nấy. Từ một tân lãnh đạo trẻ tuổi với vóc dáng vụng về, "mặt búng ra sữa", trong chưa đầy sáu năm, sau một loạt các vụ thử nguyên tử và tên lửa đạn đạo, cháu nội của cha đẻ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đang bắt cả thế giới phải "nể mặt".
Kim Jong-un và nụ cười khó hiểu. KCNA via Reuters
Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp trên trang mạng tờ báo Asialyst, tìm cách giải mã "nụ cười có phần gượng gạo" của lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Tác giả bài báo nhắc lại : Ngày 04/07/2017, đúng vào lễ quốc khánh Hoa Kỳ, bốn ngày trước sinh nhật lần thứ 105 cố lãnh tụ Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), Bình Nhưỡng bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mới chỉ cuối 2011, sau cái chết đột ngột của Kim Jong-il (Kim Chính Ân), những hình ảnh chính thức đầu tiên của "tân lãnh đạo tối cao" Bắc Triều Tiên cho thấy một Kim Jong-un, còn rất trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm và không được chuẩn bị để nhận lấy trách nhiệm trọng đại của một nguyên thủ quốc gia.
Sáu năm sau, Kim Jong-un đưa ra một hình ảnh khác hẳn. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên giờ đây đầy vẻ tự tin. Dù đang bị cô lập trên thế giới, cháu nội của Kim Nhật Thành thách thức cộng đồng quốc tế và đang mở cánh cửa của câu lạc bộ rất khép kín giữa các nước có trang bị vũ khí hạt nhân.
Vậy làm thế nào để giải thích sự thay đổi đó ở một nhà lãnh đạo, mà cho tới khi lên cầm quyền thay cha, thế giới hầu như không biết gì nhiều về ông ta ?
Trong hai năm đầu ở đỉnh cao quyền lực tại Bình Nhưỡng, mỗi lần xuất hiện trước công chúng, Kim Jong-un luôn có dáng điệu vụng về, lạc lõng. Nhưng từng bước, nét mặt của nhà lãnh đạo trẻ tuổi này thanh thản hơn. Kim Jong-un tự tin hơn với một nụ cười dù có phần gượng gạo. Nụ cười đó luôn gắn liền với gương mặt bầu bĩnh của Kim Jong-un trên mỗi tấm hình.
Nụ cười đó ẩn chứa những gì ?
Một nhà quan sát từng đưa ra nhận định : Trong chưa đầy sáu năm cầm quyền, Kim Jong-un bắn tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân nhiều hơn cả so với những gì thân phụ ông đã làm trong suốt cuộc đời.
Chuyên gia về Châu Á, Olivier Guillard, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp nhận định, Liên Hiệp Quốc đã ban hành khoảng một chục nghị quyết cấm vận Bắc Triều Tiên. Tất cả đều vô ích. Chỉ bốn ngày sau nghị quyết 2375 của Hội Đồng Bảo An, được ban hành hôm 11/09/2017, Bình Nhưỡng lại bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong đợt thử nghiệm gần đây nhất, hôm 15/09/2017, tên lửa của Bắc Triều Tiên bay ngang qua Nhật Bản trên một hành trình dài 3.700 cây số. Điều đáng nói là các quốc gia trong vùng, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và kể cả Hoa Kỳ đều lặng yên, không một ai dám bắn chặn tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cả Tokyo lẫn Washington cùng tìm cách biện minh cho thái độ thụ động đó và giải thích là vụ thử nghiệm lần này "không mang tính đe dọa". Hành trình của tên lửa Bắc Triều Tiên không nhắm vào các khu vực đông người của Nhật Bản, hay vào các căn cứ quân sự của Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, như là đảo Guam chẳng hạn. Tác giả bài viết đưa ra một giả thuyết đơn giản hơn : Có lẽ Nhật Mỹ và cả Hàn Quốc đều không dám phản ứng vì sợ chế độ Bắc Triều Tiên trả đũa.
Hãng thông tấn KCNA của Bắc Triều Tiên công bố hơn hai chục bức ảnh cho thấy Kim Jong-un tươi cười, đứng giữa một rừng sao của các vị tướng lĩnh Bắc Triều Tiên. Số này cũng hỉ hả vui sướng không kém. Chắc chắn là họ cảm thấy an tâm khi hoàn thành sứ mạng và được trông thấy nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt của vị "lãnh tụ tối cao". Nào là hình ảnh Kim Jong-un mở tiệc khoản đãi các nhà khoa học Bắc Triều Tiên góp phần cho thành tích của các chương trình tên lửa và hạt nhân Nước nhà. Nào là hình ảnh các chuyên gia đang giới thiệu với chủ tịch Quân ủy trung ương, vị nguyên soái Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, đầu đạn bom nhiệt hạch có thể được trang bị cho tên lửa hành trình.
Với chuyên gia Pháp, Olivier Guillard, đây là một "màn trình diễn" của chế độ Bình Nhưỡng. Trong một vài tháng trở lại đây, mỗi lần cộng đồng quốc tế ra một quyết định cô lập chế độ Bắc Triều Tiên, thì tại Bình Nhưỡng, những hình ảnh một ông Kim Jong-un "rạng ngời" và đầy tự tin, lại càng nở rộ. Người dân nước này vui sướng "đến điên cuồng". Những người chung quanh Kim Jong-un theo dõi từng cử chỉ, như uống từng lời nói, lắng nghe từng lời khuyên của "lãnh tụ".
Ở phía nam vĩ tuyến 38, không khí tại Seoul không được hoan hỉ như vậy
Nhật, Mỹ, Hàn và kể cả Trung Quốc đều thận trọng và chờ xem họ Kim còn khiêu khích tới đâu. Với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau bốn tháng cầm quyền, mỗi đòn khiêu khích của Kim Jong-un là một cú tát tai giáng vào chính sách chìa bàn tay thân thiện của Seoul.
Lãnh đạo Hàn Quốc lại càng trong thế khó xử, khi mà liên minh Seoul–Washington có dấu hiệu rạn nứt. Chính sách của Nhà Trắng đối với một đồng minh lâu đời như Hàn Quốc trong tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến quân sự đều khiến tổng thống Moon Jae-in hoang mang.
Ngay từ tháng 11/2016, khi nhà tỷ phú Mỹ Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Seoul sau giây phút ngỡ ngàng đã ý thức được rằng trục Mỹ - Hàn có nguy cơ bị lung lay, căng thẳng và bất ổn tăng cao trên bán đảo Triều Tiên.
Gần một năm qua, lo ngại đó không hề được xua tan.
Vậy phải làm gì để nụ cười biến mất khỏi gương mặt bầu bĩnh và còn "thơm mùi sữa" của Kim Jong-un mỗi lần ông ta khiêu khích cộng đồng quốc tế ?
Việt Nam, rồi Mexico hay Koweit có trục xuất các nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên vẫn không dập tắt nụ cười của lãnh đạo họ Kim. Tổng thống Trump càng "bắn" đi những tin nhắn trên Twitter với lời lẽ hung hăng chừng nào, thì ở Bình Nhưỡng "chàng" Kim lại càng hỉ hả chừng nấy. Kể cả khi cộng đồng quốc tế "đồng thanh" lên án Bình Nhưỡng bắn tên lửa và ban hành nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un vẫn tiếp tục cười.
Đó là nụ cười khoái trá của một người làm ngơ trước không biết bao nhiêu rào cản mà quốc tế đã đặt ra cho Bình Nhưỡng trong suốt hai thập niên qua ? Hay đấy là nụ cười của một nhà lãnh đạo tự mãn khi thấy đất nước mình đang trở thành một "cường quốc" không sợ bị bất kỳ một ai đe dọa nhờ có được hậu thuẫn của cả phía Bắc Kinh lẫn Moskva ? Phải chăng đấy là nụ cười đắc thắng của một quốc gia đang tiến gần đến đích, sắp có vũ khí hạt nhân trong tay để "cân bằng lực lượng" với Mỹ ?
Theo tính toán của Bình Nhưỡng lá bài "cân bằng lực lượng" với Mỹ bảo đảm cho chế độ được tồn tại. Nhưng cũng có lẽ là Bắc Triều Tiên còn nhìn xa hơn đến giai đoạn thống nhất bán đảo Triều Tiên ?
Olivier Guillard, chuyên gia về Châu Á Viện IRIS của Pháp cho là Paris, Luân Đôn, Bruxelles, Washington hay New York đều không dám nghĩ tới những kịch bản đó. Chỉ biết là sau những thành công cả về mặt quân sự lẫn khoa học gần đây, có lẽ những suy nghĩ của Bình Nhưỡng đã khác.
Thanh Hà
******************
Bắc Hàn cáo buộc Hoa Kỳ tuyên chiến (BBC, 26/09/2017)
Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn cáo buộc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên chiến với nước này và nói Bình Nhưỡng có quyền bắn hạ các máy bay ném bom của Hoa Kỳ.
Hàng chục ngàn người tại Bình Nhưỡng tham gia biểu tình tập thể trước biểu ngữ : "Chúng ta hãy đánh bại các chế tài của đế quốc với sự tự cường tiến bộ" để ca ngợi lời tuyên cáo của lãnh đạo Kim Jong-Un về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Ông Ri Yong-ho cho biết điều này có thể tiến hành ngay cả khi máy bay chiến đấu không ở trong không phận Bắc Hàn.
Nhà Trắng nói tuyên bố này "vô lý". Lầu Năm Góc cảnh báo Bình Nhưỡng ngừng các sự khiêu khích.
Một phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc nói rằng những trao đổi nóng nảy có thể dẫn đến những hiểu lầm chết người.
Bình luận của ông Ri là sự đáp trả cho dòng tin trên Twitter của ông Trump rằng lãnh đạo Bắc Hàn sẽ không "ở đây lâu nữa".
"Toàn thế giới nên nhớ rõ rằng chính Hoa Kỳ là nước đầu tiên tuyên chiến với đất nước chúng tôi", ông Ri nói với các phóng viên khi ông rời khỏi New York, nơi ông đã phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Bảy.
Hàng chục ngàn người biểu tình chống Hoa Kỳ tại Bình Nhưỡng hôm 23/9
"Kể từ khi Hoa Kỳ tuyên chiến với đất nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ có mọi quyền để tiến hành các biện pháp phản công, bao gồm quyền bắn hạ các máy bay ném bom chiến lược Hoa Kỳ ngay cả khi họ không nằm trong biên giới quốc gia chúng tôi".
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Hàn sử dụng cụm từ "tuyên bố chiến tranh" liên quan đến Hoa Kỳ. Phát biểu của ông Ri là cuộc khẩu chiến mới đây nhất giữa hai nước.
Ông Ri đưa ra tuyên bố trên hai ngày sau khi máy bay chiến đấu của Hoa Kỳ bay gần bờ biển Bắc Hàn để phô trương lực lượng.
Người phát ngôn Lầu Năm góc Đại tá Robert Manning đã phản ứng bằng cách nói rằng : "Nếu Bắc Hàn không ngừng các hành động khiêu khích, chúng tôi sẽ đảm bảo chúng tôi sẽ đưa ra các lựa chọn cho Tổng thống để đối phó với Bắc Hàn".
Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã có những lời qua tiếng lại ăn miếng trả miếng với nhau
Phản ứng trước lời phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Hàn hôm thứ Hai, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Lưu Kết Nhất nói với Reuters ngôn từ leo thang giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ đang trở nên quá nguy hiểm và giải pháp duy nhất là đàm phán.
"Chúng tôi muốn mọi thứ bình tĩnh lại. Sự việc trở nên quá nguy hiểm và chẳng ai có lợi cả", ông Lưu Kết Nhất nói với Reuters. "Chúng tôi hy vọng rằng (Hoa Kỳ và Bắc Hàn) sẽ thấy rằng không có cách nào khác ngoài đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ... Giải pháp thay thế khác là một thảm hoạ".
Stéphane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, cho hay : "Những cuộc đối thoại nóng nảy có thể dẫn đến những hiểu lầm chết người".
Ông nói thêm : "Giải pháp duy nhất cho vấn đề này là một giải pháp chính trị".
Đánh Bắc Triều Tiên : "Chậm lắm là trong sáu tháng ?"
Báo chí Pháp hôm nay tập trung vào hai chủ đề quốc tế : Tổng thống Macron và đề án cải cách sâu rộng Châu Âu, giải pháp quân sự của Mỹ trừng phạt Kim Jong-un trước khi Bắc Triều Tiên xua quân nam tiến.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un đáp trả phát biểu hiếu chiến của tổng thống Mỹ nhằm vào Bắc Triều Tiên, ngày 22/09/2017. KCNA via Reuters
Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Bắc Triều Tiên được Le Figaro trình bày dưới hai góc cạnh : Nhìn từ Washington, xu hướng dùng vũ lực đang được củng cố tại Nhà Trắng. Nhìn từ bán đảo Triều Tiên, Kim Jong-un đùa với lửa.
Thái độ cường điệu của tổng thống Mỹ là phản hồi của xu hướng đồng điệu ủng hộ giải pháp tấn công phòng ngừa. Cho dù phát ngôn viên Nhà Trắng bác bỏ quy buộc của Bình Nhưỡng "Mỹ tuyên chiến với Bắc Triều Tiên", cho dù khẳng định "ưu tiên cho biện pháp áp lực tối đa về kinh tế và ngoại giao" nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Washington ngày càng nghiêng về "quân sự".
Trước hết là cố vấn an ninh quốc gia, tướng H.R McMaster nói : "Chúng tôi hy vọng tránh chiến tranh với Bắc Triều Tiên nhưng không thể loại trừ khả năng này". Một tướng lĩnh khác, bộ trưởng quốc phòng James Mattis tiết lộ, trong số các kế hoạch quân sự, có phương án "đánh Bắc Bắc Triều Tiên mà không đặt Seoul vào tình trạng hiểm nguy".
Giới doanh nghiệp như Christopher Ruddy, lãnh đạo tập đoàn truyền thông bảo thủ Newsmax, nhận định "Trump rất bình tĩnh vì nghĩ rằng Kim Jong-un là một thằng điên. Tuy tổng thống Mỹ phản ứng chiến thuật nhiều hơn là chiến lược, nhưng tại Nhà Trắng, xu hướng chung là tấn công phòng ngừa".
Chủ nhân tập đoàn truyền thông Newsmax dự báo là "Donald Trump sẽ đánh trong vòng sáu tháng tới để giải quyết cuộc khủng hoảng này". Lý do thứ hai buộc Trump phải hành động. Đó là để khuyến cáo Iran, và bất kỳ một nước nào khác, không nên thách thức Mỹ.
Kim Jong-un đùa với lửa
Trong bài "Kim Jong-un đùa với lửa", từ Seoul, đặc phái viên Sebastien Falletti của Le Figaro cho biết một nguyên nhân khác có thể làm Donald Trump không thể nhượng bộ như người tiền nhiệm Richard Nixon vào năm 1969. Vào thời điểm đó, một máy bay trinh sát của Mỹ bị bắn hạ làm 31 quân nhân Mỹ tử vong khi áp sát lãnh thổ Bắc Triều Tiên, như trường hợp chiếc oanh tạc cơ B-1 hồi tuần trước.
Lần này, tình thế đã đổi khác. Ra-đa của Bắc Triều Tiên không phát hiện được máy bay tàng hình của Mỹ. Theo phân tích của chuyên gia Hàn Quốc Cheong Seong-chang, bên cạnh thực lực quân sự quá yếu kém so với Mỹ, Kim Jong-un còn tính toán sai lầm khi đùa với lửa.
Biết rõ không thể chiến thắng, Kim Jong-un chạy đua trang bị tên lửa và hạt nhân để "đẩy Mỹ ra xa" bán đảo Triều Tiên. Để làm gì ? Để thực hiện mục tiêu sau cùng là xua quân tấn công Hàn Quốc, thống nhất bán đảo. Lo ngại Mỹ đặt Hàn Quốc trước chuyện đã rồi với hệ quả tái diễn chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho dù đắc cử với cương lĩnh đối thoại, cũng phải tăng cường hệ thống tên lửa và lá chắn chống tên lửa. Thái độ bốc đồng của Trump và Kim đều nguy hiểm như nhau, đối với Seoul.
Cùng nhận định, nhật báo kinh tế Les Echos "bắt mạch" khủng hoảng Washington-Bình Nhưỡng qua phản ứng thị trường chứng khoán Châu Á. Giới đầu tư trong khu vực "tương đối hóa" những tuyên bố bốc lửa của Bình Nhưỡng, bởi vì chế độ họ Kim từ mấy chục năm nay vẫn lớn lối như thế và lần nào tổng thống Mỹ cũng nhượng bộ, kể cả khi bị bắn hạ máy bay trinh sát vào năm 1969.
Tuy nhiên, Les Echos cảnh báo : Tổng thống Mỹ hiện nay dường như "nghe sao hiểu vậy". Bình Nhưỡng coi chừng. Donald Trump đã hăm dọa : Kim Jong-un sẽ không còn quanh quẩn trong xóm được bao lâu nữa đâu.
Điều thay đổi làm giới chuyên gia lo ngại nhất không phải là lời đe dọa quá trớn của ngoại trưởng Bắc Triều Tiên "giành quyền bắn hạ máy bay Mỹ", mà là cách tiếp cận của Nhà Trắng như thế nào. Trong vòng mấy thập kỷ, nhà họ Kim liên tục lên gân rồi xoa dịu và được Mỹ nhượng bộ. Nhưng lần này, đụng một tổng thống thích trò leo thang. Nếu cảm thấy bị đe dọa, Trump có thể ra tay trước với hệ quả tai hại cho Bắc Triều Tiên lẫn toàn khu vực.
Cứu rỗi Châu Âu theo… Macron
Về thời sự Châu Âu, an ninh và chính trị vẫn là hai vấn đề nổi bật nhất. Le Figaro dành hai trang để báo động : Trước mối đe dọa của khủng bố, các thành phố lớn kêu gọi Châu Âu trợ giúp tài chính. Berlin, Luân Đôn, Barcelona, Nice, Liège… vào thứ sáu tới, hơn 30 thị trưởng kéo về Nice để ký một dự án hợp tác chống khủng bố Hồi giáo. 57 % dân Pháp còn tỏ ra ủng hộ những biện pháp an ninh tăng cường, tức là giới hạn bớt tự do, hiện đang được quốc hội bàn thảo.
Trái lại, dự án cải cách Châu Âu của tổng thống Pháp long trọng thông báo hôm qua tại đại học Sorbonne gây tranh luận mạnh mẽ. Tỏ ý đồng thuận, nhật báo Le Figaro chạy tựa lớn : Kế hoạch đầy cao vọng của Emmanuel Macron để cải cách Châu Âu, trong đó Pháp và Đức tiếp tục đóng vai trò trung tâm. Tổng thống Pháp không quên "dành một chổ đứng quan trọng cho Anh Quốc và các nước Balkan".
Trong bài xã luận "cuộc tranh luận về tương lai Châu Âu đã được Pháp khởi động", nhật báo cánh hữu nhắc lại lập trường thiếu dứt khoát của một loạt tổng thống Pháp từ J.Chirac cho đến F.Hollande trên các hồ sơ nhiều tham vọng từ quốc phòng cho đến di dân nhập cư, nông nghiệp. Các đề nghị không đủ mạnh để thu hút công luận ủng hộ. Từ nay, Macron "đảo ngược" tình thế này, đưa ra một mô hình phát triển nhiều vận tốc, trong đó ai cũng có chổ đứng.
Trong khi đó, Le Monde thận trọng hơn, nhấn mạnh đến những khác biệt quan điểm và ưu tiên của Pháp và Đức. Tổng thống Pháp muốn củng cố đồng tiền chung, lập ngân sách chung với một bộ trưởng tài chính và một nghị viện. Trái lại Berlin đang ưu tư về vấn đề di dân nhập cư, vừa làm cho bà Angela Merkel mất đi một số cử tri, và chuyện Anh Quốc ra đi.
Nhật báo Libération, đưa lên trang bìa chân dung tổng thống Macron và chơi chữ : "Người hùng của nhà giàu, sứ thần của Châu Âu". Tuy nhiên, trung thành với vai trò của nhật báo độc lập, Libération dành hai cột báo để phân tích "5 hướng để kích thích Châu Âu đang hụt hơi".
Nhật báo La Croix, mượn ý kinh thánh, chạy tựa dí dỏm : "Châu Âu theo thánh Macron". Vấn đề nghiêm trọng nhất, đáng chăm lo nhất, theo La Croix, là số phận di dân và thuyền nhân : Vì sao Đức Giáo hoàng khăng khăng ủng hộ và kêu gọi ủng hộ đón tiếp di dân tị nạn một cách nhân đạo ?
Bài xã luận "Những khuôn mặt" giải thích : Tín đồ Thiên Chúa Giáo biết rõ, một mình họ đóng góp thì không thể nào đủ sức đối phó với thảm nạn quy mô này. Chiến dịch toàn cầu của tổ chức thiện nguyện Công giáo Caritas đang được phát động, đi đúng hướng đánh thức lương tâm nhân loại, giúp đỡ cho di dân hai lần bất hạnh, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, người già, phụ nữ , trẻ em, vừa thoát thảm cảnh chiến tranh, áp bức lại rơi vào nghịch cảnh phân biệt đối xử.
Trong lĩnh vực kinh tế, hai thông tin được báo chí Pháp tường thuật và bình luận nhiều là chuyện hai tập đoàn công nghệ cao cấp Alstom của Pháp và Siemens của Đức sáp nhập và do Đức lãnh đạo. Nguyên nhân chính là để đối phó với cạnh tranh của Trung Quốc nhưng thêm một ngôi sao kỹ nghệ Pháp lọt vào tay nước ngoài. Tin thứ hai phấn khởi hơn : Chủ tịch nghiệp đoàn chủ nhân Pháp, hướng dẫn một phái đoàn doanh nhân hùng hậu, sang Ấn Độ chinh phục thị trường.
Con người có thể thoát khỏi tình trạng hôn mê sâu ?
Một thông tin phấn khởi khác là một nhóm nghiên cứu Y khoa Pháp, đại học Lyon, thành công vực dậy một bệnh nhân từ trạng thái hôn mê thực vật suốt 15 năm nay trở về trạng thái ý thức tối thiểu. Phương pháp này là dùng điện kích thích thần kinh phế vị từ một máy phát tín hiệu gắn trong thân thể.
Tú Anh
Bắc Kinh tìm cách đối phó trước nguy cơ Bắc Triều Tiên rối loạn
Bầu cử Đức hôm 24/09/2017, tiếp tục là chủ đề chính. Trang nhất Le Monde : "Merkel thắng lợi, nhưng suy yếu. Đột phá lịch sử của cực hữu". Libération đặt câu hỏi : "Tại sao nước Đức lung lay ?", La Croix tìm hiểu "Những lý do làm Đức bất an". Le Figaro báo động : "Dự án Châu Âu của Pháp bị bầu cử Đức gây khó". Trước hết xin giới thiệu bài phân tích của Le Monde về "nguy cơ sụp đổ Bắc Triều Tiên nhìn từ Trung Quốc", trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân ngày một trầm trọng, bóng ma chiến tranh lơ lửng.
Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Joseph Dunford và tướng Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) nhân buổi ký thỏa thuận trao đổi thông tin, ngày 15/08/2017, tại Bắc Kinh. Ảnh : Reuters
Bài "Trung Quốc đặt câu hỏi về tương lai Bắc Triều Tiên", của nhà báo Brice Pedroletti - thông tín viên của Le Monde tại Trung Quốc - mở đầu với nhận xét : "Chính quyền của ông Tập Cận Bình rất thiếu sáng kiến trong hồ sơ Bắc Triều Tiên". Bắc Kinh chỉ quan sát thụ động, trong lúc oanh tạc cơ Hoa Kỳ bay sát biên giới Liên Triều, cùng lúc với việc tổng thống Mỹ đe dọa "sớm xóa số" chế độ Bình Nhưỡng, còn ngoại trưởng Bắc Triều Tiên thì gọi tổng thống Trump là "kẻ rối trí".
Trên thực tế, trong bối cảnh này, nhiều nhà quan sát đồng ý với nhau ở một điểm, đó là Bắc Kinh không thể không dự kiến "các kế hoạch khẩn cấp", trong trường hợp rối loạn xảy ra.
Điều này phần nào được thể hiện qua tiếng nói của một số học giả Trung Quốc. Trong một bài viết được công bố ngày 11/09/2017, trên trang mạng đại học Úc East Asia Forum, ông Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) – chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế Đại Học Bắc Kinh – nhận định là "trong một thời gian dài Trung Quốc kháng cự lại kêu gọi của Mỹ và Hàn Quốc, chuẩn bị một số kịch bản khẩn cấp về Bắc Triều Tiên", nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải sớm thay đổi lập trường.
Cụ thể là Trung Quốc sẽ phải thảo luận về việc kiểm soát hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, để tránh mọi nguy cơ lọt ra ngoài. Tiếp đó, Bắc Kinh cũng phải dự kiến đưa quân sang bên kia biên giới, lập "các trại tiếp đón" tại chỗ, để ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Bắc Triều Tiên tràn sang.
Trong trường hợp "khủng hoảng", có nghĩa là "chế độ sụp đổ", học giả Trung Quốc nhấn mạnh là cần phải có sự chuẩn bị để "lập lại trật tự", với quân đội Hàn Quốc hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Tiếp theo đó, cần dự kiến "lập một chính phủ mới dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế", hoặc một "cuộc trưng cầu dân ý về tái thống nhất, được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn".
Chỉ huy quân đội Mỹ-Trung gặp gỡ tại biên giới
Theo chuyên gia Mathieu Duchatel (Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu), đối với Bắc Kinh, "công khai thừa nhận đang chuẩn bị kế hoạch đối phó khẩn cấp cùng với Mỹ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khép cửa với đàm phán đa phương". Tuy nhiên, phóng viên Le Monde đặt câu hỏi : Phải chăng trên thực tế chính Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu rậm rạp chuẩn bị cho các thảo luận như vậy ?
Giữa tháng 8/2017 vừa qua, tư lệnh quân đội Mỹ, tướng Joseph Dunford, đã được chính quyền Trung Quốc mời đến căn cứ quân sự Hải Thành (Haicheng), thành phố Thẩm Dương (Shenyang), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), trụ sở của lực lượng kiểm soát vùng biên giới với Bắc Triều Tiên. Ít có thông tin nào lọt ra về nội dung thực sự của các thảo luận, tuy nhiên, tướng Dunford tuyên bố với báo giới Mỹ là đã nói chuyện về đồng nhiệm Trung Quốc "về các giải pháp quân sự trong trường hợp áp lực ngoại giao và kinh tế thất bại".
Một thỏa thuận đầu tiên đã được ký kết nhằm "tăng cường trao đổi thông tin về các hoạt động trên thực địa giữa hai quân đội Mỹ và Trung Quốc". Nhà nghiên cứu Michael Kovrig – phụ trách mảng Đông Bắc Á của viện tư vấn International Crisis Group, có trụ sở tại Bỉ - khẳng định chuyến công du nói trên "rất có ý nghĩa", bởi đây là "bước đi đầu tiên", cho phép tránh được các sai lầm trong tính toán trong trường hợp khủng hoảng bùng phát.
Bắc Kinh được cảnh báo không nên lầm bạn với thù
Đòi hỏi sẵn sàng đối phó với rối loạn Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc không phải là mới. Ngay từ năm 2009, viện tư vấn ICG đã ghi nhận sự tồn tại của hai nhóm cố vấn, vào thời điểm Bình Nhưỡng rời đàm phán 6 bên và tiếp tục thử hạt nhân lần thứ hai. Nhóm theo quan điểm "truyền thống" chủ trương tình bạn bất di bất dịch với Bình Nhưỡng, trong khi đó nhóm được gọi là "chiến lược gia" cổ vũ cho hợp tác với Hoa Kỳ, vì lợi ích Trung Quốc.
Năm 2013, sau khi Bình Nhưỡng thử bom lần ba, một phó tổng biên tập tạp chí của Trường Đảng Bắc Kinh thậm chí còn kêu gọi "bỏ rơi Bắc Triều Tiên", và "chủ động tìm sáng kiến hậu thuẫn cho việc tái thống nhất Bắc Triều Tiên, dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc".
Tuy tác giả bài viết bị kỷ luật, nhưng lời kêu gọi đã được Bắc Kinh tiếp thu một phần, điều này được thể hiện qua chính sách xích lại với Hàn Quốc, cũng từ năm này.
Le Monde nhắc lại ý kiến của sử gia về chiến tranh Triều Tiên, ông Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua) người Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh trừng phạt các công ty Hàn Quốc, vì Seoul triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Theo ông, hiệp ước đồng minh Trung – Triều hiện chỉ còn là "một tờ giấy lộn", Bắc Kinh không nên lẫn bạn với thù : "Bắc Triều Tiên đã trở thành một kẻ thù tiềm tàng, Hàn Quốc là một quốc gia bạn hữu".
Vũ khí laser chống tên lửa Bắc Triều Tiên
Về "chiến lược của Hoa Kỳ" trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, báo Le Figaro có bài nhận định của nhà báo Renaud Girard. Tác giả dự báo hai biện pháp mạnh mà Washington đang tìm cách triển khai. Song song với đe dọa cấm cửa về tài chính đối với các công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ tái khởi động "chương trình chiến tranh giữa các vì sao", của tổng thống Reagan trước đây. Theo đó, các vệ tinh địa tĩnh sử dụng tia laser có thể sẽ được phát triển để đánh lạc hướng các hỏa tiễn của Bình Nhưỡng, ngay trong giai đoạn phóng lên đầu tiên.
Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy cũng có nguy cơ thúc đẩy "một cuộc chạy đua vũ trang vô ích giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga…".
Đến nước Đức cũng bị "quá khứ hắc ám" chi phối
Trở lại với cuộc bầu cử Quốc hội Đức, Libération hết sức thất vọng. Bài xã luận "Những bóng ma" cảm thán : "Cả nước Đức nữa !... Cộng hòa liên bang Đức, một mô hình dân chủ ổn định, mà dân chúng, cũng như giới tinh hoa, đã rút ra được bài học lịch sử về thảm họa… một nước Đức, thành lũy bảo vệ Liên Hiệp, trụ cột của nền văn hóa hợp tác và thỏa hiệp, gắn bó hơn ai hơn với những mối quan hệ cộng đồng bảo đảm cho nền hòa bình tại Châu Âu, một nước Đức mạnh mẽ và ôn hòa, nay đến lượt mình cũng bị lây nhiễm".
Libération cảnh báo : "Làn sóng mị dân và dân tộc chủ nghĩa, mà người ta những tưởng đã bị ngăn lại sau chiến thắng của Emmanuel Macron tại Pháp, và những khó khăn của nước Anh với kế hoạch hậu Brexit, vẫn tiếp tục hoành hành. Nếu không có một dự án bảo vệ người dân, không một cương lĩnh chung, không một chính sách mạch lạc và một quyết tâm được thể hiện rõ ràng, thì Liên Hiệp Châu Âu dân chủ sẽ không ngừng lui bước trước những bóng ma sống, hiện thân của một quá khứ hắc ám".
Vẫn Libération nhận định : "Kế hoạch (cải cách) Châu Âu của tổng thống Pháp bị đình lại", trước hết là kế hoạch cải tổ khu vực đồng euro, với việc lập một ngân sách và một bộ trưởng tài chính riêng của khối các nước này.
Hậu bầu cử Đức : Cải cách Châu Âu bị đe dọa
Kết quả bầu cử Đức ảnh hưởng trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, hiện đang trong giai đoạn tìm đường cải cách. Xã luận Le Monde – với tựa đề "Merkel, nhiệm kỳ thứ tư đầy rủi ro", nhận xét : chắc chắn là bà Merkel sẽ lại đứng đầu chính phủ Đức trong nhiệm kỳ tới, nhưng hiện nay, không ai có thể đoán được trước là thủ tướng Đức sẽ điều hành đất nước cùng các đảng phái nào. Liên đảng CDU/CSU suy yếu, đảng Xã Hội Dân Chủ thì bị nốc ao.
Nước Đức chuẩn bị bước vào "giai đoạn thương lượng" lập chính phủ, giai đoạn chắn chắn sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Tình hình tương tự như năm 2013, hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị giảm tốc. Do tỉ lệ ủng hộ cao dành cho đảng cực hữu AfD, và cả cánh tự do, chính phủ Đức dường như sẽ không thể "đoàn kết nhiều hơn" với các thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu, trong các vấn đề chung của khối như đón tiếp người tị nạn, chính sách tài chính hay năng lượng.
Báo Les Echos ghi nhận phản ứng từ phía thủ tướng Đức : "Trong bối cảnh chiến thắng mong manh, bà Merkel khẩn nài các đối tác Châu Âu kiên nhẫn". Thủ tướng Merkel hứa hẹn sẽ hành động có trách nhiệm trong "giai đoạn chuyển tiếp" hiện nay. Trong phát biểu hôm qua, Angela Merkel nhấn mạnh trước hết đến việc "bảo vệ biên giới Liên Âu" và "một đồng euro ổn định", hai chủ đề thu hút cử tri của đảng cực hữu AfD.
Về phía Pháp, Les Echos khẳng định thái độ không thụ động của chính phủ. Hôm nay, tổng thống Emmanuel Macron trình bày quan điểm về cuộc tái lập Liên Hiệp Châu Âu, mà ông chủ trương, tại Đại Học Sorbonne. Một dự án mà tổng thống Pháp muốn thúc đẩy cùng với một nhóm nước, đứng đầu là Đức.
Dự án của tổng thống Pháp mang tên "Châu Âu có chủ quyền, dân chủ và thống nhất". Theo tổng thống Pháp, chỉ thống nhất, Liên Âu 27 nước mới có thể kháng cự hiệu quả trước các thách thức toàn cầu, về tài chính, nhập cư hay khí hậu.
Kế hoạch đầu tư 57 tỉ của Pháp : ưu tiên môi trường
Về Pháp, theo Les Echos, hôm qua, chính phủ công bố kế hoạch đầu tư lớn 57 tỉ euro trong vòng 5 năm, trong đó chuyển sang kinh tế sinh thái và đào tạo nghề là hai lĩnh vực được ưu tiên. 20 tỉ cho chuyển đối sang kinh tế xanh và 15 tỉ cho đào tạo nghề.
Riêng về đầu tư cho sinh thái, phân nửa số tiền được dành cho việc cải tạo hệ thống cách nhiệt nhà ở (với 9 tỉ euro), một phần tư dành để phát triển các phương tiện giao thông không gây ô nhiễm, đặc biệt là để cải tổ hệ thống đường sắt.
Ngày càng ít phụ nữ dùng thuốc ngừa thai
Trong lĩnh vực xã hội, Libération chú ý đến việc ngày càng nhiều phụ nữ Pháp không dùng thuốc ngừa thai. Năm nay là đúng 50 năm kỷ niêm dịp thuốc ngừa thai được phổ biến. Với khả năng tránh thai hiệu quả, thuốc được coi là một biện pháp giải phóng phụ nữ quan trọng. Tuy nhiên, một kết quả điểu tra về vấn đề này công bố hôm qua – trước Ngày Thế Giới Phòng Tránh Thai - cho hay, tỉ lệ phụ nữ từ 20 đến 24 dùng thuốc tránh thai giảm từ 45% năm 2010 còn 36% trong năm ngoái.
Lý do là vì ngày càng nhiều phụ nữ nghi ngờ ngành công nghiệp dược phẩm, khi một số thực tế gần đây với cuộc khủng hoảng 2012 cho thấy thuốc tránh thai có thể để lại nhiều hậu quả phụ về tim mạch hay hô hấp. Để bảo đảm việc chủ động sinh nở, các biện pháp dùng bao su hay vòng tránh thai được dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo Le Monde, thuốc tránh thai vẫn là biện pháp ưu tiên đối với các thiếu nữ (15 đến 19 tuối), với tỉ lệ 60%.
Trọng Thành