Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tòa án tối cao Mỹ cho phép New York đòi Donald Trump nộp bản khai thuế (RFI, 10/07/2020)

Một thất bại đối với tổng thống Donald Trump : Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 09/07/2020 quyết định rằng công tố viên New York có quyền đòi hỏi bản khai thuế của ông Trump.

toaan1

Trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ tại Washington ngày 03/05/2020. Reuters - Will Dunham

Tuy nhiên cơ quan tư pháp cao nhất nước Mỹ vẫn tạm thời ngăn không cho Hạ Viện tiếp cận các tài liệu về tài chính của ông chủ Nhà Trắng.

Yêu cầu của công tố viên Cyrus Vance được đưa ra trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ một nữ diễn viên phim khiêu dâm nhận tiền để giữ im lặng về quan hệ với ông Trump trước đó.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :

 "Không có một công dân nào và ngay cả tổng thống có thể tránh né việc cung cấp các tài liệu trong trường hợp bị điều tra hình sự" - Tòa án Tối cao quyết định như trên. Nhưng cơ quan tư pháp tối cao của nước Mỹ vẫn cho phép ông Donald Trump phản biện trước tòa, việc này có thể kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên tổng thống vẫn đòi hỏi phải được quyền miễn trừ toàn bộ. Ông tức giận, tố cáo một quyết định mang ý đồ chính trị.

Ông Donald Trump tuyên bố : "Đó là một cuộc săn đuổi phù thủy mang tính chính trị, chưa từng thấy bao giờ. Một cuộc săn phù thủy đơn thuần, một trò dàn dựng hoàn toàn chính trị. Trò săn phù thủy này vẫn tiếp tục, và nó đã bắt đầu từ trước khi tôi đặt chân vào đây, khi Obama, Biden và những người khác dọ thám chiến dịch tranh cử của tôi một cách bất hợp pháp".

Trong phán quyết thứ nhì, tòa tối cao không chấp nhận đòi hỏi của Hạ Viện do phe Dân Chủ chiếm đa số - yêu cầu tổng thống Donald Trump phải cung cấp các bản khai thuế - mà chuyển xuống các tòa án cấp thấp hơn. Như vậy các bí mật về tài chính của ông Donald Trump chắc chắn sẽ không bị tiết lộ trước kỳ bầu cử tổng thống.

Joe Biden hứa bơm 700 tỉ đô la vào nền kinh tế nếu đắc cử

Trong khi đó đối thủ của ông Trump hôm qua trình bày một kế hoạch tái thúc đẩy đầy tham vọng với 700 tỉ đô la. Cựu phó tổng thống Joe Biden, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, muốn tung cú đòn lớn sau ba tháng chật vật với chiến dịch tranh cử trong đại dịch.

Kế hoạch "Build Back Better" (Tái thiết tốt hơn) của Biden dành 400 tỉ đô la để mua sản phẩm và thiết bị nhằm hiện đại hóa hạ tầng, tái lập kho dự trữ để bảo đảm an toàn ; và 300 tỉ đô la cho nghiên cứu phát triển, sáng tạo công nghệ. Chương trình này hy vọng giúp 18 triệu người thất nghiệp vì dịch virus corona tìm được chỗ làm, đồng thời tạo thêm 5 triệu việc làm mới nhờ đầu tư công ồ ạt trong 4 năm.

Ông bảo đảm tiền từ ngân sách Nhà nước sẽ được dùng để mua hàng Mỹ và hỗ trợ công ăn việc làm của người Mỹ. Để tài trợ cho kế hoạch và giữ chân sản xuất tại Mỹ, Joe Biden dự kiến tăng gấp đôi thuế lợi tức với các công ty đặt ở nước ngoài. Đưa sản xuất trở về nước, chống lại thương mại bất công với Mỹ : Joe Biden sử dụng cùng một lý lẽ đã giúp Donald Trump chiến thắng năm 2016, nhưng theo Biden thì ông Trump "là một người tệ hại để lãnh đạo đất nước".

Thụy My

*******************

Covid-19 : Châu Mỹ lún sâu vào vực thẳm (RFI, 10/07/2020)

Thêm hơn 65.000 ca lây nhiễm virus corona trong một ngày tại Mỹ, hệ thống y tế tại Panama "vỡ trận", quyền tổng thống Bolivia dương tính với Covid-19.

toaan2

Hệ thống bệnh viện ở Panama được cho là bị "vỡ trận". Một khoa hồi sức cấp cứu tại bệnh viện Dr. Arnulfo Arias Madrid Hospital, Panama ngày 04/07/2020. AFP - LUIS ACOSTA

Tính đến 8 giờ 30 tối ngày 09/07/2020, Mỹ ghi nhận thêm 65.500 ca dương tính với virus corona và 1.000 bệnh nhân tử vong, theo thẩm định của đại học Johns Hopkins. Trên toàn quốc, nước Mỹ đã có tổng cộng 3,11 triệu người bị nhiễm.

Bác sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng, nói đến "tình trạng rất khó khăn" của nước Mỹ trước dịch Covid-19. Ông mạnh mẽ chỉ trích các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa bất cẩn, và các quyết định "xem thường tất cả những khuyến nghị". Trả lời báo The Hill qua cầu truyền hình, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh truyền nhiễm quốc gia Hoa Kỳ cho rằng "các bang phải tạm ngừng tiến trình xóa bỏ các biện pháp phong tỏa" và điều đó không có nghĩa là phải "đóng cửa hoàn toàn" các sinh hoạt trên toàn quốc.

Mặc dù số ca nhiễm virus corona tại Mỹ tăng lên từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, tổng thống Trump cho đến hôm 09/7 vẫn khẳng định là tình hình đã khả quan hơn và số bệnh nhân tăng mạnh nhờ Mỹ cho xét nghiệm ồ ạt.

Nam Mỹ ʺvỡ trậnʺ

Sát cạnh với Hoa Kỳ, hôm 09/07/2020 cũng là ngày Mêhicô có số bệnh nhân cao nhất từ đầu mùa dịch với thêm 7.280 ca được phát hiện trong một ngày. Trên tổng số 127 triệu dân, Mêhicô sắp chạm ngưỡng 290.000 ca nhiễm và đã có 33.526 người tử vong. Mêhicô đứng thứ 5 trên thế giới về thiệt hại nhân mạng.

Trong khi đó hệ thống y tế Panama đã bị quá tải. Với vỏn vẹn 4 triệu dân, quốc gia này có lúc đã ghi nhận thêm hơn 1.000 ca dương tính với virus corona trong một ngày. Bác sĩ David Villalobos, giám đốc khoa cấp cứu tại thủ đô Panama báo động "hệ thống y tế nước này đã hoàn toàn sụp đổ. Không còn một bệnh viện nào ở thủ đô có thể đón nhận thêm bệnh nhân".

Tại La Paz, quyền tổng thống Bolivia bà Jeanine Anez ngày 09/07/2020 cho biết bị nhiễm Covid-19, hiện tại sức khỏe vẫn tốt. Ba thành viên trong nội các cũng đã bị nhiễm bệnh. Sau tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, bà Jeanine Anez là lãnh đạo Nam Mỹ thứ nhì dương tính với virus corona chủng mới. Brazil tính đến ngày 10/07/2020 đã có hơn 69.000 bệnh nhân tử vong và hơn 1,75 triệu người bị nhiễm virus corona.

Thanh Hà

*********************

Virus corona : Số ca nhiễm tại Mỹ vượt ngưỡng 3 triệu (RFI, 09/07/2020)

Dịch virus corona tiếp tục lây lan ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Mỹ. Đã có hơn 60 nghìn ca nhiễm Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch vượt qua ngưỡng 3 triệu người. Tổng số các ca tử vong là 132.000 người. Trên đây là thống kê do hãng tin Reuters thực hiện cuối ngày 08/07/2020, trên cơ sở những dữ liệu chính thức.

toaan3

Người dân đeo khẩu trang xếp hàng trước một thương xá, tại Edgewater, New Jersey, Hoa Kỳ ngày 08/07/2020. Reuters - Mike Segar

Theo số liệu báo cáo của các bang, 42 bang trên 50 bang của Hoa Kỳ có số ca nhiễm mới hàng ngày tăng. Riêng các bang như Tennessee và Utah có số ca nhiễm hàng ngày bùng phát mạnh. Trong khi đó, tổng thống Donald Trump tiếp tục vận động tranh cử với các cuộc mít tinh lớn. Đại diện cơ quan y tế của Tulsa (bang Oklahoma) cho rằng dường như cuộc tập hợp vận động tranh cử của tổng thống tại thành phố này hồi tháng trước đã góp phần làm gia tăng số ca nhiễm mới trong những ngày qua.

Ngày 08/07, hai trường đại học danh tiếng của Mỹ Harvard và Massachusetts Institute of Technology (MIT) cho biết sẽ khởi kiện việc bộ An Ninh Nội Địa dự kiến trục xuất khỏi Hoa Kỳ các sinh viên nước ngoài phải theo học từ xa toàn bộ chương trình vào năm học tới.

Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet, giải thích :

"Để bảo đảm visa sinh viên không cấp cho những người đến Mỹ chỉ để tìm việc làm, luật bắt buộc các sinh viên nước ngoài phải trực tiếp dự các khóa học đã đăng ký. Ngoại lệ được chấp nhận cho sáu tháng đầu năm nay vì dịch Covid-19, nhưng chính phủ chiếu theo luật trên dự kiến trục xuất tất cả các sinh viên theo học toàn bộ từ xa vào đầu năm học tới. Harvard và MIT cho rằng đã được thông báo quá trễ và gọi đây là quyết định độc ác.

Leo Fresco, luật sư chuyên về di dân, lý giải : Thí dụ bạn là người Trung Quốc hay Ấn Độ, là sinh viên, vì lý do y tế, bạn phải giữ cách ly, làm sao bạn có thể rời khỏi Mỹ, đi bằng máy bay mà không bị đau ốm ? Có nhiều vấn đề tiềm ẩn và vì lẽ đó mà có chuyện kiện cáo. Các trường đại học phàn nàn là không có ngoại lệ nào được dự kiến khi họ được thông báo rằng tất cả các sinh viên theo học từ xa sẽ phải rời khỏi nước Mỹ.

Thách thức còn là vấn đề tài chính của các trường đại học Mỹ. Các sinh viên nước ngoài thường phải trả học phí rất cao và sự có mặt của họ góp phần đáng kể cho ngân sách của các trường ở Mỹ. Riêng ở Harvard và MIT đã có 9.000 sinh viên nước ngoài trên tổng số hơn một triệu ở cả nước Mỹ".

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tổng hợp
Published in Quốc tế

Bầu cử Tổng thống Mỹ : Tập Cận Bình "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump

Quan hệ Mỹ - Trung vẫn luôn thu hút sự quan tâm của báo Pháp. Đáng chú ý là bài viết của cây bút thời luận nổi tiếng Alain Frachon trên Le Monde : "Tập Cận Bình bỏ phiếu ủng hộ Donald Trump". Ủng hộ phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ gần như đã trở thành truyền thống của Đảng cộng sản Trung Quốc.

trumptap1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Trung Quốc, ngày 09/11/2017. AP - Andrew Harnik

Theo cây bút thời luận Alain Frachon, đó không chỉ là nhằm tôn vinh việc tổng thống Richard Nixon (1913-1994) bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung với Mao Trạch Đông, không chỉ là vì đảng Cộng hòa thường ít "lên lớp" Trung Quốc về nhân quyền hơn so với phe Dân chủ Mỹ, mà chủ yếu vì đảng Cộng hòa nói chung thực tế hơn trong chính sách đối ngoại, nhất là về việc làm thế nào để thu được nhiều lợi nhuận.  

Đối với kỳ bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 cũng vậy. Theo Alain Frachon, Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ "giơ cả hai tay" ủng hộ Donald Trump. Mặc dù ông Trump là nguyên thủ Mỹ đầu tiên tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc, đối đầu trực diện với Bắc Kinh thông qua các biện pháp tăng thuế quan, tố cáo chính sách cạnh tranh bất bình đẳng về thương mại và tấn công mạng của Trung Quốc… nhưng điều đáng nói là cách hành động của Trump không mang lại gì đáng kể cho Mỹ. Bắc Kinh vẫn có thể "ăn miếng trả miếng". Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hồi tháng Giêng 2020, hai bên đã "tạm đình chiến".

Mặc dù phe của tổng thống Trump sau đó lại tiến hành "chiến dịch cuồng loạn bài Trung Quốc", coi tất cả đều là lỗi của Bắc Kinh : thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Covid-19 đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, đối với Trung Quốc, tổng thống Trump có hai "phẩm chất" quan trọng : không nhất quán và thiếu năng lực.

Biết đánh vào "cái tôi" rất lớn của nguyên thủ Mỹ, khi đón tiếp tổng thống Mỹ tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017, chủ tịch Trung Quốc đã hết lời tâng bốc ông Trump và giành được sự biết ơn của tổng thống Mỹ. Donald Trump gọi Tập Cận Bình là "chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc" và "nể nang", không đả động đến hồ sơ nhân quyền.

Nhưng Trump còn mang lại một lợi thế khác cho Bắc Kinh : ông Trump một mình tiến hành chính sách chống Trung Quốc, đối xử trịch thượng, coi thường hoặc chê bai các đồng minh Châu Âu và Châu Á. Nếu Joe Biden làm tổng thống, ông ấy sẽ làm điều ngược lại. Khi xác định và áp dụng chính sách đàm phán cứng rắn với Trung Quốc, đảng Dân chủ sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ. Một cựu thành viên của phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc gần đây nói với Bloomberg là việc ông Biden trở thành tổng thống sẽ nguy hiểm hơn cho Trung Quốc bởi ông ấy sẽ hợp tác với các đồng minh của Hoa Kỳ, trong khi Donald Trump thì phá hủy các liên minh.  

Còn đối với công luận Trung Quốc, những phát biểu của ông Trump trong cuộc chiến chống Trung Quốc, chiến lược hung hăng bài Trung Quốc càng cho thấy Bắc Kinh có lý khi nói là phương Tây thù hằn Trung Quốc. Trump còn phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng cách làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Trong cuộc chiến của Trung Quốc nhằm hạ thấp nền dân chủ tự do và hợp pháp hóa chế độ chính trị chuyên chế, nước Mỹ dưới thời Donald Trump với hệ thống y tế suy yếu, xã hội tổn thương do phân biệt chủng tộc… như vậy đã mang lại một lợi thế lớn cho Bắc Kinh.

Hồng Kông : Lòng quyết tâm và nỗi sợ hãi

Được phát hành từ chiều hôm qua, Le Monde đặc biệt quan tâm đến hồ sơ Hồng Kông. Tờ báo chạy tựa "Hồng Kông : Những người biểu tình thách thức, bất chấp lệnh cấm".  Ở các trang trong, Le Monde giới thiệu 2 bài viết xoay quanh sự kiện Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông.

Trong bài viết "Lòng quyết tâm và nỗi sợ ở Hồng Kông", thông tín viên của báo Le Monde cho biết những người tham gia phong trào đấu tranh ở đặc khu hành chính vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến chống chính quyền Bắc Kinh, nhưng tìm cách xóa bỏ mọi dấu vết, từ danh sách người liên lạc trên điện thoại di động, lịch sử tìm kiếm, ảnh lưu trữ, đến vứt bỏ những bộ trang phục đã mặc khi đi biểu tình… để tránh bị lực lượng an ninh truy tìm.

Một nhà tranh đấu, hiện giờ đang ở nước ngoài, nhấn mạnh luật mới thật đáng sợ, nhưng người dân Hồng Kông phải trung thành với các giá trị của mình và phải tìm ra các phương tiện mới để chống lại luật an ninh mới. Nhiều người trong ngày 01/07 vẫn đi làm bình thường, coi như không có gì xảy ra, nhưng trong thâm tâm họ tìm cách ủng hộ phong trào tranh đấu. Đối với người dân Hồng Kông, giờ quan trọng nhất là tránh bị tống giam vào tù, tránh được càng lâu thì càng tốt và phải đặc biệt thận trọng. Còn về phản ứng của quốc tế, Le Monde nhận định, Anh và Mỹ là những nước có phản ứng gay gắt nhất.  

Quyền năng tối thượng của Đảng cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông

"Không hẹn mà gặp", trên trang nhất Libération cũng đăng bức hình giống như báo Le Monde : Bị lực lượng an ninh vây quanh khống chế, một người biểu tình Hồng Kông nằm bẹp dưới đất, ngước đôi mắt với ánh nhìn lo lắng nhưng cũng đầy vẻ kiên cường. Trên nền bức ảnh khổ lớn chiếm trọng trang nhất là hàng tựa trang nhất súc tích : "Hồng Kông – Nỗi sợ".

Libération cũng dành 4 trang báo bên trong cho các bài viết xoay quanh hồ sơ Hồng Kông, với nhận định của nhiều chuyên gia. Libération lo ngại về tình cảnh "Hồng Kông bị kìm kẹp", có nguy cơ bị chế độ độc tài nhận chìm. Bắc Kinh đang tận dụng nỗi sợ hãi để quản lý Hồng Kông. Thông qua luật an ninh quốc gia mới mà chính quyền Tập Cận Bình áp đặt đối với đặc khu hành chính, Đảng cộng sản Trung Quốc giờ có "quyền năng tối thượng" ở Hồng Kông. Về vị thế kinh tế, tài chính của Hồng Kông, theo Sebastian Veg, giáo sư danh dự của đại học Hồng Kông, sự lựa chọn lần này của Bắc Kinh cho thấy chính quyền trung ương Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận nguy cơ vai trò kinh tế tài chính của Hồng Kông sẽ bị suy giảm đáng kể. Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc đã tạo ra tình huống nếu không theo Bắc Kinh thì sẽ bị coi là chống chế độ. Và từ nay đến năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa, xâm chiếm Đài Loan sẽ là mục tiêu mà Bắc Kinh nhắm tới. 

Trong bài viết "Chống Bắc Kinh, Luân Đôn tự đưa mình thành miền đất hứa", Libération lưu ý mặc dù chính phủ Anh muốn mở rộng quyền cư trú cho dân Hồng Kông, nhưng chính ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thừa nhận Luân Đôn có thể sẽ không thể làm được gì đáng kể cho người dân đặc khu nếu Bắc Kinh cản trở những người có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc rời Hồng Kông.

Hậu phong tỏa Covid-19 : Cuộc chiến chống gian lận trợ cấp thất nghiệp bán phần

Khác với Le Monde Libération chú ý đến thời sự quốc tế, nhất là hồ sơ Hồng Kông, Le Figaro quan tâm đặc biệt đến tình hình thời sự nước Pháp, nhất là về kế hoạch cải tổ nội các, quan hệ giữa tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kế hoạch tái khởi động đất nước trong bối cảnh tổng thống Macron chỉ còn khoảng 500 ngày là hết nhiệm kỳ. Le Figaro cũng dành hai trang bài để nói về chính trị địa phương sau kỳ bầu cử thị trưởng, xã trưởng… hôm Chủ Nhật 28/06.

Đáng chú ý còn có bài viết về cuộc chiến chống gian lận của Bộ Lao động Pháp thời hậu Covid-19 nhắm vào các doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách trợ cấp thất nghiệp bán phần hào phóng của chính phủ để trục lợi. Trong giai đoạn phong tỏa, có 13,6 triệu lao động của hơn 1 triệu doanh nghiệp Pháp xin trợ cấp thất nghiệp bán phần. Số tiền Nhà nước ban đầu dự kiến dùng để chi trả trợ cấp thất nghiệp bán phần là 8,5 tỉ euro, nay con số này đã tăng vọt lên thành 31 tỉ euro.

Trong bối cảnh này, Bộ Lao động đã huy động thêm 300 công chức tham gia vào công tác kiểm tra các doanh nghiệp có nhân viên được hưởng trợ cấp bán phần. Bộ trưởng Lao động Pénicaud thông báo từ nay đến cuối mùa hè sẽ cho tiến hành 50.000 vụ kiểm tra, đặc biệt nhắm vào các lĩnh vực dễ có gian lận hoặc phương thức làm việc từ xa được triển khai rộng rãi. Nếu tỉ lệ gian lận cao thì công tác kiểm tra sẽ còn được duy trì. Từ ngày 22/05 đến nay, Bộ Lao động đã khởi động 12.000 cuộc kiểm tra, 400 vụ xuất phát từ đơn tố cáo từ chính các nghiệp đoàn lao động hoặc người làm công ăn lương.

Trong số 3.000 cuộc kiểm tra đã hoàn tất, có tới 600 hồ sơ trong đó các doanh nghiệp phải điều chỉnh khai báo, 850 hồ sơ bị nghi là có gian lận và sẽ được thanh tra kỹ hơn. 25% có thể bị xử phạt tài chính. Về nguyên tắc, ngoài việc bồi hoàn tiền ăn gian của Nhà nước, chủ doanh doanh nghiệp gian lận có thể bị phạt 30.000 euro, chịu 2 năm tù giam và không được hưởng hỗ trợ của Nhà nước trong vòng 5 năm. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể bị kết tội lừa đảo, chủ doanh nghiệp phải lãnh án tù 7 năm, nộp phạt 750.000 euro, thậm chí bị truy tố về hình sự.

Bị 400 tập đoàn lớn tẩy chay, Facebook có lo ngại ?

Liên quan đến phong trào đấu tranh chống kỳ thị sắc tộc Black Lives Matter xuất phát từ Mỹ sau cái chết của người da màu Georges Floyd rồi lan rộng ra thế giới, Les Echos nói đến việc  Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, từ một tuần nay bị nhắm đến do không có biện pháp đấu tranh chống các nội dung thù hận. Hơn 400 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm rút quảng cáo khỏi Facebook : Verizon, Unilever, Coca-Cola, Starbucks, Daimler, Volkswagen, Lego, The Body Shop…

Tuy nhiên, ông chủ Facebook, Marc Zuckerberg, vẫn có vẻ "bình chân như vại" và cho rằng các hãng lớn sẽ sớm trở lại trên mục quảng cáo của Facebook. Theo Les Echos, đúng là gần như toàn bộ thu nhập của Facebook là nhờ quảng cáo, nhưng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm số ít trong số 8 triệu nhà quảng cáo trên trang Facebook. Hoạt động quảng cáo của hơn 100 hãng lớn nhất chỉ mang lại 6% trong tổng số 70 tỉ đô la thu nhập năm 2019 của Facebook. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là khách hàng chính của Facebook, mà những công ty này thì ít có khả năng dám tẩy chay Facebook vì sự thành công của họ phụ thuộc vào sự hiện diện trên các mạng xã hội, mà Facebook lại là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

"Chúng ta có thể ở trong tình trạng hoặc chúng ta có một số ít người rất giầu có hoặc chúng ta có thể chế dân chủ. Nhưng chúng ta không thể có cả hai".

Bill Gates, Sr. 

crisis1

Từ lâu chúng ta được chỉ bảo rằng chế độ tư bản và thể chế dân chủ là hai cột trụ lý tưởng để mang lại tự do và thịnh vượng. Hoa Kỳ có cả hai yếu tố này, nhưng tại sao chúng ta đang trải nghiệm một cuộc khủng hoảng dân chủ trong khoảng gần bốn năm qua ? 

Trên thực tế, hai yếu tố tư bản (kinh tế) và dân chủ (chính trị) có nhiều khác biệt căn bản và đôi khi xung khắc nhau. Dân chủ chú trọng về quyền lực của những con người bình thường (demos = common peopleb ; cracy = power) và chủ trương phân phối sự phong phú một cách công bình cho mọi giới. Tư bản chạy theo tư lợi, không thể làm được điều này mà còn có thể làm ngược lại. Kết quả lời lỗ sau cùng có thể lấn át lý tưởng tự do dân chủ. Đó là khuynh hướng của Tổng thống Trump và là nguyên nhân sâu sa gây ra cuộc khủng hoảng dân chủ hiện nay tại Hoa Kỳ. 

Pháp quyền và pháp trị

Trump là một đe dọa cho chế độ dân chủ của nước Mỹ từ ngày ông làm tổng thống. Nhiều nhà phân tách chính trị nói như thế và tôi cũng đồng ý như vậy. Ông là một lãnh tụ mị dân có khuynh hướng độc tài, chủ trương dùng luật để cai trị (rule by law) và không tôn trọng nền tảng pháp quyền (rule of law). Điều này thể hiện qua những việc làm như bao che thuộc hạ và những đồng minh chính trị. 

Trong gần bốn năm vừa qua Tổng thống Trump đã giảm án hay ân xá cho 18 viên chức chính quyền tham nhũng, tội phạm chiến tranh, thành phần cực hữu và một số bộ mặt nhiều người ưa nhưng lắm kẻ ghét. Trong đó phải kể Rod Blagojevich, cựu Thống đốc Illinois. Ông này muốn bán chiếc ghế nghị sĩ bỏ trống khi ông Obama thắng cử tổng thống vào 2008. Ông bị kết án tù 14 năm. Blagojevich và Trump có cùng kẻ thù là cựu Công tố viên đặc biệt Robert Muller và cựu Giám đốc FBI James Comey. Trump đã giảm án cho Blagojevich. Paul Pogue, chủ một công ty xây cất, bị tù vì khai gian thuế, nhưng con trai và con dâu tặng 200.000 USD vào quỹ tranh cử của Trump. Scooter Libby, cựu tham mưu trưởng của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, tiết lộ danh tánh của một nhân viên CIA. Trump xem Libby cũng là một nạn nhân của Robert Muller. Eddie Debartolo Jr, cựu sở hữu chủ đoàn bóng đá San Francisco 49ers bị tù vì không khai báo hối lộ 400.000 USD cho thống đốc Louisiana. Debartolo từng ủng hộ chiến dịch tranh cử và tiệc nhậm chức của Trump. 

Ngược lại, Trump cách chức những đối thủ hay những người thi hành nhiệm vụ nhưng có hại cho ông như Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, Giám đốc FBI James Comey. Ngoài ra Trump còn cách chức hai nhân chứng quan trọng trong vụ luận tội Trump liên quan đến vụ Ukraine tai tiếng : cựu Đại sứ Gordon Sondland và Trung tá Alexander Vindman, cựu nhân viên trong Hội đồng An ninh quốc gia. Bộ trưởng An ninh nội địa Kirstjen Nielsen bị sa thải vì bà chống lại việc tách riêng trẻ con di dân vì có thể bị kiện và việc đóng cửa biên giới ở El Paso, Texas vì điều này vi phạm luật pháp. 

Gần đây là vụ cách chức ông Steve Linick, cựu Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao , vì ông này điều tra vụ bán võ khí cho Saudi Arabia và tình trạng nhân viên trong Bộ Ngoại Giao. Đây là tổng thanh tra thứ năm bị Tổng thống Trump cách chức kể từ sau khi Thượng viện Hoa Kỳ tha bổng cho ông về vụ Ukraine. Mới đây nhất là vụ cách chức Luật sư liên bang Geoffrey Berman vì ông này đang điều tra ông Rudi Giuliani, luật sư riêng của ông Trump. Ông Berman đã từng kết án hai cộng tác viên của Giuliani là Lev Parnasd và Igor Fruman.

Tham nhũng

crisis2

Gordon Sondland từng đóng góp 1 triệu USD cho Ủy ban tổ chức lễ nhậm chức của Tổng thống Trump và sau đó ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Châu Âu cho đến ông bị cách chức vì làm nhân chứng trong việc luận tội gây bất lợi cho Tổng thống. Ông Trump cũng định trả ơn cho ông Stephen Moore, một cố vấn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, bằng cách đề cử ông Moore làm chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Federal Reserve System - FED). Ông này có bằng cấp về kinh tế nhưng không có kinh nghiệm nên tự rút lui. Một người nữa được Tổng thống Trump đề cử vào chức vụ thứ hai tại FED là ông Herman Cain, chuyên môn về toán học và điện toán, từng kinh doanh về pizza thành công và buôn bán cổ phần trị giá thấp thường khoảng dưới 5 USD (penny stock). Ông Cain cũng xin rút lui.

Ngoài việc sử dụng bạn bè thân thuộc (cronyism) đi ngược với nguyên tắc dân chủ, Trump còn là người chủ trương chính sách gia đình trị (nepotism), bổ nhiệm con rể Jared Kushner và con gái Ivanka Trump làm cố vấn cao cấp, và cho hai người này security clearance bất kể lời khuyên của cơ quan an ninh. Trump từng cho Ivanka, một người không đủ khả năng, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 và trao trách nhiệm chọn người làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới. Ngoài ra Tổng thống Trump còn giao cho con trai Eric Trump, một người chuyên tổ chức đám cưới, trách nhiệm điều hành nhà ở của liên bang tại New York và New Jersey. 

Jared Kushner, theo nghiệp của cha ruột, làm nghề đầu tư và phát triển bất động sản, được bố vợ cử hướng dẫn nhiều phái đoàn ngoại giao qua Trung Đông bao gồm nhiều nhân viên của Bộ Ngoại giao. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn trao cho con rể trọng trách phối hợp công việc chống đại dịch Covid-19 bao gồm việc cung cấp những thiết bị y tế. 

Báo chí là kẻ thù của nhân dân

crisis3

Ông Trump thường xuyên tấn công báo chí, nói những nhà báo thật sự là "kẻ thù của nhân dân", gián tiếp khuyến khích những hành động tấn công nhà báo. Từ ngày Trump làm tổng thống "fake news" xuất hiện mọi nơi mọi lúc. Chính Tổng thống ăn gian nói dối hơn 18.000 lần, trong khi đó chế độ dân chủ đòi hỏi sự minh mạch. Mới đây Trump thay đổi những người đứng đầu những cơ quan thông tin của chính quyền như VOA và RFA để kiểm soát thông tin. Nếu pháp quyền là cột trụ thứ nhất của chế độ dân chủ, tự do báo chí là một cột trụ thứ hai. 

Cũng như "fake news", bạo loạn làm lũng đoạn chế độ dân chủ. Tổng thống Trump từng công khai cổ võ bạo lực chống lại những ký giả. Ông bào chữa chính quyền Saudi Arabia khi họ giết ký giả Jamal Khashoggi tại Tòa đại sứ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ít ngày sau, trong khoảng 22/10/2018 – 1/11/2018, Cesar A. Sayoc, Jr một người ủng hộ Tổng thống Trump cuồng nhiệt, đã lấy địa chỉ của Dân biểu Debbie W. Schultz (Dân chủ, Florida) để gửi bom qua bưu điện đến trụ sở hay nhà của một chính khách thuộc Đảng Dân chủ và cơ sở truyền thông hay chống Trump. Mục tiêu bao gồm cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Nghị sĩ và Ngoại trưởng Hilary Clinton, cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder, tài tử điện ảnh Robert De Niro, ba dân biểu và nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, hai cựu giám đốc tình báo và hai nhà tỉ phú từng đóng góp cho Đảng Dân chủ. Một gói bom gửi đến trụ sở của CNN. 

Theo luật sư của thủ phạm, Sayoc lấy cảm hứng từ những tuyên bố của Tổng thống Trump về di dân và đối thủ chính trị và coi Fox News hàng ngày một cách trung thành. Dân biểu Schultz tuyên bố rằng "Những lời nói hùng hồn mang tính chất hận thù của Trump đã gây hậu quả tai hại". 

Bạo lực và bạo loạn

crisis4

Vào giữa tháng 4 vừa qua, Tổng thống Trump công khai kêu gọi dân Mỹ giải phóng ba tiểu bang có thống đốc Dân chủ là Minesota, Michigan và Virginia. Những tiểu bang này ra lệnh đóng cửa hay áp dụng một số biện pháp giới hạn để chống đại dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều nhóm cực đoan mang vũ khí đến các trụ sở hành chánh của những tiểu bang này để biểu tình chống lại lệnh ở trong nhà và đòi mở cửa lại. Ông gọi những người biểu tình là người tốt (fine people). Rõ ràng Tổng thống Trump khích động nội loạn phản lại nguyên tắc dân chủ. 

Thống đốc Jim Justice (Cộng hòa, West Virginia), một đồng minh của Trump nói ông sẽ nghe theo những chuyên viên y tế để quyết định mở cửa như thế nào. Thống đốc Jay Inslee (Dân chủ, Washington) nói tweet giải phóng của Trump làm cho hàng triệu người chịu rủi ro nhiễm Covid-19. Thống đốc Ralph Northam (Dân chủ, Virginia) nói ông và nhân viên của ông tập trung chiến đấu chống "cuộc chiến sinh học" chứ không muốn liên lụy vào "cuộc chiến tweet".

Trump chủ trương dùng bạo lực để trị bạo loạn. Khi cần đi bộ qua công viên Lafayette Square để chụp hình quảng cáo tranh cử trước St. John’s Church tại thủ đô Washington-DC, ông đã ra lệnh cho nhân viên an ninh dùng một thứ lựu đạn cay và đạn cao su để giải tán một số người biểu tình ôn hòa trước Tòa Nhà Trắng, mặc dù chỉ còn khoảng 30 phút đến giờ giới nghiêm. Ông đe dọa sẽ dùng "chó dữ và võ khí đáng ngại" để ngăn cản người biểu tình xâm phạm Nhà Trắng. 

Ông cũng tuyên bố sẽ dùng võ lực để dẹp bạo loạn sau khi ông George Floyd bị cảnh sát giết chết tại Minneapolis. Ông nhắc lại một câu của một cảnh sát trưởng ở Florida "Khi hôi của bắt đầu, bắn súng cũng bất đầu" (When looting starts, the shooting starts). Câu nói của ông chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Ngoài ra ông Trump còn kêu gọi những thị trưởng và thống đốc hãy mạnh tay hơn với các người biểu tình, dùng quân đội để dẹp biểu tình và những người theo ông nên tổ chức phản biểu tình. 

Hệ thống kiểm soát và cân bằng

Trump xem hệ thống "kiểm soát và cân bằng" (checks and balances) trong tổ chức chính quyền là một trở ngại thay vì là một nguyên tắc phân quyền quan trọng của một chế độ dân chủ. Ông chủ trương kiểm soát cả ngành tư pháp. Trump và Đảng Cộng hòa đã ngăn chặn bổ nhiệm Thẩm phán tối cao Merrick Garland do Đảng Dân chủ đề cử và đã đưa hai người của Đảng Cộng hòa vào là Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Nhờ vậy, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ hiện nay có 5 thẩm phán bảo thủ bổ nhiệm bởi tổng thống Cộng hòa, bao gồm Chánh án John Roberts và hai thẩm phán bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump là các ông Neil Gorsuch (2017) và Brett Kavanaugh (2018). Bốn thẩm phán còn lại bổ nhiệm bởi tổng thống Dân chủ. 

Ngoài ra, trong gần bốn năm qua, Trump còn vội vã bổ sung 197 thẩm pháp liên bang ở các tòa án thấp hơn. Trump muốn biến những thẩm phán được tổng thống bổ nhiệm giống như bổ nhiệm các chức vụ chính trị, có thể bị cách chức, thay thế. Một khi ngành Tư pháp của Hoa Kỳ trở thành một công cụ của Hành pháp, tư thế độc lập của Tư pháp sẽ sụp đổ vào kéo theo chế độ dân chủ. 

Cấu kết với những lãnh tụ độc tài

crisis5

Về đối ngoại, Tổng thống Trump tỏ ra thoải mãi khi cấu kết với những lãnh tụ độc tài. Ông từng ca ngợi Kim Jong-un của Bắc Hàn, Vladimir Putin của Nga, Xi Jinping của Trung Quốc, Mohammed bin Salman của Saudi Arabia, Adel Fattah el-Sisi của Ai Cập và Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân. Ông thán phục các lãnh tụ cộng sản Việt Nam và xem Việt Nam là một mô hình lý tưởng cho Bắc Hàn. Ông từng đón tiếp Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Nhà Trắng, ca ngợi cách giải quyết vấn đề ma túy tại Phi Luật Tân và mối quan hệ vĩ đại của ông với Duterte. Ông chúc mừng Xi Jinping xóa bỏ giới hạn về nhiệm kỳ. Có lúc ông nói Hoa Kỳ nên theo hệ thống "tổng thống suốt đời" của Trung Quốc. Ông cũng đồng ý hủy bỏ 700.000 USD viện trợ cho Hung dự trù để hỗ trợ báo chí độc lập. Ông chào mừng Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan và một số lãnh tụ ngoại quốc thắng cử dù cuộc bầu cử thiếu tự do. 

Ngược lại, không bao giờ người ta nghe Tổng thống Trump quan ngại về suy sụp của chế độ dân chủ và vi phạm nhân quyền trên thế giới, ngoại trừ một vài chú thích về nguyên tắc dân chủ trong Sách lược An ninh Quốc gia của chính quyền.

Chính sách ngoại giao truyền thống của Hoa Kỳ gồm ba lãnh vực :

1) Nỗ lực thăng tiến nền dân chủ ;

2) Hệ thống kinh tế quốc tế ; và

3) Hệ thống liên minh an ninh toàn cầu.

Trump bác bỏ cả ba điều này vì cho là không cần thiết hay bất lợi cho Hoa Kỳ. Đường lối của Trump, "mỗi nước tự lo lấy" (each-country-for-itself approach), thể hiện qua khẩu hiệu "American First", là một đường lối cục bộ và thiển cận. 

Quan điểm của Tổng thống Trump hoàn toàn trái ngược với quan điểm của cựu Tổng thống George W. Bush. Trong bài diễn văn nhậm chức vào 2005, cựu Tổng thống Bush nhận định rất đúng rằng sự sống còn của chế độ tự do tại Hoa-Kỳ ngày càng phụ thuộc vào sự thành công của chế độ tự do tại những nơi khác trên thế giới. Ông nói : "Hi vọng tốt nhất để có thể duy trì hòa bình tại Hoa-Kỳ là bành trướng chế độ tự do với mục tiêu tối thượng là chấm dứt chế độ độc đoán trên toàn thế giới". 

Kết luận

crisis6

Các giá trị và tiêu chuẩn dân chủ ở Hoa Kỳ bị tấn công bởi chính người cầm đầu chính quyền. Không khí bạo loạn bao trùm khắp nơi. Thêm vào đó, bốn biến cố liên tiếp xẩy ra chồng chéo lên nhau cùng một thời điểm làm cho nước Mỹ thật sự rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nề : chiến tranh thương mại, kinh tế trì trệ, điều tra luận tội và Covid-19. Công chúng Mỹ mất niềm tin vào chính quyền. 

Đô đốc William McRaven, người giám sát cuộc đột kích giết chết Osama Bin Laden, từng tuyên bố rằng hiện nay Donald Trump là một mối đe dọa lớn nhất đối với chế độ dân chủ Hoa Kỳ. 

Theo một phân tách tinh vi của Cambridge University "The Trump Presidency and American Democracy : A Historical and Comparative Analysis - Otober 29, 2018", trong quá khứ hệ thống chính trị của Hoa Kỳ đã sống còn trước những đe dọa từ những biến cố như nội chiến 1861-1865, First Red Scare 1919-1920 (Palmer Raids), Second Red Scare 1940-1950 (McCarthyism) và Watergate 1972. 

Tuy nhiên, mối đe dọa của Donald Trump có phần nghiêm trọng nếu ba yếu tố truyền thống trong chính trị Hoa Kỳ kết hợp lại và hỗ trợ nhau :

1) Sự phân hóa giữa hai đảng ;

2) Hệ thống chính quyền bị chia rẽ vì đảng phái ;

3) Quy tắc tiêu chuẩn dân chủ bị suy giảm ở cấp lãnh đạo cũng như đám đông quần chúng.

Xem ra cả ba hiện tượng đang xẩy ra. 

crisis7

Sau chiến tranh lạnh, nền dân chủ tự do một lần nữa toàn thắng trước chủ thuyết cộng sản. Số các quốc gia dân chủ tăng từ 46 vào năm 1974 lên đến 76 vào 1990 và 120 vào 2000. Nhưng trong 12 năm qua kể từ 2006 đến 2018, nền dân chủ đã suy giảm tại 113 nước theo một cuộc điều nghiên của Freedom House. Những nước như Hung Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela đã rơi vào chế độ độc tài. Quy tắc dân chủ tại Phi Luật Tân, Ba Lan và Miến Điện trở nên lỏng lẻo. 

Số phận của Hoa Kỳ, từng là quốc gia lãnh đạo chế độ tự do dân chủ trên thế giới, đang ở trong tình trạng khủng hoảng dân chủ từ trong nội bộ. Theo Reporters Without Borders thứ hạng về tự do báo chí của Hoa Kỳ trong số 180 nước tiếp tục đi xuống, từ vị trí 41/180 vào 2016, tụt dần xuống 43/180, 45/180 và 48/180 trong ba năm tiếp theo. Không những vậy, nền dân chủ của Hoa Kỳ bị đe dọa cả từ bên ngoài. Nhờ kỹ thuật Internet, Nga và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng vào nội tình của nước Mỹ cộng thêm sự mời gọi công khai của Tổng thống Mỹ.

Từ 2017 đến 2019, Hoa Kỳ không được xếp vào loại nền dân chủ đầy đủ (full democracy) mà bị xếp vào nước có nền dân chủ không hoàn thiện (flawed democracy) theo Democracy Index của Economist Intelligence Unit (EIU). Trong nền dân chủ không hoàn thiện vẫn có bầu cử tự do, nhưng yếu kém về quản trị, văn hóa chính trị chưa phát triển và sự tham gia của công chúng thấp. 

Trong hơn 120 năm qua nước Mỹ đã vượt qua được những thử thách vô cùng cam go bao gồm ba khủng hoảng kinh tế đầu thế kỷ XX : 1901, 1907 và 1920-1921, Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1939, khủng hoảng năng lượng vào thập niên 1970s, khủng hoảng tài chánh 2007-2008, hai thế chiến. Hoa Kỳ và thế giới tự do đánh bại chế độ phát xít và cộng sản Xô Viết.

Donald Trump là một cuộc khủng hoảng chính trị đầu tiên của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI cùng lúc với cuộc khủng hoảng đại dịch Coronavirus. Khả năng lãnh đạo yếu kém của Trump khiến đại dịch trở nên nghiêm trọng đặc biệt. Số người mới nhiễm bệnh hàng ngày tăng vọt trong vài tuần qua. Gần 2,7 triệu người đã nhiễm virus tính đến 1/7/2020 và số người chết đã vượt quá 125.000. Tính đến 11/6/2020 hơn 44 triệu người khai thất nghiệp. 

Nước Mỹ cần có một nhà lãnh đạo có trách nhiệm và có khả năng để mau chóng thay thế tổng thống đương nhiệm nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng nhị trùng hiện nay và phục hồi trật tự và nền dân chủ lâu đời nhất trên trái đất.

Nguyễn Quốc Khải

(05/07/2020)

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Diễn đàn

Vì sao Trung Quốc sẽ thủ lợi nếu Donald Trump tái đắc cử ?

Les Echos hôm 29/06/2020 có bài viết lý giải "Vì sao Bắc Kinh bầu cho ông Trump". Theo thông tín viên của tờ báo, nếu tổng thống Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, Trung Quốc không mấy buồn lòng vì sẽ lợi dụng được việc Mỹ co cụm để dấn tới trên trường quốc tế, trong khi Joe Biden có thể liên kết được các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ.

thuloi1

Tổng thống Donald Trump trong buổi tiếp tân do Tập Cận Bình khoảng đãi tại Bắc Kinh ngày 08/11/2017 - Ảnh Jonathan Ernst / Reuters

Cộng hòa và Dân chủ Mỹ đều muốn đối đầu với Trung Quốc

Ông Trump trong bốn năm qua đã liên tục đối địch với Trung Quốc, tố cáo thâm hụt thương mại lớn lao, chỉ trích việc xử lý đại dịch "virus Trung Quốc", cáo buộc Hoa Vi (Huawei) đe dọa an ninh quốc gia. Nhiều lần Donald Trump tuyên bố "Không ai cứng rắn với Trung Quốc như tôi", nói rằng Trung Quốc sẽ làm mọi cách khiến ông thất cử và mô tả đối thủ Joe Biden là một người nhu nhược trước Bắc Kinh. Tuy nhiên cuốn sách gây bão của cựu cố vấn an ninh John Bolton vẽ lên một chân dung ngược lại : một ông Trump muốn Trung Quốc mua nông sản Mỹ để ông có thể tái đắc cử, và làm ngơ trước các trại cải tạo Tân Cương.

Vương Nghĩa Nguy (Wang Yiwei), viện trưởng Viện quan hệ quốc tế của trường đại học Nhân Dân Trung Quốc, cũng cho rằng "đó là ứng cử viên đỡ tệ hại nhất cho Trung Quốc". Đối với các chuyên gia, rõ ràng là quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục xuống cấp, cho dù ông chủ sắp tới của Nhà Trắng là ai đi nữa. Tín Cường (Xin Qiang), phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, giải thích : "Có một sự đồng thuận chiến lược giữa Cộng hòa và Dân chủ về việc Trung Quốc là một địch thủ cần phải kìm hãm lại".

Trong những tháng gần đây, Quốc hội Mỹ đã vượt qua những bất đồng nội bộ để gần như là đồng thuận trong việc tố cáo việc Bắc Kinh siết lại tự do của Hồng Kông, đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Đại dịch do virus xuất phát từ Vũ Hán gây ra chỉ làm cho quan điểm của phía Mỹ thêm cứng rắn.

Trump tái đắc cử : Đồng minh chia rẽ, Bắc Kinh thủ lợi

Với một Donald Trump bất định, đành rằng chế độ Bắc Kinh phải tiếp tục chịu áp lực về thương mại và những tuyên bố bốc đồng, nhưng có thể lợi dụng chủ trương cô lập của Mỹ để gia tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế và các định chế đa quốc gia. Coi đây là "cơ hội cho Trung Quốc", ông Tín Cường cũng cho rằng "một doanh nhân thực dụng như ông Trump không thực sự có quan điểm về ý thức hệ, và không quan tâm lắm đến nhân quyền".

Ngược lại, phe Dân chủ được cho là thiên về bảo vệ các giá trị dân chủ. Tuy Joe Biden có thể cố gắng nối lại đối thoại với Trung Quốc về khí hậu, khủng bố hay nguyên tử Iran, Bắc Kinh lo rằng ông Biden tìm cách liên kết các quốc gia, đặc biệt là Châu Á và Châu Âu, vốn đang quan ngại trước sự hung hăng của Trung Quốc.

Les Echos kết luận, vào lúc đại dịch corona làm tăng sự nghi ngại của phương Tây trước Bắc Kinh, một tổng thống Mỹ đoàn kết được nhiều nước trong một mặt trận chung là trở ngại cho Trung Quốc, còn việc ông Donald Trump tái đắc cử sẽ mở ra một đại lộ cho Bắc Kinh tung hoành.

Phe sinh thái Pháp đứng trước thử thách quyền lực

Cuộc bầu cử địa phương lần hai tại Pháp là tựa trang nhất của nhiều báo Paris hôm 29/06/2020. Libération chơi chữ "Phe sinh thái tiến bước" : đảng Xanh liên minh với cánh tả giành được nhiều ghế thị trưởng, nắm lấy ngọn cờ đổi mới từ tay đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Emmanuel Macron. La Croix chạy tựa trang nhất "Sự đột phá của đảng Xanh", Le Figaro nhận định "Làn sóng sinh thái giúp cánh tả hồi sinh". Le Monde ra từ ngày hôm trước, chú trọng vào "Bài biện hộ cho Châu Âu của bà Angela Merkel". Les Echos quan tâm đến "Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi" : lò nguyên tử "cao niên" nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.

Trong bài xã luận mang tên "Trước thử thách quyền lực", La Croix ví von : một sa mạc và một làn sóng. Trước hết là sa mạc : có đến 6/10 cử tri không đến phòng phiếu để bầu ra thị trưởng của mình. Và một làn sóng xanh đã dâng lên : nhiều người Pháp tại các thành phố lớn như Lyon, Bordeaux, Strasbourg, Marseille… đã ngả sang sinh thái.

Các thành phố này trong sáu năm tới sẽ được một thị trưởng Sinh thái-Xanh lãnh đạo. Về chính trị, đây là một làn sóng ngoạn mục, vì đảng này hồi bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 còn không thể giới thiệu nổi một ứng cử viên, nay lại đang đứng trước cánh cửa quyền lực. Ở cấp quốc gia, thách thức quyền lực lại thường trở thành ảo tưởng, như trường hợp của ông Nicolas Hulot.

Kết quả bầu cử lần này còn là một thách thức cho tổng thống Emmanuel Macron. Đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM) của ông đã thất bại khi muốn cắm rễ tại địa phương. Nhân vật duy nhất trong đảng chiến thắng oanh liệt là thủ tướng Édouard Philippe, tái đắc cử ở Havre, người mà ông Macron ngần ngại chưa dám chia tay.

Cánh tả hồi sinh, Macron chật vật

Bài xã luận dài "Phía sau làn sóng xanh" của Le Figaro nhận định, đó là một kết quả đáng buồn cho đảng cực hữu vốn đang hy vọng thủ lợi từ tâm trạng bất ổn, đáng thất vọng cho đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (RN) vì làn sóng này lấn lướt những kết quả khích lệ tại các thành phố nhỏ và trung bình. Nhưng thất bại càng nặng nề hơn đối với đảng của tổng thống Macron vì phải từ bỏ giấc mộng bắt rễ trong trái tim đất nước. Trong giai đoạn sắp tới, ông sẽ phải thích ứng với một cuộc khủng hoảng dịch tễ luôn sẵn sàng tái phát, một trận sóng thần kinh tế xã hội và nhiều khó khăn khác nhau về chính trị.

Theo tác giả, sai lầm thứ nhất là nghĩ rằng hiện tượng này chỉ là nhất thời. Vấn đề môi trường nay là lương tâm chính trị tại các nước phát triển. Ban đầu từ giới trẻ và trung lưu đô thị, nay mọi giai cấp trong xã hội và mọi thế hệ đều ý thức được.

Sai lầm thứ hai là cho rằng đây chỉ là những lá phiếu để bày tỏ sự không hài lòng với hệ thống chính trị truyền thống. Đó là sự tái sinh của khối cánh tả từ xã hội đến cực tả, đảng xanh, đảng cộng sản, mà cột trụ nay không còn là đảng xã hội mà là phe sinh thái. Trước một cánh tả hồi sinh từ đống tro tàn, ông Macron không còn chọn lựa nào khác ngoài việc liên kết cánh trung và cánh hữu, với một lượng cử tri đủ rộng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022 mà ông có một ít hy vọng chiến thắng.

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim bị bức tử

Bước sang lãnh vực năng lượng, Le Figaro tỏ ra nuối tiếc khi "Fessenheim tắt lịm", Les Echos chạy tựa trang nhất "Việc cho ngưng hoạt động nhà máy điện Fessenheim gây tranh cãi". Lò nguyên tử "cao niên" nhất nước Pháp sẽ đóng cửa vào ngày mai, do chính phủ hứa giảm tỉ lệ điện nguyên tử từ 70% xuống còn 50%.

Vào lúc nửa đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba 30/06, lò phản ứng số 2 của nhà máy điện nguyên tử ở vùng Haut-Rhin sản xuất ra những megawatt điện cuối cùng trong lịch sử của mình, bốn tháng sau khi lò số 1 bị cho ngưng hoạt động. Le Figaro cho biết điều mỉa mai là lò số 2 đã tự động ngưng khi bị giông gió mạnh hôm thứ Sáu, rồi cuối ngày thứ Bảy lại phải phục vụ thêm vài tiếng đồng hồ cuối cùng.

Việc đóng cửa Fessenheim đã được hai tổng thống liên tiếp hứa hẹn là François Hollande và Emmanuel Macron. Ngoài lời hứa do ông Hollande đưa ra nhằm kiếm phiếu của phe sinh thái năm 2012 nay phải thực hiện, chính quyền Macron hiện nay còn cho rằng nhà máy đã già cỗi, và cũng muốn giảm tỉ lệ điện nguyên tử xuống còn 50%. Tuy nhiên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) nhấn mạnh vai trò của nguyên tử trong việc giảm thải carbonic.

Les Echos trong bài xã luận "Nguyên tử : Cuộc tranh luận bị cấm đoán" nhận định nước Pháp đã dần dà ngả sang một dạng tư duy độc tài sinh thái. Dư luận cho rằng nguyên tử là nguy hiểm, để lại rác thải phóng xạ cho thế hệ tương lai, nên tập trung cho năng lượng tái tạo. Bảo vệ cho uranium trở thành cấm kỵ, và như vậy tương lai của điện nguyên tử được dựa trên cảm tính chứ không phải lý tính, trong khi vấn đề này cần phải được tranh luận đến nơi đến chốn.

Xe hơi, xe đạp chạy điện ngày càng phổ biến, như vậy phải sạc pin nhiều hơn, và nguyên tử lực bổ sung được cho những hạn chế của điện mặt trời và điện gió. Tất nhiên không phải hoàn hảo, nhưng khi không dám nêu ra những ưu điểm của nó trước dư luận, các nhà lãnh đạo chính trị đã tự bắn vào chân của một nước Pháp lẽ ra phải coi nguyên tử là một trong những ưu thế của mình. Chính nhờ điện nguyên tử mà Pháp là một trong những nước góp phần nhiều nhất vào việc chống hâm nóng khí hậu.

Nga : Phòng phiếu "trăm hoa đua nở" để phục vụ cho Putin

Tại Nga, một cuộc bỏ phiếu diễn ra từ thứ Năm tuần trước 25/06 để giúp tổng thống Vladimir Putin tiếp tục tại vị.

Libération mô tả vô số phòng phiếu đủ kiểu được dựng lên khắp nơi với cớ tránh tập trung đông người trong mùa dịch, nhưng thực chất nhằm khoác cái vỏ trưng cầu dân ý một cách dân chủ, để ông Putin cai trị thêm 12 năm nữa.

Thành phố Moskva còn tổ chức xổ số trúng thưởng để thu hút người đi bỏ phiếu, công nhân viên bị thúc giục đi bầu, có người dù từ chối bỏ phiếu trên internet nhưng vẫn nhận được tin nhắn xác nhận đã đăng ký. Dojd, một tờ báo độc lập phát hiện có những thẻ SIM và số an sinh xã hội được phân phát. Mỗi tài khoản tạo ra để bỏ phiếu trên mạng được tặng 75 RUB (gần bằng 1 euro), mỗi lá phiếu được thưởng thêm 50 rúp.

Leyen, Lagarde, Merkel : Ba phụ nữ sẽ cứu vãn Châu Âu

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos vinh danh "Ba người phụ nữ sẽ cứu vãn Châu Âu". Đó là Ursula von der Leyen, Christine Lagarde và Angela Merkel, ba phụ nữ ở độ tuổi 60 đã đánh thức Liên Hiệp Châu Âu (EU) để đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng tệ hại nhất. Cả ba đã biết đưa ra quyết định đúng đắn kịp thời, tuy họ chưa hề được chờ đợi trong vai trò này.

Angela Merkel được cho là đang ở vào buổi hoàng hôn chính trị, sau 13 năm cầm quyền. Gần như không còn ai trông cậy vào bà để thúc đẩy EU. Ursula von der Leyen, bộ trưởng Quốc phòng Đức, vừa làm chủ tịch Ủy Ban Châu Âu có vài tháng. Christine Lagarde được lên làm chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE) một phần nhờ là phụ nữ, vì bà chưa bao giờ lãnh đạo một ngân hàng quốc gia, thậm chí còn không phải là nhà kinh tế.

Ngày 18/03, bà Lagarde loan báo một kế hoạch đại quy mô để hỗ trợ nền kinh tế : BCE cam kết mua lại trong vòng vài tháng 1.000 tỉ euro trái phiếu nợ của các nhà nước thành viên và doanh nghiệp, một chiến lược còn tham vọng hơn cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Một ít thời gian sau, bà Merkel mới hành động, nhưng bà đã ý thức được rằng giảm phát sẽ làm các nước Nam Âu suy sụp, tạo nguy cơ cho thị trường chung. Nữ thủ tướng thận trọng và lý tính chấp nhận đề nghị của tổng thống Pháp : EU vay 500 tỉ euro và phân phối cho những nước dễ tổn thương nhất. Khi trả lời phỏng vấn của Le Monde, bà Merkel nhấn mạnh "Cần phải có lời đáp đặc biệt trong tình huống đặc biệt".

Nhờ sự đổi hướng của bà Merkel, bà Leyen đã tiến hành các chương trình mua chung và dự trữ thiết bị bảo hộ y tế cho EU, đưa ra kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro. Bà cũng đặt nền tảng cho một liên minh y tế, bảo vệ các ngành kỹ nghệ chiến lược của Châu Âu trước Trung Quốc, lập quỹ nghiên cứu vac-xin chung.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Nước Mỹ dậy sóng chống bạo lực cảnh sát ngay giữa mùa dịch bệnh Covid-19 ; Bắc Triều Tiên bất ngờ cho nổ sập văn phòng liên lạc liên Triều và Đụng độ đẫm máu giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya. Mục Tạp chí Thế giới đó đây tuần này xin điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 6/2020.

xuan1

Một cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Minneapolis, sau cái chết của George Floyd vì bạo lực cảnh sát, ngày 26/06/2020. AFP - Brandon Bell

"Black Lives Matter" và Covid-19 : Khủng hoảng kép cho Donald Trump

"George Floyd" là lời hô vang của những người biểu tình trước cửa Nhà Trắng trong những ngày tuần đầu tháng 6/2020. Cảnh tượng Nhà Trắng bị phong tỏa và mịt mù khói hơi cay, điều chưa từng thấy ở nước Mỹ đã được lan truyền khắp thế giới.

Mọi sự bắt đầu từ Minneapolis, cách nay một tháng, ngày 25/05/2020. Trên khắp các mạng xã hội, cảnh viên cảnh sát da trắng Derik Chauvin đè kẹp cổ George Floyd – một người Mỹ gốc Châu Phi – đến chết ngạt, bất chấp lời kêu van "Tôi không thở được" đã làm dấy lên một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Mỹ.

Hàng trăm ngàn người tại 150 thành phố ở Mỹ, không phân biệt mầu da, sắc tộc đã ùn ùn xuống đường biểu tình phản đối bạo hành cảnh sát và nạn kỳ thị chủng tộc. Bạo động và cướp bóc nổ ra ở nhiều nơi buộc chính quyền nhiều bang phải huy động đến Cảnh vệ Quốc gia. Tổng thống Mỹ, Donald Trump còn đe dọa điều động quân đội để "dẹp loạn".

Nhà nghiên cứu chính trị học, Nicole Bacharan trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France24, nhận định tuy không phải là cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đầu tiên, nhưng sự kiện lần này diễn ra trong một thời điểm mang tính lịch sử : Nước Mỹ đang vật vã đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ lớn chưa từng có. Dịch Covid-19 đã làm cho hơn 120 ngàn người Mỹ qua đời và lệnh phong tỏa do chính quyền nhiều bang áp dụng để ngăn chận dịch bệnh khiến nền kinh tế đất nước kiệt quệ làm hơn 40 triệu người bị thất nghiệp.

"Cuộc khủng hoảng này tuyệt nhiên là mang tính xã hội. Người Mỹ da đen bị virus tác động nhiều hơn so với những cộng đồng khác. Tại sao ư ? Bởi vì, nhiều người trong số họ thuộc những tầng lớp nghèo. Khoảng 2/3 hay 3/4 người Mỹ da đen là tầng lớp trung lưu. Nhưng những người khác là những người nghèo thật sự, những người lao động nghèo.

Trong số những người Mỹ da đen nghèo đó, những người thường xuyên có vấn đề về sức khỏe là bị ảnh hưởng nhiều nhất, những người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì. Những người không được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đều đặn, được theo dõi và nhất là những người bị mất bảo hiểm y tế.

Bởi vì, khi một người bị mất việc làm ở Mỹ, hiện đang có đến 40 triệu người thất nghiệp, thường họ cũng bị mất luôn cả bảo hiểm y tế. Thế nên, có một cuộc khủng hoảng xã hội rất lớn".

Sự việc xảy ra buộc chính quyền Donald Trump phải nhanh chóng đưa ra một số biện pháp cải tổ ngành cảnh sát. Chỉ có điều, phong trào phản đối "Black Lives Matter" - Mạng sống người da đen cũng quan trọng - không chỉ dừng ở Mỹ mà còn lan sang nhiều nước khác. Vì sao phong trào này lại được hưởng ứng ở nhiều nơi trên thế giới ?

Giáo sư sử học, Marie-Anne Matard Bonucci, trường Đại học Paris VIII trả lời RFI nhận định :

"Bởi vì có toàn cầu hóa thông tin. Hình ảnh video được truyền tải quả thật quá đau lòng và người dân, có thể là do lệnh phong tỏa, có nhiều thời gian hơn để xem. Đương nhiên là các mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng rồi, dù rằng hiện tượng kỳ thị chủng tộc vẫn còn khá phổ biến, kể cả trong một bộ phận thế hệ trẻ.

Nhưng cũng có những thế hệ mới rất nhạy cảm với những vấn đề này tại nhiều nước trên thế giới. Và cuộc đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc này có thể tiếp nối cho những cuộc đấu tranh chính trị khác, từng tồn tại và diễn ra trong những năm 1960 – 1970 và giờ đây không còn là điểm kết tinh nữa mà bởi vì những hệ tư tưởng lớn ngày nay đang lâm vào khủng hoảng. Người ta không còn mong muốn có cuộc cách mạng nữa, mà chỉ mong ước một sự bình đẳng về các quyền".

Cái chết của George Floyd còn làm dấy lên một cuộc tranh luận khác. Làn sóng biểu tình tấn công vào các biểu tượng của chủ nghĩa thực dân ở những nơi công cộng. Từ Bỉ cho đến Anh Quốc, những người đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc đã cho dỡ tượng những gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa thực dân. Giới sử gia Pháp cảnh báo : "Nếu chúng ta xóa bỏ vết tích của Lịch sử, một số người sẽ cho rằng điều đó chưa bao giờ tồn tại !"

Bắc Triều Tiên : Mối đe dọa hạt nhân trở lại ?

Phải chăng mối đe dọa hạt nhân đang quay trở lại trên bán đảo Triều Tiên ? Ngày 16/6/2020, Bắc Triều Tiên đã cho đánh sập tòa nhà được dùng làm Văn phòng Liên lạc Liên Triều. Trước đó một tuần, ngày 09/06, lấy cớ trả đũa Hàn Quốc để cho những người tỵ nạn Bắc Triều Tiên thả truyền đơn, Bình Nhưỡng đột ngột cắt đường dây liên lạc.

Hình ảnh Văn phòng Liên lạc bị đánh sập một lần nữa đã gây sửng sốt trên thế giới. Vì sao Bắc Triều Tiên cho nổ sập tòa nhà này ? Nhà báo Dorian Malovic, phụ trách mục Châu Á, nhật báo công giáo La Croix, trên đài Arte giải thích :

"Bắc Triều Tiên không làm điều gì một cách ngẫu hứng cả, từ việc chọn ngày cho đến các mục tiêu. Ở đây, văn phòng liên lạc này đã được khánh thành cách nay hai năm, năm 2018 và được xem như là biểu tượng của một hình thức ngoại giao giữa hai miền Triều Tiên, một kiểu tòa đại sứ ảo nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, và tượng trưng cho sự hâm nóng quan hệ giữa hai nước (…).

Sự việc mang tính biểu tượng bởi vì điều này gây được tiếng vang lớn, thu hút sự chú ý. Hơn nữa chẳng có ai chết, sự việc chỉ xảy ra trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, không ai có thể phản ứng được. Hàn Quốc không bị tấn công, Hoa Kỳ cũng không bị hổ mặt.

Đó là một biểu tượng nhưng cũng là đối tượng đầu tiên trước khi có những mục tiêu khác tiếp theo trong những ngày và những tuần sắp tới. Thời kỳ hâm nóng quan hệ đang dần bị khép lại".

Còn theo ông Benjamin Hautecouverture, chuyên gia về các vấn đề hạt nhân và tên lửa đạn đạo, sự việc cho thấy rõ chế độ Bình Nhưỡng đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do áp lực của các lệnh trừng phạt quốc tế và cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 gây ra. Ông cảnh báo, do không tháo gỡ được bế tắc đàm phán hạt nhân nhằm có được việc dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận, Bắc Triều Tiên có nguy cơ tái diễn các vụ thử tên lửa và hạt nhân.

"Những gì chúng ta đang thấy và đây là cách diễn giải của tôi về những gì đã xảy ra trong những ngày qua và có thể sẽ trở nên kịch phát hơn trong những ngày sắp tới, chính là trên thực tế, các lệnh trừng phạt đang làm suy yếu chế độ. Bình Nhưỡng tuyệt đối muốn rằng Donald Trump dỡ các lệnh trừng phạt trước khi nối lại đàm phán về giải trừ hạt nhân. Nhưng vì tổng thống Trump kiên quyết từ chối, Bắc Triều Tiên tìm cách tạo cớ để nối lại các vụ thử hạt nhân, bằng cách chôn vùi những gì đã được quyết định tại Singapore".

Ấn – Trung và một mùa xuân nóng bỏng trên dãy Himalaya

Một ngày trước khi Bình Nhưỡng cho nổ sập Văn phòng Liên lạc Liên Triều, trên cao 4.300 mét của dãy núi Himalaya, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ngày 15/06/2020 đụng độ nhau dữ dội tại vùng Ladakh, mà hai bên có tranh chấp biên giới.

New Dehli cho biết có 20 binh sĩ thiệt mạng. Phía Trung Quốc chỉ thông báo thiệt hại 5 người, nhưng nhiều nguồn tin không chính thức cho rằng có ít nhất 43 người chết. Ấn Độ và Trung Quốc đổ lỗi cho nhau đã xâm phạm trước tiên đường kiểm soát thực tế (LAC). Cây bút bình luận cho đài France Inter, ông Pierre Haski trước tiên giải thích vì sao sự cố này là đáng lo ngại.

"Trước hết là do quy mô của cả hai nước đông dân nhất hành tinh này : Chỉ riêng hai nước này, đã có tới hai tỷ rưỡi dân. Đó còn là hai cường quốc hạt nhân được trang bị nhiều vũ khí nhất, và còn là hai nước được lãnh đạo bởi những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, lo lắng làm sao không để bị mất mặt.

Đáng lo là vì những sự cố đó không xảy ra lúc trời quang mây tạnh. Bởi vì từ nhiều tuần nay, những điểm căng thẳng đã được báo động dọc theo 3.440 km đường biên giới, và các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng đã không thể nào cản được việc đổ máu.

Tại nhiều khu vực, đường biên giới rất dài này đang có nhiều tranh chấp. Cả hai nước đã từng có một cuộc đối đầu ngắn năm 1962, cuộc chiến tranh duy nhất giữa hai ông khổng lồ Châu Á, lợi thế nhanh chóng nghiêng về phía Trung Quốc. Kể từ đó, đường biên giới này được xác định bằng một lằn ranh mà cả hai bên không tài nào có được một sự đồng tình".

Vẫn theo ông Pierre Haski, nếu chỉ giới hạn cuộc xung đột này ở một cuộc tranh chấp biên giới đơn giản thì đó là một sai lầm. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nền văn minh lâu đời nhất, xưa kia từng có những giao tiếp với nhau. Chính từ Ấn Độ, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc cách đây gần hai ngàn năm. Rồi hai bên có một thời gian dài chống đối nhau trước khi tìm cách nối lại liên hệ thông qua các trao đổi mậu dịch. Nhưng bối cảnh địa chính trị đã ngăn cản một sự bình thường hóa thật sự.

"Quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp có những tác động nặng, bởi vì vào lúc ông Trump tiến hành một chiến lược cô lập Trung Quốc thật sự, ông đã ve vãn Ấn Độ. Nguyên thủ Mỹ có chuyến thăm chính thức tại New Dehli vào tháng 2/2020, ngay trước khi dịch bệnh bùng phát, ca tụng thủ tướng Narendra Modi một cách thái quá. Ông tận dụng chuyến đi này để ký một hợp đồng lớn bán vũ khí Mỹ cho Ấn Độ.

Gần đây nhất, Trump còn đề xuất mời Ấn Độ, cùng với Hàn Quốc và Úc đến dự thượng đỉnh G7 mở rộng có dáng dấp một liên minh chống Bắc Kinh. Một chiến lược "kềm hãm" thật sự như người ta thường nói vào thời kỳ chiến tranh lạnh, hiện đang quay trở lại mạnh mẽ".

Trung Quốc có cảm giác bị ngăn chận bởi các nước đồng minh của Mỹ, vốn dĩ nghi ngờ Trung Quốc bá quyền ở Châu Á. Từ đó để thấy rằng những vụ đụng độ hôm thứ Hai, 15/6 còn là lời cảnh báo cho Ấn Độ, không dễ dàng bước thêm một bước nữa. Đó chính là những gì làm cho các vụ đối đầu trên còn thêm nặng tính đe dọa.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Quốc tế

Mỹ chuẩn bị "trừng phạt" các công ty gian lận tại Việt Nam

Hoàng Trung, Thoibao.de, 27/06/2020

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) hôm 23/6 thông báo mở cuộc điều tra chống bán phá giá với lốp xe nhập từ Việt Nam và ba quốc gia khác của Châu Á và xem liệu các nhà sản xuất ở Việt Nam có đang nhận trợ cấp không công bằng hay không.

xe1

Ảnh chụp màn hình một phần đơn kiến ​​nghị ngày 13/5 của United Steelworkers (USW), đại diện cho công nhân tại các nhà máy sản xuất lốp xe của trên toàn Hoa Kỳ

Ba quốc gia Châu Á khác bị Mỹ tiến hành cuộc điều tra với sản phẩm lốp xe xuất khẩu là Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.

Sản phẩm lốp xe của Việt Nam bị cáo buộc bán phá giá 5-22%, mức thấp nhất trong bốn quốc gia bị điều tra lần này. Trong khi đó, biên độ phá giá của lốp nhập từ Thái Lan lớn nhất ở mức 106-217,5% ; kế đến là Đài Loan 21-116% và Hàn Quốc 43-195%.

Mặt hàng từ Việt Nam bị điều tra bán phá giá là lốp xe khách, xe tải hạng nhẹ (Passenger Vehicle and Light Truck Tires - PVLT), theo thông cáo báo chí đăng trên trang web của bộ.

Bộ này cho biết họ cũng đang điều tra xem liệu các nhà sản xuất lốp xe tại Việt Nam có nhận được trợ cấp cho lốp xe khách và lốp xe tải nhẹ hay không.

Các cuộc điều tra được thực hiện theo các kiến ​​nghị được đệ trình vào tháng 5 bởi United Steelworkers (USW), đại diện cho công nhân tại các nhà máy sản xuất lốp xe của trên toàn Hoa Kỳ.

Chủ tịch quốc tế của USW Tom Conway nói : "Mặc dù nhu cầu về lốp xe PVLT tăng lên, các nhà sản xuất trong nước vẫn buộc phải vật lộn với việc thị phần bị giảm, lợi nhuận giảm và mất việc làm".

USW đại diện cho công nhân tại các nhà máy lốp xe của Michelin (MICP.PA), Goodyear (GT.O), Cooper (CTB.N), Sumitomo (8053.T) và Yokohama (5101.T) tại Ohio, Arkansas, North Carolina, Kansas , Indiana, Virginia New York và Alabama.

Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu lượng lốp xe trị giá khoảng 4 tỷ USD từ 4 quốc gia nằm trong diện bị điều tra bán phá giá lần này.

Trong đó, Mỹ nhập gần 2 tỷ USD từ Thái Lan ; 1,2 tỷ USD từ Hàn Quốc vào năm 2019 và khoảng gần 500 triệu USD từ Việt Nam. USW cho biết nhập khẩu lốp xe từ bốn quốc gia đã tăng gần 20% kể từ năm 2017, đạt 85,3 triệu lốp, sau khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra.

Một ngày sau khi DOC ra quyết định trên, đại diện Cục Phòng vệ Thương mại thuộc Bộ Công Thương Việt Nam hôm 24/6 cho biết, cơ quan này đang tích cực phối hợp, làm việc với các bộ, ngành, doanh nghiệp để cung cấp cho phía Mỹ những thông tin chính xác nhất về chính sách phát triển ngành cao su, về chi phí sản xuất, giá bán của doanh nghiệp…

Bộ Công thương Việt Nam cho biết đã cảnh báo nguy cơ việc sản phẩm lốp xe sẽ bị nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ tháng 7/2019 với mức độ cao.

Cơ quan này cũng khẳng định đã làm việc với các Hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ nhằm chủ động nắm bắt thông tin và ứng phó trong trường hợp bị điều tra.

Theo Zing, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết phía Mỹ mới đang bắt đầu điều tra trên cơ sở cáo cuộc của nguyên đơn là ngành sản xuất lốp xe nội địa nước này chứ chưa chính thức áp thuế.

xe2

Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương)

Về mặt Chính phủ, ông Dũng cho biết Bộ Công Thương sẽ tích cực trao đổi với cơ quan Mỹ để khẳng định các chương trình của Việt Nam không mang tính trợ cấp.

Ông giải thích : "Chính sách của Việt Nam là minh bạch. Việt Nam thúc đẩy phát triển chung ngành cao su, chứ không phải riêng ngành lốp xe".

Diễn giải về vụ kiện, ông Dũng nói rằng phía nguyên đơn có đề nghị áp thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá với lốp xe Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên đơn lại khiếu nại một số chính sách cũ mà Việt Nam đã từng áp dụng trước khi gia nhập WTO, nhưng hiện tại đã thay đổi. Ngoài ra, họ cũng viện dẫn một số quy định mới của Mỹ để mở rộng phạm vi khiếu nại.

Theo ông Dũng, khi có căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, một số nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư mở nhà máy tại Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam vào Mỹ từ khoảng 150 triệu USD/năm tăng vọt lên 500 triệu USD/năm tức là tăng gấp hơn 3 lần.

Từ năm 2017, Cục Phòng vệ Thương mại đã liên tiếp cảnh báo các địa phương, bộ ngành là kim ngạch tăng cao có thể bị điều tra. Trong danh sách các mặt hàng có nguy cơ, cơ quan này đánh giá lốp xe có nguy cơ đứng thứ hai.

Từ sự vụ này, ông cho rằng đang có sự dịch chuyển đầu tư FDI từ các nước tới Việt Nam, có thể dẫn đến kim ngạch xuất khẩu một số ngành tăng vọt. Từ đó, ông cảnh báo : "Đó là những nguy cơ, lý do để các nước nhập khẩu có thể khởi xướng điều tra. Khi bị điều tra, cả ngành sẽ bị tác động".

DOC cho biết họ cũng sẽ tiến hành điều tra 20 chương trình trợ cấp ở Việt Nam, bao gồm cả các chương trình thuế, trợ cấp thay thế nhập khẩu và định giá thấp tiền tệ.

xe3

Một nhà máy sản xuất thép ở ngoại ô Hà Nội chụp ngày 30/3/2018

Bộ Công thương Việt Nam nói họ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan có liên quan của Việt Nam để cung cấp các thông tin cần thiết cho phía Mỹ về các nội dung trợ cấp bao gồm cả vấn đề "định giá thấp tiền tệ" để Bộ Thương mại Mỹ có đầy đủ căn cứ, dữ liệu trước khi ban hành kết luận điều tra vụ việc.

Giữa tháng trước, DOC cũng đã khởi xướng một cuộc điều tra xem liệu các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam có phải là thép Trung Quốc được gia công ở nước láng giềng Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Theo một thông cáo báo chí của Cơ quan Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITA) hôm 12/5, Bộ Thương mại Mỹ nghi ngờ rằng các nhà sản xuất thép của Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thép cán phẳng không gỉ từ Trung Quốc, sau đó gia công hoàn thiện rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, đây là vụ việc Bộ Thương mại Mỹ tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với hàng hoá tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế từ 139% đến 267%.

Một căn cứ khác để Bộ Thương mại Mỹ khởi xướng cuộc điều tra lần này là lượng xuất khẩu sản phẩm thép tấm không gỉ từ Việt Nam có sự gia tăng đáng kể trong giai đoạn trước và sau khi Mỹ áp thuế với Trung Quốc. Theo thông cáo của ITA, Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên mặt hàng thép tấm không gỉ của Trung Quốc vào tháng 3/2016.

Thông cáo còn cho biết, việc thực thi luật thương mại một cách chặt chẽ của Mỹ là trọng tâm hàng đầu của chính quyền Tổng thống Trump.

Quyết định hôm 12/5 của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Trump lặp lại đe doạ sẽ áp thêm thuế mới lên hàng hoá Trung Quốc đồng thời tiếp tục chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc là nguyên nhân dẫn tới đại dịch virus corona toàn cầu.

Trước đây, Mỹ từng ra phán quyết áp thuế đối với thép từ Việt Nam được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phán quyết sơ bộ được đưa ra vào tháng 12/2017 và chung cuộc vào tháng 5/2018. Bộ Thương mại Mỹ khi đó thu thuế chống bán phá giá gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 260% đối với thép cuộn cán nguội sản xuất ở Việt Nam sử dụng thép chất nền xuất xứ từ Trung Quốc. Thép chống gỉ từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là gần 200% và thuế chống trợ cấp gần 40%.

Do đó, theo dữ liệu của Bộ Công thương Việt Nam, xuất khẩu sản phẩm thép tấm không gỉ từ Việt Nam sang Mỹ trong thời gian qua liên tục giảm từ 32.000 tấn năm 2017 xuống còn 25.000 tấn năm 2018 và tiếp tục giảm xuống còn 23.000 tấn năm 2019. Hiện nay, Việt Nam đang áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép cán phẳng không gỉ nhập từ Trung Quốc với mức từ 17,94%-31,85%.

Bộ Công thương Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước phải "hợp tác" và "cung cấp thông tin đầy đủ" liên quan đến "nguồn nguyên liệu, quy trình quản lý" cho Bộ Thương mại Mỹ trong quá trình điều tra.

Bộ này còn cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu, Hiệp hội Thép Việt Nam "trong suốt quá trình điều tra vụ việc và có phương án hỗ trợ, xử lý phù hợp bao gồm cả việc trao đổi với Bộ Thương mại Hoa Kỳ để làm rõ căn cứ khởi xướng điều tra, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp xuất khẩu" Việt Nam.

Hồi tháng 12 năm ngoái, DOC đã ban hành phán quyết về việc áp thuế lên tới hơn 456% đối với các sản phẩm thép nhập vào Hoa Kỳ từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan.

xe4

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ ký kết Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 tại Nhà Trắng ngày 15/01/2020

Theo Bộ này, các mặt hàng bị Mỹ áp thuế là các loại thép có xuất xứ từ hai quốc gia trên được đưa sang Việt Nam, sau đó qua công đoạn gia công đơn giản rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Theo nhận định của Bộ Công thương Việt Nam, việc Bộ Thương mại Mỹ tự khởi xướng điều tra chống phá giá và chống trợ cấp sau 26 năm "thể hiện chính quyền mới của Hoa Kỳ đang quyết liệt đấu tranh chống lại các hành vi thương mại không công bằng, bảo vệ ngành sản xuất trong nước".

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong các chương trình bị cáo buộc trợ cấp, đáng lưu ý, lần đầu tiên kể từ khi pháp luật chống trợ cấp sửa đổi của Mỹ được ban hành và có hiệu lực vào tháng 4.2020, nội dung "định giá thấp tiền tệ" được Bộ Thương mại Mỹ điều tra trong khuôn khổ vụ việc chống trợ cấp. Đây là chương trình bị điều tra dựa trên cáo buộc của nguyên đơn Mỹ cho rằng chính sách "định giá thấp tiền tệ" đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Dự kiến, vụ việc sẽ được tiến hành điều tra trong vòng 12 tháng (có thể gia hạn thêm 6 tháng).

Ngay từ khi tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump luôn nêu ra khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết". Sau khi nhậm chức, ngày 23/01/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ và 11 nước trong khu vực đã ký. Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương đàm phán và thúc đẩy các hiệp định thương mại song phương thay vì đa phương nhằm phát huy lợi thế của Mỹ và gia tăng lợi ích của Mỹ trong thương mại quốc tế ; thúc đẩy xu hướng gia tăng bảo hộ và sẵn sàng tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng mà Mỹ có lợi thế để bảo vệ sản xuất trong nước. Cũng chính ông Trump là người khai hỏa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vào ngày 06/7/2018 khi chính thức tuyên bố áp thuế 25% đối với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị lên tới 34 tỷ USD chủ yêu trong lĩnh vực công nghệ cao như người máy, công nghệ thông tin, hàng không vũ trụ, máy in, mô tô… và cho đến nay cuộc chiến vẫn đang leo thang mặc cho hai nước đã hòa hoãn bằng thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1 hồi tháng 01/2020.

Hoàng Trung (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 27/06/2020

********************

Chuẩn bị "ra đòn" mạnh hơn – Trump hoãn phạt Trung Quốc

Hoàng Lan, Thoibao.de, 27/06/2020

Tổng thống Donald Trump nói ông đã không trừng phạt thêm các quan chức Trung Quốc về vụ giam giữ người Hồi giáo ở Tân Cương, vì đang ở "giữa một thỏa thuận thương mại".

xe5

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông báo về quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Hồng Kông tại Vườn hồng của Nhà Trắng ở Washington, Mỹ, ngày 29/5/2020.

Ông Trump nói với trang tin Axios rằng đạt được thỏa thuận "tuyệt vời" có nghĩa là ông không thể áp đặt "thêm các biện pháp trừng phạt".

Trung Quốc giam giữ khoảng một triệu người Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và các nhóm sắc tộc khác trong các trại ở Tân Cương để cải tạo tư tưởng và trừng phạt nhưng phủ nhận việc ngược đãi họ.

Vấn đề trên nảy sinh sau những cáo buộc trong cuốn sách của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Trump.

Ông Bolton cáo buộc rằng tại một hội nghị thượng đỉnh năm ngoái, ông Trump đã bật đèn xanh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xây các trại giam người Uighur ở khu vực phía Tây, nói rằng đó "chính xác là điều nên làm".

Bình luận của tổng thống được đưa ra trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu tuần trước, sau đó được trang tin Axios của Mỹ công bố hôm Chủ nhật.

Axios nói rằng khi được hỏi tại sao lại trì hoãn việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt với các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trump nói : "Chà, chúng tôi đang ở giữa một thỏa thuận thương mại lớn".

"Và khi bạn đang ở giữa một cuộc đàm phán rồi đột nhiên bạn bắt đầu đưa thêm các biện pháp trừng phạt – chúng tôi đã phạt họ rất nhiều. Tôi áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, điều tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ hình phạt nào bạn có thể nghĩ tới. "

Trong diễn tiến của cuộc chiến thương mại cay đắng, Mỹ đã áp thuế lên hơn 360 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc đã trả đũa bằng cách đánh thuế lên hơn 110 tỷ đôla sản phẩm Hoa Kỳ trước khi thỏa thuận "giai đoạn một" được ký kết vào tháng Giêng.

Khi được hỏi tại sao ông không sử dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu – được Quốc hội thông qua năm 2016, để chống lại các vi phạm nhân quyền – ông Trump nói "không ai đề cập cụ thể với tôi về Trung Quốc".

Axios cũng gạn hỏi về những cáo buộc của John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của ông, nói rằng ông đã nhờ Chủ tịch Tập Cận Bình giúp giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử, bằng cách mua nông sản từ nông dân Mỹ.

"Không, hoàn toàn không. Những gì tôi nói với mọi người mà chúng tôi thương thảo với, không chỉ là với Chủ tịch Tập Cận Bình, tôi muốn họ kinh doanh với đất nước này. Những gì tốt cho đất nước thì tốt cho tôi".

"Nhưng tôi không đi quanh nói, ‘Ồ, giúp tôi trong việc tái tranh cử.’ Tại sao tôi lại nói thế ?"

Trung Quốc bị cáo buộc gì về vụ Tân Cương ?

Các nhà hoạt động nói rằng Trung Quốc đang tìm cách đồng hóa các nhóm sắc tộc Hồi giáo bằng vũ lực, bằng cách phá hủy văn hóa của họ và cấm các hoạt động của họ.

Tìm kiếm sự thật trong các trại ‘cải tạo’ người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc nói rằng các trại trong lãnh thổ tự trị là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp nhắm vào người theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Một báo cáo vào tháng Ba cho biết hàng chục ngàn người Uighur đã được chuyển ra khỏi Tân Cương để làm việc trong các nhà máy trên khắp Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết bất kỳ di chuyển nào của người lao động nào cũng là tự nguyện.

xe6

Cựu cố vấn Bolton nói Ông Trump nhờ Tập Cận Bình giúp để tái đắc cử. Cuốn sách mới của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tiết lộ như vậy.

Mùa thu năm 2018, Mỹ đang trên bờ vực áp đặt các biện pháp trừng phạt với quan chức và thực thể hàng đầu của Trung Quốc, liên quan đến các trại giam hàng loạt người Uighur. Được thúc đẩy bởi một yêu cầu lưỡng đảng hiếm hoi từ các nhà lập pháp, các quan chức từ bộ ngoại giao và Hội đồng An ninh Quốc gia đã lên tiếng ủng hộ. Nhưng như ông Trump nói, ý tưởng này đã được gác lại để không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.

Tháng Năm năm nay, vài tháng sau khi giai đoạn đầu tiên của một thỏa thuận thương mại cuối cùng đã đạt được, Quốc hội đã bỏ phiếu áp đảo ủng hộ Dự luật Bảo vệ Nhân quyền của người Uighur. Mặc dù cuối cùng ông Trump đã ký nó thành luật, nhưng vẫn chưa rõ liệu ông sẽ có thi hành luật này hay không.

Một hiệp ước kinh tế lịch sử với Trung Quốc đóng vai trò trụ cột trong chiến dịch tái tranh cử của ông, nhưng căng thẳng về đại dịch có thể thay đổi tính toán đó.

Chính quyền đã báo hiệu rằng họ có thể trừng phạt Bắc Kinh vì che đậy sự bùng phát của virus corona lúc đầu, và đã lên án luật an ninh mới của nước này với Hong Kong. Sự giận dữ với Trung Quốc hiện là một đề tài bầu cử lớn và điều đó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ hành động nào liên quan đến sự đàn áp người Uighur.

Hoa Kỳ đã thực hiện những bước nào ?

Chính quyền Trump đã bị chỉ trích vì không nhắm vào mục tiêu Trung Quốc rõ ràng hơn về quyền con người.

Tuy nhiên, một số thành phần của chính phủ đã công khai chỉ trích cách đối xử với người Uighur của Trung Quốc.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra các cáo buộc về tra tấn và lạm dụng. Đồng thời bộ thương mại đã áp đặt một số lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc về việc Tân Cương.

Nhập khẩu hàng của một số công ty Trung Quốc đã bị hạn chế , một số quan chức Trung Quốc không được cấp Visa, và đã có lệnh cấm đối với hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức – nhưng không phải là lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn từ Bộ Ngân khố.

Thứ Tư tuần trước, tổng thống đã phê chuẩn các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, nhưng nói rằng ông sẽ là người quyết định việc sử dụng chúng.

Hôm thứ Hai, Mỹ chỉ định bốn cơ quan truyền thông Trung Quốc là cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Những cơ quan này, China Central Television, China News Service, People’s Daily và Global Times, thực sự là những "cơ quan tuyên truyền" chứ không phải là cơ quan truyền thông, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói.

Họ sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về nhân viên làm việc tại Hoa Kỳ cho chính phủ Mỹ và liệt kê các giao dịch bất động sản. Họ sẽ không bị hạn chế trong công việc truyền thông.

Đầu năm nay, Mỹ đã có hành động tương tự với năm cơ quan truyền thông khác của Trung Quốc, bao gồm Tân Hoa Xã.

Những công ty truyền thông này được lệnh cắt giảm một số công dân Trung Quốc làm việc tại Hoa Kỳ.

Trung Quốc phản ứng bằng cách trục xuất các nhà báo từ ba tờ báo của Mỹ, bao gồm Wall Street Journal, New York Times và Washington Post.

Mỹ và Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nhau cả về thương mại và đầu tư suốt hơn 20 năm qua, khiến việc độc lập là không thực tế.

Những bình luận của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc "tách rời" kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc đang vấp phải hiện thực khá thách thức. Đó là hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ ngày càng tăng, các công ty Mỹ ngày càng đầu tư nhiều vào Trung Quốc, và thị trường sẽ chao đảo nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời.

Hôm qua, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Peter Navarro khiến các thị trường Châu Á lo lắng khi trả lời trên Fox rằng thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc "đã chấm dứt". Các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đi xuống, đồng đôla mạnh lên và các chỉ số theo dõi biến động cũng tăng vọt.

Navarro sau đó nhanh chóng đính chính, rằng ông chỉ đang đề cập đến niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc qua vấn đề đại dịch. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng khẳng định trên trang cá nhân rằng thỏa thuận không bị ảnh hưởng.

Hôm qua, cố vấn kinh tế Larry Kudlow còn khen ngợi Bắc Kinh. Trên Fox Business Network, ông cho biết "họ thực sự đã có cải thiện" khi đề cập đến thỏa thuận thương mại.

Chính quyền Trump đang nỗ lực kiểm soát thiệt hại sau khi Tổng thống Mỹ tuần trước tuyên bố sẽ cân nhắc "tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc". Trước đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã nói với các nghị sĩ Mỹ rằng việc này không thực tế.

Chiến dịch tái tranh cử của Trump đang được thực hiện theo phương châm "cứng rắn với Trung Quốc". Nhà Trắng đã đổ lỗi cho Bắc Kinh khiến đại dịch lây lan và 120.000 người Mỹ tử vong.

Tuy nhiên, một phần thông điệp này – rằng Mỹ có thể độc lập khỏi nhà cung cấp lớn nhất cho họ hiện tại – sẽ gặp rất nhiều thách thức. Trên thực tế, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên, dù đại dịch khiến hoạt động này đi xuống trong thời gian ngắn. Hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt 8,6 tỷ USD hồi tháng 4, tăng so với đáy 10 năm hồi tháng 2 (6,8 tỷ USD). Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng lên 31,1 tỷ USD, từ 19,8 tỷ USD tháng 3.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho thấy xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc đạt gần 424.000 tấn trong tháng 4, hơn gấp đôi tháng 3. Các quan chức Mỹ, gồm Lighthizer, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gần đây xác nhận lại cam kết của Trung Quốc rằng sẽ tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận giai đoạn một. Theo đó, Trung Quốc sẽ mua thêm 200 tỷ USD nông sản, sản phẩm công nghiệp, năng lượng và dịch vụ Mỹ trong 2 năm.

Hôm qua, khi được hỏi trên một chương trình radio về viễn cảnh chiến tranh lạnh mới, Pompeo cho biết kinh tế Mỹ gắn chặt với Trung Quốc hơn nhiều so với Liên Xô cũ.

"Chúng ta phải nghĩ về việc này theo hướng là các thách thức với tăng trưởng kinh tế và sự thịnh vượng của Mỹ ngày nay đang gắn bó sâu sắc với kinh tế Trung Quốc", ông nói. Pompeo cũng khẳng định Trump sẽ bảo vệ lợi ích của nước Mỹ.

Còn với Mnuchin, khi được hỏi về việc tách rời tại một diễn đàn của Bloomberg-Invesco, ông cho biết việc này sẽ xảy ra nếu các công ty Mỹ không được tạo điều kiện cạnh tranh công bằng tại Trung Quốc.

Reuters trích lời một nguồn tin thân cận với cả Trung Quốc và Mỹ cho biết bình luận hôm thứ Hai của Navarro chỉ là "lỡ lời", cho thấy quan điểm cá nhân cứng rắn của ông với Trung Quốc, chứ đây không phải chính sách của Mỹ. Người này nói rằng giới chức Trung Quốc đã ra tín hiệu nhập khẩu tháng 6 của nước này với hàng Mỹ sẽ tăng mạnh sau nhiều tháng đi xuống vì đại dịch.

Rhodium Group cho biết trong một báo cáo gần đây rằng quý đầu năm, doanh nghiệp Mỹ đã công bố các dự án đầu tư mới trị giá 2,3 tỷ USD vào Trung Quốc. Bất chấp Covid-19, con số này chỉ giảm nhẹ so với trung bình quý năm ngoái. Điều này cho thấy rất ít công ty Mỹ muốn giảm hiện diện tại Trung Quốc.

Bill Reinsch – một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược cho biết kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã mất hơn 20 năm để phát triển cùng nhau. Vì thế, việc tách rời sẽ không dễ dàng.

Một số công ty sẽ rời đi, nhưng không phải vì lời đe dọa của ông Trump, mà vì lương nhân công tại Trung Quốc tăng và các chính sách của Bắc Kinh gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài. "Nếu ở Trung Quốc để phục vụ thị trường này, bạn sẽ chẳng đi đâu, vì không thể phục vụ họ từ nước ngoài được", ông nói, "Tổng thống không thể chỉ đơn giản là yêu cầu mọi người quay về được. Các doanh nghiệp phải đưa ra quyết định hợp lý và mang tính kinh tế".

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 27/06/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Trung, Hoàng Lan
Published in Diễn đàn

John Bolton tiếp tục tấn công tổng thống Trump (RFI, 22/06/2020)

Vài ngày trước khi ra mắt cuốn hồi ký, trả lời đài ABC ngày 21/06/202, John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, quả quyết : "Donald Trump tái đắc cử, Hoa Kỳ sẽ lâm nguy". 

bolton1

Ông John Bolton, nguyên cố vấn an ninh của tổng thống Mỹ phát biểu tại đại học Duke, Durham, Bắc Carolina, Mỹ, ngày 17/02/2020 Reuters - Jonathan Drake

Thông tín viên đài RFI từ New York, Loubna Anaki cho biết thêm :

Trên đài ABC, John Bolton lập lại, những tiết lộ trích từ cuốn sách ông sắp công bố. Trong số này có những điều liên quan đến tính cách thất thường của Donald Trump. Bolton nói "Tôi nghĩ rằng ông ấy không có khả năng, bất tài, trong vai trò của một vị tổng thống". Cựu cố vấn an ninh quốc gia cũng đã trở lại với quan hệ ngoại giao và những cuộc tiếp xúc giữa Donald Trump với các lãnh đạo khác trên thế giới, chẳng hạn như với tổng thống Nga, Vladimir Putin hay với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un. Theo ông John Bolton, tổng thống Mỹ bất lực khi đàm phán để đem lại những thỏa thuận có lợi cho nước Mỹ. Nguyên cố vấn an ninh Nhà Trắng nói tiếp : "Donald Trump có thể rất giỏi khi thương lượng về các khoản giao dịch địa ốc ở Manhattan. Nhưng khi trước mặt chúng ta là những người như ông Putin chẳng hạn, Hoa Kỳ đã rất lúng túng".

Khi một nhà báo hỏi vì sao John Bolton đã từ chối ra điều trần trong phiên luận tội truất phế tổng thống, để rồi cuối cùng tiết lộ tất cả trong cuốn sách của mình, nguyên cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, thủ tục truất phế tổng thống do bên đảng Dân Chủ ở Hạ Viện tiến hành không hoàn toàn được trung thực. Ông Bolton bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng ông đã giữ những thông tin này để trục lợi. Cựu cố vấn của tổng thống Trump tuyên bố viết sách để giúp ích cho đất nước. Ông nói : "Động lực nào khiến tôi viết sách không quan trọng. Có thời điểm nào thuận lợi hơn là một mùa tranh cử để dân Mỹ hiểu rõ hơn về tính cách các ứng cử viên tổng thống hay không ?".

John Bolton kết luận : ông không có ý định bỏ phiếu cho Donald Trump vào tháng 11 tới đây và sẽ là "một tai họa nếu Trump đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai".

Seoul phẫn nộ về sách của Bolton

Vẫn liên quan đến cuốn hồi ký cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ sắp cho công bố, chính quyền Hàn Quốc hôm nay 22/06/2020 chỉ trích ông Bolton "bóp méo sự thật" về tiến trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng. Những tiết lộ "không chính xác này" gây trở ngại cho các cuộc đối thoại trong tương lai giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên về hạt nhân. Cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc, Chung Eui-yong tuyên bố như trên nhưng không đi sâu vào chi tiết. Trong cuốn sách vừa sắp được công bố ông Bolton chỉ trích Seoul thúc đẩy đối thoại Trump-Kim vì lợi ích riêng của Hàn Quốc và "tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên không liên quan đến những quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ".

Thanh Hà

*******************

Thẩm phán bác nỗ lực của chính quyền Trump chặn xuất bản sách của Bolton (VOA, 21/06/2020)

Một thm phán liên bang Hoa Kỳ ngày th By đã bác b yêu cu ca chính quyn Trump ra lnh cm xut bn mt cun sách ca cu c vn an ninh quc gia ca Tng thng Donald Trump, John Bolton, cáo buc tng thng tìm kiếm s giúp đ ca Trung Quc đ tái đắc c.

trump1

Trong cuốn sách sp ra mt, ông Bolton nói Tng thng Trump đã nài n Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình giúp ông giành chiến thng trong n lc ca ông tái đc c vào năm 2020.

"Dù hành vi đơn phương ca Bolton khơi lên nhng lo ngi nghiêm trng v an ninh quc gia, chính ph chưa xác lp mt lnh cm là bin pháp thích hp," Thm phán liên bang khu vc tư pháp th đô Washington Royce Lamberth nói trong phán quyết ca ông.

Chính quyền đã tìm kiếm mt lnh cm tm thi và lnh cm sơ b đi vi vic xut bn cun sách có ta đ "The Room Where It Happened : A White House Memoir," nói rng nó có cha thông tin mt và đe da an ninh quc gia.

Cuốn sách, d kiến s lên k vào ngày thứ Ba, đã đến tay mt s cơ quan truyn thông.

Nhà xuất bn Simon & Schuster và lut sư ca ông Bolton, Charles Cooper, hoan nghênh phán quyết, dù lưu ý rng h không đng ý vi nhn đnh ca thm phán cho rng ông Bolton đã không tuân th đy đ nghĩa v trước khi xut bn đi vi chính ph.

Cuốn sách ca ông Bolton đã thu hút s chú ý rng rãi vi nhng mô t v ông Trump. Ông Bolton nói ông Trump đã nài n Ch tch Trung Quc Tp Cn Bình giúp ông giành chiến thng trong n lc ca ông tái đc c vào năm 2020, và thuật li chi tiết nhng hành vi b cho là không đúng đn vn không được nhc ti trong phiên xét x lun ti ông Trump.

Ông Trump đã sa thải ông Bolton, người có quan đim diu hâu v chính sách đi ngoi, vào tháng 9 năm ngoái sau 17 tháng trong vị trí c vn an ninh quc gia.

*****************

Nhập nhằng vụ công tố viên liên bang bị sa thải, Trump nói ‘không dính dáng’ (VOA, 21/06/2020)

Cuộc đi đu gia B trưởng Tư pháp M William Barr và công t viên liên bang hàng đu ca khu vc Manhattan Geoffrey Berman chấm dt vào ngày th By, sau khi ông Berman đng ý t chc Công t viên Hoa Kỳ khu vc Nam New York sau khi có tin Tng thng Donald Trump đã sa thi ông.

trump2

Công tố viên Hoa Kỳ Geoffrey Berman, lãnh đạo văn phòng công t đy quyn lc Manhattan, tng khi t các v án khng b, ti phm tài chính Ph Wall và tham nhũng chính ph thu hút nhiu s chú ý.

Nhưng ông Trump ph nhn đưa ra quyết đnh sa thi ông Berman, mâu thun vi thông cáo ca ông Barr nói ông đã làm như vy. "Tôi không dính dáng," ông Trump nói khi chun b lên đường đến Oklahoma cho bui tp hp vn đng tranh c.

Ông Berman ra đi trong khi văn phòng của ông đang tiến hành điu tra lut sư cá nhân ca ông Trump, Rudolph Giuliani, liên quan đến nhng n lc ca ông này nhm tìm kiếm thông tin gây tn hi v các đi th chính tr ca ông Trump Ukraine. Văn phòng này cũng đã giám sát việc truy t Michael Cohen, cu lut sư cá nhân ca ông Trump, và truy t hai cng s ca ông Giuliani.

Nhân vật th hai ca văn phòng, Phó Công t viên Hoa Kỳ Audrey Strauss, s thay ông Berman nm Quyn Công t viên Hoa Kỳ cho đến khi mt người khác được chun thun thay thế.

Vụ đi đu vi ông Berman theo sau nhng hành đng mi nht trong mt lot các hành đng ca ông Barr b nhng người ch trích cho là làm li cho ông Trump v mt chính tr và làm suy yếu s đc lp ca B Tư pháp.

Việc này cũng xy ra trong khi ông Trump đang tìm cách loi b các quan chc b xem là không ng h ông mt cách trn vn. Trong nhng tun gn đây, ông đã sa thi mt lot các quan chc đng đu các cơ quan giám sát đc lp, bao gm mt người đóng vai trò quan trọng trong vic lun ti ông Trump hi đu năm nay.

Ông Barr, trong một thông báo bt ng ti ngày th Sáu, cho biết ông Berman s t chc và ông s đ c Ch tch y ban Giao dch và Chng khoán Jay Clayton đm nhn v trí ca ông Berman.

Ông Berman, người lãnh đo mt văn phòng công t đy quyn lc tng khi t các v án khng b, ti phm tài chính Ph Wall và tham nhũng chính ph thu hút nhiu s chú ý, nói ông biết v vic mình t chc qua thông cáo báo chí ca ông Barr, và không có ý đnh làm như vy.

Sang ngày thứ By, ông Barr nói trong mt bc thư gi ông Berman rng ông Trump đã sa thi ông theo đ ngh ca ông Barr, điu mà sau đó tng thng ph nhn.

Ông Berman chưa bao gi được Thượng vin chun thun, mt quy trình thông thường đ b nhiệm các Công t viên Hoa Kỳ, và thay vào đó được b nhim bi các thm phán ca khu vc tư pháp theo mt lut ca M nói rng ông có th phc v cho đến khi chc v b trng được tiếp qun.

*******************

Công tố viên liên bang điều tra luật sư của Tổng thống Trump từ chối từ chức (VOA, 20/06/2020)

Một công t viên liên bang hàng đu ca M có văn phòng đang tiến hành điu tra lut sư cá nhân ca Tng thng Donald Trump, Rudolph Giuliani, ngày th Sáu nói ông không có ý đnh t chc sau khi chính quyn đt ngt nói rng h s thay thế ông.

trump3

Công tố viên Hoa Kỳ Geoffrey Berman, lãnh đo văn phòng công t đy quyn lc Manhattan, tng khi t các v án khủng b, ti phm tài chính Ph Wall và tham nhũng chính ph thu hút nhiu s chú ý.

Diễn biến đầy kch tính đánh du hành đng mi nht trong mt lot các hành đng ca B trưởng Tư pháp William Barr b nhng người ch trích cho là làm li cho ông Trump v mt chính tr và làm suy yếu s đc lp ca B Tư pháp.

Việc này cũng xy ra trong khi ông Trump đang tìm cách loại b các quan chc b xem là không ng h ông mt cách trn vn. Trong nhng tun gn đây, ông đã sa thi mt lot các quan chc đng đu các cơ quan giám sát đc lp, bao gm mt người đóng vai trò quan trng trong vic lun ti ông Trump hồi đu năm nay.

Ông Barr, trong một thông báo bt ng ti ngày th Sáu, cho biết Công t viên Hoa Kỳ Manhattan, Geoffrey Berman, s t chc và ông s đ c Ch tch y ban Giao dch và Chng khoán Jay Clayton đm nhn v trí ca ông Berman.

Ông Berman, người lãnh đo mt văn phòng công t đy quyn lc tng khi t các v án khng b, ti phm tài chính Ph Wall và tham nhũng chính ph thu hút nhiu s chú ý, nói ông biết v vic mình t chc qua thông cáo báo chí ca ông Barr, và s không im lng.

"Tôi chưa t chc, và không có ý đnh t chc," ông Berman nói trong mt tuyên b. "Tôi s t chc khi mt ng viên được tng thng b nhim được chun thun bi Thượng vin. Cho đến lúc đó, các cuc điu tra ca chúng tôi s vn xúc tiến mà không b trì hoãn hay gián đoạn."

Kể t khi được b nhim vào tháng 1 năm 2018, ông Berman đã không ngn ngi điu tra các nhân vt có liên h ti ông Trump. Văn phòng ca ông đã giám sát vic truy t Michael Cohen, cu lut sư cá nhân ca ông Trump, truy t hai cng sự của ông Giuliani và m mt cuc điu tra nhm vào ông Giuliani liên quan đến nhng n lc ca ông này nhm tìm kiếm thông tin gây tn hi v các đi th chính tr ca ông Trump Ukraine.

Các công tố viên chưa cáo buc ông Giuliani v hành vi sai trái nào.

Trong khi Thượng vin xem xét ông Clayton vào v trí này, ông Trump b nhim Craig Carpenito, Công t viên Hoa Kỳ khu vc tư pháp New Jersey, làm Quyn Công t viên Hoa Kỳ khu vc tư pháp Nam New York, ông Barr nói trong thông cáo ca mình.

Nhưng không rõ liệu ông Barr có th buc ông Berman ri chc hay không.

Ông Berman chưa bao gi được Thượng vin chun thun, mt quy trình thông thường đ b nhim các Công t viên Hoa Kỳ, và thay vào đó được b nhim bi các thm phán ca khu vc tư pháp theo mt luật của M nói rng ông có th phc v cho đến khi chc v b trng được tiếp qun.

Additional Info

  • Author VOA tổng hợp
Published in Quốc tế

Nguyễn Hoàng Duyên, Hoàng Bách, 19/06/2020

Hoàng Bách nói chuyện với Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên

+ Sách "The Room Where It Happens" của Bolton hé lộ nhiều bí mật của Trump trong suốt 18 tháng. Ông John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống. Bolton nói "Trump là vị Tổng tư lệnh thất thường…".

+ Tối Cao Pháp Viện Mỹ quyết định 3 vụ kiện gần như bất lợi cho Tổng thống Trump trong tuần này.

Nguồn : Hoangbach Channel, 19/06/2020

Additional Info

  • Author Nguyễn Hoàng Duyên
Published in Video

Lời giới thiệu : Nhân ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, 19/6/2020, nhắc lại quan điểm về chiến tranh Việt Nam của Tổng thống Donald Trump

maly1

Tổng thống Trump : Chiến tranh Việt Nam lực lượng một cuộc chiến tồi tệ

Trong thời gian thăm viếng Anh Quốc đầu tháng 6 năm vừa qua, khi được nhà báo Piers Morgan phỏng vấn trong chương trình World Exclusive được phát hình trên hệ thống truyền hình Good Morning Britain (GMB), Tổng thống Trump tuyên bố ông chống chiến tranh Việt Nam. Ông nói chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tồi tệ, không phải như cuộc chiến chống Đức Quốc Xã. Ngoài ra ông còn ca ngợi những nhà lãnh đạo và nước Việt Nam hiện nay. 

Trong cuộc phỏng vấn Tổng thống Trump nói nguyên văn như sau : 

"Quả thực, tôi chưa bao giờ hâm mộ cuộc chiến đó. Tôi sẽ thành thật với anh. Tôi nghĩ đây là một cuộc chiến tranh tồi tệ. Nó ở rất xa. Anh biết, anh đang nói về Việt Nam và vào lúc đó không ai nghe nói về đất nước này. Ngày nay, họ đang làm việc rất tốt, thật sự, về thương mại họ xông xáo. Ho rất xông xáo". 

"Họ là những nhà thương thuyết tuyệt vời và là những doanh nhân vĩ đại nhưng không ai nghe nói về Việt Nam và tôi nói, "Chúng ta đang làm gì ? Rất nhiều người đang chết. Cái gì đang xẩy ra ở đó ? Vì vậy tôi không bao giờ là người hâm mộ. Đây không như tôi đang chiến đấu chống Đức Quốc Xã, tôi đang chiến đấu – Chúng tôi đang chiến đấu chống Hitler. Và tôi giống rất nhiều người. 

"Tôi không xuống đường biểu tình. Anh biết, tôi không nói "Tôi sẽ dọn qua Canada" như nhiều người đã làm, nhưng không, tôi không là một người hâm mộ cuộc chiến này. Cuộc chiến này không phải một thứ mà tôi nên tham dự vào". 

"Well I was never a fan of that war. I'll be honest with you, I thought it was a terrible war. I thought it was very far away. Nobody ever, you know, you're talking about Vietnam and at that time nobody ever heard of the country. Today they're doing very well, in fact on trade they are brutal. They're very brutal.

"They're great negotiators, they're great business people but nobody heard of Vietnam and I say, "What are we doing ? So many people dying. What is happening over there ?" So I was never a fan. This isn't like I'm fighting against Nazi Germany, I'm fighting -- We're fighting against Hitler. And I was like a lot of people".

"I wasn't out in the streets marching. I wasn't saying, you know, "I'm going to move to Canada"., which a lot of people did, but no I was not a fan of that war. That war was not something I should've been involved".

maly2

Đây là một sự phỉ báng thẳng vào mặt các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, những người tị nạn cộng sản, các cựu chiến bình Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam và hàng trăm ngàn thanh niên Việt, Mỹ đã hi sinh bảo vệ tự do, chống lại chế độ độc tài, tham nhũng mà chính ông Trump cũng lên án. 

Một mặt ông Trump kêu gọi thế giới lật đổ các chế độ cộng sản và xã hội chủ nghĩa, một mặt ông ca ngợi Việt Nam cộng sản là một nước có một cuộc sống rất tốt và có những nhà lãnh đạo tài ba. Đó là một mâu thuẫn hiển nhiên. 

Tổng thống Trump chủ trương tiêu diệt Trung Quốc ?

maly3

Phần đông những cựu quân nhân Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và người Việt tị nạn cộng sản là những người ủng hộ mãnh liệt Tổng thống Trump vì ông theo đuổi chính sách đối đầu với Trung Quốc qua việc áp đặt thuế quan trên hàng của Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ. Ngoài ra ông Trump còn áp dụng một số biện pháp phi quan thuế như trừng phạt Huawei và ZTE, cấm các công ty Mỹ bán những bộ phận điện tử cho các công ty này và kêu gọi các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài bỏ Trung Quốc qua đầu tư vào các nước khác. 

Khi đến Việt Nam tham dự Hội nghị APEC vào cuối năm 2017, ông Trump nhắc đến cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống lại ách cai trị của Trung Quốc để dành lại độc lập. Ông đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về việc bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Lời tuyên bố này của ông Trump đã làm vui lòng tất cả mọi người Việt và vô tình làm mê hoặc khá nhiều người Việt. 

Dưới thời Tổng thống Obama, Đại sứ Mỹ tại Hà Nội và các sĩ quan cao cấp của Hoa Kỳ cũng từng viếng thăm Đền Thờ Hai Bà và đến quan sát sông Bạch Đằng nơi xẩy ra một cuộc hải chiến giúp quân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của tướng Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán. Nhưng những sự kiện này không gây nhiều chú ý. 

Ông Trump từng tuyên bố chống lại xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản. Ông nói :

"Hầu như ở những nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản được áp dụng đều đã tạo ra những thống khổ, tham nhũng và ung thối. Sự thèm khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội đã dẫn đến việc bành trướng, xâm lăng và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần phải chống lại chủ nghĩa xã hội và chống lại sự đau khổ mà nó mang đến cho mọi người". 

"Virtually everywhere socialism or communism has been tried it has produced suffering, corruption, and decay. Socialism’s thirst for power leads to expansion, incursion, and oppression. All nations of the world should resist socialism and the misery that it brings to everyone".

Nhiều người Việt đã ghi lòng tạc dạ câu nói kinh điển trên đây của ông Trump như thể chưa có ai đưa ra nhận định đó bao giờ. Nhưng khi nói đến chủ nghĩa xã hội, Tổng thống Trump thực sự nhắm tấn công Đảng Dân chủ và các nước Châu Âu, đặc biệt các quốc gia Bắc Âu, với chính sách quốc gia xây dựng trên trách nhiệm cộng đồng, ưu tiên về an sinh và công bằng xã hội, ủng hộ hệ thống thuế lũy tiến và giảm ngân sách quốc phòng Trong khi đó, Đảng Cộng hòa chú trọng về quyền tự do cá nhân, phát triển khu vực tư và xây dựng các công ty lớn dựa trên lý thuyết kinh tế "nước thấm xuôi" (trickle down economics), cắt giảm tối đa những chương trình an sinh xã hội như trong dự án ngân sách 2020-2021, ủng hộ một thuế suất đồng đều bất kể giầu nghèo và tăng ngân sách quốc phòng.   

Sự thật là cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có cùng một lập trường chống sự bành trướng của Trung Quốc, chống chế độ cộng sản và chủ nghĩa cộng sản, không riêng gì Tổng thống Trump. Bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi (Dân chủ, California) và Lãnh tụ thiểu số Thượng Viện Chuck Schumer (Dân chủ, New York) có lập trường cứng rắn với Trung Quốc.

maly4

Bà Nancy Pelosi từng trương biểu ngữ "Tưởng niệm những người đã chết cho Dân chủ" khi bà biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn vào 1991 vài hôm trước ngày tưởng niệm cuộc tàn sát sinh viên vào 1989. Cựu Tổng thống Obama từng cho chiến hạm qua eo biển Đài Loan nhiều lần hơn cả ông Trump, coi đây là việc làm thường xuyên nên không làm ầm ĩ. 

Trong hơn ba năm qua, ông Trump chưa làm một việc gì cụ thể và hiệu quả để chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc. Ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership – TPP) ngay trong tuần lễ đầu nhậm chức tổng thống. TPP do chính quyền Obama xây dựng để đoàn kết các nước ven Thái Bình Dương và cô lập Trung Quốc. Thương chiến với Trung Quốc chỉ nhắm làm giảm cán cân thương mại bất lợi, nhưng làm kinh tế của cả hai nước bị thiệt hại đáng kể 

Ông Trump đe dọa phủ quyết Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ cho Hồng Kông, nhưng thất bại vì Quốc hội có dư phiếu để vô hiệu quyền phủ quyết. Mới đây ông còn tuyên bố Hồng Kông là một phần của Trung Quốc nên ông không can thiệp khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia. 

Trong hơn ba năm qua, Tổng thống Trump đã làm giảm uy tín của Hoa Kỳ đáng kể. Những cuộc biểu bột phát ở khắp nơi trên thế giới chống cá nhân ông và những gì xấu xí đang xẩy ra ở Hoa Kỳ. Hệ quà là vị thế của Trung Quốc và Nga ngày càng mạnh hơn. Ông Trump đã cô lập hóa Hoa Kỳ với thế giới và ngay cả với những nước đồng minh truyền thống như Anh, Đức, Pháp, Canada, Ý và Nhật. Cụ thể là Hội nghị Thượng đỉnh G-7 được dự trù tổ chức tại Hoa Kỳ vào năm nay khó thành hình. Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức từ chối không tham dự lấy cớ đại dịch Covid-199.  Dự định mời Tổng thống Vladimir Putin tham dự của Tổng thống Trump không được hưởng ứng. Nếu G-7 xụp, NATO sẽ đổ theo. 

 

maly5

Cuốn hồi ký của John Bolton tố cáo Tổng thống Trump hạ mình xin xỏ Chủ tịch Tập Cận Bình giúp ông thắng cử cuối năm 2020. Ông Trump còn chỉ trích Đảng Dân chủ có thái độ thù nghịch với Trung Quốc (điều này phải hiểu rằng ông Trump thân thiện với Trung Quốc).

Cuốn sách sắp phát hành của ông John Bolton "Căn phòng nơi sự việc xẩy ra : Hồi ký Nhà Trắng" (‘The Room Where It Happened : A White House Memoir’) tố cáo Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Osaka, Nhật Bản của 20 nước vào cuối tháng 6 năm vừa qua, đã xin xỏ Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để giúp ông thắng cử trong cuộc bầu cử cuối năm nay. Ông Trump đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của nông dân trong cuộc bầu cử sắp tới và yêu cầu Trung Quốc gia tăng mua đậu nành và lúa mì. 

Ngoài ra, ông Bolton còn tiết lộ rằng Tổng thống Trump đã nói trong buổi họp với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Đảng Dân chủ có thái độ thù nghịch với Trung Quốc. Như vậy chúng ta phải hiểu rằng Đảng Cộng hòa thì không. 

Ông Bolton là một luật sư Hoa Kỳ, theo Đảng Cộng hòa, cựu cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng trong 2018-2019. Ông Trump đang kiện để cấm không cho cuốn sách này được phát hành với lý do tiết lộ bí mật quốc gia. 

Người Việt thất vọng

Lời tuyên bố của Tổng thống Trump về chiến tranh Việt Nam chắc hẳn làm cho nhóm người Mỹ gốc Việt từng hăng hái ủng hộ ông bằng mọi giá thất vọng. Họ từng bất chấp những sai trái hiển nhiên của ông và tư cách bất xứng với cương vị của một vị tổng thống của một cường quốc và của thế giới tự do. Ít học, thiếu lý luận, nên họ thường chỉ biết văng tục với những ai dám phê bình đến ông Trump mà họ coi như một vị giáo chủ.

Khi đến Việt Nam họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un vào tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump cũng đã ca ngợi Việt Nam là một mô hình tốt đẹp cho Bắc Hàn noi theo và mời Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ vào năm nay để tiếp tục thảo luận về những biện pháp tăng cường sự hợp tác toàn diện giữa hai nước.  

Những tín đồ Việt ủng hộ Trump trong và ngoài nước hẳn đã thất vọng khi Tổng thống Trump phất cờ đỏ sao vàng tại Hà Nội nhưng còn cố gắng bênh vực Trump. Nay một lần nữa bị Tổng thống Trump nhục mạ điều linh thiêng nhất đối với những người tị nạn cộng sản, cuộc chiến bảo vệ tự do. Rất tiếc những người tôn thờ Trump ngậm bồ hòn làm ngọt, mũ ni che tai, không dám có một phản ứng nào cả.

Trong quá khứ và cho đến ngay giờ phút này, người Việt đặc biệt là những cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa ghét cay ghét đắng những nhân vật nổi tiếng chống chiến tranh Việt Nam như John Kerry, Chuck Hagel, Jane Fonda, Tom Hayden và Joan Baez, ngoại trừ Donald Trump, một người trốn lính năm lần.

Nguyễn Quốc Khải

Nguồn : Việt Báo, 18/06/2020

Additional Info

  • Author Nguyễn Quốc Khải
Published in Diễn đàn

Trong bài "Donald Trump, tổng thống hạnh phúc với sự hỗn loạn", L’Express đặt câu hỏi, trong đất nước đầy loạn lạc hiện nay, ông Trump đã bị mất kiểm soát chăng ? Tuần san cảnh báo, đừng quên rằng tổng thống đương nhiệm rất thích xung đột.

my1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp các đại diện cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại Nhà Trắng, ngày 10/06/2020. © Reuters/Kevin Lamarque

Các cuộc biểu tình chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ chiếm trang nhất và là hồ sơ chính của nhiều tuần báo kỳ này. Trang bìa của The Economist chạy hàng tựa lớn "Sức mạnh của phản kháng" trên nền đen, với hình vẽ một người da màu mang khẩu trang, trong tư thế quỳ gối. Cũng trên nền màu đen, Courrier International đăng ảnh một người biểu tình, chạy tựa "Nước Mỹ nổi dậy". L’Obs đưa ảnh chân dung nghệ sĩ da đen Pháp Omar Sy, người đã đưa ra lời kêu gọi chống bạo lực cảnh sát tuần trước. L’Express dự báo "Và rốt cuộc người thắng là Trump". Riêng Le Point kỳ này là số chuyên đề "Địa ốc : Nên sống ở đâu".

Hoa Kỳ, đất nước đang trên thùng thuốc súng

Hồ sơ của Courrier International trích dịch các bài viết của nhiều tờ báo Mỹ và Anh. The New York Timesnói về "Một đất nước đang trên thùng thuốc súng". Thất nghiệp hàng loạt, bất bình đẳng tăng lên do đại dịch, cực hữu không bị ngăn trở và tổng thống thì sẵn sàng đổ dầu vào lửa : tất cả khiến cho nước Mỹ có thể bốc lửa.

Financial Timescho rằng "Bị ám ảnh với việc tái đắc cử, ông Trump thu hút ngọn lửa" : với một tổng thống gây chia rẽ, mùa hè này tại nước Mỹ có thể hỗn loạn. The Atlantic nhận định, phong trào phản kháng sẽ không dừng lại, và có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11. Tờ Star Tribune tả lại đám tang hoành tráng của George Floyd, với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng, trong bài viết mang tựa đề "Vinh danh một người khổng lồ". Los Angeles Times kêu gọi một sự thay đổi triệt để trong xã hội Mỹ với bài "Chúng ta sẽ không đi thụt lùi".

Wall Street Journal đặt câu hỏi, hàng ngàn tỉ đô la đổ ra cho phúc lợi xã hội đã thay đổi được gì ? Hầu như không có chuyển biến nào từ năm thập niên qua : nghèo khổ, tội phạm… vẫn phổ biến tại các khu phố đã nổ ra các vụ nổi dậy hồi năm 1968, nơi vẫn do phe Dân chủ lãnh đạo. Thất bại của mô hình cánh tả khiến họ quay sang tố cáo sự thiếu vắng "công lý". Chiến lược này đã thành công, với những người biểu tình ở Paris và Berlin giảng bài học đạo lý về phân biệt chủng tộc cho Hoa Kỳ. Người Mỹ dù bất kỳ màu da nào nghĩ gì về các sự kiện mới đây ? Không đơn giản là việc chọn lựa giữa Joe Biden và Donald Trump, mà tầm vóc vấn đề đã vượt quá hai nhân vật này.

Donald Trump lỗi hẹn với lịch sử ?

L’Expresscho rằng "Donald Trump đã lỡ hẹn với lịch sử". Sau cái chết của công dân da đen George Floyd vì bị một cảnh sát đè nghẹt thở, tổng thống Hoa Kỳ lẽ ra đã phải đóng vai người tập hợp toàn dân, nhưng ông lại thổi bùng ngọn lửa phản kháng.

Hình ảnh các quân nhân canh gác quanh Nhà Trắng đã gây sốc cho không ít người Mỹ. Ngay cả Franklin Roosevelt sau vụ tấn công bất ngờ của Nhật ở Trân Châu Cảng tháng 12/1941 cũng đã từ chối cho xe tăng trấn giữ Tòa Bạch Ốc, vì không muốn mang lại ấn tượng một nền dân chủ bị bao vây. Nhưng tổng thống đương nhiệm không ngại điều này, vì ông thích hình ảnh một "tổng thống thời chiến".

Lần này kẻ thù không còn là người tiến hành thủ tục truất phế ông Trump ở Quốc hội hay Tập Cận Bình, mà là một phong trào không tên nhưng trải rộng trên toàn quốc. Còn 5 tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, ông Trump có thể nhìn nhận "mạng sống của người da đen cũng quan trọng", và cải cách ngành cảnh sát. Nhưng ông lại hướng về những người ủng hộ trung thành của mình, da trắng và bảo thủ, nhấn mạnh đến "luật pháp và trật tự", chỉ trích sự yếu kém của các thống đốc Dân chủ.

Trong lịch sử Mỹ, cử tri không bao giờ thay đổi tổng thống khi đất nước đang trong tình trạng chiến tranh. Ông Lincoln tái đắc cử trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, Roosevelt khi khởi đầu Đệ nhị Thế chiến và George W. Bush đã đánh bại John Kerry trong cuộc xung đột Irak. Ông Trump hiểu điều này, và hôm 05/05 khẳng định người Mỹ "phải tự coi là những chiến binh", làm cho những người ủng hộ của ông rất hài lòng. 

Tổng thống của sự hỗn loạn luôn sẵn sàng thượng đài

Trong bài "Donald Trump, tổng thống hạnh phúc với sự hỗn loạn", L’Express đặt câu hỏi, trong đất nước đầy loạn lạc hiện nay, ông Trump đã bị mất kiểm soát chăng ? Tuần san cảnh báo, đừng quên rằng tổng thống đương nhiệm rất thích xung đột.

Đối với nhà sử học Nicole Bacharan, "Donald Trump đưa chúng ta ra khỏi lãnh vực chính trị để bước vào tâm lý học", bởi vì ông sống với sự đối đầu thường trực. Sau vài từ hòa dịu về George Floyd, Trump liền đả kích người biểu tình là nổi dậy, tội phạm, vô chính phủ, chống phát-xít, khủng bố.

Giáo sư tâm lý Dan P. McAdams của trường đại học Northwertern giải thích, vị tổng thống này chỉ sống ở thì hiện tại, mỗi ngày đối với ông là một cuộc chiến mà ông phải chiến thắng bằng mọi phương tiện, kể cả dối trá. Trump thích sự hỗn loạn. Môi trường bất ổn tạo nên sức mạnh của ông : Trump chỉ ngủ có 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, và lao vào cuộc chiến trước các đối thủ, mở các mặt trận mới trên Twitter… trước khi địch thủ có thì giờ phân tích tình hình và tìm cách trả đũa. Sống bản năng và hời hợt, nên ông rất khó đoán, gây bối rối cho kẻ thù.

Tuy những tuyên bố gây chia rẽ đã làm một số người ủng hộ phân vân, nhưng giáo sư Steven Levitsky, trường đại học Havard ghi nhận : "Chỉ có những quân nhân về hưu mới dám phản đối tổng thống Trump". Những ai chưa gì đã đặt dấu chấm hết cho ông là thiếu thận trọng, vì số những người ủng hộ Donald Trump nhiệt thành, chiếm đến 43% cử tri, không hề suy suyển. Ngược với những người tiền nhiệm, Donald Trump chưa bao giờ có tỉ lệ tín nhiệm cao hơn, nhưng cũng chưa xuống thấp hơn.

Theo Levitsky, số này vẫn sẽ bầu cho ông Trump dù từ đây cho đến tháng 11, số nạn nhân Covid-19 có vượt quá 200.000 người và kinh tế vẫn chưa vực dậy nổi. Nhà chính trị học Roger Smith, đại học Pennsylvania cho rằng Donald Trump thất bại trong ba lãnh vực : y tế, kinh tế và trật tự xã hội. Nhưng vị tổng thống không hề biết đến mệt mỏi sẵn sàng thượng đài trở lại, và cuộc tỉ thí còn lâu mới kết thúc.

Cảnh sát Pháp không phải là Mỹ

Phong trào chống kỳ thị sắc tộc còn lan sang nhiều nước, đặc biệt là tại Pháp. Le Point trong bài xã luận tỏ ra bất bình khi những người thích gieo rắc hận thù đã thành công trong việc làm người ta tin rằng những trường hợp như George Floyd ở Minneapolis cũng phổ biến như ở Pháp. Họ bất chấp thực tế là tại Pháp, những vụ bạo lực cảnh sát khá hiếm hoi.

Tờ báo phê phán, nếu xu hướng coi chủng tộc là nhân tố quyết định trong các cuộc xung đột trở nên phổ biến, thì tất cả mọi người chỉ còn được đánh giá theo màu da, lịch sử sẽ bị viết lại. Nếu người biểu tình bên Mỹ tấn công vào bức tượng các vị tướng miền Nam trong cuộc Nội chiến, thì tại Martinique (lãnh thổ hải ngoại Pháp), hai bức tượng của Victor Schoelcher, nhà đấu tranh chống chế độ nô lệ năm 1848 đã bị lật nhào. Sai lầm lớn nhất của ông : là người da trắng !

Tuần báo L’Obs khi nhắc đến những vụ câu lưu tùy tiện vẫn nhấn mạnh, không phải tất cả cảnh sát Pháp đều như thế, không có sự "phân biệt chủng tộc cấp nhà nước" như một số phong trào cực đoan muốn đổ dầu vào lửa. Không, những người cảnh sát được vỗ tay hoan hô sau các vụ khủng bố, giờ đây không phải trở nên "đáng ghét" như những người biểu tình ở Paris đã hô hôm 02/06.

Le Point cho rằng sự so sánh là nguy hiểm. Đành rằng một số hành động quá trớn của cảnh sát phải bị trừng phạt, nhưng Pháp không phải là Mỹ - với chế độ nô lệ bắt rễ suốt mấy thế kỷ. Nhà văn James Baldwin, tác giả cuốn "Lần tới sẽ là ngọn lửa", khi tố cáo sự cực đoan của người da trắng lẫn da đen, đã nhấn mạnh "Nếu không nhanh chóng giải quyết, vấn đề sẽ trầm trọng thêm". Nhưng từ đó đến nay, gần 60 năm đã trôi qua.

Adama Traoré có phải là nạn nhân bạo lực cảnh sát ?

Trường hợp Adama Traoré, người thanh niên da đen chết khi bị câu lưu cách đây bốn năm, được nâng lên thành biểu tượng cho bạo lực cảnh sát tại Pháp, Le Point trong bài điều tra khẳng định thực tế phức tạp hơn nhiều.

Ngày 19/07/2016 hiến binh kiểm tra giấy tờ Bagui Traoré, người anh của Adama, một tội phạm nhiều tiền sự đang bị truy tìm vì tội trấn lột, Adama đang ở cạnh liền bỏ chạy. Bị đuổi theo bắt được, rồi được một đồng bọn giải cứu, Adama trốn vào nhà một người dân nhưng cuối cùng cũng bị phát hiện, còng tay đưa lên xe. Trên đường đến trụ sở hiến binh, anh ta bất tỉnh, y tế cấp cứu đến trễ vì đi lạc, Adama đã chết. Pháp y kết luận không có dấu hiệu bạo lực.

Thanh niên này có tiếng là nghiện rượu và ma túy, đã bị kiện vì cưỡng hiếp một bạn tù. Gia đình Adama Traoré không chấp nhận kết quả pháp y, đòi kiểm nghiệm lại nhiều lần. Cô chị Assa Traoré liên tục xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình tố cáo cảnh sát, nói rằng Adama chạy trốn chỉ vì quên đem giấy tờ. Thực tế hiến binh tìm được trên người anh ta một gói cần sa và 1.330 euro tiền mặt, số tiền này đã giao lại cho gia đình.

Tuần trước 20.000 người đã biểu tình ở Paris đòi "công lý" cho Adama Traoré, và hôm nay 13/06/2020 một cuộc biểu tình khác cũng được dự kiến. Trong khi đó chủ nhà nơi Adama ẩn nấp phải dọn nhà đi nơi khác trốn biệt vì sợ gia đình anh ta trả thù, còn nạn nhân vụ cưỡng hiếp bị Bagui Traoré đánh đập tơi tả.

Lật đổ thị trưởng thân Trung Quốc : Cái tát của cử tri Đài Loan

Về Châu Á, Hồng Kông và Đài Loan được các báo tuần này chú ý. The Economist trong bài "Một chính khách thân Trung Quốc bị lăng nhục ở Đài Loan" nhận định người dân Cao Hùng đã tự viết nên lịch sử của mình, khi gần một triệu dân, tương đương với 97% cử tri đã bỏ phiếu bãi chức thị trưởng Hàn Quốc Du (Han Kuoyu).

Sự lật đổ này phản ánh một sự thay đổi hẳn trong chính trị Đài Loan hai năm qua. Hàn Quốc Du trở thành thị trưởng với lời hứa làm giàu nhờ quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc, chiêu dụ được những cử tri thất vọng với cách quản lý kinh tế của bà Thái Anh Văn, và được Quốc Dân Đảng đề cử tranh chức tổng thống.

Nhưng cuộc tranh cử khởi đầu cùng với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, trung tâm chiến dịch của bà Thái được đổi từ kinh tế sang chủ đề bảo vệ Đài Loan trước mối đe dọa Trung Quốc. Trong khi đó ông Hàn Quốc Du lại tổ chức các cuộc họp riêng tại văn phòng của chính quyền Trung Quốc ở Hồng Kông và Macao. Ông mô tả Đài Loan và Trung Quốc là một cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng rốt cuộc lại yêu nhau say đắm.

Giáo sư Phạm Thế Bình (Fan Shihping), trường đại học sư phạm Đài Loan cho rằng việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hồng Kông là nguyên nhân cái tát của cử tri dành cho Hàn Quốc Du. Chủ tịch Quốc Dân Đảng, ông Giang Khải Thần (Johnny Chiang) nay cố gắng làm giảm nhẹ hình ảnh thân Trung Quốc, khẳng định Quốc Dân Đảng luôn chống cộng.

Theo The Economist, bên cạnh đó còn một số lý do khác : cử tri tức giận vì Hàn Quốc Du hứa sẽ không ra tranh cử tổng thống nhưng không giữ lời, không làm tròn nhiệm vụ thị trưởng, không đưa được công viên Disney về địa phương như cam kết. Còn ba tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử thị trưởng mới. Quốc Dân Đảng vẫn chưa chọn được ứng cử viên, nhưng chắc chắn sẽ thận trọng hơn với nhân tố Trung Quốc.

Thụy My

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế