Mỹ : Tổng thống Trump chính thức khai trương Lực lượng Không gian (BBC, 22/12/2019)
Tổng thống Donald Trump chính thức tài trợ thành lập và khai trương một lực lượng quân sự mới của Lầu Năm Góc, tập trung vào chiến tranh trong không gian.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper xem quân kỳ của Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ mới được thành lập, sự kiện diễn ra tại Nhà Trắng, Washington, DC ngày 29/8/2019
Lực lượng Không gian Hoa Kỳ là một quân chủng mới lần đầu tiên được thành lập sau hơn 70 năm và được đặt trực thuộc Không quân Hoa Kỳ.
Phát biểu từ một căn cứ quân sự gần Washington, ông Trump đã mô tả không gian là "lãnh địa chiến tranh mới nhất của thế giới".
"Giữa những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta, sự vượt trội của Mỹ trong không gian là vô cùng quan trọng", ông nói.
"Chúng ta đang dẫn đầu, nhưng chúng ta không dẫn đầu đủ, nhưng trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ dẫn đầu rất nhiều".
"Lực lượng Không gian sẽ giúp chúng ta ngăn chặn sự xâm lược và kiểm soát địa hạt cao nhất", ông nói thêm.
Không gian là cương vực, ranh giới quân sự cuối cùng hiện nay mà nhiều quốc gia, trong đó có các cường quốc quân sự, quan tâm đầu tư và cạnh tranh
Việc phân bổ tài trợ đã được xác nhận vào thứ Sáu, 20/12/2019, khi tổng thống ký ngân sách quân sự thường niên trị giá 738 tỷ USD.
Sự ra mắt của Lực lượng Không gian sẽ được tài trợ ban đầu 40 triệu USD cho năm đầu tiên.
Lực lượng Không gian thực sự sẽ làm gì ?
Lực lượng này không có ý định đưa quân đội vào quỹ đạo, nhưng sẽ bảo vệ các tài sản của Mỹ - chẳng hạn như hàng trăm vệ tinh được sử dụng để liên lạc và giám sát.
Quyết định thành lập diễn ra sau khi giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ thấy Trung Quốc và Nga đạt được nhiều tiến bộ trong ranh giới quân sự cuối cùng này.
Phó Tổng thống Mike Pence trước đây từng nói hai quốc gia trên sở hữu các loại vũ khí laser trên không và hỏa tiễn chống vệ tinh mà Mỹ cần chống lại.
"Môi trường không gian đã thay đổi về cơ bản ở thế hệ trước", ông nói. "Một nơi từng là môi trường hòa bình và không có tranh chấp, giờ đã trở nên đông đúc và thù địch".
Lực lượng Không gian sẽ được xây dựng dựa trên cơ sở hiện hữu của Bộ chỉ huy Không gian Hoa Kỳ (SpaceCom), được thành lập vào tháng 8/2019 để xử lý các hoạt động không gian của quân đội Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump bắt tay Tướng Không quân John Jay Raymond (bìa phải), người chỉ huy SpaceCom và Lực lượng Không gian mới khai trương
Bộ trưởng Không quân Barbara Barrett nói, Lực lượng Không gian sẽ bao gồm khoảng 16.000 nhân viên Không quân và dân sự.
Lực lượng mới sẽ được Tướng Không quân John Jay Raymond, người hiện đang điều hành SpaceCom, chỉ huy.
Đầu tháng 12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc Mỹ mở rộng không gian gây ra mối đe dọa đối với lợi ích của Nga và đòi hỏi phải có đáp lại từ phía Nga.
"Lãnh đạo chính trị - quân sự Hoa Kỳ công khai coi không gian là một sân khấu quân sự và có kế hoạch tiến hành các chiến dịch ở đó", ông Putin nói.
********************
Trump sẽ đọc Thông điệp Liên bang giữa bão luận tội (BBC, 21/12/2019)
Chủ tịch Hạ viện, Nancy Pelosi, đã gửi thư cho Tổng thống Trump mời ông đọc Thông điệp Liên bang vào ngày 4/2, giữa cuộc chiến luận tội của hai đảng.
Bà Nancy Pelosy và Tổng thống Donald Trump - Ảnh minh họa
Thông điệp hàng năm có thể được đưa ra trong hoặc ngay sau phiên tòa ở Thượng viện, nơi ông Trump có khả năng được tha bổng.
Ông Trump đã chính thức bị Hạ viện luận tội hôm thứ Tư.
Chủ tịch Hạ viện Pelosi nói với hãng tin AP rằng ông Trump sẽ bị "luận tội mãi mãi, bất kể Thượng viện làm gì".
Cuộc bỏ phiếu luận tội do Hạ viện cầm trịch diễn ra cách đây hai ngày đã chia rẽ hầu như hoàn toàn đường lối của hai đảng.
Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chưa thỏa thuận được khi nào thì phiên tòa của Thượng viện sẽ diễn ra.
Thư của bà Pelosi viết gì ?
Bức thư bà Pelosi gửi ông Trump hôm thứ Sáu bắt đầu với lời nhắc nhở ông Trump về sự "phân chia quyền lực" được ghi trong Hiến pháp Mỹ.
Ba nhánh - tư pháp, hành pháp, và lập pháp -"là các nhánh đồng đẳng đóng vai trò kiểm tra lẫn nhau", bà nói.
"Trên tinh thần tôn trọng Hiến pháp của chúng ta, tôi mời ông đọc Thông điệp Liên bang", bà viết, thêm rằng : "Cảm ơn ông đã quan tâm tới vấn đề này".
Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley nói rằng ông Trump đã chấp nhận lời mời.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Taxas John Cornyn, phản ứng với lời mời bằng hashtag : "Đoán là bà ấy cho rằng ông ấy vẫn sẽ giữ được chức".
Ông Trump đối mặt với hai cáo buộc, hoặc hai điều khoản luận tội : lạm dụng quyền lực bằng cách yêu cầu Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông với mục đích giành lợi thế chính trị ; và cản trở Quốc hội bằng cách không hợp tác với cuộc điều tra luận tội.
Cáo buộc thứ hai được đưa ra sau khi ông Trump từ chối cho phép các nhân viên Nhà Trắng ra làm chứng, và giữ lại các tài liệu chứng cứ. Đảng Dân chủ buộc tội rằng hành vi vi phạm hiến pháp này đòi hỏi Quốc hội phải giám sát nhánh hành pháp của Nhà Trắng.
Ông Trump nói gì ?
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang tranh cãi về việc phiên tòa Thượng viện nên được tiến hành như thế nào, gây hoài nghi về thời gian nó sẽ diễn ra.
Việc này khiến Tổng thống Trump đăng hàng loạt tweet hôm thứ Năm, cáo buộc rằng đảng Dân chủ không muốn bắt đầu phiên tòa này bởi vì "vụ của họ quá tồi tệ" và yêu cầu phiên tòa bắt đầu ngay lập tức.
Ông Trump viết : "Vậy là sau khi đảng Dân chủ cho tôi không Thủ tục Tố tụng hợp pháp, không luật sư, không nhân chứng, chẳng có bất cứ thứ gì, bây giờ họ muốn bảo Thượng viện mở phiên tòa của họ như thế nào. Thực tế là, họ chẳng có bằng chứng nào, họ sẽ thậm chí không xuất hiện. Họ muốn bỏ cuộc. Tôi muốn một phiên xử ngay lập tức !"
"Tầm thường hóa quá trình luận tội", ông Trump nói trước một buổi vận động
Tổng thống Trump nói rằng đảng Dân chủ đã không muốn nghị sĩ Quốc hội Adam Schiff, người lãnh đạo quá trình luận tội, cha con Biden và người tố giác của CIA - người châm ngòi cho cuộc điều tra luận tội - ra làm chứng.
Đảng Dân chủ lập luận rằng chính đảng Cộng hòa của ông Trump đã chùn bước trước sự xuất hiện của các nhân chứng. Hạ viện cũng mời tổng thống làm chứng trước các nhà điều tra nhưng ông từ chối không tham dự.
Điều gì nữa sẽ diễn ra đầu tháng Hai ?
Bài phát biểu vào đêm thứ Ba sẽ diễn ra chỉ một ngày sau khi đảng Dân chủ tổ chức cuộc bỏ phiếu đầu tiên để bầu ra ứng cử viên cho cuộc tranh cử tổng thống 2020.
Bài phát biểu sẽ diễn ra hai ngày sau một sự kiện quan trọng khác. Super Bowl Sunday - cúp vô địch bóng đá Mỹ - sự kiện được xem trên truyền hình nhiều nhất tại Mỹ hàng năm.
Cuối tuần đó, vào thứ Sáu, đảng Dân chủ sẽ tổ chức một cuộc tranh luận ở New Hampshire - một bang bỏ phiếu sớm khác.
Phiên tòa luận tội của Thượng viện lúc đó có thể đã bắt đầu, hoặc đã xong rồi, khi ông Trump đọc bài phát biểu, nhưng ngày chính thức thì chưa được đưa ra trong bối cảnh các nhà hành pháp đang bế tắc.
Tại sao phiên tòa Thượng viện bế tắc ?
Để bắt đầu bước tiếp theo, Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát phải gửi điều khoản luận tội cho Thượng viện.
Nhưng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ chối làm vậy cho tới khi các quy tắc của phiên tòa Thượng viện được đảng Dân chủ nhấp nhận.
Lãnh đạo Thượng viện thuộc phe Cộng hòa, ông Mitch McConnell, sẽ quyết định các điều khoản quy định cho phiên xét xử và đảng Dân chủ muốn ông này cung cấp chi tiết về các nhân chứng và lời chứng nào sẽ được cho phép.
Ông này cho tới nay đã từ chối làm vậy. "Chúng tôi vẫn đang bế tắc", ông nói, sau một cuộc họp ngắn với lãnh đạo thiểu số thượng viện của phe Dân chủ, ông Chuck Schumer.
Ông McConnell lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện, với 53 thành viên Cộng hòa trong 100 ghế.
Ông McConnell đã gọi quá trình luận tội là "vội vàng, cẩu thả và không công bằng nhất" trong lịch sử.
Đảng Dân chủ hi vọng việc trì hoãn này sẽ khiến dư luận ủng hộ một phiên tòa đầy đủ hơn và phủ nhận việc ông Trump - tổng thống Mỹ thứ ba bị luận tội - được tha bổng nhanh chóng.
Đảng Dân chủ muốn ít nhất bốn trợ lý Nhà Trắng hiện tại và trước đây, những người nắm rõ vụ việc Ukraine, sẽ ra làm chứng.
Họ nói phiên tòa cần phải công bằng, các thượng nghị sĩ phải đóng vai trò thẩm phán công tâm, và rằng bình luận của ông McConnell chỉ ra rằng ông này không có kế hoạch để làm vậy. Ông này trước đó nói rằng các thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ "cộng tác triệt để" với nhóm của tổng thống.
Donald Trump đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi trở thành vị tổng thống thứ ba bị luận tội sau phiên bỏ phiếu tại Hạ viện Mỹ hôm 18/12/2019. Chuyện thích hay ghét một ai đó là quyền của mỗi người. Nếu người được thích hay bị ghét đó chỉ là một ngôi sao trong một lĩnh vực như bóng đá, thể thao, kinh doanh, ca hát…thì đương nhiên không nói làm gì, nhưng nếu người đó là một chính khách hay một lãnh đạo quốc gia thì lại khác. Khi đó việc quan tâm, chỉ trích, phê phán không chỉ là quyền tự do ngôn luận mà còn là một bổn phận và nghĩa vụ. Vì sao ? Câu trả lời giản dị nhưng không phải ai cũng biết : Chính trị là việc chung (1).
Mỗi một quyết sách dù lớn nhỏ của người lãnh đạo quốc gia (và đảng cầm quyền) đều gây ảnh hưởng lên toàn bộ người dân sống trong một quốc gia. Trường hợp nước Mỹ thì nó còn ảnh hưởng đến cả thế giới vì Mỹ trên thực tế đang là nước lãnh đạo thế giới dân chủ. Chính quyền Việt Nam đến bây giờ vẫn không hiểu điều đó nên mới bỏ tù người dân vì tội "nói xấu lãnh đạo đảng và nhà nước". Các vua chúa thời phong kiến ngày xưa họ hành xử như vậy vì thời đó chưa có khái niệm về quốc gia và công dân như bây giờ. Khi đó mỗi vùng đất đều là sở hữu riêng của một ông vua. Thời nay đã hoàn toàn khác. Đất nước là của chung của tất cả mọi người. Tính chính danh của mọi đảng cầm quyền là phải xuất phát từ sự lựa chọn và ủy thác của người dân thông qua lá phiếu của họ trong các cuộc bầu cử dân chủ và minh bạch. Người dân không chỉ có quyền tự do ngôn luận mà còn trách nhiệm phê phán, chỉ trích chính phủ để chính phủ làm việc tốt hơn.
Donald Trump là một tổng thống hợp hiến và hợp pháp vì được người dân Mỹ bầu lên trong một cuộc bầu cử dân chủ. Điều này không có gì bàn cãi. Mọi quyết định của ông và Nhà Trắng đều phải được thực hiện, đúng sai tính sau. Ví dụ việc Donald Trump ra lệnh rút quân khỏi Syria và bỏ rơi đồng minh người Kurd. Một quyết định gây tranh cãi nhưng các tướng lĩnh có trách nhiệm phải tuân lệnh tổng thống. Một thanh niên Mỹ không thể nói rằng vì tôi không thích Donald Trump và vì ngày xưa ông ấy trốn lính nên giờ tôi cũng không đi lính. Điều đó là sai và thanh niên ấy có thể bị truy tố. Tuy nhiên giữa việc thừa nhận Donald Trump và việc chỉ trích ông ấy là hai chuyện khác nhau.
America first ?
Nhiều anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên chỉ trích Donald Trump vì ông ấy có ảnh hưởng xấu cho tiến trình dân chủ hóa Việt Nam chứ không phải tự nhiên mà anh em làm điều đó. Chúng tôi cũng là tổ chức đầu tiên cảnh báo về "hiện tượng Donald Trump" khi ông ta mới chỉ là ứng cử viên đảng Cộng Hòa ra tranh cử với đảng Dân Chủ. Một người Việt Nam thực sự muốn đất nước có dân chủ không có lý do gì để ủng hộ Donald Trump. Ngay cả nếu bỏ qua mọi lý do về đạo đức và tư cách của một nguyên thủ quốc gia lãnh đạo thế giới dân chủ sang một bên (dù điều này là sai vì người lãnh đạo chính trị bắt buộc phải có đạo đức) thì chỉ một lý do duy nhất là việc Donald Trump không quan tâm gì đến nhân quyền và các giá trị tự do dân chủ cũng đủ để người Việt Nam không thể ủng hộ ông ấy.
Vì sao ? Việt Nam là một nước nhỏ, chưa có dân chủ lại đang sống bên cạnh một ông hàng xóm khổng lồ, vừa độc tài vừa chèn ép Việt Nam đủ các kiểu. Việt Nam rất cần sự ủng hộ của thế giới dân chủ về mọi mặt để vừa gây sức ép lên đảng cộng sản Việt Nam buộc họ thực thi dân chủ vừa gây sức ép lên Trung Quốc để họ hành xử đúng đắn và có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, không cậy nước lớn ăn hiếp nước nhỏ…Donald Trump thì sao ? Ông ta không quan tâm điều đó. Khẩu hiệu đưa ông ta vào Nhà Trắng là "America first", nước Mỹ chỉ lo cho nước Mỹ còn thế giới tự lo lấy phần mình. Nếu là một nước khác thì không nói làm gì nhưng Mỹ đang là nước lãnh đạo thế giới dân chủ, sự từ nhiệm một cách đột ngột như vậy sẽ khuyến khích các nhà nước độc tài trỗi dậy và tăng cường đàn áp các tiếng nói đòi dân chủ. Trong mấy năm qua Việt Nam đã bỏ tù và kết án rất nặng những người bất đồng chính kiến là một dẫn chứng. Hai vấn đề lớn của thế giới hiện nay, và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường thì Donald Trump cũng không hề quan tâm, thậm chí chống đối góp phần giải quyết… Chúng ta có lý do gì để ủng hộ Donald Trump ?
Có lẽ lý do lớn nhất khiến người Việt Nam thích Donald Trump là việc ông ta chống Trung Quốc ? Sự thực là không có chuyện đó. Donald Trump không hề chống Trung Quốc, ông ta chỉ muốn cân bằng ngoại thương giữa hai nước và ngay cả mục tiêu tối thiểu đó ông ta cũng đã thất bại. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Donald Trump phát động một cách đầy tự tin vì "dễ thắng" đã kéo dài gần 2 năm và càng ngày càng bất lợi cho Mỹ, nhất là khi Trung Quốc lấy quyết định rút lui và co cụm. Giờ đây, người cần năn nỉ đối tác để kết thúc cuộc chiến thương mại là Donald Trump chứ không phải Trung Quốc.
Ai sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ?
Việc Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khủng hoảng toàn diện là cả một quá trình dài tích lũy những mâu thuẫn không thể giải quyết của nền kinh tế hoang dại, bất chấp quyền con người để khai thác và tận dụng tối đa "sức người, sức của" của một quốc gia với 1,4 tỉ dân. Điều này ông Nguyễn Gia Kiểng đã từng nói đến từ năm 2007 trong bài "Những Vạn Lý Trường Thành mới". (2)
Sự "đóng góp" của Donald Trump trong cuộc khủng hoảng tại Trung Quốc là không đáng kể, nếu có thì cũng là "giọt nước tràn ly" hay "cọng rơm làm gẫy lưng con lạc đà". Sự thực thì "con lạc đà" Trung Quốc đã gẫy lưng rồi, chỉ cần thêm một "cọng rơm" nữa là nó gục xuống. Việc Mỹ và thế giới chọn thái độ chống Trung Quốc là một sự hiển nhiên sau khi Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trỗi dậy và thay thế vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Đây sẽ là xu thế tất yếu của cả thế giới trong thời gian tới. Một ví dụ, để ngăn cản Trung Quốc can thiệp vũ trang đàn áp các cuộc biểu tình ở Hồng Kông thì chính đảng Dân Chủ Mỹ đã soạn ra và biểu quyết 100% dự luật "Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông". Sau khi cả hai đảng đã biểu quyết với một đa số áp đảo cho dự luật này và chuyển cho Nhà Trắng thì mãi một tuần sau Donald Trump mới ký. Ông ta đâu có chống Trung Quốc ?
Có những người thích Donald Trump cho rằng dù ông ấy không ra gì nhưng quan trọng là "làm được việc". Thế nào là "làm được việc" ? Đây là một chuyện khá phức tạp và gây tranh cãi. Ngay cả Đảng cộng sản Việt Nam (và cả Bắc Triều Tiên) vẫn bảo rằng nhờ có họ nên đất nước mới được rực rỡ như ngày hôm nay và sự thực là họ cũng có làm được vài việc chứ không phải không làm được gì.
Vậy tại sao bất chấp những sự thực đó người Việt Nam vẫn ủng hộ Donald Trump một cách cuồng nhiệt trong đó không ít người là trí thức ? Cái này có lẽ đến từ lý do văn hóa. Bài viết này cố gắng mổ xẻ vấn đề theo hướng đó.
Không ít người Việt Nam đến bây giờ vẫn cho rằng "làm chính trị" là tìm kiếm thành công cá nhân, làm chính trị không cần học, không cần kiến thức và đạo đức mà chỉ cần thủ đoạn, ai được cầm quyền là người đó có chính danh… Donald Trump có tất cả những đức tính đó. Người Việt không dành cho chính trị một quan tâm cần thiết và đúng mực vì họ hiểu sai về chính trị. Họ cho rằng chính trị là việc riêng của chính quyền và "của người khác" chứ không phải "việc chung" vì vậy họ không chịu học hỏi, nghiên cứu một cách thấu đáo về chính trị. Ai cũng cho rằng mình biết về chính trị và có thể làm chính trị dù chẳng học hành hay nghiên cứu gì về chính trị. Khi nghe rằng "làm chính trị" cũng phải học hỏi đến nơi đến chốn, phải có kiến thức và đạo đức, phải biết làm việc chung…nhiều người rất không hài lòng. Lý do cũng dễ hiểu, nếu làm chính trị mà khó thế thì sao đến lượt họ ? Họ cũng muốn có công danh. Việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ khiến họ giải tỏa được tâm lý khiến họ vui mừng. Dù không nói ra nhưng nhiều người đắc thắng trong bụng : "Đấy, Donald Trump có học hành và biết gì về chính trị đâu mà vẫn làm được tổng thống Mỹ, một cường quốc lãnh đạo thế giới ?". Với những người này, trở thành lãnh đạo chính trị là một "vận may" như đánh bạc hay chơi xổ số. Donald Trump là một mẫu người đúng như tâm lý và mong mỏi của người Việt nên họ thích và ủng hộ ông ấy một cách cuồng nhiệt, bất chấp lý lẽ.
Khi có ý kiến phê phán Donald Trump thô lỗ, gái gú, dối trá, thiếu đạo đức thì không ít người Việt biện luận rằng đàn ông ai cũng thế. Điều này sai. Chính trị ngoài sự hy sinh ra còn phải làm gương. Một ông bố cậy mình làm ra nhiều tiền nên cho phép mình chơi bời, ăn nhậu, gái gú bừa bãi không thể nào dạy được con. Đúng là không luật pháp nào cấm đàn ông chơi bời nhưng đã thế thì đừng làm chính trị. Không thể vừa làm bậy, vừa dạy đời, vừa làm gương cho người khác. Người Việt mâu thuẫn với chính mình, nếu một người ngoài đời mà có những đức tính như Donald Trump thì không ai dám kết bạn nhưng nếu người đó "thành công" như Donald Trump thì họ dễ dàng bỏ qua những tật xấu đó. Đây là văn hóa "tôn sùng kẻ mạnh" rất tệ hại và thấp kém mà chúng ta cần thay đổi.
Thực tế không phải cái gì nước Mỹ cũng đúng, cũng tốt như nhiều người nghĩ. Ví dụ việc Mỹ đã bỏ rơi đồng minh Việt Nam Cộng Hòa trước đây rồi Iraq và người Kurd ở Syria mới đây… Chẳng qua nước Mỹ quá hùng mạnh nên dù có vấp nhiều sai lầm vẫn không hề hấn gì, nó cũng giống như một cơ thể khỏe mạnh thì dù có ăn nhậu hay chơi bời quá đà cũng không sao. Nhiều người lý luận, nếu không đúng, không tốt thì sao Mỹ lại giàu mạnh như thế. Đúng là cái tốt, cái hay của nước Mỹ vẫn nhiều hơn cái xấu nhưng không phải vì thế mà mặc nhiên cho rằng cái gì của Mỹ cũng đúng, cũng tốt. Tổng thống Mỹ cũng vậy thôi.
Hạ viện bỏ phiếu luận tội Donald Trump hôm 18/12/2019
Donald Trump sẽ ra sao trong những ngày tới ? Khả năng lớn là Thượng viện Mỹ, do đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ xóa tội cho ông ta. Người Mỹ vốn ít quan tâm về chính trị. Tỉ lệ cử tri Mỹ tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử Mỹ rất thấp, chỉ dao động trên dưới 50%. Nhưng họ rất may mắn vì có những người "Cha lập quốc", vừa là những nhà cách mạng và đồng thời cũng vừa là các nhà tư tưởng chính trị. Họ đã thiết kế và lập trình sẵn cho nước Mỹ một mô hình chính trị rất dân chủ và ưu việt. Người dân Mỹ cứ việc hưởng thụ những thành quả đó, tuy nhiên "vốn liếng" tư tưởng chính trị của Mỹ đang cạn dần nếu không được cập nhật vì thời thế đã thay đổi rất nhiều, nhất là sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (4.0). Nếu Donald Trump không bị quốc hội phế truất thì cũng khó có thể đắc cử trong nhiệm kỳ hai được nữa vì người dân Mỹ sẽ đi bầu cử đông hơn khi thấy quyền lợi của họ bị đe dọa và vì tức giận Donald Trump. Số cử tri trung thành của Donald Trump (khoảng 20%-25%) sẽ trở nên thiểu số.
Năm 2016 Donald Trump thắng cử vì tỉ lệ cử tri đi bầu rất thấp (chỉ có 56%, tức là có đến 100 triệu cử tri Mỹ không đi bỏ phiếu). Chỉ cần số cử tri trung thành của mình cộng thêm khoảng vài phần trăm cử tri không ưa bà Hilary Clinton là Donald Trump có đa số và chiến thắng. Lần này Donald Trump không còn may mắn đó khi tỉ lệ cử tri đi bầu sẽ cao hơn. Mặt khác số cử tri trung thành của Donald Trump sẽ bị giảm xuống vì Donald Trump sẽ thất bại một cách bẽ bàng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khiến cuộc sống của những cử tri này khó khăn hơn.
Vậy hiện tượng Donald Trump nói lên điều gì ? Ông ta để lại "di sản" nào cho nước Mỹ ? Theo chúng tôi Donald Trump đã "làm được hai việc xấu và hai việc tốt cho nước Mỹ". Chưa bao giờ mà hình ảnh, uy tín và thanh danh nước Mỹ lại xấu xí và tệ hại như bây giờ nhất là giới chính trị gia Mỹ. Bà chủ tịch Hạ viện gọi Tổng thống và chủ tịch Thượng viện Mỹ là "côn đồ". Trong một thời gian rất lâu thế giới sẽ không thể nào hiểu được tại sao nước Mỹ lại bầu lên một tổng thống như Donald Trump. Di sản buồn thứ hai của Donald Trump đó là làm cho nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết. Không ít người Mỹ đã thực sự xem nhau là kẻ thù. Đừng quên nước Mỹ là một quốc gia đa sắc tộc lớn nhất trên thế giới. Những đổ vỡ mà Donald Trump gây ra phải rất lâu mới hàn gắn được.
Tuy nhiên có hai mặt "tích cực" từ hiện tượng Donald Trump. Thứ nhất, nó nhắc lại một sự thật hiển nhiên rằng làm chính trị là việc khó khăn, rất khó khăn. Các chính trị gia, những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp phải được học hành và đào tạo một cách bài bản trong môi trường các tổ chức chính trị dân chủ thật sự. Mô hình dân chủ đại nghị là lựa chọn đúng đắn cho mọi quốc gia, kể cả Mỹ. Dưới một chế độ đại nghị thì một người như Donald Trump sẽ không bao giờ được lựa chọn.
Điều "vĩ đại" thứ hai mà Donald Trump làm được cho nước Mỹ và thế giới đó là giúp nước Mỹ từ nhiệm vai trò bá chủ thế giới một cách hòa bình. Từ trước đến nay việc này chỉ xảy ra khi cường quốc đang bá chủ thế giới bị một quốc gia khác mạnh hơn nổi lên đánh bại, tức là phải có một cuộc chiến sống mái giữa hai cường quốc. Từ nay trở đi tiếng nói của nước Mỹ không còn là duy nhất và áp đảo như trước nữa mà chỉ là một trong những tiếng nói quan trọng trong một tập thể các cường quốc có trách nhiệm lãnh đạo thế giới. Nếu không có Donald Trump thì dù rất không đồng ý với Mỹ nhưng không một quốc gia nào dám đề nghị Mỹ từ nhiệm vai trò lãnh đạo thế giới vì Mỹ sẽ không chấp nhận chuyện đó. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác. Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này thì bất cứ ai lên cầm quyền ở Mỹ cũng phải có một thái độ nhún nhường hơn với thế giới và muốn hay không cũng phải chia sẻ việc lãnh đạo thế giới với các cường quốc trong khối G7. Đây là một việc đúng đắn và có lợi cho nhân loại vì cái gì độc quyền cũng dở, kể cả độc quyền lãnh đạo thế giới dân chủ.
Việt Hoàng
(22/12/2019)
(1) https://www.thongluan.blog/2019/12/chinh-tri-la-viec-chung-viet-hoang.html
(2) https://www.thongluan.blog/2016/12/nhung-van-ly-truong-thanh-moi-nguyen.html
Johnson thắng ở Anh, Trump sẽ tái đắc cử ở Mỹ ?
Le Figaro hôm nay phân tích "Giữa việc bầu cho Trump và bầu cho Johnson, có nhiều điểm rất giống nhau". Những lá phiếu của giới công nhân miền bắc nước Anh cũng tương tự như ở Ohio hay Pennsylvania.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị NATO ở Watford, Anh quốc ngày 04/12/2019. REUTERS/Christian Hartmann/Pool
Sau Brexit 2016 Trump thành tổng thống, nay lịch sử sẽ lặp lại ?
Tháng 6/2016, sau trận sấm sét Brexit lại đến cơn bão lớn Trump, cho thấy tính chất xuyên đại dương của cuộc "nổi dậy" dân tộc chủ nghĩa và dân túy mà phương Tây đang hứng chịu. Ba năm sau, chiến thắng vang dội của Boris Johnson liệu có là điềm báo Donald Trump lại ca khúc khải hoàn trong kỳ bầu cử tổng thống tháng 11/2020 hay không ?
Không ít người Mỹ khủng hoảng trước viễn ảnh này, nhưng một số bắt đầu coi là điều nghiêm chỉnh, khi thấy cử tri của ông Trump vẫn trung thành với ông, cũng như cử tri Brexit vẫn muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cách hành xử không đúng mực của Donald Trump và các nỗ lực tột bậc của những đối thủ để truất phế ông chẳng thay đổi được gì, thậm chí lại còn tạo thuận lợi cho tổng thống Mỹ, theo các cuộc thăm dò mới nhất. Tại Anh quốc, "Hãy thực hiện Brexit" của Boris Johnson đã thành công dù những người muốn ở lại châu Âu đã cố gắng rất nhiều.
Theo cố vấn Steve Bannon, Brexit và Trump gắn chặt với nhau năm 2016 và nay cũng thế. "Vụ Johnson loan báo cho một chiến thắng huy hoàng của Trump. Người bình dân đã quá mệt mỏi với giới tinh hoa ở New York, Luân Đôn và Bruxelles. Nếu phe Dân Chủ không rút kinh nghiệm, Donald Trump sẽ thắng lớn như Reagan năm 1984".
Những điểm tương đồng giữa Trump và Johnson
Donald Trump và Boris Johnson không chỉ giống nhau ở mái tóc vàng độc đáo khiến các phóng viên ảnh thích thú. Trước hết, họ thuộc giới tinh hoa chủ trương "tự do" nhưng tự cho mình là yêu nước một cách thực tế. Hành xử trái với khuôn mẫu và phong cách cuốn hút, họ đóng vai người bảo vệ cho những người dân "thấp cổ bé họng", cảm thấy bị thiệt thòi trong quá trình toàn cầu hóa và việc mở cửa cho nhập cư.
Trump và Johnson nắn lại xu hướng của đảng mình, nghiêng sang tả về thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, nhưng ngã sang hữu về xã hội và văn hóa. Cử tri của họ được mở rộng với những người lâu nay vẫn bầu cho Công Đảng ở Anh, hay Dân Chủ ở Mỹ. Boris và Donald quyến rũ được người dân những thành phố nhỏ và vùng nông thôn, vốn chiếm số đông.
Cả hai chính khách này đều từng bị các đối thủ và nhà quan sát đánh giá thấp, coi như những "anh hề". Nhà phê bình David Goodhart có cùng nhận định với Steve Bannon, là chiến thắng của Boris Johnson cũng như Brexit năm 2016 có thể lặp lại bên kia bờ Đại Tây Dương, có điều ông Johnson không thô bạo và khó kiểm soát như ông Trump.
Ba lý do khiến cử tri Anh ủng hộ châu Âu nhưng bỏ phiếu cho Johnson
Tác giả Jean-Marc Vittori trên Les Echos cho rằng chiến thắng của ông Boris Johnson là một "cái cây đã che khuất khu rừng". Ông thắng nhờ khẩu hiệu cụ thể, ngắn gọn "Get Brexit done", cũng như "We can do it" của Barack Obama năm 2008.
Tuy nhiên dân Anh không phải hoàn toàn ủng hộ Brexit, mà theo nhiều cuộc thăm dò, từ năm 2017 đến nay, số người ủng hộ việc ở lại với Liên Hiệp Châu Âu luôn nhiều hơn số người muốn ra đi. Và theo nhà nghiên cứu Pippa Norris của đại học Havard, có 14,6 triệu người muốn "Leave" (ra đi) nhưng đến 16,2 triệu người "Remain" (ở lại). Như vậy không phải vì muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà người ta bỏ phiếu cho ông Johnson.
Thế thì vì sao ? Theo tác giả Vittori, có ba lý do. Trước hết, cử tri muốn làm rõ vấn đề Brexit. Hơn 1.200 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, tình hình vẫn chưa đi đến đâu, vừa không tôn trọng dân chủ, vừa làm ảnh hưởng đến đầu tư và đồng bảng Anh, và bị thiên hạ chế giễu. Nhiều người cho biết có những cử tri ủng hộ châu Âu nhưng bỏ phiếu cho đảng bảo thủ để "một lần cho xong", trừng phạt thái độ nhập nhằng của Công Đảng về Brexit.
Thứ đến, Boris Johnson đã giành được phiếu của cử tri bình dân vẫn bầu cho Công Đảng từ nhiều thập niên qua. Chiến thắng ngoạn mục của Johnson tại "Bức tường đỏ" ở miền bắc nước Anh, cũng giống như của Trump tại "Vành đai han rỉ" miền đông bắc nước Mỹ - những vùng đất bị "phi kỹ nghệ hóa". Thậm chí thành trì của cựu thủ tướng Tony Blair cũng thất thủ, trong khi Công Đảng vẫn nắm chắc từ năm 1935 đến nay.
Cuối cùng, nhiều cử tri bỏ sang phe bảo thủ vì không ưa ông Jeremy Corbyn, chủ tịch Công Đảng – quá mờ nhạt, quá già, và quá "đỏ", chưa kể những cáo buộc bài Do Thái. Thế nên đúng ra là Corbyn thua, chứ không phải Johnson thắng. Cũng giống như bà Clinton bị từ chối hồi năm 2016 thì đúng hơn là ông Trump chiến thắng.
Thổ Nhĩ Kỳ dòm ngó Địa Trung Hải
Trong bài "Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lại Địa Trung Hải" Le Figaro bình luận về sự kiện Ankara vào cuối tháng 11 đã ký kết một thỏa thuận an ninh với chính quyền Libya của ông Fayez Al Sarraj, trong đó có một điều khoản chia sẻ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vẽ lại ranh giới trên biển ở phía đông Địa Trung Hải.
Hy Lạp, Ai Cập và Cộng hòa Chyprus liền ra thông cáo chung phản đối, với sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu. Về phía Hoa Kỳ, vốn đã xung khắc với Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hỏa tiễn S400 của Nga, đứng về phía Hy Lạp, Ai Cập. Điều này không có gì ngạc nhiên : Washington đang xích gần lại với Athens để ngăn cản Hy Lạp không đi quá xa với Trung Quốc, sau khi đã nhượng lại cảng Pirée cho Bắc Kinh.
Tờ báo đặt câu hỏi, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đạt được tham vọng của mình ở Địa Trung Hải hay không ? Theo Le Figaro, Ankara không thể trông cậy vào Bắc Kinh, vì ông Erdogan không thể giả đò làm lơ quá lâu trước số phận những đồng đạo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hiện đang được "giáo dục cải tạo" hàng loạt bởi đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trung Quốc chi tiền để lũng đoạn ảnh hưởng ở Cộng hòa Czech
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde nói về "Xì-căng-đan mới về việc Trung Quốc gây ảnh huởng ở Praha". Thông tín viên tại Vienna cho biết nhiều dân biểu Cộng hòa Czech đang yêu cầu Quốc hội mở điều tra về một cơ quan vận động hành lang cho Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư 11/12, trang web Aktualne.cz tiết lộ sự hiện diện của "một mạng lưới chuyên gia, nhà báo, chính khách" có mục đích "gây ảnh hưởng lên xã hội Cộng hòa Czech", qua việc phổ biến những quan điểm thân Bắc Kinh trong các cuộc tranh luận công khai. Lo ngại, nhiều dân biểu hôm Chủ nhật 15/12 loan báo ý định thành lập một ủy ban điều tra.
Theo Aktualne.cz, chiến dịch gây ảnh hưởng được tung ra vào tháng 4/2019, với sự tài trợ của Home Credit, một công ty tín dụng của Petr Kellner, người giàu nhất nước. Là người thân cận của tổng thống Milos Zeman vốn thân Nga, thân Trung Quốc, ông Kellner có nhiều lợi ích chiến lược ở Hoa lục, chiếm đến hai phần ba hoạt động của Home Credit. Ông bí mật chi tiền cho một công ty truyền thông tên C&B Reputation Management để tiến hành các chiến dịch đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc tại Cộng hòa Czech.
Một think tank được lập ra vào tháng Sáu, giám đốc thường xuyên được báo chí Cộng hòa Czech phỏng vấn. Công ty truyền thông này của Tomas Jirsa, người quản lý một trong những trang thông tin lớn nhất Cộng hòa Czech là Info.cz. Trang này thuộc sở hữu của Daniel Kretinsky, người giàu thứ năm trong nước đang chung sống với con gái tỉ phú Kellner ; đăng rất nhiều bài báo có lợi cho Bắc Kinh.
Tuy nhiên xã hội dân sự Cộng hòa Czech phản ứng lại mưu toan này. Đô trưởng Praha chẳng hạn, đã đặt lại vấn đề về thỏa thuận hợp tác với thủ đô Trung Quốc trong đó nhìn nhận nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa. Tình báo Cộng hòa Czech vào cuối tháng 11 còn chính thức tuyên bố ảnh hưởng Trung Quốc là "mối đe dọa" cho an ninh quốc gia, cũng như Nga.
Hai nước Pháp đối mặt
Đình công vẫn là chủ đề chiếm trang nhất và bao trùm trên các báo Pháp hôm nay 17/12/2019, ngày mà các nghiệp đoàn đều kêu gọi biểu tình, thêm nhiều tuyến xe buýt không hoạt động.
Le Figaro chạy tựa "Các nghiệp đoàn xuống đường để buộc chính quyền phải lùi bước". "Hưu trí : Cuộc chiến công luận bắt đầu" - tít chính của Le Monde. Libération đăng ảnh tổng thống Macron và ông Jean-Paul Delevoye, kiến trúc sư trưởng của kế hoạch cải tổ chế độ hưu, mà tờ báo cho là "Những người nghiệp dư". Ảnh bìa của La Croix là lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT ; trong bài phỏng vấn ông Laurent Berger cho biết sẵn sàng thương lượng nếu chính phủ chịu bỏ quy định về tuổi về hưu là 64 nhằm giữ thăng bằng về tài chính.
Trong bài xã luận có tựa đề "Hai nước Pháp", Le Figaro bực tức trước tình cảnh những nhân viên trong khu vực tư phải khốn khổ khi đi làm hàng ngày.
Người dân Pháp phải ở lại trên sân ga không thể về nhà trong dịp Noel chăng ? Đó là khẳng định của Laurent Brun, lãnh đạo nghiệp đoàn CGT. Một nhân vật "nhung nhớ Lênin", năm ngoái đã từng đơn thương độc mã kêu gọi làm tê liệt Công ty đường sắt Pháp SNCF để ngáng chân cải tổ. Nghiệp đoàn cực đoan này, với cớ bảo vệ dịch vụ công, đang cố tình phá hủy dịch vụ công. Đã 12 ngày qua, nước Pháp là một đất nước bị chia đôi.
Một bên là thiểu số công nhân đình công (tỉ lệ hôm qua là 11,2% ở SNCF), phong tỏa hầu như toàn bộ giao thông công cộng, chống cải cách hưu trí. Không phải là để bảo vệ người dân Pháp như họ nói, mà nhằm duy trì chế độ đặc biệt : được về hưu sớm hơn người khác có khi đến cả chục năm, và hưu bổng cao hơn nhiều so với mức trung bình.
Còn bên kia là nhân viên khu vực tư nhân, nhà buôn, lao động tự do, hàng ngày dưới cơn mưa tìm cách đến chỗ làm bằng mọi giá : đi bộ, xe đạp, xe hơi. Bởi vì các công ty vừa và nhỏ rất dễ tổn thương, vì việc làm là bấp bênh, vì khách hàng không thể chờ đợi.
Cơ hội để nghiệp đoàn thiên tả tìm cách lấy lại vị thế
Bị đứng bên lề trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, cánh tả và giới công đoàn coi kế hoạch cải cách này là cơ hội để trả thù. Khác biệt quan điểm không quan trọng, họ muốn thách thức tổng thống Emmanuel Macron. Các cuộc biểu tình sắp diễn ra sẽ giúp họ ước lượng được sức mạnh của mình.
Có lẽ, như thường lệ, họ trông cậy vào giới công chức. Nhưng có lẽ không trông chờ nơi một nước Pháp khác của khu vực tư nhân, đang chịu đựng nạn đình công và cho đến nay vẫn ít thấy hiện diện trong các cuộc tuần hành.
"Có nghiệp đoàn CGT để làm gì ?" - xã luận của Les Echos đặt ra câu hỏi thẳng thừng, trong lúc hàng triệu người Pháp phải khổ nhọc trong việc di chuyển, và nhiều hoạt động kinh tế phải ngưng hoặc chậm lại. Theo tờ báo, những gì mà nghiệp đoàn này làm được là quá ít, nếu so sánh với vai trò hồi năm 1968. Những hình ảnh về cuộc biểu tình không phản ánh đúng thực tế, vì giữa CGT vốn bác bỏ tất cả các đề nghị và CFDT chấp nhận hợp tác, chẳng có điểm nào chung.
COP25 Madrid, một hội nghị khí hậu đáng được quên
Trên lãnh vực khí hậu, Le Monde phàn nàn về COP25, một hội nghị "nên quên đi".
Suốt hai tuần lễ, tại hội nghị ở Madrid đã có những tiếng nói của những người trẻ ở nhiều nước lo lắng cho tương lai của mình, những đảo quốc nhỏ bé đang bị đe dọa bị chìm dưới mực nước biển, những người thổ dân Amazon nạn nhân của tình trạng phá rừng… Nhưng do sự ích kỷ của các nước thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ…, vả lại nước chủ nhà Chilê không có mấy trọng lượng trên trường quốc tế, họ đã ra về gần như trắng tay.
Thụy My
Bắc Triều Tiên lại loan báo thử nghiệm tên lửa (RFI, 14/12/2019)
Hãng tin chính thức của Bắc Triều Tiên KCNA hôm 14/12/2019, vừa thông báo nước này đã thực hiện một cuộc thử nghiệm mới "có tính chất quyết định" tại bãi phóng tên lửa Sohae. Trong khi đó, đàm phán giữa Bình Nhưỡng với Washington về phi hạt nhân hóa vẫn gặp bế tắc.
Hình ảnh bắn thử tên lửa liên lục địa mới được cho là thực hiện hôm 3/10/2019 do KCNA phổ biến. KCNA VIA KNS / AFP
KCNA trích lời một phát ngôn viên của Học viện Khoa học Quốc phòng Quốc gia khẳng định là cuộc thử nghiệm đã được thực hiện thành công. Phát ngôn viên này nói thêm là thành công về nghiên cứu "sẽ được áp dụng để cải tiến hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân chiến lược" của Bắc Triều Tiên. Thông báo nói trên không đưa ra thêm chi tiết nào khác. Vào đầu tháng này, Bình Nhưỡng cũng loan báo đã thực hiện một cuộc thử nghiệm "rất quan trọng" cũng tại bãi phóng Sohae.
Bất mãn vì sau ba cuộc họp thượng đỉnh giữa chủ tịch Kim Jong-un và tổng thống Donald Trump mà các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được giảm nhẹ, Bắc Triều Tiên đã tuyên bố sẽ tặng cho Hoa Kỳ một "món quà Giáng Sinh" nếu từ đây đến cuối năm, Washington không có nhân nhượng nào trong cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng.
Một số nhà phân tích dự đoán là có thể Bắc Triều Tiên ám chỉ đến việc bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa, cho dù việc này bị cấm, chiếu theo các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Trong tuần này, Bình Nhưỡng cũng đã chỉ trích việc Washington triệu tập một cuộc họp của Hội Đồng Bảo An về việc Bắc Triều Tiên liên tục bắn thử các tên lửa tầm ngắn.
Cuộc khẩu chiến giữa hai nước cũng đã tái diễn. Tuần trước, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên đã gọi tổng thống Trump là "kẻ lú lẫn", biệt danh mà Bình Nhưỡng vẫn gán cho nguyên thủ quốc gia Mỹ vào lúc mà căng thẳng giữa hai bên lên đến cao độ năm 2017.
Thông báo về vụ "thử nghiệm có tính chất quyết định" tại bãi phóng tên lửa Sohae được đưa ra một ngày sau khi đặc phái viên của Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun đến Seoul mở chuyến viếng thăm trong 3 ngày.
Thanh Phương
*******************
Triều Tiên lại thử nghiệm tại địa điểm phóng hỏa tiễn, đưa ra cảnh báo tới Mỹ (VOA, 14/12/2019)
Triều Tiên cho biết họ đã thực hiện thành công một cuộc thử nghiệm khác tại một địa điểm phóng vệ tinh, và là cuộc thử nghiệm mới nhất trong loạt những diễn tiến nhằm mục đích "kiềm chế và chế ngự mối đe dọa hạt nhân của Hoa Kỳ", hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin hôm thứ Bảy.
Cuộc thử nghiệm được tiến hành vào ngày thứ Sáu tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae, KCNA cho biết, dẫn lời một phát ngôn viên của Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, mà không nêu rõ hình thức thử nghiệm nào đã diễn ra.
Trong một phát biểu sau đó được KCNA loan tải, Tổng tham mưu trưởng Pak Jong-chon nói rằng các cuộc thử nghiệm được thiết kế để củng cố hệ thống phòng thủ của Triều Tiên bằng cách phát triển vũ khí mới.
"Dữ liệu, kinh nghiệm và công nghệ mới vô giá thu được trong các thử nghiệm nghiên cứu khoa học quốc phòng gần đây sẽ được áp dụng đầy đủ cho việc phát triển một vũ khí chiến lược khác của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên để kiềm chế và chế ngự một cách đáng tin cậy các mối đe dọa hạt nhân của Hoa Kỳ", ông nói, sử dụng tên viết tắt cho tên chính thức của Triều Tiên là Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Đây là cuộc thử nghiệm thứ hai tại cơ sở Sohae trong khoảng thời gian một tuần.
KCNA Chủ nhật tuần trước nói Triều Tiên đã thực hiện một cuộc thử nghiệm rất quan trọng vào ngày 7/12 tại địa điểm phóng vệ tinh này, một cơ sở thử nghiệm hỏa tiễn mà các quan chức Mỹ từng nói rằng Triều Tiên đã hứa sẽ đóng cửa.
Bản tin của KCNA gọi sự kiện ngày 7/12 là "một cuộc thử nghiệm thành công có tầm quan trọng to lớn". Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Jeong Keong-doo cho biết đó là cuộc thử nghiệm động cơ.
Các cuộc thử nghiệm được báo cáo diễn ra trước hạn chót cuối năm mà Triều Tiên đã đưa ra cho Mỹ để từ bỏ việc Washington nhất quyết đòi Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đầu tư thời gian đáng kể để cố gắng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vốn đã phát triển thành mối đe dọa đối với Mỹ, nhưng có rất ít tiến bộ dù ông Trump đã gặp lãnh tụ Kim Jong-un ba lần.
Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng họ có thể đi một con đường mới trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ bị đình trệ.
Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun, sẽ đến Seoul vào Chủ nhật để gặp gỡ các quan chức Hàn Quốc.
*****************
Mỹ khuyến cáo Triều Tiên chớ có ‘hành vi khờ khạo’ (VOA, 13/12/2019)
Hoa Kỳ ngày 12/12 khuyến cáo Triều Tiên chớ tái tục ‘hành vi khờ khạo đáng tiếc’ sau khi Bình Nhưỡng khiến quốc tế quan ngại bằng cách đề ra thời hạn chót là trước cuối năm nay Hoa Kỳ phải xem lại cách tiếp cận ngoại giao của họ.
Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa
Khi được hỏi liệu Mỹ có quan ngại nếu Triều Tiên trở lại thử phi đạn tầm xa, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell nói "Chúng ta từng nghe tới các mối đe dọa".
Bình Nhưỡng thề quyết đi theo con đường mới nếu Mỹ không uyển chuyển hơn nữa trong các cuộc đàm phán hạt nhân đang bế tắc.
Hôm 11/12, Triều Tiên tuyên bố Mỹ không có gì để trao cho Triều Tiên trong các cuộc đàm phán khả dĩ nhằm làm cho Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và phi đạn, một ngày sau khi Washington nói đã sẵn sàng có bước cụ thể tiến tới một thỏa thuận.
Bình Nhưỡng cũng chỉ trích việc Mỹ triệu tập một cuộc họp ở Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hôm 11/12, gọi đây là hành động ‘ngu ngốc’ càng khiến cho Bình Nhưỡng có quyết định rõ ràng về con đường phải chọn.
***************
Mỹ sẽ nhân nhượng nếu Bắc Triều Tiên ngừng khiêu khích (RFI, 12/12/2019)
Hoa Kỳ sẵn sàng linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên về vấn đề dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, điều kiện được đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đưa ra hôm 11/12/2019 là chế độ Bình Nhưỡng phải ngừng mọi hành vi khiêu khích mới.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un giám sát một cuộc thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu lớn. Ảnh do KCNA đăng ngày 28/11/2019. KCNA via Reuters
Những bình luận trên được đại sứ Kelly Craft đưa ra tại một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong bối cảnh hạn chót đàm phán (cuối năm 2019) do Bình Nhưỡng ấn định đang đến gần và có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên lại chuẩn bị bắn thử một tên lửa tầm xa.
Theo bà Kelly Craft, Hoa Kỳ "sẵn sàng linh hoạt… và công nhận cần có một thỏa thuận cân bằng, đáp ứng được những quan ngại của tất cả các bên". Nhưng bà nhấn mạnh Washington "không thể tự mình làm được. Bắc Triều Tiên cũng phải đưa ra quyết định khó khăn nhưng táo bạo là làm việc cùng chúng tôi (Mỹ)".
Vừa kêu gọi Bình Nhưỡng hợp tác, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo một vụ thử tên lửa mới chỉ làm phức tạp thêm nỗ lực để tiến hành thỏa thuận mà tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un đạt được tại thượng đỉnh Singapore tháng 06/2018.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Hai bên vẫn bất đồng về việc xác định Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa đến cấp độ nào để được Washington giảm bớt trừng phạt.
Bình Nhưỡng thường"đánh tiếng" có thể tái thử nghiệm bom hạt nhân và tên lửa liên lục địa (ICBM) nếu Washington không đưa ra những nhân nhượng trong các cuộc đàm phán đang bị bế tắc. Ngày 07/12, Bắc Triều Tiên thông báo đã tiến hành một "vụ thử quan trọng" tại khu thử nghiệm Sohae. Theo Hàn Quốc, đó là một vụ thử "động cơ tên lửa".
Thu Hằng
*******************
Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã chỉ trích việc Mỹ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Reuters đưa tin, dẫn lại truyền thông Triều Tiên hôm 12/12.
Tin cho hay, Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng đáp trả tương ứng bất kỳ biện pháp nào mà Washington lựa chọn.
"Hoa Kỳ nói về biện pháp tương ứng tại cuộc họp, vì chúng tôi nói chúng tôi không có gì để mất và chúng tôi sẵn sàng đáp trả bất kỳ biện pháp tương ứng nào mà Mỹ lựa chọn", hãng tin nhà nước KCNA đưa tin, dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Xét xử luận tội Tổng thống Trump : Chuyện gì xảy ra kế tiếp ? (VOA, 14/12/2019)
Toàn bộ Hạ viện Hoa Kỳ sẽ biểu quyết về các điều khoản luận tội nhắm vào Tổng thống Donald Trump vào tuần sau sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện hôm thứ Sáu đề xuất hai điều khoản là lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Tổng thống Donald Trump phát biểu trong một cuộc hội kiến tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, ngày 13 tháng 12, 2019.
Đây là những gì đã diễn ra vào ngày thứ Sáu và có thể sẽ xảy ra trong những ngày tới :
- Thứ Sáu 13/12 : Ủy ban Tư pháp Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội sau một phiên họp tranh cãi gay gắt và một cuộc biểu quyết mang tính đảng phái.
- Thứ Ba 17/12 : Ủy ban Nội quy Hạ viện sẽ xác định các vấn đề như thời lượng tranh luận và thời điểm biểu quyết luận tội.
- Có thể là thứ Tư, 18/12 : Hạ viện dự kiến sẽ luận tội ông Trump, là cuộc biểu quyết luận tội thứ ba trong lịch sử nước Mỹ. Có phần chắc cuộc tranh luận và cuộc biểu quyết sẽ mang tính đảng phái. Một số nghị sĩ Đảng Dân chủ có thể biểu quyết trái với lập trường của phe họ, nhưng không đủ để gây nguy hiểm cho việc thông qua các điều khoản luận tội. Ông Trump sẽ vẫn tại vị nhưng sẽ chờ một phiên xét xử tại Thượng viện.
Nếu việc luận tội được phê chuẩn, Hạ viện sẽ chọn các nhà lập pháp được gọi là người quản lí để trình bày luận cứ chống lại ông Trump trong phiên xét xử tại Thượng viện. Phe Dân chủ Hạ viện cho biết hầu hết những người quản lí có phần chắc sẽ là thành viên của Ủy ban Tư pháp, và có thể là Ủy ban Tình báo vốn đã dẫn đầu cuộc điều tra luận tội. Dự kiến chức vụ này sẽ được nhiều người săn đón.
Đầu tháng 1/2020
Ông Trump sẽ đối mặt với một phiên xét xử tại Thượng viện để xác định xem ông có nên bị kết tội và bị bãi nhiệm hay không. Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell dự kiến sẽ thụ lí vụ việc ngay sau khi các nhà lập pháp tái hội họp vào tháng 1. Thượng viện được kiểm soát bởi phe Cộng hòa đồng đảng của ông Trump, phần lớn vẫn bênh vực tổng thống. Sẽ cần một đa số hai phần ba những người có mặt và biểu quyết trong nghị viện 100 thành viên này để kết tội ông Trump.
Chánh thẩm phán Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts sẽ làm chủ tọa phiên xét xử, những quản lí của Hạ viện sẽ trình bày luận cứ của họ chống lại ông Trump và đội ngũ pháp lí của tổng thống sẽ phản hồi, với các thượng nghị sĩ là bồi thẩm viên. Một phiên xét xử có thể bao gồm lời khai từ các nhân chứng và một lịch trình làm việc dày đặc mà trong đó các thủ tục tố tụng diễn ra từ sáu ngày tới sáu tuần.
Ông McConnell đã nói rằng Thượng viện có thể lựa chọn giải quyết trong khoảng thời gian ngắn hơn bằng cách biểu quyết về các điều khoản luận tội sau các lập luận mở đầu, bỏ qua lời khai nhân chứng. Nhưng ông McConnell vẫn đang trao đổi với Nhà Trắng về vấn đề này.
Theo Reuters
********************
Truất phế : Tổng thống Donald Trump sẽ bị luận tội (RFI, 14/12/2019)
Nếu không có bất ngờ vào phút chót, tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bị đưa ra luận tội, sau cuộc bỏ phiếu lịch sử tại Hạ Viện tuần tới, do hôm qua 13/12/2019 Ủy ban Tư pháp đã thông qua hai điều khoản cáo buộc ông.
Phiên bỏ phiếu tại Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện thông qua hai điều khoản luận tội tổng thống Donald Trump ngày 13/12/2019. Reuters/Erin Scott
Hai tháng rưỡi sau khi xì-căng-đan Ukraine bùng nổ, Ủy ban Tư pháp Hạ Viện đã kết luận hai tội danh đối với tổng thống Trump là "lạm dụng quyền lực" và "cản trở hoạt động của Quốc Hội". Do phe Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện, ông Donald Trump sẽ trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội, sau hai ông Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998.
Nhưng cũng như hai người tiền nhiệm, ông Trump sẽ không bị truất phế vì Thượng viện, nơi quyết định việc này, đang do đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ông Donald Trump tuyên bố việc bỏ phiếu luận tội là "nỗi nhục cho đất nước chúng ta, nhưng lại là điều tốt cho tôi", nhấn mạnh tỉ lệ được lòng dân của ông đang "chạm đến trần".
Nếu thủ tục truất phế có thể để lại một vết đen không phai nhạt cho nhiệm kỳ của tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông Donald Trump luôn được phe Cộng hòa và cử tri của ông nhiệt tình ủng hộ.
Thời điểm và cách thức tiến hành thủ tục truất phế ở Thượng viện hiện vẫn chưa rõ. Các nhà lãnh đạo Cộng hòa muốn càng nhanh càng tốt, tuy nhiên tổng thống Donald Trump có lẽ muốn sử dụng thủ tục này như một diễn đàn chính trị.
Thụy My
*****************
Hạ viện thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump (VOA, 14/12/2019)
Một Ủy ban Hạ viện Mỹ do Đảng Dân chủ kiểm soát hôm 13/12 đã đẩy Tổng thống Donald Trump của Đảng Cộng hoà tới bên bờ vực bị luận tội khi ủy ban thông qua hai điều khoản để luận tội ông về những cố gắng nhằm áp lực Ukraine điều tra đối thủ chính trị của mình, cựu Phó Tổng thống Joe Biden.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ biểu quyết thông qua hai điều khoản luận tội chống Tổng thống Trump tại Điện Capitol, Washington DC, ngày 13/12/2019. Reuters/Erin Scott
Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết 23 phiếu thuận -17 phiếu chống, thông qua hai điều khoản luận tội Tổng thống Trump về tội lạm dụng quyền lực Tổng thống liên quan tới Ukraine, và tội cản trở các nỗ lực của phe dân chủ trong việc điều tra ông về tội lạm dụng quyền lực.
Nếu toàn thể Hạ viện bỏ phiếu luận tội ông Trump vào tuần tới như trông đợi, thì ông Trump sẽ trở thành vị tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ chính thức bị luận tội. Tuy nhiên nguy cơ ông bị truất phế, mất chức Tổng thống được đánh giá là gần bằng số không, bởi vì Thượng viện, do Đảng Cộng hòa chiếm đa số, sẽ có quyết định chung cuộc.
Trong buổi điều trần tại quốc hội thu hút mọi sự chú ý ở thủ đô Washington, Đảng Dân chủ tố cáo Tổng thốngTrump là một mối nguy đối với hiến pháp Hoa Kỳ, phương hại tới an ninh toàn cầu và tìm cách phá hoại tính cách chính đáng của cuộc bầu cử năm 2020 khi ông áp lực Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy điều tra đối thủ Joe Biden trong một cuộc gọi điện thoại hồi tháng Bảy năm nay.
"Hôm nay là một ngày trang trọng và đáng buồn", Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler, một người thuộc Đảng dân chủ, nói. "Lần thứ ba trong hơn một thế kỷ rưỡi, Ủy ban tư pháp Hạ viện đã bỏ phiếu về điều khoản luận tội chống lại Tổng thống".
Nếu chính thức bị luận tội, ông Trump sẽ được đưa lên Thượng viện xét xử vào đầu năm tới, giữa lúc chiến dịch vận động tranh cử cho cuộc bầu cử năm 2020 bắt đầu tăng tốc.
Cáo trạng lạm dụng quyền lực chống lại ông Trump còn tố cáo ông đã đóng băng gần 400 triệu USD tiền viện trợ an ninh của Mỹ cho Ukraine, và đề nghị một cuộc họp tại Toà Bạch Ốc để áp lực ông Zelenskiy công khai loan báo sẽ tiến hành điều tra ông Joe Biden và con trai ông, Hunter Biden.
Ông Trump còn đòi Ukraine điều tra một giả thuyết đã bị phơi bày là sai, rằng chính Ukraine, chứ không phải Nga, đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 của Hoa Kỳ.
Điều khoản cản trở công lý được dựa trên lệnh của ông Trump, chỉ thị các quan chức cấp cao đương nhiệm, cũng như các cựu quan chức trong chính phủ ông, chẳng như Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo, không hợp tác với cuộc điều tra luận tội, ngay cả khi phải thách thức trát hầu tòa.
Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa nói ông Trump không làm điều gì sai trái trong cuộc điện đàm với Tổng thống Zelenskiy của Ukraine, và không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Tổng thống đóng băng viện trợ an ninh cho Ukraine hay mời ông Zelenskiy tới Toà Bạch Ốc để đánh đổi ông bằng lòng làm theo yêu cầu của ông Trump. Đảng Dân chủ phản công với lập luận rằng ông Trump đã ngăn cản, cấm các phụ tá hàng đầu ra làm chứng.
Nếu toàn thể Hạ viện biểu quyết luận tội vào tuần tới, thì ông Trump sẽ là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ bị luận tội. Tổng thống Bill Clinton của Đảng Dân chủ bị luận tội vào năm 1998 vì đã khai man về mối quan hệ tình dục với một thực tập viên Toà Bạch Ốc, nhưng ông Clinton được tha bổng tại Thượng viện. Tổng thống Andrew Johnson, cũng thuộc Đảng Dân chủ, bị luận tội vào năm 1868 nhưng ông cũng không bị kết án tại Thượng viện.
Cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc ở Anh quốc tuần rồi đã có một số điều đáng ngạc nhiên. Mà ngạc nhiên nhất cho Châu Âu là về thái độ của Tổng thống Donald Trump.
Từ trái : Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson trên sân khấu cuộc họp Thượng Đỉnh NATO hôm 4/12/2019 tại Watford, England. (Hình : /Steve Parsons-WPA Pool/Getty Images)
Tổng thống Trump, như tờ New York Times nhận xét, luôn rất thích làm cho các lãnh tụ Châu Âu mất thăng bằng, gây sự với đồng minh, thân thiện với đối thủ, và tạo ra một cuộc chạy đua làm cách nào tốt nhất để đối phó với ông. Nhưng trong giai đoạn gần đây Châu Âu cũng đang trải qua những thay đổi chóng mặt và có vẻ chuyến này Châu Âu đã làm tổng thống mất thăng bằng.
Trước hết là cuộc họp báo với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp. Tổng thống Trump đã ngồi xuống cái ghế nạm vàng kế bên Tổng thống Macron, chuẩn bị cho một điều đã thành một thủ tục ở trên đất nhà của ông ở Tòa Bạch Ốc : Ông nói thao thao bất tuyệt trong khi lãnh tụ ngồi đối diện chỉ còn cách cười gượng gạo trước những câu nói đùa, lời tấn công hay ngay cả sự sỉ nhục.
Nhưng ông Macron đã đổi kịch bản. Khi cuộc họp báo kéo dài 45 phút ở tư dinh Đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn kết thúc, ông Tổng thống Pháp đã đạt được một điều hiếm có, lật ngược lại vai trò, đặt tổng thống vào thế thủ về viễn ảnh của ông cho NATO và về cách ông giải quyết cuộc tranh chấp quân sự liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có một lúc ông Macron gạt phắt sang một bên sự cố gắng nói đùa của tổng thống. Nhướng mình sang phía ông Macron, ông Trump hỏi : "Liệu ông có muốn vài tay súng ISIS tử tế không ?". Và rồi sau khi nói "nhiều" tay súng này đến từ Pháp, Tổng thống Trump tiếp "Tôi có thể tặng họ cho ông".
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc hội kiến ở Winfield House, London vào ngày 3/10/2019. (Hình : Ludovic /Getty Images)
Ông Macron, ngồi ở mép ghế, tay nắm chặt trên đùi, trả lời "Hãy nghiêm chỉnh. Số rất lớn những tay súng ở hiện trường là những tay súng đến từ Syria, từ Iraq". Tổng thống Trump không có câu trả lời.
Giây phút đầy kịch tính này đã làm nổi bật một liên hệ vốn đã từng là một ôm hôn kéo dài, phủi bụi trên ve áo, và cú bắt tay đến nổi gân đã biến dạng trước những chia rẽ từ khủng bố đến chính sách mậu dịch. Lần này, sự suy đồi trong liên hệ xảy ra trước ống kính truyền hình.
Tiến sĩ Heather Conley, Giám đốc chương trình Châu Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington giải thích "Tổng thống Trump không thích đối đầu trực diện và không biết làm sao để phản ứng khi mình là nạn nhân. Ông Macron hiểu điều đó. Ông quyết định cách phòng thủ tốt nhất là tấn công".
Trước đó trong ngày, tổng thống, một người thích tuyên bố tùy hứng, đã giữ kẽ không nhảy vào cuộc bầu cử ở Anh đang sắp xảy ra. Hẳn là ông bực bội lắm nhưng với khuyến cáo của Thủ tướng Boris Johnson bên tai, ông rất kiềm chế, chỉ nói là ông Johnson sẽ là một thủ tướng tốt.
Đối với tổng thống vốn tự hào là mình là "Kẻ gây rối vĩ đại", đây quả là một sự đổi chiều đáng kinh ngạc, và là một sự thay đổi tình hình ở Châu Âu – với một vị tổng thống Pháp đầy tham vọng, một thủ tướng "vịt què" ở Đức và một thủ tướng dân túy đang đòi ly khai ở Anh – đã làm thay đổi những tính toán của tổng thống.
Hiện nay, ông Macron đã thay thế Thủ tướng Angela Merkel của Đức là đối thủ chính của Tổng thống Trump ở Châu Âu. Điều mỉa mai là những lời bình luận gần đây của Tổng thống Pháp là NATO đã quá mệt mỏi và đang chơi vơi về chiến thuật – hay trong một tình trạng "hoại não" như ông đã nói trong bài phỏng vấn với tờ The Economist hôm tháng rồi – đã làm cả ông Trump lẫn bà Merkel tức giận, khiến trong giây lát hai người đã là đồng minh.
Riêng về ông Johnson, đồng minh tự nhiên nhất của ông ở Châu Âu, tổng thống đã gần như là công khai bực tức khi ông cố tìm cách tránh không dính đến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới đây. "Tôi không muốn làm cho mọi sự phức tạp hơn", ông nói, trong một sự công nhận miễn cưỡng là ông đã không được bao nhiêu người dân Anh thích khiến nếu ông lên tiếng ủng hộ ông Johnson thì chỉ làm hại ông Johnson.
Bình Nhưỡng dồn dập thử tên lửa : Thùng rỗng kêu to ? (RFI, 09/12/2019)
Bình Nhưỡng thông báo chiều ngày 07/12/2019 đã tiến hành một vụ "thử nghiệm rất quan trọng" từ căn cứ Sohae. Vụ việc diễn ra đúng vào lúc tại Washington tổng thống Mỹ tuyên bố với báo chí ông có "quan hệ rất tốt với Kim Jong-un".
Vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Triều Tiên được phát trên truyền hình Hàn Quốc, ngày 28/11/2019. Reuters/Kim Hong-Ji
Bắc Triều Tiên đã gia hạn cho Hoa Kỳ đến "cuối năm" để nối lại đàm phán. Càng gần đến hạn định này Bình Nhưỡng càng dồn dập cho thử tên lửa. Qua các đòn diễu võ dương oai đó, phải chăng chế độ Kim Jong-un muốn che đậy hai nhược điểm lớn : quân sự và kinh tế ?
Trên báo The Diplomat ngày 04/12/2019, nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Quốc phòng và Chiến lược Đại học Công nghệ Nanyang-Singapore đặt câu hỏi "Có gì đằng sau việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa ?".
Tác giả điểm lại : từ tháng 5 cho đến ngày 28/11/2019 Bắc Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa. Hành động này nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Lệnh cấm vận chính thức được ban hành từ năm 2016. Tới nay, Bình Nhưỡng luôn xem việc giảm nhẹ các biện pháp cấm vận là một điều thiết yếu để đổi lấy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chính ông Kim Jong-un từng đề ra thời hạn "cuối năm 2019" để đàm phán với Mỹ. Do vậy theo nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, Bắc Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa nhằm nhắc nhở Hoa Kỳ rằng chớ nên xem nhẹ "tối hậu thư" của Bình Nhưỡng.
Nhưng bên cạnh yếu tố chính trị vừa nêu, hai yếu tố quân sự và kinh tế cũng quan trọng không kém. Về khả năng quân sự, nhiều chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng đang thử nghiệm một số các loại tên lửa đời mới khá lợi hại. Trong số này phải kể đến loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-25 vừa nhẹ, vừa có khả năng linh động cao. Với tầm bắn 380 cây số, KN-25 có khả năng bắn chận đủ loại tên lửa xuất phát từ Hàn Quốc mà không cần phải dùng tới loại tên lửa tầm trung như Rodong1 hay Hwasong7. Bình Nhưỡng làm chủ loại vũ khí lợi hại này sẽ là một thách thức đối với giới quân sự Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên hệ thống phòng thủ của Bắc Triều Tiên có nhiều lỗ hổng. Tác giả bài báo trên The Diplomat nói đến "thế yếu" của cỗ máy quân sự tại quốc gia này. Việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, cho thử nghiệm hàng loạt các loại tên lửa, không che giấu được một điều : đó là sự yếu kém của quân đội Bắc Triều Tiên. Cả trên không, trên biển và trên bộ, các chương trình tập huấn thường bị hủy bỏ, khi thì do thiếu xăng, lúc thì do trang thiết bị lỗi thời...
Vậy phải chăng Bắc Triều Tiên dồn nỗ lực phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân để che đậy và bù đắp lại với những yếu kém của quân đội truyền thống ? Nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, đại học Singapore cho rằng, vũ khí hạt nhân và tên lửa chứng minh về khả năng răn đe của Bình Nhưỡng và qua đó bảo đảm cho chế độ Kim Jong-un một chỗ đứng trên bàn cờ quốc tế.
Thế còn về kinh tế ? Tác giả bài báo cũng tin rằng, đây là động cơ thứ nhì ít nhiều liên quan trực tiếp đến chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Có điều Bình Nhưỡng đủ khôn ngoan để không vượt quá lằn răn đỏ để tránh lãnh thêm các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Có nghĩa là chỉ dừng lại ở việc thử tên lửa tầm ngắn. Dường như cộng đồng quốc tế có một sự khoan dung nào đó với chế độ của Kim Jong-un, nếu Bắc Triều Tiên không thử tên lửa tầm xa.
Trong những điều kiện đó, tác giả bài viết trên tờ báo Nhật, The Diplomat, Liang Tuang Nah, tin rằng trong năm 2020 Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục đều đặn thử tên lửa và thử nghiệm các loại vũ khí mới để nắn gân quốc tế. Kịch bản tệ nhất vẫn có thể xảy ra.
Thanh Hà
******************
Tổng thống Donald Trump hôm 8/12 nói rằng lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un có nguy cơ đánh mất "tất cả" nếu tái tục các hành động mang tính thù nghịch, theo Reuters.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố đã thực hiện một vụ "thử nghiệm thành công rất quan trọng".
"Ông Kim Jong-un quá thông minh và có quá nhiều thứ để mất, thực sự là mất tất cả, nếu ông ấy hành động một cách thù nghịch", ông Trump nói.
"Ông ấy đã ký Thỏa thuận Phi hạt nhân vững mạnh với tôi ở Singapore", ông Trump nói thêm trên Twitter, ám chỉ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với ông Kim ở Singapore năm 2018.
Ông Trump nói tiếp : "Ông ấy không muốn loại bỏ mối quan hệ với Tổng thống Mỹ hoặc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11".
Hãng tin nhà nước KCNA đưa tin, Triều Tiên đã thực hiện một cuộc thử nghiệm "rất quan trọng" tại địa điểm phóng vệ tinh Sohae, nơi mà quan chức Mỹ từng nói rằng Bình Nhưỡng đã cam kết đóng cửa.
*******************
Tổng thống Donald Trump hôm 7/12 nói rằng ông không nghĩ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un muốn can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm tới, theo Reuters.
Theo hãng tin Anh, ông Trump nói rằng ông sẽ ngạc nhiên nếu Bình Nhưỡng hành động một cách thù nghịch.
Ông Trump nói như vậy với phóng viên sau khi đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc nói rằng vấn đề phi hạt nhân hóa không còn nằm trên bàn đàm phán với Mỹ.
"Tôi sẽ ngạc nhiên nếu Triều Tiên hành động một cách thù nghịch", ông Trump nói tại Nhà Trắng trước khi rời đi để tới Florida.
"Ông ấy biết là tôi có một cuộc bầu cử sắp tới. Tôi không nghĩ ông ấy muốn can thiệp chuyện đó, nhưng chúng ta sẽ phải chờ xem", Tổng thống Mỹ nói thêm.
"Tôi nghĩ ông ấy muốn chứng kiến một điều gì đó xảy ra. Mối quan hệ rất tốt đẹp, nhưng có một sự thù nghịch nào đó, không còn nghi ngờ gì nữa".
*****************
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc : ‘Hiện không cần đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ’ (VOA, 08/12/2019)
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Bảy 7/12 rằng vấn đề phi hạt nhân hóa giờ không còn nằm trên bàn đàm phán với Hoa Kỳ, và các cuộc đàm phán kéo dài với Washington là không cần thiết.
Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Kim Song, New York, tháng 5/2019
Phát biểu của Đại sứ Kim Song dường như còn đi xa hơn cả cảnh báo trước đó của Triều Tiên rằng các cuộc thương thảo liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của nước này, là trọng tâm trong việc Mỹ can dự với Triều Tiên trong hai năm qua, có thể phải bị đưa ra khỏi bàn đàm phán do Washington từ chối nhân nhượng.
Ông Kim nói trong một tuyên bố rằng "đối thoại bền bỉ và thực chất" mà Hoa Kỳ theo đuổi thực ra chỉ là một mánh khóe "tiết kiệm thời gian" để phù hợp với chương trình nghị sự chính trị trong nước, hàm ý nói đến nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào năm 2020.
"Chúng tôi không cần phải có các cuộc đàm phán kéo dài với Hoa Kỳ, và phi hạt nhân hóa đã ra bị bỏ khỏi bàn đàm phán", ông Kim nói trong tuyên bố gửi cho Reuters.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị đưa ra bình luận.
Theo Reuters
Bình Nhưỡng sợ Donald Trump "lẩm cẩm" gây chiến (RFI, 06/12/2019)
Bình Nhưỡng lại dùng lời lẽ thóa mạ tổng thống Mỹ sau khi bị trả đũa. Thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui cho là những lời đe dọa của tổng thống Donald Trump tấn công Bắc Triều Tiên là một "thách thức rất nguy hiểm" do "bệnh già lú lẫn".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong Un tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, Hàn Quốc, ngày 30/06/2019. Reuters/Kevin Lamarque/
Liệu quan hệ Mỹ - Triều có đứng trước viễn cảnh trở lại thời kỳ đấu khẩu và thóa mạ tiền thượng đỉnh Singapore 2017 hay không ?
Theo KCNA, trong một phản ứng tức giận hôm thứ Năm 05/12/2019, thứ trưởng Ngoại Giao Bắc Triều Tiên Choe Son Hui cáo buộc tổng thống Donald Trump "thiếu kính trọng lãnh đạo tối cao" khi nhắc lại biệt danh "kẻ thích bấm nút" mà chủ nhân Nhà Trắng từng gán cho chủ tịch Bắc Triều Tiên.
Một ngày trước đó, Bình Nhưỡng đặt điều kiện buộc Washington đến "trước cuối năm nay", phải quyết định nhượng bộ nếu muốn Bắc Triều Tiên đàm phán về hạt nhân.
Tham dự thượng đỉnh NATO tại Luân Đôn, tổng thống Donald Trump kêu gọi Bắc Triều Tiên và lãnh đạo Kim Jong Un "tôn trọng lời cam kết phi hạt nhân hóa, nếu không Washington có thể dùng vũ lực nếu cần". Ông tuyên bố thêm : rõ ràng Kim là người thích phóng tên lửa cho nên tôi gọi là "rocket man".
Tuyên bố trên đây làm Bình Nhưỡng phẫn nộ. Theo AFP, tham mưu trưởng quân đội Bắc Triều Tiên Park Jong Chon lên tiếng đầu tiên, đe dọa "sẽ dùng biện pháp mạnh đáp trả tương xứng". Tiếp theo là lời lăng nhục của thứ trưởng Ngoại Giao Choe Son Hui khi bà ám chỉ tuổi già của vị tổng thống 73 tuổi.
Tuy nhiên, theo phân tích của hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, thứ trưởng Bắc Triều Tiên dường như vẫn muốn duy trì đối thoại khi lưu ý tổng thống Mỹ : lãnh đạo Kim không bao giờ dùng lời lẽ nặng nề như thế với tổng thống Donald Trump.
Tú Anh
'Trump là 'món quà chiến lược' và 'tài sản lớn nhất' của Bắc Kinh ? (BBC, 05/12/2019)
Ông Trump quảng cáo mình là tổng thống Mỹ đầu tiên có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, trong khi nhiều học giả và phân tích gia lại cho rằng tính cách và chính sách của ông rất có lợi cho Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp gỡ bên ngoài Đại Lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh năm 2017
Adam Ni, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Macquarie ở Sydney, Australia, nhận định trong bài "Trump is a strategic gift for Beijing" :
"Trump là một món quà chiến lược cho Bắc Kinh. Ông đang làm suy yếu vị thế quốc tế và sự đoàn kết của Hoa Kỳ vào thời điểm quan trọng, khi nước này rất cần tập trung vào các thách thức chính, trong đó có thách thức Trung Quốc".
Tác giả Adam Ni lập luận rằng "trong khi Trump thách thức an ninh kinh tế và lợi ích khu vực của Trung Quốc, ông đã thất bại trong việc đưa ra một chiến lược hiệu quả để cạnh tranh lâu dài với nước này".
'Món quà chiến lược'
Ông Trump phát biểu trước binh lính Hàn Quốc tại căn cứ quân sự ở nam Seoul 30/6/2019.
Theo Adam Ni ông Trump tạo lợi thế chiến lược cho Bắc Kinh trong bốn lãnh vực : An ninh khu vực, thương mại, cạnh tranh chiến lược và hệ thống chính trị.
"Về an ninh khu vực, cách tiếp cận hẹp hòi và hẹp lòng "Nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump đối với các vấn đề quốc tế đang làm xói mòn vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ, mở ra không gian cho Bắc Kinh". Adam Ni bình luận.
"Các quyết định như triển khai tên lửa mới tới Châu Á và giúp Đài Loan hỗ trợ nhiều hơn khiến Bắc Kinh lo lắng. Nhưng Trump cũng đang làm suy yếu hệ thống liên minh và uy tín của Mỹ trong khu vực, bằng cách gây sức ép buộc Nhật Bản và Hàn Quốc phải trả nhiều tiền hơn cho quân đội Mỹ đóng tại các quốc gia này và nhắm vào các đồng minh này trong các biện pháp bảo hộ thương mại. Những điều này gây hậu quả sâu sắc trong khả năng cạnh tranh với Trung Quốc của Mỹ trong những năm tới".
Về thương mại, Adam Ni vạch ra ràng nhiều thành phần quan trọng trong nước Mỹ (như nông dân) đang phải vật lộn với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Áp lực chính trị từ quá trình luận tội làm tăng thêm áp lực cho Trump phải tìm lấy một thỏa thuận với Bắc Kinh và tuyên bố "chiến thắng".
Về cạnh tranh chiến lược dài hạn, tác giả Adam Ni viết :
"Các chính sách của Mỹ, bao gồm với Iran, Nga và Triều Tiên, đang tạo ra tiềm năng cho sự chuyển hướng chiến lược. Cuộc phiêu lưu của Hoa Kỳ ở Trung Đông sau biến cố 911 là một bước ngoặt chiến lược tạo nhiều bất lợi. Hoa Kỳ không thể có thêm hớ hênh khác khi đối mặt với sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Chắc chắn một điều là Trump đã không cho thấy ông có khả năng lãnh đạo và trí tưởng tượng cần có để giải quyết thách thức Trung Quốc, và một kế hoạch hiệu quả cho cạnh tranh chiến lược vẫn chưa thành hiện thực".
Mặt khác, phân hóa chính trị trầm trọng tại Mỹ dưới thời ông Trump được Adam Ni đánh giá là đã cho Bắc Kinh một cơ hội bằng vàng :
"Ở một mức độ sâu sắc hơn, vượt ra khỏi lợi ích trước mắt, quy trình luận tội và rối loạn của hệ thống chính trị Hoa Kỳ được các nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc xem là thất bại của nền dân chủ kiểu phương Tây. Các giá trị tự do, kiểm tra và cân bằng, và phương tiện truyền thông tự do được coi là nguồn bất ổn hơn là sức mạnh. Từ quan điểm của Bắc Kinh, các cuộc biểu tình chống chính phủ hàng loạt đang diễn ra ở Hong Kong là một sự khẳng định sống động về điều này".
'Tài sản tốt nhất'
Trang Foreign Policy, trong khi đó, trích lời Yan Xuetong, một trong những nhà tư tưởng chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc trong bài xã luận "Trump is Beijing's best asset" :
"Ông Trump, qua việc phân cực chính trị nội địa Hoa Kỳ, làm tổn hại uy tín quốc tế và tư thế lãnh đạo toàn cầu từ trước đến giờ của Washington, và phá hoại các thỏa thuận liên minh lâu dài, tạo cho cho Bắc Kinh một cơ hội chiến lược lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh".
Dĩ nhiên không phải ai cũng đồng ý với nhận xét của nhà tư tưởng Yan Xuetong.
Giới ủng hộ Trump sẽ nói rằng ông Trump đã khơi mào một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, cấm Huawei được vào mạng 5G của Hoa Kỳ và gần đây đã hạn chế visa cho các thành viên Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc tống giam hàng triệu người Hồi giáo ở Tân Cương.
Ho sẽ lập luận rằng đây rõ ràng là những thái độ hết sức cứng rắn với Bắc Kinh. Vậy tại sao những chuyên gia này lại cho rằng sự hiện diện của Donald Trump tại Nhà Trắng là điều có lợi Trung Quốc ?
Paul Haenle và Sam Bresnick, đồng tác giả của bài xã luận trên Foreign Policy, giải thích :
"Đối với Bắc Kinh, nhược điểm của Trump quan trọng hơn những hành động phô trương của ông. Trong nhiều cuộc thảo luận riêng với các quan chức chính phủ và học giả Trung Quốc, chúng tôi thấy rằng ngày càng nhiều người trong số họ đang mong cho Trump tái đắc cử năm tới".
"Vào thời điểm ảnh hưởng chính trị và khả năng quân sự của Trung Quốc đang tăng lên, những người này cho rằng bất kể những tuyên bố hung hăng, Trump đã dành cho Bắc Kinh một không gian để mở rộng ảnh hưởng trên khắp Châu Á. Quan trọng hơn nữa là Trump đã làm suy yếu một cách toàn diện thế lãnh đạo toàn cầu của Washington. Nhiều người trong giới trí thức Trung Quốc kết luận rằng các chính sách của Trump là chiến lược rất tốt cho Trung Quốc về lâu về dài.'
Viết rằng "những nhà tư tưởng Trung Quốc coi Trump là một con chó sủa to nhưng ít cắn", hai tác giả Paul Haenle và Sam Bresnick nhắc lại việc ngay sau cuộc bầu cử năm 2016 ông Trump đã thử thách sự kiên nhẫn của Bắc Kinh khi có cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan Tsai Ing-Wen, việc mà Bắc Kinh cho là vi phạm chính sách của 'Một Trung Quốc' :
"'Lúc ấy Trump công khai đặt câu hỏi liệu ông có nên tuân thủ chính sách này không. Thế nhưng ngay sau đó ông cũng nói sẽ phải hội ý với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi có cuộc gọi điện khác với Tsai. Hiện giờ, mặc dù chính quyền Mỹ đã bật đèn xanh việc bán một số vũ khí cho Đài Loan, nhưng việc Trump có hỗ trợ Đài Loan khi Bắc Kinh tấn công hay không là điều vẫn còn đáng nghi ngờ, đặc biệt là với thái độ hám lợi của ông đối với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ".
Paul Haenle và Sam Bresnick khẳng định rằng Trump gây nhiều tổn hại cho các thể chế và cơ chế quản trị toàn cầu đã giúp Hoa Kỳ trở thành siêu cường ưu việt của thế giới :
"Bắc Kinh đã được lợi đáng kể từ nhiệm kỳ của Trump. Chính quyền Trump đã bỏ việc sử dụng các tòa án của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong việc kiện tụng các khiếu nại thương mại và đã chặn các cuộc bổ nhiệm vào Cơ quan phúc thẩm của tổ chức".
"Những hành động này không chỉ cản trở hệ thống giải quyết tranh chấp thương mại quan trọng nhất của thế giới mà còn thúc đẩy các quốc gia khác xem thường luật pháp quốc tế".
"Trong khi Trump đang hủy bỏ các hiệp định thương mại hợp tác vốn là trung tâm của chính sách kinh tế quốc tế của Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đang trong giai đoạn đàm phán cuối cho Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, một thỏa thuận sẽ ràng buộc Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mới Zealand, và 10 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một khối thương mại lớn nhất thế giới". Paul Haenle và Sam Bresnick viết.
Họ kết luận :
"Nếu thỏa thuận này được ký kết, Hoa Kỳ sẽ bị loại khỏi hai thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất toàn cầu, một là Thỏa thuận Toàn diện và Tiến bộ về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương, được đàm phán giữa 11 quốc gia tham gia đàm phán thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương ban đầu".
Nếu học giả Bắc Kinh mong cho Donald Trump được tái đắc cử, vì cho rằng sự có mặt của ông trong Nhà Trắng có lợi cho Trung Quốc, thì giới ủng hộ Trump cũng mong ông được trị vị thêm bốn năm nữa, nhưng với một lý do hoàn toàn trái ngược.
Những người ủng hộ Trump tin rằng chỉ ông mới "trị được" Trung Quốc, và ông là vị tổng thống thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ với nước này.
Sự thật không phải như vậy.
Thái độ của Hoa Ký về Trung Quốc đã có một sự thay đổi tiêu cực rất rõ rệt tại Mỹ từ cuối năm 2015, và điều quan trọng không phải ai cũng nhận ra là sự thay đổi này có từ trước khi ông Trump đến Nhà Trắng.
Daniel Kliman, cựu cố vấn cấp cao của bộ quốc phòng Mỹ, được tác giả David Grossman, trong bài "Mỹ muốn gì từ Trung Quốc ? Và thế cờ chót của Mỹ là gì ?" nói :
"Tôi nghĩ rằng nếu bà Hillary Clinton, hoặc một thành viên đảng Dân chủ khác, hoặc đảng Cộng hòa khác lên làm tổng thống vào năm 2016, bạn sẽ thấy bước ngoặt sắc nét này.'
Không phải học giả Trung Quốc nào cũng mong Donald Trump tái đắc cử.
"Phải nói cho rõ, không phải mọi học giả hay quan chức Trung Quốc mà chúng tôi đã tiếp xúc đều muốn thấy Trump tại chức thêm bốn năm nữa. Một số người, chẳng hạn như giáo sư Đại học Quan hệ Quốc tế Da Wei, lập luận rằng Trump làm hại cho cả lợi ích của Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ và có thể dẫn đến một trật tự quốc tế bị xâm phạm sâu sắc cũng như làm sự trỗi dậy của Bắc Kinh phức tạp thêm". Paul Haenle và Sam Bresnick viết.
****************
Bình Nhưỡng cảnh cáo Mỹ đưa hồ sơ nhân quyền Bắc Triều Tiên ra trước Liên Hiệp Quốc (RFI, 05/12/2019)
Chính quyền Bình Nhưỡng vào hôm 04/12/2019 đã cảnh cáo là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng và tình hình sẽ trở nên tồi tệ trở lại nếu Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về tình trạng nhân quyền tại Bắc Triều Tiên.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (áo trắng) thăm vị trí phòng thủ ở Changrindo, biên giới phía tây Bắc Triều Tiên, ngày 25/11/2019. KCNA via Reuters
Trong một lá thư gửi 14 thành viên khác trong Hội đồng Bảo an, đại sứ Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc Kim Song, đã cho biết là Bình Nhưỡng sẽ coi bất kỳ một cuộc họp nào của Hội đồng Bảo an về nhân quyền Bắc Triều Tiên là một "hành vi khiêu khích nghiêm trọng khác" bắt nguồn từ "chính sách thù địch" của Hoa Kỳ.
Theo ông Kim Song, Bắc Triều Tiên "sẽ đáp trả mạnh mẽ cho đến cùng", và Mỹ cũng như các nước có liên can "sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn".
Hoa Kỳ giữ chức chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, và theo các nhà ngoại giao, chính quyền Trump đang lên kế hoạch cho một cuộc họp bàn về tình hình nhân quyền của Bắc Triều Tiên, có thể là vào ngày 10 tháng 12.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từng thảo luận về tình hình nhân quyền Bắc Triều Tiên từ 2014 đến 2017, nhưng đã không đề cập đến vấn đề này vào năm 2018.
Liên Hiệp Quốc lo ngại về tình hình bán đảo Triều Tiên
Liên Hiệp Quốc đang rất quan ngại về tình hình Bắc Triều Tiên trong tháng 12 này vì cánh cửa đối thoại Washington – Bình Nhưỡng mở ra từ cuộc họp thượng đỉnh tháng 6/2018 sẽ khép lại vào tháng này. Từ New York, Carrie Nooten phân tích :
Căng thẳng tăng lên ở bán đảo Triều Tiên. Kim Jong-un đã cho thấy điều đó ngay từ thứ Năm tuần trước nhân ngày lễ Tạ Ơn – Thanksgiving- ở Mỹ, khi cho bắn hỏa tiễn đạn đạo. Đó là lần bắn thứ 13 kể từ tháng Năm, vi phạm hoàn toàn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.
Hôm thứ Ba vừa qua, Bình Nhưỡng lại tiếp tục làm căng, thông báo là Mỹ nên tự quyết định "chọn quà Giáng Sinh của mình", một lời đe dọa khá rõ ràng.
Đại diện Anh Quốc tại Liên Hiệp Quốc, Karen Pierce, đã mỉa mai : Món quà Giáng Sinh tốt, là tất cả các hành động đều phải tiến đến việc phi hạt nhân hóa thật sự và kiểm chứng được. Nhưng tôi thấy là thái độ của Bắc Triều Tiên cho đến giờ được biểu hiện bằng việc gia tăng bắn hỏa tiễn và vi phạm (nghị quyết Liên Hiệp Quốc).
Sáu quốc gia Châu Âu ở Hội đồng Bảo an đã lên án thái độ khiêu khích của Bắc Triều Tiên với các vụ liên tục bắn hỏa tiễn đạn đạo. Họ nhấn mạnh là Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục chương trình hạt nhân và e ngại là bế tắc hiện nay giữa Washington và Bình Nhưỡng khiến Bắc Triều Tiên lại bị cô lập với khả năng nước này tiếp tục thử nghiệm hạt nhân hay thử tên lửa tầm xa.
Bình Nhưỡng dọa sẵn sàng đáp trả Mỹ về quân sự
Không chỉ làm căng với Mỹ trên vấn đề nhân quyền, Bình Nhưỡng lại có tuyên bố hung hăng trong lãnh vực quân sự. Hôm qua, một viên tướng Bắc Triều Tiên đã cảnh cáo rằng nếu Mỹ dùng sức mạnh quân sự đối với Bình Nhưỡng, thì sẽ gặp phải một phản ứng đáp trả "tương ứng ở mọi cấp độ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 03/12 đã cho biết là khả năng dùng biện pháp quân sự đối với Bắc Triều Tiên vẫn hiện hữu. Một hôm sau, theo hãng tin KCNA, tướng Pak Jong-chon, tổng tham mưu trưởng quân đội Bắc Triều Tiên cho biết ông "rất thất vọng" trước những bình luận của ông Trump, và nói thêm rằng :
"Việc sử dụng lực lượng vũ trang không phải là đặc quyền của riêng Mỹ… Nếu Mỹ sử dụng bất kỳ lực lượng vũ trang nào chống lại Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên, chúng tôi cũng sẽ có những hành động tương ứng kịp thời ở mọi cấp độ".
Mai Vân
*****************
Bắc Triều Tiên họp hội nghị bất thường cuối tháng 12 (RFI, 04/12/2019)
Kim Jong-un cưỡi ngựa lên núi thiêng Paektu hôm 04/12/2019, cùng lúc với việc chế độ Bắc Triều Tiên quyết định họp hội nghị đảng Lao Động vào cuối tháng 12. Nhiều khả năng Bình Nhưỡng sẽ thay đổi chính sách với Mỹ trong đàm phán giải trừ hạt nhân.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un (đi đầu) cưỡi ngựa lên núi thiêng Paektu, Ryanggang. (Ảnh do KCNA công bố ngày 04/12/2019) KCNA via Reuters
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap dẫn lại truyền thông miền Bắc, theo đó, đảng Lao Động cầm quyền sẽ họp hội nghị trung ương thứ 5, khóa VII, để "thảo luận và quyết định một số vấn đề hệ trọng". Theo giới quan sát, cuộc họp đầu tiên kể từ 8 tháng đến nay sẽ phải tập trung vào việc điều chỉnh chiến lược của Bình Nhưỡng trong lúc các đàm phán với Hoa Kỳ về hồ sơ hạt nhân, rơi vào bế tắc, đặc biệt kể từ sau thất bại tại thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội, cuối tháng 2/2019.
Trong phiên họp của đảng cầm quyền Bắc Triều Tiên hồi tháng 4/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã hối thúc Mỹ đề ra các giải pháp khả thi, trước cuối năm nay và đe dọa sẽ chọn "một con đường khác", nếu Washington không thực hiện việc này.
Sau cuộc gặp bất ngờ Trump – Kim tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 6, hai bên nối lại đàm phán ở cấp thấp vào tháng 10, nhưng một lần nữa không thu hẹp được bất đồng.
Hãng tin Reuters chú ý đến việc ông Kim Jong-un lên núi thiêng Paektu (còn gọi là núi Trường Bạch) lần thứ hai trong vòng hơn hai tuần lễ, lần này cùng với các thành viên ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Hãng tin Nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA khẳng định chuyến đi nhằm thổi bùng lên "tinh thần cách mạng" của nhân dân.
Hôm qua, tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng Hoa Kỳ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại chế độ Bình Nhưỡng, sau khi Bắc Triều Tiên cảnh báo thời điểm "tối hậu thư" đang đến gần. Bình Nhưỡng có nhiều khả năng nối lại việc thử tên lửa liên lục địa hoặc bom nguyên tử, như trước đây. Các vụ thử từng khiến căng thẳng khu vực dâng cao, dẫn đến nhiều trừng phạt nghiêm khắc của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trọng Thành
Tổng thống Trump có thể phủ quyết dự luật nhân quyền cho Hong Kong (RFA, 22/11/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 22/11 nói ông có thể sẽ phủ quyết dự luật nhân quyền cho Hong Kong vừa được Quốc hội Mỹ thông qua.
Hình minh họa. Tổng thống Mỹ Donald Trump - AFP
Trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình Fox & Friends của Mỹ, Tổng thống Trump nói ông đang cân bằng các quyền lợi cạnh tranh trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Chúng ta phải sát cánh cùng Hong Kong, nhưng tôi cũng phải đứng cùng với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông ấy là một người bạn của tôi. Ông ấy là một người tuyệt vời… Tôi muốn thấy họ giải quyết được vấn đề này", Tổng thống Trump phát biểu.
Nói về quyền lợi cạnh tranh trong quan hệ hai nước, Tổng thống Trump cho biết dù ông ủng hộ tự do, nhưng Hoa Kỳ vẫn đang đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Thượng viện và Hạ viện Mỹ hồi trong tuần đã đồng loạt thông qua các dự luật liên quan đến nhân quyền tại Hong Kong. Theo các dự luật này, Hoa Kỳ sẽ cấm vận các quan chức Trung Quốc và Hong Kong, những người được xác định có vi phạm nhân quyền. Dự luật cũng đồng thời yêu cầu chính phủ Mỹ phải xem xét quy chế thương mại ưu đãi mà Washington dành cho Hong Kong hàng năm.
Tổng thống Trump hồi tháng trước tuyên bố Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận nguyên tắc cho một thỏa thuận thương mại một phần mà ông hy vọng có thể sẽ được ký kết vào giữa tháng 11. Tuy nhiên các đàm phán giữa hai bên đã gặp bế tắc liên quan đến việc Trung Quốc mua nông sản của Mỹ và Hoa Kỳ bỏ thuế áp trên 360 tỷ đô la hàng hóa từ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21/11 đã lên tiếng thúc giục Tổng thống Hoa Kỳ phủ quyết các dự luật này và đe dọa Trung Quốc sẽ có biện pháp mạnh nếu các dự luật được thông qua.
******************
Donald Trump không chắc sẽ phê chuẩn dự luật nhân quyền Hồng Kông (RFI, 23/11/2019)
Trả lời trên đài truyền hình Fox News ngày 22/11/2019, tổng thống Mỹ tuyên bố một cách mơ hồ : "Chúng ta cần phải sát cánh với Hồng Kông, nhưng tôi cũng cần phải ủng hộ chủ tịch Tập. Ông ấy là bạn tôi". Nhà Trắng gắn liền hồ sơ Hồng Kông với vấn đề tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Trong tuần, Quốc hội Lưỡng Viện Hoa Kỳ đã thông qua luật "Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông". Văn bản này còn đợi tổng thống Donald Trump phê chuẩn.
Ảnh minh họa : Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng, ngày 22/11/2019. Reuters/Tom Brenner
Trong khuôn khổ chương trình mang tên "Fox&Friends" của đài truyền hình mà ông ưa thích nhất, khi được hỏi ông sẽ thông qua hay sẽ phủ quyết luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông, ông Trump trước hết cho biết văn bản này đang được gửi đến phủ tổng thống. Kế tới, ông giải thích là đã đề cập thẳng với chủ tịch Tập Cận Bình rằng đàn áp phong trào dân chủ Hồng Kông sẽ dẫn đến những "hậu quả vô cùng tai hại cho những nỗ lực giải quyết xung khắc thương mại" Mỹ-Trung.
Cũng tổng thống Trump quả quyết rằng, nhờ ông đã can thiệp, bằng không "Hồng Kông đã bị nghiền nát trong 14 phút".
Chủ nhân Nhà Trắng tuy nhiên nhấn mạnh ông "ủng hộ Hồng Kông, ủng hộ tự do…" nhưng thực tế cho thấy nước Mỹ đang "đàm phán với Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận mậu dịch quy mô" và đôi bên đang "có tiềm năng rất cận kề" đạt được mục đích đó.
Tính từ ngày Hạ Viện Mỹ thông qua luật nhân quyền và dân chủ Hồng Kông hôm 20/11/2019, tổng thống Hoa Kỳ có 10 ngày để phê chuẩn văn bản nói trên.
Thanh Hà
********************
Tổng thống Trump không nói có ký hai dự luật Hồng Kông hay không (BBC, 23/11/2019)
Tổng thống Donald Trump không nói rõ hôm thứ Sáu 22/11 liệu ông có ký các dự luật liên quan đến Hong Kong đã được thông qua ở Quốc hội Mỹ hay không, CNN đưa tin.
Tổng thống Trump không nói dứt khoát hôm 22/11 ông có ký hai dự luật liên quan đến Hong Kong
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông có câu trả lời không dứt khoát, làm tăng nỗi lo lắng và khó hiểu trong Capitol Hill.
"Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập", ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với chương trình buổi sáng của Fox News.
"Ông ấy là người bạn của của tôi. Tôi muốn họ tự giải quyết, OK ?"
Bình luận này của ông Trump củng cố thêm ấn tượng ông coi trọng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh hơn nhân quyền.
Ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn ông cần phải cân bằng giữa những đàm phán thương mại với yêu câù từ các nhà lập pháp muốn ông có quan điểm cứng rắng hơn với Bắc Kinh.
"Tôi sát cánh với Hong Kong, tôi sát cánh với tự do, tôi sát cánh với tất cả những điều tôi muốn làm, nhưng chúng ta cũng đang trong quá trình đàm phán những thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử", ông nói.
Ông cũng nói thêm Hong Kong "lẽ ra đã bị phá hủy" nếu không có ông, và nói những cuộc biểu tình triền miên là một "nhân tố gây phức tạp" trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Trump nói ông đã cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình rằng đàn áp bạo lực ở Hong Kong sẽ là "một sai lầm lớn", điều mà ông nói sẽ có "hậu quả hết sức tiêu cực" đến thỏa thuận thương mại.
Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Tư 20/11 thông qua hai dự luật ủng hộ người biểu tình Hong Kong và đã đưa hai văn bản luật này đến Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký duyệt hoặc phủ quyết.
Hai dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong và Bảo vệ Hong Kong được hai nhánh của Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua trong vòng hai tháng trong bối cảnh Hoa Kỳ đang có những đàm phán về thương mại với Trung Quốc.
Một nhóm người biểu tình nắm tay khi họ rời Đại học Bách khoa Hong Kong ra đầu hàng cảnh sát hôm 22/11
Hong Kong sẽ thiệt hại ra sao nếu bị mất quy chế thương mại đặc biệt ?
Nếu bị Hoa Kỳ tước mất quy chế thương mại đặc biệt, kinh tế Hong Kong sẽ bị thiệt hại nặng, và quan trọng hơn, Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Theo South China Morning Post, bất ổn ở Hong Kong và khả năng bị Hoa Kỳ trừng phạt sẽ tác động mạnh đến Hong Kong với vị thế là trung tâm buôn bán đồng nhân dân tệ hải ngoại (offshore yuan).
Đây là đồng tiền có mã ký hiệu giao dịch ISO riêng : ¥ - Yuan, khác đồng nhân dân tệ reminbi tức RMB lưu hành ở Trung Quốc.
Thị trường đồng yuan này đang tăng trưởng tốt và có trị giá 600 tỷ - bằng 84,5 tỷ USD - tính đến 2018.
Các khoản ký gửi bằng yuan tại Hong Kong cũng lên tới 644 tỷ, trong đó thương mại với Trung Quốc đạt 500 tỷ.
Ngoài ra, Hong Kong cũng là thị trường cho trái phiếu Trung Quốc phát bằng bằng đồng yuan chuyển đổi.
Nhân viên văn phòng Hong Kong tụ tập trong giờ nghỉ trưa để ủng hộ người biểu tình tại quận Trung tâm hôm 22/11
Riêng với Trung Quốc, Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính quan trọng.
Theo Reuters, đa số các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc, từ Ngân hàng Công thương đến công ty tư như Tencent Holdings đều hoạt động trên sàn chứng khoán Hong Kong, và dùng đó là bàn đạp để ra thế giới.
Các ngân hàng Trung Quốc hiện giữ 1,1 nghìn tỷ USD tại Hong Kong, bằng 9% GDP của Trung Quốc, tính đến 2018.
Năm 2018, các công ty Trung Quốc gọi vốn quốc tế được 64,2 tỷ USD qua hình thức IPOs.
Trong con số này chỉ có 19,7 tỷ USD là nhờ thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến, còn 35 tỷ USD là nhờ Hong Kong, theo số liệu của Refinitiv.
Nếu tương lai của Hong Kong với quy chế đặc biệt bị Hoa Kỳ đe dọa, khả năng các nhà đầu tư sẽ không tìm vào Thượng Hải và Thâm Quyến mà tìm đến các thị trường tài chính khác như Tokyo, Singapore và London.
Trump : ‘Không nhờ tôi thì Trung Quốc đã nghiền nát Hong Kong trong 14 phút chẵn’ (VOA, 22/11/2019)
Tổng thống Trump tuyên bố chính ông đã cản ngăn Trung Quốc ‘nghiền nát’ Hong Kong, và cho biết ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đừng đưa quân sang Hong Kong bởi vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Một người biểu tình đeo mặt nạ hình ông Trump bị cảnh sát chống bạo động Trung Quốc đẩy lùi trong một cuộc biểu tình ở Causeway Bay, Hong Kong.
Bản tin của CBS trích dẫn một cuộc phỏng vấn mà Tổng thống Trump dành cho chương trình Fox & Friends sáng hôm nay, thứ Sáu 22/11, trong đó ông Trump tuyên bố :
"Nếu không có tôi, thì Hong Kong đã bị nghiền nát trong 14 phút chẵn".
Ông Trump nói thêm rằng ông Tập đã huy động sẵn 1 triệu binh sĩ ngay bên ngoài Hong Kong, lực lượng này không tiến vào Hong Kong "chỉ vì tôi (Trump) đã yêu cầu ông Tập ‘đừng làm như vậy, bởi vì nó sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới thỏa thuận thương mại.’"
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump công khai việc ông đã can thiệp vào tình hình Hong Kong. Hồi tháng 8, ông Trump viết trên Twitter rằng ông Tập có thể chấm dứt cuộc tranh chấp ở Hong Kong "một cách nhân đạo".
Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Fox, ông Trump từ chối không nói liệu ông có sẽ ký các dự luật liên quan tới Hong Kong do quốc hội chuyển qua, buộc chính phủ Mỹ áp đặt cấm vận đối với các giới chức Trung Quốc và Hong Kong có hành động vi phạm nhân quyền chống lại người biểu tình.
Dự luật này còn quy định chính phủ Mỹ phải ra phúc trình thường niên gắn liền quy chế thương mại đặc biệt cho Hong Kong với tình trạng nhân quyền. Các quan chức Trung Quốc hối thúc Tổng thống Trump hãy phủ quyết dự luật này.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox, ông Trump nói :
"Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng sát cánh với Chủ tịch Tập Cận Bình".
Ông Trump giải thích rằng đó là điều quan trọng để đàm phán với Trung Quốc hầu đạt được một hiệp định thương mại.
********************
Hiệu trưởng Đại học Sư phạm ở Sài Gòn ‘cấm sinh viên bàn về biểu tình Hồng Kông’ (Người Việt, 22/11/2019)
Mạng xã hội lan truyền tin các sinh viên Đại học Sư phạm ở Sài Gòn bị bà Nguyễn Thị Minh Hồng, hiệu trưởng trường này, ra lệnh miệng cấm sinh viên bàn luận hoặc chia sẻ post về biểu tình Hồng Kông trên mạng xã hội.
Bản thông báo do Đại học Sư phạm ở Sài Gòn gửi cho sinh viên. (Hình chụp qua màn hình)
Facebooker Phạm Minh Vũ, thành viên Hội Anh Em Dân Chủ dựa vào nguồn một số sinh viên Đại học Sư phạm ở Sài Gòn đề nghị ẩn danh, viết trên trang cá nhân : "Lệnh miệng của bà Hồng đưa ra là ‘phải ngăn chặn không cho tình hình Hồng Kông lan tỏa đến sinh viên trong trường Sư phạm, đề nghị phòng Công tác Sinh viên theo dõi Facebook mạng xã hội các em của trường và báo cáo để xử lý mạnh tay".
Ảnh chụp tin nhắn Facebook messenger của một Facebooker tự nhận là sinh viên Đại học Sư phạm ở Sài Gòn cho thấy người này viết "cảm thấy nhục nhã khi là sinh viên Việt Nam" và rằng "nếu vi phạm kỷ luật đến lần thứ ba thì sẽ bị đuổi học".
Trong lúc trở thành tâm điểm của công luận, bà Hồng lập tức ký một văn bản hôm 21/11 ghi : "Hiện các trang mạng xã hội đang lan truyền một số thông tin sai sự thật về Đại học Sư phạm ở Sài Gòn và lãnh đạo nhà trường. Nhà trường đề nghị các thầy cô giáo, sinh viên bình tĩnh, cảnh giác trước dư luận xấu, đồng thời thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự chủ, ứng xử nhân văn…".
Trong văn bản bị rò rỉ trên Facebook, bà Hồng cũng không quên đe dọa các tổ chức, cá nhân "có hành vi xuyên tạc, vu khống làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhà trường thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Việc bà Hồng ra lệnh miệng cấm sinh viên bàn về biểu tình Hồng Kông trên mạng xã hội là điều có thể hiểu được, vì chủ đề này được coi là "nhạy cảm" trong bối cảnh các báo nhà nước tường thuật cầm chừng về sự kiện đấu tranh đòi dân chủ đang diễn ra tại thành phố cảng thuộc Trung Quốc và luôn phải dẫn kèm quan điểm của Bắc Kinh.
Cũng cần nói thêm, bà Hồng chỉ mới ngồi vào ghế hiệu trưởng Đại học Sư phạm ở Sài Gòn được hơn một năm, nên đang rất cần tránh né "mắc sai phạm về chính trị" để củng cố vị thế.
Theo báo Tiền Phong hồi tháng 8/2018, trước khi được bổ nhiệm chức hiệu trưởng, bà Hồng từng là cựu sinh viên khoa tiếng Trung Quốc của trường, sau khi tốt nghiệp, được giữ lại làm giảng viên rồi sau đó thành trưởng bộ môn, phó trưởng khoa, trưởng khoa tiếng Trung Quốc, phó hiệu trưởng. (T.K.)